Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Cha Lombardi nhận định về diễn văn của Đức Thánh Cha tại LHQ

Pope at UN

NEW YORK. Sáng ngày 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại LHQ. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô 2 năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.

 Tuy nhiên, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh kiêm Tổng giám đốc đài Vatican, tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm, nhận xét rằng ”Bài diễn văn này khai mạc một Đại hội đồng của LHQ (thứ 70), nên khác biệt với những lần gặp gỡ của các vị Giáo Hoàng trước tại Đại hội của LHQ, đây là bài diễn văn có cử tọa đông đảo hơn và quan trọng hơn.

 ”ĐGH đã nói một cách rất hiệu nghiệm về sự cần thiết phải dấn thân cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở bình diện những lời nói, trái lại cần đi tới thực tại. Ngài đã đưa ra nhiều lời kêu gọi rất mạnh mẽ. Ví dụ lời kêu gọi các tổ chức tài chánh quốc tế, các tổ chức này phải giúp đỡ các nước nghèo nhất phát triển, chứ không bắt các nước ấy phải phục tùng, áp đặt họ một cách ngộp thở dưới các hệ thống tín dụng, ghì họ trong một tình trạng bị loại trừ, nghèo đói và ngày càng lệ thuộc. ĐGH cũng nói một cách rất rõ ràng về việc giải trừ võ khí hạt nhân, nhắc đến một cách tích cực hiệp định mới đây với Iran về vấn đề này. Và đó là điều hiển nhiên là đòi hỏi nhiều, vì biết rằng đó là một hiệp định không phải tất cả đều quí chuộng.

 ”Rồi ĐGH cũng nói về tầm quan trọng của thiên nhiên; ngài cũng nói về bản tính con người, ví dụ bao gồm sự phân biệt giữa người nam và người nữ, và sự tôn trọng tuyệt đối cần có đối với sự sống trong mọi giai đoạn và chiều kích. Vì thế, ĐGH đã không bỏ lỡ cơ hội để trình bày lập trường của Giáo Hội về những điểm đòi nhiều cố gắng. ĐGH cũng đề cập đến vấn đề tị nạn, các nhóm dân thiểu số phải chịu bạo lực, đặc biệt là các tín hữu Kitô thiểu số ở Trung Đông, và tiếp đến là tất cả những vấn đề liên quan đến nghèo đói, công lý, quyền của tất cả mọi người được gia cư, công ăn việc làm và một môi trường lành mạnh để sống, và dĩ nhiên ĐTC cầu mong có một sự tiến bộ về hòa bình qua các cuộc thương thuyết, các cuộc đối thoại giữa các dân tộc khác nhau. Đề tài hòa bình chắc chắn là một chủ đề nổi bật trong cuộc viếng thăm của ĐTC và chỉ có thể như thế. Trong vấn đề này, ĐGH có một lời nói rất uy tín, một lời can đảm, thực sự được lắng nghe với tất cả lòng tôn trọng”.

 Cha Lombardi cũng nhận xét rằng kiểu của ĐTC Phanxicô khi trình bày các bài diễn văn, ngài nhấn mạnh về sự khuôn mặt cụ thể của con người: người già, trẻ em, người trẻ, người thất nghiệp. ĐGH liên tục nhấn mạnh rằng không được dừng lại ở bình diện các cuộc thảo luận ý thức hệ hoặc coi con người như những con số thống kê, nhưng luôn luôn nghĩ họ là những người người cụ thể, là anh chị em chúng ta, và qua đo khích lệ trách nhiệm của những người cầm quyền hãy nhớ con người cụ thể, đang chờ đợi sự dấn thân của chính quyền trong việc tìm ra những câu trả lời cụ thể cho cuộc sống của người dân. Theo nghĩa đó, thật là điều đẹp cuộc gặp gỡ của ĐGH tại LHQ với hàng ngàn người làm việc mỗi ngày để cho cuộc sống và hoạt động của tổ chức quốc tế này có thể tiến hành được. (RG 26-9-2015)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên hợp quốc

Đức Thánh Cha viếng thăm và phát biểu tại Liên hợp quốc

ĐTC và Ban Ki Moon tại Liên Hiệp Quốc

NEW YORK. Sáng thứ sáu, 25-9-2015, ĐTC Phanxicô đã đến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở LHQ. Ngài cổ võ cải tổ LHQ, bênh vực môi sinh, giải quyết các cuộc xung đột..

LHQ hiện nay là một tổ chức liên chính phủ gồm 193 quốc gia thành viên và 2 nước quan sát viên là Tòa Thánh và Palestine. Tòa Thánh có đại diện tại đây từ 51 năm nay (1964). Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh là một vị TGM có cấp bậc sứ thần. Ngài có quyền tham gia các phiên họp của LHQ, có quyền lên tiếng nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc được bầu.

Khi đến nơi, ĐTC đã được Ông Tổng thư ký Ban Ki Moon và Phu nhân cùng với một đoàn binh nhỏ danh dự đón tiếp. Hai em bé con của các nhân viên LHQ đã tặng hoa cho ngài, rồi được hướng dẫn lên văn phòng của Ông tổng thư ký ở lầu thứ 38 để hội kiến riêng.

 Tiếp đến, ĐTC đã gặp gỡ và chào thăm các nhân viên của LHQ. Ngài nhận xét rằng ”Bao nhiêu công việc anh chị em làm ở gây không gây những tin tức trên báo chí. Nhưng đàng sau đó, nỗ lực hằng ngày của anh chị em làm cho nhiều sáng kiến ngoại giao, văn hóa, kinh tế và chính trị của LHQ có thể tiến hành được, những điều rất quan trọng để đáp ứng hy vọng và mong đợi của các dân tộc trong gia đình nhân loại.. Công việc âm thầm và tận tụy của anh chị em không những góp phần làm cho LHQ tươi đẹp, nhưng còn có ý nghĩa lớn đối với bản thân anh chị em. Vì cách thức chúng ta làm việc cũng diễn tả phẩm giá và con người của chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Hôm nay và mỗi ngày, tôi xin anh chị em, bất luận khả năng thế nào, xin anh chị em hãy chăm sóc nhau, gần gũi nhau và tôn trọng nhau, qua đó anh chị em là hiện thân lý tưởng của tổ chức LHQ này, lý tưởng một gia đình hiệp nhất, sống trong hòa hợp, không những làm việc cho hòa bình, nhưng còn trong hòa bình, không những làm việc cho công lý, nhưng còn trong một tinh thần công lý.

Sau cuộc gặp gỡ trên đây, ĐTC còn riêng hai vị chủ tịch Đại hội đồng thứ 69 và 70 của LHQ, đó là Ông Sam Kahamba Kutesa, người Uganda cùng với phu nhân, và Ông Mogens Lykketoft người Đan Mạch và phu nhân. Sau cùng là gặp Chủ tịch Hội đồng bảo an LHQ trong tháng 9 này, là ông Vitaly Churkin, thuộc liên bang Nga.

Diễn văn của ĐTC tại LHQ  Khi ĐTC tiến vào đại hội trường hình bán cung của LHQ, các vị lãnh tụ của 150 quốc gia và đại diện các nước đã nồng nhiệt vỗ tay chào đón ngài, và sau lời chào mừng của Ông Chủ tịch Đại hội đồng thứ 70 cũng như của ông Tổng thư ký Ban Ki Moon, ĐTC Phanxicô đã đọc bài diễn văn quan trọng bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, 2 lần với Đức Gioan Phaolô 2 năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.

Cần cải tổ LHQ

ĐTC Phanxicô đề cao những thành tựu trong 70 năm qua của LHQ, nhưng ngài nhìn nhận có nhiều vấn đề trầm trọng chưa được giải quyết, đồng thời nhận xét rằng:

”Kinh nghiệm của 70 năm qua, vượt lên trên những điều đã đạt được, chứng tỏ rằng sự cải tổ và thích ứng LHQ với thời đại là điều luôn luôn cần thiết, tiến tới mục tiêu chung kết là mang lại cho tất cả mọi nước, không trừ ai, một sự tham gia và ảnh hưởng thực sự và đồng đều trong các quyết định. Sự cần thiết phải có sự công bình hơn có giá trị đặc biệt đối với các cơ quan có khả năng hành pháp thực sự như Hội đồng bảo an LHQ, các tổ chức tài chánh và các nhóm hoặc cơ chế được thiết lập đặc biệt để đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế. Điều này sẽ giúp giới hạn bất kỳ thứ lạm dụng hoặc sự đòi hỏi thái quá, nhất là đối với các nước đang trên đường phát triển. Các tổ chức tài chánh quốc tế cần cảnh giác về việc phát triển dài hạn cho các nước và để tránh sự tùng phục làm ngộp thở các nước ấy đối với các hệ thống tín dụng, các hệ thống này thay vì thăng tiến sự phát triển, thì lại bắt dân chúng phải tùng phục những cơ cấu gia tăng nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc”.

Sự tối thượng của công pháp

Một điểm khác được ĐTC nhấn mạnh là sự thăng tiến quyền tối thượng của công pháp, vì công lý là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện lý tưởng tình huynh đệ đại đồng. Trong bối cảnh đó cần nhớ rằng sự giới hạn quyền bính là một ý tưởng bao hàm trong chính ý niệm công pháp. Theo định nghĩa cổ điển về công lý, trả lại cho mỗi người điều thuộc về họ, có nghĩa là không một cá nhân hoặc nhóm nào có thể coi mình là toàn năng, được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của các người khác hoặc nhóm xã hội khác….

ĐTC nhận xét rằng ”Ngày nay, quang cảnh thế giới có nhiều thứ quyền giả tạo và đồng thời, có nhiều lãnh vực không được bảo vệ, nạn nhân của sự thực thi quyền bính một cách sai trái: đó là môi trường thiên nhiên và đông đảo phụ nữ và người nam bị loại trừ. Hai lãnh vực này có liên hệ mật thiết với nhau và các quan hệ chính trị kinh tế thịnh hành hiện nay biến họ thành những thành phần mong manh của thực tại. Vì thế cần mạnh mẽ khẳng định các quyền của hp, củng cố việc bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng bị loại trừ.

Bảo vệ môi trường thiên nhiên

Trước tiên cần khẳng định rằng có một ”quyền thực sự về môi trường” vì hai lý do: trước tiên vì trong tư cách là người, chúng ta là thành phần của môi trường, chúng ta sống hiệp thông với môi trường, vì chình môi trường cũng bao hàm những giới hạn luân lý đạo đức mà hoạt động của con người phải nhìn nhận và tôn trọng… Bất kỳ tai hại nào gây ra cho môi trường, đều là một thiệt hại cho nhân loại. Thứ hai vì mỗi thụ tạo, nhất là các sinh vật, có giá trị nội tại, sự sống, hiện sinh, vẻ đẹp và lệ thuộc các thụ tạo khác… Đối với tất cả các tín ngưỡng, môi trường là một thiện ích cơ bản.

Sự lạm dụng và phá hủy môi trường, là những hành động gắn liền với tiến trình loại trừ không chặn đứng nổi. Thực vậy, lòng ham hố quyền bính và an sinh vật chất một cách ích kỷ và vô giới hạn đưa tới bao nhiêu lạmdụng các phương tiện vật chất hiện hữu đến độ loại trừ những người yếu thế và kém tài năng hơn, hoặc vì họ có những khả năng khác, như những người khuyết tật, hoặc vì họ thiếu các kiến thực và phương tiện kỹ thuật thích hợp hoặc không đủ khả năng để có những quyết định chính trị. Sự loại trừ kinh tế và xã hội là một sự phủ nhận hoàn toàn tình huynh đệ của con người và là một điều làm thương tổn trầm trọng các quyền con người và môi trường. Những người nghèo nhất là những người chịu đau khổ nhất trong 3 thứ tấn công ấy, vì họ bị gạt ra ngoài xã hội, đồng thời phải sống bằng những đồ phế thải và chịu đau khổ bất công vì những hậu quả của sự lạm dụng môi trường. Những hiện tượng này ngày nay tạo thành một thứ văn hóa gạt bỏ rất phổ biến và vô tình được người ta củng cố”.

 

Kiên quyết thực thi những gì đã cam kết

 

 ĐTC nhắc đến chương trình hành động phát triển năm 2030 được các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ các nước thông qua, ngài khẳng định rằng long trọng ký nhận những cam kết là điều vẫn chưa đủ, tuy đó là một bước tiến cần thiết để giải quyết các vấn đề.. Thế giới mạnh mẽ yêu cầu các chính phủ có một ý chí thực sự, thực tiễn, liên lỷ, với những bước tiến cụ thể và những biện pháp tức khắc, để bảo tồn và cải tiến môi trường thiên nhiên, sớm khắc phục hiện tượng loại trừ về xã hội và kinh tế, hiện tượng này có những hậu quả đau thương như nạn buôn người, buôn bán cơ phận và mô cơ thể con người, bóc lột tính dục các trẻ em, bắt làm việc như nô lệ, kể cả nạn mại dâm, buôn bán ma túy, khí giới, nạn khủng bố và tội phạm quốc tế..”

Bênh vực quyền giáo dục

Cũng trong diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ, ĐTC Phanxicô bênh vực các quyền của gia đình, quyền ưu tiên của gia đình được giáo dục và quyền của các Giáo Hội, các hiệp hội xã hội được nâng đỡ và cộng tác với các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Nền giáo dục được quan niệm như thế, chính là căn bản để thực hiện chương trình hành động 2030 để cải tiến môi trường.

Ngài cũng kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để tất cả có được căn bản tối thiểu về vật chất và tinh thần để phẩm giá của họ được thực sự tôn trọng và để họ có thể thành lập và nuôi dưỡng gia đình là tế bào cơ bản của bất kỳ sự phát triển xã hội nào. Về phương diện vật chất, điều kiện tối thiểu ở đây là nhà ở, công ăn việc làm và đất đai, và về phương diện tinh thần là tự do tinh thần, bao gồm tự do tôn giáo, quyền giáo dục và các dân quyền khác”.

Thảm trạng chiến tranh: Trung Đông, Bắc Phi, Syria..

ĐTC không quên lưu ý cộng đồng thế giới về những hậu quả tiêu cực của những cuộc can thiệp chính và và quân sự thiếu phối hợp giữa các thành phần trong cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh đó ngài nhắc đến thảm trạng đau thương ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các nước Phi châu khác, nơi mà các tín hữu Kitô cùng với các nhóm văn hóa hoặc chủng tộc khác, kể các một số thành phần của tôn giáo đa số, phải chứng kiến sự tàn phá các nơi thờ phượng của họ, gia sản văn hóa và tôn giáo, gia cư và tài sản của họ, họ bị đặt trước hai chọn lựa: hoặc là trốn chạy hoặc phải trả giá bằng mạng sống mình hoặc phải làm nô lệ vì gắn bó với sự thiện và hòa bình.

Những thực tại đó kêu gọi những người có trách nhiệm quốc tế hãy nghiêm túc xét mình. Không những trong những trường hợp bách hại tôn giáo hoặc văn hóa, nhưng trong mỗi tình trạng xung đột như tại Ucraina, Siria, Irak, Libia, Nam Sudan, và trong vùng Đại Hồ bên Phi châu. Trước khi liên hệ tới những quyền lợi phe phái, tuy là hợp pháp, ở đây có những khuôn mặt cụ thể. Trong các chiến tranh và xung đột, có những con người anh chị em chúng ta, nam phụ lão ấu, trẻ em khóc lóc, chịu đau khổ và chết chóc. Đó là những người trở thành đố phế thải trong khi người ta không làm gì khác hơn là liệt kê những vấn đề, các chiến lược và thảo luận”.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với linh mục tu sĩ New York

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với linh mục tu sĩ New York

ĐTC chủ sự đọc kinh chiều tối trong nhà thờ ở New York

NEW YORK. Chiều thứ năm, 24-9-2015, ĐTC Phanxicô đã giã từ thủ đô Washington, và bay tới thành phố New York, và hoạt động đầu tiên của ngài tại đây là hát kinh chiều với hàng ngàn LM, tu sĩ nam nữ của Tổng giáo phận New York.

Khi đến phi trường Kennedy của thành phố New York, ĐTC đã được ĐHY Timothy Dolan, TGM sở tại, và Đức TGM Bernardito Auza, người Philippines, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, ông thống đốc bang New York và thị trưởng thành phố này đón tiếp, trước khi ngài đáp trực thăng bay về khu Manhattan ở trung tâm thành phố nơi có Nhà thờ chính tòa thánh Patrick của tổng giáo phận New York. Rất đông người chào đón ĐTC ở hai bên đường đại lộ thứ 5, nên ngài đã chuyển từ chiếc xe Fiat 500L nhỏ bé sang chiếc xe kiếng để chào thăm mọi người.

Tổng giáo phận Giáo phận New York có hơn 2 triệu 600 ngàn tín hữu trên tổng số 5 triệu 800 ngàn dân cư, tương đương với 45% dân số, với 368 giáo xứ. Nhà thờ chính tòa địa phương hùng vĩ được xây theo kiểu gôtích có thể chứa được 3 ngàn người. ĐTC Gioan Phaolô 2 đã 2 lần viếng thăm thánh đường này hồi năm 1979 và 1995, còn ĐGH Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ tại đây với các LM và tu sĩ nam nữ ngày 19-4 năm 2008.

Tại Nhà thờ chính tòa New York, lúc gần 7 giờ chiều, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều với hàng giáo sĩ và tu sĩ nam nữ. Khi tiến vào thánh đường, ngài đã ôm hôn một em bé gái da đen ngồi trên xe lăn, khiến em cảm động rơi lệ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau khi hát 3 thánh vịnh và bài đọc ngắn, ĐTC đi từ lời nhắn nhủ của thánh Phêrô Tông Đồ ”Anh chị em được tràn đầy vui mừng, cho dù bây giờ Anh chị em còn phải chịu sầu muộn trong một thời gian vì những thử thách khác nhau” (1 Pr 1,6) để khích lệ các LM tu sĩ vui sống ơn gọi. Ngài giải thích rằng những lời này của Thánh Tông Đồ nhắc nhở chúng ta về một điều thiết yếu: đó là cần phải sống ơn gọi của chúng trong vui mừng”.

ĐTC nhắc đến Nhà thờ chính tòa thánh Patrick nguy nga, được xây dựng trong bao năm với hy sinh của bao nhiêu người nam nữ. Thánh đường đẹp đẽ này có thể là một biểu tượng công trình của bao nhiêu thế hệ linh mục, tu sĩ và giáo dân Hoa kỳ đã góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội tại nước này… và ngài nói:

”Anh chị em thân mến, chiều tối hôm nay, tôi đến đây cầu nguyện với anh chị em, để ơn gọi của chúng ta tiếp tục xây dựng lên ngôi đền lớn của Nước Thiên Chúa tại quốc gia này. Tôi biết, trong tư cách là một đoàn linh mục, trước dân Chúa, anh em đã chịu đau khổ rất nhiều trong quá khứ gần đây, chịu đựng hổ nhục vì bao nhiêu anh em đã làm thương tổn và gây gương mù về Giáo Hội nơi bao nhiêu những người con yếu thế nhất của mình.. Như trong sách Khải Huyền, tôi nói với anh em rằng tôi biết rõ ”Anh em phải chịu sầu muộn sâu đậm” (Xc Kh 7,14). Tôi tháp tùng anh em trong thời kỳ đau thương và khó khăn này, cũng như tôi cảm tạ Thiên Chúa vì công việc phục vụ anh em đang thực hiện, tháp tùng dân Chúa”.

2 suy tư của ĐTC

Tiếp đến ĐTC đã trình bày 2 suy tư vắn tắt:

-- Trước tiên là tinh thần biết ơn: niềm vui của những người yêu mến Chúa lôi cuốn người khác đến với họ; các LM và những người thánh hiến được kêu gọi tìm thấy và chiếu tỏa một sự mãn nguyện vì ơn gọi của mình. Niềm vui nảy sinh từ một con tim biết ơn. Đúng vậy, chúng ta đã nhận lãnh rất nhiều, bao nhiêu ơn thánh, bao nhiêu phúc lành, và chúng ta vui mừng vì những ơn ấy.

Trong chiều hướng này, ĐTC mời gọi các LM, tu sĩ hãy nhớ lại những hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa, hồng ân được gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.. Chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có khả năng kể ra bao nhiêu phúc lành chúng ta đã nhận được hay không?

-- Điểm thứ hai là tinh thần cần cù làm việc. ĐTC nói: Một con tim biết ơn thì tự nhiên được thúc đẩy phụng sự Chúa và chấp nhận một lối sống cần cù. Trong lúc chúng ta ý thức về bao nhiêu điều Chúa ban cho chúng ta, thì con đường từ bỏ bản thân để làm việc cho Chúa và tha nhân trở thành con đường ưu tiên để đáp lại tình thương bao la của Chúa.

Nhưng nếu thành thật, chúng ta dễ dàng thấy rõ tinh thần làm việc quảng đại và hy sinh bản thân có thể bị bóp nghẹt. Có hai cách để điều này có thể xảy ra, và cả hai đều là ví dụ về tinh thần thế gian, làm cho chúng ta bị suy yếu trên con đường phục vụ và làm giảm bớt sự kinh ngạc trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô.

”Chúng ta có thể bị mắc kẹt khi đo lường những nỗ lực tông đồ của mình theo tiêu chuẩn hiệu năng, sự tiến hành tốt đẹp và thành công bề ngoài như trong thế giới doanh nghiệp. Không phải vì những điều ấy không quan trọng. Chúng ta được ủy thác một trách nhiệm lớn và dân Chúa có quyền chờ đợi những việc kiểm chứng. Nhưng giá trị đích thực công tác tông đồ của chúng ta được đo lường theo nhãn giới của Thiên Chúa. Nhìn và lượng định giá trị sự việc theo nhãn giới của Chúa nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn trở về với thời gian ban đầu của ơn gọi, và có thái độ rất khiêm tốn. Thánh giá chỉ cho chúng ta một cách thức khác để đo lường thành công: chúng ta có nhiệm vụ gieo vãi, và Thiên Chúa thấy những thành quả những vất vả của chúng ta. Nếu đôi khi những vất vả và công việc của chúng ta dường như thất bại, không mang lại thành quả, chúng ta theo Chúa Giêsu Kitô.. cuộc sống của ngài, nói theo kiểu loài người, kết thúc bằng một sự thất bại; thất bại thập giá.

Một nguy hiểm khác ĐTC cảnh giác các LM, tu sĩ, đó là việc sử dụng thời gian rảnh rỗi, nghĩ rằng tìm kiếm những tiện nghi trần tục sẽ giúp chúng ta phục vụ hăng say hơn. Ngài nói: ”Lý luận như thế có thể làm lu mờ sức mạnh lời Chúa kêu gọi hằng ngày hoán cải, gặp gỡ với Chúa. Chắc chắn thái độ ấy dần dần làm giảm bớt tinh thần hy sinh, từ bỏ và cần cù làm việc. Nó cũng làm ta xa cách những người đang chịu đau khổ vì nghèo nàn vật chất và buộc lòng phải hy sinh hơn chúng ta.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Nghỉ ngơi là một điều cần thiết, cũng như những lúc tự do rãnh rỗi và bồi dưỡng bảnt hân, nhưng chúng ta phải học cách nghỉ ngơi làm sao để đào sâu ước muốn phục vụ quảng đại. Sự gần gũi người nghèo, người tị nạn và di dân, người bệnh và những người bị bóc lột, người già đang chịu cô đơn, các tù nhân và bao nhiêu người nghèo khác của Thiên CHúa sẽ dạy chúng ta một thứ nghỉ ngơi khác, hợp tinh thần Kitô và quảng đại hơn”.

”Lòng biết ơn và sự cần cù làm việc, đó là hai cột trụ của đời sống thiêng liêng mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em tối hôm nay”.

Cũng nên nói thêm rằng trong buổi hát kinh chiều tại Nhà Thờ chính tòa thánh Patrick ở New York, ĐTC cũng ngỏ lời chào thăm và chia buồn với các anh chị em Hồi giáo vì tai nạn chen lấn trong cuộc hành hương ở La Mecca Arập Saudi làm cho hơn 700 người thiệt mạng. Ngài nói: ”Tôi muốn lời chào thăm của tôi nồng nhiệt hết sức, theo tâm tình của tôi trong buổi cầu nguyện này. Chúng ta hãy hiệp nhau cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót cho các anh chị em bị thiệt mạng”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã về trụ sở Phái bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, chỉ cách đó 2 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ 200 người vô gia cư

Đức Thánh Cha gặp gỡ 200 người vô gia cư

Pope meets homeless

WASHINGTON. ĐTC gặp gỡ 200 người vô gia cư tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ và xác quyết: không có biện minh nào cho sự thiếu nhà ở.

Sáng thứ năm, 24-9-2015, sau khi viếng thăm và đọc bài diễn văn lịch sử tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ, cũng như chào thăm hàng chục ngàn người tụ tập trước trụ sở quốc hội, vào lúc quá 11 giờ, ĐTC đã đến giáo xứ thánh Patrick, chỉ cách đó 2 cây số rưỡi để viếng thăm. Đây là giáo xứ đầu tiên trong lịch sử được thành lập tại thủ đô Washington cách đây hơn 220 năm (1794) để săn sóc mục vụ cho các công nhân di dân Ailen làm việc trong công trình xây cất tòa bạch cung và trụ sở quốc hội Hoa Kỳ, theo kế hoạch dự kiến di chuyển chính phủ liên bang Mỹ từ thánh phố Philadelphia về thủ đô mới vào năm 1800.

Tại giáo xứ thánh Patrick hiện nay có một trung tâm bác ái săn sóc những người nghèo. ĐHY James Hickey, TGM Washington, người đã sống cho và với người nghèo, đã chọn trung tâm này để sống trong những năm cuối đời, trong một khu vực săn sóc những người già nghèo, do các Nữ tu tiểu muỗi người nghèo đảm trách.

Đến nơi vào lúc 11 giờ 15, ĐTC đã được cha quản đốc thánh đường chào đón và hướng dẫn vào bên trong để gặp gỡ khoảng 200 người vô gia cư tại thủ đô Washington. Đây là những người có lợi tức kém, người di dân, được các cơ quan bác ái của tổng giáo phận địa phương giúp đỡ, và cung cấp các dịch vụ săn sóc sức khỏe thể lý và tâm thần.

Diễn văn của ĐTC

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nêu bật tấm gương của thánh Giuse cũng đã từng gặp những hoàn cảnh khó khăn và đau thương, như khi thánh nhân ở Bethlehem với Mẹ Maria đang có thai mà không được nhà trọ, và con đầu lòng sinh ra trong hang súc vật. ĐTC nói:

”Kinh thánh nói thật rõ ràng: không có chỗ cho họ trong nhà trọ. Chúng ta tưởng tượng xem thánh Giuse, với Mẹ Maria sắp sinh con, mà không có nhà, không có chỗ trọ. Con Thiên Chúa đã đi vào trần thế này như một người không có nhà ở. Chúng ta tưởng tượng những câu hỏi của thánh Giuse trong lúc ấy: Làm sao được? Con Thiên Chúa không có một mái nhà để sinh sống sao? Tại sao chúng ta không có nhà?..”

ĐTC nhận xét rằng những câu hỏi của thánh Giuse vẫn còn hiện nay, tháp tùng tất cả những người qua dòng lịch sử đã sống và đang ở trong tình trạng không có gia cư.

”Thánh Giuse là một người đã đặt những câu hỏi ấy, nhưng nhất là thánh nhân là một con người có đức tin. Chính đức tin đã giúp thánh Giuse tìm ra ánh sáng trong lúc ấy, dường như hoàn toàn đen tối; chính đức tin đã nâng đỡ thánh nhân trong những khó khăn của cuộc sống. Nhờ đức tin, thánh Giuse đã biết tiến bước khi tất cả dường như dừng lại.

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Chúng ta không tìm thấy một thứ biện minh xã hội, luân lý hoặc loại khác để chấp nhận sự thiếu nhà ở. Đó là những tình trạng bất công, nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa cũng đang chịu đau khổ vì tình trạng ấy với chúng ta, Ngài đang sống điều đó cạnh chúng ta.”

”Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không những muốn liên đới với mỗi người, nhưng còn muốn rằng không ai cảm thấy hoặc phải sống thiếu sự đồng hành, sự giúp đỡ của Ngài. Chính Chúa đã đồng hóa với tất cả những người đang chịu đau khổ, đang khóc, đang chịu những thứ bất công. Ngài nói rõ ràng với chúng ta: ”Ta đói và các con đã cho Ta ăn, Ta khát và các con đã cho Ta uống, Ta là khách ngụ cư, và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35).

”Chính đức tin nói với chúng ta rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, Chúa ở giữa chúng ta và sự hiện diện của Chúa thúc đẩy chúng ta thực hành bác ái. Lòng bác ái ấy nảy sinh từ tiếng gọi của một vị Thiên Chúa không ngừng gõ cửa chúng ta, cánh cửa của tất cả mọi người để mời gọi chúng ta thực thi lòng thương yêu, cảm thông, và hiến thân cho nhau”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn thân mến, một trong những cách thức hiệu nghiệm nhất chúng ta có để giúp tìm được Chúa, chúng ta tìm thấy trong kinh nguyện. Kinh nguyện liên kết chúng ta, thúc đẩy chúng ta hành động mau lẹ, mở rộng con tim chúng ta và nhắc cho chúng ta một chân lý thật đẹp mà nhiều khi chúng ta quên. Trong kinh nguyện, tất cả chúng ta học cách nói Lạy Cha, thưa Ba, và trong đó chúng ta thấy mình là anh chị em với nhau. Trong kinh nguyện không còn người giàu hay người nghèo, chỉ có những người con và anh chị em với nhau. Trong kinh nguyện không có người hạng nhất, hạng nhì nhưng chỉ có tình huynh đệ”.

Và ĐTC mời gọi mọi người cùng đọc kinh Lạy Cha, mỗi người trong ngôn ngữ của mình và ngài xin Chúa chúc lành và bảo vệ tất cả”.

 Sau bài huấn dụ, ĐTC đã rời nhà thờ để sang trung tâm bác ái bên cạnh của giáo phận Washington. Tại đây ngài làm phép nhà nguyện nhỏ và làm phép bữa ăn cho họ.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đức Thánh Cha phát biểu tại Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha phát biểu tại Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ

ĐTC gặp chủ tịch Hạ Nghi Viện

WASHINGTON. Trong bài phát biểu tại quốc hội Hoa kỳ sáng ngày 24-9-2015, ĐTC Phanxicô kêu gọi đương đầu với hình thức cực đoan, gia tăng sự cộng tác với nhau, chống nạn buôn bán võ khí, bài trừ nghèo đói và hỗ trợ gia đình.

Sáng thứ năm 24-9-2015, ĐTC đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Washington với sự tham dự của các cộng tác viên tại trụ sở này, trước khi đến Quốc hội Mỹ để viếng thăm từ lúc gần 9 giờ rưỡi.   Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng được mời lên tiếng tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ gồm 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ.

Đến nơi, ĐTC đã hội kiến riêng với Ông Joe Boehner, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Ông là một tín hữu Công Giáo dấn thân, liên tục được bầu làm đại biểu quốc hội thuộc đảng cộng hòa và từ 4 năm nay, ông làm chủ tịch Hạ viện Mỹ.

Hiện diện trong buổi đón tiếp ĐTC tại quốc hội lưỡng viện cũng có phó tổng thống Joe Biden, niên trưởng ngoại giao đoàn, ngoại trưởng, lãnh tụ phe đối lập cũng như các thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ.

ĐTC đã được các vị chủ tịch và đại biểu quốc hội tiếp đón long trọng và nồng nhiệt và mời ngài lên tiếng.

Diễn văn của ĐTC

Trong diễn văn bằng tiếng Anh tại quốc hội Mỹ, sau khi nhắc đến ơn gọi và sứ mạng cao quí của các nhà lập pháp, ĐTC cho biết qua cuộc gặp gỡ tại quốc hội này, ngài muốn đối thoại với toàn dân Hoa Kỳ, với bao nhiêu người dân đang cần cù làm việc, với những người già và người trẻ. Ngài đặc biệt nhắc đến 4 người Mỹ nổi tiếng: Abraham Lincoln, Martin Luther King, bà Dorothy Day và cha Thomas Merton, và rút ra từ cuộc sống và hoạt động của 4 nhân vật ấy những ý tưởng có thể hướng dẫn hoạt động của chúng ta ngày nay.

-- Trước tiên là Tổng thống Abraham Lincoln, năm nay là kỷ niệm 150 năm ông bị ám sát. Cố Tổng thống là người giữ gìn tự do, đã không ngừng làm việc để ”quốc gia này, với sự bảo vệ của Thiên Chúa, có thể có một nền tự do mới được nảy sinh”. Xây dựng một tương lai tự do đòi phải có lòng yêu mến công ích và sự cộng tác với một tinh thần phụ đới và liên đới”.

Tình trạng đáng lo âu của thế giới

ĐTC nhắc đến tình trạng đáng lo âu về xã hội và chính trị trên thế giới ngày nay, và nhận định rằng:

”Thế giới chúng ta ngày càng trở thành một nơi diễn ra các cuộc xung đột bạo lực, oán ghét và tàn bạo dữ tợn, người ta phạm chúng, thậm chí nhân danh các Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không một tôn giáo nào tránh thoát hết những hình thức lừa đảo cá nhân hoặc cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến mọi hình thức cực đoan, về mặt tôn giáo cũng như các loại khác. Cần có một sự quân bình tế nhị để bài trừ bạo lực người ta phạm nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hoặc một chế độ kinh tế, đồng thời bảo tồn tự do tôn giáo, tự do trí thực và các tự do cá nhân. Nhưng có một cám dỗ khác chúng ta phải đề phòng: đó là thái độ giản lược thái quá, chỉ thấy thiện hoặc ác, hoặc những người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới hiện nay, với những vết thương mở rộng, liên hệ tới bao nhiêu anh chị em chúng ta, đang đòi chúng ta phải đương đầu với mọi hình thức cực hóa, nó có thể chia thế giới thành 2 phe. Chúng ta biết rằng trong khi cố gắng giải thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Bắt chước oán thù và bạo lực của những kẻ bạo chúa và những kẻ sát nhân, đó là cách thức tốt nhất để chiếm chỗ của chúng. Đó là điều mà quí vị, trong tư cách là một dân tộc, từ khước không chấp nhận”.

Trái lại, câu trả lời của chúng ta phải là một câu trả lời hy vọng và chữa lành, hòa bình và công chính. Chúng ta được yêu cầu kêu gọi lòng can đảm và trí thông minh để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và địa lý chính trị ngày nay…

Canh tân tinh thần cộng tác

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng những thách đố mà chúng ta đang đương đầu ngày nay đòi phải canh tân tinh thần cộng tác, vốn đã mang lại bao nhiêu điều tốt lành trong lịch sử Hoa Kỳ. Sự phức tạp, trầm trọng và cấp thiết của những thách đố ấy đòi chúng ta phải sử dụng tài lực của chúng ta, và quyết định nâng đỡ nhau, trong niềm tôn trọng những khác biệt và những xác tín lương tâm của chúng ta”.

”Tại đất nước này, những tôn giáo khác nhau đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Điều quan trọng là ngày nay cũng như trong quá khứ, tiếng nói của tín ngưỡng phải được tiếp tục lắng nghe, vì đó là một tiếng nói huynh đệ và yêu thương, tìm cách làm nổi bật những gì tốt đẹp nhất trong mỗi người và trong mỗi xã hội. Sự cộng tác ấy là một nguồn lực mạnh mẽ trong trận chiến loại bỏ những hình thức mới của nạn nô lệ trên thế giới, nảy sinh từ những bất công mà ta chỉ có thể khắc phục nhờ những chính sách mới và những hình thức đồng thuận mới trong xã hội.”

Quảng đại với người di dân

ĐTC nhắc đến Mục sư Martin Luther King, cách đây 50 năm đã hướng dẫn chiến dịch đạt tới giấc mơ đầy đủ dân quyền và chính quyền cho người Mỹ gốc Phi châu. Ngài nói: ”Giấc mơ ấy tiếp tục gợi hứng cho chúng ta. Tôi vui mừng vì Nước Mỹ tiếp tục là đất ”mơ” cho nhiều người. Những giấc mơ dẫn đến hành động, tham gia, dấn thân. Những giấc mơ thức tỉnh những gì sâu thẳm nhất và chân thực nhất trong đời sống con người”.

Từ ý tưởng trên đây, ĐTC đề cập thảm trạng người di dân và tị nạn, một vấn đề lớn đối với thế giới và cả nước Mỹ. Ngài nói:

”Thế giới chúng ta ngày nay đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có kể từ sau thế chiến thứ 2. Thực tại này đặt chúng ta trước những thách đố lớn và những quyết định cam go. Cả tại đại lục này hàng ngàn người bị thúc đẩy tiến về phương bắc để tìm kiếm những cơ may tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng để mình bị kinh hãi vì con số của họ, nhưng hãy nhìn họ như những con người, nhìn khuôn mặt và lắng nghe lịch sử của họ, cố gắng làm những gì tốt đẹp có thể đáp ứng tìnht rạng cảu họ. Đáp lại một cách ngày càng nhân bản, công chính và huynh đệ hơn. Chúng ta phải tránh cám dỗ chung ngày nay, đó là gạt bỏ bất kỳ ai tỏ ra là người gây vấn đề. Chúng ta hãy nhớ khuôn vàng thước ngọc: 'Hãy làm cho tha nhân điều bạn muốn người khác làm cho bạn” (Mt 7,12).

Kêu gọi bãi bỏ án tử hình

Tiếp tục bài diễn văn trước quốc hội Mỹ, ĐTC đề cập đến vấn đề án tử hình và ngay từ đầu sứ vụ, ngài đã hỗ trợ trên nhiều bình diện sự bãi bỏ án tử hình trên thế giới. Ngài nói: ”Tôi xác tín đó là con đường tốt đẹp, xét vì mỗi sự sống là thánh tiên, mỗi người có phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội có thể được hưởng lợi nhờ sự phục hồi những người đã bị kết án vị tội ác”.

”Mới đây, các anh em GM của tôi ở Mỹ đã tái kêu gọi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi hỗ trợ các GM nhưng còn hỗ trợ tất cả những người xác tín hữu một sự trừng phảt chính đáng và cần thiết không bao giờ được tránh né chiều kích hy vọng và mục tiêu phục hồi”.

Quan tâm nâng đỡ người nghèo

-- Người Mỹ thứ 3 được ĐTC nhắc đến là Nữ tôi tớ Chúa Dorothy Day đã thành lập phong trào công nhân Công giáo. Sự dấn thân xã hội, lòng hay say của bà đối với công bằng và chính nghĩa của những người bị áp bức, đã lấy hứng từ Phúc Âm, từ niềm tin của bà và gương của các thánh.

Trong ý hướng đó, ĐTC khích lệ các đại biểu quốc hội Mỹ đừng quên tất cả những người nghèo quanh chúng ta. Ngài nói: ”Chúng ta cũng cần mang lại hy vọng cho họ. Cuộc chiến chống nghèo đói phải liên lỷ được thực thi trong nhiều mặt trận, nhất là nhắm giải quyết tận gốc rễ, những nguyên nhân gây ra nghèo đói. Tôi biết nhiều người Mỹ ngày nay cũng như trong quá khứ, đang làm việc để đương đầu với vấn đề này”.

ĐTC gợi đến điều ngài đã nói trong thông điệp ”Laudato sì”, là ”cần phải can đảm đối hướng đi, tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất do sự suy thoái môi trường, vì những hoạt động con người gây ra. Tôi xác tín rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt và tôi chắc chắn Hoa Kỳ, và quốc hội đây, có một vai trò quan trọng cần thi hành. Đây là lúc cần có những hoạt động can đảm và những chiến lược nhắm thực thi một nền văn hóa chăm sóc, một lối tiếp cận toàn diện để bài trừ nghèo đói, để trả lại phẩm giá cho những người bị gạt bỏ, và đồng thời chăm sóc thiên nhiên.”

Đối thoại và cộng tác

-- Sau cùng, ĐTC nói đến cha Thomas Merton dòng Xitô Trappist ở Mỹ tiếp tục là một nguồn hứng tinh thần và là một nhà hướng dẫn cho nhiều người. Cha là người cầu nguyện, một tư tưởng gia và đã mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và Giáo Hội. Cha cũng là người đối thoại và thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo.

Trong viễn tượng đó, ĐTC cổ võ các nhà chính trị hãy có can đảm đối thoại, để ý đến quyền lợi của mọi người, phục vụ đối thoại và hòa bình. Điều này cũng đòi chúng ta phải tự hỏi: tại sao những võ khí gây chết chóc được bán cho những kẻ đề ra kế hoạch gây những đau khổ khôn tả cho con người và xã hội. Rất tiếc là, như chúng ta biết, câu trả lời chỉ là tiền bạc, tiền bạc đẫm máu và thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng ô nhục và tội lỗi ấy, chúng ta có nhiệm vụ phải đương đầu với vấn đề này và chặn đứng nạn buôn bán võ khí”.

Sau cùng, ĐTC nhắc đến đại hội các gia đình Công Giáo và Philadelphia và kêu gọi quốc hội Mỹ luôn quan tâm, nâng đỡ gia đình. Tương lai của những người trẻ, các thành phần gia đình, cũng là tương lai của chúng ta.

ĐTC đã được vỗ tay rất nhiều lần trong bài diễn văn tại quốc hội.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Phong thánh Junipero Serra O.F.M

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Phong thánh Junipero Serra O.F.M

Lễ phong hiển thánh Junipero Serra

WASHINGTON. 25 ngàn người đã tham dự thánh lễ ĐTC chủ sự chiều ngày 23-9-2015 tại thủ đô Washington để tôn phong chân phước Junipero Serra, vị tông đồ miền California, lên bậc hiển thánh.

 Thánh lễ lúc quá 4 giờ chiều tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington, cách tòa Sứ thần hơn 7 cây số.

 Vương cung thánh đường này thật nguy nga, được khởi công xây cất từ năm 1920 để dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Vì cuộc khủng hoảng kinh tế, rồi chiến tranh, nên việc xây cất thánh đường bị ngưng lại trong 34 năm trời, và chỉ được mở lại từ Năm Thánh Mẫu 1954, rồi được khánh thành 5 năm sau đó, ngày 20-11 năm 1959. Thánh đường này lớn nhất tại Mỹ, và thuộc vào số 10 nhà thờ lớn nhất thế giới, dài 140 mét, rộng 73 mét, và chiều cao của tháp là 100 mét. Mỗi năm có 1 triệu người kính viếng, được xây theo kiểu Byzantine-Roman, trong đó có 70 nguyện đường, đặc biệt cũng có một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Lavang của Việt Nam. Khi đến đây, ĐTC đã vào bên trong thánh đường để kính viếng và chào thăm 4 ngàn chủng sinh, nữ tu và một số tín hữu tại đây.

Lễ Phong thánh do ĐTC cử hành bắt đầu lúc 4 giờ 15 phút chiều giờ địa phương, cùng với 350 GM Hoa Kỳ và đông đảo các LM. 25 ngàn tín hữu được vé tham dự, đã hiện diện trong thánh lễ ngoài trời trước Vương cung Thánh đường, trong đó có phó tổng thống Joe Biden, một tín hữu Công Giáo. Đây là lễ phong hiển thánh đầu tiên được cử hành tại Hoa Kỳ.

Nghi thức tôn phong diễn ra vào đầu thánh lễ với phần đọc vắn tắt tiểu sử thánh Junipero Serra do vị thỉnh nguyện viên tuyên đọc.

 Tiểu sử cha Junipero Serra

Cha Junipero Serra sinh cách đây hơn 300 năm, ngày 24-11 năm 1713 tại đảo Majorca bên Tây Ban Nha, gia nhập dòng Phanxicô năm lên 17 tuổi (1730), làm giáo sư triết học trước khi thụ phong linh mục. Sau đó ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học Lullian ở Palma, sang Mêhicô hoạt động truyền giáo ở San Fernando, Mêhicô năm 1749 khi được 36 tuổi. Cha rất hăng say hoạt động truyền giáo, nhiều lần làm bề trên ở các cứ điểm truyền giáo của dòng ở Mexico trong 8 năm trời trong một vùng cách thủ đô Mêhicô khoảng 160 cây số về hướng bắc, gọi là Sierra Gorda, nơi các thổ dân Pame. Sau đó ngài hoạt động trong 8 năm trời nữa tại trụ sở của các cha dòng Phanxicô ở thủ đô Mexico.

Sau khi các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi vùng Tân Tây Ban Nha, năm 1767, Cha Serra được bổ nhiệm làm bề trên một nhóm 15 tu sĩ Phanxicô đến truyền giáo cho các thổ dân ở miền hạ California. Khoảng 2 năm sau đó, cha tiến về miền thượng California. Cha lần lượt thành lập 21 cứ điểm truyền giáo cho các thổ dân, nhiều người trở lại đạo.

Ngoài lòng can đảm ngoại thường, cha Serra còn nội bật về lòng nhiệt thành, hãm mình và từ bỏ, tuyệt đối tín thác nơi Chúa.

Trong 3 năm cuối đời, cha Serra còn viếng thăm các cứ điểm truyền giáo từ San Diego đến San Francisco, du hành hơn 900 cây số để ban phép thêm sức cho những tín hữu đã được rửa tội. Cha chịu đau khổ rất nhiều vì tình trạng sức khỏe suy yếu, chịu đựng những đau đớn mà không dùng thuốc giảm nào. Cha ban phép thêm sức cho 5.309 người, phần lớn là các thổ dân trở lại.

Ngày 28-8 năm 1784, cha Serra qua đời lúc 70 tuổi vì bị rắn cắn tại cứ điểm truyền giáo Carmel, và cha được an táng dưới nền nhà thờ.

Cũng như khi cha Serra được phong chân phước cách đây 27 năm, ngày 25-9 năm 1988, trong dịp phong hiển thánh cho cha Serra cũng có những người lên tiếng phê bình vì cho rằng ngài đã đàn áp, ngược đãi các thổ dân ở miền California và xóa bỏ văn hóa của họ. Thậm chí có người cáo buộc cha về tội diệt chủng, làm cho con số thổ dân bị giảm sút. Nhưng Tòa Thánh bấy giờ, cũng như ĐTC Phanxicô và nhiều vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bác bỏ những lời phê bình ấy và đề cao sự quan tâm giúp đỡ của Cha Junipero Serra dành cho các thổ dân bản xứ, đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta không thể phán đoán mọi hành động trong thời kỳ ấy theo cách thức chúng ta suy nghĩ ngày nay. Thật là khó phán đoán con người và các biến cố quá khắ theo các tiêu chuẩn và qui tắc văn hóa ngày nay. Đó là một thực tại khác.

Sau kinh cầu các thánh, ĐTC đã đọc công thức phong thánh: ngài lấy quyền tông đồ truyền ghi tên cha Junipero Serra vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội. Rồi hài cốt của vị thánh mới được rước lên đặt gần bàn thờ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đi từ lời nhắn nhủ của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi các tín hữu thành Philiphê (4,4): ”Anh em hãy luôn vui mừng trong Chúa, tôi lập lại, anh em hãy luôn vui mừng”, và ngài mời gọi các tín hữu hãy vui mừng dấn thân loan báo Tin Vui cứu độ, không chấp nhận để thái độ cam chịu hướng dẫn cuộc sống, nhưng thực hiện các hoạt động truyền giáo, chia sẻ tình yêu thương và tỏ lòng từ bi đối với tha nhân, nhất với những người nghèo khổ nhất, như thánh Junipero Serra đã sống và đã làm. ĐTC đặt câu hỏi:

 ”Chúng ta không muốn để thái độ cam chịu làm động cơ cho đời sống chúng ta, có phải không? Chúng ta không muốn để tập quán chiếm hữu những ngày đời của chúng ta hay không? Vì thế chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để con tim chúng ta không bị tê liệt? Làm thế nào đào sâu niềm vui của Tin Mừng trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống chúng ta?

Chúa Giêsu đã nói điều ấy với các môn đệ bấy giờ và Chúa còn nói với chúng ta ngày nay: Hãy con hãy ra đi! Hãy loan báo! Chúng ta chỉ cảm nghiệm niềm vui Tin Mừng, nhận biết và sống bằng cách cho đi, hiến thân mình.

Tinh thần thế gian này mời gọi chúng ta xu thời, thoải mái, tiện nghi. Đứng trước tinh thần phàm nhân như thế, ”cần tái cảm thấy cần nhau, có trách nhiệm đối với nhau và thế giới” (Laudato sì 229). Trách nhiệm loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu. Vì nguồn vui của chúng ta hệ tại ước muốn khôn cùng trao tặng lòng thương xót, thành quả của sự cảm nghiệm lòng từ bi vô biên của Chúa Cha và sức mạnh lan tràn của lòng từ bi này” (Ev. gaudium 24). .. Ngày hôm nay Chúa mời gọi chúng ta và nói với chúng ta:

Niềm vui mà Kitô hữu cảm nghiệm trong việc truyền giáo: Các con hãy đi tới các dân tộc của mọi quốc gia:

Niềm vui mà Kitô hữu tìm thấy trong một lời mời gọi: Các con hãy đi và loan báo.

Niềm vui mà Kitô canh tân và thực hiện với một lời kêu gọi: các con hãy ra đi và xức dầu.

ĐTC cũng nhấn mạnh sự kiện Chúa Giêsu đón nhận mọi cuộc sống, bất luận những người ngài gặp ở trong hoàn cảnh nào: đau khổ, đói, bệnh tật, tội lỗi, với những khuôn mặt mang thương thức, khát, mệt, với những khuôn mặt hồ nghi và đáng thương. Thay vì chờ đợi một cuộc sống được đánh bóng, trang điểm, Ngài đón nhận cuộc sống ấy như Ngài gặp. Dù đó là một cuộc sống nhiều khi đã bị hư hỏng, nhơ bẩn, tàn lụi.. Với tất cả Chúa Giêsu đã nói: Các con hãy đi và loan báo..

ĐTC nhận xét rằng chúng ta là con cái sự can đảm truyền giáo của bao nhiêu người, thay vì muốn khép mình trong các cơ cấu mang lại một sự bảo vệ giả tạo, trong những tập quán qua đó chúng ta cảm thấy yên hàn, trong khi ở ngoài có nhiều người đói khát (Ev. gaud. 49). Chúng ta mắc nợ một truyền thống, một chuỗi các chứng nhân đã làm cho Tin Mừng tiếp tục được truyền đi từ đời này sang đời kia, Mới Mẻ và Tốt Lành.

Nhắc đến lễ Phong thánh, ĐTC nói:  ”Và hôm nay, chúng ta nhớ đến một trong những chứng nhân ấy, đã biết làm chứng tại phần đất này niềm vui Tin Mừng: đó là cha Junipero Serra. Cha đã biết sống thế nào là ”Giáo Hội đi ra”, Giáo Hội này biết ra ngoài và đi trên các nẻo đường, để chia sẻ sự dịu dàng hòa giải của Thiên Chúa. Cha đã biết bỏ quê hương, phong tục của mình, đã có can đảm mở ra những con đường, đã biết đi gặp bao nhiêu người, học cách tôn trọng phong tục và đặc tính của họ.

Cha đã học cách sinh ra và tháp tùng sự sống của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những người cha gặp, làm cho họ trở thành anh em. Cha Junipero đã tìm cách bênh vực phẩm giá của cộng đồng bản xứ, bảo vệ họ khỏi những người lạm dụng. Những lạm dụng ngày nay tiếp tục tạo ra bất mãn, nhất là vì đau khổ mà nó gây ra trong cuộc sống của bao nhiêu người.

 Cha Junipero đã chọn một khẩu hiệu soi sáng bước đi và hình thành cuộc sống của cha: biết nói, nhưng đặc biệt là biết sống bằng cách nói: ”Luôn luôn tiến về đằng trước”. Đó là cách thức cha Junipero đã tìm ra để sống niềm vui Phúc Âm, để con tim của mình không bị gây mê. Đó là một sự luôn luôn tiến bước vì Chúa đang chờ đợi; luôn tiến bước vì anh em đang đợi chờ; luôn luôn tiến bức vì tất cả những gì còn lại phải sống.. Vì thế, như cha Junipero, ngày hôm nay chúng ta cũng có thể nói: luôn luôn tiến bước”.

Trong số 6 ý nguyện được xướng lên trong phần Lời nguyện giáo dân cũng có một ý nguyện bằng tiếng Việt.

Thánh lễ kết thúc lúc 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Trước khi rời khu vực hành lễ, ĐTC còn đặc biệt chào thăm 20 đại diện của các cộng đoàn thổ dân bản xứ thuộc miền Calafornia, nơi thánh Junipero Serra đã truyền đạo. Họ mặc y phục cổ truyền của mỗi bộ tộc và đã tham dự thánh lễ trước đó. Rồi ngài đến Đại chủng viện Thánh Gioan Phaolô 2 chỉ cách đó 600 mét để chào thăm và khích lệ, chụp hình lưu niệm với 47 đại chủng sinh đang được huấn luyện tại đây. Ngài cũng khánh thành một bia kỷ niệm cuộc viếng thăm và ký tên vào sổ vàng.

 G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha gặp gỡ Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ

ĐTC gặp gỡ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

WASHINGTON. Trong cuộc gặp gỡ các GM Hoa Kỳ trưa ngày 23-9-2015 tại Washington, ĐTC Phanxicô kêu gọi các vị thăng tiến tình hiệp thông, nền văn hóa đối thoại gặp gỡ, tiếp tục giúp đỡ người di dân.

Ngày 23-9, sau khi hội kiến với Tổng thống Barak Obama ở tòa bạch cung, ĐTC đã đến Nhà thờ chính tòa thánh Mathêu của tổng giáo phận thủ đô để gặp gỡ các GM Hoa Kỳ. HĐGM nước này đông thứ hai trên thế giới sau Italia và có 457 GM, kể cả các vị về hưu.   Nhà thờ Thánh Mathêu có 175 năm lịch sử, nhưng có hình thức như hiện nay từ hơn 102 năm nay (1913). ĐTC Gioan Phaolô 2 đã từng cử hành thánh lễ tại đây hồi năm 1979 trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Hoa Kỳ.

Dọc theo đại lộ dài 1 cây số từ tòa bạch cung tới Nhà thờ thánh Mathêu, có hàng ngàn người đứng hai bên đường để chào mừng ĐTC khi ngài đi qua. Đến nơi vào lúc 11 giờ rưỡi, ngài đã được cha quản đốc thánh đường hướng dẫn đến nhà nguyện viếng Mình Thánh Chúa và buổi gặp gỡ của ngài với khoảng 350 GM, đang coi sóc 196 giáo phận tại Mỹ với 71 triệu tín hữu Công Giáo, diễn ra dưới hình thức kinh giờ trưa bằng tiếng la tinh và tiếng Anh.

Kết thúc giờ kinh, ĐHY Donald Wuerl, TGM sở tại và Đức Cha Chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ Joseph Kurtz, TGM giáo phận Louisville, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Huấn dụ của ĐTC

Đầu bài bài huấn dụ dài bằng tiếng Ý tiếp đó, ĐTC đã ngỏ lời chúc mừng cộng đồng Do thái nhân dịp lễ Yom Kippur, là Ngày Thống Hối, với chay tịnh và cầu nguyện là lễ trọng nhất trong năm của Do thái giáo. Ngài cầu chúc các tín hữu Do thái tiếp tục tiến bước trên con đường thánh thiện như lời mời gọi của Thiên Chúa: ”Các con hãy nên thánh vì Ta là Đấng Thánh”.

Tiếp đến ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì sức sinh động của Tin Mừng đã làm cho Giáo Hội của Chúa Kitô tại đất nước Mỹ này được tăng trưởng đáng kể, sự góp phần quảng đại mà Giáo Hội tại đây đã và còn tiếp tục cống hiến cho xã hội Hoa Kỳ và thế giới. Ngài nói:

”Tôi nhiệt liệt đánh giá cao và cảm động cám ơn vì lòng quảng đại và liên đới của anh em đối với Tòa Thánh và với công trình loan báo Tin Mừng tại bao nhiêu miền đang chịu đau khổ trên thế giới. Tôi vui mừng vì sự dấn thân kiên quyết của Giáo Hội anh em cho chính nghĩa sự sống và gia đình, một lý do chính trong cuộc viếng thăm này của tôi. Tôi chú ý theo dõi nỗ lực rất lớn tiếp đón và hội nhập những người nhập cư, họ tiếp tục nhìn Hoa Kỳ với cái nhìn của những người lữ hành đến đây để tìm kiếm những nguồn mạch đầy hứa hẹn về tự do và sung túc. Tôi ngưỡng mộ công việc của anh em trong sứ mạng giáo dục trong các học đường các cấp và hoạt động bác ái trong niều tổ chức cảu anh em….

ĐTC ám chỉ đến ảnh hưởng những vết thương do nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên gần đây và ngài tháp tùng quyết tâm quảng đại của Giáo Hội Mỹ trong việc chữa trị cho các nạn nhân, với ý thức rằng khi chữa trị, chúng tôi luôn luôn được chữa lành, và để tiếp tục hoạt động để những tội ác ấy không bao giờ tái diễn nữa.

ĐTC cho biết ngài không muốn đến đây để phán xét hay để đưa ra những bài học. Ngài chỉ muốn khích lệ các GM như những mục tử do Thiên Chúa thiết định để chăm sóc đoàn chiên của Chúa.

Rồi ngài lần lượt đề cao tầm quan trọng của việc siêng năng cầu nguyện và giảng dạy, tránh những cám dỗ khép kín mình trong vòng đai sợ hãi, tiếc nuối cũng thời gian không trở lại được; tích cực cổ võ nền văn hóa gặp gỡ, thăng tiến đối thoại với nhau, với các linh mục thuộc quyền, với giáo dân, các gia đình và xã hội; cần để cho tâm hồn mình vang vọng Lời Chúa: ”Các con hãy mang lấy ách của Thầy và học cùng Thầy, là người hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các con sẽ tìm được bổ dưỡng cho tâm hồn các con” (Mt 11,28-30). Ách của Chúa Giêsu là ách tình thương và vì thế là bảo đảm sự bồi dưỡng.

Cổ võ tình hiệp thông

ĐTC nhấn mạnh một điểm thiết yếu trong sứ mạng của GM là cống hiến cho Nước Mỹ chất men khiêm hạ nhưng mạnh mẽ về sự hiệp thông. ”Ước gì nhân loại biết rằng Giáo Hội là một bí tích hiệp nhất (LG 1), là bảo đảm cho vận mạng của nhân loại không bị bỏ rơi và tan rã.”

Ngài nói: ”Chứng tá ấy là một ngọn đèn pha không thể tắt lịm. Thực vậy, trong đêm đen dầy đặc của cuộc sống, con người cần để cho mình được ảnh sáng hướng dẫn, để chắc chắn về hải cảng đang chờ đợi mình, chắc chắn rằng những con thuyền của họ không đâm vào đá tảng và cũng không bị sóng gió vùi dập. Vì thế, tôi khuyến khích anh em hãy đương đầu với những thách đố của thời đại ngày nay. Xét cho cùng trong mỗi thách đố ấy luôn có sự sống như một hồng ân và trách nhiệm. Tương lai tự do và phẩm giá xã hội chúng ta tùy thuộc cách thức chúng ta biết đáp lại các thách đố ấy.

”Các nạn nhân vô tội của nạn phá thai, các trẻ em chết vì đói hoặc dưới bom nạn, những người di dân bị chết đuối trong khi đi tìm một tương lai, những người già hoặc bệnh nhân người ta muốn loại bỏ, các nạn nhân của nạn khủng bố, chiến tranh, bạo lực và nạn buôn bán ma túy, môi trường bị tàn phá vì con người bóc lột tàn phá thiên nhiên, trong tất cả những điều ấy luôn có liên quan đến hồng ân của thiên Chúa, mà chúng ta là những người quản lý cao thượng, nhưng không phải là chủ nhân. Vì thế không được phép tránh nè những vấn đề ấy, hoặc ém nhẹm chúng. Một điều không kém phần quan trọng là sự loan báo Tin Mừng gia đình, mà trong cuộc gặp gỡ các gia đình thế giới ở Philadelphia, tôi sẽ có dịp vùng với anh em và toàn Giáo Hội mạnh mẽ công bố.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Trước khi kết thúc những suy tư này, xin anh em cho phép tôi đưa ra 2 điều dặn dò mà tôi hằng quan tâm:

-- Lời dặn dò thứ nhất liên quan đến tình phụ tử GM của anh em. Anh em hãy là những vị chủ chăn gần dân, những vị mục tử gần gũi và phục vụ. Sự gần gũi này cần được biểu lộ đặc biệt với các linh mục của anh em. Hãy tháp tùng họ để họ tiếp tục phục vụ Chúa Kitô với tâm hồn không chia sẻ, vì chỉ có sự sung mãn làm thỏa mãn các thừa tác viên của Chúa Kitô Vì thế, tôi xin anh em đừng để các LM hài lòng nửa chừng. Hãy chăm sóc các nguồn mạch thiêng liêng của họ để họ không rơi vào cám dỗ trở thành những công chức bàn giấy, nhưng là biểu hiện tình mẫu tử của Giáo Hội sinh sản và nuôi dưỡng con cái mình. Hãy cảnh giác để họ không mệt mỏi trong việc đứng dậy để trả lời cho ai gõ cửa ban đêm, khi họ nghĩ rằng mình có quyền nghỉ ngơi (Xc Lc 11,5-8). Hãy huấn luyện họ để họ sẵn sàng dừng lại, cúi mình, đổ dầu thơm, vác lên và chi phí cho người ”tình cờ” bị bóc lột khỏi những gì tưởng là sở hữu (Xc Lc 10,29-37)

-- Lời dặn dò thứ hai của tôi nói về những người nhập cư. Tôi xin lỗi nếu một cách nào đó tôi nói như thể đây là ”chính nghĩa của tôi”. Như một số ít những người khác, Giáo Hội Hoa Kỳ biết rõ niềm hy vọng nơi tâm hồn những người di dân. Từ lâu anh em đã học ngôn ngữ của họ, nâng đỡ chính nghĩa của họ, đón nhận sự đóng góp của họ, bênh vực các quyền của họ, cổ võ sự tìm kiếm của họ mong được phong phú, bảo tồn ngọn lửa đức tin của họ.

”Cho dù hiện thời không có tổ chức nào ở Mỹ làm cho các người di dân hơn các cộng đoàn của anh em. Giờ đây anh em có làn sóng dài di dân từ Mỹ châu la tinh trong các giáo phận của anh em. Không những với tư cách là GM Roma, nhưng còn với tư cách là một mục tử đến từ miền nam, tôi cảm thấy cần cám ơn và khích lệ anh em. Có lẽ anh em không dễ đọc tâm hồn của họ; có lẽ đối với anh em không dễ đọc tâm hồn của họ; có lẽ anh em bị thử thách vì sự khác biệt của họ. Nhưng anh em hãy biết rằng có cũng có những tài nguyên để chia sẻ, Vì thế, anh em hãy đón tiếp họ đừng sợ hãi. Hãy trao tặng họ sự nồng ấm của tình yêu Chúa Kitô và khám phá mầu nhiệm trong tâm hồn họ. Tôi chắc chắn rằng, một lần nữa, những người ấy sẽ làm cho Nước Mũ và Giáo Hội tại đây được phong phú.

Sau bài huấn dụ và phép lành kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC còn làm phép các mề-đai kỷ niệm cuộc viếng thăm của ngài và chào thăm các HY, các GM trong ban thường vụ và một số vị trong HĐGM Mỹ. Trong dịp này, các GM đã tặng ĐTC một số bức tranh và một ngân khoản để hỗ trợ các công tác bác ái của ngài, trợ giúp người nghèo.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Ngày cuối cùng của ĐTC tại Cuba và ngày đầu tiên trên đất Mỹ

Ngày cuối cùng của ĐTC tại Cuba và ngày đầu tiên trên đất Mỹ

Tổng thống Barack Obama nói chuyện với ĐTC trong lễ nghi tiếp đón tại khuôn viên Tòa Bạch Ốc

MỤC: THEO GÓT (TG765)

Tường thuật sinh hoạt cuối cùng của ĐTC tại Cuba và lễ nghi tiếp đón ĐTC tại Washington DC.

Như chúng tôi đã loan báo trong các buổi phát hôm qua, trong ngày 22 tháng 9 sau thánh lễ cử hành lúc 8 giờ sáng tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, ĐTC đã đi xe đến nhà thờ chính tòa cách đền thánh 19 cây số để gặp gỡ các gia đình. Buổi gặp gỡ đã diễn ra trong hình thức một buổi cử hành Lời Chúa.

ĐTC đã vào nhà thờ chính tòa qua cửa sau và đi thẳng đến bàn thờ. Sau lời chào của ĐTGM Garcia Ibánhez là chứng từ của một gia đình Cuba. Giảng sau Phúc Âm kể lại phép lạ hóa nước thành rượu ngon tại tiệc cưới làng Cana, ĐTC đã khích lệ mọi người  săn sóc, che chở gia đình và đồng hành với nó. Vì gia đình không phải là một vấn đề, nhưng là một cơ may, một phước lành cho từng người, cho xã hội và cho toàn nhân loại.

Sau khi cám ơn các gia đình và toàn dân Cuba vì sự tiếp đón chân tình và nồng nhiệt, khiến cho ngài cảm thấy được sống trong bầu khí gia đình ấm cúng như ở nhà trong suốt mấy ngày viếng thăm Cuba, ĐTC quảng diễn ý nghĩa sự hiện diện của Chúa Giêsu tại tiệc cưới làng Cana. Ngài nói: Các lễ cưới là những thời điểm đặc biệt trong cuộc sống của nhiều người. Đối với những người cao niên hơn, ông bà cha me, thì đó là một dịp để gặt hái kết qủa việc gieo vãi. Nó trao ban niềm vui cho tâm hồn, khi trông thấy con cái lớn lên và có thể thành lập gia đình riêng. Nó là cơ may trông thấy trong một lúc tất cả những gì người ta đã tranh đấu và nó đáng công. Đồng hành với con cái, nâng đỡ chúng, khích lệ chúng, để chúng có thể quyết định xây dựng cuộc sống của chúng, thành lập gia đình, là một nhiệm vụ cao cả của các bậc cha mẹ. Rồi tới lượt họ, các đôi vợ chồng trẻ này sống trong niềm vui. Tất cả tương lai bắt đầu. Và tất cả có “mùi vị” của ngôi nhà mới, của niềm hy vọng. Trong các đám cưới luôn luôn gặp gỡ nhau quá khứ mà chúng lãnh nhận như gia tài và tương lai chờ đón chúng ta. Luôn luôn mở ra cơ may cám ơn vì tất cả những gì đã cho phép chúng ta đạt tới ngày nay với chính tình yêu mà chúng ta đã nhận lãnh.

Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài trong một đám cưói, trong một gia đình

Và Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài trong một đám cưới. Ngài tự tháp nhập vào lịch sử này của việc gieo vãi và gặt hái, của các giấc mơ và tìm tòi, của các cố gắng và dấn thân, của các công việc mệt nhọc đã cầy xới đất đai để sinh hoa kết quả. ĐTC giải thích thêm như sau:

Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai của Ngài bên trong một gia đình, bên trong một cộng đoàn gia đình. Chính trong lòng các gia đình của chúng ta mà Ngài tiếp tục tự tháp nhập vào, tiếp tục là thành phần. Ngài thích ở trong gia đình.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : Thật là hay, khi quan sát thấy Chúa Giêsu cũng tự biểu lộ trong các bữa ăn chiều. Ăn với nhiều người khác nhau, viếng thăm các nhà khác nhau, đối với Chúa Giêsu, đã là một nơi đặc biệt ưa thích để làm cho người ta hiểu biết  chương trình của Thiên  Chúa. Ngài đến nhà các bạn hữu – Marta và Maria – nhưng không lựa chọn, không quan trọng đối với Ngài nếu có các người biệt phái hay người tội lỗi, như ông Dakêu. Ngài không chỉ hành động như thế, nhưng khi gửi các môn đệ đi loan báo tin vui Nước Thiên Chúa, Ngài nói với các vị : « Các con hãy ở lại trong nhà đó, ăn uống những gì họ có » (Lc 10,7). Các đám cưới, các cuộc thăm viếng các gia đình, các bữa ăn chiều, cái gì đặc biệt trong các thời điểm này của cuộc sống con người, bởi vì Chúa Giêsu ưa thích tự biểu lộ trong đó.

Tôi nhớ trong giáo phận trưóc của tôi có nhiều gia đình giải thích cho tôi rằng thời điểm duy nhất họ có để sống với nhau thường là bữa ăn chiều, khi họ đi làm việc về, và các trẻ em làm bài tập ở trường xong. Đó đã là một lúc đặc biệt của cuộc sống gia đình. Người ta bình luận ngày sống, điều mỗi người đã làm, người ta dọn dẹp nhà cửa, quần áo, tổ chức các việc làm chính cho các ngày tiếp theo, con nít cãi nhau… đó là thời điểm. Đó là các thời điểm, trong đó một người đi làm việc về, cả mệt nhọc nữa, và có vài cãi vã, tranh luận, xảy ra vài cãi vã giữa vợ chồng, nhưng không có gì phải sợ. Tôi sợ những cặp vợ chồng nói với tôi rằng họ không bao giờ cãi nhau hay tranh luận với nhau: hiếm, hiếm lắm. Nhưng Chúa Giêsu lựa chọn các lúc ấy để chỉ cho chúng ta thấy tình yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu lựa chọn các khoảng không đó để bước vào trong các nhà và giúp chúng ta khám phá ra Thần Khí sống và hành động trong các nhà và trong các sự việc thường ngày của chúng ta. Chính trong nhà mà chúng ta học sống tình huynh đệ, chúng ta học sống tình liên đới, chúng ta học không độc tài. Chính trong nhà mà chúng ta học tiếp đón và đánh giá cao cuộc sống như một phước lành, và mỗi người cần các người khác để tiến tới. Chính trong nhà mà chúng ta sống kinh nghiệm sự tha thứ, và chúng ta đuợc mời gọi tha thứ liên tục, để cho mình được biến đổi. Thật là hay, khi thấy trong nhà không có chỗ cho các « mặt nạ », chúng ta là điều chúng ta là, và trong một cách này hay cách khác, chúng ta được mời gọi tìm điều tốt đẹp nhất cho các người khác.

Gia đình là giáo hội tại gia

Chính vì thế cộng đoàn kitô gọi các gia đình là các giáo hội tại gia, bởi vì chính trong hơi ấm của nhà mà đức tin thấm nhập mọi góc cạnh cuộc sống, soi sáng mọi không gian, xây dựng cộng đoàn. Vì chính trong các thời điểm như thế con người đã bắt đầu khám phá ra tình yêu thương cụ thể và hoạt động của Thiên Chúa.

ĐTC nói thêm trong bài giảng thánh lễ tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng : Trong nhiều nền văn hóa ngày nay, các khoảng không đó đang biến mất, các thời điểm gia đình đó đang biến mất, từ từ tất cả hướng tới chỗ tách rời nhau, tự cô lập, thưa dần đi các thời điểm chung, để hiệp nhất với nhau, để ở trong gia đình. Và như thế người ta không biết chờ đợi, không biết xin phép, không biết xin lỗi, không biết cám ơn nữa, bởi vì nhà trở nên trống rỗng, không phải trống rỗng người, nhưng trống rỗng các tương quan, trống rỗng các tiếp xúc nhân bản, trống rỗng các cuộc gặp gỡ, giữa cha mẹ ông bà, cháu chắt, anh em… Cách đây ít lâu có một người làm việc với tôi kể rằng vợ ông và các con đi nghỉ hè và ông ở nhà một mình, vì ông phải làm việc trong các ngày đó. Ngày đầu tiên nhà vắng lặng « bình an », ông hạnh phúc vì không có gì vô trật tự. Ngày thứ ba khi tôi hỏi ông ra sao, thì ông trả lời : « Con muốn tất cả họ trở về ». Ông cảm nhận rằng không thể sống mà không có vợ con. Và đây là diều đẹp, đẹp. ĐTC quảng diễn thêm sự cần thiết của gia đình trong cuộc sống chúng ta như sau :

Không có  gia đình, không có hơi ấm của nhà, cuộc sống trở thành trống rỗng, bắt đầu thiếu các mạng lưới nâng đỡ chúng ta trong các khó khăn, các mạng lưới dưỡng nuôi chúng ta trong cuộc sống thường ngày và động viên cuộc chiến đấu cho thịnh vượng. Gia đình cứu chúng ta khỏi hai hiện tượng, hai điều xảy ra ngày nay: sự gẫy vụn, nghĩa là sự chia rẽ, và đám đông hoá. Trong cả hai trường hợp con người biến thành các cá nhân cô lập, dễ bị lèo lái và cai trị. Và khi đó chúng ta tìm thấy trong thế giới xã hội các chia rẽ, các đổ vỡ, các chia ly hay việc đám đông hóa cao độ, là các hậu quả của sự đổ bể của các mối dây gia đình; khi mất đi các tương quan khiến cho chúng ta trở thành con người, dậy chúng ta là người. Và như thế một người quên nói: cha, má, con trai, con gái, ông nội, bà ngoại… như thế nào. Người ta mất ký ức về các liên lạc này là nền tảng cuộc sống. Chúng là nên tảng tên gọi mà chúng ta có.

Gia đình là trường dậy tính nhân bản, trường dậy lưu tâm tới các nhu cầu của tha nhân, chú ý tới cuộc sống của người khác. Khi chúng ta sống tốt trong gia đình, các ích kỷ nhỏ -- chúng có, bởi tất cả chúng ta đều ít nhiều ích kỷ -- nhưng khi người ta không sống một cuộc sống gia đình, thì sinh ra những người, mà chúng ta có thể định nghĩa như thế này: “tôi chủ từ, tôi trợ động từ, tôi trạng từ, với tôi, cho tôi” hoàn toàn tập trung nơi chính mình, không biết tới tình liên đới, huynh đệ, công việc chung, tình yêu thương, việc thảo luận với các anh chị em khác. Họ không biết tới những điều đó. Tuy có nhiều khó khăn gây đau buồn cho các gia đình của chúng ta trên thế giới ngày nay, nhưng chúng ta làm ơn đừng quên điều này, và ĐTC gióng lên lời kêu gọi sau đây:

Các gia đình không phải là một vấn đề nhưng là một cơ may và là một phước lành

Các gia đình không phải là một vấn đề, nhưng trước hết chúng là một cơ may. Một cơ may mà chúng ta phải săn sóc, che chở và đồng hành. Đây là một kiểu để nói rằng các gia đình là một phước lành. Khi bạn bắt đầu sống gia đình như là một vấn đề, thì bạn mỏi mệt, không bước đi nữa, bởi vì bạn hoàn toàn tập trung nơi chính bạn.

Ngày này người ta thảo luận nhiều về tương lai, về thế giới nào chúng ta muốn để lại cho con cháu chúng ta, về xã hội nào chúng ta muốn cho chúng. Tôi tin rằng có thể tìm ra một trong những câu trả lời, khi nhìn gia đình đã chia sẻ chứng từ với chúng ta, từng người trong chúng ta: chúng ta muốn dể lại một thế giới của các gia đình. Đó là gia tài tốt đẹp nhất: chúng ta để lại một thế giới của gia đình. Chắc chắn là không có gia đình nào hoàn hảo cả, không có các đôi vợ chống hoàn hảo, cha mẹ hoàn hảo, cũng không có các con cái hoàn hảo, và nếu không gây xúc phạm,  thì tôi cũng nói không có các mẹ chồng, mẹ vợ nào hoàn hảo cả. Không có. Không có. Nhưng điều này không ngăn cản  có một câu trả lời cho ngày mai. Thiên  Chúa kích thích  yêu thương, và tình yêu thì luôn luôn dấn thân với các người mình yêu. Chính vì vậy chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các trường học đích thật của ngày mai. Chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các khoảng không của tự do. Chúng ta hãy săn sóc các gia đình của chúng ta, là các trung tâm nhân bản thực sự.

ĐTC chúc lành cho tất cả các bà mẹ đang mang thai

Tiếp tục bài giảng ĐTC đã đưa ra một đề nghị mục vụ rất dễ thương. Ngài nói: Tới đây tôi nghĩ tới một hình ảnh trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư hàng tuần, khi tôi đi chào tín hữu, có biết bao nhiêu bà mẹ mang thai giơ bụng cho tôi và nói: “Cha ơi, cha có chúc lành cho con con không?” Bây giờ tôi xin đề nghị một điều với tất cả các phụ nữ “mang thai của hy vọng”, bời vì một đứa con là một niềm hy vọng: xin các chị em ấy trong lúc này đây hãy giơ tay sờ bụng mình. Ở đây nếu có ai, thì hãy làm như thế. Hay các phụ nữ có thai đang theo dõi qua đài phát thanh hay truyền hình xin cũng hãy làm như vậy. Và tôi, tôi ban phép lành  cho từng bà mẹ, cho từng đứa con trai con gái đang chờ đợi trong bụng mẹ. Như thế xin mỗi phụ nữ mang thai hãy giơ tay sờ vào bụng mình, và tôi ban phúc lành nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và tôi cầu chúc cháu sinh ra, xinh đẹp và khoẻ mạnh, lớn tốt, và chị em có thể nuôi đạy cháu. Chị em hãy vuốt ve đứa con đang chờ đợi.

Bí tích Thánh Thể là bữa ăn chiều của gia đình Chúa Giêsu là Giáo Hội

ĐTC nói thêm trong bài giảng: Tôi không muốn kết thúc mà không nhắc tới Bí Tích Thánh Thể. Anh chị em đã nhận thấy rằng Chúa Giêsu muốn dùng bữa ăn chiều như khoảng không của việc tưởng niệm Ngài. Ngài chọn một lúc cụ thể của cuộc sống gia đình như không gian sự hiện diện của Ngài giữa chúng ta. Một lúc được sống và mọi người có thể hiểu: đó là bữa ăn chiều.

Và Bí tích Thánh Thể là bữa ăn chiều của gia đình Chúa Giêsu, từ chân trời này tới chân trời kia của trái đất tụ họp nhau để lắng nghe Lời Ngài, và được nuôi dưỡng với Mình Chúa Giêsu là Bánh Sự Sống của các gia đình chúng ta. Ngài muốn luôn luôn hiện diện bằng cách dưỡng nuôi chúng ta với tình yêu thương của Ngài, nâng đỡ chúng ta với đức tin của Ngài, trợ giúp chúng ta với niềm hy vọng của Ngài, để trong mọi trạng huống cuộc đời chúng ta có thể sống kinh nghiệm Ngài là Bánh thật của Trời.

Trong vài ngày nữa tôi sẽ tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình  và chỉ còn không đầy một tháng nữa là Thương Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về đề tài Gia Đình. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện. Tôi xin anh chị em làm ơn cầu nguyện cho hai ý chỉ này, để chúng ta tất cả biết trợ giúp nhau và lo lắng cho gia đình, để chúng ta ngày càng biết khám phá ra Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa sống giữa dân Người bằng cách làm cho mỗi gia đình và tất cả các gia đình trở thành nơi ở của Ngài. Tôi tin tưởng nơi lời cầu nguyện của anh chị em. Xin cám ơn anh chị em.”

Vào cuối lễ sau khi cùng đọc kinh Lạy Cha, ĐTC dã ban phép lành cho mọi người hiện diện và dân chúng toàn thành phố Santiago.

Người dân Cuba thật dễ thương và tốt lành

ĐTGM Santiago đã tháp tùng ĐTC đi xuống gian giữa nhà thờ chính toà ra ngoài quảng trường nhỏ đối diện với Công Viên Céspendes để chào và ban phép lành cho hàng ngàn tín hữu thám dự buổi gặp gỡ từ bên ngoài. ĐTC nói: “Tôi xin chào anh chị em và xin cám ơn anh chị em về sự tiếp đón nồng nhiệt. Người dân Cuba thật dễ thương, tốt lành, và họ làm cho bạn cảm thấy như ở nhà vậy. Xin cám ơn anh chị em rất nhiều. Và tôi muốn nói lên một lời hy vọng. Một lời hy vọng mà có lẽ sẽ làm cho chúng ta quay đầu lui quay đầu tới. Nhìn về đàng sau: ký ức. Nhớ tới những người đã cho chúng ta vào đời, và đặc biệt là các ông bà. Xin chào các ông bà nhiều lắm.  Chúng ta đừng quên các ông bà. Các ông bà là ký ức sống động của chúng ta. Và nhìn về phía trước: các trẻ em và người trẻ là sức mạnh của dân tộc. Một dân tộc săn sóc các ông bà, trẻ em và giới trẻ của mình,  thì có chiến thắng được bảo đảm! Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em. Xin hãy để tôi ban phép lành cho anh chị em, nhưng với một điều kiện. Anh chị em phải trả cái gì nhé: tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Đó là điều kiện. Xin  Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chúc lành cho anh chị em. Xin tạm biệt và cám ơn anh chị em!

Lúc 12 giờ 15 phút ĐTC đã ra phi trường quốc tế Antonio Maceo của Santiago, nơi diễn ra lễ nghi từ biệt Cuba.

Hiện diện trong lễ nghi tiễn biệt có các Giám Mục Cuba, tổng thống Raul Castro, một số giới chức dân sự và  một nhóm tín hữu. ĐTC đã đàm đạo với tổng thống Raul Castro vài phút trong phòng khánh tiết danh dự của phi trường trước khi diễn ra nghi thức tiễn biệt.

Ban nhạc cử hành quốc thiều Vatican và quốc thiều Cuba. ĐTC bắt tay chào từ biệt tổng thống và mọi người, trước khi với tay lấy cái cặp đen của ngài bước tới máy bay. Tổng thống Raul Castro đã đi theo ĐTC tới chân thang máy bay và bắt tay từ biệt ngài lần nữa. Chiếc Airbus A-330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh rời phi trường quốc tế Santiago lúc 12 giờ 30 để trực chỉ thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, cách đó 2,103 cây số.

Từ Santiago de Cuba sang Washington DC. Bầu khí chờ đợi và tiếp đón tại Hoa Kỳ

Từ nhiều ngày qua các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã dành rất nhiều chỗ cho ĐTC Phanxicô và chuyến viếng thăm của ngài. Phóng viên chương trình Ý ngữ đài Vaticăng Massimiliano Menichetti cho biết tại Philadelphia, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ quốc tế  các gia đình, có những biểu ngữ lớn với hình ĐTC Phanxicô tươi cười giơ ngón cái lên trời và hàng chữ “He is coming -- Ngài đang tới”. Cũng đã có các buổi canh thức cầu nguyện chuẩn bị tinh thần trong các giáo xứ công giáo và bầu khí rất tươi vui như lễ hội. Và dĩ nhiên là có các biện pháp an ninh rất chặt chẽ, nhưng cao và mạnh nhất là sự cảm động. Bà Muriel Bowser,  thị trưởng Washington, đã cho phổ biến một video thông cáo nói rằng: “Tôi rất xúc động vì ĐTC Phanxicô đến New York, như là thị trưởng thành phố lớn này, tôi kết hiệp với việc phục vụ đam mê của ĐTC. Tôi cũng đồng ý với xác tín của ngài rằng chúng ta phải trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất, những người bị gạt bỏ ra ngoài, các phụ nữ và trẻ em phải sống trên các đường phố và trong các nhà dưỡng lão của chúng ta. Trong tinh thần của ĐTC Phanxicô và trong sự tận tụy phục vụ tha nhân của ngài, tôi đưa ra thách đố vùng miền Washington DC để nó hiệp nhất: cùng nhau chúng ta mạnh mẽ hơn và cùng nhau chúng ta có thể làm điều đó”.

Trước quảng trường công viên Madison tại New  York có một bức tường cao nhất thế giới có hình của ĐTC Phanxicô dài 54 mét, do họa sĩ Van Hecht-Nielsen 41 tuổi vẽ, với hàng chữ “Chào mừng ĐGH Phanxicô” Nó là biểu ngữ chính chào ĐTC khi ngài tới đây chủ sự thánh lễ trong sân vận động quay ra đại lộ thứ 7. Ông Bill de Blasio thị trưởng New York nói: “Chúng ta có thể nói một cách chắc chắn rằng đã chưa bao giờ trông thấy điều gì tương tự trước kia, và chúng tôi chào mừng ĐTC, chúng tôi ôm hôn ngài, và chúng tôi chờ mong giờ ngài đến. Tôi chắc chắn rằng các người nam nữ và tất cả các bạn bè tụ họp nhau nơi đây sẽ có khả năng làm cho một loạt các biến cố ngoại thường này hoạt động và khiến cho chúng được an ninh. Tôi nghĩ chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ trao ban cho chúng ta xăng dầu cho việc cải thiện thành phố của chúng ta trong tương lai”.

Tất cả các nhật báo chính trên toàn nước Mỹ và tại địa phương đều chờ đợi biến cố ĐTC Phanxicô tới Hoa Kỳ. Người ta đưa ra nghi vấn trên bình diện chính trị, vì ĐTC Phanxicô sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử phát biểu trước Quốc Hội Mỹ. Người ta giả thuyết các đề tài mà ngài cũng sẽ nói trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trước hết là vấn đề di cư, môi sinh, kinh tế và gia đình, và lý do chuyến công du của ngài tại Hoa Kỳ. ĐTC được mọi người dân Hoa Kỳ chờ đợi và chào đón hai bên đường, chứ không phải chỉ có tín hữu công giáo mà thôi. Đã có các địa chỉ Internet được tạo ra, và có thể áp dụng cho điện thoại di động, cũng như có các đài truyền hình phát 24 trên 24 giờ đồng hồ tường thuật các sinh hoạt của ĐTC. Có hàng ngàn người thiện nguyện dấn thân trợ giúp. Riêng tại Philadelphia các chuẩn bị sau cùng đã hoàn tất vì ngày 22 tháng 9 khai diễn đại hội quốc tế các gia đình. Ông thị trưởng Michael Nutter cho biết mọi sự đã sẵn sàng, và sẽ có hơn 1 triệu người đang tuốn về thành phố của Quả chuông tự do. Điều chúng tôi chờ đợi, ông nói, đó là con mắt của thế giới hướng nhìn thành phố Philadelphia để theo dõi cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình và chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Hoa Kỳ. Đây là một thời điểm không thể tin được, chúng tôi sẵn sàng. Tóm lại, bầu khí chờ đợi ĐTC Phanxicô tại Hoa Kỳ là một bầu khí tươi vui của lễ hội.

Bà Delia Gallagher, một trong những nhà báo lão thành của đài truyền hình quốc tế CNN theo dõi chuyến công du của ĐTC, cho biết có sự chờ đợi rất lớn đối với chuyến công du lịch sử này của Đức Phanxicô, vị Giáo Hoàng rất nổi tiếng. Người ta cũng chú ý nhiều đến các đề tài mà ngài có thể đề cập đến như di cư, chế độ tư bản, khí hậu, là những đề tài mà người Mỹ cảm nhận mạnh mẽ. Điều ngài nói trước Quốc Hội có thể bị người này người kia lèo lái cho cuộc tranh cử tổng thống, và sẽ được các chính trị gia lập lại trong các diễn văn của họ và trong khi dân chúng nói chuyện với nhau. Nghĩa là cũng có sự chú ý loại này xem ĐTC nghĩ gì và điều ngài nói sẽ được dân chúng chấp nhận ra sao, vì người ta có các quan điểm khác nhau liên quan tới các đề tài này.

Bà Gallagher cũng cho biết dân chúng rất vui mừng về chuyến viếng thăm vì ĐGH Phanxicô là người rất được thương mến, cả những người không phải là tín hữu công giáo cũng cảm thấy hãnh diện vì Hoa Kỳ được Đức Phanxicô viếng thăm. Đài truyền hình CNN tạo ra riêng một chương trình theo dõi chuyến công du của ĐTC 24 trên 24 giờ và sẽ trình chiếu mọi biến cố từ đầu cho tới cuối. Đài CNN có hàng ngàn nhà báo và phóng viên sẽ dốc toàn lực cho biến cố trọng đại này.

Riêng bà là nhà báo đã làm việc cho đài CNN từ 17 năm qua, chưa bao giờ bà lại cảm thấy có sự háo hức lớn như thế nơi dân chúng Mỹ. Và Hoa Kỳ sẽ đón tiếp ĐTC Phanxicô với gương mặt tươi cười, và chú ý tới những gì ngài sẽ nói với các tín hữu công giáo và mọi người. Bà cầu mong các sứ điệp của ĐTC sẽ giúp người dân Mỹ cùng nhau suy tư về những giá trị siêu việt, thánh thiêng, và có thể trợ giúp Hoa Kỳ nhiều hơn.

Giáo Hội công giáo Hoa Kỳ hiện có khoảng 71 triệu 800 ngàn tín hữu trên tổng số hơn 312 triệu dân. Giáo hội có hơn 19,000 giáo xứ, 40,967 linh mục, 5,485 đại chửng sinh, 17,589 Phó tễ vĩnh viễn, 17,342 tu huynh, 50,862 nữ tu. Số tín hữu nói trên sống trong 31 tổng giáo phận và 146 gíáo phận theo lễ nghi latinh, 2 tổng giáo phận và 15 giáo phận theo lễ nghi đông phương. Trên bình diện giáo dục Giáo Hội có 150,000 giáo chức dậy trong các trường đại học, trung học và tiểu học với 2.7 triệu sinh viên học sinh.

Sau 3 giờ 30 phút bay, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Andrews Air Force Base của thủ đô Washington DC lúc 16 giờ, giờ địa phương.

ĐTGM Carlo Maria Viganò, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã cùng viên trưởng lễ nghi lên máy bay để chào ĐTC. Đón tiếp ĐTC tại phi trường có tổng thống Barack Obama, phu nhân hai ái nữ, đại sứ ngoại thường của Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, ông Kenneth Francis Hackett, ĐHY Donald William Wuert, TGM Washington. Cùng hiện diện cũng có thị trưởng Quận Columbia, các thống đốc tiểu bang Maryland và Virginia, và một nhóm trẻ em. Từ phiá Giáo Hội có ĐTGM Joseph Edward Kurtz chủ tịch HĐGM Mỹ, hai ĐC Tổng thư ký và phó tổng thư ký, các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington  và ĐGM giáo hạt quân đội.

Thành phố Washington có hơn 563,000 dân cư và được chọn làm thủ đô Hoa Kỳ năm 1790, vì nằm giữa các tiểu bang kỹ nghệ miền bắc và các tiểu bang kỹ nghệ miền nam. Quận Columbia đuợc gọi theo tên của nhà thám hiểm Cristoforo Colombo, và có trật tự hành chánh đặc biệt do chính quyền Liên bang điều khiển, và các đại biểu trong Quốc Hội không có quyền bỏ phiếu.  Trung tâm điểm của thủ đô là đồi Capitol, nơi có trụ sở Quốc Hội. Từ đó có bốn đại lộ chia thành phồ thành 4 khu vực. Washington cũng là trụ sở của chính quyền Liên bang với Tòa Bạch Ốc, là dinh tổng thống, Bộ ngoại giao, Ngũ giác đài hay Bộ quốc phòng. Thủ đô Washington cũng nổi tiếng vì có thư viện  lớn nhất thế giới với 29 triệu cuốn sách và 58 triệu thủ bản. Vườn bách thảo tại đây có 26.000 loại cây. Các viện bảo tàng Smithsonian Institution có các bộ sưu tầm lớn tới độ mỗi lần chỉ trưng bầy được 1%  các tác phẩm nghệ thuật, ngoài ra còn có nhiều viện bảo tàng và các hành lang nghệ thuật khác và ba phi trường. Ngày 11 tháng 9 năm 2001 Ngũ giác đài cũng đã bị khủng bố và hư hại cùng một lần với Tháp Song Sinh.

Tổng giáo phận Washington được thành lập năm 1939 có hơn 630,000 tín hữu trên tổng số hơn 2 triệu 867 ngàn dân cư. Giáo phận có 139 giáo xứ và 1 cứ điểm truyền giáo. Nhân lực gồm 406 linh mục giáo phận, 405 linh mục dòng, 660 tu huynh, 489 nữ tu, 265 phó tế vĩnh viễn và 76 đại chủng sinh, 149 cơ sở giáo dục và 108 trung tâm bác ái.

Lúc 16g15' ĐTC đã đi xe về Toá Sứ Thần Toà Thánh cách đó 26 cây số để dùng bữa tối và nghỉ đêm.

Sáng thứ tư 23 tháng 9 lúc 9 giờ sáng ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần để đến tòa Bạch Ốc cách đó hơn 4 cây số, nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón chính thức. Tòa Bạch Ốc là tư dinh của các  tổng thống Mỹ do tổng thống George Washington xây năm 1792 và hoàn thành năm 1800 sau khi ông qua đời. Kiến trúc sư là ông Pierre L’Enfant một người Pháp thiện nguyện quân trong Quân đội cách mạng năm 1777 của các đoàn người thực dân Mỹ. Năm 1814 toà nhà bị quân Anh đốt phá và cánh phía tây bị hoả hoạn thiêu rụi năm 1929. Tòa Bạch ốc cao 5 tầng có 132 phòng, 8 cầu thang và 3 thang máy. Năm đầu bếp ở đây có thể dọn bữa cho 140 thực khách ngồi và 1,000 thực khách đứng. Ngoài ra tòa Bạch Ốc còn có khoảng đất cho sân Tennis, một đường chạy bộ, một hồ tắm, một phòng chiếu phim và một phòng chơi ném boule. Ai muốn, có thể ghi danh tham dự các cuộc viếng thăm hưóng dẫn.

ĐTC Phanxicô được tổng thống Obama và phu nhân đón tiếp tại tiền sảnh toà Bạch Ốc  và tháp tùng tới khán đài trong công viên bên cạnh nơi có khoảng 20,000 người tham dự lễ nghi chào đón chính thức. Cùng hiện diện cũng có các Hồng Y Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục Phụ tá tổng giáo phận Washington. ĐTC và tổng thống đã duyệt qua hàng chào danh dự trong khi đại bác bắn 21 phát chào mừng vị thượng khách. Ban quân nhạc cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Hoa Kỳ.  Tiếp đến tổng thống Barack Obama đã đọc diễn văn chào mừng ĐTC.

Tự do là một chinh phục vĩ đại nhất của Hoa Kỳ. Mọi người cần dấn thân bảo vệ sự tự do đó khỏi mọi nguy cơ bị đả thương

Đáp từ tổng thống ĐTC nói: như là người con của một gia đình di cư ngài vui mừng được là khách của Hoa Kỳ, có đa số dân gốc di cư. Ngài chuẩn bị cho các ngày gặp gỡ và đối thoại này với hy vọng lắng nghe và chia sẻ nhiều giấc mơ và các niềm hy vọng của nhân dân Hoa Kỳ.

Trong chuyến viếng thăm này, ĐTC nói,  tôi sẽ được hân hạnh phát biểu trước Quốc Hội, nơi tôi hy vọng, như là người anh em của quốc gia này, có thể nói lên một lời khích lệ những ai được mời gọi hướng dẫn tương lai của quốc gia này trong sự trung tín với các nguyên tắc thành lập. ĐTC cũng nhắc tới việc tham dự cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình tại Philadelphia để cử hành và nâng đỡ các cơ cấu hôn nhân và gia đình trong một thời điểm khó khăn của lịch sử nền văn minh của chúng ta. Đề cập tới phần đóng góp của các tín hữu công giáo Mỹ ĐTC nói:

Thưa ngài Tổng thống, cùng với các công dân khác tín hữu công giáo Hoa Kỳ đã dấn thân xây dựng một xã hội thực sự khoan nhượng và bao gồm mọi người, bảo vệ các quyền của các cá nhân và các cộng đoàn, và đẩy lùi mọi hình thái kỳ thị bất công. Cùng với nhiều người thiện chí khác nữa của nền dân chủ vĩ đại này, các tín hữu công giáo mong chờ rằng các nỗ lực xây dựng một xã hội công bằng và trật tự một cách khôn ngoan, tôn trọng các âu lo sâu xa nhất của họ và các quyền lợi gắn liền với sự tự do tôn giáo. Sự tự do này là một trong những chinh phục qúy báu nhất của nưóc Mỹ. Và như các anh em Giám Mục Mỹ của tôi đã nhắc nhớ, tất cả mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, chính vì là các công dân tốt, để duy trì và bảo vệ quyền tự do đó khỏi bất cứ gì có thể gây nguy hiểm hay làm tổn thương cho nó.

Cần thành toàn một số dấn thân có tầm quan trọng đối với toàn nhân loại và các thế hệ tương lai: bảo vệ cẩi tiến môi sinh, thăng tiến tôn trọng nhân quyền, phát triển, hoà bình, công lý, tự do và thịnh vượng

Tiếp dến ĐTC đã ca ngợi tổng thống Obama có sáng kiến giảm việc gây ô nhiễm môi sinh. Đây là một điều cấp thiết cần giải quyết, chứ không thể để cho thế hệ tương lai. Lịch sử đã đặt để chúng ta vào một thời điểm nòng cốt cho việc săn sóc “ngôi nhà chung”. Tuy nhiện chúng ta còn có thời giờ để đương đầu với các thay đổi bảo đảm cho “một sự phát triển có thể chịu đựng nổi và toàn diện, bởi vì chúng ta biết rằng các sự việc có thể thay đổi” (Laudato si’ 13). Các thay đổi đòi buộc  từ phía chúng ta một sự thừa nhận nghiêm chỉnh và có trách nhiệm đối với loại thế giới, mà chúng ta muốn để lại không phải chỉ cho con cháu chúng ta, mà cho cả hàng triệu người phải sống dưới một hệ thống lơ là với nó. Căn nhà chung của chúng ta đã là phần của nhóm bị loại bỏ đang kêu thấu tới trời, và ngày nay đang gõ cửa các nhà, các thành phố và các xã hội của chúng ta. Lấy lại lời của mục sư Martin Luther King chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã không chu toàn vài dân thân và giờ đây là lúc phải hoàn thành các dấn thân đó.

Do lòng tin chúng ta biết rằng “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta, Ngài không bao giờ lùi bước trong chương trình tình yêu của Ngài, Ngài không hối hận đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại còn có khả năng cộng tác để xây dựng căn nhà chung” (ibid. 13). Như là các kitô hữu đuợc linh hoạt bởi xác tín này, chúng ta hãy tìm dấn thân cho việc săn sóc ý thức và có tinh thần trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta.

ĐTC nói tiếp trong diễn văn đáp từ: Các nỗ lực làm được mới đây để hoà giải các tương quan đã bị bẻ gẫy và việc mở ra các con đường cộng tác mới bên trong gia đình nhân loại diễn tả các bước tiến tới tích cực trên con đường của hòa giải, công lý và tự do. Tôi cầu chúc rằng tất cả mọi người nam nữ thiện chí của quốc gia vĩ đại và thịnh vượng này nâng đỡ các cố gắng của cộng đoàn quốc tế nhằm bào vệ những người yếu đuối nhất trên thế giới này và thăng tiến các mô thức phát triển toàn vẹn và bao gồm, như thế các anh chị em của chúng ta ở khắp nơi có thể biết tới phuớc lành của hòa bình, thịnh vượng, mà Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi con cái Ngài.

Kính thưa tổng thống, một lần nữa tôi xin cám ơn ngài về sự tiếp đón, và tôi tin tưởng nhìn vào các ngày viếng thăm này trên đất nước của quý quốc. Xin  Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ.

Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần vì các tràng pháo tay tán thưởng của những người hiện diện. Một ca đoàn đã hát bài thánh ca “Chúa là sự sống của con” để chào mừng ĐTC và toàn cử tọa.

Sau lễ nghi chào đón, ĐTC và tổng thống đã vào thư phòng bầu dục đàm đạo riêng với nhau, trao đổi quà tặng, giới thiệu các thân nhân và chụp hình lưu niệm. ĐTC đã tặng tổng thống bức khắc bằng đồng kỷ niệm Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình giống  huy hiệu Giáo hoàng được làm cho dịp này.

Trong một phòng khác đồng thời cũng diễn ra cuộc hội kiến giữa ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có sự tham dự của ĐTGM Phụ tá Becciu, ĐTGM ngoại trưởng Toà Thánh Paul Richard Gallagher và ĐTGM Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington.

Sau lễ nghi chào đón chính thức tại tòa Bạch Ốc ĐTC đã đi xe tới nhà thờ chính toà thánh Mátthêu Tông Đồ  để gặp các Giám Mục Hoa Kỳ rồi đến Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm chủ sự thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước Junipero Serra. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải -- Vatican Radio

 

 

Ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Cuba của ĐTC Phanxicô

Ngày thứ ba chuyến viếng thăm mục vụ Cuba của ĐTC Phanxicô

ĐTC giảng trong Đền Thánh Đức Mẹ Đồng

Tường thuật ngày thứ ba ĐTC Phanxicô viếng thăm Cuba

22 tháng 9  là ngày thứ 3 và cũng là ngày chót ĐTC viếng thăm Cuba.  Tại Santiago de Cuba ĐTC đã có hai sinh hoạt chính: đó là chủ sự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng lúc 8 giờ sáng, và gặp gỡ các gia đình Cuba trong nhà thờ chính toà Santiago lúc 11 giờ, trưóc khi ra phi trường quốc tế Antonio Maceo từ giã Cuba và đáp máy bay sang Washington, bắt đầu chuyến viếng thăm Hoa Kỳ.

Sau đây xin kính mời quý vị cùng chúng tôi trở lại với các sinh họat của ĐTC chiều thứ hai 21 tháng 9 và sáng thứ ba 22 tháng 9.

Lúc ba giờ rưỡi chiều thứ hai 21 tháng 9 ĐTC   đã rời toà giám mục Holguín để đến đồi Thánh Giá Loma de la Cruz cách đó 6 cây số. Loma de la Cruz là ngọn đồi nhỏ cao 261 mét, nằm ở mạn bắc thành phố Holguín, và gắn liền với lịch sử xã hội và văn hóa của thành phố này. Cây thánh giá đầu tiên đã do tu sĩ Antonio de Alegría, bề trên tu viện dòng Phanxicô  Holguín, dựng trên đồi vào năm 1790. Cây thánh giá hiện nay thuộc thập niên 1990 thay cho cây thánh giá cũ bị sét đánh hư hại. Tín hữu có thể leo lên đồi theo cầu thang có 458 bậc, hay theo một đường vòng rất đẹp nhìn xuống quang cảnh thành phố. Trên đỉnh đồi cũng có một tháp canh của quân đội gọi là “Torre di Numancia” xây trong cuộc chiến hồi năm 1868-1878. Đồi thánh giá là nơi hành hương nổi tiếng của thành phố, và hàng năm có “lễ hội tháng Năm”. Trên đồi thánh giá du khách có thể nhìn thấy hết nước đảo Cuba.

Từ Holguín đến Santiago de Cuba

ĐTC đã dừng lại cầu nguyện dưới chân Thánh Giá, và ban phép lành cho toàn thành phố Holguín. Tiếp đến ngài đã ra phi trường để lấy máy bay đến Santiago de Cuba, cách đó 150 cây số. Chiếc máy bay A 330 của hãng hàng không Alitalia chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã tới Santiago de Cuba sau 50 phút bay.

Thành phố Santiago de Cuba nằm trong một cảng thiên nhiên rất lớn trên bờ biển đông nam của đảo Cuba, và là thành phố lớn thứ hai của Cuba với 400,000 dân cư, tranh đua với thủ đô La Habana về phương diện văn học, âm nhạc và chính trị. Thành phố này đã do ông Diego Velazquez thành lập năm 1514, và đã là thủ đô của Cuba từ năm 1515 dến 1607. Santiago có một lịch sử văn hóa đã bắt đầu từ khi xây nhà thờ chính toà Đức Mẹ hồn xác lên trời năm 1520 và việc thành lập ca đoàn nhà thờ, do nhạc sĩ Estéban Salas điều khiển. Ông đã sáng tác rất nhiểu thánh ca cho ca đoàn, đặc biệt là các thánh ca Giáng Sinh nổi tiếng, từng là các thánh ca hay nhất thời đó.

Trong số các xây cất nổi tiếng có lâu đài El Morro, nằm trong danh sách gia tài văn hóa nhân loại của UNESCO, ngôi nhà của ông Parque Céspendes thời thuộc địa ở trung tâm thành phố, và vương cung thánh đường Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng. Ngoài ra trong thành phố còn có nhiều nhà thờ khác, trong đó có nhà thờ Đức Bà Camêlô, nhà thờ thánh Phanxicô và nhà thờ thánh Tôma, cả ba đều  thuộc thế kỷ XVIII. Santiago cũng là quê hương của điệu vũ “Son” là cha đẻ của điệu vũ “Salsa”  và của rượu Rum nổi tiếng gọi là “Ron”. Thành phố Santiago cũng đang chuẩn bị các lễ mừng 500 năm thành lập.

Tổng giáo phận Santiago de Cuba được thành lập năm 1522, trở thánh giáo tỉnh năm 1803, rộng hơn 6,150 cây số vuông, có 1 triệu 50 ngàn dân trong đó có hơn 254,000 tín hữu công giáo, gồm 16 giáo xứ, 22 nhà thờ và cứ điểm truyền giáo. Nhân lực gồm 16 linh mục giáo phận, 13 linh mục dòng, 21 tu huynh, 34 nữ tu, 4 đại chủng sinh, và 2 phó tế vĩnh viễn. ĐTGM Santiago de Cuba là ĐC Dionisio Guillermo Garcia Ibánhez.

Đón tiếp ĐTC tại phi trường có ĐTGM Santiago de Cuba, vài giới chức địa phương và mấy trăm giáo dân cùng  một ca đoàn thiếu nhi.

Từ phi trường ĐTC đã đi xe về Chủng viện thánh Basilio Cả, cách đó 30 cây số. Chủng viện này được xây năm 1722, và là một trong các cơ cấu cổ xưa nhất trên toàn đảo Cuba. Tên đại chủng viện do ĐC Jerónimo Valdes Nosti GM Santiago, đặt cho, vì ngài thuộc dòng thánh Basilio Cả. Ban đầu chủng viện tiếp nhận đào tạo các chủng sinh và cả giáo dân. Nhưng với việc cải tổ của thánh Antonio Maria Claret, TGM Santiago giữa thế kỷ XIX, đại chủng viện chỉ được dành cho các chủng sinh. Năm 1908 khi từ Pháp tới đây đảm trách việc giáo dục, các tu huynh Lasan đã thành lập một trường từ tiểu học cho tới trung học. Các ứng sinh của các dòng tu khác nhau như Dòng Thừa sai, sư huynh Lasan và dòng Tên, cũng được đào tạo tại đây. ĐC Francisco de Paula Barnada Aguilar, cựu học sinh, giáo sư, rồi sau này là TGM Santiago de Cuba, đã tổ chức chủng viện cho có quy củ hơn. Năm 1961 chủng viện bị nhà nước Cuba quốc hữu hóa, và biến thành trường công. Năm 1997 trường tái hoạt động và cộng tác với đại học giáo hoàng công giáo Cộng hòa Dominicana.

Tại chủng viện ĐTC đã gặp gỡ riêng các Giám Mục Cuba. Tiếp đến ngài đã cùng các vị sang Vương cung thánh đường Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng cách đó 300 mét để kính viếng và cùng đọc kinh kính Đức Mẹ.

Viếng thăm và cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng

Đây cũng là Trung tâm thánh mẫu quốc gia Cuba. Đền thánh Đức Trinh Nữ Bác Ái Mỏ Đồng gắn liền với các biến cố xã hội chính trị của Cuba. Tất cả đã bắt đầu hồi năm 1606, khi ba người đánh cá là hai anh em Juan và Rodrigo de Hoyos, và một người nô lệ da đen là Juan Moreno, tìm ra một tượng Đức Mẹ nhỏ bằng gỗ nổi trên nước biển vịnh Bahia de Nipe, ở mạn đông bắc quần đảo Cuba với hàng chữ “Ta là Trinh Nữ Bác Ái”. Bức tượng Đức Mẹ được đem tới mỏ đồng El Cobre, và tại đây năm 1684 tín hữu xây đền thánh đầu tiên kính Đức Mẹ. Năm 1801 chính tại đền thánh này Tuyên ngôn tự do của các  nô lệ mỏ đồng đã được tuyên đọc. Cha Alejandro Escanio, tuyên uý đền thánh, đã là người có công dấn thân tranh đấu cho sự tự do và quyền của người nô lệ. Năm 1868 ông Carlos Manuel de Céspendes, người tranh đấu cho việc huỷ bỏ chế độ nô lệ và cho nền độc lập của Cuba, đã đến hành hương đền thánh  và câu nguyện cho sự tự do của Cuba trước tượng Đức  Mẹ. Ngày 12 tháng 7 năm 1898 một thánh lễ tạ ơn cho việc giải phóng đảo Cuba đã được cử hành tại Đền Thánh, trước sự hiện diện của các sĩ quan của đoàn Quân Giải Phóng.

 

Trưóc lòng sùng mộ gia tăng của người dân Cuba đối với Đức Mẹ, cũng như lời xin của các cựu chiến binh Chiến tranh giành độc lập, do ông Jesus Rahí dẫn đầu, ngày 16 tháng 5 năm 1916 ĐGH Biển Đức XV đã tuyên bố Trinh Nữ Bác Ái Mổ Đồng là Bổn Mạng dân nước Cuba. Ngày mùng 8 tháng 9 năm 1927 đền thánh hiện nay được khánh thành. Ngày 20 tháng 12 năm 1936 ĐC Valentín Zubizarreta, TGM Santiago de Cuba, đã chủ sự lễ đội triều thiên cho Đức Mẹ.  Năm 1952 tượng Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng đã thánh du toàn nưóc Cuba như dấu chỉ của đức tin và niềm hy vọng. Năm 1959 Đại hội công giáo toàn quốc Cuba đã được khai mạc tại đền thánh dưới sự chở che hiền mẫu của Mẹ. Sau cùng ngày 30 tháng 12 năm 1977, ĐGH Phaolô VI ban tước Tiểu vương cung thánh đường cho đền thánh, qua vị đặc sứ của ngài là ĐHY Bernardin Gantin. Trong chuyến công du Cuba hồi năm 1998, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đội triều thiên cho Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng. Tiếp đến tín hữu đã hát quốc ca trong khi huy hiệu và quốc kỳ Cuba đã được đặt dưới chân Đức Mẹ, như dấu chỉ lòng sùng mộ của người dân Cuba đối với Đức Mẹ.

ĐTC đã đọc lời nguyện sau đây trước khi ban phép lành cho toàn thành phố:

“Lạy Chúa Cha toàn năng, trước Chúa mọi gối trên trời và dưới đất đều phải quỳ xuống, chúng con khiêm tốn xin Chúa khấng nhìn các con cái Chúa trên trần gian này đang khẩn nài phưóc lành của Chúa.”

Tiếp đến ĐTC đã ban phép lành cho mọi người và kết thúc với lời nguyện sau đây: “Xin việc ngắm nhìn Thánh Giá được nâng cao trên đỉnh núi này, soi sáng cuộc sống của các gia đình, của các trẻ em và người trẻ, của những người đau yếu, và xin cho tất cả những ai đau khổ nhận được sự ủi an và đồng hành của Chúa, và cảm thấy được mời gọi bước theo Con Chúa, là đường duy nhất dẫn tới Chúa. Ước chi tình yêu của Chúa kéo đổ xuống trên mọi người sự trợ giúp của Chúa và gia tăng các ơn thiêng liêng của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa là Cha, vì Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Đấng hằng sống hằng trị cùng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.”

ĐTC đã dâng quà kính Đức Mẹ là một bình hoa bằng bạc với các cọng bằng bạc và hoa bằng gốm, qua đó ĐTC muốn diễn tả cử chỉ mà mọi người dân Cuba thường làm: đó là dâng lên Đức Trinh Nữ Mỏ Đồng một bó hoa. Rồi ngài về chủng viện để dùng bữa tối và nghỉ ngơi, kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Cuba.

Noi gương Mẹ Maria thực hiện cuộc cách mạng của tình yêu thương, phục vụ, của lòng dịu hiền, thương xót, cảm thông và gặp gỡ

Sáng thứ ba 22 tháng 9, lúc 7 giờ rưỡi sáng ĐTC đã đi xe tới Đền Thánh để chủ sự thánh lễ kính Đức Trinh Nữ Mỏ Đồng cho tín hữu. Vì Tiểu vương cung thánh đường nhỏ nên hàng ngàn tín hữu đã phải theo dõi thánh lễ trên màn truyền hình ở bên ngoài đền thờ.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã khích lệ tín hữu Cuba noi gương Mẹ Maria, mau mắn lên đường phục vụ và sống cuộc cách mạng của tình yêu thương, lòng dịu hiền, thương xót và cảm thông, biết đồng hành với tha nhân trong tất cả mọi trạng huống cuộc đời, trong cuộc sống, trong nền văn hóa, trong xã hội. Mở đầu bài giảng ĐTC nói:

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đặt để chúng ta trước năng động của Chúa, là năng động sinh ra mỗi lần Ngài viếng thăm chúng ta: Chúa làm cho chúng ta ra khỏi nhà. Đây là các hình ảnh mà chúng ta đã được mời gọi chiêm ngắm nhiều lần. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta  không để cho chúng ta yên thân, nhưng luôn luôn thúc đẩy chúng ta cử động. Khi Thiên Chúa viếng thăm chúng ta, Ngài luôn luôn kéo chúng ta ra khỏi nhà. Được thăm viếng để thăm viếng, được gặp gỡ để gặp gỡ, được yêu thương để thương yêu.

Ở đây chúng ta thấy Đức Maria, môn đệ đầu tiên. Một thiếu nữ khoảng 15-17 tuổi đã được Chúa viếng thăm trong một làng quê đất Palestina, và báo cho biết rằng sẽ trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế. Thay vì nghĩ rằng mình là nhân vật quan trọng, và tất cả mọi người sẽ đến để trợ giúp và hầu hạ mình, thì mẹ ra khỏi nhà để đi phục vụ. Mẹ đi giúp bà chị họ Elidabét. Niềm vui nảy sinh từ việc biết rằng Thiên Chúa ở với chúng ta, với người dân của chúng ta, thức tỉnh con tim, và khiến cho đôi chân chúng ta chuyển động, “kéo chúng ta ra ngoài”, đưa chúng ta tới chỗ chia sẻ niềm vui đã nhận lãnh như một việc phục vụ, như sự tận hiến trong tất cả mọi trạng huống “khó xử”, mà những người láng giềng hay bà con của chúng ta đang sống. Tin Mừng nói với chúng ta rằng Đức Maria vội vã ra đi, với bưóc đi chậm nhưng liên tục, các bưóc chân biết đi đâu; các bước chân không chạy để đến một cách quá nhanh, hay đi một cách qúa chậm chạp như không bao giờ tới nơi. Không náo động cũng không thiếp ngủ, Đức Maria vội vã ra đi để trợ giúp bà chị họ cao niên có thai. Đức Maria môn đệ đầu tiên, được thăm viếng đã ra đi viếng thăm. Và từ ngày đầu tiên ấy nó đã luôn luôn là đặc tính của Mẹ. Mẹ là người phụ nữ đã viếng thăm biết bao nhiêu người nam nữ, các trẻ em, và người già, người trẻ. Mẹ đã biết thăm viếng và đồng hành trong các tình trạng thê thảm của nhiều dân tộc chúng ta. Mẹ đã che chở cuộc chiến đấu của tất cả những người đã đau khổ để bảo vệ các quyền lợi của con cái họ. Và giờ đây Mẹ không ngừng đem đến cho chúng ta Lời sự sống, là Con của Mẹ, Chúa chúng ta.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Cả các vùng đất này cũng đã được sự hiện diện hiền mẫu của Mẹ viếng thăm. Quê hương Cuba đã chào đời và lớn lên trong hơi ấm của lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Bác Ái. Mẹ đã trao ban cho linh hồn cuba một hình thái riêng và đặc biệt. Các Giám Mục của vùng đất này đã viết như thế – bằng cách dấy lên trong con tim của người dân Cuba các lý tưởng tốt đẹp nhất của tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với gia đình và quê hương.

Các người đồng hương của anh chị em cũng đã khẳng định điều này cách đây 100 năm khi họ thỉnh cầu ĐGH Biển Đức XV tuyên bố Đức Trinh Nữ Bác Áí là Bổn Mạng Cuba, và họ đã viết như sau: “Không có các tai ương nào, không có các thiếu thốn nào đã dập tắt đuợc đức tin và tình yêu mà người dân công giáo  của chúng con tuyên xưng nơi Đức Trinh Nữ này, trái lại, trong các biến cố lớn lao nhất của cuộc sống, khi cái chết hay nỗi tuyệt vọng gần kề, đã luôn luôn vọt lên ánh sáng đánh tan mọi hiểm nguy, như sương sa an ủi… Quan niệm về Đức Trinh Nữ được chúc phúc này, là người Cuba tuyệt vời… bởi vì các bà mẹ không thể quên được của chúng con đã yêu Mẹ như vậy, và các người vợ của chúng con chúc tụng Mẹ như thế.” Đề cập đến Đền thánh Đức Bà Bác Ái Mỏ Đồng ĐTC nói:

Trong Đền thánh này, nơi giữ ký ức của Dân trung thành của Thiên Chúa bước đi tại Cuba, Đức Maria được tôn kính như Mẹ Bác Ái. Từ đây Mẹ giữ gìn các gốc rễ của chúng ta, căn tính của chúng ta, để chúng ta đừng đánh mất chúng trên các nẻo đường của sự tuyệt vọng. Linh hồn của nhân dân Cuba, như chúng ta vừa mới nghe, đã được rèn luyện giữa các khổ đau, thiếu thốn, nhưng chúng đã không thành công trong việc dập tắt đức tin ; đức tin ấy đã đuợc duy trì sống động nhờ biết bao nhiêu bà nội bà ngoại đã làm cho có thể tiếp tục cuộc sống gia đình, sự hiện diện sống dộng của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa Cha giải thoát, củng cố, chữa lành, trao ban can đảm, là nơi nương náu chắc chắn và là dấu chỉ của sự sống lại mới. Các bà nội bà ngoại, các bà mẹ và biết bao nhiêu người khác, với sự hiền dịu và trìu mến đã là các dấu chỉ của sự thăm viếng, của lòng can đảm, của đức tin đối với cháu chắt, trong gia đình họ. Họ đã để  mở một kẽ hở, bé nhỏ như một hạt cải, qua đó Chúa Thánh Thần đã tiếp tục đồng hành với nhịp đập của dân tộc này.

ĐTC nói thêm trong bài giảng: Và mỗi lần chúng ta nhìn lên Mẹ Maria, chúng ta lại tin nơi “sức mạnh cách mạng của sự dịu hiền và của tình thương mến” (Evangelii Gaudium, 288). Hết thế hệ này sang thế hệ khác, hết ngày này sang ngày khác, chúng ta đuợc mời gọi canh tân đức tin của chúng ta. Chúng ta được mời gọi “đi ra khỏi nhà”, mở đôi mắt và con tim cho tha nhân. Cuộc cách mạng của chúng ta đi qua sự dịu hiền, đi qua niềm vui lớn trở thành sự gần gữi, luôn trở thánh sự cảm thương và đem chúng ta tới chỗ bị lôi cuốn liên lụy với cuộc sống của người khác, để phục vụ. Đức tin của chúng ta khiến cho chúng ta ra khỏi nhà  và đi gặp người khác để chia sẻ các niềm vui nỗi buồn, các hy vọng và bị tước đoạt. Đức tin của chúng ta đưa chúng ta ra khỏi nhà để đi thăm viếng người đau yếu, kẻ bị tù tội, người khóc lóc, và cũng biết  cười với người cười, vui với các niềm vui của người bên cạnh. Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội phục vụ, ra khỏi nhà, ra khỏi các đền thờ của mình, ra khỏi các phòng thánh của mình, để đồng hành với cuộc sống, để nâng đỡ các niềm hy vọng, để là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Như Mẹ Maria, Mẹ Bác Ái, chúng ta muốn là một Giáo Hội ra khỏi nhà để bác các cây cầu, đập bể các bức tường, ngăn cách, để gieo vãi hoà giải.

Như Mẹ Maria chúng ta muốn là một Giáo Hội biết đồng hành với tất cả mọi tình trạng “bối rối” của dân chúng, dấn thân trong cuộc sống, trong văn hóa, trong xã hội, không ẩn nấp, nhưng bước đi với các anh chị em khác.

Đó là “đồng” quý báu nhất của chúng ta, đó là kho tàng lớn nhất của chúng ta và là gia tài tốt nhất  mà chúng ta có thể để lại: như Mẹ Maria học đi ra khỏi nhà trên các nẻo đường của việc thăm viếng. Và học cầu nguyện với Mẹ, dể lời cầu của chúng ta tràn đầy ký ức và lời cám tạ. Đó là thánh thi của Dân Thiên Chúa bước đi trong lịch sử. Đó là ký ức sống động của Thiên Chúa giữa chúng ta. Đó là ký ức vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã doái nhìn sự khiêm hạ của dân Ngài, đã cứu giúp tôi tớ của Ngài như đã hứa với cha ông chúng ta và con cháu họ đến muôn đời.”

Thánh lễ đã kết thúc lúc 10 giờ sáng giờ Cuba, ĐTC đã rời đền thánh đi xe tới viếng thăm nhà thờ chính tòa Santiago de Cuba, cách đó 19 cây số.

Nhà thờ này được dâng kính Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhà thờ có hai tháp cao một tháp mầu trắng, một tháp mầu vàng, tọa lạc gần công viên Céspendes. Nhà thờ được xây hồi đầu thế kỷ XIX và là một trong một loạt các nhà thờ đã bị tàn phá vì các lý do khác nhau như động đất, bị cướp bóc vv… Bên trong nhà thờ có các bức bích họa rất đẹp trên các vòng cung và mái vòm nhà thờ. Trong nhà thờ cũng có mộ của ông Diego Velazquez người Tây Ban Nha đã chinh phục và thành lập thành phố. Việc trùng tu nhà thờ và mái vòm bằng gỗ mới đây nằm trong dự án cộng tác giữa vùng Toscana bên Italia và vài tổ chức địa phương như tổng giáo phận Santiago, Văn phòng duy trì thành phố và Đại học Đông phương. Mục đích việc trùng tu đã bắt đầu hồi năm 2010 nhằm cải tiến khu vực phát triển chung quanh nhà thờ chính toà, nhân dịp kỷ niệm 500 năm thành lập thủ đô cũ của đảo Cuba.

Trong ngày thứ ba 22 tháng 9 ĐTC còn một sinh hoạt khác nữa là buổi gặp gỡ các gia đình Cuba trong nhà thờ chính toà lúc 11 giờ trưa giờ địa phương và ban phép lành cho thành phố trước khi ĐTC ra phi trường từ giã Cuba đế lấy máy bay đi Washington, bắt đầu những ngày viếng thăm Hoa Kỳ. Chúng tôi sẽ tường thuật các biến cố này trong buổi phát ngày thứ năm.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Lịch sử tượng và Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái ở Mỏ Đồng, Cuba

Lịch sử tượng và Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái ở Mỏ Đồng, Cuba

Đền thờ Đức Mẹ Bác Ái ở Mỏ đồng

SANTIAGO DE CUBA. Chiều thứ hai, 21-9-2015, ĐTC Phanxicô đã từ thành phố Holguín bay đến Santiago ở mạn cực nam Cuba, chặng thứ 3 và cũng là chặng chót trong chuyến viếng thăm 3 ngày của ngài tại Cuba.

Tại Santigio, thành phố 400 ngàn dân cư, vào lúc 7 giờ tối ĐTC gặp gỡ các GM Cuba tại đại chủng viện thánh Basil Cả, rồi cùng với các vị cầu nguyện tại Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba. Sáng thứ ba, 22-9, vào lúc 8 giờ, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Vương cung Thánh Đường Đức Mẹ Bác Ái, trước khi gặp gỡ các gia đình tại Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Mông Triệu của tổng giáo phận Santiago, rồi ra phi trường để bay sang Mỹ.

Trong cuộc viếng thăm của 3 vị Giáo Hoàng tại Cuba, từ Đức Gioan Phaolô 2, đến Đức Biển Đức 16, rồi tới Đức đương kim Giáo Hoàng, đều có cuộc kính viếng Đền Thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng ở Santiago.

 Vài nét lịch sử của tượng Đức Mẹ và Đền Thánh Đức Mẹ Bác Ái

Cách đây 403 năm, tức là vào năm 1612, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đã muốn biểu lộ tình thương của Người cho con cái ở lãnh thổ Cuba. Tài liệu về sự tích này có từ năm 1687, dựa theo lời kể của ông Juan Moreno, một người nô lệ da đen. Khi lên 10 tuổi, Juan cùng hai anh em thổ dân bản xứ là Juan và Rodrigo de Hoyos, ở làng Nipe, đi tìm muối, và họ đã vớt một tượng Đức Mẹ ở khu vực Vịnh Nipe thuộc mạn đông bắc quần đảo Cuba.

Khi kể lại chuyện này thì Ông Juan Moreno bấy giờ đã 85 tuổi và là người duy nhất còn sống sót sau biến cố ấy. Ông thuật lại những ký ức thời thơ ấu với một giọng đơn sơ của những người khiêm hạ, và nói:

”Một buổi sáng, biển lặng, họ ra khỏi một đảo nhỏ của Pháp để tìm muối, trước khi mặt trời mọc, hai anh Juan và Rodrigo de Hoyos cùng với người kể lại đây. Khi cả ba lên một xuồng và rời đảo Pháp, thì thấy một vật gì màu trắng cạnh những bọt biển và họ không phân biệt vật ấy là gì. Khi đến gần hơn, họ có cảm tưởng đó là một con chim và những cành cây. Những người thổ dân ấy nói: ”Hình như là một bé gái”, nhưng khi đến nơi, họ thấy đó là một tượng Đức Mẹ rất thánh tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, bên dưới có một bảng nhỏ có những chữ lớn mà Rodrigo de Hoyos đọc lên: ”Ta là Đức Trinh Nữ Bác Ái”. Và mặc dù áo của pho tượng bằng vải, cả ba đều ngạc nhiên vì áo ấy không bị ướt, và đầy vui mừng, họ trở về và họ chỉ lấy 1 phần 3 số lượng muối mà thôi”.

Ít lâu sau, pho tượng Đức Mẹ cao 60 centimét ấy được đưa về làng El Cobre, là nơi có mỏ đồng lộ thiên đầu tiên tại Mỹ châu. Từ sau vụ tìm được tượng Đức Mẹ, lòng sùng mộ đối với Đức Mẹ Bác Ái lan rộng mau lẹ trên toàn đảo, mặc dù việc thông tin và giao thông khó khăn.

Thoạt đầu các thổ dân khám phá pho tượng đã dựng một chòi đầu tiên tại ”Hato de Bajaragua” để đặt ”Bà thánh” ở trong đó. Năm 1648, một chiếc am nhỏ được dựng lên và 32 năm sau đó, 1680, một nhà thờ nhỏ được kiến thiết.

Thiết lập đền thánh

Qua dòng thời gian, nhiều nhà nguyện khác nhau và nhà thờ nhỏ đã được dựng lên tại đây, nhưng do điều kiện khí hậu, các nơi thờ phượng này dễ bị hư hỏng, nên các tín hữu đã quyết định xây thánh đường mới cho tượng Đức Mẹ mà họ gọi bằng danh từ thân mật là ”Cachita”. Nhiều lần, tượng Đức Mẹ được giữ trong các ngôi nhà nghèo nàn của các nông dân và những người thợ mỏ.

Người ta phải đợi gần 2 thế kỷ mới có được một đền thánh đầu tiên được kiến thiết vào cuối năm 1800. Năm sau đó, tại Đền thánh này có tuyên đọc ”Hiến chương tự do cho những người nô lệ ở Mỏ Đồng”, nhờ sự vận động và can thiệp của LM tuyên úy Alejando Escanio.

106 năm sau đó, tức là 1906, Đền thánh ấy hoàn toàn bị phá hủy vì những vụ nổ và lở đất ở mỏ đồng. Với thời gian, người ta kiếm được một khu đất vộng lớn hơn để xây Đền thánh trên núi ”La Cantera”, đúng hơn là một ngọn đồi nhỏ gọi là “Maboa” có thể tiếp đón số tín hữu hành hương ngày càng gia tăng.

Những nhân vật nổi bật trong lịch sử Cuba, trong đó có các vị lập quốc và những người giữ vai chính trong việc dành độc lập cho Cuba, như ông Carlos Manuel de Céspedes, và tượng Calixto García, là những người rất gắn bó với Đức Mẹ Bác Ái. Ông Manuel de Céspedes là người đã giải phóng và dành độc lập cho Cuba, đồng thời cũng là người cổ võ bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông đến hành hương tại Đền thánh để cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cho nền tự do của Cuba. Sau khi chiến thắng, ông lại đến Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái để cảm tạ vì ơn tự do cho Cuba.

Vào cuối năm 1895, tướng Calixto García đã cử tướng Agustin Cebreco và bộ tham mưu của ông đến Đền thánh để cử hành lần đầu tiên ”Lễ Đức Trinh Nữ Bác ái của Cuba tự do”. Biến cố này được coi là cử chỉ chính thức đầu tiên của nước Cuba độc lập.

Ngày 12-7-1898, tại Đền thánh đã cử hành thánh lễ tạ ơn vì cuộc giải phóng Cuba, trước sự hiện diện của các vị sĩ quan Quân đội giải phóng.

Trong thời chiến tranh dành độc lập, các đoàn quân phó thác cho Đức Mẹ Bác Ái. Năm 1915, sau chiến tranh độc lập, các cựu chiến binh xin ĐGH Biển Đức 15 tuyên bố Đức Mẹ Bác Ái ở làng El Cobre là Bổn mạng của Cuba. Trong một văn kiện ngày 10-5 năm 1916, ĐHY GM giáo phận Ostia, thông báo rằng ĐGH đã chấp thuận lời thỉnh cầu và tuyên bố Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng là Bổn Mạng chính của Cộng hòa Cuba, và ấn định ngày lễ là 8 tháng 9 hằng năm.

Ngày 8-9 năm 1927, Đền thánh mới dâng kính Đức Mẹ Bác Ái được thánh hiến và tượng Đức Mẹ Bác Ái được rước đến đây.

Tượng Đức Mẹ này được Đức Cha Valentín Zubizarreta, TGM giáo phận Santiago de Cuba sở tại, đội triều thiên ngày 20 tháng 12 năm 1936.

Vương cung thánh đường quốc gia

Ngày nay, Vương cung thánh đường Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng là một nhà thờ có hình thánh giá latinh, với 3 gian, mặt tiền cân đối và có một mái vòm. Cả hai gian bên hông cũng có mái vòm, nhưng nhỏ hơn, và tại đây có các quả chuông. Đền thánh có 8 cửa và một tiền đường phía trước dài 240 mét và rộng 15 mét. Có nhiều bậc thang dẫn lên tiền đường này. Bàn thờ chính của thánh đường được làm bằng nhiều loại cẩm thạch và phía trên bàn thờ có giữ tượng Đức Mẹ.

Dưới bàn thờ Đức Mẹ trong Đền Thánh, có một nhà nguyện phép lạ, là nơi giữ các đồ dâng cúng Đức Mẹ và nhiều vật dụng khác do các tín hữu mang đến để tạ ơn Đức Mẹ.

Ngày 24-1 năm 1998, ĐTC Gioan Phaolô 2 cũng đã đến viếng thăm tại tổng giáo phận Santiago de Cuba này, một thành phố lớn thứ hai của Cuba với 400 ngàn dân cư, cách thủ đô La Habana 750 cây số về mạn đông nam.

Hồi đó, Đức Cố Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ tại Santiago de Cuba trước sự tham dự của hơn 200 ngàn tín hữu. Thánh lễ được cử hành với chủ đề ”Sự hiện diện của Mẹ Maria trong lịch sử quốc gia Cuba. Tượng Đức Mẹ Bác Ái đã được rước từ Đền thánh và đặt trên lễ đài gần bàn thờ. Đồng tế với ĐTC có 14 GM Cuba, và hàng trăm HY, GM khách, đến thăm Cuba trong dịp trọng đại này, cùng với đông đảo các linh mục.

Ngày 26-3 năm 2012, ĐTC Biển Đức 16 đã đến kính viếng Đức Mẹ Bác Ái mỏ đồng và cử hành thánh lễ trước 200 ngàn tín hữu trước tượng Đức Mẹ. Trong số những người hiện diện cũng có Chủ tịch Raúl Castro 80 tuổi và một số quan chức chính quyền Cuba.

Trong bài giảng, ĐTC Biển Đức nói: ”Tôi rất vui mừng chia vui với anh chị em về việc mừng 400 năm tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái ”Mỏ Đồng”. Ngay từ đầu, Đức Mẹ đã hiện diện sâu rộng trong đời sống bản thân của người dân Cuba, trong các biến cố lớn của đất nước, đặc biệt là trong nền độc lập, được mọi người tôn kính như người Mẹ đích thực của dân tộc Cuba. Lòng sùng kính đối với Đức Mẹ ”Mambisa” đã nâng đỡ đức tin và khuyến khích bảo vệ cũng như thăng tiến những gì làm cho thân phận con người được xứng đáng hơn và các quyền căn bản của con người, và còn mạnh mẽ tiếp tục ngày nay, chứng tỏ một cách cụ thể về sự rao giảng Tin Mừng một cách phong phú tại lãnh thổ này, cũng như những căn cội Kitô sâu xa, tạo nên căn tính sâu đậm hơn của tâm hồn người Cuba. Theo vết bao nhiêu tín hữu hành hương qua dòng lịch sử, tôi cũng muốn đến Mỏ Đồng để phủ phục dưới chân Mẹ Thiên Chúa, để cảm tạ Mẹ vì Mẹ đã can thiệp bênh đỡ mọi người con Cuba của Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu, hướng dẫn hành trình của đất nước yêu quí này trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại Holguín, Cuba

Đức Thánh Cha dâng thánh lễ tại Holguín, Cuba

ĐTC dâng thánh lẽ ngày thứ Bảy

HOLGUÍN. Trong thánh lễ thứ hai tại Cuba, cử hành trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu tại thành phố Holguín, ĐTC kêu gọi các tín hữu hoán cải theo gương thánh Mathêu và các linh mục hãy luôn dịu dàng và ban ơn tha thứ.

Sáng thứ hai 21-9-2015, ĐTC đã tiến sang giai đoạn thứ 2 trong cuộc viếng thăm mục vụ 3 ngày tại Cuba. Ngài giã từ thủ đô La Habana, đáp máy bay tiến về thành phố Holguín, cách đó 700 cây số và đến nơi vào lúc gần 9 giờ rưỡi sau hơn 1 giờ bay.

Holguín là thành phố đứng thứ 3 ở Cuba xét về dân số, với 1 triệu rưỡi dân cư, do nhà chinh phục García Holguín người Tây Ban Nha thành lập hồi năm 1454, và mang danh là thành phố các công viên, vì tại đây có nhiều quảng trường và những đại lộ có nhiều cây cối. Giáo phận tại đây có hơn 440 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 27% dân số, với 28 giáo xứ, 56 giáo họ có thánh đường, và chỉ có 33 linh mục.

Các tín hữu Công Giáo tại đây rất hãnh diện vì chính các ngư phủ hồi thế kỷ 16 đã tìm thấy tượng Đức Mẹ Bác Ái mỏ đồng bổn mạng của Cuba khi họ đánh cá ở vinh Nipe, ngoài khơi tỉnh Holguín. Ngoài ra, các nhà truyền giáo cũng đến vịnh Bariay ở địa phương để khởi sự công trình truyền giáo Mỹ châu. Thực vậy, Cristoforo Colombo đã đổ bộ lên nơi ngày nay gọi là Cảng Chúa Cứu Thế hồi năm 1492.  Tại Quảng trường cách mạng mang tên Calixto García Iniguez, vào lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC đã cử hành thánh lễ, lễ kính thánh Mathêu Tông Đồ trước sự tham dự của hàng trăm ngàn tín hữu. Cho đến nay Quảng trường này chỉ được dùng vào các mục tiêu chính trị và xã hội, nhưng đây là lần đầu tiên một lễ nghi tôn giáo được cử hành tại đây.

Các tín hữu, từ Holguín và các giáo phận lân cận đã đến tham dự thánh lễ ĐTC cử hành lúc 10 giờ rưỡi, lễ kính thánh Mathêu Tông Đồ. Đồng tế với ngài còn có các GM và hàng trăm linh mục Cuba.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt quảng diễn sự tích Chúa Giêsu kêu gọi ông Mathêu người thu thuế, người bị dân Do thái coi là kẻ tội lỗi công khai, kẻ phản bội vì thu thế cho kẻ thống trị. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn ông, chạnh lòng thương và kêu gọi ông. Sự tích này cũng là khẩu hiệu GM và Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô. Ngài nói:

”Chúa Giêsu dừng lại, ngài không vội vã đi qua, Ngài bình tĩnh chậm rãi nhìn Mathêu. Cái nhìn của Chúa với đôi mắt từ bi thương xót; Chúa nhìn ông như chưa bao giờ có người nào trước đó nhìn ông như vậy. Và chính cái nhìn ấy đã mở con tim của ông, làm cho tâm hồn ôn được tự do, được chữa lành, Ngài ban cho ông một niềm hy vọng, một đời sống mới, như Zakêu, như Bartimeo, Maria Madalena, như Phêrô và mỗi người chúng ta..

Đó cũng là lịch sử bản thân mỗi người chúng ta; như bao nhiêu người khác, mỗi người chúng ta có thể nói: Tôi cũng là một người tội lỗi mà Chúa Giêsu nhìn đến. Tôi mời gọi anh chị em, ở nhà hay ở nhà thờ, hãy dành một lúc thinh lặng để nhớ lại với lòng biết ơn và vui mừng trường hợp đã xảy ra, lúc mà cái nhìn từ bi của Thiên Chúa đặt trên cuộc sống của chúng ta”.

Sau khi nhìn Mathêu với lòng thương xót, Chúa gọi ông: ”Hãy theo tôi”, và ông đứng lên theo Ngài. Sau cái nhìn là lời nói của Chúa Giêsu. Sau tình thương là sứ mạng. Matheu không còn như trước nữa, ông đã thay đổi trong nội tâm. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, với lòng yêu thương từ bi của Chúa, đã biến đổi ông. Ông bỏ lại bàn thu thế, tiền bạc, tình trạng bị gạt ra ngoào. Trước kia ông ngồi đó để thu thuế, để lấy của người khác; giờ đây với Chúa Giêsu, ông phải đứng lên để cho đi, để tặng, để hiến thân cho tha nhân… Cái nhìn của Chúa Giêsu đã tạo nên một hoạt động thừa sai.

ĐTC nhận xét rằng Chúa Giêsu đi trước, mở đường cho chúng ta, mời gọi chúng ta theo ngài. Ngài mời gọi chúng ta từ từ tiến bước, vượt lên trên mọi thành kiến của chúng ta, vượt lên sự kháng cự không muốn thay đổi của người khác và cả chúng ta nữa. Chúa thách thức chúng ta ngày qua ngày: con có tin không? Con có tin là một người thu thuế có thể trở thành một người phục vụ hay không?.. Chúng ta hãy để cho Chúa nhìn chúng ta trong kinh nguyện, trong Thánh Lễ, trong việc xưng tội, trong các anh chị em của chúng ta, nhất là những người cảm thấy bị bỏ rơi và đơn độc nhất. Và chúng ta hãy học nhìn như Chúa nhìn chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ sự dịu dàng và từ bi của Chúa với các bệnh nhân, tù nhân, người già và những gia đình đang gặp khó khăn.

Sau cùng ĐTC khích lệ Giáo Hội tại Cuba tiếp tục cố gắng và hy sinh thi hành công tác loan truyền lời Chúa, sự hiện diện của Chúa và việc mục vụ cho tất cả mọi người, kể cả tại những nơi xa xăm nhất. Ngài ca ngợi sáng kiến ”các căn nhà truyền giáo”, để đáp ứng tình trạng thiếu nhà thờ, thiếu LM tại nước này, để nhiều người có nơi cầu nguyện, nghe Lời Chúa, học giáo lý và có đời sống cộng đoàn. Đó là những dấu chỉ bé nhỏ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong các khu phố của chúng ta và là một trợ giúp thường nhật để lời thánh Phaolô tông đồ trở nên sống động: "Tôi khuyên bảo anh chị em hãy cư xứ xứng với ơn gọi anh chị em đã nhận lãnh, với tất cả lòng khiêm tốn, dịu dàng, quảng đại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương, quan tâm duy trình tinh thần hiệp nhất nhờ mối dây hòa bình” (Ep 4,1-3)

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục, tu sĩ Cuba

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục, tu sĩ Cuba

Đức Thánh Cha chủ sự kinh chiều với các linh mục  tu sĩ Cuba

LA HABANA. Chiều chúa nhật 20-9-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều lúc 5 giờ với các LM, tu sĩ và chủng sinh Cuba tại Nhà thờ chính tòa thủ đô La Habana.

Nhà thờ chính tòa này, dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và thánh Cristobal, được các cha dòng Tên khởi công xây cất hồi năm 1748, tức là cách đây 267 năm. Cả sau khi các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi Cuba vì bị cáo về âm mưu lật đổ chính quyền, việc xây cất thánh đường vẫn được tiếp tục và hoàn thành sau 19 năm kiến thiết.

Dọc đường 7 cây số khi ĐTC đến nhà thờ, có đông đảo dân chúng đứng hai bên đường để chào đón ngài, nhất là họ tụ tập ở quảng trường trước Nhà thờ chính tòa.

Đầu buổi hát kinh chiều trọng thể, ĐHY Jaime Ortega TGM sở tại đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC và nhấn mạnh rằng có một điều ”liên kết tất cả mọi người, mọi phần tử của Giáo Hội trong việc phục vụ nhân dân Cuba chúng con, đó là cái nghèo. Tại Cuba, Giáo Hội thật nghèo và chứng tá âm thầm, từ bỏ của các LM triều và dòng của chúng con, các phó tế, những người nam nữ thánh hiến, thật là đáng ngưỡng mộ. Sự nghèo khó đang góp phần mạnh mẽ cho tình liên đới và tình huynh đệ giữa chúng con. Ở đây không có cơ hội cho sự cạnh tranh và sự thi đua, ngoài sự phục vụ và hiến thân”.

Chứng từ của Nữ tu Yaileny

Tiếp đến, một nữ tu đã đại diện mọi người kể lại chứng từ về hoạt động phục vụ người nghèo, đó là chị Yaileny Ponce Torres, Nữ tử bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô, làm việc tại Edad de Oro, một nhà thương thuộc Bộ y tế Cuba có 200 bệnh nhân, cả nam lẫn nữ, có nhiều chứng bệnh liên quan tới sự viêm não bộ kinh niên. Chị nói: ”Chúa Cha đã làm cho con ngạc nhiên dường nào khi cho con được hạnh phúc ở giữa các bệnh nhân ấy. Ngày hôm nay con có thể nói với niềm xác tín vui tươi rằng nơi mà con sống thật là đẹp, ai biết điều ấy thì cũng biết con muốn nói về điều gì. Thật là đẹp vì nơi những người con yếu đuối nhất như thế có Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra”.

Nữ tu Ponce Torres nói thêm rằng: ”Cả các bệnh nhân ấy cũng thực thi lòng từ bi thương xót đối với chúng con, khi dạy chúng con với tất cả sự kiên nhẫn để hiểu họ, họ tha thứ những điều xảy ra bất ngờ hoặc gọi hỏi chúng con với cuộc sống của họ đứng trước những điều thiết yếu.. Khi họ tặng một nụ cười, một cái nhìn vui tươi, thì con biết rằng thật là điều bõ công khi dâng hiến cuộc sống cho họ trong khi thực hiện Nước Trời.. Phúc cho những người nghèo vì Nước Trời là của họ”.

Huấn dụ của ĐTC

Sau bài đọc ngắn của giờ kinh, như thói quen trong những cuộc gặp gỡ tương tự, ĐTC đã trao lại cho các LM, tu sĩ và chủng sinh bài huấn dụ ngài đã dọn sẵn để họ đọc sau đó, và ngài ứng khẩu nói chuyện với họ. Hai từ nòng cốt trong bài huấn dụ của ngài là ”thanh bần và lòng từ bi thương xót”. Sự giàu sang có thể làm hư hỏng con tim.

ĐTC nhắc lại lời ĐHY Jaime Ortega trong lời chào mừng và nhận xét: ”ĐHY Jaime đã dùng một từ mà người ta khó chịu, đó là sự nghèo khó. Tinh thần thế gian không biết đến từ này, cũng chẳng tìm kiếm nó, trái lại che đậy sự nghèo khó vì khinh rẻ nó. Tinh thần thế giới không thích con đường của các con cái Thiên Chúa, Đấng đã tự hạ, hạ cố để trở thành một người trong chúng ta”.

ĐTC minh định rằng quản lý của cải vật chất một cách khôn ngoan, đó là điều bình thường, nhưng thật là buồn nếu của cải lẻn vào trong tâm hồn và xác định cuộc sống chúng ta”.

Ngài cũng trích dẫn lời thánh Ignatio Thánh Tổ dòng Tên nói rằng ”Nghèo khó là một bức tường và là mẹ của đời sống thánh hiến. Là mẹ vì nghèo khó kích thích lòng tín thác nơi Thiên Chua, nó là bức tường vì bảo vệ chúng ta khỏi mọi thói thế gian. Lòng yêu mến tinh thần thế giới làm cho chúng ta trở nên tầm thường, sự giàu sang làm cho ta trở nên nghèo nàn, trong khi tinh thần thanh bần là tinh thần của những người muốn theo Chúa Giêsu”.

ĐTC Phanxicô kể lại giai thoại một LM già khôn ngoan nói rằng khi Thiên Chúa gởi một người quản lý tệ hại tới một dòng tu chẳng hạn, thì đó là một trong những phúc lành lớn nhất, vì Ngài giải thoát dòng tu ấy khỏi tinh thần thế gian. Cần phải sống theo điều chúng ta đọc thấy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: tiêu chuẩn theo đó chúng ta sẽ bị phán xét chính là sự gần gũi những người rốt cùng, những người bé mọn nhất. 'Điều mà các con làm cho người bé mọn nhất trong số các anh em của Thầy đây, chính là các con làm cho Thầy”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Có những việc phục vụ mục vụ làm cho chúng ta mãn nguyện nhất xét về phương diện con người, nhưng ai có tâm hồn ưu tiên dành cho những người bé mọn nhất, người bệnh tật, những người chẳng đáng kể gì, người không xin gì, thì họ chính là người đang theo Chúa Giêsu tuyệt hảo nhất”.

Ngài cũng không quên nhắn nhủ các LM, những người thánh hiến và các chủng sinh hãy là những người vui tươi, vì niềm vui là dấu chỉ của Kitô giáo. Thánh nữ Têrêsa vẫn dạy các nữ đan sĩ đừng kêu ca than vãn. Ngài cũng ca ngợi những tu sĩ tận hiến cuộc đời để săn sóc những người mà thế gian coi là ”đồ bỏ”, loại trừ những người ấy, cả khi họ chưa sinh ra.

ĐTC kết luận rằng: ”Một LM có thể đặt câu hỏi: nhưng con phải coi một giáo xứ, làm sao con theo Chúa Giêsu? Đâu là người bé mọn nhất, con có thể gặp họ ở đâu? tù nhân, bệnh nhân.. Nhưng có một nơi đặc biệt có người bé mọn, người rốt cùng, đó là tòa giải tội. Tại đó chúng ta gặp những người nam nữ bày tỏ sự lầm than của họ. Tôi xin anh em đừng khiển trách họ. Anh em hãy ném đá trước tiên nếu anh em là những người không có tội. Hãy nghĩ rằng hối nhân ấy có thể là chính anh em. Anh em có một kho tàng, đó là sự dịu dàng, lòng thương xót của Thiên Chúa. Đừng bao giờ mỏi mệt trong việc tha thứ, vì anh em mang lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh Ambroxio đã nói một câu làm cho tôi rất cảm động: nơi nào có lòng thương xót, nơi đó có tinh thần của Chúa Giêsu, nơi nào có sự cứng nhắc, nơi đó chỉ có các thừa tác viên của Chúa. Anh em LM và GM, hãy để cho lòng từ bi thương xót tuân chảy qua anh em cho những người bé mọn nhất.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ Cuba mơ ước tương lai

Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ Cuba mơ ước tương lai

Pope talks to young people in Cuba

LA HABANA. Chiều chúa nhật 20-9-2015, ĐTC đã gặp giới trẻ Cuba tại thủ đô La Habana, và ngài mời gọi họ vượt thắng bi quan, mơ ước và dấn thân xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và đất nước.

Sau khi ban phép lành kết thúc buổi hát kinh chiều với các LM, tu sĩ và chủng sinh Cuba, ĐTC đã tiến sang trung tâm nghiên cứu văn hóa mang tên của Vị Tôi Tớ Chúa, LM LM Félix Varela. Cha sống vào thế kỷ 18 và được là ”thầy của các thầy dạy” ở Cuba. Cha giảng dạy trong 10 năm trời tại Học viện kiêm chủng viện thánh Carlo ở La Habana, góp phần vào sự tiến bộ khoa học và văn chương của Cuba. Về sau, cha sang Mỹ, bênh vực quyền độc lập của Cuba và bênh vực nhân dân nước này. Trong 30 năm hoạt động tại Mỹ cha Felix Varela đã thiết lập nhiều trường học, thánh đường và loan báo Tin Mừng cho những người sống ngoài lề xã hội. Cha Qua đời năm 1853 và án phong chân phước cho cha được khởi sự cách đây 30 năm, tức là năm 1985.

Trong cuộc gặp gỡ lúc 6 giờ chiều ở Trung tâm Varela, ĐTC cũng bỏ bài huấn dụ dọn sẵn và ứng khẩu nói chuyện với các bạn trẻ.

Huấn dụ ứng khẩu của ĐTC

Ngỏ lời với các bạn trẻ trong cuộc gặp gỡ lúc 6 giờ rưỡi chiều chúa nhật vừa qua ở Trung tâm Cha Varela, ĐTC trả lời một bạn trẻ trình bày mơ ước được thấy một nước Cuba tốt đẹp hơn, ngài trích dẫn một văn sĩ Mỹ châu la tinh nói rằng con người có 2 con mắt, một con bằng thịt và một con bằng thủy tinh. Với con mắt thịt chúng ta thấy điều chúng ta nhìn. Với con mắt bằng kiếng, chúng ta thấy điều mà chúng ta mơ ước. Một người trẻ không có khả năng mơ ước, là một người khép kín vào mình.

ĐTC mời gọi các bạn trẻ hãy mơ ước những điều vĩ đại:

”Trong sự khách quan của cuộc sống cần để cho khả năng mơ ước đi vào. Và một người trẻ không có khả năng mơ ước, thì bị khép kín trong chính mình.. Nhiều khi mỗi người mơ ước những gì không bao giờ xảy ra, nhưng hãy mơ ước, hãy ước mong, hãy tìm kiếm những chân trời..

Ngài cũng nói đến khả năng đón tiếp và chấp nhận người nghĩ khác với mình. Trong thực tế, nhiều khi chúng ta khép kín. Chúng ta bước vào trong thế giới bé nhỏ và khép kín trong khuôn khổ ý thức hệ hoặc tôn giáo. Khi tôn giáo trở thành một thứ tu viện nhỏ, thì nó đánh mất phần tốt đẹp nhất của mình, đánh mất thực tại tôn thờ Thiên Chúa, tin nơi Chúa. Đó là một thứ hội lời nói, cầu nguyện, với những qui luật luân lý. Và khi tôi theo ý thức hệ của tôi, cách tư duy của tôi, và các bạn theo ý thức hệ của các bạn thì tôi khép kín trong cái hộp ý thức hệ.

ĐTC nhắn nhủ các bạn trẻ hãy cởi mở tâm trí, đừng chỉ quan tâm đến những gì làm cho chúng ta chia rẽ, hãy nghĩ đến những điểm chung, làm việc chung cho công ích. Sự hận thù xã hội tàn phá, phá hủy gia đình, xã hội, thế giới, sự hận thù lớn nhất về mặt xã hội chính là chiến tranh, chúng ta thấy chiến tranh đang tàn phá thế giới.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Colombia

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Colombia

ĐTC cử hành thánh lễ tại Cuba

LA HABANA. Cuối thánh lễ sáng chúa nhật 20-9-2015 tại La Habana, Cuba, ĐTC Phanxicô đặc biệt kêu gọi chấm dứt cuộc nội chiến từ nửa thế kỷ nay tại Colombia.

 

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh truyền tin với hơn nửa triệu tín hữu tại Quảng trường Cách Mạng, ĐTC đã cám ơn ĐHY Ortega, TGM sở tại, các GM, LM, tu sĩ và giáo dân, ngài cũng chào thăm chủ tịch Nhà Nước và tất cả các quan chức chính quyền hiện diện.

 

ĐTC nhắc đến sự kiện trong Phúc Âm, các môn đệ không hiểu ý tưởng thấy Chúa Giêsu sẽ phải chịu đau khổ trên thập giá, và nhấn mạnh rằng: ”Cả chúng ta cũng bị cám dỗ muốn trốn chạy thập giá của chúng ta, những đau khổ của người khác và xa tránh những người đau khổ. ĐTC mời gọi các tín hữu cầu xin Mẹ Maria dạy chúng ta ở gần thập giá của người anh em đang chịu đau khổ, học cách nhìn thấy Chúa Giêsu trong mỗi người kiệt lực trên đường đời, trong mỗi người anh em đói khát, bị bóc lột hoặc bị cầm tù, đau yếu.

 

ĐTC cũng nhắc đến đất nước Colombia yêu quí từ bao năm phải chịu cảnh nội chiếm đẫm máu và từ lâu nay có cuộc hòa đàm giữa đại diện chính phủ Colombia và đại diện phiến quân FARC ở Cuba. Ngài nói: ”Ước gì máu của hàng ngàn người vô tội đã đổ ra trong bao thập niên xung đột võ trang, hiệp với máu của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá, nâng đỡ tất cả những nỗ lực đang được thực hiện, kể cả tại hòn đảo tươi đẹp này, để đạt tới sự hòa giải chung kết. Như thế đêm dài của đau khổ và bạo lực, với ý chí của tất cả mọi người dân Colombia, có thể biến thành một ngày không tàn lụi, ngày của hòa hợp, công lý, tình huynh đệ và tình tưhơng, trong niềm tôn trọng các cơ chế và công pháp quốc gia và quốc tế, để hòa bình được lâu bền. Chúng ta không thể để cho có một sự thất bại nữa trong hành trình hòa bình và hòa giải này”.

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hơn nửa triệu người Cuba dự lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô

Hơn nửa triệu người Cuba dự lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô

ĐTC cử hành thánh lễ đầu tiên tại Cuba với hơn nửa triệu nguời

LA HABANA. Trong thánh lễ đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu thực thi tinh thần phục vụ chân thực đối với những người anh em, đặc biệt là những người yếu thế.

Sáng chúa nhật 20-9-2015, ĐTC đã từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đến Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô của Cuba để cử hành thánh lễ vào lúc 9 giờ sáng giờ địa phương.

Đây là nơi biểu tượng của đất nước Cuba, mang tên nhà cách mạng José Marti (1853-1895), một ký giả kiêm thi sĩ nổi tiếng đã chống lại sự đô hộ của Tây Ban Nha hồi cuối thế kỷ 19, và đã bị giết trong trận chiến chống lại người Tây Ban Nha lúc mới được 42 tuổi. Quảng trường này có thể chứa được 600 ngàn người và đã từng là nơi được hai vị Giáo Hoàng trước đây, Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16 cử hành thánh lễ.

Đến nơi, ĐTC đã dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào thăm hơn nửa triệu tín hữu hiện diện nơi đây dưới bầu trời nóng nực.

Tại nhà thánh, trước khi mặc phẩm phục để cử hành thánh lễ, ĐTC đã gặp và chào thăm một số đại diện các Giáo Hội Kitô ở Cuba.

Đồng tế với ĐTC có đông đảo các giám mục và trăm linh mục Cuba. Và trong số những người hiện diện cũng có chủ tịch Raoul Castro và bà tổng thống Cristina Kirchner của Argentina.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng Thánh Lễ, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng thuật lại cuộc tranh luận giữa các môn đệ trên đường đi theo Chúa Giêsu để xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất, và Chúa dạy họ rằng ”Nếu ai muốn là người thứ nhất, thì hãy trở thành người cuối cùng trong mọi người và phục vụ tất cả mọi người” (Mc 9,35). Ai muốn là người lớn, thì hãy phục vụ người khác, chứ không sử dụng người khác! ĐTC giải thích rằng:

”Đó chính là điều nghịch lý của Chúa Giêsu. Các môn đệ tranh luận xem ai được chiếm chỗ quan trọng nhất, ai là người ưu tiên, ai ở trên luật chung, trên qui luật tổng quát, để làm cho mình được nổi bật ước muốn ở trên người khác. Ai leo lên nhanh nhất để chiếm những trách vụ mang lại cho mình những ưu thế.

”Chúa Giêsu đảo lộn luận lý của họ và nói với họ rằng đời sống chân chính được sống trong sự dấn thân cụ thể để phục vụ tha nhân.

”Lời mời gọi phục vụ là một đặc điểm chúng ta phải chú ý. Phục vụ phần lớn có nghĩa là chăm sóc sự yếu đuối dòn mỏng. Chăm sóc những người yếu đuối trong gia đình, trong xã hội, trong dân tộc chúng ta. Chúa Giêsu đề nghị nhìn những khuôn mặt đau khổ, vô phương thế tự vệ và sầu khổ và mời gọi yêu thương họ một cách cụ thể. Tình thương được cụ thể hóa trong những hành động và quyết định. Tình thương được biểu lộ trong những công tác khác nhau mà chúng ta được kêu gọi chu toàn trong tư cách là công dân. Những người cụ thể, bằng xương bằng thịt với cuộc sống, lịch sử và nhất là sự mong manh của họ chính là những người được Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy bảo vệ, giúp đỡ, phục vụ. Vì làm Kitô hữu có nghĩa là luôn được mời gọi bỏ qua một bên những đòi hỏi, mong đợi, ước mong được toàn năng của mình, để nhường chỗ cho cái nhìn cụ thể đối với những người yếu thế nhất.

ĐTC cũng cảnh giác rằng chúng ta phải cảnh tỉnh đối với một thứ ”phục vụ” lợi dụng tha nhân, cần chống lại cám dỗ sử dụng việc phục vụ. Có một hình thức thực thi việc phục vụ để mưu tư lợi. Việc phục vụ ấy luôn tạo ra một thức loại trừ người khác.

”Do ơn gọi Kitô, tất cả chúng ta được mời gọi phục vụ mưu ích và giúp đỡ lẫn nhau, và tránh rơi vào cám dỗ phục vụ để lợi dụng. Tất cả chúng ta được Chúa Giêsu khích lệ nâng đỡ lẫn nhau vì tình thương… Việc đảm trách nâng đỡ nhau vì tình thương không hướng về một thái độ nô lệ, trái lại, nó đặt người anh chị em ở trung tâm, phục vụ luôn nhìn khuôn mặt của người anh em, động chạm đến bản thân, cảm thấy sự gần gũi của họ đến độ trong một số trường hợp, chịu đựng họ, thăng tiến họ. Vì thế, việc phục vụ không bao giờ có tính chất ý thức hệ, vì nó không phục vụ các ý tưởng nhưng là phục vụ con người.

Sau cùng, ĐTC nhận xét rằng ”dân tộc Cuba có những vết thương, như mọi dân tộc khác, nhưng biết mở rộng vòng tay, tiến bước trong hy vọng, vì ơn gọi của họ là một ơn gọi cao cả. Ngày hôm nay tôi mời gọi anh chị em hãy chăm sóc ơn gọi này, chăm sóc những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho anh chị em, nhất là tôi muốn mời gọi anh chị em chăm sóc phục vụ những anh chị em yếu đuối. Đừng lơ là bỏ qua họ vì những dự án có vẻ thu hút, nhưng lại không quan tâm gì đến những người ở bên cạnh mình. Chung ta biết, chúng ta là chứng nhân về sức mạnh khôn sánh của sự phục vụ, tạo nên những mầm mống của thế giới mới ấy ở mọi nơi” (Ev. Gaudiii, 276-278).

Trong phần hiệp lễ, ĐTC đích thân cho hàng chục em rước lễ lần đầu được nhận Mình Thánh Chúa, sau đó ngài chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin kính Đức Mẹ.

G. Trần Đức Anh OP -- Vatican Radio

 

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

Đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cuba

Đón tiếp ĐTC tại Cuba

LA HABANA. Trong diễn văn đầu tiên tại Cuba, ĐTC Phanxicô cổ võ các vị lãnh đạo chính trị tiếp tục tiến trình cởi mở và hòa giải.

 

Sau gần 12 giờ bay từ Roma, máy bay của hãng Alitalia, chở ĐTC Phanxicô, đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế, đã đáp xuống phi trường José Marti ở La Habana, thủ đô Cuba, lúc gần 4 giờ chiều thứ bẩy, 19-9-2015, mở đầu cho các hoạt động của ngài trong 10 ngày viếng thăm tại Cuba, Hoa Kỳ và LHQ, chuyến đi dài nhất trong 10 cuộc tông du ngài thực hiện trong 2 năm rưỡi qua.

 

Cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Cuba có chủ đề là ”Thừa sai của lòng thương xót”, ám chỉ tới Năm Thánh ngoại thường về lòng xót thương của Chúa sẽ được chính thức khai mạc vào ngày 8-12 tới đây, kỷ niệm đúng 50 năm bế mạc công đồng chung Vatican 2.

 

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC ngài đã được chủ tịch Raoul Castro cùng với ĐHY Jaime Ortega, TGM giáo phận La Habana sở tại tiếp đón, trong khi 21 phát đại bác nổ vang chào mừng vị quốc khách. 5 em bé đã tặng hoa cho ngài, và ngài dừng lại hỏi thăm các em và tặng mỗi em một xâu chuỗi mân côi.

 

Trong diễn văn chào mừng, chủ tịch Raoul Castro đã bày tỏ lòng quí mến, kính trọng và tâm tình nồng nhiệt của nhân dân Cuba được đón tiếp ĐGH và ông nói rằng: ”Chúng tôi rất quí chuộng và biết ơn vì sự nâng đỡ của ngài dành cho cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Cuba.. Việc tái lập quan hệ ngoại giao là bước đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, giải quyết các vấn đề và sửa chữa những bất công.. Sự cấm vận đã gây ra những thiệt hại cho con người và những khó khăn cho các gia đình Cuba. Việc cấm vận ấy là điều tàn ác, vô luân và bất hợp pháp. Cần phải loại bỏ cấm vận”.

 

Chủ tịch Castro cũng gọi chế độ kinh tế quốc tế hiện nay là bất công vì nó hoàn cầu hóa tư bản và biến tiền bạc thành thần tượng. Ông hãnh diện vì những chinh phục của chế độ xã hội chủ nghĩa Cuba, nhất là trong lãnh vực y tế, học đường, nhưng ông cũng nhìn nhận cần hải thực thi kiểu mẫu này về mặt kinh tế và xã hội.

 

Diễn văn đầu tiên của ĐTC tại Cuba

 

Về phần ĐTC, lên tiếng sau lời chào mừng của Chủ tịch Castro, ĐTC cám ơn chính quyền, giáo quyền, và tất cả những người đã chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài và nhắc đến các vị tiền nhiệm đã đến thăm nước này:

 

”Trong năm 2015 này, có kỷ niệm 80 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Cuba và Tòa Thánh. Chúa Quan phòng cho tôi được đến đây ngày hôm nay, tại đất nước yêu quí này, theo vết không thể xóa nhòa trên con đường đã được các cuộc tông du đáng ghi nhớ mở ra, các cuộc viếng thăm của hai vị tiền nhiệm của tôi tại nước này, Thánh Gioan Phaolô 2 và Biển Đức 16. Tôi biết rằng việc nhớ lại các vị gợi lên lòng biết ơn và quí mến nơi dân chúng và chính quyền Cuba. Hôm nay, chúng ta canh tâm những quan hệ cộng tác và thân hữu để Giáo Hội tiếp tục tháp tùng và khích lệ nhân dân Cuba trong niềm hy vọng và lo âu, với tự do và những phương thế, cũng như những không gian cần thiết để đưa việc loan báo Nước Trời đến tận các môi trường ngoại ô của cuộc sống trong xã hội”.

 

ĐTC cũng nhận xét rằng cuộc tông du này cũng trùng với dịp kỷ niệm 100 năm tuyên bố Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng là bổn mạng của Cuba, do ĐGH Biển Đức 15 xác định. Chính các cựu chiến binh dành độc lập, do tâm tình đức tin và lòng yêu nước thúc đẩy, đã xin Đức Trinh Nữ mambisa là bổn mạng của Cuba như một nước tự do và có chủ quyền. Từ đó Mẹ đã tháp tùng lich sử nhân dân Cuba, nâng đỡ niềm hy vọng giữ gìn phẩm giá con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất và bảo vệc sự thăng tiến tất cả những gì mang lại phẩm giá cho con người. Lòng sùng kính gia tăng đối với Đức Trinh Nữ Bác Ái mỏ đồng là một chứng tá hữu hình về sự hiện diện của Đức Mẹ trong tâm hồn người dân Cuba. Trong những ngày này tôi sẽ được cơ hội đến Đền thánh Mỏ Đồng như người con và như người lữ hành, để cầu xin Mẹ cho tất cả những người con Cuba của Mẹ và cho đất nước yêu quí này, để tiến bước trên con đường công lý, hòa bình, tự do và hòa giải.

 

”Về mặt địa lý, Cuba là một quần đảo quay về mọi hướng, với một giá trị đặc biệt như ”chìa khòa” giữa bắc và nam, giữa đông và tây. Ơn gọi tự nhiên là ơn gọi trở thành điểm gặp gỡ để tất cả mọi dân tộc ở trong tình thân hữu, như José Martí vẫn mơ ước, ”vượt lên trên những chật hẹp của eo biển và những hàng rào của biển cả” (Hội nghị tiền tệ của các cộng hòa Mỹ châu, Obras escogidas II, La Habana 1992, 505). Đây cũng chính là ước muốn của thánh Gioan Phaolô 2 với lời kêu gọi nồng nhiệt của ngài ”để Cuba cởi mở đối với tất cả những khả thể tuyệt vời của mình với thế giới và thế giới cởi mở với Cuba” (diễn văn 21-1-1998,5).

 

Nhắc đến những biến cố gần đây, ĐTC nói: ”Từ vài tháng nay, chúng ta chứng kiến một biến cố khiến chúng ta đầy hy vọng: đó là tiến trình bình thường hóa những quan hệ giữa hai dân tộc, sau bao năm xa cách. Đó là một dấu chỉ về sự trổi vượt của nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại, hệ thống giá trị đại đồng.. trên chế độ triều đại và phe nhóm đã chết mãi mãi” (José Martí, ibid.). Tôi khuyến khích các vị lãnh đạo chính trị hãy tiếp tục con đường này và phát huy mọi tiềm năng của nó, như bằng chứng về sự phục vụ cao quí mà họ được kêu gọi thực hiện cho hòa bình và an sinh của các dân tộc của mình, của toàn Mỹ châu và như mẫu gương về sự hòa giải cho toàn thế giới.

 

”Tôi phó thác những ngày này cho sự chuyển cầu cảu Đức Trinh Nữ Bác ái Mỏ đồng, chân phước Olallo Valdés và José López Pieteira và Đấng đáng kính Félix Varela, nhà đại phổ biến tình thương giữa người Cuba và tất cả mọi người, để gia tăng những mối liên hệ hòa bình, tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau”.

 

Rời phi trường, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa chiều và qua đêm. Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết dọc đường dài 18 cây số, có hơn 100 ngàn người đứng hai bên đường để chào đón ngài. Theo báo chí, số người phải đông đảo hơn nhiều, với những hàng dài ngày càng dầy đặc hơn khi xe chở ĐTC đến gần tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ

Đức Thánh Cha lên đường viếng thăm Cuba và Hoa Kỳ

ĐTC lên đường sang Cuba

VATICAN. Lúc 10 giờ 35 phút sáng thứ bẩy 19-9-2015, ĐTC Phanxicô đã rời Roma lên đường viếng thăm mục vụ trong vòng 10 ngày tại Cuba rồi tại Hoa Kỳ.

Đây là chuyến viếng thăm thứ 10 của ĐTC tại nước ngoài và là chuyến đi dài nhất, phức tạp nhất, theo lời Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh.

Theo thói quen từ lâu, chiều tối thứ sáu 18-9 vừa qua, ĐTC đã đến Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để cầu nguyện và phó thác cuộc viếng thăm của ngài cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.

Tháp tùng ĐTC trên máy bay Airbus A330-200 của hãng Alitalia, có 75 ký giả quốc tế, không kể đoàn tùy tùng của ngài khoảng 30 người, đứng đầu là ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đức TGM Phụ tá Quốc vụ khanh Angelo Becciu, và lần này đặc biệt có thêm Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher, người Anh, xét vì khía cạnh ngoại giao được nhấn mạnh hơn trong chuyến đi ngày của ĐTC.

Trong những ngày viếng thăm, ĐTC sẽ đọc 26 bài diễn văn và bài giảng, trong đó chỉ có 4 bài hoàn toàn bằng tiếng Anh, phần còn lại bằng tiếng Tây Ban Nha, hoặc xen lẫn tiếng Anh. Bài diễn văn của ngài trước Đại hội đồng LHQ hoàn toàn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Theo chương trình, sau gần 12 giờ bay, ĐTC sẽ đến phi trường thủ đô La Habana của Cuba vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày 19-9-2015, giờ địa phương, tức là lúc 3 giờ sáng chúa nhật, 20-9, giờ Việt Nam.

Sáng chúa nhật 20-9-2015, ngài sẽ cử hành thánh lễ tại Quảng trường Cách Mạng ở thủ đô Cuba. Ban chiều lúc 4 giờ ngài sẽ đến viếng thăm Chủ tịch Hội đồng Nhà Nước cùng với Hội đồng Bộ trưởng tại Dinh Cách Mạng.

Tiếp đến lúc 5 giờ 15, ngài sẽ chủ sự kinh chiều với các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà Thờ Chính tòa La Habana. 1 giờ 15 phút sau đó, ngài sẽ gặp gỡ và chào thăm giới trẻ tại Trung tâm Văn hóa LM Felix Varela.

ĐTC còn viếng thăm giáo phận Holguín ở mạn đông Cuba cách thủ đô La Habana hơn 1 giờ bay, rồi thăm tổng giáo Santiago ở mạn cực nam Cuba, nơi có Đền thánh Đức Mẹ Bác Ái Mỏ Đồng, Bổn mạng của Cuba. Ngài sẽ rời Roma chiều ngày 22-9 để sang Hoa Kỳ.

Vài tin bên lề

Trong khi đó, báo chí nói đến nhiều chi tiết liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC.

– Tại Vatican, lúc 9 giờ 45 sáng 19-9-2015, trước khi lên đường ra phi trường Fiumicino, ĐTC đã chào thăm gia đình tị nạn đầu tiên được giáo xứ thánh Anna đón tiếp tại Nội thành Vatican. Gia đình này người Siria, được Đức TGM Konrad Krajewski, chánh sở từ thiện của ĐTC, dẫn đến chào ngài và cám ơn vì sự đón tiếp và cho tị nạn.

– Tại trụ sở LHQ, cờ Tòa Thánh sẽ được trương lên ngày 25-9 tới đây khi ngài đến viếng thăm tại đây. Hôm 10-9 vừa qua, Đại Hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết cho các quốc gia không thành viên, như Palestine và Vatican, cũng được treo cờ của mình tại trụ sở LHQ.

– Các hãng tin quốc tế truyền đi ngày 18-9 cũng nói đến cuộc điện đàm giữa tổng thống Obama và chủ tịch Raoul Castro và hai vị ca ngợi vai trò của ĐGH trong việc giúp làm tan băng giá giữa Mỹ và Cuba. Cuộc điện đàm diễn ra đúng ngày chính phủ Mỹ giảm bớt việc cấm vận chống Cuba và cho phép thực hiện dễ dàng các cuộc viếng thăm của người dân giữa hai nước. Đặc biệt từ thứ hai 20-9 này, người Mỹ có thể du hành sang Cuba dễ dàng hơn để viếng thăm hoặc để kinh doanh. Việc mở tài khoản ngân hàng cũng dễ dàng hơn.

Tổng thống Obama nhấn mạnh với chủ tịch Castro tầm quan trọng của việc mở lại hai sứ quán của nhau tại La Habana và Washington, chấm dứt một trong những trang sử đau thương nhất của cuộc chiến tranh lạnh. Hai vị nguyên thủ cũng nói về những biện pháp sắp tới cần thực hiện, để đẩy mạnh sự cộng tác song phương mặc dù vẫn còn có những dị biệt giữa hai nước về những vấn đề quan trọng. (SD 19-9-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại khoa học và tôn giáo

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến dành cho Hội nghị các nhà thiên văn sáng ngày 18-9-2015, ĐTC Phanxicô cổ võ sự đối thoại ngày càng sâu rộng giữa khoa học và các tôn giáo.

 

 Hội nghị do Cộng đồng Đài thiên văn Vatican tổ chức. Đài này được Tòa Thánh ủy thác cho các cha dòng Tên điều khiển ngay từ khi mới thành lập cách đây 80 năm và từ 30 năm nay, Cộng đồng này vẫn tổ chức các khóa học cho các nhà thiên văn trẻ.

 

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến trước sự hiện diện của 38 tham dự viên, ĐTC nhắc đến lời thánh Gioan Phaolô 2 Giáo hoàng nói rằng: ”Điều quan trọng là cần phải tiếp tục và đào sâu cuộc đối thoại giữa khoa học và tôn giáo”. Và Người cũng tự hỏi: ”Cộng đồng các tôn giáo trên thế giới, kể cả Giáo Hội Công Giáo, đã sẵn sàng đối thoại ngày càng sâu rộng hơn với cộng đồng khoa học chữa?”

 

ĐTC Phanxicô nhận xét rằng trong bối cảnh đối thoại liên tôn, ngày nay cấp thiết hơn bao giờ hết, việc nghiên cứu khoa học mang lại một viễn tượng có một không hai, được nhiều tín hữu và cả những người không tín ngưỡng đồng thuận, giúp đạt tới một sự hiểu biết công trình sáng tạo sâu hơn về mặt tôn giáo. Chính trong khuôn khổ đó, các khóa học về khoa vật lý thiên thể do Đài thiên văn Vatican tổ chức từ 3 thập niên qua, là một cơ hội quí giá qua đó các nhà thiên văn trẻ từ các nơi trên thế giới đối thoại và cộng tác với nhau trong việc tìm kiếm sự thật”.

 

Hôm 18-9-2015, ĐTC đã bổ nhiệm cha Guy Joseph Consolmagno, dòng Tên, làm tân giám đốc Đài thiên văn Vatican, kế nhiệm cha José Gabriel Funes SJ vừa mãn nhiệm. Cha Consolmagno là thành viên của Đài này và là chủ tịch Ngân Quỹ Đài Thiên Văn Vatican (SD 18-9-2015)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

ĐTC KÊU GỌI CỦNG CỐ SỰ CỘNG TÁC GIỮA CÁC KITÔ HỮU VÀ CÁC TỔ CHỨC NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ TRONG VIỆC CỨU GIÚP NẠN NHÂN IRAQ VÀ SYRIA

ĐTC KÊU GỌI CỦNG CỐ SỰ CỘNG TÁC GIỮA CÁC KITÔ HỮU VÀ CÁC TỔ CHỨC NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ TRONG VIỆC CỨU GIÚP NẠN NHÂN IRAQ VÀ SYRIA

ĐTC kêu gọi CỨU GIÚP NẠN NHÂN IRAQ VÀ SIRIA

VATICAN: ĐTC kêu gọi củng cố sự cộng tác bên trong Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội Kitô khác, và các tổ chức nhân đạo quốc tế trong việc cứu trợ các nạn nhân chiến tranh Iraq và Syria.

 

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các thành viên đại hội do Hội Đồng Toà Thánh Cor Unum tổ chức về “cuộc khủng hoảng nhân đạo Siria và Iraq”. Tham dự đại hội đã có các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân thuộc các tổ chức bác ái hoạt động trong vùng Trung Đông. Đề cập tới thảm cảnh của toàn vùng ĐTC nói: một trong các thảm cảnh nhân đạo nặng nề nhất trong các thập niên qua là các hậu qủa của các xung đột bên Syria và Iraq, đè nặng trên các thường dân cũng như gia tài văn hóa của hai nước này. Hàng triệu người đang phải sống trong tình trạng thiếu thốn lo âu, bị bó buộc bỏ nhà cửa quê hương chạy trốn chiến tranh. Các nưóc Lebanon, Giordania và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang mang gánh nặng của hàng triệu người tỵ nạn, mà họ đã quảng đại tiếp đón. Cộng đoàn quốc tế xem ra không có khả năng tìm ra các câu trả lời thích đáng cho quang cảnh chiến tranh xung khắc này, trong khi các kẻ buôn vũ khí tiếp tục kiếm lời.

 

Tuy nhiên, ngày nay khác với qúa khứ, các xung khắc này bao gồm các tàn ác và vi phạm nhân quyền chưa từng có, đuợc các phương tiện truyền thông phổ biến tức thì cho toàn thế giới chứng kiến. Không ai có thể giả bộ không trông thấy. Tất cả mọi người đều ý thức rằng cuộc chiến này ngày càng không thể hịu đựng đuợc trên vai của dân nghèo. Cần phải tìm ra giải pháp, không phải giải pháp bạo lực, vì bạo lực chỉ tạo ra thêm các vết thương mà thôi.

 

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Tôi khích lệ anh chị em đặc biệt chú ý tới các nhu cầu vật chất và tinh thần của những người yếu đuối và không đuợc bệnh đỡ nhất: tôi đặc biệt nghĩ tới các gia đình, người già, người bệnh và các trẻ em. Các trẻ em và người trẻ, hy vọng của tương lai, bị lấy mất đi các quyền căn bản là được lớn lên trong thanh bình của gia đình, được yêu thương săn sóc, chơi đùa và học hành. Với chiến cuộc tiếp diễn, hàng triệu trẻ em mất đi quyền được giáo dục, và hậu qủa là tương lại mờ mịt của chúng. Anh chị em đừng thiếu dấn thân trong lãnh vực sinh tử này.

 

Có biết bao nhiêu là nạn nhân của xung khắc: tôi nghĩ tới tất cả và cầu nguyện cho tất cả. Nhưng tôi không thể im lặng trước sự thiệt hại nặng nề, mà các cộng đoàn kitô bên Siria và Iraq phải gánh chịu, nơi nhiều anh chị em  bị xúc phạm vì đức tin của họ, bị đuổi khỏi đất đai nhà cửa, bị cầm tù hay cả bị giết.  Trong bao nhiêu thế kỷ các cộng đoàn kitô và các cộng đoàn hồi giáo đã sống chung trong các vùng đất này, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng ngày nay, cả tính cách hợp pháp sự hiện diện của các kitô hữu và các nhóm tôn giáo thiểu số cũng bị chối bỏ, nhân danh một chủ trương cuồng tín bạo lực đòi có gốc rễ tôn giáo. Nhưng Giáo Hội đáp trả lại bao nhiêu tấn kích và bách hại phải chịu tại các nước này, bằng cách can đảm làm chứng cho  Chúa Kitô, qua sự hiện diện khiêm tốn và sốt mến của mình, qua việc đối thoại chân thành và phục vụ quảng đại mọi người không phân biệt ai.

 

Bên Siria và Iraq đang có sự phá hủy các dinh thự và cơ cấu hạ tầng, nhưng nhất là phá hủy lương tâm con người. Nhân danh Chúa Giêsu đã tới trần gian để chữa lành các vết thương của nhân loại, Giáo Hội đáp trả lại sự dữ với sự thiện, bằng cách thăng tiến sự phát triển toàn vẹn của con người và lo lắng cho mọi người. Để đáp lại lời mời gọi khó khăn này, các tín hữu công giáo cần củng cố sự cộng tác với nhau, với các Giáo Hội kitô khác, cũng như với các tổ chức nhân dạo quốc tế và mọi người thiện chí. Tôi khích lệ anh chị em hãy tiếp tục bước đi trên con đường cộng tác và chia sẻ đó. Xin đừng bỏ rơi các nạn nhân của cuộc khủng hoảng này, cả khi thế giới có giảm sự lưu tâm tới họ đi nữa (SD 17-9-2015)

 

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

ĐTC KHÍCH LỆ CÁC HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ ĐƯỜNG PHỐ

ĐTC KHÍCH LỆ CÁC HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ ĐƯỜNG PHỐ

ĐTC KHÍCH LỆ CÁC HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ ĐƯỜNG PHỐ

VATICAN: ĐTC khích lệ mọi nhân viên hoạt dộng trong lãnh vực mục vụ đường phố kiên trì trong sứ mệnh trợ giúp các phụ nữ và trẻ em phải sống trên đường phố và bị khai thác bóc lột.

Ngài đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến các tham dự viên đại hội quốc tế mục vụ đường phố, do Hội Đồng Toà Thánh về Mục vụ cho người di cư và lưu động tổ chức tại Roma trong các ngày vừa qua. ĐTC nói: các thực tại nhiều khi rất buồn thương, mà anh chị em gặp, bị gây ra bởi sự thờ ơ, nạn nghèo túng, bạo lực gia đình và xã hội, và nạn buôn người. Thêm vào đó là nỗi đớn đau của các  chia lìa hôn nhân, việc sinh con ngoài hôn nhân, khiến cho trẻ em và người trẻ phải sống lang thang. Các phụ nữ và trẻ em đường phố là các bản vị có tên tuổi, gương mặt, và một căn tính, do Thiên Chúa ban cho từng người.

Không có trẻ em nào tự lựa chọn sống trên đường phố. Rất tiếc cả trong thế giới tân tiến và toàn cầu, cũng có biết bao nhiêu trẻ em bị cướp mất tuổi thơ, quyền lợi và tương lai. Việc thiếu các luật lệ và các cơ cấu thích hợp khiến cho tình trạng sống thiếu thốn của các em trầm trọng hơn. Mỗi một trẻ em bị bỏ rơi hay bị bó buộc sống trên đường phố trở thành mồi của các tổ chức tội phạm, là một tiếng kêu lên tới Thiên Chúa, là Đấng đã tạo dựng người nam và người nữ giống hình ảnh Ngài; là một tiếng kêu tố cáo hệ thống xã hội, mà chúng ta chỉ trích nhiều thập niên qua, nhưng   vất vả trong việc thay đổi nó theo các tiêu chuẩn của công lý.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói thật đáng lo âu, khi thấy gia tăng số các thanh thiếu niên và phụ nữ bị bó buộc kiếm sống trên đường phố, bằng cách bán thân xác mình, bị khai thác bởi các tổ chức tội phạm, và đôi khi bởi chính cha mẹ và người thân. Thực tại ấy là một hổ nhục cho các xã hội của chúng ta, khoe khoang là tân tiến và đã đạt các mức độ văn hóa và phát triển cao. Nạn gian tham hối lộ lan tràn  và việc tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách lấy mất đi của các người vô tội và không phương thế tự vệ khả thể có một cuộc sống xứng với nhân phẩm, dưỡng nuôi nạn tội phạm buôn người và các bất công khác đè nặng trên vai họ. Không ai có thể bất động trước sự cấp thiết cứu vớt phẩm giá của phụ nữ, bị đe đọa bởi các yếu tố văn hóa và kinh tế.

Tôi xin anh chị em đừng đầu hàng trước các thách đố khó khăn gọi hỏi xác tín của anh chị em, được dưỡng nuôi bởi niềm tin nơi Chúa Kitô, là Đấng đã chứng minh cho tới tột đỉnh với cái chết trên thập giá, tình yêu ưu tiên Thiên Chúa Cha dành cho những người yếu đuối và bị gạt bỏ ngoài lề nhất. Giáo Hội không thể im lặng, các cơ cấu của Giáo Hội  không thể nhắm mắt trước hiện tượng xấu xa trẻ em và phụ nữ đường phố. Cần huy động các thành phần khác nhau của cộng đoàn kitô trong các nước để loại bỏ các lý do bắt buộc trẻ em và phụ nữ phải sống trên đường phố…

Tôi cầu chúc anh chị em có một sứ mệnh phong phú trên quê hương của anh chị em trong mục vụ đường phố và việc giải thoát những người giòn mỏng và yếu đuối nhất, một sứ mệnh phong phú trong nỗ lực thăng tiến và cứu vớt căn tính và phẩm giá của họ (SD 117-9-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio