Tông Hiến của Đức Thánh Cha về đời sống các nữ tu chiêm niệm

Tông Hiến của Đức Thánh Cha về đời sống các nữ tu chiêm niệm

Tông Hiến của Đức Thánh Cha về đời sống các nữ tu chiêm niệm

VATICAN. Sáng thứ sáu 22-7-2016, Tông Hiến của ĐTC Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm đã được công bố và giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

Tông Hiến mang tựa đề ”Vultum Dei quaerere” (Tìm Nhan Thiên Chúa), mang chữ ký của ĐTC Phanxicô ngày 29-6 năm nay và được Đức TGM José Rodriguez Carballo, dòng Phanxicô, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, trình bày với giới báo chí.

 Văn kiện dài 18 trang theo bản tiếng Ý và được chia làm 37 đoạn: sau phần tiền đề, ĐTC đề cao tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm trong Giáo Hội, rồi lần lượt bàn về 12 đề tài liên quan đến đời sống này, đó là: huấn luyện và cầu nguyện; Lời Chúa, Thánh Thể và Hòa giải; Đời sống huynh đệ và sự tự trị của các Đan viện; Liên hiệp các Đan viện và nội vi; Lao động và thinh lặng; Các phương tiện truyền thông và khổ chế. Trong phần kết luận, ĐTC liệt kê 14 qui định có tính chất pháp luật, theo tinh thần những điều được trình bày trong các phần trên.

Đề cao đời sống chiêm niệm

Đi vào chi tiết hơn, người ta nhận thấy Tông Hiến mới của ĐTC đặc biệt nhấn mạnh đến việc thăng tiến một sự huấn luyện thích hợp, đề cao vị trí trung tâm của lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa; các tiêu chuẩn đặc thù để các cộng đoàn chiêm niệm được tự trị; vấn đề các đan viện họp thành một liên hiệp.

 ĐTC cho biết sở dĩ ngài ban hành Tông Hiến ”Tìm Nhan Thiên Chúa” là vì hành trình của Giáo Hội 50 năm sau Công đồng chung Vatican 2 có nhiều thay đổi và vì những tiến bộ mau lẹ của lịch sử nhân loại. Vì thế, cần có sự đối thoại với xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị cơ bản của đời sống chiêm niệm, với những đặc tính như thinh lặng, lắng nghe, sự vĩnh cư, có thể và phải tạo nên một thách đố đối với não trạng ngày nay.

 Về tầm quan trọng của đời sống chiêm niệm, ĐTC khẳng định rằng trong một thế giới đang tìm kiếm Thiên Chúa – dù là một cách vô tình – những người thánh hiến phải trở thành những người đối thoại khôn ngoan, để nhận ra những câu hỏi mà Thiên Chúa và nhân loại đang đặt ra. Vì thế, sự tìm kiếm của họ đối với Thiên Chúa không bao giờ được ngừng lại.

ĐTC Phanxicô bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với các nữ tu chiêm niệm và nhấn mạnh rằng ”Giáo Hội đang cần các chị để đưa Tin Mừng cho con người ngày nay. Đây không phải là một sứ mạng dễ dàng, xét vì thực tại ngày nay tuân hành những tiêu chuẩn quyền bính, kinh tế và tiêu thụ. Tuy nhiên, thách đố mà ĐTC đề ra cho các nữ tu chiêm niệm là: làm sao trở thành những đèn pha, những ngọn đuốc sáng hướng dẫn và đồng hành hành trình của nhân loại, các chị là ”những người canh ban mai” chỉ cho thế giới thấy Chúa Kitô là đường, là sự thật và là sự sống. Đời sống chiêm niệm là một hồng ân vô giá và không thể từ khước được đối với Giáo Hội. ”Đời sống chiêm niệm là một chuyện tình say mê đối với Chúa và nhân loại, được biểu lộ qua sự hăng say tìm kiếm nhan Thiên Chúa, và đứng trước nhan Chúa, tất cả đều được điều chỉnh lại, vì dưới nhãn giới này, với cặp mắt thiêng liêng, con người có thể chiêm ngắm thế giới và sự vật với cái nhìn của Thiên Chúa.

Tiếp đến, đứng trước những cám dỗ, ĐTC nhắn nhủ các nữ tu chiêm niệm hãy can đảm thi hành cuộc chiến tinh thần, kiên trì vượt thắng cám dỗ lâm vào tình trạng lãnh đạm, sống và hành động theo thói quen, không còn năng lực và ươn lười làm tê liệt.

12 đề tài trong Tông Hiến

Trong phần kế tiếp của Tông Hiến, ĐTC mời gọi suy tư và phân định về 12 đề tài của đời sống chiêm niệm nói chung và của truyền thống đan tu nói riêng, để giúp các nữ tu đạt tới mục tiêu ơn gọi của mình.

1. – Trước tiên là việc huấn luyện hay đào tạo. Hành trình này phải dẫn đến sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. Việc huấn luyện là một tiến trình không bao giờ chấm dứt, đòi hỏi một sự liên tục hoán cải, trở về cùng Thiên Chúa. Từ nguyên tắc này, ĐTC mời gọi các Đan viện hãy đặc biệt chú ý đến sự phân định ơn gọi và linh đạo, đừng chiều theo cám dỗ tìm kiếm số lượng và hiệu năng. Ngoài ra, ngài cũng nhắc nhở rằng sự huấn luyện đòi phải có một khoảng thời gian từ 9 cho đến 12 năm.

2. – Đề tài thứ hai là cầu nguyện, là cốt tủy của đời thánh hiến. Cầu nguyện không thể được sống như một sự co cụm của đời sống đan tu vào chính mình, trái lại đó là một sự mở rộng con tim để ôm lấy toàn thể nhân loại, đặc biệt là những người đau khổ như các tù nhân, người di dân, tị nạn, những người bị bách hại, các gia đình bị thương tổn, những người thất nghiệp, người nghèo, các bệnh nhân, những người nghiện ngập. ĐTC viết: “Chị em hãy cầu nguyện và chuyển cầu cho số phận của nhân loại”. Vì thế các cộng đoàn chiêm niệm sẽ trở thành những trường học đích thực dạy về cầu nguyện, được nuôi dưỡng bằng vẻ đẹp của Thập Giá mà nhiều người không hiểu được”.

3. – Đề tài thứ ba là vị trí trung tâm của Lời Chúa, là nguồn mạch đầu tiên của mọi đời sống thiêng liêng và là nguyên lý hiệp thông của các cộng đoàn. Lời Chúa được biểu lộ trong lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa, giúp đi từ văn bản Kinh Thánh đến cuộc sống, lấp đầy khoảng cách giữa linh đạo và đời sống thường nhật, dẫn đưa từ sự lắng nghe đến sự nhận biết và yêu mến. Vì thế – ĐTC viết – Lời Chúa phải được tản ra trong cuộc sống của cá nhân và cộng đoàn của các nữ tu chiêm niệm, giúp các chị, nhờ một thứ bản năng siêu nhiên, phân định được điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì làm cho xa Ngài. Sau cùng ĐTC nhắc nhở rằng lectio divina phải biến thành hành động, nghĩa là trở thành ”món quà cho tha nhân trong tình bác ái”.

4. – Sang điểm thứ tư, ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Đặc biệt ngài đề nghị kéo dài việc cử hành Thánh Lễ với việc chầu Mình Thánh, và sống sự thực hành thống hối như một cơ hội đặc biệt để chiêm ngắm tôn nhan thương xót của Chúa Cha. Thực vậy, khi cảm nghiệm ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta có thể trở thành ”những ngôn sứ và thừa tác viên của lòng thương xót, trở nên dụng cụ hòa giải, tha thứ và an bình” mà thế giới ngày nay rất cần.

5. – Điểm thứ 5 về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, được hiểu như một sự phản ánh cách thức tự hiến của Thiên Chúa, và là hình thức đầu tiên trong việc loan báo Tin Mừng. Vì thế, ĐTC nhấn mạnh sự cần thiết phải làm cho cộng đoàn được liên tục tăng trưởng, đi tới một sự hiệp thông huynh đệ đích thực. “Một cộng đoàn hiện hữu vì nảy sinh và được xây dựng với sự đóng góp của tất cả mọi người”. Đây cũng là chứng tá cần thiết hơn bao giờ hết trong một xã hội đang chịu nhiều xâu xé, chia rẽ và chênh lệch. ”Thật là điều có thể và đẹp đẽ khi có thể sống chung với nhau mặc dù có những khác biệt về thế hệ, về huấn luyện và văn hóa”. Những khác biệt ấy không ngăn cản đời sống huynh đệ, nhưng trái lại làm cho nó phong phú hơn, vì ”hiệp nhất và hiệp thông không có nghĩa là đồng nhất”. Đồng thời ĐTC cũng nhắc nhở về tầm quan trọng phải kính trọng người già và yêu mến người trẻ, hòa hợp ký ức và tương lai của chính các cộng đoàn.

6. Đề tài thứ 6 là sự tự trị của các đan viện chiêm niệm. Về vấn đề này, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng một đàng sự tự trị tạo điều kiện cho sự ổn định, hiệp nhất và chiêm niệm của cộng đoàn, nhưng đàng khác nó không có nghĩa là độc lập hoặc cô lập. Trong nhãn giới đó, các nữ tu chiêm niệm đừng trở nên bệnh hoạn vì tự tham chiếu mình.

7. Gắn liền với đề tài trên đây là sự Liên hiệp. Đây là đề tài thứ 7 được ĐTC trình bày trong Tông Hiến ”Tìm nhan Thiên Chúa”. Ngài đề cao tầm quan trọng của các liên hiệp ”như những cơ cấu hiệp thông giữa các Đan viện chia sẻ cùng một đoàn sủng”. Các liên hiệp nhắm thăng tiến đời sống chiêm niệm trong các đan viện và trợ giúp việc huấn luyện và cả những nhu cầu cụ thể. Vì thế cần cổ võ và gia tăng các Liên hiệp.

8. Đề tài thứ 8 là nội vi, hay là khu nội cấm. Đó là dấu chỉ sự kết hiệp của Giáo Hội hôn thê với Chúa của mình mà thôi. Nội vi có nhiều hình thức khác nhau, nội vi Giáo Hoàng loại trừ mọi công tác tông đồ bên ngoài, nội vi chung có tính chất ít nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, trong cùng một dòng, sự khác biệt như thế phải được coi như một sự phong phú, chứ không phải là một cản trở tình hiệp thông.

9. Đề tài thứ 9 là lao tác. Chú ý tới khẩu hiệu của thánh Biển Đức: ora et labora, cầu nguyện và lao tác, các nữ tu chiêm niệm được ĐTC nhắn nhủ hãy chu toàn công việc làm với lòng sốt sắng và trung thành, đừng để mình bị ảnh hưởng vì não trạng duy hiệu năng và duy hoạt động trong nền văn hóa ngày nay, nó có thể dập tắt tinh thần chiêm niệm. Vì thế lao tác phải được hiểu như một sự đóng góp vào công trình sáng tạo, phục vụ nhân loại và liên đới với người nghèo, để duy trì một tương quan quân bình giữa sự hướng về Đấng Tuyệt Đối và sự dấn thân trong những trách nhiệm hằng ngày.

10. Đề tài thứ 10 trong Tông Hiến của ĐTC là sự thinh lặng, được hiểu như một sự lắng nghe và nghiềm ngẫm Lời Chúa, làm cho mình trống rỗng để dành chỗ cho sự đón nhận, đó là sự im lặng nghe Thiên Chúa và tiếng kêu của nhân loại. Mẫu gương của các hành động này là Mẹ Maria, Đấng đã biết đón nhận Lời Chúa vì Mẹ là một phụ nữ thinh lặng, một sự thinh lặng giàu lòng bác ái.

11. Đề tài thứ 11 là các phương tiện truyền thông. Ý thức về những biến chuyển xã hội và nền văn hóa kỹ thuật số (digital) đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành tư tưởng và cách thức quan hệ với thế giới, ĐTC Phanxicô nhận định rằng các phương tiện truyền thông là những dụng cụ hữu ích cho việc huấn luyện và đả thông. Tuy nhiên ngài khuyên các nữ tu chiêm niệm hãy thận trọng phân định, để các phương tiện ấy không trở thành dịp chia trí và tránh thoát đời sống huynh đệ, gây thiệt hại cho ơn gọi hoặc cản trở sự chiêm niệm.

12. Sau cùng về đề tài thứ 12 là khổ chế. ĐTC nói về sự điều độ, không dính bén những sự trần tục, vâng phục và minh bạch trong các quan hệ cộng đồng. Ngoài ra, trong tư cách là một sự chọn lựa đời sống vĩnh cư, việc khổ chế trở thành một dấu chỉ hùng hồn về lòng trung thành trong một thế giới hoàn cầu hóa và không còn căn cội. Ví dụ đối với một nhân loại đang bị nhiều xâu xé và chia rẽ, làm sao ta ở cạnh người khác, dù đứng trước những khác biệt, căng thẳng, xung đột và dòn mỏng yếu đuối. Khổ chế không phải là một sự trốn chạy thế gian vì sợ hãi. Tính chất ngôn sứ của khổ chế là liên tục chuyển cầu cho nhân loại trước tòa Chúa, lắng nghe tiếng kêu của những nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ. Như thế, trong niềm hiệp thông sâu xa với Giáo Hội, các nữ tu chiêm niệm sẽ là cầu thang qua đó, Thiên Chúa xuống gặp con người, và con người leo lên gặp Thiên Chúa”.

Nơi phần cuối của Tông Hiến, ĐTC đề ra 14 qui luật, trong đó có khoản nói rằng các nữ tu chiêm niệm có thể theo các khóa huấn luyện ở ngoài đan viện của mình, nhưng phải làm sao để duy trì bầu không khí thích hợp với đoàn sủng chiệm niệm (Điều 3)

 Ngoài ra tuyệt đối không được tuyển mộ các nữ ứng sinh từ các nước khác chỉ với mục đích duy trì sự sống còn của Đan viện đang bị thiếu ơn gọi.

– Khởi đầu tất cả các Đan viện phải thuộc về một liên hiệp. Các liên hiệp này có thể được thành lập theo tiêu chuẩn địa lý hoặc có đoàn sủng, tinh thần hoặc truyền thống giống nhau. Nếu một đan viện không thể thuộc về một Liên hiệp thì phải xin phép Tòa Thánh (Điều 9).

 Bộ các dòng tu có thể ban hành những chỉ dẫn áp dụng 12 đề tài được liệt kê trong Tông Hiến theo các đoàn sủng của các gia đình đan tu khác nhau. Những chỉ dẫn áp dụng ấy phải được Tòa Thánh phê chuẩn (Điều 14)

G. Trần Đức Anh OP

Tòa Thánh vẫn sẵn sàng giúp Venezuela

Tòa Thánh vẫn sẵn sàng giúp Venezuela

Cha Lombardi

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng chính phủ Venezuela và phe đối lập tại đây sẵn sàng chấp nhận sự can thiệp của Tòa Thánh đồng hành và tạo điều kiện dễ dàng cho cuộc đối thoại giữa các phe để đối phó với tình hình đất nước.

Trong thông cáo công bố hôm 22-7-2016, Cha Lombardi nói rằng: ”Như đã biết, cả trong quá khứ, Tòa Thánh vẫn bày tỏ sự sẵn sàng nếu có những điều kiện cần thiết trước đó, để có thể góp phần vào cuộc đối thoại. Nhưng cho đến nay, không có một thông tin chính thức này được gửi đến Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cũng như tới Bộ ngoại giao Tòa Thánh để trình bày và xác định nội dung chi tiết lời yêu cầu như vậy”.

Cha Lombardi đưa ra thông cáo trên đây sau khi một số hãng tin quốc tế truyền đi hôm 22-7-2016 nói rằng tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela đã chấp nhận đề nghị của phe đối lập, thỉnh cầu Tòa Thánh giúp đối thoại với chính phủ.

Ông Ernesto Samper, Tổng thư ký liên hiệp các nước Nam Mỹ đã gặp tổng thống Maduro hôm 21-7 và sau đó ông tuyên bố là sẽ thỉnh cầu ĐGH Phanxicô gửi đại diện đến Venezuela. Ông Samper đã đến thủ đô Caracas để cùng với cựu thủ tướng José Zapatero của Tây Ban Nha với ý hướng đã có từ 2 tháng nay, nhắm thúc giục các phe liên hệ ở Venezuela ngồi lại với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước về kinh tế và chính trị. (SD 23-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi ngày cầu nguyện toàn quốc

Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ kêu gọi ngày cầu nguyện toàn quốc

Đức Cha Joseph E. Kurtz chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ

Trước những sự kiện bạo lực và căng thẳng chủng tộc vừa qua tại các cộng đồng trên toàn nước Mỹ, Đức Cha chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ mời gọi các Giáo phận trên toàn quốc hợp nhất trong Ngày cầu nguyện và cách rộng lớn hơn, cổ vũ hòa bình và chữa lành trong thời gian những căng thẳng nặng nề trong xã hội dân sự.

Phát biểu về những vụ nổ súng liên quan đến sắc tộc ở Baton Rouge, Minneapolis và Dallas, Đức Tổng Giám mục  Joseph E. Kurtz của Giáo phận Louisville, Kentucky, lưu ý đến việc nhìn vào những cách thức Giáo hội Công giáo có thể đồng hành và giúp những cộng đoàn đang đau khổ này. Ngài nói: “Tôi đã nhấn mạnh đến việc cần thiết tìm thêm những cách thức nuôi dưỡng một cuộc đối thoại cởi mở, chân thật và dân sự về những quan hệ sắc tộc, phục hồi công lý, sức khỏe tâm thần, cơ hội kinh tế và giải quyết những vấn đề bạo lực phổ biến gây nên bởi súng. Ngày Cầu nguyện và Ủy ban đặc nhiệm sẽ giúp chúng ta tiến tới trong chiều hướng đó. Bằng cách bước tới để ôm lấy những người đau khổ, qua sự hiệp nhất, hành động cụ thể được sinh động bởi tình yêu Chúa Kitô, chúng ta hy vọng nuôi dưỡng hòa bình và xây dựng những cầu nối thông tin liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau trong chính các cộng đồng của chúng ta”.

Ngày Cầu nguyện cho hòa bình tại các cộng đoàn của chúng ta sẽ được cử hành vào ngày lễ thánh Phêrô Claver, ngày 9/9, và sẽ là một điểm đầu cho hoạt động của Ủy ban đặc nhiệm. Mục đích của Ủy ban đặc nhiệm là giúp các Giám mục tham dự vào các vấn đề thử thách cách trực tiếp bằng những cách thức khác nhau: thu tập và phân phát các nguồn hỗ trợ và “những thực hành tốt nhất”; lắng nghe cách tích cực những quan tâm của các thành viên trong các cộng đồng gặp khó khăn và thực thi pháp luật; xây dựng những mối liên hệ vững mạnh để giúp ngăn ngừa và giải quyết các xung đột. Ủy ban đặc nhiệm sẽ kết thúc công việc của họ với một báo cáo về các hoạt động của và những đề nghị cho hoạt động tương lai cho Đại hội đồng vào tháng 11.

Đức Tổng Giám muc Wilton D. Gregory của Atlanta, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, sẽ là chủ tịch của Ủy ban đặc nhiệm. Ngài vinh hạnh nhận trách nhiệm dẫn dắt Ủy ban này; Ủy ban sẽ giúp các Giám mục đồng hành với các cộng đồng đau khổ trên đường tiến tới hòa bình và hòa giải. Ngài nói: “Chúng ta là một thân thể trong Chúa Kitô, vì vậy chúng ta phải bước đi với các anh chị em chúng ta và lập lại sự dấn thân cổ võ việc chữa lành. Người đau khổ không ở nơi nào khác, hay của ai khác; nó chính là của chúng ta và ở trong Giáo phận của chúng ta”.

Các thành viên khác của Ủy ban đặc nhiệm cũng bao gồm các Giám mục khác, các chủ tịch của các Ủy ban của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, và có nhiều Giám mục và giáo dân cố vấn. (RV 22/7/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández

Đức Thánh Cha cám ơn bà Carmen Hernández, Đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng

MADRID. ĐTC Phanxicô nhiệt liệt đề cao và cám ơn Bà Carmen Hernández, người đồng sáng lập Con đường Tân Dự Tòng, mới qua đời chiều ngày 19-7-2016 tại Madrid, hưởng thọ 85 tuổi.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây qua sứ điệp gửi đến Ông Kiko Arguello, người đã cùng với bà Carmen khởi xướng Con đường Tân dự tòng tại ngoại ô Madrid, Tây Ban Nhà vào cuối thập niên 1960, và nay đã có hơn 30 ngàn Cộng đồng thuộc Con đường này tại 120 nước trên thế giới.

Bà Carmen sinh năm 1930 tại tỉnh Navarra, Tân Ban nha, trong một gia đình thân phụ là người sáng lập công ty Herba, một trong những hãng về gạo quan trọng nhất tại nước này.

Sau khi tốt nghiệp ngành hóa học tại Đại học Madrid và làm việc một thời gian trong hãng của gia đình, Carmen đã quyết định theo đuổi ơn gọi thừa sai đã cảm thấy từ nhỏ và gia nhập Nữ Thừa Sai của Chúa Giêsu Kitô, và chuẩn bị đi truyền giáo. Nhưng rồi dòng tu này bị khủng hoảng trong thời kỳ Công đồng chung Vatican 2, khiến chị Carmen phải tìm con đường khác.

Về sau chị gặp ông Kiko Arguello, một họa sĩ, dấn thân loan báo cho những người nghèo, người du mục, người khuyết tật ở khu vực ngoại ô Madrid và đã cộng tác vào công trình này. Con đường Tân Dự Tòng nảy sinh từ đó và lớn mạnh với thời gian.

Sứ điệp của ĐTC được đọc lên trong lễ an táng Bà Carmen tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Madrid chiều ngày 21-7 vừa qua, do Đức Cha Carlos Osorio Sierra, TGM sở tại chủ sự. ĐTC viết:

Mến gửi ông Francisco Kiko Arguello, Con đường Tân dự tòng, Madrid

Tôi xúc động hay tin bà Carmen Hernández qua đời sau một cuộc đời dài, được ghi đậm bằng tình yêu đối với Chúa Giêsu và lòng hăng say truyền giáo. Trong giờ chia li đau thương này tôi gần gũi trong tinh thần, với lòng quí mến đối với thân nhân và toàn thể Con đường Tân dự tòng mà Bà là người đồng khai sáng, cũng như đối với toàn thể những người quí chuộng nhiệt huyết tông đồ của Bà được cụ thể hóa, nhất là trong việc đề ra một hành trình tái khám phá bí tích Rửa Tội và thường huấn về đức tin. Tôi cảm tạ Chúa vì chứng tá của người phụ nữ này, được linh hoạt bằng tình yêu chân thành đối với Giáo Hội mà Bà đã hiến toàn thân trong việc loan báo Tin Mừng nơi mọi môi trường, cả những môi trường xa lạ nhất, và không quên những người bị gạt ra ngoài lề. Tôi phó thác linh hồn Bà cho lòng từ nhân của Chúa, xin Chúa đón nhận linh hồn Bà trong niềm vui Phục Sinh vĩnh cửu và tôi khích lệ những người đã quen biết Bà và bao nhiêu người tham gia Con đường Tân Dự tòng hãy giữ cho mối quan tâm truyền giáo của Bà được luôn sinh động, hoạt động trong niềm hiệp thông thực sự với các Giám Mục và Linh mục, thực thi lòng kiên nhẫn và từ bi đối với tất cả mọi người. Với những ước nguyện ấy, tôi cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria và vui lòng ban pháp lành Tòa Thánh cho tất cả những người hiện diện tại lễ an táng này”. (SD 21-7-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Hành hương đi bộ từ Roma đến Cracovia dự đại hội Giới trẻ

Hành hương đi bộ từ Roma đến Cracovia dự đại hội Giới trẻ

Map from Rome to Krackow Poland

Philadelphia – Chỉ mất 9 giờ đồng hồ để bay từ Philadelphia đến phi trường Gioan Phaolô II ở Cracovia để tham dự Đại hội Giới trẻ Quốc tế diễn ra từ 26-31 tháng 7 ở thành phố này. Nhưng có một số người đã chọn những cách di chuyển khác để có những cảm nghiệm riêng. Andrew Dierkes, 23 tuổi, thuộc Giáo xứ thánh Agata và thánh Giacôbê đã chọn bay từ Philadelphia đến Roma và từ Roma, anh đã cùng với một nhóm 4 người khác làm một cuộc hành hương đi bộ đến Ba Lan.

Vào ngày 21 tháng 5, sau Thánh lễ tại nhà nguyện hầm mộ Ba Lan tại vatican, Dierkes cùng với 4 du khách có cùng suy nghĩ, khởi hành đi bộ cho “Năm Hành hương Lòng Thương xót” đến Cracovia. Họ đi bộ khoảng 20 đến 25 dặm mỗi ngày (34 – 42 km một ngày). Trong cuộc hành trình họ theo tinh thần khất thực thời Trung cổ, dựa vào sự tiếp đón của người khác; họ thường qua đêm tại các đan viện và các cơ sở của các giáo xứ.

Đứng đầu nhóm là Ricardo Simmonds, 35 tuổi, nguyên giám đốc của trung tâm Newman của Đại học Pensylvania và sáng lập nhóm Denver-based Creatio, một nhóm tổ chức các cuộc truyền giáo cho giới trẻ. Cố vấn của nhóm là Ann Sieben, 52, nguyên là kỹ sư nguyên tử, cũng là người đã sống tinh thần khất thực, đã 9 năm hành hương như một hành khất đến các đền thánh. 2 người khác là Rafael Maturo, 23 tuổi, đến từ Peru và Nick Zimmerman, 22 tuổi, từ Denver. Các chàng thanh niên này đều đang suy nghĩ về ơn gọi tu trì.

Trước đây Dierkes đã nghĩ đến việc hành hương đi bộ từ Pháp đến Tây ban nha theo “Con đường của Thánh Giacôbê” nhưng đã không thực hiện được. Trong một email gửi trong cuộc hành trình anh viết: “Thành thật là tôi không hiểu tại sao, nhưng tôi tin Chúa đã gọi tôi làm cuộc hành hương đi bộ này. Ao ước làm điều này đã được đặt trong lòng tôi từ lâu trước khi cơ hội đến, và thời cơ và cơ hội đã làm cho nó thành hiện thực. Hành trình của nhóm đi qua các thành phố và làng mạc của Italia, Đức, Áo, Cộng hòa Czech và cuối cùng là Ba Lan. Dự tính là họ sẽ đến Đền Thánh Lòng Chúa Thương Xót ở Cracovia vào khoảng ngày 25 tháng 7. Khoảng cách từ Roma đến Cracovia là gần 1700 km nhưng họ phải đi vòng nên sẽ trải qua khoảng 2000 km.

Dù họ không phải chi trả cho việc cư trú nhưng họ phải mua thức ăn cho mình trừ khi được các chủ nhà cung cấp. Dierkes cho biết là bản tính của anh không thích làm phiền người khác nên anh rất để ý đến những cố gắng của các chủ nhà để giúp họ. Nhưng cũng nhờ thế anh nhận ra sự sẵn lòng đón tiếp các anh. Đối với một số người, sự hiện diện của nhóm là một món quà. Dierkes cũng chia sẻ, từ khía cạnh thiêng liêng, “cuộc hành trình này là một cuộc khảo sát nhỏ của Giáo hội và là một cuộc gặp gỡ với các Kitô hữu sống Tin Mừng. Họ nhận ra Chúa Kitô trong những người bé nhỏ nhất của anh chị em họ và vui lòng, ngay cả khiêm nhường, cung cấp cho nhu cầu của họ”.

Một phần thiết yếu của cuộc hành hương đó là cầu nguyện, và nó đã là thử thách cho Dierkes lúc đầu khi đặt nó vào nhịp sống hàng ngày và cân bằng giữa những khía cạnh thiêng liêng và vật chất của cuộc hành hương. Thánh lễ Chúa nhật là bắt buộc, nhưng cả Thánh lễ hàng ngày bất cứ khi nào nhóm ngừng lại ở nơi có Thánh lễ. Và họ cũng tham dự các giờ kinh phụng vụ khi nghỉ tại các đan viện.

Kinh nghiệm của cuộc hành hương này sẽ thay đổi cuộc sống của Dierkes thế nào, theo anh thật khó nói.  Nhưng anh tưởng tượng có những hạt giống được gieo trồng trong cuộc hành hương này và sẽ trưởng thành theo thời gian. Sau này, khi nhìn lại, anh có thể đánh giá cao chuyến hành hương này hơn là hiện tại bây giờ. (CNS 22/7/2016)

Hồng Thủy Op

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Porziuncola

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Porziuncola

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Porziuncola

VATICAN. Ngày 4-8 tới đây, ĐTC Phanxicô sẽ đến hành hương tại Porziuncola, ngôi thánh đường nhỏ ở bên trong Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các thiên thần của các cha dòng Phanxicô gần Assisi.

Cuộc hành hương diễn ra 2 ngày sau khi khai mạc các buổi lễ kỷ niệm 800 năm ơn Toàn Xá tại Assisi.

Ngôi nhà thờ nhỏ dâng kính Đức Mẹ các thiên thần có lẽ được xây hồi thế kỷ thứ 4 và sau đó thuộc quyền sở hữu của các cha dòng Biển Đức. Nhà thờ được gọi là Porziuncola, nghĩa đen là mảnh đất nhỏ. Thánh đường bị bỏ hoang trong thời gian dài và là nhà thờ thứ 3 được thánh Phanxicô Assisi trực tiếp tu bổ sau khi nhận được mệnh lệnh từ Đấng Chịu Đóng Đanh trên thánh giá ở nhà thờ thánh Damiano.

Tại nhà thờ này, thánh Phanxicô hiểu rõ ơn gọi của mình và đã lập dòng Anh em Hèn mọn vào năm 1209. Tại đây, 2 năm sau, vào ngày 28-3 năm 1211, Clara được thánh Phanxicô trao áo dòng, khởi sự dòng thánh Clara.

Cách đây đúng 8 thế kỷ, tức là vào năm 1216, trong một thị kiến, thánh Phanxicô được chính Chúa Giêsu ban ơn toàn xá, hay cũng gọi là ơn Tha Thứ ở Assisi, việc ban ơn này được ĐGH Onorio III phê chuẩn.

Để kỷ niệm 800 năm biến cố này, ĐTC Phanxicô đến hành hương tại Porziuncola, mà ngài gọi là ”con tim đang đập của dòng Anh Em Hèn mọn”.

Theo chương trình được công bố hôm 20-7 vừa qua, ĐTC sẽ đáp trực thăng từ Vatican tới sân thể thao Migaghelli, lúc 3 giờ 40 chiều ngày 4-8, rồi dùng xe đến Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ các Thiên Thần. Tại đây vào lúc 4 giờ, ngài sẽ được Cha Michael Anthony Perry, Bề trên Tổng quyền dòng Phanxicô, cùng với cha Giám tỉnh Phanxicô miền Umbria và cha Bề trên tu viện địa phương đón tiếp.

ĐTC sẽ cầu nguyện trong thinh lặng tại nhà thờ nhỏ Porziuncola, trước khi trình bày một bài suy niệm cho các tu sĩ và giáo dân hiện diện trong Vương cung Thánh Đường, dựa vào Tin Mừng theo thánh Mathêu, đoạn 18, từ câu 21 đến 35.

Sau bài suy niệm huấn giáo, ĐTC sẽ chào thăm các GM và các Bề trên Phanxicô hiện diện, rồi đến bệnh xá nơi có 15 tu sĩ Phanxicô và 1 LM giáo phận đang được điều trị săn sóc. Ngài cũng chào thăm các nhân viên phục vụ tại đây.

Sau cùng, ĐTC sẽ tiến ra thềm Đền thờ để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây, trước khi giã từ vào lúc 6 giờ chiều để trở về Roma, cách đó khoảng 200 cây số (SD 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

Young missionaries 1

Milan – 350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo tại Trung đông, Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Họ sẽ bên cạnh trợ giúp các Linh mục va giáo dân đang hiện diện trên những vùng đất này.

Điểm đến của các bạn trẻ này gồm có: Philippin, Ấn độ, các quốc gia miền trung và Nam Mỹ, châu Phi vùng nam sa mạc Sahara và cho đến Trung đông, hiện đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng quốc tế trầm trọng nhất trong thời gian gần đây. Các bạn trẻ sẽ trợ giúp, dấn thân như các tình nguyện viên của các cộng đoàn. Họ sẽ mở mắt ra trước thực tại mà thường người ta chỉ thấy ở những nơi chung. Họ sẽ tận tay đụng chạm đến những công việc ngoại thường của các thừa sai. Nhưng trên hết, họ sẽ trở về nhà với một hành trang kinh nghiệm để chia sẻ.

Cha Marco Bennati, đã truyền giáo tại vùng sông Amazon của Brazil và Bờ biển ngà, hiện đang là cộng tác viên của văn phòng truyền giáo Giáo phận, kể lại là “mỗi cá nhân với một động lực riêng biệt: có người muốn một kinh nghiệm tình nguyện, có người muốn biết một quốc gia khác, có người, chỉ đơn giản là muốn trải qua một kì nghỉ với cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, nói chung, tất cả họ trở về nhà với suy nghĩ khác với suy nghĩ của họ lúc bắt đầu. Một điểm khởi đầu tuyệt vời để kích hoạt sự suy tư mà chúng tôi hy vọng, có thể trở thành một dịp để dấn thân không chỉ cá nhân, nhưng tập thể, trong các cộng đồng mà những người trẻ này được gia nhập vào. Một lời thách thức mở ra, nhưng chúng ta phải đối mặt”. (ACI 21/7/2016)

Hồng Thủy OP

 

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Civil south Sudan war

ROMA. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết ĐTC Phanxicô đã gửi thư cho các vị lãnh đạo Nam Sudan kêu gọi chấm dứt nội chiến tại nước này.

ĐHY Turkson người Ghana đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan và đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu ở nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài chuyển lời chào thăm và tình liên đới của ĐTC với Cộng đoàn tín hữu, rồi sau lễ, ĐHY đã viếng thăm một số người tị nạn. Hôm sau, 18-7, ĐHY đã gặp tổng thống Nam Sudan và trao sứ điệp của ĐTC. Ngài cũng mang theo một sứ điệp của ĐTC cho cựu phó tổng thống Nam Sudan cũng là lãnh tụ phiến quân. Trong cả hai sứ điệp, ĐTC kêu gọi hai bên chấm dứt tình trạng nội chiến hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican sau khi trở về Roma, ĐHY Turkson nói đến tình trạng dân chúng Nam Sudan đang phải sống trong tình trạng đau khổ, nghèo đói và thiếu an ninh, bệnh tật mà thiếu thuốc men. Hiện thời, tình hình tạm lắng dịu nhưng người ta lo sợ sẽ tái diễn tình trạng tuy có hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng rồi đụng độ lại tái diễn, và dân chúng lại phải bỏ chạy. Đã 3 lần xảy ra như vậy.

ĐHY Turkson cho biết ĐTC rất quan tâm tới tình hình Nam Sudan. Khi ĐHY đến chào ngài để chuẩn bị ra đi và xin ngài viết hai lá thư cho hai lãnh tụ đối nghịch nhau tại nước này, ĐTC đã viết thư ngay, và nói: ”Tôi cũng muốn tới Nam Sudan..”. (RG 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Các nữ tu Ấn độ chăm sóc y tế cho các tín hữu Ấn giáo hành hương

Các nữ tu Ấn độ chăm sóc y tế cho các tín hữu Ấn giáo hành hương

tín hữu Ấn giáo dìm mình trong dòng sông Kshipra

Khoảng 7,5 triệu tín hữu Ấn giáo đã đến sông Kshipra dự nghi thức thanh tẩy trong dịp lễ Kumbh Mela năm nay (2016). Lễ hội này được tổ chức 12 năm một lần ở Ujjain, nơi con sông chảy qua; năm nay Kumbh Mela bắt đầu ngày 22 tháng 4 và kết thúc ngày 21 tháng 5. Lễ hội bắt đầu và kết thúc bằng nghi thức thanh tẩy, các nhà khổ tu và tín hữu Ấn giáo dìm mình trong dòng sông Kshipra, nơi được các tín hữu Ấn giáo xem là con sông thánh. Các tín hữu Ấn giáo tin là nghi thức dìm mình trong dòng sông này trong kỳ lễ hội Kumbh Mela sẽ tẩy họ sạch tội lỗi của họ và giúp họ đạt được ơn cứu độ.

Chính trong dịp này, Giáo phận Ujjain đã thành lập một đội y bác sĩ và trạm cứu tế để giúp cho các tín hữu Ấn giáo hành hương này. Trạm y tế được dựng trong khuôn viên  trường học của tu viện Carmelite, với sự cho phép của chính quyền dân sự, như phần mở rộng của bịnh viện do Giáo phận Ujjain điều hành. Có 25 nữ tu của 5 Hội dòng khác nhau cùng với 120 y tá và phụ tá hoạt động trong trạm y tế.

Nữ tu Alphy Thaikadan, dòng Thánh Phanxicô chía sẻ là chị và các nữ tu khác sống kinh nghiệm đối thoại liên tôn ở tận gốc rễ của nó khi chăm sóc cho khoảng 250 bịnh nhân mỗi ngày ở trạm y tế này. Kinh nghiệm cũng giúp cho chị đánh giá cao việc cộng tác liên dòng khi chị hoạt động với các nữ tu có những đặc sủng khác nhau.

Còn nữ tu Purayidom 64 tuổi thì ngạc nhiên khi nhìn thấy các khách hành hương rất coi trọng việc tìm kiếm Thần linh và chị nói: “Mục đích của chúng tôi là đem con người đến gần Thiên Chúa. Tôi nhìn thấy khao khát Thiên Chúa cháy bỏng của họ. Họ đến đây từ xa xôi và sẵn sàng chịu đựng khó khăn chỉ để sồng giây phút ở cùng Thiên Chúa. Dù cho chúng tôi không thể loan báo Tin Mừng, tôi vui là tôi có thể giới thiệu Thiên Chúa với họ qua việc phục vụ của chúng tôi”. Chị chữa trị cho các bịnh nhân với sự chăm sóc, tình thương và yêu mến giống như những gì chị có thể làm cho các tín hữu Ki-tô. Chị cho biết các chị bắt đầu mỗi ngày bằng việc đọc một đoạn Thánh kinh và cầu nguyện trước ảnh Chúa Giê-su trong trạm y tế mà mọi người có thể nhìn thấy. Chị nói: “Chính sự hiện diện của Thiên Chúa tạo nên những khác biệt thật sự”.

Chị Elsy Pandaraparampil, y tá nữ tu dòng Thánh Tâm cho biết là các chị không che dấu căn tính Ki-tô hữu của mình và các chị cầu nguyện cho các bịnh nhân khi họ yêu cầu các chị. Chị chia sẻ: “Gương mặt tươi cười của chúng tôi khi trò chuyện với các bịnh nhân đem lại rất nhiều thay đổi cho họ”. Chị cũng chia sẻ là có vài bịnh nhân là các “thánh nhân” của Ấn giáo. Vài người trong họ từ chối đến các cơ sở trị liệu khác. Có một nhà tu khổ hạnh Ấn giáo còn xin các nữ tu cầu nguyện cho ông.

Một bác sĩ dòng Thánh Tâm, nữ tu Merly James, chia sẻ rằng làm việc với các tín hữu Ấn giáo khiến chị tin rằng có đến 90% dân chúng tin vào Thiên Chúa. Nhiều người tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa thật nhưng không muốn thay đổi tôn giáo của họ vì sợ những hậu quả xã hội. Đối với chị lễ hội Kumbh Mela của Ấn giáo là cơ hội tốt để trình bày Chúa Giê-su qua việc phục vụ. Chị cho biết là các chị đón nhận mọi người cần giúp đỡ y tế mà không có phân biệt đối xử. Nữ tu Elsina Chachettu cùng dòng Thánh Tâm, cũng là một bác sĩ và chị cũng bị ấn tượng bởi niềm tin của các tín hữu Ấn giáo hành hương. Chị nói: “Niềm tin của họ quá mạnh mẽ đến nỗi họ không màng sức nóng thiêu đốt, bịnh tật, tuổi già và những bất tiện khác khi chu toàn các đòi buộc tôn giáo”.

Dù trạm y tế không được trang bi đầy đủ dụng cụ nhưng các nữ tu cố gắng chẩn đoàn cho mọi bịnh nhân. Ngay khi trời giông bão, các cơ sở của chính quyền phải đóng cửa thì các chị vẫn mở cửa cho đến khi bịnh nhân cuối cùng được đưa đến bịnh viện. Bịnh viện không có thiết bị hô hấp nên chị Thaikadan đã phải cấp cứu bằng miệng cho một bịnh nhân vì chị không muốn nhìn thấy người này phải chết. Đó là tình yêu Ki-tô mà các nữ tu có thể chia sẻ cho họ.

Đức cha Sebastian Vadakkel của Ujjain nhấn mạnh là mặc dù Giáo phận nằm trong vùng đa số là đạo Ấn giáo nhưng các ngài muốn những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội. Đức cha nói: “Chúng tôi tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người, vì vậy chúng tôi làm bất cứ điều gì có thể cho các tín hữu hành hương.” Theo Đức cha, trạm y tế là một cách chia sẻ tình yêu Ki-tô của chúng ta với phần lớn của cộng đồng. Các nữ tu có thể làm chứng cho sự hiện diện mạnh mẽ của Ki-tô giáo trong dịp lễ của Ấn giáo. (Global Sister Report 15/6/2016)

Hồng Thủy Op

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Giáo Hội Anh tham gia kế hoạch tái định cư 20 ngàn người Syria

Trại tỵ nạn

Manchester, Anh quốc – Giáo hội Công giáo tại Anh và xứ Wales đã tham gia vào một dự án của chính phủ nhắm định cư cho khoảng 20 ngàn người Syria tị nạn chiến tranh. Một giáo xứ của Giáo phận Salford sẽ là giáo xứ đầu tiên đón tiếp một gia đình từ trại tị nạn ở Trung đông như một phần của kế hoạch bảo trợ, bao gồm đón tiếp và giúp đỡ các gia đình tị nạn tái định cư. Ban tổ chức tin rằng những người tị nạn đến từ các trại đa số là Hôi giáo sẽ không bao gồm các thành viên của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Philip McCarthy, giám đốc điều hành của mạng lưới Hành động Bác Ái Xã hội, cơ quan điều phối dự án giữa các giáo xứ của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, cho biết là các người tị nạn sẽ được kiểm tra kỹ càng bởi chính quyền Anh và ủy ban tị nạn Liên Hiệp quốc.

Đức Hồng Y Vincent Nichols của Giáo phận Westminster, chủ tịch Hội đồng Giám mục Anh nói: “Năm ngoái, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các giáo xứ, dòng tu và đan viện trên toàn châu Âu hành động trước sự gia tăng của cuộc khủng hoảng người tị nạn bằng cách cung cấp một nơi trú ngụ cho các gia đình tháo chạy khỏi quê hương vì chiến tranh và bách hại. Đức Giáo hoàng kêu gọi lòng quảng đại và tương trợ của chúng ta để nhận ra và hành động vì nhân loại chung. Bây giờ tất cả chúng ta có thể đáp lời mời gọi này với chương trình bảo trợ cộng đồng cho các người tị nạn Syria”. Ngài cũng nói thêm: “Các tín hữu Công giáo được biết đến trong việc tham gia giúp đỡ định cư các người tị nạn ở vương quốc Anh, đáp ứng tình hình với lòng tốt và cảm thông như chúng ta được kêu gọi khi đối mặt với những người cần sự giúp đỡ”.

Các gia đình tị nạn đầu tiên được tái định cư bời Giáo hội sẽ đến Giáo xứ thánh Monica ở Flixton, ngoại ô Manchester vào cuối mùa hè. Dự án sẽ được giám sát bởi cơ quan Bác ái Salford, ủy ban chăm sóc xã hội của Giáo phận, trước khi nó được mở rộng đến các giáo xứ và giáo phận khác. Đức cha John Arnold của Salford phát biểu rằng ngài vui lòng vì Giáo xứ thánh Monica ở Flixton có thể chào đón một gia đình tị nạn Syria. Đức cha nói: “Chúng ta luôn được kêu mời đáp trả thù hận bằng yêu thương, tận hiến cho công lý và đáp ứng những nhu cầu cách quảng đại”. Ngài hy vọng là qua đề án thí điểm này, các giáo xứ và giáo phận khác cũng được khuyến khích và soi sáng để những đau khổ khủng khiếp của nhiều gia đình Syria được xoa dịu.

Chính phủ Anh dự định tái định cư ở Anh tất cả các người tị nạn trong các trại ở vùng Syria vào khoảng năm 2020. Mỗi người tị nạn sẽ được nhận một visa nhân đạo thời hạn 5 năm trước khi đủ điều kiện xin nhập quốc tịch Anh. Các gia đình sẽ được quyền xin trợ cấp thất nghiệp, nhà chính phủ, học hành và chăm sóc sức khỏe miễn phí. Họ cũng được giúp để hòa nhập đời sống và văn hóa Anh bởi những người bảo trợ. (CNS 20/7/2016)

Hồng Thủy Op

ĐTC mời giới trẻ Washington DC đến gặp gỡ Chúa Giêsu

ĐTC mời giới trẻ Washington DC đến gặp gỡ Chúa Giêsu

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp thăm Ba Lan

VATICAN: ĐTC Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ Hoa Kỳ đừng sợ hãi đến gặp gỡ Chúa Giêsu,vì Chúa chờ đợi họ để trao ban an bình cho họ.

ĐTC đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi cho họ. Các bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ đại kết “Cùng nhau 2016” , do phong trào cầu nguyện và loan báo Tin Mừng “Pulse” tổ chức tại Washington DC ngày 16 tháng 7 vừa qua. Đây là tổ chức do ông Nick Hall thành lập nhằm giúp người trẻ sống đức tin Kitô.

ĐTC nói trong sứ điệp: “Cha biết các con có trong tim sự lo lắng băn khoăn. Một người trẻ không băn khoăn là một ông già. Các con đến Washington để tham dự cuộc gặp gỡ và để gặp gỡ một Người có thể trao ban cho các con một câu trả lời cho sự khắc khoải của các con. Hãy chắc chắn đi,cha bảo đảm với con là con sẽ không cảm thấy mình bị vỡ mộng. Thiên Chúa không làm cho ai thất vọng cả. Chúa Giêsu chờ đợi con, chính Ngài đã gieo vào lòng con các hạt giống của sự băn khoăn ấy. Can đảm lên! Hãy đến gặp Chúa rồi nói cho cha biết. Hãy thử đi, con chẳng mất mát gì đâu” (SD 18-6-2016)

Linh Tiến Khải

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp sắp thăm Ba Lan

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp sắp thăm Ba Lan

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha nhân dịp thăm Ba Lan

VATICAN. ĐTC Phanxicô chào thăm các bạn trẻ Ba Lan và thế giới cũng như nhân dân Ba Lan nhân dịp chuẩn bị viếng thăm nước này.

Trong sứ điệp Video công bố chiều tối ngày 19-7-2016, ĐTC nói:

“Ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 đã gần kề, kêu gọi tôi gặp gỡ các bạn trẻ thế giới được triệu tập về Cracovia, và mang lại cho tôi cơ hội tốt đẹp để gặp gỡ quốc gia Ba Lan yêu quí. Tất cả đều diễn ra dưới dấu hiệu Lòng Thương Xót, trong Năm Thánh này, và trong niềm tưởng niệm với lòng biết ơn và kính mến đối với thánh Gioan Phaolô 2, là người đã khởi xướng Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đã hướng dẫn nhân dân Ba Lan trong hành trình lịch sử gần đây tiến đến tự do”.

Hỡi các bạn trẻ Ba Lan quí mến, tôi biết rằng từ lâu các bạn chuẩn bị, nhất là trong kinh nguyện, cho cuộc gặp gỡ vĩ đại ở Cracovia. Tôi chân thành cám ơn các bạn vì tất cả những gì các bạn đang làm, và các bạn làm điều đó với tình yêu thương; ngay từ bây giờ tôi chào thăm và chúc lành cho các bạn.

Hỡi các bạn trẻ từ 4 phương trời của Âu Châu, Phi châu, Mỹ châu, Á Châu và Đại dương châu! Tôi cũng chúc lành cho đất nước của các bạn, những ước muốn và những bước tiến của các bạn hướng về Cracovia, để chúng trở thành một cuộc lữ hành đức tin và huynh đệ. Xin Chúa Giêsu ban cho các bạn ơn được cảm nghiệm nơi bản thân lời Chúa dạy: ”Phúc cho ai có lòng thương xót vì họ sẽ được xót thương”.

Tôi rất muốn gặp các bạn để cống hiến cho thế giới một dấu chỉ mới về sự hòa hợp, một bức tranh khảm gồm những gương mặt khác nhau, thuộc bao nhiêu chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, nhưng tất cả đều liên kết với nhau trong danh Chúa Giêsu, là Khuôn Mặt lòng Thương xót.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng ngỏ lời với những người con của quốc gia Ba Lan và khẳng định rằng: ”Tôi cảm thấy như một hồng ân lớn của Chúa được đến giữa anh chị em, vì anh chị em là một dân tộc, trong lịch sử, đã trải qua bao nhiêu thử thách, nhiều khi rất cam go, và đã tiến bước với sức mạnh của đức tin, được bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria nâng đỡ. Tôi chắc chắn rằng cuộc hành hương tại Đền Thánh Đức Mẹ Czestochowa đối với tôi sẽ là một cuộc dìm mình trong đức tin được tôi luyện ấy, và sẽ mang lại bao điều tốt lành cho tôi. Tôi cám ơn anh chị em vì đang chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của tôi trong kinh nguyện. Tôi cám ơn các GM và LM, tu sĩ nam nữ, các giáo dân, nhất là các gia đình, mà tôi mang đến trong tinh thần Tông Thuấn Niềm Vui Yêu Thương. Sức khỏe luân lý và tinh thần của một quốc gia được biểu lộ qua các gia đình: vì thế thánh Gioan Phaolô 2 đã rất quan tâm đến những người đính hôn, các đôi vợ chồng trẻ và các gia đình. Xin Anh chị em cứ tiếp tục con đường ấy.

Anh chị em thân mến, tôi gửi đến anh chị em sứ điệp này như bảo chứng lòng quí mến của tôi. Chúng ta tiếp tục hiệp ý với nhau trong kinh nguyện và hẹn gặp lại ở Ba Lan (SD 19-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

Đại diện Tòa Thánh kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ

NEW YORK. Đại diện Tòa Thánh tại LHQ, Đức TGM Bernardito Auza, kêu gọi cải tổ Hội đồng bảo an LHQ.

Trong bài tham luận hôm 19-7-2016 tại cuộc thảo luận công khai về ”những phương pháp làm việc của Hội đồng bảo an LHQ, Đức TGM Auza ghi nhận Hội đồng này đã có nhiều công trạng trong việc phòng ngừa cho nhiều quốc gia và dân tộc khỏi hiểm họa chiến tranh và xung đột trong 71 năm qua. Nhưng việc cải tổ và thích ứng với thời đại vẫn luôn luôn là điều cần thiết để Hội đồng bảo an thích ứng tốt đẹp nhất với mục tiêu của mình. Các quốc gia thành viên LHQ và nhiều lãnh vực khác của xã hội dân sự ngày càng gia tăng kêu gọi cải tổ để làm cho Hội đồng bảo an được minh bạch, hiệu năng, hữu hiệu, có trách nhiệm và có đặc tính đại diện nhiều hơn”.

Đức TGM Đại diện Tòa Thánh nhắc đến sự kiện nhiều quyền lợi quốc gia và chính trị địa lý lấn át chức năng hàng đầu của Hội đồng bảo an là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.. Điều quan trọng để sửa chữa những lời phê bình ấy là các quốc gia thành viên LHQ, khi trở nên thành viên Hội đồng bảo an, đừng bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết đáng tin cậy về hành động phòng ngừa hoặc chấm dứt việc phạm tội diệt chủng, những tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh. Ngoài ra, các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an đừng dùng quyền phủ quyết trong những tình trạng liên quan tới các tội ác vừa nói”. Trong bối cảnh đó, LHQ nói chung và Hội đồng bảo an nói riêng sẽ đạt được sự hợp pháp và uy tín nhiều hơn nếu phân định rõ ràng và hữu hiệu các tiêu chuẩn để áp dụng nguyên tắc ”trách nhiệm bảo vệ”.

Trong bài tham luận, Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, cũng kêu gọi cứu xét lời thỉnh cầu do nhiều quốc gia thành viên đưa ra, đó là làm sao để Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, phản ánh rõ hơn các thực tại chính trị địa lý ngày nay hơn.

”Một Hội đồng bảo an có tính chất đại diện nhiều hơn, đó là điều thuộc về những yếu tố giúp đồng qui mà đa số các quốc gia thành viên LHQ đề nghị trong các cuộc họp về việc cải tổ Hội đồng bảo an LHQ. Việc bác bỏ hoặc cố tình không biết đến những ”yếu tố đồng qui” ấy sẽ không giúp ích cho lời kêu gọi, uy tín và sự đáng tín nhiệm của Hội đồng bảo an.

Một lời kêu gọi khác cũng liên tục được đưa ra, đó là cần làm sao để Hội đồng này có đặc tính minh bạch hơn, không những trong bối cảnh việc tăng cường hoạt động của LHQ, nhưng đặc biệt trong bối cảnh bầu cử vị Tổng thư ký LHQ sắp tới.

Sự minh bạch này cũng phải được nới rộng tới các phương pháp làm việc và các thủ tục của cac cơ quan phụ thuộc Hội đồng bảo an, đặc biệt là trong các ủy ban trừng phạt, để đảm bảo và củng cố các quyền căn bản của mỗi người và chế độ pháp quyền. (SD 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Các vị lãnh đạo Kitô Zimbabwe kêu gọi chính phủ nghe dân kêu

Các vị lãnh đạo Kitô Zimbabwe kêu gọi chính phủ nghe dân kêu

Các vị lãnh đạo Kitô Zimbabwe kêu gọi chính phủ nghe dân kêu

HARARE. Các vị lãnh đạo Kitô tại Zimbabwe, miền nam Phi châu, kêu gọi chính phủ nước này nghe tiếng kêu than của dân chúng đang chịu đau khổ.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 14-7-2016, HĐGM Công Giáo Zimbabwe và Hội đồng các Giáo Hội Tin Lành tại nước này, cũng cảnh giác rằng nếu chính quyền không nghe tiếng kêu đau khổ của dân chúng, thì những oán trách đó có thể bùng nổ thành những vụ nổi loạn. Các vị lãnh đạo Kitô cũng lên án những cuộc đàn áp tàn bạo của cảnh sát chống lại những người biểu tình phản đối tình trạng kinh tế đen tối của đất nước, và bày tỏ quan tâm về vụ bắt giam mục sư Evan Mawarire, cũng như những vụ hăm dọa các vị lãnh đạo Kitô lên tiếng thay cho những người dân ”thấp cổ bé miệng”.

Hôm 13-7 trước đó, tòa án ở thủ đô Harare đã tha bổng mục sư Mawarire là người đã tổ chức cuộc đình công toàn quốc rộng lớn nhất kể từ 10 năm nay. Tòa án khẳng định rằng cảnh sát đã vi phạm quyền của mục sư Mawarire.

Các vị lãnh đạo Kitô ở Zimbabwe nói rằng trong số những vấn đề cần cấp thiết quan tâm có sự sụp đổ của các công ty – hoặc thuộc quyền sở hữu hoàn toàn hoặc bán thần của nhà nước, vì nạn tham ô lan tràn và tình trạng vô trách nhiệm của giới lãnh đạo cấp cao. Các vị cũng cảnh giác chống lại sự áp đặt những hạn chế nhập khẩu và việc buôn bán ở biên giới, đe dọa công ăn việc làm của hàng ngàn người dân Zimbabwe. Ngoài ra có tình trạng thấp nghiệp tràn lan, sự áp đặt mua công trái, dân chúng không còn tín nhiệm nơi khả năng của chính quyền trong ciệc trả lương cho các công nhân viên,

Chính phủ của tổng thống Robert Mugabe đang chi hơn 80% lợi nhuận cho việc trả lương cho các công chức, nhưng nay đang ở trong tình trạng thiếu ngân quỹ. Từ 7 năm nay (2009), Zimbabwe bỏ tiền tệ riêng của mình để tránh nạn lạm phát và sử dụng Mỹ kim.   Trong số 16 triệu dân cư ở nước này, phần lớn chỉ sống còn với 1 Mỹ kim mỗi ngày (CNS 20160715)

G. Trần Đức Anh OP

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

MOSCOW. Giáo Hội Chính Thống Nga chính thức phủ nhận đặc tính liên Chính Thống giáo của Công đồng nhóm tại đảo Creta từ ngày 19 đến 26-6-2016 dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ chung Bartolomaios I, cũng là Giáo chủ Chính Thống Constantinople.

Công đồng này được chuẩn bị trong vòng hơn 50 năm, và được các vị thủ lãnh của 14 Giáo Hội Chính Thống tự trị nhất trí triệu tập, nhưng vào những ngày chót, có 4 Giáo Hội Chính Thống yêu cầu hoãn họp và không gửi các đại biểu đến tham dự Công đồng, trong số này có Chính Thống Nga, là Giáo Hội chiếm một nửa tổng số tín hữu Chính Thống trên thế giới. 3 Giáo Hội Chính Thống còn lại là Georgia, Bulgari và Antiokia.

Hôm 18-7-2016, hãng tin Asia News cho biết chủ tịch Phân Bộ Giáo Hội, xã hội và truyền thông, thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, là Vladimir Legoyda, tuyên bố rằng Công đồng ở Creta không thể được coi là Công đồng Liên Chính Thống giáo. Các văn kiện được thông qua ở Creta không thể được coi những văn kiện diễn tả sự đồng thuận Liên Chính Thống giáo. Chính Thống Nga cho rằng Công đồng này vi phạm nguyên tắc ”công đồng tính” đồng thời yêu cầu giao các văn kiện ấy cho một Ủy ban công nghị về thần học và Kinh Thánh, để rút ra những kết luận.

Các văn kiện của Công đồng này nói về tương quan của Chính Thống giáo với thế giới Kitô, vấn đề ăn chay, hôn phối, sứ mạng trong thế giới ngày nay, thế giới Chính Thống giáo ở các vùng không thuộc lãnh thổ nguyên thủy của mỗi Giáo Hội Chính Thống, sau cùng là những thể thức để tuyên bố 1 Giáo Hội Chính Thống được quyền tự trị.

Có những thành phần Chính Thống khép kín phê bình lập trường ”đại kết” của văn kiện về tương quan giữa Chính Thống giáo và các Giáo Hội Kitô khác, và nhân mạnh rằng các tín hữu Công Giáo và Tin Lành là những người lạc giáo chứ không phải là những Giáo Hội Kitô (ASia News 18-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Hãy học biết lắng nghe nhau – Lắng nghe là một nhân đức nhân bản và Kitô

Hãy học biết lắng nghe nhau – Lắng nghe là một nhân đức nhân bản và Kitô

ĐTC Phanxicô chào tín hữu thám dự buổi đọc Kinh Truyên Tin trưa Chúa Nhất 17-7-2016

Biết lắng nghe Chúa Giêsu, lắng nghe lời soi sáng của Ngài, là cách thức tiếp đón Chúa ưa thích nhất. Chúng ta hãy biết lắng nghe nhau giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái người thân, bạn bè. Nó là một nhân đức nhân bản và kitô quan trọng, ngày nay đang có nguy cơ bị lãng quên. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn du ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng Chúa Nhật, trích từ chương 10 Phúc Âm thánh Luca, kể lại biến cố Chúa Giêsu vào làng Betania ghé thăm nhà hai chị em Marta và Maria. ĐTC nói: “Cả hai đều  đều tiếp đón Chúa, nhưng họ làm điều đó trong các cách thức khác nhau. Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu  và lắng nghe lời Ngài (c. 39). Marta, trái lại, hoàn toàn bận bịu với các điều phải chuẩn bị; và tới một lúc nào đó nàng nói với Chúa Giêsu: “Lậy Chúa, em con để một mình con phục vụ mà Chúa không quan tâm gì sao? Xin hãy bảo nó giúp con” (c-40). Và Chúa Giêsu trả lời: “Marta, Marta, con lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và nó sẽ không bị lấy mất đi” (cc.41-42).  ĐTC giải thích điểm này như sau:

Trong sự chộn rộn và bận việc của mình Marta có nguy cơ quên. Và đây là vấn đề: có nguy cơ quên điều quan trọng nhất, nghĩa là sự hiện diện của vị khách, trong trường hợp này  là Chúa Giêsu. Người ta quên sự hiện diện của khách. Và khách thì không phải chỉ được phục vụ, nuôi dưỡng, săn sóc trong mọi cách. Nhưng nhất là cần đưọc lắng nghe nữa. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ từ này: lắng nghe! Bởi vì khách được tiếp đón như một người, với lịch sử của họ, với con tim giầu tình cảm và tư tưởng của họ, như thế họ có thể cảm thấy thực sự như ở trong gia đình. Nhưng nếu bạn tiếp đón một người khách vào nhà bạn và tiếp tục làm các việc, để họ ngồi đó, bạn câm nín và họ câm nín, như thể họ là đá: khách bằng đá. Không! Cần phải lắng nghe khách! Khi Chúa Giêsu nói với Marta chỉ có một điều cần thôi, chắc chắc câu Chúa trả lới cho Marta tìm thấy ý nghĩa tràn đầy của nó trong sự quy chiếu vào việc lắng nghe lời của chính Chúa Giêsu, lời soi sáng và nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chẳng hạn nếu chúng ta đi cầu nguyện trước Chúa chịu đóng đanh và chúng ta nói, nói và nói, rồi đi về, chúng ta không lắng nghe Chúa Giêsu! Chúng ta không để cho Chúa nói với con tim chúng ta. Lắng nghe: đó là từ chià khóa. Xin anh chị em đừng quên! Chúng ta không được quên rằng Lời của Chúa Giêsu soi sáng chúng ta, nâng đỡ tất cả những gì chúng ta là và những gì chúng ta làm. Chúng ta không được quên rằng cả trong nhà của Marta và Maria, trước khi là Chúa và là Thầy, Chúa Giêsu là người hành hương và là khách.  Như thế, câu trả lời của Ngài có ý nghĩa đầu tiên và lập tức này: “Marta, Marta, tại sao con lại bận rộn vì khách tới nỗi quên đi sự hiện diện của họ? Khách bằng đá.  Để tiếp đón Ngài không cần phải có nhiều điều, trái lại chỉ có một điều duy nhất cần thiết thôi: lắng nghe Ngài – lời: lắng nghe Ngài – chứng minh cho Ngài thấy một cử chỉ huynh đêj, làm sao để Ngài cảm thấy đang ở trong gia đình, chứ không phải ở trong một nơi tạm bợ”.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

Hiểu như thế lòng hiếu khách là một trong các công việc của lòng thương xót, xem ra thực sự là một nhân dức nhân bản và kitô, một nhân đức mà trong thế giới ngày nay có nguy cơ bị lơ là. Thật thế, người ta gia tăng các nhà thương và nhà dưỡng lão, nhưng người ta không luôn luôn thực thi một lòng hiếu khách thực sự trong các môi trường này. Người ta làm nảy sinh ra nhiều cơ cấu, dự kiến cho nhiều  hình thức bệnh tật, cô đơn, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, nhưng lại giảm khả thể tìm thấy ai đó sẵn sàng lắng nghe đối với người ngoại quốc, bị gạt bỏ bên lề, bị loại trừ. Bởi vì họ là người xa lạ, tỵ nạn, di cư. Lắng nghe lịch sử đớn đau ấy của họ! Cả trong gia đình, giữa các người thân  cũng có thể xảy ra việc dễ tìm thấy các phục vụ và săn sóc thuộc nhiều loại khác nhau hơn là sự lắng nghe và tiếp đón. Ngày nay chúng ta bận bịu một cách cuồng loạn bởi biết bao nhiêu vấn đề –  và có vài vấn đề không quan trọng – đến nỗi thiếu khả năng lắng nghe. Chúng ta liên tục bận rộn, và như thế chúng ta không có thời giờ để lắng nghe. Tôi muốn hỏi anh chị em một điều, và mỗi người hãy trả lời trong tim mình: “Này anh là chồng, anh có thời giờ để lắng nghe vợ không? Và chị là vợ, chị có giờ lắng nghe chồng chị không? Các anh chị em là cha mẹ, các anh chị em có giờ, có giờ để mất thì giờ, để  lắng nghe con cái, ông bà của các anh chị em, hoặc người già không? – “Nhưng mà ông bà luôn luôn nói cùng một chuyện, họ nhàm chán lắm… “ – “Nhưng họ cần được lắng nghe”. Lắng nghe.  Tôi xin anh chị em học lắng nghe và dành nhiều thời giờ hơn để lắng nghe. Trong khả năng lắng nghe có gốc rễ của hoà bình.

Xin Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ của lắng nghe và sốt sắng phục vụ, dậy chúng ta biết tiếp đón và hiếu khách đối với các anh chị em của chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã lại chia buồn về vụ khủng bố tại Nice tối 14 tháng 7 vừa qua. Ngài nói:

Trong tim của chúng ta vẫn còn sống động nỗi đớn đau vì tai ương xảy ra chiều thứ năm vừa qua tại Nice, đã đốn ngã biết bao mạng sống vô tội, kể cả trẻ em… Tôi gần gũi với từng gia đình và toàn quốc gia Pháp đang để tang. Xin Thiên Chúa là Cha từ nhân đón nhận tất cả các nạn nhân vào trong sự an bình của Ngài, nâng đỡ các người bị thương và an ủi thân nhân của họ. Xin Ngài đánh tan mọi dự tính khủng bố và chết chóc, để đừng có ai còn dám đổ máu người anh em nữa. Tôi xin gửi một vòng tay ôm hiền phụ và huynh đệ tới tất cả các cư dân thành phố Nice và toàn quốc gia Pháp. Và bây giờ tất cả chúng ta hãy cầu nguyện, nghĩ tới tai ương này, nghĩ tới các nạn nhân, các người thân. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng. ĐTC đã cùng mọi người đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các nạn nhân.

Ngài đã chào tín hữu hiện diện, đặc biệt các đoàn hành hương Ai Len, tín hữu các giáo phận Armagh và Derry, cũng như các Phó tế vĩnh viễn giáo phận Elphin và phu nhân. Ngài cũng chào cha giám đốc và các chủng sinh đại Chủng viện thần học thánh Pio X vùng Calabria, các bạn trẻ giáo phận Cremona, các bạn trẻ thuộc cộng đoàn các Thánh Tông Đồ Milano, các trẻ em giúp lễ giáo phận Treviso, và nhiều tín hữu Trung Quốc.

Linh Tiến Khải

Toà Thánh tố giác tình trạng vi phạm các quyền con người trên thế giới

Toà Thánh tố giác tình trạng vi phạm các quyền con người trên thế giới

Archbishop Bernardito Auza 1

NEW YORK: ĐTGM Bernardito Auza, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh các tổ chức Liên Hiệp Quốc bên New York, mạnh mẽ tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng trên thế giới.

Phát biểu trong phiên họp thảo luận về nhân quyền hôm 13 tháng 7 vừa qua ĐTGM Auza đã ca ngợi các nỗ lực và thành qủa Liên HIệp Quốc đã đạt đưọc kể từ khi thành lập cách đây 70 năm, và kể từ khi Bản tuyên ngôn nhân quyền ra đời cách đây 50 năm. Tuyên ngôn này là lời nhắc nhở muôn đời nhân bản tính và tình liên đới của gia đình nhân loại. Nó là gia tài cao quý cần phải tôn trọng, tuân hành và là kim chỉ nam cho cung cách hành xử của các câ nhân, xã hội và quốc gia. Nhưng rất tiếc trong thời đại nhiều biến động ngày nay, người ta đang chứng kiến cảnh các quyền con người bị khước từ, huỷ bỏ và vi phạm trong nhiều cách thế trên thế giới: thường dân bị sát hại trong chiến tranh và các xung đột vũ trang, con người bị bán như nô lệ của lao công, tính dục, lấy cơ phận, các nhóm chủng tộc và tôn giáo thiểu số bị bách hại hay tiêu diệt, con người bị coi như vô dụng hay không được ưóc muốn nên bị gạt bỏ, hàng triệu người phải chạy trốn vì bị bách hại hay vì qúa nghèo túng, biết bao nhiêu người là nạn nhân của kỳ thị. Những người bị bỏ rơi đàng sau hay bị thiệt thòi ấy chứng minh cho thấy sự thất bại trong việc trân trọng phẩm giá của họ.

Phẩm giá con người bắt nguồn từ chính bản chất nhân loại của từng người và là một quyền bẩm sinh ngày từ lúc mới được thụ thai. Nó không phải là một chính phục khi con người đạt được chiều kích thể lý nào đó, hay sự khéo léo tâm thần hay tuổi tác, cũng không phải là một loại ân huê đưọc nhà nuớc ban cho hay lấy đi như chuyện chính trị. Các quyền con người là bất khả xâm phạm, phải được tôn trọng và thăng tiến một cách đại đồng. Việc thực thi các quyền con người có trách nhiệm cũng bao gồm các bổn phận tương xứng. Bổn phận và trách nhiệm phải được áp dụng trên bình diện cuộc sống cá nhân cũng như trong tương quan của quyền bính dân sự, lập pháp, tư pháp với các công dân và cơ cấu xã hội dân sự và các nhóm. Mục đích của Liên Hiệp Quốc là thăng tiến và bảo vệ các quyền con người, đặc biệt của những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Do đó, cần tiếp tục thăng tiến và củng cố nền văn hóa tôn trọng các quyền con nguời và tạo điều kiện cho các thề hệ tương lại tiếp nhận, che chở, quý mên và phát huy nhân quyền (SD 15-7-2016).

Linh Tiến Khải

ĐTC chia buồn với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice và toàn dân Pháp

ĐTC chia buồn với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nice và toàn dân Pháp

ĐTC cầu nguyện cho các nạn nhân cuộc khủng bố tại Nice miền nam nước Pháp

VATICAN: ĐTC Phanxicô chia sẻ và liên đới với nỗi khổ đau của các nạn nhân và toàn dân Pháp vì vụ khủng bố xảy ra tại Nice đêm lễ quốc khánh 14 tháng 7 vừa qua.

Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Toà Thánh đã cho biết như trên. Ngài nói: chúng tôi rất lo âu theo dõi các tin tức khủng khiếp đến từ Nice. Thay mặt ĐTC chúng tôi bầy tỏ sự chia sẻ và tình liên đới với nỗi khổ đau của các nạn nhân và toàn dân Pháp trong ngày đáng lý ra đã phải là một lễ hội lớn.

Chúng tôi tuyệt đối lên án mọi biểu lộ điên loạn giết người, thù hận, khủng bố và mọi tấn công chống lại hoà bình.

Lúc 10 giờ ruỡi tối 14 tháng 7 lễ quốc khánh của Pháp, trong khi đông đảo dân chúng tụ tập tại đại lộ Anh dọc bờ biển Nice, miền nam nước Pháp, thì một chiếc xe vận tải lớn và dài chạy nhanh quẹo qua quẹo lại tông vào đám đông trên đoạn đường dài 2 cây số, khiến cho 84 người chết trong đó có 33 trẻ em, và hàng trăm nguời khác bị thương. Tài xế là một người Pháp gốc Tunisia 31 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết sau đó. Nhưng trước đó ông đã cầm súng bắn vào đám đông. Trên xe vận tải có nhiều súng ống đạn dược và cả lựu đạn nữa.

Tổng thống Barack Obama và chính quyền của 15 nước thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc cũng như giới lãnh đạo Âu châu đã chia buồn với các nạn nhân và chính quyền Pháp và mạnh mẽ lên án vụ khủng bố này (SD 15-7-2016).

Linh Tiến Khải

Nice-terrorist-attacks

ĐTC gửi điện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice

VATICAN: Hôm 15-7 ĐTC Phanxicô đã gửi điện tín chia buồn về vụ khủng bố tại Nice và lên án các hành động bạo lực gieo chết chóc cho dân chúng.

Điện tín gửi ĐC André Marceau, GM Nice, do ĐHY Pietro Parolin Quốc vụ Khanh Toà Thánh ký, viết: “Trong khi nước Pháp cử hành lễ quốc khánh, bạo lực mù quáng đã lại xảy ra tại Nice, gây ra  nhiều nạn nhân trong đó có các trẻ em. Trong khi tái lên án các hành động như thế, ĐTC Phanxicô bầy tỏ sự buồn thương sâu xa của ngài và sự gần gũi với nhân dân Pháp. Ngài tín thác cho lòng thương xót Chúa những người đã mất mạng sống, và chia sẻ sự đau đớn của các gia đình tang chế. ĐTC bầy tỏ cảm tình của ngài đối với những người bị thương cũng như với tất cả những ai góp phần vào việc cứu giúp họ, và xin Chúa nâng đỡ từng người trong thử thách này. Trong khi khẩn nài Chúa ban ơn hoà bình và hoà hơp, ngài khẩn cầu ân huệ các phước lành của Chúa trên các gia đình bị thử thách và mọi công dân Pháp.”

Trong sứ điệp video gửi các nạn nhân và toàn dân Pháp ĐTC nói: “Tôi xin bầy tỏ sự gần gũi của tôi với người thân của các nạn nhân và những người bị thương của tất cả mọi cuộc khủng bố. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho họ, cho những người đã chết và xin Chúa hoán cải con tim của các kẻ bạo lực mù quáng vì thù hận.”

Chiều tối ngày 14 tháng 7 lễ quốc khánh của Pháp đã có 40,000 người dân và khách du lịch ra con đường đi dạo của người Anh để xem bắn pháo bông. Lúc 20 giờ 30 đã có một chiếc xe vận tải dài phá các rào cản, chạy với tốc độ 80 cây số giờ và tông vào dân chúng khiến cho 84 người chết trong đó có nhiều trẻ em, 200 người bị thương trong đó có 50 người bị thương nặng. Tài xế là một cư dân Nice, 31 tuổi gốc Tunisia tên là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, có tên trong sổ đen của cảnh sát. Vừa lái xe tông vào dân chúng  Mohamed  vừa cầm súng bắn vào họ. Ông đã bị cảnh sát bắn chết sau đó. Trên xe vận tải cảnh sát tìm thấy nhiều vũ khí và đạn dược có cả lựu đạn.

 ** Trong thông cáo công bố sau đó ĐC Georges Pontier, TGM Marseille, chủ tịch HĐGM Pháp, bầy tỏ hiệp thông với nỗi đớn đau của các người thân và gia đình của các nạn nhân. Ngài xin mọi tín hữu công giáo đặc biệt cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ trong thánh lễ Chúa Nhật 17 tháng 7 này.  Thông cáo viết: Thảm cảnh này thêm vào danh sách buồn thương của các hành động khủng bố gieo tang tóc cho đất nước chúng ta và cho nhiều quốc gia khác trên thế giới từ nhiều tháng qua. Dù lý do của nó là gì đi nữa, sự man rợ này là điều không thể chấp nhận và khoan nhượng được. Quê hương của chúng ta bị bầm dập, khi đang sống một thời điểm của sự hiệp nhất quốc gia. Hơn bao giờ hết, tình liên đới quốc gia phải mạnh hơn nạn khủng bố. Trong nỗi đớn đau của ngày này, chúng ta phải duy trì xác tín rằng sự hiệp nhất cao hơn chia rẽ.

Trong sứ điệp gửi tín hữu giáp phận ĐC André Marceau GM sở tại khẳng định rằng không có gì có thể biện minh cho cái điên loạn giết người, và hành động dã man. Ngài khích lệ tín hữu và mọi người đừng để cho các thời điểm thê thảm này khơi dậy sự khép kín, đoạn giao và kỳ thị. ĐC ước mong sự gần gũi và tình liên đới giữa các cư dân ở Nice gia tăng trong các gia đình, khu phố, nơi làm việc, trong các cộng đoàn Kitô và trong mọi môi trường sống thường ngày. Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa là một lời mời gọi thay đổi con tim. Chúng ta hãy hướng về Đấng là Tình Yêu. Từ trái tim bị đâm thâu của Chúa trên thập giá máu và nước đã trào ra, các làn sóng tình yêu đã chảy ra cho trái đất. Kitô hữu, tín hữu công giáo hãy đem sứ điệp tình yêu đó tới những người chúng quanh. Chúng ta và xã hội cần tình yêu ấy. Uớc chi các thời điểm thê thảm này không khiến cho chúng ta khép kín, và không biến chúng ta trở thành điều mà người này đã muốn làm. Cái chết không có tiếng nói cuối cùng.

Các sứ điệp chia sẻ và liên đới cũng đến từ nhiều tổ chức, Giáo Hội và các giới lãnh đạo, đạo đời khắp nơi trên thế giới (SD 15-7-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC bất thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh

ĐTC bất thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh

ĐTC thình lình tới thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh 13-7-2016

VATICAN: Sáng ngày 13 tháng 7 ĐTC Phanxicô đã bất thình lình đến thăm Ủy ban Toà Thánh đặc trách về châu Mỹ Latinh, trước sự ngạc nhiên vui sướng của các nhân viên.

Ngài đến gõ cửa văn phòng của Ủy ban trong khi các nhân viên đang họp để bàn về việc cử hành Năm Thánh Lòng  Thương Xót tại Bogotà thủ đô Colombia. Trước sự ngạc nhiên của các nhân viên ĐTC nói: “Tôi muốn nhảy sang thăm anh chị em một lát”. Với thái độ đơn sơ và thân tình ĐTC xin được họp chung với mọi người. Sau đó một nhân viên đã báo cho ông Guzman Cariquiry thư ký Ủy ban biết, và ông đã vội vàng đón tiếp ĐTC. Ngài hỏi ông: “Anh có giờ nói chuyện một chút không?” Và ĐTC đã chuyện vãn với ông nửa giờ đồng hồ, chào và hỏi chuyện từng nhân viên hiện diện và chụp hình lưu niệm. Ngài nhắc lại các chuyến viếng thăm Ủy ban khi còn là TGM Buenos Aires.

Trong khi ĐTC nói chuyện với vị phó chủ tịch Ủy ban, một trong các nhân viên an ninh Vaticăng đã trả lời các câu hỏi tò mò của các nhân viên Ủy ban. Ông cho biết sau khi khám răng tại văn phòng sức khoẻ trong Vatican ĐTC tỏ ý muốn ghé thăm Ủy ban đặc trách về Châu Mỹ Latinh. Mặc dù nhân viên an ninh cho ngài biết các thủ tục an ninh phức tạp ĐTC nói: “Anh đừng có lo, chúng ta ở trong tay Chúa mà”. Và thế là xe chở ngài tới thăm Ủy ban (SD 13-7-2016).

Linh Tiến Khải

ĐTC gửi điện tín chia buồn về cái chết của ĐTGM Zygmunt Zimowski

ĐTC gửi điện tín chia buồn về cái chết của ĐTGM Zygmunt Zimowski

Zygmunt Zimowski

VATICAN: Ngày 13 tháng 7 vừa qua ĐTC đã gửi điện tín chia buồn về cái chết của ĐTGM Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế.

Trong điện tín gửi Đức Ông Jean Marie Mate Musivi Mupendawatu, thư ký Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế, ĐTC viết: “Tôi đã nhận đuợc tin qua đời của Đức Cha Zygmunt Zimowski, chủ tịch Hội Đồng sau thời gian bị bệnh dài đau đớn, nhưng được sống với tinh thần đức tin và chứng tá Kitô. Tôi muốn bầy tỏ sự chia sẻ tinh thần của tôi với sự buồn thương của Hội Đồng, và trong khi nhớ lại  sứ vụ quảng đại của ngài như Giám Mục giáo phận Radom bên Ba Lan và thời gian phục tụ Toà Thánh, tôi sốt sắng dâng lời cầu nguyện cho linh hồn ngài và tín thác ngài cho lời bầu cử của Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria, Nữ Vuơng Ba Lan. Với các tâm tình ấy tôi khẩn nài cho nguời cộng sự viên thương tiếc này phần thưởng vĩnh cửu được hứa ban cho các người trung thành phục vụ Tin Mừng. Và tôi thân ái ban phép lành Toà Thánh an ủi củng cố cho Đức ông, các nhân viên và cộng sự viên của Hội Đồng Toà Thánh”.

ĐTGM Zimowski sinh năm 1949, thụ phong Linh Mục năm 1973, được chỉ định làm Giám Mục giáo phận Radom bên Balan năm 2002. Năm 2009 ngài được ĐTC Biển Đức XVI chỉ định làm chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh mục vụ y tế. Hồi tháng 12 năm 2014 ngài phải nhập viện bên Ba Lan vì bị ung thư lá lách. Năm sau đó ngài trở về Roma tiếp tục công việc. Đức cố TGM đã giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau trong HĐGM Ba Lan, và đã là cố vấn của Bộ Phong Thánh và Bộ Giám Mục. Ngài đã cộng tác trong việc chuẩn bị sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo ấn bản tiếng Ba Lan, cũng như cộng tác với chương trình Ba Lan của đài phát thanh Vatican, và là tác giả của vài cuốn sách, cũng như nhiều thư mục vụ và nhiều bài khảo luận (SD 13-7-2016).

Linh Tiến Khải