Các thách đố lớn nhỏ đối với Giáo Hội tại Bulgaria

Các thách đố lớn nhỏ đối với Giáo Hội tại Bulgaria

Phỏng vấn Đức Cha Christo Proykov, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục

Ngày 13-2-2014 các Giám Mục Bulgaria đã bắt đầu chuyến viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh.

Cộng đoàn công giáo nước này tuy bé nhỏ nhưng rất sinh động. Bulgaria rộng gần 111,000 cây số vuông, có 7.5 triệu dân, gồm 84.8% gốc Bulgari, 8.8% gốc Thổ Nhĩ Kỳ, 4.9% gốc Rom và 1.5% gồm các sắc dân khác. Trên bình diện tôn giáo 86.3% theo Chính Thống, 12.78% theo Hồi giáo. Tín hữu công giáo La tinh được khoảng hơn 70,000 và có khoảng 20,000 tín hữu công giáo đông phương.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Christo Proykov, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Bulgaria, về các thách đố lớn nhỏ đối với Giáo Hội nước này.

Hỏi: Thưa Đức Cha Proykov, Giáo Hội công giáo tại Bulgaria hiện nay ra sao?

Đáp: Giáo Hội công giáo tại Bulgaria sống chứng tá kitô trong một xã hội có rất nhiều thách đố. Có các thách đố chung cho mọi nước Âu châu như: chủ trương tiêu thụ, tương đối hóa luân lý, hưởng lạc, thiếu các giá trị nền tảng cho cuộc sống nhân bản. Nhưng cũng có vài thách đố chuyên biệt thừa hưởng từ chế độ Liên Xô trong qúa khứ, thí dụ như sự dốt nát về tôn giáo rất phổ biến, đối với cả những người tự coi mình là tín hữu kitô. Tình hình hiện nay tại Bulgaria không dễ dàng, nhưng có thể nói thuận tiện cho việc thả lưới rao giảng Tin Mừng và gieo vãi Lời Chúa.

Hỏi: Thế nhưng riêng bên trong lòng cộng đoàn công giáo thì tình hình ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Giữa các tín hữu công giáo và ba giáo phận thuộc hai nghi lễ Latinh và Đông phương có sự cộng tác mạnh mẽ. Có các cuộc gặp gỡ và các buổi tĩnh tâm cho giới trẻ. Sự kiện này cống hiến cho các bạn trẻ sống trong các giáo xứ rải rác trong các thành phố Bulgaria cơ hội trao đổi các kinh nghiệm phong phú. Trong mùa hè chúng tôi tổ chức các đại hội toàn quốc cho giới trẻ và cho người lớn tuổi. Và cũng có các cuộc họp mặt định kỳ dành cho các gia đình và các nhóm khác, do phong trào Tổ Ấm tổ chức và hướng dẫn. Mục vụ âm thầm của thời kỳ bị bách hại tôn giáo được dần dần thay thế bởi mục vụ tích cực, có khả năng tái lượng định giá trị của sự tự do tôn giáo. Bên trong Giáo Hội chúng tôi tìm cách phối hợp các sinh hoạt ngày càng rộng lớn hơn, liên quan tới các lãnh vực phụng vụ, dạy giáo lý, bác ái, và thăng tiến ơn gọi.

Có Hội đồng quốc gia bề trên các dòng tu nam nữ, khiến cho sự cộng tác giữa các dòng với nhau có thể thực hiện được. Giữa các tín hữu của chúng tôi không có vấn đề liên quan tới giáo thuyết, và các giáo huấn của Giáo Hội một cách chung được chấp nhận. Việc nhận thức các chỉ dẫn của Công Đồng Chung Vatican II liên tục gia tăng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm triệu tập Công Đồng, các tài liệu của Công Đồng và Sách Toát yếu giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã được in ấn rộng rãi bằng tiếng Bulgari, trong khi bản dịch Sách Giáo Lý đã có từ trước. Chúng tôi cũng in các sách của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như ”Đức Giêsu thành Nagiarét”. Trong lúc này đây chúng tôi cũng đang dịch Youcat và Tông huấn ”Niềm vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tương quan giữa ba Giám Mục thuộc hai lễ nghi rất là thân tình, và các tín hữu cũng thường xuyên tiếp xúc với nhau một cách phong phú.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tín hữu Bulgari đã tiếp nhận tin Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng như thế nào?

Đáp: Cũng như trên toàn thế giới, tin Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm sứ vụ Phêrô đã khiến cho chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên. Tin Đức Thánh Cha Phaxicô được bầu làm Giáo Hoàng đã được tín hữu Bulgari tiếp đón với niềm vui và tình con thảo. Tín hữu bị lôi cuốn bởi thái độ yêu thương của ngài đối với các người yếu đuối nhất trong xã hội. Thái độ di chuyển tự nhiên và lòng cảm đảm của ngài đương đầu với các vấn đế khó khăn và quan trọng chinh phục cảm tình của nhiều người. Các Giám Mục Bulgari chúng tôi đặc biệt hạnh phúc đã được mời gặp Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi gặp Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhân chuyến viếng thăm Ad limina lần này. Tín hữu của chúng tôi chờ đợi với niềm vui để nghe chúng tôi tường thuật những gì đã sống với Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi từ Roma trở về.

Hỏi: Hiện tình gia đình bên Bulgaria ra sao thưa Đức Cha?

Đáp: Ngày nay hơn bao giờ hết gia đình bị thử thách rất cam go. Chúng tôi là chứng nhân của các tấn kích chống lại gia đình đến từ mọi phía. Người ta tìm xóa bỏ căn cước và phẩm giá của nó, bằng cách hạ thấp nó xuống hàng của một sự chung sống tầm thường. Trong dư luận công cộng tại Bulgaria gia đình vẫn còn được hiểu như sự kết hiệp giữa một người nam và một người nữ. Luật Bulgaria không thừa nhận hôn nhân giữa các người đồng phái, nhưng trào lưu tư tưởng này cũng len vào trong xã hội của chúng tôi, và điều này tạo ra các đòi hỏi mục vụ mới. Nhiều gia đình mang thương tích của nạn ly dị. Tiến trình tục hóa cũng đang trở thành triệt để trong xã hội Bulgari, đặc biệt là giữa các thế hệ mới. Nó đặt vấn đề đối với nền tảng sự bất khả phân ly của hôn nhân, cũng như sự cần thiết phải lập gia đình.

Người ta thực hành phá thai một cách nhẹ dạ, và người ta quảng cáo việc ngừa thai. Có ít cặp vợ chồng sống cuộc sống tính dục theo các giáo huấn của Giáo Hội, và lý do thường là sự dốt nát lớn, cũng bởi vì thiếu một nền giáo dục kitô trong các gia đình, hậu qủa của 50 năm sống dưới chế độ cộng sản vô thần của nhà nước; trong thời gian đó việc dậy dỗ tôn giáo đã bị hạn chế rất nhiều. Người ta cảm thấy một nhu cầu rất lớn của việc đào tạo kitô trong các gia đình. Chúng tôi tìm làm những gì có thể qua các khóa chuẩn bị hôn nhân, tổ chức các khóa học và các cuộc gặp gỡ cho các gia đình, các khóa giáo lý cho người lớn, và các cuộc gặp gỡ đào tạo cho giới trẻ về huấn quyền của Giáo Hội liên quan tới các đề tài này. Năm nay chúng tôi có chương trình tổ chức các đại hội toàn quốc cho các gia đình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, tương quan của Giáo Hội cộng giáo với Giáo Hội chính thống tại Bulgaria ra sao?

Đáp: Giáo Hội chính thống chiếm đa số dân tại Bulgaria. Tôi biết Đức tân Thượng Phụ Neofit từ nhiều năm nay. Ngài là một người có lòng tin sâu xa, thông minh và rất thông thái. Chúng tôi đã vui mừng tiếp nhận tin ngài được bầu làm Thượng Phụ cách đây một năm, và tôi nghĩ rằng Giáo Hội chính thống đã làm một sự lựa chọn rất tốt. Các tương quan với ngài chân thành và chúng tôi trân trọng nhau. Mặc dầu vậy, trên bình diện cơ cấu thật đáng cầu mong có nhiều tiếp xúc và liên hệ hơn nữa giữa chúng tôi. Nhưng giữa các giáo dân thì các tiếp xúc và cộng tác rất kết quả.

Hỏi: Giáo Hội có gặp khó khăn không thưa Đức Cha, và Giáo Hội được nâng đỡ như thế nào?

Đáp: Trên bình diện kinh tế, Giáo Hội công giáo tại Bulgaria không nhận được tài trợ nào từ phía nhà nước. Các linh mục sống nhờ các bổng lễ và các của dâng cúng của tín hữu, ngoài trợ cấp hàng năm của Bộ các Giáo Hội Đông Phương và các tổ chức nước ngoài trợ giúp các Giáo Hội nghèo. Nhưng tất cả những nguồn lợi đó thường không đủ cho các nhu cầu cấp thiết, và mọi linh mục phải tự tìm các nguồn lợi khác. Điều này đòi hỏi thời gian và các cố gắng để có thể lo lắng cho các sinh hoạt mục vụ. Hơn nữa, với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay luôn luôn có những người nghèo mới sống tùy thuộc vào sự trợ giúp của Giáo Hội; nhưng rất tiếc là chúng tôi không luôn luôn có thể trợ giúp họ. Caritas Bulgaria có tổ chức vài sinh hoạt phục vụ ổn định như việc phân phát thuốc men miễn phí, các bữa ăn nóng cho hàng chục người nghèo trong các thành phố khác nhau. Trong năm nay cũng có các người tị nạn Siri và từ các nước khác nữa. Tại Sophia chúng tôi có một trạm y tế miễn phí để giúp người nghèo. Bên cạnh tòa chuẩn giáo phận, với sự trợ giúp ”100 dự án” của tổ chức Cor Unum Đồng Tâm của Tòa Thánh, chúng tôi đã thành lập một trung tâm ban ngày cho các bà mẹ độc thân. Chúng tôi cũng có trung tâm ban ngày gọi là ”Truyền Tin” để trợ giúp các người tàn tật. Cũng có các dự án trợ giúp tại gia cho người già, và các chương trình trợ giúp người nghiện xì ke ma túy, người già cả và vô gia cư cũng như cho người tỵ nạn, không phân biệt ai hết. Tuy có các khó khăn tài chánh nghiêm trọng nhưng Giáo Hội vẫn khích lệ dân chúng trợ giúp người nghèo một cách nhưng không.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đâu là sự hiện diện của Giáo Hội trong lãnh vực truyền thông và các phương tiện truyền thông nắm vai trò nào trong việc tái truyền giảng Tin Mừng?

Đáp: Ngày nay các phương tiện truyền thông công giáo là các phương tiện quan trọng giúp chu toàn sứ mệnh của Giáo hội. Qua liên mạng Internet có thể thông truyền, rao giảng Tin Mừng, trợ giùp biết bao nhiêu người tiến bước trên con đường hoán cải. Giáo Hội có sự hiện diện tốt trên trang mạng. Các giáo phận và nhiều giáo xứ có một địa chỉ trên trang mạng Internet, nhưng chắc chắn là trang mạng đẹp nhất cũng không thể thay thế được tương quan trực tiếp giữa con người với nhau. Có các blog, các nhóm thân hữu trên Facebook, địa chỉ đưa tin tức về Giáo hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ, và dĩ nhiên là trang mạng của chương trình tiếng Bulgari của đài phát thanh Vatican.

Theo luật lệ hiện hành tại Bulgaria Giáo Hội có quyền có một khoảng không nào đó trên đài truyền hình và trên đài phát thanh trong các ngày lễ. Những lần khác thì Giáo Hội được mời nói lên các ý kiến và nhận xét của mình liên quan tới các vấn đề thời sự, và tham dự vào các cuộc thảo luận bàn tròn và các cuộc phỏng vấn. Tất cả đều là các dịp tốt để phổ biến Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội. Ngoài ra, khi có các biến cố quan trọng đối với Giáo Hội Hoàn Vũ, các phương tiện truyền thông xã hội tỏ ra quan tâm như biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm, và biến cố bầu Đức Thánh Cha Phanxicô, là người ngày càng thu hút sự chú ý của giới truyền thông, trong nghĩa tích cực. Đại hội do Hàn lậm viện khoa học Bulgari tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc triều đại giáo hoàng của Đức Gioan XXIII cũng đã gây được tiếng vang. Đức Gioan XXIII đã sống bên Bulgaria 10 năm như là Khâm Sứ Tòa Thánh. Biến cố kỷ niệm 50 ban hành Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” của Ngài cũng đã được giới báo chí lưu tâm; và nhân dịp này thông điệp cũng đã được dịch và in bằng tiếng Bulgari. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: ”các phương tiện truyền thông là một ơn của Thiên Chúa, và khi được sử dụng tốt chúng có thể góp phần rất nhiều vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa”.

(RG 12-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh

Cách đây đúng một năm ngày 11 tháng 2 năm 2013 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã loan báo cho các Hồng Y biết ngài từ nhiệm giáo hoàng, trong mật nghị thường với 40 Hồng Y tham dự về việc tôn phong hiển thánh cho 813 chân phước. Tin này đã được tiếp nhận với sự kinh ngạc lớn trên toàn thế giới chứ không phải chỉ trong Giáo Hội. Hầu như không ai được chuẩn bị trước một quyết định có tầm quan trọng như thế. Báo chí toàn thế giới đều đưa các hàng tít lớn: ”Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ chức”. Và trong các bài tường thuật giới truyền thông cũng nhân tiện khơi lại những khó khăn và các vấn đề của Giáo Hội như: vụ đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh Vatileaks, các vụ nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cuộc khủng hoảng đức tin của các Giáo Hội Tây Phương, số ơn gọi giảm sút, tín hữu đánh mất đức tin và không thực hành đạo, các phong trào cổ võ phá thai ngừa thai, ly dị ly thân, sống chung không làm phép cưới, chấp nhận hôn nhân đồng phái, chấp nhận trợ tử, chống lại các giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bầu khí chính trị xã hội duy đời cực đoan muốn bịt miệng Giáo Hội và gạt bỏ Kitô Giáo ra ngoài lề xã hội vv… Và các nhà báo cũng đoán mò tìm đưa ra giả thuyết này giả thuyết nọ nhằm giải thích quyết định này của Đức Biển Đức XVI.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí kiêm Phát ngôn viên của Tòa Thánh, dành cho phóng viên Alessandro Gisotti ngày mùng 10-2-2014 về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thánh Vatican.

Hỏi: Thưa cha Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, cha nghĩ gì về biến cố Đức Thánh Cha Biển Đức XVI từ nhiệm giáo hoàng cách đây một năm?

Đáp: Trong nhiều thế kỷ đã không có vị Giáo Hoàng nào từ nhiệm, vì thế đối với đại đa số đây là một cử chỉ bất thường và gây kinh ngạc. Trên thực tế, đối với những ai theo dõi và gần gũi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, thì người ta đã hiểu ngay rằng ngài đã suy tư chín chắn về đề tài này. Và ngài đã nói điều này một cách rõ ràng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Peter Seewald ít lâu trước đó và nhiều lần trước đó. Vì thế, đây là điều đã khiến cho ngài cầu nguyện, suy tư lượng định, và làm một cuộc phân định tinh thần. Đó là điều ngài đã thông báo và tóm tắt như là một bản tường trình đúc kết trong ngày ngài loan báo việc từ nhiệm, với những lời ngắn gọn, nhưng rất súc tích, giải thích một cách tuyệt đối thích hợp và rõ ràng các tiêu chuẩn, dựa trên đó ngài đưa ra quyết định này. Điều tôi nói và tôi đã nói khi đó là xem ra đối với tôi đây đã là một cử chỉ cai quản vĩ đại, nghĩa là một quyết định tự do, thực sự đánh dấu trong một tình trạng và trong Lịch sử của Giáo Hội. Trong nghĩa này nó là một cử chỉ cai trị vĩ đại, được làm với một tinh thần sâu sắc lớn, một sự chuẩn bị lớn từ bình diện suy tư và cầu nguyện; một sự can đảm lớn, bởi vì thực sự nó là một quyết định bất thường, có thể có trong đó mọi vấn đề và mọi nghi ngờ trên ”cái ý nghĩa nào” như là các phản ánh, như là các hậu qủa đối với tương lai, như là phản ửng từ phía dân Chúa hay của dân chúng. Sự rõ ràng với nó Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chuẩn bị cho cử chỉ này và đức tin với nó ngài đã chuẩn bị cử chỉ ấy, đã trao ban cho ngài sự thanh thản và sức mạnh cần thiết để thực hiện nó, bằng cách tiến bước với lòng can đảm và sự thanh thản, với một cái nhìn thực sự của đức tin và chờ đợi Chúa, là Đấng liên tục đồng hành với Giáo Hội Người, gặp gỡ tình hình mới này, mà chính Đức Biển Đức XVI là người đầu tiên đã sống nó, rồi trong nhiều tuần khác nhau, và rồi Giáo Hội đã sống với sự việc diễn ra và biến cố bầu vị Tân Giáo Hoàng, như tất cả mọi người đã biết. Đó, như vậy đã được hiện thực ý nghĩa của việc Thần Khí Chúa đồng hành với Giáo Hội đang tiến bước.

Hỏi: Chính liên quan tới điểm cuối cùng này: cách đây một năm nhiều người tự hỏi việc chung sống chưa từng có giữa hai vị Giáo Hoàng sẽ ra sao. Ngày nay người ta thấy rằng biết bao sợ hãi có lẽ là của các ”chuyên viên” hơn là của dân chúng, đã là các sợ hãi quá đáng, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy, từ quan điểm này thì xem ra đối với tôi, thật rõ ràng là đã không có sự sợ hãi nào cả. Tại sao vậy? Bởi vì vấn đề đó là sự kiện chức giáo hoàng là một việc phục vụ, chứ không phải là một quyền bính. Nếu người ta sống các vấn đề trong chìa khóa của quyền bính, thì rõ ràng là hai người có thể gặp các khó khăn chung sống, bởi vì sự kiện từ bỏ một quyền bính và chung sống với người kế vị có thể là một khó khăn. Nhưng nếu người ta sống tất cả một cách triệt để như một việc phục vụ, thì khi đó một người đã hoàn thành việc phục vụ của mình trước mặt Chúa, và trong ý thức hoàn toàn trao chứng nhân phục vụ này lại cho một người khác, với thái độ phục vụ và lương tâm hoàn toàn tự do chu toàn nhiệm vụ này, thì khi đó một cách tuyệt đối vấn đề không được đặt ra. Có một sự liên đới tinh thần sâu xa giữa hai vị Tôi tớ của Thiên Chúa, tìm thiện ích của dân Thiên Chúa trong việc phục vụ Chúa.

Hỏi: Khi từ giã mọi người, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói rằng ngài sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện: đây là một đóng góp thực sự ngoại thường mà ngài đã và còn đang trao ban cho Giáo Hội, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, tôi có một kỷ niệm cá nhân rất nhỏ với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhất là trong các thời gian đầu triều đại của ngài. Mỗi lần có tiếp kiến chung tôi đi ngang và chào ngài, và thường thì ngài cho một cỗ Tràng Hạt, bởi vì Đức Giáo Hoàng thường tặng một tấm hình, hay một tràng chuỗi, một chiếc mề đai vv. Và mỗi khi ngài tặng tràng hạt thì ngài nói: ”Cả các linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện nhé”. Tôi đã không bao giờ quên câu nói này của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, bởi vì ngài biểu lộ như thế một cách rất đơn sơ xác tín và sự chú ý ngài dành cho lời cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta, và đặc biệt trong cuộc sống của những người có các bổn phận và trách nhiệm phục vụ Chúa. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chắc chắn đã luôn luôn là một người cầu nguyện, trong suốt cuộc đời ngài, và chắc hẳn ngài đã ước ao có thời gian để sống chiều kích này của lời cầu nguyện với nhiều khoảng trống hơn, với sự toàn vẹn và sâu xa hơn. Và giờ đây đó là thời gian của ngài.

Hỏi: Đàng khác, cuộc sống cầu nguyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVi cũng không thiếu các lúc gặp gỡ, cả với Đức Thánh Cha Phanxicô, như chúng ta đều biết. Cha có thể nói gì về chiều kích ẩn dật nhưng không cô lập này của Đức Joseph Ratzinger?

Đáp: Tôi tin là đúng đắn, khi nhận thức được rằng ngài đang sống một cách kín đáo, không có một chiều kích công cộng nào, nhưng điều này không có nghĩa là ngài sống hoàn toàn cô lập, khép kín như trong một dòng kín nhặt phép. Đức Biển Đức XVI sống một sinh hoạt bình thương đối với một người cao niên, một vị tu sĩ lớn tuổi, và như thế nó là một cuộc sống cầu nguyện, suy tư, đọc sách, viết lách, trong nghĩa ngài trả lời các thư từ nhận được, nói chuyện, gặp gỡ những người sống bên cạnh ngài, mà ngài thích gặp gỡ, và đối thoại vì thấy nó ích lợi, hay vì họ xin lời khuyên hoặc sự gần gũi tinh thần của ngài. Nghĩa là cuộc sống của một người phong phú về mặt tinh thần, có kinh nghiệm lớn, trong một tương quan kín đáo với người khác.

Điều không có, đó là chiều kích công cộng, mà chúng ta có thói quen sống. Vì là Giáo Hoàng nên ngài đã luôn luôn ở trên màn hình, trước sự chú ý của toàn thế giới. Điều này không có nữa, nhưng còn lại là một cuộc sống với các tương quan bình thường. Và trong các tương quan này có tương quan với người kế vị ngài, tương quan với Đức Thánh Cha Phanxicô, mà như chúng ta biết đã có các lúc gặp gỡ cá nhân và đối thoai với Đức Biển Đức XVI, vị này tới nhà vị kia và ngược lại. Thế rồi, còn có các hình thức tiếp cận khác nữa, có thể là điện thoại, hay các sứ điệp đựơc gửi đi: một tình hình liên hệ hoàn toàn bình thường và liên đới. Đối với tôi và tất cả chúng ta, xem ra là điều thật đẹp các hình ảnh hiếm hoi của hai vị Giáo Hoàng ở bên nhau: Đức nguyên Giáo Hoàng và Đức đương kim Giáo Hoàng cùng cầu nguyện với nhau. Nó là một dấu chỉ rất đẹp và rất khích lệ, dấu chỉ của sự tiếp nối trong sứ vụ Phêrô và trong việc phụng sự Giáo Hội.

Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng. Thưa cha Lombardi, cha đã theo Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong tất cả triều đại của ngài. Riêng đối với cá nhân cha, giờ đây Đức Biển Đức XVI đang cho cha điều gì trên bình diện tinh thần, kể từ ngày 11 tháng 2 năm ngoái tới nay?

Đáp: Tôi rất cảm nhận được sự hiện diện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, như là một sự hiện diện tinh thần mạnh mẽ, đồng hành và trao ban sự thanh thản … Tôi nghĩ tới các gương mặt của những vị cao niên vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội và trong lịch sử thánh. Một cách đặc biệt chúng ta tất cả đều nghĩ tới cụ già Simeong tiếp nhận Chúa Giêsu trong Đền Thờ, tươi vui nhìn số phận vĩnh cửu của mình, và tương lai của cộng đoàn tiếp tục lữ hành trên trần gian này. Tất cả chúng ta đều biết giá trị rất to lớn của việc có những người già sống với chúng ta, những người già giầu sự khôn ngoan, giầu đức tin, thanh thản, họ thật là một sự trợ giúp rất lớn cho những người trẻ hơn, giúp họ tiến bước và tin tưởng nhìn vào tương lai. Đối với tôi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là thế, và tôi tin rằng ngài là thế đối với Giáo Hội nữa: là Vị Bô Lão cao cả, khôn ngoan, thánh thiện, thanh thản mời gọi chúng ta; và người cũng đẹp nữa khi người ta nhìn ngài: ngài thực sự trao ban một cảm tưởng của sự thanh thản tinh thần lớn lao. Ngài đã duy trì được nụ cười quen thuộc với chúng ta, trong những lúc chúng ta gặp ngài, và ngài mời gọi chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng và niềm hy vọng.

(RG 10-2-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio