Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Bài suy niệm thứ 7: Chúa Giêsu thực sự chết

Ariccia – Sáng ngày 09/03, cha Michelini đã trình bày bài suy niệm thứ 7 trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma với đề tài sự chết của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu thật sự chết

Trong bài suy niệm, cha Michelini mời gọi chiêm ngắm với lòng yêu mến sâu xa Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cha nhấn mạnh đến cái chết của Đấng Mêsia theo Tin mừng thánh Mátthêu. Cha nói rõ ngay lập tức rằng đó là cái chết thật chứ không phải “giống như chết”: vì “không chỉ các môn đệ cố gắng để tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại và điều này là thật, nhưng việc Chúa sống lại là có thể vì Chúa đã thực sự chết.”

Các chi tiết miêu tả cái chết của Chúa Giêsu gây nên sự không thoải mái, nó quá tàn bạo, làm cho chúng ta nói rằng những điều khủng khiếp này là không thực. Nhưng mà những điều này đã được viết bởi vì chúng cho thấy nó đã xảy ra .

Cảm giác bị bỏ rơi và bị hiểu lầm

Cha Michelini phân tích cảm giác bị bỏ rơi mà Chúa Giêsu trải nghiệm trên thập giá – khi Ngài kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ con”. Cảm giác này thêm sâu sắc bởi sự không hiểu của những người đang chứng kiến cảnh tượng tàn nhẫn của cuộc Thương khó của Chúa Kitô.

Khi Chúa Giêsu kêu “Êli, Êli, lêmaxabácthani”, có người tin là Ngài kêu ngôn sứ Êlia. Nhưng ngôn sứ Êlia thì có thể làm gì để cứu Ngài? Đây là một sự hiểu lầm. Chúa Giêsu đang kêu cầu Chúa Cha. Nhưng Chúa Cha im lặng. Việc Chúa Cha không can thiệp là một yếu tố khác làm cả trình thuật về cái chết của Chúa Giêsu trở nên lúng túng. Cảm giác mà Chúa Giêsu đang sống, cảm giác bị Chúa Cha bỏ rơi là một sự thật và gây sốc, đến độ khó mà tưởng tượng được. Chúa Giêsu than van không phải vì cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi hay vì đau đớn, nhưng bởi vì sức lực thể lý của Ngài đang cạn dần. Cực hình cuối cùng đối với Chúa Giêsu là không được hiểu ngay cả từ Thánh giá, bị hiểu lầm. Khi có thể, Chúa Giêsu suy tư, hành động để giải thích và giải thích. Nhưng từ Thánh giá, Ngài không thể giải thích điều gì.

“Cách tự nhiên, chúng ta biết là Thánh giá giải thích tất cả. Nhưng Chúa Giêsu cũng không thể nói tại sao Ngài kêu cầu Chúa Cha mà không kêu cứu Êlia. Ngài chỉ có thể làm một điều, là phó thác vào Chúa Thánh Thần, bởi vì chính Chúa Thánh Thần giải thích điều mà Ngài không thể hiểu.

Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn: cử chỉ yêu thương, tha thứ tội lỗi

Cha Michelini nhắc đến tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Chúa Giêsu. Khi ở Caphácnaum, một đại đội trưởng đã xin Chúa cứu chữa cho người con trai hay tên đầy tớ bị bệnh và Chúa đã không từ chối một cử chỉ của tình yêu. Lúc này, Chúa Giêsu bị chết vì một nhát đâm của tên lính. Nếu như Chúa Giêsu đã đáp lời cầu xin của viên đại đội trưởng ở  Caphácnaum, giờ đây trên thập giá, Ngài chỉ có thể đưa cạnh sườn cho tên lính đâm và từ đó máu và nước chảy ra, để tha tội lỗi.

Các phụ nữ hiện diện ở chân Thánh giá

Theo thánh Mátthêu, có nhiều phụ nữ, trong số họ có Maria “mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Nhiều người cho rằng bà Maria này là Mẹ Chúa Giêsu, đứng dưới chân Thập giá, như Tin mừng theo thánh Gioan.

Có thể là ở đây, thánh Mátthêu được cảm hứng từ thánh Gioan, muốn nói rằng người nữ đó, không được gọi là “Mẹ của Chúa”, nhưng là “Maria, mẹ của Giacôbê và Giôxép”. Vì Maria, Mẹ Chúa Giêsu, không còn đơn giản là Mẹ, và Chúa Giêsu không còn đơn giản là Con của Mẹ Maria. Như Mẹ Maria trong Tin mừng thánh Gioan, không chỉ còn đơn giản là Mẹ Chúa Giêsu, nhưng là mẹ của người môn đệ yêu dấu, và theo đó, là Mẹ của Giáo hội. Maria trong cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu cũng thế, là mẹ của Giacôbê và Giôxép, nghĩa là mẹ của các anh em Chúa Giêsu, và theo đó, đối với chúng ta, đối với Tin mừng này, là Mẹ của Giáo hội.

Xét mình

Cha Michelini mời tự vấn, chúng ta có vì sự khép kín hay kiêu ngạo, mà không hiểu người khác, không phải vì những điều họ nói không rõ ràng, nhưng đơn giản vì chúng ta không muốn hiểu.

Cha mời gọi xét xem chúng ta có khiếm khuyết trong việc giao tiếp với người khác không và cha mời gọi sửa đổi tốt hơn, gia tăng sự khiêm nhường, xét xem chúng ta có thành công trong việc đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự bình thường hàng ngày hay trong cái nhìn của người khác. (RV 09/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Bài suy niệm 6: Philatô và nỗi khao khát quyền lực

Ariccia – Bài suy niệm thứ 6 được cha Michelini trình bày trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và giáo triều Roma vào chiều ngày 08/03 về cuộc xét xử Chúa Giêsu và người vợ của tổng trấn Philatô (Mt 27,11-26).

Bài suy niệm xoay quanh nhân vật tổng trấn Philatô, và đặc biệt được viết cùng với một đôi vợ chồng – ông bà Mariateresa Zattoni và Gilberto Gillini, là những người đã cộng tác với cha Michelini nhiều nàm trong việc giảng tĩnh tâm cho các gia đình và các buổi đào tạo, cũng như cha đã viết chung với họ nhiều sách, trình bày cách đọc kép các bản văn Thánh kinh – chú giải và ngữ cảnh gia đình. Theo cha Michelini, việc đọc và chú giải Thánh kinh không phải là đặc quyền của các tu sĩ hay các người nghiên cứu Thánh kinh, các đôi vợ chồng và gia đình phải được giúp đỡ để thực hành Thánh kinh, điều cho đến nay chưa được thực hiện nhiều trong Giáo hội.

Lựa chọn giữa Chúa Giêsu và Baraba của tổng trấn Philatô

Cha Michelini nhắc lại rằng Đức Biển đức XVI đã nói đến  một bản văn khác biệt được Origen ghi nhận, về tên của Baraba, và tên “Giêsu”. Cha giải thích cho thấy điều này quan trọng trong việc hiểu hệ thống phức tạp mà thánh sử Matthêu nhìn nhận về hiệu quả của máu Chúa Giêsu đối với ơn tha tội. Hệ thống thần học này được Mátthêu sử dụng, nhưng chúng ta không được bỏ qua khung cảnh quan trọng về sự chọn lựa giữa Baraba và Chúa Giêsu: hai con người – không đơn giản là hai con dê như thánh Mátthêu tưởng tượng khi dựng lại cảnh tượng của lễ Yom Kippur (lễ xá tội) để trình bày về cái chết của Đấng Mêsia) – một người trước một người khác và chỉ một người sẽ sống.

Cha Michelini thuật lại câu chuyện trong tiểu thuyết của William Styron “Chọn lựa của Sophie”, khi người mẹ trẻ bị một sĩ quan phát xít buộc phải chọn một trong hai đứa con mình phải chết. Cha kết luận rằng, thật không may là dân Do thái, hàng thế kỷ, bị các Kitô hữu kết tội giết Chúa. Cuối cùng, lời kết án vô lý này đã được gỡ bỏ ở mọi cấp độ. Cha Michelini nói thêm rằng chúng ta không được quên rằng theo cuộc Thương khó theo thánh Mátthêu, lời kết án này không bao giờ có, ngay cả từ khía cạnh lý luận đơn giản: bởi vì, giống như trường hợp của Sophie, người buộc phải chọn để cho đứa con gái phải chết, trách nhiệm của quyết định khủng khiếp này đến từ người đã đưa ra điều kiện cho đám đông chọn lựa, hiển nhiên đó là tổng trấn Roma.

