Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

Lòng tin nảy sinh từ sự sống lại của Chúa Kitô

** Chúa Kitô phục sinh là niềm hy vọng của chúng ta. Lộ trình niềm tin của Kitô giáo nảy sinh từ biến cố Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi chúng ta, được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, hiện ra với Phêrô và Đoàn Tông Đồ. Đức tin kitô nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Là Kitô hữu có nghĩa là khởi hành từ tình yêu thương của Thiên Chúa Đấng đã chiến thắng cái chết.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 19-4-2017.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa 5 câu đầu chương 15 thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, viết rằng: “Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1 Cr 15,1-5).

ĐTC nói: dưới ánh sáng lễ Phục Sinh mà chúng ta đã cử hành trong phụng vụ, trong lộ trình giáo lý về niềm hy vọng kitô tôi muốn nói  về Chúa Kitô Phục Sinh niềm hy vọng của chúng ta, như thánh Phaolô trình bầy trong chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô.

Thánh tông đồ muốn giải quyết một vấn đề chắc chắn là trọng tâm các thảo luận trong cộng đoàn Côrintô. Sự sống lại là đề tài sau cùng nhưng theo trật tự quan trọng lại là đề tài đầu tiên, vì tất cả đều dựa trên giả thiết này.

Khi nói với các kitô hữu, thánh nhân khởi hành từ một dữ kiện không thể chối cãi được. Nó không phải là kết quả suy tư của một người khôn ngoan, nhưng là một sự kiện, một sự kiện đơn thuần đã can thiệp vào cuôc sống của vài người. ĐTC khẳng định như sau:

** Kitô giáo này sinh từ đó. Nó không phải là một ý thức hệ, nó không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường lòng tin khởi hành từ một biến cố được các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu làm chứng. Thánh Phaolô tóm tắt nó như thế này: Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại và hiện ra với Phêrô và Nhóm Mười Hai (1 Cr 15,1-5). Đây là sự kiện. Ngài đã chết, đã bị mai táng, đã sống lại, đã hiện ra. Nghĩa là Chúa Giêsu sống. Đây là hạt nhân của sứ điệp kitô.

Khi loan báo biến cố này là nhân tố chính của đức tin, Phaolô nhấn mạnh trên yếu tố cuối cùng của mầu nhiệm vuợt qua, nghĩa là của sự kiện Chúa Giêsu đã sống lại. Thật thế, nếu tất cả đã kết thúc với cái chết, nơi Ngài chúng ta sẽ có môt thí dụ của sự tận hiến tột cùng, nhưng điều này không thể sinh ra niềm tin của chúng ta. Ngài đã là một anh hùng. Không!. Ngài đã chết, nhưng đã sống lại. Bởi vì đức tin nảy sinh từ sự phục sinh. Chấp nhận rằng Chúa Kitô đã chết và chết trên thập giá, không phải là một hành động của lòng tin, nó là một sự kiện lịch sử. Trái lại tin rằng Ngài đã sống lại là hành động của lòng tin. Niềm tin của chúng ta nảy sinh sáng ngày lễ Phục Sinh. Thánh Phaolô đã liệt kê một danh sách các người đã đưọc Chúa Giêsu hiện ra (cc. 5-7). Ở đây chúng ta có một tổng kết của tất cả các trình thuật phục sinh và tất cả những người đã bước vào việc tiếp xúc với Đấng Phục Sinh. Đứng đầu danh sách là Kêpha, tức Phêrô và nhóm Mười Hai, rồi tới “500 anh em” mà nhiều người còn có thể làm chứng, rồi đến Giacôbê. Đứng chót trong danh sách như là kẻ bất xứng nhất – là chính Phaolô, ngài nói về mình như “một bào thai bị phá” (c.8).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: thánh Phaolô dùng kiểu diễn tả này, bởi vì lịch sử cá nhân của ngài thật là thê thảm: ngài đã không phải là một chú bé giúp lễ nhé. Ngài đã là một người bách hại Giáo Hội, kiêu căng vì các xác tín riêng của mình; thánh nhân cảm thấy mình là một người thành đạt, với một tư tưởng rất trong sáng về cuộc sống với các bổn phận của ngài. Nhưng trong khung cảnh toàn vẹn đó – tất cả đã toàn vẹn nơi Phaolô, ngài biết tất cả – trong khung cảnh hoàn thiện đó của cuộc sống, một ngày kia xảy ra điều tuyệt đối không thể thấy trước được: đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Phục Sinh, trên đường đến thành Damasco. Ở đó đã không chỉ có một người ngã xuống đất: đã có một người bị túm lấy bởi một biến cố đảo lộn ý nghĩa của cuộc sống. Và kẻ bách hại trở thành tông đồ, tại sao? Bởi vì tôi đã trông thấy Chúa Giêsu sống! Tôi đã trông thấy Chúa Giêsu Kitô phục sinh! Đây là nền tảng đức tin của Phaolô, cũng như của các tông đồ khác, cũng như của giáo Hội, cũng như đức tin của chúng ta. Rồi ĐTC định nghĩa Kitô giáo như sau:

** Thật đẹp biết bao nhiêu nghĩ rằng Kitô giáo một cách nòng cốt là điều này! Nó không phải là việc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa – một cuộc kiếm tìm không chắc chắn – cho bằng là việc Thiên Chúa tìm kiếm chúng ta. Chúa Giêsu đã cầm lấy chúng ta, đã tóm lấy chúng ta, đã chinh phục chúng ta để không bỏ chúng ta ra nữa. Kitô giáo là ơn thánh, là sự kinh ngạc và vì lý do đó nó giả thiết một con tim có khả năng kinh ngạc. Một con tim đóng kín, một con tim duy lý trí không có khả năng kinh ngạc, nó không thể hiểu được Kitô giáo là gì. Bởi vì Kitô giáo là ơn thánh, và ơn thánh chỉ có thể được nhận thức: còn hơn thế nữa nó gặp gỡ trong sự kinh ngạc của cuộc gặp gỡ.

Và khi đó cả khi chúng ta tội lỗi – tất cả chúng ta đều tội lỗi – nếu các ý hướng sự thiện của chúng ta đã chỉ ở trên giấy tờ, hay nếu khi nhìn vào cuộc sống chúng ta nhận ra đã có biết bao nhiêu thất bại… Vào sáng ngày Phục Sinh chúng ta có thể làm như những người Tin Mừng nói đến: đi ra mộ Chúa Kitô, trông thấy phiến đá bị lật đổ và nghĩ rằng Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi, cho tất cả chúng ta, một tương lai không chờ đợi. Đi tới mộ của chúng ta, tất cả chúng ta đều có một cái mộ nhỏ bên trong. Đi đến đó và trông thấy Thiên Chúa có khả năng sống lại từ đó như thế nào. Ở đây có hạnh phúc, ở đây có niềm vui và sự sống, nơi tất cả chúng ta đã nghĩ  chỉ có sự buồn sầu,  thất bại, và bóng tối. Thiên Chúa làm cho các cây hoa của Ngài lớn lên giữa các hòn đá khô cằn nhất.

Là Kitô hữu có nghĩa là không khởi hành từ cái chết, nhưng từ tình yêu của Thiên  Chúa đối với chúng ta, là Đấng đã chiến thắng kẻ thù dữ dằn nhất của chúng ta. Thiên Chúa vĩ đại hơn hư vô, và chỉ cần một ngọn nến để chiến thắng đêm tối nhất của các đêm đen. Thánh Phaolô kêu lên, bằng cách làm vang vọng lời các ngôn sứ: “Hỡi tử thần, chiến thắng của ngươi ở đâu? Hỡi tử thần nọc độc của ngươi ở đâu?” Trong các ngày này của lễ  Phục Sinh chúng ta hãy đem tiếng kêu này trong tim. Và nếu người ta có nói tại sao chúng ta trao ban nụ cười và sự chia sẻ kiên nhẫn, thì khi đó chúng ta sẽ có thể trả lời rằng Chúa Giêsu vẫn còn đây, Ngài tiếp tục sống giữa chúng ta, rằng Ngài ở đây, tại quảng trường này với chúng ta: Ngài sống và đã phục sinh.

** ĐTC đã chúc mừng lễ Phục  Sinh và chào nhiều đoàn hành hương. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các học sinh sinh viên đến từ Pháp và Thụy Sĩ. Ngài cầu mong Chúa Phục Sinh gia tăng đức tin cho mọi người và tình yêu của Chúa giúp chiến thắng tội lỗi và cái chết nơi từng người, để có thể tươi vui làm chứng cho niềm hy vọng nảy sinh từ ngôi mộ mở ra sáng ngày lễ Phục Sinh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Thụy Điển, Thuỵ Sĩ, Hồng Kông, Indonesia, Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt các tân Phó tế trường Ailen cùng với thân nhân và bạn bè.

Ngài cũng chào các nhóm hành hương của tổng giáo phận Muechen Freising do ĐHY Reinhard Max và các GM phụ tá hướng dẫn, cũng như các đại chủng sinh Áo do ĐC Anton Leichtfried hướng dẫn. Ngài cầu chúc họ đem niềm vui phục sinh tới với những người khác và làm chứng cho cuộc sống không tàn phai.

Chào các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil ĐTC xin họ để cho sức mạnh phục sinh của Chúa Kitô biến đổi soi sáng giúp họ làm chứng cho cuộc sống mạnh hơn tội lỗi và cái chết.

Chào các tín hữu Ba Lan ngài khích lệ họ đi đến với các anh chị em khác với niềm vui và hy vọng trong tim để loan báo Chúa Kitô đã phục sinh và hiện diện giữa chúng ta.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các tân linh mục giáo phận Mantova do ĐC Marco Busca hướng dẫn hành hương Roma cùng với các thân nhân và bạn bè, cũng như các tân Phó tế dòng Tên và thân nhân bạn bè trong đó có thầy Agostino Nguyễn Minh Triệu.

Ngài cũng chào các nữ tu thuộc nhiều dòng khác nhau đang tham dự cuộc hội của Liên hiệp các bề trên tổng quyền Italia; tín hữu Marigliano kỷ niệm 80 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ Hy Vọng. ĐTC cầu mong đây là dịp giúp mọi người canh tân lòng gắn bó với Chúa và các giáo huấn của Chúa.

Chào các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ tuyên xưng đức tin thuộc giáo phận Milano và Cremona, ĐTC chúc họ sống tràn đầy sứ điệp phục sinh và làm chứng cho hoà bình của Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài chúc các người đau yếu biết liên lỉ nhìn lên Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết ý thức được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Tiền đường một nhà thờ Công giáo ở Nepal bị đốt

Kathmandu, Nepal – Một số kẻ tấn công đã nổi lửa đốt nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời, nơi thờ phượng đầu tiên của Công giáo tại nơi công cộng ở Nepal, một đất nước có đa số dân theo Ấn giáo.

Theo hãng tin Ucan, cha Ignatius Rai, cha xứ của giáo xứ nhà thờ chánh tòa, cho biết là một số kẻ lạ mặt xâm nhập vào khu vực nhà thờ vào khoảng lúc 3 giờ sáng ngày 18/04. Họ đã nổi lửa đốt làm thiệt hại một phần nhà xứ và phần phía tây của nhà thờ. Một xe hơi và hai xe gắn máy cũng bị đốt. Không có báo cáo về thương vong. Cha cho biết điều này gây sốc và cộng đoàn Kitô địa phương đang sống trong lo sợ.

Đây là lần thứ hai nhà thờ là mục tiêu tấn công. Vào năm 2009, một quả bom đã phát nổ, giết hại 3 người, trong đó có một nữ sinh, và làm bị thương 15 người. Năm 2010, chỉ huy trưởng của quân đội phòng thủ Nepal – một nhóm Ấn giáo cực đoan ít được biết – đã bị bắt vì có liên quan đến biến cố trên.

Giáo xứ Đức Mẹ Lên trời đã lên án vụ tấn công và yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch. Thông cáo của giáo xứ viết: “Nhà thờ Công giáo tham gia vào hoạt động xã hội từ gần một thập kỷ và sẽ tiếp tục công việc của chúng tôi dù cho những cuộc tấn công thường xuyên”. Thông cáo cũng thêm rằng đừng ai để cho ccuộc tấn công hủy hoại sự hòa hợp tôn giáo tại quốc gia này.

Nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Lên trời có 1000 chỗ ngồi, được xây dựng sau khi hiến pháp mới, được công bố năm 1991, cho phép dân Nepal tự do thực hành tôn giáo ở nơi công cộng, miễn là không có những vụ cải đạo người khác. Trước đó, các cử hành của Công giáo chỉ được tổ chức ở các nhà nguyện của các trường Công giáo, các tu viện và trung tâm xã hội.

Niên giám Công giáo cho biết có khoảng 8000 tín hữu Công giáo ở Nepal, phần lớn ở miền đông nơi các giáo xứ được thành lập vào năm 1999. Nepal có khoảng 28 triệu dân, trong đó 80% theo Ấn giáo. (CNS 18/04/2017)

Hồng Thủy

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Cha George Weinmann và Sơ Lilian McLaughlin, hai vị tử đạo của Thánh Thể

Đã 50 năm trôi qua, các tín hữu Công giáo ở Rochester, New York, vẫn nhớ đến gương hy sinh của cha George Weinmann, 77 tuổi, và sơ Lilian Marie McLaughlin, một nữ tu dòng Notre Dame, đang dạy học tại trường học của giáo xứ, những người đã hy sinh mạng sống để cứu các trẻ em và Thánh Thể trong một cơn hỏa hoạn tại nhà thờ thánh Philip Neri tại thành phố này.

Cha Weinmann được thụ phong Linh mục năm 1918, sau đó cha phục vụ trong 3 giáo xứ trước khi trở thành cha sở của xứ Philip Neri vào năm 1959. Cha đã ra sức xây dựng giáo xứ, thành lập trường học giáo xứ vào năm 1962, và năm 1965, cha xây một tu viện cho các nữ tu dòng Notre Dame. Cha nổi tiếng là “tiết kiệm”, cha để ý tới từng xu tiền của giáo xứ và tiêu xài rất ít cho chính mình. Khi cha qua đời, người ta tìm thấy một phong bì bên ngoài cha viết “Cho nhà thờ mới”, bên trong là trái phiếu của chính phủ với số tiền lên tới 200 ngàn đô la. Sơ McLaughlin sinh trưởng ở Boston và gia nhập dòng Notre Dame vào năm 1962. Các học sinh nói sơ là người dịu dàng, kiên nhẫn, vui vẻ và có tình hài hước. Sơ xinh đẹp, dễ thương và như thiên thần.

Ngày 20 tháng 2 năm 1967 là một ngày trời u ám, tuyết rơi và gió lạnh. Các học sinh của trường đang chơi trong giờ ăn trưa. Jimmy Thompson, một giám thị các học sinh lớp 7, đang quan sát các em khi chúng chơi đùa. Thình lình một học sinh lớp 4 đi ra khỏi ngôi nhà thờ gỗ và cho ông biết là các học sinh đang chơi giỡn bên trong nhà thờ. Thompson mở cửa nhà thờ và nhìn vào bên trong, ông thấy lửa cháy lan khắp phía sau cung thánh của nhà thờ. Thompson vội vàng chạy đến trường học và kéo chuông báo cháy và chạy đến nhà xứ báo cho cha xứ biết.

Nhà thờ thánh Philip Neri được xây dựng vào năm 1929, hoàn toàn bằng gỗ. Do đó ngon lửa đã dễ dàng lan tràn khắp nhà thờ. Khi cha Weinmann, 77 tuổi, cha sở của giáo xứ, nghe tiếng la hét thông báo nhà thờ đang bị cháy, đã chạy vội ra khỏi nhà xứ và băng mình xông vào lửa để cứu lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà Tạm. Còn sơ McLaughlin, vội vàng gọi điện cho sở cứu hỏa và khi được biết là còn một số ít trẻ em đang ở trong nhà thờ, sơ đã không chút do dự, chạy vào nhà thờ qua cửa hông để vào cứu các em. Thật ra trong nhà thờ không có học sinh nào cả, nhưng sơ McLaughlin gặp thấy cha Weinmann và cố gắng giúp cha thoát ra ngoài nhà thờ. Họ cố đi ra bằng cửa chính, nhưng vì khói dày đặc nên cả hai người không nhìn thấy rõ và tưởng cửa vào phòng giải tội là cửa chính. Lính cứu hỏa đã tìm thấy hai người gần đó. Sơ McLaughlin qua đời vì ngạt khói, ngay chiều thứ hai hôm ấy, khi chỉ vừa mừng sinh nhật lần thứ 26 được 2 ngày. Còn cha Weinmann, đã mang Mình Thánh Chúa ra khỏi Nhà Tạm, cũng qua đời hai ngày sau đó.

Sự hy sinh của cha Weinmann và sơ McLaughlin đã để lại một dấu vết không thể xóa nhà trong ký ức của các học sinh và giáo dân của giáo xứ tại thành phố Rochester này và cũng là một mẫu gương hy sinh sống động mãi. Dù họ đã hy sinh cách đây nửa thế kỷ, nhưng ấn tượng của các học sinh và giáo dân về họ vẫn cho thấy một bản chất bình thường của sự vĩ đại, điều đã làm cho vị Tôi tớ Chúa Fulton Sheen gọi họ là “các vị tử đạo”. Thompson, người đã khám phá đám cháy hôm ấy, chia sẻ: “Khi bạn gặp điều gì đó tàn phá trong cuộc sống của bạn như ngày 20 tháng 2 năm đó, và khi nó liên quan đến tôn giáo của bạn, đến trường của bạn và nhà thờ của bạn mà bạn thật sự yêu quý, bạn không bao giờ có thể quên những điều này.”

Lòng yêu mến của mọi người đối với cha Weinmann và sơ McLaughlin được thể hiện qua sự hiện diện của rất đông dân chúng hiện diện trong Thánh lễ tại nhà thờ Truyền tin vào ngày 26 tháng 2 vừa qua, nhân tưởng niệm 50 năm ngày hy sinh của hai người. Trong số những người hiện diện có thân nhân của cha Weinmann và sơ McLaughlin cũng như các giáo dân của giao xứ thánh Philip Neri ngày xưa. Trong bài giảng Thánh lễ, cha Dennis Bonsignore cho biết cha được biết về vụ hỏa hoạn ở nhà thờ thánh Philip Neri vào năm 1992, 25 năm sau ngày xảy ra, khi cha đang phục vụ ở nhà thờ thánh Cecilia. Cha kể, vào hôm đó, Peter Fantigrossi đã hiện diện mà không biết là cha Bonsignore sẽ giảng về đám cháy. Ông là người lính cứu hỏa đã mang sơ McLaughlin ra khỏi nhà thờ thánh Philip Neri. Tai nạn làm cho ông cảm thấy đau khổ phát điên và đã rời bỏ nhà thờ trong nhiều năm. Nhưng sau thánh lễ vào năm 25 năm, Peter Fantigrossi cảm thấy được chữa lành và đổi mới. Ông đã sáng tác một bài thơ tựa đề "I Held an Angel in My Arms" – Tôi ôm một thiên thần trên cánh tay tôi”. Cha Bonsignore nhận định rằng hai vị đã để lại một mẫu gương sống động về niềm tin của họ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể.

Đức cha Matano của giáo phận Rochester khen ngợi cha Weinmann và sơ McLaughlin là gương mẫu cho các tín hữu Công giáo dâng trọn mạng sống của họ cho Chúa Giêsu. Ngài nói: “Chúng ta cầu nguyện để noi gương cha Weinmann và sơ McLaughlin, chúng ta có thể nói ‘Tôi sống nhưng không là tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi.” (CNS 10/03/2017)

Hồng Thủy

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Quyền từ chối tham gia phá thai của các nữ hộ sinh

Stockholm, Sweden – “Ước muốn bảo vệ sự sống là điều hướng dẫn nhiều nữ hộ sinh và y tá theo ngành y. Thay vì buộc những nữ hộ sinh đang cần thiết cho ngành y từ bỏ nghề của họ, các chính phủ nên bảo vệ những xác tín luân lý đạo đức của nhân viên y tế.” Đó là nhận định của ông Robert Clarke, chủ tịch phân bộ luật sư châu Âu của liên minh bảo vệ tự do quốc tế.

Các luật sư bảo vệ tự do  tôn giáo nói rằng các nữ hộ sinh – những chuyên viên về thai nghén và sinh sản – thường chọn nghề của họ bởi vì họ muốn mang những sự sống mới vào trong thế giới và họ không nên bị cưỡng ép kết liễu sự sống ngược lại với niềm tin của họ.Nữ hộ sinh Ellinor Grimmark đã tố cáo 3 cơ sở y tế khác nhau ở quận Joenkoeping, miền nam Thụy điển, từ chối nhận bà làm việc vì bà chống lại việc trợ giúp cho các ca phá thai.

Vào năm 2015, tòa án quận phán rằng quyền tự do ý kiến và diễn tả của Ellinor Grimmark không bị xâm phạm và bà bị yêu cầu trả gần 106 ngàn đô la tiền án phí cho chính quyền địa phương. Hôm 12/04, một tòa án lao động cũng đồng ý với tòa án địa phương và phán xử chống lại Ellinor Grimmark.

Ellinor Grimmark đang dự định kháng án lên tòa án nhân quyền châu Âu. Hiệp hội bảo vệ tự do quốc tế đã đệ trình một bản tóm tắt để ủng hộ bà.

Theo ông Clarke, Thụy điển là một thành viên của Hội đồng châu Âu và phải tôn trọng Hội đồng của Nghị viện. Nghị viện nói rằng không có ai bị ép buộc hay đối xử phân biệt chống lại “bằng bất cứ cách thức nào vì từ chối thực hiện, cung cấp, hỗ trợ phá thai.”

Ông Clarke nói thêm: “Tham gia phá thai không nên là một yêu cầu để được thuê muốn như một nhân viên y tế. Theo luật quốc tế, tòa án nên bảo vệ quyền căn bản về tự do lương tâm của Ellinor Grimmark.

Theo tin của BBC, dựa trên số liệu của Liên hiệp quốc, Thụy điển là quốc gia có tỷ lệ phá thai cao nhất ở châu Âu, với 20,8 vụ trên 1000 phụ nữ vào năm 2011. (CAN 18/04/2017)

Hồng Thủy

 

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi xin Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho cô

Asia Bibi là một Kitô hữu người Pakistan. Cách đây 8 năm, cô đã bị kết án tử hình và ở tù vì bị vu cáo nói phạm thượng đến tiên tri Mohamed của người Hồi giáo. Phục sinh năm nay, Asia cũng mừng lễ tại nhà tù Multan.Hôm thứ 5 tuần trước, Asia đã mừng lễ Phục sinh cùng với Ashiq – chồng cô và ông Joseph Nadeem – luật sư của gia đình, với bữa cơm tối thanh đạm, trao đổi lời chúc mừng và Asia đã viết lời cầu nguyện trên một mảnh giấy nhỏ.

Asia khấn cầu sự phục sinh và xin Chúa Cha dẹp bỏ những chướng ngại, xoa dịu muôn vàn đau khổ. Giống như vào dịp Giáng sinh, Asia cầu nguyện cho các kẻ thù và tha thứ cho những người mang lại điều không may cho cô. Cuối cùng Asia xin Đức Giáo hoàng đừng quên cầu nguyện cho cô.

Paul Bhatti, cựu thủ tướng liên bang của Pakistan về Hòa hợp Quốc gia và là anh của Shahbaz Bhatti, một thừa tác viên Công giáo, bị một người Hồi giáo cực đoan giết năm 2011 chia sẻ: “Đức Giáo hoàng luôn làm điều này, không chỉ cho Asia Bibi nhưng cho tất cả Kitô hữu, cho cả tín hữu Hồi giáo, những người là nạn nhân của bất công. Bởi vì Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nói rằng đức tin của chúng ta tôn vinh phẩm giá của con người. Khi một người đau khổ, chúng ta không xét xem người đó là Kitô hữu hay Hồi giáo; điều chúng ta quan tâm là công bình hay bất công đối với người đó và sự tự do của họ. Vì điều này, tôi tin là Vatican và Đức Thánh Cha đã làm điều có thể: luôn cởi mở đối thoại, đã khuyến khích và ủng hộ cả chúng tôi, trong mọi ý nghĩa; và Đức Giáo hoàng đặc biệt nâng đỡ các Kitô hữu bị vách hại vì đức tin.”

Asia Bibi đã bị giam tù hơn 2860 ngày và có những ngày bị biệt giam, trong khi chờ đợi phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao Pakistan trong khi nguồn tài chính trợ giúp cho trường hợp của cô đang cạn dần.

Trong khi đó tại Pakistan, các cuộc xử tử phi pháp do bị cáo buộc phạm thượng gia tăng: 66 vụ trong 27 năm. Vụ cuối cùng xảy ra tại trường đại học Mardan những ngày vừa qua, Mashal Khan, một sinh viên Hồi giáo khoa báo chí đã bị các bạn tra tấn và bắn chết vì bị cáo buộc đã xúc phạm đến Mohamed.

Bhatti cho biết tại Pakistan vẫn tồn tại lối suy nghĩ cực đoan, đóng kín và vi phạm nhân quyền. Sự cấm cách trên các phương tiện truyền thông, trên Youtube, internet, không gì khác hơn là một cách thức làm cho Pakistan thụt lùi, hàng nhiều năm…

Bhatti cũng gửi lời chúc mừng đến Asia Bibi và tất cả những ai đang bị bách hại bởi cùng tình cảnh. Ông cũng bày tỏ là niềm tin Công giáo, Kitô giáo kiến tạo chúng ta nên một, dù chúng ta ở Pakistan hay Phi châu hay nơi nào khác… (RV 17/04/2017)

Hồng Thủy 

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức mừng sinh nhật 90 theo truyền thống Bavaria

Vatican – Chiều thứ hai 17/04, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đã mừng sinh nhật thứ 90 trong vườn của đan viện Mater Ecclesiae, nơi ngài đang nghỉ hưu.

Một nhóm đông “các bạn vùng Bavaria” (nơi sinh của ngài ở nước Đức) đã cùng hiện diện mừng sinh nhật với ngài; trong đó có Đức ông Georg Ratzinger – anh của ngài, ông thủ tướng và thống đốc bang Bavaria .

Dưới ánh nắng mặt trời Roma, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức đã uống ly bia lớn và nghe nhạc truyền thống vùng Bavaria.

Hôm thứ 4 Tuần Thánh, Đức Phanxicô đã đến thăm và chúc mừng Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức tại đan viện nhân lễ Phục sinh và sinh nhật thứ 90 của ngài.

Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức sinh ngày 16/04/1927, tại bang Bavaria, miền nam nước Đức. Ngài từ nhiệm vào năm 2013. (RV 18/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Hồng y Tagle kêu gọi dùng văn hóa yêu thương để chống văn hóa sự chết

Đức Hồng y Tagle kêu gọi dùng văn hóa yêu thương để chống văn hóa sự chết

Vào nghi thức rửa chân trong Thánh lễ Tiệc ly chiều thứ 5 Tuần Thánh, Đức Hồng y Antonio Tagle của Manila đã hôn chân các “tông đồ”, trong đó có người đã từng nghiện ma túy, các sĩ quan cảnh sát, các lãnh đạo cộng đồng, một bà mẹ của một nạn nhân bị xử tử không qua xét xử.

Đức Hồng y nói trong bài giảng: “Chúng ta không ở đây để phán xét người khác nhưng để nhớ những điều Chúa Giêsu đã làm”. Ngài cũng nhắc các tín hữu nhớ là “chúng ta là tôi nhân”; “chúng ta cũng như họ”; “Tất cả chúng ta đều có bàn chân dơ bẩn và cần được Chúa Giêsu tẩy rửa.”

Đức Hồng y nói là tấm gương khiêm hạ của Chúa Giêsu là một ví dụ thực hành cho những người đi theo Chúa, biết yêu thương cả những người không xứng với tình thương này.

Đức Hồng y nói về “hành trình đau lòng” của người mẹ mất con trong làn sóng giết người liên quan đến ma túy khắp thủ đô Manila trong những tháng gần đây.

Hôm thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Hồng y Tagle ngỏ lời với khoảng 4000 tín hữu tập họp bên ngoài nhà thờ chánh tòa Manila, những người tham gia cuộc tuần hành thống hối vì sự sống, “chống lại văn hóa sự chết” bằng “văn hóa yêu thương”. Ngài nói: “Cuộc sống là dâng tặng chính mình cho người khác. Đó là thứ văn hóa chúng ta sẽ dùng để chống lại văn hóa chết chóc.”

Đức Hồng y còn kêu gọi dân chúng đừng giống như những khán giả nhưng hãy làm điều gì đó trong cách thế bé nhỏ của chúng ta  để chúng ta có thể củng cố thêm và loan truyền văn hóa yêu thương, chăm sóc, nâng đỡ và tôn trọng những gì ủng hộ sự sống.

Đức Hồng y so sánh kinh nghiệm của nhiều người với đau khổ của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu mọi hinh thức của cái chết từ khi là một em bé cho đến khi chết trên Thánh giá. Ngài nhận định rằng thật là buồn khi cái chết mà Chúa Giêsu đã chịu còn tiếp tục tái diễn ngày nay. Ngài kêu gọi người Philippines đừng để anh em mình phải chịu cùng đau khổ như Chúa Giêsu. (Ucan 17/04/2017)

Hồng Thủy

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Đức tin của Jennifer Bricker, một cô gái sinh ra không có đôi chân

Sinh ra với một cơ thể khuyết tật, không có đôi chân, trái tim lại nằm ở bên phải thay vì bên trái như bao nhiêu người bình thường khác, bé gái Jennifer Bricker còn bị cha mẹ bỏ rơi vì bị sốc trước tình trạng thể lý của em và cũng vì không có khả năng chữa trị cho em. Bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng có một Đấng khác đã có những chương trình đặc biệt cho cuộc đời của Jennifer.

Jennifer Bricker được ông bà Sharon và Gerald Bricker nhận làm con nuôi. Em đã lớn lên cùng với 3 người con của đôi vợ chồng Kitô hữu tốt lành đạo đức, được chăm sóc với tình yêu thương và em đã sống với một quy luật duy nhất “đừng bao giờ nói tôi không thể.” Jennifer chia sẻ: “Tôi không bao giờ bị gia đình, các bạn học ở trường và các thầy cô giáo, cũng như huấn luyện viên của tôi đối xử phân biệt, khác với người nào khác. Lớn lên, đối với tôi, đó là một điều đơn giản.” Chỉ trong một thời gian ngắn, Jennifer nhận ra rằng mình đã thành công trong các hoạt động thể lý mà cô tham gia như trượt patin, chơi bóng chuyền, nhào lộn, thể dục dụng cụ. Hiện nay Jennifer đang sống và làm việc như một vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp ở Hollywood.

Năm tháng trôi qua, niềm đam mê thể thao trong Jennifer cũng lớn lên và cô cảm thấy bị thu hút bởi Dominique Moceanu, vận động viên thể dục trẻ nhất của Hoa kỳ đã đạt huy chương vàng Olympic. Jennifer luôn cảm thấy có một thứ liên kết với Dominique. Cô nhìn thấy mình nơi Dominique, cô suy nghĩ: cô ta từng là một cô gái bé nhỏ, tôi cũng thế. Cô ta người Rumani, tôi cũng vậy. Cô ta có bản tính can đảm như tôi. Khi lên 16 tuổi, Jennifer muốn tìm biết các thông tin về gia đình ruột thịt, từ đó cô đã chào đời trong thế giới này. Mẹ nuôi của cô đã tìm lại trong các tài liệu nhận con nuôi và đã tìm ra một chi tiết làm thay đổi cuộc sống của Jennifer: tên họ thật của cô chính xác là Moceanu, giống như tên họ của thần tượng Dominique. Jennifer mất 4 năm để thu thập đầy đủ các tài liệu cần thiết trước khi gặp và nói với thần tượng Dominique Moceanu của cô rằng có thể họ là hai chị em ruột. Jennifer đã viết một lá thư cho Dominique, trong đó cô nói về nguồn gốc Rumani của mình, về việc mình được nhận nuôi, về tình yêu dành cho thể dục, về sự thu hút dành cho Dominique và về việc cô khám phá ra họ có cùng tên họ. Cuối thư, cô cho biết mình muốn làm một xét nghiêm AND nếu Dominique đồng ý, chỉ để chứng minh mối liên hệ của họ. Sau này khi Jennifer gặp Christina, một người chị em khác, thì hai người giống nhau như đúc. Hai người dường như là chị em sinh đôi.

Jennifer không xem giới hạn thể lý của mình như một khuyết tật. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy mình đáng yêu như tôi đang là, nhỏ bé và không có chân. Cô thấy việc không có chân là một đặc tính, một phần của mình. Cha mẹ cô đã dạy cô đối diện với cuộc sống trực diện, chiến đấu bằng những giấc mơ và ý tưởng. Nhưng trên hết họ đã truyền cho cô giá trị của một đức tin được sống cách chân thực như cô nói: “Tôi cầu nguyện và đọc Lời Chúa mọi ngày. Khi tôi làm điều này như một cuộc hẹn hàng ngày, đời sống của tôi được thay đổi. Tất cả đã bắt đầu từ đây.”

Năm 2009, Jennifer đã tham gia vào một tour diễn với Britney Spears, một sự kiện đặc biệt đối với cô. Tour diễn thành công về tổng thể nhưng việc đối diện với quá nhiều người bắt đầu gợi lên trong lòng Jennifer cảm giác khó chịu về dáng vẻ xấu xí của mình. Dù tất cả nói với cô là cô xinh đẹp nhưng tâm trí cô nghĩ khác. Bị dày vò bởi ý tưởng ám ảnh này, Jennifer quyết định thay đổi cuộc sống. Lúc ấy là gần Mùa Chay, Jennifer quyết định, trong 40 ngày, cô dán các tấm hình của người thân và bạn bè lên tấm gương mà hàng ngày cô nhìn thấy mình và cho là mình xấu xí, và cầu nguyện xin Chúa giúp cô biết điều cần làm. Chính từ tấm gương với hình ảnh của những người thân yêu, Jennifer bắt đầu cảm tháy một dòng suối yêu thương, vui mừng và an bình. Cô nói: “Không có ai có thể giúp tôi thoát ra tình cảnh này, nhưng chỉ có Chúa đã làm điều đó.” Cô đã bắt đầu đọc Kinh Thánh mỗi ngày để chọn niềm vui ngay cả khi cô không cảm thấy nó trong lòng, để chọn chiến thắng cuộc chiến của mình mỗi ngày cả khi cô cảm thấy mình không có sức làm điều đó, để chọn yêu thương chính mình và cảm thấy mình xinh đẹp, cả khi cô cảm thấy mình mập béo.

Đối với Jennifer, không có gì là dễ dàng, nhưng từ kinh nghiệm đó, cô đã rút ra một bài học rất quan trọng: “Tôi hiểu rằng Chúa đã tạo dựng nên tôi như một chiến binh. Và vũ khí của tôi chỉ có một, đó là để Chúa chiếu sáng trong tôi, để lan truyền tình yêu và niềm vui của Người.” (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

VATICAN. Trưa 17-4-2017, thứ hai sau Phục Sinh, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu và mời gọi mọi người hãy trở thành những con người mới.

Thứ hai Phục Sinh được gọi là ”Lễ Phục Sinh nhỏ” (Pasquetta) hay là ”Thứ hai Thiên Thần” cũng là ngày lễ nghỉ tại Italia. Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC đã diễn giải lời thiên thần mời gọi các phụ nữ mau lẹ đi loan báo cho các môn đệ: Chúa đã sống lại (Mt 28,7), và ngài nhận xét rằng lời mời này cũng được trực tiếp gửi đến chúng ta: ”hãy mau lẹ đi loan báo sứ điệp hy vọng cho con người ngày nay. Vào bình minh ngày thứ ba, từ khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh đã sống lại, lời nói cuối cùng không là lời nói của sự chết, nhưng là của sự sống!”

Do biến cố ấy, là điều mới mẻ đích thực trong lịch sử và trong vũ trụ, chúng ta được kêu gọi trở thành những người nam nữ mới theo Thánh Linh, bằng cách khẳng định giá trị sự sống. Điều này đã bắt đầu nảy sinh! Chúng ta sẽ là những con người của phục sinh, nếu giữa những biến cố chao đảo của thế giới, trước tinh thần trần tục làm xa lìa Thiên Chúa, chúng ta biết đề ra những cử chỉ liên đới và đón tiếp, nuôi dưỡng ước muốn hòa bình nơi mọi người, và khao khát một môi trường không bị suy thoái. Đó là những dấu chỉ chung của con người, nhưng được niềm tin nơi Chúa Phục Sinh nâng đỡ và linh hoạt. Những dấu chỉ ấy có thể đạt được hiệu năng vượt lên trên khả năng của chúng ta. Đúng vậy, vì Chúa Kitô hằng sống và hoạt động trong lịch sử nhờ Thánh Linh của Ngài: Chúa cứu vớt khỏi những lầm than của chúng ta, liên kết tâm hồn mỗi người và tái ban hy vọng cho những người bị áp bức và đau khổ”.

Và ĐTC kết luận rằng ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, chứng nhân âm thầm về cái chết và sự sống lại của Chúa Con Giêsu, giúp chúng ta trở thành những dấu chỉ trong sáng của Chúa Kitô phục sinh giữa những thăng trầm của thế giới, để những người ở trong sầu muộn và khó khăn không tiếp tục là nạn nhân của thái độ bi quan, nhưng tìm được nơi chúng ta bao nhiêu anh chị em nâng đỡ và an ủi họ”…. Xin Mẹ đặc biệt chuyển cầu cho những cộng đoàn Kitô đang được kêu gọi làm chứng tá một cách khó khăn và can đảm hơn” (SD 17-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Phép Lành Urbi et Orbi

Đức Thánh Cha công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Phép Lành Urbi et Orbi

VATICAN. 16.04.2017. Sau Thánh Lễ Phục Sinh, vào đúng 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đứng ở bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô để công bố Sứ Điệp Phục Sinh và ban Phép lành Toàn Xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

Sứ điệp Phục Sinh

Sau đây là toàn văn Sứ điệp Phục Sinh của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,
Chúc Mừng Phục Sinh!

Hôm nay trên toàn thế giới, Giáo Hội làm mới lại lời công bố đầy kinh ngạc của các môn đệ đầu tiên. Lời ấy là: “Chúa Giêsu đã phục sinh!” – “Người sống lại thật rồi, đúng như Người đã nói!”.

Lễ Vượt Qua xưa kia là để kỷ niệm ngày dân Do Thái được giải phóng khỏi ách nô lệ, và ở đây, ngày lễ Vượt Qua ấy được trở nên viên mãn nhờ sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Nhờ sự sống lại của Chúa, Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi, khỏi ách của cái chết, và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến sự sống đời đời.

Tất cả chúng ta, khi chúng ta để cho mình bị tội lỗi vây hãm, chúng ta bị rơi vào con đường sai lầm như con chiên lạc. Nhưng Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên đến với chúng ta, tìm chúng ta và cứu chúng ta. Người đã làm tất cả những điều ấy bằng con đường tự hạ, đến độ chịu sỉ nhục và chết trên cây thập tự. Hôm nay chúng ta có thể công bố: “Đấng Mục Tử nhân lành đã phục sinh, Người đã hiến mạng sống mình vì đoàn chiên, Người đã đoái thương chết thay cho đoàn chiên, mừng vui lên, Alleluia!” (Sách Lễ Roma, Chúa Nhật IV Phục Sinh, Ca hiệp lễ).

Trong suốt chiều dài lịch sử, Đấng Phục Sinh, Đấng là Mục Tử không biết mệt mỏi đi tìm chúng ta, tìm các anh chị em nơi những sa mạc của thế giới. Và cùng với những dấu thương tích của cuộc Khổ Nạn, dấu tích của tình yêu thương xót, Người đã dẫn dắt chúng ta về con đường của Người, đó là con đường sự sống. Hôm nay cũng thế, Người vác chúng ta trên vai, Người vác trên vai những anh chị em của chúng ta đang chịu biết bao áp bức dưới mọi hình thức.

Đấng Phục Sinh, Đấng Mục Tử lên đường kiếm tìm những ai bị lạc mất trong mê cung của sự cô đơn và cách ly. Người đến gặp họ qua những anh chị em của chúng ta, qua cách đối xử với họ trong tôn trọng và đầy lòng tử tế, bằng cách giúp họ nghe được tiếng của Người, cung giọng của Người là tiếng nói không thể quên được, đó là lời gọi mời trở lại làm bạn với Thiên Chúa.

Người vác lên vai, tất cả những ai là nạn nhân của các hình thức nô lệ cũ và mới, của những lối lao động vô nhân đạo, của những buôn bán bất hợp pháp, của những hình thức bóc lột và bị phân biệt đối xử, của những hình thức nghiện ngập trầm trọng. Người vác lên vai, những đứa trẻ và thanh thiếu niên vô tội bị khai thác bóc lột. Người vác lên vai, những con người chịu tổn thương nặng nề bởi những bạo hành xảy ra trong những bức tường của chính căn nhà họ.

Đấng Phục Sinh, Đấng Mục Tử luôn là bạn đồng hành với những ai buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở vì các xung đột vũ trang, vì những cuộc tấn công khủng bố, vì đói kém, vì những chế độ áp bức. Khắp mọi nơi, đối với những người buộc lòng phải trở thành dân nhập cư, Đấng Mục Tử giúp họ gặp được các anh chị em, để họ có thể chia sẻ cho nhau cơm bánh và niềm hy vọng trên hành trình của mình.

Trong những tình huống phức tạp và thường xuyên bất ổn của thế giới ngày nay, nguyện xin Chúa Phục Sinh từng bước hướng dẫn tất cả những ai đang lao tác vì công lý và hòa bình. Xin Người ban lòng can đảm cần thiết cho các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ có thể ngăn chặn sự lan tràn của các xung đột, để họ có thể ngăn chặn việc buôn bán vũ khí.

Đặc biệt trong những ngày này, xin Người gìn giữ và chở che tất cả nỗ lực của những ai đang tích cực tham gia vào việc đem lại sự yên ổn và cứu giúp người dân Syria, vì những người dân nơi đây đang là nạn nhân của những cuộc chiến kinh hoàng và chết chóc. Từ hôm qua, tin tức mới nhất là lại có thêm cuộc tấn công hèn nhát vào những người tị nạn, làm cho nhiều người bị chết và bị thương. Nguyện xin Người ban hòa bình cho vùng toàn vùng Trung Đông, nơi Đất Thánh cũng như ở Iraq và Yemen.

Nguyện xin Đấng là Mục Tử Nhân Lành luôn gần gũi với người dân Nam Sudan, Sudan, Somalia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Họ luôn phải chịu đựng những hậu quả của các hành động thù địch kéo dài, và những nạn đói nghiêm trọng ảnh hưởng trên nhiều vùng châu Phi.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh nâng đỡ nỗ lực của tất cả những ai, đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh, đang cam kết bảo đảm lợi ích chung cho cộng đồng, giữa xã hội đang có nhiều căng thẳng chính trị và nhiều khi dẫn đến bạo lực. Nguyện xin những chiếc cầu đối thoại có thể được xây dựng, bằng cách tiếp tục chống lại nạn tham nhũng và đi tìm giải pháp hòa bình, tìm các biện pháp khả thi để giải quyết các tranh chấp, và thúc đẩy thể chế dân chủ trong sự tôn trọng pháp quyền.

Nguyện xin Đấng Mục Tử Nhân Lành đến nâng đỡ người dân Ucraina, vì họ vẫn lầm than trong cuộc xung đột đẫm máu. Xin cho họ tìm được sự hòa hợp và tìm thấy những sáng kiến, để có thể làm giảm bớt những bi kịch đau thương cho mọi người.

Nguyện xin Chúa Phục Sinh tiếp tục ban phúc lành cho lục địa Châu Âu. Xin Người ban niềm hy vọng cho những ai đang trải qua thời khắc khủng hoảng và khó khăn, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp cao, nhất là nơi người trẻ.

Anh chị em thân mến, năm nay các tín hữu thuộc mọi Giáo Hội Kitô cùng mừng lễ Phục Sinh với nhau. Với cùng một tiếng nói, từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta đồng thanh công bố sứ điệp lớn lao. Đó là: “Chúa sống lại thật rồi, đúng như Người đã nói!” Nguyện xin Chúa Giêsu, Đấng đã đánh bại bóng tối của tội lỗi và cái chết, xin Người ban cho chúng ta ơn bình an, xin Người ban bình an cho thời đại này.

Chúc Mừng Phục Sinh!

Phép Lành Urbi et Orbi

Đức Hồng Y trưởng đẳng phó tế công bố rằng: Đức Thánh Cha sẽ ban Phép Lành Toàn Xá cho những ai đang hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô, cũng như cho những người đang theo dõi trên các phương tiện truyền thông như truyền thanh truyền hình, hay các phương tiện truyền thông hiện đại khác, với các điều kiện thường lệ, đó là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã ban Phép Lành Toàn Xá cho thành Roma và toàn thế giới.

Chúc Mừng Phục Sinh

Sau khi ban phép lành, Đức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm và chúc mừng đến mọi người:

Anh chị em thân mến,

Cha muốn gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến tất cả anh chị em đang hiện diện nơi đây, đến từ Italia và các quốc gia khác, cũng như tất cả những ai đang hiệp thông qua các phương tiện truyền thông khác nhau. Cha ước mong rằng lời loan báo về Đức Kitô Phục Sinh có thể làm sống lại niềm hy vọng nơi gia đình và nơi cộng đoàn của anh chị em, đặc biệt là làm sống lại niềm hy vọng của các thế hệ trẻ, là tương lai của Giáo hội và của nhân loại.

Nguyện chúc anh chị em mỗi ngày đều cảm nghiệm được niềm hy vọng của Chúa Phục Sinh, và sẵn sàng chia sẻ với tha nhân niềm vui và hy vọng mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta. Cũng xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha. Cha mừng lễ với anh chị em.

Tứ Quyết SJ

 

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô

Đức Thánh Cha cử hành Lễ Phục Sinh tại Quảng Trường Thánh Phêrô

VATICAN. Chúa nhật Phục Sinh 16.04.2017, vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Phêrô với sự hiện diện của hàng trăm ngàn tín hữu và khách hành hương. Sau Thánh Lễ, vào lúc 12 giờ trưa, Đức Thánh Cha đã công bố Sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành Toàn Xá Urbi et Orbi cho thành Roma và toàn thế giới.

Thánh Lễ Phục Sinh được cử hành đơn sơ và không có đoàn đồng tế. Phần giúp lễ do các chủng sinh trường truyền giáo đảm trách. Trang hoàng lễ đài trên thềm Đền Thờ Thánh Phêrô có 35 ngàn đóa hoa do các nhà trồng hoa Hòa Lan dâng tặng Đức Thánh Cha. Ngoài hàng trăm ngàn tín hữu hiện diện tại Quảng trường, còn có hàng triệu khán giả hiệp thông trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới.

Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ, được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, nói về việc thánh Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Bài đọc hai trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Corinto, được đọc bằng tiếng Pháp, nói về việc Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu hãy trở thành bánh không men, thành bột tinh tuyền.

Sau đó, bài ca tiếp liên được hát bằng tiếng Latin. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan được công bố bằng tiếng Latinh và Hylạp. Bài Tin Mừng kể về việc bà Maria Mađalêna ra mồ từ sáng sớm để tìm xác Chúa, nhưng không thấy. Bà liền chạy về tìm Phêrô và Gioan.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Hôm nay, Giáo Hội nhắc nhớ rằng, Giáo Hội ca lên rằng, Giáo Hội nói lớn tiếng rằng: “Chúa Giêsu đã phục sinh!” Nhưng mà là thế nào? Phêrô, Gioan và những người phụ nữ đã đi đến mộ, nhưng chỉ thấy ngôi mộ trống, vì Người không có ở đó. Họ đã đi với con tim bị đóng kín bởi nỗi buồn, nỗi buồn của sự thất bại. Bởi vì Thầy của họ, người Thầy mà họ rất mực yêu mến, giờ đã qua đời. Và từ cõi chết thì không thể trở lại được nữa. Đây là con đường đầy thất bại, con đường dẫn đến ngôi mộ.

Thế nhưng, thiên thần nói với họ rằng: Người không còn ở trong mộ nữa, vì Người đã sống lại rồi. Đó là lời công bố đầu tiên: Người đã phục sinh. Sau đó, vẫn còn những lầm lẫn, những con tim đóng kín, và có cả các cuộc hiện ra nữa. Nhưng các môn đệ vẫn đóng cửa cả ngày để chỉ ngồi trong nhà, vì họ sợ rằng những gì tệ hại đã xảy ra cho Thầy Giêsu cũng có thể xảy ra cho họ. Giáo Hội không ngừng nói về những thất bại của chúng ta, nói về những con tim đóng kín của chúng ta, nói về những sợ hãi của chúng ta. Giáo Hội nói với chúng ta rằng: “Hãy ngưng những điều ấy lại, vì Chúa đã sống lại rồi”.

Nhưng mà, nếu Chúa đã sống lại, thì tại sao những điều tệ hại vẫn tiếp tục xảy ra? Tại sao có quá nhiều bất hạnh, nào là bệnh tật, nạn buôn người, chiến tranh, sự tàn phá, những hận thù và trả đũa? Thế thì Chúa ở đâu? Hôm qua tôi có gọi điện cho một chàng trai bị bệnh nặng, tôi nói chuyện với anh để gửi tới anh một dấu chỉ của đức tin. Tôi nói với anh: “Chẳng có lời giải thích về những gì đang xảy ra cho bạn. Hãy nhìn lên Chúa Giêsu trên thập giá, và xem Thiên Chúa đã làm gì với Con của Ngài, và cũng chẳng có lời giải thích nào khác”. Anh đáp lại: “Vâng, con đã hỏi Chúa Con và Người nói: Người đã không hỏi rằng Người có muốn hay không”. Đây chính là điều gì đó thay đổi chúng ta. Không ai trong chúng ta hỏi rằng: “Bạn có hài lòng với những gì đang xảy ra trên thế giới không? Bạn có sẵn sàng vác lấy thập giá này không?” Bởi vì nếu hỏi như thế, thập giá sẽ thêm nặng, và đức tin vào Chúa Giêsu sẽ giảm xuống.

Hôm nay Giáo Hội tiếp tục công bố rằng: “Hãy dừng những điều tệ hại ấy lại, vì Chúa Giêsu đã sống lại”. Đây không phải là điều tưởng tượng. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô không phải là một lễ hội được trang trí đầy hoa. Lễ hội thì tốt đẹp đấy, nhưng ở đây còn có gì đó hơn thế nhiều, vì đây là mầu nhiệm về viên đá bị loại bỏ lại trở thành đá tảng góc tường. Chúa Kitô đã sống lại, điều này có nghĩa là gì.

Trong thứ văn hóa loại bỏ thời nay, người ta thường vứt bỏ những gì bị cho là không cần thiết hoặc không còn hữu dụng. Và hãy thử nghĩ xem, Chúa Giêsu là phiến đá bị loại bỏ, thế mà kỳ thực Người là cội nguồn sự sống.

Giáo Hội luôn hết lòng nhẩm đi nhắc lại rằng: “Chúa Kitô đã phục sinh!” Chúng ta hãy nghĩ một chút, hãy nghĩ về những vấn đề hằng ngày, nghĩ về những căn bệnh của người thân, nghĩ về chiến tranh, về những bi kịch của con người, nghĩ với lòng đơn sơ và khiêm tốn. Không chút hoa mỹ, mà thật chân thành thân thưa với Chúa: “Con không biết phải làm gì bây giờ, nhưng con chắc chắn rằng Chúa Kitô đã sống lại, và con muốn đặt cược vào điều này.” Đó là điều tôi muốn nói với anh chị em. Hôm nay khi trở về nhà, anh chị em hãy nhẩm đi nhắc lại trong cõi lòng mình rằng: Chúa Kitô đã phục sinh!  

Tứ Quyết SJ

THÁNH LỄ PHỤC SINH 16-04-2017

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Vọng Phục Sinh

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 15-4-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 11 dự tòng gồm 3 người Ý, 2 Albani, 2 phụ nữ người Hoa từ Trung Quốc và Malaysia, phần còn lại là người Tây Ban Nha, Mỹ, Malta và Tiệp. Người cao tuổi nhất 50 tuổi, và người trẻ nhất 12 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục rước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu.

Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC nhắc đến 2 phụ nữ đến mộ Chúa. Trên khuôn mặt của họ chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của bao nhiêu bà mẹ, và những người khác đang mang gánh nặng của đau khổ, bất công, vô nhân đạo, những khuôn mặt của những người đã từng chịu khinh rẻ, vì họ là người di dân, vô gia cư..

Nhưng bất thình lình, các phụ nữ ấy đã được đánh động mạnh, một người đến gặp họ và loan báo Chúa đã sống lại.

ĐTC giải thích rằng ”Qua sự phục sinh, Chúa Kitô không những cất bỏ tảng đá chắn mộ, nhưng còn muốn làm bật tung tất cả những hàng rào khép kín chúng ta trong sự bi quan vô bổ, trong thế giới tính toán với những ý niệm của chúng ta, làm cho chúng ta xa lìa sự sống, trong những tìm kiếm an ninh đầy sự yên chí, và trong những tham vọng thái quá có thể làm thương tổn phẩm gia của người khác”.

Và ĐTC mời gọi các tín hữu hãy để cho mình được ngạc nhiên sự mới mẻ mà chỉ có Chúa Kitô mới có thể cống hiến cho chúng ta.Chúng ta hãy để cho sự dịu dàng và tình thương của Chúa hướng dẫn bước đường của chúng ta” (SD 15-4-2017)

Vatican Radio

THÁNH LỂ VỌNG PHỤC SINH 15-04-2017

 

THÁNH LỄ PHỤC SINH 16 -04-2017

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể

ROMA. Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 14-4-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma.

Nghi thức này được hàng chục đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. 20 ngàn tín hữu đã đến tham dự nghi thức này.

Bài suy niệm năm nay do bà giáo sư Anne-Marie Pelletier, người Pháp, chuyên gia Kinh Thánh, biên soạn. Bà năm nay 73 tuổi (1946) và là phụ nữ đầu tiên được giải thưởng Ratzinger hồi năm 2014. Bà cũng từng giảng dạy môn thần học về hôn phối tại Đại học Công Giáo, Paris.

ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Các chặng còn lại được nhiều tín hữu khác vác tiếp, gồm 1 gia đình giáo phận Roma, các đại diện của tổ chức Unitalsi giúp các bệnh nhân hành hương, các tu sĩ và giáo dân thuộc một số nước như Ai cập, Bồ đào nha, và Colombia là những quốc gia sắp được ĐTC viếng thăm.

Lời nguyện kết thúc

Trong lời nguyện dài gồm 22 câu, thay bài huấn dụ vào cuối buổi đi đàng Thánh Giá, trước tiên ĐTC nhắc đến những cực hình và đau khổ Chúa Kitô đã chịu như được kể lại trong các chặng Đàng Thánh Giá, và bày tỏ sự tủi hổ vì những tàn phá, chết chóc trong thế giới ngày nay, máu của người vô tội, phụ nữ, trẻ em, người di dân và những người bị bách hại tiếp tục đổ ra; tủi hổ vì sự phản bội, bán Chúa, im lặng trước những bất công mà không làm gì, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của mình; tủi hộ vì những thành phần Dân Chúa: GM, LM, tu sĩ nam nữ gây gương mù, làm thương tổn cho thân mình của Chúa là Giáo Hội, để cho tâm hồn và sự thánh hiến bị rỉ sét.

 Dù có những tình trạng như thế, ĐTC bày tỏ niềm hy vọng Thập Giá của Chúa Kitô biến đổi những tâm hồn chai đá thành những con tim bằng thịt, có khả năng mơ ước, tha thứ và yêu mến; hy vọng vì ”lòng trung tín của Chúa không dựa trên lòng trung thành của chúng con;.. hy vọng vì bao nhiêu người nam nữ trung thành với Thập giá của Chúa, đang và còn tiếp tục sống trung thành như men mang lại hương vị và ánh sáng, mở ra những chân trời mới trong thân thể của nhân loại bị thương tổn.. Hy vọng Giáo Hội của Chúa sẽ tìm cách trở thành tiếng kêu trong sa mạc của nhân loại để dọn đường để Chúa trở lại trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và người chết”.

Trong phần chót của lời nguyện, ĐTC cầu xin Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa thanh tẩy các tín hữu trong máu và nước chảy ra từ Trái Tim mở toang, tha thứ tội lỗi của Dân Chúa, và nhớ đến những anh chị em chúng con bị đốn ngã vì bạo lực, sự dửng dưng lãnh đạm và chiến tranh;

”Xin Chúa phá tan những xiềng xích đang trói buộc chúng con trong sự ích kỷ, sự cố tình mù quáng và sự hư hỏng trong những tính toán trần tục của chúng con; xin Chúa dạy chúng con đừng xấu hổ vì thập giá, không lợi dụng lèo lái thập giá, nhưng tôn thờ Thánh Giá, vì qua đó Chúa tỏ cho chúng con thấy sự khủng khiếp của tội lỗi chúng con, sự cao cả của tình yêu Chúa, những bất công trong các phán đoán của chúng con, và quyền năng của lòng thương xót Chúa”.

Buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể ĐTC cử hành năm nay diễn ra với những biện pháp an ninh được tăng cường nghiêm ngặt hơn quanh khu vực Hí trường Colosseo sau những vụ khủng bố gần đây tại Âu Châu và đặc biệt tại Ai Cập (SD 15-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đi Đàng Thánh Giá trọng thể cùng Đức Thánh Cha tại Hý trường Colosseo ở Roma

Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô

Đức Thánh Cha chủ sự lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 14-4-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, đông đảo các Hồng Y, GM, và hàng trăm chức sắc khác.

Sau bài Thương Khó, Cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng đã diễn giảng về đề tài ”Hỡi Thập Giá, nguồn hy vọng duy nhất của thế giới”. Cha nhắc đến tình trạng bạo lực và lầm than của thế giới: ”Những tin tức về chết chóc, và những cái chết bạo lực hầu như không bao giờ thiếu trong các bản tin mỗi buổi tối!”. Nhưng có một cái chết cách đây 2 ngàn năm đã thay đổi vĩnh viễn khuôn mặt của cái chết và đã mang lại một ý nghĩa mới cho các chết của mỗi người”.

Vị Giảng thuyết cũng nhận xét rằng: Khi Chúa Giêsu mới bắt đầu sứ vụ, ngài đã đánh đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ. Trước câu hỏi ”với quyền bính nào ông làm như thế?”, Chúa đáp: ”Hãy phá hủy đền thờ này đi, trong 3 ngày tôi sẽ làm xây lại đền thờ”. Thánh Gioan giải thích ”Ngài nói về đền thờ thân thể của Ngài” (Ga 2,19.21). Chính từ đền thờ ấy, như ngôn sứ Ezechiel đã nói đến, một tia nước đã vọt ra, rồi trở thành một suối, rồi thành con sông lớn tàu bè di chuyển được và quanh đó mọi hình thức sự sống tươi nở (Xc 47,1ss).

Từ những ý tưởng trên đây, Cha Cantalamessa đã nói đến sự lạc quan không thể đè nén của Kitô giáo, giữa bao nhiêu những thăng trầm của thế giới. Vì thế, không ai được tuyệt vọng, không ai được nói như Cain: ”Tội lỗi của tôi quá lớn không thể được tha thứ” (St 4,13). ”Thập giá không đứng đó để chống lại thế giới, nhưng vì thế giới: để mang lại một ý nghĩa cho tất cả những đau khổ, đã, đang và sẽ hiện diện trong lịch sử nhân loại. Như Chúa Giêsu đã nói với Nicôđêmô: ”Thiên Chúa không sai Con của Ngài đến trần thế để kết án thế gian, nhưng để thế gian được cứu thoát nhờ Ngài” (Ga 3,17).

Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ. Sau cùng 120 LM đã phân phát Mình Thánh Chúa cho các tín hữu. (SD 14-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tư tế trở thành người loan báo niềm vui của Tin Mừng bằng tất cả con người và cuộc sống của mình.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu sáng thứ năm Tuần Thánh 13-4-2017 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y, hơn 70 Giám Mục và khoảng 1.800 linh mục, trước sự hiện diện của 6 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải đoạn Tin Mừng theo thánh Luca ”Thần Trí Chúa ngự xuống trên tôi, vì thế Ngài đã xức dầu thánh hiến tôi và sai tôi đi mang tin vui cho người nghèo, công bố sự giải thoát cho các tù nhân, người mù được thấy, người bị áp bức được tự do” (Lc 4,18).

ĐTC nói: ”Giống như Chúa Giêsu, tư tế làm cho việc loan báo trở nên vui mừng với tất cả con người của mình. Khi tư tế giảng – giảng ngắn, nếu có thể – người làm như vậy với niềm vui đánh động tâm hồn dân chúng bằng Lời mà Chúa đã đánh động tư tế trong kinh nguyện”.

ĐTC cũng nói đến 3 ân thánh của Tin Mừng, đó là Sự Thật của Tin Mừng – không thể thương lượng được-, tiếp đến là Lòng Thương Xót – vô điều kiện với tất cả mọi tội nhân-, và sau cùng là niềm Vui của Tin Mừng, niềm vui nội tâm và có tính chất bao gồm. Không bao giờ chân lý của việc loan báo vui mừng có thể chỉ là một chân lý trừu tượng, những chân lý mà ta không thể hiện hoàn toàn trong đời sống con người, vì người ta cảm thấy thoải mái hơn trong những chữ nghĩa được in trong các sách”.

ĐTC cảnh giác chống lại quan niệm lòng thương xót của việc loan bào Tin Mừng như một cảm tưởng tội nghiệp giả tạo, để cho kẻ tội lỗi ở trong tình trạng lầm than của họ mà không giơ tay nâng họ đứng dậy và không đồng hành với họ tiến bước”.

ĐTC dùng 3 hình ảnh để diễn tả niềm vui của việc loan báo Tin Mừng, đó là chum bằng đá đựng nước trong tiệc cưới Cana (Xc Ga 2,6).. Trong viễn tượng này, Mẹ Maria là cái vò mới chứa đựng sự sung mãn lây sang người khác. Mẹ là ”nữ tỳ bé nhỏ của Chúa Cha tràn đầy niềm vui trong sự chúc tụng ngợi khen” (E.G, 286). Vừa sau khi chịu thai Ngôi Lời sự sống trong cung lòng, Mẹ Maria sẵn sàng lên đường viếng thăm và phục vụ bà chị họ Elisabeth. Sự sung mãn lan tỏa của Mẹ giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ sợ hãi, thái độ không có can đảm làm đầy tới miệng vò, thái độ nhát đảm không dám làm cho niềm vui được truyền sang người khác”.

Hình ảnh thứ hai là cái bình nước của người phụ nữ xứ Samaria đội trên đầu (Xc Ga 4,5-30). Bà đã kín múc nước với cái bình của bà và giải khát cho Chúa Giêsu. Bà càng giải khát Ngài bằng sự xưng thú tội lỗi của bà.

Hình ảnh thứ ba của sự vui mừng loan báo là chiếc vò vô biên của Trái Tim Chúa bị đâm thâu qua: trái tim hiền lành, khiêm tốn, và thanh bần, lôi kéo mọi người đến cùng Người.. ĐTC nhấn mạnah rằng ”từ nơi Chúa, chúng ta phải học loan báo niềm vui lớn cho những người rất nghèo, ta chỉ có thể làm như thế trong thái độ tôn trọng, khiêm tốn, đến độ hạ mình xuống. Không thể loan báo Tin Mừng trong thái độ kiêu hãnh tự phụ. Sự toàn vẹn chân lý không thể cứng nhắc (Non può essere rigida l'integrità della verità). Chúa Thánh Linh loan báo và dạy o tất cả sự thật (Ga 16,13) và không sợ cho người ta uống chân lý từng ngụm nhỏ… Sự toàn vẹn dịu dàng này mang lại vui mừng cho người nghèo, linh hoạt kẻ tội lỗi, làm cho những người bị ma quỉ áp bức đè nén có thể hô hấp được”.

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Thánh lễ kéo dài 1 giờ 45 phút và kết thúc lúc 11 giờ 15. (SD 13/4/2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà Tù Paliano

ROMA. Chiều thứ Năm Tuần Thánh, 13-4-2017, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân tại Nhà Tù Paliano, cách Roma khoảng 65 cây số.

Nhà tù này thuộc tỉnh Frosinone ở miền nam Roma, và thuộc giáo phận Palestrina, có hình dáng như một pháo đài, và từng được dùng làm nhà giam trong thế kỷ 18 khi còn Nước Tòa Thánh. Hiện nay, Paliano là một nhà tù đặc biệt, một trung tâm cải huấn duy nhất ở Italia giam những người gọi là ”các cộng tác viên công lý”, tức là những người phạm pháp sẵn sàng cộng tác với nhà chức trách tư pháp vì thế họ được bảo vệ chống lại sự trả thù của những kẻ bất lương khác. Ngoài ra, một phần nhà tù này được dùng làm ”dưỡng đường tư pháp” dành cho các bệnh nhân bị bệnh lao phổi.

Tại đây hiện có khoảng 74 tù nhân, trong đó hơn 50 người là ”cộng tác viên công lý”, phần còn lại là các tù nhân bệnh nhân đang được điều trị. Tại đây có 51 cảnh sát nhà giam, 15 nhân viên quản trị và giáo dục.

ĐTC rời Vatican lúc 3 giờ chiều và đến nơi, ngài thăm hỏi và làm lễ với nghi thức rửa chân cho 12 tù nhân, trong đó cũng có 3 phụ nữ và một người Hồi giáo. Tù nhân này sẽ chịu phép rửa tội vào tháng 6 tới đây. Có 6 tù nhân người Ý, trong số này có 2 người bị kết án tù chung thân, một người Argentina và 1 người Albani, tất cả những người khác sẽ mãn án tù trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2073.

Đức GM giáo phận Palestrina cho biết ĐTC muốn ở riêng với các tù nhân như trong một gia đình, nên thánh lễ và cuộc viếng thăm các tù nhân không được trực tiếp truyền hình cũng như không có đại diện của giáo quyền và chính quyền. Cả Đức GM địa phương, ông thị trưởng và tỉnh trưởng đều không được mời hiện diện. Tuy nhiên, đài phát thanh Vatican trực tiếp truyền đi bài giảng ứng khẩu của ĐTC trong thánh lễ, từ lúc 17 giờ 05 đến 18 giờ. (SD 13-4-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Một Giám mục Argentina đang điều tra một vụ được cho là phép lạ Thánh Thể

Buenos Aires, Argentina – Đức cha Luis Fernandez của giáo phận Rafaela thông báo rằng một cuộc điều tra sẽ được thực hiện để xem xét những gì xảy ra hồi đầu tuần này ở một cơ sở điều trị ma túy, khi một nhóm người trẻ đang chầu Mình Thánh và thấy một chất trong Mình Thánh, trông giống như là máu.

Hôm 11/04, tại cơ sở điều trị ma túy San Miguel, khi một nhóm trẻ đang chầu Mình Thánh, họ thấy có sự thay đổi nơi Thánh Thể.

Juan Ternengo, điều hợp viên của cơ sở San Miguel nói rằng có một chất đỏ đậm chảy ra từ Minh Thánh, khi các người trẻ đang hát và cầu nguyện.”

Khi hay tin, Đức cha Fernandez và cha Alcides Suppo đã đến nơi và chính Đức cha đã đưa mình thánh đi khỏi nơi này để tiến hành điều tra.

Thông cáo của giáo phận Rafaela cho biết là trong những trường hợp tương tự như thế, Giáo hội cần thận trọng và chừng mực trong việc nhận định sự kiện nhằm làm rõ sự việc và những gì xảy ra. Những trường hợp này không phải là thường xuyên và đơn giản để phân định.

Thông cáo cũng khuyến khích mọi người dùng cơ hội này để canh tân đức tin và lòng mến của mình đối với phép lạ lớn nhât là sự Hiện diện Thật sự của Chúa Giêsu trong mỗi cử hành Thánh lễ. (CNA 13/04/2017)

Hồng Thủy

Một nữ tu giúp đỡ dân Iraq – những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi

Một nữ tu giúp đỡ dân Iraq – những người cảm thấy mình bị Chúa bỏ rơi

“Lạy Chúa của con! Ôi Chúa của con! Sao Ngài bỏ con?” Các Kitô hữu trên khắp thế giới rất quen thuộc với những lời này – những lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Nhưng người dân Hoa kỳ cũng được chia sẻ cho biết là những lời này đã nằm trên môi miệng của các Kitô hữu Iraq, khi họ trốn chạy khỏi các kẻ xâm lược chiếm đóng các làng của họ.

Ngày 5 tháng 4 vừa qua (2017), nữ tu Habiba Bihnam Toma, dòng Đaminh Iraq, đã chia sẻ với nhật báo Tin tức Miền Đông ở Illinois về kinh nghiệm giúp đỡ các người tị nạn trốn chạy nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq vào năm 2014. Sơ kể: Khi các Kitô hữu đang tản cư đi qua vùng của người Kurd ở Ankawa, họ nghe tiếng súng. Chúng tôi sợ hãi, chúng tôi kêu khóc, chúng tôi cầu nguyện và di chuyển chậm chạp giữa hàng ngàn người đang bò trên mặt đất để tránh đạn và kêu than: ‘Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Tại sao Ngài bỏ chúng con?’”

Các nữ tu ngần ngừ rời bỏ tu viện của họ ở Qaraqosh khi mà các Kitô hữu khác còn ở lại. Nhưng một người bạn đã gọi cho các sơ, khẩn khoản yêu cầu các sơ rời đi nhanh chóng, vì quân IS đã có mặt trong tỉnh lỵ. Các nữ tu buộc phải ra đi. Đồ vật duy nhất các sơ mang theo mình, là các cuốn sách kinh nguyện của các sơ. Các sơ cảm thấy bị sốc khi phải rời bỏ tu viện ra đi và nhìn thấy trên đường đầy các chiếc xe hơi và người, cũng giống như các sơ, đang chạy khỏi thành phố vì sợ hãi, vì lo sợ cho tính mạng của mình. Con đường chính dẫn đến Ankawa đầy những xe và người đang đi bộ, nên các sơ không thể tiếp tục đi được. Các sơ đã rời bỏ con đường chính và đi theo một con đường ít người qua lại. Các sơ đã xin một người lính cho họ đi bằng xe hơi, vì các sơ đã già không thể đi bộ.

Khi đến được Ankawa, các Kitô hữu di tản phải sống ở bất cứ nơi nào họ tìm được chỗ trống: trên đường phố, trong các nhà thờ, các tòa nhà đang được xây dựng. Tất cả 75 nữ tu sống trong một tòa nhà bình thường chỉ đủ chỗ cho 20 người, Cả các Linh mục và Giám mục cũng  phải di tản và họ cộng tác với các nữ tu để trợ giúp các người dân di tản nội địa. Từng hai người một, họ thăm các trại dành cho người tản cư. Hàng ngày các sơ thăm viếng những người di tản, lắng nghe các đau khổ của họ và khuyến khích họ kiên nhẫn, chờ đợi trong hy vọng và với sức mạnh của đức tin. Các sơ tập họp những người lớn lại cầu nguyện với nhau và chăm sóc các trẻ em, cho chúng chơi đùa. Họ nhận các đóng góp thực phẩm, quần áo, nước non và tiền bạc. Sơ Toma cho biết: mỗi gia đình có một không gian giới hạn, vài gia đình chung nhau một lớp học, những người khác thì tụ họp dưới chân cầu thang hay sống trong các lều bạt. Các người nam và những người trẻ thì ngủ ngoài trời. Khi năm học bắt đầu lại, các người tị nạn buộc phải di chuyển đến sống trong các lều. Khi trời mưa, rắn rết bọ cạp cũng bò đến. Cũng may là cuối cùng Giáo hội sắp xếp thuê các ngôi nhà cho các gia đình di tản. Một số người trẻ phải nghỉ học để lao động kiếm sống, phụ giúp cho gia đình. Khi các sơ nhận thấy tình trạng hành xử bạo lực gia tăng nơi các người trẻ, các sơ đã thành lập 4 trường mẫu giáo và hai trường tiểu học.

Sơ Toma chia sẻ: “Mọi người đau khổ vì quân Hồi giáo IS đã tàn phá không chỉ nhà cửa và trường học của chúng tôi, nhưng cả các nhà thờ, các đan viện và những địa danh nổi tiếng của nền văn hóa Kitô giáo đã có từ 2000 năm trước. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi chỉ có thể trở lại làng mạc của chúng tôi khi có hòa bình và khi cộng đồng quốc tế có thể bảo đảm sự an toàn và bảo vệ cho chúng tôi.”

Khi sơ Toma đang chia sẻ ở Illinois thì một nữ tu người Siria, người đã chấp nhận hiểm nguy đến mạng sống, đã được phu nhân tổng thống Hoa kỳ Melania Trump vinh danh. Đó là sơ Carolin Tahhan Fachakh, sống ở Aleppo, Siria, là một trong số 13 phụ nữ được trao giải thưởng “Người phụ nữ quốc tế của lòng can đảm” của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ. Sơ Fachakh đã hoạt động không mệt mỏi để trợ giúp các nhu cầu của những người dân khốn khổ nhất của Siria, đặc biệt là những người tị nạn nội địa và các trẻ em. Sơ là hải đăng của niềm hy vọng cho cả ngừoi Hồi giáo và Công giáo khi chấp nhận đối diện nguy hiểm để cứu giúp người dân. (Aleteia 05/04/2017)

Hồng Thủy

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

Tòa án cho phép chấm dứt hỗ trợ sự sống cho một em bé dù cha mẹ không muốn

London – Hôm 11/03, tòa án cấp cao của Anh quốc đã cho phép các bác sĩ rút các máy hỗ trợ sự sống cho một em bé bị bệnh hiếm gặp, dù cha mẹ của em không đồng ý.

Bé Charlie, 8 tháng tuổi, bị một chứng bệnh hiếm – rối loạn ty thể – dẫn đến sự suy thoái các cơ, trên toàn thế giới chưa đến 20 em bé mắc chứng bệnh này, đang được điều trị tại bệnh viện Great Ormond Street. Chứng bệnh đã gây tổn thương não nặng và hiện tại Charlie đang được cho ăn uống qua một ống, thở qua một quạt nhân tạo và không thể cử động.

Ông bà Connie Yates and Chris Gard, bố mẹ của Charlie, muốn con mình tiếp tục được sống nhờ các máy hỗ trợ và sẽ đưa con mình sang Hoa kỳ để thử nghiệm điều trị.

Các chuyên viên tại bệnh viện nói rằng Charlie bị tổn thương não không thể phục hồi và nên rút các dụng cụ trợ giúp sự sống. Cố vấn được chỉ định cho rằng việc điều trị tại Hoa kỳ chỉ là thử nghiệm và việc trợ giúp kéo dài sự sống chỉ kéo dài tiến trình chết của Charlie

Tuy nhiên đại diện pháp lý cho cha mẹ của Charlie nói rằng việc di chuyển đến Hoa kỳ sẽ không gây cho Charlie những đau đớn hay tổn thương và có thể mang lại cho em một cơ hội.

Mẹ Charlie nói: “Chúng tôi chỉ muốn có cơ hội cho chúng tôi. Nó có thể không bao giờ là sự chữa lành nhưng nó có thể giúp cho Charlie sống. Nếu nó cứu Charlie, thật tuyệt diệu Tôi muốn cứu những người khác.” Đôi vợ chồng đã quyên góp được gần 1,3 triệu bảng Anh (1,6 triệu đô la) cho việc chữa trị con trai.

Nhưng thẩm phán Francis nói rằng ông hoàn toàn tin tưởng việc bỏ đi những trợ giúp sự sống là lợi ích tốt nhất cho em bé. Ông Francis nói rằng bệnh viện đã yêu cầu điều này nhưng họ không thể thỏa thuận được với cha mẹ của em bé nên tòa án phải quyết định.

Cha mẹ của Charlie đã la “không!” ở tòa án và cả hai cùng với những người trong gia đình đã bật khóc trước quyết định của tòa.

Luật sư của gia đình, bà Laura Hobey-Hamsher, cho biết là đôi vợ chồng bị quỵ ngã bởi quyết định của tòa và không thể hiểu tại sao quan tòa đã không cho Charlie ít nhất cơ hội điều trị.

Việc hỗ trợ sự sống cho Charlie chưa chấm dứt ngay vì cha mẹ em đang xem xét việc kháng án. (CNA 11/04/2017)

Hồng Thủy

Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá yêu thương của Chúa Giêsu

Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá yêu thương của Chúa Giêsu

Với Chúa Giêsu chúng ta học trông thấy ngay từ bây giờ cây trong hạt, sự Phục Sinh trong thập giá và sự sống trong cái chết. Chính khi “rơi xuống đất” và chết đi  như hạt luá Chúa Giêsu làm nảy sinh ra trên thập giá sự sống và niềm hy vọng.

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 12.04.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời Chúa Giêsu nói liên quan tới hạt lúa rơi vào lòng đất, chết đi để sinh bông hạt như thánh Gioan ghi lại trong chương 12: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” ĐTC nói: Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô lễ hội của các môn đệ và dân chúng rất đông đảo. Những người ấy đặt để nhiều hy vọng nơi Chúa Giêsu: biết bao người chờ đợi nơi Chúa các phép lạ và các dấu chỉ vĩ đại, các biểu lộ quyền năng và cả sư tự do khỏi các kẻ thù xâm chiếm nữa. Ai trong họ đã có thể tưởng tượng được rằng chỉ ít lâu sau đó, trái lại, Chúa Giêsu đã bị hạ nhục, kết án và giết chết trên thập giá? Các hy vọng trần tục của dân chúng sụp đổ trước thập giá. Nhưng chúng ta tin rằng chính nơi Đấng Bị Đóng Đanh niềm hy vọng của chúng ta đã tái sinh. Các niềm hy vọng của trần gian sụp đổ trước thập giá, nhưng nảy sinh ra các niềm hy vọng mới, các niềm hy vọng tồn tại luôn mãi. Niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá là một niềm hy vọng khác. Nó là một niềm hy vọng khác với các niềm hy vọng sụp đổ của thế giới. Nhưng đó là niềm hy vọng nào vậy, niềm hy vọng nảy sinh từ thập giá?

 Điều Chúa Giêsu nói sau khi vào thành Giêrusalem có thể giúp chúng ta hiểu nó: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúng ta hãy nghĩ tới một hạt lúa hay một hạt bé nhỏ rơi vào trong đất. Nếu nó khép kín trong chính mình, thì không có gì xảy ra cả; nhưng trái lại nếu nó bị bẻ gẫy, mở ra, thì khi đó nó sẽ trao ban sự sống cho một bông lúa, cho một mầm non, rồi một cây, và cây sinh bông hạt.

Chúa Giêsu đã đem vào thế giới một niềm hy vọng mới, và đã làm điều ấy giống như một hạt lúa: Ngài trở thành bé nhỏ, bé nhỏ, bé nhỏ như một hạt lúa; Ngài đã bỏ vinh quang trên trời của Ngài  đễ đến giữa chúng ta; Ngài “đã rơi xuống đất”. Nhưng chưa đủ. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Để sinh bông hạt Chúa Giêsu đã sống tình yêu thương cho tới tận cùng, bằng cách để cho mình bị cái chết bẻ gẫy, như một hạt lúa để cho mình bị bẻ gẫy dưới lòng đất. Chính ở đó trong sự hạ mình tột cùng – cũng là  tột đỉnh của tình yêu – đã nảy mầm niềm hy vọng.  Nếu có ai đó trong anh chị em hỏi tôi: “Niềm hy vọng nảy sinh làm sao?” thì tôi trả lời: “Từ thập giá. Hãy nhìn thập giá, hãy nhìn Chúa Kitô chịu đóng đinh và từ đó sẽ tới với bạn niềm hy vọng, không biến mất nữa, niềm hy vọng kéo dài cho tới cuộc sống vĩnh cửu”. Và niềm hy vọng này đã nảy mầm chính nhờ sức mạnh của tình yêu: bởi vì tình yêu “hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,7), tình yêu là sự sống của Thiên Chúa đã canh tân tất cả những gì nó đạt tới. Như thế vào lễ Vượt Qua Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi thành ơn tha thứ. Anh chị em hãy nghe rõ sự biến đổi mà lễ Phục Sinh làm: Chúa Giêsu đã biến đổi tội lỗi chúng ta thành ơn tha thứ, cái chết của chúng ta thành sự sống lại, sự sợ hãi của chúng ta thành niềm tin tưởng, bằng cách nhận lấy chúng trên chính Ngài. Đó là tại sao chính trên thập giá đã nảy sinh và luôn luôn này sinh ra niềm hy vọng của chúng ta; đó là tại sao với Chúa Giêsu tối tăm của chúng ta có thể được biến đổi thành ánh sáng, mọi thất bại thành chiến thắng, mọi vỡ mộng thành hy vọng. Mọi sự, phải, mọi sự. Niềm Hy vọng thắng vượt tất cả, bởi vì nó nảy sinh từ tình yêu thương của Chúa Giêsu, là Đấng đã trở thành như hạt lúa trong lòng đất, và đã chết để trao ban sự sống, và niềm hy vọng đến từ sự sống tràn đầy đó.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: khi chúng ta chọn niềm hy vọng của Chúa Giêsu, từ từ chúng ta khám phá ra rằng kiểu sống chiến thắng là kiểu sống của hạt lúa, của tình yêu khiêm hạ. Không có con đường nào khác để chiến thắng sự dữ và trao ban hy vọng cho thế giới.  Nhưng anh chị em có thể nói với tôi: “Không, đó là một luận lý thua thiệt!” Xem ra nó là một luận lý thua thiệt, bởi vì ai yêu thì mất quyền bính. Anh chị em có nghĩ tới điều này chưa? Ai yêu thì mất quyền bính; ai cho thì lấy mất đi một cái gì đó, và yêu là một món quà. Thật ra cái luận lý của hạt lúa chết đi, của tình yêu khiêm hạ, là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có nó cho bông hạt. Chúng ta cũng trông thấy nó nơi chính mình: chiếm hữu luôn thúc đẩy muốn một cái gì khác: tôi dã có được một sự cho mình và lập tức tôi muốn một sự khác lớn hơn nữa, và cứ thế, và tôi không bao giờ được thoả mãn. Đây là một cái khát khao xấu, đúng không? Bạn càng có bao nhiêu lại càng muốn bấy nhiêu. Thật là xấu! Ai ngấu nghiến thì không bao giờ no thoả. Và Chúa Giêsu nói điều này một cách rõ ràng: “Ai yêu mạng sống mình thì mất nó” (Ga 12,25). Bạn có ngấu nghiến, có thích có biết bao nhiêu điều nhung bạn sẽ mất đi tất cả, kể cả cuộc sống của bạn nữa, Nghĩa là: ai yêu của riêng mình và sống cho các lợi lộc của mình, thì chỉ trương phồng chính mình và mất đi. Trái lại ai chấp nhận , sẵn sàng và phục vụ, thì sống theo kiểu của Thiên Chúa: khi đó họ chiến thắng, tự cứu lấy mình và cứu người khác: họ trở thành hạt giống của niềm hy vọng cho thế giới. Nhưng thật là đẹp trợ giúp người khác, phục vụ người khác… Nhưng có lẽ chúng ta sẽ mỏi mệt? Cuộc sống là như thế, nhưng trái tim tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng. Và đó là tình yêu và niềm hy vọng cùng với nhau: phục vụ và cho đi.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Chắc chắn rồi, tình yêu đích thật này đi qua thập giá, hy sinh, như đối với Chúa Giêsu vậy. Thập giá là việc vuợt qua bắt buộc, nhưng nó không phải là đích điểm: đích điểm là vinh quang, như lễ Phục Sinh chỉ cho chúng ta thấy.  Chính ở đây có một hình ảnh rất đẹp khác giúp chúng ta, mà Chúa Giêsu đã để lai cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Đó: trao ban sự sống, không chiếm hữu nó. Và đây là điều các bà mẹ làm: họ trao ban một sự sống khác, họ đau khổ, nhưng rồi họ vui sướng, hạnh phúc bởi vì họ đã trao ban một sự sống khác. Cho niềm vui; tình yêu cho sự sống chào đời, và trao ban cả ý nghĩa cho khổ đau nữa. Tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới. Tôi xin lập lại: tình yêu là động lực khiến cho niềm hy vọng tiến tới. Và từng người trong chúng ta có thể tự vấn mình: “Tôi có yêu không? Tôi có tập yêu không? Tôi có học yêu mỗi ngày nhiều hơn không? Bởi vì tình yêu là động lức khiến cho niềm hy vọng của chúng ta tiến tới.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, trong các ngày của tình yêu thương này, chúng ta hãy để cho mình được cuốn hút bởi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, là Đấng như hạt lúa, chết đi để ban cho chúng ta sự sống. Chính Ngài là hạt giống niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đanh, là suối nguồn của niềm hy vọng. Từ từ chúng ta hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học đã trông thấy ngay từ bây giờ cái cây nơi hạt giống, Phục Sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Thật là hữu ích cho chúng ta khi dừng lại trước Chúa chịu đóng đanh.

Nhưng tôi muốn cho anh chị em một bài tập làm ở nhà. Thật là hữu ích cho tất cả chúng ta dừng lại trước Chúa Chịu Đóng Đanh  tất cả anh chị em đều có một ảnh ở nhà, hãy nhìn Ngài và nói: “Với Chúa không có gì bị mất đi. Với Chúa con luôn luôn có thể hy vọng. Chúa là niềm hy vọng của con”. Bây giờ chúng ta hãy tưởng tượng Chúa Chịu Đóng Đanh và tất cả cùng nhau nói với Chúa Giêsu chịu đóng đanh: “Chúa là niềm hy vọng của con” Tất cả: “Chúa là niềm hy vọng của con”. To hơn nữa! Tín hữu tại quảng trường lập lại “Chúa là niềm hy vọng của con”. Xin cám ơn anh chị em.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các tham dự viên đại hội UNIV và các tín hữu đến từ Pháp và Bỉ. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Anh quốc, Nigeria, Australia, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Tuần Thánh giúp mọi người chuẩn bị tinh thần mừng lễ Phục Sinh với con tim được thanh tẩy và canh tân bởi ơn của Chúa Thánh Thần

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào thành viên hội Nước Chúa Kitô Bad Muenstereifel. Ngài cầu chúc việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm cái chết của Chúa Giêsu đem lại hoa trái cho mọi người, đặc biệt cho giới trẻ.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nhà ĐTC chào tín hữu vùng Braga, các nhân viên tỉnh Gondomar, và các thành viên “Đại học cao niên” Lousada. Ngài chúc mọi người noi gương Mẹ Maria đứng gần thập giá Chúa và yêu thương cho tới cùng.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC chúc Tam Nhật Thánh đem lại cho họ và gia đình họ sự an bình và niềm hy vọng tươi vui.

Trong số các nhóm Ý ĐTC chào các tham dự viên đại hội 50 năm của sinh viên đại học do Giám hạt tòng nhân Opus Dei tổ chức suy tư về đề tài thế giới thay đổi, các thành viên hiệp hội thể thao Scopigno Cup do ĐTC Domenico Pompili, GM Rieti, hướng dẫn, cũng như các học sinh  Học viện Thánh Vinh Sơn de Paoli vùng Reggio Emilia mừng kỷ niệm ngày xây ngôi trường đầu tiên. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma giúp mọi người khám phá ra niềm vui của việc cho đi hơn là chiếm hữu.

Chào người trẻ, các người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc ngày thứ ba là lễ nhớ thánh Gemma Galgani, ngài chúc giới trẻ noi gương thánh nhân sống Tam Nhật Thánh bằng cách suy niệm về tình yêu của Chúa Giêsu đã chịu sát tế trên thập giá và chết cho chúng ta. Ngài cầu mong Thứ Sáu Tuần Thánh giúp các anh chị em đau yếu kiên nhẫn trong đau khổ, và các đôi tân hôn biết hy vọng trong những lúc khó khăn của cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh của ĐTC

Linh Tiến Khải