Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Hội Nghị COP-23

Đức Thánh Cha gửi Sứ điệp cho Hội Nghị COP-23

VATICAN. ĐTC kêu gọi tránh 4 thái độ tiêu cực trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề thay đổi khí hậu và xây dựng tương lai của trái đất.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị quốc tế về những thay đổi khí hậu, gọi là COP-23, nhóm tại thành phố Bonn bên Đức từ ngày mùng 6 đến 17-11-2017.

Hội nghị này tiếp nối Hội nghị COP-22 nhóm tại Paris hồi tháng 12 cách đây 2 năm để theo đuổi một giai đoạn quan trọng khác của Hiệp định Paris, đó là xác định và kiến tạo những đường hướng hành xử, những qui luật và cơ cấu tổ chức để thực sự giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu.

ĐTC nhận xét rằng ”Trong tiến trình này cần duy trì cao độ ý chí cộng tác với nhau. Nhưng rất tiếc nhiều nỗ lực tìm kiến các giải pháp cụ thể cho cuộc khủng hoảng môi trường thường bị thất bại vì những lý do khác nhau: từ việc phủ nhận vấn đề cho đến thái độ dửng dưng, cam chịu, hoặc tin tưởng mù quáng vào những giải pháp kỹ thuật. Chúng ta cần tránh rơi vào 4 thái độ xấu xa ấy, chắc chắn chúng không giúp thực hiện một sự tìm kiếm chân thành và đối thoại thành thực, hữu hiệu, về việc xây dựng tương lai trái đất của chúng ta”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”chúng ta không thể chỉ giới hạn vào chiều kích kinh tế và kỹ thuật: các giải pháp kỹ thuật tuy cần thiết nhưng không đủ; điều thiết yếu và chính đáng là tích cực để ý đến các khía cạnh và những ảnh hưởng luân lý đạo đức và xã hội trong mô hình của sự phát triển và tiến bộ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn”.

Trong viễn tượng này ĐTC kêu gọi quan tâm tới vấn đề giáo dục và lối sống chịu ảnh hưởng của một nền môi sinh toàn diện, có khả năng chấp nhận một quan niệm tìm kiếm chân thành và cởi mở trong đó có sự gặp gỡ của các chiều kích khác nhau theo Hiệp định Paris” (Rei 16-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Chile và Peru

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru trong 1 tuần lễ từ ngày 15-1 đến 22-1 năm tới, 2018.

Theo chương trình chi tiết được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 13-11 vừa qua,

– ĐTC sẽ rời Roma lúc 8 giờ sáng ngày thứ hai 15-1 và bay tới thủ đô Santiago của Chile lúc quá 8 giờ tối cùng ngày rồi qua đêm tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở địa phương.

Sáng thứ ba, 16-1, ngài sẽ gặp gỡ chính quyền dân sự và đoàn ngoại giao tại Dinh Moneda, trước khi viếng thăm Tổng thống tại đây lúc 9 rời, rồi cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 10 giờ rưỡi ở Công viên O'Higgins.

Ban chiều cùng ngày vào lúc 4 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm nhà tù dành cho phụ nữ ở Santiago, rồi gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa thủ đô Santiago vào lúc 5 giờ 15. Một giờ sau đó, ngài sẽ gặp các GM Chile tại nhà thánh của nhà thờ này. Sau cùng, lúc 7 giờ 15, ĐTC viếng với tư cách riêng Đền thánh Alberto Hurtado dòng Tên và gặp các LM cùng dòng tại đây.

Sáng thứ tư, 17-1, ĐTC sẽ đáp máy bay tới thành phố Temuco cách Santiago hơn 600 cây số về hướng nam và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại phi trường Maquehue. Sau lễ ngài sẽ dùng bữa trưa với một số người dân miền Aracaunia tại Nhà Mẹ Thánh Giá. Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngài lại đáp máy bay trở về thủ đô Santiago và đến Đền thánh Maipu để gặp gỡ giới trẻ vào lúc 5 giờ rưỡi, rồi đến viếng thăm Giáo Hoàng đại học Công Giáo Chile lúc 7 giờ chiều.

– Sáng thứ năm, 18-1, ĐTC sẽ giã từ Santiago để bay tới phi trường quốc tế của thành phố cảng Iquique ở mạn cực bắc Chile và cử hành thánh lễ tại công viên Lobito lúc 11 giờ rưỡi. Ban chiều ngài giã từ Chile lúc 5 giờ để bay tới thủ đô Lima của Peru.

Sáng thứ sáu, 19-1, ĐTC sẽ gặp chính quyền, cùng với các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoan vào lúc 8 giờ rưỡi rồi viếng thăm Tổng Thống. Sau đó, lúc 10 giờ ngài đáp máy bay tới thành phố Puerto Maldonado cách đó 530 cây số về hướng đông. Tại đây vào lúc 12 giờ trưa, ngài sẽ gặp các dân tộc vùng Amazzonia ở sân vận động Mẹ Thiên Chúa, trước khi gặp dân chúng địa phương ở Viện Jorge Basadre vào lúc 1 giờ trưa, và dùng bữa trưa với các đại diện thổ dân miền Amazzonia ở trung tâm mục vụ Apaktone.

Lúc gần 4 giờ chiều, ĐTC viếng thăm Trung Tâm Principito rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima. Ban tối ngài gặp riêng các tu sĩ dòng Tên ở nhà thờ thánh Phêrô.

Sáng thứ bẩy, 20-1, ĐTC sẽ bay đến thành phố Trujillo cách đó 490 cây số về hướng bắc để cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại quảng trường Huanchaco cạnh bờ biển.

Ban chiều, ngài viếng nhà thờ chính tòa địa phương và gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh thuộc giáo tỉnh miền bắc Peru tại Chủng viện thánh Carlo và Marcelo vào lúc 3 giờ rưỡi chiều.

Hơn 1 giờ sau đó, ĐTC chủ sự buổi phụng vụ kính Đức Mẹ Hải Cảng ở quảng trường quân đội rồi đáp máy bay trở về thủ đô Lima.

Sáng chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chủ sự kinh giờ nhỏ vào lúc 9 giờ 15 với các nữ tu chiêm niệm ở Đền Thánh Chúa làm phép lạ, rồi đến cầu nguyện trước hài cốt cách thánh người Peru tại Nhà thờ chính tòa Lima lúc 10 giờ rưỡi, rồi ngài gặp gỡ các GM Chile tại tòa TGM địa phương, trước khi chủ sự kinh Truyền Tin lúc 12 giờ với các tín hữu.

Lúc 4 giờ 15 phút chiều chúa nhật 21-1, ĐTC sẽ chử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Căn cứ không quân Las Palmas. Sau thánh lễ, lúc 6 giờ rưỡi sẽ có nghi thức tiễn biệt tại phi trường Lima và ĐTC đáp máy bay trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino lúc 2 giờ 15 phút chiều thứ hai, 22-1 năm 2018 (Rei 13-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 12-11-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 12-11-2017 với hơn 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy chuẩn bị lúc nào cũng sẵn sàng gặp gỡ Chúa.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (25,1-13) chúa nhật thứ 32 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn 10 trinh nữ mang đèn đi đón chàng rể, 5 cô khôn ngoan và 5 cô khờ dại, không mang dầu theo đèn.

Huấn dụ của ĐTC

”Chúa nhật này, Tin Mừng (Mt 25,1-13) chỉ cho chúng ta điều kiện để vào Nước Trời, và Tin Mừng làm điều đó qua dụ ngôn 10 trinh nữ: đây là những cô phù dâu được giao phó nhiệm vụ đón và tháp tùng chàng rể trong tiệc cưới, và vì thời đó người ta có thói quen cử hành hôn lễ ban đêm, nên các cô phù dâu mang theo đèn.

Dụ ngôn nói rằng có 5 trinh nữ khôn ngoan và 5 trinh nữ khờ dại: thực vậy những cô khôn ngoan mang theo dầu để đốt đèn, trong khi các cô khờ dại không mang dầu theo. Chàng rể đến trễ và tất cả các cô đều thiếp ngụ. Giữa đêm, người ta báo tin chàng rể đến; bấy giờ các trinh nữ khờ dại thấy mình không có dầu để đốt đèn, và họ xin các cô khôn ngoan dầu. Nhưng các cô này trả lời là không thể cho được, vì không đủ cho tất cả mọi người. Trong khi các cô khờ dại đi tìm dầu, thì chàng rể đến; các trinh nữ khôn ngoan vào phòng tiệc với chàng rể và cửa đóng lại. 5 trinh nữ khờ dại đến quá trễ, họ gõ cửa, nhưng được trả lời rằng: ”Tôi không biết các cô là ai” (v.12) và các cô ấy phải ở bên ngoài.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì qua dụ ngôn này?. Ngài nhắc nhở rằng chúng ta phải sẵn sàng gặp gỡ Chúa. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa nhắn nhủ hãy tỉnh thức, và Ngài cũng làm như vậy trong trình thuật này: ”Vậy các con hãy tỉnh thức vì các con không biết ngày giờ” (v.13). Nhưng qua dụ ngôn này, Chúa nói với chúng ta rằng tỉnh thức không phải chỉ có nghĩa là không ngủ, nhưng còn phải chuẩn bị sẵn sàng; thực vậy tất cả các trinh nữ đều ngủ trước khi chàng rể đến, nhưng khi tỉnh dậy, một số sẵn sàng một số khác thì không. Đây chính là ý nghĩa thái độ khôn ngoan và thận trọng: vấn đề ở đây là không đợi đến lúc cuối cùng trong cuộc sống để cộng tác với ơn Chúa, nhưng là làm ngay từ bây giờ. Thật là đẹp khi nghĩ một chút: một ngày sẽ là ngày cuối cùng. Giả sử ngày ấy là hôm nay, thì tôi đã sẵn sàng chưa? .. Chuẩn bị sẵn sàng như thể hôm nay là ngày cuối cùng.. Làm như thế là tốt.

”Ngọn đèn là biểu tượng đức tin soi sáng cuộc sống chúng ta, trong khi dầu là biểu tượng lòng bác ái nuôi dưỡng, làm cho ánh sáng đức tin được phong phú và đáng tin cậy. Điều kiện sẵn sàng gặp gỡ Chúa không phải chỉ là đức tin, nhưng là một cuộc sống đầy tình bác ái đối với tha nhân. Nếu chúng ta để cho mình được hướng dẫn do những gì chúng ta thấy là thoải mái hơn, tìm kiếm tư lợi của mình, thì cuộc sống chúng ta sẽ trở nên khô cằn, và chúng ta không tích trữ được dầu nào cho ngọn đèn đức tin của chúng ta; và ngọn đèn này sẽ tắt lịm vào lúc Chúa đến, hoặc trước đó nữa. Trái lại nếu chúng ta tỉnh thức và tìm cách làm điều thiện, qua những cử chỉ yêu thương, chia sẻ, phục vụ tha nhân ở trong tình trạng khó khăn, thì chúng ta có thể yên hàn trong khi chờ đợi hôn phu: Chúa có thể đến bất cứ lúc nào, cả giấc ngủ của sự chết cũng không làm cho chúng ta kinh hãi, vì chúng ta có dầu dự trữ, được tích trữ bằng những việc lành mỗi ngày. Đức tin soi sáng đức ái và đức ái giữ gìn đức tin”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta làm cho đức tin của chúng ta ngày càng hoạt động nhờ bác ái; để ngọn đèn của chúng ta có thể chiếu sáng ngay từ bây giờ, trong hành trình trần thế, và mãi mãi, nơi tiệc cưới trên thiên đàng”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 11-11 vừa qua tại Madrid cho cha Vicente Queralt và 20 bạn tử đạo, José María Fernández Sánchez và 38 bạn khác tử đạo. Ngài nói: ”Các chân phước mới, một số thuộc dòng Truyền giáo thánh Vinh Sơn Phaolô: gồm các linh mục, trợ sĩ, tập sinh; một số khác là giáo dân thuộc Hội Ảnh Phép lạ. Tất cả đã bị giết vì người ta oán ghét đức tin trong cuộc bách hại tôn giáo thời nội chiến ở Tây Ban Nha trong những năm 1936 và 1937. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân cao cả là các chứng nhân gương mẫu này cho Chúa Kitô và Tin Mừng”.

ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các gia đình, giáo xứ, hội đoàn và mỗi tín hữu, đến từ Italia và bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Ngài nói:

Đặc biệt tôi chào các tín hữu hành hương đến từ Washington, Philadelphia, Brooklyn và New York, ca đoàn giáo xứ thánh Maria Madalena ở Nuragus, đảo Sardegna, các tín hữu từ Tuscania, Ercolano và Venezia, các em chịu phép thêm sức ở Galzignano..

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

Đức Thánh Cha quan tâm tới hiểm họa nhiều hải đảo biến mất

VATICAN. ĐTC kêu gọi gia tăng ý thức về những hiểm họa đe dọa các đảo ở Thái Bình Dương và tìm biện pháp đối phó.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 11-11-2017, dành cho 46 vị thuộc Diễn đàn các vị lãnh đạo các Đảo trong Thái Bình Dương.

ĐTC nói đến những lo âu của mọi người, đặc biệt là các dân tộc sống tại các đảo vừa nói. Họ dễ bị tổn thương vì những hiện tượng môi trường và khí hậu ngày càng xảy ra thường xuyên và gia tăng cường độ. Đặc biệt là hiện tượng mực nước biển dâng cao làm biến mất những hải đảo, và sự suy thoái các hàng rào san hô, một hệ thống môi sinh ở biển rất quan trọng.

ĐTC nhắc lại lời báo động cách đây 35 năm của các GM Philippines: ”Ai đã biến thế giới biển khơi tuyệt vời thành những nghĩa trang dưới nước không còn sự sống và màu sắc nữa?”. Có nhiều nguyên nhân đưa đến sự suy thoái môi trường, nhưng đáng tiếc là có nhiều nguyên nhân do cách hành xử thiếu khôn ngoan của con người gây nên, gắn liền với những hình thức khai thác các tài nguyên thiên nhiên và nhân bản, tạo nên những hậu quả đi tới tận lòng sâu của các đại dương”.

ĐTC tuyên bố ủng hộ nỗ lực của các vị lãnh đạo các đảo trong Thái Bình Dương gây ý thức mạnh mẽ hơn trong dư luận thế giới trước các hiểm họa môi sinh đe dọa sự sống còn của các hải đảo trong Thái Bình Dương, và kêu gọi sự sộng tác và liên đới quốc tế, đạt tới một chiến lược chung, đối phó với các hiện tượng đe dọa môi trường, không cho phép dửng dưng trước những vấn đề trầm trọng như sự suy thoái môi trường tự nhiên và sức khỏe của các đại dương, gắn liền với sự suy thoái nhân bản và xã hội mà nhân loại ngày nay đang phải trải qua”.

Nhắc đến Hội nghị quốc tế về thay đổi khí hậu đang nhóm tại thành phố Bonn bên Đức, gọi là COP-23, ĐTC cầu mong rằng Hội nghị này cũng như các Hội nghị kế tiếp sẽ giúp bảo vệ ”Những vùng đất không biên cương” của chúng ta, như những hải đảo trong các đại dương. (Rei 11-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

Đức Thánh Cha tái lên án sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân

VATICAN. ĐTC tái lên án việc sở hữu và sử dụng võ khí hạt nhân cũng như việc dành bao nhiêu tài nguyên vào võ khí này thay vì vào việc phát triển nhân bản toàn diện.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 10-11-2017, dành cho 350 nhân vật quốc tế tham dự Diễn đàn quốc tế về giải trừ võ khí hạt nhân tiến hành tại Vatican do Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện tổ chức trong hai ngày 10 đến 11-11-2017 về chủ đề ”Viễn tượng một thế giới không còn võ khí hạt nhân và giải giáp toàn diện”. Trong số các tham dự viên có 11 người đã được giải Nobel Hòa Bình.

ĐTC nói đến sự kiện ”cái vòng chạy đua võ trang đang tiến hành không ngừng và và những phí tổn tân trang và phát triển các võ khí, không phải chỉ võ khí hạt nhân mà thôi, là khoản chi lớn đối với các nước, đến độ phải đặt xuống hàng thứ yếu những ưu tiên thực sự của nhân loại đang đau khổ: những ưu tiên đó là chiến đấu chống nghèo đói, thăng tiến hòa bình, thực hiện các dự án giáo dục, bảo vệ môi trường và y tế, phát triển các quyền con người”.

Đề cập đến các võ khí hạt nhân, ĐTC nói: ”Cần phải quyết liệt lên án sự đe dọa sử dụng các loại võ khí này, cũng như chính việc sở hữu chúng, vì sự hiện hữu của các võ khí hạt nhân phục vụ cho chủ trương gây sợ hãi không những liên hệ tới các phe lâm chiến, nhưng cho toàn thể nhân loại nữa.. Những tương quan quốc tế không thể bị thống trị do sức mạnh quân sự, những dọa nạt nhau, phô trương khó võ khí chiến tranh. Đặc biệt các võ khí tàn sát tập thể, nhất là võ khí nguyên tự, chỉ tạo ra một cảm thức an ninh lừa đảo, và không thể trở thành nền tảng cuộc sống chung giữa các thành phần trong gia đình nhân loại”. (Rei 10-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Bí Tích Thánh Thể giúp bước vào sự hiệp thông với Chúa và có cuộc sống đời đời

Bí Tích Thánh Thể giúp bước vào sự hiệp thông với Chúa và có cuộc sống đời đời

** Các Bí Tích, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể đáp ứng ước mong trông thấy Chúa Kitô, sờ mó Ngài và hiểu biết Ngài hơn. Chúng là các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Gioan chương 6 viết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống", ĐTC cho biết ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới về Bí Tích Thánh Thể, là trọng tâm của cuộc sống Giáo Hội. Kitô hữu cần phải hiều biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ để luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Nêu bật tầm quan trọng của Thánh Lễ ĐTC nói:

Chúng ta không thể quên con số lớn lao tín hữu kitô trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa  liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm kitô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.

Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Các kitô hữu Bắc Phi này đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Đây là một chứng tá gọi hỏi chúng ta tất cả, và đòi một câu trả lời liên quan tới ý nghĩa việc từng người trong chúng ta tham dự Hy tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Thánh của Chúa.

** Chúng ta đang tìm về suối nguồn “vọt lên nước hằng sống” cho cuộc đời vĩnh cửu, khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành một hy lễ tinh thần của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn. Thánh Thể, Eucaristia, có nghĩa là tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, lôi cuốn chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu của Ngài.

Trong các bài giáo lý tới tôi sẽ trả lời vài câu hỏi quan trọng liên quan tới Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá ra  hay khám phá ra qua mầu nhiệm này của đức tin tình yêu của Thiên Chúa rạng ngời như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Công Đồng Chung Vaticăng II đã được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi ước mong dẫn đưa các kitô hữu tới chỗ hiểu biết sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa Kitô. Vì thế trước tiên, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần hiện thực một việc canh tân Phụng vụ thích hợp, bởi vì Giáo Hội liên tục sống nhờ Thánh Thể và canh tân nhờ Thánh Thể.

Có một đề tài chính mà các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đó là việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu đối với một việc canh tân đích thực. Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý chúng ta bắt đầu hôm nay: lớn lên trong việc hiểu biết ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. ĐTC định nghĩa Thánh Thể như sau:

Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!

Nếu hôm nay tổng thống Cộng hoà hay vài nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn là mọi người chúng ta sẽ gần gữi ông, sẽ đến chào ông. Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các liinh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”

** Giờ đây chúng ta hãy đặt cho mình vài câu hỏi đơn sơ. Thí dụ, tại sao ta làm dấu thánh giá và có cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ? Một câu hỏi. Và ở đây tôi muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em đã trông thấy các em bé làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Bạn không biết chúng làm gì, không biết đó là dấu thánh giá hay hình vẽ gì. Chúng làm như thế này này… Mà phải học chứ, phải dậy cho trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi, và Thánh Lễ bắt đầu như vậy, cuộc sống bắt đầu như vậy, ngày sống bắt đầu như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc với thập giá của Chúa.  Anh chị em hãy nhìn các trẻ em và dậy chúng làm dấu thánh giá hẳn hoi. Và các bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao chúng ở đó. Tại sao ngày Chúa Nhật có ba bài đọc và các ngày khác lại chỉ có hai bài đọc thôi? Tại sao chúng ở đó? Bài đọc Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng, chúng có liên quan gì?  Hay tại sao tới một lúc nào đó vị linh mục chủ sự buổi cử hành nói: “Hãy nâng tâm hồn lên?”. Ngài không nói hãy giơ điện thoại di động lên để chụp hình nhé! Không. Đây là điều xấu! Và tôi xin nói, tôi rất buồn khi cử hành Thánh Lễ tại quảng trường này hay trong Đền thờ và trông thấy biết bao nhiều điện thoại di động giơ lên, không phải chỉ các tín hữu, mà cả vài linh mục và cả giám mục nữa. Tôi xin anh chị em. Thánh Lễ không phải là một cuộc trình diễn: đó là việc đi gặp gỡ cuộc khổ nạn, sự phục sinh của Chúa. Chính vì thế linh mục mới nói: “Hãy nâng tâm hồn chúng ta lên!”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em hãy nhớ: không phải giơ điện thoại di động lên đâu nhé!

Thật rất quan trọng trở về với các nền tảng, tái khám phá ra điều nòng cốt, qua điều chúng ta sờ mó và trông thấy trong việc cử hành các Bí Tích. Lời tông đồ Tôma xin (x.Ga 20,25) được trông thấy và sờ vào các vết đanh trên thân xác Chúa Giêsu, là ước mong, trong một cách thức nào đó có thể “sờ mó” Thiên Chúa để tin nơi Ngài. Điều thánh Tôma xin Chúa là điều chúng ta tất cả cần đến: đó là trông thấy Chúa và sờ mó Chúa và có thể nhận biết Ngài. Các Bí Tích đáp trả lại đòi hỏi ấy của con người. Các Bí Tích, và một cách đặc biệt việc cử hành Thánh Thể, là các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua các bài giáo lý, mà hôm nay chúng ta bắt đầu, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá ra vẻ đẹp dấu ẩn trong việc cử hành Thánh Thể,  và một khi được vén mở nó trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của từng người trong chúng ta. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Libăng, nhất là các bạn trẻ trường Fénelon-Sainte-Marie Paris. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Niu dilen, Philippines, Nam Hàn, Canada và Hoa Kỳ. Trong các nhóm nói tiếng Đức ngài chào ca đoàn thiếu nhi nhà thờ chính toà Limburg. Trong các đoàn hành hương đến từ Tây Ban Nha và châu Mỹ Latinh ĐTC chào đặc biệt phái đoàn các tỉnh trưởng Argentina. Ngài cũng chào tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha cách riêng tín hữu giáo phận San Angelo.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói Chúa Nhật tới đây HĐGM Ba Lan và hiệp hội Trợ Giúp Giáo Hội đau khổ cử hành Ngày liên đới với Giáo Hội bị bách hại để trợ giúp tinh thần và vật chất cho các kitô hữu vùng Trung Đông. ĐTC cám ơn sáng kiến này và nói: ước chi các lời cầu nguyện và các dâng cúng của anh chị em là một trợ giúp cụ thể và là dấu chỉ của mối dây nốt kết mọi người đau khổ trên thế giới nhân danh Chúa Kitô. Ngài cũng chúc mừng ban biên tập và các thính giả của Đài phát thanh Katowice mừng 90 năm thành lập.

Trong số các tín hữu Italia ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên các Hội nghị quốc tế của các cha Biển Đức hiến sinh và các nữ tu Cát Minh, cũng như các sư huynh Lasan tham dự khoá huấn luyện tại Roma, và các thừa sai dòng Ngôi Lời tham dự khoá canh tân. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố sự hiệp thông của họ với sứ vụ đại đồng của người Kế vị thánh Phêrô. ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương giáo xứ và các nhóm cầu nguyện Fatima và Lộ Đức tỉnh Afragola, cộng đoàn trị liệu Fanelli di Castellamare di Stabia, và nhóm các công nhân trẻ tuổi.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài cầu mong họ lớn lên trong chứng tá kitô cả khi phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn; người đau yếu biết dâng mọi khổ đau cho Chúa để yểm trợ biết bao kitô bị bách hại, và các cặp vợ chồng mới cưới biết tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ukraine

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ukraine

VATICAN. ĐTC khuyến khích các LM và chủng sinh Ukraine chăm chỉ học hỏi giáo huấn xã hội Công Giáo và chuẩn bị để trở thành những mục tử phục vụ dân Chúa tại Ucraina.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-11-2017 dành cho ban giám đốc và các LM, chủng sinh thuộc Giáo Hoàng Học Viện Ukraine ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Học Viện do Đức Giáo Hoàng Piô 11.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và Đức TGM Vasil, Tổng thư ký của Bộ.

ĐTC nhắc lại mối quan tâm của Đức Cố Giáo Hoàng đối với giáo huấn xã hội Công Giáo trong thời kỳ đức tin bị các chế độ vô thần đàn áp. Đức Piô 10 đã phải đương đầu với nhiều thách đố trong thời đại của Người, nhưng luôn lên tiếng mạnh mẽ trong việc bênh vực đức tin, tự do của Giáo Hội và phẩm giá siêu việt của mỗi người. Người minh mạch lên án các ý thức hệ vô thần và vô nhân đạo làm cho thế kỷ 20 bị đẫm máu.

ĐTC nói với các LM Ukraine tương lai rằng: ”Tôi mời gọi các thày hãy học Đạo lý xã hội Công Giáo, để trưởng thành trong việc phân định và phán đoán về những thực tại xã hội trong đó các thày sẽ được kêu gọi hoạt động”.

Ngài không quên nhắc đến tình trạng xung đột hiện nay ở miền đông Ukraine, gây đau khổ rất nhiều cho dân chúng, nhất là khi mùa đông đang đến gần. ”Chính ước muốn mạnh mẽ về công lý và hòa bình, loại trừ mọi hình thức hư hỏng, băng hoạt xã hội hoặc chính trị, những thực tại trong đó những người nghèo luôn phải trả giá. Xin Chúa nâng đỡ và khích lệ những người đang dấn thân để thực hiện một xã hội ngày càng công bằng và liên đới. Ước gì họ được nâng đỡ tích cực nhờ sự dấn thân cụ thể của các Giáo Hội, các tín hữu và mọi người thiện chí (Rei 9-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

VATICAN. Ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Protase Rugambwa người Tanzania làm tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Savio Hàn Đại Huy, SDB, được cử đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Đức TGM Rugambwa năm nay 57 tuổi (1960), nguyên là GM giáo phận Kigoma, Tanzania, trước khi được thăng TGM Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo ngày 26-6-2012. Trong chức vụ này ngài là Chủ tịch của 4 Hội Giáo Hoàng Truyền giáo gồm Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô, Hội Nhi đồng Truyền giáo và Liên hiệp Giáo Sĩ Truyền giáo.

Cùng ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso, 53 tuổi (1964) người Italia, nguyên là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh ”Cor Unum”, (Đồng Tâm), làm Đồng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Rugambwa, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Foraziana. Trong nhiệm vụ mới, ngài phụ trách 4 Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum là cơ quan bác ái của ĐTC, đã được xáp nhập vào Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện. (Rei 9-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi các Đại Học Công Giáo giúp di dân

Đức Thánh Cha kêu gọi các Đại Học Công Giáo giúp di dân

VATICAN. ĐTC kêu gọi các Đại học Công Giáo góp phần giải quyết hiện tượng di dân trên thế giới ngày nay.

 

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4-11-2017 dành cho 230 tham dự viên hội nghị quốc tế về đề tài: ”Người tị nạn và di dân trong một thế giới hoàn cầu hóa: trách nhiệm và câu trả lời của các đại học”.

 

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của các đại học Công Giáo trong việc nghiên cứu, giảng dạy và thăng tiến xã hội liên quan đến hiện tượng di dân.

 

– Trước tiên, ngài kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu về những nguyên nhân xa gây ra hiện tượng bó buộc phải xuất cư, và đề ra những giải pháp có thể thực hành được. Ngoài ra cũng cần suy tư về những phản ứng tiêu cực, kỳ thị và bài người nước ngoài, mà việc đón nhận người di dân đang khơi lên tại những nước có truyền thống Kitô kỳ cựu để đề ra những hành trình huấn luyện lương tâm. Trong chiều hướng này, cần đề cao giá trị nhiều đóng góp mà người di dân và tị nạn mang lại cho các xã hội đón tiếp họ.

 

– Về lãnh vực giảng huấn, ĐTC cầu mong các đại học Công Giáo chấp nhận những chương trình nhắm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục người tị nạn ở nhiều cấp độ, hoặc qua các lớp hàm thụ cho những ngừơi sống tại các trại và trung tâm tiếp cư, hoặc qua việc cấp học bổng cho người di dân và tị nạn.

 

– Sau cùng, trong lãnh vực thăng tiến xã hội, ĐTC đề cao vai trò của các đại học Công Giáo như một lương tâm phê bình đối với những hình thức quyền bính chính trị, kinh tế và văn hóa. Về điểm này, Phân bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện đã đề nghị 20 điểm hành động như một đóng góp cho tiến trình đưa tới sự đón nhận của Cộng đồng quốc tế các hiệp ước hoàn cầu, trong đó có một hiệp ước về người di dân, và một về người tị nạn trong lục cá nguyệt thứ hai của năm tới, 2018.

 

Cũng trong lãnh vực này, các Đại học Công Giáo có thể cổ võ các sinh viên tham gia các chương trình thiện nguyện, trợ giúp người tị nạn, những người xin tị nạn và những người di dân mới nhập cư. (Rei 4-11-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha viếng nơi tưởng niệm 355 nạn nhân Đức Quốc xã

Đức Thánh Cha viếng nơi tưởng niệm 355 nạn nhân Đức Quốc xã

ROMA. Trong cuộc viếng thăm nơi tưởng niệm 355 nạn nhân của Đức Quốc Xã tại Roma, ĐTC cầu xin Chúa tha thứ các tội ác của nhân loại và đừng để chúng xảy ra nữa.

Rời nghĩa trang quân đội Mỹ vào lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 2-11-2017, ĐTC đã đến Hố Ardeatine (Fosse Ardeatine), cách Roma khoảng 10 cây số, nơi mà 335 nạn nhân gồm các binh sĩ và thường dân, trong đó có 75 người Do thái, bị Đức quốc xã hành quyết ngày 24-3 năm 1944 để trả thù cuộc khủng bố chống lại các binh sĩ Đức ở đường Rasella, Roma.

Tại đây, ĐTC được Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma, Riccardo Di Segni, cùng với các vị chỉ huy quân đội bảo quản nơi tưởng niệm này tiếp đón. Ngài đến mặc niệm trong thinh lặng trước nơi 335 nạn nhân bị hành quyết rồi viếng mộ các nạn nhân ở dưới hầm, trong sự thinh lặng tuyệt đối.

ĐTC cũng đặt hoa hồng trên một số mộ. Rabbi Di Segni đã đọc một kinh nguyện bằng tiếng Do thái, trước khi ĐTC dâng lời nguyện lên Thiên Chúa, nhắc đến giao ước yêu thương và trung tín của Chúa, là Đấng từ bi và cảm thương với mỗi người, mỗi dân tộc chịu đau khổ và áp bức.

Trong cuốn sổ vàng lưu niệm, ĐTC viết: ”Đây là kết quả của chiến tranh: oán ghét, chết chóc và báo thù… Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con”.

Sau khi từ Hố Ardeatine về Vatican, ĐTC còn xuống tầng hầm Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện trước mộ của các vị Giáo Hoàng an táng tại đây (RG 2-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

VATICAN. Sáng ngày 3-11-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 15 Hồng Y và 137 GM qua đời trong 12 tháng qua, trong đó có 3 GM Việt Nam.

 

Ba GM Việt Nam là Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên GM Nha Trang qua đời ngày 2-2 năm nay, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết qua đời ngày 1 tháng 3, và Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, qua đời ngày 5 tháng 10 mới đây. Ngoài ra có 7 GM ở Hoa Lục.

 

Đồng tế với ĐTC có 40c HY và 30 GM hiện diện ở Roma, với trước sự tham dự của hơn 1 ngàn tín hữu.

 

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc thánh lễ, ĐTC mời gọi mọi người hãy tin tưởng và hy vọng đứng trước cái chết, tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Ngài nói:

 

”Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng nơi sự phục sinh làm cho chúng ta trở thành những con người hy vọng và không tuyệt vọng, những người của sự sống chứ không phải của sự chết, vì chúng ta được an ủi nhờ lời hứa sự sống đời đời, có cội rễ nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô phục sinh”.

 

”Niềm hy vọng ấy giúp chúng ta có thái độ tín thác đứng trước cái chết. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng sự chết không phải là lời nói cuối cùng, nhưng chính tình yêu thương xót của Chúa Cha biến đổi và làm cho chúng ta được sống tình hiệp thông vĩnh cửu với Chúa”.

 

ĐTC cũng nhắc đến các Hồng Y và GM đã giã từ chúng ta sau khi phục vụ Giáo Hội và Dân Chúa đã được ủy thác cho các vị, trong viễn tượng vĩnh cửu. Ngài nói: “Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì việc phục vụ quảng đại của các vị dành cho Tin Mừng và Giáo Hội, dường như chúng ta được nghe lập lại với Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Niềm hy vọng không đánh lừa” (Rm 5,5). Thiên Chúa là Đấng tín trung và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa không phải là hư vô. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho các vị, để họ cũng được tham dự bữa tiệc vĩnh cửu, họ đã nếm hưởng trước trong cuộc lữ hành trần thế này” (Rei 3-11-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 20 ngàn tín hữu trưa ngày lễ Các Thánh, 1-11, ĐTC đã giải thích thế nào là thánh nhân và mời gọi các tín hữu sống tinh thần các mối phúc thật.

ĐTC nói: “Các thánh không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là những người được thiên Chúa chiếu qua. Chúng ta có thể ví các vị như những tấm kiếng ở nhà thờ, để cho ánh sáng chiếu qua với nhiều màu sắc khác nhau. Các thánh là những người anh chị em của chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong tâm hồn và đã truyền lại cho thế giới, mỗi người theo sắc thái riêng. Nhưng tất cả đếu trong sáng, đã chiến đấu để loại bỏ những vết nhơ và những tối tăm của tội lỗi, để cho ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa chiếu qua. Đó chính là mục đích của cuộc sống và cho chúng ta”.

ĐTC cũng quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng ngày lễ Các Thánh về các Mối phúc và khẳng định rằng hạnh phúc không hệ tại sở hữu cái gì hoặc trở thanh một nhân vật nào, không phải vậy, hạnh phúc chân thực là ở với Chúa và sống bằng tình yêu.. Các mối phúc không đòi phải có những cử chỉ lừng lẫy, không phải dành cho các siêu nhân, nhưng cho những người sống những thử thách và cơ cực hằng ngày. Các thánh cũng vậy: như mọi người, các vị hít th không khí ô nhiễm của sự ác trong thế giới, nhưng trên đường đi, các vị không bao giờ mất hút con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, đã chỉ dẫn trong các mối phúc là bản đồ của đời sống Kitô”.

ĐTC trích dẫn lời sách Khải Huyền: ”Phúc cho những người chết trong Chúa” (Kh 14,13) và nhắc nhở các tín hữu về ngày lễ các linh hồn, ngài mà chúng ta được mời gọi đồng hành với những người quá cố của chúng ta trong kinh nguyện, để họ được hưởng hạnh phúc mãi mãi bên Chúa. Chúng ta cũng hãy nhơ đến những người thân yêu của chúng ta với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho họ”.

Đức Thánh Cha lên án các vụ khủng bố gần đây

Trong phần chào thăm các tín hữu sau khi ban phép lành, ĐTC mạnh mẽ lên án các vụ khủng bố đẫm máu gần đây tại Somalia, Afganistan, và hôm 31-10-2017 tại New York Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Trong khi lên án những hành vi bạo lực ấy, tôi cầu nguyện cho những người chết, người bị thương và thân nhân họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi oán thù và sự điên rồ sát nhân, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc chết chóc”.

ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội ”Don Bosco trên thế giới” đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.

Đây là lần thứ 10 Hội ”Don Bosco trên thế giới” tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Đền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án của các thừa sai Salesien Don Bosco ở Ấn độ giúp đỡ các trẻ nữ phải kết hôn sớm.

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều 2-11, ngài sẽ viếng thăm nghĩa trang quân đội Mỹ ở thành phố Nettuno và Hố Ardeatine gần Roma. Ngài nói: ”Chiến tranh chỉ tạo nên các nghĩa trang và chết chóc. Chính vì thế, tôi muốn đưa ra một dấu hiệu trong lúc nhân loại chúng ta dường như quên bài học hoặc không muốn học bài học đó. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng kinh nguyện trong hai giai đoạn tưởng niệm và cầu cho các nạn nhân chiến tranh và bạo lực” (Rei 1-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 29-10-2017 với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (22,34-40) chúa nhật thứ 30 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi do một người Biệt Phái nêu lên: đâu là giới luật quan trọng nhất.

Huấn dụ của ĐTC

ĐTC nói: ”Chúa nhật này, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một đoạn ngắn của Tin Mừng, nhưng rất quan trọng (Xc Mt 22,34-40). Thánh Sử Matthêu kể lại rằng những người Biệt Phái họp nhau để thử thách Chúa Giêsu. Một người trong họ, tiến sĩ luật, nêu câu hỏi với Ngài: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn quan trọng nhất” (v. 36). Đó là một câu hỏi cạm bẫy, vì trong Luật Môisê có nói đến hơn 600 giới luật. Trong tất cả những luật đó, làm sao phân biệt giới răn quan trọng nhất. Nhưng Chúa Giêsu không chút do dự và trả lời: ”Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí ngươi” và ngài thêm: 'Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.37.39)”

 ”Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là điều hiển nhiên mà có, vì trong nhiều giới răn của luật Do thái, quan trọng nhất là 10 giới răn, được Thiên Chúa trực tiếp thông truyền cho Môise, như những điều kiện của giao ước giữa Chúa với dân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng nếu không có lòng mến Chúa và yêu ngừơi, thì không có sự trung thành đích thực với giao ước với Thiên Chúa. Bạn có thể làm bao nhiêu điều tốt lành, thực thi các giới răn, nhưng nếu bạn không có tình yêu, thì việc làm ấy không hữu ích.

 Một đoạn văn khác trong sách Xuất Hành, gọi là ”Luật giao ước” đã xác nhận điều đó, trong phần này có nói rằng ta không thể ở trong Giao ước với Chúa mà lại ngược đãi những người được Chúa đặc biệt bảo vệ: đó là góa phụ, cô nhi và người ngoại quốc, người di dân, tức là những người cô độc và dễ bị tổn thương nhất (Xc Xh 22,20-21). Khi trả lời cho những người Biệt Phái chất vấn ngài, Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ đặt thứ tự trong đời sống đạo của họ, tái lập điều thực sự quan trọng và điều kém quan trọng hơn. Ngài nói: ”Toàn thể Luật và các Ngôn Sứ tùy thuộc hai giới răn này” (Mt 22,40). Đó là những giới răn quan trọng nhất, các giới răn khác tùy thuộc hai giới răn đó. Và Chúa Giêsu đã sống như thế: bằng cách rao giảng và thi hành những gì thực sự là quan trọng và thiết yếu, nghĩa là tình thương. Tình thương mang lại đà tiến và sự phong phú cho đời sống và hành trình đức tin: không có tình thương, thì cuộc sống cũng như đức tin sẽ trở nên khô cằn, son sẻ.

Điều mà Chúa Giêsu đề nghị trong trang Tin Mừng này là một lý tưởng tuyệt vời, đáp ứng ước mong chân thực nhất của tâm hồn chúng ta. Thực vậy, chúng ta được dựng nên để yêu mến và được mến yêu. Thiên Chúa là Tình Thương, đã tạo dựng chúng ta để cho chúng ta được tham dự cuộc sống của Ngài, để được Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, và cùng với Ngài yêu mến tất cả những người khác. Đó là ”giấc mơ” của Thiên Chúa về con người. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần ơn thánh của Chúa, chúng ta cần nhận được nơi mình khả năng yêu mến đến từ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chính vì điều đó. Trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nghĩa là chúng ta đón nhận Chúa Giêu qua biểu hiện tột đỉnh tình thương của Chúa, khi Ngài hiến mình cho Chúa Cha để cứu độ chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận vào trong cuộc sống của chúng ta ”giới răn cao cả”, mến Chúa yêu người. Thực vậy, tuy chúng ta đã biết giới răn này từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ chúng ta ngưng trở về với giới răn này và thực hành nó trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chúng ta”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 28-10 vừa qua tại thành phố Caxias do Sul bên Brazil cho cha Giovanni Schiavo thuộc dòng thánh Giuse Murialdo. ”Người sinh tại vùng Vicenza vào đầu thế kỷ 20, và khi còn là một linh mục trẻ, cha được gửi sang Brazil, tại đây cha đã nhiệt thành hoạt động phục vụ dân Chúa và huấn luyện các tu sĩ nam nữ. Ước gì tấm gương của cha giúp chúng ta sống trọn vẹn lòng gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài”.

ĐTC ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương đến từ Italia và nhiều nước khác, đặc biệt từ Ai len, Áo, Đức. Ngài cũng nhắc đến các tham dự viên Hội nghị vế các tu hội đời Italia, mà ngài khích lệ trong việc làm chứng tá Tin Mừng trong thế giới, hiệp hội những ngừơi hiến máu ở Orta Nova, tỉnh Foggia, nam Italia.

Sau cùng, ĐTC chào cộng đoàn ngừơi Togo Phi châu ở Italia và cộng đoàn người Venezuela với ảnh Đức Mẹ Chiquinquira, Chinita. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những hy vọng và mong đợi hợp pháp của hai quốc gia dân tộc này.

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

VATICAN. ĐTC kêu gọi các thành viên các tu hội đời hãy mang vào trần thế, vào những hoàn cảnh mình sinh sống, lời đã lắng nghe từ Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự Hội nghị các tu hội đời Italia, nhóm tại Học Viện Augustinianum ở Roma trong hai ngày 28 và 29-10-2017 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tông hiến ”Provida Mater Ecclesiae” (Mẹ quan phòng của Giáo Hội), do ĐGH Piô 12 ban hành về các tu hội đời. Chủ đề của Hội nghị là ”Đi xa hơn và ở giữa. Các tu hội đời: những chuyện say mê và ngôn sứ cho Thiên Chúa và thế giới”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến tính chất ”cách mạng” trong hình thức mới của đời thánh hiến: các giáo dân và linh mục giáo phận được kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời trong cuộc sống thường nhật hoặc trong sứ vụ mục vụ. Ngài viết: ”Ngày nay, anh chị em được kêu gọi trở thành những người khiêm tốn và hăng say mang ý nghĩa của thế giới và lịch sử, trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh của Người. Sự kiện anh chị em ở giữa đời không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại thần học, giúp anh em chú ý, nhìn, nghe, đồng cảm, chia sẻ niềm vui và trực giác những nhu cầu”.

ĐTC gợi ý với các thành viên tu hội đợi 5 thái độ tinh thần giúp tiến bước trong hành trình ơn gọi đặc thù của mình, đó là:

– Cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa; gần gũi với tâm hồn và lắng nghe tiếng Chúa; – Biết phân định những điều thiết yếu với những điều phụ thuộc; làm cho sự khôn ngoan trở nên nhạy bén bằng cách vun trồng nó ngày qua ngày, giúp nhìn thấy đâu là những trách nhiệm cần lãnh nhận và đâu là những công tác ưu tiên. – Chia sẻ số phận của mỗi người nam nữ, dù những biến cố của thế giới bi thảm và đen tối, vẫn không bỏ mặc cho số phận của thế giới, như Chúa Giêsu và cùng với Chúa yêu thương đến cùng.

– Với ơn Chúa, mang lại can đảm, không bao giờ mất niềm tín thác, biết nhìn điều tốt trong mọi sự.

– Sau cùng là có thiện cảm với thế giới và con người.

Hội nghị các tu hội đời Italia đã kết thúc với thánh lễ lúc 1 giờ trưa chúa nhật 29-10 do ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội đời chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trên thế giới hiện nay có 193 tu hội đời với tổng cộng gần 32,400 thành viên (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về Công pháp quốc tế nhân đạo

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về Công pháp quốc tế nhân đạo

VATICAN. ĐTC cầu mong các tổ chức nhân đạo có thể luôn hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản của tình nhân đạo, không thiên vị, trung lập và độc lập.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10-2017, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 3 về công pháp quốc tế nhân đạo, nhóm tại Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số vị Bộ trưởng của các nước.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng mặc dù có công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng người ta thấy vẫn còn nhiều hậu quả tiêu cực của chiến tranh trên các thường dân, những tội ác kinh khủng, chà đạp con người và phẩm giá của họ, bất chấp những nguyên tắc sơ đẳng nhất về nhân đạo. Ngoài ra cũng có tình trạng bao nhiêu gia sản, kho tàng văn hóa của nhân loại bị biến thành đống gạch vụn, nhà thương, trường học, nhà thờ bị cố tình tấn công và phá hủy.

ĐTC cảnh giác trước nguy cơ theo đó sự phổ biển các tin tức thuộc loại đó đưa tới tình trạng con người không còn nhạy cảm trước tính chất trầm trọng của vấn đề, và không cảm cảm thương và cởi mở tâm hồn trong tình liên đới. Vì thế cần phải có một sự hoán cải tâm hồn, cởi mở con tim đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy con người khắc phục sự dửng dưng lãnh đạm và sống tình liên đới thực sự.

Tuy có hiện tượng trên đây, ĐTC cũng ca ngợi nhiều tổ chức từ thiện và phi chính phủ, trong và ngoài Giáo Hội, với các thành viên bất chấp vất vả và nguy hiểm chăm sóc những ngừơi bị thương và các bệnh nhân, chôn cất những người qua đời, cung cấp lương thực và nước uống cho những người đói khát, viếng thăm những người bị cầm tù. Ước gì các tổ chức nhân đạo có thể luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc căn bản về tình nhân đạo, giữ thái độ khách quan không thiên vị, và độc lập. (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

VATICAN. Chiều ngày 26-10-2017, ĐTC đã gặp gỡ các nhóm học sinh từ một số nước Nam Mỹ và ngài kêu gọi các em đừng rơi vào vòng nghiện ngập ma túy.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở tổ chức quốc tế gọi là Scholas Occurentes ở nội thành Vatican. Tổ chức này do ĐTC sáng lập khi còn là TGM giáo phận Buenos Aires với mục đích góp phần giáo dục các học sinh ở những vùng sâu vùng xa. Nay nó trở thành một tổ chức quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, và hiện diện tại 190 quốc gia, qua một mạng liên kết hơn 446 ngàn trường học và hệ thống giáo dục.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC chiều thứ năm vừa qua có các học sinh từ Mexico, Argentina, Paraguay và Puerto Rico, và đề tài được nói đến là ma túy, di dân, việc chăm sóc thiên nhiên và nạn tự tử. Các bạn trẻ đã trình bày cho ĐTC các vấn đề của họ, kể cả những hậu quả do thiên tai gây ra như cuồng phong María mới đây ở Puerto Rico, nạn động đất tại Mexico trong hai ngày 7 và 19-9 vừa qua, làm cho 471 người chết. Nhiều học sinh ở các nước khác cũng theo dõi và góp ý với cuộc gặp gỡ qua hệ thống truyền hình. ĐTC cũng lợi dụng dịp này khích lệ những người Mỹ châu la tinh ở bang Texas Hoa Kỳ bị thiệt hại vì cuồng phong Harvey, và giải thích cho các học sinh về tâm quan trọng phải chăm sóc thiên nhiên để bớt được các thiên tai.

Các bạn trẻ ở khu phố Villa 31 ở Argentina đã lên án nạn bạo lực và chiến tranh. Và ĐTC cũng nhắc nhở họ rằng: 'Các con đừng để mình bị đánh lừa, ma tủy không giải quyết được gì cả, đó chỉ là những viên đá màu mà ngừơi ta muốn làm cho các con coi đó là những hạt ngọc quí giá. Các con đường để mình bị lường gạt”. (Rei 27-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp Thủ Lãnh Giáo Hội Tin Lành Ecosse

Đức Thánh Cha tiếp Thủ Lãnh Giáo Hội Tin Lành Ecosse

VATICAN. Sáng 26-10-2017, ĐTC đã tiếp Mục Sư Derek Browning, Thủ lãnh Giáo Hội Tin Lành Ecosse, cùng với phái đoàn, và ngài kêu gọi tiếp tục con đường tìm về hiệp nhất hữu hình.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther, việc kỷ niệm này đã giúp các tín hữu Kitô thuộc hai khối Giáo Hội xác tín hơn mình là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô, và không còn coi nhau như những người xa lạ hay người cạnh tranh. ĐTC nói:

”Quá khứ tự nó là điều không thể thay đổi được, nhưng một điều cũng rất đúng, đó là ngày nay chúng ta hiểu nhau đi từ cái nhìn của Thiên Chúa trên chúng ta: trước hết chúng ta là con cái của Chúa, tái sinh trong Đức Kitô, trong cùng một phép rửa, vì thế chúng ta là anh chị em với nhau. Trong thời gian dài, chúng ta đã quan sát nhau từ xa với một cái nhìn quá phàm nhân, đầy nghi kỵ, chú ý đến những khác biệt và sai lầm, và tâm hồn thường than trách về những điều thiệt hại phải chịu”.

”Trong tinh thần Tin Mừng, giờ đây chúng ta hãy tiếp tục tiến bước trên con đường bác ái khiêm tốn, đưa tới sự vượt thắng những chia rẽ, và chữa lành những vết thương. Chúng ta đã đi vào một cuộc đối thoại hiệp thông, cuộc đối thoại dùng ngôn ngữ riêng của những người thuộc về Thiên Chúa và là điều kiện không thể từ khước để loan báo Tin Mừng. Làm sao chúng ta có thể loan báo Thiên Chúa Tình Thương nếu chúng ta không yêu thương nhau?”

Giáo Hội Ecosse là Giáo Hội quốc gia của nước Ecosse (Scotland) và đây là một Giáo Hội Tin Lành trưởng lão do Mục Sư John Knox thành lập năm 1560 và hiện có 1 triệu 700 ngàn tín hữu thuộc 1,427 giáo xứ (Rei 26-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gởi giới trẻ Canada

TORONTO. ĐTC kêu gọi các bạn trẻ Canada đừng để ai cướp mất tuổi trẻ của mình và hãy làm cho những môi trường sống của mình đầy niềm vui của Phúc Âm.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi các bạn trẻ Canada tối chúa nhật 22-10-2017 trong biến cố truyền hình đặc biệt của đài TV ”Muối và Ánh sáng” để giúp các GM Canada chuẩn bị Thượng HĐGM vào tháng 10 năm tới về giới trẻ. Hiện diện tại phòng thu ở Đài truyền hình cũng có ĐHY Kevin Farell, Bộ trưởng giáo dân và gia đình, cùng với các bạn trẻ và GM đến từ 6 thành phố ở Canada.

ĐTC ca ngợi vẻ đẹp của thế giới và nhắc nhở các bạn trẻ đừng để trái đất bị hư hỏng vì những kẻ chỉ muốn khai thác và hủy hoại thế giới. Ngài nói: 'Tôi cũng mời gọi các bạn hãy làm cho những nơi các bạn sinh sống được tràn đầy niềm vui và sự phấn khởi tiêu biểu của người trẻ, hãy tưới gội thế giới và lịch sử bằng niềm vui đến từ Tin Mừng, từ cuộc gặp gỡ với một Nhân Vật là Chúa Giêsu, Đấng đã làm cho các bạn say mê và thu hút các bạn ở với Ngài”.

”Các bạn đừng để cho tuổi trẻ của mình bị cướp mất, đừng cho phép một ai ngăn cản và làm lu mờ ánh sáng mà Chúa Kitô đặt trên khuôn mặt và trong tâm hồn các bạn. Các bạn hãy kiến tạo những tương quan thấm đượm lòng tín nhiệm, chia sẻ và cởi mở cho đến tận bờ cõi trái đất. Đừng dựng lên những bức tường chia cách, nhưng hãy kiến tạo những nhịp cầu”.

ĐTC nói thêm rằng: ”Các bạn trẻ thân mến, Chúa Giêsu đang nhìn và mời gọi các bạn đến ở với Ngài. Các bạn có gặp thấy cái nhìn của Chúa, đã nghe tiếng nói và cảm thấy một sự thúc đẩy các bạn lên đường chưa? Tôi chắc chắn rằng mặc dù những tiếng huyên náo dường như đang ngự trị trên thế giới tiếng gọi của Chúa vẫn tiếp tục vang dội trong tâm hồn các bạn để mở con tim các bạn đón nhận niềm vui tràn đầy. Điều đó có thể xảy ra theo mức độ các bạn được những người hướng dẫn kinh nghiệm đồng hành và bắt đầu một hành trình phân định để khám phá dự phóng của Thiên Chúa đối với cuộc đời của các bạn.. Cả khi hành trình của các bạn bấp bênh và sa ngã, Thiên Chúa giàu lòng xót thương, vẫn giơ tay để nâng các bạn đứng dậy”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Thế giới, Giáo Hội đang cần những ngừơi trẻ can đảm, không khiếp sợ trước những khó khăn, đương đầu với những thử thách, có đôi mắt và con tim cởi mở đối với thực tế, để không một ai bị phủ nhận, trở thành nạn nhân của bất công, bạo lực, thiếu nhân phẩm”. (Rei 23-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt

Đức Thánh Cha ấn định Tháng Truyền Giáo đặc biệt

VATICAN. ĐTC ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019.

 Ngài đưa ra quyết định trên đây trong thư gửi ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, và được công bố hôm chúa nhật 22-10-2017, trong đó ngài nhấn mạnh rằng ”Tháng đặc biệt về truyền giáo nhắm thức tỉnh mạnh mẽ hơn nơi các tín hữu ý thức truyền giáo cho dân ngoại và phục hồi với một đà tiến mới sự biến đổi cuộc sống và việc mục vụ theo tinh thần truyền giáo”.   Hồi tháng 6 năm nay, khi tiếp 120 vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nhóm đại hội thường niên ở Roma, ĐTC cho biết ngài đã chấp nhận đề nghị của Bộ truyền giáo về việc ấn định tháng đặc biệt về truyền giáo vào tháng 10 năm 2019, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư ”Maximum illud” của ĐGH Biển Đức 15 ngày 30-11 năm 1919. Hồi đó, sau thế chiến thứ I, Đức Giáo Hoàng Biển Đức 15 thấy cần phải tái đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trên thế giới, để thanh tẩy những ”bụi bặm của thời thực dân cũng như để tránh xa những mục tiêu quốc gia chủ nghĩa và phong trào bành trướng, gây ra nhiều thiệt hại cho chính nghĩa truyền giáo. Tông thư Maximum illud có đoạn viết: ”Giáo Hội của Thiên Chúa là hoàn vũ, và không hề xa lạ với một dân tộc nào” và ĐGH cũng kêu gọi loại bỏ bất kỳ hình thức lợi lộc, xét vì chỉ có việc loan báo và đức bác ái của Chúa Giêsu, được phổ biến cùng với đời sống thánh thiện và những công việc làn, mới là lý do của việc truyền giáo” (Rei 22-10-2017)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về giáo lý cho người khuyết tật

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về giáo lý cho người khuyết tật

VATICAN. ĐTC kêu gọi đón nhận những người khuyết tật và tìm ra những phương thế ngày càng thích hợp để dạy giáo lý cho họ.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 21-10-2017 dành cho 450 tham dự viên Hội nghị về việc dạy giáo lý cho những người khuyết tật do Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng tổ chức ở Roma, dưới sự hướng dẫn của Đức TGM Chủ tịch Rino Fisichella.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC phê bình xu hướng của những người phủ nhận sự khuyết tật, dùng những mỹ từ để che đậy sự kiện này, hoặc quan niệm sai lầm cho rằng những người khuyết tật không thể đạt được hạnh phúc hoặc thành đạt bản thân.

ĐTC nói: ”Câu trả lời đối với tình trạng khuyết tật là tình thương: đây không phải là tình thương giả tạo, thái độ tội nghiệp, nhưng là tình thương chân thực, cụ thể và tôn trọng. Theo mức độ những người khuyết tật được đón nhận và yêu thương, được tháp nhập vào cộng đoàn và được đồng hành để nhìn về tương lai với niềm tín thác, thì sẽ có một hành trình cuộc sống thực sự được phát triển và họ cảm nghiệm hạnh phúc lâu bền.. Niềm tin là một người bạn đồng hành quan trọng trong cuộc sống, khi chúng ta cảm nghiệm cụ thể sự hiện diện của Chúa Cha, Đấng không bao giờ bỏ rơi các thụ tạo của Ngài, dù trong bất kỳ hoàn cảnh cuộc nào trong sống của họ”.

ĐTC đặc biệt nhắc nhở Giáo Hội dấn thân thăng tiến và bênh vực những người bị khuyết tật. Ngài nói: ”Sự gần gũi của Giáo Hội đối với các gia đình sẽ giúp họ vượt thắng sự cô đơn, trong đó họ thường có nguy cơ khép kín vì không được quan tâm và giúp đỡ”.

ĐTC khuyến khích những người liên hệ hãy có sáng kiến tìm ra những phương thức thích hợp để dạy giáo lý cho người khuyết tật. Ngài khẳng định rằng: ”Không một giới hạn thể lý hoặc tâm lý nào có thể là một cản trở cuộc gặp gỡ của người khuyết tật với Chúa Giêsu, vì tôn nhan của Chúa Kitô chiếu tỏa trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người.. Chúng ta hãy học cách tìm kiếm và sáng chế một cách thông minh những dụng cụ thích hợp để không một ai bị thiếu sự nâng đỡ của ơn thánh.. Chúng ta hãy huấn luyện, trước tiên bằng gương sáng, để các giáo lý viên ngày càng có khả năng đồng hành với những người khuyết tật để những người này tăng trưởng trong đức tin và đóng góp phần đặc sắc và chân thực của họ vào đời sống Giáo Hội.

”Sau cùng, tôi cũng mong ước rằng trong các cộng đoàn có những người khuyết tật, càng ngày càng có những ngừơi khuyết tật trở thanh giáo lý viên, để thông truyền đức tin một cách hữu hiệu hơn, bằng chính chứng tá của họ” (Rei 21-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP