Chứng từ của một hành trình Phục Sinh

Chứng từ của một hành trình Phục Sinh

2 Popes

A. Chứng từ của một hành trình phục sinh

Chúa Nhật II Phục Sinh, lễ kính “Lòng Thương Xót Chúa”, ĐTC Phanxicô tuyên thánh cho hai vị Giáo Hoàng, Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.

Câu chuyện về một thanh niên tật nguyền được diễm phúc gặp gỡ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thật cảm động.

Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, "chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?".

Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles. Trong cuộc họp mặt đó có trên 6,000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.

Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, "Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người".

Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: "Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ."

Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.

B. Ý nghĩa các vết sẹo

Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.

Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.  Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.

Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

1. Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa

Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).

Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.

Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.

2. Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả

Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.

Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.

Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.

Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.

Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.

Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.

Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…

Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.

Chàng trai thắc mắc:

– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?

Ông cụ mỉm cười rồi nói:

– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…

Ông lão nói tiếp:

– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.

Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.

Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn…

3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh

Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!

Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.

Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân hay một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình, cũng có thể gọi đó là sự phục sinh! Trước khi thụ nạn, Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).

Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự Phục sinh sao ?  Khi ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, loại trừ sự oán ghét, đó là cuộc vượt qua phi thường …

Như mùa xuân sau đông tàn, Phục sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Ba ngã rẽ

Ba ngã rẽ

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa.

Trước khi bước vào khổ nạn, Chúa Giêsu lên thủ đô Giêrusalem lần cuối cùng. Dân chúng lũ lượt kéo nhau đi như cuộc biểu tình vĩ đại, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng, chặt những nhánh cây rải lối để Chúa đi qua. Tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô “Hoan hô con vua Đavid”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như một vị vua.

Chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô, dân Do Thái lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa Giêsu theo sự xúi giục của giới lãnh đạo tôn giáo. Người đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Caipha, rồi đến trước tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị hành quyết trên núi Sọ như một tên trọng phạm của xã hội.

Lễ Lá có một khởi đầu vui và một kết thúc buồn. Chúa Giêsu long trọng vào thành thánh Giêrusalem trong lời hoan hô chúc tụng và sau đó chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá.

Con đường vào thành Giêrusalem vinh quang vương giả với đám đông ngưỡng mộ, cành lá và quần áo trải thảm đường đi. Con đường lên Núi Sọ với thân kẻ tội đồ vác thập giá, những lời nhục mạ, roi đòn tơi tả và hai tội nhân đồng hành.

Tiến bước theo Chúa trên đường thương khó để chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người.

Từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Thứ Sáu Tuần Thánh thời gian không dài, nhưng biết bao người đã thay lòng đổi dạ. Từ cổng thành đến Núi Sọ đường đất không xa, nhưng biết bao người đã rẽ lối khác. Tại sao như thế ?

Theo dấu vết của những người bỏ cuộc để nhận diện những ngã rẽ trên hành trình cuộc đời. Có ba ngã rẽ tiêu biểu, của Giuđa, Phêrô và đám đông (ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt). 

1. Ngã rẽ của đám đông.
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh "ba thập giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu nổi bật trong mầu nhiệm đau thương và cứu độ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông, gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét…

Dân thành Giêrusalem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những cành lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Thế mà sau đó không lâu, nghe lời xúi giục của tư tế, kinh sư, pharisiêu, họ lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la, gào thét đòi “đóng đinh nó đi !”. Hàng vạn người đã theo Chúa, mê mệt nghe đến mấy ngày quên ăn, quên về. Biết bao người reo mừng nghênh đón Chúa ngày long trọng vào thành. Thế mà trên Núi Sọ chỉ thấy những người đến sỉ vả, chê bai, nhạo cười.

Đám đông đã rẽ sang lối nào ? Thưa họ rẽ sang lối dư luận. Thiếu lập trường, chạy theo đám đông. Thấy người ta đi nghe Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án. Đám đông thật nông nổi nhẹ dạ. Đám đông thường dễ bị lôi cuốn, người ta làm gì mình làm nấy mà nhiều khi chẳng biết tại sao. Có nhiều người trong đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu. Có lẽ còn có nhiều người đã từng nhận ân huệ của Chúa Giêsu! Thế nhưng, họ đã bị đám đông lôi cuốn vào việc kết án người công chính. Giữa cuộc đời hôm nay, biết bao người công chính, thanh liêm, trung trực, chính nghĩa đã chịu vu vạ cáo gian dẫn đến tù tội do đám đông nông nổi bị lừa dối, bị tuyên truyền!!!

2. Ngã rẽ của Giuđa.
Giuđa là môn đệ trung tín theo Chúa trong suốt ba năm. Ông còn được Chúa tin cẩn trao phó cho công việc quản lý. Một ngày kia Chúa Giêsu đang cùng các môn đệ dùng bữa tại nhà ông Simon, bỗng có một phụ nữ đem đến một chai dầu thơm quí giá, rồi chị lấy dầu xức lên chân Chúa. Giuđa phản đối “Sao lại phí thế! Đem chai dầu bán cũng được hơn 300 đồng bạc, lấy số tiền đó đi giúp người nghèo có phải thực tế hơn không?”. Giuđa có đầu óc biết tính toán và thực tế của người quản lý tài chánh.

Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông biệt vắng. Ông đã rẽ sang lối khác. Lối rẽ theo tiền bạc vật chất. Theo tiếng gọi của tiền bạc, ông đã đưa chân đi những bước xa lạ. Ông đi vào con đường khác. Ông trở thành con người khác. Ông bỏ Chúa vì tiền. Tệ hơn nữa ông bán Chúa để lấy tiền. Một con người bạc bẽo, vô tình vô nghĩa. Trong tình yêu có gì đẹp bằng nụ hôn! Vậy mà Giuđa dùng nụ hôn làm dấu hiệu nộp Thầy. Trong tình yêu, tội phản bội làm tổn thương và đau đớn vô cùng. Tình yêu càng lớn lao bao nhiêu, khi bị phản bội càng đau đớn bấy nhiêu. Ngã rẽ Giuđa biểu tượng cho những người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa, phản bội người khác, kể cả ân nhân của mình.

3. Ngã rẽ của Phêrô.

Phêrô là môn đệ thân tín của Chúa. Là người đứng đầu tông đồ đoàn. Ông thề rằng dù mọi người có bỏ Chúa thì ông vẫn trung thành với Chúa. Ngày Lễ Lá, Phêrô ở bên Chúa. Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chẳng thấy bóng ông đâu. Phêrô đã rẽ sang lối khác: lối rẽ lười biếng, thích hưởng thụ và sợ bị liên lụy. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, Chúa kêu gọi ông hãy thức cầu nguyện với Chúa, vậy mà ông cứ ngủ. Hưởng thụ vì trong sân tòa án, thay vì theo dõi cuộc xét xử Thầy thì ông lại vào tìm hơi ấm nơi đống lửa giữa sân. An nhàn hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa. An nhàn hưởng thụ đã đẩy ông đến chỗ chối Chúa. Phêrô chối Chúa cũng vì ông sợ bị liên lụy. Nếu những người hỏi ông không phải là những người của vị Thượng Tế đang xét xử Chúa Giêsu thì chắc Phêrô vẫn mạnh dạn nhìn nhận mình là môn đệ Ðức Giêsu. Nhưng vì họ là người của Thượng Tế nên ông phải chối, kẻo họ báo cáo rồi ông cũng bị bắt luôn.

Phêrô đã theo Chúa Giêsu suốt ba năm. Phêrô nếm trải biết bao gian khổ, ông đón nhận tất cả mà không kêu ca nề hà gì. Nhưng hôm nay ông chối Chúa vì sợ bị liên lụy, vì an toàn của sinh mạng. Ông chấp nhận từ bỏ và hy sinh, nhưng chỉ đến một giới hạn nào đó thôi.

Phêrô là người được Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc, lo lắng, và được Ngài ban cho biết bao là ân huệ. Nào là vai trò thủ lãnh của Nhóm Mười Hai, nào là nhiệm vụ cầm giữ chìa khóa Nước Trời: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19); và còn được gọi là Kêpha, nghĩa là đá … vậy mà khi đối mặt với một đứa hầu gái vô danh tiểu tốt, đá lại mềm ra như bún, ông chối phăng không biết Giêsu là ai, ông lại còn dám cả gan thề độc: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó!” (Mc 14,71).  Ông là người nhiệt tình nhất với Chúa Giêsu, thế mà cuối cùng cũng chối Thầy. Thế mới biết, bất cứ ai cũng yếu đuối và cũng có thể sa ngã nặng nề. Phêrô đã sa ngã. Vậy mà ông cứ luôn tưởng rằng mình mạnh mẽ.

Để tự nhiên, chắc chắn không ai nỡ nhẫn tâm bán Chúa, chối Chúa, lên án Chúa. Người ta thay lòng đổi dạ do tác động của tiền bạc, của hưởng thụ, sợ bị liên lụy và của theo hướng của dư luận. Đó là những ngã rẽ nguy hiểm. 

 Nếu có mặt trong ngày Chúa chịu khổ nạn, tôi và bạn có rẽ sang lối nào không? Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường phản bội của Giuđa ? Tôi và bạn sẽ rẽ sang con đường chối Chúa của Phêrô ?  Tôi và bạn sẽ rẽ sang những con hẻm in dấu chân trốn chạy của các môn đệ ?  Tôi và bạn sẽ phụ hoạ với đám đông kết án Chúa ?  Hay tôi và bạn cũng theo quân lính đánh đập Chúa ? Tôi và bạn có kết án bất công như Philatô không? Tôi và bạn có hùa với kẻ mạnh đàn áp bắt nạt người thấp cổ bé miệng như đám đông dân chúng không? Tôi và bạn phải dứt khoát lựa chọn một con đường.

Con đường theo Chúa không êm ái nhẹ nhàng và thênh thang đâu. Đó là con đường thập giá: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đường thập giá là đường một chiều. Đường thập giá là đường lên dốc. Và đường thập giá là đường có nhiều ổ gà dằn xóc. Vì thế mà có nhiều người bỏ cuộc nên rẽ sang một hướng đi khác. Nhận diện ba ngã rẽ của tiền bạc dẫn lối, thích an nhàn hưởng thụ, sợ liên lụy bản thân và hùa theo dư luận để chúng ta tỉnh táo mà bước đi trên hành trình đức tin cuộc đời. Vác thập giá hôm nay chính là đón nhận những bệnh tật, thất bại, đau khổ, bất công…như những thử thách của lòng tin để vững bước theo Chúa đến cùng.

Tuần Thánh, chúng ta cùng dõi bước theo con đường thập giá của Chúa Giêsu. Đó là con đường đau khổ, nhưng cũng là con đường tình yêu và là con đường cứu độ. Trên con đường khổ giá của Chúa, chúng ta sẽ gặp rất nhiều tình huống tăm tối của đời thường: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, sợ hãi, cô đơn, hèn nhát, cái chết. Vượt trên tất cả, chúng ta gặp được một tình yêu. Tình yêu vô vô bờ bến của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha và với nhân loại. Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi khổ đau có giá trị cứu độ.

Ước mong mỗi người có thể đón nhận những gai góc của cuộc đời với thái độ của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin cho con luôn mạnh mẽ và kiên trì tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa dẫn con đi. Amen.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

Bước Nhảy Của Niềm Tin

Bước Nhảy Của Niềm Tin

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương:

Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời.

Để nhìn đời và để làm duyên.

Mẹ cho em đôi mắt màu đen.

Để thương để nhớ, để ghen để hờn.

Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn.

Là bài thơ hay nhất.

Là lời ca không dứt.

Là tuyệt tác của thiên nhiên.

Đôi mắt là cửa ngỏ tâm hồn, là tuyệt tác thiên nhiên.

Thi sĩ Lưu trọng Lư viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:

“Mắt em là một dòng sông,

Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” .

Trong bài viết “Đôi mắt”, Linh mục Nguyễn Tầm Thường suy niệm về đôi mắt mù lòa của Nguyên Tổ đã đưa tội lỗi vào trần thế. Chúa Kitô đến chữa lành và trao ban cho nhân loại đôi mắt mới, đó là mắt đức tin. Xin được mượn tư tưởng của ngài để suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay: “Chúa Giêsu chữa người mù từ thuở mới sinh”.

Đôi mắt là cửa sổ và là cửa chính của tâm hồn cũng như của thân xác.Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp. Trái lại, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu, sách Sáng Thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon… mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn… Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng.” (St 3,4 -7). (x.Nước mắt và hạnh phúc tr. 69 -71)

Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:

       – Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.

       – Evà nhìn trái táo và thấy sướng mắt.

       – Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.

Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.

 Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: mắt cả hai người đã mở ra. Nhưng không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. Mắt hai người đã mở ra. Câu Thánh kinh thật ngắn ngủi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam, Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù lòa chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế.

Chúa Kitô đã đến trần gian chữa lành sự mù lòa ấy, hàn gắn lại vết thương thuở sa ngã của Nguyên Tổ.

Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh với sự mù lòa của Nguyên Tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thuở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian, Ngài ban cho nhân loại đôi mắt đức tin.

Từ tiến trình đến ánh sáng tự nhiên, người mù có một hành trình tiếp cận ánh sáng đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu của người mù tăng dần theo với thử thách.     

Thánh Gioan kể có bốn cuộc thử thách.

– Thử thách lần thứ nhất (Ga 9,8-12), những người láng giềng và những người trước kia thường thấy anh ta ăn xin chất vấn: “hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”. Người mù xác nhận: “Tôi đi, tôi rửa, tôi nhìn thấy”. Anh không biết Chúa là ai: “Ông ấy ở đâu, tôi không biết”. Anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: "Một người tên Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi".

– Thử thách lần thứ hai (Ga 9,12-17), những chất vấn của giới Pharisiêu và lời nhạo báng: “một ngưởi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?”. Trước sức ép của họ, anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng "Ngài thật là vị tiên tri".

– Thử thách lần thứ ba (Ga 9,18-23), họ gọi cha mẹ của anh ta đến để làm chứng, nhưng hai người sợ hãi nên nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Anh mù trực tiếp trả lời về nguồn ánh sáng đã đón nhận.

– Thử thách lần thứ tư (Ga 9,24-34), người Pharisiêu dùng đến Lề Luật. Người mù không cần biết đến Luật. Anh ta dựa vào cảm nghiệm cá nhân đã gặp Đức Kitô. Cuộc tra vấn của giới chức tôn giáo khiến anh khẳng định: "Người từ Thiên Chúa mà đến".

Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37). Niềm tin của người mù tăng triển qua ba giai đoạn. Từ không biết ông ấy ở đâu cho đến ông ấy là một tiên tri, rồi sấp mình thờ lạy Ngài. Sự tiến triển niềm tin qua những lần thử thách. Càng gặp thử thách niềm tin càng sáng lên. Thử thách càng cao đức tin càng mạnh. Người mù trung thành với cảm nghiệm của mình. Đức tin lớn lên qua những hiểm nguy và đe dọa.

Chúa Giêsu chữa lành đôi mắt thể lý và mắt tâm hồn của người mù. Chúa đã mở mắt đức tin để anh ta tin vào Chúa. Anh ta tin vào Lời Chúa là đi rửa mắt ở hồ Silôác và đã công khai nói lên sự thật ca ngợi Chúa trước mặt những người Pharisiêu đang tra vấn, khủng bố anh : “Chính tôi đây đã được người mà thiên hạ gọi là Giêsu lấy bùn xức mắt tôi và bảo tôi hãy đi rửa ở hồ Silôác. Tôi đã đi, đã rửa và đã trông thấy”. Lòng bắt đầu rộng mở nên anh ta nhận ra: ”Nếu người đó không phải bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Bởi đó, khi gặp lại Chúa Giêsu và được hỏi: “Anh có tin Con Người không?”, anh đáp lại ngay: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?”. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho anh: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh liền đáp: “Lạy Thầy, tôi tin”. Bước nhảy của niềm tin được kết tinh nơi thái độ quỳ xuống bái lạy.

Qua việc chữa lành đôi mắt thể lý, Chúa Giêsu trao ban ánh sáng đức tin cho đôi mắt tâm hồn. Thoát khỏi bóng tối triền miên của cuộc đời, bát ngát một bầu trời mới khi anh được sáng đôi mắt. Lớn lao hơn nữa là tâm hồn anh thênh thang chứa chan lòng mến, anh đã quỳ bái lạy với tất cả lòng tin. Phép lạ chữa người mù thuở mới sinh là một dấu chỉ minh chứng: Chúa Giêsu là sự sáng thế gian, đã chữa lành sự mù lòa của nhân loại, với một điều kiện: Tin vào Ngài.                   

Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù lòa tâm hồn. Người mở mắt cho Dakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9,1 -10). Người mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7,36 -50). Người mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23,32 – 43)…

Mỗi người chúng ta có lẽ không hoàn toàn mù tối tâm hồn, nhưng có những điểm tối mà ta thấy được. Chẳng hạn như những đam mê, tham vọng, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, có thể làm ta mù tối không nhìn thấy sự tốt lành nơi tha nhân. Có một số người chỉ nhìn thấy điểm tối của người khác, chỉ nhìn thấy những lỗi lầm, những khuyết điểm mà không nhận ra những gì là xinh đẹp, những gì là cao quý, thánh thiện nơi họ. Cứ tiếp tục xét mình, ta sẽ thấy có nhiều điểm tối, sự mù tối của tâm hồn rất nguy hại. Chỉ có ánh sáng của Đức Kitô soi chiếu, chỉ có cái nhìn của Đấng tình yêu, mỗi người mới xóa tan những điểm tối đó. Chỉ có sự cầu nguyện và tin tưởng vào Đấng là ánh sáng thế gian, chúng ta mới có thể xua đuổi bóng tối ra khỏi tâm hồn và nhìn mọi sự trong ánh sáng Tin Mừng Đức Kitô. 

“Thầy là Ánh Sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có Ánh Sáng dẫn đến cõi trường sinh” (Ga 8,12). Hãy luôn cảm tạ Chúa vì Ngài đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng suốt của đức tin, nhờ đó chúng ta biết được ý nghĩa của cuộc đời, thấy được con đường phải đi và những việc phải làm để đạt đến hạnh phúc thật.

Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Đôi mắt có thị giác và thị lực. Thị giác là khả năng của đôi mắt có thể thấy. Thị lực là mức độ thấy của khả năng ấy. Thấy nhiều hay ít. Thấy xa hay gần. Thấy rõ hay mờ. Người cận thị chỉ thấy được rất gần. Người viễn thị thì thấy xa hơn. Cần có thị giác tốt và thị lực tốt, đôi mắt mới sáng ngời. Thị lực còn là của trí óc và của con tim. Có người chỉ thấy được cái thế giới chật hẹp và ích kỷ của bản thân mình; có người thấy được hoàn cảnh, tâm tư và nguyện vọng của người khác. Thị lực còn là niềm tin. Người mù tuy mù nhưng lại có thị lực tốt. Anh đã thấy được Ðức Giêsu là một ngôn sứ.Anh thấy nhiều cái mà những người sáng mắt không thấy. Anh thấy quyền năng và tình thương của Chúa có thể cho anh được sáng mắt. Anh thấy bằng lòng tin. Chính vì lòng tin này mà Chúa Giêsu đã thương cứu chữa cho anh sáng mắt. Anh mù, mắt không thấy Chúa, nhưng lòng đã thấy Chúa rồi vì anh có lòng tin. Thị lực lòng tin cho anh tiếp nhận ánh sáng tình yêu đầy tràn hy vọng.

Lạy Chúa, xin cho con có đôi mắt với thị giác và thị lực tốt.

Để con nhận ra Chúa nơi anh em với những cái hay cái tốt.

Để con nhận ra Chúa nơi các kỳ công kiệt tác thiên nhiên.

Để con biết nhận ra Chúa nơi các vị Đại Diện Chúa.

Và lạy Chúa, xin cho con được thấy bản thân với những yếu đuối và khuyết điểm, biết nhận ra thân phận thụ tạo lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; từ đó con biết được ơn phúc là do lòng Chúa yêu thương ban tặng, để con luôn biết dâng lời cảm tạ, tôn thờ, phụng sự và kính mến Chúa với cả tâm tình con thảo. Amen

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

CÓ TIN, CÓ KHÁC

CÓ TIN, CÓ KHÁC

“Vai mang bị bạc kè kè. Nói quấy, nói quá chúng nghe rầm rầm”. “Bần cư náo thị vô nhân vấn. Phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. “Có tiền mua tiên cũng được”. “Vạn sự phải có cái đầu tiên là tiền đâu?”. “Hạ tầng kiến trúc quyết định thượng tầng kiến trúc”. “Ai nắm hầu bao thì người ấy có quyền quyết định”. “Có thực mới vực được đạo”. “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”… Rất nhiều kiểu nói văn hoa hay dí dỏm của người xưa hay người đời nay như đã minh chứng sức mạnh to lớn, sức cuốn hút khó cưỡng của vật chất, tiền bạc. Chính Chúa Kitô cũng đã từng đặt đối trọng thần tài với Thiên Chúa khi dạy bảo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).

Dĩ nhiên, đã là người trong thân phận xác phàm thì không thể coi thường các điều kiện thể lý và vật chất. Pascal đã từng cảnh tỉnh rằng ai muốn sống như thiên thần thì sẽ có nguy cở trở thành loài vật. Để ban ơn cứu độ cho con người, Thiên Chúa đã chọn con đường vào trần gian, mang lấy thân nhục thể. Đã đón nhận xác đất vật hèn thì Con Thiên Chúa làm người chấp nhận bị điều kiện hoá bởi các quy luật sinh hoá lý mà trong đó vai trò của vật chất, tiền bạc không nhỏ chút nào. Ngay từ lúc khởi đầu công cuộc rao giảng tin mừng, chính Người cũng đã bị thần dữ cám dỗ về lãnh vực này (x.Mt 4,1-11).

Vấn đề đặt ra đó là vị trí chủ-tớ trong tương quan giữa con người chúng ta với của cải, tiền bạc. Của cải, tiền bạc vốn là tốt nhưng chúng chỉ tốt khi phục vụ con người, nghĩa là làm tôi con người. Chúng trở thành xấu khi con người đội chúng trên đầu trên cổ, xem chúng như những vị thần toàn năng. Rất nhiều câu ngạn ngữ nói đến ý tưởng này, chẳng hạn như “tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ tồi”… Chúng ta có thể nói rằng xưa lẫn nay người ta đều đồng thuận về chân lý này nghĩa là phải biết làm chủ tiền bạc, của cải. Thế nhưng trong thực tế thì dường như ngược lại. Chuyện để cho của cải, tiền bạc lôi kéo mình đến chỗ không hay, điều khiển mình làm những sự chẳng nên là chuyện không hiếm. Một thực tế nữa đó là những người thường lên tiếng khuyên dạy người ta cách thế làm chủ tiền của theo kiểu luân lý hay nói nôm na là dạy đời thì thường là những người đang sung túc, đủ đầy tiền của, không phải gánh chịu cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ngày hai buổi, để kiếm cái ăn, cái mặc cho mình và gia đình. Chính vì thế mà biết bao văn chương chữ nghĩa về đề tài bạc tiền thoặt nghe rất dễ nhận nhưng chẳng làm thay đổi người nghe. Dòng đời xô bồ vẫn cứ chảy. Ma lực của đồng tiền vẫn cứ ngự trị cách này cách khác. Làm sao để đứng vững trước dòng xoáy của các nhu cầu cơm áo gạo tiền cũng như các phương tiện để sinh tồn và phát triển? Chúa Kitô cho chúng ta chiếc chìa khoá căn bản đó là lòng tin.

Đức tin tiên vàn là ân ban của Thiên Chúa. Đức tin cũng là sự đáp trả của con người trong tự do và hiểu biết. Chúa Kitô mời gọi chúng ta dùng trí khôn để suy xét, cân nhắc và chọn lựa giữa những điều hơn kém. Với trí khôn bình thường, người ta dễ dàng nhận ra phần hơn kém giữa mạng sống và của ăn, giữa thân xác và áo quần. Thế mà vẫn có đó nhiều người vì cơm áo mà đã phải thiệt thân. Lưới đã rách thì cố tìm mấy viên chì cũng chẳng được ích gì. Từ dữ kiện đời thường Chúa Kitô mời gọi chúng ta phân định phần thiệt hơn giữa sự sống đời này với sự sống đời đời, đồng thời mời gọi chúng ta hướng cái nhìn lên Đấng Toàn năng chí ái, Đấng đã cho chúng ta từ hư vô hiện hữu ở đời này.

Cần xác định rằng không một ai trên trần gian này tự quyết định hay phải trả một giá nào cho việc làm người, chào đời của bản thân. Không một ai tự mình làm người nhưng là được dựng nên, được tạo thành. Người có niềm tin nhìn nhận việc làm người của mình do Đấng toàn năng. Cách riêng Kitô hữu tin nhận Đấng Toàn Năng cũng là Người Cha chí ái. Vì yêu thương nên Thiên Chúa đã cho tôi làm người, chào đời. Không bao giờ Thiên Chúa bỏ rơi chúng ta. Chẳng có người mẹ nào quên được đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cho dù thỉnh thoảng có một đôi người mẹ trần gian vô tâm với con của mình thì Thiên Chúa chẳng bao giờ bỏ quên chúng ta (x.Is 49,14-15). Tác giả Thánh Vịnh luận lý rằng nếu Thiên Chúa ghét bỏ bất cứ loài nào thì Người đã không dựng nên nó.

Chúa Kitô mời gọi chúng ta hãy nhìn xem hoa cỏ, chim trời để vững tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương, chăm sóc mọi loài, nhất là loài người. Có được niềm tin này thì Kitô hữu cho dù vẫn phải gắng công kiếm tìm sinh kế cho bản thân và tha nhân nhưng không quá “lo lắng” theo kiểu người chưa hoặc không nhận biết Thiên Chúa. Vẫn nỗ lực lao tác kiếm tìm của cải vật chất nhưng chúng ta phải biết sử dụng chúng để phục vụ sự sống, để phát triển tình yêu. Đây là nội hàm lời dạy của Chúa Kitô: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…” (Mt 6,33).

Chúng ta ra sức kiếm tìm vật chất, tiền của để làm gì? Trả lời rốt ráo câu hỏi trên theo ánh sáng mạc khải thì chúng ta sẽ biết cách kiếm tìm của cải đẹp lòng Thiên Chúa. Thử hỏi rằng đã có nét khác biệt nào giữa Kitô hữu và bà con lương dân hay người khác đạo trong cách thế kiếm tìm vật chất, của tiền cũng như cách thế sử dụng chúng? Thiết nghĩ đây là một cách thế biểu lộ niềm tin mang tính khả tín và cũng là một cách thế rao giảng tin mừng hữu hiệu ngay giữa môi trường sống của Kitô hữu chúng ta. Và sẽ không thừa khi đề cập đến một hiện thực đó là đã có nhiều anh em lương dân hay bà con khác đạo xa lánh, từ chối ánh sáng tin mừng chỉ vì các gương xấu của Kitô hữu trong vấn đề kiếm tìm và sử dụng của cải, tiền bạc.

Dùng niềm tin để biện minh cho lối sống thì ít thuyết phục hơn là dùng chính cuộc sống để minh chứng cho niềm tin.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu

Tin Mừng các Chúa Nhật liên tiếp trình bày những giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu so với luật cũ của Cựu ước.

Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là Môisen mới, đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) công bố luật mới của Nước Trời (Tám mối Phúc thật).

Chúa Nhật V, sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Người ra thi hành. Sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời là muối cho đời, ánh sáng thế gian.

Chúa Nhật VI, Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:

– Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.

– Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…

– Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.

– Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.

Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.

– Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.

– Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.

– Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán.

1. “Hãy yêu kẻ thù”

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là :

+ Làm ơn cho kẻ ghét mình.

+ Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.

+ Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.

+ Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.

+ Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.

+ Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

2. Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ? Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.

3. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu diệt nó chứ ? Chúa Giêsu đến để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).

Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả ?

Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu ?

Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An

Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?

Yêu “kẻ thù” như thế nào đây?

Quả thật đã từng có nhiều ý kiến khác chiều, thậm chí có khi là trái chiều liên quan đến những lời dạy của Chúa Kitô về việc không chỉ “đừng chống cự lại kẻ ác” mà còn “giơ má kia cho người ta đánh” hoặc “phải yêu kẻ thù” (x.Mt 5,38-44).

“Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai”. Lời một bài ca khá phổ biến này dường như được cảm hứng từ những lời Tin Mừng trên đây. Nếu nhìn nhận mọi người là anh chị em của mình thì hẳn sẽ không có chuyện giết hay ghét bỏ. Chỉ có ma quỷ mới là kẻ thù đích thực của chúng ta.

Trước hết chúng ta cần phân định rõ lời dạy của Chúa Kitô qua đoạn tin mừng Mt 5, 38-48 mà giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật VII TN A. Nội dung chính lời dạy của Chúa Kitô là cần phải vượt qua cái giới hạn của đức công bình cũng như giới hạn của đức yêu thương theo luật Cựu ước.

Thiết tưởng cần nhìn nhận mặt tích cực của luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng, sưng đền sưng, bầm đền bầm…”. Luật này giúp hạn chế sự gia tăng mức độ báo thù mà thường theo bản năng người ta khó tự kiềm chế. Chuyện bị đánh gảy một cái răng thì đánh trả lại người ta gảy nguyên cả hàm vẫn còn nhan nhản ngay trong thời đại hôm nay. Nước này phóng vào lãnh địa nước kia mười quả đạn pháo thì nước kia sẽ phóng trả đủa lại không dưới mười quả, có khi là gấp ba, gấp bảy lần. Luật “mắt đền mắt, răng đền răng” dường như vẫn còn giá trị của nó. Tuy nhiên giới luật này không khử trừ sự ác, điều xấu cách tận căn mà nhiều khi dẫn đến tình trạng không lối thoát.

Chuyện thật như bịa theo ý cha Anthony de Mello: Có tay trộm choai choai lẻn vào khuôn viên nhà thờ lúc bốn giờ sáng, định cuỗm thứ gì đó. Chưa thu được chiến lợi phẩm gì thì bị “ông từ” đi đánh chuông phát giác. Hoảng quá cậu nhóc leo đại lên tháp chuông trốn tưởng rằng qua được mắt ông từ già. Nhưng rủi cho cậu nhóc là cặp mắt ông từ vẫn còn tinh. Ông từ kiên nhẫn ngồi dưới tháp chuông chờ có người đến thì la làng. Cậu nhóc đoán được ý ông từ đành làm liều nhảy đại xuống từ độ cao khoảng bốn mét (tầng cuối). Ai ngờ cậu nhóc nhảy xuống vấp phải ông từ khiến ông già trẹo một chân. Dù gảy chân nhưng ông từ vẫn ôm chặt cậu bé và la lớn tiếng. Người ta chạy đến và cậu nhóc bị tóm. Tất cả dẫn cậu nhóc vào cha xứ. Ngài hỏi cậu nhóc đã ăn trộm cái gì. Cậu ta thưa là chưa lấy được gì cả. Ngài phán tiếp: “thế thì theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, ông từ được quyền leo lên tháp chuông và nhảy xuống để làm trẹo một chân cậu nhóc!” Mặt ông từ tái xanh.

Chúa Giêsu đã dùng lối nói “ngoa ngữ” dạy chúng ta dùng chính tình yêu, việc lành để giải hoá sự hận thù, diệt trừ sự dữ tận gốc rễ. Cần lưu ý rằng văn phong “ngoa ngữ” thường được sử dụng không phải cố ý dạy những gì được trình bày nhưng để nhằm nhấn mạnh ý tưởng muốn nói. Chẳng hạn khi dạy chúng ta rằng nếu mắt hay tay chân ta gây cớ cho ta phạm tội thì chặt chúng đi, Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh đến việc dứt khoát tránh dịp tội chứ không biểu chúng ta móc mắt hay chặt chân, chặt tay (x.Mt 5,29-30). Hiểu được điều này thì chúng sẽ không thấy có sự mâu thuẩn giữa lời dạy và hành động của Chúa Giêsu. Trước mặt thượng tế Khanan, khi bị một thuộc hạ của thượng tế vả vào mặt thì Chúa Giêsu đã chất vấn: “Nếu tôi nói sai, anh hãy chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”(Ga 18,23). Khi dạy chúng ta “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa” thì Chúa Giêsu chỉ muốn nhấn mạnh điều này: “đừng chống cự người ác”, nghĩa là đừng báo thù, kiểu ăn miếng trả miếng.

Tình yêu thì không có biên giới cả về mức độ lẫn đối tượng. Ăn cho, buôn so. Đã có tính toán, đã có hạn mức cố định thì sẽ chẳng còn là tình yêu. Đã yêu là yêu đến cùng. Xét về mức độ thì Chúa Kitô không chỉ minh định rõ ràng đó là sẵn sàng hiến thân vì người mình yêu mà Người còn thể hiện sự đến cùng trong tình yêu bằng cái chết trên thập giá. Để diễn tả sự đến cùng trong mức độ mến Chúa và yêu tha nhân thì Chúa Giêsu đã long trọng nhắc lại lời Cựu ước và nhấn mạnh thêm: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi…Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Hạn từ “hết” đuợc lặp đi lặp lại và hạn từ “như chính mình” làm nỗi rõ tính vô biên của tình yêu.

Xét về đối tượng, luật Cựu ước đòi hỏi phải yêu thương người đồng bào, người đồng đạo. Luật còn dạy phải quan tâm đến người nghèo khổ, mẹ goá, con côi, khách ngụ cư, khách ngoại kiều. Chẳng hạn khi gặt lúa thì đừng gặt sát bờ, kiểu gặt sạch sành sanh, đừng mót các gié bị vương vải. Và khi hái nho cũng thế, không được lượm các quả rơi rụng…Tất cả những thứ ấy là để dành cho người nghèo, người khốn khổ… (x. Lv 19, 9-10). Tuy nhiên, dù trong luật không minh nhiên dạy phải ghét kẻ thù nhưng truyền thống và lối sống của dân Chúa xưa luôn có khoảng cách với người tội lỗi, với người bị xem là ô uế, với quân thù lân bang. Những hạng người trên tuy không bị ghét bỏ, nhưng thường không được xem là anh em, là người thân cận với người Do Thái. Một vị thông luật đã từng hỏi Chúa Giêsu rằng: “Ai là người thân cận của tôi?” Nhân dịp ấy Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” và qua đó khẳng định rằng chúng ta phải làm người thân cận với tất cả những ai đang cần đến lòng thương xót của chúng ta (x.Lc 10,25-37).

Ngoài trừ thần dữ, Kitô hữu chúng ta không xem ai là kẻ thù. Tuy nhiên vấn nạn đặt ra là làm sao có thể yêu những người xem chúng ta là kẻ thù nghịch đồng thời ngược đãi chúng ta và làm thế nào để thi ân cho người bách hại chúng ta? Làm sao có thể yêu được những người đang làm hại chúng ta cách cố tình và cách bất chính và bất công? Làm sao có thể yêu những người đang đàn áp, bóc lột kẻ nghèo hèn, đang bán nước cầu vinh, đang cao ngạo cho mình là duy nhất đúng kiểu như thần, như thánh trong khi đang làm cho tiền đồ dân tộc đi vào ngõ cụt…?

Nếu cho rằng yêu thuơng là một phạm trù thuộc tình cảm thì quả thật rất khó vượt qua tâm lý bình thường của kiếp người. Tuy nhiên cần lưu ý rằng yêu thương trên hết là một quyết định của ý chí tự do được biểu lộ cả bằng tình cảm và hành động. Không chỉ có những tình cảm trìu mến, quyến luyến mới phản ánh tình yêu mà ngay cả khi giận dữ, buồn phiền cũng có thể phản ánh tình yêu. Chuyện thương con cho roi cho vọt là chuyện như hiển nhiên mang tính quy luật. Không chỉ khi xúc động trước đoàn lũ đông đảo dân chúng như chiên không người chăn thì Chúa Giêsu mới tỏ bày tình yêu, cũng không phải khi Người rơi lệ trước cái chết của Ladarô thì mới là yêu, nhưng cả khi Chúa Giêsu buồn phiền trước lòng chai dạ đá của một số kinh sư và biệt phái cũng là vì yêu hay khi Người xung giận bện dây thành roi đánh đuổi những người đã biến Ngôi nhà Chúa thành nơi chợ búa, thành hang trộm cướp thì cũng là yêu thương vậy.

Yêu thương là không chỉ muốn mà còn phải nỗ lực làm điều tốt nhất cho người mình yêu. Trong niềm tin Kitô giáo thì mọi người đều là anh chị em với nhau. Đã là anh em, chị em với nhau thì trên bình diện tiêu cực, chúng ta không được phép loại bỏ nhau dù dưới bất cứ hình thức nào. Trên bình diện tích cực thì cần giúp nhau tồn tại, phát triển theo thánh ý Thiên Chúa để có hạnh phúc đích thực. Cách thế biểu lộ tình yêu có thể khác nhau tùy từng trường hợp nhưng luôn với ý hướng là để người mình yêu nên tốt hơn, nên hoàn thiện hơn. Có thể nói rằng cách chung đối với những người tội lỗi thuộc hàng bé mọn, yếu đuối, thì Chúa Giêsu thường bày tỏ lòng khoan dung, sự trìu mến, cử chỉ khích lệ, còn với những người tội lỗi thuộc hàng phận cao, quyền trọng mà cố chấp thì Người nghiêm khắc cách tỏ tường.

Với người này thì chúng ta biểu lộ tình yêu bằng cách thế này, người kia thì cách thế kia, nhưng xin đừng quên rằng chúng ta có thể và phải cầu nguyện cho tất cả mọi hạng người. Vâng lệnh Chúa Giêsu chúng ta hãy chân thành cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Trước hết hãy cầu xin cho họ nhận ra lầm lỗi họ đã phạm và biết sám hối, ăn năn, thay đổi. Hãy cầu xin cho họ biết tìm cách khắc phục những hậu quả xấu đã gây ra cho tha nhân, cho xã hội… Có thể nói đây là bước khởi đầu của việc sống yêu thương “kẻ thù”, yêu thương những người làm hại chúng ta. Tiếp đến, hãy dùng ngôn ngữ mà rao truyền chân lý, vạch trần sự dữ để giúp người lạc lối trở về nẽo chính, đường ngay. Ngôn sứ Êdêkien đã từng nghe Thiên Chúa phán: “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác biết tội lỗi của nó, không cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (x. Ed 3,18). Có thể có nhiều cách thế yêu thương, nhưng thiết tưởng dù yêu bằng cách thế nào đi nữa cũng không thể thiếu hai động thái trên đây.

Phải chăng đang có đó nhiều Kitô hữu, thậm chí là nhiều tu sĩ, linh mục, giám mục những tưởng rằng mình đã yêu “kẻ thù”, đã làm ơn cho người “làm hại mình”, nhưng thực ra chỉ yêu chính mình mà thôi?

LM. Giuse Nguyễn văn Nghĩa

CUỐN SÁCH HAI CHỮ

 CUỐN SÁCH HAI CHỮ

Chúa Giêsu khẳng định: “Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Luật Môsê là Luật của Thiên Chúa ban. Môsê đã làm nhiệm vụ trung gian trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy. Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê. Lề Luật là khuôn vàng thước ngọc để đánh giá một con người. Lề Luật có tầm quan trọng số một đối với người Do thái.

Không ai có quyền bãi bỏ luật lệ, trừ chính vị ra luật hay nhà lập luật. Trong Israel, chỉ mình Đức Chúa có quyền này, ngay cả Môsê cũng không, vì ông chỉ là trung gian truyền đạt.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Ngài không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa, Ngài làm cho mọi luật được nên trọn hảo. Chúa Giêsu công bố lại ý hướng nguyên thuỷ của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu. Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau : “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như bản thân mình”.

Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong Nước Trời. Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm: “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt 7,28; Mc 1,22; Lc 4,31). Kiện toàn Luật Môsê và các Ngôn sứ là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.

Chúa Giêsu kiện toàn nội dung của Luật gồm luật Sabát, luật thanh sạch, luật hôn nhân, luật báo oán…Đối với Chúa Giêsu, tất cả các khoản luật được lập ra là nhằm mục đích phục vụ con người, chứ không phải phục vụ cơ chế hay quyền lợi của một nhóm người nào. Luật phải vì con người chứ không phải con người vì luật.Luật quan trọng nhất được khắc khi trong tâm hồn mà mọi điều luật khác phải qui về, đó là luật bác ái yêu thương. Luật nào không còn phục vụ và làm thăng tiến con người trên phương diện tình yêu đều không còn lý do để tồn tại.

Chúa Giêsu kiện toàn tinh thần giữ luật. Giữ luật vì lòng yêu mến chứ không phải vì hình thức vụ luật. Óc nệ luật, vụ hình thức làm tê liệt sáng kiến và cầm chân con người trong thái độ tiêu cực, máy móc, cằn cỗi.

Như vậy, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách đặt cho nó một linh hồn là yêu thương. Tất cả lề luật trong đạo đều qui về một giới răn nền tảng và duy nhất, đó là yêu thương.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu làm hoàn hảo điều răn thứ 5, điều răn thứ 6 và thứ 9, điều răn thứ 2 và thứ 8.

1. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 5

Điều răn thứ 5 dạy "chớ giết người". Giết người là có tội. Luật của Chúa Giêsu thì chi tiết hơn: giận ghét, mắng chửi người khác đã là xúc phạm đến người khác, đã là lỗi luật rồi : "Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt" (Mt 5, 22-23).

Chúa Giêsu dạy cho con người biết yêu thương và tôn trọng nhau. Yêu thương thì bao dung nhân hậu, thứ tha cảm thông, hòa nhã lịch sự. Yêu thương thì không giận không ghét, không mắng chửi. Ngài cụ thể về đức công chính là làm hòa với tha nhân trước đã, dâng lễ cho Thiên Chúa sau. Như thế, lễ dâng cho Thiên Chúa chỉ có giá trị khi lòng người ngập tràn niềm yêu mến và tôn trọng nhau. Không đợi đến mức giết người mới thành khung tội nặng, khung án nặng, mà theo Chúa Giêsu thì chỉ cần giận ghét chửi mắng anh em là đã liệt vào khung hình phạt cao nhất rồi.

Luật của Chúa Giêsu thật chí lý. Vì nếu,

2. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 6 và thứ 9

Điều răn thứ 6 dạy: "Chớ dâm dục", và điều răn thứ 9 dạy: "chớ ngoại tình". Chúa Giêsu dạy tích cực hơn: Giữ tâm hồn trong sạch, cả cho mình lẫn cho người.

Không đợi đến lúc vở lỡ, không đợi phải bắt quả tang những chuyện tình vụng trộm thì tội mới thành danh tội "dâm dục" hay "ngoại tình", nhưng ngay khi nhìn người phụ nữ mà thèm muốn làm chuyện xác thịt thì đã thành tội rồi.Chúa Giêsu rất có lý, vì nếu không giữ cho tâm hồn trong sạch, không kềm chế những ước muốn thấp hèn, sớm muộn con người ta cũng không tránh khỏi cái vòng tục lụy kia nó cuốn vào chỗ phạm tội làm mất đi nhân phẩm cao quí là con cái của Thiên Chúa, là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!

3. Chúa Giêsu kiện toàn điều răn thứ 2 và thứ 8

Chúa Giêsu còn dạy thêm về sự ngay chính thật thà: "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra" (Mt 5,37). Lòng ngay chính thật thà hỗ trợ tốt cho việc chu toàn luật yêu thương, tôn trọng tha nhân. Yêu thương chân thành là nền tảng vững chắc ngăn chận mọi âm mưu gian tà của lạc thú xác thịt, của chia rẻ hận thù báo oán.

4. Cuốn sách hai chữ : Yêu Thương.

Một câu chuyện kể rằng, có nhà vua kia lệnh cho các nhà thông thái trong đất nước của ông là hãy tóm gọn tất cả mọi chân lý vào trong một cuốn sách. Thời gian trôi qua hàng chục năm mà chưa ai thực hiện được. Vị quan được trao phó trách nhiệm công việc này đến thưa với vua, xin vua khất cho thời hạn. Một năm sau, vua hỏi, vị này vẫn chưa làm được điều gì. Vì kiến thức là một biển cả mênh mông, không thể tóm trong một cuốn sách, phương chi là một vài chục năm. Không may, nhà vua bị bệnh, mỗi ngày một suy yếu. Thời gian không còn tính theo năm nữa mà tính theo tháng. Rồi bệnh của vua càng ngày càng trầm trọng. Nhà vua hối thúc vị quan được trao phó trách nhiệm. Vị quan này gấp rút dồn lại trong một cuốn sách. Nhưng nhà vua nói: Bây giờ thì ta không thể đọc được nữa rồi, ngươi hãy thu ngắn lại nữa. Cuối cùng một cuốn sách chỉ còn lại một chương. Một chương, nhà vua cũng không còn sức để đọc được nữa. Bệnh đã nặng, hết hơi, sức đã tàn. Sau cùng, nhà vua nói với viên quan kia: ngươi hãy tóm lại trong một chữ thôi. Viên quan đã tận tâm và thưa : muôn tâu hoàng thượng, nếu tất cả chân lý chỉ tóm lại trong một chữ thì thần xin bệ hạ hai chữ là: Yêu Thương.

Thánh Phaolô biết rõ hơn ai hết sự cao đẹp của Luật Môsê, nhưng chính vì thế mà ngài càng xác tín hơn ai hết về giới hạn của nó so với Tin Mừng  Chúa Giêsu (x. Gl 3,25-26). Đối với Phaolô: "Yêu thương là chu toàn lề luật" (Rm 13,10). Sống yêu thương là dấu ấn Thiên Chúa đã ghi khắc trong tâm hồn con người. Mỗi người là tạo vật duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng theo và giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa là Tình Yêu cho nên con người cũng chỉ có một ơn gọi duy nhất, đó là sống yêu thương. Tất cả lề luật Giáo Hội ban hành là chỉ nhằm giúp con người sống yêu thương nhau.

Chúa Giêsu tha thiết kêu mời: Hãy yêu nhau “Như Thầy đã yêu anh em” (Ga 15,12).Chúa đã yêu bằng hành động cụ thể là hy sinh cho người mình yêu. Khi yêu nhau, người ta có thể hy sinh cho nhau thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, công việc…Hy sinh cao cả nhất là hy sinh mạng sống: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa đã thực thi sự hy sinh cao độ ấy: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (x. Rm 5,6; Ep 5,2; 1Ga 3,16), để chúng ta yêu thương: “Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế thì chúng ta phải thương yêu nhau” (1 Ga 4,19), nhờ đó mà “niềm vui được nên trọn vẹn” (Ga 15,9). Đối với Chúa Giêsu, tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật.

Lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, chúng ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho chúng ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Tình yêu thật vĩ đại cho những ai sống theo gương Chúa Giêsu trong hành trình cuộc đời mình.

Lạy Chúa Giêsu,xin Chúa giúp chúng con biết làm tất cả mọi việc chỉ vì lòng mến Chúa và yêu người. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

NHỮNG ĐIỀU CHÚA DẠY: NÉT ĐẸP GIA ĐÌNH

NHỮNG ĐIỀU CHÚA DẠY: NÉT ĐẸP GIA ĐÌNH

Chúa Giêsu đến trần gian để thiết lập Đạo Tình Thương, Người không phá đổ Lề Luật, nhưng để kiện toàn Lề Luật. Người phán: “Cho dù trời đất có qua đi thì một chấm, một phảy trong lề Luật cũng không bỏ sót cho đến khi mọi sự hoàn thành”.

Chúa Giêsu đã hoàn thành Lề Luật cách nào? Đọc Tin Mừng, đặc biệt là Cựu Ước, chúng ta thấy có những Lề Luật xem ra thật dữ tợn như mắt thế mắt, răng đền răng v.v… Lề Luật Maisen có những điều chưa hoàn thiện chẳng hạn như lề Luật đem ra những chỉ thị bắt buộc hoàn toàn, có những điều luật nhắm đến công tác bên ngoài mà không chú trọng đến những ý ngay lành bên trong, hoặc có những điều luật chỉ chắm đến công ích tập thể, nhưng không nhắm đến hạnh phúc cá nhân, nhắm đến phần thưởng vật chất đời này chứ không nhắm đến phần thưởng mai sau là Nước Trời. Chúa Giêsu đến trần gian thiết lập một Đạo mới, Đạo tình thương, một Đạo được xây dựng trên tình yêu, làm cho Lề Luật nên trọn hảo, làm cho Lề Luật nên trọn lành, hoàn thiện. Chúa Giêsu đã lập Đạo tình thương và chú trọng tới con người. Bởi vì cốt lõi của Tin Mừng là Tình Yêu, cốt lõi của cuộc sống con người cũng là Tình Yêu.Do đó, Chúa Giêsu. Đem ra năm điểm để minh chứng rằng Đạo Tình Thương của Ngài hoàn hảo hơn đạo cũ. Đó là những chỉ thị của Đạo cũ về giết người, ngoại tình, việc làm chứng dối,báo oán và cách cư xử với nhau. Luật xưa có đoạn viết: “Chớ giết người… Ai giết người thì bị luận phạt nơi tòa án.Còn Ta, Ta bảo các con: bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình thì sẽ bị tòa án luận phạt… Ai rủa anh em mình là điên, là khùng thì sẽ bị lửa hỏa ngục thiêu sống”. Lề Luật, Thập điều của Thiên Chúa người Do Thái vẫn đọc thường xuyên trong các Hội Đường nhất là vào ngày Sabbat đã được Chúa Giêsu dùng để xây dựng Lề Luật mới. Chúa Giêsu không rao giảng, không giảng dạy như những Kinh sư hay Biệt phái chỉ ra lệnh, tự cao, tự mãn nhưng Ngài dạy như Đấng hoàn toàn có uy quyền. Trong Cựu Ước có những điều luật trích trong Sách Xuất Hành, Dân Số và Lêvi. Tân Ước đi xa hơn nữa như phẫn nộ với anh em đã bị coi như tội giết người rồi. Trong Tân Ước, bổn phận người đối xử với người rất quan trọng. Đó là tình bác ái đối với nhau, làm hòa, hòa giải đối với nhau còn trọng hơn của lễ nữa. Nên, Chúa Giêsu đã dạy: “Khi đang dâng của lễ mà chợt nhớ còn có sự bất hòa với ai thì hãy bỏ của lễ ấy đi làm hòa với đối phương rồi mới về dâng của lễ tiếp”. Thực tế, đây là cốt lõi của Phúc Âm. Con người chúng ta chỉ có thể sống tốt, sống lành với nhau khi chúng ta sống bác ái yêu thương nhau. Còn đối với hôn nhân, luật cũ cấm ngoại tình vì ngoại tình bị bắt sẽ bị lề luật phạt tử hình. Tuy nhiên, vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu đã đi thật xa nghĩ tà vậy, thèm muốn trong lòng đã là tội rồi. Chính vì thế, Chúa phán: “Ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã phạm tội ngoại tình với họ rồi:

Kinh sư và Phariseu tự phụ, tự cao, tự mãn, coi mình là hơn mọi người. Họ chú trọng bề ngoài mà quên đi cốt lõi của Phúc Âm là Tình Thương. Họ rửa chén, rửa bình, mồ mả tô vôi nhưng bên trong thì hôi thối. Họ tự cho là giữ tỉ mỉ luật đã nên công chính. Nhưng đối với Chúa, muốn nên công chính phải cần tới ơn của Chúa. Chúa không ban con người không thể làm gì được và con người cũng không ra gì cả.

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mọi người hãy ăn ở công chính, hãy sống thánh thiện, hãy cố gắng lắng nghe và thực thi lời chúa trong đời sống hằng ngày, đặc biệt trong năm thánh hóa đời sống gia đình mọi gia đình Công giáo hãy ăn ở ngay lành, chính trực, công chính, thánh thiện. Hãy tạo hạnh phúc cho gia đình mình.

Lạy Chúa, Chúa ngự trong những tâm hồn ngay thẳng; xin tuôn đổ hồng ân, giúp chúng con ăn ở thế nào, để trở nên đền thờ của Chúa (Lời nguyện Nhập lễ Chúa nhật VI thường niên).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Chúa dạy con người về luật hôn nhân thế nào?
2. Hôn phối do ai thiết lập?
3. Luật răng thế răng, mắt thế mắt ở đâu?
4. Kinh sư và Phariseu là hạng người nào?
5. Chúa Giêsu đến thiết lập Đạo nào?

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT