GIÁO HỘI VENEZUELA KÊU GỌI CHỐNG LẠI NẠN BẠO LỰC VÀ ĐỒI BẠI XÃ HỘI

GIÁO HỘI VENEZUELA KÊU GỌI CHỐNG LẠI NẠN BẠO LỰC VÀ ĐỒI BẠI XÃ HỘI

CARACAS: ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM Caracas mời gọi tín hữu và nhân dân toàn nước chiến đấu chống lại nạn bạo lực và cảnh đồi bại tâm trí và xã hội.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp Giáng Sinh gửi toàn dân Venezuela. Ngài mời gọi mọi người sống một lễ Giáng Sinh sâu xa ý nghĩa hơn và củng cố niềm tin nơi Thiên Chúa, để chiến đấu chống lại nạn thối nát và bạo lực trong con tim và trong cuộc sống xã hội. Ghi nhận các lo âu của người dân đối với tình hình đất nước, ĐHY khẳng định rằng: cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng là hậu quả của các lợi nhuận khổng lồ vì giá dầu hoả lên cao, khiến cho người ta phạm tội tham lam, cuồng nhiệt đối với việc kiếm tiền dễ dãi, gian tham hối lộ, cướp bóc các tài ngụyên quốc gia, và đầu cơ tích trữ. Trong chiều hướng đó bầu khí luân lý xã hội trở thành lỏng lẻo, người ta ít ý thức về các hành động gian ác của mình và nạn bạo lực trong các hình thái trầm trọng nhất của nó dẫn đưa tới thù hận, tội phạm sát nhân và hủy diệt người khác. Cần phải nhớ rằng tất cả những điều đó là tội chia lìa chúng ta khỏi Thiên Chúa, khiến cho chúng ta trở thành các tay tội phạm tầm thường và bị Chúa phạt, vì trong các giới răn Người đã nói: chớ giết người, chớ trộm cắp.

Trong sứ điệp Giáng Sinh ĐTGM Caracas cũng đề cập tới các đe dọa đè nặng trên kitô hữu Venezuela. Ngài viết: Đức tin của chúng ta bị đe dọa bởi mê tín dị đoan, bởi ánh đèn chóa sáng của thời mới với một tinh thần Giáng Sinh không hiện hữu và giả tạo, chỉ là việc thờ thần giả tầm thường phải cương quyết từ bỏ. ĐHY cũng cảnh báo nạn pha trộn tôn giáo lan tràn là một thứ tôn giáo khác, trái ngược với Kitô giáo và không hù hợp với niềm tin nơi Chúa Kitô. Nguy cơ lớn nhất là quên đi niềm hạnh phúc yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân hơn chính mình.

ĐHY khich lệ tín hữu đừng quên các anh chị em túng thiếu bệnh tật và cô đơn. Ngài mạnh mẽ kêu gọi giới hữu trách các nhà tù trong nước tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trầm trọng liên quan tới các cơ cấu nhà tù, và tôn trọng nhân phẩm của các tù nhân. Chúng ta sẽ có một lễ Giáng Sinh tươi vui, nếu chúng ta đương đầu với thách đố sống như con cái Chúa và anh em với nhau, bằng cách sống tình liên đới, khước từ mọi hình thái sự dữ. hoạt động cho đất nước và tranh đấu cho các quyền con người, cho tự do và công lý (SD 13-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Lần đầu tiên Đức Mẹ La Vang được cung nghinh tại Argentina (Á Căn Đình), quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô !

Thánh Đường Đức Mẹ Lujan (bổn mạng nước Argentina) để khánh thành đền thờ Đức Mẹ La Vang Việt Nam lần đầu tiên trên quê hương của đương kim Giáo Hoàng Phanxicô.

DucMeLaVangTaiArgentina

Xem: Đức Mẹ La Vang Tại Argentina

Từ Câu Chuyện “Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua”

Chuyện kể rằng: Một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước vừa rời bến cảng Barcelona, một thành phố ở Tây Ban Nha, để đi đến hải cảng Genoa (thuộc Ý Đại Lợi). Trên tàu có đủ loại hành khách bao gồm người Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Trong đám đó có một cậu bé đơn độc khoảng 11 tuổi, phục sức nghèo nàn. Biết phận mình, cậu bé luôn tách biệt khỏi đám đông. Như một con thú hoang, cậu đăm đăm nhìn mọi người với ánh mắt u sầu. Cậu có lý do chính đáng để biện minh cho lối nhìn mọi người đầy nghiêm khắc đó. Cách đây hai năm, cha mẹ cậu, hai người nông dân ở vùng lân cận thành Padua của nước Ý, vì quá nghèo nên đã vô tình bán cậu cho một bọn người lừa bịp. Sau khi bỏ đói và thực hiện những màn đấm đá dã man, bọn này đã dạy và buộc cậu làm trò để kiếm tiền. Rồi họ mang cậu đi khắp nước Pháp và Tây Ban Nha để biểu diễn. Cậu luôn bị bọn chúng đánh đập và không cho ăn uống đầy đủ. Khi bọn họ đưa cậu đến Barcelona, cậu đã bỏ trốn vì không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa sự hành hạ nhẫn tâm và những cơn đói triền miên đã làm cậu vô cùng khốn khổ.

CauBeYeuNuocThanhPadua

Xem: Từ Câu Chuyện "Cậu Bé Yêu Nước Thành Padua"

Niềm vui của chúng ta là chính Đức Giê-su

Niềm vui của chúng ta là chính Đức Giê-su

VATICAN. Trưa ngày Chúa nhật 14.12.2014, như thường lệ, ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin vào lúc 12h trưa trước sự hiện diện của vài chục ngàn khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, ĐTC nhắn nhủ mọi người hãy đón nhận Đức Giêsu vì Ngài là niềm vui sẽ đến với mọi gia đình.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ĐTC, ngài nói:

“Anh chị em và các con rất thân mến.

Hai tuần của Mùa Vọng vừa qua đã mời gọi chúng ta phải tỉnh thức thiêng liêng để dọn đường cho Chúa đến. Trong Chúa Nhật thứ ba của Mùa Vọng này, phụng vụ kêu mời chúng ta hãy có một thái độ nội tâm khác để đón chờ Chúa đến, đó là niềm vui. Niềm vui của Đức Giêsu được gói gọn trong câu nói: “Cùng với Đức Giêsu niềm vui sẽ đến nhà”.

Trái tim của con người luôn khao khát sự hân hoan. Tất cả chúng ta đều khao khát niềm vui, mỗi gia đình, mỗi dân tộc luôn cầu mong được hạnh phúc. Nhưng đâu là sự vui mừng mà Kitô hữu được kêu gọi để sống và minh chứng? Đó là niềm vui được ở gần bên Chúa, được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Kể từ lúc Đức Giêsu bước vào trong lịch sử, với sự giáng sinh của Ngài nơi Bê-lem, nhân loại đã nhận lãnh hạt mầm của Nước Chúa, hệt như mảnh đất đón nhận hạt giống, hứa hẹn sẽ thu hoạch trong tương lai. Chẳng cần phải tìm kiếm nơi nào khác! Đức Giêsu đã đến để mang lại niềm vui cho tất cả mọi người và mọi thời. Đó không phải là niềm vui chỉ hy vọng có được nơi thiên đàng bởi vì nơi đây trên mặt đất này chúng ta sầu muộn nhưng trên thiên đàng chúng ta sẽ hoan hỷ. Không, không! Không phải niềm vui như thế, nhưng là niềm vui đã hiện thực hóa và được cảm nghiệm ngay bây giờ, bởi vì chính Đức Giêsu là niềm vui, và nhà chúng ta có Đức Giêsu thì sẽ có niềm vui. Một điều khác là: “Nếu không có Đức Giêsu có niềm vui không? Không! Ngài là Đấng Phục Sinh, đang sống và lao tác trong và giữa chúng ta một cách đặc biệt nơi Lời Chúa và các Bí tích.

Tất cả chúng ta đã được rửa tội, là con cái của Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi để thường xuyên nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta, để giúp đỡ tha nhân khám phá hay tái khám phá ra Ngài nếu như họ đã lỡ quên lãng. Đó là một sứ mạng cao đẹp, giống như của Gioan Tiền Hô vậy: hướng dẫn con người đến với Đức Kitô- chứ không đến với chính bản thân chúng ta!- bởi vì Người là đích điểm mà trái tim con người hướng đến khi tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc.

Thánh Phao lô, trong phụng vụ hôm nay, đề cập đến những điều kiện để trở nên “sứ giả của niềm vui”: hãy cầu nguyện không ngừng, tạ ơn Chúa luôn luôn, hãy chiều theo Thánh Linh, tìm kiếm điều lành và tránh xa điều dữ (1 Tx 5, 17-22). Nếu điều này trở thành lối sống của chúng ta, thì Tin Mừng có thể thấm nhập vào mọi nhà và giúp đỡ con người cũng như gia đình tái khám phá rằng thực sự có ơn cứu độ nơi Đức Kitô. Trong Ngài, người ta có thể tìm thấy sự bình an nội tâm và trợ lực để đương đầu mỗi ngày với những trạng huống khác nhau trong cuộc sống, thậm chí đó là những hoàn cảnh khó khăn và nặng nề nhất. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến một vị thánh buồn hay là một vị thánh với gương mặt thiểu não. Người ta chưa bao giờ nghe nói đến điều đó! Đó sẽ là một sự vô lý. Một Kitô hữu là một người có con tim đầy bình an bởi vì người đó biết đặt để niềm vui của mình nơi Thiên Chúa thậm chí cả khi phải trải qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống. Có đức tin không có nghĩa là sẽ không gặp phải những giây phút khó khăn nhưng là có sức mạnh để đương đầu với chúng với suy nghĩ rằng chúng ta không hề cô độc. Đây là bình an mà Thiên Chúa ban tặng cho con cái của Ngài.

Cùng hướng về Giáng Sinh đã cận kề, Giáo Hội mời gọi chúng ta làm chứng rằng Đức Giêsu không phải một nhân vật của quá khứ; Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa ngày nay vẫn tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành của con người; những cử chỉ của Ngài – những Bí tích – là sự tỏ bày của lòng âu yếm, của sự an ủi và tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với từng con người. Nguyện xin Đức Trinh nữ Maria, “Nguồn vui của chúng ta”, luôn mang lại cho chúng ta những tin vui của Thiên Chúa, Đấng đến để giải thoát chúng ta khỏi mọi sự nô lệ, bên trong cũng như bên ngoài.”

Sau kinh Truyền Tin, ĐTC đã gửi lời chào đến tất cả khách hành hương đến từ Roma, từ nước Ý và từ nhiều nơi trên thế giới. ĐTC gửi lời chào những tín hữu Ba Lan và ngài hiệp thông một cách thiêng liêng với những ai hôm nay đã thắp lên “ngọn nến của Giáng Sinh” và tái khẳng định dấn thân cho đoàn kết, một cách đặc biệt, trong Năm Đức Ái được cử hành ở Ba Lan.

Kế đến, ĐTC chào thăm nồng nhiệt những trẻ em đã đến để lãnh nhận phép lành, do Trung Tâm Diễn Thuyết của Roma tổ chức. ĐTC cám ơn vì sự hiện diện của các em và chúc mừng Giáng Sinh các em! Đồng thời, ĐTC nhắn nhủ các em khi cầu nguyện ở nhà, trước hang đá, hãy nhớ đến ngài, cũng như ngài hứa sẽ nhớ đến các em. Ngài nhắn nhủ rằng cầu nguyện là hơi thở của linh hồn: tìm những phút giây trong ngày để mở lòng với Chúa là rất quan trọng, thậm chí chỉ với những lời nguyện vắn gọn và đơn sơ của dân Chúa. Vì thế, ĐTC đã tạo một bất ngờ cho các em khi tặng cho tất cả trẻ em nơi quảng trường Thánh Phêrô: một cuốn sách nhỏ bỏ túi trong đó có một vài lời nguyện, cho những thời điểm khác nhau trong ngày và cho những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống. Có vài người đã tự nguyện đóng góp những cuốn sách này. ĐTC nhắc nhở các em hãy lấy mỗi người một cuốn và luôn mang theo bên mình các em, như là trợ giúp để sống kết hiệp với Chúa suốt cả ngày.

Buổi chiều cùng ngày, ĐTC đã đến thăm giáo xứ Thánh Giuse Aurelio ở Roma. ĐTC đến giáo xứ lúc 16h và chuyến viếng thăm của Ngài bắt đầu với cuộc gặp gỡ với trẻ em. Trong suốt cuộc gặp gỡ, ngài đã chia sẻ với các em kinh nghiệm của ngài trong cuộc gặp gỡ với Chúa Hài Đồng. Ngài nói về việc Rước lễ lần đầu của mình, cách đây 70 năm, vào ngày 08.10.1944. Sau đó, Ngài gặp gỡ cộng đoàn Nomadi, một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Ngài kêu gọi cộng đoàn này đừng đánh mất hy vọng bởi vì Đức Giêsu chính là niềm hy vọng. Sau đó, ĐTC đã gặp gỡ khoảng 60 bệnh nhân. Tiếp đến, ĐTC gặp gỡ các gia đình có con em được rửa tội trong năm vừa qua. Cuối cùng, ĐTC cử hành thánh lễ tại giáo xứ trước khi trở về Vatican lúc 20h cùng ngày.

Jos. Nguyễn Huy Mai

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

VATICAN. Chiều 12-12-2014, ĐTC đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, mừng kính Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng Mỹ châu.

Đặc biệt trong thánh lễ này có những thánh ca thuộc bộ lễ thổ dân, do nhạc sĩ Ariel Ramirez người Argentina sáng tác và con trai của ông là Facundo Ramirez điều khiển ca đoàn.

Đồng tế với ĐTC có 50 Hồng Y và GM, đứng đầu là ĐHY Rivera Carrera, TGM giáo phận thành phố Mexico nơi các Vương cung thánh đường Đức Mẹ Guadalupe. Ngoài ra có khoảng 300 LM.

Trong bài giảng, ĐTC nhấn mạnh đến đường lối hoạt động của Thiên Chúa trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Ngài nói: ”Chúng ta có thể tiếp tục ngợi khen Thiên Chúa vì những kỳ công Chúa đã thực hiện trong đời sống các dân tộc Mỹ châu la tinh. Thiên Chúa đã giấu kín những người thông thái và trí thức những điều đó, và cho những người bé mọn khiêm hạ, những tâm hồn đơn sơ được biết (Xc Mt 11,21). Trong những kỳ công Chúa đã thực hiện nơi Mẹ Maria, Mẹ đã nhìn nhận đường lối và cách hành động của Chúa Con trong lịch sử cứu độ. Chúa đảo lộn những phán đoán trần tục, phá hủy những thần tượng quyền lực, giàu sang, thành công bằng mọi cách, Chúa tố giác sự tự mãn, kiêu căng và chủ thuyết cứu thế tục hóa xa lìa Thiên Chúa, bài ca của Mẹ Maria xưng tụng rằng Thiên Chúa thích lật đổ những ý thức hệ và phẩm trật phàm trần. Chúa nâng cao người khiêm hạ, đến giúp đỡ nhữnư người nghèo và bé nhỏ, làm cho họ được tràn đầy những điều thiện hảo và phúc lành, niềm hy vọng cho những người tín thác nơi lòng từ bi Chúa, từ đời này đến đời kia, và Chúa phá đổ những kẻ giàu sang, quyền lực, và những kẻ thống trị khỏi ngai của chúng”.

ĐTC mời gọi các tín hữu hãy cầu xin cho tương lai Mỹ châu la tinh được hình thành cho những người nghèo và những kẻ đau khổ, cho những người khiêm hạ, đói khát công lý, những người có lòng từ bi, có tâm hồn thanh khiết, những người xây dựng hòa bình, cho những người bị bách hại vì danh Chúa Kitô, vì Nước Trời là của họ (Xc Mt 5,1-11).

Sau cùng ĐTC nhắn nhủ các tín hữu hãy cầu nguyện để Mỹ châu la tinh là đại lục hy vọng, vì hy vọng những kiểu mẫu phát triển mới liên kết truyền thống Kitô và sự tiến bộ dân sự, công lý, liêm chính với hòa giải, liên kết sự phát triển khoa học kỹ thuật với sự khôn ngoan của con người” (SD 12-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thư của Đức Thánh Cha về đại hội các gia đình Công Giáo thế giới

Thư của Đức Thánh Cha về đại hội các gia đình Công Giáo thế giới

VATICAN. Đại hội kỳ 8 các gia đình Công giáo thế giới sẽ tiến hành tại thành phố Philadelphia, Hoa kỳ từ ngày 22 đến 27-9 năm 2015, về chủ đề ”Tình yêu là sứ mạng của chúng ta. Gia đình hoàn toàn sinh động”. Và nếu Chúa muốn ĐTC sẽ tham dự biến cố này.

Trên đây là nội dung thư ĐTC gửi đến Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về gia đình, được công bố sáng ngày 10-12-2014. Ngài khẳng định rằng ”sứ mạng của gia đình Kitô, ngày nay cũng như xưa kia, là, – với sức mạnh của bí tích Hôn Phối,- loan báo cho thế giới tình yêu của Thiên Chúa. Từ việc loan báo đó nảy sinh và hình thành một gia đình sống động, đặt tổ ấm yêu thương ở trong tâm mọi hoạt động của mình về mặt nhân bản và tinh thần.”

ĐTC cũng nhắc đến Thượng HĐGM thế giới khóa đặc biệt vừa qua về gia đình, và ngài khẳng định rằng ”các giá trị và nhân đức của gia đình, những chân lý nòng cốt về gia đình, chính là những điểm mạnh mà gia đình cần dựa vào, và những chân lý đó không thể bị đặt lại vấn đề. Trái lại, chúng ta được kêu gọi duyệt lại lối sống của mình, vì lối sống này luôn gặp nguy cơ bị ô nhiễm do não trạng trần tục, cá nhân chủ nghĩa, duy tiêu thụ và lạc thú, và cần luôn tìm lại con đường chủ yếu để sống và đề nghị sự cao cả cũng như vẻ đẹp của hôn nhâncũng như niềm vui được là gia đình”.

ĐTC nhận xét rằng Phúc trình chung kết của Thượng HĐGM vừa qua mời gọi tiếp tục loan báo Tin Mừng về hôn nhân và gia đình, cũng như thử nghiệm những đề nghị mục vụ trong bối cảnh xã hội và văn hóa chúng ta đang sống ngày nay. Ngài nhắn nhủ các đôi vợ chồng, các LM và cộng đồng giáo xứ, cũng như các phong trào và hội đoàn hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn, Lời Chúa là nền tảng của tòa nhà thánh thiêng là Giáo Hội tại gia, là gia đình của Thiên Chúa. (SD 10-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha ca ngợi hội bác ái Gabriel Rosset

Đức Thánh Cha ca ngợi hội bác ái Gabriel Rosset

VATICAN. ĐTC ca ngợi chứng tá từ bi của các thành viên hội Gabriel Rosset và Tổ Ấm Đức Bà của những người vô gia cư.

Sáng ngày 13-12-2014 ĐTC đã tiếp kiến phái đoàn 100 thành viên của hai tổ chức trên đây và ngài nói: ”Vị sáng lập tổ chức của anh chị em là Gabriel Rosset đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, đã xúc động trước những đau khổ của người khác, và đã quảng đại đáp lại. Tiếng gọi ấy chính là tiếng kêu của Chúa Kitô đau khổ nơi những người mà anh chị em phục vụ, anh chị em chạm đến các vết thương của Chúa và săn sóc, và đồng thời anh chị em cống hiến cho họ một giáo huấn rất sâu xa, vì qua họ, anh chị em gặp gỡ Chúa Kitô. Người nghèo luôn loan báo Tin Mừng cho chúng ta, thông truyền cho chúng ta sự khôn ngoan của Thiên Chúa một cách huyền nhiệm”.

ĐTC nhận xét rằng thế giới ngày nay cũng rất cần những chứng tá về lòng từ bi của Chúa. “Ngày nay, giữa lúc con người thường bị gạt bỏ như là vô dụng, vì không mang lại lợi nhuận nữa, thì Thiên Chúa luộn nhìn nhận nơi con người phẩm giá và sự cao trong của một người con được mến yêu; họ có một chỗ đứng ưu tiên trong trái tim của Chúa”.

ĐTC cám ơn các thành viên Hội bạn của Gabriel Rosset vì chứng tá từ bi ấy, được biểu lộ của bao nhiêu hành động cụ thể, những cử chỉ đơn sơ và nồng nhiệt nhờ đó lầm than của con người được thoa dịu, mang lại hy vọng mới và trả lại phẩm giá cho họ.

ĐTC nói: ”Không có cách thức đẹp hơn để loan báo niềm vui Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Sự chọn lựa ưu tiên dành cho những ngừơi rốt cùng, mà xã hội loại bỏ và gạt ra ngoài lề, chính là một dấu hiệu chúng ta luôn luôn có thể mang lại, một dấu chỉ hữu hiệu hóa chứng tá về Chúa Kitô chịu chết và phục sinh.

Ông Gabriel Rosset nguyên là một giáo sư trung học, sinh năm 1904 tại Champier bên Pháp và qua đời năm 1974 tại Lyon. Ông đặc biệt quan tâm săn sóc người nghèo, nhất là những người vô gia cư, và nhiều học sinh của ông cũng cộng tác trong các hoạt động bác ái này (SD 13-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Kitô hữu, bạn là ai?

Kitô hữu, bạn là ai?

(Trích trong: “Niềm Vui Chia Sẻ”)

Trên đường đi, cảnh sát giao thông chặn tôi lại, kiểm tra giấy tờ. Tôi xuất trình thẻ chứng minh nhân dân, trong đó có ghi sẵn họ và tên, địa chỉ, ngày và nơi sinh của tôi. Thế là cảnh sát hài lòng, vì đã biết được tôi là ai trong giấy tờ. Nhưng cảnh sát lại không biết tôi làm những việc gì, những mối quan hệ của tôi, những suy nghĩ của tôi, lý tưởng của tôi, niềm vui, nỗi buồn của tôi. Tất cả những điều đó ông không cần lưu tâm. Ông đã cầm được giấy chứng minh nhân dân chính thức của tôi và thế là đủ. Nếu có cần thì hỏi thêm giấy chủ quyền xe gắn máy và thuế lưu hành.

Ngày xưa, khi Gioan Tẩy Giả công khai xuất hiện bên bờ sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối, dân chúng tuôn đến với ông, khiến nhà cầm quyền đạo đời Do Thái phải thắc mắc: Ông ấy là ai? Và họ cử phái đoàn đến điều tra xét hỏi. Họ đã mở cuộc phỏng vấn: Ông là ai? Gioan Tẩy Giả đã không xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ khẩu, đã không nêu tên tuổi, địa chỉ, lý lịch của mình, nhưng ông nói rõ sứ mạng, lý tưởng của ông, sự dấn thân, ơn gọi và lẽ sống của ông: “Tôi là tiếng của người kêu trong sa mạc… Tôi đây làm phép rửa bằng nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người”. Gioan Tẩy Giả hướng toàn bộ cuộc đời ông về Đức Giêsu. Bản thân ông không là gì cả. Cuộc đời ông, sứ mạng ông, đam mê của ông chính là loan báo Đấng Kitô. Ngài đến mặc khải cho con người ý nghĩa của cuộc sống và lịch sử của họ. Ngài mang đến cho con người Tin Mừng: Thiên Chúa là tình yêu, là ơn tha thứ, là bình an và niềm vui cho nhân loại. Cho đến chết, Gioan Tẩy Giả là tiếng hô dọn đường cho Chúa đến.

Hôm nay, chúng ta hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình: Kitô hữu, chúng ta là ai? Như người ta đã chất vấn Gioan Tẩy Giả: “Ông là ai? Ông nói gì về chính mình?”

Chúng ta không đơn giản trả lời bằng cách xuất trình giấy chứng minh có ghi “Thiên Chúa giáo” hoặc giấy rửa tội của chúng ta ra. Vấn đề là, như Gioan Tẩy Giả, chúng ta trả lời về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, về động cơ bên trong thúc đẩy và chi phối cuộc đời chúng ta. Chắc chắn chúng ta còn nhớ câu chuyện sau đó, khi Gioan đang ở trong tù, ông đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là ai. Chúa Giêsu đã trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được khỏi, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng và phúc thay người nào không mất niềm tin vào tôi” (Lc 7,12-23). Chúng ta cũng hãy tự trả lời về chính mình bằng chính những việc làm của chúng ta, bằng chính cách sống của chúng ta. Cả cuộc đời chúng ta phải nói về Đức Giêsu, phải loan báo Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài.

Kitô hữu là ai?

Là những người đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ, thiếu nhi, những người yêu mến Đức Giêsu. Nhưng không phải như người yêu thích một đồ vật hay một nhân vật đã đi qua, cũng không phải như người ta yêu thích một bài hát hay, hoặc một văn sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng đã chết. Người Kitô hữu yêu mến Đức Giêsu như một người yêu, như một người bạn. Bởi vì, đối với chúng ta, Đức Giêsu chẳng phải là một nhân vật đã đi vào quá khứ, nhưng Ngài hiện đang sống với chúng ta, trong chúng ta. Chúng ta yêu mến Ngài. Chính tình yêu này là động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc cho Ngài và tiếp tục công việc của Ngài: đó là yêu thương những con người nghèo khổ, giải phóng những kẻ bị áp bức, bóc lột, chữa lành những tâm hồn tan vỡ, đem tự do đến cho những kẻ bị giam cầm, loan báo Tin Mừng cho những con người bất hạnh. Trong thời đại chúng ta, vẫn còn có Mẹ Têrêxa của cộng đoàn Thừa Sai Bác Ái, Sư Huynh Roger Schutz của cộng đoàn Taizé, cha Pierre của cộng đoàn Emmau, và còn biết bao tấm gương âm thầm khác nối tiếp bước chân Gioan Tẩy Giả.

Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta trở nên những con người của niềm vui và đem niềm vui của Chúa đến cho người khác. Chẳng phải chỉ nói rằng: tôi là người có đạo, tôi đi nhà thờ, tôi thuộc họ đạo này, giáo xứ nọ. Nhưng chính yếu là chính cuộc sống của tôi, hành động của tôi, sự chọn lựa của tôi như Đức Giêsu đã sống, đã hành động và đã chọn lựa. Ngày nay chúng ta cần có nhiều người như Gioan: cởi mở, can đảm, thẳng thắn làm chứng cho Đức Kitô không những bằng lời nói mà nhất là bằng hành động cụ thể, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người. Với những chứng tá ấy, người ta sẽ nhận ra chúng ta là bạn của Đức Kitô, là Kitô hữu.

Vì thế, mỗi người Kitô hữu phải là một Gioan Tiền Hô, phải sống thế nào để qua lời nói và hành động của chúng ta, những người khác có thể gặp được Chúa Cứu Thế: trong gia đình, ngoài xã hội, nơi làm việc, chỗ giải trí, chúng ta phải sống ra sao để ai gặp được chúng ta là phần nào đã gặp được Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta phải là một ngọn đèn, một ngôi sao Giáng Sinh, một nhân chứng của ánh sáng. Noi gương Gioan Tiền Hô, hãy sống hết lòng với Chúa và do đó luôn thao thức làm cho người khác tìm gặp Chúa Giêsu và đón nhận ơn cứu độ của Ngài.

Người làm chứng

Người làm chứng

(Trích trong ‘Manna’)

Trong bài Tin Mừng trên đây cụm từ ‘làm chứng’ được dùng đến bốn lần.

Lẽ sống của Gioan là làm chứng. Ông được sai đến để làm chứng (x. c.6-7). Cả câu chuyện xảy ra ở Bêtania, bên kia sông Giođan, cũng là một lời chứng hùng hồn của ông (c.19).

Gioan không làm chứng cho mình hay về mình, bởi lẽ ông không phải là Ánh Sáng. Ông chỉ là ngọn đèn (Ga 5,35) giúp mọi người tin vào Ánh Sáng thật là Đức Kitô.

Sau khi nhiều người tuốn đến chịu phép rửa, tiếng tăm của Gioan trở nên lừng lẫy. Các nhà lãnh đạo tôn giáo cử một phái đoàn đến tìm hiểu con người ông.

Khi được hỏi lần thứ nhất: Ông là ai? Gioan đã đưa ra ba câu trả lời phủ định: "Tôi không phải là Đức Kitô" – "Không phải" – "Không". Những tiếng ‘không’ dứt khoát và trung thực.

Ông không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về ông. Ông chẳng phải là một Êlia tái giáng hay một vị Ngôn Sứ phi thường như Môsê. Gioan chỉ sợ người ta đánh giá quá cao về mình khiến Đấng ông giới thiệu bị che khuất.

Lần thứ hai được hỏi: Ông là ai?

Gioan đã định nghĩa mình là một tiếng hô trong hoang địa, là lời mời gọi con người sửa đường cho Đức Kitô.

Ông biết rõ mình là người đến trước nhưng vị đến sau lại có trước ông và trổi vượt hơn ông ngàn trùng (Ga 1,30). "Tôi không đáng cởi quai dép cho Người." Làm đầy tớ cho Đức Kitô, ông nhận mình không xứng.

Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.

Gioan không ngại giới thiệu môn đệ mình theo Đức Giêsu, và ông bình an khi người ta đổ xô đến với Ngài để chịu phép rửa (Ga 3,26).

Có ai siêu thoát như Gioan?

Ông từ bỏ trong niềm vui hồn nhiên. Ông hạnh phúc vì mình đã hoàn thành sứ mạng. "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30).

Sự khiêm hạ làm cho lời chứng của Gioan đáng tin hơn.

"Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết."

Hôm nay Đức Giêsu vẫn là Đấng xa lạ với nhiều người.

Con người vẫn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, trong khi Đấng Cứu Độ đã đến từ hơn 2000 năm.

Xin được làm người chứng như Gioan, giới thiệu cho bạn bè Đấng mà họ đang tìm kiếm.

Gợi Ý Chia Sẻ

Giới trẻ hôm nay say mê các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao… Theo ý bạn, điểm nào nơi Đức Giêsu có thể làm cho giới trẻ say mê? Đức Giêsu có phải là mẫu người lý tưởng của các bạn trẻ không?

Gioan là con người siêu thoát. Ông không tìm mình, ông vượt lên trên cái vòng danh lợi. Bạn có quen biết ai làm chứng tuyệt như Gioan không?

Cầu Nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(R. Tagore)

Chứng nhân ánh sáng trung thực

Chứng nhân ánh sáng trung thực

Gioan Tẩy Giả, có lẽ, là vị Thánh Công Giáo đi vào hội họa nhiều nhất. Có vô số tranh vẽ về ông với đề tài khá đa dạng, hướng đến những giá trị tư tưởng khác nhau. Gần như hầu hết các họa sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, từ Leonardo da Vinci, Titian, Caravaggio đến Rubens…đều tìm thấy trong cuộc đời của ông một chi tiết nào đó làm nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Riêng Caravaggio, đã vẽ đến hàng chục tác phẩm về Gioan Tẩy giả…

Không chỉ nhiều, Gioan Tẩy Giả có lẽ cũng là vị Thánh đi vào hội họa sớm nhất.

Icon thể hiện hình ảnh Thánh lâu đời nhất được tìm thấy, là icon về Gioan Tẩy Giả, được vẽ vào khoảng cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI, có nguồn gốc Palestine. Dưới đây là ảnh tác phẩm. Bức tranh đã bị hư hại nhiều, không thể nhận biết hai hàng chữ viết hai bên chuyển tải thông điệp gì. Ở trên cùng, dễ nhận biết, bên trái, là hình ảnh Chúa Giêsu, và bên phải, là hình ảnh Đức Mẹ Maria.

Giữa vô số tranh vẽ Thánh Gioan tẩy giả, chiếm số lượng nhiều nhất, và có nhiều tác phẩm xuất sắc nhất, là ở mảng chủ đề: "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết".

Dưới đây là icon thể hiện chủ đề "Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết" được cho là lâu đời nhất được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ thứ VII, thuộc truyền thống Byzantium.

Đứng chính giữa, là Thánh Gioan Tẩy Giả. Ông đang nói: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng". Phía sau là dòng sông, nơi ông thực hiện phép Rửa cho Chúa Giêsu. Bên trái, là đầu của ông, đã bị chặt lìa, nhưng vẫn như đang hướng nhìn về phía chúng ta. Bên phải: ở dưới là con chiên tượng trưng cho Dân Chúa như đang suy ngẫm về những gì Thánh Gioan Tẩy giả nói trong sự tôn kính, và bên trên là cây tượng trưng cho sự sống.

Bức tranh như vậy, theo một số học giả, là sự khái quát trọn vẹn cuộc đời và sứ mệnh của Thánh Gioan Tẩy Giả: “là nhà tiên tri cuối cùng, là người dọn đường cho sự ra đời của Chúa”. (Nguyên Hưng).

1. Chứng nhân ánh sáng trung thực

Khởi đầu Phúc Âm Thánh Gioan đã viết: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.” (Ga 1,6-7).Thánh Gioan là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của mình. Ngài là chứng nhân ánh sáng của sự trung thực.

Chúa Giêsu đã nói về Gioan: “Đây còn hơn cả ngôn sứ nữa” (Mt 11, 9). Và Chúa còn nói thêm về Gioan: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy giả” (Mt 11,11). Nhưng so sánh với Chúa Giêsu, Gioan nhận ra mình thật nhỏ bé. Thấp kém đến nỗi “không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người”. Gioan trung thực nói lên một sự thật. Đó là mình kém xa vì Gioan chỉ là một thụ tạo yếu đuối mỏng dòn.Trong khi đó, Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa của Gioan và là chủ tể của mọi loài. So sánh với Chúa Giêsu, Gioan chỉ là một giọt nước giữa lòng biển cả mênh mông, chỉ là một cây nhỏ trong đại ngàn trùng điệp, chỉ là một hạt cát giữa sa mạc bao la.

Khi thấy Gioan xuất hiện, rao giảng phép rửa thống hối, dân chúng tự hỏi xem có phải ông là Đấng Cứu Thế không? Gioan phủ nhận địa vị mà họ gán cho ông (Ga 1,20; Cv 13,25). Gioan tự xóa mình trước Đức Kitô. Ông chẳng sợ mất uy tín trước bao nhiêu người ngưỡng mộ. Ông nhìn nhận phép rửa của ông chỉ nhằm chuẩn bị cho một phép rửa lớn hơn trong Thánh Thần.Gioan trung thực trong những lời nói về chính mình. Ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm ngài có. Gioan chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình mà thôi.

Trung thực với lòng mình, nên Gioan sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong sứ vụ nên Gioan chẳng nể vì kiêng cữ ai. Những luật sĩ thông thái phái Pharisiêu, những bậc vị vọng có nhiều ảnh hưởng lớn trong xã hội thuộc phái Sađucêô, những thầy cả tư tế đạo cao chức trọng, tất cả đều bị Gioan cảnh cáo nặng lời. Gioan gọi họ là loài “rắn độc” (Mt 3,7). Ngay cả vua Hêrôđê, Gioan cũng thẳng thắn cảnh cáo vì vua muốn chiếm vợ của anh mình (Mt 14, 3-12). Vua Hêrôđê vẫn nể sợ Gioan vì biết ông là người công chính, thánh thiện (Mc 6,20). Chính vì trung thực trong sứ mạng ngôn sứ mà Gioan phải trả giá bằng ngục tù và bị chém đầu. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Ánh sáng trung thực khiến cho lời chứng của Gioan càng có sức thuyết phục.

Gioan đã làm chứng nhân ánh sáng trung thực nên đã sống một cuộc đời thật đẹp và đã chết hào hùng.

2. Thánh Gioan sống rất đẹp

Gioan sống đẹp vì dám từ bỏ đời sống dễ dãi tiện nghi của gia đình và xã hội, rút vào trong sa mạc hoang vắng để sống gắn bó với Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện ý Ngài.

Gioan sống đẹp khi có được một số môn đệ theo mình, nhưng ngài cũng không ngần ngại giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa cho họ (Ga 1,36) để họ trở thành môn đệ Chúa Giêsu, một bậc Thầy cao cả hơn.

Gioan sống đẹp khi ngài thu phục được đám đông dân chúng, được dân chúng ngưỡng mộ, xem ngài như một tiên tri cao cả, nhưng Gioan lại chỉ cho họ biết có Đấng cao cả hơn đang đến, Đấng mà ngài không đáng cởi quai dép cho Người (Ga 1,27) để cho dân chúng thôi ngưỡng mộ mình mà quay sang ngưỡng mộ Chúa Giêsu.

Gioan sống đẹp khi chủ trương rằng: “Chúa Giêsu phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”.(Ga 3,30)

3. Thánh Gioan chết cũng rất đẹp, rất hào hùng.

Là một ngôn sứ trong một đất nước đang thời nhiễu nhương,bị đế quốc Roma cai trị hà khắc,nhiều phe nhóm trong dân nổi loạn,dân chúng lầm than. Gioan mang nặng những ưu tư, những trăn trở yêu nước thương dân.

Vua Hêrôđê, một hôn quân bạo chúa, sống loạn luân. Lương tâm ngôn sứ thúc đẩy, Gioan lên tiếng can ngăn và tố cáo những hành vi sai trái của nhà vua, kêu gọi vua trở về nẻo chính đường ngay.Vì thế, Gioan đã bị vua chém đầu. Cái đầu vị ngôn sứ đổi bằng bữa tiệc và điệu múa vũ nữ. Hêrôđê tàn bạo, Hêrôđiađê lăng loàn và thủ đoạn. Cái chết của Gioan cao đẹp và hào hùng vô cùng.

Trước mặt người đời, Gioan là kẻ thất bại. Sứ mạng của ngài không hoàn thành,bị những kẻ gian ác ghen ghét hãm hại, cuối cùng chịu chết chém trong tù. Ngôn sứ, chứng nhân của sự thật thời nào cũng phải trả giá. Điều quan trọng trước mặt Thiên Chúa chẳng phải là danh giá hay thành tích mà là thái độ sống.Thái độ sống của Gioan là bất khuất trước bạo lực, dám nói sự thật bảo vệ công lý, cho dù sự thật đó dẫn đến tù đày và cái chết.

Người theo Đạo Hồi giáo Islam sùng kính Thánh Gioan Tiền Hô ở giáo đường bên Syria. Theo sự tin tưởng và tương truyền, trong ngôi đền thờ Hồi giáo Omajjden bên Syria có nấm mộ chôn đầu bị chém của Thánh Gioan Tiền Hô. Người Hồi giáo Syria gọi thánh nhân bằng tên Yaya Ben Zakariyah. Năm 2001, Đức Chân Phước Gioan Phaolo II đã đến hành hương kính viếng cầu nguyện trước ngôi mộ Thánh nhân tại ngôi đền thờ này với mọi người Hồi giáo tại đó. Một vị Thánh sống tôn trọng và rao giảng sự trung thực, sự ăn năn sám hối. Từ đó cho tới nay, người Hồi giáo vẫn luôn luôn sùng kính mộ mến thủ cấp của vị ngôn sứ chứng nhân sự thật.

4. Theo gương Thánh Gioan, sống chứng nhân trung thực

Nói sự thật có thể bất lợi cho mình hoặc cho người khác. Gioan đã dám nói sự thật, dù phải chết. Gioan không sợ quyền lực, không hùa theo kẻ có quyền lực. Trước điều sai trái, ngài không im lặng để được an toàn bản thân, để được xã hội ưu đãi. Gioan lên tiếng làm chứng cho lẽ phải, ngài không thể nói ngược lại lương tâm mình. Không thể nói điều sai trái là đúng, hay nói điều đúng là sai trái.

Có lẽ chưa bao giờ người dân Việt Nam lại ngao ngán trước những tiêu cực, tệ nạn, bất công, gian dối đầy dẫy trong xã hội như ngày hôm nay. Người dân phải chấp nhận sống chung với gian dối, tiêu cực, tệ nạn như người miền Tây, miền Trung được khuyên tập sống chung với lũ vậy.Ông Trần Quốc Thuận, văn phòng Quốc Hội Việt Nam tuyên bố: “Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối hằng ngày nên thành thói quen. Thói quen đó lập lại nhiều lần thành ‘đạo đức’, mà cái ‘đạo đức’ đó là mất đạo đức.”. Gian dối trở thành tập quán xã hội, một bản tính thứ hai, một nền “đạo đức” của con người, như vậy thì tương lai của dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?

Giáo sư Hoàng Tụy nhận định: Sự giả dối hiện nay đang có nguy cơ trở thành nỗi nhục trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối. Ngành giáo dục càng không thể là ngành giả dối. Thế nhưng, đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng, điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở các tầng nấc… Trung thực thế nào được khi mà người ta hàng ngày phải sống trong một môi trường giả dối mà minh chứng rõ nhất là tiền lương công chức. Chẳng ai sống nổi bằng lương nhưng rồi ai cũng sống đàng hoàng, dư giả. (x.Báo Khuyến học & Dân trí, Thứ sáu, 28/11/2008).

Lm Nguyễn Hồng Giáo nhận định: Xã hội ta thì xưa nay đã quá quen với việc làm dối, nói dối, báo cáo láo đến nỗi dường như không còn coi đó là một điều xấu nữa. Chúng ta còn nhớ một khẩu hiệu được tung ra thời đầu đổi mới là "Nói thẳng, nói thật". Có chủ trương như thế là vì có tình trạng quanh co, gian dối. Một bài thơ châm biếm đăng trên Sài Gòn Giải phóng ngày 18. 5. 1990 có nhan đề đáng để ý.

Thôi xài chữ giả

Chữ nghĩa du di chả mấy hồi

Đói không nói đói, "thiếu ăn" thôi!

Học hành "hạn chế": y chang dốt

Báo cáo "tuy nhiên": ắt hẳn… tồi.

"Vượt mức chỉ tiêu"? Nên bớt nửa,

"Có phần sơ sót"? Hãy nhân đôi…

Mực đen gấy trắng đòi trung thực

Chữ giả xài lâu hỏng lắm rồi. (Long Vân)

Các nhà nghiên cứu đã phân tích và nêu lên nhiều nguyên nhân của tình trạng thiếu trung thực tràn lan. Nhưng tôi thiển nghĩ rằng, ta còn có thể nghĩ tới một nguyên nhân sâu xa mà hình như chưa ai đề cập tới cách thẳng thắn. Đó là liệu tình trạng này có liên quan cách nào đó chăng tới nhân sinh quan chính thức của xã hội ta hay ít nhất là tới một cách làm, cách nghĩ lâu đời đã ăn quá sâu vào trong tâm thức của giới cầm quyền và nhân dân? Tôi không dám khẳng định mà chỉ nêu câu hỏi như một "giả thuyết làm việc", như người ta quen nói trong phạm vi nghiên cứu khoa học (hypothèse de travail)… Tôi thiển nghĩ, muốn cải tổ giáo dục theo chiều hướng trung thực, cần phải có một sự cải tổ sâu hơn về não trạng và về quan niệm đạo đức, tựu trung là về nhân sinh quan. (x. Giả dối lan tràn, tại sao? Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa Trung Tín (1 Tx 5,24). Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Ngài đã tin tưởng và gọi chúng ta là môn đệ của Ngài (Mt 25,22), và trao cho chúng ta những trách nhiệm lớn (Mt 25,21; Mt 28,19). Vì thế, chúng ta phải là chứng nhân trung thực của sự thật và trung tín giữa một xã hội mà sự gian dối đã trở thành “đạo đức”.

Thiết nghĩ, bài học về lòng trung thực phải là bài học đầu đời cho các bộ óc trẻ trung đang còn trong trắng tuổi học sinh.

Theo gương Thánh Gioan chứng nhân ánh sáng trung thực, với tư cách ngôn sứ, chúng ta cần sống chứng nhân cho chân lý và tình yêu. Sống chân chính ngay thẳng theo lương tâm Kitô giáo, chúng ta góp phần mở đường dọn lối cho Chúa đến.

LM Giuse Nguyễn Hữu An

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

CHỨNG NHÂN CỦA ÁNH SÁNG

Trên đời có nhiều thứ ánh sáng: ánh sáng vật lý, ánh sáng văn hoá, ánh sáng khoa học, ánh sáng tâm linh. Để nhìn ra ánh sáng, cần có một khả năng nào đó. Để thấy ánh sáng vật lý, chỉ cần có đôi mắt bình thường. Nhưng để nhìn thấy ánh sáng khoa học, phải có một số vốn kiến thức cần thiết. Để thấy ánh sáng văn hoá, cần được khai tâm mở trí. Và để thấy được ánh sáng tâm linh, cần có các chứng nhân chiếu dọi. Thánh Gioan Baotixita là chứng nhân của Đức Kitô ánh sáng. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng chính cuộc đời trong sáng của ngài. Nhìn vào cuộc đời ngài, ta thấy toả ra các làn ánh sáng sau đây:

Làn ánh sáng thứ nhất mà ta thấy nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự khiêm nhường. Ngài khước từ mọi vinh quang người ta phủ quanh ngài. Ngài thành thực nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế toàn dân mong chờ, không phải là Êlia vĩ đại, cũng không phải là một tiên tri cao cả. Ngài tự nhận mình chỉ là một "tiếng kêu trong sa mạc". Ngài khiêm nhường nói rằng ngài không xứng đáng xách giày cho Đẫng Cứu Thế. Thật là khiêm nhường tự hạ. Đức khiêm nhường ấy chiếu lên dung mạo ngài một làn ánh sáng. ánh sáng ấy khiến cho lời chứng của ngài càng có sức thuyết phục. ánh sáng ấy phản chiếu dung mạo đích thực của Đấng Cứu Thế, Đấng tuyệt đối khiêm nhường.

Làn ánh sáng thứ hai ta thấy nơi cuộc đời của thánh nhân là làn ánh sáng của sự khổ hạnh. Phần lớn đời ngài ẩn dật trong sa mạc. Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh. Ngoài sự khắc nghiệt của thời tiết, sự hoang vu cô tịch, sự đe doạ của thú dữ, thánh Gioan Baotixita còn tự nguyện sống khó nghèo, đơn sơ, đạm bạc. Y phục của ngài chỉ là mảnh da thú quấn quanh thân thể. Thức ăn của ngài là châu chấu và mật ong rừng. Sự khổ hạnh không chỉ loé sáng lên một ý chí mạnh mẽ biết vượt thắng chính bản thân mình, mà còn chiếu ánh sáng hy vọng vào tương lai. Người lệ thuộc vào vật chất là người bị trói buộc trong hiện tại. Người khổ hạnh là người đặt niểm hy vọng ở tương lai. Niềm hy vọng ấy chiếu sáng vào cuộc đời hiện tại vì làm cho cuộc sống có một ý nghĩa cao đẹp và sâu xa. Tương lai tươi sáng mà thánh Gioan Baotixita chờ đón chính là Đức Giêsu Kitô mà ngài loan báo.

Làn ánh sáng thứ ba nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự trung thực. Trung thực trong những lời nói về chính mình, nên ngài không dám nhận những vinh quang người đời tưởng lầm Ngài có. Ngài chỉ nhận những sự thực rất khiêm nhường, rất bé nhỏ của mình. Trung thực với lòng mình, nên ngài sống một cuộc sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối. Trung thực trong những phán đoán về người khác, nên ngài đã thẳng thắn khuyên vua Hê-rô-đê không đựơc phép lấy chị dâu. Chính sự trung thực này đã phải trả giá bằng cái chết chẳng toàn thây. Nhưng sự trung thực ấy đã làm sáng lên cuộc đời chứng nhân. Làn ánh sáng ấy cho ta thoáng thấy ánh sáng đích thực của Đấng là Sự Thật, là chính Đức Giêsu Kitô.

Làn ánh sáng thứ tư nơi cuộc đời thánh nhân là làn ánh sáng của sự quên mình. Biết mình chỉ là người đưa tin, thánh nhân luôn xoá mình đi, để cho Đấng là chính Tin Mừng được nổi bật. Biết mình chỉ là người mở đường, thánh nhân luôn tự hạ để cho Đấng là Đường được mọi người nhận biết. Làm chứng cho sự thật, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh để cho Đấng là Sự Thật được trân trọng. Khi mọi người tuốn đến với Ngài, Ngài đã không giữ lại cho mình, nhưng đã giới thiệu họ đến với Đức Giêsu, nên ngài nói: "Người đến sau tôi, nhưng tôi không đáng cởi dây giầy cho Người" (Ga 1,27). Nhiều môn đệ đã theo Ngài, nhưng Ngài giới thiệu để họ theo làm môn đệ Đức Giêsu. Khi thấy đám đông đã bỏ ngài để đi theo Đức Giêsu, ngài hài lòng vì thấy nhiệm vụ đã hoàn tất, nên ngài nói: "Chúa phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Ga 3, 30).

Thánh Gioan Baotixita thật là một chứng nhân tuyệt hảo. Ngài đã biết tự hạ mình xuống để Chúa được nổi bật lên. Ngài đã biết ẩn mình trong bóng tối để Chúa được xuất hiện trong ánh sáng. Ngài đã biết tự huỷ mình đi để Chúa được nhận biết. Ngài đúng là người đi mở đường cho Chúa. Ngài thực là chứng nhân của ánh sáng.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn tôi hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn tôi làm chứng cho Chúa. Chúa muốn tôi giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, tôi chỉ lo mở đường cho tôi. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, tôi chỉ lo làm chứng cho tôi. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, tôi chỉ giới thiệu bản thân mình.

Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Baotixita để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến.

Xin thánh Gioan Baotixita giúp chúng con sống trong sáng để trở nên chứng nhân của ánh sáng.

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

Công bố Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 2015

VATICAN. Hôm 10-12-2014, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 48, sẽ được cử hành ngày 1-1-2015 tới đây về đề tài: ”Không còn là nô lệ nữa, nhưng là anh em”.

Đề tài này là một câu trích từ thư thán Phaolô gửi ông Philomeno (1,15-16). Sứ điệp gồm 2 phần: Phần đầu ĐTC nói về bao nhiêu khía cạnh của nạn nô lệ trong quá khứ và ngày nay, và nhắc đến những nguyên nhân sâu xa của chúng. Trong phần thứ II ngài khuyến khích tìm ra những giải pháp chung để bài trừ nạn nô lệ mà ngài gọi ”hiện tượng đáng kinh tởm”.

Phần thứ I mang tựa đề ”những khuôn mặt và nguyên nhân của nạn nô lệ”, trong đó ĐTC nhận xét rằng mặc dù tệ nạn nô lệ đã được chính thức bãi bỏ trên thế giới, và quyền của mỗi người không bị giữ trong tình trạng nô lệ cũng được công nhận, nhưng ngày nay hằng triệu người vẫn còn phải sống trong những điều kiện giống như nô lệ. ĐTC nhắc đến nhiều ví dụ bi thảm như những người phải làm việc như nô lệ, người di dân bị tước đoạt tự do và của cải, bị lạm dụng thể lý, bị giam cầm vô nhân đạo, bị chủ nhân lợi dụng tình trạng pháp lý bấp bênh, không có giấy tờ hợp pháp, để ép họ làm việc như nô lệ; có những người nô lệ tình dục, đặc biệt là phụ nữ phải hành nghệ mại dâm, nhiều trẻ vị thành niên trở thành nạn nhân những vụ lấy cơ phận để buôn bán, các em cũng bị xung vào quân ngũ, bị em bán ma túy, vv..

Trong số các nguyên do của tệ này nạn, có nạn nghèo đói, không được giáo dục, không tìm được công ăn việc làm, nạn tham những nơi các nhân viên an ninh và công lực..

Phần thứ II của Sứ điệp có tựa đề: Bài trừ nạn nô lệ như một sự dấn thân chung và hoàn cầu hóa tình huynh đệ.

ĐTC nhận xét rằng nạn buôn người, buôn bán người di dân và bao nhiêu hình thức khác của nạn nô lệ diễn ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người, nhưng cũng có nhiều người làm việc âm thầm chống lại tệ nạn này và cứu giúp các nạn nhân, như nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, đang làm; họ tìm cách phá vỡ xiềng xích vô hình liên kết giữa những kẻ bóc lột và các nạn nhân. Với sự kiên nhẫn, can đảm và kiên trì, các dòng tu đặt mình các nạn nhân bằng cách cứu giúp họ, phục hồi họ về tâm lý và giúp họ tái hội nhập vào xã hội.

ĐTC nhấn mạnh tới 3 nỗ lực cần thực hiện trong lãnh vực này, đó là phòng ngừa các tội ác bắt người làm nô lệ, bảo vệ các nạn nhân và truy tố những kẻ phạm pháp. Để bài trừ nạn nô lệ, cần có một hoạt động chung và hoàn cầu từ phía toàn thể xã hội. Các Nhà Nước cần canh chừng để luật lệ về di trú, lao động, nhận con nuôi, và di chuyển các xí nghiệp được thực thi trong sự tôn trọng phẩm giá con người. Cần có những đạo luật đúng đắn, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, và cần có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu, không để kẽ hở cho sự tham những và phạm pháp mà không bị luật pháp trừng trị. (SD 10-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Công bố tài liệu đề cương Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 14

Công bố tài liệu đề cương Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới kỳ 14

ROMA. Hôm 9 tháng 12-2014, tài liệu đề cương (Lineamenta) của Thượng HĐGM thế giới khóa 14 đã được công bố.
Công nghị GM này sẽ tiến hành từ ngày 4 đến 25 tháng 10 năm 2015 về chủ đề ”Ơn gọi và sứ mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay”.

Nội dung Tài liệu đề cương lần này là bản tường trình chung kết của Thượng HĐGM khóa đặc biệt thứ 3, được các nghị phụ bỏ phiếu thông qua ngày 18-10-2014 sau 2 tuần nhóm họp tại Vatican.

Văn kiện gồm 3 phần, chia làm 62 đoạn: trước tiên là lắng nghe: nói về bối cảnh và những thách đố về gia đình ngày nay; phần II là cái nhìn về Chúa Kitô: trình bày Tin Mừng về gia đình; phần III là đối chiếu trình bày những viễn tượng mục vụ.

Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM giải thích rằng Thượng HĐGM năm tới là một sự tiếp nối công nghị GM ngoại thường đã tiến hành hồi tháng 10 năm nay. Khoảng thời gian giữa hai công nghị là thời gian suy tư và đào sâu. Với mục đích ấy, Văn phòng đã gửi đến các HĐGM, các Hội đồng công nghị của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tự quản (sui juris), Hiệp hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam, và các cơ quan trung ương Tòa Thánh một văn kiện để đào sâu các vấn đề đã được nêu bật trong bản Tường trình chung kết công nghị GM vừa qua, và thực tế đây là tài liệu đề cương, chuẩn bị cho Thượng HĐGM năm tới.

Kèm theo tài liệu đề cương là một bản 64 câu hỏi để tham khảo ý kiến các Giáo Hội địa phương, các cơ quan trung ương Tòa Thánh và một số cơ quan khác. Những câu hỏi đó đề cập tới các khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình và cả những người có xu hướng đồng tính luyến ái, vấn đề hôn nhân hỗn hợp và khác đạo, mục vụ bí tích đối với những người ly dị tái hôn dân sự, việc nhìn nhận những trường hợp hôn phối vô hiệu, giá trị của hôn phối bất khả phân lý, phân định đúng đắn về những cặp chỉ kết hôn dân sự, hoặc sống chung mà không kết hôn; nạn phá thai, đối thoại với các khoa học và kỹ thuật sinh học để sinh con, chính sách xã hội và kinh tế hỗ trợ gia đình, sự cộng tác với các tổ chức xã hội và chính trị, sự đa nguyên và thuyết duy tương đối văn hóa, sự tục hóa xã hội, hậu quả của nhữgn thay đổi về dân số, suy giảm số sinh, chiều kích tội lỗi và tha thứ, những giá trị chứa đựng trong giáo huấn Kinh Thánh, việc đào tạo linh mục, ngôn ngữ truyền thông mục vụ, giáo huấn của Giáo Hội, sứ mạng giáo dục của cha mẹ, thông truyền đức tin Kitô, v.v.

Các bản trả lời góp ý được yêu cầu gửi về Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM thế giới trước này 15-4 năm 2015, và dựa vào các câu trả lời, một tài liệu làm việc sẽ được soạn thảo và công bố trước mùa hè năm tới. (SD 9-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Chuyến viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Chuyến viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương

Từ ngày mùng 5 tháng 12 vừa qua, Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, đã bắt đầu viếng thăm Etiopia. Trong những ngày này ngài đang thăm viếng một số giáo phận, chủng viện, trường học, các nhà thương và trung tâm bác ái của Giáo Hội công giáo.

Giáo Hội Etiopia theo nghi lễ Alessandria hiện nay là một Giáo Hội tự quản gồm một tòa Tổng Giám Mục tại Addis Abeba và bốn giáo phận tại Eritrea và ba giáo phận tại Etiopia.

Tiếp đón Đức Hồng Y Tổng trưởng tại nhà thờ chính tòa Addis Abeba có Đức Tổng Giám Mục Addis Abeba và các Giám Mục Đông Phương cũng như Latinh và các trẻ em. Các em đã hát các bài ca cổ truyền chào mừng Đức Hồng Y đến thăm Etiopia, quê hương của các em.

Cộng hòa liên bang Etiopia rộng hơn 1,1 triệu cây số vuông có hơn 91 triệu dân, trong đó có 61,6% theo Kitô giáo, 32,8% theo Hồi giáo và 5,6% theo đạo thờ vật linh. Trong khối kitô Chính Thống chiếm 50,6%, Tin Lành 10,1% đa số thuộc Giáo Hội tin lành Etiope Mekane Yesus, Công Giáo chiếm 0,9%. Đa số tín hữu chính thống sống tại miền Trung và miền Bắc. Miền nam và miền tây Etiopia cũng có nhiều tín hữu chính thống và tin lành, trong khi miền nam gần Somalia có đa số dân theo Hôi giáo. Ngoài ra, cũng có một cộng đoàn Do thái nhỏ gọi là Falascia, trong tiếng Aramei là Beta Israel, sống trong vùng tây bắc Etiopia, cả khi 85% tức khoảng 90.000 người đã di cư về Israel trong các năm 1984 với phong trào “Moshê” và năm 1985 với phong trào “Yoshua”, khi vùng này gặp nạn đói kém, và với phong trào “Salomon năm 1991 theo sau các vụ xung đột giữa Etiopia và Eritrea. Một vài học giả Israel cho rằng nhóm do thái này là phần còn lại của một trong 12 chi tộc Israel bị thất lạc.

Etiopia gồm nhiều nhóm chủng tộc khác nhau đông nhất là Oromo hay Galla chiến 40%, rồi Amhara chiếm 32%. Tiếp đến là Sidama chiếm 9%, Tigrini va Tigrè chiếm 7%, Shankella chiếm 6%, Somali chiếm 6% Afar chiếm 4% Guraghé chiếm 2% và 1% thuộc các chủng tộc khác.

Tên gọi Etiopia được giải thích nhiều cách khác nhau. Trong các tác phẩm văn chương Illiade và Odissea người Hy Lạp gọi Etiopia là vùng đất do người “Aithíôu” ở, nghĩa là những “người mặt cháy”, trong khi sử gia Erodoto dùng từ Etiopia để gọi các vùng đất ở mạn nam Ai Cập. Trái lại các nguồn Etiopi cho rằng tên gọi Etiopia do từ “Ityapp’is” ám chỉ dân tộc con cháu của Cush, con của Ham, là người thành lập thành phố Haksum như viết trong các văn bản thánh Etiopi. Giả thuyết thứ ba cho rằng tên Etiopia phát xuất tử kiểu nói trong tiếng của các “Pharao da đen” của Sudan gồm các từ: “et” có nghĩa là sự thật hay hòa bình, “op” có nghĩa là cao hay bên trên và “bia” là xứ sở hay vùng đất. Như thế Etiopia là “xứ sở của hòa bình cao nhất”.
Vào thời thuộc địa vùng này được gọi lầm lẫn là Abissinia, đất của người Abissini thuộc chi tộc Habashat từ Arabia di cư tới đây.

Kitô giáo đã hiện diện tại Etiopia từ 17 thế kỷ qua, khiến cho nước này là quốc gia kitô duy nhất của lục địa Phi châu. Nó đã để lại các dấu vết sâu đậm trong các cơ cấu gia đình, xã hội và chính trị của Etiopia, đã giúp người dân nước này kháng cự lại các áp lực và bách hại bên trong và bên ngoài cho tới năm 1974, khi Etiopia phải sống dưới chê độ độc tài mác xít kéo dài 17 năm trời, tức cho tới năm 1991.

Kitô giáo đã bắt đầu tại Etiopia vào đầu thế kỷ thứ IV, khi vương quốc Aksum mở cửa cho Tin Mừng như sử gia Rufino thành Aquileia (345-411) kể lại trong tác phẩm “Lịch sử Giáo Hội” của ông. Sách kể rằng có một triết gia nọ người thành Tiro sang Ấn Độ để học hỏi. Ông đem theo hai người cháu là Edesio và Frumenzio mà ông đã dậy cho các nghệ thuật tự do. Trên đường về tầu ghé bờ biển Đỏ để tiếp tế nước và lương thực, nhưng bị dân chúng tấn công, vì họ đang chống lại đế quốc Roma. Thủy thủ đoàn và các hành khách bị giết hết, chỉ trừ hai thanh niên thoát nạn, nhưng bị bắt làm tù binh và bị dâng cho vua Etiopia. Trí thông minh và tầm hiểu biết của hai người trẻ khiên cho nhà vua rất cảm phục nên chỉ định Frumenzio làm thư ký và quan coi kho bạc, còn Edesio được làm quan ngự tửu có nhiệm vụ nếm và dâng rượu cho vua. Khi nhà vua qua đời, hai người được trả tự do. Nhưng hoàng hậu nhiếp chính, trong khi chờ đợi hoàng tử Ezanà còn nhỏ tuổi lớn lên nắm quyền thay vua cha, đã xin Frumenzio và Edesio giúp bà cai trị nước, Lợi dụng địa vị cao của mình quan Frumenzio tiếp đón các kitô hữu và tạo điều kiện thuận lợi cho họ rao giảng Tin Mừng và cho kitô hữu có các nơi cầu nguyện. Khi hoàng tử Ezanà lên ngôi, hai người giã từ triều đình, Edesio trở về Tiro và chịu các chức thánh. Còn Frumenzio sang Alessandria bên Ai Cập để báo cho Đức Thượng Phụ Atanasio biết sự bành trướng của Kitô giáo trong vương quốc Aksum bên Etiopia, và ông xin Đức Cha Atanasio gửi một Giám Mục sang Etiopia để lo lắng cho giáo đoàn tại đây. Sau khi họp các linh mục lại, Đức Giám Mục Atanasio thảo luận việc này và trả lời Frumenzio: “Chúng ta có thể tìm được người nào có thần khí của Thiên Chúa ngự trị trong đó và có thể chu toàn nhiệm vụ đó bằng con?” Và thế là ngài tấn phong Frumenzio làm Giám Mục và gửi tới Aksum thủ đô của vương quốc Etiopia. Người ta không biết rõ năm, nhưng biết chắc chắn rằng Atanasio đã được bầu làm Thượng Phụ Alessandria năm 328 và lần đầu tiên Frumenzio ghé Etiopia là nhiều năm trước đó và lễ tấn phong Giám Mục xảy ra sau năm 330. Sử gia Rufino còn cho biết Frumenzio rao giảng Tin Mừng tại vương quốc Aksum trong 20 năm, khiến cho rất nhiều người dân ở đây theo đạo. Có điều chắc chắn là vào năm 345 vua Ezanà, mẹ vua được rửa tội lấy tên thánh là Sofia cũng như hoàng gia và triều thần đã theo Kitô giáo. Giám Mục Frumenzio rất được người dân Aksum kính mến và được gọi là “Abba Salama, người cha hòa bình”, với tưóc hiệu “Chesatiè Brhan, người mạc khải ánh sáng”. Trong truyền thống Etiopi hai anh em hoàng tử Ezanà và Sexanà trở thành “Abrahà người soi sáng” và “Atsbhà, người làm cho mặt trời mọc lên”. Họ là bình minh và ánh sáng của nước Etiopia mới, Etiopia kitô.

Vì Etiopia là một giáo phận của Giáo Hội ai Cập nên Giám Mục được Thượng Phụ Alessandria chỉ định và phải là một người Ai Cập. Vị Giám Mục này được gọi là “Abuna Cha chúng tôi” và có quyền chỉ định các Giám Mục địa phương. Vào đầu thế kỷ thứ V một đan sĩ Hy lạp là Eutiche, thủ lãnh tinh thần của các tu sĩ Costantinopoli rao giảng lạc thuyết monofisismo, theo đó nhân tính của Chúa Kitô bị thiên tính thu hút và chỉ có thiên tính là hiện hữu mà thôi. Công Đồng chung Calcedonia tuyên bố Eutiche lạc giáo và thiết định rằng nơi Chúa Kitô nhân tính và thiên tính đồng hiện hữu. Vài Giáo Hội Đông Phương trong đó có Giáo Hội Alessandria không chấp nhận các kết luận của Công Đồng và tách rời khỏi Giáo Hội Roma. Vì là giáo phận tùy thuộc Alessandria Etiopia cũng tách rời khỏi Giáo Hội Roma. Trong thế kỷ thứ V Kitô giáo tiếp tục phát triển cả tại đồng quê do công tác rao truyền Tin Mừng của các đan sĩ tới từ Đông Phương Kitô. Tuy nhiên, có vài học giả cho rằng “thuyết một bản tính” đã chỉ gia nhập Etiopia sau này. Một trong các bằng chứng là vua Caleb, cai trị Aksum vào tiền bán thế kỷ thứ VI, được Giáo Hội công giáo mừng kính như là thánh ngày 27 tháng 10.

Vào cuối thế kỷ thứ VI vương quốc Aksum suy tàn, và Etiopia mau chóng bị bao vây bởi sự bành trướng của Hồi giáo, và bị thế giới quên lãng trong một ngàn năm.

Biến cố các thừa sai dòng Tên đến Etiopia trong hai thế kỷ XVI-XVII khiến cho các hoàng đế Ze-Dinghil và Susinios theo Công giáo, nhưng chỉ một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các thảo luận giữa các tu sĩ dòngTên với hàng giáo sĩ Etiopia đã làm nảy sinh ra hai trào lưu thần học: một trào lưu được bênh vực trong các đan viện Goggiam bao gồm vùng sông Nilo xanh và mạn nam hồ Tana; trào lưu kia trong đan viện Debra Libanos trong vùng Scioa. Trào lưu Goggiam cho rằng Chúa Kitô đã không được Chúa Thánh Thần xức dầu nhưng do chính Người, và trong việc hiệp nhất với Ngôi Lời nhân tính của Người bị thiên tính thu hút. Trào lưu này được gọi là “qebàt” xức dầu và “hulèt liddèt” hai lần sinh ra, vì thừa nhận sự kiện Chúa Kitô được sinh ra từ đời đời và được sinh ra từ Đức Trinh Nữ. Trong khi trào lưu Debralibanos cho rằng Chúa Kitô đã được Thiên Chúa cha xức dầu qua Chúa Thánh Thần và được gọi là “sost liddèt ba lần sinh ra”, bao gồm lần sinh ra qua việc xức dầu. Nó cũng được gọi là “teuahdò” có nghĩa là “trở nên một”, vì nhân tính và thiên tính hiệp nhất với việc nhập thể trong một bản tính gồm thiên tính và nhân tính. Chúa Kitô cũng được gọi là “tseggà ligg” người con của ơn thánh vì với viêc xức dầu nhân tính của Chúa Kitô được thánh hóa bởi ơn của Chúa Thánh Thần. Các tranh cãi bất tận nơi hàng giáo sĩ Etiopi liên quan tới việc xức dầu và bản tính của Chúa Kitô, đôi khi biến thành các cuộc đấu tranh khốc liệt và đẫm máu, với các trận chiến và các vụ tàn sát toàn đan viện.

Trong dòng lịch sử khi trào lưu này thắng thế lúc trào lưu kia thắng thế với các cuộc nổi loạn bị dẹp tan trong máu. Chẳng hạn dưới triều đại vua David III vào phần tư đầu thể kỷ XVIII tất cả các đan sĩ Debra Linanos đã bị tàn sát. Với biến cố Teodoro II lên ngôi năm 1855 giáo phái Goggiam được coi là quốc giáo, đuợc vua Giovanni IV tái xác nhận và áp đặt trong Công Nghị Boru Mieda năm 1878. Ít năm sau đó hoàng đế Menelik lên ngôi chấm dứt các tranh cãi tôn giáo. Vua Menelik rất khoan nhượng và để cho mỗi tín hữu tự do chọn lựa. Giáo thuyết Debra Libanos trở thành giáo thuyết chình thức của Giáo Hội Etiopia.

Ngày nay Giáo Hội Etiopia cũng giống các Giáo Hội đông phương không Calcedonia, tức các Giáo Hội Siri, Armeni khước từ thuyết monofisis một bản tính duy nhất, và tuyên bố mình là “miafisis”, tức sự hiệp nhất của hai bản tính trong một bản tính hỗn hợp. Tên gọi chính thức của Giáo Hội Etiopi là Giáo Hội chính thống Teuahdò Etiopia. “Teuahdò” có nghĩa là “trở thành một”. Ngoàì ra từ năm 1951 Giáo Hội Etiopia độc lập với Giáo Hội Alessandria với Thượng Phụ là Abuna Basilios. Đức Thượng Phụ chính thống Etiopia hiện nay là Abuna Paulos.

Trở lại với chuyên viếng thăm Etiopia của Đức Hồng Y Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương. Sau lễ nghi chào đón tại nhà thờ chính tòa Đức Hồng Y đã lắng nghe tường trình của hai nhóm Giám Mục lễ nghi Gheez Alessandria Etiopia và lễ nghi Latinh. Ngỏ lời trong dịp này ngài chuyển lời chào của Đức Thánh Cha Phanxicô, Giám Mục Roma, người có nhiệm vụ chủ tọa tình hiệp thông giữa các chủ chăn trong Giáo Hội. Mục đích chuyến viếng thăm của Đức Hồng Y là để đáp lễ chuyến viếng thăm của các Giám Mục Etiopia hồi tháng 5 năm nay tại Roma. Vượt trên mọi hiểu lầm hay chia rẽ, thiếu sót và tội lỗi, điều duy nhất nối kết mọi người là niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, và mầu nhiệm hiệp thông của các Thánh ở nguồn gốc đức tin của dân nưóc Etiopia. Chẳng hạn thánh Frumenzio được thánh Atanasio tấn phong Giám Mục, thánh sử Marcô môn đệ của thánh Phêrô, người đã rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội tại Alesssandria, cho tới các thừa sai và thánh Giustino de Jacobis, qua bao nhiêu vui buồn sướng khổ và khó khăn, là những người đã khiến cho Tin Mừng được đâm rễ sâu trong lòng đất Etiopia, cả khi Giáo Hội công giáo hiện nay chỉ là một thiếu số nhỏ nhoi đi nữa. Nhưng sự kiện này đòi hỏi chúng ta phải dấn thân mạnh mẽ hơn nữa để tái lập sự hiệp thông giữa các Giáo Hội. Kỷ niệm 50 thành lập hàng Giáo phẩm Etiopia là dịp tốt để ôn lại lich sử từ đó đến nay.

Tiếp đến Đức Hồng Y Sandri đã nhắc tới ba tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng II là Hiến chế về Giáo Hội Lumen gentium, sắc lệnh về các Giáo Hội Đông Phưong, và sắc lênh về đại kết Unitatis Redintegratio. Để là ánh sáng muôn dân cần tái khám phá ra vai trò của các chứng nhân sống động của truyền thống tông đồ, và tất cả mọi Giáo Hội Đông Phương phải cùng nhau dấn thân trên con đường tái lập sự hiệp nhất. Việc đọc lại các tài liệu Công Đồng có thể là điểm quan trọng giúp kiểm thực các hướng đi cho tới nay và tránh các vấn đề có thể làm lạc hướng khiến quên đi sự tuỳ thuộc Giáo Hội, hay các gốc rễ, qua đó chúng ta nhận được nhựa sống, hay quên đi nhiệm vụ phải cùng nhau làm chứng cho Chúa. Ký ức kitô thôi thúc chúng ta kiểm thực khả năng đem Chúa đến cho mọi người.
Vượt qua các lỗi lầm lịch sử đã phạm trong qúa khứ vì các hiểu lầm hay các quan niệm khác nhau về Giáo Hội, bổn phận rao giảng Tin Mừng là một quyền không thể hủy bỏ được. Sắc lệnh về truyền giáo Ad gentes cũng như các tài liệu Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI, Redemptoris Misio của Đức Gioan Phaolô II và Evengelii gaudium của Đức Phanxicô là các nguồn gọi hứng phong phú cho công tác rao truyền Tin Mừng và đồng hành với các cộng đoàn kitô, cũng như cho việc cộng tác giữa các Giám Mục Đông phương và các Giám Mục Latinh. Mọi người đều được mời gọi dấn thân trong nhiều lãnh vực khác nhau từ đào tạo giới trẻ qua việc giảng dậy giáo lý, cho tới việc thăng tiến đại học công giáo thánh Toma Aquino, lo lắng cho người di cư, trợ giúp các tín hữu Etiopi sống tại nước ngoài, thu thập các dữ liệu thống kê. Mọi công tác mục vụ đều phải có chiều kích hòa giải.

Tiếp theo đó Đức Hồng Y đã bước sang phòng hội của Trung tâm mục vu, để cùng các Giám Mục kết thúc đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Etiopia.

Ngày mùng 6 tháng 12 Đức Hồng Y Sandri đã chủ sự thánh lễ và gặp gỡ hàng giáo sĩ tu sĩ Etiopi trong nhà thờ chính toà Addis Abeba. Giảng trong dịp này Đức Hồng Y đã để lại ba từ chìa khóa và các suy tư rút tỉa ra từ các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô: niềm vui phát xuất từ đức Tin; lòng can đảm làm chứng tá trong mọi môi trường cuộc sống, từ bỏ kiểu sống kitô vô danh; và sống sự hiệp thông sâu xa dựa trên lời cầu nguyện và tình liên đới với tha nhân, đặc biệt những người túng thiếu nhất. Đức Hồng Y đã khich lệ mọi người noi gương sống bác ái thánh thiện của Mẹ Maria, cũng như gương của các thánh Frumenzio, Giustino de Jacobis và chân phước Gabriel đã chịu nhiều khổ đau khốn khó để rao truyền Tin Mừng, giơ tay lên để cầu nguyện và giang tay ra để trợ giúp dân nghèo và hòa giải với tha nhân.

Ngày 11 tháng 12 Đức Hồng Y Sandri gặp gỡ Đức Thượng Phụ Abune Mathias, Giáo chủ Chính Thống Copte Etiopia và chào thăm tổng thống Cộng Hòa Liên Bang Etiopia.

(RG 5.6-12-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin và kính viếng Đức Mẹ

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Truyền Tin và kính viếng Đức Mẹ

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 8-12-2014 Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm với 50 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đặc biệt nêu rõ sứ điệp nòng cốt của lễ Mẹ nhiễm nguyên tội, đó là: ”Tất cả là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa và tình yêu của Chúa đối với chúng ta”. Sứ thần Gabriel chào Mẹ Maria là ”người đầy ân phúc” (Lc 1,28): nơi Mẹ không có chỗ cho tội lỗi, vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ từ đời đời để làm Mẹ Đức Giêsu và đã giữ gìn Mẹ khỏi tội nguyên tổ”. Mẹ Maria đã đáp lại và phó thác cho ân thánh khi nói với Thiên Thần: ”Xin xảy ra cho tôi theo lời Sứ Thần” (v.38). Mẹ không nói: ”Tôi sẽ làm theo lời Ngài”, nhưng nói: ”Xin xảy ra cho tôi..”. Và Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Mẹ. ”Cả chúng ta cũng được yêu cầu lắng nghe lời Chúa nói và đón nhận thánh ý Chúa.. Thái độ của Đức Maria thành Nazareth cho chúng ta thấy rằng sự hiện hữu đến trước hoạt động và cần để cho Thiên Chúa làm để được thực sự như Chúa muốn”.

ĐTC cũng nói đến sự khác biệt giữa Mẹ Maria và chúng ta. ”Mẹ Maria đã được Chúa gìn giữ trước, trong khi chúng ta được cứu rỗi nhờ phép rửa và đức tin. Nhưng tất cả, Mẹ Maria cũng như chúng ta, đều được cứu thoát nhờ Chúa Kitô, ”để tôn vinh ân thánh rạng ngời của Chúa”, ân mà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội được tràn đầy”.

Từ những sự kiện trên đây, ĐTC nhấn mạnh tính chất nhưng không của ân thánh. Chúng ta đã nhận lãnh nhưng không, chúng ta được được mời gọi cho đi nhưng không (Xc Mt 10,8); noi gương Mẹ Maria, ngay sau khi đón nhận lời truyền tin của Sứ thần, Mẹ đã ra đi để chia sẻ hồng ân được làm Mẹ với bà chị họ Elizabeth… Chúng ta hãy để Chúa Thánh Linh biến chúng ta thành một hồng ân cho tha nhân; thành những dụng cụ đón tiếp, hòa giải và tha thứ. Nếu cuộc sống chúng ta được ơn thánh Chúa biến đổi, thì chúng ta không thể giữ riêng cho mình ánh sáng đến từ tôn nhan Chúa, nhưng chúng ta cần để ánh sáng đó chiếu qua chúng ta để soi sáng cho tha nhân”.
Sau khi ban phép lành, ĐTC loan báo chương trình hoạt động ban chiều của ngài: trước tiên ngài đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà cả trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, rồi sau đó đến viếng và đặt vòng hoa tại tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường Tây Ban Nha. Ngài mời gọi các tín hữu hiệp với ngài trong cuộc hành hương này để biểu lộ lòng sùng mộ con thảo đối với Mẹ Thiên Quốc.

Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

ĐTC đến tượng đài Đức Mẹ lúc 4 giờ 15 và được ĐHY Vallini, Giám quản Roma và ông đô trưởng Roma, Ignazio Marino. Đặc biệt tại đây có sự hiện diện của 100 anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn, do tổ chức từ thiện Unitalsi giúp đưa tới đây, cùng với hàng ngàn tín hữu. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và hai vị TGM Tổng thư ký của Bộ là Savio Hàn Đại Huy và Protase Rugambwa và một số vị khác, trong đó có ông chủ tịch miền Lazio, Nicola Zingaretti.

Trước đài Đức Mẹ, ĐTC đã đọc kinh cầu xin Đức Mẹ ban cho các tín hữu tràn đây hy vọng và can đảm trong cuộc chiến đấu hằng ngày chống lại những đe dọa của ma quỷ. Ngài nói: ”Chúng con biết rằng trong cuộc chiến này chúng con không lẻ loi, vì trước khi từ trần trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã phó thác chúng con cho Mẹ. Vì thế, tuy là người tội lỗi, chúng con vẫn là con của Mẹ, con cái của Đức Vô Nhiễm nguyện tội. Được niềm hy vọng ấy thúc đẩy, chúng con xin ơn phù hộ của Mẹ cho chúng con, cho thành phố này và toàn thế giới.. Xin Mẹ giải thoát nhân loại khỏi mọi ách nô lệ tinh thần và vất chất, xin làm cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa chiến thắng trong các tâm hồn và các biến cố”.

ĐTC đã đặt vòng hoa kính Đức Mẹ tại chân tượng đài rồi cùng với ca đoàn và mọi hát kinh cầu Đức Mẹ, trước khi ban phép lành cho tất cả mọi người. Rồi ngài đến chào thăm khích lệ hàng trăm bệnh nhân ngồi trên ghế lăn. (SD 8-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi an ủi tha nhân

Mọi Kitô hữu đều được mời gọi an ủi tha nhân

Hôm nay qua miệng của ngôn sứ Isaia Chúa mời gọi chúng ta trở thành các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, và các chứng nhân lòng thương xót và hiền dịu của Người, đối với những ai bị khổ đau, bất công áp bức, đối với những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 50 ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng 7-12-2014.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến, Chúa Nhật hôm nay ghi dấu chặng thứ hai của Mùa Vọng, là thời gian tuyệt vời thức tỉnh trong chúng ta sự chờ đợi Chúa Kitô trở lại và việc tưởng niệm lần đến lịch cử của Người. Đức Thánh Cha giải thích lý do như sau:

Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta một sứ điệp tràn đầy hy vọng. Đó là lời Chúa mời gọi qua miệng ngôn sứ Isaia: “Hãy an ủi hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa các ngươi phán” (Is 40,1). Cuốn sách của sự ủi an bắt đầu với các lời này, trong đó ngôn sứ hướng tới dân bị đi đầy lời loan báo tươi vui của sự giải phóng. Thời gian khốn khó đã hết; dân Israel có thể tin tưởng nhìn về tương lai: việc hồi hương đang chờ đón họ.

Ngôn sứ Isaia hướng tới nhũng người đang trải qua một giai đoạn đen tối, vì đã chịu một thử thách cam go; nhưng giờ đây đã tới thời an ủi. Nỗi buồn sầu và sự sợ hãi có thể nhường chỗ cho niềm vui, bởi vì chính Chúa sẽ hưóng dẫn dân Người trên con đường giải thoát và cứu rỗi. Người sẽ làm điều đó như thế nào? Với sự lo lắng và lòng hiền dịu của một mục tử chăm sóc đàn chiên của mình, Thậv thế, Người sẽ ban cho đàn chiên sự hiệp nhất và an ninh, Người sẽ chăn dắt nó, sẽ tụ tập các con chiên lạc trong ràn chiên của Người, Người sẽ đặc biệt chú ý tới các con chiên mỏng giòn và yếu đuối. Đó là thái độ Thiên Chúa có đối với các thụ tạo của Người. Vì thế ngôn sứ mời gọi những ai lắng nghe ông – kể cả chúng ta ngày nay nữa – phổ biến sứ điệp hy vọng này giữa dân chúng.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Nhưng chúng ta không thể là các sứ giả sự ủi an của Thiên Chúa, nếu chúng ta không là những người đầu tiên sống kinh nghiệm niệm vui được Người an ủi và yêu thương. Điều này đặc biệt xảy ra, khi chúng ta lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Tin Mừng, mà chúng ta phải mang theo trong túi: anh chị em đừng quên điều đó, mang sách Tin Mừng trong túi hay trong xách tay, để đọc liên tục. Và điều này trao ban cho chúng ta niềm an ủi: khi chúng ta thinh lặng cầu nguyện trước sự hiện diện của Chúa, khi chúng ta gặp Người trong bí tích Thánh Thể hay trong bí tích Hòa Giải. Tất cả những điều đó an ủi chúng ta.

Vì thế chúng ta hãy để vang vọng lên trong con tim chúng ta trong Mùa Vọng này lời ngôn sứ Isaia mời gọi: “Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta”! Ngày nay cần có những người là chứng nhân lòng thương xót và sư diụ hiền của Thiên Chúa, để lay động những người chịu trận, tái linh hoạt những người mất tin tưởng, thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng. Thiên Chúa thắp sáng lên ngọn lửa hy vọng, chứ không phải chúng ta.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Có biết bao nhiêu tình trạng xin chứng tá an ủi của chúng ta. Là những người sống tươi vui, được an ủi. Tôi nghĩ tới những ai bị khổ đau, bất công, áp bức, những ai làm nô lệ cho tiền bạc, quyền bính, thành công và ăn chơi trần tục. Những người thật đáng thương! Họ có các ủi an giả tạo, chứ không phải sư an ủi thật của Chúa. Chúng ta tất cả đều được mời gọi an ủi các anh chị em của chúng ta bằng cách làm chứng rằng chỉ có Chúa mới có thể loại bỏ các nguyên do của các thảm cảnh hiện sinh và tinh thần. Ngài có thể làm điều ấy! Ngài quyền năng!

Sứ điệp của ngôn sứ Isaia vang vọng lên trong ngày Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng là một dầu thơm xức trên các vết thương của chúng ta, và là một kích thích dấn thân chuẩn bị đuờng của Chúa. Thật thế, hôm nay ngôn sứ ngỏ lời với con tim của chúng ta để nói rằngThiên Chúa quên đi các tội lỗi của chúng ta và an ủi chúng ta. Nếu chúng ta tín thác nơi Người với con tim khiêm tốn và sám hối, Người sẽ triệt hạ các bức tường của sự dữ, sẽ làm đầy các lỗ thiếu sót của chúng ta, sẽ san bằng các gò nổng của kiêu căng và khoe khoang và sẽ mở ra con đường gặp gỡ với Người.
Thật là lạ, nhưng biết bao lần chúng ta sợ hãi sự an ủi, sợ hãi được ủi an. Trái lại, chúng ta cảm thấy an ninh hơn trong sự buồn sầu và trong cảnh não nề. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì trong sự buồn sầu chúng ta cảm thấy mình như là các tác nhân. Trái lại trong niềm an ủi chính Chúa Thánh Thần là tác nhân! Chính Người an ủi chúng ta, chính Người trao ban cho chúng ta lòng can đảm ra khỏi chính mình. Chính Người đưa chúng ta tới suối nguồn của mọi ủi an, nghĩa là tới Thiên Chúa Cha. Và đó là sự hoán cải. Vậy xin anh chị em hãy để cho mình được Chúa an ủi! Hãy để Chúa an ủi anh chị em!

Đức Trinh Nữ Maria là “con đường” mà chính Thiên Chúa đã chuẩn bị dể đến trong thế gian. Chúng ta hãy tín thác nơi Mẹ việc mong chờ ơn cứu độ và hòa bình của tất cả mọi người trong thời đại chúng ta.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu Roma và du khách hành hương đến từ nhiều nơi trong nước Italia và trên thế giới. Ngài xin mọi người để cho mình được Chúa an ủi và đừng quên cầu nguyện cho ngài. Đức Thánh Cha chúc tất cả ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tươi vui và thánh đức.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Tòa Thánh chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Fx. Trương Bửu Diệp

Tòa Thánh chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Fx. Trương Bửu Diệp

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Kính thưa qúy bà con lương giáo, qúy ân nhân đang yểm trợ việc tuyên thánh cho cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Hồ sơ tuyên thánh cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp đã được Đức giám mục có thẩm quyền, tức Đức cha, Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ chính thức cho xúc tiến từ ngày 25/8/2011. Và tôi, linh mục Phêrô Trần thế Tuyên, cáo thỉnh viên được chính thức bổ nhiệm đã cố gắng hết sức lo sao cho tiến trình tuyên thánh được phù hợp với Giáo luật và được mọi người lương giáo ủng hộ. Một trong những cố gắng nầy là tôi đang sang học chương trình tiến sĩ Giáo luật ở Rôma trong ý hướng chuẩn bị chu đáo cho nhiệm vụ của mình.

Một trong những kết quả lớn lao và rất đáng vui mừng và hy vọng là ngày 31 tháng 10, năm 2014 vừa qua, Bộ Tuyên Thánh ở Rôma đã gửi văn thư chính thức bằng tiếng La-tinh cho Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ tuyên bố: NIHIL OBSTAT – KHÔNG CÓ GÌ NGĂN TRỞ trong việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Diệp.

Qua văn thư Nihil Obstat của Bộ Tuyên Thánh, chúng ta, những người yêu thương và thọ ơn cha Diệp vừa vui mừng, vừa mạnh dạn hơn và vừa tích cực hơn trong việc thực hiện tiến trình tuyên thánh cho cha và cầu xin tiến trình được sớm thành công.

Hôm nay ngày 5/12/2014 tôi đã đóng nộp lệ phí 150 EUR cho Thánh Bộ theo qui định cho việc ra văn thư Nihil Obstat nầy. Xin kèm theo đây văn thư Nihil Obstat bằng tiếng La-tinh cũng như bản dịch sang tiếng Anh và tiếng Việt.

Vui mừng, hy vọng và cầu nguyện.

Lm. Phêrô Trần Thế Tuyên

Cáo thỉnh viên

(Trích từ Đạo Binh Đức Mẹ)

nihilobstat

Thư Bộ Các Thánh

Giấc mơ hay hiện thực

Giấc mơ hay hiện thực

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong, tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ: Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại đạo. Theo bảng chỉ dẫn, tôi đi theo hành lang bên phải dành cho người Công giáo.

Đi được một lúc, tôi thấy mình đứng trước một ngã rẽ khác. Lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: Bên phải dành cho kẻ có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém. Và tôi lại đi bên phải.

Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những người ích kỷ. Tôi lại chạy qua bên phải mà đi.

Cuối cùng tôi gặp một bảng chỉ dẫn: Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi. Một lần nữa tôi cứ chọn bên phải mà đi. Nhưng tôi đang hân hoan rảo bước, thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức giấc.

Sau một phút tôi hoàn hồn và tự hỏi: “Phải chăng đời sống đạo của tôi cũng chỉ là một giấc mơ hãi hùng?”.

Câu hỏi trên đây có lẽ cũng có thể được nêu lên cho mỗi người chúng ta trước tiếng hô của Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Thường thì chúng ta cứ chọn bên phải mà đi, chứ mấy ai lại thích đi bên trái. Cái ảo tưởng về sự tốt lành của mình luôn luôn bám sát chúng ta như hình với bóng. Lòng tự cao tự đại thường mê hoặc chúng ta, làm cho chúng ta như chìm sâu mãi vào một giấc mơ hãi hùng.

“Anh em hãy tỉnh cơn mê, đêm đã tàn, ngày đang đến”. Lời ấy của thánh Phaolô muốn thôi thúc chúng ta thành khẩn nhìn lại giá trị đích thực của đời mình. Tôi có thực sự xứng đáng đứng bên phải trong ngày phán xét cuối cùng không? Hay đó chỉ là một giấc mơ hãi hùng?

Gioan Tẩy Giả kêu gọi chúng ta hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Dọn đường cho Ngài đến thực hiện một cuộc giải phóng mới, không phải giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập hay khỏi nơi lưu đầy Babylon, mà là khỏi tội lỗi, trở về với Thiên Chúa. Vì vậy, Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người hãy sám hối. Ông đã dùng phép rửa như một dấu hiệu của lòng sám hối, từ bỏ tội lỗi để đón nhận Chúa Kitô, đồng thời như một dấu hiệu tiên báo một phép rửa hoàn hảo hơn -Phép rửa của Chúa Giêsu: “Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Ngài, Ngài sẽ làm Phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần”.

Gioan không chỉ rao giảng sám hối mà còn sống tinh thần sám hối, không chỉ thức tỉnh dân chúng trước biến cố đang xảy đến mà còn lay tỉnh chính mình trước công việc mầu nhiệm của Thiên Chúa: cách ăn mặc của Gioan nói lên tâm tư và phong cách sám hối. Thực vậy, lối sống đơn giản và khổ chế của Gioan – mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng – chứng tỏ ông đã thoát khỏi những ràng buộc phiền toái của xã hội Do Thái và những bận tâm quá đáng về vật chất để quy hướng cuộc sống vào việc chào đón và rao giảng về Đấng Cứu Thế. Ông đã làm chứng về Đấng Cứu Thế và chờ đợi Ngài đến bằng một đời sống khổ hạnh và tỉnh thức.

Đời người là một Mùa Vọng dài hướng về ngày Chúa đến lại. Mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả, và toàn thể Giáo Hội có sứ mạng tiền hô. Người tín hữu hôm nay, khi nhắc đến mầu nhiệm Chúa đến, phải có tâm tư và thái độ sống thế nào để dọn đường cho những anh chị em chung quanh biết đón chờ Chúa? Chúng ta đã gia tăng cầu nguyện, hoán cải đời sống để dọn đường Chúa đến, để chuẩn bị cho Chúa tỏ mình ra chưa?

Lòng sám hối đích thực không nằm ở nơi những tình cảm tốt đẹp, những sáo ngữ hấp dẫn, những nghi thức rầm rộ bên ngoài, nhưng nơi những công việc và hành vi cụ thể: sửa lại cho thẳng những lối đi quanh co tăm tối của con tim, bạt xuống cho bằng các đồi núi kiêu căng của tâm trí, lấp đầy hố thẳm nghèo đói Lời Chúa của tâm hồn.

Thánh Phêrô trong thư của ngài đã cho thấy lòng sám hối không phải là một thái độ nhất thời, mà là thái độ thường xuyên của người Kitô hữu trong suốt giai đoạn chờ Ngày của Chúa. Ngài nhắn nhủ: “Anh em thân mến, trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng nên tinh tuyền, không chi đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa” (2Pr 3,14). Lời nhắn nhủ đó là những lời kêu gọi các tín hữu sám hối để tạo nên cho mình một thái độ tương xứng cần thiết.

Hiển nhiên là lời kêu gọi sám hối trong Phụng Vụ Chúa Nhật 2 Mùa Vọng này không thể chỉ được giới hạn trong việc xét mình ăn năn và xưng tội để có được một tâm hồn trong sạch xứng đáng cho Chúa ngự, vào thánh lễ đêm Giáng Sinh. Sám hối là một thái độ sống của người Kitô hữu. Sám hối là một sự đổi mới, một sự đổi mới toàn diện: trong tư tưởng, trong sự chọn lựa, trong hành động. Sự đổi mới này không chỉ diễn ra một lần là đủ, mà là một đổi mới liên tục. Người Kitô hữu được kêu gọi từ bỏ con người cũ, lối sống theo lòng ích kỷ, tham lam, tàn bạo, không đếm xỉa đến quyền lợi của người khác, để sống theo con người mới với lòng yêu thương, với tình liên đới với người chung quanh, ở trong gia đình, trong trường lớp, trong cơ quan, xí nghiệp… Người Kitô hữu vẫn tin rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện không chỉ nơi thâm sâu thầm kín của từng con người mà còn ngang qua lịch sử trong xã hội con người.

Tiếng hô của Gioan Tẩy Giả trong hoang địa là một tiếng gọi mang đầy hy vọng và niềm vui: “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế, vì Người sắp đến rồi!”. Hãy thay đổi bộ mặt trái đất này cho loài người được sống ấm no hạnh phúc, để cho Trời Mới Đất Mới xuất hiện, trong đó công lý và hòa bình sẽ ngự trị và mọi người sẽ được thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

VATICAN. Sáng 5-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp toàn thể tại Vatican. Ngài nêu bật những đặc tính mà nhà thần học Công Giáo phải có.

30 thần học gia quốc tế nhóm khóa họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là chủ tịch của Ủy ban.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhà thần học trước tiên là một tín hữu lắng nghe Lời Chúa hằng sống và đón nhận Người trong tâm trí. Nhưng nhà thần học cũng phải khiêm tốn lắng nghe ”điều mà Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Đoàn” (Kh 2,7), qua những biểu thị khác nhau của đức tin được sống thực nơi dân Chúa.

Trong số các thành viên Ủy ban thần học quốc tế hiện nay có 5 phụ nữ, tức là gấp 5 lần so với trước đây. ĐTC nhận xét rằng: ”Sự hiện diện này trở thành một lời mời gọi suy tư về vai trò mà phụ nữ có thể và phải giữ trong lãnh vực thần học. Thực vậy, ”Giáo Hội nhìn nhận đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, với một sự nhạy cảm, một trực giác, và một số khả năng đặc thù thường là những đặc tính riêng của phụ nữ hơn là của nam giới.. Tôi hài lòng vì thấy có nhiều phụ nữ cống hiến những đóng góp mới cho suy tư thần học” (Evan. gaudium, 103). Như thế, do thiên tài nữ giới, để mưu ích cho tất cả mọi người, các nữ thần học gia có thể nêu bật một số khía cạnh chưa được khai phá trong mầu nhiệm khôn lường của Chúa Kitô trong đó có giấu ẩn tất cả những kho tàng khôn ngoan và tri thức” (Cl 2,3). (SD 5-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

Đức Thánh Cha tái liên đới với người tị nạn Iraq

VATICAN. ĐTC Phanxicô tái bày tỏ tình liên đới với các tín hữu Công Giáo Iraq tị nạn vì bị những kẻ khủng bố cực đoan đánh đuổi đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần giải quyết các cuộc xung đột đẫm máu tại Trung Đông.

Trên đây là nội dung sứ điệp Video của ĐTC được ĐHY Philippe Barbarin, TGM Lyon bên Pháp phổ biến chiều ngày 6-12-2014 nhân dịp hướng dẫn một phái đoàn giáo phận thuộc quyền đến thăm các tín hữu tị nạn tại thành phố Erbil thủ phủ miền Kurdistan bắc Iraq, trong vòng 48 tiếng đồng hồ từ ngày 5-12-2014.

Trong sứ điệp ĐTC cho biết ngài rất muốn đến thăm các tín hữu Irak tị nạn đang chịu đau khổ khôn tả. Ngài nói: ”Tôi nghĩ đến những vết thương, những đau đớn của các bà mẹ với các con nhỏ, những người già và người phải di tản, các vết thương của các nạn nhân đủ loại bạo lực.. Các tín hữu Kitô và những người Yézidi bị trục xuất khỏi gia cư của họ, phải bỏ lại mọi sự để thoát thân, và để khỏi phải chối bỏ tín ngưỡng của mình. Bạo lực cũng vùi dập các nhà thờ, đền đài, biểu tượng tôn giáo và gia sản văn hóa, hầu như muốn xóa bỏ mọi vết tích, mọi ký ức của người khác…

”Trong tư cách là các vị lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi có nghĩa vụ phải tố giác mọi sự vi phạm phẩm giá và các quyền con người!”

ĐTC cũng nói rằng: ”Ngày hôm nay tôi muốn đến gần anh chị em là những người đang chịu đựng đau khổ ấy, gần gũi anh chị em.. Và tôi nghĩ đến Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Người đã nói rằng mình và Giáo Hội cảm thấy như một cây sậy: khi gió bão thổi tới, cây sậy gập mình nhưng không gẫy! Trong lúc này anh chị em là cây sậy ấy, anh chị em bị gập mình vì đau khổi, nhưng anh chị em có sức mạnh để tiếp tục niềm tin, là chứng tá cho chúng tôi. Anh chị em là cây sậy của Thiên Chúa ngày nay!..”

Trong thông cáo công bố trước khi lên đường ĐHY Philippe Barbarin cho biết cuộc viếng thăm này là một giai đoạn mới trong việc kết nghĩa giữa Tổng giáo phận Lyon và giáo phận Mossul ở miền bắc Iraq từ tháng 7 năm nay. Sự trợ giúp tài chánh của giáo phận Lyon giúp tái định cư hàng ngàn gia đình, không phân biệt là tín hữu Kitô hay không.

Phái đoàn gồm khoảng 100 người thiện nguyện, tự bỏ tiền túi, để tham gia cuộc viếng thăm ủy lạo này. Họ được Đức Thượng Phụ Louis Sako, Giáo chủ Công Giáo Canđê, tiếp đón tại thành phố Erbil.

ĐHY Barbarin cũng nói rằng: ”Chúng tôi đi cầu nguyện, không những cho các anh chị em Irak như chúng tôi đã làm từ nhiều tháng nay, nhưng còn cầu nguyện với họ. Đây là một cuộc hành hương trong đó chúng tôi đồng hành với nhau. Tôi biết chúng tôi sẽ được phong phú nhiều nhờ tham dự phụng vụ, truyền thống, linh đạo của các tín hữu Công Giáo Canđê và đón nhận chứng tá đức tin của họ”.

Trong chương trình, phái đoàn cũng viếng thăm khu nhà được xây cất nhờ tài trợ của Quỹ Thánh Irénée và Mérieux ở Lyon, cũng như của thành phố này và vùng Lyon. (SD, Apic 6-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio