Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 15-10-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 15-10-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư 15-10-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC đã diễn giải về đề tài ”Giáo hội là hôn thê chờ đợi Hôn Phu của mình”.

ĐTC tạm vắng mặt khỏi phiên họp trong nhóm nhỏ của các nghị phụ Thượng HĐGM thế giới về gia đình, và lúc quá 9 giờ rưỡi sáng ngài tiến vào quảng trường thánh Phêrô trên chiếc xe díp màu trắng mui trần để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ sách Khải Huyền của thánh Gioan nói về vị hôn thê trang điểm chờ đợi hôn phu và Giáo hội như thành Jerusalem thiên quốc, ĐTC đã trình bày bài thứ 9 trong loạt bài giáo lý về Giáo Hội, và ngài bàn về chủ đề: ”Giáo Hội hôn thê chờ đợi Hôn Phu của mình”.

Huấn dụ của ĐTC

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em. Trong thời gian này chúng ta đã nói về Giáo hội, về Mẹ Giáo hội thánh thiện và có phẩm trật, là Dân Thiên Chúa đang lữ hành.

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: sau cùng, dân Chúa sẽ ra sao? Mỗi người chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta phải chờ đợi cái gì? Thánh Phaolô Tông Đồ trấn an các tín hữu Kitô thuộc Cộng đoàn Tessalonica, là những người đặt ra những câu hỏi ấy và sau khi lý luận thánh nhân nói những lời này thuộc vào những lời đẹp nhất của Tân Ước:
“Và như thế chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn mãi!” (1 Ts 4,17). Những lời này đơn sơ, nhưng rất xúc tích về hy vọng.

Thật là biểu tượng như trong sách Khải Huyền của thánh Gioan, nhắc lại trực giác của các Ngôn Sứ, và đã mô tả chiều khích cuối cùng, chung kết, như ”Thành Jerusalem mới, xuống từ trời, từ nơi Thiên Chúa, sẵn sàng như hôn thể trang điểm đón chờ Hôn Phu của mình” (Kh 21,2). Đó là điều đang chờ đợi chúng ta! Vậy Giáo Hội là ai? thưa là Dân Thiên Chúa đi theo Chúa Giêsu và chuẩn bị ngày qua ngày cho cuộc gặp gỡ với Chúa, như một hôn thê chuẩn bị gặo hôn phu của mình. Đó không phải là một kiểu nói; sẽ có những hôn lễ thực sự! Đúng vậy, vì Chúa Kitô, khi làm người như chúng ta và làm cho tất cả chúng ta trở thành điều duy nhất với Ngài, qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Ngài đã thực sự kết hôn với chúng ta và làm cho chúng ta trở nên hôn thê của Ngài. Điều này không là gì khác hơn là sự viên mãn kế hoạch hiệp thông và yêu thương được Thiên Chúa thực hiện qua dòng lịch sử.

”Nhưng có một yếu tố khác, an ủi và ủng cố chúng ta, mở rộng con tim chúng ta: thánh Gioan nói với chúng ta rằng trong Giáo Hội là hôn thê của Chúa Kitô, ”thành Jerusalem mới” trở nên hữu hình. Điều này có nghĩa là Giáo Hội, không những là hôn thê, nhưng còn được kêu gọi trở nên thành thị, biểu tượng tuyệt hảo của sự sống chung và quan hệ giữa con ngừơi với nhau. Vì thế, thật là đẹp khi có thể chiêm ngưỡng ngay từ bây giờ một hình ảnh khác rất xúc tích của sách Khải Huyền, tất cả các dân nước được tập hợp với nhau trong thành ấy, như trong một căn lều, ”lều của Thiên Chúa” (Xc Kh 21,3)! Và trong khung cảnh vinh quang đó sẽ không còn cô lập, thiếu thốn và những phân biệt nào – về mặt xã hội, chủng tộc và tôn giáo – nhưng tất cả chúng ta sẽ được hiệp nhất trong Chúa Kitô.

Đứng trước cảnh tượng chưa từng có và tuyệt vời ấy, con tim chúng ta không thể không cảm thấy được củng cố một cách mạnh mẽ trong niềm hy vọng. Anh chị em hãy xem, niềm hy vọng Kitô không phải chỉ là một ước muốn, một mong ước, không phải là lạc quan: đối với Kitô hữu, hy vọng là chờ đợi, nồng nhiệt chờ đợi, say mê mong sự viên mãn chung kết một mầu nhiệm, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, trong đó chúng ta được tái sinh và đang sống. Và đó là sự chờ đợi người sắp đến: đó là Chúa Kitô ngày càng trở nên gần gũi chúng ta, ngày qua ngày, và Ngài đến để dẫn đưa chúng ta vào cuộc hiệp thông viên mãn và an bình của Ngài. Vì thế, Giáo Hội có nghĩa vụ phải giữ cho ngọn đèn hy vọng luôn cháy sáng và hữu hình, để có thể tiếp tục chiếu tỏa như dấu chỉ cứu độ chắc chắn và có thể soi sáng cho toàn thể nhân con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ với tôn nhan từ bi của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, này đây điều mà chúng ta đang mong đợi: chúng ta đợi Chúa Giêsu trở lại! Giáo Hội hôn thê chờ đợi hôn phu của mình! Nhưng chúng ta phải tự hỏi rất chân thành: chúng ta có thực sự là những chứng nhân sáng ngời và đáng tin cậy về niềm hy vọng ấy hay không? Các cộng đoàn của chúng ta có còn sống trong dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô và nồng nhiệt chờ đợi Chúa đến hay không, hay là tỏ ra mệt mọi, ngái ngủ, dưới gánh nặng của mệt mỏi và cam chịu? Chúng ta có nguy cơ hết dầu đức tin và vui mừng hay không! Chúng ta hãy chú ý!

Chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ hy vọng và là nữ vương trời cao, xin Mẹ luôn giữ chúng ta trong thái độ lắng nghe và chờ đợi, để có thể ngay từ bây giờ được thấm nhiễm tình yêu Chúa Kitô và một ngày kia được tham phần niềm vui vô tần, trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Anh chị em đừng bao giờ quên câu ”Và chúng ta sẽ luôn ở với Thiên Chúa!” Chúng ta hãy lập lại câu này ba lần.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Chào nhóm tiếng Anh, ĐTC đặc biệt nhắc đến các đoàn đến từ Anh quốc, Ecosse, Na Uy, Đan Mạch, Ấn độ, Nhật Bản, Thái Lan, Australia và Hoa Kỳ, đặc biệt là đoàn hành hương toàn quốc Ai Len nhân dịp kỷ niệm 1.400 năm thánh Colombano qua đời.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, nhất là các tín hữu đến từ Brazil, ngài xin họ cầu nguyện cho ngài và nhắn nhủ rằng gia đình anh chị em hãy họp nhau hằng ngày để đọc kinh Mân Côi, dưới cái nhìn của Đức Mẹ, để trong gia đình không bao giờ bị thiếu dầu đức tin và niềm vui, nảy sinh từ cuộc sống của các phần tử được hiệp thông với Thiên Chúa.

Với các tín hữu nói tiếng Ba Lan, ĐTC nhắc nhở rằng ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh Têrêxa Chúa Giêsu, thuộc dòng Cát Minh nhặt phép, trinh nữ và tiến sĩ Hội Thánh. Trái lại ngày mai chúng ta kỷ niệm Thánh Gioan Phaolô 2 được bầu làm Giáo Hoàng. Hai vị thánh này được liên kết với nhau trong sự phó thác cho Thiên Chúa, lòng tận tụy đối với Giáo Hội và có đời sống thần bí. Chúng ta hãy học nơi các vị đặc tính quyết liệt của Tin Mừng và tăng trưởng trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

Sau cùng, bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên Hội nghị kỳ 4 của Quỹ Ratzinger-Biển Đức 16 sẽ nhóm tại thành phố Medellín, Colombia, và khuyên nhủ họ hãy nghiên cứu những con đường kiến tạo hòa bình và thăng tiến phẩm giá con người.

ĐTC kết thúc buổi tiếp kiến với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 8-10-2014

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 8-10-2014

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung 80 ngàn tín hữu hành hương sáng thứ tư, 8-10-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã tố giác sự chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và mời gọi mọi người cầu nguyện và dấn thân cho sự hiệp nhất.

Lúc quá 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC tiến vào quảng trường thánh Phêrô trên chiếc xe díp màu trắng mui trần để chào thăm các tín hữu, ôm hôn và chúc lành cho các em bé được nhân viên an ninh bế đưa lên ngài.

Lên tới lễ đài ở thềm Đền thờ, ĐTC khởi sự buổi tiếp kiến với dấu Thánh giá và lời chào phụng vụ. Và sau phần tôn vinh lời Chúa với bài đọc ngắn trích từ đoạn 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan ghi lại lời nguyện của Chúa Giêsu xin cho các môn đệ được hiệp nhất, ĐTC đã tiếp tục loạt bài huấn giáo về Giáo Hội, và ngài tiến sang bài thứ 8 nói về các tín hữu Kitô không Công Giáo.

Bài huấn giáo của ĐTC

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em

Trong các bài huấn giáo gần đây, chúng ta đã tìm cách làm nổi bật bản chất và vẻ đẹp của Giáo Hội, và chúng ta tự hỏi sự kiện chúng ta được thuộc về Dân của Giáo Hội bao hàm điều gì. Và chúng ta không quên rằng có bao nhiêu anh chị em cùng chia sẻ với chúng ta niềm tin nơi Chúa Kitô, nhưng họ thuộc các hệ phái khác hoặc thuộc các truyền thống khác với chúng ta. Nhiều người cam chịu sự chia rẽ này, sự chia rẽ qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, cả chiến tranh nữa và đây thực là ô nhục. Cả ngày nay, các quan hệ cũng không luôn luôn đượm tinh thần tôn trọng và thân mật… Còn chúng ta, chúng ta có thái độ nào đứng trước tình trạng đó? Phải chăng chúng ta cũng cam chịu, và thậm chí có thái độ dửng dưng? Hoặc chúng ta mạnh mẽ xác tín rằng ta có thể và phải tiến bước theo chiều hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn.

Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô, khi làm thương tổn Giáo Hội thì cũng gây thương tổn cho Chúa Kitô: thực vậy, Giáo Hội là thân mình mà Chúa Kitô là đầu. Chúng ta biết rõ điều Chúa Kitô rất mong muốn, đó là các môn đệ của Ngài hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những lời Chúa được thuật lại trong chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, lời nguyện Chúa dâng lên Thiên Chúa Cha liền trước cuộc khổ nạn. ”Lạy Cha thánh, xin giữ gìn họ trong danh Cha, danh mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta” (Ga 17,11). Sự hiệp nhất này đã bị đe dọa trong khi Chúa Giêsu còn ở với các môn đệ: thực vậy, trong Tin Mừng, chúng ta nhớ vụ các môn đệ tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Xc Lc 9,46). Nhưng Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều về sự hiệp nhất trong danh Chúa Cha, cho chúng ta hiểu rằng việc loan báo và làm chứng tá của chúng ta càng đáng tin cậy nếu trước đó chúng ta càng có khả năng sống hiệp thông và yêu thương nhau. Đó là điều mà các tông đồ của Chúa, với ơn của Chúa Thánh Linh, đã hiểu sâu xa sau đó và quan tâm, đến độ thánh Phaolô đi tới độ tha thiết xin Cộng đoàn Corinto với những lời như sau: ”Vì thế, anh chị em, tôi xin anh chị em nhân danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta hãy hiệp nhất trong lời nói, để đừng có chia rẽ giữa anh chị em, nhưng anh chị em hãy hiệp nhất trong tư tưởng và cảm thông” (1 Cr 1,10).

Trong hành trình lịch sử, Giáo Hội bị ma quỉ cám dỗ, hắn tìm cách chia rẽ Giáo Hội, và rất tiếc là Giáo Hội bị những phân rẽ trầm trọng và đau thương. Đó là những chia rẽ nhiều khi kéo dài trong thời gian, cho đến ngày nay, vì thế thật khó nêu rõ tất cả những lý do và nhất là tìm ra những giải pháp có thể. Những lý do đã đưa tới những rạn nứt và phân rẽ có thể rất khác nhau: từ sự khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý, và về những quan niệm thần học và mục vụ khác nhau, tới những động lực chính trị và xu thời, cho đến những cuộc đụng độ vì sự ác cảm và tham vọng cá nhân.. Điều chắc chắn là, cách này hay cách khác, đàng sau những xâu xé ấy luôn có sự kiêu ngạo và ích kỷ, là nguyên nhân gây ra mọi bất thuận và làm cho chúng ta trở nên bất bao dung, không có khả năng lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm và lập trường khác với chúng ta.

ĐTC đặt câu hỏi:

”Giờ đây, phải chăng đứng trước tất cả những điều ấy, có một cái gì đó mà mỗi người chúng ta, trong tư cách là phần tử của Giáo Hội là Mẹ Thánh, có thể và phải làm? Chắc chắn là không thể thiếu lời cầu nguyện, nối tiếp và hiệp thông với lời cầu của Chúa Giêsu. Và cùng với lời cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái cởi mở: Chúa yêu cầu chúng ta đừng khép kín không đối thoại và gặp gỡ, trái lại đón nhận tất cả những gì có giá trị và tích cực mà những người nghĩ khác chúng ta hoặc có những lập trường khác, cống hiến. Chúa yêu cầu chúng ta đừng nhìn những gì chia rẽ chúng ta, nhưng đúng hơn, hãy ngắm nhìn những gì liên kết chúng ta, tìm cách biết và yêu mến Chúa Giêsu nhiều hơn và chia sẻ sự phong phú của tình yêu Chúa. Và điều này bao hàm một cách cụ thể thái độ gắn bó với chân lý, cùng với khả năng tha thứ cho nhau, cảm thấy mình là thành phần của cùng một gia đình, coi nhau như một món quà và cùng nhau làm bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu công việc bác ái!

ĐTC cũng nói rằng: ”Thật là đau lòng vì có những chia rẽ, các tín hữu Kitô chia rẽ. Nhưng tất cả chúng ta đều có một điều chung: tất cả đều tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Tất cả chúng ta đều tin nơi Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cùng nhau tiến bước. Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau.. Trong tất cả các cộng đoàn Giáo hội đều có những nhà thần học giỏi: họ hãy thảo luận, tìm kiếm chân lý thần học, vì đó là một nghĩa vụ, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái. Và như thế chúng ta hiệp thông trong hành trình, điều này gọi là phong trào đại kết tinh thần: cùng nhau đồng hành trong đức tin, trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô”.

ĐTC cũng nhắc đến một kỷ niệm bản thân: hôm qua là kỷ niệm đúng 70 năm ngài được hiệp lễ, được rước lễ lần đầu. Hiệp lễ cũng là hiệp thông với người khác, với anh chị em chúng ta trong Giáo hội, với những người thuộc các cộng đoàn khác, nhưng tin nơi Chúa Giêsu. ”Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì bí tích rửa tội, vì sự hiệp thông giữa chúng ta”.

Chào thăm và nhắn nhủ

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý, các LM và giám chức của Tòa Thánh đã tóm tắt bài này bằng các sinh ngữ khác nhau cũng như dịch những lời ĐTC chào các tín hữu hành hương cùng với những lời nhắn nhủ của ngài.

Chẳng hạn với các tín hữu nói tiếng Pháp, ngài nói: ”Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện cho công việc của Thượng HĐGM về gia đình mới khai mạc chúa nhật vừa qua. Đây là thời điểm quan trọng trong đời sống Giáo Hội, cũng như để nâng đỡ các gia đình chúng ta thường bị tổn thương và thử thách bằng nhiều cách.

Với các tín hữu nói tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các phái đoàn đến từ nhiều nước như Anh, Wales, Ecosse, Ailen, Australia, và cả Đài Loan, Philippines, Malaysia và Hoa Kỳ. Ngài đặc biệt chào thăm phái đoàn đại kết và liên tôn đến từ Đài Loan và một nhóm thuộc Học viện Romanum ở Phần Lan.

Khi chào các tín hữu nói tiếng Đức, ĐTC chào thăm các tham dự viên cuộc thi đua quốc tế nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào Schoenstatt, các bạn trẻ người Thụy Sĩ đến Roma tham dự tuần lễ tìm hiểu về đoàn Vệ Binh Thụy Sĩ tại Vatican.

Trong lời chào thăm các tín hữu Ba Lan, ĐTC nhắc nhở họ rằng: ”Anh chị em rất thân mến, chúng ta hãy phó thác tất cả các gia đình trên thế giới cho Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Mân Côi, xin Mẹ hồng ân tình thương, là hồng ân lớn hơn mọi khó khăn và yếu đuối, để các gia đình luôn hiệp nhất và hạnh phúc. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng Hội đồng GM, để những suy tư về gia đình soi sáng và nâng đỡ hành trình của mỗi Giáo Hội tại gia!
Bằng tiếng Ý, ĐTC chào thăm các tu sĩ dòng Pallottin, các LM sinh viên Học viện Thánh Phêrô Tông Đồ trong có đó một số linh mục Việt Nam, các bạn trẻ thuộc Phong trào Schoenstatt, đang kỷ niệm 100 năm thành lập Phong trào; những người đề xướng và cổ võ cử hành Ngày Âu Châu về việc hiến cơ phận để ghép cho bệnh nhân. ĐTC nói: ”Tôi cầu mong rằng với hình thức chứng tá yêu thương đặc thù này đối với tha nhân, người ta duy trì được xác tín chỉ lấy cơ phận khi người hiến cơ phận qua đời thực sự và tránh mọi lạm dụng, những hình thức mua bán cơ phận”.

Sau cùng, ĐTC nhắc nhở rằng tháng mười này là tháng đặc biệt cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Ngài nói: ”Hỡi các bạn trẻ thân mến, các con hãy luôn khẩn cầu sự chuyển cầu của Mẹ Maria, để Mẹ soi sáng cho các con trong mọi hoàn cảnh cần thiết. Hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, nhất là anh chị em thuộc Hợp Tác Xã săn sóc và phục hồi, ước gì ơn an ủi nhờ cầu nguyện với Mẹ Maria luôn hiện diện trong cuộc sống anh chị em và hỡi các đôi tân hôn, anh chị em hãy củng cố hôn nhân của anh chị em bằng lời cầu nguyện.

ĐTC kết thúc buổi tiếp kiến với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh ban cho mọi người.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Vẻ đẹp của cuộc sống gia đình

Vẻ đẹp của cuộc sống gia đình

Phỏng vấn ông bà Franco và Giuseppina Miano

Trong các ngày từ mùng 5 đến 19 tháng 10 năm 2014 Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa đặc biệt về gia đình diễn ra tại nội thành Vaticăng với sự tham dự của 253 người đến từ năm châu. Trong số các Nghị phụ có 114 vị Chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục, 25 vị thủ lãnh các cơ quan trung ương của Tòa Thánh, 9 thành viên Thượng Hội Đồng Giám Mục, 3 Bề trên tổng quyền do các dòng nam bầu lên, và 26 Nghị phụ do Đức Thánh Cha Phanxicộ bổ nhiệm. Các tham dự viên khác gồm 8 đại biểu của các Giáo Hội Kitô anh em, 38 dự thính viên, trong số này có 13 cặp vợ chồng, thêm vào đó là 16 chuyện gia.

Trong số các chuyên gia tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục nói trên có hai ông bà Franco và Giuseppina Miano, cả hai đều là giáo sư triết học. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn hai ông bà về vẻ đẹp của gia đình và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình.

Hỏi: Thưa hai giáo sư, ông bà nghĩ gì về Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình mà hai người sẽ tham dự trong tư cách là các chuyên viên?

Đáp (ông Franco): Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới đặc biệt này về gia đình là một dịp rất hay đẹp giúp suy tư về một thực tại, mà mọi kitô hữu đều chú ý và được Giáo Hội lưu tâm vì tầm quan trọng của gia đình đối với cuộc sống xã hội và cuộc sống của tất cả mọi người. Vì thế, chúng tôi thực sự hài lòng vì được chỉ định tham dự.

Đáp (bà Giuseppina): Chúng tôi cảm thấy trách nhiệm mà mình có qua việc chỉ định này và kinh nghiệm mà chúng tôi sẽ sống trong Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Hỏi: Ông bà là cha mẹ, nhưng cũng là giáo sư đại học, vì thế luôn luôn tiếp xúc với người trẻ. Vai trò này của ông bà có thể đóng góp gì cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình không?

Đáp (ông Franco): Có. Một sự đóng góp cụ thể trong hướng nền tảng, bởi vì nhà tôi và tôi, chúng tôi xác tín về tầm quan trọng của việc kể lại rằng cuộc sống gia đình trước hết là vẻ đẹp, tình yêu, niềm vui, cả các mệt nhọc cũng như các khó khăn, nhưng chúng được đương đầu với một sự chú ý cho phép vượt thắng các khó khăn. Trước hết, cần nói rằng có thể có một cuộc sống gia đình đẹp, đây là câu chuyện mà chúng tôi phải kể lại, mà chúng tôi phải trao ban cho các thế hệ mới. Trong một nghĩa nào đó đây là một bổn phận.

Đáp (bà Giuseppina): Phần đóng góp của chúng tôi là phần đóng góp cụ thể, phát xuất từ việc sống tới chỗ sâu thẳm của thực tại, mà người ta sẽ đề cập đến trong Thượng Hội Đồng Giám Mục. Bởi vì khi nói về gia đình, thì không phải là nói về một cái gì trừu tượng, mà là nói về một thực tại cuộc sống và tương quan, trong đó có các kinh nghiệm làm thành cuộc sống con người. Nghề dậy học của tôi dẫn đưa tôi tới chỗ không chỉ dấn thân trong nghề nghiệp như là phụ nữ, mà nó cũng là một việc rất đặc biệt, bởi vì đó là một công việc bao gồm sự nghiên cứu, suy tư, tìm tòi, so sánh, và là một công việc cũng bao gồm một trách nhiệm đặc biệt, bởi vì nó diễn ra bên trong phân khoa của một phân khoa thần học, và vì thế bao gồm việc đào tạo các con người, sẽ có một trách nhiệm đặc biệt trong cuộc sống xã hội.

Hỏi: Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục này dừng lại lâu trên gương mặt của người cha, nhưng cũng minh nhiên các khía cạnh thê thảm trong điều kiện của nữ giới: chẳng hạn nó nói tới cảnh bạo lưc trong gia đình trên nhiều phần đất của thế giới này. Riêng hai giáo sư, thì hai giáo sư nghĩ sao?

Đáp (ông Franco): Liên quan tới người cha, tôi tin rằng các nét nhấn mạnh trong tài liệu làm việc khiến cho tất cả mọi người đều chú ý tới một vấn đề, thường đặc biệt cấp bách trong các xã hội tây phương: nghĩa là làm sao để mỗi người cha, mỗi người mẹ có thể phục hồi tính cách chuyên biệt trong vai trò của mình, tức sự chuyên biệt trong sự hiến dâng của mình, và như thế người cha có thể là cha tới tận cùng thẳm con người mình, có khả năng đồng hành một cách yêu thương, nhưng cũng có khả năng thực thi một vai trò hướng dẫn, đồng hành chắc chắn và có uy tín. Đó là uy tín của gương mặt hiền phụ, nếu nó được phục hồi.

Đáp (bà Giuseppina): Để cho phẩm giá của phụ nữ được thừa nhận cho tới tận cùng và một cách thực sự, thì đường đi còn xa lắm. Và tôi cũng tin rằng đường còn dài kể cả sự đích thực của tương quan trở thành một cái gì có thể thực hiện và cụ thể. Vấn đề bạo lực đối với các phụ nữ trong gia đình không chỉ là vấn đề liên quan tới phụ nữ, nó cũng liên quan tới nam giới và nữ giới nữa; nó liên quan tới kiểu người ta quan niệm và sống tương quan giữa con người với nhau, liên quan tới ý thức và cả nhân tính của chúng ta nữa. Bạo hành nữ giới là dấu chỉ của một sự đánh mất nhân bản tính gia tăng, hay của một con đường nhân bản hóa còn có trước mặt con đường rất dài cần phải đi.

Hỏi: Thưa giáo sư Franco, trong qúa khứ giáo sư đã từng là Chủ tịch phong trào Công Giáo Tiến Hành Italia. Kinh nghiệm này có giúp giáo sư trong công việc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình không?

Đáp (ông Franco): Chắc chắn là nó sẽ giúp tôi rồi, bởi vì kinh nghiệm của phong trào Công Giáo Tiến Hành trước tiên là kinh nghiệm của một đại gia đình phục vụ Giáo Hội và phục vụ xã hội. Gia đình trong đó có các trẻ em, các người trẻ, và người trưởng thành, người già cả, có những người độc thân và những cặp vợ chồng… Và vì thế ý thức của gia đình, của một hiệp hội hiệp nhất là một khía cạnh khác nữa, mà ngày nay người ta đặc biệt cần đến, bởi vì cuộc sống của Giáo Hội ngày càng được đón nhận như là sự sống của một gia đình. Và kinh nghiệm của phong trào Công Giáo Tiến Hành trong các năm này đã khiến cho tôi gặp biết bao nhiêu người, và vì thế tiếp xúc với biết bao nhiêu kinh nghiệm tốt lành được phổ biến trên đất Italia, nhưng trong một mức độ nào đó được phổ biến trên toàn thế giới, cũng như các vất vả mệt nhọc, mà ngày nay người ta cảm thấy, và Giáo Hội có thể góp phần dấn thận của minh và đề ra một giải pháp cho các vấn đề.

Hỏi: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình sẽ kéo dài hai tuần, các con của giáo sư đã tiếp nhận tin cha mẹ được chỉ định làm chuyên viên tham dự Thượng Hồi Đồng Giám Mục Thế Giới như thế nào?

Đáp (bà Giuseppina): Các con chúng tôi đã rất hài lòng, khi nghe tin chúng tôi được chỉ định tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục như là chuyên viên. Chúng đã khá lớn rồi, bởi vì cả hai đều là các sinh viên đại học. Chúng hoàn toàn tham dự, chúng đã luôn luôn tham dự và lần này cũng thế chúng tham dự vào dấn thận của chúng tôi. Trong một cách thức nào đó, chúng cũng bị lôi cuốn vào trong kinh nghiệm này, cũng như trong biết bao nhiêu kinh nghiệm dấn thân của cuộc sống gia đình. Và đây là điều hay đẹp, bởi vì chúng tôi nghĩ tới dấn thân của mình tại Thượng Hội Đồng Giám Mục một cách riêng tư và đặc biệt như thế, trong kiểu chia sẻ rộng rãi bên trong gia đình. Do đó chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đựơc mời gọi không chỉ cống hiến một phần kiểu lý thuyết trừu tượng, nhưng một phần đóng góp nảy sinh từ cuộc sống, từ sự cụ thể của cuộc sống. Và bên trong sự cụ thể đó của cuộc sống gia đình chúng tôi, có tương quan rất mạnh mẽ và quan trọng với con cái qua sự đối thoại và đối chiếu với chúng.

Hỏi: Như thế thì hai giáo sư cầu chúc những gì cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình, xét rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2014 sẽ là giai đoạn đầu tiên của lộ trình sẽ được bổ túc bằng Thượng Hội Đồng Giám Mục chung năm 2015 cũng được dành cho gia đình?

Đáp (ông Franco): Chúng tôi cầu chúc rằng đây là một dịp rất hay đẹp của một suy tư được Chúa Thánh Thần soi sáng, có khả năng của một cuộc đối thoại sống động và ý nghĩa, chú ý tới thực tại trong đó chúng ta sống và chú ý tới tiếng nói của tất cả mọi người.

Đáp (bà Giuseppina): Tôi cầu chúc Thượng Hội Đồng Giám Mục lôi cuốn rộng rãi, để Giáo Hội ngày càng có khả năng đồng hành với cuộc sống của con người, dẫn đưa họ tới cuộc gặp gỡ với tình yêu thương của Chúa, biến đổi cuộc sống, khiến cho nó xinh đẹp hơn, sáng láng hơn, và làm phát sinh ra các tiềm năng tốt lành hơn của con người, nâng cao phẩm giá và ý nghĩa sâu xa của nó.

(RG 10-9-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Phỏng vấn ông Franco Pizzorno, phối hợp viên Ủy ban chuẩn bị tổng đại hội

Từ ngày mùng 1-9-2014, 500 đại biểu của phong trào Tổ ấm Focolarini từ khắp nơi trên thế giới đã tề tưu về Trung tâm Mariapoli tại Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số, để tham dự tổng đại hội. Cùng tham dự cũng có 49 khách mời, trong đó có 15 vị thuộc các Giáo Hội Kitô khác.

Trong tổng đại hội các tham dự viên sẽ bầu chị tân Chủ tịch, vị đồng chủ tịch và các vị lãnh đạo khác của phong trào cũng như đề ra các đường hướng hoạt động cho sáu năm tới. Vào cuối đại hội sẽ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tham dự viên tại Vatican.

Ngỏ lời với các tham dự viên đại hội kéo dài cho tới ngày 28-9-2014, chị Maria Voce, Chủ tịch mãn nhiệm của Phong Trào Tổ Ấm, đã lấy lại tư tưởng của tháng, trích từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma chương 15 câu 7: ”Anh em hãy đón nhận nhau như Chúa Kitô đã đón nhận anh em, để sáng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7). Chị mời gọi mọi người hãy có thái độ đó.

Đây không phải là điều đương nhiên, vì các đại biểu đến từ mọi miền của trái đất, và đem theo mình các thảm cảnh của các dân tộc đang phải sống trong chiến tranh gây chết chóc tàn phá tang thương, hay bị thiên tai, hoặc bị thử thách bởi các khủng hoảng kinh tế.

Tiếp đến chị Maria Voce đã đọc vài điện thư bầy tỏ tình hiệp thông với các đại biểu Phong Trào. Anh Gerhard Pross, tin lành, thuộc tổ chức Ymca tỉnh Esslingen bên Đức, viết: ”Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới các tham dự viên Tổng Đại Hội. Tôi rất ý thức được tầm quan trọng của các ngày này đối với anh chị em, đối với từng người cũng như với tất cả Phong Trào Tổ Ấm. Tôi ước mong đồng hành với các anh các chị trong những ngày này với một lời cầu nguyện đặc biệt, xin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn anh chị em”.

Nhóm ”Thân hữu Fon” tỉnh Fonjumetaw bên Cameroon thì cầu chúc cuộc họp tinh thần quan trọng này, nhằm tiếp nối gia tài tình yêu thương hướng tới tình huynh đệ đại đồng của chị Chiara Lubich, gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp.

Tiến sĩ Walter Baier, Tổng thư ký mạng lưới các nhà trí thức cánh Tả Âu châu ”Transform-europe”, viết trong điện thư: ”Mục đích một nhân loại công bằng, liên đới và huynh đệ hơn hiệp nhất chúng ta, trong đó sự khác biệt được sống, không phải như chia rẽ nhưng như sự phong phú… Xin cầu chúc các anh các chị sự khôn ngoan: để các anh các chị có thể diễn đạt sự chuyên biệt của các anh các chị trong cuộc sống ngày nay, và tôi bảo đảm với các anh các chị sự gần gũi của tôi”.

Tiếp theo đó mọi người đã xem một video nhắc lại ”gia tài của chị Chiara Lubich” trong đó có đoạn chị trả lời cho những người hỏi về tương lai của Phong Trào sau khi chị qua đời. Chị Chiara Lubich đã trả lời rằng chị tin tưởng rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa những người yêu thương nhau nhân Danh Chúa (Mt 18,20) sẽ tiếp tục hướng dẫn Phong Trào tiến bước. Sau đó các tham dự viên đã bỏ phiếu chấp thuận luật lệ của Đại Hội. Các ngày từ mùng 2 tới mùng 4 tháng 9 được dành cho việc tĩnh tâm, trước khi chính thức bước vào các cuộc thảo luận và sinh hoạt khác của đại hội.

Phong trào Tổ Ấm nảy sinh vào năm 1943 trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, do sáng kiến của chị Chiara Lubich (1920-2008) như là một phong trào canh tân tinh thần và xã hội. Chị Chiara Lubich định nghĩa phong trào là ”một dân tộc nảy sinh từ Tin Mừng”. Được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ ”Để tất cả chỉ là một” (Ga 17,21) Phong trào nhắm mục đích cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn, trong thái độ tôn trọng và trân qúy sự khác biệt. Phong trào ưu tiên dùng sự đối thoại như phương thế, và liên lỉ dấn thân xây dựng các cây cầu và tương quan huynh đệ giữa các cá nhân, các dân tộc, và các môi trường văn hóa. Thành viên của Phong trào bao gồm người thuộc mọi lứa tuổi, ơn gọi, tôn giáo, xác tín, chủng tộc, quốc gia và văn hóa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Franco Pizzorno, thành viên phong trào, có gia đình, và là một trong hai phối hợp viên của Ủy ban chuẩn bị đại hội.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, Ủy ban chuẩn bị này đã được thành lập khi nào vậy?

Đáp: Vào tháng 9 năm 2013 chị Maria Voce, Chủ tịch phong trào, đã thành lập Ủy ban gồm 20 thành viên thuộc mọi miền địa lý và văn hóa. Ủy ban đã đã tìm cách thu thập mọi ý kiến, nhận xét, cảm tưởng, đề nghị và nguyện vọng của mọi thành viên phong trào, đặc biệt là của người trẻ, liên quan tới các đề tài mà họ cảm thấy liên hệ nhất với thời điểm này của phong trào. Và năm ngoái đã có khoảng 3,000 đề nghị được gửi tới Ủy ban.

Hỏi: Từ các đề nghị đó Ủy ban đã lựa chọn một số đề tài: 12 đề tài sẽ được thảo luận trong đại hội, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. chúng tôi đã có thể nhận diện khoảng một chục đề tài nền tảng, trong đó có 3 đề tài đã được nhiều người cảm thấy nhất, chúng là các đề tài ”hàng ngang”. Đó là sự quan trọng của việc rộng mở cho thế giới bên ngoài, tầm quan trọng của việc duy trì và đào sâu sự hiệp nhất của phong trào, và tầm quan trọng của việc đào tạo các thành viên. Có thể tóm tắt ba điểm này trong một câu sau đây: ”đi ra ngoài, cùng nhau, được chuẫn bị”, hay ”được chuẩn bị, cùng nhau, đi ra ngoài”. Trên ba đề tài chính này sẽ được ghép vào 8-9 đề tài chuyên biệt khác như: vấn đề của gia đình ngày nay, tương quan giữa Giáo Hội và các Giáo Hội, sự rộng mở cho tất cả các tôn giáo khác vv….

Hỏi: Chỉ nghe các đề tài không thôi, người ta cũng nhận ra rằng Phong trào được mời gọi đi ra một cách mạnh mẽ, nhìn vào thế giới nhiều hơn và dìm mình vào trong thực tế nhiều hơn, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng cởi mở đối với thế giới nằm trong yếu tố di truyền của Phong trào Tổ Ẩm. Thật thế, mục đích của chúng tôi là ”Ut unum sint” Xin cho tất cả mọi người trở nên một. Nhưng dĩ nhiên là việc đọc hiểu những gì xảy ra trên thế giới với các mâu thuẫn của nó, các vết thương của nó, các khó khăn của nó cũng đã khích lệ chúng tôi hơn nữa trong việc mở rộng chân trời của phong trào theo hướng này. Thế rồi, đặc biệt lời nói và gương sống của Đức Thánh Cha Phanxicô, việc rộng mở ra cho các vừng ngoại biên… như là phong trào công giáo chúng tôi cũng muốn đáp trả lại chỉ dẫn này của Giáo Hội.

Hỏi: Khi nhìn giai đoạn chuẩn bị cho tổng đại hội cũng như chính tổng đại hội, người ta thấy nổi bật lên nét phong phú của sự trao đổi giữa các nền văn hóa, các chủng tộc, các quốc gia khác nhau. Làm thế nào để gộp chung lại một dân tộc đa diện như thế, mà vẫn chú ý tới các khác biệt?

Đáp: Chắc chắn rồi, thách đố không phải là đơn sơ, nhưng như là kinh nghiệm bé nhỏ mà chúng tôi đã sống trong tư cách là Ủy ban chuẩn bị: chúng tôi là những người đến từ nhiều vùng địa lý, nền văn hóa và ơn gọi khác nhau, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một sự hiệp nhất lớn giữa chúng tôi, và như thế cũng làm trung gian để tìm thu thập các đề nghị khác nhau. Như vậy tôi tin tưởng rằng bên trong Phong trào, nơi nền tảng là việc liên tục thực thi trở thành một người trong chúng tôi, và lắng nghe người khác cho tới tận cùng. Điều này chắc chắn sẽ lá dụng cụ giá trị để đi tới chổ đưa ra các đường hướng cụ thể. Cũng bởi vì sự hiệp nhất giữa chúng tôi, mà chúng tôi muốn kiên trì theo đuổi, sẽ đem tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần giúp phân định một cách cụ thể các con đường cần đi theo.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, trong một thế giới trong đó xem ra xung đột lại thắng thế, đặc sủng của Phong trào Tổ Ấm cổ võ sống yêu thương hiệp nhất và rộng mở xem ra vô cùng thời sự và rất mạnh mẽ, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi còn cho là thời sự hơn bao giờ hết nữa, nơi đâu các vết thương của xã hội và của nhân loại hiển nhiên như thế, nếu không nói là thê thảm như thế, thì chính ở đó chúng tôi cảm thấy được mời gọi đem phần đóng góp của sự hiệp nhất vào trong các đổ bể đó, là thuốc chữa và giải pháp duy nhất đích thật cho tất cả mọi chấn thương này. Đặc sủng của chị Chiara Lubich đã là điều này: đặc sủng của sự hiệp nhất tự nó mời gọi từng người trong chúng ta trở thành người đem sự hiệp nhất ấy tới khắp nơi chúng ta sống, bắt đầu bằng cuộc sống thường ngày, bắt đầu bằng các cơ cấu, trong đó chúng ta đang sống, bắt đầu từ Giáo Hội, cũng như bắt đầu từ các cơ cấu quốc tế.

(RG 1-9-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Khóa hội học về truyền thông cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Peru

Khóa hội học về truyền thông cho các Giám Mục Bolivia, Ecuador và Peru

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội

Trong các ngày 1-4 tháng 9 một khóa hội học về truyền thông đã được tổ chức tại Cochabamba bên Bolivia. Tham dự khóa hội học, do Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông tổ chức, có các Giám Mục ba nước Bolivia, Ecuador và Peru Trong số các thuyết trình viên cũng có Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng.

Bolivia rộng hơn 1 triệu 98 ngàn cây số vuông, có hơn 10 triệu dân, 30% là người Quechua, 25% là người Aymara, 30% là người lai giống, và 15% là người Âu châu. Tuy nhiên hơn phân nửa bao gồm 40 chủng tộc bản địa, trong đó có các nhóm chính sau đây: Tupi Guarani, Arawak, Tacaná, Moselén, Zamucco, và Chapacura. Ngoài ra còn có các nhóm khác không thuộc các gia đình ngôn ngữ chuyên biệt như: Chiquitos, Yuracané, Cayudaba, Movima vv…

Tại Bolivia, các người sinh trong các vùng đất phía đông bao gồm hai phần ba diện tích toàn nước, là những người gốc âu châu, lai giống hay người dân bản địa được gọi là Camba. Còn những người dân sinh sống trong các vùng núi Ande thì được gọi là người Colla.

Trên bình diện tôn giáo 75% tổng số dân theo Công Giáo, số còn lại bao gồm các tín hữu tin lành hay các phong trào và giáo phái kitô khác. Giáo Hội công giáo có 4 tổng giáo phận, 7 giáo phận, 2 giáo quận và 5 giám quản. Giáo Hội điều khiển nhiều trường học và đại học. Năm 1988 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm mục vụ Bolivia. Vị Hồng Y tiên khởi người Bolivia là Đức Hồng Y Julio Terrazas Sandoval, Tổng Giám Mục Santa Cruz de la Sierra.

Ecuador rộng hơn 283 ngàn cây số vuông, với hơn 15 triệu rưỡi dân, 71.9% là người lai giống, 7.4% là người Montubi, tức chủng tộc lẫn lộn da trắng, da đen và dân bản địa, sống trong vùng duyên hải, 7.2% là người gốc Phi châu, 7% là các chủng tộc bản địa sống tại Ecuador từ hơn ngàn năm nay, 6.1% gồm những người gốc Tây Ban Nha, Đức, Italia và Ba Lan, 0.4% gồm các chủng tộc nhỏ khác.

Trên bình diện tôn giáo 80.44% tổng số dân Ecuador theo Công Giáo, 11.3% theo Tin Lành. Các nhóm tôn giáo khác gồm giáo phái Mormon 0.37%, Phật giáo 0.29% và 0.12% theo thuyết duy linh. Cũng có vài trăm gia đình Do thái và 1,800 tín hữu Hồi.

Perù rộng hơn 1 triệu 285 ngàn cây số vuông, có hơn 29 triệu dân, gồm 46% là người Amerindi tinh tuyền, 31% lai giống, 12% da trắng, 2% da đen và 2% gốc Á châu. Tôn giáo chính là Công Giáo chiếm 81.3 %, Tin lành chiếm 12.5% các tôn giáo khác chiếm 3.3% và 2.9% không tôn giáo.

Khóa hội học về truyền thông nói trên đã được sự hưởng ứng của nhiều Giám Mục. Nó thực tiễn và cần thiết vì cho tới nay trong lãnh vực truyền thông Giáo Hội Công Giáo kể là chậm trễ so với các Giáo Hội Tin Lành. Thật ra phải nói rằng nhiều Giám Mục công giáo chưa ý thức đủ về tầm quan trọng và ích lợi của các phương tiện truyền thông trong việc rao giảng Tin Mừng và loan báo Chúa Kitô cho mọi người. Trong các Giáo Hội trên thế giới có lẽ chỉ có hàng Giám Mục Brasil là xác tín nhất đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho việc loan báo Tin Mừng. Giáo Hội Brasil có hơn 190 đài phát thanh công giáo. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh riêng và do chính các tín hữu tài trợ. Ngoài các tiết mục riêng liên quan tới các sinh hoạt giáo phận, các đài phát thanh này được nối với đài Vaticăng và phát lại chương trình tiếng Bồ Đào Nha của đài Vaticăng, qua đó tín hữu có thể biết tin tức của Giáo Hội hoàn vũ và các sinh hoạt của Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli dành cho phóng viên Sergio Centofanti của đài Vatican ngày 31-8-2014.

Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch, đâu là mục đích của khóa hội học này tại Cochabamba bên Bolivia?

Đáp: Khóa hội học có sự tham dự của các chuyên viên truyền thông nhắm mục đích giúp các Giám Mục hiểu điều gì đang xảy ra trên thế giới truyền thông ngày nay, đồng thời cũng giúp các vị tái khám phá ra sứ mệnh truyền thông của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội mà không truyền thông, thì không phải là Giáo Hội, bởi vì sứ mệnh riêng đích thật của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng, rao giảng Chúa Giêsu trong thế giới ngày nay. Và Giáo Hội phải làm điều đó bằng cách sử dụng tất cả mọi phương tiện mình có trong tay. Liên quan tới điểm này tôi luôn thích nhắc tới điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đề cập đến trong Tông huấn ”Loan báo Tin Mừng” năm 1975: ”Giáo Hội sẽ cảm thấy mình có lỗi trước mặt Chúa, nếu không sử dụng tất cả các phương tiện, mà kỹ thuật đặt để trong tầm tay, để loan báo Tin Mừng”.

Hỏi: Đâu là con đường mà Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông đang làm với các Giám Mục châu Mỹ Latinh?

Đáp: Với các Giám Mục châu Mỹ Latinh chúng tôi đang làm một lộ trình loại này: đó là tái khám phá ra sự cần thiết này, sứ mệnh mạnh mẽ này mà Giáo Hội có đó là loan báo Tin Mừng. Qúy vị chắc chắn nhớ rằng các Giám Mục châu Mỹ Latinh đã nhóm hội nghi tại Aparecida, và các ngài đã viết trong tài liệu chung kết rằng mỗi một môn đệ của Chúa Giêsu đều phải là thừa sai trong môi trường sống của mình, và điều này lại càng phải đúng hơn cho các Giám Mục có sứ mệnh chủ chăn bên trong cộng đoàn các môn đệ của Chúa Giêsu.

Hỏi: Thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông, đâu là thách đố lớn ngay nay đối với Giáo Hội?

Đáp: Theo tôi thì thách đố lớn ngày nay đó là cũng tái khám phá ra rằng chúng ta không chỉ có các phương tiện truyền thông trong tay – như ngày trước vào thời Công Đồng Chung Vatican II, các phương tiện truyền thông đã vô cùng đơn sơ, đã chỉ có báo chí, truyền thanh truyền hình và xinê – nhưng mà ngày nay các kỹ thuật số mới mẻ đã tạo ra một môi trường, đã làm nảy sinh ra một đại lục vi tính. Và thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào, loan báo Chúa Giêsu chính trong môi trường sống đó, mà ngày nay chúng ta gọi là ”đại lục số”. Qúy vị cứ nghĩ tới các mạng lưới xã hội, mà dân chúng sống ở trong đó hết giờ này sang giờ khác, họ ở trong mạng – đó, thách đố lớn đối với Giáo Hội là xem mình có thể loan báo Tin Mừng như thế nào trong bối cảnh này. Tại sao vậy? Bởi vì trong môi trường sống này, có nhiều người hiện diện và họ sẽ không có phương tiện khác để lắng nghe sứ điệp Tin Mừng, nếu không phải là qua một ai đó có cùng đại lục vi tính ấy. Và trong đại lục này, một lần nữa, cùng lời loan báo Tin Mừng ấy hướng tới họ.

Hỏi: Thưa Đức Cha, trong các quốc gia châu Mỹ Latinh có biết bao nhiêu cảnh nghèo túng. Làm thế nào để đến với những người nghèo khổ nhất với các phương tiện truyền thông?

Đáp: Trong bối cảnh sống này, trong môi trường này, chúng ta có phần lớn các vùng ngoại biên của cuộc sống, mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói tới, và nó rất là thật. Và đối với chung ta đó là lý do của một suy tư sâu xa. Đó là lời mời gọi mà Đức Thánh Cha đã hướng tới chúng ta với sứ điệp cho Ngày quốc Tế Truyền Thông. Nghĩa là chúng ta phải tạo ra một nền văn hóa gặp gỡ. Điều Đức Thánh Cha Phanxicô nói thật là hay đẹp: đó là các cửa nhà thờ phải rộng mở, để người qua đường có thể vào, nhưng cũng để cho các môn đệ của Chúa nhận thức ra rằng sứ mệnh của họ là đi ra, đi ra để gặp gỡ con người nam nữ ngày nay. Đức Thánh Cha dùng kiểu nói ”các vùng ngoại biên cuộc sống”. Theo tôi, điều quan trọng đó là nhận thức rằng Giáo Hội phải ở bên cạnh con người, phải sống gần gũi với con người. Đó là lý do tại sao trong sứ điệp năm nay Đức Thánh Cha nói tới truyền thông như sự gần gũi. Đó, truyền thông đối với chúng ta có nghĩa đó: gần gũi con người nam nữ ngày nay, mà trong nỗi vất vả của cuộc sống họ đi trên các con đường của chúng ta; và chúng ta phải ở bên cạnh họ, không phải để phán xét, nhưng để chia sẻ, đồng hành trên cùng một con đường.

(RG 31-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Thảm cảnh của các người tỵ nạn bên Libya

Phỏng vấn cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia

Trong các tuần qua tình hình tại Libya lại căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa các lực lượng dân quân khác nhau tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các giếng và nhà máy lọc dầu. Các cuộc giao tranh đã xảy ra nhất là chung quanh thủ đô Tripoli. Tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ mấy năm qua khiến cho số phận của người tỵ nạn ngày càng thê thảm hơn. Họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn bán người, cũng như của các lạm dụng và bạo lực đủ loại. Trong những ngày vừa qua cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia đã kêu gọi Âu châu và cộng đồng quốc tế can thiệp một cách cụ thể để trợ giúp các anh chị em xấu số này.

Ngày mùng 2-9-2014 các trận giao tranh đã tiếp diễn gần phi trường Benina ở Bengazi khiến cho ít nhất 25 binh sĩ thiệt mạng, 14 người thuộc lực lượng quân đội của tướng Khalipha Haftar, và 11 người là các dân quân của ông Ansar al Sharia. Cuộc chiến đã bắt đầu ngày 30-8-2014 lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia cố đánh chiếm phi trường là một trong các điểm chiến lược chính do các lực lượng đặc biệt trung thành với tướng Khalifa Haftar và Quốc hội kiểm soát. Quân đội chính phủ được các máy bay oanh kích yểm trợ bỏ bom các vị trí của các dân quân thánh chiến, trong khi các toán dân quân này đáp trả bằng trọng pháo và các hỏa tiễn Grad.

Từ ngày mùng 1-9-2014 thủ đô Tripoli hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân quy tụ thành nhóm ”Tác chiến Alba của Libya” sau hai tháng giao tranh chung quanh phi trường Tripoli với các lực lượng đối nghịch với các lực lượng thuộc nhóm ”Tác chiến Phẩm giá” do nguyên tướng Haftar chỉ huy.

Quốc Hội họp tại Tobruk mạn cực Đông Libya và tân chính phủ do thủ tướng tạm thời Abdullah al Thani có nhiệm vụ thành lập cũng công nhận rằng không kiểm soát được các bộ và các cơ quan chính quyền tại Tripoli nữa. Trong khi ”Hội đồng cách mạng Tripoli” quy tụ các nhóm dân quân khác kiểm soát thủ đô, tái hồi sinh Tổng quốc hội, bãi nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, và chỉ định ông Omar Hassi làm thủ tướng của mình, nhắm thành lập một quốc gia dân chủ. Nhưng các lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia ở Bengazi tuyên bố họ đã nổi loạn chống Gheddafi để giương cao lá cờ Sharia không phải để cho phép một bạo chúa mới lên cho phép tây phương trở lại nắm quyền bá chủ tại Libya.

Tuy quang cảnh chính trị Libya hỗn loạn như thế, nhưng Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli Giám Quản quản tông tòa Tripoli cho biết tình hình tương dối yên tĩnh so với các ngày trước. Cho tới nay cộng đoàn kitô đã không gặp khó khăn nào.

Từ vài năm nay Libia là nơi hàng chục ngàn người di cư tới từ nhiều nước Trung Đông, Á châu và Phi châu tìm vượt biển sang Italia, rồi từ đây đi các nước khác. Trong hai tháng qua hải quân Italia đã cứu sống hơn 10,000 người, nhưng cũng đã có mấy trăm người thiệt mạmg vì bị đắm tầu ngoài khơi Tripoli.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Mussie Zerai dành cho phóng viên Cecilia Seppia của đài Vatican.

Hỏi: Thưa cha, tình hình của người ty nan bên Libya hiện nay ra sao?

Đáp: Rất tiếc có hàng ngàn người tỵ nạn của vùng Phi châu dưới sa mạc Sahara bị kẹt trong chiến tranh: nam giới thì bị bắt buộc trở thành những người khuân vác súng đạn. Có rất nhiều người bị thương, nhiều người thiệt mạng, còn phụ nữ và trẻ em thì bị chết đói. Tại Tripoli có khoảng 350 người bị nhốt trong một sân đá bóng, ngoài trời, không có mái che chở và từ bốn ngày nay họ không nhận được gì để ăn…

Hỏi: Cha đã nói rằng mỗi ngày hãng thông tấn Habeshia của cha đều nhận được các cú điện thoại của những người tuyệt vọng, lo sợ… Họ kể cho cha nghe những gì vậy?

Đáp: Họ rất là hốt hoảng, nhất là bởi bom đạn rơi hay bắn trên các đường phố. Cũng có những người chết ở trong nhà, vì khi họ ở trong nhà thì bị bom rơi trúng, dân chúng kinh hoàng. Thế rồi còn có nhiều cuộc tấn công từng nhà một: họ bị cướp bóc, bạo hành, và chịu đủ mọi thứ lạm dụng… đó là những điều họ đã kể cho tôi nghe.

Hỏi: Khi gióng lên lời kêu gọi, cha đã dùng một kiểu nói rất mạnh và nói rằng các người tỵ nạn này không là ”con của ai hết”, bởi vì khác với những người tây phương đã được di tản khi chiến tranh tái diễn tại Libya, các anh chị em tỵ nan này không được ai bảo trợ và che chở. Như thế thì phải làm gì bây giờ?

Đáp: Vâng, đúng như thế, tất cả các người tây phương đã được di tản hết, trừ các người ty nạn ra, cộng đồng quốc tế phải có một chương trình di tản để che chở các anh chị em này trong các nước láng giềng. Chẳng hạn, những người ở Tripoli thường hướng về Tunisia, nhưng họ bị chặn lại ở biên giới, họ không thể đi xa hơn.

Hỏi: Liên hiệp Phi châu không có khả năng bảo vệ các anh chị em tỵ nạn này. Thế rồi cũng có một Âu châu kéo dài lê thê vấn đề này: nhiều lần chính quyền Italia đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu can thiệp, vì như chúng ta biết nhiều người tỵ nạn hướng về Italia. Cha nghĩ sao?

Đáp: Liên Hiệp Âu châu phải can thiệp để phòng ngừa tất cả các người bị chết này, trong sa mạc cũng như trên biển Địa Trung Hải. Tất cả mọi người tỵ nạn đều hướng về Âu châu, chứ không phải chỉ hướng về Italia mà thôi. Còn hơn thế nữa, nhiều người còn muốn đi tới các nước Bắc Âu. Điều này có nghĩa là Italia chỉ là cánh cửa của Âu châu thôi, và vì thế vấn đề không phải chỉ là của Italia, mà là của toàn Âu châu. Và lời yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Italia Alfano là điều đúng đắn, để “Biển của chúng ta” được nhẹ bớt và được thu nhận bởi tổ chức Frontex, tức ”Tổ chức điều hành cộng tác quốc tế ở biên giới nước ngoài của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu”. Có đúng thật là tổ chức Frontex đã không được thành lập để tiếp nhận người tỵ nạn, mà là để từ chối họ. Khi được thành lập, tổ chức có mục đích đẩy lui người tỵ nạn và che chở các biên giới của Âu châu. Và dĩ nhiên là ngày nay tổ chức khước từ thay thế chỗ của Italia. Tuy nhiên, chính vì thế mà phải coi lại các luật lệ và cả chương trình đã làm nảy sinh ra tổ chức Frontex, để nó trở thành tổ chức bảo vệ và tiếp nhận người tỵ nan. Nhưng phải có một thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên của toàn cộng đồng Âu châu, theo đó các người tỵ nạn này phải được phân phối trên toàn lãnh thổ Âu châu.

Hỏi: Thưa cha, các người tỵ nạn dồn đống tại Tripoli, Misurata, Sebha khiến cho các nhà thương bị suy sụp, trong nghĩa hệ thống y tế không thể lo lắng cho một số quá đông người như thế, ngoài ra cũng vì thiếu thuốc men nữa, có đúng thế không?

Đáp: Không có các dụng cụ để can thiệp: không có bác sĩ giải phẫu nào có thể can thiệp, và vì thế họ ở trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi. Và trong vài trường hợp, các vết thương rữa thối đến độ phải cưa như trường hợp một thanh niên bị cưa một chân, rồi một thiếu nữ phải năm liệt giường vì bị gẫy lưng: cần phải được giải phẫu gấp nhưng họ không thể làm được, vì không thể di chuyển cô ta tới Tripoli, vì dọc đừơng có các nguy hiểm khắp nơi do các xung đột liên tục xảy ra. Đó là tình trạng mà người tỵ nạn đang phải sống tại Libya.

Vài nhận xét của ông Gabriele Iacovino, đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm nghiên cứu tình hình chính trị quốc tế.

Hỏi: Thưa ông trong các ngày vừa qua có các cuộc giao tranh dữ dội tại Bengazi giữa các lực lượng đặc biệt do tướng Khalifa Haftar chỉ huy và dân quân hồi, trong đó có nhóm của ông Ansar al Sharia, đang tìm cách đánh chiếm phi trường. Các giao tranh đã khiến cho ít nhất 13 người chết và 45 người bị thương. Hồi tháng qua các dân quân hồi đã chiếm hầu hết các tiền đồn nằm trong tay tướng Haftar tại Bengazi. Tình hình Libya hiện ra sao thưa ông?

Đáp: Thực ra Libya là một quốc gia chia rẽ và có ba lực lượng lớn đang đánh nhau: thứ nhất là lực lượng dân quân đời hơn, thứ hai là các dân quân hồi và thứ ba là các dân quân có liên hệ với phong trào thánh chiến quốc tế dính líu tới tổ chức Al Qaeda, nhưng trong thực tế nó gần gũi với vài ý thức hệ đang hoạt động cả với Nhà nước hồi ISIL. Các sự kiện xảy ra tại Bengazi chứng minh cho sự chia rẽ này.

Hỏi: Chúng ta cũng hãy nhìn điều đang xảy ra bên Phi châu nói chung – Nigeria, Mali, Bắc Phi, Somalia – theo ông, lục địa Phi châu có phải là nét thứ hai của vấn đề thánh chiến trên thế giới không?

Đáp: Nếu chúng ta muốn hiện nay nó là một đường nét thứ hai, bởi vì Siria và Irak là sân khấu của phong trào thánh chiến toàn cầu. Bất cứ ai muốn đi tham gia thánh chiến thì tới các nước này. Thật sự thì liên tục có các đe dọa thánh chiến và của tổ chức Al Qaeda – Chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện của tổ chức Al Qaeda mạnh tại Phi châu – các đe dọa này liên tục, rất hiện diện, không chỉ trên bình diện vùng miền và xã hội, bởi vì các nhóm gắn liền với bối cảnh thánh chiến quốc tế ngày càng gắn bó hơn với khung cảnh xã hội và bộ tộc bên Phi châu.

Hỏi: Nước Libia thật ra đang ở trong tình trạng hỗn loạn: quốc hội đã cho tân thủ tưởng được chỉ định Abdullah al Thani hai tuần để thành lập tân chính phủ. Một chính phủ mới có thể ổn định tình hình tại Libya không thưa ông?

Đáp: Rất tiếc là các tiền đề không phải là các tiền đề tốt nhất, bởi vì cuộc đối thoại giữa các thực tại khác nhau – nghĩa là giữa các lực lựơng hồi và các lực lượng đời hơn trong lúc này đây khá bị hạn hẹp. Chính các lực lượng dân quân chiến đấu với nhau hơn là các giới chức chính trị đối thoại với nhau. Do đó các tiền đề cho một tân chính phủ không phải là các tiền đề tốt đẹp nhất. Chắc chắn là cần có một chương trình chính trị và ngoại giao quan trọng, nhưng một mình chính quyền Libya không thôi, mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong tư cách là người giảng hòa, đối thoại về tình hình và các thực tại bên Libya hiện nay, thì khó mà có thể thành công.

(RG 24-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Vua vương quốc Bahrain hiến tặng Giáo Hội công giáo một miếng đất để xây nhà thờ chính tòa

Vua vương quốc Bahrain hiến tặng Giáo Hội công giáo một miếng đất để xây nhà thờ chính tòa

Phỏng vấn Đức Cha Camillo Ballin, Giám quản tông tòa vùng bắc A rập

Trong các ngày hạ tuần tháng 8 vừa qua vua Hamad Bin Isa Al Khalifa của vương quốc Bahrain đã hiến tặng Giáo Hội công giáo một khu đất rộng 9,000 mét vuông để xây nhà thờ chính tòa dâng kính Đức Bà A Rập. Chính Đức Cha Camillo Ballin Giám quản tông tòa vùng bắc A rập đã cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican ngày 22 tháng 8 vừa qua. Nhà thờ chính tòa sẽ có hình bát giác, giống lều dân Do thái dựng trong sa mạc Sinai xưa kia.

Vùng bắc A rập thuộc quyền giám quản của Đức Cha Ballin bao gồm Bahrain, Kuwait, Qatar và A rập Sauđi.

Vương quốc Bahrain là một quần đảo rộng 750 cây số vuông, có gần 1.3 triệu dân, 80% theo Hồi giáo, 10% theo Kitô giáo và 10% theo các tôn giáo khác. Al Bahrain có nghĩa là ”vương quốc của hai biển”. Hồi đầu thế kỷ 16 nó bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng, sang đầu thế kỷ 17 người dân nổi loạn đánh đuổi người Bồ. Bahrain tùy thuộc vương quốc Ba Tư. Vào tiền bán thế kỷ 18 khi triều đại Safavít bên Ba Tư sụp đổ, Bahrain độc lập và do bộ tộc Huwala cai trị. Năm 1735 triều đại mới Cagiari của Ba Tư tái chiếm Bahrain, và năm 1754 các thành phần của triều đại Makhtur trở thành các thống đốc cha truyền con nối dưới sự giám sát của Ba Tư. Năm 1783 dưới sự lãnh đạo của bộ lạc Bani Utub, người dân Bahrain cùng với người dân Qatar nổi lên chống lại triều đại Makhtur và được hoàn toàn độc lập khỏi người Ba Tư. Nhưng nền độc lập không kéo dài vì Bahrain lại bị Sultan Oman đánh chiếm năm 1802. Năm 1822 lại xảy ra một cuộc nổi loạn khác do gia tộc Al Khalifa lãnh đạo, và tái lập nền độc lập.

Trong thời gian này Bahrain ký các hiệp ước với Anh quốc để được Anh quốc bảo vệ khỏi các tấn công từ bên ngoài, nhưng chưa phải là chế độ bảo hộ. Nam 1869 đế quốc Ottoman trải rộng sự thống trị của họ dọc bờ duyên hải A rập của vùng Vịnh Ba Tư, và với sự can thiệp của Anh quốc Bahrain được hưởng quy chế chư hầu. Với sự sụp đổ của đế quốc Ottoman năm 1916 Bahrain trở thành vùng bảo hộ của Anh quốc cho tới năm 1971, rồi được độc lập. Đường hướng cai trị mang tính cách truyền thống hồi giáo giống A Rập Sauđi. Bahrain đã đồng ý cho Hoa Kỳ có căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình để chứng minh cho thấy mình phò Tây phương. Tuy có Hiến pháp năm 1973 nhưng năm 1975 Hiến pháp bị tạm ngưng. Năm 2011 vua Hamad Bin Isa Al Khalifa tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì các đụng độ giữa các nhóm Sciít được Iran ủng hộ và các nhóm Sunni được A rập Sauđi yểm trợ. Các cuộc đụng độ đã khiến cho 3 người chết và 200 người bị thương. Tiến trình cách mạng đang tiếp tục không chỉ có tính cách tôn giáo nhưng cũng có tính cách kinh tế, xã hội nhất là chính trị pháp định và liên quan tới các quyền tự do dân sự.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Ballin về tin vui này và về tình hình các kitô hữu vùng Trung Đông.

Hỏi: Thưa Đức Cha Giám quản, tin vui nói trên là một dấu hiệu tích cực. Đức Cha có thể cho biết thêm chi tiết về sự kiện này hay không?

Đáp: Mảnh đất để xây nhà thờ chính tòa do vua Bahrain, Hamad Bin Isa Al Khalifa tặng cho Giáo Hội công giáo rộng 9,000 mét vuông. Nhà vua rất hài lòng và liên tục hỏi tôi tin tức về việc xây cất nhà thờ. Và khi tôi báo cho nhà vua biết nhà thờ sẽ được dâng kính Đức Bà A rập, thì nhà vua rất sung sướng. Nhà thờ Đức Bà A rập là chị em với nhà thờ Đức Bà Fatima và nhà thờ Lộ Đức.

Hỏi: Công việc xây cất đã tới đâu rồi thưa Đức Cha, nó đã đươc khởi sự chưa?

Đáp: Chưa. Các công việc xây cất chưa bắt đầu. Trong lúc này chúng tôi mới đã chỉ tổ chức một cuộc thi để chọn dự án: một kiến trúc sư người Ý đã thắng cuộc thi. Ông đã thực hiện một sơ đồ rất đơn sơ diễn tả chiếc lều của người Do thái trnog thời Xuất Hành. Trong sa mạc Sinai khi người do thái muốn thì họ có thể tới lều để gặp Thiên Chúa. Đó là một nhà thờ hình bát giác, bởi vì số tám là con số diễn tả sự vĩnh cửu. Như thế khi chúng ta đến nhà thờ và gặp gỡ với Thiên Chúa, là chúng ta tham dự vào sự vĩnh cửu mà chúng ta được mời gọi hướng tới. Đây là một nhà thờ có 2,300 chỗ ngồi, bên trái có nhà nguyện đặt Thánh Thể, bên phải là nhà nguyện kính Đức Mẹ A rập, rồi có một nhá nguyện khác nữa dành cho việc giải tội và sau cùng nhà nguyện thứ tư dành cho thang máy, như vậy để tín hữu có thể từ chỗ đậu xe dưới hầm lên nhà thờ.

Hỏi: Nhà thờ cũng có một tháp chuông có thể trông thấy từ xa chứ thưa Đức Cha?

Đáp: Vâng có tháp chuông, nhưng tôi thích không trưng bầy các Thánh Giá hay các dấu chỉ tôn giáo khác. Không phải vì bị cấm hay vì nhà vua không muốn như vậy, nhưng bởi vì tôi không mnốn làm dấy lên các phản ứng có thể có từ phía các người hồi cực đoan.

Hỏi: Là Giám Quản tông tòa Đức Cha cũng đảm trách việc đào tạo các chủng sinh nữa, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Trong vùng tôi giám quản có 50 linh mục. Chúng tôi găp gỡ nhau hai lần mỗi năm. Rất tiếc là chúng tôi không có cơ sở tôn giáo nào, vì thế chúng tôi phải họp nhau trong khách sạn. Do đó tôi đã nghĩ tới việc xây một căn nhà có khoảng 60 phòng cho các buổi tĩnh tâm hội họp của các linh mục, giáo dân, các thừa tác viên Thánh Thể. Cần có một chỗ để chúng tôi hội họp và là trung tâm cho tất cả mọi nước của Tòa giám quản, vì thế chúng tôi đã chọn vương quốc Bahrain. Và điều này cho phép tôi di chuyển rất tự do giữa các nước A rập đã được giao phó cho tôi. Ngoài Bahrain Tòa giám quản tông tòa Bắc A Rập còn bao gồm Kuwait, Qatar, và A Rập Sauđi.

Hỏi: Trong những ngày này Vua Bahrain cũng đã gửi điện tín chia buồn với Đức Thánh Cha Phanxicô vì cái chết của người vợ và hai con nhỏ của cháu ruột ngài. Cả điều này nữa cũng là một dấu chỉ quan trọng có đúng thế không?

Đáp: Vâng đúng thế, nhưng không phải chỉ có vậy. Cả cuộc hội kiến giữa nhà vua và Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vaticăng ngày 19 tháng 5 năm nay cũng đã rất tích cực. Tôi xác tín rằng nhà vua đã rất hài lòng. Thật thế, sau chuyến viếng thăm nhà vua đã muốn gặp tôi để cám ơn tôi đã cộng tác sắp xếp tổ chức cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hỏi: Thưa Đức Cha Pallin, có thể đóng góp cho việc xây cất nhà thờ chính tòa ”Đức Bà A rập” như thế nào? Có thể quyên góp ngân khoản một cách tự phát hay không?

Đáp: Vâng, có thể đóng góp bằng bất cứ cách nào. Chẳng hạn, tôi đã đề nghị các phụ nữ có tên thánh là Maria có thể dâng cúng 10 Euros cho việc xây nhà của Mẹ Maria. Cũng có thể đóng góp bằng cách gửi số tiền dâng cúng vào số trương mục của Dòng Comboni và ghi chú ”cho Đức Cha Pallin”.

Hỏi: Các tín hữu kitô vùng Trung Đông đang phải sống trong một tình trạng vô cùng thê thảm. Nó có gây ra các dư âm nào trong các nước thuộc Tòa giám quản của Đức Cha hay không?

Đáp: Vua Bahrain đã tuyên bố sẵn sàng trợ giúp 200 gia đình kitô Mossul và cũng sẵn sàng đón tiếp họ tại Bahrain. Điều này cho thấy sự quảng đại của nhà vua đối với các kitô hữu. Hiện nay tình trạng thê thảm này chưa lan tràn tới chúng tôi. Phản ứng của các người hồi là chống lại Nhà Nước Hồi ISIS tại Irak và Siria. Tất cả mọi người Hồi đều chống lại các lực lượng ISIS, nhất là các người hồi hòa hoãn. Cả các người hồi cực đoan cũng đã không bầy tỏ ý kiến một cách tích cực, tôi đã không tìm thấy trên báo chí các lời tuyên bố ủng hộ Nhà Nước Hồi ISIS, tại Bahrain cũng như Kuweit và nơi khác. Tôi tin rằng ở nền tảng của nó có một lý do chính trị khiến cho các chính quyền A rập khác chú ý. Nghĩa là: Nhà Nước Hồi giáo này muốn gì? Nó có mục đích gì? Mục đích của nó có thật sự là Hồi giáo không hay có một phong trào chính trị làm nảy sinh ra nó? Và ai là người ủng hộ nó? Việc trở lại với một quốc gia hồi giáo Caliphat là một tưởng tượng thuần túy, vì nó sẽ không bao giờ được bất cứ quốc gia A rập nào chấp thuận.

Hỏi: Đức Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi khoan nhượng tôn giáo và bảo vệ các nhóm thiểu số, không phải chỉ có các kitô hữu thôi không?

Đáp: Mọi nhóm thiểu số phải được nâng đỡ, vì mọi người đều là thu tạo của Thiên Chúa, dù là Kitô hữu hay không. Cả các anh em hồi giáo cũng có các nhóm thiểu số. Và mọi nhóm thiểu số đều có quyền hiện hữu, đều có quyền sống, bởi vì mỗi người là một nhân vị, và như thế tại sao họ lại phải chịu các áp bức, bị xử bắn, bị giết ngay tức khắc, bị cướp bóc, bị các áp đặt tôn giáo? Tại sao? Mỗi một người phải đựơc tự do lựa chọn tôn giáo mình muốn, sống theo sự tôn trọng của nhân vị, của xã hội con người, theo các nhân quyền. Mỗi một người đều đã được Thiên Chúa tao dựng nên, và như là thụ tạo của Thiên Chúa, họ có quyền sống cuộc sống nhân bản và tôn giáo của mình, như họ muốn.

(RG 22-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Trách nhiệm về người anh em

Trách nhiệm về người anh em

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:

Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án. Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh Ngài và nói: hôm nay Ngài đã đến đây thì Ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.

Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:

– Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

– Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!

Anh chị em thân mến, hai thái độ khác nhau giữa dân làng và Giám Mục Amôlas đối với một người lầm lỗi, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sửa chữa lỗi lầm của anh em. Ngược lại với phản ứng của dân làng, Đức Giám Mục Amôlas đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Trong một tình trạng khó xử, Ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, Ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền. Trái lại, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Và sau cùng, dù không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đang vấp phạm, cũng như nêu mối nguy hiểm của lỗi lầm này với phần rỗi của đương sự, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.

Thưa anh chị em, Giáo Hội là một cộng đoàn huynh đệ, trong đó mọi người là anh em với nhau vì đã được làm con cùng một Cha trên trời trong Đức Giêsu Kitô. Vì thế, mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm nâng đỡ nhau, sửa lỗi nhau để sống xứng đáng là con cái của Chúa trong đại gia đình của Ngài. “Chị ngã, em nâng”; “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”. Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta trách nhiệm đó. Ở đây không có ý nói về việc ai đó xía vô đời tư của người khác, nhưng có ý nói về một người anh em ý thức trách nhiệm phải giúp đỡ người anh em khác sống tốt hơn, vì ích chung của Giáo Hội.

Đây là một việc làm tế nhị, khó khăn, đòi hỏi phải nhẫn nại, bởi vì người ta làm việc trên sự tự do và nhân vị của mỗi con người. Chúa Giêsu đề ra ba giai đoạn: Trước hết cá nhân đối diện với cá nhân. Nếu người phạm lỗi không chịu nghe nhưng lời góp ý để sửa chữa lỗi lầm, người ta sẽ đem theo một hoặc hai người nữa cho việc góp ý được thấu lý đạt tình và có sức mạnh hoán cải hơn. Nếu người mắc lỗi ngoan cố thì sự việc sẽ được đưa ra trước cộng đoàn, tức là một thứ Giáo Hội địa phương và nếu người mắc lỗi cũng không chịu nghe cộng đoàn, lúc đó người ta mới kể nó như người ngoài cộng đoàn, như người ngoại giáo.

Đó quả là một biện pháp khôn ngoan. Nó làm cho người có trách nhiệm sửa lỗi luôn luôn giữ được sự bình tĩnh, nhẫn nại, đồng thời thể hiện tấm lòng từ bi và thái độ tôn trọng nhân vị, tự do của người phạm tội có dịp hồi tâm, phản tỉnh để nhận ra sự sai quấy của mình. Lúc đó, không một tội nhân nào còn có lý do để quy trách nhiệm về tội mình, về cách xử lý mình cho anh em, sau khi đã đối diện với anh em qua ba giai đoạn ấy.

Tóm lại, tất cả đều phải nhắm đến sự sống của cộng đoàn, phải thi hành với tình yêu huynh đệ. Giáo Hội chỉ giúp cho cá nhân và xã hội được tốt lành, hoàn thiện khi đóng đúng vai trò người giữ gìn, bảo vệ nơi nào chân chính và điều thiện có thể bị tấn công, bị phá hủy, đồng thời đẩy lui những điều ác, điều xấu làm tổn thương, sứt mẻ mối tương quan của con người với chính mình, với cộng đoàn và với quyền bính hợp pháp.

Khi chúng ta cùng cộng đoàn hay Giáo Hội lên án những bất công và tệ đoan xã hội cũng như sự suy thoái đạo đức… chính là lúc chúng ta thực thi trách nhiệm sửa chữa lỗi lầm của nhau, cho mình và cho xã hội. Trách nhiệm này, Chúa đã trao cho chúng ta trong tư cách là người con cái của Chúa và Giáo Hội.

Anh chị em thân mến, chúng ta họp nhau đây nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để cầu nguyện, để gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Chúa Giêsu đang sống và ở giữa chúng ta. Ngài soi sáng cho chúng ta biết sự thật về chính mình và tình liên đới với nhau, để chúng ta trả cho nhau món nợ duy nhất, đó là món nợ tình yêu thương nhau, món nợ không bao giờ trả được.

Các khổ đau của Kitô hữu và các nhóm thiểu số bên Iraq

Các khổ đau của Kitô hữu và các nhóm thiểu số bên Iraq

Phỏng vấn Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo về chuyến viếng thăm Iraq

Sau một tuần viếng thăm Iraq trong tư cách là đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, đã về tới Roma ngày 20-8-2914. Ngày hôm sau 21-8-2014 Đức Hồng Y đã vào gặp Đức Thánh Cha để tường trình về chuyến viếng thăm của ngài liên quan tới hơn 100 ngàn kitô hữu đã phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn tài sản di cư sang lánh nạn bên vùng Kurdistan, sau khi các lực lương hồi cuồng tín ISIS đánh chiếm thành phố Mossul. Đức Hồng Y đã đem theo một bức thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tổng thống Fouad Masum của Iraq, trong đó Đức Thánh Cha bầy tỏ đau buồn vì các khổ đau đo bạo lực tàn ác gây ra cho các kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số ở Iraq. Đức Thánh Cha cầu mong các giới chức chính trị xã hội sử dụng mọi phương thế để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tai Iraq, để mọi thành phần thiểu số được là những công dân bình đẳng với mọi người khác. Đức Hồng Y Filoni cũng chuyển số tiền 1 triệu mỹ kim Đức Thánh Cha trợ giúp các người tỵ nạn Iraq.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y về chuyến viếng thăm nói trên.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y đã là chuyến viếng thăm tình trạng cứu trợ cấp thiết nhân đạo liên quan tới các kitô hữu và dân chúng sống tại miền bắc Iraq. Đức Hồng Y đã trông thấy những gì?

Đáp: Đây đã là một sứ mệnh được thực hiện trong đau đớn giữa các Kitô hữu chạy trốn khỏi thành phố Mossul và khỏi đồng bằng Ninive. Họ bị bứng khỏi nhà cửa, và cuộc sống đơn sơ thường ngày của họ, để rơi vào một hoàn cảnh sống không thể nào đoán trước được là hoàn cảnh một sớm một chiều không nhà cửa, không quần áo, không có những điều tối thiểu tự nhiên cho cuộc sống, với hai bàn tay trắng, hoàn toàn không có gì hết. Chẳng hạn như không có nước để tắm rửa, với nhiệt độ 47 độ C, hay ngủ ngoài đường hay trong các công viên, dưới một bóng cây hay dưới một tấm nylon. Với các phụ nữ có thói quen làm việc trong nhà bây giờ xem ra ngơ ngác mất hướng. Hầu như chỉ có các trẻ em là những người duy nhất không cảm nhận được thảm cảnh của tình hình, vẫn chạy qua chạy lại. Với các người già bị ném vào một xó và người bệnh không biết có một bác sĩ hay thuốc men cho mình hay không.

Hỏi: Có giai thoại nào đặc biệt đánh động cho Đức Hồng Y không?

Đáp: Có một bà mẹ chỉ cho tôi xem một bé gái mới ba tháng và nói rằng khi họ trốn khỏi Mossul, thì người ta muốn lấy cả các vòng đeo tai mạ vàng của cháu bé. Chúng là các vật không có giá trị gì, nhưng cái bạo lực mà họ đã phải chịu cho thấy sự khinh rẻ đối với cả các trẻ em bé bỏng nhất. Tôi đã nói với bà mẹ đó: Họ đã lấy mất các vòng đeo tai, nhưng các điều qúy báu nhất vẫn còn với bà: đó là cháu bé và phẩm giá. Phẩm giá bị thương tích mà đã không có ai có thể lấy mất được. Dân chúng đã hài lòng và họ đã vỗ tay.

Hỏi: Đức Hồng Y đã được đón tiếp như thế nào bên Iraq?

Đáp: Đức Thánh Cha đã không thể đích thân hiện diện bên Iraq nên ngài đã lập tức gửi một vị đặc sứ – không phải một vị đại diện ngoại giao, nhưng một vị đại diện cá nhân – Nó đã là một dấu chỉ hùng hồn là ngài muốn chia sẻ tất cả với họ. Và tôi đã sống các ngày này giữa họ. Tôi cảm thấy mình là một người được đặc quyền so sánh với họ, bởi sự kiện tôi có một phòng nhỏ để ngủ, một chút nước để rửa tay. Nhưng tôi đã chia sẻ với họ mọi sự. Tôi không đại diện cho chính mình nhưng đại diện cho Đức Thánh Cha, và việc tôi chia sẻ mọi sự với họ là một dấu chỉ sự gần gũi của Đức Thánh Cha. Tôi đã viếng thăm các làng của người Kitô và người Yazidi. Và tôi cũng đã tham dự cuộc sồng của Giáo Hội địa phương. Cả các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ cũng đã phải chạy trốn, và các vị cũng đã phải tìm một chỗ để ngủ. Qua vị đặc sứ Đức Thánh Cha đã muốn khích lệ tất cả mọi người và nói với tất cả mọi người rằng họ không bị quên lãng.

Hỏi: Trong cuộc họp báo trên đường từ Seoul trở về Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thừa nhận rằng kiểu ngăn chặn kẻ gây hấn bất công phải do Liên Hiệp Quốc tìm ra, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Như là Giáo Hội, Giáo Hội đang và sẽ luôn luôn chống lại chiến tranh. Nhưng các người dân đáng thương này có quyền được bảo vệ. Họ không có vũ khí, họ đã bị đuổi khỏi nhà vửa của họ một cách hèn hạ, họ đã không dấn thân trong cuộc chiến đấu nào. Làm sao bảo đảm cho những người dân này được sống trong nhà cửa của họ một cách xứng đáng? Chắc chắn không phải là bằng cách nhường chỗ cho bạo lực, và duy trì nó bằng mọi cách. Nhưng chúng ta không thể không lắng nghe tiếng khóc của họ đang xin chúng ta cứu giúp và bảo vệ họ.

Hỏi: Để thực hiện điều này lại không phải là điều ích lợi, nếu biết trước được ai cung cấp khí giới và tiền bạc cho các lực lượng thánh chiến hồi này và tìm cách ngăn chặn các cung cấp hay sao thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Họ là các nhóm cho thấy được cung cấp vũ khí và tiền bạc, và người ta tự hỏi làm sao các vũ khì và tài nguyên này lại thoát khỏi sự kiểm soát của những người có bổn phận kiểm soát chúng và ngăn ngừa các phát triển thê thảm như thế. Câu hỏi mà tôi đã nghe nhiều người đưa ra là câu hỏi liên quan tới việc ”kiểm soát từ xa”, liên quan tới những người điều động các sự việc từ xa. Nhưng tôi tin rằng hiện nay khó mà đưa ra một câu trả lời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Irak dưới thời Saddam Hussein. Cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được gằn liền với các sự kiện của năm 2003, và kiểu người ta chấm dứt chế độ của ông ta hay không?

Đáp: Có và không. Một đàng, đã xảy ra một sự xáo trộn trong nước Iraq làm nảy sinh ra biết bao nhiêu là tình hình nguy kịch và khổ đau, cả khi cần hiểu rằng trước đó cũng đã không có một tình trạng yên lành và lý tưởng. Đàng khác, hơn mười năm đã trôi qua. Càng cách xa các biến cố đó bao nhiêu, lại càng có quyền hỏi điều đang xảy ra hiện nay chỉ là lỗi của người khác và của các sự kiện của qúa khứ hay còn có các trách nhiệm khác nữa. Và cần phải hỏi điều gì đã được làm trong thời gian qua và đáng lý ra đã có thể làm được những gì.

Hỏi: Cả Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các nạn nhân của những gì đang xảy ra bên Iraq không chỉ là các Kitô hữu, nhưng là tất cả các nhóm thiểu số. Sự nhấn mạnh này gợi ý điều gì thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Đương nhiên là tình hình của các kitô hữu được biết tới bên Tây Phương. Nhưng chẳng hạn các tín hữu hồi Yazidi đã cầu cứu chúng tôi vì họ đã nói với tôi: ”Chúng tôi là một dân tộc không có tiếng nói và không ai nói tới chúng tôi”. Các tình trạng thê thảm mà tôi đã trông thấy và họ đang sống khiến cho họ trở thành các nạn nhân đầu tiên. Nhưng cũng có những làng Shiite phải chạy trốn cả làng. Thế rồi còn có các người Mandei và tất cả các nhóm khác nữa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đá nói chuyện với các vị lãnh đạo chính trị có ảnh hưởng trong vùng Kurdistan cũng như các vi lãnh đạo tại Baghdad. Họ có còn đồng thuận với một viễn tượng hiệp nhất đối với tương lai của Iraq hay các thúc đẩy rời xa trung tâm không còn có thể ngừng được nữa?

Đáp: Iraq là một quốc gia hỗn hợp. Một diễn tả chính trị địa lý nảy sinh từ năm 1920 trở về sau, nơi thực thể quốc gia không đựơc nhận thức như là một sự đồng nhất nhưng như là sự đa diện. Các giới chức chính quyền và cả các Giám Mục nói tới một bức đồ khảm sự hiện diện của các nền văn hóa và các tôn giáo. Dĩ nhiên nếu bức khảm đá mầu này được duy trì nguyên vẹn, thì nó có vẻ đẹp của nó và một tương lai. Nhưng nếu người ta bắt đầu lấy đi các viên đá, thì trước sau gì mọi sự có thể bị tan rã. Sự hiệp nhất quốc gia được bảo đảm bởi Hiến Pháp, nhưng phải được thực hiện trong cuộc sống quốc gia và điều này khó, bởi vì mỗi nhóm đều mang theo các chấn thương, các khổ đau, các bách hại rất dài, các bất công phải chịu. Giờ đây Iraq là một nước cần tái thiết và chỉ có thể hiệp nhất, nếu trong sự hiệp nhất ấy người ta tìm thấy khoảng trống và sự tôn trọng phải có đối với các căn tính khác nhau.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, bên Tây phương có vài người lợi dụng các chuyện xảy ra tại Iraq để tái đề nghị sự chống đối giữa Kitô giáo và Hồi giáo, Đức Hồng Y nghĩ sao?

Đáp: Có một dữ kiện, như tôi đã nói, đó là các tấn kích hướng tới các kitô hữu, các người Yazidi, các người Shiite, nhưng cũng chống lại các người Sunni nữa. Như thế vấn đề không thể được đặt ra như một sự đối chọi giữa Hồi giáo và Kitô giáo. Đàng khác, những kẻ đang thực thi các hành động kinh khủng này chống lại các nhóm thiểu số họ làm điều đó nhân danh một ý thức hệ chính trị tôn giáo bất khoan nhượng. Và đây là một khía cạnh cần làm cho chúng ta suy nghĩ.

(FIDES 21-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Cử hành 200 năm ngày thánh Gioan Bosco sinh ra

Phỏng vấn Cha Francesco Cereda, Phụ tá Bề trên Tổng quyền dòng Don Bosco

Ngày 15-8-2014 lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, dòng Don Bosco đã bắt đầu các lễ nghi mừng kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra tại Castelnuovo d'Asti vùng Piemonte, trung bắc Italia, ngày 16 tháng 8 năm 1815. Năm kỷ niệm này được ghi dấu bằng nhiều biến cố mừng kính vị thánh lập dòng Salesien và là bổn mạng của giới trẻ. Ngoài lễ nghi khai mở năm kỷ niệm tại Castelnuovo, còn có đại hội quốc tế về lịch sử và sư phạm Salesien, và đại hội quốc tế phong trào giới trẻ Salesien. Từ ngày 19 tháng 4 năm tới sẽ có cuộc trưng bầy Tấm Khăn Liệm thành Torino nhân năm kỷ niệm này.

Giovanni Bosco sinh ngày 16 tháng 8 năm 1815 trong một căn nhà khiêm tốn tại thôn I Becchi làng Castelnuovo, là con ông Francesco Bosco và bà Margherita Occhiena, nông dân. Ông Francesco qua đời vì bệnh phổi năm 1817 khi mới 33 tuổi, để lại vợ và ba con. Thế là khi mới 2 tuổi Giovanni đã mồ côi cha. Một thân một mình bà Margherita phải tần tảo nuôi ba con thơ và mẹ chồng bệnh hoạn. Cuộc sống thời đó vô cùng khó khăn và có rất nhiều người chết vì đói và dịch tễ. Năm lên 9 tuổi Giovanni có một giấc mơ, khiến cậu quyết định trở thành linh mục, và giấc mơ đó sẽ là lý do khiến cho sau này cha Bosco quy tụ các trẻ em mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em lao động, hay từng vào tù ra khám, để trợ giúp, dậy dỗ các em nên thân nên người. Trong thời gian theo học tại trường tiểu học Capriglio, cậu bé Giovanni đã quyết định học làm xiệc để lôi kéo các trẻ em cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Nếu muốn xem cậu làm xiệc, thì các trẻ em trước đó phải lần hạt Mân Côi và lắng nghe một đoạn Phúc Âm.

Vì bị người anh cả cùng cha khác mẹ là Antonio ghen ghét và đánh đập, Giovanni được mẹ gửi đến Moncucco Torinese giúp việc cho gia đình ông Luigi và bà Dorotea Moglia từ năm 1827 đến 1829, và chỉ có thể trở về nhà khi Antonio lập gia đình năm 1831. Trong thời gian này Giovanni tìm mọi cách học để chuẩn bị vào chủng viện, nhưng việc học khi được khi không. Bù lại Giovanni học được nghề thợ may, thợ rèn, sau nay sẽ rất hữu hiệu vì cbúng sẽ là các nghề trong trường kỹ thuật Valdocco của dòng Salesien.

Để có tiền đi học tại tỉnh Chieti Giovanni trọ ở nhà bà Lucia Matta, và làm đủ mọi nghề: giúp việc, giúp bàn, dọn dẹp chuồng bò để có tiền đi học. Chính tại đây anh thành lập ”Hội Tươi Vui” và trổ tài làm xiệc để lôi kéo người trẻ tới với đời cầu nguyện và cuộc sống đức tin. Trong thời gian này Giovanni làm bạn với Lugi Comollo. Gương sống dịu hiền, vô tội và tha thứ của Luigi Comollo sẽ khiến cho Giovanni sau này lấy khẩu hiệu: ”Hãy lấy hết mọi sự, nhưng xin cho con các linh hồn”.

Sau bao nhiêu kiên trì vượt mọi khó khăn cuối cùng Giovanni Bosco được gia nhập chủng viện Chieti, theo học tại đây từ năm 1935 tới 1841 và được thụ phong linh mục ngày mùng 5 tháng 6 năm 1841. Tuy được bạn bè và người quen đề nghị làm thầy dậy học tư hay tuyên úy, nhưng cha Bosco từ chối. Cha quyết định vào sống trong cư xá ở Torino gần nhà thờ thánh Phanxicô thành Assisi, nơi linh mục Luigi Guala đang lo cho 45 thanh niên chuẩn bị học làm linh mục, với sự trợ giúp của cha Giuseppe Cafasso, là người đã mời cha Bosco tới phụ lực với hai cha.

Được linh hứng bởi công việc của cha Giovanni Cocchi, người đã tìm cách quy tụ các người trẻ gặp khó khắn tại Torino trong một cư xá, cha Bosco quyết định đi găp các trẻ em bụi đời và quan sát cuộc sống khổ cực của các em cũng như nói chuyện với các em. Mới 8-9 tuổi nhưng các em đã phải làm việc lam lũ trong các nhà máy để mưu sinh, và thường bị người lớn ức hiếp ăn cắp lương. Các em rất qúy trọng cha vì cha bênh vực các em. Cùng với cha Cafasso, cha Bosco cũng bắt đầu viếng thăm các người trẻ bị tù.

Nhận thấy tình yêu thương của cha, các bạn trẻ tuổi từ 12 tới 18 bắt đầu tin cậy và kể lại cho cha nghe các khổ đau khó khăn của họ. Cha dặn họ khi ra khỏi tù tới gặp cha tại giáo xứ thánh Phanxicô Assisi. Ngày mùng 8 tháng 12 năm 1841 trước khi dâng thánh lễ cha gặp Bartolomeo Garelli trong phòng mặc áo. Đó là bạn trẻ đầu tiên tìm đến với cha. Cha Bosco quyết định tụ tập tất cả các trẻ em nghèo, mồ côi, lang thang bụi đời, các trẻ em công nhân làm nghề lau ống khói, các người trẻ mới ra khỏi tù, để đậy đỗ các em. Bốn ngày sau cùng với Bartolomeo Garelli, có thêm ba anh em Buzzetti và bạn bè của các em. Đó là nhóm sẽ làm thành tổ ấm đầu tiên của dòng Salesien. Chỉ ít lâu sau trẻ em đông tới độ cha Bosco phải nhờ ba linh mục khác trợ giúp.

Mùa xuân năm 1842 mấy anh em Buzzetti đem theo Giuseppe người em út đến tổ ấm. Giuseppe rất yêu mến cha Bosco, quyết định theo cha trong ơn gọi linh mục và sau này trở thành cánh tay mặt của cha trong dòng Salesien. Tháng tư năm 1846 cha Bosco tìm được một khu đất và một căn nhà cho các con cái của cha tại Valdocco. Năm 1854 cha bắt đầu thành lập dòng Salesien, và năm 1872 với sự trợ giúp của chị Maria Domenica Mazzarello cha thành lập nhánh nữ Salesien lo việc giáo dục cho các trẻ nữ. Năm 1875 cha gửi nhóm thừa sai Salesien đầu tiên sang Buenos Aires, thủ đo Argentina. Sau đó dòng lớn mạnh và phát triển tại nhiều nước Âu châu, Mỹ châu, Phi châu và Á châu trong đó có cả Việt Nam. Hiện nay dòng Don Bosco có 15.560 tu sĩ, trong đó có 121 Giám Mục, 10.433 linh mục, điều khiển 1823 cơ cở giáo dục và các trường kỹ thuật dậy nghề cho người trẻ đó đây trên thế giới.

Cha Don Bosco qua đời tại Torino ngày 31 tháng giêng năm 1888. Đức Giáo Hoàng Pio XI đã phong Chân phước cho người ngày mùng 2 tháng 6 năm 1929, rồi nâng lên hàng hiển Thánh ngày mùng 1 tháng 4 năm 1934. Xác của cha hiện được để trong đền thánh Đức Bà Phù Hộ ở Torino.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Francesco Cereda, phụ tá cha Bề trên tổng quyền dòng Don Bosco, về năm kỷ niệm này.

Hỏi: Thưa cha các lễ nghi kỷ niệm 200 năm thánh Gioan Bosco sinh ra đã diễn ra như thế nào?

Đáp: Các lễ nghi kỷ niệm 200 năm đã bắt đầu vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời, với biến cố cha Bề trên tổng quyền đã được Hội đồng tỉnh và Hội đồng mục vụ giáo xứ Castelmuovo tiếp đón. Ngay buổi chiều đầu tiên này cha Bề trên tổng quyền đã minh nhiên vai trò của Đức Mẹ Maria trong cuộc đời thánh Bosco, cũng như sự kiện thánh nhân đã học tín thác cho Đức Mẹ từ thân mẫu là bà Margherita, và bên trong môi trường giáo xứ. Thứ bẩy 16-8 có cuộc hành hương, theo sau đó là thánh lễ đồng tế tại quảng trường vương cung thánh đường kính thánh Bosco tại Colle Don Bosco. Trong thánh lễ cha Bề trên tổng quyền đã đọc sứ điệp gửi năm Don Bosco, và Hội đồng thành phố đã trao tặng tước hiệu ”công dân danh dự” cho cha.

Hỏi: Thưa cha, đâu là các mục đích của năm kỷ niệm với đề tài ”Don Bosco với người trẻ và cho giới trẻ?

Đáp: Mục đích chính là kỷ niệm gương mặt của cha thánh Don Bosco, bằng cách duyệt xét các thách đố mà thánh nhân đã đương đầu, để học từ chính thánh nhân, để xem ngày nay chúng ta phải trả lời cho các thách đố của giới trẻ như thế nào. Như vậy chúng ta có thể đưa ra một bài học phân định mục vụ liên quan tới các tình trạng, trong đó người trẻ phải sống trong các phần đất khác nhau của thế giới này. Như thánh Bosco chúng tôi cũng ước muốn dấn thân như gia đình Salesien và như là phong trào Salesien là sống với người trẻ và cho người trẻ. Do đó đề tài đồng hành, sống gần gũi với người trẻ, hiểu biết họ, và lôi cuốn họ trong hoạt động giáo duc mục vụ dành riêng cho họ, tới độ làm cho mỗi một người trẻ khám phá ra chương trình Thiên Chúa có đối với họ, và như thế hướng cuộc sống họ cho tương lai.

Hỏi: Thưa cha, năm kỷ niệm sẽ kéo dài cho tới ngày 16 tháng 8 năm 2015: đâu là các sáng kiến chính được dự trù cho năm này?

Đáp: Có các sáng kiến trên bình diện toàn cầu, như 90 cuộc thanh tra toàn dòng trên thế giới. Trên bình diện dòng thì sáng kiến đầu tiên sẽ là vào cuối tháng 9 sẽ có lễ nghi trao Thánh Giá truyền giáo cho các tu sĩ ra đi rao truyền Tin Mừng trên thế giới. Tiếp theo đó vào tháng 11 sẽ có một đại hội lịch sử duyệt xét sự phát triển đặc sủng của thánh Bosco từ quan điểm lịch sử hoạt động của dòng, từ quan điểm giáo dục và từ quan điểm tu đức. Tiếp theo đó riêng tại Italia sẽ có đại hội toàn quốc diễn ra ngày 24 tháng giêng tại Torino, rồi trong tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế sư phạm tại đại học Salesien. Một trong các biến cố mà chúng tôi sẽ tham dự như là gia đình Salesien đó là vuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Torino, nhân dịp trưng bầy Tấm Khăm Liệm trong năm kỷ niệm này. Thế rồi trong tuần cuối cùng của tháng 3 sẽ có đại hội quốc tế của người trẻ để giúp họ trở thành các Don Bosco ngày nay trong môi trường sống thường ngày của họ.

Hỏi: Thưa cha, sứ điệp của thánh Bosco Đấng sáng lập dòng Salesien có còn thời sự hay không và đâu là các điểm mạnh của sứ điệp này?

Đáp: Chúng ta thấy sứ điệp này được tiếp nhận trong nhiều phần khác nhau trên thế giới chính vì nó là một sứ điệp thiện cảm với người trẻ và gần gũi họ. Sư phạm của thánh Bosco, chúng ta có thể định nghĩa như là nghệ thuật khích lệ: gần gũi người trẻ trong chính môi trường sống của họ, cả qua đề nghị của lòng tin. Chính nhờ sự gần gũi với người trẻ hệ thống giáo dục của thánh Bosco dẫn đưa người trẻ tới chỗ trưởng thành, cho dù họ là tín hữu của tôn giáo nào đi nữa. Chương trình giáo dục đó là trợ giúp mọi người trẻ có một tương lai và có thể sống cho tha nhân. Bởi vì đó là kiểu giáo dục của thánh Bosco: bắt đầu thành lập một phong trào rộng lớn bao gồm nhiều người, vì để giáo dục cần có rất nhiều người cộng tác.

(RG 15-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine

Cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine

Một số nhận định của nữ ca sĩ Noa người Israel

Một tháng chiến tranh trong vùng Gaza giữa quân đội Israel và lực lượng Kamas đã khiến cho hơn 2,100 người thiệt mạng, đa số là thường dân Palestine, hàng chục ngàn người bị thương, 20,000 người không còn nhà cửa và hơn 200,000 người phải tản cư lánh nạn. Cảnh hoang tàn đổ nát xảy ra khắp nơi đặc biệt là tại mạn bắc dải Gaza, nơi đã bị quân đội Israel liên tục bỏ bom, oanh kích và bắn trọng pháo nhằm phá hủy các đường hầm của lực lượng Hamas. Cuộc ngưng bắn 72 giờ đồng hồ xem ra đã được hai bên tôn trọng. Nhưng các cuộc hóa đàm do Ai Cập làm trung gian vẫn bế tắc, không có tiến triển cụ thể nào, và đã thất bại, vì không bên nào tin tưởng và nhượng bộ bên nào.

Trong các ngày qua nữ ca sĩ Noa, người Israel, đang trình diễn bên Italia đã đưa ra một số nhận định liên quan tới cuộc xung đột vũ trang nói trên.

Bà Noa tên thật là Akhinoam Nini, sinh tại Tel Aviv trong một gia đình do thái Yemen, bị bó buộc phải chạy trốn vì sự thù nghịch sau biến cố thành lập nước Israel. Noa cùng gia đình sang sống bên New York, nơi thân phụ là giáo sư đại học đã tìm được việc làm. Năm 17 tuổi Noa bị khủng hoảng căn tính trầm trọng, vì nàng thấy mình ”không phải là người da trắng cũng không phải là người da đen”. Cô về Israel, đi quân dịch 2 năm, và sống rất cô đơn giữa các thiếu nữ khác nói tiếng Do thái mà cô không hiểu. Noa gặp bắc sĩ nhi khoa Asher Barak, rồi lập gia đình với ông và có ba người con.

Năm 1991 Noa bất đầu bước vào nghề ca sĩ và mau chóng gặt hái nhiều thành công, vì giọng hát rất truyền cảm và nội dung các bài ca diễn tả các ước mơ, các khổ đau, chiến tranh, nạn khủng bố và các niềm hy vọng của các dân tộc vùng Trung Đông. Nhiều Album nhạc của bà theo nhau chào đời. Bà được mời đi trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới, và được các cha dòng Phanxicô mời hát trong các ”đại nhạc hội hòa bình” tại Assisi, cùng với nữ ca sĩ người Palestine có quốc tịch Israel là Mira Awad. Năm 2001 bà đươc giải thưởng ”Nghệ sĩ của hòa bình”. Năm 2006 bà được ba giải thưởng. Tiếp đến có thêm ba giải thưởng khác vào năm 2007, 2009 và 2012. Năm nay bà Noa vừa cho ra CD mới tựa đề ”Tình yêu là thuốc chữa”. Bà là ca sĩ Do thái không chỉ nổi tiếng hát hay và là nghệ sĩ dấn thân thăng tiến hòa bình xã hội, đặc biệt là sự chung sống giữa mọi dân tộc và mọi tôn giáo, nhưng bà còn nổi tiếng là một nghệ sĩ ”cứng rắn”, dám can đảm thẳng thắn nói lên những cảm nghĩ của mình liên quan tới các vấn đề chính trị, luân lý, xã hội, mà không xu thời và không sợ dư luận.

Theo bà Noa ”cả hai dân tộc Israel và Palestine đều đã bị các người lãnh đạo phản bội. Và cả hai dân tộc đang phải trả giá mắc mỏ cho sự ngạo mạn, ngu đần và tham lam của họ. Tại khắp nơi người Israel và người Palestine đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, sự tiếp cận với lý do bầu họ lên hàng lãnh đạo”.

Hỏi: Thưa bà Noa, tựa đề CD mới ”Tình yêu là thuốc chữa” có phải là một sáo ngữ hay không, hay là một sự thật?

Đáp: Vâng, xem ra nó là môt sáo ngữ, nhưng trên thực tế nó lại là sự thật. Tôi nghĩ tới tất cả những người đã sống tình yêu thương và biết tới mãnh lực lớn lao của nó. Nhưng họ cũng biết cuộc sống khó khăn chừng nào, nếu người ta đánh mất tình yêu thương. Như thế tình yêu thương đi theo cả hai chiều: nó có thể là suối nguồn của khổ đau to lớn, nhưng cũng là suối nguồn của sức mạnh, sự ủi an và chữa lành vĩ đại. Chồng tôi là một bác sĩ nhi khoa mà tôi đã lập gia đình với anh ấy từ 22 năm nay, vì thế tôi hiểu biết thế giới y khoa từ gần. Chúng tôi nói rằng chúng tôi làm việc trong cùng lãnh vực: một người chữa lành thân xác, một người chữa lành linh hồn, và tôi thực sự tin rằng âm nhạc có năng lực chữa lành tâm hồn, nếu nhà nghệ sĩ có ý đó.

Hỏi: Bà đã kể cho chúng tôi nghe dấn thân không mỏi mệt và can đảm tranh đấu cho hòa bình, đặc biệt là tại Israel, dấn thân mà trong các tuần qua cũng đã khiến cho bà gặp không ít khó khăn. Bà cảm thấy thế nào, khi kiểu diễn tả nghệ thuật cũng phải trả giá cho một cuộc chiến không kiểm soát được nữa?

Đáp: Tôi tìm hy vọng hai điều. Trước hết tôi là một người, một công dân của thế giới. Tôi có các trách nhiệm chiến đấu cho những gì tôi tin tưởng, nói chúng lên một cách rõ ràng, bởi vì tôi có một tiếng nói và tôi sống trong một nước dân chủ. Tôi có một tiếng nói mà tôi có thể gióng lên, và tôi luôn luôn làm đối với những gì tôi tin tưởng. Thế rồi, tôi cũng cho rằng các nghệ sĩ, nói chung, phải là các người lãnh đạo xã hội. Có một sự khác biệt giữa nghệ sĩ và người giúp vui. Những người giúp vui có nhiệm vụ làm cho người ta lo ra, nghĩa là làm dịu sự việc, còn nghệ sĩ là một người khác. Nghệ sĩ phải là người đi sâu vào trong linh hồn và tâm trí con người, và phải phục vụ Thiên Chúa qua âm nhạc, chứ không phải phục vụ ông chúa tiền bạc hay danh vọng. Nghệ sĩ phải là một người lãnh đạo, nhất là khi liên quan tới các quyền con người, và phải đào tạo một dư luận rõ ràng và cởi mở. Tôi tin rằng nghệ thuật có sức mạnh nối kết con người với nhau trên một bình diện cao hơn, đôi khi tôi nghĩ tới đường bay của một con chim. Khi một con chim bay cao, thì không trông thấy các ranh giới giữa các nước và không trông thấy sự khác biệt của mầu da, hay sự khác biệt của các tôn giáo, nhưng chỉ trông thấy tấm thảm vô cùng xinh đẹp của các điều này chung với nhau, và tạo thành một sự hài hòa điều mà chúng ta gọi là trái đất của chúng ta.

Và xét rằng chúng ta tất cả đều là thành phần của trái đất này, chúng ta phải thử làm trên một bình diện cao hơn như con chim, thử tạo ra sự hài hòa ấy. Các nghệ sĩ có khả thể thực hiện viễn tượng này, và trách nhiệm của họ là kéo con người lên cao, nâng nó dậy, chứ không hạ nó xuống thấp. Đôi khi có một giá phải trả cho điều này, và tôi không chỉ nghĩ tới các phạm trù thành công thương mại thôi. Nếu họ nói tôi phải câm miệng để được thành công, thì tôi sẽ khước từ thành công, chứ tôi sẽ không thể nào thinh lặng được.

Hỏi: Bà không sợ trở thành người không được dân chúng ưa thích ngưỡng mộ hay sao?

Đáp: Tôi đã nhận được rất nhiều câu trả lời tiêu cực từ một vài người, bên Israel và ngoài nước Israel, nhưng tôi cũng đã nhận được rất nhiều tình yêu thương và nâng đỡ đến độ không tin nổi. Và tôi biết rằng đối với vài người thì tôi là ma qủy, và đối với những người khác thì tôi là một nữ anh hùng. Tôi nghĩ rằng thật là quan trọng điều những người khác nghĩ về tôi và về công danh của tôi, nhưng điều thật sự quan trọng là tính nhân bản của chúng ta. Tôi cho rằng mọi người phải góp phần vào một loại làn sóng đẩy đưa xã hội của chúng ta tới một bến bờ tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng một trong những điều nguy hiểm nhất có thể xảy ra cho con người đó là trở thành vô cảm, như bị đánh thuốc mê… khi họ nói: ”có qúa nhiều quyền lực lớn hơn tôi, không thể làm gì được…” Tôi không nhớ triết gia nào đó đã nói rằng: ”… để xảy ra một tai ương lớn, không cần các người gian ác làm một cái gì đó, mà chỉ cần các người tốt không làm gì cả”.

Hỏi: Xin bà minh xác thêm vai trò của nhà nghệ sĩ.

Đáp: Đó là tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, và lôi kéo con người tới nghệ thuật. Ngoài ra, tôi còn luôn nói rằng có vài người trong số các nghệ sĩ lớn nhất trong lịch sử chết nghèo, trong các điều kiện đáng thương. Đã không có ai nhận ra họ, nếu không phải là nhiều năm sau khi họ qua đời. Tôi không tin rằng nhà nghệ sĩ phải thức dậy ban sáng với các lời nịnh hót và các thừa nhận. Điều duy nhất mà họ phải làm, trái lại, là đòi hỏi nơi chính mình một mức độ diễn tả cao hơn.

Hỏi: Bà nghĩ sao về cuộc xung đột gia tăng giữa người Israel và người Palestine?

Đáp: Chúng tôi đang phải trả giá cho sự ngạo mạn, ngu đần và sự tham lam của các người lãnh đạo chúng tôi, ở khắp mọi nơi. Tôi nghĩ rằng ở khắp mọi nơi người Israel cũng như người Palestin và các người khác đã đánh mất đi mục tiêu đích thật, hay sự tiếp cận với lý do của việc lựa chọn họ. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của các vị lãnh đạo chính trị và tôn giáo, và có lẽ của các vị lãnh đạo tôn giáo nhiều hơn, đó là tạo ra các hoàn cảnh, trong đó sự sống, chứ không phải cái chết, được coi là thánh thiêng, bất khả xâm phạm. Và đây không phải là sự thành công. Như vậy riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy bị phản bội bởi các người lãnh đạo của tôi, và tôi hoàn toàn xác tín rắng các người Palestine cũng cảm thấy bị phản bội như vậy. Tôi tin rằng trong giai đoạn lịch sử này phải có một loại nổi loạn của xã hội dân sự. Thật thế, nếu nó tùy thuộc nơi tôi, thì sẽ có hàng triệu người xuống đường biểu tình, như đã xảy ra với ông Gandhi, và nói rằng: ”Đủ rồi. Chúng tôi đã qúa chán ngấy với cảnh cãi lộn giữa các đảng phái, với các lời cáo buộc nhau liên tục. Đủ rồi với thái độ tự phụ”. Một trong những vấn đề chính trong vùng của chúng tôi là người ta nói tới sự thật tuyệt đối, công lý tuyệt đối… Tôi thì tôi không tin vào các sự thật tuyệt đối… Chúng ta phải ngặn chặn loại hùng biện này lại.

Hỏi: Trên liên mạng người ta có thể tìm thấy đầy các bài viết, các video chứng minh tất cả và chống lại tất cả. Bà có thể chọn một quan điểm và minh chứng cho nó. Và như thế thì đâu là ý nghĩa của sự thật?

Đáp: Trái lại, chúng tôi phải nghĩ một cách đơn sơ rằng chúng tôi liên lụy tới các người khác. Chúng tôi phải thôi nhìn về đàng sau, nó không giúp gì cả. Trong lúc này đây phải hiểu rằng chỉ có đối thoại với các người chúng tôi không ưa sẽ giúp chúng tôi giải quyết các vấn đề của chúng tôi, người Isrel cũng như người Palestine phải ý thức được điều này. Chúng tôi phải làm điều này bắng cách mỗi bên thừa nhận các quyền lợi của người khác. Còn hơn thế nữa chúng tôi phải nghĩ tới các bổn phận của chúng tôi. Người ta cứ luôn kêu lên: quyền của chúng tôi, quyền của chúng tôi! Chúng quan trọng, chắc chắn rồi. Nhưng đâu là các bổn phận của bạn? Như là người các bổn phận của bạn là phải lo lắng cho tha nhân, không chỉ luôn luôn nghĩ tới chính mình. Bạn hãy lo lắng cho người khác, và người khác sẽ lo lắng cho bạn. Cả hai dân tộc Israel và Palestine đều ước muốn vun trồng sự lớn lên về trí thức. Tôi tin rằng yếu tố này là một trong các điều đẹp nhất, mà chúng tôi chia sẻ với nhau, và tôi tuyệt đối xác tín rằng chúng tôi có thể chung sống bên cạnh nhau.

Cách đây 20 năm kinh nghiệm trình diễn trước Đức Gioan Phaolô II đã thay đổi đời tôi, và nó đã gợi hứng cho tôi mờ lăng kính ra cho thế giới, như xảy ra với một bức hình. Nó đã cho phép tôi đi từ chiều kích chiếc vi âm bé nhỏ các bài ca của tôi tới chiều kích to lớn cho phép vòng tay của bạn ôm được nhiều người hơn, nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa hơn trong một thế giới sâu thẳm. Tôi đầy tràn lòng biết ơn đối với Đức Gioan Phaolô II vì đã mời tôi. Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên một phụ nữ do thái hát trước mặt ngài. Gương mặt của ngài vẫn in sâu trong tôi. Tôi đã rất hài lòng và nghĩ ngay rằng ngài là típ người lãnh đạo mà chúng ta cầu mong có được trên thế giới này. Chính vì vậy mà trong cuốn ”Album Tình yêu là thuốc chữa” có bốn bài ca dành cho cuộc đời của Đức Karol Wojitila, là người đã cứu sống vài người do thái trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, trong đó có bài ”Ngội sao nhỏ”, là cố gắng đầu tiên của tôi viết về cuộc diệt chủng Do thái.

Hỏi: Thế bà coi Đức Thánh Cha Phanxicô như thế nào?

Đáp: Tôi trân qúy nhất là sự khiêm tốn và đơn sơ của ngài. Các con người của Thiên Chúa có thể tìm ra một thứ ngôn ngữ chung, nếu họ muốn. Đây là một thách đố lớn và tôi hy vọng là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ hướng dẫn Giáo Hội công giáo trong chiều hướng này. Thiên Chúa phải là dụng cụ của tình yêu thương, tình bạn, tình liên đới và sự ủi an, chứ không phải của thù hận và chiến tranh. Các giới lãnh đạo tôn giáo càng tin vào điều này bao nhiêu, thì họ càng nói lên điều đó một cách công khai bấy nhiêu, và chúng ta lại càng có nhiều hy vọng hơn cho hòa bình bấy nhiêu. Đây là một trách nhiệm rất lớn lao!

Thế rồi còn có việc hòa giải gia đình với công ăn việc làm, các giá trị gia đình rất mạnh mẽ giúp cộng đoàn nhỏ này hiệp nhất và tình yêu luôn luôn trợ giúp. Tuy nhiên, tôi cũng có vài khuyết điểm là không kiên nhẫn và bốc đồng.

Hỏi: Thưa bà Noa, có điều gì làm bà tức giận không?

Đáp: Đó là khi người ta đánh gía các sự vật hoặc là đen hoặc là trắng. Nó không chỉ khiến tôi tức giận, mà còn làm cho tôi buồn nữa. Khi tôi coi các sự vật một cách mù quáng, một cách triệt để như vây, thì tôi trở thành hoàn toàn mù trước tha nhân. Và như thế là tôi bắt đầu vô nhân hóa người khác. Từ đó bước đi dẫn tới bạo lực kinh hoàng sẽ rất là ngắn. Cần phải coi chừng, hết sức coi chừng!

(6-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Philippines

Phỏng vấn Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila

Ngày 29-7-2014 Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã loan báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Sri Lanka trong các ngày 12-15 tháng giêng năm 2015, và tại Philippines trong các ngày 15-19 tháng giêng năm 2015.

Philippines rộng 300,000 cây số vuông, bao gồm 7,107 đảo lớn nhỏ, có 100 triệu dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó 10 nhóm chính sau đây: Bisayaa hơn 20 triệu người, Tagalog hơn 13 triệu, Ilocani hơn 9 triệu, Hiliganon hơn 8 triệu, Bicolani hơn 3 triệu, Waray-Waray hơn 3 triệu, Kapampangan hơn 2.5 triệu, Hispanofilippini hơn 2.5 triệu, Albay Bicolani hơn 2.1 triệu, và Panggasinan hơn 1.6 triệu. Ngoài ra còn có 11 triệu người Philippines sống tại các nước ngoài, đa số là các công nhân có hợp đồng làm việc.

Nếu chia theo vùng địa lý, Philippines gồm ba miền Luzon, Visayas và Mindanao. Trong nhiều thập niên qua các cải cách kinh tế đã khiến cho lãnh vực thứ ba vượt nông nghiệp là nguồn lợi kinh tế chính, và hiện nay lãnh vực này đem lại hơn phân nửa lợi tức quốc gia. Tuy nhiên Philippines vẫn còn phải đương đầu với nhiều thách đố trong các lãnh vực cơ cấu hạ tầng, y tế và phát triển nhân bản.

Vào thời tiền sử, cách đây 30,000 năm người da đen Philippines đã là các nhóm dân đầu tiên của quần đảo này. Tiếp theo đó có các làn sóng di cư của các dân tộc khác như Malaysia, Ấn độ và người Hồi. Trong khi nền thương mại đã đem theo các ảnh hưởng văn hóa Tàu.

Năm 1521 nhà thám hiểm người Tây Ban Nha là Ferdinando Magellano đến đảo Homonhon, nằm ở mạn đông nam đảo Samar ngày mùng 6 tháng 3 năm 1521, bắt đầu một kỷ nguyên ảnh hưởng của Tây Ban Nha, rồi sau đó là ách thống trị của người Tây Ban Nha trên người dân bản địa. Manila trở thành trung tâm kinh tế của đế quốc Tây Ban Nha tại Á châu. Tên gọi Philippines bắt nguồn từ tên của vua Filippo của Tây Ban Nha. Trong các cuộc thám hiểm của mình ông Ruy López de Villalobos gọi vùng này là các Islas filippinas, các Đảo Philippines, nhằm vinh danh ông Hoàng của vùng Asturie, ban đầu chỉ có ý ám chỉ hai đảo Leyte và Samar. Sau đó từ Filippinas được dùng để chỉ toàn vùng quần đảo này.

Chế độ thực dân của Tây Ban Nha bắt đầu với đoàn quân viễn chinh của Miguel López de Legazpi trấn đóng trên đảo Cebu. Sau đó nhiều căn cứ khác được thành lập tại mạn bắc và trong vịnh Manila trên đảo Luzon. Người Tây Ban Nha xây một thành phố mới tại đây và chế độ thực dân kéo dài hơn ba thế kỷ.

Người Tây Ban Nha đem lại sự thống nhất chính trị của quần đảo trước đó bao gồm các đảo độc lập, và làm nảy sinh ra cộng đoàn sau này là nước Philippines. Chính quyền Tây Ban Nha du nhập các yếu tố của nền văn minh Tây âu như ấn loát và lịch.

Philippines bị độ hộ như là vùng đất của nước Tây Ban Nha Mới từ năm 1565 cho tới năm 1821, và do triều đình Madrid trực tiếp quản nhiệm. Trong thời thực dân Tây Ban Nha có nhiều thành phố được thành lập, các cơ sở hạ tầng được xây cất, việc canh tác và chăn nuôi súc vật mới được đẩy mạnh, và sinh hoạt thương mại trở nên phồn thịnh. Các thừa sai rao giảng Tin Mừng cho người dân bản địa và đa số theo Kitô giáo. Giáo Hội xây cất các nhà thờ, thành lập các giáo xứ, xây các trường tiểu, trung và đại học, cũng như các nhà thương, bệnh xá rải rác trên toàn nước.

Trong hai thế kỷ XIX và XX đã xảy ra một loạt các cuộc xung đột như cuộc cách mạng Philippines chống lại Tây Ban Nha năm 1896, chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ và chiến tranh Philippines Hoa Kỳ. Năm 1898 Philippines tuyên bố độc lập, trở thành Cộng Hóa Philippines. Tuy nhiên, với Thỏa hiệp Paris năm 1898 kềt thúc cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Tây Ban Nha, việc kiểm soát Philippines được chuyển giao cho Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Philippines không chấp nhận thỏa hiệp này và tháng 6 năm 1899 Philippines tuyên chiến với Hoa Kỳ.

Chiến tranh đã gây ra rất nhiều thiệt hại vật chất và nhân mạng cho Philippines. Tổng thống Emilio Aguinaldo bị bắt năm 1901. Đa số các vị lãnh đạo Philippines chấp nhận chiến thắng của Hoa Kỳ, nhưng sự thù nghịch giữa hai bên kéo dài cho tới năm 1913. Chế độ thực dân Hoa Kỳ chính thức bắt đầu năm 1905. Năm 1935 Philippines được phần nào tự trị để chuẩn bị cho ngày độc lập dự kiến vào năm 1946. Nhưng Philippines bị Nhật chiếm đóng trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Vào cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 có các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh chống chính sách cai trị độc tài và gian tham hối lộ của chính quyền khiến tổng thống Ferdinand Marcos ra lệnh thiết quân luật năm 1972. Nhưng cuộc cách mạng của nhân dân năm 1986 đã lật đổ chế độ Marcos và đưa Philippines vào chế độ đân chủ. Tuy nhiên, bất ổn chính trị đã ngăn cản sự tăng trưởng kinh tế của nước này.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám Mục Manila, về chuyến công du này của Đức Thánh Cha.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Giáo Hội và nhân dân Philippines phản ứng ra sao khi Tòa Thánh chính thức loan tin Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm mục vụ Philippines vào tháng giêng năm tới 2015?

Đáp: Nhân dân Philippines yêu mến Đức Thánh Cha và việc loan báo chuyến viếng thăm Á châu, đặc biệt là tại Philippines, vào năm tới đã khiến cho người dân rất vui sướng. Đây thật là một điều tuyệt vời. Các tín hữu không công giáo, các phương tiện tryền thông xã hội, các đài phát thanh truyền hình, tất cả mọi người dân Philippines đều luôn luôn nói tới chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha vào tháng giêng năm tới như là một tháng ơn phúc. Và cũng còn có một lý do khác nữa: ngày 14 tháng giêng năm 1995 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng thăm Philippines nhân Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Năm tới đây Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Philippines ngày 15 tháng giêng, tức 20 năm sau. Nhân dân Philippines sẽ lại trông thấy một vị Đại Diện Chúa Kitô thăm mình, nơi con người của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Hỏi: Đức Thánh Cha nói rằng ngài đến Philippines nhất là để cầu nguyện và gần gũi các nạn nhân của trận bão đổ ập trên Philipines hồi năm ngoái, khiến cho nhiều người chết và gây ra các thiệt hại to lớn. Đức Thánh Cha đến để bầy tỏ sự gần gũi với người dân đau khổ…

Đáp: Vâng đúng thế, một dân tộc đau khổ, đang ở trong tiến trình tái thiết cuộc sống: không phải chỉ tái thiết nhà cửa, các trường học, nhưng đặc biệt là tái thiết cuộc sống. Nỗi khổ đau tiếp tục, nhưng sự gần gũi của tất cả mọi dân tộc thiện chí thật là ngoại thường và là một lý do giúp cho người dân có niềm hy vọng và sức mạnh tiến tới. Tuy nhiên, sự gần gũi của Đức Thánh Cha xảy ra trong một cách thế đặc biệt, bởi vì cách đây một năm Đức Thánh Cha đã làm phép bức chân dung khảm đá mầu của Thánh Pedro Calungsod, trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, sau trận bão, và ngài đã nhắn gửi người dân đau khổ Philippines: ”Anh chị em không mệt mỏi hỏi: Tại sao? Tại sao?” để lôi kéo sự chú ý và đôi mắt của Thiên Chúa Cha”. Đó là sứ điệp đánh động người dân Philippines.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, vào trung tuần tháng 8 Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên tại Á châu. Ngài đến Nam Hàn để tham dự Ngày Giới Trẻ Á châu và chủ sự lễ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn. Giáo phận cũ của Đức Hồng Y đã là nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ V. Đức Hồng Y có thể chia sẻ một chút về thực tại này và cho biết sự chờ đợi Đức Thánh Cha tại Á châu ra sao không?

Đáp: Vâng, cách đây 4-5 năm giáo phận trước của tôi đã được chọn như là nơi diễn ra Ngày Giới Trẻ công giáo Á châu. Đó đã là một đại hội bé của người trẻ Á châu, nếu so sánh với Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Tuy nhiên, những ngày ấy đã là là những ngày có nhiều sinh hoạt đào tạo, cầu nguyện, hiệp thông và truyền giáo. Và tôi nghĩ rằng nó cũng xảy ra như thế tại Seoul bên Nam Hàn, với một chi tiết rất đặc biệt đó là sự hiện diện của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là một yểm trợ cho một Giáo Hội đau khổ nhưng sinh động tại Đại Hàn.

(RG 1-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lòng tin

Lòng tin

Người ta kể về một người đàn bà ở bãi biển. Bà ấy vừa già, lại dơ bẩn và ăn mặc dị hợm. Bà đi bộ lang thang dọc theo bờ biển, thỉnh thoảng ngừng lại cúi xuống nhặt một cái gì đó bỏ vào trong túi sách. Khi bà đi ngang qua đám trẻ con đang đùa vui trên cát biển, cha mẹ của những em bé này liền gọi các em lại để khỏi gần gũi với bà. Họ lo lắng và sợ hãi vì không biết bà có thể làm điều gì gây nguy hại cho các em. Họ căn dặn con cái: “Không có việc gì phải liên hệ với bà ta cả”. Sau này, họ khám phá thấy rằng bà lão đi dọc theo bờ biển và nhặt những miếng kính vỡ bỏ vào trong túi xách để trẻ em không bị đứt chân chảy máu khi chạy vui đùa trên bãi biển.

Nếu chúng ta bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách. Điều này được thể hiện bằng thái độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị em của mình, là con cái của Chúa Cha trên trời. Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”. Đối với những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, Nostra Aetate, đoạn 5, Công Đồng Vatican II đã nói: “Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi người nếu chúng ta không muốn xử sự như anh em đối với một số người, cũng được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và giữa con người với anh em mình, có liên quan mật thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”. Do đó, mọi lý thuyết hay hành động đưa đến kỳ thị về phẩm giá con người và những quyền lợi do phẩm giá đó mà ra, kỳ thị giữa con người với nhau, giữa dân này với dân khác, sẽ không có nền tảng. Vì thế, Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy xa lạ với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, thánh Công đồng theo chân thánh Phêrô và Phaolô, khẩn thiết kêu mời các Kitô hữu: “Hãy sống ngay lành giữa người lương dân”, nếu có thể được, tuỳ khả năng mà sống hoà thuận với hết mọi người như những người con một Cha trên trời”. Đối với những người Kitô hữu, trong tinh thần hiệp nhất, Công đồng nói: “Thánh công đồng này khuyến khích tất cả mọi người Công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất”.

Đối với những anh chị em ly khai, Công đồng Vatican II nói: “Người Công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo, xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những hoạt động của quyền lực Người trong đời sống của những kẻ đang làm chứng về Người – và có khi phải đổ máu mới nói lên được chứng tá ấy – quả là chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ cũng kỳ diệu”. Nhìn vào tấm gương của người đàn bà Canaan, chúng ta cũng rút ra được bài học quý giá trong đời sống đức tin. Với tình yêu lớn lao của một người mẹ đối với con gái đang đau nặng, người đàn bà Canaan đã vượt qua mọi ranh giới kỳ thị của xã hội – đàn bà và dân ngoại – để kiên trì tin tưởng vào lòng nhân lành của Chúa Giêsu. Tình yêu là động lực dẫn đến đức tin. 

Trong cuốn truyện “Anh em nhà Karamazốp”, Dostoevski kể về câu chuyện của một bà lão đang bị khủng hoảng về tinh thần và thể lý. Ngày nọ bà đến bàn luận vấn đề này với linh mục Zossima. Bà tâm sự về sự yếu kém của đức tin, cùng nỗi nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa và đời sống mai sau. Linh mục Zossima thông cảm lắng nghe, rồi khuyên bà rằng chẳng có cách nào minh chứng rõ ràng về những điều này, nhưng vẫn có thể làm cho đức tin của bà chắc chắn hơn bằng tình yêu thương tha nhân. Hãy cố gắng yêu người láng giềng cho thật tình. Càng yêu thương, bà sẽ càng tin tưởng chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về đời sống sau khi chết. Càng yêu mến, đức tin của bà càng trở nên mạnh mẽ, và làm tiêu tan hết những nỗi nghi ngờ. Bà đã thử nghiệm và thấy có kết quả.

Linh mục Mark Link S.J., trong bài giảng Chúa nhật XX hôm nay, đã ví tình yêu và đức tin đi đôi với nhau không khác gì như hai đường rầy xe lửa. Tìm được cái này sẽ thấy cái kia. Đức tin và tình yêu liên kết với nhau như xác với hồn. Cha cũng dùng lời của bác sĩ truyền giáo Albert Schweitzer, trong cuốn sách có nhan đề “Reverence for Life” – “Kính trọng Cuộc Sống” như sau: “Bạn có muốn tin vào Chúa Giêsu không? Bạn có thực sự muốn tin Ngài không? Như thế bạn phải làm một điều gì đó cho Ngài. Trong thời buổi đầy ngờ vực này thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà các bạn cho kẻ khác đồ ăn, nước uống hoặc áo mặc, những nghĩa cử này Chúa Giêsu đã hứa chúc phúc như là làm cho chính Ngài, thì lúc đó bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự làm điều ấy cho Ngài. Chúa Giêsu sẽ mặc khải chính Ngài cho bạn như thể Ngài là một người vẫn còn sống”.

Các bậc cha mẹ cần củng cố đức tin hãy bắt chước người đàn bà Canaan, đến với Chúa Giêsu với lòng yêu thương con cái tha thiết. Và tất cả mọi người, muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời, hãy mở rộng tâm hồn để chấp nhận những người anh chị em không cùng tôn giáo, lập trường chính trị, văn hoá, sắc tộc hay ngôn ngữ. Bởi “Ai không yêu thì không nhận biết Thiên Chúa”.

Sưu tầm

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Tình hình Giáo Hội tại Á châu, đặc biệt tại Nam Hàn

Một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia đình, của Linh Mục Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh

Sáng 13-8-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô lên đường công du Nam Hàn để tham dự Đại hội giới trẻ Á châu, và chủ sự thánh lễ phong Chân Phước cho 124 vị tử đạo Đại Hàn.

Cách đây 4 năm Giáo Hội Nam Hàn đã nhóm Hội nghị giáo dân Á châu tại Seoul, với sự tham dự của hàng trăm đại biểu phái đoàn của 19 nước trong vùng, thành viên của Liên Hội Đồng Giám Mục Á châu, và phái đoàn của 37 hiệp hội, phong trào và cộng đoàn giáo dân được Tòa Thánh chấp nhận. Hội nghị đã diễn ra trong các ngày 31 tháng 8 đến mùng 5 tháng 9 năm 2010 về đề tái: ”Loan báo Chúa Giêsu Kitô tai Á châu ngày nay”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Hồng Y Stanislav Rylko, Chủ tich Hội Đồng Toà Thánh về giáo dân, của cha Bernardo Cervellera, thuộc Hội truyền giáo nước ngoài Milano, gọi tắt là PIME, và của ông Thomas Hong Son Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh, về tình hình Giáo Hội tại Nam Hàn.

Tuy bài phỏng vấn đã được thực hiện trong bối cảnh hội nghị cách đây 4 năm, nhưng nó vẫn còn rất thời sự. Vì thế chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận xét của Đức Hồng Y Rylko, của cha Cervellera và ông đại sứ Nam Hàn, nhân chuyến viếng Đức Thánh Cha viếng thăm Nam Hàn bắt đầu từ ngày 13-8-2014.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, giữa hội nghị giáo dân Á châu năm 1994 và hội nghị năm 2010 có khoảng cách là 16 năm. Trong khoảng thời gian này thế giới giáo dân Á châu đã có các thay đổi nào?

Đáp: Nếu chúng ta chú ý quan sát cuộc sống của Giáo Hội tại Á châu trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể trông thấy Giáo Hội tại Á châu đầy nhiệt huyết truyền giáo như thế nào, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thử thách. Đây là một Giáo Hội hằng năm có sức tăng trưởng 4-5% và có thể tự hào về hàng ngũ các Thánh, nhất là các vị tử đạo, trong đó có không ít giáo dân nam nữ. Dĩ nhiên, tại Á châu Giáo Hội là một thiểu số, nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát. Thật thế, chúng ta đang đứng trước một Giáo Hội đầy tràn sức sinh động và được linh hoạt bởi niềm hy vọng lớn nảy sinh từ đức tin.

Hỏi: Đâu là các điểm khó khăn của công tác rao truyền Tin Mừng tại Á châu ngày nay, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, như nhiều phái đoàn tham dự Hội nghị đã nêu lên, đó là hiện tượng phong trào tôn giáo cuồng tín ngày càng lan tràn và áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với sự tự do tôn giáo tại nhiều nước á châu. Thế rồi cũng không thiếu các trường hợp kỳ thị, và có cả các cuộc bách hại tôn giáo đích thật nữa. Vì thế Á châu lại có các vị tử đạo. Rất nhiều kitô hữu Á châu sống trong lo sợ, bởi vì họ bị đe dọa, sách nhiễu và bách hại.

Các Giám Mục của một vài nước Á châu đã tố cáo hiện tương đau buồn của một sự ”mất máu sự hiện diện kitô”. Hội nghị lần này là một đip quan phòng để bầy tỏ tình liên đới và sự hiệp thông đức tin của chúng tôi đối với các anh chị em đó. Ngoài ra, đối với nhiều tham dự viên, hội nghị này là một cung cấp dưỡng khí tốt lành, một ơn của niềm hy vọng, cho thấy Giáo Hội hoàn vũ đồng hành với các Giáo Hội tại Á châu.

Có một thách đố khác nữa đó là sự gặp gỡ với các truyền thống tôn giáo lớn của Á châu. Sự gặp gỡ này tạo ra nguy cơ phổ biến của một tâm thức tương đối hóa và trộn lẫn tôn giáo, làm sai lạc ý nghĩa của việc rao truyền Tin Mừng. Chẳng hạn như người ta hướng tới chỗ san bằng sứ mệnh truyền giáo, coi nó như là một cuộc đối thoại mơ hồ, bên trong đó mọi lập trường đều như nhau. Người ta hướng tới chỗ giản lược việc rao truyền Tin Mừng thành một công tác thăng tiến nhân bản đơn thuần. Sau cùng, sự toàn cầu hóa cũng đem tới Á châu não trạng hậu tân tiến, khước từ Thiên Chúa và các trào lưu này ảnh hướng trên hàng ngũ giáo dân công giáo tại Á châu. Tất cả các thách đố này chứng minh cho thấy sự cấp thiết của một việc đào tạo nghiêm chỉnh, của một chương trình khai tâm kitô sâu xa hơn cho các anh chị em muốn gia nhập Giáo Hội, trong các giáo xứ cũng như trong các hiệp hội giáo dân.

Tuy nhiên, cuộc sống của Giáo Hội tại Á chậu không chỉ có các vấn đề và các thách đố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, Giáo Hội tại Á châu sinh động, lớn lên và ngày càng truyền giáo hơn. Đây là lý do khiến cho mọi tham dự viên đều vui sướng.

Hỏi: Liên quan tới cuộc đối thoại liên tôn, anh chị em giáo dân nắm giữ vai trò nào trong một môi trường như môi trường Á châu, trong đó có hiện tượng tôn giáo cuồng tín gia tăng, thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Trong lãnh vực này phần đóng góp của anh chị em giáo dân không thể thiếu được. Họ ở hàng tiền đạo, dấn thân trong môi trường sống của họ, trong một ”cuộc đối thoại của cuộc sống thường ngày”. Chứng tá của tình bác ái tin mừng, có khả năng nghiêng mình trên mọi nỗi khổ đau của con người một cách vô vị lợi – một cách độc lập với sự tùy thuộc tôn giáo – và thái độ rộng mở cho sự cộng tác xây dựng công ích của các cộng đoàn địa phương có thể là các phép lạ đích thật. Trong hội nghị chúng tôi đã nghe rất nhiều chứng từ về điều này. Thật đáng nêu bật điều này: đó là không có sự chống đối giữa việc loan báo Chúa Kitô và việc đối thoại với các tôn giáo khác. Cần phải duy trì sự liên lạc giữa hai yếu tố này, nhưng đồng thời cũng phải phân biệt, không lẫn lộn và không lèo lái chúng, cũng như coi chúng như nhau, có thể thay thế nhau được.

Hỏi: Như vậy có thế nói là Hội nghị đã đạt các thành qủa tốt?

Đáp: Vâng. Nó đã là một ơn lớn lao cho toàn thể Giáo Hội sống và rao truyền Tin Mừng tại Á châu. Tôi tin rằng mọi tham dự viên đã mạnh mẽ trong hy vọng, được phong phú tình yêu hơn đối với Giáo Hội địa phương, và dấn thân hơn trong việc truyền giáo. Nhiều người đã khám phá ra vẻ đẹp là tín hữu kitô. Và hội nghị cần được tiếp tục trong cuộc sống của mọi tham dự viên.

** Sau đây là vài nhận định của cha Bernardo Cervellera, Giám đốc hãng thông tấn Asianews.

Hỏi: Thưa cha, cha có nhận xét gì về lịch sử của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Tôi tin rằng trong lịch sử của nó Giáo Hội tại Á châu đã là một trong các Giáo Hội bị bách hại gắt gao nhất. Có lẽ Giáo Hội tại Á châu đã có nhiều vị tử đạo hơn tất cả các Giáo Hội khác cộng lại với nhau. Ngay cả ngày nay tại nhiều nước khác nhau vẫn không có tự do tôn giáo. Trong số 10 quốc gia bóp nghẹt tự do tôn giáo, ít nhất có 8 nước Á châu. Điều này có nghĩa là có rất nhiều đau khổ và hạn chế. Vẫn còn có các vị tử đạo tại Á châu, nếu chúng ta nghĩ tới các vụ tàn sát trong bang Orissa bên Ấn Độ, tới các tín hữu kitô bị bỏ tù bên Trung quốc, tại Bắc Hàn, và nhiều nước khác. Như thế còn có nhiều tử đạo và rất nhiều khó khăn.

Hỏi: Tại nhiều nước Á châu như Philippines, Nam Hàn và Ấn Độ, sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông rất ý nghĩa. Các Giáo Hội địa phương di chuyển như thế nào để lôi cuốn giáo dân vào việc sử dụng các phương tiện truyền thông, thưa cha?

Đáp: Chính trong các nước mà qúy vị vừa kể tên, có các kinh nghiệm rất lớn như các nhật báo và các đài phát thanh. Đó đây cũng có kinh nghiệm về truyền hình nữa, nhưng truyền hình rất mắc mỏ, và như thế như là một thiểu số Giáo Hội tại Á châu không có khả năng chịu nổi các chi phí to lớn như vậy. Tuy nhiên, trong mọi môi trường đều có các giáo dân làm việc. Vị linh mục đưa ra các chỉ dẫn và trao ban giá trị tinh thần cho chương trình. Nhưng chính các giáo dân điều hành các phương tiện truyền thông cho việc rao truyền Tin Mừng.

Hỏi: Thưa cha, phụ nữ và người trẻ nắm giữ vai trò nào cho tương lai của Giáo Hội tại Á châu?

Đáp: Đôi khi đối với tôi Giáo Hội tại Á châu xem ra hơi ”giáo sĩ”, bởi vì có sự kính trọng đối với quyền bính, vì thế người ta tôn trọng linh mục, giám mục như ”quyền bính thánh thiêng”. Điều này tùy thuộc các quan niệm tôn giáo hiện diện tại Á châu. Hội nghị muốn thúc đẩy một sự cộng tác giữa hàng giáo sĩ và giáo dân, và như thế theo tôi, phụ nữ và người trẻ có một cơ may lớn. Thật ra, hiện nay việc rao truyền Tin Mừng được giao cho giới trẻ làm giữa các bạn trẻ cùng trang lứa với họ, trong các trường học hay đại học, với hàng xóm, và cả trong các chức vụ giữa lòng xã hội nữa.

Hỏi: Trong bối cảnh này, các Ngày quốc tế giới trẻ có giá trị nền tảng trên bình diện quốc gia và quốc tế, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Bởi vì các Ngày quốc tế giới trẻ là dịp giúp khám phá ra tính cách đại đồng của Giáo Hội. Nghĩa là Giáo Hội không chỉ là một gia đình gắn liền với một quốc gia, một chủng tộc hay một nền văn hóa mà thôi, nhưng còn là cái gì vượt quá mọi nền văn hóa và ôm trọn toàn thế giới nữa. Các Ngày quốc tế giới trẻ hấp dẫn đối với giới trẻ Á châu. Và thường khi trong các ngày này nhiều người trẻ quyết định theo Chúa trong ơn gọi đời thánh hiến.

** Sau cùng là nhận định của ông Thomas Hong Soon Han, Đại sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh.

Hỏi: Thưa ông đại sứ, có khoảng trống nào được dành cho giáo dân Nam Hàn ngày nay hay không?

Đáp: Giáo dân Đại Hàn rất hãnh diện về lịch sử Giáo Hội của họ, bởi vì chính họ đã là những người thành lập nó. Nhưng chính ơn thánh Chúa đã hướng dẫn chúng tôi tới con đường cứu độ này. Vì thế giáo dân Đại Hàn tìm cách làm chứng tá cho Chúa một cách tốt đẹp nhất trong cuộc sống thường ngày, luôn luôn trong sự hiệp thông với các linh mục và các tu sĩ nam nữ để phục vụ công cuộc rao giảng Tin Mừng một cách tốt đẹp hơn.

Hỏi: Đề tài đối thoại, là một khía cạnh quan trọng tại Á châu, chiếm chỗ nào trong hội nghị, trong các thời điểm khó khăn này đối với Giáo Hội tại nhiều nước, nơi các bạo lực chống Kitô giáo gia tăng một cách thê thảm: tôi nghĩ tới Pakistan hay Ấn Độ?

Đáp: Ngày nay tại Á châu đối thoại quan trọng và cần thiết, nhất là để thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín hữu của các tôn giáo khác nhau. Nó vô cùng quan trọng đối với việc thăng tiến hòa bình. Vì thế đối với chúng tôi đối thoại không gì khác hơn là một hình thức rao truyền Tin Mừng.

(SD 4-8-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hội nghị toàn quốc Brasil về truyền thông xã hội

Hội nghị toàn quốc Brasil về truyền thông xã hội

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông Xã hội

Trong các ngày từ 24 đến 27 tháng 7 năm 2014 Hội nghị toàn quốc Brasil lần thứ IV về truyền thông xã hội đã diễn ra tại đền thánh Đức Bà Aparecida với sự tham dự của hàng trăm tham dự viên gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ dấn thân trong lãnh vực truyền thông. Mục đích của hội nghị là tìm ra các con đường mới để đào tạo và huy động các nhân viên mục vụ truyền thông trong nước, nhân kỷ niệm một năm chuyến công du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Brasil.

Trong sứ điệp gửi Hội nghị mục vụ truyền thông toàn nước Brasil lần thứ IV, Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ rao giảng Tin Mừng và cống hiến cho ”thế giới vi tính” cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô, một cuộc găp gỡ thực sự đổi đời.

Sứ điệp mang chữ ký của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, lấy lại ý chính bài giảng của Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Brasil, và khuyến khích Giáo Hội tại đây đừng khép kín trong các giáo xứ, cộng đoàn và cơ cấu giáo xứ hay giáo phận, nhưng ”đi ra”, tìm kiếm và gặp gỡ, vì có biết bao nhiêu người đang chờ đợi Tin Mừng. Thái độ ”đi ra” đó cũng phải áp dụng cho lãnh vực truyền thông bằng vi tính. Không được loại trừ con đường nào hết đối với người nhân danh Chúa Kitô phục sinh luôn dấn thân liên đới với con người. Với Tin Mừng trên tay và trong tim, cần tái khẳng định rằng đã đến lúc tiếp tục chuẩm bị các con đường dẫn đến Lời Chúa, và đặc biệt lưu ý tới những ai đang trong giai đoạn kiếm tìm. Thật thế, mục vụ trong thế giới vi tính được mời gọi chú ý tới những người không tin, bị rơi vào tình trạng chán nản, nhưng vẫn vun trồng ước ao sự tuyệt đối và chân lý không mau qua, bởi vì các phương tiện truyền thông cho phép tiếp cận với tín hữu các tôn giáo khác, với các người không tin và con người thuộc mọi nền văn hóa.

Trong bối cảnh đó, các ”kênh vi tính” là một lãnh vực nền tảng của mục vụ truyền thông trong việc đi ra mới của công tác rao truyền Tin Mừng. Và mọi kitô hữu đều được mời gọi góp phần vào công tác này, cách riêng các nhân viên truyền thông công giáo. Có hai phương thế cụ thể cần dùng: một đàng là sử dụng các phương tiện và học hiểu thứ ngôn ngữ chuyên biệt của lãnh vực vi tính, đàng khác là thừa nhận quyền tối thượng của con người, mà không quên rằng trước khi là một thực tại kỹ thuật, thế giới vi tính trước hết là nơi gặp gỡ với các người nam nữ, có các ước vọng và các thách đố thực sự cần các câu trả lời cụ thể.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Claudio Maria Celli, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Truyền Thông Xã hội, về hội nghị nói trên. Đức Tổng Giám Mục đã tham dự và thuyết trình trong hội nghị về đề tài ”Các thay đổi xã hội văn hóa, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay.”

Hỏi: Thưa Đức Cha Celli, các tín hữu kitô phải có vai trò nào trong thế giới truyền thông ngày nay?

Đáp: Kitô hữu nắm một vai trò quan trọng trong thế giới truyền thông. Nhưng nó không phải là ”bỏ bom” mạng lưới truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá của mỗi người, làm sao để phối hợp đức tin của mình với các vấn đề, các khía cạnh, các căng thẳng của cuộc sống thường ngày.

Hỏi: Các người tổ chức hội nghị đã xin Đức Cha thuyết trình về một đề tài rất rộng rãi liên quan tới ”các thay đổi xã hội văn hóa, mà các kỹ thuật mới có thể đem lại cho con người ngày nay.” Đức Cha có ý khởi hành từ các tiền đề nào?

Đáp: Trước hết, tôi xin nói rằng Hội Đồng của chúng tôi rất chú ý tới các sáng kiến như việc tổ chức hội nghị này. Ngoài ra, trong các nhiệm vụ của Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông có nhiệm vụ khích lệ các Giáo Hội địa phương suy tư về các thách đố chính gọi hỏi Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông xã hội. Trong trường hợp chuyện biệt của thực tại Brasil đó là lãnh nhận một trách nhiệm mới, trong nghĩa tín hữu công giáo được mời gọi ”là các thừa sai trong thế giới liên mạng”. Bởi vì có cả một nền tu đức cần diễn tả cả trong thế giới internet nữa, cũng giống như kiểu chúng ta sống nền tu đức này trong nhà, trong môi trường làm việc, với gia đình, với bạn bè. Và đây là điều nền tảng.

Hỏi: Thưa Đức Cha, cả đề tài chung được chọn do các nhân viên mục vụ truyền thông Brasil cũng tạo thành một chương trình dấn thân, có đúng thế không?

Đáp: Đúng thế. Người ta nói tới các thách đố và các cơ may trong kỷ nguyên vi tính, như thế nó liên quan tới việc làm cho chín mùi ý thức về những gì xảy ra trong lãnh vực truyền thông nhờ các kỹ thuật mới, và tái khám phá ra sự kiện các kỹ thuật này có thể tạo ra một khung cảnh sống, nơi có hàng trăm ngàn người lui tới. Vì thế Giáo Hội có sứ mệnh rao truyền Tin Mừng phải tự vấn làm thế nào để có thể và phải loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô trong bối cảnh xã hội là mạng truyền thông này.

Hỏi: Trong sứ điệp gửi Ngày Truyền Thông Quốc Tế năm nay Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi dùng các phương tiện truyền thông xã hội để phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thật. Có thể thực hiện điều này như thế nào thưa Đức Cha?

Đáp: Đức Thánh Cha đã xin chúng ta làm sao để truyền thông trở thành gần gũi với con người nam nữ ngày nay. Và ngài cũng thêm rằng cần phải tạo ra một nền văn hóa của sự gặp gỡ. Do đó, cần phải tự hỏi xem mình có thể dùng các cơ may mà các kỹ thuật tân tiến cống hiến cho chúng ta như thế nào để đi đến cuộc gặp gỡ này. Tôi còn nhớ các lời Đức Thánh Cha nói trong buổi khai mạc hội nghị của giáo phận Roma, khi ngài nhấn mạnh rằng: ”thách đố lớn của Giáo Hội ngày nay là trở thành mẹ”.

Hỏi: Một cách cụ thể điều này có nghĩa là gì thưa Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông?

Đáp: Giám Mục Roma diễn tả giấc mộng của một Giáo Hội có khả năng cho thế giới thấy gương mặt hiền mẫu của mình. Như thế, ngài muốn một Giáo Hội cho thấy và sống sự tiếp đón và chia sẻ, bằng cách gần gũi con người trong các nẻo đường khác nhau của cuộc sống. Và điều này có một tầm quan trọng, đặc biệt trong một quốc gia có biết bao nhiêu mâu thuẫn như Brasil.

Hỏi: Các thuyết trình viên khác của hội nghị truyền thông toàn quốc Brasil là những ai thưa Đức Cha?

Đáp: Tôi muốn nhắc tới hai vị tên tuổi: đó là Cha Antonio Spadaro, Giám đốc tuần san ”Văn minh công giáo” là người thuyết trình về nhiều đề tài khác nhau như nền thần học vi tính và nền tu đức của trang mạng. Vị thứ hai là bà Leticia Soberon, thuộc Ủy ban Mạng truyền thông của Giáo Hội tại châu Mỹ Latinh, trình bày đề tài các môn đệ truyền giáo trong kỷ nguyên của nền văn hóa vi tính.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đề tài ”môn đệ truyền giáo” đã được đào sâu trong Hội nghị lần thứ V của Liên Hội Đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Aparecida hồi năm 2007. Nó được cụ thể hóa như thế nào trong lãnh vực truyền thông?

Đáp: Trong trường hợp của chúng ta câu hỏi cần đưa ra là các môn đệ của Chúa làm thế nào để ”trở thành các thừa sai trong mạng lưới truyền thông xã hội”. Liên quan tới điều này cần phải minh xác một điều đó là không có chuyện chiêu dụ tín đồ. Như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói, và như Đức Thánh Cha Phanxicô đã lập lại nhiều lần, đây không phải là việc bỏ bom mạng truyền thông với các sứ điệp tôn giáo, mà là cống hiến chứng tá. Và lý luận này, trong viễn tượng của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới sắp tới cũng có thể được trải dài ra cho các đề tài về gia đình. Bởi vì trong các lúc khó khăn nhưng cả trong những lúc tích cực, chúng ta có thể là các chứng nhân của các giá trị kitô trong mạng truyền thống xã hội, để gia đình luôn tiếp tục là tế bào nòng cốt đích thật của xã hội.

(SD 25-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Chia sẻ cho người nghèo đói

Chia sẻ cho người nghèo đói

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trại Trung tâm tiếp nhận người sắp chết ở Calcutta, Ấn Độ, một người nằm dài trên giường, xem ra không thể cử động được cánh tay. Người ta hỏi ông:

– Ông muốn ăn không? Vâng, muốn.

– Tên ông là gì? -Dinenraj (Đinh Văn Rao)

– Ông bao nhiêu tuổi? -Tôi chẳng biết.

– Tên ở đây bao lâu rồi?- Bốn hôm.

– Ông từ đâu đến? – Tôi ở ngoài đường phố.

– Ông mắc bệnh gì? – Bao tử tôi hoàn toàn thất bại, vì hoàn toàn trống không.

Người ta đem đến cho ông phần ăn của ngày lễ kỷ niệm 25 năm thành lập trung tâm, gồm có: cơm gà giò hầm với càri, khoai tây, sữa đặc, chuối và cam. Ông ăn một cách thèm khát và nhai rất kỹ từng muỗng đồ ăn.Ông mở miệng to để người ta cho ông ăn từng muỗng một. Khi ăn hết dĩa phần ăn, ông nằm duỗi tay chân như một đứa bé chuẩn bị ngủ.

Kể từ ngày được thiết lập (22/8/1952) trong 25 năm trung tâm đã tiếp nhận 36.000 người, trong đó 16.000 người “đã chết trong tay Chúa”. Trung tâm của những người hấp hối này điển bình cho nhiều ngôi nhà tương tự được các nữ tu Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta điều khiển trên khắp thế giới. Các soeurs từng nghiêng mình với lòng kính trọng và yêu thương trên những thân xác gầy gò của những người đàn ông và đàn bà được lượm nhặt ngoài đường phố đưa về. Các soeurs từng mang lại cho những con người bị bỏ rơi này một ý thức nào đó về nhân phẩm, đồng thời truyền đạt cho họ về một thế giới bên kia khả dĩ lau sạch mọi nước mắt, xoa dịu mọi cơn đói, chữa lành những tâm hồn mang nặng nhiều thương tích. Lễ Ngân khánh của Trung tâm này tại Calcutta được tổ chức vào ngày lễ Các Thánh (1/11), là để nhắc nhớ con người về giá trị đời mình là biết qui về Thiên Chúa Tình Yêu.

Mẹ Têrêsa đã mời các bà đích thân đến, mang theo đồ ăn họ đã dọn sẵn ở nhà và tự tay phân phát cho các bệnh nhân nghèo. Mẹ có tài thu hút người thuộc đới trung lưu và thượng lưu không phân biệt tôn giáo tới tham gia công việc mà các nữ tu Thừa Sai Bác Ái vẫn làm hằng ngày là nghiêng mình săn sóc những con người bị xã hội bỏ rơi một cách đáng thương.

Anh chị em thân mến,

Phải chăng việc Mẹ Têrêsa thành Calcutta làm trên đây là việc áp dụng Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay một cách sống động? Nhưng thử hỏi còn biết bao cách áp dụng khác nữa mà bài Tin Mừng này có thể gợi lên cho chúng ta? Các môn đệ xin Chúa giải tán đám đông dân chúng để họ đi mua thức ăn. Nhưng Chúa lại bảo các ông: “Chính anh em phải cho họ ăn”. Rồi Chúa đã cho 5000 người ăn với 5 cái bánh và 2 con cá, còn dư lại 12 thúng bánh vụn. Ngoài con số 5000 người đàn ông, thánh Matthêu con thêm “không kể đàn bà và trẻ em”. Vậy tổng số có thể lên tới hàng chục ngàn người. Như vậy Chúa Giêsu, với phép lạ hóa bánh ra nhiều, đã nuôi một đám đông rất lớn đi theo Chúa Giêsu vào nơi hoang địa. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào Ngài để có của ăn nuôi sống mình.

Ngày nay đám đông dân chúng đã phát triển nhanh tới hàng triệu người. Họ không chỉ cảm thấy đói, mà họ chết đói: 100 ngàn người mỗi ngày và 450 triệu người tối đến đi ngủ bụng đói (theo một bản thống kê quốc tế). Ngay ở đất nước chúng ta đây, còn biết bao người thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em thiếu dinh dưỡng. Với chiến dịch “xóa đói giảm nghèo”, nhiều người đã ủng hộ nuôi dưỡng những người đói khổ cùng cực. Nhưng vấn đề quá lớn đối với con người, chắc chắn chúng ta phải làm hết sức, hết khả năng con người. Nhưng chúng ta cần sự trợ giúp của Chúa mới làm được. Nếu để cho các môn đệ, các ông chỉ biết giải tán để dân chúng đi về bụng đói và có khi phải chết đói dọc đường. Nhưng với sự đóng góp của con người, Chúa đã làm nên phép lạ. Nếu cậu bé không trao cho Chúa khẩu phần bánh và cá của cậu đem theo, thì đám đông dân chúng sẽ về bụng đói. Nhưng với 5 cái bánh và 2 con cá của cậu bé, Chúa Giêsu đã nuôi được hàng ngàn người ăn no vả còn dư thừa.

Thưa anh chị em,

Chúa Giêsu không đi quyên góp bánh để phát cho người nghèo. Ngài cũng không khiến bánh tự nhiên từ trời xuống cho họ ăn, nhưng Ngài đã chia sẻ mấy cái bánh mà môn đệ có sẵn trong tay cho tất cả mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học mọi người. Đó là một thách đố: dám nuôi bằng ấy ngàn người với năm chiếc bánh của người nghèo. Năm cái bánh đã được nhân lên bằng tình thương của Chúa Giêsu cộng với niềm tin và lòng vâng phục của các môn đệ. Bài học của phép lạ hóa bánh ra nhiều là ở chỗ đó: Chúa dạy chúng ta là hãy vâng lời Ngài mà thực hiện điều răn yêu thương. Yêu thương là chia sẻ. Khi chúng ta chia sẻ chính là làm cho tình yêu được nhân lên. Tấm bánh đáng lẽ chỉ nuôi được một vài người, đã có thể nuôi cả ngàn người. Tình yêu có thể làm được chuyện mà đống tiền, đống của không làm được. Người ta thường nghĩ phải có nhiều, có dư thì mới cho. Tình yêu không đợi phải có đủ, có dư mới cho, nhưng còn sẵn sàng cho cả cái chính mình đang thiếu, và thậm chí, cả khi không có gì, vẫn có thể cho, đó là chính mình: công sức, tài năng, thời giờ… bởi vì tình yêu cao cả nhất, trọn vẹn nhất, là dâng hiến chính mình cho người mình yêu (Ga 15,13) và đó là tình yêu của Chúa Giêsu. Chính tình yêu này mới khiến Ngài chạnh lòng thương trước cảnh đói khổ, bệnh tật của dân nghèo và ra tay cứu giúp.

Điều nguy hiểm nhất cho con người là không còn biết chạnh lòng thương xót trước những nỗi khổ đau của người khác. Lòng nhân ái không chỉ làm cho chúng ta “thành người”mà còn là dấu chỉ của người môn đệ Chúa.

Ông Malcolm Muggeridge, một nhân vật nổi tiếng trên đài TV Anh Quốc, đã trở lại đạo Công giáo, điều mà trước đây ông đã thề sẽ không bao giờ làm. Ông nói, ông đã bị cảm kích bởi những việc Mẹ Têrêsa Calcutta đã làm: “Không thể diễn tả bằng lời, tôi đã mắc nợ Mẹ Têrêsa thế nào. Mẹ đã tỏ cho tôi thấy Kitô giáo trong hành động. Mẹ đã tỏ cho tôi thấy sức mạnh của tình yêu có thể làm nổi dậy một ngọn thủy triều tình yêu lan tràn khắp thế giới…”

Trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều được lặp lại trong Tiệc Thánh Thể: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ”. Chúa vẫn tái diễn phép lạ ấy hằng ngày để nuôi dưỡng chúng ta và cả thế giới. Tại sao từ bàn Tiệc Thánh này chúng ta lại không biết chia sẻ với người nghèo đói? Thế giới hôm nay còn có những kẻ đói, còn có những dân tộc đói, vì có những cái bánh được giữ riêng cho cá nhân và không hề được bẻ ra chia sẻ. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, khi đã lãnh nhận Bánh của chúa thì cũng biết cạnh lòng thương và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo đói, để Chúa có thể nuôi sống tất cả anh chị em chúng ta trên thế giới.

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Bài trừ nạn tra tấn để bảo vệ sự tự do và phẩm giá của con người

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève

Trong hai ngày 5-6 tháng 5 năm 2014 khóa họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn, gọi tắt là CAT, đã diễn ra tại Genève bên Thụy Sĩ. Tham dự khóa họp có phái đoàn của Tòa Thánh do Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hướng dẫn. Thuộc thành phần phái đoàn có Đức Ông Christophe El-Kassis, giáo sư Vincenzo Buonomo, và Đức Ông Richard Gyhra.

Trong hai ngày họp phái đoàn Tòa Thánh đã điều trần theo lượt trước Ủy ban này, giống như trường hợp nhiều nước khác. Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi dã nhấn mạnh rằng Tòa Thánh dấn thân chống lại tra tấn với ý muốn đầu tiên là bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của bản vị con người”. Tòa Thánh coi ”Hiệp ước chống tra tấn” là một dụng cụ có giá trị để chống lại các hành động xúc phạm nặng nề tới phẩm giá con người, và đánh giá cao Hiệp ước mà quốc gia thành Vaticăng đã phê chuẩn năm 2002. Hiệp ước cũng được áp dụng cho quốc gia Thành Vaticăng, nhưng thật là sai lầm, khi nghĩ rằng Tòa Thánh có quyền tài phán trên mọi thành phần của Giáo Hội Công Giáo, sống rải rác trong nhiều nước trên thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã bác bỏ những phê bình của một số thành viên Ủy ban Liên Hiệp quốc chống nạn tra tấn. Các thành viên này cho rằng Tòa Thánh đã không có hành động xử lý những vụ tra tấn liên quan đến lạm dụng tính dục trẻ em tại một số nơi trong Giáo Hội công giáo; hoặc có thành viên cho rằng khi chủ trương cấm phá thai là Giáo Hội Công Giáo góp phần tạo ra sự ”tra tấn” đối với những người cảm thấy cần phải phá thai.

Đức Tổng Giám Mục cho biết cần phải phân biệt Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo và Quốc gia Thành Vatican. Tòa Thánh ký và phê chuẩn Hiệp ước chống tra tấn nhân danh quốc gia Thành Vatican và muốn là một uy tín tinh thần để cổ võ việc chống tra tấn trên thế giới. Tuy nhiên, Tòa Thánh không có quyền tài phán trên các tín hữu công giáo là công dân của một quốc gia.

Nếu một tín hữu công giáo vi phạm luật cấm tra tấn, thì thẩm quyền xét xử và trừng phạt thuộc về quốc gia nơi đương sự là công dân. Chính quyền các nước có bổn phận phải bảo vệ, và khi cần, truy nã các người sống dưới quyền tài phán của mình. Chính quyền mỗi nước có thẩm quyền hợp pháp hành động như chủ thể có trách nhiệm công lý đối với các tội phạm và các lạm dụng do các người dưới quyền tài phán của mình vấp phạm. Mỗi cá nhân, bất kể tùy thuộc một cơ cấu công giáo nào, thuộc quyền đặc biệt của quốc gia nơi họ sinh sống.

Tòa Thánh cũng thực thi quyền bính đó trên những ai sống trong quốc gia thành Vaticăng theo các luật lệ riêng của mình. Tòa thánh tôn trọng các nguyên tắc về sự độc lập và chủ quyền của mỗi nước.

Tòa Thánh cầu mong rằng trong việc áp dụng Hiệp ước vào trong tất cả mọi hoàn cảnh mới các hoàn cảnh đó ở trong lãnh vực chuyên biệt của Hiệp ước. Cần phải chú ý tới điều này vì đưa các đề tài khác mà Hiệp ước không đề cập tới giảm thiểu mục đích ban đầu của Hiệp ước, và gây nguy hiểm cho các tình trạng của những người bị lạm dụng và tra tấn. Từ đó có nguy cơ công việc của Ủy ban chẳng những vô hiệu, mà còn gây thiệt hại nữa. Đức Tổng Giám Mục Tomasi cũng nhắc tới nhiều lập trường của các giới chức cấp cao của Giáo Hội chống lại tra tấn, đặc biệt là giáo huấn của các Giáo Hoàng sau thời Đệ Nhị Thế Chiến. Tòa Thánh đã và sẽ tiếp tục là tiếng nói tinh thần mạnh mẽ nhất trên thế giới bênh vực các quyền con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, về vấn đề này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã ký nhận Thỏa hiệp chống tra tấn này trong tư cách là quốc gia thành Vaticăng. Như vậy Tòa Thánh có thái độ nào trước các phản bác hay các tố cáo không thể tránh được tìm cách đưa vấn đề vào trong bình diện tổng quát hơn của Giáo Hội công giáo?

Đáp: Trách nhiệm của Tòa Thánh được thi hành theo hai thể thức khác nhau. Thứ nhất là qua thẩm quyền triệt để tư pháp – hợp pháp mà Tòa Thánh có trên lãnh thổ của Quốc gia thành Vaticăng và nó được thực thi giống y như mọi chính quyền khác. Thứ hai là việc thực thi thẩm quyền có tính cách tinh thần của mình với một hình thức quyền bính dựa trên sứ mệnh chuyên biệt của Giáo Hội và lôi cuốn sự gằn bó tự nguyện của tín hữu với các nguyên tắc đức tin công giáo. Các quốc gia duy trì quyền tài phán riêng và triệt để trên các công dân của mình theo công giáo, chẳng hạn trong trường hợp các người này phạm tội. Đối với nhiều người thật là khó hiểu sự kiện việc thực thi quyền bính tinh thần có các phương thế và nguyên tắc khác với việc thi hành quyền bính chính trị và pháp luật. Vì Đức Thánh Cha có quyền trên toàn Giáo Hội người ta nghĩ rằng ngài có thể quyết định trên các cung cách hành xử và các trừng phạt mà các thành phần của Giáo Hội đáng bị. Quyền chìa khóa của Phêrô không giống như quyền bính đời. Các thành phần của Giáo hội sống rải rác trên toàn thế giới gồm các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, nhưng họ không phải là công dân của quốc gia thành phố Vaticăng, mà là công dân của các quốc gia trong đó họ sinh sống, vì thế họ có các quyền lợi và các bổn phận công dân của các nước đó.

Hỏi: Ngày mùng 5 tháng hai năm nay Tòa Thánh đã kinh ngạc khi nhận được bản tường trình của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về quyền của các trẻ vị thành niên tại Genève liên quan tới Tòa Thánh: đây là một hành vi tố cáo gay gắt các vụ làm dụng tính dục trẻ vị thành niên từ phía một số nhân viên của Giáo Hội, mà theo Đức Cha, nó đã được viết ra trước khi Đức Cha phát biểu hồi tháng giêng năm 2014. Đức Cha có tin rằng kiểu đọc hiểu phiến diện này về Giáo Hội Công Giáo có thể vẫn còn đè năng trên việc tiếp nhận bản tường trình của Đức Cha hay không?

Đáp: Trong hai ngày mùng 5 và mùng 6 tháng 5 Tòa Thánh trình bầy bản báo cáo của mình trong phiên họp thứ 52 của Ủy ban Liên Hiệp Quốc y như các nước khác. Đây là một tiến trình nhằm áp dụng Hiệp Ước một cách tôt đẹp hơn. Tuy nhiên, từ việc duyệt xét ngắn gọn ”Các nhận xét kết luận” mà Ủy ban Liên Hiệp Quốc đưa ra đối với các bản tường trình của các nước trong hai năm qua, đã nảy sinh một loạt các đề tài chỉ liên quan một cách gián tiếp, qua một sinh hoạt giải thích rất là nới rộng, đối với văn bản và các chủ ý của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Hiệp ước chống tra tấn. Thí dụ đưa vào trong Ủy ban CAT thảo luận về việc lạm dụng tính dục trẻ em thì thật là rườm rà, vì nó đã được Hiệp ước về các quyền của Trẻ em đề cập tới rồi. Điều này đặc biệt đúng vì bản văn chính và ý nghĩa của nó không bao gồm các từ liên quam tới tội phạm này. Các đọc hiểu khác về Hiệp ước rất có thể có.

Trong bối cảnh quốc tế của Liên Hiệp Quốc và của nền văn hóa công cộng quốc tế chúng ta đang ở trên hai mặt khác nhau liên quan tới các giá trị nền tảng phải hướng dẫn cuộc sống chung xã hội, chẳng hạn việc bảo vệ quyền sống và sự chú ý tới các nhóm yếu đuối dễ bị thương tích hơn của xã hội. Đặc biệt trên điểm này sự đối nghịch của hai nền văn hóa khác nhau thật là hiển nhiên. Chắc chắn là các trẻ em bị để cho chết chịu một hình thức tra tấn rõ ràng. Chẳng hạn, bên Canada giữa các năm 2000 và 2011 đã có 622 trẻ còn sống sau khi phá thai, nhưng bị để cho chết, cũng như 66 trẻ em bên Anh quốc năm 2005. Một vài phương pháp phá thai chậm trễ cũng là một tra tấn, đặc biệt trong trường hợp gọi là ”giãn nở và rút ra”: bào thai bị cắt chặt thành từng mảnh, rồi bị kéo ra khỏi tử cung. Đương nhiên là Tòa Thánh sẽ ủng hộ quan niệm về bản vị con người phát xuất từ truyền thống kitô và từ khuynh hướng thực tế gắn liền với quyền tự nhiên.

Hỏi: Thưa Đức Cha Tomasi, Tòa Thánh đã phê chuẩn hiệp ước chống tra tấn ngày 22 tháng 6 năm 2002, nhưng bản tường trình đầu tiên đã chỉ được đưa ra vào năm nay 2014, tức hơn mười năm sau khi ký kết. Tại sao lại có sự chậm trễ như thế?

Đáp: Tòa Thánh tham dự vào cuộc sống của cộng đồng quốc tế một cách tích cực. Tòa Thánh góp phần mình như tiếng nói của lương tâm. Tòa Thánh không có các quyền lực to lớn và các lợi lộc kinh tế và quân sự, nhưng muốn bênh vực con người và các giá trị nền tảng nâng đỡ phẩm gía của nó như: quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu ý kiến, quyền liên đới, chống lại nghèo dói và các lạm dụng quyền bính. Tòa Thánh làm điều đó cho quốc gia thành Vaticăng như dấu chỉ, nhất là như dấu chỉ của việc khước từ mọi hình thái bạo lực hạ nhục bản vị con người. Việc chậm trễ soạn thảo bản tường trình cho Ủy ban của Hiệp ước cũng một phần dễ hiểu, bởi vì không phải là một bí mật gì sự kiện Tòa Thánh tiếp tục bênh vực các nguyên tắc và kiểu hành xử mà Hiệp Ước thừa nhận. Dầu sao đi nữa giờ đây Tòa Thánh chu toàn bổn phận này và không phải chỉ một cách hình thức, nhưng như là một gặp gỡ xây dựng với các chuyên viên của Ủy ban để thăng tiến sứ điệp của Hiệp ước, mà một cách lịch sử nó đã được thương lượng trong kỷ niệm các kinh hoàng của Đệ Nhị Thế Chiến và trong ước mong che chở các tù nhân khỏi bị tra khảo và các đối xử tàn tệ vi phạm mọi hình thái phẩm giá và quyền tự do của con người.

(RG 3-5-2014; KNA 5-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Vụ khủng bố nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui của Trung Phi

Phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondonbo và Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio

Chiều ngày 28-5-2014 một nhóm người vũ trang, có lẽ là cựu phiến quân hồi giáo Seleka, đã dùng lựu đạn tấn công nhà thờ Đức Bà Fatima vùng ngoại ô thủ đô Bangui, khiến cho ít nhất 17 người chết kể cả một linh mục.

Tin địa phương nói số nạn nhân khoảng 40 người. Ngày 30-5-2014 hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Bangui để phản đối và lên án vụ khủng bố đã man này, đồng thời để phản đối các lực lượng quốc tế, tuy ở gần đó nhưng đã can thiệp chậm trễ. Vị linh mục bị thiệt mạng là cha Paul Emile Nzale, 76 tuổi. Cha đang thăm người tỵ nạn trong giáo xứ. Người ta cũng cho biết là đã có một số tín hữu bị nhóm phiến quân hồi bắt làm con tin.

Trung Phi rộng gần 623 ngàn cây số vuông, có khoảng 5 triệu dân gồm nhiều chủng tộc khác nhau, hơn 80% theo Kitô giáo gồm 51,4% Tin Lành 28,9% Công Giáo, 15% hồi giáo và 9.6% theo đạo thờ vật linh. Từ năm 2012 lực lượng Seleka gồm các phiến quân hồi nổi lên tiến chiếm miền bắc và miền trung và từ năm 2013 đánh chiếm thủ đô Bangui và lên nắm quyền. Các lực lượng dân quân kitô quy tụ thành phong trào Chống Balaka đánh nhau với lực lượng Seleka, khiến cho nội chiến kéo dài tại Trung Phi.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Mathieu Bondobo về tình hình Trung Phi hiện nay.

Hỏi: Thưa cha, tại sao các binh sĩ lực lượng phiến quân Seleka lại tấn công và gieo chết chóc cho các kitô hữu như thế?

Đáp: Tin khủng bố sát hại này thật là buồn và trầm trọng. Ban đầu chúng tôi đã dấn thân nói rằng cuộc xung khắc này là chính trị, chứ không phải là cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo. Nhưng sự kiện cố ý tấn công một họ đạo như vậy làm cho chúng tôi lo sợ, bởi vì nó là một dữ kiện mạnh mẽ để nói rằng cuộc xung đột đang ngày càng trở thành tôn giáo nhiều hơn. Và điều này cũng giúp chúng tôi nói rằng các tôn giáo chúng tôi phải tỉnh táo mở mắt, để không bị lèo lái bởi các nhà chính trị, bởi vì chỉ cần lơ là một chút là rơi vào cạm bẫy này. Dân tộc này đã luôn luôn chung sống với nhau với các tôn giáo khác nhau hiện diện tại đây, và vì thế ngày hôm nay chúng tôi không thể bắt đầu gây chiến với nhau được. Tuy nhiên, chúng tôi phải sẵn sàng và tỉnh thức để tránh tất cả các cạm bẫy này. Tôi xin lập lại, với điều đã xảy ra, chỉ cần một chút thôi là lại nảy sinh ra sự báo thù trong trái tim con người.

Hỏi: Theo cha thì tại sao lại xảy ra cuộc tấn công này?

Đáp: Tôi không có một tư tưởng rõ ràng về các lý do chính xác của vụ tấn công. Nhưng cần nói rằng giáo xứ Đức Bà Fatima này nằm trong một vùng rất gần một khu phố, nơi đã có lời đồn thổi rằng vài phiến quân đã len lỏi vào và tập trung tại đây. Và như thế một giáo xứ rất ngoại ô là một vùng hơi nóng bỏng. Do đó chỉ cần một chút là xảy ra các vụ tấn công loại này.

Hỏi: Giáo Hội nằm giữ vai trò nào trong tình trạng hiện nay tại Trung Phi? Và các giáo xứ trong thủ đô Bangui hiện đang làm gì, một cách đặc biệt để trợ giúp dân chúng?

Đáp: Kể từ khi cuộc xung khắc bắt đầu, Giáo Hội công giáo đã luôn luôn làm rất nhiều để trợ giúp dân chúng. Giáo Hội công giáo ủng hộ hòa bình. Vì thế họ đạo Đức Bà Fatima, cũng như tất cả các họ đạo khác trong thủ đô Bangui, đã trở thành nơi tiếp đón. Tất cả những người không cảm thấy an ninh đã tìm được nơi trú ẩn trong nhà thờ này: đó là sự kiện quan trọng. Mọi họ đạo của chúng tôi đều tiếp đón rất nhiều người. Nhưng các nhà thờ không được bảo vệ. Và tiện đây tôi xin kêu gọi các cơ quan quốc tế để họ mở mắt nhìn một họ đạo yểm trợ hòa bình tiếp đón biết bao nhiêu người tỵ nạn, mà lại không được bảo vệ, thì đây không phải là điều bình thường. Do đó trong số các nạn nhân, ngoài đa số là tín hữu kitô, cũng có những người không kitô. Họ đã bỏ khu phố của họ để đến trú ẩn nơi đây vì không cảm thấy an ninh.

Hỏi: Xem ra tình hình tại Trung Phi lắng dịu hơn một chút có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Các tin tức cuối cùng cho biết như thế. Tại Trung Phi nói chung tình hình không yên ổn. Nhưng tại thủ đô thì đã có nhiều kiểm soát hơn một chút, trong nghĩa các sinh hoạt đã bắt đầu trở lại, nghĩa là cuộc sống bắt đầu trở lại trong thủ đô Bangui. Đó là các tin mới nhất. Tuy nhiên, điều này giúp hiểu rằng còn có rất nhiều việc phải làm.

Hỏi: Dân chúng trong thủ đô Bangui đã mất hy vọng rồi hay sao thưa cha?

Đáp: Người dân đã không hoàn toàn mất hy vọng, nhưng họ có một chút nghi ngờ. Nói một cách nhân loại thì họ có mất hy vọng. Dĩ nhiên là sự sợ hãi lại nảy nở trong con tim người ta. Tôi tin rằng ngày nay khó đi lang thang trong các khu phố này của thủ đô hay ra khỏi nhà. Chắc chắn là người ta lo sợ. Vì không có an ninh. Nhưng chúng tôi luôn luôn có niềm hy vọng, bởi vì chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi phải đi tới hòa bình thôi.

Hỏi: Các nhóm quân bảo hòa liên hiệp quốc đã làm những gì, và có thể làm những gì trong tình trạng này, thưa cha?

Đáp: Nói thật ra, họ đã có thể can thiệp nhanh nhất có thể. Từ các tin tức mà tôi đã nhận được các toán quân đó ở cách xa chỗ xảy ra khủng bố ngót một cây số. Họ đã được liên lạc, nhưng họ đã mất hàng giờ hàng giờ để can thiệp. Nếu ho đã can thiệp trước, thì tôi tin rằng đã có thể tránh được được tình hình tồi tệ này.

Tiếp theo đây là một số nhận định của Linh Mục Zephirin Yakanda, cha phó giáo xứ Alassio, và là người quen biết cha Nzale.

Hỏi: Thưa cha Yakanda, cha Paul Emile Nzale là người như thế nào?

Đáp: Cha là một người tốt lành, sống gần gũi dân chúng và là người không sợ hãi ai. Cha đang thăm các gia đình tỵ nạn trong giáo xứ thì bị bắn.

Hỏi: Cha có kỷ niệm nào với cha Nzale hay không?

Đáp: Chính cha Nzale đã dậy tôi giảng. Ngài đã đậy tội sống với dân chúng. Khi tôi còn là chủng sinh tôi đã biết cha tại giáo xứ Chúa Ba Ngôi và ngài đã hướng dẫn tôi từ từ cho tới khi tôi làm linh mục cách đây 18 năm.

Hỏi: Cha có nhớ vài lời khuyên hay vài lời nói của ngài hay không?

Đáp: Có chứ. Ngài khuyên tôi kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng bao giờ chán nản ngã lòng và luôn luôn hy vọng: ngài lập đi lập lại các lời khuyên này.

Hỏi: Nghĩa là cha Nzale đã luôn luộn sống giữa dân chúng và đã được người dân rất thương mến?

Đáp: Vâng, ngài đã luôn luôn sống giữa người dân và được dân chúng trong thủ đô Bangui rất thương mến.

Hỏi: Vậy bây giờ dân chúng thủ đô ra sao?

Đáp: Người dân sống trong sợ hãi. Trong thành phố không có điện, nhưng có cuộc tổng đình công bãi thị. Dân chúng khua đĩa inh ỏi để phản đối.

Hỏi: Cha có hy vọng gì không?

Đáp: Tôi hy vọng người ta thôi bạo lực. Tôi hy vọng cộng đồng quốc tế giúp chúng tôi làm một cái gì đó để tìm lại được hòa bình, bởi vì Trung Phi đã là một quốc gia luôn luôn sống trong hòa bình. Chỉ từ 15 năm qua ma qủy đã tỉnh thức: ma qủy chia rẽ đã tỉnh thức và gieo tai họa. Chúng tôi khÔng thành công trong việc ngăn chặn hận thù và sự căng thẳng này.

Hỏi: Cũng có các vụ phản đối lực lượng bảo hòa đã không mau chóng can thiệp, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng vậy. Các binh sĩ ở cách họ đạo không xa và có các phương tiện tạo dựng hòa bình. Nhưng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra tại đó mà họ đã không hành động.

Hỏi: Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào không?

Đáp: Có. Chúng tôi muốn kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng nhắm mắt và để cho dân chúng Trung Phi biến mất khỏi bản đồ địa lý thế giới. Ước chi họ hành động và yểm trợ người dân Trung Phi. Dân Trung Phi chỉ muốn có hòa bình, chỉ muốn sống. Xem ra người dân nước này bị bỏ rơi cho số phận của họ. Điều này không đúng! Xin cộng đồng quốc tế hãy can thiệp và làm một cái gì đó để nâng đỡ những người dân vô tội đang phải chết này!

(RG 29.30-5-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Thông báo của ban điều hành trường Việt Ngữ PBC – Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể

Các lớp Việt Ngữ & Thiếu Nhi vẫn tiếp tục

vào mỗi thứ Bảy từ 31-05-2014 đến 07-06-2014

 

Thời gian:
  • Việt Ngữ: 1:30PM – 3:30PM
  • Thiếu Nhi: 4:00PM – 6:00PM
 
Lễ bế giảng của trường Việt ngữ sẽ vào ngày 14/6/2014 lúc 1:00pm
 
Mong quý phụ huynh cho các em học sinh tham dự đông đủ. 
Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu chúc lành cho mọi thiện chí quý vị đã dành cho chương trình Việt Ngữ & Thiếu Nhi. 

 

Mọi thắc mắc xin gọi: (714) 396 1988 &  https://vn.cddmmtanaheim.org
 
Đại diện Trường VN PBC và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể,

Trần Khuyến & Trưởng Long