Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Nhờ lòng kiên nhẫn chờ đợi, cỏ lùng có thể trở thành sản phẩm tốt

Qua dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa Chúa Giêsu dậy chúng ta biết quan sát thực tại và có một cái nhìn khác đối với thế giới, học hiểu các thời điểm của Thiên Chúa và có được chính cái nhìn của Ngài. Ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim con nguời. Nhưng nhờ ảnh hưởng tốt lành của sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là viễn tượng của sự hoán cải và niềm hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 23.07.2017 tại quảng trường thánh Phêrô.

Quảng diễn bài Phúc Âm Chúa Nhật kể lại dụ ngôn cỏ lùng mọc chung với lúa, minh giải vấn đề sự dữ trong thế giới và nêu bật lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa (Mt 13,24-30.36-43) ĐTC nói: Thiên Chúa kiên nhẫn biết bao! Mỗi người trong chúng ta cũng có thể nói: Thiên Chúa kiên nhẫn với tôi chừng nào! Trình thuật Phúc Âm cho thấy hai tác nhân đối chọi nhau. Một đàng là ông chủ ruộng diễn tả Thiên Chúa là Đấng đã gieo hạt giống tốt, đàng khác là Satan, kẻ thù gieo vãi cỏ xấu.

Với thời gian qua đi cỏ lùng cũng mọc giữa lúa. Trước sự kiện này ông chủ và các đầy tớ có các thái độ khác nhau. Các đầy tớ muốn can thiệp nhổ cỏ lùng; nhưng ông chủ lo lắng trước nhất cho số phận của lúa phản đối và nói: “Đừng để xảy ra là khi nhổ cỏ lùng các anh cũng nhổ cả lúa” (c. 29). ĐTC giải thích:

Với hình ảnh này Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng trong thế giới này sự thiện và sự dữ  giao thoa với nhau tới độ không thể tách rời chúng ra được và nhổ hết sự dữ. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều này, và Ngài sẽ làm nó vào ngày phán xử sau hết. Với các không rõ ràng và tính cách phức tạp của nó tình hình hiện nay là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng sự tự do của các kitô hữu, trong đó hoàn thành việc phân định giữa sự thiện và sự dữ thật khó khăn.

Và trong cánh đồng ấy, với lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa và trong sự quan phòng của Ngài, đây là việc nối liền hai thái độ xem ra mâu thuẫn nhau: sự cuơng quyết và lòng nhẫn nại. Sự cương quyết là ý muốn là hạt giống tốt, là điều tất cả mọi người chúng ta đều muốn – chúng ta tất cả muốn điều này – với tất cả các sức mạnh của nó và vì thế tránh xa kẻ dữ và các quyến rũ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là thích một Giáo Hội là men trong bột hơn, một Giáo Hội không sợ hãi bẩn tay bằng cách giặt quần áo của con cái mình hơn là một Giáo Hội của “những nguời trong trắng”, yêu sách phán xử trước thời gian xem ai ở trong Nước Thiên Chúa, ai không.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúa là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng sự thiện và sự dữ không thể được nhận diện với các vùng đất xác định hay các nhóm người xác định. Những người này tốt, những người kia xấu. Ngài nói với chúng ta rằng đường ranh giới giữa sự thiện và sự dữ đi qua trái tim mỗi một người, đi qua con tim của từng người trong chúng ta, nghĩa là chúng ta tất cả đều là người tội lỗi. Tôi muốn hỏi anh chị em: Ai không là người tội lỗi, xin hãy giơ tay lên!  Không có ai hết, bởi vì tất cả chúng ta đều là người tội lỗi. Với cái chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, và ban cho chúng ta ơn bước đi trong một cuộc sống mới; nhưng với bí tích Rửa Tội Ngài cũng đã ban cho chúng ta bí tích Giải Tội, bởi vì chúng ta luôn luôn cần được tha thứ khỏi các tội lỗi của chúng ta. Chỉ luôn luôn nhìn sự dữ ở bên ngoài chúng ta có nghĩa là không muốn thừa nhận tội lỗi ở bên trong chúng ta.

Thế rồi Chúa Giêsu dậy chúng ta một kiểu nhìn cánh đồng thế giới và quan sát thực tại khác. Chúng ta được mời gọi học biết các thời điểm của Thiên Chúa – không phải thời điểm của chúng ta –  và học có cả cái nhìn của Thiên Chúa nữa: nhờ ảnh hưởng tốt của một sự âu lo chờ đợi  điều đã là cỏ lùng hay xem ra đã là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại của việc hoán cải. Đó là viễn tượng của niềm hy vọng!

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết tiếp nhận trong thực tại bao quanh chúng ta không chỉ sự bẩn thỉu và sự dữ, mà cả sự thiện và vẻ đẹp nữa; lột mặt nạ công việc của Satan, nhưng nhất là tín thác nơi hành động của Thiên Chúa, là Đấng khiến cho lịch sử được phong phú.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Thánh Địa. Ngài nói: tôi âu lo theo dõi các căng thẳng trầm trọng và các bạo lực xảy ra trong các ngày này tại Giêrusalem. Tôi cảm thấy cần phải lên tiếng tha thiết kêu gọi hoà hoãn và đối thoại. Tôi mời gọi anh chị em hiệp nhất với tôi trong lời cầu nguyện, để Chúa gợi hứng cho tất cả mọi quyết định hoà giải và hoà bình.

Tiếp đến ngài cũng chào nhiều nhóm hiện diện trong đó có các tín hữu Ailen, các nữ tu Phan Sinh Elisabết Bigie, ca đoàn Enna, giới trẻ Casamassima đã đến làm việc thiện nguyện tại Roma, các người trẻ tham dự “Trại hè con người thế giới” dấn thân làm chứng cho niềm vui Tin Mừng trong các vùng ngoại biên của nhiều đại lục khác nhau.

Sau cùng ngài xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài và  chúc tất cả một ngày Chúa Nhật tuơi vui an bình.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha góp tượng trưng 25 ngàn Euro để chống đói

Đức Thánh Cha góp tượng trưng 25 ngàn Euro để chống đói

VATICAN. ĐTC đã đóng góp tượng trưng 25 ngàn Euro cho tổ chức Lương Nông Quốc Tế, gọi tắt là FAO, để góp phần trợ giúp dân chúng tại miền Đông Phi châu đang bị nạn đói và hạn hán đe dọa.

Trong sứ điệp gửi Ông Tổng thư ký tổ chức FAO hôm 3-7-2017, nhân dịp khai mạc khóa họp thứ 40 hiện nay, ĐTC viết: ”Với mục đích khuyến khích các chính phủ, tôi muốn góp phần vào chương trình của FAO để cung cấp hạt giống cho các gia đình nông thôn đang sống trong những vùng phải chịu những hậu quả của xung đột và hạn hán. Cử chỉ này, cùng với công việc mà Giáo Hội đang thi hành theo ơn gọi của mình là đứng cạnh những người nghèo trên thế giới và đồng hành với sự dấn thân thực sự của mọi người để giúp đỡ họ”.

Thông cáo của tổ chức FAO cho biết tình trạng trầm trọng tại Nam Sudan, với vẫn còn 6 triệu người phải chiến đấu mỗi ngày để tìm được đủ lương thực để sống con. Số người cần được trợ giúp tại 5 nước khác ở vùng Đông Phi châu là Somalia, Etiopia, Kenya, Tanzania và Uganda, hiện nay được ước lượng vào khoảng 16 triệu người, tức là tăng thêm 16% tính từ cuối năm ngoái” (REI 21-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh liên đới với ĐHY Sabino, Venezuela

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã gửi điện liên đới với ĐHY Jorge Urosa Sabino, TGM Caracas thủ đô Venezuela, nạn nhân của bạo lực.

Chúa nhật 16-7-2017, những người tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Caracas đã bị một nhóm dân quân theo phe tổng thống Nicola Maduro tấn công và họ phải chạy vào tị nạn trong một thánh đường nơi ĐHY Savino đang cử hành thánh lễ. Cuộc tấn công đã làm cho 1 người chết và nhiều người bị thương.

Sau vụ đó, Tổng thống Maduro tố cáo các ”GM là làm tôi cho tư bản và sự đồi bại trên thế giới, cũng như làm cho bạo lực gia tăng”. Hồi tháng 4 năm nay, một thánh lễ do ĐHY Urosa Sabino cử hành cũng bị những thành phần ủng hộ tổng thống Maduro phá rối.

Điện văn của ĐHY Parolin hôm 17-7-2017 gửi ĐHY có đoạn viết: ”Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với ĐHY, với các LM, phó tế và toàn thể giáo dân đã bị tấn công tại Nhà thờ Đức Mẹ Camêlo di Catia, và quyết liệt lên án cuộc bao vây và hành hung tại đây. Ngày 16-7, tôi đã cầu nguyện thật nhiều xin Đức Mẹ Camêlô, rất được tôn kính tại Venezuela, xin Chúa Con của Mẹ một giải pháp hòa bình và dân chủ cho đất nước này, và để chính quyền lắng nghe tiếng kêu của dân chúng đang đòi tự do, hòa giải, hòa bình và an sinh vật chất cũng như tinh thần cho tất cả mọi người, nhất là những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề”.

Hôm 18-7-2017, trang thông tin trực tuyến 2001.com.ve ở Venezuela khẳng định rằng tổng thống Maduro đã cam đoan là ”Venezuela sẽ không theo lệnh của ĐHY Parolin”.

Ăn chay cầu nguyện

Mặt khác, thứ sáu 21-7-2017, các tín hữu Công Giáo và những người thiện chí ở Venezuela cử hành ngày ăn chay và cầu nguyện theo lời mời gọi HĐGM nước này đưa ra hôm 12-7 vừa qua, sau khi kết thúc khóa họp khoáng đại.

Các GM kêu gọi mọi người ”cầu xin Chúa chúc lành cho mọi nỗ lực của nhân dân Venezuela để đạt được tự do, công lý và hòa bình, và được Thánh Linh soi sáng, cũng như nhờ sự bảo vệ hiền mẫu của Đức Mẹ Coromoto bổn mạng đất nước, họ tiếp tục xây dựng hòa bình và sự sống chung huynh đệ tại đất nước này”.

HĐGM Venezuela tuyên bố hỗ trợ ”tiếng kêu của những người đang bị đói, không được những bảo đảm về săn sóc sức khỏe, không tìm được thuốc men và phải chịu tình trạng bất an trong mọi lãnh vực”. Các vị kêu gọi tôn trọng ước muốn của nhân dân, chiếu theo luật pháp và hiến pháp quốc gia, để nhân dân Venezuela được sống trong hòa hợp, an bình, tự do và phát triển nhân bản”.

Sáng kiến trên đây của HĐGM Venezuela đã từng được thực hiện ngày 2-8 năm ngoái và ngày 21-5 năm nay. Ngoài ra, tại mỗi giáo phận, từ nhiều tháng nay, hàng ngàn tín hữu đã biểu lộ đức tin của các cuộc rước, các buổi canh thức và các buổi lễ khác để xin ơn phù trợ của Chúa trong giai đoạn quan trọng đất nước Venezuela đang trải qua. (imedia 19-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn

Các Giám Mục Mỹ thỉnh cầu chính phủ nhận thêm người tị nạn

WASHINGTON. Chủ tịch Ủy ban GM Mỹ về di dân, Đức Cha Joe Vásquez, thỉnh cầu chính phủ Mỹ nâng con số tối đa người tị nạn được nhận vào Mỹ lên 75 ngàn người.

 Theo mức được tổng thống Mỹ ấn định hồi tháng 3 năm nay, con số tối đa người tị nạn được nhận vào trong năm 2017 là 50 ngàn người, và mức tối đa này đã đạt được trong tuần lễ trước đây.

 Nhân danh HĐGM Mỹ, hôm Đức Cha Vásquez, cũng là GM giáo phận Austin, Texas, đã gửi thư hôm 15-7-2017 cho tổng thống Mỹ để bày tỏ quan tâm về những hậu quả thảm hại vì sự giới hạn số người tị nạn và những ảnh hưởng tiêu cực trên những người tị nạn dễ bị tổn thương nhất, như các trẻ không có người đi kèm, người già và người bệnh, cũng như những người thuộc tôn giáo thiểu số.

 Các GM Mỹ cũng nhận xét rằng con số tối đa 50 ngàn người tị nạn được nhận vào Mỹ không tương ứng với những nhu cầu thực sự của việc tiếp đón, xét vì trên thế giới có khoảng 22 triệu người tị nạn, và đồng thời cũng không phản ánh lòng thương xót và khả năng của đất nước chúng ta. Chúng tôi xác tín rằng Hoa Kỳ có thiện chí, có khả năng đi hàng đầu và tài nguyên để giúp đỡ nhiều hơn những người dễ bị tổn thương nhất và đang tìm kiếm sự bảo vệ. Về phần mình, Giáo Hội sẽ tiếp tục đồng hành và đón tiếp những người tị nạn đến Mỹ và bảo đảm cho họ những dịch vụ cần thiết”. (REI 17-7-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

Nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị tôn giáo trong việc phòng ngửa bạo lực

NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh tại Liên Hiệp Quốc, nêu bật nhiệm vụ của giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong việc phòng ngừa bạo lực và tội phạm trên thế giới.

Phát biểu trong phiên họp phát động Chương trình hành động cho các vị lãnh đạo tôn giáo và các tác nhân phòng ngừa việc kích động bạo lực có thể dẫn đưa tới các tội phạm, ĐTGM Auza đã nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền và giới lãnh đạo là che chở dân chúng khỏi các tội phạm tàn ác cũng như việc khích động bạo lực. ĐC ca ngợi các mục tiêu của chương trình nhằm giúp hiểu biết hơn, phối hợp và khích lệ tiềm năng của các vị lãnh đạo tôn giáo góp phần phòng ngừa kích động bạo lực và sát nhập công việc của các vị vào trong các nỗ lực đề phòng các tội phạm tàn các. Đó cũng là điều được yêu cầu đối với các quốc gia, các cơ cấu xã hội dân sự, các tổ chức và giới truyền thông, vì việc phòng ngừa bạo lực và các tội phạm chống lại nhân loại đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Toà Thánh không thể ủng hộ mọi điểm trong số 177 mục tiêu được đề ra do 9 nhóm làm việc liên quan tới 35 mục đích. Nó là một bước tiến cụ thể trong việc cổ võ nền văn hoá và xã hội tiến tới.

Tiếp đến Vị đại diện Toà Thánh nhấn mạnh trên nhiệm vụ ưu tiên của các chính quyền quốc gia và quốc tế phải bảo vệ dân chúng, trong đó có việc ngăn ngừa kích thích cằng thẳng và xung đột có thể trở thành dip cho các tội phạm tàn ác. Tuy không có các phương tiện chấm dứt các tàn ác và tội phạm nhưng giới lãnh đạo tôn giáo có thể ảnh hưởng trên cung cách hành xử và tâm thức của dân chúng. Ảnh hưởng này đã bị lạm dụng và làm cho sai lạc bởi các vị lãnh đạo dùng quyền bính và ảnh hưởng của mình để biện minh cho bạo lực. Một trong các cách thức giúp loại trừ bạo lực và tội phạm tàn ác là đối thoại, và ý thức được chiều kích xã hội cộng đồng của tôn giáo. Các thiện ích phát xuất từ tôn giáo phải được trân trọng và thăng tiến làm sao để các vị lãnh đạo tôn giáo có thể lột mặt nạ các gian dối và tố cáo lên án các vi phạm nhân phẩm và nhân quyền, cũng như việc biện minh cho mọi hình thức thù ghét nhân danh tôn giáo.

Từ ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Phanxicô đã hoạt động và cổ võ việc đối thoại liên tôn, vì nó là điều kiện cần thiết cho hoà bình trên thế giới. Nó trao ban mẫu mực cho tín hữu trong việc thảo luận các khác biệt, lớn lên trong sự trân trọng các viễn tượng của nhau, và cùng nhau tiến tới hoà bình và lo cho công ích. Nó không chỉ giúp ngăn chặn việc khích động bạo lực mà còn khích lệ con người sống đạo hạnh và tạo dựng các xã hội hoà bình hoà hợp. (REI 14-7-2017)

Linh Tiến Khải

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

Lễ an táng ĐHY Joachim Meisner, nguyên Tổng Giáo Mục Koeln

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã được an táng trọng thể sáng thứ bẩy 15-7-2017, tại Nhà Thờ chính tòa giáo phận địa phương.

 ĐHY Meisner đã qua đời sáng sớm ngày 5-7 vừa qua tại nơi nghỉ hè Bad Fuessing ở nam Đức, hưởng thọ 84 tuổi, sau 25 năm làm TGM giáo phận Koeln.

 ĐHY Woelki TGM Koeln đã chủ sự thánh lễ và phần giảng thuyết do ĐHY Peter Erdoe, TGM giáo phận Esztergom Budapest ở Hungari đảm nhận.

  Hiện diện trong thánh lễ an táng, ngoài các vị lãnh đạo Công Giáo Đức, từ Roma đặc biệt có ĐHY Gerhard Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và Đức TGM Georg Gaenswein, Bí thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 và cũng là Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng.

 Đức TGM Gaenswein đã cảm động đọc thư của Đức Biển Đức 16 kể lại rằng khi nghe tin ĐHY Meisner qua đời ngài không thể tin được vì ngày hôm trước hai vị còn nói chuyện với nhau qua điện thoại. Thư của Đức nguyên Giáo Hoàng có đoạn viết: “Chúng ta biết rằng Đức Cố Hồng Y, như một mục tử hăng say, ngài cảm thấy khó rời bỏ sứ vụ này giữa lúc Giáo Hội đang cấp thiết cần các mục tử đầy xác tín cần chống lại sự độc tài của tinh thần thế gian và đã quyết liệt sống và suy tư từ đức tin..”

Đức Biển Đức 16 cũng kể lại: ”Trong các cuộc nói chuyện gần đây với Đức Cố Hồng Y Meisner, điều gây ấn tượng mạnh nơi tôi là sự thanh thản, niềm vui nội tâm và sự tín thác của Người.. Tôi cảm động hơn cả là khi thấy Đức Cố HY đã sống giai đoạn cuối đời trong niềm xác tín sâu xa 'Chúa không bỏ rơi Giáo Hội của Ngài, cho dù nhiều khi con thuyền đầy đến độ hầu như bị lật”.

Đức Biển Đức 16 cũng viết rằng ”Buổi sáng cuối cùng, ĐHY Meisner không xuất hiện tại nơi làm lễ, và người ta tìm thấy Người đã chết trong phòng. Sách nguyện tuột khỏi tay Người. ĐHY chết trong lúc cầu nguyện, hướng nhìn về Chúa, đối thoại với Chúa. Cách thức chết của Đức Cố Hồng Y mà Chúa ban cho Người, một lần nữa, tỏ cho thấy cách Người đã sống: đó là hướng nhìn lên Chúa và đối thoại với Chúa”.

Tại buổi lễ Đức TGM Nicola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, đã đọc điện văn chia buồn của ĐTC Phanxicô: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”. (KNA 15-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 16-7-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 16-7-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 16-7-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu thanh tẩy tâm hồn, đón nhận Lời Chúa và để Lời Chúa sinh hoa kết trái.

Đây là lần thứ 3 ngài xuất hiện trước các tín hữu trong tháng 7 này, vì đang là tháng nghỉ hè, các cuộc tiếp kiến của ngài bị ngưng lại.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu chúa nhật thứ 15 thường niên năm A trong đó Chúa Giêsu trình bày dụ ngôn người ra đi gieo hạt giống bên vệ đường, và từ đó ngài rút ra những bài học áp dụng cho tâm hồn các tín hữu về việc đón nhận và thực hành Lời Chúa.

Bài huấn dụ của ĐTC

Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn nổi tiếng về người gieo hạt giống (Xc Mt 13,1-23). Người gieo hạt giống là Chúa Giêsu. Chúng ta nhận xét rằng, với hình ảnh này, Chúa xuất hiện như một vị không áp đặt, nhưng đề nghị; không lôi kéo chúng ta bằng cách chinh phục, nhưng tự hiến cho chúng ta. Ngài kiên nhẫn và quảng đại gieo vãi Lời Ngài, Lời này không phải là một cái lồng hay cái bẫy, nhưng là hạt giống có thể sinh hoa kết trái. Bằng cách nào? Nếu chúng ta đón nhận hạt giống ấy.

Vì thế, dụ ngôn có liên hệ trước tiên tới chúng ta: thực vậy, dụ ngôn nói về mảnh đất hơn là về người gieo hạt giống. Có thể nói, Chúa Giêsu thực hiện một ”cuộc chụp quang tuyến tinh thần” tâm hồn chung ta, là thửa đất trên đó hạt giống Lời Chúa rơi xuống. Tâm hồn chúng ta như thửa đất, có thể là tốt, và như thế Lời Chúa mang lại hoa trái, nhưng đất ấy cũng có thể là khô cằn, không thấm nước. Điều này xảy ra khi chúng ta nghe Lời Chúa, nhưng Lời ấy bật lên, như khi rơi xuống trên một con đường.

Giữa thửa đất tốt và con đường có hai mảnh đất ở cấp độ giữa, mà chúng ta có thể có qua nhiều mức khác nhau. Thứ nhất là đất sỏi đá. Chúng ta cố tưởng tượng xem: một thửa đất sỏi đá là mảnh đất không có nhiều đất (Xc v.5), vì thế khi hạt giống nảy mầm, nó không ăn rễ sâu được. Đó là tâm hồn hời hợt, đón nhận Chúa, muốn cầu nguyện, yêu mến và làm chứng, nhưng không kiên trì, mệt mỏi và không lên cao được. Đó là một tâm hồn không có bề dầy, nơi mà những sỏi đá lười biếng trổi vượt, nơi mà tình yêu không bền bỉ và chóng qua. Nhưng người nào chỉ đón nhận Chúa khi mình thích, thì không mang lại hoa trái.

Rồi có thửa đất sau cùng, đất gai góc, đầy những bụi gai bóp nghẹt những cây tốt. Những bụi gai ấy tượng trưng cái gì? ”Thưa là những lo lắng trần tục và sự quyến rũ của giàu sang” (c.22), như Chúa Giêsu đã nói. Những gai góc chính là những tật xấu chống lại Thiên Chúa, chúng làm cho sự hiện diện của Ngài bị ngộp; nhất là những thần tượng giàu sang thế gian, sống ham hố, cho bản thân, để có của cải và quyền lực. Nếu chúng ta vun trồng những bụi gai ấy, thì chúng ta sẽ bóp nghẹt sự tăng trưởng của Thiên Chúa nơi chúng ta. Mỗi người có thể nhận ra những bụi gai lớn nhỏ của mình, những tật xấu trong con tim mình, những cây gai ăn rễ sâu hơn kém, không làm hài lòng Thiên Chúa và ngăn cản ta không có một con tim thanh sạch. Cần nhổ chúng đi, nếu không Lời Chúa sẽ không mang lại hoa trái.

ĐTC nói tiếp: ”Anh chi em thân mến, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhìn vào nội tâm của mình: cảm tạ Chúa vì thửa đất tốt của chúng ta và làm việc trên những thửa đất chưa tốt. Chúng ta hãy tự hỏi xem con tim chúng ta có mở rộng để đón nhận hạt giống Lời Chúa trong đức tin hay không. Chúng ta hãy tự hỏi xem những sỏi đá lười biếng nơi chúng ta có còn nhiều và lớn hay không? Chúng ta hãy nhận diện và gọi đích danh những bụi gai tật xấu. Chúng ta hãy có can đảm làm sạch thửa đất, mang đến cho Chúa trong sự xưng tội và kinh nguyện những sỏi đá và những bụi gai của chúng ta. Làm như thế, Chúa Giêsu, người gieo hạt giống, sẽ vui mừng thực hiện một công việc bổ túc: đó là thanh tẩy tâm hồn chúng ta, cất đi những sỏi đá và gai góc bóp nghẹt Lời Chúa.

Mẹ Thiên Chúa mà hôm nay chúng ta kính nhớ dưới tước hiệu Đức Trinh Nữ Núi Camêlô, là người khôn sánh trong việc đón nhận Lời Chúa, và mang ra thực hành (Xc Lc 8,21) xin Mẹ giúp chúng ta thanh tẩy tâm hồn và giữ gìn sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC chào thăm các tín hữu Roma và những người hành hương đến từ các nơi trên thế giới: các gia đình, các nhóm giáo xứ và hội đoàn.

Ngài đặc biệt chào các nữ tu dòng ”nữ tử Đức Mẹ Sầu Bi” kỷ niệm 50 năm được Tòa Thánh phê chuẩn dòng, các nữ tu Phan Sinh Thánh Giuse kỷ niệm 150 năm thành lập, ban giám đốc và các khách trọ của Nhà Croát, Domus Croata, kỷ niệm 30 năm thành lập ở Roma.

Ngài cũng gởi lời đặc biệt chào thăm cộng đoàn Công Giáo người Venezuela ở Roma, và lập lại lời cầu nguyện cho đất nước yêu quí của họ.

Sau cùng, ĐTC cầu chúc mọi người một chúa nhật tốt đẹp, và xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Đại hội Laudato Si bên Rio de Janeiro

VATICAN: ĐTC khích lệ mọi người biết tôn trọng thụ tạo, có tinh thần trách nhiệm đối với thiên nhiên và vun trồng củng cố các tương quan trong xã hội đa văn hoá.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp gửi hội nghị triệu tập tại Rio de Janeiro trong các ngày từ 13 tới 15 tháng 7 về đề tài “Laudato si và các thành phố lớn”. Hội nghị có mục đích thực thi nội dung Thông điệp của ĐTC và gây ý thức cho mọi người liên quan tới các đòi buộc luân lý đạo đức phải cấp thiết tìm ra một giải pháp cho vấn đề thay đổi khí hậu. ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phát triển toàn diện, đã đọc diễn văn khai mạc đại hội.

Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha ĐTC khẳng đinh rằng Thông điệp quy chiếu nhiều nhu cầu của con người sống trong các thành phố lớn trên thế giới ngày nay. Để được hữu hiệu cần chú ý tới ba từ bắt đầu bằng chữ R là Respeto, Responsabilidad và Relación: nghĩa là sự tôn trọng, tinh thần trách nhiệm và tương quan. Mọi người phải tôn trọng thụ tạo là ơn  Thiên Chúa ban cho thế giới,  trong đó có nước là suối nguồn sự sống. Trong Bài ca tạo vật thánh Phanxicô thành Assisi cảm tạ Thiên Chúa vì “chị nước rất ích lợi và khiêm tốn, quý báu và thanh sạch”. Cũng như các yếu tố khác nước uống trong lành diễn tả tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật. Khi không biết chú ý và giữ gìn nước trong lành, là chúng ta khiến cho cuộc sống của hàng triệu người gặp nguy hiểm. Vì thế cần tạo ra ý thức cao độ đối với môi trường bao quanh chúng ta, vì nó là thiện ích cho chúng ta và cho các thế hệ tương lai.

Sự tôn trọng này đòi buộc chúng ta phải có tinh thần trách nhiệm cao, làm tất cả những gì có thể để duy trì môi sinh lành mạnh, khí quyển trong lành, môi trường sạch sẽ, không khai thác thiên nhiên bữa bãi vô độ và giải quyết vấn để thải rác. Các chính quyền có bổn phận tìm ra các phương thế hữu hiệu để săn sóc  căn nhà chung ngày càng có thể ở được và lành mạnh hơn.

Sau cùng cần vun trồng và củng cố tương quan giữa mọi giai tầng trong một xã hội ngày càng đa văn hoá và đa chủng tộc, và sống yêu thương, cởi mở liên đới với nhau. Thật là quan trọng việc xã hội cùng nhau làm việc trong lãnh vực chính trị, giáo dục và tôn giáo để tạo ra các tương quan nhân bản có phẩm chất cao triệt hạ các bức tường ngăn cách, cô lập và gạt bỏ tha nhân. Điều này có thể thực hiện được qua các nhóm, các trường học và giáo xứ có khả năng xây dựng một mạng lưới hiệp thông và tuỳ thuộc giúp chung sống và thắng vượt các khó khăn (REI 13-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

Nhà báo Eugenio Scalfari phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Nhà báo Eugenio Scalfari phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Ngày mùng 8 tháng 7 vừa qua nhật báo Cộng Hoà La Republica ở Italia đã đăng bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho ông Eugenio Scalfari, một nhà báo lão thành không có niềm tin tôn giáo. Thứ năm trước đó chính ĐTC đã điện thoại cho ông. Ông Eugenio hơn ĐTC 13 tuổi. Sau khi hỏi thăm nhau về tình hình sức khoẻ ĐTC khuyên ông nên uống nước nhiều và ăn thức ăn có muối. Hai người hẹn gặp nhau lúc 4 giờ chiều cùng ngày tại nhà trọ thánh nữ Marta. Đề tài chính của buổi nói chuyện xoay quanh Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hoá duy nhất của vũ hoàn. Đó cũng là luận thuyết nền tảng của triều đại Đức Phanxicô. Kết quả là tình huynh đệ giữa mọi tôn giáo và của các Giáo Hội Kitô, đặc biệt là tình yêu thương đối với người nghèo, người yếu đuổi, bị loại trừ, người bệnh tật, hoà bình và công lý. ĐTC cho ông biết ngài rất lo âu đối với hội nghị thượng đỉnh của khối G20. Ngài nói với ông:

“Tôi sợ rằng có các liên minh khá nguy hiểm giữa các cường quốc  có một quan niệm lệch lạc về thế giới: Mỹ và Nga, Trung Quốc và Bắc Hàn, Putin và Assad trong chiến tranh Siria”.

Hỏi: Thưa ĐTC đâu là nguy hiểm của các liên minh này?

Đáp: Nguy cơ liên quan tới việc di cư. Như ông biết đó, chúng ta có một vấn đề chính, và rất tiếc ngày càng gia tăng trong thế giới hiện nay, đó là vấn đề của người nghèo, người yếu đuối, người bị loại trừ, mà các người di cư là thành phần. Đàng khác, có các quốc gia đa số dân nghèo không đến từ các phong trào di cư, mà bởi các tai ương xã hội, có những nước khác có ít người nghèo, nhưng họ sợ sự xâm lăng của người di cư. Đó là lý do tại sao hội nghị thượng đỉnh của khối G20 khiến tôi lo lắng: nó đánh vào người di cư của các quốc gia phân nửa thế giới, và nó càng đánh mạnh với thời gian qua đi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC nghĩ rằng trong xã hội toàn cầu như xã hội chúng ta đang sống, sự di chuuyển của các dân tộc gia tăng, nghèo hay không nghèo cũng thế, có phải vậy không?

Đáp: Chúng ta đừng ảo tưởng: các dân tộc bị thu hút bởi các đại lục và các quốc gia giầu cổ xưa. Nhất là Âu châu. Chế độ thực dân phát xuất từ châu Âu. Có các khía cạnh tích cực trong chế độ thực dân, nhưng cũng có các khía canh tiêu cực. Dầu sao đi nữa Âu châu đã trở thành giầu có hơn, giầu nhất trên toàn thế giới. Vì thế nó sẽ là mục tiêu của các dân tộc di cư.

Hỏi: Cả con nữa cũng đã suy tư nhiều lần về vấn đề này, và con đi tới kết luận rằng không phải chỉ vì thế, mà cũng vì thế Âu châu phải mau chóng chừng nào có thể có một cơ cấu liên bang. Các luật lệ và các thái độ chính trị phát xuất từ đó được quyết định bởi chính quyền liên bang và Quốc hội liên bang, chứ không phải bởi các nước thành viên riêng rẽ. ĐTC cũng đã nhiều lần nêu lên vấn đề này, cả khi phát biểu trước Quốc hội âu châu nữa, có đúng thế không thưa ĐTC?

Đáp: Đúng thế. Tôi đã nhiều lần nêu lên vấn đề này.

Hỏi: Và ĐTC đã được vỗ tay tán đồng nhiều lần kể cả tung hô nữa có đúng vậy không?

Đáp: Vâng, đúng vậy. Nhưng rất tiếc nó có ít ý nghĩa. Các quốc gia chuyển động và ý thức được một sự thực: hoặc là Âu châu trở thành một cộng đồng liên bang hoặc là nó sẽ không còn là gì nữa trên thế giới.  Nhưng bây giờ tôi muốn hỏi ông một câu: đâu là các thành kiến và các khuyết điểm của các nhà báo?

ĐTC trở thành người phỏng vấn. Ông Eugenio đáp: Thưa ĐTC, ĐTC phải biết rành hơn con chứ, bởi vì ngài là một người kiên trì đọc các bài họ viết mà!

ĐTC: Nhưng mà tôi muốn biết từ ông cơ!

Đáp: Vâng, chúng ta hãy để qua một bên các thành kiến, nhưng cũng có các thành kiến và đôi khi chúng cũng rất là đáng chú ý. Các khuyết điểm của các nhà báo: đó là kể lại một sự kiện mà không biết nó thật hay không thật tới mức nào;  vu khống, giải thích sự thật bằng cách khiến cho các tư tưởng của mình thắng thế. Và cả việc lấy các tư tưởng của một người khôn ngoan hơn, chuyên môn hơn làm của mình, bằng cách gán nó cho chính mình.

ĐTC nói:

Điều cuối cùng này tôi đã không bao giờ để ý. Chuyện các nhà báo có các tư tưởng riêng và áp dụng chúng cho thực tại không phải là một khuyết điểm, nhưng tự gán cho mình các tư tưởng của người khác để có được uy tín hơn, điều này chắc chắn là một  khuyết điểm trầm trọng.

Hỏi: Thưa ĐTC, nếu ĐTC cho phép bây giờ con xin hỏi hai điều. Con đã trình bầy vài lần trong các bài viết của con, nhưng con không biết ĐTC nghĩ gì?

Đáp: À, tôi hiểu rồi. Ông muốn nói về Spinoza và Pascal chứ gì. Ông muốn đề nghị trở lại hai đề tài này phải không?

Hỏi: Vâng, con cám ơn ĐTC. Chúng ta hãy bắt đầu với Luân lý đạo đức của Spinoza. ĐTC biết ông ta sinh ra là người Do thái, nhưng không sống đạo Do thái. Ông đã từ hội đường do thái Lisboa sang Hoà Lan. Nhưng trong ít tháng sau khi ông cho đăng vài bài khảo luận, hội đường Do thái tại Amsterdam đã cho đăng tải một bài viết rất gay gắt chống lại ông. Trong vài tháng Giáo Hội công giáo đã tìm cách lôi kéo ông vào niềm tin của mình. Spinoza đã không trả lời, và đã sắp xếp để các bút tích của ông chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Nhưng trong khi chờ đợi thì vài người bạn của ông đã nhận được các bản thảo của các cuốn sách ông đang viết.

Đặc biệt là cuốn Luân lý đạo đức được Giáo Hội biết tới, và lập tức ra vạ tuyệt thông cho ông, Lý do là vì Spinoza cho rằng Thiên Chúa hiện diện trong mọi tạo vật sống động: thảo mộc, thú vật, con người. Một tia lửa thiên linh ở khắp mọi nơi. Như vậy Thiên Chúa nội tại trong thế gian, chứ không siêu việt. Chính vì vậy mà ông đã bị vạ tuyệt thông.

Đáp: Vậy chứ ông không thấy thế là đúng hay sao? Thiên Chúa duy nhất của chúng tôi siêu việt. Chúng tôi cũng nói rằng có một tia thiên linh ở khắp mọi nơi, nhưng sự siêu việt là miễn nhiễm. Đó là lý do tai sao ông ta bị vạ tuyệt thông.

Hỏi: Đối với con, nếu con nhớ đúng, xem ra đó đã do dòng Tên yêu cầu. Vào thời chúng ta đang đề cập tới, các tu sĩ dòng Tên đã bị trục xuất khỏi Giáo Hội, rồi lại được thu nhận. Dầu sao đi nữa ĐTC đã không nói cho con biết tại sao phải thu hồi vạ tuyêt thông đó.

Lý do là thế này. ĐTC đã nói với con trong một lần nói chuyện trước  rằng vài ngàn năm nữa loài người chúng ta sẽ tuyệt chủng. Trong trường hợp đó các linh hồn giờ đây được hưởng  hạnh phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhưng khác với Chúa sẽ hoà tan với Ngài. Ở thời điểm ấy sẽ không còn có sự cách biệt giữa siêu việt và nội tại nữa. Và vì vậy, khi dự kiến trước biến cố đó, việc ra vạ tuyệt thông ngay từ bây giờ có thể được tuyên bố là đã hết rồi. ĐTC không nghĩ như thế sao?

Đáp: Chúng ta hãy nói rằng có một luận lý trong điều ông đề nghị, nhưng lý do dựa trên một giả thuyết của tôi, nó không có sự chắc chắn nào, và nền thần học của chúng ta  không thấy trước điều đó. Việc giống người của chúng ta biến mất là một giả thuyết tinh tuyền, và vì vậy nó không thể lý giải một vạ tuyệt thông đã được đưa ra để kiểm duyệt  sự nội tại và khẳng định sự siêu việt.

Hỏi: Nếu ĐTC mà làm điều đó thì sẽ bị đa số Giáo Hội chống đối, có đúng thế không?

Đáp: Tôi tin là vậy, nhưng nếu chỉ là chuyện đó và tôi chắc chắn về điều tôi nói về đề tài này, tôi sẽ không nghi ngờ, trái lại nếu tôi lại không chắc chắn và vì vậy tôi sẽ không đương đầu với một trận chiến có thể nghi ngờ trong các lý do và thất bại ngay từ lúc bắt đầu. Bây giờ nêu muốn ông hãy nói về vấn đề thứ hai muốn hỏi tôi.

Hỏi: Vâng đó là vấn đề về ông Pascal. Sau một tuổi trẻ ăn chơi Pascal đã như bất thình lình bị xâm chiếm bởi niềm tin tôn giáo. Ông ta đã rất thông thái, ông đã đọc Montaigne nhiều lần và cả Spinoza, Giansenio, các hồi ký của ĐHY Carlo Borromeo. Nghĩa là ông ta có một nền văn hóa đời và cả tôn giáo nữa. Tới một lúc nào đó niềm tin tôn giáo đánh trúng ông hoàn toàn. Ông gia nhập cộng đoàn Port Royal des Champs, nhưng rồi lại tách rời ra. Ông viết vài tác phẩm trong đó các “Tư tưởng”, một cuốn sách theo con thật tuyệt vời và cũng rất hay trên bình diện tôn giáo. Nhưng rồi ông qua đời. Ông hầu như hấp hối và bà chị đã mang ông về nhà để có thể săn sóc cho ông. Mặc dầu ông muốn chết trong nhà thương giữa những người nghèo. Bác sĩ đã từ chối không cho phép vì ông chỉ còn vài ngày sống và vì việc đem ông đi không thể làm được. Khi đó ông xin đem một người nghèo hấp hối từ một nhà thương dành cho người nghèo về nhà ông với một chiếc giường giống giường của ông. Bà chị tìm cách làm vừa lòng ông, nhưng cái chết đến trước. Riêng cá nhân con thì con nghĩ Pascal đáng được phong chân phước lắm.

Đáp: Ông bạn thân mến của tôi, ông hoàn toàn có lý trong trường hợp này. Tôi cũng nghĩ là Pascal đáng được phong chân phước. Tôi sẽ lo liệu thủ tục cần thiết và hỏi ý kiến của các cơ quan Vaticăng đặc trách các vấn đề này, cùng với xác tín cá nhân và tích cực của tôi.

Hỏi: Thưa ĐTC, ĐTC có bao giờ nghĩ tới việc viết về một hình ảnh Giáo Hội công nghị không?

Đáp: Không, tại sao tôi lại phải làm điều đó?

Hỏi: Bởi vì nó sẽ có một kết quả khá đảo lộn. ĐTC có muốn con giải thích không?

Đáp: Chắc chắn là ông làm tôi hài lòng rồi. Còn hơn thế nữa xin ông vẽ nó ra cho tôi.

ĐTC đưa giấy bút cho tôi và tôi vẽ. Tôi gạch một đường ngang và nói rằng đây là các Giám Mục mà ĐTC quy tụ về họp Công nghị. Tất cả các vị đều có một tước hiệu như nhau và một nhiệm vụ như nhau: đó là săn sóc các linh hồn được giao phó cho các vị trong giáo phận của các vị. Tôi vạch đường ngang này rồi nói: Nhưng mà ĐTC, thưa ĐTC, là Giám Mục Roma và như thế có quyền tối thượng trong Công nghị, vì ĐTC có nhiệm vụ rút tiả ra các kết luận và đưa ra đường lối chung của hàng Giám Mục. Như thế Giám Mục Roma ở bên trên vạch ngang này, có một vạch dọc lên cho tới tên của ĐTC và nhiệm vụ của ngài. Đàng khác các Giám Mục ở trên hàng ngang cai quản, giáo dục, trợ giúp tín hữu, và vì vậy có một đường từ hàng ngang xuống cho tới điều đại diện dân chúng. ĐTC có trông thấy hình vẽ không? Nó là một Thập Giá đó.

ĐTC nói:

Tư tưởng này thật rất là hay đẹp. Tôi đã không bao giơ có ý tưởng làm một hình vẽ về Giáo Hội Công nghị. Ông đã làm điều đó, tôi rất thích nó.

Trời đã muộn. ĐTC tặng tôi hai cuốn sách kể lại lịch sử của ngài tại Argentina cho tới Công nghị hồng y bầu ngài làm Giáo Hoàng. Một cuốn dầy hàng trăm trang. Chúng tôi ôm hôn nhau. Và ĐTC đã muốn mang hai cuốn sách ra xe cho tôi. Chúng tôi xuống thang máy và ra cửa nhà trọ thánh Marta. Chiếc xe của tôi đã dừng trước cửa. Ông tài xế xuống xe bắt tay chào ĐGH và tìm giúp tôi vào trong xe. ĐTC mời ông tài xế ngồi vào tay lái cho xe nổ máy và nói “Để tôi giúp ông ấy”. Ngài đỡ tôi và giúp tôi vào trong xe và giữ cửa xe mở. Khi tôi đã ngồi trong xe, ngài hỏi tôi có thoải mái không. Tôi trả lời là có. Khi đó ngài mới đóng cửa xe, và lui ra sau một bước chờ cho xe chuyển bánh, Ngài vẫy ta chào tôi cho tới phút chót, trong khi tôi đầy nước mắt vì cảm động. Tôi thường viết rằng ĐTC Phanxicô là một người cách mạng. Ngài nghĩ đến việc phong chân phước cho ông Pascal, ngài nghĩ tới người nghèo, người di cư. Ngài cầu mong một Âu châu liên bang và cuối cùng và không phải cuối cùng ngài giơ tay giúp tôi vào trong xe. Một vị Giáo Hoàng như thế chúng ta đã không bao giờ có! Và những gì ngài đã nói với tôi trong cuộc phỏng vấn cứ vang lên trong đầu tôi.

Linh Tiến Khải

Năm 2016 Caritas Áo dành 900 triệu Euros cho các hoạt động bác ái

Năm 2016 Caritas Áo dành 900 triệu Euros cho các hoạt động bác ái

VIENNE: Trong năm 2016 Caritas Áo đã bỏ ra ngân khoản 900 triệu Euros cho các sinh hoạt bác ái đủ loại kể cả việc tiếp đón và trợ giúp người di cư.

Trong số đó có 190 triệu được dành cho việc trợ giúp người tàn tật, và các sinh hoạt đồng hành với các bệnh nhân cuối đời; 193 triệu dành cho các nhà trẻ, người di cư và việc hội nhập với 142 dự án xã hội, 247 vườn trẻ và 36 trung tâm cố vấn cho người di cư.

ĐC Michael Lindao chủ tịch Caritas Áo nói: “Tôi xác tín rằng chúng ta có thể có được nhiều hơn nữa. Lòng can đảm mạnh hơn sự sợ hãi, tình yêu lớn hơn thù hận. Người dân Áo sẵn sàng sống tình liên đới. Bác ái và liên đới hiệp nhất chúng tôi và tạo thành cộng đoàn”.

Trong số hàng trăm sinh hoạt phải kể tới 703 chương trình trợ cấp xã hội do nhánh Young Caritas đảm trách liên quan tới gần 87,000 trẻ em và người trẻ, với 2,000 người trẻ thiện nguyện viên dấn thân. Cũng có 73.5 triệu Euro dành cho việc cố vấn xã hội, người tỵ nạn và vô gia cư, 10 nhà cho các bà mẹ trẻ có con thơ với 155 chỗ ở, các nhà hội nhập xã hội và 19 cơ cấu và trạm xá khám bênh, trợ giúp thuốc men và phục vụ sức khoẻ. Sau cùng có 35 triệu Euros được dùng cho các dự án nước ngoài.

Caritas Áo hoạt động nhờ có 40,000 thiên nguyện viên phục vụ trong nhiều lãnh vực khác nhau và hơn 15,600 nhân viên làm việc toàn thời. (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải

 

Tự sắc về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì lòng bác ái

Tự sắc về việc hiến dâng mạng sống cho tha nhân vì lòng bác ái

VATICAN: Hôm ngày (11-7) ĐTC  Phanxicô đã công bố Tự Sắc “Maiorem hac dilectionem” về việc hiến dâng sự sống của các kitô hữu trong tương quan với việc phong chân phước và phong thánh.

Trong phần mở đầu ĐTC khẳng định rằng các kitô hữu noi gương Chúa Giêsu đã tự hiến mạng sống cho tha nhân và kiên trì cho đến chết trong ý hướng này thật đáng vinh danh. Việc hiến dâng sự sống, được tình bác ái gợi hứng và nâng đỡ, diễn tả một việc noi gương Chúa Kitô đích thật, tràn đầy, và vì thế đáng ca ngợi, mà công đoàn kitô thường dành cho những người tự ý chấp nhận việc tử đạo hay thực thi các nhân đức kitô tới mức anh hùng. Theo ý kiến thuận của Bộ Phong Thánh đã nghiên cứu trong Phiên họp khoáng đại  ngày 27 tháng 9 năm 2016, ĐTC  thiết định 7 điều lệ, trong đó có một số thay đổi liên quan tới Tông hiến Divinus perfectionis Magister công bố ngày 25 tháng giêng năm 1983.

Sau đây là vài điều lệ:

Thứ nhất, việc dâng hiến sự sống  là một loại sự kiện mới của lộ trình phong chân phước và phong thánh, khác với các loại sự kiện về tử đạo và tính cách anh hùng của các nhân đức.

Thứ hai, việc dâng hiến sự sống, để có giá trị và hữu hiệu cho việc phong chân phước một vị Tôi tớ Chúa, phải theo các tiêu chuẩn sau đây:

dấng hiến sự sống một cách tự do và cố ý, và anh hùng chấp nhận vì bác ái một cái chết chắc chắn và trong thời gian ngắn
liên hệ giữa việc hiến dâng sự sống và cái chết quá sớm
thực hành ít nhất trong mức độ bình thường các nhân đức kitô trước khi hiến dâng mạng sống và rồi cho tới chết
sự hiện hữu hương thơm thánh thiện và các dấu chỉ, ít nhất sau khi chết
cần có phép lạ cho viêc phong chân phước, xảy ra sau cái  chết của vị  Tôi tớ Chúa và do sự bầu cử của ngài.

Thứ ba, việc cử hành điều tra cấp giáo phận hay giáo quận và tài liệu liên hệ được quy định bởi Tông hiến Divinus perfectionis Magister ngày 25 tháng giêng năm 1983  và bởi tài liệu Normae servandae in inquisitionibus ab Episcopis facendis in Causis Sanctorum ngày mùng 7 tháng 2 cùng năm, với các thay đổi liên quan tới việc thu thập tài liệu và điều tra cuộc sống, các nhân đức, việc hiến dâng mạng sống hay tử đạo, hương thơm thánh thiện, các phép lạ, và việc tôn kính cổ xưa vị Tôi tớ Chúa được xin phong thánh.

Việc điều tra các phép lạ phải làm tách biệt với việc điều tra các nhân đức, việc dâng hiến mạng sống hay việc tử đạo. Các Giám Mục giáo phận hay giao quận và những người có quyền trong lãnh vực pháp lý có thể nghiên cứu các vụ được giao phó với các cộng sự viên ngoại tại trong việc chuẩn bị các tài liệu.

Thêm vào đó có việc phân biệt các án mới hay cũ: án mới có thể minh chứng với lời khai của các chứng nhân còn sống, án cũ với các nguồn chứng tá viết vv… (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải

Giáo Hội Venezuela tố cáo chính sách cai trị độc tài mác xít cộng sản của tông thống Maduro

Giáo Hội Venezuela tố cáo chính sách cai trị độc tài mác xít cộng sản của tông thống Maduro

CARACAS: HĐGM Venezuela yêu cầu tổng thống Nicolas Maduro thu hồi quyết định bầu cử Quốc hội lập hiến và tôn trọng sự độc lập của Quốc Hội và Bộ xã hội.

Các Giám Mục đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bức thư trao cho tổng thống hôm mùng 10 tháng 7 vừa qua. Thư mang chữ ký của Ban Thường Vụ cũng yêu cầu tổng thống thực thi các thoả hiệp đã đạt được với phe đối lập trong giai đoạn đầu của cuộc thương thuyết, do Toà Thành thăng tiến. Trong các điều đã được đề ra có việc tổ chức tổng tuyển cử, trả tự do cho các tù nhân chính trị và mở ra các kênh tiếp tế nhân đạo để trợ giúp dân chúng đang gặp khó khăn. Các Giám Mục khẳng định rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng vì bất an và thiếu thốn thực phẩm thuốc men hiện nay cần trao trả lại cho quốc gia các cơ cấu dân chủ như được ghi nhận trong Hiến pháp, thừa nhận sự độc lập của các quyền bính công cộng, đặc biệt là của Quốc Hội và Bộ xã hội.

Trong diễn văn khai mạc đại hội khoáng đại của HĐGM hôm mùng 7 tháng 7 ĐC Diego Padrón, chủ tịch HĐGM Venezuela, đã mạnh mẽ tố cáo chính sách cai trị độc tài kiểu xã hội chủ nghĩa, mác xít và cộng sản của tổng thống Nicolas Maduro. Giáo hội ùng hộ đề nghị của phe đối lập tổ chức trưng cầu dân ý. Giáo Hội sẵn sàng dành các văn phòng giáo xứ làm trung tâm bỏ phiếu ngày 16 tháng 7 tới đây. Người dân được hỏi có đồng ý với Quốc hội lập hiến do tổng thống đề nghị và có chấp thuận các cuộc tổng tuyền cử mới trong vòng 9 tháng tới hay không.

Sau 3 tháng biểu tình phản đối khiến cho 92 người chết, với sáng kiến này phe đối lập muốn ngăn chặn việc bầu cử các thành viên mới của Quốc hội lâp hiến dự trù vào ngày 30 tháng 7 này. Phe đối lập đồng ý với các Giám Mục coi cuộc cải cách Hiến pháp này là một dụng cụ của chính quyền nhằm duy trì quyền bính của mình (REI 11-7-2017)

Linh Tiến Khải

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

Bộ phụng tự yêu cầu kiểm thực phầm chất bánh rượu dùng trong thánh lễ

VATICAN: Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích xin các Giám Mục toàn thế giới kiểm thực phẩm chất của bánh rượu dùng để dâng Thánh Lễ.

Thông cáo do Bộ  phổ biến ngày mùng 9 tháng 7 vừa qua mang chữ ký của ĐHY Tổng trưởng Robert Sarah và ĐTGM Thư ký Arthur Roche, trong đó Bộ yêu cầu các GM nhắc nhớ trách nhiệm của các linh mục, đặc biệt là các cha sở và giám đốc các đền thánh, trong việc kiểm thực phẩm chất bánh rượu cho phù hợp với Giáo Luật. Lý do vì có nhiều loại bánh rượu được bán cả trong các siêu thị,  hay hàng quán, hoặc trên mạng Internet.

Bánh phải là bánh không men, làm bằng lúa mì tinh tuyền, còn mới để không có nguy cơ bị hư hại.  Bánh làm bằng loại ngũ cốc khác với lúa mì, hay trộn lẫn với chất liệu khác lúa mì, không được coi là lúa mì thì không có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể. Việc dùng bánh trộn lẫn với các chất liệu khác như trái cây, đường và mật là một lạm dụng nghiêm trọng. Các bánh lễ phải được làm do những người liêm chính và chuyên môn trong việc cung cấp bánh lễ.

Rượu dùng dâng Thánh Lễ phải là rượu tự nhiên làm bằng trái nho, tinh tuyền không bị pha chế hay trộn lẫn với các chất khác. Cần giữ gìn nó trong tình trạng hoàn hảo để rượu không trở thành giấm. Tuyệt đối không được dùng rượu không có sự tinh tuyền và phát xuất chắc chắn. Vì Giáo Hội đòi buộc sự chắc chắn liên quan tới các điều kiện cần thiết đối với giá trị của các bí tích. Không thể chấp nhận các loại rượu khác thuộc bất cứ loại nào không có giá trị cho việc cử hành.

** Bộ Phụng tự cũng nhắc lại Thư luân lưu Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi cho các vị chủ tịch HĐGM liên quan tới việc dùng bánh với ít chất glutine và nước nho như chất liệu cử hành bí tích Thánh Thể, công bố ngày 24 tháng 7 năm 2003 về các điều luật riêng cho những người vì các lý do nghiêm trọng khác nhau không thể ăn bánh thường hay uống rượu lên men bình thường. Theo đó các bánh thánh hoàn toàn không có chất glutine là chất liệu không có giá trị để cử hành bí tích Thánh Thể. Là chất liệu có giá trị các bánh có chứa một lượng glutine đủ cho việc làm bánh, không thêm các chất lạ khác và không dùng các phương thức làm sai lạc bản chất của bánh (A. 1-2). Nước nho tươi được giữ không cho lên men qua các tiến trình không làm hư bản chất của nó, thí dụ như biến thành đá, là chất liệu có giá trị cho việc cử hành Thánh Thể (A.3). Các Giám Mục có quyền cho phép dùng bánh có ít chất glutine hay nước nho như là chất liệu của bí tích Thánh Thể đối với một tín hữu hay một linh mục. Phép này có thể được ban thường xuyên khi tình trạng lý do của việc cho phép vẫn kéo dài (C.1).

Ngoài ra Bộ Phung Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng quyết định rằng chất liệu thánh thể được làm với các cơ cấu bị biến đổi di truyền có thể được coi là chất liệu có giá trị. Những ai làm bánh và sản xuất ruợu cho việc cử hành Thánh Thể phải ý thức rằng công việc của họ hướng tới Hy Tế Thánh Thể và điều này đòi hỏi sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm và chuyên môn. Sau cùng liên quan tới việc tuân giữ các điều luật tổng quát các Giám Mục có thể đồng ý với nhau trên bình diện HĐGM, bằng cách đưa ra các chỉ dẫn cụ thể. Do sự phức tạp của các tình hình và trạng huống, cũng như sự tôn trọng giảm sút trong lãnh vực thánh thiêng, trong cụ thể giáo quyền  cần chỉ định người bảo đảm cho tính chất tinh tuyền của chất liệu dùng cho việc cử hành bí tích Thánh Thể từ phiá các nhà sản xuất cũng như từ phía người phân phối và bán các chất liệu ấy một cách thích hợp. Chẳng hạn Bộ đề nghị HĐGM giao phó nhiệm vụ này cho một hay nhiều dòng tu hoặc một tổ chức có thể chu toàn các kiểm thực cần thiết  liên quan tới việc sản xuất, giữ gìn và bán bánh lễ rượu lễ  trong một quốc gia hay trong các quốc gia khác xuất cảng chúng. Bộ cũng yêu cầu bánh và rượu dùng cho việc cử hành Thánh Thể được đối xử thích hợp tại những nơi bán (REI 9-7-2017) 

Linh Tiến Khải

 

ĐHY Peter Turkson kêu gọi bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của các công nhân biển

ĐHY Peter Turkson kêu gọi bảo vệ và thăng tiến quyền lợi của các công nhân biển

VATICAN: Trong sứ điệp gửi nhân Ngày Chúa Nhật của Biển mùng 9 tháng 7, ĐHY Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ phục vụ phát triển con người toàn diện, kêu gọi bảo vệ quyền lợi và thăng tiến cuộc sống của những người sống về nghề biển.

ĐHY viết trong sứ điệp gửi các linh mục tuyên uý, các thiện nguyện viên, thân hữu và những người ủng hộ Tông Đồ Biển như sau: Chúa Nhật của Biển mời gọi chúng ta thừa nhận và bầy tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với lực lượng to lớn gồm 1,5 triệu công nhân làm việc trong lãnh vực này, đa số thuộc các nước đang trên đường phát triển. Nhờ công việc nặng nhọc cam go và các hy sinh của họ cuộc sống của chúng ta được tiện nghi hơn. Vì họ chuyên chở 90% mọi loại hàng hoá và sản phẩm từ nước này sang nước khác. Mặc dù phần đóng góp nòng cốt của họ cho nền kinh tế thế giới, các công nhân này gặp nhiều khó khăn và phải đương đầu với các thách đố ảnh hưởng nghiêm trọng trên cuộc sống của họ và gia đình họ.

Tuy có nhiều tiến bộ kỹ thuật giúp cải tiến sự thông truyền giữa các công nhân nghề biển, nhưng họ phải sống xa gia đình nhiều tháng trời. Đây là hy sinh thường âm hưởng trên cuộc sống gia đình của họ. Các bà mẹ phải sống và giáo dục dưỡng nuôi con cái một mình, vì người cha luôn luôn vắng mặt. Trong công tác mục vụ chúng ta phải đặc biệt chú ý tới các gia đình của các công nhân này và hỗ trợ họ bằng cách thành lập các nhóm các bà vợ để họ nâng đỡ trợ giúp nhau.

** Việc sử dụng các phương tiện truyền thông tân tiến giúp các công nhân nghề biển liên lạc với bạn bè khắp nơi trên thế giới, nhưng giữa họ với nhau lại có nguy cơ cô đơn, mỗi người sống trong thế giới ảo của mình. Nhiệm vụ của các tông đồ biển khi thăm viếng họ trên tầu là tìm tạo ra sự kết nối nhân bản, củng cố truyền thông nhân bản để tránh sự cô lập, đơn độc và trầm cảm, là các lý do dẫn đến chỗ tự tử của các công nhân.

Ngoài ra nạn khủng bố đe dọa khắp nơi đòi hỏi phải có các biện pháp an ninh giới hạn không cho các thuỷ thủ lên đất liền tại các hải cảng. Phải làm sao bảo đảm cho các công nhân không bị kỳ thị vì bất cứ lý do chủng tộc tôn giáo nào. Cần bảo đảm cho họ được săn sóc sức khoẻ trên đất liền. Tuy có các luật lệ quốc tế bắt đầu có hiệu lục từ tháng 8 năm 2013 vẫn còn có nhiều công nhân bị lừa đảo tiền lương, bị khai thác bóc lột  và lạm dụng tại nơi làm việc, bị kỳ thị và kết tội một cách bất công vì các tại nạn biển và bị bỏ rơi trong các hải cảng xa lạ. ĐHY Turkson yêu cầu các giới chức hữu trách chú ý tới thực tại này để phòng ngừa hay sửa chữa các bất công đó.

Ngoài ra còn có nạn cướp biển vũ trang hoành hành khiến cho mạng sống của các công nhân gặp nguy hiểm. Cần gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho họ.

Sứ điệp đặc biệt nhắc tới các ngư phủ, là những người cũng sống ngoài biển nhiều tháng trời. Nghề đánh cá là một trong các nghề nguy hiểm nhất, nhưng lương của các ngư phủ thường thấp hơn lương của các thuỷ thủ. Lãnh vực đánh cá cũng bị ảnh hưởng vì các vụ buôn người và lao động cưỡng bách, hay đánh cá bất hợp pháp. Tất cả các vấn để của họ sẽ được thảo luận trong đại hội  quốc tế lần thứ 24 nhóm tại Cao Hùng bên Đài Loan vào tháng 10 tới đây. ĐHY Turkson mời các chuyên viên, các linh mục tuyên uý và thiện nguyện viên tham dự đại hội và góp phần cải tiến cuộc sống của các công nhân biển và các ngư phủ. Trong dịp này Bộ cũng sẽ củng cố sự cộng tác giữa tổ chức Tông đồ Biển của các quốc gia, góp chung các kinh nghiệm cụ thể và các tài lực nhằm phát triển các chuyên môn đặc biệc trong lãnh vực đánh cá (REI 9-7-29017)

Linh Tiến Khải

 

Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề

Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề

VATICAN. Lúc 12 giờ trưa Chúa nhật 09.07.2017, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật:

Anh chị em thân mến!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11:28). Chúa không chỉ nói những lời này dành cho những người bạn của Chúa, không, Chúa nói những lời ấy là dành cho tất cả mọi người, dành cho tất cả những ai đang mệt mỏi với gánh nặng cuộc sống. Và ai có thể cảm thấy mình bị loại ra khỏi lời mời gọi của Chúa? Chúa thấu biết cuộc sống này nặng tới mức độ nào. Chúa thấu biết bao điều mệt mỏi trong tâm hồn: đó là những thất vọng, những vết thương trong quá khứ, những gánh nặng phải mang lấy, những lầm lỗi trong hiện tại, những bất định và lo âu về tương lai.

Hãy đến!

Đối diện với tất cả những điều ấy, Chúa Giêsu đã cất lên lời mời gọi, mời gọi chúng ta biết phản ứng và di chuyển. Chúa nói: “Hãy đến!” Khi gây ra những sai lỗi, chúng ta dễ bị lỳ lại tại đó. Hiển nhiên là rất khó để chúng ta có thể biết cách phản ứng và biết mở ra. Khi ấy, để mở ra thì thật không dễ chút nào. Trong những thời khắc đen tối, phản ứng tự nhiên của chúng ta là dừng lại nơi bản thân mình và nghĩ về những điều bất công của cuộc sống, nghĩ về những điều vô ơn, những điều tệ hại của cuộc đời này, và còn nhiều điều khác nữa. Chúng ta biết tất cả những điều ấy.

Có những lần chúng ta từng trải qua kinh nghiệm tồi tệ ấy. Thế nhưng, khi chỉ khép lại nơi bản thân mình, thì chúng ta thấy mọi sự là đêm đen. Sau đó, thậm chí chúng ta đem nỗi buồn ấy về nhà và để cho nỗi buồn ấy thôi thúc chúng ta. Buồn như thế thì thật là tệ. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ra khỏi cái hố cát lún ấy, và Chúa nói với từng người chúng ta: “Hãy đến!” – nhưng mà ai đến? – “là bạn, chính bạn…” Lối thoát của cuộc sống chính là ở trong mối tương quan này, ở trong việc đưa tay ra và ngước mắt lên, nhìn về Đấng thực sự yêu thương chúng ta.

Hãy đến với Ta!

Thực tế, nếu chỉ biết ở lại nơi bản thân mình thì không đủ, bạn phải biết được điểm đến là nơi đâu. Có nhiều điểm đến chỉ là ảo tưởng. Chúng giống như pháo hoa. Chúng hứa hẹn nhiều điều và làm bạn lạc hướng. Chúng đảm bảo cho bạn sự bình an, đem đến cho bạn chút vui vẻ, nhưng sau đó sẽ để mặc bạn trong nỗi cô đơn. Vì thế, Chúa Giêsu nói cho bạn biết, bạn cần đi đến đâu. Chúa nói: “Hãy đến với Ta!” Nhiều lần, khi phải đối diện với gánh nặng cuộc sống, hoặc khi có chuyện buồn, chúng ta cố gắng nói chuyện với ai đó biết lắng nghe chúng ta, chúng ta nói với một người bạn, nói với một chuyên gia… Làm điều ấy thì thật là tốt, nhưng đừng quên Chúa Giêsu! Đừng quên mở cuộc sống của bạn cho Chúa Giêsu, đừng quên nói với Chúa về cuộc sống của bạn, đừng quên phó dâng chính bạn và phó thác cuộc đời của bạn cho Chúa.

Có lẽ vẫn còn những ngõ ngách cuộc đời mà chúng ta chưa bao giờ mở cửa cho Chúa bước vào, những nơi ấy vẫn còn tăm tối, những nơi ấy vẫn chưa có ánh sáng của Chúa. Từng người đều có câu chuyện của riêng mình. Và nếu ai đó có những khoảng trống tăm tối, thì hãy đến với Chúa Giêsu, hãy đi đến với lòng thương xót, đến với vị linh mục, hãy đến… Hãy đến với Chúa Giêsu, hãy kể cho Chúa nghe câu chuyện của bạn. Hôm nay Chúa nói với từng người chúng ta rằng: “Can đảm lên, đứng trước sức nặng của cuộc sống, đừng bỏ cuộc, đừng khép kín nơi bản thân với những sợ hãi và tội lỗi, nhưng hãy đến với Ta”.

Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng

Chúa đang đợi chờ chúng ta, Chúa luôn mong đợi chúng ta. Chúa không giải quyết các vấn đề của chúng ta một cách thần kỳ, nhưng Chúa giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ để có sức đương đầu với các vấn đề ấy. Chúa Giêsu không gạt đi gánh nặng cuộc đời, nhưng trái tim Người mang lấy nỗi đau; Chúa không lấy thập giá khỏi chúng ta, nhưng Người vác thập giá cùng chúng ta. Và cùng với Chúa, gánh nặng ấy trở nên nhẹ nhàng, bởi vì chính Chúa là chốn nghỉ ngơi mà chúng ta kiếm tìm. Khi Chúa Giêsu bước vào cuộc đời, thì bình an đến với cuộc đời ấy, ngay cả giữa những thử thách và khổ đau. Hãy đến với Chúa và dâng cho Chúa thời gian của chúng ta, trong cầu nguyện hằng ngày, trong sự tin tưởng, trong cuộc đối thoại thân tình. Chúng ta hãy thân quen với Lời Chúa, để tái khám phá ra ơn tha thứ của Chúa mà không còn sợ hãi, để chúng ta được thanh tẩy bởi Bánh Sự Sống. Khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy mình được yêu mến, chúng ta sẽ cảm thấy điều ấy và được chính Chúa ủi an.

Chính Chúa đã nhiều lần hỏi điều ấy, khẳng định điều ấy. Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần trong phần cuối bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy học cùng Ta… và anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Như thế, chúng ta học với Chúa, đi cùng Chúa. Trong những tháng hè này, chúng ta nghỉ ngơi một chút, nhưng đừng quên đi tìm sự nghỉ ngơi đích thật nơi Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, xin nâng đỡ chúng con, vì Mẹ luôn chăm sóc chúng con khi chúng con mệt mỏi mang gánh nặng nề. Xin Mẹ dẫn chúng con về với Chúa Giêsu.

Tứ Quyết SJ

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng Đỉnh G-20

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng Đỉnh G-20

Courtesy Reuters -Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Germany

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chính phủ dành ưu tiên cho những người nghèo khổ không phân biện chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, và loại bỏ các cuộc xung đột võ trang.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp gửi đến thủ tướng Đức, Bà Angela Merkel, để chuyển tới Hội nghị thượng đỉnh của 20 cường quốc kinh tế, gọi là G-20, tiến hành tại thành phố Hamburg, Bắc Đức, trong hai ngày 7 và 8-7-2017. ĐTC khẳng định rằng:

”Nơi tâm trí của các nhà cầm quyền và trong mỗi giai đoạn thực hiện các biện pháp chính trị, có một nhu cầu cần dành ưu tiên tuyệt đối cho người nghèo, người tị nạn, những người đau khổ, tản cư và bị loại trừ, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hoặc văn hóa, và loại bỏ các cuộc xung đột võ trang”.

ĐTC tha thiết kêu gọi các vị Quốc trưởng và thủ tướng chính phủ tại Hội nghị G-20 cũng như toàn thể cộng đoàn thế giới quan tâm tới thảm trạng của Nam Sudan, vùng Hồ Tchad, vùng Sừng ở Phi châu và Yemen, nơi đang có 30 triệu người không có lương thực và nước để sống còn. Sự dấn thân cấp thiết đáp ứng những tình trạng đó và nâng đỡ cấp thời cho các dân tộc ấy là một dấu chỉ chứng tỏ sự dấn thân nghiêm túc và chân thành trong ngắn hạn để cải tổ kinh tế thế giới và bảo đảm cho nó được phát triển hữu hiệu”.

Trong Sứ điệp ĐTC cũng kêu gọi các nước thuộc khối G-20 nỗ lực giảm bớt những mức độ xung đột, chặn đứng sự chạy đua võ trang hiện nay và từ khước không xen mình trực tiếp hoặc gián tiếp vào các cuộc xung đột.. Thật là một điều mâu thuẫn bi thảm và lời nói không đi đôi với việc làm khi mà bề ngoài có vẻ hiệp nhất trong những diễn đàn chung với mục đích kinh tế, hoặc xã hội, mà lại cố tình muốn hoặc chấp nhận sự kéo dài các cuộc xung đột võ trang.

ĐTC kêu gọi các vị lãnh đạo trong khối G-20 suy nghĩ về sự kiện khối này đại diện cho 90% mức sản xuất thế giới về các hàng hóa và dịch vụ, trong khi đa số các nước còn lại chỉ đại diện cho 10% mức sản xuất. Phần này của nhân loại có tiềm năng lớn lao để góp phần vào sự tiến bộ của tất cả mọi người.

Ngoài ra, cần luôn tham chiếu về LHQ, các chương trình và các tổ chức liên hệ của LHQ, cũng như các tổ chức miền, tôn trọng và thi hành các hiệp ước quốc tế và tiếp tục cổ võ đặc tính đa phương, để các giải pháp thực sự có tính chất hoàn vũ và lâu bền, mưu ích cho tất cả mọi người” (SD 7-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, nguyên TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã qua đời sáng sớm ngày 5-7-2017, hưởng thọ 84 tuổi.

ĐHY Meisner sinh ngày 25-12 năm 1933 tại miền hạ Slesia, bấy giờ thuộc lãnh thổ Đức, nhưng nay thuộc Ba Lan. Năm 1945, cùng với gia đình, ngài tị nạn sang miền Thueringen Đông Đức và thụ phong linh mục năm 1962 trong giáo phận Erfurt. 3 năm sau ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm GM Phụ tá giáo phận Erfurt và 5 năm sau làm GM giáo phận Berlin. Giáo phận này bao gồm cả khu vực Đông và Tây Berlin, rộng 30 ngàn cây số vuông, trong thời kỳ nước Đức bị chia đôi, với 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 8 triệu người tin lành.

Năm 1983 ĐGH Gioan Phaolô 2 thăng ngài làm Hồng Y và 6 năm sau đó, chuyển ngài về làm TGM giáo phận Koln, bấy giờ là giáo phận lớn nhất tại Đức. ĐHY cai quản giáo phận này trong 25 năm cho đến khi về hưu vào năm 2014.

ĐHY Meisner là 1 trong 4 Hồng Y đã xin ĐTC giải tỏa những nghi vấn đề Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (Amoris laetitia).

ĐTC chia buồn

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Koeln trong đó ngài viết: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”.

ĐHY Woelki cho biết ĐHY Meisner đã từ trần trong lúc còn cầm sách nguyện trên tay. Sáng thứ tư, 5-7, một người bạn đã đến đón ĐHY đang nghỉ hè ở Bad Fuessing thuộc vùng hạ bang Bavaria để đi làm lễ thì thấy ĐHY đã qua đời.

Cầu hồn

Trong chúc thư tinh thần, ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, kêu gọi các tín hữu trung thành với ĐGH.

Trong thánh lễ cầu hồn chiều ngày 5-7-2017 tại nhà thờ chính tòa Koeln, ĐHY Rainer Woelki, đương kim TGM giáo phận Koeln, và từng là bí thư rồi làm GM phụ tá cho Đức Cố Hồng Y Meisner, đã tuyên đọc chúc thư tinh thần của ĐHY quá cố, trong đó Người tha thiết nhắn nhủ các tín hữu rằng: ”Anh chị em hãy luôn trung thành với ĐGH, và anh chị em sẽ không bao giờ mất Chúa Kitô”.

Phần đầu chúc thư của ĐHY Meisner là một lời nguyện và tuyên xưng Chúa Kitô: ”Lạy Chúa Kitô, Chúa là niềm hy vọng của con, là an bình, hạnh phúc và là trọn cuộc sống của con.. Vì tình yêu đối với loài người, Chúa đã để Thánh Giá Chúa động chạm đến con. Chúa đã để cho con trở thành LM và GM”.

Trong bài giảng, ĐHY Woelki ca ngợi Đức Cố Hồng Y Meisner về sự dấn thân loan báo đức tin và nói rằng ”Trên toàn nước Đức, người ta biết lập trường của ĐHY Meisner, biết ngài bênh vực điều gì. Ngài dấn thân bênh vực sự sống con người, nhất là sự sống của các thai nhi. Trong XX, xã hội và chính trị, nhiều khi ngài bị hiểu lầm”.

ĐHY Woelki thông báo: thi hài Đức Cố HY Meisner sẽ được quàn từ thứ sáu mùng 7 đến thứ hai, 10-7, cho các tín hữu kính viếng tại Nhà thờ Thánh Gereon và sau đó sẽ được đưa về Nhà Thờ chính tòa Koeln ngày 15-7 để cử hành lễ an táng (KNA 6-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa gặp gỡ

Đức Thánh Cha cổ võ văn hóa gặp gỡ

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ thực thi một nền văn hóa gặp gỡ trong thế giới này, để khỏi sống với nhau như kẻ thù.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video ngài gửi đến cuộc gặp gỡ của Hội Scholas Occurentes tổ chức tại Đại học Do thái ở Jerusalem, kết thúc chiều ngày 5-7-2017 sau 3 ngày tiến hành với sự tham dự của 70 bạn trẻ Israel, Palestine và các nước khác, cùng với 70 giáo sư thuộc 41 đại học. Tham dự cuộc gặp gỡ này cũng có Đức TGM Antonio Vincenzo Zani, Tổng thư ký Bộ giáo dục Công Giáo, và Viện trưởng đại học Do thái ở Jerusalem, giáo sứ Menahem Ben Sasson.

Trong sứ điệp ĐTC nhận xét rằng thế giới này rất cần một nền văn hóa gặp gỡ, vì nhiều khi người ta xây những bức tường ngăn cách, rốt cuộc chỉ làm cho ác mộng trở nên tệ hại hơn, đó là sống với nhau như kẻ thù.

ĐTC ca ngợi các tham dự viên cuộc gặp gỡ, trong những ngày qua, từ những dị biệt, đã đạt tới sự hiệp nhất với nhau. Ngài nói: ”Không ai dạy các bạn, chính các bạn đã dấn thân nhìn nhau tận mắt. Cuộc gặp gỡ này của hệ thống Scholas dạy rằng cần kiến tạo một bối cảnh hy vọng để các giấc mơ được tăng trưởng và chia sẻ với nhau, trở thành cơ hội kiến tạo một phương thức mới để sống”.

Tổ chức Scholas Occurentes, các trường gặp gỡ nhau, là một mạng các trường học nảy sinh ở Buenos Aires khi ĐTC Phanxicô còn là TGM tại đây, và hiện nay tổ chức này liên kết hơn 400 ngàn trường học trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, nhắm đến sự gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, bắc những nhịp cầu.. Tổ chức này trở thành một Hội Giáo Hoàng và có trụ sở ở Vatican (RG 5-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng chiến tại Congo

Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng chiến tại Congo

KINSHASA. ĐTC kêu gọi các phe lâm chiến ở miền Kasai thuộc Cộng hòa dân chủ Congo hãy ngưng chiến để các nhân viên từ thiện có thể đến cứu trợ dân chúng đang kiệt kệ tại đây.
Trong thánh lễ hôm 29-6-2017, Đức TGM Luis Montemayor, Sứ Thần Tòa Thánh tại Congo, nói rằng ĐTC Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải có cuộc ngưng chiến ở miền Kasai. Ngài chỉ thị cho vị đại diện Tòa Thánh ở Hội đồng nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ, vận động để có cuộc ngưng chiến tại Kasai hầu cứu trợ dân chúng và bảo vệ các trẻ em”.
Theo chỉ thị của ĐTC, Đại diện Tòa Thánh đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong khóa họp thứ 35 của hội đồng nhân quyền LHQ từ ngày 19 đến 23-6-2017.
Chúa nhật 19-2-2017, trong buổi đọc kinh Truyền Tin ở Roma, ĐTC cho biết ngài đau lòng vì tình trạng dân chúng tại miền Kasai và tố giác sự bất an dân chúng phải chịu đồng thời kêu gọi chính quyền Congo cũng như cộng đồng quốc tế ý thức về thảm trạng này cũng như trách nhiệm đối với dân chúng tại miền Kasai.
Từ tháng 9 năm 2016, miền Kasai bị giao động vì cuộc nổi loạn của phe Kamwina Nsapu, tù trưởng bị giết hồi tháng 8 trước đó trong một cuộc hành quân, sau khi nổi dậy chống chính quyền trung ương của Congo. Bạo lực cho đến nay đã làm cho 3.383 người chết.
Đức TGM Sứ thần Luis Montemayor cũng cho biết chi tiết các cuộc tàn phá tại miền Kasai: Tổng cộng có 5 đại chủng viện, 60 giáo xứ, 34 nhà dòng và 141 trường Công Giáo bị đóng cửa. Thêm vào đó 2 GM là Đức Cha Félicien Mwanama Galumbula, GM giáo phận Luiza, và Đức Cha Pierre – Célestin Tshitoko Mamba, GM giáo phận Luebo, buộc lòng phải tản cư đi nơi khác (Fides 30-6-2017).

G. Trần Đức Anh OP 

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Bảy 2017: Tái khám phá niềm vui đời sống Kitô

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Bảy 2017: Tái khám phá niềm vui đời sống Kitô

VATICAN. Trong tháng bảy 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng: niềm vui của chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô với tình yêu tín trung và vô tận của Người.

Khi một Kitô hữu buồn rầu, điều ấy có nghĩa là người ấy đang xa cách Chúa Giêsu.

Thế nhưng chúng ta đừng để người ấy lẻ loi một mình! Chúng ta hãy mang đến cho người ấy niềm hy vọng Kitô. Chúng ta làm điều ấy với những lời lẽ, vâng, nhưng hơn hết là bằng đời sống chứng tá cùng với tự do và niềm vui của chúng ta.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho những anh chị em đang lạc lối đức tin, để nhờ việc chúng ta cầu nguyện và làm chứng cho Tin Mừng, các anh chị em ấy có thể tái khám phá vẻ đẹp của đời sống người Kitô.

Tứ Quyết SJ