Ước mong sống tràn đầy hạnh phúc

Ước mong sống tràn đầy hạnh phúc

** Nơi từng người trong chúng ta đều có ước muốn một cuộc sống tràn đầy. Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa, nguy hiểm lớn nhất của sự sống là một tinh thần thích nghi xấu không phải là sự hiền dịu hay khiêm nhường, nhưng là sự tầm thường xoàng xĩnh, là sự hèn nhát. Cần có ai đó mời gọi chúng ta đi xa hơn, làm nhiều hơn, nhảy vào điều còn thiếu, duyệt xét cái bình thường để rộng mở cho cái ngoại thường.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tu hàng tuần hôm qua. Trước khi bắt đầu ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính thánh Anton thành Padova. Ngài hỏi ai có tên thánh là Anton và mời mọi người vỗ tay mừng bổn mạng họ.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về các giới răn của Chúa. Ngài giải thích ý nghĩa trình thuật trong chương 10 Phúc Âm thánh Marco kể lại cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu của người thanh niên nhà giầu muốn có cuộc sống tràn đầy, nên đến quỳ gối hỏi Chúa: “Lậy Thầy, con phải làm gì để có cuộc sống vĩnh cửu. Chúa Giê su đáp: “"Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ." Anh ta nói: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." ĐTC giải thích:

Trong câu hỏi đó có thách đố của mọi cuộc sống, cả thách đố cuộc sống của chúng ta nữa: ước mong một cuộc sống tràn đầy, vô tận…  Nhưng làm thế nào để đạt được nó đây? Phải theo con đường nào? Sống thực sự, sống một cuộc đời  cao quý… Có biết bao nhiêu người  trẻ tìm “sống” nhưng rồi lại tự hủy hoại mình bằng cách chạy theo những điều phù phiếm mau qua.

** Có vài người nghĩ rằng tốt hơn là dập tắt thúc đẩy này – thúc đầy của sự sống –  bởi vì nó nguy hiểm. Tôi muốn đặc biệt nói với giới trẻ: Kẻ thù tệ hại nhất của chúng ta không phải là các vấn đề, cho dù chúng có nghiêm trọng và thê thảm tới đâu đi nữa: nguy hiểm lớn nhất của cuốc sống là một tinh thần thích nghi xấu, không phải là sự hiền dịu hay khiêm nhường, nhưng là sự tầm thường xoàng xĩnh, là sự hèn nhát. Một người trẻ xoàng xĩnh là một người trẻ có tương lại hay không? Không! Anh ta ở lại đó, không lớn lên, anh sẽ không thành công. Sự xoàng xĩnh hay sự hèn nhát. Những người trẻ sợ hãi mọi sự: “Không, tôi thì như vậy đấy…” Những người trẻ này sẽ không tiến tới. Phải hiền dịu, mạnh mẽ, nhưng không hèn nhát, không tầm thường xoàng xĩnh.

Chân phước Pier Giorgio Frarssati, đã là một người trẻ – đã nói rằng cần sống chứ không phải sống vật vờ. Những người xoàng xĩnh thì sống vật vờ. Phải sống với sức mạnh của cuộc sống.

Cần xin Thiên Chúa Cha trên trời cho giới trẻ ngày nay ơn của sự âu lo lành mạnh. Nhưng ở nhà, trong các nhà của anh chị em, trong mỗi gia đình, khi thấy một người trẻ ngồi đó suốt ngày, đôi khi cha mẹ nghĩ rằng: “Thằng này bệnh, nó có cái gì đó” và cha mẹ mang nó đi bác sĩ. Cuộc sống của ngưởi trẻ là tiến tới, là âu lo, sự âu lo lành mạnh, là khả năng không hài lòng với một cuộc sống không vẻ đẹp, không mầu sắc. Nếu các người trẻ sẽ không đói khát cuộc sống đích thật nữa, thì tôi tự hỏi nhân loại sẽ đi về đâu? Nhân loại sẽ đi về đâu với các người trẻ âu lo và không âu lo?

Câu hỏi của người trẻ trong Phúc Âm chúng ta mới nghe , ở bên trong từng người trong chúng ta: làm thế nào tìm ra sự sống, sự sống tràn đầy, niềm hạnh phúc? Chúa Giê su trả lời: “Anh biết các giới răn” (c. 19) và Ngài trích lại một phần Mười Điều Răn. Đó là một tiến trình sư phạm, qua đó Chúa Giêsu muốn dẫn tới một nơi chính xác; thật đã rõ ràng từ câu hỏi là người ấy không có sự sống tràn đầy, anh ta tìm cái gì hơn nữa, anh âu lo. Như vậy anh ta phải hiểu cái gì? Anh nói: “Lậy Thầy, tất cả những điều này con đã giữ từ tấm bé” (c. 20).

Làm thế nào để từ tuổi trẻ bước sang tuổi trưởng thành? Đó là khi người ta bắt đầu chấp nhận các hạn hẹp của mình. Người ta trưởng thành, khi tương đối hóa mình và ý thức được “điều còn thiếu” (x. c.21). Người đàn ông này bị bó buộc thừa nhận rằng tất cả những gì ông có thể làm được không vượt quá một “mái nhà”, không đi quá một ranh giới.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thật đẹp biết bao các người nam nữ! Thật quý báu biết bao cuộc sống của chúng ta! Thế nhưng có một sự thật đó là trong lịch sử của các thế kỷ cuối cùng con người đã thường khước từ sự thật về các hạn hẹp của nó với các hậu quả thê lương.

Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói lên điều gì đó có thể giúp chúng ta: “Anh em đừng tin rằng Thầy đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ; Thầy không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn” (Mt 5,17). Chúa Giêsu ban tặng sự thành toàn, Ngài đến cho việc này. ĐTC giải thích thêm như sau:

Người đàn ông này phải đi đến ngưỡng của của một nhảy vọt, nơi mở ra khả thể thôi sống vì chính mình, vì các công việc, các của cải riêng và – chính vì thiếu sự sống tràn đầy – nên cần bỏ mọi sự để theo Chúa. Nhìn cho kỹ trong lời mời cuối cùng của Chúa Giêsu – lời mời vô biên tuyệt vời – không có đề nghị của sự nghèo khó, nhưng là sự giầu có, sự giầu có đích thật: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (c. 21).

Khi có thể chọn một bản gốc và một bản sao, ai lại chọn bản sao bao giờ? Đó là thách đố: tìm ra bản gốc của sự sống chứ không tìm bản sao. Chúa Giêsu không cống hiến các thay thế, nhưng cống hiến sự sống thật, tình yêu thật, sự giầu có thật! Làm sao giới trẻ có thể đi theo chúng ta, khi họ không thấy chúng ta lựa chọn bản gốc, nếu họ thấy chúng ta tùy thuộc các mực thước nửa vời?  Thật là xấu tìm thấy các kitô hữu nửa vời, kitô hữu – xin cho phép tôi dùng từ này – kitô hữu lùn; họ lớn lên cho tới một cỡ nào đó rồi thôi, kitô hữu với con tim thu nhỏ lại, đóng kín. Thật là xấu tìm thấy điều này!

Cần phải có gương của một ai đó mời gọi tôi đi xa hơn, làm nhiều hơn, lớn lên một chút. Thánh Ignazio gọi nó là “magis”, “hơn”, “là lửa, là sự  nồng nhiệt của hành động thức tỉnh những người say ngủ”.

Con đường của cái “thiếu” đi ngang qua cái “có”. Chúa Giêsu đã không đến để hủy bỏ Luật Lệ hay các Ngôn Sứ nhưng để kiện toàn. Chúng ta phải khởi hành từ thực tại để làm bước nhảy vọt “vào điều còn thiếu”. Chúng ta phải dò xét cái bình thường để rộng mở cho sự ngoại thường.

Trong các bài giáo lý này chúng ta sẽ lấy hai Tấm Bia của ông Môshê trong tư cách các các tín hữu kitô, nắm lấy tay Chúa Giêsu để từ các ảo tưởng của tuổi trẻ bước vào kho tàng trên trời, bằng cách bước theo Chúa. Chúng ta sẽ khám phá ra trong từng luật lệ cổ xưa và khôn ngoan, cánh cửa do Thiên  Chúa Cha trên trời mở ra, để Chúa Giêsu là Đấng đã bước qua đó, dẫn đưa chúng ta vào sự sống thật. Sự sống của Ngài. Sự sống các con cái của Thiên Chúa.  

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Canada, đặc biệt các học sinh trường trung học Paul Lellizan Marseille và tín hữu đền thánh Montligeon. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Ê cốt, Malta, Australia, Indonesia, Liechtenstein, Malaysia, Philippines, Canada và Hoa Kỳ, cũng như Đức đặc biệt là phong trào Shoenstadt. ĐTC nhắc nhở mọi người sốt sắng tôn sùng Thánh Tâm Chúa trong tháng 6 này và phó thác cho Chúa mọi ước mong thiên quốc của chúng ta.

Ngài cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt csc giáo sư và chủng sinh tiểu chủng viện Madrid, các tín hữu Brasil đến từ Anapolis và Palotina cũng như tín hữu Lisboa, cách riêng các học sinh trường hòa bình và huynh đoàn Pedra. Ngài chúc mọi người biết âu lo một cách lành mạnh.

Chào các tín hữu đến từ các nước vùng Trung Đông ĐTC nói Thiên  Chúa đã ban cho chúng ta cuộc sống để sống trong sư tràn đầy và dẻo dai, chứ không phải trong sự lười biếng và do dự. Ngài vén mở cho thấy phải sống nó như thế nào qua Lời hằng sống và theo các giới răn của Ngài để đạt hạnh phúc.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC cầu mong chuyến hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ giúp họ củng cố đức tin và tìm ra các câu trả lời cho các vấn đề hiện sinh như làm thế nào để đạt cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

Trong các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào một nhóm tân linh mục giáo phận Brescia, các nữ thừa sai bác ái, các nữ tu dòng Đức Bà An Ủi và các nữ tôi tớ Đức Maria thừa tác viên của các bệnh nhân, cũng như tín hữu Abbadia di Montepulciano do ĐC Stefano Manetti hướng dẫn, tín hữu Marigliano và Grottammare, cũng như các tham dư viên đại hội do hiệp hội nhi khoa tổ chức, và các bạn trẻ đội múa cờ tỉnh Volterra.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho biết hôm qua lễ kính thánh Anton thành Padova Tiến sĩ Giáo Hội và Bổn mạng người nghèo. Ngài xin thánh nhân dậy mọi người sống vẻ đẹp của tình yêu chân thành nhưng không. Chỉ khi biết yêu thương như thánh nhân, thì mọi người sống chung quanh chúng ta mới không cảm thấy bị gạt bỏ bên lề và chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ giữa các thử thách của cuộc đời.

Sau cùng ĐTC cũng nhắc đến giải túc cầu quốc tế sẽ khai diễn hôm nay bên Nga. Ngài gửi lời chào các cầu thủ và ban tổ chức, cũng như mọi người theo dõi qua các phương tiện truyền thông xã hội biến cố vô biên giới này. Ước chi biến cố biểu diễn thể thao quan trọng này trở thành dịp gặp gỡ đối thoại và sống tình huynh đệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, tạo thuận tiện cho tình liên đới và hòa bình giữa các quốc gia.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Chương trình chính thức cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ái Nhĩ Lan

Chương trình chính thức cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ái Nhĩ Lan

VATICAN. Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chính thức cuộc viếng thăm của ĐTC tại Cộng hòa Ái Nhĩ Lan trong hai ngày 25 và 26-8 năm nay nhân dịp Đại hội kỳ 9 các gia đình Công Giáo thế giới.

ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ 15 phút sáng thứ bẩy, 25-8 và đến phi trường thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan vào lúc 10 giờ rưỡi, giờ địa phương, rồi đến phủ tổng thống lúc 11 giờ 15. Tại đây sẽ diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức và ngài viếng thăm Tổng thống, trước khi đến lâu đài Dublin để gặp chính quyền, xã hội dân sự và đoàn ngoại giao.

Sau đó lúc 4 giờ rưỡi chiều, ĐTC sẽ viếng thăm Nhà thờ chính tòa Đức Bà trước khi đến thăm trung tâm của các cha dòng Capuchino chuyên đón tiếp và giúp đỡ những gia đình vô gia cư.

Lúc 7 giờ rưỡi tối cùng ngày thứ bẩy, 25-8, ĐTC sẽ đến Sân vận động Công viên Park để tham dự lễ hội của các gia đình.

Sáng chúa nhật 26-8, ĐTC sẽ bay đến thành phố Knock cách Dublin 180 cây số đường chim bay, để viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ gần đó vào lúc 9 giờ 45, và chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu.

1 giờ sau đó, lúc 10 giờ 45, ngài trở lại sân bay để đáp máy bay về thủ đô Dublin. Sau khi dùng bữa trưa, ngài sẽ đến công viêm Phoenix và chủ sự thánh lễ bế mạc cuộc gặp gỡ các gia đình vào lúc 3 giờ chiều. Sau đó, ngài còn gặp các Giám Mục Ái Nhĩ Lan tại Nữ tu viện Đa Minh, trước khi ra phi trường Dublin vào lúc 6 giờ rưỡi chiều để đáp máy bay trở về Roma, dự kiến vào lúc 11 giờ đêm cùng ngày. (Rei 11-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 11-6-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 11-6-2018 với 25 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu đừng sa chước cám dỗ nói xấu, làm mất thanh danh tha nhân. Ngài cũng mời cầu nguyện cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ và Bắc Triều Tin ở Singapore được thành công.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, ngài đã diễn giải về bài Tin Mừng chúa nhật thứ 10 thường niên năm B, (Mc 3,20-35) thuật lại phản ứng của Chúa trước những lời cáo buộc của các luật sĩ cho rằng ngài nhờ tướng quỉ Beelzebul mà trừ quỉ. Cuối buổi đọc kinh, ngài cũng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều tiên tại Singapore.

Huấn dụ của ĐTC

“Tin Mừng chúa nhật hôm nay chỉ cho chúng ta thấy hai loại hiểu lầm ngài phải đương đầu: thứ nhất là của các luật sĩ và loại thứ hai là của chính những người thân của Ngài.

Hiểu lầm thứ nhất. Các luật sĩ là những người thông thạo Kinh Thánh được giao phó nhiệm vụ giải thích Kinh Thánh cho dân. Một số người trong họ được sai từ Jerusalem đến miền Galilea, nơi tiếng tăm của Chúa Giêsu bắt đầu lan rộng, để làm mất uy tín của Ngài trước mặt dân chúng: họ đến để thi hành nhiệm vụ nói xấu, làm mất uy tín người khác, tước bỏ quyền thế, đó là điều xấu. Và những người được sai đến để thi hành điều ấy. Các luật sĩ đã đưa ra lời cáo buộc rõ ràng và kinh khủng – họ chẳng do dự, và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề và nói thế này: ”Ông ấy bị quỉ Beelzebul ám và đã trừ quỉ nhờ tướng quỉ” (v.22); điều này có nghĩa hơn kém thế này: ”Ông ta là người bị quỉ ám”. Thực vậy Chúa Giêsu chữa lành nhiều người bệnh và các luật sĩ ấy muốn làm cho người ta tin rằng Chúa trừ quỉ không phải với Thần Linh của Thiên Chúa, nhưng là do thần quỉ ma. Chúa Giêsu đã phản ứng lại bằng những lời mạnh mẽ và rõ ràng, Ngài không dung thứ điều ấy, vì các luật sĩ ấy. có lẽ vô tình đang rơi vào tội nặng nhất, đó là phủ nhận và phạm thượng chống Tình Yêu của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong Chúa Giêsu. Đó là tội chống lại Chúa Thánh Linh, là tội duy nhất không được tha, vì nó đi từ sự khép kín tâm hồn đối với lòng thương xót của Thiên Chúa hoạt động trong Chúa Giêsu.

Nhưng giai thoại này cũng chứa đựng một lời cảnh giác cho tất cả chúng ta. Thực vậy, có thể xảy ra cho chúng ta là một sự ghen tương mạnh mẽ đối với sự tốt lành và những công việc thiện của một ngừơi và lòng ghen ấy có thể thúc đẩy ta cáo gian người ấy. Ở đây có một nọc độc chết người: sự gian ác qua đó người ta cố tình muốn hủy diệt thanh danh người khác. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ kinh khủng ấy!”. Và khi xét mình, chúng ta thấy cỏ dại này đang nảy mầm trong chúng ta, thì chúng ta hãy đi xưng thú ngay trong bí tích thống hối, trước khi nó phát triển và tạo nên những hậu quả tai ác, bất trị. Anh chị em hãy chú ý, vì thái độ ấy hủy hoại các gia đình, các tình bạn, các cộng đoàn và cả xã hội nữa.

 Tin Mừng hôm nay cũng nói vơi chúng ta về một sự hiểu lầm thứ hai đối với Chúa Giêsu, một hiểu lầm rất khác biệt: đó là sự hiểu lầm của những người thân Chúa Giêsu. Họ lo lắng vì đời sống mới lưu động của ngài đối với họ là một sự điên rồ (Xc v.21). Thực vậy, Chúa tỏ ra sẵn sàng đối với dân chúng, nhất là với các bệnh nhân và người tội lỗi, đến độ không có giờ ăn uống nữa. Chúa Giêsu là như thế: dân chúng trước, phục vụ dân chúng, giúp đỡ họ, giảng dạy họ, chữa lành cho dân. Ngài chẳng có giờ để ăn uống. Vì thế những người thân của Ngài quyết định đến đưa Ngài về Nazareth. Họ đến nơi Chúa Giêsu đang giảng và sai người gọi Ngài. Người ta báo: ”Này, Mẹ thầy, các anh chị em Thầy đang đứng ngoài kia tìm Thầy” (v.32). Ngài đáp: ”Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” và nhìn những người đang ngồi quanh để lắng nghe, Ngài nói tiếp: ”Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi! Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em và là mẹ tôi” (vv.33-34). Chúa Giêsu đã thiết lập một gia đình mới, không còn dựa trên những liên hệ tự nhiên nữa, nhưng trên niềm tin vào Ngài, trên tình yêu của Ngài đón nhận và liên kết chúng ta với nhau, trong Chúa Thánh Linh. Tất cả những ai đón nhận Lời Chúa Giêsu đều là con cái Thiên Chúa và là anh chị em với nhau. Đón nhận Lời Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, làm cho chúng ta thành gia đình của Chúa Giêsu. Nói xấu người khác, hủy hoại thanh danh người khác, làm cho chúng ta thành gia đình của ma quỉ”.

Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là thiếu kính trọng đối với Mẹ và các thân nhân của Ngài. Trái lại, đối với Mẹ Maria đó là một sự nhìn nhận lớn hơn, vì chính Mẹ là môn đệ tuyệt hảo đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự. Xin Đức Trinh Nữ giúp đỡ chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa Giêsu, nhìn nhận công trình của Chúa Thánh Linh hoạt động trong Người, để tái sinh thế giới vào một đời sống mới”.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban Phép lành, ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài cầu nguyện cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh từ ngày 11-6 này tại Singapore giữa tổng thống Donald Trump của Mỹ và Chủ tịch Kim Chánh Ân của Bắc Triều Tiên. Ngài nói:

”Tôi muốn tái gửi đến nhân dân Hàn quốc yêu quí một tư tưởng đặc biệt trong tình thân hữu và trong kinh nguyện. Ước gì các cuộc đàm phán trong những ngày tới đây tại Singapore có thể góp phần vào việc phát triển một hành trình tích cực, bảo đảm một tương lai hòa bình cho bán đảo Triều Tiên và cho toàn thế giới. Chúng ta hãy cầu cho ý nguyện này. Cùng nhau chúng ta cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Triều Tiên, xin Mẹ đồng hành với các cuộc đàm phán này.”

ĐTC cũng nhắc đến lễ phong chân phước chiều chúa nhật hôm qua (10-6) tại thành phố Agen miền nam Pháp:

”Hôm nay tại thành phố Agen bên Pháp, nữ tu Maria Đức Mẹ Vô nhiễm, tục danh là Adelaide de Batz de Trenquelléon được phong chân phước. Chị sống giữa thế kỷ 18 và 19, và đã thành lập dòng Nữ Tử Đức Maria Vô Nhiễm, quen gọi là dòng nữ Marianiste. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì nữ tử của Chúa đã hiến cuộc đời cho Chúa và phụng sự anh chị em”. Chúng ta hãy vỗ tay mừng vị chân phước mới.

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và những ngừơi hành hương, các nhóm giáo xứ, các gia đình, hội đoàn. Ngài đặc biệt chào các tín hữu đến từ Tây Ban Nha: từ thành Murcia, Pamplona và Logrono. Từ Italia có các tín hữu đến từ Napoli, các bạn trẻ từ Mestrino..

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

Đức Thánh Cha cổ võ sự gia tăng năng lượng tôn trọng môi trường

VATICAN. ĐTC mạnh mẽ cổ võ sự gia tăng năng lượng đồng thời tôn trọng môi trường.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-6-2018 dành cho các vị lãnh đạo, các nhà đầu tư và các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo quốc tế tại Vatican trong hai ngày mùng 8 và 9-6 về đề tài ”sự chuyển tiếp năng lượng cho căn nhà chung của chúng ta”. Cuộc Hội thảo do Hàn lâm viên khoa học Tòa thánh tổ chức.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện.

 Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nhắc đến sự gia tăng nhu cầu về năng lượng trên thế giới. Hơn 1 tỷ người nghèo chưa có điện. Tuy nhiên, ĐTC nói – chất lượng của không khí, mực nước biển, số lượng nước ngọt của trái đất, khí hậu và sự quân bình của hệ thống sinh thái, – không thể bị thiệt hại vì cách thức con người thỏa mãn cơn khát năng lượng của mình, với những chênh lệch nặng nề. Để thỏa mãn cơn khát ấy, không thể gia tăng sự khao khát nước, hoặc tăng sự nghèo đói và loại trừ trong xã hội. Nhu cầu cần có năng lượng gia tăng để làm cho máy hoạt động không thể được thỏa mãn bằng cách làm ô nhiễm không khí chúng ta thở hít..

 Trong bối cảnh trên đây, ĐTC khẳng định rằng ”Cần tìm ra một chiến lược hoàn cầu dài hạn, mang lại an ninh năng lượng và tạo điều kiện cho sự ổn định kinh tế, bảo vệ sức khỏe và môi trường, thăng tiến sự phát triển nhân bản toàn diện, ấn định những nghĩa vụ chính xác để đương đầu với vấn đề thay đổi khí hậu”.

 ĐTC cũng than phiền vì người ta tiếp tục tìm kiếm và khai thác các mỏ dầu hỏa làm ô nhiễm môi trường mặc dù có Hiệp định đã ký kết tại Paris năm 2015 về việc làm giảm nhiệt độ trái đất. ”Viễn tượng đang mong ước có năng lượng cho tất cả mọi người không thể đưa tới cái vòng lẩn quyễn ngày càng có sự thay đổi khí hậu trầm trọng, làm gia tăng nhiệt độ trái đất, và những điều kiện cam go của môi trường, gia tăng mức độ nghèo đói.

 ĐTC kêu gọi thực thi tình liên đới trong nhân loại với ý thức tất cả họp thành một gia đình nhân loại duy nhất và có liên hệ mật thiết với nhau.

Cũng nên nói rằng danh sách các tham dự viên không được công bố, nhưng theo mạng tin The Tablet ở Anh quốc, có giới lãnh đạo công ty dầu hỏa Anh quốc, British Petroleum (BP), hãng Exxon Mobel của Mỹ, cũng như quỹ đầu tư lớn nhất thế giới tên là BlackRock.

Đề tài cuộc hội thảo nhắc đến một chương trong thông điệp Laudato sì của ĐTC Phanxicô về việc bảo vệ căn nhà chung là trái đất. Sinh hoạt này diễn ra 10 ngày trước kỷ niệm 3 năm công bố thông điệp nổi tiếng này về môi sinh. Thông điệp cũng sẽ là đề tài của một hội nghị quốc tế cỡ lớn diễn ra trong hai ngày mùng 5 và 6-7 tới đây. Trong đoạn số 165 của Thông điệp, ĐTC khẳng định rằng ”Kỹ thuật dựa trên các nhiên liệu phiến thạch rất ô nhiễm, nhất là than đá, và cả dầu hỏa, cũng như khí đốt, cần được mau lẹ dần dần thay thế”.

ĐTC Phanxicô coi cuộc chiến chống sự hâm nóng trái đất và khí hậu là một trong những hoạt động trong triều đại giáo hoàng của ngài,và ngài đặc biệt ủng hộ hiệp định Paris về khí hậu do Liên Hợp Quốc triệu tập hồi năm 2015, quen gọi là COP21. Mục đích Hội nghị là giới hạn sự hâm nóng trái đất giữa 1 độ rưỡi đến 2 độ từ nay cho đến năm 2100 (Rei 9-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

Công bố tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM Amazzonia

VATICAN. Hôm 8-6-2018, Tòa Thánh đã công bố Tài liệu chuẩn bị Thượng HĐGM đặc biệt về miền Amazzonia bên Nam Mỹ, sẽ nhóm vào tháng 10 năm tới, 2019, tại Roma.

Văn kiện mang tựa đề ”Amazzonia: những hành trình mới đối với Giáo Hội và để đạt tới một nền môi sinh toàn diện”.

Văn kiện dài 17 trang chữ nhỏ, ngoài phần nhập đề, được chia làm 3 phần theo phương pháp: nhìn, phân định (phán đoán) và hành động. Sau cùng có phần các câu hỏi để tham khảo ý kiến các HĐGM, các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và các cơ quan khác của Tòa Thánh và Giáo Hội.

Phần I nhìn căn tính và tiếng kêu của miền Amazzonia hiện nay, phần II Phân định và hướng tới một sự hoán cải mục vụ và môi sinh, sau cùng Phần III đề nghị những hành động: những con đường mới cho Giáo Hội có khuôn mặt của miền Amazzonia.

Dựa theo các bản trả lời từ các nơi gửi về Roma, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại Công nghị GM.

Tài liệu chuẩn bị trên đây được trình bày trong cuộc họp báo sáng hôm qua (8-6) tại Phòng báo chí Tòa Thánh do ĐHY Lorenzo Baldisseri Tổng thư ký Thượng HĐGM, cùng với Đức Cha Phó Tổng thư ký và LM Paolo Mora, nhân viên của Văn phòng này.

ĐHY cho biết cả một số đại diện thổ dân sẽ tham dự Thượng HĐGM trong tư cách là dự thính viên, theo quí chế của Thượng HĐGM. Họ có thể lên tiếng nhất là trong các phiên họp nhóm, nhưng khôn gcó quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên, sẽ không có sự hiện diện của các chính quyền hay đảng phái, vì Thượng HĐGM không phải là nơi dành cho họ. (Rei 8-6-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Chương trình đọc kinh Mân Côi toàn cầu để cầu nguyện cho các linh mục

Dublin, Ailen – Vào thứ 6, 08/06, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhiều đền thánh Đức Mẹ tại hơn 50 quốc gia sẽ tham gia chương trình đọc Kinh Mân côi 24 giờ, để cầu nguyện cho ơn gọi linh mục.

Trong một thông cáo, WorldPriest (Linh mục thế giới), một hoạt động tông đồ nhắm liên kết các linh mục và giáo dân bằng lời cầu nguyện, tổ chức sự kiện này, viết: “Đây là một cơ hội cho chúng ta hướng tâm lòng lên Chúa để cầu nguyện cho các linh mục trong sứ vụ của họ.”

Tổ chức WorldPriest cho biết: “Mỗi đền thánh tham dự sự kiện đọc một mầu nhiệm đặc biệt của chuỗi Mân Côi trong 30 phút trong ngày để cám ơn Chúa về các linh mục và cầu xin Chúa bảo vệ các ngài và xin Mẹ Maria, Mẹ của các linh mục, chăm sóc các ngài trong tình yêu thương của Mẹ.”

Chương trình đọc kinh Mân Côi này được WorldPriest bắt đầu cách đây 9 năm. Sẽ có hơn 150 đền thánh Đức Mẹ và giáo xứ, bao gồm 35 đền thánh tại Hoa kỳ, sẽ tham dự chương trình đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho linh mục vào thứ sáu lễ Thánh Tâm năm nay.

Theo lịch trình, mỗi nửa giờ trong suốt cả ngày, mỗi đền thánh sẽ cầu nguyện một mầu nhiệm Mân Côi, và cùng xin Đức Mẹ trong suốt 24 giờ. Tổ chức WorldPriest cho biết: “Đến nửa đêm ngày 08/06/2018, toàn thế giới sẽ được bao bọc bởi lời cầu nguyện cho các linh mục vào Ngày Cầu nguyện Kinh Mân Côi hàng năm này. Những người không thể tham dự việc cầu nguyện tại các đền thánh được mời gọi đọc kinh Mân côi cách cá nhân hay theo nhóm.”

Tổ chức WorldPriest giải thích rằng Kinh Mân Côi được đọc để cầu nguyện cho các linh mục; xin cho sứ vụ linh mục của các ngài được chúc lành với ơn Chúa, qua lời cầu nguyện của chúng ta; xin cho, qua sự hiệp thông cầu nguyện trên toàn thế giới, các linh mục cảm nghiệm được sự biết ơn và nâng đỡ của chúng ta; và cuối cùng xin cho các linh mục kiên vững trong sự hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội của Người và chăm sóc đoàn chiên của Chúa, đưa họ đến những đồng cỏ an lành trong Nước Chúa.

WorldPriest được doanh nhân Marion Mulhall thành lập vào năm 2003, đáp lại lời kêu gọi Đức Giáo hoàng về Ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Tổ chức này hoạt động để hỗ trợ và thăng tiến phẩm giá và món quà của chức linh mục qua những nỗ lực như chương trình đọc kinh Mân Côi toàn thế giới. (CNA 06/06/2018)

Hồng Thủy

Cộng tác và phát triển, ở Brussels phụ nữ có vai trò chủ đạo

Cộng tác và phát triển, ở Brussels phụ nữ có vai trò chủ đạo

Brussels – Trong hai ngày 5 và 6, hơn 5 ngàn người đến từ 140 quốc gia đã tham dự cuộc gặp gỡ cho lần ấn bản thứ 12 của European Development Days. Chủ đề năm nay là “Phụ nữ đi đầu trong sự phát triển bền vững: bảo vệ, trách nhiệm, đầu tư”. Diễn đàn “dựa trên niềm tin rằng hợp tác là một yếu tố quan trọng cho một sự thay đổi, từ tình trạng nghèo đói hướng tới một thế giới tự do bền vững". Hai ngày này cũng diễn ra một loạt các cuộc thảo luận  về các mục tiêu của chương trình nghị sự LHQ 2030 và cam kết của EU về bình đẳng giới.

Trao quyền cho phụ nữ

Các buổi hội nghị và thảo luận phát triển theo ba hướng chính: toàn vẹn thể chất và tâm lý của phụ nữ; quyền kinh tế xã hội và trách nhiệm; và 5 chữ "P" của chương trình nghị sự 2030, đó là persone – con người, pianeta – hành tinh, prosperità – thịnh vượng, pace – hòa bình và  partenariati – quan hệ đối tác.

Giampaolo Silvestri, Tổng thư ký của Fondazione Avsi, một tổ chức phi chính phủ của Ý khẳng định rằng chủ đề  trao quyền cho phụ nữ "được coi là một ưu tiên hàng đầu của những người hoạt động ở nhiều mức độ để thúc đẩy phát triển bền vững và lâu dài". Tổ chức thực hiện một chuyên đề chú tâm phát triển bền vững, lấy cảm hứng từ Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Năm nay tại Brussels đại diện cho Avsi có hai phụ nữ Uganda, họ sẽ nói về  những câu chuyện của họ, về sự phát triển và thay đổi, nhờ hoạt động của tổ chức phi chính phủ địa phương Meeting Point International (Mpi), được thành lập bởi Rose Busingye, đối tác Uganda Avsi và y tá uy tín dấn thân trong sự  trợ giúp  phụ nữ nhiễm HIV dương tính.

Teddy và Sharon, hai phụ nữ đến từ các khu ổ chuột ở Brussels

Teddy Bongomin 46 tuổi và Sharon Akidi 22 tuổi,  nhờ Avsi và Mpi, họ đã thấy cuộc sống của họ thay đổi, thoát khỏi những điều tiêu cực của khu ổ chuột Kampala, thủ đô Uganda. Teddy lớn lên mồ côi vì cả cha mẹ nhiễm HIV dương tính. Bà đã kết hôn nhưng, khi chồng bà qua đời, bà bị đuổi ra khỏi nhà cùng với con cái. Vào năm 1992 Mpi đã thay đổi cuộc sống của bà và bây giờ bà là một nhân viên xã hội, giúp phụ nữ tạo ra các nhóm tiết kiệm và cho vay, thông qua đào tạo về quản lý tiết kiệm và khởi động các hoạt động kinh tế.

Sharon, ngược lại sống trong khu ổ chuột Kireka, ở Acholi Land, kể từ năm 2000 khi gia đình cô bỏ chạy khỏi cuộc xung đột ở quận Agago, phía bắc đất nước. Cô đến thành phố như một người di tản và mẹ cô đã chọn tham gia Meeting Point International. Nhờ có học bổng, cô đã theo học tại học viện Luigi Giussani và hiện đang là giáo viên ở trường mẫu giáo. Hiện nay với công việc này cô có thể để giúp gia đình và tiết kiệm tiền để theo học đại học. Cô tuyên bố: «Tôi luôn nghĩ rằng đối với những người sống trong khu ổ chuột thì không có hy vọng. Nhưng bây giờ cuộc sống của tôi đã thay đổi, tôi biết rằng tương lai vẫn dành cho tôi rất nhiều ".

Các phụ nữ: nhân vị và người giữ vai trò chủ đạo

Giampaolo Silvestri  giải thích: “Thúc đẩy nữ quyền là nền tảng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, bởi vì "phụ nữ là chìa khóa để phát triển, họ là nền tảng của xã hội". Bước cơ bản đối với sự thay đổi này là "có nhận thức cao hơn để phụ nữ có thể được coi là người giữ vai trò chủ đạo, và được xem như một nhân vị với một phẩm giá bất kể tình trạng nghèo đói hoặc bệnh tật".

Đấu tranh một văn hóa loại bỏ

Rất nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ về tầm quan trọng của phụ nữ và về vai trò của họ phải có trong xã hội. Tổng thư ký của Avsi nhấn mạnh: "Tiếng nói của họ chắc chắn đã để lại dấu ấn bởi vì ngày càng có nhiều tổ chức dấn thân cho điều  này, do đó cần phải đấu tranh với những gì mà chính ĐTC gọi là 'văn hóa loại bỏ' làm tổn hại đến tình trạng của phụ nữ".(Vatican News 05-6-2018)

Ngọc Yến

 

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Hội dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu: thúc đẩy quyền của các cộng đoàn bản địa và loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ của họ

Các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu hiện diện tại cộng đồng Shipibo-Konibo, ở huyện Yarinacocha, thuộc tỉnh Ucayali của Peru từ 41 năm qua. Sự hiện diện của các nữ tu cho toàn bộ người Shipibo-Konibo và đặc biệt cho các gia đình để hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.

Các nữ tu giao tiếp và cử hành các nghi lễ phụng vụ bằng ngôn ngữ Shipibo. Sơ Amparo Zaragoza Castello, một trong ba nữ tu đang hiện diện cùng với họ nói: “Đối với chúng tôi, tầm nhìn của họ đối với thế giới – thậm chí ngay cả khi chúng tôi không hoàn toàn biết nó – chưa bao giờ là một vấn đề khi nói đến việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì ngay từ đầu chúng tôi đã cố gắng tôn trọng và hội nhập văn hóa của họ theo những chỉ dẫn của Công đồng Vatican II; đồng thời bắt đầu từ việc hội nhập văn hóa, chúng tôi chia sẻ và công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu”.

Nói về công việc truyền giáo của mình, nữ tu Zaragoza cho biết rằng điều này “đòi hỏi những khoảnh khắc mạnh mẽ của việc từ chối đối với chúng tôi, chứ không phải bởi những người mà chúng tôi cùng đồng hành, nhưng từ các cá nhân và xã hội, mà trong nhiều năm, đã cố gắng sở hữu sự phong phú về văn hóa và những nguồn tài nguyên của lãnh thổ”.

Là một phần trong sự dấn thân truyền giáo của mình, Hội dòng khuyến khích các quyền của những người Shipobo-konibo, giúp họ bảo vệ lãnh thổ của họ và cố gắng nghiên cứu về luật bảo vệ họ. Sơ Zaragoza nhấn mạnh rằng các nữ tu luôn cố gắng ghi nhớ những gì Tông Huấn Evangelii Nuntiandi nói ở số 31: “Giữa việc Phúc Âm hóa và việc thăng tiến con người, tức phát triển và giải phóng, có những mối liên hệ sâu xa thực sự. Liên hệ có tính cách nhân văn, bởi vì con người cần được Phúc Âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng gắn liền với những vấn đề xã hội và kinh tế. Liên hệ có tính cách thần học, bởi vì chúng ta không thể tách rời bình diện Sáng tạo khỏi bình diện Cứu chuộc; thật thế, ơn cứu chuộc cũng đạt tới những hoàn cảnh rất cụ thể của sự bất công cần phải chấm dứt và sự công bình phải tái lập. Bác ái là liên hệ tiêu biểu nhất của Tin Mừng: Thực vậy, làm sao có thể loan truyền điều răn mới mà không làm phát triển sự lớn mạnh đích thực của con người trong công lý và hòa bình? Cần phải nhắc lại rằng không thể chấp nhận quan niệm cho rằng: “Việc Phúc Âm hóa có thể hoặc phải khinh thường những vấn đề hết sức quan trọng và sôi nổi nhất hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, phát triển và hòa bình trong thế giới. Nếu để tình trạng đó xảy ra, tức là không biết đến giáo lý Tin Mừng về tình yêu đối với tha nhân đang đau khổ hoặc thiếu thốn”.

Chính vì vậy sơ Zaragoza khẳng định: “Do đó, việc loan báo Tin Mừng và việc hình thành của cộng đồng Kitô hữu phải luôn luôn đi kèm với việc giúp đỡ cho các cuộc đấu tranh của họ, trên tất cả để được công nhận cá nhân và như một nhóm sở hữu trái đất, ghi nhớ rằng vai trò của chúng tôi là cùng đi và tư vấn cho họ, không chỉ đạo họ”.

Một trong những thách thức chính phải đối diện với tư cách là người truyền giáo, theo nữ tu Tây Ban Nha, là "biết cách tránh cú sốc văn hóa, nhưng để đảm bảo rằng có thể làm giàu lẫn nhau và từ đây nảy sinh một cái gì đó mới và phong phú cho cả hai nền văn hóa".

Người dân Shipibo-Konibo thuộc một trong 12 dân tộc bản địa có mặt tại khu vực rừng Peru. Hiện nay, nhóm  này có hơn 30 nghìn người, phân bố trên 226 cộng đồng, họ sống chủ yếu trên bờ sông Ucayali. Họ là một trong những dân tộc lâu đời nhất của khu vực của Amazon Peru. Văn hóa bản địa của họ được thể hiện trong việc áp dụng các thực hành, nguyên tắc tư tưởng và triết học được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới dạng các quy tắc của cuộc sống và kiến thức truyền thống, cùng với kỷ luật nghiêm ngặt cho tất cả các gia tộc. Sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân làm thay đổi lối sống và sự tồn tại của người dân. Họ bắt đầu bị phân biệt chủng tộc và bóc lột tài nguyên thiên nhiên bừa bãi và trở thành nô lệ. Đã có những mâu thuẫn sắc tộc để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự sống còn và sự thống trị của các vùng lãnh thổ do các dân tộc khác nhau ở Amazon tạo ra.

Các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Tên là những nhà truyền giáo Công giáo đầu tiên tiếp xúc với cộng đồng này trong thời kỳ thuộc địa. Và ngày nay sự hiện diện của các nữ tu truyền giáo thuộc Dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu thực sự là một điều cần thiết cho việc hiểu biết sâu sắc về giá trị truyền thống của nhóm dân tộc này, cũng như tích cực bảo vệ quyền văn hóa và môi trường của họ.(Agenzia Fides 03/5/2018)

Ngọc Yến

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

90 năm tuổi đời và 65 năm linh mục của hai anh em sinh đôi nhà Sarzilla

Sáng ngày 30 tháng 5 vừa qua, tại nhà thờ giáo xứ Valgoglio, tỉnh Bergamo, miền Bắc nước Ý, hai anh em linh mục sinh đôi Attilio và Giovanni Sarzilla đã dâng Thánh lễ tại ơn, kỷ niệm 65 năm linh mục.

Attilio và Giovanni Sarzilla là hai anh em sinh đôi chào đời ngày 12 tháng 10 năm 1928. Cả hai anh em đều có đam mê leo núi, đặc biệt là những vách núi và sườn núi dốc của dãy Dolomiti. Từ khi chào đời, hai anh em sinh đôi Attilio gắn bó và không xa rời nhau, ngay cả khi họ gia nhập chủng viện. Và cách nay 65 năm, ngày 30 tháng 5 năm 1953, hai anh em Attilio và Giovanni đã được Đức cha Adriano Bernareggi, giám mục giáo phận Bergamo lúc đó, truyền chức linh mục. Sau Thánh lễ mở tay, hai cha được Đức giám mục bổ nhiệm đến những giáo xứ khác nhau, nhưng họ vẫn luôn cố gắng liên lạc và gặp nhau khi có thể. 65 năm Linh mục phục vụ Tin mừng, thi hành sứ vụ với sự khiêm nhường và nhiệt thành, giúp đỡ anh em và những người nghèo khổ. Hai cha tin rằng thiên nhiên và nghệ thuật giúp nâng tâm hồn con người và giúp cho con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Trong Thánh lễ tại ơn mừng kỷ niệm 65 năm linh mục, cha Attilio đã xúc động chia sẻ: “Đây là một hồng ân, bởi vì dù cho những bệnh tật của tuổi già, Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi cơ hội vẫn còn được ở đây và ở cùng với nhau. Cha Attilio kể tiếp: “Người vào chủng viện trước vào năm 1943 là em Giovanni của tôi. Hai năm sau đó tôi mới theo anh. Từ khi đó chúng tôi không bị cách xa nhau nữa, ngay cả trong kỳ nghỉ hè, cho đến ngày chúng tôi dâng Thánh lễ mở tay, vào mùa xuân năm 1953.”

Ngày lễ tạ ơn 65 năm linh mục của hai linh mục sinh đôi có nhiều tín hữu tham dự, và cũng có nhiều linh mục quen biết hai cha. Cha Marco Caldara, cha sở của cộng đoàn Valgoglio và Novazza kể về hai linh mục sinh đôi: “Họ là hai con người của Chúa. Hai nghệ sĩ yêu thích nghệ thuật vẽ tranh ngay từ khi họ còn nhỏ và do đó họ đã thánh hiến cho vẻ đẹp, cho sự hoàn hảo và cho Thiên Chúa. Hai cha còn là những người cộng tác mục vụ hiệu quả và quý giá cho cộng đoàn bé nhỏ của chúng tôi.”

Tháng 10 năm nay, hai cha Attilio và Giovanni sẽ tròn 90 tuổi. Hai cha đã trải qua suốt cuộc đời bên nhau, từ khi sinh ra cho đến khi chọn theo trở thành linh mục cùng một ngày và đến năm 2006, hai cha đã cùng nghỉ hưu, sau nhiều năm phục vụ tích cực trong các giáo xứ của giáo phận Bergamo. Họ chọn nghỉ hưu trong ngôi nhà của người chị họ Lionella ở Valgoglio. Nhớ lại ngày được thụ phong linh mục, hai cha tâm sự là không có ai thúc đẩy hai cha chọn đi trên hành trình linh mục, nhưng chính các cha được mời gọi và các ngài đã đáp lại tiếng gọi của Chúa.

Cho dù có những lần hai cha được bổ nhiệm đến những nơi phục vụ xa cách nhau, nhưng mỗi ngày các cha vẫn nói chuyện với nhau và khi có thể thì các ngài lại gặp nhau. Cha Attilio kể lại một câu chuyện cảm động: “Sau thánh lễ mở tay vào năm 1953, chúng tôi đã nói, giờ đây chúng ta phải thực sự xa nhau. Tôi đã đi đến Barzana, còn Giovanni thì đi Lallio. Nhưng chúng tôi dùng xe đạp để tiếp tục đi gặp nhau.” 

Bên cạnh đam mê dành cho những đỉnh núi cao, trong đó có một số đỉnh núi mà hai anh em đã chinh phục khi còn rất trẻ, với trang phục là áo chùng thâm, như quy luật chủng viện thời đó quy định, hai cha Attilio và Giovanni còn đam mê nghệ thuật tượng trưng. Hai cha là học trò của họa sĩ Pietro Servalli và đã vẽ hầu như khắp mọi nơi, các đền thờ, nhà thờ, nghĩa trang, đài phun nước, bàn thờ, trong đó có bàn thờ của chân phước Morosini và chân phước dòng Capuchinô Tommaso da Olera, chân dung và phong cảnh núi non. Hai cha cho biết các ngài chuyên vẽ chân dung và đã vẽ rất nhiều chân dung csc linh mục trong vùng. Năm 2013, hai cha đã tặng cho công đồng Valgoglio 25 tác phẩm và chính quyền thị trấn này đã đặt các tác phẩm trong một tòa nhà nơi có các trường học và thư viện.

Trong cuộc gặp gỡ với giáo dân, một nhóm thanh thiếu niên đã hỏi hai cha một số câu hỏi, trong đó có câu: Các cha muốn nói gì với các thiếu niên và người trẻ ngày nay?” Hai cha đã không lo lắng và do dự khi trả lời: “Những người trẻ tuổi ngày nay tỉnh táo ý thức và chúng tôi khuyên họ thử gia nhập chủng viện. Là linh mục thật là một điều tốt đẹp.” Cha Attilio đã chia sẻ những tâm tình cuối cùng: “Đối với chúng tôi, 65 năm cử hành Thánh lễ là một giây phút hồng ân và vui mừng về những điều chúng tôi đã lãnh nhân. Nhưng chúng tôi cũng cảm thấy sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ cuối cùng và hân hoan với Thiên Chúa.” (Avvenire 30/05/2018)

Hồng Thủy

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

Đừng bóp nghẹt lửa mến của Chúa Thánh Thần

** Các hiệu quả của ơn Chúa Thánh Thần ban khiến cho tín hữu trở thành ơn cho tha nhân , rộng mở họ cho cộng đoàn. Vì thế không được nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, hay kháng cự lại Làn Gió thổi chúng ta bước đi trong tự do và đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái đưa chúng ta tới chỗ hao mòn cuộc đời vì Thiên Chúa và vì tha nhân.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gơ chung hàng tuần sáng thứ tư. Trong số các nhóm hiện diện cũng có ba phái đoàn người Việt đến từ Úc, Mỹ và Việt Nam.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích  các hiệu quả mà ơn của Chúa Thánh Thần ban cho tín hữu giúp họ làm cho các hiệu quả đó lớn lên, và giúp họ trở thành ơn cho tha nhân trong cộng đoàn. Ngài nói: đó là một ơn của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy nhớ rằng khi vị Giám Mục xức dầu cho chúng ta ngài nói: “Hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần được ban cho con”. Ơn đó của Chúa Thánh Thần vào trong chúng ta – đó là Thần Khí – và sinh hoa trái, để rồi chúng ta cũng có thể ban nó cho tha nhân. Luôn luôn nhận lãnh để cho đi: không bao giờ nhận và có các sự vật bên trong, làm như thể linh hồn là một nhà kho. Không: luôn luôn nhận lấy và cho đi. Các ơn của Thiên Chúa được nhận lãnh để trao ban cho người khác. Đó là cuộc sống kitô. Như vậy đó chính là ơn của Chúa Thánh Thần – thúc đầy ra khỏi trung tâm cái tôi của chúng ta – “tất cả là cho chúng ta?”: không phải – nhưng là để mở rộng cho cái “chúng ta” của cộng đoàn. Nhận để cho đi. Chúng ta không ở trong trung tâm: chúng ta là một dụng cụ của ơn đó cho người khác.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Khi bổ túc nơi các tín hữu đã được rửa tội việc giống Chúa Ki tô, bí tích Thêm Sức kết hiệp họ một cách mạnh mẽ như chi thể sống động vào thân mình mầu nhiệm của Giáo Hội (x. Lễ nghi Thêm Sức, s.25). Sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới tiến hành qua phần đóng góp của tất cả những ai là thành phần. Có vài người nghĩ rằng trong Giáo Hội có các ông chủ: là Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, rồi mới tới  thợ là các người khác. Không phải thế. Giáo Hội là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta. Và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm cho nhau nên thánh, lo lắng cho nhau. Giáo Hội là “chúng ta” tất cả. Mỗi người có công việc của mình trong Giáo Hội. Nhưng Giáo Hội là tất cả.

** Thật thế, chúng ta phải nghĩ tới Giáo Hội như một cơ phận sống động, bao gồm các bản vị mà chúng ta biết và cùng đồng hành, chứ không phải như một thực tại trừu tượng và xa vời. Không, Giáo Hội là chúng ta đang tiến bước, Giáo Hội là chúng ta hôm nay đang ở trong quảng trường này. Chúng ta là Giáo Hội, tất cả mọi người. Bí tích Thêm Sức cột buộc vào Giáo Hội hoàn vũ, cột buộc tất cả chúng ta, sống rải rác trên toàn trái đất, nhưng lôi cuốn các người được thêm sức vào trong cuộc sống của Giáo Hội địa phương mà họ là thành phần, với Giám Mục là thủ lãnh và là người kế vị các Tông Đồ.

Chính vì vậy Giám Mục là vị thừa tác đầu tiên của Bí Tích Thêm Sức (x. LG, 26), bởi vì ngài đưa người được thêm sức vào trong Giáo Hội.

Sự kiện đó là trong Giáo Hội Latinh bí tích này bình  thường được Đức Giám Mục ban, nó minh nhiên “hiệu quả của nó là kết hiệp những người lãnh nhận nó một cách chặt chẽ hơn với Giáo Hội, với các nguồn gốc tông đồ và sứ mệnh làm chứng cho Chúa Kitô của nó” (GLCG, 1313).

Ý nghĩa của việc sát nhập vào Giáo Hội được nêu bật bởi dấu chỉ hòa bình kết thúc lễ nghi thêm sức. Thật vậy, vị Giám Mục nói với từng người đã được thêm sức: “Bình an cho con”. Nó khiến chúng ta nhớ tới lời Chúa chào các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh, tràn đầy Chúa Thánh  Thần (x. Ga 20,19-23), như chúng ta dã nghe – các lời này soi sáng một cử chỉ “diễn tả sự hiệp thông giáo hội với vị Giám Mục và với các tín hữu khác” (x. GLCG, 1301).

ĐTC giải thích việc trao ban bình an sau lễ nghi ban bí tích Thêm Sức như sau:

Trong bí tích Thêm Sức, chúng ta nhận lấy Chúa Thánh thần và sự bình an: sự bình an mà chúng ta phải trao ban cho các người khác. Chúng ta hãy nghĩ xem: mỗi người hãy nghĩ tới cộng đoàn giáo xứ của mình, chẳng hạn. Có lễ nghi ban phép Thêm Sức, và chúng ta trao ban bình an cho nhau: Đức Giám Mục trao ban bình an cho người đã được thêm sức, và trong Thánh Lễ chúng ta trao ban bình an cho nhau. Chúng ta ra về và bắt đầu nói xấu người khác. Chúng ta bắt đầu các bép xép. Và các bép xép là các cuộc chiến. Điều này không được!

** Nếu chúng ta đã nhận dấu chỉ của sự bình an với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải là những người nam nữ của hòa bình – chứ không phải ra đi tới đó với cái lưỡi và phá hủy hòa bình mà Thần Khí đã tạo dựng. Tội nghiệp Chúa Thánh Thần và công việc Ngài làm với chúng ta, với thói quen bép xép này… Anh chị em hãy nghĩ kỹ đi: bép xép không phải là công việc của Chúa Thánh Thần. Nó không phải là một công việc của sự hiệp nhất của Giáo Hội. Bép xép phá hủy điều Thiên Chúa làm. Vì thế  cho tôi xin đi: hãy ngưng bép xép! Anh chị em có đồng ý hay không? Có hay là không? Đó.

Bí Tích Thêm Sức được lãnh nhận một lần mà thôi, nhưng năng động tinh thần do dầu thánh dấy lên thì kéo dài trong thời gian. Chúng ta sẽ không bao giờ chu toàn được lệnh truyền dãi tỏa ra khắp nơi hương thơm của một cuộc sống thánh thiện, được linih hứng bởi sự đơn sơ hấp dẫn của Phúc Âm.

Không ai lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cho chính mình, chúng ta đã nói phải không? Đó là một ơn không phải để giữ trong nhà kho bên trong, mà là để cho đi luôn luôn cho tất cả mọi người, để cộng tác vào việc lớn lên thiêng liêng của người khác. Chỉ như thế, khi rộng mở và ra khỏi chính mình để gặp gỡ tha nhân, chúng ta mới có thể thực sự lớn lên, chứ không chỉ có ảo tưởng lớn lên. Những gì chúng ta nhận được như ơn của Thiên  Chúa thật ra phải được trao ban – ơn nhận được để cho đi – để nó phong phú, chứ không phải để bị chôn vùi vì các sợ hãi ích kỷ, như dụ ngôn nén bạc đã dậy (x. Mt 25,14-30). Cả hạt giống cũng thế, khi chúng ta có hạt giống trong tay, không phải để nó ở đó, cất nó trong tủ, nhưng là để gieo vãi nó. Toàn cuộc sống phải được gieo vãi để sinh bông hạt, để nhân nhiều lên. Ơn của Chúa Thánh Thần chúng ta phải trao ban cho cộng đoàn.

Tôi khuyến khích các người đã được thêm sức đừng nhốt Chúa Thánh Thần trong lồng, đừng kháng cự lại Đấng là Gió thổi để thúc đẩy chúng ta bước đi trong tự do, đừng bóp nghẹt Lửa nồng cháy của tình bác ái khiến cho chúng ta hao mòn cuộc sống vì Chúa và vì các anh em khác. Xin Chúa Thánh Thần ban cho tất cả chúng ta lòng can đảm tông đồ thông truyền Phúc Âm, với các việc làm và lời nói, thông truyền cho những ai chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Với các công việc làm và lời nói, nhưng lời nói tốt lành, lời nói xây dựng. Không phải các bép xép phá hoại. Xin làm ơn, khi anh chị em đi ra khỏi nhà thờ, hãy nghĩ tới sự bình an đã nhận lãnh để trao ban cho người khác: chứ không phải để phá hủy nó với việc bép xép. Xin anh chị em đừng quên điều đó!

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong số các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu các giáo phận Saint Claude do ĐC Jordy hướng dẫn, đoàn hành hương giáo phận Valleyfield Canada do ĐC Simard hướng dẫn, hiệp hội hai Trái Tim Tình Yêu do ĐC Rivière, GM Autun hướng dẫn, cũng như ca đoàn Armeni.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương Ailen, Na Uy, Nigera, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Giêsu Kitô ban niềm vui và sự an bình cho họ và gia đình họ.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt các nhóm tín hữu Brasil đến từ Ourinhos, Goiania, Bauru và Venancio Aires. Ngài khích lệ mọi người năng kêu cầu Chúa Thánh Thần để được hướng dẫn và trợ giúp trong nhiệm vụ làm chứng nhân cho Tin Mừng.

Chào các tín hữu nói tiếng A Rập ĐTC khích lệ họ đừng sợ hãi cống hiến những gì nhận được từ Chúa Thánh Thần cho tha nhân, qua chứng tá và hương thơm thánh thiện của cuộc sống kitô hầu giúp mọi người biết sống chia sẻ và xa lánh ích kỷ.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC khuyến khích họ để cho quyền năng của Chúa Thánh Thần thấm nhuần và giải thoát khỏi sự yếu đuối của tính ích kỷ, lười biếng và kiêu ngạo, để là các chứng nhân đích thực Tin Mừng của  Chúa Kitô.

Trong số đông đảo các nhóm hành hương Italia ngài đặc biệt chào các sư huynh La San, tín hữu các giáo xứ và các đoàn hành hương giáo phận Macerata và Loreto do các ĐC Nazzareno Marconi và Giancarlo Vecerrica hướng dẫn.

ĐTC nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới đây là lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu: Ngài mời gọi tất cả cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa trong suốt tháng 6 này để xin Chúa gần gũi, nâng đỡ, trợ giúp các linh mục để các vị là hình ảnh Trái Tim tràn đầy tình yêu và lòng thương xót Chúa.

ĐTC khích lệ người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực và nước uống  tinh thần cho cuộc sống để được biến đổi trở thành các thụ tạo mới.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn bác sĩ Công Giáo quốc tế

VATICAN. ĐTC kêu gọi các bác sĩ Công Giáo đừng trở thành những người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hỏi của chế độ y tế nơi mình làm việc.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 28-5-2018, dành cho phái đoàn 22 bác sĩ lãnh đạo Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đến gặp ĐTC trước khi Hội nghị lần thứ 25 của Liên hiệp sẽ tiến hành tại Zagreb thủ đô Croát từ ngày 30-5 đến 2-6-2018 về đề tài: “Tính chất thánh thiêng của sự sống và nghề y sĩ: từ thông điệp 'Sự sống con người' (Humanae vitae) đến thông điệp Laudato sì về việc bảo vệ thiên nhiên”.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC ca ngợi lòng trung thành của Liên hiệp quốc tế các bác sĩ Công Giáo đối với Giáo huấn của Giáo Hội và ngài nói: ”Anh chị em được kêu gọi khẳng định vị thế trung tâm của bệnh nhân như nhân vị và phẩm giá với các quyền bất khả nhượng của họ, đứng đầu là quyền sống. Cần chống lại xu hướng hạ giá người bệnh thành một chiếc máy cần sửa chữa, không tôn trọng các nguyên tắc luân lý, và khai thác những người yếu thế nhất, loại bỏ những gì không đáp ứng ý thức hệ hiệu năng và lợi lộc. Sự bảo vệ chiều kích nhân vị của bệnh nhân là điều thiết yếu và nhân bản hóa y khoa.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Anh chị em hãy dấn thân cả trong những cuộc thảo luật liên quan đến các luật lệ về các vấn đề luân lý tế nhị như phá thai, sự kết thúc mạng sống con người và y khoa về hệ di truyền. Anh chị em hãy dấn thân cả trong việc bảo vệ tự do lương tâm của các bác sĩ và các nhân viên y tế. Một điều không thể chấp nhận được, đó là vai trò của anh chị em bị thu hẹp thành người chỉ thi hành ý muốn của bệnh nhân hoặc những đòi hò của hệ thống y tế, nơi anh chị em làm việc”.

Liên hiệp các bác sĩ Công Giáo được thành lập năm 1966 với mục đích thăng tiến hoạt động y tế và xã hội phù hợp với Giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo và nâng đỡ tinh thần và luân lý cho các thành viên để họ biết khẳng định đức tin trong khi thi hành nghề nghiệp y khoa và mang các nguyên tắc luân lý đạo đức Kitô vào việc nghiên cứu khoa học.

Liên hiệp hiện qui tụ 53 hiệp hội toàn quốc các bác sĩ Công Giáo tại 66 quốc gia, trong số này có 25 nước Âu Châu và 13 nước Á châu. (Rei 28-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 27-5-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa trưa chúa nhật 27-5-2018, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa ngày lễ kính Chúa Ba Ngôi và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho Phi châu được hòa bình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh với hàng chục ngàn tín hữu dưới trời nắng chang chang, ĐTC nói:

Hôm nay, chúa nhật sau lễ Hiện Xuống, chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi rất thánh, một lễ để chiêm ngắm và chúc tụng mầu nhiệm Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là duy nhất trong sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, để kinh ngạc kính mừng Thiên Chúa là Tình Thương luôn luôn mới mẻ, Đấng ban nhưng không cho chúng ta sự sống của Ngài và yêu cầu chúng ta phổ biến sự sống ấy trong thế giới.

Các bài đọc Thánh lễ hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không muốn mạc khải cho chúng ta thấy Ngài hiện hữu cho bằng Ngài là ”Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, yêu thương chúng ta, quan tâm đến lịch sử riêng của chúng ta và chăm sóc mỗi người chúng ta, bắt đầu từ những người nhỏ bé và túng thiếu nhất. Ngài là ”Thiên Chúa ở trên các tầng trời” nhưng cũng ở ”dưới đất này” (Xc Đnl 4,39). Vì thế chúng ta không tin nơi một thực tại xa xăm, dửng dưng, nhưng tin nơi Đấng là Tình Thương đã tạo dựng vũ trụ và sinh ra một dân tộc, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại vì chúng ta, và trong tư cách là Thánh Thần, Ngài biến đổi mọi sự và đưa tới sự sung mãn.

ĐTC nhận xét rằng:

”Thánh Phaolô (Xc Rm 8,14-17), đã đích thân cảm nghiệm sự biến đổi này do Thiên Chúa Tình Thương thực hiện, Chúa thông cho chúng ta ước muốn được gọi là Cha, hay đúng hơn là ”Ba ơi!”, với niềm tín thác trọn vẹn của một đứa bé phó thác trong vòng tay của người đã trao ban sự sống cho em. Chúa Thánh Linh, như Thánh Tông Đồ đã nhắc nhở, hành động trong chúng ta đến độ Chúa Giêsu Kitô không bị thu hẹp thành một nhân vật quá khứ, nhưng chúng ta cảm thấy Ngài ở gần chúng ta, là người đồng thời và chúng ta cảm nghiệm được niềm vui là con cái mà Thiên Chúa yêu thương. Sau cùng, trong Bài Tin Mừng, Chúa Phục Sinh đã hứa ở lại với chúng ta mãi mãi: ”Này đây Thầy ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và chính nhờ sự hiện diện ấy và nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, chúng ta có thể thanh thản chu toàn sứ mạng Chúa ủy thác cho chúng ta, sứ mạng loan báo và làm chứng cho mọi người về Tin Mừng của Chúa và mở rộng tình hiệp thông với Chúa và niềm vui từ đó mà ra. Khi đồng hành với chúng ta, Thiên Chúa làm cho chúng ta được tràn đầy niềm vui và có thể nói, niềm vui là ngôn ngữ đầu tiên của Kitô hữu.”

Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi làm cho chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm một Thiên Chúa không ngừng sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa, luôn luôn bằng tình yêu và vì tình yêu, và mọi loài thụ tạo đón nhận Ngài thì được phản ánh một tia sáng vẻ đẹp của Ngài, lòng từ nhân và chân lý của Ngài. Từ ngàn đời, Chúa đã chọn đồng hành với nhân loại và họp thành một dân tộc là phúc lành cho mọi dân nước và mỗi người, không loại trừ ai. Kitô hữu không phải là một người cô lập, nhưng họ thuộc về một dân tộc, dân tộc mà Thiên Chúa hình thành. Không thể là Kitô hữu nếu không thuộc về Dân Chúa và không có tình hiệp thông như vậy. Chúng ta là một dân tộc: Dân Thiên Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng:

“Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chu toàn trong vui tươi sứ mạng làm chứng cho thế giới đang khao khát tình thương, làm chứng rằng ý nghĩa cuộc sống chính là một tình yêu vô biên, tình yêu cụ thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy vừa qua 26-5 tại thành phố Piacenza, bắc Italia, Nữ Tu Leonella Sgorbati (1940-2006), thuộc dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, bị giết vì sự oán ghét đức tin tại Modagiscio thủ đô Somalia năm 2006. Cuộc sống của Chị vì Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cũng như cuộc tử đạo của Chị là một bảo chứng niềm hy vọng cho Phi Châu và toàn thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho Phi châu và được hòa bình tại đó.

Sau khi đọc một kinh Kính Mừng với tất cả mọi người, ĐTC khẩn cầu: ”Xin Đức Mẹ Phi Châu cầu cho chúng con”.

 Rồi ĐTC đã chào thăm và nhắc đến tên của một số nhóm tín hữu hành hương, đặc biệt là Ca đoàn Sappada và ca đoàn của các thiếu niênở Vezza d'Alba, bắc Italia. Ngài cũng chào thăm các tín hữu hành hương người Ba Lan và chúc lành cho các tham dự viên cuộc đại hành hương ở Đền Thánh Đức Mẹ Piekari Slaskie.

 ĐTC nói thêm rằng ”Nhân dịp Ngày Thoa Dịu”, tôi chào thăm những người tụ họp tại Bệnh viện Đa Khoa Gemelli ở Roma để thăng tiến tình liên đới với những người bị bệnh nặng. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy nhìn nhận những nhu cầu, kể cả về mặt tinh thần, của các bệnh nhân và với lòng dịu dàng, hãy ở gần họ.

Cũng nên nói thêm rằng Chân Phước Leonella tục danh là Rosa Sgorbati, sinh năm 1940 tại Gazzalo, gần Piacenza. Năm 23 tuổi (1963) chị gia nhập dòng các nữ tu Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi. 3 năm sau đó, chị được khấn dòng với tên là Leonella và được gửi sang Anh quốc học y tá. Sau khi khấn trọn đời năm 1972, Chị gửi đi truyền giáo tại Kenya bên Phi châu. Tại đây chị lần lượt phục vụ tại 3 nhà thương. Năm 1983, chị học cao đẳng về ngành y tá và trở thành huấn luyện viên chính tại trường y tá tại nhà thương Nkutu, ở thành phố Meru. Chị từng làm Bề trên miền của các nữ tu thừa sai Đức Mẹ An Ủi ở Kenya.

Năm 2001, chị Leonella bắt đầu đi lại giữa hai nước Kenya và Somalia, quốc gia bị nội chiến. Tại thủ đô Mogadiscio của nước này, chị thành lập một trung tâm huấn luyện các y tá và nữ hộ sinh người Somalia.

Ngày 17-9 năm 2006, vào khoảng giữa trưa, trên đường về nhà sau khi dạy học ở nhà thương, chị Leonella bị bắn 7 phát đạn, khiến chị bị thương nặng. Người Hồi giáo là ông Mohamed Mahmud tháp tùng chị, bị tử thương vì đạn.

Chị Leonella được chở vào nhà thương để cứu cấp, nhưng quá trễ. Chị trút hơi thở cuối cùng, miệng còn thì thào câu: ”Tha thứ, tha thứ, tha thứ”.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

Đức Thánh Cha tiếp cảnh sát Italia ở Roma và giới lãnh đạo y tế

VATICAN. Sáng hôm qua (25-5), ĐTC đã tiếp kiến 6 ngàn người gồm ban chỉ huy và các nhân viên sở cảnh sát quốc gia ở Roma và ban lãnh đạo trung ương của ngành y tế, cùng với các thân nhân của họ.

 

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của gia đình trong đời sống con người, quốc gia và xã hội. Gia đình giúp chúng ta vượt thắng những thực tại cay đắng, những đau khổ và kinh nghiệm về sự ác: Chính trong gia đình, trong niềm hiệp thông sự sống và tình thương, mà chúng ta có thể vượt thắng những thực tại đó. Chính trong gia đình mà đức tin được thông truyền.

 

ĐTC cũng đề cao vai trò của Giáo Hội như người Mẹ giúp các tín hữu vượt thắng những căng thẳng. Ngài nói: ”Noi gương Chúa Giêsu, cả Giáo Hội, trong hành trình thường nhật, cũng trải qua những lo âu và căng thẳng của các gia đình, những xung đột giữa các thế hệ, những bạo lực trong gia đình, những khó khăn kinh tế và công ăn việc làm bấp bênh.. Được Thánh Linh hướng dẫn, Giáo Hội gần gũi các gia đình như người bạn đồng hành, nhất là các gia đình đang trải qua khủng hoảng, hoặc sống trong đau thương, để chỉ dẫn cho các gia đình mục tiêu chung cục, nơi mà sự chết và đau khổ sẽ vĩnh viễn tan biến”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng, trong tư cách là các nhân viên cảnh sát, ”anh chị em cũng liên tục cảm nghiệm trong công việc, trong các cuộc điều tra hoặc trên đường phố, những thực tại đau thương. Chính kinh nghiệm gia đình cũng giúp anh chị em trong lãnh vực này, vì gia đình mang lại sự quân bình con người, sự khôn ngoan và các giá trị tham chiếu. Một gia đình tốt cũng thông truyền các giá trị công dân, giáo dục, giúp cảm thấy mỗi ngừơi là thành phần của một xã hội và cư xử như những công dân lương thiện và trung thành”. (Rei 25-5-2018)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

Bí Tích Thêm sức cho tín hữu được tràn đầy Thánh Thần

** Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Kitô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số hàng trăm đoàn hành hương hiện diện cũng có hai nhóm Việt Nam: nhóm 51 tín hữu Sydney Australlia với cha trưởng đoàn và cha linh hướng, nhóm 13 linh mục và 3 giáo dân Thái Bình.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích ý nghĩa của Bí Tích Thêm Sức và vai trò của  Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của kitô hữu bằng cách khai triển ý nghĩa trình thuật Phúc Âm thánh Luca chương 4 viết rằng: “ Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4,16-18). ĐTC nói: sau các bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội, các ngày tiếp theo lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống này  mời gọi chúng ta suy tư về chứng tá, mà Thần Khí dấy lên nơi các người đã được rửa tội, bằng cách chuyển động cuộc sống của họ, mở ra cho thiện ích của những người khác. Chúa Giêsu đã trao phó cho các môn đệ của Ngài một sứ mệnh lớn lao: “Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian” (x. Mt 5,13-16). Đây là các hình ảnh khiến nghĩ tới cung cách hành xử của chúng ta, vì thiếu hay quá nhiều muối khiến cho thức ăn không ngon, cũng như thiếu hay quá nhiều ánh sáng ngăn cản chúng ta trông thấy. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Chỉ có Thần Khí của Chúa Kitô mới có thể thực sự khiến cho chúng ta trở thành muối trao ban hương vị và giữ cho khỏi hư thối, và trao ban ánh sáng chiếu soi thế giới. Đó là ơn chúng ta nhận được trong Bí Tích Thêm Sức, mà tôi muốn cùng anh chị em dừng lại suy tư. Gọi là “Thêm Sức” bởi vì nó xác nhận Bí Tích Rửa Tội và củng cố ơn thánh của nó (x. GLCG, 1289); cũng như “Xức Dầu Thánh”, từ sự kiện Thần Khí qua việc xức dầu “crisma” là dầu ô liu trộn với mùi thơm đã được Giám Mục thánh hiến – Cresima Cristo là từ quy chiếu Chúa Kitô, Đấng đã được xức dầu của Thánh Thần.

Tái sinh vào cuộc sống thiên linh trong Bí Tích Rửa Tội là bước đầu tiên; cần phải có cung cách hành xử như con cái Thiên  Chúa nữa, hay đồng hình dạng với Chúa Kitô hoạt động trong Giáo Hội, bằng cách lôi cuốn chúng ta vào trong sứ mệnh của Ngài trong thế giới. Việc xức dầu của Thánh Thần lo liệu cho việc ấy: “không có sức mạnh của Ngài, không có gì trong con người cả” (Ca tiếp liên lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống). Không có sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta không thể làm được gì: chính Thần Khí trao ban cho chúng ta sức mạnh tiến lên.

Như toàn cuộc sống của Chúa Giêsu đã được linh hoạt bởi Thần Khí,  cũng thế cuộc sống của Giáo Hội và của mọi chi thể Giáo Hội đều ở dưới sự hướng dẫn của cùng Thần Khí ấy.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Được Đức Trinh Nữ thụ thai bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu bắt đầu sứ mệnh của Ngài sau khi ra khỏi nước sông Giordan, được thánh hiến bởi Thần Khí ngự xuống trên Ngài (X. Mc 1,10; Ga 1,32): thật là đẹp! Chúa Giêsu tự giới thiệu như thế nào, đâu là thẻ căn cước của Chúa Giêsu trong hội đường Nadarét? Chúng ta hãy lắng nghe Ngài làm như thế nào: điều này thật là rõ ràng. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18).  Chúa Giêsu tự giới thiệu trong hội đường làng mình như Đấng được xức dầu, Đấng đã được Thần Khí xức dầu.

Chúa Giê su tràn đầy Thánh Thần và là suối nguồn của Thần Khí được Thiên Chúa Cha hứa ban (x. Ga 15,26; Lc 24,49; Cv 1,8; 2,23). Thực ra, buổi chiều ngày lễ Vượt Qua Chúa Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và nói với họ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,22); và trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sức mạnh của Thần Khí xuống trên các Tông Đồ trong hình thái ngoại thường (x. Cv 2,1-4), như chúng ta biết. ĐTC giải thích hơi thở ấy của Chúa Kitô như sau:

** “Hơi thở” của Chúa Ki tô Phục Sinh khiến cho phổi của Giáo Hội tràn đầy sự sống; và thật vậy, miệng các môn đệ “được tràn đầy Thánh Thần” mở ra để loan báo cho tất cả mọi người các công trình vĩ đại của Thiên Chúa (x. Cv 2,1-11).

Đối với Giáo Hội lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – mà chúng ta đã cử hành hôm Chúa Nhật vừa qua – là điều mà việc xức dầu của Thần Khí đã nhận được tại sông Giordan đối với Chúa Kitô, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là sự thúc đẩy truyền giáo làm hao mòn cuộc sống cho việc thánh hóa loài người, để vinh danh Thiên Chúa. Nếu trong mọi bí tích Thần Khí hoạt động, thì một cách đặc biệt trong Bí Tích Thêm Sức “các tín hữu nhận được Ơn Thánh Thần” (Phaolo VI, Hiến chế Divinae consortium naturae).

Chính trong lúc xức dầu, Giám Mục nói lời này: “Hãy nhận lấy Thánh Thần được ban cho con như là ơn”: Thánh Thần đây là ơn lớn lao của Thiên Chúa. Và chúng ta tất cả đều có Thần Khí trong mình. Thần Khí ở trong tim chúng ta, trong linh hồn chúng ta. Chính Thần Khí hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống để chúng ta trở nên muối đúng đắn và ánh sáng đúng đắn của loài người.

Nếu trong Bí Tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần dìm chúng ta trong Chúa Kitô, thì trong Bí Tích Thêm Sức Chúa Ki tô làm cho chúng ta được tràn đầy Thần Khí của Ngài, bằng cách thánh hiến chúng ta thành các chứng nhân của Ngài, tham dự vào cùng nguyên lý sự sống và sứ mệnh theo chương trình của Thiên Chúa Cha trên trời. Chứng tá của các người đã được thêm sức biểu lộ việc nhận Thánh Thần và sự ngoan ngoãn đối với sự linh hứng sáng tạo của Ngài. Tôi tự hỏi: Làm sao người ra thấy rằng chúng ta đã lãnh nhận Ơn Thần Khí? Nếu chúng ta làm các cộng việc của Thần Khí, nếu chúng ta nói lên các lời do Thần Khí dậy bảo (X. 1 Cr 2,13). Chứng tá kitô hệ tại chỗ chỉ làm và làm tất cả những gì Thần Khí Chúa Ki tô xin chúng ta, bằng cách ban cho chúng ta sức mạnh để chu toàn nó.

** ĐTC đã chào nhiều nhóm hiện diện đến từ Pháp, Gabon, Canada và các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các thành viên Dân quân Chúa Ki tô, và các bạn trẻ Neuilly, Châteaubriant và Paris. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, vùng Galles, Ailen, Ấn Độ, Philippines, Nga, Việt Nam, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt là các nữ tu Feliciane sửa soạn họp Tổng tu nghị. Ngài xin Chúa Thánh Thần đổ đầy tràn ơn thánh trên họ.

Với nhiều nhóm bạn trẻ Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và các nước châu Mỹ Latinh ngài xin Đức Mẹ giúp mọi người biết sống ngoan ngoãn với Chúa Thánh Thần để biết là các chứng nhân của sự thánh thiện và tình yêu thương dấn thân cho thiện ích của tha nhân.

Chào các nhóm đến từ vùng Trung Đông ngài xin  Chúa Thánh Thần dậy cho họ biết sống khôn ngoan và chân thật như môn đệ của Chúa.

Trong các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào phái đoàn của tổ chức trồng và bảo vệ rừng cây quốc gia Ba Lan. Họ đã đem theo 100 cây sồi, nhân kỷ niệm 100 năm Ba Lan độc lập, để tặng trồng tại Italia như dấu chỉ việc bảo vệ thụ tạo. ĐTC nói: “Như tôi đã viết trong thông điệp Laudato si “thật rất cao quý nhận lấy trách nhiệm lo lắng cho thụ tạo với các hành động nhỏ bé thường ngày, và thật là tuyệt diệu nền giáo dục có khả năng huy động chúng trao ban hình thái cho một kiểu sống. Giáo dục trách nhiệm đối với môi sinh có thể khích lệ nhiều cung cách hành xử khác nhau có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với môi sinh… Tất cả những điều đó là phần của óc sáng tạo quảng đại và xứng đáng cho thấy điều tốt đẹp nhất của con người”

Trong các nhóm Ucraina, ĐTC đặc biệt chào đoàn hành hương quân nhân quốc tế Lộ Đức lần thứ 60. Ngài xin Chúa chữa lành các vết thương do chiến tranh  gây ra và ban hòa bình cho Ucraina.

Với các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên Tổng tu nghị dòng các tu huynh Thánh Tâm, và các cộng sự viên Paolini, câu lạc bộ Clericus, tín hữu nhiều giáo xứ các giáo phận khác nhau, các nhóm sinh viên học sinh trường Đức Bà Phù Hộ Roma, phân khoa kỹ sư dân sự và kỹ nghệ đại học La Saienza Roma và các nhân viên cứu hỏa thiện nguyện tỉnh Bondeno.

Chào các người trẻ, anh chị em bệnh nhân và các đội tân hôn ĐTC phó thác họ cho Mẹ Thiên Chúa và khích lệ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 và cùng nhau khẩn nài mẹ can thiệp xin Chúa ban cho Giáo Hội và thế giới được hòa bình và thương xót.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

3 quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia

VATICAN. ĐTC bày tỏ lo âu về tình trạng thiếu ơn gọi tại Italia, cổ võ sự thanh bần theo Tin Mừng và tái kêu gọi giảm bớt số giáo phận tại nước này.

Trên đây là 3 mối quan tâm ngài bày tỏ chiều ngày 21-5-2018 trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên của HĐGM Italia tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican.

Tham dự khóa họp có các vị chủ chăn của 228 giáo phận toàn quốc. Đứng trước tình trạng khan hiếm ơn gọi tại Italia, nhiều nhà dòng và cơ sở Công Giáo bị đóng cửa, ĐTC cổ võ các giáo phận phong phú ơn gọi cho các giáo phận thiếu ơn gọi ”mượn” các LM, tương tự như phương thức gọi là các LM Fidei Donum, Hồng Ân đức tin, nghĩa là các giáo phận nhiều ơn gọi cho gửi các LM đến hoạt động tại các xứ truyền giáo không có hoặc có quá ít ơn gọi.

ĐTC cũng kêu gọi quản trị tài cánh của các giáo phận theo tinh thần thanh bần Tin Mừng và minh bạch.

Sau cùng, ngài kêu gọi HĐGM Italia đẩy mạnh dự án giảm bớt con số các giáo phận tại nước này, đã có từ năm 1964, thời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI. Italia có khoảng 60 triệu tín hữu Công Giáo. Năm 1983, thời ĐGH Gioan Phaolô 2, con số giáo phận Italia được gộp lại từ hơn 330 xuống còn 228 giáo phận như hiện nay, nhưng ĐTC Phanxicô muốn giảm bớt hơn nữa số giáo phận, vì ngài cho là vẫn còn quá nhiều.

ĐTC nói với các GM: ”Tôi bày tỏ mối quan tâm ấy, không phải để khiển trách anh em, nhưng để nói lên những gì làm tôi quan tâm, rồi sau đó để anh em lên tiếng, kể cả nói lên những lời phê bình. Phê bình Giáo Hoàng không phải là một tội”.

Về vấn đề tài chánh của các giáo phận, ĐTC giải thích thêm rằng ”Đối với tôi, như một tu sĩ dòng Tên, 'thanh bần vẫn luôn là mẹ và là tường thành của đời sống tông đồ, là mẹ vì làm nảy sinh, và tường thành vì bảo vệ”. Nếu không có thanh bần, thì không có lòng nhiệt thành tông đồ. ”Ai tin thì không thể nói về thanh bần mà lại sống như ông hoàng”. Thật là một sự phản chứng khi nói về thanh bần mà lại sống sa hoa”.

ĐTC nhấn mạnh rằng cần có qui luật chung và rõ ràng về việc quản trị tài chánh của giáo phận. Ngài kể: ”Tôi biết có một người trong anh em, không bao giờ mời một người khách dùng bữa với tiền của giáo phận, nhưng tự trả bằng tiền túi của mình. Đó là một cử chỉ bé nhỏ, nhưng quan trọng. Tôi biết và cám ơn HĐGM Italia vì đã thực hiện nhiều trên con đường thanh bần và minh bạch. Minh bạch như thế là một công việc thật đẹp, nhưng cần phải làm hơn nữa về một số điều”.

Sau bài huấn dụ khai mạc của ĐTC, ngài còn trao đổi trong 3 tiếng đồng hồ với các GM Italia, trả lời 20 câu hỏi do các vị nêu lên (Rei 21-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

Đức Hồng Y tân cử Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh

VATICAN. Hôm 26-5-2018, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY tân cử Giovanni Angelo Becciu làm Tổng trưởng Bộ Phong Thánh và sẽ nhận nhiệm vụ từ cuối tháng 8 tới đây.

Thông cáo của Tòa Thánh nói rằng Đức TGM Becciu tiếp tục chu toàn nhiệm vụ Phụ Tá Quốc Vụ khanh Tòa Thánh cho đến ngày 29-6-2018 và tiếp tục làm Đặc Ủy của ĐTC nơi Hội Hiệp Sĩ Malta.

ĐHY tân cử Becciu năm nay 70 tuổi (2/6/1948) sinh tại Sassari, đảo Sardegna, Italia, thụ phong linh mục năm 1972, đậu tiến sĩ giáo luật và bắt đầu phục vụ trong ngành ngoại giao Tòa Thánh từ ngày 1-5-1984: lần lượt tại các sứ quán Tòa Thánh tại Cộng hòa Trung Phi, Sudan, New Zealand, Liberia, Anh quốc, Pháp, và Hoa Kỳ.

Ngày 15-10 năm 2001, ngài được thăng TGM sứ thần Tòa thánh tại Angola, rồi kiêm nhiệm Sứ thần tại São Tomé và Principe.

Ngày 23-7-2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cuba cho đến năm 2011 thì thăng Phụ tá Quốc Vụ Khanh, chức vụ này thường được coi như tương đương với Bộ trưởng Nội vụ của Tòa Thánh.

Chúa nhật 20-5-2018, ĐTC tuyên bố sẽ bổ nhiệm Đức TGM Becciu làm Hồng Y trong công nghị ngày 29-6-2018 cùng với 13 tiến chức Hồng Y khác.

Ngài sẽ kế nhiệm ĐHY Angelo Amato, SDB, 80 tuổi, từ 10 năm nay là Tổng trưởng Bộ Phong Thánh (Rei 26-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Nhân kỷ niệm 60 năm thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, sáng sớm hôm qua, 24/06/2018, hòm kiếng chứa thi hài của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã được đưa ra khỏi đền thơ thánh Phêrô ở Vatican đi đến giáo phận Bergamo và làng quê Sotto il Monte.

Bergamo là giáo phận nơi thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã phục vụ trong 40 năm đầu tiên; còn Sotto il Monte là nơi thánh nhân đã chào đời ngày 25/11/1881.

Trong nghi thức di chuyển thi hài thánh Giáo hoàng diễn ra tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng y trưởng đẳng linh mục Angelo Comastri, chủ sự nghi thức, đã nhắc đến tình yêu của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với nơi sinh của ngài, nơi ngài đã “hít thở đức tin trong gương mẫu tuyệt vời của cha mẹ ngài.” Đức Hồng y Comastri nói tiếp: “Hôm nay, thánh Gioan XXIII thực hiện chuyến hành hương của lòng biết ơn và phúc lành về mảnh đất nơi ngài sinh ra, nơi ngài được trở thành Kitô hữu và nơi ngài đã trưởng thành trong ơn gọi linh mục.” Đức Hồng y cũng nhấn mạnh đến hương thơm của Thiên Chúa của thánh Gioan XXIII, niềm hy vọng ngài đã gieo trồng bằng việc giúp các tín hữu trở thành khí cụ bình an trong gia đình và nơi xã hội.

Sau nghi thức tại đền thờ, hòm chứa thi hài của thánh Giáo hoàng bắt đầu chuyến du hành kéo dài 18 ngày. Đây là một sự kiện, món quà đặc biệt của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trước đây, vào năm 1959, chính Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cũng đã cho phép đưa thi hài của thánh Giáo hoàng Pio X về thành phố Venezia.

Chuyến thánh du tại những nơi khác nhau sẽ cho phép nhiều tín hữu được sống những thời khắc cầu nguyện và kính viếng, bắt đầu từ 15:30 giờ chiều 24/05, khi thi hài ngài được các hội đoàn và tín hữu đón tiếp tại trung tâm của Bergamo. Đầu tiên thi hài ngài sẽ dừng lại tại nhà tù ở đường Gleno để ghi nhớ cuộc thăm viếng tù nhân tại Regina Coeli của thánh Giáo hoàng. Sau đó thánh tích của ngài được đưa đến chủng viện và vào lúc 21 giờ tối, hòm đựng thi hài ngài sẽ được đón rước trọng thể vào nhà thờ chính tòa để cử hành buổi canh thức. (Vatican News 24/05/2018)

Hồng Thủy

 

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Các nữ tu chống nạn buôn người: một buổi hội thảo giúp các nạn nhân tại tòa án

Jakarta – Để hỗ trợ nạn nhân buôn người ở tòa án, 19 nữ tu Indonesia, một chủng sinh dòng Phanxicô, một phụ nữ Hồi giáo và một mục sư Tin Lành đã tham gia một hội thảo về các vấn đề pháp lý. Hội nghị chuyên đề diễn ra tại East Jakarta từ ngày 15 đến 18 tháng 5, với sự hiện diện của các chuyên gia pháp lý.

Trong nhiều năm các nữ tu thuộc nhiều hội dòng khác nhau đã dấn thân vào cuộc chiến chống lại nạn buôn người. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chính cản trở công việc của họ là không thể tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự tại các phòng xử án, do thiếu trình độ chuyên môn cần thiết. Sơ Kristina Fransiska nói với Asia News rằng nhờ hội thảo, những người tham gia có thể hiểu được những đặc quyền nào để họ có quyền hiện diện hợp pháp tại phiên tòa.

Sơ Kristina nói: “Vì chúng tôi muốn chăm sóc nạn nhân buôn người, chúng tôi muốn tham gia tranh luậnở mỗi vụ án”. Nữ tu là một chuyên gia pháp lý chuyên nghiệp và là cựu giáo sư của đại học Công giáo Widya Karya ở Malang. Sơ nói tiếp: "Trong nhiều năm chúng tôi đã bị ngăn không cho tham gia tại những phiên tòa như thế này. Điều này là một nỗi đau".

Các chuyên gia của Human Rights for Women trình bày những vấn đề mà sẽ được đem ra thảo luận. Sơ Kristina khẳng định: "Mục đích là để có một nhận thức chung và các quy trình vận hành chuẩn khi chúng tôi phải đối phó với các vấn đề liên quan đến nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và công nhân dưới độ tuổi tối thiểu. Trong những năm gần đây, những người dễ bị tổn thương nhất là phụ nữ". Một số chủ đề được thảo luận là: sự khác biệt về giới trong các vấn đề tình dục; quyền con người đối với phụ nữ; các phong trào, nhóm và cộng đồng để bảo vệ phẩm giá con người; dịch vụ công cho nạn nhân; quy trình và phương pháp tư vấn; xác định các trường hợp, thủ phạm và nạn nhân; thẩm định pháp lý và các kỹ năng khác.

Trong số các nữ tu tham gia tại các buổi làm việc có sơ Vincent Pmy, một chuyên gia pháp lý, đã nhận bằng cử nhân tại đại học quốc gia Diponegoro của Semarang. Sơ nói: "Hội thảo nhằm tạo ra một bầu không khí mới cho phép công việc của chúng tôi đạt được kết quả tốt hơn. Hy vọng rằng các nữ tu tham gia vào sứ vụ đặc biệt này có thể làm hết sức mình cho các phiên tòa tại tòa án".  (Asia News 25-5-2018)

Ngọc Yến

 

Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 Đức Hồng Y mới

Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 Đức Hồng Y mới

Vatican. 20.05.2018. Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa nhật, Đức Thánh Cha đã công bố rằng Giáo Hội sẽ có 14 Hồng Y mới. Các ngài sẽ được tấn phong Hồng Y trong ngày lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào 29 tháng 6 sắp tới.

Đức Thánh Cha đã bất ngờ công bố danh sách các tân Hồng Y mà không hề có trong các văn bản soạn trước cho buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Đức Thánh Cha giải thích rằng: việc tấn phong các tân Hồng Y cho thấy đặc tính phổ quát của Hội Thánh và để công bố tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên khắp thế giới.

Sau đây là danh sách 14 Đức tân Hồng Y:

 1. Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako (Iraq), Thượng Phụ Babylon
 2. Đức Cha Luis Ladaria Ferrer (Tây Ban Nha), Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin
 3. Đức Cha Angelo de Donatis (Italia), Giám quản Roma
 4. Đức Cha Giovanni Angelo Becciu (Italia)
 5. Đức Cha Konrad Krajewski (Ba Lan)
 6. Đức Cha Coutts (Pakistan)
 7. Đức Cha Antonio dos Santos Marto (Bồ Đào Nha)
 8. Đức Cha Pedro Barreto (Peru)
 9. Đức Cha Désiré Tsarahazana (Madagascar)
10. Đức Cha Giuseppe Petrocchi (Italia)
11. Đức Cha Thomas Aquinas Manyo (Nhật Bản)
12. Đức Cha Sergio Obeso Rivera (Mexico)
13. Đức Cha Toribio Ticona Porco (Bolivia)
14. Cha Aquilino Bocos Merino (Tây Ban Nha)

Tứ Quyết SJ

 

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 20.05.2018 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần là cơn gió mạnh, là Thần Lực của Thiên Chúa. Ngài có sức biến đổi lòng người, biến đổi thực tại. Chúng ta hãy biết căng buồm con thuyền cuộc đời để đón lấy cơn gió là Thần Khí. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:   

Anh chị em thân mến!

Trong phụng vụ Lời Chúa, bài đọc một diễn tả, cuộc Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần như “tiếng gió mạnh thổi đến” (Cv 2:2). Hình ảnh này cho thấy điều gì? Cơn gió mạnh làm cho ta nghĩ đến một sức mạnh to lớn, nhưng không chỉ có thế, không chỉ tự cơn gió là mạnh, nhưng cơn gió ấy còn có sức thay đổi thực tại. Thực tế, cơn gió mang tới sự thay đổi: làm ấm áp khi trời lạnh giá, làm mát mẻ khi trời nóng bức, đem mưa tới khi trời khô hạn… Chúa Thánh Thần cũng thế, tuy ở một cấp độ khác, Ngài là Đấng có thần lực để thay đổi thế giới. Bài ca tiếp liên nhắc chúng ta nhớ rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời, là Đấng chở che dịu hiền. Vì thế mà chúng ta thân thưa với Ngài: Xin chữa lành vết thương của chúng con, xin gia tăng sức mạnh, xin tưới gội chỗ khô hạn, xin tẩy rửa bợn nhơ tội lỗi. Chúa Thánh Thần đi vào từng hoàn cảnh và biến đổi chúng. Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn, thay đổi các tình huống.

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy” (Cv 1:8). Và đã xảy ra đúng như thế. Các môn đệ lúc đầu đầy sợ hãi, họp nhau trong phòng với cánh cửa đóng kín. Điều ấy xảy ra ngay cả khi Chúa đã Phục Sinh. Nhưng sau đó, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng rằng: các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa (Ga 15:27). Từ đó, các môn đệ không còn do dự, không còn sợ hãi, nhưng đầy can đảm. Bắt đầu từ Gierusalem, các môn đệ đi tới tận cùng trái đất. Khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông hãy còn nhút nhát, nhưng khi Chúa Giêsu đi và sai Chúa Thánh Thần đến, Thần Khí đã biến đổi tâm hồn các ông, làm cho các ông đầy mạnh mẽ.

Thần Khí giải phóng các môn đệ khỏi xích xiềng sợ hãi. Chúa Thánh Thần khơi lên trong tâm hồn các ông lòng quảng đại đầy tràn. Chúa Thánh Thần mở những tâm hồn khép kín, thúc đẩy lòng người biết lên đường phục vụ. Ngài đẩy lui lòng tự mãn và mở ra hướng đi mới. Ngài giúp ấp ủ những ước mơ mới. Điều đó có nghĩa là biến đổi các tâm hồn. Người đời hứa hẹn thay đổi này nọ, tạo nên những khởi đầu mới, những thay đổi phi thường; nhưng kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, chẳng có ai trên trái đất này có thể thay đổi thực tại để hoàn toàn làm thỏa mãn lòng người. Thế nhưng, sự thay đổi, sự biến đổi mà Chúa Thánh Thần mang lại thì khác. Sự thay đổi ở đây không phải là cuộc cách mạng đảo lộn cuộc sống quanh ta, nhưng là biến đổi tâm hồn ta. Cuộc biến đổi này không giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của các vấn đề, nhưng làm cho chúng ta tự do để có thể đối diện với các vấn đề ấy. Sự biến đổi ấy không đến với chúng ta để giải quyết vấn đề một lần cho tất cả, nhưng làm cho chúng ta tự tin, can đảm và không biết mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ cho tâm hồn chúng ta luôn trẻ trung. Tuổi trẻ, dù ta có cố gắng níu kéo cách nào, thì sớm hay muộn tuổi trẻ cũng sẽ trôi đi. Nhưng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ngăn chặn sự lão hóa, không phải là lão hóa thể lý mà là lão hóa nội tâm. Cách nào mà Chúa Thánh Thần làm được điều ấy? Đó là bằng cách đổi mới tâm hồn chúng ta, bằng cách tha thứ cho các tội nhân. Ở đây có sự thay đổi rất lớn: từ thân phận tội lỗi, Ngài làm cho chúng ta trở nên công chính và như thế là thay đổi tất cả. Từ thân phận nô lệ cho tội lỗi, chúng ta được trở nên những người con yêu dấu, từ kẻ bất xứng trở nên người xứng đáng, từ chỗ thất vọng chuyển sang tràn đầy hy vọng. Với tác động của Chúa Thánh Thần, niềm vui được tái sinh và bình an tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta hãy học biết những gì phải làm, khi chúng ta cần những thay đổi thực sự trong cuộc sống. Ai trong chúng ta không cần những thay đổi? Nhất là khi cuộc đời đầy u ám, khi ta mệt mỏi với những gánh nặng, khi ta chịu áp lực với đầy yếu đuối, những lúc khó khăn mà ta khó lòng có thể tiếp tục và dường như không thể yêu thương. Trong những lúc ấy, chúng ta cần một sức bật mạnh mẽ: đó là Chúa Thánh Thần, là quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Thật tốt lành làm sao khi mỗi ngày chúng ta có thể cảm nhận được sức bật mạnh mẽ ấy trong cuộc đời mình! Mỗi sáng khi thức dậy, hãy thưa lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin ngự vào tâm hồn con, ngự vào ngày sống của con!”.

Chúa Thánh Thần biến đổi các hoàn cảnh

Chúa Thánh Thần không chỉ biến đổi các tâm hồn, mà Ngài còn biến đổi các hoàn cảnh. Giống như việc gió thổi đến mọi nơi, và ngay cả thâm nhập vào những hoàn cảnh khó lòng có thể tượng tưởng được. Trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta bị thu hút bởi chuỗi sự kiện kinh ngạc tuyệt vời. Đây là cuốn sách ta cần đọc, và nhân vật chính của cuốn sách, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Khi các môn đệ nhận thấy có ít hy vọng nhất, thì Chúa Thánh Thần sai các ông đi vào dân ngoại. Ngài mở ra những con đường mới, ví dụ như trường hợp của thầy phó tế Philipphe. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Philipphe đi con đường sa mạc từ Gierusalem đến Gaza. Dọc đường, Philipphe giảng cho viên quan và rửa tội cho viên quan. Sau đó Thần Khí đưa Philipphe đến Azotus, rồi đến Cesarea, đến những hoàn cảnh mới để loan truyền sự mới mẻ của Thiên Chúa. Điều tương tự cũng xảy ra với thánh Phaolô. Thánh nhân “bị Thánh Linh bắt buộc” (Cv 20:22) ra đi, đi xa để mang Tin Mừng đến cho muôn dân xa lạ. Nơi nào có Chúa Thánh Thần, nơi ấy luôn có gì đó diễn ra; nơi nào Thần Khí thổi đến, nơi ấy không bao giờ lặng im.

Trong đời sống cộng đoàn, khi chúng ta trải qua kinh nghiệm vô nghĩa nào đó, chúng ta thích yên ổn và tĩnh lặng, hơn là điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu xấu. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cố trú ẩn để tránh cơn gió là Thần Khí. Khi chúng ta sống theo kiểu tự đủ và khép kín trong nhà mình, thì đó là dấu hiệu không tốt. Gió là Thần Khí đang thổi, nhưng chúng ta là con thuyền lại hạ cánh buồm xuống. Cho dù như thế, chúng ta vẫn thường thấy Chúa Thánh Thần làm việc thật kỳ diệu! Rất thường khi, ngay giữa thời ảm đạm nhất, thì Thần Khí vẫn nâng dậy những gì thánh thiêng nổi bật nhất! Ngài là linh hồn của Hội Thánh. Ngài khơi dậy niềm hy vọng tươi mới, đổ đầy niềm vui ngập tràn, làm phát sinh nhiều hoa trái, và làm cho sự sống mới nảy sinh. Trong một gia đình, khi có một người con chào đời, người con ấy làm cho lịch trình của gia đình trở nên rối loạn, em bé làm chúng ta mất ăn mất ngủ, nhưng em bé cũng mang lại niềm vui và đổi mới cuộc sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta mở rộng trong tình yêu mến. Cũng thế, Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội sự trẻ trung của “thời thơ ấu”. Từ thời này qua thời kia, Chúa Thánh Thần tiếp tục trao tặng sức sống mới. Ngài hồi sinh tình yêu đầu đời của chúng ta. Ngài nhắc Giáo hội nhớ rằng, dù trải qua lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng Giáo hội vẫn luôn là cô dâu trẻ trung mà Thiên Chúa hết mực yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chào đón Chúa Thánh Thần vào cuộc đời mình, và xin ơn Ngài trước mọi việc chúng ta làm: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”.

 

Sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm

 

Chúa Thánh Thần sẽ mang đến sức mạnh biến đổi của Ngài, một sức mạnh độc nhất vô nhị, một sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm. Là sức mạnh quy tâm, bởi vì sức mạnh ấy hoạt động nơi trung tâm, nơi sâu thẳm trong trái tim ta. Sức mạnh ấy mang đến hiệp nhất và đẩy lùi chia rẽ, mang đến bình an và đẩy lùi phiền não, mang đến sức mạnh và đẩy lùi cám dỗ. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ điều này, khi ngài viết rằng: hoa trái của Thần Khí là niềm vui, bình an, trung tín, tự chủ (Gl 5:22). Chúa Thánh Thần ban cho ta tình thân gắn bó với Chúa, ban sức mạnh nội tâm để ta tiếp tục tiến bước. Là sức mạnh ly tâm, bởi vì đó là lực đẩy để đi ra ngoài. Thần Khí ở trong chúng ta, để đẩy chúng ta đi ra các vùng ngoại biên, để đẩy chúng ta đi ra mọi vùng ngoại vi của nhân loại. Ngài cho chúng ta thấy gương mặt Thiên Chúa, Ngài cũng mở tâm hồn chúng ta trước các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Ngài sai chúng ta đi và làm cho chúng ta trở thành chứng nhân. Ngài đổ vào lòng chúng ta đầy tình yêu, lòng từ nhân, lòng quảng đại, sự dịu hiền. Chỉ trong Thần Khí là Đấng An Ủi, chúng ta mới có thể nói được những lời sống động và chân thực để khích lệ tha nhân. Những ai sống nhờ Thần Khí thì sống trong mình mối giằng co thiêng liêng này: vừa thấy mình bị kéo về phía Thiên Chúa vừa thấy mình bị kéo về phía nhân loại.

 

Chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lối sống như thế. Xin Chúa Thánh Thần, là cơn gió mạnh mẽ của Thiên Chúa, thổi vào chúng ta, thổi vào tâm hồn ta, và làm cho ta biết thở ra sự dịu hiền của Chúa Cha! Xin Thần Khí thổi vào Giáo Hội và làm cho Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Xin Ngài thổi vào thế giới sự nồng ấm của hòa bình, sự tươi mới dễ thương của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến biến đổi chúng con và đổi mới mặt địa cầu. Amen.

 

Tứ Quyết SJ