Đức Cha Nguyễn Thái Thành, tân Giám Mục phụ tá Orange, Hoa Kỳ

Đức Cha Nguyễn Thái Thành, tân Giám Mục phụ tá Orange, Hoa Kỳ

VATICAN. Hôm 6-10-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Cha Nguyễn Thái Thành làm tân GM Phụ tá giáo phận Orange,tiểu bang California, nơi có đông người Việt Nam nhất nước Mỹ. Ngài là Giám Mục người Việt thứ hai tại Mỹ sau Đức Cha Đaminh Mai Thanh Lương.

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết:

Đức Cha Nguyễn Thái Thành năm nay 64 tuổi, sinh ngày 7-4 năm 1953 tại Nha Trang, gia nhập dòng Thánh Giuse, học tại chủng viện thánh Giuse và đại học Đà Lạt. Năm 1979 Thầy Thái sang Hoa Kỳ và định cư tại thành phố Hartford bang Connecticut, học tại Đại học kỹ thuật (Hartfort State Technical College) và làm giáo sư toán và khoa học trong một trường trung học công lập (1981-1984).

Năm 1984 thầy Thành gia nhập dòng thừa sai Đức Mẹ La Salette, hoàn tất chương trình đào tạo giáo sĩ tại Học viện Marrimack College (1984-1986) và thần học viện (Weston School of Theology) (1987-1990) bang Massachusetts. Khấn trọn đời ngày 19-9-1990 và thụ phong linh mục ngày 11 tháng 5 năm 1991 trong cùng dòng Thừa Sai Đức Mẹ La Salette.

Sau khi thụ phong linh mục, cha làm phó xứ ”Thánh Tôma Tông Đồ” ở Smyrna, Georgia (1991-1994), phó xứ Thánh Anna ở Marietta, Georgia (1994-1996) và ”Chúa Kitô Vua” ở Jacksonville, Florida (1996-1999).

Năm 1999 nhập tịch giáo phận Saint-Augustine, bang Florida, Cha tiếp tục làm cha phó xứ Chúa Kitô Vua ở Jacksonville (1999-2001), sau đó làm cha sở cùng giáo xứ này (2001-2014). Từ năm 2014, cha làm cha sở giáo xứ Thánh Giuse cũng tại thành phố Jacksonville, và cũng là thành viên Hội đồng tư vấn và Hội đồng linh mục của giáo phận Saint-Augustine.

Giáo xứ của ngài không có thánh lễ tiếng Việt, nhưng có lễ bằng tiếng Mỹ, Mễ và Bồ đào nha (Rei 6-10-2017)

Radio Vatican

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia đẩy mạnh đại kết

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia đẩy mạnh đại kết

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia cùng đẩy mạnh đại kết

TBILIBI. Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính Thống Georgia chiều ngày 1-10-2016, ĐTC mời gọi Giáo Hội này cùng Công Giáo đẩy mạnh đại kết.

Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Georgia là cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng Phụ Chính Thống ở thành Mtshkheta là cố đô của Georgia, cách thủ đô Tbilisi 22 cây số về hướng tây bắc. Phong cảnh tại đây thật là thơ mộng, giữa núi non và hai dòng sông Aragvi và Mktvari.

Nhà thờ chính tòa Svetyskhoveli (nghĩa đen là ”Cây cột ban sự sống”) là trung tâm tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Theo lưu truyền ở địa phương, chiếc áo chùng của Chúa Kitô được giữ tại thánh đường này. Tại đây hàng năm vào ngày 1-10 có cử hành lễ đặt áo chùng thánh của Chúa, và tất cả các GM mới được truyền chức tại đây, bất luận các vị thuộc giáo phận nào.

Thánh đường hiện nay được xât cất hồi thế kỷ thứ 11, trên di tích của nhà thờ chính tòa cũ có từ thế kỷ thứ 4. Qua dòng lịch sử, Nhà thờ này bị phá hủy và tái thiết nhiều lần.

Khi ĐTC đến nhà thờ chính tòa ngài được chính Đức Thượng Phụ Ilia II đón tiếp và hướng dẫn đến mộ thánh Sidonia, theo truyền thống, thánh nhân đã được an táng với chiếc áo chùng của Đấng Chiu Đóng Đanh. Tại đây ĐTC đã thắp lên ngọn nến sáng để bày tỏ lòng tôn kính.

Hiện diện trong thánh đường cũng có thủ tướng Georgia, các chức sắc của Giáo Hội Chính Thống Georgia, một số GM Công Giáo và đại diện các Giáo Hội Kitô khác, cùng với chính quyền dân sự và đại diện ngoại giao đoàn, giới trí thức văn hóa.

Trong lời chào mừng ĐTC, Đức Thượng Phụ Ilia 2, 83 tuổi, Giáo chủ Chính Thống Georgia, giải thích lịch sử thánh Sidonia được an táng tại nhà thờ này và chiếc áo cùng của Chúa Giêsu. Ngài cũng nói lịch sử thăng trầm của Georgia, bao nhiêu đau khổ vì những cuộc xâm lăng, những cuộc tử đạo của hàng trăm tín hữu vì không muốn chà đạp Thánh Giá Chúa.

Diễn văn của ĐTC

Tiếp lời Đức Thượng Phụ, ĐTC đi từ hình ảnh chiếc áo chùng không đường khâu của Chúa Giêsu để mời gọi các tín hữu dấn thân trên con đường tìm về hiệp nhất. Ngài nói:

”Mầu nhiệm chiếc áo chùng không đường khâu, được dệt từ trên xuống dưới” (Ga 19,23) đã lôi kéo sự chú ý của các tín hữu Kitô ngay từ đầu. Một Giáo Phụ thời xưa, thánh Cipriano thành Cartagine, đã khẳng định rằng trong chiếc áo không bị phân chia của Chúa Giêsu xuất hiện ”mối dây hòa hợp, liên kết không thể tách rời”, sự hiệp nhất đến từ trên cao, nghĩa là từ trời, từ Chúa Cha, và tuyệt đối không thể bị xâu xé” (De catholicae Ecclesiae unitate, 7). Chiếc áo chùng thánh, mầu nhiệm hiệp nhất, nhắn nhủ chúng ta cảm thấy đau đớn sâu xa vì những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô qua dòng lịch sử: đó là những xâu xé thực sự gây ra cho thân mình Chúa, nhưng đồng thời, sự hiệp nhất từ trên cao, tình yêu của Chúa Kitô đã tập họp chúng ta và ban cho chúng ta không những chiếc áo của Ngài, nhưng cả chính thân mình Ngài, thúc đẩy chúng ta đừng cam chịu, và Chúa nêu gương cho chúng ta (Xc Rm 12,1): khích lệ chúng ta có lòng bác ái chân thành và cảm thông nhau, hàn gắn những chia rẽ, nhờ một tinh thần huynh Kitô trong sáng. Tất cả những điều đó đòi một con đường kiên nhẫn, cần phải vun trồng sự tín nhiệm nhau và lòng khiêm tốn, không sợ hãi và cũng không nản chí, trái lại trong niềm vui tươi chắc chắn mà niềm hy vọng Kitô cho chúng ta nếm hưởng trước. Niềm hy vọng ấy khích lệ chúng ta tin rằng những đối nghịch có thể chữa lành và những chướng ngại có thể bị loại bỏ, đồng thời mời gọi chúng ta không bao giờ từ bỏ cơ hội gặp gỡ và đối thoại, bảo tồn và cải tiến những gì đã có. Ví dụ tôi nghĩ đến cuộc đối thoại hiện nay trong Ủy ban hỗn hợp quốc tế và những cơ hội trao đổi phúc lợi khác”.

Giã từ Đức Thượng Phụ Ilia 2 và các chức sắc, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Tbilisi để dùng bữa tối và qua đêm.

Sáng chúa nhật 2-10-2016, ĐTC sẽ giã từ Georgia vào lúc 8 giờ 10, để bay sang thủ đô Baku của Cộng hòa Azerbaigian và viếng thăm đến chiều tối cùng ngày trước khi đáp máy bay về Roma, dự kiến vào lúc 10 giờ đêm.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Georgia Azerbaijan – điểm báo 01/10/2016

Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Georgia  Azerbaijan – điểm báo 01/10/2016

Đức Thánh cha thăm Georgia

– Trang mạng của Radio ECO DEL CAUCASO viết về ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, đã nhấn mạnh ý kiến của Đức Thượng phụ Ilia. Ngài gọi đây là chuyến viếng thăm lịch sử, khẳng định tình yêu thương huynh đệ giữa hai Giáo hội và nói rằng có những điểm chung và tất cả theo đuổi việc tiến gần đến hiệp nhất.

 Tất cả các cơ quan báo chí đều nói về chuyến viếng thăm của Đức Thánh cha và viết rằng vấn đề bầu cử đã không nằm trong Top News trong một ngày (30/09/2016).

– Cơ quan báo chí GIORGIA ON LINE có hai bào báo về chuyến viếng thăm với hình ảnh chính thức: Bài thứ nhất nhấn mạnh những lời Đức Thượng phụ gọi Đức Thánh Cha Phanxicô “người anh em yêu quý”. Bài báo cũng dành chỗ cho niềm hy vọng rằng có một tinh thần xây dựng mới giữa hai Giáo hội, với sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Bài báo thứ hai trình bày về vấn đề chính trị, cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh cha và Tổng thống, trưng dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa Georgia là cầu nối giữa Châu Âu và châu Á. Sau đó bài báo trích dẫn bài diến thuyết của Tổng thống, ông đã cám ơn Tòa Thánh về sự gần gũi với các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ và bày tỏ hy vọng là từ nay cộng đồng quốc tế sẽ chú ý nhiều hơn đến đất nước này. Như thế báo này có cái nhìn tích cực về chặng đầu của chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha.

– Cơ quan báo chí SPUTNIK –GEORGIA chú trọng nói với giới trẻ. Báo này theo dõi mọi diễn tiến của chuyến viếng thăm này; có bài về cuộc phỏng vấn một thần học gia Công giáo; các hình ảnh của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1999; một bảng câu hỏi online về ý nghĩa chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, trong đó 31% dân số nói chuyến viếng thăm này như là một “dấu chỉ”, một sự kiện hàng đầu của đất nước; 18% xem đó như là một sứ điệp chính trị của Vatican gửi cho thế giới, 4% nhìn thấy đây là một biến cố thánh thiêng cá nhân … và 46% không quan tâm đến cuộc viếng thăm này.

– Các nhật báo ON LINE

Báo CIVIL .GE chuyên về chính trị thì dành 2 bài cho cuộc viếng thăm: một bài về cuộc gặp với Đức Thượng phụ và bài khác về cuộc gặp với Tổng thống Giorgi Margvelashvili, trong đó nhấn mạnh các lời của Đức Thánh Cha về sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia trong vùng là điều kiện không thể thiếu và tiên quyết cho sự phát triển lâu dài.

Báo CAUCAS PLUS đăng trên trang nhất tấm hình lớn của Đức Thánh cha và tổng thống: và điều được nhấn mạnh là Georgia được Đức Thánh cha định nghĩa là cầu nối giữa các dân tộc. (SD 01/10/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

Đức Thánh Cha viếng thăm tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia

TBILISI. ĐTC bày tỏ lòng quí chuộng Giáo Hội Chính Thống Georgia và kêu gọi từ bỏ những thành kiến đối với nhau, cùng trở thành những loan báo Tin Mừng của Chúa.

Giã từ phủ tổng thống, ĐTC đã đến tòa Thượng Phụ lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương, và được Đức Thượng Phụ Ilia II tiếp đón.

Đức Thượng Phụ năm nay 83 tuổi (1933) thụ phong GM năm 1963 khi được 30 tuổi, và làm Viện trưởng thần học viện ở thủ đô Tbilisi, rồi làm GM giáo phận Sukhumi cho đến khi được bầu làm Thượng Phụ hồi năm 1977. Ngài từng làm Chủ Tịch Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô ở Genève Thụy Sĩ, nhưng năm 1997, dưới sức ép mạnh mẽ của phe thủ cựu, cho rằng tổ chức này chịu ảnh hưởng quá mạnh của Tin Lành, nên Thánh Hội đồng của Chính Thống Georgia buộc lòng phải lui khỏi Hội đồng đại kết. Nhóm thủ cựu này cũng đã biểu tình chống đối cuộc viếng thăm của ĐTC tại Georgia.

Sau khi hội kiến riêng với Đức Thượng Phụ Ilia II, ĐTC đã gặp chung với phái đoàn của hai bên và khoảng 10 đại diện của giới học giả và văn hóa.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói:

”Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi và một ơn đặc biệt được gặp Đức Thượng Phụ và các vị TGM, GM, thành viên của Thánh Hội đồng. Tôi chào thăm thủ tướng và các vị đại diện của giới học giả và văn hóa..”

Tiếp đến, ĐTC nhắc đến sự kiện Đức thượng phụ Ilia II là người đã viết lên một trang sử mới trong quan hệ giữa Chính Thống Georgia với Giáo Hội Công giáo khi đến viếng thăm lần đầu tiên tại Vatican. Trong dịp đó, Đức Thượng Phụ và GM Roma đã trao đổi nụ hôn bình an và hứa cầu nguyện cho nhau. Từ đó nhiều quan hệ và trao đổi đã được tăng cường, các cuộc viếng thăm của các đại diện Tòa Thánh tại Georgia, các sinh viên Chính Thống Georgia nghiên cứu tại thư viện Vatican và học hỏi tại các Đại học Giáo Hoàng ở Roma, và các tín hữu Georgia hiện diện ở Roma, với một thánh đường và có sự cộng tác với cộng đoàn Công giáo địa phương. Và – ĐTC nói – ”nay tôi đến đây như một người hành hương và một người bạn, tôi đến phần đất được chúc phúc này trong lúc các tín hữu Công Giáo cử hành cao điểm của Năm Thánh Lòng Thương Xót.”

ĐTC cũng nhận xét rằng Giáo Hội Chính Thống Georgia vốn ăn rễ sâu nơi lời giảng của các Tông đồ đặc biệt là Thánh Anrê, và Giáo hội Roma, được xây dựng trên cuộc tử đạo của thánh Phêrô Tông Đồ, ngày hôm nay cả hai Giáo Hội được ơn canh tân tình huynh đệ Tông Đồ tươi đẹp, nhân danh Chúa Kitô và vinh danh của Chúa, Phêrô và Anrê là anh em với nhau.. Người Anh em, Đức Thượng Phụ rất thân mến, chúng ta hãy để cho mình được Chúa Giêsu nhìn, để cho lời mời gọi của Chúa thu hút, từ bỏ những gì cầm giữ chúng ta để cùng nhau trở thành những người loan báo sự hiện diện của Chúa”.

ĐTC ca ngợi lòng can đảm của nhân dân Georgia, luôn trỗi dậy sau vô số thử thách.. và ngài nói thêm rằng:

”Người anh em rất thân mến, để Tin Mừng mang lại hoa trái, ngày nay chúng ta cũng được yêu cầu liên kết kiên vững hơn với Chúa và hiệp nhất với nhau. Nhiều vị thánh của đất nước này khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên mọi sự và loan báo Tin Mừng như trong quá khứ và hơn nữa, không để mình bị ràng buộc vì những thiên kiến và cởi mở đối với sự mới mẻ ngàn đời của Thiên Chúa. Ước gì những khó khăn không trở thành chướng ngại, nhưng khích lệ chúng ta biết nhau nhiều hơn, chia sẻ nhựa sống đức tin, tăng cường cầu nguyện cho nhau và cộng tác trong tình bác ái tông đồ để làm chứng tá chung, để tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ hòa bình trên trái đất.”

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Cộng hòa Georgia

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Cộng hòa Georgia

Đức Thánh Cha bắt đầu viếng thăm Cộng hòa Georgia

TBILISI. Chiều ngày 30-9-2016, ĐTC cổ võ sống chung hòa bình giữa các dân tộc tại Cộng hòa Georgia đồng thời tôn trọng công pháp quốc tế về chủ quyền của mỗi người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi gặp gỡ Tổng thống, các giới chức chính quyền, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa của cộng hòa Georgia. Đây là hoạt động đầu tiên của ngài trong chuyến viếng thăm thăm Cộng Hòa Georgia và Azerbaigian trong 3 ngày cho đến chiều tối chúa nhật 2-10 tới đây.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 16 của ĐTC tại nước ngoài và là phần thứ 2 trong cuộc viếng thăm miền Caucase. Phần đầu ngài đã thực hiện tại Cộng hòa Armeni từ ngày 24 đến 26-6 năm nay. Cả 3 quốc gia này đều có con số tín hữu Công Giáo ít ỏi, nhưng qua các cuộc viếng thăm này, ĐTC muốn cổ võ những quan hệ đại kết, hòa bình và hòa giải giữa các dân tộc. Nói khác đi ngài muốn thi hành một sứ mạng hòa bình và hiệp nhất, như nhận xét của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

ĐTC đã rời Roma lúc 9 giờ 25 và đến phi trường thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 15 giờ chiều (13 giờ giờ Roma). Cùng đi với ngài có đoàn tùy tùng 30 người và 70 ký giả quốc tế.

Vài nét về Georgia

Cộng hòa Georgia chỉ rộng 70 ngàn cây số vuông với dân số 4 triệu rưỡi dân cư trong đó gần 84% là tín hữu Chính Thống giáo, khoảng 10% theo Hồi giáo, số tín hữu Công giáo là 112 ngàn người, tương đương với 2,5% dân số toàn quốc. Họ sống tại thủ đô Tbilisi và miền nam của Georgia, đa số thuộc nghi lễ la tinh và Armeni, nhưng cũng có một cộng đoàn nhỏ các tín hữu nghi lễ Canđê. Tổng cộng tại nước này, Công Giáo có 32 giáo xứ, 2 GM, 28 LM triều và dòng (14+14), hai tu huynh và 37 nữ tu. Ngoài ra có 12 đại chủng sinh và 2 tiểu chủng sinh. Giáo Hội Công Giáo ở Georgia chỉ có 2 trường mẫu giáo và một trường cao đẳng.

Giáo Hội Chính Thống Georgia có khoảng 4 triệu tín hữu. và là một đối tác khó khăn trong quan hệ với Công Giáo và cả đối với các Giáo Hội chính thống khác. Chính Thống Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên chính thống giáo hồi cuối tháng 6 năm 2016 ở đảo Creta bên Hy Lạp, giống như Giáo Hội Chính Thống Nga.

Gặp gỡ chính quyền

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được tổng thống Giorgi Margvelashvili cùng với phu nhân chào đón cùng với Đức Thượng Phụ Ilia II và một số quan chức và chức sắc, đặc biệt là hai vị GM Công Giáo, một thuộc nghi lễ la tinh và một thuộc nghi lễ Armeni. 2 em bé trong y phục cổ truyền của Georgia dâng tặng ĐTC một rổ nho, một sản phẩm nổi bật của nước này. Sau nghi thức chào cờ, duyệt qua hàng quân danh dự và giới thiệu các thành phần hai phái đoàn, ĐTC đã vào phòng khánh tiết hội kiến với Tổng thống, trước khi về phủ tổng thống vào lúc 3 giờ rưỡi để chào thăm chính thức.

Tổng thống Margvelaschivili của Georgia năm nay 47 tuổi (1969), đậu tiến sĩ triết học, nguyên là viện trưởng Học viện công vụ, rồi làm bộ trưởng giáo dục, tiếp đến làm phó thủ tướng. Sau cùng ông đắc cử tổng thống cách đây 3 năm.

Sau khi gặp gỡ tổng thống và gia đình ông, ĐTC đã tiến ra khuôn viên danh dự tổng thống để gặp gỡ 400 người gồm các quan chức chính trị và tôn giáo, ngoại giao đoàn, cũng như đại diện các tầng lớp xã hội dân sự và văn hóa.

Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống cám ơn sự ủng hộ của Tòa Thánh dành cho đất nước Georgia, đặc biệt trong thời kỳ bị Nga tấn công hồi năm 2008. Ông cũng nhắc đến những quan hệ giữa Vatican, Giáo Hội Công Giáo và Georgia qua dòng lịch sử và đề cao vai trò của Georgia không những thuộc về nền văn minh Âu Châu, nhưng còn là một trong những nước kiến tạo nền văn minh này. Sau cùng ông cho biết 20% lãnh thổ của Georgia vẫn còn bị chiếm và 15% dân chúng là người tị nạn. Những vùng bị những người gốc Nga chiếm đóng. Dầu vậy, Georgia không tìm kiếm sự đụng độ, nhưng chị tìm con đường đưa rất nước được giải phóng khỏi sẹ chiếm đóng của ngoại bang và tiến đến hòa bình!

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng sau lời chào mừng của tổng thống Cộng hòa Georgia, ĐTC đã đề cao lịch sử ngàn đời và nền văn hóa cổ kính của đất nước này. Georgia như chiếc cầu thiên nhiên giữa Âu và Á châu, một bản lề giúp cho việc giao thông và tương quan giữa các dân tộc được dễ dàng, khiến cho việc thương mại và đối thoại giữa các dân tộc cũng như sự đối chiếu tư tưởng và kinh nghiệm giữa các thế giới khác nhau có thể thực hiện được.

 ĐTC nhắc đến sự kiện Georgia đã tuyên bố độc lập từ 25 năm nay, hoàn toàn tìm lại tự do, nền độc lập này đã xây dựng và củng cố các cơ chế dân chủ và tìm kiếm những con đường để bảo đảm sự phát triển bao gồm mọi người và có đặc tính chân thực. Tất cả những điều đó đã diễn ra với nhiều hy sinh mà nhân dân Georgia đã can đảm đương đầu để đảm bảo cho mình tự do hằng ao ước.

ĐTC khẳng định rằng: ”Sự tiến bộ chân thực và lâu bền như thế có một điều kiện tiên quyết không thể thiếu được, đó là sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia trong vùng. Điều này phải phải gia tăng tâm tình quí chuộng lẫn nhau, những tâm tình đó không từ bỏ sự tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong khuôn khổ quốc tế công pháp. Để mở ra những con đường đưa tới một nền hòa bình lâu bền và môt sự cộng tác thực sự, cần ý thức rằng những nguyên tắc quan trọng để có tương quan công bằng và vững bền giữa các quốc gia đều nhắm phục vụ cho sự sống chung cụ thể, có trật tự và hòa bình giữa các dân nước. Thực vậy, tại quá nhiều nơi trên thế giới, dường như người ta theo đuổi thứ tiêu chuẩn khiến có khó lòng duy trì những khác biệt hợp pháp và những tranh biện luôn có thể xảy ra trong một bối cảnh đối chiếu và đối thoại trong đó lý trí, sự ôn hòa và tinh thần trách nhiệm được trổi vượt. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh lịch sử hiện nay, trong đó không thiếu những trào lưu cực đoan bạo lực lèo lái và bóp méo những nguyên tắc dân sự và tôn giáo để dùng chúng phục vụ cho những ý đồ đen tối muốn thống trị và gây chết chóc”.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Tất cả cần quan tâm trước tiên tới số phận của con người cụ thể và kiên nhẫn hết sức cố gắng tránh để cho những khác biệt biến thành bạo lực, nhắm khơi lên những đổ vỡ lớn lao cho con người và xã hội. Bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, ngôn ngữ, chính trị hoặc tôn giáo, không để bị lạm dụng để biến thành cái cớ biến những khác biệt thành xung đột và biến những xung đột thành những thảm trạng khôn cùng, sự phân biệt ấy có thể và phải là nguồn mạch làm cho mọi người được thêm phong phú và có lợi cho ích chung. Điều này đòi mỗi người phải tận dụng tất cả những đặc điểm của mình, nhất là có thể sống an bình nơi quê hương của mình hoặc được hồi hương tự do, nếu vì lý do nào đó họ đã phải buộc lòng rời bỏ quê hương. Tôi cầu mong rằng các vị hữu trách chính trị tiếp tục quan tâm đến tình cảnh của những người ấy, dấn thân tìm kiếm những giải pháp cụ thể, kể cả ở bên ngoài những vấn đề chính trị chưa được giải quyết. Điều ấy cũng đòi phải có sự nhìn xa trông rộng và can đảm nhìn nhận thiện ích đích thực của các dân tộc và quyết tâm theo đuổi thiện ích ấy một cách khôn ngoan. Điều tối cần thiết là nghĩ đến những đau khổ của con người để quyết tâm theo đuổi hành trình xây dựng hòa bình, con đường kiên nhẫn và vất vả nhưng cũng là con đường có sức thu hút và mang lại tự do”.”

Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền, ĐTC đã tới tòa Thượng Phụ Chính Thống Georgia để viếng thăm.

G. Trần Đức Anh OP

Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Georgia và Azerbaigian

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Cộng hòa Georgia và Azerbaigian từ ngày 30-9 đến 2-10 tới đây.

Ngài sẽ rời Roma lúc 9 giờ sáng thứ sáu, 30-9, và bay đến thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.

Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ về phủ tổng thống để gặp gỡ chính quyền, cùng với các đại diện thành phần xã hội và ngoại giao đoàn.

Tiếp đến, lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC sẽ gặp Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Georgia, trước khi gặp gỡ cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.

– Thứ bẩy, 1 tháng 10, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi cho các tín hữu. Ban chiều cùng ngày, lúc gần 4 giờ, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu, rồi gặp những người được các nhân viên từ thiện của Giáo Hội giúp đỡ, tại khuôn viên trước trung tâm từ thiện của các tu sĩ dòng thánh Camilliano.

Sau cùng, lúc quá 6 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ Svetutskhoveli ở Mtsckheta.

– Sáng chúa nhật 2-10, ĐTC sẽ giã từ Georgia vào lúc 8 giờ 10, để bay sang thủ đô Baku của Cộng hòa Azerbaigian. Sau nghi thức tiếp đón đơn sơ tại phi trường, lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở trung tâm của dòng Don Bosco cũng ở thủ đô Baku rồi dùng bữa trưa với Cộng đoàn dòng này.

Ban chiều vào lúc 3 giờ rưỡi, sẽ có nghi thức chào đón chính thức dành cho ĐTC tại Phủ Tổng Thống Azerbaigian. Sau đó ngài viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ đã chết cho nền độc lập của nước này, trước khi gặp gỡ chính quyền tại trung tâm Heydar Aliyev. ĐTC cũng sẽ gặp riêng với vị Thủ lãnh Hồi giáo miền Caucase tại Đền thờ Heydar Aliyev, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn vào lúc 6 giờ chiều, cùng với đại diện các cộng đoàn tôn giáo tại Azerbaigian.

Sau đó, ĐTC sẽ ra phi trường để đáp máy bay lúc quá 7 giờ chiều trở về Roma, dự kiến ngài sẽ đến phi trường Ciampino vào lúc 10 giờ tối.

Trong số gần 5 triệu dân tại Georgia, 84% là tín hữu Chính Thống, 10% theo Hồi giáo, chỉ có 0.8% là tín hữu Công Giáo.

Tại Azerbaigian chỉ có 560 tín hữu Công Giáo trên tổng số 9 triệu 500 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo. Các tín hữu họp thành một phủ doãn tông tòa do cha Vladimir Fekete SDB coi sóc với sự cộng tác của 7 LM dòng, 10 tu huynh và 5 nữ tu. (SD 12-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

Chính thống Nga phủ nhận Công đồng Liên Chính Thống giáo

MOSCOW. Giáo Hội Chính Thống Nga chính thức phủ nhận đặc tính liên Chính Thống giáo của Công đồng nhóm tại đảo Creta từ ngày 19 đến 26-6-2016 dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Phụ chung Bartolomaios I, cũng là Giáo chủ Chính Thống Constantinople.

Công đồng này được chuẩn bị trong vòng hơn 50 năm, và được các vị thủ lãnh của 14 Giáo Hội Chính Thống tự trị nhất trí triệu tập, nhưng vào những ngày chót, có 4 Giáo Hội Chính Thống yêu cầu hoãn họp và không gửi các đại biểu đến tham dự Công đồng, trong số này có Chính Thống Nga, là Giáo Hội chiếm một nửa tổng số tín hữu Chính Thống trên thế giới. 3 Giáo Hội Chính Thống còn lại là Georgia, Bulgari và Antiokia.

Hôm 18-7-2016, hãng tin Asia News cho biết chủ tịch Phân Bộ Giáo Hội, xã hội và truyền thông, thuộc tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, là Vladimir Legoyda, tuyên bố rằng Công đồng ở Creta không thể được coi là Công đồng Liên Chính Thống giáo. Các văn kiện được thông qua ở Creta không thể được coi những văn kiện diễn tả sự đồng thuận Liên Chính Thống giáo. Chính Thống Nga cho rằng Công đồng này vi phạm nguyên tắc ”công đồng tính” đồng thời yêu cầu giao các văn kiện ấy cho một Ủy ban công nghị về thần học và Kinh Thánh, để rút ra những kết luận.

Các văn kiện của Công đồng này nói về tương quan của Chính Thống giáo với thế giới Kitô, vấn đề ăn chay, hôn phối, sứ mạng trong thế giới ngày nay, thế giới Chính Thống giáo ở các vùng không thuộc lãnh thổ nguyên thủy của mỗi Giáo Hội Chính Thống, sau cùng là những thể thức để tuyên bố 1 Giáo Hội Chính Thống được quyền tự trị.

Có những thành phần Chính Thống khép kín phê bình lập trường ”đại kết” của văn kiện về tương quan giữa Chính Thống giáo và các Giáo Hội Kitô khác, và nhân mạnh rằng các tín hữu Công Giáo và Tin Lành là những người lạc giáo chứ không phải là những Giáo Hội Kitô (ASia News 18-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP