Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-3-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha  6-3-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-3-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài chia buồn với các nữ tu thừa sai bác ái vì đại tang.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, trước sự hiện diện của 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca trong thánh lễ Chúa nhật thứ 4 mùa chay về dụ ngôn người con trai hoang đàng trở về.

 Bài huấn dụ của ĐTC

Trong chương trương thứ 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta thấy 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc tìm lại được (vv.4-7), dụ ngôn đồng tiền lại tìm thấy (vv.8-10), và dụ ngôn dài về người con trai hoang đàng, hay đúng hơn, về người cha thương xót (vv.11-32). Hôm nay, trong hành trình mùa chay, Tin Mừng trình bày cho chúng ta dụ ngôn thứ ba này, trong đó vai chính là người cha và 2 người con. Trình thuật cho chúng ta thấy một vài đặc điểm của người cha: đó là một người luôn sẵn sàng tha thứ và hy vọng dù điều gì xảy ra đi nữa. Nhất là nổi bật lòng bao dung của ông trước quyết định của người con út rời nhà ra đi: lẽ ra ông có thể chống lại, vì biết rằng người con ấy chưa trưởng thành, trái lại ông để đứa con ra đi, tuy thấy trước những rủi ro có thể xảy ra. Thiên Chúa cũng hành động như thế đối với chúng ta: Ngài để cho chúng ta tự do, dù ta có thể sai lầm, vì khi tạo dựng chúng ta, Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân cao cả là tự do. Chúng ta có nghĩa vụ sử dụng tốt tự do ấy.

Nhưng sự tách biệt của người con ấy chỉ là về mặt thể lý; người cha vẫn luôn mang người con ấy trong con tim; ông tin tưởng chờ đợi con trở về; ông chăm chú nhìn con đường với hy vọng thấy con trở về. Và một hôm ông thấy người con xuất hiện từ xa (Xc v.20). Lúc ấy ông xúc động, chạy ra đón con, ôm con và hôn. Thật là dịu dàng dường nào!

Người cha cũng dành thái độ ấy cho người con cả, là người vẫn luôn ở nhà, và nay người con này tức giận và phản đối vì không hiểu và không chia sẻ tất cả lòng từ nhân đối với đứa em đã lầm lỗi. Người cha ra ngoài để gặp người con cả và nhắc nhở cho anh ta rằng cha con vẫn luôn ở với nhau, và có chung mọi điều (v.31), nhưng cần phải vui mừng đón tiếp người em trở về nhà.

Trong dụ ngôn này ta cũng có thể thấy hình bóng người con thứ ba, âm thầm!, đó là người con ”không giữ cho mình đặc ân giống như [Cha], nhưng đã hủy bỏ mình, mặc lấy thân phận người tôi tớ” (Pl 2,6-7). Người Con-Tôi Tớ này là sự nối dài đôi vòng tay và trái tim của Cha: Người đã đón nhận người con hoang đàng và rửa đôi chân bẩn thỉu của người con ấy; Người đã chuẩn bị bữa tiệc để mừng lễ tha thứ. Người là Chúa Giêsu, dạy chúng ta hãy có lòng ”thương xót như Cha”.

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn biểu lộ con tim của Thiên Chúa. Người là Cha thương xót, Đấng yêu thương chúng ta trong Chúa Giêsu vượt ra ngoài mọi giới hạn, luôn chờ đợi chúng ta hoán cải mỗi khi chúng ta lầm lạc; Ngài chờ đợi chúng ta trở về khi chúng ta xa lìa Ngài vì nghĩ rằng mình có thể không cần Chúa; Ngài luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay dù điều gì xảy ra đi nữa. Như người cha trong Phúc Âm, Thiên Chúa cũng tiếp tục coi chúng ta là con cái của Ngài khi chúng ta lạc đường, và Ngài đến gặp chúng ta với tất cả sự dịu dàng khi chúng ta trở về cùng Ngài. Những lầm lỗi chúng ta phạm, cả những tội trọng, không làm suy giảm tình thương trung tín của Ngài. Trong bí tích hòa giải, chúng ta luôn có thể tái khởi hành: Ngài đón nhận chúng ta, trả lại cho chúng ta phẩm giá làm con cái của Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: Trong giai đoạn mùa chay này cho đến lễ Phục Sinh, chúng ta được kêu gọi tăng cường hành trình hoán cải nội tâm. Chúng ta hãy để cho cái nhìn đầy yêu thương của Cha chúng ta đạt tới chúng ta và hết lòng trở về cùng Ngài, loại bỏ mọi thái độ thỏa hiệp với tội lỗi. Xin Đức Trinh Nữ Maria tháp tùng chúng ta cho đến vòng tay âu yếm của lòng thương xót của Chúa.

Chia buồn và ca ngợi

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với các nữ tu thừa sai bác ái đang chịu đại tang đổ ập trên các chị cách đây 2 ngày trong vụ 4 nữ tu bị sát hại tại Aden, Yemen, nơi các chị săn sóc giúp đỡ những người già. ĐTC nói: ”Tôi cầu nguyện cho các chị và những người khác bị giết trong cuộc tấn công, cũng như cho thân nhân của họ. Xin Mẹ Têrêsa tháp tùng vào thiên đàng những người con của Mẹ tử đạo vì bác ái, và chuyển cầu cho hòa bình và sự tôn trọng thánh thiêng đối với sự sống con người.”

ĐTC nói thêm rằng 'Như một dấu chỉ dấn thân cụ thể cho hòa bình và sự sống tôi muốn nhắc đến sáng kiến lập các hành lang nhân đạo cho người tị nạn, mới được khởi xướng ở Italia. Dự án tiên phong này liên kết tình liên đới với an ninh, giúp nâng đỡ những người đang trốn chạy chiến tranh và bạo lực, như hàng trăm người tị nạn đã được chuyển đến Italia, trong đó có các trẻ em, bệnh nhân, người tàn tật, góa phụ chiến tranh với con cái, và những người già. Tôi cũng vui mừng vì sáng kiến này có tính chất đại kết, được sự hỗ trợ của Cộng đồng thánh Egidio, Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Italila, Giáo Hội Valdesi và Metodist.

 ĐTC chào thăm các nhóm tín hữu hành hương và ngài xin mọi người cầu nguyện cho Ngài và các cộng sự viên bắt đầu tuần tĩnh tâm từ tối nay đến thứ sáu tới đây.

Giống như năm ngoái, tuần tĩnh tâm của ĐTC và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

G. Trần Đức Anh OP

DÕI BƯỚC THEO CHÚA

DÕI BƯỚC THEO CHÚA

Người ta kể rằng năm ấy dù mới lên mười tuổi, cậu Chai-san đã được bố cho đi theo một đoàn lữ hành phải vượt cao nguyên trùng điệp với những đỉnh đồi, những ngọn núi vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Đêm đến đoàn lữ hành trú ngụ trong những chiếc lều vải thô sơ. Một đêm nọ cậu bé Chai-san cảm thấy có một sức mạnh từ bên trong thúc đầy cậu trốn ra khỏi lều. Và kìa, giữa miền núi cao, bầu trời đầy trăng sao lấp lánh như bao trùm lấy cậu. Một cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng xâm chiếm tâm hồn Chai-san. Cậu có cảm tưởng như cả vũ trụ xinh đẹp này đã được tạo dựng để ban tặng cho cậu, và nó đang nâng tâm hồn cậu lên với Đấng Tạo Hóa.

Bỗng chốc bầu khí yên tĩnh và an bình bị xáo trộn vì tiếng gọi của người cha: “Chai-san, mày trốn đi đâu rồi? Trở vào lều đi”. Chai-san miễn cưỡng trở vào lều và tiếc nuối nói với cha: “Bố ơi, bầu trời trăng sao đẹp quá chừng!”.

Thưa anh chị em,

Trong truyền thống Thánh Kinh cũng như trong hầu hết các tôn giáo, núi cao thường được xem như là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa Thần Linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Kinh Thánh đều diễn ra trên núi cao. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho Dân Chúa. Êlia đã ròng rã 40 đêm ngày lên núi Horeb để gặp Chúa. Êlisê cũng lên núi Carmel để gặp Chúa. Và Chúa Giêsu cũng khởi sự đời công khai bằng 40 đêm ngày chay tịnh trên núi cao, rồi trong ba năm sứ vụ, Ngài vẫn thường lặng lẽ một mình lên núi để cầu nguyện cùng Cha Ngài.

Trong Tin Mừng hôm này, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín nhất lên núi Thabor để tỏ vinh quang của Ngài cho các ông. Từ trên núi cao, Phêrô, Giacôbê, Gioan đã nhận ra được con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Từ trên đỉnh cao, các ông thấy vinh quang của ngài như một lời hứa được thực hiện, như thành tựu của một sứ mệnh, như đích điểm của một con đường, con đường thập giá dẫn đến vinh quang.

Thế nhưng, thưa anh chị em, người ta không lên núi cao để ở lại đó, mà là để nhìn rõ hơn con đường phải đi. Đối với Chúa Giêsu, con đường phải đi đó chính là con đường lên Giêrusalem với cuộc tử nạn đang chờ đợi Ngài. Và Ngài đã xuống núi để giáp mặt với cuộc đời, để tiếp tục hành trình xuyên qua khổ nạn và cái chết thập giá. Từ trên núi cao, Chúa Giêsu cũng muốn đưa ba môn đệ thân tín của Ngài trở lại cuộc đời, trở lại với những thử thách, chống đối đang chờ đợi trước mắt các ông.

Thật vậy, cuộc tỏ vinh quang của Chúa Giêsu trên núi đã xảy ra sau khi Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng này lại gắn liền với lời Chúa Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Ngài và kèm theo lời mời gọi: “anh em hãy bỏ mình, vác thập giá đi theo Thầy” (Mt 16,24). Vậy là đúng vào lúc các môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu là Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế, thì trước mắt các ông hình ảnh một Đấng Cứu Thế oai hùng lẫm liệt theo các ông quan niệm, bắt đầu tan biến, để hiện ra một Đấng Cứu Thế đau khổ, bị đày đọa, bị khai trừ, bị giết chết. Hình ảnh đó thật là khó hiểu đối với các môn đệ, vì lòng tin của các ông còn mộc mạc, phàm tục. Cho nên, chẳng lạ gì, Phêrô đã lên tiếng khuyên can Chúa Giêsu đừng đi theo con đường đau khổ đó làm gì. Nhưng thật không may cho ông, vì Chúa Giêsu cứ khăng khăng một mực, lại còn quay sang mắng ông: “Satan, cút đi!”. Vì ông đã tự đồng hóa với Satan cám dỗ Chúa trong sa mạc.

Rồi bây giờ thì lại cũng chính Phêrô đã dám đề nghị cắm lều ở lại trên núi Thabor, vì ở đây sướng quá, khỏi phải đi qua con đường đau khổ mà ông đã khuyên can Thầy. Nhưng rồi, mở mắt ra, ông thấy chỉ còn một mình Chúa Giêsu trên đỉnh núi. Ánh sáng rực rỡ đã tan biến, và Chúa Giêsu còn đánh thức các ông dậy, giục các ông xuống núi, đi lên Giêrusalem với Ngài để chịu tử nạn như Thầy đã báo trước.

Chính trong giờ phút biến hình rực rỡ vừa rồi, ông Môsê và ngôn sứ Elia đã đàm đạo với Chúa Giêsu về “cuộc ra đi” Ngài sắp hoàn thành tại Giêrusalem, và tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến. Các ngươi hãy vâng nghe lời Ngài”. Lời đó chính là để công nhận, để tán thành bước đường vượt qua đau thương của Chúa Giêsu, và mời gọi các môn đệ hãy đi theo Thầy. Vì thế, mấy Thầy trò lại xuống núi. Và Phêrô cũng như các môn đệ khác phải đi theo sau Thầy qua con đường khổ nạn thập giá mới đến ánh sáng vinh quang Phục Sinh.

Anh chị em thân mến,

Không phải hông có lý do mà phụng vụ năm nào cũng đặt bài Tin Mừng Chúa hiển dung sáng láng hôm nay vào giữa Mùa Chay. Giáo Hội muốn đưa chúng ta lên núi, hé mở cho chúng ta chiêm ngưỡng một chút vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu, để chúng ta thêm tin tưởng vào Ngài, để chúng ta có những giây phút nghỉ ngơi lấy sức trước khi xuống núi, trở về với cuộc sống bình thản trên các nẻo đường phẳng lặng hay đầy sóng gió đưa đến núi Can-vê. Chúng ta cần được Chúa đến gần, đưa tay đập vào người như “đã đến gần, vỗ vào người các môn đệ”, để thức tỉnh chúng ta, để chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng đón nhận mọi gian nan đau khổ trên đường đời.

Con đường Thương Khó của Chúa khởi đầu từ khi Ngài xuống núi. Rồi đây, Ngài cũng sẽ biến hình “không còn hình tượng người ta nữa”, để dạy chúng ta biết phải đi qua con đường thập giá mới đến vinh quang khải hoàn sống lại. Trong ngôn ngữ La-tinh, người ta chơi chữ: “Per crucem ad lucem”, nghĩa là “qua thập giá đến ánh sáng”. Qua Thứ Sáu Tử Nạn mới đến Chúa Nhật Phục Sinh. Đường thánh giá không dừng lại ở nấm mồ, nhưng mở ra trong niềm vui tưng bừng của ngày sống lại. Đó là quy luật của muôn đời.

Thưa anh chị em,

Trong cuộc hành trình đức tin của chúng ta, cũng có những giây phút chúng ta được đưa lên núi cao để gặp Chúa, núi cao của Thánh lễ, núi cao của những giờ phút dành cho việc cầu nguyện. Nhưng chúng ta không lên núi để ở đó mãi, mà là để trở lại với cuộc đời với muôn thử thách, đắng cay, với những gặp gỡ từng ngày. Chấp nhận cuộc sống với tinh thần lạc quan, chấp nhận chiến đấu mà không buông xuôi bỏ cuộc, sống như thể là tiếp tục con đường Chúa Giêsu đã đi qua. Chấp nhận những người anh em chúng ta gặp gỡ trên đường đi, chấp nhận những khác biệt, những bất toàn của người anh em cùng đồng hành, sống như thể là dõi bước theo đường Chúa đã đi qua.

Xin ánh sáng Phục sinh của Đức Kitô luôn dẫn bước chúng ta trên đường, để chúng ta biết đón nhận và sống trọn từng phút giây cuộc sống. Xin ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chiếu dọi và hướng dẫn cuộc hành trình đức tin của chúng ta được tiếp tục trên dấu chân của Ngài.

Veritas Radio