Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Tổng Đại hội của phong trào Tổ ấm Focolarini

Phỏng vấn ông Franco Pizzorno, phối hợp viên Ủy ban chuẩn bị tổng đại hội

Từ ngày mùng 1-9-2014, 500 đại biểu của phong trào Tổ ấm Focolarini từ khắp nơi trên thế giới đã tề tưu về Trung tâm Mariapoli tại Castel Gandolfo cách Roma 30 cây số, để tham dự tổng đại hội. Cùng tham dự cũng có 49 khách mời, trong đó có 15 vị thuộc các Giáo Hội Kitô khác.

Trong tổng đại hội các tham dự viên sẽ bầu chị tân Chủ tịch, vị đồng chủ tịch và các vị lãnh đạo khác của phong trào cũng như đề ra các đường hướng hoạt động cho sáu năm tới. Vào cuối đại hội sẽ có buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tham dự viên tại Vatican.

Ngỏ lời với các tham dự viên đại hội kéo dài cho tới ngày 28-9-2014, chị Maria Voce, Chủ tịch mãn nhiệm của Phong Trào Tổ Ấm, đã lấy lại tư tưởng của tháng, trích từ thư thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma chương 15 câu 7: ”Anh em hãy đón nhận nhau như Chúa Kitô đã đón nhận anh em, để sáng danh Thiên Chúa” (Rm 15,7). Chị mời gọi mọi người hãy có thái độ đó.

Đây không phải là điều đương nhiên, vì các đại biểu đến từ mọi miền của trái đất, và đem theo mình các thảm cảnh của các dân tộc đang phải sống trong chiến tranh gây chết chóc tàn phá tang thương, hay bị thiên tai, hoặc bị thử thách bởi các khủng hoảng kinh tế.

Tiếp đến chị Maria Voce đã đọc vài điện thư bầy tỏ tình hiệp thông với các đại biểu Phong Trào. Anh Gerhard Pross, tin lành, thuộc tổ chức Ymca tỉnh Esslingen bên Đức, viết: ”Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt tới các tham dự viên Tổng Đại Hội. Tôi rất ý thức được tầm quan trọng của các ngày này đối với anh chị em, đối với từng người cũng như với tất cả Phong Trào Tổ Ấm. Tôi ước mong đồng hành với các anh các chị trong những ngày này với một lời cầu nguyện đặc biệt, xin Chúa Thánh Thần hiện diện và hướng dẫn anh chị em”.

Nhóm ”Thân hữu Fon” tỉnh Fonjumetaw bên Cameroon thì cầu chúc cuộc họp tinh thần quan trọng này, nhằm tiếp nối gia tài tình yêu thương hướng tới tình huynh đệ đại đồng của chị Chiara Lubich, gặt hái nhiều thành qủa tốt đẹp.

Tiến sĩ Walter Baier, Tổng thư ký mạng lưới các nhà trí thức cánh Tả Âu châu ”Transform-europe”, viết trong điện thư: ”Mục đích một nhân loại công bằng, liên đới và huynh đệ hơn hiệp nhất chúng ta, trong đó sự khác biệt được sống, không phải như chia rẽ nhưng như sự phong phú… Xin cầu chúc các anh các chị sự khôn ngoan: để các anh các chị có thể diễn đạt sự chuyên biệt của các anh các chị trong cuộc sống ngày nay, và tôi bảo đảm với các anh các chị sự gần gũi của tôi”.

Tiếp theo đó mọi người đã xem một video nhắc lại ”gia tài của chị Chiara Lubich” trong đó có đoạn chị trả lời cho những người hỏi về tương lai của Phong Trào sau khi chị qua đời. Chị Chiara Lubich đã trả lời rằng chị tin tưởng rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa những người yêu thương nhau nhân Danh Chúa (Mt 18,20) sẽ tiếp tục hướng dẫn Phong Trào tiến bước. Sau đó các tham dự viên đã bỏ phiếu chấp thuận luật lệ của Đại Hội. Các ngày từ mùng 2 tới mùng 4 tháng 9 được dành cho việc tĩnh tâm, trước khi chính thức bước vào các cuộc thảo luận và sinh hoạt khác của đại hội.

Phong trào Tổ Ấm nảy sinh vào năm 1943 trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, do sáng kiến của chị Chiara Lubich (1920-2008) như là một phong trào canh tân tinh thần và xã hội. Chị Chiara Lubich định nghĩa phong trào là ”một dân tộc nảy sinh từ Tin Mừng”. Được thúc đẩy bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho các môn đệ ”Để tất cả chỉ là một” (Ga 17,21) Phong trào nhắm mục đích cộng tác vào việc xây dựng một thế giới hiệp nhất hơn, trong thái độ tôn trọng và trân qúy sự khác biệt. Phong trào ưu tiên dùng sự đối thoại như phương thế, và liên lỉ dấn thân xây dựng các cây cầu và tương quan huynh đệ giữa các cá nhân, các dân tộc, và các môi trường văn hóa. Thành viên của Phong trào bao gồm người thuộc mọi lứa tuổi, ơn gọi, tôn giáo, xác tín, chủng tộc, quốc gia và văn hóa.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn ông Franco Pizzorno, thành viên phong trào, có gia đình, và là một trong hai phối hợp viên của Ủy ban chuẩn bị đại hội.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, Ủy ban chuẩn bị này đã được thành lập khi nào vậy?

Đáp: Vào tháng 9 năm 2013 chị Maria Voce, Chủ tịch phong trào, đã thành lập Ủy ban gồm 20 thành viên thuộc mọi miền địa lý và văn hóa. Ủy ban đã đã tìm cách thu thập mọi ý kiến, nhận xét, cảm tưởng, đề nghị và nguyện vọng của mọi thành viên phong trào, đặc biệt là của người trẻ, liên quan tới các đề tài mà họ cảm thấy liên hệ nhất với thời điểm này của phong trào. Và năm ngoái đã có khoảng 3,000 đề nghị được gửi tới Ủy ban.

Hỏi: Từ các đề nghị đó Ủy ban đã lựa chọn một số đề tài: 12 đề tài sẽ được thảo luận trong đại hội, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Vâng, đúng thế. chúng tôi đã có thể nhận diện khoảng một chục đề tài nền tảng, trong đó có 3 đề tài đã được nhiều người cảm thấy nhất, chúng là các đề tài ”hàng ngang”. Đó là sự quan trọng của việc rộng mở cho thế giới bên ngoài, tầm quan trọng của việc duy trì và đào sâu sự hiệp nhất của phong trào, và tầm quan trọng của việc đào tạo các thành viên. Có thể tóm tắt ba điểm này trong một câu sau đây: ”đi ra ngoài, cùng nhau, được chuẫn bị”, hay ”được chuẩn bị, cùng nhau, đi ra ngoài”. Trên ba đề tài chính này sẽ được ghép vào 8-9 đề tài chuyên biệt khác như: vấn đề của gia đình ngày nay, tương quan giữa Giáo Hội và các Giáo Hội, sự rộng mở cho tất cả các tôn giáo khác vv….

Hỏi: Chỉ nghe các đề tài không thôi, người ta cũng nhận ra rằng Phong trào được mời gọi đi ra một cách mạnh mẽ, nhìn vào thế giới nhiều hơn và dìm mình vào trong thực tế nhiều hơn, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng cởi mở đối với thế giới nằm trong yếu tố di truyền của Phong trào Tổ Ẩm. Thật thế, mục đích của chúng tôi là ”Ut unum sint” Xin cho tất cả mọi người trở nên một. Nhưng dĩ nhiên là việc đọc hiểu những gì xảy ra trên thế giới với các mâu thuẫn của nó, các vết thương của nó, các khó khăn của nó cũng đã khích lệ chúng tôi hơn nữa trong việc mở rộng chân trời của phong trào theo hướng này. Thế rồi, đặc biệt lời nói và gương sống của Đức Thánh Cha Phanxicô, việc rộng mở ra cho các vừng ngoại biên… như là phong trào công giáo chúng tôi cũng muốn đáp trả lại chỉ dẫn này của Giáo Hội.

Hỏi: Khi nhìn giai đoạn chuẩn bị cho tổng đại hội cũng như chính tổng đại hội, người ta thấy nổi bật lên nét phong phú của sự trao đổi giữa các nền văn hóa, các chủng tộc, các quốc gia khác nhau. Làm thế nào để gộp chung lại một dân tộc đa diện như thế, mà vẫn chú ý tới các khác biệt?

Đáp: Chắc chắn rồi, thách đố không phải là đơn sơ, nhưng như là kinh nghiệm bé nhỏ mà chúng tôi đã sống trong tư cách là Ủy ban chuẩn bị: chúng tôi là những người đến từ nhiều vùng địa lý, nền văn hóa và ơn gọi khác nhau, nhưng chúng tôi đã thành công trong việc tạo ra một sự hiệp nhất lớn giữa chúng tôi, và như thế cũng làm trung gian để tìm thu thập các đề nghị khác nhau. Như vậy tôi tin tưởng rằng bên trong Phong trào, nơi nền tảng là việc liên tục thực thi trở thành một người trong chúng tôi, và lắng nghe người khác cho tới tận cùng. Điều này chắc chắn sẽ lá dụng cụ giá trị để đi tới chổ đưa ra các đường hướng cụ thể. Cũng bởi vì sự hiệp nhất giữa chúng tôi, mà chúng tôi muốn kiên trì theo đuổi, sẽ đem tới ánh sáng của Chúa Thánh Thần giúp phân định một cách cụ thể các con đường cần đi theo.

Hỏi: Thưa ông Pizzorno, trong một thế giới trong đó xem ra xung đột lại thắng thế, đặc sủng của Phong trào Tổ Ấm cổ võ sống yêu thương hiệp nhất và rộng mở xem ra vô cùng thời sự và rất mạnh mẽ, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn rồi. Tôi còn cho là thời sự hơn bao giờ hết nữa, nơi đâu các vết thương của xã hội và của nhân loại hiển nhiên như thế, nếu không nói là thê thảm như thế, thì chính ở đó chúng tôi cảm thấy được mời gọi đem phần đóng góp của sự hiệp nhất vào trong các đổ bể đó, là thuốc chữa và giải pháp duy nhất đích thật cho tất cả mọi chấn thương này. Đặc sủng của chị Chiara Lubich đã là điều này: đặc sủng của sự hiệp nhất tự nó mời gọi từng người trong chúng ta trở thành người đem sự hiệp nhất ấy tới khắp nơi chúng ta sống, bắt đầu bằng cuộc sống thường ngày, bắt đầu bằng các cơ cấu, trong đó chúng ta đang sống, bắt đầu từ Giáo Hội, cũng như bắt đầu từ các cơ cấu quốc tế.

(RG 1-9-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Comments are closed.