Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha

Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha

ĐTC chào tín hữu trong buổi tiếp kiên chung sáng thứ tư 8-9-2016

Thiên Chúa không gửi Đức Giêsu Kitô Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải trở về với Ngài. Chúa Giêsu là dụng cụ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, Ngài đi gặp gỡ tất cả mọi người để trao ban sự an ủi và ơn cứu rỗi.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC giải thích đoạn Phúc Âm thánh Mátthêu trong chương 11 kể lại sự kiện thánh Gioan Tiền Hô – đang ở trong ngục –  gửi các môn đệ tới hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3). Thánh nhân đang sống trong một lúc tối tăm… Gioan âu lo chờ đợi Đấng Cứu Thế và trong lời giảng dậy của mình thánh nhân đã miêu tả Người với các mầu sắc mạnh mẽ như một thẩm phán sẽ tái lập Nước Thiên  Chúa và thanh tẩy dân Ngài, thưởng công cho người tốt lành và đánh phạt các kẻ gian ác. Thánh nhân giảng như sau: “Cái riù đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10). Giờ đây Chúa Giêsu đã bắt đầu sứ mệnh công khai của Ngài với một kiểu khác biệt. Gioan đau khổ và trong hai cái tăm tối – trong cái tăm tối của ngục thất, trong cái tăm tối của phòng giam và trong cái tăm tối của con tim thánh nhân không hiểu kiểu thi hành sứ mệnh này, nên muốn biết có đúng thật Ngài là Đấng Cứu Thế hay còn phải đợi một người khác.

Và câu trả lởi của Chúa Giêsu ban đầu xem ra không đáp ứng câu hỏi của thánh Gioan Tiền Hô. Thật thế, Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,4-6).  Đó là câu trả lởi của Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Ở đây ý của Chúa Giêsu trở thành rõ ràng: Ngài trả lời Ngài là dụng cụ cụ thể lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, đi gặp gỡ tất cả mọi người đem theo sự an ủi và ơn cứu rỗi, và trong cách thế đó biểu lộ sự phán xử của Thiên Chúa. Các người mù, người què, người phong cùi, người điếc chiếm hữu trở lại phẩm giá của họ, trong khi Tin Mừng được loan báo cho các người nghèo. Và điều này trở thành tổng hợp hoạt động của Chúa Giêsu, qua đó Ngài khiến cho hoạt động của chính Thiên  Chúa trở thành hữu hình và có thể sờ mó được.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Sứ địêp mà Giáo Hội nhận từ trình thuật này trong cuộc sống của Chúa Kitô rất rõ ràng. Thiên  Chúa không gửi  Con của Ngài đến trần gian để đánh phạt người tội lỗi và tiêu diệt kẻ gian ác, nhưng để mời gọi họ hoán cải, để khi trông thấy các dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa họ có thể tìm ra con đường trở về, như Thánh vịnh nói: “Ôi lậy Chúa nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ, để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130,3-4).

Công lý mà Gioan Tiền Hô đặt ở trung tâm lời rao giảng của mình, ở nơi Chúa Giêsu được biểu lộ ra trước hết như là lòng thương xót. Và các nghi ngờ của Vị Tiền Hô chỉ diễn tả trước sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu sẽ dấy lên sau đó với các hành động và lời nói của Ngài. Và khi đó ngưòi ta hiểu kết luận câu trả lời của Chúa Giêsu: “Phúc cho người nào không vấp ngã vì tôi” (c. 6). Gương mù gương xấu có nghĩa là “chướng ngại”. Vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo một nguy cơ đặc biệt: nếu chướng ngại cho việc tin là các hành động lòng thương xót của Ngài, thì điều này có nghĩa là người ta có một hình ảnh sai lầm về Đấng Cứu Thế. Trái lại, phúc cho những ai trước các cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu, vinh danh Thiên Chúa Cha ở trên Trời. ĐTC lưu ý mọi người như sau:

Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu luôn luôn thời sự: cả ngày nay nữa người ta cũng xây dựng các hình ảnh về Thiên Chúa ngăn cản việc hưởng nếm sự hiện diện thực sự của Ngài. Vài người cắt ra một lòng tin “tự làm lấy”, giản lược Thiên Chúa vào không gian hạn hẹp của các ước muốn và xác tín của riêng mình. Nhưng niềm tin này không phải là việc trở về với Chúa là Đấng tự tỏ hiện, trái lại, nó ngăn cản Ngài khiêu khích cuộc sống và lương tâm của chúng ta. Kẻ khác nữa thì giản lược Thiên Chúa vào một thần tuợng giả; họ dùng danh thánh Chúa để biện minh cho các lợi lộc riêng, hay tệ hơn cho sự thù hận và bạo lực. Đối với các người khác nữa thì Thiên  Chúa chỉ là nơi ẩn núp tâm lý trong đó họ được trấn an trong những lúc khó khăn: nó là một niềm tin khép kín trong chính nó, không thể thấm ướt được trước sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa Giêsu là Đấng thúc đẩy chúng ta tiến tới với các anh em khác. Có những người khác nữa chỉ coi Chúa Kitô như  là một thầy dậy tốt của các giáo huấn luân lý đạo đức, một trong biết bao nhiêu bậc thầy trong lịch sử. Sau cùng, có người bóp nghẹt niềm tin nơi một tương quan thuần tuý duy thân tình với Chúa Giêsu, mà huỷ bỏ sức thúc đẩy truyền giáo có khả năng biến dổi thế giới và lịch sử. Chúng ta các kitô hữu chúng ta tin nơi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, và ưóc muốn của Ngài là ước muốn lớn lên trong kinh nghiệm sống động của mầu nhiệm tình yêu Ngài.

Vì thế chúng ta hãy dấn thân đề đừng đặt bất cứ chướng ngại nào trươc hành động thương xót của Thiên Chúa Cha, nhưng hãy xin ơn có một đức tin lớn lao  để chúng ta cũng trở thành các dấu chỉ và dụng cụ của lòng thương xót.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện: các nhóm nói tiếng Pháp đến từ Phap, Thụy Sĩ, Bỉ, Libăng và đặc biệt từ Senegal, do ĐC Paul Abel Mamba hướng dẫn. Ngài nhắc cho biết hôm nay là lễ Sinh Nhật Đức Mẹ và mời gọi mọi ngưòi biết kinh ngạc về các việc thương xót Chúa Giêsu làm trong cuộc sống của mình để hoán cải và trở thành những người sống lòng thương xót.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Anh quốc, Êcốt, Malta, Australia, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Canada và Hoà Kỳ. Ngài cầu mong năm thánh là dịp giúp họ sống tươi vui an bình và là thừa sai lòng thương xót Chúa trong gia đình và cộng đoàn.

Trong số các đoàn hành hương nói tiếng Đức và Hoà Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu Passau do ĐC Stefan Oster hướng dẫn. Họ khiến ngài nhớ tới đền thánh Đức Bà Altoeting.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương  Bồ Đào Nha, Mozambic và Brasil, đặc biệt các nhóm đến từ các giáo phận Faro, Funchal, Maputo và Aparecida do các GM hướng dẫn. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng  Thương Xót củng cố niềm tin của họ nơi Chúa Kitô.

Với các tín hữu Ba Lan ĐTC mời gọi rộng mở con tim cho tình yêu và sự tha thứ của Chúa, cũng như trở thành dụng cụ lòng thương xót của Chúa giữa lòng xã hội.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương Ý đặc biệt đến từ các giáo phận Alife-Caiazzo, Chiavari, Tricarico, do các Giám Mục hướng dẫn, cũng như các chủng sinh Verona và các tham dự viên Trại hè đo HĐGM Ialia tổ chức. Ngoài ra cũng có các trẻ em lãnh bí tích Thêm Sức giáo phận Verona, và các đoàn hành hương Frosinone, Livorno và các thành viên Liên hiệp đi xe đạp vùng Legnanese. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma củng cố đức tin và đem lại cho họ và các thân nhân đã qua đời nhiều hoa trái thiêng liêng của Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Chào các bạn trẻ, ngưòi đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nói chúng ta vừa cử hành lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têresa Calcutta. Uớc chi các bạn trẻ trở thành các tông đồ của lòng thương xót như Mẹ, người đau yếu cảm thấy sự gần gủi của Mẹ trong những lúc khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết khẩn cẩu Mẹ giúp họ sống quảng đại chú ý tới những người yếu đuối nhất.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh  ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

Thánh lễ tạ ơn Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa

VATICAN. Sáng thứ hai 5-9-2016, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tạ ơn nhân dịp lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta.

Đồng tế với ĐHY có hơn 30 Hồng Y, GM, gần 200 Linh mục, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, trong đó có đông đảo các nữ tu thừa sai bác ái.

Hôm qua, cũng là lễ kính thánh nữ Têrêsa Calcutta và là ngày giỗ lần thứ 19 (1997) của Mẹ.

Bài giảng của Đức Hồng Y

Trong bài giảng thánh lễ, ĐHY Quốc vụ khanh nhấn mạnh bí quyết cuộc sống và hoạt động của Mẹ Têrêsa là lời Chúa Giêsu như được công bố trong bài Tin Mừng của ngày lễ: ”Thật, Thầy bảo các con, tất cả những gì các con làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy, là các con làm cho Thầy” (Mt 25,40).

”Mẹ Têrêsa đã khám phá nơi những người nghèo, khuôn mặt của Chúa Kitô, 'Đấng đã trở nên nghèo vì chúng ta để làm cho chúng ta trở nên giàu có nhờ cái nghèo của Ngài' (Xc 2 Cr 8,9). Mẹ đã đáp lại tình yêu vô biên của Chúa bằng một tình yêu vô biên đối với người nghèo.. Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14).

ĐHY Parolin cũng nhận xét rằng: ”Mẹ Têrêsa đã có thể trở thành một dấu dấu chỉ rất sáng ngời về lòng từ bi thương xót, như ĐTC đã nói trong bài giảng lễ Phong thánh: 'Lòng từ bi thương xót đối với Mẹ là 'muối' mang lại hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ và là 'ánh sáng' chiếu sáng bóng đêm của những người không còn nước mắt để khóc sự nghèo khổ của họ', vì Mẹ đã để cho mình được Chúa Kitô soi sáng, Chúa Kitô được thờ lạy, yêu mến, chúc tụng trong Thánh Thể, như chính Mẹ đã giải thích: ”Cuộc sống của chúng ta phải liên tục được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, vì nếu chúng ta không có khả năng nhìn thấy Chúa Kitô dưới hình bánh, thì chúng ta cũng không có thể khám phá Chúa dưới những vẻ khiêm hạ của những thân thể tiều tụy của người nghèo” (Xc Teresa di Calcutta, L'amore che dissetta, p.16).

Trong bài giảng, ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cũng nhắc đến một trong những hình thức nghèo khổ đau thương nhất, đó là biết mình không được thương yêu, không được mong muốn và bị khinh rẻ. Đó là một thứ nghèo cũng hiện diện tại các nước và các gia đình không nghèo, và cả nơi những người thuộc giới có những phương tiện và khả năng, nhưng cảm thấy tâm hồn trống rỗng vì đánh mất ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời, hoặc bị thất vọng, sầu muộn vì những liên hệ bị phá vỡ, vì cô đơn trầm trọng, vì cảm tượng bị mọi người quên lãng hoặc không còn ích lợi gì cho ai nữa”.

Mẹ Têrêsa cũng coi các thai nhi chưa sinh ra và bị đe dọa trong cuộc sống như ”những người nghèo nhất trong những người nghèo.. Từ đó mẹ đã can đảm bảo vệ những sự sống đang sinh ra, Mẹ nói thẳng thắn và có những hành động rõ ràng, là dấu chỉ sáng ngời về sự hiện diện của các Ngôn Sứ và Các Thánh, là những người không quì gối trước mặt ai ngoại trừ trước Đấng Toàn Năng”.

Sau cùng, ĐHY Parolin nhắc đến sự kiện khi Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5-9-1997, thành phố Calcutta hoàn toàn bị mất ánh sáng trong vài phút dài. Mẹ Têrêsa trên trái đất này đã là một dấu chỉ minh bạch chỉ Trời Cao. Trong ngày Mẹ qua đời, Trời Cao muốn cống hiến một dấu ấn cho cuộc đời của Mẹ và thông báo cho chúng ta rằng một ánh sáng mới đã được thắp lên trên chúng ta. Giờ đây, sau khi được chính thức nhìn nhận sự thánh thiện, ánh sáng của Mẹ càng chiếu tỏa rạng ngời hơn. Ước gì ánh sáng không tàn lụi của Tin Mừng, tiếp tục chiếu sáng cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta và những con đường của thế giới khó khăn này” (SD 5-9-2016)

G. Tran Đức Anh OP 

Một nữ tu truyền giáo người Tây ban nha bị cướp và giết chết ở Haiti

Một nữ tu truyền giáo người Tây ban nha bị cướp và giết chết ở Haiti

Sister Isabel Sola Matas

Port-au-Prince, Haiti – Nữ tu Monica Joseph, Tổng phụ trách dòng Nữ tu Chúa Giêsu Đức Maria đã thông báo về cái chết của nữ tu Isa Solá Matas, 51 tuổi, gốc Barcelona, Tây ban nha, truyền giáo tại Haiti từ nhiều năm. Thông cáo viết: “Với sự đau buồn lớn lao, chúng tôi xin chia sẻ tin tức vừa nhận được từ Tình dòng Hoa kỳ. Nữ tu Isa Solá Matas đã bị giết ở Haiti trong một vụ cướp gần Nhà thờ Chánh tòa Port au Prince. Xin quý vị cầu nguyện cho chị Isa, cho gia đình của Chị, cho các nữ tu của chúng tôi ở Haiti, ở Hoa kỳ và Tây ban nha. Xin Chúa chúc lành cho quý vị”.

Theo tin tức thu được từ hãng tin Fides của Bộ truyền giáo, vụ sát hại đã xảy ra vào sáng ngày 2/9 giờ địa phương trong khi Chị Isa đang lái xe trên đường ở trung tâm thủ đô. Chị đã trúng 2 phát đạn, theo cảnh sát địa phương, có lẽ là từ những kể cướp, vì giỏ xách và các đồ dùng cá nhân của chị đã bị cướp.

Chị Isa đã dấn thân với những người khiêm tốn và nghèo khổ nhất của Haiti và đã thật sự sống cùng với họ sau trận động đất xảy ra năm 2010: chị giúp họ xây dựng lại nhà cửa, dấn thân như y tá và để làm dịu đi các đau khổ của những người đã bị mất tay chân trong trận động đất.

Haiti là nước nghèo nhất ở vùng Tây bán cầu, đánh dấu bởi sụ thiếu giáo dục, nghèo đói và tội phạm lan tràn. Từ lâu nước này bị tê liệt bởi một cuộc khủng hoảng chính trị và thể chế. Ngày 8/10/2010, Julien Kénord, điều hành cơ quan bác ái Thụy sĩ đã bị giết ở Port-au-Prince trong một vụ cướp. Ngày 24/4/2013, cha Richard E. Joyal, người Canada, thuộc dòng Đức Maria cũng đã bị giết trong vụ cướp tiền khi cha vừa rút từ ngân hàng. (Fides 3/9/2016)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng mời 1500 người nghèo dùng bữa pizza

Đức Giáo hoàng mời 1500 người nghèo dùng bữa pizza

Pope invited 1500 poor people to eat pizza 1

Vatican – Hôm qua, ngày 4/9, nhân lễ tôn phong hiển thánh cho mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã quyết định mời 1500 người nghèo khổ dùng bữa trưa với món chính là pizza Napoletana, một loại pizza xuất phát từ thành phố Napoli (Naples).

Theo một thông cáo từ Vatican, các thực khách là “những người nghèo khổ, đặc biệt là những người trú ngụ tại các nhà của các nữ tu Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa; họ đến từ khắp nước Ý, gồm các nhà ở Milan, Florence, Naples và tất cả các nhà ở Roma. Họ đã di chuyển trên nhiều xe bus suốt đêm về Roma để dự lễ phong thánh Mẹ Têrêsa Calcutta. Trong Thánh lễ họ ngồi ở phần dành riêng cho họ, gần tượng Thánh Phêrô, nghĩa là phần trên của quảng trường Thánh Phêrô, thường được gọi là “Reparto San Pietro” (khu vực Thánh Phêrô).

Sau Thánh lễ, các vị khách này đã đi vào đại thính đường Phaolô VI tại Vatican để dùng bữa trưa, chủ yếu là pizza theo kiểu thành phố Naples. 250 nữ tu cùng với 50 tu huynh Thừa sai Bác ái của Mẹ Têrêsa, cùng với một số người tình nguyện đã phục vụ bữa ăn. Một đội ngũ gồm 20 đầu bếp đã chuẩn bị phần pizza với 3 lò nướng lớn. (RV 4/9/2016)

Hồng Thủy

Tường thuật lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Teresa Calcutta

Tường thuật lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Teresa Calcutta

Holy Mass and the canonization of Mother Teresa of Calcutta

Hoạt động thương xót không mỏi mệt của Mẹ Terexa Calcutta ở vùng ngoại biên các thành phố và cuộc sống giúp chúng ta luôn ngày càng hiểu rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của chúng ta phải là tình yêu thương nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc nào, và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo. Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ, nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô  đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Terexa Calcutta, do ngài cử hành trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 9 hôm qua.

 

Đại lễ phong thánh cho Mẹ Teresa Calcutta ngày 4 tháng 9-2016 -- Thuyết minh tiếng Việt Nam

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC đã có khoảng 70 Hồng Y, 400 Tổng Giám Mục Giám Mục, 1,700 linh mục trong đó có 600 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ. Tham dự thánh lễ, ngoài ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh còn có phái đoàn đại diện của 20 quốc gia, do 13 quốc trưởng và thủ tướng hướng dẫn gồm các nước: Albania, nguyên Cộng hoà Jugoslavia Macedonia, Ấn Độ, Kosovo, Tây Ban Nha, San Marino, Đài Loan, Nigeria, Honduras, Italia, Vương quốc Monaco,  Hoà Lan, Ghana, Bosni Erzegovina, Panama, Hoa Kỳ, Áo, Croazia, Montenegro, Belize và 2 tổ chức quốc tế là Luơng nông quốc tế FAO và Lương thực thế giới PAM. Cùng tham dự thánh lễ có hơn 100,000 tín hữu, trong đó có 45.000 thành viên các tổ chức thiện nguyện về Roma mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đặc biệt cũng có 1,500 người nghèo, hành khất, vô gia cư, bị bỏ rơi được các nữ tu của Mẹ Terexa săn sóc trong các nhà ở Roma, Milano, Bologna, Firenze và Napoli.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ của ĐTC ĐHY Angelo Amato Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã tiến lên xin ĐTC phong hiển thánh cho chân phước Têrexa Calcutta, và đọc tiểu sử của chân phước mà mọi người đều gọi là “Mẹ Têrêxa Caltutta”. Chân phước tên đời là Agnes Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1010 tại Skopje, con của một gia đình gốc Albani. Hồi còn trẻ chị đã tham gia các sinh hoạt trong giáo xứ và ước mong tận hiến cuộc đời cho Chúa. Chị rời gia đình và được nhận vào dòng Đức Trinh Nữ diễm phúc Maria Loreto tại Rathfarnam bên Dublin Ai Len. Chi được gửi sang phục vụ bên Ấn Độ, vào nhà Tập và khấn dòng với tên gọi là Terexa. Trong 17 năm trời chị dậy học tại trường trung học Thánh Mary Bengali gần Calcutta.  Trên một chuyến xe lửa từ Calcutta đi Darieeling chị nghe tiếng Chúa Giêsu hấp hối trên thập giá nói “Ta khát” và trực giác được “ơn gọi trong ơn gọi”, thành lập một dòng du để “làm thoả mãn cái khát vô tận tình yêu thương và các linh hồn, mà Chúa Giêsu có trên thập giá, bằng cách làm việc cho ơn cứu rỗi và việc thánh hóa những người nghèo nhất trong những người nghèo. Chị lập dòng các nữ tu Thừa Sai Bác Ái, tiếp theo đó là dòng các Anh em Thừa Sai Bác Ái, các tổ chức giáo dân và Phong trào rộng mở cho các linh mục giáo phận.

Mẹ Terexa không quản ngại mệt nhọc tận hiến cuộc đời và sức lực cho việc loan báo Tin Mừng, qua nhiều hoạt động bác ái và trợ giúp những người rốt hết, không phân biệt giai tầng xã hội, tôn giáo và chủng tộc. Ở nền tảng mọi sáng kiến của Mẹ là việc cử hành Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, cầu nguyện và có một tình yêu đại đồng thúc đẩy Mẹ trông thấy và phục vụ Chúa Giêsu nơi người nghèo.

Chứng tá tin mừng anh hùng của Mẹ khơi dậy sự khâm phục của của các giới chức lãnh đạo cao cấp nhất trong Giáo Hội cũng như trong thế giới đời. Năm 1979 Mẹ được giải thường Nobel Hoà Bình. Kiệt lực nhưng luôn luôn mạnh mẽ trong tinh thần Mẹ qua đời tại Calcutta ngày mùng 5 tháng 9 năm 1997 trong hương thơm thánh thiện.

Tiếp đến ĐTC đã cùng cộng đoàn hát kinh cầu các thánh. Rồi ngài đọc công thức tôn phong hiển thánh cho Mẹ như sau:

Để  vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, biểu dương đức tin công giáo và thăng tiến cuộc sống kitô, với quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của hai Thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và của chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ lâu dài và nhiều lần xin ơn Chúa trợ giúp và lắng nghe ý kiến của nhiều anh em trong Hàng Giám Mục, chúng tôi tuyên bố và định nghĩa là Thánh chân phước Terexa Calcutta và ghi tên người vào Sổ Bộ các Thánh và thiết định rằng người được tôn kính giũa các Thánh trong toàn thể Giáo Hội, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Thánh tích của Mẹ đã được rước lên đặt bên trái bàn thờ. Đó là một cây thánh giá được ghép bằng nhiều mảnh gỗ phát xuất từ nhiều người và từ nhiều nơi khác nhau, nơi khổ đau tiếp tục nói lên tiếng rên “Ta khát” của Chúa Giêsu. Phần trước của thánh giá cũng bao gồm một mảnh gỗ của bàn quỳ toà giải tội, biểu tượng cho ơn tha thứ, mà hối nhân nhận được từ tình yêu của Thiên Chúa, và Mẹ Terexa coi họ là những người nghèo nhất trong những người nghèo. Thánh giá được viền vàng để nêu bật hai tình yêu lớn nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu và Người Nghèo. Chiếc hộp đựng thánh tích của Mẹ có hình một giọt nước để giải cơn khát của sự vô nghĩa của khổ đau trong cô đơn. Thánh giá được cắm trên một đế bảng sắt bẩn hư hại biểu tượng cho cái nhìn, mà xã hội có đối với người nghèo, nhưng họ lại được Mẹ yêu thương với tất cả tâm lòng và được Mẹ phục vụ trong các khu xóm ổ chuột bần thỉu tại Calcutta, vì họ là phương thế giúp kết hiệp với Chúa Giêsu.

Thánh giá được đặt trong một cái hộp hình trái tim phần bên trái có ba giải mầu xanh diễn tả chiếc áo dòng sari của Mẹ, cong xuống như lưng của Mẹ cúi xuống cầu nguyện, suy niệm và gù người phục vụ dân nghèo. Phần tim bên phải có hình mềm mại hơn mầu trắng diễn tả chiếc áo dòng của Mẹ vói hai chữ “Ta khát” Hai phần của trái tim tách rời nhau nhưng nối liền bởi một vòng tròn diễn tả sự năng động trong sứ mệnh của Mẹ, bắt đầu với sự mạc khải của Chúa Giêsu và được đưa tới chỗ thành toàn. Mầu xanh và mầu trắng cũng là mầu của Mẹ Maria, mà Mẹ Terexa rất tôn sùng và cầu khẩn với lời nguyện đẹp sau đây: “Lậy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, xin ban cho con Trái tim của Mẹ, xinh đẹp, trinh trong, vô nhiễm, tràn đầy tình yêu và khiêm tốn, để con có thể nhận lấy Chúa Giêsu trong Bánh Sự Sống, yêu Ngài như Mẹ đã yêu Ngài, và phục vụ Ngài như Mẹ đã phục vụ Ngài dưới gương mặt biến dạng của nhừng người nghèo nhất trong những người nghèo”.

Thánh lễ tiếp tục với Kinh Vinh Danh. Các bài sách Thánh đã được tuyên đọc bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Albani, Pháp, Bengali, Đồ Đào Nha và Tầu.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài đọc một trích từ sách Khôn Ngoan liên quan tới điều Thiên Chúa muốn nơi con người, là sống đẹp lòng Ngài. ĐTC nói: Các tác nhân lịch sử luôn luôn là hai: một đàng là Thiên Chúa, đàng khác là con người. Nhiệm vụ của chúng ta là nhận thức được tiếng gọi của Thiên Chúa và đón nhận ý muốn của Ngài. Nhưng để có thể tiếp nhận và kiểm thực tiếng gọi của Chúa mà không lưỡng lự chúng ta phải hiểu điều gì làm đẹp lòng Ngài. Biết bao ngôn sứ loan báo điều đẹp lòng Chúa và đúc kết nó trong kiểu diễn tả này: “Ta muốn lòng thương xót chứ không cần của lễ” (Hs 6,6; Mt 9,13). ĐTC giải thích như sau:

Mọi công việc của lòng thương xót đều đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì trong người anh em, mà chúng ta giúp đỡ, chúng ta nhận ra gương mặt của Thiên Chúa, mà không ai trông thấy (x. Ga 1,18). Mỗi lần chúng ta cúi xuống trên các nhu cầu của các anh em khác, là chúng ta đã cho Chúa Giêsu ăn và uống; chúng ta đã cho Ngài mặc, nâng đỡ và viếng thăm Con Thiên Chúa (x. Mt 25,40). Như thế, chúng ta đưọc mời gọi diễn tả cụ thể điều chúng ta xin trong lời cầu nguyện và tuyên xưng trong đức tin. Không có cách nào khác ngoài tình bác ái: những ai phục vụ các anh em khác là những nguời yêu mến Thiên Chúa, dù không biết Ngài (x Ga 3,16-18; Gc 2,14-18). Tuy nhiên, cuộc sống kitô không chỉ là việc trợ giúp khi cần. Nó là tâm tình liên đới đẹp, nhưng sẽ khô cằn vì không có gốc rễ. Trái lại, dấn thân mà Chúa đòi hỏi là dấn thân của một ơn gọi bác ái, qua đó nguời môn đệ Chúa Kitô dùng chính cuộc sống mình để phục vụ và lớn lên mỗi ngày trong tình yêu. Phúc Âm nói đến “đám đông dân chúng đến với Chúa Giêsu” (Lc 14,25). Ngày hôm nay “đám đông” đó là thế giới thiện nguyện đang quy tụ ở đây nhân Mừng Năm Thánh Lòng Thương Xót. Anh chị em chính là những người theo Chúa và khiến cho tình yêu của Ngài trở thành cụ thể đối với từng người…. Các người thiện nguyện củng cố biết bao con tim, nâng đỡ biết bao bàn tay, lau khô biết bao nước mắt! Có biết bao tình yêu thương đã được đổ vào việc phục vụ dấu ẩn, khiêm tốn và vô vị lợi này!

Việc theo Chúa Giêsu là một dấn thân nghiêm chỉnh, đồng thời tươi vui. Nó đòi hỏi tính triệt để và lòng can đảm, để nhận ra Chúa nơi người nghèo nhất và phục vụ họ. Khi phục vụ các người rốt hết và cần được giúp đỡ vì tình yêu Chúa Giêsu, các người thiện nguyện không chờ đợi lời cám ơn hay ca ngợi nào. Họ từ chối mọi sự vì đã khám phả ra tình yêu đích thật. Như Chúa đã đến gặp tôi và cúi xuống trên tôi trong lúc thiếu thốn, tôi cũng đi gặp gỡ Ngài và cúi xuống trên những người đã mất đức tin hay sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu, cúi xuống trên những người trẻ sống không giá trị và không lý tưởng, trên các gia đình gặp khủng hoảng, trên bệnh nhân và người tù, người di cư tỵ nạn, trên người yếu đuối và không được bênh đỡ trên thân xác cũng như trong tinh thần, trên các trẻ em vị thành niên bị bỏ rơi cho chính mình, cũng như trên các người già cả phải sống cô đơn.

Đề cập đến gương sống của Mẹ Terexa ĐTC nói:

Trong toàn cuộc đời mình Mẹ Teressa đã quảng đại phân phát lòng thương xót Chúa, sẵn sàng với tất cả mọi người qua việc tiếp đón và bảo vệ sự sống con người, sự sống chưa sinh ra cũng như sự sống bị bỏ rơi và gạt bỏ. Mẹ đã dấn thân bênh vực sự sống bằng cách không ngừng công bố rằng “ai chưa sinh ra là người yếu đuối nhất, bé nhỏ nhất, bần cùng nhất”. Mẹ cúi xuống trên trên những người kiệt lực bi bỏ chết bên lề đường, bằng cách thừa nhận phẩm giá mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ đã làm vang lên tiếng nói của Mẹ giữa các người quyền thế của trái đất này, để cho họ nhận ra các lỗi lầm của họ trước các tội ác của nghèo đói do chính họ dã gây ra. Đối với Mẹ lòng thương xót đã là “muối” trao ban hương vị cho mỗi hoạt động của Mẹ, và là “ánh sáng” chiếu soi các tăm tối của biết bao người cũng đã chẳng còn nước mắt để khóc thương cho sự nghèo túng và nỗi khổ đau của họ.

Sứ mệnh của Mẹ trong các vùng ngoại biên của các thành phố và của cuộc sống tồn tại ngày nay như chứng tá hùng hồn sự gần gũi của Thiên Chúa với những người nghèo nhất giữa những người nghèo. Hôm nay tôi trao gương mặt biểu tượng này của phụ nữ và người được thánh hiến cho toàn thế giới thiện nguyện: ước chi Mẹ là mẫu gương sự thánh thiện của anh chị em! Ước chi người hoạt động của lòng thương xót không mỏi mệt này giúp chúng ta luôn ngày càng hiểu biết hơn rằng tiêu chuẩn hoạt động duy nhất của chúng ta là tình yêu nhưng không, tự do khỏi bất cứ ý thức hệ hay ràng buộc nào, và tuôn đổ trên tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo! Mẹ Terexa thường nói: “Có lẽ tôi không nói tiếng của họ, nhưng tôi có thể cười”. Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ. Như thế chúng ta sẽ mở ra cho biết bao người đã mất tin tưởng và đang cần sự cảm thông và lòng hiền dịu các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng.

Trưóc khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cuối lễ cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời cám ơn tất cả mọi người tham dự. Trước hết là các nữ tu Thừa Sai Bác Ái là gia đình thiêng liêng của Mẹ. Uớc chi thánh đấng sáng lập luôn trông chừng trên con đường của các chị và giúp các chị trung thành với Thiên Chúa, Giáo Hội và người nghèo. Tiếp đến ĐTC cám ơn các chính quyền hiện diện đặc biệt của các nước gắn bó nhất với gương mặt của vị Thánh mới, cũng như các phái đoàn chính thức và nhiều tín hữu hành hương đến từ các nước đó trong dịp hạnh phúc này. Xin Chúa chúc lành cho quốc gia của anh chị em.

ĐTC cũng chào và cám ơn các thiện nguyện viên và nhân viên lòng thương xót. Ngài phó thác họ cho sự che chở của Mẹ Teresa. Xin Mẹ dậy cho họ biết chiêm ngắm và thờ lậy Chúa Giêsu bị đóng đanh mỗi ngày để nhận biết và phục vụ Ngài nơi các anh chị em nghèo. Chúng ta cũng xin ơn này cho tất cả những ai hiệp nhất với chúng ta qua các phương tiện truyền thông khắp nơi trên thế giới.

ĐTC cũng muốn nhớ tới những người xả thân phục vụ các anh chị em phải sống trong các hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, đặc biệt là biết bao nhiêu nữ tu không quản ngại hiến mạng sống mình cho tha nhân. Ngài xin mọi người đặc biệt cầu nguyện cho chi Isabel người Tay Ban Nha bị sát hại cách đây hai ngày trong thủ đô Haiti, một đất nước bị thử thách nhiều và ngài cầu mong các hành động bạo lực như thế chấm dứt và có nhiều an ninh hơn cho tất cả mọi người. Chúng ta cũng hãy nhớ tới các nữ tu khác mới đây đã là nạn nhân của bạo lực tại các nước khác. Chúng ta làm điều này bằng cách hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria là Mẹ và là Nữ Vương các Thánh. Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người

Sau thánh lễ 1,500 người nghèo đã được ĐTC đãi ăn trưa tại tiền sảnh đại thính đường Phaolô VI, do 100 nữ tu và 50 tu huynh Thừa Sai Bác Ái phục vụ.

Linh Tiến Khải

 

 

Tên đường mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta ở bang Orissa, Ấn độ

Tên đường mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta ở bang Orissa, Ấn độ

Bức tượng ảnh Thánh Mẹ Teresa trên con đường được đặt tên

Cuttack-Bhubaneshwar, Orissa – Vào ngày 4 tháng 9, ngày Mẹ Têrêsa Calcutta, sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, được tôn phong hiển thánh tại quảng trường thánh Phêrô, một con đường mới mang tên Mẹ Têrêsa cũng được khánh thành.

Quyết định này được Ủy ban thành phố Bhubaneshwar đưa ra theo lời yêu cầu của Đức cha John Barwa, Tổng giám mục Cuttack-Bhubaneshwar. Đức cha Barwa nói với hãng tin Á châu: “Quyết định này làm cho chúng tôi vui mừng”, đặc biệt là vì bang Orissa là nơi cách đây tám năm, các tín hữu Ấn giáo quá khích đã tàn sát cách dã man các Kitô hữu.

Trong một cuộc họp ngày 28 tháng 8, Hội đồng đã quyết định bật đèn xanh cho con đường mới “Mẹ Têrêsa”, nối từ Satyanagar Cuttack tới đường Puri. Đức cha Barwa cho biết là con đường chạy thẳng trước Tòa Tổng giám mục.

Sau thánh lễ, ông Naveen Patnaik, Thủ tướng của bang Orissa sẽ mở cho dân chúng thấy tấm bảng với tên đường mới. Các quan chức chính phủ tiểu bang cũng như địa phương cho biết sẽ hiện diện tại buổi lễ này.

Nhiều tu sĩ Thừa sai bác ái đang làm việc ở bang Orissa, sống trong 11 cộng đoàn tại 6 Giáo phận. Các nữ tu  cũng sẽ tham dự vào sự kiện nói trên. Tại sự kiện này, các học sinh thiếu nhi của các trường sẽ thực hiện những bài hát và điệu vũ truyền thống.

Đức cha Barwa kết luận: “Mẹ Têrêsa sẽ chúc lành cho chúng ta và đồng hành với chúng ta”. (Asia News 01/09/2016)

Hồng Thủy

Biết Chúa Giêsu, gia nhập Công giáo và trở thành Linh mục nhờ gặp Mẹ Têrêsa

Biết Chúa Giêsu, gia nhập Công giáo và trở thành Linh mục nhờ gặp Mẹ Têrêsa

Mẹ Têrêsa Calcutta 2

Cuộc gặp gỡ với Mẹ Têrêsa và công việc chăm sóc người nghèo và người đang hấp hối của Mẹ đã đưa một thanh niên người Nhật đến với đức tin, gia nhập Giáo hội Công giáo và trở thành Linh mục.

Cha Francisco Akihiro, dòng Thừa sai Bác ái kể với hãng tin Công giáo Hoa kỳ: “Tôi sinh ra trong một gia đình Phật giáo; tôi không biết gì về Chúa Giêsu, về Kitô giáo, Công giáo hay bất cứ điều gì tương tự. Nhưng tôi thấy một cách rất rõ ràng Chúa Giêsu đã hoạt động thế nào qua gương của Mẹ Têrêsa”.

Lần đầu tiên cha Akihiro gặp Mẹ Têrêsa khi đang làm việc tại viện tế bần Nirmal Hriday do Mẹ thành lập tại trung tâm của Calcutta. Cha bị ấn tượng về sự đơn giản và gần gũi với những người giúp Mẹ phục vụ các người đau yếu và hấp hối. Cha nói: “Mẹ bé nhỏ và cảm giác tôi có khi gặp Mẹ giống như gặp một người bà. Thường khi bạn muốn gặp những ngươì nổi tiếng thì rất khó, họ luôn ở đàng trước và khó mà đến gần được họ. Nhưng tôi luôn bị ấn tượng về cách Mẹ đến với chúng tôi”.

Cha cho biết là các bệnh nhân không chỉ có những người đói khát mà cả những người cô đơn. Tuy vậy, trong sự đau yếu và nghèo khó của họ, “chúng tôi đã thấy điều gì đó chiếu sáng: sự nghèo khó của Chúa Kitô. Chúng tôi hiểu điều này và nhận ra rằng chúng tôi cũng đang nhận từ họ”. Cha lưu ý là những người đang mang gánh nặng đau khổ là mục tiêu đặc biệt của tình thương của Mẹ Têrêsa. Việc Mẹ chạy đến với ngừơi nghèo, người tàn tật đã để một ấn tượng cho cha. Nhiều tình nguyện viên đã phát khóc vì điều này.

Cha Akihiro đã gia nhập Công giáo và trở thành một Linh mục; cha rời bỏ gia đình cha ở Nhật bản và hiện giờ đang sống và làm việc ở miền Bắc Ấn độ để phục vụ người nghèo như Mẹ Têrêsa đã làm.

Cũng như nhiều tu sĩ nam nữ dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ sáng lập, cha Akihiro cũng đến Roma để tham dự Thánh lễ tôn phong hiển thánh của Mẹ Têrêsa. Cha đã đến xem triển lãm về Mẹ Têrêsa được tổ chức tại đại học Lumsa ở Roma. Những tấm hình của người nữ tu bé nhỏ đang ôm những trẻ em và an ủi người hấp hối đều đã quen thuộc với cha. Việc phong thánh cho Mẹ Têrêsa, người đã truyền cảm hứng cho ơn gọi của cha, đối với cha, “là một cơ hội cho thế giới biết về người nghèo và vượt qua sự thờ ơ dửng dưng”. Cha nhắc lại lời của Mẹ Têrêsa: thế giới muốn thấy những gương mẫu hơn là nghe những lời nói. Theo cha, qua các sự kiện như lễ phong thánh và triển lãm về cuộc đời của Mẹ Têrêsa, “bây giờ người ta có thể hiểu cách dễ dàng hơn chúng ta có thể yêu thương thế nào, đặc biệt yêu thương người nghèo khổ; hiểu về cách thế chúng ta có thể phục vụ họ qua gương mẫu của Mẹ Têrêsa”. (CNS 02/09/2016)

Hồng Thủy Op

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

5 Giám Mục Việt Nam tham dự khóa bồi dưỡng ở Roma

ROMA. 5 Giám Mục Việt Nam thuộc vào số 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, được bổ nhiệm trong vòng 2 năm gần đây, tham dự khóa bồi dưỡng 2 tuần lễ do Bộ truyền giáo tổ chức từ ngày 4-9-2016.

Trong số các tham dự viên, có 42 GM thuộc 19 nước Phi châu, 36 GM thuộc 9 nước Á châu, kể cả 5 GM Việt Nam; 12 GM đến từ 9 nước Mỹ châu sau cùng có 4 GM thuộc 2 nước Úc Châu. 5 GM Việt Nam tham dự khóa này là Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, , Đức Cha Nguyễn Văn Viên, Phụ Tá Vinh, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa. Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Các khóa bồi dưỡng này, khởi sự từ năm 1994, có mục đích giúp các GM mới tìm hiểu thêm về các khía cạnh trong đời sống và sứ vụ GM, đối thoại và cầu nguyện.

Mỗi ngày các GM có 3 bài thuyết trình sau đó là phần trao đổi và hội thảo nhóm.

Chương trình

Thứ hai 5-9, sẽ có thánh lễ khai mạc do ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo chủ sự. Tiếp đến là bài thuyết trình đầu tiên do Đức TGM Savia Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, trình bày về đề tài ”GM như người phục vụ Tin Mừng”. Ban chiều cùng ngày 5-9, ĐHY Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, nguyên là Tổng thư ký Bộ truyền giáo, nói về ”Thời sự của sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại trong thực tại thế giới”.

Ngày thứ ba, 6-9, Đức TGM Protase Rugambwa, người Tanzania, Đồng Tổng thư ký Bộ truyền giáo, Chủ tịch Các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, sẽ trình bày về bản chất, thẩm quyền và hoạt động của các Hội ngày.

Khóa bồi dưỡng được tiếp tục với các bài thuyết trình do các HY, TGM phụ trách các cơ quan trung ương Tòa Thánh đảm trách, như đối thoại đạt kết Kitô (Koch), Giáo huấn xã hội Công Giáo (Turkson), Thượng HĐGM (Baldisseri), Linh đạo GM (Angelo Amato), Tình phụ tử của GM đối với các LM và việc đào tạo giáo sĩ (Stella), ĐGH và các GM (Ouellet), việc phục vụ quản trị của GM (Pell), tương quan giữa Tòa Thánh với các quốc gia (Gallagher), Các chương trình mục vụ và các cơ cấu cộng tác trong giáo phận; Tự sắc Mitis judex về việc cải tổ tòa án hôn phối, huấn luyện giáo dân (Paglia), Chăm sóc đời sống thánh hiến (Carballo), Sự độc thân giáo sĩ và các giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục (Scicluna), thi hành sứ vụ giáo huấn (Ladaria), Phụng vụ và sự thánh hóa của Giáo Hội (Roche), sau cùng là đối thoại liên tôn tại các xứ truyền giáo (Guixot).

Ngoài ra có một số chuyên gia khác cũng được mời đến nói chuyện với các GM về những vấn đề khác như bảo vệ trẻ vị thành niên, sử dụng các phương tiện truyền thông trong việc loan báo Tin Mừng, Dịch vụ bác ái, Cẩm nang cho các GM, thi hành công lý..

Thứ sáu 9-9, ĐTC sẽ tiếp kiến các GM và chúa nhật 11-9 các vị sẽ hành hương tại Assisi. Khóa bồi dưỡng sẽ kết thúc vào thứ bẩy, 17-9 với thánh lễ đồng tế tại mộ thánh Phêrô Tông Đồ (Fides 2-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 40 ngàn người thiện nguyện và bác ái

Đức Thánh Cha tiếp kiến 40 ngàn người thiện nguyện và bác ái

Đức Thánh Cha tiếp kiến những người thiện nguyện và bác ái

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu thực thi cụ thể lòng bác ái từ bi và ngài khích lệ những người thiện nguyện và bác ái là những người làm cho Giáo Hội được tín nhiệm.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung đặc biệt sáng thứ bẩy, 3-9-2016 tại Quảng trường Thánh Phêrô, dành cho 40 ngàn người từ các nơi về Roma tham dự Ngày Năm Thánh những người thiện nguyện và hoạt động bác ái với cao điểm là lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta lúc 10 giờ rưỡi sáng chúa nhật 4-9-2016.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã đi từ bài ca đức ái của thánh Phaolô trong đoạn 13 của thư thứ I gửi tín hữu thành Corinto (1 Cr 13,1-13), nhất là câu ”Tình yêu không bao giờ chấm dứt” (v.8). Ngài nói:

”Giáo huấn này phải được chúng ta xác tín không lay chuyển: tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ thiếu trong đời sống chúng ta và lịch sử thế giới. Đó là một tình yêu vẫn luôn trẻ trung, tích cực, năng động… Thánh Phaolô dạy rằng ”nếu tôi không có tình yêu thì tôi không là gì (v.2). Hễ chúng ta càng để cho mình can dự vào tình yêu này thì cuộc sống của chúng ta càng được tái sinh”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”Giáo Hội không bao giờ được phép hành động như thầy tư tế và thầy Levi đứng trước người bị cướp đánh và để nằm nửa sống nửa chết trên đất (Xc Lc 10,25-36). Không thể ngoảnh mặt nhìn đi nơi khác để khỏi thấy bao nhiêu hình thức nghèo đói đòi lòng từ bi thương xót. Hành động như thế không xứng đáng với Giáo Hội và với một Kitô hữu, đó là một hành động tỗi lỗi; ”bỏ qua bên kia đường” và coi mình được lương tâm ổn định chỉ vì chúng ta đã cầu nguyện, đã đi nhà thờ rồi!”.

ĐTC cũng nhắc lại rằng ”Tôi không bao giờ mệt mỏi khi nói rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng đẹp, nhưng là một hành động cụ thể; và cả lòng từ bi của con người không có thực chất cho đến khi nó được biểu lộ cụ thể trong đời sống thường nhật. Lời cảnh giác của thánh Gioan vẫn luôn có giá trị: ”Hỡi các con, chúng ta đừng yêu mến bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng những hành động cụ thể và trong sự thật” (1 Ga 3,18).

Khích lệ người thiện nguyện

Ngỏ lời với những người thiện nguyện và hoạt động bác ái, ĐTC nói: ”Trong số những thực tại quí giá nhất của Giáo Hội, chính là anh chị hằng ngày, thường là trong âm thầm, kín đáo, anh chị em mang lại cho lòng từ bi thương xót một hình dạng và cụ thể hữu hình. Anh chị em biểu lộ ước muốn trong số những ước vọng đẹp nhất của tâm hồn con người, đó là ước muốn làm cho một người đau khổ cảm thấy họ được yêu mến.. Uy tín của Giáo Hội có sức thuyết phục cũng nhờ việc phục vụ của anh chị em dành cho những trẻ em bị bỏ rơi, các bệnh nhân, người nghèo đói không lương thực và việc làm, người già, người vô gia cư, các tù nhân, những người tị nạn và nhập cư, những người bị thiên tai.. Tóm lại, bất kỳ nơi nào có lời yêu cầu xin cứu giúp, tại đó có chứng tá tích cực và vô vị lợi của anh chị em. Anh chị em làm cho luật của Chúa Kitô trở nên hữu hình, luật mang đỡ gánh nặng cho nhau (Xc Gl 6,2; Ga 13,34).

ĐTC nhắn nhủ thêm rằng: ”Anh chị em hãy luôn hài lòng và đầy vui tươi vì việc phục vụ của mình, nhưng đừng bao giờ biến nó thành lý do để tự phụ, khiến cho mình nghĩ mình tốt đẹp hơn người khác. Trái lại, hoạt động từ bi thương xót của anh chị em phải khiêm tốn và là một sự kéo dài Chúa Kitô một cách hùng hồn, Đấng tiếp tục cúi mình và chăm sóc những người đau khổ”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng vui mừng nhắc đến Mẹ Têrêsa Calcutta được phong thánh vào chúa nhật này và nhận định rằng:

”Chúng ta từ bi thương xót của Mẹ Têrêsa thời nay được thâm vào cho vô số đoàn ngũ những người nam nữ đã làm cho tình yêu của Chúa Kitô trở nên hữu hình qua đời sống thánh thiện của họ. Chúng ta hãy noi gương họ, và cầu xin để chúng ta trở thành những dụng cụ khiêm hạ trong tay Chúa, hầu thoa dịu đau khổ của thế giới và mang lại vui tươi và hy vọng phục sinh”.

Sinh hoạt chuẩn bị

Trong một giờ rưỡi trước khi ĐTC tiến vào Quảng trường thánh Phêrô, hàng chục ngàn người thiện nguyện đã sinh hoạt, nghe những bài thánh ca và nghe chứng từ của nhiều người hoạt động trong lãnh vực từ thiện bác ái, các nạn nhân chiến tranh và xung đột ở Siria và Palestine, các nhân viên cứu hỏa, cảnh sát, và nhân viên bảo vệ dân chúng, đã cứu giúp các nạn nhân động đất ở miền Trung Italia những ngày vừa qua, một gia đình dấn thân trong tổ chức Unitalsi chuyên giúp đỡ các bệnh nhân đi hành hương tại Lộ Đức và các Đền Thánh khác.

Hiện diện và trình bày trong dịp này cũng có nhiều nghệ sĩ như danh ca Kelly Joyce và và nghệ sĩ Usha Uthup của Ấn độ, đã quen biết Mẹ Têrêsa trong 40 năm trời. (SD 3-9-2016)

Khi ĐTC đến Quảng trường, có hai chứng từ được trình bày lên Ngài và nói người, đặc biệt là chứng từ của nữ tu Sally người Ấn độ, thuộc dòng Thừa sai bác ái của Mẹ Têrêsa, phục vụ tại thành phố Aden, bên Yemen, nơi có 4 nữ tu bi quân khủng bố sát hại hồi tháng 3 năm nay, khi chúng tấn công vào nhà dưỡng lão nơi các chị phục vụ

Vatican Radio

Bức họa chân dung Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Bức họa chân dung Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Bức họa chân dung chính thức của Mẹ Têrêsa tại lễ phong thánh

Một bức chân dung lớn của Chân phước Mẹ Têrêsa được treo trước tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô dịp lễ tôn  phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Đó là bản copy của bức họa chân dung do họa sĩ Chas Fagan vẽ.

Họa sĩ Chas Fagan là người đã vẽ chân dung của tất cả các tổng thống Mỹ và các tác phẩm tại mái vòm tòa nhà trụ sở Quốc hội Hoa kỳ cũng như tại Nhà thờ chính tòa quốc gia. Ông đã được Hội hiệp sĩ Columbus chọn vẽ chân dung chân phước Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan đã lập tức nhận lời vẽ chân dung Mẹ khi được Hội Columbus yêu cầu nhưng không nghĩ là tác phẩm của ông sẽ là bức họa chính thức được treo trong lễ phong thánh của Mẹ Têrêsa.

Họa sĩ Fagan đã phải mất một tháng trời để chuẩn bị các phác họa trước khi bắt đầu vẽ, và đã hoàn thành bức họa sau 6 tuần làm việc. Bức họa diễn tả niềm vui và lòng vị tha của Mẹ Têrêsa. Họa sĩ Fagan cho biết, đầu mối của ý tưởng của bức họa chính là câu trưng dẫn của Mẹ Têrêsa “niềm vui là sức mạnh”. Ông nói: “Mẹ là một nhân vật nhỏ bé nhưng làm trái đất rung chuyển” và người ta nói với ông: “khi Mẹ nhìn vào bạn, Mẹ chói sáng rạng rỡ”. Vì vậy ông đã cố gắng diễn tả điều này trong bức họa. Ông giải thích về bức tranh: “Nếu bạn muốn làm cho một điều gì đó chói sáng, bạn phải bao quanh nó bằng bóng tối”.

Một điều nữa trong cuộc sống của Mẹ Têrêsa cũng đánh động họa sĩ Fagan, đó là sự vị tha của Mẹ. Ông chia sẻ: “Có một chủ đề mà người hướng dẫn của ông thời gian ông còn là một học sinh trung học đã nói với ông, đó là “nếu bạn bắt đầu giúp đỡ người khác, bất cứ vấn đề gì của bạn sẽ bắt đầu biến mất”. Họa sĩ nhận xét: Mẹ Têrêsa đã sống điều này. Khi học về cuộc sống của Mẹ và nhìn thấy cách sống hàng ngày của Mẹ, nó thật khiêm nhường đơn giản và tất cả chúng ta có thể mong muốn nó. Nhưng nó là một bước nhảy vọt”.

Họa sĩ Fagan đã có thể cảm thấy sự hiện diện của mẹ thánh Têrêsa trong phòng vẽ của mình khi đang vẽ bức họa. Đối với ông, Mẹ Têrêsa đã mang lại niềm vui cho phòng vẽ của ông, cho ngôi nhà của ông và khi hoàn thành bức họa, họa sĩ cảm thấy tiêc nuối vì sẽ cảm thấy thiếu sự đồng hành của Mẹ.

Bức họa được bắt đầu trưng bày vào hôm 1 tháng 9 tại đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II ở Washington. Nữ tu Tanya, dòng Thừa sai Bác ái, phụ trách cộng đòan Thừa sai bác ái Quà tặng Bác ái và Hòa bình ở Washington nhận xét: “Bức họa tuyệt vời; nó sẽ đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa”. Chị cũng nhận xét thêm việc phác họa đôi mắt thông suốt  của Mẹ, sự thanh bình và sự chăm chú vào người mà Mẹ đang nhìn. Chị nói: “Nếu một người nhìn vào Mẹ, họ sẽ hướng mắt họ về trời, tôi sẽ nói, bởi vì Mẹ không tập trung vào mình. Người nhìn mẹ sẽ hướng tâm đến Thiên Chúa.”

Bức họa được thực hiện xuất phát từ lòng yêu mến và kính trọng của Hội hiệp sĩ Columbus dành cho Mẹ. Họ sẽ phân phát một triệu tấm thiệp cầu nguyện với chân dung của Mẹ cho các khách hành hương đến Roma. (CNA 01/09/2016)

Hồng Thủy 

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Các chi tiết xung quanh lễ phong thánh Mẹ Têrêsa

Chân dung Mẹ Têrêsa tại tiền đường đền thờ Thánh Phêrô

Ngày Chúa nhật 4/9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa. Mẹ Têrêsa qua đời ngày 5/9/1997 và đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô phong chân phước vào ngày 19/10/2003.

Trong dịp này, nhiều buổi canh thức và cầu nguyện được tổ chức trong nhiều nhà thờ của Giáo phận Roma. Ngày phong thánh cho Mẹ cũng là ngày cử hành Năm thánh của các tình nguyện viên và các nhân viên của lòng thương xót. Thực ra, Mẹ Têrêsa là một biểu tường của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Trước đó, ngày 2/9 tại đền thờ thánh Anastasia khu vực  Palatino, sẽ có 3 Thánh lễ được cử hành vào lúc 9 giờ (tiếng Anh), 10 giờ (tiếng Tây ban nha) và 12 giờ (tiếng Ý). Từ 20.30 đến 22 giờ, tại đền thời thánh Gioan Laterano, có buổi canh thức cầu nguyện do Đức Hồng Y Giám quản Roma, Agostino Vallini chủ sự và buổi chầu Thánh Thể trọng thể.

Thứ 7, 3/9, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh. Ban chiều lúc 17 giờ, tại đền thờ Thánh Andrea della Valle có giờ cầu nguyện và suy niệm với nghệ thuật và âm nhạc. Sau đó là tôn kính thánh tích của Mẹ Têrêsa, và Thánh lễ được cử hành lúc 19 giờ.

Thứ 2, 5/9, vào lúc 10 giờ, Đức Hồng Y Pietro Parolin sẽ chủ tế Thánh lễ tạ ơn cũng là Thánh lễ đầu tiên kính nhớ MẹTêrêsa.

Sau Thánh lễ tôn phong hiển thánh, thánh tích của Mẹ Têrêsa sẽ được đưa đến đền thờ Gioan Laterano và được trưng bày cho tín hữu kính viếng các ngày 5-7/9, và ngày 7-8 sẽ được kính viếng tại nhà thờ thánh Gregorio Cả, và cùng ngày này tín hữu có thể viếng căn phòng của Mẹ tại tu viện thánh Gregorio.

Đài truyền hinh TV2000 trong các ngày từ 3-5/9 cũng trình chiếu các cuốn phim trình bày về cuộc đời và hoạt động của Mẹ Têrêsa.

Sáng ngày 2/9 tại đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 200 ký giả. Chủ tọa cuộc họp báo là ông Greg Burke, Giám đốc phòng Báo chí Tòa thánh. Có sự tham dự của nữ tu Mary Prema, bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Bác ái, cha Brian Kolodiejchuk, bề trên ngành nam của dòng và cũng là thình nguyện viên án phong thánh cho Mẹ Têrêsa và sự hiện diện của đôi vợ chồng nhận được phép lạ qua việc cầu nguyện với Mẹ Têrêsa.

– Số người tham gia: Con số người tham dự Thánh lễ không thể dự đoán trước đươc, nhưng đã có 100 ngàn vé tham dự Thánh lễ được phân phát cho các tín hữu, 13 quan chức đứng đầu các quốc gia và chính phủ, trong đó có thủ tướng Ấn độ. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ cùng với nhiều Hồng y, Giám mục và Linh mục đồng tế.

– Truyền thông: sẽ có 9 telecamera có thể thu chiếu hình ảnh đặc biệt từ trên cao để thu hình các chiều kích của đám đông tập trung tại quảng trường thánh Phêrô. Thánh lễ phong thánh có thể theo dõi trên internet qua các mạng Youtube, Vaticanplayer của Radio Vatican và trang mạng Ctv.Thánh lễ sẽ được truyền đi trên toàn thế giới qua nối kết với 120 toàn thế giới. Đặc biệt các công nghệ tiên tiến sẽ được sử dụng như dự án "Io c'ero" giúp thu toàn cảnh với dung lượng lớn. Có hơn 200 ký giả đăng ký sự kiện quan trọng này.

– Về an ninh: 3000 nhân viên các lực lượng an ninh của Italia được huy động cho một sự kiện quan trọng nhất của Năm Thánh.

Từ chiều hôm qua, 1/9, đã có các cuộc kiểm tra các khu vực cũng như các hố ga. Các biện pháp an ninh cũng được đặt ra cho các buổi cầu nguyện tại các nhà thờ ở Roma. Sở cảnh sát nghiên cứu để bảo đảm an ninh tuyệt đối. Đồng thời cũng cần sự tham dự trôi chảy và an tĩnh của các tín hữu.

Từ 19 giờ ngày thứ 7, 3/9, khu vực đền thờ Thánh Phaolô sẽ được chia thành 3 phần, mỗi phần sẽ kiểm soát người và hành lý để bảo đảm an ninh tối đa nơi tập trung các tín hữu cũng như sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Từ 8-19 giờ ngày Chúa nhật 4/9, các chuyến bay sẽ bị cấm trong vùng rộng lớn cạnh đền thờ thánh Phêrô và tạo nên một vùng an toàn được kiểm soát bởi hệ thống ''Slow Mover Interceptor', hệ thống phát hiện các máy bay không được quyền bay trong vùng cấm.

Có khoảng 1000 người làm việc 24/24 để tăng cường các kế hoạch phòng ngừa cảnh giác và quy định phòng ngừa cho Năm Thánh ở vùng trung tâm. (Tổng hợp)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha đến Assisi cầu nguyện cho Hòa Bình

Đức Thánh Cha đến Assisi cầu nguyện cho Hòa Bình

Đức Thánh Cha đến Assisi cầu nguyện cho Hòa Bình

VATICAN. ĐTC Phanxicô sẽ dành 9 tiếng đồng hồ để viếng thăm Assisi nhân Ngày Thế Giới cầu nguyện cho Hòa Bình, ngày 20 tháng 9 tới đây.

Ngày này có chủ đề là ”Khao khát hòa bình. Các Tôn giáo và Văn hóa đối thoại”, được Cộng đồng thánh Egidio ở Roma tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo để cầu nguyện cho Hòa Bình do ĐTC Gioan Phaolô 2 triệu tập ở Assisi.

Theo chương trình do Phòng báo chí Tòa Thánh công bố hôm 1-9 vừa qua, ĐTC sẽ đáp trực thăng đến Thánh Tu Viện Phanxicô ở Assisi lúc 11 giờ rưỡi. Tại đây ngài sẽ được Cha Bề trên tu viện, Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, một đại diện Hồi giáo, Đức TGM Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo, Đức Thượng Phụ Efrem II, Giáo Chủ Chính Thống Siria ở Antiokia, Hòa thượng Thủ lãnh Phật giáo Thiên Thai (Tendai) ở Nhật Bản và một đại diện của Do thái giáo đón tiếp, rồi cùng đến khuôn viên của tu viện, nơi có các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô và tôn giáo thế giới cũng như giáo quyền Công Giáo miền Umbria sở tại chờ đợi.

ĐTC sẽ chào từng vị đại diện tôn giáo trước khi dùng bữa chung tại nhà ăn của Thánh Tu Viện. Hiện diện trong dịp này cũng có một vài nạn nhân chiến tranh. Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio sẽ nhắc đến và chúc mừng Đức Thượng Phụ Bartolomaios, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thụ phong Giám Mục.

Lúc 3 giờ 15 chiều, ĐTC gặp riêng 5 vị lãnh đạo tôn giáo, kế đến là vào lúc 4 giờ sẽ là giờ cầu nguyện cho hòa bình được cử hành tại nhiều nơi ở Assisi, theo các nghi thức riêng. Riêng các tín hữu Kitô sẽ cầu nguyện tại Vương cung thánh đường dưới của Đền thánh Phanxicô.

Buổi cầu nguyện kết thúc vào lúc 5 giờ, sau đó mọi tham dự viên, Kitô giáo cũng như các tôn giáo khác tụ tập tại Quảng trường thánh Phanxicô vào lúc 5 giờ 15 để cử hành nghi thức bế mạc.

Sau lời chào mừng của Đức TGM Domenico Sorrentino, GM giáo phận Assisi, sẽ có phần công bố sứ điệp: bắt đầu là chứng từ của một nạn nhân chiến tranh, rồi đến Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartolomaios, một đại diện Hồi giáo, Do thái giáo, Đức Giáo Chủ Phật Giáo Nhật bản, Giáo Sư Andrea Riccardi, Sáng lập viên Cộng đồng thánh Egidio, sau cùng là diễn văn của ĐTC Phanxicô.

Buổi lễ được tiếp tục với phần đọc một lời kêu gọi Hòa Bình, được trao cho các em bé thuộc nhiều nước khác nhau. Rồi có phần thinh lặng mặc niệm các nạn nhân chiến tranh, trước khi các vị đại diện tôn giáo ký vào Lời Kêu Gọi hòa bình, và thắp sáng hai cây đèn nhiều ngành.

Ngày cầu nguyện được kết thúc với cử chỉ trao ban bình an giữa các tham dự viên.

ĐTC sẽ đáp trực thăng trở về Vatican dự kiến vào lúc 7 giờ 35 phút chiều (SD 1-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha: Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện chăm sóc thiên nhiên

VATICAN. ĐTC kêu gọi các tín hữu nhìn nhận tội lỗi gây hại cho thiên nhiên và con người, thống hối và quyết tâm thay đổi lối sống.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC Ngày Thế giới cầu nguyện cho sự săn sóc thiên nhiên, cử hành hôm 1-9-2016, nơi các Giáo Hội Kitô. Sứ điệp mang tựa đề ”Chúng ta hãy dùng lòng thương xót đối với căn nhà chung của chúng ta”, và đã được ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cùng với Đức Cha Brian Farrell, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, giới thiệu với giới báo chí sáng ngày 1-9-2016 trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh.

ĐTC nhận xét rằng ”Trái đất tiếp tục bị hâm nóng hơn, một phần vì hoạt động của con người: năm 2015 là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và có lẽ năm 2016 này sẽ còn nóng hơn nữa. Tình trạng này tạo nên hạn hán, lụt lội, hỏa hoạn và những biến cố khí hậu cùng cực ngày càng trầm trọng hơn. Những thay đổi khí hậu cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng cao độ khiến cho nhiều người buộc lòng phải tản cư. Những người nghèo trên thế giới là những người ít có trách nhiệm nhất trong việc thay đổi khí hậu, nhưng họ lại là những người dễ bị tổn thương nhất và đang phải chịu những hậu quả của những thay đổi này”.

ĐTC xác quyết rằng những tội chống lại thiên nhiên cũng là một tội ác chống lại chính chúng ta và là tội chống lại Thiên Chúa.

Trước tình trạng đó, Ngài mời gọi mọi người hãy xét mình, ý thức tội lỗi và lòng thương xót của Thiên Chúa, để ăn năn hối cải và xưng thú tội với Chúa Cha giàu lòng xót thương, đồng thời quyết tâm thay đổi cuộc sống. ĐTC viết:

”Điều này phải được diễn tả qua những thái độ và lối cư xử cụ thể tôn trọng thiên nhiên, ví dụ sử dụng plastic và giấy một cách khôn ngoan thận trọng, không phung phí nước, lương thực và năng lượng điện, phân loại các loại rác, đối xử với các sinh vật với lòng chăm sóc, dùng các phương tiện chuyên chở công cộng, đi chung xe với nhiều người, v.v. (LS 211).

”Chúng ta đừng nghĩ rằng những cố gắng đó quá bé nhỏ không thể cải tiến thế giới. Những hành động ấy tạo nên giữa lòng trái đất này một điều tốt đẹp có khuynh hướng lan rộng, nhiều khi một cách vô hình” (LS 212) và khích lệ ”một lối sống có tính chất ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng mang lại vui mừng sâu xa và không bị ám ảnh vì sự tiêu thụ” (Ibidem 222).

Sau cùng, ĐTC khích lệ các tín hữu thực hiện một công việc mới mẻ về lòng thương xót. Thường khi nói về những công việc từ bi thương xót chúng ta thường nghĩ đến những việc bác ái về vật chất cũng như tinh thần. ”Nhưng nếu chúng ta nhìn chúng chung với nhau, thì sứ điệp là điều này: đối tượng của lòng từ bi thương xót chính là sự sống con người trong toàn thể. Và hiển nhiên, chính sự sống này bao gồm cả việc chăm sóc căn nhà chung. Vì thế tôi xin phép đề nghị một bổ túc cho danh sách truyền thống 7 công việc từ bi thương xót bằng công việc ”chăm sóc căn nhà chung”. Việc làm này thuộc về những công việc từ bi thương xót về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất”.

Sứ điệp của ĐTC kết thúc với lời nguyện, ”xin Chúa giúp chúng ta cứu giúp những người bị bỏ rơi và quyên lãng trên trái đất này, những người rất có giá trị trước mặt Chúa; xin Chúa ban cho chúng con ơn tha thứ và thông truyền lòng thương xót của Chúa trong toàn thể căn nhà chung của chúng con” (SD 1-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Gương chịu đựng bệnh ung thư với đức tin của cha Francisco Rencoret

Gương chịu đựng bệnh ung thư với đức tin của cha Francisco Rencoret

Cha Rencoret

Ngày Chúa Nhật 14 tháng 8 vừa qua, hàng trăm người đã tham dự Thánh lễ an táng của cha Francisco Rencoret, một Linh mục trẻ người Chilê, qua đời ngày 13 tháng 8 (2016), sau hơn một năm chịu đựng và chiến đầu chống lại căn bệnh ung thư phổi cách kiên cường và với đức tin mạnh mẽ. Cha hưởng dương 35 tuổi.

Trong Thánh lễ an táng, cha Andrés Ferrada, một vị huấn luyện đào tạo tại chủng viện Giáo hoàng Santiago đã chia sẻ: “Thiên Chúa trung thành với tình yêu không điều kiện của Ngài, bởi vì Ngài là Cha thương xót, bởi vì Thiên Chúa hiền dịu. Đây là những lời cuối cùng mà cha đã nói với ba của mình trước khi bước vào cánh tay của Thiên Chúa Cha: ‘Ba ơi đừng quên, Thiên Chúa dịu hiền’, và xác tín này xuất phát từ đức tin Cha đã nhận được từ trong gia đình, từ trong Giáo hội và nó nuôi dưỡng cha trong suốt cuộc sống của mình. Năm trước, Thiên Chúa đã cho cha thấy rằng các hoạt động cơ bản trong cuộc sống của cha và của sứ vụ Linh mục là ôm lấy Thánh giá. Vì vậy cha đã viết trong sổ tĩnh tâm thiêng liêng của cha: ‘Con chạy đến với Chuá, ôi Chúa Giêsu để ôm lấy Thánh giá’. Trong những tháng ngày này cha đã đón nhận Thánh giá với lòng can đảm, để Thiên Chúa là Thiên Chúa trong cuộc sống của cha, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự tha thứ của Ngài và trao ban sự tha thứ cho tất cả.” Đó là những lời có thể nói là tóm tắt con đường thiếng liêng của Cha Rencoret, đặc biệt trong những ngày chịu đựng cơn bệnh ung thư.

Cha Rencoret chịu chức năm 2013 và được gửi sang Roma để học Giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Gregoriana. Nhưng thật không may, cha đã phải bỏ dở chương trình học, rời Roma để trở về quê nhà điều trị ung thư, sau khi khám phá ra mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Trong những tuần trước đây, mọi người hy vọng cha sẽ hồi phục gia khi các xét nghiêm cho thấy một sự tiến triển đáng kể trong việc ngăn ngừa các tế bào di căn ở phổi đã được phát hiện trước đó. Nhưng cũng thật không ngờ, hai khối u não bất ngờ đã tước đi mạng sống của cha.

Vào giữa tháng 6, cha Rencoret bất ngờ nhân được điện thoại của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Thánh Cha nghe biết về bệnh tình của cha Rencoret và đã gọi để biết về tình hình sưc khỏe của cha, cũng như cho cha biết là Đức Thánh Cha đang cầu nguyện cho cha. Cha Rencoret cho biết là Đức Thánh Cha đã nâng đỡ, khuyến khích cha rất nhiều cũng như trao mang lại cho cha tình yêu Giáo hội. Cha Rencoret đã thưa với Đức Thánh Cha: “Con đang dâng những đau khổ của con để cầu nguyện cho ơn gọi, những khó khăn và đau khổ của Đức Thánh Cha”. Cha Rencoret đã sống những giây phút cuối đời trong sự bình an, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Cha Mauricio Valdivia, bạn học của cha Rencoret tại Đại chủng viện Giáo hoàng Santiago nói: “Tôi tin là cha Rencoret có thể hiều cách này hay cách khác, không phải là không khó khăn, Thiên Chúa ban cho cha món quà thời gian để cha chuẩn bị cho mình, và tôi tin là thời gian đã chín mùi để cha gặp Chúa. Cha đã cảm nghiệm sự tự phó mình đó khi cha nói cha muốn được cứu rỗi hơn là được chữa lành bệnh, và từ khía cạnh đó cha đã cảm nghiệm nó là một cơ hội đặc ân. Cha luôn rất bình an. Cha đã có thể chuẩn bị cho gia đình, trao cho họ sức mạnh và sự bình an. Tôi đã có cơ hội đi cùng cha đến bệnh viện, ở lại đó một đêm với cha và chúng tôi đã nói nhiều chuyện với nhau và xưng tội với nhau, trong món quà của tình bạn Linh mục, với sự thanh thản của con tim biết cách tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa”

Cha Valdivia nhớ lại, trong ơn gọi Linh mục của mình, cha Rencoret có một sự cảm thông đặc biệt với những người thấp bé, khốn khổ, cần giúp đỡ nhất. Không có một người ăn xin nào trong giáo xứ lại không biết cha Pancho. Cha giúp đỡ cho các người vô gia cư sống trên đường phố. Tại nơi đầu tiên cha Rencoret được bổ nhiệm đến, có một người nằm liệt giường, cha đã thu góp quần áo và các vật dụng mang đến cho người này. Cha cũng giúp như thế cho nhiều người khác nữa… Cha ao ước mang sự an ủi đến cho những người đau khổ và mang cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha Valdivia đánh giá cao tình bạn với cha Rencoret, cha nói: “Tình bạn với cha Rencoret là một phúc lành tôi nhận được và hôm nay tôi biết mình có một người anh em ở trên Nước Trời đang khẩn cầu cho tôi. Chúng ta cầu nguyện cho cha Rencoret nhưng cũng đặc biệt cầu nguyện cho cha mẹ và gia đình của cha vượt qua được nỗi đau thương mất mát người thân yêu và tìm được sự an ủi”. 

Vatican Radio

Đức Thánh Cha lập Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện

Đức Thánh Cha lập Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện

Đức Thánh Cha thành lập Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện

VATICAN. Hôm 31-8-2016, ĐTC đã thành lập Bộ Dịch Vụ phát triển nhân bản toàn diện (Dicastero per il Servizio dello Sviluppo Umano Integrale) và bổ nhiệm ĐHY Peter Turkson làm Bộ trưởng của cơ quan mới này.

Quyết định của ĐTC được trình bày trong tự sắc thành lập và được công bố hôm 31-8-2016 cùng với qui chế của Bộ tân lập.

Bộ Dịch Vụ phát triển nhân bản có thẩm quyền đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến di dân, những người nghèo túng, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, bị gạt ra ngoài lề và các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các tù nhân, người thất nghiệp cũng như các nạn nhân của bất kỳ hình thực nô lệ và tra tấn.

Qui chế của Bộ mới được phê chuẩn thử nghiệm, theo đó, từ ngày 1-1-2017 tới đây, thẩm quyền của 4 Hội đồng Tòa Thánh hiện nay sẽ tập trung vào Bộ Dịch Vụ phát triển nhân bản toàn diện, đó là Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Cor Unum (Đồng Tâm), mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế.

Kể từ ngày đó, 4 Hội đồng vừa nói sẽ ngưng hoạt động và bị bãi bỏ, cùng với các điều khoản từ số 142 đến số 153 của Tông Hiến Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành).

Theo qui chế mới, trong Bộ tân lập sẽ có một Phân Bộ đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của ĐTC đối với những người tị nạn và di dân. Thực vậy, ngày nay không thể có một dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện mà không đặc biệt quan tâm đến hiện tượng di dân. Vì thế, phân bộ này được tạm thời ở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ĐTC (Qui chế, art, 1,4).

ĐHY Peter Turkson, tân Bộ trưởng, người Ghana, năm nay 68 tuổi, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM thành phố Cape Coast hồi năm 1992 và được thăng Hồng y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình (31-8-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Cái nhìn của Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành tật bệnh

Cái nhìn của Chúa Giêsu giải thoát và chữa lành tật bệnh

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 31-8-2016

** Với cung cách hành xử tràn đầy thương xót của Ngài Chúa Giêsu chỉ cho Giáo Hội thấy lộ trình phải đi để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác cũng như trong tâm trí và phục hồi phẩm giá là con cái của Thiên  Chúa.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong buổi tiếp kiến tín hữu và du khách hanh hương sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa trình thuật phép lạ cho người đàn bà bị bệnh băng huyết được lành bệnh, như thánh sử Mátthêu trình thuật trong chương 9,20-22. Khi trông thấy Chúa Giêsu đi qua giữa đám đông, bà tới gần đàng sau Ngài để rờ vào gấu áo của Ngài. “Thật ra bà tự nhủ: nếu tôi chỉ thành công rờ vào áo choàng của Ngài thôi, tôi sẽ được lành” (c. 21). Biết bao đức tin phải không? Người đàn bà này có lòng tin biết bao! Bà lý luận như thế, bởi vì bà được linh hoạt bởi biết bao lòng tin và niềm hy vọng, và với một cử chỉ ma lanh, bà thực hiện điều có trong tim. Ước muốn được Chúa Giêsu chữa lành khiến cho bà vượt quá các điều lệ do luật lệ Môshê thiết định. ĐTC giải thích điểm này như sau:

Thật ra, người đàn bà đáng thương này đã bị bệnh từ nhiều năm, nhưng bà bị coi là ô uế vì bị bệnh băng huyết ( x. Lc 15,19-30) và vì thế bị loại trừ khỏi các buổi cử hành phụng vụ, khỏi cuộc sống hôn nhân, khỏi các tiếp xúc với người thân cận. Thánh sử Marcô cho biết thêm rằng bà đã gặp nhiều y sĩ, tiêu hao hết tiền của để trả cho họ và chịu các chữa trị đau đớn, mà bệnh tình chỉ tệ hạị hơn. Bà đã là một phụ nữ bị xã hội gạt bỏ. Thật là quan trọng chú ý tới điều kiện này – bị gạt bỏ – để hiểu tâm trạng của bà: bà cảm thấy rằng Chúa Giêsu có thể giài thoát bà khỏi bệnh và tình trạng bị gạt bỏ ngoài lề và bất xứng, trong đó bà đã phải sống từ nhiều năm qua. Tắt một lời: bà biết, bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể cứu bà.

Trường hợp này khiến cho chúng ta suy tư về sự kiện phụ nữ thường bị nhận thức và giới thiệu như  thế nào. Tất cả chúng ta, cả các cộng đoàn kitô nữa, đều được cảnh báo bởi các cách nhìn phụ nữ bị tiêm nhiễm các thành kiến và ngờ vực xúc phạm tới phẩm giá bất khả xâm phạm của họ. Trong nghĩa đó chính các Phúc Âm tái lập sự thật và tái dẫn đưa tới một quan điểm giải phóng. Chúa Giêsu đã khâm phục đức tin của người đàn bà đó, mà tất cả mọi người đều xa lánh, và Ngài đã biến niềm hy vọng của bà thành sự cứu rỗi.

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Chúng ta không biết tên của bà, nhưng ít hàng mà các Phúc Âm miêu tả cuộc gặp gỡ của bà với Chúa Giêsu vạch ra một lộ trình lòng tin có khả năng tái lập sự thật và phẩm giá cao cả của từng người. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô mở ra cho tất cả mọi người nam nữ thuộc mọi nơi và mọi thời con đường của sự giải thoát và cứu độ.

Phúc Âm thánh Matthêu nói rằng khi người đàn bà sờ vào áo choàng của Chúa Giêsu, Ngài “quay lại” và “trông thấy bà” (c 22) và nói với bà. Như chúng ta đã nói, vì tình trạng bị loại trừ của bà, bà ta đã hành động lén lút, sau lưng Chúa Giêsu, bà đã hơi sợ hãi, để không bị trông thấy, bởi vì bà đã là một người bị gạt bỏ. Trái lại, Chúa Giêsu trông thấy bà và cái nhìn của Ngài không phải là cái nhìn quở trách, Ngài không nói: “Cút đi, bà là một người bị gạt bỏ!”, làm như thể Ngài nói: “Bà là một người phong cùi, cút đi!”. Không, Chúa không quở trách bà. Nhưng cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của lòng thương xót và dịu hiền. Ngài biết điều đã xảy ra và tìm sự gặp gỡ cá biệt với bà, là điều mà chính người đàn bà ước muốn. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu không chỉ tiếp đón bà, mà còn cho rằng bà đáng có được cuộc gặp gỡ ấy đến độ làm quà cho bà lời Ngài và sự chú ý của Ngài nữa.

Trong phần hai của trình thuật từ “cứu” được lập lại 3 lần: “Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! " Đức Giê-su quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.” (cc.21-22).

Câu “can đảm lên con gái” – “can đảm lên, con gái” Chúa Giêsu nói – diễn tả tất cả lòng thương xót của Thiên Chúa đối với người ấy.  Và đối với từng người bị gạt bỏ, biết bao lần chúng ta cảm thấy mình bị gạt bỏ trong thâm tâm vì các tội lỗi của chúng ta, chúng ta đã phạm biết bao tội, chúng ta đã có biết bao tội… Và Chúa nói với chúng ta: “Can đảm lên! Hãy đến!”. Đối với Ta con không phải là một người bị gạt bỏ. Can đảm lên, con gái. Con là một con trai, một con gái”. Và đây là thời điểm của ơn thánh, là thời điểm của ơn tha thứ, thời điểm của việc hội nhập vào trong sự sống của Chúa Giêsu, vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đây là lúc của lòng thương xót. Ngày hôm nay với tất cả chúng ta, những người tội lỗi, chúng ta là những người tội lỗi  lớn hay tội lỗi nhỏ, nhưng tất cả đều tội lỗi, với tất cả chúng ta Chúa nói: “Can đảm lên, hãy đến !” Con không bị gạt bỏ: Ta tha cho con, Ta ôm con trong vòng tay”. Lòng thương xót của Thiên Chúa là thế đó. Chúng ta phải có can đảm đi đến với Ngài, xin lỗi Ngài vì các tội của chúng ta và tiến bước. Với lòng can đảm, như người đàn bà đã làm.

** Tiếp đến ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa da diện của sự cứu rỗi như sau:

Thế rồi, sự cứu rỗi có nhiều ý nghĩa: trước hết nó tái lập sức khỏe cho người đàn bà; rồi giải thoát bà khỏi các kỳ thị xã hội và tôn giáo; ngoài ra nó hiện thực niềm hy vọng mà bà đã mang trong tim, bằng cách hủy bỏ các sợ hãi và nỗi tuyệt vọng của bà; sau cùng nó tái trao ban bà cho cộng đoàn  bằng cách giải thoát bà khỏi sự cần thiết hành động lén lút. Điều cuối cùng này quan trọng: một người bị gạt bỏ luôn luôn làm một cái gì lén lút, vài lần hay trong suốt cuộc đời: chúng ta hãy nghĩ tới các người phong cùi thời đó, những người vô gia cư ngày nay… chúng ta hãy nghĩ tới các người tội lỗi, tới chúng ta tội lỗi, chúng ta luôn luôn làm cái gì đó lén lút… như thể chúng ta cần làm cái gì đó lén lút, và chúng ta xấu hổ vì điều chúng ta là. Và Chúa giải thoát chúng ta khỏi điều ấy. Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và nâng chúng ta đứng lên: “Hãy đứng dậy và đến. Hãy đứng lên”. Như Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta: Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta đứng trên hai chân, chứ không bị hạ nhục. Hãy đứng lên. Sự cứu rỗi mà Chúa Giêsu trao ban là sự cứu rỗi toàn vẹn, tháp nhập cuộc sống của người đàn bà vào trong bầu khí  tình yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời tái lập phẩm giá tràn đầy cho bà.

Kết luận, không phải cái áo choàng mà người đàn bà đã sờ vào cho bà sự cứu thoát, nhưng là lời của Chúa Giêsu, được tiếp nhận trong lòng tin, có khả năng an ủi bà, chữa lành bà, tái lập bà trong tương quan với Thiên Chúa và với dân Ngài. Chúa Giêsu là suối nguồn duy nhất của phước lành, từ đó nảy sinh ra ơn cứu độ cho tất cả mọi người, và đức tin là sự sẵn sàng nền tảng để tiếp nhận nó. Một lần nữa Chúa Giêsu cho thấy với cung cách tràn đầy thương xót của Ngài, Ngài chỉ cho Giáo Hội thấy con đường phải theo để gặp gỡ mọi người, để mỗi người có thể được chữa lành trên thân xác và trong tinh thần và tái chiếm được phẩm giá là con cái Thiên Chúa.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau. Với các nhóm nói tiếng Pháp, ngài nói: Kết thúc kỳ nghỉ hè tôi mời gọi anh chị em đặt để cuộc sống thường ngày dưới cái nhìn thương xót của Chúa, để Ngài ban cho từng người ơn chu toàn bổn phận và đem tình yêu của Chúa Kitô tới mọi người chung quanh.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ các nước Ai len, Malta, Philippines, Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc chuyến viếng thăm Roma củng cố tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và giúp họ trở thành các thừa sai của lòng thương xót Chúa, đặc biệt đối với những ai sống xa Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào các tín hữu đến từ Hoechstadt, Ostfildern và các học sinh trường trung học ĐHY Von Gallen tỉnh Muenster. Ngài chúc họ có những ngày hành hương tươi vui tại Roma.

Trong các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC chào các sinh viên trường Brasil, đoàn hải quân Brasil và tín hữu giáo phận Vitoria, và cầu chúc họ là các chứng nhân đem Tin Mừng và sự ủi an của Chúa tới cho mọi người.

Chào các tin hữu Ba Lan ĐTC khuyến khích mọi người đừng sợ hãi đến với Chúa với các khổ đau và yếu đuối của mình. Ngài cầu mong ơn thánh Chúa ban giúp họ tái khám phá ra phẩm giá là con cái Chúa.

ĐTC cũng chào các tín hữu tổng giáo phận Genova do ĐHY Angelo Bagnasco hướng dẫn, cũng như tín hữu giáo phận Melfi- Rapolla – Venosa do ĐC Gianfranco Todisco hướng dẫn, các đại chủng sinh giáo phận Milano và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương Năm Thánh sốt mến và gặt hái nhiều ơn lành của Chúa.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc tới thánh Gioan Tẩy Giả Giáo Hội mừng lễ ngày thứ hai vừa qua. Ngài cầu mong cuộc tử đạo anh hùng của thánh nhân giúp các bạn trẻ dấn thân sống Tin Mừng, người đau yếu can đảm tìm được sức mạnh và sự thanh thản nơi Chúa Kitô, và các cặp vợ chồng mới cưới sống kinh nghiệm niềm vui ủi an phát xuất từ việc tận hiến cho nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

Đức Thánh Cha gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ chuyên về bệnh tim

ROMA. Trưa ngày 31-8-2016, ĐTC Phanxicô đã đến chào thăm và gặp gỡ 35 ngàn bác sĩ, đến từ 140 quốc gia, tham dự Hội nghị thế giới về bệnh tim, nhóm tại khu vực Hội chợ ở Roma, gần phi trường Fiumicino.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC cho biết ”Giáo Hội đồng hành với các nhà khoa học trong con đường cam go là nghiên cứu về sự sống và sức khỏe con người, đồng thời cổ võ và nâng đỡ họ, vì Giáo Hội biết rằng điều gì góp phần vào thiện ích thực sự của con người, cũng là một hành động đến từ Thiên Chúa.”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”nguyên khoa học thiên nhiên và vật lý mà thôi không đủ để hiểu mầu nhiệm mà mỗi người hàm chứa trong mình. Nếu ta nhìn con người toàn diện, ta có thể có một cái nhìn đặc biệt khẩn trương đối với những người nghèo khổ nhất, những người kém may mắn và bị gạt ra ngoài lề, để họ cũng được săn sóc, được quan tâm và giúp đỡ qua các cơ cấu y tế công và tư nhân”.   Sau cùng, ĐTC cầu mong rằng điều quan trọng là nhà khoa học, trong khi cứu xét mầu nhiệm cao cả về cuộc sống con người, không để cho mình bị đè bẹp vì cám dỗ muốn bóp nghẹt sự thật (Xc Rm 1,18).

G. Trần Đức Anh OP

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Động lực đàng sau cử chỉ đẹp của Abbey D’Agostino tại Thế vận hội 2016

Abbey D’Agostino và Nikki Hamblin

Trong khi huy chương vàng Olympic là một thành công mà các vận động viên mơ ước, thì có một giải thưởng khác được trao cho một số nhỏ được chọn lựa. Hai vận động viên điền kinh Nikki Hamblin (người New Zealand) và Abbey D’Agostino (người Mỹ) không đạt huy chương vàng, đồng hay bạc, nhưng đã được trao huy chương Pierre de Coubertin, là huy chương được trao cho các vận động viên và nhân viên tiêu biểu cho tinh thần thể thao tại Thế vận hội mùa hè và mùa đông. Đó là huy chương về “fair play” – tinh thần thượng võ. Đây là huy chương được ví là khó đạt hơn cả huy chương vàng, vì chỉ riêng Michael Phelps, kình ngư của thế giới, đã đạt được tất cả 23 huy chương vàng, thì hai vận động viên này mới là người thứ 18 và 19 nhận huy chương này. Cặp đôi này đã trở thành đề tài trên báo chí tuần qua.

Mọi chuyện diễn ra vào ngày thứ 3, 17 tháng 8 vừa qua, trong cuộc thi chạy  vòng loại 5000 mét. Khi chỉ còn 2000 mét là đến đích thì hai vận động viên Hamblin và D’Agostino va chạm, cùng vấp và ngã xuống đất. D’Agostino đã đứng dậy trước nhưng cô không tiếp tục cuộc chạy ngay; thay vì đó, cô đã quay lại giúp Hamblin. Rồi khi D’Agostino quá đau không thể tiếp tục cuộc thi, đến lượt Hamblin đã đứng lại với D’Agostino một lúc để giúp cô đứng dậy. Cả hai đã kết thúc cuộc đua, nhưng D’Agostino phải đi khập khễnh trong 5 vòng cuối. D’Agostino và Hamblin đã ôm nhau cách thân thiết khi kết thúc vòng đua, và sau đó D’Agostino phải lên xe lăn rời vòng đua. Dù cả 2 thất bại trong vòng loại nhưng Ủy ban Olympic phán quyết là cả 2 được vào thi vòng chung kết do tinh thần thể thao của họ. Nhưng vào phút cuối D’Agostino đã không thể tham dự vòng chung kết vì chân vẫn còn đau.

Câu chuyện đẹp được khán giả trường đua chứng kiến và các khán giả khắp thế giới theo dõi qua các mạng truyền thông ngưỡng mộ, và các hãng tin toàn thế giới cũng đã tốn giấy mực cho cử chỉ đẹp đầy tinh thần thể thao này. Sau đó, D’Agostino đã chia sẻ về việc làm của mình: động lực và sức mạnh của hành động của cô chính là Thiên Chúa. Cô nói: “Dù hành động của tôi lúc đó là bản năng, cách duy nhất tôi có thể và lý luận đó chính là Thiên Chúa đã chuẩn bị trái tim tôi phản ứng theo cách đó. Cả thời gian ở đây Người cho tôi biết rõ là kinh nghiệm của tôi ở Rio sẽ có giá trị hơn là cuộc thi của tôi, và khi Nikki đứng lên tôi đã biết điều đó.”

Abbey D’Agostino 24 tuổi, lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cô đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn dành cho podcast “Running On Om” về việc chạy đua của cô, về những lo lắng chấn thương và về đời sống cầu nguyện. D’Agostino cho biết, cô thường dùng thời gian cầu nguyện của mình để suy gẫm về những điều Thiên Chúa đã làm trong cuộc sống của cô. Cô lắng nghe thánh ca, đọc Kinh thánh và viết nhật ký. Những điều này đưa cô đến một nơi khiêm nhường, nơi cô nhận ra vị trí của mình trước nhan Chúa. Khi vào cuộc thi chạy, cô nghĩ rằng sự tin cậy vào Chúa và sự hiện diện của Chúa Thánh Thấn sẽ thêm “năng lượng” cho cô, cách ý thức hay vô thức. Cô nói: “Tôi cảm thấy bình an khi nhận biết là mình không đang chạy với sức mạnh của mình”. Cô kết thúc cuộc thi chỉ với việc đón nhận Chúa Giêsu và nhận ra điều có ý nghĩa trong cuộc sống của cô.

Như các vận động viên khác, D’Agostino cũng lo sợ những chấn thương trong các cuộc thi. nhưng chính sự tín thác vào Thiên Chúa giúp cô vơi bớt những lo lắng trước các cuộc thi quan trọng. Cô nói: “Cho dù kết quả cuộc thi thế nào tôi sẽ chấp nhận nó. Tôi rất biết ơn và chỉ rút lấy những điều mà tôi cảm thấy nó bày tỏ rõ ràng việc làm của Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi.” D’Agostino cho biết những lần chấn thương trước đã thúc đẩy cô cậy dựa vào Thiên Chúa trong cách thế mà cô chưa bao giờ có trước đó. Trên lý thuyết, cô biết tín thác vào Thiên Chúa là cách duy nhất mình có thể cảm thấy bình an, vui mừng và thỏa mãn mà Người ban cho, nhưng kinh nghiệm điều này và rơi vào trong một tình trạng mà đức tin bị thử thách thì lại là một vấn đề khác. Sau những chấn thương, những lần cảm thấy cô đơn và mất tự tin đã làm cô phải xét mình; mình có thực sự tin cậy vào Thiên Chúa, để Thiên Chúa kiểm soát và làm vinh danh Thiên Chúa qua thể thao hay không. Nếu thời gian có thể quay lại, cô muốn được trò chuyện với Mẹ Têrêsa, một người rất đặc biệt với cô. (CAN 17/8/2016)

Hồng Thủy

Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

ĐHY Angelo Bagnasco, chủ tịch HĐGM Italia

Văn phòng Truyền thông Quốc gia của Hội đồng Giám mục Italia loan báo: số tiền 3.5 triệu euro trích từ ngân quỹ 8/1000 sẽ được dùng để giúp các người tị nạn Syria.

Ngân quỹ 8/1000 là số tiền nhà nước Italia trích 8 phần ngàn từ khoản tiền thuế của người dân Italia và cung cấp cho các Giáo hội tại Italia.

Đoàn chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia đã phân bổ số tiền khoảng hai triệu Euro giúp cho các người tị nạn Syria, thuộc các Giáo hội Kitô Canđê, Công giáo Sirô và Chính thống Sirô, chạy trốn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê, tìm được chỗ trú ngụ tạm thời trong các ngôi nhà gạch mà Giáo phận Canđê Erbil thuê.

Số tiền một triệu sáu trăm ngàn euro khác được sử dụng để cung cấp thực phẩm, trợ giúp y tế và các nhu yếu phẩm cho hơn 12 ngàn gia đình của cộng đồng Kitô giáo Aleppo, thông qua các cha dòng Phanxicô và Hiệp hội pro Terra Sancta.

Cả hai khoản tiền sẽ được giải ngân trong hai lần; lần thứ hai sẽ chỉ được thực hiện sau khi các tài liệu được đệ trình chứng minh kết quả tích cực trong lần thứ nhất. (SD 29/08/2016)

Hồng Thủy

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gặp người sáng lập Facebook

Vatican – Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Mark Zuckerberg, sáng lập viên và CEO của Face book, và vợ của ông, vào sáng thứ 2 hôm nay, trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican.

Thông cáo của phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: Đức Giáo hoàng và ông Zuckerberg đã nói chuyện với nhau về cách thế sử dụng các kỹ thuật truyền thông để xoá bớt nghèo khổ, khuyến khích một nền ván hóa gặp gỡ và giúp chuyển đạt một sứ điệp của hy vọng, đặc biệt cho những người bị thiệt thòi nhất”.

Ông Zuckerberg đã viết trên Facebook: “Priscilla và tôi đã có vinh dự gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican. Chúng tôi đã kể với ngài chúng tôi rất ngưỡng mộ sứ điệp thương xót và hiền dịu của ngài và cách ngài tìm ra những cách thức mới để giao tiếp với con người của mọi tôn giáo trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng nói về tầm quan trọng của việc nối kết con người, đặc biệt tại những phần trên thế giới mà người ta không có kết nối internet”.

Hai vợ chồng ông Zuckerberg đã tặng Đức Giáo Hoàng một mẫu Aquila, là một máy bay nhỏ sử dụng năng lượng mặt trời để phân phát kết nối internet đến những vùng không có kết nối.

Ông chia sẻ them: “Chúng tôi còn chia sẻ về hoạt động của sáng kiến Chan Zuckerberg nhắm giúp con người trên toàn thế giới”.

Và ông kết luận: “Đó là một cuộc gặp gỡ mà chúng tôi không bao giờ quên. Bạn có thể cảm thấy sự ấm ấp và tử tế của ngài và trong tim ngài lòng muốn sâu sắc giúp đỡ con người.” (SD và AGI 29/08/2016)

Hồng Thủy