Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90, ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. Trong sứ điệp công bố hôm chúa nhật 15-5-2016 để chuẩn bị cho ngày đó, sau khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, đã và đang làm chứng về tình yêu thương xót của Chúa, như trong thời kỳ đầu qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Dấu chỉ hùng hồn về tình yêu thương từ mẫu của Thiên Chúa là sự hiện diện gia tăng đáng kể của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh sự hiện diện của nam giới. Các phụ nữ, nữ giáo dân và các người nữ thánh hiến, và ngày nay cũng có nhiều gia đình, đang thực thi ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho đến các dịch vụ bác ái.”

”Bên cạnh hoạt động loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích do các nam thừa sai đảm nhận, cũng có các phụ nữ và các gia đình hiểu biết một cách thích hợp hơn các vấn đề của dân chúng và biết đương đầu với các vấn đề ấy một cách thích hợp, và đôi khi một cách ”chưa từng có”: qua sự chăm sóc cuộc sống, đặc biết chú ý đến con người hơn là các cơ cấu, tận dụng mọi tài nguyên nhân bản và tinh thần để xây dựng sự hòa hợp, các quan hệ, hòa bình, liên đới, cộng tác và tình huynh đệ, trong lãnh vực các tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong lãnh vực rộng hơn lớn của đời sống xã hội và văn hóa, nhất là việc chăm sóc người nghèo”.

Trong phần cuối của sứ điệp, ĐTC nhắc lại sự kiện trong Năm Thánh này, có dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền giáo, do Hội Giáo Hoàng truyền bá đức tin, đề xướng và được ĐGH Piô 11 phê chuẩn năm 1926.. ĐTC cho biết ngài tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, cổ võ cuộc lạc quyên tại các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô túng thiếu và để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất” (SD 15-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội

Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội

Thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. Con đường mà Đức Giêsu chỉ ra là con đường yêu thương, phục vụ, nhưng trong Giáo hội, người ta lại thường đi tìm kiếm quyền lực, tiền bạc và những điều phù phiếm khác. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ của thế gian muốn chia rẽ Giáo hội và cảnh giác những kẻ ‘cơ hội’. Họ là những người luôn tìm cách loại trừ người khác để leo lên vị trí cao hơn.

Các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ quyền lực

“Các môn đệ có cám dỗ về quyền lực. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế gian. Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Nhưng Đức Giêsu nói với các ông rằng phải làm người rốt hết, phải làm người phục vụ mọi người.

Tiêu chuẩn trên con đường mà Đức Giêsu chỉ ra chính là sự phục vụ. Người đứng đầu phải là người phục vụ, khiêm nhường phục vụ người khác chứ không huênh hoang, tự đắc, chỉ lo tìm kiếm quyền lực, tiền tài và những thứ phù phiếm khác. Nếu ai không phục vụ thì không phải là người lớn hơn cả. Tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả đã là chuyện xảy ra với các tông đồ, cũng như với mẹ của Gioan và Giacôbê. Và đó cũng chính là điều diễn ra ngày hôm nay trong Giáo hội, trong mỗi cộng đoàn. Trong chúng ta, ai là người lớn hơn cả? Ai là người ra lệnh? Trong mỗi cộng đoàn, trong các xứ đạo, trong các tổ chức luôn có một ước muốn được thăng tiến, được leo thật cao trên nấc thang quyền lực.

Bài đọc một thuật lại một đoạn trong lá thư của thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân đã cảnh giác mọi người trước đam mê quyền lực, ghen ghét, ganh tị dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau.

Đây cũng là thông điệp cho Giáo hội ngày hôm nay. Thế gian cho rằng ai có nhiều quyền lực sẽ là người chỉ huy. Nhưng Đức Giêsu lại tuyên bố ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

Khi chúng ta có những ước muốn thế tục, muốn nhiều quyền lực, muốn được phục vụ chứ không phục vụ, thì sẽ rất dễ dẫn đến việc  chúng ta nói xấu và loại trừ người khác. Sự ghen ghét và đố kỵ cũng khiến người ta làm như thế. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó xảy ra trong mọi tổ chức của Giáo hội: xứ đạo, trường học, giáo phận và thậm chí là trong giám mục đoàn. Ước muốn của tinh thần thế gian chính là tinh thần của sự giàu có, của danh vọng và những thứ phù phiếm. Đức Giêsu đã dạy sự khiêm nhường phục vụ nhưng các môn đệ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Đức Giêsu đến thế gian này để phục vụ và ngài dạy cho chúng ta con đường của sự phục vụ, của khiêm hạ.

Yêu thế gian là ghét Thiên Chúa

Khi các vị đại thánh nói họ cảm thấy mình rất tội lỗi, đó là vì họ hiểu được tinh thần thế gian đang tồn tại trong tâm hồn họ, và họ bị cám dỗ rất nhiều bởi những tinh thần ấy. Không ai trong chúng ta có thể nói: Tôi là thánh. Tôi trong sạch.

Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi tinh thần thế gian. Chúng ta bị cám dỗ loại trừ người khác để leo lên những vị trị trên cao. Đó chính là cám dỗ của thế gian, gây chia rẽ và hủy hoại Giáo hội, chứ không phải là Thần Khí của Đức Giêsu. Chúng ta hãy hình dung cảnh này: Khi Đức Giêsu nói những lời khiêm tốn phục vụ, các môn đệ thưa: ‘Thôi Thầy ơi, đừng yêu cầu quá nhiều. Chúng ta hãy đi thôi’. Và sau đó, các ông lại thích cãi vã với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rất nhiều lần chúng ta đã thấy điều này xảy ra trong Giáo hội và ngay cả chúng ta cũng đã làm như thế. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, để chúng ta hiểu ra rằng yêu thế gian, hay yêu tinh thần thế gian, tức là ghét Thiên Chúa.”

Vũ Đức Anh Phương SJ 

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

ĐTC chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 15-5-2016

Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha

Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống.

ĐTC đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có gần 100 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy chục Linh Mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Toà Thánh và ca đoàn Mater Ecclesiae. Tham dự thánh lễ đã có khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau bài thánh ca Xin Chúa Thánh Thần đến và ca nhập lễ ĐTC đã bắt đầu buổi cử hành với phần làm phép nước là dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ, và dẫn đưa họ vuợt qua Biển Đỏ, Đấng đã cho nước vọt ra trong sa mạc để giải khát cho dân  cho dân. Với hình ảnh nước mát, các ngôn sứ đã tiên báo giao ước mới, mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho loài người. Sau cùng trong nuớc sông Giordan được Chúa Kitô thánh hóa, Chúa đã khai mào bí tích tái sinh ghi dấu việc khởi đầu một nhân loại mới, tự do không bị tội lỗi làm hư hoại. Xin Chúa làm sống dậy nơi chúng con trong dấu chỉ của nước thánh này kỷ niệm bí tích Rửa Tội để chúng con có thể kết hiệp với cộng đoàn tươi vui của tất cả các anh chị em đã được rửa tội trong lễ Phục Sinh của Chúa Kitô Chúa chúng con.

Tiếp đến ĐTC và hai Phó tế rảy nước thánh trên tín hữu, trong khi ca đoàn hát bài thánh thi “Tôi đã trông thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó”.

Bài đọc một bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công Vụ kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến cho các Tông Đồ mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô phục sinh và dân chúng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiểu trong ngôn ngữ của mình điều họ nghe. Bài đọc hai bằng tiếng Anh, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma, nói về cuộc sống mới trong Thần Khí khiến cho tín hữu được gọi Thiên Chúa là Cha. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh thuật lại các lời Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ ở lại trong Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, để Thiên Chúa Cha và Ngài yêu thương họ và ở lại trong họ. Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến sẽ dậy dỗ họ mọi điều, để họ nhớ lại những gì Ngài đã nói với họ.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

 “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Sứ mệnh của Chúa Giêsu đạt tột đỉnh với ơn Chúa Thánh Thần đã có mục đích nòng cốt này: đó là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, đã bị tội lỗi làm hư hại; kéo chúng ta ra khỏi điều kiện mồ côi và tái lập điều kiện là con cho chúng ta.

Khi viết cho kitô hữu giáo đoàn Roma thánh tông đồ Phaolô nói: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! " (Rm 8,14-15). Đó là tương quan được nối lại: chức làm cha của Thiên Chúa được kích hoạt lại trong chúng ta nhờ hoạt đông cứu độ của Chúa Kitô và nhờ ơn Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha ban cho dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Toàn công trình cứu chuộc là một công trình tái sinh, trong đó chức làm cha của Thiên Chúa, qua ơn của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi cảnh mồ côi chúng ta đã bị rơi vào. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa  cũng gặp thấy nhiều dấu chỉ của điều kiện mồ côi này của chúng ta: sự cô đơn nội tâm mà chúng ta cũng cảm thấy giữa đám đông  và đôi khi có thể trở thành  sự buồn sầu hiện sinh; yêu sách tự lập khỏi Thiên Chúa, đi kèm một nhớ nhung nào đó về sự gần gũi cuả Ngài; sự mù chữ tinh thần phổ biến khiến cho chúng ta không có khả năng cầu nguyện; cái khó khăn trong việc cảm nhận sự sống vĩnh cửu đích thật như sự hiệp thông tràn đầy đâm chồi và nẩy lộc vượt quá cái chết; sự mệt nhọc trong việc thừa nhận ngườì khác như anh em, trong tư cách là con của cùng một Cha; và nhiều dấu chỉ tương tự khác nữa.

Đối nghịch với tất cả các thứ đó là điều kiện là con, là ơn gọi nguyên thuỷ của chúng ta, là điều vì đó chúng ta đã được tạo dựng nên, là yếu tố di truyền sâu đậm nhất cuả chúng ta, nhưng nó đã bị hư hoại,  và để tái lập nó đã cần phải có hy tế của Con Một Thiên Chúa. Từ ơn tình yêu vô biên là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đã nảy sinh ra cho toàn nhân loại như là một thác ơn thánh vô biên, việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Ai dìm mình với đức tin trong mầu nhiệm tái sinh ấy thì được sinh lại vào cuộc sống tràn đầy là con cái Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói:

Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Hôm nay, lễ Ngũ Tuần, các lời này của Chúa Giêsu cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện hiền mẫu của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. Mẹ Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn các môn đệ tụ họp cầu nguyện: Mẹ là ký ức sống động của Con và là lờì khẩn nài sống động của Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Một cách đặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lời bầu cử cuả Mẹ tất cả các kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn trong lúc này đây đang cần đến sức mạnh của Thần Khí Ủi An, Bảo Vệ. Thần Khí của sự thật, tự do và hoà bình.

Thần Khí, như thánh Phaolô khẳng định một lần nữa, khiến cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô thì không thuộc về Ngài” (Rm 8,9). Và khi củng cố tương quan tuỳ thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta, Thần Khí làm cho chúng ta bước vào một năng động huynh đệ mới. Qua Người Anh đại đồng là Chúa Giêsu, chúng ta có thể tương quan với các người khác  một cách mới mẻ, không phải như những kẻ mồ côi nữa, nhưng như là con cái của cùng một Cha nhân lành và thương xót. Và điều này thay đổi mọi sư! Chúng ta có thể nhìn nhau như anh em và các khác biệt của chúng ta chỉ gia tăng niềm vui và sự tuyệt diệu thuộc về một chức làm cha và tình huynh đệ duy nhất.

Các lời nguyện giáo dân đã được tuyên đọc trong các thứ tiếng Tầu, Giorgiano, Pháp, Armeno và Lingala: xin cho các ơn của Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội mạnh mẽ loan báo sự thật và chiếu sáng thực tại Phục Sinh; xin cho các nhà làm luật và những ngươi cai trị được giải thoát khỏi tinh thần thế tục và biết lo cho công ích; xin cho người trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và quảng đại đáp trả để trở nên linh mục tu sĩ; xin cho các kitô hữu đang gặp cảnh khó khăn thử thách và bách hại đưọc kiên cường và sự hy sinh của họ làm sống dậy đức tin của các anh chị em nguội lạnh; xin cho các anh chị em nghèo túng và khổ đau được Chúa Thánh Thân an ủi và được các anh chị em khác trợ giúp trong tình bác ái.

Các lễ vật đã được 3 gia đình đem lên bàn thờ, trong đó có gia đình ông bà De Branche với 4 người con và gia đình ông bà Del Rossi và Barbarra Potenza với 3 người con sinh cùng một lúc.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 60.000 tín hữu.  Trong bài huấn dụ ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Nếu các con yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy, Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác để Người ở với các con luôn mãi. ĐTC nói:

Các lời này nhắc nhớ chúng ta trước hết rằng tình yêu đối với một người và cả đối với Chúa nữa không chỉ được chứng minh bằng lời nói, nhưng với việc làm. Và cả việc tuân giữ các giới răn cũng được hiểu trong nghĩa hiện sinh, làm sao để toàn cuộc sống bị liên lụy. Thật thế, là kitô hữu một cách nòng cốt không có nghĩa là tuỳ thuộc một nền văn hóa hay theo một lý thuyết nào đó, mà đúng hơn là cột buộc mọi khía cạnh đời mình vào con người của Chúa Giêsu và qua Người vào Thiên Chúa Cha. Chính vì thế mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ Ngài. Chính nhờ Thánh Thần, là Tình Yêu kết hiệp Chúa và Chúa Con và từ đó Người phát xuất, mà tất cả chúng ta có thể sống chính cuộc sống của Chúa Giêsu Thật thế, Thần Khí dậy chúng ta mọi điều, hay điều duy nhất cần thiết là yêu như Thiên Chúa yêu. Chúa Giêsu định nghĩa Thánh Thần là Đấng bào chữa, là Đấng an ủi, là Trạng Sư và Đấng bầu cử, nghĩa là Đấng trợ giúp, bênh vực và ở bên cạnh chúng ta trên con đường cuộc sống và trong cuộc đấu tranh cho sự thiện chống lại sự dữ. Ngoài ra Chúa Thánh Thần còn có nhiệm vụ dậy dỗ và nhắc nhở chúng ta. Người khiến cho giáo huấn của Chúa Giêsu sống và hoạt động để nó không bị thời gian xóa bỏ và làm suy yếu đi. Chúa Thánh Thần tháp giáo huấn đó vào tim chúng ta và giúp chúng ta nội tâm hóa nó, bằng cách làm cho nó trở thành thịt của chúng ta, và chuẩn bị cho chúng ta có khả năng nhận các lời và các gương sống của Chúa. Xin Mẹ Maria bầu cử cho chúng ta được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Kitô và ngày càng rộng mở cho tình yêu tràn đầy của Chúa.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người.

Sau Kinh Lây Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC cho biết ngài đã công bố sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo  cử hành vào Chúa Nhật thứ ba tháng 10 tới xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các thừa sai truyền giáo cho muôn dân và nâng đỡ sứ mệnh  của Giáo Hội trên toàn thế giới.

Chào nhiều nhóm tín hữu và du khách hành hương, ĐTC khích lệ mọi người là chứng nhân lòng thương xót và niềm hy vọng của Chúa.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Chicco

Vatican – Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô tạo bất ngờ vì chuyến viếng thăm đột xuất của ngài.

Chiều hôm qua 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng  căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”.  Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Giáo hoàng trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Giáo hoàng còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Giáo hoàng trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo. (ACI 13/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức Năm thứ 100

VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp ”Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của ĐGH Gioan Phaolô 2.

ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. ĐTC nói: ”Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại”.

Tại hội nghị của tổ chức ”Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người”.

ĐTC cảnh giác rằng ”một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.

ĐTC nhận xét rằng: ”Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán” (SD 13-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

“Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

“Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

Chrostox box

Vatican – Một sáng kiến từ thiện mới, liên kết nghệ thuật, văn hóa, lòng thương xót và sự tương trợ với nhau. Đó là “Christo’s Box – hộp của Christo, giữa nghệ thuật và lòng thương xót, món quà cho Bangui”.

Sự kiên được phát động bởi Bộ truyền thông của Tòa Thánh, bởi bảo tàng viện Vatican với trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin.

Những tác phẩm nghệ thuật khổ nhỏ (hơn 300 tác phẩm) được thực hiện bởi nghệ nhân nổi tiếng người Bungari Christo Vladimirov Javacheff sẽ được bán tại các buổi đấu giá ở Luân đôn, Torino, Milan, Roma và tất cả số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi ở Bangui, Cộng hòa Nam Phi. Đó là ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô để tương trợ cho một vùng đất nghèo khổ như tại Bangui, miền trung của Châu Phi.

Sáng kiến này bắt đầu từ tác phẩm nghệ thuật mà Christo đã thực hiện với một gói hàng có hộp chứa các dvd “Khám phá bảo tàng viện Vatican”do trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin thực hiện. Tác phẩm này mô tả khuôn mặt của một thanh niên, được vẽ cách đây 500 năm bởi Raphael, bên cạnh triết gia Aristote trong bức họa nổi tiếng “trường học Atêna”. Họa sĩ đã chọn tập trung sự chú ý của mình vào đôi mắt của chàng thanh niên, người anh em họ của Đức Phaolô II. Christo chụp lấy ánh nhìn của chàng thanh niên, bất động và ngừng lại ở vô cùng, diễn tả vẻ đẹp sâu xa.

Các hộp đựng DVD này sẽ được bán tại nhiều nơi khác và số tiền thu được sẽ giúp cho các bịnh nhân trẻ em của Trung Phi có những bình dưỡng khí và dụng cụ hồi sức, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn và tuyên bố rõ ràng trong cuộc viếng thăm Bangui vào năm ngoái. Còn bản gốc của tác phẩm sẽ được tác giả tặng cho Vatican và sẽ được cất giữ tại Bộ truyền thông của Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn trong buổi giới thiệu tác phẩm này, giám đốc bảo tàng viện Vatican, ông Antonio Paolucci đã nói: “Christo đã đóng gói Raphael” và ông làm như thế để giúp đỡ Bịnh viện nhi đồng ở Bangui, ở vùng thất vọng nhất của Châu Phi: là một mẫu gương đáng khâm phục của sự đa năng.  Cách đây 500 năm, Đức Giáo hoàng Giulio II đã gọi Raphael đến vẽ các phòng của Vatican vì muốn vinh danh ông và Giáo hội. Ngày nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô dùng Raphael và Christo cho một hành động từ thiện cho những người nghèo nhất giữa những người nghèo.

Đức ông Vigàno, giám đốc Ủy ban truyền thông thì nhấn mạnh rằng: “Hoạt động này có một mục đích kép. Trên hết nó trình bày dấu chỉ cụ thể sự quan tâm của Ủy ban Truyền thông của Tòa Thánh đến một thời đại và ngôn ngữ đặc trưng của nó. Christo là một trong những nhân vật nổi tiếng của nghệ thuật đương đại của thế giới. Tác phẩm mà ông tặng cho Bộ truyền thông sẽ là một dấu hiệu cụ thể của sự kết hợp mà ông thấy tại Bảo tàng viện Vatican. Khía cạnh thứ hai là sự liên kết giữa nghệ thuật, văn hóa và sự tương trợ. Tác phẩm nghệ thuật trở thành món quà cho nhân loại và cũng là cơ hội để thực hiện một hành động từ thiện cụ thể. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ định là số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi đồng ở Bangui. (ACI 12/5/2016)

Hồng Thủy OP

Thiên Chúa là Cha vẫn yêu thương và chờ đợi con người trở về

Thiên Chúa là Cha vẫn yêu thương và chờ đợi con người trở về

ĐTC chào một nhà sư trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 11-5-2016

Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi không bao giờ được quên rằng tôi vẫn luôn mãi là con của Thiên Chúa, của một người Cha yêu thương tôi và chờ đợi tôi trở về. Cả trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc sống, Thiên  Chúa vẫn chờ đợi tôi, Thiên Chúa vẫn muốn ôm tôi, Thiên Chúa vẫn đợi chờ.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trước đó ngài đã chào các bệnh nhân tụ họp trong đại thính đường Phaolô VI, vì trời hơi mưa một chút. Ngài nói trong đại thính đường anh chị em sẽ dễ chịu hơn và có thể theo dõi buổi tiếp kiến trên màn hình khổng lồ. Tôi cám ơn anh chị em rất nhiều. Xin cám ơn. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi nhé! Giờ đây chúng ta cầu xin Đức Mẹ và tôi ban phép lành cho anh chị em. ĐTC đã đọc Kinh Kính Mừng chung với tín hữu và ban phép lành cho họ. Tiếp đến ngài lên xe díp mui trần ra quảng trường chào tín hữu. Lúc này trời đã tạnh và quang đãng.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa dụ ngôn người con hoang đàng, bắt đầu từ cuối dụ ngôn với niềm vui của con tim người cha và lời mời: “Chúng ta hãy mở tiệc mừng vì con ta đây đã chết nay lại sống, đã mất nay lại tìm được” (Lc 15,23-24). Với các lời này người cha đã ngắt lời đứa con thứ khi anh ta đang xưng thú lỗi lầm của mình: “Con không đáng được gọi là con cha nữa…” (c. 19). Và ĐTC quảng diễn như sau:

Nhưng kiểu nói này không thể chịu đựng được đối với trái tim của người cha, mau mắn trả lại cho đứa con các dấu chỉ phẩm giá của nó: áo đẹp, nhẫn và dép. Chúa Giêsu không miêu tả một người cha bị xúc phạm và giận dỗi; một người cha nói chẳng hạn: “Mày sẽ phải trả giá”; không người cha ôm anh ta, chờ đợi anh ta với tình yêu thương. Trái lại điều duy nhất mà người cha lưu tâm là đứa con này đang đứng trước mặt ông khoẻ mạnh và an lành, và điều này khiến cho ông sung sướng và mở tiệc mừng. Việc đón tiếp đứa con trở về rất là cảm động: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó trông thấy nó, ông động lòng thương, chạy ra gặp con ngã vào cổ nó và hôn nó”  (c. 20). Biết bao nhiêu dịu hiền; ông trông thấy con từ xa: điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là người cha liên tục lên sân thượng, để nhìn con đường và trông thấy đứa con trở về, đứa con đã làm đủ mọi chuyện, nhưng ông chờ đợi nó. Sự dịu hiền của người cha thật đẹp biết bao!

Lòng thương xót của người cha tràn đầy, vô điều kiện và đưọc biểu lộ ra trước khi đứa con nói. Chắc chắn đứa con biết mình đã sai lầm và thừa nhận điều đó: “Con đã phạm tội… xin cha đối xử với con như một đứa con ăn đầy tớ của cha” (c. 19). Nhưng các lời này tan biến trong sự tha thứ của người cha. Vòng tay ôm và nụ hôn của cha khiến cho anh hiểu rằng mặc dù tất cả, anh đã luôn luôn được coi như là con. Giáo huấn này của Chúa Giêsu quan trọng: điều kiện là con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái của tình yêu nơi con tim của Thiên Chúa Cha; nó không tuỳ thuộc các công nghiệp của chúng ta hay các hành động của chúng ta, và vì thế không ai có thể lấy mất đi của chúng ta, kể cả ma qủy! Không ai có thể lấy mất đi phẩm giá này.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: lời này của Chúa Giêsu khích lệ chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Tôi nghĩ tới các người mẹ người cha, khi trông thấy các  con mình xa rời và bước vào các con đường nguy hiểm. Tôi nghĩ tới các cha sở và giáo lý viên đôi khi tự hỏi không biết công việc của mình có vô ích không. Nhưng tôi cũng nghĩ tới những người trong tù và xem ra cuộc đời họ đã hết; tôi nghĩ tới biết bao  người đã có các lựa chọn sai lầm và không thành công nhìn vào tương lai; tới tất cả những ai đói khát lòng thương xót và ơn tha thứ và tin rằng mình không xứng đáng được ơn ấy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi không bao giờ được quên rằng tôi vẫn luôn mãi là con của Thiên Chúa, của nột người Cha yêu thương tôi và chờ đợi tôi trở về. Cả trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc sống, Thiên  Chúa vẫn chờ đợi tôi, Thiên Chúa vẫn muốn ôm tôi, Thiên Chúa vẫn đợi chờ.

Trong dụ ngôn có một người con khác, người con cả: Cả anh ta cũng cần tái khám phá ra lòng thương xót của cha. Anh ta đã luôn luôn ở nhà, nhưng rất khác cha! Các lời của anh thiếu sự dịu hiền: “Cha xem con đã hầu hạ cha biết bao năm và không bao giờ trái lệnh cha, nhưng giờ đây cái thằng con cha đó trở về… (cc. 29-30). Chúng ta trông thấy sự khinh rẻ. Anh ta không bao giờ nói cha, và em. Anh ta chỉ nghĩ tới mình, anh ta khoe khoang là đã luôn luôn ở bên cạnh cha và phục vụ cha; nhưng anh ta đã không bao giờ sống sự gần gũi ấy với niềm vui. Và giờ đây anh ta tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên  Chúa, nỗi khổ đau của Chúa Giêsu khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần.

Người anh cả cũng cần lòng thương xót. Những người công chính, những người tin rằng mình công chính cũng cần lòng thương xót. Người con này đại diện cho chúng ta tất cả, khi chúng ta tự hỏi xem có đáng công vất vả nhiều như thế để rồi không nhận được gì đổi lại hay không. ĐTC nêu bật giáo huấn của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta nhớ rằng người ta không bao giờ ở trong nhà Cha để có một phần thưởng, nhưng bởi vì ta có phẩm giá là con có tinh thần trách nhiệm.  Đây không phải là chuyện đổi chác với Thiên Chúa, nhưng là đi theo Chúa Giêsu là Đấng đã tận hiến  chính mình trên thập giá không đong đếm.

“Con ơi, con luôn luôn ở với cha và tất cả những gì của cha là của con, nhưng phải mừng lễ và vui sướng” c. 31). Người Cha nói với con cả như thế. Cái luận lý của ông là cái luận lý của lòng thương xót! Người con thứ  đã nghĩ rằng anh ta đáng phạt vì các tội của mình, người anh cả chờ đợi một phần thưởng cho các phục vụ của anh ta. Hai anh em không nói chuyện với nhau, họ sống các lịch sử khác nhau, nhưng cả hai đều theo lý luận xa lạ đối với Chúa Giêsu: nếu bạn làm tốt, thì được một phần thưởng, còn nếu bạn làm xấu, thì bị phạt. Đó không phải là cái luận lý của Chúa Giêsu. Nó không phải là cái luận lý của Ngài.

Cái luận lý này bị đảo lộn bởi các lời của người cha: “Cần phải mừng lễ và sui sướng bởi vì em con đã chết mà đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 31). Người cha đã phục hồi đứa con đã mất và giờ đây cũng có thể phục hồi anh nó! Nếu không có người em út người anh cả cũng thôi là một người anh. Niềm vui lớn nhất đối với người cha là trông thấy các con ông nhận nhau là anh em.

Các người con có thể quyết định hiệp nhất với niềm vui của cha hay từ chối nó. Họ phải tự vấn về các ước mong của cha và quan điểm họ có về cuộc sống. Dụ ngôn kết thúc bằng cách để lửng đoạn kết: chúng ta không biết người anh cả đã quyết định làm gì. Và đây là một kích thích đối với chúng ta. Tin Mừng này dậy chúng ta rằng chúng ta tất cả đều cần bước vào trong nhà Cha và tham dự vào niềm vui của Cha, tham dự vào lễ mừng của lòng thương xót và tình huynh đệ. Anh chị em, chúng ta hãy mở rộng con tim chúng ta để thương xót như Cha.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng pháp, đặc biệt các thị trưởng trong giáo phận Chartres, cũng như đoàn hành hương đảo Corse, do các Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài mời gọi chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng lời cầu nguyện và các việc lành phúc đức.

Chào tín hữu đến từ các nước Anh, Ailen, Đan Mạch, Trung quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, quần đảo Seychelles và Hoa Kỳ ĐTC xin Chúa đổ tràn đầy trên họ và gia đình họ niềm vui của Chúa phục sinh.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài mời gọi tín hữu đi xưng tội trong Năm Thánh để được tình yêu của Chúa đánh động con tim.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngài khích lệ họ biết tham dự vào lễ hội của lòng thương xót và tình huynh đệ để biết sống nhân từ như Thiên Chúa Cha. Ngài đặc biệt xin Chúa đổ tràn đầy Thánh Thần trên nhân dân Brasil đang phải sống những lúc khó khăn, biết hướng tới sự hòa hợp và hoà bình nhờ lời cầu nguyện và việc đối thoại, dưới sự hướng dẫn của Đức Bà Aparecida.

Chào các tín hữu Slovac, ngài xin Chúa Thánh Thần ban các ơn giúp mọi người trở thành chứng nhân can đảm của Chúa Kitô phục sinh.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục Italia hướng dẫn. Ngài cầu mong Năm Thánh cùng cố đức tin của họ để làm chứng cho Chúa Kitô. Ngài đặc biệt chào các linh mục Á châu và Phi châu sinh viên trường Thánh Phaolô, cũng như của học viện Antonianum.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ngài nhắc cho biết Chúa Nhật tới là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngài cầu chúc các bạn trẻ biết nhận ra tiếng của Chúa Thánh Thần nói với con tim của họ. Ngài khích lệ các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân của trung tâm Cottolengo tỉnh Trentola biết tín thác nơi Chúa Thánh Thần để nhận được ánh sáng ủi an của Chúa. Sau cùng ĐTC cầu chúc các đôi tân hôn, đặc biệt các cặp thuộc phong trào Tổ Ấm, phản ánh tình yêu trong sáng của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05

VATICAN. Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất

Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:

“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công giáo và Tin lành.

Xin tha thứ vì những chia rẽ

Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.

Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ

Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’

Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Phúc trình hoạt động 2015 của Ngân hàng Vatican

Vatican Bank

VATICAN. Trong năm 2015, Viện Giáo Vụ hay cũng quen gọi là 'Ngân Hàng Vatican' lời được 16 triệu 100 ngàn Euro.

Theo phúc trình 2015 công bố hôm 12-5-2016, số vốn của Viện giáo vụ hiện nay là 645 triệu Euro. Kết quả hoạt động năm ngoái của Viện này là 42 triệu 800 ngàn Euro so với 104 triệu rưỡi Euro trong năm 2014 trước đó. Số tiền lời trong năm 2014 trước đó là 69.3 triệu Euro. Ông Tổng giám đốc Gian Franco Mammi giải thích sự suy giảm này là do khủng hoảng kinh tế.

Viện Giáo Vụ tiếp tục thực thi chính sách minh bạch và trong thời gian qua đã đóng 4,935 tài khoản không hợp tiêu chuẩn mới của Viện này. Hiện nay số khách hàng của Ngân Hàng Vatican là gần 15 ngàn (14,801) trong đó có các cơ quan đại diện của Tòa Thánh, các dòng tu, giáo phận, các tổ chức Công Giáo, giáo sĩ, nhân viên Tòa Thánh và ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Tổng cộng 75% khách hàng của ngân hàng này có cư trú tại Italia và Vatican, 15% ở Âu Châu và 10% ở các nơi khác trên thế giới.

Trong cuộc viếng thăm trụ sở Viện Giáo Vụ ngày 24-11 năm ngoái, ĐTC nhấn mạnh điều này là Viện phải ”tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức không thể thương thảo đối với Giáo Hội, Tòa Thánh và ĐGH”. Ngoài ra hoạt động của Viện Giáo Vụ phải tôn trọng bản chất đặc thù của Viện nay, hòa hợp hiệu năng hoạt động và bản chất mục vụ là điều cốt yếu trong mọi hoạt động” (SD 12-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

ĐHY Parolin ca ngợi lòng trung thành của các tín hữu Estoni

ĐHY Parolin ca ngợi lòng trung thành của các tín hữu Estoni

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh ca ngợi lòng trung thành của các tín hữu Estoni

TALLIN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ca ngợi lòng trung thành của các LM và tín hữu Kitô tại Estoni và mời gọi họ tiếp tục làm chứng nhân cho Chúa trong hoàn cảnh ngày nay.

ĐHY đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ sáng ngày 10-5-2016 tại nhà thờ chính tòa thủ đô Tallin của Cộng hòa Estoni quốc gia thứ hai vùng Baltique được ngài viếng thăm trong những ngày này.

 Estoni chỉ có hơn 5.700 tín hữu Công Giáo, chiếm 0,4% dân số. Tại nước này có nhiều người không tín ngưỡng và vô thần.

ĐHY Parolin nhắc lại tấm gương can trường của thánh Phaolô Tông Đồ, trung thành loan báo Tin Mừng giữa bao nhiêu nghịch cảnh, như được trình bày trong lời giã từ của thánh nhân với cộng đoàn Ephêsô đọc trong thánh lễ hôm qua (10-5), ĐHY nói: ”Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì chứng tá trung thành của các LM, tu sĩ và giáo dân, đứng trước bách hại, lưu đày và những chướng ngại đủ loại trong những năm Estoni bị chế độ độc tài Liên xô chiếm đóng. Cách đây 25 năm, Estoni đã phục hồi nền độc lập.

ĐHY nói: ”Ngày nay đất nước anh chị em được tự do. Nhưng lời kêu gọi trung thành và can đảm làm chứng nhân vẫn không kém phần quan trọng. Đứng trước trào lưu tục hóa, sự dửng dưng đối với tôn giáo đang lan tràn, và nhiều khi có những thái độ công khai thù nghịch đối với tín ngưỡng tôn giáo đang xảy ra tại nhiều miền ở Âu Châu, cần phải cấp thiết tái truyền giảng Tin Mừng”.

Cũng trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận xét rằng ”Tại Estoni này, Cộng đoàn Công Giáo thật là nhỏ bé. Vì thế, điều quan trọng là mỗi phần tử giữ vai trò của mình trong việc loan báo Tin Mừng và làm cho các giá trị Phúc Âm được thấm vào xã hội. Tôi muốn cám ơn các LM, những người nam nữ thánh hiến và giáo dân vì sự dấn thân phục vụ Giáo Hội địa phương này và vì tất cả những gì anh chị em đang làm để thăng tiến sứ mạng của Giáo Hội, mưu ích cho toàn thể xã hội.

ĐHY Parolin đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh đại kết trong việc loan báo Tin Mừng. Điều này đặc biệt đúng tại Estoni này, là nơi có truyền thống mạnh mẽ của Chính Thống và Tin Lành Luther… Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục cầu nguyện với các tín hữu Kitô khác, thăng tiến đối thoại và cộng tác với nhau qua nhiều sáng kiến để phổ biến đức tin và thăng tiến công ích theo tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cần luôn nhớ rằng trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tất cả các môn đệ, cho tất cả những người thuộc về Ngài ở mọi nơi và mọi thời đại”.. Sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô là điều trái ngược với ý muốn của Chúa Kitô. Trong những nỗ lực dấn thân đại kết của chúng ta, những lời của Chúa phải luôn luôn soi sáng tư tưởng và hành động của chúng ta, và khích lệ chúng ta tiếp tục, cho dù chúng ta thấy ít có hoặc không có tiến bộ về phương diện đại kết” (SD 10-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

50 ngàn đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

50 ngàn đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha

50 ngàn tín hữu dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với Đức Thánh Cha 8-5-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với 50 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, trưa chúa nhật 8-5-2016, ĐTC mời gọi mọi người hướng nhìn trời cao, nhưng không quên dấn thân làm chứng tá cho Tin Mừng của Chúa trong đời sống thường nhật.

Bài huấn dụ của ĐTC trước khi đọc kinh

ĐTC nói: ”Hôm nay, tại Italia và các nước khác, chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, diễn ra 40 ngày sau khi sống lại. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu ra khỏi không gian trần thế của chúng ta để đi vào vinh quang sung mãn của Thiên Chúa, mang theo nhân tính của chúng ta. Tin Mừng theo thánh Luca tỏ cho chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ trước Chúa ”Ngài tách rời khỏi họ và được đưa lên trời” (24,51). Các môn đệ không cảm thấy đau khổ và ngỡ ngàng, nhưng ”họ phủ phục trước Chúa; rồi trở về Jerusalem rất vui mừng” (v.52). Đó là sự trở về của những người không còn sợ thành thị đã phủ nhận Thầy của họ, thành ấy đã thấy sự phản bội của Giuda và sự chối thầy của Phêrô, sự phân tán các môn đệ và bạo lực của nhà cầm quyền cảm thấy bị đe dọa.

”Từ ngày ấy, đối với các Tông Đồ và mỗi môn đệ Chúa Kitô, họ có thể ở lại Jerusalem và trong tất cả các thành thị trên thế giới, cả trong những thành bị chao đảo vì bất công và bạo lực, vì trên mỗi thành có cùng một bầu trời và mỗi người dân có thể ngẩng lên nhìn trời trong niềm hy vọng. Trong bầu trời ấy có Thiên Chúa ngự trị, Ngài đã tỏ ra gần gũi đến độ đã nhận lấy khuôn mặt của một người, Đức Giêsu thành Nazareth. Ngài vẫn luôn là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta và không để chúng ta lẻ loi! Chúng ta có thể nhìn lên cao để nhận ra trước mặt tương lai chúng ta. Trong biến cố Chúa Giêsu lên trời, Đấng đã Chịu Đóng Đanh sống lại, có lời hứa chúng ta được tham dự vào cuộc sống sung mãn nơi Thiên Chúa.

”Trước khi rời các bạn hữu của Ngài, Chúa Giêsu, nhắc đến biến cố Ngài chịu chết và sống lại, và nói với họ: ”Các con sẽ là chứng nhân về biến cố ấy” (v. 48). Thực vậy, sau khi thấy Chúa lên trời, các môn đệ trở về thành phố như những chứng nhân vui mừng loan báo cho mọi người sự sống mới đến từ Chúa Chịu đóng đanh và sống lại, nhân danh Ngài, sự hoán cải và tha thứ tội lỗi sẽ được rao giảng cho mọi dân tộc” (v.47). Đó là chứng tá, được thực hiện không những bằng lời nói nhưng còn bằng đời sống thường nhật – mà mỗi chúa nhật phải xuất phát từ các thánh đường của chúng ta để, trong tuần, đi vào các nhà ở, các công sở, trường học và những nơi nghỉ ngơi, giải trí, trong các nhà thương, nhà tù, các nhà dưỡng lão, các nơi đầy người di dân, trong các khu ngoại ô, v.v..

ĐTC nói tiếp:

”Chúa Giêsu cam kết với chúng ta rằng trong lời loan báo và trong chứng tá ấy ”sẽ có quyền năng từ trên cao” (v. 49), nghĩa là với quyền năng của Chúa Thánh Linh. Bí quyết của sứ mạng ấy là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi chúng ta, với ơn của Thánh Linh, Chúa tiếp tục mở tâm trí chúng ta, để loan báo tình thương và lòng thương xót của Ngài cả trong những môi trường khô cằn nhất trong các thành thị của chúng ta. Chính Chúa Thánh Linh là người thực sự thực hiện chứng tá đa dạng mà Giáo Hội và mỗi tín hữu đã chịu phép rửa đang thi hành trên thế giới. Vì thế, chúng ta không bao giờ có thể lơ là việc mặc niệm trong kinh nguyện để chúc tụng Thiên Chúa và cầu xin ơn của Chúa Thánh Linh. Trong tuần này, chúng ta hãy để tâm hồn mình ở trong Nhà Tiệc Ly, cùng với Đức Trinh Nữ Maria, để đón nhận Chúa Thánh Linh. Và giờ đây, hiệp với các tín hữu tụ họp tại Đền Thánh Đức Mẹ Pompei nhân lễ khẩn nguyện theo truyền thống, để cầu xin các ơn ấy.

Nhắc nhở và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nhắc nhở rằng: ”hôm nay là ngày Thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50 do Công đồng chung Vatican 2 mong muốn. Thực vậy, khi suy nghĩ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, các Nghị Phụ đã hiểu tầm quan trọng cốt yếu của truyền thông, chúng có thể bắc những nhịp cầu giữa các cá nhân, gia đình, các nhóm xã hội, các dân tộc. Điều này diễn ra trong môi trường thể lý cũng như trong môi trường kỹ thuật số” (sứ điệp 2016). Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả những người hoạt động trong ngành truyền thông và cầu mong sao cho cách thức truyền thông trong Giáo Hội luôn có đặc tính Tin Mừng rõ rệt, một kiểu thức liên kết chân lý với lòng thương xót.

Đức Thánh Cha cũng đặc biệt chào thăm các tín hữu hành hương từ Roma và các nơi, đặc biệt là ở Ba Lan, cũng như những ngừơi tham dự cuộc tuần hành bênh vực sự sống.

Ngài không quên nhắc đến lễ các bà mẹ hôm qua, và mời gọi mọi người với lòng biết ơn hãy nhớ đến các bà mẹ, phó thác các bà mẹ cho Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu. Trong ý hướng đó ngài mời gọi mọi người cùng đọc một kinh Kính Mừng với ngài.

Cũng nên nhắc lại rằng Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay có chủ đề là: ”Truyền thông và lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ phong phú”.

Sứ điệp của có đoạn viết: ”Chúng ta được kêu gọi đả thông với tất cả mọi người trong tư cách là con cái Thiên Chúa, không loại trừ một ai. Đặc biệt chính ngôn ngữ và hoạt động của Giáo Hội thông truyền lòng thương xót, đến độ đánh động tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn là Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người… Thật là đẹp dường nào khi thấy những người dấn thân cân nhắc kỹ lưỡng những lời nói và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành ký ức đã bị tổn thương, và kiến tạo an bình và hòa hợp. Những lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa con người, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số (digital). Vì thế, những lời nói và hành động phải làm sao để giúp chúng ta ra khỏi những vòng lẩn quẩn lên án và báo thù tiếp tục đưa các cá nhân và quốc gia vào những cạm bẫy, khiến họ biểu lộ bằng những sứ điệp oán ghét nhau”.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 ngàn người ”trợ giúp Phi châu”

Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 ngàn người ”trợ giúp Phi châu”

Đức Thánh Cha tiếp kiến 9 ngàn người - trợ giúp Phi châu

VATICAN. ĐTC phê bình sự kiện quyền sức khỏe còn bị phủ nhận tại nhiều nơi ở Phi châu và nhiều khi đây là đặc ân của một thiểu số.

Ngài đưa ra nhận định trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7-5-2016, dành cho 9 ngàn người gồm các bác sĩ, nhân viên y tế, những người thiện nguyện, cộng tác viên, các ân nhân và bạn hữu của Hiệp Hội ”các bác sĩ với Phi châu”, gọi tắt là Cuamm. Đây là tổ chức thiện nguyện đầu tiên trong lãnh vực y tế được nhìn nhận tại Italia và cũng là tổ chức lớn nhất của nước này chuyên thăng tiến và bảo vệ sức khỏe của dân chúng ở Phi châu. Hiệp hội Cuamm được thành lập năm 1950 do sáng kiến của bác sĩ thừa sai Francesco Canova và Đức Cha Girolamo Bortignon, cố GM giáo phận Padova. Ngày nay, hội này hiện diện và hoạt động tại 7 quốc gia Phi châu nghèo nhất ở miền nam Sahara, bênh vực quyền của người nghèo được săn sóc sức khỏe như các bà mẹ và trẻ em, các bệnh nhân HIV-Sida, người bị bệnh lao phổi và tàn tật. Chủ tịch của hội Cuamm hiện nay là Cha Dante Carraro.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC đã gợi lại quá trình hoạt động trên đây của Hội Cuamm và nhiệt liệt cám ơn sự dấn thân của các thành viên hội này như những người Samaritano nhân lành, hoạt động để cứu giúp những người thuộc các tầng lớp dễ bị tổn thương nhất.

Ngài cũng ca ngợi chủ trương của hội Cuamm là ”bác sĩ với Phi châu” chứ không phải là ”cho Phi châu. Hội nhắm đưa dân Phi châu vào tiến trình tăng trưởng, đồng hành, chia sẻ những thảm trạng, vui mừng và đau khổ. Dân chúng là những tác nhân đầu tiên trong tiến trình phát triển chính họ”. (SD 7-5-2015)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Vệ Binh Thụy Sĩ

VATICAN. Sáng 7-5-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các vệ binh Thụy Sĩ, đặc biệt là 23 tân vệ binh vừa làm lễ tuyên thệ chiều ngày 6-5 trước đó. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có đại diện chính quyền Thụy Sĩ và thân nhân của các tân vệ binh.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắn nh các vệ binh hãy tăng trưởng trong đức tin, coi công việc của mình như một sứ mạng được Chúa ủy thác, tận dụng thời gian ở Roma như một cơ hội để đào sâu bình bạn với Chúa Giêsu, vì thế cần nuôi dưỡng tinh thần của mình bằng kinh nguyện, lắng nghe Lời Chúa, sốt sắng tham dự thánh lễ và vun trồng tình con thảo đối với Mẹ Maria.

ĐTC cũng nhắc đến cơ hội của các vệ binh Thụy sĩ được cảm nghiệm đặc tính hoàn vũ của Giáo Hội, qua sự hiện diện của các tín hữu từ các nơi về Roma hành hương. Sau cùng ngài đặc biệt nhắn nhủ các vệ binh hãy cảm nghiệm đời sống huynh đệ, quan tâm và nâng đỡ nhau trong công việc thường nhật, biết đề cao đời sống chung, chia sẻ những lui vui mừng và những khó khăn, để ý đến những người lân cận, nhiều khi chỉ cần một cử chỉ khích lệ, một nụ cười và tình thân hữu. Ngài nói: ”Khi có những thái đọ như thế, anh em sẽ được nâng đỡ để chuyên cần và kiên trì chu toàn những công tác lớn nhỏ trong việc phục vụ hằng ngày, chứng tỏ lòng tử tế và tinh thần hiếu khách, vị tha và nhân bản đối với tất cả mọi người”.

23 tân vệ binh Thụy Sĩ đã tuyên thệ sẵn sàng bảo vệ ĐTC, dù có phải hy sinh tính mạng, trong buổi lễ do Đức TGM Angelo Becciu, Phụ tá quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tọa tại sân Damaso trong nội thành Vatican, và trong số các quan khách hiện diện cũng có tổng thống Liên bang Thụy Sĩ.

Trước đó, vào ban sáng cùng ngày 6-5-2016, các vệ binh Thụy Sĩ đã tham dự thánh lễ do ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trong bài giảng, ĐHY nhắc nhở các vệ binh rằng ”Ơn gọi của mỗi tín hữu được chịu phép rửa là sống như chứng nhân của Chúa Kitô mỗi ngày, trong cuộc sống cụ thể.. Các bạn là những chứng nhân của Chúa Kitô tại Roma này, cũng như tại quê hương Thụy Sĩ và tại bất kỳ nơi nào các bạn đi tới, và trong một thế giới mong ước ánh sáng và sự sống, nhưng nhiều khi người ta không có can đảm đón nhận. Các bạn hãy làm chứng nhân cho Chúa giữa những người đồng lứa tuổi, họ khao khát ý nghĩa và sự sung mãn. Các bạn hãy nói với họ rằng thật là bõ công khi theo đuổi những điều cao cả và tươi đẹp, dù có phải dấn thân vất vả”.

ĐHY Quốc vụ khanh cũng nhắc đến biến cố ngày 6-5 năm 1527, trong vụ Roma bị cướp phá, 147 vệ binh Thụy Sĩ đã hy sinh tính bảng để bảo vệ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. ”Họ thực là những anh hùng cần noi theo không chút do dự”.

Và ĐHY Parolin kết luận rằng: ”Các vệ binh thân mến, các bạn đừng chờ đợi, hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, làm chứng tá, qua sự trung thành phục vụ ĐTC, với tình huynh đệ và quan hệ tốt đẹp giữa các bạn với nhau, và với gương sống đức tín của các bạn, trong niềm xác tín Chúa hằng sống và cảm thương, Chúa gần gủi con người và muốn ban cho họ an bình, vui tươi và sự sung mãn đích thực để chữa lành mọi vết thương”.

Đoàn vệ binh Thụy Sĩ ở Vatican có 110 người, các vệ binh thường đăng ký phục vụ 2 năm. (RG 6,7-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

Trao tặng giải thưởng Carlo Magno cho Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi Âu Châu nhớ lại dự phóng của các tiền nhân và kiến tạo một Âu Châu hiệp nhất, vượt lên trên những cám dỗ xây dựng những bức tường chia cách, thay vì bắc những nhịp cầu liên đới.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây sáng hôm qua, 6-5, nhân dịp nhận giải thưởng Carlo Magno (Charlemagne) trong một buổi lễ tại Vatican trước sự hiện diện của hàng trăm vị lãnh đạo chính trị và đại biểu nghị viện Âu Châu.

Giải thưởng này chỉ trị giá 5 ngàn Euro và kèm theo một mề đai, một mặt có hình Carlo Magno, hoàng đế của người Franc hồi thế kỷ thứ 8 và được coi là ”người cha của Âu Châu”. Tuy nhiên, giải này được coi là rất quan trọng về mặt ảnh hưởng và uy tín. Cha Lombardi Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết thông thường ĐTC từ chối không nhận các giải thưởng, nhưng ngài nhận giải này để khích lệ vai trò của Âu Châu đối với nền hòa bình trên thế giới.

Trong diễn văn nhân dịp này, ĐTC nhắc đến những dự phóng của những người thành lập Âu Châu trong thế kỷ 20 sau những biến cố đụng độ đau thương qua các cuộc thế chiến. Nhưng ngày nay, ước muốn xây dựng Âu Châu dường như đang tắt lịm, và chúng ta, những người con của giấc mơ hiệp nhất ấy đang bị cám dỗ chiều theo những ích kỷ của mình, nhìn tư lợi và nghĩ đến việc xây dựng những tường thành riêng. Nhưng tôi xác tín rằng thái độ cam chịu và mệt mỏi ấy không phải là điều thuộc về tâm hồn Âu Châu và đàng khác những khó khăn có thể trở thành những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất”.

ĐTC cũng cổ võ công trình tiếp tục xây dựng Âu Châu, một công trình dài hạn, qua những thực hiện cụ thể, kiến tạo tình liên đới thực tiễn và cụ thể. Ngài nói: ”Chính lúc này, trong thế giới chúng ta đang bị xâu xé và thương tổn, cần trở lại với tình liên đới thực tiễn, lòng quảng đại cụ thể tiếp theo sau thế chiến thứ hai, vì hòa bình thế giới không thể cứu vẫn nếu không có những nỗ lực trong tinh thần sáng tạo, tương ứng với những nguy hiểm đang đe dọa hòa bình. Những dự phóng của các vị sáng lập Âu Châu, là những sứ giả hòa bình và tiên báo tương lai, vẫn không bị lỗi thời: ngày nay hơn bao giờ hết, những dự phóng ấy vẫn còn gợi hứng, để xây dựng những cây cầu và phá đổ các bức tường. Những dự phóng ấy dường như nói lên một lời mời gọi tha thiết đừng hài lòng với những sửa chữa bề ngoài, hoặc những thỏa hiệp quanh quéo để sửa chữa vài hiệp định, nhưng là can đảm đặt những nền tảng mới, ăn rễ sâu vững chắc, như Alcide De Gasperi đã nói, ”Tất cả mọi người đều được linh hoạt nhờ mối quan tâm đối với công ích của các tổ quốc chúng ta ở Âu Châu, Tổ Quốc Âu Châu chung của chúng ta, không sợ bắt đầu lại công việc xây dựng đang đòi hỏi những cố gắng kiên nhẫn cộng tác dài hạn của chúng ta”.

Nhân buổi trao giải thưởng cho ĐTC, chiều thứ năm, 5-5 vừa qua, đã có một cuộc hội thảo ở Roma với nhiều nhân vật như Chủ tịch Hội đồng Âu Châu ông Donald Tusk, người Ba Lan, Chủ tịch Nghị viên Âu Châu ông Martin Schultz, người Đức, Chủ tịch Ủy ban hành pháp Âu Châu, ông Jean-Claude Juncker, người Luxembourg. Ngoài ra cũng có sự tham dự của thủ tướng Đức và thủ tướng Italia.

Sáng ngày, 6-5-2016, ĐHY Walter Kasper người Đức, đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cho các tham dự viên. Và ban trưa các đại diện Âu Châu đã họp mặt tại Sảnh đường Regia ở dinh tông tòa để dự buổi trao giải thưởng. (SD 6-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu không tê liệt vì đau khổ

Kitô hữu không tê liệt vì đau khổ

Niềm vui và sự lo buồn của người phụ nữ khi sinh con

VATICAN. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu, 06.05, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng: “Kitô hữu không tê liệt trước những đau khổ nhưng vượt qua những đau khổ trong niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ ban cho niềm vui; và niềm vui ấy, không ai lấy mất được.”

Niềm vui và sự lo buồn của người phụ nữ khi sinh con

Được khởi hứng từ những bài đọc ngày hôm nay, khi Đức Giêsu cảnh giác các môn đệ về nỗi lo lắng, muộn phiền sẽ đến với các ông nhưng nỗi buồn ấy sẽ trở thành niềm vui; Đức Thánh Cha đã đặt vấn đề: “Làm thế nào để các Kitô hữu có thể duy trì mãi được niềm vui và hy vọng của họ, cho dù có ở giữa những đau khổ, muộn phiền? Đức Giêsu đã dùng hình ảnh của người phụ nữ lúc lâm bồn và nói rằng: ‘Khi sinh con người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa.’ Bà đã mang niềm hy vọng vượt qua những đau khổ và sau đó bà đã mừng vui.

Chúng ta cũng có thể có đươc niềm vui và hy vọng này, cho dù chúng ta phải đối mặt với những cơ cực, với những vấn nạn hay khi chúng ta sầu khổ. Chúng ta không rơi vào trạng thái tê liệt. Đau khổ đúng là đau khổ, nhưng nếu ta biết vượt qua nó với niềm vui và hy vọng thì nó sẽ mở ra trước mắt chúng ta một cánh cửa chan chứa niềm vui, vì ‘một con người đã sinh ra trong thế gian’. Hình ảnh mà Đức Giêsu sử dụng giúp chúng ta hy vọng hơn trong những gian nan, nguy khốn. Những gian nan, nguy khốn rất đáng sợ, thậm chí có thể khiến chúng ta lung lay mất đức tin… Nhưng với niềm vui và hy vọng, chúng ta bước về phía trước, vì sau cơn mưa trời lại sáng, sau đau khổ sẽ là niềm vui chan chứa, giống như người phụ nữ khi sinh con.

Niềm vui và hy vọng – không phải là tinh thần lạc quan

Niềm vui và hy vọng của các Kitô hữu luôn bện chặt vào nhau. Và chúng ta đừng lẫn lộn chúng với những hạnh phúc đơn giản hay tinh thần lạc quan. Niềm vui mà không có hy vọng thì chỉ là vui, một hạnh phúc tạm thời, mong manh. Hy vọng mà không có niềm vui sẽ không phải là hy vọng và cũng không thể vươn tới được một tinh thần lạc quan lành mạnh. Niềm vui và hy vọng luôn bước song hành với nhau và sẽ tạo ra một cảm xúc bùng nổ đến vỡ òa trong Giáo hội: ‘Giáo hội hãy vui mừng hoan hỷ. Hãy mừng vui.’ Khi mừng vui hoan hỷ, người ta sẽ không còn phải chăm chú vào những nghi lễ, quy định, phép tắc nữa. Chỉ có niềm vui mà thôi.

Niềm vui và hy vọng có mối tương quan biện chứng với nhau. Chúng giúp nuôi dưỡng Giáo hội, thúc đẩy Giáo hội mở ra với tất cả mọi người. Niềm vui củng cố hy vọng và hy vọng trổ sinh từ niềm vui. Chúng ta sẽ bước về phía trước trong tư thế vui mừng và hy vọng. Chính hai nhân đức này giúp chúng ta và giúp Giáo hội mở lòng ra với tha nhân. Những ai có niềm vui chẳng khép mình lại bao giờ; hy vọng giúp ta mở ra. Hai nhân đức này giống như mỏ nẻo trên cửa biển Nước Trời kéo chúng ta đi lên và đi ra với mọi người.

Niềm hoan lạc vĩnh cửu

Niềm vui thế trần có thể bị lấy mất bất cứ lúc nào. Trong khi đó, Đức Giêsu ban cho chúng ta niềm vui vĩnh cửu, không ai có thể lấy mất được. Niềm vui ấy vẫn tồn tại, cho dù chúng ta có bị chìm ngập trong những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời, giống như các Tông đồ được thiên thần an ủi sau khi Đức Giêsu về trời, đã tìm lại được niềm vui và hạnh phúc. Đó là niềm vui khi biết rằng giờ đây con người có thể đặt chân vào thiên đàng. Niềm vui ấy đang tràn ngập toàn thể Giáo hội hôm nay.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Đại học Công giáo Đức Maria thành lập trung tâm Biển Đức XVI

Đại học Công giáo Đức Maria thành lập trung tâm Biển Đức XVI

Đức Giáo Hoàng Biển Đức

Trường đại học Đức Maria ở Luân đôn, đại học Công giáo lớn nhất của Anh quốc vừa thành lập một trung tâm nghiên cứu mới, với tên gọi “Trung tâm Biển Đức XVI”. Đại học này được thành lập năm 1850 như là một trong những hoạt động của hàng giáo phẩm Công giáo mới được phục hồi; là đại học Công giáo duy nhất ở London.

Nguyên tổng thư ký giáo dục của đại học đã phát biểu trong buổi khánh thành rằng bà tin rằng trung tâm này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong đời sống công chúng. Bà cũng nói là trung tâm sẽ có một căn tính Công giáo mạnh mẽ cùng với một chương trình nghiên cứu chuyên về chính trị, kinh tế và khoa học xã hội.

Trung tâm được đề xuất lần đầu tiên sau cuộc viếng thăm nước Anh của Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức XVI, khi ngài đến thăm đại học Đức Maria. Trong cuộc viếng thăm, Đức nguyên giáo hoàng đã nói về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa đức tin và lý trí, và sự cần thiết của một cuộc đối thoại giữa tôn giáo và chính trị.

Stephen Bullivant, giám đốc trung tâm, cũng là một biên tập viên của Catholic Herald, đã nêu bật những nguyên tắc này trong bài phát biểu ở buổi khai mạc. Ông nói rằng trung tâm sẽ mang những sự phong phú của truyền thống Công giáo, của tư tưởng xã hội của Công giáo, sự phong phú của giáo huấn Công giáo về đức tin và lý trí vào trong cuộc đối thoại quốc gia.

Hoạt động của trung tâm sẽ bao gồm một diễn đàn nghiên cứu Công giáo, cung cấp nghiên cứu thực nghiệm nghiêm túc hữu ích về muc vụ để phục vụ Giáo hội. Nó được các giám mục Anh và xứ Wales ủy quyền để nghiên cứu dân số không theo tôn giáo của Vương quốc Anh.

Dự án cấp thời khác bao gồm việc nghiên cứu thông điệp Humanae Vitae của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và hệ quả của nó – một dự án có đỉnh điểm là một tài liệu được soạn thảo cho lễ kỷ niệm lần thứ 50 của thông điệp vào năm 2018; một loạt hội thảo về Tư tưởng xã hội Công giáo, Chính trị và Xã hội, được hướng dẫn bởi Giáo sư Philip Booth, mà sẽ mang giáo huấn của Giáo Hội với các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay gần lại với nhau; và một dự án nghiên cứu về niềm tin phi tôn giáo, được tài trợ bởi Quỹ Templeton và được thực hiện với sự hợp tác của Trường Đại học Coventry và London College
Trung tâm cũng sẽ  nghiên cứu lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về một “sân chơi” của dân ngoại – một nơi mà các tín hữu có thể nói chuyện với người không tin.  Khai mạc của sự kiện được dự định vào cuối năm nay.

Cha Friedrich, điều phối viên quốc tế của Bộ giáo dục Công giáo của Vatican cho biết là cha đã thưa với Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức về trung tâm này và ngài đã chúc lành cho trung tâm. Cha cũng cho là việc đăt tên của trung tâm theo tên Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức là thích hợp. Đức nguyên giáo hoàng Biển Đức đã không sợ sự thật, nhưng khuyến khích các tín hữu Công giáo đón nhận sự thật dù nó đến từ bất cứ nơi đâu vì không có sự thật nào trái ngược với Tin Mừng. (Catholic Herald 6/5/2016)

Hồng Thủy OP

Giấc mơ cuối cùng của cha Fausto Pops Tentorio

Giấc mơ cuối cùng của cha Fausto Pops Tentorio

Cha Tentorio

Cha Pops sinh năm 1952, trong một làng nhỏ quận Brianza, vùng Lombardia, Italia. Cha đã gia nhập chủng viện Saronno để học làm Linh mục, nhưng năm 1974 cha chuyển sang chủng viện của hội truyền giáo Giáo hoàng hải ngoai, gọi tắt là Pime, để chuẩn bị cho sứ vụ truyền giáo, đến với muôn dân, mà cha cảm thấy mình được mời gọi. Hai năm sau khi được lãnh thánh chức Linh mục, vào năm 1979, cha bắt đầu sứ vụ truyền giáo tại đảo Mindanao, một hòn đảo lớn ở miền nam Phi luật tân, thường được gọi là “miền viễn Tây của Phi luật tân”. Vùng đất cha đến truyền giáo có hàng trăm ngàn héc-ta rừng, đất trồng trái cây, và nhất là các mỏ vàng và đồng. Những cánh đồng phì nhiêu bị các nhóm thực dân chiếm hữu, những kẻ bóc lột chỉ muốn tống khứ nhóm dân sắc tộc “manobo” khỏi lãnh thổ của họ.

Cha Pops được sai đến các nơi khác nhau trong giáo phận Kidapawan, sống và làm việc với những người bị bỏ rơi, đẩy mạnh việc thực thi dân chủ trong bối cảnh của bạo lực của những khu vực này, và cuối cùng cha đến truyền giáo tại Arakan suốt hơn 20 năm, cho đến khi cha bị giết vào ngày 17/10/2011. 

Cha Pops sống trong một căn lều làm bằng tre, lợp mái tôn. Đầu tiên cha tập trung, bắt đầu các công tác mục vụ bình thường của giáo xứ, chiến đấu chống lại các dịch bệnh, chiến tranh. Sau đó cha đã đến với nền văn hóa manobo, đến với tôn giáo thờ kính Manama, hữu thể tối cao, của họ. Cha Pops giúp các cộng đoàn bước ra khỏi sự cô lập bằng cách thành lập hiệp hội các bộ tộc “manobo”, tập họp các bộ tộc lại để cùng cộng tác trong việc nông nghiệp. Cha thuyết phục chính quyền Manila nhìn nhận rằng những vùng đất xa xưa đó là của các bộ tộc manono và ngăn chặn các hoạt động khai thác mỏ.

Những việc làm của cha cản trở hoạt động của những kẻ bất lương nên cha đã bị chúng đe dọa, nhưng cha không vì sợ hãi mà dừng lại. Họ tổ chức phục kích cha nhiều lần nhưng cha đều trốn thóat được. Cha không sợ những hành động đe dọa của họ mà ngay các anh em cùng hội truyền giáo đã nhắc nhở với cha. Ngày 17 tháng 10 năm 2011, khi vừa ra khỏi giáo xứ ở Arakan để đi họp ở giáo phận, cha đã bị một kẻ bịt mặt đi xe motor bắn vào đầu và lưng. Cha đã qua đời trên đường đi cấp cứu. Cha muốn được chôn cất trong một quan tài làm từ gỗ của một cây mà cha đã trồng và được chôn cất ở Kidapawan, trung tâm giáo phận.

“Đó là một người bạn của cha Pops!” Mỗi khi tên của cha Pops được nhắc đến là có một gương mặt lại sáng lên. Dù cha Pops đã qua đời vài năm rồi, và hơn nữa, thung lũng Arakan, nơi cha bị giết vì bảo vệ các bộ tộc, rất xa vùng miền núi Talaingod, nhưng những dấu ấn cha để lại cho cộng đoàn dân chúng ở Talaingod vẫn không hề phai nhạt. Cộng đồng Manobo ở Talaingod vẫn nhớ rất rõ về cha. Đây là một vùng nằm sâu trong vùng rừng rậm của Davao. Để đến được nơi đây, người ta phải đi qua những cánh đồng chuối bát ngát như vô tận cho đến Santo Ninho, rồi đi xe moto trên những con đường lầy lội ngập bùn đến một ngôi làng với các túp lều dựng lên từ gỗ và lá dừa. Cha Pops là Linh mục đầu tiên đến với cộng đồng này và cùng với Hiệp hội các thừa sai nông thôn của Phi luật tân, cha đã kết nối các bộ tộc ở Mindanao, mở rộng hoạt động truyền giáo của cha vượt khỏi ranh giới của giáo phận Kidapawan. Cha đã mở ngôi trường đầu tiên ở Talaingod vì theo cha “giáo dục là con đường đúng đắn để tổ chức các cộng đoàn và giúp họ bảo vệ quyền lợi của mình. Cha đã viết trong di chúc của mình: “Ước mơ của bạn cũng là ước mơ của tôi, cuộc chiến của bạn cũng là cuộc chiến của tôi. Bạn và tôi, chúng ta là một, cùng liên kết để xây dựng nước Chúa.”

Talaingod ngày nay đã thay đổi, không phải chỉ ở bề mặt bên ngoài, đó là hoa trái của những hy sinh của cha Pops. Ngôi trường ở Dulyan đã trở thành tâm điểm cho nhiều cộng đoàn nhỏ rải rác khắp trong rừng. Ngôi trường mới được các người dân làng chung sức xây dựng lại, những người trước kia là các chiến binh thường gây chiến với nhau và điều này đã làm cho họ bị yếu thế khi phải chống lại những kẻ cướp đất của họ. Họ đã cùng nhau đào xới đất bàng tay chân vì không có dụng cụ, cùng chuyên chở tùng bao xi măng từ cách đó cả giờ đồng hồ. Ngôi trường đang tạo nên sự liên kết giữa họ. Đây là thành quả mà cha Pops mong đợi: các người dân cộng tác với nhau.

Nỗi nhớ cha Pops không dừng lai ở tình cảm nhưng được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Quỹ cha Pops dược thành lập để tiếp tục các chương trình cha đã khởi đầu và cần sự hỗ trợ để phát triển. Nhờ cha Pops, ở làng Talaingod có một máy phát điện hoạt động vài giờ mỗi chiều để chiếu sáng và xạc pin điện thoại, giúp người dân có thể liên lạc và không bị cô lập. Đoàn truyền giáo sức khỏe của quỹ cha Pops mỗi năm gửi đoàn y tế đến để kiểm tra sức khỏe dân làng thay vì các y tá trong các trạm y tế. Trên hết, có một thế hệ trẻ ở đây cũng ước mơ sẽ trở thành các giáo viên hay y tá như các người trẻ lumad đã lớn lên cùng với cha Póps và bây giờ đang sống ở đây cùng với họ. (Mondo Misione 10/2014)

Hồng Thủy OP

Bách hại – cái giá của việc làm chứng cho Chúa

Bách hại – cái giá của việc làm chứng cho Chúa

Thánh lễ sáng thứ Hai, 02.05, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta sức mạnh để trở nên những chứng nhân của Đức Giêsu ngay giữa những bách hại. Có những bách hại lớn đòi chúng ta phải hy sinh mạng sống mình, nhưng cũng có những bách hại nho nhỏ là những lời đàm tiếu, phê bình và chỉ trích. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 02 tháng 05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Chúng ta đã đến gần Lễ Ngũ Tuần và các bài đọc trình bày cho chúng ta nhiều hơn về Chúa Thánh Thần. Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Thiên Chúa đã mở lòng cho bà để bà chú ý đến những lời ông Phao-lô nói.

Người phụ nữ này đã cảm nhận được điều gì đó trong tâm hồn khiến bà cất tiếng nói: ‘Điều này thật đúng đắn! tôi đồng ý với những gì mà người ấy (Thánh Phao-lô) nói. Ông ấy đã làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh. Và những lời ông nói đều chân thật.’ Nhưng ai đã đụng chạm lay động trái tim của người phụ nữ này? Ai đã nói với bà: ‘Hãy lắng nghe, vì đó là sự thật’? Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho người phụ nữ này nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa; giúp bà khám phá ra ơn cứu độ ngang qua những lời mà Thánh Phao-lô rao giảng; và giúp bà lắng nghe được những lời chứng ấy. Chúa Thánh Thần đã làm chứng về Đức Giêsu. Mỗi lần chúng ta cảm thấy có điều gì kéo chúng ta lại gần với Giêsu, thì đó chính là Chúa Thánh Thần đang làm việc trong tâm hồn chúng ta.

Tin Mừng nói về một chứng tá kép: một là của Chúa Thánh Thần, Đấng làm chứng về Đức Giêsu; và hai là chính những lời chứng của chúng ta. Chúng ta là những chứng nhân của Thiên Chúa với sức mạnh của Thánh Thần. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ đừng để mình bị vấp ngã, vì làm chứng sẽ dẫn đến những bách hại. Từ những bách hại nho nhỏ của những lời dèm pha, chỉ trích đến những bách hại lớn – đã xảy ra nhiều trong lịch sử Giáo hội – khiến các Kitô hữu phải chịu cách lao tù hay thậm chí phải hy sinh cả mạng sống của mình.

Đó chính là cái giá của việc làm chứng cho Đức Giêsu: ‘Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.’ Kitô hữu, với sức mạnh của Thần Khí, can đảm làm chứng rằng Đức Giêsu vẫn sống, Ngài đã phục sinh và luôn ở giữa chúng ta. Đức Giêsu sẽ cùng với chúng ta cử hành việc Ngài chịu chết và phục sinh mỗi khi chúng ta quây quần với nhau bên cạnh bàn thờ. Với sự giúp sức của Thần Khí, các Kitô hữu biết làm chứng tá cho Chúa ngay cả trong cuộc sống thường ngày ngang qua cách hành xử và làm việc của mình. Những lời chứng của các Kitô hữu vẫn còn tiếp tục. Nhưng chúng cũng gặp phải nhiều công kích, bách hại, khủng bố.

Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nhận biết Đức Giêsu. Ngài thôi thúc chúng ta nhận biết Giêsu không chỉ bằng những lời nói nhưng bằng chính chứng tá đời sống.

Như vậy, sẽ thật tốt đẹp nếu chúng ta biết nài xin Chúa Thánh Thần đến ngự trong tâm hồn chúng ta để giúp chúng ta làm chứng về Đức Giêsu. Chúng ta hãy thân thưa với Ngài: ‘Lạy Chúa, xin kéo con đến gần với Giêsu. Xin soi sáng cho con hiểu những gì mà Đức Giêsu đã dạy. Nhắc nhớ cho con tất cả những gì mà Đức Giêsu đã làm và giúp con dám can đảm làm chứng về tất cả những điều này. Xin gìn giữ con, để tinh thần thế gian, những việc dễ dàng thoải mái đến từ cha của sự dối trá, thủ lãnh thế gian này, là tội lỗi, không làm con xa lìa việc làm chứng cho Chúa.’”

Vũ Đức Anh Phương SJ

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

900 nữ Bề trên Tổng quyền về Roma dự Đại Hội

ROMA. 900 nữ Bề trên Tổng quyền thuộc các dòng trên thế giới sẽ nhóm đại hội 3 năm một lần tại Roma từ ngày 9 đến 13-5-2016 về chủ đề ”Kiến tạo tình liên đới hoàn cầu cho sự sống”.

Đại Hội này do Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ tổ chức lần thứ 20. Đặc biệt lần này có 4 Bề trên Tổng Quyền của 4 dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam cũng được tài trợ để có thể tham dự, không kể một số vị khác thuộc dòng Chúa Quan Phòng Portieux, hay dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp.

Trong thông cáo, Văn phòng Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền dòng nữ cho biết chủ đề khóa họp nói đến những thách đố gọi hỏi các tham dự viên liên quan đến ”những dấu chỉ thời đại” như Trái Đất là căn nhà chung, các khu vực ngoại ô của cuộc sống và của xã hội, như những người di dân, nạn buôn người, vấn đề hòa bình, và câu trả lời tông đồ trong tư cách là những phụ nữ thánh hiến.

Trong số các thuyết trình viên có nữ tu Rosemarie Nassif, người Mỹ, dòng Các Trường Học Đức Bà (SSND), thuộc tổ chức Conrad N. Hilton, nói về sự nâng đỡ dành cho tình chị em giữa các nữ tu trên thế giới.

Vào cuối đại hội, sẽ có một tuyên ngôn chung kết được công bố, chứa đựng những quyết tâm cụ thể trong các thách đố về môi trường và xã hội ngày nay. Ngoài ra, ĐTC cũng sẽ tiếp kiến các nữ Bề trên, dự kiến vào ngày thứ năm, 12-5 tới đây.

Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, trong Giáo Hội hiện có 683 ngàn nữ tu đã khấn, thuộc khoảng 2 ngàn dòng nữ (SD 1-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP   

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

Đức Thánh Cha tiếp tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

Đức Thánh Cha tiếp kiến tổng tu nghị Dòng Đức Mẹ Chuộc kẻ làm tôi

VATICAN. ĐTC khích lệ các tu sĩ dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi (mercedari) dấn thân trong sứ vụ ngôn sứ, loan báo Lời Chúa trong các môi trường ”ngoại ô” của cuộc sống con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ hai 2-5-2016 dành cho 50 thành viên tổng tu nghị dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi, nhân dịp bắt đầu kỷ niệm 800 năm thành lập dòng (1218).

ĐTC nhắc đến chủ đề của Tổng tu nghị là ”ký ức và ngôn sứ trong các khu ngoại ô của tự do” và đề cao bao nhiêu thành tích của dòng trong 8 thế kỷ qua như cứu chuộc những người bị bắt làm nô lệ, dấn thân truyền giáo ở tân thế giới, bao nhiêu phần tử của dòng nổi bật về đời sống thánh thiện và trí thức. Ngài đặc biệt nhấn mạnh sứ vụ ngôn sứ mà dòng đang nhắm phát triển. ĐTC nói:

”Vị ngôn sứ là người được sai đi, được xức dầu, đã nhận lãnh ơn của Chúa Thánh Linh để phục vụ dân thánh của Thiên Chúa. Anh em cũng đã nhận lãnh một hồng ân và được thánh hiến để thi hành một sứ mạng là công trình từ bi thương xót: theo Chúa Kitô, mang Tin Mừng đến cho người nghèo và giải thoát kẻ bị tù đày (Xc Lc 4,18). Anh em thân mến, lời khấn dòng của chúng ta là một hồng ân và là một trách nhiệm lớn, nhưng chúng ta mang nó trong bình sành. Chúng ta không cậy dựa vào sức riêng của mình, nhưng luôn tín thác nơi lòng thương xót của Thiên Chúa”.

Trong bối cảnh này, ĐTC đề cao tầm quan trọng của sự tỉnh thức, kiên trì trong việc nguyện gẫm, vun trồng đời sống nội tâm. Đó là những cột trụ nâng đỡ chúng ta. Nếu Thiên Chúa hiện diện trong đời sống anh em, thì niềm vui mang Tin Mừng của Chúa sẽ là sức mạnh và là niềm vui của anh em”. Ngài cũng nhắc nhở rằng ”vị ngôn sứ đi tới các khu ngoại ô, vì thế cần phải mang hành lý nhẹ. Chúa Thánh Linh là làn gió nhẹ thúc đẩy chúng ta tiến bước.”

Dòng Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi do cha Pietro Nolasco thành lập năm 1218 tại thành Barcelona, Tây Ban Nha với mục đích nguyên thủy là giải thoát các tín hữu Công Giáo bị bắt làm nô lệ cho người Hồi giáo. Vì thế ngoài ba lời khấn thông thường, các tu sĩ của dòng có lời khấn cứu chuộc, dấn thân sẵn sàng đổi mạng cho các tù nhân có nguy cơ chối bỏ đức tin. Hiện nay dòng có 681 tu sĩ, trong số này có 529 LM, và hoạt động tại 159 nhà trên thế giới, theo niên giám năm nay của Tòa Thánh.

Sau công đồng Trento vào năm 1603, một số tu sĩ của dòng thành lập nhánh cải tổ và sống nhặt phép, nhưng hiện nay nhánh này chỉ còn 34 tu sĩ. (SD 2-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP