Bốn năm giáo hoàng của Đức Phanxicô

Bốn năm giáo hoàng của Đức Phanxicô

Ngày 13 tháng 3 vừa qua là kỷ niệm 4 năm Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Phanxicô. Nhân dịp này chương trình Ý ngữ đài Vaticăng đã phỏng vấn ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung bài phỏng vấn này.

Hỏi: Thưa ĐHY, ĐHY có kỷ niệm gì về biến cố Mật nghị Hồng Y bầu Đức  Jorge Mario Bergoglio làm Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội công giáo hối tháng 3 năm 2013?

Đáp: Ngày 13 tháng 3 hồi ấy tôi không ở Roma, nhưng còn là Sứ Thần Toà Thánh tại Caracas bên Venezuela. Tin tức đã đến với chúng tôi lúc giữa trưa, trong khi ở Roma thì đã là ban chiều. Dĩ nhiên điều đầu tiên tôi nghe được đã là một ngạc nhiên  lớn đối với tên gọi, đối với việc bầu Đức Hồng Y Bergoglio, mà tôi đã nghe nói tới nhưng người ta đã không thấy trước trong lúc đó là ngài sẽ là đức Tân Giáo Hoàng, ít nhất là báo chí đã không giới thiệu ngài giữa các vị “có thể là Giáo Hoàng”. Vì thế đó đã là một ngạc nhiên, tên gọi “Phanxicô” cũng là một ngạc nhiên nữa, vì nó đã không có trong loạt tên của các Giáo Hoàng, và theo tôi nó đã nhận diện ngay lập tức các đặc tính của vị Tân Giáo Hoàng. Thế rồi trong diễn văn của ngài, được nói với sự đơn sơ biết bao, với biết bao an bình, thanh thản; đã đánh động tôi nhất là sự tín thác lẫn nhau, sự kiện ngài đã tín thác nơi dân chúng và xin lời  cầu nguyện của họ, “dân thánh của Thiên Chúa”, như ĐTC Phanxicô thích nói, để Thiên Chúa chúc phúc cho ngài. Đàng khác, đó cũng là sự tín thác của vị mục tử cho dân Chúa, và của dân Chúa cho mục tử và của mục tử cho dân Chúa và tất cả cùng nhau tín thác cho Thiên Chúa. Từ đó nảy sinh ra hình ảnh này của Giáo Hội là một cộng đoàn cùng nhau tiến bước , mục tử và dân Chúa, với lòng tin tưởng và tín thác tất cả mọi người cho lời cầu nguyện, và như thế cho ơn thánh và lòng thương xót của Chúa.

Hỏi: Ngay trong các lần phát biểu công khai đầu tiên, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh trên sự kiện “Giáo Hội đi ra”, Giáo Hội bước đi. Kiểu công nghị này, quan điểm mà Đức Giáo Hoàng rất lưu tâm này đang được khẳng định trong nhiều bình diện của Giáo Hội, có phải thế không thưa ĐHY?

Đáp:  Đương nhiên nó là một lộ trình dài, một con đường tiệm tiến, một con đường mà chúng ta có thể nói đã bắt đầu với Công Đồng Chung Vaticăng II, mà ĐTC Phanxicô muốn là người tiếp tục áp dụng vào trong cuộc sống của Giáo Hội. Đối với tôi xem ra quan trọng, việc Giáo Hội tiến bước, Giáo Hội rộng mở: một Giáo Hội rộng mở trước hết đối với Chúa, một Giáo Hội đi ra hướng tới Chúa của mình, hướng tới Chúa Giêsu Kitô. Chính vì Giáo Hội đi ra hướng về Chúa Giêsu Kitô, nên cũng có thể đồng hành với dân chúng, gặp gỡ dân chúng, đồng hành với dân chúng trong thực tại cuộc sống thường ngày của họ. Đối với tôi đây là điều rất quan trọng,  và xem ra lộ trình này phải được làm cùng nhau. Đó là tính cách công nghị! Giáo Hội bước đi được làm cùng nhau, nhưng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Như thế một Giáo Hội được hiệp nhất lại bởi Thần Khí, trong đó mỗi người chú ý tới tiếng nói của Thần Khí, và mỗi người để chung lại các ơn mà Chúa Thánh Thần ban cho để thực hiện sứ mệnh này.

Hỏi: Thưa ĐHY, Năm Thánh Lòng Thương Xót đã kết thúc, nhưng lòng thương xót  vẫn là đà chính của Triều đại giáo hoàng này, như huy hiệu giám mục của Đức Jorge Mario Bergoglio nhắc nhớ. ĐHY trông thấy các hoa trái phong phú nhất của việc liên tục nhắc nhở này của ĐTC đối với chiều kích của lòng thương xót, của sự hiền dịu của Thiên Chúa như thế nào?

Đáp:  Tôi muốn nói rằng việc nhấn mạnh trên lòng thương xót này không phải là một sở thích cá nhân của ĐTC cho bằng nó là trung tâm sự chú ý trên Mầu nhiệm nền tảng là tình yêu của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ không là gì khác hơn là lịch sử của mạc khải  tình yêu, của lòng thương xót và sự hiền dịu của Thiên  Chúa đối với nhân loại. Và ĐTC đã nhắc nhớ chúng ta về trung tâm này, về suối nguồn này. Tôi tin rằng nỗ lực của Giáo Hội phải là nỗ lực làm trung gian, làm con kênh của cuộc gặp gỡ này giữa lòng thương xót của Thiên Chúa với con người ngày nay trong thực tại cụ thể của nó, trong các niềm vui và các khổ đau, trong các an ninh và cả trong các yếu đuối và nghi ngờ của nó nữa. Năm Thánh Lòng Thương Xót đã là một cống hiến mà ĐTC đã trao ban cho Giáo Hội, để trở thành dụng cụ của lòng thương xót. Một cách đúng đắn như chính ngài đã nói, Cửa Thánh được khép lại, nhưng cửa lòng thương xót luôn luôn rộng mở! Liên quan tới các hoa trái của Năm Thánh tôi muốn nêu bật hai điều. Thứ nhất, từ phía nhiều kitô hữu, nhiều người đã được rửa tội, là việc tái khám phá ra Bí tích Giải Tội như Bí Tích lòng thương xót của Thiên Chúa, trong đó Chúa Giêsu cho chúng ta sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa Cha, ơn tha thứ các tội lỗi và tất cả tình yêu của Ngài đối với chúng ta. Tôi đã nghe từ nhiều phía nói rằng đã có một thức tỉnh của Bí Tích này và biết bao nhiêu người đã đến với Bí Tích Giải Tội. Chúng ta hy vọng rằng sự thức tỉnh này tiếp tục, và được thực sự diễn tả ra qua việc thường xuyên lãnh Bí Tích Hoà Giải. Thứ hai là sự chú ý tới các tình trạng nghèo túng, thiếu thốn. ĐTC đã cho chúng ta thấy, nhất là bằng các cử chỉ, việc thực thi lòng thương xót, và cũng là một trong các điều được xin một cách cấp thiết trong Mùa Chay: sự hoán cải nảy sinh từ việc thực thi các công tác bác ái huynh đệ. Và vì thế tái chú ý tới những người gặp khó khăn, người nghèo, người bị gạt bỏ ngoài lề xã hội, chú ý tới tất cả những ai cần sự trợ giúp và gần gũi. Xem ra có biết bao nhiêu sáng kiến. Tôi tin rằng cả điều này nữa cũng là một chiều kích cần tiếp tục nhấn mạnh.

Hỏi: Trong năm thứ tư của Triều đại giáo hoàng, đặc biệt với việc công bố Tông huấn hậu thượng hội đồng giám mục “Niềm vui yêu thương – Amoris laetitia”, trong lãnh vực công giáo cũng đã nổi lên các chỉ trích, các không hiểu, nếu muốn nói như thế, đối với Huấn quyền của ĐTC Phanxicô. ĐHY có thể đọc hiểu nó như thế nào?

Đáp: Trước hết tôi xin nói rằng hãy nhìn Tông huấn “Amoris laetitia” như là một món quà ĐTC ban tặng cho chúng ta. Tôi nhớ là ĐTC, ngay từ đầu, trước khi Thượng hội đồng giám mục về gia đình bắt đầu, ngài đã nói: “Thượng Hội Đồng Giám Mục này phải làm sáng lên Tin Mừng của gia đình”. Và Tin Mừng của gia đình một đàng có nghĩa là chương trình của Thiên Chúa đối với gia đình, chương trình mà Thiên  Chúa đã quan niệm từ đời đời đối với gia đình và đồng thời cũng là các điều kiện thực tế trong đó gia đình này sống: một gia đình bị ghi dấu bởi tội tổ tông như tất cả thực tại nhân loại. Vì thế tôi tin rằng Tông huấn “Amoris laetitia” đã và đang trao ban một sức đẩy lớn cho mục vụ gia đình, như tôi đã nghe nhiều người nói. Tông huấn đang sản xuất các hoa trái đích thực của việc canh tân và đồng hành với các hoàn cảnh gia đình giòn mỏng. Liên quan tới các chỉ trích phê bình, thì trong Giáo Hội đã luôn luôn có! Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Tôi tin là chính ĐTC đã cho chúng ta chià khoá đọc hiểu chúng: nghĩa là, đó phải là các phê bình chỉ trích chân thành, muốn xây dựng, và khi đó chúng giúp tiến tới, chúng cũng giúp cùng nhau tìm ra cách ngày càng hiểu biết hơn ý muốn của Thiên Chúa và áp dụng nó.

Hỏi: Thưa ĐHY, ĐTC Phanxicô cũng đang bắt đầu việc cải cách sâu rộng các cơ quan trung ương Toà Thánh. Thế rồi ngài cũng thường nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều cần một cuộc cải cách, nếu chúng ta muốn, một cuộc cải cách quan trọng hơn nhiều, đó là “cải cách con tim”. Và trong Tông huấn “Evangelii gaudium Niềm vui Phúc Âm” ĐTC khẩn nài “một cuộc cải cách Giáo Hội đi ra truyền giáo”. Tại sao tiến trình cải tổ này lại quan trọng đối với ĐTC như vậy, vì ngài liên tục nhắc nhở trong biết bao nhiêu lãnh vực như thế?

Đáp: Trong lịch sử, rồi Công Đồng lấy lại, “Giáo Hội luôn luôn canh cải!” Nó là một chiều kích nền tảng của Giáo Hội, chiều kích ở trong một tiến trình cải tổ, “hoán cải”, để dùng từ của Phúc Âm. Và thật đúng đắn là như vậy, thật cần thiết là như thế. ĐTC tha thiết nhắc nhớ cho chúng ta biết điều đó, để Giáo Hội luôn ngày càng trở nên chính mình hơn, ngày càng trở nên trung thực hơn, gỡ đi các cáu bẩn chồng chất lên trên con đường lịch sử, và thực sự rạng ngời như sự trong sáng của Tin Mừng. Tôi sẽ nói rằng một cách nền tảng đó là ý nghĩa của cuộc cải tổ, và chính vì vậy mà ĐTC nhấn mạnh trên “việc cải cách con tim”. Mọi cuộc canh cải cần thiết cả trên bình diện cơ cấu – trên bình diện các cơ quan trung ương Toà Thánh đang có các thay đổi cho việc canh tân – tuy nhiên tất cả khởi hành từ con tim, tất cả khởi hành từ nội tâm. Do đó, thật là đúng đắn khi ĐTC nhấn mạnh trên điều này. Tôi muốn nói rằng, thật là quan trọng, ngoài ra chính ĐTC nói thế, bằng cách nhấn mạnh trên “việc cải cách con tim”: không phải các tiêu chuẩn hoạt động hữu hiệu hướng dẫn cuộc cải tổ này, nhưng là một cách sâu rộng hơn các tiêu chuẩn của một cuộc trở lại đích thật của con người với Thiên Chúa và một biểu lộ trung thực của bản chất thật của Giáo Hội.

Hỏi: Thưa ĐHY, ĐHY là cộng sự viên thân tín gần gũi nhất của ĐTC. Việc ở gần ĐTC Phanxicô trong các năm qua đã đang trao ban cho ĐHY điều gì trên bình diện cá nhân, trước hết như là kitô hữu, rồi như là Quốc Vụ Khanh Toà Thánh?

Đáp: Tôi thật cảm tạ Chúa. Điều đánh động tôi nhất nơi ĐTC Phanxicô chính là kiểu ngài đọc hiểu các sự vật, các hoàn cảnh dưới ánh sáng đức tin, từ nó nảy sinh ra một sự thanh thản lớn lao. Chính ĐTC đã nói lên điều đó nhiều lần, nhưng tôi sống kinh nghiệm trong việc tiếp xúc với ngài: Sụ thanh thản nền tảng ấy trước các tình trạng, cả khi khó khăn nhất, phức tạp nhất – và có biết bao nhiêu tình trạng như thế gây khắc khoải âu lo – khả năng nhìn các sự việc với sự thanh thản, và biết rằng các sự việc ở trong tay Thiên Chúa, và vì thế tiến bước  với sức mạnh, với lòng can đảm. Và điều này trợ giúp tôi rất nhiều cả trong việc thi hành các trách nhiệm  và vai trò của tôi nữa.

(SD 12-3-2017)

Linh Tiến Khải

Tòa Thánh trợ giúp tài chính cho 968 người di tản ở Bangui hồi hương

Tòa Thánh trợ giúp tài chính cho 968 người di tản ở Bangui hồi hương

Bangui, Trung phi – Tổ chức Caritas đã giúp tài chính để hồi hương cho 968 người di tản được trung tâm Gioan XXIII ở Bangui đón tiếp.

Nguồn tài trợ cần thiết này được phân bổ bởi Tòa Thánh với số tiền 80 triệu franc châu Phi, khoảng gần130 ngàn euro.

Dự án của Vatican không chỉ tài trợ trung tâm Gioan XXIII mà cả các trung tâm đón tiếp người tị nạn khác, những người buộc phải chạy trốn các cuộc giao tranh trong những giai đoạn khốc liệt của cuộc nội chiến.

Theo ông Marcel Bendo, phụ trách các chương trình của Caritas, số tiền này giúp cho 371 gia đình.

Các người di tản tại giáo xứ Đấng Cứu Thế và tại chủng viện thánh Marc de Bimbo đã nhận được số tiền giúp họ hồi hương.

Sự đóng góp của Vatican giúp các người tị nạn hồi hương đã giúp đóng cửa trung tâm đón tiếp gần sân bay Bangui và các nơi khác tại thủ đô.

Vào tháng 2/2017, số người tị nạn tại các trung tâm đón tiếp của Bangui là 125,933 người so với 138,415 người trong tháng 3/2016. (Agenzia Fides 15/3/2017)

Hồng Thủy

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Nhận định của ĐHY Nichols về việc truyền chức linh mục cho người có gia đình

Hôm 11/03, đại hội “Flame 2017” (Ngọn lửa 2017) được CYMEvents và Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales tổ chức tại sân vận động Wembley ở Luân đôn, thủ đô Anh quốc, với sự tham dự của gần 10 ngàn người trẻ. Chủ đề của đại hội là 10 ngàn lý do, khuyến khích người trẻ là một phần của 10 ngàn lý do để tin, để hy vọng và cầu nguyện.

Trong sứ điệp gửi cho đại hội, Đức Thánh Cha hy vọng đại hội Flame 2017 sẽ "thúc đẩy sự nhiệt tình hơn nữa" để "đốt sáng những con đường mở ra những chân trời mới có khả năng loan truyền niềm vui. Đức Hồng Y Charles Bo của Myanmar khuyến khích người trẻ can đảm tạo nên khác biệt trong chính xã hội của họ và bên ngoài nữa. Tương trợ và đón tiếp người tị nạn cũng là một trong những chủ đề chính của sự kiện. Đức Hồng Y Nichols đã cầu nguyện cho khoảng 10 ngàn người tị nạn chết ở biển Địa trung hải.

Trong dịp này, Đức Hồng Y Nichols cũng nhận định về việc Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong bài phỏng vấn dành cho tờ báo tiếng Đức Die Zeit, nói rằng Giáo hội nên xét xem Chúa Thánh Thần có đang yêu cầu các linh mục kết hôn không. Theo Đức Hồng Y, truyền thống vững chắc về luật độc thân của linh mục không thay đổi dù cho Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng Giáo hội nên suy tư về việc truyền chức cho những người có gia đình. Đức Hồng Y nghĩ rằng ý kiến của Đức Giáo hoàng cho thấy ngài có một tinh thần mở ra với những soi sáng của Chúa và Đức Hồng Y nghĩ là Đức Giáo hoàng muốn nói đến một sự cởi mở để tìm ra các giải pháp. Đức Giáo hoàng không nói là “tôi muốn có các Linh mục kết hôn, tôi muốn các nữ phó tế. Ngài đang nói “chúng ta đừng sợ!”

Đức Hồng Y khen ngợi đường hướng cởi mở này, nó cho thấy Đức Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tốt, ngài đưa ra điều tốt nhất cho dân, trái ngược với những lãnh đạo kém cỏi, nói về sợ hãi. Đức Hồng Y nói thêm: “Chúng ta có một truyền thống vững mạnh và chắc chắn, vì thế chúng ta có thể khám phá  các vấn đề. Chúng tôi cảm thấy thoải mái. Đối với chính tôi, tôi không thấy các sự việc đang thay đổi.”

Theo Đức Hồng Y Nichols, dù đã có một số người kết hôn làm linh mục ở Anh, điều đó không có nghĩa là nó là một luật phổ biến. Ngài nói: “Điều mà sự kiện này dạy chúng ta là hôn nhân không phải là một giải pháp cho vấn đề, nó là một thách đố.” Ý tưởng về linh mục có giáo xứ thay vì có một gia đình là một điều quan trọng đối với Đức Hồng Y. Ngài nói: “Tôi nghĩ truyền thống về một linh mục, đến và dâng hiến trọn cuộc đời cho Giáo hội rất có ý nghĩa đối với những người trên đường phố. Họ nói: ‘đó là linh mục của chúng ta. Không của ai khác. Đó là của chúng ta’. Họ biết linh mục ở đó là vì họ.”

Nói về thách đố của các ơn gọi, Đức Hồng Y cho rằng vấn đề nằm ở bản chất chóng qua của thế giới hiện đại. Ngài nhận định: “Ngày nay vấn đề khó khăn hơn cho người ta để làm một dấn thân dài hạn, khi họ còn trẻ và khi họ lớn tuổi hơn. Có rất nhiều người có thể đã nghĩ rằng dâng hiến cuộc đời trở thành linh mục hay tu sĩ là một điều vĩ đại, và lịch sử nói với chúng ta điều này là thật. Lịch sử đã bị biến đổi bởi hoạt động của những người có đức tin sâu sắc và một cuộc sống với lòng đạo lâu dài. Ngày nay nó thật khó khăn khi mọi sự dường như chỉ là tạm thời.

Tại giáo phận Westminster có 8 chủng sinh sẽ được truyền chức mùa hè này và 4 tân tập sinh trong đại hội tu sĩ mới đây. Đức Hồng Y kể: “Tôi đã chia sẻ thời gian với các tu sĩ và họ là những người hạnh phúc nhất, những người vui mừng nhất. Người ta tự hỏi làm sao bạn có thể hạnh phúc nếu bạn phải im lặng, nhưng họ có sự bình an nội tâm. Đó là sức mạnh.”

Đức Hồng Y cũng  khen ngợi những sự kiện như đại hội Flame vì nó cho người trẻ cơ hội để xem xét họ đang được mời gọi làm gì. Ngài nói: Tôi mong có những cơ hội như Flame và các cơ hội cho người trẻ thinh lặng. Có một khoảng trống trong mỗi người mà cuối cùng chỉ có Chúa có thể lấp đầy. Chúa có kế hoạch cho mỗi người, nó được viết ở trong nội tâm chúng ta. Chỉ khi tiến trình đó bắt đầu, chúng ta tìm ra ơn gọi của mình. Thỉnh thoảng người ta đồn rằng Kitô giáo chấm dứt ở đất nước này và nó không đúng. Các bạn có thể thấy điều đó.” (Catholic Herald 13/03/2017)

Hồng Thủy

Cha Alberto Gaton tham gia cứu sống hàng ngàn người di cư ở Địa trung hải

Cha Alberto Gaton tham gia cứu sống hàng ngàn người di cư ở Địa trung hải

Mỗi ngày có hàng trăm người tị nạn, vượt biên từ nhiều nơi ở châu Phi, cố gắng vượt Địa trung hải trên những chiếc thuyền dã chiến, tạm thời, bằng cao su hay gỗ, với hy vọng đến được châu Âu. Những cơn bão lớn thường xảy đến và nếu không được cứu giúp, thì những người di cư này sẽ bị chết chìm trong lòng biển cả. Tổ chức Sophia, một tổ chức chống buôn lậu người di cư ở Địa trung hải, được thành lập nhằm tranh đấu, chống lại các băng đảng maphia buôn người ở Địa trung hải và giúp cứu vớt những người trên biển, bởi vì họ là những người nghèo.

Hộ tống hạm Navarra là một con tàu Tây ban nha thuộc Hội Sophia, chống lại việc buôn người bằng cách cứu người ở Địa trung hải. Cha Alberto Gaton là tuyên úy của con tàu có 208 thủy thủ đoàn này. Cha Gaton được thụ phong Linh mục vào tuổi 29. Sau khi thi hành sứ vụ tại thành phố Santander của Tây ban nha, rồi đến thành phố Roma và cuối cùng là Hoa kỳ, theo lời khuyên của Giám mục, cha Gaton đã quyết định gia nhập quân đội, khi cha đã 45 tuổi. Hiện tại cha là tuyên úy trưởng của quân khu miền nam. Cha Gaton cho biết là tàu của cha đang cộng tác để cứu những người bị bọn maphia bỏ mặc cho sống chết trên biển cả. Con tàù Frigate Navarra cùng với các tổ chức phi chính phủ và các lực lượng hải quân châu Âu hoạt động để cứu vớt người trên biển.

Trong vòng 5 tháng qua, từ tháng 9 năm 2016 đến tháng 1 năm 2017, đội cứu hộ của cha Gaton đã cứu được hơn 3 ngàn người. Cha cho biết 70% những người tị nạn là các Kitô hữu chạy trốn cuộc bách hại tại quê hương của họ. Họ chạy trốn nhóm Hồi giáo Boko Haram ở Nigieria, chạy trốn khỏi những kẻ khủng bố, khỏi tình cảnh  của quê hương họ.

Cha Gaton nhớ lại chuyến cứu hộ đầu tiên: khi những người vượt biển được cứu lên tàu, họ nhảy múa ca hát. Đó là một ngày hạnh phúc vì không có ai bị chết. Thật là tuyệt vời khi nhìn thấy những người được cứu an toàn và múa hát. Nhưng mà niềm vui của những ngày như thế bị tàn lụi bởi nỗi buồn sâu xa khi thấy thế giới này đã đi đến sự ác đến mức nào, khi họ để cho các trẻ em, những phụ nữ mang thai đi trên những con thuyền như những cái hộp giày, như những chiếc quan tài dập dềnh trên nước, mà số phận của họ chỉ hoặc là được cứu hoặc là chết. Khi cứu được các người tị nạn, điều đầu tiên nhóm cứu hộ cần làm là chữa trị các vết thương, cho họ ăn thứ gì đó, và chống việc mất nước. Đồng thời cha Gaston luôn luôn ở đó với các gia đình và các người bệnh.

Một lần, một phụ nữ xin cha chúc lành cho bà và đứa bé gái đi cùng bà. Cha của bé gái đã mất tích trước khi tàu được cứu và bây giờ bà cụ già phải chăm sóc cho bé gái. Bà chỉ xin cha chúc lành cho họ. Cha đã cùng với họ  cầu nguyện trong trạm y tế. Một lần khác, một mục sư Tin lành đã trốn khỏi quê hương vì bị bách hại. Cha Gaston đã giúp cho mục sư này mọi sự mà cha có thể làm. Cha Gaton cho biết, hầu như những người tị nạn không xin gì về vật chất, họ chỉ xin một lời cầu nguyện và một nụ cười.

Cha Gaton cho biết công việc của một tuyên úy thật khó khăn, vì “bạn đối diện với cái chết, với đau khổ, với bạo lực. Nếu bạn đi xa nhà và vị Linh mục giới thiệu cha như là một bạn cùng tàu mà các tín hữu cũng như những người ngoại đạo có thể trút gánh nặng của họ, họ có thể nói chuyện và chia sẻ những điều mà họ không thể làm với các sĩ quan của con tàu. Thêm vào việc thực hiện công việc như các thủy thủ khác, công việc đặc biệt của cha là “ở với các giáo dân mà không được quên mình là một quân nhân, nhưng lại trao ban chính mình như một Linh mục.”

Mỗi ngày trên tàu đều có Thánh lễ, nhưng vì không có nhà nguyện, nên Thánh lễ được dâng trên boong tàu. Nếu thời tiết xấu, thì cha sẽ dâng lễ bên trong tàu. Một giây phút đặc biệt cảm động nữa đối với cha Gaton, chính là giờ kinh chiều, được dâng lên Thiên Chúa của thời tiết an lặng cũng như giông bão, mỗi chiều khi mặt trời lặn. Ngay cả những người vô thần cũng tham dự giờ kinh này khi có trận bão giông hoặc khi họ có người thân đau bệnh.

Trong những tháng lênh đênh trên biển với tàu Frigate Navarra, cha Gaton đã cử hành một nghi lễ rước lễ lần đầu, một vài thủy thủ kết hôn hay học các lớp chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức. Cha chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi luôn luôn nói rằng, ở trên biển, những người vô thần trở thành ngộ đạo; người ngộ đạo trở thành người Công giáo không thực hành, và người Công giáo không thực hành, ít nhất là trong một thời gian, thực hành đạo. Đó là kinh nghiệm của tôi.” (CNA 16/02/2017)

Hồng Thủy

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Tổng giáo phận Oklahoma loan báo lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother

Washington – Ngày 13/03 vừa qua, tổng giáo phận Oklahoma City đã loan báo về lễ phong chân phước cho cha Stanley Rother, một linh mục sinh quán tại giáo phận, tử đạo tại Guatemala vào năm 1981.

Đức tổng giám mục Paul S. Coakley đã nhận được tin chính thức từ Roma: Tôi tớ Chúa, cha Stanley Rother, sẽ được phong chân phước tại Oklahoma City vào ngày 23/09 năm nay.

Tháng 12 năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận cuộc tử đạo của cha Rother và cha trở thành vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa kỳ.

Đức tổng giám mục Coakley nói với nhật báo Oklahoma là Đức Hồng y Angelo Amato, tổng trưởng bộ Phong thánh sẽ đại diện Đức Thánh Cha tại lễ phong thánh.

Cha Stanley Rother được tổng giáo phận Oklahoma gửi đi truyền giáo ở Santiago Atitlan, Guatemala vào năm 1968. Trong thời gian ở đây, cha đã giúp xây một bệnh viện nhỏ, một trường học và một đài phát thanh Công giáo đầu tiên ở Guatemala.

Năm 1981, khi Guatemala đang ở trong thời kỳ xung đột kéo dài hàng thập kỷ, cha Rother sống trong một vùng nông thôn của người bản xứ và bị chính quyền kết án có cảm tình với quân nổi loạn, đã chịu chung số phận với các giáo dân và người Guatemala bản xứ, cha bị bắn tại nhà xứ.

Cha Rother là một trong khoảng 200 ngàn người bị giết trong cuộc nội chiến ở Guatemala, kéo dài từ năm 1960 và kết thúc với hiệp định hòa bình vào năm 1996. (CNS 13/03/2017)

Hồng Thủy

Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông

Hoán cải là học làm việc tốt cụ thể chứ không chỉ là nói xuông

Xa tránh điều ác, học làm điều thiện và tiến gần đến Thiên Chúa. Đó là hành trình hoán cải của Mùa Chay. Đó là cuộc hoán cải với những hành động cụ thể chứ không chỉ nói xuông. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Xa tránh điều ác và học làm điều thiện, đó là cả một hành trình

Chúng ta đừng ở mãi trong những điều xấu xa, nhưng hãy dần xa lánh những gì độc hại cho linh hồn. Từ đó, điều ác ngày càng nhỏ lại, và chúng ta dần học làm điều thiện.

Thật không dễ để làm điều thiện. Chúng ta phải học để làm điều thiện. Chúng ta cần học luôn luôn. Và Chúa sẽ dạy chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta phải học! Giống như trẻ em! Trên hành trình cuộc đời, và hành trình của đời sống người Kitô, chúng ta cần học mỗi ngày, học mọi ngày, học từng ngày. Bạn phải học làm điều gì đó, điều gì đó tốt hơn ngày hôm qua. Học hỏi, học tập. Ra khỏi sự ác và học làm sự thiện: đó là quy luật của hoán cải. Bởi vì cuộc hoán cải không phải theo kiểu một nàng tiên với chiếc đũa thần biến hóa chúng ta. Không như thế! Hoán cải là cả một hành trình. Đó là hành trình để rời xa cái xấu và học lấy cái tốt.

Học làm điều tốt cụ thể chứ không chỉ nói xuông

Để có thể rời xa cái xấu, bạn cần can đảm. Để học làm điều thiện, bạn cần khiêm tốn. Và khi ấy, học làm từng việc thiện cụ thể.

Trong bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia, Chúa nói tới nhiều điều cụ thể cần làm. Đó là: hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp người bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh đỡ người góa bụa. Đó là những điều rất cụ thể. Bạn cần học làm điều tốt cụ thể, chứ không chỉ có nói. Và đây là lý do mà trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu trách cứ những người lãnh đạo trong dân Israel. Vì họ nói mà không làm, vì họ không biết những gì là cụ thể là thực tế. Nếu không có những gì là cụ thể, thì đó không phải là hoán cải.

Thức tỉnh và khiêm tốn đón nhận sự đỡ nâng của Chúa để được thứ tha

Bài đọc trích sách ngôn sứ Isaia tiếp tục với lời mời gọi của Chúa. Lời gọi mời hoán cải, lời kêu gọi ra khỏi sự gian ác và học làm điều tốt lành. Chúa nói: Nào, đứng dậy, hãy đến và chúng ta sẽ cùng nhau tranh tụng, cùng nhau thảo luận, cùng nhau tiến bước. Chúng ta có thể nói: Nhưng con có rất nhiều tội lỗi… Chúa sẽ nói: Đừng lo, dù tội lỗi ngươi đỏ tựa vải điều, thì cũng sẽ nên trắng như tuyết. Đây chính là con đường hoán cải của Mùa Chay.

Thật đơn giản! Đơn giản bởi vì Chúa là Người Cha, bởi vì Cha đã nói, vì Cha là Đấng yêu thương chúng ta, là Đấng muốn chúng ta ngày càng tốt hơn. Niềm tin tưởng ấy dẫn đưa chúng ta vào con đường sám hối ăn năn. Để làm được điều ấy, chúng ta phải khiêm nhường. Chúa Giêsu đã nói với các nhà lãnh đạo: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống , sẽ được tôn lên.”

Như thế, chìa khóa cho cuộc hoán cải của Mùa Chay chính là: xa lánh sự ác, tập làm việc thiện, đứng dậy và cùng đi với Chúa. Khi ấy, mọi tội lỗi của chúng ta sẽ được thứ tha.

Tứ Quyết

Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản, có lòng thương xót

Đối với tín hữu, Đức Phanxicô là vị Giáo hoàng đơn giản, có lòng thương xót

Ngày 13/03/2017 là tròn 4 năm Đức Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Vị Giáo hoàng “đến từ cùng tân của thế giới” đã chiếm được trái tim của các tín hữu khi nói về lòng thương xót và chú ý đến những người cùng đinh nhất.

Nhà báo Michele Raviart đã phỏng vấn một số tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa nhật 12/03 về những kỉ niệm và ấn tượng họ có về Đức Phanxicô.

– Tôi có một kỷ niệm tuyệt vời, khi ngài, một tân Giáo hoàng, đã nói: “Quý ông bà anh chị em, buona sera (lời chào vào ban chiều của người Italia). Ngài đã đặt mình cùng giai tầng với mọi người khác. Điều đánh động tôi chính là sự đơn sơ, cởi mở của ngài đối với người nghèo.

– Đức Giáo hoàng đến từ nơi rất xa, từ miền đất xa xôi ở Argentina. Rồi tên của ngài, cách đặc biệt, gợi nhớ đến thánh Phanxicô. Điều đầu tiên mà tôi thích, đó là ngài muốn đến ở nhà Santa Marta (thay vì ở trong dinh tông tòa như các vị Giáo hoàng tiền nhiệm), đó là một điều thật đẹp. Ngài là một Giáo hoàng tốt lành, nhắc tôi hơi nhớ đến Đức Giáo hoàng Gioan XXIII.

– Tôi nhớ rất rõ bài diễn văn trong ngày khai mạc sứ vụ Giáo hoàng, khi mà Đức Phanxicô lúc đó, đối với chúng ta, chưa là ai cả, và ngay tức khắc bằng bài diễn văn đầu tiên, ngài đã chiếm được trái tim của chúng ta. Và điều này ngày càng được gia tăng và được khẳng định.

Ký giả Raviart hỏi các tín hữu, trong 4 năm qua, bài diễn văn, hay cuộc tông du, hoặc cử chỉ nào của Đức Phanxicô đã ghi ấn tượng với họ.

– Thật lòng đối với tôi, lòng tốt lành của ngài đánh động tôi. Theo tôi, Đức Giáo hoàng sẽ để cho các người trẻ, 100 năm nữa, một cử chỉ không thể lấp đầy.

– Lòng thương xót, lòng thương xót của Đức Giáo hoàng đối với tất cả, không có sự phân biệt.

– Nhìn thấy ngài sử dụng một chiếc xe hơi nhỏ rẻ tiền, thấy sự đơn giản của ngài, tôi nghĩ đó là điều hoàn toàn đẹp nhất đối với tôi, ngài thực sự là một người của gia đình.

– Điều đánh động tôi là bữa tối Giáng sinh: ngài mở cửa các nhà cho những người nghèo. Ngài gần chúng ta, rất gần chúng ta.

– Mọi Chúa nhật tôi đều lắng nghe (giờ Kinh Truyền Tin) và cố gắng ở nhà vào giữa trưa, bởi vì tất cả điều ngài nói rất đơn giản nhưng là thật và có hiệu quả .

– Ngài là một con người vĩ đại, trong đó có việc ngài đã giúp cho nước Mỹ và Cuba xích lại gần nhau.

– Tôi bị đánh động và điều đánh động tôi là tất cả điều ngàu làm từ ngày đầu tiên cho đến nay.

Câu hỏi cuối cùng của ký giả Raviart: Bạn mong ước điều gì trong thời gian còn lại của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô?

– Chúng tôi hy vọng ngài vẫn còn ở với chúng ta thật lâu và tiếp tục ý tưởng về tình huynh đệ này.

– Cầu mong là triều đại Giáo hoàng của ngài kéo dài thật lâu và dân chúng hiểu là ngài mong có sự tốt lành trên thế giới và sự giản đơn.

– Cầu mong ngài không đi xa, không bao giờ, không bao giờ! Đức Giáo hoàng này sẽ sống 1000 năm! (RV 12/03/2017)

Hồng Thủy

Các giáo phận ở Italia chuẩn bị cho sáng kiên 24 giờ cho Chúa

Các giáo phận ở Italia chuẩn bị cho sáng kiên 24 giờ cho Chúa

Roma – Trong Mùa Chay này, các Giám mục Italia đã gửi các sứ điệp Mùa Chay cho các tín hữu; bên cạnh đó, nhiều sáng kiến và chương trình cũng được thực hiện trong Mùa Chay này. Một trong những chương trình được cử hành trong toàn các giáo phận ở Italia vào các ngày 24 và 25/03 là 24 giờ cho Chúa. Đây là sáng kiến được Đức Giáo hoàng Phanxicô tái đề nghị vào cuối Năm Thánh Lòng thương xót, trong tông thư “Lòng thương xót và người đau khổ”.

Đức Tổng Giám mục Giovanni Paolo Benotto của Pisa viết: đây là một cơ hội quan trọng để “đặt việc cử hành bí tích hòa giải ở trung tâm sự quan tâm đức tin của chúng ta, trong cách thức mà bí tích này tạo cho chúng ta khả năng cảm nghiệm sức mạnh giải phóng của ơn tha tội, một khả năng đòi hỏi cách đặc biệt sự sẵn sàng hiện diện của các Linh mục trong các nhà thờ để thực hành liên tục sứ vụ hòa giải mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ.”

Các giáo xứ và các cộng đoàn giáo hội sẽ tổ chức các giờ cầu nguyện và các nơi để cầu nguyện trước Thánh thể. Đức Tổng Giám mục Filippo Santoro của Taranto nói: Mùa Chay là thời gian chúng ta được gọi “để chuyển trao niềm hy vọng, để tạo nên một hành trình cho các thánh giá, con đường thánh giá đưa đến ánh sáng của sự phục sinh….” Đức cha mời gọi đặt lại ở trung tâm của mỗi hoạt động giáo xứ và các phong trào của giáo phận để nhấn mạnh bước đi hiệp thông trong giáo hội.

Đức cha Adriano Tessarollo của Chioggia mời gọi đặt  Lời Chúa ở trung tâm vì Lời Chúa chỉ ra cách thế đơn giản và cụ thể sự hoán cải và ban cho chúng ta sức mạnh để thực hiện. Theo Đức cha, hoán cải là nhìn  cuộc sống của chúng ta dưới ánh sáng của Tin mừng, ý thức sự xa cách Thiên Chúa của chúng ta và cách sống của chúng ta xa với những gì Thiên Chúa muốn. Đức cha nhấn mạnh: “đóng cửa lòng với quà tặng của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta sẽ đưa đến hậu quả là đóng cửa lòng với anh em, không còn được nhìn như quà tặng của Thiên Chúa.

Sáng kiến“Domenica della Bibbia Smart – Una Bibbia in ogni Casa” (ngày Chúa nhật của Kinh Thánh thông minh – Một cuốn Kinh Thánh cho mỗi gia đình) được đề xuất trong giáo phận Verona. Trong tông thư “Lòng thương xót và người đau khổ”, Đức Giáo hoàng Phanxicô viết “sẽ là cơ hội để mỗi cộng đoàn, trong một Chúa nhật trong năm phụng vụ, có thể canh tân sự dẫn thân cho việc phổ biến, sự hiểu biết và đào sâu Sách Thánh: một Chúa nhật được dành hoàn toàn cho Lời Chúa, để hiểu sự phong phú vô hạn đến từ cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người.” Trang web của giáo phận cổ võ sáng kiến với ứng dụng (app) “Bibbiasmart” (www.bibbiasmart.it) Tính đặc biệt của nó là trình bày Kinh Thánh “multimedia”, dành cho giới trẻ.

Chiến dịch Mùa chay của tổng giáo phận Udine, theo sáng kiến của trung tâm truyền giáo giáo phận, dành cho Siria, với chủ đề: “Siria. Trường học cho một tương lai hòa bình, chúng ta mang các trẻ em từ bom đạn trở lại ghế nhà trường.” Chiến dịch này ủng hộ chương trình Oak Shelter (nơi trú ẩn cây sồi) của Caritas Libano để đón tiếp những người Syria sống trong điều kiện dễ bị tổn thương, đăch biệt các bà mẹ và trẻ em, chạy trốn khỏi chiến tranh và là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Giáo phận Padova dự án “Một khoảnh khắc bình yên”, dành cho người trưởng thành của thành phố, của giáo phận và những người đến với dự án qua trang web, cung cấp cho họ những giây phút suy tư và tâm linh độc đáo. Giáo phận xây dựng các nối kết qua các phương tiện truyền thông xã hội để đi vào các môi trường với hành trình đức tin, đi đến với các nhà tù, nhà thương, khuyến khích người lớn chia sẻ nội dung tu đức. Truy cập trang web tại địa chỉ www.unattimodipace.it.

Ở giáo phận Palermo, hành trình mùa Chay được gợi hứng từ các thánh nhân. Ở Catanzaro, dự án “Un calcio al male, un goal per la fede” (một cú đánh vào sự ác, một mục tiêu cho đức tin), hướng đến trước hết các giáo lý viên và các nhà giáo dục, nhưng vì lợi ích của những người bé nhỏ. Mỗi Chúa nhật, một suy tư gợi lên những câu trả lời có hay không và những câu hỏi… (ACI 11/04/2017)

Hồng Thủy

Bác sĩ Tim Jaccard, sáng lập Baby Safe Haven, cứu trẻ em sơ sinh bị bỏ chết

Bác sĩ Tim Jaccard, sáng lập Baby Safe Haven, cứu trẻ em sơ sinh bị bỏ chết

Chiều ngày 4 tháng 1 vừa qua (2017), khi Nathan Leonhardt, 26 tuổi, một giáo dân và là người bảo vệ của nhà thờ chánh tòa thánh Phaolô ở Minnesota, đang khóa cửa nhà thờ sau Thánh lễ, đã tìm thấy một em bé được gói trong túi nilông lớn, bị bỏ rơi ở bên trong lối vào bên hông của nhà thờ. Khi vừa nhìn thấy túi nilông, anh Leonhardt thầm nghĩ, có lẽ ai đó bỏ lại một túi quần áo ở cửa. Nhưng khi nghe có tiếng động, anh lại nghĩ, có lẽ là một con chó con. Anh đã cầm lấy cái túi, mở ra và nhìn thấy một bé trai mới sinh, đang còn dính đầy máu, chưa được tắm rửa, còn dây rốn được cắt bằng một cái kẹp giấy. Anh điếng người, lặng đi cả chục giây. Anh sờ thấy đứa bé còn nóng nhưng chân của em đã tím tái. Ngay lập tức, Leonhardt báo cho cha Ubel, chánh xứ biết. Cha Ubel và anh Leonhardt đã đưa em bé sơ sinh vào phòng thánh và cha Ubel đã rửa tội cho em trong lúc chờ đợi cảnh sát đến. Nửa giờ sau, em bé được xe cứu thương đưa đến bệnh viện để làm các xét nghiệm kiểm tra. Hiện nay em bé đang  được Dịch vụ bảo vệ trẻ em sơ sinh của quận Ramsey chăm sóc.

Cảnh sát không điều tra việc làm này như là một tội phạm, vì luật bang Minnesota cho phép một người mẹ bỏ con sơ sinh của mình ở một nơi an toàn trong vòng 7 ngày sau khi sinh mà không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào. Các nơi được kể là an toàn để bỏ con sơ sinh là sở cảnh sát, đội cứu hộ, bệnh viện hay các cơ sở cấp cứu, nhưng nhà thờ không được kể như một trong những nơi an toàn. Tuy thế, cha Ubel nhìn nhận việc em bé được bỏ lại trong nhà thờ Công giáo không phải là không có ý nghĩa. Người mẹ biết rằng con của bà sẽ được an toàn và được chăm sóc với sự giúp đỡ của giáo xứ. Có nhiều đôi vợ chồng Công giáo sẵn sàng nhận nuôi em bé trong gia đình của họ. Còn anh Leonhardt cho rằng họ đã quyết định bỏ em bé tại một nơi tốt lành. Đó là nhà thờ. Chúng ta yêu quý các trẻ em.

Tại tiểu bang Minnesota cũng như nhiều tiểu bang khác tại Hoa kỳ, có những luật lệ cho phép từ chối nhận con và bỏ con ở một số cơ sở công cộng. Các luật này được gọi là “Safe haven laws” – “luật nơi cư trú an toàn” – cũng được biết như “Baby Moses Laws” – “luật em bé Moses”. Timothy Jaccard, bác sĩ của sở cảnh sát và hiện nay đã nghỉ hưu, là một trong những người cổ võ các luật này. Hơn 30 năm trong nghề, ông đã chứng kiến bao nhiêu trẻ em bị để cho chết và vất ở các nơi không xứng với con người. Năm 1997, bác sĩ Jaccard nhận một cú điện thoại báo cho ông biết là một bé sơ sinh được tìm thấy hôn mê ở trong nhà tắm của một tòa án; nửa giờ sau thì đứa trẻ qua đời. Hai tuần sau đó, một nhà thờ đã gọi cho ông, báo tin rằng họ tìm thấy một bé gái được cuốn trong một túi nilông và bị chết ngạt. Hai tuần sau nữa, một con chó đã đào bới thi thể của một bé trai được chôn trong sân của một khu dân cư. Rồi hai tuần sau nữa, người ta tìm thấy tại một khu tội phạm, thi hài một bé trai trong một vali. Ông nói: “ôm một em bé sơ sinh trên cánh tay và phải xác nhận em đã chết thật là điều đau lòng.” Ông nghĩ là phải tìm cách để chấm dứt sự điên rồ này. Ông đã trợ giúp cho chi phí chôn cất các trẻ em bị bỏ rơi và qua đời này.

Nhưng điều bác sĩ Jaccard muốn làm chính là ngăn chặn những cái chết như thế. Do đó ông đã khuyến khích thành lập một phong trào, hiện diện tại tất cả 50 tiểu bang, với mục đích ban hành luật “nơi cư trú an toàn”. Luật này giúp cho những người mẹ đang gặp khủng hoảng các cơ hội có thể bỏ con sơ sinh trong những nơi an toàn mà không sợ bị hậu quả pháp lý. Bác sĩ Jaccard còn thành lập tổ chức quốc gia Baby Safe Haven (nơi an toàn cho trẻ nhỏ). Tổ chức này làm trung gian để các trẻ em được bỏ ở nơi an toàn nhất có thể. Các bà mẹ người Mỹ có thể gọi số điện thoại miễn phí và sắp xếp để giao con của mình, theo cách thức an toàn, cho một người đang đợi ở một trong những nơi biết trước, được bảo vệ bởi luật pháp.

Đức tin của bác sĩ Jaccard là phần căn bản trong cuộc đời ông. Ông tin rằng Chúa đã ủy thác cho ông sứ vụ giúp các trẻ em bị bỏ rơi. Ông xúc động khi nói về những cuộc bỏ con bi thảm mà ông đã chứng kiến trong 37 năm hành nghề thầy thuốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kết quả tốt đẹp, được trình bày trên một tấm bảng đầy hình ảnh của các em bé được cứu bởi tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”. Tháng 11 năm ngoái, một phụ nữ trẻ đã gọi cho bác sĩ Jaccard một cách lo lắng. Trong thời kỳ thai nghén, bà không có điều kiện đi khám tham cũng như chăm sóc thai phụ. Bà ta nói với bác sĩ là không thể chăm sóc cho bé gái được sinh trước đó 3 ngày và cân nặng chỉ 2 kilogram. Jaccard đã sắp xếp để đứa bé, vẫn chưa được cắt dây rốn, được giao cho đội cứu hỏa của tỉnh Wantagh vào ngày lễ Tạ ơn. Khi các hãng truyền thông bắt đầu loan tin về em bé này, nhiều người bắt đầu gọi điện để xin nhận nuôi em bé. Văn phòng của bác sĩ Jaccard đã nhận hơn 800 cuộc gọi từ các gia đình có ý muốn nhận em bé làm con nuôi. Bác sĩ cũng nhận được điện thoại của một luật sư đại diện cho một ân nhân ẩn danh của New York. Ân nhân này muốn lập một quỹ ủy thác để tài trợ cho việc học hành của bé gái sau này.

Bà Tracey Johnson, giám đốc điều hành của Liên minh quốc gia “Nơi cư trú an toàn” của Washington nhận xét: “Điều bác sĩ Jaccard làm là để bảo đảm những người mẹ có thể bước tiếp trong cuộc sống của họ và các đứa bé nhận được món quà sự sống.” Theo Liên minh này, với sự giúp đỡ của tổ chức “Nơi an toàn cho trẻ em”của bác sĩ Jaccard, trong 17 năm qua, 3298 trẻ em trên khắp Hoa kỳ đã được giao cho các gia đình nuôi. Trong số này, có 167 em được sinh ra trong năm nay.

Larry e Jennifer Mergentheimer, ở Levittown, Long Island, là cha mẹ nuôi của một trong những đứa trẻ này. Con gái của họ, Rebecca, 20 tháng, đã được ông bà nhận nuôi sau khi bị bỏ rơi trước một bệnh viện vào Mother’s Day (Ngày của Mẹ) năm 2015. Họ khẳng định “chú Tim” (tên gọ bác sĩ Jaccard cách thân mật) quan tâm thường xuyên đến việc phát triển các điều kiện của gia đình. Bà Jennifer chia sẻ rằng bé gái này chính là quà tặng tốt nhất mà họ từng nhận được. Bà giải thích: “Đã nhiều năm chúng tôi mong muốn có một con trai và một gia đình, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ chúng tôi có cháu Rebecca trong cuộc sống của chúng tôi; cháu là điều tốt đẹp nhất trên thế gian này.” (CNS 06/01/2017; Aleteia.it 15/02/2017)

Hồng Thủy

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha: 12 tháng 3 năm 2017

Kinh Truyền tin với Đức Thánh Cha: 12 tháng 3 năm 2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 12-3-2017 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm giá trị của thập giá trong đời sống của mình.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa bài Tin Mừng kể lại biến cố Chúa Giêsu hiển dung trên núi trước mặt 3 môn đệ, và rút ra những kết luận thực hành về chỗ đứng của thập giá trong đời sống tâm linh của các tín hữu.

Bài Huấn Dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng chúa nhật thứ hai mùa chay trình thuật sự hiển dung của Chúa Giêsu (Xc Mt 17,1-9). Ngài đưa ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan ra một nơi riêng và cùng với họ lên một núi cao, và tại đó đã xảy ra hiện tượng lạ thường này: khuôn mặt Chúa Giêsu ”sáng chói như mặt trời và áo Ngài trắng như ánh sáng” (v.2). Qua đó Chúa chiếu tỏa nơi chính bản thân Ngài vinh quang Thiên Chúa mà ta có thể đón nhận với niềm tin trong lời giảng và những cử chỉ lạ lùng của Ngài. Và trong cuộc hiển dung trên núi, có sự xuất hiện của Ông Môisê và Elia, ”chuyện vãn với Ngài” (v.3).

Sự sáng ngời trong biến cố lạ thường này nói lên mục tiêu của biến cố: đó là soi sáng tâm trí các môn đệ để họ có thể hiểu rõ ràng Thầy mình là ai. Đó là một tia sáng bất chợt mở ra mầu nhiệm Chúa Giêsu và soi sáng toàn thể con người và cuộc sống của Ngài.

Nay Chúa Giêsu đã quyết liệt tiến về Jerusalem, nơi Ngài sẽ bị kết án tử, chịu đóng đanh, Ngài muốn chuẩn bị các môn đệ trước cớ vấp phạm quá mạnh mẽ để nâng đỡ đức tin của họ, và đồng thời loan báo sự sống lại của Ngài, bằng cách tỏ ra mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Messia khác với mong đợi của nhiều người: họ mong chờ một vị vua quyền thế và vinh hiển, nhưng Chúa tỏ mình như một đầy tớ khiêm hạ và vô phương tự vệ: Ngài không tỏ mình như một chúa tể giàu sang, một dấu chỉ phúc lành, nhưng như một người nghèo hèn, không có nơi tựa đầu; không phải như một tổ phụ đông con nhiều cháu, nhưng như một người độc thân chẳng có nhà cũng chẳng có tổ. Quả thực đó là một mặc khải đảo lộn của Thiên Chúa và dấu chỉ gây ngỡ ngàng nhất của cớ gấp phạm này chính là thập giá. Nhưng chính qua thập giá mà Chúa Giêsu đạt tới sự phục sinh vinh hiển.

ĐTC nói thêm rằng: ”Chúa Giêsu hiển dung trên núi Tabor, Ngài muốn chứng tỏ cho các môn đệ vinh quang của Ngài không phải để tránh cho họ khỏi phải đi qua thập giá, nhưng để chỉ cho thấy thập giá dẫn tới đâu. Ai chết cùng với Chúa Kitô thì sẽ cùng sống lại với Chúa Kitô. Ai cùng Ngài chiến đấu, thì sẽ cùng Ngài chiến thắng. Đó là sứ điệp hy vọng mà thập giá của Chúa Giêsu chứa đựng, nhắn nhủ chúng ta vững mạnh can đảm trong cuộc sống. Thập giá Kitô không phải là một đồ trang trí nhà cửa hoặc một thứ nữ trang để đeo, nhưng là một lời mời gọi yêu thương, qua đó Chúa Giêsu tự hy sinh để cứu vớt nhân loại khỏi sự ác và tội lỗi. Trong mùa chay này, chúng ta hãy sốt sắng chiêm ngắm ảnh Thánh Giá; đó là biểu tượng đức tin Kitô, biểu tượng Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại vì chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những giai đoạn trong hành trình mùa chay để ngày càng hiểu rõ hơn sự nặng nề của tội lỗi và giá trị hy tế qua đó Chúa Cứu Chuộc đã cứu chuộc chúng ta.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Đức Trinh Nữ Maria đã biết chiêm ngắm vinh quang của Chúa Giêsu ẩn náu trong nhân tính của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta biết ở với Chúa trong kinh nguyện âm thầm, hãy để mình được soi sáng nhờ sự hiện diện của Chúa, để mang vào trong tâm hồn một phản chiếu vinh quang của Chúa, qua những đêm đen tối nhất.”

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã thân ái chào thăm mọi người hiện diện, các tín hữu Roma và tại bao nhiêu nơi khác trên thế giới. Ngài đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Freiburg và Mannheim bên Đức, cũng như những người đến từ Liban, và những người tham dự cuộc chạy đua đường trường ở Bồ đào nha.

ĐTC cũng chào thăm các nhóm giáo dân đến từ một số giáo xứ, các bạn trẻ ở thành Lodi đang chuẩn bị tuyên xứng đức tin, các học sinh ở Dalmine và Busto Arsizio, và ca đoàn các bạn trẻ ”Từng giọt nước” ở Bergamo, bắc Italia.

Viếng thăm giáo xứ

Ban chiều cùng ngày 12-3-2017, ĐTC đã viếng thăm giáo xứ Thánh nữ Maddalena di Canossa và đây là giáo xứ thứ 3 ở Roma được ngài viếng thăm kể từ đầu năm đến nay và là xứ đạo thứ 14 được ĐTC Phanxicô viếng thăm kể từ khi làm GM giáo phận này.

Giáo xứ thánh Maddalena di Canossa cũng thuộc vùng ”ngoại ô” của giáo phận Roma và tọa lạc ở mạn tây bắc, được thành lập năm 1988 và giao cho các cha dòng nam tử bác ái thánh Canossa coi sóc. Đây là một giáo xứ sinh động, gồm nhiều gia đình trẻ. Năm ngoái có 55 hài nhi được rửa tội.

Khi đến giáo xứ vào khoảng 4 giờ chiều, ĐTC gặp các em bé học giáo lý, trả lời các câu hỏi của các em, ngài cũng gặp nhóm hướng đạo sinh, rồi một nhóm các nữ tu dòng Nữ tử bác ái thánh Canossa cùng với nữ tu tổng quyền. Sau đó ĐTC thăm các bệnh nhân, người già và gia đình các em bé được rửa tội trong năm ngoái, rồi gặp các nhân viên mục vụ, các giáo lý viên và những người thiện nguyện của Caritas. Hiện nay Caritas giáo xứ đang đồng hành và giúp đỡ 50 gia đình gặp khó khăn, kể cả những người ở ngoài lãnh thổ giáo xứ.

Trước khi cử hành thánh lễ, ĐTC giải tội cho 4 giáo dân, gồm 1 thiếu niên, một thanh niên và 2 người lớn một nam một nữ.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại và lắng nghe

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại và lắng nghe

VATICAN. ĐTC đề cao dịch vụ ”Điện thoại bạn Italia” (Telefono Amico Italia) phục vụ những người cô đơn, gặp khó khăn, buồn sầu, lo âu, đồng thời cổ võ thái độ đối thoại và lắng nghe.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 11-3-2017 dành cho 400 người thiện nguyện trong dịch vụ Điện thoại bạn này.

”Điện thoại bạn Italia” là một tổ chức thiện nguyện được thành lập cách đây 50 năm (1967) và hiện có 700 người thiện nguyện, phục vụ 365 ngày mỗi năm mỗi ngày từ 10 giờ sáng đến 24 giờ đêm.

Trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói rằng: ”Hoạt động của anh chị em là một dịch vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày nay, có nhiều phiền toái và khó chịu, thường do sự cô lập và thiếu đối thoại gây ra. Các thành phố lớn, mặc dù đông dân, nhưng chúng là biểu tượng một lối sống ít tình người, như thái độ dửng dưng lãnh đạm lan tràn, sự liên lạc với nhau ngày càng có tính chất tiềm thể và bớt đi đặc tính trực tiếp với nhau, thiếu các giá trị vững chắc nâng đỡ cuộc sống, thứ văn hóa lo sở hữu và chăm sóc vẻ bề ngoài. Trong bối cảnh đó, cần phải tạo điều kiện cho sự đối thoại và lắng nghe”.

ĐTC đề cao tầm quan trọng của đối thoại và lắng nghe. Đối thoại giúp hiểu biết lẫn nhau và hiểu những nhu cầu của nhau. Đối thoại biểu lộ một sự tôn trọng lớn, nhận ra những khía cạnh tốt đẹp của người trao đổi với mình. Ngoài ra, đối thoại cũng là biểu hiện lòng bác ái, vì tuy nhận thực có những khác biết, đối thoại có thể giúp tìm kiếm và chia sẻ hành trình để đạt tới công ích”.

ĐTC cũng nhận xét rằng để đối thoại thì phải có khả năng lắng nghe, đây là điều nhiều người đang thiếu. Lắng nghe tha nhân đòi phải kiên nhẫn và chú ý. Chỉ người nào biết im lặng thời mới biết lắng nghe.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn thân mến, qua đối thoại và lắng nghe, chúng ta có thể góp phần vào việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, làm cho nó trở thành nơi tiếp đón và tôn trọng, chống lại chia rẽ và xung đột” (SD 11-3-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Các Giám mục Philippines chống dự án đánh thuế các trường của giáo hội

Manila – Hôm thứ hai, 06/03/2017, chính quyền tổng thống Duterte đãthông báo chương trình đánh thuế các trường tôn giáo. Pantaleon Alvarez, chủ tịch Hạ viện, người đã miêu tả các Giám mục như “một đám giả hình”, nói rằng các trường của Giáo hội nên bị đánh thuế để gia tăng thu nhập của chính quyền. Ông đã kêu gọi xem xét lại chính sách thu thuế của chính quyền, vì ông cho rằng một số trường có các học sinh thuộc gia đình thu nhập cao và có học phí cao.

Đáp lại ý kiến của ông Alvarez, đức cha Pablo David của Kalookan nói rằng Giáo hội sẽ không điều hành các trường học nếu chính quyền cung cấp chất lượng giáo dục tương xứng, đặc biệt là ở các trường tiểu học và trung học. Ngài nói: “Thực tế là chính quyền không thể. Ở trong Giáo hội, chúng tôi luôn nghĩ là chúng tôi đang giúp cho chính quyền qua việc đem lại nền giáo dục chất lượng ở bất cứ nơi nào mà nhà nước không thể làm.”

Đức cha lưu ý là sự thất bại này có thể thấy nơi các trường công lập chật chội cũng như trong sự tồn đọng rất nhiều trong việc xây cất lớp học và tình trạng thiếu giáo viên. Theo đức cha, nguồn lực của chính phủ vẫn không đủ để cung cấp một nền giáo dục xứng hợp cho người dân.

Đức cha David chia sẻ: “chúng tôi không dựa vào quỹ chung để điều hành các trường củ chúng tôi. Sao họ không đối xử với chúng tôi như các đối tác và đồng minh của họ thay vì như các đối thủ?

Theo nhiều nhà phân tích chính trị, chính sách đánh thuế là hành động trả thì của chính quyền chống lại các giám mục. Đã nhiều tháng, Giáo hội lên tiếng phê bình chống lại cuộc chiến ma túy và việc giết người không xét xử của tổng thống Duterte và là đối thủ quyết liệt của việc tái lập án tử hình. (Asia News 10/03/2017)

Hồng Thủy 

Giới trẻ các tôn giáo ở Indonesia chống hình thức cực đoan và bất bao dung

Giới trẻ các tôn giáo ở Indonesia chống hình thức cực đoan và bất bao dung

Semarang – Hơn 3000 người trẻ thuộc các cộng đoàn tôn giáo khác nhau đã họp nhau tại Semarang, thủ phủ tỉnh trung Giava, để tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn, cùng nhau dấn thân “phát triển một thái độ bao gồm và đấu tranh chống mọ hình thức cực đoan và bất bao dung trong xã hội Indonesia.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức hôm 05/03 bởi Ủy ban các hoạt động đại kết và liên tôn của tổng giáo phận Semarang và 5 đại học (3 của Hồi giáo, 1 công lập và 1 của Công giáo), với sự tham dự của giới trẻ từ 71 cộng đoàn khác nhau.

Thị trưởng của Semarang, ông Hendrar Prihadi đã phát biểu: “Những ai không sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng, hãy rời khỏi Indonesia!”

Lukas Awi Trisanto, một giáo dân Công giáo, thư ký của Ủy ban các hoạt động đại kết và liên tôn của tổng giáo phận Semarang, chủ tọa cuộc gặp gỡ, cho hãng tin Fides biết mục đích chính của cuộc gặp gỡ là xây dựng tình huynh đệ thật sự và khước từ sự bất bao dung.

Các người trẻ hiện diện cam kết yêu thương và kiến tạo sự hài hòa trong đa dạng, nhằm xây dựng nền văn minh tình thương cho một xã hội thịnh vượng, có phẩm giá, bất kể nền tảng tôn giáo.

Một số lãnh đạo các tôn giáo đã trình bày các suy tư tại cuộc gặp gỡ. Vị đại diện Phật giáo kêu gọi người trẻ nhìn nhận sự đa dạng như một sức mạnh để phát triển Indonesia. Đại diên Ấn giáo nhận định rằng “sự hiệp nhất của Indonesia  được thực hiện khi dân Indonesia nuôi dưỡng sự tôn trọng lẫn nhau.” Mục sư Tin lành Tjahjadi Nugroho nói: “một tôn giáo phớt lờ sự đa dạng thì không phải là một tôn giáo thật sự và đúng nghĩa. Ông mời gọi giới trẻ cảm tạ Chúa và cầu nguyện để Indonesia có thể vượt qua chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và bất bao dung.

Các người trẻ cũng trình bày âm nhạc và các điệu múa của các tôn giáo truyền thống khác nhau và tham gia vào việc hiến tặng máu trong dịp này. (Agenzia Fides 9/3/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha bế mạc tuần tĩnh tâm mùa chay

Đức Thánh Cha bế mạc tuần tĩnh tâm mùa chay

ROMA. Sáng 10-3-2017, ĐTC và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tổng cộng là 74 người, đã kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” ở thị trấn Ariccia cách Roma 30 cây số về hướng nam.

 Trong lời cám ơn Cha giảng tĩnh tâm, Giulio Michelini OFM, ĐTC đề cao thái độ tự nhiên của cha và với tất cả vốn liếng cuộc sống, từ việc nghiên cứu, cho đến các sách báo cha xuất bản, các bạn hữu, cha mẹ và những tu sĩ trẻ mà cha chăm sóc.

 Tiếp đến, ĐTC cám ơn cha vì những gì cha thực hiện, trong tinh thần trách nhiệm. Ngài nói: ”Chắc chắn là có rất nhiều điều để suy niệm, nhưng thánh Ignatio nói rằng trong cuộc linh thao, nếu một người tìm thấy điều mang lại cho mình an ủi hoặc đau buồn, thì phải dừng lại, đừng đi xa hơn. Chắc chắn mỗi người chúng ta đã tìm thấy một, hai điều trong tất cả những điều được trình bày. Phần còn lại không phải là điều phí phạm, nhưng để dành cho dịp khác. Có lẽ những điều quan trọng nhất, mạnh nhất, có lẽ không có ý nghĩa gì đối với người này, nhưng có lẽ một lời nói nhỏ, một điều nhỏ bé lại nói lên nhiều ý nghĩa đối với người khác”.

 Về điểm này, ĐTC trích dẫn một giai thoại: một nhà đại giảng thuyết người Tây Ban Nha, sau một bài giảng dài được soạn kỹ lưỡng, thấy một người thường, một người khét tiếng là tội nhân, đến gần cha, nước mắt giàn dụa, xin xưng tội với cha. Ông xưng nhiều tội và khóc lóc. Cha giải tội ngạc nhiên, vì cha biết đời sống của người ấy, nên hỏi: “Xin ông hãy nói cho tôi biết lúc nào ông cảm thấy được Thiên Chúa đánh động tâm hồn? Lời nào làm ông động lòng?..”

 Tội nhân đáp: ”Thưa cha, đó là lúc mà cha nói: 'Bây giờ chúng ta bước sang một đề tài khác!”.

 Và ĐTC kết luận: ”Nhiều khi những lời đơn sơ nhất là những người giúp chúng ta, hoặc những lời phức tạp hơn, Chúa ban cho mỗi người một lời nói thích hợp. Tôi cám ơn cha vì điều đó và cầu chúc cha tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và trong Giáo Hội, trong việc chú giải Kinh thánh, trong bao nhiêu côn gtác mà Giáo Hội ủy thác cho cha, và nhất là tôi cầu chúc cha là một tu sĩ tốt”.

 Trước đó ĐTC đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Siria và đã cho gởi 100 ngàn Euro để giúp đỡ người nghèo ở thành phố Aleppo, cũng nhờ sự đóng góp của Giáo triều Roma. Việc trao tặng này sẽ được thực hiện qua Sở Từ Thiện của ĐTC và qua Dòng Phanxicô tại Thánh Địa.

 Lúc 5 giờ chiều cùng ngày 10-3-2017, ĐTC đã đến tòa giám quản Roma để gặp gỡ 36 cha quản hạt của giáo phận để kiểm điểm tình trạng mục vụ hiện nay.

 Mặt khác, Văn phòng nghi lễ phụng vụ của ĐTC cho biết lúc 5 giờ chiều thứ sáu, 17-3 tới đây, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức hòa giải với nhiều hối nhân với phần xưng tội và xá giải cá nhân. (SD 10-2017)

 G. Trần Đức Anh OP 

Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Bài suy niệm cuối: 2 cách loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người thời nay?

Ariccia – Sáng 10/03, cha Michelini, thuyết giảng viên tuần tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma, đã trình bày bài suy niệm cuối cùng về chủ đề “Mồ trống và Phục sinh” theo tin mừng thánh Mátthêu.

Hai cách trình bày mầu nhiệm Phục sinh: con đường học hỏi, giải thích Sách Thánh và con đường bác ái

Trang cuối của tin mừng thánh Mátthêu, nói về sự kiện Chúa Giêsu phục sinh, theo cha Michelini, mạc khải mầu nhiệm Kitô giáo. Đau khổ và cuộc thương khó của Chúa Giêsu không phải là kết thúc tất cả, nhưng là một bắt đầu mới – Phục sinh. Nhưng làm sao trình bày về mầu nhiệm phục sinh cho người thời nay?

Cha Michelini nói về nhân vật chính trong tác phẩm “Metamorfosi” (biến hình) của Franz Kafka, một ngày kia, khi tỉnh dậy, đã biến thành một con côn trùng, chỉ khép kín trong chính mình, lo lắng và không có liên hệ gì với tình cảm gia đình. Làm sao chúng ta loan báo mầu nhiệm Phục sinh cho người như thế? Cần phải khởi đi từ con người Chúa Giêsu và sứ điệp của Người. Cha nói: “Phục sinh cho thấy một điều mới mẻ thực sự của Chúa Kitô so với Chúa Giêsu lịch sử: thân xác Ngài là thân xác sau khi phục sinh, nhưng là sự mới mẻ đã được thấy trước trong các dấu hiệu lịch sử của Chúa Giêsu trước khi phục sinh. Do đó khi chúng ta nghe nói Chúa đã sống lại, chúng ta có thể khởi đi lại từ con người Giêsu, từ con người Giêsu ở Galilê, với sứ điệp giải phóng nhân loại.” Vì thế, một sứ điệp giải phóng nhân loại cho con người ngày nay có thể đến qua 2 cách,  cả 2 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh và minh họa: sứ vụ văn hóa trong việc đào sâu các bản văn cùng với cách giải thích mới và con đường bác ái.

Chúng ta hãy tìm hiểu để hiểu thêm điều mà các sách Tân ước và Cựu ước muốn nói và để chúng ta có thể giải thích chúng lại qua đời sống Giáo hội, phụng vụ, bài giảng, nhưng cũng qua sự dấn thân văn hóa. Nhưng con đường khác, nếu chúng ta có thể mở cửa phòng nơi mà Gregor Samsa tự khóa mình, là con đường bác ái. Nếu Gregor Samsa nhốt mình trong căn phòng khóa chặt, đó là huyệt mộ, nếu được ai đó trợ giúp, anh có thể tìm lại được nhân tính. Thay vì là côn trùng, có lẽ anh ta có thể nhận ra nét nào đó của thân xác con người của anh ta.”

Theo Tin mừng thánh Mátthêu, sự phục sinh đã được thiên thần loan báo.  Do đó, nói về mộ trống thôi chưa đủ, sự Phục sinh cũng phải được nói, sứ điệp của Chúa Kitô phục sinh phải được loan báo.

Phục Sinh: tha thứ

Nhưng lời của thánh Mátthêu còn cho thấy rõ một khía cạnh khác của Phục sinh, đó là ơn tha thứ. Chúa Giêsu phục sinh muốn gặp 11 môn đệ và gọi họ là “anh em”, nghĩa là Ngài đã tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi Ngài. Ngài gặp họ ở Galilê, họ cúi xuống bái lạy nhưng đồng thời nghi ngờ. Tuy nhiên, Ngài đã đến gần họ và trình thuật của thánh Mátthêu kết thúc với những lời: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Cha Michelini kết luận: “Đây đúng thực là cách làm của Thiên Chúa, mà Lời của Ngài có khả năng soi chiếu những giới hạn của chúng ta và biến đổi chúng thành cơ hội.”

Cha của Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta qua lời của Ngài và Con của Người, Đấng mà Tin mừng thánh Mátthêu gọi là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tin mừng thánh Mátthêu kết thúc như thế: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Đây là gia sản lớn nhất mà chúng ta có, dù cho những nghi ngờ và phần xấu xa của chúng ta và tội lỗi chúng ta.”

Sau bài suy niêm cuối cùng, Đức Thánh Cha đã cám ơn cha giảng thuyết về những suy tư trong tuần tĩnh tâm và ngài đã trở về Vatican lúc 11.30  (RV 10/03/2017)

Hồng Thủy

 

Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Ariccia – Sáng ngày 09/03, cha Michelini đã trình bày bài suy niệm thứ 7 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma với đề tài sự chết của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu thật sự chết

Trong bài suy niệm, cha Michelini mời gọi chiêm ngắm với lòng yêu mến sâu xa Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cha nhấn mạnh đến cái chết của Đấng Mêsia theo Tin mừng thánh Mátthêu. Cha nói rõ ngay lập tức rằng đó là cái chết thật chứ không phải “giống như chết”: vì “không chỉ các môn đệ cố gắng để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại và điều này là thật, nhưng việc Chúa sống lại là có thể vì Chúa đã thực sự chết.”

Các chi tiết miêu tả cái chết của Chúa Giêsu gây nên sự không thoải mái, nó quá tàn bạo, làm cho chúng ta nói rằng những điều khủng khiếp này là không thực. Nhưng mà những điều này đã được viết bởi vì chúng cho thấy nó đã xảy ra .

Cảm giác bị bỏ rơi và bị hiểu lầm

Cha Michelini phân tích cảm giác bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu trải nghiệm trên thập giá – khi Ngài kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”. Cảm giác này thêm sâu sắc bởi sự không hiểu của những người đang chứng kiến cảnh tượng tàn nhẫn của cuộc Thương khó của Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu kêu “Êli, Êli, lêmaxabácthani”, có người tin là Ngài kêu ngôn sứ Êlia. Nhưng ngôn sứ Êlia thì có thể làm gì để cứu Ngài? Đây là một sự hiểu lầm. Chúa Giêsu đang kêu cầu Chúa Cha. Nhưng Chúa Cha im lặng. Việc Chúa Cha không can thiệp là một yếu tố khác làm cả trình thuật về cái chết của Chúa Giêsu trở nên lúng túng. Cảm giác mà Chúa Giêsu đang sống, cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi là một sự thật và gây sốc, đến độ khó mà tưởng tượng được. Chúa Giêsu than van không phải vì cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi hay vì đau đớn, nhưng bởi vì sức lực thể lý của Ngài đang cạn dần. Cực hình cuối cùng đối với Chúa Giêsu là không được hiểu ngay cả từ Thánh giá, bị hiểu lầm. Khi có thể, Chúa Giêsu suy tư, hành động để giải thích và giải thích. Nhưng từ Thánh giá, Ngài không thể giải thích điều gì.

“Cách tự nhiên, chúng ta biết là Thánh giá giải thích tất cả. Nhưng Chúa Giêsu cũng không thể nói tại sao Ngài kêu cầu Chúa Cha mà không kêu cứu Êlia. Ngài chỉ có thể làm một điều, là phó thác vào Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Chúa Thánh Thần giải thích điều mà Ngài không thể hiểu.

Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn: cử chỉ yêu thương, tha thứ tội lỗi

Cha Michelini nhắc đến tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu. Khi ở Caphácnaum, một đại đội trưởng đã xin Chúa cứu chữa cho người con trai hay tên đầy tớ bị bệnh và Chúa đã không từ chối một cử chỉ của tình yêu. Lúc này, Chúa Giêsu bị chết vì một nhát đâm của tên lính. Nếu như Chúa Giêsu đã đáp lời cầu xin của viên đại đội trưởng ở  Caphácnaum, giờ đây trên thập giá, Ngài chỉ có thể đưa cạnh sườn cho tên lính đâm và từ đó máu và nước chảy ra, để tha tội lỗi.

Các phụ nữ hiện diện ở chân Thánh giá

Theo thánh Mátthêu, có nhiều phụ nữ, trong số họ có Maria “mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Nhiều người cho rằng bà Maria này là Mẹ Chúa Giêsu, đứng dưới chân Thập giá, như Tin mừng theo thánh Gioan.

Có thể là ở đây, thánh Mátthêu được cảm hứng từ thánh Gioan, muốn nói rằng người nữ đó, không được gọi là “Mẹ của Chúa”, nhưng là “Maria, mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Vì Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không còn đơn giản là Mẹ, và Chúa Giêsu không còn đơn giản là Con của Mẹ Maria. Như Mẹ Maria trong Tin mừng thánh Gioan, không chỉ còn đơn giản là Mẹ Chúa Giêsu, nhưng là mẹ của người môn đệ yêu dấu, và theo đó, là Mẹ của Giáo hội. Maria trong cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu cũng thế, là mẹ của Giacôbê và Giôxép, nghĩa là mẹ của các anh em Chúa Giêsu, và theo đó, đối với chúng ta, đối với Tin mừng này, là Mẹ của Giáo hội.

Xét mình

Cha Michelini mời tự vấn, chúng ta có vì sự khép kín hay kiêu ngạo, mà không hiểu người khác, không phải vì những điều họ nói không rõ ràng, nhưng đơn giản vì chúng ta không muốn hiểu.

Cha mời gọi xét xem chúng ta có khiếm khuyết trong việc giao tiếp với người khác không và cha mời gọi sửa đổi tốt hơn, gia tăng sự khiêm nhường, xét xem chúng ta có thành công trong việc đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự bình thường hàng ngày hay trong cái nhìn của người khác. (RV 09/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Ariccia – Bài suy niệm thứ 6 được cha Michelini trình bày trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma vào chiều ngày 08/03 về cuộc xét xử Chúa Giêsu và người vợ của tổng trấn Philatô (Mt 27,11-26).

Bài suy niệm xoay quanh nhân vật tổng trấn Philatô, và đặc biệt được viết cùng với một đôi vợ chồng – ông bà Mariateresa Zattoni và Gilberto Gillini, là những người đã cộng tác với cha Michelini nhiều nàm trong việc giảng tĩnh tâm cho các gia đình và các buổi đào tạo, cũng như cha đã viết chung với họ nhiều sách, trình bày cách đọc kép các bản văn Thánh kinh – chú giải và ngữ cảnh gia đình. Theo cha Michelini, việc đọc và chú giải Thánh kinh không phải là đặc quyền của các tu sĩ hay các người nghiên cứu Thánh kinh, các đôi vợ chồng và gia đình phải được giúp đỡ để thực hành Thánh kinh, điều cho đến nay chưa được thực hiện nhiều trong Giáo hội.

Lựa chọn giữa Chúa Giêsu và Baraba của tổng trấn Philatô

Cha Michelini nhắc lại rằng Đức Biển đức XVI đã nói đến  một bản văn khác biệt được Origen ghi nhận, về tên của Baraba, và tên “Giêsu”. Cha giải thích cho thấy điều này quan trọng trong việc hiểu hệ thống phức tạp mà thánh sử Matthêu nhìn nhận về hiệu quả của máu Chúa Giêsu đối với ơn tha tội. Hệ thống thần học này được Mátthêu sử dụng, nhưng chúng ta không được bỏ qua khung cảnh quan trọng về sự chọn lựa giữa Baraba và Chúa Giêsu: hai con người – không đơn giản là hai con dê như thánh Mátthêu tưởng tượng khi dựng lại cảnh tượng của lễ Yom Kippur (lễ xá tội) để trình bày về cái chết của Đấng Mêsia) – một người trước một người khác và chỉ một người sẽ sống.

Cha Michelini thuật lại câu chuyện trong tiểu thuyết của William Styron “Chọn lựa của Sophie”, khi người mẹ trẻ bị một sĩ quan phát xít buộc phải chọn một trong hai đứa con mình phải chết. Cha kết luận rằng, thật không may là dân Do thái, hàng thế kỷ, bị các Kitô hữu kết tội giết Chúa. Cuối cùng, lời kết án vô lý này đã được gỡ bỏ ở mọi cấp độ. Cha Michelini nói thêm rằng chúng ta không được quên rằng theo cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu, lời kết án này không bao giờ có, ngay cả từ khía cạnh lý luận đơn giản: bởi vì, giống như trường hợp của Sophie, người buộc phải chọn để cho đứa con gái phải chết, trách nhiệm của quyết định khủng khiếp này đến từ người đã đưa ra điều kiện cho đám đông chọn lựa, hiển nhiên đó là tổng trấn Roma.

Khía cạnh gia đình: quyền lực của người nam

Cha Michelini trình bày suy tư của ông bà Gillini-Zattoni, với sự lưu ý của họ về việc trình bày quyền lực của người nam. Sự đồng lõa giữa thượng tế và Philatô đã tiêu diệt tiếng nói của người phụ nữ, của vợ ông Philatô, nói với Philatô qua một tin nhắn, bởi vì ông không cho phép bà được lắng nghe”.

Giấc mộng của Chúa và khao khát quyền lực

Cuối cùng, cha Michelini đã xem xét 5 giấc mộng trong Tin mừng thời thơ ấu theo thánh Mátthêu và giấc mộng của vợ tổng trấn Philatô. Các giấc mộng này được xem xét trong một tổng thể bởi vì chúng trình bày cùng một điều mà chúng ta có thể gọi là “giấc mộng của Thiên Chúa”: ơn cứu độ của người con (mà qua những giấc mơ trong phần đầu của Tin mừng, đã trốn thoát người muốn giết hại). Nhưng nếu thánh Giuse và các đạo sĩ hiểu điều họ phải làm và dù cho sự yếu đuối họ đã thực hành. Ngược lại, Philatô, đã không lắng nghe lời của vợ mình, không nghe theo các giấc mộng, và giống như vua Hêrôđê, ông chỉ quan tâm đến việc gìn giữ quyền lực. (RV 08/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 5: Giuđa và sự nguy hiểm của việc mất đức tin

Bài suy niệm 5: Giuđa và sự nguy hiểm của việc mất đức tin

Ariccia – Bài suy niệm cha Michelini gửi đến Đức Thánh Cha và giáo triều Roma sáng ngày 08/03 có các chủ đề rất mạnh mẽ và thực tế: “Nguy hiểm đánh mất đức tin, tự tử, sứ mạng của Giáo hội trong việc tìm kiếm người tội lỗi.” Trọng tâm của bài suy niệm xoay quanh nhân vật Giuđa, một trong 12 tông đồ. Sự phản bội của Giuđa là một biến cố gây tai tiếng và khó chịu, nhưng Tin mừng không che dấu chuyện này. Thảm kịch cũng được tỏ rõ với sự hối hận của Giuđa, mà theo thánh Mátthêu, ông biết mình đã phạm tội vì đã phản bội máu người vô tội.

Giuđa và chúng ta: nguy hiểm đánh mất đức tin

Cha Michelini đã tìm hiểu các nguyên nhân đã thúc đẩy Giuđa phản bội Chúa Giêsu. Giả thiết thứ nhất là có một lúc nào đó, Giuđa đã mất niềm tin.

Nguy hiểm mất đức tin khiến tất cả chúng ta phải tự hỏi: “Nếu có lẽ trong cuộc đời chúng ta, có nhiều ngày chúng ta không bỏ rơi Chúa Kitô, sự hiểu biết tốt nhất của chúng ta, tình yêu chúng ta, bởi một điều phù hoa, khoái lạc, lợi lộc, an toàn, oán ghét hay trả thù? Chúng ta khó mà biện hộ cho mình khi nói với sự ghê tởm về kẻ phản bội. Giuđa cho chúng ta thấy chính chúng ta.”

Cha Michelini nhắc lại kinh nghiệm của tác giả Emmanuel Carrère được thuật lai trong sách “Vương quốc”. Ông đã tìm lại đức tin 3 năm, rồi lại mất đức tin. Người ta thấy cuộc chiến đấu nội tâm của một người mà vào ngày thứ 6 Tuần Thánh viết rằng ông sẽ đi dự lễ Phục sinh ngay cả nếu tôi không còn tin vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng  thêm rằng: “Con bỏ Chúa. Chúa không bỏ con.”

Giả thiết thứ hai về sự phản bội của Giuđa: ông muốn Chúa Kitô tỏ ra mình là Đấng Cứu Thế của Israel, đấng giải phóng, chiến sĩ và chính trị gia. Do đó, Giuđa không còn nhìn thấy gương mặt của Giêsu Thiên Chúa nhưng là một vị thầy Do thái, một người thầy, và Giuđa muốn buộc Ngài làm những gì ông muốn.

Đi tìm dân ngoại và các người thu thuế trên các nẻo đường

Ý tưởng suy niệm thứ hai mà cha Michelini gợi ý là điều gì chúng ta có thể làm cho những người xa lìa đức tin. Cần phải đi tìm người tội lỗi. Cha cũng đã kể lại kinh nghiệm của mình.

“Tôi sống với một cộng đoàn những người trẻ; mỗi năm họ thực hiện 2 tuần đại phúc (các khóa giảng trong các dịp Mùa Chay hay mùa Vọng,vv.). Tôi trêu đùa họ bởi vì họ đi nhảy múa ca hát trên đường phố, đi vào các vũ trường và các quán rượu. Vì là giáo sư, tự nhiên tôi không cho phép mình làm những điều như thế và cho nên tôi đã trêu ghẹo các anh em của mình. Và đã nhiều năm, từ khi dạy học, tôi không còn thực hiện các tuần đại phúc. Nhưng họ biết là tôi đề cao công việc này vì thực tế là có những người đi đến những nơi đó, nơi có những người mà chúng ta không muốn thấy, những người trẻ thất vọng … Cho nên ngay cả nếu chúng ta không làm công việc này, chúng ta phải biết ơn và tương trợ cho những người đi trên các nẻo đường để tìm kiếm, như Chúa Giêsu nói, dân ngoại và những người thu thuế.”

Cha Michelini lưu ý là hành trình của Giuđa đã đưa ông đến chỗ tự tử sau khi nhận ra tội của mình. Trong tác phẩm “Những cuộc đính hôn” của Alessandro Manzoni, trình bày  cuộc trở lại của một người vô danh, có ý định tự tử cho đến khi ông nghe tiếng chuông. Trong ký ức của ông vọng về những lời: Thiên Chúa tha thứ nhiều điều bởi một hành động thương xót. Sau đó, người này đã gặp Đức Hồng y Federigo Borromeo và ngài tiếc là đã không đi tìm người này trước. Đây là những trang sách mời gọi đi tìm người tội lỗi.

Cha Michelini cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một bài giảng ở nhà nguyện thánh Marta khi giả thiết là các Linh mục đã xua đuổi Giuda, ngài nói về vấn đề giáo sĩ trị: Giuda bị khước từ, kẻ phản bội và ăn năn, không được chấp nhận bởi các chủ chăn, những người trí thức tôn giáo với nền luân lý đạo đức được thực hành bởi lý trí của họ và không bởi mạc khải của Thiên Chúa.

Vấn đề tự tử trong thời đại chúng ta. Giúp các Kitô hữu không bị mất đức tin

Cha Michelini không quên nhắc đến thực tại với các vụ tự tử được trợ giúp và các người trẻ tự tử. Cha đưa ra một câu hỏi: “Chúng ta có thể giúp các Kitô hữu trong thời đại chúng ta thế nào để không mất đức tin, để ý thức lại về đức tin đúng nghĩa, điều mà Tân Ước nói là đức tin vui mừng, toàn thể, gắn kết với Chúa Giêsu, chúng ta có thể làm gì để các vụ tử tử này không xảy ra?” (RV 08/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 4: Chúa Giêsu chấp nhận để Thánh ý Chúa Cha được thực hiện

Bài suy niệm 4: Chúa Giêsu chấp nhận để Thánh ý Chúa Cha được thực hiện

Chiều ngày 07/03, tại nhà tĩnh tâm Thầy Chí Thánh ở Ariccia, cha Michelini tiếp tục bài suy niệm thứ 4 về đề tài “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và Chúa Giêsu bị bắt” (Mt 26,36-46).

Thi hành Thánh ý Chúa Cha

Đầu tiên, cha Michelini so sánh hai lần cầu nguyện của Chúa Giêsu , trên núi Tabo và trong vường Ghết-sê-ma-ni. Hai sự kiện có những tương đồng nổi nật: Chúa Giêsu bị thử thách. Trên núi Tabor, Phêrô và hai tông đồ Gioan và Giacôbê không hiểu ý nghĩa lời loan báo lần thứ nhất của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài. Còn trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu vừa loan báo rằng một người sẽ trao nộp Ngài. Trong cả hai biến cố, 3 tông đồ Phêrô, Gioan và Giacôbê đều cùng đi với Chúa Giêsu nhưng họ không hiểu những điều đang xảy ra với Ngài.

Sự khác biệt giữa hai biến cố: trên núi Tabo, Chúa Giêsu nghe tiếng của Chúa Cha an ủi Ngài, nhưng ở vườn Ghết-sê-ma-ni, (trừ thánh sử Luca nói về việc Chúa Giêsu được củng cố thêm sức trong cuộc chiến bởi các thiên thần), không có tiếng nói nào. Ngược lại, Chúa Giêsu hướng về  Chúa Cha, khi chấp nhận để Thánh ý tốt lành của Chúa Cha được thực hiện. Thánh ý này không muốn Chúa Con phải chết, nhưng là ơn cứu độ. Chúa Giêsu đến để cứu chuộc dân Ngài, trong đó có thế giới.

Sô phận cay đắng phải chết – hình thức mới của ơn cứu độ

Cha Michelini nói tiếp rằng sứ vụ Chúa Cha trao phó được thực hiện trong cái chết cay đắng và cái chết này trở thành hình thức mới của ơn cứu chuộc, điều bây giờ đối với chúng ta là ơn cứu chuộc trong nghĩa tinh tuyền và đơn giản. Dụ ngôn các tá điền sát nhân cũng cho chúng ta thấy một người cha gửi con mình đến vườn nho với suy nghĩ “họ sẽ kính trọng con mình” (Mt 21,37). Nhưng lời loan báo của Chúa Giêsu cũng như chính Ngài đã không được đón nhận và Vương quốc Chúa Cha sẽ chuyển sang một hình thức khác mà Chúa Giêsu được mời gọi đón nhận ở vườn Ghết-sê-ma-ni. Như thế, tùy theo sự sẵn sàng của con người mà Chúa Giêsu có thể thi hành sứ vụ của Ngài. Sự đóng cửa lòng của thế giới không cho phép Ngài là hoàng tử hòa bình…. Do đó, Đấng Mêsia trở thành người bị hủy diệt. Lễ hy sinh của Ngài trở thành hiến tế sự chết.

Chúa Giêsu còn mời gọi các môn đệ của Ngài, như Ngài đã thực hiện ở Ghết-sê-ma-ni, yêu Thiên Chúa với hết tâm hồn và sức lực cho đến hy sinh mạng sống.

Suy tư

Thái độ của chúng ta trước phiền muộn đau khổ của người xung quanh. Chúng ta mở mắt nhìn và cầu nguyện hay chúng ta ngủ quên như 3 môn đê.

Có phải Thánh ý Chúa đối với chúng ta giống là điều thất thường, như điều “phải làm” bởi vì “Ai đó đã quyết định”, hay tôi thấy đó là Thánh ý tốt lành cho tất cả.

Giả định là Thánh ý cứu độ không thay đổi, tôi có chấp nhận rằng cách thức mà Thánh ý được thực hiện bị điều kiện hóa, bởi vì sự toàn năng của Thiên Chúa bị chặn đứng trước tự do của thụ tạo?

Nếu Thiên Chúa thay đổi ý, như sách ngôn sứ Giona nói Ngài có thể hồi ý (x. Gn 3,10), làm sao mà Giáo hội không thể thay đổi, tại sao chúng ta có thể bám giữ sự cứng nhắc của mình? (RV 07/03/2017)

Hồng Thủy

Bà mẹ góa hướng dẫn ơn gọi cho 3 con trai

Bà mẹ góa hướng dẫn ơn gọi cho 3 con trai

Mumbai – Trong ngày quốc tế phụ nữ 08/03, Đức cha John Rodrigues, Giám mục và giám đốc đền thờ Đức Maria trên núi ở Bandra, đã nhắc về người mẹ của mình với lòng biết ơn. Đức cha nói: “Nhờ gương của mẹ, người luôn nhắc chúng tôi về sự hiện diện của Thiên Chúa, tạo bầu khí cầu nguyện trong gia đình chúng tôi và có các mối liên hệ với các linh mục khác, chúng tôi đã cảm thấy ơn gọi trở thành tu sĩ của mình.”

Bà Corinne Rodrigues là mẹ của cha Savio, cha sở ở Mumbai, cha Luke, phó giám tỉnh tỉnh dòng Tên Mumbai và đức cha John. Chồng của bà qua đời vào năm 1975 và bà đã một mình nuôi 3 con. Các con của bà Rodrigues nhớ đến bà như một phụ nữ phi thường, đức tin mạnh mẽ và ân sủng, cuộc sống dâng hiến để phục vụ cho người khác, đầu tiên là làm giáo viên, rồi làm vợ, làm mẹ và vợ góa.

Cha Savio kể: “Cha mẹ tôi rất yêu nhau và hoạt động trong giáo xứ. Những năm 70 họ gia nhập phong trào Gia đình Kitô giáo. Năm 1973 họ tham gia vào “Cuộc gặp gỡ hôn nhân” – tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng, rồi được chọn làm lãnh đạo nhóm các vợ chồng. Những năm kế tiếp họ bận rộn chọn các đôi tham dự tĩnh tâm.” Dù cho người chồng qua đời, mẹ của các cha tiếp tục cổ võ các ý tưởng và các giá trị mà họ quý chuộng. Không chỉ hy sinh nhiều, bà còn dạy các con cái làm như thế. Bà còn có tình yêu dành cho người nghèo khổ. Bà thăm viếng các bệnh nhân tại nhà thương, mua các nhu yếu phẩm cho những người không thể đi ra ngoài được, chăm sóc trẻ em, tổ chức các chương trình và công việc cho các và góa. Sự quảng đại và nhiệt thành của bà thúc đẩy người khác.

Bà Rodrigues là tấm gương sáng về lòng thương xót của giáo phận Mumbai, bà cổ võ các hoạt động bác ái. Phong trào Hy vọng và Sự sống, một nhóm trợ giúp các bà góa là một trong những hoạt động của bà. Bà cũng là một phụ nữ góa, nhưng nỗi đau mất người chồng yêu quý không ngăn bà trao chuyển các giá trị Tin mừng và tình yêu Chúa.

Năm 2015, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập phong trào, Đức cha John Rodrigues đã nói: đối với mẹ ngài, “Chúa Giêsu là hôn phu tối cao, đá tảng hướng dẫn chúng ta trong việc đối mặt cách an ủi với các thử thách, đau khổ.” Đức cha kết luận: sức mạnh của bà “ở trong lời cầu nguyện. trong gia đình chúng tôi, giây phút cầu nguyện rất là quan trọng. Chúng tôi đọc kinh Mân Côi trong gia đình cũng như trong cộng đoàn. Nhờ sự khuyến khích nâng đỡ của cha mẹ mà tất cả chúng tôi, như gia đình, dâng hiến cho Giáo hội”. (Asia News 08/03/2017)

Hồng Thủy