Đức Thánh Cha thiết lập cơ cấu mới về kinh tế tại Vatican

Đức Thánh Cha thiết lập cơ cấu mới về kinh tế tại Vatican

VATICAN. Hôm 24-2-2014, ĐTC Phanxicô đã ban hành tự sắc thiết lập cơ cấu mới điều hợp các hoạt động kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Cụ thể là ngài thành lập một Văn Phòng về kinh tế, một sứ ”siêu bộ” của Tòa Thánh do một Hồng Y làm chủ tịch.

Quyết định của ĐTC được công bố với Tự Sắc về vấn đề này ban hành cùng ngày 24-2-2014 và công bố trên báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh.

Ngài đi tới quyết định trên đây theo những đề nghị nghiêm túc duyệt lại các hoạt động kinh tế và hành chánh của Vatican, do Ủy ban tường trình (COSEAC) được ĐTC thiết lập về vấn đề này. Các đề nghị cũng đã được Hội đồng 8 Hồng y cố vấn của ĐTC cũng như Hội đồng 15 Hồng Y đặc trách các vấn đề kinh tế và quản trị của Tòa Thánh cứu xét và chấp thuận.

Ủy ban tường trình (Coseac), do ĐHY Farina dòng Don Bosco, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh làm chủ tịch, đề nghị những thay đổi và đơn giản hóa cũng như củng cố các cơ cấu quản trị hiện hữu và cải tiến việc điều hợp và giám sát trong toàn thể các cơ quan Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Những cải tiến trên đây nhắm tận dụng tài nguyên tốt đẹp hơn, tăng cường sự hỗ trợ dành cho các chương trình, đặc biệt là những chương trình nhắm làm việc với người nghèo và những người bên lề xã hội.

Những thay đổi do ĐTC loan báo gồm:

1. Thiết lập một Văn phòng mới về Kinh Tế, có thẩm quyền trên tất cả các hoạt động kinh tế và hành chánh trong Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican. Văn phòng này có trách nhiệm chuẩn bị ngân sách thường niên của Tòa Thánh và Quốc Gia thanh Vatican, và đề ra kế hoạch tài chánh, cũng như các chức năng hỗ trợ khác nhau, như nguồn nhân lực và tài lực. Ngoài ra, Văn phòng phải thiết lập kết toán chi tiết của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

2. Văn phòng kinh tế sẽ thi hành các chỉ thị do một Hội đồng mới về kinh tế đề ra: hội đồng này gồm có 15 thành viên trong đó có 8 HY hoặc GM, phản ánh tính chất hoàn vũ của Giáo Hội, và 7 chuyên gia giáo dân thuộc các quốc tịch khác nhau, chuyên về tài chánh và được nhìn nhận khả năng chuyên môn của họ. Hội đồng sẽ nhóm định kỳ để đánh giá các chỉ thị và đường lối thực hành cụ thể, cũng như chuẩn bị và phân tích các phúc trình về cc hoạt động kinh tế hành chánh của Tòa Thánh.

3. Văn phòng kinh tế sẽ do 1 Hồng Y làm Chủ tịch, tham chiếu Hội đồng kinh tế. Một vị Tổng thư ký sẽ cộng tác với ĐHY Chủ tịch trong việc điều hành các hoạt động hằng ngày.

4. ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Georg Pell, hiện là TGM giáo phận Sydney, Australia, làm Chủ tịch Văn phòng kinh tế của Tòa Thánh.

5. các qui định mới sẽ bao gồm cả việc bổ nhiệm một vị Tổng kiểm toán (Revisore Generale) do ĐTC bổ nhiệm, có quyền duyệt xét bất kỳ cơ quan hoặc tổ chức nào của Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

6. Những thay đổi khẳng định vai trò của Cơ quan quản trị tài sản của Tòa Thánh, Apsa, như Ngân hàng trung ương của Vatican, với tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm của các tổ chức tương tự trên toàn thế giới.
7. Cơ quan thẩm quyền thông tin tài chánh, gọi tắt là AIF, tiếp tục vai trò hiện nay, canh chừng khôn ngoan và thi hành kỷ luật về các hoạt động trong nội bộ Tòa Thánh và Quốc gia thành Vatican.

ĐTC yêu cầu vị Chủ Tịch mới của Văn phòng Kinh tế bắt đầu công tác càng sớm càng tốt. ĐHY sẽ chuẩn bị các qui chế chung kết và các vấn đề khác liên hệ, nhờ sự trợ giúp của các cố vấn cần thiết và sẽ làm việc với Ủy ban tường trình nghiên cứu và xác định hướng đi trong việc tổ chức cơ cấu kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh, gọi tắt là COSEA.

Trên đây là nội dung thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh tóm lược nội dung Tự Sắc ”Fideles dispensatur et prudens (Lc 12,42) của ĐTC.

Thông cáo không nói gì về Viện Giáo Vụ (IOR) quen gọi là ”Ngân hàng Vatican”. Việc duyệt xét cơ quan này có một Ủy ban tường trình khác đảm trách.

Với Tự Sắc trên đây, Hội đồng 15 Hồng y đặc trách các vấn đề kinh tế và tổ chức của Tòa Thánh do ĐGH Gioan Phaolô 2 thành lập, chấm dứt nhiệm vụ. (SD 24-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Hội nghị Genève II và tình hình Syria

Hội nghị Genève II và tình hình Syria

Phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Syria

Ngày 22-1-2014 Hội nghị Geneve II về Siria đã khai diễn tại Montreux và tiếp tục tại Genève và đã kết thúc ngày 31-1-2014. Sau mười ngày nhóm họp Hội nghị đã không đem lại kết qủa cụ thể nào, vì các lập trường hoàn toàn khác biệt và đối đầu giữa phái đoàn chính quyền Damasco và phái đoàn các lực lượng đối lập. Chính quyền Siria vẫn tiếp tục coi các lực lượng đối lập là các nhóm khủng bố phá hoại, còn các lực lượng đối lập nhất quyết đòi ông Bashar Al-Assad phải ra đi. Kết qủa cụ thể duy nhất là việc di tản các thường dân khỏi thành phố Homs, bị quân chính phủ bao vây từ nhiều tháng qua, phải sống trong cảnh đói khát của một thành phố bị bom đạn tàn phá sụp đổ tan hoang, hầu như không còn căn nhà nào lành lặn. Các chuyến xe bus chở thường dân đa số là phụ nữ người già và trẻ em đã bắt đầu rời Homs ngày mùng 6-2-2014 với 83 phụ nữ trẻ em và người già và hiện đang tiếp tục nhờ có cuộc ngưng bắn. Ba tấn đồ cứu trợ cũng sẵn sàng để được phân phát cho dân chúng tại Homs.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari, Sứ Thần Tòa Thánh tại Siria, dành cho phái viên Cecilia Ceppia của đài Vaticăng ngày mùng 8-2-2014.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, sau cùng thì đồ cứu trợ đã tới được với dân chúng bị bao vây tại Homs, và các thường dân được di chuyển khỏi thành phố, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, cần ghi nhận cử chỉ thiện chí này của các phe lâm chiến. Cần nhớ rằng việc thương lượng này đã kéo dài nhiều tháng mà không thành công, ngay cả trong khuôn khổ hiệp đầu của cuộc thương thuyết tại Genève. Nhưng sau cùng hai bên đã đi tới kết luận tích cực này. Đây là bước tích cực đầu tiên, cả khi có tối thiểu, mở đường cho giải pháp dài của cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp thiết và thảm trạng liên quan tới toàn dân nước Siria. Theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc có 2,5 triệu người Siri đang cấp thiết chờ đợi đồ cứu trợ, chưa thể tởi được với họ, ít nhiều cũng như đối với 25.000 dân tại thành phố Homs. Vì vậy đường còn dài lắm.

Hỏi: Chính quyền Damasco đã cho biết là ngày mùng 8 tháng 2 bắt đầu phát các phẩm vật cứu trợ nhân đạo. Thật ra 3 tấn thực phẩm thuốc men và các dụng cụ cần thiết khác đã tới Homs rồi, chỉ chờ được phận phát cho dân thôi mà..

Đáp: Theo các tin tức tôi nhận được cũng cần tiếp tục di tản các thường dân khỏi Homs, trong đó tôi hy vọng là có một số kitô hữu, nhưng cách đây mấy giờ người ta cho biết là các kitô hữu đã không thể ra khỏi khu phố của họ. Và tôi nghĩ là người ta đã bắt đầu phân phát phẩm vật cứu trợ.

Hỏi: Việc ngưng bằn từng nơi để cho phẩm vật cứu trợ nhân đạo được chở tới cho dân chúng như tại Homs, có thể áp dụng được cho các nơi khác không thưa Đức Sứ Thần: chẳng hạn như Aleppo, hôm nay lại bị pháo kích khiến cho các thường dân chết dưới hàng tấn bom của quân đội mỗi ngày?

Đáp: Vâng, nó có thể là một thí dụ hay một thử nghiệm đầu tiên. Nếu nó thành công trong ba ngày, thì có thể lập lại tại Aleppo, là nơi cần kíp phải ngưng bắn, đôi khi một phần cũng được.

Hỏi: Thứ hai mùng 10 tháng 2 cuộc đàm phán tại Genève lại tiếp tục như Liên Hiệp Quốc đã cho biết, với sự hiện diện của chính quyền Damasco nữa. Nhưng sẽ khó mà tìm ra một giàn xếp, và nút thắt chính vẫn là sự chuyển tiếp chính trị, có phải thế không thưa Đức Sứ Thần?

Đáp: Việc tiếp tục các cuộc đàm phán cũng là một sự kiện tích cực. Cả khi không thể chờ đợi các phép lạ. Ước mong rằng tình trạng cứu trợ nhân đạo cũng đồng thời hiện diện trong các cuộc thương thuyết tìm một giải pháp chính trị. Cả hai việc phải đi đôi với nhau. Con đường còn rất dài, nhưng không được nản chỉ, cả hai phía cần tiếp tục đối thoại. Các tham dự viên cuộc hòa đàm không được quên các mong đợi của dại đa số dân Siria; họ đang chờ đợi một nước Siria mới, dân chủ hơn, biết tôn trọng nhân quyền và và các quyền tự do nền tảng hơn; và tất cả những điều này phải đạt được không phải với các phương tiện bạo động, mà với các giải pháp chính trị.

Trước đó ngày 29 tháng giêng Đức Tổng Giám Mục Mario Zenari cũng đã dành cho phóng viên Massimiliano Menichetti của đài Vaticăng về tình hình Siria và việc cứu trơ nhân đạo.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Sứ Thần có tin tức gì về cha D'Oglio và 12 nữ tu bị bắt cóc tại Maalula không?

Đáp: Chúng tôi không có tin gì về cha D'Oglio cả. Thỉnh thoảng có các lời đồn đại này kia, nhưng không thể lượng định xem chúng có thật hay không. Rất tiếc la cha đã bị bắt cóc 6 tháng nay rồi. Trong vài tuần nữa sẽ là 12 tháng hai linh mục khác đã bị mất tích trong vùng gần thành phố Aleppo, một vị là linh mục công giáo Armeni, vị kia là linh mục chính thống Hy lạp. Và ba tháng nữa là một năm hai Giám Mục chính thống bị bắt cóc. Rất tiếc là chúng tôi không có tin tức nào về các vị cả.

Liên quan tới 12 nữ tu chính thống bị bắt cóc tại Maalula, trái lại thỉnh thoảng có vài tin tức lọt ra. Xem ra chúng trấn an, người ta được biết ít nhiều là các nữ tu được đối xử tử tế tại nơi các chị bị giam giữ, trong một căn nhà tại tỉnh Abrud. Đây là một trường hợp hơi khác một chút. Thỉnh thoảng các nữ tu có thể điện thoại cho vài người hay vài nữ tu khác.

Hỏi: Như thế nước Siria bị rơi vào trong cơn xoáy thê thảm của các vụ bắt cóc. Chúng xảy ra rất nhiều, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Rất tiếc là đúng như vậy. Cũng cần phải trải rộng cái nhìn ra nữa: và sự kiện trở thành thực sự gớm ghiếc, bởi vì người ta nói tới hàng trăm người bị bắt cóc, bao gồm cả các gia đình nữa, và nếu người ta gộp cả mọi loại người bị bắt cóc và mất tích lại với nhau thì con số sẽ rất cao.

Hỏi: Vậy ai là những người bị bắt cóc thưa Đức Cha?

Đáp: Có loại tội phạm: nhiều người đã bị bắt cóc để tống tiền trong các làng mạc và thành thị, và rất tiếc chúng xảy ra hàng ngày. Thế rồi có loại bắt cóc chính trị: những người có vị trí quan trọng nào đó bị nhóm này hay nhóm kia bắt cóc, và có thể mai mốt họ được dùng để đổi chác cho nhau. Rồi cũng có những người bị bắt cóc và biến mất, mà người ta cũng chẳng biết các lý do.

Tôi muốn nói rằng việc bắt cóc các nhân vật của Giáo Hội cũng không có một lý do nào cả. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa của lòng thương xót đánh động trái tim của tất cả những người chủ mưu, bởi vì chúng ta biết rằng gia đình các nạn nhân đau khổ biết chừng nào, vì không có tin tức gì liên quan tới thân nhân của họ cả. Tới nay họ đã mất tích bao nhiêu ngày, bao nhiêu tuần, và bao nhiêu tháng rồi… Các vụ bắt cóc là một tai họa do cuộc chiến này gây ra. Chúng tôi cầu mong trợ giúp tất cả những người bị bắt cóc và gia đình họ bằng lời cầu nguyện.

Hỏi: Trong tình trạng như vầy thì Giáo Hội đang làm gì thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh?

Đáp: Giáo Hôi đang thực thi một sứ mệnh gian khổ, trước hết là gần gũi với người dân, gần gũi với tất cả mọi người, tín hữu kitô cũng như tín hữu các tôn giáo khác. Bởi vì tất cả mọi người đều đau khổ vì các tai ương của chiến tranh, của nghèo đói, của gía lạnh, và các vụ bắt cóc. Điều đầu tiên mà Giáo Hội làm đó là hiện diện và gần gũi họ, chia sẻ các nỗi khổ đau của họ. Ngoài việc trợ giúp vật chất – trợ giúp một chút với những gì chúng tôi có thể cống hiến cho họ – nhưng nhất là trợ giúp tinh thần bằng sự hiện diện, chia sẻ thảm cảnh khủng khiếp, mà mọi người dân Siria đang phải sống hiện nay.

Hỏi: Thưa Đức Sứ Thần Tòa Thánh, trước khi Hội nghị hòa bình cho Siria được triệu tập tại Montreux, Đức Sứ Thần đã nhấn mạnh rằng: “Tất cả các phái đoàn phải đến tham dự hội nghị như đến gần đầu gường của một bà mẹ”, ám chỉ bà mẹ Siria. Đức Sứ Thần đánh gía Hội nghị này và các nỗ lực làm trung gian giữa các người chống đối tổng thống Al-Assad như thế nào?

Đáp: Ngay từ đầu người ta đã biết rằng Hội nghị này phải thắng vượt những chướng ngại không thể thắng vượt được. Tuy nhiên, cần phải làm mọi cố gắng. Sau ba năm các phe phái xa cách nhau và đánh nhau, mà giờ đây họ chịu ngồi vào chung một bàn hòa đàm, thì đã là một cái gì rồi. Mỗi bước nhỏ đều có giá trị nào đó. Như là tín hữu kitô nhưng cũng như là những người có niềm tin, chúng tôi phải tháp tùng các các cố gắng đó với lời cầu nguyện, bởi vì hơn bao giờ hết người ta nhận ra rằng cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa để đạt được ơn hòa bình, được giao phó cho tinh thần trách nhiệm của con người. Không bao giờ được đánh mất sự tin tưởng, cả khi sẽ có các lúc rất rất là khó khăn. Cần phải tiến bước, nhất là đối với những gì liên quan tới khía cạnh nhân đạo. Không phải chỉ có người dân tội nghiệp của vùng Homs. Có khoảng 3,000 tới 3,500 người dân bị bao vây từ hơn một năm rưỡi nay trong đó có khoảng 60-65 tín hữu kitô với một linh mục, một tu huynh dòng Tên già người Hòa Lan đã lựa chọn ở lại với các anh chị em tội nghiệp bị bao vây này. Tuy nhiên, ngoài họ ra cũng có khoảng 2.5 triệu người phải sống tình cảnh tương tự, và bị cắt đứt khỏi các trợ giúp nhân đạo rất cấp thiết. Như thế, nếu hai bên có thể đồng ý với nhau để cho các trợ giúp nhân đạo được đem tới cho các anh chị em bị bao vây, từ phía này hay phía kia, thì cũng sẽ là một kết qủa đẹp lắm rồi!

(RG 29.31-1-2014; RG 4.8-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ với 18 Hồng y mới và Hồng y đoàn

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ với 18 Hồng y mới và Hồng y đoàn

VATICAN. Sáng chúa nhật 23-2-2014, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô với 150 Hồng Y trong đó có 18 vị mới được ngài phong sáng thứ bẩy hôm trước.

Trong số 9 ngàn người hiện diện trong Thánh Đường có hơn 100 Giám Mục và 150 LM đặc trách phần cho rước lễ. Ngoài ra còn có các phái đoàn chính phủ và nhiều vị trong ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Lúc 10 giờ, 18 Hồng y mới đi rước lên bàn thờ chính cùng với ĐTC, đặc biệt có một vị ngồi trên ghế lăn là ĐHY Jean Pierre Kutwa, 69 tuổi (1945), TGM giáo phận Abidjan bên Côte d'Ivoire, Phi châu.

Các tân Hồng y ngồi thành hai hàng cánh cung trước bàn thờ. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn 40 người thuộc Giáo hoàng học viện Thánh nhạc ở Roma.

Video Thánh lễ  ĐTC với 18 tân Hồng Y

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã quảng diễn bài đọc thứ I và bài Tin Mừng của ngày lễ để nhắc nhở các Hồng y mới về nghĩa vụ nên thánh, xa tránh mọi lối cư xử trần tục, và dấn thân làm chứng về tình thương của Thiên Chúa.

”Lạy Cha từ bi, ước gì ơn phù trợ của Cha làm cho chúng con luôn chú ý tới tiếng Chúa Thánh Linh” (Kinh Tổng Nguyện)

Kinh nguyện này được đọc lên vào đầu thánh lễ, nhắc nhở chúng ta về một thái độ cơ bản: lắng nghe Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho Giáo Hội được sinh động, và linh hoạt Giáo Hội. Với sức sáng tạo và đổi mới, Chúa Thánh Linh luôn nâng đỡ niềm hy vọng của Dân Chúa lữ hành trong lịch sử, và trong tư cách là Đấng An Ủi, Chúa luôn hỗ trợ chứng tá của các Kitô hữu. Trong lúc này đây, cùng với các Hồng Y mới, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh Đấng nói qua Kinh Thánh được công bố.

Trong bài đọc thứ I vang dội lời kêu gọi của Chúa gửi đến dân Ngài: ”Các con hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa của các con, là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Và Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng vọng lại: ”Các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời” (Mt 5,48). Những lời này gọi hỏi tất cả chúng ta, là môn đệ của Chúa; và hôm nay được đặc biệt gửi đến tôi và anh em, các anh em Hồng y quí mến, cách riêng anh em là những người đã gia nhập Hồng y đoàn hôm qua. Sự noi gương thánh thiện và hoàn hảo của Thiên Chúa có vẻ là một mục tiêu không thể đạt tới được. Nhưng bài đọc thứ I và Tin Mừng gợi lên những tấm gương cụ thể để cách cư xử của Thiên Chúa trở thành qui luật hành động của chúng ta. Tuy vậy chúng ta hãy nhớ rằng nếu không có Thánh Linh thì nỗ lực của chúng ta trở nên vô ích! Trước tiên, sự thánh thiện theo tinh thần Kitô không phải là công trình của chúng ta, nhưng là thành quả của sự ngoan ngoãn – được mong muốn và vun trồng – đối với Chúa Thánh Linh của Chúa Ba lần thánh.

Sách Lêvi đã nói: ”Đừng nuôi trong tâm hồn con sự oán ghét đối với người anh em con.. Đừng báo thù và nuôi oán hận.. nhưng hãy yêu thương tha nhân” (19,17-19). Những thái độ này nảy sinh từ sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta quá khác nhau, ích kỷ và kiêu ngạo.. nhưng lòng nhân lành và vẻ đẹp của Thiên Chúa lôi kéo chúng ta, và Chúa Thánh Linh có thể thanh tẩy chúng ta, có thể uốn nắn chúng ta ngày qua ngày.

ĐTC giải thích tiếp:

”Trong Tin Mừng, cả Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta về sự thánh thiện và giải thích cho chúng ta luật mới, luật của Ngài, Ngài giải thích qua một vài phản đề giữa sự công chính bất toàn của những người luật sĩ và biệt phái, và sự công chính cao cả hơn của Nước Thiên Chúa. Phản đề đầu tiên của đoạn Phúc âm hôm nay nói về sự trả thù: ”Các con đã nghe nói: Mắt đền mắt, răng đền răng. Nhưng thầy bảo các con: .. nếu ai vả má phải của các con thì hãy giơ cả má kia cho họ” (Mt 5,38-39). Không những chúng ta không được đáp lại sự ác mà ngừơi khác làm cho ta, nhưng chúng ta còn phải cố gắng rộng rãi làm điều thiện cho họ nữa.

”Phản đề thứ hai nói về kẻ thù: ”Các con đã nghe nói: Hãy yêu thương người thân cận và ghét kẻ thù”. Nhưng Thầy nói với các con: Hãy yêu thương kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những người bách hại các con” (vv. 43-44). Ai muốn theo Chúa Giêsu, Chúa yêu cầu họ yêu thương những người không đáng yêu, không đền trả lại, để lấp đầy sự trống rỗng tình thương trong các tâm hồn, trong những phản ứng con người, trong các gia đình, các cộng đoàn và trên thế giới. Chúa Giêsu không đến để dạy chúng ta những cung cách lịch sự, những kiểu cách phòng trà! Bởi vì nếu thế thì ngài chẳng cần từ trời xuống và chết trên thập giá. Chúa Kitô đến để cứu vớt chúng ta, tỏ cho chúng ta con đường, con đường duy nhất để ra khỏi cát lún của tội lỗi và con đường này là lòng từ bi thương xót. Nên thánh không phải là một điều xa xỉ, nhưng là điều cần thiết cho sự cứu độ thế giới”.

Anh em hồng y thân mến, Chúa Giêsu và Mẹ Giáo Hội yêu cầu chúng ta làm chứng tá hăng say nhiệt thành hơn về những thái độ thánh thiện. Sự thánh thiện của một Hồng Y hệ tại gia tăng dâng hiến nhưng không như vậy. Vì thế, chúng ta hãy yêu mến những người đố kỵ chúng ta; chúng ta hãy chúc lành cho những người nói xấu chúng ta; hãy chào hỏi với một nụ cười những người có lẽ không đáng; chúng ta đừng khao khát làm cho mình nổi bật, nhưng hãy dùng sự dịu dàng chống lại sự hách dịch; hãy quên đi những tủi nhục phải chịu. Hãy luôn để cho Thánh Linh của Chúa Kitô hướng dẫn, Đấng đã hy sinh bản thân trên thập giá, để chúng ta có thể là những máng chuyển tình thương của Chúa. Đó là thái độ, đó là cách cư xử của một Hồng y. Một hồng y gia nhập Giáo Hội Roma, không gia nhập một triều đình. Chúng ta hãy tránh tất cả và giúp nhau tránh những tập tục và lối cư xử triều đình: mưu mô, nói hành nói xấu, phe phái, bè đảng, thiên vị. Ngôn ngữ chúng ta phải là ngôn ngữ của Tin Mừng: có thì nói có, không thì nói không: thái độ chúng ta phải là thái độ Bát Phúc, và con đường chúng ta là con đường thánh thiện.

Chúa Thánh Linh nói với chúng ta ngày hôm nay qua những lời của Thánh Phaolô: ”Anh em là Đền thờ của Thiên Chúa.. Đền thờ thánh thiêng của Thiên Chúa là anh em” (1 Cr 3,16-17). Trong Đền thờ này là chúng ta, có cử hành một phụng vụ nòng cốt: phụng vụ của lòng từ nhân, tha thứ, phục vụ, tóm một lời là phụng vụ tình thương. Đền thờ này sẽ bị xúc phạm, nếu chúng ta lơ là các nghĩa vụ đối với tha nhân. Một khi trong con tim chúng ta có một chỗ cho người bé nhỏ nhất trong anh em chúng ta, thì chính Thiên Chúa tìm được chỗ trong đó. Khi người anh em chúng ta bị bỏ rơi ở ngoài, thì chính Thiên Chúa không được đón nhận. Một con tim không có tình thương thì giống như một thánh đường bị xúc phạm, bị rút khỏi việc việc phụng thờ Thiên Chúa và dùng vào việc khác.

Và ĐTC kết luận rằng:

Anh em Hồng y thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất trong Chúa Kitô và giữa chúng ta với nhau! Tôi xin anh em hãy gần gũi tôi, bằng kinh nguyện, lời cố vấn, sự cộng tác. Và tất cả anh em chị em, các GM, LM, phó tế những người thánh hiến và giáo dân, anh chị em hãy cùng nhau khẩn cầu Chúa Thánh Linh, để Hồng y đoàn luôn đầy lòng bác ái mục tử nồng nhiệt, đầu thánh thiện, để phục vụ Tin Mừng và giúp Giáo Hội chiếu tỏa tình thương của Chúa Kitô trên thế giới.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ và kết thúc lúc 11 giờ rưỡi. Nửa tiếng sau đó, ĐTC Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng ở lầu 3 trong dinh Tông tòa để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin với 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô, dưới bầu trời nắng đẹp.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến bài đọc thứ hai của chúa nhật 23-2-2014, trong đó thánh Phaolô nói đến tình trạng chia rẽ trong giáo đoàn Corinto (1 Cr 1,12..): họ họp thành những nhóm theo những nhà giảng thuyết khác nhau mà họ coi là thủ lãnh, Phaolo, Apollo, Cepha. Thánh Phaolô giải thích rằng cách suy tư như thế là sai lầm, vì cộng đoàn không thuộc về các tông đồ, nhưng các vị thuộc về cộng đoàn, nhưng toàn thể cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô. Từ sự thuộc về ấy phát sinh điều này là trong các cộng đoàn Kitô – giáo phận, giáo xứ, hội đoàn, phong trào – các khác biệt không thể đi ngược sự kiện tất cả chúng ta có cùng phẩm giá nhờ bí tích rửa tội: tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Kitô. Những người đã nhận sứ vụ hướng dẫn, rao giảng, cử hành các bí tích, không được coi mình là những người sở hữu các quyền bính đặc biệt, nhưng phải đặt mình phục vụ cộng đoàn, giúp cộng đoàn tiến bước trên con đường nên thánh trong vui tươi. Hôm nay Giáo Hội ủy thác việc làm chứng tá về lối sống mục vụ ấy cho các Hồng Y mới mà tôi đã cử hành thánh lễ với các vị sáng nay. Ước gì công nghị Hồng Y hôm qua mang lại cho chúng ta cơ hội quí giá để cảm nghiệm đặc tính Công Giáo, hoàn vũ của Giáo Hội, được biểu lộ qua nguyên quán khác nhau của các thành viên Hồng y đoàn, liên kết trong niềm hiệp thông chặt chẽ quanh người Kế Vị Thánh Phêrô. Và xin chúa ban cho chúng ta ơn được hoạt động cho sự hiệp nhất của Giáo Hội.

ĐTC nói thêm rằng: ”Ước gì những lúc cử hành phụng vụ và mừng lễ mà chúng ta đã được cơ hội trải qua trong hai ngày qua, củng cố nơi tất cả chúng ta niềm tin, tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội của Chúa! Tôi cũng mời gọi anh chị em hãy nâng đỡ các vị mục tử ấy và trợ giúp các vị bằng lời cầu nguyện để các vị luôn nhiệt thành hướng dẫn dân được ủy thác cho các vị, tỏ cho tất cả mọi người thấy sự dịu dàng và tình thương của Chúa. Một GM, một HY, một Giáo Hoàng, cần lời cầu nguyện dường nào, để có thể giúp dân Chúa tiến bước. Tôi nói ”giúp đỡ” có nghĩa là phục vụ Dân Chúa, vì ơn gọi của Giám Mục, của Hồng y và của Giáo Hoàng chính là người phục vụ, phục vụ nhân dân Chúa Kitô. Anh chị em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi là những người đầy tớ tốt, chứ không phải là những ông chủ tốt! Tất cả các GM, LM, những người thánh hiến và giáo dân chúng ta phải cùng nhau làm chứng về một Giáo Hội trung thành với Chúa Kitô, được linh hoạt bằng ước muốn phục vụ anh em và với lòng can đảm như các ngôn sứ, sẵn sàng đáp ứng những mong đợi và đòi hỏi tinh thần của con người thời nay. Xin Mẹ Maria tháp tùng và bảo vệ chúng ta trong hành trình này.

Tiếp đó ĐTC và mọi người đã kinh truyền tin, ngài đã ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người.

Sau phép lành ĐTC còn chào thăm tất cả những người đến đây để tháp tùng các Hồng y mới, ngài nhiệt liệt cám ơn các nước đã muốn hiện diện tại đây với các phái đoàn chính thức. ĐTC không quên chào thăm đông đảo các tín hữu đến từ các giáo phận ở Italia, và nhiều hội đoàn khác.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hồng y mới

VATICAN. Sáng ngày 22-2-2014, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã nhóm Công nghị đầu tiên để tấn phong 19 Hồng y mới.

Hiện diện trong buổi lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y thượng phụ và đẳng Giám Mục. Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện tại Đền thờ Thánh Phêrô trước công chúng từ sau khi từ nhiệm cách đây gần một năm.

18 tiến chức Hồng y ngồi phía trước bàn thờ, gần đó phía sau là 130 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 9 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, giáo hữu và 15 phái đoàn chính phủ các nước: phái đoàn Brazil và Haiti do Tổng thống liên hệ làm trưởng đoàn; nhiều phái đoàn các nước khác do các vị ngoại trưởng hoặc bộ trưởng hướng dẫn. Đặc biệt cũng có phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 5 người do ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng ban tôn giáo chính phủ, làm trưởng đoàn. Đoàn đến dự để mừng ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi còn làm thứ trưởng ngoại giáo, ngài đã 3 lần hướng dẫn phái toàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam và làm việc với các quan chức chính phủ.

Thành phần tiến chức Hồng Y

Có 16 tiến chức Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi, gồm 4 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh và 12 vị là GM chính tòa.

Xét về quốc tịch, các vị thuộc 12 nước: 4 vị người Ý, 12 vị còn lại thuộc 12 nước khác nhau, trong số này có 2 vị Á châu: thứ I là Đức TGM Anrê Yeom Soo Jung, hay là Liêm Chu Chánh, năm nay 71 tuổi (1943), TGM giáo phận thủ đô Hán Thành. Ngài đã làm GM phụ tá giáo phận này trong 12 năm trước khi thăng TGM chính tòa tại đây, kế nhiệm ĐHY Nicôla Trịnh Chấn Thích (Cheong Jin-Suk). Vị thứ II là Đức TGM Orlando Quevedo, 75 tuổi (1939), TGM giáo phận Cotabato ở miền nam Philippines, dòng thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI). Ngài từng làm Chủ tịch HĐGM Philippines và hiện nay cũng là Tổng thư ký Liên HĐGM Á châu.

Trong số 19 tân Hồng Y có 4 vị thuộc các dòng tu, đó là ĐHY Orani João Tempesta, TGM Rio de Janeiro, Brazil, thuộc dòng Xitô, ĐHY Ricardo Ezzati Andrello, TGM Santiago de Chile thuộc dòng Don Bosco, và ĐHY Orlando Quevedo người Philippines thuộc dòng Thừa sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, sau cùng là ĐHY Fernando Sebastián Aguilar, thuộc dòng thừa sai thánh Clarét (CMF), nguyên TGM giáo phận Pamplona bên Tây Ban nha.

Tiến chức Hồng y cao tuổi nhất là ĐHY Loris Francesco Capovilla, 98 tuổi, TGM hiệu tòa Mesembria, nguyên là bí thư của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23. Vì già yếu nên ngài không đến Roma nhận mũ đỏ trong buổi lễ, nhưng sẽ nhận sau trong một buổi lễ tổ chức tại nhà thờ làng quê của ngài, Sotto il Monte, thuộc giáo phận Bergamo, bắc Italia.

Vị trẻ nhất là ĐHY Chibly Langlois, GM giáo phận Les Cayes bên Haiti 55 tuổi.

Lễ phong Hồng Y

Lễ phong Hồng Y được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ lời Chúa. Đảm nhận phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có ca đoàn Nhà thờ chính tòa Westminster, Luân Đôn, Anh quốc, Ca đoàn Mẹ Giáo Hội với 80 ca viên và ca đoàn của Học viện Giáo Hoàng về thánh nhạc ở Roma với 50 ca viên.

Khi tiến lên bàn thờ chính, ĐTC đã đến chào Đức nguyên Giáo Hoàng rồi tiến tới trước Mộ Thánh Phêrô cúi mình, thinh lặng cầu nguyện.

Sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã đại diện mọi người chào mừng và cám ơn ĐTC. Khi ĐHY nhắc đến ĐGH Biển Đức 16 mọi người đã nhiệt liệt vỗ tay thật lâu..

Tiếp đến, sau lời nguyện của ĐTC, cộng đoàn đã nghe tuyên bài Tin Mừng theo thánh Marco (10,32-45) thuật lại hành trình của Chúa Giêsu cùng với 12 Tông đồ lên Jerusalem, qua đó Chúa loan báo cho các ông: Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng Tế và luật sĩ, bị kết án tử hình và giao cho dân ngoại, để chịu cực hình và hành quyết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Nhưng Tông Đồ Giacôbê và Gioan xin Chúa cho được ngồi bên tả và bên hữu; và trước sự phẫn nộ của các Tông Đồ khác, Chúa dạy các môn đệ ”Ai muốn trở thành người cao trong trong các con, thì hãy thành người phục vụ, ai muốn trở thành người thứ nhất trong các con, thì hãy trở thành tôi tớ cho mọi người”.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn bài Phúc Âm vừa đọc:

”Chúa Giêsu đi trước họ..” (Mc 10,32)

”Cả trong lúc này, Chúa Giêsu cũng đi trước chúng ta. Chúa luôn luôn đi trước chúng ta. Ngài đi trước và mở đường cho chúng ta.. Và niềm tín thác và niềm vui của chúng ta là được làm môn đệ, ở với Chúa, đi sau, bước theo Chúa….

”Khi chúng ta cùng nhau đồng tế thánh lễ đầu tiên tại Nhà Nguyện Sistina, ”tiến bước” là lời đầu tiên mà Chúa đã đề nghị với chúng ta: tiến bước, và rồi xây dựng và tuyên xưng

.”Ngày hôm nay, lời ấy trở lại, nhưng như một hành vi, như một hành động của Chúa Giêsu tiếp tục: ”Chúa Giêsu đi.. ”. Điều này đánh động chúng ta trong Phúc Âm: Chúa Giêsu đi rất nhiều, và Ngài giảng dạy dọc theo hành trình. Đây là điều quan trọng. Chúa Giêsu không đến để giảng dạy một triết lý, một ý thức hệ.. nhưng một ”con đường”, một con lộ cần tiến bước với Ngài và con lộ này ta học biết trong cuộc hành trình.. Đúng vậy, anh em thân mến, niềm vui của chúng ta là tiến bước với Chúa Giêsu.

”Nhưng đây không phải là điều dễ dàng, không phải là điều dễ chịu, vì con đường mà Chúa Giêsu chọn chính là con đường thập giá. Trong khi họ đi đường, Chúa nói với các môn đệ về điều sẽ xảy ra tại Jerusalem: Ngài báo trước cuộc khổ nạn, cái chết và sự sống lại của Ngài. Và họ ”kinh ngạc” và ”đầy sợ hãi”. Kinh ngạc vì đối với họ đi lên Jerusalem có nghĩa là tham dự vào chiến thắng của Đức Messia, chiến thắng của Ngài – chúng ta thấy điều đó qua lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan; và đầy sợ hãi vì điều mà Chúa Giêsu sẽ phải chịu, và cả họ cũng có nguy cơ phải chịu.

”Khác với các môn đệ thời ấy, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng, và chúng ta không phải sợ Thập Giá, trái lại, trong Thập Giá, chúng ta được hy vọng. Nhưng cả chúng ta vẫn luôn là phàm nhân, là người tội lỗi, và chúng ta bị cám dỗ nghĩ đến cách thức của con người, thay vì của Thiên Chúa.

“Và khi suy nghĩ một cách trần tục, thì hậu quả là gì? ”10 môn đệ khác tức giận với Giacôbê và Gioan” (v.41). Họ thịnh nộ. Não trạng trần tục trổi vượt, sự cạnh tranh, ghen tương, phe phái xâm nhập vào.

”Vì thế lời mà Chúa nói với chúng ta hôm nay rất là lành mạnh! Lời ấy thanh tẩy nội tâm chúng ta, soi sáng lương tâm chúng ta, và giúp chúng ta hoàn toàn hòa hợp với Chúa Giêsu, và chúng ta cùng nhau làm điều ấy trong lúc Hồng y đoàn được gia tăng với các thành viên mới.

”Bấy giờ Chúa Giêsu gọi họ đến cùng Ngài…” (Mc 10,42). Đó là một cử chỉ khác của Chúa. Dọc đường, Ngài thấy rằng cần phải nói với nhóm 12 môn đệ, Chúa dừng lại, gọi họ đến gần. Anh em thân mến, chúng ta hãy để Chúa Giêsu gọi chúng ta đến cùng Ngài! Hãy để Ngài triệu tập. Và hãy lắng nghe Chúa, cùng nhau chúng ta hãy vui mừng đón nhận Lời Ngài, để cho mình được Lời Chúa và Thánh Linh giáo huấn, để ngày càng trở thành một lòng một trí, chung quanh Chúa.

”Và trong khi chúng ta được triệu tập, được Thầy duy nhất của chúng ta gọi đến, cả tôi cũng nói với anh em điều mà Giáo Hội đang cần: Giáo Hội đang cần anh em, cần sự cộng tác của anh em, và trước hết là cần sự hiệp thông của anh em, sự hiệp thông với tôi và giữa anh em với nhau. Giáo Hội đang cần lòng can đảm của anh em, để loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, và để làm chứng về chân lý. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của anh em, cần sự tiến bước tốt đẹp của đoàn chiên Chúa Kitô, cầu nguyện, cùng với việc loan báo Lời Chúa, chính là nghĩa vụ đầu tiên của GM. Giáo Hội đang cần sự cảm thương của anh em, nhất là trong lúc đau thương và đau khổ tại bao nhiêu nước trên thế giới. Chúng ta hãy bày tỏ sự gần gũi tinh thần với những cộng đoàn Giáo Hội và tất cả các Kitô hữu đang bị kỳ thị và bách hại. Giáo Hội đang cần lời cầu nguyện của chúng ta cho họ, để họ vững mạnh trong đức tin và biết đáp lại sự ác bằng sự thiện. Và kinh nguyện này của chúng ta được nới rộng tới mỗi người nam nữ đang chịu bất công vì những xác tín tôn giáo của họ. Giáo Hội cũng đang cần chúng ta để chúng ta trở thành những con người hòa bình và hòa giải cho các dân tộc trong thời đại này đang bị thử thách vì bạo lực và chiến tranh.

Và ĐTC kết luận rằng:

”Anh em rất thân mến, xin cám ơn anh em! Chúng ta cùng nhau bước theo Chúa, hãy luôn để cho Chúa triệu tập, giữa đoàn dân trung thành với Mẹ Giáo Hội thánh thiện.

Nghi thức tấn phong

Sau bài huấn dụ, ĐTC bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng y mới. Ngài nói:

”Anh chị em rất thân mến, chúng tôi sắp thi hành một hành vi trọng đại và vui mừng trong thánh vụ của chúng tôi. Hành vi này có liên hệ trước tiên tới Giáo Hội tại Roma, nhưng cũng liên quan tới toàn thể cộng đồng Giáo Hội. Chúng tôi sắp gọi một số người anh em gia nhập Hồng Y đoàn, để các vị được hiệp nhất với Tòa thánh Phêrô bằng một mối dây bền chặt hơn, trở nên thành phần của hàng giáo sĩ Roma, và cộng tác mật thiết hơn với sứ vụ tông đồ của chúng tôi.”

”Mang mặc phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc âm của ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất. Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Hội Thánh Roma.”

Đến đây, ĐTC lần lượt xướng tên 19 hồng y mới, cộng đoàn nhiệt liệt vỗ tay chào mừng khi tên mỗi vị được nhắc đến. Đứng đầu danh sách là ĐHY Pietro Parolin, người Ý, 59 tuổi, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, rồi đến 3 vị thuộc giáo triều Roma: Đức TGM Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng HĐGM, Đức TGM Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, Đức TGM Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ.

Tiếp đến là các vị TGM chính tòa của các giáo phận Westminster Anh quốc, Managua Nicaragua, Québec Canada, Abidjan bên Côte d'Ivoire, Rio de Janeiro Brazil, Perugia Italia, Buenos Aires Argentina, Hán Thành Hàn quốc, Santiago de Chile, Ouagadougou Burkina Faso, Cotabato Philippines, Les Cayes Haiti. Sau cùng là 3 vị đã quá 80 tuổi là Capovilla Italia, Sebastián Aguilar Tây Ban Nha, Edward Felix nguyên TGM Castries, thuộc quần đảo Antille.

ĐTC ấn định 3 vị tân Hồng y thuộc đẳng phó tế là 3 vị thuộc Giáo triều Roma. 15 vị còn lại, kể cả ĐHY Parolin, là các Hồng y thuộc đẳng Linh Mục, hầu hết là những vị đang coi sóc các giáo phận ở các nơi.

Tiếp tục nghi thức, theo lời mời gọi của ĐTC, các tiến chức Hồng Y tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trung thành với Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa, luôn luôn tuân phục Tòa Thánh và Thánh Phêrô nơi bản thân ĐTC Phanxicô và các đấng kế vị ngài được bầu lên hợp pháp; luôn bảo tồn bằng lời nói và hành động tình hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo; không bao giờ tiết lộ cho người nào những gì đã được ủy thác để gìn giữ, mà sự tiết lộ điều ấy có thể gây hại hoặc làm ô danh Hội Thánh; hết sức chuyên cần và trung tín thi hành các công tác được kêu gọi thi hành trong việc phục vụ Giáo Họi, theo các quy tắc luật định.

Kế đến, từng Hồng Y lần lượt tiến lên quì trước mặt ĐTC để ngài đội mũ đỏ Hồng Y, với lời nhắn nhủ:

”Để ngợi khen Thiên Chúa Toàn Năng và mang lại vinh dự cho Tòa Thánh, ĐHY hãy nhận mũ đỏ này như dấu chỉ phẩm vị Hồng Y, có nghĩa là ĐHY phải sẵn sàng cư xử can đảm, cho đến độ đổ máu đào, để làm tăng trưởng Đức Tin Kitô giáo, cho hòa bình và yên hàn của Dân Chúa, cho tự do và sự mở rộng Giáo Hội Roma Thánh”.

Và khi trao nhẫn, ngài nói:

”Đức Hồng Y hãy nhận chiếc nhẫn từ tay của Phêrô, và Đức Hồng Y hãy biết rằng nhờ yêu mến vị Thủ lãnh các thánh tông đồ mà lòng yêu mến Giáo hội của ĐHY được kiện cường”.

Sau cùng ĐTC trao sắc chỉ về việc phong Hồng Y cũng như việc chỉ định tước hiệu thánh đường của tân chức.

Sau khi lãnh mũ và sắc phong các Tân Hồng Y trao đổi cử chỉ bình an với ĐTC các vị đến chào các Hồng Y cũ rồi lên ngồi trên 18 chiếc ghế dành cho các vị.

Nghi thức tấn phong các Hồng y mới kết thúc với Kinh Lạy Cha và lời nguyện của ĐTC xin cho các tôi tớ Chúa là các tân Hồng Y khi kiên trì xây dựng Giáo Hội, chiếu tỏa rạng ngời với đức tin toàn vẹn và tâm trí tinh tuyền. Sau cùng là bài thánh Ca Lạy Nữ Vương thiên đàng. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút.

Chiều cùng ngày 22-2-2014, từ lúc 4 giờ rưỡi, các tân hồng y đã được nhiều người thân, bạn hữu và quan khách đến chúc mừng tại các địa điểm được chỉ định cho mỗi vị: 4 tân Hồng y thuộc giáo triều ở trong dinh Giáo Hoàng, và 14 vị còn lại tại nhiều địa điểm trong khu vực Đại thính đường Phaolô 6.

G. Trần Đức Anh, O.P – Vatican Radio

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Một vị vua nước Pháp tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả kẻ thù của ông. Nhưng chỉ ít lâu sau, người ta thấy nhà vua đi lại vui chơi ăn uống với những kẻ thù trước kia, họ thắc mắc và lên tiếng hỏi:

– Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù hay sao?

– Đúng thế! Ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt.5:44-45)

“Yêu thương tha thứ và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Đó là lời mời gọi Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.

Ta không chỉ trở thành con cái Thiên Chúa vào ngày rửa tội, nhưng trở thành “con ngoan” của Thiên Chúa nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày.

Yêu thương tha thứ là điều rất dễ nói, nhưng lại rất khó thực hiện. Yêu thương tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con của Thiên Chúa, để sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.(Mt.5:48)

Thế giới ngày nay có nhiều sự ác và người ác. Ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương. Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, là mở ra con đường để đối thoại và hoán cải. Hãy mang yêu thương tha thứ đến cho nguời, để rồi bản thân ta cũng sẽ được người thứ tha yêu thương.

Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.

Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương thì phát triển và xây dựng. Khi trả thù, người ta biến mình giống như kẻ thù, ngang hàng với kẻ thù. Còn khi tha thứ, người ta trổi vượt cao hơn họ.

Chỉ có tình yêu mới là phép mầu sẽ biến kẻ thù thành bạn hữu. Biến thù thành bạn, phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi! Đó chính là sức mạnh của tình yêu. Đó cũng là lời mời gọi của Tình Yêu cho thế giới hôm nay.

Lạy Chúa! Xin ban cho con một trái tim mới, trái tim biết yêu thương tha thứ, để con vượt qua mọi oán hờn ghen ghét, mọi thù hằn ti tiện. Xin cho con cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ anh chị em của con. Amen!

Veritas Radio

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tin Mừng các Chúa Nhật liên tiếp trình bày những giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu so với luật cũ của Cựu ước.

Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là Môisen mới, đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) công bố luật mới của Nước Trời (Tám mối Phúc thật).

Chúa Nhật V, sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Người ra thi hành. Sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời là muối cho đời, ánh sáng thế gian.

Chúa Nhật VI, Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:

– Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.

– Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…

– Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.

– Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.

Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.

– Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.

– Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.

– Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.

1. “Hãy yêu kẻ thù”

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là :

+ Làm ơn cho kẻ ghét mình.

+ Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.

+ Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

+ Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.

+ Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.

+ Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

2. Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.

3. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu diệt nó chứ ? Chúa Giêsu đến để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).

Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả ?

Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu ?

Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ

TÌNH YÊU ĐÁP LẠI HẬN THÙ

Ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ của cuộc đời và của lòng người. Dân chúng vừa mới hân hoan cầm cành lá đón tiếp Chúa đã lập tức quay lại la ó kết án Chúa. Chúa Giêsu vừa mới long trọng vào thành như một ông vua nay đã phải đứng trước toà Philatô như một tử tội. Giuđa vừa ăn chung một bánh, uống chung một chén với Thầy đã vội vàng ra đi nộp Thầy. Các môn đệ vừa mới ngồi đồng bạn với Thầy nay đã bỏ trốn. Phêrô vừa mới hăng hái thề sống chết bên Thầy đã mau chóng hèn nhát chối Thầy.

Những biến cố dồn dập, những đợt sóng thù hận giận dữ dâng cao đến tột đỉnh như muốn nghiền nát Chúa Giêsu. Nhưng Người vẫn luôn giữ được tâm hồn bình an thanh thản, thái độ quan tâm ân cần và trái tim chan chứa yêu thương.

Trước hết ta thấy Người thanh thản và chủ động bước vào cuộc Thương khó khi Người nói với các môn đệ: “Thầy ước ao dự bữa tiệc Vượt qua với các con”. Trước cái chết ai cũng run sợ. Nếu chết là hết thì cái chết thật là đáng sợ. Nhưng với Chúa Giêsu, chết là về cùng Chúa Cha. Người yêu mến Chúa Cha, khao khát kết hiệp với Chúa Cha, nên Người thanh thản bước vào cuộc khổ nạn để được về cùng Cha.

Quân lính hung hãn đến bắt Chúa Giêsu, nhưng Người vẫn hiền hoà không kháng cự. Bị vây bọc trong bầu khí sát máu, Người vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung. Không lo cho an nguy của bản thân, giữa lúc khó khăn khốn đốn vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đày tớ vị thượng tế.

Khi Giuđa đến hôn mặt Chúa Giêsu, Người vẫn đối xử một cách lịch sự, tế nhị. Đối lại tội phản nghịch tày trời, Người chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, hy vọng đánh thức lương tâm người học trò mê tiền mà đi đến phản bội.

Lúc đang xét xử, dù phải chịu nhục nhã cay đắng, Người vẫn quan tâm đưa mắt nhìn Phêrô. Vị đại diện các môn đệ, sau khi chối Thầy, đã nhận được ánh mắt âm thầm của Thầy. Ánh mắt hiền dịu mà đau khổ. Ánh mắt trách móc thì ít mà tha thiết van xin thì nhiều. Ánh mắt nhân từ tha thứ đã khiến Phêrô ray rứt khôn nguôi.

Trên đường lên Núi Sọ, dù vai phải mang cây thánh giá nặng nề, dù bản thân yếu mệt và tủi nhục, Người vẫn còn đứng lại an ủi những người phụ nữ khóc lóc, an ủi đám dân đã tố cáo, đã kết án Người.

Trên thập giá, lúc đớn đau đã thấm vào đến tận xương tuỷ, lúc sức lực đã cạn mòn, Người vẫn còn quan tâm lắng nghe người trộm lành.

Còn hơn thế nữa, Người tha thứ cho những sĩ quan, những binh lính đã hành hàn. Người không chỉ tha thứ mà còn cầu nguyện xin Chúa Cha tha cho tất cả mọi người có dính líu vào việc xử án Người.

Tình yêu thương của Người là làn ánh sáng xé tan bóng đêm thù hận, chiếu soi cả những người ghét ghen. Tình yêu thương của Người giống như loài gỗ quý nhuốm cả hương thơm vào lưỡi búa đã đốn ngã nó (Fulton Sheen). Tình yêu của Người như đoá hoa sen. Bùn lầy có dậy lên cũng không nhiễm được vào đoá hoa tinh khiết thánh thiện. Tình yêu của Người là tình yêu nguyên tuyền không vẩn một chút oán hờn giận ghét, vượt lên trên tất cả những hận thù, nhỏ nhen, hèn nhát, phản bội. Giữa những hung hãn tàn bạo, Người vẫn yêu thương. Giữa những phản bội, Người vẫn tha thứ. Tình yêu của Người đã thắng.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1. Thời nay người ta thay đổi tất cả thật nhanh chóng. Thay đổi quần áo, giầy dép, điện thoại và cả bạn bè, vợ chồng nữa. Bạn có bị cuốn theo nếp sống thay đổi nhanh chóng này không?
2. Tình yêu của Chúa Giêsu đã chiến thắng. Bạn hiểu điều này thế nào qua cuộc thương khó của Chúa?
3. Đạo Công giáo là đạo bác ái. Bạn sống đạo như thế nào khi bị phản bội, bị oan ức và thiệt thòi?

ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?

Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?

Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô về việc không chỉ “đừng chống cự lại kẻ ác” mà còn “giơ má kia cho người ta đánh” hoặc “phải yêu kẻ thù” (x.Mt 5,38-44).

“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Lời một bài ca khá phổ biến này dường như được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới là kẻ thù đích thực của chúng ta.

Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật Cựu ước.

Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực của luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền bầm…”. Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay. Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình trạng không lối thoát.

Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng, định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị “ông từ” đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét (tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp: “thế thì theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ông từ được quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!” Mặt ông từ tái xanh.

Chúa Giêsu đã dùng lối nói “ngoa ngữ” dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù, diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong “ngoa ngữ” thường được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân, chặt tay (x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa” thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh điều này: “đừng chống cự người ác”, nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn miếng trả miếng.

Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.

Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng…Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ… (x. Lv 19, 9-10). Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái. Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc 10,25-37).

Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?

Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người. Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu thương vậy.

Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung, sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao, quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.

Với người này thì chúng ta biểu lộ tình yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (x. Ed 3,18). Có thể có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.

Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu, thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu “kẻ thù”, đã làm ơn cho người “làm hại mình”, nhưng thực ra chỉ yêu chính mình mà thôi?

LM. Giuse Nguyễn văn Nghĩa

THA THỨ

THA THỨ

Trong thời kỳ đầu của Phong trào Nhân quyền tại Montgomery, Alabama, đây là điểm sáng đích thực. Những người da đen tẩy chay dịch vụ xe buýt của thành phố, bởi vì có sự kỳ thị chủng tộc. Những người da trắng đã đáp lại bằng cách cho nổ bom những khu nhà của người da đen. Bầu khí sự thù hận bao trùm một cách nặng nề và căng thẳng. Mục sư Martin Luther King, Jr., đã giảng cho cộng đoàn người da đen trong khu phố của ông rằng sự hòa bình và sự tha thứ nằm trong tay của họ. Mục sư tiếp tục trình bày: Hành động quý báu của sự tha thứ luôn luôn được bắt đầu với những người bị lầm lạc.

Lời mời gọi sống Phúc Âm giữa đời là một thách thức đòi hỏi sự thắng vượt chính mình. Từ thời xa xưa, những lời dạy bảo về đức yêu thương và tha thứ đã được ghi chép trong sách Luật: “Đừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ.” (Lv 19,17). Chữ ‘đừng’ đã được tác giả sách Lêvi dùng để khuyên răn đồng loại là ngưng theo đuổi sự dữ. Vì sự dữ sẽ sinh ra sự dữ. Sự báo qua oán lại sẽ không bao giờ được kết thúc. Chúng ta không thể dùng sự báo thù để tìm đạt sự công bình. Nếu chúng ta trả thù qua lại lẫn nhau mãi, thì chúng ta cũng chẳng khác gì cách cư xử của dân ngoại, họ không nhìn biết Thiên Chúa nhân lành. Trong kinh nghiệm sống đời, ai trong chúng ta cũng có lúc cảm thấy bực mình vì sự phản bội, đặt điều nói xấu, ngang trái và gây hại. Thái độ thù ghét là những phản ứng rất tự nhiên của lòng người. Nhưng sách Lêvi khuyên dạy chúng ta là đừng giữ lòng thù ghét nhưng hãy tha thứ và công khai răn bảo.

Đừng tìm báo oán là điểm son trong đời sống đạo: “Đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình. Ta là Chúa.” (Lv 19,18). Đừng báo oán, không phải vì chúng ta sợ hãi, nhát đảm, yếu nhược hay bị áp chế, nhưng đây là một thái độ thực hành đạo bác ái yêu thương. Sự nhún nhường là một thái độ bao dung và tự chủ. Người ta vẫn thường nói rằng: Thắng mình khó hơn thắng vạn quân. Không phải ai cũng có thể dễ dàng thắng được sự ghen tuông, thù oán và bất công. Chịu nhường một bước để thắng hai bước, đó là thắng chính mình và thắng người khác. Biết tự kiềm hãm và làm chủ ý chí của mình là một trong những thành công trong việc đối nhân xử thế. Vì chúng ta biết rằng thái độ nóng nảy và giận dữ bốc đồng sẽ gây thiệt hại nhân cách và đổ vỡ tương giao. Tự ái vặt là đầu mối của nhiều phiền thức trong giao tế nhân sự và phá đổ các mối liên hệ.

Chúa Giêsu đã rao giảng tin mừng giải thoát vượt trên mọi lẽ thường tình: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: Đừng chống cự với kẻ hung ác, trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa.” (Mt 5,39). Sống theo Lời Chúa xem ra chúng ta sẽ bị thua thiệt nhiều. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương chọn đi vào con đường khiêm hạ này. Một Thiên Chúa có uy quyền trên mọi loài đã cúi đầu chấp nhận mọi xỉ vả của con người. Chúng ta không thể nào hiểu thấu mầu nhiệm của sự đau khổ mà Chúa đã chịu. Nhẫn nhục chịu đựng để thắng vượt những bất công cần có sức mạnh nội tâm nhiệt thành. Trong đời sống thường ngày, chúng ta va chạm biết bao những thứ bực mình chung quanh qua lời nói và cách thế hành xử của những người khác. Cần phải biết kiên nhẫn cư xử và thắng vượt.

Một trải nghiệm gần gũi nhất là làm sao có thể đối xử tốt với các thành viên trong gia đình. Thí dụ: Chỉ cần một lời nói thiếu tế nhị, một thái độ ơ hờ và một tranh luận nhỏ nhoi cũng có thể gây nên sự. Người nói qua, kẻ nói lại chẳng ai chịu ai sẽ dễ gây bất hoà. Đôi khi có những câu chuyện vô cớ cũng làm ảnh hưởng tới bầu khí êm ấm của gia đình. Thật là không đáng! Chúa Giêsu khuyên chúng ta đừng chống cự với kẻ hung ác. Vậy những người vợ và người chồng hiền lương và những thành viên nhiệt tình trong gia đình, nhóm hội hay một cộng đoàn giáo xứ, có đáng để chúng ta phải chống cự lẫn nhau hay không? Ca dao tục ngữ dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Đừng bao giờ dùng những lời nói cộc cằn, thô lỗ và tục tĩu đối với tha nhân, nhất là những người trong gia đình thân tộc. Lời nói như con dao hai lưỡi, có thể xây dựng hoà bình và cũng có thể gây chiến tranh. Chúng ta biết chiến tranh bao giờ cũng gây thiệt hại và chỉ phá đổ.

Chúa Giêsu mở con đường yêu thương ngược dòng: “Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống cho các con.” (Mt 5,44). Lời của Chúa không chỉ để suy gẫm và chiêm ngắm, nhưng phải đem ra thực hành trong đời sống. Đây là một thách thức cam go, vì nó đi ngược với bản năng tự nhiên của con người. Trong tâm lòng của con người có thất tình: hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục. Gieo hạt giống nào, chúng ta sẽ được gặt quả đó. Nếu chúng ta gieo sự yêu thương, tha thứ, chúng ta sẽ gặt được hoa trái an lạc và bình yên. Nếu chúng ta gieo hạt giận dữ và thù hằn, tim chúng ta sẽ cháy lửa cuồng si. Để thực hành các nhân đức, chúng ta hãy vun tưới những hạt giống yêu thương, bác ái, từ bi và khoan dung độ lượng. Con đường nhẫn nhục và tha thứ là con đường giải thoát. Tha thứ bỏ qua là cắt đứt dây xích của sự báo thù. Giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc của sự ăn miếng trả miếng. Tâm hồn chúng ta sẽ được tự do vui hưởng sự an vui tự tại.

Thánh Phaolô cảnh tỉnh: “Đừng có ai lừa dối mình. Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy nên điên dại để được khôn ngoan.” (1 Cr 3,18). Thiên Chúa trao ban cho mỗi người một khả năng riêng biệt. Mỗi người đều có những khả năng để hỗ tương làm giàu cho cuộc sống chung xã hội. Ân huệ giống như các ly chứa có dung tích khác nhau. Người nhiều kẻ ít, ai cũng có một số vốn cần được sinh lợi. Mỗi người chúng ta đều có khả năng chuyên môn để phát triển. Những khả năng tiềm ẩn đã được phú bẩm cho mỗi cá nhân, chỉ cần có cơ hội nó sẽ phát triển. Chúng ta sẽ thoả mãn với những khả năng riêng đã nhận được. Biết rằng dù một số người có khả năng gọi là siêu việt như thần đồng, thì sự khôn ngoan của họ vẫn có giới hạn. Con người không phải là thần minh có thể hiểu thấu mọi sự. So với sự nhiệm mầu bao la của vũ trụ vạn vật, sự khôn ngoan của con người chỉ là hạt sương rơi.

Chẳng có ai hiểu thấu được sự vận hành tiến tới trong tương lai. Trong mọi cố gắng suy tư đi tìm về Chân, Thiện, Mỹ của vũ trụ, sự hiểu biết của con người vẫn chỉ là như mới khởi đầu. Phaolô nói tư tưởng của những kẻ khôn ngoan chỉ là hư không: “Lại có lời khác rằng: Chúa biết tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền.” (1 Cr 3,20). Thiên Chúa cho tâm trí con người được tham dự vào việc tìm kiếm sự cao siêu của sự sống và vận hành của vũ trụ. Bao lâu con người còn biết đặt niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa thì sự khôn ngoan học hỏi của họ sẽ tìm tới ánh sáng. Quan sát chiếc diều bay cao trên không trung là nhờ sợi dây nối với cột trụ dưới đất. Nếu chúng ta cắt đứt sợi dây nối, diều sẽ rơi xuống đất. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự khôn ngoan ở đời. Sự khôn ngoan sẽ dẫn dắt chúng ta đến cùng đích và chung cục, đó chính là tình yêu nguồn ơn cứu độ.

Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ bách hại, nguyền rủa và vu khống. Khó quá Chúa ơi. Mỗi lần chúng con bị người ta hiểu lầm, bịa chuyện và gây hại, chúng con lại muốn tìm cách báo thù. Xin cho chúng con biết nhẫn nhịn dõi theo từng bước chân của Chúa để học hỏi và đem ra thực hành từng ngày trong đời sống. Yêu thương là tất cả!

LM Giuse Trần Việt Hùng

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn

Kết thúc Công nghị ngoại thường của Hồng Y đoàn

VATICAN. Chiều tối ngày 21-2-2014, Hồng y đoàn với 150 vị hiện diện, đã kết thúc Công nghị ngoại thường với 4 phiên họp về các vấn đề của gia đình.

Trong cuộc họp báo vào đầu chiều ngày 21-1-2014, Cha Lombardi cho biết trong phiên họp ban sáng cùng ngày, ĐTC đã tuyên bố bổ nhiệm 3 vị Hồng y Chủ tịch thay phiên nhau chủ tọa các phiên họp của Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt từ ngày 5 đến 19-10 năm nay ở Roma, đó là:

– ĐHY André Vingt-Trois, TGM Paris, Pháp
– ĐHY Antonio Luis Tagle, TGM Manila, Philippines
– ĐHY Damasceno Assis, TGM Aparecida, Brazil

Cũng nên nhắc lại rằng hồi tháng 10 năm ngoái, 2013, ĐTC đã bổ nhiệm vị Tổng tường trình viên của THĐGM về gia đình là ĐHY Peter Erdoe, TGM Esztergom-Budapest, Hungari, và Đức TGM Bruno Forte, TGM Chieti, Italia là Tổng thư ký đặc biệt.

Cha Lombardi cho biết tính đến trưa ngày 21-2-2014 có 43 Hồng y lên tiếng phát biểu ý kiến về các vấn đề của gia đình. Còn nhiều vị khác đăng ký phát biểu trong phiên họp cuối cùng vào ban chiều, nhưng người ta không biết có đủ thời giờ cho các vị nói hay không. Nhiều Hồng y góp ý bằng giấy tờ.

Cha Lombardi không đi vào nội dung chi tiết các bài phát biểu, nhưng nói rằng các bài đó xoay quanh các khía cạnh rất khác nhau liên quan đến gia đình, từ nhân loại học Kitô về gia đình, quan điểm này trong bối cảnh văn hóa bị tục hóa ngày nay, vấn đề tính dục, những tình trạng khó khăn của gia đình; việc mục vụ gia đình, các nhóm linh đạo, các giáo xứ, việc chuẩn bị hôn nhân, linh đạo hôn nhân và gia đình. Có một loạt các bài phát biểu về vấn đề những tín hữu ly dị tái hôn, về phương diện pháp lý và giáo luật, các vụ án xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu, việc nhận cho các cặp ly dị tái hôn được lãnh nhận các bí tích, v.v..

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng không có quyết định nào được đề ra, nhưng người ta thấy có một cố gắng lớn làm sao dung hòa sự trung thành với Lời Chúa Kitô và sự từ bi trong đời sống giáo hội. Cha kết luận rằng: ”Không nên chờ đợi nơi Công nghị Hồng y này một kết luận hoặc một hướng đi thống nhất, nhưng các bài phát biểu là một sự dẫn nhập đầy khích lệ vào hành trình của Thượng HĐGM về gia đình vào tháng 10 năm nay. Vì nếu Thượng HĐGM làm việc được với tinh thần này, với một chân trời rộng ở và với chiều sâu như vậy, thì Giáo Hội đang ở trên con đường đứng để đáp ứng những thách đố của ngày nay, để ý tới sự trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô và sự quan tâm mục vụ đối với con người và những hoàn cảnh khác nhau.

Trong cuộc họp báo, Phó giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Angelo Scelzo, cho biết có 298 ký giả đăng ký ngoại thường để tham dự công nghị của Hồng đoàn, và lễ tấn phong các Hồng y mới, không kể hơn 300 ký giả đăng ký thường xuyên.

Trong số 298 người vừa nói, có 54 người thuộc các hãng tin hình ảnh, 74 báo chí, 51 đài truyền hình, 153 ký giả và phóng viên thuộc các đài vừa nói.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha và Hồng Y đoàn liên đới với các tín hữu bị bách hại

Đức Thánh Cha và Hồng Y đoàn liên đới với các tín hữu bị bách hại

VATICAN. ĐTC và Hồng Y đoàn cầu nguyện và liên đới với các tín hữu Kitô bị bách hại và nhân dân các nước đang chịu đau khổ vì bạo lực và xung đột.

Trong tuyên ngôn công bố hôm 21-2-2014, với sự chấp thuận của ĐTC và ĐHY Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh nói rằng:

”Trong công nghị ngoại thường, ĐTC và Hồng Y đoàn đã dâng lên Chúa lời khẩn nguyện đặc biệt cho đông đảo các tín hữu Kitô tại nhiều nơi trên thế giới, ngày càng trở thành nạn nhân của những hành động bất bao dung và bách hại. ĐTC và các Hồng y muốn tái bày tỏ lời cam đoan cầu nguyện cho những người đang chịu đau khổ vì Tin Mừng, đồng thời khuyến khích họ tiếp ục kiên vững trong đức tin và thành tâm tha thứ cho những kẻ bách hại mình, noi gương Chúa Giêsu.

”ĐTC và các Hồng Y cũng nghĩ đến những quốc gia, trong giai đoạn này, đang bị xâu xé vì những xung đột nội bộ, hoặc bị những căng thẳng trầm trọng làm thương tổn sự sống chung bình thường giữa dân chúng, như tại Nam Sudan hoặc tại Nigeria, nơi liên tục có những vụ khủng bố giết người, làm cho nhiều nạn nhân vô tội thiệt mạng, trong một bầu không khí càng càng bị dư luận dửng dưng. Trong giờ phút này, thảm trạng diện ra tại Ucraine làm cho người ta lo âu đặc biệt, ĐTC và các Hồng Y cầu mong mọi hành vi bạo lực sớm chấm dứt và tái lập hòa hợp và hòa bình.

”Cũng vậy, tình trạng xung đột kéo dài ở Siria tiếp tục gây lo âu rất nhiều, dường như người ta chưa tìm được một giải pháp hòa bình lâu dài, cũng như cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi, ngày càng lan rộng hơn. Sáng kiến của Cộng đồng quốc tế ngày càng trở thành điều cấp thiết để cổ võ hòa bình và hòa giải nội bộ, bảo đảm sự tái lập an ninh và nhà nước pháp quyền, để cho việc cứu trợ nhân đạo không thể thiếu được có thể đi đến với dân chúng.

”Rất tiếc là người ta nhận thấy nhiều cuộc xung đột hiện nay, được mô tả như những cuộc xung đột tôn giáo, nhiều khi người ta bảo đó là cuộc xung đột giữa người Kitô và Hồi giáo, trong thực tế đó là những cuộc xung đột trước tiên có tính chất bộ tộc, chính trị hoặc kinh tế.

”Về phần mình, Giáo Hội Công Giáo lên án mọi hình vi bạo lực được thực thi nhân danh việc thuộc về một tôn giáo, và Giáo Hội sẽ không quên tiếp tục dấn thân cho hòa bình và hòa giải, qua cuộc đối thoại liên tôn và nhiều hoạt động từ thiện bác ái, hằng ngày mang lại sự trợ giúp và an ủi cho những người đau khổ ở các nơi trên thế giới. (SD 21-2-2014)

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý (Vatican Radio)

Khai mạc công nghị ngoại thường của Hồng y đoàn

Khai mạc công nghị ngoại thường của Hồng y đoàn

VATICAN. Sáng 20-2-2014, Công nghị ngoại thường của Hồng y đoàn đã khai diễn tại Hội trường Thượng HĐGM trước sự hiện diện của ĐTC và khoảng 150 Hồng Y.

Trong số các tham dự viên cũng có 18 tiến chức Hồng Y. Ngoài ra có nhiều Hồng y vì lý do già yếu bệnh tật, hoặc vì lý do khác, không đến tham dự, trong đó có ĐHY Việt Nam Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn. Nếu kể cả 19 Hồng y mới thì Hồng y đoàn lên tới 218 vị.

Công nghị bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng, với kinh giờ Ba. Sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐTC đã lên tiếng chào mừng tất cả các Hồng y, đặc biệt là các vị sẽ được phong hồng y vào ngày mai, thứ bẩy 22-2. Ngài cũng đề cập đến đề tài của khóa họp 2 ngày này về gia đình và nói:

”Trong những ngày này, chúng ta sẽ đặc biệt suy tư về gia đình là tế bào cơ bản của xã hội nhân loại. Ngay từ đầu Đấng Tạo Hóa đã chúng lành cho người nam và người nữ để họ sinh sản ra nhiều trên trái đất; và như thế gia đình trên thế giới tượng trưng sự phản ánh Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất.

”Suy tư của chúng ta sẽ luôn để ý đến vẻ đẹp của gia đình và hôn nhân, sự cao cả của thực tại nhân trần này, vừa đơn sơ nhưng cũng rất phong phó, được hình thành nhờ vui mừng và hy vọng, cơ cực và đau khổ, cũng như trọn cuộc sống. Chúng ta sẽ tìm cách đào sâu thần học về gia đình và việc mục chúng ta cần thực hiện trong hoàn cảnh ngày nay. Chúng ta thực hiện điều này theo chiều sâu và không rơi vào những trường hợp lẻ tẻ, “những nố lương tâm”, vì làm như thế chắc chắn nó sẽ hạ thấp trình độ việc làm của chúng ta”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Gia đình ngày nay bị coi rẻ, bị ngược đãi, và điều chúng ta được yêu cầu thực hiện, đó là nhìn nhận rằng thành lập một gia đình, làm gia đình ngày nay, thực là điều chân, thiện, mỹ dường nào; gia đình thực là điều không thể thiếu được đối với đời sống của thế giới và tương lai của nhân loại. Chúng ta được yêu cầu làm nổi bật kế hoạch rạng ngời của Thiên Chúa về gia đình và giúp đỡ các đôi vợ chồng vui sống kế hoạch đó trong cuộc sống của họ, tháp tùng họ giữa bao nhiêu khó khăn”.

Rồi ĐTC cám ơn ĐHY Walter Kasper, người Đức, nguyên chủ tịch Hội đồng Toà Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, vì sự đóng góp quí giá cho Công nghị Hồng y này qua bài thuyết trình dẫn nhập của ngài về ”Tin Mừng gia đình”.

ĐHY niên trưởng Sodano đã nhắc đến ĐHY tân cử Loris Capovilla, 98 tuổi, nguyên bí thư của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan 23 không đến Roma được để nhận mũ đỏ Hồng Y trong công nghị sáng thứ bẩy 22-2, tại Đền thờ Thánh Phêrô, vì tuổi già sức yếu. Mọi người đã nhiệt liệt chào ĐHY Capovilla.

Gần trọn phiên họp ban sáng được dành cho bài gợi ý dài của ĐHY Kasper. Văn bản bài này dành cho các Hồng y nên không được phổ biến, nhưng cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, trong phần kết luận, ĐHY Kasper nói với các Hồng y rằng: ”Chúng ta phải lấy một điểm khởi hành tích cực và tái khám phá, cũng như loan báo Tin Mừng gia đình trong tất cả vẻ đẹp của Tin Mừng này. Sự thật có sức thuyết phục nhờ vẻ đẹp của nó. Chúng ta phải góp phần bằng lời nói và sự kiện, làm sao để con người tìm được hành phúc trong gia đình và làm sao họ có thể làm chứng về niềm vui ấy cho các gia đình khác. Chúng ta phải hiểu gia đình một cách mới mẻ như Giáo Hội tại gia, làm cho gia đình thành con đường ưu tiên trong công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng, canh tân Giáo Hội, một Giáo Hội lữ hành nơi dân chúng và với dân chúng. Trong gia đình, người ta cảm thấy thoải mái như ở nhà, hoặc ít là họ tìm một nhà trong gia đình. Trong các gia đình, Giáo Hội gặp gỡ thực tại sự sống, và vì thế, gia đình là phương pháp kiểm chứng việc mcu vụ và là một điều cấp thiết trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng. Gia đình là tương lại, và cũng là con đường tương lai cho Giáo Hội”

Sau bài thuyết trình của ĐHY Kasper, có 2 Hồng y lên tiếng phát biểu, mỗi vị chừng 5, 10 phút. Phiên họp kết thúc lúc 12 giờ 30. Các Hồng y tiếp tục lên tiếng trong phiên họp ban chiều từ 4 giờ rưỡi đến 7 giờ tối.

Hai phiên họp ngày 21-2-2014, sáng và chiều, cũng theo thời biểu đó và dành cho các bài phát biểu của các Hồng Y. (SD 20-2-2014).

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Hòa Giải

Đức Thánh Cha cổ võ các tín hữu lãnh nhận bí tích Hòa Giải

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung hơn 20 ngàn tín hữu hành hương, sáng ngày 19-2-2014, ĐTC Phanxicô đã giải thích về bí tích Hòa giải và mời gọi các tín hữu siêng năng lãnh nhận bí tích này.

Trong số các tín hữu hiện diện, đông đảo nhất là các nhóm từ Italia, trong số này có 450 tham dự viên Hội nghị do cơ quan hành hương của giáo phận Roma tổ chức, 150 sĩ quan và binh sĩ thuộc trường hạ sĩ quan của Italia ở Italia, 1 ngàn tín hữu tham dự cuộc hành hương do Ngân hàng tín dụng Scafati và Cetara tổ chức. Từ các nước khác, đặc biệt có 25 LM thuộc giáo phận Meaux ở miền bắc Paris do ĐGM giáo phận hướng dẫn, 100 tín hữu từ tổng giáo phận Québec, Canada, do Đfc Cha Gérald Lacroix, hướng dẫn. Ngài sẽ được phong Hồng y vào thứ bẩy tới đây. Và rất nhiều nhóm nhỏ khác từ các nước.

Tuy giờ chính thức được ấn định cho buổi tiếp kiến là 10 giờ rưỡi, nhưng lúc 9 giờ 45, ĐTC đã xuất hiện tại quảng trường, trên chiếc xe Jeep mui trần màu trắng, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu.

Bài giáo lý

Trong bài huấn giáo sau phần tôn vinh Lời Chúa, ĐTC đã tiếp tục loạt bài giáo lý về các bí tích và trình bày về bí tích giải tội. Ngài nói:

Qua các bí tích khai tâm Kitô giáo, rửa tội, thêm sức và Mình Thánh Chúa, con người con nhận sự sống mới trong Chúa Kitô. Giờ đây, sự sống này chúng ta ”mang trong bình sành” (2 Cr 4,7), chúng ta còn phải chịu cám dỗ, đau khổ, sự chết, và do tội lỗi, thậm chí chúng ta có thể đánh mất cả sự sống mới nữa. Vì thế Chúa Giêsu đã muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho các chi thể của mình, đặc biệt là với Bí tích Hòa giải và xức dầu bệnh nhân, hai bí tích này có thể được gọi chung là ”các bí tích chữa lành”. Bí tích hòa giải là một bí tích chữa lành. Khi tôi đi xưng tội, là để chữa lành, chữa lành linh hồn tôi, chữa lành con tim tôi, vì một số điều tôi đã làm, khiến cho tôi không được khỏe.

Hình ảnh Kinh Thánh diễn tả tốt đẹp nhất mối liên hệ sâu xa của hai bí tích này chính là giai thoại về việc tha thứ và chữa lành người bất toại, trong đó Chúa Giêsu tỏ ra ngài là bác sĩ của các linh hồn và thân xác (Xc Mc 2,1-12 // Mt 9,1-8; Lc 5,17-26).

1. Bí tích thống hối và hòa giải phát sinh trực tiếp từ mầu nhiệm phục sinh. Thực vậy, chiều ngày lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ đang ở trong nhà tiệc ly khóa kín, và sau khi chào họ bằng câu ”Bình an cho các con!”, Ngài thổi hơi vào các ông và nói: ”Các con hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”. (Ga 20,21-23). Đoạn này tỏ cho chúng ta thấy năng động sâu xa nhất chứa đựng trong bí tích ấy. Trước hết, sự kiện ơn tha thứ các tội lỗi chúng ta không phải là cái gì chúng ta có thể tự ban cho mình, tôi không thể nói: ”Tôi tự tha thứ các tội lỗi cho tôi”. Ta xin ơn tha thứ, ta xin lỗi người khác, và trong phép giải tội, chúng ta xin Chúa Giêsu tha thứ. Ơn tha thứ không phải là thành quả nỗ lực của chúng ta, nhưng là một món quà, là ơn của Chúa Thánh Linh, Đấng làm cho chúng ta được tràn đầy ơn thanh tẩy nhờ lòng từ bi và ân phúc không ngừng trào ra từ trái tim bị đâm thâu qua của Chúa Giêsu chịu đóng đanh và sống lại.

Thứ hai, sự kiện ấy nhắc nhớ chúng ta rằng chỉ khi nào chúng ta để cho mình được hòa giải, trong Chúa Giêsu, với Chúa Cha và với anh em mình, thì chúng ta mới có thể được thực sự sống trong an bình. Và điều này, tất cả chúng ta đều cảm thấy, trong tâm hồn, khi chúng ta đi xưng tội, với một gánh nặng đè trong tâm hồn, có phần đau buồn.. Và khi chúng ta cảm thấy ơn tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta được an bình, niềm an bình trong tâm hồn mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể ban cho chúng ta.

2. Trong lịch sử, việc cử hành bí thống hối đã tiến từ một hình thức công khai đến hình thức xưng tội cá nhân và kín đáo. Nhưng điều này không được làm mất chiều kích Giáo Hội, vốn là bối cảnh sinh tử của bí tích này. Thực vậy, chính cộng động Kitô là nơi trong đó có Thánh Linh hiện diện, Ngài đổi mới các tâm hồn trong tình yêu Thiên Chúa và biến tất cả mọi anh em thành một cộng đoàn duy nhất trong Chúa Giêsu Kitô. Vì thế không phải chỉ xin Chúa tha thứ trong tâm trí mà thôi, nhưng còn cần khiêm tốn và tín thác xưng thú các tội của mình với vị thừa tác viên của Giáo Hội. Trong việc cử hành bí tích thống hối, vị linh mục không chỉ đại diện Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn đại diện toàn thể cộng đoàn nhìn nhận mình ở trong sự mỏng manh yếu đuối của mỗi phần tử, Giáo Hội cảm động lắng nghe sự thống hối của phần tử ấy, hòa giải với hối nhân, khích lệ và tháp tùng họ trong hành trình hoán cải và trưởng thành về mặt con người và Kitô.

Có thể có người nói: Tôi chỉ xưng tội với Thiên Chúa”. Đúng bạn có thể nói với Thiên Chúa: ”Xin tha thứ cho con” và kể các tội của bạn ra. Nhưng các tôi chúng ta cũng chống lại anh em, chống lại Giáo Hội và vì thế cần xin lỗi Giáo Hội và anh em, trong vị linh mục. Có thể người ấy lại nói: ”Nhưng thưa cha, con xấu hổ!” Nhưng xấu hổ như vạy là điều tốt, cảm thấy xấu hổ một chút cũng là điều lành mạnh. Vì khi một người không xấu hổ, nước nước chúng tôi họ bảo người ấy là ”vô liêm xỉ!”. Xấu hổ cũng là điều tốt vì làm cho chúng ta khiêm nhường hơn. Và vị linh mục đón nhận sự xưng thú ấy, và nhân danh Thiên Chúa, tha thứ. Và kể cả về mặt con người, nói với một người anh em, để xả hơi, cũng là điều tốt, nói với vị linh mục những điều đang đè nặng trong tâm hồn mình: mình cảm thấy nhẹ nhàng trước mặt Chúa, với Giáo Hội và anh em. Anh chị em đừng sợ xưng tội, một người đứng xếp hàng chờ xưng tội, có thể cảm thấy xấu hổ, nhưng rồi xưng tội xong, thì cảm thấy tự do, đẹp đẽ, được tha thứ và nên trong trắng, hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp của phép giải tội.

Tôi muốn hỏi anh chị em, nhưng anh chị em đừng trả lời lớn tiếng nhe. Mỗi người tự trả lời trong tâm hồn: Lần chót bạn xưng tội cách đây bao lâu rồi? Mỗi người hãy xét xem nhé. 2 ngày, hai tuần, hai năm, 20 năm, hay 40 năm. Nếu thời gian qua lâu rồi, thì đừng để thêm ngày nào nữa. Hãy đi xưng tội, vị linh mục tốt lành. Và Chúa Giêsu càng tốt lành hơn các linh mục, Chúa Giêsu đón tiếp bạn. Ngài đón nhận bạn với bao nhiêu yêu thương. Hãy can đảm lên, hãy đi xưng tội.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, cử hành bí tích Hòa Giải có nghĩa là được ôm ấp trong một vòng tay nồng nhiệt; đó là vòng tay của lòng từ bi vô biên của Chúa Cha.

Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn thật đẹp, về người con bỏ nhà cha ra đi với tiền thừa tự, anh ta phung phí hết tiền bạc, rồi khi không còn gì nữa, anh quyết định trở về nhà cha, không phải như người con, nhưng như một người đầy tớ. Anh ta cảm thấy bao nhiêu tội lỗi trong con tim, bao nhiêu tủi hổ. Và điều ngạc nhiên là khi anh bắt đầu nói và xin lỗi, người cha không để anh ta nói: cha ôm lấy con, hôn con và mở tiệc mừng. Mỗi khi chúng ta xưng tội, Thiên Chúa cũng ôm lấy chúng ta, Thiên Chúa mừng lễ. Chúng ta hãy tiến bước trên con đường đó. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài giáo lý trong các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan. Các vị cũng dịch những lời chào của ĐTC gửi đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Chính ĐTC tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Tây Ban Nha và chào thăm các tín hữu hành thương thuộc ngôn ngữ này cũng là tiếng mẹ của ngài, đặc biệt là 40 vị giám dốc các trung tâm truyền giáo giáo phận ở Tây ban Nha và Mỹ la tinh, đang tham dự khóa họp quốc tế về linh hoạt truyền giaó ở Roma.

Với các tín hữu nói tiếng Bồ đào nha, ĐTC đặc biệt chào thăm các tín hữu thuộc Tổng giáo phận Chúa Cứu Thế ở Rio de Janeiro, Brazil, tháp tùng vị chủ chăn là Đức TGM Orani João Tempesta, thuộc dòng Xitô sẽ được phong hồng y vào sáng thứ bẩy 22-2 tới đây. ĐTC nói:

”Tôi cầu chúc anh chị em điều này: ước gì không điều gì và một ai có thể ngăn cản anh chị em sống và tăng trưởng trong tình bạn với Thiên Chúa là Cha; trái lại hãy để cho tình yêu Chúa luôn tái sinh anh chị em và hòa giải anh chị em với Chúa, với chính mình và với anh chị em. Xin phúc lành dồi dào của Chúa được đổ xuống trên anh chị em và gia đình anh chị em.

Sau cùng, ĐTC chào đông đảo các nhóm tiếng Ý, ngài nhắc đến 500 tham dự viên hội nghị do Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích tổ chức, được ĐHY Tổng trưởng Antonio Canizares Llovera hướng dẫn. Ngoài ra có 50 tham dự viên cuộc gặp gỡ do Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức này. ĐTC nói: ”Tôi khích lệ anh chị em tiếp tục theo đuổi công trình quí giá là phục vụ Tin Mừng sự sống”.

ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi vợ chồng mới cưới. Ngài nói: Hỡi các bạn trẻ, xin Đức Trinh Nữ Maria giúp các con ngày càng hiểu giá trị của hy sinh trong việc huấn luyện các con về mặt nhân bản và Kitô giáo; hỡi anh chị em bệnh nhân quí mến, xin Mẹ nâng đỡ anh chị em trong việc đương đầu với đau khổ và bệnh tật trong thanh thản và can đảm. Và hỡi các đôi tân hôn, xin Mẹ hướng dẫn anh chị em xây dựng gia đình anh chị em trên những nền tảng vững chắc là lòng trung thành với thánh ý Chúa.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu ĐTC còn dành hàng giờ để chào thăm các HY, GM, các tín hữu, các bệnh nhân và những người tàn tật.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha xin tái cấp sổ thông hành Argentina

Đức Thánh Cha xin tái cấp sổ thông hành Argentina

pope

Buenos Aires, Argentina , ngày 18 tháng hai năm 2014 / 14:01 (CNA / EWTN News) – . Đức Thánh Cha Phanxicô đã tái cấp sổ thông hành (hộ chiếu) Argentina của mình, theo Bộ Nội vụ và Giao thông  của Argentina, và sổ thông hành mới sẽ được gửi đến nhà trọ Martha tại Vatican, nơi ĐTC cư ngụ.

" Đức Thánh Cha đã liên lạc với đại sứ Juan Pablo Cafiero tại Vatican, và Ngài với ông đại sứ rằng ông muốn tiếp tục đi du lịch khắp thế giới với sổ thông hành của mình", theo lời Bộ trưởng Nội vụ Florencio Randazzo nói.

Bộ trưởng nói thêm, " Ngài đã điền hồ sơ điện tử vào ngày thứ sáu thông qua các trung tâm kỹ thuật số chúng tôi hoạt động ở Rome. "

Theo tờ La Nacion , Randazzo nói rằng Đức Thánh Francis không muốn bất kỳ ưu đãi đặc biệt , và việc nộp đơn sổ thông hành là theo tính cách bình thường.

Thủ tục xin sổ thông hành của Đức Giáo Hoàng cũng giống như những người dân Argentina , Randazzo giải thích ", một bức ảnh gồm có, dấu lăn tay và chữ ký và việc này thực hiện trong khoảng 15 phút. Trong vài ngày tới, ông sẽ được gởi đến nhà trọ St Martha tại Vatican cũng là nơi cư trú của mình. "

Randazzo nói cử chỉ của Đức Giáo Hoàng và sự lựa chọn của mình để đi du lịch thế giới là đại diện cao nhất của Giáo Hội Công Giáo bằng cách sử dụng tài liệu giống như bất kỳ người Argentina khác " làm cho chúng ta hãnh diện . "

Nguồn CNA

Thái Trọng

Một nhà thờ Tin Lành tại Nam Hàn để tang cho nạn nhân bị đánh bomb tại Ai Cập

Một nhà thờ Tin Lành tại Nam Hàn để tang cho nạn nhân bị đánh bomb tại Ai Cập

People and security officials walk and look as smoke rises from a tourist bus in the Red Sea resort town of Taba in the south SinaiXe bus bị đánh bomb – Courtesy picture Reuters

SEOUL , Nam Hàn (AP) – Một vụ đánh bom đã giết chết ba người Hàn Quốc và một tài xế người Ai Cập trên bán đảo Sinai nhắm mục tiêu một chiếc xe buýt chở các tín hữu Tin Lành Hàn Quốc, những người này đã dành dụm nhiều năm để viếng thăm thánh địa nhằm kỷ niệm 60 năm nhà thờ của họ, các nhà thẩm quyền cho biết hôm thứ Hai.

Xe buýt chở 33 người Hàn Quốc, một hướng dẫn viên người Ai Cập và một tài xế Ai Cập, đây lời cho biết của một nữ nhân viên làm việc trong văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Hàn Quốc (nữ nhân viên này được  giấu tên vì các quy tắc văn phòng không cho phép tiết lộ). Một thành viên nhà thờ, hai hướng dẫn viên Hàn Quốc và người lái xe Ai Cập thiệt mạng và 14 người hành hương bị thương. Xe buýt chở 31 tín hữu Tin Lành Presbyterian Jincheon Jungang, nằm ở phía nam của Seoul, dự định đi từ Ai Cập vào Israel , Choe Gyu- seob, theo một cha phó tại nhà thờ , nói với các phóng viên. Ông cho biết nhà thờ đã tiết kiệm tiền trong một thời gian dài để kỷ niệm 60 năm ngày thành lập với một chuyến đi hành hương thăm viếng Thánh địa. Theo chương trình hành hương, các khách du lịch đã rời Hàn Quốc từ thứ hai tuần trước và đã đến thăm các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel trong 12 ngày.

" Mẹ tôi là một con chiên ngoan đạo ", con gái của thành viên nhà thờ đã chết, tên Yoon , được dẫn lời hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc . "Tôi không biết làm thế nào một điều như vậy có thể xảy ra . Tôi không biết làm thế nào để phản ứng với điều này . "

Thành viên nhà thờ khác đã khóc khi họ ngồi trong một chiếc xe ở phía trước của nhà thờ vào thứ hai.
"Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng một điều như vậy có thể xảy ra . Chúng tôi đang bị sốc và đau khổ, " một giáo dân nam ở tuổi ngũ tuần của ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với hãng thông tấn AP. Các giáo dân từ chối cho biết tên, nói rằng giáo hội Tin Lành đã nói với khoảng 800 tín hữu của họ không được nói chuyện với giới truyền thông về vụ tấn công này.

Vào ngày Chúa nhật, xe buýt đã đi đến một tu viện xưa ở Sinai và đã gần về để vào Israel từ thị trấn biên giới Taba , theo lời các quan chức an ninh Ai Cập cho biết.

Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ nổ, mà điểm nổi bật của cuộc tấn công nhiều người đổ lỗi cho nhóm chiến binh al- Qaida đã được chiến đấu với lực lượng chính phủ ở phía bắc Sinai trong nhiều năm .

Gần 30 phần trăm của người Hàn Quốc là Tin Lành và Công Giáo, và nhiều hoạt động tích cực trong công cuộc truyền giáo ở nước ngoài , với hơn 25,000 nhà truyền giáo phái đến 169 quốc gia, theo báo cáo năm 2013 của Hiệp hội Đoàn Hàn Quốc Thế giới .

Công việc truyền giáo đã bị chỉ trích mạnh trong năm 2007 khi một nhóm 23 Kitô hữu của Hàn Quốc bị bắt làm con tin của Taliban ở Afghanistan và hai người nam đã bị giết trong cuộc bắt giữ, trong khi các người khác được thả. Nhà thờ đã gửi giáo dân của mình tới Afghanistan đã khẳng định rằng chuyến đi đó chỉ là cung cấp viện trợ nhân đạo và không thực hiện công việc truyền giáo.

Vụ đánh bom hôm Chủ Nhật là vụ tấn công giết hại khách hành hương trong khu vực phía Nam Sinai kể từ tháng 6 năm 2004 đã giết chết khoảng 120 người.

Nguồn AP

Thái Trọng

Chuẩn y án phong thánh tử đạo

Chuẩn y án phong thánh tử đạo

124 vị tử đạo Hàn Quốc chuẩn bị được tôn phong

Korea Martyrs 1925

Đức Giáo Hoàng đã chuẩn y án phong thánh cho hơn một trăm giáo dân Công giáo bị bách hại vì đức tin, cùng với một giám mục, một nữ tu và hai linh mục.

Sắc lệnh ngày 7-2, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép Thánh Bộ Phong Thánh ban hành án phong thánh cho các tín hữu Công giáo này theo tiến trình phong thánh.

Giáo dân Phaolo Yun Ji-chung, cùng với 123 vị khác sống tại Hàn Quốc từ khoảng năm 1791 và 1888, được công nhận tử vì đạo vì không từ bỏ đức tin Công giáo. Yun Ji-chung xuất thân từ một gia đình quý tộc và theo đạo Công giáo khi 28 tuổi, và sau đó anh đã giúp mẹ và anh em trong gia đình cùng theo đạo.

Vào năm 1790, ba năm sau ngày rửa tội, Đức Giám mục của Yun Ji-chung công bố cấm các nghi lễ thờ cúng. Một năm sau đó, người thanh niên trẻ này gánh lấy cơn thịnh nộ của nhà chức trách khi anh từ chối các nghi lễ Khổng giáo trong đám tang mẹ của mình, và nhấn mạnh tính bất hợp lý của nghi lễ đó.

Sau khi kiên định gìn giữ đức tin, anh bị chặt đầu vào ngày 8-12-1791 lúc 32 tuổi.

Một vị tử đạo khác, cha Francesco Zirano, dòng Phanxicô, được biết đến với danh hiệu “tôi tớ Thiên Chúa”. Cha bị giết chết một cách dã man là lột da sống vào năm 1603 tại Algiers.

Vị linh mục này đã đến Algiers nhằm cứu người anh em họ bị cướp biển bắt làm nô lệ, nhưng ngài đã bị bỏ tù và đánh đập ngay khi vừa đến.

Do một sự nhầm lẫn, vị linh mục bị kết án tử hình. Ngài không chịu từ bỏ đức tin và trải qua những ngày cuối cùng khích lệ các Kitô hữu khác trong nhà tù. Cha Zirano bị hành quyết ngày 25-01-1603.

Sắc lệnh hôm thứ Sáu cũng tôn phong “nhân đức anh hùng” của ba người khác đã chết trong thế kỷ qua: Jesus Maria Echavarría y Aguirre, Giám Mục Saltillo, Mexico, đấng sáng lập Dòng Nữ Tử Giáo Lý Viên Guadalupe, qua đời năm 1954; Cha Faustino Ghilardi, dòng Anh Em Hèn Mọn, qua đời năm 1937; và Sơ Maria Rico, hội dòng Nữ Tu Tình Yêu Thiên Chúa, qua đời năm 1956.

Nguồn: Catholic News Agency

UCANEWS VN

Angelus: Đức Giêsu Đến Để Kiện Toàn Lề Luật

Angelus: Đức Giêsu Đến Để Kiện Toàn Lề Luật

VATICAN. Trưa Chúa Nhật, 16 tháng 2, hàng chục ngàn tín hữu hành hương từ khắp nơi trên thế giới đã tề tựu về quảng trường Thánh Phêrô, Vatican để nghe lời giáo huấn của Đức Thánh Cha, đọc Kinh Truyền Tin và nhận phép lành từ ngài.

Trong bài chia sẻ, Đức Thánh cha đã dựa vào nội dung đoạn Tin Mừng Mt 5,17-37, để triển khai những giáo huấn của Giêsu liên quan đến luật mới và luật cũ. Trước hết, ngài tóm tắt ý tưởng chính của đoạn Tin Mừng. Ngài nói:

“Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay nằm trong của cái gọi là "Bài Giảng Trên Núi", bài giảng lớn đầu tiên của Đức Giêsu… Ngài nói rằng: "Các con đng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề Luật hay Lời các Ngôn Sứ; Thầy không đến để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Vì thế, Đức Giêsu không muốn xóa bỏ các giới răn mà Thiên Chúa đã ban qua Môsê, nhưng là mun mang nó đến sự kiện toàn. Và ngay sau đó, Ngài thêm rằng "sự kiện toàn Lề Luật" này đòi hỏi một sự công chính trỗi vượt hơn, một sự tuân thủ chân thực hơn. Ngài nói vi các môn đệ rằng:" Nếu các con không công chính hơn các lut sĩ và kinh sư, các con sẽ chẳng thể vào đưc Nước Trời" (Mt 5,20)

Sau đó, Đức Thánh Cha giải thích:

Nhưng sự "kiện toàn Lề Luật" này có nghĩa là gì? Và sự công chính trỗi vưt hơn bao hàm điều gì? Chính Đc Giêsu đã trả lời chúng ta bằng một vài ví dụ, khi so sánh luật cũ với luật mới của Ngài. Đức Giêsu rất thực tế, Ngài luôn giải thích bằng những ví dụ đ người ta có thể hiểu được. Bắt đầu từ điu răn th 5 trong Mưi Điu Răn: "Anh em đã nghe luật ngưi xưa dạy rằng: Chớ giết người;… còn Thầy, Thầy bảo thật anh em: hễ ai giận ghét anh em mình, ngưi đó đáng b đưa ra xét xử rồi" (cc 21-22). Về điu này, Đức Giêsu nhắc nhớ chúng ta rằng lời nói cũng có thể giết người! Vì thế, chưa cn nói đến việc xâm phạm mạng sống người thân cận, việc trút lên họ sự căm phẫn và những lời hàm oan cũng đã phạm tội rồi.”

Đức Thánh Cha dừng lại đôi chút, và chia sẻ với mọi người về những điều xấu xa do chuyện ngồi lê đôi mách mang lại. Sau đó, ngài chia sẻ tiếp:

Đc Giêsu đề xuất với những ai theo Ngài về một tình yêu hoàn hảo: một tình yêu mà thưc đo duy nhất là chẳng có thưc đo, là đi xa vượt trên sự tính toán. Tình yêu dành cho người thân cận là một thái độ sâu sắc đến đ Đc Giêsu đã đến để xác nhận rằng tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa không thể nào chân thành nếu chúng ta không muốn có sự hòa bình với người anh em: "Vì thế, nếu các con đang dâng của lễ trên bàn thờ mà chợt nhớ là đang có điều bất hòa với người anh em, thì hãy để của lễ lại đó, đi làm hòa với ngưi anh em trưc đã" (cc. 23-24). Thế nên, chúng ta được mời gọi để làm hòa với anh chị em của chúng ta trước khi biểu lộ lòng sùng kính của chúng ta với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.”

Từ những gì đã chia sẻ ở trên, Đức Thánh Cha đi đến chiều sâu cốt lõi của việc tuân giữ lề luật của Chúa. Ngài nhấn mạnh, điều hệ trọng không phải là những gì ta thể hiện bên ngoài, nhưng là ý hướng thâm thúy bên trong, vì đó là nơi sẽ quyết định những gì ta làm là tốt hay xấu. Ngài chia sẻ:

“Từ những điều vừa nói, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu không coi trọng chỉ đơn thuần những việc tuân thủ quy luật hay những hành vi bên ngoài. Ngài đi đến tận cội rễ của Luật, chú ý trước hết đến ý hướng và con tim của con ngưi, nơi phát sinh những hành vi tốt hay xấu của chúng ta. Đ có được lối hành xử tốt đẹp và chân thực, những quy định của lề luật thôi thì chưa đ, nhưng cn động lực bên trong, diễn tả một sự khôn ngoan ẩn tàng, sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà chỉ có thể nhận được nhờ Thánh Thần. Về phía chúng ta, nhờ đc tin nơi Đức Kitô, chúng ta có thể mở lòng mình ra để Chúa Thánh Thần hoạt động, Ngài có thể giúp chúng ta sống tình yêu của Thiên Chúa.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đi đến kết luận là mọi giới răn đều quy về một giới răn quan trọng nhất là mến Chúa yêu người. Ngài nói:

ới ánh sáng những lời giáo huấn của Đức Kitô, mỗi điều luật đều cho thấy ý nghĩa trọn vẹn của nó như là đòi hỏi của tình yêu và tất cả nối kết với nhau trong một giới răn cao cả nhất: yêu mến Thiên Chúa với trọn con tim và yêu mến người thân cận như chính mình.”

Như thường lệ, sau kinh truyền tin, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các khách hành hương, các hội đoàn, nhóm đang hiện diện ở quảng trường thánh Phêrô.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh

Cách đây đúng một năm ngày 11 tháng 2 năm 2013 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã loan báo cho các Hồng Y biết ngài từ nhiệm giáo hoàng, trong mật nghị thường với 40 Hồng Y tham dự về việc tôn phong hiển thánh cho 813 chân phước. Tin này đã được tiếp nhận với sự kinh ngạc lớn trên toàn thế giới chứ không phải chỉ trong Giáo Hội. Hầu như không ai được chuẩn bị trước một quyết định có tầm quan trọng như thế. Báo chí toàn thế giới đều đưa các hàng tít lớn: ”Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức”. Và trong các bài tường thuật giới truyền thông cũng nhân tiện khơi lại những khó khăn và các vấn đề của Giáo Hội như: vụ đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh Vatileaks, các vụ nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cuộc khủng hoảng đức tin của các Giáo Hội Tây Phương, số ơn gọi giảm sút, tín hữu đánh mất đức tin và không thực hành đạo, các phong trào cổ võ phá thai ngừa thai, ly dị ly thân, sống chung không làm phép cưới, chấp nhận hôn nhân đồng phái, chấp nhận trợ tử, chống lại các giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bầu khí chính trị xã hội duy đời cực đoan muốn bịt miệng Giáo Hội và gạt bỏ Kitô Giáo ra ngoài lề xã hội vv… Và các nhà báo cũng đoán mò tìm đưa ra giả thuyết này giả thuyết nọ nhằm giải thích quyết định này của Đức Biển Đức XVI.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh, dành cho phóng viên Alessandro Gisotti ngày mùng 10-2-2014 về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thánh Vatican.

Hỏi: Thưa cha Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha nghĩ gì về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng cách đây một năm?

Đáp: Trong nhiều thế kỷ đã không có vị Giáo Hoàng nào từ nhiệm, vì thế đối với đại đa số đây là một cử chỉ bất thường và gây kinh ngạc. Trên thực tế, đối với những ai theo dõi và gần gũi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thì người ta đã hiểu ngay rằng ngài đã suy tư chín chắn về đề tài này. Và ngài đã nói điều này một cách rõ ràng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Peter Seewald ít lâu trước đó và nhiều lần trước đó. Vì thế, đây là điều đã khiến cho ngài cầu nguyện, suy tư lượng định, và làm một cuộc phân định tinh thần. Đó là điều ngài đã thông báo và tóm tắt như là một bản tường trình đúc kết trong ngày ngài loan báo việc từ nhiệm, với những lời ngắn gọn, nhưng rất súc tích, giải thích một cách tuyệt đối thích hợp và rõ ràng các tiêu chuẩn, dựa trên đó ngài đưa ra quyết định này. Điều tôi nói và tôi đã nói khi đó là xem ra đối với tôi đây đã là một cử chỉ cai quản vĩ đại, nghĩa là một quyết định tự do, thực sự đánh dấu trong một tình trạng và trong Lịch sử của Giáo Hội. Trong nghĩa này nó là một cử chỉ cai trị vĩ đại, được làm với một tinh thần sâu sắc lớn, một sự chuẩn bị lớn từ bình diện suy tư và cầu nguyện; một sự can đảm lớn, bởi vì thực sự nó là một quyết định bất thường, có thể có trong đó mọi vấn đề và mọi nghi ngờ trên ”cái ý nghĩa nào” như là các phản ánh, như là các hậu qủa đối với tương lai, như là phản ửng từ phía dân Chúa hay của dân chúng. Sự rõ ràng với nó Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chuẩn bị cho cử chỉ này và đức tin với nó ngài đã chuẩn bị cử chỉ ấy, đã trao ban cho ngài sự thanh thản và sức mạnh cần thiết để thực hiện nó, bằng cách tiến bước với lòng can đảm và sự thanh thản, với một cái nhìn thực sự của đức tin và chờ đợi Chúa, là Đấng liên tục đồng hành với Giáo Hội Người, gặp gỡ tình hình mới này, mà chính Đức Biển Đức XVI là người đầu tiên đã sống nó, rồi trong nhiều tuần khác nhau, và rồi Giáo Hội đã sống với sự việc diễn ra và biến cố bầu vị Tân Giáo Hoàng, như tất cả mọi người đã biết. Đó, như vậy đã được hiện thực ý nghĩa của việc Thần Khí Chúa đồng hành với Giáo Hội đang tiến bước.

Hỏi: Chính liên quan tới điểm cuối cùng này: cách đây một năm nhiều người tự hỏi việc chung sống chưa từng có giữa hai vị Giáo Hoàng sẽ ra sao. Ngày nay người ta thấy rằng biết bao sợ hãi có lẽ là của các ”chuyên viên” hơn là của dân chúng, đã là các sợ hãi quá đáng, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy, từ quan điểm này thì xem ra đối với tôi, thật rõ ràng là đã không có sự sợ hãi nào cả. Tại sao vậy? Bởi vì vấn đề đó là sự kiện chức giáo hoàng là một việc phục vụ, chứ không phải là một quyền bính. Nếu người ta sống các vấn đề trong chìa khóa của quyền bính, thì rõ ràng là hai người có thể gặp các khó khăn chung sống, bởi vì sự kiện từ bỏ một quyền bính và chung sống với người kế vị có thể là một khó khăn. Nhưng nếu người ta sống tất cả một cách triệt để như một việc phục vụ, thì khi đó một người đã hoàn thành việc phục vụ của mình trước mặt Chúa, và trong ý thức hoàn toàn trao chứng nhân phục vụ này lại cho một người khác, với thái độ phục vụ và lương tâm hoàn toàn tự do chu toàn nhiệm vụ này, thì khi đó một cách tuyệt đối vấn đề không được đặt ra. Có một sự liên đới tinh thần sâu xa giữa hai vị Tôi tớ của Thiên Chúa, tìm thiện ích của dân Thiên Chúa trong việc phục vụ Chúa.

Hỏi: Khi từ giã mọi người, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói rằng ngài sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện: đây là một đóng góp thực sự ngoại thường mà ngài đã và còn đang trao ban cho Giáo Hội, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, tôi có một kỷ niệm cá nhân rất nhỏ với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhất là trong các thời gian đầu triều đại của ngài. Mỗi lần có tiếp kiến chung tôi đi ngang và chào ngài, và thường thì ngài cho một cỗ Tràng Hạt, bởi vì Đức Giáo Hoàng thường tặng một tấm hình, hay một tràng chuỗi, một chiếc mề đai vv. Và mỗi khi ngài tặng tràng hạt thì ngài nói: ”Cả các linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện nhé”. Tôi đã không bao giờ quên câu nói này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bởi vì ngài biểu lộ như thế một cách rất đơn sơ xác tín và sự chú ý ngài dành cho lời cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta, và đặc biệt trong cuộc sống của những người có các bổn phận và trách nhiệm phục vụ Chúa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chắc chắn đã luôn luôn là một người cầu nguyện, trong suốt cuộc đời ngài, và chắc hẳn ngài đã ước ao có thời gian để sống chiều kích này của lời cầu nguyện với nhiều khoảng trống hơn, với sự toàn vẹn và sâu xa hơn. Và giờ đây đó là thời gian của ngài.

Hỏi: Đàng khác, cuộc sống cầu nguyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVi cũng không thiếu các lúc gặp gỡ, cả với Đức Thánh Cha Phanxicô, như chúng ta đều biết. Cha có thể nói gì về chiều kích ẩn dật nhưng không cô lập này của Đức Joseph Ratzinger?

Đáp: Tôi tin là đúng đắn, khi nhận thức được rằng ngài đang sống một cách kín đáo, không có một chiều kích công cộng nào, nhưng điều này không có nghĩa là ngài sống hoàn toàn cô lập, khép kín như trong một dòng kín nhặt phép. Đức Biển Đức XVI sống một sinh hoạt bình thương đối với một người cao niên, một vị tu sĩ lớn tuổi, và như thế nó là một cuộc sống cầu nguyện, suy tư, đọc sách, viết lách, trong nghĩa ngài trả lời các thư từ nhận được, nói chuyện, gặp gỡ những người sống bên cạnh ngài, mà ngài thích gặp gỡ, và đối thoại vì thấy nó ích lợi, hay vì họ xin lời khuyên hoặc sự gần gũi tinh thần của ngài. Nghĩa là cuộc sống của một người phong phú về mặt tinh thần, có kinh nghiệm lớn, trong một tương quan kín đáo với người khác.

Điều không có, đó là chiều kích công cộng, mà chúng ta có thói quen sống. Vì là Giáo Hoàng nên ngài đã luôn luôn ở trên màn hình, trước sự chú ý của toàn thế giới. Điều này không có nữa, nhưng còn lại là một cuộc sống với các tương quan bình thường. Và trong các tương quan này có tương quan với người kế vị ngài, tương quan với Đức Thánh Cha Phanxicô, mà như chúng ta biết đã có các lúc gặp gỡ cá nhân và đối thoai với Đức Biển Đức XVI, vị này tới nhà vị kia và ngược lại. Thế rồi, còn có các hình thức tiếp cận khác nữa, có thể là điện thoại, hay các sứ điệp đựơc gửi đi: một tình hình liên hệ hoàn toàn bình thường và liên đới. Đối với tôi và tất cả chúng ta, xem ra là điều thật đẹp các hình ảnh hiếm hoi của hai vị Giáo Hoàng ở bên nhau: Đức nguyên Giáo Hoàng và Đức đương kim Giáo Hoàng cùng cầu nguyện với nhau. Nó là một dấu chỉ rất đẹp và rất khích lệ, dấu chỉ của sự tiếp nối trong sứ vụ Phêrô và trong việc phụng sự Giáo Hội.

Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng. Thưa cha Lombardi, cha đã theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong tất cả triều đại của ngài. Riêng đối với cá nhân cha, giờ đây Đức Biển Đức XVI đang cho cha điều gì trên bình diện tinh thần, kể từ ngày 11 tháng 2 năm ngoái tới nay?

Đáp: Tôi rất cảm nhận được sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, như là một sự hiện diện tinh thần mạnh mẽ, đồng hành và trao ban sự thanh thản … Tôi nghĩ tới các gương mặt của những vị cao niên vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội và trong lịch sử thánh. Một cách đặc biệt chúng ta tất cả đều nghĩ tới cụ già Simeong tiếp nhận Chúa Giêsu trong Đền Thờ, tươi vui nhìn số phận vĩnh cửu của mình, và tương lai của cộng đoàn tiếp tục lữ hành trên trần gian này. Tất cả chúng ta đều biết giá trị rất to lớn của việc có những người già sống với chúng ta, những người già giầu sự khôn ngoan, giầu đức tin, thanh thản, họ thật là một sự trợ giúp rất lớn cho những người trẻ hơn, giúp họ tiến bước và tin tưởng nhìn vào tương lai. Đối với tôi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là thế, và tôi tin rằng ngài là thế đối với Giáo Hội nữa: là Vị Bô Lão cao cả, khôn ngoan, thánh thiện, thanh thản mời gọi chúng ta; và người cũng đẹp nữa khi người ta nhìn ngài: ngài thực sự trao ban một cảm tưởng của sự thanh thản tinh thần lớn lao. Ngài đã duy trì được nụ cười quen thuộc với chúng ta, trong những lúc chúng ta gặp ngài, và ngài mời gọi chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng và niềm hy vọng.

(RG 10-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CUỐN SÁCH HAI CHỮ

 CUỐN SÁCH HAI CHỮ

Chúa Giêsu khẳng định: “Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Luật Môsê là Luật của Thiên Chúa ban. Môsê đã làm nhiệm vụ trung gian trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy. Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê. Lề Luật là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Lề Luật có tầm quan trọng số một đối với người Do thái.

Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa có quyền này, ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là trung gian truyền đạt.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, Ngài làm cho mọi luật được nên trọn hảo. Chúa Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau : “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong Nước Trời. Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm: “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,28; Mc 1,22; Lc 4,31). Kiện toàn Luật Môsê và các Ngôn sứ là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.

Chúa Giêsu kiện toàn nội dung của Luật gồm luật Sabát, luật thanh sạch, luật hôn nhân, luật báo oán…Đối với Chúa Giêsu, tất cả các khoản luật được lập ra là nhằm mục đích phục vụ con người, chứ không phải phục vụ cơ chế hay quyền lợi của một nhóm người nào. Luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật.Luật quan trọng nhất được khắc khi trong tâm hồn mà mọi điều luật khác phải qui về, đó là luật bác ái yêu thương. Luật nào không còn phục vụ và làm thăng tiến con người trên phương diện tình yêu đều không còn lý do để tồn tại.

Chúa Giêsu kiện toàn tinh thần giữ luật. Giữ luật vì lòng yêu mến chứ không phải vì hình thức vụ luật. Óc nệ luật, vụ hình thức làm tê liệt sáng kiến và cầm chân con người trong thái độ tiêu cực, máy móc, cằn cỗi.

Như vậy, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách đặt cho nó một linh hồn là yêu thương. Tất cả lề luật trong đạo đều qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9, điều răn thứ 2 và thứ 8.

1. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 5

Điều răn thứ 5 dạy "chớ giết người". Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi : "Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5, 22-23).

Chúa Giêsu dạy cho con người biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể về đức công chính là làm hòa với tha nhân trước đã, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng người ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng nhau. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu,

2. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 6 và thứ 9

Điều răn thứ 6 dạy: "Chớ dâm dục", và điều răn thứ 9 dạy: "chớ ngoại tình". Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vở lỡ, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội "dâm dục" hay "ngoại tình", nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt thì đã thành tội rồi.Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, sớm muộn con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!

3. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 2 và thứ 8

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra" (Mt 5,37). Lòng ngay chính thật thà hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Yêu thương chân thành là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của lạc thú xác thịt, của chia rẻ hận thù báo oán.

4. Cuốn sách hai chữ : Yêu Thương.

Một câu chuyện kể rằng, có nhà vua kia lệnh cho các nhà thông thái trong đất nước của ông là hãy tóm gọn tất cả mọi chân lý vào trong một cuốn sách. Thời gian trôi qua hàng chục năm mà chưa ai thực hiện được. Vị quan được trao phó trách nhiệm công việc này đến thưa với vua, xin vua khất cho thời hạn. Một năm sau, vua hỏi, vị này vẫn chưa làm được điều gì. Vì kiến thức là một biển cả mênh mông, không thể tóm trong một cuốn sách, phương chi là một vài chục năm. Không may, nhà vua bị bệnh, mỗi ngày một suy yếu. Thời gian không còn tính theo năm nữa mà tính theo tháng. Rồi bệnh của vua càng ngày càng trầm trọng. Nhà vua hối thúc vị quan được trao phó trách nhiệm. Vị quan này gấp rút dồn lại trong một cuốn sách. Nhưng nhà vua nói: Bây giờ thì ta không thể đọc được nữa rồi, ngươi hãy thu ngắn lại nữa. Cuối cùng một cuốn sách chỉ còn lại một chương. Một chương, nhà vua cũng không còn sức để đọc được nữa. Bệnh đã nặng, hết hơi, sức đã tàn. Sau cùng, nhà vua nói với viên quan kia: ngươi hãy tóm lại trong một chữ thôi. Viên quan đã tận tâm và thưa : muôn tâu hoàng thượng, nếu tất cả chân lý chỉ tóm lại trong một chữ thì thần xin bệ hạ hai chữ là: Yêu Thương.

Thánh Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của Luật Môsê, nhưng chính vì thế mà ngài càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng  Chúa Giêsu (x. Gl 3,25-26). Đối với Phaolô: "Yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10). Sống yêu thương là dấu ấn Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người. Mỗi người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên con người cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương nhau.

Chúa Giêsu tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, chúng ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho chúng ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu,xin Chúa giúp chúng con biết làm tất cả mọi việc chỉ vì lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Luật của Chúa Giêsu

Luật của Chúa Giêsu

Thiên Chúa ban cho con người có tự do và để con người tự do định đoạt số phận của đời mình: “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó”. (Hc 15, 16-17).

Tuy nhiên, vì không muốn con người phải hư mất, Thiên Chúa ban Lề Luật để hướng dẫn con người sử dụng tự do của mình mà đi vào cõi sống: cửa sinh“Người để mắt nhìn xem những ai kính sợ Người, và biết rõ tất cả những gì người ta thực hiện. Người không truyền cho ai ăn ở thất đức, cũng không cho phép ai phạm tội”. (Hc 15, 19-20)

Mười điều răn Môisê đã nhận lãnh để truyền cho dân, là một chuẩn bị xa để con người sống công chính mà đón nhận Tin Mừng Cứu Chuộc, Tin Mừng của Cõi Sống.

Chúa Giêsu đến, Ngài kiện toàn lề luật tích cực hơn chỉ trong một luật duy nhất: “yêu thương”, như thánh Phaolô xác quyết: “Yêu thương là chu toàn lề luật”(Rm 13,10).

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9. Ngài nói với các môn đệ hai ngàn năm trước, mà nghe như đang nói với mỗi người chúng ta, trong thế giới nầy, trong đất nước nầy, trong xã hội và giáo hội hôm nay…

Yêu thương và tôn trọng nhau
 
Điều răn thứ 5 dạy “chớ giết người”. Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi. “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt” (Mt 5, 22-23)

Chúa Giêsu dạy chúng ta biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể đức công chính của chúng ta là làm hòa với tha nhân trước, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng chúng ta ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng tha nhân. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Vâng, Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu, con người ta giữ được lòng yêu thương, tôn trọng, không giận ghét, không mắng chửi thì không có nguyên nhân dẫn đến việc giết người.

Nhìn thực tế cuộc sống đạo hôm nay, có thể chúng ta vẫn giữ luật điều răn thứ năm thật nghiêm túc là không giết người. Nhưng hình như chưa giữ luật yêu thương tôn trọng anh em. Chúng ta đang trách mắng nhau, chửi bới nhau thậm tệ trên các phương tiện truyền thông? Một bên mắng là “đồ ngốc”. Bên kia mắng lại là “quân phá đạo, quân phản đạo”. Thực ra, không thấy có ai dám mắng anh em là “đồ ngốc”, nhưng ý nghĩa các bài viết, các bản tin còn thậm tệ hơn cái “đồ ngốc” ấy nữa, nhất là đối với các những người lớn hơn mình về vai trò nhiệm vụ trong xã hội và giáo hội. Không ai dám kết án chúng ta đã xem thường nhau, rồi xúc phạm đến nhau tới mức nào, nhưng tự thâm tâm chúng ta có thể trả lời được, nếu không, hãy mở to mắt nhìn những hậu quả. Kìa, những phê phán, những đánh giá đầy tính chủ quan lại được tung ra trên diện rộng đã gây nên những hậu quả khó lường. Có cả những hậu quả thảm khốc là làm cho người bị mắng là đồ ngốc lẫn người bị chửi là quân phản đạo, vẫn sống nhưng là như đã chết rồi. Người chết cái uy tín, kẻ chết cái niềm tin, cái nhiệt tình. Người thứ ba đứng bên ngoài vỗ tay reo hò rằng: chúng nó tàn sát lẫn nhau.

Chúng ta không giết người, vì không có gươm giáo, súng đạn, nhưng vì thiếu chân thành, chỉ cần một chữ ký, một quyết định, một bài báo, một bản tin, một tờ rơi, một cái búng tay ra mật lệnh, một cú phone, một cái enter.. dễ chưa từng có… Người anh em ta sẽ chết ngay dưới lưỡi gươm công luận, dưới búa rìu comments phê phán, dưới họng súng truyền thông.

Cũng vậy, chúng ta không giết người, nhưng vì không tôn trọng con người là tuyệt phẩm của Thiên Chúa, nên chỉ cần một viên thuốc, một lời kích động, một phút tư vấn (về sức khỏe, về sắc đẹp, về hạnh phúc) là có hằng trăm con người đỏ hon hỏn phải tức tưởi tắt thở lúc chưa kịp sinh ra. Những can phạm, không ai khác, chính những người thân thiết nhất của con người: cha giết con, chồng giết vợ, mẹ giết con, vợ giết chồng, chủ giết tớ, cấp quan cấp trên có quyền hành giết cấp dân đen cấp dưới không phương tiện chống cự, không tiếng nói…

Giữ tâm hồn trong sạch, xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần.

Điều răn thứ sáu dạy: “Chớ dâm dục”, và điều răn thứ 9 dạy: “chớ ngoại tình”. Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vỡ lở, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội “dâm dục” hay “ngoại tình”, nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt mây mưa thì, theo Chúa Giêsu, đã thành tội rồi.

Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, thì sớm muộn, con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Trước đây, người phụ nữ Á Đông rất kín đáo, rất đoan trang… Tại sao chỉ sau ba bốn chục năm, các thiếu nữ bây giờ không còn đoan trang như trước nữa? Có người cho là hội nhập văn hóa Tây Phương. Có người cho là đó là nét đẹp của Thượng Đế cần phải phô trương. Có người còn cho là không có gì là tội lỗi. Nhưng cũng có câu trả lời rằng: kẻ chống Chúa Giêsu biết cách làm cho người ta không giữ lời Chúa Giêsu dạy! Như vậy là đỗ thừa cho hoàn cảnh xã hội sao? Không, thiết tưởng, người phụ nữ không còn kín đáo nữa là do họ không những không còn quí trọng đức trinh khiết của mình và của người khác, mà còn thích thú làm cớ cho mình và người khác vấp phạm.

Cách đây 8 năm, tôi lên Sàigòn, ghé thăm anh bạn bán thuốc tây trước BV Bình Dân. Vừa nói chuyện vừa xem anh bán thuốc. Tôi thắc mắc không biết các em học sinh mang bảng tên lớp 10, lớp 11 vào mua thuốc gì mà anh bạn tôi lấy tiền rồi trao cho các em cái gì đó đựng trong túi xốp đen, đi ra. Chỉ ngồi chơi một tiếng mà có ít là 6 học sinh vào mua hàng rồi ra như vậy. Thấy tôi ngẩn ngơ, không đợi tôi lên tiếng hỏi, anh bạn tôi nói: “Mình không bán thì mấy tiệm kia cũng bán cho chúng nó thôi. Bạn lấy làm lạ phải không?” “Vâng, mình chẳng hiểu gì cả”. “Chúng nó mua que thử thai đấy. Học sinh bây giờ lớp 9 lớp 10, tụi nó thử cả rồi! Có trời mới biết chúng nó ngoan như thế nào. Khổ nỗi, cha mẹ thì chỉ biết “Con tôi nó học ngày học đêm! Tội nghiệp quá!” ….
 
Ấy là chuyện con nít. Còn chuyện người lớn thì “không chỉ nhìn phụ nữ, phụ nam cách thèm thuồng, mà còn đưa phụ nữ về nhà mình, hoặc đưa người tình nam về nhà mình sống chung bất hợp pháp thì còn gì để nói”. Cuộc sống không công chính vì lỗi đức trong sạch của người lớn ở bậc độc thân suốt đời, cũng như của người sống bậc hôn nhân đã làm niềm tin và lòng yêu mến của bậc bề dưới, của con cái chết dần chết mòn rồi đến giai đoạn tử vong không cứu kịp.

Giá trị hôn nhân công giáo hệ tại ở tính đơn hôn và vĩnh hôn. Vì vậy, những lạc thú ngoài hôn nhân làm mất giá trị đời sống công chính của hôn nhân công giáo. Biết thế, âm mưu của người chống lại Thiên Chúa là những chủ trương thành văn hoặc bất thành văn về việc tự do quan hệ, khuyến khích phá thai, còn tạo điều kiện tốt cho những cuộc ly hôn ly dị có pháp luật bảo đảm.

Từ đó, thế hệ những đứa con vất vưởng do những cuộc ly hôn, hoặc của những đứa con vô thừa nhận làm thay đổi cách nhìn truyền thống và giá trị của chữ Hiếu. Thế hệ trẻ của những con người nầy không còn yêu thương, kính trọng cha mẹ mình, vì cha mẹ đã không chu toàn đức công chính. “Tết em muốn về với Mẹ, mà không biết phải nói gì với chồng của Mẹ. Tết, em muốn về với Ba, cũng không biết phải nói sao với vợ của Ba”. Hoặc là, đã để lại cho chúng một dấu ấn không đẹp về cách hành xử của người lớn khi chúng không biết ba chúng nó là ai. Có trường hợp đáng tiếc, khi lớn lên nó biết ba của nó là một ông lớn trong xã hội. Thiên Chúa mà ông lớn không nhìn nhận thì huống chi là con ông.

Chúa Giêsu thật chí lý khi dặn dò chúng ta giữ tâm hồn thanh sạch. Nếu đức trong sạch được trân quí nơi ý thức của mỗi cá nhân, nơi giáo dục của mỗi gia đình, nơi chủ trương của xã hội thì ắt hẳn sẽ có một xã hội đầy nhân tính, xứng nhân phẩm, trọn vẹn nhân ái đúng nghĩa mà Thiên Chúa muốn.

Ngay chính thật thà
 
Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”(Mt 5,37)

Lòng ngay chính thật thà có thể nói sẽ hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Và yêu thương chân thành sẽ là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của những lạc thú xác thịt, của những âm mưu chia rẻ, âm mưu gây hận thù, oán trách.

Con người thời nay vẫn đồng hóa tình yêu với tính dục và cho là đó là tình yêu chân thành, mà không ngộ ra rằng đó là sự xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của người mình yêu. Những người yêu nhau một cách xác thịt, không tin là họ đang lừa dối nhau, và mãi sống trong sự nhầm lẫn đáng tiếc vì ai cũng đang yêu chính mình.

Người công giáo phải được giáo dục tốt từ trong gia đình về đức tính thật thà. Vì nếu nơi Thiên Chúa không có gì là gian dối, thì Ngài cũng không thể chấp nhận con cái Ngài sống cách gian tà, quỷ quyệt. Cũng vậy Thiên Chúa tôn trọng sự thật, bênh vực công lý, trung tín lời hứa, và cũng muốn con cái Ngài như vậy.

Con rắn ngày xưa phỉnh gạt bà Eva ăn trái cấm. Con rắn ngày nay còn quỷ quyệt tinh xảo hơn: không cần phỉnh gạt ai cả, nhưng mở đường gian tà thênh thang cho con người đi lên tới đỉnh danh vọng, tới đích tỷ phú, tới hạnh phúc trần gian thừa mứa chán chê! Ai không đi theo đường của nó, thì nó nhẹ nhàng quyến rủ mời mọc lịch sự chưa từng có! Ai đã theo con đường của nó, tự động sẽ phát sinh những chuyện gian tà, gây nên những hỗn độn: chê bai chỉ trích điều công chính lẫn điều không công chính, làm cho không ai phân biệt được phải trái nữa. Cái nào cũng phải. Cái nào cũng trái. Lúc ấy, nó sẽ đắc thắng.

Chuyện không đáng kể, mà cũng phải kể. Đó là chuyện có vài người không đáng kể, thích thêm mắm muối ớt tỏi làm lệch lạc sự thật đáng quí, ảnh hưởng tới một số người đáng kể. Trong khi đó, đức công chính Chúa Giêsu dạy là “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”(Mt 5, 37)

Có anh bạn từ rất xa, phone cho tôi thăm hỏi: “Lâu nay làm gì mà vắng bóng thế?” Tôi trả lời “Vẫn thế thôi mà”. Anh hỏi tiếp: “Bệnh hay là định gác bút rồi?” “Không, vẫn bình thường mà?”- “Mình chả thấy bài ông đâu cả?” “Có mà. Ông đọc trang nào?” “Mình chỉ đọc độc một trang “Nhân Viên Công Lực” thôi ! Chửi nghe sướng!”. “Ồ, thế thì làm sao được! Phải đọc dăm bảy trang mới khách quan ra được chứ!”. Anh bạn tôi cúp máy!
 
Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi chúng con dùng tự do Chúa ban mà đi vào đường lối của Chúa là yêu thương và tôn trọng nhau. Và khi đã yêu thương tôn trọng nhau xin cho chúng con không giận ghét mắng chửi nhau, mà còn giữ cho nhau tâm hồn trong sạch cao quí xứng đáng là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Xin giúp chúng con tránh xa lối gian tà, nhờ tuân hành lề luật của Chúa Giêsu, Đấng là Đường, Là Sự Thật, và là Sự Sống của chúng con. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng