Hạt giống Lời Chúa

Hạt giống Lời Chúa

Một cầu thủ đấu bóng rổ đã tâm sự với các phóng viên báo chí như sau:

Quan niệm của tôi về cuộc sống nay đã thay đổi hẳn, tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn trong lúc này là dành nhiều thời giờ hơn để sống gần gũi với con cái tôi và biết thưởng thức, quí trọng những điều khác nữa, chứ không phải chỉ có môn thể thao bóng rổ mà thôi. Dù gặp bất hạnh, nhưng anh Colin đã là người có phúc hơn những người khác, bởi vì anh đã nghe được điều mà nhiều người muốn nghe mà không được nghe, đó là nghe được tiếng Chúa nói với anh trong các biến cố cuộc đời. Anh Colin khám phá ra được rằng, cuộc sống của anh còn có nhiều điều hay ho và quan trọng khác nữa.

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống Lời Ngài. Dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa cho các môn đệ.

Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi Lời Ngài khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Chúng ta đáp lại Lời Chúa như thế nào? Chúng ta có cần Chúa mở mắt chúng ta qua một biến cố đau thương như biến cố đã xảy ra với anh Colin hay không? Có cần Thiên Chúa thiêu đốt tất cả những gì chúng ta đang mù quáng bám víu vào như là giá trị duy nhất của đời mình, để giúp chúng ta trở về với Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa hay không?

Bằng cách nào đó không thể nói là tự nhiên tốt được. Tâm hồn con người cũng thế, tự nó không phải tự nhiên tốt, nhưng cần được ân sủng Chúa thánh hóa, thanh luyện mới có thể trở nên tốt, và mỗi người chúng ta cần cộng tác với ơn Chúa để tâm hồn chúng ta được trở nên mảnh đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái.

Thiên Chúa rất thường đến viếng thăm chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ, vui buồn, nhưng rất nhiều khi hay là hầu hết nhiều khi, hầu hết mỗi lần Chúa đến thăm để nói với chúng ta một điều gì đó, mạc khải cho chúng ta một điều gì đó thì chúng ta lại vắng mặt, chúng ta lại lo ra. Nhiều lần chúng ta được tiếp xúc với Lời Chúa nhưng chúng ta lại lơ là không màng chi đến Lời Chúa nữa.

Ước chi hôm nay, trong giây phút này, chúng ta hãy trở về ngồi lại nơi căn nhà tâm hồn của chúng ta trong thinh lặng để kiểm điểm lại những gì mình đã làm hư hỏng, để được kín múc lấy sức mạnh của Chúa mà giúp ta canh tân trong cuộc sống.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con hồi tâm trở về, lắng nghe Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa, xin Chúa giúp chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, để mảnh đất tâm hồn chúng con trở nên mảnh đất tốt, để chúng con luôn biết đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái trong tâm hồn chúng con mỗi ngày một hơn. Amen.

Veritas Radio

Gieo giống

Gieo giống

Bác nông phu đi ra ruộng và gieo hạt giống. Đây là một hình ảnh đẹp và quen thuộc. Bác nông phu đi với dáng bộ nghiêm trang và thận trọng, vai đeo thúng lúa. Ông thọc tay phải vào thúng, bốc hạt giống xạ xuống trên ruộng đồng theo nhịp chân bước. Người gieo giống đi gieo và đã xảy ra là có những hạt rơi trên vệ đường và chim trời đến ăn mất. Những hạt khác rơi trên sỏi đá, chúng mọc lên nhưng vì không đủ đất, cho nên bị ánh nắng mặt trời làm cho khô héo. Còn những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng chết ngạt. Và sau cùng, những hạt khác rơi vào đất tốt, chúng sinh hoa kết quả, có hạt được 100, hạt 60, hạt 30.

Chúng ta có thể nghĩ rằng: gieo giống gì mà kỳ lạ quá vậy. Tại sao không gieo trên đất tốt, mà còn gieo cả trên vệ đường, trên đất xấu và cả vào trong bụi gai. Gieo như thế vì đó là phương pháp làm ruộng của người dân miền Palestina. Họ có cách gieo giống khác với chúng ta. Họ gieo giống trước rồi mới cày úp sau. Vì vậy, ông bạn gieo giống trong dụ ngôn, đi gieo trong ruộng chưa cày bừa chi cả. Suốt thời gian đất nghỉ, dân làng thường đi tắt qua những thửa ruộng đã gặt hái chỉ còn lại những gốc rạ. Vậy khi gieo, ông ta đã tung hạt giống trên cả thửa ruộng, trên cả những con đường tắt này với ý định là sẽ cày cả con đường này lên, nhưng chim trời đã nhìn thấy những hạt giống đó và đã ăn mất trước khi chúng nẩy mầm. Ông cũng chủ ý gieo vào cả bụi gai khô héo vì ông cũng định cày cả đám gai này nữa. Nhưng hạt gai đã rụng xuống đất, lại được cày úp lẫn lộn với những hạt lúa, do đó gai mọc lên và làm cây lúa non chết ngạt. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy những hạt rơi trên sỏi đá. Đó là lớp sỏi đá cứng nằm ngầm dưới mặt đất, chỉ có một lớp đất mỏng phủ trên, người ta không trông thấy và chỉ khám phá ra khi lưỡi cày đụng phải. Nếu gặp lớp sỏi đá này, rễ lúa không thể đâm sâu xuống được và ánh nắng mặt trời sẽ làm cho chúng khô héo. Hình như người gieo giống không mấy lạc quan với công việc của mình. Nhưng may thay, phần lúa giống còn lại rơi trên đất tốt và đã sinh hoa kết quả tốt đẹp, hạt được 30, 60 hay 100.

Dĩ nhiên chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang giảng bằng dụ ngôn, và chân lý tôn giáo được núp sau hình ảnh của dụ ngôn đó. Điều này thực sự muốn nói là kết quả của lời Chúa. Lời ấy có khả năng phát triển và sinh hoa kết trái cách phi thường trong lòng người. Chính thánh Marcô đã cắt nghĩa dụ ngôn này một cách vắn tắt: Người gieo giống là chính Thiên Chúa và hạt giống là Tin Mừng, hay nói một cách khác, chính Chúa Giêsu là người gieo giống và hạt giống là những lời Ngài giảng dạy, còn tâm hồn chúng ta là những thửa đất. Thế nhưng những thửa đất ấy giờ đây như thế nào?

Lời Chúa nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên vệ đường, rơi giữa bụi gai hay ở trên sỏi đá. Nhưng lời đó phải được thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta để rồi sinh hoa kết trái một cách tốt đẹp. Lời Chúa luôn có một sức sống làm nẩy sinh hoa trái, nhưng lời ấy có thực sự đem lại kết quả tốt cho tâm hồn chúng ta hay không, thì còn tuỳ thái độ đón nhận và cộng tác của chúng ta đối với lời Chúa.

Sức sống của hạt giống

 Sức sống của hạt giống

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.
 
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
 
Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.
 
Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.
 
Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Tin mừng Chúa nhật hôm nay có tên gọi là “Dụ ngôn người gieo giống”. Thiên Chúa là người gieo giống. Chúng ta là đất. Hạt giống là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Tùy vào thái độ của mỗi người, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, Lời Chúa sẽ sinh những hiệu quả khác nhau.

Hạt giống được gieo trên bốn loại đất, đất vệ đường, đất lẫn sỏi đá, đất có nhiều gai góc và đất tốt. Đất nào cho năng suất nấy. Làm sao bên lề đường khô cằn sỏi đá, hạt giống có thể sinh hoa kết trái được? Trong bụi gai chằng chịt cỏ rác không mọc nổi, hạt giống làm sao vươn lên để thánh cây xanh tốt được? Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống tốt xấu mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người. Vì thế, dụ ngôn hạt giống gieo trên các loại đất khác nhau gợi lên những ý nghĩa.

Tấm lòng quảng đại của người đi gieo.
 
Người đi gieo đã gieo hạt giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một mảnh đất nào vì tấm lòng quãng đại của ông, chỉ muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Thiên Chúa quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiên chí. Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Không ai hoàn toàn là “lề đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng sẽ có một mùa gặt bội thu “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11).

Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.

Hạt giống tiềm ẩn sự sống.
 
Hạt giống có vỏ cứng bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Chồi non lên xanh là hình ảnh của sự sống mới. Sự sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai.

Hạt giống là ánh sáng, là Tin mừng, là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước Trời. Tự nó, hạt giống có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong hạt giống có mầm sự sống, hễ cứ gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên. Trong mầm sống có sự sống tiếp nguồn từ sự sống của Thiên Chúa. Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh sức sống tiềm tàng thì “Hạt lúa mục nát đi” (x. Ga 12,24) lại là một hình ảnh khác nói lên niềm hy vọng một mùa gặt mới sau khi chịu ‘mục nát”. Hạt giống là hồng ân Thiên Chúa, phong phú bao la và vô cùng mạnh mẽ. Điều quan trọng là hãy cho hạt giống một cơ hội để mọc lên.

Niềm hy vọng mùa gặt phong phú
 
Nếu người gieo hạt đã đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất kể mức độ tốt xấu thì bổn phận của đất là không được phụ lòng người quảng đại gieo hạt. Thiên Chúa làm được mọi sự nhưng Ngài cần con người cộng tác.Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi con người.

Trong các hoạt động tông đồ, không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Hạt giống cứ gieo vào đất, chúng ta hãy làm việc tốt cho người khác. Chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 5-9).

Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con cái Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nước Trời còn ẩn chứa nhiều điều huyền diệu và chỉ cõi lòng nào chân thành, khiêm nhường đón nhận mới có cơ duyên thưởng thức những huyền diệu của Lời Hằng Sống. Nhận lấy hạt giống Lời Chúa trong mình, chúng ta từ từ sinh hoa trái trong Giáo Hội cho vinh quang của Thiên Chúa (GLCG # 1724).

Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống là cần thiết, nhưng nước, phân bón và công chăm sóc thật là quan trọng. Giống tốt, gieo xạ đúng quy trình kỹ thuật, nhưng để đất khô hạn thì lúa không lên xanh. Có giống, có nước mà không có phân bón thuốc trừ sâu, thì lúa sẽ èo uột không kết quả. Có được giống tốt, nước bảo đảm, phân thuốc đầy đủ, nhưng chẳng chăm sóc thì không thu lợi được bao nhiêu.

Người sáng, người mù hay người câm điếc cũng đều có thể nghe Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng, nhưng quan trọng là đem ra thực hành.

Có một mảnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư mua lại thửa đất ấy rồi cày xới, làm sạch cỏ, rồi ông trồng cây, trồng hoa, trồng rau. Một thời gian sau, mảnh đất trở thành một khu vườn thật đẹp. Một hôm, ông Tư đang làm việc trong vườn, cha xứ đi qua và nói: “Khu vườn thật là đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó”. Ông Tư trả lời: “Vâng, cha cứ thử nghĩ lại xem, miếng đất này như thế nào khi chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây”.
 
Cầu Nguyện
 
Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
 
Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
 
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
 
Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. (Mana)

 

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Hạt giống và người gieo giống

Hạt giống và người gieo giống

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về hạt giống và người gieo giống, cũng như về thửa đất đón nhận hạt giống.

Trước hết, hạt giống và người gieo giống chính là Đức Kitô.

Thực vậy, Ngài đã đến trong cánh đồng trần gian. Thế nhưng, Ngài đã bị hiểu lầm, đã gặp biết bao nhiêu khó khăn và thất bại. Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như một hạt giống, Ngài đã nảy mầm đâm bông và kết trái.

Tiếp đến, hạt giống và người gieo giống còn là Giáo Hội.

Thực vậy, như Chúa Giêsu, Giáo Hội trải qua giòng thời gian cũng đã gặp phải biết bao nhiêu thất bại và cấm cách. Tuy nhiên, tất cả không thể làm cho Giáo Hội nghi ngờ hay thất vọng về sứ mạng của mình.

Hạt giống lời Chúa cũng như bản chất của Giáo Hội, có thể là rất nhỏ bé. Nhỏ bé như một hạt cải, nhỏ bé như một dúm men, nhưng năng lực của lời Chúa cũng như của Giáo Hội là vô hạn.

Không phải là qua những thành công rực rỡ bên ngoài mà Chúa Giêsu đã cứu độ nhân loại. Trái lại, Ngài đã bước vào chặng đường thập giá, bước vào tiến trình của một hạt giống được gieo vào lòng đất cần phải mục nát.

Bởi đó, Ngài đã trách cứ hai môn đệ trên đường về Emmaus:

– Hỡi những kẻ kém trí và chậm tin, Đức Kitô há không phải chịu thương khó rồi mới được vào chốn vinh quang hay sao?

Cũng vậy, Giáo Hội cần phải bước vào chặng đường thập giá, cần phải bước vào tiến trình mục nát của một hạt giống. Những thời Giáo Hội được huy hoàng nhất chưa hẳn đã là những thời mà Nước Chúa được mở rộng hơn cả.

Còn thửa đất thì sao?

Trước tiên, thửa đất là thế gian này.

Thực vậy, Đức Kitô đã đến trong thế gian và gieo vào đó hạt giống lời của Ngài. Thế gian trước kia đang khô cằn và chờ mong ơn cứu độ. Thế nhưng, kể từ đây có thể trở nên phì nhiêu cho lời Chúa sinh hoa kết trái.

Thế nhưng quan trọng hơn cả, mảnh đất phì nhiêu ấy phải là chính cõi lòng chúng ta. Đúng thế, mặc dù lời Chúa đầy hiệu năng, nhưng tự nó lời Chúa cũng không đủ để đảm bảo một mùa gặt tốt đẹp, bởi vì lời Chúa còn cần phải gặp được những thửa đất tốt.

Thiên Chúa tiếp tục gieo vãi hạt giống lời Ngài vào cõi lòng chúng ta. Nhiều người nghe nhưng ít người hiểu. Nhưng hiểu mà thôi cũng chưa đủ, chúng ta còn phải sống lời Chúa. Bởi vì, không phải chỉ nghe, chỉ hiểu là lời Chúa tự động nảy nở trong cõi lòng chúng ta và đem lại những hoa trái.

Mặc dù lời Chúa có đủ sức để đảo lộn cuộc đời chúng ta, nhưng hiệu năng của lời Chúa không phải là tự động, không phải là máy móc. Sự tăng trưởng của lời Chúa hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người chúng ta.

Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta sự tự do và Ngài luôn tôn trọng sự tự do ấy cho tới cùng. Ngài đề nghị mà không ép buộc:

– Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ, nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào và dùng bữa với kẻ ấy.

Chúng ta có tự do để trở nên một đám sỏi đá, một bụi gai, một lối đi cằn cỗi, nhưng đồng thời cũng có thể là một thửa đất tốt. Tất cả mọi loại đất đều tùy thuộc ở cõi lòng chúng ta.

Vậy chúng ta sẽ là thửa đất nào? Chúng ta đã nghe và đã hiểu, nhưng liệu chúng có dám sống lời Chúa và thực thi những điều Ngài truyền dạy hay không?

Hạt giống Lời Chúa

Hạt giống Lời Chúa

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ông Chirgwin, trong quyển sách mang tựa đề: “Thánh Kinh trong thế giới truyền giáo”đã kể câu chuyện sau đây:

Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế không thể tưởng tượng nổi.

Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, đàn bà, kể cả trẻ con. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng, hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.

Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ đi công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ không làm cho hắn mảy may cảm lòng, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với cặp mắt dữ tợn như một hung thủ.

Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn, hai phụ nữ ra về. Hai bà chỉ để lại cho hắn quyển Thánh Kinh Tân Ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi mà tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực.

Niềm hy vọng của họ đã trở thành hiện thực, Ishi-I đã đọc những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt, khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Lời ấy đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó Ishi-I thuật lại:

“Đọc đến lời ấy “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.

Cuối cùng, ông Chirgwin, tác giả câu chuyện này, kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn Ishi-I đi hành quyết. Họ đã không gặp một tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hoà nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.

(Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến một chuyện phim video mới đây được giải thưởng Oscar, mang tựa đề: “Dead man walking” (Người chết biết đi). Ở các quầy cho thuê băng video, mang tựa đề: “Tên tử tội”).

Anh chị em thân mến,

Lời Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên giết người không gớm tay như anh Tokichi Kshi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ và giáo dân đang dấn thân phục vụ những trẻ em bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội. Đúng như Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng hôm nay: “Lời Chúa như hạt giống được gieo vào đất tốt. Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành một trăm”.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người gieo giống”để mô tả số phận Lời Chúa được tung ra giữa nhân loại và đem lại kết quả như thế nào: Có hạt rơi xuống bên vệ đường, chim trời ăn mất. Có hạt rơi xuống trên sỏi đá, không đâm rễ được, bị khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, bị chết nghẹt. Chúa không chú trọng đến phần mất mát đó cho bằng đến sự phát triển mạnh mẽ của hạt giống khi rơi vào phần đất tốt. Nó sẽ nẩy sinh một mùa gặt phong phú, một thành ba mươi, sáu mươi hay một trăm. Vậy thì chúng ta đừng ai nản lòng vì mất mát, thiệt thòi. Người gieo giống cứ thẳng tay tung vãi khắp nơi một cách quảng đại, không dè xẻn. Bên ngoài xem ra như mọi sự chống lại việc triển nở của hạt giống Lời Chúa. Nhưng hãy chờ mùa gặt đến, kết quả sẽ vượt mức tưởng tượng, vì đây là công việc của Thiên Chúa. (Một tên giết người không gớm tay như Ishi-I, thế mà Lời Chúa đã từ từ thấm nhập vào tâm hồn, đã cải hoá anh thành một con người mới, một người hoà nhã, lễ độ, sám hối và đã tin).

Thánh Justinô tử đạo vào năm 150, khi suy niệm về dụ ngôn người gieo giống này đã khuyên bảo những người rao giảng Tin Mừng, đừng bao giờ thất vọng: “Chính Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã được gieo vào cánh đồng thế giới chúng ta. Ngài cũng đã bị hiểu lầm, bị chống đối, đã gặp bao thất bại… Nhưng sau khi bị chôn vùi vào lòng đất như hạt giống, Ngài đã nẩy sinh bao hoa trái sự sống dồi dào”.

Thưa anh chị em,

Ngày nay Giáo Hội không ngừng rao giảng Lời Chúa qua các thế hệ trên khắp thế giới. Giáo Hội cũng gặp nhiều khó khăn, thất bại như: thiếu phương tiện, bị bách hại, đời sống kém cỏi của một số giáo sĩ và giáo dân, số người rửa tội ngày càng ít đi trong một thế giới duy vật và trần tục hoá. Thật đáng buồn khi thấy đời sống đạo ngày càng sa sút. Lời Chúa như rơi vào sỏi đá, vào bụi gai hay ngoài đường lộ. Tuy nhiên, như lời Thánh Justinô: đứng thất vọng, người gieo cứ việc gieo và để cho Lời Chúa âm thầm hoạt động. Không có gì được phép làm cho chúng ta phải nghi ngờ hay chán nản. Hạt giống Lời Chúa có thể là bé nhỏ, có thể bị đối xử tàn tệ, bị chà đạp, bị lấn át, nhưng năng lực của nó là vô hạn (x. Bđ: Is 55,10-11).

Bổn phận của chúng ta là thành tâm đón nhận Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống giữa lòng đời. Không phải chỉ nghe suông mà còn tìm hiểu ý Chúa muốn chúng ta phải làm gì. Có bao nhiêu chướng ngại chống lại việc tìm hiểu và thực thi Lời Chúa: nào là những quyến rũ của đời sống trần tục, nào là những lo lắng việc đời, ham mê của cái. Chúng như chim trời sà xuống cướp lấy hạt giống vừa rơi xuống, hoặc như sỏi đá, như bụi gai cản trở, bóp nghẹt Lời Chúa.

Anh chị em thân mến,

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta họp nhau dự Tiệc Thánh, gồm có Lời Chúa và Thánh Thể của Chúa. Hãy đón nhận với niềm tin yêu để Lời Chúa và Thánh Thể trở nên sức sống và ánh sáng, niềm vui và hy vọng cho cuộc đời chúng ta. Rồi đến lượt chúng ta lại trở thành người ra đi gieo giống, người Tông đồ rao giảng Lời Chúa, góp phần vào mùa thu hoạch của Giáo Hội cho Nước Trời vào ngày sau hết.

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH 27-9

SỨ ĐIỆP CHO NGÀY QUỐC TẾ DU LỊCH 27-9

VATICAN: Hôm qua (11-7) Tòa Thánh đã công bố sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Du Lịch 27 tháng 9, và khẳng định rằng ngành du lịch phải mưu ích cho các cộng đoàn địa phương trên bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần.

Sứ điệp mang chữ hý của Đức Hồng Y Antonio Maria Vegliò, Chủ tịch Hồi Đồng Tòa Thánh cho người di cư và lưu động, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành du lịch trong thế giới toàn cầu hiện nay. Giáo Hội muốn đồng hành với các sinh hoạt này trong giới hạn của mình, vì đây cũng là dịp tốt để rao truyền Tin Mừng. Trong Bộ luật luân lý đạo đức quốc tế, tổ chức Du lịch quốc tế nhấn mạnh rằng du lịch phải là một sinh hoạt đem lại lợi ích cho các cộng đoàn đia phương, với sự tham dự tích cực của các dân tộc vào các thiện ích kinh tế, xã hội và văn hóa một cách công bằng cũng như tạo công ăn việc làm cho dân. Điều này có nghĩa là phải có tương quan hai chiều làm giầu cho nhau. Ý niệm phát triển cộng đoàn cũng là phần của giáo huấn xã hội của Hội Thánh liên quan tới sự phát triển con người toàn diện. Trong Thông diệp ”Phát triển các dân tôc” Đức Phaolô VI minh xác rằng ”sự phát triển đích thật phải toàn diện, nghĩa là nhắm tới việc thămg tiến con người và toàn con người”.

Sứ điệp nêu bật rằng du lịch có thể góp phần vào việc phát triển con người toàn diện, khi nó chú ý tới lãnh vực kinh tế, môi sinh, xã hội và văn hóa. Các thống kê cho thấy lợi nhuận du lịch chiếm 3-5% tổng sản lượng quốc gia, 7-8% công ăn việc làm, và 30% các dịch vụ xuất cảng. Trong tình hình hiện nay mọi nơi trên trái đất đều có thể trở thành một mục tiêu có tiềm năng du lịch. Vì thế kỹ nghệ du lịch là một trong các lựa chọn có thể thực hiện được, giúp giảm cảnh nghèo túng trong những vùng chậm tiến nhất. Nếu được phát triển một cách thích hợp, nó có thể trở thành một dụng cụ phát triển qúy báu, tạo công ăn việc làm, phát triển các cơ cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong tình trạng thất nghiệp gia tăng trầm trọng hiện nay trên thế giới. Trong viễn tượng đó đu lịch là sinh hoạt giúp thăng tiến cuộc sống của các giai tầng xã hội thường bi thiệt thòi nhiều nhất như phụ nữ, giới trẻ và các nhóm thiểu số.

Tuy nhiên , việc sử dụng các tài nguyện và nhân lực địa phương cho các sinh hoạt khác nhau cần tôn trọng các tiêu chuẩn luân lý đạo đức đối với các cá nhân cũng như với các cộng đoàn địa phương, với mục đích thăng tiến cuộc sống và thiện ích của người dân trong công bằng, chứ không phải để mưu lợi ích kỷ. Ngoài ra du lịch cũng cần chú ý tới nhiều khía cạnh quan trọng khác nữa như: sự phong phú văn hóa, cơ may gặp gỡ nhân bản, việc xây dựng các tương quan thiện ích, phát huy sư tôn trọng lẫn nhau, sự khoan nhượng và cộng tác giữa các hiệp hội, tổ chức và cơ cấu nhằm củng cố các tiềm năng xã hội và thăng tiến các điều kiện kinh tế xã hội, đào tạo nghề nghiệp cho giới trẻ v.v..

Giáo huấn xã hội của Hội Thánh và cái nhìn đức tin kitô có thể góp phần tích cực cho việc phát triển toàn vẹn con người và cộng đoàn trong tất cả mọi chiều kích sinh hoạt của ngành du lịch (SD 11-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI BOLIVIA KÊU GỌI CÁC ỬNG CỬ VIÊN TRÁNH CÁC LĂNG MẠ VÀ BÔI NHỌ NHAU TRONG CUỘC TRANH CỬ

GIÁO HỘI BOLIVIA KÊU GỌI CÁC ỬNG CỬ VIÊN TRÁNH CÁC LĂNG MẠ VÀ BÔI NHỌ NHAU TRONG CUỘC TRANH CỬ

SUCRE: Trong các ngày vừa qua các Giám Mục Bolivia đã mạnh mẽ kêu gọi các ứng cử viên tránh lăng mạ và bôi nhọ nhau trong cuộc tranh cử bầu tổng thống và quốc hội sẽ diễn ra ngày 12 tháng 10 tới đây.

Đức Cha Jesus Juarez Páraga, Tổng Giám Mục Sucre, nói với giới báo chí rằng các lời lăng mạ nhau giữa các nhà chính trị đi ngược lại luật cấm mọi hình thức kỳ thị. Thay vì nói xấu nhau, các ứng cử viên và các đảng phai chính trị nên trinh bầy cho cử tri biết chương trình hành động của mình khi đắc cử. Chửi bới bôi nhọ nhau không đưa tới tiến bộ nào cho nền dân chủ.

Tuần qua tổng thống mãn nhiệm Evo Morales đã từ chối cuộc hội thoại với ứng cử viên Samuel Soria Medina thuộc đảng đối lập ”Dân chủ thống nhất” và khuyên ông này về ”nói chuyện với bà ngoại của ông ta.” Ngày mùng 8 tháng 7 trong buổi lễ kỷ niệm 115 năm tỉnh Campero Cochabamba, Phó tổng thống Alvaro Garcia tuyên bố ”Đất nước Bolivia bị chia đôi giữa những người yêu nước và những kẻ bán nước”.

Chính trong cảnh lời qua tiếng lại này giữa các chính khách, Đức Cha Juarez đã mời gọi cac giới chức chính trị đừng rơi vào cuộc chiến chửi bới nhau, nhưng hãy khích lệ nhau lo cho công ích, phẩm giá và các quyền con người, là những điều Giáo Hội công giáo luôn cổ võ. Dư luận Bolivia rất cay đắng vì thiếu các tin tức liên quan tới các cuộc bầu cử, trong khi đã có 10 đảng phái chính trị ghi danh tham dự cuộc tổng tuyển cử và đã bắt đầu cuộc tranh cử.

Bolivia có 11 triệu dân gồm hàng chục bộ lạc khác nhau, trong đó có bốn nhóm đông nhất là Quechua, Aymara, Chiquitano và Guarani chiếm 55% tổng số dân, 30% là người lai giữa các thổ dân và da trắng, 15% là người da trắng. 78% dân Bolivia theo Công giáo, 19% theo Tin Lành và 3% thuộc các cộng đoàn Kitô khác (FIDES 10-7-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

GIÁO HỘI NAM HÀN SINH ĐỘNG VÀ LÔI CUỐN NHIỀU NGƯỜI THEO ĐẠO

GIÁO HỘI NAM HÀN SINH ĐỘNG VÀ LÔI CUỐN NHIỀU NGƯỜI THEO ĐẠO

SEOUL: Sức sinh động của Giáo Hội công giáo Nam Hàn khiến cho nhiều người muốn tìm hiểu và gia nhập đạo.

Đức Tổng Giám Mục Mario Toso, Tổng thư ký Hội Đồng Tòa Thánh Cnog Lý và Hòa Bình, đã cho biết như trên sau chuyến viếng thăm Nam Hàn trong các ngày 21-16 tháng 6 vừa qua. Đức Cha Toso đến Nam Hàn để thuyết trình về Tông huấn ”Niềm vui Phúc Âm” của Đức Thanh Cha Phanxicô trong ba tổng giáo phận Kwangju, Daegu và Seoul. Đức Cha cho biết ngài rất bị đánh động bởi gương của các linh mục Nam Hàn bệnh vực những người yếu đuối nhất, và chia sẻ các khổ đau của họ trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Đây là bằng chứng cho thấy các Linh Mục Nam Hàn đang thực thi lời Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các linh mục phải ”đi ra các vùng ngoại biên và có mùi của chiên”. Đức Cha Toso cho biết ngài thấy Giáo Hội công giáo Nam Hàn là gậy chống đỡ cho người nghèo và người thất nghiệp.

Giáo Hội công giáo Nam Hàn chiếm 12% tổng số dân. Tuy là một thiểu số nhưng Giáo Hội là một cộng đoàn mạnh mẽ có tới 30 dân biểu trong Quốc Hội. Báo chí đời cho Giáo Hội Nam Hàn là bảo thủ và đi với người giấu. Nhưng Đức Cha thấy Giáo Hội rất dấn thân trong việc loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng trong nền văn hóa thống trị của chủ thuyết duy vật và tiêu thụ tôn thờ tiền bạc quyền bình và coi những người yếu đuối là vô dụng. Trong nhiều thập niên qua Giáo Hội liên đới với dân nghèo trong các thời điểm xã hội khó khăn. Đức Cha Toso cũng có địp dâng thánh lễ cho những người thất nghiệp và cũng có nhiều người vô thần tham dự. Ngài có cảm tưởng dân chúng tìm kiếm Giáo Hội vì Giáo Hội gần gũi người dân. Và đó là lý do giải thích tai sao trong các năm qua có nhiều người xin gia nhập đạo công giáo. Chuyến viếng thăm của Đức Cha Thư ký Hội Đồng Toà Thánh Công Lý và Hòa Bình cũng là một kiểu chuẩn bị cho chuyến công du Nam Hàn của Đức Thánh Cha trong các ngày 13 tới 18 tháng 8 tới đây.

Năm 1949 Giáo Hội công giáo Nam Hàn chỉ chiếm 0.6% tổng số dân, nhưng năm 2010 đã tăng lên 10.9%. Và các Giám Mục Nam Hàn nhắm tới 20% trong năm 2020 (CNA 10-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

CARITAS GAZA LÊN ÁN CÁC VỤ DỘI BOM VÀ OANH KÍCH CỦA KHÔNG QUÂN ISRAEL

CARITAS GAZA LÊN ÁN CÁC VỤ DỘI BOM VÀ OANH KÍCH CỦA KHÔNG QUÂN ISRAEL

GAZA; Tổ chức Caritas hiện diện trong dải Gasa đã mạnh mẽ lên án các vụ đội bom và oanh kích của không quân Israel, và khẳng định rằng bạo lực chống lại những người vô tội, nhất là phụ nữ và trẻ em, không đem lại an ninh cho ai hết.

Trong thông cáo gửi hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo, Caritas Gaza cho biết khác với trước đây các vụ bỏ bom và oanh tạc chỉ nhẳm vào các trạm cảnh sát và cơ sở của lực lượng Hamas, lần này không lực Israel tấn công các dinh thự dân sự và cả các trại ty nạn nữa. Ba ngày tấn công của không lực Israel đã khiến cho hơn 80 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tám thường dân dã bị thiệt mạng đang khi theo dõi trấn đàu bán kết giữa Argentina và Hòa Lan trong một quán giải khát. Trong thông cáo Caritas Gaza nhấn mạnh rằng người dân dải Gaza đã phải sống cảnh phong tỏa từ 12 năm nay, và trong 8 năm qua đã gánh chịu 3 cuộc xung đột. Cả hai dân tộc Palestine và Israel đều có quyền sống trong hòa bình và an ninh. Nhưng quyền ấy sẽ không thể bảo đảm bởi bạo lực, tấn công chống lại các người vô tội. Con đường duy nhất giúp đạt hòa bình, an ninh và thoát ra khỏi cảnh chiến tranh, là công bằng và giải quyết chấm dứt xung khắc. Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách thừa nhận quyền của dân tộc Palestine sống trong tự do trên đất của mình và cho phép dải Gaza rộng mở cho thế giới.

Caritas Gaza cho biết hiên nay không thể can thiệp, giúp đỡ và cứu trợ người tỵ nạn được, vì không lực Israel vẫn tiếp tục các vụ bỏ hom và bằn phá Gaza (FIDES 10-7-2014).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Ngân sách Tòa thánh năm 2013 bị thiếu hụt gần 24.5 triệu Euro

Ngân sách Tòa thánh năm 2013 bị thiếu hụt gần 24.5 triệu Euro

VATICAN. Trong năm 2013, ngân sách của Tòa Thánh bị thiếu hụt gần 24 triệu 500 ngàn Euro (24,470,549), trong khi ngân sách năm 2012 trước đó dư được 2 triệu 100 ngàn Euro.

Theo thông cáo công bố hôm 8-7-2014, phần lớn số chi của Tòa Thánh, gồm 125 triệu Euro, là để trả lương có 2,886 nhân viên, tính đến ngày 31-12-2013.

Tuy nhiên, ngân sách năm ngoái của Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican dư được hơn 33 triệu Euro (33,040,583), tức là tăng khoảng 10 triệu so với năm 2012 trước đó. Tính đến ngày cuối năm ngoái, Phủ Thống đốc có 1,951 nhân viên.

Số tiền Giáo Hội hoàn vũ đóng góp cho Tòa Thánh, chiếu theo khoản giáo luật số 1271, hầu như không thay đổi tức là 22 triệu 400 ngàn Euro, tức là chỉ tăng thêm 100 ngàn so với năm 2012.

Viện Giáo vụ (IOR), tức là ngân hàng Vatican, đóng góp cho Tòa Thánh 50 triệu Euro trong tài khóa 2013.
Hội đồng kinh tế của Tòa Thánh đã phê chuẩn kết toán ngân sách trên đây và mời gọi Văn phòng Tòa Thánh về Kinh Tế tiếp tục thích ứng các nguyên tắc kế toán của Vatican với các tiêu chuẩn quốc tế.

Viện Giáo Vụ tiến qua giai đoạn 2 trong tiến trình cải tổ

Mặt khác, Viện giáo vụ bắt đầu tiến qua giai đoạn thứ hai trong tiến trình cải tổ.

Trong thông cáo công bố ngày 8-7-2014, Viện giáo vụ cho biết trong năm 2013, lợi tức của Viện này suy giảm rất nhiều từ 86 triệu 600 ngàn Euro trong năm 2012 xuống còn 2 triệu 900 ngàn Euro. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, lợi tức được phục hồi đáng kể với 57 triệu 400 ngàn Euro.

Gia sản vốn (patrimonio netto) của Viện Giáo Vụ tính đến ngày 30-6 vừa qua là 775 triệu 400 ngàn Euro. Ngân khoản được khách hàng tín thác và các trái khoán của Viện này hiện nay là 6 tỷ Euro. Trong tiến trình kiểm soát các tài khoản, tính đến ngày 30-6-2014, Viện Giáo Vụ đã chấm dứt quan hệ với 3 ngàn khách hàng, trong đó có khoảng 2.600 tài khoản từ lâu không còn hoạt động. Ngoài ra có 396 khách hàng bị chấm dứt quan hệ do duyết định của Hội đồng giám sát Viện này ngày 4-7 năm 2013, nhắm thu hẹp con số khách hàng của Viện Giáo Vụ.

Do quyết định đó, Viện Giáo Vụ hiện nay chỉ cho phép các tổ chức Công Giáo, cơ quan Giáo Hội, nhân viên và cựu nhân viên Vatican, các đại sứ quán và nhân viên ngoại giao cạnh Tòa Thánh được mở tài quản trong Ngân hàng ngày.

Viện Giáo Vụ xác nhận sắp có ban lãnh đạo mới, làm việc trong một cơ cấu quản trị mới. (SD 8-7-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Hoạt động của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV trong Đệ Nhất Thế Chiến

Hoạt động của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV trong Đệ Nhất Thế Chiến

Phỏng vấn Linh Mục Massimo Mancini giáo sư Lịch sử Giáo Hội phân khoa Thần Học Triveneto Venezia bắc Italia

Trong các tuần tới đây Âu châu tưởng niệm 100 năm Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, một cuộc chiến đã khiến cho 20 triệu người thiệt mạng và tàn khốc hơn tất cả mọi cuộc chiến trước đó, vì có sư tham dự của nhiều nước trên thế giới và việc sử dụng các vũ khí mới chưa từng có như máy bay, xe tăng, tầu ngầm, và cả vũ khí hóa học nữa.

Năm 1914 tình hình Âu châu căng thẳng vì các đối nghịch giữa các cường quốc lớn Pháp, Đức và Anh. Hai nước Pháp và Anh có nhiều thuộc địa rộng lớn cung cấp các nguyên liệu rẻ tiền và hầu như vô tận. Đức mặc dù có nền kinh tế phát triển vượt Pháp và bắt kịp Anh quốc, nhưng có ít thuộc địa, nên không có các nguồn tài nguyên phong phú và có thị trường quốc tế nhỏ hơn so với Pháp và Anh. Pháp và Anh muốn ngăn chặn nền kinh tế bành trướng đang lên của Đức. Ngoài sự cạnh tranh kinh tế này, còn có sự đua tranh chính trị nữa. Các cường quốc Âu châu muốn kiểm soát vùng Balcan và biển Địa Trung Hải, nhất là người Nga và người Áo muốn lợi dụng sự yếu kém của đế quốc Ottoman để bành trướng bằng cách chinh phục các vùng đất làm thành bán đảo Balcan. Có một yếu tố khác nữa tạo ra các căng thẳng lớn giữa các nước đó là khuynh hướng quốc gia, đặc biệt là của Pháp vì Pháp muốn chiếm các vùng đất Alsace và Lorraine đã bị mất trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871. Italia thì muốn chiếm lại miền Trento và Trieste.

Chính trong tình hình đua tranh căng thẳng đó Trưởng quận công Francesco Ferdinando, người sẽ kế vị vua Áo, và vợ bị một sinh viện người Serbi ám sát ngày 28 tháng 6 năm 1914 tại Sarajevo. Vụ ám sát này đã là cớ khiến cho Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ giữa các đế quốc vùng trung Âu châu là Đức, Áo, Hungari, Ottoman, và các cường quốc của Thỏa hiệp tay ba gồm Pháp, Anh và Nga. Đức mơ thành lập một nước lớn bao gồm tất cả các vùng nói tiếng Đức. Trong khi Nga ước muốn hiệp nhất tất cả các dân tôc nói tiếng Slave.

Thế là Áo tuyến chiến với Serbia, vì coi Serbia là nơi tiếp đón mọi lực lượng Slave đòi độc lập, và muốn trừng phạt vùng đất này một lần cho luôn mãi. Chỉ nội trong mấy ngày nhiều quốc gia khác nhau tham chiến. Bên cạnh Đức, Áo là Thổ Nhỉ Kỳ, Bulgaria, Nhật Bản và Rumania. Các người đảng xã hội và các tín hữu công giáo chủ trương hòa bình, nhưng lập trường của họ không được lắng nghe. Các phe lâm chiến cũng không chú ý đến các lời cảnh cáo rất nghiêm ngặt của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV coi chiến tranh là hậu qủa của ích kỷ, của chủ thuyết duỵ vật và việc thiếu các giá trị luân lý và tinh thần.

Ban đầu người ta chỉ nghĩ tới một cuộc chiến kết thúc nhanh chóng, nhưng mọi tính toán đều sai và cuộc chiến biến thành ”chiến tranh hầm trú” kéo dài hết năm này sang năm khác. Binh sĩ đào các đường hầm dài hàng trăm cây số, với các bãi mìn và hàng rào kẽm gai, rồi sống và di chuyển trong đó để cầm chân nhau. Mặt trận trải dài hàng ngàn cây số giữa hai bên và cần binh sĩ tới độ phải tổng động viên đàn ông con trai. Tình trạng này bắt buộc các phụ nữ phải làm việc trong các nhà máy sản xuất quân trang quân dụng. Tuy có các trận đánh đẫm máu nhưng không bên nào tiến được. Người ta đã phải dùng tới máy bay oanh tạc các đường hầm từ trên cao, cũng như xe tăng, hơi ngạt và súng phun lửa.

Phía ngoài biển hải quân Anh phong tỏa không cho quân Đức tiếp viện. Quân Đức bắt đầu sử dụng các tầu ngầm và nạn nhân thường là các tầu của Hoa Kỳ tiếp tế cho Anh quốc.

Năm 1917 các cuộc tàn sát thê thảm bị phơi bầy trước mắt mọi người. Mặc dù Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV liên tục kêu gọi ngưng chiến và dịnh nghĩa nhân loại đáng xấu hổ, chiến tranh vẫn tiếp diễn khiến cho các dân tộc Âu châu mệt mỏi vì đói khát, hàng ngàn người tị nạn về nhà với thân thể què cụt. Không còn nông dân để cầy cấy, cũng không còn công nhân trong các hãng xưởng, tất cả đều do phụ nữ, trẻ em và người già đảm trách.

Mùa xuân năm 1917 nhiều vụ nổi dậy đã bắt buộc Nga hoàng Nicola II phải từ chức, hàng triệu binh sĩ Nga mệt nỏi đói khát bỏ chiến tuyến về nhà. Đảng Bônxêvích của Lenin lên nắm quyền, và ký thỏa hiệp đình chiến và hòa bình với Đức. Nga ra khỏi chiến tranh nhưng mất Ba Lan, Estonia, Lettonia, Lituania và Phần Lan. Được rảnh tay, Áo và Đức dồn toàn lực đánh Pháp, Anh và Italia.

Vụ tầu xuyên đại tây dương Lusitania bị quân Đức đánh chìm làm cho 124 người Mỹ bị chết, khiến cho vào mùa xuân năm 1917 Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức. Cùng với các binh sĩ Mỹ là các đồ tiếp tế, quân trang quân dụng và thực phẩm. Trên bình diện quân sự tuy không tiến xa hơn, nhưng Đức và Áo xem ra còn vững. Nhưng trên bình diện kinh tế thì vô cùng thảm hại, vì đồng ruộng bị bỏ hoang không có người canh tác, thiếu nhiên liệu, thực phẩm, cả đến phần ăn của binh sĩ cũng bị hạn chế. Sau các nỗ lực cuối cùng tấn công mà không chiến thắng, tháng 11 năm 1918 Áo ký thỏa hiệp ngưng bắn với Italia, và Đức xin cầu hòa. Các vụ nổi loạn của dân chúng đã khiến cho hai hoàng đế Áo và Đức phải từ chức.

Chính trong bối cảnh chiến tranh trên đây ngày mùng 3 tháng 9 năm 1914 Đức Hồng Y Giacomo Della Chiesa, Tổng Giám Mục Bologna, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy tên là Biển Đức XV. Vụ bầu cử đã diễn ra giữa tiếng bom đạn của Đệ Nhất Thế Chiến, mà Đức tân Giáo Hoàng định nghĩa là một ”tai ương vô ích”. Trong hơn 7 năm làm Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Biển Đức XV tìm cách ngăn chặn cuộc xung khắc, hăng say tái phát động các tương quan với miền nam thế giới và Viễn Đông, công bố Bộ giáo luật mới, giảm các giọng điệu của phong trào duy tân tiến, tái tổ chức việc truyền giáo, và ủng hộ tín hữu công giáo trong cuộc sống chính trị. Nhưng hoạt động lớn nhất của ngài là hoạt động cho hòa bình.

Sau đậy chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Linh Mục Massimo Mancini, giáo sư Lịch sử Giáo Hội phân khoa Thần Học Triveneto Venezia bắc Italia, về hoạt động của Đức Thánh Cha Biển Đức XV cho hòa bình.

Hỏi: Thưa cha Mancini, trong lịch sử Giáo Hội thuộc thế kỷ XX gương mặt của Đức Thánh Cha Biển Đức XV xem ra là một gương mặt lu mờ, ít đựơc biết tới, có đúng thế không?

Đáp: Đức Biển Đức XV là một vị Giáo Hoàng đã sống trong các hoàn cảnh khó khăn, khi Tòa Thánh chưa được thừa nhận trên bình diện quốc tế, nhưng ngài đã thành công trong việc là một đối tác có giá trị và hữu hiệu bên cạnh các quốc gia hùng mạnh để đi tới hòa bình. Cả khi hòa bình đã chỉ tới sau bốn năm chiến tranh. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV mời gọi mọi dân tộc lâm chiến làm hòa với nhau. Ngài đã không bênh vực bên nào hết, và đây là một khía cạnh sẽ bị nhiều người chỉ trích. Nhưng Đức Biển Đức XV biết rằng nhiệm vụ của ngài là cha của tất cả mọi kitô hữu, là đưa mọi người tới hòa bình, mà không ủng hộ nước nào cả. Và điều này đã không được người ta hiểu.

Hỏi: Đã không chỉ có các lời kêu gọi hòa bình, nhưng nhờ kinh có nghiệm ngoại giao Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV tìm mọi cách để giải quyết các xung khắc, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Đúng thế, một mặt ngài lo cống hiến sự trợ giúp cho tất cả những người bị thiệt hại bởi chiến tranh chừng nào có thể. Mặt khác sau ba năm chiến tranh đẫm máu và thê thảm Đức Biển Đức XV đã đưa ra một đề nghị và gửi một văn thư ngoại giao cho tất cả các cường quốc lâm chiến, bằng cách chỉ cbo họ thấy các giải pháp cho các vấn đề cụ thể. Nhưng lời đề nghị cụ thể của ngài bị các cường quốc khước từ, ngoại trừ vua Carlo I của nhà Asburgo. Chắc chắn đó đã không phải là một chiến thắng, nhưng là một thời điểm tiên tri lớn từ phía Đức Giáo Hoàng.

Hỏi: Liên quan tới công tác truyền giáo, Đức Biển Đức XV cũng đã để lại dấu vết hoạt động của ngài, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Vâng, với Tông thư ”Maximum illud” công bố ngày 30 tháng 11 năm 1919 Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã trao ban cho công tác truyền giáo một sức đẩy mới, băng cách tìm thực hiện chương trình của một hàng giáo sĩ địa phương. Như thế các giám mục, linh mục là những người dân bản địa, một việc truyền giáo không gắn liền với chế độ thực dân của các cường quốc âu châu, nhưng để cho nổi bật lên các tài gnuyên và nhân lực của các dân tộc địa phương cần được rao truyền Tin Mừng, cho một sứ điệp thực sự tin mừng.

Hỏi: Đức Biển Đức XV đã là một vị Giáo Hoàng canh tân nhìn xa thấy rộng liên quan tới cả sự dấn thân của tín hữu công giáo trong lãnh vực chính trị nữa, có đúng thế không thưa cha?

Đáp: Vâng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV cũng là một người rất chú ý tới sự hiện diện của tín hữu công giáo trong lãnh vực chính trị tại các nước khác nhau. Trước tiên là tại Italia ngài đã ủng hộ việc thành lập Đảng nhân dân mới Italia của linh mục Luigi Turzo. Đây là đảng phái chính trị đầu tiên tại Italia có nguồn hứng công giáo. Dưới triều đại của Đức Biển Đức XV cũng đã có các thương thảo ngầm để đem lại giải pháp cho ”Vần đế của Roma” đã kéo dài hàng chục năm trời và là nguyên do xung khắc giữa Italia và Tòa Thánh.

(RG 29-6-2014)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô tái lên án nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em

Đức Thánh Cha Phanxicô tái lên án nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em

VATICAN. Sáng ngày 7-7-2014, trong cuộc gặp gỡ 6 nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tính dục, ĐTC xin lỗi và tái nghiêm khắc lên án tệ nạn này.

6 nạn nhân, 3 nam 3 nữ, nay đã trưởng thành, đến từ Ireland, Đức và Anh quốc, mỗi người có một người thân hoặc một người tháp tùng cũng là người thông dịch. Cùng với ĐHY Sean O'Malley, TGM giáo phận Boston Hoa kỳ, Chủ tịch Ủy ban Tòa thánh bảo vệ trẻ em và một số thành viên của Ủy ban, họ đã tham dự thánh lễ do ĐTC cử hành lúc 7 giờ sáng tại nguyện đường Nhà Trọ thánh Martha ở nội thành Vatican.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng ứng khẩu bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC nghiêm khắc tố giác và bày tỏ đau buồn vì tội ác của một số giáo sĩ, GM và LM, đã chà đạp sự ngây thơ trong trắng của các trẻ vị thành niên và ơn gọi tư tế của mình, qua việc lạm dụng tính dục của những người trẻ ấy. Tội ác này không phải chỉ là những hành vi đáng lên án, nhưng nó giống như một việc phạm thánh, vì những trẻ em nam nữ ấy đã được ủy thác cho đoàn sủng LM của các giáo sĩ ấy để dẫn đưa các em về cùng Thiên Chúa, vậy mà các giáo sĩ đó đã hiến tế các em cho thần tượng đam mê của họ. Họ đã xúc phạm đến chính hình ảnh Thiên Chúa. Tuổi thơ là một kho tàng quí giá. Con tim người trẻ, cởi mở và đầy tín thác, chiêm ngưỡng các mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và tỏ ra sẵn sàng một cách đặc biệt được nuôi dưỡng trong đức tin. Ngày hôm nay con tim của Giáo hội nhìn đôi mắt của Chúa Giêsu nơi các trẻ em nam nữ ấy và muốn khóc lóc. Giáo Hội xin được ơn khóc lóc trước những hành vi tội ác lạm dụng chống lại các trẻ vị thành niên, những hành vi để lại những vết tích suốt đời cho những người trẻ ấy.

ĐTC nói với các nạn nhân: ”Tôi biết rằng những vết thương của anh chị em là một nguồn đau khổ sâu đậm về cảm xúc và tinh thần, và cũng là một nguồn tuyệt vọng. Nhiều người chịu kinh nghiệm ấy đã tìm cách bù trừ bằng sự nghiện ngập. Những người khác đã cảm thấy những xáo trộn trầm trọng trong các quan hệ với cha mẹ, vợ chồng và con cái. Đau khổ của các gia đình đặc biệt nặng nề xét vì thiệt hại do sự lạm dụng ấy gây ra làm thương tổn những quan hệ sinh tử ấy.

”Một số người khác đã chịu thảm kịch kinh khủng của sự tự tử của một người thân yêu. Cái chết của những người con được Thiên Chúa yêu thương ấy đè nặng trên con tim và lương tâm của tôi và của toàn thể Giáo Hội. Với các gia đình ấy, tôi bày tỏ những tâm tình yêu thương và đau khổ. Chúa Giêsu bị tra tấn và hỏi cung trong sự thù ghét và Ngài bị dẫn đến một nơi khác và nhìn. Chúa nhìn một trong những người thân yêu, người đã chối bỏ Ngài và cái nhìn ấy làm cho người ấy khóc. Chúng ta hãy cầu xin ơn đền tạ ấy.

”Các tội giáo sĩ lạm dụng tính dục chống lại các trẻ vị thành niên là có một hậu quá phá vỡ niềm tin và và lòng cậy trông nơi Thiên Chúa. Một số nạn nhân còn bám vào đức tin trong khi đối với những người khác, sự phản bội và bỏ rơi như thế làm hao mòn niềm tin của họ nơi Thiên Chúa. Sự hiện diện của anh chị em ở đây nói về phép lạ của niềm hy vọng, lướt thắng tăm tối sâu đậm. Chắc chắn thật là một dấu chỉ lòng từ bi của Thiên Chúa sự kiện chúng ta có cơ hội gặp nhau hôm nay, thờ lạy Chúa, nhìn thẳng nhau và tìm kiếm ơn hòa giải”.

”Trước mặt Thiên Chúa và dân của Ngài, tôi rất đau buồn vì những tội lỗi và tội ác trầm trọng giáo sĩ lạm dụng tính dục của anh chị em và tôi khiêm tốn xin lỗi. Tôi khiêm tốn xin lỗi vì những tội thiếu sót từ phía các vị lãnh đạo Giáo Hội đã không đáp trả một cách thích hợp những lời tố giác lạm dụng mà thân nhân và những nạn nhân bị lạm dụng nêu lên. Điều này càng gia tăng đau khổ cho những người bị lạm dụng và gây nguy hiểm cho các trẻ vị thành niên khác ở trong tình trạng rủi ro”.

ĐTC cam kết rằng: ”Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác về đào tạo các ứng sinh linh mục. Tôi hy vọng các thành viên ủy ban Tòa Thánh giúp đỡ để bảo vệ trẻ vị thành niêm, tất cả trẻ vị thành niên thuộc mọi tôn giáo, là những người bé nhỏ mà Chúa đang nhìn với lòng thương mến. Tôi xin sự giúp đỡ của Ủy ban để có thể có những chính sách tốt đẹp và các biện pháp trong Giáo hội hoàn vũ để bảo vệ các trẻ emvà huấn luyện nhân sự của Giáo Hội để thi hành các chính sách và biện pháp ấy. Chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để làm sao cho các tội ấy không tái diễn trong Giáo Hội nữa”.

Sau thánh lễ ĐTC đã chào thăm các nạn nhân và sau bữa ăn sáng ngài đã gặp riêng họ trong hơn 3 tiếng đồng hồ cho đến 12 giờ 20 trưa, bình quân ngài gặp riêng mỗi người 30 phút.

Trong cuộc họp báo trưa 7-7-2014, Cha Lombardi cho biết đã gặp các nạn nhân và họ cảm thấy biết ơn đối với ĐTC vì được lắng nghe với tất cả sự quan tâm và sẵn sàng.

Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em

Hôm chúa nhật 6-7-2014, Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Sean O'Malley, dòng Capuchino, TGM giáo phận Boston, đã nhóm họp sáng vào chiều tại Vatican. Hiện diện trong khóa họp có một số thành viên tiên khởi. Họ bàn về việc đề nghị thêm các thành viên khác đến từ Á, Phi và các nơi khác để xin ĐTC bổ nhiệm. Ủy ban cũng bàn về việc soạn thảo qui chế. Ủy ban sẽ nhóm khóa họp tới đây vào tháng 10 năm nay.

G. Trần Đức Anh OP  – Vatican Radio

Angelus với ĐTC: Chia sẻ gánh nặng cho nhau

Angelus với ĐTC: Chia sẻ gánh nặng cho nhau

Kính thưa quý vị thính giả,

Trong hai tháng hè 7 và 8 này, nhiều hoạt động của Đức Thánh Cha đã bị hủy bỏ, nhưng ngài vẫn muốn giữ lại giờ đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa Nhật hàng tuần. Chia sẻ với các tín hữu hôm Chúa Nhật 6.7 vừa qua, Ngài đã lấy cảm hứng từ bài Tin Mừng, trong đó có lời mời gọi của Đức Giêsu: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Đức Thánh Cha nói rằng, lời mời gọi này của Đức Giêsu dành cho hết thảy mọi người, xưa cũng như nay, giàu cũng như nghèo, nhưng đặc biệt, Đức Giêsu dành cho những ai đang chịu đau khổ nhất.

Ngài cũng chia sẻ thêm rằng khi mang lấy ách của Chúa theo lời mời gọi của Ngài, chúng ta cũng phải trở nên những con người biết chia sẻ gánh nặng với anh chị em mình, trở thành người mang đến cho họ niềm an ủi.

Ngài nói:

“Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, chúng ta nghe thấy lời mời gọi của Đức Giêsu. Ngài nói: "Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11,28). Khi Đức Giêsu nói điều này, đang hiện diện trước mắt Ngài là những con người mà Ngài gặp gỡ hàng ngày trên đường đi lên Galilea: rất nhiều người đơn sơ, người nghèo, bệnh nhân, tội nhân, người bị gạt ra bên ngoài xã hội… Những con người này thường đi theo Ngài để nghe lời Ngài – lời trao ban hy vọng! Những lời của Đức Giêsu luôn trao ban niềm hy vọng! Họ cũng muốn chỉ cần chạm vào vạt áo của Ngài. Chính Đức Giêsu cũng đã đi tìm những đám đông mệt mỏi và bất lực như đàn chiên không có người chăm sóc này (x. Mt 9,35-36) và Ngài tìm họ để rao giảng cho họ biết về Nước Chúa và để chữa lành nhiều người trong số họ về thể xác cũng như tinh thần. Bây giờ, Ngài mời gọi hết thảy họ hãy đến với mình: "Hãy đến với tôi" và Ngài hứa ban cho họ nghỉ ngơi và bồi dưỡng.”

Đức Thánh Cha giải thích rằng:

“Lời mời gọi này của Đức Giêsu nới rộng cho đến chúng ta ngày nay, vươn đến nhiều anh chị em đang bị đè nặng bởi những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, bởi những tình huống sinh tồn vất vả và nhiều khi chẳng có giá trị gì để nhắc tới. Trong những quốc gia nghèn nàn hơn, mà thậm chí nơi những vùng ngoại ô của những nước giàu, ta vẫn có thể tìm thấy nhiều người mệt mỏi và bất lực dưới sức nặng không thể chịu nỗi của việc bị bỏ rơi và sự hờ hững. Sự hờ hững: hờ hững của con người đối với những người thiếu thốn thật tệ hại biết bao! Tệ hại hơn, sự hờ hững của các Kitô hữu! Những người ở bên lề xã hội là những người nam nữ bị cái nghèo hành hạ, nhưng cũng có khi bị chính sự bất mãn của cuộc sống và sự hụt hẫng. Nhiều người bị buộc phải tỵ nạn khỏi quê cha đất tổ của mình, đánh liều chính cuộc sống của mình. Nhiều người hơn nữa mỗi ngày phải mang gánh nặng của một hệ thống kinh tế bóc lột con người, đè nặng trên họ cái "ách" không thể vác nỗi mà số ít những người có đặc lợi không muốn mang. Đức Giêsu nói với từng người con của Cha trên trời rằng: "Hãy đến với Ta, hỡi tất cả". Nhưng Ngài cũng nói điều này với những ai sở hữu nhiều thứ mà trong con tim của họ trống trơn, không có Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng gửi gắm đến những người này: "Hãy đến với ta". Lời mời gọi của Đức Giêsu dành cho tất cả. Nhưng cách đặc biệt, Ngài dành cho những ai đang đau khổ nhất.”

Đức Thánh Cha nói thêm rằng:

“Đức Giêsu hứa cho tất cả mọi người được nghỉ ngơi nhưng Ngài cũng trao ban cho chúng ta một lời mời gọi nữa, lời mời gọi nhưng cũng giống như một mệnh lệnh: "Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29). "Ách" của Chúa bao gồm cả việc giúp chia sẻ gánh nặng với người khác bằng tình yêu huynh đệ. Cứ mỗi khi nhận được sự nghỉ ngơi và êm ái nơi Đức Kitô, chúng ta cũng được mời gọi để trở nên sự nghỉ ngơi và êm ái cho anh chị em mình, với thái độ hiền lành và khiêm nhường, noi gương Thầy Chí Thánh. Sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng giúp chúng ta không chỉ chia sẻ gánh nặng của người khác nhưng còn không đè nặng lên họ quan điểm cá nhân, phán đoán, phê bình và sự hờ hững của chúng ta nữa.”

Cuối cùng, Ngài mời gọi người hãy hướng lòng về Mẹ Maria:

“Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Rất Thánh, đón nhận dưới tà áo mẹ tất cả những ai mệt mỏi và bất lực để nhờ đức tin tỏa sáng, được chứng thực trong cuộc sống, chúng ta có thể trở thành nơi nghỉ ngơi cho những ai đang cần giúp đỡ, cần sự hiền lành và niềm hy vọng.”

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ – Vatican Radio

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng Giáo phận Campobasso

Đức Thánh Cha viếng thăm Tổng Giáo phận Campobasso

VATICAN. Sáng thứ Bẩy 5 tháng 7-2014, ĐTC Phanxicô đã viếng thăm mục vụ tại tổng giáo phận Campobasso và ngài dành buồi chiều để thăm giáo phận Isernia thuộc miền Molise, nam Italia.

Tổng Giáo phận Campobasso cách Roma 185 cây số về hướng đông nam và có 124 ngàn tín hữu.

ĐTC đã đáp trực thăng đến Campobasso lúc qua 9 giờ sáng và gặp gỡ giới lao động và công nghệ tại Đại thính đường đại học Molise.

Giáo phận Cambopasso

Sau lời chào thăm của giáo sư viện trưởng đại học, một bà mẹ trẻ công nhân của hãng xe Fiat, và một thanh niên nông dân 28 tuổi đã trình bày lên ĐTC tình trạng của giới công nhân và nạn thất nghiệp của người trẻ, ngài đã ngỏ lời với mọi người trong bài huấn dụ và đặc biệt nói đến vấn đề nghỉ việc chúa nhật, một vấn đề liên hệ tới tất cả mọi người, chứ không phải chỉ liên quan đến các tín hữu. ĐTC nói:

”Chúa nhật nghỉ việc – trừ những dịch vụ cần thiết – nhắm khẳng định rằng ưu tiên không ở nơi kinh tế, nhưng nơi con người, nơi sự nhưng không, nơi những quan hệ không phải thương mại, nhưng là gia đình, thân hữu, và đối với các tín hữu, nơi quan hệ với Thiên Chúa và cộng đoàn. Có lẽ đã đến lúc chúng ta tự hỏi làm việc ngày chúa nhật có phải là thực sự hay không?”

Đề cập đến nạn thất nghiệp đang đè nặng trên miền Molise, ĐTC ghi nhận nỗ lực của miền này đang tìm cách vượt thắng thảm trạng thiếu công ăn việc làm, liên kết tất cả những lực lượng trong tinh thần xây dựng. Ngài nói: ”Bao nhiêu việc làm có thể được phục hồi qua một chiến lược có phối hợp với chính quyền quốc gia, một ”hiệp ước về lao động” biết đón nhận những cơ may do các quy luật quốc gia và Âu Châu mang lại. Tôi khuyến khích anh chị em hãy tiếp bước trên con đường đó, có thể mang lại những thành quả tốt cho cả miền khác nữa”.

Thánh lễ

Giã từ đại học Campobasso, ĐTC đã tới tại sân thể thao Romagnoli của thành phố để cử hành thánh lễ lúc gần 10 giờ sáng, trước sự tham dự của gần 80 ngàn tín hữu. Các GM miền Molise và khoảng 40 linh mục đồng tế tại lễ đài thật đơn sơ với mái che bằng các lá cây.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đề cao chứng tá bác ái như con đường trổi vượt để loan báo Tin Mừng: ”Giáo Hội luôn đi hàng đầu, là một sự hiện diện từ mẫu và huynh đệ, chia sẻ những khó khăn và sự dòn mỏng yếu đuối của con người”.

ĐTC ca ngợi những nỗ lực của cộng đồng giáo phận Campobasso đang quảng đại thực hiện, với sự nâng đỡ của vị GM mục tử nhiệt thành. Ngài nói: ”Tôi khích lệ tất cả anh chị em, LM, tu sĩ nam nữ, tín hữu giáo dân, hãy kiên trì trên con đường này, phụng sự Thiên Chúa và anh chị em mình, phổ biến khắp nơi nền văn hóa liên đới. Sự dấn thân này rất cần thiết đứng trước những tình cảnh bấp bênh về vật chất và tinh thần, nhất là đứng trước nạn thất nghiệp, một tai ương đang đòi cố gắng và can đảm của tất cả mọi người. Nạn thất nghiệp đặc biệt đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, của giới chủ xí nghiệp và tài chánh. Cần đặt phẩm giá con người ở trung tâm mọi viễn tượng và hoạt động. Các lợi ích và quan tâm khác, dù là hợp pháp, đều là điều thứ yếu”.

ĐTC cũng nói đến tự do mà Chúa ban cho con người: trước tiên là tự do khỏi tội lỗi, khỏi tính ích kỷ dưới mọi hình thức.. Chúng ta cảm nghiệm tự do này trong cộng đoàn Kitô khi chúng ta đặt mình phục vụ nhau. Khi ấy Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tham vọng và cạnh tranh, làm thương tổn tình đoàn kết và hiệp thông. Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự nghi kỵ, buồn sầu, sợ hãi và trống rỗng nội tâm, cô lập, tiếc nuối và than vãn…”

Các hoạt động kế tiếp

Sau Thánh lễ, ĐTC đã viếng thăm và cầu nguyện tại Nhà thờ chính tòa Campobasso. Ngài chào thăm đại diện các bệnh nhân tại nhà thờ, trước khi đến dùng bữa trưa với 50 người nghèo tại trung tâm Caritas địa phương, gọi là ”Nhà các thiên thần”, được biến cải từ một trường học cũ.

Rất đông tín hữu và dân chúng đứng hai bên những con đường ở trung tâm thành phố nơi ĐTC đi qua trên chiếc xe díp màu trắng mui trần. Họ reo hò vui mừng, vẫy cờ màu vàng trắng.

Sau bữa trưa, ĐTC trở lại sân trực thăng ở đại học Molise để bay về Đền thánh Castelpetroso, nơi có tôn kính tượng ảnh Đức Mẹ Sầu Bi.

Tại đây vào lúc 3 giờ 15, ngài để gặp gỡ giới trẻ miền Abruzzo và Molise.

Chặng chót trong cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra vào lúc 4 giờ rưỡi chiều tại nhà tù ở thành phố Isernia. Sau đó, ngài đến nhà thờ chính tòa để gặp các bệnh nhân vào lúc 5 giờ 45, trước khi gặp gỡ các tín hữu và dân chúng tại Quảng trường bên ngoài, để công bố năm thánh kỷ niệm 800 năm sinh nhật của thánh Phêrô Celestino Giáo Hoàng (1215-2015).

Theo chương trình, ĐTC đáp trực thăng từ sân của doanh trại lính cứu hỏa ở địa phương vào lúc 7 giờ rưỡi để bay về Vatican cách đó 150 cây số vào lúc 8 giờ 15 phút tối (SD 5-7-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Mạc khải cho kẻ bé mọn

Mạc khải cho kẻ bé mọn

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Bài Phúc Âm của Chúa nhật XIV Mùa thường niên hôm nay được trích trong một đoạn văn hay nhất của thánh Matthêu, người ta gọi đoạn văn này là “Hạt Ngọc Quý Nhất” của Thánh Matthêu. Dòng tư tưởng của đoạn Phúc Âm này thật cao siêu và êm dịu, chúng ta thấy ngay về sự bay bổng và suy tư về Nước Trời. Có lẽ lời cầu nguyện này được thốt ra khi Chúa Giêsu nghe các Tông đồ đi truyền giáo trở về và kể lại cho Chúa các điều họ đã thực hiện, các mối liên lạc giữa Chúa và Chúa Cha về sứ mệnh cứu rỗi làm trung gian, và mời gọi mọi người đến với Ngài. Điều ấy là các mầu nhiệm Nước Trời.

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được mạc khải này cho chính mình và cho các Tông đồ: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng…” Theo mạch văn và ý muốn của Chúa mà chúng ta hiểu, đây là những người Do thái đang bị đè nặng bởi lề luật và các truyền thống của những biệt phái. Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi ách lề luật và đem họ đến chỗ thảnh thơi. Vì từ nay những ai đến với Chúa phải đến với tất cả tâm hồn, phải được ghi khắc lề luật mới là luật của Thánh Thần ở bên trong và tự nguyện.

Đoạn văn này rất súc tích tư tưởng, không bao giờ khám phá ra hết, song ít ra chúng ta có thể nhận thấy chính những tư tưởng sau:

Trước hết là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chúc tụng Cha Ngài trên trời vì đã mạc khải những điều này cho các trẻ nhỏ, mà lại không cho những kẻ thông thái và quân tử biết. Những nhà thông thái tự cao tự đại thường cho rằng mình biết tất cả. Lòng tự ái tự cao làm cho họ không nhận ra Lời Chúa, còn những bậc quân tử thì lại tự mãn về lối sống của mình, tự cho mình là chân chính và không cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa, không cần ơn cứu rỗi của Ngài. Trái lại những kẻ bé mọn lại biết rằng mình dốt nát trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ thấy mình bé nhỏ khốn nạn, và sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn về những hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi, cảm thấy cần Chúa: “Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và nâng người hèn mọn lên”.

Chúa Giêsu tự mạc khải Ngài: “Sự thực đã được Cha trao phó cho Ta và không ai biết Cha trừ ra Ta, và cũng không ai biết Ta trừ ra Cha” (Mt 11,27). Lời đó mạc khải về Chúa Giêsu, Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Một mình Cha biết đầy đủ về Con, vì Cha đã sinh ra Con trong trí và do sự hoàn toàn sung mãn của Ngài. Và chỉ có Con mới biết đầy đủ về Cha và hình ảnh của Con là sự trung thực nhất, là tư tưởng, ý nghĩ của Cha. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa. Đây là một mạc khải vô cùng quí báu cho chúng ta. Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, song không phải hoàn toàn như chúng ta: “Mọi sự đã được Chúa Cha trao, không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ nào Con muốn mạc khải cho”.

Một tư tưởng nữa của Phúc Âm hôm nay đó là lời kêu gọi những kẻ đói khát, những ai mệt nhọc hãy đến với Ngài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc gánh nặng, Ta sẽ bổ sức lại cho”.

Lời kêu gọi đầy lòng nhân hậu và giàu lòng thương xót mà Chúa hứa cho những ai đói khát, những ai mệt nhọc, Chúa sẽ nâng đỡ và Chúa luôn luôn trung thành giữ lời hứa của Ngài. Qua mọi thời đại, tất cả những ai đói khát công chính đều no nê, những ai nặng trĩu tội lỗi đến với Ngài đều được nhẹ nhõm, được bổ sức và được tha thứ. Chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Tội con đã được tha thứ” (Mt 9,2), và chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Đừng sợ, Ta đã thắng thế gian”, (Ga 16,33) và “Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng”, (Mt 11,30).

Chúng ta hết thảy đều phải mang gánh nặng và vất vả, nhưng ở đây chúng ta không có ý nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai của mình. Như khốn nỗi, chính trong lãnh vực của tâem linh, thường thì chúng ta cũng phải vất vả nặng nề, xác thịt đè nặng, các ham muốn của tình dục, nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần con người, và sức nặng nào đó đã cản trở con người cũ, không chịu buông tha cuộc đời chúng ta để chúng ta được đi theo Chúa một cách an vui.

Hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy đến với Ngài, Ngài muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Đúng hơn, Ngài muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác êm ái hơn, Ngài đến để phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Ngài đã nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm ra được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn”. (Mt 11, 29-30).

Vậy chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa, để tìm được nguồn an vui và sự bình an trong tâm hồn. Amen.


Veritas Radio

“Hãy học cùng Ta…”

"Hãy học cùng Ta…"

Cuối mỗi cấp, học sinh hoặc sinh viên phải thi lấy bằng tốt nghiệp ra trường, gọi là tốt nghiệp trung học, tốt nghiệp đại học. Không biết có ai đã dùng từ tốt nghiệp cho những người học Giáo Lý, Giáo Lý Dự Tòng, Giáo Lý Hôn Nhân không, nhưng hình như mới đây, hai từ “tốt nghiệp” cũng dành cho những Đại Chủng Sinh hoàn tất chương trình Đào Tạo Linh Mục tại các Đại Chủng Viện.

Thiết tưởng, ấy cũng chỉ là chuyện từ ngữ theo cách của xã hội mà thôi.

Điều quan trọng ở chỗ: học không phải chỉ để tốt nghiệp, càng không phải để lấy bằng tốt nghiệp, nhưng là để có một cuộc biển đổi nên người trưởng thành. Học sinh nên người trưởng thành là có ý thức và trách nhiệm về tư tưởng, lời nói việc làm của mình. Cũng vậy, người học Giáo Lý nên người trưởng thành, ấy là có ý thức chuẩn xác về ơn gọi được làm con cái Thiên Chúa, nhờ Chúa Giêsu Kitô, và có trách nhiệm sống cho ra người con của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến chữ “học”: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.

Trong Tin Mừng, tất cả những câu mệnh lệnh của Chúa Giêsu đều nói đến việc “làm”, như: “Hãy tin”, “hãy từ bỏ”, “hãy cầu nguyện”, “hãy tha thứ”, “hãy yêu nhau”… “Đừng thù oán”, “đừng lên án”… Và chỉ có một câu duy nhất này, Chúa bảo “hãy học”.

Như vậy, hẳn là môn học mà Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy học, ấy là môn học quan trọng lắm. Đã vậy Chúa lại bảo “hãy học cùng Ta”, không học ở nơi thầy nào khác, cho thấy rằng chỉ có Chúa Giêsu mới xứng đáng là thầy dạy môn học nầy. Môn học đó là “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Hãy học cùng Chúa Giêsu, vì Chúa hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

Quả thật, chỉ có Chúa Giêsu mới là người hiền lành kiểu mẫu, hiền lành đến mức chấp nhận thương tích mà không đánh trả, hay báo thù; hiền lành vì yêu và yêu cả người phản bội, sỉ nhục, thóa mạ hay hành hung tàn nhẫn… đúng như Ngôn Sứ Isaia đã tiên báo: “Người hiến thân vì Người tình nguyện và không mở miệng như con chiên hiền lành bị đem đi giết, và như chiên non trước mặt người xén lông, Người thinh lặng chẳng hé môi” (Is 53, 7). Và Thánh Vịnh 30 mô tả chân dung của Chúa Giêsu: “Con đã nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng. Bạn bè thân thích đều kinh hãi, thấy con ngoài đường, ai cũng tránh xa” (Tv 30).

Sự hiền lành ấy còn mang nét đẹp trung tín đến ngàn đời, không có gì thay đổi được bản tính “hiền lành, hay thương xót” của Thiên Chúa Cha, phản chiếu nơi Chúa Giêsu, Người Con chí ái. Ấy vậy, Ngôn Sứ Giêrêmia nói: “Tôi giống như con chiên trung tín bị đem đi giết, và tôi không hề biết họ đang trù tính những điều độc ác chống lại tôi” (Gr 11, 19).

Chỉ có Chúa Giêsu mới là người khiêm tốn, như Ngôn Sứ Dacaria ca tụng: “Này vua ngươi đến với ngươi. Người khiêm tốn ngồi trên lừa con, con của lừa mẹ” (Dcr 9, 9).

Và Thánh Tông Đồ Phaolô còn khẳng định lòng khiêm nhượng của Chúa Giêsu sâu thẳm đến mức không giữ cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng lại khiêm hạ vâng phục Thiên Chúa Cha mọi đàng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (Pl 2, 6-8)

Bài học “hiền lành và khiêm nhượng” của Chúa Giêsu quả là một bài học khó nuốt, vì có vẻ như bài học ấy muốn dẫn học viên đến cái chết vì yêu, như Ngài đã chết vì yêu vậy. Hơn nữa, lại không thấy Chúa nói gì đến lễ tốt nghiệp, hay được vinh quang gì khi tốt nghiệp.

Thực ra, Chúa đã nói đến lễ tốt nghiệp ấy rồi: “và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an”.

Chúa muốn chúng ta được bình an trong cuộc đời. Bình an có một giá trị lớn lao trong đời sống con người, vì khi có bình an hồn xác, ta mới có được hạnh phúc. Bình an là kết quả của lòng hiền lành khiêm nhượng, vì Chúa biết khi không có lòng hiền lành và khiêm nhượng thì chỉ chuốc lấy đau khổ, khó nhọc và gánh nặng.

Vì muốn chúng ta được bình an, Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta đến và học cùng Ngài: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Nhìn lại cuộc sống chúng ta, quả là đang khó nhọc và gánh nặng.

Khó nhọc, gánh nặng là vì chưa khiêm nhượng trong lòng đủ để có thể ký thác đường đời cho Chúa, lại ảo tưởng với trí tuệ, khả năng, sự khôn khéo của mình có thể giải quyết mọi vấn đề để mang lại cho mình bình an hạnh phúc.

Khó nhọc và gánh nặng là vì không đủ hiền lành nhẫn nhịn chấp nhận sự thua kém, lại nông nổi lao mình vào chỗ tranh chấp hơn thua để chuốc lấy cái mất bình an cứ dày vò, đày đọa tâm hồn.

Khó nhọc và gánh nặng cho nhau trong cuộc đời, là vì không đủ hiền lành và khiêm tốn nhìn nhận mỗi sự hiện diện của người bạn đời, của tha nhân, kể cả của người nghèo hèn thấp kém, mất tư cách, mất phẩm hạnh… đều có thể mang lại cho ta một hồng ân quí giá của Thiên Chúa.

Khó nhọc và gánh nặng vì lòng tự phụ, vì tính chủ quan của người lớn hoặc tự cho mình là lớn, hoặc chỉ thích “chức” quyền, mà không chấp nhận thi hành nhiệm “vụ”, chắc chắn sẽ có lúc vấp ngã trên đường đời, để lộ chân tướng dối trá của lòng mình ra cho thiên hạ đàm tiếu.

Khó nhọc và gánh nặng là vì mình đành lòng chấp nhận làm nô lệ cho những đam mê xác thịt hay hư nát này: hư danh, lạc thú, giàu sang, hưởng thụ…dẫn đến sự suy sụp tinh thần, kiệt quệ sức lực, mất cả ý chí nghị lực trong cuộc đời.

Thánh Phaolô khuyến cáo: “Chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động xấu xa của thân xác, thì anh em sẽ được sống” (Rm 8, 11 – 13).

Vâng, chính những món nợ xác thịt làm cho chúng ta ra khó nhọc và gánh nặng, ra đau khổ và mất bình an. Món nợ hư danh, món nợ nhục dục, món nợ của cải phù vân, món nợ hưởng thụ. Như tâm sự của một tác giả:

…Tôi đã vay của trần gian,

mấy ngàn mảnh hữu danh vô thực

Tôi đã mượn của thân xác phù vân,

những thoáng mơ màng hạnh phúc

Tôi phải trả cho người,

bằng sự nô lệ cả đời tôi

Tôi phải trả cho phù vân,

bằng sự chết nghìn thu tan tác.

Có còn được nghe niềm bình an ca hát

Nơi vực thẳm lòng kiêu ngạo của tôi ?

Ôi ! Đức Khiêm Hạ trên cao vời

Hãy nhỏ xuống lòng tôi,

mấy giọt ân tình lòng thứ tha, thương xót

một kiếp đời không chịu học Chúa Giêsu.

(Tuyết Mai Texas)

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta sống “hiền lành và khiêm nhượng” theo gương Ngài, không phải để chúng ta phải chết, nhưng là để chúng ta được vinh dự chết cái tôi kiêu hãnh, cái tôi mặt dày mặt dạn của mình, cái tôi khó từ bỏ của mình để sống cho người khác được sống; để chúng ta cất được những khó nhọc, những gánh nặng do làm nô lệ tính xác thịt của mình; và cuối cùng, là để tâm hồn chúng ta được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành khiêm nhượng trong lòng, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa, tin tưởng Chúa và học cùng Chúa sự hiền lành khiêm nhượng, để chúng con được thanh thản, bình an, hạnh phúc trong Chúa luôn. Amen.

PM Cao Huy Hoàng

Khiêm nhường

Khiêm nhường

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.

Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.

Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.

Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1. Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?

2. Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?

3. Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?

4. Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?


ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Hiền lành

Hiền lành

Trước hết, chúng ta biết hiền lành là một trong những đức tính Chúa Giêsu đã đặt vào số tám mối phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Rồi hôm nay, chúng ta lại thấy Chúa nói: “Hãy học với tôi vì tôi hiền lành”. Có lẽ không ai dám khuyên một lời như thế. Chúa Giêsu đả đưa ra lời khuyên đó, vì chính Ngài đã sống gương mẫu và kêu mời mọi người hãy sống như thế để chính mình được an bình, hạnh phúc, và đồng thời cũng đem lại bình an và phúc lộc cho những người chung quanh.

Quả thực, Chúa Giêsu đã sống hiền lành và làm gương mẫu cho chúng ta. Chúng ta có thể nêu ra một số trường hợp cụ thể: Chẳng hạn, khi những người Pharisêu nhục mạ Ngài là bị quỉ ám, Ngài vẫn bình thản và nhắc nhở họ: “Đừng xét đoán theo bề ngoài. Hãy xét đoán cho công minh”. Chúa rao giảng giáo lý của Chúa một cách hiền hòa, không chua cay, nóng nảy, bực tức hay thách đố những người chống đối, xuyên tạc và bắt bẻ Ngài. Nhiều khi thấy đương đầu với họ không có lợi, Ngài tự ý lánh đi, để cho sự tức giận hay ghen ghét của họ dần dần lắng xuống. Đối với các môn đệ quê mùa, nóng tính, tham vọng. Ngài bình thản chấp nhận và nhẹ nhàng dạy bảo. Trước tòa án Do thái, người ta đổ vạ vu oan cho Ngài đủ điều, Ngài chỉ làm thinh. Tại dinh Philatô cũng thế, Ngài không nói nửa lời để minh oan, bào chữa, đến nỗi Philatô phải ngạc nhiên. Bị tát vào má, nhổ vào mặt, đánh trên lưng, đội vòng gai trên đầu, bị nhạo cười mắng nhiếc, Ngài chịu đựng tất cả, không một lời phản đối, bực tức, phẫn uất. Trên thập giá, Ngài còn biện hộ cho những người làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Ngài đã tắt thở và an nghỉ trong sự suy phục sứ mạng Chúa Cha trao cho Ngài một cách toàn vẹn: “Mọi sự đã hoàn tất”, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.

Đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã sống hiền lành một cách trọn vẹn, nên Ngài dám nói, dám kêu gọi chúng ta hãy học, hãy sống như Ngài. Ngài thực sự là mẫu gương cho mọi người. Qua mẫu gương hiền lành của Chúa, chúng ta rút ra được ý nghĩa của sự hiền lành là tự chủ, kiên nhẫn, chịu đựng và tha thứ hết lòng.

Người hiền lành là người làm chủ được chính mình, chiến thắng được chính mình, tức là thắng được cái tôi kiêu hãnh, ganh tị, giận hờn, tự ái, nóng nảy, tham lam của mình. Trong mỗi người có hai phần: phần thượng là ơn thánh, lý trí và ý chí. Còn phần hạ là cái dục vọng. Chiến thắng được chính mình là biết dùng ơn Chúa, dùng lý trí và ý chí điều khiển các dục vọng của mình, không để ngoại cảnh hoặc người khác chi phối, không phản ứng theo niềm vui nỗi buồn để đưa mình lên hay hạ người khác xuống.

Cũng thế, người hiền lành thì kiên nhẫn, chịu đựng mọi hoàn cảnh bất trắc hay những điều ngoài ý muốn của mình. Không tự mãn hay phóng đại công việc của mình, khoe mã, cầu danh, tự hào về những chuyện nhỏ nhen, bắt bẻ hay bực tức về chuyện sơ suất của người khác. Chúng ta mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi sở thích, và có những khả năng, tài năng khác nhau, không ai giống ai. Chúng ta sống với nhau, chúng ta phải biết kiên nhẫn, chịu đựng để hòa hợp với nhau, chia sẻ cho nhau. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải biết chịu đựng nhau, chấp nhận nhau. Chịu đựng chấp nhận cái hay cái tốt của người khác thì dễ nhưng chấp nhận chịu đựng cái xấu cái dở của người khác mới khó và đó mới là nhân đức. Có những trường hợp chúng ta phải chịu đựng, chấp nhận không phải một hai lần mà rất nhiều lần. Chấp nhận và chịu đựng được mới thực sự là người hiền lành.

Lại nữa, bao lâu còn là người, chúng ta còn lỗi lầm, còn cần được sửa sai, còn cần được tha thứ, và tha thứ mãi. Tha thứ nhiều là dấu chúng ta chịu đựng nhiều. Tha thứ nhiều sẽ chứng tỏ được tấm lòng quảng đại bao dung làm cho thêm bạn bớt thù. Tha thứ không phải là yếu thế hơn người được tha thứ, nhưng chính là tấm lòng rộng lớn hơn họ. Càng tha thứ sẽ làm cho đối phương nhận ra lỗi lầm của họ và họ sẽ thấy cần được tha thứ hơn. Cho nên, người nào muốn tập đức tính hiền lành là phải tập tha thứ.

Có lẽ tất cả chúng ta đều phải thú nhận mình còn thiếu rất nhiều đức tính hiền lành. Sống trong gia đình và sống trong bất cứ tập thể nào, chúng ta vẫn còn nhiều lần tỏ ra thiếu hiền lành, chưa hiền lành hoặc không hiền lành. Cho nên, Lời Chúa hôm nay thực là một bài học hữu ích, một lời kêu gọi chúng ta hãy sửa chữa hoặc cố gắng hơn nữa, để sống hiền lành. Nếu lịch sự được coi là bông hoa của đức ái, thì huống nữa là hiền lành. Vì thế, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy sống theo gương mẫu hiền lành của Ngài.

Sưu tầm

Chướng ngại

Chướng ngại

Trên chuyến xe lửa tiến về Paris, một anh sinh viên trẻ ngồi bên cạnh một cụ già. Sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt và từ từ chìm đắm trong việc cầu nguyện.

Anh sinh viên nhìn cụ già với vẻ khinh bỉ. Một lát sau anh nói: – Thưa ông, ông vẫn còn tin vào những chuyện nhảm nhí à?

Cụ già thản nhiên đáp:

– Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?

Anh sinh viên cười ngạo nghễ rồi nói:

– Lúc còn con nít tôi có tin. Nhưng bây giờ khoa học đã mở mắt cho tôi và tôi không thể tin được nữa. Ông hãy quăng xâu chuỗi ấy đi và hãy học hỏi những khám phá mới, ông sẽ thấy những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan.

Cụ già khiêm tốn hỏi:

– Cậu vừa nói về những khám phá khoa học mới. Cậu có thể giúp tôi hiểu được những khám phá ấy?

Anh sinh viên hăng hái trả lời:

– Được chứ. Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng ông những cuốn sách khoa học rồi ông sẽ thấy sự phong phú kỳ diệu của nó.

Cụ già rút trong túi ra một tấm danh thiếp và đưa cho anh sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, anh thanh niên tái mặt và lặng lẽ cúi đầu đi sang toa khác, bởi vì trên tấm danh thiếp có ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. Ông Louis Pasteur là một nhà bác học đã có nhiều phát minh trong lãnh vực hóa học và sinh vật học. Chính ông đã tìm ra thuốc chích ngừa bệnh chó dại. Dù thông thái như thế, nhưng ông vẫn khiêm tốn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng Tối Cao, vẫn nỗ lực tìm kiếm Chúa để sống gắn bó với Người. Vì thế ông đã nghe được tiếng Chúa và đón nhận được những mặc khải của Người.

Còn anh sinh viên kia khả năng và sự hiểu biết không được bao nhiêu, nhưng đã tỏ ra kiêu căng tự phụ về sự hiểu biết ấy. Sự kiêu căng của anh đã che khuất đi khuôn mặt của Thiên Chúa, đã làm át đi tiếng nói của Người trong tâm hồn anh. Chính vì thế anh đã không thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa, không nghe được tiếng nói của Người trong cuộc đời mình.

Thời đại hôm nay nền khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực. Cuộc sống kinh tế của con người càng ngày càng phát triển. Người ta giàu có hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng tất cả những tiến bộ và phát triển ấy không đủ để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và niềm tin tôn giáo. Chỉ có điều là người ta quá tự hào về những thành quả khám phá của mình, tự hào về sự giàu sang của mình. Và sự tự hào ấy đã ngăn cản, đã che mờ đôi mắt làm họ không còn nhận ra được những mặc khải của Thiên Chúa cho họ.

Phần chúng ta thì sao? Chúng ta chọn thái độ của nhà bác học Louis Pateur hay của anh sinh viên trong câu chuyện trên?

Sưu tầm

Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Giáo Hoàng

Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Giáo Hoàng

VATICAN. Khóa họp thứ 5 của Hội đồng Hồng Y cố vấn của ĐTC về việc cải tổ giáo triều Roma đang tiến hành tại Vatican từ ngày 1 đến 4-7-2014.

Trong cuộc họp báo trưa ngày 2-7-2014, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC tham dự tất cả các phiên họp của Hội đồng và hiện nay Hội đồng gồm 9 Hồng Y thành viên, thay vì 8 vị như khi mới thành lập, vì ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nay cũng là thành viên trọn vẹn của Hội đồng.

Trong khóa họp này, Hội đồng bàn về việc cải tổ Phủ Thống đốc Quốc gia thành Vatican, Phủ Quốc vụ khanh và các Hội đồng của Tòa Thánh. Hiện nay Hội đồng còn ở giai đoạn trao đổi và nghiên cứu thông tin về các cơ quan này và chưa thể nói là có một dự thảo Hiến chế mới thay thế Hiến Chế Pastor Bonus (Mục Tử Nhân Lành) có từ năm 1988 và hiện còn giá trị liên quan đến các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Ngoài ra, Hội đồng cũng bàn về Viện Giáo Vụ (IOR), quen gọi là ngân hàng Vatican. Khi bàn về vấn đề này, cũng có sự tham dự của Hội đồng các HY giám sát viện giáo vụ.

Về những tin tức gần đây cho rằng chủ tịch viện giáo vụ là Ông Ernst von Freyberg, người Đức, sắp từ chức sau 17 tháng tại nhiệm, Cha Lombardi tuyên bố rằng: ”Viện Giáo Vụ đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp và phát triển, và ở trong sự thanh thản. Sự đóng góp của ông Ernst vonFreyberg tiếp tục được đánh giá rất cao và được coi là rất tích cực. Việc làm sáng tỏ hơn là điều rất có thể, vì sắp có cuộc họp của Hội đồng Kinh tế của Tòa Thánh vào ngày 5-7-2014, và cũng sẽ bàn về qui chế của viện IOR. (SD 2-7-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio