Phỏng vấn bà Anne-Marie Pelletier về các bài suy niệm buôỉ đi Đàng Thánh Giá

Phỏng vấn bà Anne-Marie Pelletier về các bài suy niệm buôỉ đi Đàng Thánh Giá

Phỏng vấn bà Anne-Marie Pelletier, tác giả các bài suy niệm buổi đi đàng Thánh Giá tối thứ sáu Tuần Thánh

Các bài suy niệm trong buổi đi đàng Thánh Giá ngày thứ sáu Tuần Thánh tại đấu truờng Colosseo năm nay do bà Anne-Marie Pelletier, chuyên viên Thánh Kinh người Pháp soạn thảo. Bà đã muốn dành nhiều chỗ cho nữ giới trong các suy niệm của mình, bằng cách trích các tác phẩm của thánh nữ Catarina thành Siena, Etty Hillesum, và trong số các chứng nhân của thời đại chúng ta bà nhắc tới các đan sĩ Tibhirine. Trong nỗi khổ đau của Chúa Giêsu ngày nay người ta nhận ra các khổ đau của mọi nạn nhân nam nữ của bạo lực, của các trẻ em bị hãm hiếp, hạ nhục, tra tấn và ám sát.

Sau đây chúng tôi xin gủi tới quý vị bài phỏng vấn bà dành cho phóng viên Tiziana Campisi của chương trình ý ngữ đài Vaticăng.

Hỏi: Thưa bà Anne-Marie bà đã có cảm tường gì khi được mời viết các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá của ĐTC Phanxicô tại hí trường Colosseo tối thứ sáu Tuần Thánh?

Đáp: Tôi đã rất ngạc nhiên và bị lạc hướng, và tự hỏi tại sao mình lại phải viết các lời được đọc trong một lúc quan trọng như thế trong phụng vụ của Giáo Hội. Ban đầu tôi hơi hoảng hốt bởi tư tưởng phải dùng các lời của mình để diễn tả mầu nhiệm Thập Giá, điều mà Chúa Kitô định nghĩa là giờ của Ngài – nghĩa là thực tại có thể cảm nhận nhất, định đoạt nhất – và dùng các lời ấy nhân danh Giáo Hội công giáo, làm sao để từng người có thể nhận ra họ trong đó. Rồi tâm tình đầu tiên này biến thành một niềm vui lớn với tư tưởng là năm nay một phụ nữ lên tiếng trong các suy niệm của Đường Thánh Giá tại Colosseo. Tôi đã lập tức trực giác rằng đây là một dịp lớn cho các phụ nữ, nhưng cũng là cho Giáo Hội. Nói cho cùng, một biến cố, khá tự nhiên, nếu ta nghĩ rằng trong các đoạn Tin Mừng về cuộc Khổ Nạn có các phụ nữ, và còn hơn thế nữa nhất là các phụ nữ ở lại dưới chân Thập Giá, và trong lúc Phục Sinh, ngay từ ban đầu, lại cũng có các phụ nữ. Như vậy, tất cả các biến cố này đều gắn liền một cách mật thiết với sự hiện diện của nữ giới, và đối với tôi xem ra là điều tự nhiên tiếng nói của một phụ nữ  có thể diễn giải suy niệm của Giáo Hội trong buổi đi Đàng Thánh Giá này.

Hỏi: Đâu là các đề tài bà muốn khai triển trong buổi đi Đàng Thánh Giá này?

Đáp: Tôi đã không nghĩ tới điều tôi muốn nói hay điều tôi đã muốn thông truyền. Tư tưởng của tôi đã là ở trên con đường này, tìm bước theo Chúa Giêsu lên đồi Golgotha. Đây là một chiều kích  tư tưởng của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta, vì thế tôi đã tìm có môt thái độ lắng nghe và thinh lặng để đi tới một mâu thuẫn ngoại thường cho chính tôi và cho người khác, mâu thuẫn được hiện thực trong giờ của cuộc Khổ Nạn, điều mà Thánh Kinh định nghĩa là giờ chưa từng được nghe của Thiên Chúa, và nó đụng chạm một cách mạnh mẽ và sâu xa toàn hoạt động của thế giới hiện đại của chúng ta.

Hỏi: Mười bốn chặng đường Thánh Giá của bà là các chặng truyền thống. Tại sao bà lại có lựa chọn này?

Đáp: Tôi đã đi từ sự kiện Đường Thánh Giá có các quy chiếu khác nhau và không có một lược đồ bắt buộc nào, và tôi đã chọn các lúc đối với tôi xem ra chúng đặc biệt có ý nghĩa. Vì thế tôi đã quyết định đưa vào cả biến cố Phêrô chối Chúa, và cảnh quan Philatô sau khi hội ý với quyền bính Do thái cũng tuyên bố Đức Kitô phải bị đóng đanh.  Đối với tôi thật rất là quan trọng  muốn nhớ lại trong trạng huống này rằng người Do thái và người ngoại giáo đồng loã với nhau trong việc kết án tử Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng trong dòng lịch sử các kitô hữu đã bị cám dỗ gán trách nhiệm liên quan tới cái chết của Chúa Kitô cho dân Do thái. Tuy nhiên, các văn bản như đã được viết ra, giúp chúng ta hiểu rằng thật ra chúng ta đang đứng trước một thảm kịch tinh thần khổng lồ, trong đó người Do thái và người ngoại giáo  hiệp nhất trong cùng một việc khước từ Chúa Kitô, trong cùng bạo lực đưa tới việc kết án tử Ngài. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ rằng trong chặng trong đó Chúa Giêsu bị lăng nhục, chế nhạo và khiêu khích bởi các tư tế và lính tráng, thách đố “hãy tự cứu lấy mình” ở trong con tim của tất cả mọi người, bao gồm cả các kitô hữu nữa. Chúa Kitô Đấng đã cứu thoát tất cả mọi người nam nữ trong sự tuyệt vọng và trong bệnh tật của họ,  trong lúc này không biểu lộ quyền năng của Ngài và tất cả các hình ảnh liên quan tới sự toàn quyền của Thiên Chúa sụp đổ trong lúc của cuộc Khổ Nạn. Tất cả mọi dấu chỉ bị đảo lộn. Điều chúng ta gọi là quyền lực được vén mở hiện diện trong sự yếu đuối tột cùng, trong sự bất lực của Chúa Kitô bị đóng đanh vào Thập Giá. Vì vậy đối với tôi xem ra quan trọng dừng lại trên lúc này của cuộc Khổ Nạn và mời gọi suy gẫm nó.

Hỏi: Các suy gẫm của bà lấy hứng từ đâu?

Đáp: Một cách nền tảng tôi sẽ nói chúng lấy hứng từ kinh nghiệm tín hữu của tôi, từ kinh nghiệm của cuộc chiến đấu của đức tin. Bởi vì khi chúng ta đứng trước – như trong trường hợp của cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu – đứng trước tư tưởng tuyệt đối này của Thiên  Chúa, mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy lạc lõng và khó bước vào cái luận lý của Thánh Kinh của cái “đã phải như thế”. Đây đã là sự quen thuộc của tôi với  cái luận lý đó, được miêu tả trong bài thánh thi  mà chúng ta tìm thấy trong thư gửi tín hữu Philiphê – một trong các văn bản tôi ưa thích – “Đức Giê-su Ki-tô

vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Văn bản đã giúp tôi bước vào lắng nghe các biến cố của Đường Thánh Giá.

Hỏi: Thưa bà, đâu là chặng trong đó bà cảm thấy mình sống nó nhất?

Đáp: Thật khó trả lời. Mỗi chặng đều nói lên một điều gì đó mạnh mẽ và định đoạt. Có lẽ chặng ông Simong vác đỡ thánh giá Chúa, bởi vì tôi đã bị đánh động bởi các chi tiết tôi đã không bao giờ ghi nhận trước đó. Chúa Giêsu ngã xuống đất, giao thoa với môt người qua đường, và ông ta bị lính bắt buộc vác Thập Giá. Ông Simong người thành Cirene là một người Libi, và tôi nhận ra rằng ông ta không thuộc những người đợi chờ sự an ủi của Israel, như Phúc Âm nói. Ông được giới thiệu với chúng ta như một người bất ngờ giao thoa con đường của Chúa Kitô, và như thế xa lạ với các biến cố đang xảy ra. Ông đứng trước một người bị kết án, thân thể bầm dập vì bị tra tấn, mặt biến dạng không còn hình tượng người ta nữa, như sách ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ. Nhưng Simong Cirene không quay nhìn về phiá bên kia, ông đơn sơ chấp nhận giúp Chúa Giêsu.  Đối với tôi, ở đây chúng ta đứng trước một cử chỉ rất đánh động, tôi sẽ nói là thuộc các cử chỉ mà Vasilij Grossman lấy lại tư tưởng của triết gia Emmanuel Lévinas gọi là “lòng tốt nhỏ bé”, nghĩa là sự chuyển động cuả lòng cảm thương trước nỗi khổ đau của người khác. Ông Simong thành Cirene đã biết có phản ứng đơn sơ này cứu giúp Chúa Giêsu trong lúc đó, mà không biết là mình gặp gỡ con đường của Con  Thiên Chúa. Tất cả những điều đó theo tôi minh nhiên tốt Phúc Âm thánh Mátthêu nói rằng khi lịch sử kết thúc nhân loại sẽ bị phán xử bởi khả năng có các cử chỉ trợ giúp và cảm thương đối với người ngoại kiều, đối với ai trần trụi hay tù nhân. Nói cách khác, mỗi người đã thực thi lòng cảm thương  như thế, cả khi không ý thức là đã săn sóc thân mình của Chúa Kitô, và vì thế bước vào trong sự cứu rỗi mà Thiên Chúa trao ban.

Hỏi: Có một sứ điệp mà bà muốn trao ban qua các văn bản suy niệm của bà hay không?

Đáp: Một cách nền tảng tôi đã tìm gây ý thức trên sự kiện các biến cố thê thảm của cuộc Khổ Nạn có cái gì nhân bản: Chúa Kitô bị kết án tử, bị đặt dưới bạo lực của loài người. Các biến cố như thế  dậy chúng ta rằng  chúng ta phải thành công đạt điều mà ĐTC Phanxicô gọi là “niềm vui của Tin Mừng”. Chúng ta đang đứng trước  thực tại của một sự thất bại, của khổ đau chiến thắng, của vương quốc sự chết. Nhưng như là kitô hữu chúng ta được dẫn đưa tới chỗ khám phá ra rằng trong tất cả những điều đó có chiến thắng của Thiên Chúa trên tội lỗi, trên bạo lực, trên cái chết. Đó là lý do tại sao Đàng Thánh Giá cũng phong  phú lời cầu nguyện tạ ơn. Tôi nghĩ rằng trong thế giới chúng ta đang sống ngày nay – một thế giới bị sự dữ và cái chết tống tiền – thật là quan trọng ý thức rằng là kitô hữu là trái nghịch với sự tống tiền ấy của bạo lực, cái chết và ý thức rằng  tình yêu mạnh hơn. Tình yêu thương đến từ Thiên  Chúa chiến thắng mọi sự. Tôi nghĩ rằng kitô hữu ngày nay có bổn phận làm chứng cho điều này.

Hỏi: Trong các suy niệm bà cũng trích thánh nữ Catarina thành Siena và Etty Hillesum nữa, có đúng thế không?

Đáp: Vâng, đúng thế. Ngoài hai phụ nữ này cũng có tiếng nói của các người khác trong các suy niệm của tôi. Đối với tôi thật là quan trọng làm vang vọng lên tiếng nói của cả hai người, cũng như tiếng nói của Dietrich Bonhoeffer, của các đan sĩ Tibhirine hay của thần học gia chính thống Christos Yannaras. Thật ra, tôi nghĩ rằng toàn nhân loại được mời gọi trên đồi Golgotha và đương nhiên là toàn thể Giáo Hội nữa, trong sự khác biệt của nó. Như thế, chúng ta tất cả  cùng nhau bước đi trên con đường này, hướng tới sự hiểu biết những gì xảy ra dọc con Đường Thập Giá.

Hỏi: Các đan sĩ Tibhirine được nhắc tới trong một lúc đặc biệt có phải thế không?

Đáp: Phải, bởi vì thảm cảnh của bạo lực kìm kẹp nhân loại, là thảm cảnh của các người vô tội chịu đựng bạo lực ấy và thảm cảnh của Chúa Kitô cùng với họ. Nhưng các đan sĩ Tibhirine dậy chúng ta rằng bạo lực của kẻ khác – khiến cho chúng ta sợ hãi và có thể nghiền nát chúng ta – thực ra là một bạo lực ở trong trái tim mỗi một người, và vì thế lời cầu nguyện đích thực là được giải thoát khỏi bạo lực của các người khác, nhưng cả bạo lực của chính chúng ta nữa. Cả điều này nữa đối với tôi xem ra  quan trọng phải nhấn mạnh, qua lịch sử của các đan sĩ Tibhirine.

Hỏi: Trong chặng cuối cùng bà đã nêu bật sự hiện diện của các phụ nữ, có đúng vậy không?

Đáp: Vâng. Tôi đã muốn rằng chặng thứ 14 được dành cho thứ bẩy Tuần Thánh. Tin Mừng chỉ cống hiến cho ngày đó ít lời và các lời này liên quan tới các phụ nữ. Đó là các phụ nữ đã từ mộ trở về sau khi liệm xác Chúa Giêsu, họ đi chuẩn bị vải để có thể cuốn xác Chúa sau ngày Shabát. Cả khi phụng vụ của chúng ta không dành một vang vọng lớn cho nó, nhưng tôi nghĩ rằng Thứ Bẩy Tuần Thánh là một lúc nền tảng. Nó là lúc cầm trí, thinh lặng; nó chuẩn bị cho chúng ta nhận biết sự phục sinh. Và nó cũng là một lúc nữ tính, cho thấy các phụ nữ bị thử thách bởi cái chết của Chúa Giêsu, đồng thời họ tiếp tục có một thái độ của sự sống: họ chuẩn bị vải để đi thờ kính xác Chúa Kitô và họ có một thái độ rất khác với thái độ của các môn đệ làng Emmaus. Các môn đệ này thất vọng và lạc hướng, trái lại các phụ nữ không cho thấy như vậy, họ chuẩn bị vải một cách đơn sơ, và như thế sẵn sàng tiếp nhận sự ngạc nhiên lớn lời loan báo của sự Phục Sinh.

(SD 8-4-2017)

Linh Tiến Khải

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

Giữ chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Ai Cập

VATICAN. Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke, cho biết chương trình viếng thăm của ĐTC tại Ai Cập trong hai ngày 28 và 29-4 tới đây được giữ nguyên, mặc dù có những vụ khủng bố hôm chúa nhật 9-4-2017 tại hai nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte.

Cha Rafic Grieche, Phát ngôn viên của HĐGM Ai Cập, cũng nói với hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ rằng: ”Người Ai Cập đang mong chờ cuộc viếng thăm của ĐGH Phanxicô, mặc dù bầu không khí nặng nề hiện nay. Sứ mạng của ĐGH là ở cạnh các anh chị em trong thời điểm khó khăn. Nay là lúc thực sự ngài có thể mang lại an bình và hy vọng cho nhân dân Ai Cập nói chung và cách riêng cho các tín hữu ở Trung Đông”.

Cha Grieche nhìn nhận rằng dân chúng cảm thấy không thoải mái khi vào các thánh đường với các máy phát hiện kim loại và các biện pháp an ninh khác. Điều này không giống như khi vào một thánh đường bình thường, nhưng chúng tôi cần những biện pháp ấy để bảo vệ an ninh cho dân chúng”.

Cha Greiche kể lại rằng sau vụ tấn công sáng chúa nhật vừa qua (9-4), cha đã cử hành thánh lễ với 2 ngàn người. Dân chúng đã biết có vụ khủng bố ở thành phố Tanta, nhưng họ không muốn có thái độ sợ hãi. Ban chiều cùng ngày họ cũng đến cầu nguyện nhân dịp Tuần Thánh.

Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Chủ Chính Thống Copte Ai Cập có mặt ở Nhà thờ chính tòa thánh Marco ở thành phố Alessandria sáng ngày 9-4 để chủ sự lễ lá, khi xảy ra vụ nổ ở bên ngoài thánh đường.

Máy thu hình an ninh cho thấy một nhân viên an ninh chỉ dẫn cho một người bước qua máy phát hiện kim loại. Người này bước một bước vào cổng máy và bước lui một bước, tiếp theo đó là một tiếng nổ lớn cắt đứt cuốn phim do máy thu hình quay được.

Trước đó, một quả bom nổ bên trong thánh đường thánh Giorgio ở thành phố Tanta, cách Alessandria 112 cây số, trong lúc lễ lá đang được cử hành. Tổng cộng có ít nhất 44 người bị giết và hơn 100 ngườ bị thương trong hai vụ khủng bố. Đây là vụ khủng bố nặng nhất từ trước đến nay chống lại các tín hữu Kitô ở Ai Cập kể từ những thập niên qua.

Đức Thượng Phụ Tawadros nói với đài truyền hình Rai của Italia hôm 9-4-2017 rằng những vụ tấn công này không làm thương tổn sự đoàn kết và gắn bó của nhân dân Ai Cập. Những vụ tấn công này chống những người hòa bình tại những nơi cầu nguyện, chứng tỏ những kẻ khủng bố là những người vô tôn giáo.

Đại Iman Ahmad el-Tayyeb của Đại Học al-Azhar cũng lên án các vụ khủng bố và gọi đó là hành động sát hại những người vô tội (CNS 10-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

Đức Thánh Cha triệu tập Công nghị Hồng Y về việc phong thánh

VATICAN. Sáng thứ năm, 20-4-2017, ĐTC sẽ nhóm công nghị hồng y để quyết định và thông báo về ngày cử hành lễ phong hiển thánh cho một số vị chân phước.

Đứng đầu danh sách là Cha Andrea de Soveral, Cha Ambrogio Francesco Ferro, LM giáo phận, và giáo dân Matteo Moreira cùng với 27 vị tử đạo tại Brazil. 30 chân phước này tử đạo ngày 16-7-1645 và 3-10-1645, vì bị những người Tin Lành Calvin Hòa Lan giết trong cuộc xung đột với các tín hữu Công Giáo Bồ đào nha.

Tiếp đến là 3 chân phước thiếu niên tử đạo người Mêhicô là Cristoforo, Antonio và Giovanni, bị giết vì đức tin ở Mêhicô năm 1529. 3 vị này quen được gọi là ”Các trẻ tử đạo ở Tlaxcala”, là những thổ dân đầu tiên trở lại Công Giáo ở Mêhicô, bị giết vì đã nhân danh đức tin Kitô từ chối sự tôn thờ thần tượng và tục đa thê.

Án thứ ba là Cha Faustino Miguez (1831-1925), người Tây Ban Nha, thuộc dòng Scolopi, cũng gọi là dòng Giáo Sĩ học đường, sáng lập Hội dòng thánh Calasanzio của các Nữ tử Chúa là Mục Tử.

Án thứ tư là chân phước LM Angelo da Acri, tục danh là Luca Antonio Falcone, thuộc dòng Capucino, qua đời năm 1739, thọ 70 tuổi .

Sau cùng là hai chân phước thiếu niên Phanxicô và Giacinta đã được Đức Mẹ hiện ra ở Fatima cách đây 100 năm.

 Với công nghị trên đây, Giáo Hội sắp có thêm 37 vị Hiển Thánh. (SD 11-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Các trẻ em Syria bị chết vì khí độc

Các trẻ em Syria bị chết vì khí độc

Toàn thế giới đang nín thở theo dõi những biến chuyển đổi thay từng giờ trong lúc này, liên quan đến tình hình chiến trận tại Syria, sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ra lệnh pháo kích căn cứ quân sự Al Chaayrate trong tỉnh Homs bên Syria trong đêm 06 rạng ngày 07-04 vừa qua, để trả đũa vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 04-04 trước đó.

59 đầu đạn Tomahawk đã được bắn đi từ hai mẫu hạm hàng không của Hoa Kỳ đang có mặt ở mạn đông Địa Trung Hải, nhắm vào căn cứ nói trên, là nơi đã xuất phát cuộc tấn công của quân đội Siria vào thị trấn Khan Cheikhoun.

Trong trận oanh tạc này, người ta cho rằng quân đội Syria đã dùng vũ khí hóa học tấn công thị trấn Khan Cheikhoun thuộc tỉnh Idlib bên Siria khiến ít nhất 86 thường dân trong đó có ít nhất 27 trẻ em bị chết. Hơn 500 người khác bị thương, trong đó một số lớn bị thương nặng. Vẫn còn một số người bị mất tích. Hầu hết các thi hài đều mang dấu hiệu chết vì khí độc làm tê liệt hệ thống thần kinh.

Trước cảnh tượng những trẻ em chết vì khí độc, một bác sĩ cứu trợ tại Idlib đã chua xót nói “Tình nhân loại đã chết hôm nay tại đây”. Những hình ảnh trẻ em chết trong trận oanh kích đã gây xúc động mạnh trên các mạng xã hội khắp thế giới. Các tổ chức cứu trợ nhân đạo như Save The Childrens hay Bác sĩ không biên giới bày tỏ kinh hoàng và kêu gọi thế giới mở cuộc điều tra nghiêm chỉnh về vụ tấn công này, đồng thời yêu cầu Hội Đồng bảo an LHQ mạnh mẽ lên án những cuộc tấn công nhắm vào thường dân vô tội như thế.

Các nước Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp đồng thanh đề nghị hội đồng bảo an LHQ ra nghị quyết lên án chính quyền Syria đã phạm tội ác chống lại nhân loại. Tuy nhiên nước Nga đồng minh của chính quyền Syria thì lại cho rằng, cuộc oanh tạc của chính quyền Syria đã nhắm đúng một kho vũ khí hóa học của phiến quân chứ quân đội Syria không dùng bom hóa học. Tất cả mọi hình ảnh tin tức về bom hóa học giết chết trẻ em ở Idlib chỉ là tin giả tạo và Nga sẵn sàng dùng quyền phủ quyết để ngăn mọi nghị quyết lên án Siria của hội đồng bảo an LHQ.

Nhưng dù ai nói gì đi nữa, nạn nhân của 6 năm chiến cuộc tại Siria vẫn là các trẻ em: 17,500 em thiệt mạng trong bom đạn; 300 ngàn em khác sống còn trong các thành phố bị vây hãm; 2.5 triệu thiếu thốn mọi nhu cầu cơ bản nhất như thuốc men hay thực phẩm. Và bao nhiêu trẻ em khác nữa cũng phải đương đầu với hiểm nguy trên đường tỵ nạn, như bé Aylan nằm chết trên bờ biển Budrum bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Hôm thứ tư 05-04, ông tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, bày tỏ sự tiếc nuối vì các tội phạm chiến tranh tiếp tục xảy ra tại Syria, và lên án cuộc tấn công bằng bom hóa học ở Khan Cheikhoun, là một hành vi đáng kinh tởm. Thật đáng buồn vì các quyền con người quốc tế vẫn bị vi phạm thường xuyên như thế.

Cùng ngày thứ tư, vào cuối buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã lên tiếng bày tỏ liên đới với các nạn nhân vụ dội bom hóa học này. Ngài nói: Tôi quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm 04-04 vừa qua tại tỉnh Idlib, nơi mà hành chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiện chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này sớm được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực vì chiến tranh từ quá lâu nay. Tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những người đang cố gắng chuyển sự trợ giúp cho dân chúng tại vùng này, mặc dù có tình trạng bất an và khó khăn.

(ANSA/AFP 04/06.04.2017)

Mai Anh

Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Sống sót sau trận động đất đã thay đổi cuộc đời của Pompeo Barbieri

Roma – Chiều thứ 7, 08/04 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi canh thức cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma, chuẩn bị cho ngày Giới trẻ Quốc tế lần thứ 32, được cử hành ở cấp giáo phận vào Chúa nhật Lễ Lá 09/04/2017.

Đức Thánh Cha nhắc các bạn trẻ là thế giới cần các bạn lên đường vội vã, những người có ơn gọi cảm thấy rằng cuộc sống trao cho họ một sứ vụ”: “Thế giới có thể thay đổi chỉ khi người trẻ lên đường!” Ngài cũng nói rằng Giáo hội cần thêm mùa xuân và mùa xuân là mùa của người trẻ.

Trong buổi canh thức này, các bạn trẻ cũng được nghe chứng từ của Pompeo Barbieri, đến từ miền Puglia. Pompeo đã thuật lại thay đổi trong cuộc đời của mình kể từ trận động đất ngày 31/10/2002.

“Ngày 31/10/2002, giống như mọi buổi sáng, tôi thức dậy và đi đến trường. Luc đó tôi được 8 tuổi. Ngày hôm đó, cô giáo Carmela đang giảng cho chúng tôi về góc độ, dạy chúng tôi vẽ một cái ly trên một tờ giấy. Rồi cuối cùng chúng tôi sẽ nghỉ giải lao.

Nhưng ngược lại, vào lúc 11 giờ 33 phút, một cơn động đất mạnh làm rung chuyển tất cả. Họ nói nó kéo dài 60 giây, nhưng đối với tôi nó giống như vô tận. Lớp chúng tôi bị đổ vùi. Trong phút chốc, chúng tôi bị chôn vùi dưới một đống gạch. Tôi ở gần cửa ra vào và tôi thấy bức tường đổ xuống trên tôi. Tôi cảm thấy sức nặng đè lên mình. Gần tôi là bạn Angelo đang kêu cứu. Tôi thì không. Tôi im lặng bởi vì nghĩ điều đang xảy ra với chúng tôi thì cũng đang xảy ra với tất cả, trên khắp thế giới. Do đó, kêu cứu chả ích lợ gì, vì theo tôi, không có ai có thể cứu chúng tôi.

Tôi không biết mình bị ở đó bao lâu. Tôi biết là những người  lính cứu hỏa đã kéo tôi ra ngoài và tôi tỉnh lại trong nhà thương. Sự sống của tôi nằm trong vòng nguy hiểm suốt 3 tháng trời, cho đến tháng 1. Chỉ sau đó, cha mẹ tôi mới kể cho tôi biết cô giáo và 27 bạn học của tôi đã chết trong trận động đất đó. Các bạn của tôi bị chết ở trường của tôi. Trong số các bạn học cũng có người anh em họ của tôi.

Suốt một tuần lễ, tôi không nói năng, không ăn uống gì. Tôi cảm thấy bị phản bội và bị thương tổn bởi những gì xảy ra. Tôi sống sót, trong khi họ thì không còn … tại sao?”

Sau những thất vọng, tôi hiểu rằng tôi phải hành động, tôi phải xem mình may mắn bởi vì còn sống, tôi phải sống cho cả những người không thể sống. Và như thế, ngay cả khi họ chuyển tôi đến Imola và nói với tôi là tôi sẽ không thể đi lại được nữa, tôi đối diện với điều này một cách can đảm hơn.

Khi đó tôi 8 tuổi chiếc xe lăn trở thành một đồ chơi đối với tôi, gần như là một chiếc máy điều khiểm từ xa. Các bác sĩ bảo tôi đi bơi và thay vì sợ hãi, bơi lội đã trở thành một đam mê thật sự. Tóm lại, dường như tất cả được đặt vào guồng máy hoạt động trở lại. Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và tôi cảm thấy mình không thể bị tấn công.

Nhưng ngược lại, 10 năm sau, một thử thách mói. Khi được 18 tuổi, một vấn đề khác xảy ra và tôi buộc phải được lọc máu. Vào giây phút đó, tôi cảm thấy bị lạc hướng và nghĩ rằng nó không công bằng, bởi vì sau những gì tôi đã chịu trong quá khứ, tôi đáng được hưởng một đặc ân cho cuộc sống, do đó không thể xảy ra cho tôi thêm điều xấu nào nữa. Tôi muốn la lên với Chúa: ‘Tại sao Chúa đã cứu con khi con 8 tuổi để rồi con phải chịu đau khổ thêm nữa?’

Ngược lai, cuộc đời không giống như thế và luôn làm cho bạn ngạc nhiên. Và ngay cả khi lần đó tôi may mắn vì cha tôi đã cho tôi thận của ông.

Đối với điều này, tôi sẽ không thay đổi điều gì trong cuộc sống của tôi và của thảm kịch đó. Tôi chỉ muốn là các bạn của tôi còn sống ở đây, chỉ điều này.

Đối với phần còn lại, đau khổ đó, chiếc xe lăn đó, dạy tôi nhìn thấy vẻ đẹp trong những điều nhỏ bé và nhắc tôi mỗi ngày về sự may mắn mà tôi có. Và mỗi ngày chúng dạy tôi vượt qua những thời khắc thất vọng và cám ơn Chúa về điều tôi có: gia đình tôi, các bạn của tôi và cả niềm đam mê bơi lội của tôi, nhờ nó mà ngày nay tôi có một ước mơ: tham dự thế vận hội dành cho người tàn tật.

Trận động đất đó đã thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người ở San Giuliano, nhưng từ ngày đó, tôi không còn sợ hãi tương lai và những gì mà cuộc sống dành cho tôi.” (Sismografo 08/04/2017)

Hồng Thủy

“Nhà giặt ủi của Đức Giáo hoàng Phanxicô” dành cho người nghèo

"Nhà giặt ủi của Đức Giáo hoàng Phanxicô" dành cho người nghèo

Sở từ thiện Tòa thánh cho biết: từ thứ hai, 10/04/2017, “nhà giặt của Đức Giáo hoàng Phanxicô” sẽ bắt đầu hoạt động.

Đây là dịch vụ miễn phí dành cho người nghèo, đặc biệt là cho những người không có chỗ định cư; họ có thể giặt giũ, sấy khô và ủi quần áo và chăn màn của họ.

Sáng kiến này nảy sinh từ lời mời gọi thực hành cụ thể kinh nghiệm ân sủng của Năm Thánh Lòng thương xót của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài đã viết trong tông thư Lòng thương xót và người sầu khổ vào dịp kết thúc Năm Thánh: “Muốn đến gần Chúa Kitô đòi hỏi phải đến gần với các anh chị em, bởi vì không có gì được Chúa Cha yêu thích hơn là một dấu chỉ cụ thể của lòng thương xót. Bởi bản chất, lòng thương xót trở nên hữu hình và rõ ràng trong hành động cụ thể và năng động” (số 16), như vậy, “đó là lúc cung cấp chỗ cho trí tưởng tượng của lòng thương xót tạo ra nhiều hoạt động mới, hoa trái của ân sủng” (số 18).

Do đó, sở từ thiện Tòa thánh muốn có một nơi chốn và một dịch vụ để cụ thể hòa lòng bác ái và công việc của lòng thương xót để khôi phục phẩm giá cho nhiều người, là các anh chị em của chúng ta, những người được mời gọi cùng chúng ta xây dựng một “thành phố đáng tin cậy” (xem số 18).

Nhà giặt ủi này được đặt ở “trung tâm con người hòa bình” của cộng đồng thánh Egidio, nằm cạnh bệnh viện thánh Gallicano cũ, ở đường Via San Gallicano, số 25. Cộng đoàn thánh Egidio sẽ điều hành “Nhà giặt ủi của Đức Giáo hoàng" cùng với các dịch vụ tiếp đón và hỗ trợ cho người nghèo nhất, đã hoạt động từ hơn 10 năm nay. Trong những tháng tới, sẽ có thêm nơi tắm rửa, cắt tóc, sửa quần áo, phòng khám y tế và phân phát các nhu yếu phẩm.

Tại nhà giặt này có 6 máy giặt và 6 máy sấy với các bàn ủi. Các máy này đều do công ty đa quốc gia Whirlpool tài trợ. (SD 10/04/2017)

Hồng Thủy

Lễ Lá và Kinh Truyền Tin

  Lễ Lá và Kinh Truyền Tin

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có 150 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Đức Ông và 350 Linh Mục giúp ĐTC cho tín hữu  rước lễ. Đảm trách thánh ca ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn và dàn nhạc của giáo phận Roma gồm 140 ca viên cùng nhạc công, và ca đoàn 300 người trẻ.

Thánh lễ đã bắt đầu với nghi thức làm phép lá trước bút tháp giữa quảng trường thánh Phêrô với bài Phúc Âm kể lại biến cố Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem khai mào cho cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Ngài. Sau đó là nghi thức rước lá với sự tham dự của 450 người trẻ, đại diện cho giáo phận Roma và các giáo phận khác.  Bài đọc một được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Anh, Tin Mừng Thương Khó được đọc và hát bằng tiếng Ý.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã nêu bật gương mặc của Chúa Giêsu Vua Cứu Thế trong hình dạng cụ thể của một người tôi tớ của Thiên Chúa và của loài người, hiện diện nơi tất cả những kẻ khổ đau vì bất cứ lý do gì trên thế giới này.  Mở đầu bài giảng ngài nói:

Việc cử hành này có hai mùi vị, ngọt ngào và cay đắng, tươi vui và đớn đau, bởi vì trong nó chúng ta cử hành Chúa vào thành Giêrusalem được các môn đệ tung hô như là vua; đồng thời cũng được loan báo trình thuật phúc âm cuộc Khổ Nạn của Ngài. Vì thế con tim chúng ta cảm thấy sự mâu thuẫn đớn đau, và cảm nhận được trong vài phần nhỏ bé nào đó điều Chúa Giêsu đã phải cảm nhận trong con tim của Ngài trong ngày ấy, ngày Ngài vui mừng với các bạn mình và khóc thương trên thành Giêrusalem.

Từ 32 năm qua chiều kích tươi vui của Chúa Nhật này đã được phong phú bởi lễ của người trẻ: đó là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm nay được cử hành ở cấp giáo phận, nhưng tại Quảng trường này trong chốc lát nữa đây sẽ sống một lúc ngày càng cảm động hơn có các chân trời rộng mở, với việc người trẻ Krakow trao Thánh Giá cho người trẻ Panama.

Bài Phúc Âm được công bố trước buổi rước lá (x. Mt 21,1-11) miêu tả Chúa Giêsu xuống núi Cây Dầu trên lưng con lừa con chưa có ai cỡi bao giờ. Nó nêu bật sự hăng say của các môn đệ, đi theo Thầy với các lời tung hô lễ hội. Và thật dễ tưởng tượng điều này lây lan sang các người trẻ của thành phố kết hiệp niềm vui của họ với đám rước như thế nào. Chính Chúa Giêsu thưà nhận trong sự tiếp đón tươi vui ấy một sức mạnh không thể nào ngăn chặn được do Thiên Chúa muốn, và Ngài nói với các người Pharisêu cho đó là gương mù gương xấu: “Tôi nói với các ông rằng, nếu những người này thinh lặng, thì các hòn đá này sẽ kêu lên” (Lc 19,40).

ĐTC nói tiếp trong bài giảng thánh lễ: Nhưng Đức Giêsu mà theo Thánh Kinh, vào Thành Thánh trong kiểu này, không phải là một kẻ mộng mơ gieo vãi các ảo tưởng, một ngôn sứ của “thời mới”, một kẻ bán khói, trái lại Ngài là một Đức Messia được xác định, với gương mặt cụ thể của người tôi tớ, người tôi tớ của Thiên Chúa và của con người đi chịu khổ nạn. Ngài là Người Kiên Nhẫn vĩ đại của nỗi khổ đau của con người.

Như vậy cả chúng ta nữa khi mừng lễ Vua chúng ta, chúng ta nghĩ tới các khổ đau Ngài đã phải chịu trong Tuần này. Chúng ta nghĩ tới các vu khống, các lăng nhục, các cạm bẫy, sự bỏ rơi, việc kết án gian ác, các đánh đập, các đòn vọt, mạo gai… và sau cùng là thập giá cho tới khi bị đóng đanh.

Chính Chúa đã nói rõ ràng cho các môn đệ biết: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24). Ngài đã không bao giờ hứa danh dự và thành công. Các Phúc Âm nói rõ ràng. Ngài đã luôn luôn báo trước cho các bạn hữu Ngài rằng con đường của Ngài là con đường ấy, và chiến thắng cuối cùng phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá. Và chính điều này cũng có giá trị đối với chúng ta. Để trung thành theo Chúa Giêsu chúng ta hãy xin ơn làm điều đó không phải với lời nói, nhưng với các việc làm, và kiên nhẫn nhận chịu thập giá của chúng ta: không khước từ nó, không vất nó đi, nhưng nhìn Chúa, chấp nhận nó và vác nó mỗi ngày.

Đức Giêsu, Đấng chấp nhận được tung hô, dù biết rằng tiếng kêu “đóng đinh nó vào thập giá” đang chờ đợi Ngài, không xin chúng ta chỉ chiêm ngưỡng Ngài trong các bức tranh hay trong các hình chụp, hoặc trong các video lưu hành trên mạng. ĐTC nhấn mạnh như sau:

Không, Ngài hiện diện nơi biết bao nhiêu anh chị em ngày nay chịu khổ đau như Ngài: họ khổ đau vì một công việc như của nô lệ, họ khổ đau vì các thảm cảnh gia đình, vì tật bệnh… Họ khổ đau vì chiến tranh và khủng bố, vì các lợi lộc di chuyển vũ khí và khiến cho chúng bắt giết. Các người nam nữ bị lừa đảo, bị xúc phạm trong phẩm giá của họ, bị loại bỏ… Chúa Giêsu ở trong họ, trong từng người trong họ và với gương mặt méo mó, với tiếng nói gẫy bể xin được nhìn, được thừa nhận, được yêu thương.

Không phải là một Giêsu khác: nhưng cũng chính là Giêsu đã vào thành Giêrusalem giữa những cành lá chà là và ô liu phất phới. Đó cũng chính là Đấng đã bị đóng đanh vào thập giá và chết giữa hai tên tội phạm. Chúng ta không có Chúa nào khác ngoài Ngài ra: là Đức Giêsu, Vua khiêm hạ của công lý, lòng thương xót và hoà bình.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Ý, Pháp, Ba Lan, Trung Hoa.

350 Linh Mục đã giúp ĐTC cho hơn 70,000 tín hữu rước lễ

Trưóc khi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu ĐTC đã chào mọi người hiện diện, đặc biệt những ai đã tham dự cuôc gặp gỡ quốc tế chuẩn bị cho công nghị về giới trẻ, do Bộ đặc trách  Giáo dân,  Gia đình và Sự Sống cùng tổ chức với Văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài cũng trải dài lời chào này tới giới trẻ quy tụ quanh các Giám Mục sở tại cử hành Ngày Giới Trẻ trong mọi giáo phận trên toàn thế giới. Đây là một chặng khác của cuộc hành hương lớn, đã bắt đầu với thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, năm ngoái đã tụ tập chúng ta tại Cracovia và triệu vời chúng ta tại Panama vào tháng giêng năm 2019.

Vì thế trong chốc lát nữa đây người trẻ Ba Lan sẽ trao Thánh Giá của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cho người trẻ Panama, được các Giám Mục và chính quyền sở tại của họ hướng dẫn.

Chúng ta hãy xin Chúa cho Thánh Giá cùng với Ảnh Đức Mẹ sự Cứu rỗi cùa dân Roma, làm cho đức tin và niềm ny vọng tăng trưởng tại những nơi chúng đi qua, bằng cách vén mở cho thấy tình yêu thương vô địch của Chúa Kitô.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa Kitô hôm nay bước vào cuộc Khổ Nạn và Đức Trinh Nữ Thánh các nạn nhân của vụ khủng bố ngày thứ sáu vừa qua tại Stockholme, cũng như các nạn nhân còn đang bị thử thách bởi chiến tranh, là tai ương của nhân loại.

Và cả vụ mưu sát rất tiếc xảy ra sáng nay tại Cairo trong một nhà thờ Copte.

Với người anh em thân mến Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo Hội Copte, và toàn quốc gia Ai Cập thân yêu tôi xin bẩy tỏ sự chia buồn sâu xa của tôi, tôi cầu nguyện cho các người đã chết và cho các người bị thương, tôi gần gũi vói thân nhân và toàn cộng đoàn. Xin Chúa hoán cải con tim của những người gieo kinh hoàng bạo lực, chết chóc, và cả con tim những người chế tạo và buốn bán vũ khí nữa.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi ngưòi

Linh Tiến Khải

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Tân Giám Mục Phó Đàlạt

VATICAN. Ngày 8-4-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh thông báo: ĐTC đã bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh làm Giám Mục Phó với quyền kế vị tại Giáo Phận Đà Lạt.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh năm nay 62 tuổi, sinh ngày 12-8 năm 1955 tại Cần Thơ, theo học tại Tiểu chủng viện Simon Hòa Đà Lạt từ năm 1973 đến 1977, rồi học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Piô 10 Đà Lạt, thụ phong linh mục ngày 29-5 năm 1994 thuộc giáo phận Đà Lạt.

Sau 9 năm làm cha phó tại xứ Tân Hóa, Bảo Lọc, Cha Nguyễn Văn Mạnh du học Roma từ 2003 đến 2009 và đậu tiến sĩ giáo luật tại Giáo Hoàng Đại học Urbaniana của Bộ truyền giáo. Trở về nước năm 2009, cha Đaminh Mạnh làm Đại diện tư pháp tại giáo phận Đà Lạt.

Giáo phận này hiện có 377,500 tín hữu Công Giáo trên tổng số gần 1 triệu 250 ngàn dân cư, với 96 giáo xứ, 290 linh mục (166 triều và 124 dòng), 275 tu huynh và 932 nữ tu. Ngoài ra, giáo phận có 76 đại chủng sinh.

Trong nhiệm vụ mới, Đức Cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh phụ giúp Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, 72 tuổi, và đương nhiên kế nhiệm ngài khi giáo phận trống tòa (SD 8-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Truyền hình trực tiếp và thuyết minh tiếng Việt, Lễ Truyền Dầu và Lễ Phục Sinh do Đức Thánh Cha cử hành tại Vatican 2017

Anh chị em thân mến!

1. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Truyền Dầu, Thứ Năm Tuần Thánh lúc 14h25 ngày 13.04.2017

Thứ năm ngày 13.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô (hay còn gọi là Đền Thờ Thánh Phêrô).

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:25 (2h25 chiều) ngày 13.04.2017 giờ Việt Nam

2. Truyền hình trực tiếp Thánh Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật lúc 14h55 ngày 16.04.2017

Chúa Nhật ngày 16.04.2017, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Truyền Thông Vatican sẽ thực hiện việc truyền hình trực tiếp và thuyết minh Tiếng Việt sự kiện quan trọng này qua kênh Youtube: Vatican – Tiếng ViệtGiờ Thánh Lễ là: 14:55 (2h55 chiều) ngày 16.04.2017 giờ Việt Nam

Ban Việt Ngữ – Truyền Thông Vatican

Linh mục dòng Cát minh đầu tiên ở Kandhamal , Orissa, Ấn độ

Linh mục dòng Cát minh đầu tiên ở Kandhamal , Orissa, Ấn độ

Bhubaneshwar, Orissa, Ấn độ – Ngày 22/04 tới, quận Kandhamal, thuộc bang Orissa, nơi đã xảy ra vụ tàn sát dã man các Kitô hữu vào năm 2008, làm cho 100 người chết và 65 ngàn phải chạy trốn khỏi làng quê của họ, sẽ có vị linh mục đầu tiên dòng Cát minh.

Thầy sáu Johnson Digal, 29 tuổi, dòng Cát minh, sẽ được thụ phong  Linh mục tại nhà thờ thánh Vinh sơn ở Bhubaneshwar.

Johnson Digal sinh năm 1987,tại làng Lujuramunda, thuộc giáo xứ Lujuramunda, quận Kandhamal. Năm 2007, Johnson gia nhập dòng Cát minh, được huấn luyện và học triết học tại Kerala, và học thần học tại đại học giáo hoàng Lateranum ở Roma.

Ngôi làng sinh quán của Johnson có 20 gia đình, với khoảng 400 thành viên, phần lớn theo Ấn giáo. Chỉ có 2 gia đình Công giáo ở làng này, tính cả gia đình của Johnson. Trong cuộc tàn sát vào năm 2008, ngôi nhà của gia đình thầy Johnson cũng bị đốt cháy và họ phải sống trong trại tị nạn của chính phủ.

Thầy sáu Johnson chia sẻ với hãng tin Á châu: “giống như khi còn là chủng sinh, sứ vụ của thầy khi trở thành Linh mục là giúp cho dân làng của thầy có thêm nhận thức, cách hành xử và hiểu biết đúng đắn và thân thiện của đức tin Công giáo.” Thầy cho biết là phần lớn dân chúng địa phương cũng như một số người thân của thầy không hiểu nhiều về Công giáo và giá trị của Linh mục. Thầy hy vọng sẽ thay đổi điều này qua sự hội nhập của thầy và quan hệ con cháu đối với họ.

Trước đây thầy cũng đã thường thăm các gia đình trong làng và giải thích với họ về đức tin Công giáo và giá trị của độc thân. Thầy đã nhận thấy người dân đang thay đổi từ từ cách hành xử tiêu cực của họ đối với giáo hội Công giáo.

Sau khi được thụ phong Linh mục, Johnson sẽ đào tạo các chủng sinh trẻ của giáo phận Jhansi, ở Uttar Pradesh.

Từ kinh nghiệm về bạo lực mà chính mình đã chứng kiến, Johnson nhắm xây dựng các mối liên hệ thân hữu giữa các cộng đoàn tôn giáo và để các tín hữu Ấn giáo có thái độ tích cực đối với Công giáo. Cha cũng cho biết ở Kandhamal, đang có sự hòa giải từ từ giữa các tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau, dù còn nhiều điều cần làm trong tiến trình hòa bình này. (Asia News 08/04/2017)

Hồng Thủy

Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

Chủ tịch Hội Đồng GM Bắc Âu: Hiệp nhất Kitô còn xa

HAMBURG. Chủ tịch HĐGM Bắc Âu, Đức Cha Czeslaw Kozon, tuyên bố rằng viễn tượng hiệp nhất giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Tin Lành vẫn còn xa.

Đức Cha Kozon, cũng là GM giáo phận Copenhagen ở Đan Mạch. Trong thời gian gần đây, trước sự cởi mở của ĐTC Phanxicô, nhiều người Tin Lành và cả HĐGM Đức nghĩ rằng hai khối Giáo Hội sắp được hiệp nhất với nhau.

Tuy nhiên, tuyên bố hôm 5-4-2017 bên lề Đại hội mùa xuân của HĐGM Bắc Âu, nhóm tại thành phố Hamburg Bắc Đức, Đức cha Kozon nói: ”Tôi tin rằng vẫn còn thời gian rất dài trước khi tiến tới một sự hiệp nhất”.

Đặc biệt về phía những người Tin Lành Luther ở Bắc Âu, Đức cha Kozon thấy có một sự nghi ngờ lớn về viễn tượng hiệp nhất. Nhiều người Tin Lành tại các nước này đã đặt hy vọng rất nhiều nơi cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thụy Điển hồi cuối tháng 10 năm ngoái, nhân dịp khai mạc năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Martin Luther, khai sáng Giáo Hội Tin Lành, nhưng rồi họ thấy những mong đợi của họ không được mãn nguyện. Chẳng hạn họ không thấy Tin Lành và Công Giáo được rước lễ chung.”

Đức Cha Kozon nói: ”Cho đến khi hai bên có thể rước lễ chung, cần phải làm sáng tỏ một số điều.. Đồng thời tôi cũng có thể hiểu rằng các Giáo Hội Tin Lành không thể phủ nhận căn tính của họ một sớm một chiều”.

Theo Đức cha, có thể nghĩ đến một sự hiệp nhất theo kiểu các Giáo Hội Anh Giáo với nhau, nghĩa là các Giáo Hội Tin Lành có thể hiệp nhất với Giáo Hội CôngGiáo mà vẫn giữ nguyên truyền thống của họ.

HĐGM Bắc Âu bao gồm 5 nước là Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần lan và đảo Islande, với tổng cộng 340 ngàn tín hữu Công Giáo trong đó có nhiều người nhập cư (KNA 6-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha rửa chân cho tù nhân ở nhà tù Paliano vào thứ 5 Tuần Thánh

Đức Thánh Cha rửa chân cho tù nhân ở nhà tù Paliano vào thứ 5 Tuần Thánh

Vào thứ 5 Tuần Thánh tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Tiệc Ly tại nhà tù Paliano ở phía nam Roma và sẽ rửa chân cho các tù nhân.

Hôm thứ 5 hôm qua, Vatican đã thông báo là Đức Giáo hoàng sẽ đến nhà tù vào chiều ngày 13/04 để thăm viếng riêng và cử hành Thánh lễ ghi dấu bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các môn đệ của Người trước ngày Người chịu đóng đinh.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu truyền thống thăm viếng các nhà tù vào Thánh lễ Tiệc Ly truyền thống từ tháng 03/2013, chỉ một ít ngày sau lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng của ngài. Vào năm đó, ngài đã đến trung tâm giam giữ thanh thiếu niên Casal del Marmo của Roma và lần đầu tiên ngài đã rửa chân cho cả các tù nhân nam và nữ.

Năm 2014, Đức Giáo hoàng đã cử hành Thánh lễ Tiệc Ly ở trung tâm người khuyết tật Don Gnocchi của Roma, và ngài cũng rửa chân cho cả những người nữ trong nghi thức rửa chân, tưởng niệm hành động khiêm hạ và phục vụ của Chúa Giêsu.

Năm 2015, Đức Giáo hoàng đã đến cử hành Thánh lễ Tiệc Ly nhà tù Rebibbia ở Roma. Năm ngoái, 2016, Đức Giáo hoàng đã rửa chân cho các người tị nạn nam nữ, bao gồm các tín hữu Hồi giáo, Ấn giáo và Chính thống Copte, tại trung tâm dành cho người tị nạn Castelnuovo di Porto, miền bắc của Roma. (RV 06/04/2017)

Hồng Thủy

Lễ Lá được cử hành tại nhà thờ đã bị quân Hồi giáo tàn phá ở Karamles, Iraq

Lễ Lá được cử hành tại nhà thờ đã bị quân Hồi giáo tàn phá ở Karamles, Iraq

Erbil – Cha Paolo Thabit Mekko, một Linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Canđê ở Mosul đã cho hãng tin Á châu biết là Giáo hội Công giáo sẽ tổ chức lễ Lá ở Karamles, một làng ở vùng bình nguyên Ninive, sau một thời gian bị quân đội Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng và tàn phá.

Với sự cảm động và phấn khởi hăng hái, cha Mekko cho biết Thánh lễ sẽ được cử hành tại nhà thờ Mar Addai mà các tín hữu đã tẩy rửa trong những ngày này và sẽ được truyền trực tiếp trên facebook.

Cha Mekko chia sẻ: “Nó sẽ là một ngày lễ của cộng đoàn khi lại họp nhau vào đúng dịp lễ Vọng Phục sinh. Một sự sống lại thật sự và đúng nghĩa, nhưng cũng là Phục sinh đầu tiên của sự giải phóng khỏi Daesh (IS).

Cha Mekko cũng cho biết sẽ có ít nhất 10 xe buýt, cho khoảng 400 người đi từ Erbil đến dự lễ. Họ là những người sinh quán ở Karamles, hiện còn đang sống trong các trung tâm tiếp đón và trong các nhà cho thuê tại thủ đô của người Kurd ở Irak.

Cha Mekko là phụ trách của trại tị nạn “Occhi di Erbil”, ở ngoại ô Erbil, nơi trước đây có hàng ngàn Kitô hữu tị nạn sau khi quân đội Hồi giáo IS chiếm đóng. Hiện nay trung tâm này còn có 140 gia đình, với khoảng 700 người sinh sống trong 46 chung cư nhỏ và một khu vực thu nhận và cung cấp sự trợ giúp. Còn có một nhà trẻ cho các trẻ em, một trường mẫu giáo và một trường tiểu học.

Những ngày qua nhiều cư dân đã về thành phố Karamles để sắp xếp lại nhà cửa của họ cũng như tìm kiếm những khu vực có thể định cư mới dù chưa biết thời hạn trở về. Tại Karamles có 800 ngôi nhà nhưng 200 bị đốt cháy, 90 bị phá hủy hoản toàn và vài trăm hư hại cách này cách kia.

Tình hình an ninh trong khu vực hiện tại an bình. Có một số quân lính Kitô giáo ơ lại thành phố để bảo đảm an ninh cho ngôi làng. Có một số nguy hiểm từ các quả mìn chưa nổ, do đó cần phải cẩn thận và chú ý.

Nhà thờ Mar Addai nằm ở phía bắc của ngôi làng và là nơi thờ phượng lớn nhất và hiện đại nhất trong vùng. Nhà thờ được bắt đầu xây dựng từ năm 1937 và khánh thành vào năm 1963. Đã 3 năm qua, không có Thánh lễ được cử hành tại đây.

Đối với làng Karamles, sự kiện này cũng là cơ hội tái sinh. Trong bài giảng cha Mekko nói: “Như Chúa Kitô, ngôi làng của chúng ta cũng bị hạ nhục. Trên hết, Người sẽ ở giữa chúng ta, Chúa Kitô sẽ ở giữa chúng ta trong ngôi làng này. Sau nhiều đau khổ Thánh lễ sẽ có ý nghĩa và màu sắc đặc biệt. Trước Thánh lễ sẽ có cuộc rước kiệu qua các con đường của ngôi làng, với các bài thánh ca và kinh nguyện truyền thống được hát mỗi năm một lần trong dịp lễ này.”

Ở Karamles cũng có truyền thống làm phép nhà, các ngôi vườn và vườn nho. Cha Mekko cho biết năm nay truyền thống này sẽ được lặp lại và ngôi làng sẽ được chúc lành.

Các tín hữu rất hồ hởi vui tươi khi nghe tin là Thánh lễ sẽ được cử hành tại nhà thờ của làng. Đây sẽ là một dịp vui mừng và là ngày hội lớn.

Lễ Lá sẽ bắt đầu khoảng 9.30 sáng. Sau Thánh lễ các tín hữu sẽ chia sẻ niềm vui ngày lễ bên ngoài nhà thờ. Mỗi người sẽ mang đồ ăn thức uống để chia sẻ với nhau. Sau đó, họ có thể tham dự nghi thức tạ ơn qua mạng xã hội. (Asia News 06/04/2017)

Hồng Thủy

Ngôi nhà chăm sóc trẻ em nhiễm virus HIV ở Chilê

Ngôi nhà chăm sóc trẻ em nhiễm virus HIV ở Chilê

Santiago, Chile – Năm 1994, Nhà thánh Clara ở Santiago de Chile được thành lập để chống lại nạn phân biệt đối xử đối với những người bị nhiễm virus HIV, và bảo đảm các trẻ em bị nhiễm virus HIV cảm nghiệm được tình yêu của Chúa và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nữ tu Nora Valencia thuộc dòng các Nữ tu Thừa sai thánh Phanxicô của Chúa Giêsu, giám đốc trung tâm từ năm 2008 nói: “Khi bạn nhìn thấy một đứa trẻ thì thật dễ nhìn thấy gương mặt của Chúa Giêsu nơi em.” Sơ nói thêm rằng đó là một gương mặt với hy vọng, bởi vì chúng ta đang làm việc để các em được sống và sống tốt.

Các trẻ em sống ở nhà thánh Clara là các em bị nhiễm virus HIV, hay còn gọi là virus làm suy giảm sức đề kháng ở người. Người ta thường hiểu sai, vì không phải mọi người nhiễm virus HIV đều bị SIDA, được gọi là hội chứng suy giảm đề kháng. Do đó, sơ Nora làm rõ một điều là nếu nói rằng các em ở nhà thánh Clara bị SIDA là không đúng. Sơ và những người cộng tác đang nỗ lực để các em không bị biến sang giai đoạn SIDA và nếu có thể phát triển sang giai đoạn SIDA thì cũng vẫn ở mức độ kiểm soát.

Trong khi chưa có thuốc chữa HIV nhưng có những chữa trị có thể giúp sự sống của các em được bình thường và làm chậm sự phát triển của bệnh.

Sơ Nora chia sẻ rằng khi làm việc với các trẻ em này, “bản năng người mẹ của bạn tăng lên 200%” và “nếu Chúa gửi các em đến đây, là để chúng ta trước tiên gieo trồng tình yêu và sau đó là những điều còn lại.”

Sơ Nora hy vọng là các em sẽ hạnh phúc và ngày mai đây khi các em lớn lên, các em sẽ không nói dối về bệnh của mình. Sơ cũng hy vọng xã hội có thể chấp nhận các em như cách các em là và cho các em cơ hội mà cha mẹ các em đã không được nhận. Đó là không ai bị đối xử phân biệt vì sự dửng dưng. (CAN 03/04/2017)

Hồng Thủy

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

Niềm hy vọng của kitô hữu là chính Chúa Giêsu Kitô phục sinh

** Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 30.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa chương 3 thư thứ nhất của thánh Phêrô, viết rằng: “Tất cả anh em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc. Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” (1 Pr 3,8-9.14-15).

ĐTC nói: Thư thứ nhất của thánh Phêrô có một động lực ngoại thường. Cần phải đọc nó hai ba lần để hiểu năng lực ngoại thường ấy.  Nó trao ban an ủi và hoà bình lớn, vì khiến cho chúng ta nhận ra Chúa luôn ở bên cạnh và không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nhất là trong những lúc tế nhị khó khăn nhất trong cuộc sống. Nhưng đâu là bí quyết của bức thư này? Đó là câu hỏi. Tôi biết là ngày hôm nay anh chị em sẽ lấy Tân Ước và tìm thư thánh Phêrô và đọc nó chậm chậm, để hiểu bí mật và sức mạnh của bức thư này. Đâu là bí quyết của bức thư này?   ĐTC trả lời như sau:

Bí quyết ở trong sự kiện bức thư này trực tiếp đâm rễ trong lễ Vượt Qua, nơi trọng tâm của mầu nhiệm mà chúng a đang cử hành, bằng cách làm cho chúng ta nhận ra ánh sáng và niềm vui phát xuất từ cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô. Chúa Kitô đã thực sự sống lại, và đây là một lời chào cần trao cho nhau trong các ngày lễ Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô đã sống lại!”, như biết bao nhiêu dân tộc vẫn làm. Chúng ta nhớ rằng Chúa Kitô đã sống lại, Ngài sống giữa chúng ta. Ngài sống và ở trong từng người chúng ta. Chính vì vậy thánh Phêrô mạnh mẽ mời gọi chúng ta thờ lậy Chúa trong tim (c.16). Chúa đã ở trong đó từ khi chúng ta lãnh bí tích Rửa Tội, và từ đó Ngài tiếp tục canh tân chúng ta và đổi mới cuộc sống chúng ta, bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy tình yêu và Thần Khí của Ngài.

** Đó chính là lý do tại sao thánh Tông Đồ nhắn nhủ chúng ta giải thích lý do niềm hy vọng nơi chúng ta (c. 16): niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, không phải là một điện thoại di động, không phải là một mớ của cải giầu sang: không! Niềm hy vọng của chúng ta là một Người, là Chúa Giêsu, mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em của chúng ta, bởi vì Chúa Kitô đã phục sinh.

Các dân tộc slave chào nhau, thay vì nói “chào ban ngày” “chào ban chiều”, thì trong các ngày lễ Phục Sinh họ chào nhau với câu “Chúa Kitô đã sống lại”, “Christos voskrese!”. Và họ hạnh phúc nói điều đó! Đó là lời chào ban ngày và chào ban chiều họ trao cho chúng ta: “Chúa Kitô đã sống lại!”

Khi đó chúng ta hiểu rằng không phải trao ban lý do cho niềm hy vọng này trên binh diện lý thuyết, bằng lời nói, nhưng nhất là với chứng tá cuộc sống, và điều này ở bên trong cũng như bên ngoài cộng đoàn kitô. Nếu Chúa Kitô sống và ở trong chúng ta, trong con tim chúng ta, khi đó chúng ta cũng phải để cho Ngài hữu hình, không dấu kín Ngài và để ngài hành động trong chúng ta. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu phải luôn ngày càng  trở thành gương mẫu của chúng ta: gương mẫu cuộc sống và chúng ta phải học hành xử như Chúa đã hành xử. Làm cùng điều Chúa Giêsu đã làm. Niềm hy vọng ở trong chúng ta, như thế, không thể bị dấu kín trong chúng ta, trong con tim chúng ta: nó sẽ là một niềm hy vọng yếu ớt, không có can đảm đi ra ngoài, làm cho mình được thấy; nhưng niềm hy vọng của chúng ta, như lộ rõ trong thánh vịnh 33, mà thánh Phêrô trích lại nói, cần phải biểu lộ ra ngoài qua hình thái tuyệt diệu và không thể nhầm lẫn được của sự dịu dàng, tôn trọng và lòng tốt đối với tha nhân, cho tới chỗ tha thứ cho người làm điều ác cho chúng ta. Một người không có niềm hy vọng, không tha thứ được, không trao ban ủi an của sự tha thứ và không có sự an ủi tha thứ. 

** Phải, bởi vì Chúa Giêsu đã làm như thế và tiếp tục làm qua những kẻ biết nhường chỗ  trong con tim và cuộc sống của họ cho Ngài, với ý thức rằng sự dữ không được chiến thắng bằng sự dữ, nhưng với sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu. Các kẻ tội phạm mafia nghĩ rằng có thể chiến thắng sự dữ với sự dữ, và họ báo thù và làm biết bao điều mà tất cả chúng ta đều biết. Nhưng họ không biết sự khiêm tốn, lòng thương xót và sự hiền dịu là gì. Tại sao vậy? Bởi những kẻ tội phạm mafia không có niềm hy vọng. Anh chị em hãy nghĩ tới điều ấy. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Đấy là lý do tại sao thánh Phêrô khẳng định rằng “đau khổ vì làm vịêc thiện thì tốt hơn vì làm điều ác” (c. 17): nó không muốn nói rằng đau khổ thì tốt, nhưng muốn nói rằng khi chúng ta khổ đau vì sự thiện, chúng ta hiệp thông với Chúa, là Đấng đã chấp nhận chịu khổ và bị đóng đinh trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Vậy cả chúng ta nữa trong các hoàn cảnh nhỏ bé nhất hay lớn lao nhất của cuộc sống, khi chúng ta  chấp nhận khổ đau vì sự thiện thì cũng như là chúng ta gieo vãi chung quanh mình các hạt giống của sự phục sinh và sự sống, và làm rạng ngời lên  trong bóng tối ánh sáng của lễ Phục Sinh.  Chính vì thế thánh Tông đồ khuyến khích chúng ta luôn luôn trả lời “bằng cách cầu chúc sự lành” (c. 9): phúc lành không phải là một hình thức bề ngoài, không phải chỉ là dấu chỉ của sự lễ phép, nhưng là một ơn cao trọng, mà chúng ta là những người đầu tiên đã nhận lãnh và có khả thể chia sẻ với các anh chị em khác. Nó là lời loan báo tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu không đo lường, không cạn kiệt, không bao giờ suy giảm và là nền tảng đích thật niềm hy vọng của chúng ta.

Các bạn thân mến, giờ đây chúng ta cũng hiểu tại sao Tông Đồ Phêrô gọi chúng ta là “có phúc” khi chúng ta phải đau khổ vì công lý (c. 13) Không phải chỉ vì một lý do  luân lý hay khổ hạnh, mà bởi vì mỗi một lần chúng ta nhận lấy phần của nhừng người rốt hết, bị gạt bỏ ngoài lề, hay chúng ta không đáp trả sự dữ bằng sự dữ, nhưng tha thứ, không báo thù, tha thứ và chúc phúc, mỗi lần chúng ta làm điều này, là chúng ta rạng ngời lên như dấu chỉ sống động và toả sáng hy vọng, và như thế trở thành dụng cụ ủi an và hoà bình, theo con tim của Thiên Chúa. Như thế hãy tiến lên với sự dịu dàng, hiền hậu, dễ thương, và làm việc lành cả cho những người không yêu chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào sinh viên học sinh và tín hữu đến từ Pháp và Bỉ và cầu mong Chúa Kitô phục sinh sống trong tâm lòng chiếu sáng khiến cho họ trở thành dấu chỉ rạng ngời tình yêu của Chúa. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Đan Mạch, Hoà Lan, Indonesia, Hồng Kông, Malaysia, Đại Hàn, Việt Nam và Hoà Kỳ, đặc biệt nhóm các linh mục trường Bắc Mỹ đang theo học tại Roma. Ngài cầu chúc lộ trình Mùa Chay dẫn đưa mọi người tới niềm vui phục sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân trong ơn thánh của Chúa Thánh Thần.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức, đặc biệt học sinh trường ĐHY von Galen Telgte và Maria Ward Neuburg bên sông Donau. Ngài cầu mong các lễ nghi Tuần Thánh giúp canh tân niềm tin phục sinh và giúp đem niềm hy vọng của Chúa Kitô đến với người khác.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ĐTC hy vọng Tuần Thánh giúp chiêm ngắm cuộc Khổ nạn, cái chết, sự phục sinh của Chúa, và giúp tín hữu trở thành dụng cụ tình yêu thương của Chúa cho mọi người.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC nói trong các ngày đầu tháng tư chúng ta nhớ tới biến cố Đức Gioan Phaolô II về nhà Cha. Ngài đã là một chứng nhân lớn của Chúa Kitô, là người nhiệt thành bênh vực đức tin,  đã chuyển hai sứ điệp lớn của lòng thương xót và Fatima cho thế giới. Sứ điệp thứ nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, và sứ điệp thứ hai liên quan tới chiến thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria trên sự dữ, nhắc nhớ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Chúng ta hãy đón nhận các sứ điệp ấy để chúng thấm nhập cuộc sống và mở toang cửa lòng cho Chúa Kitô.

Trong số các nhóm tiếng Ý ĐTC đặc biệt chào gia đình các quân nhân đã ngã gục trong các sứ mệnh hoà bình do ĐC Santo Marcianò, Tổng tuyên uý quân đội Italia hướng dẫn, cộng đoàn Rwanda tại Italia, và các tiến sĩ Hiệp hội quốc gia nông nghiệp và rừng cây Italia, cũng như các thành viên tham dự đại hội do Hội đồng toà thánh Văn hóa tổ chức nhằm suy tư về tương lại nhân loại dưới ánh sáng các ngành y khoa và giá trị ngàn đời của luân lý. Ngài cũng chào cộng đoàn Gioan XXIII chuyên cứu giúp các phụ nữ nạn nhân của mại dâm, và mời tín hữu Roma tham dự buổi đi đàng Thánh Giá cho các phụ nữ bị đóng đanh vào ngày thứ sáu mùng 7 tháng tư tại Garbatella.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người biết hôm qua Giáo Hội mừng kính thánh Vinh Sơn Ferrer, dòng Đaminh. Ngài khuyên các bạn trẻ noi gương thánh nhân học nói chuyện với Chúa, tránh nói các lời vô ích và tai hại; người đau yếu học tín thác nơi Chúa Kitô chịu đóng đanh trong mọi lúc như thánh nhân; và các cặp vợ chồng mới cưới xin thánh nhân bầu cử cho để biết quảng đại dấn thân trong sứ mệnh là cha mẹ gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi nguời

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

Đức Thánh Cha lên án khủng bố tại Nga và bom hóa học ở Siria

VATICAN. ĐTC liên đới với các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga và vụ dội bom hóa học tại Siria.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng hôm ngày 5-4-2017, ĐTC nói:

”Lúc này đây tôi nghĩ đến vụ khủng bố nặng nề trong những ngày qua tại xe điện ngầm ở thành phố San Pietroburgo, làm cho nhiều người chết và tạo nên sự ngỡ ngàng nơi dân chúng. Trong khi tôi phó thác cho lòng thương xót của Thiên Chúa những người bị thiệt mạng thê thảm, tôi bày tỏ sự gần gũi trong tinh thần với các thân nhân họ và tất cả những người đang chịu đau khổ vì biến cố đau thương này.

”Chúng ta chứng kiến những biến cố kinh khủng mới đây tại Siria. Tôi quyết liệt lên án thảm họa không thể chấp nhận được xảy ra hôm qua, 4-4 tại tỉnh Idlib, nơi mà hàng chục người vô tội, trong đó có nhiều trẻ em bị giết. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ, và kêu gọi lương tâm của những người có trách nhiệm chính trị, trên bình diện địa phương và quốc tế, để thảm trạng này được chấm dứt và mang lại sự thoa dịu cho dân chúng yêu quí đã bị kiệt lực từ quá lâu vì chiến tranh. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích nỗ lực của những người đang cố gắng chuyển sự trợ giúp cho dân chúng tại vùng này, mặc dù có tình trạng bất an và khó khăn.

Vụ khủng bố tại trạm xe điện ngầm ở San Pietroburgo do một tên khủng bố tự sát Akbarzhon Jalilov 22 tuổi gây ra làm cho 14 người chết và hàng chục người bị thương.

Vụ dội bom hóa học ở tỉnh Idlib làm cho 72 người chết, trong đó có 20 trẻ em. Tây Phương cáo buộc chế độ của tổng thống Assad, trong khi đó Nga phủ nhận lời buộc tội này. (SD 5-4-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Các kẻ lạ mặt tấn công giáo xứ ở Pinda, bắc Kivu, Congo, và linh mục tu sĩ

Các kẻ lạ mặt tấn công giáo xứ ở Pinda, bắc Kivu, Congo, và linh mục tu sĩ

Kinshasa – “Từ Kinshasa đến Bắc-Kivu, qua Kasai, các nhà thờ, tu viện và trường học Công giáo đang bị phá hoại, cướp phá và tấn công bởi tên cướp có vũ trang, những kẻ nổi loạn hoặc những người thiếu văn minh khác”. Tổ chức phi chính phủ CEPADHO có trụ sở ở bắc Kivu, miền đông của Cộng hòa Dân chủ Congo đã lên tiếng tố cáo như thế.

Tại Kasai, từ hơn một năm nay các cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân đội và dân quân đã gây nên những hậu quả kinh hoàng và không thể chịu đựng nổi. Một số giáo xứ trở nên hoang vắng và bị bỏ hoang, đặc biệt tại các giáo phận Luiza, Luebo và Mbụijmayi. Đức sứ thần Tòa Thánh và Đức Tổng Giám mục của Kânnga yêu cầu chấm dứt việc tuyển dụng những người trẻ và trẻ em, những kẻ giết người bởi quân nổi dậy, các vụ xử tử các công dân vô tội.

Hôm Chúa nhật 02/04, những kẻ lạ mặt đã thực hiện một cuộc đột kích vào khu dân cư của giáo xứ ở Paida, thành phố Beni, tỉnh bắc Kivu. 3 linh mục, trong đó có cha quản lý, bị bắt và bị hành hung. Các kẻ cướp đã cướp tiền, máy tinh và các vật dụng khác. Các nạn nhân được cứu nhờ phép lạ. Các trường công giáo gần đó cũng bị cướp phá.

Theo tổ chức CEPADHO, những sự kiện này nhằm trừng phạt các cam kết của các Giám mục trong việc làm trung gian chính trị dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận San Silvestro, trong đó dự tính thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và sẽ tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội trong năm nay.

Vào cuối tháng 3, Hội đồng Giám mục đã từ chối tiếp tục làm trung gian cho việc thực hiện các thỏa thuận. CEDAPHO nhấn mạnh rằng tình trạng bế tắc chính trị không phải là lỗi của các giám mục và Giáo hội Công giáo, nhưng là do các tầng lớp chính trị Congo; họ đã ngăn chặn việc thực hiện các thỏa thuận ngày 31 tháng 12". (Agenzia Fides 5/4/2017)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Đức Giáo hoàng Phanxicô khích lệ dân chúng Chicago

Chicago, Illinois – Trước tình hình bạo lực liên tiếp xảy ra tại thành phố Chicago, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi thư bày tỏ sự khích lệ, liên đới và hy vọng đến nhân dân thành phố này.

Trong thư gửi đến Đức Hồng y Blase J. Cupich, Tổng Giám mục Chicago, Đức Giáo hoàng nói “Sự kiên trì thực hành bất bạo lực phá vỡ những rào chắn, băng bó các vết thương, chữa lành các quốc gia và nó có thể chữa lành Chicago.”

Đức Giáo hoàng cũng xin nói với dân chúng là họ được ngài nhớ đến và cầu nguyện cho họ.

Ngài viết thêm: “Thật là buồn, như Đức Hồng y đã nói với tôi, dân chúng của các sắc tộc khác, các nguồn gốc kinh tế và xã hội khác nhau bị đối xử phân biệt, dửng dưng, bất công và bạo lực. Chúng ta phải loại bỏ sự loại trừ và cô lập này và đừng nghĩ đến bất kỳ nhóm nào như “những người khác”, nhưng tốt hơn như các anh chị em của chính chúng ta.”

Những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô gửi đến Chicago trong bối cảnh số vụ giết người và tội ác ở thành phố này gia tăng trong một ít năm qua. Ngày 30/03 có 7 người bị giết trong vụ bạo lực liên quan đến băng đảng tại 3 nơi khác nhau. Trong số các nạn nhân có một thai phụ.

Trong 15 tháng qua, có khoảng 900 vụ giết người được ghi nhận. Thị trưởng Chicago, ông Rahm Emanuel, đã lên án bạo lực và gọi những vụ giết người mới đây là “sự ác”.

Hôm thứ 3 vừa qua, trong một hội nghị với vị chủ tịch và điều hành Ủy ban bác ái Công giáo, cũng như với vị điều hành Nhà Tình thương cho các trẻ nam nữ, Đức Hồng y Cupich đã loan báo cuộc tuần hành cho hòa bình ở Englewood, Chicago vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Đức Giáo hoàng Phanxicô vui lòng với sự kiện này và sẽ liên kết với những người tham dự trong tinh thần. Ngài nói: “Khi tôi đi đàng Thánh giá ở Roma vào ngày này, tôi sẽ đồng hành với Đức Hồng y trong kinh nguyện, cũng như với những người cùng đi với Đức Hồng y và những người đau khổ vì bạo lực trong thành phố.”

Đức Giáo hoàng cũng nhấn mạnh rằng hòa bình sẽ là lời đáp trả duy nhất cho bạo lực, như Martin Luther King đã nói rằng xung đột nhân loại chỉ có thể giải quyết bằng tình yêu.

Ngài cũng mời gọi nhân dân Chicago loại trừ sợ hãi, cởi mở tâm trí và trái tim để tiến đến hòa bình và cần dạy cho con em ở nhà cũng như ở trường thái độ này. Ngài nói: “Tôi cầu nguyện rằng nhân dân của thành phố tươi đẹp này không bao giờ mất hy vọng và họ cùng nhau hành động để trở thành những người xây dựng hòa bình, tỏ cho thế hệ tương lai sức mạnh thực của tình yêu.” (CNA 04/04/2017)

Hồng Thủy

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

Hội nghị 50 năm Thông Điệp Phát triển các dân tộc

VATICAN. Sáng 4-4-2017, ĐTC đã tiếp kiến 300 tham dự viên Hội nghị kỷ niệm 50 năm thông điệp ”Phát triển các dân tộc” (Populorum progressio) của Đức Chân Phước Phaolô 6 ban hành.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đặc biệt khai triển ý nghĩa của thành ngữ ”phát triển nhân bản toàn diện” mà Thông Điệp của Đức Phaolô 6 cổ võ và đó cũng là danh xưng của Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện mới được thành lập.

Trước tiên đó là ”hội nhập các dân tộc khác nhau trên thế giới.” ĐTC nói: ”Nghĩa vụ liên đới buộc chúng ta phải tìm kiếm những thể thức đúng đắn để chia sẻ, để tránh thảm trạng phân chia lệch lạc: người thì có nhiều quá, kẻ thì không có gì, người gạt bỏ và kẻ bị gạt bỏ. Chỉ có con đường hội nhập giữa các dân tộc mới giúp nhân loại có được một tương lai hòa bình và hy vọng”.

ĐTC nhấn mạnh rằng vấn đề ở đây là đưa vào việc phát triển tất cả những yếu tố làm cho sự phát triển thực sự là phát triển, nghĩa là bao gồm các hệ thống khác nhau: kinh tế, tài chánh, lao công, văn hóa, đời sống gia đình, tôn giáo, tất cả đều không thể từ bỏ được trong tiến trình tăng trưởng.

Trong sự phát triển toàn diện ấy, cần có sự hội nhập các chiều kích cá nhân và cộng đoàn, thể xác và linh hồn. ĐTC đặc biệt lưu ý về ”ý niệm nhân vị, một ý niệm nảy sinh và tăng trưởng trong Kitô giáo, giúp theo đuổi một sự phát triển hoàn toàn là nhân bản. Vì nhân vị luôn nói lên chiều kích tương quan, chứ không phải cá nhân chủ nghĩa, khẳng định sự hội nhập, chứ không phải là sự loại trừ, phẩm giá duy nhất và bất khả xâm phạm, chứ không phải sự bóc lột, tự do chứ không phải sự cưỡng bách.

Hội nghị

Buổi tiếp kiến của ĐTC dành cho các tham dự viên nằm trong chương trình 2 ngày của Hội nghị kỷ niệm 50 năm Thông điệp Phát Triển các dân tộc.

Lên tiếng trong buổi khai mạc Hội nghị hôm 3-4-2017, ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, xác quyết rằng sự quyết tâm của Giáo Hội Công Giáo thăng tiến công lý, bảo vệ phẩm giá con người, xây dựng hòa bình và cổ võ phát triển là một câu trả lời theo vũ trụ quan Kitô giáo và nhắm mục tiêu tối hậu là giúp con người đạt đến hạnh phúc với Thiên Chúa.

ĐHY Mueller nói: ”Chính trong thế giới này mà chúng ta có thể cảm nhận tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta, và chính trong trần thế này, những người nam nữ được kêu gọi học biết, yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa, phục vụ Chúa và anh chị em mình. Vì thế, ta không thể tách rời mối quan tâm đối với những sự thuộc về Thiên Chúa, ra khỏi quan tâm đối với công trình sáng tạo của Chúa, đặc biệt là con người”.

ĐHY Mueller cũng nhận xét rằng khi thiếu chiều kích đức tin và không chú tâm đến mục tiêu siêu việt của cuộc sống con người, thì các ý niệm ý thức hệ và chính trị về sự phát triển sẽ thất bại, cho dù chúng có một vài thành công ban đầu.. Có những quan điểm không Kitô về sự phát triển, trong đó có cả chủ trương của cộng sản kiến tạo thiên đường trần thế, hoặc quan niệm duy thực dụng tìm kiếm mức độ hạnh phúc cao nhất cho đại đa số nhân loại, hoặc quan niệm của Darwin hay đế quốc về sự sống còn và phát triển của những gì là mạnh nhất, và quan niệm tư bản với sự khai thác thế giới và lao công là những phương thế vi phạm phẩm giá con người”.

Về phần ĐHY Turkson, ngài nhắc lại rằng tên của Bộ Phục vụ phát triển nhân bản được rút trực tiếp tự giáo huấn của Đức Phaolô 6 trong thông điệp ”Phát triển các dân tộc”, trong đó có khẳng định rằng quan niệm thịnh hành về sự phát triển, đặc biệt khi nói về những cố gắng của quốc tế giúp đỡ những nước nghèo trên thế giới, quá hạn hẹp vì người ta chỉ chú tâm đến các vấn đề kinh tế thay vì chú trọng đến các dân tộc.

Sự phát triển nhân bản toàn diện qui trọng tâm vào trọn con người và mọi dân tộc, nhìn nhận họ là những tác nhân đầu tiên trong việc phát triển và tiến bộ của họ. Giáo Hội Công Giáo định nghĩa sự phát triển là tiến từ một hoàn cảnh sống khiến phẩm giá con người dễ bị thương tổn để đi tới một cuộc sống củng cố nhân phẩm: ”Tình thương trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển. Sự phát triển nhân bản toàn diện, qua sự nhìn nhận tình thương của Thiên Chúa và ước muốn chia sẻ tình thương ấy, chứng tỏ mối quan tâm đối với những người di dân và tị nạn, người yếu đau, các nạn nhân chiến tranh và tất cả những người bị đe dọa gạt ra ngoài lề vì nghèo đói hoặc vì lý do chủng tộc” (CNS 3-4-2017, SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

Tòa Thánh và Huynh Đoàn thánh Piô 10 xích lại gần nhau

VATICAN. Thêm một bước tiến xích lại gần nhau giữa Huynh Đoàn thánh Piô 10 và Tòa Thánh: ĐTC Phanxicô cho các vị bản quyền địa phương được cho phép các LM giáo phận chủ sự lễ nghi hôn phối cho các tín hữu theo Huynh đoàn này, dù tình trạng giáo luật của Huynh đoàn chưa được giải quyết.

Quyết định trên đây của ĐTC được trình bày trong thư của vị Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin kiêm chủ tịch Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo Hội của Thiên Chúa, là ĐHY Gerhard Mueller, gửi các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10, là nhóm đã ly khai với Giáo Hội Công Giáo từ cuối tháng 6 năm 1988 sau khi vị sáng lập Huynh đoàn là Đức TGM Marcel Lefebvre truyền chức cho 4 GM mà không có phép của ĐGH.

ĐGH Biển Đức 16 đã giải vạ tuyệt thông cho các GM thuộc Huynh đoàn thánh Piô 10 để tạo điều kiện cho sự thương thuyết tái lập sự hiệp nhất và xác định vị thế giáo luật của Huynh đoàn trong Giáo Hội.

 rong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC Phanxicô đã cho phép các LM của Huynh đoàn thánh Piô 10 được giải tội thành sự cho các tín hữu. Nay ĐHY Mueller cho biết ĐTC quyết định cho phép các vị Bản quyền địa phương (Giám Mục, Tổng Đại diện, Đại diện Giám Mục) được cho phép cử hành hôn phối cho các tín hữu theo hoạt động mục vụ của Huynh đoàn thánh Piô 10 theo thể thức như sau:

Phép đó có thể ban cho một LM thuộc giáo phận, hoặc một LM hoàn toàn hợp lệ, cử hành hôn phối theo nghi thức bí tích vào đầu thánh lễ, trong phụng vụ cũ, tiếp theo đó, một linh mục của Huynh đoàn cử hành thánh lễ.

Nơi nào không có LM giáo phận có thể chủ sự nghi thức hôn phối cho hai bên, thì vị Bản quyền có thể trực tiếp ban năng quyền cần thiết như thế cho linh muc của Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, và yêu cầu vị ấy gửi đến tòa GM sớm hết sức chứng chỉ và tài liệu về viẹc cử hành bí tích hôn phối như thế” (SD 4-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP