Củng cố đức tin

Củng cố đức tin

Có một chi tiết đặc biệt liên quan tới đoạn Phúc Âm vừa nghe, đó là cùng một đoạn Phúc Âm này đã được chọn để dùng cho Chúa Nhật thứ hai phục sinh cho ba năm liền A, B, và C, nghĩa là năm nào vào Chúa Nhật thứ hai phục sinh, chúng ta cũng đều đọc, nghe đoạn Phúc Âm này. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng và ý nghĩa phong phú trong Mùa Phục Sinh. Chúa Giêsu Phục Sinh là trung tâm và là nguồn năng lực tái tạo cộng đoàn những đồ đệ của Chúa.

Ngay từ khởi đầu đoạn Phúc Âm, chúng ta được nhắc lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ nhưng lại vắng mặt Thomas, và trong lần hiện ra này, Chúa đã ban cho các tông đồ sự bình an: "Bình an cho các con". Sự bình an này làm cho các tông đồ thực sự được vui mừng. Các tông đồ được vui vì thấy Chúa, rồi Chúa trao ban cho các tông đồ Chúa Thánh Thần, quyền năng tha tội và sai các ông ra đi làm chứng cho Chúa. Các tông đồ có thể nói được trong giai đoạn này – trong phần thứ nhất của đoạn Phúc Âm hôm nay – đã tin phần nào và đã chia sẻ cho Thomas: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa", nhưng Thomas không tin và đòi kiểm chứng một cách cụ thể. Có thể nói, đây là giai đoạn thứ hai của cộng đoàn. Thái độ cứng lòng tin của Thomas đã gây chia rẽ hay làm yếu kém đi sức mạnh làm chứng của cộng đoàn cho Chúa Phục Sinh. Một cộng đoàn chia rẽ như vậy thì chắc chắn không thể nào có sự bình an, không thể nào có niềm vui để làm chứng cho Chúa Phục Sinh.

Cộng đoàn Kitô chúng ta ngày hôm nay là một cộng đoàn của những người tin Chúa Phục Sinh đã qui tụ lại. Chắc chắn Chúa Phục Sinh hiện diện ở giữa chúng ta, Ngài là trung tâm liên kết và nâng đỡ sự hiệp nhất của cộng đoàn chúng ta, Ngài là nguồn mạch của sự bình an và niềm vui của cộng đoàn chúng ta. Chúa Phục Sinh ban cho cộng đoàn các đồ đệ đầu tiên sự bình an, Chúa Thánh Thần và sức mạnh làm chứng cho Chúa. Đó là một cộng đoàn lý tưởng cho tất cả mọi cộng đoàn Kitô khác rải rác khắp nơi trên thế giới, qua muôn thế hệ. Đó là một cộng đoàn lý tưởng, trong đó niềm vui và sự bình an đã thay thế cho sự u buồn thất vọng: thấy Chúa các tông đồ đều vui mừng. Và niềm vui, sự bình an này luôn luôn là dấu chỉ cho sự hiện diện của Chúa. Nhưng vì là những con người cụ thể, như chúng ta đây, mỗi người đều có những giới hạn của mình và cộng đoàn của chúng ta, cộng đoàn của các môn đệ Chúa chắc chắn phải trải qua những thử thách, những trở ngại.

Sự vắng mặt, sự cứng lòng tin của Thomas, thái độ của Thomas, tất cả những điều đó đã góp phần hay ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Sự vắng mặt của chúng ta, sự cứng lòng tin của mỗi người chúng ta hay thái độ của chúng ta đối với Chúa Giêsu cũng như đối với anh chị em, thái độ đó cũng có ảnh hưởng trên sự hiệp nhất của cộng đoàn. Chúa Giêsu đã đáp lại khuyết điểm này của cộng đoàn các tông đồ để mang lại niềm vui và sự bình an, để trao ban sứ mạng qua việc Chúa đáp lại đòi hỏi của Thomas để biến đổi ông, và Thomas đã tin và tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa Trời tôi, Lạy Chúa và là Chúa Trời con". Và Chúa Giêsu dường như muốn cho các môn đệ của Ngài từ đó không nên thách thức như Thomas nữa: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".

Cộng đoàn chúng ta hôm nay cần thực hiện lý tưởng của cộng đoàn Kitô tiên khởi của các đồ đệ. Hãy để cho Chúa Giêsu Phục Sinh qui tụ chúng ta lại trong tình yêu của Người, hãy đón nhận sự bình an của Chúa trong niềm vui nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần để làm chứng một cách xứng đáng cho Chúa. Nhưng như vừa nói chúng ta đây là những con người có giới hạn và Chúa Phục Sinh cũng đã hiểu như thế nên Ngài đã thiết lập và để lại cho chúng ta một phương thế để tái tạo sự hiệp nhất của cộng đoàn, để gìn giữ cộng đoàn được luôn hiệp nhất với Chúa và giữa mọi người với nhau, phương thế đó là bí tích Hòa Giải: "Các con tha tội cho ai thì trên trời cũng tha; các con cầm tội ai thì trên trời cũng cầm lại".

Không có phương pháp nhân loại nào khác có sức phục hồi và củng cố sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa cho bằng phương thế siêu nhiên mà Chúa Giêsu đã thiết lập và muốn cho các tông đồ sử dụng, và chúng ta biết rất rõ phương thế đó là phương thế nào. Đó là sự tha thứ bí tích, và đó cũng là bí tích của sự tha thứ. Dĩ nhiên, để lãnh nhận bí tích tha thứ của Chúa để chúng ta được tha thứ và tha thứ cho nhau, để xây dựng lại sự hiệp nhất cộng đoàn các môn đệ Chúa, để làm cho cộng đoàn chúng ta có thể chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao phó "Hãy làm chứng cho Thầy", thì mỗi người chúng ta cần hành động như Thomas, cần kiểm điểm lại đức tin của mình và loại bỏ đi những gì không phù hợp với đức tin trong nếp sống của chúng ta, để có thể khiêm tốn tuyên xưng mỗi ngày, mỗi giây phút: "Lạy Chúa, Lạy Chúa Trời con, Lạy Chúa, con tin Chúa là Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ của con." Cần phải canh tân đức tin hàng ngày để đức tin của chúng ta được củng cố thêm mãi, để chúng ta có được sự bình an, niềm vui và sức mạnh làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta canh tân đức tin và củng cố đức tin.

Veritas Radio

Tình yêu dẫn đến đức tin

Tình yêu dẫn đến đức tin

Trong Tin Mừng Chúa Nhật Phúc Sinh, thánh Gioan kể lại cho chúng ta câu chuyện 3 người đi tìm Chúa: Maria Mađalêna, Gioan và Phêrô.

Khi đọc đoạn Phúc Âm đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều nhận thấy rằng tất cả 3 người đều đến mồ, đều thấy cùng một sự kiện mồ trống và khăn liệm, nhưng chỉ có mỗi mình Gioan là tin Chúa Giêsu đã sống lại. Thánh Gioan đã viết về chính mình rằng: "Ông thấy và ông đã tin".

Để hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy trở lại chương 16. Sau khi Chúa Giêsu chết, người Do Thái đến xin Philatô cho hạ xác những người đóng đinh xuống vì họ không muốn thấy xác chết treo trên thập giá trong ngày thứ bảy, ngày sabbat, nhất là ngày sabbat trong lễ Vượt Qua của họ.
Phép tắc, thủ tục xong, xác Chúa được hạ xuống. Theo phong tục người Do Thái, họ tính bắt đầu ngày mới từ lúc mặt trời lặn.

Maria Mađalêna và các môn đệ có mặt lo hối hả để chôn xác Chúa cho xong và ra về trước khi mặt trời lặn, nếu không họ sẽ lỗi luật tôn giáo vì ngày sabbat chỉ được đi bộ một quãng bằng ném hòn đá mà thôi.

Chúng ta cũng nên biết qua cách liệm xác của người Do Thái. Cách liệm xác của họ là rửa xác, ướp thuốc thơm và gói lại bằng tấm vải trắng, lấy băng quấn lại từ đầu đến chân như người ta băng bó vết thương, xong xuôi đâu đó đem đặt xác vào trong hang huyệt đục sẵn trong đá và lấy tảng đá to đậy cửa hang lại.

Vì hối hả nên Maria Mađalêna về nhà nhận thấy mình không cẩn thận đủ đối với Thầy Giêsu của mình và nóng lòng chờ đến sau ngày thứ bảy. Vào ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa nhật, bà đem thuốc thơm đến mồ để ướp xác lại. Khi đến nơi bà thấy mồ trống, cửa đã được đẩy ra và Thầy không còn trong đó nên vội vã chạy về báo tin cho Phêrô và Gioan. Gioan là thanh niên trai trẻ chạy nhanh hơn Phêrô nên ra đến mồ trước. Đến nơi Gioan chỉ đứng ngoài khom người nhìn vào chờ Phêrô đến, cả hai cùng vào mồ, họ đều thấy dây băng liệm và vải liệm, nhưng Gioan thú thực trong lòng ông đã tin Chúa sống lại. Phân tích tâm lý của 3 nhân vật, chúng ta sẽ thấy tại sao?

Đối với Maria Mađalêna, bà đến mồ chỉ mong để ướp xác Thầy lại cho chu đáo hơn. Bà cầm thuốc thơm trong tay và đầu óc chỉ nghĩ đến thân thể đã nằm yên bất động. Nói tắt một lời: Bà đến mồ chỉ để tìm xác chết. Một tâm trạng như thế, thấy mồ trống không, bà khó có thể nhận ra tức thì Chúa Giêsu đã sống lại.

Còn Phêrô, ông đã sợ hãi. Ông đã chối Thầy của mình trong giờ phút Thầy bị hành hạ nhục nhã vì ông sợ bị liên lụy. Thầy đã chết và nằm yên trong mồ. Điều ông mong muốn lúc đó là xin đừng có gì rắc rối xảy ra nữa, xin được hai chữ "bình yên". Nhưng tại sao lại có sự kiện mất xác này. Ông chạy đến mồ với tất cả mọi lo âu trong đầu. Ông lo nhóm nào đó sau khi giết Thầy lại tìm cách phá rối các tông đồ để kết án họ và xử tử họ nữa chăng. Ông là trưởng nhóm, vậy ông chạy đến mồ để quan sát những gì đã xảy ra. Vậy ông chạy đến mồ mà trong lòng chỉ lo nghĩ đến việc tại sao thế này, tại sao thế nọ để tìm cách đối phó. Với tâm trạng đó, Phêrô khó có thể nhận ra Chúa Giêsu đã sống lại.

Phần Gioan, ông yêu thương Chúa Giêsu và ông biết rằng Chúa Giêsu đã yêu thương ông. Trong Phúc Âm, khi ông viết một điều gì có đề cập đến mình trong đó, thánh Gioan luôn dùng kiểu nói "người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến". Thánh Gioan đã yêu mến Chúa Giêsu thật sự, tình yêu mến đó đã thể hiện ra bên ngoài, nhất là trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã theo chân Chúa Giêsu trên con đường thập giá và là tông đồ duy nhất đứng dưới chân thánh giá cho đến giờ phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa Giêsu. Kinh nghiệm cho thấy, khi yêu ai thì ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình cho dù hoàn cảnh bắt buộc phải xa nhau. Thánh Gioan luôn nhớ lại lời giảng dạy của Thầy trong lòng và hy vọng Thầy sẽ sống lại vì Thầy đã báo trước. Với cái nhìn đó, Gioan đã nhận ra dễ dàng sự kiện sống lại. Ông đã thấy và ông đã tin.

Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ ràng rằng: Tình yêu dẫn đến đức tin. Những lo âu trần gian như lo lắng của Maria Mađalêna đi tìm xác chết không vượt lên được. Những suy tư, lý luận lo âu của Phêrô đã không đưa đến đâu. Chỉ có tình yêu Chúa Giêsu của thánh Gioan đã đưa ông nhanh chóng đến đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta cùng tìm Chúa, chúng ta có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của mọi biến cố trong cuộc đời mình nếu chúng ta noi gương Gioan, để cho lòng trí mình luôn tiến trên con đường tình yêu Chúa.

Veritas Radio

Lưỡi hái hay chìa khóa vàng?

Lưỡi hái hay chìa khóa vàng?

Thánh Charles Borrômê sống ở Italia trên 400 năm trước đây (1538-1584). Khi còn trẻ, Borrômê đầy những tước vị, danh vọng. Nhưng một lúc Borrômê đã nhận ra ngày nào đó, Ngài sẽ phải bỏ tất cả. Ngài muốn ghi khắc điều đó, nên nhờ một họa sĩ nổi tiếng vẽ bức bích họa trong tư thất để diễn tả cái chết. Bức họa hoàn thành: họa sĩ trình bày thần chết theo lối cổ điển: một bộ xương người nắm chặt lưỡi hái trong tay.

Borrômê ngạc nhiên: “Tại sao họa sĩ hình dung cái chết bằng chiếc lưỡi hái?”

Họa sĩ đáp: “Vì thần chết cắt hái mọi cuộc sống. Cái chết hủy hoại mọi cuộc đời.”

“Đồng ý”, Borrômê nói, “nhưng thần chết cũng mở cửa Nước Trời nữa chứ. Cái chết là cửa ngõ vào đời sống tốt đẹp hơn. Vì thế, tôi đề nghị họa sĩ xóa chiếc lưỡi hái đi và đặt vào tay thần chết chiếc chìa khóa vàng.”

Phải, Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Thập giá là chìa khóa Nước Trời. Thần chết đã buông lưỡi hái và cầm lấy chiếc chìa khóa vàng. Cửa Trời đã mở ra cho con người vào Nhà Cha.

Anh chị em thân mến,

Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là sự sống lại và là sự sống”. Lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Lagiarô sống lại là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Thiên Chúa giáo và những người không tin ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó chính là nền tảng và hy vọng của cuộc đời.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Tôi là sự sống. Ai đang sống mà tin tôi sẽ không bao giờ chết”. Chúa không nói đùa. Chúa không thể đùa với sự chết, vì nó hoàn toàn trái nghịch với Ngài. Là sự sống và đến để đem lại sự sống, Chúa không thể muốn sự chết cho con người. Phép lạ cho ông Lagiarô sống lại làm chứng rằng Ngài có quyền ban sự sống. Không phải sự sống như đám đông bao quanh Ngài thầm nghĩ – sống một thời gian rồi chết – cũng không phải sống lại ngày tận thế mà thôi, như Matta tin tưởng, mà là sống ngay bây giờ và sống đời đời, như Ngài đã nói: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống” (Ga 5,24).

Vậy là có một sự sống khác. Có một sự sống thật. Sự sống ấy đã bắt đầu từ bí tích Rửa Tội và tiếp tục mãi đến đời đời. Sự sống thật này không mất đi khi con người chết, nhưng chỉ mất đi bởi tội lỗi (Ga 8,21). Tội lỗi mới là cái chết thật. Và ngược lại, cái mà chúng ta coi là sống chưa hẳn là sống.

Chỉ khi nào sống bằng chính sự sống của Chúa thông ban cho, lúc đó mới là sống thật và bảo đảm sống đời đời ngan qua cái mà chúng ta gọi là chết.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2 hôm nay (Rm 8,8-11) đã nói đến tình trạng những người “sống mà như chết” và “chết mà vẫn sống” đó: “Ai sống theo xác thịt, tội lỗi, thì dù có sống cũng như chết; ngược lại, ai sống theo Thánh Thần thì dù có chết cũng vẫn sống; hơn nữa, một ngày kia, Đấng đã cho Đức Kitô phục sinh cũng sẽ cho thân xác của những kẻ sống theo Thánh Thần được sống lại”.

Thưa anh chị em,

Một người nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời này được coi là chết. Nhưng nhiều người đang sống vẫn tự coi mình đã chết. Vì sống mà không có hy vọng, sống không tình thương, sống mà bị đời bạc đãi, phản bội, sống không ra con người, và nhất là sống trong tội ác. Sống như vậy, con người không cần đợi đến chết mới là chết. Chúng ta khóc thương người chết, nhưng biết đâu người sống lại chẳng đáng khóc thương hơn?

Bất cứ ai đã thoát khỏi tội lỗi và sống trong ân sủng thì đang sống trong sự sống đời đời rồi. Sự chết thể xác không làm gián đoạn được sự sống thân thiết với Thiên Chúa trong Nước Trời. Sự sống lại ngày tận thế, sự sống vinh quang đời sau đã bắt đầu ở hiện tại như cây trái đã bắt đầu trong hạt giống.

Từ Lời Chúa hôm nay, chúng ta mới có được một cái nhìn lạc quan hơn về thân phận con người chúng ta. Là tội nhận, là loài người phải chết, nhưng chúng ta đã được Con Thiên Chúa xuống thế làm người mạc khải tình yêu thương của Thiên Chúa cho chúng ta và Ngài đã thực hiện công việc cứu chuộc của Thiên Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cuối cùng, bằng chính cái chết và cuộc Phục Sinh của Ngài, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi chết đời đời và cho chúng ta được tham dự vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa.

Như thế, đối với chúng ta, những người đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và đang cố gắng sống Lời Chúa dạy, thì sống hay chết, không thành vấn đề, mà chỉ có một thực tại duy nhất là sống, sống trong Chúa, sống cho Chúa, sống thuộc về Chúa. Cái chết chẳng qua chỉ là bước vượt qua từ đời sống trần gian đến đời sống vinh quang vĩnh hằng với Chúa Cha trên trời. Chính vì có sự liên tục giữa hai cuộc sống mà đời sống trần gian này mới có ý nghĩa và mới quan trọng, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải sống làm sao cho cuộc sống trần gian này là khởi điểm, là bảo đảm, là dấu chứng cho cuộc sống mai sau.

Anh chị em thân mến,

Trước khi bước vào Tuần Thánh là đỉnh cao của mầu nhiệm Khổ Nạn Phục Sinh, Giáo Hội đọc bài Tin Mừng hôm này nhằm kêu gọi chúng ta tin vào Đấng là sự sống lại và là sự sống. Niềm tin ấy thắp sáng lên trong chúng ta một hy vọng mà trần gian này dù đen tối đến đâu cũng không thể nào dập tắt được. Đức tin không chuẩn chước cho chúng ta khỏi những tang chế đau thương, những chia ly mất mát hay sự sợ hãi khi đối diện với cái chết. Nhưng đức tin là chấp nhận hiểu và sống các biến cố hiện tại dưới ánh sáng của sự sống siêu việt mà Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguồn cội sự sống đã loan báo.

“Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Tôi sẽ không chết bao giờ”. “Matta, con có tin điều đó không?”, Chúa Giêsu hỏi.

“Vâng, thưa Thầy, con tin”. Matta nói lên niềm tin của chị cũng là niềm xác tín của chúng ta: “Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Chớ gì khi tuyên xưng: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, trong kinh Tin Kính chúng ta sắp đọc, niềm tin ấy không chỉ được phát biểu cách máy móc ngoài môi miệng, nhưng sẽ trở nên sức mạnh giúp chúng ta đứng vững trước mọi đau khổ thử thách, ngay cả cái chết. Đồng thời niềm tin ấy thúc đẩy chúng ta đến với anh em, để góp phần mang lại sự sống dồi dào cho anh em.

Veritas Radio

Tiền và Nước Trời

Tiền và Nước Trời

Có người đã luận bàn về đồng tiền như sau:

Tiền có thể:

– Mua được cao lương mỹ vị, nhưng không mua được sự ngon miệng

– Mua được thuốc thang đắt giá, nhưng không mua được sức khỏe.

– Mua được chăn êm nệm ấm, nhưng không mua được giấc ngủ ngon lành.

– Mua được nhà cao cửa rộng, nhưng không mua được mái ấm gia đình.

– Mua được trò chơi giải trí, nhưng không mua được sự bình an thanh thản của tâm hồn.

– Mua được sách vở tài liệu, nhưng không mua được sự thông minh, kiến thức.

– Mua được bạn bè, nhưng không mua được tình nghĩa.

– Mua được trái tim, nhưng không mua được tình yêu.

– Mua được thân xác, nhưng không mua được tâm hồn.

– Mua được đời này, nhưng không mua được đời sau.

– Mua được con người, nhưng không mua được Thiên Chúa

– Mua được visa để đi khắp nơi trên thế giới, nhưng không mua được hộ chiếu để vào Nước Trời…

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến tiền của: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt.6:24)

Đồng tiền là vật có máu “lạnh”. Từ xa xưa ông cha ta đã nói: “Lạnh như tiền!” Tiền còn là bạc. Bạc không chỉ là một loại quí kim, mà còn có nghĩa là bạc bẽo, bạc tình, bạc nghĩa. Vì tiền mà mất cha mẹ, mất vợ chồng, mất anh em bạn bè…

Tiền bạc không ưa thích con người, nhưng con người ưa thích tiền bạc. Dù tiền rách, tiền bẩn, tiền cũ… người ta vẫn dành cho nó một cảm tình đặc biệt. Có ai chê tiền đâu! Từ người già cho tới em bé, ai ai cũng đều thích tiền.

Chúa Giêsu không bài bác tiền của, không phê phán sự giàu sang, cũng không bác bỏ người giàu. Ngài chỉ nhắc nhở về thái độ phải có đối với tiền của và cảnh cáo những người giàu có trong việc sử dụng đồng tiền.

Tiền của tự nó không xấu. Xấu hay tốt là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Chúa Giêsu lên án sự ham mê tiền của, đặt tiền của cao hơn Chúa, coi tiền của là mục đích của cuộc sống, đến nỗi dành hết sức lực, thời gian, trí tuệ để chiếm hữu thật nhiều tiền.

Tiền của cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng nó cũng là nguyên nhân cho biết bao băng hoại, tráo trở trong xã hội, đổ vỡ trong gia đình, hư đốn trong bản thân. Khi con người đề cao và bám víu vào tiền của, coi tiền của là vạn năng, là cùng đích của cuộc sống …thì con người sẽ trở thành nô lệ cho tiền của.

Tiền của có thể trở thành phương tiện giúp ta đạt tới đích điểm là Nước Trời, nhưng cũng có nguy cơ đẩy ta xa Chúa, đi tìm kiếm những sự phụ thuộc chóng qua của thế gian. Do đó, điều quan trọng là phải biết sử dụng tiền của như phương tiện để tìm kiếm Nước Trời. “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt.6:33)

Tâm sự của con chim Sẻ:

Bạn thân mến!

Tôi chỉ là con Sẻ nhỏ. Một con chim thật tầm thường. Đời tôi cũng chẳng có giá trị gì nhiều, nhưng Thiên Chúa đã chăm sóc tôi…

Tôi không có kho lẫm, tôi không bao giờ gieo hạt hay gặt hái, nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi phần của một con chim sẻ, chỉ đủ dùng và không có được một hạt dư…

Tôi biết có nhiều con chim sẻ ở khắp nơi, nhưng khi một đứa trong chúng tôi bị rơi xuống đất, Cha trên trời cũng biết rõ điều ấy…

Dù nhỏ bé, nhưng tôi không bao giờ bị quên lãng – dù yếu đuối, nhưng tôi không bao giờ sợ hãi…Vì có Cha trên trời luôn nâng đỡ chở che …

Tôi bay lượn trong những khu rừng rậm rạp, hay nhẹ nhàng trên những khóm hoa – tôi không cần bản đồ hay la bàn, nhưng không bao giờ tôi lạc lối…

Lời Chúa hôm nay cất tiếng mời gọi: “Hãy nhìn xem chim trời…Cha anh em ở trên trời vẫn lo cho chúng! Anh em không đáng giá hơn các con chim ấy sao?… (Mt.6:26)

Vì thế xin đừng lo lắng! Nhưng hãy đặt tất cả đời ta trong vòng tay yêu thương quan phòng của Cha trên trời, Bạn nhé!

Veritas Radio

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU

Một vị vua nước Pháp tuyên bố sẽ tiêu diệt tất cả kẻ thù của ông. Nhưng chỉ ít lâu sau, người ta thấy nhà vua đi lại vui chơi ăn uống với những kẻ thù trước kia, họ thắc mắc và lên tiếng hỏi:

– Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù hay sao?

– Đúng thế! Ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta.

Bạn thân mến! Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nhắc đến kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời” (Mt.5:44-45)

“Yêu thương tha thứ và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Đó là lời mời gọi Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.

Ta không chỉ trở thành con cái Thiên Chúa vào ngày rửa tội, nhưng trở thành “con ngoan” của Thiên Chúa nhờ những hành vi tha thứ yêu thương mỗi ngày.

Yêu thương tha thứ là điều rất dễ nói, nhưng lại rất khó thực hiện. Yêu thương tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con của Thiên Chúa, để sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.(Mt.5:48)

Thế giới ngày nay có nhiều sự ác và người ác. Ta phải tiêu diệt sự ác bằng sự thiện, hoán cải người ác bằng tha thứ yêu thương. Tha thứ là ra khỏi vòng luẩn quẩn của oán thù, là mở ra con đường để đối thoại và hoán cải. Hãy mang yêu thương tha thứ đến cho nguời, để rồi bản thân ta cũng sẽ được người thứ tha yêu thương.

Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù.

Hận thù thì hủy diệt, còn yêu thương thì phát triển và xây dựng. Khi trả thù, người ta biến mình giống như kẻ thù, ngang hàng với kẻ thù. Còn khi tha thứ, người ta trổi vượt cao hơn họ.

Chỉ có tình yêu mới là phép mầu sẽ biến kẻ thù thành bạn hữu. Biến thù thành bạn, phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi! Đó chính là sức mạnh của tình yêu. Đó cũng là lời mời gọi của Tình Yêu cho thế giới hôm nay.

Lạy Chúa! Xin ban cho con một trái tim mới, trái tim biết yêu thương tha thứ, để con vượt qua mọi oán hờn ghen ghét, mọi thù hằn ti tiện. Xin cho con cảm nghiệm được tình yêu thương tha thứ của Chúa, để con cũng biết yêu thương tha thứ anh chị em của con. Amen!

Veritas Radio

Muối và ánh sáng (2)

Muối và ánh sáng (2)

Sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, người học trò mới cất tiếng hỏi thầy mình:

– Thưa thầy, đâu là sự khác biệt giữa kiến thức và giác ngộ?

Thầy mỉm cười và ôn tồn giải thích:

– Khi có kiến thức, giống như con có “ánh sáng” soi đường con đi. Nhưng khi con giác ngộ, chính con sẽ trở thành “ánh sáng” soi đường cho người khác.

Bạn thân mến!

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta trở nên “Ánh Sáng và Muối Đất”. Đó cũng là lệnh truyền cấp bách mà Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.

“Chính anh em là muối cho đời”. (Mt. 5,13) Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối. Khi muối muốn ướp cho “mặn đời”, muối phải biết chấp nhận hòa tan, phải biết “mất đi” cho chính mình để hoá thân trong chất mặn, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, của yêu thương và tha thứ …

“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt.5:13). Đây là lời mời gọi tuyệt vời dành cho người Kitô, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga.1:5). Chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga.8:12). Vậy ta muốn trở thành ánh sáng như Đức Giêsu, ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì ta được toả sáng.

Ánh sáng không thiên vị một ai, không thích người này và cũng không chê người kia. Ánh sáng của mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Ánh sáng của người Kitô cũng vậy,“ánh sáng của anh em phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt.5:16).

Ánh sáng của cây nến tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ toả sáng cả một căn phòng, làm cho bóng tối phải lùi bước. Một khi ánh sáng của ngọn nến bừng lên, đó cũng là lúc ngọn nến bị đốt cháy, bị tan biến đi. Người Kitô cũng vậy, phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để “Ánh Sáng Chúa Kitô“ được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp mọi tâm hồn.

Khi bị đốt cháy, ngọn nến nhận sức nóng từ ngọn lửa và cho đi ánh sáng. Người Kitô trong thế giới hôm nay cũng phải giống như vậy. Nhưng trong suy tư thinh lặng, tôi tự hỏi lòng mình: “Tôi đang nhận điều gì trong cuộc sống hôm nay? Và tôi sẽ cho đi những gì cho người anh em xung quanh tôi?”

Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị.

Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối.

Thế giới này sẽ mang bộ mặt mới nếu tôi thực thi lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Anh em là muối cho đời …Anh em là ánh sáng cho trần gian”.

Veritas Radio

Lạy Chúa Giêsu!

Xin giúp con lắng nghe tiếng Chúa

và nỗ lực thực thi Lời Ngài trong cuộc sống của con hôm nay. Amen!