Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Ariccia – Sáng 10/03, cha Michelini, thuyết giảng viên tuần tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma, đã trình bày bài suy niệm cuối cùng về chủ đề “Mồ trống và Phục sinh” theo tin mừng thánh Mátthêu.

Hai cách trình bày mầu nhiệm Phục sinh: con đường học hỏi, giải thích Sách Thánh và con đường bác ái

Trang cuối của tin mừng thánh Mátthêu, nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, theo cha Michelini, mạc khải mầu nhiệm Kitô giáo. Đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tất cả, nhưng là một bắt đầu mới – Phục sinh. Nhưng làm sao trình bày về mầu nhiệm phục sinh cho người thời nay?

Cha Michelini nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Metamorfosi” (biến hình) của Franz Kafka, một ngày kia, khi tỉnh dậy, đã biến thành một con côn trùng, chỉ khép kín trong chính mình, lo lắng và không có liên hệ gì với tình cảm gia đình. Làm sao chúng ta loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người như thế? Cần phải khởi đi từ con người Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Cha nói: “Phục sinh cho thấy một điều mới mẻ thực sự của Chúa Kitô so với Chúa Giêsu lịch sử: thân xác Ngài là thân xác sau khi phục sinh, nhưng là sự mới mẻ đã được thấy trước trong các dấu hiệu lịch sử của Chúa Giêsu trước khi phục sinh. Do đó khi chúng ta nghe nói Chúa đã sống lại, chúng ta có thể khởi đi lại từ con người Giêsu, từ con người Giêsu ở Galilê, với sứ điệp giải phóng nhân loại.” Vì thế, một sứ điệp giải phóng nhân loại cho con người ngày nay có thể đến qua 2 cách,  cả 2 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh và minh họa: sứ vụ văn hóa trong việc đào sâu các bản văn cùng với cách giải thích mới và con đường bác ái.

Chúng ta hãy tìm hiểu để hiểu thêm điều mà các sách Tân ước và Cựu ước muốn nói và để chúng ta có thể giải thích chúng lại qua đời sống Giáo hội, phụng vụ, bài giảng, nhưng cũng qua sự dấn thân văn hóa. Nhưng con đường khác, nếu chúng ta có thể mở cửa phòng nơi mà Gregor Samsa tự khóa mình, là con đường bác ái. Nếu Gregor Samsa nhốt mình trong căn phòng khóa chặt, đó là huyệt mộ, nếu được ai đó trợ giúp, anh có thể tìm lại được nhân tính. Thay vì là côn trùng, có lẽ anh ta có thể nhận ra nét nào đó của thân xác con người của anh ta.”

Theo Tin mừng thánh Mátthêu, sự phục sinh đã được thiên thần loan báo.  Do đó, nói về mộ trống thôi chưa đủ, sự Phục sinh cũng phải được nói, sứ điệp của Chúa Kitô phục sinh phải được loan báo.

Phục Sinh: tha thứ

Nhưng lời của thánh Mátthêu còn cho thấy rõ một khía cạnh khác của Phục sinh, đó là ơn tha thứ. Chúa Giêsu phục sinh muốn gặp 11 môn đệ và gọi họ là “anh em”, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi Ngài. Ngài gặp họ ở Galilê, họ cúi xuống bái lạy nhưng đồng thời nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài đã đến gần họ và trình thuật của thánh Mátthêu kết thúc với những lời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Cha Michelini kết luận: “Đây đúng thực là cách làm của Thiên Chúa, mà Lời của Ngài có khả năng soi chiếu những giới hạn của chúng ta và biến đổi chúng thành cơ hội.”

Cha của Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta qua lời của Ngài và Con của Người, Đấng mà Tin mừng thánh Mátthêu gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tin mừng thánh Mátthêu kết thúc như thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đây là gia sản lớn nhất mà chúng ta có, dù cho những nghi ngờ và phần xấu xa của chúng ta và tội lỗi chúng ta.”

Sau bài suy niêm cuối cùng, Đức Thánh Cha đã cám ơn cha giảng thuyết về những suy tư trong tuần tĩnh tâm và ngài đã trở về Vatican lúc 11.30  (RV 10/03/2017)

Hồng Thủy

 

Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trong cách thế của Ngài

Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trong cách thế của Ngài

Cũng giống như bà Giuđitha chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới bà Giuđitha, một nữ anh hùng vĩ đại giữa các gương mặt phụ nữ nổi bật của lịch sử dân Do thái. Sách Giuđitha kể lại cuộc chinh phục quân sự của vua Nabucodonosor cai trị Ninive, trải rộng biên giới của đế quốc bằng cách chiến thắng và bắt các dân tộc chung quanh thần phục mình. Người đọc hiểu ngay rằng mình đang đứng trước một kẻ thù lớn không thể chiến thắng được, đang gieo vãi chết chóc tàn phá, đang đi cho tới Đất Hứa, và khiến cho cuộc sống của con cái Israel gặp hiểm nguy.

Thật thế, dưới sự lãnh đạo của tướng Hôlôphécnê, đạo binh của vua Nabucodonosor đang bao vây một thành phó vùng Giudea là Betula, bằng cách cắt đứt việc tiếp tế nước, và làm suy yếu sự kháng cự của dân. ĐTC cho thấy thảm cảnh của dân thành Betulia như sau:

Tình hình thê thảm đến độ dân thành xin với các kỳ mục đầu hàng quân địch. Các lời của họ tuyệt vọng: “Vì thế, giờ đây chẳng có ai đến cứu giúp chúng tôi. Trái lại, Thiên Chúa đã bán đứng chúng tôi vào tay chúng, khiến chúng tôi phải phơi xác trước mặt chúng, phải chết khát và bị tận diệt.” Họ đi đến chỗ nói điều này: “Thiên Chúa đã bán đứt chúng ta rồi”; Nỗi tuyệt vọng nơi dân chúng rất lớn. Họ nói với các thủ lãnh: “Vậy các ông hãy gọi ngay chúng lại và trao nộp thành cho dân của Hô-lô-phéc-nê và cho toàn thể đạo quân của ông tha hồ cướp phá” (Gđ 7,25-26). Kết cục xem ra không thế tránh được, khả năng tín thác nơi Thiên Chúa đã cạn kiệt. Khả năng tín thác nơi Thiên  Chúa đã cạn kiệt. Và biết bao lần chúng ta đi tới các tình trạng tận cùng trong đó chúng ta cũng không còn cảm thấy khả năng tin tưởng nơi Chúa nữa. Đây là một cám dỗ xấu! Và một cách mâu thuẫn, xem ra là để thoát chết, chỉ còn cách tự nộp mình vào tay kẻ giết mình. Họ biết rằng các binh sĩ này sẽ vào cướp bóc thành phố, để bắt các phụ nữ làm nô lệ, và giết chết tất cả mọi người khác. Đây chính là “sự tận cùng”.

** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Và trước biết bao tuyệt vọng như thế, thủ lãnh dân thử đề nghị một yểm trợ hy vọng: kháng cự trong vòng 5 ngày nữa, và chờ đợi sự can thiệp cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng đó là một hy vọng yêu ớt, khiến cho ông kết luận rằng: “Nếu những ngày ấy trôi qua mà chẳng ai đến cứu giúp, tôi sẽ làm theo lời anh em” ( Gđt 7,31). Tội nghiệp cho con người: không có lối thoát. Năm ngày được cho Chúa để can thiệp; và tội lỗi chính là đây; năm ngày được dành cho Thiên Chúa để can thiệp, năm ngày chờ đợi, nhưng với viễn tượng của cái chết. Họ cho Chúa năm ngày để cứu họ, nhưng họ biết họ không tin tưởng, họ chờ đợi điều tồi tệ nhất. Trên thực tế, không còn ai nữa trong dân còn có khả năng hy vọng. Họ đã tuyệt vọng.

Chính trong tình trạng như thế bà Giuđitha xuất hiện trên sân khấu. Là một phụ nữ goá bụa rất xinh đẹp và khôn ngoan bà ngỏ lời  với dân chúng trong ngôn ngữ của lòng tin. Bà can đảm quở trách dân chúng thẳng mặt và nói: “Các vị muốn thử thách Thiên Chúa toàn năng… Quả thật, đối với các vị, tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, thì làm sao các vị có thể hiểu được Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự, làm sao hiểu được tư tưởng và thấu suốt được dự tính của Người? Không, nhất định không, thưa anh em, đừng chọc giận Chúa, Thiên Chúa chúng ta. Giả như trong năm ngày ấy, Người không muốn cứu giúp chúng ta, thì vào những ngày Người muốn, Người vẫn thừa sức bảo vệ chúng ta hoặc tiêu diệt chúng ta trước mặt kẻ thù… Vì thế, một khi chúng ta kiên nhẫn đợi chờ Người cứu độ và kêu cầu Người đến cứu giúp, Người sẽ đoái nghe lời chúng ta, nếu điều ấy đẹp lòng Người” (Gđt 8,13.14-15.17). Đó là ngôn ngữ của niềm hy vọng. Chúng ta hãy gõ cửa con tim Thiên Chúa. Ngài là Cha, Ngài có thể cứu thoát chúng ta. Người phụ nữ goá bụa này cũng có nguy cơ bị xấu mặt trước những người khác! Nhưng bà can đảm! Bà tiến tới! Đây là một ý kiến của tôi: các phụ nữ can đảm hơn nam giới – Tín hữu vỗ tay tán đồng.

Và với sức mạnh của một ngôn sứ bà Giuđitha kêu gọi mọi người trong dân để đưa họ trở lại với lòng tin tưởng nơi Thiên  Chúa; với cái nhìn của một ngôn sứ bà trông thấy xa hơn chân trời chật hẹp của các thủ lãnh và sự sợ hãi còn khiến cho nó hẹp hơn nữa. Bà khẳng định: chắc chắn Thiên Chúa sẽ hành động, trong khi đề nghị chờ đợi năm ngày là một kiểu để thử thách Ngài và để tránh ý muốn của Ngài. Chúa là Thiên Chúa của việc cứu độ – và bà tin vào điều đó – bất kỳ nó xảy ra trong hình thức nào. Là ơn cứu độ giải thoát khỏi thù địch và làm cho sống, nhưng trong các chương trình khôn dò của Ngài, có thể là cứu độ cả việc nộp mình cho cái chết. Là phụ nữ của đức tin, bà biết điều đó. Thế rồi chúng ta biết kết cục, như câu chuyện kết thúc: Thiên Chúa cứu. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Anh chị em thân mến,  chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta. Chúng ta xin Chúa sự sống, sức khoẻ, tình thương mến, hạnh phúc. Và thật đúng đắn làm điều ấy, nhưng trong ý thức rằng Thiên Chúa biết rút ra sự sống từ cả cái chết, rằng chúng ta có thể sống kinh nghiệm sự bình an cả trong bệnh tật, và rằng có thể thanh thản cả trong cô đơn, và hạnh phúc cả trong khóc lóc. Không phải chúng ta có thể dậy cho Thiên Chúa điều Ngài phải làm, điều chúng ta cần. Ngài biết hơn chúng ta và chúng ta phải tín thác, bởi vì các con đường và các tư tưởng của Ngài khác với các con đường và các tư tưởng của chúng ta.

Con đường của bà Giuđitha chỉ cho chúng ta là con đường của sự tin tưởng, của việc chờ đợi trong an bình, của lời cầu nguyện và của sự vâng phục. Đó là con đường của niềm hy vọng. Không có các chịu trận dễ dàng, bằng cách làm tất cả những gì trong các khả năng của chúng ta, nhưng luôn luôn ở lại trong luống cầy ý muốn của Chúa. Và tại sao chúng ta biết?:  bà đã cầu nguyện biết bao, bà đã nói với dân biết bao và rồi, can đảm và ra đi, bà đã tìm cách tới gần tướng chỉ huy đạo binh, và thành công trong việc chặt đầu ông ta. Bà can đảm trong đức tin và trong các hoạt động. Và bà luôn luôn kiếm tìm Chúa! Thật vậy bà Giuđitha có một chương trình của bà, bà hoàn thành nó một cách thành công, và đưa dân tới chiến thắng, nhưng luôn luôn trong thái độ của đức tin của người chấp nhận tất cả từ tay Thiên Chúa, chắc chắn về lòng lành của Ngài.

Như vậy, một phụ nữ đầy lòng tin và can đảm sẽ trao ban trở lại cho dân chúng đang gặp nguy hiểm chết chóc sức mạnh và dẫn họ đi trên các nẻo đường của niềm hy vọng, bằng cách chỉ chúng cho cả chúng ta nữa. Và chúng ta, nếu chúng ta có một chút ký ức: có biết bao lần chúng ta đã nghe các lời khôn ngoan, can đảm, từ những người khiêm tốn, từ những phụ nữ khiêm tốn mà một người nghĩ rằng – tuy không khinh rẻ họ – là những người dốt nát… Nhưng đó là các lời của sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Các lời nói của các bà nội bà ngoại. Có biết bao lần các bà nội bà ngoại biết nói lời đúng đắn, lời của niềm hy vọng, bởi vì các ngài có kinh nghiệm cuộc sống, đã đau khổ nhiều, các ngài đã tín thác nơi Thiên Chúa, và Chúa ban ơn này để các ngài cho lời khuyên hy vọng.

Và khi bước đi trên các con đường ấy sẽ là niềm vui và ánh sáng phục sinh tín thác nơi Chúa với các lời của Chúa Giêsu: “Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cho chén này xa con. Nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha” (Lc 22,42). Và đó là lời cầu nguyện của sự khôn ngoan, tin tưởng và niềm hy vọng

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt tín hữu giáo phận Arras. Ngài nói: hôm nay chúng ta kính nhớ lễ thánh Phaolô hoán cải.Thánh nhân mời gọi chúng ta để cho Chúa Thánh Thấn hướng dẫn. Xin thánh nhân giúp chúng ta lớn lên trong sự tin tưởng nơi sự Quan phòng của Thiên Chúa và trở thành các chứng nhân của niềm hy vọng.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu ngài đặc biệt chào các sinh viên của học viện đại kết Bossey và ca đoàn đan viện Westminster Anh quốc, và cám ơn lời ca tiếng hát của họ. Ngài xin Thiên  Chúa ban chọ họ và gia đình họ niềm vui và sự an bình.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói bà Giuđitha là phụ nữ của niềm tin và lòng can đảm được công bố là “có phúc trước mặt Thiên Chúa hơn mọi phụ nữ” (Gđt 13,18). Bà nhắc nhớ Trinh nữ diễm phúc Maria, Mẹ Chúa Kitô và mẹ của niềm hy vọng. Nơi Mẹ chúng ta hãy học bước đi trên các nẻo đường hy vọng và tín thác nơi Chúa là Đấng dẫn chúng ta từ bóng tối tới sự sáng phục sinh.

Chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt là các tín hữu Brasil, ngài nói nếu họ biết hát bài thánh ca chúc tụng Đức Bà Aparecida thì có thể hát. Tôi mời gọi anh chị em trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Chúa thách đố chúng ta ra khỏi thế giới bé nhỏ chật hẹp của mình để tiến tới Nước của Thiên Chúa và của sự tụ do đích thực. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng anh chị em để anh chị em đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho mọi người.

ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Ý, đặc biệt các bề trên tỉnh dòng Anh em hèn mọn, hiệp hội cảnh sát Caserta, và huynh đoàn thánh Stefano Rieti. Ngài khích lệ mọi người trung thành với Chúa Kitô để niềm vui Phúc Âm có thể rạng ngời trong xã  hội.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc tới lễ kính thánh Phaolô trở lại. Ước chi gương mặt của thánh nhân trở thành mẫu gương cuộc sống môn đệ cho các bạn trẻ. ĐTC mời gọi các bệnh nhân dâng hy sinh khổ đau cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn noi gương thánh nhân dành chỗ nhất cho Thiên Chúa và cho tình yêu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-13-12-2016

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Luật lệ của các thượng tế không đến từ Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Chúa tập trung vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Họ thực thi những điều ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho tổ phụ Abraham: “Bước đi trong sự hiện diện của Chúa và không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình. Và họ không phải là không đáng trách!

Người dân bị quên lãng

Họ quên đi Mười điều răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ hủy bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả có những người ăn năn sám hối mà chưa thực thi những điều luật, thì cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không có điều ấy! Họ nói với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ai được vào Nước Thiên Chúa

Ngay cả ngày nay, trong Giáo hội, vẫn còn tinh thần của một thứ “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.  

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần "giáo sĩ trị", giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Tứ Quyết SJ

Thanh tẩy Đền Thờ

Thanh tẩy Đền Thờ

Một trong những vấn đề lớn của thế giới hiện nay là nạn ô nhiễm môi sinh. Các giòng sông đang bị ô nhiễm vì biết bao chất thải dơ bẩn, độc hại. Không khí ta hít thở đang bị đe dọa vì bụi bặm, vì khói xe, khói nhà máy. Nước biển bị ô nhiễm vì nạn dầu nhớt rò rỉ, vì chất thải của những lò phản ứng nguyên tử. Tầng khí quyển bị những chất khí độc chọc thủng đang làm thay đổi khí hậu và gây ra những căn bệnh nguy hiểm. Để con người có thể sống và phát triển được, thế giới cần phải được thanh tẩy khỏi các nguồn ô nhiễm.

Sự ô nhiễm không chỉ trong môi trường vật lý. Nhiều môi trường khác như môi trường văn hóa, môi trường đạo đức cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng. Tôn giáo không tránh khỏi nạn ô nhiễm. Muốn cho bầu khí đạo đức được trong sạch, muốn cho đời sống tâm linh tồn tại và phát triển, tôn giáo cũng cần được thanh tẩy. Hôm nay Đức Giêsu vào Đền thờ và đã thanh tẩy Đền thờ. Người đã làm 3 cuộc thanh tẩy

1) Người đã thanh tẩy Đền thờ khỏi ô nhiễm vì súc vật. Trong nghi lễ của đạo Do Thái, cần có súc vật để dâng cho Thiên Chúa. Khi dâng lễ hy sinh, người ta mổ một con thú, đặt trên bàn thờ rồi đốt lửa thiêu con vật. Mùi mỡ cháy quyện khói xông lên nghi ngút. Người giầu thì dâng một con bò hay một con chiên. Người nghèo có thể dâng một cặp chim bồ câu hoặc một đôi chim gáy. Để đáp ứng nhu cầu của tín đồ,dịch vụ cung cấp lễ vật mau chóng thành hình ngay trong khuôn viên Đền thờ. Ta hãy tưởng tượng một chợ trâu bò ngay trong Đền thờ. Thật là dơ bẩn, ồn ào và chướng tai gai mắt. Nhưng nhu cầu đã biện minh cho sự ô nhiễm. Và dân Do Thái mặc nhiên chấp nhận để cho súc vật nghễu nghện ngự trị ngay trong khuôn viên Đền thờ rất nguy nga, rất lộng lẫy, rất cao sang mà họ từng ca tụng là “đền vàng”, là “nơi thánh”. Thấy nhà Chúa bị xúc phạm, Đức Giêsu không kiềm chế được cơn giận, đã lấy roi xua đuổi hết súc vật và cả đám con buôn ra khỏi Đền thờ.

2) Khi xua đuổi các con buôn ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã thanh tẩy thói tôn thờ ngẫu tượng. Theo Đức Giêsu, ngẫu tượng nguy hiểm nhất là tiền bạc, tức là thần “Mammon”. Đã có lần Người lên tiếng cảnh báo: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của”, và “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào nước Thiên đàng”. Những con buôn đưa súc vật vào Đền thờ không do lòng yêu mến Thiên Chúa, nhưng vì lợi nhuận. Đưa súc vật vào nơi tôn nghiêm, họ đã coi trọng tiền bạc hơn Chúa. Để cho súc vật làm ô uế Đền thờ cao trọng, họ đã dùng Đền thờ làm phương tiện phục vụ túi tiền của họ. Các tư tế coi sóc Đền thờ có lẽ cũng được chia phần nên đã cho phép con buôn được tự do họp chợ trong Đền thờ. Họ cũng như con buôn, coi tiền bạc trọng hơn Thiên Chúa. Họ đã rơi vào thói tôn thờ ngẫu tượng: thờ tiền bạc, dùng Chúa và Đền thờ để phục vụ tư lợi.

3) Khi đuổi súc vật ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu muốn thanh tẩy cung cách thờ phượng của ta. Trước kia người ta dâng súc vật làm của lễ. Lòng đạo đức được đo lường bằng sức nặng của con vật. Dâng con vật to sẽ được nhiều ơn phúc. Nay, Đức Giêsu cho thấy Chúa đã chán thịt bò, mỡ dê. Chúa đã ghê sợ mùi khói mùi khét lẹt, mùi máu tanh tưởi (cf. Is 1,11). Thánh vương Đavít đã hiểu: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận” (Tv 50,16). Chúa muốn ta đến với Người bằng chính bản thân ta. Lễ dâng đẹp lòng Chúa là thái độ khiêm nhường thống hối như lời Thánh vịnh: “Lễ dâng Chúa là tâm hồn thống hối. Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Lễ dâng đẹp lòng Chúa là phó thác trót cả tâm hồn thân xác trong tay Chúa như Đức Giêsu đã làm trên Thánh giá: “Lạy Cha, con dâng phó hồn con trong tay Cha”. Lễ dâng được Chúa vui lòng chấp nhận là sát tế chính bản thân mình để làm theo ý Chúa: “Máu chiên bò Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu Chúa không nhận. Thì này con đến để làm theo ý Chúa (Tv). Ta sát tế chính bản thân mỗi khi ta từ bỏ ý riêng, chiến đấu chống lại những cơn cám dỗ của dục vọng, tiền bạc, thói gian tham, tính tự ái kiêu căng, sự chia rẽ bất hòa.

Đức Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ. Người muốn ta hãy tiếp tục công việc của Người. Giữ gìn cho nhà thờ luôn sạch đẹp, có bầu khí tôn nghiêm là điều cần thiết. Nhưng cần hơn vẫn là giữ gìn ngôi Đền thờ thiêng liêng là chính bản thân ta. Tâm hồn chính là cung thánh nơi Chúa ngự. Ta phải luôn luôn thanh tẩy tâm hồn để xứng đáng với Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói tôn thờ tiền bạc, coi trọng tiền bạc hơn Chúa. hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi những dục vọng đam mê làm ô uế cung thánh của Chúa. Hãy thanh tẩy tâm hồn khỏi thói gian tham, bất công. Hãy thanh tẩy tâm hồn ta khỏi những kiêu căng đố kỵ. Thân xác ta là Đền thờ của Chúa. Hãy kính trọng thân xác của mình và của người khác. Hãy tu bổ những Đền thờ thân xác đã xuống cấp, suy tàn, bị xúc phạm, bị bán rẻ. Hãy sửa chữa những Đền thờ thân xác đang bị bào mòn vì bệnh tật, vì đói khát, vì thương tích. Hãy kính trọng thân xác của người khác vì đó là Đền thờ của Chúa.

Trong mùa Chay này, ta hãy cố gắng thanh tẩy bản thân, để tâm hồn và thân xác ta trở thành một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Khi tham dự thánh lễ, bạn có giữ cho nhà thờ có bầu khí trang nghiêm, lắng đọng không?

2) Đền thờ tâm hồn và thân xác bạn có những gì cần phải thanh tẩy không?

3) Mùa Chay này, bạn sẽ làm gì để trở nên một Đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt