Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị Dòng Tên

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng tu nghị Dòng Tên

duc-thanh-cha-vieng-tham-tong-tu-nghi-dong-ten

ROMA. Sáng ngày 24-9-2016, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm Tổng tu nghị thứ 36 của Dòng Tên đang tiến hành ở Roma, và khích lệ các tu sĩ của dòng tiếp tục tiến bước, trong ”tự do và vâng phục”.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng của Cha Tân Bề trên Tổng Quyền Arturo Sosa, ĐTC nhắc đến các sứ điệp của các vị Tiền Nhiệm gửi các Tổng tu nghị của dòng Tên, từ Đức Phaolô 6 tới ĐGH Biển Đức 16. Ngài nhắc nhở các tu sĩ của dòng về sứ mạng ”đồng hành với Giáo Hoàng, ”tự do và vâng phục, đi tới những khu vực ven biên ngoại ô mà những người khác không đi tới, dưới cái nhìn của Chúa Giêsu và nhìn về chân trời làm vinh danh Chúa vinh danh Chúa hơn, Đấng không ngừng làm cho chúng ta ngạc nhiên”.

ĐTC cũng nói đến ơn gọi của tu sĩ dòng Tên là ”đi khắp thế giới và sống tại bất kỳ nơi nào có hy vọng phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn” (Hiến pháp, 304). Ngài trích câu nói của một cha dòng Tên xưa kia, Jerome Nadal, ”Đối với dòng Tên, toàn thế giới là nhà của chúng ta”.

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC nhắc Dòng Tên về tầm quan trọng mà thánh Ignatio Loyola dành cho các công việc từ bi thương xót – chăm sóc các bệnh nhân ở nhà thương, xin làm phúc bố thí, chia sẻ, dạy giáo lý cho trẻ em, và kiện nhẫn chịu đau khổ vì bị lăng mạ.. đó là cơm bánh hằng ngày của thánh Ignatio và các bạn đồng hành đầu tiên. Các vị quan tâm làm sao để không một công việc từ bi bác ái nào trở thành chướng ngại!”.

ĐTC nói rằng ”Năm Thánh Lòng Thương xót là thời điểm thích hợp để suy tư về các công việc từ bi thương xót. Tôi nói từ này ở số nhiều, vì thương xót không phải là một từ trừu tượng, nhưng là một lối sống đặt những cử chỉ cụ thể trước lời nói. Những cử chỉ này liên hệ đến thân mình người láng giềng và được qui định trong các công việc từ bi thương xót”.

ĐTC cũng nói với Tổng tu nghị 36 rằng dòng Tên có một sứ vụ quan trọng là mang an ủi và vui mừng vào trong cuộc sống của dân Chúa.. an ủi dân Chúa và giúp đỡ họ qua sự phân định để kẻ thù của bản tính con người không cướp mất niềm vui của chúng ta, niềm vui loan báo Tin Mừng, niềm vui gia đình, niềm vui của Giáo Hội, niềm vui của thiên nhiên”. (SD 24-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sống nghiêm ngặt luật Chúa, nhưng chưa có tự do của con cái Thiên Chúa

Sống nghiêm ngặt luật Chúa, nhưng chưa có tự do của con cái Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-24-10-2016

Đằng sau những gì gọi là nghiêm ngặt khắt khe, có cái gì đó ẩn giấu, một đời sống nước đôi, một đời sống nghiêm khắc mà mất tự do, vì họ làm nô lệ cho luật. Còn Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta tự do, sự hiền lành, lòng nhân từ. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Nơi bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu chữa lành người phụ nữ trong ngày Sabat, trước sự tức giận của ông trưởng hội đường, bởi vì ông nói là luật Chúa đã bị vi phạm. Thực sự, sống theo luật Chúa thì không hề đơn giản, đó là ơn sủng mà chúng ta cần cầu xin. Phản ứng lại ông ta, Thầy Giêsu gọi ông là kẻ đạo đức giả. Đã nhiều lần, Thầy Giêsu gọi những người như thế là đạo đức giả, vì họ chỉ biết tuân thủ nghiêm ngặt lề luật mà không có sự tự do của những người con, họ bị nô lệ bởi luật. Luật được làm ra là để giúp chúng ta có tự do, tự do của con cái Thiên Chúa, chứ không phải: luật làm ra để chúng ta làm nô lệ cho luật.

Đằng sau những gì là khắt khe, luôn có điều gì đó khác, điều đó Thầy Giêsu gọi là đạo đức giả. Đằng sau cái khắt khe, có điều gì đó ẩn giấu trong cuộc sống của con người. Sự hà khắc không phải là quà tặng của Thiên Chúa. Sự dịu hiền, vâng; sự tốt lành, vâng; lòng nhân từ, vâng; sự tha thứ, vâng. Sự khắt khe cứng nhắc thì không. Đằng sau sự khắt khe ấy, thường có cái gì đó ẩn giấu, thường thì đó là lối sống hai mặt, nhưng cũng có cái gì đó là đau bệnh. Khi chân thành họ nhận ra rằng, họ đang đau khổ! Vì họ chưa có tự do của con cái Thiên Chúa. Họ không biết làm thế nào để sống theo luật Chúa, họ chưa được chúc phúc. Họ đau khổ rất nhiều! Xem ra họ có vẻ tốt, vì họ sống theo lề luật, nhưng đằng sau có điều gì đó chẳng lành, có điều gì đó xấu, họ đang giả hình hoặc bị đau bệnh. Họ đau khổ!

Trong dụ ngôn người cha nhân hậu, người anh cả đã luôn sống tốt và làm theo lệnh cha, nhưng anh ta lại bất bình và tức giận với cha khi người cha vui mừng đón nhận người con thứ đi hoang trở về hối lỗi. Như thế, đằng sau đời sống tốt lành của người anh, có một sự tự hào tự kiêu.

Đằng sau việc làm tốt lành của anh ta, có một sự kiêu ngạo. Anh ta biết anh có một người cha, và trong những giây phút đen tối nhất cuộc đời, anh chạy đến với cha. Chỉ mình người cha mới có thể nói rằng chính anh cũng là ông chủ cùng với cha vì tất cả những gì của cha đều là của anh. Thế nhưng, chưa bao giờ anh có thể cùng cảm nghĩ như cha. Thế đấy, thật là khó khăn: anh chỉ làm cứng nhắc theo luật theo lệnh. Còn người con thứ, anh bỏ luật sang một bên, anh sống không cần luật lệ gì cả, sống chống lại luật, và đến một lúc, anh nghĩ về người cha rồi quay trở về. Anh được tha thứ. Thật là không dễ chút nào để đi theo luật Chúa mà lại không rơi vào sự nghiêm khắc.

Chúng ta hãy cầu cùng Thiên Chúa, hãy cầu nguyện cho anh chị em của chúng ta là những người tin rằng sống theo luật Chúa là trở nên khắt khe. Xin Chúa làm cho họ cảm thấy Ngài là Cha chúng ta, Ngài yêu thích sự dịu hiền, nhu mì, và khiêm nhường. Xin Ngài dạy tất cả chúng ta bước theo luật Chúa với thái độ hiền lành và khiêm nhường.

Tứ Quyết SJ

 

ĐTC kêu gọị cầu nguyện cho hoà bình hoà giải tại Iraq

ĐTC kêu gọị cầu nguyện cho hoà bình hoà giải tại Iraq

tin-huu-tham-du-buoi-doc-kinh-truyen-tin-voi-dtc-phanxico-trua-chua-nhat-23-10-2016-tai-quang-truong-thanh-phero

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trưa Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã mời mọi người hợp ý cầu nguyện cho dân nước Iraq. Ngài nói:

Trong các giờ thê thảm này, tôi gần gũi toàn dân Iraq, đặc biệt dân thành Mossul. Tâm hồn chúng ta bị rúng động bởi các hành động bạo lực người ta đang vi phạm từ quá lâu chống lại dân chúng vô tội, hồi giáo cũng như kitô, thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác nhau. Tôi đau đớn nghe tin việc sát hại lạnh lùng nhiều người con của vùng đất thân yêu này, trong đó có biết bao nhiêu là trẻ em. Sự tàn ác này khiến cho chúng ta khóc và không nói lên lời. Cùng với tình liên đới là việc bảo đảm của tôi nhớ tới  họ trong lời cầu nguyện, để Iraq, tuy bị đánh phá khốc liệt, nhưng mạnh mẽ và vững vàng trong niềm hy vọng có thể tiến tới một tương lai an ninh, hoà giải và hoà bình. Vì thế xin tất cả mọi người hiệp ý cầu nguyện trong thinh lặng.

Sau một chút thinh lặng ĐTC đã cùng tín hữu đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện theo ý chỉ này. Ngài cũng chào các tín hữu Ba Lan về hành hương Roma trong ngày lễ nhớ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 22 tháng 10, và dịp mừng 1.050 năm ngày Ba Lan lãnh nhận Tin Mừng. ĐTC cũng chào các ca viên tham dự Năm Thánh các ca đoàn Italia, các bạn trẻ thành viên các huynh đoàn các giáo phận Italia, cũng như cộng đoàn Perù sống tại Roma với hình Đức Bà de los Milagros.

Trước đó ĐTC đã giải thích  thư thứ 2 thánh Phaolô gửi Timôthê, cộng sự viên thân tín và là con của ngài, trong đó thánh nhân suy tư về cuộc sống tông đồ của ngài đã hoàn toàn thánh hiến cho việc truyền giáo (2 Tm 4,6-8.16-18). ĐTC nói: khi thấy việc kết thúc cuộc sống dương thể của ngài đã tới gần, thánh Phaolô miêu tả nó bằng cách quy chiếu về  ba thời điểm: hiện tại, quá khứ và tương lai.

Ngài giải thích hiện tại với ảm tỷ hy lễ: “Tôi sắp đổ máu ra làm lễ tế” (c.6). Với quá khứ thánh nhân chỉ cho thấy cuộc đời đã sống với các hình ảnh của “trận chiến đấu tốt” và “cuộc chạy đua” của một người trung thực với các dấn thân và trách nhiệm của mình (c.7), và đối với tương lai ngài tín thác cho sự thừa nhận của Thiên Chúa, là thẩm phán “công bằng” (c.8). ĐTC giải thích như sau:

Nhưng sứ mệnh của thánh Phaolô được hữu hiệu, đúng đắn và trung thành chỉ nhờ sự gần gũi và sức mạnh của Chúa, là Đấng đã làm cho ngài trở thành một người loan báo Tin Mừng cho tất cả các dân tộc. Thánh nhân nói: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh và đã ban sức mạnh cho tôi, để tôi có thể hoàn thành việc loan báo Tin Mừng và để tất cả mọi người được lắng nghe Tin Mừng” (c. 17).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Trong trình thuật này của thánh Phaolô phản ánh Giáo Hội, đặc biệt hôm nay là Ngày Quốc Tế Truyền Giáo có đề tài là “Giáo Hội truyền giáo, chứng nhân của lòng thương xót”. Nơi thánh Phaolô cộng đoàn kitô tìm thấy mẫu gương của mình trong xác tín rằng chính sự hiện diện của Chúa khiến cho công tác tông đồ và công việc rao giảng Tin Mừng được hữu hiệu. Kinh nghiệm của Tông Đồ dân ngoại nhắc cho chúng ta nhớ rằng  chúng ta phải dấn thân trong các hoạt động mục vụ và truyền giáo, một đàng như kết quả tùy thuộc nơi các cố gắng của chúng ta với tinh thần hy sinh của lực sĩ  không dừng lại cả trước các thất bại; nhưng đàng khác biết rằng sự thành công đích thực trong sứ mệnh của chúng ta là món quà của Ơn Thánh: chính Chúa Thánh Thần khiến cho việc truyền giáo của Giáo Hội trong thế giới được hữu hiệu.

Ngày nay là thời của việc truyền giáo và thời của lòng can đảm! Can đảm củng cố các bước chân chao đảo, can đảm lấy lại khẩu vị của việc tiêu hao cho Tin Mừng, tái chiếm lại sự tin tưởng nơi sức mạnh, mà việc truyền giáo có trong chính nó. Đây là thời can đảm, cả khi can đảm không có nghĩa là có bảo đảm và thành công. ĐTC nói thêm:

Chúng ta được đỏi  hỏi có can đảm để chiến đấu, không nhất thiết để chiến thắng; để loan báo, không nhất thiết để hoán cải. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để là các giải pháp khác cho thế giới, nhưng không trở thành tranh cãi hay hiếu chiến. Chúng ta được đòi  hỏi có can đảm rộng mở cho tất cả mọi người, mà không bao giờ giảm thiểu sự tuyệt đối và tính cách duy nhất của Chúa Kitô, là Đấng cứu độ duy nhất của tất cả mọi người. Chúng ta được đòi hỏi có can đảm để kháng cự lại sư nghi ngờ, mà không trở thành ngạo mạn. Chúng ta cũng được đỏi hỏi có lòng can đảm của người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay, khiêm tốn không dám hướng mắt lên trời, nhưng đấm ngực nói: “Lạy Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Hôm nay là thời điểm của lòng can đảm! Ngày nay cần lòng can đảm!

Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương của Giáo Hội “đi ra” và ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta tất cả là môn đệ truyền giáo, nhờ sức mạnh Bí tích Rửa Tội của chúng ta, để đem sứ điệp cứu rỗi tới cho toàn gia đình nhân loại.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh: cổ võ đối thoại

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh: cổ võ đối thoại

duc-thanh-cha-tiep-kien-chung-nam-thanh-co-vo-doi-thoai

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung Năm Thánh sáng thứ bẩy, 22-10-2016, ĐTC cổ võ đối thoại và gọi đây là một khía cạnh quan trọng của lòng thương xót.

Hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô có tới 100 ngàn tín hữu hành hương, trong đó có nhiều phái đoàn từ các giáo phận Italia và Ba Lan, vì 22-10 cũng là lễ kính thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng. Nhiều GM Italia và Ba Lan cùng với chính quyền địa phương liên hệ đã tháp tùng các tín hữu về dự buổi tiếp kiến này.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn thứ 4 (4,6-15) thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ xứ Samaria và ngài nhận xét rằng:

”Trước tiên, đối thoại là một dấu chỉ rất tôn trọng, vì nó đặt con người trong thái độ lắng nghe và đón nhận những khía cạnh tốt nhất của người đối thoại. Tiếp đến đối thoại là một biểu hiện của đức bác ái, vì tuy không làm ngơ trước những khác biệt, nó giúp tìm kiếm và chia sẻ ích chung. Ngoài ra, đối thoại mời gọi chúng ta đặt mình trước người khác, coi họ như một hồng ân của Thiên Chúa, Đấng đang gọi hỏi và yêu cầu chúng ta nhìn nhận Ngài”.

ĐTC cũng than phiền rằng: ”Nhiều khi chúng ta không gặp gỡ người anh em, tuy sống cạnh họ, nhất là khi chúng ta đề cao lập trường của mình hơn lập trường của người khác. Chúng ta không đối thoại khi chúng ta không lắng nghe đủ hoặc có xu hướng ngắt lời người khác để chứng tỏ mình có lý. Trái lại, sự đối thoại đòi phải có những lúc thinh lặng, trong đó chúng ta đón nhận hồng ân đặc biệt là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người anh em”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em thân mến, đối thoại giúp con người nhân bản hóa các tương quan và vượt thắng những hiểu lầm. Đối thoại rất cần thiết trong gia đình chúng ta, và chúng ta có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề dường nào nếu ta học cách lắng nghe nhau! Cũng vậy trong tương quan giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và các con cái. Bao nhiêu điều ích lợi cũng có thể đạt được nhờ đối thoại giữa giáo chức và học sinh, giữa các giới lãnh đạo và công nhân, để khám phá những đói hòi tốt nhất của công việc”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tất cả mọi hình thức đối thoại đều nói lên một đòi hỏi lớn của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đến gặp tất cả mọi người và đặt nơi mỗi người một hạt giống tốt lành lòng từ nhân của Ngài, để họ có thể cộng tác vào công trình sáng tạo của Ngài. Đối thoại phá đổ các bức tường chia cách và hiểu lầm, nó kiến tạo những nhịp cầu đả thông và không để cho ai tự cô lập mình, khép kín mình trong thế giới nhỏ hẹp của mình.

”Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của người phụ nữ xứ Samaria; dầu vậy Ngài không chối bỏ quyền của bà được biểu phát biểu và dần dần Ngài đi vào mầu nhiệm cuộc sống của bà. Bài học này cũng có giá trị đối với chúng ta. Qua đối thoại, chúng ta có thể làm tăng trưởng những dấu hiệu từ bi thương xót của Thiên Chúa và biến những dấu hiệu ấy thành phương thế đón tiếp và tôn trọng”.

Chào thăm Ba Lan

Trong phần chào thăm các phái đoàn hành hương, ĐTC đặc biệt nhắc đến lễ kính thánh Gioan Phaolô 2 và cám ơn sự tiếp đón của Giáo Hội và nhân dân Ba Lan đã dành cho ngài hồi cuối tháng 7 năm nay nhân dịp Đại Hội Giới trẻ Công Giáo thế giới ở Cracovia. Ngài cũng nhắc lại rằng:

”Cách đây đúng 38 năm, cũng vào giờ này tại quảng trường này vang lên những lời được gửi đến con người toàn thế giới: ”Anh chị em đừng sợ! .. Hãy mở toan các cánh cửa cho Chúa Kitô”. Những lời này Đức Gioan Phaolô 2 đã xướng lên vào đầu triều đại Giáo Hoàng của Người, một vị Giáo Hoàng có linh đạo sâu xa, được nhào nặn nhờ gia sản ngàn năm của lịch sử và văn hóa Ba Lan được thông truyền trong tinh thần đức tin, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gia sản này đối với Người là nguồn hy vọng, sức mạnh và can đảm, qua đó Người nhắn nhở thế giới mở rộng cửa cho Chúa Kitô. Lời mời gọi này biến thành một lời công bố liên lỷ Tin Mừng Lòng Thương Xót cho thế giới và con người, được tiếp tục trong Năm Thánh Lòng thương xót này”. (SD 22-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Khóa họp thứ 6 của Phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

Khóa họp thứ 6 của Phái đoàn Tòa Thánh và Việt Nam

khoa-hop-thu-6-cua-phai-doan-toa-thanh-va-viet-nam

VATICAN. Phái đoàn Nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đến Vatican để làm việc với Phái đoàn Tòa Thánh từ ngày 24 đến 26-10-2016.

Trong thông cáo công bố hôm 22-10-2016 tại Vatican, Ông Greg Burke, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết:

”Như thỏa thuận, trong những ngày 24 đến 26-10 tới đây, sẽ diễn ra tại Vatican cuộc gặp gỡ thứ 6 của Nhóm Làm Việc (Tổ Công Tác) giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt nam, để phát triển và đào sâu các quan hệ song phương. Phái đoàn Tòa Thánh sẽ do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao, làm trưởng đoàn; Phái đoàn Việt Nam sẽ do Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng ngoại giao hướng dẫn”.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế về ơn gọi

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị quốc tế về ơn gọi

duc-thanh-cha-tiep-hoi-nghi-quoc-te-ve-on-goi

VATICAN. ĐTC cổ võ học lối sống của Chúa Giêsu trong việc mục vụ ơn gọi: ra ngoài, nhìn xem và kêu gọi.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 21-10-Jerusalem, dành cho 255 tham dự viên Hội nghị quốc tế về mục vụ ơn gọi do Bộ giáo sĩ tổ chức với chủ đề: ”Chúa xót thương và kêu gọi Ông”, một câu nói của thánh Beda về việc Chúa Giêsu gọi Mathêu người thu thế trở thành môn đệ của Ngài, và ĐTC cũng đã chọn câu này làm khẩu hiệu GM và Giáo Hoàng của ngài.

Trong bài huấn dụ, ngài nói: ”Mục vụ ơn gọi là học lối sống của Chúa Giêsu, Người tiến qua các nơi sinh hoạt của đời sống thường nhật, dừng lại không chút vội vã, và nhìn các anh em với lòng thương xót, dẫn đưa họ đến gặp gỡ Chúa Cha”.

Từ ý tưởng tổng quát trên đây, ĐTC rút ra những bài học cho việc mục vụ ơn gọi.

– Trước tiên việc mục vụ này cần một Giáo Hội chuyển động, có khả năng mở rộng biên cương, không đo lường theo sự tính toán chật hẹp của con người hoặc sợ lầm lẫn, nhưng theo trương độ rộng lớn của con tim từ bi của Thiên Chúa. Không thể có một sự gieo vãi ơn gọi phong phú nếu chúng ta chỉ tiếp tục khép kín trong ”tiêu chuẩn mục vụ ung dung 'từ trước đến nay người ta vẫn luôn làm như thế', để rồi không táo bạo và có sáng kiến trong công tác này, xét lại các mục tiêu, cơ cấu, lề lối và phương pháp truyền giáo của cộng đoàn liên hệ” (EV 33).

Trong chiều hướng này, ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các GM và linh mục đừng ủy thác việc mục vụ cho một văn phòng bàn giấy, nhưng hãy đi ra ngoài, lắng nghe người trẻ, giúp họ phân định và hướng dẫn bước đường của họ. ĐTC nói: ”Thật là buồn khi một LM chỉ sống cho mình, khép kín trong pháo đài an ninh của nhà xứ, nhà thánh, hoặc trong nhóm chật hẹp của những người rất thân tín”. Trái lại chúng ta được kêu gọi trở thành những mục tử ở giữa dân, có khả năng linh hoạt một nền mục vụ gặp gỡ và dành thời gian để đón tiếp, lắng nghe mọi người, nhất là những người trẻ.

– ĐTC nhắc nhở cho các vị hữu trách mục vụ ơn gọi đừng hoạt động vội vã, như thể không có thời giờ, nhưng hãy có khả năng dừng lại và đọc trong chiều sâu, đi vào cuộc sống của người khác, nhưng không bao giờ làm cho họ cảm thấy vị đe dọa hoặc bị phán đoán.

– Sau cùng, là kêu gọi, như Chúa Giêsu đã kêu gọi ông Mathêu người thu thuế xưa kia: Hãy theo tôi! ”Ước muốn của Chúa Giêsu là đặt con người lên đường, lôi kéo họ ra khỏi tình trạng ngồi lỳ tai hại, phá vỡ ảo tưởng cho rằng ta có thể sống thoải mái bằng cách ngồi giữa những an ninh của mình”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Tôi biết rõ công việc mục vụ của anh chị em không phải là một công tác dễ dàng, và đôi khi mặc dù dấn thân quảng đại, nhưng kết quả có thể là ít ỏi và chúng ta có nguy cơ thất vọng, nản chị. Nhưng nếu chúng ta không khép mình trong sự than vãn, trái lại tiếp tục đi ra ngoài loan báo Tin Mừng, thì Chúa ở cạnh chúng ta và ban cho chúng ta can đảm thả lưới cả khi chúng ta mệt mỏi và thất vọng vì không đánh được con cá nào” (SD 21-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Học viện Công giáo Glynn ở Úc châu

Học viện Công giáo Glynn ở Úc châu

acu-institute-australia

Sydney – Một học viện Công giáo mới được thành lập tại đại học Công giáo Úc, được đặt theo tên của Patrick McMahon Glynn, một trong những người làm hiến pháp Úc.

Học viện mới nhắm giúp cho cộng đoàn Công giáo của châu lục mới này khả năng phân tích các vấn đề chính sách công cộng và nghiên cứu các đường hướng và triển vọng cho công ích.

Học viện đã được chính thức khánh thành vào ngày 13/10, sẽ là nhóm chuyên viên độc lập và có vai trò hỗ trợ cho các hoạt động mà Giáo hội Công giáo thực hiện vì lợi ích của toàn cộng đồng dân Úc.

Học viện đã bắt đầu hoạt động với một khóa nghiên cứu về 4 từ khóa về sự hiện diện của các tín hữu trong đời sống công cộng; đó là sợ hãi và giận dữ, hi vọng và tin tưởng, với mục đích “tái tạo thông điệp đúng đắn" cho công chúng.

Công việc của học viện là đóng góp suy tư sâu sắc về các vấn đề được trình bày trong các cuộc thảo luận chính trị và xã hội công khai: thảo luận các đề tài, các thách đố, các vấn đề quan trọng đối với dân Úc và nước Úc trong tổng thể, ví dụ như vấn đề di dân, sự hiện diện và hòa nhập xã hội của các người tị nạn Syria, vai trò của lương tâm cá nhân trong y khoa, các vấn đề nhân quyền. (Agenzia Fides 21/10/2016)

Hồng Thủy

Mỗi năm dòng ba Cappuccino giúp 4600 trẻ em các gia đình nghèo ở Guinea

Mỗi năm dòng ba Cappuccino giúp 4600 trẻ em các gia đình nghèo ở Guinea

capuchin-help-children-at-guinea

Valencia – Tổ chức phi chính phủ của Tây ban nha về Thăng tiến phát triển và Liên đới với người nghèo ở thế giới thứ 3 do các nữ tu dòng ba Cappuccino thành lập, từ khi được thành lập cách đây 20 năm nay, đã cộng tác vào việc thành lập và duy trì một trung tâm dinh dưỡng giúp đỡ cho 4600 trẻ em của các gia đình nghèo ở Guinea Equatorial cũng như các dự án khác được các nữ tu thực hiện tại quốc gia châu Phi này.

Hiện nay, trợ giúp chủ yếu của trung tâm nhi đồng “Luis Amigó” (CILA) ở thành phố Evinayong là giúp đỡ cho 250 trẻ em từ 2-5 tuổi đến từ các gia đình nghèo.  Có 3 nữ tu, giáo viên và một đầu bếp chăm lo các nhu cầu thực phẩm, sức khỏe và giáo dục cho các trẻ em; các em được cung cấp buổi điểm tâm, cơm trưa và các dụng cụ học tập.

Cũng tại cơ sở chính của dòng, cách đây 15 năm, các nữ tu thành lập trung tâm y tế Luis Amigo với 2 nữ tu và các nhân viên địa phương, cung cấp các trợ giúp y tế cho khoảng 4500 mỗi năm, đặc biệt là các trẻ em tại CILA, chích ngừa và thuốc men, thường là ngừa bệnh sốt rét. Trung tâm y tế cũng chữa trị cho những người dân ở Evinayong, đặc biệt là những bệnh nhân Aids, tiểu đường, viêm gan và các thai phụ. 8 ngôi làng trong bán kính 50 km từ Evinayong cũng đến chữa trị ở trung tâm vì ở Guinea không có dịch vụ y tế công, còn những dịch vụ tư thì ngoài khả năng tài chánh của các bệnh nhân. (20/10/2016 Agenzia Fides)

Hồng Thủy

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

Butch Mueller và thao thức truyền giáo, giúp dân nghèo tại Guatemala

butch-mueller-at-guatemala

Sau 30 năm lập gia đình, làm chủ và buôn bán tại một cửa hàng nhỏ, nuôi dạy hai người con trai khôn lớn, cách đây 8 năm, ông Mueller, một giáo dân ở Minnesota đã quyết định trở lại cứ điểm truyền giáo ở Guatemala để tiếp tục công việc truyền giáo mà ông bỏ dở gần 40 năm trước.

Ông Mueller nhớ lại, khi ông còn là một đứa trẻ, cha của ông thường giữ những tạp chí của Hội truyền giáo Maryknoll trong nhà, để không chỉ gieo vào lòng những đứa con của mình ý thức truyền giáo mà còn nhắc nhở chúng về những người nghèo khổ thiếu thốn trên khắp thế giới. Ông kể: “Bất cứ khi nào chúng tôi than phiền ca thán về một điều gì đó, cha tôi sẽ lôi ra những tạp chí và chỉ cho chúng tôi xem những đứa trẻ ở những miền khác trên thế giới đang đau khổ. Cha đã gieo vào lòng chúng tôi và tôi luôn có ước mong thăm viếng một nơi truyền giáo.”

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mueller làm việc tại nông trại của gia đình cho đến khi nghe biết về điểm truyền giáo thánh Luca ở San Lucas Toliman, Guatemala, trong buổi nói chuyện của Cha Greg Schaffer, một Linh mục thuộc Giáo phận New Ulm, Minnesota, người đã phục vụ như mục tử của nơi truyền giáo. Một vài tháng sau đó, vào mùa xuân năm 1972, khi Mueller 22 tuổi, anh đã đi đến nơi truyền giáo. Sau một ít ngày, anh hỏi cha Schaffer: “làm sao mà con có thể dạy cho những người này biết về Thiên Chúa khi con không biết nói tiếng của họ?” Ông Mueller nhớ lại câu trả lời của cha Schaffer: “Nó thật đơn giản! Con chỉ cho họ. Con tỏ cho họ biết là con yêu thương họ và sẵn sàng ở với họ và giúp họ cách tốt nhất mà con có thể làm được. Rồi Thiên Chúa sẽ giúp sức một tí.” Mueller đã ở lại cơ sở truyền giáo 3 năm, trừ một ít tháng anh đi với cha Schaffer về Minnesota để giúp mọi người biết về công việc của họ.

Vào năm 1975, Mueller đã chi tiêu hết số tiền của mình và trở về lại Minnesota. Sau đó anh đã lập gia đình. Cách đây 8 năm, Mueller đã trở lại Guatemala và mỗi năm ông ở đó 3 tháng đầu năm. Ông nói: “truyền giáo là một phần lớn của cuộc đời tôi. Đây là thời gian tốt, thuận tiện để trở lại công việc truyền giáo”.

Ở đây ông thấy các nhà không có ống khói; khói bốc lên từ dưới các mái nhà; trần nhà và tường nhà bị mồ hóng đã trở thành như hắc ín phủ đen và thậm chí còn nhỏ giọt xuống. Người dân cho biết phổi của các trẻ em mới lên 5 đã bị nhiễm như là phổi của người đã hút thuốc lá lâu năm”. Thấy tình cảnh này, ông Mueller đã quyết định giúp xây các bếp lò hơi trong nhà cho người dân tại đây. Các bếp lò này có thể sử dụng củi như phần lớn người dân đã quen nấu ăn bằng củi. Số tiền họ tiết kiệm được từ củi đốt có thể đủ để cho một đứa con đến trường học. Ông nói: “Học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng mọi ngừoi phải có thức ăn khi họ cần, có quyền được giáo dục, quyền chăm sóc sức khỏe và quyền lao động. Tất cả những điều chúng tôi làm với nhau để cung cấp cho người dân và để họ cảm thấy họ giống như những con người và để họ biết là họ được Thiên Chúa yêu thương”.

Trong 3 năm, ông Mueller đã ùng với các người bạn xây hơn 200 bếp lò cho người dân ở Guatemala. Câu chuyện xây lò của ông Mueller đã lan truyền nhanh chóng ở Paynesville và ông bắt đầu nhận được nhiều đóng góp từ những người muốn giúp cho chi phí xây các bếp lò; mỗi bếp tốn khoảng 150 đô la. Khi mỗi bếp lò được xây, ông chụp tấm hình với tên của người tài trợ, rồi gửi lên Facebook. Việc làm này lan truyền nhanh chóng như cháy rừng; nhiều người muốn đóng góp cho công việc. Ông bắt đầu nhận đóng góp qua giáo xứ thánh Louis và năm ngoái đã nhận được 27 ngàn đô la. Không chỉ xây các bếp lò, ông Mueller còn để ý đến những nhu cầu khác của gia đình ông đang giúp. Ví dụ như ông sẽ dùng một ít tiền để đóng các giường tầng cho các gia đình thiếu giường ngủ, hay xây dựng một hệ thống xử lý nước thải.

Ông Mueller còn giúp tạo công ăn việc làm cho người dân bằng cách thuê họ giúp việc xây các bếp lò, hay mua các vật liệu địa phương để giúp cho các cá nhân buôn bán nhỏ. Ông cũng hiểu là người dân nơi đây cũng muốn con cái họ có một cuộc sống tốt hơn và điều này chỉ có thể khi con em họ được giáo dục. Ông nói: “Toàn bộ công việc của tôi không chỉ là xây các bếp lò nhưng tôi đang cố gắng dạy, cho và phát triển. Người dân sẽ dùng các kỹ năng họ đã học và truyền lại cho người khác. Tôi cũng dạy họ ‘đừng bao giờ thỏa mãn với những cái mình xây. Hãy nghĩ những cách thế mà bạn có thể làm tốt hơn’. Và họ làm. Nó đang thay đổi cuộc sống từ từ”.

Nữ tu Pime ở Bonpara chữa bệnh cho người Hồi giáo, Ấn giáo và Công giáo

Nữ tu Pime ở Bonpara chữa bệnh cho người Hồi giáo, Ấn giáo và Công giáo

huy-hieu-hoi-giao-hoang-truyen-giao-hai-ngoai

Natore, Bangladesh – Từ 50 năm qua, các nữ tu Thừa sai Đức Mẹ Vô nhiễm ở Bonpara, quận Natore, đã chăm sóc cho hàng ngàn người nghèo, phần lớn là Hồi giáo và Ấn giáo.

Các nữ Thừa sai được biết đến với tên gọi “Các nữ tu Pime” (Hội Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại) điều hành một cơ sở y tế, bệnh xá và nhà hộ sinh Đức Maria, đón nhận chăm sóc các bệnh nhân thuộc mọi tôn giáo. Trung tâm y tế này được Giáo hội địa phương thành lập từ năm 1966.

Nữ tu Clare Costa, một nhân viên cuả trung tâm chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân bệnh nặng đến đây. Phục vụ các bệnh nhân là một trong những nhiệm vụ trong sứ vụ của chúng tôi.”

Một bệnh nhân Hồi giáo cho biết từ 40 năm nay, mỗi khi bị bệnh bà lại đến cơ sở y tế này. Các bác sĩ Kitô giáo lịch sự và dành thời gian cho các bệnh nhân.  Còn Muslam Uddin, một bệnh nhân Hồi giáo đã đến chữa trị ở đây từ 10 năm, biết đến trung tâm qua lời giới thiệu của bạn bè Hồi giáo. Ông nhận xét: “Các bác sĩ và nhân viên y tế cho tôi những toa thuốc phù hợp. Họ thăm viếng các bệnh nhân với nụ cười. Tôi ngưỡng mộ cách phục vụ của họ và vì vậy tôi đã đi xa cả 20 km để đến đây dù trong vùng của tôi có những bệnh viện lớn khác.” Một bệnh nhân khác chia sẻ là các bác sĩ không muốn tiền bạc. Họ chỉ lấy một ít tiền thuốc. Họ không muốn thu lợi từ các bệnh nhân nhưng chữa trị cho chúng tôi với tình thương. Họ là các bác sĩ thật sự.

Có 75 nữ tu Pime hoạt động ở Bangladesh trong các môi trường học đường, giáo xứ và bệnh xá. Tại trung tâm này, các nhân viên không chỉ cung cấp thuốc men nhưng cả những lời dạy luân lý như kính trọng người khác, chăm sóc con người, từ chối việc phá thai. Cha Bikash H. Reberio, cha xứ của Bonpara, khẳng định là “các Thừa sai Pime thật sự phục vụ cho các người nghèo trong vùng. Bệnh xá hoạt động nhờ lòng tốt của các chị. Và bởi thế nó thu hút nhiều người.” (Asia News 17/10/2016)

Hồng Thủy

Ba thái độ giúp xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh

Ba thái độ giúp xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-21-10-2016

Khiêm tốn, hiền lành, rộng lượng, đây là ba điều quan trọng để xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

“Bình an cho anh em.” Đây là chào của Chúa, lời chào tạo nên một mối dây liên kết, mối dây hòa bình. Lời chào này nối kết chúng ta trong sự hiệp nhất, nên một trong Chúa Thánh Thần. Nếu không có hòa bình, nếu chúng ta không thể chào nhau với nghĩa rộng nhất của từ hòa bình, nếu chúng ta không mở lòng cho tinh thần hòa bình, thì không bao giờ chúng ta có được sự hiệp nhất.

Ác tâm thì gieo rắc chiến tranh, người Kitô hữu tránh những cuộc chiến

Để có thể có sự hiệp nhất trong thế giới, cần có sự hiệp nhất trong những tỉnh thành, trong xóm làng, trong gia đình. Ác tâm thì luôn gieo rắc chiến tranh. Ghen ghét, xung đột, nói hành nói xấu… hủy hoại hòa bình và do đó không thể hiệp nhất. Các Kitô hữu có thể hành xử cách nào để kiến tạo sự hiệp nhất? Thánh Phaolô nói rất rõ: “Anh em hãy ăn ở cho xứng đáng, với lòng khiêm nhường, hiền lành và nhẫn nại.” Đây chính là ba thái độ. Khiêm nhường: bạn không thể trao tặng hòa bình nếu thiếu khiêm nhường. Ở đâu có ngạo mạn, ở đó có chiến tranh, vì người ta luôn muốn thắng người khác, muốn hơn người. Nếu không có khiêm tốn, sẽ không có hòa bình, không có sự hiệp nhất.

Tái khám phá sự hiền lành để nâng đỡ nhau

Ngày nay chúng ta quên đi khả năng ăn nói dịu hiền, lời lẽ của chúng ta quá khô cứng và chua chát. Chúng ta hay nói xấu người khác… Như thế, thánh Phaolô nói là chúng ta cần chịu đựng lẫn nhau, cần kiên nhẫn, cần chịu đựng những lỗi lầm của người khác, những điều mà chúng ta không thích.

Thứ nhất là khiêm tốn. Thứ hai là hiền lành. Hai điều này tương hỗ cho nhau. Thứ ba là nhẫn nại với trái tim bao dung, rộng lượng, cao thượng, có khả năng đón nhận tất cả mà không kết án, không đóng khung với những thứ lặt vặt nhỏ nhặt. Trái tim cần đủ rộng để đón lấy tất cả. Điều ấy làm nên mối dây hòa bình. Đây là cách thức cần để xây dựng hòa bình, và từ đó tạo nên sự hiệp nhất. Đấng làm nên sự hiệp nhất là chính Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài thúc đẩy chúng ta chuẩn bị cho sự kiến tạo ấy.

Cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong mối dây hòa bình  

Đây chính là đời sống xứng đáng với mầu nhiệm ơn kêu gọi mà chúng ta đã lãnh nhận, mầu nhiệm Hội Thánh. Mầu nhiệm Hội Thánh là mầu nhiệm Thân Mình Chúa Kitô: Một đức tin, Một phép rửa, Một Thiên Chúa là Cha tất cả mọi người, Đấng hoạt động nơi mọi người và ở trong mọi người. Đây là sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha ban cho chúng ta, và chúng ta phải cùng nhau xây dựng trong mối dây hòa bình. Mối dây hòa bình sẽ lớn mạnh với lòng khiêm nhường, hiền lành, cùng với lòng cao thượng.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài ban cho chúng ta ơn không chỉ hiểu mà còn sống mầu nhiệm Hội Thánh, đó là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.

Tứ Quyết SJ

Chỉ bằng giáo lý thì không đủ để biết Chúa Giêsu, chúng ta cần cầu nguyện

Chỉ bằng giáo lý thì không đủ để biết Chúa Giêsu, chúng ta cần cầu nguyện

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-20-10-2016

Chỉ với giáo lý thì không đủ để biết Chúa Giêsu cách chân thực, và như thế chúng ta cần cầu nguyện, phụng thờ và nhận ra chính chúng ta là những tội nhân. Đức Thánh Cha đã chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Đức Thánh Cha quảng diễn bài giảng của ngài, khởi đi từ thư của thánh Phaolô Tông đồ gửi giáo đoàn Êphêsô. Trong đó, thánh Phaolô cầu nguyện cho cộng đoàn được mạnh sức nhờ Chúa Thánh Thần và nhờ Chúa Kitô ngự trong lòng họ.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: Bằng cách nào chúng ta có thể biết Đức Kitô? Bằng cách nào chúng ta có thể hiểu tình yêu mến của Người, một tình yêu vượt quá trí hiểu loài người?

Biết Chúa Kitô không chỉ bằng giáo lý, mà cần cầu nguyện

Chúa Kitô hiện diện trong Tin Mừng và chúng ta biết Chúa Kitô nhờ việc đọc Tin Mừng. Tất cả chúng ta đã làm điều ấy, ít ra là chúng ta nghe Tin Mừng khi tham dự thánh lễ. Việc học hỏi giáo lý cũng dạy cho chúng ta biết Chúa Kitô là ai. Nhưng như thế là chưa đủ. Để hiểu được mọi chiều dài rộng cao sâu của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần đi vào chiều sâu của thói quen, trước hết là bằng cầu nguyện, như thánh Phaolô đã làm khi quỳ gối thân thưa: “Lạy Cha, xin sai Thánh Thần tới để Ngài dạy cho con biết Chúa Giêsu.”

Tôn thờ Chúa Kitô trong thinh lặng

Để biết Chúa Kitô cách chân thực, thì chỉ việc cầu nguyện cũng chưa đủ, thánh Phaolô nói thêm rằng, ngài “quỳ gối tôn thờ mầu nhiệm này”, một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu loài người, và trong tinh thần thờ phượng này, ngài nài xin ân sủng từ Thiên Chúa.

Chúng ta không thể biết Chúa nếu chúng ta không quen với cách thờ phượng này, tôn thờ trong thinh lặng. Nếu tôi không lầm, tôi tin rằng đây là cách cầu nguyện mà chúng ta ít biết đến, đó là một trong những điều chúng ta ít làm nhất. Xin cho phép tôi nói thế này, hãy sẵn lòng lãng phí thời gian để hiện diện trước mặt Chúa, trước mầu nhiệm về Chúa Giêsu Kitô. Tôn thờ Người. Thinh lặng, tôn thờ trong thinh lặng. Người là Đấng Cứu Độ và tôi tôn thờ Người.

Để đi sâu vào mầu nhiệm Chúa Kitô, cần nhận ra lỗi lầm của bản thân

Điều thứ ba, để biết Chúa Kitô, chúng ta cần biết chính mình, biết chính mình với những bất toàn và tội lỗi. Chúng ta không thể cầu nguyện mà lại thiếu suy xét về chính bản thân mình.

Như thế, để đi vào chiều sâu vô biên của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần ba điều. Thứ nhất là cầu nguyện: “Lạy Cha, xin sai Chúa Thánh Thần đến, để Ngài dạy cho con biết Chúa Giêsu”. Thứ hai là tôn thờ mầu nhiệm này, đi vào chiều sâu của mầu nhiệm và tôn thờ Người. Thứ ba là suy xét chính mình: ‘Tôi là người đầy bợn nhơ’. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng mà thánh Phaolô cầu xin cho cộng đoàn Êphêsô, đó là ân ủng được biết Chúa Kitô và biết kiếm tìm Người.      

Tứ Quyết SJ

Tuần 9 ngày dâng kính Mẹ Maria cầu cho cuộc bầu cử tồng thống Hoa kỳ

Tuần 9 ngày dâng kính Mẹ Maria cầu cho cuộc bầu cử tồng thống Hoa kỳ

hai-ung-cu-vien-tong-thong-hoa-ky

Washington D.C. – Hội Hiệp sĩ Columbus tổ chức tuần cửu nhật ngày dâng kính Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Hoa kỳ, để cầu nguyện cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Tuần cửu nhật sẽ bắt đầu từ 30/10 cho đến ngày 7/11, ngày trước ngày bầu cử.

Vào năm 1791, Đức cha John Carroll, Giám mục đầu tiên của Hoa kỳ, đã phó thác giáo phận của ngài – lúc đó cũng là giáo phận duy nhất, bao gồm toàn lãnh thổ Hoa kỳ – cho Đức Maria. Năm 1846, các Giám mục Hoa kỳ đã tuyên bố nhận Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là quan thầy của Hoa kỳ.

Tuần cầu nguyện 9 ngày xuất phát từ lễ cung hiến đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô nhiễm ở Washington vào năm 1959. Sau đó Đức Hồng y Patrick O'Boyle, khi ấy là Tổng Giám mục Washington đã phê chuẩn.

Các giáo xứ, các phân bộ của hội Hiệp sĩ Columbus, các gia đình và các cá nhân được mời tham gia làm tuần cửu nhật này. Ông Carl Anderson, chủ tịch điều hành của Hội Hiệp sĩ Columbus cho biết: “Giáo hội dạy rằng các tín hữu Công giáo được kêu gọi xây dựng lương tâm của mình dựa trên giáo huấn của Giáo hội và bỏ phiếu theo lương tâm được huấn luyện tốt đó. Đề cập đến cuộc bầu cử tại Hoa kỳ, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói là chúng ta nên ‘nghiên cứu các chương trình (của các ứng cử viên) kỹ càng, cầu nguyện và chọn lựa theo lương tâm’, và tuần cửu nhật này nhắm giúp các tín hữu Công giáo Hoa kỳ thực hành điều này.” (CAN 19/10/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp dòng Thánh Augustino Nhặt Phép

Đức Thánh Cha tiếp dòng Thánh Augustino Nhặt Phép

duc-thanh-cha-tiep-dong-thanh-augustino-nhat-phep

VATICAN. ĐTC khuyến khích các tu sĩ dòng thánh Augustino Nhặt Phép (Augustinian Recollects) luôn đặt Chúa Giêsu ở trung tâm cuộc sống để có thể đương đầu với các thách đố ngày nay.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 20-10-2016, dành cho 60 tham dự viên tổng tu nghị dòng Thánh Augustino Nhặt phép (O.A.R). Dòng này bắt đầu hồi năm 1588 từ cuộc cải tổ dòng các ẩn sĩ thánh Augustino ở Tây Ban Nha, rồi trở thành một hội dòng (congregazione) tự trị hồi năm 1621, sau đó thành một dòng (ordine) độc lập năm 1921. Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, dòng có 1,105 tu sĩ hoạt động tại 183 nhà trên thế giới.

Tổng tu nghị hiện nay của dòng có chủ đề là câu của thánh Augustinô trong cuốn ”Tự Thú”: ”Toàn thể niềm hy vọng của chúng con ở nơi lòng thương xót bao la của Chúa. Xin ban cho chúng con điều Chúa truyền và xin truyền cho chúng con điều Chúa muốn” (Confesiones, 10,29,40).

Trong bài huấn dụ ĐTC đã diễn giải ý nghĩa chủ đề này và ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng ”Khi Chúa ở trung tâm đời sống chúng ta, thì tất cả đều có thể: bất kể thất bại hay tai ương nào khác, vì Chúa là Đấng ở trung tâm, và chính Ngài hướng dẫn chúng ta. Trong thời điểm đặc biệt này, Chúa muốn chúng ta trở thành ”những người kiến tạo tình hiệp thông”. Qua sự hiện diện của chúng ta giữa lòng thế giơi, chúng ta được kêu gọi kiến tạo một xã hội có khả năng nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ hồng ân cho nhau. Qua chứng tá cộng đoàn sinh động của chúng ta và cởi mở đối với điều Chúa truyền cho chúng ta, qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể đáp ứng những nhu cầu của mỗi người với cùng một lòng yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Bao nhiêu người đang chờ đợi chúng ta ra đi gặp gỡ họ và chúng ta nhìn họ vời cùng một sự dịu dàng mà chúng ta đã cảm nghiệm và nhận lãnh từ tương quan của chúng ta với Thiên Chúa” (SD 20-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Tương quan với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống

Tương quan với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống

dtc-phanxico-nhan-nuoc-ngot-tin-huu-bieu-trong-buoi-tiep-kien-sang-thu-tu-19-10-2016

Trên thế giới ngày này có biết bao nhiêu người đói khát, không có thực phẩm và nước uống. Trợ giúp họ là một bổn phận luân lý, vì nó diễn tả các quyền nền tảng đại đồng của con người. Tương quan của chúng ta vói Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống.

ĐTC đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 19-10-2016.

Trong bài huấn ĐTC đã bắt đầu khai triển các việc thương xót đối với thân xác, trước hết là “cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống”. ĐTC nói:: Một trong các hậu quả của  cái gọi là “thoải mái” là việc dẫn đưa con người tới chỗ khép kín trong chính mình, thờ ơ với các đòi hỏi của tha nhân. Người ta làm mọi cách để lừa dối chúng bằng cách giới thiệu các mô thức sống phù du, biến mất sau vài năm, làm như thể cuộc sống của chúng ta là một mốt thởi thượng cần chạy theo và thay đổi theo mùa. Không phải thế. Cần tiếp nhận thực tại như nó là, và thường khi nó khiến chúng ta gặp các tình trạng cần cấp bách trợ giúp. Chính vì thế mà trong các công việc của lòng thương xót có  nhắc tới sự đói khát: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống. Ngày này có nhiều người đói khát lắm.

Biết bao lần các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết tin tức liên quan tới các dân tộc khổ đau vì thiếu thực phẩm và nước uống, với các hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với các trẻ em.

Trước vài tin tức và đặc biệt là trước vài hình ảnh, dư luận công cộng cảm động và thỉnh thoảng phát động các chiến dịch trợ giúp để kích thích tình liên đới. Các đóng góp quảng đại và nhờ đó có thể góp phần thoa dịu phần nào nỗi khổ đau của biết bao người. Hình thức bác ái này quan trọng, nhưng nó không liên lụy một cách trực tiếp. Trái lại, khi ra ngoài đường chúng ta gặp một người cần sự trợ giúp, hay khi có một người nghèo đến gõ cửa nhà chúng ta, thì rất khác, bởi vì tôi không đứng trước một hình ảnh, mà chính tôi bị liên lụy. Không còn có khoảng cách nào giữa tôi và người đàn ông hay người đàn bà đó nữa, nhưng tôi cảm thấy mình bị gọi hỏi. Sự nghèo khó trừu tượng không gọi hỏi chúng ta, nhưng khiến cho chúng ta suy tư, làm cho chúng ta than van; nhưng khi bạn trông thấy sự nghèo túng trên thịt xác một người nam, một người nữ, một trẻ em, điều này gọi hỏi bạn! Và vì thế cái thói quen mà chúng ta có là chạy trốn trước nguời nghèo, không tới gần họ, hay tô son đánh phấn một chút thực tại của các người nghèo với các thói quen của mốt thởi thượng biến mất. Bởi khi làm như thế là chúng ta xa rời thực tại đó. Trái lại, ở đây không còn có khoảng cách nào nữa giữa tôi và người nghèo khi tôi gặp họ.

Trong các trường hợp này, tôi phản ứng ra sao? Quay mặt nhìn đi nơi khác hay bỏ qua? Hay tôi dừng lại nói chuyện và lo lắng cho tình trạng của người ấy? Và nếu bạn làm điều này, thì sẽ không thiếu ai đó nói: “Ông này điên, nói chuyện với một người nghèo!”

Tôi có xem mình có thể tiếp đón người ấy một cách nào đó, hay tìm cách tự giải thoát một cách mau chóng nhất hay không? Nhưng có lẽ người ấy chỉ xin điều cần thiết thôi: một cái gì đó để ăn hay để uống. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút: có biết bao lần chúng ta đọc Kinh Lậy Cha, nhưng không thực sự chú ý tới các lời: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Thánh Kinh, có một thánh vịnh nói rằng Thiên Chúa là Đấng “ban lương thực cho mọi sinh vật” (Tv 136,25). Kinh nghiệm đói rất gay go. Ai đã sống trong thời chiến tranh hay đói kém thì biết nó. Tuy nhiên, kinh nghiệm này lập lại mỗi ngày bên cạnh sự trù phú và phung phí thực phẩm. Các lời của tông đồ Giacôbê vẫn còn luôn luôn thời sự: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,14-17): họ không có khả năng làm  các công việc, sống bác ái, sống tình yêu.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Luôn luôn có ai đó đói khát và cần đền tôi. Tôi không thể nhường trách nhiệm cho ai khác. Người nghèo này cần đến tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, cần lời nói của tôi, cần sự dấn thân của tôi. Chúng ta tất cả đều bị liên lụy trong điềy này. Đó cũng là giáo huấn của trang Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu khi trông thấy biết bao dân chúng  theo ngài từ nhiều giờ, nên xin các môn đệ: “Chúng ta có thể mua bánh ở đâu để họ có thể ăn?” (Ga 6,5). Và các môn đệ trả lời: “Không thể được, tốt hơn nên cho họ đi…”. Trái lại Chúa Giêsu nói với các ông: “Không. Các con hãy cho họ ăn đi” (Mc 14,16). Ngài khiến họ đưa cho Ngài ít chiếc bánh và cá họ có, chúc lành, bẻ ra và đưa cho các ông phân phát cho mọi người. Và ĐTC nói:

Đây là một bài học rất quan trọng cho chúng ta. Nó nói với chúng ta rằng sự ít ỏi mà chúng ta có, nếu chúng ta giao phó trong tay của Chúa Giêsu và chia sẻ nó với lòng tin, thì nó trở thành một sự giầu có tràn đầy.

Trong Thông điệp “Bác ái trong Chân lý” ĐTC Biển Đức XVI khẳng đinh rằng: “Cho kẻ đói ăn là một lệnh truyền luân lý đối với Giáo Hội, … Quyền có thực phẩm, cũng như có nước uống có một vai trò quan trọng đối với việc đạt các quyền khác… Vì thế cần chín mùi một ý thức liên đới duy trì thực phẩm và có nước uống như các quyền đại đồng của tất cả mọi người, không phân biệt, cũng không  kỳ thị” (s. 27). Chúng ta đừng quên các lời của Chúa Giêsu: “Thầy là bánh sự sống” (Ga 6,35), và “Ai khát hãy đến cùng Thầy” (Ga 7,37). Chúng là một khiêu khích đối với tất cả chúng ta là tín hữu, các lời này, một khiêu khích thừa nhận rằng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa đi ngang qua việc cho kẻ đói ăn cho kẻ khát uống, một Thiên Chúa đã mạc khải nơi Đức Giêsu gương mặt thương xót của Ngài.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

ĐTC đã chào nhiều phái đoàn khác nhau.

Trong số các phái đoàn đến từ các nước  Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, ĐTC đã đặc biệt chào các linh mục giáo phận Orléans do ĐC Jacques Blaquart hướng dẫn. Ngài cũng chào các phái đoàn đến từ Anh quốc, Scotland, Ireland, Đan Mạch,  Phần Lan, Hoà Lan, Malta, Ghana,  Uganda, Nam Phi, Indonesia, Philippines, Nhật Bản,  Trung quốc, Singapore và Hoa Kỳ.

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào đặc biệt ca đoàn nhà thờ chính toà giáo phận Mainz, đông đảo bạn trẻ, các trẻ em giúp lễ và học sinh trường trung học Damme. Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu các giáo xứ Mogi Guaçu và Pereiras. ĐTC cầu chúc cuộc hành hương Roma trong Năm Thánh giúp họ sống ý thức Giáo Hội đại đồng và hăng say làm chứng tá cho lòng thương xót Chúa.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc tới lễ nhớ chân phước linh mục Popieluszko, tuyên uý Công đoàn Độc lập Liên Đới đã bị mật vụ Ba Lan bắt cóc và giết chết. Ngài là người đã đứng mũi chịu sào bệnh vực các công nhân và gia đình họ, bằng cách yêu cầu công lý, các điều kiện sống xứng đáng, tự do dân sự và tôn giáo cho họ. Khẩu hiểu mục vụ của ngài là lời thánh Phaolô nói với tín hữu Roma: “Đừng để cho sự dữ chiến thắng, nhưng hãy chiến thắng sự dữ với sự thiện” (Rm 12,21). ĐTC nói: Ước chi các lời này hôm nay đối với anh chị em và tất cả mọi gia đình và toàn dân Ba Lan là một thách đố giúp xây dựng trật tự xã hội công bằng trong việc kiếm tìm sự thiện phúc âm trong cuộc sống thường ngày.

Trong số các nhóm Hoà Lan ĐTC đặc biệt chào các chủng sinh tổng giáo phận Utrecht và các giáo phận Rotterdem và Breda, cũng như đại diện Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô Hoà Lan.

Trong số các đoàn hành hương Italia ngài chào tín hữu giáo phận Caltagirone do ĐC Calogeri Peri hướng dẫn về hành hương Roma nhân kỷ niệm 200 thành lập giáo phận; các trẻ em chịu phép Thêm Sức giáo phận Faenza-Modighiana, các tham sự viên khoá hội học do Đại học Thánh Giá tổ chức; giới trẻ Công giáo tiến hành giáo phận Brindisi-Ostuni;  các nữ tu Thánh Gioan Tẩy Giả về Roma dự lễ phong thánh Đấng sáng lập là cha Alfonso Maria Fusco; các sĩ quan trường huấn luyện Modena; và các thành viên của nhiều hiệp hội, trong đó có hiệp hội người tàn tật.

Nhắc tới lễ nhớ thánh Phaolô Thánh Giá sáng lập viên dòng các cha dòng Khổ Nạn hôm qua, ĐTC cầu chúc các bạn trẻ biết suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa để học biết tình yêu cao cả Chúa dành cho nhân loại; các người bệnh biết vác thánh giá kết hiệp với Chúa Kitô để được vơi nhẹ trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết dành thời giờ cầu nguyện để cuộc sống hôn nhân trở thành con đường hoàn thiện kitô. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

Thánh tích của cha Pio được đưa đến Úc

Thánh tích của cha Pio được đưa đến Úc

thanh-tich-cha-pio

Perth – Các thánh tích của cha Pio sẽ đến Úc và được trưng bày cho tín hữu kính viếng tại nhà thờ chánh tòa Đức Maria của Perth từ 22-26/10.

Đức ông Michael Keating, cha sở nhà thờ chánh tòa xác nhận là các thánh tích bao gồm một đôi găng tay, tóc, vải được dùng để lau khô máu chảy ra từ cạnh sườn của thánh nhân.

Trong dịp này sẽ có các Thánh lễ chữa lành, nghi thức xức dầu bệnh nhân, canh thức cầu nguyện và chầu Thánh Thể.

Đức ông Keating chia sẻ: “Đây sẽ là một cơ hội rất quan trọng, không chỉ đối với các tín hữu Công giáo ở Perth, mà với tất cả các tín hữu quan tâm đến cuộc sống của cha Pio. Đối với nhiều người, đây sẽ là cơ hội để trải nghiệm và học hỏi từ đức tin của cha Pio.”

Cha GianMaria Di Giorgio dòng Cappuccio sẽ tháp tùng thánh tích. Cha GianMaria nguyên là học trò của cha thánh Pio và từ khi là chủng sinh đã được cha Pio đồng hành thiêng liêng. Cha sẽ kể với các tín hữu Úc về đời sống và đức tin của cha Pio.

Cha Pio được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II phong thánh vào năm 2002. (Agenzia Fides 19/10/2016)

Hồng Thủy

Tổng thống Mahmud Abbas của Palestin đóng góp cho việc trùng tu Mộ Chúa

Tổng thống Mahmud Abbas của Palestin đóng góp cho việc trùng tu Mộ Chúa

cac-linh-muc-ruoc-nen-quan-mo-chua

Ramallah – Tổng thống Palestin, ông Mahmud Abbas đóng góp để hỗ trợ việc trùng tu Mộ Chúa trong nhà thờ Mộ Thánh.

Tin tức được các phương tiện truyền thông chính thức của Palestin loan tin bên lề cuộc viếng thăm tổng thống Abbas của các đại diện các Giáo hội đang điều hành nhà thờ Mộ Thánh. Trong đoàn được Tổng thống tiếp kiến có Đức Thượng phụ Theophilos III của Chính thống Hy lạp ở Giêrusalem, Đức Thượng phụ Nourhan Manougian của Giáo hội Armeni tông truyền và cha Francesco Patton, dòng Phanxicô coi sóc Thánh địa.

Tổng thống Abbas đã nói khi gặp phái đoàn: “Nhà thờ Mộ Thánh là một biểu tượng quốc gia và tôn giáo đối với dân tộc Palestin. Chúng tôi có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và đóng góp vào việc trùng tu nó. Bởi vậy chúng tôi quyết định đóng góp vào việc trùng tu Mộ Chúa đang được thực hiện.”

Việc trùng tu Mộ Chúa ở nhà thờ Mộ Thánh đã được bắt đầu ngày 8 tháng 5. Dự kiến phí tổn cho việc tu bổ là khoảng 3 triệu mỹ kim, được các Giáo hội Công giáo, Chính thống Hy lạp và Armeni tong truyền hỗ trợ.

Hồi tháng 4, vua Abdallah II của Giordani cũng đã đóng góp cho dự án này. Dòng Phanxicô chăm sóc Thánh địa thông báo định kỳ về tiến trình của công việc trên các kênh chính thức của dòng. (Agenzia Fides 18/10/2016).

Hồng Thủy

Người mục tử thành tín bị bỏ rơi nhưng không bao giờ cay đắng

Người mục tử thành tín bị bỏ rơi nhưng không bao giờ cay đắng

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-18-10-2016

Người mục tử tốt lành là người đi theo Chúa Giêsu và không mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, thậm chí khi bị mọi người bỏ rơi thì người ấy vẫn luôn có Chúa ở bên, sẽ có nhiều sầu khổ nhưng người ấy không bao giờ cay đắng. Đó là điều Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Giải nghĩa bài đọc trích thư của thánh Phaolô gửi ông Timôthê, Đức Thánh Cha tập trung vào giai đoạn cuối đời của các tông đồ, ví như của thánh Phaolô, thánh nhân đã kinh nghiệm sự cô đơn, bị bỏ rơi, trở thành nạn nhân của những vu cáo, phải xin ăn từ người khác:

Bị đơn độc, phải ăn xin, bị vu cáo, bị bỏ rơi, nhưng là một Phaolô vĩ đại, vì là người nghe thấy lời Chúa, nghe được tiếng gọi của Chúa. Ngài phải đau khổ nhiều và gặp nhiều thử thách trên bước đường loan báo Tin Mừng. Điều này thật hiển nhiên với các tông đồ, vì Chúa muốn rằng dân ngoại cũng được hiệp thông trong Giáo Hội. Phaolô cầu nguyện và được nâng lên tầng trời thứ bảy, được nghe những điều chưa ai từng nghe. Phaolô ở trong căn phòng đó, tại Roma, chờ đợi kết quả của cuộc tranh luận giữa một bên là những người Dothái bảo thủ với bên kia là những môn đệ của ngài. Phaolô đã kết thúc cuộc đời trong sự buồn khổ, trống trải nhưng không cay đắng, không oán giận.

Những điều ấy cũng xảy ra với Phêrô, với Gioan Tẩy Giả. Khi Gioan trong cảnh tù đày cô đơn và đau khổ, ông sai môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là Đấng Mesia không. Kết thúc cuộc đời, Gioan bị chém đầu chỉ là “do ý thích của cô vũ công do bà mẹ là dâm phụ sai khiến”. Thánh Maximilian Kolbe cũng là người tông đồ nhiệt thành với kết thúc bi thảm như thế. Vị ngôn sứ chân chính chẳng mong gì hơn. Vì như Chúa Giêsu nói: nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó sẽ không sinh hoa trái. Sau cái chết, sẽ là sự sống lại. Có nhà thần học của các thế kỷ đầu đã nói: máu của các vị tử đạo là hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu.

Khi chết đi vì làm chứng cho Chúa Giêsu như thế, thì trở nên hạt giống làm nảy sinh các Kitô hữu trên khắp mặt đất. Khi người mục tử sống điều ấy trong đời mình thì không có gì là cay đắng, có lẽ là đơn côi và trống trải nhưng chắc chắn có Chúa luôn ở cùng. Nhưng nếu người mục tử có rất nhiều điều gắn bó với cuộc sống mình mà những điều ấy không là các tín hữu, ví dụ người mục tử ấy gắn bó với tiền bạc, quyền lực và nhiều thứ khác, cuối cùng họ sẽ không phải cô đơn mà có lẽ cháu chắt của họ sẽ mong họ chết đi để lấy được gia tài.

Đức Thánh Cha kết luận bài giảng của ngài như sau:

Khi tôi đi thăm các nhà hưu dành cho các linh mục già, tôi thấy rất nhiều người tốt, nhiều điều tốt, tôi thấy những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho các tín hữu. Có những người nằm bệnh, có người không đi lại được, có người ngồi xe lăn, nhưng có những nụ cười ở đó. ‘Thật tốt, lạy Chúa’, ‘Rất tốt, thưa Chúa’, họ nói như thế bởi vì họ cảm thấy Chúa ở cùng họ ở bên họ. Có những ánh mắt sáng lên với câu hỏi: “Giáo Hội sao rồi? Giáo phận thế nào rồi? Những ơn gọi dạo này thế nào?”. Họ là những người cha. Họ đã hy sinh cho người khác. Chính Phaolô đã trở nên người ăn xin, nạn nhân của những tranh cãi, bị tất cả bỏ rơi, nhưng vẫn còn một điều: Chúa luôn bên tôi. Người mục tử tốt phải là người có được điều này: đi trên con đường của Chúa và Chúa là điểm tới.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử trong giai đoạn cuối đời, những người đang chờ đợi Chúa đến dẫn đưa. Cầu nguyện để Chúa trở thành sức mạnh, thành chốn nương ẩn cho các ngài, cho dù các ngài cảm thấy yếu đau và đơn côi, nhưng Chúa ở cùng các ngài, ở bên các ngài. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh ấy.

Tứ Quyết SJ

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ về vụ ‘Hilary Clinton email leaks’

Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ về vụ ‘Hilary Clinton email leaks’

Archbishop Kurtz addresses journalists and communicators at opening of annual Catholic Media Conference in North Carolina

Trước việc Wikileaks công bố hàng chục ngàn các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của tổng giáo phận Louisville, là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ ra tuyên bố như sau:

Tại thời điểm quan trọng này trong lịch sử của dân tộc, tôi khích lệ tất cả chúng ta dành ra một chút thời gian để suy tư về một trong những nguyên tắc sáng lập ra nền cộng hòa của chúng ta – đó là quyền tự do tôn giáo. Nguyên tắc này bảo đảm những quyền của cộng đồng đức tin có thể bảo vệ sự toàn vẹn niềm tin của mình và được tự quản một cách chính đáng. Có những báo cáo gần đây cho thấy một số người có thể đã tìm cách can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo Hội vì những lợi ích chính trị ngắn hạn của họ. Nếu đúng như thế, đây là điều đang gây khó khăn cho cuộc sống của các cộng đồng đức tin và cả lợi ích quốc gia của chúng ta.

Chúa Kitô đã ban cho chúng ta một ân sủng quý giá là đức tin và Giáo Hội của chúng ta. Là người Công Giáo, chúng ta giữ vững niềm tin của mình bởi vì niềm tin ấy đến với chúng ta từ Chúa Giêsu, chứ không phải từ một sự đồng thuận giả tạo dựa trên các chuẩn mực hiện tại. Tin Mừng được ban cho tất cả mọi dân tộc xuyên suốt thời gian. Tin Mừng mời gọi chúng ta yêu thương người lân cận và sống hòa bình với nhau. Vì lý do này, sự thật của Chúa Kitô không bao giờ là lỗi thời hoặc không thể tiếp cận được. Tin Mừng phục vụ lợi ích chung, chứ không phải là các chương trình nghị sự chính trị.

Tôi khích lệ anh chị em Công Giáo chúng ta, và tất cả mọi người thiện chí, hãy trở thành những người gìn giữ các quyền quý giá, mà chúng ta được thừa kế trong tư cách là công dân của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng các viên chức công quyền biết tôn trọng quyền của người dân được sống đức tin của họ mà không cần sự can thiệp nào của nhà nước. Khi cộng đồng đức tin bị mất đi quyền này, chính ý tưởng là một người Mỹ sẽ bị đánh mất.

Các chính trị gia, các nhân viên và tình nguyện viên của họ nên phản ảnh nguyện vọng tốt nhất của chúng tôi trong tư cách là những công dân. Quá nhiều những diễn văn chính trị trong những ngày này đã khinh miệt phụ nữ và gạt ra ngoài lề xã hội những người có đức tin. Điều này phải được thay đổi. Theo đúng những hy vọng đẹp nhất của những người sáng lập ra quốc gia chúng ta, chúng ta tin chắc rằng chúng ta có thể và sẽ làm tốt hơn với tư cách là một quốc gia.

+ Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ

 
J.B. Đặng Minh An dịch
 
 
WikiLeaks có 1,700 emails chứng minh Hillary Clinton chỉ đạo bán vũ khí cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks, là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận những email ông ta nhặt nhạnh được là có thật.

Trong một cuộc phỏng vấn với Democracy Now hôm 14 tháng 10, Julian Assange tung ra một quả bom chấn động Hoa Kỳ. Ông tuyên bố rằng, WikiLeaks thủ đắc trong tay khoảng 1,700 emails chứng minh bà Hillary Clinton và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chủ động trang bị cho các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, đặc biệt là bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria.

Hillary Clinton đã nhiều lần phủ nhận điều này, bao gồm cả trong các báo cáo khi tuyên thệ trước Quốc Hội Hoa Kỳ.

Sau cuộc tấn công vào Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Benghazi, Lybia vào ngày 11 tháng Chín, 2012, đầu năm 2013, Hillary Clinton được mời ra điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Bà phủ nhận cáo buộc có liên can đến các lô hàng vũ khí xuất cảng sang Trung Đông.

Theo Julian Assange, về tội khai man trước Quốc Hội Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đáng bị bắt ngay lập tức.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cho phép đưa các lô hàng vũ khí Mỹ tới Qatar, một đất nước dưới ảnh hưởng của bọn Huynh đệ Hồi giáo. Lô hàng này nhằm giúp quân nổi dậy Libya, trong một nỗ lực để lật đổ chính phủ Gaddafi của Libya.

Sau đó là hàng loạt những tàu chở đầy vũ khí sang Trung Đông để cung cấp cho Al Qaeda, và bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong cố gắng lật đổ chế độ của tổng thống Assad ở Syria.

Các emails cho thấy Hilary Clinton đã đóng vai chính trong việc tổ chức ra cái gọi là “Những người bạn của Syria”, một tổ chức trá hình của Al Qaeda và bọn khủng bố Hồi Giáo IS, để hỗ trợ cuộc nổi dậy do CIA dẫn đầu nhằm thay đổi chế độ ở Syria.

Bà Hilary Clinton và những người điều hành chiến dịch tranh cử của bà cho đến nay vẫn từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.

Đặng Tự Do (Vietcatholic)

Wikileaks phơi bày tâm tình bài Công Giáo của Hilary Clinton

Wikileaks phơi bày tâm tình bài Công Giáo của Hilary Clinton

Trong tuần qua, trang web Wikileaks đã công bố các emails rò rỉ từ hộp thư Gmail cá nhân của John Podesta, một quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ, là người đã giữ một loạt các vị trí cao cấp. Ông Podesta từng là trưởng phòng nhân viên Tòa Bạch Ốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton, một cố vấn cao cấp cho Tổng thống Barack Obama và hiện đang là giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton.

Wikileaks cho biết họ có trong tay khoảng 50,000 emails của Podesta và của chính bà Hillary Clinton. Cho đến nay, nhóm này đã tung ra khoảng 10,000 emails, mỗi ngày một vài ngàn cái. Chiến dịch của bà Clinton đã từ chối xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của các tài liệu bị rò rỉ này.

Các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Các điện thư, được công bố bởi Wikileaks, chứng minh rằng đảng Dân chủ đã tham gia vào việc thành lập ít nhất là hai tổ chức nhằm vận động cho sự thay đổi giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và bảo vệ các chính trị gia phò phá thai và hôn nhân đồng tính, đồng thời thách thức và gây khó khăn cho các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Trong một điện thư trao đổi giữa các thành viên của đảng Dân Chủ, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ được mô tả như đang thực thi “một chế độ độc tài thời trung cổ” tại Mỹ. Để trả lời cho một gợi ý gieo mầm “những hạt giống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, nhằm “kết thúc chế độ độc tài thời trung cổ” này, John Podesta, giám đốc chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton, trả lời: “Chúng tôi đã tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [nghĩa là Liên Minh những người Công Giáo vì thiện ích chung] cho một thời điểm như thế”. Ông ta cho biết thêm: “Tương tự như Catholics United”, cả hai nhóm đã có những lập trường công khai phù hợp với các mục tiêu trong chiến dịch tranh cử của Hilary Clinton.

Những emails trao đổi trong nội bộ đảng Dân Chủ được công bố bởi Wikileaks cũng cho thấy một sự khinh miệt các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo. Jennifer Palmieri, giám đốc truyền thông của chiến dịch, mô tả các giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo là bảo thủ, cố chấp, đi ngược đà tiến của văn minh nhân loại. Trong một email, Palmieri lên tiếng chê bai những chính trị gia Công Giáo nổi bật có khuynh hướng phò sự sống là những kẻ bảo thủ. Bà ta cho rằng các chính trị gia này gắn bó với Công Giáo chỉ vì “Họ nghĩ rằng đó là một tôn giáo bảo thủ về mặt chính trị nhất đối với họ.”

Cả hai Podesta và Palmieri tự nhận mình là người Công Giáo.

Phản ứng trước các emails này, Liên đoàn Công Giáo vì tự do Tôn giáo và Dân Quyền đã ra một tuyên bố nói rằng các emails rò rỉ “khiến người ta tự hỏi các nhà lãnh đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Clinton và những người khác liên quan đến chiến dịch này còn nói những gì nữa về người Công Giáo và đạo Công Giáo.”

Brian Burch, chủ tịch nhóm Công Giáo Vote nói rằng người Công Giáo không có khuynh hướng bạo động. “Nếu Palmier nói như thế về các nhóm tôn giáo khác, bà ta có lẽ đã bị sa thải” vì các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ khắp nước Mỹ và cả trên thế giới. Ông nói thêm:

“Người Công Giáo chúng tôi sẽ nhìn xem liệu Hillary Clinton có nghĩ rằng niềm tin tôn giáo của chúng tôi phải được tôn trọng, hay là bà ta cho rằng bà ấy có quyền chế nhạo chúng tôi.”

Đặng Tự Do

Vietcatholic

———————————————————-

Phản ứng của ĐTGM Chaput về kế hoạch lũng đoạn Công Giáo Hoa Kỳ của những người làm việc cho bà Clinton

Về Những Người Công Giáo hủ lậu không thể tưởng được
Dưới đây là bản dịch bài của ĐTGM Chaput đăng trên trang web của Tổng Giáo Phận Philadelphia vào ngày 13 thánh 10 năm 2016 về âm mưu lũng đoạn Hội Thánh Công Giáo Hoa Kỳ của Đảng Dân Chủ và bà Clinton được tiết lộ bởi WikiLeaks.

Năm 2008, trong những tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Obama-McCain, có hai thanh niên đã đến thăm tôi ở Denver. Họ từ hội Catholics United (Công Giáo Hợp Nhất), một nhóm tự nhận là dấn thân cho các vấn đề công bằng xã hội. Họ bày tỏ mối quan tâm lớn lao về việc thao túng của những người Công Giáo làm tay sai cho Đảng Cộng Hòa. Và họ hy vọng rằng các giám mục huynh đệ của tôi và tôi sẽ chống lại việc liên kết Hội Thánh với một vấn đề chính trị và đảng phái duy nhất (là vấn đề phá thai).

Đó là một kinh nghiệm thú vị. Hai người này rõ ràng là vận động cho cuộc tranh cử của Obama và Đảng Dân Chủ – những thụ tạo của một bộ máy chính trị, chứ không phải người của Hội Thánh; họ chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của Công Giáo hơn là đến giáo huấn Công Giáo. Và có lẽ (đối với họ) các giám mục ngu đến nỗi để bị người ta sử dụng như những công cụ, hoặc ít nhất là bị họ ngăn trở trong việc giúp phe bên kia.

Tuy nhiên, hai người trẻ này không những bằng mà còn trổi vượt hơn những anh em của họ thuộc đảng Cộng hòa trong việc xoay theo đảng như nô lệ. Nhờ công việc của họ, và những người hoạt động tích cực như họ, người Công Giáo Mỹ đã giúp để bầu lên một chính quyền thiếu thân thiện một cách ngoan cố nhất với các tín đồ, các tổ chức, các quan tâm và tự do tôn giáo trong nhiều thế hệ.

Tôi chưa bao giờ gặp lại một trong hai người trẻ ấy. Thiệt hại văn hóa gây ra bởi Tòa Bạch Ốc hiện nay – rõ ràng – đã làm cho việc theo đuổi các giám mục Hoa Kỳ thành không cần thiết nữa.

Nhưng điều xấu luôn luôn có thể trở nên tồi tệ hơn. Đương nhiên là tôi đang suy nghĩ về những emails khinh khi chống lại Công Giáo được trao đổi giữa các thành viên của tổ vận động tranh cử tổng thống của đảng Dân Chủ của bà Clinton được WikiLeaks tung ra tuần này. Điển hình là việc Sandy Newman, chủ tịch của Voices for Progress (Tiếng Nói Cấp Tiến), gửi điện thư cho John Podesta, bây giờ là người đứng đầu cuộc vận động tranh cử của bà Hillary Clinton, để hỏi về việc liệu "các giám mục chống lại bảo hiểm cho ngừa thai" có thể thành mồi lửa cho một cuộc cách mạng không. Newman viết, "Cần phải có một Cuộc Nổi Dậy của Công Giáo, trong đó chính người Công Giáo tự động đòi hỏi phải chấm dứt một chế độ độc tài trung cổ [dịch nguyên văn] ".

Tất nhiên, Newman viết thêm, "ý tưởng này chỉ mới tỏ ra sự hoàn toàn thiếu hiểu biết của tôi về Hội Thánh Công Giáo, sức mạnh kinh tế mà nó có thể đè lên các nữ tu và linh mục, là những người cậy vào nó để tồn tại." Tuy nhiên, ông ta muốn biết là làm sao để có thể "gieo những hạt giống của một cuộc cách mạng [vào đấy]”? John Podesta trả lời rằng “Chúng tôi tạo ra Catholics in Alliance for the Common Good [Liên Minh Công Giáo cho Công Ích] để tổ chức cho một thời điểm như thế này. . . Catholics United cũng tương tự như vậy".

Một email khác liên quan đến bà Clinton, từ John Halpin của Center for American Progress [Trung tâm Tiến bộ Mỹ], chế nhạo những người Công Giáo trong cái gọi là phong trào bảo thủ, đặc biệt là những người mới trở lại: "Họ phải được thu hút vào các tư tưởng có hệ thống và những quan hệ giới tính thoái hóa trầm trọng và họ chắc hoàn toàn không biết gì về nền dân chủ Kitô giáo". Trong một email kế tiếp, ông viết thêm: "Họ có thể tung ra khắp nơi các tư tưởng 'của Thánh Thoma' và 'thuyết bổ trợ' nghe rất phức tạp vì không ai biết. . . họ đang nói gì."

Vào buổi tối khi mà những emails WikiLeaks được tung ra, tôi nhận được một email làm cho chinh tôi cũng bực mình, từ một luật sư (ngoài Công Giáo) đáng kính trên toàn quốc có kinh nghiệm trong các vấn đề về Hội Thánh và quốc gia:

"Tôi bị xúc phạm sâu xa bởi các emails [của nhóm Clinton], đó là một số người có thành kiến tồi tệ nhất của một bộ máy chính trị mà tôi đã thấy. [Một] Hội Thánh có quyền tự vệ tuyệt đối khi bị tấn công về đức tin và Hội Thánh bởi các lực lượng chính trị dân sự. Điều đó chắc chắn được áp dụng ở đây …

"Trong tám năm qua đã có bằng chứng rõ ràng là chính quyền đương nhiệm, mà những người này cũng chia sẻ cùng những giá trị, đã rất thù nghịch đối với các tổ chức tôn giáo. Giờ đây có bằng chứng tỏ tưởng là phương pháp này là cố tình và sẽ gia tăng tốc độ nếu các diễn viên ấy còn tiếp tục có tiếng nói trong chính quyền, họ sẽ tha hồ la to hơn.

"Những kẻ thành kiến này đang tích cực đưa ra chiến lược để làm sao uốn nắn đạo Công Giáo thành không phải Công Giáo hoặc không còn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu nữa, nhưng là 'tôn giáo' mà họ muốn. Ngay tận cốt lõi, họ đang cố gắng xoay tôn giáo sang quan điểm thế tục của họ về phải (đúng) và trái (sai), cho phù hợp với chính trị của họ. Đây là lý do cơ bản tại sao các Nhà Lập Quốc đã rời nước Anh và đòi chính quyền không được có bất kỳ tiếng nói nào trong tôn giáo. Hãy nhìn chỗ đứng của chúng ta hiện giờ. Chúng ta có các diễn viên chính trị cố gắng dàn xếp một cuộc đảo chính để tiêu diệt các giá trị Công Giáo, và họ thậm chí còn so sánh việc tiếp quản của họ với một cuộc đảo chính ở Trung Đông, đó là điều làm nổi bật thành kiến và việc ghét Hội Thánh của họ. Tôi từng hy vọng tôi rằng sẽ không bao giờ nhìn thấy ngày này – một ngày như rất nhiều ngày đen tối ở Đông Âu đã dẫn đến cái chết của ông cụ cố của tôi [một mục sư Tin Lành] trong tay bọn cộng sản, là những kẻ cũng đã ghét và muốn tiêu diệt tôn giáo”.

Đương nhiên là nếu nhóm vận động tranh cử của bà Clinton có thể phủ nhận nội dung của những emails tồi tệ này từ WikiLeaks thì thật là tuyệt vời. Tất cả chúng tôi, những người Công Giáo cổ hủ thực sự tin những gì Thánh Kinh và Hội Thánh dạy, sẽ rất rất biết ơn.

Đồng thời, một người bạn mô tả sự lựa chọn mà các cử tri phải đối diện với vào tháng mười một như thế này: giữa một người khiếm nhã, thô tục, thô lỗ và coi thường phụ nữ, không kiểm soát nổi cơn bốc đồng của mình; hoặc một kẻ âm mưu, nói dối như máy, suốt đời thèm muốn quyền lực và một bọn lâu la đầy những thành kiến chống Công Giáo.

Trong một đất nước mà bây giờ "sự lựa chọn" bán chính thức thành quốc giáo, thực đơn cho bữa ăn tối thật là khá nhỏ.

+ TGM Charles Chaput, O.F.M. Cap.

Phaolô Phạm Xuân Khôi (Vietcatholic)