Cha Patricio Hileman và việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm

Cha Patricio Hileman và việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm

Cha Patricio Hileman, phụ trách việc thành lập các nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm tại châu Mỹ Latinh, đã chia sẻ chứng từ cảm động về niềm tin vào Chúa Giêsu Thánh Thể của cậu bé Diego, 8 tuổi, người Mêhicô.

Câu chuyện xảy ra tại Mérida, thành phố thủ phủ của bang Yucatán, nước Mêhicô, trong nhà nguyện đầu tiên mà các thừa sai dòng Đức Bà Thánh Thể đã xây dựng trong thành phố, để dành cho việc chầu Thánh Thể liên tục suốt ngày đêm. Trong một buổi nói chuyện của mình, cha Hileman đã nói: “Chúa Giêsu đã mời gọi các bạn hữu của mình tham dự vào giờ Thánh. Chúa Giêsu nói với họ: ‘Các con không thể thức với Thầy một giờ sao?’ Người đã nói với họ 3 lần và trời sáng.” Cậu bé Diego đã nghe cha nói rằng: “Chúa Giêsu sẽ chúc lành thêm cả trăm lần cho những ai sẵn sàng canh thức lúc rạng đông.” Nghe được những lời của vị Linh mục như thế, cậu bé Diego đã quyết định thực hiện việc canh thức chầu Thánh Thể lúc 3 giờ sáng. Việc dậy sớm của Diego đã làm cho mẹ cậu thức dậy và cậu đã giải thích cho mẹ biết mục đích cụ thể của mình: “Con muốn rằng cha của con sẽ không uống rượu và sẽ không đánh đâp mẹ nữa và rồi chúng ta không còn đói nghèo nữa.”

Trong tuần lễ đầu tiên, chính mẹ của bé Diego là người đã cùng đồng hành với em đi đến nhà nguyện để chầu Thánh Thể vào lúc rạng đông. Sang tuần lễ thứ hai, Diego đã rủ cả cha của mình cùng đi chầu Thánh Thể. Một tháng sau khi bắt đầu chầu Thánh Thể, cha của Diego đã làm chứng về những kinh nghiệm về tình yêu của Chúa Giêsu và về việc ông đã được chữa lành và tiếp sau đó, chính trong những giờ chầu Thánh này ông đã yêu thương lại vợ của mình. Ông đã không còn nhậu nhẹt rượu chè, không còn cãi mắng với vợ nữa và gia đình ông cũng không còn nghèo khổ. Chính nhờ đức tin của một đứa bé chỉ vừa 8 tuổi mà cả gia đình đã được chữa lành khỏi những tình cảnh khốn khổ trước đó.

Câu chuyện nhỏ trên chỉ là một trong những chứng tá hoán cải khác nhau mà cha Hileman đã chứng kiến trong các nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm. Cha chia sẻ: “Điều răn thứ nhất của việc chầu Thánh Thể liên tục là để cho mình được Chúa Giêsu ôm choàng lấy. Đây là nơi chúng tôi học nghỉ ngơi trong tái tim Chúa Giêsu. Chỉ có mình Người mới có thể ban cho chúng ra sự ôm ấp linh hồn này.”

Cha Hileman nhớ lại, sáng kiến này được bắt đầu từ năm 1993 ở Siviglia, Tây ban nha, sau khi Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ long ao ước rằng “mỗi giáo xứ trên thế giới có thể có nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ngày đêm, nơi Chúa Giêsu được tỏ hiện ra trong Thánh Thể, trong một nhà Tạm, được thờ kính trang trọng ngày đêm không ngừng.” Cha Hileman còn cho biết chính Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chầu Thánh Thể 6 giờ mỗi ngày. Ngài viết các tài liệu trước Thánh Thể và mỗi tuần một lần ngài chầu Thánh Thể suốt cả đêm. Theo cha Hileman, đây chính là điều bí mật của các thánh, là điều bí mật của Giáo hội: được tập trung và liên kết với Chúa Kitô.

Từ hơn 13 năm nay cha Hileman được trao sứ vụ truyền giáo ở châu Mỹ Latinh, nơi đã có 950 nhà nguyện chầu Thánh Thể ngày đêm. Mêhicô là nước dẫn đầu với hơn 650 nhà nguyện. Cha Hileman nhấn mạnh: “Chúa Giêsu mà chúng ta đang thờ lạy và yêu mến chính là Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để có thể luôn luôn yêu mến bí tích Thánh Thể nhiều hơn nữa.”

Maria Eugenia Verderau, một người từ 7 năm nay đã chầu Thánh Thể vào một giờ cố định của tuần lễ tại một nhà nguyện chầu Thánh Thể liên tục ở Chilê cũng chia sẻ: “Thánh Thể giúp lớn lên trong đức tin rất nhiều, Thánh Thể giúp tôi hiểu vị trí của tôi đối với Thiên Chúa, giống như con gái của một người cha, người chỉ muốn điều tốt cho tôi, niềm hạnh phúc thật sự của tôi. Chúng tôi sống những ngày sống khó khăn, từ sáng sớm đến chiều hôm. Dành một tí thời gian để chầu Thánh Thể là một quà tặng, ban cho chúng tôi sự thanh thản, là một không gian để suy nghĩ, cám ơn, để đặt mọi sự vào đúng chỗ và dâng lên cho Chúa.” (Aleteia .it 17/01/2017)

Hồng Thủy

Giáo hội Thái lan chuẩn bị kỷ niêm 350 năm miền truyền giáo Xiêm

Giáo hội Thái lan chuẩn bị kỷ niêm 350 năm miền truyền giáo Xiêm

Bangkok – Ngày 04/09/2019, Giáo hội Thái Lan sẽ kỷ niêm 350 năm việc thành lập Tông tòa Xiêm hiệp nhất (1669-2019), cơ cấu Công giáo đầu tiên tại nước này.

Hội đồng Giám mục Thái lan vui mừng đón nhận cơ hội này để loan báo 3 năm (2017-2919), thời gian để tái khám phá cách sâu sắc niềm tin Công giáo bằng cách sử dụng phương pháp cùa các Cộng đoàn giáo hội căn bản, theo những chỉ thị của Đại hội năm 2015. Bằng cách này, việc loan báo Tin mừng trong tất cả môi trường sẽ sinh hoa trái và đức tin sẽ được đưa đến việc trở thành môn đệ của Chúa Kitô., với một đời sống phù hợp với đức tin khởi đi từ các chứng tá được thực hành trong các cộng đoàn nhỏ và đi đến việc loan báo Tin mừng và kinh nghiệm của một nền văn minh tình thương cho người Thái của mọi tôn giáo. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm này, ngày 08/01, Hội đồng Giám mục Tháo lam đã gửi một thư mục vụ với chủ đề “Cử hành kỷ niệm thành lập ‘miền truyền giáo Xiêm’(1669-2019)".

Lịch sử cho biết, vào năm 1567, hai tu sĩ Đaminh Bồ đào nha là Jeronimo da Cruz và Sebastao do Canto đã đến vương quốc Xiêm. Năm này, 2017, kỷ niệm 450 năm các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến Thái lan. Và đó là nguồn gốc của việc loan báo Tin mừng tiếp sau đó.

Các tu sĩ Phanxicô và dòng Tên đã tiếp bước các tu sĩ Đaminh, cũng với mục đích chung là rao giảng Tin mừng ở vương quốc Xiêm thống nhất trong thời kỳ Ayutthaya (1351-1767).

Tiếp sau đó, vào thời công đồng Trento, Đức giáo hoàng Pio V đã lập một một ủy ban để thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng, và kết quả là việc thành lập Bộ Truyền giáo bởi Đức Giáo Hoàng Gregoriô XV vào ngày 06/01/1622.

Để giúp cho việc truyền giảng Tin mừng, Hội Thừa sai Paris (MEP) đã ra đời. Các thành viên của MEP được gửi đến các vùng châu Á. Đức cha Lambert de la Motte là vị Giám mục đầu tiên đặt chân đến vương quốc Xiêm (22/08/1662). Hai năm sau, Đức cha Francios Pallu, đang làm giám quản Tông tòa ở Tonkino, cùng với một số thừa sai đã đến Thái lan và tổ chức công đồng ở Ayutthaya. Đức cha de la Motte chủ trì công đồng với sự tham dự của Đức cha Francios Pallu, 5 Linh mục và một giáo dân. Công đồng đã kết thúc với 3 điều chính yếu: thứ nhất, thành lập chủng viện để đào tạo Linh mục giáo phận – mục đích chính của Hội truyền giáo. Năm 1665, vua Narai đã cho phép Đức cha de la Motte xây dựng chủng viện. Thứ hai là “lối sống luân lý mà các Linh mục, người rao giảng Tin mừng phải thực hành, điều chứng minh là các nguyên tắc hành xử bao gồm đời sống tu đức của tất cả thừa sai đến truyền giảng Tin mừng ở Viễn đông. Thứ 3 là việc thành lập dòng “Mến Thánh giá” vào ngày 07/09/1672, hội dòng giáo phận để giúp các thừa sai trong việc loan báo Tin Mừng và chăm sóc mục vụ cho giáo dân.

Năm 1667, Đức cha Pallu trở về Roma yết kiến Đức Giáo hoàng để xin chuẩn y một số vấn đề. Điều quan trọng nhất được Đức Giáo hoàng ban phép là việc thành lập miền truyền giáo Xiêm ngày 04/07/1669, dưới sự điều hành của Giám mục do Bộ truyền giáo bổ nhiệm. Được sự chấp thuận của Tòa Thánh, hai Đức cha Pallu và de la Motte đã chọn cha Louis Laneau, Linh mục của MEP, người đã đồng hành với Đức cha Pallu như là giám quản tông tòa của miền truyền giáo Xiêm. Đức cha Laneau trở thành Giám quản tông tòa đầu tiên của miền truyền giáo Xiêm vào ngày 25/03/1674.

Như thế, năm 2019 sẽ là kỷ niệm 350 năm thành lập chính thức của “Miền truyền giáo Xiêm” tại vương quốc Thái lan. Trong suốt những năm này, các nhà truyền giáo đã cống hiến cuộc đời của họ cho việc loan báo Tin mừng cho người Thái và cho những người sống tại vương quốc Xiêm., như Đức cha Pallu đã xác định: “Chúng tôi khởi đầu cầu nối giữa Châu Âu và châu Á. Tôi vui mừng hiến tặng thân thể và xương thịt tôi, và cả các anh em – các nhà truyền giáo thân yêu của tôi – như là những cột trụ để củng cố những chiếc cầu này, những con đường cho những nhà truyền giáo mới dũng cảm, là những người muốn theo bước các tiền nhân của họ để vượt qua cây cầu trong tương lai.”

Với lòng biết ơn, Giáo hội tiến bước về tương lai. (Asia News 30/01/2017)

Hồng Thủy

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng hôm nay. Quảng diễn đoạn thư gửi tín hữu Do thái chương 11, mời gọi nhớ đến tất cả lịch sử của dân Chúa, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các vị tử đạo. Ngài nhận định rằng ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong những thế kỷ đầu tiên; truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý. Ngài mời gọi nhớ đến sự đau khổ mà các vị tử đạo phải chịu.

“Không có ký ức thì không có hy vọng.” Chương 11 của thư gửi tín hữu Do thái mà chúng ta nghe trong phụng vụ Lời Chúa những ngày này nói về ký ức. Trên tất cả là “ký ức về sự vâng lời”, ký ức về sự vâng lời của bao nhiêu người, bắt đầu từ Abraham, người đã vâng phục, rời quê nhà mà không biết mình sẽ đi đâu. Đặc biệt, bài đọc I hôm nay nói về hai ký ức. Ký ức về những hành động vĩ đại của Thiên Chúa, được thực hiện bởi Ghít-ôn, Ba-rắc, Sam-sôn, Đavít. Đức Thánh Cha nói: “Rất nhiều người đã làm những việc vĩ đại trong lịch sử của Israel.”

Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong những thế kỷ đầu tiên; truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng có một nhóm thứ 3 được nhớ đến, đó là “Ký ức về các vị tử đạo”. Các ngài là những người đã chịu đau khổ và hy sinh mạng sống như Chúa Giêsu, họ đã chịu đánh đòn tra tấn, bị giết vì gươm giáo. Giáo hội thât sự là “dân tộc này của Thiên Chúa”, “tội lỗi nhưng vâng phục”, “thực hiện những điều lớn lao và cũng làm chứng về Chúa Giêsu Kitô cho đến tử đạo.” Ngài nói: “các vị tử đạo là những người làm cho Giáo hội tiến bước, là những người nâng đỡ Giáo hội, họ đã trợ giúp và ngày nay vẫn nâng đỡ Giáo hội. Và ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn trong các thế kỷ đầu tiên. Truyền thông không nói đến điều này vì nó không gây chú ý, nhưng rất nhièu Kitô hữu trên thế giới ngày nay được chúc phúc bởi vì bị bách hại, sỉ nhục, tù đày. Có nhiều vị trong các nhà tù, chỉ để vác Thánh giá và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô” Đây là vinh quang của Giáo hội và sự trợ lực của chúng ta và cũng là sự khiêm hạ của chúng ta: chúng ta những người có tất cả, tất cả dường như dễ dàng đối với chúng ta và nếu chúng ta thiếu điều gì thì chúng ta sẽ than van… Nhưng chúng ta nghĩ đến các anh chị em mà ngày này, nhiều hơn những thế kỷ đầu rất nhiều, đang chịu tử đạo!” Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tôi không thể quên chứng tá của Linh mục và nữ tu ở nhà thờ chánh tòa Tirana: năm này qua năm khác ở trong tù, bị lao động cưỡng khổ sai, hạ nhục,”, đối với họ nhân quyền không tồn tại.

Sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại

 Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Và cả chúng ta, thật đúng và chính đáng, chúng ta thỏa mãn khi chúng ta thấy Giáo hội có một hành động vĩ đại, có sự thành công to lớn, các Kitô hữu tỏ mình ra… Và điều này thật đẹp. Đây là sức mạnh? Đúng, nó là sức mạnh. Nhưng sức mạnh lớn nhất của Giáo hội ngày nay ở nơi các Giáo hội nhỏ bị bách hại, bé nhỏ, với ít ỏi dân chúng, bị bách hại, các Giám mục của họ bị giam tù. Đây là vinh quang của chúng ta ngày nay, đây là vinh quang của chúng ta và sức mạnh của chúng ta ngày nay.”

Máu các thánh tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu

“Một Giáo hội không có các vị tử đạo – tôi dám nói rằng – là một Giáo hội không có Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha đã khẳng định như thế và mời gọi cầu nguyện “cho các vị tử đạo của chúng ta đang đau khổ rất nhiều,” “cho các Giáo hội không được tự do để diễn tả chính mình”: “họ chính là niềm hy vọng của chúng ta.” Ngài nhắc lại lời của văn sĩ cổ xưa đã viết: “Máu của các Kitô hữu, máu các vị tử đạo, là hạt giống của các Kitô hữu.” Ngài kết thúc: “Họ cùng với các vị tử đạo của họ, chứng từ của họ, với sự đau khổ của họ, và cũng trao ban hiến dâng mạng sống, gieo vãi các Kitô hữu cho tương lai và cho các Giáo hội khác. Chúng ta dâng Thánh lễ này cho các vị tử đạo của chúng ta, cho những người giờ đây đang chịu đau khổ, cho các Giáo hội đau khổ, cho những người không có tự do. Và chúng ta cám ơn Chúa đã hiện diện với sức mạnh của Chúa Thánh Thần nơi các anh chị em của chúng ta ngày nay đang làm chứng cho Ngài. (SD 31/01/2017)

Hồng Thủy

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 29-01-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha 29-01-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng 45 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 29-1-2017, ĐTC giải thích và mời gọi mọi người sống tinh thần các Mối Phúc Thật.

Trong số các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô, có 3 ngàn thiếu nhi và thiếu niên thuộc Phong trào Công Giáo tiến hành ở Roma, họp thành đoàn ”lữ hành hòa bình” cùng với cha mẹ và các thầy cô của các em. Có hai em, một nam một nữ, đại diện các em, được lên đứng cạnh ĐTC tại cửa sổ của ở dinh Tông Tòa.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng về 8 mối Phúc Thật được đọc lên trong phụng vụ thánh lễ chúa nhật hôm qua. Ngài nói:

”Phụng vụ chúa nhật này cho chúng ta suy niệm về các Mối Phúc (Xc Mt 5,1-12a), mở ra bài giảng trên núi, là Đại Hiến Chương của Tân Ước. Chúa Giêsu biểu lộ thánh ý Thiên Chúa muốn dẫn đưa nhân loại đến hạnh phúc. Sứ điệp này đã hiện diện trong các bài giảng của các ngôn sứ: Thiên Chúa gần gũi người nghèo và người bị áp bức, và Ngài giải thoát họ khỏi những kẻ ngược đãi. Nhưng trong bài giảng này, Chúa Giêsu theo một con đường đặc biệt: Ngài bắt đầu bằng từ ”phúc”, nghĩa là hạnh phúc; và tiếp tục với những chỉ dẫn về điều kiện để được phúc như vậy; và Chúa kết luận với một lời hứa. Lý do của mối phúc, tức là hạnh phúc không hệ tại điều kiện được yêu cầu – người có tinh thần thanh bần, người sầu muộn, đói khát sự công chính, bị bách hại – nhưng hệ tại lời hứa theo sau đó, cần đón nhận trong đức tin như một hồng ân của Thiên Chúa. Khởi hành từ một hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh để cởi mở đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và đạt tới một thế giới mới, là nước được Chúa Giêsu loan báo. Đó không phải là một tiến trình tự động, nhưng là một hành trình cuộc sống theo Chúa, nhờ đó, thực tại bất hạnh và sầu muộn được nhìn trong một nhãn giới mới và được cảm nghiệm theo sự hoán cải của người thực hiện. Ta không thể là người có phúc nếu không hoán cải để có khả năng quí chuộng và sống những hồng ân của Thiên Chúa.

ĐTC nói tiếp:

”Tôi dừng lại ở đây nơi mối phúc thứ I: ”Phúc cho ai có tinh thần thanh bần, vì nước trời là của họ” (v.4). Người nghèo khó trong tinh thần là người đã đón nhận những tâm tình và thái độ của những người nghèo, họ không nổi loạn trong thân phận của họ, nhưng biết khiêm tốn, ngoan ngoãn, sẵn sàng đối với ơn của Chúa. Hạnh phúc của người có tinh thần thanh bần có hai chiều kích: trước tiên là đối với của cải, tiếp đến là đối với Thiên Chúa. Họ có thái độ điều độ đối với của cải vật chất: không nhất thiết phải từ bỏ chúng, nhưng có khả năng niếm hưởng điều thiết yếu, chia sẻ, có khả năng canh tân mỗi ngày thái độ kinh ngạc vì sự tốt lành của sự vật, không trở nên nặng nề trong sự ham hố tiêu thụ đen tối. Đối với Thiên Chúa, họ chúc tụng và biết ơn vì thế giới là một phúc lành và nơi nguồn gốc của thế giới này có tình yêu sáng tạo của Chúa Cha. Nhưng họ cũng cởi mở đối với Chúa, ngoan ngoãn đón nhận chủ quyền của Chúa, Đấng đã muốn thế giới cho tất cả mọi ngươi trong thân thận nhỏ bé và giới hạn của họ.

Người có tinh thần thanh bần là Kitô hữu không tín thác nơi bản thân, nơi những của cải giàu sang vật chất, không ngoan cố theo ý kiến riêng của mình, nhưng tôn trọng lắng nghe và vui lòng đón nhận quyết định của người khác. Nếu trong các cộng đoàn của chúng ta có nhiều người có tinh thần thanh bần, thì sẽ bớt có chia rẽ, đối nghịch và tranh luận! Sự khiêm tốn, cũng như đức bác ái, là một nhân đức thiết yếu để sống chung trong các cộng đoàn Kitô. Những người nghèo, theo nghĩa này của Tin Mừng, xuất hiện như những người giữ cho mục tiêu Nước Trời được luôn sinh động, họ cho thấy Nước Trời đã có mầm mống trong cộng đoàn huynh đệ, dành ưu tiên cho sự chia sẻ những gì mình sở hữu.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, mẫu gương và là hoa trái đầu mùa của những người có tinh thần thanh bần, vì Mẹ hoàn toàn ngoan ngoãn đối với thánh ý Chúa, giúp chúng ta phó thác cho Thiên Chúa, giàu lòng xót thương, để Người ban cho chúng ta đầy tràn các hồng ân của Người, nhất là được dồi dào ơn tha thứ.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc nhở mọi người về Ngày Thế giới các bệnh nhân cùi. Ngài nói: ”Bệnh này tuy đã giảm bớt, nhưng vẫn còn bị coi là thuộc loại bệnh đáng sợ nhất và xảy ra nơi những người nghèo nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Điều quan trọng là chiến đấu chống bệnh này, và chống cả nạn kỳ thị đối với các bệnh nhân. Tôi khuyến khích tất cả những người dấn thân cứu giúp và giúp các cựu bệnh nhân tái hội nhập vào xã hội và chúng ta cầu nguyện cho họ.”

ĐTC chào thăm tất cả các tín hữu hành hương từ Italia và các nước khác, các hiệp hội và các nhóm. Ngài tái bày tỏ sự gần gũi với dân chúng ở miền trung Italia đang còn chịu đau khổ vì hậu quả các trận động đất và những điều kiện khí hậu khó khăn. Ngài nói: 'Ước gì không thiếu sự nâng đỡ của các tổ chức và tình liên đới chung đói với các anh chị em chúng ta.'

Sau cùng ĐTC ngỏ lời với các em Công giáo tiến hành, thuộc các giáo xứ và các trường Công giáo ở Roma, dưới sự hướng dẫn của ĐHY Giám quản hợp thành đoàn lữ hành hòa bình đến đây với khẩu hiệu ”Được bao bọc bằng hòa bình”. Ngài cám ơn các em và mời mọi người nghe sứ điệp hòa bình do hai thiếu nhi, một nam và một nữ, tuyên đọc, trước khi hai em thả hai con chim bồ câu bay đi.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi tìm giải pháp cho nạn tu sĩ bỏ dòng

Đức Thánh Cha kêu gọi tìm giải pháp cho nạn tu sĩ bỏ dòng

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 28-1-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ các dòng tu, ĐTC phân tích các nguyên nhân khiến nhiều tu sĩ bỏ dòng và ngài đề nghị một số phương dược chữa trị.

Trong số các tham dự viên có hơn 20 Hồng Y, 16 GM và 8 LM là thành viên của bộ dòng tu. Khóa họp diễn ra dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng João Braz de Aviz, người Brazil.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói đến sự kiện có tu sĩ rời bỏ dòng vì thấy mình không có ơn gọi, sau một thời gian phân định nghiêm túc, nhưng cũng có những người khác rời bỏ dòng vài năm sau khi khấn trọn đời. Điều gì xảy ra?

ĐTC phân tích những nguyên nhân gây nên ”sự xuất huyết” như thế làm suy yếu đời sống thánh hiến và chính Giáo Hội: ”Những vụ bỏ dòng làm cho chúng ta rất lo âu!”. Ngài nhắc đến trước tiên là thời đại thay đổi, với nền văn hóa ”từng mảnh” và tạm thời, đưa tới nhu cầu cần có ”những cửa bên hông” mở ra những khả thể khác.

Tiếp đến là thế giới người trẻ ngày nay, tuy có những người quảng đại, liên đới và dấn thân, nhưng cũng có nhiều người khác là nạn nhân của tinh thần thế tục, tìm kiếm thành công với bất kỳ giá nào, tìm kiếm tiền bạc và lạc thú dễ dàng. Ngoài ra có sự phản chứng nơi một số tu sĩ, vì cuộc sống ”đều đều theo thói quen” (routine), mệt mỏi, cơ cấu nặng nề, chia rẽ nội bộ, tìm kiếm quyền hành, sự thi hành quyền bính độc đoán, hoặc tháo thứ.

ĐTC đặc biệt kêu gọi chăm sóc đời sống huynh đệ cộng đoàn, cần được nuôi dưỡng bằng kinh nguyện chung, nguyện gẫm Lời Chúa, tích cực tham dự thánh lễ và bí tích hòa giải, đối thoại huynh đệ và chân thành chia sẻ giữa các phần tử, sửa lỗi trong tinh thần huynh đệ, từ bi đối với anh chị em phạm lỗi, chia sẻ trách nhiệm. Tất cả những điều đó được đi kèm với chứng tá hùng hồn và vui tươi về một cuộc sống đơn sơ cạnh người nghèo, và một sứ vụ dành ưu tiên cho những ”miền ngoại ô của cuộc sống”.

ĐTC cũng nhấn mạnh đến nghĩa vụ chăm sóc và bảo tồn ơn gọi, đừng chiều theo những tiêu chuẩn trần tục, nhất là cần đề cao tầm quan trọng của sự đồng hành. Ngài nói:

”Chúng ta không bao giờ có thể nhấn mạnh cho đủ về sự cần thiết này. Thật là khó tiếp tục trung thành nếu ta chỉ tiến bước lẻ loi một mình, hoặc bước đi dưới sự hướng dẫn của các anh chị em không có khả năng lắng nghe hoặc kiên nhẫn, hay không có kinh nghiệm thích hợp về đời sống thánh hiến.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Trong khi chúng ta phải tránh bất kỳ cách thức đồng hành tạo nên sự lệ thuộc, bảo bọc, kiểm soát, hoặc làm cho người khác trở nên như trẻ con; chúng ta không thể cam chịu sự tiến bước đơn độc, cần phải có một sự đồng hành gần gũi, thường xuyên và hoàn toàn trưởng thành. Tất cả những điều đó sẽ giúp đảm bảo một sự phân định liên tục đưa tới sự khám phá ý Thiên Chúa, tìm kiếm trong mọi sự những gì làm đẹp lòng Chúa hơn cả, như thánh Ignatio đã nói, hoặc với những lời của thánh Phanxicô Assisi, ”luôn luôn muốn những điều làm đẹp lòng Chúa” (Xc FF 233). (SD 28-1-2017) 

G. Trần Đức Anh OP

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines

Đại hội các Giám mục Philippines được tổ chức hai năm một lần sẽ diễn ra từ ngày 28/01. Trong đại hội kéo dài 3 ngày, các Giám mục sẽ bàn về vấn đề chính trị, đặc biệt đến chính sách của tổng thống Duterte. Đại hội diễn ra một ít ngày sau khi tổng thống Duterte tấn công các Giám mục Philippines về việc “giả hình”.

Các Giám mục mời các chuyên gia nói về vấn đề khác nhau trong 3 ngày này, trong đó có việc giết những người liên quan đến ma túy, đề nghị tái lập án tử hình.

Trong chương trình nghị sự cũng có nói đến đề nghị của tổng thống Duterte về việc thay đổi hệ thống quản trị từ hình thức đơn nhất hiện nay đến hệ thống liên bang. (Ucan 28/01/2017)

Hồng Thủy

Cựu nhân viên kiện SNAP- tổ chức biện hộ cho nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng

Cựu nhân viên kiện SNAP- tổ chức biện hộ cho nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng

Washington – Một cựu giám đốc của Phân bộ phát triển của Hội nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng đã tố cáo trong vụ kiện bị sa thải không chính đáng rằng SNAP quan tâm đến việc gây quỹ và nhận “lại quả” từ các luật sư kiện Giáo Hội Công Giáo, hơn là giúp đỡ những người sống sót. SNAP, được thành lập vào năm 1989 và có trụ sở tại Chicago, được xem là tổ chức biện hộ lớn nhất và nổi tiếng nhất cho các nạn nhân của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục.

Trong đơn kiện gửi tòa án quận Cook, Chicago, vào ngày 17/01, bà Gretchen Rachel Hammond còn tố giác SNAP là “một tổ chức thương mại” và đề cao việc tìm các người bị lạm dụng sống sót như khách hàng cho các luật sư và thu thập chi phiếu dàn xếp từ Giáo hội Công giáo.

Bà Hammond làm việc cho SNAP từ 07/2011 đến 02/2013 và hiện nay là phóng viên cho báo Windy City Times. Bà tuyên bố mình bị sa thải vì bà đã khám phá ra một loạt cách thức dàn xếp được xử lý và tố cáo sự căng thẳng do cách đối xử của SNAP đã làm bà phải nhập viện 4 lần và dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe.

Bà Hammond cũng khẳng định rằng SNAP "được thúc đẩy bởi sự thù ghét cá nhân và ý thức hệ chống lại Giáo Hội Công Giáo của các giám đốc và nhân viên. Năm 2011, SNAP đã giúp công bố công khai các nỗ lực ở châu Âu để buộc tội Đức Giáo Hoàng Benedict XVI về tội ác chống lại nhân loại tại Tòa án Hình sự Quốc tế.

Bà Barbara Blaine, chủ tịch của SNAP tuyên bố trong thông cáo gửi đến cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ và các hãng tin rằng: “Các cáo buộc này là không đúng sự thật. Điều này sẽ được chứng minh tại tòa án. Các lãnh đạo của SNAP, bây giờ và luôn luôn, cống hiến cho sứ mệnh của SNAP: giúp chữa lành các nạn nhân và tránh lạm dụng tình dục hơn nữa.”

Đơn kiện của bà Hammond tố cáo là sau khi các nạn nhân bị lạm dụng sống sót được giới thiệu cho các luật sư, “các trường hợp này thường được dàn xếp, vì lợi ích tài chính của các luật sư và của SNAP, tổ chức được trả tiền trực tiếp từ các vụ dàn xếp với nạn nhân. Bà tố cáo rằng SNAp thường xuyên liên lạc với các luật sư về đơn kiện nhân danh các nạn nhân, nhận các dự thảo của tòa và thông tin đặc quyền khác. Chiến lược của các luật sư và SNAP không dựa trên quyền lợi tốt nhất của nạn nhân nhưng trên những gì sẽ tạo nên sự chú ý của công chúng và cơ hội quyên tiền cho SNAP. Bà Hammond cho biết là phần lớn số tiền đóng góp cho SNAP là từ các luật sư.

Đơn kiện cũng tố cáo ông David Clohessy, giám đốc điều hành của SNAP, khuyên một người bị lạm dụng theo đuổi yêu cầu bồi thường trong vụ phá sản của Tổng giáo phận Milwaukee. Ông Clohessy  đã từ chức từ tháng 12 năm ngoái.

Luật sư Bruce Howard của công ty Siprut ở Chicago, đại diện cho bà Hammond nhấn mạnh rằng vụ kiện thật sự là một trường hợp sa thải không chính đáng. Ông cũng cho biết công ty của ông chưa bao giờ làm việc với trường hợp nào liên quan đến SNAP hay có liên quan từ xa với SNAP. Ông lưu ý là khách hàng của công ty ông là một người Do thái và được lớn lên trong Giáo hội Anh giáo và không có liên hệ gì với Giáo hội Công giáo. Chính ông cũng chưa bao giờ tham gia vào vụ kiện nào liên quan đến Giáo hội Công giáo. (CNS 26/01/2017)

Hồng Thủy

 

 

Sứ điệp của ĐHY Turkson nhân ngày Thế giới các bệnh nhân cùi

Sứ điệp của ĐHY Turkson nhân ngày Thế giới các bệnh nhân cùi

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, kêu gọi tiếp tục bài trừ bệnh phong, và giúp tái hội nhập cựu bệnh nhân vào đời sống xã hội.

ĐHY đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố hôm qua (28-1) nhân Ngày Thế giới chiến đấu chống bệnh phong cùi lần thứ 64, cử hành chúa nhật hôm nay, 29-1.

ĐHY Turkson ghi nhận rằng cách đây 32 năm, tức là hồi năm 1985, trên thế giới có 5 triệu bệnh nhân cùi, nhưng nay chỉ còn 200 ngàn người bị bệnh này, nhờ những phương dược hữu hiệu và sự dấn thân của nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế, trong đó Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu.

”Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục dấn thân trên mọi bình diện để, tại tất cả các nước, các chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp kỳ thị người phong cùi bị hủy bỏ và cần tăng cường nghiên cứu khoa học để tìm ra những thứ thuốc mới, đạt được những dụng cụ tốt hơn để chẩn bệnh phát hiện sớm và chữa trị cho các bệnh nhân phong cùi, vì cho đến nay trong phần lớn các trường hợp, sự lây nhiễm bệnh cùi chỉ được phát hiện khi bệnh đã gây ra những vết thương.

Sau cùng, ĐHY Turkson khẳng định rằng chữa trị mà thôi vẫn chưa đủ, còn cần hội nhập hoàn toàn những người cùi đã được khỏi bệnh vào đời sống xã hội nguyên thủy của họ: trong gia đình, cộng đoàn, trường học, và môi trường làm việc. Tại nhiều nơi, việc thăng tiến và góp phần vào tiến trình đó vẫn là những thực tại hầu như không thể thực hiện được. Cần có sự hỗ trợ của hiệp hội các cựu bệnh nhân cùi”. (SD 28-1-2017) 

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ

Đức Thánh Cha liên đới với các tín hữu đau khổ

VATICAN. ĐTC liên đới với những đau khổ của các tín hữu Chính Thống Đông phương và đề cao vai trò của các vị tử đạo thuộc các Giáo Hội này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 27-1-2017 dành cho 31 GM và thần học gia thành viên của Ủy ban hỗn hợp quốc tế đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương. Khác với các Giáo Hội Chính Thống khác ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ 11, các Giáo Hội Chính Thống Đông phương chỉ chấp nhận 3 Công đồng chung đầu tiên và ly khai khỏi Công Giáo hồi thế kỷ thứ 5, sau khi từ chối chấp nhận Công đồng chung thứ 4 ở Calcedonia năm 451. Thuộc khối Giáo Hội này hiện nay có Giáo Hội Chính Thống Copte Ai Cập, Chính Thống Ethiopie và Eritrea, Arméni Tông Truyền, Giáo Hội Chính Thống Siriac và Chính Thống Siro Malankara bên Ấn độ.

Ủy ban đối thoại thần học giữa Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống này được thành lập hồi năm 2003 và đã nhóm họp được 14 lần.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận nhiều tín hữu thuộc các Giáo Hội Chính Thống Đông Phương phải chịu nạn bạo lực và những hành vi kinh khủng có những kẻ cực đoan cuồng tín gây ra. Những tình trạng đau khổ bi thảm ấy càng dễ trở nên sâu đậm hơn trong những bối cảnh nghèo đói, bất công, bị gạt ra ngoài lề xã hội, và cũng do tình trạng bất an do những quyền lợi phe phái nhiều khi từ bên ngoài gây ra.

ĐTC ca ngợi hoạt động của các Giáo Hội Chính Thống Đông phương hằng ngày gần gũi với những người đau khổ và ngài cũng khẳng định rằng: 'Nếu một chi thể đau khổ, thì toàn thể các chi thể khác cũng cùng đau khổ, như thánh Phaolô đã viết (1 Cr 12,26). Những đau khổ này của anh chị em cũng là đau khổ của chúng tôi. Tôi hiệp ý với anh chị em trong kinh nguyện, cầu xin cho các cuộc xung đột chấm dứt và xin Chúa gần gũi những người đang chịu thử thách, nhất là các trẻ em, bệnh nhân và người già..

ĐTC nói thêm rằng ”Ước gì sự chuyển cầu và tấm gương của bao nhiêu vị tử đạo và các vị thánh của chúng ta đã can đảm làm chứng cho Chúa Kitô là một nâng đỡ mạnh mẽ cho các cộng đồng Kitô. Các vị tỏ cho chúng ta thấy trọng tâm đức tin của chúng ta không hệ tại một sứ điệp hòa giải và hòa bình tổng quát, nhưng hệ tại chính Chúa Giêsu đã chịu đóng đanh và sống lại: Người là an bình và sự hòa giải của chúng ta” (Xc Ep 2,14; 2 Cr 5,18).. Trong tư cách là môn đệ của Chúa, chúng ta được đêu gọi làm chứng khắp nơi, với lòng can đảm của Chúa Kitô và tình yêu khiêm tốn của Chúa hòa giải con người thuộc mọi thời đại”. (SD 27-1-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Ước mơ của cô gái trẻ mắc hội chứng down syndrome có tài nướng bánh

Boston, Massachusett –  Collette Divitto là một cô gái bị hội chứng Down syndrome, nhưng là một thợ nướng bánh trẻ có tài ở vùng Boston. Từ năm 2011, Collette đã làm các bánh cookies từ chính công thức của cô.

Dù cho Collette có niềm đam mê với bánh cookies và tài năng nướng bánh, nhưng cô vẫn không thể tìm được việc làm. Sau nhiều lần nộp đơn xin việc và bị từ chối với lý do là có tài năng nhưng không thích hợp, Collette đã quyết định tự kinh doanh. Cô mở một cửa hiệu làm bánh ở Boston với các chiếc cookies do chính cô làm và nướng. Trong 10 ngày đầu tiên, đã có 50 ngàn chiếc bánh được đặt làm. Collette cũng nhận được hơn 65 ngàn thư từ các người hâm mộ khắp thế giới, với hơn 100 người tình nguyện muốn giúp cô trong công việc.

Cửa hàng của Collette cũng có trang web nhận đặt hàng, gửi hàng và giao hàng với một ghi chú của chính cô. Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của cô ở Boston làm khoảng 4000 cookies được đặt hàng.

 

Nhưng ước mơ của Collette còn hơn thế nữa. Cô muốn phát triển cơ sở khắp các tiểu bang của Hoa kỳ để qua đó có thể giúp việc làm cho các người khuyết tật gặp khó khăn tìm việc làm. Đàng sau mỗi chiếc cookies là ước mơ thuê người tàn tật làm việc của  Collette. Theo trang web của cô, 76% cộng đồng khuyết tật thất nghiệp và cô đang làm để thay đổi điều này. (CAN 27/01/2017)

Hồng Thủy

 

Đừng lãng quên những ơn lành Chúa ban

Đừng lãng quên những ơn lành Chúa ban

Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, khỏi sự hèn nhát, khỏi sự sợ hãi. Chúng ta đừng quên những điều ấy. Chúng ta đã hãy sống với đầy hy vọng, can đảm và kiên nhẫn. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Hãy nhớ lại những ngày đầu tiên ấy

Bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái nói: “Anh em thân mến, anh em hãy nhớ lại những ngày trước”: những ngày đầy lòng nhiệt thành, những ngày tiến tới trong đức tin, những ngày vừa bắt đầu sống đức tin, những ngày phải đương đầu với bao đau khổ lớn lao… Anh em không thể hiểu đời sống Kitô hữu mà không ghi nhớ ký ức. Anh em cũng không thể hiểu đời sống thiêng liêng nếu không ghi nhớ ký ức. Anh em không thể sống đời sống Kitô hữu nếu không ghi nhớ ký ức.

Đó là ký ức về ơn cứu độ của Thiên Chúa trong cuộc sống của bản thân mình. Giữa những chao đảo của cuộc sống, Chúa đã cứu từng người chúng ta. Ký ức ấy là ơn ban và là ơn để nguyện xin. Chúng ta thưa lên: “Lạy Chúa, xin đừng quên dấu ấn của Ngài trong đời con; con sẽ không quên những giây phút sáng tươi cũng như khi tăm tối, những niềm vui và những thập giá”. Các Kitô hữu là những người luôn khắc ghi ký ức trong tâm khảm.

Nhìn tới tương lai với niềm hy vọng

Với niềm hy vọng, chúng ta nhìn tới tương lai. Bạn không thể là Kitô hữu nếu bạn không ghi khắc ký ức, cũng thế bạn không thể sống đời Kitô hữu nếu bạn không nhìn tới tương lai trong niềm hy vọng được gặp gỡ Chúa. Chúa có thể nói: “Một ít lâu nữa…” Ồ, sự sống tựa hơi thở phải không? Đổi thay. Khi một người còn trẻ, người ấy nghĩ rằng vẫn còn nhiều thời giờ phía trước, nhưng cuộc sống dạy cho chúng ta rằng thời gian đang trôi đi. Chẳng bao lâu nữa, tôi hy vọng gặp sẽ Ngài. Đó là cuộc sống luôn giằng co và đong đầy giữa ký ức và hy vọng, giữa quá khứ và tương lai.

Can đảm thoát khỏi tâm hồn nhu nhược

Đừng có tâm hồn co cụm chật hẹp… Có những điều răn dành cho mọi người. Điều ấy là phải, nhưng đừng để cho các điều răn ấy bóp nghẹt bạn. Vì nếu không cẩn thận, các điều luật sẽ lấy mất khỏi bạn những ơn phúc và hy vọng. Bạn đừng lãng quên biết bao ơn lành đã lãnh nhận. Hãy ghi khắc vào tâm can và bước đi với niềm hy vọng.

Cái hiện tại của người Kitô hữu tựa như một người đi trên đường và gặp cơn mưa bất chợt. Vì người ấy không đem theo áo đủ tốt, nên khi bị mưa làm cho ướt, người ấy co rúm lại… Và có những tâm hồn co rúm co cụm như thế… Đó là sự nhát đảm. Sự nhát đảm ấy làm cho chúng ta mất ký ức, mất hy vọng, mất đi lòng dũng cảm. Còn Thiên Chúa, Ngài tăng sức cho chúng ta mỗi ngày, để giúp chúng ta có một ký ức sống động, một niềm hy vọng lớn mạnh. Ngài giải thoát chúng ta khỏi sự nhu nhược nhát đảm, khỏi nỗi sợ hãi, khỏi sự co cụm của một tâm hồn chỉ lo tự vệ. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất.”

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Lào và Campuchia

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Lào và Campuchia

VATICAN. Sáng ngày 26-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến HĐGM Lào và Campuchia, nhân dịp các vị về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến từ lúc 10 giờ 40, có 3 GM Lào, Đại diện Tông Tòa Paksé, Savannakhet và Viên Chăn, cùng với Đức GM Đại diện Tông Tòa Phnom Penh. Ngoài ra có Cha Tito Banchong, Giám quản Tông Tòa Luang Prabang bên Lào, và 2 LM phủ doãn Tông Tòa Battambang và Komphong-Cham bên Campuchia.

Campuchia rộng hơn 181 ngàn cây số vuông với dân số 15 triệu 500 ngàn người, trong số này có 22 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 0.15% dân số toàn quốc. Giáo hạt Đại diện Tông Tòa Thủ đô Phnom Penh có 15,500 tín hữu Công Giáo thuộc 9 giáo xứ, do 1 LM giáo phận và 44 LM dòng coi sóc, với sự cộng tác của 80 nữ tu. Tại đây có 6 chủng sinh.

Phủ doãn Tông Tòa Battabamg chỉ có gần 4,700 tín hữu Công Giáo và tại Kompong Cham, có 3 ngàn tín hữu Công Giáo.

Tại Lào có 46 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 0.7% của 6 triệu rưỡi dân số toàn quốc. Hạt đại diện Tông Tòa thủ đô Viên Chăn đông tín hữu Công Giáo nhất với hơn 15 ngàn người, trong khi tại Paksé và Savannakhet, mỗi nơi có hơn 12 ngàn tín hữu Công Giáo. Trong khi đó tại Luang Prabang ở mạn bắc chỉ có 2,700 tín hữu Công Giáo. (SD 26-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha không muốn hình ngài trên tiền Euro Vatican

Đức Thánh Cha không muốn hình ngài trên tiền Euro Vatican

VATICAN. ĐGH Phanxicô không muốn cho in hình ngài trên đồng tiền Euro Vatican nữa.

Thay vào đó, Đồng Euro Vatican từ năm nay 2017 sẽ in hình huy hiệu Giáo Hoàng.

Hôm 25-1-2017, Văn phòng về tem thư và tiền cắc của Vatican xác nhận tin trên đây với hãng thông tấn Công Giáo Đức KNA và có biết đó là quyết định của chính ĐGH Phanxicô. Trước đó, sự thay đổi này được đăng trên công báo của Liên hiệp Âu Châu số ra ngày 24-1-2017.

Đồng Euro Vatican được ấn hành lần đầu tiên hồi năm 2002 với hình vị Giáo Hoàng đương nhiệm. Cho đến nay, hình ĐGH Phanxicô được in trên các đồng tiền cắc từ 1 xu cho đến 2 Euro.

Mặc dù không phải là quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu Châu (EU), nhưng Vatican vẫn được phép đúc tiền cắc Euro, và theo một hiệp định ký kết giữa hai bên, số lượng tiền cắc Euro Vatican là 2 triệu 300 ngàn Euro. Sau đó có một số lượng thay đổi nhỏ, được xác định lại thường xuyên.

 Giới sưu tập tiền cắc rất ái mộ đồng tiền cắc Euro Vatican, nhưng Vatican phải cam kết với EU là sẽ cho lưu hành ít nhất 51% tổng lượng tiền cắc Euro Vatican. (KNA 25-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô 2017

Đức Thánh Cha bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô 2017

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ II của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Corinto: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta tiến đến hòa giải” (Xc 2 Cr 14-20).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC khẳng định rằng để đáp lại lời mời gọi hòa giải của Chúa, các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Ngài nói: ”Đối với Giáo hội, đối với mỗi hệ phái Kitô, lời mời gọi hòa giải là một lời mời đừng dựa trên các chương trình, các tính toán và lợi lộc của mình, không tín thác nơi cơ may, và những thời trang nhất thời, nhưng tìm kiếm con đường, bằng cách luôn nhìn lên thập giá của Chúa: nơi đó chính là chương trình sống của chúng ta. Đó là một lời mời gọi hãy ra khỏi sự cô lập của mình, vượt thắng cám dỗ tự tham chiếu cản trở chúng ta đón nhận điều mà Chúa Thánh Linh đang hoạt động bên ngoài không gian của mình. Một sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết nhìn nhận những hồng ân của nhau và có khả năng khiêm tốn và ngoan ngoãn học hỏi nhau, mà không đợi người khác học nơi chúng ta trước”.

ĐTC cũng nhắc đến kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của tin lành. Ngài nói: ”Sự kiện ngày nay các tín hữu Công Giáo và Luther có thể cùng nhau tưởng niệm một biến cố đã gây chia rẽ giữa các Kitô hữu và làm điều đó trong niềm hy vọng, nhấn mạnh đến Chúa Giêsu và công trình hòa giải của Chúa, đó là một thành tựu đáng kể, đạt đến được nhờ Chúa và lời cầu nguyện qua 50 năm nhận biết nhau và đối thoại đại kết”.

Đức Hồng Y Kurt Koch

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này và nhắc đến buổi tưởng niệm cuộc cải cách của Luther mà ĐTC đã cùng với Đức GM Tin Lành Younan cử hành và đã ký tuyên ngôn chung ở Lund, bên Thụy Điển ngày 31-10-2016, trong đó có những lời này: ”Trong khi chúng tôi biết ơn sâu xa vì những hồn ân thiêng liêng và thần học đã nhận lãnh qua cuộc Cải Cách, chúng tôi tuyên xưng và đau buồn trước Chúa Kitô về sự kiện các tín hữu Luther và Công Giáo đã làm tổn tương sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội”. (SD 25-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”

Phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”

New Delhi – Giáo hội Công giáo tại Ấn độ khẳng định rằng các phụ nữ cần được trợ giúp y khoa chứ không cần “phá thai an toàn”. Nữ tu Julie George thuộc dòng Chúa Thánh Thần đã nói với hãng tin Á châu như thế.

Chị Julie George là giám đốc của hội “Tiếng nói phụ nữ”, một tổ chức đấu tranh để củng cố vị trí của phụ nữ trên thế giới, tham dự vào tranh luận về phá thai ở Ấn độ. Chị Julie cho biết là các vụ phá thai bất hợp pháp “là một trong yếu tố nguy hiểm cho phụ nữ, thường chết ở độ tuổi còn trẻ. Sự thiếu kiến thức và việc sử dụng các cách thức dễ dàng như uống thuốc và các phương thức tại gia dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Chính quyền phải bảo đảm việc được chăm sóc tốt hơn, đăc biệt là đối với các phụ nữ sống ở những vùng nông thôn.”

Nữ tu Talisha Nadukudiyil, thư ký điều hành của Ủy ban Phụ nữ của hội đồng Giám mục Ấn độ nói thêm rằng chúng ta là người Công giáo, chống lại phá thai, làm sao chúng ta có thể không nói về việc phá thai không an toàn. Chị cũng nhấn mạnh lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato sì (số 10): “Nếu chúng ta đáng mất cảm tính cá nhân và xã hội về việc tiếp nhận một sự sống mới, thì ngay cả những hình thức tiếp nhận có ích khác đối với cuộc sống xã hội cũng trở nên cằn cỗi.” Chị đặt câu hỏi: “Làm sao chúng ta có thể phớt lờ tiếng kêu khóc của thai nhi máu thịt của chính mình mà có thể lắng nghe tiếng kêu của người lân cận? Chúng ta có bao giờ có thể mong đợi trong một tình huống tương tự như vậy những tội ác chống lại những người dễ bị tổn thương sẽ giảm bớt?”

Theo thống kê, mỗi ngày có 10 phụ nữ ở Ấn độ bị chết vì phá thai bất hợp pháp và mỗi năm số phá thai lên đến khoảng 7 triệu. Theo các nghiên cứu cũng cho thấy số các bà mẹ chết vì phá thai chiếm 1/3 số các bà mẹ qua đời.

Nữ bác sĩ Astrid Lobo Gajiwala, một thần học gia Công giáo cho biết các cuộc phá thai trong điều kiện không an toàn là một quan tâm bức xúc dù là luật pháp tự do. Ngoài ra xu hướng thiển cận xem việc có thể phá thai an toàn là giải pháp chính cho vấn đề. Bà nói: “Nếu một đàng buộc phải bảo đảm việc phá thai cách an toàn và gia tăng các thông tin về các cơ sở y tế, thì tốt hơn nên nhớ rằng ngay cả những điều kiên tốt hơn cũng có thể có nguy cơ biến chứng và tạo nên vô sinh và thương tổn tâm lý.” (Asia News 26/07/2017)

Hồng Thủy

 

Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trong cách thế của Ngài

Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trong cách thế của Ngài

Cũng giống như bà Giuđitha chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới bà Giuđitha, một nữ anh hùng vĩ đại giữa các gương mặt phụ nữ nổi bật của lịch sử dân Do thái. Sách Giuđitha kể lại cuộc chinh phục quân sự của vua Nabucodonosor cai trị Ninive, trải rộng biên giới của đế quốc bằng cách chiến thắng và bắt các dân tộc chung quanh thần phục mình. Người đọc hiểu ngay rằng mình đang đứng trước một kẻ thù lớn không thể chiến thắng được, đang gieo vãi chết chóc tàn phá, đang đi cho tới Đất Hứa, và khiến cho cuộc sống của con cái Israel gặp hiểm nguy.

Thật thế, dưới sự lãnh đạo của tướng Hôlôphécnê, đạo binh của vua Nabucodonosor đang bao vây một thành phó vùng Giudea là Betula, bằng cách cắt đứt việc tiếp tế nước, và làm suy yếu sự kháng cự của dân. ĐTC cho thấy thảm cảnh của dân thành Betulia như sau:

Tình hình thê thảm đến độ dân thành xin với các kỳ mục đầu hàng quân địch. Các lời của họ tuyệt vọng: “Vì thế, giờ đây chẳng có ai đến cứu giúp chúng tôi. Trái lại, Thiên Chúa đã bán đứng chúng tôi vào tay chúng, khiến chúng tôi phải phơi xác trước mặt chúng, phải chết khát và bị tận diệt.” Họ đi đến chỗ nói điều này: “Thiên Chúa đã bán đứt chúng ta rồi”; Nỗi tuyệt vọng nơi dân chúng rất lớn. Họ nói với các thủ lãnh: “Vậy các ông hãy gọi ngay chúng lại và trao nộp thành cho dân của Hô-lô-phéc-nê và cho toàn thể đạo quân của ông tha hồ cướp phá” (Gđ 7,25-26). Kết cục xem ra không thế tránh được, khả năng tín thác nơi Thiên Chúa đã cạn kiệt. Khả năng tín thác nơi Thiên  Chúa đã cạn kiệt. Và biết bao lần chúng ta đi tới các tình trạng tận cùng trong đó chúng ta cũng không còn cảm thấy khả năng tin tưởng nơi Chúa nữa. Đây là một cám dỗ xấu! Và một cách mâu thuẫn, xem ra là để thoát chết, chỉ còn cách tự nộp mình vào tay kẻ giết mình. Họ biết rằng các binh sĩ này sẽ vào cướp bóc thành phố, để bắt các phụ nữ làm nô lệ, và giết chết tất cả mọi người khác. Đây chính là “sự tận cùng”.

** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Và trước biết bao tuyệt vọng như thế, thủ lãnh dân thử đề nghị một yểm trợ hy vọng: kháng cự trong vòng 5 ngày nữa, và chờ đợi sự can thiệp cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng đó là một hy vọng yêu ớt, khiến cho ông kết luận rằng: “Nếu những ngày ấy trôi qua mà chẳng ai đến cứu giúp, tôi sẽ làm theo lời anh em” ( Gđt 7,31). Tội nghiệp cho con người: không có lối thoát. Năm ngày được cho Chúa để can thiệp; và tội lỗi chính là đây; năm ngày được dành cho Thiên Chúa để can thiệp, năm ngày chờ đợi, nhưng với viễn tượng của cái chết. Họ cho Chúa năm ngày để cứu họ, nhưng họ biết họ không tin tưởng, họ chờ đợi điều tồi tệ nhất. Trên thực tế, không còn ai nữa trong dân còn có khả năng hy vọng. Họ đã tuyệt vọng.

Chính trong tình trạng như thế bà Giuđitha xuất hiện trên sân khấu. Là một phụ nữ goá bụa rất xinh đẹp và khôn ngoan bà ngỏ lời  với dân chúng trong ngôn ngữ của lòng tin. Bà can đảm quở trách dân chúng thẳng mặt và nói: “Các vị muốn thử thách Thiên Chúa toàn năng… Quả thật, đối với các vị, tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, thì làm sao các vị có thể hiểu được Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự, làm sao hiểu được tư tưởng và thấu suốt được dự tính của Người? Không, nhất định không, thưa anh em, đừng chọc giận Chúa, Thiên Chúa chúng ta. Giả như trong năm ngày ấy, Người không muốn cứu giúp chúng ta, thì vào những ngày Người muốn, Người vẫn thừa sức bảo vệ chúng ta hoặc tiêu diệt chúng ta trước mặt kẻ thù… Vì thế, một khi chúng ta kiên nhẫn đợi chờ Người cứu độ và kêu cầu Người đến cứu giúp, Người sẽ đoái nghe lời chúng ta, nếu điều ấy đẹp lòng Người” (Gđt 8,13.14-15.17). Đó là ngôn ngữ của niềm hy vọng. Chúng ta hãy gõ cửa con tim Thiên Chúa. Ngài là Cha, Ngài có thể cứu thoát chúng ta. Người phụ nữ goá bụa này cũng có nguy cơ bị xấu mặt trước những người khác! Nhưng bà can đảm! Bà tiến tới! Đây là một ý kiến của tôi: các phụ nữ can đảm hơn nam giới – Tín hữu vỗ tay tán đồng.

Và với sức mạnh của một ngôn sứ bà Giuđitha kêu gọi mọi người trong dân để đưa họ trở lại với lòng tin tưởng nơi Thiên  Chúa; với cái nhìn của một ngôn sứ bà trông thấy xa hơn chân trời chật hẹp của các thủ lãnh và sự sợ hãi còn khiến cho nó hẹp hơn nữa. Bà khẳng định: chắc chắn Thiên Chúa sẽ hành động, trong khi đề nghị chờ đợi năm ngày là một kiểu để thử thách Ngài và để tránh ý muốn của Ngài. Chúa là Thiên Chúa của việc cứu độ – và bà tin vào điều đó – bất kỳ nó xảy ra trong hình thức nào. Là ơn cứu độ giải thoát khỏi thù địch và làm cho sống, nhưng trong các chương trình khôn dò của Ngài, có thể là cứu độ cả việc nộp mình cho cái chết. Là phụ nữ của đức tin, bà biết điều đó. Thế rồi chúng ta biết kết cục, như câu chuyện kết thúc: Thiên Chúa cứu. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Anh chị em thân mến,  chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta. Chúng ta xin Chúa sự sống, sức khoẻ, tình thương mến, hạnh phúc. Và thật đúng đắn làm điều ấy, nhưng trong ý thức rằng Thiên Chúa biết rút ra sự sống từ cả cái chết, rằng chúng ta có thể sống kinh nghiệm sự bình an cả trong bệnh tật, và rằng có thể thanh thản cả trong cô đơn, và hạnh phúc cả trong khóc lóc. Không phải chúng ta có thể dậy cho Thiên Chúa điều Ngài phải làm, điều chúng ta cần. Ngài biết hơn chúng ta và chúng ta phải tín thác, bởi vì các con đường và các tư tưởng của Ngài khác với các con đường và các tư tưởng của chúng ta.

Con đường của bà Giuđitha chỉ cho chúng ta là con đường của sự tin tưởng, của việc chờ đợi trong an bình, của lời cầu nguyện và của sự vâng phục. Đó là con đường của niềm hy vọng. Không có các chịu trận dễ dàng, bằng cách làm tất cả những gì trong các khả năng của chúng ta, nhưng luôn luôn ở lại trong luống cầy ý muốn của Chúa. Và tại sao chúng ta biết?:  bà đã cầu nguyện biết bao, bà đã nói với dân biết bao và rồi, can đảm và ra đi, bà đã tìm cách tới gần tướng chỉ huy đạo binh, và thành công trong việc chặt đầu ông ta. Bà can đảm trong đức tin và trong các hoạt động. Và bà luôn luôn kiếm tìm Chúa! Thật vậy bà Giuđitha có một chương trình của bà, bà hoàn thành nó một cách thành công, và đưa dân tới chiến thắng, nhưng luôn luôn trong thái độ của đức tin của người chấp nhận tất cả từ tay Thiên Chúa, chắc chắn về lòng lành của Ngài.

Như vậy, một phụ nữ đầy lòng tin và can đảm sẽ trao ban trở lại cho dân chúng đang gặp nguy hiểm chết chóc sức mạnh và dẫn họ đi trên các nẻo đường của niềm hy vọng, bằng cách chỉ chúng cho cả chúng ta nữa. Và chúng ta, nếu chúng ta có một chút ký ức: có biết bao lần chúng ta đã nghe các lời khôn ngoan, can đảm, từ những người khiêm tốn, từ những phụ nữ khiêm tốn mà một người nghĩ rằng – tuy không khinh rẻ họ – là những người dốt nát… Nhưng đó là các lời của sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Các lời nói của các bà nội bà ngoại. Có biết bao lần các bà nội bà ngoại biết nói lời đúng đắn, lời của niềm hy vọng, bởi vì các ngài có kinh nghiệm cuộc sống, đã đau khổ nhiều, các ngài đã tín thác nơi Thiên Chúa, và Chúa ban ơn này để các ngài cho lời khuyên hy vọng.

Và khi bước đi trên các con đường ấy sẽ là niềm vui và ánh sáng phục sinh tín thác nơi Chúa với các lời của Chúa Giêsu: “Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cho chén này xa con. Nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha” (Lc 22,42). Và đó là lời cầu nguyện của sự khôn ngoan, tin tưởng và niềm hy vọng

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt tín hữu giáo phận Arras. Ngài nói: hôm nay chúng ta kính nhớ lễ thánh Phaolô hoán cải.Thánh nhân mời gọi chúng ta để cho Chúa Thánh Thấn hướng dẫn. Xin thánh nhân giúp chúng ta lớn lên trong sự tin tưởng nơi sự Quan phòng của Thiên Chúa và trở thành các chứng nhân của niềm hy vọng.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu ngài đặc biệt chào các sinh viên của học viện đại kết Bossey và ca đoàn đan viện Westminster Anh quốc, và cám ơn lời ca tiếng hát của họ. Ngài xin Thiên  Chúa ban chọ họ và gia đình họ niềm vui và sự an bình.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói bà Giuđitha là phụ nữ của niềm tin và lòng can đảm được công bố là “có phúc trước mặt Thiên Chúa hơn mọi phụ nữ” (Gđt 13,18). Bà nhắc nhớ Trinh nữ diễm phúc Maria, Mẹ Chúa Kitô và mẹ của niềm hy vọng. Nơi Mẹ chúng ta hãy học bước đi trên các nẻo đường hy vọng và tín thác nơi Chúa là Đấng dẫn chúng ta từ bóng tối tới sự sáng phục sinh.

Chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt là các tín hữu Brasil, ngài nói nếu họ biết hát bài thánh ca chúc tụng Đức Bà Aparecida thì có thể hát. Tôi mời gọi anh chị em trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Chúa thách đố chúng ta ra khỏi thế giới bé nhỏ chật hẹp của mình để tiến tới Nước của Thiên Chúa và của sự tụ do đích thực. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng anh chị em để anh chị em đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho mọi người.

ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Ý, đặc biệt các bề trên tỉnh dòng Anh em hèn mọn, hiệp hội cảnh sát Caserta, và huynh đoàn thánh Stefano Rieti. Ngài khích lệ mọi người trung thành với Chúa Kitô để niềm vui Phúc Âm có thể rạng ngời trong xã  hội.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc tới lễ kính thánh Phaolô trở lại. Ước chi gương mặt của thánh nhân trở thành mẫu gương cuộc sống môn đệ cho các bạn trẻ. ĐTC mời gọi các bệnh nhân dâng hy sinh khổ đau cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn noi gương thánh nhân dành chỗ nhất cho Thiên Chúa và cho tình yêu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới Truyền thông thứ 51

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới Truyền thông thứ 51

VATICAN. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới truyền thông công bố hôm 24-1-2017, ĐTC kêu gọi nhìn thực tại trong nhãn giới Tin Mừng và truyền thông trong niềm hy vọng.

Ngày Thế giới truyền thông lần thứ 51 sẽ được cử hành vào chúa nhật 28-5-2017 với chủ đề ”Đừng sợ, vì Ta ở với con” (Is 43,5). Thông truyền hy vọng và tín thác trong thời đại ngày nay”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhận xét rằng nhờ tiến bộ kỹ thuật, rất nhiều người ngày nay có thể đồng thời nhận được và phổ biến sâu rộng các tin tức, những tin lành hoặc những tin dữ, tin thật hoặc tin giả. Tâm trí con người giống như cối xay nước, có thể xay các tin tức như các hạt thành bột làm bánh ngon, hoặc xay những cỏ lùng, cỏ dại.

Ngài viết: ”Tôi muốn sứ điệp này có thể đi tới và khích lệ tất cả những người trong lãnh vực nghề nghiệp cũng như trong các tương quan giữa con người với nhau, mỗi ngày có thể ”xay” bao nhiêu thông tin để tạo nên bánh thơm ngon cho những người nuôi dưỡng mình bằng thông tin. Tôi muốn nhắn nhủ tất cả hãy thực hiện một hoạt động truyền thông xây dựng, từ khước những thành kiến đối với nhau, cổ võ một nền văn hóa gặp gỡ, nhờ đó họ có thể học cách nhìn thực tại với niềm tin tưởng đầy ý thức”.

ĐTC kêu gọi hãy phá vỡ cái vòng lẩn quẩn lo âu và chặn đứng cái vòng sợ hãi, kết quả của thói quen chỉ tập trung sự chú ý với những ”tin dữ” như chiến tranh, khủng bố, gương xấu và mọi thứ thất bại trong cuộc sống con người”.

Với ý hướng đó, ĐTC cổ võ nhìn thực tại và những biến cố dưới ánh sáng Tin Mừng, như đeo một ”đôi kiếng” thích hợp để nhìn thực tại từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, với niềm xác tín: Thiên Chúa liên đới với con người trong mọi hoàn cảnh, tỏ cho chúng ta thấy chúng ta không đơn độc, vì chúng ta có một Người Cha không bao giờ quên con cái mình. ”Đừng sợ, vì Ta ở với con” (Is 43,5).. Nơi Chúa, cả tăm tối và chết chóc cũng trở thành nơi hiệp thông với Ánh sáng và Sự sống. Từ đó nảy sinh một niềm hy vọng ai cũng có thể đạt tới, chính tại nơi mà cuộc sống gặp phải sự cay đắng vì thất bại”. ĐTC viết:

”Nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta, như một hạt giống ẩn giấu đối với cái nhìn hời hợt và sự tăng trưởng của hạt giống đó diễn ra trong thầm lặng. Ai có đôi mắt được Thánh Linh làm cho trong sáng, thì thấy được hạt giống ấy nầm, và không để cho mình bị cướp mất niềm vui của Nước Trời vì những cỏ lùng cỏ dại luôn hiện diện”.

ĐTC xác quyết rằng ”niềm tín thác ấy làm cho chúng ta có khả năng hành động – trong nhiều hình thức truyền thông – với xác tín rằng có thể nhận thấy và soi sáng tin vui hiện diện trong thực tại của mỗi lịch sử và nơi khuôn mặt của mỗi người”.

”Ai tin tưởng, để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì có khả năng phân định trong mỗi biến cố điều xảy ra giữa Thiên Chúa và nhân lại, nhìn nhận chính Chúa đang dệt nên lịch sử cứu độ trong bối cảnh bi thảm của thế giới này” (SD 24-1-2017)

G. Trần Đức Anh

Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

Đức Thánh Cha kêu gọi chống buôn lậu di dân và buôn người

VATICAN. ĐTC kêu gọi các giới chức an ninh Italia chống nạn buôn người và nạn buôn lậu người di dân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 23-1-2017 dành cơ quan lãnh đạo toàn quốc Italia chống nạn mafia và chống khủng bố.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi công việc quan trọng của cơ quan này và nói rằng: ”Xã hội cần được chữa trị khỏi nạn tham nhũng, tống tiền, buôn bán ma túy và võ khí bất hợp pháp, cũng như khỏi nạn buôn người, trong đó có các trẻ em bị biến thành nô lệ. Đó thực là những tai ương xã hội, đồng thời cũng là những thách đố hoàn cầu mà cộng đồng quốc tế được kêu gọi quyết liệt đương đầu”.

”Tôi khuyên anh chị em đặc biệt dành mọi nỗ lực để chống lại nạn buôn người và buôn lậu di dân: đây là những tội ác rất trầm trọng đánh vào những người yếu thế nhất trong những người yếu. Về vấn đề này, cần gia tăng hoạt động bảo vệ các nạn nhân, dự trù trợ giúp pháp luật và xã hội cho các anh chị em chúng ta đang tìm kiến an bình và tương lai. Bao nhiều người rời bỏ quê hương để trốn chạy chiến tranh, bạo lực và bách hại, họ có quyền tìm được một sự tiếp đón thích hợp và một sự bảo vệ thích đáng nơi những quốc gia tự định nghĩa là văn minh”.

ĐTC không quên đề cao vai trò quan trọng của việc giáo dục các thế hệ trẻ trong nỗ lực chống lại nạn mafia. Để đạt tới mục tiêu này, các tổ chức giáo dục khác nhau, trong đó có các gia đình, học đường, các cộng đoàn Kitô, các tổ chức thể thao và văn hóa, được kêu gọi giúp dân chúng và con người ý thức về luân lý đạo đức và luật pháp, nhắm đến những mẫu gương cuộc sống lương thiện, an bình, liên đới, dần dần giúp chiến thắng sự ác và dọn đường cho sự thiện” (SD 23-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Tân Bề trên Giám hạt tòng nhân Opus Dei

Tân Bề trên Giám hạt tòng nhân Opus Dei

ROMA. Đức Ông Fernando Ocáriz người Tây Ban Nha đã được bầu làm tên Bề trên Giám hạt tòng nhân Opus Dei.

Đức Ông Ocáriz đã được Tổng Hội của Giám hạt nhóm tại Roma bầu lên và được ĐTC phê chuẩn chiều tối ngày 23-1-2017, và trở thành người kế nhiệm thứ ba của vị sáng lập là thánh Josémaría Esquivá de Balaguer, thay thế Đức Cha Javier Echevarría qua đời ngày 12-12 năm 2016.

Đức ông Ocáriz năm nay 73 tuổi, sinh năm 1944 tại Paris trong một gia đình Tây Ban Nha lưu vong sang Pháp thời nội chiến 1936-1939 và là con út trong số 8 người con. Ngài tốt nghiệp vật lý học tại Đại học Barcelona năm 1966, rồi đậu cao học thần học tại Đại học Giáo hoàng Laterano ở Roma, sau đó đậu tiến sĩ tại Đại học Navarra của giám hạt tòng nhân Opus Dei. Sau khi thụ phong linh mục, cha Ocáriz làm việc mục vụ với giới trẻ và sinh viên đại học. Trong thập niên 1980, cha là một trong những giáo sư khởi xướng Đại học Thánh Giá của Opus Dei ở Roma và giảng dạy môn thần học cơ bản tại đây.

Năm 1994 Đức Ông Ocáriz được bổ nhiệm làm Tổng đại diện của Giám hạt Opus Dei và 10 năm sau, 2014, làm Đại diện phụ tá của Bề trên Giám hạt. Trong những ngày tới đây, ngài sẽ chọn các vị đại diện và thành viên hội đồng theo đề nghị của Tổng Hội với nhiệm kỳ 8 năm.

Theo niên giám năm 2016 của Tòa Thánh, Giám hạt tòng nhân Opus Dei, phần nào giống như một giáo phận không biên giới, hiện có 2094 Linh mục với 1797 nhà thờ và trung tâm mục vụ, 300 chủng sinh và gần 92 ngàn giáo dân (SD 24-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện

Dù giận Thiên Chúa nhưng vẫn cầu nguyện

Làm theo ý muốn của Thiên Chúa không có nghĩa là chúng ta không càm ràm hoặc giận Ngài, điều quan trọng là chúng ta phải sống thực – không giả dối, và rồi cuối cùng chúng ta thưa với Chúa: “Này con đây!”. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Câu chuyện của lời thân thưa “Này con đây!”

Theo bài đọc trích thư gửi tín hữu Do thái, khi đến thế gian, Chúa Kitô nói: “Lạy Cha, của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Ngài không muốn. Thì này con đây, con đến để thi hành thánh ý Cha”. Lịch sử cứu độ chính là câu chuyện về lời thưa “Này con đây!”. Sau khi Adam lẩn trốn vì sợ hãi Thiên Chúa, Chúa đã bắt đầu gọi mời và lắng nghe những lời đáp lại “Này con đây! Con sẵn lòng. Con sẵn sàng.” Những lời ấy được vang lên trong dòng lịch sử qua lời thưa của Abraham, của Mose, Elia, Isaia, Gieremia, cho tới lời thưa xin vâng tuyệt hảo của Mẹ Maria, và chóp đỉnh là lời thưa xin vâng của chính Chúa Giêsu. Lịch sử của lời thưa “Này con đây!” không phải theo kiểu tự động, bởi vì Thiên Chúa ngỏ lời với những ai Ngài mời gọi.

Thiên Chúa luôn luôn trong cuộc đối thoại với những ai mà Ngài ngỏ lời trên con đường này, con đường của tiếng thưa “Này con đây!”. Thiên Chúa hết sức kiên nhẫn. Khi đọc sách ông Gióp, chúng ta thấy tất cả những lời than vãn, những điều không hiểu, những phản ứng, và Chúa đã nói với ông, Chúa sửa đổi tâm hồn ông… và cuối cùng, ông thú nhận: “Vâng. Lạy Chúa, Chúa thật phải lẽ. Lâu nay con chỉ biết Chúa dựa vào những tiếng đồn thổi. Giờ đây mắt con đã nhìn thấy Ngài”. Đó là lời thưa xin vâng, và đời sống Kitô hữu là thế, là thân thưa: Này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Hết lần này đến lần khác… Thật là tuyệt khi đọc Kinh Thánh, vì ở đó chúng ta tìm thấy những lời thân thưa của dân đối với Chúa, đó là những câu trả lời và điều ấy quá đẹp: “Này con đây, con đến để làm theo ý Ngài”.

Đừng bao giờ sống giả vờ trước Thiên Chúa

Làm thế nào để tôi có thể thưa lên lời xin vâng “Này con đây!” đối với Thiên Chúa? Có lẽ tôi giống như Adam, tức là chạy trốn, ẩn núp và không đáp lại. Hoặc là khi Chúa gọi tôi, thay vì thưa lên “Này con đây!” thì tôi lại nói “Chúa muốn gì ở con chứ?”. Hoặc là tôi trốn chạy giống như Giona, ông không muốn làm điều Chúa nói với ông. Hoặc là tôi chỉ giả bộ làm theo ý Chúa, tức là chỉ sống kiểu bề ngoài thôi, giống như các kinh sư và luật sĩ, và Chúa Giêsu đã mắng cho những người như thế là kẻ đạo đức giả. Hoặc là chúng ta sống kiểu “”chọn đường khác mà đi” giống như các thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện người Samari nhân hậu. Vì thầy Levi và thầy tư tế trong câu chuyện ấy đã bỏ mặc nạn nhân nửa sống nửa chết trên đường, và tránh qua một bên mà đi. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa trong cách thức nào?

Dù giận Thiên Chúa thì hãy cứ cầu nguyện

Thiên Chúa thích nói chuyện với chúng ta. Một số người nói với tôi rằng: “Nhưng thưa Cha, nhiều lần khi con đi cầu nguyện, con tức giận với Chúa…” Tôi đáp lại: Đúng thế, nhưng hãy cứ tiếp tục cầu nguyện! Thiên Chúa thích những điều ấy, ngay cả khi bạn giận Ngài, và Ngài sẽ nói về những gì mà bạn đang cảm nhận, được diễn tả trên gương mặt bạn. Ngài yêu mến bạn bởi vì Ngài là Người Cha. Còn bạn, bạn sẽ thân thưa “Này con đây!” Hay là bạn ẩn núp? Hoặc là chạy trốn? Hoặc là sống giả vờ? Hoặc là chọn con đường khác? Mỗi người chúng ta có thể tự đưa ra câu trả lời. Nguyện xin Chúa Thánh Thần thương ban ân sủng để chúng ta tìm thấy lời đáp của chính mình.

Tứ Quyết SJ