Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Trang web mới của viện bảo tàng Vatican

Vatican – Với nỗ lực chia sẻ những tác phẩm quý giá của mình cho nhiều người trên thế giới hơn, viện bảo tàng Vatican đã thành lập một kênh YouTube và đổi mới trang web để đăng tải các hình ảnh có độ phân giải cao và các thông tin thích hợp với điện thoại di động.

Kênh YouTube của viện bảo tàng Vatican có những tour giới thiệu ngắn về các bộ sưu tập cùng với các video quảng cáo về các tour thích hợp và các dịch vụ có trên trang web, bao gồm đăng ký hướng dẫn cho người khiếm thính.

Trang web museivaticani.va của viện bảo tàng cũng được đổi mới để thích hợp với các nền tảng ứng dụng và các dụng cụ để có thể tiếp cận tới ngay cả những vùng xa xôi trên trái đất.

Trang web được trình bày bằng 5 ngôn ngữ với thiết kế đẹp hơn, văn bản đơn giản hơn và truy cập nhanh hơn.Các đường dẫn (link) đến các trang có thể được chia sẻ qua Twitter, Facebook hay email. Trang web cung cấp thông tin về việc đăng ký thăm và mua vé vào viện bảo tàng, vườn Vatican, khu nghĩa địa cổ "Via Triumphalis" bên dưới đồi Vatican và các dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, ở miền nam Roma.

Hiện tại trang web trưng bày khoảng 3000 photo có độ phân giải cao của các tác phẩm trong các bộ sưu tập của bảo tàng. Bà Barbara Jatta, tân giám đốc của viện bảo tàng cho biết, kế hoạch lý tưởng là, trong một năm sẽ có thêm các  tấm hình của tất cả 20 ngàn vật thể đang được trưng bày cho công chúng và sau đó sẽ tiếp tục với photo của hơn 200 ngàn tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ trong kho.

Trang web cũng cho phép công chúng tham khảo và tìm kiếm một mục lục online của một số bức họa, tượng điêu khắc và các tác phẩm nghệ thuật khác của viện bảo tàng. Bà cũng cho biết là viện bảo tàng đã có đăng ký tất cả tác phẩm của họ nhưng việc đưa mọi thứ vào cơ sở dữ liệu vẫn đang được thực hiện. (CNS 23/01/2017)

Hồng Thủy

 

Báo El País, Tây Ban Nha, phỏng vấn Đức Thánh Cha

Báo El País, Tây Ban Nha, phỏng vấn Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC kêu gọi đừng phán đoán về tân tổng thống Mỹ và hãy đợi xem những gì xảy ra. Ngài cũng cho biết sẽ sẵn sàng viếng thăm Trung Quốc nếu được mời.

ĐTC cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dài dành cho tờ El País là nhật báo có số ấn hành lớn nhất tại Tây Ban Nha.

Được hỏi nhận xét về tổng thống Donald Trump, ĐTC nói: ”Hãy đợi xem điều gì xảy ra. Tôi không kinh hãi hoặc vui mừng vì những gì có thể xảy ra, vì tôi nghĩ chúng ta có nguy cơ lâm vào thái độ thiếu khôn ngoan. Không nên làm tiên tri về những tai ương hoặc những điều tốt lành sẽ xảy ra. Chúng ta hãy xem điều gì ông sẽ làm rồi sẽ thẩm định. Luôn luôn cần cụ thể. Kitô giáo là điều cụ thể, nếu không thì chẳng là Kitô giáo…

Về hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh đối với Trung Quốc, ĐTC cho biết có một Ủy ban Tòa Thánh từ nhiều năm nay đã và đang làm việc với Trung Quốc, cứ 3 tháng nhóm họp một lần, khi thì tại Vatican khi thì tại Bắc Kinh. Có nhiều đối thoại với Trung Quốc. Trung quốc vẫn có cái hào quang huyền bí thu hút. Cách đây hai ba tháng có cuộc triển lãm của Bảo tàng viện Vatican ở Bắc Kinh, và họ vui mừng về điều đó. Và họ cũng sẽ triển lãm các đồ nghệ thuật Trung Quốc tại Vatican.

Trước câu hỏi: 'Ngài có sẵn sàng đi Trung Quốc hay không?', ĐTC đáp: ”Có, khi nào họ mời tôi. Họ biết điều đó. Ngoài ra, tại Trung Quốc, các thánh đường đầy tín hữu. Người ta có thể hành đạo tại Trung Quốc”.

Đáp một câu hỏi khác, ĐTC nói rằng: “Bình thường trong Giáo Hội cũng có các thánh nhân và người tội lỗi, người liêm chính và người tham ô.. Tại giáo triều Roma có những người thánh thiện. Tôi thích nói điều đó. Vì người ta thường dễ dàng nói về sự tham nhũng của giáo triều Roma. Có những người thối nát, nhưng có rất nhiều người thánh thiện.. Nhiều người cả đời làm việc ở Vatican này, phục vụ dân chúng trong sự âm thầm, vô danh. Những nhân vật chính trong lịch sử Giáo Hội là các thánh, là những người tiêu hao cuộc đời mình để Tin Mừng được cụ thể, và ở đây những người cứu vãn chúng ta chính là các thánh”.

Trả lời câu hỏi về sự phê bình của những người bảo thủ coi bất kỳ thay đổi nào cũng là một sự phản bội đạo lý, ĐTC đáp: ”Tôi không thực hiện một cuộc cách mạng nào. Tôi chỉ tìm cách tiến bước với Tin Mừng.. Nhưng sự mới mẻ của Tin Mừng tạo nên sự ngạc nhiên ngỡ ngàng, vì Tin Mừng cốt yếu là cớ vấp phạm.. Tôi không cảm thấy mình không được cảm thông, được hiểu biết, nhưng được tất cả mọi loại người đồng hành, già, trẻ.. Nếu ai không đồng ý thì cứ đối thoại, chứ đừng ném đá giấu tay. Làm như thế không phải là nhân bản, nhưng là tội phạm. Tất cả đều có quyền thảo luận, thảo luận gia tăng tình huynh đệ, sự vu khống không có đặc tính đó” (El País 20-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết âm lịch tới các gia đình

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22.01.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, sau khi quảng diễn sứ điệp Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc mừng Năm Mới đến các gia đình đang chuẩn bị đón Tết âm lịch. Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Chúng ta đang trong Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô. Chủ đề năm nay được lấy từ thư của Thánh Phao-lô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta tiến tới sự hòa giải” (x. 2Cr 5,14). Thứ tư tới đây sẽ kết thúc Tuần cầu nguyện với việc cử hành giờ kinh chiều tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành, với sự tham dự của các anh chị em thuộc các giáo hội khác và cộng đoàn các Kitô hữu tại Roma. Cha mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện, để thực hiện nguyện ước của Chúa Giê-su: “Để tất cả được nên một” (Ga 17,21).

Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho các nạn nhân tại miền Trung Italia

Trong những ngày qua, các trận động đất và bão tuyết đã làm thiệt hại cho nhiều anh chị em thuộc miền Trung Italia. Cha bày tỏ sự gần gũi và cầu nguyện cho các gia đình có người bị nạn. Cha khuyến khích mọi người trong nỗ lực cứu trợ và hỗ trợ để giúp giảm bớt những khó khăn và đau khổ. Cám ơn anh chị em rất nhiều vì công việc phục vụ ấy. Cha mời mọi người cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho các nạn nhân và cho những người đang quảng đại dấn thân trong công tác cứu trợ.

Đức Thánh Cha gửi lời Chúc Tết tới các gia đình trong dịp Tết âm lịch

Tại miền Viễn Đông và nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người đang chuẩn bị mừng Năm Mới âm lịch. Tôi xin gửi lời chào thân ái đến mọi gia đình, với hy vọng rằng mỗi gia đình ngày càng trở nên mái trường mà nơi đó mọi người học cách tôn trọng nhau, học cách tương quan và quan tâm chăm sóc nhau một cách vô vị lợi. Cầu chúc niềm vui của tình yêu mến chan hòa trong mỗi gia đình và tỏa lan ra toàn xã hội.

Tứ Quyết SJ

 

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 22.01.2017: Hãy theo Tôi!

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 22.01.2017: Hãy theo Tôi!

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 22.01.2017 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha mời gọi mọi người quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa Giê-su để cộng tác với Người trong sứ mạng cứu độ, nhất là đem Tin Mừng đến những vùng ngoại biên. Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay Tin Mừng (x. Mt 4,12-23) kể lại cho chúng ta về khởi đầu việc rao giảng của Chúa Giê-su tại Ga-li-lê. Người rời khỏi ngôi làng Na-za-ret và đến ở thành Ca-phac-na-um. Đây là một thành trung tâm quan trọng thuộc miền duyên hải, là nơi sinh sống của hầu hết là người ngoại, và là điểm giao nhau giữa Địa Trung Hải và miền Lưỡng Hà. Khi Chúa chọn lựa như thế, có nghĩa là Người không chỉ rao giảng cho người đồng hương của mình, mà Người còn rao giảng cho biết bao người khác nữa tại Galilê “miền đất của dân ngoại” (x. Mt 2,15 và Is 8,23). Nếu nhìn từ thủ đô Giê-ru-sa-lem thì Galilê là vùng ngoại vi và là vùng đất người ta sống pha trộn với đầy những người ngoại đạo, những người không thuộc về dân It-ra-en. Từ Galilê người ta đã chẳng mong đợi gì nhiều từ lịch sử cứu độ. Thế mà chính từ đây lại bừng lên “ánh sáng”: ánh sáng ấy chính là Chúa Kitô. Ánh sáng ấy tỏa lan khởi đi từ vùng ngoại vi.

Sứ điệp của Chúa Giê-su chính là loan báo Nước Trời (Mt 4,17). Vương quốc này không phải là việc thiết lập một quyền lực chính trị mới, nhưng là hoàn tất giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Đó chính là thiết lập nền hòa bình và công lý. Để thực hiện giao ước với Thiên Chúa, mọi người được mời gọi để biến đổi tâm trí và cuộc sống. Điều này rất quan trọng: biến đổi không chỉ có nghĩa là thay đổi cách sống mà còn là thay đổi cách nghĩ. Đó là cuộc biến đổi tâm trí. Đây không phải là chuyện thay đổi theo kiểu thay áo, mà là thay đổi thói quen.

Điều làm nên sự khác biệt giữa Chúa Giê-su và Gio-an Tẩy Giả chính là phong cách và phương pháp. Chúa Giê-su chọn lựa cách thế của một ngôn sứ luôn rảo bước. Chúa không chờ đợi người ta đến với mình, nhưng Chúa chủ động đến gặp họ. Chúa luôn luôn rảo bước trên những con đường. Sứ vụ đầu tiên là Chúa đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê và tiếp xúc với dân chúng, đặc biệt là các ngư dân. Chúa không chỉ loan báo về Nước Thiên Chúa đã gần đến, mà Chúa còn đi tìm bạn đồng hành trên con đường thực thi sứ mạng cứu độ. Ở đó, Chúa đã gặp hai bộ anh em: Si-mon và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an. Chúa gọi các ông rằng: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19). Tiếng gọi đã chạm tới họ trong cái đời thường của cuộc sống: Chúa đã tỏ mình cho chúng ta không phải trong những chuyện giật gân hoặc đặc biệt nhưng chính trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở đó chúng ta tìm thấy Chúa và ở đó Chúa tỏ hiện chính Ngài cho chúng ta, và chúng ta cảm nhận được tình yêu của Ngài trong trái tim chúng ta. Ở đó có cuộc đối thoại với Chúa trong chính cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ở đó Chúa biển đổi tâm hồn chúng ta.

Hôm ấy, bốn người ngư phủ đã đáp lại ngay lập tức và rất sẵn sàng. Tin Mừng kể lại: “Lập tức, họ bỏ chài lưới và đi theo Người” (Mt 4,20). Chúng ta biết rằng họ là các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả và nhờ lời chứng của Gio-an mà họ bắt đầu tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a (x. Ga 1,35-42).

Chúng ta, những Kitô hữu thời nay, vui mừng loan báo và làm chứng cho đức tin của chúng ta, vì đã có những người môn đệ đầu tiên ấy với đầy can đảm và khiêm tốn mà quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su. Khó mà tưởng tượng được, chính bên bờ hồ ở vùng đất Ga-li-lê mà cộng đoàn đầu tiên của các môn đệ Chúa Kitô được sinh ra. Suy tư về sự khởi đầu này sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta trong việc đem Lời Chúa, tình yêu và sự dịu hiền của Chúa đến mọi hoàn cảnh, cho dù là khó khăn vất vả. Đó là đem Lởi Chúa đến tất cả các vùng ngoại vi! Mọi hoàn cảnh cuộc sống đều là mảnh đất để hạt giống Tin Mừng có thể gieo vãi, và để mang lại ơn cứu độ.

Xin Mẹ Maria cầu thay nguyện giúp chúng ta để chúng ta có thể đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su, đó chính là dấn thân vào việc phục vụ Nước Thiên Chúa.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

Đức Thánh Cha bế mạc năm kỷ niệm 800 năm lập dòng Đa Minh

ROMA. Lúc 4 giờ chiều thứ bẩy 21-1-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma nhân dịp bế mạc năm kỷ niệm 800 năm DGH Onorio III phê chuẩn dòng Đa Minh.

 Thánh lễ này cũng kết thúc 4 ngày hội nghị quốc tế (17-21/1/2017) tại Đại học Thánh Tômaso Aquino (Angelicum) ở Roma về các khía cạnh trong sứ vụ của dòng Đa Minh. Hơn 600 tu sĩ và giáo dân Đa Minh từ nhiều nước đã tham dự sinh hoạt này.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ tạ ơn có 20 Hồng Y, Giám Mục và khoảng 100 LM, đặc biệt là ĐHY Dominik Duka OP, TGM Praha thuộc Cộng hòa Tiệp, Đức TGM Carlos Azpiros OP, người Argentina, nguyên Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh và Cha đương kim Tổng quyền Bruno Cadoré, O.P. Hiện diện trong thánh đường có khoảng hơn 3 ngàn người, trong đó có đông đảo các tu sĩ nam nữ và giáo dân Đa Minh đến từ các nước. Phần thánh ca do ca đoàn Ba Lan từ Cracovia đảm trách.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn hai bài đọc (2 Tm 4,1-8 và Mt 5,13-19) trong đó thánh Phaolô nhắn nhủ môn đệ Timothê hãy kiên trì rao giảng rao giảng, dù con người chỉ thích tìm kiếm những điều mới mẻ, không chịu nghe chân lý, nhưng chỉ thích những huyền thoại; tiếp đến là lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy trở thành muối đất và ánh sáng thế gian, hãy tôn vinh Chúa Cha bằng những công việc lành, và nhờ đó, làm cho những người chứng kiến ngợi khen Chúa Cha trên trời.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta hai cảnh tượng của con người trái ngược nhau: một bên là ”hội hóa trang” (carnevale) của sự hiếu kỳ trần tục, và bên kia là sự tôn vinh Chúa Cha qua các công việc lành. Và đời sống chúng ta cũng luôn tiến qua hai cảnh tượng ấy. Thực vậy, những cảnh tượng này ở mọi thời đại đều có, như lời thánh Phaolô nói với Timothê (Xc 2 Tm 4,1-5). Và cả thánh Đa Minh với các anh em đầu tiên của Người, cách đây 800 năm, cũng trải qua hai cảnh tượng ấy.

Thánh Phaolô cảnh giác Timôthê hãy loan báo Tin Mừng giữa một bối cảnh trong đó người ta luôn tìm kiếm những ”thầy mới”, ”những huyền thoại”, các đạo lý khác, các ý thức hệ.. họ ”ngứa tai” (2 Tm 4,3). Đó là ”hội hóa trang” theo sự hiếu kỳ trần tục, quyến rũ. Vì thế thánh Phaolô dạy môn đệ Ngài với những động từ mạnh mẽ, như ”hãy nhấn mạnh”, ”hãy khuyên nhủ”, ”khiển trách”, ”khuyên bảo” rồi ”cảnh thức”, ”chịu đựng đau khổ' (vv.2.5)

Thật là hay khi thấy rằng hồi đó, 2 ngàn năm về trước, các tông đồ của Tin Mừng đã đứng trước quang cảnh đó, và ngày nay, cảnh tượng ấy đã phát triển nhiều và được hoàn cầu hóa vì sự thu hút của trào lưu duy tương đối chủ quan. Xu hướng tìm kiếm điều mới mẻ của con người tìm được một môi trường lý tưởng trong xã hội trọng bề ngoài, xã hội tiêu thụ, trong đó nhiều khi người ta ”xào lại' những thứ cũ kỹ, nhưng điều quan trọng là làm cho chúng có vẻ tân kỳ, có sức thu hút, hấp dẫn. Cả chân lý cũng bị giả mạo. Chúng ta bước đi trong ”xã hội gọi là lỏng”, không có những điểm cố định, không dựa vào căn bản nào, thiếu những điểm tham chiếu vững chắc và bền vững; chúng ta sống trong thứ văn hóa phù du, ”dùng rồi vứt bỏ”.

Đứng trước thứ ”hội hóa trang” trần tục ấy, có một quang cảnh hoàn toàn đối nghịch lại, như chúng ta thấy qua những lời Chúa Giêsu vừa nghe đọc: ”Những việc làm ấy tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16). Vậy sự chuyển tiếp từ sự hời hợt của lễ hội giả tạo tiến đến sự tôn vinh diễn ra như thế nào? Thưa nó diễn ra nhờ những công việc lành của những người, khi trở thành môn đệ Chúa Giêsu, họ trở thành ”muối” và ”ánh sáng”. Chúa Giêsu nói: ”Ánh sáng của các con phải chiếu tỏa rạng ngời trước mặt loài người để người ta thấy việc lành của các con mà tôn vinh Cha các con ở trên trời” (Mt 5,16).

Giữa thứ ”hội hóa trang” quá khứ và hiện nay, câu trả lời của Chúa Giêsu và của Giáo Hội, sự nâng đỡ vững chắc giữa môi trường ”lỏng” chính là những công việc lành chúng ta có thể thực hiện nhờ Chúa Kitô và Thánh Linh của Ngài, và những việc ấy làm nảy sinh trong tâm hồn lời cảm tạ Chúa Cha, lời chúc tụng, hoặc ít là sự ngưỡng mộ và câu hỏi: ”tại sao?”, ”tại sao người ấy cư xử như thế?”; sự băn khoăn của thế giới đứng trước chứng tá Tin Mừng.

Nhưng để sự đánh động ấy xảy ra được, thì điều cần là muối không bị mất vị và ánh sáng không bị che giấu (Xc Mt 5,13-15). Chúa Giêsu đã nói rất rõ điều đó: nếu muối nhạt thì nó chẳng có ích gì. Khốn cho muối nếu mất vị! Khốn cho một Giáo Hội mất hương vị! Khốn cho một linh mục, một tu sĩ, một hội dòng đánh mất hương vị!

Hôm nay, chúng ta tôn vinh Chúa Cha vì công việc mà thánh Đa Minh, đầy ánh sáng và muối của Chúa Kitô, đã thực hiện trong 800 năm qua; một công trình phục vụ Tin Mừng, được rao giảng bằng lời nói và bằng cuộc sống; một công trình, nhờ ơn của Chúa Thánh Linh, đã làm cho bao nhiêu người nam nữ được trợ giúp để không bị tản mát giữa ”thứ hội hóa trang” của sự hiếu kỳ trần tục, trái lại họ cảm thấy hương vị của đạo lý lành mạnh, của Tin Mừng, và đến lượt họ, họ trở thành ánh sáng và muối, thành những người thực hiện những công lành.. thành những anh chị em đích thực, tôn vinh Thiên Chúa và họ dạy cách tôn vinh Chúa bằng những công việc lành trong cuộc sống” (SD 21-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tân tổng thống Mỹ

Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi tân tổng thống Mỹ

VATICAN. ĐTC chúc mừng và cầu nguyện cho Tổng Thống thứ 45 của Hoa Kỳ, Ông Donald Trump, nhân dịp ông tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1 vừa qua.

Trong sứ điệp, ĐTC viết ”Tôi nồng nhiệt cầu chúc Tổng Thống những điều tốt đẹp và cầu xin Thiên Chúa Tối Cao ban cho Tổng Thống sự khôn ngoan và sức mạnh trong khi thi hành chức vụ cao cả. Giữa lúc gia đình nhân loại chúng ta đang chịu những cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng đòi phải có những câu trả lời sáng suốt và hiệp nhất về chính trị, tôi cầu nguyện để những quyết định của Tổng Thống được hướng dẫn nhờ những giá trị tinh thần và luân lý đạo đức phong phú đã hình thành lịch sử nhân dân Hoa Kỳ và sự dấn thân của quốc gia Tổng Thống để thăng tiến phẩm giá con người và tự do trên thế giới.

”Ước gì dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống, vị thế của Hoa Kỳ tiếp tục được đo lường trên hết theo mối quan tâm đối với người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề và những người túng thiếu, như Ông Lazarô, đang ở trước cửa nhà chúng ta. Với những tâm tình ấy, tôi cầu xin Chúa ban cho Tổng thống và gia đình cũng như toàn thể nhân dân Hoa kỳ yêu quí, phúc lành bình an, hòa thuận và mọi sự thịnh vượng về vật chất và tinh thần” (SD 20-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

Đức Thánh Cha tiếp Tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma

VATICAN. ĐTC kêu gọi tăng cường việc huấn luyện chuẩn bị hôn phối và đồng hành với các đôi tân hôn để họ sống đời sống hôn nhân và gia đình theo ý định của Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy 21-1-2017 dành cho đoàn thẩm phán và các nhân viên của tòa Thượng Thẩm Rota ở Roma nhân dịp khai mạc năm tư pháp mới. Tòa này có hơn 20 vị thẩm phán quốc tế, chuyên cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, từ cấp 2 trở lên.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói đến mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và hôn nhân, giữa tình yêu và chân lý, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nói: ”Nếu tình yêu không có tương quan với chân lý, thì nó sẽ chịu những thay đổi của tình cảm và sẽ không vượt qua được những thử thách của thời gian.. Chỉ khi nào dựa trên chân lý thì tình yêu mới kéo dài trong thời gian, vượt thắng những thứ phù du nhất thời và tiếp tục kiên vững để nâng đỡ cuộc hành trình chung”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC nhận xét rằng ”sự thiếu sót các giá trị tôn giáo và đức tin có ảnh hưởng cả tới sự ưng thuận kết hôn. Kinh nghiệm về đức tin của những người xin kết hôn theo Kitô giáo rất khác nhau.. người thì tích cực tham gia vào đời sống giáo xứ, có đời sống cầu nguyện nhiệt thành, trái lại có những người chỉ có những tâm tình mơ hồ về tôn giáo, nhiều khi xa lìa hoặc thiếu sót về đức tin”.

Đứng trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi tìm ra những phương dược thích hợp: ”trước tiên cần có hành trình chuẩn bị hôn phối thích hợp, giúp các đôi vợ chồng tương lai đón nhận và nếm hưởng ân thánh, vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu chân thực, tình yêu được Chúa Giêsu cứu chuộc. Cộng đồng Kitô được kêu gọi nồng nhiệt loan báo Tin Mừng cho những người chuẩn bị kết hôn.. Cần coi tiến trình chuẩn bị hôn phối như một cơ hội thích hợp để loan báo Tin Mừng cho người lớn, và nhiều khi cho những người xa lạ với đức tin”.

Như phương dược thứ hai, ĐTC kêu gọi giúp các đôi tân hôn. Ngài nói: ”Cần can đảm và với tinh thần sáng tạo đề ra một dự án huấn luyện cho các đôi vợ chồng trẻ, với những sáng kiến giúp họ ngày càng ý thức về bí tích họ đã nhận lãmh. Vấn đề ở đây là khuyến khích họ cứu xét những khía cạnh khác nhau của đời sống lứa đôi thường nhật, là dấu chỉ và là dụng cụ tình yêu của Thiên Chúa..

ĐTC nói thêm rằng: ”Cộng đồng Kitô được kêu gọi đón nhận, đồng hành và giúp đỡ các đôi vợ chồng trẻ, cống hiến những cơ hội và phương thế thích hợp bắt đầu việc tham dự thánh lễ Chúa nhật, để chăm sóc đời sống thiêng liêng trong gia đình, cũng như trong khuôn khổ chương trình mục vụ tại xứ đạo hoặc trong các hội đoàn.. Nhiều khi các đôi vợ chồng trẻ bị bỏ mặc một mình, chỉ vì họ ít xuất hiện trong giáo xứ, hoặc nhất là sau khi họ sinh con.. Nhưng chính trong những lúc đầu tiên ấy của đời sống gia đình, cần phải bảo đảm cho họ sự gần gũi và nâng đỡ mạnh mẽ về tình thần, cả trong việc giáo dục con cái..” (SD 21-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

Đức Thánh Cha tiếp kiến 30 Giám Mục Ireland

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến 30 GM thuộc 4 giáo tỉnh của Ireland, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau cuộc gặp gỡ, các GM đã mở cuộc họp báo tại trụ sở đài Vatican và cho biết buổi tiếp kiến là một cuộc nói chuyện như trong gia đình trong đó tất cả các vấn đề được bàn đến: từ sự sống cho đến gia đình, từ nạn nghèo đói cho đến giáo dục, cả vấn đề các vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên do một số giáo sĩ và tu sĩ gây ra trước đây cũng được nói đến.   Về vấn đề này, Đức TGM Diarmuid Martin của giáo phận thủ đô Dublin, Phó Chủ tịch HĐGM Ailen, nói rằng: ”Những vụ lạm dụng tính dục xảy ra giữa lòng Giáo Hội ít hơn so với mức độ toàn thể xã hội Ireland, nhưng có sự khác biệt về mức độ trầm trọng, vì một vụ lạm dụng trong Giáo Hội, nơi mà chính Chúa Giêsu đã đặt trẻ em như dấu chỉ Nước Thiên Chúa, có mức độ nặng nề và tiêu cực hơn so với những lạm dụng xảy ra trong xã hội”.

Về tình hình Giáo Hội Công Giáo tại Ireland, Đức TGM Martin cho biết so với tình trạng cách đây 10 năm, đã có những tiến bộ trong Giáo Hội, tuy rằng đây không phải là tiến bộ về phương diện những con số, vì có sự sa sút ơn gọi, số người dự lễ chúa nhật giảm bớt.. Nhưng có những dấu hiệu chứng tỏ sự tăng trưởng và canh tân tinh thần đáng kể. Thay vì phê bình Giáo Hội tại Ireland, nhiều người muốn khích lệ chúng tôi trên con đường canh tân”. (RG 20-1-2017)

G. Trần Đức anh OP

 

 

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Takayama Ukon, “võ sĩ samurai của Chúa Kitô” sẽ được phong chân phước ngày 7/2

Osaka – Ngày 7/2 tới đây, nghi lễ trọng thể phong chân phước cho Justo Takayama Ukon (1552-1615), được gọi là “võ sĩ samurai của Chúa Kitô”, một nhân vật được yêu quý của Giáo hội Nhật bản, sẽ được cử hành tại Osaka.

Đức cha Isao Kikuchi của Giáo phận Niigata và chủ tịch cơ quan bác ái của Nhật nói với hãng tin Fides là thời gian cử hành Thánh lễ đã chính thức được Tòa Thánh và hội đồng Giám mục Nhật đồng ý.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ký sắc lệnh phong chân phước vào tháng 1/2016 và Giáo hội Nhật bản đã chuẩn bị cho sự kiện này suốt một năm qua. Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh sẽ chủ sự Thánh lễ. Thánh lễ sẽ được phát trực tiếp trên truyền hình ở Nhật bản.

Trong tất cả 42 thánh và 393 chân phước Nhật bản, tất cả đều tử vì đạo, thì Takayama là một nhân vật đặc biệt. Đó là một giaó dân, một chính trị gia, một quân nhân, một võ sĩ samurai, đã không được tôn vinh trên bàn thờ vì bị giết mà vì đã chọn con đường theo Chúa Kitô, nghèo khó, vâng phục và chịu đóng đinh. Ukon đã từ bỏ địa vị cấp cao trong xã hội, sự thượng lưu và giàu có để trung thành với Chúa Kitô và Tin mừng.

Sinh ra trong một gia đình địa chủ, Ukon trở lại Kitô giáo lúc 12 tuổi, liên lạc với các thừa sai dòng Tên và theo bước người cha của mình. Được thánh Phanxicô Xaviê loan truyền đến Nhật bản vào năm 1549, Tin mừng Chúa Kitô đã nhanh chóng lan rộng khắp nơi. Nhưng khi Toyotomi Hideyoshi lên nắm quyền ông cấm việc thực hành Kitô giáo. Tất cả các địa chủ lớn đều vâng lệnh, chỉ trừ Ukon. Ông sẽ mất tài sản, chức nghiệp, địa vị xã hội, danh dự và sự kính trọng. Ông sẽ trở thành một người vô gia cư và phải sống lưu vong. Cùng với 300 Kitô hữu Công giáo Nhật bản khác, Ukon đào tẩu đến Manila, và chỉ 40 ngày sau khi đến đây, ông ngã bệnh và qua đời ngày 4/2/1615.

Từ thế kỷ XVII, các tín hữu Nhật bản đã loan truyền sự thánh thiện của Ukon nhưng chính sách cô lập của quốc gia đã ngăn cản các nhà điều tra giáo luật thu thập các chứng cứ cần thiết để tuyên thánh. Đến năm 1965, các Giám mục Nhật bản mới tiếp tục lại hồ sơ và cùng nhau thúc đẩy quá trình phong chân phước.

Một bộ phim tài liệu về cuộc đời của Ukon đã được thực hiện với tựa đề “Ukon võ sĩ Samurai: con đường của gươm giáo, con đường của thập giá” với sự bảo trợ của Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa , sự cộng tác của Tòa đại sứ Nhật bản cạnh Tòa Thánh, của Hội đồng Giám mục Nhật bản, của dòng Tên ở Italia, của "Trentino Film Commission”. 

Logo được chọn cho lễ phong chân phước được thiết kế bởi nữ tu M. Ester Kitazume, với 7 ngôi sao tròn dấu hiệu của dòng họ Takayama, với thánh giá và 3 cái nhẫn ở khung hình nền. 7 ngôi sao chỉ về gia đình của Ukon nhưng cũng là 7 phép bí tích và 7 ơn Chúa Thánh Thần. Thánh giá là dấu chỉ của sự trao tặng sự sống của Ukon. (Fides 20/1/2017)

Hồng Thủy

Gương tha thứ cho kẻ sát hại mình của Steven McDonald, cảnh sát ở New York

Gương tha thứ cho kẻ sát hại mình của Steven McDonald, cảnh sát ở New York

Ngày 10 tháng 1 vừa qua (10/01/2017), 4 ngày sau một cơn nhồi máu cơ tim, thám tử Steven McDonald, nguyên là một sĩ quan cảnh sát của thành phố New York, đã qua đời tại bệnh viện Island sau 30 năm nằm liệt, hưởng dương 59 tuổi. McDonald sinh ngày 1 tháng 3 năm 1957 tại Queens Village, New York, là con thứ 8 của ông bà David và Anita McDonald. Mc Donald lớn lên ở vùng Long Island và đã tiếp nối truyền thống của cha ông, tham gia vào ngành cảnh sát và phục vụ tại New York.

Cách đây 30 năm, khi còn là một cảnh sát trẻ, trong buổi đi tuần hành ngày 12 tháng 7 năm 1986, McDonald gặp 3 thiếu niên ở công viên trung tâm. Nghi ngờ là một người trong họ có vũ khí trong vớ của cậu ta, McDonald đã yêu cầu họ dừng lại để kiểm tra. Một thiếu niên trong số 3 cậu bé này, đó là Shavod Jones, 15 tuổi, đã rút vũ khí ra và bắn McDonald. Sau đó cả 3 cùng  bỏ chạy đi, để cho McDonald nằm một mình chờ chết ở đó. McDonal đã bị trúng 3 phát đạn, trong đó có một viên đâm vào tủy sống của anh, khiến anh bị liệt toàn thân. Ban đầu bác sĩ nói với Patti, người vợ đang mang thai đứa con được 3 tháng của họ là, McDonald không thể sống sót. Tuy nhiên, thật là may mắn, McDonald đã vượt qua được điều dự đoán xấu này; anh đã sống sót cách kỳ diệu. Vào ngày 1 tháng 3 năm 1987, nhân dịp Conor, đứa con trai của họ được rửa tội, McDonald đã nhờ vợ của anh đọc những cảm tưởng của anh về kẻ đã bắn anh, anh viết: “Tôi tha thứ cho cậu ta và hy vọng cậu ta có thể tìm thấy một mục đích trong cuộc sống của mình.” Sau tai nạn này, McDonald vẫn thuộc biên chế cảnh sát và sau đó được gọi là thám tử.

Một thời gian dài, McDonald đã hy vọng là anh và Jones, người bắn anh, có thể gặp nhau để hòa giải. Jones đã bị kết án 10 năm tù vì tội cố sát. Trong thời gian này 2 người đã trao đổi thư từ qua lại với nhau. Hai người chỉ chấm dứt liên lạc khi gia đình của Jones xin McDonald giúp đỡ để được giảm án nhưng McDonald từ chối vì anh không nhận thức đầy đủ hoặc không có khả năng can thiệp vào bản án. Một thời gian không lâu sau khi được giảm án và được tự do, Jones bị tai nạn môtô và qua đời vào năm 1995.

McDonald thường thảo luận về niềm tin Công giáo của mình và lý do ông đã tha thứ cho thiếu niên sát hại mình, là bởi vì ông tin những gì xảy ta với ông là ý muốn của Thiên Chúa và ông được chọn để trở thành một sứ giả của sứ điệp bình an, tha thứ và hòa giải của Thiên Chúa trên thế giới này.

Nhiều năm sau khi bị bắn, McDonald thu hút sự chú ý rộng rãi và sóng truyền thông. Năm 1995, McDonald đã được gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Dù chỉ có thể thở nhờ máy trợ giúp, McDonald đã đi khắp quốc gia, nói chuyện tại các trường học và nơi chốn khác nhau về tầm quan trọng của tha thứ và hòa bình. McDonald cũng trở thành một người tranh đấu cho hòa bình tại những cùng đất đang có xung đột; ông đã thăm Bắc Ai len, Israel và Bosnia để mang sứ điệp của mình đến các cộng đồng đang sống trong căng thẳng chiến tranh.

Con trai của McDonald, là Conor Donald cuối cũng cũng đã gia nhập ngành cảnh sát tại thành phố New York và đã trở thành trung sĩ vào năm 2016. Anh là thế hệ thứ tư của gia đình phục vụ trong ngành cảnh sát.

Đức Hồng y Timothy Dolan của New York đã gọi McDonald là một ngôn sứ, không rao giảng, nhưng đã cổ võ cho sự sống. McDonald đã chỉ cho chúng ta biết là giá trị của sự sống không dựa vào khả năng thể lý, nhưng vào trái tim và linh hồn của một người, cả hai điều mà McDonald sở hữu cách tràn đầy. Đức Hồng y cho biết là ngài đã đến thăm McDonald tại khu chăm sóc đặc biệt của bệnh viện và nhiều chuỗi tràng hạt và các tượng ảnh ở đó là những dấu hiệu bên ngoài của một đức tin Công giáo đã được nhà thám tử thực hành rất nhiều. Chúng ta có thể thấy ông là một tín hữu Công giáo nhiệt thành. Thánh lễ an táng McDonald được Đức Hồng Y Dolan chủ sự vào ngày 13 tháng 1 vừa qua tại nhà thờ chánh tòa thánh Patrick ở New York. (CNS 11/01/2017)

Hồng Thủy

Cha Francisco Lopez Sedano: Trừ tà là một sứ vụ thiêng liêng

Cha Francisco Lopez Sedano: Trừ tà là một sứ vụ thiêng liêng

Mexico – Cha Francisco Lopez Sedano 80 tuổi, thuộc dòng các Thừa sai Chúa Thánh Linh, là một Linh mục chuyên trừ quỷ người Mêhicô. Trong 40 năm qua, cha Sedano đã thực hiện ít nhất 6000 vụ trừ quỷ. Cha nói là quỷ sợ cha.

Chia sẻ với báo Los Angeles Ngày nay, cha cho biết khi ma quỷ nói với cha qua người bị quỷ nhập, cha trả lời rằng: “Ta không là ai cả, nhưng tôi đến từ Chúa Kitô, Chúa và Chủ của mày và bây giờ mày xuất ra ngay. Nhân danh của Người, ta ra lệnh cho mày xuất ra. Đi ra!”

Trong cuộc phỏng vấn, cha Sedano nêu bật 4 điều mà cha nhận thấy trong những năm thực hiện việc trừ quỷ. Thứ nhất, quỷ là một người chứ không phải là một đồ vật. Chúa Giêsu đã đối mặt với quỷ và nói với nó nhiều lần. Quỷ muốn chia cắt chúng ta khỏi Thiên Chúa, làm chúng ta sợ hãi, đe dọa chúng ta, làm chúng ta run sợ. Nó mang đến cho chúng ta sự lười biếng, mệt mỏi, buồn ngủ, mất lòng tin, thất vọng, hận thù; mọi thứ tiêu cực.

Điều thứ hai, cha Sedano lưu ý, đó là ma quỷ đi vào trong con người là bởi vì họ cho phép nó làm điều này. Cha nói: “Quỷ không thể đi vào trong chúng ta nếu chúng ta không mở cửa cho nó. Bởi vì điều này, Thiên Chúa cấm việc thực hành phép thuật, mê tín dị đoan, ma thuật, phù thủy, bói toán, tư vấn người chết, các lực lượng vô hình và chiêm tinh học. Đây là bảy vùng đất của những lời dối trá và lừa dối.”

Một điều nữa cha Sedano nhận thấy đó là người bị quỷ nhập có những cách cư xử đặc biệt. Cha đã quan sát những người bị quỷ ám, “họ bắt đầu la hét, sủa như chó, hét hay quằn quại và  họ bò trườn như một con rắn trên mặt đất. Có hàng ngàn hình thức.” Cha cho biết, có một thanh niên 18 tuổi đã đẩy 5 ghế dài lớn  rất nặng mà bình thường cần sức của 10 người để di chuyển. Họ đã cần 3 người để giữ anh ta khi cha thực hiện việc trừ quỷ. Họ có thể leo lên các bức tường và cũng có thể bay.” Thỉnh thoảng người bị quỷ nhập nghe các tiếng nói, cảm thấy bị Thiên Chúa ghét hay loại bỏ. Có người bị đau lưng nhưng mà bác sĩ nói là sưc khỏe của họ không có vấn đề. Cha Sedano nói: “Những thương tổn của Satan nằm ngoài sự kiểm soát của y học.

Điều cuối cùng cha Sedano nhận thấy là việc trừ quỷ là một nhiệm vụ thiêng liêng. Cha xem việc trừ quỷ của mình đến từ nhu cầu cần thiết sau khi chứng kiến những trường hợp nặng nề và đau đớn. Cha cho biết, một Linh mục bạn đã giúp cha nhận thấy rằng chiến đấu chống lại Ác thần là một đòi buộc. 3 mệnh lệnh được Chúa truyền là mang lời của Chúa, chữa người đau bệnh và xua trừ ma quỷ. (CNA 19/01/2017)

Hồng Thủy

Đạo luật gây sốc của Nebraska ngăn cản một nữ tu được dạy học

Đạo luật gây sốc của Nebraska ngăn cản một nữ tu được dạy học

Sister Madeleine Miller

Lincoln, Nebraska – Những nỗ lực để dạy học tại một trường công lập ở Nebraska của nữ tu Madeleine Miller đã gặp khó khăn vì một đạo luật có từ cả thế kỷ. Điều này cũng nhắc các cơ quan lập pháp quốc gia có một cái nhìn khác về quá khứ đen tối của pháp luật.

Nữ tu Miller 37 tuổi, thuộc dòng các nữ tu Thừa sai Biển đức ở Norfolk, một dòng yêu cầu các nữ tu luôn mang tu phục ở chốn công cộng. Chị Miller có bằng dạy học của Nebraska, bằng cử nhân của học viện Wayne State của Nebraska và bằng cao học của đại học Chicago. Chị đã nộp đơn vào dạy tại các trường công lập Norfolk vì thiếu các trường Công giáo. Chị được thông báo rằng nếu được nhận vào dạy học, chị không được mặc tu phục. Chị cho biết là chị bị sốc. Chị nói: “Đó là vào năm 2015. Làm sao mà điều này có thể hợp pháp?” Chị cũng cho biết là chị đã có thể bị bắt, bị bỏ tù, bị phạt hay bị tước bằng nếu chị cố dạy học.

Đạo luật 1919 được Ku Klux Klan và các nhóm chống Công giáo ủng hộ. Các vi pham điều luật này là tội hình sự. Các giáo viên vi phạm lần đầu đối mặt với án tù treo một năm, và vi phạm lần hai sẽ bị tước quyền giảng dạy vĩnh viễn. Điều luật cũng cấm khăn choàng của đạo Chính thống và Hồi giáo. Đã có 36 tiểu bang có luật tương tự nhưng hiện nay chỉ Nebraska và Pennsylvania là còn cấm trang phục tôn giáo đối với các giáo viên tại các trường công lập. Oregon là bang mới nhất bãi bỏ luật này vào năm 2010.

Jim Scheer, phát ngôn viên của cơ quan lập pháp đề nghị một dự luật để chấm dứt đạo luật này, vì theo ông, nó vi phạm quyền tự do ngôn luận của các giáo viên và tạo nên tình trạng thiếu hụt giáo viên trong 18 lãnh vực ở Nebraska. Nhiều nhóm ủng hộ việc bãi bỏ luật này.

Vì không tìm được công việc ở đông Nebraska, nữ tu Miller đã chuyển về tu viện của dòng ở Winnebago, Nebraska để daỵ tại một trường Công giáo ở Sioux City, bang Iowa. Chị cho biết mục đích dạy học của mình là giúp học sinh hoc chứ không để cải đạo. Chị nói: “Tôi nghĩ mọi người có quyền làm việc trong khả năng chuyên nghiệp của họ bất kể niềm tin tôn giáo của họ. Bạn làm những gì bạn được thuê làm và bạn đi về nhà. Và mọi người có quyền đó.” (CNA 18/01/2017)

Hồng Thủy

Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

Ủy ban Tòa Thánh và Israel tái đối thoại

JERUSALEM. Sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động, Ủy ban làm việc song phương thường trực giữa Tòa Thánh và Israel đã nhóm khóa họp toàn thể hôm 18-1-2017 tại Jerusalem.

Thông cáo chung công bố cùng ngày 18-1 cho biết mục đích khóa họp là để tiếp tục thương thuyết dựa trên điều 10 triệt 2 trong hiệp định cơ bản ký kết cách đây 24 năm (1993) giữa Tòa Thánh và Israel.

Hai vị đồng chủ tịch khóa họp là Ông Tzachi Hanegbi, Bộ trưởng cộng tác miền của Israel và Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh. Phái đoàn Tòa Thánh có 11 người, trong đó có 3 GM, phái đoàn Israel có 12 người.

Ủy ban đón nhận những tiến bộ đã đạt được cho đến nay và hài lòng vì những cuộc thương thuyết diễn ra trong bầu không khí suy tư và xây dựng. Ngoài ra, Ủy ban cũng nhìn nhận công việc của Bộ tư pháp Israel liên quan đến việc áp dụng hiệp định song phương năm 1997 về tư cách pháp nhân. Hai bên đã thỏa thuận với nhau về những bước tương lai, để chuẩn bị cho khóa họp toàn thể của Ủy ban, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Vatican.

Sau cuộc họp của Ủy ban song phương, Tòa Thánh và Israel đã có một cuộc họp tham khảo ý kiến hai bên tại Bộ ngoại giao Israel, và đã thảo luận về những vấn đề chung và tìm hiểu về những cơ hội cộng tác với nhau (SD 18-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Vượt thắng lòng dạ xét đoán người khác

Vượt thắng lòng dạ xét đoán người khác

Cần vượt thắng chính mình vì lòng dạ chúng ta thường ích kỷ và xét đoán người khác, và Chúa Giêsu đến để đổi mới tâm hồn chúng ta. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Với tâm tính ích kỷ, các luật sĩ chỉ biết lên án người khác

Thiên Chúa đổi mới mọi sự từ gốc rễ chứ không phải theo kiểu bề mặt. Luật của Chúa không phải là thứ luật tác động bên ngoài nhưng là đi sâu vào cõi lòng chúng ta và biến đổi tận gốc. Trong giao ước mới, có sự biến đổi trí khôn, biến đổi tâm hồn, biến đổi cảm nhận và biến đổi hành động, và có một cung cách mới để nhìn mọi sự. Có một cung cách hành động với cái nhìn lạnh lùng và đầy ghen tỵ. Nhưng cũng có một thái độ của niềm vui và lòng bao dung.

Giao ước mới sẽ biến đổi tâm hồn và làm cho chúng ta nhìn về luật Chúa với con tim mới, với tâm trí mới. Chúng ta thử nghĩ về các luật sĩ là những người kết án Chúa. Họ làm mọi sự, làm mọi thứ đúng như luật nói, họ nắm quyền trong tay, họ có mọi thứ mọi sự tất cả trong tay. Nhưng lòng trí họ xa cách Thiên Chúa. Đó là lòng trí của sự ích kỷ, vì chỉ biết tập trung vào bản thân mình: tâm hồn họ luôn đi xét đoán và kết án người khác.

Thiên Chúa hay quên vì Ngài tha thứ

Thiên Chúa luôn đi bước trước và chắc chắn là Ngài tha thứ cho chúng ta. Ngài không còn nhớ tội lỗi của chúng ta nữa. Biết bao lần, Ngài không nhớ. Tôi thích suy nghĩ vui đùa một chút về Chúa rằng: “Ngài có một trí nhớ thật là không tốt!”. Điểm yếu của Thiên Chúa chính là Ngài mau quên tội lỗi chúng ta, và khi ấy Ngài tha thứ.

Thiên Chúa quên, bởi vì Ngài tha thứ. Trước một tâm hồn thống hối, Ngài tha thứ và quên hết. Ngài nói: Ta sẽ quên, Ta sẽ không nhớ tội của chúng nữa. Chúa đã tha thứ cho tôi, Chúa đã quên tội tôi, nhưng tôi phải… thay đổi cuộc sống. Giao ước mới đổi mới tôi và đổi đời tôi, không chỉ là thay đổi tâm hồn và trí khôn mà thôi, mà còn biến đổi cuộc đời. Sống không còn tội lỗi, sống xa lánh tội lỗi. Đó là cuộc tái tạo, đó là cuộc sáng tạo mới mà Chúa thực hiện nơi tất cả chúng ta.

Chúa sẽ thay đổi cõi lòng và nếp nghĩ của chúng ta

Khi chúng ta nói, chúng ta thuộc về Chúa, thì các thần tượng khác chẳng còn nghĩa lý gì chẳng còn tồn tại. Biến đổi trí khôn, biến đổi tâm hồn, biến đổi cuộc sống, và biến đổi quyền sở hữu. Chúng ta hãy tiến về phía trước trong giao ước mới với niềm thành tín.

Hãy trung thành với giao ước mới, trung thành với Thiên Chúa để Ngài biến đổi tâm hồn chúng ta. Vị ngôn sứ nói: “Chúa sẽ lấy đi trái tim bằng đá, và thay vào đó bằng trái tim bằng thịt”. Hãy biến đổi tâm hồn và thay đổi cuộc sống! Đừng phạm tội nữa! Không thuộc về thế gian này nhưng chỉ thuộc về Chúa thôi.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Đại kết Phần Lan

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn Đại kết Phần Lan

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu Công Giáo và Tin Lành Luther tăng cường đời sống đức tin và làm chứng tá chung, đặc biệt trong năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19-1-2017 dành cho phái đoàn đại kết Phần lan, gồm các vị lãnh đạo Tin Lành Luther, Chính Thống và Công Giáo, về Roma hành hương nhân dịp lễ kính thánh Enrico bổn mạng Phần Lan, và nhân dịp Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô. Đây là lần thứ 35 cuộc hành hương thường niên này được thực hiện.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC nhắc đến buổi lễ tưởng niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther ngày 31-10-2016 tại thành phố Lund, Thụy Điển, mà ngài đích thân tham dự. ”Tại thành phố ấy, chúng ta đã nhắc nhớ ý hướng của Martin Luther cách đây 500 năm là canh tân Giáo Hội chứ không phải để phân rẽ Giáo Hội. Cuộc tập họp này tại đây mang lại cho chúng ta can đảm và sức mạnh, trong Chúa Giêsu Kitô, để nhìn về hành trình đại kết đằng trước, hành trình mà chúng ta được kêu gọi cùng nhau tiến bước”.

ĐTC nói thêm nói rằng: ”Năm kỷ niệm này, đối với các tín hữu Công Giáo và Luther là một cơ hội rất tốt để sống đức tin một cách chân thực hơn, để cùng nhau tái khám Tin Mừng và tìm cách làm chứng cho Chúa Kitô hăng hái nồng nhiệt hơn. Vào cuối ngày kỷ niệm ở thành phố Lund, và hướng về tương lai, chúng ta đã lấy hứng từ chứng tá chung của chúng ta về đức tin trước mặt thế giới, khi chúng ta quyết tâm cùng nhau giúp đỡ những người đau khổ, những người túng thiếu, bị bách hại và phải chịu nạn bạo lực. Khi làm như thế, các tín hữu Kitô chúng ta không còn chia rẽ nữa, nhưng đúng hơn, được hiệp nhất với nhau trong hành trình tiến về sự hiệp thông trọn vẹn”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Phong trào đại kết chân thực dựa trên sự cùng hoán cải, trở về với Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Nếu chúng ta đến gần Chúa, chúng ta cũng đến gần nhau. Trong những ngày này, chúng ta cùng nhau cầu nguyện sốt sắng hơn với Chúa Thánh Linh để chúng ta có thể cảm nghiệm sự hoán cải này, làm cho sự hòa giải có thể thực hiện được”. (SD 19-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Giáo Phận Orange làm lễ tấn phong tân giám mục

Giáo Phận Orange làm lễ tấn phong tân giám mục

GARDEN GROVE, California (NV) – Lúc 2 giờ trưa Thứ Ba, 17 Tháng Giêng, Giáo Phận Orange tổ chức lễ tấn phong cho tân Giám Mục Timothy Freyer, đảm nhận chức vụ giám mục phụ tá giáo phận, tại nhà thờ Saint Columban, Garden Grove.

Con đường nhỏ Standford, thường ngày vắng lặng mà hôm nay xôn xao chật cứng một đoàn xe hơi, kiên nhẫn lăn bánh từng phân, từng phân tới trước.

Một nhóm cảnh sát Garden Grove, cùng với các đồng nghiệp ở Sở Cảnh Sát Anaheim, và các giới chức cũng tuần tự tiến vào khuôn viên nhà thờ.

Mới hơn 12 giờ mà bên ngoài nhà thờ đã đông vui như ngày hội. Một nhóm giáo dân khoảng gần 40 người, gồm mọi sắc dân Việt, Mỹ, Mễ múa hát, tươi cười theo tiếng đàn guitar tại sân cỏ phía trước cửa chính nhà thờ. Trong sân bên hông, các vị linh mục trong những chiếc áo khoác màu trắng đứng chuyện trò thăm hỏi nhau trong niềm vui chung.

Bà Tracy Đồng, cư dân Santa Ana, nói: “Bây giờ tôi vào đây, đại diện nhà thờ Saint Barbara, cầm biểu ngữ chào mừng ngài giám mục chứ lúc nãy tôi cũng ở phía trước, vừa nhảy múa, vừa cầu nguyện Thiên Chúa đã đến đây cùng chúng ta trong thân thể vị tân giám mục.”

“Tôi là người đi sâu, đi sát với mọi sinh hoạt của giáo hội. Hôm nay, Thiên Chúa đã chọn nhà thờ Columban này làm đất lành để ngài Timothy (Freyer) được nhận chức giám mục,” bà nói với ánh mắt đầy niềm tin.

Ông Phao Lô Nguyễn, giáo dân nhà thờ Saint Barbara, nói: “Tôi đến đây để củng cố đức tin. Dạo sau này, niềm tin Chúa Kitô của tôi có vẻ như bị chao đảo nên tôi muốn đến đây đón chào vị tân giám mục của Orange County này để tự xét lại chính mình. Tôi rất vui khi thấy, đứng đây trong không khí tưng bừng này, tôi tìm lại đức tin và vui cho Đức Cha Timothy (Freyer).”

Bên trong, ngôi giáo đường với sức chứa 1,500 người, chật cứng. Có rất đông người, vì thiếu ghế, phải đứng sát tường. Nhiều người không có giấy mời phải đứng bên ngoài nhìn vào.

Buổi lễ tấn phong giám mục diễn ra trong không khí vừa trang nghiêm với những câu kinh cầu nguyện cùng những nghi lễ tôn giáo, vừa sôi nổi với những trận reo hò, vỗ tay phấn khích của giáo dân.

Bên ngoài, có những bà cụ ngồi lần tràng hạt một cách nghiêm chỉnh. Bà Maria Luis, cư dân Garden Grove, nói: “Vinh dự này, tôi không bao giờ quên. Tôi không có giấy mời nên phải ngồi đây. Nhưng Thiên Chúa cũng ở ngoài này.”

Ông Mi Ca Trần, cư dân Westminster, nói: “Tôi tin nhà thờ Saint Columban đã trở thành đất thánh kể từ hôm nay.”

Tân giám mục phụ tá sẽ hỗ trợ Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, quản trị một giáo phận có hơn 1.3 triệu giáo dân, với nhiều sắc dân khác nhau, và được xem là một trong những nơi có sự đa dạng sắc tộc nhất và đông giáo dân nhất Hoa Kỳ.

“Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được bổ nhiệm vào chức này,” vị tân giám mục phụ tá được trích lời nói. “Tôi biết ơn Ðức Giáo Hoàng và Giám Mục Kevin Vann đã luôn tin tưởng và ủng hộ tôi trong suốt thời gian qua. Ngoài ra, tôi cũng rất biết ơn Giám Mục Tod Brown và Giám Mục Mai Thanh Lương, vì tình bạn và tình cảm của họ dành cho tôi.”

Giám Mục Tod Brown và Giám Mục Mai Thanh Lương hiện nghỉ hưu trong giáo phận.

Với vai trò mới này, Giám Mục Freyer sẽ hỗ trợ Giám Mục Kevin Vann trong việc tiếp tục phát triển các kế hoạch mục vụ mới của giáo phận. Ðồng thời, vị tân giám mục phụ tá sẽ tiếp tục công việc truyền giáo và tổ chức các hoạt động để đem mọi người đến gần với Chúa Kitô hơn, theo thông báo của Giáo Phận Orange.

“Khi tôi chuyển về Giáo Phận Orange, Linh Mục Freyer trở thành người bạn tốt của tôi và là một cộng tác viên tuyệt vời, và là ơn phước của Bề Trên dành cho tôi và mọi dân Chúa trong giáo phận,” Giám Mục Kevin Vann được trích lời nhận xét về vị tân giám mục phụ tá. “Lòng nhiệt thành và tình yêu của linh mục đối với sự nghiệp phục vụ giáo dân chắc chắn cũng giống như tôi khi tôi bắt đầu con đường phục vụ.”

Vị chủ chăn của Giáo Phận Orange cho biết thêm: “Tân Giám Mục Freyer sẽ kế thừa công việc của cựu giám mục phụ tá, và sẽ là người bạn tuyệt vời của tất cả mọi người, đồng thời giúp tôi và các nhân viên kết nối tất cả mọi người trong giáo phận trong tình thương của Chúa. Kinh nghiệm của ngài trong nhiều năm qua tại các giáo xứ, đặc biệt là ở cộng đồng gốc Hispanic sẽ là món quà lớn cho giáo phận.”

Tân Giám Mục Phụ Tá Timothy Freyer sinh ra ở Los Angeles và lớn lên ở Hungtinton Beach, nơi cách nhà thờ chánh tòa Christ Cathedral ở Garden Grove không xa.

Sau khi tốt nghiệp trung học tại trung học Hungtinton Beach, ông vào đại học của nhà dòng St. John’s ở Camarillo, California, và lấy bằng cử nhân thần học.

Tân Giám Mục Phụ Tá  Freyer thụ phong linh mục ngày 10 Tháng Sáu, 1989 và bắt đầu công việc mục vụ tại nhà thờ St. Hedwig ở Los Alamitos của Giáo Phận Orange County trong năm năm, trước khi được bổ nhiệm về nhà thờ Our Lady of Fatima ở San Clemente. Năm năm sau, ông được chuyển về nhà thờ St. Catherine of Siena ở Laguna Beach, và ở đây hai năm.
Năm 2001, Giám Mục Freyer được bổ nhiệm làm linh mục chánh xứ nhà thờ St. Mary’s ở Fullerton, và năm 2003 về làm chánh xứ nhà thờ St. Boniface ở Anaheim.
Năm 2012, Linh Mục Freyer được bổ nhiệm làm tổng đại diện giáo phận, phụ trách huấn luyện các linh mục.

Tân Giám Mục Phụ Tá Timothy Freyer là một trong những sáng lập viên của trung tâm Anaheim Family Justice Center, nơi giúp đỡ những nạn nhân bạo lực gia đình. Ông cũng phục vụ hai nhiệm kỳ trong hội đồng quản trị trung tâm y tế St. Jude ở Fullerton. Ngoài ra, ông cũng là linh mục tuyên úy cho Sở Cảnh Sát Anaheim.

Giám Mục Phụ Tá Freyer là người con duy nhất của ông bà Jerry và Patricia Freyer. Cha ông mất năm 1977. Hiện mẹ ông đang sinh sống tại Hungtinton Beach.

Đăng Giao/Người Việt

Sự sọ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa

Sự sọ hãi cái chết khiến cho con người cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa

** Sự sợ hãi kinh hoàng trước cái chết vén mở cho thấy nhu cầu hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống, khiến cho con người cầu nguyện, xin cứu giúp, và nhận biết Chúa đích thật và duy nhất của trời và đất. Dưới ánh sáng lòng thương xót của Thiên Chúa và của mầu nhiệm phục sinh cái chết có thể trở thành “chị chết” và dịp nhận biết niềm hy vọng gặp gỡ Chúa.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ngài đã giới thiệu gương mặt của ông Giôna là vị ngôn sứ đã tìm cách tránh né lời mời gọi của Thiên Chúa và khước từ phục vụ chương trình cứu độ của Thiên Chúa như kể trong sách Giôna, là cuốn sách ngắn chỉ có 4 chương, nhưng giầu giáo huấn liên quan tới lòng thương xót của Thiên Chúa là Đấng tha thứ.

Giôna là một ngôn sứ “đi ra”, và cũng là một ngôn sứ chạy trốn! Đó là một ngôn sứ đi ra, mà Thiên Chúa gửi ra vùng ngoại biên, là Ninivê để hoán cải dân chúng thành phố lớn này. Nhưng đối với một tín hữu do thái như Giôna Ninivê diễn tả một thực tại đe dọa, là kẻ thù gây nguy hiểm cho Giêrusalem, và vì thế phải hủy diệt, chứ không được cứu thoát. Vì thế, khi Thiên Chúa gửi Giôna đi rao giảng trong thành phố ấy, thì ngôn sứ vốn biết lòng lành của Chúa và ước mong tha thứ, tìm cách trốn tránh nhiệm vụ của mình và chạy trốn. ĐTC tiếp tục bài huấn dụ như sau:

** Trong cuộc trốn chạy của ông ngôn sứ tiếp cận với các người ngoại giáo, là các thuỷ thủ của con tầu ông đã lên để tránh xa Thiên Chúa và sứ mệnh của mình. Và ông trốn xa, bởi vì Ninivê đã ở trong vùng Iraq, và ông trốn sang Tây Ban Nha, trốn thật. Và chính thái độ của các người ngoại giáo này, cũng như rồi sẽ là thái độ của dân thành Ninivê sau đó, cho phép chúng ta hôm nay suy  tư một chút về niềm hy vọng được diễn tả ra bằng lời cầu nguyện truớc hiểm nguy và cái chết.

Thật thế, trong khi vượt biển đã xảy ra một trận bão khủng khiếp, và Giôna xuống hầm tầu để ngủ. Trái lại, các thủy thủ, các người ngoại giáo này, khi thấy mình sắp chết “mỗi người khẩn cầu thần linh của họ” (Gn 1,5).

Thuyền trưởng đánh thức Giona dậy và nói: “Sao làm gì mà ngủ thế này? Dậy, kêu cầu thần của ông đi chứ! May ra ngài sẽ nghĩ tới chúng ta và chúng ta khỏi mất mạng” (Gn 1,6).

Phản ứng của các người ngoại giáo này là phản ứng đúng đắn truớc hiểm nguy, bởi vì chính đó là lúc con người sống trọn vẹn kinh nghiệm sự giòn mỏng và nhu cầu cứu rỗi của mình. Bản năng kinh sợ phải chết vén mở cho thấy sự cần thiết hy vọng nơi Thiên Chúa của sự sống. “May ra Thiên Chúa nghĩ tới chúng ta và chúng ta sẽ không chết”: đó là các lời nói của niềm hy vọng  trở thành lời cầu nguyện, lời cầu nguyện tràn đầy âu lo, thốt lên từ miệng lưỡi con ngưòi trước nguy hiểm của cái chết gần kề.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: quá thường khi chúng ta dễ  xem thường việc hướng tới Thiên Chúa trong nhu cầu, làm như thể nó chỉ là một lời cầu nguyện nhắm tới lợi lộc, và vì thế bất toàn. Nhưng Thiên Chúa biết sự yếu đuối của chúng ta, Ngài biết rằng chúng ta nhớ đến Ngài là để xin cứu giúp, và với nụ cucời khoan dung của môt ngưòi cha Ngài đáp trả một cách nhân hậu.

** Khi Giôna thừa nhận trách nhiệm của mình và để mình bị ném xuống biển, hầu cứu thoát các bạn đồng hành của ông, bão tố dịu xuống. ĐTC giải thích như sau:

Cái chết cận kề đã khiến cho các người ngoại giáo cầu nguyện, và làm cho ngôn sứ sống ơn gọi phục vụ tha nhân của ông, mặc dù tất cả, bằng cách hy sinh chính mình cho họ, và dẫn đưa những người sống sót tới chỗ nhận biết Chúa và chúc tụng Ngài. Các thuỷ thủ đã cầu nguyện vì sợ hãi hướng tới các thần linh của họ, giờ đây với lòng chân thành kính sợ Chúa, họ nhận biết Thiên Chúa thật, dâng lễ tế và lời khấn nguyền.  Niềm hy vọng đã khiến cho họ cầu xin để khỏi chết, lại vén mở cho thấy nó quyền năng hơn nữa, và làm ra một thực tại đi xa hơn những gì họ hy vọng: họ không chỉ không thiệt mạng trong trận bão, mà còn rộng mở cho việc nhận biết Chúa thật và duy nhất của trời đất.

Tiếp đó cả dân chúng thành Ninivê trước viễn tượng bị huỷ diệt, họ cũng sẽ cầu nguyện, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng nói sự tha thứ của Thiên Chúa. Họ sẽ đền tội, khẩn nài Chúa và trở về với Ngài, bắt đầu từ nhà vua, cũng như vị thuyền trưởng, trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng khi nói rằng: “Biết dâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại… và chúng ta sẽ không phải chết” (Gn 3,9). Đối với họ cũng như đối với thủy thủ đoàn trong trận bão, đối diện với cái chết và được cứu thoát đã đưa họ tới sự thật. Và như thế dưới lòng thương xót của Chúa và còn hơn thế nữa dưới ánh sáng  của mầu nhiệm phuc sinh, cái chết có thể trở thành “chị chết của chúng ta” cũng như đối với thánh Phanxicô thành Assisi, và diễn tả đối với từng người và mỗi người trong chúng ta, dịp kinh ngạc hiểu biết niềm hy vọng và gặp gỡ Chúa.

Xin Chúa làm cho chúng ta hiểu mối dây nối kết giữa lời cầu nguyện và niềm hy vọng. Lời cầu nguyện đưa bạn tiến tới trong hy vọng, và khi các sự việc trở thành tăm tối, cần phải cầu nguyện nhiều hơn! Và sẽ có nhiều hy vọng hơn.

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt là một đoàn hành hương đến từ Tân Caledonia. Ngài cũng chào các đoàn hành hương Niu Dilen, Philippines, Canada và Hoa Kỳ, cũng như các tín hữu nói tiếng Đức, đặc biệt là phái đoàn của Lộ trình đại kết âu châu, do bà chủ tịch Annette Kurschus hướng dẫn. Ngài nói cuộc dừng chân của họ tại Roma là một dấu chỉ đại kết rất ý nghĩa, đặc biệt trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu. Nó diễn tả sự hiệp thông đã đạt được qua con đường đối thoại trong các thập niên qua. Phúc Âm của Chúa Kitô là trung tâm điểm cuộc sống chúng ta và hiệp nhất những người nói các thứ tiếng khác nhau, sống trong các quốc gia khác nhau và trong các cộng đoàn khác nhau. Tôi cảm động nhớ tới lời cầu đại kết tại Lund bên Thụy Điển ngày 31 tháng 10 năm ngoái. Trong tinh thần kỷ niệm cuộc Cải Cách chúng ta nhìn vào những gì kết hiệp chúng ta hơn là nhìn vào những gì chia rẽ chúng ta, và chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường đào sâu sự hiệp thông và trao ban cho nó một hình thái ngày càng hữu hình hơn.

Tại Âu châu niềm tin chung này nơi Chúa Kitô như là một sợi chỉ xanh của niềm hy vọng chúng ta thuộc về nhau. Hiệp thông, hoà giải và hiệp nhất là các điều có thể. Như là kitô hữu chúng ta có trách nhiệm đối với sứ điệp này và chúng ta phải làm chứng cho nó bằng cuộc sống của mình. Xin Thiên Chúa chúc lành cho ý chí hiệp nhất và giữ gìn tất cả mọi người bước đi trên con đường hiệp nhất.

ĐTC cũng chào các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt nhóm “Brasilien Tropical Violins”.

Chào các tín hữu Ba Lan ĐTC nhắc tới tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu và nói: Tình yêu của Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta hoà giải. Chúng ta hãy cầu xin Chúa để mọi cộng đoàn kitô hiểu biết hơn lịch sử thần học và giáo luật của mình, và luôn rộng mở hơn cho sự hoà giải. Xin Thần Khí thấm nhuần chúng ta với lòng nhân hậu, sự hiểu biết và ý chí cộng tác.

ĐTC cũng chào các tín hữu Croát, đặc biệt là các trẻ em Bosni Erzegovine cùng các gia đình tiếp đón các em trên đảo Sicilia. Ngài cầu chúc các em sống tình huynh đệ trong các gia đình tiếp đón các em, và có cơ may sống bầu khí hy vọng. Chỉ như thế các người trẻ công giáo, chính thống và hồi giáo mới có thể cứu vãn niềm hy vọng sống trong một thế giới huynh đệ, công bằng và hoà bình, chân thành hơn và phù hợp hơn với chiều kích của con người. Ngài xin các em sống vững vàng trong đức tin, cầu nguyện cho hoà bình và hiệp nhất của quê hương các em và toàn thế giới. ĐTC cũng cám ơn các gia đình tỏ tình liên đới kitô tiếp đón các em nêu gương yêu thương cho mọi người. Cần phải luôn luôn tiếp đón, che chở, bảo vệ và lắng nghe các trẻ em mồ côi với tình thương mến.

Trong số các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu dòng thánh Agostino nữ tử của Chúa Giêsu và Mẹ Maria; và các nam tu sĩ Agostino, cũng như Hiệp hội các chưởng khế công giáo do ĐC Domenico Sorrentino, TGM Assisi tháp tùng. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc lại đề tài tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các kitô hữu năm nay về đề tài “Tình yêu của Chúa Kitô thúc đẩy hoà giải”. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho sự hiệp nhất, các người đau yếu dâng các hy sinh khổ đau cho ý chỉ này, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm tình yêu hôn nhân như tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời.

Linh Tiến Khải

Đừng dậm chân tại chỗ mà hãy can đảm tiến bước

Đừng dậm chân tại chỗ mà hãy can đảm tiến bước

Hãy là những Kitô hữu can đảm, với cái neo chắc chắn là niềm hy vọng, để có thể vững vàng trước những khoảnh khắc đen tối. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Đừng lười biếng mà cam đảm lên

Sống một cách can đảm, đó là lối sống của người Kitô hữu. Can đảm tiến về phía trước. Đó là thái độ cần có trong cuộc sống, giống như người vận động viên chăm chỉ luyện tập để dành chiến thắng. Hãy đối diện với sự lười biếng bằng lòng dũng cảm.

Có những Kitô hữu lười biếng, có những Kitô hữu không muốn nhấc chân lên để bước, có những Kitô hữu không muốn tranh đấu để tạo nên những thay đổi, những gì mới mẻ, những gì tốt đẹp cho mọi người. Những Kitô hữu ấy lười biếng và tìm thấy Giáo Hội như là trạm dừng, như là bãi đậu xe. Và tôi có thể nói rằng, các Kitô hữu ấy là những giáo dân, là những linh mục, là những giám mục… Tất cả. Có những Kitô hữu như thế! Đối với họ, Giáo Hội là bến đậu an toàn, là bến đậu cho cuộc sống. Những Kitô ấy làm tôi nghĩ tới điều mà đứa bé nói với ông bà rằng: “Ông bà hãy cẩn thận, đừng có ngăn cản nước, vì nếu nước không chảy, thì trước tiên nước sẽ bị bẩn”.

Bám chắc vào neo hy vọng để vững vàng trong giông tố

Điều gì giúp cho người Kitô hữu có thể sống can đảm? Đó là niềm hy vọng. Những Kitô hữu lười biếng, vì họ không có niềm hy vọng, vì họ đang “nghỉ hưu”. Thật là tốt đẹp để nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc. Nhưng hãy cẩn thận, chẳng tốt đẹp gì nếu cả cuộc đời đều là nghỉ hưu.

Thông điệp của ngày hôm nay là niềm hy vọng, hy vọng là không thất vọng, hy vọng là còn có điều gì khác nữa. Niềm hy vọng là cái neo vững chắc cho cuộc sống. Niềm hy vọng chính là cái neo: chúng ta ném cái neo xuống, nó bám chắc, và chúng ta nắm vững sợi dây. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Đừng nghĩ rằng: đây là bầu trời, thật là đẹp, và tôi vẫn còn… Không. Hy vọng có nghĩa là chiến đấu, là bám chắc sợi dây, là đạt tới. Trong cuộc tranh đấu hằng ngày thì hy vọng chính là đức tính để mở rộng các chân trời chứ không đóng lại! Có lẽ, nếu bạn hiểu thì hy vọng chính là đức tính mạnh mẽ nhất. Hy vọng: sống trong hy vọng, sống bằng hy vọng, luôn nhìn tới phía trước với lòng can đảm. Một số người trong anh chị em có thể nói: “Vâng, thưa cha, nhưng có những lúc tệ hại, khi ấy dường như mọi sự đều tối đen, con nên làm gì?” Khi ấy, hãy nắm chắc sợi dây và chịu đựng với đầy nghị lực.

Xin ơn vượt thắng tính ích kỷ

Chúng ta phải can đảm nhìn lại và rồi bước tiếp. Những Kitô hữu tốt lành cũng vẫn thường mắc sai lỗi. Tất cả chúng ta đều có những sai lỗi. Những người đứng yên một chỗ, có vẻ như chẳng làm gì sai. Khi bạn không thể bước đi vì mọi sự đều tăm tối, vì mọi thứ đều đóng lại, thì bạn phải có khả năng chịu đựng, bạn phải kiên trì. Chúng ta có thể bền lòng bền chí vì chúng ta có niềm hy vọng, vì chúng ta không thất vọng, vì Thiên Chúa không thất vọng.

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi đang thế nào? Đời sống đức tin của tôi thế nào? Đời sống của tôi là những chân trời rộng mở, tràn đầy hy vọng, can đảm tiến bước, hay lại là cuộc sống hâm hẩm thậm chí là một cuộc sống không có khả năng chịu đựng những thời khắc đen tối? Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta có thể vượt thắng tính ích kỷ vốn chỉ biết lo cho mình mà không thèm nhìn anh chị em.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha kêu gọi đừng nói hành nói xấu

Đức Thánh Cha kêu gọi đừng nói hành nói xấu

ROMA. ĐTC kêu gọi các tín hữu làm chứng về Chúa Giêsu bằng gương sáng trong cuộc sống, và đừng nói hành nói xấu người khác nếu muốn một giáo xứ hoàn hảo.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây qua bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ chiều chúa nhật 15-1-2017 tại giáo xứ Santa Maria, ở khu Setteville di Guidonia, thuộc giáo phận Roma.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Giám quản Vallini, Đức GM Phụ tá khu vực, các LM thuộc giáo xứ liên hệ và các xứ lân cận.

ĐTC khẳng định rằng: ”Là Kitô hữu trước tiên là làm chứng về Chúa Giêsu. Một giáo xứ không có khả năng làm chứng nếu trong giáo xứ có những vụ nói hành nói xấu nhau”. Ngài hỏi mọi người: ”Anh chị em có muốn một giáo xứ hoàn hảo hay không? Nếu muốn thì đừng nói hành nói xấu người khác. Nếu Anh chị em có điều gì chống đối ai, thì hãy nói trực diện với họ hoặc với cha sở, chứ đừng nói với những người khác. Đó là một dấu chỉ Chúa Thánh Linh hiện diện trong giáo xứ. Các tội lỗi khác chúng ta đều có, nhưng tội phá hoại cộng đoàn chính là tội nói hành nói xấu nhau”.

Khi đến giáo xứ lúc 3 giờ rưỡi chiều, ĐTC đã thăm cha phó liệt giường vì bệnh xơ cứng từ 2 năm nay và không cử động được nữa. Rồi ngài gặp các thiếu niên đã chịu phép thêm sức, và nhắn nhủ các em nêu gương bằng cuộc sống chứng tá, chứ đừng chỉ nói xuông về Chúa. Hãy lắng nghe, gặp gỡ, xin lỗi và tha thứ cho nhau, thực hiện những công việc từ bi bác ái, như viếng thăm các bệnh nhân, tù nhân và người nghèo.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC cũng gặp gỡ các cộng tác viên mục vụ của giáo xứ và trả lời một số thắc mắc của họ. Ngài không quên các bệnh nhân và chào thăm họ, rồi gặp cha mẹ của 45 em bé đã được rửa tội trong giáo xứ trong 12 tháng qua. Trong dịp này ĐTC nhắc nhở họ hãy tha thứ cho nhau sau khi xảy ra những cuộc cãi lẫy hoặc xung đột trong gia đình.

Trước khi bắt đầu thánh lễ lúc 5 giờ 40 phút chiều, ĐTC đã giải tội cho 4 tín hữu. Và sau thánh lễ ngài còn chào thăm đông đảo các tín hữu tham dự từ bên ngoài vì nhà thờ không đủ chỗ (RG 15-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha rửa tội cho 13 hài nhi từ các vùng bị động đất

Đức Thánh Cha rửa tội cho 13 hài nhi từ các vùng bị động đất

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 14-1-2017, tại nhà nguyện nhà trọ thánh Marta nơi ngài cư ngụ, ĐTC đã ban phép rửa tội cho 13 hài nhi sinh sau các trện động đất ở miền trung Italia hồi tháng 8 và tháng 10 năm ngoái.

Qua việc cử hành này, ĐTC giữ lời đã hứa. Đức Cha Dominico Pompilli, GM giáo phận Rieti, giải thích rằng ngày 4-10 năm 2016, khi viếng thăm làng Amatrice, nơi bị động đất nặng nhất, một bà mẹ giới thiệu hài nhi con của bà với ĐTC và hỏi xem ngài có thể rửa tội cho cháu không. Ngài đã nhận lời và quyết định nới rộng cho cả các hài nhi sinh tại các vùng bị động đất.

Cuối thánh lễ, một số trẻ em và cha mẹ đã tặng cho ĐTC một tập với những bức họa gợi lại cuộc viếng thăm của ngài ở hai nơi bị động đất nặng là Amatrice và Accumoli. (RG 15-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP