Đức Thánh Cha kêu gọi ký giả tôn trọng sự thật

Đức Thánh Cha kêu gọi ký giả tôn trọng sự thật

Đức Thánh Cha kêu gọi ký giả tôn trọng sự thật và phẩm giá con người

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi các ký giả tôn trọng sự thật, phẩm giá con người và góp phần làm tăng trưởng chiều kích xã hội của con người.

 Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ năm, 22-9-2016, dành cho 200 người thuộc Hội đồng toàn quốc ký giả đoàn của Italia.

 Lên tiếng trong dịp này, sau khi đề cao tầm quan trọng của các ký giả trong xã hội, với những khó khăn và đòi hỏi của nghề nghiệp, ĐTC mời gọi họ hãy dừng lại để suy nghĩ về điều mình đang làm và cách thức mình làm. Cụ thể, ngài kêu gọi các ký giả suy tư về 3 yếu tố, đó là yêu mến sự thật, sống với tinh thần nghề nghiệp, và tôn trọng phẩm giá con người.

 – Yêu mến sự thật không phải chỉ có nghĩa là khẳng định, nhưng còn sống sự thật và làm chứng về sự thật trong công việc của mình. Vấn đề ở đây không phải là tín hữu hay không phải tín hữu, nhưng là mình có thành thật, lương thiện với bản thân và tha nhân hay không. Tương quan là trọng tâm của mọi việc truyền thông.. và không tương quan nào có thể đứng vững lâu dài nếu nó dựa trên sự thiếu lương thiện.

 Tiếp đến là sống với tinh thần nghề nghiệp. Điều này đòi người ký giả không đặt nghề nghiệp của mình để phục vụ cho những lợi lộc phe phái, dù đó là lợi lộc kinh tế hoặc chính trị. Nghĩa vụ của ngành ký giả, hay đúng hơn là ơn gọi của ký giả, là qua sự tìm kiếm sự thật, làm gia tăng chiều kích xã hội của con người, tạo điều kiện cho sự sống chung đích thực trong xã hội.

 Sau cùng là sự tôn trọng phẩm giá con người, đây là điều quan trọng trong mọi nghề nghiệp, đặc biệt là trong nghề báo chí, vì đàng sau những tường thuật một biến cố có những tìm cảm, cảm xúc, và xét cho cùng là chính cuộc sống của con người.

 ĐTC nói: ”Tôi thường phê bình tật nói hành nói xấu như một thứ khủng bố, người ta có thể giết người bằng miệng lưỡi. Nếu điều này có giá trị đối với mỗi cá nhân, trong gia đình hay tại nơi làm việc, thì nó càng được áp dụng cho các ký giả, vì tiếng nói của họ có thể đi tới mọi người, và đây là một khí giới rất mạnh mẽ. Nghề ký giả phải luôn luôn tôn trọng phẩm giá con người. Một bài báo đăng ngày hôm nay, và ngày mai sẽ được thay bằng một bài khác, nhưng sự sống con người bị vu khống bất công, sẽ bị hủy hoại mãi mãi. Dĩ nhiên sự phê bình là điều hợp pháp, như sự tố giác, phê bình sự ác, nhưng điều này luôn phải được thi hành trong sự tôn trọng người khác, cuộc sống và tình cảm của họ. Nghề ký giả không thể trở thành một khí giới tàn phá con người và thậm chí cả các dân tộc.

 Và ĐTC cầu chúc cho ngành ký giả ngày càng trở thành một dụng cụ xây dựng, một nhân tố phục vụ công ích và một động cơ đẩy mạnh tiến trình hòa giải, biết chống lại cám dỗ xách động đụng độ, chia rẽ (SD 22-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Đây là bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Jacques Hamel.

Hôm nay Hội Thánh cử hành lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Trong Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm về sự tự hủy của Chúa rất gần gũi với chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Đây chính là mầu nhiệm về Chúa Kitô. Đây chính là mầu nhiệm về Đấng tử đạo tiên khởi để cứu độ loài người.

Chúa Giêsu Kitô là vị tử đạo tiên khởi, là người đầu tiên trao ban mạng sống vì chúng ta. Và từ mầu nhiệm này, Chúa Kitô mở ra toàn bộ lịch sử tử đạo của Kitô giáo từ những thế kỷ đầu cho tới ngày hôm nay. Thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của họ. Các tín hữu tiên khởi bị bắt buộc bỏ đạo, nhưng các ngài đã từ chối. Khi từ chối như thế, các ngài bị bắt bớ, bị giết. Câu chuyện ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại cho tới ngày nay, và thời nay Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thời trước. Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị cầm tù, bị giết hại, vì họ không chối bỏ Chúa Giêsu Kitô. Câu chuyện này chúng ta tiếp tục gặp thấy nơi cha Jacques. Cha là một trong những vị tử đạo. Các vị tử đạo cho thấy rõ sự tàn ác của cuộc bách hại.

Cha Jacques Hamel đã cử hành hy lễ Thập giá Chúa Kitô. Cha là một người tốt, hiền lành, đầy tình huynh đệ, luôn nỗ lực xây dựng hòa bình, thế mà cha bị giết hại như một kẻ tội phạm. Đây là kiểu bách hại của ma quỷ. Có điều gì đó nơi cha làm cho chúng ta thấy rằng cha là vị tử đạo cùng với Đấng tử đạo là Chúa Kitô. Có một điều làm cho tôi nghĩ như thế, vì giữa thời gian khó khăn thử thách, cha vẫn sống rất hiền hậu tốt lành, cha vẫn sống như người anh em. Cha cũng không quên xác minh đích danh kẻ giết người, đó chính là ma quỷ. Cha nói cách rõ ràng: “Xéo đi, Satan!”. Cha đã trao tặng mạng sống tựa như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thập giá. Và từ đây, danh tính của tên sát nhân bị tố giác: “Xéo đi, Satan!”

Cha là mẫu gương về lòng can đảm cũng như mẫu gương về chính cuộc sống. Cha đã tự khiêm tự hạ để giúp đỡ người khác, để kết thân huynh đệ với tha nhân, để giúp chúng ta bước về phía trước mà không còn sợ hãi. Cha về Thiên Đàng, và chúng ta cầu nguyện với cha, cầu nguyện với vị tử đạo được chúc phúc, để chúng ta có thể hiền lành, đầy tình huynh đệ, bình an, và ngay cả can đảm nói lên sự thật rằng: kẻ nhân danh Chúa để giết người chính là Satan.

Tứ Quyết SJ

Tuyên bố của ĐHY Dziwisz về di dân và Âu Châu

Tuyên bố của ĐHY Dziwisz về di dân và Âu Châu

Tuyên bố của ĐHY Dziwisz về di dân và Âu Châu

CRACOVIA. ĐHY Stanislaw Dziwisz, TGM Cracovia, tuyên bố rằng một Âu Châu chỉ dựa trên yếu tố kinh tế, thì sẽ suy yếu.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho phái viên trang mạng thông tin Vatican Insider ở Roma hôm 25-7-2016, ĐHY Dziwisz nói: ”Âu Châu đang đứng trước một ngã ba đường, và không phải như thế mà thôi. Chúng ta đã thấy điều đó qua Brexis, nước Anh rời bỏ Liên hiệp Âu Châu. Cần phải xét mình một chút: Một liên hiệp Âu Châu chỉ dựa trên quyền lợi kinh tế thì sẽ suy yếu khi nền kinh tế không ổn, hoặc khi người ta phải cho đi nhiều hơn là nhận lãnh..Và tệ hơn nữa, khi có những toan tính đồng nhất hóa văn hóa chống lại những căn cội Kitô của nhiều nước Âu Châu.”

Theo ĐHY Dziwisz, ”thời điểm khó khăn này nhắc nhở chúng ta hãy trở về với tính thần hiệp nhất Âu Châu, được những Kitô hữu chân chính cổ võ như ông Alcide de Gasperi, Robert Schuman”.

– Về vấn đề di dân Âu Châu đang phải đương đầu hiện nay, ĐHY TGM Cracovia nhận xét rằng ”đây là một trong những vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta. Và giờ đây chúng ta nhìn nó với nhiều lo âu vì Âu Châu bị liên hệ trực tiếp. Có lẽ lỗi của chúng ta là đã không nhận thấy vấn đề này trước đây, vì sự ích kỷ của đại lục chúng ta, xét vì những làn sóng di dân ồ ạt đã từng có rồi, trong những thập niên gần đây tại Phi châu và Á Châu”.

ĐHY Dziwisz khẳng định rằng: ”Trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta có nghĩa vụ chăm sóc người di dân, trong khi các chính quyền phải xứ lý những tình trạng khẩn cấp, đảm bảo cho những người tị nạn một sự đối xử xứng đáng, và tránh những nguy cơ có những kẻ lạm dụng con đường vào Âu Châu với mục đích nguy hiểm”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ĐHY TGM Dziwisz xác tín rằng ”Ngày Quốc Tế giới trẻ ở Cracovia sẽ là một kinh nghiệm không thể quên được đối với rất nhiều bạn trẻ đến từ các nơi trên thế giới. Tôi hy vọng rất nhiều trong Ngày Quốc Tế giới trẻ này tại thành phố của Thánh Gioan Phaolô 2 và thánh nữ Faustina: tôi cầu xin Chúa cho sứ điệp lòng thương xót đi sâu vào tâm hồn các bạn trẻ, những người Công Giáo thực hành đạo cũng như nơi các bạn trẻ chưa đến gần Chúa Giêsu, chưa biết rõ về đức tin, để có thể cảm nghiệm ơn Chúa trong những ngày này và khởi sự một hành trình Kitô dẫn đưa họ đến hạnh phúc”.

ĐHY không quên hy vọng những thành quả thiêng liêng của Ngài Quốc Tế giới trẻ này đặc biệt dồi dào nơi các bạn trẻ ở Cracovia. Họ sẽ như những người chủ nhà tiếp đón những người đồng lứa tuổi, và điều này có nghĩa là họ phải quảng đại chuẩn bị và tận tụy đối với những người khác. Việc làm này sẽ luôn được Chúa thưởng công! Tôi hy vọng có nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi về ơn gọi trong những ngày này, và nếu Chúa gọi, họ thưa xin vâng đối với ngài. Tôi cầu mong Ngày Quốc Tế Giới trẻ này là một thời điểm quan trọng để canh tân tinh thần cho Cracovia, cho Ba Lan và cho giới trẻ toàn thế giới” (Vat. Ins. 25-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo

Young missionaries 1

Milan – 350 bạn trẻ của Giáo phận Milan sẽ đi truyền giáo tại Trung đông, Á châu, Phi châu và Nam Mỹ. Họ sẽ bên cạnh trợ giúp các Linh mục va giáo dân đang hiện diện trên những vùng đất này.

Điểm đến của các bạn trẻ này gồm có: Philippin, Ấn độ, các quốc gia miền trung và Nam Mỹ, châu Phi vùng nam sa mạc Sahara và cho đến Trung đông, hiện đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng quốc tế trầm trọng nhất trong thời gian gần đây. Các bạn trẻ sẽ trợ giúp, dấn thân như các tình nguyện viên của các cộng đoàn. Họ sẽ mở mắt ra trước thực tại mà thường người ta chỉ thấy ở những nơi chung. Họ sẽ tận tay đụng chạm đến những công việc ngoại thường của các thừa sai. Nhưng trên hết, họ sẽ trở về nhà với một hành trang kinh nghiệm để chia sẻ.

Cha Marco Bennati, đã truyền giáo tại vùng sông Amazon của Brazil và Bờ biển ngà, hiện đang là cộng tác viên của văn phòng truyền giáo Giáo phận, kể lại là “mỗi cá nhân với một động lực riêng biệt: có người muốn một kinh nghiệm tình nguyện, có người muốn biết một quốc gia khác, có người, chỉ đơn giản là muốn trải qua một kì nghỉ với cảm xúc mạnh mẽ. Tuy nhiên, nói chung, tất cả họ trở về nhà với suy nghĩ khác với suy nghĩ của họ lúc bắt đầu. Một điểm khởi đầu tuyệt vời để kích hoạt sự suy tư mà chúng tôi hy vọng, có thể trở thành một dịp để dấn thân không chỉ cá nhân, nhưng tập thể, trong các cộng đồng mà những người trẻ này được gia nhập vào. Một lời thách thức mở ra, nhưng chúng ta phải đối mặt”. (ACI 21/7/2016)

Hồng Thủy OP

 

Người Công giáo quan tâm hơn đến việc đọc Kinh Thánh

Người Công giáo quan tâm hơn đến việc đọc Kinh Thánh

faith-bible

Vào cuối những năm 1950, khi phó tế Joseph Jensen, hiện là giảng viên Kinh thánh tại đại học Georgetown ở Washington, gia nhập chủng viện Đức Bà ở Warrenton, Misouri, ông nhận thấy mình là sinh viên duy nhất đã đọc Kinh Thánh. Điều đó cũng nhờ cha ông, một thành viên của Giáo Hội ngày thứ 7, đã cho ông tiếp cận với Kinh Thánh. Ông Jensen cho biết ông đã lớn lên với suy nghĩ là người Công giáo không đọc Kinh Thánh. Nhưng mà ý nghĩ sai lầm này có thể đang thay đổi.

Một cuộc thăm dò mới do Hiệp Hội Kinh Thánh Hoa kỳ thực hiện cho thấy là 77% người Công giáo muốn đọc Kinh Thánh thường xuyên hơn; con số này tăng 8% so với tháng 1 năm 2013, ngay trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo hoàng. Jason Malec, giám đốc truyền giáo của Hội cho là những tín hiệu tích cực nơi các người Công giáo là nhờ “hiệu ứng Phanxicô”.

Đáp ứng lại việc các tín hữu Công giáo quan tâm hơn đến Kinh Thánh, Hiệp Hội Kinh Thánh Hoa kỳ đã có những nguồn mới như “lectio divina” trên các phương tiện kỹ thuật số – một phiên bản online của phương pháp cầu nguyện truyền thống bằng Kinh Thánh của Công giáo. Hiệp hội dùng các cuộc thăm dò để phát triển kỹ thuật nhắm tăng sự tương tác với Kinh Thánh của tín hữu. Các thành viên của Hiệp hội còn phát triển ứng dụng Build Your Bible và một ứng dụng khác để các tín hữu Công giáo có thể theo dõi ngày Quốc tế giới trẻ từ 26-31/7 tại Cracovia, Balan. Các ứng dụng này vừa nhằm đến tương lai vừa nhìn lại quá khứ để tìm cách thế mới cũng như khám phá lại các phương thế tiếp cận Kinh Thánh cũ cho một thế hệ đang lớn lên. Các phương tiện cho phép các tín hữu đến với Kinh Thánh; ngay cả khi họ không tham gia các nhóm học Kinh Thánh thì họ cũng có thể tìm được các bài đọc Thánh lễ hàng ngày trên trang mạng của Hội đồng Giám muc, các bài suy niệm trên trang của đại học Creighton, vv.

Có nhiều chọn lựa cho việc học hỏi Kinh Thánh Công giáo như chương trình ở các trường, chương trình vừa nghiên cứu vừa cầu nguyện, hay lectio divina (cầu nguyện bằng Kinh Thánh). Các tín hữu đừng ngại tham gia các nhóm nghiên cứu Kinh Thánh vì nghĩ mình biết rất it về Kinh Thánh, vì nghiên cứu Kinh Thánh là để học hỏi Kinh Thánh.

Phó tế Jensen thấy việc hướng dẫn đọc Kinh Thánh là cần thiết, vì Kinh Thánh là thể loại văn chương của những người thời xưa, phản ánh đức tin, thời gian, văn hóa và môi trường của họ. Do đó cố gắng đọc nó mà không hiểu về bối cảnh lịch sử và văn hóa thì dễ bị hiếu sai và lẫn lộn. Ông cũng cảm thấy phấn khởi về sự gia tăng của việc yêu mến Kinh Thánh, đặc biệt là trong các nhóm học Kinh Thánh. Ông cho biết, các sinh viên ban đầu chỉ lấy lớp Kinh Thánh của ông cho đủ tín chỉ yêu cầu, nhưng rồi cuối cùng họ cảm thấy việc học Kinh Thánh thì hứng thú. Ông nói với hãng tin Công giáo Hoa kỳ là có một sự khao khát thực sự đối với lời Chúa mà ông đang thực sự cảm thấy và nếm hưởng.

Hiệp hội Kinh Thánh Hoa kỳ đã hoạt động trong suốt hơn 200 năm để đưa người ta đến với Kinh thánh – cuốn sách bán chạy nhất của mọi thời đại. (CNS 8/6/2016)

Hồng Thủy OP

Tòa Thượng phụ Can-đê kêu gọi các Linh mục suy tư về sứ vụ Linh mục theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Tòa Thượng phụ Can-đê kêu gọi các Linh mục suy tư về sứ vụ Linh mục theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Giáo hội Can-đê

Baghdad, Iraq – Hội nghị lần thứ nhất toàn thể các Giám mục và Linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Can-đê đang làm việc tại Iraq do Đức Thượng phụ Babilonia triệu tập sẽ diễn ra từ ngày 20-22 tháng 6 tới đây.

Các tham dự viên sẽ cùng nhau suy tư về tu đức, thần học và ơn gọi Linh mục để cùng nhau suy tư về tâm linh, thần học và ơn gọi linh mục trước sự khẩn thiết được trải nghiệm bởi các Kitô hữu tại Trung Đông trong giai đoạn lịch sử khó khăn này, và dưới ánh sáng các gợi ý của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho việc truyền giáo mà tất cả các mục tử được mời gọi.

Theo các nguồn tin chính thức của Tòa Thượng phụ, cuộc họp sẽ được tổ chức tại Ankawa, và các buổi hội họp sẽ xoay quanh 3 bài nói chuyện chính, một trong số đó có chủ đề “Linh mục dưới ánh sáng các văn kiện và lời giảng dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức cha Yousif Thomas Mirkis, dòng Đaminh, Tổng Giám mục Giáo hội Công giáo Can-đê ở Kirkuk trình bày.

Sau trường hợp linh mục công giáo Can-đê, cha Amer Saka, tự thú đã tiêu xài lãng phí ở Canada các ngân quỹ được quyên góp để hỗ trợ cho những người tị nạn đến từ Trung Đông, trong cuộc họp lần cuối, các Giám mục Can-đê đã nhắc lại sự cấp thiết tìm ra các hình thức thích hợp cho việc thường huấn của các Linh mục và nâng cao đời sống thiêng liêng và mục vụ của các Linh mục trong tất cả các giáo phận.

Vào tháng 7 /2013, Đức Thượng phụ Louis Raphael I đã gủi cho các Linh mục Can-đê một lá thư, trong đó ngài thừa nhận rằng sự yếu kém trong việc quản trị của cơ quan trung ương, việc nhiều tòa Giám mục bị trống, sự thiếu an ninh và tình trạng khẩn thiết trường kỳ về chính trị xã hội của Iraq đã ảnh hưởng đến căn tính của các Linh mục và đời sống tu đức của họ, tạo nên một “tình trạng mà không thể tiếp diễn” và phải được giải quyết triệt để, tái khám phá ra nguồn gốc của ân sủng và gương mặt thật của ơn gọi và sứ mệnh linh mục. Trong thư này ngài đã nói đến các lời nhắc nhở được lập lại thường xuyên của Đức Thánh Cha Phanxicô để nhắc nhớ mọi người là tác vụ linh mục là một sứ vụ, chớ không phải là một nghề hay một việc kinh doanh. (Agenzia Fides 16/4/2016)

Hồng Thủy OP

Truyền giáo dưới ánh sáng các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Truyền giáo dưới ánh sáng các giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô

Mexico City – Các bề trên Tổng quyền và cố vấn của nhiều hội đoàn tông đồ truyền giáo đã họp nhau tại trụ sở của các Thừa Sai Guadalupe ở thành phố Mexicô từ ngày 5-9 tháng 4  vừa qua. Đây là cuộc họp thường kỳ được tổ chức hai năm một lần. Chủ đề của khóa họp năm nay là Sắc lệnh “Missio ad gentes” (Đến với muôn dân) trong bối cảnh hậu Tông huấn “Evangelii Gaudium” (Niềm Vui Tin Mừng) và Thông điệp “Laudato si”.

 

Đã có 43 nhà truyền giáo của 22 hội đoàn tham dự khóa họp. Họ làm quen với nhau, suy tư về sứ vụ truyền giáo trong thế giới hôm nay, và cùng tìm ra những cách thế để thi hành sứ vụ truyền giáo chung với nhau. Điểu nổi bật và đánh động trong buổi họp này là tính phổ quát của sứ vụ truyền giáo ngày nay, với sự hiện diện của các tham dự viên đến từ khắp 5 châu, trong đó số các thành viên đến từ “vùng truyền giáo” gia tăng hơn trước. Không chỉ có các nhà truyền giáo của các hiệp hội của Âu châu và Mỹ châu đang truyền giáo ở Phi châu và Á châu, nhưng còn có thành viên của các hiệp hội truyền giáo từ Á châu như Ấn độ, Thái lan, Philippin, Nam Hàn và Nigiêria.

 

Cha Jack Lynch thuộc Hội truyền giáo hải ngoại Scaboro đã đưa ra những điểm suy tư liên quan đến những thách đố đối với sứ vụ mà hai tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày, đặc biệt liên quan đến đời sống nội tâm của các hội đoàn truyền giáo, cũng như cách thức thực hành sứ vụ. Cha đặt câu hỏi: Những cách thức sống nào giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta? Chúng ta được mời gọi hoán cải về điều gì khi thực hiện việc truyền giáo? Câu trả lời nằm trong những chọn lựa và thực hành đơn giản nhất như quan tâm bảo vệ môi trường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, khi chúng ta xây nhà cửa, di chuyển con người và vật dụng, sử dụng nước và năng lượng tái chế.

 

Các nhóm đã nghiên cứu để làm thế nào tháp nhập các vấn đề vào việc huấn luyện truyền giáo để phát triển một tu đức truyền giáo liên kết với những giáo huấn này. Việc huấn luyện ở chủng viện cũng là một chủ đề vì điều này cũng ảnh hưởng đến những thử thách mới trong sứ vụ truyền giáo, đặc biệt liên quan đến người nghèo, đến ngôi nhà chung của chúng ta. Các tham dự viên cũng đề nghị những phương thức hợp tác chung giứa các hội đoàn trong việc huấn luyện và sứ vụ.

 

Các ý kiến sẽ được thu thập và gửi đến các hội đoàn để suy tư và quyết định. Một ủy ban thư ký cũng được thành lập để tiếp tục việc suy tư các vấn đề trong 2 năm tới, cho đến kỳ họp sẽ được tổ chức tại trụ sở của các Thừa sai Columban ở Hồng Kông vào tháng 4 năm 2018. (Asia News 10-4-2016)

 

Hồng Thủy OP

 

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

Tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma

ROMA. Lúc 4 giờ chiều chúa nhật 6-3-2016, ĐTC đã cùng các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đi xe bus đến Ariccia để bắt đầu tuần tĩnh tâm hàng năm cho đến thứ sáu 11-3 tới đây.

Giống như những năm trước đây, tuần tĩnh tâm diễn ra tại Trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Vị đảm trách các bài suy niệm trong tuần tĩnh tâm Cha Ermes Ronchi người miền Veneto, đông bắc Italia năm nay 69 tuổi (1947) thuộc dòng Tôi Tớ Đức Maria, đậu 2 tiến sĩ, một tại Đại học Sorbonnes bên Pháp về lịch sử các tôn giáo và một tại Đại học Công Giáo Paris về khoa học các tôn giáo, và làm giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Marianum ở Roma, trước khi làm cha xứ tại Milano. Cha là tác giả của rất nhiều sách báo về kinh thánh và linh đạo, cũng như giữ mục ”Những lý do để hy vọng” trên đài truyền hình Rai từ năm 2009.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu với việc chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều chúa nhật 6-3-2016. Những ngày hôm sau, bắt đầu với kinh ngợi khen lúc 7 giờ rưỡi sáng, rồi bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi sau đó là Thánh Lễ. Ban chiều lúc 4 giờ có bài suy niệm thứ hai. Sau cùng là Chầu Thánh Thể và kinh chiều. Ngày chót, thứ sáu 11-3, chỉ có một bài suy niệm.

Đề tài các bài suy niệm của cha Ronchi trong tuần tĩnh tâm là 10 câu hỏi rút từ Phúc Âm: 9 câu do Chúa Giêsu nêu lên và 1 câu do Mẹ của Ngài trong lúc sứ thần truyền tin. Những câu hỏi của Chúa Giêsu là một danh hiệu khác của sự hoán cải. Câu hỏi thứ I trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan: ”Bấy giờ Chúa Giêsu quay lại, và thấy họ đang theo Người, Người nói với họ: Các ông tìm ai?”. Vị giảng thuyết nói: ”Đề nghị cho những ngày này là chúng ta dừng lại lắng nghe một vị Thiên Chúa của những câu hỏi: không phải hỏi Chúa, nhưng là để cho Chúa hỏi chúng ta. Thày vì chạy đi tìm ngay câu trả lời, chúng ta dừng lại để sống kỹ lưỡng những câu hỏi trần trụi của Tin Mừng” (SD 6-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Thánh Nữ Giuseppina Bakhita

VATICAN. 8-2, lễ kính thánh nữ Giuseppina Bakhita, là Ngày cầu nguyện và suy tư chống nạn buôn người

Thánh nữ người Sudan đã bị bắt làm nô lệ, bán đi bán lại qua tay nhiều người chủ, trước khi được đưa tới Italia, được giải phóng, được rửa tội Công Giáo và gia nhập dòng các nữ tu bác ái thánh Canossa.

Các cộng đoàn dòng tu và tại nhiều trường học có tổ chức các buổi cầu nguyện, suy tư và trình bày chứng từ về tệ nạn này.

Chiều thứ bẩy 6-2-2016 đã có buổi canh thức cầu nguyện tại Vương cung Thánh đường Thánh Tâm ở Roma, tiếp đó là một cuộc hành hương ngắn tới Cửa Năm Thánh ở trung tâm bác ái của Caritas Roma, gần nhà ga trung ương Termini. Đoàn người đã mang Thánh Giá, ảnh thánh Bakhita và một sợi giây xích, tượng trưng sự nô lệ mà Chúa đã hứa phá vỡ, đồng thời nhắc nhớ thảm trạng của bao nhiêu người nam nữ và trẻ vị thành niên nạn nhân của nạn buôn người.

Đức Cha Guerino di Tora, GM phụ tá giáo phận Roma, kiêm chủ tịch tổ chức Migrantes (di dân), giải thích rằng ”Cuộc tuần hành này muốn nói lên cuộc lữ hành của toàn thể nhân loại đang chịu đau khổ, nạn nhân của mọi hình thức buôn người”.

Người ta ước lượng trên thế giới có khoảng 21 triệu người bị coi như ”nô lệ”, nạn nhân của sự cưỡng bách lao động, mại dâm và những hình thức bóc lột khác, một thứ doanh vụ mang lại cho các thủ phạm bất lương lợi nhuận hơn 32 tỷ mỹ kim mỗi năm. Số lợi nhuận này đứng hàng thứ ba sau nạn buôn bán ma túy và buôn bán võ khí.

Riêng tại Italia, số phụ nữ bị khai thác bóc lột về tình dục vào khoảng từ 50 đến 70 ngàn người, phần lớn là người nước ngoài. Con số này tăng gấp 4 trong vòng 2 năm vừa qua.

Cũng nên nhắc lại rằng trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 7-2-2016 với 40 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, ĐTC nhắc nhở rằng:

”Ngày mai (8-2), là Ngày cầu nguyện và suy tư chống lại nạn buôn người, mang lại cơ hội cho mọi người giúp đỡ những người nô lệ mới ngày nay phá vỡ xiềng xích nặng nề của nạn bóc lột để phục hồi tự do và phẩm giá. Tôi đặc biệt nghĩ đến bao nhiêu người nam nữ, và bao nhiêu trẻ em! Cần phải thực hiện mọi cố gắng để bài trừ tội ác và sự ô nhục không thể dung thứ này.” (RG, SD 7-2-2016)

G. Trần Đức Anh O.P – Vatican Radio

Khai mạc Đại Hội toàn quốc Italia lần thứ 5

Khai mạc Đại Hội toàn quốc Italia lần thứ 5

Rome-Italy

FIRENZE. Chiều 9-11-2015, Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia lần thứ 5 khai diễn tại thành phố Firenze, trung Italia, với chủ đề ”Trong Chúa Giêsu Kitô, một thuyết nhân bản mới”.

Tham dự Đại hội kéo dài 4 ngày này, có tất cả các GM Italia và 2500 đại biểu đến từ 220 giáo phận toàn quốc. Đại hội bàn về những biến chuyển về văn hóa và xã hội thời nay, ngày càng ảnh hưởng đến tâm thức và phong tục của con người, nhiều khi tước bỏ những nguyên tắc và giá trị cơ bản đối với cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội.

Thông cáo của ban tổ chức khẳng định rằng: ”Thái độ cần soi sáng cho suy tư chính là điều mà ĐTC Phanxicô nhắc nhở hằng ngày: nghĩa là đọc cc dấu chỉ thời đại và nói bằng ngôn ngữ tình thương mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chỉ có một Giáo Hội trở nên gần gũi với con người và cuộc sống thực tế của họ, mới có những điều kiện để loan báo và thông truyền đức tin”.

Lúc 3 giờ rưỡi chiều hôm qua, đã có 4 cuộc rước 4 từ 4 thánh đường tiến về Nhà Thờ chính tòa Tổng giáo phận Firenze. Tại đây vào lúc 5 giờ chiều, sau lời chào mừng của ĐHY Giuseppe Bertori, TGM sở tại và Ông thị trưởng Dario Nardella, mọi người đã hát kinh chiều khai mạc Đại Hội, rồi Đức Cha Cesare Nosiglia, TGM giáo phận Torino, bắc Italia, trong tư cách là trưởng ban tổ chức, sẽ đọc diễn văn dẫn nhập và khai mạc.

Thứ ba hôm nay, 10-11-2015, ĐTC sẽ đến gặp gỡ các đại biểu vào lúc 10 giờ tại Nhà thờ chính tòa Firenze. Sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Bagnasco, TGM Genova, Chủ tịch HĐGM Itallia, sẽ có một số chứng từ được trình bày, trước khi ĐTC ban huấn dụ.

Lúc 3 giờ rưỡi chiều ngày mai, ngài sẽ chủ sự thánh lễ tại Sân vận động Franchi ở Firenze.

Đại hội sẽ tiếp tục cho đến thứ sáu 13-11, với các bài suy tư, đối chiếu, trao đổi và cầu nguyện. ĐHY Bagnasco gọi Đại hội này là ”Một Phòng thí nghiệm suy tư, kinh nghiệm, trình thuật, giữa các cộng đoàn, đề ra những viễn tượng chung, hy vọng và dấn thân” cho hành trình của Giáo Hội tại Italia (SD 9-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP- Vatican Radio

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 05

Lớp Sáu (2015-2016): Bài Học 05

Học Việt Ngữ Để Làm Gì?

 

Là những người gốc Việt đang sinh sống bên ngoài Việt Nam, các em học sinh tại hải ngoại không bắt buộc phải hiểu biết ngôn ngữ và văn hóa Việt.  Thực sự, có nhiều người gốc Việt không sử dụng được tiếng nói này một cách lưu loát.  Điều đó cũng dể hiểu vì đây không phải là ngôn ngữ chính và đòi hỏi tại các học đường và ngoài xã hội.  Tuy thế, hiểu biết ngôn ngữ và văn hóa Việt có thể mang đến nhiều mối lợi cho các em học sinh về lâu và về dài.

 

IchLoiHocTiengViet

Dấu chỉ thời đại

Dấu chỉ thời đại

Thánh lễ tại nhà nguyện Martha 23 tháng 10 2015

Giảng trong thánh lễ sáng hôm nay (23-10) tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ: “Thời đại đổi thay, mỗi Kitô hữu cũng phải không ngừng đổi mới. Điều này mời gọi mỗi người chúng ta – với một sự tự do và khồng hề sợ hãi – hãy vượt thoái khỏi một thứ chủ nghĩa an tâm (cho rằng chỉ cần làm theo những gì luật dạy là đủ) và một định kiến (chỉ biết kiên vững tin tưởng vào Đức Giêsu và chân lý của Tin Mừng), để biết uyển chuyển không ngừng mà nhận xét những dấu chỉ của thời đại.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng với những suy tư về các bài đọc, đặc biệt là bài trích thư Rôma. Đức Thánh Cha nói: “Thánh Phao-lô đã rao giảng cách rất hùng hồn rằng chúng ta đã được nhận lãnh ân sủng của sự tự do nơi Đức Giêsu. Đó là ân sủng được giải thoát khỏi tội lỗi, được tự do, được trở nên con cái của Thiên Chúa như Đức Giêsu. Chính ân sủng của sự tự do này khiến chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa: ‘Cha ơi!’ Vì có tự do nên chúng ta phải mở lòng ra trước quyền năng của Thánh Thần và phải thấu hiểu những gì đang xảy ra trong nội tâm cũng như xung quanh bên ngoài chúng ta. Nếu như trước đây, chúng ta đã ‘nhìn vào trong’ để phân định những chuyển động nội tâm như: đâu là thần lành và điều gì đến từ sự thôi thúc của vị thần lành ấy; ngày hôm nay với đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta được mời gọi hãy ‘nhìn ra ngoài’ để biết nhận xét những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp tục bài giảng: “Mỗi người chúng ta đều có tự do để phân định. Nhưng để có thể phân định được, chúng ta phải biết rõ điều gì đang diễn ra.” Rồi ngài đặt vấn đề: “Vậy chúng ta có thể thực hiện việc phân định này như thế nào? Chúng ta có thể phân định điều mà Giáo Hội gọi là ‘nhận biết những dấu chỉ thời đại’ ra sao? Quả thật, thời đại thực sự đang đổi thay. Và một Kitô hữu khôn ngoan là người biết nhận xét những thay đổi này, biết nhận ra những khác biệt của thời đại và biết đọc ý nghĩa của những dấu chỉ trong thời đại ấy. Điều này có nghĩa là gì, hàm ý của điều kia thật sự ra sao? Chúng ta hãy luôn phân định như thế với một sự tự do, chứ đừng sợ hãi, run rẩy.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng ý thức rằng đây không phải là một chuyện dễ dàng, vì có quá nhiêu yếu tố ngoại cảnh tác động và thậm chí những yếu tố ấy đã đưa lối khiến nhiều người rơi vào trạng thái dễ dãi, chấp nhận, không muốn phân định. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta thường có thói quen bằng lòng với những điều người ta nói; với những điều mà ta đã nghe, đã đọc… Chúng ta cảm thấy thỏa mãn và dừng lại với những điều ấy. Tuy nhiên, chúng ta có tự do. Chúng ta có quyền để nhận xét, để phận định. Chúng ta phải hỏi chính mình rằng: Đâu là sự thật? Đâu mới là thông điệp mà Thiên Chúa muốn nói với chúng ta ngang qua những dấu chỉ của thời đại này?

Với những câu hỏi ấy, Đức Thánh Cha cũng đề xuất một gợi ý rất thực tế: “Để hiểu những dấu chỉ thời đại, điều cần thiết trước hết là phải biết thinh lặng: hãy thinh lặng và quan sát. Sau đó, hãy suy tư và phản tỉnh. Ví dụ, tại sao ngày hôm nay chiến tranh lại xảy ra liên miên như vậy? Đâu là lý do khiến một điều gì đó diễn ra? Tiếp đến, chúng ta hãy cầu nguyện. Như vậy, có ba bước trong việc phân định: tĩnh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện. Chỉ khi làm như thế, chúng ta mới có thể hiểu được những dấu chỉ của thời đại. Dấu chỉ đó cũng chính là điều mà Đức Giêsu muốn ngỏ cùng chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể sẽ bị cám dỗ mà lí luận rằng: ‘Làm sao tôi có thể phân định được, vì tôi đâu có được học hành nhiều. Tôi đâu có được đến trường, đâu có được học đại học…’ Nhưng việc phân định hay hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại không phải là công việc dành riêng cho những người ưu tuyển hay những người học cao biết rộng. Không hề có một ngoại lệ nào cả. Thật vậy, Đức Giêsu đã không nói: ‘Kìa, hãy nhìn xem những sinh viên đại học, những tiến sỹ, những bậc trí thức đang phân định như thế nào mà học tập’. Nhưng trái lại, Ngài nói: ‘Hãy xem những người nông dân chân chất. Tuy họ đơn sơ mộc mạc nhưng lại có thể biết khi nào mưa đến, khi nào cây mọc. Họ có thể phân biệt được cỏ dại với lúa đồng’. Như vậy, với sự đơn sơ, chân thành cộng với việc thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện; chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ thời đại. Thời đại thay đổi và chúng ta, những Kitô hữu, cũng phải không ngừng đổi mới. Chúng ta đừng chỉ mãi nhắc lại điệp khúc “phải kiên vững vào niềm tin nơi Đức Giêsu, phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ nhưng chúng ta còn phải có đôi mắt rộng mở và một thái độ luôn biết uyển chuyển theo những dấu chỉ của thời đại. Nói khác đi, chúng ta đừng lấy lý do là phải ‘tin tưởng vào Đức Giêsu và phải xác tín vào chân lý Tin Mừng’ mà quên đi việc nhận xét, phân định những biến chuyển của thời đại.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha lập lại ý tưởng mà ngài đã triển khai lúc ban đầu: “Chúng ta tự do. Chúng ta tự do vì chính Đức Giêsu đã trao ban cho chúng ta ân sủng của sự tự do. Bởi thế, chúng ta không chỉ nhìn xem xét những chuyển động bên trong chúng ta. Chúng ta không chỉ phân định những suy nghĩ, tình cảm nội tâm nhưng còn biết phân định tất cả những gì đang diễn ra xung quanh, biết phân định cả những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta có thể làm được điều đó bằng sự thinh lặng, suy tư phản tỉnh và cầu nguyện” (SD 23-10-2015).

Vũ Đức Anh Phương

SỨ ĐIỆP ĐHY STANISLAW RYLKO GỬI NGÀY QUỒC TẾ GIỚI TRẺ CRACOVIA

SỨ ĐIỆP ĐHY STANISLAW RYLKO GỬI NGÀY QUỒC TẾ GIỚI TRẺ CRACOVIA

VATICAN: ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội Đồng Toà Thánh về Giáo Dân, kêu gọi người trẻ toàn thế giới suy tư về đề tài lòng thương xót Chúa để chuẩn bị tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố ngày 27 tháng 7 vừa qua, trong đó ĐHY nhắc lại rằng đây là lần thứ hai ngày này được tổ chức tại Ba Lan, sau Ngày Quốc Tế Giói Trẻ tại Czétochowa hồi năm 1991. Tại Rio de Janeiro ĐTC Phanxicô đã nói với người trẻ: “Nếu bạn muốn biết phải làm gì một cách cụ thể, hãy đọc Phúc Âm thánh Mattrhêu chương 25, là công thức theo đó chúng ta sẽ bị phán xử. Các bạn sẽ có Chương Trình Hành Động với hai điều này: Tám Mối Phúc Thật và chương 25 Phúc Âm thánh Matthêu. Không cần phải đọc thứ gì khác…” (Buổi gặp gỡ giới trẻ Argentina 25-7-2013). Và trong Các Mối Phúc Thật không phải vô tình mà ĐTC Phanxicô đã chọn mối phúc thương xót cho Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracovia “Phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7). Trong Huấn quyền của ngài đây là đề tài ưu tiên. ĐTC giải thích như sau: “Ở đây có tất cả Tin Mừng! Ở đây, ở đây có tất cả Tin Mừng, có toàn Kitô giáo! Nhưng xin các bạn hãy coi: đây không phải là tình cảm, cũng không phải là “duy lòng tốt! Trái lại, lòng thương xót  là sức mạnh thực sự có thể cứu thoát con người và thế giới khỏi bệnh “ung thư” là tội lỗi, sự dữ luân lý, sự dữ tinh thần. Chỉ tình yêu mới lấp đầy các trống rỗng, các vực thẳm tiêu cực mà sự dữ mở ra trong trái tim và trong lịch sử. Chúa Giêsu là tất cả lòng thương xót,  Chúa Giêsu là tất cả tình yêu… “( Kinh Truyền Tin 15-9-2013).

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Cracovia sẽ là Năm Thánh của người trẻ toàn thế giới. Các bạn trẻ sẽ đuợc mời gọi tái khám  phá ra gương mặt xót thương của Thiên Chúa, được biểu lộ nơi gương mặt của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa chết và sống lại vì chúng ta. Từ Cracovia họ phải phổ biến trên toàn thế giới sứ điệp tràn đầy hy vọng và tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với mỗi người trên trái đất này.

Trung tâm của Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 31 sẽ là đền thánh Lòng Thương Xót Chúa và thánh nữ Faustina Kowalska, Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa, đã được Thánh Gioan Phaolô II khánh thành năm 2002. Tại đây người trẻ có thể theo dõi một chương trình đặc biệt bao gồm việc suy niệm các dụ ngôn phúc âm về lòng thương xót Chúa và lần hạt kính Lòng Thương Xót Chúa. Sau cùng họ có thể bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn toàn xá.

Cũng giống như Năm Thánh 2000 tại Tor Vergata ở Roma, tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia sẽ có một Cổng Thánh. ĐTC Phanxicô sẽ cùng vài bạn trẻ bước qua Cổng Thánh đó trước khi bắt đầu buổi canh thức và chầu Thánh Thể. Sáng Chúa Nhật 31 tháng 7 2016 sau Thánh lễ ĐTC sẽ trao cho 5 cặp bạn trẻ thuộc 5 châu lục các ngọn đèn thắp sáng biểu tượng cho ngọn lửa lòng thương xót mà Chúa Kitô đã đem đến cho nhân loại. Và ĐTC sẽ gửi các bạn trẻ ra đi khắp nơi như chứng nhân và thừa sai của Lòng Thương Xót Chúa (SD 27-7-2015)

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Cuộc tĩnh tâm kỳ 3 của các Linh Mục thế giới

Cuộc tĩnh tâm kỳ 3 của các Linh Mục thế giới

ROMA. ĐTC Phanxicô sẽ trình bày một bài suy niệm trong cuộc tĩnh tâm lần thứ 3 cho các LM thế giới, tổ chức tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano ở Roma từ ngày mùng 10 đến 14-6 tới đây.

Cuộc tĩnh tâm do Phong trào canh tân trong Thánh Linh (ICCRS) và Huynh đoàn Công Giáo (Catholic Fraternity) tổ chức, và có chủ đề là: ”Được kêu gọi nên thánh để tái truyền giảng Tin Mừng. Tập hợp, hòa giải, biến đổi, củng cố, sai đi .. thi hành công tác tái truyền giảng Tin Mừng”. Tư tưởng chỉ đạo cho cuộc tĩnh tâm này là Tông huấn Niềm vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium) của ĐTC Phanxicô.

Ngài sẽ trình bày bài suy niệm vào ngày 12-6 về đề tài ”Được biến đổi nhờ tình yêu và cho tình yêu”.

Tham dự cuộc tĩnh tâm có 900 vị gồm các HY, GM, LM và Phó tế độc thân đến từ 90 nước 5 châu: trong số này có 166 LM đến từ 25 nước Phi châu, 60 vị đến từ 12 nước Á châu, phần còn lại đến từ các nước Âu, Mỹ và cả Úc châu.

Theo chương trình, chiều ngày thứ tư ngày mai, 10-6, có chủ đề là ”tập hợp”. ĐHY Stanislaw Rylko, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sẽ chủ sự thánh lễ khai mạc. Bài suy niệm sẽ do cha Raniero Cantalamessa, dòng Capuchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng, nói về ”Được kêu gọi nên thánh để tái truyền giảng Tin Mừng”.

– Ngày sau đó, thứ năm 11-6, có chủ đề là ”Được hòa giải”. ĐHY Peter Turkson Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và hòa bình, sẽ hướng dẫn cuộc suy niệm về đề tài ”Được hòa giải với Thiên Chúa”. Sau giờ chầu Thánh Thể, ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế.

Ban chiều cùng ngày, cha Livio Tacchini sẽ suy niềm về chủ đề ”Cái giá của sự hòa giải”. Tiếp đến là phần nghi thức hòa giải do cha Daniel Ange hướng dẫn.

– Ngày 12-6, lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, có chủ đề là ”Được biến đổi”. Ban sáng cha Jonas Abib sẽ trình bày bài suy niệm “Hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi bạn”. Ngay sau đó Nữ tu Briege McKenna và cha Kevin Scallon sẽ hướng dẫn giờ chầu Thánh Thể và kinh nguyện chữa lành.

Ban chiều, các tham dự viên sẽ gặp gỡ ĐTC và ngài trình bày bài suy tư về chủ đề ”Được tình yêu biến đổi và cho tình yêu”. Và sau cuộc trao đổi với các LM, ngài sẽ chủ sự thánh lễ và ủy thác sứ vụ thừa sai cho các tham dự viên.

– Ngày thứ bẩy 13-6, các tham dự viên sẽ suy tư về đề tài ”Được củng cố”. Cha Cantalamessa sẽ trình bày chủ đề ”Được củng cố để trở nên môn đệ thừa sai trọn vẹn hơn”. Sau đó có thánh lễ do ĐHY Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ chủ sự.

Ban chiều có bài suy niệm về đề tài ”Sống chức linh mục trong quyền năng của Chúa Thánh Linh” do cha Joseph Malagreca trình bày. Từ Brazil có chứng từ của cha Jose Luis Azcona.

Cuộc tĩnh tâm kết thúc vào chúa nhật 14-6 với thánh lễ trọng thể do ĐHY Agostino Vallini, Giám quản Roma, chủ sự (SD 4-6-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha tĩnh tâm mùa chay

Đức Thánh Cha tĩnh tâm mùa chay

VATICAN. Lúc 4 quá giờ chiều chúa nhật 22-2-2015, ĐTC và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh, đã rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ sáu, 27-2 tới đây.

Giống như năm ngoái, các vị dùng xe bus để tới trung tâm ”Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.

Tuần tĩnh tâm năm nay có chủ đề là ”Tôi Tớ và các Ngôn Sứ của Thiên Chúa hằng sống”. Vị giảng tĩnh tâm là cha Bruno Secondin, 75 tuổi, dòng Cát Minh, nguyên là giáo sư tu đức thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma và hiện là cố vấn tại Bộ các dòng tu. Các bài suy niệm của cha trình bày về Ngôn Sứ Elia dưới khía cạnh mục vụ.

Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.

Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.

Sáng thứ sáu 27-2, sẽ có thánh lễ lúc 7 giờ rưỡi và một bài kết thúc lúc 9 giờ rưỡi.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, Cha Bruno Secondin cho biết trong các bài suy niệm cha trình bày về phương diện mục vụ ngôn sứ Elia, một trong những ngôn sứ lớn nhất trong Cựu Ước, và là vị nhiệt thành bảo vệ lòng trung thành với Thiên Chúa chống lại các thần tượng.

Ngôn sứ Elia sống vào thế kỷ thứ 9 trước Chúa Kitô, bị nhà cầm quyền thời ấy bách hại, nên phải chạy trốn vào hoang địa. Trong hành trình này, có lúc nản chí quá, ngôn sứ ao ước được chết. Nhưng Elia được nuôi sống bằng bánh và nước một cách huyền nhiệm và tìm lại sinh lực để tiếp tục bước đi trong 40 đêm, ngày, để tới núi Hobeb, Núi của Chúa, trên đó Ngài tỏ mình cho ngôn sứ không phải như cuồng phong, nhưng như một làn giá nhẹ. Thế là trong sự yếu nhược của mình, ngôn sứ đạt được một cảm nghiệm thực sự về Thiên Chúa.

Theo cha Secondin, hành trình của ngôn sứ Elia phản ánh đức tin chân chính: đề tài các bài suy niệm làm nổi bật sự cần thiết phải trở về căn cội, có can đảm phủ nhận thái độ mơ hồ, tiến từ những thần tượng hư vô đến lòng đạo đức chân thật, từ sự trốn chạy đến sự lữ hành. Trong hành trình ấy có sự vượt thắng lo âu để tiến về sự sống. Nhưng cũng cần để Thiên Chúa làm cho ngạc nhiên, vì Chúa là làn gió nhẹ, một giọng nói thì thấm nhẹ nhàng, khác với điều chúng ta tưởng tượng.

Khi nói về cuộc gặp gỡ của ngôn sứ Elia với bà góa ở Zarepta, cha Secondin nhắc nhở rằng những người nghèo loan báo Tin Mừng cho chúng ta. Vì vậy cha Secondin cũng trình bày các tín hữu Kitô như những chứng nhân về sự công chính, tình liên đới và là những người loan báo về tình huynh đệ.

Trong các bài suy niệm, cha Secondin sử dụng phương pháp lectio divina: nguyện gẫm Lời Chúa, đọc Kinh Thánh kèm theo việc cầu nguyện, thực hiện một cuộc nói chuyện thân tình trong đó, khi đọc Sách Thánh, ta lắng nghe Thiên Chúa phán, và khi cầu nguyện, ta đáp lại Chúa với lòng cởi mở tín thác nơi Chúa.

ĐGH Biển Đức 16 đã từng khẳng định rằng ”Lectio divina hệ tại dừng lại lâu dài nơi một đoạn Kinh Thánh, đọc đi đọc lại, như thể ”nhai lại” như các Giáo Phụ vẫn nói, và có thể núi rút ra từ đó tất cả những tinh túy, để nuôi dưỡng sự suy niệm và chiêm ngắm, và tưới gội cuộc sống cụ thể bằng nhựa sống. Điều kiện của lectio divina là tâm trái phải được Thánh Linh soi sáng, nghĩa là từ chính Đấng đã linh hứng Kinh Thánh và nhờ đó ta đặt mình trong thái độ chăm chú lắng nghe Chúa”. (SD 21-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về Văn hóa

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 7-2-2015 dành cho Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, ĐTC tố giác nạn bạo hành phụ nữ, đồng thời kêu gọi tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong cộng đoàn Giáo Hội, cũng như trong lãnh vực công cộng.

Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa vừa kết thúc 4 ngày đại hội, từ 4 đến 7-2-2015 với chủ đề ”Các nền văn hóa phụ nữ: bình đẳng và khác biệt”.

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC nhận xét rằng ”thân thể phụ nữ nhiều khi bị bạo hành, làm nhục, kể cả từ phía những người lẽ ra phải bảo vệ, giữ gìn và là người đồng hành với phụ nữ trong cuộc sống..

”Bao nhiêu hình thức nô lệ, coi phụ nữ như món hàng, cắt chặt thân thể phụ nữ, đòi chúng ta phải dấn thân làm việc để đánh bại hình thức hạ giá phụ nữ, biến họ thành đồ vật để bán trên các thị trường khác nhau. Trong bối cảnh này, tôi muốn lưu ý tình trạng đau thương của bao nhiêu phụ nữ nghèo, bó buộc phải sống trong những hoàn cảnh nguy hiểm, bị bóc lột, gạt ra ngoài lề xã hội, và trở thành nạn nhân của nền văn hóa gạt bỏ”.

Đề cập tới một tiểu đề khác trong đại hội là ”Phụ nữ và tôn giáo: trốn chạy hay tìm cách tham gia vào đời sống xã hội?, ĐTC nói: ”Ở đây các tín hữu được gọi hỏi một cách đặc biệt. Tôi xác tín rằng cần cấp thiết cống hiến không gian cho phụ nữ trong đời sống Giáo Hội, đón nhận họ, để ý đến những những sự nhạy cảm đặc thù và thay đổi về văn hóa và xã hội. Vì thế, điều đáng mong ước là một sự hiện diện của phụ nữ sâu rộng và có tính chất quyết định hơn trong các cộng đoàn, đến độ chúng ta có thể thấy nhiều phụ nữ can dự vào các trách nhiệm mục vụ, tháp tùng con người, các gia đình và các nhóm cũng như trong việc suy tư thần học”.

ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ trong lãnh vực gia đình, chức phận làm mẹ của phụ nữ, và ngài kêu gọi đừng để phụ nữ phải một mình mang gánh nặng gia đình. Ngài cũng cổ võ sự hiện diện hữu hiệu của phụ nữ trong các lãnh vực công cộng, trong thế giới lao động và trong các nơi đề ra những quyết định quan trọng. (SD 7-2-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

Đức Thánh Cha tiếp kiến Ủy ban Thần học Quốc tế

VATICAN. Sáng 5-12-2014, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến Ủy ban thần học quốc tế vừa kết thúc khóa họp toàn thể tại Vatican. Ngài nêu bật những đặc tính mà nhà thần học Công Giáo phải có.

30 thần học gia quốc tế nhóm khóa họp đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm, dưới quyền chủ tọa của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, cũng là chủ tịch của Ủy ban.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng: ”Nhà thần học trước tiên là một tín hữu lắng nghe Lời Chúa hằng sống và đón nhận Người trong tâm trí. Nhưng nhà thần học cũng phải khiêm tốn lắng nghe ”điều mà Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Đoàn” (Kh 2,7), qua những biểu thị khác nhau của đức tin được sống thực nơi dân Chúa.

Trong số các thành viên Ủy ban thần học quốc tế hiện nay có 5 phụ nữ, tức là gấp 5 lần so với trước đây. ĐTC nhận xét rằng: ”Sự hiện diện này trở thành một lời mời gọi suy tư về vai trò mà phụ nữ có thể và phải giữ trong lãnh vực thần học. Thực vậy, ”Giáo Hội nhìn nhận đóng góp không thể thiếu được của phụ nữ trong xã hội, với một sự nhạy cảm, một trực giác, và một số khả năng đặc thù thường là những đặc tính riêng của phụ nữ hơn là của nam giới.. Tôi hài lòng vì thấy có nhiều phụ nữ cống hiến những đóng góp mới cho suy tư thần học” (Evan. gaudium, 103). Như thế, do thiên tài nữ giới, để mưu ích cho tất cả mọi người, các nữ thần học gia có thể nêu bật một số khía cạnh chưa được khai phá trong mầu nhiệm khôn lường của Chúa Kitô trong đó có giấu ẩn tất cả những kho tàng khôn ngoan và tri thức” (Cl 2,3). (SD 5-12-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bài giảng của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục

Bài giảng của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Thượng Hội Đồng Giám Mục

VATICAN. Sáng ngày 18-10-2014, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã trình bày bài suy niệm ngắn tại Thượng HĐGM thế giới.

Đầu phiên khoáng đại thứ 14 lúc 9 giờ sáng, đến lượt Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sàigòn, Chủ tịch Hội đồng GM Việt Nam, được mời trình bày bài suy niệm ngắn trong kinh Giờ Ba lúc 9 giờ, trước sự hiện diện của ĐTC và các nghị phụ. Ngài mời gọi các tín hữu tin nơi sức mạnh của Tin Mừng là nguồn mạch an vui và hạnh phúc.

Dưới đây là toàn văn bài suy niệm của Đức TGM Bùi Văn Đọc được Văn phòng Tổng thư ký Thượng HĐGM phổ biến:

”Quả thế, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng, vì Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (Rm 1,16). Thánh Phaolô không hổ thẹn vì Tin Mừng, vì Người rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh, là cớ vấp phạm đối với người Do thái, là sự điên rồ đối với dân ngoại. Chính cớ vấp phạm và sự điên rồ của tình yêu vô biên của Thiên Chúa được biểu lộ trong Chúa Kitô chịu đóng đanh, khiến ta không thể tự vệ, để cho mình bị giết.

”Nhưng đối với những người được kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đức Kitô là quyền năng của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1,24). Vì "sự điên rồ của Thiên Chúa thì lớn hơn cái khôn ngoan của con người và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sức mạnh của con người” (v. 25)

Vấn đề ở đây là đức tin. Chúng ta có tin hay không? Nếu chúng ta tin, thì Tin Mừng là ơn cứu độ chúng ta. Đức Kitô là niềm hy vọng của chúng ta, và Hy vọng cho tất cả mọi người. Chính Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, chịu đóng đanh, bị giết, nhưng đã Sống Lại để làm cho chúng ta trở nên công chính; Ngài đang hiện diện giữa chúng ta, đồng hành với chúng ta hướng về tận cùng lịch sử. Chúa Kitô là niềm Hy vọng duy nhất cho đời sống gia đình của con người ngày nay và ngày mai”.

Tin Mừng là ơn cứu độ cho bất kỳ ai tin. Vì sự Công chính của Thiên Chúa được biểu lộ qua đó, nhất là Tình Thương, lòng Từ Bi và Tha Thứ. Tín hữu tham phần sự Công chính của Thiên Chúa, Tình Thương, lòng Từ Bi của Thiên Chúa; họ sống bằng Sự Sống của Thiên Chúa, nhờ đức tin. Đời sống đức tin là một hành trình từ đức tin tới đức tin, từ ơn thánh tới ơn thánh dồi dào hơn của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô.

Ơn Thánh này chính là Thần Trí của Thiên Chúa, là Gió thổi, và Hơi Thở sự sống. Tin là ”lắng nghe”, lắng nghe Tin Mừng, tin vui về Tình Yêu Cứu Độ của Thiên Chúa. Tin Mừng là một tin tức, một trình thuật về lịch sự Tình Yêu của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu Kitô kể cho chúng ta; Chúa Giêsu Kitô là Thánh Sử Tin Mừng của chúng ta là những người nghèo. Vấn đề là chúng ta có tin nơi Đức Kitô một cách chân thành hay không.

Nếu chúng ta tin, chúng ta đón nhận điều được kể về Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa từ bi vì Ngài toàn năng. Quyền năng của Thiên Chúa không phải là quyền lực tàn phá, nhưng làm cho sống. Với quyền năng này Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Và Sự Sống Lại của Đức Kitô là niềm Hy vọng của chúng ta, vì là Tình Yêu chiến thắng sự chết, tha thứ mọi tội lỗi cho những người đang cần. Chúng ta có tin nơi sức mạnh của Thiên Chúa, hoặc nơi sức mạnh của thế gian? Sức mạnh của thế gian đang tàn phá mọi sự, sự sống, tình yêu, gia đình nhân loại. Trái lại đời sống đức tin được diễn tả qua một cuộc sống yêu thương, là nguồn mạch vui mừng, hạnh phúc”.

Trong phiên khoáng đại thứ 14, từ 9 đến 12.30, các nghị phụ đã nghe trình bày bản dự thảo Tường trình chung kết của khóa họp, và bỏ phiếu thông qua Sứ điệp của Thượng HĐGM gửi Dân Chúa.

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý