Đức Thánh Cha kêu gọi tổ chức tĩnh tâm nhân viên bác ái

Đức Thánh Cha kêu gọi tổ chức tĩnh tâm nhân viên bác ái

Đức Thánh Cha kêu gọi tổ chức ngày tĩnh tâm do Hội đồng Cor Unum đề xướng

VATICAN. ĐTC cổ võ ngày tĩnh tâm cho các nhân viên từ thiện bác ái do Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, đề xướng.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 27-1-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC nói: ”Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum, Đồng Tâm, đã đề xướng một ngày tĩnh tâm cho các cá nhân và các nhóm dân thân phục vụ từ thiện bác ái. Ngày này sẽ được cử hành trong mỗi giáo phận trong mùa chay sắp tới. Đây sẽ là một dịp để suy tư về ơn gọi trở nên từ bi thương xót như Chúa Cha. Tôi mời gọi đón nhận đề nghị này, sử dụng những chỉ dẫn và tài liệu do Hội đồng Cor Unum soạn thảo”. (SD 27-1-2016)

 G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

Công bố sứ điệp mùa chay 2016 của Đức Thánh Cha

VATICAN. Trong sứ điệp mùa chay, công bố hôm 26-1-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái, về thể lý cũng như về tinh thần.

 Mùa chay sẽ bắt đầu từ ngày thứ tư lễ tro, 10-2-2016 (mùng 3 Tết). Sứ điệp của ĐTC cho mùa này có chủ đề là ”Ta muốn Lòng Thương xót chứ không muốn hy tế” (Mt 9,13). Những công việc từ bi bác ái trong hành trình Năm Thánh”. Sứ điệp được công bố trong cuộc họp báo tại Vatican do ĐHY Francesco Montenegro, TGM Agrigento, nam Italia, thành viên Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm). Hiện diện trong dịp này cũng có hai vị Tổng thư ký và Phó tổng thư ký của Hội đồng Cor Unum.

 Sau khi đề cao mẫu gương của Mẹ Maria như hình ảnh một Giáo Hội loan báo Tin Mừng và để cho mình được Tin Mừng biến đổi, ĐTC đề cao tầm quan trọng của Lòng Thương Xót trong lịch sử cứu độ: toàn thể giao ước của Thiên Chúa với loài người là một lịch sử lòng thương xót. Thiên Chúa tín trung luôn tha thứ những bất trung và phản bội của dân Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa chiếm chỗ đứng trung tâm trong lời huấn giáo của các tông đồ. Lòng thương xót diễn tả ”thái độ của Thiên Chúa đối với tội nhân, cống hiến cho họ cơ may hồi tỉnh, hoán cải và tin tưởng” (Misericordiae vultus 21), và qua đó tái lập quan hệ với Chúa.

 Đề cập tới các công việc từ bi thương xót, ĐTC khẳng định rằng: ”Lòng thương xót của Thiên Chúa biến đổi con tim của con người và làm cho họ cảm nghiệm một tình thương trung tín, và qua đó làm cho họ cũng có khả năng thi hành lòng từ bi thương xót. Thật là một phép lạ luôn mới mẻ, sự kiện lòng thương xót của Chúa có thể chiếu tỏa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương tha nhân và hướng dẫn những công việc mà truyền thống của Giáo Hội gọi là ”Thương linh hồn bẩy mối, thương xác bẩy mối!”.

 ĐTC giải thích: ”Những công việc từ bi bác ái ấy nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta được diễn tả qua những hành vi cụ thể thường nhật, nhắm giúp đỡ tha nhân về mặt thể lý và tinh thần, và chúng ta sẽ bị phán xét về những hành vi ấy, đó là: cho kẻ đói ăn, viếng thăm, an ủi, dạy dỗ họ. Vì thế tôi cầu mong rằng ”trong Năm Thánh, dân Chúa suy tư về những công việc từ bi bác ái thể lý và tinh thần. Đây sẽ là một cách thức tỉnh lương tâm chúng ta thường bị ngái ngủ trước thảm trạng nghèo đói và để ngày càng đi sâu hơn vào trọng tâm của Tin Mừng, trong đó dân nghèo là những người ưu tiên được lòng thương xót của Chúa chiếu cố” (ibid. 15).

 Trong sứ điệp, ĐTC cũng phê bình những người không muốn nhìn nhận mình là kẻ lầm than cần lòng thương xót của Chúa. Ngài viết: ”Đứng trước tình yêu mạnh mẽ như cái chết của Chúa (Xc Dc 8,6), người nghèo hèn lầm than nhất chính là người không chấp nhận thực trạng của mình. Họ tưởng mình là người giàu có, nhưng trong thực tế họ là người nghèo nhất trong những người nghèo. Thực trạng họ như vậy vì họ làm nô lệ cho tội lỗi, tội thúc đẩy họ sử dụng giàu sang và quyền lực, không phải để phụng sự Thiên Chúa và tha nhân, nhưng để bóp nghẹt nơi họ ý thức sâu đậm theo đó họ không là gì khác hơn là một người hành khất nghèo. Hễ họ càng có quyền bính và giàu sáng, thì họ càng trở nên mù quáng gian dối. Họ đi đến độ không muốn nhìn thấy người nghèo Lazzaro ngồi ăn xin nơi cổng nhà của họ” (Xc Lc 16,20-21)

 Và ĐTC kết luận rằng: ”Đối với tất cả mọi người, Mùa Chay trong Năm Thánh này là thời điểm thuận thiện để có thể ra khỏi tình trạng cuộc sống tha hóa của mình, nhờ lắng nghe Lời Chúa và thực hành các công việc từ bi bác ái… Những công việc từ bi thể lý và tinh thần không bao giờ tách biệt nhau. Thực vậy, chính khi động chạm đến thân mình của Giêsu chịu đóng đanh nơi người lầm than mà tội nhân có thể nhận được hồng ân ý thức chính mình là một người hành khất nghèo hèn” (SD 26-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Lòng thương xót Chúa luôn luôn hoạt động để cứu thoát con người

Lòng thương xót Chúa luôn luôn hoạt động để cứu thoát con người

ĐTC chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-1-2016

Lòng thương xót Chúa luôn luôn hoạt động để cứu thoát.

Lòng thương xót Chúa luôn luôn hoạt động để cứu thoát. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để giải thoát bằng cách khơi dậy những người có khả năng  nghe thấy tiếng rên rỉ khổ đau và hoạt động cho những người bị áp bức. Các việc kỳ diệu của lòng thương xót Chúa được thành toàn nơi Chúa Giêsu, trong giao ước mới được ký kết trong máu Ngài. Giao ước phá huỷ tội lỗi chúng ta với ơn tha thứ và làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. ĐTC đã nói như trên với hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói: Trong Thánh Kinh lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện trong toàn lịch sử của dân tộc Israel. Với lòng thương xót của Ngài Chúa đồng hành với lộ trình của các Tổ Phụ, ban cho các ngài con cái mặc dù điều kiện hiếm muộn, Ngài dẫn các vị trên con đường của ơn thánh và hoà giải, như lịch sử của ông Giuse và các anh em chứng minh cho thấy (x. St 37-50). Và tôi nghĩ tới biết bao nhiêu anh chị em đã xa cách nhau trong gia đình và không nói chuyện với nhau nữa. Nhưng  Năm Thánh Lòng Thương Xót này là một dịp tốt để tìm lại với nhau, ôm hôn nhau và quên đi các chuyện xấu xa. Nhưng như chúng ta biết, bên Ai Cập cuộc sống của dân chúng rất khổ sở. Và chính trong lúc người Israel đang ngã quỵ thì Chúa can thiệp và cứu thoát họ.

Chúng ta đọc trong sách Xuất Hành rằng: “Sau những năm dài ấy, vua Ai-cập qua đời. Con cái Ít-ra-en rên siết trong cảnh nô lệ. Họ ta thán, và tiếng họ kêu từ cảnh nô lệ đã thấu tới Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết” (Xh 2,23-25). ĐTC giải thích như sau:

Lòng thương xót không thể dửng dưng trước nỗi khổ đau của những người bị áp bức, trước tiếng kêu của kẻ nằm dướí bạo lực, bị trở thành nô lệ, bị kết án tử. Đây là một thực tại đau đớn tàn phá mọi thời đại, kể cả thời đại chúng ta, và nó làm cho chúng ta thường cảm thấy bất lực, bị cám dỗ chai cứng con tim và nghĩ tới chuyện khác. Thiên Chúa trái lại không thờ ơ (Sứ điệp Ngày hoà bình thế giới 2016, 1), Ngài không bao rời cái nhìn khỏi nỗi khổ đau của con người. Thiên Chúa của lòng thương xót trả lời và săn sóc người nghèo, lo lắng cho những người kêu lên nỗi tuyệt vọng của họ. Thiên Chúa lắng nghe và can thiệp để cứu vớt, bằng cách dấy lên các người có khả năng nghe thấy tiếng rên xiết  của khổ đau và hoạt động cho những người bị áp bức.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: lịch sử của ông Môshê đã bắt đầu như thế, như là vị trung gian việc giải phóng dân Chúa. Ông đối đầu với Pharaô để thuyết phục nhà vua để cho dân Israel ra đi; và rồi ông hướng dẫn dân qua Biển Đỏ và qua sa mạc tiến về tự do. Ông Môshê, mà lòng thương xót Chúa đã cứu khỏi cái chết trong nước sông Nil khi mới sinh, được trở thành người trung gian của chính lòng thương xót ấy, cho phép dân sinh ra trong tự do được cứu khỏi nước Biển Đỏ. Cả chúng ta nữa trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này chúng ta có thể làm công việc là những người trung gian lòng thương xót với các công việc của lòng từ bi để đến gần, để thoa dịu, để hiệp nhất. Chúng ta có thể làm được biết bao nhiều việc!

Lòng thương xót của Thiên  Chúa luôn luôn cứu thoát. Nó hoàn toàn khác với công việc của những người luôn luôn hành động để giết chóc: chẳng hạn như những kẻ gây chiến tranh.

Qua tôi tớ Ngài là ông Môshê Chúa hướng dẫn dân Israel trong sa mạc như một đứa con; Ngài giáo dục họ trong đức tin và ký giao ưóc với họ, bằng cách tạo ra một mối dây tình yêu vô cùng mạnh mẽ, như mối dây của người cha với con mình và của người chồng với người vợ. ĐTC nêu bật tình yêu thương xót của Thiên Chúa như sau:

Lòng thương xót của Thiên  Chúa đạt tới độ đó: Thiên Chúa đề nghị một tương quan tình yêu đặc biệt, triệt để và đặc ân. Khi  ban các chỉ dẫn cho ông Môshê liên quan tới giao ước, Thiên Chúa nói: “Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en." (Xh 19,5-6).

Chắc chắn Thiên Chúa đã chiếm hữu toàn trái đất, bởi vì Ngài đã tạo dựng ra nó; nhưng dân trở thành một sở hữu khác, đặc biệt  đối với Ngài: nó là “kho vàng bạc” của Chúa, như kho vàng bạc mà vua Đavít khẳng định đã dành cho việc xây dựng Đền Thờ.

Chúng ta sẽ trở thành như vậy đối với Thiên Chúa, khi tiếp nhận giao ước của Ngài và để cho mình được Ngài cứu thoát. Lòng thương xót của  Chúa khiến cho con người trở thành quý báu, như một kho tàng cá nhân thuộc về Chúa, mà Ngài canh giữ và hài lòng về nó.

Đó là các điều kỳ diệu của lòng thương xót Chúa, đạt sự thành toàn tràn đầy nơi Chúa Giêsu, trong giao ước “mới và vĩnh cửu” được hoàn thành trong máu Ngài, máu phá hủy tội lỗi với ơn tha thứ và khiến cho chúng ta vĩnh viễn trở thành con cái Thiên Chúa (x. 1 Ga 3,1), các đồ trang sức quý báu trong bàn tay của Thiên Chúa Cha nhân lành và từ bi. Và nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa và có khả thể được gia tài này – gia tài lòng nhân lành và thương xót – đối với những người khác, chúng ta hãy xin Chúa trong Năm Lòng Thương Xót này cũng cho chúng ta làm các việc của lòng thương xót. Chúng ta hãy mở rộng con tim để đến với tất cả mọi người với các công việc của lòng từ bi, là gia tài thương xót Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta.

Một số nam nữ nghệ sĩ của một đoàn xiệc đã biểu diễn giúp vui mọi người hiện diện. ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau, trong đó có các thành viên học viện thánh Đa Minh Roma và tín hữu đến từ nước Côte d’Ivoire, cũng như các thành viên Uỷ ban độc lập bảo vệ các nạn nhân Áo do ĐHY Shoenborn, TGM Vienne, và ĐC Klaus Kueng hướng dẫn. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ thủ đô Brasilia và Sao José dos Campos của Brasil. ĐTC nói: mỗi người chúng ta đều quý báu và duy nhất trước mặt Chúa, xin Ngài ban cho chúng ta ơn biết đào sâu tương quan với Ngài và đáp trả lại tiếng Chúa kêu mời với trọn con tim. ĐTC cầu mong đừng có gì có thể ngăn cản tín hữu sống và lớn lên trong tình bạn với Chúa, trái lại luôn để cho tình yêu tái sinh như con cái và hoà giải với Chúa và với nhau.

Chào các tín hữu vùng Trung Đông ĐTC nói Thiên Chúa không thinh lặng trước các khổ đau và tiếng kêu của con cái Ngài, hay truớc bất công và bách hại, nhưng can thiệp và ban ơn cứu độ và sự trợ giúp với lòng thương xót của Ngài. Ngài kiên nhẫn với kẻ có tội để chờ đợi họ hoán cải, hiểu biết chân lý và được ơn cứu độ. ĐTC xin Chúa chúc lành cho tín hữu và giữ gìn họ khỏi Kẻ Dữ.

Trong các đoàn hành hương đến từ Italia ĐTC chào các nữ tu dòng Thánh Phaolo, Liên minh linh mục thánh mẫu, các đào tạo viên học viện quốc tế Don Bosco, và Hiệp hội Gia đình Nadarét nhân mừng kỷ niệm 60 năm thành lập, cũng như học sinh trường Thánh Maria Formia kỷ niệm 50 năm hoạt động của các nữ tu dòng Palottine. Ngài cầu chúc mọi người khi bước qua Cửa Thánh cũng ra khỏi sự ích kỷ và thăng tiến việc thực thi bác ái và thương xót đối với tha nhân.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho biết hôm nay là lễ nhớ thánh Toma Aquino, bổn mạng các trường công giáo. Ngài cầu chúc gương sống của thánh nhân thúc đẩy người trẻ nhìn thấy nơi Chúa Giêsu nhân từ vị Thầy duy nhất; ĐTC xin thánh nhân bầu cử cho các bệnh nhân có sự thanh thản và bình an trong mầu nhiệm của thập giá họ mang; và  ngài chúc cho các cặp vợ chồng mới cưới biết tìm thấy nơi giáo lý của thánh Toma nguồn can đảm giúp họ có con tim khôn ngoan để chu toàn sứ mệnh của hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

Đức Thánh Cha bế mạc tuần cầu nguyện hiệp nhất Kitô

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều 25-1-2015, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ I của Thánh Phêrô Tông Đồ: ”Được kêu gọi để loan báo cho mọi người những kỳ công của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Genadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có 17 sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC sau khi giải thích một số khía cạnh trong biến cố trở lại của thánh Phaolô do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, ngài nhắc đến chủ đề tuần hiệp nhất nói về nghĩa vụ của các Kitô giáo loan báo những kỳ công của Thiên Chúa và khẳng định rằng ”Vượt lên trên những khác biệt vẫn còn chia cách chúng ta, chúng ta vui mừng nhìn nhận rằng nơi nguồn cội đời sống Kitô luôn có một lời kêu gọi mà tác giả là chính Thiên Chúa. Chúng ta có thể tiến triển trên con đường hiệp thông trọn vẹn hữu hình giữa các Kitô hữu, không những khi chúng ta xích lại gần nhau, nhưng nhất là theo mức độ chúng ta trở về cùng Chúa, Đấng do ơn thánh của Ngài, đã chọn chúng ta và kêu gọi chúng ta trở thành môn đệ của Ngài. Trở về cùng Chúa có nghĩa là để cho Chúa sống và hoạt động trong chúng ta. Vì thế, khi các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội kác nhau lắng nghe lời Chúa và tìm cách mang ra thực thì, thì họ hoàn tất thực sự những bước tiến quan trọng đến gần sự hiệp nhất… Cả sứ mạng chung là loan báo cho tất cả mọi người những kỳ công của Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta xích lại gần nhau”.

 

Cũng trong bài giảng, ĐTC nhắc đến Năm Thánh đặc biệt về lòng thương xót và nhấn mạnh rằng không thể có sự tìm kiếm chân thực sự hiệp nhất các tín hữu Kitô nếu không có sự hoàn toàn tín thức nơi lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là chúng ta hãy xin ơn tha thứ vì tội chia rẽ của chúng ta, những chia rẽ ấy là vết thương mở rộng nơi Thân Mình của Chúa Kitô. Trong tư cách là GM Roma và là Chủ Chăn của Giáo hội Công Giáo, tôi muốn khẩn cầu lòng thương xót của Chúa và ơn tha thứ vì những cư xử không hợp tinh thần Phúc Âm từ phía các tín hữu Công Giáo đối với các tín hữu Kitô thuộc các Giáo Hội khác. Đồng thời tôi mời gọi tất cả các anh chị em Công giáo hãy tha thứ vì những xúc phạm đã chịu ngày nay và trong quá khứ do các tín hữu Kitô khác.. Chúng ta không thể xóa bỏ những gì đã xảy ra, nhưng chúng ta không muốn để gánh nặng của những lỗi lầm quá khứ tiếp tục làm ô nhiễm các quan hệ của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ canh tân các quan hệ của chúng ta”.

 

Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này. (SD 25-1-2016)

 

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thụy Điển ngày 31-10-2016

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thụy Điển ngày 31-10-2016

Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thụy Điển ngày 31-10-2016

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Thụy Điển vào ngày 31-10 năm nay, và cùng chủ tọa buổi tưởng niệm đại kết tại thành phố Lund nhân kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách Tin Lành vào năm 2017.

Thông cáo chung của Công Giáo và Liên hiệp Tin Lành Luther công bố hôm 25-1-2016 cho biết buổi tưởng niệm sẽ được ĐTC Phanxicô, Đức GM Munib A. Younan, Chủ tịch Liên hiệp Tin Lành Luther thế giới, và Mục Sư Martin Junge, Tổng thư ký của liên hiệp này, chủ tọa. Buổi lễ được sự cộng tác của Giáo hội Thụy Điển và giáo phận Công Giáo Stoackholm.

Việc tưởng niệm chung sẽ làm nổi bật những tiến bộ đại kết giữa Công Giáo và Tin Lành Luther, những hồng ân cho nhau xuất phát từ cuộc đối thoại. Biến cố này sẽ bao gồm một buổi lễ chung dựa trên cẩm nang phụng vụ Công Giáo – Luther (Common Prayer) mới xuất bản.

ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giải thích rằng: ”Cùng nhau tập trung vào đặc tính trọng yếu của vấn đề Thiên Chúa và một lối tiếp cận có trọng tâm là Chúa Kitô, các tín hữu Luther và Công Giáo sẽ có cơ hội cử hành việc tưởng niệm đại kết về cuộc Cải Cách, không phải như một cách thức thực tiễn, nhưng với cảm thức sâu xa về niềm tin nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại”. (SD 25-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên

Kinh Truyền Tin Chúa Nhật III Thường Niên

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 24.01, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tất cả mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Phải có khả năng lắng nghe tiếng kêu gào thảm thiết vì sự đói khát Tin Mừng của con người trong thế giới hôm nay, đặc biệt nơi tâm hồn và thể xác của những người nghèo khổ. Mỗi Kitô hữu phải biết làm cho cộng đoàn của mình trở thành chứng tá cụ thể về lòng thương xót mà Đức Kitô đã ban tặng cho con người.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:

“Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, trước khi trình bày lời loan báo của Đức Giêsu, thánh sử Luca đã tóm tắt hoạt động rao giảng Tin Mừng. Đó là một hoạt động chỉ được thực hiện với sức mạnh của Thánh Thần. Lời của Đức Giêsu thật vững chắc và nền tảng, vì đã soi sáng làm tỏ lộ ý nghĩa của Kinh Thánh; Lời ấy có uy quyền, vì có thể ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh (x.Mc 1, 27). Đức Giêsu hoàn toàn khác các kinh sư trong thời của Ngài: Ngài không mở trường nghiên cứu Lề Luật, nhưng ra đi rao giảng và dạy dỗ khắp nơi: trong hội đường, ngoài phố xá và ngay tại nhà của dân chúng. Đức Giêsu cũng khác với Gioan Tẩy Giả. Gioan loan báo về sự xét xử nghiêm minh của Thiên Chúa sắp xảy đến; còn Đức Giêsu lại rao giảng về sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha nhân hậu.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng đi vào hội đường Na-da-rét, là nơi Đức Giêsu đã sinh trưởng cho tới năm ngài 30 tuổi. Và điều diễn ra trong hội đường ngày hôm nay là một sự kiện quan trọng, phác thảo toàn bộ sứ mạng của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã đứng lên đọc Sách Thánh. Ngài mở sách ngôn sứ I-sai-a và gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4, 18). Sau những giây phút thinh lặng, ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Đức Giêsu bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kính Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

Loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn là sứ mạng của Đức Giêsu. Đây cũng chính là sứ mạng của Giáo hội và của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa trong Giáo hội. Là một Kitô hữu cũng chính là một nhà truyền giáo. Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói, mà trước hết là bằng chính đời sống, là mục đích chính yếu của cộng đoàn Kitô hữu và của tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn đó.

Nhưng loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn có nghĩa là gì? Có nghĩa là đến gần với người nghèo, phục vụ họ, giải thoát họ khỏi cảnh giam cầm; và thực hiện tất cả những điều này trong danh Đức Kitô và với Thần Khí của Đức Kitô, vì Ngài chính là Tin Mừng của Thiên Chúa, là lòng thương xót của Thiên Chúa và là sự giải thoát của Thiên Chúa. Đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, được củng cố thêm bởi Đức Giêsu, cho thấy sự công bố về Đấng Mesia của triều đại Nước Thiên Chúa đã đến và hiện diện giữa nhân loại. Lời loan báo ấy đặc biệt hướng về những người bị gạt bỏ, những tù nhân và những ai đang bị áp bức.

Có lẽ trong thời Đức Giêsu, những người này không phải là trung tâm của cộng đoàn tín hữu. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta phải hỏi mình rằng: Trong cộng đoàn xứ đạo, trong những tổ chức, đoàn thể, chúng ta có thật sự trung thành với chương trình sứ mạng của Đức Giêsu không? Rao giảng Tin mừng cho những người nghèo hèn có phải là chọn lựa ưu tiên hàng đầu của chúng ta không? Hãy cẩn thận! Đây không đơn thuần là một công việc xã hội, hay là một hoạt động chính trị. Đây là một công việc để trao ban sức mạnh Tin Mừng của Thiên Chúa, có khả năng biến đổi tâm hồn, chữa lành và làm cho mối tương quan giữa con người và xã hội theo nguyên lý của tình yêu. Thật vậy, người nghèo chính là tâm điểm mà Tin Mừng hướng tới.

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là Mẹ của các nhà truyền giáo, xin giúp chúng con biết lắng nghe tiếng kêu gào thảm thiết vì sự đói khát Tin Mừng của con người trong thế giới hôm nay, đặc biệt nơi tâm hồn và thể xác của những người nghèo khổ. Xin cho mỗi người chúng con cũng biết làm cho cộng đoàn Kitô hữu trở thành chứng tá cụ thể về lòng thương xót mà Đức Kitô đã ban tặng cho chúng con.”

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.  

Đặc biệt, Đức Thánh Cha gởi lời chào thăm đến các sinh viên và tín hữu đến từ Tây Ban Nha, đang tham dự hội nghị được tài trợ bởi tổ chức ‘Cộng đồng thế giới về chiêm niệm Kitô’; cũng như những nhóm tín hữu đến từ Tổng Giáo phận Bari-Bitonto.  

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật an lành và ngài cũng xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Hồng Y Reinhard Marx bị cấm đến giáo phận Vinh: Tuyên truyền ngược thực tế?

Đức Hồng Y Reinhard Marx bị cấm đến giáo phận Vinh: Tuyên truyền ngược thực tế?

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đã bị chính quyền Việt Nam từ chối không cho phép đi thăm Giáo phận Vinh trong chuyến thăm Việt Nam hồi tuần rồi mà không giải thích lý do. Sự kiện mới nhất liên quan đến mối bang giao quốc tế một lần nữa làm dấy lên quan ngại về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Đoàn Hội đồng Giám mục Đức diễn ra từ ngày 9 – 16/1, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

Trong buổi tiếp Đoàn Hội đồng Giám mục Đức hôm 11/1, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được VTV dẫn lời nói “trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện để đồng bào Công giáo có điều kiện tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn Đức Hồng Y Reinhard Marx, người đứng đầu Đoàn Hội đồng Giám mục Đức, “có tiếng nói” nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và CHLB Đức cũng như Tòa thánh Vatican.

Theo đề nghị trong văn thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 23/12/2015, Đoàn Hội đồng Giám mục Đức sẽ đến thăm một số giáo phận tại Việt Nam, trong đó có Giáo phận Vinh. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã đưa ra công văn không chấp nhận cho Đoàn Hội đồng Giám mục Đức đến thăm giáo phận này mà không nêu rõ lý do.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, nhận xét về vụ việc:

“Trên nguyên tắc hay trên tuyên truyền, Nhà nước hay thông tin chính thức thì nói Việt Nam có tự do tôn giáo, nhưng những chuyện nho nhỏ trên thực tế nhiều khi lại cho người dân thấy là phải chăng có điều ngược lại?”.

Trong thư gửi cho Ban Tôn giáo Chính phủ – Bộ Nội vụ Việt Nam, Tòa Giám mục Vinh đã yêu cầu cơ quan này giải thích rõ lý do từ chối, đồng thời nhắc nhở về việc tôn trong quyền tự do tôn giáo mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã ghi nhận. Nhưng cho đến nay, Tòa giám mục Vinh vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

Giáo phận Vinh từ trước tới nay vốn bị xem là một trong những “điểm nóng” tôn giáo tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, nhiều vụ cưỡng chế đất đại của các giáo xứ trong Giáo phận Vinh do chính quyền địa phương thực hiện đã gặp phải sự phản kháng dữ dội của các giáo dân. Đây cũng là nơi có nhiều giáo dân Công giáo thường xuyên bị tấn công và đàn áp vì phát biểu chính kiến hay nói lên sự thật.

Gần đây nhất là vào ngày 31/12/2015, Linh mục Đặng Hữu Nam của Giáo xứ Phú Yên đã bị một nhóm côn đồ hành hung trên đường trở về nhà xứ sau khi đi khám bệnh, trước sự chứng kiến của công an. Linh mục Đặng Hữu Nam là người đã từng lên tiếng đòi công lý cho 14 thanh niên Công giáo và Tin lành bị bắt và bỏ tù, hay việc bảo vệ đất đai của Giáo hội Công giáo, ủng hộ các hoạt động nhân quyền.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican gần đây được đánh giá là có nhiều cải thiện. Chính quyền Việt Nam lần đầu tiên cho phép Giáo hội Công giáo mở Học viện Công giáo sau nhiều năm cấm đoán. Các giới chức Việt Nam gần đây cũng đến Vatican để tăng cường quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề trên thực tế đã gây trở ngại không ít cho sự tiến triển trong mối quan hệ này.

Trong chuyến thăm Việt Nam kéo dài 8 ngày, Đức Hồng Y Marx khẳng định: “Không một tổ chức chính trị hay kinh tế nào có thể xâm hại tự do tôn giáo”.

Vị Hồng Y người Đức cũng đã có cuộc gặp với các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở SàiGòn, nơi nhà cầm quyền cũng đang cưỡng chế giải tỏa các trường học của nhà dòng để làm đường đi cho các dự án xây dựng hiện nay, mà không có sự đền bù thỏa đáng.

Đức Hồng Y Reinhard Marx năm nay 63 tuổi, là một trong 9 thành viên của Ủy ban cải cách, cố vấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ông cũng là điều phối viên của Hội đồng Kinh tế Tòa thánh và là Chủ tịch Ủy ban các Giám mục thuộc Cộng đồng châu Âu.

Khánh An-VOA

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông xã hội

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông xã hội

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế Giới Truyền Thông xã hội thứ 50

VATICAN. Trong sứ điệp công bố hôm 22-1-2016, nhân ngày thế giới truyền thông xã hội lần thứ 50, ĐTC kêu gọi các tín hữu hãy để cho lòng thương xót soi sáng và hướng dẫn mọi hoạt động truyền thông của mình.

Ngày thế giới truyền thông xã hội năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật thứ 7 sau phục sinh, mùng 8-5-2016, với chủ đề: ”Truyền thông và lòng thương xót: một cuộc gặp gỡ phong phú”.

Sứ điệp của ĐTC có đoạn viết: “Chúng ta được kêu gọi đả thông với tất cả mọi người trong tư cách là con cái Thiên Chúa, không loại trừ một ai. Đặc biệt chính ngôn ngữ và hoạt động của Giáo Hội thông truyền lòng thương xót, đến độ đánh động tâm hồn con người và nâng đỡ họ trên con đường tiến về cuộc sống sung mãn là Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đến để mang sự sống ấy cho tất cả mọi người. Vấn đề ở đây là tiếp nhận vào tâm hồn chúng ta và phổ biến quanh chúng ta hơi ấm của Mẹ Giáo Hội, để Chúa Giêsu được mọi người nhận biết và yêu mến; hơi ấm ấy mang lại sức mạnh cho những lời đức tin và thắp lên trong các bài giảng và chứng tá tia lửa làm cho những lời đức tin được sinh động”.

ĐTC cũng nhận xét rằng: ”Thật là đẹp dường nào khi thấy những người dấn thân cân nhắc kỹ lưỡng những lời nói và cử chỉ để vượt thắng những hiểu lầm, chữa lành ký ức đã bị tổn thương, và kiến tạo an bình và hòa hợp. Những lời nói có thể bắc những nhịp cầu giữa con người, các gia đình, các nhóm xã hội và các dân tộc với nhau. Điều này cần được diễn ra trong lãnh vực thể lý cũng như trong lãnh vực kỹ thuật số (digital). Vì thế, những lời nói và hành động phải làm sao để giúp chúng ta ra khỏi những vòng lẩn quẩn lên án và báo thù tiếp tục đưa các cá nhân và quốc gia vào những cạm bẫy, khiến họ biểu lộ bằng những sứ điệp oán ghét nhau”.

Trong sứ điệp, ĐTC cũng cầu mong rằng ”ngôn ngữ chính trị và ngoại giao được soi sáng nhờ lòng từ bi thương xót, không bao giờ coi điều gì là bị mất mát hoàn toàn. Nhất là tội kêu gọi những người có các trách nhiệm trong các cơ quan công quyền, chính trị và trong việc hình thành dư luận quần chúng, hãy luôn cảnh giác về lời ăn tiếng nói đối với những người nghĩ và hành động khác mình, và đối với những người có thể sai lầm. Thật dễ chiều theo cám dỗ khai thác những tình trạng như thế để nuôi dưỡng những ngọn lửa nghi kỵ, bất tín nhiệm nhau, sợ hãi, oán ghét. Trái lại cần có can đảm hướng dẫn con người tới những tiến trình hòa giải, và chính sự táo bạo tích cực và có tinh thần sáng tạo như thế sẽ cống hiến những giải pháp thực sự cho những xung đột cố hữu và mang lại cơ may thực hiện một nền hòa bình lâu bền”. (SD 22-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

Chương trình bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

VATICAN. Hơn 4 ngàn tu sĩ nam nữ từ các nơi trên thế giới đang chuẩn bị về Roma để tham dự các sinh hoạt bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến từ ngày 28-1 đến 2-2 tới đây.

Chủ đề các sinh hoạt này là: ”Đời sống thánh hiến trong sự hiệp thông. Nền tảng chung trong các hình thái khác nhau”.

Trong 6 ngày gặp gỡ và sinh hoạt sẽ có những buổi canh thức cầu nguyện, các bài thuyết trình đào sâu mỗi hình thức ơn gọi của đời sống thánh hiến, với cái nhìn hướng về tương lai, những buổi trao đổi kinh nghiệm.

Mục đích cuộc gặp gỡ là để biết rõ hơn về những hình thái đa dạng trong đời sống thánh hiến, sống tình hiểm thông và tái khám phá ơn gọi duy nhất qua các dạng khác nhau như đoàn trinh nữ thánh hiến, đời sống đan tu, các dòng hoạt động tông đồ, các tu hội đời, các dòng mới và những hình thức mới của đời thánh hiến.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót, qua đó những người thánh hiến được mời gọi trở thành khuôn mặt từ bi của Chúa Cha, thành chứng nhân và là những người xây dựng tình huynh đệ được sống thực.   Ngày thứ năm, 28-1, những ngày gặp gỡ được bắt đầu với buổi canh thức tại Đền thờ Thánh Phêrô do Đức TGM José Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu, chủ sự, trước sự hiện diện của ĐHY Tổng trưởng João Braz de Avis.

Ngày 29-1, các sinh hoạt diễn ra tại Đại thính đường Phaolô 6, sau đó trong hai ngày 30 và 31-1, tại 5 địa điểm ở Roma theo mỗi hình thái khác nhau của đời thánh hiến. Sau đó ngày 1-2, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến tại Đại thính đường Phaolô 6, và có phần trình diễn trường ca ”Theo vết vẻ đẹp” (Sulle tracce della Bellezza) do Đức Ông Marco Frisina điều khiển.

Cuộc gặp gỡ sẽ kết thúc với cuộc hành hương Năm Thánh sáng ngày 2-2 và thánh lễ ban chiều do ĐTC Phanxicô chủ sự nhân ngày thế giới về Đời sống Thánh Hiến lần thứ 20 (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Các Giám mục là những cột trụ của Giáo hội

Các Giám mục là những cột trụ của Giáo hội

Thánh lễ sáng thứ sáu, 22.01.2016

VATICAN. “Nhiệm vụ của Giám mục là cầu nguyện và rao truyền sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Nếu Giám mục không cầu nguyện và không rao giảng Tin Mừng mà lại tự làm mình bận rộn với những chuyện khác, thì Đoàn Dân Chúa sẽ phải khổ sở vì vị Giám mục ấy.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ sáu, ngày 22.01, tại nguyện đường thánh Marta.

“Tin Mừng ngày hôm nay (Mc 3, 13-19) kể lại việc Đức Giêsu tuyển chọn và lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Nhóm Mười Hai là những Giám mục tiên khởi. Sau cái chết của Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, Mat-thi-a đã được tuyển chọn để thay thế. Có thể nói, đây là nghi thức phong chức Giám mục đầu tiên trong Giáo hội. Giám mục là những trụ cột của Giáo hội, được mời gọi để trở nên chứng tá về sự Phục Sinh của Đức Giêsu.

Chúng ta, những Giám mục, có trách nhiệm phải trở nên những chứng nhân, để làm chứng rằng Giêsu đã phục sinh, Ngài đang sống và bước song hành cùng chúng ta; phải làm chứng rằng Đức Giêsu cứu độ chúng ta, đã hy sinh tính mạng vì chúng ta; phải làm chứng rằng Đức Giêsu là niềm hy vọng của chúng ta, Ngài luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Đời sống của chúng ta phải là một chứng tá, một chứng tá đích thực về sự Phục Sinh của Đức Kitô.

Giám mục có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ thứ nhất là ở với Giêsu trong cầu nguyện. Nhiệm vụ tiên hết của Giám mục không phải là thực hiện những kế hoạch mục vụ, nhưng là cầu nguyện. Cầu nguyện là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ thứ hai là chứng nhân, nghĩa là rao giảng. Rao giảng về ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Hai nhiệm vụ này không dễ dàng. Cầu nguyện và rao giảng thật sự giúp cho những trụ cột của Giáo hội thêm vững mạnh. Trụ cột sẽ bị lung lay, yếu ớt nếu các Giám mục không cầu nguyện hoặc cầu nguyện ít hoặc là quên cầu nguyện, hoặc các Giám mục không lo rao giảng Tin Mừng mà lại quan tâm đến những chuyện khác. Giáo hội cũng sẽ trở nên yếu ớt và khổ sở. Đoàn dân chúa sẽ khổ đau, vì những cột trụ đã trở nên yếu đuối.

Giáo hội không thể tiến bước nếu thiếu các Giám mục. Vì vậy, chúng ta có bổn phận cầu nguyện cho các Giám mục của chúng ta. Đây là bổn phận của tình yêu mến, là bổn phận của con cái dành cho người cha, là bổn phận của những người anh em với nhau, vì gia đình duy trì được sự hiệp nhất trong việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô đã phục sinh và hằng sống.

Vì vậy ngày hôm nay, tôi muốn mời gọi anh chị em cầu nguyện cho tất cả chúng tôi, là những Giám mục. Bởi vì, chúng tôi cũng là những tội nhân, chúng tôi cũng yếu đuối, mong manh. Chúng tôi cũng có nguy cơ như Giu-đa, vì chính Giu-đa cũng đã được tuyển chọn để trở thành một cột trụ. Chúng tôi cũng có nguy cơ không cầu nguyện, không đi rao giảng và không trừ quỷ. Xin cầu nguyện cho các Giám mục để các vị được nên như Đức Giêsu mong muốn, để các vị biết làm chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Đoàn Dân Chúa hãy cầu nguyện cho các Giám mục. Trong mỗi thánh lễ, xin anh chị em hãy cầu nguyện cho các Giám mục, cầu nguyện cho đấng kế vị thánh Phê-rô, trưởng Giám mục đoàn, và cũng cũng cầu nguyện cho các Giám mục tại Giáo hội địa phương. Anh chị em đừng cầu nguyện bằng cách xướng tên của các Giám mục lên trong thánh lễ như một thói quen, nhưng hãy cầu nguyện cho các ngài bằng cả con tim. Chúng ta có thể cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Chúa, xin chúa gìn giữ các Giám mục, xin Chúa gởi đến cho chúng con những Giám mục là những chứng nhân đích thực, những Giám mục biết cầu nguyện, những Giám mục biết yêu thương và chăm lo cho chúng con, những Giám mục biết rao giảng để chúng con có thể hiểu Lời Chúa. Nhờ vậy, chúng con mới xác tín rằng Chúa là Đấng hằng sống và luôn ở giữa chúng con.’”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Thay đổi qui luật về việc chọn những người được rửa chân

Thay đổi qui luật về việc chọn những người được rửa chân

Pope Francis washes the feet of a boy at a correctional facility for minors on Holy Thursday

Hôm 21-1-2016, Phòng báo chí Tòa Thánh đã phổ biến thư của ĐTC Phanxicô gửi ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích, để thông báo quyết định về vấn đề này, và Sắc lệnh của Bộ Phụng tự thay đổi qui luật trong sách lễ theo cùng chiều hướng trên đây.

Thư của ĐTC gửi ĐHY Sarah ký ngày 20-12-2014 có đoạn viết: ”Sau khi suy nghĩ chín chắn, tôi đi đến quyết định du nhập một sự thay đổi trong qui luật của Sách Lễ Roma. Vì thế, tôi qui định thay đổi qui luật theo đó những người được chọn để được rửa chân phải là đàn ông hoặc trẻ nam. Từ nay các vị mục tử của Giáo Hội có thể chọn những người tham dự nghi thức rửa chân trong số tất cả các thành phần dân Chúa. Ngoài ra, nên giải nghĩa thích đáng cho những người được chọn về ý nghĩa nghi thức rửa chân”.

Trong Sắc Lệnh ký ngày 6-1-2016, ĐHY Sarah và Đức TGM Tổng thư ký Arthur Roch của Bộ nhắc lại rằng cuộc cải tổ nghi thức Tuần Thánh với Sắc lệnh ”Maxima Redemptionis nostrae mysteria” (Các Mầu nhiệm quan trọng nhất của ơn cứu chuộc chúng ta, ngày 30-11-1955) cho phép cử hành nghi thức rửa chân cho 12 người đàn ông trong Thánh Lễ kỷ niệm Chúa lập phép Thánh Thể.. Khi cử hành nghi thức ấy, các GM và LM được mời gọi trở nên đồng hình dạng trong tâm hồn với Chúa Kitô, ”Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và được tình yêu 'đến cùng' (Ga 13,1) thúc đẩy, hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại.

Sắc lệnh nhắc đến quyết định của ĐTC Phanxicô thay đổi qui luật đó và qui định rằng ”Các mục tử có thể chọn một nhóm nhủ các tín hữu đại diện mỗi thành phần dân Chúa. Nhóm nhỏ ấy có thể gồm cả đàn ông lẫn phụ nữ, người trẻ, người già, người lành mạnh và bệnh nhân, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân”.

Do năng quyền ĐTC ban, Bộ Phụng Tự và kỷ luật bí tích du nhập sự đổi mới này vào trong các sách phụng vụ và nhắc nhớ các vị mục tử về nghĩa vụ giáo huấn thích hợp cho các tín hữu được chọn (rửa chân) cũng như cho những người khác, để họ tham gia nghi thức này một cách ý thức, tích cực và nhiều thành quả”.

G. Trần Đức Anh OP

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 12

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 12

Xuân Xưa và Nay

 

12.3.1 Bài Tập C-1:

       

Mùa xuân thường được liên hệ đến những điều gì?  Em hãy nghĩ tới những điều thường liên hệ đến mùa xuân nhưng chưa được nêu lên trong họa đồ hình tròn này.

MuaXuanCircleMap

12.3.2 Bài Tập C-2:

 

So sánh và tương phản giữa mùa xuân ngoài thiên nhiên và mùa xuân trong lòng người. Trong hai loại mùa xuân này, có những điểm gì giống cũng như khác nhau.  Sau đây là một họa đồ bong bóng đôi gợi ý cho sự giống và khác nhau đó.  Em hãy phát triển thêm ý tưởng của em nếu cần thiết.  Em có thể vẽ lại họa đồ với những ý tưởng mới phát hiện của em.

 

SoSanhMuaXuan-DoubleBuble

12.3.3 Bài Tập C-3:

 

Cho dù chúng ta được mùa đông giá lạnh, mùa xuân ấp áp, mùa hè nóng bức, hay mùa thu mát mẻ, chúng ta vẫn nên cảm tạ Đấng Tạo Thành, vì sao?  Trong họa đồ cầu nối sau, chúng ta thấy  mối liên hệ của một cuộc vượt qua những khó khăn để hưởng lấy và cảm nhận được sự ngọt ngào của những giọt nước sau cơn khát nhiều ngày. Em hãy vẽ thêm những mối liên hệ tương tự như họa đồ cầu nối được cho. Ví dụ:

  • Cơn khát nhiều ngày – Nước lạnh với đá
  • Cơn đói cồn cào – Tô phở nghi ngút

 

LaChuyenVuotQua-BridgeMap

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

Đức Thánh Cha tiếp kiến các Giám Mục Sudan

VATICAN. Sáng ngày 20-1-2015, ĐTC đã tiếp kiến các GM hai nước Sudan và Nam Sudan, nhân dịp các vị về Roma tĩnh tâm và nhóm họp chung.

Cuộc tiếp kiến diễn ra trước khi ĐTC tiếp kiến chung các tín hữu hành hương tại Đại thính đường Phaolo 6. Ngài lắng nghe các GM trình bày tình hình hai nước, nhất là nhu cầu hòa bình ở miền nam đang bị nội chiến, và tình trạng thiếu ơn gọi ở miền bắc, và đưa ra những đề nghị hướng dẫn. Các GM tái mời ĐTC đến thăm Sudan. Ngài cho biết là sẵn sàng và mong muốn, nhưng nói thêm rằng ”Chúng ta hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa”.

Các GM hai nước Sudan đã tham dự cuộc tĩnh tâm từ 12 đến 18-1 do Bộ truyền giáo thu xếp, và sau đó đã nhóm họp chung, cùng với ĐHY Tổng trưởng Bộ truyền giáo, Fernando Filoni, cũng như các vị trách nhiệm tại Bộ này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Lukudo Loro, TGM giáo phận Juba, Chủ tịch HĐGM Sudan, cho biết các GM đã thảo luận với Bộ Truyền giáo về vấn đề có nên tiếp tục để nguyên HĐGM Sudan bao gồm các GM hai nước, hoặc là tách thành 2 HĐGM. Ngoài ra có vấn đề hiện nay có 4, 5 giáo phận ở Sudan không có GM, và có nhu cầu thiết lập thêm các giáo phận mới. Sau cùng là vấn đề tài trợ hàng giáo sĩ: Giáo Hội địa phương không đủ khả năng cung cấp phương tiện sinh sống và hoạt động cho các LM.

Ở Sudan có ít tín hữu Công Giáo và chỉ có 2 giáo phận là Khartum và El Obeid, với 1 triệu 100 ngàn tín hữu trên tổng số 35 triệu dân, còn tại Nam Sudan có đông tín hữu Công Giáo hơn, gồm 7 giáo phận với 3 triệu tín hữu trên tổng số 8 triệu dân cư. (SD 20-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Ghen ghét và đố kỵ – lời nói có thể giết người

Ghen ghét và đố kỵ – lời nói có thể giết người

Thánh lễ sáng ngày 21.01.2016

VATICAN. Sáng thứ 5, ngày 21.01, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta. Phụng vụ Giáo hội dành ngày hôm nay để kính nhớ thánh Anê, trinh nữ tử đạo. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về sự ghen ghét và đố kỵ. Người ta có thể dùng lời nói mà giết hại lẫn nhau. Nhưng Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những tội lỗi xấu xa này.

“Bài đọc một trích sách Sa-mu-en thuật lại sự đố kỵ của Sa-un, vua Ít-ra-en, với Đa-vít. Sau chiến thắng vẻ vang trước người Phi-li-tinh, các phụ nữ từ khắp mọi thành của Ít-ra-en kéo ra múa nhảy và ca hát rằng: ‘Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, ông Đa-vít hàng vạn.’ Từ ngày đó trở về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tỵ và hoài nghi. Vua nghi ngờ sau này Đa-vít sẽ phản bội, và vì thế, vua nảy sinh ý định giết Đa-vít. Nhưng sau đó, vua Sa-un đã nghe lời khuyên của người con trai mà suy nghĩ lại, không thực hiện ý đồ xấu xa của mình nữa. Ghen ghét là một căn bệnh sẽ dẫn đến sự đố kỵ

Lòng đố kỵ thật xấu xa! Đó là một thái độ xấu. Sự ghen ghét và lòng đố kỵ phát triển trong lòng người ta như cỏ dại. Nó phát triển và không để cho bất kỳ thứ thảo mộc tốt lành nào có thể mọc lên được nữa. Thứ cỏ dại ấy sẽ khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, bệnh hoạn. Nó không để cho con người được bình an nhưng khiến con tim luôn dằn vặt, đau đớn. Một con tim đố kỵ rất có thể dẫn đến mưu sát và chết chóc. Kinh Thánh đã nói rất rõ: Lòng ghen tị tội lỗi đã mang sự chết vào trần gian.

Lòng đố kỵ dẫn đến việc ‘giết’ những người có điều mà mình không có. Nhưng người ấy sẽ luôn đau khổ, vì một con tim ghen ghét và đố kỵ sẽ luôn khổ đau, một sự khổ đau muốn người khác phải chết. Chúng ta không phải đi đâu xa mới có thể thấy những điều này. Rất nhiều lần, trong cộng đoàn của chúng ta, vì ghen ghét, người ta đã giết hại nhau bằng miệng lưỡi và ngôn từ của mình. Khi không thích hay ghen ghét một điều gì đó, người ta bắt đầu xì xầm, bàn tán. Và chính những lời bàn tán đó sẽ giết chết người khác.

Tôi đã suy nghĩ và tự phản tỉnh nhiều về những điều này khi cầu nguyện với đoạn kinh thánh ngày hôm nay. Tôi nhận thấy mình được mời gọi và chắc chắn mọi người cũng được mời gọi phải nhận ra những gì là ghen ghét, đố kỵ trong tâm hồn hình, vì chúng luôn dẫn tới đau khổ và chết chóc, không làm cho người ta vui mừng, hạnh phúc được. Người có lòng ghen ghét, đố kỵ luôn nghĩ rằng những điều tốt lành mà người khác có chống lại họ. Và đó là khởi đầu của bao nhiêu tội lỗi, gian ác khác. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa giúp chúng ta đừng bao giở mở con tim mình ra cho những ghen ghét, đố kỵ đi vào, vì chúng chỉ dẫn tới đau khổ và chết chóc mà thôi.

Tổng trấn Phi-la-tô thật thông minh và nhạy bén vì biết rằng chỉ vì ghen tỵ mà các thượng tế nộp Đức Giêsu. Lòng ghen tỵ – theo cách giải thích của Phi-la-tô, một người thông minh nhưng lại không đủ can đảm – chính là điều dẫn đến cái chết của Đức Giêsu. Các thượng tế trao nộp Ngài vì ghen tỵ. Bởi vậy, chúng ta hãy tha thiết xin Chúa giúp chúng ta đừng vì ghen ghét, đố kỵ mà ra tay ‘trao nộp’ những người anh chị em của chúng ta trong cùng một xứ đạo, một cộng đoàn, một xóm làng, khiến họ phải đau khổ và phải chết. Ai cũng có những tội lỗi và thiếu sót, nhưng ai cũng có những nhân đức riêng của mình. Tội lỗi và nhân đức đều có nơi mỗi người. Chúng ta hãy để ý đến nhân đức và đừng giết chết người khác bằng những lời xì xầm bàn tán chỉ vì ghen tương và đố kỵ.”   

Vũ Đức Anh Phương, SJ

 

Giám mục Mai Thanh Lương về hưu và thánh lễ Tạ Ơn

Giám mục Mai Thanh Lương về hưu và thánh lễ Tạ Ơn

GM Mai Thanh Lương

GARDEN GROVE, Calif. (NV) – Thánh Lễ Tạ Ơn Giám mục Mai Thanh Lương, vị giám mục gốc Việt duy nhất tại Hoa Kỳ, được tổ chức long trọng tại nhà thờ Saint Columban vào chiều Thứ Hai, 18 Tháng Giêng, 2016 với sự tham dự của đông đảo các giám mục, linh mục trong và ngoài vùng Orange County cùng giáo dân thuộc nhiều sắc tộc quanh vùng.

Trong phần nói chuyện của mình, Giám Mục Mai Thanh Lương đã nhắc lại những kỷ niệm buồn vui kể từ khi ông chịu chức linh mục năm 1966 tại Buffalo, New York, rồi khi được gọi điện thoại báo trước về việc được thụ phong chức Giám Mục vào năm 2003. Vị Giám mục cũng nhắc lại những năm tháng làm việc giúp người Việt tị nạn được định cư tại Hoa Kỳ, xem đó như những dấu ấn đậm nét nhất trong quá trình 50 năm làm nhiệm vụ của “người mục tử chăn dắt đàn chiên.”

“Sách Giảng Viên trong Cựu Ước viết rằng, mọi sự đều có thời hạn của nó. Với tôi, thời điểm về hưu cuối cùng đã đến,” Giám Mục Mai Thanh Lương nói.

Trong Thánh Lễ Tạ Ơn này, Giám mục Mai Thanh Lương gửi lời “tri ân Thánh Giáo Hoàng John Paul II đã đặc cử tôi làm Giám Mục, phục vụ giáo Phận Orange.”

Thánh lễ tạ ơn GM Mai Thanh Lương

Giám mục Mai Thanh Lương cũng “cám ơn Đức Cha Tod Brown, Đức Cha Kevin Vann và toàn thể anh em linh mục thuộc giáo phận Orange đã đón tiếp, coi tôi như anh em trong nhà và cho tôi được hân hạnh cùng đồng hành trong công tác mục vụ suốt 12 năm qua, như những thợ gặt trong vườn nho của Chúa.”

Ông cũng dành lời bày tỏ lòng biết ơn về “những sự nâng đỡ, lòng tốt và những lời cầu nguyện mà anh chị em tín hữu đã dành cho tôi, nhất là trong những năm gần đây khi tôi phải trải qua những cuộc phẫu thuật tim.”

Không chỉ giáo dân mà nhiều vị linh mục khác cũng đã vây quanh Giám mục Mai Thanh Lương ngay sau khi Thánh lễ Tạ ơn kết thúc để được nói những lời chúc phúc, những lời thăm hỏi cũng như được chụp hình trong ngày đặc biệt này.

 

Nhớ nhất 28 năm làm việc với người di cư”

 

Trò chuyện với Nhật báo Người Việt khi dòng người mến mộ Ngài vẫn còn đang đứng chờ, vị giám mục gốc Việt duy nhất cho biết, “Tôi cảm thấy mọi việc rất tốt lành, tôi sẽ có nhiều thời giờ hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều việc hơn.”

Về những việc sẽ làm trong thời gian nghỉ hưu, Đức Cha Lương nói, “Tôi đang viết mấy cuốn sách bằng song ngữ về Thánh Kinh nhưng chưa xong. Tôi sẽ cố gắng làm xong điều đó.”

Trả lời cho câu hỏi “Ngay lúc này Đức Cha có thể nói kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm linh mục của mình là gì?”, Đức Cha Lương trả lời ngay, “Làm việc với người di cư, 28 năm.”

“Tôi giúp định cư không biết bao nhiêu ngàn người, từ Lousiana, Mississippi, Florida, Houston,… Rất nhiều người di cư. Mình xuất hiện vào lúc họ cần mình nhất vì lúc bấy giờ đâu có ai nói được tiếng Anh, tôi là người duy nhất. Rồi sau đó tôi đi làm việc với các linh mục, đưa vào những cộng đoàn không có linh mục, không có các cha để có thánh lễ Việt Nam. Những điều đó là kỷ niệm tốt nhất,” ông nói tiếp.

Với vị Giám mục gốc Việt duy nhất tại Hoa Kỳ, điểm nhấn mà ông cho rằng sẽ “nhớ đời đời” chính là việc “thành lập một văn phòng để lo cho vấn đề mục vụ cho di dân cùng với Đức Tổng Giám Mục ở Geneve là Đức Cha Silvano Tomasi. Ngài mới viết cho tôi lá thư để chúc mừng tôi về hưu. Tôi cũng có nhiều dịp được gặp ngài bên Roma nữa.”

Giám Mục Lương khẳng định “chắc chắn có nhiều các linh mục trẻ cũng rất thông minh đạo đức, giỏi giang gốc Việt sẽ được bổ nhiệm vào vai trò giám mục tại Hoa Kỳ."

“Vấn đề rất quan trọng” mà Giám mục Mai Thanh Lương muốn gửi đến mọi người là, “Người Việt hải ngoại chúng ta cần đoàn kết với nhau, cố gắng để chúng ta sống hòa hoãn với nhau, nhất là trên thềm năm mới này, chúng ta cố gắng duy trì được sự hiệp nhất. Đấy là vấn đề rất quan trọng.”

 

Đức Cha là một người thánh thiện, vui tính, giản dị”


Vừa đứng nhìn Giám Mục Mai Thanh Lương mặc trang phục dành cho Thánh lễ, tay cầm gậy, ông Lê Thanh Xuân ở Garden Grove, một giáo dân của nhà thờ La Vang nói, “Tôi biết về Giám mục Mai Thanh Lương từ lâu lắm rồi. Có sự tích là ngày trước những người vượt biên qua ông giúp đỡ nhiều lắm.”

“Hôm nay tôi đến đây để tiễn ông về hưu, tôi rất là vui mừng khi thấy có tất cả các cha, các giám mục đến dự Thánh Lễ Tạ Ơn Ngài,” ông nói một cách ngưỡng mộ.

Là giáo dân thuộc Cộng đoàn Tam Biên, nhà thờ Chánh Tòa, ông Nguyễn Chí Long, nêu cảm nghĩ, “Nghe Đức Cha nghỉ hưu tôi cảm thấy cũng hơi buồn vì người Việt Nam mình có rất ít Đức Cha, thấy Đức Cha đâu đến nỗi bệnh lắm đâu. Tôi đến đây để gặp ngài lần cuối vì mai mốt ngài đi đâu mình đâu biết. Tôi đến với lòng ngưỡng mộ đối với một Đức Cha Việt Nam. Ngài sang đây rất lâu mà tiếng Việt của Ngài còn rất rành, trong khi có nhiều cha sang đây thì tiếng Việt quên mất tiêu.”

Theo ông Long, “Đức Cha là người rất vui tính, kể chuyện tiếu lâm như giáo dân bình thường vậy đó, nên đó cũng là niềm vui của chúng tôi. Đức Cha không tỏ vẻ của bề trên, khi sinh hoạt chung với mình thì rất là hòa đồng. Đó là điều tôi thấy quý mến ngài.”

“Điều đặc biệt ở Đức Giám Mục là ngài rất giản dị, Ngài vẫn tự nấu cơm, đi chợ. Khi chị thấy Đức Giám mục đi chợ mặc đồ thường thì chị không thể nào nhận ra được đó là Đức Giám mục đâu” là điều mà chị Hà Thị Gấm, giáo dân Cộng đoàn Saint Columban, nói về Giám mục Mai Thanh Lương.

“Ngài rất thánh thiện, vui vẻ tiếp đón hết mọi người, không phân biệt người giàu nghèo, không phân biệt người Công giáo hay không Công giáo, ngài vui vẻ với hết mọi người” cũng là những nhận xét của chị Gấm về vị Giám Mục gốc Việt vừa nghỉ hưu này.

Linh Mục Niên Trưởng Mai Khải Hoàn, quản nhiệm giáo xứ St. Nicolas, Laguna Woods, chia sẻ, “Đức Cha Mai Thanh Lương với tôi cùng một địa phận gốc bên Việt Nam, tức địa phận gốc Bùi Chu ở miền Bắc. Sau đó ngài vào miền Trung nhập địa phận Đà Nẵng, thì tôi cũng nhập địa phận Đà Nẵng luôn. Đó là hai điểm đặc biệt. Thứ ba, ngài và tôi cùng họ Mai. Những kỷ niệm mà tôi làm việc cùng với ngài qua những sinh hoạt của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ giúp tôi có nhiều dịp gần gũi với Ngài. Khi ngài về đây thì lại cùng làm việc sát cánh với nhau rất tốt đẹp.”

“Đức Giám mục Mai Thanh Lương về làm giám mục phụ tá của giáo phận Orange cũng mười mấy năm. Thực sự thời gian của ngài lúc này đúng là thời gian ngài cần về hưu vì không được khỏe nữa… Tuổi về hưu là 75 nên ngài về hưu lúc này rất là đúng lúc.” Cha Mai Khải Hoàn nói thêm.

 

***

Giám mục Mai Thanh Lương sinh ngày 20 Tháng 12, năm 1940 tại Ninh Cường, Bùi Chu. Năm 1956, khi được 16 tuổi, ông được Đức Cha Phạm Ngọc Chi, Giám Mục Đà Nẵng gửi sang Mỹ du học và thụ phong Linh mục năm 1966 tại Buffalo cho giáo phận Đà Nẵng. Tuy nhiên do tình hình chiến tranh, ông không thể về phục vụ tại Việt Nam nên tiếp tục làm việc tại Buffalo,New York.

Năm 1976, Linh mục nhập Tổng giáo phận New Orleans, tiểu bang Louisiana.

Năm 2003, Linh mục Mai Thanh Lương được Thánh Giáo Hoàng John Paul II bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá giáo phận Orange, tiểu bang California là giáo phận có đông tín hữu Công Giáo Việt Nam nhất tại Mỹ. Ông cũng là Giám mục gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Ngày 20 Tháng 12, 2015, Tòa Thánh Vatican chính thức chấp thuận đơn xin nghỉ hưu của Giám mục Mai Thanh Lương.

Ngọc Lan – Người Việt

(Nguồn: Báo Người Việt)

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

Đức Thánh Cha kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp

DAVOS. ĐTC Phanxicô kêu gọi giới doanh nhân và chủ xí nghiệp nghĩ đến người nghèo trong cuộc ”cách mạng công nghệ thứ tư”.

Lời kêu gọi được ngài đưa ra trong sứ điệp gửi Diễn Đàn Kinh tế thế giới tiến hành từ hôm 20-1 đến 23-1 tới đây tại Davos bên Thụy Sĩ, với chủ đề ”Nắm vững cuộc cách mạng công nghệ thứ tư”. Tham dự diễn đàn có hơn 2,500 nhân vật chính trị và kinh tế thuộc hàng quan trọng nhất đến từ các nước trên thế giới.

ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình đã trao Sứ điệp của ĐTC cho vị sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn này là Giáo Sứ Klaus Schwab.

ĐTC nhấn mạnh tới một khía cạnh tiêu cực của Cuộc cách mạng công nghệ thứ 4, đó là giảm bớt công ăn việc làm do sự gia tăng sử dụng các Robot tối tân và các nguyên do khác. Những nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy hiện có hàng trăm triệu người thất nghiệp trên thế giới. ”Sự tài chánh hóa và kỹ thuật hóa các nền kinh tế quốc gia và hoàn vũ đã tạo nên những thay đổi sâu rộng trong lãnh vực công việc làm. Giảm bớt những cơ hội tìm được việc làm xứng đáng và nhiều lợi ích, cùng với sự giảm bớt bảo hiểm an sinh xã hội, đang gây lo âu, làm gia tăng sự chênh lệch và nghèo đói ở nhiều quốc gia”.

Trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi đề ra những kiểu mẫu doanh nghiệp mới, trong khi phát triển những kỹ thuật tân tiến, làm sao để có thể sử dụng các kỹ thuật đó để kiến tạo công việc làm xứng đáng cho mọi người, nâng đỡ và củng cố các quyền lợi xã hội và bảo vệ môi sinh. Con người phải hướng dẫn sự phát triển công nghệ mà không để cho nó thống trị mình!”

ĐTC viết thêm rằng: ”Một lần nữa tôi kêu gọi tất cả quí vị: ”Đừng quên người nghèo!”. Đó là thách đố thứ nhất mà quí vị đang có trước mặt trong tư cách là những người lãnh đạo trong thế giới doanh nghiệp. ”Ai có những phương tiện để sống một đời sống xưng đáng, thay vì bận tâm lo kiếm những đặc ân, cần phải tìm cách giúp đỡ những người nghèo nhất để họ có được những điều kiện sống tôn trọng phẩm giá con người, đặc biệt là qua sự phát huy tiềm năng của họ về mặt nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội” (Diễn văn trước các vị lãnh đạo và ngoại giao đoàn, Bangui, 29-11-2015)

ĐTC cũng cảnh giác rằng: ”Chúng ta đừng bao giờ để cho nền văn hóa sung túc làm cho chúng ta không còn nhạy cảm, và không còn khả năng cảm thương trước tiếng kêu đau khổ của tha nhân, đến độ chúng ta không còn khóc nữa trước thảm cảnh của người khác, cũng như không quan tâm săn sóc họ, như thể tất cả những điều ấy không phải là trách nhiệm của chúng ta, không liên hệ tới chúng ta” (Evangelii gaudium, 54).

Và ĐTC kết luận rằng: ”Qua các phương thế đối thoại ưu tiên, Diễn Đàn kinh tế thế giới có thể trở thành một Diễn đàn bảo vệ và gìn giữ thiên nhiên, và để đạt tới một sự tiến bộ lành mạnh hơn, nhân bản hơn, xã hội hơn và có tính chất toàn diện hơn” (Laudato sí, 112), với sự để ý cần phải có đối với những mục tiêu môi sinh và gia tăng nỗ lực tối đa để đạt tới mục tiêu xóa bỏ nghèo đói như đã được ấn định trong chương trình hành động từ nay tới năm 2030 về sự phát triển dài hạn và Hiệp định Paris về sự thay đổi khí hậu” (SD 20-1-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tái khởi hành từ Bí Tích Rửa Tội, suối nguồn lòng thương xót để tìm lại sự hiệp nhất

Tái khởi hành từ Bí Tích Rửa Tội, suối nguồn lòng thương xót để tìm lại sự hiệp nhất

ĐTC chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng 20-1-2016

Tất cả, công giáo, chính thống, tin lành, chúng ta làm thành một chức tư tế vương giả và một quốc gia thánh thiện. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Do đó phải tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội là suối nguồn của lòng thương xót và sự hiệp nhất.

ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên với 8,000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần trong đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.

Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: chúng ta đã nghe văn bản kinh thánh hướng dẫn suy tư trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô, từ ngày 18 đến 25 tháng giêng. Đoạn thư thứ nhất của thánh Phaolô đã được chọn bởi một nhóm đại kết Lettonia, được Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội  và Hội Đồng Toà Thánh hiệp nhất các kitô hữu giao trách nhiệm.

Chính giữa nhà thờ chính toà Luther tại Riga có một giếng rửa tội thuộc thế kỷ XII vào thời Lettonia được thánh Mainardo rao giảng Tin Mừng. Giếng rửa tội đó là dấu chỉ hùng hồn của một nguồn gốc đức tin được tất cả mọi kitô hữu công giáo, luther và chính thống nước Lettonia thừa nhận. Nguồn gốc đó là bí tích Rửa Tội chung của chúng ta. Công Đồng Chung Vaticăng II khẳng định rằng: “Bí tích Rửa Tội là ràng buộc bí tích của sự hiệp nhất có giữa tất cả những người nhờ nó đã được tái sinh” (Unitatis redintegratio, 22). Thư thứ I của thánh Phêrô hướng tới thế hệ kitô đầu tiên để khiến cho họ ý thức về ơn đã nhận lãnh với Bí tích Rửa Tội và các đòi buộc mà nó bao hàm. Cả chúng ta nữa, trong Tuần cầu nguyện cho hiệp nhất này, chúng ta được mời gọi tái khám phá ra tất cả những điều này và cùng nhau sống nó, bằng cách vượt quá các chia rẽ giữa chúng ta. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khẳng định như sau:

Trước hết, chia sẻ bí tích Rửa Tội có nghĩa là tất cả chúng ta là những người tội lỗi, cần được cứu rỗi và giải thoát khỏi sự dữ. Đây là khiá cạnh tiêu cực, mà thư của thánh Phêrô gọi là “tối tăm” khi nói “Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta ra khỏi mền tăm tối để dẫn đưa anh em vào ánh sáng tuyệt vời của Ngài”. Đây là kinh nghiệm của cái chết, mà chính Chúa Kitô đã sống, và nó được biểu tượng trong bí tích Rửa Tội bởi việc được dìm mình trong nước và trồi lên, biểu tượng của sự sống lại vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Khi kitô hữu chúng ta nói rằng mình chia sẻ một bí tích Rửa Tội, chúng ta khẳng định rằng tất cả chúng ta – công giáo, tin lành và chính thống – chúng ta chia sẻ kinh nghiệm được mời gọi từ bóng tối đáng thương và bị tha hóa tới cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, tràn đầy lòng thương xót. Thật vậy, tất cả chúng ta đều sống kinh nghiệm của tính ích kỷ, sinh ra chia rẽ, khép kín, khinh bỉ. Tái khởi hành từ Bí tích Rửa Tội  có nghĩa là tìm lại suối nguồn của lòng thương xót, suối nguồn của niềm hy vọng đối với tất cả mọi người, bởi vì không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên  Chúa cả.  Không có ai bị loại trừ khỏi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Việc chia sẻ ơn thánh này tạo ra một mối dây không thể tan biến giữa các kitô hữu chúng ta, và như thế, nhờ Bí tích Rửa Tội chúng ta có thể coi nhau tất cả như anh em thật sự. Chúng ta thực sự là dân thánh của Thiên Chúa, cả khi nếu vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta chưa là một dân hoàn toàn hiệp nhất. Lòng thương xót của Thiên  Chúa hoạt động trong Bí tích Rửa Tội mạnh mẽ hơn các chia rẽ của chúng ta. Nó mạnh mẽ hơn. Trong mức độ trong đó chúng ta tiệp nhận ơn thánh của lòng thương xót, chúng ta luôn ngày càng trở thành dân của Thiên Chúa một cách tràn đầy hơn và chúng ta cũng có khả năng loan báo cho tất cả mọi người các việc diệu kỳ của Ngài, chính từ một chứng tá hiệp nhất đơn sơ và huynh đệ. Kitô hữu chúng ta có thể loan báo cho tất cả mọi người sức mạnh của Tin Mừng bằng cách dấn thân chia sẻ các công tác của lòng thương xót trên thân xác và trong tinh thần. Đây là một chứng tá cụ thể của sự hiệp nhất giữa các kitô hữu chúng ta: tin lành, chính thống, công giáo.

Kết luận, anh chị em thân mến, nhờ ơn thánh của Bí tích Rửa Tội, kitô hữu chúng ta đã có được lòng thương xót của Thiên Chúa và chúng ta đã được tiếp nhận vào dân của Ngài. Tất cả chúng ta, công giáo, chính thống và tin lành, chúng ta làm thành một chức tư tế thánh thiện và một quốc gia thánh thiện. Điều này có nghĩa là chúng ta có một sứ mệnh chung, đó là thông truyền lòng thương xót đã nhận lãnh cho những người khác, bắt đầu từ những người nghèo nàn và bị bỏ rơi nhất. Trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất các tín hữu kitô này, chúng ta hãy cầu nguyện để cho tất cả chúng ta là các môn đệ của Chúa Kitô tìm ra kiểu cộng tác với nhau hầu đem lòng thương xót của Thiên Chúa Cha tới mọi phần của trái đất này.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói các thư tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và mời gọi cầu nguyện và dấn thân tìm mọi phương thế cộng tác với nhau để đem lòng thương xót của Thiên Chúa tới cho mọi người. Ngài đã đặc biệt chào nhóm tín hữu đến từ Học viện đại kết Bossey. ĐTC xin Chúa cho mọi người sống các dấn thân của Bí Tích Rửa Tội và gắn bó hơn với gương mặt thương xót của Chúa Giêsu, là niềm hy vọng và an bình của mọi kitô hữu.

Chào các tín hữu đến từ các nước Trung Đông ngài nhắc cho mọi người biết Bí Tích Rửa Tội đã biến tất cả thành anh chị em với nhau và là đền thờ của Chúa Thánh Thần, có cùng ơn gọi là loan báo Tin Mừng tới tận cùng bờ cõi trái đất. Vì thế hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần dẫn đưa tới sự hiệp nhất và đem lòng thương xót Chúa tới khắp nơi.

Chào các nhóm đến từ nhiều nơi trong nước Italia, ngài cầu chúc việc cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót và bước qua Cửa Thánh hoán cải con tim mọi người và rộng mở nó cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Sau cùng ngỏ lời với giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nói Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các kitô hữu nhắc cho chúng ta tất cả nhớ rằng mình là những người tin nơi Chúa Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, và là thành phần dân Thiên Chúa. Ngài xin các bạn trẻ cầu nguyện để mọi kitô hữu ngày càng trở thành một đại gia đình duy nhất. ĐTC khuyến khích các anh chị em đau yếu dâng các khổ đau của họ để cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội Chúa Kitô.  Ngài nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới vun trồng tình yêu thương xót và nhưng không như tình yêu Thiên Chúa dưõng nuôi và dành để cho mọi người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha cổ võ cộng tác giữa Công Giáo và Kitô hữu khác

Đức Thánh Cha cổ võ cộng tác giữa Công Giáo và Kitô hữu khác

Đức Thánh Cha cổ võ cộng tác giữa Công Giáo và Kitô hữu khác

VATICAN. ĐTC Phanxicô cổ võ các tín hữu Kitô Phần Lan ”tiếp tục con đường tìm về đại kết và vượt thắng những quan niệm cũ và do dự.”

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 18-1-2016 dành cho phái đoàn đại kết của Giáo Hội Phần lan, gồm Tin Lành Luther, Công Giáo và Chính Thống về Roma hành hương thường niên nhân dịp lễ kính thánh Henrico bổn mạng nước này. Đại diện phái đoàn chào mừng ĐTC là Bà GM Irja Askola của Giáo phận Helsinki, thuộc Tin Lành Luther.

ĐTC nhận xét rằng ”trong cuộc đối thoại của chúng ta, vẫn còn một số dị biệt về đạo lý và thực hành, nhưng tình trạng này không được làm cho chúng ta nản chí, trái lại phải thúc đây chúng ta cùng nhau tiếp tục con đường tiến đến sự hiệp nhất sâu rộng hơn, và vượt thắng những quan niệm cũ cũng như những do dự. Trong một thế giới bị xâu xé vì những cuộc xung đột và chịu ảnh hưởng của trào lưu tục hóa và dửng dưng, tất cả chúng ta đều được kêu gọi dấn thân tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, và ngày càng trở thành những chứng nhân đáng tin cậy về sự hiệp nhất và xây dựng hòa bình, hòa giải”.

ĐTC cũng cám ơn các Giáo Hội Kitô Phần Lan dấn thân chúng trong việc săn sóc thiên nhiên. Ngài cũng nhận xét rằng cuộc hành hương đại kết của phái đoàn là một dấu chỉ hùng hồn nói lên sự kiện, trong tư cách là Tín hữu Luther, Chính Thống và Công Giáo, anh chị em đã khám phá những điểm chung của mình và mong ước làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, là nền tảng sự hiệp nhất”.

 Phần Lan có gần 5 triệu rưỡi dân cư, trong đó gần 74% theo Tin Lành Luther, 1,1% theo Chính Thống giáo và có hơn 12 ngàn tín hữu Công Giáo (SD 18-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio