Bí Tích Thánh Thể giúp bước vào sự hiệp thông với Chúa và có cuộc sống đời đời

Bí Tích Thánh Thể giúp bước vào sự hiệp thông với Chúa và có cuộc sống đời đời

** Các Bí Tích, đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể đáp ứng ước mong trông thấy Chúa Kitô, sờ mó Ngài và hiểu biết Ngài hơn. Chúng là các dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa và là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Giải thích đoạn Phúc Âm thánh Gioan chương 6 viết rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống", ĐTC cho biết ngài bắt đầu một loạt giáo lý mới về Bí Tích Thánh Thể, là trọng tâm của cuộc sống Giáo Hội. Kitô hữu cần phải hiều biết rõ ràng giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ để luôn sống một cách tràn đầy hơn tương quan của mình với Thiên Chúa. Nêu bật tầm quan trọng của Thánh Lễ ĐTC nói:

Chúng ta không thể quên con số lớn lao tín hữu kitô trên toàn thế giới trong hai ngàn năm lịch sử, đã kháng cự tới chết để bênh vực Thánh Thể, và biết bao nhiêu người cả ngày nay nữa  liều mạng sống để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật. Vào năm 304 dưới thời hoàng đế Diocleziano bắt đạo, có một nhóm kitô hữu ở Bắc Phi đã bị bắt thình lình trong khi họ đang cử hành Thánh Lễ trong một căn nhà. Trong cuộc hỏi cung quan tổng tài Roma hỏi họ tại sao lại làm điều đó, khi biết nó bị cấm triệt để. Họ đã trả lời: “Không có Chúa Nhật chúng tôi không thể sống được”, có nghĩa là nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Thể, chúng tôi không thể sống, cuộc sống kitô của chúng tôi sẽ chết.

Thật thế, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Ngài rằng: “Nếu anh em không ăn thịt Con Người và không uống máu Người, anh em không có sự sống. Ai ăn thịt Ta và uống Máu ta thì có sự sống vĩnh cửu và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).

Các kitô hữu Bắc Phi này đã bị giết vì cử hành Thánh Thể. Họ đã làm chứng rằng người ta có thể khước từ cuộc sống trần gian vì Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể trao ban cho chúng ta sự sống đời đời, bằng cách khiến cho chúng ta thông phần vào chiến thắng của Chúa Kitô trên cái chết. Đây là một chứng tá gọi hỏi chúng ta tất cả, và đòi một câu trả lời liên quan tới ý nghĩa việc từng người trong chúng ta tham dự Hy tế Thánh Lễ và tiến tới Bàn Thánh của Chúa.

** Chúng ta đang tìm về suối nguồn “vọt lên nước hằng sống” cho cuộc đời vĩnh cửu, khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành một hy lễ tinh thần của việc chúc tụng và tạ ơn, và làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất với Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa sâu xa của Thánh Thể, có nghĩa là tạ ơn. Thánh Thể, Eucaristia, có nghĩa là tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, lôi cuốn chúng ta và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông tình yêu của Ngài.

Trong các bài giáo lý tới tôi sẽ trả lời vài câu hỏi quan trọng liên quan tới Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái khám phá ra  hay khám phá ra qua mầu nhiệm này của đức tin tình yêu của Thiên Chúa rạng ngời như thế nào.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Công Đồng Chung Vaticăng II đã được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi ước mong dẫn đưa các kitô hữu tới chỗ hiểu biết sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của việc gặp gỡ Chúa Kitô. Vì thế trước tiên, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cần hiện thực một việc canh tân Phụng vụ thích hợp, bởi vì Giáo Hội liên tục sống nhờ Thánh Thể và canh tân nhờ Thánh Thể.

Có một đề tài chính mà các Nghị Phụ đã nhấn mạnh đó là việc đào tạo phụng vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu đối với một việc canh tân đích thực. Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý chúng ta bắt đầu hôm nay: lớn lên trong việc hiểu biết ơn cao cả Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. ĐTC định nghĩa Thánh Thể như sau:

Thánh Thể là một biến cố tuyệt diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa. Đó là một sự hiển linh: Chúa hiện diện trên bàn thờ để được hiến dâng cho Thiên Chúa Cha cho ơn cứu độ của thế giới” (Bài giảng Thánh Lễ, Nhà trọ Thánh Marta, 10-2-2014). Chúa ở đó với chúng ta, Ngài hiện diện. Nhưng biết bao lần chúng ta đến đó, chúng ta nhìn các sự việc, chúng ta nói chuyện bép xép với nhau, trong khi linh mục cử hành Thánh Thể… Nhưng chúng ta không cử hành gần Ngài. Nhưng đó là Chúa!

Nếu hôm nay tổng thống Cộng hoà hay vài nhân vật rất quan trọng trên thế giới đến đây, thì chắc chắn là mọi người chúng ta sẽ gần gữi ông, sẽ đến chào ông. Nhưng hãy nghĩ coi: khi bạn đi tham dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Thế mà bạn lại lo ra, quay qua quay lại… Đó là Chúa! Chúng ta phải nghĩ tới điều này! “Thưa cha, vì các thánh lễ nhàm chán quá! – “Mà bạn nói gì thế, rằng Chúa là nhàm chán à!” – “ Không, không. Thánh Lễ không, các linh mục thì có”. Ôi, ước chi các liinh mục hoán cải, nhưng mà Chúa ở đó nhé! Anh chị em đã hiểu chưa? Xin đừng quên điều ấy! Tham dự Thánh Lễ “là sống một lần nữa cuộc khổ nạn và cái chết cứu chuộc của Chúa”

** Giờ đây chúng ta hãy đặt cho mình vài câu hỏi đơn sơ. Thí dụ, tại sao ta làm dấu thánh giá và có cử chỉ sám hối ở đầu Thánh Lễ? Một câu hỏi. Và ở đây tôi muốn mở một dấu ngoặc. Anh chị em đã trông thấy các em bé làm dấu thánh giá như thế nào chưa? Bạn không biết chúng làm gì, không biết đó là dấu thánh giá hay hình vẽ gì. Chúng làm như thế này này… Mà phải học chứ, phải dậy cho trẻ em làm dấu thánh giá hẳn hoi, và Thánh Lễ bắt đầu như vậy, cuộc sống bắt đầu như vậy, ngày sống bắt đầu như vậy. Điều này có nghĩa là chúng ta được cứu chuộc với thập giá của Chúa.  Anh chị em hãy nhìn các trẻ em và dậy chúng làm dấu thánh giá hẳn hoi. Và các bài đọc trong Thánh Lễ, tại sao chúng ở đó. Tại sao ngày Chúa Nhật có ba bài đọc và các ngày khác lại chỉ có hai bài đọc thôi? Tại sao chúng ở đó? Bài đọc Thánh Lễ có ý nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng, chúng có liên quan gì?  Hay tại sao tới một lúc nào đó vị linh mục chủ sự buổi cử hành nói: “Hãy nâng tâm hồn lên?”. Ngài không nói hãy giơ điện thoại di động lên để chụp hình nhé! Không. Đây là điều xấu! Và tôi xin nói, tôi rất buồn khi cử hành Thánh Lễ tại quảng trường này hay trong Đền thờ và trông thấy biết bao nhiều điện thoại di động giơ lên, không phải chỉ các tín hữu, mà cả vài linh mục và cả giám mục nữa. Tôi xin anh chị em. Thánh Lễ không phải là một cuộc trình diễn: đó là việc đi gặp gỡ cuộc khổ nạn, sự phục sinh của Chúa. Chính vì thế linh mục mới nói: “Hãy nâng tâm hồn chúng ta lên!”. Điều này có nghĩa là gì? Xin anh chị em hãy nhớ: không phải giơ điện thoại di động lên đâu nhé!

Thật rất quan trọng trở về với các nền tảng, tái khám phá ra điều nòng cốt, qua điều chúng ta sờ mó và trông thấy trong việc cử hành các Bí Tích. Lời tông đồ Tôma xin (x.Ga 20,25) được trông thấy và sờ vào các vết đanh trên thân xác Chúa Giêsu, là ước mong, trong một cách thức nào đó có thể “sờ mó” Thiên Chúa để tin nơi Ngài. Điều thánh Tôma xin Chúa là điều chúng ta tất cả cần đến: đó là trông thấy Chúa và sờ mó Chúa và có thể nhận biết Ngài. Các Bí Tích đáp trả lại đòi hỏi ấy của con người. Các Bí Tích, và một cách đặc biệt việc cử hành Thánh Thể, là các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là các con đường đặc ân giúp chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua các bài giáo lý, mà hôm nay chúng ta bắt đầu, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá ra vẻ đẹp dấu ẩn trong việc cử hành Thánh Thể,  và một khi được vén mở nó trao ban ý nghĩa tràn đầy cho cuộc sống của từng người trong chúng ta. Xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Libăng, nhất là các bạn trẻ trường Fénelon-Sainte-Marie Paris. Ngài cũng chào các nhóm đến từ Niu dilen, Philippines, Nam Hàn, Canada và Hoa Kỳ. Trong các nhóm nói tiếng Đức ngài chào ca đoàn thiếu nhi nhà thờ chính toà Limburg. Trong các đoàn hành hương đến từ Tây Ban Nha và châu Mỹ Latinh ĐTC chào đặc biệt phái đoàn các tỉnh trưởng Argentina. Ngài cũng chào tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha cách riêng tín hữu giáo phận San Angelo.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nói Chúa Nhật tới đây HĐGM Ba Lan và hiệp hội Trợ Giúp Giáo Hội đau khổ cử hành Ngày liên đới với Giáo Hội bị bách hại để trợ giúp tinh thần và vật chất cho các kitô hữu vùng Trung Đông. ĐTC cám ơn sáng kiến này và nói: ước chi các lời cầu nguyện và các dâng cúng của anh chị em là một trợ giúp cụ thể và là dấu chỉ của mối dây nốt kết mọi người đau khổ trên thế giới nhân danh Chúa Kitô. Ngài cũng chúc mừng ban biên tập và các thính giả của Đài phát thanh Katowice mừng 90 năm thành lập.

Trong số các tín hữu Italia ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên các Hội nghị quốc tế của các cha Biển Đức hiến sinh và các nữ tu Cát Minh, cũng như các sư huynh Lasan tham dự khoá huấn luyện tại Roma, và các thừa sai dòng Ngôi Lời tham dự khoá canh tân. Ngài cầu chúc chuyến hành hương Roma củng cố sự hiệp thông của họ với sứ vụ đại đồng của người Kế vị thánh Phêrô. ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương giáo xứ và các nhóm cầu nguyện Fatima và Lộ Đức tỉnh Afragola, cộng đoàn trị liệu Fanelli di Castellamare di Stabia, và nhóm các công nhân trẻ tuổi.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài cầu mong họ lớn lên trong chứng tá kitô cả khi phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn; người đau yếu biết dâng mọi khổ đau cho Chúa để yểm trợ biết bao kitô bị bách hại, và các cặp vợ chồng mới cưới biết tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ukraine

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo Hoàng Học Viện Ukraine

VATICAN. ĐTC khuyến khích các LM và chủng sinh Ukraine chăm chỉ học hỏi giáo huấn xã hội Công Giáo và chuẩn bị để trở thành những mục tử phục vụ dân Chúa tại Ucraina.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-11-2017 dành cho ban giám đốc và các LM, chủng sinh thuộc Giáo Hoàng Học Viện Ukraine ở Roma, nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập Học Viện do Đức Giáo Hoàng Piô 11.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo đông phương, và Đức TGM Vasil, Tổng thư ký của Bộ.

ĐTC nhắc lại mối quan tâm của Đức Cố Giáo Hoàng đối với giáo huấn xã hội Công Giáo trong thời kỳ đức tin bị các chế độ vô thần đàn áp. Đức Piô 10 đã phải đương đầu với nhiều thách đố trong thời đại của Người, nhưng luôn lên tiếng mạnh mẽ trong việc bênh vực đức tin, tự do của Giáo Hội và phẩm giá siêu việt của mỗi người. Người minh mạch lên án các ý thức hệ vô thần và vô nhân đạo làm cho thế kỷ 20 bị đẫm máu.

ĐTC nói với các LM Ukraine tương lai rằng: ”Tôi mời gọi các thày hãy học Đạo lý xã hội Công Giáo, để trưởng thành trong việc phân định và phán đoán về những thực tại xã hội trong đó các thày sẽ được kêu gọi hoạt động”.

Ngài không quên nhắc đến tình trạng xung đột hiện nay ở miền đông Ukraine, gây đau khổ rất nhiều cho dân chúng, nhất là khi mùa đông đang đến gần. ”Chính ước muốn mạnh mẽ về công lý và hòa bình, loại trừ mọi hình thức hư hỏng, băng hoạt xã hội hoặc chính trị, những thực tại trong đó những người nghèo luôn phải trả giá. Xin Chúa nâng đỡ và khích lệ những người đang dấn thân để thực hiện một xã hội ngày càng công bằng và liên đới. Ước gì họ được nâng đỡ tích cực nhờ sự dấn thân cụ thể của các Giáo Hội, các tín hữu và mọi người thiện chí (Rei 9-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng ”Kỳ lão” quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp Hội Đồng ”Kỳ lão” quốc tế

VATICAN. Chiều 6-11-2017, ĐTC đã tiếp kiến ”Hội đồng kỳ lão” (Elders) quốc tế tại Nhà trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican, đứng đầu là ông Kofi Annan, người Ghana, nguyên Tổng thư ký LHQ.

Trong số các thành viên khác có bà Mary Robinson, nguyên tổng thống Cộng hòa Ailen từ 1990 đến 1997.

Hội đồng kỳ lão thế giới là một tổ chức quốc tế phi chính phủ do cựu tổng thống Nelson Mandela của Nam Phi thành lập cách đây 10 năm, gồm các vị lãnh đạo thế giới và các cựu quốc trưởng, với mục đích thăng tiến hòa bình và các quyền con người.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Ông Kofi Annan nói: ”Chúng tôi nghĩ rằng gặp ĐGH là điều quan trọng, và chúng tôi có nhiều giá trị chung, và muốn gặp ngài để trao đổi và cách thức có thể cộng tác với nhau, cũng như để tập trung vào một số điểm. Trong cuộc hội kiến, chúng tôi đã nói về vấn đề tị nạn và di dân, các võ khí hạt nhân; đây cũng là những đề tài được đề cập đến trong một hội nghị thượng đỉnh tại Vatican vào thứ sáu 10-11 tới đây. Chúng tôi cũng nói về hòa bình và việc làm trung gian trong các cuộc xung đột”.

Về phần bà Mary Robinson, cựu Tổng thống Ailen, bà cho biết đã nói về tầm quan trọng cần dành cho tiếng nói của phụ nữ và vai trò của họ. Bà đánh giá cao vai trò ĐGH đang thi hành và vì ngài đang dấn thân để trở thành tiếng nói của những ngừơi không có tiếng nói, những người ở ngoài lề xã hội, và ngài cũng đương đầu với những khía cạnh khó khăn nhất của các cuộc xung đột”.

Bà Robinson xác nhận rằng: ”Chúng tôi có nhiều lãnh vực chung và có thể bàn đến một số lãnh vực, kể cả vấn đề Venezuela, trong bối cảnh Mỹ châu la tinh, Congo, những thay đổi khí hậu” (RG 6-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo

VATICAN. Ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Protase Rugambwa người Tanzania làm tân Tổng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Savio Hàn Đại Huy, SDB, được cử đi làm Sứ thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.

Đức TGM Rugambwa năm nay 57 tuổi (1960), nguyên là GM giáo phận Kigoma, Tanzania, trước khi được thăng TGM Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo ngày 26-6-2012. Trong chức vụ này ngài là Chủ tịch của 4 Hội Giáo Hoàng Truyền giáo gồm Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô, Hội Nhi đồng Truyền giáo và Liên hiệp Giáo Sĩ Truyền giáo.

Cùng ngày 9-11-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Ông Giovanni Pietro Dal Toso, 53 tuổi (1964) người Italia, nguyên là Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh ”Cor Unum”, (Đồng Tâm), làm Đồng thư ký Bộ truyền giáo thay thế Đức TGM Rugambwa, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Foraziana. Trong nhiệm vụ mới, ngài phụ trách 4 Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum là cơ quan bác ái của ĐTC, đã được xáp nhập vào Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện. (Rei 9-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đừng làm gương xấu sống hai mặt

Đừng làm gương xấu sống hai mặt

Một khuyết điểm thông thường của những người có quyền bính, quyền bính dân sự cũng như quyền bính tôn giáo, là đòi hỏi nơi những người khác các điều cả khi đúng đắn, nhưng họ lại là những người đầu tiên không thực hành chúng. Thái độ này là một gương xấu trong việc thực thi quyền bính, đáng lý ra phải nêu gương tốt. Quyền bính là một trợ giúp, nhưng nếu được thực thi một cách xấu xa thì nó trở thành áp bức, không để cho con người lớn lên và tạo ra một bầu khí mất tin tưởng thù nghịch và cả thối nát nữa.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua.

Giải thích Phúc Âm Chúa Nhật 31 thường niên ghi lại lời Chúa Giêsu quở trách giới lãnh đạo Do thái ĐTC nói: Trình thuật được lồng khung trong các ngày cuối cùng cuộc đời của Chúa tại Giêrusalem; những ngày tràn đầy chờ mong và cũng căng thẳng. Một đàng Chúa Giêsu đưa ra lời phê bình các ký lục và biệt phái, đàng khác Ngài để lại các huấn thị cho các tín hữu kitô thuộc mọi thời đại, vì thế bao gồm cả chúng ta nữa.

Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”. Điều này có nghĩa là họ có quyền giảng dậy điều phù hợp với Luật của Thiên Chúa. Nhưng ngay sau đó Chúa Giêsu nói thêm: “còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (cc.2-3). ĐTC giải thích sự kiện này như sau:

Anh chị em thân mến, đây là một khuyết điểm thông thường của những người có quyền bính, quyền bính dân sự cũng như quyền bính tôn giáo, là đòi hỏi nơi những người khác các điều,  cả các điều đúng đắn, nhưng họ lại là những người đầu tiên không thực hành chúng. Họ có cuộc sống hai mặt. Chúa Giêsu nói: “ Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (c.4)”. Thái độ này là một việc thực thi xấu quyền bính, đáng lý ra phải có được sức mạnh đầu tiên của nó trong việc nêu gương tốt. Quyền bính nảy sinh từ gương tốt, để giúp các người khác thi hành điều đúng đắn và phải làm, bằng cách yểm trợ họ  trong các thử thách gặp phải trên con đường sự thiện. Quyền bính là một trợ giúp, nhưng nếu thực thi xấu, thì nó trở thành áp bức, không để cho con người lớn lên và tạo ra một bầu khí không tin tưởng và thù nghịch, và đưa tới cả sự thối nát nữa. Đó là thái độ chỉ sống bề ngoài.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúa Giêsu công khai tố cáo vài thái độ tiêu cực của các ký lục và của vài người pharisêu: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráb-bi" (cc. 6-7). Đây là một cám dỗ tương xứng với sự kiêu ngạo và không luôn luôn dễ mà thắng vượt được nó.

Thế rồi Chúa Giêsu đưa ra các huấn thị cho các môn đệ Ngài: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là "ráb-bi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.” (cc.8-11). Áp dụng vào cuộc sống tín hữu ĐTC nói:

Là các môn đệ của Chúa Giêsu chúng ta không được tìm kiếm các tước hiệu danh dự, quyền bính hay sự tối cao. Tôi nói với anh em rằng riêng cá nhân tôi tôi rất đau lòng, khi thấy những người có tâm lý chạy theo các danh dự hư không. Chúng ta là các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không được làm điều này, bởi vì giữa chúng ta phải có một thái độ đơn sơ và huynh đê. Chúng ta tất cả là anh em và chúng ta không được chèn ép các người khác và nhìn họ từ trên cao xuống. Không, chúng ta tất cả là anh em với nhau. Nếu chúng ta đã nhận được các phẩm tính từ Cha trên trời, chúng ta phải dùng chúng để phục vụ các anh em khác, và không lợi dụng chúng cho sự thoả mãn của chúng ta và lợi lộc cá nhân. Chúng ta không được coi mình cao hơn người khác, lòng khiêm tốn là điều nòng cốt cho một cuộc sống muốn phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu, là Đấng dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và đã đến không khải để được phục vụ, mà là để phục vụ.

Xin Đức Trinh Nữ Maria “là thụ tạo khiêm nhường và cao cả nhất” (Dante, Thiên Đàng, XXXIII,2) giúp chúng ta với sự bầu cử hiền mẫu của Mẹ, xa lánh sự kiêu ngạo và hư danh, biết khiêm nhường và ngoan ngoãn đối  với  tình yêu đến từ Thiên Chúa, để phục vụ các anh em của chúng ta và cho niềm vui của họ cũng sẽ là niềm vui của chúng ta.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh  Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới lễ phong chân phước tại Indore bên Ấn Độ cho  chị Maria Vattalil nữ tu dòng Clarist Phan Sinh, bị giết vì đức tin kitô năm 1995. Nữ tu Vattalil đã làm chứng cho Chúa Kitô trong tình yêu và sự dịu hiền, và kết hiệp với đạo binh đông đúc các vị tử đạo của thời đại chúng ta. Ước chi hy lễ  của chị  là hạt giống đức tin và hoà bình đặc biệt trên đất Ấn Độ. Chị đã rất là tốt lành. Người ta đã gọi chị là “nữ tu của nụ cười”.

ĐTC đã chào các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ Gomel bên Bạch Nga, các thành viên Hiệp hội Trung tâm hàn lâm viện Roma Madrid, cũng như tín hữu các thành phố Valencia, Murcia và Torrente bên Tây Ban Nha, và các nữ tu chị em Chúa Quan Phòng mừng 175 năm thành lập. Ngài cũng chào ca đoàn trẻ Minipolifonici tỉnh Trento bắc Italia và mời họ hát một chút sau đó. ĐTC cũng chào các ca đoàn Candiana, Maser và Bagnoli di Sopra, cũng như các tham dự viên đại nhạc hội và nghệ thuật thánh đến từ nhiều nước khác nhau, và tín hữu đến từ Altamura, Guidonia và Lodi và giáo xứ thánh Luca ở Roma. Sau cùng ngài chúc tất cả ngày Chúa Nhật tươi vui và xin mọi người đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi các Đại Học Công Giáo giúp di dân

Đức Thánh Cha kêu gọi các Đại Học Công Giáo giúp di dân

VATICAN. ĐTC kêu gọi các Đại học Công Giáo góp phần giải quyết hiện tượng di dân trên thế giới ngày nay.

 

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 4-11-2017 dành cho 230 tham dự viên hội nghị quốc tế về đề tài: ”Người tị nạn và di dân trong một thế giới hoàn cầu hóa: trách nhiệm và câu trả lời của các đại học”.

 

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao vai trò của các đại học Công Giáo trong việc nghiên cứu, giảng dạy và thăng tiến xã hội liên quan đến hiện tượng di dân.

 

– Trước tiên, ngài kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu về những nguyên nhân xa gây ra hiện tượng bó buộc phải xuất cư, và đề ra những giải pháp có thể thực hành được. Ngoài ra cũng cần suy tư về những phản ứng tiêu cực, kỳ thị và bài người nước ngoài, mà việc đón nhận người di dân đang khơi lên tại những nước có truyền thống Kitô kỳ cựu để đề ra những hành trình huấn luyện lương tâm. Trong chiều hướng này, cần đề cao giá trị nhiều đóng góp mà người di dân và tị nạn mang lại cho các xã hội đón tiếp họ.

 

– Về lãnh vực giảng huấn, ĐTC cầu mong các đại học Công Giáo chấp nhận những chương trình nhắm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục người tị nạn ở nhiều cấp độ, hoặc qua các lớp hàm thụ cho những ngừơi sống tại các trại và trung tâm tiếp cư, hoặc qua việc cấp học bổng cho người di dân và tị nạn.

 

– Sau cùng, trong lãnh vực thăng tiến xã hội, ĐTC đề cao vai trò của các đại học Công Giáo như một lương tâm phê bình đối với những hình thức quyền bính chính trị, kinh tế và văn hóa. Về điểm này, Phân bộ di dân và tị nạn thuộc Bộ phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện đã đề nghị 20 điểm hành động như một đóng góp cho tiến trình đưa tới sự đón nhận của Cộng đồng quốc tế các hiệp ước hoàn cầu, trong đó có một hiệp ước về người di dân, và một về người tị nạn trong lục cá nguyệt thứ hai của năm tới, 2018.

 

Cũng trong lãnh vực này, các Đại học Công Giáo có thể cổ võ các sinh viên tham gia các chương trình thiện nguyện, trợ giúp người tị nạn, những người xin tị nạn và những người di dân mới nhập cư. (Rei 4-11-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha viếng nơi tưởng niệm 355 nạn nhân Đức Quốc xã

Đức Thánh Cha viếng nơi tưởng niệm 355 nạn nhân Đức Quốc xã

ROMA. Trong cuộc viếng thăm nơi tưởng niệm 355 nạn nhân của Đức Quốc Xã tại Roma, ĐTC cầu xin Chúa tha thứ các tội ác của nhân loại và đừng để chúng xảy ra nữa.

Rời nghĩa trang quân đội Mỹ vào lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày 2-11-2017, ĐTC đã đến Hố Ardeatine (Fosse Ardeatine), cách Roma khoảng 10 cây số, nơi mà 335 nạn nhân gồm các binh sĩ và thường dân, trong đó có 75 người Do thái, bị Đức quốc xã hành quyết ngày 24-3 năm 1944 để trả thù cuộc khủng bố chống lại các binh sĩ Đức ở đường Rasella, Roma.

Tại đây, ĐTC được Rabbi trưởng của Cộng đoàn Do thái ở Roma, Riccardo Di Segni, cùng với các vị chỉ huy quân đội bảo quản nơi tưởng niệm này tiếp đón. Ngài đến mặc niệm trong thinh lặng trước nơi 335 nạn nhân bị hành quyết rồi viếng mộ các nạn nhân ở dưới hầm, trong sự thinh lặng tuyệt đối.

ĐTC cũng đặt hoa hồng trên một số mộ. Rabbi Di Segni đã đọc một kinh nguyện bằng tiếng Do thái, trước khi ĐTC dâng lời nguyện lên Thiên Chúa, nhắc đến giao ước yêu thương và trung tín của Chúa, là Đấng từ bi và cảm thương với mỗi người, mỗi dân tộc chịu đau khổ và áp bức.

Trong cuốn sổ vàng lưu niệm, ĐTC viết: ”Đây là kết quả của chiến tranh: oán ghét, chết chóc và báo thù… Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con”.

Sau khi từ Hố Ardeatine về Vatican, ĐTC còn xuống tầng hầm Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện trước mộ của các vị Giáo Hoàng an táng tại đây (RG 2-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

Đức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục

VATICAN. Sáng ngày 3-11-2017, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 15 Hồng Y và 137 GM qua đời trong 12 tháng qua, trong đó có 3 GM Việt Nam.

 

Ba GM Việt Nam là Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên GM Nha Trang qua đời ngày 2-2 năm nay, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, GM Phan Thiết qua đời ngày 1 tháng 3, và Đức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, qua đời ngày 5 tháng 10 mới đây. Ngoài ra có 7 GM ở Hoa Lục.

 

Đồng tế với ĐTC có 40c HY và 30 GM hiện diện ở Roma, với trước sự tham dự của hơn 1 ngàn tín hữu.

 

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc thánh lễ, ĐTC mời gọi mọi người hãy tin tưởng và hy vọng đứng trước cái chết, tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Ngài nói:

 

”Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng nơi sự phục sinh làm cho chúng ta trở thành những con người hy vọng và không tuyệt vọng, những người của sự sống chứ không phải của sự chết, vì chúng ta được an ủi nhờ lời hứa sự sống đời đời, có cội rễ nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô phục sinh”.

 

”Niềm hy vọng ấy giúp chúng ta có thái độ tín thác đứng trước cái chết. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng sự chết không phải là lời nói cuối cùng, nhưng chính tình yêu thương xót của Chúa Cha biến đổi và làm cho chúng ta được sống tình hiệp thông vĩnh cửu với Chúa”.

 

ĐTC cũng nhắc đến các Hồng Y và GM đã giã từ chúng ta sau khi phục vụ Giáo Hội và Dân Chúa đã được ủy thác cho các vị, trong viễn tượng vĩnh cửu. Ngài nói: “Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì việc phục vụ quảng đại của các vị dành cho Tin Mừng và Giáo Hội, dường như chúng ta được nghe lập lại với Thánh Phaolô Tông Đồ: ”Niềm hy vọng không đánh lừa” (Rm 5,5). Thiên Chúa là Đấng tín trung và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa không phải là hư vô. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho các vị, để họ cũng được tham dự bữa tiệc vĩnh cửu, họ đã nếm hưởng trước trong cuộc lữ hành trần thế này” (Rei 3-11-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin Lễ Các Thánh

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với 20 ngàn tín hữu trưa ngày lễ Các Thánh, 1-11, ĐTC đã giải thích thế nào là thánh nhân và mời gọi các tín hữu sống tinh thần các mối phúc thật.

ĐTC nói: “Các thánh không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là những người được thiên Chúa chiếu qua. Chúng ta có thể ví các vị như những tấm kiếng ở nhà thờ, để cho ánh sáng chiếu qua với nhiều màu sắc khác nhau. Các thánh là những người anh chị em của chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong tâm hồn và đã truyền lại cho thế giới, mỗi người theo sắc thái riêng. Nhưng tất cả đếu trong sáng, đã chiến đấu để loại bỏ những vết nhơ và những tối tăm của tội lỗi, để cho ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa chiếu qua. Đó chính là mục đích của cuộc sống và cho chúng ta”.

ĐTC cũng quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng ngày lễ Các Thánh về các Mối phúc và khẳng định rằng hạnh phúc không hệ tại sở hữu cái gì hoặc trở thanh một nhân vật nào, không phải vậy, hạnh phúc chân thực là ở với Chúa và sống bằng tình yêu.. Các mối phúc không đòi phải có những cử chỉ lừng lẫy, không phải dành cho các siêu nhân, nhưng cho những người sống những thử thách và cơ cực hằng ngày. Các thánh cũng vậy: như mọi người, các vị hít th không khí ô nhiễm của sự ác trong thế giới, nhưng trên đường đi, các vị không bao giờ mất hút con đường Chúa Giêsu đã vạch ra, đã chỉ dẫn trong các mối phúc là bản đồ của đời sống Kitô”.

ĐTC trích dẫn lời sách Khải Huyền: ”Phúc cho những người chết trong Chúa” (Kh 14,13) và nhắc nhở các tín hữu về ngày lễ các linh hồn, ngài mà chúng ta được mời gọi đồng hành với những người quá cố của chúng ta trong kinh nguyện, để họ được hưởng hạnh phúc mãi mãi bên Chúa. Chúng ta cũng hãy nhơ đến những người thân yêu của chúng ta với tâm tình biết ơn và cầu nguyện cho họ”.

Đức Thánh Cha lên án các vụ khủng bố gần đây

Trong phần chào thăm các tín hữu sau khi ban phép lành, ĐTC mạnh mẽ lên án các vụ khủng bố đẫm máu gần đây tại Somalia, Afganistan, và hôm 31-10-2017 tại New York Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Trong khi lên án những hành vi bạo lực ấy, tôi cầu nguyện cho những người chết, người bị thương và thân nhân họ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hoán cải tâm hồn những kẻ khủng bố và giải thoát thế giới khỏi oán thù và sự điên rồ sát nhân, lạm dụng danh Thiên Chúa để gieo rắc chết chóc”.

ĐTC đặc biệt chào các tham dự viên cuộc chạy đua Lễ Các Thánh, do Hội ”Don Bosco trên thế giới” đề xướng để mang lại một chiều kích đại lễ bình dân cho ngày lễ kính Các Thánh.

Đây là lần thứ 10 Hội ”Don Bosco trên thế giới” tổ chức cuộc chạy đua vào lễ Các Thánh. Các tham dự viên chạy 10 cây số qua các đường phố ở Trung tâm Roma, khởi hành từ Đền thờ Thánh Phêrô và trở về đây. Mục đích lần này là để hỗ trợ dự án của các thừa sai Salesien Don Bosco ở Ấn độ giúp đỡ các trẻ nữ phải kết hôn sớm.

Sau cùng, ĐTC thông báo chiều 2-11, ngài sẽ viếng thăm nghĩa trang quân đội Mỹ ở thành phố Nettuno và Hố Ardeatine gần Roma. Ngài nói: ”Chiến tranh chỉ tạo nên các nghĩa trang và chết chóc. Chính vì thế, tôi muốn đưa ra một dấu hiệu trong lúc nhân loại chúng ta dường như quên bài học hoặc không muốn học bài học đó. Tôi xin anh chị em tháp tùng tôi bằng kinh nguyện trong hai giai đoạn tưởng niệm và cầu cho các nạn nhân chiến tranh và bạo lực” (Rei 1-11-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Nước Trời tựa hạt cải: tuy bé nhỏ nhưng đầy sức tăng trưởng

Để làm cho Nước Thiên Chúa được lớn mạnh, chúng ta cần can đảm trở nên hạt cải và nắm men. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Sức mạnh đến từ bên trong

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 13,18-21) Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời giống như hạt cải và nắm men. Cả hai tuy bé nhỏ nhưng lại mang trong mình một sức phát triển lớn mạnh. Nước Thiên Chúa cũng thế, vì sức mạnh của Nước Trời là đến từ bên trong.

Trong bài đọc trích thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô cũng nhấn mạnh rằng, những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới, vinh quang đang đợi chờ chúng ta. Luôn có sự căng thẳng giằng co giữa đau khổ và vinh quang. Trong mối giằng co ấy, có lòng mong đợi mặc khải lớn lao về Nước Thiên Chúa. Lòng mong đợi ấy không chỉ dành cho chúng ta mà thôi, còn cho cả các tạo vật nữa. Các tạo vật cùng với chúng ta, đợi trông mặc khải của Con Thiên Chúa. Đó là sức mạnh nội tại đưa chúng ta tới sự viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh bởi Chúa Thánh Thần.

Đây là hành trình hy vọng. Niềm hy vọng ấy đưa chúng ta tới sự viên mãn, đưa chúng ta thoát khỏi nhà tù, thoát khỏi những giới hạn, thoát khỏi kiếp nô lệ, thoát khỏi những thứ lạm dụng lạm quyền tham nhũng, để đưa chúng ta tới bến bờ vinh quang. Đó là cuộc hành trình của niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Điều ấy Chúa Thánh Thần ban tặng trong cõi lòng chúng ta. Điều ấy thật tuyệt vời, thật tự do, thật là vinh quang lớn lao. Chúa Giêsu đã nói: hạt cải quả là bé nhỏ, nhưng có một sức lớn mạnh không thể tưởng tượng được.

Đấng ban sức mạnh

Trong chúng ta, trong các loài thụ tạo, có một sức mạnh lớn lao, có một sức sống vĩ đại, đó là Chúa Thánh Thần. Ngài ban cho chúng ta niềm hy vọng. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn mạnh để vươn tới độ hoàn thiện, và đợi chờ chúng ta trong vinh quang. Khi hạt cải được gieo vãi và nắm men được vùi vào đấu bột, dường như chẳng có gì thay đổi, nhưng kỳ thực sức mạnh nội tại vẫn có đó. Đó là sức mạnh của Nước Thiên Chúa. Sức mạnh ấy là sức mạnh nội tại, sức mạnh toát ra từ bên trong.

Nước Trời phát triển từ bên trong, cùng với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Giáo hội luôn cần can đảm để trở thành hạt cải được gieo vãi, trở thành nắm men vùi trong bột. Tuy nhiên luôn có nỗi sợ khi làm điều ấy. Nhiều lần chúng ta thấy rằng, chúng ta thích một loại mục vụ nắm giữ bảo tồn, chứ không biết để cho Nước Trời phát triển. Nếu cứ nắm giữ như thế, chúng ta vẫn chỉ là chúng ta, vẫn bé nhỏ như thế, chúng ta an toàn… Nhưng khi ấy, Nước Trời không phát triển. Bởi vì, để Nước Trời có thể phát triển, chúng ta phải can đảm gieo hạt, can đảm trộn men với bột.

Nhân đức hy vọng

Thật sự là khi gieo hạt giống, chúng ta chấp nhận mất mát. Khi trộn men vào trong bột, chúng ta chấp nhận bàn tay bị lấm lem. Và như thế, chúng ta luôn cần chấp nhận sự mất mát nào đó, để Nước Thiên Chúa có thể lớn lên. Khốn cho những ai công bố Nước Trời với ảo tưởng rằng bàn tay không hề bị lấm lem. Những người ấy chỉ giống như người bảo vệ chăm sóc các bảo tàng, chỉ muốn bảo tồn những gì đẹp đẽ, nhưng không có sức mạnh của việc gieo vãi, không có sức mạnh của việc đi ra, không có sức sống, không có sức phát triển. Còn sứ điệp của Chúa Giêsu và của thánh Phaolô luôn có sức giằng co, để kéo chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, để dẫn chúng ta đến sự viên mãn trong vinh quang. Niềm hy vọng ấy là hành trình tiến bước, tiến bước trong hy vọng, không thoái lui. Niềm hy vọng ấy quá bé nhỏ, rất bé nhỏ, tựa hạt cải, tựa nắm men.

Hy vọng là “nhân đức khiêm tốn nhất, nhỏ bé nhất”, nhưng nơi nào có hy vọng, nơi ấy có Chúa Thánh Thần. Ở nơi đó, Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta tới Nước Trời. Hôm nay chúng ta tự hỏi lòng mình về niềm hy vọng. Hãy ở lại trong niềm hy vọng ấy, hãy ở lại trong nội tâm mình và thân thưa với Chúa Thánh Thần.

Tứ Quyết SJ

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 29-10-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 29-10-2017 với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (22,34-40) chúa nhật thứ 30 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi do một người Biệt Phái nêu lên: đâu là giới luật quan trọng nhất.

Huấn dụ của ĐTC

ĐTC nói: ”Chúa nhật này, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một đoạn ngắn của Tin Mừng, nhưng rất quan trọng (Xc Mt 22,34-40). Thánh Sử Matthêu kể lại rằng những người Biệt Phái họp nhau để thử thách Chúa Giêsu. Một người trong họ, tiến sĩ luật, nêu câu hỏi với Ngài: ”Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn quan trọng nhất” (v. 36). Đó là một câu hỏi cạm bẫy, vì trong Luật Môisê có nói đến hơn 600 giới luật. Trong tất cả những luật đó, làm sao phân biệt giới răn quan trọng nhất. Nhưng Chúa Giêsu không chút do dự và trả lời: ”Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí ngươi” và ngài thêm: 'Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.37.39)”

 ”Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là điều hiển nhiên mà có, vì trong nhiều giới răn của luật Do thái, quan trọng nhất là 10 giới răn, được Thiên Chúa trực tiếp thông truyền cho Môise, như những điều kiện của giao ước giữa Chúa với dân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng nếu không có lòng mến Chúa và yêu ngừơi, thì không có sự trung thành đích thực với giao ước với Thiên Chúa. Bạn có thể làm bao nhiêu điều tốt lành, thực thi các giới răn, nhưng nếu bạn không có tình yêu, thì việc làm ấy không hữu ích.

 Một đoạn văn khác trong sách Xuất Hành, gọi là ”Luật giao ước” đã xác nhận điều đó, trong phần này có nói rằng ta không thể ở trong Giao ước với Chúa mà lại ngược đãi những người được Chúa đặc biệt bảo vệ: đó là góa phụ, cô nhi và người ngoại quốc, người di dân, tức là những người cô độc và dễ bị tổn thương nhất (Xc Xh 22,20-21). Khi trả lời cho những người Biệt Phái chất vấn ngài, Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ đặt thứ tự trong đời sống đạo của họ, tái lập điều thực sự quan trọng và điều kém quan trọng hơn. Ngài nói: ”Toàn thể Luật và các Ngôn Sứ tùy thuộc hai giới răn này” (Mt 22,40). Đó là những giới răn quan trọng nhất, các giới răn khác tùy thuộc hai giới răn đó. Và Chúa Giêsu đã sống như thế: bằng cách rao giảng và thi hành những gì thực sự là quan trọng và thiết yếu, nghĩa là tình thương. Tình thương mang lại đà tiến và sự phong phú cho đời sống và hành trình đức tin: không có tình thương, thì cuộc sống cũng như đức tin sẽ trở nên khô cằn, son sẻ.

Điều mà Chúa Giêsu đề nghị trong trang Tin Mừng này là một lý tưởng tuyệt vời, đáp ứng ước mong chân thực nhất của tâm hồn chúng ta. Thực vậy, chúng ta được dựng nên để yêu mến và được mến yêu. Thiên Chúa là Tình Thương, đã tạo dựng chúng ta để cho chúng ta được tham dự cuộc sống của Ngài, để được Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, và cùng với Ngài yêu mến tất cả những người khác. Đó là ”giấc mơ” của Thiên Chúa về con người. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần ơn thánh của Chúa, chúng ta cần nhận được nơi mình khả năng yêu mến đến từ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chính vì điều đó. Trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nghĩa là chúng ta đón nhận Chúa Giêu qua biểu hiện tột đỉnh tình thương của Chúa, khi Ngài hiến mình cho Chúa Cha để cứu độ chúng ta”.

Và ĐTC kết luận rằng: “Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận vào trong cuộc sống của chúng ta ”giới răn cao cả”, mến Chúa yêu người. Thực vậy, tuy chúng ta đã biết giới răn này từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ chúng ta ngưng trở về với giới răn này và thực hành nó trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chúng ta”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 28-10 vừa qua tại thành phố Caxias do Sul bên Brazil cho cha Giovanni Schiavo thuộc dòng thánh Giuse Murialdo. ”Người sinh tại vùng Vicenza vào đầu thế kỷ 20, và khi còn là một linh mục trẻ, cha được gửi sang Brazil, tại đây cha đã nhiệt thành hoạt động phục vụ dân Chúa và huấn luyện các tu sĩ nam nữ. Ước gì tấm gương của cha giúp chúng ta sống trọn vẹn lòng gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài”.

ĐTC ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương đến từ Italia và nhiều nước khác, đặc biệt từ Ai len, Áo, Đức. Ngài cũng nhắc đến các tham dự viên Hội nghị vế các tu hội đời Italia, mà ngài khích lệ trong việc làm chứng tá Tin Mừng trong thế giới, hiệp hội những ngừơi hiến máu ở Orta Nova, tỉnh Foggia, nam Italia.

Sau cùng, ĐTC chào cộng đoàn ngừơi Togo Phi châu ở Italia và cộng đoàn người Venezuela với ảnh Đức Mẹ Chiquinquira, Chinita. Chúng ta hãy phó thác cho Đức Mẹ những hy vọng và mong đợi hợp pháp của hai quốc gia dân tộc này.

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi các tu hội đời

VATICAN. ĐTC kêu gọi các thành viên các tu hội đời hãy mang vào trần thế, vào những hoàn cảnh mình sinh sống, lời đã lắng nghe từ Thiên Chúa.

Ngài đưa ra lời mọi gọi trên đây trong sứ điệp gửi các tham dự Hội nghị các tu hội đời Italia, nhóm tại Học Viện Augustinianum ở Roma trong hai ngày 28 và 29-10-2017 nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tông hiến ”Provida Mater Ecclesiae” (Mẹ quan phòng của Giáo Hội), do ĐGH Piô 12 ban hành về các tu hội đời. Chủ đề của Hội nghị là ”Đi xa hơn và ở giữa. Các tu hội đời: những chuyện say mê và ngôn sứ cho Thiên Chúa và thế giới”.

Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến tính chất ”cách mạng” trong hình thức mới của đời thánh hiến: các giáo dân và linh mục giáo phận được kêu gọi sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời trong cuộc sống thường nhật hoặc trong sứ vụ mục vụ. Ngài viết: ”Ngày nay, anh chị em được kêu gọi trở thành những người khiêm tốn và hăng say mang ý nghĩa của thế giới và lịch sử, trong Chúa Kitô và trong Thánh Linh của Người. Sự kiện anh chị em ở giữa đời không phải chỉ là một hoàn cảnh xã hội học, nhưng còn là một thực tại thần học, giúp anh em chú ý, nhìn, nghe, đồng cảm, chia sẻ niềm vui và trực giác những nhu cầu”.

ĐTC gợi ý với các thành viên tu hội đợi 5 thái độ tinh thần giúp tiến bước trong hành trình ơn gọi đặc thù của mình, đó là:

– Cầu nguyện để kết hiệp với Thiên Chúa; gần gũi với tâm hồn và lắng nghe tiếng Chúa; – Biết phân định những điều thiết yếu với những điều phụ thuộc; làm cho sự khôn ngoan trở nên nhạy bén bằng cách vun trồng nó ngày qua ngày, giúp nhìn thấy đâu là những trách nhiệm cần lãnh nhận và đâu là những công tác ưu tiên. – Chia sẻ số phận của mỗi người nam nữ, dù những biến cố của thế giới bi thảm và đen tối, vẫn không bỏ mặc cho số phận của thế giới, như Chúa Giêsu và cùng với Chúa yêu thương đến cùng.

– Với ơn Chúa, mang lại can đảm, không bao giờ mất niềm tín thác, biết nhìn điều tốt trong mọi sự.

– Sau cùng là có thiện cảm với thế giới và con người.

Hội nghị các tu hội đời Italia đã kết thúc với thánh lễ lúc 1 giờ trưa chúa nhật 29-10 do ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các dòng tu và tu hội đời chủ sự tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Trên thế giới hiện nay có 193 tu hội đời với tổng cộng gần 32,400 thành viên (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về Công pháp quốc tế nhân đạo

Đức Thánh Cha tiếp Hội nghị về Công pháp quốc tế nhân đạo

VATICAN. ĐTC cầu mong các tổ chức nhân đạo có thể luôn hoạt động theo các nguyên tắc cơ bản của tình nhân đạo, không thiên vị, trung lập và độc lập.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 28-10-2017, dành cho các tham dự viên Hội nghị quốc tế kỳ 3 về công pháp quốc tế nhân đạo, nhóm tại Roma. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số vị Bộ trưởng của các nước.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhận xét rằng mặc dù có công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng người ta thấy vẫn còn nhiều hậu quả tiêu cực của chiến tranh trên các thường dân, những tội ác kinh khủng, chà đạp con người và phẩm giá của họ, bất chấp những nguyên tắc sơ đẳng nhất về nhân đạo. Ngoài ra cũng có tình trạng bao nhiêu gia sản, kho tàng văn hóa của nhân loại bị biến thành đống gạch vụn, nhà thương, trường học, nhà thờ bị cố tình tấn công và phá hủy.

ĐTC cảnh giác trước nguy cơ theo đó sự phổ biển các tin tức thuộc loại đó đưa tới tình trạng con người không còn nhạy cảm trước tính chất trầm trọng của vấn đề, và không cảm cảm thương và cởi mở tâm hồn trong tình liên đới. Vì thế cần phải có một sự hoán cải tâm hồn, cởi mở con tim đối với Thiên Chúa và tha nhân, thúc đẩy con người khắc phục sự dửng dưng lãnh đạm và sống tình liên đới thực sự.

Tuy có hiện tượng trên đây, ĐTC cũng ca ngợi nhiều tổ chức từ thiện và phi chính phủ, trong và ngoài Giáo Hội, với các thành viên bất chấp vất vả và nguy hiểm chăm sóc những ngừơi bị thương và các bệnh nhân, chôn cất những người qua đời, cung cấp lương thực và nước uống cho những người đói khát, viếng thăm những người bị cầm tù. Ước gì các tổ chức nhân đạo có thể luôn luôn hành động phù hợp với các nguyên tắc căn bản về tình nhân đạo, giữ thái độ khách quan không thiên vị, và độc lập. (Rei 28-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

Đức Thánh Cha gặp gỡ các học sinh Nam Mỹ

VATICAN. Chiều ngày 26-10-2017, ĐTC đã gặp gỡ các nhóm học sinh từ một số nước Nam Mỹ và ngài kêu gọi các em đừng rơi vào vòng nghiện ngập ma túy.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại trụ sở tổ chức quốc tế gọi là Scholas Occurentes ở nội thành Vatican. Tổ chức này do ĐTC sáng lập khi còn là TGM giáo phận Buenos Aires với mục đích góp phần giáo dục các học sinh ở những vùng sâu vùng xa. Nay nó trở thành một tổ chức quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, và hiện diện tại 190 quốc gia, qua một mạng liên kết hơn 446 ngàn trường học và hệ thống giáo dục.

Tham dự cuộc gặp gỡ với ĐTC chiều thứ năm vừa qua có các học sinh từ Mexico, Argentina, Paraguay và Puerto Rico, và đề tài được nói đến là ma túy, di dân, việc chăm sóc thiên nhiên và nạn tự tử. Các bạn trẻ đã trình bày cho ĐTC các vấn đề của họ, kể cả những hậu quả do thiên tai gây ra như cuồng phong María mới đây ở Puerto Rico, nạn động đất tại Mexico trong hai ngày 7 và 19-9 vừa qua, làm cho 471 người chết. Nhiều học sinh ở các nước khác cũng theo dõi và góp ý với cuộc gặp gỡ qua hệ thống truyền hình. ĐTC cũng lợi dụng dịp này khích lệ những người Mỹ châu la tinh ở bang Texas Hoa Kỳ bị thiệt hại vì cuồng phong Harvey, và giải thích cho các học sinh về tâm quan trọng phải chăm sóc thiên nhiên để bớt được các thiên tai.

Các bạn trẻ ở khu phố Villa 31 ở Argentina đã lên án nạn bạo lực và chiến tranh. Và ĐTC cũng nhắc nhở họ rằng: 'Các con đừng để mình bị đánh lừa, ma tủy không giải quyết được gì cả, đó chỉ là những viên đá màu mà ngừơi ta muốn làm cho các con coi đó là những hạt ngọc quí giá. Các con đường để mình bị lường gạt”. (Rei 27-10-2017)

G. Trần Đức Anh OP