Nội dung bài nói chuyện của ĐHY Filoni Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo với các linh mục giáo tỉnh Hà Nội

Nội dung bài nói chuyện của ĐHY Filoni Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo với các linh mục giáo tỉnh Hà Nội

** Như qúy vị đã biết, trong các ngày từ 19 đến 25 tháng giêng ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, viếng thăm Việt Nam, theo lời mời của ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Chủ tịch HĐGMVN.

Lúc 10 sáng ngày 20-1 vùa qua ĐHY đã gặp gỡ các linh mục toàn Giáo tỉnh Hà Nội. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài nói chuyện của ngài.

Mở đầu bài nói chuyện ĐHY nói: Anh em thân mến trong chức Linh Mục, tôi xin chào anh em tất cả, và tôi đem đến cho anh em phép lành của ĐTC Phanxicô. Tôi hài lòng được ở trên miền đất được chúc phúc này, miền đất của một Giáo Hội sinh động và vững vàng, nơi máu của nhiều vị tử đạo đã đổ ra một cách anh hùng. Hàng năm vào ngày 24 tháng 11 Giáo Hội cử hành việc tưởng nhớ các Thánh Anrê Dũng Lạc linh mục và 116 bạn tử đạo, tôi có dịp đọc lại bức thư hay đẹp của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, viết trong ngục gửi các chủng sinh. Tình yêu của ngài đối vớí Chúa Giêsu và Giáo Hội cũng như sự lo lắng mục vụ cho các chủng sinh được giao phó cho ngài, đánh động tôi rất nhiều. Gương sáng của ngài luôn luôn dấy lên trong tôi ước muốn nồng cháy đối với Chúa và việc phục vụ Giáo Hội Ngài. Như là các linh mục có trách nhiệm với các giáo đoàn Việt Nam anh em được mời gọi là “muối đất và ánh sáng” (x. Mt 5,13-15) trong xã hội này. Hãy noi gương các tiền nhân tử đạo anh dũng của anh em và hãy xứng đáng là những người kế vị các ngài.

** Tiếp tục diễn văn ĐHY Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đề cập tới công tác rao truyền Tin Mừng. Ngài nói: Anh em thân mến, đề trài rao giảng Tin Mừng vẫn còn và sẽ luôn luôn đáng kể, bởi vì Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Đề tài này đã được ĐTC Phanxicô nhắc lại và nêu bật đặc biệt trong Tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”. Tài liệu qúy báu này phải là điểm tham chiếu cho Giáo Hội Việt Nam, được mời gọi đồng thời bưóc đi trên con đường hoán cải và dấn thân rao giảng Tin Mừng. Trong nghĩa đó chúng ta hãy nhớ rằng việc rao giảng Tin Mừng nảy sinh từ Tin Mừng và liên tục tái sinh trong cuộc găp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu thay đổi đời sống đồng thời trao ban niềm vui sâu xa đích thật luôn hướng tới chỗ truyền thông. ĐTC viết: “Nếu có một ai đã tiếp nhận tình yêu trao ban cho mình ý nghĩa cuộc sống, làm sao lại có thể kìm hãm ước muốn thông truyền nó cho người khác được?” (EG, 8). Rao giảng Tin Mừng là loan báo Chúa Kitô, gặp gỡ Ngài và được Ngài canh tân. Thật là hay, điều ĐTC đã viết trong Thông điệp Ánh Sáng Đức Tin và lấy lại trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm: “Giáo Hội không lớn lên vì chiêu dụ tín đồ nhưng vì hấp dẫn” (s. 14). Như là những người rao giảng Tin Mừng chúng ta sống kinh nghiệm niềm vui Phúc Âm trong việc trở thành con cái của Thiên Chúa, là linh mục của Chúa, trong việc phục vụ tín hữu được giao phó cho cho sự chăm sóc của chúng ta.

** ĐHY Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo cũng đã đề cập tới tầm quan trọng của đời sống thiêng liêng. Ngài nói: Trước hết tôi muốn nói tới đời sống thiêng liêng của linh mục, bởi vì “nếu chúng ta sống theo Thần Khí, chúng ta cũng bước đi theo Thần Khí”, theo lời thánh Phaolô dậy các tín hữu Galát (5,25). Với các lời này thánh Tông Đồ nhắc cho chúng ta nhớ rằng cuộc sống thiêng liêng của linh mục phải được linh hoạt bởi Thần Khí của Thiên Chúa, là Đấng dẫn đưa chúng ta tới sự thánh thiện, được hoàn thiện bởi lòng bác ái. Chúng ta là linh mục, còn hơn mọi tín hữu khác, chúng ta được mời gọi sống thánh thiện bởi căn tính của mình: là những người đã được thánh hiến với dầu và được sai đi loan báo sứ điệp tươi vui cho người nghèo. Việc thánh hóa linh mục trước hết hệ tại mối dây thân tình và sâu xa với Chúa Giêsu, là Đầu và là Mục Tử của Giáo Hội. Các linh mục được mời gọi sống tính cách triệt để của Tin Mừng, bước theo Chúa Kitô khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời. Trước hết linh mục là một người được mời gọi trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu Thượng Tế và là Linh Mục Đời Đời. Nói cách khác, chúng ta phải yêu như Chúa Giêsu yêu, nghĩ như Chúa Giêsu nghĩ, hành động như Chúa Giêsu hành động, phục vụ như Chúa Giêsu phục vụ, trong mọi lúc của cuộc đời. Là linh mục không phải là một nghề hay một văn phòng bàn giấy có thể chọn thi hành trong một thời gian, rồi thôi. Là linh mục là “một kiểu sống” chứ không phải là một công việc. Vị linh mục sống chức linh mục của mình, nhưng không bao giờ hoàn toàn chiếm hữu nó. Là các linh mục của Thiên Chúa, hơn là các giáo sĩ, nghĩa là những người quen thuộc với một điều kiện tôn giáo trong chức linh mục. Để sống tràn đầy căn tính linh mục, đời sống thiêng liêng của linh mục phải gắn liền với lời cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa. Cầu nguyện và lắng nghe, như Mẹ Maria. Đó là thái độ của người tín thác nơi quyền năng của Thiên Chúa, để cho mình được Thiên Chúa sửa dậy và để cho Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời mình.

** Điểm thứ tư ĐHY Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo trình bầy trong bài nói chuyện với các linh mục giáo tỉnh Hà Nội sáng ngày 20 tháng Giêng là cuộc sống luân lý. ĐHY nói: Liên quan tới cuộc sống luân lý tôi muốn nói về việc độc thân linh mục. Sự lựa chọn này phải đuợc nhìn trong bối cảnh của “mối dây mà sự độc thân có với Phép Truyền Chức Thánh, khiến cho vị linh mục trở nên đồng hình dạng với Chúa Giêsu Kitô, là Đầu và là Phu Quân của Giáo Hội. Giáo Hội, như là Hôn Thê của Chúa Giêsu Kitô, muốn được linh mục yêu thương một cách toàn vẹn và triệt để như kiểu Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương Giáo Hội” (Pastores Dabo Vobis, 29). Hiểu như thế linh mục sẽ tiếp nhận sự độc thân “với quyết định tự do và yêu thương cần liên lỉ canh tân” (ibid.), vì ý thức về sự yếu đuối của điệu kiện là người của mình. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng “để sống tất cả các đòi buộc luân lý, nục vụ và tinh thần của việc độc thân linh mục lời cầu nguyện khiêm tốn và tin tưởng là điều tuyệt đối cần thiết (ibid,). Có một cách duy trì cuộc sống linh mục đó là vun trồng một tương quan huynh đệ với các anh em khác trong chức linh mục. Việc đồng hành và sư nâng đỡ của các linh mục luôn luôn là một ơn thánh và là một cứu giúp quý báu giúp cho chức linh mục và sứ vụ của chúng ta được sinh động. Nơi đâu thiếu một tương quan huynh đệ giữa các linh mục, thì nơi đó luôn luôn bắt đầu một cuộc khủng hoảng. Cần duy trì một tương quan tốt với cả Giám Mục của mình nữa, là cha và là đầu của Giáo Hội địa phương, trong sự qúy trọng và tin tưởng thổ lộ.

** Điểm cuối cùng ĐHY Filoni trình bầy là đời sống mục vụ. Ngài nói với các linh mục: Liên quan tới cuộc sống mục vụ ĐTC Phanxicô đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ các linh mục gặp phải là “ám ảnh lo lắng cho thời giờ riêng tư của mình”. Ngài viết : “Điều này xảy ra một cách thường xuyên do sự kiện người ta cảm thấy nhu cầu cấp thiết phải duy trì các khoảng không độc lập, làm như thể nhiệm vụ rao truyền Tin Mừng là một thuốc độc nguy hiểm, thay vì là một trả lời tươi vui đối với tình yêu của Thiên Chúa, là Đấng triệu vời chúng ta cho một sứ mệnh và khiến cho chúng ta hoàn toàn và phong phú. Vài người kháng cự lại đến độ cảm thấy cho tới tận cùng hương vị của sứ mệnh và bị lôi cuốn vào sự thờ ơ gây tê liệt” (EG, 81). Để tận hiến toàn cuộc sống và sức lực cho việc phục vụ Giáo Hội, chúng ta cần có tình bác ái mục vụ của Chúa Giêsu, là Đấng đã trao ban mạng sống mình cho đoàn chiên. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu trong việc tận hiến chính mình và trong việc phục vụ. Chính lòng bác ái mục vụ mà chúng ta đã được thấm nhuần, sẽ làm cho sứ vụ linh mục của chúng ta được phong phú và sẽ định đoạt kiểu suy tư và hành xử của chúng ta” (Pastores Dabo Vobis, 23). Tình bác ái mục vụ đòi hỏi nơi chúng ta việc hoán cải mục vụ, xin chúng ta “ra khỏi các tiện nghi của mình và có can đảm đi tới các vùng ngoại biên cần ánh sáng Tin Mừng” (EG, 20). Mục tiêu ưu tiên của lòng bác ái mục vụ là những người nghèo, những người bị gạt bỏ ngoài lề, những người bé nhỏ, đau yếu, những người tội lỗi và những người không tin.

Thể rồi trong các thành phố lớn cần chú ý đến các người di cư và các nô lệ mới. Trong sứ điệp gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới 2015 ĐTC đã đề cập tới nhiều gương mặt của cảnh nô lệ: các công nhân bị biến thành nô lệ, các người di cư, các nam nữ nô lệ tình dục vv… Ngoài ra, trong sứ điệp cho Ngày Đi Cư Tỵ Nạn 2015 lần thứ 101 (3-9-2014) ĐTC đã viết rẳng Chúa Giêsu là “người rao giảng Tin Mừng tuyệt vời, là hiện thân Tin Mừng; và sự ân cần của Ngài đặc biệt hướng tới những người dễ bị tổn thương nhất và bị gạt bỏ ngoài lề, mời gọi tất cả mọi người lo lắng cho các người giòn mỏng nhất và nhận ra gương mặt đau khổ cùa Ngài, nhất là nơi các nạn nhân của các hình thức mới của sự nghèo túng và nô lệ”. Tình bác ái mục vụ khiến cho chúng ta luôn luôn sẵn sàng lãnh nhận bất cứ dấn thân nào cho thiện ích của Giáo Hội và của các linh hồn.

Anh em thân mến trong chức Linh Mục, tôi xin cám ơn lòng nhiệt thành và dấn thân không mệt mỏi của anh em trong công tác rao truyền Tin Mừng. Chúng ta hãy tiến lên, đươc linh hoạt bời tình yêu thương chung đối với Chúa và Giáo Hội Thánh Mẹ chúng ta. Xin Đức Mẹ La Vang che chở và đồng hành với anh em. Chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ Philippines

MANILA. Trong ngày cuối cùng viếng thăm Philippines, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ hơn 30 ngàn bạn trẻ sáng chúa nhật 18-1-2015 dưới trời mưa tại sân thể thao Đại học Giáo Hoàng thánh Tômaso ở Manila.

Ngài mời gọi giới trẻ hãy khóc cảm thông với người nghèo, học yêu thương, dấn thân bảo vệ môi sinh.

Lúc 9 giờ sáng 18-1-2015, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh, ĐTC đã chào thăm và cám ơn các cộng tác viên và các ân nhân đã giúp đỡ công cuộc chuẩn bị và tiến hành chuyến viếng thăm của ngài tại Philippines. Liền đó ngài đến Đại học Giáo Hoàng và Hoàng gia thánh Tomaso cách đó 6 cây số để gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo bạn.

Đại học thánh Tômasô

Đây là đại học Công Giáo lớn nhất và cổ kính nhất tại Á châu, do các cha dòng Đa Minh Tây Ban Nha, tỉnh dòng Rất Thánh Mân côi, thành lập cách đây hơn 400 năm, tức là ngày 28-4 năm 1611, ban đầu như một học viện của dòng, rồi được nâng lên hàng đại học 34 năm sau đó (1645). Năm 1785, vua Carlo III của Tây Ban Nha chính thức nhìn nhận Đại học thánh Tomaso là Đại học hoàng gia. Thánh Vinh Sơn Nguyễn Hữu Liêm, dòng Đa Minh, tử đạo năm 1773, từng là sinh viên học viện Juan Latran thuộc đại học này, nên ngày nay ở đây có một tượng của thánh nhân và bia kỷ niệm.

Năm 1902, đến lượt ĐGH Lêô 13 nhìn nhận Đại học thánh Tômaso là Đại học giáo hoàng. Đến năm 1947, Đức Giáo Hoàng Piô 12 nới rộng danh hiệu và gọi đây là Đại Hội Công Giáo Philippines.

Đại học này có 45 ngàn sinh viên thuộc nhiều khoa và có một nhà thương thuộc phân khoa y khoa nổi tiếng, cùng với một khu đại học xá rộng lớn. Hiện nay có khoảng 40 LM dòng Đa Minh Tây Ban Nha và Philippines đảm trách Đại học thánh Tômaso.

Khi đến đại học, ĐTC đã được vị đại chưởng ấn và giáo sư viện trưởng đón tiếp tại cổng chào ”gọi là khải hoàn môn các thế kỷ”. Rồi ngài lần lượt chào thăm các vị lãnh đạo các tôn giáo chính ở Philippines: Tin lành, Giáo Hội Philippines độc lập, Phật giáo, Do thái, Ấn giáo, Hồi giáo và Chính Thống.

Gặp gỡ giới trẻ

Trời Manila sáng hôm chúa nhật 18-1-2015 cũng bị mưa vì bão rớt, nên ĐTC và mọi người đều mặc áo mưa. Ngài dùng xe tiến sang khu Đại học xá để chào thăm 30 ngàn sinh viên và những người trẻ khác đứng dọc theo các lối đi và sân thể thao của Đại học. Họ nồng nhiệt reo hò, vẫy cờ Philippines và cờ Tòa Thánh. Nhiều người hô to: ”Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng con yêu mến ngài”. Hàng ngàn người khác tham dự cuộc gặp gỡ ở bên ngoài khuôn viên đại học.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu lúc quá 10 giờ rưỡi sáng dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, bằng 7 thổ ngữ của Philippines, không kể tiếng Anh.

 

Đức Cha Leopoldo Jancian, dòng Ngôi Lời, GM giáo phận Bangued trong tư cách là Chủ tịch Ủy ban GM Philippines về giới trẻ, và một gia đình đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC, trước khi Thánh Giá giới trẻ được rước lên lễ đài.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với phần trình bày chứng từ của 3 bạn trẻ: một trẻ nữ 14 tuổi bụi đời, cô June, được Hội TKF cứu thoát. Cô đã bật khóc vào cuối chứng từ, tiếp đến là một sinh viên đại học, anh Leandro Santos II, thuộc phân khoa luật tại Đại học thánh Tômasô, sống giữa sự tràn ngập các thông tin đủ loại trên internet. Sau khi trình bày chứng từ, anh đã tặng ĐTC hộp lớn bằng thủy tinh trong đó chứa hằng trăm những miếng giấy mầu có ghi các tư tưởng của các sinh viên khác. Sau cùng là một thanh niên 29 tuổi, Ricky, vừa tốt nghiệp kỹ sư đã phát minh ra hệ thống đèn điện bằng chai plastic dùng năng lượng mặt trời để thắp sáng ban đêm giúp các nạn nhân cuồng phong Yolanda.

Bài huấn dụ ứng khẩu

Về phần ĐTC, mở đầu bài huấn dụ, ngài ”xin phép” nói bằng tiếng Mẹ Tây Ban Nha được Đức Ông Mark Gerard Miles, thuộc phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh dịch ra tiếng Anh. Mọi người đều vui cười đồng ý.

ĐTC cho biết tin buồn sáng thứ bẩy vừa qua (17-1), trước thánh lễ tại phi trường thành phố Tacloban, gió bão đã thổi sập một bảng gần lễ đài làm cho một thiếu nữ 27 tuổi, tên là Chrystel, thiện nguyện viên của cơ quan cứu trợ Công Giáo Hoa Kỳ và cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ, bị tử thương. ĐTC mời gọi mọi người dành một phút im lặng để cầu nguyện cho cô Chrystel, rồi tất cả đều đọc một kinh Kính Mừng. Ngài cũng xin mọi người cầu nguyện cho cha mẹ của cô, cô là con gái duy nhất, mẹ cô đang đến từ Hong Kong và cha cô đến Manila để đợi bà”. Theo lời mời của ĐTC, mọi người đã đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho ông bà.

Rồi ĐTC tiếp tục ứng khẩu dựa vào bài Tin Mừng theo thánh Marcô trong đó Chúa Giêsu nói với chàng thanh niên giàu có: anh hãy về bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời và đến đây theo tôi (Mc 10,17-22), đồng thời ngài cũng trả lời cho những câu hỏi được 3 bạn trẻ nêu lên trong phần trình bày chứng từ.

ĐTC nhận xét rằng nhiều người trẻ ngày nay tràn đầy các thông tin từ Internet và các mạng xã hội, nhưng không biết làm gì với những thông tin ấy. Ngài nhắn nhủ các bạn trẻ đừng có tâm lý của máy vi tính, đừng nghĩ mình biết hết mọi sự.

Và ĐTC cũng nói rằng: Giáo hội Công Giáo ngày nay đang cần những người trẻ thánh thiện. Nhưng để có thể thi hành điều này, người trẻ cần đáp ứng thách đố tình thương. ”Đây là đề tài quan trọng nhất mà các bạn cần học ở đại học, là bài học quan trọng nhất mà các bạn cần học trong đời.. Các bạn hãy cởi mở đón nhận sự ngạc nhiên từ Thiên Chúa, sẵn sàng yêu và được yêu, khiêm tốn học hỏi nơi những người mình giúp đỡ. Cho đi mà thôi thì vẫn chưa đủ, còn phải khiêm tốn học hỏi sự khôn ngoan nơi những người nghèo, người bé mọn mà mình giúp đỡ… Các bạn đừng trở thành ”bảo tàng viện” trước bao nhiêu phương tiện truyền thông mà chúng ta có”.

ĐTC khuyến khích các bạn trẻ học 3 ngôn ngữ: đó là suy tư, cảm thức và hành động và ngài không quên mời gọi các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi sinh, một đề tài rất quan trọng, nhất là đối với một nước thường gặp thiên tai như Philippines. Ngài cũng nhắn nhủ các bạn trẻ hãy học cách ”khóc cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Những người ấy đang khóc… Chúng ta cần tự hỏi: chúng ta đã học cách khóc cho những người bị gạt bỏ như thế chưa, khóc cho những người bị vấn đề ma túy chưa? Chúng ta có khóc khi thấy một trẻ em vô gia cư, đang chịu đau khổ, bị bỏ rơi, bị lạm dụng, bị xã hội dùng như nô lệ hay không? Nếu các bạn không học cách khóc, thì các bạn không thể là Kitô hữu tốt được. Đó thực là một thách đố!”.

ĐTC cũng nhận xét rằng thánh Phanxicô khi còn sống, túi áo cũng trống rỗng và khi chết túi cũng trống rỗng, nhưng con tim tràn đầy.

Ngài kết luận rằng: ”Thực tại các bạn vượt quá tất cả những ý tưởng mà tôi đã chuẩn bị.. Thành thật cám ơn các bạn!”

Nội dung bài huấn dụ dọn sẵn

Trong bài huấn dụ đã dọn sẵn và để lại cho các tín hữu Phippines đọc và suy gẫm sau đó, ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ, trong tư cách là công dân của đất nước Philippines hãy hăng say dấn thân trong tinh thần lương thiện canh tân xã hội. Ngài khai triển 3 lãnh vực chủ yếu trong đó người trẻ có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước và khẳng định rằng:

Hôm nay tôi muốn gợi lên 3 lãnh vực mà các bạn có thể đóng góp quan trọng cho đời sống đất nước của các bạn.

– Trước tiên là thách đố thanh liêm. Từ ”thách đố” có thể hiểu 2 cách. Trước hết nó có thể hiểu một cách tiêu cực là cám dỗ hành động ngược lại những xác tín luân lý của các bạn, ngược lại điều mà các bạn biết là chân thực, tốt lành và đúng đắn. Sự thanh liêm của chúng ta có thể bị thách thức vì những tư lợi ích kỷ, tham lam, bất lương, hoặc ý muốn sử dụng người khác.

Nhưng từ ”thách đố” cũng có thể hiểu một cách tích cực như một lời mời gọi hãy can đảm, làm chứng tá ngôn sứ về điều mình tin và coi là thánh thiêng. Theo nghĩa đó, thách đố sống thanh liêm là điều mà các bạn đang gặp phải trong cuộc sống của các bạn. Đó không phải là điều mà các bạn có thể hoãn lại cho đến khi các bạn lớn tuổi hơn hoặc có trách nhiệm lớn hơn. Ngay bây giờ các bạn bị thách thức hãy hành động lương thiện và đúng đắn khi đối xử với người khác, trẻ cũng như già. Không được trốn tránh đương đầu với thách đố này! Một trong những thách đố lớn nhất mà người trẻ đang phải đương đầu là học yêu thương. Yêu thương có nghĩa là chấp nhận rủi ro: nguy cơ bị loại bỏ, bị lợi dụng, hoặc tệ hơn nữa là lợi dụng người khác. Các bạn đừng sợ yêu thương! Nhưng trong yêu thương, các bạn cũng hãy bảo tồm sự liêm chính của mình! Hãy lương thiện và tử tế!.. Các bạn được kêu gọi hãy nêu gương về sự thanh liêm, dù các bạn gặp phải những chống đối và phê bình, nản chí hoặc bị nhạo cười.
ĐTC cũng xác quyết rằng với sức mạnh của kinh nguyện hằng ngày và tham dự Thánh Lễ, các bạn trẻ Công Giáo sẽ trở thành địa bàn chỉ đường cho những người đang tìm kiếm, những người bị cám dỗ đánh mất hy vọng, từ bỏ những lý tưởng cao thượng, bỏ học hoặc sống ngày qua ngày trên đường phố.

– Thách đố thứ hai là chăm sóc môi sinh. ĐTC nói: Cần hành động không những như những công dân có trách nhiệm, nhưng còn như những môn đệ của Chúa Kitô nữa! Chúng ta cần dùng con mắt đức tin để nhìn thấy vẻ đẹp trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, mối liên hệ giữa môi sinh tự nhiên và phẩm giá con người. Người nam và người nữ được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa và họ được ủy thác nhiệm vụ cai quản thiên nhiên (St 1,26-28). Trong tư cách là những người quản lý thiên nhiên, công trình sáng tạo, chúng ta được mời gọi làm cho trái đất trở thành một vườn đẹp nhất cho gia đình nhân loại. Khi chúng ta tàn phá rừng cây, phá hủy đất đai và làm ô nhiễm biển cả, thì chúng ta phản bội ơn gọi cao quí ấy.

ĐTC nhắc đến thư của các GM Philippines về chiều kích luân lý trong các hoạt động và các lối sống của chúng ta, sự tiêu thụ và sử dụng các tài nguyên của chúng ta. Tất cả là thành phần sự dấn thân xây dựng Nước Chúa Kitô. Ngài viết tiếp:

”Lãnh vực sau cùng các bạn có thể đóng góp là một điều thực quí giá đối với tất cả chúng ta. Đó là sự chăm sóc người nghèo. Cạnh chúng ta luôn luôn có người ở trong tình cảnh túng thiếu về vật chất, tâm lý và tinh thần. Món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao tặng là tình bạn, sự quan tâm, sự dịu dàng, tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giêsu.

Sau cùng, ĐTC ngỏ lời với các bạn trẻ đã chọn cuộc sống thanh bần qua gọi linh mục và đời sống tu trì. Ngài nói: “Khi kín múc từ tinh thần thanh bần, các con sẽ làm cho người khác được phong phú. Các con hãy làm hơn nữa, hãy cho đi nhiều hơn. Khi các con trao tặng thời giờ, tài năng, ngăng khiếu của các con cho bao nhiêu người túng thiếu đang sống bên lề, tức là các con tạo nên được sự khác biệt. Đó là một sự khác biệt rất cần thiết ngày nay và qua đó các con sẽ được Chúa bù đắp dồi dào. Vì chính Chúa đã nói, ”các con sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10,21)

ĐTC không quên nhắc lại kỷ niệm đúng 20 năm trước đây, cũng tại nơi này, thánh Gioan Phaolô 2 đã khẳng định rằng thế giới đang cần một ”lớp người trẻ mới!” – một lớp người trẻ dấn thân với những lý tưởng cao thượng nhất và muốn xây dựng nền văn minh tình thương”. ĐTC Phanxicô khuyến khích ngừơi trẻ hãy sống theo lời mời gọi ấy, đừng đánh mất các lý tưởng, trở thành chứng nhân vui tươi về tình thương của Thiên Chúa và kế hoạch rạng ngời mà Chúa dành cho chúng ta, cho đất nước này và cho thế giới chúng ta đang sống”.

Cuộc gặp gỡ được tiếp tục với 7 lời nguyện giáo dân bằng các ngôn ngữ của Philippines, kinh Truyền Tin và kinh Lạy Cha, trước khi ĐTC ban phép lành kết thúc cho mọi người. Bấy giờ là gần 12 giờ trưa, giờ địa phương. Ngài trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 6 cây số để dùng bữa và nghỉ trưa. Tại đây ĐTC đã gặp gỡ, trong 20 phút để chia buồn và an ủi thân phụ của cô Critel đã bị thiệt mạng tại Tacloban. Ông được người em họ tháp tùng. ĐHY Tagle TGM Manila đã làm thông ngôn. Trên bàn có hai bức ảnh rất đẹp của cô Critel, một hình của cô và một hình chụp với cha mẹ khi còn nhỏ. ĐTC cho biết ngài rất buồn vì tai nạn, nhưng cũng được an ủi vì cô đã có thể chuẩn bị cuộc gặp gỡ của dân chúng với ngài. ĐTC đã tìm cách điện thoại cho mẹ cô ở Hong Kong, nhưng không được. Bà mẹ sẽ đến Manila vào ngày hôm nay, 19-1.2-15.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Philippine

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm mục vụ Philippine

** Thứ bẩy 17 tháng giêng hôm qua là ngày thứ hai trong chuyến ĐTC viếng thăm Philippines ba ngày. Đáng lẽ ĐTC đã có ba sinh hoạt chính: ban sáng ngài lấy máy bay tử Manila đi Tacloban trên đảo Leyte và lúc 10 giờ cử hành thánh lễ cho tín hữu tại phi trường quốc tế Tacloban Daniel Romualdez. Sau khi dùng bữa trưa với vài người sống sót sau trận bão Yolanda Haiyan và nghỉ ngơi chốc lát, vào ban chiều ĐTC làm phép khánh thành Trung tâm cho người nghèo Phanxicô, rồi gặp gỡ các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các gia đình sống sót sau trận bão Yolanda Haiyan trong nhà thờ chính tòa giáo phận Palo.

Tuy nhiên vì lý do trời Philippines qúa xấu có mưa bão, nên các sinh hoạt ban chiều bị hủy bỏ. ĐTC đã phải rời đảo Leyte lúc 13 giờ.

Sau đây là chi tiết hoạt động của ĐTC.
Lúc 7 giờ 30 ĐTC rời Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để ra phi trường Villamor cách đó 8 cây số lấy máy bay đi Tacloban nằm trên đảo Leyte cách xa Manila 650 cây số. Tuy gió lớn nhưng máy bay chở ĐTC đã có thể cất cánh, trong khi máy bay chở các giới chức chính quyền đi sau đó nửa tiếng bị gió thổi quá mạnh đẩy phi cơ ngoài phi đạo, khiến cho một người bị thương.

Thành phố Tacloban có hơn 217 ngàn dân cư cách xa Palo là thủ phủ đảo Leyte 10 cây số, và thuộc tổng giáo phận Palo. Ngày mùng 8 tháng 11 năm 2013 đảo Leyte và đặc biệt thành phố Tacloban đã bị bão Yolanda-Haiyan tàn phá khiến cho hơn 10.000 người chết, phá hủy mọi cơ cấu hạ tầng bao gồm cả phi trường thành phố và mọi cơ cấu truyền thông.

Tổng giáo phận Palo được thành lập năm 1937 có hơn 1,8 triệu dân cư trong đó có hơn 1,4 triệu là tín hữu công giáo, tức chiếm 77%. Giáo phận có 65 giáo xứ, 17 cứ điểm truyền giáo, 137 linh mục giáo phận, 26 linh mục dòng, 36 tu huynh, 162 nữ tu khấn, 84 đại chủng sinh, 1 thầy sáu vĩnh viễn. Giáo phận điều khiển 62 cơ cấu giáo dục và 5 trung tâm bác ái.

** Sau 1 giờ 15 phút bay máy bay chở ĐTC và đoàn tùy tùng đã đến phi trường Tacloban lúc 9 giờ 30. Chào đón ĐTC tại phi trường có ĐTGM Palo John Du, ông thống đốc đảo Leyte và hai thị trưởng thành phố Tacloban và Palo. Có một nhóm trẻ em trình diễn các vũ điệu cổ truyền chào mừng ĐTC.

 

Sau lễ nghi chào đón đơn sơ ĐTC đã lên xe bọc kính đến lễ đài nằm cách đó 600 mét để cử hành thánh lễ cho tín hữu. Khu vực này có thể chứa tới nửa triệu người. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Anh với các bài đọc bằng tiếng Binisaya là thổ ngữ của đảo Leyte-Samar.

Giảng buông trong thánh lễ ĐTC mời gọi mọi người cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu, lòng thương xót và cùng đau khổ của Người, được tỏ lộ ra trong tình liên đới với các nạn nhân của trận bão đã tàn phá vùng này một cách nặng nề cách đây 14 tháng.

Ngài nói: Trong bài đọc thứ nhất chúng ta đã nghe rằng chúng ta có một thượng tế cao cả có khả năng cảm thương các yếu hèn của chúng ta, bởi vì chính Người cũng đã bị thử thách trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi (x. Dt 4,15). Chúa Giêsu cũng giống như chúng ta. Chúa Giêsu đã sống như chúng ta. Người giống chúng ta trong mọi sự, trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, bởi vì Người không phải là một tội nhân. Nhưng để giống chúng ta Người đã mặc lấy, Người đã mang lấy các tội lỗi của chúng ta. Người đã thành tội lỗi (x. 2 Cr 5,21). Thánh Phaolô là người đã biết Chúa rất rõ nói lên điều đó. Và Chúa Giêsu luôn luôn đi trước chúng ta, và khi chúng ta có thể đi qua vài thánh giá, thì Người đã đi qua trước rồi.

Tiếp tục bài giảng ĐTC giải thích lý do thánh lễ và cuộc gặp gỡ cộng đoàn tín hữu đảo Leyte như sau:

Và nếu hôm nay chúng ta tất cả tụ tập nhau nơi đây, 14 tháng sau trận bão Yolanda, là bởi vì chúng ta xác tín rằng chúng ta sẽ không thất vọng trong đức tin, bởi vì Chúa Giêsu đã trải qua trước. Trong cuộc khổ nạn của Người Người đã mang trên mình mọi khổ đau của chúng ta. Và khi – xin anh chị em cho phép tôi thổ lộ tâm tình với anh chị em – khi từ Roma tôi đã trông thấy tai ương này, tôi đã cảm thấy rằng tôi phải đến đây thăm anh chị em. Trong những ngày này, tôi đã quyết định làm cuộc du hành tới đây. Tôi đã muốn đến đây để ở với anh chị em – hơi trễ tràng anh chị em sẽ nói vậy – đúng thế, nhưng tôi ở đây.

** Tôi ở đây để nói với anh chị em rằng Đức Giêsu là Chúa, Người không gây thất vọng. “Thưa cha, một người trong anh chị em có thể nói với tôi, Chúa đã làm con thất vọng vì con đã mất nhà cửa, con đã mất những gì con có, con đau bệnh… “ Điều bạn nói với tôi đúng thật như vậy, và tôi tôn trọng các tâm tình của bạn: nhưng tôi thấy Chúa Giêsu bị đóng đanh ở đó, và từ đó Người không làm chúng ta thất vọng. Người đã được thánh hiến là Chúa trên ngai ấy, và ở đó Người đã trải qua tất cả các tai ương mà chúng ta có. Đức Giêsu là Chúa. Và là Chúa từ Thập Giá, ở đó Ngài thống trị! Vì thế Ngài có khả năng hiểu biết chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: Ngài đã trở nên giống chúng ta trong mọi sư, Vì thế chúng ta có một Chúa có khả năng khóc với chúng ta, có khả năng đồng hành với chúng ta trong những lúc khó khăn nhất của cuộc sống.

Nhiều người trong anh chị em đã mất tất cả. Tôi không biết phải nói gì với anh chị em. Nhưng Ngài biết, Ngài biết nói gì với anh chị em. Nhiều người trong anh chị em đã mất một phần gia đình. Tôi chỉ biết thinh lặng, tôi đồng hành với anh chị em với con tim thinh lặng… Nhiều người trong anh chị em đã tự hỏi khi nhìn lên Chúa Kitô: “Lậy Chúa, tại sao?” Và Chúa trả lời từng người từ trái tim của Ngài. Tôi không có lời nào khác để nói với anh chị em. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Kitô: Ngài là Chúa và Ngài hiểu biết chúng ta vì Ngài đã trải qua tất cả các thử thách đã đổ xuống trên chúng ta.

Và cùng với Ngài bị đóng đanh dã có Mẹ Ngài. Chúng ta giống như trẻ em ở dưới đó: trong những lúc đau khổ, buồn sầu, trong những lúc trong đó chúng ta không hiểu gì hết, trong những lúc chúng ta muốn nổi loạn, chúng ta chỉ giơ tay nắm lấy áo Mẹ và nói với Mẹ: “Má ơi”. Như một trẻ em khi lo sợ nó nói “Mẹ ơi”. Có lẽ đó là lời nói duy nhất có thể diễn tả điều mà chúng ta cảm thấy trong những lúc đen tối: “Mẹ! Mẹ ơi!”

Chúng ta hãy cùng nhau giữ một lúc thinh lặng. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa: Ngài có thể hiểu biết chúng ta, bởi vì Ngài dã trải qua tất cả những điều đó. Và chúng ta hãy nhìn Mẹ chúng ta, và như một đứa bé dưới kia đang nắm chặt lấy áo mẹ nó và với con tim chúng ta hãy nói với Mẹ: “Mẹ ơi”. Trong thinh lặng chúng ta hãy cầu nguyện, mỗi người hãy nói lên điều mình cảm thấy.

Mọi người thinh lặng cầu nguyện.

ĐTC nói thêm trong bài giảng buông:

** Chúng ta không cô đơn, chúng ta có một người mẹ, chúng ta có Chúa Giêsu là Anh Cả. Chúng ta không đơn độc. Vì chúng ta cũng có nhiều anh chị em khác đã đến trợ giúp chúng ta trong lúc gặp tai ương. Và chúng ta cũng cảm thấy là anh chị em với nhau hơn, khi tương trợ nhau, bởi vì chúng ta đã giúp đỡ nhau.

Đó là tất cả những gì tôi có thể nói với anh chị em. Xin tha lỗi cho tôi, nếu tôi không có các lời khác. Nhưng xin anh chị em chắc chắn cho rằng Chúa Giêsu không gây thất vọng. Chúng ta chắc chắn rằng tình yêu và sự dịu hiền của Mẹ chúng ta không gây thất vọng. Và bám chặt vào Mẹ như con cái và với sức mạnh mà Chúa Giêsu Anh Cả của chúng ta trao ban cho, chúng ta tiến bước. Và chúng ta tiến bước như là anh chị em với nhau.

Sau thánh lễ xe bọc kích đã chở ĐTC đi một vòng để ngài chào tín hữu, rồi về Tòa Tổng Giám Mục cách đó 12 cây số. Tòa Tổng Giám Mục nằm trên một ngọn đồi trên đó có một khu vực gồm nhà dưỡng lão và trung tâm cho trẻ em mồ côi, do Hội Đồng Tòa Thánh Cor Unum Đồng Tâm tài trợ.

Tại đây ngài đã dùng bữa trưa với 30 thân nhân của các nạn nhân bão Yolanda-Haiyan, trong đó cũng có vài đại chủng sinh.

Như chúng tôi đã nói vì trời mưa bão ĐTC đã phải rút ngắn chương trình viếng thăm để có thể trở về Manila sớm, trước khi tình hình trở thành tồi tệ thêm. Ngài đã chỉ đứng từ xa làm phép Trung tâm người nghèo Phanxicô cách đó 100 mét. Trung tâm này vẫn còn đang trong giai đoạn xây cất, do cộng đoàn đặc sủng Nam Hàn “Khottongnae Brothers of Jesus” coi sóc. Đây là Hiệp hội được linh mục John Oh Woong Jin thành lập hồi thập niên 1970, được gợi hứng bởi lời Chúa nói: “Tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất này của Thầy là các con đã làm cho Thầy” (Mt 25,40).

Tại trung tâm có khoảng 50 trẻ em mồ côi và người già, cùng với vài nữ tu và thiện nguyện viên của cộng đoàn đặc sủng Khottongnae, đã được ĐTC viếng thăm trong chuyến công du Nam Hàn ngày 16 tháng 8 năm 2014.

** ĐTC đã lên xe bọc kính đến nhà thờ chính tòa Palo cách đó 2 cây số để gặp gỡ các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, đại chủng sinh, và gia đình các nạn nhân bão Yolanda-Haiyan. Hiện diện trong nhà thờ chính tòa có khoảng 500 người.

Nhà thờ chính tòa Palo được dâng kính Chúa Hiển Dung, do hai linh mục đòng Tên Juan del Campo và Alonso Humanes rao truyền Tin Mừng trong vùng này xây cất năm 1596. Chỉ trong vài năm Palo đã trở thành một cứ điểm truyền giáo chính của đảo. Tiếp đến có các thừa sai dòng Agostino (1768) và Phanxicô (1843) đến làm việc tại đây. Hai tháp của nhà thờ được thêm vào hồi năm 1850 và thêm chiếc đồng hồ lớn ở mặt tiền năm 1896. Năm 1939 nhà thờ được tuyên bố là nhà thờ chính tòa. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến nhà thờ biến thành nhà thương quân đội và trung tâm tiếp đón thường dân chạy loạn. Bàn thờ dát vàng thuộc thế kỷ XVII là một thí dụ của kiểu kiến trúc gô tích. Các chặng đường Thánh Giá do các nghệ sĩ địa phương tạc. Trên tường nhà thờ thời Tây Ban Nha có huy hiệu của dòng Tên.

Cha sở nhà thờ chính tòa tiếp đón ĐTC và trao thánh giá cho ngài hôn kính theo truyền thống tại đây. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong hình thức rất ngắn gọn. ĐTC đã không dọc bài diễn văn viết sẵn. Ngỏ lời trong dịp này ngài nói: Xin chào anh chị em. Tôi xin cám ơn sự tiếp đón của anh chị em. Cả ĐHY Tagle đang vào và cả ĐHY Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Hôm nay là sinh nhật của ngài. Cần phải hát cái gì đi.

Ca đoàn đã hát bài “Happy Birthday to you” chúc mừng sinh nhật ĐHY.

ĐTC nỏi tiếp. Xin cám ơn. Tôi phải nói với anh chị em điều mà tôi không thích phải nói tí nào cả. Theo chương trình dự định thì năm giờ chiều máy bay mới trở về Manila. Nhưng có trận bão cấp 2 đang thổi nên các phi công đã nói với chúng tôi là phải đi lúc một giờ. Chúng tôi chỉ có đủ giờ đến phi trường thôi, vì các tiên đoán cho biết thời tiết sẽ xấu hơn vào ban chiều. Tôi xin lỗi anh chị em vì điều này… Tôi buồn lắm. Tôi rất tiếc, bởi vì tôi có bài diễn văn viết sẵn muốn đọc cho anh chị em nghe. Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Đức Mẹ, vì bây giờ tôi phải đi. Anh chị em biết vấn đề là gì không? Đó là vì máy bay không thể đáp xuống đây được. Vấn đề là ở đó.

Tiếp đến ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc Kinh Kính Mừng rồi ngài ban phép lành tòa thánh cho tất cả trước sự nuối tiếc vì cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi.

Sau phép lành ĐTC còn nói thêm: Tôi xin anh chị em hai điều: thứ nhất cầu nguyện cho tôi và thứ hai xin bình thản.

** Vào cuối buổi gặp gỡ một số ân nhân tài trợ việc trùng tu mái nhà thờ chính tòa và vài nhà thờ bị hư hại đã được giới thiệu với ĐTC. Ngài đã đi ra phía cửa hông bên phải và dừng lại thắp nến và cầu nguyện tại đài tưởng niệm các nạn nhân trận bão Yoanda-Haiyan.

Sau đó ĐTC lên xe ra phi trường Tacloban lấy máy bay trở về Manila. Máy bay đã cất cánh lúc 13 giờ và về tới phi trường Villamor sau hơn một giờ bay. Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Tòa Sứ Thần cách đó 7 cây số để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc sớm ngày thứ hai chuyến viếng thăm Philippines ba ngày.

Cha Lombari Phát ngôn viên Tòa Thánh cho biết ĐTC đã được báo tin về cái chết của một nữ thiện nguyện viên sau thánh lễ tại Tacloban và ngài đã cầu nguyện cho cô. Ngoài ra ĐTC cũng hỏi ông Alberto Gasbarri, nhân viên tổ chức chuyến viếng thăm liên quan tới tai nạn và xin ông tiếp xúc với gia đình của nạn nhân để bầy tỏ tình liên đới của ngài.

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền Philippines

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp chính quyền Philippines

MANILA. ĐTC Phanxicô khuyến khích chính quyền Philippines cải tổ các cơ cấu xã hội gây ra bất công và bài trừ nạn tham ô hối lộ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ chính quyền Philippines sáng ngày 16-1-2015.

Thứ sáu, 16-1, là ngày thứ hai của ĐTC Phanxicô tại Philippines. Ngài đã từ Sri Lanka đến sân bay của căn cứ không quân Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều thứ năm vừa qua sau hơn 6 giờ bay. Vì biết ĐTC bay suốt ngày nên chắc là mệt, nên nghi thức đón tiếp chính thức với diễn văn được dời sang ngày hôm sau. Dầu vậy Tổng thống Benigno Aquino vẫn ra sân bay đón tiếp ĐTC cùng với hàng chục ngàn người, nhất là các em học sinh, ở trong khu vực phi trường, và dọc đường suốt 9 cây số về tòa Sứ Thần Tòa Thánh, đã có 2 triệu người, theo ban tổ chức, đã dành cho ngài một cuộc chào đón hết sức nồng nhiệt. Lúc đó là trời tối, nên xe chở ĐTC được bật đèn sáng để mọi người có thể thấy ngài.

ĐTC chính thức bắt đầu hoạt động tại Philippines từ sáng thứ sáu, 16-1, và ngài đã có 3 hoạt động chính: trước tiên là nghi thức đón tiếp chính thức tại Phủ Tổng Thống, gặp gỡ tổng thống, chính quyền và ngoại giao đoàn, rồi sau đó ngài cử hành thánh lễ với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa Manila. Ban chiều vào lúc 5 giờ rưỡi, ngài gặp gỡ các gia đình tại Hội trường thể thao ở khu trung tâm thương mại Mall of Asia Arena. Sau đây là chi tiết các hoạt động của ĐTC.

Thăm tổng thống và gặp chính quyền

Lúc 9 giờ sáng, ĐTC đã từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đến Phủ Tổng thống Philippines, cũng gọi là Dinh Malacanan, cách đó 5 cây số. Xưa kia đây là dinh của quan toàn quyền thời thuộc địa Tây Ban Nha, được xây cất năm 1802.
Lễ nghi đón tiếp ĐTC diễn ra lúc 9 giờ 15 phút với 21 phát đại bác chào mừng, duyệt qua đoàn quân danh dự, quốc thiều Vatican và Philipines, cũng như giới thiệu các thành phần của hai phái đoàn, trước khi ĐTC tiến vào trong dinh để hội kiến riêng với Tổng thống Benigno Cổ Hoàng Cơ Aquino III. Ông năm nay 54 tuổi (1960), là con của Thượng nghị sĩ Ninoy Aquino bị ám sát tại Phi trường Manila năm 1983 và của bà tổng thống Corazón Aquino Cổ Hoàng Cơ. Ông đắc cử tổng thống như ứng viên của Đảng Tự do trong buộc bầu cử hồi năm 2010 và kế nhiệm bà Gloria Arroyo.

Sau khi hội kiến riêng với Tổng thống Aquino III và gặp gỡ gia đình ông, ĐTC đã tiến sang phòng nghi lễ Rizal để gặp các giới chức chính quyền và ngoại giao đoàn, tổng cộng là 450 người.

Diễn văn ca ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại Philippines diễn ra trong khuôn khổ chuẩn bị kỷ niệm 500 năm bắt đầu công bố Lời Chúa Giêsu Kitô tại đất nước này, mừng vào năm 2021 tới đây. Tiếp đến cuộc viếng thăm cũng liên hệ mật thiết tới cuộc tàn phá do cuồng phong Yolanda gây ra. Ngài ngưỡng mộ nỗ lực liên đới của dân chúng, nhất là người trẻ, và đồng thời muốn bày tỏ sự gần gũi với những người bị tổn thương vì thiên tại này. Ngài không quên kêu gọi cải tổ những cơ cấu xã hội bất công, bài trừ nạn tham nhũng thường là tin chiếm hàng đầu tại nước này, và giải quyết nạn nghèo đói, khiến cho 25% dân Phi hiện nay đang phải sống với lợi tức 1 mỹ kim mỗi ngày. ĐTC nói:

”Tấm gương liên đới này cũng là một bài học rất quan trọng đối với tương lai. Cũng như một gia đình, mỗi xã hội kín múc năng lực từ những tài nguyên sâu rộng nhất của mình để đối phó với những thách đố mới. Philippines, cũng như các nước khác ở Á châu, đang đứng trước thách đố những thay đổi trong việc kiến tạo những nền tảng vững chắc cho một xã hội tân tiến, phản ánh những giá trị chân chính của con người, bảo vệ phẩm giá và các quyền của mỗi người vốn là hồng ân quí giá Thiên Chúa ban cho. Tất cả điều ấy đều rất quan trọng so với những bối cảnh chính trị và luân lý đạo đức mới mẻ và phức tạp.”

ĐTC nhắc đến vai trò và trách nhiệm của các nhà chính trị cần làm tất cả những gì có thể để xây dựng công ích, bảo tồn tài nguyên phong phú về nhân sự và thiên nhiên mà Chúa ban cho đất nước này. Vì thế cần kiến tạo những điều kiện cần thiết để các thể hệ trẻ kiến tạo một xã hội thực sự là công bằng, liên đới và hòa bình.
ĐTC gợi lại truyền thống Kinh Thánh qui định nghĩa vụ của mọi dân tộc phải lắng nghe tiếng nói của người nghèo và chống lại mọi hình thức chênh lệch xã hội như gương mù. Việc cải tổ những cơ cấu xã hội đang kéo dài tình trạng nghèo đói và loại trừ người nghèo, trước tiên đòi phải hoán cải tâm trí. Các GM Philippines đã ấn định năm nay là ”Năm của người nghèo”. Tiếng nói ngôn sứ này mời gọi tất cả mọi người suy tư, đổi mới trên mọi bình diện của đời sống xã hội, bài trừ nạn tham những và tát cả những gì gây ra tình trạng loại trừ và nghèo đói của bao nhiêu người trong xã hội.

Cũng trong diễn văn, ĐTC nhắc đến một hoạt động chính trong cuộc viếng thăm của ngài là gặp gỡ các gia đình, và người trẻ. Ngài nói:

”Gia đình có một sứ mạng đặc biệt trong xã hội. Thực vậy chính trong gia đình mà người trẻ học các giá trị và hấp thụ bầu không khí chân thực cho toàn thể đời sống. Vì thế, cần phải củng cố, thay vì phá hủy hoặc làm biến thái gia đình. Chúng ta biết có bao nhiêu khó khăn mà các nước dân chủ ngày nay đang gặp phải trong việc tôn trọng phẩm giá bất khả vi phạm của mỗi người, quyền của các trẻ em chưa sinh ra, cũng như quyền của người già và người bệnh. Trong bối cảnh này, các gia đình và các cộng đoàn địa phương phải chu toàn vai trò của mình trong việc kiến tạo một nền văn hòa toàn diện, tốt lành, liên đới, trung thành, như những nền tảng vững mạnh và là căn bản luân lý đạo đức vững chắc giúp xã hội sống chung.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến sự đóng góp của Philippines cho sự cộng tác quốc tế giữa các nước Á châu và ngài cũng nhắc đến nhu cầu của những người dân nước này đang sống tại nhiều nước trên thế giới, góp phần vào sự sung túc của các nước đó. Vì thế, ngài khuyến khích Philippines tiếp tục cố gắng đảm bảo cho mọi công dân một sự phát triển nhân bản toàn diện.

ĐTC không quên ca ngợi những cố gắng thăng tiến đối thoại và cộng tác giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau và ngài bày tỏ tin tưởng là những bước tiến đã được thực hiện nhắm mang lại hòa bình ở miền nam Philippines sẽ đạt được những giải pháp đúng đắn, phù hợp với các nguyên tắc nền tảng của quốc gia trong niềm tôn trọng các quyền bất khả nhượng của mọi ngừơi, kể cả các thổ dân bản xứ và các nhóm tôn giáo thiểu số.

Rời phủ Tổng thống sau cuộc gặp gỡ, ĐTC đã tiến về Nhà thờ chính tòa Manila cách đó 5 cây số để chủ sự thánh lễ với các GM, LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh đầu tiên của Sri Lanka

Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh đầu tiên của Sri Lanka

COLOMBO. Sáng ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự lễ tôn phong cha Joseph Vaz, tông đồ tại đảo Tích Lan, lên bậc hiển thánh, trước sự hiện diện của hơn nửa triệu tín hữu tại thủ đô Colombo của Sri Lanka.

Lúc 7 giờ rưỡi, ĐTC đã rời tòa sứ thần Tòa Thánh để ra công viên Galle Face Green cách đó 2 cây số rưỡi. Công viên này ở trung tâm khu vực tài chánh của thủ đô Colombo, trải dài 5 cây số dọc theo bờ biển. Cũng tại nơi đây, cách đây 20 năm, ngày 21-1 năm 1995, Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng đã chủ sự thánh lễ trọng thể lúc 10 giờ sáng trước sự hiện diện của 300 ngàn tín hữu, để tôn phong Cha Joseph Vaz lên bậc chân phước.

Đến công viên, ĐTC Phanxicô đã dùng xe díp tiến qua các lối để để chào thăm hơn 500 ngàn tín hữu tụ tập tại đây. Nhiều người phải đứng ở ngoài vòng đai công việc. Họ từ các nơi trên toàn quốc về đây, cả những vùng xa xăm ở miền bắc Sri Lanka với đa số dân là người Tamil. Hàng ngàn người đã đến đây từ chiều hôm trước và ngủ đêm tại chỗ để sẵn sàng dự lễ.

Chính phủ cũng giúp đỡ các tín hữu bằng cách cho hằng trăm xe bus của Nhà Nước đến các giáo xứ để chở những tín hữu muốn tham dự về thủ đô Colombo. Thêm vào đó, theo lệnh của bộ trưởng giao thông Sri Lanka, có 22 chuyến xe lửa đặc biệt và giá vé được giảm bớt 50% để tạo điều kiện cho các tín hữu có thể về thủ đô Colombo. Trong số hàng trăm ngàn người tham dự thánh lễ, đặc biệt có 1 ngàn tín hữu từ giáo phận Goa bên Ấn độ là giáo phận nguyên quán của thánh Joseph Vaz. Ngoài ra, chính quyền cũng huy động 28 ngàn nhân viên cảnh sát và an ninh để giữ trật tự trong những ngày ĐTC viếng thăm.

Đến gần nhà thánh, trước khi mặc áo lễ, để cử hành thánh lễ, ĐTC đã được ông đô trưởng thành Colombo chào đón và trao tặng chìa khóa của thành phố.

Trước lễ đài, ĐTC đã được một đoàn vũ của Sri Lanka, gồm cả nam lẫn nữa, chào đón qua những điệu vũ cổ truyền. Họ cũng trình diễn các vũ điệu trong một số phần của thánh lễ.

Trước lễ đài cũng có chỗ danh dự có mái che cho tân tổng thống Serena, một phật tử.

Đồng tế với ĐTC không những có 20 GM Sri Lanka, các vị thuộc đoàn tùy tùng, nhưng có thêm 4 HY từ Ấn độ, hàng chục GM thuộc các nước Á châu, kể cả Việt Nam, 1.100 linh mục. Ngoài ra có cả LM Cosme Jose Costa, 76 tuổi, thuộc giáo phận Goa bên Ấn độ, là người đã được phép lạ của thánh Joseph Vaz hồi năm 1938, khi mẹ ngài mang thai cha đến tháng thứ 7 bà bị băng huyết trầm trọng, nhưng cha Costa đã chào đời bình an nhờ mẹ và những người thân cầu xin cha Vaz cứu giúp.

Trong số các ca viên thuộc các ca đoàn đảm trách phần thánh ca, đặc biệt có nhiều bạn trẻ nghèo, được chọn từ các giáo phận trên toàn quốc.

Trong nghi thức phong hiển thánh, sau bài ca xin ơn Chúa Thánh Thần, Đức Cha Joseph Vianney Fernando, GM Kandy nơi cha Joseph Vaz qua đời, đã xin ĐTC cử hành việc phong hiển thánh cho cha. Rồi Đức Cha Sebastião do Rosarío Ferrão, TGM giáo phận Goa bên Ấn độ, đã tóm lược tiểu sử của cha:

Tiểu sử thánh Joseph Vaz

Cha Joseph Vaz sinh năm 1651 tại làng Benaulim thuộc lãnh thổ giáo phận Goa bên Ấn Độ, song thân là người Bồ đào nha. Tốt nghiệp trung học, Joseph Vaz gia nhập chủng viện và năm 1676, và năm 25 tuổi, thầy Vaz thụ phong linh mục.

Trong những năm đầu, tân linh mục chưa nhận được bài sai đặc biệt nào, nên đã xin về hoạt động mục vụ tại Sancoale, nơi gia đình song thân sinh sống. Nhờ khiếu giảng thuyết và lòng nhiệt thành hoạt động tông đồ, nhất là ban phát bí tích hòa giải, chẳng bao lâu sau, danh tiếng của vị linh mục trẻ lan rộng. Cha Vaz còn mở một trường dạy tiếng la tinh ở Sancoale để giúp đỡ các bạn trẻ muốn đi tu.

Một năm sau ngày chịu chức, cha Vaz dâng một thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Đức Bà phù Trợ ở Sancoale, trong đó, cha long trọng dâng hiến đời mình làm tôi tớ của Mẹ Maria. Hiện nay, bức thư do chính cha viết trong dịp đó vẫn còn được lưu giữ. Cha Vaz cũng quy tụ một nhóm linh mục khao khát sống đời khổ hạnh thành một hội dòng được Đức Giám Mục sở tại chấp thuận và chuẩn y luật dòng, đồng thời cha được bầu lên làm bề trên tiên khởi của dòng mang tên là giảng thuyết của thánh Philiphê Neri.

Cũng trong thời gian này, cha Vaz được tin Giáo Hội Công Giáo tại Tích Lan không có người chăm sóc từ 50 năm trước đó, nghĩa là từ ngày quân Hòa Lan theo phái Tin Lành cải cách chiếm đóng vùng này. Lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy cha Vaz từ bỏ nhiệm vụ bề trên để xin đi truyền giáo tại Tích Lan, mặc dù nhà cầm quyền Hòa Lan cấm cách. Giả dạng một người hành khất, cha Vaz mấy lần tìm cách lén vào lãnh thổ Tích Lan nhưng mãi đến dịp lễ Phục Sinh năm 1867, cha mới lên được con tàu đưa sang bán đảo Jaffna, tây bắc Tích Lan, thành lũy kiên cố của quân đội Hòa Lan thực dân. Được một gia đình Công Giáo tiếp đón và chở che, cha bắt đầu tìm kiếm và thu thập các tín hữu Công Giáo. Chính quyền thực dân Hòa Lan đánh hơi thấy sự lạ giữa cộng đồng Công Giáo, nên ra sức lùng bắt vị linh mục này. Mấy lần cha bị chặn xét, nhưng nhờ tài cải trang, cha được họ thả cho đi. Sự hiện diện của cha tại Jaffna trở thành một nguy hiểm đe dọa cả tính mạng của cha lẫn gia đình thân quyến của người dám chứa chấp cha. Vì thế cha buộc lòng phải dời sang Sillalai, một thị trấn toàn người Công Giáo phụ cận Jaffna. Từ đó cha mở rộng hoạt động mục vụ sang các thị trấn gần đó.

Mùa Giáng Sinh năm 1689, viên tư lệnh quân đội Hòa Lan âu lo vì sức sống đạo của tín hữu Công Giáo đang được phục hồi nên quyết lòng lùng bắt cha Vaz, nhưng không thành công. Từ Sillalai, cha Vaz sang thành Puttalam, nơi có hơn 1000 tín hữu từ hơn 50 năm chưa bao giờ được thấy linh mục nào. Cha đến vương quốc Kandy trong vùng Puttalam, với hy vọng xin quốc vương tại đây cho phép tự do đi lại thăm viếng các tín hữu nơi đây. Nhưng vì lời dèm pha của một người Hòa Lan theo Tin Lành Cải Cách, nên cha Vaz cùng hai người Công Giáo khác bị bắt giam. Cha lợi dụng ngay thời gian bị giam cầm để học tiếng bản xứ và soạn thảo một cuốn từ điển tiếng địa phương.
Khi thấy hạnh kiểm tốt của người tù, bọn cai tù cũng nới tay thả lỏng việc kiểm soát. Năm 1692, cha đã được vua Kandy là Wimaladharmasuriya, một phật tử, cho phép dựng một căn lều trong vườn rau của nhà giam để dâng lễ Giáng Sinh. Ít lâu sau, căn lều này đã được biến đổi thành một nhà thờ dâng kính Đức Mẹ để cầu xin ơn trở lại cho người ngoại đạo.

Dù bị cầm tù, cha Vaz vẫn âm thầm hoạt động mục vụ cho các tín hữu tìm đến thăm cha. Một sự kiện lạ thường đã chấm dứt thời gian cầm tù của cha: lúc ấy, nước Kandy lâm nạn hạn hán nặng nề. Các nhà sư Phật giáo lập đàn theo lời yêu cầu của nhà vua để cầu mưa nhưng không được kết quả nào. Vua Kandy nhờ đến cha Vaz. Cha xin nhà vua cho dựng một lễ đài với một Thánh Giá giữa quảng trường, rồi cha quỳ xuống cầu nguyện. Trời mưa xuống thật và lại mưa nhiều nữa, nhưng cha và lễ đài vẫn khô ráo không bị ướt chút nào. Sau biến cố lạ lùng này, vua Kandy trả tự do và cho phép cha Vaz được tự do giảng đạo mọi nơi.

Những năm sau đó, cha Vaz đã tận dụng tự do để tổ chức và củng cố hệ thống truyền giáo tại Kandy và nhiều vùng phụ cận, bất chấp hiểm nguy rình rập. Cha được dòng giảng thuyết Thánh Philiphê Neri trợ lực và được Đức Giám Mục Cochin chỉ định làm giám quản vùng Tích Lan. Cha liên tiếp kinh lược các vùng truyền giáo không biết mỏi mệt, mặc dù sức khỏe ngày càng hao mòn. Trong chuyến đi sau cùng, cha bị ngã xe và mang thương tích trầm trọng. Về đến Kandy, bệnh tình của cha trở nặng thêm. Sau khi nhận lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân, cha cầu nguyện cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào giữa đêm khuya ngày 16 tháng giêng năm 1711, thọ 59 tuổi. Vua Kandy đã đích thân gửi lời chia buồn với các cha thuộc hội dòng do cha thành lập trước đây. Tín hữu khắp nơi tuốn về Kandy viếng xác cha suốt ba ngày trước khi cử hành tang lễ.

Cha Joseph Vaz được Đức Gioan Phaolô 2 tôn phong chân phước trước sự hiện diện của 300 ngàn tín hữu. Đêm trước đó đã có 30 ngàn người đến địa điểm hành lễ, họ ca hát, đánh trống, canh thức cầu nguyện và ngủ lại tại chỗ để dự lễ hôm sau. Trong số các tín hữu ấy có 2 ngàn người Tamil từ khu vực do phiến quân kiểm soát ở miền bắc, đã vượt mọi nguy hiểm về thủ đô dự lễ, ngoài ra còn có 800 tín hữu đến từ Ấn độ. Đồng tế thánh lễ hôm ấy 2 có 110 vị gồm 2 HY, 30 GM và gần 80 linh mục.

Sau khi tiểu sử cha Vaz được trình bày, mọi người đã hát kinh cầu các thánh, và ĐTC Phanxicô đọc công thức tuyên bố ghi tên chân phước Joseph Vaz vào sổ bổ các thánh của Giáo Hội và truyền cho toàn thể Giáo hội tôn kính thánh nhân.

Cộng đoàn vỗ tay rất lâu và ca đoàn hân hoan hát mừng vị tân hiển thánh, vị thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Sri Lanka, trong khi thầy phó tế rước thánh tích của cha Vaz lên bàn thờ.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng thánh lễ, sau khi nhắc đến hoạt động của thánh Joseph Vaz, ĐTC đã rút ra những bài học cụ thể cho các tín hữu ngày nay. Ngài nói:

”Cũng như vô số các thừa sai khác trong lịch sử Giáo Hội, thánh Joseph Vaz đã đáp lại mệnh lệnh của Chúa Phục Sinh truyền hãy làm cho mọi dân nước thành môn đệ của Chúa (Xc Mt 28,19). Bằng lời nói, và quan trọng hơn nữa là bằng gương sống, thánh nhân đã dẫn đưa dân chúng tại đất nước này đến niềm tin, làm cho chúng ta được ”thừa hưởng gia nghiệp giữa các thánh của Chúa” (Xc Cv 20,32).

ĐTC nói: ”Nơi thánh Joseph chúng ta thấy một dấu chỉ mạnh mẽ về lòng nhân từ và tình yêu thương của Thiên Chúa đối với các dân tộc ở Sri Lanka. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi thánh nhân một thách đố, đó là làm sao để kiên trì trên con đường Tin Mừng, tăng trưởng trong sự thánh thiện, và làm chứng cho sứ điệp hòa giải của Tin Mừng mà Ngài đã tận hiến trọn cuộc đời.

”Là một linh mục thuộc dòng giảng thuyết ở quê hương Goa, thánh Joseph Vaz đến đất nước này do lòng nhiệt thành truyền giáo và lòng yêu thương lớn lao đối với các dân tộc tại đây thúc đẩy. Vì bấy giờ có cuộc bách hại tôn giáo, thánh nhân hóa trang như người hành khất, chu toàn nghĩa vụ linh mục nơi các cuộc gặp gỡ bí mật với các tín hữu, thường là vào ban đêm. Ngài cố gắng mang lại sức mạnh tinh thần và luân lý cho các tín hữu Công Giáo bị vây bủa. Cha đặc biệt mong ước phục vụ những người bệnh tật và đau khổ. Việc phục vụ của cha dành cho những người đau yếu được nhà vua rất quí chuộng trong thời kỳ dịch đậu mùa ở Kandy đến độ vua cho phép cha được tự do hơn trong việc làm mục vụ. Từ Kandy, cha có thể đi tới các nơi khác trong đảo. Cha hăng say thi hành công tác truyền giáo, và qua đời vì kiệt lực lúc 59 tuổi, được dân chúng kính trọng vì sự thánh thiện.
ĐTC nhận xét rằng ”Thánh Joseph Vaz tiếp tục là một mẫu gương và là thày dạy vì nhiều lý do, nhưng tôi muốn tập trung vào 3 điều.

– Thứ nhất, thánh nhân là một linh mục gương mẫu. Tại đây hôm nay có nhiều linh mục tu sĩ nam nữ, giống như thánh Joseph Vaz, đã được thánh hiến để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân. Tôi khuyến khích mỗi người trong anh chị em hãy nhìn lên thánh Joseph Vaz như người hướng đạo chắc chắn. Thánh nhân dạy chúng ta cách thức đi tới những vùng ngoại ô, làm cho Chúa Giêsu Kitô được biết đến và yêu mến ở mọi nơi. Ngài cũng nêu gương về sự kiên nhẫn chịu đau khổ vì chính nghĩa Tin Mừng, vâng phục các Bề trên, chăm sóc yêu mến Giáo Hội của Thiên Chúa (Xc Cv 20,28). Cũng như chúng ta, thánh Joseph Vaz đã sống trong một thời đại có những biến chuyện mau lẹ và sâu rộng; các tín hữu Công Giáo chỉ là một thiểu số, và thường bị chia rẽ nội bộ; đôi khi có những đố kỵ, nhiều khi có những bách hại từ bên ngoài. Nhưng vì thánh nhân luôn kết hiệp trong kinh nguyện với Chúa chịu đóng đanh, ngài có thể trở nên hình ảnh sống sống cho mọi người về lòng từ bi và tình yêu thương hòa giải của Thiên Chúa.

– ”Thứ hai, thánh Joseph Vaz tỏ cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự vượt thắng những chia rẽ tôn giáo trong việc phụng sự hòa bình. Tình yêu không chia sẻ của thánh nhân đối với Chúa mở cho ngài tình yêu đối với tha nhân; ngài phục vụ những người túng thiếu, bất kỳ là ai và ở nơi nào. Tấm gương của thánh nhân tiếp tục soi sáng cho Giáo Hội tại Sri Lanka ngày nay. Giáo Hội vui mừng và quảng đại phục vụ mọi thành phần trong xã hội. Giáo Hội không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, bộ tộc, giai tầng xã hội hay tôn giáo trong công tác phục vụ ở trường học, nhà thương, bệnh xá, và nhiều công tác từ thiện khác. Điều duy nhất mà Giáo Hội yêu cầu là được tự do thi hành sứ vụ của mình. Tự do tôn giáo là một nhân quyền căn bản. Mỗi người phải được tự do, một mình hoặc hiệp với người khác, tìm kiếm chân lý và công khai bày tỏ những xác tín tôn giáo của mình, không bị dọa nạt hoặc sức ép từ bên ngoài. Như cuộc sống của thánh Joseph Vaz dạy chúng ta, việc phụng tự chân thành đối với Thiên Chúa mang lại hoa trái, không phải trong sự kỳ thị, oán thù hay bạo lực, nhưng trong sự tôn trọng tính chất thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, dấn thân phục vụ an sinh của tất cả mọi ngừơi trong tinh thần yêu thương.

– Sau cùng, thánh Joseph Vaz nêu gương cho chúng ta cho chúng ta về lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân đến Tích Lan để phục vụ cộng đồng Công Giáo, trong tình bác ái theo tinh thần Phúc Âm, ngài tìm đến với mọi người. Từ bỏ quê hương, gia đình, và môi trường quen thuộc thoải mái, ngài đáp lại tiếng gọi hãy ra đi để nói về Chúa Kitô tại bất kỳ nơi nào ngài được dẫn đến. Thánh Joseph Vaz biết cách trình bày chân lý và vẻ đẹp của Tin Mừng trong một môi trường đa tôn giáo, trong niềm tôn trọng, với lòng tận tụy, kiên trì và khiêm tốn. Đó cũng là con đường của các môn đệ Chúa Giêsu ngày nay. Chúng ta được kêu gọi ra đi với cùng một lòng nhiệt thành, cùng một lòng can đảm như thánh Joseph Vaz, nhưng cũng với sự nhạy cảm của ngài, tôn trọng tha nhân, ước muốn chia sẻ với họ lời ân phúc (Xc Cv 20,32) có năng lực thăng tiến họ. Chúng ta được kêu gọi trở thành những môn đệ thừa sai của Chúa.

Và ĐTC kết luận rằng: ”noi gương thánh Joseph Vaz, tôi cầu nguyện để các tín hữu Kitô tại nước này được củng cố trong đức tin và đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình, công lý và hòa giải trong xã hội Sri Lanka. Đó là điều mà Chúa Kitô yêu cầu anh chị em. Đó là điều mà thánh Joseph Vaz dạy anh chị em. Đó là điều mà Giáo Hội đang cần nơi anh chị em. Tôi phó thác tất cả anh chị em cho vị thánh mới của chúng ta, để trong niềm hiệp thông với Giáo Hội trên toàn thế giới, anh chị em có thể hát bài ca mới chúc tụng Chúa và cao rao vinh quang Chúa cho đến tận bờ cõi trái đất. Vì Chúa thật là cao cả, và phải được chúc tụng đời đời (Xc Tv 96,1-4). Amen.

Quà tặng

Cuối thánh lễ, ĐHY Malcom Ranjith, TGM Colobom sở tại, đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC về món quà quí giá là lễ tôn phong vị thánh đầu tiên của Giáo Hội tại Sri Lanka. ĐHY cũng trao cho ĐTC một ngân phiếu 70 ngàn mỹ kim do các tín hữu đóng góp cho các hoạt động bác ái của ngài. ĐHY nói: ”Chúng con là một Giáo hội nghèo, nhưng chúng con cũng xin ĐTC nhận món quà này cho các công tác bác ái”.

Về phần ĐTC, ngài tặng cho Giáo Hội tại Sri Lanka bản sao bằng đồng sắc chỉ của vua Keerthi Sri Rajasinghe của nước Kandy tuyên bố không cấm những người dân Singalais muốn theo Kitô giáo và cho phép tất cả các mục tử cùng dòng được rao giảng cho những người sinh tại Sri Lanka và phật tử muốn theo Kitô giáo.

Thánh lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ trong bầu không khí nồng nhiệt. Bấy giờ là 11 giờ sáng, giờ địa phương. ĐTC trở về tòa Sứ thần để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi, để chuẩn bị viếng thăm Đền thánh Đức Mẹ Madhu vào ban chiều.

G. Trần Đức Anh OP
– Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Madhu, bắc Sri Lanka

Đức Thánh Cha viếng thăm Đền Thánh Đức Mẹ Madhu, bắc Sri Lanka

MADHU. Chiều ngày 14-1-2015, ĐTC Phanxicô đã kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu, bắc Sri Lanka, cầu nguyện với hơn 100 ngàn tín hữu và tái kêu gọi hòa giải giữa mọi người dân Sri Lanka.

Sau thánh lễ phong thánh với sự tham dự của hơn nửa triệu người tại thủ đô Colombo vào ban sáng, lúc 2 giờ chiều cùng ngày 14-1, ĐTC đã đáp trực thăng của không lực Sri Lanka từ thủ đô Colombo để bay đến Đền thánh Đức Mẹ Madhu, cách đó 250 cây số về hướng bắc và là miền có đại đa số dân thuộc sắc tộc Tamil.

Đền thánh Madhu thuộc giáo phận Mannar, hiện có 90 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 270 ngàn dân cư, với 34 giáo xứ do 55 LM giáo phận coi sóc và 330 LM dòng và 183 nữ tu.

Our-Lady-of-Madhu

Lịch sử Đền Thánh

Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã có từ hơn 4 thế kỷ, tức là từ năm 1544 khi vua Sankili ở thành Jaffna tàn sát 600 tín hữu Công Giáo ở Mannar, vốn do các thừa sai Bồ đào nha hoán cải, vì nhà vua sợ người Bồ bành trướng ảnh hưởng. Có một số tín hữu tránh thoát được cuộc thảm sát và trong rằng họ thiết lập một nhà nguyện nhỏ bé và đặt trong đó tượng Đức Mẹ hiện nay ở trong Đền Thánh. 4 thập niên sau đó, một số tín hữu Công Giáo lại phải chạy khỏi Mannar và bắt đầu kiến thiết các thánh đường ở các vùng lân cận. Một trong các nhà thờ đó được thiết lập tại Mantai và là nơi đầu tiên được đặt tượng Đức Mẹ Madhu.
Năm 1656 người Hòa Lan theo Tin Lành Calvin đổ bộ lên đảo Tích Lan và bách hại các tín hữu Công Giáo. Có 30 gia đình Công Giáo chạy trốn từ làng này sang làng khác, họ mang theo pho tượng Đức Mẹ và 14 năm sau đó, họ định cư tại nơi ngày nay là Đền thánh Đức Mẹ Madhu. Một số tín hữu Công Giáo khác, trốn tránh cuộc bách hại của người Hòa Lan cũng chạy đến nơi này, trong số họ có một phụ nữ Bồ đào nha tên là Helena, và bà đã khởi công xây cất thánh đường nhỏ đầu tiên dâng kính Đức Mẹ Madhu.
Đức Mẹ tại đây được biết đến trên toàn đảo Tích Lan và được tôn kính như vị bảo vệ và chữa lành những người bị rắn cắn.

Khi cha Joseph Vaz từ Ấn độ đến hoạt động tại Tích Lan từ năm 1687, Công Giáo được phát triển và năm 1706, Đền thánh Đức Mẹ Madhu trở thành một trung tâm truyền giáo. Thánh đường hiện nay ở Madhu được khởi công xây cất hồi năm 1872 và năm 1824, vị Đặc Sứ của ĐGH Piô 11 đã chủ sự nghi thức đội triều tiên cho tượng Đức Mẹ.

Đền thành Đức Mẹ Mân Côi ở Madhu vẫn luôn là nơi hành hương và cầu nguyện của cac tín hữu Công Giáo và cả tín đồ các tôi giáo khác. Và mặc dù vùng này trong quá khứ đã xảy ra những cuộc giao tranh giữa phiến quân Tamil và quân đội chính phủ Sri Lanka, các GM nước này đã thành công trong việc yêu cầu cả hai phe lâm chiến chấp nhận Madhu là vùng phi quân sự, đảm bảo an ninh cho các tín hữu hành hương và nhiều người tị nạn chạy tới miền này để tránh các cuộc giao tranh. Thực vậy, từ năm 1990, khu vực 160 hécta quanh Đền thánh Đức Mẹ Madhu đã tiếp đón hàng ngàn người tị nạn chiến tranh. Sau chiến tranh, tháng 4 năm 2008, Đền Thánh Đức Mẹ được giao lại cho giáo phận Mannar va việc thờ phượng được mở lại từ tháng 12 năm 2010.

Viếng thăm

Đến Madhu lúc 3 giờ rưỡi chiều, sau 1 giờ 15 phút bay, ĐTC đã đi xe tiến qua các lối đi để chào thăm hàng trăm ngàn người tụ tập dọc theo hai bên đường và nhất tại khu vực trước Đền thánh. Tại cổng chào ngài được Đức GM địa phương, Joseph Rayyappu và chính quyền đón tiếp.

Buổi cầu nguyện tiếp đó được cử hành bằng 3 thứ tiếng: Anh, Singalais và Tamil. Vì nhà thờ nhỏ, nên lớn các tín hữu tham dự buổi cầu nguyện từ các khu vườn bên ngoài. Có một khu vực riêng dành cho các vị sư phật giáo đến tham dự buổi cầu nguyện.

Trong lời chào ĐTC, Đức GM sở tại đã gợi lại lịch sử đền thánh Đức Mẹ Madhi và cho biết Đền thánh này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc khơi dậy và nuôi dưỡng ơn gọi linh mục và tu sĩ. Và mỗi năm vào dịp lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, hơn 600 ngàn tín hữu từ các nơi vẫn đề đây hành hương kính Đức Mẹ. Cũng vậy có đông đảo tín hữu đến kính viếng vào những dịp lễ khác và cuối tuần.

Tiếp đến mọi người đã nghe đọc bài Tin Mừng theo Thánh Mathêu về các mối phúc thật: Phúc cho những người sầu khổ vì họ sẽ được an ủi. Phúc cho những người xây dựng hòa bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những người bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ (Mt 5,4.9-10).

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng tại buổi cầu nguyện, ĐTC ghi nhận sự kiện, tại Đền thánh này, mọi người Sri Lanka, dù là thuộc sắc tộc Tamil hay Singalais, đều cảm thấy như ở nhà mình, cảm thấy an ninh như một gia đình trong nhà của Mẹ. Nơi đây cũng có sự hiện diện của các gia đình từ nam chí bắc, những gia đình đã chịu nhiều đau khổ, gợi lại thời kỳ chiến tranh đẫm máu tại Sri Lanka.

Từ thời kỳ đầu của Kitô giáo ở đất nước này, các tín hữu đã cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ nh[o bé này và ngày nay vẫn con tiếp tục. Mẹ là mẹ của đông đảo các gia đình đang tìm kiếm một cuộc sống an bình. Mẹ Maria bảo vệ nhân dân Sri Lanka khỏi những nguy hiểm quá khứ và hiện tại. Mẹ luôn gần gũi Chúa Con chịu đóng đanh và gần các con cái Sri Lanka của mình.

ĐTC nói: ”Ngày hôm nay tại đây có những gia đình đã chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc xung đột lâu dài, tạo ra vết thương lớn trong con tim Sri Lanka. Nhiều người, từ bắc chí nam, bị giết trong bạo lực kinh khủng và đẫm máu trong những năm ấy. Không người Sri Lanka nào có thể quên những biến cố bi thảm gắn liền với chính nơi này, hoặc ngày đau buồn khi tượng Đức Mẹ đáng kính, có từ thời các tín hữu Kitô đầu tiên đến Sri Lanka, bị đưa ra khỏi đền thánh Đức Mẹ.”

Dầu vậy, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cảm tạ Đức Mẹ vì Mẹ luôn mang Chúa Giêsu cho chúng ta và luôn ban cho chúng ta sức mạnh để tái lập an bình trong tâm hồn chúng ta. Sau bao nhiêu oán thù, bao nhiêu bạo lực và tàn phá, chúng ta hãy cảm tạ Mẹ, vì Mẹ tiếp tục mang Chúa Giêsu cho chúng ta, chỉ có Chúa mới có thể chữa lành những vết thương còn rộng mở và tái lập an bình cho những con tim bị tan vỡ.
ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chỉ khi nào, dưới ánh sáng của thập giá, chúng ta hiểu được sự ác mà chúng ta có khả năng thực hiện, và thậm chí còn tham gia vào đó nữa, thì chúng ta mới có thể cảm thấy hối hận và thống hối thực sự. Chỉ khi ấy chúng ta mới có thể lãnh nhận ơn đến gần nhau với tâm tình thống hối chân thành, trao ban và đón nhận tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin ơn từ bi của Chúa, ơn đền bù các tội lỗi và bao nhiêu sự ác mà đất nước này đã từng trải qua.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria tháp tùng tất cả mọi người, Tamil cũng như Singalais, trong công cuộc tái tạo hiệp nhất mà mọi người mong muốn. Ngài nhắc nhớ rằng trong tư cách là anh chị em với nhau, chúng ta luôn có thể đi về nhà Thiên Chúa trong một tinh thần đổi mới hòa giải và huynh đệ.

Buổi cầu nguyện kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành của ĐTC. Ngài cầm tượng Đức Mẹ Madhu và vẽ hình Thánh Giá trên các tín hữu. Ban quản đốc Đền thánh cũng tặng ĐTC pho tượng nhỏ bản sao tượng Đức Mẹ Madhu. Ngài cũng dâng tặng tượng Đức Mẹ xâu chuỗi quí giá và cúi đầu cung kính cầu nguyện.
Rồi ngài trở lại sân bay trực thăng gần đó để về thủ đô Colombo vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày.

G. Trần Đức Anh OP Vatican Radio
 

Tường thuật ngày đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Sri Lanka (1/3)

Tường thuật ngày đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô công du mục vụ Sri Lanka (1/3)

** Chiều 12 tháng giêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên đường công du Sri Lanka trong ba ngày, rồi sau đó viếng thăm Philippines cho tới 19 tháng giêng. Đây là chuyến công du thứ 7 ngoài Itallia. Chiếc Airbus 330 của hãng hàng không Alitalia chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh rời phi trường quốc tế Fiumicino ỏ Roma lúc 18 giờ 50. Máy bay chở ĐTC đã bay qua không phận của các nước Italia, Albania, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, các Vương quốc A rập thống nhất. Oman và Ân Độ.

ĐTC đã gửi điện tín cho quốc trưởng và nhân dân các quốc gia này. Ngài gửi lời chào thăm và cầu chúc thịnh vượng, hiệp nhất, và thiện ích tinh thần cho dân nước Italia. Ngài còn nhớ các kỷ niệm đẹp trong các chuyến viếng thăm Albania, Thổ Nhĩ Kỳ và bảo đảm với các vị lãnh đạo và quốc dân hai nưóc lời cầu nguyện của ngài. ĐTC nhớ tổng thống và dân nước Hy Lạp trong lời cầu nguyện và khẩn cầu phước lành bình an và tươi vui của Thiên Chúa trên Hy Lạp. Ngài cầu xin phước lành binh an và thịnh vượng của Thiên Chúa cho tổng thống và dân nước Iran, cho quốc vương và các dân tộc của Vương quốc A rập thống nhất, cho quốc vương Oman và thần dân, cũng như cho tổng thống và nhân dân Ấn.

Trên chuyến bay ĐTC đã ra phía sau chào và bắt tay 76 nhà báo và phóng viên quốc tế tháp tùng chuyến viếng thăm của ngài. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ đối với các nhà báo.

Sri Lanka là một quần đảo rộng 65.610 cây số vuông, gồm Ceylon là đảo lớn nhất và vài đảo nhỏ khác như Mannar, Velanai và Neduntivu… Srai Lanka có khoảng 21,2 triệu dân, 75% là người Singale, 15% người Tamil và 9% người Mori.

Colombo đã là thủ đô của Sri Lanka cho tới năm 1978, khi chính quyền di chuyền các bộ về Sri Jayawardenapura Kotte, cách đó 8 cây số. Tên Colombo do người Bồ Đào Nha du nhập năm 1505, có lẽ phát xuất từ tiếng Singale cổ điển “Kolon thota” có nghĩa là “cảng trên sông Kelani”. Cũng có người cho rằng nó bắt nguồn từ kiểu nói Singale “kola-amba-thota” có nghĩa là “cảng với các cây xoài rậm lá”. Colombo đã được các thương gia Roma, Tầu, và A rập biết tới từ hơn 2.000 năm trước. Vào thế kỷ thứ VIII nó bị người A rập chiếm đóng để kiểm soát giao thông giữa các vương quốc Singale và phần còn lại của thế giới. Vào thế kỷ XVI người Bồ Đào Nha đánh đuổi người A rập và xây một pháo đài để bảo vệ việc buôn bán gia vị. Năm 1656 người Hoà Lan đánh chiếm thành phố và biến Colombo trở thành thủ đô các tỉnh duyên hải của Công ty Hoà Lan Đông Ấn Độ cho tới năm 1796. Tiếp theo đó người Anh chiếm Colombo và biến nó trở thành thủ đô của đảo Ceylon thuộc địa của họ. Năm 1948 Sri Lanka được độc lập. Vì địa thế hải cảng của mình Colombo là nơi xuất cảng nhiều sản phẩm quốc gia như trà, cao su, dầu dừa, copra và nhất là đá qúy. Thành phố cũng có các kỹ nghệ chế biến thuốc lá, dầu, các nhà máy tơ sợi và da thuộc.

** Giáo phận Colombo có từ năm 1834 và năm 1886 trở thành Tổng giáo phận. Tổng giáo phận hiện có gần 7,3 triệu dân, trong đó có hơn 667 ngàn theo công giáo, tức chiếm 9,23%, với 127 giáo xứ, 298 linh mục giáo phận, 279 linh mục dòng, 380 tu huynh, 1.400 nữ tu và 284 đại chủng sinh. Tổng giáo phận có 196 cơ sở giáo dục và 560 cơ sở bác ái.

Sau 9 giờ 40 phút bay và vượt chặng đường dài 7.630 cây số máy bay đã đáp xuống phi trường quốc tế Colombo của Sri Lanka lúc 10 giờ sáng giờ địa phương, trễ một giờ so với chương trình dự định.

Tiếp đón ĐTC tại phi trường có ĐTGM Phêrô Nguyễn Văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Sri Lanka, ông Aryasinha Ravinatha Đại sứ ngoại thường toàn quyền của Cộng hòa dân chủ xã hội Sri Lanka cạnh Toà Thánh, ĐHY Malcolm Ranjith Patabendige Don, TGM Colombo, kiêm Chủ tịch HĐGM Sri Lanka, các Giám Mục, Tổng thống tân cử Maithripala Sirisena, một số các vị lãnh đạo, một số tín hữu, một ca đoàn và 2.000 trẻ em. Tổng thống đã đón ĐTC tại chân thang máy bay. Hai em bé một trai một gái tiến đến quàng vòng hoa mầu trắng và mầu vàng cho ĐTC.

Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Sri Lanka. ĐTC và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị quốc khách.

Trong diễn văn chào mừng ĐTC tân tổng thống Maithripala Sirisena bầy tỏ niềm hân hoan vui sướng của dân nước Sri Lanka được ĐTC viếng thăm. Niềm hạnh phúc và hãnh diện này đặc biệt lớn đối với ông là người mới được bầu làm tổng thống cách đây mấy ngày và bắt đầu nhiệm vụ với chuyến viếng thăm này của ĐTC. Ông xin ngài chúc lành cho dân nước Sri Lanka.

Đáp từ tổng thống ĐTC bầy tỏ vui mừng được viếng thăm Sri Lanka, được gọi là ngọc trai của Ấn Độ dương vì vẻ đẹp thiên nhiên, sự nồng hậu của người dân và sự khác biệt phong phú của các truyền thống văn hóa và tôn giáo của nó.

ĐTC cầu chúc Tổng thống những điều tốt đẹp nhất cho các trách nhiệm mới, và ngài đặc biệt cám ơn sự hiện diện của các vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo cũng như ca đoàn và tất cả những ai khiến cho cuộc viếng thăm này có thể xảy ra. Nhấn mạnh đến mục đích chuyến viếng thăm ĐTC nói:

** Chuyến viếng thăm Sri Lanka của tôi trước hết có tính cách mục vụ. Như là Chủ chăn hoàn vũ của Giáo Hội Công Giáo tôi phải gặp gỡ, củng cố và cầu nguyện với dân công giáo của quốc đảo này. Tột đỉnh của chuyến viếng thăm là việc phong hiển thánh cho chân phước Joseph Vaz, mà gương bác ái kitô và sự kính trọng đối với mọi người không phân biệt chủng tộc và tôn giáo, tiếp tục gợi hứng và dậy dỗ chúng ta ngày nay. Nhưng chuyến viếng thăm của tôi cũng muốn diễn tả tình yêu thương và sư lo lắng của Giáo Hội đối với mọi người dân Sri Lanka, và khẳng định ước mong của Giáo Hội tích cực tham gia vào đời sống của xã hội này.

Tiếp tục bài diễn văn ĐTC nhắc tới thảm cảnh nội chiến của Sri Lanka. Ngài nói thật là một thảm cảnh trong thế giới ngày nay, khi có nhiều cộng đoàn gây chiến với nhau như vậy. Việc không có khả năng hòa giải các khác biệt và bất đồng ý, cũ và mới, đã dấy lên các căng thẳng chủng tộc và tôn giáo, thường đi đôi với bạo lực bùng nổ. Trong nhiều năm trời Sri Lanka đã biết đến các kinh hoàng của cuộc nội chiến, giờ đây đang tìm củng cố hòa bình và chữa lành các vết thương của các năm đó. Thật không dễ thắng vượt được gia tài cay đắng của các bất công, thù nghịch và mất tin tưởng do xung khắc để lại. Chỉ có thể làm được bằng cách thắng sự dữ với sự thiện (x. Rm 12,21) và bằng cách vun trồng các nhân đức khuyến khích hòa giải, liên đới và hòa bình. Tiến trình chữa lành cũng cần bao gồm việc theo đuổi sự thật, không phải để mở ra các vết thương cũ, nhưng như là các phương tiện cần thiết nhằm thăng tiến công lý, việc chữa lành và sư hiệp nhất.

Các bạn thân mến, tôi xác tín rằng tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò nòng cốt trong tiến trình hòa giải và tái thiết hiên nay của đất nước. Và ĐTC nhấn mạnh như sau:

Để cho tiến trình đó được thành công mọi thành phần xã hội phải làm việc chung với nhau; mỗi người phải có tiếng nói. Tất cả phải được tự do diễn tả những gì liên quan tới các nhu cầu, các khát vọng và sợ hãi của mình. Điều quan trọng nhất là họ phải được chuẩn bị để chấp nhận nhau, tôn trọng các khác biệt hợp pháp, và học sống như một gia đình. Khi người dân biết lắng nghe nhau một cách khiêm tốn và cởi mở, thì việc chia sẻ các giá trị và các khát vọng trở thành rõ ràng hơn. Khác biệt không còn là sự đe dọa nữa, nhưng là suối nguồn của sự giầu có. Con đường dẫn tới công bằng, hòa giải và hòa hợp xã hội trở thành rõ ràng hơn. Trong nghĩa đó, công việc to lớn của sự hòa giải cũng đụng chạm tới các cơ cấu hạ tầng xã hội, và đáp ứng các nhu cầu vật chất và quan trọng hơn nữa là thăng tiến nhân phẩm, tôn trọng các quyền con người và việc tháp nhập tràn đầy mỗi thành phần xã hội. Tôi hy vọng các vị lãnh đạo chính trị tôn giáo và văn hóa Sri Lanka đo lường mọi lời nói và hành động bởi thiện ích và việc chữa lành mà chúng mang lại, góp phần lâu dài cho sự tiến bộ vật chất và tinh thần của nhân dân Sri Lanka.

Kính thưa tổng thống và các bạn, một lần nữa tôi xin cám ơn sự tiếp đón của qúy vị. Xin cho những ngày chúng ta sống với nhau là những ngày của tình bằng hữu, đối thoại và liên đới. Tôi khẩn cầu phép lành tràn đầy của Thiên Chúa trên Sri Lanka, viên ngọc trai của Ấn Độ dương, và tôi cầu xin cho vẻ đẹp của nó chiếu sang trong sự thịnh vượng và hòa bình cho dân tộc nó.

 

** Sau lễ nghi chào đón, ĐTC đã đi xe díp bọc kính về Tòa Sứ Thần nằm cách đó 28 cây số. Dọc hai bên đường có ít nhất 300.000 người đứng chào đón ĐTC trong bầu khí lễ hội, trong đó cũng có rất nhiều nhà sư Phật giáo và một đoàn 40 con voi trang hoàng rực rỡ như trong ngày lễ hội quốc gia.

Vể tới Tòa Sứ Thần ĐTC đã nghỉ ngơi chốc lát trước khi cử hành thánh lễ riêng. Vì chương trình bị trễ nhiều và trời Sri Lanka nóng tới 31 độ ĐTC đã không đến Tòa Tổng Giám Mục cách đó 4 cây số để gặp gỡ các Giám Mục Sri Lanka. Nhưng ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã thay mặt ngài đến chào các Giám Mục cùng với các Hồng Y và Tổng Giám Mục thuộc đoàn tùy tùng. Các vị đã được một nhóm 180 đại chủng sinh và một nhóm vũ công tiếp đón và tặng vòng hoa trong vườn tòa Tổng Giám Mục.

** Vào ban chiều lúc 17 giờ ĐTC đã đến thăm xã giao tổng thống Sri Lanka. Tổng thống Maithripala Sirisena vừa thắng cử hôm mùng 8 tháng giêng vừa qua với 51,2% tổng số phiếu, trong khi tổng thống Rajapaksa chỉ đuợc 47,5%. Ông đã chấp nhận ý dân và dọn ra khỏi dinh tổng thống. Tổng thống tân cử đã làm lễ tuyên thệ ngay.

Ông Sirisena sinh năm 1951, bắt đầu tham gia chính trị năm 1989, trở thành dân biểu của đảng Sri Lanka tự do, và từ năm 1994 giữ nhiều chức vụ bộ trưởng. Cho tới tháng 11 năm 2014 vừa qua ông đã là Bộ trưởng Y tế Sri Lanka.

Tổng thống tân cử Sirisena đã đón ĐTC tại cửa chính. Sau khi ngài ký tên vào sổ vàng hai vị lên lầu một để hội kiến riêng. ĐTC viết:
“Tôi khẩn nài ơn can đảm, khôn ngoan và phân định trên những ai phục vụ nhân dân Sri Lanka yêu quý”.

ĐTC đã tặng tổng thống một bản sao Bản đồ hàng hải do ông Bartolomé Oliva vẽ năm 1562, gọi là bản Urbinate latino 283 của Thư Viện Vaticăng. Thủ bản này có các trang kích thước 33 trên 23 mm gồm 14 bản đồ hàng hải mầu vẽ trên các mảnh da thuộc có phẩm chất rất tốt. Tác giả là ông Bartolomé Oliva thuộc một gia đình chuyên nghề vẽ các bản đồ, hoạt động giữa các năm 1538-1588, nhất là trong tỉnh Messina. Bản đồ này được vẽ năm 1562 và cho thấy thế giới như được người Âu châu biết tới hồi thế kỷ XVI. Bộ sưu tập này đuợc Thư Viện Vaticăng mua năm 1657 với các thủ bản khác của thư viện Urbinate.

Lúc 18 giờ ĐTC từ biệt tổng thống để đến Trung Tâm Hội nghị quốc tế BMICH gặp gỡ giới lãnh đạo các tôn giáo toàn nước Sri Lanka. Trung tâm BMICH đã được xây cất giữa các năm 1970-1973 như qùa Trung Quốc tặng dân nước Sri Lanka. Ngoài đại thính đường, khu vực triển lãm, còn có một ngân hàng, một khách sạn, một thư viện và một học viện nghiên cứu. Năm 2013 hội nghị các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung đã nhóm họp tại đây. Và năm 2014 tới phiên Đại hội giới trẻ quốc tế.

Tại Sri Lanka Phật giáo chiếm 70% dân số, Ấn giáo chiếm 12,6%, Hồi giáo chiếm 9,7% và Công giáo chiếm 7,16%.

Cho tới thế kỷ thứ III trước công nguyên, đa số dân theo Ấn giáo. Các tín hữu Ấn giáo hiện sống tại miền bắc và miền đông Sri Lanka đa số là người Tamil. Phật giáo nguyên thủy Theravada đã được truyền bá năm 246 trước công nguyên và vào năm 200 được tuyên bố là quốc giáo. Từ giữa thế kỷ XIX Phật giáo tái sinh nhờ các phong trào ái quốc. Hồi giáo được phổ biến cho tới thế kỷ XV nhờ các thương gia A rập kiểm soát các lộ giao thương trong vùng biển nam Ấn, cho tới khi các thừa sai Phanxicô và Bồ Đào Nha tới truyền bá Tin Mừng. Truyền thống kể rằng thánh Toma Tông Đồ đã tới Sri Lanka vào thế kỷ thứ I, sau khi đi ngang qua vùng Kerala và nam Ấn. Các tài liệu kitô đầu tiên có từ năm 1322, khi tu sĩ Phanxicô Odorico da Pordenone ghé Sri Lanka vào năm đó, rồi từ năm 1517 khi các tu sĩ Phanxicô tới truyền giáo tại đây.

** Trong đại thính đường của Trung tâm có các vị lãnh đạo của các tôn giáo và một ngàn tín hữu đại diện các công đoàn Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo tham dự. ĐTC đã được tiếp đón với các bản nhạc truyền thống do dàn hoà nhạc Hevisi trình tấu. Ngài đã ký tên vào sổ vàng. ĐTC viết “Với lòng biết ơn đối với cơ may gặp gỡ các vị đại diện các tôn giáo khác nhau hiện diện trên vùng đất này, tôi cầu xin Thiên Chúa Toàn Năng linh hứng cho sự cộng tác hài hòa cho thiện ích của nhân dân Sri Lanka.”

Tiếp đến Đức Cha Cletus Perera, đặc trách Ủy ban liên tôn của HĐGM Sri Lanka giới thiệu các vị lãnh đạo và phái đoàn của các tôn giáo. Tiếp theo là bài thánh ca Pirith của Phật giáo, rồi lời chúc lành Ấn giáo, Hồi giáo, lời cầu đại kết, và diễn văn chào mừng của Hòa Thượng Vigithasiri Niyangoda Thero, thủ lãnh Phật Giáo Sri Lanka.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói:

Các bạn thân mến, Tôi biết ơn vì dịp may được tham dự cuộc họp này quy tụ giữa các tôn giáo, bốn cộng đoàn tôn giáo lớn tạo thành cuộc sống của Sri Lanka là: Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo và Kitô giáo. Tôi xin cám ơn sự hiện diện và tiếp đón nồng hậu của qúy vị. Tôi cũng xin cám ơn tất cả những ai đã dâng lời cầu nguyện và chúc lành, và một cách đặc biệt tôi bầy tỏ lòng biết ơn ĐC Cletus Chandrasiri Perera và Hòa thượng Vigithasiri Niyangoda Thero vì những lời chào nhãn nhặn của các vị.

Tiếp đến ĐTC nói ngài đến thăm Sri Lanka theo gót các vị tiền nhiệm Phaolô VI và Gioan Phaolô II để chứng minh cho tình yêu thương lớn lao và sự lo lắng của Giáo Hội công giáo đối với dân nước Sri Lanka. Và thật là một ơn có thể thăm viếng cộng đoàn công giáo địa phương, cũng cố nó trong niềm tin nơi Chúa Kitô, cầu nguyện và chia sẻ các niềm vui và các khổ đau của nó. Đồng thời cũng là một ơn được gặp gỡ tất cả anh chị em là những người của các truyền thống tôn giáo lớn cũng chia sẻ với chúng tôi một ước muốn của sự khôn ngoan, của chân lý và sự thánh thiện. ĐTC đã trích tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng Giáo Hội công giáo tôn trọng sâu xa tất cả mọi tôn giáo, vì không phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó ( Nostra Aetate 2). Và ngài tái khẳng định sự tôn trọng chân thành của Giáo Hội công giáo đối với các truyền thống và niềm tin của các tôn giáo khác. ĐTC nói: chính trong tinh thần tôn trọng đó Giáo Hội công giáo muốn cộng tác với qúy vị và với tất cả những người thiện chí trong việc tìm kiếm sự thịnh vượng cho mọi người dân Sri Lanka. Tôi hy vọng chuyến viếng thăm của tôi sẽ giúp khích lệ và đào sâu các hình thức cộng tác liên tôn và đại kết, đã được làm trong các năm mới đây. Các sáng kiến này đã cống hiến cơ may đối thoại nòng cốt, nếu chúng ta muốn hiểu biết, thông cảm nhau và tôn trọng nhau. Nhưng kinh nghiệm dậy cho thấy rằng để cho cuộc đối thoại được hữu hiệu nó cần phải được xây dựng trên việc trình bầy trọn vẹn và ngay thẳng các xác tín của chúng ta. Chắc chắn cuộc đối thoại như thế sẽ làm nổi bật lên các khác biệt trong các niềm tin, truyền thống và thực hành của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta liêm chính trong việc trình bầy các xác tín của mình, chúng ta sẽ có thể trông thấy rõ ràng hơn những gì chúng ta có chung vói nhau. Các con đường mới sẽ mở ra cho sự qúy trọng, cộng tác với nhau và cả tình bằng hữu nữa.

** ĐTC nói tiếp trong bài diễn văn: Các phát triển tích cực trong quan hệ liên tôn và đại kết có một ý nghĩa đặc biệt và cấp bách tại Sri Lanka. Vì trong qúa nhiều năm người dân nước này đã là nạn nhân của nội chiến và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là việc chữa lành và sự hiệp nhất chứ không phải là các xung đột hay các chia rẽ mới. Chắc chắn việc thăng tiến chữa lành và hiệp nhất là một dấn thân cao quý, bổn phận của tất cả những ai quan tâm đến thiện ích của Quốc gia và toàn gia đình nhân loại. Tôi hy vọng rằng sư cộng tác liên tôn và đại kết sẽ chứng minh rằng để sống trong hòa hợp với các anh chị em mình người ta không được quên căn tính chủng tộc hay tôn giáo của mình.

Có biết bao nhiêu kiểu để tín đồ các tôn giáo khác nhau thực hiện việc phục vụ này! Có biết bao nhiêu nhu cầu cần đáp ứng với dầu thoa dịu của tình liên đới! Tôi đặc biệt nghĩ tới các nhu cầu vật chất và tinh thần của người nghèo, người bần cùng, của những ai âu lo chờ đợi một lời an ủi và trao ban hy vọng. Ở đây tôi nghĩ tới nhiều gia đình tiếp tục khóc than các người thân đã chết.

Nhất là trong lúc này của lịch sử quốc gia anh chị em, có biết bao nhiêu người thiện chí kiếm tìm tái thiết các nền tảng luân lý của toàn xã hội! Ước chi tinh thần cộng tác gia tăng giữa các vị lãnh đạo của các cộng đoàn tôn giáo khác nhau tìm ra sự diễn tả trong một dấn thân đặt để sự hòa giải giữa mọi ngươi dân Sri Lanka vào trong mọi cố gắng canh tân xã hội và các cơ cấu của nó. Vì thiện ích của hòa bình không thể cho phép các niềm tin tôn giáo bị lạm dụng cho lý do của bạo lực hay chiến tranh. Chúng ta phải rõ rang và không mập mờ trong việc mời gọi các cộng đoàn của chúng ta sống trọn vẹn các điều luật của hòa bình và tố cáo các hành động bạo lực khi chúng bị vi phạm.

Các bạn thân mến, tôi xin cám ơn sự tiếp đón nồng hậu và sự chú ý của các bạn. Ước chi cuộc gặp gỡ huynh đệ này củng cố chúng ta tất cả trong nỗ lực sống trong hòa hợp và phổ biến các phúc lành của hòa bình.

** ĐHY Ranjith đã cùng ĐC Perera dẫn ĐTC tới chào và bắt tay hai vị đại lão Hòa Thượng.
Sau khi chào tạm biệt mọi người lúc sau 19 giờ ĐTC đã lên xe trở về Tòa Sứ Thần cách đó 2 cây số để dùng bữa tối kết thúc ngày thứ nhất viếng thăm Sri Lanka.

Báo chí Sri Lanka dã hết lời ca ngợi ĐTC Phanxicô như là “vị lãnh đạo và là người hầu hạ” cúi xuống rửa chân cho người nghèo. Ngoài các bài tường thuật, thông tin tức và giải thích cho người dân Sri Lanka biết ĐTC là ai, nhiệm vụ của ngài là gì, ảnh hưởng của ngài ra sao, các báo còn in rất nhiều bích chương với hình của ĐTC và các lời chú thích.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha kêu gọi tiếp tục trợ giúp tái thiết Haiti

Đức Thánh Cha kêu gọi tiếp tục trợ giúp tái thiết Haiti

VATICAN. ĐTC cổ võ tiếp tục hỗ trợ công trình tái thiết Haiti 5 năm sau trận động đất và ngài kêu gọi thực thi công trình bác ái này trong tinh thần hiệp thông.

ĐTC đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 10-1-2015 dành cho 100 tham dự viên Hội nghị do chính ngài triệu tập tại Vatican, để kiểm điểm và đẩy mạnh việc trợ giúp tái thiết Haiti 5 năm sau động đất ngày 12-1 năm 2010.

Thiên tai này tại vùng thủ đô Port-au-Prince đã làm cho khoảng 230 ngàn người thiệt mạng, 300 ngàn người bị thương và 1 triệu 200 ngàn người không còn gia cư. Hiện nay vẫn còn 40 ngàn người phải tạm trú trong các trại. Phần lớn các hạ tầng cơ sở và hàng chục ngàn gia cư cùng với tất cả cac nhà thương tại Haiti bị động đất phá hủy.

Qua Hội nghị này, ĐTC muốn dư luận quốc tế và Giáo Hội tiếp tục chú ý đến Haiti vẫn còn chịu đau khổ vì những hậu quả của trận động đất dữ dội, đồng thời tái khẳng định sự gần gũi của Giáo Hội với nhân dân Haiti trong giai đoạn tái thiết này.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhiệt liệt cám ơn các GM và mọi thành phần của Giáo Hội tại Haiti cũng như các tổ chức từ thiện đã tích cực góp phần cứu trợ và giúp tái thiết nước này. Ngài ghi nhận đã có nhiều công trình được thực hiện nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm, đồng thời kêu gọi đặt con người ở trung tâm mọi quan tâm. ĐTC nói: ”Không có sự tái thiết thực sự cho một đất nước nếu không tái thiết con người toàn diện. Điều này có nghĩa là phải làm sao để mỗi người dân tại Haiti có những gì cần thiết về phương diện vật chất, nhưng đồng thời có thể sống tự do, trách nhiệm và cuộc sống tâm linh, tôn giáo của mình”.

ĐTC cũng nhấn mạnh khía cạnh cơ bản là tình hiệp thông Giáo Hội. Ngài ca ngợi sự cộng tác tích cực của nhiều tổ chức Giáo Hội, từ giáo phận tới các dòng tu và các cơ quan bác ái, cũng như cá nhân các tín hữu.. Đây là dấu chỉ sức sinh động của Giáo Hội và lòng quảng đại của bao nhiêu người.. Tình hiệp thông chứng tỏ bác ái không phải chỉ là giúp đỡ ngừơi khác, nhưng còn là một chiều kích thấm nhiễm cuộc sống và phá vỡ mọi hàng rào của chủ nghĩa cá nhân ngăn cản chúng ta gặp gỡ nhau.. thật là điều mâu thuẫn nếu ta sống đức bác ái chia cách nhau! Vì thế, ĐTC nói:

”Tôi mời gọi anh chỉ em hãy tăng cường tất cả các phương pháp giúp cộng tác với nhau. Tình hiệp thông Giáo Hội cũng phản ánh qua sự cộng tác với chính quyền và các tổ chức quốc tế, để tất cả đều tìm kiến sự tiến bộ thực sự của nhân dân Haiti trong tinh thần công ích”.

Sau cùng, ĐTC nhấn mạnh tầm quan trọng của Giáo Hội địa phương và nói rằng: ”Giáo Hội tại Haiti ngày càng trở nên sinh động và phong phú hơn, để làm chứng cho Chúa Kitô và góp phần vào sự phát triển đất nước. Về điểm này, tôi muốn khích lệ các GM Haiti, các LM và mọi nhân viên mục vụ, với lòng nhiệt thành và tình hiệp thông huynh đệ, hãy khơi dậy nơi các tín hữu một sự tái quyết tâm trong việc huấn luyện Kitô và việc loan báo Tin Mừng vui tươi và thành quả. Chứng tá bác ái Tin Mừng được hữu hiệu khi nó được nâng đỡ nhờ quanhệ bản thân với Chúa Kitô trong kinh nguyện, trong sự lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích. Đây chính là ”sức mạnh” của Giáo Hội địa phương”.

Hội nghị

Hội nghị do ĐTC triệu tập diễn ra tại tòa nhà Thánh Piô 10 thuộc Vatican, với chủ đề ”Tình hiệp thông của Giáo Hội: tưởng niệm và hy vọng cho Haiti 5 năm sau trận động đất”.

Hội nghị do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), và Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, tổ chức, với sự cộng tác của HĐGM Haiti. Tham dự Hội nghị có các đại diện của Tòa Thánh, của Giáo Hội tại Haiti và một số HĐGM khác (như Đức Cha Thomas Wenski, TGM Miami, Florida Hoa Kỳ), các tổ chức từ thiện Công Giáo, dòng tu và một số đại diện ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh.

Sau lời chào mừng của ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM kiêm Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về Mỹ châu la tinh, ĐHY Robert Sarah (Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích), nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, đã trình bày công cuộc trợ giúp tái thiết Haiti. Nhiều diễn giả khác cũng lên tiếng. Lúc 11 giờ rưỡi, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến.

Ban chiều, có phần trình bày chứng từ của những người đang hoạt động để tái thiết Haiti. (SD 10-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

PHÉP RỬA KHIÊM NHƯỜNG

Trong đêm trường Cựu Ước, dân Do-thái trông đợi Đức Giê-su Ki-tô Thiên Chúa tới cứu độ, giải thoát khỏi xiềng xích của tội lỗi và sự chết đời đời. Ai cũng cho rằng Đấng ấy phải oai phong lẫm liệt như Lời Đức Chúa hứa cùng ngôn sứ Isaia: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân… Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” – Is 42, 1-4). Tới khi lời hứa ấy được thực hiện cụ thể thì chỉ thấy một Hài Nhi sinh ra nơi một hang bò lừa, rồi sống ẩn dật 30 năm trường tại một vùng quê hẻo lánh.

 Lần đầu tiên xuất hiện công khai thì chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret lại cùng với đám đông xếp hàng xin ông Gio-an Tẩy Giả rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Như vậy thì phải chăng đến cả Thiên Chúa cũng có tội và cần được rửa tội hay sao? Một nghịch lý không thể chấp nhận. Vấn đề chỉ được khai thông khi đọc và suy niệm kỹ cuộc đối thoại giữa người làm phép rửa và Người đến xin được rửa tội: “Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." (Mt 3, 13-15).

Cũng bởi vì Đức Giê-su là Thiên-Chúa-làm-người, “Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người.” (Tđ  “Gaudium et Spes”, số 22); nên cần phải “làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Nói khác hơn, Đức Ki-tô muốn cho mọi người thấy chàng thanh niên Giê-su Na-da-ret “Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” (ibid). Người đến xin ông Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa, không phải vì Người có tội mà chính là vì Người muốn nêu tấm gương sáng cho mọi người noi theo về đức khiêm nhường tuyệt đối vô song của Người. Thật thế, “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8).

 Kể từ khi Nguyên tổ nghe lời rắn xúi giục "ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác." (St 3, 5), vi phạm giới răn “ăn trái cấm” phải xa lìa Thiên Chúa. Không những chỉ truyền tử lưu tôn đời đời kiếp kiếp tội phản nghịch cùng Đấng đã dựng nên minh, Nguyên tổ còn truyền cho con cháu ngàn đời cái gien “kiêu ngạo” muốn ngang bằng Thiên Chúa. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm cách nâng mình lên, thì Thiên Chúa thánh thiện lại hạ mình xuống. Trong khi loài người chỉ tìm cách che giấu hoặc chối bay chối biến tội lỗi của mình, thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn cứu chuộc nhân loại thoát khỏi ách thống trị của tội lỗi và sự chết đời đời.

Trước đó, Thánh Gio-an Tẩy Giả đã tự nhận “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói.” (Ga 1, 23), không những thế, thánh nhân còn nhấn mạnh: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.” (Lc 3, 16). Hôm nay, “Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! " (Mt 3, 13-14). Ai cũng nhận thấy Thánh Gio-an Tẩy Giả là người rất khiêm nhường; nhưng thật không ngờ Đức Giê-su Ki-tô còn khiêm nhường gấp bội.

Thật thế, Thánh Gio-an là người trần gian tất nhiên không thể tránh khỏi tội lỗi, nhất là tội Nguyên tổ, và vì thế thánh nhân mới sống trong hoang địa “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” để sám hối trước khi ra mắt dân It-ra-en kêu gọi người ta sám hối và làm phép rửa cho họ tại sông Gio-đan. Nhưng đến như Đức Giê-su Thiên Chúa nhân lành vô tội mà cũng vào trong hoang địa suốt 40 ngày ăn chay, hãm mình, chịu để ma quỷ cám dỗ (Lc 4, 1-13), nay lại đến xin Thánh Gio-an làm phép rửa, thì đức khiêm nhường của Chúa còn sâu xa đến nhường nào. Sự  tỏ mình của Đức Giê-su ngày càng rõ bao nhiêu thì đức tính khiêm nhường của Chúa càng nổi bật hơn bấy nhiêu. Đó chính là bản chất của Thiên Chúa “nên giống anh em mình mọi đàng ngoại trừ tội lỗi” (GS 22).

Sự khiêm nhường của Đức Giê-su lên tới đỉnh điểm là Phép Rửa Người phải chịu trên Gôn-gô-tha. Người đã tiên báo “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12, 50). Cũng vì Người đã “hạ mình, vâng lời cho đễn nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” Chính vì thế, nên “Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (Pl 2, 7-9). Đó là lý do giải thích tại sao sau khi Thánh Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa cho Đức Giê-su, “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: "Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con." (Mc 1, 10-11). Cả Ba Ngôi Thiên chúa cùng xuất hiện: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Chúa Giê-su hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Chúa Giê-su Ki-tô . Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc loài người.

Đức Giê-su đã thể hiện bằng hành động đúng như lời Người hằng dạy dỗ các môn đệ: Hãy ngồi chỗ cuối để được mời lên hang đầu, chờ đừng bao giờ bắt chước "những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." (Lc 20, 46). Ấy cũng bởi vì “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 14, 11). Ngoài ra, Người còn khen ngợi về đức tính khiêm nhường của Thánh Gio-an Tẩy Giả như thế này: "Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gio-an; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.” (Lc 7, 28).

Từ người được sai đi làm phép rửa (Thánh Gio-an Tẩy Giả) tới Người đến xin làm phép rửa (Đức Giê-su Thiên Chúa) đều bộc lộ chân thành đức tính khiêm nhường tuyệt đối, nên có thể nói khiêm nhướng là một phép rửa. Vì khiêm nhường là sự quên mình, là chết đi cho cái tội đứng hàng đầu trong 7 mối tội đầu của bản thân (tội kiêu ngạo). Dìm mình vào dòng sông là chấp nhận đau khổ và chết đi. Cái chết chính là phép rửa như Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Thầy còn phải chịu một phép rửa, và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12, 50). Người còn hỏi hai ông Gio-an và Gia-cô-bê khi hai ông này đến xin được ngồi bên tả, bên hữu trong nước Người: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10, 38). Khi nói thế Chúa Giê-su có ý nói đến cái chết Người sẽ phải chịu. Chúa Giê-su vì khiêm nhường cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì tội lỗi loài người. Vậy thì tại sao người Ki-tô hữu không sẵn sàng chết đi vì tội lỗi của bản thân mình?

Vâng, “Trong Phép Rửa, ta tiếp nhận cả lời giảng cần được công bố lẫn cách sống đặc biệt đòi phải vận dụng toàn bộ con người và đặt ta vào nẻo đường sự thiện. Ai chịu Phép Rửa đều được đặt vào một bối cảnh mới, được trao phó cho một môi trường mới, một cách hành động mới, chung chia trong Giáo Hội.Như thế, Phép Rửa khiến ta thấy rằng đức tin không phải là thành tựu của các cá nhân cô lập; nó không phải là một hành vi mà ai đó có thể tự mình diễn xuất, mà đúng hơn, nó là một điều cần được tiếp nhận bằng cách đi vào hiệp thông Giáo Hội, một hiệp thông chuyển giao ơn phúc Thiên Chúa.” (Tđ Ánh Sáng Đức Tin “Lumen Fidei”, số 41). Người Ki-tô hữu sống thân phận con người phải chết do hậu quả cuả tội nguyên tổ, nay đã được chịu phép rửa tội là có một mối liên hệ hiệp thông sâu xa với Đức Ki-tô và Giáo Hội. Bởi vậy chúng ta không đứng ngoài sự liên đới với người khác mà phải đồng hành cùng với nhân loại trong dòng chảy của những tập tục, truyền thống, lễ nghi, văn hoá… để thánh hoá, biến đổi, thăng hoa và làm hoàn hảo những giá trị này theo tinh thần của Đức Chúa.

Ôi! Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin dạy con biết sống ơn Bí tích Rửa tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha. Ôi! “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Ðức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Người là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa Giê-su chịu Phép Rửa).

JM. Lam Thy ĐVD

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘI

SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI ĐÃ CHỊU PHÉP RỬA TỘI

1) Hình ảnh về một Đấng Cứu Thế khiêm nhường tự hạ

Trong khi dân Do Thái mong chờ một Đấng Cứu Thế oai phong lẫm liệt, thì Đức Giêsu xuất hiện công khai lần đầu tiên trong sự khiêm nhường thống hối. Lúc ấy, Gioan rao giảng sự ăn năn sám hối. Đoàn lũ dân chúng đông đảo kéo đến với ông để xin chịu phép rửa thống hối. Hòa mình vào đoàn lũ những con người tự nhận mình tội lỗi ấy, Đức Giêsu âm thầm khiêm tốn xếp hàng chờ được rửa tội. Thật là lạ lùng. Chính Đấng đã thánh hóa Gioan khi ông còn trong bụng mẹ giờ đây lại đến xin ông làm phép rửa cho. Chính Đấng đến để chuộc tội loài người giờ đây lại xin người khác rửa tội cho mình. Thật là khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi loài người tội lỗi luôn kiêu ngạo tìm nâng mình lên thì Thiên Chúa thánh thiện lại tìm hạ mình xuống. Trong khi loài người tội lỗi luôn che dấu, không nhận tội thì Thiên Chúa vô tội lại công khai nhận mình tội lỗi. Trong khi loài người tội lỗi tìm tránh hình phạt do tội lỗi họ gây nên thì Thiên Chúa lại ghé vai gánh lấy hết tội lỗi và mọi hình phạt mà loài người đáng phải chịu. Sự khiêm nhường ấy phát xuất từ lòng Thiên Chúa yêu thương con người, muốn chia sẻ kiếp người, muốn cứu chuộc tội đời, muốn thăng tiến nhân loại.

2) Hình ảnh về cuộc giao hòa đất trời

Chính lúc Đức Giêsu tự nguyện gánh lấy tội lỗi nhân loại, tầng trời bị xé ra. Khi loài người phạm tội, cửa trời đóng lại, đất trời phân ly, ân phúc thôi tuôn đổ. Khi phạm tội, loài người tự giam mình trong bóng tối. Bóng tối tội lỗi giam kín con người trong thân phận bụi đất, không còn hy vọng vươn lên. Hôm nay, tầng trời xé ra có nghĩa là từ nay con người đã có lối thoát. Thân phận con người thay đổi, địa vị con người được nâng lên, vì có ơn Thiên Chúa đổ xuống, có Thiên Chúa đến gieo mầm trường sinh vào kiếp người phàm hèn. Trời đất giao hòa. Thiên giới cúi xuống hạ giới. Thiên Chúa đến ở với con người. Ân phúc tuôn đổ xuống cõi đời nhơ uế.

3) Hình ảnh về sự kết hiệp mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong giây phút cảm động ấy, cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện. Chúa Thánh Thần như chim bồ câu đáp xuống. Chúa Thánh Thần là tình yêu. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ai là dấu chỉ Thiên Chúa ưu ái người ấy. Đức Chúa Cha công khai xác nhận sự ưu ái ấy với Đức Giêsu khi lên tiếng: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây không phải là một danh xưng, một tước vị, nhưng là một liên hệ sâu xa mật thiết: Ba Ngôi liên kết trong một tình yêu hiệp thông. Đức Giêsu hoạt động dưới tác động của Chúa Thánh Thần để thi hành thánh ý Chúa Cha. Có thể nói cả Ba Ngôi đều hoạt động trong Đức Giêsu Kitô. Cả Ba Ngôi đều tham gia vào công trình cứu chuộc con người.

4) Hình ảnh về sứ mệnh người được sai đi.

Từ xưa trong Cựu Ước, Chúa Thánh Thần ngự xuống là để trao ban một sứ mệnh. Hôm nay, Đức Giêsu cũng đã nhận lãnh một sứ mệnh, đó là cứu nhân độ thế. Là “mở mắt cho người mù”, là “đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ”, là “dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong bóng tối tăm”. Người không đến trong thái độ phô trương quyền lực, nhưng đến trong sự hiền lành khiêm nhường. Người đến không phải để lên án nhưng để tha thứ. Người đến không phải để giết chết nhưng để cứu sống như lời tiên tri Isaia: “Cây lau bị dập, Người không bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, Người chẳng nỡ tắt đi”.

Phép rửa của Đức Giêsu mời gọi ta nhớ lại ơn phép rửa tội của mình. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, màn đêm tội lỗi vây phủ ta bị xé ra, Ba Ngôi Thiên Chúa đã đến với ta, ban cho ta cuộc sống thần linh, cho ta được vinh dự làm con Thiên Chúa, cho ta được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Ngày ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, Chúa Thánh Thần cũng đã trao cho ta một sứ mệnh, đó là sống xứng đáng một người con hiếu thảo của Chúa, là tiếp tục công việc của Đức Giêsu trong công cuộc cứu nhân độ thế. Đức Giêsu là gương mẫu một người con hiếu thảo, vì Người luôn sống thân mật với Chúa Cha, luôn kết hiệp với Chúa Cha trong kinh nguyện hằng ngày, và nhất là Người luôn tìm thi hành thánh ý Chúa Cha, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Ta hãy noi gương Đức Giêsu, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn tìm thi hành thánh ý Thiên Chúa, luôn sống một cuộc sống tốt đẹp, luôn tích cực góp phần xây dựng xã hội, tạo hạnh phúc cho những anh em sống chung quanh ta.

Lạy Đức Giêsu Kitô, xin dạy con biết sống ơn bí tích Rửa Tội như Chúa, để con xứng đáng được làm con yêu dấu của Đức Chúa Cha.

CÂU HỎI GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ

1) Bạn có dễ dàng nhận lỗi không?

2) Bạn đã thực sự sống như một người con hiếu thảo đối với Chúa chưa?

3) Ơn phép Rửa Tội là gì? Bạn đã sống ơn phép Rửa Tội chưa?

4) Bạn đã thực sự là Tin Mừng cho những người chung quanh chưa?

5) Chúa Giêsu chịu phép rửa trình bày cho ta những hình ảnh nào về Chúa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Này Là Con Ta Yêu Dấu

Này Là Con Ta Yêu Dấu

Biến cố ngày hôm nay quả thực đã làm cho chúng ta ngỡ ngàng không ít. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chịu phép rửa nơi một kẻ tội lỗi, trong khi Ngài là người con yêu dấu của Chúa Cha và chính Ngài cũng đã có lần tuyên bố: Ai trong các ngươi bắt lỗi Ta được về sự gì? Thế nhưng, Chúa Giêsu lại là Đấng chuộc tội thiên hạ như có lần Gioan đã giới thiệu: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Ngài xoá tội trần gian bằng cách gánh lấy tội ấy.

Hành động chịu phép rửa phải chăng là một sự mở đầu cho sứ vụ của Ngài, đồng thời cũng là một dấu chỉ báo hiệu những gì sẽ xảy đến.

Có một lần, các con của Giêbêđê, bày tỏ ước vọng với Ngài là muốn được ngồi bên tả bên hữu Ngài. Và Chúa Giêsu đã trả lời các ông: Các con không ý thức được điều các con xin. Các con có thể uống được chén Ta phải uống và chịu thanh tẩy, thứ thanh tẩy mà Ta phải chịu hay không?

Như thế là còn một cuộc thanh tẩy khác nữa đang chờ đợi Chúa Giêsu. Cuộc thanh tẩy ấy chính là cuộc thống khổ, kết thúc bằng cái chết trên thập giá. Cuộc thanh tẩy ấy được thực hiện không phải chỉ bằng nước sông Giođan và từ tay của Gioan, mà là bằng máu của chính Ngài. Chúa Giêsu chịu thanh tẩy tại sông Giođan là hình ảnh của nhân loại được thanh tẩy trong cái chết của Ngài, được sống lại trong sự phục sinh của Ngài và trở thành những người con của Thiên Chúa.

Nơi Đức Kitô, phép rửa hay phép thanh tẩy đã không còn là một nghi lễ, mà đã trở thành một cuộc sống. Tội lỗi đã bị đánh bại không phải bằng nước của phép rửa mà là bằng máu của sự sống. Bí tích thanh tẩy làm cho Kitô hữu trở thành con Thiên Chúa cũng không thể chỉ là một nghi lễ được lãnh một lần rồi thôi, mà phải là chính cuộc sống làm con Thiên Chúa, cuộc sống từ bỏ và đẩy lui mọi tội lỗi. Không phải chỉ là đẩy lui tội lỗi ra khỏi cuộc sống của cá nhân mình, mà còn là ra khỏi nhân loại.

Vì thế, thờ ơ trước những tội ác diễn ra chung quanh, trước những bất công xã hội, trước những vi phạm quyền con người, trước những gian dối và thù hận, người Kitô hữu không còn là người Kitô hữu đích thật nữa vì đã không chu toàn lời cam kết khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Chính qua cuộc sống dứt khoát với tội lỗi mà người Kitô hữu bày tỏ được ý thức của mình về địa vị cao cả mà bí tích Rửa tội đã đem lại, đồng thời làm chứng về tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Người Kitô hữu có trách nhiệm phải làm sao để tiếng từ trời cũng được lặp lại với từng người trong nhân loại: Này là con Ta yêu dấu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.

Chúa chịu phép rửa

Chúa chịu phép rửa

Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghỉa chối bỏ mọi cam kết khi chịu phép rửa tội.

Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế,trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người tây phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành hôn phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.

Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đêm đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng sống cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.

Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Jordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.

Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.

Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu thánh giá trên người, chúng ta làm dấu thánh giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo thánh giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo thánh giá trên người, và ước gì thánh giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì thánh giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.

Nguyện xin các thánh Tử đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua thánh giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin mừng.

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố báo Charlie Hebdo

Đức Thánh Cha lên án vụ khủng bố báo Charlie Hebdo

PARIS. ĐTC nghiêm khắc lên án vụ khủng bố chống tuần báo Charlie Hebdo ở Paris, thủ đô Pháp hôm 7-1-2015 làm cho 12 người chết và 11 người bị thương, trong đó có 4 nạn nhân bị nặng.

Tối ngày 7-1, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: ”ĐTC lên án một cách quyết liệt nhất đối với vụ khủng bố đáng kinh tớm làm cho thành phố Paris trở nên thê lương với con số nhiều nạn nhân, gieo rắc chết chóc, làm cho toàn thể xã hội Pháp kinh hoàng, gây xáo trộn sâu xa cho những người yêu chuộng hòa bình, vượt ra ngoài các biên giới của Pháp.

”ĐTC cầu nguyện và chia sẻ đau khổ của những người bị thương và gia đình những người qua đời, đồng thời ngài khuyên tất cả hãy chống lại bằng mọi phương thế sự lan tràn oán ghét và mọi hình thức bạo lực, thể lý và tinh thần, hủy hoại sự sống con người, vi phạm nhân phẩm giá, làm thương tổn tận gốc lễ thiện ích căn bản là sự sống chung hòa bình giữa mọi người và các dân tộc, dù có những khác biệt về quốc tịch, tôn giáo và văn hóa”.

Thông cáo của cha Lombardi cũng nói rằng: ”Dù do động lực nào đi nữa, bạo lực giết người luôn luôn là điều đáng kinh tởm, và không bao giờ có thể biện minh được, sự sống và phẩm giá của tất cả mọi người cần được bảo đảm và bảo vệ một cách quyết liệt, cần phải loại bỏ mọi sự xúi dục oán thù, và cổ võ sự tôn trọng người khác. ĐTC bày tỏ sự gần gũi, liên đới tinh thần và hỗ trợ tất cả những người, theo các trách nhiệm khác nhau, tiếp tục liên lỷ dấn thân cho hòa bình, công lý và công pháp, để chữa trị sâu xa những nguồn mạch và nguyên nhân gây ra oán thù, trong thời giảm đau thương và thê thảm hiện nay, tại Pháp cũng như mọi nơi khác trên thế giới bị căng thẳng và bạo lực”.

Trong thánh lễ lúc 7 giờ sáng ngày 8-1-2014, tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Marta, ĐTC đã cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân vụ khủng bố ở Paris. Vào đầu thánh lễ, ngài nói: ”Vụ khủng bố hôm qua tại Paris làm cho chúng ta nghĩ đến bao nhiêu sự tàn ác của con người, bao nhiêu thứ khủng bố riêng rẽ hay khủng bố của Nhà Nước. Con người có khả năng tàn ác như thế. Trong thánh lễ này chúng hãy cầu nguyện cho cac nạn nhân sự tàn ác này, Chúng ta cũng cầu cho kẻ tàn ác, xin Chúa hoán cải tâm hồn họ”.

Tại Paris, trong thông cáo công bố vài giờ sau vụ khủng bố, HĐGM Pháp bày tỏ sự xúc động và kinh hoàng trước vụ khủng bố này: ”Giáo Hội Công Giáo Pháp cũng nghĩ đến các gia đình và người thân của các nạn nhân đứng trước sự kinh hoàng và không thể hiểu nổi. Giáo Hội cũng chia buồn với ban quản nhiệm và các ký giả và nhân viên của báo Charlie Hebdo.”

Các GM Pháp khẳng định rằng ”Một sự khủng bố như vậy thật là khôn tả. Không gì có thể biện minh cho bạo lực như thế. Nó làm thương tổn đặc biệt là tự do ngôn luận là yếu tố cơ bản của xã hội chúng ta.. Xã hội này gồm những khác biệt đủ loại, và không ngừng phải làm việc để kiến tạo hòa bình và tình huynh đệ. Sự dã man trong vụ thảm sát này làm thương tổn cho tất cả chúng ta.. Nhưng cả trong tình trạng này, khi sự thịnh nộ của thể xâm chiếm chúng ta, chúng ta càng phải gia tăng tấp đôi sự chú ý đến tình huynh đệ trở nên mong manh và đến nền hòa bình ngày càng phải củng cố”.

Liên hiệp các Giáo Hội Tin Lành Pháp cũng lên tiếng mạnh mẽ lên án vụ tấn công: ”Nhân danh Tin Lành giáo tại Pháp, chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ và lên án hành động đáng kinh tởm, xúc phạm đến tâm hồn và lương tâm chúng ta”.

Đêm ngày 7-1-2015, các giới chức an ninh Pháp đã phổ biến hình hai anh em người Pháp gốc Algérie 33 và 34 tuổi, bị tố là thủ phạm vụ khủng bố này và đang hết sức truy tầm.

Tuần báo Charlie Hebdo đã nhiều lần bị những thành phần cực đoan chiếu cố sau những lần đăng tải những hí họa mà họ cho là xúc phạm đến ngôn sứ Mohammed của Hồi giáo. Chẳng hạn hồi năm 2011, tòa soạn báo này ở Paris đã bị ném bom xăng sau khi đăng hí họa ngôn sứ Mohammed. (SD 8-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Cần phải biết lắng nghe, trọng kính và trợ giúp các bà mẹ nhiều hơn

Cần phải biết lắng nghe, trọng kính và trợ giúp các bà mẹ nhiều hơn

Cần phải biết lắng nghe, trọng kính và trợ giúp các bà mẹ nhiều hơn trong sứ mệnh trao ban sự sống và dưỡng dục con cái trong gia đình và ngoãi xã hội. Một xã hội không có các bà mẹ là một xã hội vô nhân, bởi vì các bà mẹ luôn luôn biết làm chứng cho cho sự dịu hiền, lòng tận tụy và sức mạnh luân lý, cả trong những lúc tệ hại nhất. Các bà mẹ rất thân mến, xin cám ơn, xin cám vì những gì các chị em là trong gia đình và vì những gì các chị em trao ban cho Giáo Hội và cho thế giới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung lần đầu tiên năm 2015 trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư 7-1-2015.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Giáo Hội và sẽ suy tư về Giáo Hội là mẹ, Mẹ Thánh Giáo Hội chúng ta. Trong các ngày này phụng vụ Giáo Hội đặt để trước mắt chúng ta hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Chúa Giêsu. Ngày đầu năm là lễ Mẹ Thiên Chúa, theo sau là lễ Hiển Linh, kỷ niệm biến cố các Hiền Sĩ viếng thăm Chúa Cứu Thế. Thánh sử Mátthêu viết: “Vào nhà, họ trông thấy Con Trẻ với Maria Mẹ Người, họ phủ phục và thờ lậy Người” Mt 2,11). Đó là Mẹ sau khi đã sinh ra Người giới thiệu Người với thế giới. Mẹ ban Chúa Giêsu cho chúng ta, Mẹ chỉ Chúa Giêsu cho chúng ta, Mẹ làm cho chúng ta trông thấy Chúa Giêsu.

Tiếp tục bài giáo lý về gia đình Đức Thánh Cha nói:

Trong gia đình có người mẹ. Mỗi một người đều mắc nợ bà mẹ sự sống và hầu như luôn luôn mắc nợ bà rất nhiều trong cuộc đời tiếp theo, trong việc đào tạo nhân bản và tinh thần của mình. Tuy rất được tán tụng trên bình diện biểu tượng – biết bao nhiều bài thơ, biết bao nhiều điều hay đẹp nói về người mẹ -, nhưng bà mẹ ít được lắng nghe và ít được trợ giúp trong cuộc sống thường ngày, ít được kính nể trong vai trò trung tâm của bà trong xã hội. Trái lại, thường khi người ta lợi dụng sự sẵn sàng của các bà mẹ hy sinh chính mình cho con cái để “tiết kiệm” các chi phí xã hội.

Cũng xảy ra là trong cộng đoàn kitô bà mẹ không luôn luôn được chú ý đúng mức cũng như ít được lắng nghe. Thế nhưng trong trung tâm cuộc sống của Giáo Hội có Mẹ Chúa Giêsu. Có lẽ các bà mẹ, những người luôn luôn sẵn sàng đối với biết bao hy sinh cho con cái mình và không hiếm khi hy sinh cho những người khác nữa, cần phải được lắng nghe nhiều hơn. Cần phải hiểu biết nhiều hơn cuộc chiến đấu thường ngày của các bà để được hữu hiệu với công việc, và chú ý yêu thương trong gia đình. Cần phải hiểu biết nhiều hơn các bà khát vọng cái gì để diễn tả các hoa trái tốt đẹp nhất và đích thật nhất sự thoát ly của họ. Một bà mẹ có con luôn luôn có các vấn đề, luôn luôn có việc phải làm. Tôi nhớ trong nhà tôi chúng tôi có năm anh em, đứa thì làm cái này, đứa thì làm cái khác, và bà mẹ tội nghiệp đi từ đứa con này sang đứa con khác, nhưng bà sung sướng. Bà đã cho chúng tôi biết bao.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: Các bà mẹ là thuốc giải độc mạnh nhất chống lại khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa ích kỷ. Cá nhân “individuo” có nghiã là không thể chia ra được. Trái lại các bà mẹ “tự chia mình ra”, bắt đầu từ khi họ tiếp nhận một đứa con để cho nó vào đời và làm cho nó lớn lên. Chính các bà mẹ thù ghét chiến tranh giết chết con của các bà. Biết bao nhiêu lần tôi đã nghĩ tới các bà mẹ, khi các bà nhận được thư: “Tôi xin nói cho bà biết rằng con bà đã ngã gục khi bảo vệ quê hương…” Các bà mẹ tội nghiệp! Một bà mẹ đau khổ biết bao. Chính các bà mẹ làm chứng cho vẻ đẹp của sự sống.

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero đã nói rằng các bà mẹ sống một “cuộc tử đạo hiền mẫu”. Trong bài giảng đám táng một linh mục bị các lữ đoàn ám sát chết ngài làm vang vọng lên các lời của Công Đồng Chung Vaticăng II và nói: “Tất cả chúng ta phải sẵn sàng chết cho đức tin, cả khi nếu Chúa không ban cho chúng ta cái vinh dự này đi nữa… Trao ban sự sống không chỉ có nghĩa là bị giết; trao ban sự sống, có tinh thần tử đạo là cho đi trong bổn phận, trong thinh lặng, trong lời cầu nguyện, trong việc liêm chính chu toàn bổn phận; trong sự thinh lặng của cuộc sống thường ngày; cho đi cuộc sống từng chút một. Vâng, như một bà mẹ không sợ hãi, với sự đơn sơ của cuộc tử đạo hiền mẫu, thụ thai một người con trong cung lòng mình, cho con chào đời, cho con bú sữa, làm cho nó lớn lên và chăm nom nó với lòng trìu mến. Đó là trao ban sự sống. Đó là tử đạo”. Vâng, là mẹ không chỉ có nghĩa là cho một đứa con chào đời, nhưng cũng có nghĩa là một lựa chọn sự sống, lựa chọn trao ban sự sống. Một bà mẹ lựa chọn cái gì, đâu là sự lựa chọn của một bà mẹ? Lựa chọn cuộc sống của bà mẹ là lựa chọn trao ban sự sống. Và đó là điều cao cả, đó là điều xinh đẹp.

Đức Thánh Cha khẳng thêm định như sau:

Một xã hội không có các bà mẹ sẽ là một xã hội vô nhân, bởi vì các bà mẹ luôn luôn biết làm chứng cho sự hiền dịu, lòng tận tụy và sức mạnh luân lý, cả trong những lúc khó khăn nhất. Các bà mẹ thường thông truyền cả ý thức thực hành đạo sâu xa nữa: trong các lời kinh đầu tiên, trong các cử chỉ đầu tiên của lòng đạo đức mà một trẻ em học được, đã khắc ghi giá trị của niềm tin nơi sự sống của một con người. Đó là một sứ điệp mà các bà mẹ có đức tin biết truyền lại mà không giải thích nhiều: các lời giải thích sẽ đến sau, nhưng mầm giống đức tin ở trong các lúc đầu tiên rất qúy báu đó. Không có các bà mẹ, thì sẽ không chỉ có các tín hữu mới, mà đức tin cũng sẽ mất đi phần lớn hơi ấm đơn sơ và sâu xa của nó nữa. Và Giáo Hội là mẹ, là mẹ chúng ta với tất cả những điều này. Chúng ta không mồ côi, chúng ta có một bà mẹ. Đức Bà, mẹ Giáo Hội và là mẹ chúng ta. Chúng ta không mồ côi, chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta là con cái của Đức Bà và chúng ta là con của các bà mẹ chúng ta.

Các bà mẹ rất thân mến, xin cám ơn, xin cám ơn về những gì các chị em là trong gia đình, về những gì các chị em làm cho Giáo Hội và cho thế giới.

Còn mẹ, hỡi Giáo Hội yêu dấu, xin cám ơn, xin cám ơn là mẹ. Và Mẹ, hỡi Mẹ Maria, mẹ Thiên Chúa, xin cám ơn vì đã cho chúng con trông thấy Chúa Giêsu. Và xin cám ơn tất cả các bà mẹ hiện diện nơi đây: chúng ta hãy chào các bà bằng một tràng pháo tay!

Đức Thánh Cha đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước bắc Mỹ và Âu châu, cũng như tín hữu đến từ các nước Indonesia, Australia, Mehicô, Argentina.

Ngài đặc biệt chào một phái đoàn các imam pháp dấn thân trong cuộc đối thoại kitô-hồi giáo, cũng như nhiều giới truyền thông Pháp, và cầu chúc tất cả can đảm tiếp tục dấn thân phục vụ hòa bình, tình huynh đệ và chân lý. Đức Thánh Cha cám ơn các ca đoàn hát tiếng Anh đã trình tấu nhiều bài ca giáng sinh. Ngài cũng chào phái đoàn những người Ba Lan sống sót trong trại tập trung Auschwitz được giải phóng cách đây 60 năm.

Có một số nghệ sĩ trẻ của một đoàn xiệc đã trình diễn giúp vui. Đức Thánh Cha đã cám ơn các nghệ sĩ và ca ngợi vẻ đẹp của nghệ thuật, cũng như các tài khéo của con người trong việc chung xây một thế giới nhân bản, huynh đệ, liên đới và tươi vui hơn, trong đó mỗi người đều có vai trò và thế đứng quan trọng cần thiết của mình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio
 

Kiếm tìm Chúa Giêsu nơi người bé nhỏ khổ đau

Kiếm tìm Chúa Giêsu nơi người bé nhỏ khổ đau

VATICAN: Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ mọi người biết kiếm tìm Chúa Giêsu hiện diện nơi các anh chị em bé nhỏ, khổ đau, nạn nhân của chiến tranh, của các tệ nạn khai thác bóc lột trẻ em, tra tấn, buôn bán khí giới, buôn bán người…

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ Hiển Linh cử hành tại đền thờ Thánh Phêrô sáng hôm qua (6-1-2015). Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có hàng chục Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục.

ĐTC nói: Chúa Giêsu đến cho mọi người, người Do thái cũng như toàn nhân loại, được đại diện bởi ba Đạo Sĩ Phương Đông. Họ đại diện cho tất cả những người kiếm tìm Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi để cho Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hướng dẫn nhận ra ánh sáng soi đường để tìm đến với Chúa Cứu Thế qua dấu chỉ khiêm tốn của một trẻ thơ. Ba Đạo Sĩ đại diện cho tất cả những người kiếm tìm Thiên Chúa trong các tôn giáo và trong các triết lý của toàn thế giới, một cuộc kiếm tìm vô tận. Họ làm thành đoàn ngũ những người kiếm tìm Thiên Chúa thuộc mọi thời đại, kiếm tìm ánh sáng thật để đến với Chúa. Trên con đường tìm kiếm ấy ba nhà Đạo Sĩ đã gặp nhiều khó khăn, cám dỗ, tăm tối và thất vọng.

Tuy nhiên, nhờ Thánh Thần gợi ý qua các lởi tiên tri trong Thánh Kinh, họ biết Vua Cứu Thế sinh ra tại Bếtlehem, trong thành Đavít. Và họ đã lại ra đi, trông thấy ánh sao và rất đỗi vui mừng. Họ tìm thấy Con Trẻ và Maria, Mẹ Người, rồi qùy thờ lậy Chúa và dâng các lễ vật biểu tượng. Ơn của Chúa Thánh Thần đã giúp họ và hướng dẫn họ nhận ra rằng các tiêu chuẩn của Thiên Chúa rất khác các tiêu chuẩn của loài người; rằng Thiên Chúa không tự biểu lộ ra trong quyền năng của thế giới này, nhưng hướng tới chúng ta trong sư khiêm hạ tình yêu của Người. Như thế các nhà Đạo Sĩ là gương mẫu sự trở về với niềm tin đích thực, bởi vì họ đã tin nơi lòng lành của Thiên Chúa hơn là nơi ánh quang bề ngoài của quyền lực. Hang đá chỉ cho chúng ta một con đường khác với con đường mà tâm thức trần gian thèm muốn: đó là con đường sư hạ mình của Thiên Chúa, vinh quang dấu ẩn của người trong máng cỏ Bếtlehem, trong thập giá trên đồi Calvario, nơi các anh chị em đau khổ. Xin Chúa cho chúng ta cũng biết bước vào trong mầu nhiệm như ba Đạo Sĩ, bảo vệ và giải thoát chúng ta khỏi các cám dỗ che dấu ánh sao giúp chúng ta tiến đến gặp Chúa Giêsu. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi các ảo tưởng, các tự phụ, các “ánh sáng” của chúng ta để chúng ta can đảm tìm Chúa trong sự khiêm nhường của lòng tin và có thể gặp Chúa là Ánh Sáng.

** Cũng như mọi năm, có nhiều đoàn rước Ba Vua cỡi ngựa từ nhiều tỉnh Italia về diễn hành trên đại lộ Hòa Giải, và tiến về quảng trường thánh Phêrô, trong các sắc phục và cờ quạt thời Trung Cổ mầu mè rất đẹp.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Tòa để đọc kinh Truyền Tin với hơn 100 ngàn tín hữu và du khách hành hương. Trong bài huấn dụ ngài nói: Trong đêm Chúa giáng sinh đã có vài mục đồng người Do thái tìm đến hang đá thờ lậy Chúa. Hôm nay trong lễ Hiển Linh chúng ta kỷ niệm ba Đạo Sĩ từ Đông Phương tìm tới thờ lạy Hài Nhi, Vua người Do thái, Đấng Cứu Thế đại đồng. Cử chỉ thờ lậy của các Đạo Sĩ làm chứng cho thấy Chúa Giêsu đến trần gian không chỉ cho dân Ngài, mà cho tất cả mọi người. Vì thế ngày lễ hôm nay cử hành việc Chúa biểu lộ tình yêu và cống hiến ơn cứu độ cho mọi dân tộc. Như là Đấng Tạo Dựng và là Cha của mọi người Ngài muốn là Đấng Cứu Độ mọi người. Vì thế chúng ta đuợc mời gọi luôn nuôi dưỡng sự tin tường và hy vọng lớn đối với mỗi một người, cả những người xem ra xa Chúa, nhưng bị tình yêu si mê và trung thành của Ngài theo đuổi.

Phúc Âm trình thuật chuyến du hành của ba Đạo Sĩ Phương Đông đi tìm gặp Chúa Kitô.

Họ chú ý tới các dấu chỉ, không mệt mỏi đương đầu với các khó khăn, can đảm lãnh nhận các hậu quả cuộc gặp gỡ với Chúa. Đối với chúng ra cũng thế, kiếm tìm Thiên Chúa có nghĩa là bước đi, nhìn trời và nhận ra nơi dấu chỉ của ngôi sao Thiên Chúa vô hình nói với con tim chúng ta. Ngôi sao có thể dẫn chúng ta tới gặp Chúa Giêsu là Lời Chúa. Nó là ánh sáng định hướng cho con đường đời ta, nuôi dưỡng và tái sinh đức của ta, liên tục canh tân con tim và các cộng đoàn. Vì thế đừng quên đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày để Lời Chúa là ánh lửa soi đường cho ta đến với Chúa. Bước đi, không mệt mỏi, can đảm, với Lời Chúa luôn luôn đem theo trong người.

ĐTC đã chúc mừng các kitô hữu công giáo và chính thống đông phương cử hành lễ Giáng Sinh ngày mùng 6 tháng giêng. Hôm qua cũng là Ngày quốc tế Nhi Đồng truyền giáo. Ngài khích lệ các nhà giáo dục vun trồng tinh thần truyền giáo nơi các em, để các em làm chứng cho sự dịu hiền của Thiên Chúa và loan báo tình yêu của Chúa cho mọi người (SD 6-1-2015).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ PHONG CHỨC THÊM 15 HỒNG Y

ĐỨC GIÁO HOÀNG SẼ PHONG CHỨC THÊM 15 HỒNG Y

VATICAN. ĐTC Phanxicô tuyên bố bổ nhiệm 15 Hồng Y mới vào ngày 14-2-2015, trong đó có Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM giáo phận Hà Nội.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 4-1-2015 với hàng chục ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Như đã loan báo, ngày 14-2 tới đây tôi sẽ vui mừng nhóm Công nghị Hồng Y, trong đó tôi sẽ bổ nhiệm 15 Hồng Y mới, đến từ 14 quốc gia thuộc mọi đại lục, biểu lộ mối liên hệ không thể tách rời giữa Giáo hội Roma và các Giáo Hội địa phương trên thế giới.
Chúa nhật 15-2, tôi sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế trọng thể với các Hồng Y mới, trước đó ngày 12 và 13-2, tôi sẽ nhóm Công nghị với tất cả các Hồng Y để suy tư về những hướng đi và đề nghị cải tổ giáo triều Roma.

Sau đây là các Hồng Y mới:

1. Đức Cha Dominique Mamberti, người Pháp, TGM hiệu tòa Sagona, Chủ tịch Tối Cao Pháp viện của Tòa Thánh, (63 tuổi, 1952)
2. Đức Cha Manuel José Macário do Nascimento Clemente, Thượng Phụ thành Lisboa, thủ đô Bồ đào nha (67 tuổi, 1949)
3. Đức Cha Berhaneyesus Demerew Souraphiel, CM, TGM Addis Abeba, Etiopia, (67 tuổi, 1948)
4. Đức Cha John Atcherley Dew, TGM giáo phận Wellington, thủ đô New Zealand (67 tuổi, 1948)
5. Đức Cha Edoardo Menichelli, TGM giáo phận Ancona-Osimo, Italia (76 tuổi, 1939)
6. Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, TGM Hà Nội, Việt Nam, 77 tuổi (1938)
7. Đức Cha Alberto Suárez Inda, TGM Morelia, Mêhico, (76 tuổi, 1939)
8. Đức Cha Charles Maung Bo, SDB, TGM giáo phận Yangon, Myanmar, (67 tuổi, 1948)
9. Đức Cha Francis Xavier Kiengsak Kovithananji, TGM Bangkok, Thái Lan, 66 tuổi (1949)
10. Đức Cha Francesco Montenegro, TGM Agrigento, Italia, (69 tuổi, 1946)
11. Đức Cha Daniel Fernando Sturla Berhouet, SDB, TGM Montevideo, Uruguay, (56 tuổi, 1959)
12. Đức Cha Ricardo Blázquez Pérez, TGM Valladolid, Tây Ban Nha, (73 tuổi, 1942)
13. Đức Cha José Luis Lacunza Maestrojuán, OAR, GM giáo phận David, Panamá (71 tuổi, 1944)
14. Đức Cha Arlindo Gomes Furtado, TGM Santiago de Cabo Verde, Quần Đảo Capo Verde, (66 tuổi, 1949)
15. Đức Cha Soane Patita Paini Mafi, GM Tonga, (Quần đảo Tonga) (54 tuổi, 1961).

Ngoài ra, tôi cũng liên kết với Hồng Y đoàn 5 vị TGM và GM về hưu đã nỏi bật về đức bác ái mục tử trong việc phục vụ Tòa Thánh và Giáo Hội. Các vị đại diện cho bao nhiêu Giám Mục, cũng với lòng nhiệt thành mục tử đã nêu chứng tá tình yêu đối với Chúa Kitô và Dân Chúa tại các Giáo Hội địa phương, cũng như tại Giáo Triều Roma, hoặc trong ngành ngoại giao Tòa Thánh.

Đó là các vị:

16. Đức Cha José de Jesus Pimiento Rodríguez, nguyên TGM giáo phận Manizales (Colombia) (96 tuổi, 1919)
17. Đức Cha Luigi De Magistris, TGM hiệu tòa Giubalziana, nguyên là quyền chánh tòa ân giải tối cao (89 tuổi, 1926)
18. Đức Cha Karl-Joseph Rauber, TGM hiệu tòa Tucumán, nguyên là Sứ Thần Tòa Thánh (81 tuổi, 1934)
18. Đức Cha Luis Héctor Villalba, nguyên TGM Tucumán, Argentina (81 tuổi, 1934)
19. Đức Cha Júlio Duarte Langa, nguyên GM giáo phận Xai-Xai (Mozambique) (88 tuổi, 1927)

”Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tân Hồng Y, để, khi canh tân tình yêu đối với Chúa Kitô, các vị là chứng nhân về Tin Mừng của Chúa tại thành Roma và trên thế giới, và với kinh nghiệm mục tử, các vị nâng đỡ tôi khẩn trương hơn trong việc phục vụ Tông Đồ của tôi”.

Đức Hồng Y tân cử Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sinh ngày 1-4-1938 tại Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21-12-1967, được bổ nhiệm làm GM Phó Đà Lạt ngày 11-10-1991, và trở thành GM chính tòa ngày 23-3-1994. Ngày 22-4-2010 ngài được bổ làm TGM Phó Tổng giáo phận Hà Nội, và ngày 13-5-2010 ngày thăng TGM chính tòa Hà Nội, kế nhiệm Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt.

Trong số 19 Hồng y tân cử, vị trẻ nhất là Soane Patita Paini Mafi, GM Tonga 54 tuổi. Giáo phận ”khỉ ho cò gáy” của ngài trong Thái Bình Dương là một quần đảo rộng 103 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có 13.300 tín hữu Công Giáo với 14 giáo xứ, 29 LM giáo phận và 9 LM dòng, 40 nữ tu, 15 tu huynh và 9 chủng sinh.

Vị cao niên nhất trong số các tiến chức Hồng Y là José de Jesus Pimiento Rodríguez Manizales, 96 tuổi (1919) cai quản tổng giáo phận Manizales (Colombia) từ 1975 đến khi về hưu năm 1996.

Việc bổ nhiệm Hồng y lần trước cũng như lần này cho thấy chủ trương của ĐTC Phanxicô giảm bớt số Hồng y tại giáo triều Roma và không nhất thiết theo truyền thống bổ nhiệm Hồng Y cho các giáo phận lớn. Ngài cũng bổ nhiệm Hồng Y cho các nước chưa hề có Hồng Y, hoặc những giáo phận nhỏ bé.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức TGM Tomasi: Mỹ – Nga không làm gì cho các Kitô hữu bị bách hại

Đức TGM Tomasi: Mỹ – Nga không làm gì cho các Kitô hữu bị bách hại

GENÈVE. Đức TGM Silvato Tomasi, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ ở Genève, than phiền rằng Hoa Kỳ và Liên bang Nga ”chỉ nói miệng” mà không làm gì trong thực tế để bảo vệ các tín hữu Kitô bị bách hại ở Trung Đông.

Đức TGM Tomasi, người Mỹ, năm nay 75 tuổi, thuộc dòng thừa sai Thánh Carlo Borromeo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 3-1-2014, ngài nói: ”Cả Mỹ lẫn Nga đều nói về hòa bình và ủng hộ các tín hữu Kitô ở lại Trung Đông, nhưng cho đến nay không có bước tiến cụ thể nào. Trong lãnh vực này ai cũng biết chỉ có sự can thiệp của quốc tế mới có thể tái lập an ninh và trật tự tại Irak và Siria. Nhưng sự dấn thân của quốc tế bị chặn đứng vì những quyền lợi đối nghịch nhau giữa Mỹ và Nga. Thêm vào đó có những xung đột trong nội bộ Hồi giáo giữa người Shiite và Sunnit cũng như những đối nghịch chính trị nội bộ tại Syria và Iraq”.

Đức TGM Tomasi cũng cho biết Tòa Thánh muốn tìm cách đưa những phe đối tác khác nhau tới chỗ đối thoại với nhau. Ngài nói: ”Nếu chúng ta không làm gì để tìm giải pháp hòa bình cho Trung Đông, thì chúng ta sẽ đồng chịu trách nhiệm về sự cáo chung sự hiện diện của Kitô giáo tại Iraq và Syria”.

Theo Đức TGM Tomasi, Tòa Thánh có thể có những dự án làm trung gian trong năm mới này. Gần đây, Tòa Thánh đã góp phần tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba, và đã đạt được một thành công ngoạn mục về mặt ngoại giao.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức TGM cũng khẳng định rằng ”Chúng ta cần phải từ bỏ não trạng theo đó nếu có những khó khăn và vấn đề thì phải dùng con đường xung đột bạo lực để giải quyết chúng. Thực tế có những phương thế khác, cần kiến tạo sự tín nhiệm, để có thể nói chuyện với nhau và tìm những thỏa hiệp có thể được mọi phe chấp nhận” (KNA 3-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Gặp được Chúa Cứu Thế

Gặp được Chúa Cứu Thế

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’)

Hôm nay chúng ta mừng lễ ba Vua, tức lễ Hiển Linh. Dựa vào Thánh Kinh và Thánh Truyền kể lại việc tìm kiếm Chúa của Ba Vua từ Phương Đông miền đất Palestina, theo sự hướng dẫn của một vì sao lạ. Các ngài đã khám phá ra dấu lạ, rủ nhau lần mò dò dẫm tìm đến Bethlem, và cuối cùng sau cuộc lộ trình đường xa nhiều gian khổ và nguy nan, các ngài đã gặp được Chúa Cứu Thế.

Như ngày lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh biểu lộ một niềm vui, đó là những hình ảnh, những gói quà, lạc đà, Ba Vua, ngôi sao, nhưng còn vui hơn vì ý nghĩa quan trọng chứa đựng trong ngày lễ này, đó là việc Chúa tỏ mình ra cho các dân, các nước. Ngài là Vua các vua và mọi dân tộc khắp bờ cõi trái đất đều phải tôn thờ Ngài.

Nơi bài đọc I, Giáo hội dùng bài ca trở về của dân Do Thái nơi sách tiên tri Isaia để diễn tả niềm vui của người được cứu thoát khi vinh quang của Chúa bừng dậy. Một số những người nô lệ ở Babylon thuộc dân Do Thái nghĩ mình đang sống trong đêm tối, họ mất hết niềm vui, không còn hứng thú gì để đàn ca xướng hát. Họ đặt những nhạc khí, họ treo những cây đàn nơi gốc cây, nơi cành cây dọc bên bờ sông Babylon, và nơi bờ sông họ ngồi khóc nhớ Sion, nhớ về Thành Thánh Jérusalem.

Nhưng vui mừng biết bao ngày cứu thoát đến, ngày trở về quê hương, ngày được gặp lại Jérusalem, được lên đền thờ dâng lễ tạ ơn Chúa. Và điều đặc biệt là ánh sáng bừng lên ở Jérusalem. Đây không phải là ánh sáng của trần gian mà là ánh sáng của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là ánh sáng và khi Chúa là ánh sáng thì Ngài không phải chỉ là ánh sáng của Israel mà thôi nhưng Ngài còn là ánh sáng của muôn dân, muôn nước. Từ đó những kho tàng bể khơi tuốn đến Jérusalem, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới Jérusalem. Tất cả muôn người lũ lượt từ các nơi tuôn đến Jérusalem. miệng cao rao những lời ngợi khen Thiên Chúa.

Nếu bài đọc I trình bày một hình ảnh vui tươi của Jérusalem ngày đại lễ, ngày muôn dân tiến đến trong huy hoàng rực rỡ sang trọng, thì nơi bài đọc II thánh Phaolô đưa hình ảnh ấy lên hàng siêu nhiên. Nơi bài I sự giàu sang phú quí từ các nơi được đưa về để tung hô Chúa, thì nơi bài đọc II đáp lại ân sủng Chúa ban phát dư tràn cho mọi người qua các tông đồ, các tiên tri, nhờ Chúa Thánh Thần thánh hóa. Nhờ lòng thương xót bao la ấy của Thiên Chúa, tất cả dân tộc trên mặt đất đều trở nên người thừa tự, trở nên người cùng một thân thể và thông phần với lời hứa của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

Nhìn chung cả hai bài đọc đều diễn tả tình yêu thương hài hòa giữa Thiên Chúa và con người với nhau. Con người một lòng một dạ nhìn nhận Thiên Chúa là Vua. Chúa ban ơn cho con người, nhất là ơn được làm nghĩa tử trong Đức Giêsu Kitô, không phân biệt ai cả.

Bài Phúc Âm diễn tả rõ ràng hơn, cụ thể hơn và sinh động hơn trước mắt ta cuộc tìm kiếm Chúa, rồi được Chúa giúp đỡ ban ơn hướng dẫn. Con người không ngại gian lao cực nhọc và cuối cùng gặp được Chúa. Con người quì gối sụp lạy và dâng lễ vật cho Ngài. Xong trở nên con người mới, đi con đường khác, trở nên với đời sống hằng ngày của mình.

Dựa vào đoạn Phúc Âm duy nhất của thánh Matthêu diễn tả cuộc viếng thăm kỳ diệu này, người ta hay trưng bày vao hang đá trong ngày lễ Hiển Linh ba vị vua. Thật ra, không có chỗ nào nói đó là các vị vua, cũng không có chỗ nào cho biết con số của họ là bao nhiêu. Nhưng truyền thống gọi là ba, vì dựa vào ba lễ vật thánh Matthêu kể ra: vàng, nhũ hương và mộc dược.

Về tên của ba vua là: Kalbar, Manthior và Bankasa, nhưng đến thế kỷ IX người ta mới đề cập đến. Thật ra, tất cả những chi tiết nhỏ này không có nền tảng trong Kinh Thánh và ngôi sao lạ hiện vẫn còn là đối tượng của những giải thích khác nhau. Dầu vậy những điểm chính đã dễ cho chúng ta suy niệm đó là những con người đến từ những xứ xa xôi để tìm vị Vua Do Thái mới sinh ra và khi gặp được Ngài, họ quì gối xuống sụp lạy Ngài.

Hình ảnh ấy cho chúng ta thấy mãi mãi bao lâu Phúc Âm còn rao giảng đều luôn luôn có những đạo sĩ, đó là những người tìm kiếm Chúa bằng cách này hay bằng cách khác. Và khi đã gặp được Chúa, thì thành tâm thực lòng thờ lạy Chúa, nhìn nhận Người là Vua, là Chúa của mình, của đời sống mình, của gia đình mình và cuối cùng là của toàn thể nhân loại.

Cùng với Ba Vua bên máng cỏ, chúng ta hãy tôn thờ uy quyền tối cao của Hài Nhi Giêsu và xin cho chúng ta luôn nhạy cảm đối với những cảm hứng khích lệ của quyền năng Chúa trong tâm hồn mình.

Để có việc làm cụ thể, trong tuần này tôi hình dung ra những tác động của Ba Vua trên con đường tìm Chúa. Đó là để tâm, để ý tìm hiểu sự kiện. Dám chấp nhận dấn thân quyết chí tìm gặp cho được Chúa. Khi gặp được Người thì phủ phục tôn thờ và dâng lễ vật. Rồi sau cùng, từ bỏ con đường cũ, đi theo con đường mới, con đường của tin yêu và hy vọng, con đường của sự sống bất diệt trên thiên quốc.

Veritas Radio

Lễ Hiển Linh

Lễ Hiển Linh

Khi ngôi sao chiếu sáng trên bầu trời Bêlem, là lúc tình trạng dân Israel như thầy tư tế già Dacaria phát biểu “ngồi trong nơi tối tăm và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Tuyển dân của Chúa mà còn như thế huống nữa là dân ngoại. Thánh Phaolô phác hoạ tình trạng thuộc linh của dân ngoại: “Thuở ấy anh em không có Đức Kitô, không được hưởng đặc quyền của Israel, xa lạ với các Giao Ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa, không có niềm hy vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này” (Ep 2,12). Tóm lại, lúc Đấng Kitô giáng thế là lúc thế gian suy đồi cùng cực, đang đứng trên bờ vực thẳm, thì ngay khi ấy ngôi sao xuất hiện ở Đông Phuơng đem theo lời hứa vĩ đại Tin Mừng.

1. Ngôi sao của hy vọng.

Trong quan niệm của người Đông Phương, sự xuất hiện của một vì sao trên trời có quan hệ tới một nhân vật dưới trần, nhất là các vị đế vương, người ta vẫn gọi đó là ngôi sao chiếu mạng. Các nhà chiêm tinh Đông Phương đều tin như vậy, vì thế nảy sinh hẳn một môn học chiêm tinh với các khoa tử vi. Lịch sử Trung quốc ghi lại truyện hoàng đế Quang Vũ đời Đông Hán rất kính trọng ông Nghiêm Tử Lăng, sai sứ đi nhiều lần mới mời được ông vào triều, nhà vua tiếp đón ông rất mực kính trọng và thân thiết, giữ ông lại trong cung đến đêm và nằm chung một giường. Nửa đêm, Tử Lăng gác một chân lên bụng nhà vua, nhà vua không nỡ làm ông thức giấc, cứ để yên cho ông làm như vậy. Sáng hôm sau liền có quan thái sử tâu lên vua rằng hồi hôm xem điềm trời, thấy sao của khách xâm phạm sao nhà vua rất gấp, xin hoàng thượng nên để ý. Vua Quang Vũ cả cười nói rằng: “Ta biết rồi, việc này xảy ra chỉ vì ta và Tử Lăng cùng nằm chung một giường, và chân của Tử Lăng gác lên bụng ta mà thôi, các khanh chớ lo!”. Đối với các nhà bác học Đông Phương, sự xuất hiện của một ngôi sao như thế là thực hiện một mong ước từ lâu, vì khi nghiên cứu các tinh tú, họ nhận thức rằng ngôi sao là đại biểu cho “ý muốn vĩnh cửu”. Quan niệm của họ cũng tương hợp với lời tiên tri của Kinh Thánh: “Một vì sao hiện ra từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel” (Ds 24,17). Vì vậy khi họ thấy ngôi sao xuất hiện, liền biết thời giờ đã đến, nên chẳng ngần ngại lặn lội đường xa rủ nhau đi tìm cho thấy “vì sao xuất hiện từ Gia cóp” hầu tìm ra con đường sáng cho mình trong một thế giới u minh.

2. Ngôi sao thần bí

Khi nghe được tin này Hêrôđê hết hồn, với tầm óc hiểm độc và quỷ quyệt nhà vua coi đây là một điều rất dữ. Sự xuất hiện của ngôi sao cũng như sự xuất hiện những chữ viết trên bức tường của cung điện vua Benxatxa ngày xưa, dự báo sự diệt vong của nhà vua. Điều đó có nghĩa là sẽ có một vua Giuđa thay cho mình ngồi trên ngai vàng. Do đó nhà vua phải sử dụng đến mọi thủ đoạn ác độc để diệt trừ hậu hoạ khi còn trong trứng nước. Nhưng mưu độc của loài người làm sao phá hỏng được kế hoạch của Thiên Chúa. Con Trẻ mà Hêrôđê tìm giết lại là Con Trẻ thoát khỏi tai hoạ.

Một điều lạ kỳ ấy là ngôi sao một đàng là hy vọng, là niềm vui lớn cho mọi người thiện tâm, lại nên điềm dữ báo nguy cho hạng người tàn ác. Ý nghĩa cao đẹp của nó được những tấm lòng ích kỷ tham lam nhận ra. Sự xuất hiện của ngôi sao báo hiệu ngày tàn của họ đã tới!

3. Ngôi sao dẫn đường.

Ngôi sao trên bầu trời Bêlem đã dẫn các đạo sĩ Đông Phương trải qua cuộc lữ hành xa lạ, đầy khó khăn nguy hiểm đã đem các ông tới nơi Con Trẻ mà các ông muốn kiếm tìm. Chính ngôi sao đã bảo tồn cho họ niềm hy vọng, ước nguyện, đức tin mà Thiên Chúa đã mặc khải cho. Cũng chính ngôi sao đã cho họ thấy Con Trẻ cũng là vua của họ để họ chuẩn bị lễ vật triều kính Ngài.

Ngôi sao trên bầu trời Bêlem vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho tất cả những ai cần tìm chân lý, muốn được cứu rỗi linh hồn, và mong nhận được lòng yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa.

4. Ngôi sao của vui mừng.

“Khi thấy ngôi sao dừng lại chỗ Con Trẻ, các hiền sĩ hết sức vui mừng”. Vì đối tượng mà họ khổ công tìm kiếm nay đã thấy rồi, lòng khao khát chân lý với nếp sống quang minh chính trực nay đã được hoàn toàn thoả mãn. Niềm vui của họ là điềm báo ân phúc lớn lao sau này Chúa dành cho các môn đệ: “Thầy nói điều đó với anh em để niềm vui của Thầy ở cùng anh em và niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (Ga 15,11).

Trong những năm sau khi Chúa Giêsu giáng thế, sự vui mừng mà các hiền sĩ Đông Phương đã được hưởng, thì bao nhiêu người khác cũng được huởng nhờ ngôi sao chỉ đường dẫn lối. Lòng khao khát chân lý của họ cũng được đền đáp vì họ nhận được lòng yêu thương vĩ đại của Thiên Chúa dành cho mọi người thiện tâm.

Và nếu ngôi sao trên bầu trời Bêlem này như ngọn đuốc soi đường dẫn các hiền sĩ tới mục tiêu, thì cái thế giới mà chúng ta đang sống đây mới tìm ra được ý nghĩa mới, vui mừng và hy vọng mới thay vì tuyệt vọng và sầu thảm của những ngày cũ.

 

Lớp Sáu – Bài Học 12 – Từ Ngũ Phúc đến Bát Phúc

Xem: Bài Học 12 – Từ Ngũ Phúc đến Bát Phúc

NguPhuc

Ngũ phúc gồm năm điều sau: 1.Trường thọ là không bị chết yểu, chết non. 2. Phú quý là tiền của rất nhiều, địa vị cao quý. 3. Khang ninh là thân thể khoẻ mạnh, tâm hồn yên ổn. 4. Hiền đức là tính lương thiện, nhân hậu, bình tĩnh. 5. Thiện chung là có thể tiên liệu thời kỳ chết của mình. Khi lâm chung không gặp tai họa, thân thể không đau đớn vì bệnh tật, trong lòng không vương vấn và phiền não, ôn hoà tự tại rời khỏi nhân gian.

Ngẫm lại, cả năm điều đại phúc đó đều đẹp như mơ. Tuy nhiên nguyên trong ngũ phúc đã hàm chứa mâu thuẫn khó dung hòa, nên rất khó thành hiện thực cho một người. Chẳng hạn như phú quý thì khó mà khang ninh, phú quý thì chẳng dễ dàng hiền đức, phú quý thì cũng chẳng dễ thiện chung. Bới chưng tam độc tham sân si sẽ theo phú quý mà khuấy động lòng dạ, sẽ chẳng thể bình an, ổn thỏa thể xác lẫn tinh thân, sẽ chẳng thể nhường nhịn, lương thiện với đời, cũng hiếm họa thanh thỏa lìa trần. Phúc thành ra họa lúc nào chẳng hay.

Như thế, họa phúc khôn lường, tưởng là phúc hóa ra họa, hay ngược lại, như chuyện tái ông thất mã. Chung quy, ngũ phúc chỉ nhằm phục vụ cái bản ngã, cái tôi vị kỷ hẹp hòi, sở đắc sự ưu ái của Trời ban cho. Ngũ phúc chỉ toàn điều lợi lộc dành riêng cho cá nhân, chứ không hề dính dáng, có tương quan chi với tha nhân, người khác.