Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Thánh tích (thi hài) thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được đưa đến Bergamo

Nhân kỷ niệm 60 năm thánh Giáo hoàng Gioan XXIII được bầu làm Giáo hoàng, sáng sớm hôm qua, 24/06/2018, hòm kiếng chứa thi hài của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã được đưa ra khỏi đền thơ thánh Phêrô ở Vatican đi đến giáo phận Bergamo và làng quê Sotto il Monte.

Bergamo là giáo phận nơi thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã phục vụ trong 40 năm đầu tiên; còn Sotto il Monte là nơi thánh nhân đã chào đời ngày 25/11/1881.

Trong nghi thức di chuyển thi hài thánh Giáo hoàng diễn ra tại đền thờ thánh Phêrô, Đức Hồng y trưởng đẳng linh mục Angelo Comastri, chủ sự nghi thức, đã nhắc đến tình yêu của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với nơi sinh của ngài, nơi ngài đã “hít thở đức tin trong gương mẫu tuyệt vời của cha mẹ ngài.” Đức Hồng y Comastri nói tiếp: “Hôm nay, thánh Gioan XXIII thực hiện chuyến hành hương của lòng biết ơn và phúc lành về mảnh đất nơi ngài sinh ra, nơi ngài được trở thành Kitô hữu và nơi ngài đã trưởng thành trong ơn gọi linh mục.” Đức Hồng y cũng nhấn mạnh đến hương thơm của Thiên Chúa của thánh Gioan XXIII, niềm hy vọng ngài đã gieo trồng bằng việc giúp các tín hữu trở thành khí cụ bình an trong gia đình và nơi xã hội.

Sau nghi thức tại đền thờ, hòm chứa thi hài của thánh Giáo hoàng bắt đầu chuyến du hành kéo dài 18 ngày. Đây là một sự kiện, món quà đặc biệt của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trước đây, vào năm 1959, chính Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cũng đã cho phép đưa thi hài của thánh Giáo hoàng Pio X về thành phố Venezia.

Chuyến thánh du tại những nơi khác nhau sẽ cho phép nhiều tín hữu được sống những thời khắc cầu nguyện và kính viếng, bắt đầu từ 15:30 giờ chiều 24/05, khi thi hài ngài được các hội đoàn và tín hữu đón tiếp tại trung tâm của Bergamo. Đầu tiên thi hài ngài sẽ dừng lại tại nhà tù ở đường Gleno để ghi nhớ cuộc thăm viếng tù nhân tại Regina Coeli của thánh Giáo hoàng. Sau đó thánh tích của ngài được đưa đến chủng viện và vào lúc 21 giờ tối, hòm đựng thi hài ngài sẽ được đón rước trọng thể vào nhà thờ chính tòa để cử hành buổi canh thức. (Vatican News 24/05/2018)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 Đức Hồng Y mới

Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 Đức Hồng Y mới

Vatican. 20.05.2018. Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa nhật, Đức Thánh Cha đã công bố rằng Giáo Hội sẽ có 14 Hồng Y mới. Các ngài sẽ được tấn phong Hồng Y trong ngày lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô vào 29 tháng 6 sắp tới.

Đức Thánh Cha đã bất ngờ công bố danh sách các tân Hồng Y mà không hề có trong các văn bản soạn trước cho buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Đức Thánh Cha giải thích rằng: việc tấn phong các tân Hồng Y cho thấy đặc tính phổ quát của Hội Thánh và để công bố tình yêu thương xót của Thiên Chúa cho mọi người trên khắp thế giới.

Sau đây là danh sách 14 Đức tân Hồng Y:

 1. Đức Thượng Phụ Louis Raphael Sako (Iraq), Thượng Phụ Babylon
 2. Đức Cha Luis Ladaria Ferrer (Tây Ban Nha), Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin
 3. Đức Cha Angelo de Donatis (Italia), Giám quản Roma
 4. Đức Cha Giovanni Angelo Becciu (Italia)
 5. Đức Cha Konrad Krajewski (Ba Lan)
 6. Đức Cha Coutts (Pakistan)
 7. Đức Cha Antonio dos Santos Marto (Bồ Đào Nha)
 8. Đức Cha Pedro Barreto (Peru)
 9. Đức Cha Désiré Tsarahazana (Madagascar)
10. Đức Cha Giuseppe Petrocchi (Italia)
11. Đức Cha Thomas Aquinas Manyo (Nhật Bản)
12. Đức Cha Sergio Obeso Rivera (Mexico)
13. Đức Cha Toribio Ticona Porco (Bolivia)
14. Cha Aquilino Bocos Merino (Tây Ban Nha)

Tứ Quyết SJ

 

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

Chúa Thánh Thần có thần lực biến đổi lòng người và thay đổi thực tại

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng Chúa nhật 20.05.2018 tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành thánh lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chúa Thánh Thần là cơn gió mạnh, là Thần Lực của Thiên Chúa. Ngài có sức biến đổi lòng người, biến đổi thực tại. Chúng ta hãy biết căng buồm con thuyền cuộc đời để đón lấy cơn gió là Thần Khí. Sau đây là toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:   

Anh chị em thân mến!

Trong phụng vụ Lời Chúa, bài đọc một diễn tả, cuộc Hiện Xuống của Chúa Thánh Thần như “tiếng gió mạnh thổi đến” (Cv 2:2). Hình ảnh này cho thấy điều gì? Cơn gió mạnh làm cho ta nghĩ đến một sức mạnh to lớn, nhưng không chỉ có thế, không chỉ tự cơn gió là mạnh, nhưng cơn gió ấy còn có sức thay đổi thực tại. Thực tế, cơn gió mang tới sự thay đổi: làm ấm áp khi trời lạnh giá, làm mát mẻ khi trời nóng bức, đem mưa tới khi trời khô hạn… Chúa Thánh Thần cũng thế, tuy ở một cấp độ khác, Ngài là Đấng có thần lực để thay đổi thế giới. Bài ca tiếp liên nhắc chúng ta nhớ rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi tuyệt vời, là Đấng chở che dịu hiền. Vì thế mà chúng ta thân thưa với Ngài: Xin chữa lành vết thương của chúng con, xin gia tăng sức mạnh, xin tưới gội chỗ khô hạn, xin tẩy rửa bợn nhơ tội lỗi. Chúa Thánh Thần đi vào từng hoàn cảnh và biến đổi chúng. Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn, thay đổi các tình huống.

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn

Chúa Thánh Thần biến đổi các tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân cho Thầy” (Cv 1:8). Và đã xảy ra đúng như thế. Các môn đệ lúc đầu đầy sợ hãi, họp nhau trong phòng với cánh cửa đóng kín. Điều ấy xảy ra ngay cả khi Chúa đã Phục Sinh. Nhưng sau đó, các môn đệ đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Và đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng rằng: các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa (Ga 15:27). Từ đó, các môn đệ không còn do dự, không còn sợ hãi, nhưng đầy can đảm. Bắt đầu từ Gierusalem, các môn đệ đi tới tận cùng trái đất. Khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông hãy còn nhút nhát, nhưng khi Chúa Giêsu đi và sai Chúa Thánh Thần đến, Thần Khí đã biến đổi tâm hồn các ông, làm cho các ông đầy mạnh mẽ.

Thần Khí giải phóng các môn đệ khỏi xích xiềng sợ hãi. Chúa Thánh Thần khơi lên trong tâm hồn các ông lòng quảng đại đầy tràn. Chúa Thánh Thần mở những tâm hồn khép kín, thúc đẩy lòng người biết lên đường phục vụ. Ngài đẩy lui lòng tự mãn và mở ra hướng đi mới. Ngài giúp ấp ủ những ước mơ mới. Điều đó có nghĩa là biến đổi các tâm hồn. Người đời hứa hẹn thay đổi này nọ, tạo nên những khởi đầu mới, những thay đổi phi thường; nhưng kinh nghiệm dạy chúng ta rằng, chẳng có ai trên trái đất này có thể thay đổi thực tại để hoàn toàn làm thỏa mãn lòng người. Thế nhưng, sự thay đổi, sự biến đổi mà Chúa Thánh Thần mang lại thì khác. Sự thay đổi ở đây không phải là cuộc cách mạng đảo lộn cuộc sống quanh ta, nhưng là biến đổi tâm hồn ta. Cuộc biến đổi này không giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng của các vấn đề, nhưng làm cho chúng ta tự do để có thể đối diện với các vấn đề ấy. Sự biến đổi ấy không đến với chúng ta để giải quyết vấn đề một lần cho tất cả, nhưng làm cho chúng ta tự tin, can đảm và không biết mệt mỏi trong cuộc sống. Chúa Thánh Thần giữ cho tâm hồn chúng ta luôn trẻ trung. Tuổi trẻ, dù ta có cố gắng níu kéo cách nào, thì sớm hay muộn tuổi trẻ cũng sẽ trôi đi. Nhưng Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ngăn chặn sự lão hóa, không phải là lão hóa thể lý mà là lão hóa nội tâm. Cách nào mà Chúa Thánh Thần làm được điều ấy? Đó là bằng cách đổi mới tâm hồn chúng ta, bằng cách tha thứ cho các tội nhân. Ở đây có sự thay đổi rất lớn: từ thân phận tội lỗi, Ngài làm cho chúng ta trở nên công chính và như thế là thay đổi tất cả. Từ thân phận nô lệ cho tội lỗi, chúng ta được trở nên những người con yêu dấu, từ kẻ bất xứng trở nên người xứng đáng, từ chỗ thất vọng chuyển sang tràn đầy hy vọng. Với tác động của Chúa Thánh Thần, niềm vui được tái sinh và bình an tràn ngập tâm hồn chúng ta.

Hôm nay chúng ta hãy học biết những gì phải làm, khi chúng ta cần những thay đổi thực sự trong cuộc sống. Ai trong chúng ta không cần những thay đổi? Nhất là khi cuộc đời đầy u ám, khi ta mệt mỏi với những gánh nặng, khi ta chịu áp lực với đầy yếu đuối, những lúc khó khăn mà ta khó lòng có thể tiếp tục và dường như không thể yêu thương. Trong những lúc ấy, chúng ta cần một sức bật mạnh mẽ: đó là Chúa Thánh Thần, là quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng: Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Thật tốt lành làm sao khi mỗi ngày chúng ta có thể cảm nhận được sức bật mạnh mẽ ấy trong cuộc đời mình! Mỗi sáng khi thức dậy, hãy thưa lên: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, xin ngự vào tâm hồn con, ngự vào ngày sống của con!”.

Chúa Thánh Thần biến đổi các hoàn cảnh

Chúa Thánh Thần không chỉ biến đổi các tâm hồn, mà Ngài còn biến đổi các hoàn cảnh. Giống như việc gió thổi đến mọi nơi, và ngay cả thâm nhập vào những hoàn cảnh khó lòng có thể tượng tưởng được. Trong sách Tông đồ Công vụ, chúng ta bị thu hút bởi chuỗi sự kiện kinh ngạc tuyệt vời. Đây là cuốn sách ta cần đọc, và nhân vật chính của cuốn sách, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Khi các môn đệ nhận thấy có ít hy vọng nhất, thì Chúa Thánh Thần sai các ông đi vào dân ngoại. Ngài mở ra những con đường mới, ví dụ như trường hợp của thầy phó tế Philipphe. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Philipphe đi con đường sa mạc từ Gierusalem đến Gaza. Dọc đường, Philipphe giảng cho viên quan và rửa tội cho viên quan. Sau đó Thần Khí đưa Philipphe đến Azotus, rồi đến Cesarea, đến những hoàn cảnh mới để loan truyền sự mới mẻ của Thiên Chúa. Điều tương tự cũng xảy ra với thánh Phaolô. Thánh nhân “bị Thánh Linh bắt buộc” (Cv 20:22) ra đi, đi xa để mang Tin Mừng đến cho muôn dân xa lạ. Nơi nào có Chúa Thánh Thần, nơi ấy luôn có gì đó diễn ra; nơi nào Thần Khí thổi đến, nơi ấy không bao giờ lặng im.

Trong đời sống cộng đoàn, khi chúng ta trải qua kinh nghiệm vô nghĩa nào đó, chúng ta thích yên ổn và tĩnh lặng, hơn là điều mới mẻ đến từ Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu xấu. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang cố trú ẩn để tránh cơn gió là Thần Khí. Khi chúng ta sống theo kiểu tự đủ và khép kín trong nhà mình, thì đó là dấu hiệu không tốt. Gió là Thần Khí đang thổi, nhưng chúng ta là con thuyền lại hạ cánh buồm xuống. Cho dù như thế, chúng ta vẫn thường thấy Chúa Thánh Thần làm việc thật kỳ diệu! Rất thường khi, ngay giữa thời ảm đạm nhất, thì Thần Khí vẫn nâng dậy những gì thánh thiêng nổi bật nhất! Ngài là linh hồn của Hội Thánh. Ngài khơi dậy niềm hy vọng tươi mới, đổ đầy niềm vui ngập tràn, làm phát sinh nhiều hoa trái, và làm cho sự sống mới nảy sinh. Trong một gia đình, khi có một người con chào đời, người con ấy làm cho lịch trình của gia đình trở nên rối loạn, em bé làm chúng ta mất ăn mất ngủ, nhưng em bé cũng mang lại niềm vui và đổi mới cuộc sống chúng ta, thúc đẩy chúng ta mở rộng trong tình yêu mến. Cũng thế, Chúa Thánh Thần mang lại cho Giáo Hội sự trẻ trung của “thời thơ ấu”. Từ thời này qua thời kia, Chúa Thánh Thần tiếp tục trao tặng sức sống mới. Ngài hồi sinh tình yêu đầu đời của chúng ta. Ngài nhắc Giáo hội nhớ rằng, dù trải qua lịch sử nhiều thế kỷ, nhưng Giáo hội vẫn luôn là cô dâu trẻ trung mà Thiên Chúa hết mực yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi chào đón Chúa Thánh Thần vào cuộc đời mình, và xin ơn Ngài trước mọi việc chúng ta làm: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!”.

 

Sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm

 

Chúa Thánh Thần sẽ mang đến sức mạnh biến đổi của Ngài, một sức mạnh độc nhất vô nhị, một sức mạnh vừa có tính quy tâm vừa có tính ly tâm. Là sức mạnh quy tâm, bởi vì sức mạnh ấy hoạt động nơi trung tâm, nơi sâu thẳm trong trái tim ta. Sức mạnh ấy mang đến hiệp nhất và đẩy lùi chia rẽ, mang đến bình an và đẩy lùi phiền não, mang đến sức mạnh và đẩy lùi cám dỗ. Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nhắc chúng ta nhớ điều này, khi ngài viết rằng: hoa trái của Thần Khí là niềm vui, bình an, trung tín, tự chủ (Gl 5:22). Chúa Thánh Thần ban cho ta tình thân gắn bó với Chúa, ban sức mạnh nội tâm để ta tiếp tục tiến bước. Là sức mạnh ly tâm, bởi vì đó là lực đẩy để đi ra ngoài. Thần Khí ở trong chúng ta, để đẩy chúng ta đi ra các vùng ngoại biên, để đẩy chúng ta đi ra mọi vùng ngoại vi của nhân loại. Ngài cho chúng ta thấy gương mặt Thiên Chúa, Ngài cũng mở tâm hồn chúng ta trước các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Ngài sai chúng ta đi và làm cho chúng ta trở thành chứng nhân. Ngài đổ vào lòng chúng ta đầy tình yêu, lòng từ nhân, lòng quảng đại, sự dịu hiền. Chỉ trong Thần Khí là Đấng An Ủi, chúng ta mới có thể nói được những lời sống động và chân thực để khích lệ tha nhân. Những ai sống nhờ Thần Khí thì sống trong mình mối giằng co thiêng liêng này: vừa thấy mình bị kéo về phía Thiên Chúa vừa thấy mình bị kéo về phía nhân loại.

 

Chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lối sống như thế. Xin Chúa Thánh Thần, là cơn gió mạnh mẽ của Thiên Chúa, thổi vào chúng ta, thổi vào tâm hồn ta, và làm cho ta biết thở ra sự dịu hiền của Chúa Cha! Xin Thần Khí thổi vào Giáo Hội và làm cho Giáo Hội đi đến tận cùng trái đất. Xin Ngài thổi vào thế giới sự nồng ấm của hòa bình, sự tươi mới dễ thương của niềm hy vọng. Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến biến đổi chúng con và đổi mới mặt địa cầu. Amen.

 

Tứ Quyết SJ

 

 

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện

Vatican. Chúa nhật 20.05.2018, trong buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha nhắc nhớ về ơn gọi nên thánh trong bí tích Thánh Tẩy, ơn gọi làm chứng nhân cho Chúa trong bí tích Thêm Sức. Ngài nhấn mạnh: Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện. Sau khi đọc Kinh, Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho hòa bình tại Thánh Địa, Trung Đông, và Venezuela, cầu nguyện cho ngày thế giới truyền giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha bất ngờ công bố danh sách tên 14 Đức Hồng Y sẽ được tấn phong sắp tới.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Mùa Phục Sinh có trung tâm là cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Trọng này làm chúng ta nhớ lại và sống lại sức mạnh tràn đầy mà Chúa Thánh Thần đã đổ xuống trên các Tông Đồ và các môn đệ, khi các ngài quy tụ cầu nguyện cùng với Mẹ Maria (Cv 2:1-11). Kể từ ngày đó, lịch sử về sự thánh thiện Kitô giáo có khởi đầu, bởi vì chính Chúa Thánh Thần là cội nguồn của sự thánh thiện, và việc nên thánh không phải là đặc ân cho một nhóm nhỏ, nhưng là ơn gọi cho tất cả chúng ta.

Với bí tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào cùng một sự sống thánh thiêng của Chúa Kitô. Với bí tích Thêm Sức, chúng ta trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô giữa lòng thế giới. “Chúa Thánh Thần tuôn đổ sự thánh thiện ở mọi nơi và trên mọi người trong dân thánh trung thành của Thiên Chúa” (Gaudete et exsultate, 6). Công đồng Vaticano II  nói: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ tất cả mọi người, nhưng không chỉ với từng cá nhân riêng lẻ, mà còn bằng cách quy tụ họ trong một dân tộc, để họ tái nhận biết Ngài trong chân lý và phục vụ Ngài trong sự thánh thiện” (Ánh sáng muôn dân, 9).

Qua các ngôn sứ thời Cựu ước, Chúa đã công bố với toàn dân về kế hoạch của Ngài. Qua ngôn sứ Edekiel, Chúa nói: “Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành… Các ngươi sẽ là dân của Ta, còn Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:27-28). Qua miệng ngôn sứ Gioen, Chúa nói: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ… Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ thần khí Ta trên các tôi tớ nam nữ… Bấy giờ, tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu độ” (Ge 3:1-2.5). Tất cả những lời tiên tri này được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô.

Kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần ấy, cho đến tận cùng thời gian, sự thánh thiện được viên mãn trong Chúa Kitô, sự thánh thiện ấy được trao ban cho tất cả những ai biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn theo hướng dẫn của Ngài. Khi biết làm như thế, chúng ta được dẫn đi trên con đường hoàn thiện, giúp chúng ta sống xứng đáng với Chúa và có được niềm vui trọn vẹn. Chúa Thánh Thần đi vào trong lòng ta, để đẩy lui sự khô khan, mở ra hy vọng, giúp ta trưởng thành trong tình thân với Thiên Chúa và với người lân cận. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Hoa trái của Thần Khí là tình yêu mến, là vui tươi, bình an, nhẫn nhịn, bao dung, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:22).

Chúng ta nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria chở che và làm mới lại Lễ Hiện Xuống trong Hội Thánh, để chúng ta có thể trao tặng niềm vui và trở thành chứng nhân cho Tin Mừng. Xin Mẹ giúp chúng ta thấm nhuần ao ước nên thánh để chúng ta biết ca tụng vinh quang Thiên Chúa (Gaudete et exsultate, 177).

Đức Thánh Cha chào thăm

Anh chị em thân mến!

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đưa chúng ta nhìn về Gierusalem. Hôm qua tại Thành Thánh có cuộc canh thức cầu nguyện cho hòa bình. Đây là đất thánh của các tín hữu Dothái, Kitô giáo và Hồi giáo. Hôm nay chúng ta tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần để tiếp tục có những cử chỉ và thiện chí đối thoại và hòa giải tại Đất Thánh và Trung Đông.

Tôi muốn dành dịp đặc biệt này để cầu nguyện cho Venezuela yêu quý. Xin Chúa Thánh Thần ban cho dân nước Venezuela ơn khôn ngoan, để mọi người biết tìm kiếm con đường hòa bình và hợp nhất.

Biến cố lễ Ngũ Tuần đánh dấu khởi nguồn của sứ mạng phổ quát trong Hội Thánh. Đó là lý do mà hôm nay Thông điệp cho Ngày thế giới Truyền giáo được xuất bản. Cha gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em là khách hành hương đến từ Italia và từ các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Tứ Quyết SJ

Sứ điệp Đức Thánh Cha về Ngày Thế Giới truyền giáo

Sứ điệp Đức Thánh Cha về Ngày Thế Giới truyền giáo

VATICAN. ĐTC mời gọi giới trẻ dấn thân trong sứ mạng mang Tin Mừng cho tất cả mọi người, cho đến ”tận cùng trái đất”.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC nhân Ngày Thế Giới truyền giáo được công bố hôm 19-5-2018, để chuẩn bị cho Ngày này sẽ được cử hành vào chúa nhật 21-10 năm nay, giữa lúc Thượng HĐGM thế giới về giới trẻ tiến hành tại Roma. Vì thế Chủ đề được ĐTC chọn cho Ngày Thế giới này là ”Cùng với người trẻ, chúng ta mang Tin Mừng cho tất cả mọi người”.

ĐTC nhắc đến sứ mạng làm chứng và rao giảng Chúa Kitô mà mỗi Kitô hữu nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Ngài viết: ”Sứ mạng thông truyền đức tin, trọng tâm sứ mạng của Giáo Hội, diễn ra qua sự ”hay lây” của tình thương, trong đó niềm vui và sự phấn khởi biểu lộ ý nghĩa được tìm lại và sự sung mãn của cuộc sống. Sự loan truyền đức tin bằng sự thu hút đòi chúng ta phải có con tim cởi mở, được tình yêu làm nở rộng”.

Nhắc đến lời Chúa dạy các môn đệ hãy mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất, ĐTC giải thích rằng ”Những môi trường con người, văn hóa và tôn giáo vẫn còn xa lạ với Tin Mừng của Chúa Giêsu và sự hiện diện bí tích của Giáo Hội chính là những khu ngoại ô tột cùng, ”những bờ cõi của trái đất: mà các môn đệ thừa sai được gửi đến từ khi Chúa Giêsu Phục Sinh, với niềm xác tín có Chúa luôn ở với chúng ta (Mt 28,20; Cv 1,8). Ơn gọi truyền giáo cho dân ngoại hệ tại điều đó.

ĐTC giải thích thêm rằng ”Khu vực ngoại ô tiêu điều nhất của nhân loại đang cần Chúa Kitô chính là sự dửng dưng đối với đức tin hoặc thậm chí đó là sự oán ghét chống lại đời sống sung mãn trong Chúa. Mỗi sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần, mỗi sự kỳ thị chống lại các anh chị em luôn luôn là hậu quả của sự từ chối Thiên Chúa và tình thương của Ngài”.

ĐTC nói với các bạn trẻ rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, tận cùng trái đất, đối với các bạn ngày nay, thật là tương đối và luôn dễ dàng lướt trong đó, đó là thế giới tiềm thể, kỹ thuật số, các mạng xã hội đang tràn ngập và xuyên qua chúng ta, xóa bỏ mọi khoảng cách, thu hẹp những khác biệt. Dường như tất cả ở trong tầm tay, tất cả đều gần kề. Nhưng nếu không có ơn can dự của cuộc sống chúng ta trong đó, thì dù có vô số các tiếp xúc, chúng ta sẽ không bao giờ đi sâu vào một cuộc sống hiệp thông thực sự. Sứ mạng truyền giáo cho đến tận bờ cõi trái đất đòi phải có sự hiến thân trong ơn gọi được Chúa ban cho chúng ta, Đấng đã đặt chúng ta trên trái đất này (Xc Lc 9,23-25). Tôi dám nói rằng, đối vơi một người trẻ muốn theo Chúa Kitô, điều thiết yếu là tìm kiếm và gắn bó với ơn gọi của mình” (Rei 19-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Gương sống của Thánh Rita thành Cascia được bốn phụ nữ ngày nay noi theo

Phục vụ người thân cận, kiên trì, khiêm nhường và can đảm ôm lấy chính thập giá của mình: đó là 4 nhân đức nổi trội của thánh nữ Rita đã thực hành trong cuộc sống thường ngày. Để vinh danh các phụ nữ, những người cũng đã một cách nào đó sống theo mẫu gương của Thánh Rita, nghĩa là can đảm thực hành những điều mà mọi người cho là không thể; vào ngày 21-5 tại Cascia bốn phụ nữ sẽ được sự Công nhận quốc tế dành riêng cho những “trường hợp không thể”.

Cuộc đời và câu chuyện của nữ tu Augustinô ngày nay vẫn còn được suy tư. Là phụ nữ, vợ, mẹ, góa, nữ đan sĩ, bị kỳ thị, Thánh nữ Riata đã sống từng giây phút trong cuộc sống hàng ngày đưa vào thực hành các giá trị của việc đón tiếp, bác ái, đối thoại và tha thứ.

Những phụ nữ với các nhân đức của Thánh Rita

Năm nay, các nhân đức của thánh Rita đã được công nhận nơi Emanuela Disarò và Daniela Burigotto – các phụ nữ của Gloria Trevisan và Marco Gottardi, hai vị hôn thê đã chết trong ngọn lửa của Tháp Grenfell ở London – vì đã đón nhận thập giá, tìm sức mạnh trong đức tin; Soňa Vancaková của Košice (Slovakia) vì đã chiến đấu và tin cho đến cùng giá trị của gia đình, được hiểu đó là những kinh nghiệm khó khăn của gia đình trong sự giúp đỡ cụ thể và nâng đỡ những gia đình khác cũng đang có hoàn cảnh khó khăn; Giuseppina Ceccaroni của Gualdo Cattaneo (Perugia), vì đã phải đối mặt với những trở ngại của cuộc sống, tìm sức mạnh trong đức tin và phục vụ người khác. Bốn "phụ nữ của Rita" sẽ đón nhận sự Công nhận từ bề trên Hội dòng Augustinô, cha Alejandro Moral Antón vào lúc 5:30 g chiều, tại nhà thờ Thánh Rita. Sự vinh danh sẽ được viết trên một tấm da vào trao cho các phụ nữ.

Lần thứ 60, sự kết hợp của đức tin và hòa bình: Cascia-Košice

Vào đêm trước của ngày phụng vụ kính nhớ vị thánh của Roccaporena, lúc 6.30 chiều, dự kiến sẽ có cử hành tưởng nhớ ngày Qua đời của thánh nữ, trong khi đó vào lúc 9:30 g chiều, Ngọn đuốc Hòa bình sẽ đến, biểu tượng của sự Kết hợp đức tin và hòa bình mà mỗi năm kết nối Cascia với một thành phố khác nhân danh thánh Rita. Năm nay, lần thứ 60 của sáng kiến, thành phố được kết nghĩa là Košice, ở Slovakia, nơi có cộng đoàn tu sĩ Augustinô và nơi vào ngày 8 tháng 5 một nhà thờ được dâng kính cho Thánh Rita.

Truyền thống làm phép hoa hồng vào ngày lễ Thánh Rita

Ngày 22 tháng 5, đỉnh cao của lễ Thánh Rita, sẽ có thánh lễ trọng thể mừng Thánh nữ tại sân nhà thờ. Năm nay, vào lúc 11:00 giờ thánh lễ sẽ được ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ tế. Cuối Thánh lễ sẽ có lời nguyện với Thánh Rita và truyền thống làm phép hoa hồng, biểu tượng của thánh nữ, được giữ lại hoặc trao cho một người cần sự an ủi. (Rei 19-5-2018)

Ngọc Yến

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư ở Ái Nhĩ Lan

Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư ở Ái Nhĩ Lan

Đức Giáo hoàng Phanxicô đang sắp xếp để thăm trung tâm chăm sóc những người vô gia cư của dòng Capuchin ở thủ đô Dublin của Ái Nhĩ Lan.

Tu huynh Kevin Crowley, 82 tuổi, thuộc dòng Capuchino, từ hơn 40 năm nay đã chăm sóc cho những người nghèo và người vô gia cư ở Dublin, đã cho báo chí biết tin này.

Việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm trung tâm được thực hiện từ nhiều tháng qua nhưng thông tin về chuyến viếng thăm được giữ bí mật cho đến nay. Các nhân viên đặc biệt thực hiện một cuộc kiểm tra an ninh tòa nhà và vùng chung quanh. Các nhân viên của Garda International Protection và Liaison Office cộng tác chặt chẽ với các nhân viên bảo vệ Đức Giáo hoàng.

Đối với thầy Crowley, cuộc viếng thăm là một vinh dự thật lớn dành cho người nghèo và người vô gia cư. Thầy nói: “Thật là tuyệt vời khi ngài (Đức Giáo Hoàng) đang dành thời gian quý báu cho những người vô gia cư và, tất nhiên, tôi không ngạc nhiên, bởi vì ở mọi nơi ngài đến, ngài nỗ lực đặc biệt để gặp gỡ với người nghèo… Ngài là con người cho người nghèo và là một người quan tâm đặc biệt đến những người không có đặc quyền.”

Cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng tại trung tâm Capuchin được sắp xếp vào trưa thứ bảy, 25/08, không lâu sau khi ngài đến Ái Nhĩ Lan.

Trong một file audio dành cho báo Independent.ie vào năm ngoái, vị sáng lập trung tâm cho biết ngài sẽ mời Đức Giáo hoàng thăm người vô gia cư.

Thầy Crowley cám ơn Đức Tổng Giám mục Diarmuid Martin về việc sắp xếp cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng

Mỗi ngày trung tâm Capuchin cung cấp khoảng 1000 bữa ăn nóng và mỗi tuần phân phát khoảng 1400 đến 2000 gói thực phẩm. Mỗi năm trung tâm cần khoảng 3 triệu euro để hoạt động. Trung tâm cũng phân phát quần áo cũng như các dịch vụ y tế và xã hội nhờ các chuyên viên dành thời gian của họ để giúp đỡ mà không nhận lương.

Đức Giáo hoàng Phanxicô thăm Ái Nhĩ Lan nhân Đại hội gia đình thế giới được tổ chức tại Dublin. Chương trình chính thức của cuộc viếng thăm kéo dài 2 ngày của Đức Phanxicô gồm có Đại hội gia đình tại công viên Croke vào thứ bảy 25/08 và ngày hôm sau, ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại công viên Phoenix của Dublin. (News Irish News 16/05/2018)

Hồng Thủy

 

Án phong thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được bắt đầu

Án phong thánh cho cha Raghiid Ganni và 3 phó tế Iraq bị giết có thể được bắt đầu

Mosul – Bộ Phong thánh đã tuyên bố Nihil Obstat (không có gì ngăn trở) trong việc cho phép bắt đầu tiến trình phong thánh cho linh mục Raghiid Ganni của Giáo hội Canđê Iraq và 3 phó tế. Cha Ganni và 3 phó tế – Basman Yousef Daud, Wahid Hanna Isho và Gassan Isam Bidawid – bị giết vào ngày lễ Chúa Thánh Thần, 03/06/2007, bởi một người có võ khí, ở Mosul, gần nhà thờ Canđê dâng kính Chúa Thánh Thần, sau khi dâng Thánh lễ.

Hôm mùng 1 tháng 5, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh, và Đức Tổng Giám mục Marcello Bartolucci, Tổng Thư ký của Bộ này, đã ký lá thư xác nhận không có ngăn trở đối với việc tiến hành hồ sơ phong thánh cho cha Ganni và 3 phó tế bị giết cùng với cha, theo tiến trình được quy định. Lá thư có đề cập đến yêu cầu trước đó, vào tháng 11 năm 2017, của Đức Giám mục Francis Yohana Kalabat của giáo phận Canđê thánh Tôma Tông Đồ ở Detroit.

Nguồn tin địa phương cho hãng tin Fides biết rằng thẩm quyền của án phong thánh, với sự cho phép cần thiết từ Tòa Thánh, đã được chuyển từ tòa tổng giáo phận Canđê ở Mosul đến giáo phận Canđê có trụ sở tại Detroit, Hoa Kỳ. Do tình hình bất an ở miền Bắc Iraq và hoàn cảnh khó khăn mà tổng giáo phận Canđê ở Mosul gặp phải sau nhiều năm bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đóng, việc tiến hành án phong thánh theo tiến trình được yêu cầu cũng như việc thu thập các chứng tá gặp nhiều khó khăn.

Án phong thánh để phong chân phước cho cha Ganni và 3 phó tế cùng bị giết với cha, trước hết có thể tuyên bố cha và các bạn là các vị tử đạo vì đức tin, sẽ phải xác minh và chứng thực rằng bốn ứng viên chân phước là các vị tử đạo bị giết vì đức tin vào Chúa Kitô.

Cha Fabio Rosini, giám đốc ơn gọi của giáo phận Roma, đã nói rằng trong cuộc sống của cha Raghiid Ganni, có những điều chỉ có ơn Chúa mới có thể thực hiện được… Theo cách con người, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang đứng trước một vị anh hùng, một người có thể làm những điều phi thường, nhưng như thế chúng ta sẽ gặp nguy hiểm là biến Kitô giáo thành chủ nghĩa anh hùng. Một vị tử đạo không phải là một anh hùng, nhưng là một chứng nhân. Ngài biết điều đó nếu ân sủng hoạt động trong ngài. Trong Giáo hội, các anh hùng gây nên những vấn đề, sự chia rẽ, các cá nhân chủ nghĩa, bởi vì họ nói về mình. Ngược lại, các vị tử đạo nói về Chúa kitô, làm chứng cho Người.” (Fides 14/5/2018).

Hồng Thủy

Lễ Chúa Thăng Thiên mời gọi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới

Lễ Chúa Thăng Thiên mời gọi loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới

Lễ Chúa lên Trời khích lệ chúng ta hướng nhìn về Trời để rồi lập tức nhìn vào trái đất, bằng cách thực thi các bổn phận, mà Chúa phục sinh giáo phó cho chúng ta: đó là đem sứ điệp tình yêu thương và lòng thương xót của Chúa Giê su đền mọi nơi trên  trái đất này.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Thăng Thiên. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Hôm nay tại Italia cũng như  mọi nước khác là lễ trọng mừng Chúa lên Trời. Lễ này bao gồm hai yếu tố. Một đàng nó hướng cái nhìn của chúng ta về Trời, nơi Chúa Giêsu vinh hiển ngự bên hữu Thiên Chúa Cha (x. Mc 16,19). Đàng khác, nó nhắc nhớ chúng ta việc khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Tại sao? Bởi vì Chúa Giêsu phục sinh và lên Trời gửi các môn đệ ra đi phổ biến Tin Mừng trên toàn thế giới. Vì thế lễ Thăng Thiên khích lệ chúng ta hướng nhìn về Trời để rồi lập tức nhìn vào trái đất và thực thi các nhiệm vụ Chúa phục sinh tín thác cho chúng ta.

Đó là điều trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta, trong đó biến cố Thăng Thiên đến ngay sau sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các môn đệ. ĐTC giải thích như sau:

Đây là một sứ mệnh vô biên giới – nghĩa là không có giới hạn – vượt quá sức lực con người. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Các con hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15). Xem ra thật quá táo bạo nhiệm vụ Chúa Giêsu trao phó cho một nhóm ít người đơn sơ và không có các  khả năng trí thức lớn lao! Thế nhưng nhóm người yếu đuối, vô nghĩa trước các quyền lực lớn của thế giới này, lại được mời gọi đem sứ điệp tình yêu và lòng thương xót của Chúa Giê su tới mọi xó xỉnh của trái đất này.

Nhưng chương trình này của Thiên Chúa chỉ có thể được thực hiện với sức mạnh mà chính Thiên Chúa ban cho các Tông Đồ. Trong nghĩa đó Chúa Giêsu bảo đảm rằng sứ mệnh của họ sẽ được Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Chúa nói: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trên các con và các con sẽ là chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa và Samaria cho tới tận cùng trái đất “ (Cv 1,8). Như thế, sứ mệnh này đã có thể được thực hiện,  và các Tông Đồ đã bắt đầu công trình này sẽ được các người kế vị tiếp tục. Sứ mệnh Chúa Giêsu trao phó cho các Tông Đồ được tiếp nối qua các thế kỷ và còn được tiếp tục ngày nay: nó đòi hỏi sự cộng tác của tất cả mọi người. Thật vậy, mỗi người trong chúng ta, nhờ sức mạnh của bí tích Rửa Tội đã nhận lãnh, được phép loan báo Tin Mừng. Nghĩa là chính bí tích Rửa Tội cho phép và thúc đẩy chúng ta trở thành các thừa sai loan báo Tin Mừng.

ĐTC tiếp tục quảng diễn ý nghĩa của lễ Thăng Thiên như sau:

Lễ Chúa Thăng Thiên trong khi khai mào một hình thức hiện diện mới của Chúa Giêsu giữa chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt và con tim để gặp gỡ Ngài, phục vụ Ngài và làm chứng cho Ngài trước các người khác. Đây là việc trở thành các người nam nữ của sự Thăng Thiên, nghĩa là những người kiếm tìm Chúa Kitô dọc dài các nẻo đường của thời đại chúng ta, đem lời cứu rỗi của Ngài cho tới tận cùng bờ cõi trái đất. Trong lộ trình này chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi các anh chị em khác, nhất là nơi các anh chị em nghèo túng nhất, nơi những người đau khổ trên thân xác, sống  kinh nghiệm khó khăn và đớn đau của các tình trạng nghèo túng cũ và mới. Như thuở ban đầu Chúa Kitô phục sinh đã gửi các tông đồ của Ngài ra đi với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, ngày nay cũng thế Ngài gửi tất cả chúng ta ra đi với cùng sức mạnh ấy để là các dấu chỉ cụ thể hữu hình của niềm hy vọng. Bởi vì Chúa Giêsu Đấng trao ban cho chúng ta niềm hy vọng đã về Trời, và mở cửa trời ra cho chúng ta và niềm hy vọng rằng chúng ta sẽ về Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Chúa đã chết và sống lại đã linh hoạt đức tin của cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, giúp chúng ta nâng tâm lòng lên như phụng vụ hôm nay khuyến khích chúng ta.

 Đồng thời xin Mẹ giúp chúng ta có đôi chân “đứng trên mặt đất” và can đảm gieo vãi Tin Mừng trong các hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống và của lịch sử.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành tòa thánh cho tín hữu.

Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC bầy tỏ sự gần gũi của ngài với nhân dân Indonesia, đặc biệt với các cộng đoàn kitô tỉnh Surabaya bị tấn công nghiêm trọng. Ngài cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ. ĐTC mời mọi người cùng nhau khẩn nài Thiên  Chúa hòa bình để Ngài chấm dứt các hành động bạo lực này, và để mọi con tim tìm có chỗ cho sự hòa giải  và tình huynh đệ, chứ không phải là các tâm tình thù hận và bạo lực.

Hôm qua cũng là Ngày quốc tế truyền thông về đề tài “Tin tức giả dối và báo chí hòa bình”. ĐTC chào mọi nhân viên truyền thông, đặc biệt là các nhà báo dấn thân tìm kiếm sự thật, góp phần tạo dựng một xã hội công bằng và hòa bình hơn.

Hôm qua cùng là Ngày hiền mẫu cử hành tại nhiều nước. ĐTC xin mọi người vỗ tay chúc mừng các bà mẹ. Ngài nói: tôi muốn chào tất cả các bà mẹ và cám ơn các bà vì việc gìn giữ các gia đình. Tôi cũng nhớ tời các bà mẹ nhìn chúng ta từ trên Trời và tiếp tục gìn giữ chúng ta với lời cầu nguyện. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ thiên quốc của chúng ta – ngày hôm nay 13 tháng 5 với  tên là Đức Bà Fatima – xin Mẹ giúp chúng ta tiếp tục con đường cuộc sống.

ĐTC đã chào nhiều nhóm khác nhau, đặc biệt các nhạc sĩ và các nhóm dân ca vũ đến từ Đức, các tín hữu Paraguay thuộc cộng đoàn Virgen de Caacupe sống tại Roma, các tham dự viên hội nghị UCIIM nhân kỷ niệm 50 năm sáng lập viên Gesualdo Nosengo qua đời, phong trào Thiên  Chúa giầu lòng thương xót Napoli, tín hữu nhiều vùng khác nhau tại Italia, các trẻ em mới chịu Phép Thêm Sức các tỉnh Genova,  Emmembrueche Thụy Sĩ và Liscante, nhân viên Liên hiệp xe lửa tốc hành Express Âu châu, ngài cầu chúc họ thắng vượt được các khó khăn hiện nay và tìm ra giải pháp tích cực. ĐTC  cũng chào lực lượng Alpini đang nhóm đại hội toàn quốc tại Trento. Ngài khích lệ họ luôn là các chứng nhân của tình bác ái và hòa bình theo gương Teresio Olivelli bênh vực người yếu đuối, vừa mới được phong chân phước. Sau cùng ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui an bình và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô

ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô

VATICAN: ĐTC Phanxicô ca ngợi các hoạt động bác ái của Câu lạc bộ Thánh Phêrô đối với các anh chị em nghèo túng là thân mình bị thương tích của Chúa Kitô.

Ngài đã đưa ra lời khen ngợi này trong buổi tiếp các thành viên Câu lạc bộ thánh Phêrô sáng ngày 12 tháng 5. Từ biết bao năm qua câu lạc bộ đã là một cành phong phú của “cây nho bác bác ái” trong vườn nho Roma, khi nhận ra gương mặt của Chúa Kitô nơi người nghèo. ĐTC nói: Anh chị em là các thừa sai can đảm của lòng bác ái Kitô, không mệt mỏi làm chứng cho lòng thương xót và nhân lành của Thiên Chúa, và trở thành dụng cụ ủi an cho biết bao nhiêu người dòn mỏng và tuyệt vọng, noi gương biết bao nhiêu vị thánh của tình bác ái trong lịch sử Giáo Hội. Công tác tông đồ của anh chị em là dịp và là dụng cụ giúp đáp trả lại lời Chúa mời gọi nên thánh. Qua các sinh hoạt bác ái anh chị em cho phép ơn thánh của Bí tích rửa tội đem lại hoa trái trên con đường nên thánh.

ĐTC cũng cám ơn Đồng tiền thánh Phêrô, mà các thành viên thu góp trong mọi nhà thờ, như dấu chỉ việc tham dự và lưu tâm của Giám Mục Roma đối với người nghèo túng. ĐTC phó thác các gia đình và  sứ mệnh của họ cho sự che chở của Đức Bà ơn cứu rỗi của dân Roma và hai thánh Phêrô Phaolô. Ngài xin họ tiếp tục yểm trợ sứ vụ mục tử của ngài với lời cầu nguyện (REI 12-5-2018)

Linh Tiến Khải

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

ĐTC khích lệ củng cố liên hệ tình bạn giửa Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống Tchèque Slovacchia

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ Giáo Hội công giáo và Giáo Hội chính thống củng cố các liên hệ tinh thần và tình bạn để gia tăng việc chung xây hiệp nhất, noi gương hai thánh Cirillo và Metodio vượt thắng các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô và các truyền thống khác biệt.

ĐTC đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong buổi tiếp Đức Thượng Phụ  Rastislav của Giáo Hội chính thống Tcheque Sloavacchia sáng 11 tháng 5 vừa qua. Ngài cảm tạ Chúa vì các mối dây liên lạc tinh thần hiệp nhất khuyến khích theo đuổi việc xây dựng cho nhau và tìm về hiệp nhất. Mộ của hai thánh Cirillo và Meetodio Tông đồ các dân tộc Slave trong vương cung thánh đường thánh Clemente ở Roma là một trong các chứng tích liên hệ tinh thần ấy. Hai thánh đã đem các thách tích của thánh Clemente, một trong các vị Giám Mục Roma tiên khởi, chết khi bị đi đầy dưới thời hoàng đế Traiano, từ Salonicco về cho ĐGH Adriano II. Cử chỉ của hai vị cho thấy gia tài chung của sự thánh thiện với chứng tích tử đạo của biết bao nhiêu vị kitô hữu  như thánh Clemente đã trung thành với Chúa Giê su, hay như các kitô hữu bị chế độ vô thần bách hại tại các nước đông âu trong đó có Tcheque và Slovacchia.  Cả ngày nay nữa các khổ đau của biết bao nhiêu anh chị em kitô bị bách hại vì Tin Mừng là lời mời gọi cấp bách  kiếm tìm một sự hiệp nhất lớn hơn.

** Điểm thứ hai có thể rút tỉa từ chứng tá của hai thánh Cirillo và Metodio là tương quan giữa việc rao truyền Tin Mừng và nền văn hóa. Là các người theo truyền thống Bisantin hai anh em thánh thiện này đã táo bạo dịch Phúc Âm ra thứ tiếng mà các dân tộc Slave vùng Moravia có thể hiểu được. Được Đức Gioan Phaolo II nâng làm đồng bổn mạng Âu châu hai thánh cũng là gương mẫu cho công việc rao truyền Tin Mừng ngày nay.  Để loan báo Chúa Kitô tái khẳng định các lược đồ quá khứ thôi không đủ, cần phải lắng nghe Thánh Linh luôn gợi hứng cho các con đường mới mẻ can đảm loan báo Chúa cho con người thời nay. Đây là điều Chúa cũng làm tại các nước ngày nay bị tục hóa và thờ ơ với tôn giáo.

Điểm thứ ba có thể học hỏi nơi thánh Cirillo và Metodio là việc thắng vượt các chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô, các nền văn hóa và các truyền thống khác nhau. Trong nghĩa này hai vị đã là những người tiên phong đích thực của phong trào đại kết (Gioan Phaolo II, Slavorum Apostoli, 14). Hai thánh nhắc cho chúng ta biết rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng nhất, mà là hòa giải các khác biệt trong Chúa Thánh Thần. Các ngài khích lệ chúng ta sống sự khác biệt ấy trong sự hiệp thông, và không bao giờ mất cản đảm trên con đường tiến về hiệp nhất toàn vẹn.

ĐTC vui mừng về sự tham dự của Giáo Hội chính thống Tcheque và Slovacchia vào Ủy ban đối thoại hỗn hợp thần học công giáo chính thống. Ngài gửi lời chào thăm mọi tín hữu chính thống thuộc quyền Đức Thượng Phụ và xin Chúa cho hai Giáo Hội mau đạt sự hiệp nhất trọn vẹn qua lời bầu cử của hai thánh Cirillo và Metodio (REI 11-5-2018)

Linh Tiến Khải

 

Cuộc sống mới qua Bí Tích Rửa Tội cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô

Cuộc sống mới qua Bí Tích Rửa Tội cho tín hữu tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô

** Qua Bí Tích Rửa Tội tín hữu được tái sinh vào cuộc sống vĩnh cửu, sống ơn gọi hiệp nhất với Chúa Kitô trong Hội Thánh và tham dự vào sứ mệnh tư tế, vương giả và ngôn sứ của Ngài luôn mãi.

ĐTC đã nói như trên với 40,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC tiếp tục khai triển ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội. Ngài nói: Giáo lý về bí tích Rửa Tội đưa chúng ta tới lễ nghi trung tâm là rửa tội – nghĩa là dìm mình – trong Mầu Nhiệm phục sinh của Chúa Kitô (GLCG 1239). Ý nghĩa cử chỉ này đã được thánh Phaolô  nhắc cho kitô hữu Roma biết, trước hết bằng cách hỏi họ như sau: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm mình vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người để như Chúa Kitô đã phục sinh từ những kẻ đã chết chúng ta cũng có thể bước đi trong cuộc sống mới” (Rm 6,3-4). Bi Tích Rửa Tội mở ra cho chúng ta cánh cửa vào cuộc sống phục sinh, chứ không phải một cuộc sống trần tục. Một cuộc sống theo Chúa Giêsu. ĐTC giải thích như sau:

Giếng rửa tội là nơi, trong đó chúng ta làm lễ Vượt Qua với Chúa Kitô! Con người cũ đã bị chôn vùi với các đam mê lừa dối của nó (x. Ep 4,22), để tái sinh một thụ tạo mới (x. 2 Cr 5,17). Trong các bài giáo lý được gán cho thánh Cirillo thành Giêrusalem điều xảy ra trong nước rửa tội được giải thích cho các người mới được thanh tẩy như sau – Giải thích này của thánh Cirillo rất hay đẹp: “Chính trong lúc anh chị em chết đi và sinh ra, cùng làn sóng cứu rỗi trở thành mồ và mẹ cho anh chị em” (s. 20 Mistagogica 2,4-6; PG 33, 1079-1082).

** Việc tái sinh của con người mới đòi buộc con người bị hư hỏng vì tội lỗi phải trở thành tro bụi. Các hình ảnh của nấm mồ và lòng mẹ quy chiếu giếng rửa tội thật ra khá sâu đậm giúp diễn tả điều cao cả xảy ra qua các cử chỉ đơn sơ của Bí Tích Rửa Tội. Tôi thích trích bản khắc ở nhà nguyện rửa tội cổ xưa của đền thờ Laterano, trên đó người ta đọc được kiểu diễn tả bằng tiếng la tinh được gán cho ĐGH Sisto III như sau: “Mẹ Giáo Hội sinh ra một cách đồng trinh qua nước các người con mình được thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Hỡi những ai được tái sinh bởi giếng này, hãy hy vọng nước trời” Thật là đẹp: Giáo Hội cho chúng ta sinh ra, Giáo Hội là cung lòng, là mẹ chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội.

Nếu cha mẹ chúng ta đã sinh chúng ta vào cuộc sống trần gian, thì Giáo Hội đã sinh ra chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta đã trở nên con cái trong Đức Giêsu Con của Ngài (x. Rm 8,15; Gl 4,5-7). Cả trên từng người trong chúng ta đã được tái sinh bởi nước và bởi Thánh Thần, Thiên  Chúa Cha trên trời cũng làm vang lên với tình yêu vô biên tiếng Ngài nói rằng: “Con là con yêu dấu của Ta” (x. Mt 3,17). Tiếng nói hiền phụ này, tai không thể nhận ra được, nhưng có thể nghe được bởi con tim của người tin, đồng hành với chúng ta suốt đời, không bao giờ bỏ chúng ta.

Trong suốt cuộc đời Thiên Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu của Ta, con là con gái yêu của Ta”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết bao nhiêu, như một Ngươi Cha và Ngài không bỏ chúng ta một mình. Điều này từ lúc Rửa Tội.

Được tái sinh làm con Thiên Chúa chúng ta là con luôn mãi! Thật thế, bí tích Rửa Tội không được lập lại, bởi vì nó in một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa nhòa được: “Dấu ấn đó không bị xóa bỏ bởi bất cứ tội lỗi nào, tuy tội lỗi ngăn cản Bí Tích Rửa Tội đem lại hoa trái cứu độ” (GLCG 1272).

Dấu ấn của Bí Tich Rửa Tội không bao giờ bị mất! “Nhưng mà thưa cha, nếu một người trở thành một tên cướp, trong số những tên cướp khét tiếng nhất, giết người, phạm các tội bât công, dấu ấn đó có mất không?” Không. Xấu hổ cho người làm các điều ấy là con Thiên Chúa, nhưng dấu ấn không mất đi. Anh ta tiếp tục là con Thiên Chúa, chống lại Thiên  Chúa nhưng  Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài. Anh chị em đã hiểu điều cuối cùng này chưa? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài.

** Chúng ta có cùng nhau lập lại điều này không? “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. Mọi người cùng lập lại nhưng hơi nhỏ nên ĐTC nói: Mạnh hơn một chút đi! Hoặc là tôi điếc hay tôi đã không hiểu. Tín hữu lập lại to hơn: Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ các con cái Ngài”. ĐTC nói: “Ừ, như vậy là tốt.”

Tiếp tục bài huấn đụ ĐTC nói thêm như sau:

Được sát nhập vào Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, như thế những người được thanh tẩy được đồng hình dạng với Ngài, là “trưởng tử của một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Qua hoạt động của Chúa Thánh Thần Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy, thánh hóa, làm cho nên công chính, để làm cho nhiều người trở thành một thân thể trong Chúa Kitô (x. 1 Cr 6,11; 12,13). Việc xức dầu thánh diễn tả điều ấy, nó là “dấu chỉ của chức tư tế vương giả của người được rửa tội và của việc tháp nhập vào cộng đoàn dân Chúa” (Lễ nghi rửa tội trẻ em, s. 18,3). Vì vậy vị linh mục xức dầu thánh trên đầu mỗi người được rửa tội, sau khi đọc các lời giải thích ý nghĩa của nó như sau: “Chính Thiên  Chúa thánh hiến với dầu cứu độ, để khi được tháp nhập vào Chúa Kitô là tư tế, vua và ngôn sứ, anh chị em luôn là chi thể của thân mình Ngài cho cuộc sống vĩnh cửu” (ibid., s. 71).

Anh chị em thân mến, tất cả ơn gọi kitô là ở đây: sống kết hiệp với Chúa Kitô trong Hội Thánh, tham dự vào chính sự thánh hiến để chu toàn cùng sứ mệnh, trong thế giới này bằng cách đem lại hoa trái tồn tại luôn mãi. Thật vậy, được linh hoạt bởi Thần Khí duy nhất toàn dân Chúa tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu Kitô “Tư Tế, Vua và Ngôn Sứ” và gánh vác các trách nhiệm của sứ mệnh và việc phục vụ phát xuất từ đó (CCC, 783-786). Tham dự vào chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Chúa Kitô có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là làm cho mình trở thành một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1) bằng cách làm chứng cho Ngài qua một cuộc sống đức tin, đức mến (x. LG 12), và phục vụ tha nhân theo gương Chúa Giêsu (x. Mt 20,25-28; Ga 13,13-17).

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đến từ Pháp và Canada cũng như các nhóm đến từ Anh quốc, Phần Lan, Indonesia, Philipines, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt nhóm các “tiểu nông dân” Ý đến từ nhiều nước khác nhau. Ngài cám ơn họ đã góp phần nuôi sống người dân trên thế giới, và khích lệ mọi người đừng quên sống ơn gọi thánh tẩy biến cuộc đời mình trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các Hiệp Sĩ Thánh Mộ thuộc phân bộ thánh Hildegarde và các nữ tu Chúa Cứu Thế mừng 25 năm khấn dòng. Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế và gia đình Phan Sinh Brasil cũng như các thành viên Học viện phát triển xã hội Lisboa. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố con tim giúp họ đồng cảm với Giáo Hội và kiên trì noi gương Mẹ Maria cộng tác với các chương trình cứu rỗi của Chúa.

Chào các nhóm hành hương đến từ vùng Trung Đông ĐTC khích lệ họ siêng năng lần Hạt Mân Côi kính Đức Mẹ trong tháng 5 này để đặc biệt cầu nguyện cho hòa bình tại Siria và trên toàn thế giới.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nhắc tới lễ kính thánh Stanislao Giám Mục tử đạo Bổn Mạng Ba Lan, và khuyến khích họ noi gương can đảm của thánh nhân bảo vệ Tin Mừng, các giá trị luân lý đạo đức và phẩm giá của mỗi một người trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Trong các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên tổng tu nghị dòng các nữ tu Đức Bà Mercede, các nữ tử thừa sai núi Sọ, các nữ tu Phan Sinh tôi tớ Chúa Giêsu Hài Đồng, cộng đoàn giới trẻ Don Bosco Roma, các giáo xứ, các thành viên hiệp hội Giáo dân lòng Chúa Thương Xót, các nhóm sinh viên học sinh Civitanova Marche, Firenze và Gioia del Colle. Ngài cầu chúc mọi người luôn hăng say làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong môi trường cuộc sống thường ngày.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc nhớ mọi người siêng năng lần hạt Mân Côi trong tháng 5 kính Đức Mẹ, và noi gương Mẹ tiếp nhận các mầu nhiệm của Chúa Kitô trong cuộc sống và là món quà tình yêu cho tha nhân.

Buổi tiếp kiến đã két thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy

Vatican. Chúa nhật 06.05.2018, vào lúc 12h trưa tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hàng chục ngàn tín hữu và khách hành hương. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha quảng diễn bài Tin Mừng Chúa nhật, với trọng tâm là lời mời gọi của Chúa Giêsu: Hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Sau khi đọc kinh, Đức Thánh Cha chào thăm mọi người, và đặc biệt mời gọi cầu nguyện cho dân nước Cộng hòa Trung Phi.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến!

Lời Chúa trong mùa Phục Sinh tiếp tục cho chúng ta thấy lối sống gắn kết để trở thành cộng đoàn của Đấng Phục Sinh. Hôm nay, bài Tin Mừng nói về lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Sống gắn bó mật thiết với tình yêu của Chúa, vừa gìn giữ chúng ta, vừa là điều kiện để cho lòng mến của chúng ta không bị nguội tắt. Cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, với lòng biết ơn, chúng ta đón nhận tình thương đến từ Chúa Cha và ở lại trong tình thương ấy. Khi đó, chúng ta cố gắng từ bỏ ích kỷ và tội lỗi. Để làm được điều này, chẳng dễ dàng gì, nhưng không phải là không thể.

Trước hết, điều quan trọng là nhận biết rằng, tình yêu của Chúa Kitô không phải là loại cảm xúc hời hợt, nhưng là một thái độ nền tảng của con tim. Thái độ ấy là thế này: muốn sống như Chúa Kitô muốn. Chúa Giêsu khẳng định: Nếu anh em tuân giữ các điều răn của Thầy, thì anh em ở lại trong tình thương của Thầy, giống như Thầy đã tuân giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Ngài” (Ga 15:10). Tình thương ấy được nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày, qua từng thái độ, từng cử chỉ; bằng không thì tình thương ấy chỉ là những lời rỗng tuếch mà thôi. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta giữ các điều răn của Chúa và được tóm lại trong điều này: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).

Làm thế nào mà chúng ta có thể sống tình thương của Chúa Phục Sinh, trong khi chúng ta chưa biết sống chia sẻ với anh chị em đồng loại? Biết bao lần Chúa đã nói rằng, yêu thương tha nhân, không phải bằng lời nói nhưng bằng hành động cụ thể. Tha nhân chính là người mà tôi gặp trên đường phố, với khuôn mặt với câu chuyện cuộc đời. Người ấy gọi hỏi tôi, người ấy đẩy tôi ra khỏi những sở thích, những quan tâm của tôi, đẩy tôi ra khỏi chỗ an toàn của tôi. Người ấy chờ đợi sự sẵn lòng lắng nghe của tôi. Người ấy chờ tôi cùng làm điều gì đó trên nẻo đường. Cần sẵn lòng với tất cả những anh chị em mà tôi gặp thấy trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, từ những người thân trong gia đình, đến những người trong cộng đoàn, nơi tôi làm việc, nơi trường học… Trong từng cảnh huống ấy, nếu tôi ở lại trong sự thân thiết với Chúa Giêsu, thì tình yêu của Người có thể lan truyền sang người khác và sống động nơi chính tôi. Đó là tình thương của Chúa, là tình bạn của Chúa.

Tình thương ấy không chỉ được chúng ta thực hiện trong những khoảnh khắc đặc biệt, nhưng cần phải trở thành lối sống của chúng ta. Vì thế, với tình yêu mến, cần chăm sóc gìn giữ người cao niên như kho tàng quý giá, ngay cả khi các vị trở thành gánh nặng về kinh tế với nhiều bất lợi. Vì thế, cần chăm sóc người ốm đau bệnh tật với tất cả những trợ giúp cần thiết, cả khi họ ở giai đoạn cuối đời. Vì thế, cần đón mừng tất cả trẻ em chào đời. Vì thế, cần luôn luôn bảo vệ sự sống, yêu mến sự sống từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên.

Chúng ta được Thiên Chúa yêu mến trong Đức Giêsu Kitô. Chúng ta được mời gọi yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Nhưng không thể làm được điều ấy, nếu chúng ta không mang trong mình một trái tim giống Trái Tim của Chúa. Thánh Lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày Chúa nhật, có mục đích huấn luyện con tim chúng ta trong Trái Tim Chúa Kitô, để tất cả đời sống của ta được hướng dẫn bởi lòng quảng đại của Chúa. Lạy Mẹ Đồng Trinh Maria, xin giúp chúng con biết ở lại trong tình thương của Chúa Giêsu, để chúng con được lớn lên trong tình thương dành cho tha nhân, đặc biệt là dành cho những ai yếu đuối nhất bé nhỏ nhất, để chúng con có thể đáp lại xứng đáng ơn gọi Kitô hữu của mình.

 

Đức Thánh Cha chào thăm

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại Aachen bên Đức, có lễ tuyên phong chân phước Chiara Fey, người sáng lập Dòng Nữ Tử Chúa Giêsu Hài Đồng Nghèo. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì tân chân phước là chứng nhân nhiệt thành cho Tin Mừng, là nhà giáo dục chăm sóc những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Cha mời gọi cầu nguyện cho dân nước Cộng hòa Trung Phi, nơi mà Cha đã từng viếng thăm và vẫn mang trong tim. Những ngày này đã xảy ra bạo lực chết chóc. Trong số những người bị chết, có một linh mục. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, để mọi người biết nói không với bạo lực, nói không với sự trả thù, để mọi người có thể cùng nhau xây dựng hòa bình.

Cha chào thăm anh chị em, là người dân thành Roma và các khách hành hương, đặc biệt là những người đến từ Tây Ban Nha và Slovakia. Cha đặc biệt chào thăm các tân vệ binh Thụy Sỹ và gia đình bè bạn của các tân vệ binh. Cha chào mừng các vị đại diện của Hiệp hội Meter. Chúc quý vị can đảm tiếp tục dấn thân trong sứ mạng bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành.

Chúc anh chị em ngày tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha!

Tứ Quyết SJ

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ 150 ngàn thành viên Con Đường Tân Dự Tòng

Đức Thánh Cha gặp gỡ 150 ngàn thành viên Con Đường Tân Dự Tòng

TOR VERGATA. ĐTC cảm tạ Thiên Chúa vì 50 năm hoạt động của Con đường Tân Dự Tòng ở và từ Roma, đồng thời ngài khích lệ các thành viên tiếp tục công trình truyền giáo.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc gặp gỡ sáng ngày 5-5-2018, với 150 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng từ 135 quốc gia trên thế giới, về Roma mừng kỷ niệm 50 năm Con đường này bắt đầu hoạt động tại Roma. Hiện diện tại buổi lễ cũng có gần 10 Hồng Y và 90 GM từ các nước trên thế giới.

Con đường Tân Dự Tòng là một hành trình do Ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez khởi xướng trong thập niên 1960 ở ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha và hiện nay lan rộng trên thế giới với 21.300 cộng đoàn trong 6.270 giáo xứ, với 1.668 gia đình đang đi truyền giáo, trong số này có 216 nhóm truyền giáo cho dân ngoai, đặc biệt tại các thành phố đã rời bỏ đức tin Kitô ở 5 châu. Ngoài ra, Con đường này có 120 đại chủng viện để đào tạo các linh mục truyền giáo.

Cuộc gặp gỡ với ĐTC đã diễn ra lúc 11 giờ sáng tại khu đại học xá Tor Vergata, ở ngoại ô phía đông Roma. Nơi đây hồi năm thánh 2000, 2 triệu người đã tham dự Ngày Quốc Tế giới trẻ.

Trong bài huấn dụ sau lời chào mừng và giới thiệu của Ông Kiko Arguello về các đoàn tham dự, ĐTC đã nhiệt liệt cám ơn các thành viên Con đường Tân Dự Tòng và những người khai sáng, hướng dẫn, đã dấn thân đáp lại và thi hành lời dạy của Chúa Cứu Thế: ”Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19). ĐTC lần lượt triển khai các khía cạnh trong mệnh lệnh này của Chúa.

– ”Các con hãy ra đi”. Sứ mạng truyền giáo đòi phải ra đi. Nhưng trong cuộc sống, có cám dỗ rất mạnh là ở lại, không chấp nhận những rủi ro, hài lòng với những tình trạng mình đang kiểm soát được. Ở lại nhà, với những người thân yêu chung quanh, đó là điều dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là con đường Chúa Giêsu muốn.

ĐTC nhắc nhở rằng để có thể ra đi, cần phải nhẹ nhàng, du hành nhẹ, với hành lý duy nhất là niềm tín thác nơi Chúa. Và ”Để loan báo cần phải từ bỏ. Chỉ có một Giáo hội từ bỏ thế giới mới loan báo Chúa một cách tốt đẹp. Chỉ có một Giáo Hội không bị quyền lực và tiền bạc ràng buộc, được giải thoát khỏi thái độ hiếu thắng và giáo sĩ trị thì mới làm chứng một cách đáng tin cậy rằng Chúa Kitô giải thoát con người”.

ĐTC cũng phân tích lời Chúa dạy: ”Các con hãy làm cho mọi người thành môn đệ của Thầy”. Chúa không nói hãy chinh phục, hãy chiếm đóng, nhưng hãy biến tha nhân thành môn đệ, nghĩa là chia sẻ với tha nhân hồng ân mình đã nhận lãnh, cuộc gặp gỡ yêu thương đã thay đổi cuộc sống các con. Trọng tâm của sứ mạng truyền giáo là làm chứng rằng tình yêu đích thực, tình yêu khiến chúng ta chia sẻ cuộc sống mọi nơi, trong gia đình, nơi làm việc, trong tư cách là ngừơi thánh hiến và ngừơi có gia đình. Sứ mạng truyền giáo là trở về mang theo những môn đệ mới của Chúa Giêsu. Đó là tái khám phá mình là thành phần của một Giáo Hội là môn đệ Chúa”.

ĐTC cũng giải thích rằng ”Người môn đệ làm cho người khác thành môn đệ, là điều hoàn toàn khác với các hoạt động chiêu dụ tín đồ. Điều hệ trọng ở đây là sức mạnh của sự loan báo, để thế gian tin. Những lý lẽ thuyết phục không phải là điều đáng kể, nhưng là cuộc sống thu hút; không phải là khả năng áp đặt, nhưng là can đảm phục vụ. Và anh chị em có ơn gọi ấy trong căn tính của mình, ơn gọi loan báo bằng cuộc sống trong gia đình, noi gương thánh gia thất; khiêm tốn, đơn sơ, và chúc tụng. Anh chị em hãy mang bầu không khí gia đình này tới bao nhiêu nơi hoang tàn và thiếu tình thương. Hãy tỏ cho người ta thấy mình là bạn hữu của Chúa Giêsu”.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các thành viên Con đường Tân Dự Tòng, khi ra đi truyền giáo, hãy yêu mến các nền văn hóa và truyền thống của các dân tộc, không áp dụng những kiểu mẫu tiền chế”.

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã làm phép các thánh giá và trao cho các vị trưởng của 36 nhóm được sai đi truyền giáo cho dân ngoại, theo lời mời của các GM tại những vùng có ít sự hiện diện của Giáo Hội hoặc tại những nơi sự hiện diện của Kitô giáo bị suy yếu.

Ngoài ra, trong tư cách là GM Roma, ĐTC cũng sai đi 20 cộng đoàn thuộc các giáo xứ ở Roma theo tinh thần Con đường này, đến hoạt đỘng tại các giáo xứ khác thuộc khu ngoại ô Roma. Mục đích là tìm đến những người đã xa lìa đức tin.

Cuộc gặp gỡ kết thúc lúc gần 12 giờ 3- với bài ca Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. (Rei 5-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

Phái đoàn GM Đức về Roma để thảo luận với Tòa Thánh

VATICAN. Thứ năm 3-5-2018, một phái đoàn HY, GM Đức sẽ về Roma, thảo luận với Tòa Thánh về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ.

HĐGM Đức, dưới sự lãnh đạo của ĐHY Chủ tịch Reinhard Marx, TGM Munich, đã thông qua một chỉ nam về vấn đề cho những người Tin Lành kết hôn với người Công Giáo được rước lễ. Các vị dựa vào giải thích khoản giáo luật so 844, triệt 4 nói rằng ”Trong trường hợp nguy tử, hoặc theo phán đoán của GM giáo phận hay HĐGM, có sự cần thiết trầm trọng, thì các thừa tác viên Công Giáo có thể ban bí tích hợp pháp cho các tín hữu Kitô khác chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, nếu họ không thể đến gặp thừa tác viên cộng đoàn của họ và nếu họ tự ý xin thừa tác viên Công Giáo, miễn là họ bày tỏ niềm tin của Công Giáo đối với các bí tích ấy và ở trong tình trạng sẵn sàng”.

Chỉ nam đã được 2 phần 3 thành viên trong HĐGM Đức thông qua, nhưng có 7 vị đứng đầu là ĐHY Rainer Maria Woelki, TGM giáo phận Koeln, viết thư cho Bộ giáo lý đức tin, thỉnh cầu làm sáng tỏ vấn đề, nhất là thẩm quyền của HĐGM trong vấn đề này. Một số vị khác đã phê bình cuốn chỉ nam này, trong đó có ĐHY Gerhard Mueller, cựu Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin.

Trong thông cáo công bố hôm 30-4 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết phái đoàn HĐGM Đức gồm có 7 HY và GM, đứng đầu là ĐHY Marx và ĐHY Woelki, cùng với cha Tổng thư ký HĐGM Hans Langendoerfer.

Về phía Tòa Thánh có Đức TGM Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin Luis Ladaria, ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Ông Markus Graulich, SDB, Phó Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, Cha Hermann Geissler, Trưởng Phân Bộ đạo lý thuộc Bộ giáo lý đức tin (Rei 30-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Huấn Thị mới của Bộ Giáo Dục về việc học Giáo Luật

Huấn Thị mới của Bộ Giáo Dục về việc học Giáo Luật

VATICAN. Hôm 3-5-2018, Bộ giáo dục Công Giáo đã công bố huấn thị mới về việc học giáo luật dưới ánh sáng cuộc cải tổ thủ tục cứu xét các đơn xin tuyên bố hôn nhân vô hiệu.

Việc cải tổ này được ĐTC Phanxicô đề ra qua hai tự sắc ”Chúa Giêsu thẩm phán hiền từ” (Mitis Iudex Dominus Iesus” và ”Chúa Giêsu hiền từ và thương xót” (Mitis et misericors Iesus), ban hành cách đây 3 năm (8-2015) nhắm đơn giản hóa và đẩy nhanh thủ tục giải hôn phối, trong đó có khoản qui định chỉ cần phán quyết của một cấp tòa án xác nhận hôn phối vô hiệu là đủ. Ngoài ra, Đức GM giáo phận có thể ban sắc lệnh hành chánh nhìn nhận sự vô hiệu của một hôn phối khi thấy có những bằng chứng rõ ràng.

Huấn thị mới của Bộ giáo dục Công Giáo, dài 21 trang, với 37 điều khoản, được công bố trong bối cảnh mới trên đây, sau khi được ĐTC phê chuẩn, nhắm thăng tiến sự chuẩn bị về học vấn cho các nhân viên khác nhau làm việc trong các tòa án của Giáo Hội, và những người làm việc trong lãnh vực tư vấn hôn nhân và gia đình.

Huấn thị khẳng định rằng con đường bình thường để huấn luyện các nhà giáo luật tương lai vẫn là chu kỳ lấy bằng cao học (licenza) giáo luật, tuy nhiên, Bộ giáo dục Công Giáo muốn rằng các Phân Khoa hoặc Học viện về giáo luật cũng cấp chứng chỉ về luật hôn nhân và thủ tục cứu xét các đơn xin giải hôn phối. Chứng chỉ này đặc biệt dành cho những người đã được sự chuẩn chước của Tối Cao Pháp Viện Tòa Thánh để được làm việc ở các tòa án Giáo Hội mà không cần có các văn bằng giáo luật.

Huấn thị mới nhấn mạnh những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng của các Viện giáo luật hiện hữu hoặc sẽ được thanh lập. Điểm mới của Huấn Thị là: có thể thiết lập Ban giáo luật trong các phân khoa thần học, hoặc lập những ghế giáo sư giáo luật trong các phân khoa luật thuộc các Đại học Công Giáo” (Rei 3-5-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Nước ơn thánh của Bí Tích Rửa Tội trao ban sự sống mới cho tín hữu

Nước ơn thánh của Bí Tích Rửa Tội trao ban sự sống mới cho tín hữu

** Được thánh hóa bởi hoạt động của Chúa Thánh Thần nước Rửa Tội làm cho tín hữu bị chôn vùi trong cái chết với Chúa Giêsu để sống lại cho cuộc đời bất tử. Khi từ bỏ Satan, tội lỗi, các quyến rũ của sự dữ và tuyên xưng đức tin của Giáo Hội, tín hữu lựa chọn với tinh thần trách nhiệm cần được diễn tả ra bằng các cử chỉ cụ thể suốt đời.

ĐTC đã nói như trên với tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua.

Trong bài huấn dụ ngài tiếp tục giải thích ý nghĩa các lễ nghi chính của việc cử hành Bí Tích Rửa Tội. Trước hết là nước được Giáo Hội khẩn nài quyền năng của Chúa Thánh Thần đến thánh hóa để nó có sức mạnh tái sinh và canh tân (x. Ga 3,5; Tt 3,5). ĐTC nói:

Nước là mẹ của sự sống và sự phong phú, trong khi việc thiếu nước làm tắt ngấm mọi sự phong phú, như xảy ra trong sa mạc. Tuy nhiên, nước cũng có thể gây ra chết chóc, khi nó nhận chìm trong dòng chảy của mình, hay khi nhiều quá nó cuốn trôi mọi sự; sau cùng nước có khả năng rửa, làm sạch và thanh tẩy.

Từ biểu tượng tự nhiên được thừa nhận một cách đại đồng này, Thánh Kinh miêu tả các can thiệp và các lời hứa của Thiên  Chúa qua dấu chỉ của nước. Tuy nhiên, quyền năng tha tội không ở trong nước, như thánh Ambrogio đã giải thích cho những người mới được rửa tội: “Bạn đã trông thấy nước, nhưng không phải nước nào cũng chữa lành: chữa lành là nước có ơn thánh của Chúa Kitô… Hoạt động là của nước, sự hữu hiệu là của Chúa Thánh Thần” (De Sacramentis 1,15).

Vì thế Giáo Hội khẩn nài hoạt động của Thần Khí trên nước “để những người sẽ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội trong nước  được chôn vùi với Chúa Kitô trong cái chết và sống lại với Ngài trong cuộc sống bất tử” (Lễ nghi Rửa Tội cho trẻ em, s. 60).  Lời cầu làm phép nước nói rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị nước “để là dấu chỉ của Bí Tích Rửa Tội”, và nhắc nhớ các hình ảnh diễn tả trước trong Thánh Kinh: Thần Khí Chúa bay là là trên măt nước thời khai nguyên và khiến cho nó trở thành mầm sống (x. St 1,1-2); nước của lụt hồng thủy ghi dấu sự kết thúc của tội lỗi và lúc khởi đầu của sự sống mới (x. St 7,6-8.22); qua nước Biển Đỏ con cái Abraham được giái thoát khỏi ách nô lệ của Ai Cập (z. Xh 14,15-31).

** Trong tương quan với Chúa Giêsu, ta nhớ tới việc thanh tẩy trong sông Giordan (x. Mt 3,13-17), máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ngài (x. Ga 19,31-37), và lệnh truyền cho các môn đệ rửa tội cho mọi dân tộc nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19). Mạnh mẽ trong niềm tin ấy chúng ta xin Thiên Chúa đổ xuống trên nước của giếng rửa tội ơn thánh của Chúa Kitô đã chết và sống lại (Lễ nghi… s. 60). Và như thế nước này được biến đổi thành nước mang trong mình sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và với nước có sức mạnh của Chúa Thánh Thần này chúng ta rửa tội cho dân chúng, chúng ta rửa tội cho người lớn, trẻ em, tất cả mọi người.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Sau khi nước của giếng rửa tội được thánh hóa, chúng ta làm phép nước; giờ đây chúng ta làm phép con tim – để đạt tới bí tích Rửa Tội. Điều này xảy ra với việc khước từ Satan và tuyên xưng đức tin, là hai cử chỉ gắn liền nhau. Trong mức độ trong đó tôi nói “không” với các gợi ý của ma quỷ – là kẻ chia rẽ – tôi có thể nói “có” với Thiên Chúa, là Đấng gọi tôi trờ thanh đồng hình dạng với Ngài trong tư tưởng và việc làm.

Ma quỷ chia rẽ: Thiên Chúa luôn luôn hiệp nhất cộng đoàn, hiệp nhất con người thành một dân dân duy nhất. Chúng ta, vài người, mà ta không biết rõ tông tích, luôn luôn thành công trong việc lừa dối nhưng một cách không rõ ràng. Chúng ta nói: “Điều này tốt với Thiên Chúa và tốt với ma quỷ”. Thật thế chúng ta nói vậy. Nhưng mà không, không được như thế: hoặc là bạn ở tốt với Thiên Chúa, hoặc là bạn ở tốt với ma quỷ. Chính vì vậy việc khước từ và cử chỉ tuyên xưng đức tin đi đôi với nhau.

** Không thể gắn bó với Chúa Kitô bằng cách đặt các điều kiện. Cần phải tách rời khỏi vài sợi dây nào đó để có thể thực sự ôm lấy tha nhân. Cần chặt đứt các cây cầu, để chúng lại sau lưng, để bắt đầu Con đường mới là Chúa Kitô.

Câu trả lời cho các câu hỏi – “Anh chị em có từ bỏ Satan, mọi việc của nó và mọi quyến rũ của nó không?” – là công thức ở ngôi thứ nhất số ít: “Con từ bỏ”. Ta trả lời như thế. Chúng ta, đúng, chúng ta trả lời một cách vô danh hay là chúng ta từ bỏ … Nhưng ở đây “tôi từ bỏ”.

Viêc tuyên xưng đức tin của Giáo Hội cũng theo cùng cách thức, khi nói “Con tin”. Con từ bỏ và con tin. Đây là nền tảng của Bí Tích Rửa Tội.  Đây là một sự lựa chọn có trách nhiệm, đòi buộc phải diễn tả ra với các cử chỉ cụ thể niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa. Cử chỉ đức tin giả thiết một dấn thân rằng Bí Tích Rửa Tội sẽ giúp duy trì với lòng kiên vững trong các hoàn cảnh khác nhau và các thử thách của cuộc sống. Chúng ta hãy nhớ sự khôn ngoan cổ xưa của dân Israel: “Hỡi con, nếu con trình diện để phục vụ Chúa, hãy chuẩn bị chịu thử thách”, nghĩa là hãy chuẩn bị chiến đấu (Hc 2,1).

Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhúng tay vào nước thánh và làm dấu Thánh Giá – khi bước vào một nhà thờ chúng ta đụng vào nước thánh – và làm dấu thánh giá, chúng ta hãy nghĩ tới Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã nhận lãnh với niềm vui và lòng biết ơn – nước này nhắc nhớ Bí Tích Rửa Tội của chúng ta, nước thánh nhắc nhớ Bí Tích Rửa Tội, và chúng ta hãy canh tân tiếng “Amen” – “Tôi hài lòng”  để sống chìm ngập trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ thuộc giáo phận Rouen do ĐC Lebrun hướng dẫn, các ban trẻ San Brieuc cùng với ĐC Moute. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ khi làm dấu Thánh Giá với nước thánh hãy nhớ tới Bí Tích Rửa Tội gắn bó họ với Chúa Kitô và cuộc sống mới trong đức tin và dấn thân làm chứng cho Chúa.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Canada và Hoa Kỳ, cách riêng các thành viên hiệp hội công giáo trải dài. Ngài cám ơn họ về sự trợ giúp tái thiết Puerto Rico. ĐTC cũng chào các nhóm Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và nhắc cho mọi người biết Bí Tích Rửa Tội cử hành trong phụng vụ Phục Sinh khiến cho chúng ta ý thức được mối dây gắn bó với Chúa Kitô hằng sống, và làm cho chúng ta sẵn sàng sống bác ái với mọi người. Ước chi nó mang lại nhiều hoa trái của sự thánh thiện với các cử chị bé nhỏ, cụ thể mỗi ngày, tin tưởng Chúa và yêu thương tha nhân.

Với các đoàn hành hương Croat ĐTC chào đặc biệt ban giáo sư và học sinh trường thánh Giuse Sarajevo. Ngài vẫn nhớ cuộc gặp gỡ tươi vui với họ năm 2015, và khuyến khích họ luôn ngày càng gắn bó với Chúa Kitô để sống tràn đầy cuộc sống của mình, luôn luôn can đảm và quảng đại, vì Giáo Hội tin tưởng nơi họ.

Trong số đông đảo các đoàn hành hương Ý ĐTC chào các linh mục trường quốc tế thánh Giuse Tây Ban Nha, hiệp hội phòng thí nghiệm của niềm hy vọng Ascoli Piceno, Hiệp hội đầu bếp vùng Toscana, trung Italia, cũng như các đoàn hành hương Palermo do ĐC Corrado Lorefice hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ luôn trung thành với Chúa Kitô và dãi tỏa niềm vui của Tin Mừng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội kính nhớ thánh Atanasio Giám Mục, tiến sĩ Giáo Hội. Ngài cầu mong sự thánh thiện và giáo lý lành mạnh của thánh nhân nâng đỡ đức tin và củng cố chứng ta kitô của từng người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

ĐTC viếng đền thánh Đức Bà Tinh Yêu Thiên Chúa

ĐTC viếng đền thánh Đức Bà Tinh Yêu Thiên Chúa

ROMA: Hôm mùng 1 tháng 5 lễ thánh Giuse Thợ, cũng là ngày đầu tháng Kính Đức Mẹ, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa và chủ sự buổi lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình tại đây.

ĐTC đã viết trên Twitter bằng 9 thứ thứ tiếng (Ý, Anh, Latinh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ba Lan và A rập) như sau: “Chúng ta cử hành thánh Giuse thợ, chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng công việc làm là một yếu tố nền tảng đối với phẩm giá con người.

Hôm nay, tại Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên  Chúa, chúng ta sẽ lần Hạt Mân Côi đặc biệt cầu cho hòa bình tại Siria và trên toàn thế giới. Tôi mời gọi kéo dài lời cầu Mân Côi cho hòa bình trong suốt tháng 5 này.

Đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa cách Roma hơn 10 cây số. Đây không phải là nơi Đức Mẹ hiện ra, nhưng là nơi có một bức bích họa Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng ngồi trên ngai bên trên có hình chim Bồ Câu biểu tượng cho Chúa Thánh Thần. Đó là lý do tên gọi của đền thánh Đức Bà Tình Yêu Thiên Chúa. Bức bích họa này được vẽ trên một tháp canh của lâu đài Sư Tử Leoni, bị đọc trại là Leva, thuộc thế kỷ XII.

Vào tiền bán thế kỷ XVIII lâu đài đã bị phá hủy và bỏ hoang. Mùa xuân năm 1740 có một người hành hương về Roma đi lạc đường trông thấy tháp canh nên tìm đến hỏi đường. Ông bị một đàn chó dại tấn công. Nhìn thấy hình Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi ông giơ tay cầu cứu: “Lạy Đức Bà, xin thương!”. Đàn chó dừng lại ngay không tấn công ông nữa,  như thể chúng vâng một mệnh lệnh nhiệm mầu nào đó. Nghe tiếng thét vài mục đồng chăn chiên gần đó chạy đến và được nghe chuyện xẩy ra. Họ chỉ đường cho ông và người hành hương ấy đi đến đâu cũng kể lại phép lạ Đức Mẹ cứu ông khỏi bầy chó dại. Từ đó tín hữu lũ lượt kéo nhau tới hành hương và nhận được rất nhiều ơn lành.

Nhà thờ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ được xây năm 1745. Nhà thờ mới thứ hai được xây năm 1999.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội giúp những người bị bệnh họa hiếm

Đức Thánh Cha tiếp Hiệp Hội giúp những người bị bệnh họa hiếm

VATICAN. ĐTC khích lệ hiệp hội nghiên cứu và liên đới với các bệnh nhân bị bệnh họa hiếm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 30-4-2018 dành cho 62 thành viên Hiệp Hội ”Một đời sống họa hiếm”, một tổ chức theo đuổi mục tiêu liên đới xã hội, hỗ trợ việc nghiên cứu khoa học bảo vệ sức khỏe để chăm sóc những người bị bệnh họa hiếm, đặc biệt là những người bị hiệu chứng gọi là Allan-Herndon-Dugle, một thứ bệnh chậm trí liên quan đến nhiễm sắc thể X.

Ngỏ lời với các thành viên hiệp hội, ĐTC bày tỏ lòng ngưỡng mộ ý chí của những gia đình có con cái bị bệnh họa hiếm, liên kết với nhau để đương đầu với tình cảnh tiêu cực và cố gắng cải tiến cuộc sống ấy. Ngài nhận xét rằng các hội viên đã có gắng nhìn những khía cạnh tích cực: mỗi cuộc sống con người là duy nhất. ĐTC nói:

”Cái nhìn tích cực này là một ”phép lạ” tiêu biểu của tình thương. Chính tình thương thực hiện điều này là: biết nhìn điều thiện hảo trong một hoàn cảnh tiêu cực, biết bảo tồn ngọn lửa bé nhỏ giữa đêm tối.. Tình yêu cũng thực hiện một phép lạ khác nữa, đó là giúp chúng ta cởi mở đối với tha nhân, có khả năng chia sẻ, liên đới, cả khi ta chịu đau khổ vì một thứ bệnh hoặc một hoàn cảnh nặng nề, làm hao mòn sức lực trong cuộc sống thường nhật”.

ĐTC cũng cám ơn Chúa vì sáng kiến đi 700 cây số từ nhà của nhiều hội viên để đến Roma ngày hôm nay: một cuộc bộ hành cho sự sống và hy vọng” (Rei 30-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐTC Phanxicô: Tham dự Thánh lễ để sống như Kitô hữu hơn

ĐTC Phanxicô: Tham dự Thánh lễ để sống như Kitô hữu hơn

Vì đang còn trong tuần lễ mừng Chúa Phục sinh, nên đã có hàng chục ngàn tín hữu hành hương từ khắp nơi trên thế giới tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 04/04/2018.

Sự phục sinh của Chúa Kitô khai hoa công chính và thánh thiện

Trước khi bắt đầu bài giáo lý cuối cùng về Thánh lễ, ĐTC đã dùng hình ảnh muôn ngàn hoa nở rực tại quảng trường để nói đến “Phục sinh nở hoa”, vì sự sống lại của Chúa Kitô làm nảy sinh bông hoa mới, nảy sinh sự công chính của chúng ta, nảy sinh sự thánh thiện của Giáo hội. Do đó, muôn vàn bông hoa này là niềm vui của chúng ta. Vì trong suốt cả tuần lễ này chúng ta mừng Phục sinh, ĐTC mời gọi mọi người cùng chúc mừng Phục sinh nhau. ĐTC cũng mời gọi các tín hữu chúc mừng Phục sinh Đức nguyên Giáo hoàng Biển đức, nguyên là Giám mục của Roma; ngài đang theo dõi qua truyền hình. Các tín hữu đã vỗ tay thật lớn để chúc mừng ngài.

Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC nhắc rằng, sau lời nguyện Hiệp lễ, Linh mục chúc lành cho cộng đoàn. Thánh lễ kết thúc như cách được bắt đầu, nghĩa là với dấu Thánh giá, nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần – Chúa Ba Ngôi, Đấng mời gọi chúng ta chia sẻ sự sống thần linh của Người qua sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Sau đó linh mục giải tán cộng đoàn với lời chúc ra đi bình an để mang chúc lành đến cho thế giới.

Thánh lễ kết thúc nhưng sứ vụ của Kitô hữu mang bình an cho người khác bắt đầu

Đặc biệt, chúng ta biết rõ rằng trong khi Thánh lễ kết thúc, sứ vụ làm chứng tá của người Kitô hữu bắt đầu. Có những người đi lễ như một công việc hàng tuần rồi thì quên đi. Không, chúng ta tham dự Thánh lễ để tham dự vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa và sống như Kitô hữu hơn nữa. Chúng ta ra khỏi nhà thờ để “ra đi bình an” và mang phúc lành của Chúa vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vào trong gia đình chúng ta, vào nơi làm việc, giữa những lo toan của cuộc sống dương thế, chúng ta vinh danh Thiên Chúa bằng cuộc sống của chúng ta.” Nếu chúng ta dự lễ xong và bàn tán “xem người này kìa, nhìn người kia kìa…”, Thánh lễ không đi vào tâm hồn chúng ta. Mỗi lần chúng ta tham dự lễ xong, chúng ta phải tốt hơn trước khi tham dự Thánh lễ, sống động, mạnh mẽ hơn, và mong muốn làm chứng tá Kitô hữu hơn. Qua Thánh Thể, Chúa Giêsu đi vào trong con người chúng ta, trong trái tim và thân xác của chúng ta, để chúng ta có thể “diễn tả bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận với đức tin trong đời sống”.

Tham dự Thánh lễ để học trở nên giống Chúa Kitô hơn

Do đó, từ việc cử hành đến cuộc sống, chúng ta ý thức rằng Thánh lễ được hoàn thành trong các chọn lựa cụ thể của những người tham dự trực tiếp vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta không được quên rằng chúng ta cử hành Thánh Thể để học trở thành những con người của Thánh Thể. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là để Chúa Kitô hành động trong các hoạt động của chúng ta: để các tư tưởng của ngài trở thành tư tưởng của chúng ta, tâm tình của ngài trở thành tâm tình của chúng ta, chọn lựa của ngài cũng trở thành chọn lựa của chúng ta. Đây là sự thánh thiện: làm như Chúa Kitô đã làm, đó là sự thánh thiện Kitô giáo.

Thánh Phaolô đã diễn tả chính xác điều này khi nói về việc trở nên giống Chúa Giêsu thật sự: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. (Gal 2,19-20). Kinh nghiệm của thánh Phaolô soi sáng cho chúng ta: trong chính cách thức mà chúng ta chết cho tính ích kỷ của mình – nghĩa là chúng ta làm chết đi  những gì trái ngược với Tin mừng và tình yêu của Chúa Giêsu – một không gian rộng lớn dành cho quyền năng của Thần Khí được tạo nên trong chúng ta. Các Kitô hữu là những người mở rộng tâm hồn mình với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sau khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô. Anh chị em hãy để  cho tâm hồn mình được mở ra. Không phải là tâm hồn chật hẹp đóng kín, nhỏ nhen ích kỷ. Nhưng là tâm hồn rộng lớn, với những định hướng rộng lớn. 

Sự hiện diện của Chúa Kitô không chấm dứt  khi Thánh lễ kết thúc nhưng tiếp tục trong cuộc sống chúng ta

Bởi vì sự hiện diên thật của Chúa Kitô trong Bánh được thánh hiến không kết thúc với Thánh lễ, Thánh Thể được giữ trong Nhà Tạm để cho các bệnh nhân rước lễ và để thờ kính Chúa trong thinh lặng; việc thờ kính Thánh Thể ngoài Thánh lễ, cách cá nhân hoặc cộng đoàn, giúp chúng ta ở lại trong Chúa Kitô.

Vì thế, hoa trái của Thánh lễ được chín mùi trong cuộc sống hàng ngày. Thánh lễ như hạt lúa lớn lên trong cuộc sống thường ngày, lớn lên và chín trong các việc thiện, trong các ứng xử mà làm cho chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu. Thật thế, trong khi Thánh Thể làm gia tăng sự hiệp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, Thánh Thể làm cho ơn sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức được gia tăng mỗi ngày, để cho chứng tá Kitô của chúng ta trở nên đáng tin cậy (cfr ibid., 1391-1392).

Thêm vào đó, trong khi thắp sáng tình yêu Chúa trong tâm hồn chúng ta, Thánh Thể tách chúng ta ra khỏi tội lỗi: “Chúng ta càng tham gia vào sự sống của Chúa Kitô và tiến triển trong tình bạn với Ngài thì việc tội trọng tách rời chúng ta khỏi Ngài càng khó khăn hơn (ibid., 1395).

Việc thường xuyên đến gần với Bàn tiệc Thánh Thể canh tân, củng cố và đào sâu mối liên hệ với cộng đoàn Kitô hữu mà chúng ta thuộc về, theo nguyên lý: Thánh Thể tạo nên Giáo hội; Thánh Thể liên kết mọi người với nhau.

Cuối cùng, việc tham dự vào Thánh Thể cũng là dấn thân cho người khác, đặc biệt là cho người nghèo, khi dạy chúng ta đi từ thân thể Chúa Kitô đến thân thể của anh chị em, nơi đó Ngừơi chờ đợi để được chúng ta nhận ra, được chúng ta phục vụ, tôn trọng và yêu mến.

Trong khi mang gia tài quý giá là sự kết hiệp với Chúa Kitô trong những chiếc bình sành dễ vỡ (cfr 2 Cor 4,7), chúng ta cần tiếp tục trở lại bàn thờ, cho đến khi, chúng ta sẽ nếm hưởng hoàn toàn phúc lành của bàn tiệc cưới của Con Chiên, ở trên thiên đàng (cfr Ap 19,9).

Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa về hành trình tái khám phá Thánh lễ mà Người đã cho chúng ta được cùng nhau thực hiện và hãy để chúng ta được lôi kéo, với đức tin được canh tân, đến với cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Giêsu, chịu chết và sống lại vì chúng ta, người anh em cùng thời với chúng ta. Cầu chúc cho cuộc sống của chúng ta luôn “nở hoa” như thế, như lễ Phục sinh, với các bông hoa của niềm hy vọng, của đức tin và việc thiện. Ước gì chúng ta luôn tìm thấy sức mạnh trong Thánh Thể, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu. Chúc mừng Phục sinh tất cả anh chị em. (REI 04/04/2018)

Hồng Thủy