Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

Sứ điệp Đức Thánh Cha gởi Hội nghị về thay đổi khí hậu

su-diep-duc-thanh-cha-goi-hoi-nghi-tai-maroc-ve-thay-doi-khi-hau

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chính phủ hỗ trợ chính trị cho Hội nghị về sự thay đổi khí hậu đang nhóm tại Marakech, Maroc.

Hội nghị quốc tế gọi là COP22 do LHQ triệu tập đang tiến hành tại Marrakech từ mùng 7 cho đến ngày thứ sáu 18-11 tới đây với các đại diện của 196 quốc gia trong đó sẽ có 30 vị quốc trưởng, cùng với các quan chức chính quyền trong lãnh vực này và các tổ chức phi chính phủ. Họ thảo luận các chi tiết về việc áp dụng Hiệp định (COP21) về khí hậu ký kết hồi năm ngoái tại Paris, và bắt đầu có hiệu lực từ thứ 4-11-2016, sau khi hội đủ số các nước phê chuẩn Hiệp định.

Trong sứ điệp gửi hội nghị, được công bố sáng 15-11-2016, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Hội nghị COP22 đang tiến hành và ngài nhận định rằng: ”Hội nghị bàn về những khía cạnh phức tạp, nhưng không thể chỉ được ủy cho sự đối thoại kỹ thuật chuyên môn, nhưng còn cần sự liên tục hỗ trợ và khích lệ chính trị, dự trên ý thức rằng ”chúng ta là một gia đình nhân loại duy nhất. Không có những biên giới và hàng rào chính trị hoặc xã hội cho phép chúng ta tự cô lập và do đó cũng chẳng có chỗ cho hoàn cầu hóa sự dửng dưng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Một trong những đóng góp quan trọng chính yếu của Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu là khích lệ thăng tiến những chiến lược phát triển quốc gia và quốc tế dự trên chất lượng môi trường mà chúng ta có thể định nghĩa là liên đới: khuyến khích liên đới với những dân tộc dễ bị tổn thương nhất và dựa trên những liên hệ chặt chẽ hiện có giữa cuộc chiến chống thay đổi khí hậu và cuộc chiến chống nghèo đói”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhận định rằng ”Những giải pháp kỹ thuật chuyên môn cho vấn đề thay đổi khí hậu tuy cần thiết nhưng vẫn không đủ; điều thiết yếu và phải đó chính là để ý tới cảnhững khía cạnh luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình mới về sự phát triển và tiến bộ”.

”Từ đây người ta đi vào những lãnh vực quan trọng là giáo dục và thăng tiến một lối sống cổ võ những kiểu mẫu sản xuất và tiêu thụ có thể tiến hành về lâu về dài; ngoài ra cần phải gia tăng ý thưc trách nhiệm đối với căn nhà chung của chúng ta”.

ĐTC vốn tỏ ra đặc biệt quan tâm đến Hội nghị hiện nay ở Marakech. Trong Vào cuối buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-11 vừa qua, ĐTC nói với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng Trường Thánh Phêrô rằng: ”Tôi cầu mong rằng tất cả tiến trình áp dụng Hiệp định ở Paris về khí hậu được hướng dẫn nhờ ý thức về trách nhiệm của chúng ta trong việc săn sóc căn nhà chung”. (SD 15-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-15-11-2016

Hãy cẩn thận, đừng trở thành “những Kitô hữu hâm hẩm” vì khi ấy, chúng ta đánh mất ánh sáng của Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, Thiên Chúa luôn cố gắng sửa lỗi chúng ta, để thức tỉnh tâm hồn chúng ta, để làm cho tâm hồn chúng ta nồng ấm. Đức Thánh Cha cũng mời gọi mọi người hãy nhận ta ngày giờ Chúa gõ cửa tâm hồn.

Đức Thánh Cha chia sẻ bài giảng khởi đi từ bài đọc trích sách Khải Huyền. Trong đó, thánh Gioan cảnh báo sự thờ ơ nửa vời trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi ấy, Chúa dùng ngôn từ rất mạnh để nói với “những Kitô hữu không nóng mà cũng chẳng lạnh” mà rằng: “Vì ngươi hâm hẩm, không nóng mà cũng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.”

Nơi bình an giả tạo, không có Thiên Chúa hiện diện

Không có một loại bình an mà yên tĩnh đến lạnh lẽo. Điều gì làm nên sự ấm áp? Có thể là nghĩ mình giàu có! Có thể cho rằng, mình giàu rồi và chẳng cần gì nữa! Và thế là bình an. Đây là sự bình an giả tạo. Khi linh hồn của giáo hội, của gia đình, của cộng đoàn luôn luôn yên tĩnh, thì không có Thiên Chúa.

Không thể rơi vào sự yên tâm giả tạo rằng, tôi không cần bất cứ điều gì và tôi cũng chẳng làm tổn thương bất kỳ ai. Chúa cảnh báo những người tự coi mình là giàu có theo kiểu tự đủ rằng, thực sự họ đang bất hạnh và đau khổ. Tuy nhiên, có một tình yêu có thể giúp họ khám phá sự phong phú và sức sống. Tình yêu ấy chỉ đến từ Thiên Chúa mà thôi.

Giàu có theo kiểu không cần gì nữa, lại có nghĩa là đang trần trụi

Chẳng phải là tâm hồn lành mạnh khi nghĩ rằng mình giàu có bởi vì mình tốt lành, vì mình làm mọi việc đều tốt và tất cả đều êm đẹp. Có một thứ lành mạnh đến từ Thiên Chúa, Đấng luôn vác thập giá, Đấng luôn mang lấy bão tố, Đấng làm cho tâm hồn con người thức tỉnh. Lời khuyên là: hãy mua áo trắng tinh tuyền để mặc, bởi vì bạn đang trần trụi và xấu hổ. Những người hâm hẩm không nhận ra là mình trần trụi, giống như câu chuyện về đứa trẻ nói với ông vua trần truồng rằng: ngài là vua nhưng là vua trần truồng. Với ông vua ấy, có một sự ấm áp sung túc nhưng lại trần trụi.

Loại sung túc đầy đủ ấy lấy mất khỏi chúng ta khả năng chiêm ngưỡng, khả năng nhìn thấy những điều tuyệt vời và vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và khi ấy, Thiên Chúa cố gắng đánh thức lòng người, để giúp giúp họ thay lòng đổi dạ. Tuy nhiên, có một cách thức khác để Thiên Chúa hoạt động. Đó là cách Ngài mời gọi chúng ta: “Này, Ta đứng trước cửa mà gõ.” Thật là quan trọng cho chúng ta khi có thể cảm nhận và nghe được tiếng gõ cửa của Thiên Chúa, vì Ngài muốn làm điều tốt cho chúng ta, vì Ngài muốn bước vào nhà chúng ta.

Nhận ra tiếng gõ cửa của Thiên Chúa

Có những Kitô hữu nói rằng, họ chẳng thể nhận ra được: khi nào Chúa gõ cửa. Vì với họ, mọi tiếng động đều như nhau. Thế nên, chúng ta cần biết được khi nào Chúa gõ cửa, khi nào Ngài mang lại niềm an ủi cho chúng ta. Có thể Chúa đứng trước chúng ta và muốn nhận lời mời từ chúng ta. Những gì đã xảy ra cho ông Zakêu trong bài Tin Mừng hôm nay? Cái tò mò muốn nhìn thấy Chúa Giêsu của ông, cách nào đó được tác động bởi Chúa Thánh Thần.

Sáng kiến và lời mời đến từ Thần Khí Thiên Chúa, đến từ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn lên Zakêu và nói: Hôm nay Ta sẽ ở lại nhà ông. Chúa luôn ở lại… ở lại trong tình yêu mến: hoặc là Ngài sửa lỗi chúng ta, hoặc là Ngài mời ta ăn tối hoặc là Ngài được ta mời. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy thức dậy!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy mở ra!”. Ngài sắp nói với chúng ta: “Hãy xuống đi!”. Luôn luôn là Ngài. Con có biết phân biệt hay không, trong trái tim con, khi nào Chúa muốn “đánh thức” con, khi nào Chúa nói với con là “mở ra”, khi nào Chúa nói với con là “hãy xuống đi”? Xin Chúa Thánh Thần ban cho con ân sủng để con có thể nhận ra những tiếng gọi của Chúa trong trái tim con.

Tứ Quyết SJ

Giáo dân Việt Nam Giáo Phận Orange kính mừng các Thánh Tử Đạo

Giáo dân Việt Nam Giáo Phận Orange kính mừng các Thánh Tử Đạo

dai-le-cac-thanh-tu-dao-11-13-2016

Quốc Dũng, Người Việt

IRVINE, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 13 Tháng Mười Một, hàng ngàn giáo dân đến tham dự Đại Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, tổ chức tại Bren Events Center, bên trong trường đại học UC Irvine, để kính mừng 118 Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Mở đầu đại lễ là cuộc cung nghinh kiệu Thánh Giá, kiệu Xương Thánh, kiệu Chúa Kitô Vua, và kiệu Đức Mẹ La Vang.

Các em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc các cộng đoàn mặc đồng phục, mang theo cờ đoàn dẫn đầu cuộc rước nhiều đoàn thể trong cộng đồng như Giới Trẻ Công Giáo, Ơn Thiên Triệu, Thăng Tiến Hôn Nhân, Gia Đình Nazareth, Hội Cao Niên Công Giáo, Canh Tân Đặc Sủng, Huynh Đoàn Thánh Thể, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Đạo Binh Legio Mariae, Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Đức Mẹ, Đoàn Hiệp Sĩ Columbus…

Linh Mục Chu Vinh Quang, chánh xứ nhà thờ Saint Mary’s By The Sea Church, Huntington Beach, dẫn chương trình đại lễ, cho biết: “Hôm nay là ngày mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam và cũng là ngày bổn mạng của Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange.”

“Tử vì đạo là một bằng chứng cao cả về đức ái, tình thế hy sinh mạng sống và sẵn lòng chịu chết để đón nhận Chúa là một bằng chứng xác thực nhất mà các Thánh Tử Đạo biểu lộ đức tin và lòng yêu Chúa. Đó là tình yêu cao quý đáp lại tình thương mến mà Đức Kitô đã dấn thân vì nhân loại. Các Thánh Tử Đạo cũng vì đức ái đó mà dâng mạng sống mình để minh chứng cho tình yêu của Chúa, đúng như lời Chúa đã nói: ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình,’” linh mục nói.

“Các Thánh Tử Đạo đã biểu lộ tình yêu một cách mãnh liệt bằng cái chết hầu minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Tại pháp trường, trước khi bị hành quyết, lời nguyện cuối cùng của các ngài là hình ảnh Đức Kitô trên thập giá, là lời nguyện xin ơn tha thứ cho những người làm khổ mình. Đầu rơi, thịt nát, dòng máu của các Thánh Tử Đạo đã điểm tô cho Giáo Hội Việt Nam thêm đậm nét của đức tin,” linh mục nói thêm.

Tiếp theo, Linh Mục Vũ Thế Toàn, thuộc Dòng Tên, tuyên úy đại học UC Irvine, dẫn dắt giáo dân suy niệm về sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo và lòng Chúa thương xót.

“Chúng ta đến đây hằng năm vào dịp của buổi nhớ, tức tháng các linh hồn, và thường vào cuối năm phụng vụ trước khi chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Vua, để cử hành trọng thể mừng kính lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Qua công ơn của các vị và qua đời sống riêng của các ngài mà chúng ta có niềm tin để truyền đạt lại cho nhau. Nếu nói đến sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo và gương của các ngài, chúng ta sẽ thấy hiển hiện rất nhiều. Đó là chính trong đời sống của các ngài có sự xuyên chiếu hình ảnh Thiên Chúa, mà các ngài biểu lộ tình yêu đó với Chúa qua sự đổ máu của các ngài,” linh mục nói.

“Bước vào những ngày cuối của Năm Thánh và cũng sắp sửa mừng lễ Chúa Kitô Vua, chúng ta công nhận ngài là vua của vũ trụ, là chủ của lịch sử và căn nguyên của mọi sự. Khi nói đến lịch sử, bao giờ chúng ta cũng phải liên đới đến tất cả dữ kiện gắn liền với lịch sử, trong đó có lịch sử của mỗi con người chúng ta. Và câu chuyện của các Thánh Tử Đạo là một câu chuyện thật sự đi vào lịch sử,” linh mục cho hay.

doan-ruoc-kieu-duc-me-la-vang

Theo linh mục, 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam, tử đạo tại Việt Nam trong thời kỳ tôn giáo này bị cấm, được Đức Giáo Hoàng John Paul II phong thánh ngày 19 Tháng Sáu, 1988. Ngày 5 Tháng Ba, 2000, vị giáo hoàng này phong chân phước cho Thánh Andre Phú Yên.

Trong các Thánh Tử Đạo Việt Nam có 96 vị người Việt, 11 vị người Tây Ban Nha, 10 vị người Pháp. Tất cả các vị đã bị tử hình dưới thời các chúa Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, và các vua Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức. Các vị phần lớn bị xử trảm (chặt đầu), kế đến bị xử giảo (thắt cổ), rồi bị tra tấn, thiêu sống, và bị lăng trì (phân thây), chỉ vì tội tin nhận Chúa Giêsu là Thượng Đế, đấng sáng tạo mọi sự trên trời và dưới đất.

Sau phần cung nghinh hài cốt các Thánh Tử Đạo Việt Nam là Thánh Lễ Đại Trào với sự chủ tế của Giám Mục Mai Thanh Lương, cựu giám mục phụ tá Giáo Phận Orange, cùng gần 20 linh mục và phó tế tham dự.

Trong lời khai mạc, Linh Mục Trần Văn Kiểm, linh hướng và điều hành Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, nói: “Đây là một ngày phấn khởi và vui mừng cho tất cả mọi người Công Giáo Việt Nam, là những con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bởi vì các Thánh Tử Đạo đã làm chứng cho đức tin.”

“Từ lúc đạo thánh của Chúa được rao truyền trên đất nước Việt Nam, và suốt gần 300 năm là một cuộc cách mạng diệt chủng không mấy ngừng nghỉ. Trong suốt gần ba thế kỷ bách bại đó, có hơn 100,000 anh hùng vì đạo đã chết và làm chứng cho Chúa. Chính sự làm chứng này của cha ông chúng ta, các ngài truyền giáo, trong giai đoạn khởi đầu rao giảng tin mừng tại Việt Nam đã nói lên rằng, mảnh đất Việt Nam luôn luôn sẵn sàng đón nhận hạt giống đức tin và làm cho hạt giống đó của Chúa Kitô nảy nở,” linh mục nói tiếp.

“Chúng ta rất hãnh diện vì đức tin của cha ông chúng ta. Máu của các ngài đã đổ ra để nói lên đức tin mạnh mẽ, nói lên sự hy sinh và lòng can đảm tuyệt vời của các ngài. Ai mà không sợ chết, ai mà không sợ khổ nhục, ai mà không muốn tranh giành những lợi danh, ai mà không muốn an nhàn, ai mà không tham sống sợ chết… Nhưng ơn Chúa đã soi sáng và nâng đỡ các ngài để các ngài luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để trung thành với Chúa,” linh mục nói thêm.

Linh mục nhắn nhủ: “Tất cả những nhục hình đau đớn mà ngày nay kể ra chúng ta vẫn còn khiếp sợ như xiềng xích, đòn roi, gông cùm, kềm kẹp, voi dày, trảm quyết, lăng trì, bá đao, xử trảm, tra tấn hằng ngày, bỏ đói cho tới chết… Có ai trong chúng ta thấu hiểu được tất cả những khổ hình mà các anh hùng tử đạo Việt Nam đã phải chịu. Nhưng các ngài rất kiên quyết, đã xưng đạo thì phải xưng tới cùng. Vì tình yêu của Thiên Chúa mà các ngài đã thắng tất cả mọi cực hình và uy quyền của quan quyền và vua chúa. Chúng ta là con cháu của các Thánh Tử Đạo, chúng ta rất hãnh diện, tự hào về các ngài. Chúng ta phải làm cho hạt giống đức tin được phát triển, và biết sống theo tấm gương của các Thánh Tử Đạo Việt Nam.”

doan-ruoc-kieu-duc-me-la-vang-1

Bà Trần Thị Liên, cư dân Santa Ana, xúc động nói: “Dù nhà ở xa, nhưng năm nào tổ chức kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam tôi đều có mặt đúng giờ. Xúc động lắm, mỗi lần nghe các cha giảng thuyết là tôi không cầm được nước mắt. Nhờ sự hy sinh của các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà đạo Công Giáo ngày nay đã phát triển rất mạnh.”

Chân đau, không thể đứng lên, rồi ngồi xuống liên tục mỗi khi làm lễ, nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, cư dân Garden Grove, vẫn cố gắng hết sức, vì: “Các Thánh Tử Đạo đã chịu nhiều khổ nhục, đã hy sinh vì đức tin thì cái đau của tôi chỉ là con số không. Tôi xin các ngài ơn cầu bầu cùng Chúa để mọi người chúng ta biết sống đạo trong đời sống của mình. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót sắp kết thúc, xin Chúa cho mọi người biết sống tha thứ và thương xót như cha trên trời.”

Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

Thánh lễ đầu tiên cho các khoa học gia Công giáo tại học viện kỹ thuật MIT

khuon-vien-hoc-vien-ky-thuat-mit

Boston, Massachusetts – Ngày 15/11, lễ thánh Alberto, bổn mạng các nhà khoa học, hội các nhà khoa học Công giáo sẽ tổ chức Thánh lễ “vàng” đầu tiên tại nhà nguyện của Học viện kỹ thuật (viết tắt là MIT).

Sự kiện được đồng tài trợ bởi cộng đồng Công giáo của MIT và nhóm sinh viên Công giáo MIT. Các giáo sư khoa học và sinh viên được mời tham dự Thánh lễ.

Hội các nhà khoa học Công giáo là nhóm mới thành lập, gồm các nhà khoa học Công giáo Hoa kỳ cũng như các sinh viên đại học, sau đại học, các nghiên cứu sinh tiến sĩ đang nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Hội được Đức tổng giám mục Charles Chaput và hội đồng 7 khoa học gia hướng dẫn.

Hội khoa học gia Công giáo nhắm làm chứng về sự hòa hợp giữa ơn gọi của các khoa học gia và đời sống đức tin. Nhóm khoa học gia này còn nhắm phát triển tình liên đới giữa các khoa học gia Công giáo và phục vụ như là diễn đàn thảo luận cho những ai có câu hỏi về đức tin và khoa học. Hội xác định “luôn liên kết với đức tin của Hội thánh Công giáo và luôn hoạt động theo giáo huấn của Giáo hội.”

Theo Boston Pilot, lý do thánh lễ đầu tiên của Hội được gọi là Gold Mass (lễ vàng) vì đó là màu của mũ trùm của những người đậu tiến sĩ khoa học và cũng vì thánh Alberto là một nhà luyện kiem đã chế biến kim loại thành vàng. Gold Mass theo truyền thống của các Thánh lễ của các ngành khác, như Red Masses (lễ đỏ) cho các luật sư, White Masses (lễ trắng) cho ngành y và Blue Masses (lễ xanh) cho các cảnh sát.

Cha Nicanor Austriaco dòng Đaminh sẽ cử hành lễ “vàng” đầu tiên hy vọng là thánh lễ và hội khoa học sẽ tỏ cho người trẻ thấy rằng họ không phải chọn lựa giữa khoa học và đức tin. Cha nói: “Đức tin và lý trí đều là qua tặng của Thiên Chúa. Khoa học chỉ là một diễn tả cách thế con người dùng lý trí để tìm hiểu thực tế.”

Cha Daniel Moloney, linh hướng của MIT nhận định là thánh Alberto và các khoa học gia Công giáo đã hiểu rằng Chúa đã thêm một trật tự hợp lý xác đáng vào vũ trụ. (CNA 12/11/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

Đức Thánh Cha chủ sự Ngày Năm Thánh dành cho người nghèo

ngay-nam-thanh-cho-nhung-nguoi-bi-xa-hoi-gat-bo

VATICAN. Trong Thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh cho những người bị xã hội gạt bỏ, ĐTC mời gọi các tín hữu kiên vững tín thác nơi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và coi người nghèo như kho tàng của Giáo Hội.

 

Thánh lễ ĐTC cử hành lúc gần 10 giờ sáng chúa nhật 13-11-2016 là sinh hoạt cuối cùng trong lịch trình cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót ở Roma. Chúa nhật 13-11 cũng là ngày đóng Cửa Năm Thánh tại 3 đại Vương cung thánh đường ở Roma, và tại các nhà thờ chính tòa, các đền thánh ở các nơi trên thế giới. Riêng tại Đền thờ Thánh Phêrô, nghi thức này sẽ được ĐTC cử hành sáng chúa nhật 20-11 tới đây, Lễ Chúa Kitô Vua.

Trong số 9 ngàn người ngồi chật Đền thờ, có 3,500 người nghèo đăng ký chính thức đến từ 23 quốc gia. Họ được Hiệp hội Fratello (Người Anh em), cũng như các Caritas hoặc cơ quan từ thiện khác của Công Giáo giúp đỡ để có thể đến tham dự những Ngày Năm Thánh này.

Đồng tế với ĐTC có 5 Hồng Y, 10 Giám Mục và hơn 120 linh mục. Đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có ca đoàn cộng đồng gồm 60 ca viên, và ca đoàn Dublin ở thủ đô Ai Len, với 63 ca viên.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa các bài đọc của Chúa nhật thứ 33 thường niên, đặc biệt là bài Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 21 (21,5-19) thuật lại sự tích khi Chúa Giêsu ở Jerusalem, dân chúng trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp của Đền thờ, nhưng Chúa báo trước cho họ: sẽ có ngày không còn viên đá nào của đền thờ này. Ngài cũng tiên báo những tai ương, xung đột, đói kém, những xáo trộn trên trời dưới đất, những sự đó không phải để làm cho chúng ta khiếp sợ, nhưng để nói với chúng ta rằng tất cả những điều đó sẽ qua đi. Từ những sự kiện trên đây, ĐTC rút ra những bài học về lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và ngài đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu đừng quên kho tàng quí giá của Giáo Hội là những người nghèo. ĐTC nói:

“Chúa Giêsu quyết liệt mời gọi đừng sợ trước những xáo trộn của mọi thời đại, dù đứng trước những thử thách nặng nề và bất công nhất xảy ra cho các môn đệ. Ngài kêu gọi hãy kiên trì trong sự thiện và hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, Đấng không làm thất vọng. Chúa Giêsu nói: “Dù một sợi tóc trên đầu các con cũng không bị mất đi” (v.18). Thiên Chúa không quên các tín hữu của Người, gia sản quí giá của Người chính là chúng ta”.

Nhưng Chúa gọi hỏi chúng ta ngày hôm nay về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta. Với một hình ảnh, ta có thể nói rằng các bài đọc hôm nay giống như một “cái sàng” cuộc sống của chúng ta chảy qua đó, như nước chảy qua; những có những thực tại quí giá ở lại, như ngọc quí lưu lại trên cái sàng.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Điều gì ở lại, điều gì có giá trị trong cuộc sống, đâu là những điều phong phú không bị tan biến? Chắc chắn có hai điều, đó là Chúa và tha nhân. Đây là những điều cao cả nhất cần phải yêu mến. Tất cả những cái khác – trời, đất, những điều đẹp đẽ nhất, cả Vương cung thánh đường này, sẽ qua đi; nhưng chúng ta không được loại Thiên Chúa và tha nhân ra khỏi cuộc sống. Chính ngày hôm nay, khi ta nói về sự loại trừ, gạt bỏ, chúng ta nghĩ ngay đến những con người cụ thể; không phải là những sự vật vô ích, nhưng là những con người quí giá. Con người được Thiên Chúa đặt ở chóp đỉnh công trình sáng tạo, nhưng thường bị gạt bỏ, vì người ta ưa thích hơn những sự vật chóng qua. Và đó là điều không thể chấp nhận được, vì con người là thiện ích quí giá nhất trước mắt Thiên Chúa. Và thật là điều trầm trọng khi người ta quen thuộc với sự loại bỏ như vậy; cần phải lo âu, khi lương tâm bị tê liệt và không còn để ý đến ngừơi anh em đang ở cạnh mình hoặc đứng trước những vấn đề nghiêm trọng của thế giới, khi những vấn đề ấy chỉ được coi như những điệp khúc đã nghe thấy qua các tin tức truyền hình.

ĐTC nói với những người nghèo:

Anh chị em thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em, và qua sự hiện diện, anh chị em giúp chúng tôi bắt được tần số của Thiên Chúa, nhìn điều mà Chúa nhìn: Chúa không dừng lại ở vẻ bề ngoài (Xc 1 Sm 16,7), nhưng Ngài nhìn ”đến kẻ khiêm hạ và người có tinh thần thống hối” (Is 66,2), Chúa nhìn đến bao nhiêu ông Lazzaro nghèo khổ ngày nay. Thật là điều làm cho chúng ta đau khổ dường nào khi ta không nhận thấy Lazzaro bị loại trừ và gạt bỏ (Xc Lc 16,19-21)! Đó là sự quay mặt đi đối với Thiên Chúa. Đó là triệu chứng bệnh xơ cứng về tinh thần khi người ta chỉ quan tâm tới những sự vật cần sản xuất, thay vì để ý đến những con người cần mến yêu. Và thế là nảy sinh một sự mâu thuẫn bi thảm thời nay: hễ tiến bộ và cơ may càng gia tăng – đó là một điều tốt – thì càng có thêm những người không được hưởng những tiến bộ và cơ may ấy. Đó là một điều bất công to lớn mà chúng ta phải bận tâm hơn cả được biết tận thế sẽ xảy ra khi nào và thế nào. Vì chúng ta không thể an tâm ở trong nhà khi mà Lazzaro nằm trước cửa; không có an bình trong nhà của người sống thoải mái, khi thiếu công lý trong nhà của mọi người.

Đề cập đến việc đóng cửa Năm Thánh, ĐTC nói:

”Ngày hôm nay, tại các nhà thờ chính tòa và đền thánh trên toàn thế giới, có nghi thức đóng Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. chúng ta hãy cầu xin ơn không nhắm mắt trước Thiên Chúa, Đấng đang nhìn chúng ta, và trước tha nhân đang gọi hỏi chúng ta. Chúng ta hãy mở mắt nhìn Thiên Chúa, thanh tẩy cái nhìn của tâm hồn khỏi những hình ảnh lừa đảo và sợ hãi, khỏi thần quyền lực và trừng phạt, những phóng dội kiêu căng và sợ hãi của con người. Với lòng tín thác chúng ta hãy nhìn lên Thiên Chúa Thương Xót, với xác tín rằng ”đức mến sẽ không bao giờ chấm dứt” (1 Cr 13,8). Chúng ta hãy canh tân niềm hy vọng cuộc sống chân thực mà chúng ta được kêu gọi tiến đến, cuộc sống nãy sẽ không qua đi và chúng ta đang chờ cuộc sống ấy trong sự hiệp thông với Chúa và với tha nhân, trong niềm vui mãi mãi, vô tận. Và chúng ta hãy mở mắt nhìn tha nhân, nhất là người anh em bị lãng quên và loại bỏ. Chính tại đó kính phóng đại của Giáo Hội nhắm tới. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự quay lăng kính ấy về chúng ta. Xin Chúa cất những cạm bẫy làm cho chúng ta chia trí, khỏi những lợi lộc và đặc ân, khỏi những quyến luyến quyền hành và vinh dự, khỏi sự quyến rũ của tinh thần thế gian. Giáo Hội là Mẹ chúng ta đang đặc biệt nhìn đến thành phần của nhân loại đang đau khổ và khóc lóc, vì biết rằng những người ấy thuộc về Giáo Hội theo luật của Tin Mừng” (Phaolô VI, huấn dụ đầu khóa II của Công đồng chung Vatican 2, 29-9-1963). Theo luật cũng như theo nghĩa vụ Tin Mừng, vì nghĩa vụ của chúng ta là chăm sóc tài sản đích thực là những người nghèo. Tôi muốn hôm nay là ”Ngày của người nghèo!” (vỗ tay)

Lưu truyền cổ kính nhắc nhở chúng ta điều đó, lưu truyền về thánh Lorenzo tử đạo ở Roma. Trước khi chịu cuộc tử đạo dữ tợn vì lòng yêu mến Chúa, thánh nhân phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo, những người mà thánh nhân gọi là những kho tàng đích thực của Giáo Hội. Xin Chúa ban cho chúng ta được nhìn những gì đáng kể mà không chút sợ hãi, hướng con tim chúng ta về Chúa và về những kho tàng đích thực của chúng ta.

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu xin Chúa cho các dự án hòa bình, cho công lý được triển nở nơi các dân tộc trong sự tôn trọng phẩm giá con người; xin Chúa nâng đỡ những người hoạt động bác ái, xin cho sự tận tụy phục vụ nhưng không của họ luôn phản ánh lòng thương xót của Chúa; xin Chúa cho sự dịu hiền của Ngài khắc phục những con tim cứng cỏi, cho nhân loại được thoát khỏi sự dửng dưng, ích kỷ và oán thù; sau cùng xin Chúa cho mỗi Kitô hữu nhìn nhận thiên đàng là nơi ở đích thực mà không ai có thể tước đoạt khỏi họ.

Thánh lễ kết thúc lúc 11 giờ rưỡi, và đúng 12 giờ, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ căn hộ Giáo Hoàng ở dinh Tông Tòa để chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin với hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập Quảng trường thánh Phêrô, tràn ra đường Hòa Giải.

G. Trần Đức Anh OP

 

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

Thánh tích của hai thánh Gioan Phaolô và Faustina đến Nhật

relics-of-st-john-paul-ii-and-st-faustina

Tokyo – Hôm 13 tháng 11, Đức cha Peter Takeo Okada, Tổng giám mục Giáo phận Tokyo, cùng với Đức sứ thần Tòa thánh và các Linh mục đã cử hành Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương xót tại nhà thờ chánh tòa dâng kính Đức Mẹ Maria.

Có rất nhiều tín hữu tham dự Thánh lễ, bao gồm các tín hữu Nhật ở thủ đô cũng như các người nhập cư thuộc các quốc tịch Hàn quốc, Việt nam, Philippines, Miến điện và vài nhóm dân châu Âu.

Trong Thánh lễ cũng có nghi thức Shichi-go-san – chúc lành cho các em bé. Nghi thức này có ngồn gốc từ văn hóa scintoista: các trẻ em 7, 5 và 3 tuổi được mang đến đền thờ để các tư tế chúc lành cho các em. Các em được mang đến nhà thờ để được thần Kami bảo vê. Còn đối với Kitô giáo, các trẻ em được Chúa Giêsu chúc lành như Tin mừng đã thuật lại việc Người chúc lành cho các trẻ nhỏ.

Trong Thánh lễ, thánh tích của hai thánh người Ba lan, Gioan Phaolô và Faustina, được trưng bày. Thánh Gioan Phaolô rất được người Nhật tôn kính.

Nghi thức bế mạc Năm Thánh nhắm khẩn cầu Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của hai thánh, trao ban lòng thương xót cho toàn dân tộc Nhật. (Asia News 14/11/16)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung Năm Thánh Lòng Thương Xót

duc-thanh-cha-tiep-kien-chung-nam-thanh-long-thuong-xot

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 12-11-2016, dành cho hơn hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC đề cao khía cạnh bao gồm của lòng thương xót, và mời gọi các tín hữu mở rộng vòng tay đón nhận mọi người.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt cuối cùng vào ngày thứ bẩy, mỗi tháng một lần, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã nói về đề tài ”Lòng Thương Xót và sự bao gồm”: Trong ý định yêu thương của Thiên Chúa, Chúa không muốn loại trừ một ai, nhưng muốn bao gồm tất cả. Ví dụ, nhờ bí tích rửa tội, Chúa làm cho chúng ta trở nên con cái trong Chúa Kitô, trở thành những chi thể của thân mình Ngài là Giáo Hội. Và các Kitô hữu chúng ta được mời gọi theo cùng một tiêu chuẩn như vậy: Lòng thương xót chính là cách thức hành động, qua đó chúng ta bao gồm những người khác trong cuộc sống của chúng ta, tránh co cụm vào mình trong những an ninh ích kỷ”.

Giải thích lời Chúa Giêsu mời gọi: ”Hỡi các con là nhưng người mệt mỏi và bị áp bức, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ bổ sức cho các con” (Mt 11,28), ĐTC nói: Không ai bị loại trừ khỏi lời kêu gọi ấy vì sứ mạng của Chúa Giêsu là biểu lộ cho mỗi người tình yêu của Chúa Cha. Chúng ta có nhiệm vụ mở rộng con tim, tín thác nơi Chúa Giêsu và đón nhận sứ điệp yêu thương này, sứ điệp làm cho chúng ta đi vào mầu nhiệm cứu độ”.

ĐTC nhận xét rằng: ”Khía cạnh bao gồm này của lòng thương xót được biểu lộ qua sự mở rộng vòng tay để đón tiếp, không loại trừ, không xếp loại người khác theo giai tầng xã hội, ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo: trước mặt chúng ta chỉ có những người cần yêu mến như Thiên Chúa đã yêu mến”.

”Bao nhiêu người mệt mỏi và bị đè nén chúng ta đang gặp ngày nay! Trên đường, trong các công sở, nơi các phòng khám bệnh.. Cái nhìn của Chúa Giêsu đặt trên mỗi khuôn mặt ấy, kể cả qua đôi mắt của chúng ta. .. Tin mừng kêu gọi chúng ta hãy nhận ra trong lịch sử nhân loại ý định của Chúa thực hiện một đại công trình bao gồm; công trình này hoàn toàn tôn trọng tự do của mỗi người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân tộc, kêu gọi tất cả mọi người họp thành một gia đình anh chị em trong sự công chính, trong liên đới, hòa bình, và là thành phần của Giáo Hội, Thân Mình của Chúa Kitô”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Trong sự khiêm tốn và đơn sơ, chúng ta hãy trở nên những dụng cụ lòng thương xót bao gồm của Chúa Cha. Mẹ Giáo Hội nới rộng trong thế giới vòng tay bao la của Chúa Kitô đã chết và sống lại. Cả quảng trường thánh Phêrô này, với những hàng cột cũng biểu lộ vòng tay ấy. Chúng ta hãy để cho mình can dự vào động tác bao gồm tha nhân, để làm chứng về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã và đang đón nhận mỗi người chúng ta”. (SD 12-11-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha viếng thăm 7 linh mục hồi tục

Đức Thánh Cha viếng thăm 7 linh mục hồi tục

duc-thanh-cha-vieng-tham-7-linh-muc-hoi-tuc

ROMA. Lúc 3 giờ rưỡi chiều thứ sáu 11-11-2016, ĐTC đã đến viếng thăm các linh mục đã hồi tục.

Ngài đến Ponte di Nona, một khu vực ở miền cực đông của thành Roma. Trong một căn hộ, ngài đã gặp chung 7 gia đình, tất cả gồm những người đã rời bỏ sứ vụ linh mục trong những năm gần đây.

Cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra trong khuôn khổ ”Thứ sáu lòng thương xót”, mỗi tháng 1 lần trong Năm Thánh đặc biệt, ngài thực hiện một công việc từ bi thương xót.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết qua cuộc viếng thăm ở Ponte di Nona, ĐTC muốn có một dấu hiệu nói lên sự gần gũi và quí mến của ngài đối với người trẻ đã rời bỏ sứ vụ linh mục, một quyết định thường không được sự chia sẻ của các anh em LM khác và những người thân trong gia đình họ. Sau những năm hoạt động mục vụ trong các xứ đạo, sự cô đơn, thiếu cảm thông và mệt mỏi vì quá nhiều trách nhiệm mục vụ đã khiến cho các linh mục ấy làm cho sự chọn lựa ban đầu đối với chức linh mục bị khủng hoảng. Vì thế sau những năm tháng sống trong bất định và nghi ngờ, họ thường đi tới xác quyết sự chọn lựa làm linh mục của họ là một chọn lựa sai lầm, vì thế họ rời bỏ chức linh mục và lập gia đình.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC đã gặp 4 cựu linh mục thuộc giáo phận Roma đã từng làm cha sở trong các giáo xứ khác nhau; 1 cựu LM từ Madrid Tây Ban Nha, một người khác từ Mỹ châu la tinh, và người sau cùng đến từ đảo Sicilia, cực nam Italia.

Con cái của các cựu linh mục đã quây quần quanh ĐTC trong khi cha mẹ tỏ ra rất cảm động. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết tất cả những người hiện diện đều rất hài lòng vì cuộc viếng thăm, họ không cảm thấy phán đoán của ĐTC đối với sự chọn lựa của họ, nhưng thấy sự gần gũi và yêu thương của ngài. ĐTC đã chăm chú lắng nghe chuyện đời của các cựu LM và để ý tới diễn tiến thủ tục pháp lý của từng trường hợp. Những lời của ngài làm cho mọi người an tâm về tình thân hữu và chắc chắn về sự quan tâm của ngài. Cuộc viếng thăm của ĐTC kết thúc vào lúc gần 5 giờ rưỡi chiều (SD 11-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

Đức Thánh Cha gặp gỡ người nghèo nhân dịp Năm Thánh

duc-thanh-cha-gap-go-nguoi-ngheo-nhan-dip-nam-thanh

VATICAN. Sáng 11-11-2016, ĐTC đã gặp gỡ 3500 người nghèo đến từ 23 quốc gia, về Roma hành hương nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican còn có hơn 500 người đồng hành, nhiều người thuộc Hiệp Hội Fratello (Người Anh em) được thành lập tại Pháp và chuyên săn sóc giúp đỡ những người vô gia cư và những người bị xã hội loại bỏ. Họ được sự nâng đỡ và khích lệ của ĐHY Philippe Barbarin, TGM giáo phận Lyon bên Pháp.

Trong khi chờ đợi ĐTC đến, các tham dự viên đã sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện và nghe các chứng từ.

Trong lời chào ĐTC khi ngài tiến vào Thính đường Phaolô 6 lúc 11 giờ 15, ĐHY Barbarin nói: ”Ngày hôm nay, những người đón tiếp ĐTC sung sướng vì cảm thấy mình ở giữa con của Giáo Hội, gần vị Giáo Hoàng của những người nghèo. Nói đúng ra, họ không cần được tiếp đón, họ biết rõ mình ở nơi đây như ở nhà của họ, trong tình huynh đệ bao la của Giáo Hội, họ là ”kho tàng”, là sự phong phú của chúng ta!

ĐHY TGM giáo phận Lyon cũng kể lại những kinh nghiệm của ngài với những người nghèo, người vô gia cư mà Hiệp hội Fratello giúp đỡ và có những nhà trong giáo phận của ngài.

Tiếp lời ĐHY, Ông Etienne Villeman, Chủ tịch Hội Fratello, đã trình bày với ĐTC về những người hiện diện tại buổi tiếp kiến: nhiều người đã từng sống trên các đường phố như người vô gia cư, và nhiều người hiện vẫn ở trong tình trạng ấy.

”Cách đây hơn 10 năm, ở Paris, có 3 người trẻ năng nổ, sống bụi đời trên đường phố. Họ quyết định sống chung với nhau. Ngày nay chúng con có hơn 300 người tại Pháp sống trong các căn hộ được chia sẻ với nhau. Nhiều nhà khác dần dần được thành lập tại Âu Châu theo kiểu mẫu ấy.

”Ban sáng trước khi đi làm, chúng con đọc kinh Ngợi Khen, và dành một ít thời giờ để Chầu Mình Thánh. Những người bụi đời cũng có thể đến dự trong thời gian cầu nguyện ấy nếu họ muốn. Cùng nhau chúng con sống cuộc sống thường nhật hoàn toàn bình thường, nhưng đồng thời cũng ngoại thường với những cuộc gặp gỡ huynh đệ và đời sống cầu nguyện rất đơn sơ.. Trong tất cả những năm ấy, con đã khám phá thấy cuộc sống với người nghèo đã làm cho con sống Tin Mừng theo chiều sâu. Cùng với họ, con sống và hít thở Tin Mừng.. Chúng con học yêu thương, tha thứ, cám ơn, học trở nên bạn hữu anh em, vì chúng con khám phá thấy chúng con là những người nghèo và dễ bị tổn thương”.

Trong lời kết, Ông Étienne Villeman đã bày tỏ ước muốn: xin ĐTC tổ chức những ngày thế giới cho người nghèo!”

Huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn dụ ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đã đi từ các chứng từ được trình bày trước đó, để nói lên những nhận xét và những lời khích lệ. Ngài cũng đặc biệt xin lỗi những người nghèo, nhân danh các tín hữu Công Giáo đã không đọc Tin Mừng và họ ngoảnh mặt sang bên kia đường khi họ thấy những người nghèo hoặc những tình cảnh nghèo. Ngài nói: ”Sự tha thứ mà anh chị em dành cho chúng tôi, đối với những người của Giáo Hội và con người nói chung, cũng giống như nước phép thanh tẩy chúng tôi và giúp chúng tôi tái tin rằng nơi trọng tâm của Tin Mừng chính là sự thanh bần”.

Và ĐTC lập lại lời kêu gọi ngài đã đưa ra từ đầu triều đại Giáo Hoàng, đó là: ”Các tín hữu Công Giáo hãy kiến tạo một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”. Và theo ngài tất cả các tôn giáo đều cần đặt người nghèo trong sứ điệp của Thiên Chúa”. Ngài nhận xét rằng ”Cái nghèo lớn nhất chính là chiến tranh! Đó là cái nghèo tàn phá! Và nghe điều này từ miệng một người đã chịu đau khổ vật chất, nghèo về y tế, đó là một lời kêu gọi làm việc cho hòa bình”.

Sau bài huấn dụ của ĐTC là phần cầu nguyện với những lời nguyện cho ĐTC và tất cả mọi người, rồi ngài đích thân chào thăm 80 người đại diện cho các nước khác nhau (SD 11-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

 

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể chứ không trừu tượng

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-11-11-2016

Tình yêu của người Kitô là rất cụ thể, chứ không phải là loại tình yêu “mềm” trong vở kịch, vì tình yêu Kitô bắt nguồn từ Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. 

Có một cuộc đối thoại tình yêu giữa Đấng mục tử và hiền thê của Người là Giáo Hội. Đức Thánh Cha triển khải bài giảng khởi đi từ bài đọc trích thư thứ hai của thánh Gioan Tông Đồ. Trước tiên, hãy nhớ rằng, điều răn chúng ta đã lãnh nhận là “bước đi trong tình yêu”. Nhưng là loại tình yêu nào? Vì ngày nay, từ ngữ “tình yêu” được sử dụng cho nhiều điều. Người ta nói về tình yêu lãng mạn trong tiểu thuyết hoặc trong vở kịch hoặc nói về những tình yêu kiểu lý thuyết.

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô và Ngôi Lời Nhập Thể

Tiêu chuẩn của tình yêu Kitô giáo là gì? Là Ngôi Lời Nhập Thể. Những ai phủ nhận điều này, những ai không biết điều này, thì là “phản Kitô”. Một tình yêu mà không nhận ra rằng, Chúa Giêsu đã đến trong xác phàm, thì không phải là tình yêu mà Thiên Chúa ban cho ta. Nếu thế, tình yêu ấy là tình yêu kiểu thế gian, kiểu triết học, kiểu tình yêu trừu tượng, tình yêu mềm yếu. Còn tình yêu Kitô, là loại tình yêu có chuẩn mực là Ngôi Lời Nhập Thể. Nếu ai đó nói tình yêu Kitô theo nghĩa khác, thì là phản Kitô. Vì khi ấy người ta không nhận ra rằng, Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự thật đối với chúng ta là: Thiên Chúa sai Con của Ngài đến và làm người sống giữa chúng ta. Yêu như Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, yêu như Chúa Giêsu dạy, yêu như Chúa Giêsu yêu. Yêu là đi trên con đường của Giêsu. Con đường Giêsu là đường ban sự sống.

Cách duy nhất để yêu thương như Chúa Giêsu yêu, là không ngừng ra khỏi sự ích kỷ của mình và đi đến phục vụ tha nhân. Có điều này, bởi vì tình yêu Kitô là một tình yêu cụ thể, bởi vì Thiên Chúa hiện diện hữu hình và cụ thể nơi Chúa Giêsu Kitô.

Có những tình yêu kiểu ý thức hệ

Có những người đã đi ra ngoài học thuyết về nhập thể. Khi làm như thế, họ không còn ở trong giáo huấn của Chúa Kitô nữa, của Thiên Chúa nữa. Giáo hội là thân mình Chúa Kitô. Khi đi ra ngoài Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đi ra ngoài Mầu nhiệm Hội Thánh, người ta đi tới những ý thức hệ. Những ý thức hệ này gây hại cho Giáo hội. Có những kiểu nói như: “Vâng, tôi là người Công giáo, tôi yêu thế giới với tình yêu phổ quát đại đồng”… Nói như thế có vẻ quá là thanh cao. Tình yêu thì luôn phát sinh từ nội tâm và rất cụ thể. Tình yêu ấy không bên ngoài giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể.

Có những người không muốn yêu như Chúa Kitô yêu hiền thê của Người là Giáo Hội. Chúa Kitô yêu Hội Thánh là thân mình Người, và trao tặng mạng sống. Những người không yêu như Chúa Kitô yêu, thì họ yêu theo kiểu ý thức hệ. Và khi ấy họ loại bỏ thân mình của Chúa Kitô. Khi ấy có thể họ hủy hoại cộng đồng và phá hoại Giáo Hội.

Tình yêu Kitô là thiết thực và cụ thể

Nếu chúng ta bắt đầu lý thuyết hóa tình yêu, thì chúng ta bắt đầu làm biến dạng những gì Thiên Chúa muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Khi ấy chúng ta đến với một Thiên Chúa mà không có Chúa Kitô, đến với một Chúa Kitô mà không có Giáo Hội, đến với một Giáo Hội mà không có con người. Đó là tiến trình hủy hoại Hội Thánh.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa để chúng ta đừng bao giờ bước đi trong loại tình yêu như thế, những thứ tình yêu trừu tượng. Nhưng xin cho chúng ta ở trong tình yêu chân thực. Tình yêu với những hành động xót thương, chúng ta chạm tới da thịt của Chúa Kitô, của Chúa Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể. Tại sao thánh Lôrenzô Phó tế nói: “Người nghèo là tài sản của Giáo Hội!”? Tại vì? Vì họ là thân mình đau khổ của Chúa Kitô!

Tứ Quyết SJ

Các tín hữu Công giáo Nam hàn có thể phúc âm hóa Á châu không?

Các tín hữu Công giáo Nam hàn có thể phúc âm hóa Á châu không?

KOREACATHOLIC MASSSEOULPHOTO (C) SEAN SPRAGUE 2003

Seoul, Nam hàn – Các tín hữu Công giáo Nam hàn có lập trường truyền giáo duy nhất; đó là nhận định của giáo sư Kirsteen Kim, một giảng viên thần học và thế giới Kitô giáo tại đại học Leeds ở vương quốc Anh.

Giáo sư Kim nói: “Từ những năm 1990, Vatican đã khuyến khích Giáo hội Hàn quốc nhận nhiệm vụ truyền giảng Tin mừng cho phần còn lại của châu Á. Lời khuyến khích này không chỉ đề cập đến phẩm chất của chứng nhân mà cả đến các quan tâm thực tế.”

Có khoảng 200 Linh mục Nam hàn đang truyền giáo tại các quốc gia khác và 400 vị đang phục vụ các cộng đoàn Hàn quốc hải ngoại. Hội Thừa sai Hàn quốc, được thành lập vào năm 1975, cũng đã gửi hơn 70 Linh mục ra nước ngoài truyền giáo. Bên cạnh đó, có khoảng 700 tín hữu Hàn quốc, phần lớn là các nữ tu, đang phục vụ trong các hội dòng truyền giáo ở hải ngoại.

Giáo sư Kim chia sẻ trên báo The Catholic Herald: “Hoạt động truyền giáo của Hàn quốc được thúc đẩy một phần bởi ước muốn chia sẻ tự do tôn giáo và một phần bởi hy vọng về một nền hòa bình thế giới sẽ đưa đến tái hiệp nhất với Bắc hàn.”

Công giáo đến Hàn quốc đầu tiên vào cuối những năm 1700, do các giáo dân chứ không phải các nhà truyền giáo hay Giám mục. Giáo hội đã tồn tại qua cuộc bách hại dữ dội, với 103 vị tử đạo đã được Đức Gioan Phaolô phong hiển thánh vào năm 1984 và 123 vị được Đức Phanxicô phong chân phước vào tháng 8 năm 2014 khi ngài thăm nước này. Lịch sử Giáo hội Công giáo Hàn quốc bao gồm 35 năm chiếm đóng của Nhật và cuộc chiến tranh Hàn quốc. Theo giáo sư Kim, điều này giúp Giáo hội ý thức về sự cần thiết là “một Giáo hội nghèo cho người nghèo. …. Có một chiều kích xã hội sâu đậm trong việc loan báo Tin Mừng. Lịch sử tử đạo đem lại cho Giáo hội Hàn quốc sự đồng hóa với người nghèo và người đau khổ và sẵn sàng hy sinh.”

Hiện nay, Giáo hội Công giáo Nam hàn có khoảng 5 triệu tín hữu, chiếm hơn 10% dân số. Họ ở tầng lớp kinh tế xã hội trên mức trung bình. (CNA 10/11/2016)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

Đức Thánh Cha giải thích sự hiệp nhất các tín hữu Kitô

duc-thanh-cha-giai-thich-su-hiep-nhat-cac-tin-huu-kito

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 10-11-2016 dành cho Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, ĐTC đã minh định thế nào sự là hiệp nhất.

70 HY, GM thành viên, cùng với các vị cố vấn và viên chức tham dự khóa họp toàn thể của Hội đồng Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Kurt Koch, về chủ đề ”Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô: kiểu mẫu nào cho sự hiệp thông trọn vẹn?”

Lên tiếng trong dịp này, sau khi nhấn mạnh sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô như một đòi hỏi thiết yếu của đức tin chúng ta, một đòi hỏi xuất phát từ cốt tính của chúng ta như những người tin nơi Chúa Giêsu Kitô, ĐTC cảnh giác chống lại 3 kiểu mẫu sai trái về sự hiệp thông:

-Trước tiên ”hiệp nhất không phải là kết quả những cố gắng của con người, hoặc là sản phẩm hoạt động ngoại giao của Giáo Hội, nhưng là một hồng ân đến từ trên cao. Loài người chúng ta không có khả năng tự mình kiến tạo sự hiệp nhất, và cũng không thể quyết đinh những hình thức và thời điểm khi nào. Trong bối cảnh đó, hiệp nhất là một hành trình, đòi phải kiên nhẫn, chờ đợi, kiên trì, vất vả và dấn thân. Hiệp nhất không xóa bỏ những xung đột và không loại trừ những tương phản. ĐTC thường lập lại rằng hiệp nhất được thực hiện khi đồng hành, nghĩa là khi chúng ta gặp gỡ nhau như anh chị em, cầu nguyện, cộng tác với nhau trong việc loan báo Tin Mừng và phục vụ những người rốt cùng.”

– Thứ hai, hiệp nhất không phải là đồng nhất. Những truyền thống khác nhau về thần học, phụng vụ, linh đạo và giáo luật được phát triển trong thế giới Kitô, khi chúng ăn rễ chân thành trong truyền thống tông đồ, là một phong phú chứ không phải là một đe dọa cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Tìm cách dẹp bỏ những khác biệt ấy là đi ngược lại với Chúa Thánh Linh, Đấng hoạt động làm cho cộng đoàn tín hữu được phong phú nhờ các hồng ân khác nhau.

– Sau cùng hiệp nhất không phải là gộp vào nhau. Sự hiệp nhất các tín hữu Kitô không bao hàm một ”sự đại kết lùi lại” khiến cho bên nào đó phải chối bỏ lịch sử đức tin của mình, và sự hiệp nhất này cũng không chấp nhận sự chiêu dụ tín đồ của nhau, vì hành động này là thuốc độc đối với hành trình đại kết.

ĐTC nhắn nhủ rằng ”Trước khi nhìn những điều chia cách của chúng ta, cũng cần nhận thức thiết yếu sự phong phú của những gì liên kết chúng ta, như Kinh Thánh, các bản tuyên xưng đức tin của các công đồng chung đầu tiên. Làm như thế các tín hữu Kitô có thể nhìn nhận nhau là anh chị em cùng tin nơi Chúa Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất, dấn thân tìm kiếm cách thức vâng theo Lời của Chúa ngày hôm nay, Đấng muốn hiệp nhất tất cả chúng ta” (SD 10-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 10 tháng 11-2016

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 10 tháng 11-2016

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-10-11-2016

Chúng ta phải vượt qua cám dỗ về một thứ tôn giáo theo kiểu biểu diễn luôn tiết lộ những điều mới lạ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài nói: Nước Thiên Chúa sẽ lớn mạnh nếu chúng ta biết giữ vững niềm hy vọng trong từng ngày sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trả lời cho những người Pharisêu khi họ hiếu kỳ hỏi: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Chúa Giêsu nói: Nước Thiên Chúa đã đến và ở giữa chúng ta. Nước Trời tựa như hạt giống nhỏ bé được gieo xuống và lớn lên theo thời gian. Chính Thiên Chúa làm cho hạt giống ấy phát triển, nhưng không gây sự chú ý.

Nước Trời không phải là thứ tôn giáo kiểu biểu diễn

Nước Thiên Chúa không phải là thứ tôn giáo theo kiểu những cuộc biểu diễn luôn tiết lộ cái gì đó mới lạ hoặc săn tin này nọ… Thiên Chúa đã nói nơi Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Có những lời khác, ba hoa theo kiểu pháo bông, chỉ lóe sáng một lát, rồi sau đó còn lại gì? Ngay lập tức chẳng còn gì cả. Chẳng có sức sống, chẳng có sức tăng trưởng, không còn ánh sáng. Thế mà nhiều lần chúng ta bị cám dỗ bởi thứ tôn giáo theo kiểu này, để tìm những gì bên ngoài mặc khải. Không phải là niềm hy vọng, khi chúng ta muốn sở hữu cái gì đó trong tầm tay.

Ơn cứu độ của chúng ta mang lại cho chúng ta niềm hy vọng, niềm hy vọng mà người gieo hạt giống và người làm bánh mong chờ: mong cho hạt giống nảy mầm, mong cho bột dậy men. Còn ánh sáng nhân tạo của pháo hoa, nó chỉ lóe lên được giây lát rồi vụt tắt. Thứ ánh sáng này không dùng để thắp sáng cho ngôi nhà, mà chỉ là để biểu diễn.

Vững tâm bền chí đợi chờ Nước Thiên Chúa hiển trị

Kiên trung và bền chí. Kiên vững trong hành động, trong đau khổ… Kiên nhẫn như người gieo hạt đợi hạt giống nảy mầm, và biết bảo vệ hạt giống khỏi cỏ dại, để hạt giống có thể phát triển. Hy vọng sức sống nảy sinh. Đây là câu hỏi dành cho chúng ta hôm nay: Nếu Nước Thiên Chúa ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta, nếu chúng ta có hạt giống ngay trong lòng mình, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong mình, thì chúng ta có gìn giữ hay không? Làm thế nào để phân biệt thóc mẩy và vỏ trấu? Nước Thiên Chúa đang phát triển, và chúng ta làm gì? Giữ vững. Lớn mạnh trong hy vọng. Giữ vững niềm hy vọng. Niềm hy vọng là chủ đề xuyên suốt của lịch sử cứu độ. Đó là hy vọng được gặp gỡ Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa trở nên lớn mạnh trong niềm hy vọng

Chúng ta tự hỏi: Tôi có hy vọng không? Hoặc câu hỏi gần gũi hơn, là tôi có biết phân biệt tốt xấu không, có phân biệt được hạt thóc với vỏ trấu, có phân biệt được ánh sáng dịu hiền của Chúa Thánh Thần với ánh sáng nhân tạo giả dối không? Chúng ta cần hỏi chính mình về niềm hy vọng của chúng ta, về hạt giống trong chúng ta, và làm thế nào để duy trì niềm hy vọng này. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta, nhưng chúng ta cần làm việc và nghỉ ngơi, sáng suốt và kiên nhẫn, để hạt giống niềm hy vọng của Nước Trời có thể mọc lên, phát triển và sẽ đến lúc mọi sự được biến đổi. Sẽ tới thời tất cả được biến đổi với Người và trong Người.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 9-11-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương: 9-11-2016

 duc-thanh-cha-tiep-kien-chung-cac-tin-huu-hanh-huong-9-11-2016

VATICAN. Sáng thứ tư 9-11-2016, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến chung hơn 50 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có hàng trăm tín hữu Việt Nam.

Trong số những người hiện diện cũng có nhiều người Việt Nam: khoảng 50 người từ Canada do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, GM phụ tá Tổng giáo phận Toronto, hướng dẫn; 110 người Việt từ Anh quốc do cha Phaolô Huỳnh Chánh thuộc tổng giáo phận Birmingham; nhiều người khác từ Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng có khoảng 10 Giám Mục ngồi cạnh lễ đài.

Bài huấn dụ của ĐTC

Trong bài huấn giáo, ĐTC tiếp tục loạt bài về Năm Thánh Lòng Thương Xót và bài thứ 35 này có chủ đề là viếng thăm các bệnh nhận và tù nhân. Ngài nói:

”Cuộc sống của Chúa Giêsu, nhất là trong 3 năm hoạt động công khai, là một cuộc gặp gỡ không ngừng với dân chúng. Trong số những người này các bệnh nhân có một chỗ đặc biệt. Bao nhiêu trang Phúc Âm kể lại những cuộc gặp gỡ ấy! Người bất toại, người mù, người phong cùi, người bị quỉ ám, người bị kinh phong, và vô số các bệnh nhân đủ loại.. Chúa Giêsu gần gũi với mỗi người trong họ và chữa lành họ bằng sự hiện diện và quyền năng chữa trị của Ngài. Vì thế, trong số các công việc từ bi thương xót, không thể thiếu việc viếng thăm và giúp đỡ các bệnh nhân.

Cùng với công việc ấy chúng ta cũng có thể kể thêm việc gần gũi những người ở trong các nhà tù. Thực vậy, cả các bệnh nhân lẫn tù nhân đều sống trong tình cảnh bị giới hạn tự do. Và chính khi bị thiếu tự do, chúng ta thấy nó quí giá dường nào! Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta khả năng là những người tự do mặc dù những giới hạn của bệnh tật và những hạn chế. Chúa ban cho chúng ta tự do đến từ cuộc gặp gỡ với Ngài và từ ý nghĩa mới mà cuộc gặp gỡ ấy mang lại cho thân phận bản thân của chúng ta.

Với những công việc từ bi thương xót ấy, Chúa mời gọi chúng ta hãy có một cử chỉ rất nhân đạo, đó là sự chia sẻ. Người bị bệnh thường cảm thấy cô đơn. Chúng ta không thể che dấu sự kiện này là: đặc biệt ngày nay, trong bệnh tật, ta cảm thấy sự cô đơn một cách sâu đậm hơn so với phần lớn cuộc sống. Một cuộc viếng thăm có thể làm cho người bệnh cảm thấy bớt cô đơn hơn và một chút đồng hành như thế là một liều thuốc rất tốt! Một nụ cười, một cái vuốt ve, một cái bắt tay là những cử chỉ đơn sơ, nhưng rất quan trọng đối với người cảm thấy bị bỏ mặc cho chính mình. Bao nhiêu người tận tụy viếng thăm các bệnh nhân trong các nhà thương hoặc tại tư gia của họ! Đó là một công việc thiện nguyện không thể trả giá nổi! Khi việc ấy được thực hiện nhân danh Chúa, thì lúc ấy nó trở thành một biểu hiện hùng hồn và hữu hiệu về lòng từ bi thương xót. Chúng ta đừng để những người bệnh bị lẻ loi! Chúng ta đừng cản trở họ tìm thấy sự an ủi và chính chúng ta cũng được thêm phong phú nhờ sự gần gũi những người đau khổ. Các nhà thương ngày nay thực là những ”nhà thờ chính tòa của sự đau khổ”, nhưng cũng là nơi trong đó người ta thấy rõ sức mạnh của đức bác ái nâng đỡ và cảm thông.

ĐTC nói thêm rằng:

”Cũng vậy, tôi nghĩ đến những người bị giam trong các nhà tù. Chúa Giêsu cũng không quên họ. Khi xếp việc viếng thăm các tù nhân vào số các công việc từ bi thương xót, Chúa muốn mời gọi chúng ta đừng xét đoàn một ai. Chắc chắn là sở một người ở trong tù là vì họ đã lỗi lầm, không tôn trọng luật pháp và sự sống chung giữa con người trong xã hội. Vì thế trong tù, họ đang thi hành bản án. Nhưng dù tù nhân có thể đã làm điều gì đi nữa, họ vẫn luôn được Thiên Chúa yêu thương. Ai có thể đi vào thẳm sâu lương tâm của họ để hiểu điều mà họ đang cảm thấy? Ai có thể hiểu nỗi đau đớn và hối hận của họ? Thật là điều quá dễ dàng khi rửa tay và nói là tù nhân ấy đã lầm lỗi. Đúng hơn Kitô hữu được kêu gọi vác đỡ gánh nặng, để người lầm lỗi hiểu sự ác đã làm, và trở về với chính mình. Sự thiếu tự do chắc chắn là một trong những thiếu thốn nhất đối với con người. Nếu thêm vào sự thiếu thốn ấy có những điều kiện suy thoái mà những người trong tù thương phải chịu đựng, thì đó thực sự là một trường hợp trong đó Kitô hãy cảm thấy bị thách thức làm tất cả những gì có thể để trả lại phẩm giá cho họ.

Viếng thăm các tù nhân là một công việc từ bi thương xót nhất là ngày nay có một giá trị đặc biệt do những hình thức duy công lý mà họ phải chịu. Vì thế, đừng ai chỉ tay lên án một ai. Trái lại tất cả chúng ta hãy trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, với những thái độ chia sẻ và tôn trọng. Tôi thường nghĩ đến các tù nhân. Tôi tự hỏi điều gì đã khiến cho họ phạm pháp và làm sao chúng ta có thể chiều theo những hình thức khác nhau của sự ác. Nhưng cùng với những tư tưởng ấy, tôi cảm thấy rằng tất cả chúng ta đều cần sự gần gũi và dịu dàng, và lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện những kỳ công. Bao nhiêu nước mắt tôi đã thấy chảy trên gò má của các tù nhân mà có lẽ không bao giờ họ đã khóc trong cuộc đời họ trước đó; bây giờ họ khóc chỉ vì họ cảm thấy được đón nhận và yêu mến.

 Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu và các Tông đồ cũng đã trải qua kinh nghiệm tù ngục. Trong các trình thuật về cuộc Thương Khó, chúng ta thấy những đau khổ mà Chúa phải chịu: bị bắt, bị giải đi như một tên bất lương, bị nhạo cười, đánh đón, bị đội mão gai.. Chúa, chỉ có Chúa là người Vô Tội! Và cả thánh Phêrô và Phaolô cũng đã bị bỏ tù (Cv 12,5; Ph 1, 12-17). Chúa nhật vừa qua, 6-11, là ngày Năm Thánh của các tù nhân, ban chiều hôm ấy có một nhóm tù nhân ở Padova, bắc Italia, đến gặp tôi. Tôi hỏi họ xem họ sẽ làm gì ngày hôm sau, trước khi trở về Padova, họ đáp: Chúng con sẽ đến nhà tù Mamertino để chia sẻ kinh nghiệm của Thánh Phaolô”. Thật là đẹp khi nghe thấy điều đó và tôi rất hài lòng. Các tù nhân này muốn tìm thấy Thánh Phaolô tù nhân.

Và trong nhà tù, thánh Phêrô và Phaolô cũng đã cầu nguyện và rao giảng Tin Mừng. Thật là cảm động trang sách Tông đồ công vụ kể lại kinh nghiệm tù đày của Thánh Phaolô; thánh nhân cảm thấy bị lẻ loi và muốn có người bạn nào của Ngài đến viếng thăm (Xc 2 Tm 4,9-15).

Và ĐTC kết luận rằng ”Những công việc từ bi thương xót này, như chúng ta thấy, là những điều cổ xưa, nhưng rất thời sự. Chúng ta đừng rơi vào tình trạng dửng dưng, nhưng hãy trở thành dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa, để trả lại vui mừng và phẩm giá cho những người đã đánh mất”.

Chào thăm

Sau bài huấn dụ dài bằng tiếng Ý, các LM tại phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh đã lần lượt tóm tắt bài của ĐTC cũng như lời chào của ngài các nhóm bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Arập, Ba Lan..

ĐTC cũng nhắc đến và chào thăm các nhóm Việt Nam. Ngài nồng nhiệt cầu chúc tất cả mọi người: Năm Thánh hiện nay trở thành một thời điểm ân phúc cho bản thân và gia đình họ, một thời điểm canh tân tinh thần! Ước gì Năm Thánh giúp chúng ta khắc phục sự dửng dưng và biết chia sẻ cuộc sống và hy vọng với những ngừơi đang chịu đau khổ và không được tự do.

Với các tín hữu hành hương nói tiếng Ý, ĐTC cầu chúc họ làm sao để việc bước qua Cửa Năm Thánh nhắc nhớ mỗi người chúng ta rằng chỉ qua Chúa Kitô, chúng ta mới có thể bước vào trong tình thương và lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đón nhận tất cả mọi người và tha thứ cho họ.

ĐTC không quên chào thăm các bạn trẻ, các đôi tân hôn và những người bệnh. Ngài nhắc nhở rằng hôm nay chúng ta kính nhớ lễ cung hiến Đền thờ Thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Hỡi những người trẻ, các con hãy cầu nguyện cho người kế nhiệm Thánh Phêrô để Người luôn củng cố các anh chị em trong đức tin; hỡi anh chị em bệnh nhân, anh chị em hãy gần gũi với Giáo Hoàng trong kinh nguyện, để đương đầu với bệnh tật; và hãy các đôi tân hôn, hãy dạy đức tin cho con cái của anh chị em trong tinh thần đơn sơ, nuôi dưỡng đức tin bằng tình yêu đối với Giáo Hội và các vị mục tử của Giáo Hội.

G. Trần Đức Anh OP 

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

Các vụ gọi là truyền chức Giám Mục bất hợp pháp ở Trung Quốc

nhung-vu-goi-la-truyen-chuc-giam-muc-bat-hop-phap-o-trung-quoc

VATICAN. Hôm 7-11-2016, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, ra thông cáo về những vụ gọi là truyền chức Giám Mục tại Trung Quốc không có ủy nhiệm của ĐTC:

”Trong những tuần lễ gần đây, liên tiếp có nhiều tín về một số vụ truyền chức Giám Mục, không có sự ủy nhiệm của ĐTC cho các linh mục thuộc cộng đoàn hầm trú của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Tòa Thánh không cho phép một cuộc truyền chức nào, và cũng không được chính thức thông báo về những vụ như thế. Nếu những vụ truyền chức Giám Mục ấy thực sự xảy ra, thì sẽ là một vụ vi phạm trầm trọng giáo luật! Tòa Thánh cầu mong rằng những tin như thế là vô căn cứ. Trong trường hợp ngược lại, thì phải đợi những tin tức chắc chắn và có chắng cớ hẳn hoi trước khi thẩm định những vụ ấy một cách thích hợp. Tuy nhiên, Tòa Thánh tái khẳng rằng không được phép tiến hành cuộc truyền chức Giám Mục nào mà không có sự ủy nhiệm cần thiết của Đức Giáo Hoàng, và cũng không được nại đến những xác tín cá nhân”.

Trong thời gian qua một số cơ quan thông tin cho biết LM Đổng Quan Hoa (Dong Guanhua), công giáo thầm lặng, đã thụ phong giám mục bất hợp pháp vì lý do ”tuyệt vọng vì Tòa Thánh đang đối thoại với Nhà Nước Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục”. (SD 7-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

ĐTC kêu gọi cải tiến điều kiện sống và ân xá cho các tù nhân

ĐTC kêu gọi cải tiến điều kiện sống và ân xá cho các tù nhân

dtc-phanxico-giang-trong-thanh-le-nam-thanh-cua-cac-tu-nhan-cu-hanh-trong-den-tho-thanh-phero-sang-chua-nhat-6-11-2016

Trong buổi đọc Kinh  Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua ĐTC Phanxicô đã kêu gọi cải thiện điều kiện sống của các tù nhân, không chỉ trừng phạt nhưng rộng mở cho hy vọng tái hội nhập vào cuộc sống xã hội và ân xá cho các tù nhân xứng đáng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài cũng khích lệ thực thi thoả hiệp Paris về khí hậu tái nhóm hôm nay tại Marakech bên Marốc, và nêu bật khả năng của nhân loại có thể cộng tác để cứu vãn môi sinh, cũng như đặt để kinh tế trong tư thế phục vụ con người và xây dựng hoà bình và công lý.

Trước đó lúc 10 giờ sáng ĐTC đã chủ sự thánh lễ Ngày Năm Thánh cho các tù nhân trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có hơn 100 Linh Mục, tuyên uý các nhà tù, và 8.000 tín hữu, trong đó có ban giám đốc nhà tù, các thiện nguyện viên và hàng trăm tù nhân. Các tù nhân đến từ nhà tù Regina Coeli. Ngoài ca đoàn Sistina còn có ca đoàn Papageno của nhà tù.

Từ lúc 9 giờ các tù nhân đã nghe thánh ca và các chứng từ của Đức Ông Giuseppe Livatino, anh của quan toà Rosarrio Livatino người Sicilia nam Italia, đã bị các tổ chức tội phạm mafia ám sát trên đường đến toà án ngày 21 tháng 9 năm 1990. Trong ba vụ xử khác nhau 6 can phạm đã bị kết án tù chung thân, và hai cộng sự viên khác bị kết án 13 năm tù. Năm 1993 ĐC Carmelo Ferraro, TGM Agrigento, đã thu thập các chứng từ cho án phong chân phước, và ngày 21 tháng 9 năm 2011 ĐTGM Francesco Montenegro đã chính thức bắt đầu mở án phong trên cấp giáo phận. Tiếp đến là chứng từ của một tù nhân đã gặp Chúa và dấn thân hoán cải, cùng với nạn nhân mà anh đã hoà giải. Sau cùng là chứng từ của một thiện nguyện viên của Cảnh sát nhà tù, thường ngày tiếp xúc với các tù nhân. Tiếp đến mọi người đã lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ.

Các bài sách thánh được đọc bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Thánh vịnh và Phúc Âm được hát và đọc bằng tiếng Ý. Phần lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng A rập, Bồ Đào Nha, Tầu, Pháp và Albani.

Giảng trong thánh lễ ĐTC quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và khẳng định rằng đức tin giúp thừa nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm hy vọng, và chỉ cho thấy ước mong đạt một cuộc sống mới.  Chúng ta tất cả đều được mời gọi sinh vào cuộc sống mới, cho dù trong quá khứ có sai lầm thế nào đi nữa và bị luật lệ trừng phạt. Không ai và không gì có thể bóp nghẹt được “hơi thở” của niềm hy vọng. Vì chính Thiên Chúa cũng hy vọng chúng ta hoán cải, và thay đổi là điều có thể làm được với ơn thánh trợ giúp của Ngài.

Tất cả các bài đọc trong thánh lễ nói về niềm hy vọng. Lời của một trong 7 anh em nhà Macabây nói với vua Antioco Epifane: “Từ Thiên Chúa người ta có niềm hy vọng được Ngài cho sống lại” (2 Mcb 7,14), biểu lộ đức tin của các vị tử đạo, là những người cho thấy họ có sức mạnh nhìn xa hơn, mặc dầu phải chịu khổ đau và tra tấn. Một đức tin, trong khi thừa nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của niềm hy vọng, cho thấy ước mong đạt một cuộc sống mới. Cũng thế câu Chúa Giêsu trả lời cho các người Xađuxê xoá bỏ mọi khoa giải nghi tầm thường của họ. ĐTC nói:

Kiểu nói của Chúa: “Thiên Chúa không phải là của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống, bởi vì mọi người đều sống cho Ngài” (Lc 20,38), vén mở cho thấy gương mặt thật của Thiên Chúa Cha, là Đấng chỉ muốn sự sống của tất cả mọi con cái Ngài. Niềm hy vọng tái sinh vào một cuộc sống mới, như vậy là điều mà chúng ta được mời gọi lấy làm của mình để trung thành với giáo huấn của Chúa Giêsu.

Hy vọng là ơn Chúa ban. Nó được đặt trong tận cùng thẳm con tim của từng người, để có thể soi chiếu với ánh sáng của nó hiện tại, thường bị khuấy động và che mờ bởi biết bao tình trạng dẫn đưa tới buồn thương và khổ đau. Chúng ta luôn luôn cần củng cố các gốc rễ của hy vọng cho chắc hơn, để chúng có thể đem lại hoa trái, trước hết là xác tín về sự hiện diện và cảm thương của Thiên Chúa, mặc dù sự dữ chúng ta đã làm. Không có nơi nào trong con tim chúng ta mà tình yêu của Thiên Chúa không tới được. Nơi đâu có một người đã lầm lỗi, thì nơi đó lòng thương xót của Chúa Cha lại càng hiện diện hơn nữa, để dấy lên sự sám hối, tha thứ và hoà giải.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói : hôm nay là Ngày Năm Thánh cho anh chị em và với anh chị em là các tù nhân. Chính với kiểu nói này của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà chúng ta cảm thấy cần đối chiếu. Chắc chắn việc thiếu tôn trong luật lệ đã đáng bị phạt, và việc mất đi sự tự do là hình phạt nặng nề nhất phải chịu, bởi vì nó đụng chạm tới con người trong nơi sâu thẳm nhất. Thế nhưng niềm hy vọng không thuyên giảm. Thật thế, một đàng là điều chúng ta phải chịu vì sự dữ đã làm, đàng khác là « hơi thở » của niềm hy vọng không thể bị bất cứ ai và bất cứ gì lấy mất. Con tim chúng ta luôn luôn hy vọng sự thiện, chúng ta nợ lòng thương xót mà với nó Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta và không bao giờ bỏ rơi chúng ta (x. Thánh Agostino, Bài giảng 254,1).

Trong thư gửi tín hữu Roma tông đồ Phaolô nói về Thiên Chúa như là « Thiên Chúa của niềm hy vọng » (Rm 15,13). Làm như thể thánh nhân nói với chúng ta rằng Thiên Chúa cũng hy vọng ; và xem ra là điều mâu thuẫn, nhưng nó thật là như vậy : Thiên Chúa hy vọng ! Lòng thương xót của Ngài không để cho Ngài yên. Ngài như nguời Cha của dụ ngôn luôn luôn hy vọng người con đã sai lầm trở về (x. Lc 15,11-32). Không có ngưng nghỉ đối với Thiên Chúa cho tới khi tìm được con chiên đã bị mất (x. Lc 15,5). Và ĐTC giải thích thêm :

Vậy nếu Thiên Chúa hy vọng, thì khi đó niềm hy vọng không thể bị ai lấy mất, bởi vì đó là sức mạnh để đi tới : đó là việc hướng tới tương lai  để biến đổi cuộc sống ; đó là một thúc đẩy hướng tới ngày mai, bởi vì tình yêu bởi đó chúng ta được yêu thương cho dù tất cả, có thể trở thành con đường mới… Tóm lại, niềm hy vọng là bằng chứng nội tại của sức mạnh lòng thương xót của Thiên Chúa, xin chúng ta nhìn tới trước  và chiến thắng lôi kéo của sự dữ và tội lỗi với đức tin và sự tín thác nơi Ngài.

Anh chị em tù nhân thân mến, hôm nay là Ngày Năm Thánh của anh chị em. Ước chi, trước mặt Chúa, niềm hy vọng của anh chị em được thắp sáng lên. Tự bản chất của nó Năm Thánh đem theo lời loan báo giải thoát (x. Lv 25,39-46). Không tuỳ thuộc nơi tôi việc ban nó cho anh chị em, nhưng dấy lên nơi tùng người trong anh chị em ước muốn sự tự do đích thực là một bổn phận, mà Giáo Hội không thế từ bỏ. Đôi khi có sự giả hình nào đó thúc đẩy chỉ coi anh chị em như những người đã lầm lỗi, vì thế chỉ có con đường duy nhất là nhà tù. Người ta không nghĩ tới khả thể thay đổi cuộc sống, có ít tin tưởng nơi sự phục hồi. Nhưng như thế người ta quên rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, và thường khi chúng ta cũng là tù nhân mà không biết. Khi người ta khép kín chính mình trong các thành kiến, hay khi nguời ta là nô lệ các thần tượng của một sự thoải mái sai lạc, khi chúng ta di chuyển trong các lược đồ ý thức hệ, hay tuyệt đối hoá các luật lệ của thị trường đè bẹp con người, thì thật ra người ta không làm gì khác hơn là ở trong các bức tường của phòng giam của chủ trương cá nhân chủ nghĩa và tự đủ, mất đi sự thật làm nảy sinh ra tự do. Và giơ tay tố cáo chống lại ai đó đã lầm lỗi không thể trở thành một biện minh để che dấu các mẫu thuẫn của chính mình.

ĐTC nói thêm trong bài giảng : chúng ta biết rằng trước mặt Thiên Chúa không có ai có thể cho mình là công chính (x. Rm 2,1-11). Nhưng không ai có thể sống mà không xác tín tìm được sự tha thứ! Ông ăn trộm cùng bị đóng đanh với Chúa Giêsu đã theo Ngài vào thiên đàng (x. Lc 23,43). Vì thế đừng ai trong anh chị em tự khép mình trong quá khứ! Chắc chắn lịch sử quá khứ, cả khi chúng ta có muốn, cũng không thể được viết lại. Nhưng lịch sử bắt đầu từ ngày hôm nay, và liên quan tới tương lai tất cả còn phải được viết, với ơn thánh của Thiên Chúa và với trách nhiệm riêng của anh chị em. Khi học hỏi từ các sai lầm quá khứ, người ta có thể mở ra một chương mới của cuộc đời. Chúng ta đừng rơi vào cám dỗ nghĩ rằng không thể được tha thứ. Bất cứ điều gì lớn nhỏ mà con tim quở trách chúng ta, thì «Thiên Chúa lớn hơn con tim chúng ta » (1 Ga 3,20), chúng ta chỉ phải tín thác nơi lòng thương xót của Ngài thôi.

Đức tin, cho dù có bé như hạt cải đi nữa, cũng có thể chuyển núi rời non (x. Mt 17,20). Biết bao lần sức mạnh của đức tin đã cho phép nói lên lời tha thứ trong những điều kiện nhân loại không thể được ! Những người đã chịu bạo lực, áp bức trên chính họ hay trên các người thân hoặc của cải của họ… Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa, lòng thương xót, có thể chữa lành vài vết thương nào đó. Và ở đâu người ta đáp trả lại bạo lực với sự tha thứ, ở đó con tim của người đã sai lầm cũng có thể được thắng vượt bởi tình yêu đánh ngã mọi hình thức của sự dữ. Và như thế, giữa các nạn nhân và các kẻ có lỗi, Thiên Chúa dấy lên các chứng nhân và các người hoạt động đích thực của lòng thương xót.

Hôm nay chúng ta tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria nơi bức tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu cầm khúc xích bị bẻ gẫy trong tay, xích xiềng của nô lệ và tù ngục. Mẹ hướng tới từng người trong anh chị em cái nhìn hiền mẫu của Mẹ ; xin Mẹ làm vọt lên từ con tim của anh chị em sức mạnh của niềm hy vọng vào một cuộc sống mới đáng sống trong sự tự do tràn đầy và trong việc phục vụ tha nhân.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ dinh tông toà để đọc Kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Trong bài huấn dụ ngài nói Chúa Giêsu không rơi vào bẫy của các người Xađuxê, nhưng nêu bật sự thật về sự phục sinh, bằng cách giải thích cuộc sống sau cái chết khác với cuộc sống trên trần gian. Vì thế không thể áp dụng các phạm trù của thế giới này cho các thực tại của cuộc sống bên kia. Chúa Giêsu muốn giải thích rằng trong thế giới này chúng ta sống các thực tại tạm bợ. Trái lại trong thế giới bên kia, sau khi phục sinh, chúng ta sẽ không còn cái chết như chân trời nữa, và sẽ sống mọi sự, kể cả các tuơng quan nhân loại, trong chiều kích của Thiên Chúa, một cách được biến đổi. Cả hôn nhân, là dấu chỉ và dụng cụ của tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới này, cũng sẽ sáng ngời trong ánh sáng tràn đầy, trong sự hiệp thông của các Thánh trên Thiên Đàng. Ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu đem tới được dành để cho tất cả mọi người. Sự sống lại không chỉ là sự kiện phục sinh sau cái chết, mà là một kiểu sống mới, mà chúng ta đã kinh nghiệm ngay ở đời này. Đó là chiến thắng trên sự hư vô mà chúng ta có thể nếm hưởng trước. Sự phục sinh là nền tảng của đức tin kitô. Nếu không có quy chiếu về Thiên Đàng và cuộc sống vĩnh cửu, Kitô giáo sẽ bị giản lược vào một luân lý hay một triết lý sống. Tin vào sự phục sinh là nền tảng để mọi hành động của tình yêu kitô không tàn phai, và là mục đích cho chính nó, nhưng trở thành một hạt giống được chỉ định nở hoa trong vườn của Thiên Chúa, và sinh trái của cuộc sống vĩnh cửu.

Tiếp đến ĐTC đã cất kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ngài cũng nhắc tới lễ phong chân phước cho 38 vị tử đạo Albani gồm 2 giám mục, nhiều linh mục và tu sĩ, một chủng sinh và vài giáo dân bị chính quyền độc tài cộng sản giết hồi thế kỷ trước. Các vị đã thích bị tù đầy, tra tấn và chết để trung thành với Chúa Kitô và Giáo Hội. Ước chi gương sống của các vị là sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong những lúc khó khăn, và gợi hứng cho các thái độ sống tốt lành, tha thứ và hoà bình của chúng ta.

Linh Tiến Khải

 

Phần hai cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

Phần hai cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tế

phan-2-cuoc-phong-van-dtc-phanxico-danh-cho-cac-nha-bao-quoc-te-tren-chuyen-bay-tu-malmoe-ve-roma-ngay-1-11-2016

Trưa ngày mùng 1 tháng 11 vừa qua, trên chuyến bay từ phi trường quốc tế Malmoe về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn. Sau đây là nội dung phần hai cuộc phỏng vấn này.

Chị Eva Fernandez thuộc đài phát thanh Cope Tây Ban Nha hỏi:

Hỏi: Thưa ĐTC, con thích hỏi ĐTC bằng tiếng Ý hơn nhưng con chưa nói sõi đủ. Cách đây ít lâu ĐTC đã tiếp kiến tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. ĐTC có cảm tưởng gì về cuộc gặp gỡ này, và đâu là ý kiến của ĐTC về việc bắt đầu các cuộc nói chuyện này?

Đáp: Vâng, tổng thống Venezuela đã xin có cuộc gặp gỡ và cuộc hẹn này vì ông đến từ Trung Đông, từ Qatar, từ các nước Emirati và dừng chân kỹ thuật tại Roma. Trước đây tổng thống cũng đã xin một cuộc gặp gỡ. Và ông đã đến hồi năm 2013; rồi ông xin một cuộc hẹn khác nữa, nhưng đã bị đau không thể đến được, nên đã xin có cuộc gặp gỡ lần này. Khi một tổng thống xin gặp, thì được tiếp đón, vả lại ông đã dừng chân lại ở Roma. Tôi đã lắng nghe tổng thống trong nửa giờ trong cuộc gặp gỡ đó.Tôi đã lắng nghe và tôi đã hỏi tổng thống vài điều và ý kiến của ông. Thật luôn luôn tốt lắng nghe tất cả mọi ý kiến. Tôi đã lắng nghe ý kiến của tổng thống. Liên quan tới khiá cạnh thứ hai, là cuộc đối thoại. Đó là con đường duy nhất cho tất cả mọi cuộc xung đột. Hoặc là đối thoại hoặc là la lối, chứ không có cách khác. Tôi đã đặt hết con tim vào cuộc đối thoại, và tôi tin là phải bước đi trên con đường này. Tôi không biết nó sẽ kết thúc như thế nào, tôi không biết, bởi vì nó rất phức tạp, nhưng những người dấn thân trong cuộc đối thoại đều là các nhân vật quan trọng. Như ông Zapatero đã từng hai lần là thủ tướng Tây Ban Nha, và ông Restrepo nhà chính trị người Colombia, và tất cả các phe phái đều xin Toà Thánh hiện diện trong cuộc đối thoại. Và Toà Thánh đã chị định ĐTGM Claudio Celli như là người đồng hành với tiến trình này. Đức Sứ Thần Toà Thánh tại Argentina là ĐTGM Tsherrig, tôi đã thay thế ngài ngày Chúa Nhật 23 tháng 10, cũng hiện diện tại bàn thương thuyết. Đối thoại tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết là con đường duy nhất giúp ra khỏi các cuộc xung đột, chứ không có con đường nào khác… Nếu vùng Trung Đông đã làm điều này, thì đã tiết kiệm được biết bao nhiều mạng người!

 

Ông Burke nói: Bây giờ tới phiên đài phát thanh Pháp. Chúng con có chị Mathilde Imberty.

Hỏi: Thưa ĐTC, chúng ta đang trở về từ Thụy Điển, nơi sự tục hóa rất mạnh. Đó là một hiện tượng liên lụy tới toàn Âu châu nói chung. Cả trong một nước như nước Pháp người ta ước lượng rằng trong các năm tới đa số dân sẽ không theo tôn giáo nào nữa. Theo ĐTC sự tục hoá có phải là một định mệnh không? Ai là những người có trách nhiệm, các chính quyền đời hay Giáo Hội đã quá nhút nhát?

Đáp: Định mệnh. Không. Tôi không tin vào các định mệnh! Ai là những người có trách nhiệm, tôi không biết… Bạn, nghĩa là từng người có trách nhiệm. Tôi không biết. Đó là một tiến trình… Nhưng trước hết tôi muốn nói một điều nhỏ bé thôi. ĐGH Biển Đức XVI đã nói biết bao về vấn đề này, và nói một cách rõ ràng. Khi đức tin trở thành hâm hẩm, là vì như chị nói, thì Giáo Hội suy yếu… Các thời gian bị tục hóa hơn… Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới nước Pháp chẳng hạn các thời gian của sự tục hóa của Triều đình: các thời gian, trong đó các linh mục đã là abbé của Triều đình, một nhân viên giáo sĩ… Đã thiếu sức mạnh của việc rao giảng Tin Mừng, sức mạnh của Tin Mừng. Luôn luôn khi có sự tục hoá, thì chúng ta có thể nói rằng có vài yếu đuối nào đó trong việc rao giảng Tin Mừng, điều này thì thật vậy…

Nhưng cũng có một tiến trình khác, một tiến trình văn hóa, một tiến trình – tôi tin rằng tôi đã nói một lần – một hình thức thứ hai của sự “không văn hóa”, khi con người nhận thế giới từ Thiên Chúa và để làm cho nó trở thành văn hóa, làm cho nó lớn lên, thống trị nó, tới một lúc nào đó con người tự cảm thấy mình là chủ nhân ông của nền văn hóa đó – chúng ta hãy nghĩ tới huyền thoại cái tháp Babel – con người là chủ nhân ông của nền văn hóa tới độ làm cho mình là tạo hóa của một nền văn hoá khác, nền văn hóa riêng và chiếm chỗ của Thiên Chúa tạo hoá. Và trong sự tục hóa tôi tin rằng trước sau gì người ta cũng đi tới tội chống lại Thiên Chúa tạo hoá. Con người tự đủ cho chính mình. Nó không phải là một vấn đề của tính cách đời, bởi vì cần có một tính cách đời lành mạnh, là sự tự trị của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các sự vật, sự tự trị lành mạnh của các khoa học, của tư tưởng, của chính trị, cần phải có tính cách đời lành mạnh. Không. Có một điều khác, đó là một khuynh hướng duy đời như khuynh hướng duy đời mà chủ thuyết thiên quang luận đã để lại cho chúng ta như gia tài. Tôi tin rằng hai điều này: một chút tự đủ của con người tạo ra văn hóa, nhưng nó đi quá các giới hạn và nó cảm thấy nó là Thiên Chúa, và cũng có một chút sự yếu đuối trong việc rao giảng Tin Mừng, trở thành hững hờ và các kitô hữu hững hờ. Ở đó cứu chúng ta một chút việc lấy lại sự tự trị lành mạnh trong việc phát triển của văn hóa và của các khoa học, cả với ý thức về sự độc lập, về việc là thụ tạo chứ không phải là Thiên Chúa.

Ngoài ra, còn có việc lấy lại sức mạnh của việc rao truyền Tin Mừng nữa. Ngày nay tôi tin rằng sự tục hóa này rất mạnh mẽ trong nền văn hóa và trong vài nền văn hóa nào đó. Và tinh thần thế tục cũng rất mạnh trong vài hình thái khác nhau, sự thế tục tinh thần. Khi nó vào trong Giáo Hội, thì sự thế tục thiêng liêng tệ hại nhất. Đây không phải là các lời của tôi mà tôi sẽ nói bây giờ, nhưng đó là các lời của ĐHY De Lubac, một trong các nhà thần học lớn của Công Đồng Chung Vaticăng II. Ngài nói rằng khi tinh thần thế tục thiêng liêng bước vào trong Giáo Hội, thì kiểu này… nó là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho Giáo Hội, còn tệ hại hơn là điều đã xảy ra trong thời đại của các Giáo Hoàng thối nát. Và ngài liệt kê vài hình thức của sự thối nát của các Giáo Hoàng, tôi không nhớ rõ, nhưng biết bao nhiêu thối nát. Tinh thần thế tục. Đối với tôi điều này nguy hiểm. Có nguy cơ là điều này xem ra là một bài giảng, tôi sẽ nói điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tất cả chúng ta trong bữa tiệc ly, Ngài xin Thiên Chúa Cha cho tất cả chúng ta một điều: là đừng cất chúng ta ra khỏi thế gian, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi tinh thần thế tục. Nó vô cùng nguy hiểm, nó là một sự tục hóa hơi được trang điểm. hơi được hoá trang một chút, hơi là sẵn sàng để mặc, trong cuộc sống của Giáo Hội. Tôi không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi chưa.

Ông Greg Burke nói xin cám ơn ĐTC. Bây giờ tới đài truyền hình Đức, anh Juergen Erbacher

Hỏi: Thưa ĐTC, cách đây vài ngày ĐTC đã gặp nhóm Thánh Nữ Marta chuyên chống lại nạn nô lệ mới và việc buôn người, là các đề tài theo con rất được ĐTC lưu tâm, không chỉ như là Giáo Hoàng, mà hồi còn ở Buenos Aires ĐTC đã chú ý tới đề tài này. Tại sao vậy? ĐTC đã có một kinh nghiệm đặc biệt hay có lẽ cả cá nhân nữa chăng? Và rồi như là người Đức, vào đầu năm kỷ niệm cuộc Cải Cách, con cũng phải hỏi ĐTC có đến quốc gia, nơi cuộc Cải Cách đã bắt đầu cách đây 500 năm hay không, có lẽ trong năm nay?

Đáp: Chúng ta hãy bắt đầu với câu hỏi thứ hai. Chương trình các chuyến viếng thăm của năm tới chưa được soạn. Vâng, chỉ biết rằng hầu như chắc chắn là tôi sẽ đi Ấn Độ và Bangladesh, nhưng chưa được làm. nó là một giả thiết.

Liên quan tới câu hỏi thứ nhất. Vâng, từ lâu khi tôi còn là linh mục ở Buenos Aires, tôi đã luôn luôn có sự lo lắng cho thịt xác của Chúa Kitô. Sự kiện Chúa Kitô tiếp tục đau khổ, Chúa Kitô liên tục bị đóng đanh trong các anh em yếu đuối nhất, đã luôn luôn khiến cho tôi cảm động. Như là linh mục tôi đã làm các công việc nhỏ với người nghèo, nhưng không chỉ có thế, tôi cũng đã làm việc với các sinh viên đại học nữa… Thế rồi, như là Giám Mục tại Buenos Aires chúng tôi đã có các sáng kiến làm việc với các nhóm không công giáo và người không tín ngưỡng, chống lại lao động nô lệ, nhất là của các người di cư châu mỹ latinh đến Argentina. Họ bị tịch thu thông hành và phải làm việc như nô lệ trong các nhà máy kỹ nghệ, bị khóa kín trong đó… Có một lần xảy ra hoả hoạn, các trẻ em leo lên sân thượng và chết hết ở trên đó và không có ai trốn thoát được. Thật đúng như là nô lệ, và điều này khiến cho tôi xúc động.

Việc buôn bán người. Tôi cũng đã làm việc với hai dòng nữ hoạt động trợ giứp các phụ nữ mại dâm, các phụ nữ nô lệ của nạn mại dâm. Tôi không thích dùng từ phụ nữ mại dâm, nhưng các phụ nữ nô lệ của mại dâm. Thế rồi, mỗi năm một lần tất cả các người nô lệ của hệ thống này cử hành một Thánh Lễ tại quảng trường Hiến pháp, là một trong các quảng trường nơi các xe lửa tới – giống như nhà ga xe lửa Termini của Roma – anh hãy nghĩ tới nhà ga Termini, và Thánh Lễ được cử hành tại đó với tất cả mọi người. Tới tham dự có tất cả mọi tổ chức, các nữ tu làm việc và cả những người không tin nữa, nhưng chúng tôi làm việc với  họ. Và ở đây cũng thế, ở đây tại Italia này cũng có biết bao nhiêu nhóm thiện nguyện hoạt động chống lại mọi hình thức nô lệ, nô lệ lao động cũng như phụ nữ nô lệ. Cách đây vài tháng tôi đã thăm một trong các tổ chức này và người dân… ở Italia này người ta làm việc thiện nguyện rất tốt. Tôi đã không bao giờ nghĩ nó là như thế. Thiện nguyện là một điều rất đẹp mà Italia có được. Được như thế là nhờ các cha sở. Trung tâm sinh hoạt cho giới trẻ và phong trào thiện nguyện là hai điều nảy sinh từ lòng nhiệt thành tông đồ của các cha sở Ý. Không biết tôi đã trả lời chưa hay có gì nữa…

Ông Burke nói: Chúng con xin cám ơn ĐTC. Người ta nói tới giờ ăn rồi, chúng ta phải đi ăn thôi.

Đáp: Xin cám ơn anh chị em về các câu hỏi, cám ơn rất nhiều, rất nhiều. Và xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em ăn ngon.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Giám Mục

Đức Thánh Cha chủ sự lễ cầu nguyện cho các Hồng Y, Giám Mục

duc-thanh-cha-chu-su-le-cau-nguyen-cho-cac-hong-y-giam-muc

VATICAN. Trưa ngày 4-11-2016, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các Hồng Y và GM qua đời trong 12 tháng qua.

Đồng tế với ĐTC có gần 60 Hồng Y và Giám Mục hiện diện ở Roma, trước sự tham dự của gần 1 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến các hoạt động của các vị chủ chăn đoàn chiên của Chúa Kitô đã tận tụy phục vụ và hy sinh vì phần rối những người đã được ủy thác cho các vị chăm sóc, đã thánh hóa họ nhờ các bí tích và dìu dắt họ trên con đường cứu độ. ”Đầy quyền năng của Chúa Thánh Linh, các vị chủ chăn ấy đã loan báo Tin Mừng, và với tình phụ tử, đã cố gắng thương yêu tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo, người vô phương thế tự về và những người cần được trợ giúp”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Qua sứ vụ, các vị chủ chăn ấy đã in vào tâm hồn các tín hữu chân lý đầy sức an ủi, theo đó ”ơn thánh và lòng thương xót của Chúa dành cho những người được Ngài tuyển chọn” (Kn 3,9), Nhân danh Thiên Chúa từ bi và tha thứ, đôi tay các vị đã chúc phúc và xá giải, những lời của các vị đã an ủi và lau khô nước mắt, sự hiện diện của các vị đã làm chứng một cách hùng hồn rằng lòng từ nhân của Thiên Chúa thật là vô tận và lòng thương xót của Chúa thật là vô biên. Một số vị chủ chăn ấy đã được kêu gọi làm chứng tá cho Tin Mừng đến mức độ anh hùng, chịu đựng những u sầu nặng nề”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Dưới ánh sáng mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, cái chết của các vị là bước vào cuộc sống sung mãn. Và dưới ánh sáng ấy chúng ta cảm thấy càng được gần gũi với những người anh em quá cố của chúng ta: cái chết có vẻ phân ly chúng ta với các vị, nhưng quyền năng của Chúa Kitô và Thần Khí của Ngài liên kết chúng ta với các vị ấy càng sâu xa hơn nữa. Chúng ta tiếp tục cảm thấy các vị ở cạnh trong sự hiệp thông của các thánh” (SD 4-11-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tinh thần cầu nguyện và phục vụ của bà Carolyn Woo

Tinh thần cầu nguyện và phục vụ của bà Carolyn Woo

ba-carolyn-woo

Nhiều buổi sáng, Carolyn Woo, một phụ nữ 62 tuổi, đi vào ngôi nhà nguyện tương đối vắng lặng tại trụ sở chính của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ ở Baltimore và khi thành phố nhộn nhịp đó bắt đầu một ngày sống, bà tìm một chỗ đặc biệt thinh lặng trong ngôi nhà nguyện an bình ấy, nơi bà có thể chìm đắm trong kinh nguyện. Ở đó bà đọc các bài đọc sách Thánh hàng ngày. Bà ngồi đó với Mẹ Maria. Ở đó bà cầu nguyện và rồi bắt đầu một ngày mới. Cầu nguyện là điều bà Woo cần cho công việc bà đang làm.

Từ 4 năm nay, Carolyn Woo là giám đốc điều hành của cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ, một trong những tổ chức bác ái lớn nhất nước. Khi bắt đầu ngày làm việc, nghĩa là bà phải tham dự nhiều cuộc họp, tiếp nhiều khách thăm viếng, phải đi lại nhiều nơi, và rồi những thách đố, niềm vui, nỗi buồn, những điều mà bà không bao giờ nghĩ là sẽ gặp thấy ở cơ quan nhân đạo quốc tế của cộng đồng Công giáo Hoa kỳ. Cuối năm 2016 này, bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ, lúc ấy bà có thể dành thời gian cho các lớp học, các bài học piano, khiêu vũ, cắm hoa và học tiếng Tây ban nha để có thể cùng hát trong Thánh lễ. Người ta nói với bà, khi nghỉ hưu rồi bà sẽ cảm thấy buồn chán, nhưng bà đang nôn nóng chờ ngày đó. Bà nghĩ đến thời gian hưu trí không phải là kết thúc, là rút lui nhưng là đốt nóng lại, là bắt đầu lại những gì đã kết thúc. Bà xem nó là một trong những phần tốt đẹp nhất của cuộc sống sắp sửa bắt đầu của bà. Bà nói: “Cuộc đời của tôi luôn có một chuỗi những chức danh chuyên nghiệp như giáo sư, giám đốc, khoa trưởng, vv., bây giờ tôi đang từ bỏ những chức danh đó để dành thời gian và sức lực cho những vai trò quan trọng nhất của tôi, đó là vai trò người mẹ, người vợ, người chị, người dì, người bạn và nữ tỳ của Chúa.” Tuy vậy, bà Woo vẫn sẽ phục vụ trong một số công việc như tiếp tục viết báo cho hãng thông tấn Hoa kỳ.

Hiện tại bà Woo đang bận rộn xem lại 5 năm đã qua của bà, nhìn lại các thử thách, thành công nhưng cũng là cơ hội điều hành cơ quan cứu trợ và phát triển của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ ở hải ngoại. Bà đã chứng kiến hoạt động của các đồng nghiệp ở hơn 100 quốc gia, những đất nước nơi mà cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ phục vụ cho những người nghèo nhất và những cộng đoàn bị thiệt thòi nhất trên trái đất này. Như một giám đốc điều hành, bà Woo nhắm làm cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Hoa kỳ trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo từ nội bộ, một tổ chức xem xét các lợi ích dài hạn cũng như ngắn hạn cho những ai họ phục vụ và một tổ chức nhắm thông truyền căn tính Công giáo cho thế giới. Bà chia sẻ: “Điều quan trọng nhất đối với tôi chính là trình bày về Giáo hội cách thật tốt và chúng tôi hiểu vinh dự có thể phục vụ những người mà Thiên Chúa gửi đến với chúng tôi, những người chúng tôi phục vụ. Điều này cũng có nghĩa là phải có đủ nguồn lực để giảm bớt nghèo đói, ứng phó với thiên tai ngày càng gia tăng, như bão lụt ở Haiti hay tình trạng di dân khắp nơi trên thế giới. Bà nhận định: “Tầm vĩ mô của các vấn đề vượt quá nguồn lực trên thế giới, nhưng nó không vượt quá sự khéo léo sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của chúng ta nếu chúng ta cùng nhau hành động.”

Bà Woo nhận thức rằng “sứ vụ của Cơ quan Cứu trợ Công giáo đến từ Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu đã sai chúng ta ra đi phục vụ, đặc biệt là nâng dậy những ai không có sức mạnh quyền lực, những ai không có của cải, những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội.” Bà muốn tiếp tục sứ vụ này nhưng theo một con đường khác, đó là con đường bà luôn chú tâm đến với hồi ức về những hình ảnh thoáng qua của những người bà đã gặp trong thời gian làm việc tại cơ quan này; hình ảnh của các gia đình như gia đình bà – bán mọi thứ họ có để giúp một người con trốn thoát đến một nơi có tương lai an toàn hay tốt đẹp hơn; hình ảnh của một thanh niên nhắc bà nhớ đến một trong hai đứa con của bà đang sống với những mảnh đạn ghim trong thân thể. Bà hy vọng các đồng nghiệp của bà sẽ không sợ hãi để chu toàn trách nhiệm, bởi vì chúng ta làm tất cả những điều này để phục vụ nhân loại và Thiên Chúa. Và nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, Người sẽ đưa chúng ta đi. (CNS 27/10/2016)

Hồng Thủy

 

Phần đầu cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô

Phần đầu cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô

dtc-phanxico-tra-loi-cac-nha-bao-quoc-te-tren-chuyen-bay-tu-malmoe-ve-roma-trua-ngay-1-11-2016

Trưa ngày mùng 1 tháng 11 vừa qua trên chuyến bay từ Malmoe về Roma ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một giờ  phỏng vấn về  chuyến viếng thăm Thụy Điển và một vài vấn đề khác. Sau đây là nội dung phần đầu bài phỏng vấn.

Mở đầu ông Greg Burke, Giám đốc phòng báo chí Toà Thánh, nói: Chúng con xin cám ơn và kính chào ĐTC.  ĐTC đã nói nhiều về việc các tôn giáo khác nhau “cùng bước đi”. Cả chúng ta cũng đã cùng đi với nhau, có người đây là lần đầu tiên. Chúng con có một nhà báo Thụy Điển. Con nghĩ là từ lâu rồi bây giờ mới có một nhà báo Thụy Điển cùng tháp tùng chuyến bay với ĐTC. Vì thế xin nhường lời cho chị Elin Swedenmark của hãng tin Thụy Điển “TT”.

Đáp: Trước hết tôi xin chào và cám ơn anh chị em về công việc anh chị em đã làm, và cái lạnh anh chị em đã phải chịu. Nhưng chúng ta đã khởi hành đúng giờ, vì người ta nói rằng chiều nay nhiệt độ sẽ xuống thêm 5 độ nữa. Chúng ta đã khởi hành đúng giờ. Xin cám ơn rất nhiều. Xin cám ơn anh chị em về sự đồng hành và về công việc của anh chị em.

Chị Elin Swedenmark hỏi:

Thưa ĐTC, hôm qua ĐTC đã nói về cuộc cách mạng của sự dịu hiền. Đồng thời chúng ta cũng ngày càng trông thấy nhiều người đến từ Siria hay Iraq tìm tỵ nạn tại các nước Âu châu. Nhưng một số người phản ứng với sự sợ hãi, hay tệ hơn có người nghĩ rằng các người tỵ nạn này có thể đe dọa nền văn hóa của Kitô giáo. Đâu là sứ điệp của ĐTC đối với những người lo sợ cho sự phát triển của tình trạng này, và đâu là sứ điệp ĐTC nhắn gửi Thụy Điển, là quốc gia có truyền thống dài tiếp đón người tỵ nạn, nhưng bây giờ bắt đầu đóng cửa biên giới của mình?

Đáp: Trước hết như là người Argentina và nam mỹ latinh tôi xin cám ơn nước Thụy Điển rất nhiều vì sự tiếp đón này, bởi vì có rất nhiều người Argentina, Chilê, Uruguay đã được tiếp nhận vào Thuỵ Điển trong thời các chế độ quân đội độc tài. Thụy Điển đã có một truyền thống lâu dài tiếp nhận người tỵ nạn. Nhưng không phải chỉ tiếp nhận thôi, mà còn hội nhập họ, tìm nhà cửa, trường học và công việc làm ngay cho họ, hội nhập họ vào cuộc sống của một dân tộc. Theo các thống kê người ta nói cho tôi – có lẽ tôi lầm, tôi không biết chắc – nhưng tôi có nhớ là – Thụy Điển có bao nhiêu dân? Chín triệu? Trong số 9 triệu đó có 850.000 người “Thuỵ Điển mới”, nghĩa là các người di cư hay tỵ nạn và con cái họ. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai, cần phải phân biệt người di cư và người tỵ nạn. Người di cư phải được đối xử với vài luật lệ nào đó, bởi vì di cư là một quyền, nhưng là một quyền được luật lệ xác định. Trái lại người tỵ nạn  đến từ một tình trạng chiến tranh, lo âu, đói khổ, một tình trạng kinh khủng, và quy chế tỵ nạn cần săn sóc họ nhiều hơn và cho họ công việc làm nhiều hơn. Cả trong điều này nữa Thụy Điển đã luôn luôn là một gương  mẫu trong việc lo lắng cho người tỵ nạn, được học tiếng, hiểu nền văn hóa, và hội nhập vào nền văn hóa. Liên quan tới khiá cạnh hội nhập các nền văn hóa chúng ta không có gì phải hoảng hốt, bởi vì Âu châu đã được tạo thành với một sự hội nhập liên tục của các nền văn hóa, biết bao nền văn hóa. Tôi tin rằng – điều này tôi không nói một cách xúc phạm, không đâu, nhưng như là một sự tò mò – sự kiện ngày nay tại Islen, một cách cụ thể một người Islen với tiếng Islen ngày nay, có thể đọc các tác giả cổ điển một ngàn năm trước mà không gặp khó khăn nào, có nghĩa nó là một nước có ít cuộc di cư, ít làn sóng di cư như Âu châu đã có. Âu châu đã được thành hình với các cuộc di cư. Thế rồi tôi nghĩ gì về những nước đóng cửa biên giới: tôi tin rằng trên lý thuyết không thể khép kín tâm lòng đối với một ngươi tỵ nạn, nhưng cũng cần sự thận trọng của giới lãnh đạo: họ phải rất rộng mở tiếp đón người tỵ nạn, nhưng cũng phải tính toán xem có thể ổn định người tỵ nạn như thế nào. Bởi vì không phải chỉ tiếp đón một người tỵ nạn mà thôi, nhưng cũng cần phải hội nhập họ nữa. Và nếu một nước có khả năng hội nhập 20 người thôi, chẳng hạn, thì hãy làm tới đó thôi. Một nước khác có khả năng nhiều hơn, thì làm nhiều hơn. Nhưng luôn luôn phải có con tim rộng mở: đóng cửa không phải là nhân đạo, đóng con tim không phải là nhân bản, và về lâu về dài phải tính sổ với điều đó. Ở đây là trả giá chính trị, cũng như phải trả giá chính trị khi không thận trọng trong các tính toán, nhận nhiều người hơn là số có thể hội nhập. Bởi vì đâu là nguy cơ khi một người tỵ nạn hay một người di cư – điều này có giá trị cho cả hai – không được hội nhập, không hội nhập được? Tôi xin được phép nói một từ có lẽ là một kiểu nói mới “họ bị ghetto hoá” – họ vào trong một ghetto, một khu vực đóng kín. Đó là một nền văn hóa không phát triển trong tương quan với nền văn hóa khác, điều này nguy hiểm. Tôi tin rằng cố vấn xấu đối với các quốc gia hướng tới chỗ đóng các biên giới là sự sợ hãi, và cố vấn tốt nhất là sự thận trọng. Tôi đã nói chuyện với một nhân viên chính quyền  Thụy Điển  trong các ngày này, và ông ta kể cho tôi nghe một vài khó khăn trong lúc này – điều này có giá trị cho câu hỏi cuối cùng  của chị – vài khó khăn, bởi vì có biết bao người tỵ nạn đến, nhưng không có thời giờ để định cư họ, tìm nhà ở, trường học và việc làm cho họ, để họ học tiếng. Sự cẩn trọng phải biết tính toán. Nhưng Thụy Điển, tôi không tin rằng nếu Thuỵ Điển giảm khả năng tiếp đón là vì ích kỷ hay vì đã đánh mất đi khả năng đó. Nếu có điều gì như thế, thì là vì điều cuối cùng tôi đã nói: ngày nay biết bao người nhìn vào Thuỵ Điển vì họ biết sự tiếp đón của nó, nhưng để sắp xếp, thì không có thời giờ thu xếp cho tất cả mọi người . Không biết tôi đã trả lời cho câu hỏi của chị chưa.

Ông Greg Burke nói. Xin cám ơn ĐTC bây giờ tới câu hỏi của đài truyền hình Thuỵ Điển: chị Anna Cristina Kappelin thuộc đài truyền hình Sveriges:

Hỏi: Thưa ĐTC, Thụy Điển đã đón tiếp cuộc gặp gỡ đại kết quan trọng, có một phụ nữ lãnh đạo Giáo Hội của nó, ĐTC nghĩ gì về điều này? Có cụ thể không, khi nghĩ tới các phụ nữ linh mục trong Giáo Hội công giáo, trong các thập niên tới đây? Nếu không thì tại sao? Các linh mục công giáo sợ sự cạnh tranh của phụ nữ linh mục hay sao?

Đáp: Khi đọc lịch sử của vùng đất mà chúng ta đã viếng thăm, tôi thấy đã có một hoàng hậu bị goá tới 3 lần, và tôi đã nói: “Bà này mạnh thật”. Và người ta đã nói với tôi rằng “Phụ nữ Thụy Điển rất là mạnh khỏe, rất giỏi, vì thế có nam giới Thụy Điển tìm một người phụ nữ thuộc quốc tịch khác”. Tôi không biết có đúng không! Liên quan tới việc truyền chức cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo lời cuối cùng rõ ràng đã là lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và lời đó tồn tại. Điều này tồn tại. Về việc cạnh tranh thì tôi không biết…

Nếu chúng ta đọc kỹ lời tuyên bố của Đức Gioan Phaolô II, thì nó đi theo đường hướng này. Vâng. Nhưng các phụ nữ có thể làm biết bao nhiêu việc, tốt hơn nam giới. Và cả trong lãnh vực tín lý – để minh giải – có lẽ để có một sự rõ ràng hơn – không phải chỉ quy chiếu một tài liệu thôi –   trong giáo hội học công giáo có hai chiều kích: chiều kích Phêrô là chiều kích của các Tông Đồ – Phêrô và Đoàn Tông Đồ là mục vụ của các Giám Mục – và chiều kích thánh mẫu Maria là chiều kích nữ giới của Giáo Hội. Và điều này tôi đã nói hơn một lần rồi. Tôi tự hỏi, ai quan trọng hơn trong nền thần học và trong nền thần bí của Giáo Hội: các tông đồ hay Đức Maria, trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống? Đó là Đức Maria! Còn hơn thế nữa: Giáo Hội là phụ nữ. Đó là “La” Chiesa giống cái, chứ không phải “Il” Chiesa giống đực. Đó là Giáo Hội phụ nữ. Đó là Giáo Hội hiền thê của Chúa Giêsu Kitô. Đó là một mầu nhiệm phu thê. Và dưới ánh sáng của mầu nhiệm này người ta hiểu cái tại sao của hai chiều kích này: chiều kích phêrô, nghĩa là giám mục và chiều kích thánh mẫu Maria, với tất cả những gì là chức làm mẹ của Giáo Hội, nhưng trong nghĩa sâu thẳm nhất. Không có Giáo Hội mà không có chiều kích nữ giới  này, bởi vì Giáo Hội là nữ giới.

Ông Greg Burke nói bây giờ tới một câu hỏi của anh Austen Ivereigh, hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha:

Hỏi: Thưa ĐTC, mùa thu này đã rất phong phú với các cuộc gặp gỡ đại kết với các Giáo Hội truyền thống: Chính Thống, Anh giáo, và bây giờ là Luther. Nhưng đa số các tín hữu tin lành trên thế giới thuộc truyền thống tin lành pentecostal… Con đã  nghe nói là vào ngày vọng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm tới sẽ có biến cố cử hành 50 năm của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh tại Circo Massimo ở Roma. ĐTC đã đưa ra rất nhiều sáng kiến – có lẽ đây là lần đầu tiên đối với một Giáo Hoàng – trong năm 2014 với các vị lãnh đạo tin lành. Điều gì đã xảy ra với các sáng kiến này, và ĐTC chờ đợi có được điều gì nơi cuộc gặp gỡ vào năm tới?

Đáp: Với các sáng kiến này… Tôi đã có hai loại sáng kiến. Một sáng kiến tôi đã làm khi đến thăm nhà thờ đặc sủng Valdese tại Caserta, và trong cùng đường hướng này khi tôi thăm nhà thờ tin lành Valdese tại Torino. Đó là một sáng kiến nhằm sửa chữa và xin lỗi, vì một phần tín hữu của Giáo Hội Công Giáo đã không có cung cách hành xử theo tinh thần Kitô đối với các anh chị em tin lành. Và ở đó có việc xin lỗi và chữa lành một vết thương.

Sáng kiến kia đã là sáng kiến đối thoại, và điều này tôi đã làm ngay từ khi còn ở Buenos Aires. Chẳng hạn tại Buenos Aires  chúng tôi đã có 3 cuộc gặp gỡ tại Luna Park chứa được 7,000 người . Ba cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu công giáo và tin lành trong đường hướng Canh Tân đặc sủng Thánh Linh, nhưng cũng rộng mở. Các cuộc gặp gỡ kéo dài suốt ngày: trong đó có các bài thuyết giảng của một mục sư, một giám mục tin lành và một linh mục hay một giám mục công giáo; hay cứ từng hai vị một, thay đổi nhau. Trong hai cuộc gặp gỡ này, nếu không phải là trong cả ba, nhưng chắc chắn là trong hai cuộc gặp gỡ  cha Cantalamessa là vị giảng thuyết của Toà Thánh đã thuyết giảng.

Tôi tin là điều này đã bắt nguồn từ các triều đại giáo hoàng trước, và từ khi tôi ở Buenos Aires, điều này đã sinh ích cho chúng tôi. Và chúng tôi cũng tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các mục sư và các linh mục chung với nhau, do các mục sư và một linh mục hay một giám mục thuyết giảng. Điều này trợ giúp rất nhiều cuộc đối thoại, sự thông cảm, việc xích lại gần nhau và hoạt động, nhất là trong việc trợ giúp người cần giúp đỡ. Cùng nhau và có sự kính trọng lớn giữa hai bên… Đó là các hoạt động tại Buenos Aires. Còn tại Roma tôi đã có nhiều cuộc họp với các mục sư, hai ba lần rồi. Một số vị tới từ Hoa Kỳ, các vị khác tới từ các nước Âu châu. Thế rồi có cuộc gặp gỡ mà anh đã nhắc tới đó là lễ của Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh quốc tế, đuợc nảy sinh như là phong trào đại kết, vì thế đó sẽ là một cử hành đại kết được tổ chức tại Circo Massimo. Tôi dự kiến – nếu Chúa cho tôi còn sống – đến để phát biểu tại đại hội. Hình như đại hội kéo dài hai ngày, vì thế nó chưa có chương trình chi tiết. Tôi biết là nó sẽ bắt đầu ngày áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và tôi sẽ phát biểu trong một lúc nào đó. Liên quan tới Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh, từ “pentecostale” , tên gọi “thánh linh” ngày nay hàm hồ không rõ ràng, bởi vì nó quy chiếu nhiều điều, nhiều hiệp hội, nhiều cộng đoàn giáo hội không giống nhau, trái lại đối chọi nhau. Vì thế cần phải chính xác hơn. Nghĩa là nó phổ biến tới độ nó đã trở thành một từ hàm hồ. Đây là điều đặc biệt xảy ra bên Brasil, nơi phong trào được phổ biến rộng rãi.

Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh nảy sinh, và một trong những người đầu tiến chống đối bên Argentina là người đang nói chuyện với anh chị em đây. Bởi vì hồi đó tôi là Giám tỉnh dòng Tên, khi phong trào bắt đầu nảy sinh, tôi đã cấm các tu sĩ của dòng liên lạc với phong trào. Và tôi đã nói công khai rằng khi cử hành thánh lễ thì phải cử hành phụng vụ, chứ không phải là “một trường dậy nhảy samba” Tôi đã nói như vậy. Và ngày nay tôi nghĩ ngược lại, khi mọi sự được làm một cách tốt đẹp.

Còn hơn thế nữa tại Buenos Aires hàng năm Phong trào canh tân đặc sủng thánh linh đều tổ chức thánh lễ trong nhà thờ chính toà, và mọi người tới tham dự. Vì thế tôi cũng đã kinh nghiệm được một tiến trình hiểu biết điều tốt, mà phong trào cống hiến cho Giáo Hội. Và không được quên gương mặt vĩ đại của ĐHY Suenens, là người đã có thị kiến ngôn sứ và đại kết liên quan tới phong trào.

Linh Tiến Khải