Khía cạnh gia đình: quyền lực của người nam

Cha Michelini trình bày suy tư của ông bà Gillini-Zattoni, với sự lưu ý của họ về việc trình bày quyền lực của người nam. Sự đồng lõa giữa thượng tế và Philatô đã tiêu diệt tiếng nói của người phụ nữ, của vợ ông Philatô, nói với Philatô qua một tin nhắn, bởi vì ông không cho phép bà được lắng nghe”.

Giấc mộng của Chúa và khao khát quyền lực

Cuối cùng, cha Michelini đã xem xét 5 giấc mộng trong Tin mừng thời thơ ấu theo thánh Mátthêu và giấc mộng của vợ tổng trấn Philatô. Các giấc mộng này được xem xét trong một tổng thể bởi vì chúng trình bày cùng một điều mà chúng ta có thể gọi là “giấc mộng của Thiên Chúa”: ơn cứu độ của người con (mà qua những giấc mơ trong phần đầu của Tin mừng, đã trốn thoát người muốn giết hại). Nhưng nếu thánh Giuse và các đạo sĩ hiểu điều họ phải làm và dù cho sự yếu đuối họ đã thực hành. Ngược lại, Philatô, đã không lắng nghe lời của vợ mình, không nghe theo các giấc mộng, và giống như vua Hêrôđê, ông chỉ quan tâm đến việc gìn giữ quyền lực. (RV 08/03/2017)

Hồng Thủy

Bài suy niệm 5: Giuđa và sự nguy hiểm của việc mất đức tin

Bài suy niệm 5: Giuđa và sự nguy hiểm của việc mất đức tin

Ariccia – Bài suy niệm cha Michelini gửi đến Đức Thánh Cha và giáo triều Roma sáng ngày 08/03 có các chủ đề rất mạnh mẽ và thực tế: “Nguy hiểm đánh mất đức tin, tự tử, sứ mạng của Giáo hội trong việc tìm kiếm người tội lỗi.” Trọng tâm của bài suy niệm xoay quanh nhân vật Giuđa, một trong 12 tông đồ. Sự phản bội của Giuđa là một biến cố gây tai tiếng và khó chịu, nhưng Tin mừng không che dấu chuyện này. Thảm kịch cũng được tỏ rõ với sự hối hận của Giuđa, mà theo thánh Mátthêu, ông biết mình đã phạm tội vì đã phản bội máu người vô tội.

Giuđa và chúng ta: nguy hiểm đánh mất đức tin

Cha Michelini đã tìm hiểu các nguyên nhân đã thúc đẩy Giuđa phản bội Chúa Giêsu. Giả thiết thứ nhất là có một lúc nào đó, Giuđa đã mất niềm tin.

Nguy hiểm mất đức tin khiến tất cả chúng ta phải tự hỏi: “Nếu có lẽ trong cuộc đời chúng ta, có nhiều ngày chúng ta không bỏ rơi Chúa Kitô, sự hiểu biết tốt nhất của chúng ta, tình yêu chúng ta, bởi một điều phù hoa, khoái lạc, lợi lộc, an toàn, oán ghét hay trả thù? Chúng ta khó mà biện hộ cho mình khi nói với sự ghê tởm về kẻ phản bội. Giuđa cho chúng ta thấy chính chúng ta.”

Cha Michelini nhắc lại kinh nghiệm của tác giả Emmanuel Carrère được thuật lai trong sách “Vương quốc”. Ông đã tìm lại đức tin 3 năm, rồi lại mất đức tin. Người ta thấy cuộc chiến đấu nội tâm của một người mà vào ngày thứ 6 Tuần Thánh viết rằng ông sẽ đi dự lễ Phục sinh ngay cả nếu tôi không còn tin vào cuộc Phục sinh của Chúa Kitô, nhưng  thêm rằng: “Con bỏ Chúa. Chúa không bỏ con.”

Giả thiết thứ hai về sự phản bội của Giuđa: ông muốn Chúa Kitô tỏ ra mình là Đấng Cứu Thế của Israel, đấng giải phóng, chiến sĩ và chính trị gia. Do đó, Giuđa không còn nhìn thấy gương mặt của Giêsu Thiên Chúa nhưng là một vị thầy Do thái, một người thầy, và Giuđa muốn buộc Ngài làm những gì ông muốn.

Đi tìm dân ngoại và các người thu thuế trên các nẻo đường

Ý tưởng suy niệm thứ hai mà cha Michelini gợi ý là điều gì chúng ta có thể làm cho những người xa lìa đức tin. Cần phải đi tìm người tội lỗi. Cha cũng đã kể lại kinh nghiệm của mình.

“Tôi sống với một cộng đoàn những người trẻ; mỗi năm họ thực hiện 2 tuần đại phúc (các khóa giảng trong các dịp Mùa Chay hay mùa Vọng,vv.). Tôi trêu đùa họ bởi vì họ đi nhảy múa ca hát trên đường phố, đi vào các vũ trường và các quán rượu. Vì là giáo sư, tự nhiên tôi không cho phép mình làm những điều như thế và cho nên tôi đã trêu ghẹo các anh em của mình. Và đã nhiều năm, từ khi dạy học, tôi không còn thực hiện các tuần đại phúc. Nhưng họ biết là tôi đề cao công việc này vì thực tế là có những người đi đến những nơi đó, nơi có những người mà chúng ta không muốn thấy, những người trẻ thất vọng … Cho nên ngay cả nếu chúng ta không làm công việc này, chúng ta phải biết ơn và tương trợ cho những người đi trên các nẻo đường để tìm kiếm, như Chúa Giêsu nói, dân ngoại và những người thu thuế.”

Cha Michelini lưu ý là hành trình của Giuđa đã đưa ông đến chỗ tự tử sau khi nhận ra tội của mình. Trong tác phẩm “Những cuộc đính hôn” của Alessandro Manzoni, trình bày  cuộc trở lại của một người vô danh, có ý định tự tử cho đến khi ông nghe tiếng chuông. Trong ký ức của ông vọng về những lời: Thiên Chúa tha thứ nhiều điều bởi một hành động thương xót. Sau đó, người này đã gặp Đức Hồng y Federigo Borromeo và ngài tiếc là đã không đi tìm người này trước. Đây là những trang sách mời gọi đi tìm người tội lỗi.

Cha Michelini cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong một bài giảng ở nhà nguyện thánh Marta khi giả thiết là các Linh mục đã xua đuổi Giuda, ngài nói về vấn đề giáo sĩ trị: Giuda bị khước từ, kẻ phản bội và ăn năn, không được chấp nhận bởi các chủ chăn, những người trí thức tôn giáo với nền luân lý đạo đức được thực hành bởi lý trí của họ và không bởi mạc khải của Thiên Chúa.

Vấn đề tự tử trong thời đại chúng ta. Giúp các Kitô hữu không bị mất đức tin

Cha Michelini không quên nhắc đến thực tại với các vụ tự tử được trợ giúp và các người trẻ tự tử. Cha đưa ra một câu hỏi: “Chúng ta có thể giúp các Kitô hữu trong thời đại chúng ta thế nào để không mất đức tin, để ý thức lại về đức tin đúng nghĩa, điều mà Tân Ước nói là đức tin vui mừng, toàn thể, gắn kết với Chúa Giêsu, chúng ta có thể làm gì để các vụ tử tử này không xảy ra?” (RV 08/03/2017)

Hồng Thủy

Liên kết tình yêu dành cho Chúa với tình yêu cho tha nhân

Liên kết tình yêu dành cho Chúa với tình yêu cho tha nhân

Ariccia – Thứ hai, 06/03, là ngày thứ hai trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng sự viên trong giáo triều Roma.

Đề tài của bài suy niệm thứ nhất vào ban sáng có chủ đề “Lời tuyên xưng của thánh Phêrô và hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu.”

Trong tuần tĩnh tâm, những giờ phút cầu nguyện là những thời khắc trung tâm. Cha Michelini nhắc rằng chúng ta phải cầu nguyện bởi Chúa Giêsu đã thực hành đầu tiên. Chúa Giêsu quyết định trong cầu nguyện chứ không qua các giấc mơ hay nhờ các pháp sư như Alexandre đại đế. Cầu nguyện cho chúng ta cơ hội lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa: “Tôi phân định dựa trên tiêu chuẩn nào? Tôi quyết định bốc đồng, để cho mình bị thói quen áp đặt, đặt bản thân mình và quan tâm của cá nhân mình trên cả vương quốc của Thiên Chúa? Tôi có lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa, nói một cách khiêm tốn?”

Khiêm tốn lắng nghe

Cha Michelini gợi ý rằng Chúa Cha không chỉ nói qua Chúa Con, nhưng đã nói với Chúa Con qua thánh Phêrô. Chúa Giêsu cũng đã thực hiện các việc làm do người khác cầu xin thúc giục. Trong cuộc đời của Ngài, có những cuộc gặp gỡ tác động đến sứ vụ của Ngài. Theo truyền thống do thái giáo, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với loài người bằng những cách thức rất khiêm tốn, như là qua lời của trẻ nhỏ và người khờ dại. Cha Michelini mời gọi suy tư: Tôi có sự khiêm nhường lắng nghe của Phêrô không? Chúng ta có khiêm nhường lắng nghe nhau trong khi lưu ý đến các định kiến mà chúng ta chắc chắn có, nhưng chú ý đón nhận điều mà Chúa muốn, thay vì đóng lòng mình lại. Tôi có lắng nghe tiếng nói của người khác, có thể là người yếu đuối hay tôi chỉ lắng nghe tiếng tôi?”

Theo Chúa Giêsu và vác thập giá

Thánh Mátthêu nói Chúa Giêsu rút lui. Cha Michelini nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu rút lui khi nghe Gioan Tẩy giả bị bắt và khi biết nhóm Pharisiêu muốn giết Ngài. Nhưng các cuộc rút lui của Chúa Giêsu không là dừng lại, mà sau khi rút lui, Ngài làm những việc cụ thể, đó là bắt đầu loan báo Nước Chúa và chữa lành các người bệnh. Chúa Giêsu tiếp tục sứ vụ với trách nhiệm mới, cho đến khi sứ vụ này đưa Ngài lên Giêrusalem.

Cha giảng thuyết Michelini suy tư: Nhìn vào thánh Phêrô, mỗi người chúng ta có thể và phải đặt câu hỏi. Trước hết chúng ta tự hỏi xem “tôi có can đảm đi đến cùng để theo Chúa Giêsu không, với ý thức là sẽ vác thánh giá, như Ngài đã nói, khi loan báo sự phục sinh, niềm vui, nhưng cũng là thử thách: nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá và theo Thầy.”

Đề tài của bài suy niệm thứ hai vào ban chiều là “những lời cuối cùng của Chúa Giêsu và khởi đầu cuộc Thương khó.”

Cha Michelini nhắc rằng những lời cuối cùng của cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng những khoảnh khắc thinh lặng. Đối mặt với sự im lặng, đây là một cơ hội để tự hỏi “có phải tôi rao truyền đức tin chỉ bằng lời nói hoặc cuộc sống của tôi có phải là rao giảng Tin Mừng. Sau đó, tôi tự hỏi sự im lặng của tôi thuộc loại nào, và liên quan đến các hoạt động của Giáo Hội mà tôi thực hiện, tôi có tội trong khi im lặng những lúc không nên im lặng.”

Nhắc lại đoạn Tin mừng nói về  người phụ nữ xức dầu lên chân Chúa Giêsu, cha Michelini nói: “Nhiều người không có can đảm để gõ cửa nhà chúng ta, và chúng ta phải đi đến với những người này. Nếu chúng ta trung thực và nhìn vào nội tâm, chúng ta không thể không đặt cả chúng ta vào số những người nghèo đó: mỗi người, tận sâu thẳm, là người nghèo đối với người khác. Những lời của Chúa Giêsu nói rằng sứ vụ của Ngài không kết thúc với sự hiện hữu lịch sử của Ngài, và trong thực tế, nó tiếp tục với sự dấn thân của cộng đồng tín hữu cho tất cả người nghèo, kể cả chúng ta.” Cha kết luận,  vì vậy, “chúng ta được kêu gọi liên kết tình yêu dành cho Chúa với tình yêu cho tha nhân.” (ACI/SD 07/03/2017)

Hồng Thủy

Cuộc đời Chúa Giêsu không phải là câu chuyện tưởng tượng

Cuộc đời Chúa Giêsu không phải là câu chuyện tưởng tượng

Ariccia – Chiều Chúa nhật 05/03, Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng sự viên của ngài trong giáo triều Roma đã bắt đầu tuần tĩnh tâm do cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn, thường được gọi là dòng Phanxicô, giảng thuyết.

9 bài suy niệm của cha Michelini xoay quanh cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo thánh sử Mátthêu. Cha Michellini đã bắt đầu bài suy niệm đầu tiên vào chiều tối chúa nhật.

Cha Michelini nhấn mạnh trong bài giới thiệu: “Chúa Giêsu thực sự chết và cuộc đời của Ngài không phải là một câu truyện tưởng tượng.”

Cha Michelini đặt câu hỏi cho các tham dự viên tuần tĩnh tâm: Trong tuần tĩnh tâm người ta sống điều gi? Lấy cảm hứng từ Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin mừng), cha nói, mỗi người phải xem mình nằm trong số những người cần được tái phúc âm hóa. Theo cha, “cuộc truyền giảng Tin mừng mới được hiểu đầu tiên là đốt sáng lên trái tim của các tín hữu thường tham gia vào cộng đoàn.”

Tuần tĩnh tâm sẽ kết thúc vào sáng thứ 6, 10/03 và sau đó Đức Thánh Cha sẽ trở về Vatican ngay sau đó. (ACI 06/03/2017)

Hồng Thủy

 

Phỏng vấn cha Giulio Michelini về việc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma

Phỏng vấn cha Giulio Michelini về việc giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma

Trong các ngày từ mùng 5 tới mùng 10 tháng 3 tới này cha Giulio Michelini, dòng Anh em hèn mọn Phanxicô, sẽ giảng tĩnh tâm mùa Chay cho ĐTC và các nhân viên Trung Ương Toà Thánh tại nhà tĩnh tâm Divino Maestro tỉnh Ariccia cách Roma 37 cây số. Đề tài cho cuộc tĩnh tâm là “Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu”.

Cha Michelini sinh năm 1963 tại Milano bắc Italia, gia nhập Dòng Anh em hèn mọn Phanxicô năm 1986. Năm 1987 thầy Michelini mặc áo dòng và làm nhà tập tại đan viện  San Damiano ở Assisi, khấn trọng năm 1992, và thụ phong linh mục năm 1994. Trong thời gian học tại Học viện thần học Assisi cha đã có linh mục Giuseppe Betori như giáo sư kinh thánh. Năm 1997 cha lấy bằng tiến sĩ ngữ học và văn chương ngoại quốc tại đại học Perugia. Tiếp đến năm 2008 cha lấy bằng tiến sĩ thần học kinh thánh tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Cha cũng đã sống 3 năm tại Giêrusalem cho tới năm 2007.

Từ năm 1993 tới năm 1996 cha Michelini đã là giám đốc cư xá sinh viên Monteripido ở Perugia và cộng tác tích cực với các TGM Ennio Antonelli và Giuseppe Chiaretti. Cha cũng đã là giáo sư các môn dẫn nhập và chú giải Thánh Kinh Tân Ước tại Học viện thần học Assisi, và là giám đốc nguyệt san Convivium Assisiense. Năm 2014 cha được chỉ định là giáo sư kinh thánh thực thụ của học viện thần học Assisi. Trong các năm 1997-2001 cha cũng trợ giúp văn phòng tổng thư ký của HĐGM Italia. Từ năm 2011 tới 2017 cha là bề trên tu viện Farneto. Cha cũng là giám đốc văn phòng tông đồ kinh thánh của giáo phận Perugia – Città della Pieve.

Cha Michelini là tác giả của vài cuốn sách và bài khảo luận như : « Máu của giao ước và sự cứu rỗi người tội lỗi. Một đọc hiểu mới hai chương 26-27 Phúc Âm thánh Mátthêu »  (2010);  « Nicola da Lira và việc chú giải do thái (2013); Mátthêu ». « Chú giải. Dẫn nhập, bản dịch và chú giải” 2013); “Một ngày với Chúa Giêsu. Một ngày tại Capharnaum theo thánh sử Marcô” (2015); « Bài thánh thi của mọi thánh thi. Niềm vui của tương quan nam nữ” (2016).

Cha Giulio Michelini là giáo sư chú giải kinh thánh tân ước tại Học viện thần học Assisi và là tuyên uý Phong trào Giáo Hội dấn thân thăng tiến văn hóa. Cha cũng hoạt động mục vụ trong lãnh vực kinh thánh, hướng dẫn các cặp vợ chồng kitô, và đặc trách việc huấn luyện các ứng viên Phó tế  vĩnh viễn trong giáo phận Perugia-Città della Pieva. Cha là chuyên viên nghiên cứu Phúc Âm thánh Mátthêu và đặc biệt nghiên cứu về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn cha về đề tài cuộc thuyết giảng tĩnh tâm mùa Chay này cho giáo triều Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha đã tiếp nhận lời ĐTC Phanxicô mời giảng tĩnh tâm cho giáo triều Roma như thế nào?

Đáp: Tôi đã tiếp nhận lời mời của ĐTC với ý thức trách nhiệm, niềm vui và một chút lo lắng. Tôi nhận ra ngay đây là một việc quan trọng, và tôi xin thú thật là trước khi nhận lời mời của ĐTC tôi đã hỏi ý kiến cha linh hướng của tôi.

Hỏi: Tại sao cha lại đã chọn đề tài “Cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu” cho cuộc giảng tĩnh tâm này cho ĐTC và các nhân viên làm việc trong giáo triều Roma?

Đáp: Việc bắt đầu Mùa Chay đã hướng chúng ta tới Tuần Thánh, trong đó chúng ta cử hành trung tâm điểm của mầu nhiệm kitô, là cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là một lý do. Đàng khác, tôi đã được đào tạo, tôi đã làm việc và đào sâu các nghiên cứu về cuộc Khổ nan của Chúa Giêsu theo Phúc Âm thánh Mátthêu. Vì thế tôi cho rằng mình có thể đo lường với văn bản trong đó tôi đã rất tập trung sự chú ý của mình vào đề tài này, và tôi tin rằng mình có thể nói điều gì đó có ích lợi liên quan tới đề tài ấy.

Hỏi: Sự kiện cha yêu thích Phúc Âm thánh Mátthêu phát xuất từ đâu?

Đáp: Lý do  thứ nhất là vì luận án tiến sĩ của tôi dành cho Phúc Âm của thánh sử. Thế rồi phụng vụ năm nay đề nghị các bài đọc trích từ Phúc Âm của thánh Mátthêu, cũng là Phúc Âm của thánh Phêrô và của Giáo Hội. Phúc Âm thánh Mátthêu cũng là Phúc Âm duy nhất biết tới từ “Ecclesia” Giáo Hội. Ngoài ra khi tôi nói, tôi sẽ có trước mặt các mục tử của Giáo Hội, vì vậy tôi đã nghĩ chọn một bối cảnh cho phép lắng nghe chính thánh Phêrô. Ngoài ra việc dẫn nhập vào cuộc tĩnh tâm sẽ bắt đầu ngày Chúa Nhật và sẽ chú ý tới hai điểm: ở với Chúa Giêsu và ở với thánh Phêrô.

Hỏi: Sẽ có gì thời sự trong các bài suy niệm của cha hay không?

Đáp: Có chứ, rất là thời  sự. Tôi nghĩ tới bài suy niệm sẽ nói về bà vợ của quan Philatô. Tôi đã được một cặp vợ chồng giúp đỡ. Đây là cặp vợ chồng mà tôi đã cộng tác từ nhiều năm nay: đó là anh chị Gillini-Zattoni. Điều này để nói rằng trong các suy tư cũng có đề tài gia đình. Rồi cũng bước vào trong các suy tư người nghèo, bởi vì khởi đầu cuộc Khổ Nạn, trong trang kể lại việc bà Maria Madalena xức dầu thơm trên chân Chúa ở Betania, Chúa Giêsu nói: “Người nghèo chúng con sẽ luôn luôn có họ với chúng con”. Rồi cũng bước vào suy tư các người khổ đau, như Chúa Giêsu đau khổ trong vườn Giệtsêmani: chúng ta có thể nói rằng tại nơi này có tất cả những người giờ đây đang phải sống trong thử thách, và như Chúa Giêsu, đôi khi họ phải vất vả đi theo ý muốn của Thiên Chúa. Cả các văn bản được chọn cho các suy niệm cũng đại diện cho nhiều tác phẩm khác nhau, chứ không phải chỉ hạn hẹp trong các văn bản phúc âm: tôi sẽ quy chiếu các tác phẩm như: “Vương quốc” của Emmanuel Carrière, “Giuđa” của Amos Oz và “Biến đổi hình dạng” của Franz Kafka, mà tôi sẽ sử dụng cho bài suy niệm cuối cùng về sự phục sinh, trong đó tôi sẽ nói về sự thức dậy của Chúa Giêsu, “Sự lựa chọn của Sophie” của William Styron, từ đó đạo diễn Alan Pakula đã đóng cuốn phim với Meryl Streep. Nó là một cuốn sách rất quan trọng sẽ giúp tôi nói về Chúa Giêsu và Barabba.

Hỏi: Sự kiện là tu sĩ Phanxicô ảnh hưởng trên các bài suy niệm của cha tới mức nào?

Đáp: Tôi tin là nó ảnh hưởng nhiều lắm, bởi vì tôi đã được chuẩn bị ở Capharnaum. Các anh em Phanxicô đã tiếp đón tôi trong thành phố của Chúa Giêsu, như chúng ta đọc trong Phúc Âm thánh Mátthêu. Trong các suy niệm này tôi sẽ liên tục quy chiếu cuộc sống của Chúa Giêsu tại Galilea, các biến cố mà cho tới nay chúng ta vẫn còn trông thấy các ký ức lịch sử và khảo cổ của Thánh Địa, mà các tu sĩ Phanxicô chúng tôi là những người giữ gìn quản thủ. Vì thế tôi hy vọng là sẽ đem lại một chút gì đơn sơ. Tôi sống trong tỉnh dòng Perugia, trong một tu viện mà ĐTC Phanxicô sẽ gọi là ở vùng ngoại biên. Cách tu sĩ Phanxicô chúng tôi cũng có chiều kích này của việc tiếp xúc với dân chúng và dân Thiên Chúa. Tôi muốn tạo dễ dàng cho việc tiếp xúc này qua các suy niệm của tôi.

Hỏi: Sự kiện một Giáo Hoàng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội chọn tên là Phanxicô đã tạo ra nơi cha hiệu qủa nào?

Đáp: Tôi đã lập tức trực giác rằng đây là một dấu chỉ để bước theo thánh Phêrô, ngài đã không chỉ chọn loan báo Chúa Kitô với sứ vụ giáo huấn, mà cũng chọn loan báo Chúa qua các cử chỉ và cả với một kiểu sống gần gũi  với kiểu sống của thánh Phanxicô thành Assisi. Các tu sĩ Phanxicô chúng tôi tất cả rất vinh dự vì sự lựa chọn này, và chúng tôi đã hiểu rằng đây là một cơ may  cho Giáo Hội ngày nay. Nghĩa là đây là việc loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã làm và như thánh Phanxicô đã làm giữa dân chúng.

(Oss. Rom. 24-2-2017)

Linh Tiến Khải