Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Tháng Giêng 2017 – Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong tháng giêng năm 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi các Kitô hữu cùng nhau phục vụ con người. Đức Thánh Cha chia sẻ trong đoạn Video rằng:

Trong thế giới ngày nay, nhiều Kitô hữu từ các giáo hội khác nhau đã cùng nhau lao tác, để phục vụ những anh chị em cần được trợ giúp, để bảo vệ cuộc sống và phẩm giá con người, để bảo vệ công trình sáng tạo, và để tranh đấu chống lại bất công.

Ước mong cùng nhau tiến bước, cùng nhau cộng tác trong phục vụ và liên đới với những ai yếu đuối nhất và những ai đang đau khổ, ước muốn này là nguồn vui cho tất cả chúng ta.

Hãy hiệp lời của con với lời cầu nguyện của Cha, để mọi người sống đời cầu nguyện và bác ái huynh đệ, để tái lập tình hiệp thông trọn vẹn trong giáo hội, cùng nhau phục vụ con người và đáp lại những thách đố hiện nay của nhân loại.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

Đức Thánh Cha tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 9-1-2017 dành cho Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, ĐTC đã nói về đề tài ”an ninh và hòa bình” trên thế giới.

Ngài lên án nạn khủng bố trên thế giới, đề cao tầm quan trọng của tự do tôn giáo, loại trừ những nguyên nhân bất hòa gây ra chiến tranh, giải quyết vấn đề di dân và tị nạn, bảo vệ thiên nhiên như căn nhà chung, lên án nạn buôn bán võ khí, tái lập hòa bình tại Irak, Siria, và Yemen.

Buổi tiếp kiến bắt đầu lúc 10 giờ rưỡi trước sự hiện diện của đại diện 182 quốc gia và các tổ chức quốc tế.  Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Đại Sứ của Angola, Ông Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira, ĐTC đã lên tiếng chào thăm tất cả các vị đại sứ và cám ơn vị niên trưởng ngoại giao đoàn, và ngài hài lòng ghi nhận trong năm qua, con số các vị đại sứ cạnh Tòa Thánh thường trú ở Roma gia tăng, với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng hòa Hồi giáo Mauritanie cách đây 1 tháng. Ngài cũng cám ơn nhiều vị Đại sứ thường trú ở Roma, con số gia tăng trong năm ngoái, và cả các Đại sứ không thường trú. Ngài cũng nhắc đến các cuộc viếng thăm của các vị Quốc trưởng và Thủ tướng tại Tòa Thánh trong năm qua, trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng như việc ký kết nhiều hiệp định thư giữa Tòa Thánh và một số nước.

ĐTC nhắc đến sự kiện cách đây đúng 100 năm thế giới đang ở giữa thế chiến thứ I, năm 1917, cuộc chiến ngày càng trở nên cuộc chiến hoàn cầu. 100 năm sau, nhiều nơi trên thế giới được hưởng an bình lâu dài, tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế và những hình thức an sinh chưa từng có. Nhưng nhiều nơi trên thế giới, hàng triệu người vẫn đang sống giữa các cuộc xung đột vô nghĩa.

Hòa bình hồng ân của Thiên Chúa và vai trò của tôn giáo

ĐTC nói: ”Vì vậy, tôi muốn dành cuộc gặp gỡ hôm nay để nói về đề tài an ninh và hòa bình, vì trong bầu không khí sợ hãi nói chung đối với hiện tại, và sự bất định, lo âu về tương lai hiện nay, tôi thấy cần nói lên một lời hy vọng, và chỉ cho thấy một viễn tượng hành trình.

Cách đây vài ngày chúng ta đã cử hành Ngày Thế Giới hòa bình lần thứ 50, ngày này đã được vị tiền nhiệm của tôi, Chân phước Phaolô 6 thiết lập [….). Đối với các tín hữu Kitô, hòa hình là một hồng ân của Chúa, được các thiên thần tung hô và ca hát khi Chúa Kitô sinh ra: ”Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dươi thế cho những người Chúa thương” (Lc 2,14). Hòa bình là một thiện ích tích cực, là ”kết quả của trật tự Thiên Chúa in vào xã hội loài người”, và không phải chỉ là sự vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không thể thu hẹp vào việc quân bình hóa các thế lực đối nghịch nhau, đúng hơn nó đòi hỏi sự dấn thân của những người thiện chí nồng nhiệt khao khát một nền công chính ngày càng hoàn hảo hơn.

Trong viễn tượng đó, tôi bày tỏ xác tín mạnh mẽ rằng mỗi biểu hiện tôn giáo đều được kêu gọi thăng tiến hòa bình. Tôi đã có thể cảm nghiệm điều đó một cách ý nghĩa trong Ngày Thế Giới cầu nguyện cho hòa bình, nhóm tại Assisi hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó các đại diện tôn giáo họp nhau cùng mang lại tiếng nói cho những người đau khổ, những ngừơi không có tiếng nói, cũng như trong cuộc viếng thăm của tôi tại Đại Hội đường Do thái ở Roma hoặc Đền thờ Hồi giáo ở thành phố Baku.

Chúng ta biết không thiếu những bạo lực vì lý do tôn giáo, đi từ chính Âu châu này, nơi mà những chia rẽ lịch sử giữa các tín hữu Kitô đã kéo dài quá lâu. Trong cuộc viếng thăm mới đây của tôi ở Thụy Điển, tôi đã muốn nhắc nhở nhu cầu cấp thiết phải chữa lành những vết thương quá khứ và đồng hành tiến về những mục tiêu chung. Nơi căn bản của cuộc đồng hành như thế không thể thiếu cuộc đối thoại chân thành giữa các tôn giáo khác nhau. Đó là một cuộc đối thoại có thể thực hiện và là điều cần thiết, như tôi đã chứng tỏ trong cuộc gặp gỡ tại Cuba với Đức Thượng Phụ Kirill thành Mascơva, cũng như trong các cuộc tông du của tôi tại Armeni, Giorgia, và Azerbaigian, những nơi mà tôi nhận thấy khát vọng chính đáng của dân chúng muốn giải quyết các cuộc xung đột từ lâu đang làm thương tổn sự hòa hợp và hòa bình.

Đồng thời, chúng ta cũng không nên quên nhiều công trình, lấy hứng từ tôn giáo, đang góp phần vào việc xây dựng công ích, qua việc giáo dục, từ thiện, nhất là trong những vùng khó khăn và là nơi diễn ra xung đột. Nhiều khi việc đóng góp ấy được thực hiện tới mức độ hy sinh của các vị tử đạo. Các công trình đó góp phần vào hòa bình và cho thấy cách thức người ta có thể sống cụ thể và làm việc chung với nhau, dù thuộc các dân tộc, văn hóa và truyền thống khác nhau, nếu phẩm giá con người được đặt ở trung tâm mọi hoat động của mình.

Lên án lạm dụng tôn giáo để khủng bố

ĐTC nêu nhận xét: ”Rất tiếc chúng ta thấy rằng ngày nay kinh nghiệm tôn giáo, thay vì cởi mở đối với tha nhân, nhiều khi nó có thể bị lạm dụng để khép kín, gạt ra ngoài lề và gây ra bạo lực. Tôi đặc biệt nghĩ đến nạn khủng bố do trào lưu cực đoan, trong năm qua đã đốn ngã nhiều nạn nhân trên thế giới: tại Afganistan, Bangladesh, Bỉ, Burkina Faso, Ai Cập, Pháp, Đức, Giordani, Irak, Nigeria, Pakistan, Hoa Kỳ, Tunisi và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vụ khủng bố ấy là những hành vi hèn nhát, dùng các trẻ em để giết người, như tại Nigeria; tấn công những người đang cầu nguyện, như tại Nhà thờ chính tòa Copte ở Cairo, những người du hành hoặc làm việc, như ở Bruxelles, những người đi dạo ở đường phố như ở Nice và Berlin, hoặc những người đón mừng năm mới như ở Istanbul.

Đó là một sự sát nhân điên rồ, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo chết chóc, trong toan tính khẳng định ý muốn thống trị và quyền lực. Vì thế tôi kêu gọi tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo hãy hiệp sức để mạnh mẽ tái khẳng định rằng không bao giờ có thể giết người nhân danh Thiên Chúa. Nạn khủng bố do trào lưu cực đoan là kết quả của một sự lầm than trầm trọng về tinh thần, kèm theo đó có một sự nghèo nàn về mặt xã hội. Nó chỉ có thể hoàn toàn bị đánh bại với sự đóng góp chung của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị. Các vị lãnh đạo tôn giáo có nhiệm vụ thông truyền các giá trị tôn giáo không chấp nhận sự đối nghịch giữa lòng kính sợ Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Các vị lãnh đạo chính trị có nhiệm vụ bảo đảm trong lãnh vực công cộng quyền tự do tôn giáo, nhìn nhận sự đóng góp tích cực và xây dựng mà tự do tôn giáo thi hành trong việc xây dựng xã hội dân sự, trong đó người ta không thể coi như những điều đối nghịch giữa một đàng là sự thuộc về xã hội theo nguyên tắc quyền công dân, và bên kia là chiều kích tinh thần của cuộc sống. Ngoài ra, người cai trị có trách nhiệm tránh tạo nên những hoàn cảnh bị biến thành môi trường thuận tiện cho sự lan tràn chủ nghĩa duy căn cực đoan. Điều này đòi phải có những chính sách xã hội thích hợp để bài trừ nạn nghèo đói, cùng với sự thăng tiến chân thành giá trị của gia đình, như nơi ưu tiên để con người triển nở và cần đầu tư dồi dào vào lãnh vực giáo dục và văn hóa.

 Nghĩa vụ của các vị lãnh đạo tôn giáo và chính quyền

”Về vấn đề này, tôi quan tâm đón nhận sáng kiến của Hội đồng Âu Châu về chiều kích tôn giáo, đối thoại liên văn hóa, năm ngoái có chủ đề là vai trò của giáo dục trong việc phòng ngừa sự cực đoan hóa, dẫn đến nạn khủng bố và cực đoan bạo lực. Đó là một cơ hội để đào sâu sự đóng góp của hiện tượng tôn giáo và vai trò của giáo dục cho việc bình định hóa xã hội, vốn là điều cần thiết cho sự sống chung trong một xã hội đa văn hóa.

Theo nghĩa đó tôi muốn bày tỏ xác tín này: mỗi chính quyền không thể chỉ giới hạn vào việc bảo đảm an ninh cho các công dân của mình mà thôi – ý niệm này có thể dễ dàng thu hẹp vào một thứ sống yên hàn – nhưng họ còn được kêu gọi cổ võ và thi hành hòa bình. Hòa bình là một nhân đức tích cực, đòi phải có sự dấn thân và cộng tác của mỗi cá nhân cũng như của toàn thể xã hội. Như Công đồng chung Vatican II đã nhận xét, ”hòa bình không bao giờ là điều đạt được một lần cho tất cả, nhưng là một tòa nhà cần được liên tục xây dựng”, bằng cách bảo vệ thiện ích của con người, tôn trọng phẩm giá của họ. Xây dựng hòa bình trước tiên đòi phải từ bỏ bạo lực khi đòi hỏi các quyền của mình. Tôi đã dành Sứ điệp Ngày Hòa Bình thế giới năm nay, 2017, để nói về nguyên tắc đó. Sứ điệp có tựa đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”, trước tiên kêu gọi làm sao để bất bạo động là một đường lối chính trị, dựa trên công pháp và phẩm giá của mỗi người”.

Loại trừ những nguyên nhân cản trở việc xây dựng hòa bình

”Xây dựng hòa bình cũng đòi phải loại trừ những nguyên nhân bất hòa tạo nên chiến tranh, bắt đầu từ những bất công. Thực vậy có một liên hệ mật thiết giữa công lý và hòa bình. Như Thánh Gioan Phaolô 2 đã nhận xét, vì công lý của con người luôn mong manh và bất toàn, có những giới hạn và chịu ảnh hưởng của lòng ích kỷ cá nhân và nhóm, nên công lý ấy phải được thực thi, và bổ túc bằng sự tha thứ chữa lành các vết thương và tái lập sâu xa các quan hệ giữa con người đã bị xáo trộn […]. Tha thứ không hề trái ngịch với công lý, nhưng đúng hơn, nó nhắm đến sự sung mãn của công lý, đến sự yên hàn trong trật tự, chữa lành trong chiều sâu cho các vết thương làm tâm hồn rướm máu. Để đạt được sự chữa lành như thế, công lý và tha thứ đều là những điều thiết yếu”. Những lời này, ngày nay có tính chất thời sự hơn bao giờ hết, đã được sự sẵn sàng đón nhận của một số vị Quốc trưởng và thủ tướng chính phủ đối với lời mời gọi của tôi và đã thực hiện một cử chỉ ân xá đối với các tù nhân. […]

Lòng thương xót

Tôi xác tín rằng đối với nhiều người, Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót là một cơ hội đặc biệt thích hợp để khám phá ảnh hưởng to lớn và tích cực của lòng thương xót như một giá trị xã hội. Mỗi người có thể góp phần tạo nên một nền văn hóa lòng thương xót, dựa trên sự tái khám phá cuộc gặp gỡ tha nhân: một nền văn hóa trong đó không ai nhìn người khác trong sự dửng dưng, và cũng không ngoái nhìn đi nơi khác để không thấy sự đau khổ của những người anh em”. Chỉ như thế chúng ta mới có thể kiến tạo những xã hội cởi mở và hiếu khách đối với người ngoại quốc và đồng thời được an ninh và hòa bình trong quốc nội. Điều này càng cần thiết ngày nay, đang lúc có những làn sóng di dân đông đảo ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người tị nạn và di tản ở một số miền ở Phi châu, Đông Nam Á, và những người chạy trốn khỏi những vùng xung đột ở Trung Đông. (…)

Vấn đề di dân

”Vấn đề di dân là một vấn đề không thể để cho một vài nước lãnh đạm dửng dưng, trong khi những nước khác phải hỗ trợ gánh nặng nhân đạo, nhiều khi với những cố gắng lo lớn và khó khăn nặng nề, để đương đầu với tình trạng cấp thiết dường như vô tận. Tất cả đều phải cảm thấy mình là những người xây dựng và góp phần vào công ích quốc tế, kể cả qua những cử chỉ nhân đạo cụ thể, như những yếu tố thiết yếu hòa bình và phát triển mà các quốc gia và hàng chiều người đang chờ đợi. Vì thế tôi biết ơn các nước quảng đại đón nhận những người ở trong tình trạng ở trong tình trạng cần được giúp đỡ, bắt đầu từ các nước Âu Châu, đặc biệt là Italia, Đức, Hy Lạp và Thụy Điển.

”Tôi vẫn còn giữ ấn tượng mạnh về cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại đảo Lesvos, cùng với những người anh em của tôi là Đức Thượng Phụ Barlolomaios và Đức TGM Ieronymos; tại đảo đó tôi đã thấy và động chạm đến tình trạng thê thảm của các trại tị nạn, và cũng thấy tình nhân đạo và tinh thần phục vụ của nhiều người dấn thân trợ giúp người tị nạn. Không được quên sự đón tiếp của các nước Âu Châu và Trung Đông, trong đó có Liban, Giordani, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sự dấn thân của nhiều nước Phi châu và Á châu. Cả trong cuộc viếng thăm của tôi ở Mêhicô, nơi tôi đã cảm nghiệm niềm vui của dân Mêhicô, tôi đã thấy gần gũi hàng ngàn người di dân từ Trung Mỹ, họ phải chịu những bất công kinh khủng và những nguy hiểm khi tìm cách đạt được một tương lai tốt đẹp hơn, họ là nạn nhân của những vụ bóc lột và là đối tượng buôn bán đáng lên án, một hình thức nô lệ tân thời là nạn buôn người.

Trong phần kế tiếp của bài diễn văn dài, ĐTC tố giác quan niệm thu hẹp về con người, góp phần phổ biến bất chính, sự bất bình đẳng xã hội và hiện tượng tham nhũng… Tệ nạn lạm dụng trẻ em và người trẻ bị cưỡng bách lao động, hoặc bị lạm dụng như ngài đã viết trong thư gửi các GM nhân ngày lễ các Thánh Anh hài mới đây. Ngoài ra có những ngừơi trẻ đang chịu đau khổ vì chiến tranh và xung đột, như cuộc xung đột thảm khốc tại Siria.

Chống lại tình trạng chiến tranh trên đây, ĐTC kêu gọi bài trừ nạn buôn bán ma túy cũng như sự chạy đua sản xuất và phổ biến các võ khí ngày càng tối tân. Ngài không quên vấn đề bảo vệ môi trường và nói rằng:

Chăm sóc thiên nhiên

”Xây dựng hòa bình cũng có nghĩa là tích cực hoạt động để chăm sóc thiên nhiên. Hiệp định Paris về khí hậu mới bắt đầu có hiệu lực là một dấu chỉ quan trọng về sự dấn thân chung để để lại cho những người đến sau chúng ta một thế giới đẹp đẽ và có thể sống được. Tôi cầu mong nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian gần đây để đương đầu với những thay đổi khí hậu ngày càng tìm được sự cộng tác rộng rãi của tất cả mọi người, vì trái đất là nhà chung của chúng ta, và cần để ý rằng những chọn lựa của mỗi người có ảnh hưởng trên cuộc sống của tất cả.

Động đất

”Nhưng một điều hiển nhiên là có những hiện tượng vượt quá khả năng của hoạt động con người. Tôi muốn nói đến nhiều vụ động đất xảy ra tại một số miền trên thế giới. Trước tiên tôi nghĩ đến những vụ động đất ở Ecuador, Italia, và Indonesia, gây ra nhiều nạn nhân, và nhiều người vẫn còn phải sống trong những điều kiện bấp bênh. Tôi đã đích thân viếng thăm một số vùng bị động đất ở miền trung Italia. Tại đây tôi đã nhận thấy những vết thương mà động đất gây ra cho một miền đất phong phú về nghệ thuật và văn hóa, tôi đã có thể chia sẻ đau khổ của bao nhiêu người đồng thời lòng can đảm của họ và quyết tâm tái thiết những gì đã bị phá hủy. Tôi cầu mong rằng tình liên đới đã liên kết nhân dân Italia trong những giờ sau các trận động ấy đất tiếp tục linh hoạt toàn thể đất nước, nhất là trong thời điểm khó khăn của lịch sử. Tòa Thánh và Italia đặc biệt gắn bó với nhau vì những lý do lịch sử văsn hóa và địa lý. Mối liên hệ ấy đặc biệt hiển nhiên trong Năm Thánh và tôi cám ơn tất cả các giới chức chính quyền Italia vì sự giúp đỡ trong việc tổ chức biến cố ấy, và bảo đảm an ninh cho các tín hữu hành hương từ các nơi đến đây.”

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã có 6000 Linh mục

Giáo hội Công giáo Hàn quốc đã có 6000 Linh mục

Seoul – Theo tin địa phương hôm thứ 3, cho đến nay, đã có hơn 6000 người Hàn quốc được lãnh nhận thiên chức Linh mục trong Giáo hội Công giáo.

Trong niên giám năm 2017 mới được phát hành, Hội đồng Giám mục Hàn quốc ghi nhận là cho đến ngày 30/09/2016, số Linh mục được thụ phong là 6021 vị.

Danh sách này bao gồm cả cha Anrê Kim, Linh mục đầu tiên người Hàn quốc và là thánh tử đạo, thường được biết với tên khai sinh là Kim Dae-geon.

Trong tổng số hơn 6000 Linh mục, hiện có 5021 vị vẫn đang hoạt động trong khi 560 vị đã qua đời và 440 vị đã hồi tục. (Asia News 11/01/2017)

Hồng Thủy

Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Phỏng vấn ĐHY Jean Lous Tauran về việc đối thoại với Hồi giáo

Ngày 19 tháng 12 năm vừa qua Anis Amri, một thanh niên người Tunisi, đã đánh cắp một xe vận tải chở hàng, giết tài xế người Ba Lan, rồi lái xe tông vào một chợ Giáng Sinh đầy người đang đi mua sắm ở Breitscheidplatz trong thủ đô Berlin của Cộng Hoà Liên Bang Đức, khiến cho 12 người chết và 56 người bị thương. Sau khi chạy trốn khỏi Đức Anis Amri đã đi xe lửa qua Bỉ, Hoà Lan và Pháp để vào Italia, và đã bị cảnh sát bắn chết tại Sesta San Giovanni, thuộc Milano bắc Italia ngày 22 tháng 12. Amri đã từng bị kết án tù 5 năm tại Italia vì nhiều tội khác nhau. Trước khi thực hiện vụ khủng bố này Anis Amri đã tung lên mạng video anh đang ca tụng nhà nước Hồi IS.

Vụ khủng bố đẫm máu này lại khiến cho nhiều người đặt vấn nạn liên quan tới cuộc đối thoại của Giáo Hội công giáo với Hồi giáo. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn về vấn đề này.

Hỏi: Thưa ĐHY, kiểu khủng bố như đã xảy ra tại Berlin nhắc lại vụ khủng bố tương tự đã xảy ra tại Nice bên Pháp hối tháng 7 năm 2016 và vụ khủng bố tại Rouen. Chúng đã khiến cho nhiều người tại Âu châu khép kín đối với người Hồi. Đấy là chưa kể tới các vụ khủng bố tại Aleppo, và vụ khủng bố mới đây xảy ra tại nhà thờ chính toà Copte trong thủ đô Cairo của Ai Cập. Trước tất cả các vụ khủng bố này còn có thể nói tới đối thoại không thưa ĐHY?

Đáp: Chính vì tình hình này mà cần phải đặc biệt chú ý tới thế giới hồi giáo. Chúng  ta tất cả đều đã bị liên lụy bởi những gì đã xảy ra bên Đức, bên Ai Cập và trước đó nữa là trên quê hương Pháp của tôi.  Nhưng mà cả trong tình trạng đó chúng tôi cũng đã có thể  đánh giá cao việc thức tỉnh căn tính tôn giáo tứ phía đa số người dân Pháp, cũng như tình liên đới, mà các anh chị em Hồi giáo các nước khác đã bầy tỏ với chúng tôi, đặc biệt là sau vụ sát hại vị linh mục cao niên, cha Jacques Hamel. Chúng tôi đau đớn tiếp tục chứng kiến các hành động tàn bạo vô nghĩa chống lại những người vô tội trong cuộc sống thường ngày của họ. Trước các hành động đó, trước thảm cảnh của các người di cư tỵ nạn, trước cuộc khủng hoảng quốc tế, nhất là trước tình trạng xung đột tại Siria, cám dỗ bỏ cuộc rất là lớn. Nhưng chính trong lúc này là lúc phải tiếp tục tin nơi sự đối thoại, là điều nòng cốt đối với toàn thể nhân loại.

Hỏi: Thưa ĐHY làm thế nào để đưa cuộc đối thoại này tiến tới trong cuộc sống thường ngày?

Đáp: Tất cả mọi người đều phải đào sâu niềm tin tôn giáo của mình, và hiểu rằng đối thoại không phải chỉ được dành cho “các chuyên viên”. Nhưng tất cả mọi người đều phải từ bỏ các thái độ nghi ngờ hay tranh cãi bênh vực các lý do của mình. Khi thực thi, trong sự tự do và lòng tôn trọng, quyền lợi của tha nhân, tất cả những gì mà đa số các tôn giáo đều có chung là cầu nguyện, ăn chay, làm phúc bác ái, hành hương, là chúng ta sẽ chứng minh rằng các tín hữu là một yếu tố của hoà bình cho các xã hội loài người. Trong thế giới bấp bênh ngày nay, đối thoại giữa các tôn giáo không phải là một dấu chỉ của sự yếu đuối. Nó tìm ra lý do của nó trong cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại.

Hỏi: Nếu phải tóm tắt với một hình ảnh các kết quả của cuộc đối thoại trong năm 2016, thì ĐHY chọn hình ảnh nào?

Đáp: Chắc chắn là tôi chọn hình ảnh ĐTC Phanxicô gặp gỡ Đại Imam Sceicco Ahmad Muhammad al Tayyib, đến Vaticăng với một phái đoàn cấp cao, trong đó có các giáo sư Abbas Shouman, phó thư ký đại học Hồi Sunnít, và giáo sư Hamdi Zakzouk, giám đốc Trung tâm đối thoại Al Azhar. Đại Imam đã được tôi và ĐC Miguel Angel Ayuso Guixot, thư ký Hội đồng toà thánh đối thoại liên tôn tiếp đón, và  chúng tôi đã tháp tùng đại Imam tới gặp gỡ ĐTC. Trong cuộc hội kiến chúng tôi đã nhấn mạnh trên sự cần thiết các vị lãnh đạo và tín hữu của các tôn giáo lớn cùng nhau dấn thân cho hoà bình trên thế giới, khước từ bạo lực và khủng bố; và chúng tôi cũng đề cập tới tình hình của các kitô hữu và các căng thẳng trong vùng Trung Đông.

Hỏi: ĐTC Phanxicô đã hơn một lần lập lại rằng không được đồng hoá Hồi giáo với bạo lực, có phải không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, nhưng không phải chỉ có thế. Trong chuyến bay từ Ba Lan trở về Roma ngày 31 tháng 7 ĐTC đã trả lời một câu hỏi, và bảo đảm rằng các anh chị em hồi giáo tìm kiếm hoà bình, tìm kiếm gặp gỡ. Và chính Sceicco Al Tayyib, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các nhà báo Vaticăng ngay sau cuộc gặp gỡ với ĐTC, đã nhấn mạnh rằng Hồi giáo không liên quan gì tới khủng bố, bởi vì ai giết người là đã hiểu sai các văn bản nền tảng của Hồi giáo; và thật là điều nền tảng các tôn giáo  lớn phải có một nỗ lực chung để đưa ra cho nhân loại một hướng đi mới tiến tới lòng thương xót và hoà bình trong thời đại khủng hoảng trầm trọng này. Như vậy, nếu Đức Gioan Phaolô II đã là vị Giáo Hoàng đầu tiên viếng thăm Đại Imam của đại học Al- Azhar  trong chuyến công du Ai Cập trong Năm Thánh 2000, thì Sceicco Al Tayyib đã là Đại Imam đầu tiên viếng thăm ĐTC tại Vaticăng, và luôn luôn trong một Năm Thánh, là Năm Thánh Lòng Thương Xót, tức mười lăm năm sau Năm Thánh 2000.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu đã là hoạt động ngoại giao đi trước và theo sau cuộc gặp gỡ này?

Đáp: Vào tháng hai ĐC Ayuso đã đến Cairo, và tại Cairo ĐC đã được ĐTGM Bruno Musarò,  Sứ Thần Toà Thánh,   tháp tùng tới đại học Al Azhar. ĐC Ayuso đã trao tận tay cho giáo sư Shouman một bức thư của tôi, trong đó tôi bầy tỏ sự sẵn sàng tiếp đón Đại Imam và tháp tùng ông vào gặp ĐTC Phanxicô tại Vaticăng. Sau đó ĐC Ayuso đã sang Cairo hai lần nữa, vào tháng 7 và tháng 10 để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ sẽ ghi dấu việc tái đối thoại giữa Hội đồng Toà Thánh  và đại học hồi giáo Cairo, vào cuối tháng 4 năm 2017.

Hỏi: Thưa ĐHY, đâu là các chặng ý nghĩ khác trong các sinh hoạt của Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn trong năm 2016?

Đáp: Vào đầu năm  2016 có cuộc gặp gỡ hàng năm tại Genève giữa các nhân viên của Hội Đồng và của Văn phòng đối thoại liên tôn với sự cộng tác của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô  trong “Tuần hòa hợp liên tôn” do Liên Hiệp Quốc thành lập. Vào tháng giêng ĐC Ayuso, Thư ký Hội Đồng, đã sang Abu Dhabi tham dự “Diễn đàn các tư tưởng gia A rập”, tổ chức lần đầu tiên. ĐC đã là thuyết trình viên duy nhất không phải người Hồi giáo, và ĐC đã phát biểu về đề tài “Khuynh hướng cực đoan” phân tích các lý do và các phương thế sửa chữa có thể có. Vào tháng hai tôi đã được ông Khaled Abashed, trưởng phòng Hồi giáo, tháp tùng tham dự Hội nghi đối thoại liên tôn lần thứ 12  triệu tập tại Doha bên Qatar.

Hỏi: Thật là ý nghĩa trong năm 2016 ĐTC đã gặp giới lãnh đạo các tôn giáo khác nhiều lần trước khi chủ sự buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương năm châu. Các buổi gặp gỡ này đã có ý nghĩa gì thưa ĐHY?

Đáp: Đó đã là các lúc rất quan trọng, trong đó ĐTC đã nói mấy lời tự phát ngắn gọn. Các cung cách và cử chỉ dễ thương của ngài đã để lại nơi tất cả mọi người một kỷ niệm tốt. Các vị thuộc “Học viện hoàng gia đặc trách nghiên cứu liên tôn” tại Amman bên Giordania cũng như ông Haxhi Baba Edmond Bahimaj, thủ lãnh cộng đoàn Bektashi, được ĐGH tiếp kiến tuần sau đó, đã cho tôi biết như vậy. Đây là một huynh đoàn hồi giáo phát xuất từ nhóm Sufi, được thành lập hồi thế kỷ 13 bên Thổ Nhĩ Kỳ, và được phổ biến, nhất là bên Albania. Cùng sự kiện này lại xảy ra ngày mùng 1 tháng 6  với một phái đoàn 35 người, và sau cùng ngày 23 tháng 11 với các người hồi Sunnít Iran  tham dự cuộc hội luận về “Khuynh hướng cực đoan và bạo lực nhân danh tôn giáo”, do Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn tổ chức cùng với tổ chức Văn hoá và tương quan tại Teheran. Ngoài ra trong các ngày mùng 7-8 tháng 9 đã có hội nghị về “Châu Mỹ đối thoại- Ngôi nhà chung của chúng ta”. Do Hội đồng Toà Thánh và Học viện đối thoại liên tôn Buenos Aires cùng tổ chức. Các tham dự viên sau đó đã được ĐTC Phanxicô tiếp kiến. Sau cùng chúng ta cũng không quên buổi tiếp liên tôn do chính ĐTC muốn ngày mùng 3 tháng 11, với sự tham dự của biết bao thân hữu và các tác nhân đối thoại, trong đó có các nhân viên của “Trung tâm quốc tế đối thoại liên tôn” tại Vienne bên Áo, viết tắt là KAICIID. Trung tâm này cũng đã thăng tiến một cuộc hội luận về lòng thương xót  tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma.

Hỏi: Các con số thống kê cho thấy Á châu quan trọng, và ĐTC cũng chú ý theo dõi các biến cố của đại lục này vì tầm quan trọng của cuộc đối thoại với Đông Phương. Có các tương quan nào với Á châu và các nền văn hóa của nó thưa ĐHY?

Đáp: Hồi tháng 5 ĐC Thư ký của Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn đã sang Nhật Bản để tham khảo ý kiến các vị lãnh đạo tôn giáo cấp cao vùng Trung Đông về đề tài quyền công dân, nhằm thăng tiến môt ý thức lớn hơn tại các nước có đa số dân theo Hồi giáo. Trong các cuộc gặp gỡ tại Tokyo cũng đã có việc củng cố các liên lạc Giữa Giáo Hội công giáo và tổ chức Phật giáo Risho Kosei Kai. Vào tháng 10 ĐC Ayuso cũng đã cùng với cha phó thư ký Indunil Kodithuwakku đi sang Singapore, rồi Đài Loan nhân cuộc gặp gỡ kitô lão giáo lần đầu tiên được tổ chức tại đây.

Hỏi: Hội Đồng Toà Thánh đối thoại liên tôn cũng đã gửi các sứ điệp tới các tôn giáo lớn tại Á châu nhân các dịp lễ, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Đúng thế. Nhân lễ Ánh Sáng Vesakh, kỷ niệm các biến cố chính trong cuộc đời Đức Phật, chúng tôi đã gửi sứ điệp về đề tài “Tín hữu kitô và phật giáo cùng nhau thăng tiến giáo dục môi sinh”. Vào tháng 10 chúng tôi đã gửi một sứ điệp cho các tín hữu Ấn giáo tập trung vào tầm quan trọng của gia đình nhân dịp lễ Deepavali có nghĩa là “hàng đèn dầu”, dựa trên một huyền thoại cổ xưa diễn tả chiến thắng của chân lý trên dối trá và của ánh sáng trên tối tăm. Sau cùng vào tháng Ramadan nhằm tháng 6 chúng tôi cũng đã gửi các lời cầu chúc truyền thống tới cộng đoàn hồi giáo.

Hỏi: Một trong những thời điểm chính của năm 2016 vừa qua chắc chắn đã là cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi ngày 20 tháng 9, nhân kỷ niệm lần thứ 36 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mời các vị lãnh đạo các tôn giáo lớn tụ tập nhau cầu nguyên cho hoà bình thế giới, Nó đã có ý nghĩa nào thưa ĐHY?

Đáp: Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình hồi năm 1986 đã hướng Giáo Hội tới các tôn giáo không kitô. Mặc dù có giáo huấn của Đức Phaolô VI trong thông điệp “Ecclesiam suam” và của Công Đồng Chung Vaticăng II với tuyên ngôn “Nostra aetate”, các tôn giáo này xem ra vẫn xa vời, nếu không nói là xa lạ. Cuộc gặp gỡ liên tôn cầu nguyện cho hoà bình đã là biểu tượng, là việc thực hiện nhiệm vụ của Giáo Hội trong một thế giới đa tôn giáo. Vì thế không phải vô tình mà chính ĐTC Phanxicô đã muốn tái đề nghị các nội dung  của nó bằng cách đến Assisi tham dự một ngày cầu nguyện cho hoà bình với đề tài “Khát khao hoà bình. Các tôn giáo và các nền văn hoá đối thoại với nhau”.

(Oss. Rom. 21-12-2016)

Linh Tiến Khài

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền

Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư, vì Chúa sống như người phục vụ, vì Chúa gần gũi và thương mến mọi người, vì Chúa nói và làm nhất quán. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Có thẩm quyền là nhờ phục vụ mọi người

Chúa Giêsu phục vụ mọi người. Chúa đến để phục vụ. Và điều ấy người dân hiểu rất rõ. Chúa mang lấy tâm tình và thái độ của người phục vụ, và việc phục vụ ấy cho thấy Người là Đấng có uy quyền. Nhưng đối với các tiến sĩ luật thì lại khác. Dân chúng nghe họ nói, tôn trọng họ, nhưng chẳng cảm thấy chút gì là thẩm quyền, là quyền uy từ những lời các vị tiến sĩ luật cả. Bởi lẽ, các tiến sĩ luật nói: chúng tôi là những bậc thầy, chúng tôi có các quy luật, và chúng tôi sẽ dạy các quy luật ấy cho anh em. Chúng tôi ra lệnh và anh em vâng theo. Như thế, chẳng có gì là phục vụ cả. Chúa Giêsu không bao giờ làm ra vẻ như một hoàng tử, nhưng Chúa luôn luôn là người phục vụ mọi người. Và chính từ việc phục vụ này, Chúa trao ban quyền uy của Chúa.

Có thẩm quyền là nhờ gần gũi người dân

Các luật sĩ xa cách người dân, các luật sĩ chẳng thân thiện gì. Chúa Giêsu rất gần gũi người dân, và từ sự gần gũi đó diễn tả uy quyền của Chúa. Có những luật sĩ sống tách biệt, và họ giảng dạy với thẩm quyền giáo sĩ, với tâm thức họ có quyền của một người giáo sĩ, ngay cả theo kiểu tâm thức giáo sĩ trị.

Tôi rất thích đọc về sự gần gũi mà Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong số 48 của Tông huấn Loan Báo Tin Mừng. Ngài viết: Bạn nhìn thấy sự gần gũi của tâm hồn người chăn chiên: đó chính là uy quyền của vị Giáo Hoàng, sự gần gũi. Trước tiên, cần là người tôi tớ của những tôi tớ trong khiêm tốn: người làm đầu phải là người phục vụ, phục vụ mọi người. Đó là một sự đảo lộn. Thay vì chỉ đạo mọi người thì Chúa Giêsu đã sống như người phục vụ. Thứ nhất chính là phục vụ và thứ hai là sự gần gũi.

Có thẩm quyền là nhờ lời nói đi đôi với việc làm

Có những người không nhất quán, không trước sau như một và tâm tính của họ bị phân mảnh. Họ nói mà chẳng làm, họ nói thế này rồi làm thế khác. Đó là sự mâu thuẫn. Có nhiều lần Chúa Giêsu trách mắng những người như thế là quân đạo đức giả, là kẻ giả hình. Anh em đã hiểu rằng, có những người luôn cảm thấy mình là ông hoàng, luôn mang lấy nơi mình thái độ giáo sĩ trị, và đó chính là thói đạo đức giả, và những điều ấy chẳng có chút gì là thẩm quyền. Còn Chúa Giêsu, Chúa đã phục vụ, đã gần gũi mọi người, không coi thường một ai trong dân, Chúa nói và làm đồng nhất, những điều ấy chính là thẩm quyền là quyền uy của Chúa. Đây chính là thẩm quyền mà dân của Thiên Chúa lắng nghe và cảm thấy.

Tứ Quyết SJ

Chúng ta đang bước theo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất

Chúng ta đang bước theo Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất

Đời sống của người Kitô hữu không cần những gì là khác lạ và khó khăn, nhưng là cuộc sống đơn sơ biết đặt Chúa Giêsu là trung tâm của những chọn lựa hàng ngày. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta, nhân ngày đầu tiên của mùa Thường Niên.

Sau những ngày Giáng Sinh, chúng ta bắt đầu mùa Phụng vụ mới, mùa Thường Niên, nhưng trung tâm của đời sống người Kitô hữu luôn là Chúa Giêsu, vì Người là Lời đầu tiên và vĩnh cửu của Chúa Cha, Đấng là Chủ Tể vũ trụ, là Đấng Cứu Độ thế gian. Ngoài Người ra, không còn Đấng nào khác.

Trung tâm của đời sống chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa đã tỏ mình cho chúng ta, và chúng ta được mời gọi để nhận ra Người trong cuộc sống, trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, để nhận ra Người để nhận biết Người. Nhưng có người trong anh chị em nói: “Thưa cha, con biết cuộc đời các thánh, con biết các cuộc hiện ra và còn hơn thế nữa.” “Đúng thế, các thánh là các thánh, các ngài thật vĩ đại! Không phải tất cả các cuộc hiện ra đều chân thực!” Các thánh thì quan trọng nhưng tâm điểm phải là Chúa Giêsu Kitô. Không có Chúa Giêsu Kitô thì sẽ không có các thánh. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Trung tâm đời sống của tôi có phải là Chúa Giêsu Kitô không? Mối tương quan giữa tôi và Chúa Giêsu là gì? Có ba việc giúp chúng ta nhận thấy chắc chắc rằng, Chúa Giêsu là trung tâm của đời mình.

Nhận biết Chúa Giêsu

Việc thứ nhất là biết Chúa Giêsu để còn nhận ra Người. Nhiều người đã không nhận biết Chúa, giống như các kinh sư, các thượng tế, các luật sĩ, những người phái Xađốc, phái Pharisêu. Thậm chí họ còn kết án Chúa, còn giết Chúa. Chúng ta tự hỏi: Điều gì giúp cho ta có thể nhận biết Chúa Giêsu? Đó là cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần, đó là đọc Tin Mừng mỗi ngày. Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục làm việc. Ngài sẽ làm cho những hạt giống nảy mầm và trổ sinh hoa trái.

Thờ lạy Chúa Giêsu

Việc thứ hai là thờ phượng Chúa Giêsu. Đừng chỉ xin Người điều này điều nọ, cũng đừng chỉ cám ơn Người. Thờ phượng Chúa trong thinh lặng, trong khoảng lặng của tâm hồn. Không gì có thể đáng mến đáng quý cho bằng một mình Thiên Chúa.

Có lời cầu nguyện ngắn trong Kinh Sáng Danh “Sáng Danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”, nhưng nhiều lần chúng ta đọc như vẹt. Lời cầu nguyện này chính là lòng tôn thờ, tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tôn thờ, cùng với những lời nguyện ngắn, và trong thinh lặng trước sự cao cả của Thiên Chúa, chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu và thân thưa: “Lạy Chúa, Chúa là Đấng duy nhất, Chúa là khởi thủy và là tận cùng. Con muốn ở với Chúa trong sự sống của Chúa, trong sự vĩnh cửu viên mãn của Chúa. Chúa là Đấng duy nhất.”

Bước theo Chúa Giêsu

Nhiệm vụ thứ ba là bước theo Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Điều ấy có nghĩa là đặt Chúa Giêsu làm trung tâm của đời sống chúng ta.

Đó chính là đời sống của người Kitô hữu. Đời sống ấy rất đơn sơ, nhưng chúng ta cần ân sủng của Chúa Thánh Thần để Ngài khơi lên trong lòng chúng ta ước muốn nhận biết Chúa Giêsu, để thờ lạy Người và bước theo Người. Chúng ta cầu nguyện để có sức mạnh làm điều ấy trong từng ngày của cuộc đời.

Tứ Quyết SJ

Tổng thống Duterte của Philippines thông báo “Tháng Kinh thánh toàn quốc”

Tổng thống Duterte của Philippines thông báo “Tháng Kinh thánh toàn quốc”

Trong tuyên cáo được ký ngày 05/01 vừa qua, tổng thống Duterte tuyên bố rằng “Quốc gia nhìn nhận bản chất tôn giáo của dân Philippines và ảnh hưởng sống động của tôn giáo trong xã hội con người. Thật là đúng đắn và thích hợp khi sự quan tâm của quốc gia tập trung trên tầm quan trọng của việc đọc và học hỏi Kinh thánh, để hình thành các tính cách tinh thần, luân lý và xã hội của công dân.”

Theo ông Duterte, việc ký kết tài liệu là đòi buộc của hiến pháp để phát triển các giá trị đạo đức  và tinh thần của công dân và giúp họ thăng tiến nền luân lý của họ.

Đức ông Ruperto Santos của Balanga nhìn nhận việc này đáng khen ngợi và có tính linh hứng, còn đức ông Robert Mallari Di San Jose thì nói: “Chúng tôi cám ơn tổng thống vì đã đưa ra nhìn nhận đúng về tôn giáo của dân tộc và tầm quan trọng của Kinh Thánh để thăng tiến đất nước. Đức ông Gerardo Alminaza của San Carlos gọi tuyên bố này là một “cơ hội vàng cho các giáo xứ cùng hoạt động với các cơ quan chính quyền trong việc thực hiện năm 2017 như năm của các giáo xứ. (Asia News 11/01/2017)

Hồng Thủy

 

Gần 13 ngàn sinh viên đại học tham dự SEEK 2017 tại San Antonio, Texas

Gần 13 ngàn sinh viên đại học tham dự SEEK 2017 tại San Antonio, Texas

San Antonio, Texas – Seek xuất phát từ câu hỏi của Chúa Giêsu với các môn đệ trong Tin mừng thánh Gioan chươn 1 câu 38: “Các anh tìm gì?”,  là cuộc gặp gỡ được tổ chức hàng năm, mời gọi các sinh viên khám phá những câu hỏi lớn của đời mình: tôi là ai? Tôi sẽ đi đâu? Tôi tìm kiếm gì trên hành trình?

Từ ngày 3-7/01 vừa qua, gần 13 ngàn sinh viên của 500 học viện khắp Hoa kỳ và trên thế giới đã đến San Antonio, Texas, để tham dự Hội nghị SEEK 2017. Họ đã cùng nhau cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích và học hỏi thêm về đức tin của mình.

Được tổ chức bởi FOCUS (Hiệp hôi sinh viên đại học Công giáo), hội nghị giúp các bạn trẻ có cơ hội cho tình bằng hữu, thờ phượng và các cuộc nói chuyện của các thuyết trình viên Công giáo quốc tế.

Cynthia Lopez, một sinh viên của Northern Arizona University chia sẻ: “Thỉnh thoảng bạn cảm thấy bạn cô đơn trên thế giới, giống như bạn là sinh viên duy nhất cố gắng nên thánh, nhưng nó không giống vậy, hãy nhìn quanh bạn xem. Thật khó để trở nên thánh và thánh thiện ở một đại học đời.” Cô chia sẻ thêm là SEEK 2017 đã dạy cô cách xây dựng một hệ thống hỗ trợ.

Melissa Golus, một sinh viên của Benedictine College ở Atchison, Kansas cũng chia sẻ là SEEK 2017 “đang cho bạn các dụng cụ mà bạn cần biết để trở về học viên, ngay cả nếu bạn là sinh viên duy nhất có đức tin ở đại học, nó cũng ok. Nó tốt khi bạn đi và có thể là mời những người khác gia nhập với bạn.” Golus cũng chia sẻ về sự kỳ diệu khi có quá nhiều người trẻ xung quanh. Cô nói: “Bạn không thấy điều như vậy trên thế giới, giống như, đây là thứ công cụ đưa đến sự thinh lặng bởi vì thật tuyệt diệu khi thấy nhiều người trẻ này mê say Thiên Chúa.”

 Đề tài năm nay của hội nghị SEEK là “Điều đánh động bạn”. Mỗi ngày bắt đầu với Thánh lễ; có hơn 300 Linh mục đồng tế với các Tổng giám mục. Sau đó các sinh viên chia thành các nhóm nam nữ riêng biệt để tham gia vào các trò chơi theo phái tình và học hỏi thêm về nam tính và nữ tính đích thực. Ban chiều, các sinh viên có thể đến thăm các lều ơn gọi và sứ vụ. Họ cũng có thể tham dự các buổi thuyết trình do 35 nhà thuyết trình viên Công giáo nổi tiếng về các đề tài như “Tôi là ai để xét đoán?” hay “Cách thế để trả lời cho chủ nghĩa tương đối với lý luận và tình yêu.”

Jeff Cavins’, một học giả Kinh Thánh có 2 bài nói chuyện tại hội nghị lần này, đó là: “Chúa Giê và các môn đệ thời hiện đại” và “Làm thế nào để đọc Kinh thánh như một môn đệ”. Ông Cavins nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng mối liên hệ cá nhân với Chúa Kitô và nhìn thấy Người trong cuộc sống hàng ngày. Ông nói với hãng tin CAN: “Tôi đã bắt đầu nhận ra rằng nhiều người ngày nay không có trong trí họ một hình ảnh về việc là một môn đệ trong cách thực tế nghĩa là gì.” Ông cũng nhận xét rằng một trong những điều mà người trẻ đang thiếu là mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Mới đây, ông Cavins cùng với nhà xuất bản Ascénsion làm một chuỗi video tựa đề “Gặp gỡ Lời”. Theo ông, chìa khóa lúc này là đến với thế hệ trẻ này, những người đang đến với hội nghị SEEK. Ông nói: “Họ là những thay đổi của trò chơi. Họ là những người ở đó trên thế giới. Họ không phải là Giáo hội tương lai, họ là Giáo hội.”

Về phần Curtis Martin, vị sáng lập và giám đốc điều hành của FOCUS, ông nhận định môi trường đại học là “nơi được thúc đẩy nhất trong nền văn hóa.” Ông nói: “Nếu bạn muốn thay đổi mọi thứ, bạn cần đi đến đó đầu tiên.” Ông nói thêm rằng: các huynh trưởng, các đôi hôn nhân, giáo viên, Linh mục, các thành phần trẻ tương lai đều đang đi qua đại học của họ bây giờ.

Hiện tại có hơn 550 thừa sai FOCUS toàn thời gian tại 125 học viện tại 38 tiểu bang. Theo ông Martin, ý tưởng “nếu một người tràn đầy lửa yêu mến Chúa Kitô, họ nên đầu tư cuộc sống của họ nơi một ít người khác và chỉ yêu họ và mời gọi họ làm như thế” có thể được thực hiện và thực hiện ở mọi nơi.

Vào tháng 2/1997, Curtis Martin và Scott Hahn tuyên bố việc sáng lập FOCUS trên liveshow của Mẹ Angelica. Mẹ Angelica rất thích với sáng kiến này và đã nói với khán giả góp tặng tiền cho FOCUS. Đêm đó, FOCUS quyên góp được 10 ngàn đô la. Cũng trong thời gian này, Đức Tổng Giám mục Charles Chaput, lúc đó là Tổng giám mục Denver đã mời FOCUS thành lập trụ sở trong giáo phận của ngài.

Hội nghị quốc gia đầu tiên của FOCUS vào năm 1999 chỉ có 25 sinh viên tham dự, nhưng lần này có gần 13 ngàn. Đức Tổng Giám mục Charles Chaput nhận xét điều này vượt ngoài sự tưởng tượng của ngài.

Scott Hahn nhận định rằng chìa khóa của công cuộc Loan báo Tin Mừng mới chính là niềm vui của Tin Mừng, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói. Ông nói: “Tất cả điều các bạn phải làm là vui sướng là người Công giáo vì đó là điều những người khác tìm kiếm. Và trong tiến trình, các bạn thật sự đang triển khai tình bạn. Không chỉ 13 ngàn, nó là hàng trăm ngàn sẽ được 13 ngàn bạn trẻ này tiếp cận.”

Arturo Rodriguez, một sinh viên của đại học Texas cho biết phần yêu thích nhất tại hội nghị lần này đối với anh là chầu Thánh thể vào đêm thứ năm tại phòng chính với 13 ngàn người. Anh nói: “Đó là lần chầu Thánh Thể tốt nhất mà tôi đã từng tham dự.” Trong đêm đó cũng đã có hơn 4000 bạn xưng tội. Rodriguez nói rằng khi anh trở vền nhà, anh sẽ tìm kiếm bất cứ cơ hội nào có ở đại học của anh để anh có thể tham dự hơn vào đức tin của mình. (CAN 10/01/2017)

Hồng Thủy

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: 8-1-2017

Kinh truyền tin với Đức Thánh Cha: 8-1-2017

VATICAN. Mặc dù trời giá lạnh, 20 ngàn tín hữu hành hương đã đến tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha trưa ngày 8-1-2017 tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng thuật lại biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giordan. Ngài nói:

”Hôm nay lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Tin Mừng (3,13-17) trình bày cho chúng ta cảnh tượng nơi sông Giordan: giữa đám đông hối nhân đến cùng thánh Gioan Tẩy Giả để nhận phép rửa cũng có cả Chúa Giêsu. Ngài cũng xếp hàng. Gioan muốn ngăn cản Ngài đừng làm như thế và nói: ”Chính tôi mới là người cần được Ngài rửa cho' (Mt 3.,14). Thực vậy Thánh Gioan Tẩy Giá ý thức khoảng cách lớn giữa thánh nhân và Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đến chính là để lấp đầy khoảng cách giữa con người và Thiên Chúa: nếu Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa, thì hoàn toàn là con người, và Ngài kết hợp những gì đã bị phân rẽ. Vì thế, Chúa Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho, để hoàn tất mọi công lý (Xc v.15), nghĩa là thực hiện kế hoạch của Chúa Cha, tiến qua con đường vâng phục và liên đới với con người yếu đuối và tội lỗi, con đường khiêm hạ và hoàn toàn gần gũi của Thiên Chúa vơi các con cái Ngài. Vì Thiên Chúa rất gần gũi chúng ta!

”Sau khi được Gioan làm phép rửa, Chúa Giêsu từ sông Giorđan bước lên, có tiếng Chúa Cha phán từ trên cao: ”Đây là con yêu dấu của Ta: đẹp lòng Ta mọi đàng” (v.17). Đồng Thời Thánh Linh, dưới hình chim bồ câu, đậu xuống trên Chúa Giêsu, và công khai khởi sự sứ mạng cứu độ của Người; Sứ mạng theo kiểu một người đầy tớ khiêm nhường và hiền lành, chỉ có sức mạnh của chân lý, như ngôn sứ Isaia đã tiên báo: ”Người sẽ không kêu to, không lên giọng,..[…] không bẻ gẫy cây sậy đã bị dập, không dập tắt tim đèn còn ngún; Người sẽ công bố công chính với sự thật” (42,2-3).

ĐTC nhận xét rằng: Đầy tớ khiêm hạ và hiền lành. Đó là đường lối của Chúa Giêsu và cách thức truyền giáo của các môn đệ Chúa Kitô: Loan báo Tin Mừng trong sự hiền lành và cương quyết, không kiêu hãnh hoặc áp đặt. Truyền giáo đích thực không bao giờ là chiêu dụ tín đồ nhưng là thu hút về cùng Chúa Kitô. Nhưng làm cách nào? thưa bằng chứng tá của chúng ta, đi từ sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong kinh nguyện, trong sự thờ lạy và qua bác ái cụ thể, phục vụ Chúa Giêsu hiện diện nơi người bé nhỏ nhất trong số các anh em. Noi gương Chúa Giêsu, mục tử nhân lành và thương xót, được ơn thánh của Chúa linh hoạt, chúng ta được kêu gọi biến cuộc sống của mình thành một chứng tá vui mừng soi sáng con đường mang hy vọng và yêu thương”

Lễ này làm cho chúng ta tái khám phá hồng ân và vẻ đẹp là một dân được rửa tội, nghĩa là chúng ta là những tội nhân, nhưng đã được ơn thánh của Chúa Kitô cứu vớt, được thực sự tháp thập vào quan hệ con thảo của Chúa Giêsu với Chúa Cha, nhờ Thánh Linh, được đón nhận vào lòng Mẹ Giáo Hội, có khả năng được một tình huynh đệ vô tận và không có hàng rào nào.

Và ĐTC kết luận rằng: Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp tất cả các tín hữu Kitô giữ cho ý thức luôn sinh động và biết ơn về phép rửa và trung thành tiến bước trên con đường mà bí tích tái sinh chúng ta đã mở ra, và luôn luôn khiêm tốn, hiền lành và cương quyết”.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC cho biết ngài đã rửa tội ban sáng trước đó cho 28 trẻ em, và hôm thứ bảy vừa qua (7-1-2017), ngài đã rửa tội cho một dự tòng. Ngài nói: ”Tôi muốn cầu nguyện cho tất cả các cha mẹ trong mùa này đang chuẩn bị cho một người con mình chịu phép rửa hoặc mới được rửa tội. Tôi khẩn cầu Thánh Linh xuống trên họ và các con cái để bí tích này, đơn sơ và đồng thời rất quan trọng, được sống với niềm tin tưởng và vui mừng.

ĐGC cũng mời mọi người hiệp với ”Mạng kinh nguyện của Giáo Hoàng trên hoàn cầu”, phổ biến qua các mạng xã hội, những ý chỉ cầu nguyện mà ngài đề nghị mỗi tháng cho toàn Giáo Hội. Như thế việc tông đồ cầu nguyện được tiến hành và làm gia tăng niềm hiệp thông.

Sau cùng, ĐTC mời gọi mọi người ”nghĩ đến tất cả những người sống trên đường phố, đang bị lạnh, và nhiều khi chịu sự dửng dưng lãnh đạm. Tiếc là có phải người chết vì lạnh. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và xin Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng ta để có thể giúp đỡ họ.”

Thời tiết giá lạnh ở Italia đã làm cho 8 người chết (so với 53 người chết tại Ba Lan). Đức TGM Krajewski, Chánh sở từ thiện của ĐTC đã mở các nhà ngủ 24 tiếng đồng hồ để đón những người vô gia cư đến trú ngụ. Ai không muốn đến những nơi đó, thì có 2 chiếc xe minibus của sở này cho họ ngủ đêm. Ngoài ra, họ cũng được phát các túi ngủ ấm.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

Đức Thánh Cha rửa tội cho 28 hài nhi

VATICAN. Nhân lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, 8-1-2017, ĐTC Phanxicô đã ban phép rửa tội cho 28 hài nhi và mời gọi các cha mẹ bảo tồn và làm tăng trưởng đức tin cho con cái.

Thánh lễ rửa tội bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và kéo dài 2 tiếng đồng hồ tại nhà nguyện Sistina trong dinh Tông Tòa. 28 hài nhi gồm 15 nam và 13 nữ, hầu hết là con của các nhân viên Vatican. Trong số các em nam, có 4 em mang tên thánh là Phanxicô.

Đây là lần thứ 4 ĐTC ban phép rửa tội cho các hài nhi tại Nhà nguyện Sistina, cũng là nơi được dùng làm mật nghị bầu giáo hoàng, và nổi danh với các bức bích họa của Michelangelo, được các du khách viếng thăm nhiều nhất trong số các tác phẩm nghệ thuật tại viện bảo tàng Vatican.

Phụ giúp ĐTC trong thánh lễ này có 3 Tổng Giám Mục, 1 GM và 13 giám chức khác, trước sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có 56 cha mẹ của các em được rửa tội.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng vắn tắt, ĐTC ứng khẩu nhắc nhở các cha mẹ và những người hiện diện về ý nghĩa bí tích rửa tội và nói:

”Anh chị em đã xin đức tin cho con cái. Đức tin sẽ được ban trong phép rửa tội, nghĩa là cuộc sống đức tin, vì đức tin cần phải được sống, tiến bước trên con đường đức tin và làm chứng về đức tin. Đức tin không phải là đọc kinh Tin Kính những ngày chúa nhật trong thánh lễ mà thôi. Đức tin là tin chân lý: Thiên Chúa là Cha đã sai Con của Ngài và Thánh Linh làm cho chúng ta được sống.. Nhưng đức tin cũng là tín thác nơi Thiên Chúa và điều này anh chị em cần phải dạy cho con cái, bằng gương sáng và bằng cuộc sống của anh chị em. Đức tin là ánh sáng: trong nghi thức làm phép rửa, anh chị em sẽ nhận được cây nến sáng như thời đầu của Giáo Hội. Thời đó, phép rửa được gọi là sự soi sáng, vì đức tin soi sáng tâm hồn, làm cho thấy sự việc với một ánh sáng khác”.

ĐTC nhắc nhở rằng ”các cha mẹ có nghĩa vụ phải làm cho đức tin tăng trưởng, giữ gìn và làm cho đức tin trở thành chứng tá cho tất cả những người khác. Đó là ý nghĩa của nghi lễ này. Xin anh chị em đừng quên: Anh chị em đã xin đức tin, nghĩa vụ của anh chị em là giữ gìn và làm cho đức tin tăng trưởng, và trở thành chứng tá cho tất cả chúng tôi, cho cả các linh mục, giám mục nữa”.

”Hòa nhạc” của các hài nhi

Trong lúc ĐTC giảng có nhiều tiếng khóc của các hài nhi, ĐTC không hề phật ý hay khó chịu. Ngài gọi tiếng khóc của các em trong lúc ấy giống như một buổi hòa nhạc!.. và nói: cuộc ”hòa nhạc” này là vì các em đang ở trong một nơi không quen thuộc, vì các em phải thức dậy sớm hơn bình thường, và có lẽ em này cất tiếng khóc thì các em khác cũng bắt chước theo.. Chúa Giêsu cũng khóc như thế. Tôi thích nghĩ rằng bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong máng cỏ là tiếng khóc!”

Trong các ý nguyện được xướng lên trong phần Lời nguyện giáo dân, có một ý nguyện cầu cho các trẻ em đang chịu đau khổ, ”xin Chúa luôn khơi dậy những người nam nữ có khả năng cúi mình xuống trên các em với lòng yêu thương không biết mệt mỏi”.

G. Trần Đức Anh OP

Kinh nghiệm của một Linh mục Thừa sai Lòng thương xót

Kinh nghiệm của một Linh mục Thừa sai Lòng thương xót

Cha John Paul Zeller là một tu sĩ dòng Thừa sai Phanxicô Lời vĩnh cửu, do mẹ Angelica sáng lập. Cha cũng là một trong hơn 1000 Thừa sai Lòng thương xót, được Đức Thánh Cha Phanxicô sai đi khắp thế giới trong Năm Thánh, như các sứ giả của lòng thương xót. Các Thừa sai Lòng thương xót nhấn mạnh đến vài trò rao giảng về lòng thương xót và cụ thể lòng thương xót qua bí tích  giải tội. Trong một năm qua, cha John Paul đã sống những kinh nghiêm tuyệt vời về lòng thương xót. Chúa đã làm cha ngạc nhiên nhiều lần khi cha cảm nghiệm lòng thương xót Chúa dành cho một hối nhân trong tòa giải tội. Như một Linh mục, là khí cụ nhân danh Đức Kitô, có thể lau sạch sự dơ bẩn cặn bã của hàng thập kỷ nhờ phép tha tội trong bí tích, là một trong những điều vĩ đại nhất mà cha làm mỗi ngày. Sứ vụ của Thừa sai lòng thương xót giúp cha hiểu hơn về bí tích giải tội. Chúng ta cần biết, việc xưng tội thường xuyên giúp chúng ta tham dự hữu hiệu hơn vào hy tế hy sinh của Thánh lễ. Cha xưng tội mỗi 2 tuần vì cha nhận biết là mình không thể là một cha giải tội tốt nếu cha không phải là một hối nhân tốt. Sự thống hối của các tín hữu khi đến tòa giải tội giúp cha tự xét mình, tôi có thống hỗi về tội lỗi của mình không. Cha chứng kiến cách Chúa khiến một người ăn năn. Ăn năn là một phép lạ của ân sủng và đối với cha, mỗi khi một người quỳ xuống xưng tội, đó là phép lạ của ân sủng của Chúa.

Cha John Paul cầu nguyện để mình không bào giờ mỏi mệt là một Thừa sai của Lòng thương xót. Năm Thánh lòng thương xót đã kết thúc, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói, không có nghĩa là lòng thương xót cũng kết thúc, cha John Paul cũng nghĩ là các tín hữu không ngừng thương xót và ngừng thực hành các công việc thương xót tinh thần và thể lý. Lòng thương xót của Thiên Chúa tồn tại mãi mãi.

Mới chịu chức Linh mục được hơn 3 năm, cha John Paul gọi mình là Linh mục baby – em bé, nhưng cha tin rằng khi chính Linh mục yêu mến và thực hành việc xưng tội thì điều này được tỏ hiện qua cách các ngài dâng lễ và giảng Lời Chúa. Cha chia sẻ những kinh nghiêm của mình với các Linh mục về sự tha thứ và bí tích giải tôi: “Chúng ta cần những Linh mục can đảm giảng dạy cách rõ ràng về Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô và các giáo huấn của Hội thánh. Tôi hy vọng các Linh mục mời gọi giáo dân lãnh nhận Bí tích hòa giải. Nếu chúng ta không giảng dạy về niềm vui của tha thứ mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta trong các bí tích thì dân chúng sẽ không đến.” Cha John Paul cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của những Linh mục kiên nhẫn khi chờ đợi giáo dân đến xưng tội. Ngài nói: “Thiên Chúa rất kiên nhẫn với chúng ta, vì vậy chúng ta, là các Linh mục, cũng cần kiên nhẫn với dân Chúa. Nếu chúng ta ngồi và chờ đợi thì cuối cùng giáo dân sẽ đến. Chính cha thánh Gioan Maria Vianey làm chứng về điều này. Khi ngài mới đến làm cha sở xứ Ars, ngài đã ngồi ở tòa giải tội chờ các tín hữu đến xưng tội. Cuối cùng, dân chúng từ khắp châu Âu lũ lượt kéo đến xung tội với vị Linh mục thánh thiện này.”

Cha John Paul chia sẻ về một ít lần trong Năm Thánh này, ngài đã xin lỗi công khai “nhân danh các Linh mục, những người đã “nặng tay hay dữ dằn với giáo dân trong tòa giải tội.” Trong những trường hợp người ta rời bỏ Giáo hội vì gặp phải những kinh nghiệm không hay khi trong tòa giải tội, cha đã xin họ tha thứ và khuyến khích họ trở lại. Cha nhận thấy nhiều người đã lau nước mắt và đi đến tòa giải tội. Cha chia sẻ ví dụ về một phụ nữ đã nhận lời xin lỗi nhân danh chồng của bà, người đã bỏ giáo hội Công giáo từ 25 năm trước, sau một lần đến xưng tội và bị cha giải tội la mắng ở tòa giải tội. Sau  khi xin người vợ số điện thoại của người chồng, cha John Paul đã điện thoại cho ông và xin ông tha thứ.

Cha John Paul chia sẻ: “Là các Linh mục, chúng ta rất cần kiên nhẫn và cảm thông với các giáo dân trong tòa giải tội." Cha nhớ lại một vị linh hướng đã nói với cha khi cha còn trong giai đoạn huấn luyện rằng “các Linh mục nên giống như các con sư tử trên tòa giảng nhưng lại như các con cừu hiền lành ở tòa giải tội.” (CNA 19/11/2016)

Hồng Thủy

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

Phân phát 50 ngàn cuốn sách ”Hình ảnh lòng thương xót”

VATICAN. Sở từ thiện của ĐTC đã phân phát 50 ngàn cuốn sách bỏ túi với tựa đề ”Hình ảnh lòng thương xót” (Icone di Misericordia) cho các tín hữu tham dự buổi đọc kinh truyền tin trưa ngày 6-1-2017 tại quảng trường Thánh Phêrô.

Cuốn sách này như quà tặng của ĐTC đã được 300 người vô gia cư, nhiều người thiện nguyện và các tu sĩ phân phát vào cuối buổi đọc kinh, như một thành quả nhỏ của Năm Thánh Lòng Thương Xót, và chứa đựng một số suy tư và kinh nguyện về Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh Chúa Giêsu Thương Xót được trình bày qua 6 giai thoại Tin Mừng kể lại kinh nguyện của 6 người đã được tình yêu thương xót của Chúa biến đổi, đó là Ông Zakêu, Mathêu người thu thuế, người phụ nữ xứ Samaria, người trộm lành, sau cùng là Tông Đồ Phêrô.

Sau buổi đọc kinh, hơn 300 người vô gia cư đã được ĐTC tặng các hộp thực phẩm và nước uống (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

Đức Thánh Cha cử hành lễ Chúa Hiển Linh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu khám phá ra trong cái nhìn của Thiên Chúa có chỗ cho những người bị thương, người cơ cực, bị ngược đãi, người bị bỏ rơi!

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ cử hành sáng ngày 6-1-2017, tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân lễ Chúa Hiển Linh, trước sự hiện diện của khoảng 8 ngàn tín hữu. Đồng tế với ĐTC có gần 30 Hồng Y, hơn 30 GM và gần 200 linh mục.

Trong bài giảng, sau khi phân tích tâm trạng của 3 vị Đạo Sĩ lên đường tìm kiếm và thờ lạy Chúa dưới sự hướng dẫn của ngôi sao, ĐTC nhận xét rằng: ”Họ được niềm hoài tưởng Chúa hướng dẫn… Niềm hoài tưởng ấy phát xuất từ tâm hồn tin tưởng, biết rằng Tin Mừng không phải là một biến cố của quá khứ nhưng của hiện tại.. Niềm hoài tưởng Thiên Chúa là thái độ phá vỡ sự xu thời nhàm chán và thúc đẩy chúng ta dấn thân đạt được sự thay đổi mà chúng ta ao ước và đang cần đến”.

ĐTC nói: ”Người tín hữu hoài tưởng, được niềm tin thúc đẩy, đi tìm kiếm Thiên Chúa, như các đạo sĩ, tại những nơi xa lạ nhất của lịch sử, vì trong tâm hồn họ biết rằng Chúa đang đợi họ tại đó. Họ đi tới khu ngoại ô, nơi biên cương, đến những nơi không được loan báo Tin Mừng, để có thể gặp gỡ Chúa tại đó; họ không thực hiện điều ấy với thái độ tự tôn, nhưng như một người hành khất không thể làm ngơ không biết đến đôi mắt của người mà Tin Mừng vẫn còn là thửa đất cần khám phá”. (SD 6-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Đức Hồng Y Tagle của Manila sẽ rửa tội cho 400 trẻ em nghèo

Manila – Ngày 14/01 tới đây, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, sẽ cùng với cha Matthieu Dauchez, giám đốc điều hành quỹ Tulay Ng Kabataan (TNK) và 10 Linh mục khác rửa tội cho 400 trẻ em từ các khu ổ chuột của thành phố Manila. Đức Hồng Y Tagle thỉnh thoảng cũng dành thời gian cho các trẻ em đang được TNK chăm sóc.

Cha Dauchez nói: “Thật là khó để mang các trẻ em bị thương tổn đến gần với Chúa, nhưng ngược lại, thật dễ dàng mang Thiên Chúa đến với các em qua các bí tích.”

Elise Cruse, người điều hành thông tin liên lạc của quỹ TNK, cho biết, TNK đang giúp các gia đình nghèo có thể tiếp cận không chỉ với những trợ giúp vật chất nhưng cả sự nuôi dưỡng tinh thần nhờ các bí tích. Cruse giải thích: “Các gia đình đang sống trong các khu ổ chuột và trên đường phố của thành phố Manila không chỉ dễ gặp nguy hiểm và đe dọa, nhưng họ còn không được lãnh nhận bí tích suốt thời gian dài. Chúng tôi nhận thấy rằng các gia đình nghèo khổ nghĩ là họ không thể đến lãnh nhận bí tích vì sự nghèo khổ của họ. Họ nghĩ là họ phải trả phí tổn, dù các bí tích được trao ban hoàn toàn nhưng không.” Cô cho biết thêm là những người nghèo còn không biết họ phải làm gì và làm như thế nào. TNK và RCAM nhắm thay đổi điều này bằng cách giúp cho nhiều trẻ em được rửa tội.

TNK giúp các trẻ em đường phố từ năm 1998. Mỗi năm có 1300 trẻ em được tiếp đón trong 24 trung tâm. Trong 18 năm qua, hàng ngàn trẻ em đã rời bỏ cuộc sống đường phố. (CBCP News)

Hồng Thủy

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha lễ Hiển Linh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 30 ngàn tín hữu trưa ngày 6-1-2016, lễ Chúa Hiển Linh, ĐTC mời gọi mọi người hãy bước theo ánh sáng của Chúa Giêsu và mặc lấy ánh sáng của Người.

Lúc 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại một cửa sổ ở dinh Tông Tòa và ngỏ lời với các tín hữu ở Quảng trường Thánh Phêrô qua bài huấn dụ ngắn. Ngài giải thích ý nghĩa lễ Chúa Hiển Linh, nhất là sự kiện 3 Đạo sĩ được ngôi sao dẫn đường đến Bêlem thờ lạy Chúa Hài Đồng. Ngài nói:

”Trong đời sống chúng ta cũng có nhiều ngôi sao khác nhau, những ánh sáng chiếu sáng và hướng dẫn, chúng ta có nhiệm vụ chọn lựa và đi theo. Có những ánh sáng nhấp nháy, đến rồi đi, như những thỏa mãn nhỏ trong cuộc sống: chúng không đủ, vì chỉ kéo dài trong chốc lát và không để lại an bình mà chúng ta tìm kiếm. Rồi có những ánh sáng chóa mắt như đèn chiếu, của tiền bạc và thành công, hứa tất cả và tức khắc: những ánh sáng ấy thu hút, nhưng với sức mạnh của chúng, chúng chỉ làm mù và đưa những giấc mơ vinh quang tiến vào tối tăm dầy đặc. Trái lại, các Đạo Sĩ mời gọi chúng ta bước theo ánh sáng bền vững và dịu dàng, không tàn lụi vì không thuộc về thế gian này: nhưng đến từ trời và chiếu sáng trong tâm hồn. Ánh sáng chân thật này là ánh sáng của Chúa, hay đúng hơn, là chính Chúa Giêsu. Ngài là ánh sáng của chúng ta, ánh sáng không làm chóa mắt, nhưng đồng hành và mang lại niềm vui có một không hai. Ánh sáng này dành cho tất cả mọi người và kêu gọi mỗi người. Như thế chúng ta có thể nghe lời mời gọi của ngôn sứ Isaia gửi đến chúng ta hôm nay: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng” (60,1). Vào mỗi đầu ngày, chúng ta có thể đón nhận lời mời gọi này: Hãy trỗi dậy, hãy mặc lấy ánh sáng”, hãy bước theo ngôi sao sáng của Chúa Giêsu, giữa bao nhiêu sao băng của trần thế!

ĐTC cũng giải thích rằng ”Ai muốn ánh sáng thì đi ra khỏi mình và tìm kiếm: không ở lại trong tình trạng khép kín, nhưng dấn thân.. Đời sống Kitô là một hành trình liên lỷ, gồm ánh sáng và tìm kiếm; một hành trình giống như hành trình của các Đạo Sĩ, tiếp tục tiến bước cả khi ngôi sao nhất thời biến mất. Trong hành trình ấy cũng có những cạm bẫy cần phải tránh, những chuyện tầm phào hời hợt, và theo tinh thần thế tục, cản bước tiến: những tính khí thay đổi ích kỷ làm tê liệt, những ổ gà bi quan, bóp nghẹt hy vọng. Những chướng ngại ngăn chặn những thầy thông luật như Phúc Âm hôm nay nói đến. Họ biết ánh sáng ở đâu, nhưng không lên đường. Kiến thức của họ là vô ích; biết rằng Thiên Chúa đã sinh ra thì vẫn chưa đủ, nếu không cùng với Ngài thực hiện Giáng Sinh trong tâm hồn”.

Trong phần chào thăm các tín hữu, ĐTC đặc biệt chúc mừng các cộng đoàn Giáo Hội Đông phương, mừng lễ Giáng Sinh ngày 7-1 theo lịch Giuliano. Ngài cũng nhắc đến đoàn tuần hành mặc y phục như Ba Đạo Sĩ và những người tháp tùng. Năm nay, đoàn tuần hành này được dành cho miền nam Umbria và nhắm phổ biến các giá trị liên đới và huynh đệ”. (SD 6-1-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

Đức Thánh Cha khuyến khích những người làm mục vụ ơn gọi

VATICAN. ĐTC khích lệ những người dấn thân trong việc mục vụ ơn gọi biết lắng nghe, đón nhận những băn khoăn và khao khát của người trẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm qua, 5-1, dành cho 800 tham dự viên Hội nghị do Văn phòng toàn quốc Italia về mục vụ ơn gọi tổ chức trong những ngày này với chủ đề: ”Hãy đứng lên, tiến bước, và đàng sợ hãi”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Cha Galantino, Tổng thư ký HĐGM Italia.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nói đến hai đặc tính của những người mục vụ ơn gọi là lòng hăng say dấn thân và tinh thần nhưng không, phục vụ Giáo Hội và tôn trọng, tìm kiếm thiện ích của những người mà mình đồng hành trên con đường phân định ơn gọi.

Ngài cũng khẳng định rằng: ”Để đáng tín nhiệm và hòa hợp với người trẻ, cần dành ưu tiên cho việc lắng nghe, biết dành thời giờ cho việc đón nhận những câu hỏi và ước muốn của họ. Chứng tá của anh chị em càng có sức thuyết phục, nếu anh chị em, vui mừng và trong sự thật, biết kể lại vẻ đẹp, sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của người đươc Thiên Chúa yêu thương, sống sự chọn lựa con đường sống của mình với lòng biết ơn, để giúp tha nhân để lại một vết tích đặc sắc trong lịch sử”.

ĐTC giải thích rằng ”điều này đòi anh chị em không được mất định hướng vì những quyến rũ bên ngoài, nhưng tín thác nơi lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa, hun nóng lòng trung thành của chúng ta trong việc chọn lựa theo Chúa và sự tươi mát của ”tình đầu” trong việc theo đuổi ơn gọi” (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

Đức Thánh Cha tiếp dân chúng các vùng bị động đất ở Italia

VATICAN. Sáng 5-1-2017, ĐTC đã tiếp kiến các giới chức chính quyền, giáo quyến và hàng ngàn người bị động đất ở miền Trung Italia hồi năm ngoái.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 có 800 người thuộc tổng giáo phận Spoleto-Norcia, 500 người từ giáo phân Rieti, và 500 người khác bị động đất đang tạm trú ở Roma. Ngoài ra có các vị thị trưởng, xã trưởng và chính quyền 4 miền Marche, Umbria, Lazio và Abruzzo cùng với các GM giáo phận liên hệ.

Trước buổi tiếp kiến, lúc 11 giờ có nghi thức rước Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ vào đại thính đường. Thánh giá này từ ngày thứ tư lễ tro, 1 tháng 3 tới đây, sẽ được rước tới các giáo phận bị động đất, và kết thúc ngày 25-3-2017 tại Đền thánh Đức Mẹ Loreto, nơi sẽ diễn ra buổi canh thức miền để cầu cho ơn gọi.

ĐTC đã tiến vào Đại thính đường lúc 11 giờ rưỡi để bắt đầu buổi tiếp kiến. Ngỏ lời với mọi người sau chứng từ của một gia trưởng bị động đất, và một cha sở ở địa phương, ngài đã ứng khẩu chia sẻ đau khổ và tái bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân và cùng cầu nguyện với các tín hữu cho những người đã bị thiệt mạng, cũng như những người bị thương còn được điều trị. Ngài nhấn mạnh đến sự ”tái thiết tâm hồn trước khi tái tạo nhà cửa”: ”Tái thiết là nhu cầu cấp thiết và để tái thiết chúng ta cần có con tim và đôi tay, tay của chúng ta và của tất cả mọi người..” ĐTC cũng nhận xét rằng ”không có chỗ cho lạc quan ở đây, nhưng có chỗ cho hy vọng. Lạc quan là một thái độ hữu ích nhất thời, nhưng không có thực chất. Ngày nay cần có hy vọng để tái thiết và điều này chúng ta thực hiện bằng đôi tay”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Các vết thương sẽ lành, nhưng các vết sẹo vẫn còn suốt đời và sẽ là một kỷ niệm về lúc đau thương này”.

Các cuộc động đất ngày 24-8-2016, 26 và 30-10-2016 ở miền trung Italia đã làm cho 300 người chết, 40 ngàn người không còn gia cư. Nhiều thánh đường bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn, trong đó có Vương cung thánh đường thánh Biển Đức ở Norcia, nơi sinh của thánh nhân.

Thứ bẩy, 14-1 tới đây, tại nguyện đường nhà trọ thánh Martha nơi ngài cư ngụ, ĐTC sẽ rửa tội cho 8 hài nhi con cái của các nạn nhân bị động đất. (SD 5-1-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Ngày 18 tháng 10 năm vừa qua Tổng tu nghị Dòng Tên đã bầu cha Arturo Sosa Abascal người Venezuela làm Bề trên tổng quyền thứ 30 của Dòng. Cha Sosa sinh năm 1948, khấn trọn năm 1982, đã từng là cố vấn và đại diện cho các nhà và các cơ sở liên giám tỉnh của dòng tại Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết thân thế của cha, cha đã trở thánh linh mục dòng tên như thế nào, và từ vài tháng nay cha là Bề trên tổng quyền của Dòng.

Đáp: Để biết tôi là ai thì chỉ cần chú ý tới hai nguồn hiện tại là gia đình tôi và trường của dòng Tên tại Caracas, nơi tôi đã theo học từ bậc tiểu học cho tới trung học, là đủ, nghĩa là từ khi tôi lên 5 tuổi cho  catới khi 17 tuổi. Gia đình tôi đã sinh sống tại Venezuela từ ba đời, nhưng ông ngoại tôi là người gốc vùng Santander bên Tây Ban Nha, di cư sang châu Mỹ Latinh. Chúng tôi có 6 anh em, tôi là anh cả. Sau đó là đến hai em gái, một em trai hiện sống bên Hoa Kỳ và hai em gái kế. Tất cả các em gái đều sống tại Venezuela. Gia đình tôi là một gia đình thực hành đạo, có một bà dì nữ tu, và một ông anh họ tu sĩ dòng Tên. Chính trong gia đình mà tôi đã học cầu nguyện và rộng mở cho người khác. Ngay từ ngày còn bé cha tôi thường cho tôi đi theo trong các cuộc du hành của ông trên toàn nước Venezuela. Ông là trạng sư,  kinh tế gia và là một thương gia buớc vào làm chính trị. Ông đã là bộ trưởng tài chánh trong vòng một năm trong chính phủ chuyển tiếp, sau khi chế độ độc tài của tổng thống Marcos  Perez Jiménes cáo chung. Hầu như trong suốt thế kỷ XIX Venezuela đã trải qua các chính quyền độc tài, và trong thập niên 1950 dấn thân của cha tôi là tạo ra các không gian dân chủ. Và trong gia đình tôi đã học biết rằng không ai có thể tự cứu thoát một mình. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, thì phải góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc của quốc gia.

Hỏi: Và nguồn khác mà cha nhắc tới trên đây là gì, thưa cha?

Đáp: Nó cũng quan trọng như nguồn thứ nhất vậy. Tại trường thánh Ignazio, nơi tôi đã theo học hầu như 13 năm, từ năm 1953 cho tới năm 1966, đã có rất đông các tu sĩ dòng Tên trẻ, và chúng tôi ở trường từ sáng cho tới chiều, từ thứ hai cho tới thứ bẩy. Sau tuần học các tu sĩ dẫn chúng tôi đi thăm các nhà thương hay đi dạo ngoài đồng quê để tiếp xúc với các nông dân. Tôi nhớ tới các năm này như một môi trường rất là sáng tạo. Tôi cũng đã là thành viên của một hiệp hội thánh mẫu, và hồi đó thú thật là tôi chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ rất dở. Sau khi mãn trung học tôi đã cảm thấy là để góp phần tốt hơn cho thiện ích của tất cả mọi người  tôi phải gia nhập dòng Tên. Và thế là ngày 14 tháng 9 năm 1966, ít ngày trước khi lên 18 tuổi, tôi đã xin nhập dòng.

Hỏi: Như vậy các năm huấn luyện đã ra sao và các năm sau đó cha đã làm gì?

Đáp: Việc chuẩn bị tôi ấy à? Đó là việc đào tạo huấn luyện của dòng Tên theo các chặng: các năm nhà tập, chương trình học triết học và thần học tại đại học công giáo Andres Bello trong thủ đô Caracas, rồi một thời gian tại Trung tâm Gumilla do các tu sĩ dòng Tên điều khiển nhằm trợ giúp các hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng tại miền trung Venezuela, rồi theo học thần học tại Roma trong trường Chúa Giêsu và đại học giáo hoàng Gregoriana giữa các năm 1974-1977, là năm tôi được thụ phong Linh Mục. Nhưng tôi đã trở về Venezuela để học bổ túc về thần học, trong khi tôi dọn luân án tiến sĩ về các khoa học chính trị tại đại học chính của thủ đô Caracas. Đây là môn tôi đã dậy tại trung tâm Gumilla cũng như tại đại học Andres Bello, đặc biệt là lịch sử các tư tưởng. Trong gần 20 năm tôi cũng đã là giám đốc nguyệt san “Sic” của dòng Tên. Từ năm 1996 tới 2004 tôi đã là bề trên giám tỉnh của dòng tại Venezuela, và sau cùng là viện trưởng đại học công giáo Táchira từ năm 2004 cho tới năm 2014. Năm 2014 cha Bề trên tổng quyền đã gọi tôi về Roma để đặc trách các nhà quốc tế của dòng, nơi có 400 tu  sĩ dòng Tên làm việc dưới quyền của ngài.

Hỏi: Thưa Cha, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của dòng một linh mục không phải ngưòi âu châu được bầu làm Bề trên tổng quyền có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây chắc chắn là hoa trái của sự thay đổi đang xảy ra trong toàn Giáo Hội, và là một dấu chỉ của tính cách công giáo của nó, cũng như trong biến cố bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một dữ kiện lịch sử rất quan trọng, không thể chối cãi được: đó chính là tinh thần truyền giáo quảng đại của Âu châu đã cho phép điều này, và tạo thuận tiện cho việc hội nhập văn hoá, là nét đặc thù của các tu sĩ dòng Tên và của các cứ điểm truyền giáo do các tu sĩ điều khiển. Tiến trình này đã kéo dài một thế kỷ rưỡi, và ngày nay đã đưa dòng tới chỗ là một thực tại đa văn hóa, nhập thể vào trong hàng chục nền văn hóa khác nhau, để giúp con người và các xã hội trở thành nhân bản hơn, bằng cách chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô, dung nhan của Thiên Chúa. Đây là một sự phong phú khổng lồ đối với các tu sĩ dòng Tên và tất cả mọi Giáo Hội. Chẳng hạn như Giáo Hội châu mỹ latinh là một Giáo Hội rất sinh động, nhưng thường bị trình bầy một cách bất công, bị san bằng trên nền thần học giải phóng, là nền thần học cũng hay bị giới thiệu một cách chế nhạo như là mác xít: đây là một trung gian của đức tin kitô, mà tôi đã định nghĩa là không thể được, trong một bài viết hồi thập niên 1970.

Hỏi: Thưa cha, sức khoẻ của dòng Tên hiện nay ra sao? Nó đã mất đi phân nửa các tu sĩ so với nửa thế kỷ trước, chỉ còn lại vài trăm thầy, mà trước đây đông hơn nhiều. Và việc đào tạo hiện như thế nào?

Đáp: Số tu sĩ không phải là một tiêu chuẩn để phán đoán sức khỏe của các tu sĩ dòng Tên: ngay từ đầu thánh Ignazio đã nói tới “một hội dòng tối thiểu”. Chúng tôi thích phẩm chất hơn, và không có nghi ngờ là sự nghiêm ngặt  của việc đào  tạo của chúng tôi ngày nay còn lớn hơn xưa kia rất nhiều. Chắc chắn rồi, tôi không chối cuộc khủng hoảng mạnh mà chúng trôi đang trải qua bên Âu châu và bên Hoa Kỳ, chính yếu là vì phong trào tục hóa và cuộc khủng hoàng dân số. Việc đào tạo hàn lâm và tinh thần thiêng liêng phải chú ý tới sự kiện có nhiều chuyên viên gia nhập dòng. Và môi trường đào tạo cũng khác xưa rất nhiều, và mở rộng ra trong lãnh vực tâm lý, các khoa học xã hội, các lãnh vực khoa học. Cả đối với việc nâng cao trình độ văn hóa chung cũng cần phải thổi không khí  vào các tu sĩ, xưa kia vốn rất đông. Và tôi phải hãnh diện nói rằng ơn gọi của tôi là nhờ các tu sĩ rất nhiều, nhờ các tu sĩ giáo tập, giáo sư, cũng như nhờ các tu sĩ trẻ chưa là linh mục. Rất nhiều lần tôi câm nín trước kinh nghiệm về Thiên Chúa của các anh em này, là các tu huynh không linh mục. Tôi đặc biệt nhớ tới một thầy suốt đời làm việc trong một nông trại chăn nuôi gia súc: thầy đã là một người chiêm niệm. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hình thức lý tưởng của dòng Tên là  hình thức của các tu sĩ khấn, tức các tu sĩ đã tới lời khấn thứ bốn, ngày nay chiếm đa số, so với các trợ sĩ không khấn nó, và so với các tu sĩ kinh viện, đang còn trong thời kỳ đào tạo, và với các tu huynh.

Hỏi: Thưa cha tại sao dòng Tên lại không có nhánh nữ vậy?

Đáp: Đã có rất nhiều nữ tu, và họ là các nữ tu đã lấy hứng từ tinh thần tu đức của thánh Ignazio, họ chia sẻ tinh thần tu đức đó. Và tôi muốn nói thêm rằng không có phụ nữ thì một cách đơn thuần sẽ không thể nghĩ tới sứ mệnh của dòng Tên được. Đàng khác, ở nguồn gốc của các tu sĩ dòng Tên đã có một nhóm những người nam đã đuợc truyền chức quyết định sống một kiểu thánh hiến mới: cùng nhau sống như là các bạn đường và phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Hỏi: Nghĩa là một dòng nảy sinh để đứng ở hàng tiền đạo tại các vùng biên giới. Thế ngày nay dòng đang ở đâu và di chuyển như thế nào? Đâu là các biên giới của dòng Tên hiện nay thưa cha Bề trên tổng quyền?

Đáp: Chúng tôi là các thừa sai và các biên giới, như trong suốt lịch sử của dòng chúng tôi cho thấy, thì nhiều lắm: giáo dục, truyền thống cũng như bình dân, phục vụ người di cư tỵ nạn, hoạt động trong lãnh vực rất rộng lớn của việc tranh đấu cho công bằng xã hội,  và đào tạo dấn thân chính trị. Cùng với cuộc sống tu sĩ đây là một trong các đam mê của tôi: đó là chiến đấu và chiêm niệm, để dùng lại kiểu nói của vài thập niên trước.

Hỏi: Các tu sĩ dòng Tên có còn là các người đào tạo và các vị linh hướng nữa không, thưa cha?

Đáp: Có chứ. Ngày nay hơn bao giờ hết. Hiện nay việc phục vụ cuộc sống thiêng liêng này đã gia tăng các phương cách, các nơi chốn và con người. Các cuộc tĩnh tâm theo tinh thần của thánh Ignazio kéo dài một tháng hay cả một tuần không còn có thể làm nữa vì các tiết nhịp của cuộc sống thời đại. Và người ra đề nghị các hình thức khác trong cuộc sống thường ngày, có thể kéo dài tám hay chín tháng. Và giảng giải không phải chỉ có các tu sĩ dòng Tên và còn có nhiều người khác nữa, nữ giáo dân cũng như các nữ tu, nam giới và nữ giới. Sau Công Đồng Chung Vatican II, là một ơn sủng Chúa ban, chúng tôi nhậy cảm hơn rất nhiều đối với sự khác biệt của các ơn gọi và các ơn đến từ Thiên Chúa.

(Oss. Rom 21-12-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

duc-thanh-cha-chu-su-kinh-chieu-le-me-thien-chua

VATICAN. Chiều ngày 31-12-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Ngài đặc biệt kêu gọi giải quyết nạn thất nghiệp của giới trẻ.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 36 HY, đặc biệt là ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma, 7 GM phụ tá và 40 GM khác, 150 LM và khoảng 8 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã diễn giải mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống trần chia sẻ thân phận phàm nhân, gần gũi với tất cả những người phải chịu đau khổ, bị loại trừ. Ngài mời gọi các tín hữu dừng lại trước hang đá máng cỏ để khám phá Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tham dự vào công trình của Người, ”mời gọi chúng ta can đảm và quyết liệt đón nhận tương lai đang ở trước mặt chúng ta”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Khi nhìn máng cỏ, chúng ta gặp khuôn mặt của thánh Giuse và Mẹ Maria đầy hy vọng và ước mong, đầy câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ đang nhìn về đàng trước với nghĩa vụ không dễ dàng là giúp Chúa Hài Đồng tăng trưởng. Không thể nói về tương lai mà không chiêm ngưỡng những khuôn mặt trẻ trung ấy và đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với những người trẻ”.

ĐTC phê bình sự mâu thuẫn này: ”Một đàng chúng kiến tạo một nền văn hóa ca tụng sự trẻ trung, làm cho nó vĩnh cửu, nhưng đồng thời lại kết án những người trẻ của chúng ta không cho họ có một không gian để thực sự hội nhập vào, và dần dần chúng ta gạt họ ra ngoài đời sống công cộng, buộc họ phải xuất cư hoặc phải ăn xin những công việc mà họ không có được, hoặc không để cho họ được đề ra những dự phóng cho ngày mai.. Chúng ta dành ưu tiên cho sự đầu cơ thay vì những công việc xứng đáng và chân thực, giúp người trẻ trở thành những người tích cực nắm vai chính trong đời sống xã hội chúng ta. Chúng ta mong đợi nơi người trẻ và đòi họ phải trở thành men tương lai, nhưng chúng ta lại kỳ thị họ, ”buộc họ phải gõ những cánh cửa tiếp tục khép kín”.

”Chúng ta được mời gọi đừng như người chủ quán trọ ở Bethlehem, đứng trước một đôi vợ chồng trẻ, nói rằng: ở đây không có chỗ. Không có chỗ cho cuộc sống, cho tương lai”.

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, ĐTC đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá lớn tại đây. (SD 31-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 1-1-2017

su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi-1-1-2017

Ngày 1-1-2017 là Ngày Hòa Bình thế giới lần thứ 50 kể từ khi được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô 6 thiết lập. Lần này có chủ đề là ”Bất bạo động: một đường lối chính sách hòa bình”.

 Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều nước và đại lục, nạn khủng bố, tọi pháp, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. 

 ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

 ĐTC nhận xét rằng bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy… Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo… Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiển tạo hòa bình, chỉ để giúp đã một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ.

 ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình.

 ĐTC xác quyết: ”Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ”.

 Sau đây là toàn văn Sứ điệp Hòa bình của ĐTC, dịch từ nguyên bản tiếng Ý.

 1. Vào đầu năm mới, tôi gửi lời chân thành cầu chúc an bình tới các dân tộc và quốc gia trên thế giới, tới các vị Quốc Trưởng và Chính Phủ, cũng như các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo và những tổ chức khác của xã hội dân sự. Tôi cầu chúc an bình cho mỗi ngừơi nam, nữ, trẻ em và cầu nguyện để hình ảnh và sự sống Thiên Chúa nơi mỗi người giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những món quà thánh thiêng có một phẩm giá vô biên. Nhất là trong những tình trạng xung đột, chúng ta tôn trọng ”Phẩm giá sâu xa nhất” và biến bất bạo động thành một lối sống của chúng ta.

 Đây là Sứ điệp cho Ngày Hòa Bình Thế giới lần thứ 50. Trong sứ điệp đầu tiên, Đức Chân phước Giáo Hoàng Phaolô 6 đã ngỏ lời với tất cả các dân tộc, – không những với các tín hữu Công Giáo mà thôi,- với những lời thật rõ ràng: ”Sau cùng chúng ta thấy rất rõ rệt hòa bình là con đường duy nhất và chân thực của sự tiến bộ con người (không phải những căng thẳng của chủ nghĩa quốc gia tham vọng, không phải những chiếm đoạt bằng bạo lực, không phải những đàn áp đưa tới một trật tự dân sự giả tạo)”. Ngài cảnh giác trước ”nguy cơ tin rằng những tranh chấp quốc tế không thể giải quyết được bằng những con đường lý trí, nghĩa là bằng những cuộc thương thuyết dựa trên luật pháp, công lý, công chính, nhưng chỉ bằng những cuộc thương thuyết dựa trên sức mạnh làm cho đối phương nể sợ và gây chết chóc”. Trái lại, ngài trích dẫn thông điệp ”Hòa bình dưới thế” của vị tiền nhiệm là thánh Gioan 23, ca ngợi ”ý nghĩa và lòng yêu mến hòa bình dựa trên sự thật, công lý, tự do và tình thương”. Những lời này rất thời sự, ngày nay nó không kém phần quan trọng và cấp thiết so với cách đây 50 năm.

 Trong dịp này tôi muốn bàn về sự bất bạo động như một đường lối chính trị hòa bình và cầu xin Chúa giúp tất cả chúng ta kín múc nơi sự bất bạo động trong chiều sâu của tâm tình và những giá trị bản thân của chúng ta. Ước gì đức bác ái và bất bạo động hướng dẫn cách thức chúng ta đối xử với nhau trong các quan hệ giữa người với nhau, trong các quan hệ xã hội và quốc tế. Khi biết kháng cự lại cám dỗ báo thù, các nạn nhân của bạo lực có thể giữ vai chính đáng tín nhiệm hơn trong các tiến trình bất bạo động xây dựng hòa bình. Trên bình diện địa phương và thường nhật cho đến bình diện hoàn cầu, bất bạo động có thể trở thành cách thức đặc biệt trong các quyết định, các quan hệ, hành động và chính trị trong tất cả các hình thức của nó.

 ** Một thế giới bị phân tán

 2. Thế kỷ 20 vừa qua đã bị hai thế chiến chết chóc tàn phá, đã cảm nghiệm sự đe dọa của chiến tranh hạt nhân và một số lớn các cuộc xung đột khác, trong khi ngày nay, đáng tiếc là chúng ta phải đương đầu với một thế chiến từng mảnh kinh khủng. Không dễ biết thế giới hiện nay có bị bạo lực hơn hay kém so với trước kia, và các phương tiện truyền thông hiện đại và đặc tính di động của thời đại ngày nay có làm cho chúng ta ý thức hơn về bạo lực và quen thuộc với nó nhiều hơn hay không.

 Dầu sao, bạo lực này được thực thi từng mảnh, theo những thể thức và mức độ khác nhau, tạo nên những đau khổ kinh khủng mà chúng ta biết rõ: những cuộc chiến tranh tại nhiều quốc gia và đại lục; nạn khủng bố, tội phạm, và các cuộc tấn công võ trang không lường trước được; những lạm dụng mà người di dân và các nạn nhân nạn buôn người phải chịu; sự tàn phá môi trường. Với mục đích nào? Bạo lực có cho phép đạt tới những mục tiêu có giá trị lâu bền hay không? Tất cả những điều mà nó đạt được chẳng phải là khơi lên những vụ trả thù và các vòng xung đột chết chóc chỉ mang lại ích lợi cho một thiểu số ”các lãnh chúa chiến tranh” sao?

 Bạo lực không phải là sự chữa lãnh thế giới bị phân tán từng mảnh của chúng ta. Lấy bạo lực đáp lại bạo lực, cùng lắm chỉ đưa tới những tình trạng buộc lòng phải di cư và đau khổ vô biên, vì số lượng tài nguyên lớn lao được dành cho các mục tiêu quân sự và được rút khỏi những nhu cầu thường nhật của người trẻ, các gia đình gặp khó khăn, người già, bệnh nhân, và đại đa số dân trên thế giới. Tệ nhất, nó có thể đưa tới chết chóc, về thể lý và tinh thần, của nhiều người, nếu không phải là tất cả mọi người.

 ** Tin Mừng

 3. Cả Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người: “Thực vậy, từ bên trong, tức là từ tâm hồn con người, xuất phát những ý hướng xấu xa” (Mc 7,21). Sứ điệp của Chúa Kitô, đứng trước thực tại ấy, mang lại câu trả lời hoàn toàn tích cực: Ngài rao giảng không biết mệt mỏi tình thương vô điều kiện của Thiên Chúa, Đấng đón tiếp và tha thứ, và dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù (Xc Mt 5,44) và giơ má bên kia (Xc Mt 5,39). Khi ngăn cản những kẻ cáo buộc người phụ nữ ngoại tình ném đá bà (Xc Ga 8,1-11) và trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (Xc Mt 26,52), Chúa Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch (Xc Ep 2,14-16). Vì thế ai đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu, thì biết nhận ra bạo lực mang trong mình và để cho lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành, nhờ đó họ trở thành dụng cụ hòa giải, theo lời khuyên của thánh Phanxicô Assisi: ”Hòa bình mà các con loan báo bằng miệng, các con hãy có hòa bình ấy dồi dào hơn nữa trong tâm hồn các con”.

 Ngày nay, là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với đề nghị của Ngài về bất bạo động. Như vị Tiền nhiệm Biển Đức 16 của tôi đã khẳng định, ”bất bạo động có tính chất thực tiễn, vì ý thức rằng trong thế giới có quá nhiều bạo động, quá nhiều bất công, và vì thế không thể vượt qua tình trạng này nếu không kháng cự nó bằng một điều lớn hơn: bằng tình yêu, bằng lòng từ nhân. Điều lớn hơn này đến từ Thiên Chúa”. Và Ngài mạnh mẽ nói thêm rằng: ”Sự bất bạo động đối với các tín hữu Kitô không phải chỉ là một thái độ chiến thuật, nhưng là một lối sống, là thái độ của người xác tín mạnh mẽ về tình yêu của Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đến độ không sợ đối đầu với sự ác chỉ bằng võ khí tình thương và sự thật mà thôi. Lòng yêu thương kẻ thù chính là nòng cốt ”cuộc cách mạng Kitô giáo”. Chính lời dạy của Tin Mừng hãy yêu thương kẻ thù (Xc Lc 6,27) được coi như ”Đại hiến chương về sự bất bạo động Kitô giáo”: nó không hệ tại ”đầu hàng sự ác […] nhưng là đáp trả sự ác bằng điều thiện (Xc Rm 12,17-21), nhờ đó phá vỡ xiềng xích của bất công”.

 ** Mạnh hơn bạo lực

 4. Bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và chỉ thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ để giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống cho tha nhân. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. Tháng 9 năm 2016, tôi đã được niềm vui lớn khi tôn phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Tôi đã ca ngợi sự sẵn sàng của Mẹ đối với tất cả mọi người qua ‘sự tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra và sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. […]. Mẹ đã cúi mình trên những người kiệt lực, bị bỏ mặc cho chết bên vệ đường, Mẹ nhìn nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ; Mẹ đã lên tiếng với những người hùng mạnh của trái đất này, để họ nhìn nhận của họ trước những tội ác – trước những tội ác! – nghèo đói do chính họ tạo nên”. Đối lại, sứ mạng của Mẹ – qua đó Mẹ đại diện cho hàng ngàn người, đúng hơn là hàng triệu người – đi gặp các nạn nhân với lòng quảng đại và tận tụy, động đến và băng bó mỗi thân thể bị thương, chữa lành mỗi cuộc sống bị tan vỡ.

 Sự bất bạo động được thực hành với lòng tận tụy và phù hợp với niềm tin tạo nên những kết quả lạ lùng. Những thành công của Mahatma Gandhi và Khan Abdul Ghaffar trong việc giải phóng Ấn độ và của Martin Luther King Jr chống lại nạn kỳ thị chủng tộc sẽ không bao giờ bị quên lãng. Đặc biệt các phụ nữ thường là những người lãnh đạo bất bạo động, ví dụ như Leymah Gbowee và hàng ngàn phụ nữ Liberia, đã tổ chức những cuộc gặp gỡ cầu nguyện và phản đối bất bạo động (pray-ins) đạt được những cuộc thương thuyết ở cấp độ cao để kết thúc cuộc nội chiến thứ hai ở Liberia.

 Chúng ta không thể quên thập niên lịch sử được kết thúc với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Âu Châu. Các cộng đồng Kitô đã đóng góp bằng việc cầu nguyện liên lỷ và hành động can đảm. Họ đã thực hiện một ảnh hưởng đặc biệt đối với sứ vụ và giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô 2. Suy tư về các biến cố năm 1989 trong Thông điệp Năm Thứ 100 (1991), vị tiền nhiệm của tôi đã nhấn mạnh rằng một sự thay đổi lịch sử trong đời sống các dân tộc, các quốc tộc và quốc gia được thực hiện ”nhờ cuộc chiến đấu hòa bình, chỉ dùng võ khí sự thật và công lý”.

 Hành trình chuyển tiếp chính trị này tiến về hòa bình đã thực hiện được nhờ ”sự dấn thân bất bạo động của những người, trong khi luôn luôn từ khước chiều theo quyền bính của sức mạnh, đã biết thỉnh thoảng tìm được những hìonh thức hữu hiệu để làm chứng cho sự thật”. Và Ngài kết luận: ”Ước gì con người học cách chiến đấu cho công lý mà không bạo động, từ bỏ cuộc đấu tranh giai cấp trong các cuộc tranh chấp nội bộ và chiến tranh trong các cuộc tranh chấp quốc tế”.

 Giáo Hội dấn thân thực hiện những chiến lược bất bạo động thăng tiến hòa bình tại nhiều nước, thậm chí yêu cầu cả các tác nhân bạo lực nhất trong cố gắng xây dựng một nền hòa bình công chính và lâu bền.

 Sự dấn thân này để bênh vực các nạn nhân bất công và bạo lực không phải là một gia sản riêng của Giáo Hội Công Giáo, nhưng của nhiều truyền thống tôn giáo, đối với họ, ”sự cảm thương và bất bạo động là điều thiết yếu và chỉ cho con đường sự sống”. Tôi mạnh mẽ lập lại rằng: ”Không có tôn giáo nào là khủng bố”. Bạo lực là một sự xúc phạm đến danh Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi lập lại điều này: ”Không bao giờ danh Thiên Chúa có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng. Chỉ có hòa bình là tháng, chứ không phải chiến tranh!”

 ** Căn cội tại gia của một nền chính trị bất bạo động

 5. Nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. Đó là một thành phần niềm vui của tình thương mà tôi đã trình bày hồi tháng 3 năm nay trong Tông Huấn ”Amoris laetitia” (Niềm vui yêu thương), kết thúc 2 năm suy tư của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. Từ bên trong gia đình niềm vui yêu thương lan truyền trên thế giới và tỏa lan trong toàn xã hội. Đàng khác, một nền luân lý đạo đức huynh đệ và sống chung hòa bình giữa con người và các dân tộc không thể dựa trên sợ hãi, bạo lực và khép kín, nhưng trên trách nhiệm, tôn trọng và đối thoại chân thành. Trong chiều hướng đó, tôi kêu gọi giải trừ võ trang, và cấm chỉ cũng như bãi bỏ các võ khí hạt nhân: việc dùng võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ và sự đe dọa tàn phá lẫn nhau không thể tạo nên nền luân lý đạo đức huynh đệ. Tôi cũng khẩn thiết kêu gọi hãy chấm dứt sự bạo hành trong gia đình và những lạm dụng phụ nữ và trẻ em.

 Năm Thánh Lòng Thương xót, kết thúc hồi tháng 11 vừa qua, là một lời mời gọi hãy nhìn vào chiều sâu của tâm hồn chúng ta và để cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đi vào. Năm Thánh đã làm cho chúng ta ý thức có đông đảo những người khác nhau và các nhóm xã hội bị đối xử dửng dưng, họ là nạn nhân của bất công và bị bạo hành. Họ thuộc ”gia đình” chúng ta, họ là anh chị em của chúng ta. Vì thế các chính sách bất bạo động phải bắt đầu từ trong 4 bức tường gia đình chúng ta để lan tỏa ra trong toàn thể gia đình nhân loại. Tấm gương của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu mời gọi chúng ta thực hành con đường thơ ấu của tình thương, đừng đánh mất cơ hội nói một lời tử tế dễ thương, một nụ cười, bất kỳ cử chỉ nhỏ bé nào gieo vãi an bình và tình thân hữu. Một nền môi sinh học toàn diện cũng được hình thành bằng những cử chỉ đơn sơ thường nhật trong đó chúng ta phá vỡ đường lối bạo lực, bóc lột và ích kỷ”.

 ** Lời mời gọi của tôi

 6. Việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình qua Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phúc, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính”

 ”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật, qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. Một thách đố xây dựng xã hội, cộng đoàn hoặc xí nghiệp mà họ trách nhiệm theo thể thức của người xây dựng hòa bình; chứng tỏ lòng từ bi thương xót bằng cách từ chối gạt bỏ con người, từ chối gây thiệt hại cho môi trường và khước từ ý muốn chiến thắng bằng mọi giá. Điều này đòi phải có sự sẵn sàng ”chịu đựng xung đột, giải quyết nó và biến đổi nó thành một mắt xích liên kết trong tiến trình mới”. Hoạt động như thế có nghĩa là chọn lựa tình liên đới như một cách thức làm lịch sử và kiến tạo tình thân hữu xã hội. Sự bất bạo động tích cực là một cách thức để chứng tỏ rằng quả thực sự hiệp nhất thì mạnh mẽ và phong phú hơn xung đột. Tất cả trong thế giới đều có liên hệ mật thiết với nhau. Tuy có thể xảy ra là những tranh chấp sinh ra sầu muộn: nhưng chúng ta hãy đương đầu với chúng một cách xây dựng và bất bạo động, như thế ”những căng thẳng và đối nghịch (có thể) đi tới một sự hiệp nhất đa dạng sinh ra đời sống mới”, bảo tồn ”những tiềm năng quí giá của những lập trường đối nghịch nhau”.

 Tôi cam đoan rằng Giáo Hội Công Giáo sẽ đồng hành với mỗi cố gắng xây dựng hòa bình kể cả qua sự bất bạo động tích cực và có tinh thần sáng tạo. Ngày 1-1-2017 là ngày khai sinh Bộ mới, Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, giúp Giáo Hội thăng tiến một cách ngày càng hữu hiệu ”những thiện ích khôn lường của công lý, hòa bình và bảo tồn thiên nhiên”, và sự quan tâm đối với những người di dân, ”những người túng thiếu, các bệnh nhân và những người bị gạt bỏ, những người ở ngoài lề, và các nạn nhân của những cuộc xung đột võ trang và những thiên tai, các tù nhân, những người thất nghiệp và các nạn nhân của bất kỳ hình thức nô lệ và tra tấn”. Mỗi hành động trong chiều hướng này, dù là bé nhỏ, đều góp phần xây dựng một thế giới không còn bạo lực, một bước tiến đầu tiên hướng về công lý và hòa bình.

 ** Kết luận

 7. Theo truyền thống, tôi ký Sứ điệp này ngày 8-12, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội. Mẹ Maria là Nữ Vương Hòa Bình. Khi Con của Mẹ sinh ra, các thiên thần tôn vinh Thiên Chúa và cầu chúc hòa bình cho con người trên trái đất, những người nam nữ thiện chí (Xc Lc 2,14). Chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ hướng dẫn chúng ta.

 ”Tất cả đều mong ước hòa bình; bao nhiêu người hằng ngày kiến tạo hòa bình với những cử chỉ nhỏ bé và nhiều người chịu đau khổ và kiên nhẫn chịu đựng vất vả với bao nhiêu cố gắng để xây dựng hòa bình”. Trong năm 2017, chúng ta hãy dấn thân, bằng kinh nguyện và hoạt động để trở thành những người loại trừ bạo lực khỏi tâm hồn, khỏi lời nói và cử chỉ, và xây dựng cộng đoàn bất bạo động, chăm sóc căn nhà chung. ”Không gì là không có thể nếu chúng ta chạy đến cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả có thể là những người xây dựng hòa bình”.

 G. Trần Đức Anh OP chuyển ý