Lần đầu tiên Đức Mẹ La Vang được cung nghinh tại Argentina (Á Căn Đình), quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô !

Thánh Đường Đức Mẹ Lujan (bổn mạng nước Argentina) để khánh thành đền thờ Đức Mẹ La Vang Việt Nam lần đầu tiên trên quê hương của đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

DucMeLaVangTaiArgentina

Xem: Đức Mẹ La Vang Tại Argentina

Lần đầu tiên từ 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ

Lần đầu tiên từ 125 năm Đức Giáo Hoàng tiếp các Giám Mục Công Giáo Cũ

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi đào sâu quan hệ đại kết và sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng tình trạng khủng hoảng tinh thần trong xã hội ngày nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-10-2014, dành cho Phái đoàn của Hội đồng quốc tế các GM Giáo Hội Công Giáo cũ, quen gọi là Liên minh Utrecht. Giáo Hội này qui tụ những tín hữu ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo sau Công đồng chung Vatican I hồi năm 1870 vì không chấp nhận tín điều ĐGH được ơn bất khả ngộ khi tuyên tín. Đa số tín hữu Công Giáo cũ sống tại Đức, Hòa Lan, Áo, Thụy Sĩ và Cộng hòa Tiệp. Tổng số tín hữu Công Giáo cũ trên thế giới vào khoảng 115 ngàn người, theo thống kê năm ngoái.

Giáo Hội Công Giáo và Công Giáo cũ bắt đầu đối thoại thần học từ 48 năm nay (1966) và đây là lần đầu tiên kể từ 125 năm nay, ĐGH tiếp kiến một đoàn GM thuộc các Giáo Hội này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận những tiến bộ mà Ủy ban đối thoại giữa Công Giáo và Công Giáo cũ đã đạt được, qua việc xác định những điểm đồng thuận và những dị biệt giữa hai bên. Nhưng ngài cũng bày tỏ đau buồn vì qua dòng thời gian đã có thêm những bất đồng nảy sinh. ĐTC nói: “Những vấn đề thần học và Giáo Hội học nảy sinh giữa chúng ta thời chia cách nay lại trở nên khó vượt thắng hơn vì sự cách biệt rộng lớn hơn giữa chúng ta về vấn đề thừa tác vụ và phân định luân lý”.

Theo ĐTC, thách đố hiện nay đối với hai bên là kiên trì đối thoại thần học và đồng hành với nhau, cầu nguyện chung và cộng tác trong tinh thần hoán cải sâu xa đối với tất cả những gì Chúa Kitô muốn cho Giáo Hội. Trong sự chia cách này, từ cả hai phía đều có những tội nặng và lỗi lầm phàm nhân. Trong tinh thần tha thứ cho nhau và thống hối, nay chúng ta cần củng cố ước muốn hòa giải và hòa bình.

ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác giữa các tín hữu Công Giáo và Công Giáo cũ để đáp ứng cuộc khủng hoảng tinh thần sâu đậm đang đè nặng trên các cá nhân và xã hội. Hiện nay có sự khao khát nồng nhiệt đối với Thiên Chúa, có ước muốn sâu xa phục hồi ý nghĩa cuộc sống và có nhu cầu cấp thiết phải làm chứng tá đầy sức thuyết phục về chân lý và các giá tri Phúc Âm. Trong lãnh vực này chúng ta có thể nâng đỡ và khích lệ nhau, nhất là trên bình diện các giáo xứ và các cộng đoàn địa phương” (SD 30-102014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Hoạt động của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV trong Đệ Nhất Thế Chiến

Hoạt động của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV trong Đệ Nhất Thế Chiến

Phỏng vấn Linh Mục Massimo Mancini giáo sư Lịch sử Giáo Hội phân khoa Thần Học Triveneto Venezia bắc Italia

Trong các tuần tới đây Âu châu tưởng niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, một cuộc chiến đã khiến cho 20 triệu người thiệt mạng và tàn khốc hơn tất cả mọi cuộc chiến trước đó, vì có sư tham dự của nhiều nước trên thế giới và việc sử dụng các vũ khí mới chưa từng có như máy bay, xe tăng, tầu ngầm, và cả vũ khí hóa học nữa.

Năm 1914 tình hình Âu châu căng thẳng vì các đối nghịch giữa các cường quốc lớn Pháp, Đức và Anh. Hai nước Pháp và Anh có nhiều thuộc địa rộng lớn cung cấp các nguyên liệu rẻ tiền và hầu như vô tận. Đức mặc dù có nền kinh tế phát triển vượt Pháp và bắt kịp Anh quốc, nhưng có ít thuộc địa, nên không có các nguồn tài nguyên phong phú và có thị trường quốc tế nhỏ hơn so với Pháp và Anh. Pháp và Anh muốn ngăn chặn nền kinh tế bành trướng đang lên của Đức. Ngoài sự cạnh tranh kinh tế này, còn có sự đua tranh chính trị nữa. Các cường quốc Âu châu muốn kiểm soát vùng Balcan và biển Địa Trung Hải, nhất là người Nga và người Áo muốn lợi dụng sự yếu kém của đế quốc Ottoman để bành trướng bằng cách chinh phục các vùng đất làm thành bán đảo Balcan. Có một yếu tố khác nữa tạo ra các căng thẳng lớn giữa các nước đó là khuynh hướng quốc gia, đặc biệt là của Pháp vì Pháp muốn chiếm các vùng đất Alsace và Lorraine đã bị mất trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871. Italia thì muốn chiếm lại miền Trento và Trieste.

Chính trong tình hình đua tranh căng thẳng đó Trưởng quận công Francesco Ferdinando, người sẽ kế vị vua Áo, và vợ bị một sinh viện người Serbi ám sát ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại Sarajevo. Vụ ám sát này đã là cớ khiến cho Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ giữa các đế quốc vùng trung Âu châu là Đức, Áo, Hungari, Ottoman, và các cường quốc của Thỏa hiệp tay ba gồm Pháp, Anh và Nga. Đức mơ thành lập một nước lớn bao gồm tất cả các vùng nói tiếng Đức. Trong khi Nga ước muốn hiệp nhất tất cả các dân tôc nói tiếng Slave.

Thế là Áo tuyến chiến với Serbia, vì coi Serbia là nơi tiếp đón mọi lực lượng Slave đòi độc lập, và muốn trừng phạt vùng đất này một lần cho luôn mãi. Chỉ nội trong mấy ngày nhiều quốc gia khác nhau tham chiến. Bên cạnh Đức, Áo là Thổ Nhỉ Kỳ, Bulgaria, Nhật Bản và Rumania. Các người đảng xã hội và các tín hữu công giáo chủ trương hòa bình, nhưng lập trường của họ không được lắng nghe. Các phe lâm chiến cũng không chú ý đến các lời cảnh cáo rất nghiêm ngặt của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV coi chiến tranh là hậu qủa của ích kỷ, của chủ thuyết duỵ vật và việc thiếu các giá trị luân lý và tinh thần.

Ban đầu người ta chỉ nghĩ tới một cuộc chiến kết thúc nhanh chóng, nhưng mọi tính toán đều sai và cuộc chiến biến thành ”chiến tranh hầm trú” kéo dài hết năm này sang năm khác. Binh sĩ đào các đường hầm dài hàng trăm cây số, với các bãi mìn và hàng rào kẽm gai, rồi sống và di chuyển trong đó để cầm chân nhau. Mặt trận trải dài hàng ngàn cây số giữa hai bên và cần binh sĩ tới độ phải tổng động viên đàn ông con trai. Tình trạng này bắt buộc các phụ nữ phải làm việc trong các nhà máy sản xuất quân trang quân dụng. Tuy có các trận đánh đẫm máu nhưng không bên nào tiến được. Người ta đã phải dùng tới máy bay oanh tạc các đường hầm từ trên cao, cũng như xe tăng, hơi ngạt và súng phun lửa.

Phía ngoài biển hải quân Anh phong tỏa không cho quân Đức tiếp viện. Quân Đức bắt đầu sử dụng các tầu ngầm và nạn nhân thường là các tầu của Hoa Kỳ tiếp tế cho Anh quốc.

Năm 1917 các cuộc tàn sát thê thảm bị phơi bầy trước mắt mọi người. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV liên tục kêu gọi ngưng chiến và dịnh nghĩa nhân loại đáng xấu hổ, chiến tranh vẫn tiếp diễn khiến cho các dân tộc Âu châu mệt mỏi vì đói khát, hàng ngàn người tị nạn về nhà với thân thể què cụt. Không còn nông dân để cầy cấy, cũng không còn công nhân trong các hãng xưởng, tất cả đều do phụ nữ, trẻ em và người già đảm trách.

Mùa xuân năm 1917 nhiều vụ nổi dậy đã bắt buộc Nga hoàng Nicola II phải từ chức, hàng triệu binh sĩ Nga mệt nỏi đói khát bỏ chiến tuyến về nhà. Đảng Bônxêvích của Lenin lên nắm quyền, và ký thỏa hiệp đình chiến và hòa bình với Đức. Nga ra khỏi chiến tranh nhưng mất Ba Lan, Estonia, Lettonia, Lituania và Phần Lan. Được rảnh tay, Áo và Đức dồn toàn lực đánh Pháp, Anh và Italia.

Vụ tầu xuyên đại tây dương Lusitania bị quân Đức đánh chìm làm cho 124 người Mỹ bị chết, khiến cho vào mùa xuân năm 1917 Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức. Cùng với các binh sĩ Mỹ là các đồ tiếp tế, quân trang quân dụng và thực phẩm. Trên bình diện quân sự tuy không tiến xa hơn, nhưng Đức và Áo xem ra còn vững. Nhưng trên bình diện kinh tế thì vô cùng thảm hại, vì đồng ruộng bị bỏ hoang không có người canh tác, thiếu nhiên liệu, thực phẩm, cả đến phần ăn của binh sĩ cũng bị hạn chế. Sau các nỗ lực cuối cùng tấn công mà không chiến thắng, tháng 11 năm 1918 Áo ký thỏa hiệp ngưng bắn với Italia, và Đức xin cầu hòa. Các vụ nổi loạn của dân chúng đã khiến cho hai hoàng đế Áo và Đức phải từ chức.

Chính trong bối cảnh chiến tranh trên đây ngày mùng 3 tháng 9 năm 1914 Đức Hồng Y Giacomo Della Chiesa, Tổng Giám Mục Bologna, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy tên là Biển Đức XV. Vụ bầu cử đã diễn ra giữa tiếng bom đạn của Đệ Nhất Thế Chiến, mà Đức tân Giáo Hoàng định nghĩa là một ”tai ương vô ích”. Trong hơn 7 năm làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Biển Đức XV tìm cách ngăn chặn cuộc xung khắc, hăng say tái phát động các tương quan với miền nam thế giới và Viễn Đông, công bố Bộ giáo luật mới, giảm các giọng điệu của phong trào duy tân tiến, tái tổ chức việc truyền giáo, và ủng hộ tín hữu công giáo trong cuộc sống chính trị. Nhưng hoạt động lớn nhất của ngài là hoạt động cho hòa bình.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Massimo Mancini, giáo sư Lịch sử Giáo Hội phân khoa Thần Học Triveneto Venezia bắc Italia, về hoạt động của Đức Thánh Cha Biển Đức XV cho hòa bình.

Hỏi: Thưa cha Mancini, trong lịch sử Giáo Hội thuộc thế kỷ XX gương mặt của Đức Thánh Cha Biển Đức XV xem ra là một gương mặt lu mờ, ít đựơc biết tới, có đúng thế không?

Đáp: Đức Biển Đức XV là một vị Giáo Hoàng đã sống trong các hoàn cảnh khó khăn, khi Tòa Thánh chưa được thừa nhận trên bình diện quốc tế, nhưng ngài đã thành công trong việc là một đối tác có giá trị và hữu hiệu bên cạnh các quốc gia hùng mạnh để đi tới hòa bình. Cả khi hòa bình đã chỉ tới sau bốn năm chiến tranh. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV mời gọi mọi dân tộc lâm chiến làm hòa với nhau. Ngài đã không bênh vực bên nào hết, và đây là một khía cạnh sẽ bị nhiều người chỉ trích. Nhưng Đức Biển Đức XV biết rằng nhiệm vụ của ngài là cha của tất cả mọi kitô hữu, là đưa mọi người tới hòa bình, mà không ủng hộ nước nào cả. Và điều này đã không được người ta hiểu.

Hỏi: Đã không chỉ có các lời kêu gọi hòa bình, nhưng nhờ kinh có nghiệm ngoại giao Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV tìm mọi cách để giải quyết các xung khắc, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, một mặt ngài lo cống hiến sự trợ giúp cho tất cả những người bị thiệt hại bởi chiến tranh chừng nào có thể. Mặt khác sau ba năm chiến tranh đẫm máu và thê thảm Đức Biển Đức XV đã đưa ra một đề nghị và gửi một văn thư ngoại giao cho tất cả các cường quốc lâm chiến, bằng cách chỉ cbo họ thấy các giải pháp cho các vấn đề cụ thể. Nhưng lời đề nghị cụ thể của ngài bị các cường quốc khước từ, ngoại trừ vua Carlo I của nhà Asburgo. Chắc chắn đó đã không phải là một chiến thắng, nhưng là một thời điểm tiên tri lớn từ phía Đức Giáo Hoàng.

Hỏi: Liên quan tới công tác truyền giáo, Đức Biển Đức XV cũng đã để lại dấu vết hoạt động của ngài, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, với Tông thư ”Maximum illud” công bố ngày 30 tháng 11 năm 1919 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã trao ban cho công tác truyền giáo một sức đẩy mới, băng cách tìm thực hiện chương trình của một hàng giáo sĩ địa phương. Như thế các giám mục, linh mục là những người dân bản địa, một việc truyền giáo không gắn liền với chế độ thực dân của các cường quốc âu châu, nhưng để cho nổi bật lên các tài gnuyên và nhân lực của các dân tộc địa phương cần được rao truyền Tin Mừng, cho một sứ điệp thực sự tin mừng.

Hỏi: Đức Biển Đức XV đã là một vị Giáo Hoàng canh tân nhìn xa thấy rộng liên quan tới cả sự dấn thân của tín hữu công giáo trong lãnh vực chính trị nữa, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV cũng là một người rất chú ý tới sự hiện diện của tín hữu công giáo trong lãnh vực chính trị tại các nước khác nhau. Trước tiên là tại Italia ngài đã ủng hộ việc thành lập Đảng nhân dân mới Italia của linh mục Luigi Turzo. Đây là đảng phái chính trị đầu tiên tại Italia có nguồn hứng công giáo. Dưới triều đại của Đức Biển Đức XV cũng đã có các thương thảo ngầm để đem lại giải pháp cho ”Vần đế của Roma” đã kéo dài hàng chục năm trời và là nguyên do xung khắc giữa Italia và Tòa Thánh.

(RG 29-6-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Giáo Hoàng

Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Giáo Hoàng

VATICAN. Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều Roma đang tiến hành tại Vatican từ ngày 1 đến 4-7-2014.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 2-7-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC tham dự tất cả các phiên họp của Hội đồng và hiện nay Hội đồng gồm 9 Hồng Y thành viên, thay vì 8 vị như khi mới thành lập, vì ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nay cũng là thành viên trọn vẹn của Hội đồng.

Trong khóa họp này, Hội đồng bàn về việc cải tổ Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, Phủ Quốc vụ khanh và các Hội đồng của Tòa Thánh. Hiện nay Hội đồng còn ở giai đoạn trao đổi và nghiên cứu thông tin về các cơ quan này và chưa thể nói là có một dự thảo Hiến chế mới thay thế Hiến Chế Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành) có từ năm 1988 và hiện còn giá trị liên quan đến các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Ngoài ra, Hội đồng cũng bàn về Viện Giáo Vụ (IOR), quen gọi là ngân hàng Vatican. Khi bàn về vấn đề này, cũng có sự tham dự của Hội đồng các HY giám sát viện giáo vụ.

Về những tin tức gần đây cho rằng chủ tịch viện giáo vụ là Ông Ernst von Freyberg, người Đức, sắp từ chức sau 17 tháng tại nhiệm, Cha Lombardi tuyên bố rằng: ”Viện Giáo Vụ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp và phát triển, và ở trong sự thanh thản. Sự đóng góp của ông Ernst vonFreyberg tiếp tục được đánh giá rất cao và được coi là rất tích cực. Việc làm sáng tỏ hơn là điều rất có thể, vì sắp có cuộc họp của Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh vào ngày 5-7-2014, và cũng sẽ bàn về qui chế của viện IOR. (SD 2-7-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Mình Máu Thánh Chúa

Mình Máu Thánh Chúa

Một Mục sư nọ kể lại câu chuyện sau đây: Hai người lính vào trong một Giáo đường. Họ đứng giữa cộng đoàn đang sốt sắng cầu nguyện, người lính lớn tiếng đe dọa: Ai không bỏ đạo sẽ bị bắn chết tại chỗ. Ai bỏ đạo thì đứng sang bên phải và được thả về; những người còn lại chuẩn bị để chết vì niềm tin của mình. Nhưng trong bầu khí hoàn toàn tin tưởng, không ai rời khỏi vị trí mình đang cầu nguyện. Trước bầu khí thinh lặng và thánh thiêng ấy, hai người lính kia thả súng xuống và nói: Chúng tôi là những người Kitô, sở dĩ chúng tôi đã hành xử như vừa rồi là vì chúng tôi muốn thử xem có ai là người sẵn sàng chết cho niềm tin của mình không? Và chỉ những người như thế mới đáng được về.

Bài Phúc Âm của Chúa Nhật Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa tra vấn các người Kitô, mỗi người chúng ta có quyết liệt đến mức sẵn sàng chết vì điều mình tin chăng?

Sách Phúc Âm của Gioan đã thuật lại cho độc giả tới màn khá gay cấn. Sau bài Tin Mừng, tác giả cho biết nhiều môn đệ của Chúa Giêsu không ngần ngại nói trắng ra điều họ nghĩ: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6,60). Kết quả là nhiều môn đệ rút lui không còn tin vào Chúa Giêsu nữa, không còn đồng hành chung với Ngài nữa. Đó là lúc chính Chúa Giêsu đã muốn nhóm Mười Hai phải xác định rõ lập trường về niềm tin của mình: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Chúng ta biết, một bên là Phêrô đã tuyên xưng thay cho các Tông Đồ: “Thưa Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời”. Và bên kia là Giuđa Iscariô không những bỏ Thầy mà còn phản Thầy nữa.

Toàn bộ chương VI của Phúc Âm thánh Gioan đặt các môn đệ trước thái độ quyết liệt này, các ông đã được thấy Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều (x. Ga 6,1-10), rồi đi trên mặt nước và trong nháy mắt thuyền đã cập bến không cần chèo chống (x. Ga 6,16-21). Rồi cuối bài giảng tại hội đường Capharnaum, ở đó Chúa Giêsu xưng mình là Bánh Hằng Sống (x. Ga 6,26-59). Bài Phúc Âm hôm nay rút từ bài diễn văn của Chúa tại Hội Đường Capharnaum: “Ta là Bánh Hằng Sống từ Trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây để cho thế gian được sống”.

Chúng ta có còn tin tưởng vững vàng vào Lời Chúa phán hay không?

Ngày 3.5.1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cử hành Thánh Lễ Mình và Máu Thánh Chúa tại đền thờ thánh Gioan Latêranô ở Rôma. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mong ước tất cả mọi người hiệp ý với Ngài dâng lên Chúa Giêsu Thánh Thể lời nguyện cho hòa bình tại Kosovo và cho tất cả mọi người trên thế giới. Sau đây xin được trích lại bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thánh Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa để chúng ta cùng hiệp ý chia sẻ và mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa trong ngày hôm nay.

“Hỡi Sion, hãy dâng lên lời chúc tụng Đấng Cứu Thế”.

Lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa là ngày Lễ Chúc Tụng và Tạ Ơn. Trong lễ này, dân Kitô hiệp nhau quanh bàn thờ để chiêm ngắm và tôn thờ mầu nhiệm Thánh Thể, nhắc nhớ hy tế Chúa Kitô, Đấng đã ban cho tất cả mọi người ơn cứu độ và sự bình an.

Việc cử hành Thánh Lễ trọng thể và cuộc rước kiệu theo truyền thống, cả hai đều hướng đến một mục tiêu đặc biệt là cầu khẩn tha thiết cho “Hòa Bình”. Trong khi chúng ta tôn thờ Mình Thánh của Đấng là Đầu, là Chúa Giêsu. Làm sao chúng ta không liên đới để trở thành những chi thể của Người đang chịu đau khổ vì chiến tranh?

Phải, thưa anh chị em thân mến,

Những tín hữu Rôma và khách hành hương hôm nay, tất cả chúng ta bắt đầu cầu nguyện chung với nhau cho Hòa Bình. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biêt cho hòa bình tại Kosovo. Ước chi Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe soi sáng và hướng dẫn chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất vang lên mệnh lệnh của Chúa: “Con hãy nhớ lại con đường mà Thiên Chúa đã cho con đi qua” (Dnl 8,2). “Con hãy nhớ lại”, đây là mệnh lệnh thứ nhất, không phải lời mời gọi mà là mệnh lệnh Chúa gởi đến dân Ngài trước khi đưa họ vào đất hứa. Thiên Chúa ra lệnh cho họ là đừng quên.

Để có được sự hòa bình của Thiên Chúa hứa ban thì trước hết hãy “đừng quên”, hãy biết sử dụng những kinh nghiệm đã trải qua, kể cả những sai lầm, người ta cũng có thể rút ra một bài học để định hướng tốt hơn cho con đường mình đang đi. Khi nhìn về thế kỷ này và nhìn về ngàn năm sắp kết thúc, làm sao chúng ta không nhớ lại những thử thách khủng khiếp mà nhân loại đã gánh chịu, chúng ta không thể nào quên được, ngược lại chúng ta phải nhớ. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, giúp chúng ta rút ra những bài học đúng từ những thăng trầm chúng ta trải qua cũng như của những ai đã đi trước chúng ta.

Lịch sử muốn nói đến những khát vọng to lớn là muốn có hòa bình, nhưng cũng nói đến thất vọng mà nhân loại đã phải chịu nữa là “nước mắt và máu”. Chính ngày hôm nay 3.6.1963, cách đây hơn ba mươi năm về trước, Đức Gioan XXIII qua đời. Ngài là vị Giáo Hoàng của “Thông Điệp Hòa Bình Trên Mặt Đất”. Thông Điệp này đã được mọi người đồng thanh ca tụng biết chừng nào, trong đó có nói lên những đường nét chính đích thực cho việc xây dựng hòa bình thế giới. Nhưng biết bao lần trong những năm qua, người ta phải chứng kiến biết bao vụ bùng nổ, gây chiến, bạo lực, chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên, người tín hữu không đầu hàng, người tín hữu biết mình có sức cậy dựa vào sự trợ lực của Thiên Chúa. Về điểm này, những lời của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly thật là có ý nghĩa: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy đem lại bình an không như cách thức thế gian đã ban cho” (Ga 14,27).

Ngày hôm nay, chúng ta muốn hiểu thấu những lời này và hiểu cách sâu xa hơn nữa. Trong tinh thần, chúng ta hãy bước vào nhà Tiệc Ly với Chúa Giêsu qua việc Ngài trao ban chính Mình và Máu Ngài dưới hình bánh và rượu mà Ngài đã thực hiện ở Calvariô đang được tái diễn trong nhiệm tích Thánh Thể. Chính trong cách thức này mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta sự bình an. Sau này Thánh Phaolô đã bình luận: “Người là hòa bình của chúng ta”.

Khi trao ban chính Mình, Chúa Giêsu Kitô trao ban cho chúng ta chính sự bình an. Hòa bình của Chúa không phải là hòa bình của thế gian, nhưng hòa bình của Chúa Kitô là kết quả sự Vượt Qua của Ngài, nghĩa là kết quả của hy tế trong cuộc vượt qua của Ngài.

“Bánh mà Ta ban cho là Thịt Ta để cho thế gian được sống”. Đoạn Phúc Âm chúng ta vừa nghe, những lời này của Chúa Giêsu làm cho chúng ta hiểu thế nào là nguồn mạch của hòa bình đích thực. Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, là Bánh được trao ban cho thế gian để được sống. Đó là Bánh mà Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị, ngõ hầu để nhân loại được sống và sống dồi dào: “Thiên Chúa đã không tha Con Một Ngài, nhưng đã trao ban Con Một Ngài” (Ga 3,16), để cứu rỗi tất cả, như là Bánh nuôi sống tất cả.

Ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng thật rõ ràng. Để được sống thì không chỉ tin Chúa mà thôi, còn cần phải sống như Chúa, sống bằng sự sống của Chúa. Vì vậy mà Ngôi Lời đã Nhập Thể, chết và sống lại. Người đã ban cho ta Thánh Thần của Ngài, nhờ vậy mà chúng ta biết Thánh Thể, ngõ hầu chúng ta có thể sống nhờ Ngài, như Ngài sống nhờ Chúa Cha (Ga 6,5). Bí tích Thánh Thể là bí tích của hồng ân mà chính Chúa Kitô đã trao ban cho chúng ta, là bí tích của tình thương và hòa bình, là sức sống sung mãn “Bánh Hằng Sống, Bánh ban sức sống”.

Ước gì lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa gia tăng đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu, vào Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể để ở lại với chúng ta, ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Lạy Chúa Giêsu, bước theo Chúa chúng con dấn thân chống lại bạo lực của con người trên con người mà không dùng đến bạo lực. Chúng con cần có sức mạnh của tình thương Chúa, chúng con cần lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống sự sống của Chúa, để được sức mạnh của Chúa, sức mạnh của tình thương chiến thắng trên bạo lực.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn, nhờ bí tích Thánh Thể chúng con được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, chúng con lãnh nhận sự sống của Chúa trong mình chúng con, xin cho chúng con mỗi ngày trở nên giống Chúa nhiều hơn. Amen.

Veritas Radio

Thông tin chuyến tông du của Giáo Hoàng đến Hàn Quốc được phát hành

Thông tin chuyến tông du của Giáo Hoàng đến Hàn Quốc được phát hành

Andrea Tornielli cho Vatican Insider/La Stampa

ĐTC-và-tu-sĩ-Hàn-Quốc

ĐTC và tu sĩ người Nam Hàn

Đoàn đại biểu Vatican, được bổ nhiệm để nghiên cứu chi tiết về lịch trình chuyến thăm sắp tới của Đức Phanxicô từ ngày 14-18 tháng 8, đã đến Hàn Quốc vào thứ Hai và đã đúc kết về lịch trình chuyến đi lần hai này. Thông tin này đã được đăng bởi trang web ‘Il Sismografo’ với một bài viết của Alexander Notarnicola đề cập đến những nội dung về các nghi thức cử hành của Đức Giáo Hoàng trích từ báo chí Hàn Quốc.

Đoàn đại biểu Tòa Thánh dẫn đầu bởi vị linh mục chuyên lo về các chuyến thăm quốc tế của Đức Thánh Cha là Alberto Gasbarri. Họ đã có một chuyến thăm vào hồi đầu tháng 2. Đoàn đại biểu của Vatican đã gặp các quan chức chính phủ và các thành viên ủy ban chuẩn bị thuộc Giáo Hội Công giáo địa phương.

Kế hoạch đã lên lịch trong đó có Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành vào ngày 15 tháng 8 tại sân vận động Daejeon, nơi đã diễn ra World Cup 2002. Thánh Lễ này sẽ trùng với Ngày Đại Hội Giới Trẻ Châu Á lần thứ VI từ ngày 13 đến 17 tháng 8, dịp Đức Giáo Hoàng viếng thăm. Ngày 16 tháng 8, tại Gwanghwamun, Đức Phanxicô sẽ phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc bị giết trong thế kỷ XVIII: họ bị kết án tử vì theo Công giáo mà bỏ Nho giáo là tôn giáo chính trong triều đại Joseon (1392-1910).

Mặc dù, chính quyền thành phố Seoul ước tính số người Công giáo tham dự sẽ không quá 200 ngàn, nhưng sẽ có khoảng một triệu người hiện diện trong lễ phong chân phước này.

Ngày 16 tháng 8, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm thành phố Hoa ở làng Eumseong, tỉnh Chungcheon của Hàn Quốc, ở đây ngài sẽ gặp gỡ những người khuyết tật và người vô gia cư. Cuối cùng, vào ngày 18 tháng 8 Đức Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ chính tòa Myeongdong ở Seoul. Vương cung thánh đường kính Trái Tim Đức Mẹ Vô Nhiễm và còn được gọi là nhà thờ chính tòa Myeong-dong, đặt theo tên khu phố nơi nhà thờ tọa lạc. Nhân dịp này có thể có người Công giáo từ Bắc Triều Tiên tham dự.

Nguồn: Vatican Insider/La Stampa

Trích từ UCANEWS VN

Lo ngại về tình hình sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng

Lo ngại về tình hình sức khoẻ của Đức Giáo Hoàng

Edward Pentin cho Newsmax

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du Đất Thánh hôm thứ Bảy với lịch trình công việc dày đặc mà một người khoẻ mạnh cũng có thể khó khăn, nội bộ Vatican cũng đặt ra những vấn đề về sức khỏe của Đức Giáo Hoàng.

Một số người bên trong Tòa Thánh đang trao đổi với nhau những quan tâm về tình trạng sức khoẻ của Đức Phanxicô và hỏi liệu Ngài có làm việc quá sức.

Chưa đầy hai năm trước khi được bầu làm Giáo Hoàng, vị Giáo Hoàng 77 tuổi có phong thái khoẻ mạnh linh hoạt mà một người dù bằng nửa tuổi của Ngài cũng khó có thể bắt kịp.

Nhưng những người quan sát kỹ hơn thì lưu ý rằng cơ thể Đức Giáo Hoàng có thể khó theo kịp năng lực và sức sống trẻ trung của Ngài, đặc biệt Ngài chỉ có một lá phổi.

Khi còn là một đứa trẻ tại Argentina, trước khi có sự tiến bộ của thuốc kháng sinh, Đức Giáo Hoàng đã bị nhiễm trùng khiến bác sĩ phải phẫu thuật loại bỏ hầu hết một lá phổi.

Qua nhiều năm, điều đó có vẻ ổn, nhưng gần đây Đức Giáo Hoàng đã hủy một số cuộc tiếp kiến vì lý do sức khỏe.

Mặc dù đã lên kế hoạch từ nhiều tháng trước, nhưng Đức Giáo Hoàng tuần trước đã phải huỷ chuyến thăm dự kiến vào ​​ngày 18-5 đến Đền Đức Mẹ Divino Amore ở ngoại ô Rôma. Mục đích chuyến thăm nhằm “soi sáng các cam kết” của Đức Giáo Hoàng trước chuyến thăm Đất Thánh, nhưng sau chuyến đi phải hủy vào cuối tuần vì Đức Giáo Hoàng bị cảm lạnh.

Đây không phải là lần duy nhất cuộc hẹn bị trì hoãn hoặc hủy bỏ trong những tháng gần đây.

Vào ngày 28-2, Đức Phanxicô huỷ chuyến thăm Đại Chủng viện Rôma vì bị “sốt nhẹ.”

Trước đó, đầu tháng Mười Hai, Ngài buộc phải hủy vào phút cuối cùng cuộc họp tại Vatican với Đức Hồng Y Angelo Scola, Tổng Giám mục Milan cùng phái đoàn đến dự triển lãm năm 2015. Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng “bị mệt” sau buổi tiếp kiến ​​chung tại quảng trường Thánh Phêrô, trong đó Ngài đã chào các tín hữu trong gần ba giờ đồng hồ.

Đức Hồng y Ấn Độ Telesphore Toppo Placidus, Tổng Giám mục Giáo phận Ranchi, nói với nhật báo Libero tiếng Ý rằng ngài đã dâng lễ đồng tế với Đức Giáo Hoàng vài ngày vào mùa hè năm ngoái và thấy Đức Giáo Hoàng “rất mệt mỏi.”

Ngài nói thêm: “Tôi thật sự không biết Đức Giáo Hoàng có thể duy trì cường độ làm việc như thế này trong bao lâu”.

Tháng Chín năm ngoái, tạp chí Argentina Noticias cho biết, bác sĩ riêng của Đức Giáo Hoàng tại Argentina nói ông “lo ngại” về sức khỏe bệnh nhân.

“Tôi tin là có điều gì đó không ổn”, Liu Ming, bác sĩ người Hoa theo đạo Lão trước đây đã giúp chữa cho Đức Giáo Hoàng các vấn đề về tim và gan bằng phương pháp châm cứu và các cách điều trị phương Đông khác nói.

Nhưng phát ngôn viên Vatican cha Federico Lombardi trấn an mọi lo ngại. Chuyến thăm đến đền Đức Mẹ Divino Amore sẽ có thể “rất khó khăn” vì Đức Phanxicô thông thường muốn gặp nhiều người và các đoàn thể. “Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng nghĩ: ‘Vâng, chúng ta có thể làm điều đó vào dịp khác,’ và không nên quá quan tâm về việc đó”, cha nói.

Một vài người gần Đức Giáo Hoàng cho biết họ thấy Ngài khó thở, và trong thời gian 14 tháng làm giáo hoàng, Ngài đã tăng cân đáng kể, có lẽ gần đến 20 pound.

Nguồn: Newsmax

Trích từ UCANEWS VN

Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Một giáo sĩ Do Thái và một nhà lãnh đạo Hồi giáo sẽ cùng tham gia với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Đất Thánh sắp đến. Đây là lần đầu một phái đoàn chính thức của giáo hoàng có các thành viên của các tôn giáo khác, Vatican cho biết hôm thứ Năm.

Hai người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô từ những ngày ngài còn là tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires, là vị giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và Omar Abboud, nhà lãnh đạo cộng đoàn Hồi giáo Argentina, có mặt trong phái đoàn chính thức chuyến thăm Jordan, Bờ Tây, Israel từ ngày 24-26 tháng 5.

Phát ngôn viên Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết sự hiện diện của hai vị này trong phái đoàn là một “điều hoàn toàn mới lạ” mà Đức Phanxicô rất mong muốn cho thấy điều hoàn toàn “bình thường” khi có các bạn bè thuộc niềm tin tôn giáo khác.

Giáo sĩ Skorka và Đức Hồng Y Jorge Mario-Bergoglio trước đây đã cùng viết cuốn “Trên Trời và Dưới Đất”, nhằm tìm hiểu các khía cạnh của Do Thái giáo và Công giáo về nhiều vấn đề. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hồi giáo Abboud là người đối thoại Hồi giáo chính của Hồng y Bergoglio tại giáo phận Buenos Aires và gần đây tham gia chuyến thăm liên tôn giáo tại các điểm dừng chân chính trong chuyến thăm sắp đến của Đức Phanxicô.

Mục đích chính trong suốt chuyến thăm của Đức Phanxicô là kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử đến Jerusalem của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của giáo hoàng.

Trong chuyến công du năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã gặp các lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính Thống giáo trên thế giới, Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras, kết thúc hàng trăm năm bất hoà giữa người Công giáo và Chính Thống giáo. Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Đức Thượng Phụ Đại kết hiện nay, Đức Bartholomew I, bốn lần khác nhau trong chuyến thăm ba ngày. Điểm nổi bật là cùng cầu nguyện tại nhà thờ Mộ Thánh, một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Kitô giáo nơi các tín hữu tin rằng Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và phục sinh.

Cha Lombardi nói rằng buổi cầu nguyện chung bản thân là một “sự kiện lịch sử” vì cả ba cộng đoàn Kitô cùng chia sẻ một giáo hội, Chính Thống Hy Lạp, Công giáo La Mã và Armenia cùng lúc cầu nguyện chung.

Các buổi cầu nguyện tại nhà thờ cổ thường riêng biệt, mỗi cộng đoàn thường bảo vệ một lãnh địa riêng và chương trình cầu nguyện riêng.

Nguồn: NY Daily News/AP

Trích từ UCANEWS VN

Thánh tích giáo hoàng đến Thái Lan

Thánh tích giáo hoàng đến Thái Lan

Stephen Steele từ Nakhon Pathom, Thái Lan

Thánh-tích-Giáo Hoàng đến-Thái Lan

Cha Komsan Yancharoen nhớ lại ngày thụ phong linh mục của mình cách đây 30 năm trong cái nóng gay gắt. Một ký ức sâu sắc khác nữa là ngày đó, vị truyền chức linh mục cho mình là một vị thánh trong tương lai, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến thăm mục vụ châu Á năm 1984, vị Giáo hoàng đã truyền chức cho 23 linh mục Thái Lan. Cha Yancharoen nói vào thời điểm đó khả năng tiếng Anh của cha còn hạn chế nhưng cha nhớ vài điều Đức Giáo Hoàng nói. Cha nhớ lại rằng Đức Gioan Phaolô II hiện thân cho một “chiều kích dịu hiền của Giáo hội” giúp nâng cao vai trò của Giáo hội trong xã hội Thái Lan.

“Ở Thái Lan, nhiều người nhầm lẫn về Giáo hội Công giáo và mục tiêu sứ mạng của Giáo hội, nhưng Đức Giáo Hoàng đã giúp giảm bớt sự nhầm lẫn này,” cha Yancharoen nói với ucanews.com hôm 10-5 tại buổi lễ rước kiệu Thánh tích hai vị thánh Gioan Phaolô II và Gioan XXIII vừa mới phong thánh ở Vatican hôm 24-4 vừa qua.

Một lọ máu của thánh Gioan Phaolô II và một miếng da nhỏ của thánh Gioan XXIII sẽ được luân phiên truyền đến các giáo xứ khắp Thái Lan.

Cha Yancharoen có mặt tại hội trường Gioan Phaolô II cùng với 5,000 tín hữu Công giáo cung nghênh Thánh tích đến Thái Lan.

Sang ngày hôm sau, Thánh tích sẽ được các thành viên trong Hội đồng Giám mục Thái Lan rước đến nhà vua Bhumibol Adulyadej tại cung điện Klai Kangwon ở Hua Hin, và cầu nguyện cho sức khỏe của quốc vương trị vì lâu nhất thế giới.

Đức ông Andrew Vissanu Thanya Anan, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Thái Lan và cựu thứ trưởng Vatican Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo, cho biết cả hai vị giáo hoàng có một mối quan hệ đặc biệt với vị vua Thái Lan.

Vua Bhumibol đã thăm Đức Gioan XXIII tại Vatican vào năm 1960 và mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Thái Lan. Chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1984 là một sự đáp trả khoáng đạt lời mời của nhà vua.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã gặp những người tị nạn tại trại tị nạn Phanat Nikhom ở Thái Lan.

Đức ông Vissanu cho biết khi “người Thái tận mắt nhìn thấy sự khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng, các rào cản đã bị phá vỡ”.

“Thái Lan luôn mang nặng gánh những người tị nạn. Khi họ thấy nhà lãnh đạo Giáo hội gặp gỡ những người tị nạn, người dân Thái hiểu biết thêm về Giáo hội hơn,” Đức ông nói.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ được tôn phong Chân Phước

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sẽ được tôn phong Chân Phước

Pope Paul VI

Hôm nay thứ Bảy 10-05-2014, Toà Thánh Vatican công bố: Đức giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn việc ban hành sắc lệnh về án phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của ngài là Đức giáo hoàng Phaolô VI.

Chiều thứ Sáu 09-05, Đức giáo hoàng Phanxicô đã tiếp kiến Đức hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép Bộ này được ban hành Sắc lệnh công nhận Phép lạ do lời chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Phaolô VI (Giovanni Battista Montini), Giáo hoàng; sinh ngày 26 tháng 09 năm 1897 tại Concesio (Italia) và qua đời ngày 06 tháng 08 năm 1978 tại Castel Gandolfo (Italia).

Lễ tôn phong chân phước dự kiến ​​diễn ra ngày 19 tháng Mười năm 2014, vào lúc bế mạc Đại hội chung ngoại thường lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI , người đã thực hiện hiện đại hóa Giáo Hội Công Giáo La Mã tuyên bố lệnh cấm ngừa thai nhân tạo đã tiến một bước gần hơn cho việc phong thánh mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận chính thức là một phép lạ .

Một ngày sau khi chính thức xác nhận của ĐTC Phanxicô. Phép lạ này liên quan đến một việc sinh con  nguy hiểm ở California.  Phong Chân Phước là bước cuối cùng trước khi chính thức có thể phong Thánh .

Cơ sở truyền thông Ý đã thông báo rằng phép lạ là của một cậu bé được sinh ra khỏe mạnh ở California mặc dù chẩn đoán bị vở bàng quang vào năm 2001 và không có chất ối lỏng. Người mẹ đã từ chối phá thai và cầu nguyện với ĐứcThánh Cha Phaolô VI do sự khuyến khích của một Sơ. Em bé được sinh ra sớm hơn một tháng và hiện nay là một thanh niên khỏe mạnh.

Ngoài ra, Sắc lệnh nói trên cũng công nhận:

– Phép lạ do lời chuyển cầu của Đấng Đáng Kính Luigi Caburlotto, linh mục giáo phận, người sáng lập Viện các Nữ tử Thánh Giuse; sinh ngày 07 tháng 06 năm 1817 tại Venezia (Italia) và qua đời tại đây ngày 09 tháng 07 năm 1897;

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giacomo Abbondo, linh mục giáo phận; sinh ngày 27 tháng 08 năm 1720 tại Salomino (Italia) và qua đời ngày 09 tháng 02 năm 1788 tại Tronzano (Italia);

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Giacinto Alegre Pujals, linh mục Dòng Tên; sinh ngày 24 tháng 12 năm 1874 tại Terrassa (Tây Ban Nha) và qua đời ngày 10 tháng 12 năm 1930 tại Barcelona (Tây Ban Nha);

– Các nhân đức anh hùng của Tôi Tớ Chúa Carla Barbara Colchen Carré de Malberg, người mẹ gia đình, vị sáng lập Hiệp hội các Nữ tử Thánh Phanxicô Salêsiô; sinh ngày 08 tháng 04 năm 1829 tại Metz (Pháp), và qua đời ngày 28 tháng 01 năm 1891 tại Lorry-les-Metz (Pháp).

Vatican Radio

 



 

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Cuộc sống của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dzwisz, Tổng Giám Mục Cracovia

Sáng Chúa Nhật 27-4-2014 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II. Cùng đồng tế thánh lễ có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI, 150 Hồng Y và 700 Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó cũng có Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Phụ tá Xuân Lộc. Có 10,000 linh mục cùng hiện diện trong thánh lễ với 800,000 tín hữu, đứng chật quảng trường thánh Phêrô, quảng trường Pio XII, đại lộ Hòa giải, lâu đài Thiên Thần trên hai cầu và các đường chung quanh quảng trường. Khoảng 3 triệu tín hữu còn lại đã theo dõi thánh lễ trên các màn truyền hình khổng lồ bố trí tại Circo Massimo và tất cả mọi quảng trường lớn trong thành phố Roma như quảng trường thánh Gioan Laterano, quảng trường Popolo, quảng trường Navona, quảng trường Risogimento vv… Ngoài ra dân chúng đó đây trên thế giới có thể theo dõi thánh lễ trong hàng trăm rạp Cine ba chiều kích, và đã có 2 tỷ người có thể theo dõi thánh lễ qua các đài truyền hình quốc tế.

Lễ phong Hiển Thánh nói trên đã là biến cố duy nhất trong lịch sử dài hơn 2,000 năm của Giáo Hội: hai Giáo Hoàng còn sống phong Thánh cho hai Giáo Hoàng tiền nhiệm.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, Tổng Giám Mục Cracovia, nguyên bí thư của Đức Gioan Phaolô II trong 39 năm trời.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y Dziwisz, Đức Hồng Y đã quen Đức Gioan Phaolô II khi nào?

Đáp: Tôi đã biết Đức Karol Wojtila khi ngài còn là giáo sư và chưa là Giám Mục. Ngài dậy môn dẫn nhập Triết và Thần học năm thứ I tại đại chủng viện. Chúng tôi đã nhận ra ngay một con người rất đặc biệt, có nền tu đức sâu xa và cũng là một giáo sư rất giỏi, luôn luôn được chuẩn bị, các bài dậy học của ngài rất hay. Vì thế ngài đã chinh phục được cảm tình lớn của các sinh viên chúng tôi ngay lập tức. Điều gì đã đánh động chúng tôi? Khi tới giờ nghỉ, ngài luôn luôn vào nhà nguyện. Khi ngài ở trong nhà nguyện thì không có gì khác hiện hữu nữa. Và chúng tôi từ xa khâm phục ngài…

Hỏi: Các sinh viên như Đức Hồng Y đã hiểu ngay là mình đang đứng trước một người đặc biệt. Thế rồi Đức Hồng Y đã ở bên cạnh Đức Karol Wojtila gần 40 năm trời, và chính ngài đã truyền chức Linh Mục cho Đức Hồng Y, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, nhưng mà tôi còn có các điều khác nữa: truyền chức Giám Mục, tất cả… tất cả là từ tay của ngài. Tôi đã phục vụ ngài trong 39 năm: 12 năm tại Cracovia và 27 năm tại Roma. Tôi đã sống với một vị thánh.

Hỏi: Từ sự cường tráng của một người trẻ cho tới sự yếu đuối trong bệnh tật và tuổi già, cho tới các giây phút cuối cùng của cuộc đời dương thế lúc 21 giờ 37 phút chiều ngày mùng 2 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y đã là chứng nhân sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, một sự thánh thiện được diễn tả ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Theo Đức Hồng Y, có một hình ảnh đặc biệt nào diễn tả hay nhất sự thánh thiện của ngài hay không?

Đáp: Tôi đã bị đánh động sau vụ mưu sát. Tôi đã ở trong xe cứu thương với ngài. Khi ngài còn tỉnh ngài đã cầu nguyện nhỏ tiếng cho kẻ mưu sát ngài. Ngài không biết là ai nhưng ngài đã tha thứ cho họ, và ngài dâng sự khổ đau của ngài để cầu nguyện cho Giáo Hội và thế giới. Ngài đã không cầu nguyện cho chính mình được tai qua nạn khỏi, nhưng cầu nguyện cho kẻ khác. Và vì thế đây là một điều ngoại thường. Tất cả mọi sự luôn luôn đi qua lời cầu nguyện. Người ta đã hỏi tôi ngài cầu nguyện mỗi ngày mấy giờ. Nhưng ngài cầu nguyện suốt cuộc đời ngài.

Ngài cầu nguyện với cuộc sống. Không thể tách rời lời cầu nguyện khỏi công việc làm. Toàn cuộc sống của ngài là một lời cầu nguyện. Và mọi điều ngài làm đều đi qua lời cầu nguyện. Ngài cầu nguyện cho ai? Có nhiều người nói tới lời cầu nguyện theo vùng địa lý, nghĩa là hết nước này sang nước khác, hết quốc gia này tới quốc gia khác. Và ngài cầu nguyện cho nhiều điều: cho hòa bình, cho công lý, cho việc tôn trọng con người, cho việc tôn trọng các quyền con người, và ngài cũng cầu nguyện cho các cá nhân cụ thể. Thế rồi toàn cuộc sống của ngài đã bị ghi dấu bởi đau khổ: trước hết ngài đã mất mẹ, tiếp đến là mất anh, rồi ngày 13 tháng 5 năm 1981 lại đã bị mưu sát.

Hỏi: Đức Gioan Phaolô II là một con người cầu nguyện, một nhà thần bí, một người chiêm niệm, đã chọn khẩu hiệu ”Totus tuus – Tất cả là của Mẹ” như sợi chỉ dẫn đường trong suốt cuộc sống, có phải vậy không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Vâng, Totus tuus: tất cả là của Mẹ diễn tả lòng sùng kính của Đức Gioan Phaolô II đối với Mẹ Maria, nhưng mà ngài cũng có lòng sùng kính rất lớn đối với Chúa Thánh Thần. Điều này ngài đã học được từ thân phụ của ngài. Thế rồi ngài cũng rất sùng mộ Kinh Mân Côi, qua đó ngài cùng với Mẹ Maria suy niệm cuộc đời của Chúa.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, khía cạnh chiêm niệm này của Đức Gioan Phaolô II đi chung với ý thức cụ thể mạnh mẽ của ngài, và thật ra ngài là một vị thánh nhân bản một cách sâu xa. Ngài là một Giáo Hoàng đã có ảnh hưởng một cách sâu xa trong lịch sử…

Đáp: Chắc chắn rồi. Ngài rất gắn bó với quê hương mình, nhất là với Cracovia, gắn bó với nền văn hóa, với Giáo hội Ba lan, nhưng rất cởi mở cho toàn Giáo Hội, cho toàn thế giới, đối với các quốc gia, và cả đối với tất cả các tôn giáo… Ngài có nhiều tình bạn với các người Do thái và cũng có các tiếp xúc với các người Hồi và các nhân vật của các tôn giáo khác. Ngài luôn luôn nói: ”Chúng ta xây cầu, chứ không xây tường”.

Hỏi: Khi nghĩ tới các Thánh, người ta thường tưởng tượng phải đi xa trong lịch sử. Trong trường hợp này chúng ta không cần phải nhìn lại thời gian xa đàng sau: chúng ta nói tới một Giáo Hoàng Thánh chỉ chín năm sau khi người qua đời. Như thế Đức Gioan Phaolô II thuộc thời đại của chúng ta, là người có một sứ điệp rất là thời sự, có phải không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Chắc chắn là cả ngày nay nữa Đức Gioan Phaolô II cũng gợi hứng cho con người, nhất là giới trẻ: tôi đã trông thấy các người trẻ ở Rio de Janeiro, các người trẻ thuộc thế hệ mà tôi đã không biết. Nhưng khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến tên ngài, đã có một sự nhiệt tình rất lớn, cũng như nhiệt tình khi họ nghe loan báo Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tới tại Cracovia, trên quê hương và trong thành phố của Đức Gioan Phaolô II. Trong các môi trường khác nhau: môi trường xã hội, môi trường thần học – ngài đã luôn luôn hiện diện, ngài đã để lại một gia tài giáo lý cần đào sâu và thực hiện, nhất là trong lãnh vực bảo vệ các quyền con người và sự tự do của con người và của các quốc gia… Có thể đề cập tới các đề tài khác nhau: ngài luôn luôn hiện diện.

Hỏi: Thật thế, vì đã không có lớp người nào mà Đức Gioan Phaolô II không tiếp xúc. Đức Hồng Y vừa nhắc tới Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, nhưng mà Đức Gioan Phaolô II cũng gần gũi người già cả, bệnh tật, người nghèo, trẻ em, các cặp vợ chồng, và các người sống đời thánh hiến nữa, người đã là vị Giáo Hoàng của việc bênh vực sự sống… Tóm lại là một Giáo Hoàng đã thực sự nói với toàn nhân loại…

Đáp: Chắc chắn rồi, người đã là vị Giáo Hoàng bênh vực sự sống con người một cách tuyệt đối. Người cũng đã là vị Giáo Hoàng của gia đình. Ngài đã có một tương quan tình bạn với giới trẻ, tình bạn với con người. Ngay từ đầu ngài đã hiểu rằng người trẻ nhạy cảm, họ xin được đồng hành và trả lời cho các vấn nạn của họ. Ngài là vị Giáo Hoàng đã nói thay cho những người nghèo, nói với các quốc gia nhất là các quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Tại sao người viếng thăm các quốc gia thuộc thế giới thứ ba? Đó là để lên tiếng và kêu gọi người giầu ”Anh chị em phải trợ giúp người nghèo, nếu không sẽ xảy ra một thế chiến mới”. Người đã công du rất nhiều lần sang Phi châu, hay Á châu, nhất là viếng thăm các nước nghèo, để kêu lên, để nói thay cho người dân đau khổ vì nghèo túng, và cũng để kêu gọi những người giầu trên thế giới, để họ thay đổi cung cách hành xử đối với các nước nghèo đang cần được trợ giúp.

Hỏi: Nghĩa là Đức Gioan Phaolô II lắng nghe mọi người, có đúng thế không thưa Đức Hồng Y?

Đáp: Điều này không có nghĩa là ngài đồng ý với tất cả những gì ngài nghe, nhưng ngài tôn trọng con người, không phải chỉ đối với các tín hữu kitô, nhưng đối với cả những người không tin, các người không phải là kitô hữu, người do thái, người hồi giáo, một sự tôn trọng rất lớn. Vì thế ngài đã là vị lãnh đạo tôn giáo đối với tất cả mọi người. Ngài đã chiến đấu chống lại mọi bức tường phân cách. Tôi nghĩ rằng chính ở đây ngài đã rộng mở Giáo Hội cho thế giới và đã khiến cho thế giới tới gần với Giáo Hội.

Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y đã sống biến cố tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan Phaoô II như thế nào?

Đáp: Tôi không biết… Tôi không biết. Chắc chắn đối với tôi đó là một điều phi thường nghĩ rằng từ nay trở đi tôi sẽ gọi người là Thánh.

(RG 27-4-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Tường thuật thánh lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II

Lễ phong thánh Đức Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã long trọng tôn phong hai vị tiền nhiệm Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 lên bậc hiển thánh, trước sự tham dự rất đông đảo của các Hồng Y, Giám Mục, LM và giáo dân đến từ các nước.

Chúa nhật 27-4-2014 thực là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Giới báo chí gọi là ”Chúa nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng: một vị đương kim và một vị cựu, cùng hiện diện trong buổi lễ, Đức Phanxicô và Đức Biển Đức 16.

Buổi lễ diễn ra tại Quảng trường Thánh Phêrô được sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại khu vực Đền Thờ và vùng phụ cận, không kể hàng chục ngàn người khác tham dự thánh lễ qua các màn hình khổng lồ được bố trí tại một số nơi ở Roma, cũng như tại Quảng trường trước Nhà Thờ chính tòa Milano, cách Roma khoảng 500 cây số. Theo đô trưởng Roma, Ông Ignazio Marino, hàng tỷ khán thính giả trên thế giới cũng theo dõi buổi lễ đặc biệt này qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Trên thềm Đền thờ, bên trái lễ đài từ dưới nhìn lên, được dành cho 150 Hồng Y và 700 Giám Mục, còn bên phải được dành cho các vị Quốc trưởng, thủ tướng, các quan chức và đại sứ thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, các đại diện tôn giáo, Chính Thống, Anh giáo, và cả Hồi giáo.

Hàng ngàn tín hữu đã qua đêm tại khu vực cạnh Quảng trường Thánh Phêrô, để lúc gần 6 giờ sáng, vừa khi được phép, họ tiến ngay vào khu vực dự lễ. Bầu trời Roma mây dầy, nhưng phần lớn thời gian không có mưa, nên tránh được nhiều vụ cảm nắng.

Video Thánh Lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng

Sơ lược tiểu sử hai vị tân Hiển Thánh
– Đức Giáo Hoàng Gioan 23
Đức Gioan 23 tên đời là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh ngày 25.11.1881 tại Bergamo, Bắc Italia, trong một gia đình 13 người con, Angelo là người thứ tư. Bé Angelo đã được rửa tội ngay ngày chào đời và đã sống thời thơ ấu trong bầu khí Đức Tin mạnh mẽ của gia đình và giáo xứ. Sau khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức và rước lễ lần đầu năm 1889, Angelo gia nhập chủng viện Bergamo và theo học tại đây cho đến hết năm thần học thứ hai. Cũng trong thời gian này thầy bắt đầu viết một loạt nhật ký thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời, sau này được xuất bản với tựa đề Nhật ký của linh hồn. Từ năm 1901 đến 1905, thầy học tại đại chủng viện Roma và trong thời gian này, đã chu toàn bổn phận quân dịch bắt buộc. Ngày 10.08.1904, thầy Angelo Roncalli thụ phong linh mục tại nhà thờ Thánh Maria trên núi thánh ở quảng trường Nhân Dân trung tâm Roma. Nhiệm vụ đầu tiên của cha Roncalli là thư ký cho Đức Cha Giacomo Radini Tedeschi, tân GM Bergamo, tháp tùng Đức Cha trong các chuyến công du, phụ tá ngài trong mọi hoạt động mục vụ đồng thời, giảng dạy các bộ môn giáo sử, giáo phụ học và hộ giáo tại chủng viện giáo phận. Trong thế chiến thứ nhất, cha Roncalli bị tổng động viên tái nhập ngũ trong ngành quân y rồi tuyên úy các bệnh viện hậu phương. Sau thế chiến cha mở nhà sinh viên và được chỉ định làm linh hương chủng viện vào năm 1919.

Từ năm 1921, bắt đầu giai đoạn 2 trong đời cha Roncalli: giai đoạn phục vụ Tòa Thánh. ĐGH Benedetto XV gọi cha về bộ Truyền Giáo và 4 năm sau đó, 1925, Đức Pio XI chỉ định cha làm Kinh Lược tông tòa Bulgari và nâng cha lên hàng GM. Mười năm sau, Đức Cha được chỉ định làm Đại Diện Tông Tòa tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Những năm làm việc tại những môi trường thật khó khăn này đã giúp Đức Cha thu thập những kinh nghiệm hay đẹp, nhưng cũng đã làm cho Đức Cha chịu nhiều hiểu lầm đau khổ. Trong thời thế chiến thứ hai, Đức Cha đã cứu được nhiều người Do Thái nhờ tư cách ngoại giao. Năm 1953, Đức Cha Roncalli được nâng lên hàng HY và 5 năm sau đó, khi ĐGH Pio XII qua đời, HY đoàn đã bầu ĐHY Roncalli vào nhiệm vụ chủ chăn giáo hội hoàn vũ với tên gọi là Gioan 23. Suốt triều đại giáo hoàng của Ngài, Đức Gioan 23 đã được toàn thế giới yêu mến, xem là hình ảnh đích thật nhất của một chủ chăn nhân lành, đơn sơ nhưng can đảm, hiền hòa những đầy sáng kiến, nổi bật nhất là quyết định triệu tập Công Đồng chung Vatican II. ĐGH Gioan 23 qua đời chiều ngày 03.06.1963. Ngài được Đức Gioan Phaolo 2 tôn phong chân phước ngày 03.09 năm tháng 2000 tại quảng trường Thánh Phêrô.

– Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2

Karol Jozef Wojtyla sinh ngày 18.05.1920 tại Wadowice bên Ba Lan. Tuổi thơ của Karol mang nhiều tang tóc. Bà mẹ Emilia qua đời năm 1929, Karol vừa lên 9 tuổi, Năm 1932, đến lượt người anh trai bác sĩ Edmund và năm 1941, Karol mồ côi cha. Năm lên 9 tuổi, Karol được rước lễ lần đầu và lãnh bí tích thêm sức năm 18 tuổi. Năm 1938, sau khi hoàn tất bậc trung học tại Wadowice, Karol ghi danh vào trường đại học Jagellonica tại Cracovia. Năm sau 1939, quân Đức quốc xã xâm lăng đóng cửa các trường đạo học Ba Lan. Karol phải đi làm công nhân trong một xưởng đẽo đá rồi trong hãng hóa học Solvay để sống và để tránh khỏi bị lưu đày sang Đức. Đồng thời Karol cũng phát triển tài năng kịch nghệ bẩm sinh. Giữa bao nhiêu khó khăn cấm cản của quê hương Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, Karol khám phá ra ơn gọi tu trì và quyết định xin theo các khóa huấn luyện đào tạo linh mục lén lút tại Cracovia, do ĐTGM Adam Stefan Sapieha điều động.

Chiến tranh chấm dứt, thầy Karol tiếp tục việc học tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học đại học Jagellonica cho đến khi thụ phong linh mục ngày 01.11.1946. Sau đó cha được gửi sang Roma tiếp tục học tiến sĩ thần học. Năm 1948, cha trở về quê hương làm phụ tá trong các giáo xứ phụ cận Cracovia, linh hướng sinh viên, giảng dạy các bộ môn thần học luân lý đạo đức tại đại chủng viện Cracovia và tại phân khoa thần học Lublino. Tháng 7 năm 1958, ĐGH Pio XII chỉ định cha làm GM phụ tá Cracovia. Tháng giêng năm 1964, Đức Cha Wojtyla được ĐTC Phaolo VI chỉ định làm TGM Cracovia và 3 năm sau đó, 1967, nâng lên hàng HY. ĐC tham gia các hoạt động của Công đồng chung Vatican 2, cộng tác vào việc soạn thảo hiến chế Vui Mừng và hy vọng. Khuôn mặt và hoạt động của ĐC nổi bật lên trong môi trường Giáo hội Ba Lan đang nằm trong kềm kẹp của xã hội cộng sản bấy giờ.

Ngày 16.10.1978, ĐHY Wojtyla được HY đoàn bầu lên làm Giáo Hoàng với tên hiệu là Gioan Phaolo 2 và chính thức nhậm chức ngày 22 tháng 10 sau đó. Ngày 13.05.1981, ĐGH Gioan Phaolo 2 đã bị mưu sát nhưng thoát chết nhờ bàn tay che chở của hiền mẫu Maria. Ngài đã tha thứ cho kẻ mưu sát mình và ý thức là đã được ban cho một cuộc sống mới, người đã miệt mài hoạt đông phục vụ không biết mỏi mệt. Chưa có vị Giáo Hoàng nào đã viếng thăm gặp gỡ với tín hữu nhiều như Đức Gioan Phaolo 2. Ngài qua đời lúc 21 giờ 37 ngày 02.04.2005 tại dinh tông tòa trong nội thành Vatican. Lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolo 2 đã được vị kế nhiệm là ĐGH Benedetto XVI, từng là cộng sự viên của ngài trong nhiều năm trời, chủ sự tại quảng trường thánh Phêrô ngày 01.05.2011.

Thánh Lễ

Lúc quá 9 giờ 30, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 tiến vào địa điểm hành lễ, giữa tiếng vỗ tay chào mừng của mọi người. Ngài ngồi ở ghế đầu dành cho các Hồng Y, phía sau đã có 700 GM trong phẩm phục đồng tế ngồi sẵn.

Các tín hữu cũng cảm động vỗ tay như vậy khi tổng thống Italia, ông Giorgio Napolitano, và phu nhân đến chào ngài, khi đến khu vực dành cho các vị nguyên thủ quốc gia.

10 giờ kém 5 phút, trong khi ca đoàn và mọi người hát kinh cầu các thánh, đoàn 150 Hồng Y đồng tế bắt đầu tiến từ bên trong đền thờ Thánh Phêrô tiến ra lễ đài, đi trước là các vị Thượng Phụ và TGM trưởng của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. Đi sau cùng là ĐTC Phanxicô. Ngài xông hương bàn thờ xong và tiến lại chào vị tiền nhiệm Biển Đức 16 của ngài, trước khi tiến đến bái kính tượng Đức Mẹ và đến ngai tòa.

Nghi thức phong hiển thánh bắt đầu với 3 lần ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, nhân danh toàn thể Giáo Hội xin ĐTC ghi tên hai chân phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào Sổ Bộ các thánh. Sau lời thỉnh cầu thứ I, ĐTC mời gọi toàn thể các tín hữu cầu xin Thiên Chúa toàn năng nhờ Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nâng đỡ chúng ta bằng ơn thánh điều mà chúng ta sắp thực hiện. Sau lời thỉnh cầu thứ hai, ĐTC mời gọi cộng đoàn hát kinh Cầu Xin Chúa Thánh Linh. Sau lời xin thứ 3 của ĐHY Tổng trưởng Bộ Phong thánh, ĐTC đã tuyên đọc công thức phong thánh:

”Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi cực thánh, để tuyên dương đức tin Công Giáo và tăng tiến đời sống Kitô, với quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và của Chúng Tôi, sau khi suy nghĩ chín chắn, nhiều lần khẩn cầu ơn phù trợ của Chúa và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em chúng tôi trong hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và xác định Chân Phước Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 là Hiển Thánh, và chúng tôi ghi tên các ngài vào sổ bộ các Thánh và qui định rằng trong toàn thể Giáo Hội, các Ngài được được tôn kính với lòng sùng mộ nơi Các Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo (Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa), trong khi đó, thánh tích của hai vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ. Thánh tích của Đức Gioan 23 là một mảnh da của Người, và của Đức Gioan Phaolô 2 là một ống nhỏ đựng máu của thánh nhân.

Trong bài giảng sau bài đọc Tin Mừng bằng tiếng la tinh và hy lạp, ĐTC đã diễn giải bài Tin Mừng về việc Thánh Tôma tông đồ được Chúa Giêsu Phục Sinh mời gọi động chạm đến những vế thương để tin và đừng cứng lòng nữa. ĐTC nói đến lòng can đảm của hai vị thánh Giáo Hoàng không hổ thẹn về những vết thương của Chúa, ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh trong việc hướng dẫn Dân Chúa, và ĐTC đặc biệt cầu xin Đức Gioan Phaolô 2, vị Giáo Hoàng của gia đình, hướng dẫn hành trình của Thượng Hội đồng GM về gia đình.

Toàn văn bài giảng của ĐTC

”Nơi trọng tâm chúa nhật kết thúc Tuần Bát Nhật Phục Sinh này, mà Đức Gioan Phaolô 2 đã muốn gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, có những vết thương vinh hiển của Chúa Giêsu Phục sinh.

”Chúa đã tỏ các vết thương ấy lần đầu tiên khi Ngài hiện ra với các Tông Đồ, chính buổi chiều tối ngày sau ngày sabát, ngày Phục sinh, nhưng chiều tối hôm ấy không có tông đồ Tôma; và khi nhưng vị khác kể lại với ông là đã thấy Chúa, ông trả lời là sẽ không tin nếu không nhìn thấy và động chạm đến các vết thương của Ngài. 8 ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra tại Nhà Tiệc Ly, giữa các môn đệ, và có cả Tôma; Ngài ngỏ lời với ông và mời ông chạm đến các vết thương của Ngài. Bấy giờ con người chân thành ấy, con người quen đích thân kiểm chứng, liền quỳ xuống trước Chúa Giêsu và thưa: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).

”Những vết thương của Chúa Giêsu là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng chúng cũng là điều kiểm chứng niềm tin. Vì thế nơi thân thể của Chúa Kitô Phục Sinh, những vết thương ấy không biến mất, nhưng tồn tại, vì những vết thương ấy là dấu chỉ trường tồn về tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chúng không thể thiếu được để tin nơi Thiên Chúa. Không phải để tin Thiên Chúa hiện hữu, nhưng để tin rằng Thiên Chúa là tình thương, là lòng từ bi, trung tín. Thánh Phêrô, nhắc lại Ngôn sứ Isaia, đã viết cho các tín hữu Kitô: ”Từ những vết thương của Người, anh chị em được chữa lành” (1 Pr 2,24; Xc Is 53,5).

”Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã can đảm nhìn những vết thương của Chúa Giêsu, động chạm đến những bàn tay bị thương và cạnh sườn của Chúa bị đâm thâu qua. Các vị đã không hổ thẹn vì thân thể của Chúa Kitô, không vấp phạm về Chúa, về thập giá của Ngài Is 58,7); không hổ thẹn vì thân mình của người anh em (Xc 58,7), vì nơi mỗi người đau khổ, các vị nhìn thấy Chúa Giêsu. Hai vị là những người can đảm, đầy ơn táo bạo (parresía) của Chúa Thánh Linh, và đã làm chứng cho Giáo Hội và thế giới về lòng từ nhân của Thiên Chúa, về lòng từ bi của Chúa. Các vị đã là những linh mục, giám mục và giáo hoàng của thế kỷ 20. Các vị đã sống những thảm trạng, nhưng không để chúng lướt thắng. Nơi các vị, Thiên Chúa mạnh mẽ hơn; niềm tin nơi Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc con người và là Chúa tể của lịch sử mạnh mẽ hơn; nơi các vị sự gần gũi từ mẫu của Mẹ Maria mạnh mẽ hơn. Nơi hai vị là những người chiêm ngắm các vết thương của Chúa Kitô và là chứng nhân về lòng từ bi của Chúa có một ”niềm hy vọng sinh động”, cùng với một ”niềm vui khôn tả và vinh hiển” (1 Pr 1,3.8). Niềm hy vọng và niềm vui mà Chúa Kitô phục sinh ban cho các môn đệ của Ngài, và không ai và không gì có thể làm cho họ bị thiếu những hồng ân ấy. Niềm hy vọng và niềm vui phục sinh, được thanh luyện qua cái lò từ bỏ, loại trừ sự gần gũi tội lỗi cho đến tột cùng, đến độ cảm thấy buồn nôn vì chén đắng. Đó chính là niềm hy vọng và niềm vui mà hai vị Thánh Giáo Hoàng đã lãnh nhận như hồng ân từ Chúa phục sinh và tiếp đến, các vị đã trao tặng dồi dào cho Dân Chúa, và được lòng biết ơn đời đời của họ.

”Niềm hy vọng và niềm vui này được cảm nghiệm trong cộng đoàn đầu tiên của các tín hữu ở Jerusalem, như sách Tông đồ công vụ kể lại (Xc 2,42-47). Đó là một cộng đoàn trong đó nòng cốt của Tin Mừng được sống thực, nghĩa là tình thương, lòng từ bi, trong đơn sơ và huynh đệ.

”Và đó là hình ảnh Giáo Hội mà Công đồng chung Vatican 2 đã có trước mắt. Đức Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 đã cộng tác với Chúa Thánh Linh để phục hồi và canh tân Giáo Hội theo dạng thức nguyên thủy, dạng thức mà các thánh qua các thế kỷ đã mang lại cho Giáo Hội. Chúng ta đừng quên rằng chính các thánh đã làm cho Giáo Hội tiến bước và tăng trưởng. Trong việc triệu tập Công đồng chung Vatian 2, Đức Gioan 23 đã chứng tỏ một thái độ ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, đã để cho Chúa hướng dẫn, và đối với Giáo Hội, Người là một vị mục tử đối với Hội Thánh, một vị hướng đạo được hướng dẫn. Đó chính là một sự phục vụ cao cả Người dành cho Giáo Hội; Người là một vị Giáo Hoàng ngoan ngoãn tuân theo Chúa Thánh Linh.

”Trong việc phục vụ Dân Chúa, Đức Gioan Phaolô 2 là vị Giáo Hoàng của gia đình. Chính Người đã có lần nói là muốn được nhắc nhớ đến như vị Giáo Hoàng của gia đình. Tôi vui lòng nhấn mạnh điều đó trong lúc chúng ta đang sống hành trình Thượng HĐGM về gia đình và với các gia đình, một hành trình mà từ trời cao, chắc chắn Người đang tháp tùng và hỗ trợ. xin cả hai vị tân Hiển Thánh Mục Tử của Dân Chúa chuyển cầu cho Giáo Hội, để trong hai năm hành trình Thượng HĐGM này, Giáo hội ngoan ngoãn tuân theo chỉ dạy của Chúa Thánh Linh trong việc phục vụ mục vụ gia đình. Xin cả hai thánh nhân dạy chúng ta đừng coi các vết thương của Chúa Kitô như cớ vấp phạm, tập trung vào mầu nhiệm từ bi của Chúa, luôn hy vọng, luôn tha thứ, luôn yêu thương”.

Lời nguyện phổ quát và chào thăm

Trong phần lời nguyện phổ quát bằng 5 thứ tiếng Tây Ban Nha, Arập, Anh, Hoa, và Pháp, cộng đoàn đã cầu xin Chúa cho vẻ đẹp của đời sống mới luôn rạng ngời trong Giáo Hội và cho mỗi người nhận biết Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống; cầu xin Chúa Cha đổ Thần Trí trên các tội nhân và những người lầm lạc trong tâm hồn và trong đêm tối được gặp Chúa Phục Sinh; cầu cho những người mới được tái sinh nhờ ơn thánh của các nhiệm tích Vượt Qua được Chúa giữ gìn trong sự thánh thiện và qua hoạt động của họ, mọi người thấy được công việc của Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống. Ý nguyện thứ tư: nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan 23, xin Chúa Cha lôi kéo tư tưởng và quyết định của các vị thủ lãnh các dân nước ra khỏi cái vòng oán thù và bạo lực, và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống chiến thắng trong các quan hệ của con người với nhau. Sau cùng, nhờ lời chuyển cầu của thánh Gioan Phaolô 2, xin Chúa Cha luôn khơi lên nơi những người thuộc giới văn hóa, khoa học và chính quyền lòng say mê bênh vực phẩm giá con người và để Chúa Giêsu Phục Sinh và hằng sống được phụng sự nơi mỗi người.

Trong phần rước lễ, 70 phó tế đã mang Minh Máu Thánh đến cho các HY, GM đồng tế, trong khi 700 LM và phó tế khác phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu tại Quảng trường cũng như tại đường Hòa giải.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự phần đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nồng nhiệt chào thăm và cám ơn các Hồng Y, đông đảo các GM và LM đến từ các nơi trên thế giới. Ngài cũng cám ơn các phái đoàn chính thức đến từ bao nhiêu nước, đến đây để tôn kính hai vị Giáo Hoàng đã góp phần không thể xóa nhòa cho chính nghĩa phát triển các dân tộc và hòa bình. Ngài không quên cám ơn chính quyền Italia về sự cộng tác quí giá, cũng như thân ái chào thăm các tín hữu thuộc giáo phận Bergamo và Cracovia nguyên quán của hai vị Giáo Hoàng và tất cả các tín hữu tham dự trực tiếp hoặc qua các phương tiện truyền thống thánh lễ phong thánh này.

Thánh lễ kéo dài 2 giờ 10 phút và kết thúc lúc 12 giờ 10. ĐTC đặc biệt chào thăm Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 trước khi chào các vị trưởng phái đoàn của các nước.

G. Trần Đức Anh OP, Mai Anh

Lòng thương xót Chúa

Lòng thương xót Chúa 

Mercy dinive St Faustina

Ngày 30-04-2000, theo mặc khải của Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chọn CN thứ 2 sau lễ Phục Sinh làm ngày để kính Lòng Thương Xót Chúa. Lễ này phát xuất từ sứ điệp mà Chúa đã ban cho thánh nữ Faustina, người môn đệ của Lòng Thương Xót, và là người đồng hương của Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã được ngài tôn phong hiển thánh vào ngày 30-04-2000. Mừng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa năm nay càng đặc biệt hơn, khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn ngày này để tuyên thánh cho hai vị tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót. Hai vị tân hiển thánh được tuyên phong trong ngày hôm nay cũng chính là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa dành cho nhân loại chúng ta, vì qua đời sống của các Ngài, chúng ta nhận ra được Lòng Thương Xót của Chúa.  

Hòa với niềm vui chung của toàn thể Giáo hội, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Lòng Thương Xót Chúa và hãy khám phá ra Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện như thế nào trong cuộc đời của chúng ta. 

I.      LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRONG KINH THÁNH

1. Cựu ước: 

Khi diễn tả về Lòng Thương Xót Chúa, các sách Cựu ước có 2 cách diễn tả đặc biệt, mỗi cách đều có sắc thái khác nhau: 

Trước hết là thuật ngữ “Hesed”, giống đực, thuộc về lý trí, là thái độ sâu sắc của lòng tốt. Khi “Hesed” được thiết lập giữa hai cá nhân, ngoài việc họ muốn tốt cho nhau, họ còn tin tưởng nhau, và thầm hứa trong lòng sẽ trung thành với nhau. Cựu ước dùng từ “Hesed” để nói về Thiên Chúa trong khi thiết lập giao ước với dân Israel. Điều đáng lưu ý là thuật ngữ này chỉ dành cho Thiên Chúa chứ không dành cho dân. Nói một cách chính xác hơn, dân không thể có được “Hesed”, nghĩa là không có được lòng tốt sâu sắc, không có điều gì đáng tin tưởng và cũng không có sự trung thành; chỉ Thiên Chúa và một mình Thiên Chúa mà thôi. 

Thuật ngữ thứ hai để nói về Lòng Thương Xót trong Cựu ước là “Rehamim” thuộc về giống cái, nó bao hàm tình yêu của người mẹ dành cho đứa con của mình, vì từ “Rehamim” xuất phát từ danh từ “Rehem”, nghĩa là tử cung, nơi người mẹ nuôi nấng đứa con khi nó mới được thành hình. Về phương diện tâm lý, “Rehamim” phát sinh một loạt cảm xúc, kể cả lòng tốt và sự dịu dàng, kiên nhẫn và thông cảm cho đối tượng, nghĩa là sẵn sàng tha thứ. Cựu ước đã quy cho Thiên Chúa tất cả những đặc tính này khi dùng thuật ngữ “Rehamim” để nói về Ngài. Chúng ta đọc thấy trong sách Isaia: “Có người mẹ nào quên được đứa con của mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). 

Vì vậy Cựu ước diễn tả Thiên Chúa vừa như người cha luôn trung thành, luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho con mình; vừa như người mẹ luôn bảo vệ, chở che, thông cảm, tha thứ cho đứa con. 

2. Tân ước:

Trong Tân ước, Lòng Thương Xót Chúa được diễn tả rõ nét nhất trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Đó là mầu nhiệm của Lòng Chúa Thương Xót. Câu chuyện này thể hiện Tình Cha đối với đứa con hoang đàng. Đứa con đó không chỉ được phục hồi quyền làm con mà còn được tiếp tục thừa kế gia sản của người cha dù đã ăn chơi phung phí hết phần gia sản riêng. Ăn năn và trở về, nhận lỗi và xin lỗi, tất cả lại trở về nguyên trạng của người con. Tình Chúa quá bao la và kỳ diệu! 

Tuy nhiên Lòng Thương Xót Chúa lại được thể hiện rõ nét nhất trong mầu nhiệm Tử nạn- Phục sinh của Đức Kitô. Thiên Chúa yêu con người đến nỗi thí mạng sống mình cho con người. Thiên Chúa yêu con người đến độ không còn giữ lại một chút gì, kể cả những giọt máu và nước cuối cùng. Trong khi kề cận với cái chết, Chúa Giêsu vẫn còn thực hiện Lòng Thương Xót qua việc cho tên trộm biết ăn năn hối cải được vào thiên đàng với Ngài; qua việc Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những người đã hành hình Ngài “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. 

Trong Tân ước, Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện qua chính hành động của Chúa Giêsu. 

II.     KHÁM PHÁ LÒNG THƯƠNG XÓT

Khi đọc lại Thông Điệp về Lòng Thương Xót Chúa tôi thấy được hai điểm chính yếu của Lòng Thương Xót mà chính Chúa đã giải thích từ bức ảnh để phổ biến về Lòng Thương Xót Chúa: “Hai luồng tia sáng chỉ Nước và Máu đã vọt chảy từ lòng Thương Xót của Ta, lúc mà trái tim Ta bị lưỡi đòng đâm thấu trên thập giá. Những tia trắng biểu hiệu nước công chính thánh hóa các linh hồn. Những tia đỏ biểu hiệu máu ban Sự Sống cho các linh hồn, bênh vực, che chở các linh hồn trước sự xét sử công bình của Cha Ta. Phúc cho kẻ được sống dưới sự che chở của sự sống ấy vì họ sẽ phải lo sợ trước cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (TĐLTXC.299). 

Như vậy Máu và Nước từ trái tim Chúa Giêsu chính là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa. Máu là Sự Sống, Nước là sự Thánh hóa Chúa dành cho các linh hồn. Hai đặc tính này cũng chính là hai thuật ngữ để chỉ về Lòng Thương Xót Chúa trong Cựu ước. Máu là “Hesed”, là sự trung thành của Thiên Chúa, luôn muốn con người được sống. Nước là “Rehamim”, là tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự dịu dàng, kiên nhẫn, thông cảm và tha thứ cho con người. 

III.   ĐÓN NHẬN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Từ hai hình ảnh Máu và Nước thể hiện Sự Sống và ơn Thánh hóa Chúa dành cho các linh hồn biết tín thác vào Ngài, chúng ta hãy đón nhận Lòng Thương Xót Chúa. 

1. Đón nhận Sự Sống của Chúa

Tia màu đỏ từ trái tim Chúa là hình ảnh Máu ban sự sống. Lòng Thương Xót Chúa như ý chí của người cha luôn luôn mong muốn con mình  được sống. Đó không chỉ là sự mong muốn, mà còn là khả năng ban cho con người chúng ta sự sống và sống dồi dào. Sự sống đó được ẩn tàng trong Bí tích Thánh Thể, Bí tích của tình yêu. Chính vì vậy Bí tích Thánh Thể là thể hiện của Lòng Thương Xót Chúa một cách rõ nét nhất.

Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho thánh nữ Faustina: “Niềm vui lớn lao của Ta là được kết hợp với các linh hồn khi họ rước lễ. Ta đến với tâm hồn họ. Bàn tay Ta đầy những ơn sủng muốn ban cho họ. (TĐLTXC.1385). Vì vậy để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa, mỗi người hãy biết đón nhận sự sống Chúa ban nơi Bí tích Thánh Thể. 

2. Đón nhận ơn tha thứ.

Tia màu trắng từ trái tim Chúa là hình ảnh Nước thánh hóa mọi tâm hồn nên trong sạch. Lòng Thương Xót Chúa như tình yêu của người mẹ luôn cảm thông, tha thứ mọi lỗi lầm cho đứa con. Thiên Chúa luôn yêu thương con người dù con người có tốt lành thánh thiện hay khi họ là những tội nhân xấu xa nhất, vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Nếu Thiên Chúa không yêu thương, Ngài không còn là Thiên Chúa nữa. Lòng Thương Xót của Chúa là sự hạ mình xuống để nâng con người tội lỗi lên chạm đến sự thánh thiện của Chúa. Tình yêu thương tha thứ đó được thể hiện trong Bí tích Giải tội, là nơi mà Thiên Chúa sẵn sàng trả lại cho chúng ta tất cả vẻ đẹp của một người con Chúa, và còn cho chúng ta quyền được thừa hưởng gia tài của Ngài chính là hạnh phúc Nước Trời. 

Chúa đã nói với chị Faustina: “Khi con đi xưng tội, Nước từ mạch xót thương tuôn ra từ Trái Tim trào xuống linh hồn con (1602). Trong tòa án Xót Thương, những phép lạ xảy ra không ngừng (1448). Hãy mở tâm hồn ra, Ta sẽ chiếu tràn ngập ánh sáng trong lòng con” (1725). Vì vậy để đón nhận Lòng Thương Xót Chúa hãy chạy đến với Bí tích Giải tội. 

IV.      THỰC THI LÒNG THƯƠNG XÓT

Ngoài việc chúng ta đón nhận Lòng Thương Xót Chúa qua Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội, vì ở nơi đó, tình yêu của Chúa được thể hiện một cách rõ nét và trọn vẹn nhất; chúng ta còn phải có bổn phận thực thi Lòng Thương Xót Chúa. Nếu chúng ta đón nhận Lòng Thương Xót qua việc đón nhận sự sống và ơn tha thứ, thì chúng ta cũng phải thực thi lòng thương xót qua việc trao ban sự sống và tha thứ cho người khác. 

1.  Trao ban sự sống.

Giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng phải làm cho những người bên cạnh chúng ta được sống và sống dồi dào. Chính vì vậy được phép giết chết người khác bằng bất cứ hình thức nào, kể cả những việc xúc phạm đến họ trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm. Hơn thế nữa chúng ta còn phải làm cho sự sống của họ được lớn mạnh bằng sự hy sinh, quên mình, chấp nhận thiệt thòi… Lúc đó chúng ta đang trao ban sự sống của mình cho người khác. 

2. Trao ban sự tha thứ:

Kế đến, như Lòng Thương Xót Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải biết tha thứ cho người khác. Trong bất cứ một tập thể nào, dù lớn hay nhỏ đều có thể xảy ra những va chạm. Những va chạm này nếu không có sự tha thứ thì sẽ dễ dẫn đến những đổ vỡ. Sự tha thứ không chỉ là bỏ qua những xúc phạm của người khác, mà còn phải là trả lại cho họ hình ảnh thuở ban đầu, như hình ảnh người cha nhân hậu đối xử với đứa con hoang đàng. 

Trong năm Phúc âm hóa gia đình này, việc trao ban sự sống và tha thứ cho nhau càng phải được thực hiện một cách tích cực hơn trong mỗi gia đình, để Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện rõ nét trong mỗi gia đình.

Khi biết được Lòng Thương Xót Chúa luôn mong muốn chúng ta được sống, luôn chờ đợi để tha thứ cho chúng ta, nghĩa là Lòng Thương Xót không bao giờ muốn chúng ta bị diệt vong, chúng ta hãy mạnh dạn kêu xin Lòng Thương Xót Chúa: “Lạy Đấng toàn Chí thánh toàn năng hằng hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới!”, “Kính lạy Máu và Nước đã trào tuôn từ Trái Tim Chúa Giêsu, xin thương xót gia đình chúng con!”.

LM. Thiện Duy

Chuẩn bị lễ Phong Thánh cho 2 Đức Giáo Hoàng 27-4-2014

Chuẩn bị lễ Phong Thánh cho 2 Đức Giáo Hoàng 27-4-2014

ROMA. Chính quyền và các giới chức hữu trách tại thành phố Roma đã đề ra những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị lễ phong hiển thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô 2 vào ngày Chúa Nhật 27-4 tới đây.

Hôm 1 tháng 4-2014, đô trưởng Roma, bác sĩ Ignazio Marino, cùng các quan chức khác của thành phố, đã mở cuộc họp báo để trình bày kế hoạch và các biện pháp như:

– Cấm xe di chuyển trên đại lộ Fori Imperiali từ hý trường Colosseo tới Quảng trường Venezia. Đường này chỉ dành cho người đi bộ mà thôi, từ 7 giờ chiều thứ sáu Tuần Thánh 18-4 đến hết ngày 4-5 tới đây. 3 màn hình khổng lồ sẽ được bố trí tại đây để các tín hữu và du khách để có thể theo dõi buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC Phanxicô cử hành tối thứ sáu Tuần Thánh và lễ Phong thánh 9 ngày sau đó, 27-4.

– Từ ngày 26 đến 28-4, sở vệ sinh thành phố sẽ đặt hơn 1 ngàn nhà vệ sinh hóa học gần Vatican, dọc theo đại lộ Fori Imperiali và các địa điểm khác có đông người tụ tập.

– Cả hai đường xe điện ngầm A và B của thành phố sẽ hoạt động không ngừng từ sáng sớm ngày 26-4 đến sau nửa đêm thứ hai 28-4. Đường xe bus số 64 nối liền nhà ga trung ương Termini đến Vatican cũng sẽ hoạt động 24 tiếng đồng hồ vào cuối tuần lễ phong thánh: 26 và 27-4. Ngoài ra có các xe bus con thoi chở khách từ các bãi đậu xe bus đến Vatican. Chính quyền chỉ cấp giấy phép cho 4,326 xe bus (pullman) tức là khoảng 216 ngàn người, được vào trong thành phố Roma. Trong những ngày 25, 26,27-4-2014 chỉ những xe pullman với giấy phép G (Grande Evento, Biến Cố Lớn) mới được vào thành phố, và phí tổn xin giấy phép này là 50 Euro.

– Có 2,630 người thiện nguyện thuộc sở bảo vệ dân chúng sẽ được bố trí trong hai ngày 26 và 27-4 để giúp kiểm soát các đám đông.

– 4 triệu chai nước sẽ được phân phát miễn phí cho các khách hành hương trong ngày 27-4.

– 4 ngàn cảnh sát lưu thông sẽ làm việc vào cuối tuần lễ Phong thánh, và 6,400 cảnh sát thành phố sẽ luân phiên nhau làm việc theo ca từ 13 đến 28-4, từ là từ tuần thánh đến lễ Phục Sinh và lễ phong thánh.

– Các bệnh xá ”dã chiến” sẽ được thiết lập gần Vatican, cùng với 13 trạm cứu cấp, do 81 toán cứu thương đảm trách; 106 xe cứu thương sẽ ở trong tình trạng ứng trực. Thành phố cũng dựng 5 lều ”các bà mẹ” để săn sóc và thay tã cho các hài nhi.

– Các du khách và tín hữu có thể mua thẻ ”Roma pass 48 hours), một thẻ giá 28 Euro giá trị trong 2 ngày, để di chuyển vô giới hạn trên xe metro, bus và tram, cũng như vào các viện bảo tàng, các khu vực khảo cổ,v.v.
– Mặt khác, ban nghi lễ phụng vụ của ĐTC cho biết đã phân phát hết 700 vé cho các linh mục cho rước lễ trong lễ Phong thánh sáng ngày 27-4, và 5 ngàn vé cho các giáo sĩ tại khu vực riêng ở Quảng trường thánh Phêrô trong đại lễ này đã được phân phát hết. Các giáo dân không cần vé để vào dự lễ.

– Ngoài đại lộ Fori Imperiali, một số nơi khác cũng được bố trí màn hình khổng lồ như đường Hòa Giải, Quảng trường Nhân Dân (Piazza del Popolo) và Quảng trường Phục Hưng (Piazza di Risorgimento) gần Vatican để các tín hữu có thể tham dự lễ phong thánh.

– Từ 21 giờ tối thứ bẩy 26-4-2014 là đêm thức trắng: nhiều nhà thờ ở trung tâm Roma mở cửa để các tín hữu cầu nguyện và xưng tội. Tại 11 thánh đường có linh hoạt phụng vụ bằng các thứ tiếng: Ban lan, Ý, Anh, Tây Ban Nha và Pháp.

– Để các tín hữu có thể theo dõi đại biến cố phong thánh, một Website chính thức được thiết lập: www.2papisanti.org và bằng 5 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan.

– Trong những ngày tới, có thể tải Application miễn phí tựa đề ”Santo Subito” dạng Android cũng như IOS (bằng các thứ tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha và Ba Lan), qua đó có cung cấp những thông tin về việc tổ chức và tin tức về việc phong thánh cũng như tải các tài liệu dự kiến cho lễ phong thánh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Raio

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kỷ niệm một năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô

VATICAN. Hôm 13-3-2014, Giáo Hội đã mừng kỷ niệm 1 năm ĐHY Jorge Bergoglio SJ được bầu làm Giáo Hoàng Phanxicô.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, ngày kỷ niệm 1 năm của ĐTC Phanxicô không có gì đặc biệt: ĐGH cầu nguyện và trong một Tweet, ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Rất nhiều điện văn đã được gửi về Vatican để chúc mừng ĐTC, trong khi ngài và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh tham dự tuần tĩnh tâm mùa chay tại Ariccia (cách Roma 30 cây số) từ chiều 9 đến sáng 14-3-2014.

Ngoài điện văn của các vị lãnh đạo Công Giáo, người ta cũng đặc biệt chú ý đến điện văn của Đức Thượng Phụ Kirill I, Giáo Chủ Chính Thống Nga, trong đó có đoạn viết: ”Năm đầu tiên triều đại Giáo Hoàng của Ngài được đánh dấu bằng những hy vọng lớn và những công trình quan trọng của Giáo Hội Công Giáo.. Sự dấn thân của Ngài trong việc làm cho các lý tưởng Tin Mừng hiện diện trong đời sống xã hội hiện đại đã mang lại những thành quả… Sự chăm sóc và quan tâm của ĐGH đối với người đau khổ nhắc nhớ cho mọi người về nghĩa vụ yêu thương huynh đệ”.
Đức Thượng Phụ Kirill cũng nhấn mạnh rằng ”Các quan hệ song phương giữa Công Giáo và Chính Thống Nga đã được phát triển thêm trong năm qua.. Tôi đánh giá mức độ cao trong sự cảm thông và dấn dấn của hai bên nhắm củng cố sự cộng tác giữa Chính Thống và Công Giáo, trong việc củng cố các giá trị luân lý, tinh thần Kitô giáo trong thế giới ngày nay, việc bảo vệ những người bị áp bức và chân thành phục vụ tha nhân”, đó là những lãnh vực cộng tác giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo hội Công Giáo Roma” (AGI 13-3-2014)

Một số nhận định và cảm tưởng

Phái viên hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ ở Roma đã thu thập cảm tưởng và nhận định của một số Hồng Y về năm đầu tiên của ĐGH Phanxicô, nhân dịp các vị về Roma tham dự công nghị đặc biệt của hồng y đoàn về các vấn đề mục vụ gia đình và lễ phong 19 Hồng y mới (từ 21 đến 23-2-2014):

ĐHY Donald Wuerl, TGM giáo phận Washington, thủ đô Hoa kỳ, nhận định rằng ”Năm qua thật là một năm ngoại thường. ĐGH Phanxicô đã có thể giúp dân chúng nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô hữu hình trong Giáo Hội của Ngài. Thật là một món quà đặc biệt và là một thách đố cho tất cả chúng ta”.

Đức tân Hồng Y Vincent Nichols, TGM giáo phận Westminster Thủ đô Anh quốc, thì nói: ”ĐGH Phanxicô mang lại những món quà đặc biệt cho vai trò của ĐGH. Ngài mang cho mỗi người một động lực hăng hái lớn lao và niềm vui được là người Công Giáo, một thách thức sâu đậm làm sao để cuộc sống của chúng ta có Chúa Kitô là trung tâm. Ngài mời gọi đổi mới quyết liệt trong Giáo Hội bắt đầu từ gốc rễ. ĐGH đi tới trọng tâm sự hiện hữu của Giáo Hội, cho thấy lý do tại sao Giáo Hội hiện hữu: nghĩa là chúng ta là những môn đệ thừa sai của Chúa. Chúng ta được mời gọi tháp tùng Chúa và được kêu gọi đi ra ngoài để chia sẻ Tin Mừng”.

ĐHY Luis Tagle, TGM giáo phận Manila, Philippines, nói: ”Đối với tôi, ĐGH Phanxicô là một người có niềm vui sâu xa trong nội tâm. Năm đầu tiên của ngài biểu lộ rất nhiều điều mà tôi tin tưởng. Ví dụ ĐGH nói Giáo Hội cần phải khiêm tốn hơn, là một Giáo Hội lắng nghe, một Giáo Hội không tự phụ là có mọi câu trả lời, một Giáo Hội có thể bị hoang mang như những người khác khi cuộc sống của họ bị xáo trộn, một Giáo Hội im lặng – thứ im lặng của người chiêm niệm, chứ không phải im lặng vì phẫn nộ.. Nhiều người quí chuộng điều đó, nhưng một số thành phần trong Giáo Hội thì không. Họ giải thích sự thái độ cảm thông, thinh lặng, lắng nghe của bạn như một sự khuất phục đối với thế gian và là một sự lơ là với sứ vụ ngôn sứ. Nhưng sứ vụ ngôn sứ là điều rộng rãi hơn là thái độ phẫn nộ. Tôi nghĩ cứ la ó, la làng, đó không phải là phương thức thích hợp để giải quyết các vấn đề..”

ĐHY Tagle nói thêm rằng: ”Tôi rất vui mừng vì ĐTC trở lại với lối sống hợp với Tin Mừng hơn, một lối sống dẫn đưa chúng ta đến chỗ tự phê bình về những gì chúng ta đã thừa hưởng và thanh tẩy những điều đó dưới ánh sáng Phúc Âm”.

ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai Ấn độ và là một trong 8 HY cố vấn của ĐGH, nhận xét rằng ”Triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô đã tạo nên sự khác biệt cho Giáo Hội, Giáo Hội tại Ấn độ chẳng hạn, và Giáo Hội tại Á châu. Chúng tôi đã tìm đến với người nghèo nhiều hơn, và ĐGH cũng làm cho chúng tôi suy nghĩ lại, cứu xét cuộc sống và hoạt động về phương diện chất lượng, chứ không phải chỉ về số lượng mà thôi, dành ưu tiên cho sự tiếp xúc với con người. Đó là điều ĐGH nhắc nhở chúng tôi. Và cũng cần phải sống đơn sơ, ĐGH thúc đẩy chúng tôi trở về những điều căn bản, biến chúng tôi thành Giáo Hội như Chúa Giêsu mong muốn”.

ĐHY Gracias cũng kể rằng khi người ta hỏi ĐGH Phanxicô xem điều gì mới mẻ ngài đang mang lại cho Giáo Hội, ngài đáp: ”Tất cả những gi tôi muốn cho Giáo Hội chính là Chúa Giêsu Kitô”. ĐHY nói tiếp: ”Tôi rất vui mừng vì cả thế giới đã phản ứng tích cực. Đó thực là một thách đố đối với mọi vị tân Giáo Hoàng. Có thể nói ĐGH Phanxicô đã gảy vào dây đàn đúng! Tôi hy vọng tất cả các HY chúng tôi có thể cộng tác vơi nhau và ủng hộ ĐGH về những gì ngài muốn làm cho Giáo Hội, nghĩa là làm cho Hội Thánh được sinh động hơn. Tôi thực sự cảm thấy ĐGH Phanxicô làm cho Giáo Hội tái trở thành tiến nói của người nghèo, là tiếng nói luân lý trên thế giới, và dân chúng lắn gnghe ngài. Tôi hy vọng dân chúng không những chỉ lắng nghe ĐGH nhưng còn hành động theo những gì ngài nói”

– ĐHY Wilfrid Napier dòng Phanxicô, TGM giáo phận Durban, Nam Phi, nhận xét rằng: ”ĐGH Phancixô đã trao tặng đức tin, lối sống Công Giáo với một sắc thái, một tinh thần và một sự nhấn mạnh khác. Tôi có thể nói điều cốt yếu của ĐGH Phanxicô là: nếu tôi nhìn xem tôi là ai, tôi có thể thấy tất cả những điều sai lầm với tôi, và chỉ nhờ ơn Chúa mà tôi không phải là con người sai lầm mà tôi có thể trở thành, vì vậy sở dĩ tôi được như hiện nay là nhờ ơn Chúa. Có hai cực: tôi là người tội lỗi và ơn thánh của Chúa đang biến đổi tôi”.

”Ngài không phải là điều ngài đang là vì địa vị ngài được, nhưng vì một quan hệ với Thiên Chúa và quan hệ với Chúa Giêsu, chính điều đó làm cho ngài khác người. Dĩ nhiên đối với tôi, trong tư cách là tu sĩ Phanxicô, có hai thách đố mà ĐGH đang đương đầu, nghĩa là ngài là một tu sĩ dòng Tên sống theo đường lối Phanxicô hơn tôi. Đối với tôi đó là một thách đố tốt đẹp mà tôi có thể chia sẻ với ĐGH, cái ý tưởng sống như thánh Phanxicô Assisi” (CNS 4-3-2014)

Nhận định của Cha Lombardi SJ

Trong số những người có một vai trò quan sát đặc biệt đối với triều đại của ĐGH Phanxicô là cha Federico Lombardi, dòng Tên, Tổng giám đốc đài Vatican và Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh. Cha đã dành cho hãng tin Zenith ở Roma một cuộc phỏng vấn về Đức đương kim Giáo Hoàng:

H. Thưa cha Lombardi, việc bầu cử ĐGH Phanxicô đã thay đi hoàn toàn thái độ của các cơ quan truyn thông đối với chức vụ Giáo Hoàng. Đâu là bí quyết của ĐGH Phanxicô trong vn đề này và khả năng đả thông của Ngài với dân chúng đã thu phục được giới truyền thông như vậy?

Đ. Có một sự thay đổi về ngôn ngữ, không những về lời nói nhưng cả những cử chỉ và thái độ nữa. ĐGH Phanxicô đã đánh động được tâm hồn của con người, đặc biệt là ngài vượt lên trên được khoảng cách và các hàng rào. Trọng tâm của ngôn ngữ mới này là việc loan báo tình thương của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, đề tài lòng từ bi và tha thứ của Chúa cho mọi người. Trước đó, trong giới truyền thông có một thành kiến được phổ biến, người ta nghĩ rằng Giáo Hội luôn nói ”không” và không gần gũi với dân chúng. ĐGH Phanxicô đã thành công trong việc giúp dân chúng hiểu được có một cách khác để đọc sứ điệp của Thiên Chúa và tương quan của Giáo Hội với dân chúng.

H. ĐGH Phanxicô thường ứng khẩu nói với dân chúng, và ngài cũng trả lời phỏng vấn cho những ngưi xin, và ngài cũng điện thoại riêng cho nhiều người. Trong bối cảnh đó, đâu là những vấn đế mà vị Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh gặp phải?

Đ. Vấn đề tôi gặp phải trong những tình trạng như thế cũng giống như vấn đề của các hiến binh Vatican khi ĐGH muốn đến gần, tiếp xúc với dân chúng, và từ chối không chịu dùng xe chắn đạn. Chúng tôi phục vụ ĐGH và chúng tôi học về lối hành động, cách sống và phương thức đả thông của ngài với dân chúng. Tôi phải hiểu: tôi có thể cộng tác vào sự truyền thông của ngài như thế nào. Khi ĐGH nói, trả lời phỏng vấn, nói trực tiếp với dân chúng, tôi không gì để nói thêm, tôi chỉ can thiệp khi xảy ra vài vấn đề cần làm sáng tỏ.

H. Một năm đã trôi qua trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Phanxicô và tạp chí Time của Mỹ đã chọn ngài làm người nổi bật nhất trong năm 2013. Cha có thể bình luận gì về sự chọn lựa như thế?

Đ. ĐGH Phanxicô không phải là người tìm kiếm thành công hoặc sự nổi tiếng. Một lần khi người ta hoan hô ngài, ngài nói: ”Anh chị em đừng nói “Viva il Papa, Hoan hô Đức Giáo Hoàng!” Nhưng hãy nói ”Viva Gesù!”, Hoan hô Chúa Giêsu. Đồng thời ĐTC Phanxciô có thể chấp nhận là ”Người nổi bật nhất trong năm” theo tạp chí Time. Nếu sự chọn lựa của tạp chí này có nghĩa là làm cho mục đích sứ mạng của Giáo Hội được nhìn nhận, và sứ điệp mà ĐGH Phanxicô thông truyền, thì đó là điều tốt, đáng chào mừng, nếu không thì chắc chắn đối với ĐGH, điều đó chẳng mang lại điều gì cho ngài.

H. Thưa cha Lombardi, có những lời khuyên nào cha muốn nói với các ký giả không để họ cải tiến việc truyền thông của họ, nhất là về ĐGH, về Giáo triều Roma và Giáo Hội nói chung?

Đ. Điều thường thiếu nơi các ký giả, đó là ý hướng sứ mạng của Giáo Hội và của ĐGH. Nhiều khi các ký giả đọc các biến cố và đưa ra những giải thích xa lạ với thực tại của Giáo Hội, ví dụ họ nhìn và giải thích dưới khía cạnh chính trị hoặc kinh tế. Vì thế, về Giáo Hội, chỉ thỉ nhìn dưới khía cạnh tranh giành quyền bính hoặc lợi lộc kinh tế phe phái. Đó là tình trạng bi thảm dưới thời Vatileaks với những tài liệu của Tòa Thánh bị thất thoát và đăng tải trên báo chí. Trái lại, đó là một tiến trình tìm kiếm cuộc sống và hành động phù hợp với Phúc Âm, canh tân nội tâm và thanh tẩy.

H. Trong bối cảnh đó, nhiều ký giả chỉ nhìn sự canh tân giáo triều Roma như một sự đổi mới thuộc loại chính trị. Cha có thể nói gì về sự kiện này?

Đ. ĐGH đã thành công trong việc giúp người ta hiểu rằng Giáo Hội hiện hữu là để nói với dân chúng rằng họ được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế việc cải tổ giáo triều Roma chỉ là điều phụ thuộc: việc cải tổ này giúp Giáo Hội loan báo sứ điệp Tin Mừng hữu hiệu hơn, không phải ở Vatican mà thôi, nhưng trong các giáo phận và các khu vực ven biên. Cac cơ cấu trung ương Tòa Thánh hiện hữu không phải để thống trị, nhưng để phục vụ và trợ giúp: việc cải tổ nhắm tới mục đích đó.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh

Cách đây đúng một năm ngày 11 tháng 2 năm 2013 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã loan báo cho các Hồng Y biết ngài từ nhiệm giáo hoàng, trong mật nghị thường với 40 Hồng Y tham dự về việc tôn phong hiển thánh cho 813 chân phước. Tin này đã được tiếp nhận với sự kinh ngạc lớn trên toàn thế giới chứ không phải chỉ trong Giáo Hội. Hầu như không ai được chuẩn bị trước một quyết định có tầm quan trọng như thế. Báo chí toàn thế giới đều đưa các hàng tít lớn: ”Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức”. Và trong các bài tường thuật giới truyền thông cũng nhân tiện khơi lại những khó khăn và các vấn đề của Giáo Hội như: vụ đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh Vatileaks, các vụ nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cuộc khủng hoảng đức tin của các Giáo Hội Tây Phương, số ơn gọi giảm sút, tín hữu đánh mất đức tin và không thực hành đạo, các phong trào cổ võ phá thai ngừa thai, ly dị ly thân, sống chung không làm phép cưới, chấp nhận hôn nhân đồng phái, chấp nhận trợ tử, chống lại các giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bầu khí chính trị xã hội duy đời cực đoan muốn bịt miệng Giáo Hội và gạt bỏ Kitô Giáo ra ngoài lề xã hội vv… Và các nhà báo cũng đoán mò tìm đưa ra giả thuyết này giả thuyết nọ nhằm giải thích quyết định này của Đức Biển Đức XVI.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh, dành cho phóng viên Alessandro Gisotti ngày mùng 10-2-2014 về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thánh Vatican.

Hỏi: Thưa cha Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha nghĩ gì về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng cách đây một năm?

Đáp: Trong nhiều thế kỷ đã không có vị Giáo Hoàng nào từ nhiệm, vì thế đối với đại đa số đây là một cử chỉ bất thường và gây kinh ngạc. Trên thực tế, đối với những ai theo dõi và gần gũi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thì người ta đã hiểu ngay rằng ngài đã suy tư chín chắn về đề tài này. Và ngài đã nói điều này một cách rõ ràng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Peter Seewald ít lâu trước đó và nhiều lần trước đó. Vì thế, đây là điều đã khiến cho ngài cầu nguyện, suy tư lượng định, và làm một cuộc phân định tinh thần. Đó là điều ngài đã thông báo và tóm tắt như là một bản tường trình đúc kết trong ngày ngài loan báo việc từ nhiệm, với những lời ngắn gọn, nhưng rất súc tích, giải thích một cách tuyệt đối thích hợp và rõ ràng các tiêu chuẩn, dựa trên đó ngài đưa ra quyết định này. Điều tôi nói và tôi đã nói khi đó là xem ra đối với tôi đây đã là một cử chỉ cai quản vĩ đại, nghĩa là một quyết định tự do, thực sự đánh dấu trong một tình trạng và trong Lịch sử của Giáo Hội. Trong nghĩa này nó là một cử chỉ cai trị vĩ đại, được làm với một tinh thần sâu sắc lớn, một sự chuẩn bị lớn từ bình diện suy tư và cầu nguyện; một sự can đảm lớn, bởi vì thực sự nó là một quyết định bất thường, có thể có trong đó mọi vấn đề và mọi nghi ngờ trên ”cái ý nghĩa nào” như là các phản ánh, như là các hậu qủa đối với tương lai, như là phản ửng từ phía dân Chúa hay của dân chúng. Sự rõ ràng với nó Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chuẩn bị cho cử chỉ này và đức tin với nó ngài đã chuẩn bị cử chỉ ấy, đã trao ban cho ngài sự thanh thản và sức mạnh cần thiết để thực hiện nó, bằng cách tiến bước với lòng can đảm và sự thanh thản, với một cái nhìn thực sự của đức tin và chờ đợi Chúa, là Đấng liên tục đồng hành với Giáo Hội Người, gặp gỡ tình hình mới này, mà chính Đức Biển Đức XVI là người đầu tiên đã sống nó, rồi trong nhiều tuần khác nhau, và rồi Giáo Hội đã sống với sự việc diễn ra và biến cố bầu vị Tân Giáo Hoàng, như tất cả mọi người đã biết. Đó, như vậy đã được hiện thực ý nghĩa của việc Thần Khí Chúa đồng hành với Giáo Hội đang tiến bước.

Hỏi: Chính liên quan tới điểm cuối cùng này: cách đây một năm nhiều người tự hỏi việc chung sống chưa từng có giữa hai vị Giáo Hoàng sẽ ra sao. Ngày nay người ta thấy rằng biết bao sợ hãi có lẽ là của các ”chuyên viên” hơn là của dân chúng, đã là các sợ hãi quá đáng, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy, từ quan điểm này thì xem ra đối với tôi, thật rõ ràng là đã không có sự sợ hãi nào cả. Tại sao vậy? Bởi vì vấn đề đó là sự kiện chức giáo hoàng là một việc phục vụ, chứ không phải là một quyền bính. Nếu người ta sống các vấn đề trong chìa khóa của quyền bính, thì rõ ràng là hai người có thể gặp các khó khăn chung sống, bởi vì sự kiện từ bỏ một quyền bính và chung sống với người kế vị có thể là một khó khăn. Nhưng nếu người ta sống tất cả một cách triệt để như một việc phục vụ, thì khi đó một người đã hoàn thành việc phục vụ của mình trước mặt Chúa, và trong ý thức hoàn toàn trao chứng nhân phục vụ này lại cho một người khác, với thái độ phục vụ và lương tâm hoàn toàn tự do chu toàn nhiệm vụ này, thì khi đó một cách tuyệt đối vấn đề không được đặt ra. Có một sự liên đới tinh thần sâu xa giữa hai vị Tôi tớ của Thiên Chúa, tìm thiện ích của dân Thiên Chúa trong việc phục vụ Chúa.

Hỏi: Khi từ giã mọi người, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói rằng ngài sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện: đây là một đóng góp thực sự ngoại thường mà ngài đã và còn đang trao ban cho Giáo Hội, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, tôi có một kỷ niệm cá nhân rất nhỏ với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhất là trong các thời gian đầu triều đại của ngài. Mỗi lần có tiếp kiến chung tôi đi ngang và chào ngài, và thường thì ngài cho một cỗ Tràng Hạt, bởi vì Đức Giáo Hoàng thường tặng một tấm hình, hay một tràng chuỗi, một chiếc mề đai vv. Và mỗi khi ngài tặng tràng hạt thì ngài nói: ”Cả các linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện nhé”. Tôi đã không bao giờ quên câu nói này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bởi vì ngài biểu lộ như thế một cách rất đơn sơ xác tín và sự chú ý ngài dành cho lời cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta, và đặc biệt trong cuộc sống của những người có các bổn phận và trách nhiệm phục vụ Chúa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chắc chắn đã luôn luôn là một người cầu nguyện, trong suốt cuộc đời ngài, và chắc hẳn ngài đã ước ao có thời gian để sống chiều kích này của lời cầu nguyện với nhiều khoảng trống hơn, với sự toàn vẹn và sâu xa hơn. Và giờ đây đó là thời gian của ngài.

Hỏi: Đàng khác, cuộc sống cầu nguyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVi cũng không thiếu các lúc gặp gỡ, cả với Đức Thánh Cha Phanxicô, như chúng ta đều biết. Cha có thể nói gì về chiều kích ẩn dật nhưng không cô lập này của Đức Joseph Ratzinger?

Đáp: Tôi tin là đúng đắn, khi nhận thức được rằng ngài đang sống một cách kín đáo, không có một chiều kích công cộng nào, nhưng điều này không có nghĩa là ngài sống hoàn toàn cô lập, khép kín như trong một dòng kín nhặt phép. Đức Biển Đức XVI sống một sinh hoạt bình thương đối với một người cao niên, một vị tu sĩ lớn tuổi, và như thế nó là một cuộc sống cầu nguyện, suy tư, đọc sách, viết lách, trong nghĩa ngài trả lời các thư từ nhận được, nói chuyện, gặp gỡ những người sống bên cạnh ngài, mà ngài thích gặp gỡ, và đối thoại vì thấy nó ích lợi, hay vì họ xin lời khuyên hoặc sự gần gũi tinh thần của ngài. Nghĩa là cuộc sống của một người phong phú về mặt tinh thần, có kinh nghiệm lớn, trong một tương quan kín đáo với người khác.

Điều không có, đó là chiều kích công cộng, mà chúng ta có thói quen sống. Vì là Giáo Hoàng nên ngài đã luôn luôn ở trên màn hình, trước sự chú ý của toàn thế giới. Điều này không có nữa, nhưng còn lại là một cuộc sống với các tương quan bình thường. Và trong các tương quan này có tương quan với người kế vị ngài, tương quan với Đức Thánh Cha Phanxicô, mà như chúng ta biết đã có các lúc gặp gỡ cá nhân và đối thoai với Đức Biển Đức XVI, vị này tới nhà vị kia và ngược lại. Thế rồi, còn có các hình thức tiếp cận khác nữa, có thể là điện thoại, hay các sứ điệp đựơc gửi đi: một tình hình liên hệ hoàn toàn bình thường và liên đới. Đối với tôi và tất cả chúng ta, xem ra là điều thật đẹp các hình ảnh hiếm hoi của hai vị Giáo Hoàng ở bên nhau: Đức nguyên Giáo Hoàng và Đức đương kim Giáo Hoàng cùng cầu nguyện với nhau. Nó là một dấu chỉ rất đẹp và rất khích lệ, dấu chỉ của sự tiếp nối trong sứ vụ Phêrô và trong việc phụng sự Giáo Hội.

Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng. Thưa cha Lombardi, cha đã theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong tất cả triều đại của ngài. Riêng đối với cá nhân cha, giờ đây Đức Biển Đức XVI đang cho cha điều gì trên bình diện tinh thần, kể từ ngày 11 tháng 2 năm ngoái tới nay?

Đáp: Tôi rất cảm nhận được sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, như là một sự hiện diện tinh thần mạnh mẽ, đồng hành và trao ban sự thanh thản … Tôi nghĩ tới các gương mặt của những vị cao niên vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội và trong lịch sử thánh. Một cách đặc biệt chúng ta tất cả đều nghĩ tới cụ già Simeong tiếp nhận Chúa Giêsu trong Đền Thờ, tươi vui nhìn số phận vĩnh cửu của mình, và tương lai của cộng đoàn tiếp tục lữ hành trên trần gian này. Tất cả chúng ta đều biết giá trị rất to lớn của việc có những người già sống với chúng ta, những người già giầu sự khôn ngoan, giầu đức tin, thanh thản, họ thật là một sự trợ giúp rất lớn cho những người trẻ hơn, giúp họ tiến bước và tin tưởng nhìn vào tương lai. Đối với tôi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là thế, và tôi tin rằng ngài là thế đối với Giáo Hội nữa: là Vị Bô Lão cao cả, khôn ngoan, thánh thiện, thanh thản mời gọi chúng ta; và người cũng đẹp nữa khi người ta nhìn ngài: ngài thực sự trao ban một cảm tưởng của sự thanh thản tinh thần lớn lao. Ngài đã duy trì được nụ cười quen thuộc với chúng ta, trong những lúc chúng ta gặp ngài, và ngài mời gọi chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng và niềm hy vọng.

(RG 10-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

Kỷ niệm 1 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm

VATICAN. Hôm 11-2-2014, là kỷ niệm đúng 1 năm ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm và ấn định rằng Tông Tòa bắt đầu từ lúc 20 giờ ngày 28-2 tiếp đó.

ĐGH Biển Đức 16 tuyên bố từ nhiệm, trước sự hiện diện của hơn 40 Hồng y tham dự công nghị thường lệ về việc tôn phong hiển thánh cho 813 vị chân phước.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuter của Anh quốc, truyền đi hôm 11-2-2014, Đức TGM Georg Gaenswein, bí thư của ĐGH Biển Đức đồng thời là đương kim Chủ tịch Phủ Giáo Hoàng cho biết ĐGH Biển Đức vẫn rất tỉnh táo và minh mẫn về tâm trí và tinh thần, tuy rằng sức khỏe thể lý của ngài suy yếu với 87 tuổi”.

Đức TGM Gaenswein cũng nói đến quan hệ tốt đẹp giữa Đức cựu và đương kim Giáo Hoàng: ”Ngay từ đầu đã có sự tiếp xúc tốt đẹp giữa hai vị và sự khởi đầu này đã được phát triển và trưởng thành. Hai vị vẫn viết thư, điện thoại, nghe và mời nhau. ĐGH Phanxicô đã nhiều lần đến Đan viện Mẹ Giáo Hội nơi Đức Biển Đức cư ngụ, và ĐGH Biển Đức cũng đã đến nhà trọ Thánh Marta. Trên nhiều bình diện có sự cảm thông giữa hai vị”.

Đức TGM nói: ”Đức nguyên Giáo Hoàng rất an bình với chính mình và với Chúa. Tôi xác tín rằng Chúa Thánh Linh gửi vị Giáo Hoàng đúng đến cho thời đại thích hợp, và điều này có giá trị đối với Đức Gioan Phaolô 2, Đức Biển Đức và ĐGH Phanxicô.. Sau một triều đại Giáo Hoàng rất dài của Đức Gioan Phaolô 2, một người đã sống cạnh Người trong 23 năm, lâu hơn bất kỳ Hồng y nào khác, và có lẽ là cộng sự viên được tín nhiệm và hữu hiệu nhất, đã trở thành Giáo Hoàng. Tôi không nói là ĐGH Biển Đức không được may mắn. Sau một triều đại 27 năm Giáo Hoàng, bất kỳ ai được bầu lên cũng gặp khó khăn”.

Và Đức TGM Gaenswein cho biết: ”Đức Biển Đức 16 không oán trách các cơ quan truyền thông nhiều khi không viết đúng về ngài và công việc của ngài. Tôi tin chắc rằng lịch sử sẽ đưa ra một phán đoán khác với phán đoán mà người ta thường đọc thấy trong những năm gần đây trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Biển Đức 16, vì nguồn mạch trở nên rõ ràng và mang lại nước trong hơn” (Vat. Ins., Reuteur 10-2-2014).

Đức TGM Georg Gaenswein xác nhận rằng khi ĐGH tuyên bố từ nhiệm, nhiều Hồng Y hiện diện kinh ngạc ngỡ ngàng, nhiều vị khác không hiểu.

Trả lời câu hỏi của đài Radio Uno ở Italia: ”Sự chọn lựa của ĐGH Biển Đức có thể là một tiền lệ trong giáo luật hay không”, Đức TGM Gaenswein nói: ”ĐGH Ratzinger đã và sẽ không hề muốn ảnh hưởng một cách nào đó đến các người kế nhiệm. Chắc chắn rằng qua hành vi từ nhiệm này, ngài xác định một sự kiện mới cần phải được tôn trọng”.

Đức Hồng Y Bertone

ĐHY Bertone, nguyên Quốc vụ khanh, cũng tiết lộ rằng ĐGH Biển Đức 16 đã muốn từ nhiệm sớm hơn, và dự tính thông báo ý định này ít lâu sau lễ Giáng Sinh năm 2012, nhưng ĐHY can ĐGH rằng: ”lúc này không phải là thời điểm thuận tiện. ĐTC cần loan báo sứ điệp của Chúa Hài Đồng Giêsu. Chúng ta không nên làm xáo trộn món quà mà Chúa ban cho Giáo Hội”.

ĐHY Bertone cho biết vào khoảng giữa năm 2012, ĐGH Biển Đức đã tiết lộ cho ngài ý định từ nhiệm, nhưng ĐHY tìm cách khuyên ĐGH dời lại thời điểm, vì mới khai mạc năm Đức Tin và loan báo Thông điệp về đức tin. Sau nhiều suy nghĩ và cầu nguyện ĐGH đi tới quyết định chung kết là sẽ công bố quyết định vào ngày 11-2, lễ Đức Mẹ Lộ Đức.

ĐHY nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác nhận rằng nguyên nhân chính khiến ĐTC Biển Đức 16 từ nhiệm là tình trạng sức khỏe thể lý và nghị lực tinh thần suy yếu. Ở tuổi của ngài, ngài cảm thấy không đủ nghị lực để đi Rio de Janeiro gặp gỡ hàng triệu bạn trẻ tại đó.

Cha Lombardi SJ

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, nhận định rằng quyết định từ nhiệm của ĐGH Biển Đức 16 cách đây 1 năm là một ”đại hành vi cai trị”. Nghĩa là một quyết định được đề ra một cách tự do, ảnh hưởng thực sự trong tình trạng và trong lịch sử của Giáo Hội. Theo nghĩa đó, quyết định từ nhiệm của Người là một đại hành vi cai trị, được thực hiện với một linh đạo sâu xa, được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng suy tư và cầu nguyện, một cử chỉ rất can đảm, vì đó là một quyết định ngoại thường.

Đức Ông Georg Ratzinger

Mặt khác, trong một bài đăng trên báo ”Lý Trí” (La Razón” số ra ngày 8-2-2014 tại Tây Ban Nha, Đức Ông Georg Ratzinger, anh ruột của ĐGH Biển Đức, cho biết em của ngài không có nhiều thời gian như mong muốn để chơi đàn Piano hoặc có những cuộc điện đàm, vì Người vẫn còn nhiều người đến viếng thăm.

Đức Ông cũng tiết lộ rằng Đức nguyên Giáo Hoàng vẫn tiếp tục nghiên cứu thần học, những không nói Người có viết tiểu sử tự thuật hay không. Đức Ông nói thêm rằng: ”Em tôi tuyệt đối không hề lấy làm tiếc vì quyết định từ nhiệm cách đây 1 năm. Đối với Người, những trách vụ và chức năng mà Người muốn chu toàn, thật là rõ rằng, và quyết định Người đưa ra cách đây một năm thật là rõ ràng, và vẫn còn giá trị ngày nay” (Apic 9-2-2014)

Trong một sứ điệp ngắn truyền qua dạng Twitter, ĐTC Phanxicô viết: ”Hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng với tôi cầu nguyện cho ĐTC Biển Đức 16, một người có lòng can đảm lớn lao và lòng khiêm nhường sâu xa”.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin Với Đức Giáo Hoàng: Sống Như Người Môn Đệ Của Con Chiên Thiên Chúa

Kinh Truyền Tin Với Đức Giáo Hoàng: Sống Như Người Môn Đệ Của Con Chiên Thiên Chúa

VATICAN, Trong bài chia sẻ trước khi đọc kinh Truyền Tin diễn ra vào lúc 12h tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về hình ảnh “Con Chiên” mà Gioan Baotixita đã dùng khi giới thiệu về Đức Giêsu cho người khác.

Ngài nói: “Trong Chúa Nhật thứ 2 mùa Thường Niên hôm nay, đoạn Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta cảnh tượng gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Gioan Baotixita, tại sông Giordan. Thánh Sử Gioan, người đã kể lại cho chúng ta câu chuyện này là chứng nhân tận mắt. Trước khi trở thành môn đệ của Đức Giêsu, thánh nhân là môn đệ của Gioan Baotixita, cùng với anh mình là Giacobe, với Simon và Anre, tất cả đều là người Galilea, là ngư phủ. Gioan Baotixita thấy Đức Giêsu tiến tới giữa đám đông thì nhận biết Người là sứ giả của Thiên Chúa, nên đã nói về Người rằng: "Đây là Chiên thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian!" (Ga 1,29)”.

Đức Thánh Cha cũng chia sẻ rằng Đức Giêsu đến là để cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và Người đã làm điều đó bằng tình yêu, một tình yêu hiền lành, sẵn sàng mang lấy tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta để cứu thoát chúng ta.

Ngài nói: “…Đức Giêsu đến trong trần gian này với một sứ mạng đặc biệt: giải phóng con người khỏi sự kềm kẹp của tội lỗi. Bằng cách nào? Bằng tình yêu thương. Không có cách nào khác để chiến thắng sự dữ và tội lỗi ngoại trừ tình yêu thúc đẩy người ta đến chỗ trao ban sự sống mình cho người khác. Trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu có những dấu tích của Người Tôi Tớ Chúa, " người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta" (Is 53,4), và chết trên cây thập giá. Người đích thực là con chiên vượt qua, bị nhận chìm trong dòng sông tội lỗi của chúng ta để thanh tẩy chúng ta.”

“Gioan Baotixita nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông xếp hàng với những tội nhân để xin chịu phép rửa dù người ấy không cần, một người mà Thiên Chúa đã sai đến thế gian như một con chiên hiến tế. Trong Tân Ước, thuật ngữ "con chiên" được sử dụng nhiều lần và luôn ám chỉ đến Đức Giêsu. Hình ảnh con chiên này có thể khiến chúng ta ngạc nhiên; quả vậy, một con vật không phải là biểu tượng cho sức mạnh và sự cường tráng lại mang trên vai mình những gánh nặng nề. Một lượng lớn sự xấu bị xóa bỏ và bị mang đi bởi một loài yếu đuối và mỏng manh, biểu tượng của sự vâng phục, hiền lành và tình yêu bất lực, cùng với sự hiến tế chính mình Ngài. Con chiên không thống trị nhưng rất hiền lành, không gây hấn nhưng yêu hòa bình, không nhe nanh vuốt trước bất cứ đối tượng nào tấn công nó, nhưng luôn chịu đựng và phục tùng.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gợi lên trong lòng mọi người một câu hỏi: “Là người môn đệ của Đức Giêsu, chiên thiên Chúa có nghĩa là gì đối với Giáo Hội, đối với chúng ta ngày hôm nay?”.

Và ngài đã trả lời rằng: “Có nghĩa là lấy hiền từ đối lại cái ác, lấy tình yêu thay thế sức mạnh, lấy khiêm nhường bù lại kiêu hãnh, lấy phục vụ đối lại cao danh. Là những người môn đệ của Con Chiên có nghĩa là không sống như một "thành trì bị vây hãm", nhưng như một thành phố đặt trên núi cao, mở ra, đón nhận và liên đới. Nó có nghĩa là không được có thái độ đóng lại, nhưng mang Tin Mừng đến cho tất cả, làm chứng bằng cuộc sống của chúng ta rằng bước theo Đức Giêsu giúp chúng ta tự do hơn và hoan lạc hơn”.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc nhớ các tín hữu rằng Chúa Nhật này là ngày Quốc Tế Di Dân và Tị Nạn. Cách đây mấy tháng, Đức Thánh Cha đã cho công bố một sứ điệp của ngài về ngày này với chủ đề ““Những Người Di Dân và Tị Nạn: Hướng Đến Một Thế Giới Tốt Đẹp hơn”. Ngài khuyên mọi người đừng bao giờ đánh mất đi niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và chúc mọi người, đặc biệt là những ai đang số trong tình cảnh di dân – tị nan, được sống trong hòa bình nơi các quốc gia mà các bạn được đón tiếp, được bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các bạn.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu hành hương dâng lên Đức Mẹ lời Kinh Kính mừng để cầu nguyện cho những người tị nạn và di dân đang sống trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn.: Kính Mừng Maria…

Cuối cùng, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến tất cả các tín hữu đến từ các giáo xứ ở Ý và các nơi khác trên thế giới, cũng như các đoàn hội và các nhóm.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ – Vatican Radio

Đức Giáo Hoàng dâng thánh lễ hằng ngày với giáo dân Rôma

Đức Giáo Hoàng dâng thánh lễ hằng ngày với giáo dân Rôma

Josephine McKenna cho the Telegraph

Sau khi tiếp cận với 1.2 tỷ người Công giáo trên toàn thế giới trong dịp Lễ Giáng Sinh, giờ đây Đức Thánh cha Phanxicô muốn có tương quan gần gũi hơn với các tín hữu là những người đang sống gần nơi ngài ở.

Kể từ đầu năm 2014, một số giáo dân Rôma sẽ được mời tham dự thánh lễ sáng với Đức Thánh Cha ở trong Vatican.

Vị Giáo Hoàng 77 tuổi này đã trở nên nổi tiếng với việc ôm choàng lấy người trẻ, người già và người tàn tật khi họ quy tụ trong quảng trường thánh Phêrô, hay gọi điện thăm hỏi những cá nhân hoặc các gia đình những người bị nạn.

Đức Giáo Hoàng cũng được nhìn nhận như là một giám mục chính thức của Rôma, vì thế ngài sẽ có dịp làm quen với những người công giáo ở những vùng xung quanh.

Vào ngày 1 tháng giêng 2014, mỗi ngày khoảng 30 người sẽ được chọn từ các giáo xứ ở Rôma thay phiên nhau tham dự thánh lễ trong một nhà nguyện ấm cúng ở trong nhà khách Santa Marta nơi Đức Giáo Hoàng đang sống – cạnh Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô .

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ ở đó vào mỗi sáng nhưng đây là lần đầu tiên các giáo dân bên ngoài sẽ được mời để tham dự thánh lễ hằng ngày với Ngài một cách thường xuyên.

Các giáo xứ ở Ý đã cho biết con số giáo hữu trở lại với Giáo hội gia tăng kể từ khi Đức Giáo Hoàng người Argentina này được bầu chọn vào tháng 3 vừa qua, mặc dù Đức Phanxicô chỉ mới hai lần thăm các giáo xứ địa phương trong thủ đô này của Ý.

Phát ngôn viên báo chí Tòa Thánh cha Federico Lombardi đã phát biểu trong tờ báo Điện Tín ngày Thứ Năm vừa qua rằng, Đức Thánh Cha đã dự định sẽ thăm một giáo xứ khác ở Rôma vào đầu năm tới và ngài sẽ tham dự những việc phục vụ ở Vương Cung Thánh Đường Chính Tòa, Thánh Phaolô Ngoại Thành, trong tuần lễ hiệp nhất các Kitô hữu vào ngày 25 tháng Giêng tới, nhưng nội dung cụ thể về việc này đang được xác định.

Nguồn: Telegraph

Trích từ UCANEWS VN

Đức Giáo Hoàng mừng sinh nhật thứ 77 với 4 người vô gia cư

Đức Giáo Hoàng mừng sinh nhật thứ 77 với 4 người vô gia cư

Pope-francis-birthday and 4 homeless-men

VATICAN. 4 người vô gia cư đã được mời tham dự thánh lễ và dùng bữa ăn sáng với ĐTC Phanxicô tại Nhà trọ thánh Marta sáng ngày 17-12-2013, nhân dịp sinh nhật thứ 77 của ngài.

Đồng tế với ĐTC có ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, và Đức TGM Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. ĐHY niên trưởng đã đại diện các HY chúc mừng ĐTC, còn Đức TGM Parolin chúc mừng ngài nhân danh các nhân viên trong Phủ Quốc vụ khanh. Đức TGM Konrad Krajewski, người Ba Lan, đặc trách văn phòng từ thiện của ĐGH và là người giới thiệu 4 người vô gia cư lên ĐTC.

Hiện diện trong thánh lễ có tất cả các nhân viên nhà trọ thánh Marta.

Trong bài giảng, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Mathêu ghi lại gia phả của Chúa Giêsu. Ngài nhận xét rằng gia phả này nhắc nhớ chúng ta: ”Sau tội đầu tiên trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đồng hành với chúng ta. Chúa đã gọi Abraham người đầu tiên trong gia phả, rồi đến các tổ phụ khác.. Chúa đã muốn làm lịch sử với chúng ta, một lịch sử đi từ thánh thiện đến tội lỗi, như trong gia phả có những người thánh nhưng cũng có những người tội lỗi cao độ, như vua Salomon.. Đó chính là sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự kiên nhẫn và tình thương của Thiên Chúa.”

pope-francis-birthday-cake


Sau lễ, như thường lệ, ĐTC đã bắt tay chào thăm từng người, kể cả 4 người vô gia cư, ở khu vực quanh Vatican. Tất cả họ được mời ăn sáng với ngài sau đó. (SD 17-12-2013)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio