Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

Hội đồng Giám mục Italia trích 3.5 triệu euro giúp các người tị nạn Syria

ĐHY Angelo Bagnasco, chủ tịch HĐGM Italia

Văn phòng Truyền thông Quốc gia của Hội đồng Giám mục Italia loan báo: số tiền 3.5 triệu euro trích từ ngân quỹ 8/1000 sẽ được dùng để giúp các người tị nạn Syria.

Ngân quỹ 8/1000 là số tiền nhà nước Italia trích 8 phần ngàn từ khoản tiền thuế của người dân Italia và cung cấp cho các Giáo hội tại Italia.

Đoàn chủ tịch Hội đồng Giám mục Italia đã phân bổ số tiền khoảng hai triệu Euro giúp cho các người tị nạn Syria, thuộc các Giáo hội Kitô Canđê, Công giáo Sirô và Chính thống Sirô, chạy trốn từ Mosul và vùng bình nguyên Ninivê, tìm được chỗ trú ngụ tạm thời trong các ngôi nhà gạch mà Giáo phận Canđê Erbil thuê.

Số tiền một triệu sáu trăm ngàn euro khác được sử dụng để cung cấp thực phẩm, trợ giúp y tế và các nhu yếu phẩm cho hơn 12 ngàn gia đình của cộng đồng Kitô giáo Aleppo, thông qua các cha dòng Phanxicô và Hiệp hội pro Terra Sancta.

Cả hai khoản tiền sẽ được giải ngân trong hai lần; lần thứ hai sẽ chỉ được thực hiện sau khi các tài liệu được đệ trình chứng minh kết quả tích cực trong lần thứ nhất. (SD 29/08/2016)

Hồng Thủy

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ thăm hai tu viện nữ ở Rieti và Aquila

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ thăm hai tu viện nữ ở Rieti và Aquila

ĐGH trong một cuộc viếng thăm

Hôm 9 tháng 8, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bất ngờ dành vài giờ của thời gian hè đến thăm hai dòng nữ thuộc miền Lazio và Abruzzo.

Đức Giáo hoàng được Đức cha Domenico Pompili, Gíam mục Rieti, và nữ tu Angela Severino, nguyên là phát ngôn viên và phó thư ký của Hội đồng Giám mục Italia, và hiện đang là thư ký của Đức Cha Rieti tháp tùng.

Đầu tiên Đức Thánh Cha đến thăm tu viện Biển đức của các nữ tu Đền tạ Thánh nhan ở Carsoli thuộc tỉnh Aquila. Dòng này được cha Ildebrando Gregori  sáng lập và hiện có mặt tai các nước Italia, Ba Lan và Ấn độ. Sau đó ngài cũng ghé lại đan viện thánh Filippa Mareri tại Borgo San Pietro, cạnh nhà thờ giáo xứ, thuộc tỉnh Rieti, và thăm các nữ tu dòng thánh Phanxicô.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thăm Giáo phận Rieti vào tháng 1 vừa qua trong ngày Hội Giới trẻ ở Greccio. (ACI 9/8/2016)

Hồng Thủy Op

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

Chương trình Lễ Phong Thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta

ROMA. Các Nữ tu thừa sai bác ái ở Roma đã công bố chương trình mừng lễ và tôn kính thánh tích Mẹ Têrêxa Calcutta sẽ được ĐTC tôn phong hiển thánh vào chúa nhật 4-9 tới đây.

Lễ Phong Thánh sẽ được ĐTC cử hành lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Thánh Phêrô và cũng là lễ kết thúc cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho những người hoạt động trong các tổ chức bác ái Công Giáo, những công việc lòng thương xót.

– Thứ năm, 1-9-2016, sẽ có lễ hội dành cho người người và gia đình thừa sai bác ái, trong đó cũng có phần âm nhạc dựa trên đời sống của Mẹ Têrêsa Calcutta.

– Thứ sáu, 2-9, sẽ có các thánh lễ bằng nhiều ngôn ngữ tại Vương cung thánh đường thánh Anastasia ở khu Palatino, và tôn kính thánh tích. Ban chiều có buổi canh thức và chầu Mình Thánh Chúa trọng thể tại Đền thờ thánh Gioan Laterano do ĐHY Giám quản Roma, Agostino Vallini, chủ sự.

– Sáng thứ Bẩy, 3-9, có buổi tiếp kiến với bài huấn giáo của ĐTC Phanxicô nhân dịp Ngày Năm Thánh của những người hoạt động trong lãnh vực bác ái và từ thiện. Ban chiều cùng ngày có buổi suy niệm và canh thức tại Đền thờ thánh André della Valle, sau đó là nghi thức tôn kính thánh tích Mẹ Têrêsa và thánh lễ.

– Sáng Chúa nhật 4-9, ĐTC sẽ chủ sự lễ phong thánh cho Mẹ Têrêsa và ban chiều các tín hữu có thể tôn kính thánh tích vị tân Hiển thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano.

– Ngày thứ Hai, 5-9, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa thánh, sẽ chủ sự thánh lễ tạ ơn tại Đền thờ Thánh Phêrô và cũng là lễ kính lần đầu tiên Thánh Têrêsa Calcutta. Các tín hữu có thể tôn kính thánh tích của thánh nữ vào ban chiều cũng tại Đền thờ thánh Gioan Laterano. Việc tôn kính này sẽ được tiếp tục ngày hôm sau cũng tại Đền thờ này.

Sau cùng, trong hai ngày từ mùng 7 đến 8-8-2016, thánh tích thánh nữ Têrêsa sẽ được tôn kính tại Nhà thờ thánh Gregorio Cả, và có thể viếng phòng của thánh nữ tại tu viện cạnh thánh đường này (CNS 5-8-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

 

Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Calcutta

Vatican chuẩn bị phát hành tem Mẹ Têrêsa Calcutta

MOTHER TERESA STAMP

Vatican – Hôm qua, ngày 5/8/2016 , văn phòng phát hành tem thư và tiền cắc của Vatican đã thông báo về việc phát hành một loại tem bưu chính đặc biệt vào ngày 2/9, hai ngày trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành lễ phong thánh cho Mẹ,  ngày 4/9. Con tem có giá 0,95 Euro, có hình Mẹ Têrêsa với gương mặt nhăn nheo nhưng rạng ngời, mỉm cười, trong bộ trang phục sari trắng viền xanh. Trên con tem còn có hình Mẹ đang nắm tay một em bé.

Thông cáo viết: “Yếu đuối nhưng kiên định trong ơn gọi, Mẹ Têrêsa đã yêu Chúa và Giáo hội với một sức mạnh tuyệt vời, với sự đơn sơ và khiêm hạ phi thường; bằng cuộc sống của mình, Mẹ đã vinh danh phẩm giá của sự phục vụ khiêm hạ nhất. Mẹ là một sứ giả khiêm nhường của Tin Mừng và tình yêu của Chúa Kitô, được biết như một cây bút chì bé nhỏ trong bàn tay của Thiên Chúa, thi hành công việc của mình cách im lặng và luôn luôn với lòng mến dạt dào. Mẹ đã giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và bị bỏ rơi với sự cống hiến không mệt mỏi, trao ban những nụ cười và những cử chỉ đơn sơ, tìm ra sức mạnh để kiên trì trong ơn gọi trong cầu nguyện và tín thác vào Thiên Chúa”.

Văn phòng tem cho biết sẽ in và bán tối đa 150 ngàn bản với 10 con tem mỗi bản. (CNS 5/8/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Nam Sudan

Civil south Sudan war

ROMA. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho biết ĐTC Phanxicô đã gửi thư cho các vị lãnh đạo Nam Sudan kêu gọi chấm dứt nội chiến tại nước này.

ĐHY Turkson người Ghana đã đến thủ đô Juba của Nam Sudan và đã cử hành thánh lễ cho các tín hữu ở nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài chuyển lời chào thăm và tình liên đới của ĐTC với Cộng đoàn tín hữu, rồi sau lễ, ĐHY đã viếng thăm một số người tị nạn. Hôm sau, 18-7, ĐHY đã gặp tổng thống Nam Sudan và trao sứ điệp của ĐTC. Ngài cũng mang theo một sứ điệp của ĐTC cho cựu phó tổng thống Nam Sudan cũng là lãnh tụ phiến quân. Trong cả hai sứ điệp, ĐTC kêu gọi hai bên chấm dứt tình trạng nội chiến hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican sau khi trở về Roma, ĐHY Turkson nói đến tình trạng dân chúng Nam Sudan đang phải sống trong tình trạng đau khổ, nghèo đói và thiếu an ninh, bệnh tật mà thiếu thuốc men. Hiện thời, tình hình tạm lắng dịu nhưng người ta lo sợ sẽ tái diễn tình trạng tuy có hiệp định hòa bình được ký kết, nhưng rồi đụng độ lại tái diễn, và dân chúng lại phải bỏ chạy. Đã 3 lần xảy ra như vậy.

ĐHY Turkson cho biết ĐTC rất quan tâm tới tình hình Nam Sudan. Khi ĐHY đến chào ngài để chuẩn bị ra đi và xin ngài viết hai lá thư cho hai lãnh tụ đối nghịch nhau tại nước này, ĐTC đã viết thư ngay, và nói: ”Tôi cũng muốn tới Nam Sudan..”. (RG 20-7-2016)

G. Trần Đức Anh OP

ĐTC gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân tai nạn xe lửa

ĐTC gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân tai nạn xe lửa

ĐTC Phanxicô gửi diện tín chia buồn với các nạn nhân tai nạn xe lửa trong vùng Puglia nam Italia

VATICAN: ĐTC đã gửi điện tín chia buồn với các nạn nhân và gia đình họ vì tại nạn hai xe lửa đụng nhau trên tuyến đường Corato-Andria vùng Puglia, nam Italia, sáng ngày 12 tháng 7 vừa qua.

Điện tín gửi ĐC Francesco Cacucci, TGM Bari-Bitonto do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký, viết: “Nghe tin tại nạn hoả xa trầm trọng  xảy ra trên tuyến đường Corato-Andria khiến cho nhiều người thiệt mạng và bị thương, ĐTC chân thành bầy tỏ sự chia sẻ nỗi đau buồn của biết bao gia đình. Ngài bảo đảm sốt sắng cầu nguyện cho những người đã chết một cách thê thảm, và trong khi khẩn cầu Chúa cho những người bị thương mau bình phục, ĐTC tín thác cho sự chở che hiền mẫu của Đức Trinh Nữ Maria những người đang chịu tang tóc thê thảm này và gửi đến cho họ phép lành Toà Thánh của Ngài.”

Lúc sau 11 giờ sáng ngày 12-7  hai chuyến xe lửa chạy ngược chiều trên tuyến đường Corato-Andria đã đâm thẳng đầu vào nhau khiến cho mấy toa tầu bị tan nát và đổ nghiêng. Các toán cứu trợ đã làm việc suốt đêm để tìm xác các nạn nhân. Tính cho đến nay đã có 27 người bị chết và hơn 50 người bị thương, nhiều người rất nặng, nhưng vẫn có người còn bị kẹt trong các toa tầu bẹp giúm. Thủ tướng Renzi và bộ trưởng lưu thông Italia đã đến tận nơi để uỷ lạo và quan sát tình hình. Chính quyền đã ra lệnh điều tra vụ này. Tại một vài vùng Italia vẫn còn có các tuyến đường xe lửa hai chiều, di chuyển trên cùng một đường rầy duy nhất và được hướng dẫn bằng điện thoại thay vì bằng các kỹ thuật tự động tối tân (SD 12-7-2016).

Linh Tiến Khải

ĐTC công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

ĐTC công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

ĐTC công bố Tự Sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh

VATICAN: Sáng ngày 9 tháng 7,  ĐTC đã cho công bố Tự sắc về các thẩm quyền trong lãnh vực kinh tế tài chánh của Toà Thánh.

Tự sắc đã được ký ngày mùng 4 tháng 7 bổ túc cho việc cải tố các cơ quan đặc trách viêc kiểm soát, canh chừng và điều hành các tài sản của Toà Thánh. Mở đầu Tự Sắc ĐTC viết: “Các tài sản tạm thời mà Giáo Hội sở hữu được chỉ định cho viêc theo đuổi các mục đích của Giáo Hội là việc thờ phượng, trợ giúp hàng giáo sĩ, làm việc tông đồ và các công tác bác ái, đặc biệt trong việc phục vụ người nghèo. Vì thế, Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm phải rất chú ý để việc quản trị các tài nguyên kinh tế luôn phục vụ các mục đích này. Vì lý do đó Toà Thánh đặc biệt lưu tâm sự canh chừng việc quản trị tài sản của mình. Để đạt mục đích ấy ngày 24 tháng hai năm 2014 với Tự sắc “Fidelis dispensator et prudens” tôi đã thành lập 3 cơ quan mới là : Hội đồng kinh tế, Văn phòng thư ký Kinh tế và Văn phòng Tổng giám sát, bằng cách thiết định các nhiệm vụ chuyên biệt của tùng cơ quan. Tiếp theo đó ngày 22 tháng 2 năm 2015 tôi đã phê chuẩn thử nghiệm các Quy chế của các cơ quan nói trên.

Kinh nghiệm thực thi các Quy chế này đã minh nhiên việc cần thiết can thiệp liên quan tới việc giải thích đúng đắn và áp dụng cụ thể, dưới ánh sáng các nhiệm vụ nền tảng đã thiết định trong tự sắc Fidelis dispensator et prudens. Đặc biệt cần đề ra các đường nét rõ ràng hơn liên quan tới các lãnh vực hoạt động liên hệ giữa Văn phòng thư ký Kinh tế và việc Quản trị Tài sản của Toà Thánh, kiểu tiến hành và phối hợp của chúng với nhau.

Với lá thư này, bằng cách minh xác những gì đã thiết định và thay đổi những gì cần tu chính, tôi có ý nêu bật việc chỉ dẫn nền tảng cần tách rời một cách rõ ràng, không thể lẫn lộn việc quản trị trực tiếp tài sản khỏi việc kiểm soát và canh chừng trên hoạt động quản trị.

Tiếp đến ĐTC đã xác định việc cần thiết tách biệt các nhiệm vụ giữa việc quản trị Tài sản của Toà Thánh và Văn phòng thư ký kinh tế, trong nghĩa là cơ quan thứ nhất quản trị các tài sản và điều hành tài chánh; trong khi cơ quan thứ hai kiểm soát và canh chừng trên hoạt động quản trị và điều hành.  Phần còn lại của Tự Sắc liệt kê ra các nhiệm vụ của hai cơ quan này. ĐTC cho biết ngài huỷ bỏ khoản 17 của Quy chế Văn phòng thư ký Kinh tế. Ngài tín thác việc thực thi cho các Bề trên của các cơ quan liên hệ. Các vấn đề nảy sinh sẽ tuỳ thuộc các quyết định của một vị đặc sứ của ĐTC và các cộng sự viên. ĐTC truyền thi hành tất cả những gì đã thiết định và công bố trên báo Quan sát viên Roma, trước khi được công bố trong sưu tập các tài liệu Tông Toà  (SD 9-7-2016)

Linh Tiến Khải

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

Bộ Phong Thánh công bố các sặc lệnh liên quan tới 9 Tân chân phước và 6 Đấng đáng kính

congreg-logo

VATICAN: Sáng mùng 8 tháng 7 vừa qua ĐTC đã tiếp ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, và cho phép công bố các sắc lệnh liên quan tới 9 tân Chân phước và 6 Đấng đáng kính.

Sắc lệnh thứ nhất nhìn nhận phép lạ nhờ lời bầu cử của Đấng đáng kính Luigi Antonio Rosa Ormières, Linh mục sáng lập dòng các Nữ Tu Thiên Thần Bản Mệnh, sinh năm 1809 qua đời năm 1890.

Sắc lệnh thứ hai nhìn nhận cái chết tử đạo của các vị Tôi tớ Chúa Antonio Arribas Hortiguela và 6 bạn, Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bị giết vì đức tin ngày 29 tháng 9 năm 1936. Sắc lệnh thứ ba nhìn nhận cái chết tử đạo của vị Tôi tớ Chúa Giuseppe Mayr-Nusser, giáo dân bị giết vì đức tin ngày 24 tháng hai năm 1945. Sáu sắc  lệnh khác nhìn nhận các nhân đức anh hùng của các vị Tôi tớ Chúa: Alfonso Gallegos dòng các tu sĩ Agostino Recolletti, Giám Mục phụ tá giáo phận Sacramento, sinh năm 1931 qua đời năm 1991; Raffaele Sánchez García, Linh mục giáo phận, sinh năm 1911 qua đời năm 1973; Andrea Filomeno García Acosta, giáo dân dòng Anh em hèn mọn, sinh năm 1800 qua đời năm 1853; Giuseppe Marchetti, Linh mục dòng các Thừa Sai thánh Carlo, sinh năm 1869 qua đời năm 1896; Giacomo Viale, Linh mục dòng Anh em hèn mọn, cha sở Bordigherra, sinh năm 1820 qua đời năm 1912; Maria Pia Thánh Giá, sáng lập dòng các Nữ Tu chịu đóng đinh chầu Thánh Thể, sinh năm 1847 qua đời năm 1919.

Trong số các tân chân phước nổi bật nhất là chân phước Giuseppe Mayr-Nusser cha gia đình, chết vì bị bắt buộc gia nhập lực lượng mật vụ Đức quốc xã, nhưng từ chối thề vâng lời Hitler. Vì thế ông bị gửi tới trại tập trung Dachau, bị chết vì mệt và bị hành hạ trong khi di chuyển. Trong khi 7 chân phước thừa sai người Tây Ban Nha bị giết ngày 29 tháng 9 năm 1936 trong thời nội chiến Tây Ban Nha. Còn cha Luigi Antonio Rosa Ormières là nhà giáo dục, đặc biệt của dân nghèo (SD 8-7-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha: Lòng thương xót không có việc làm là ”chết”

Đức Thánh Cha: Lòng thương xót không có việc làm là ”chết”

ĐTC trong buổi tiếp kiến chung sáng 30-6-2016

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến chung sáng 30-6-2016, ĐTC nhắc nhở cho các tín hữu rằng ”lòng thương xót nếu không có việc làm thì tự nó chết”.

Hôm qua là buổi tiếp kiến chung được thêm vào trong Năm Thánh và là buổi cuối cùng trước mùa hè. Trong tháng 7, ĐTC ngưng các buổi tiếp kiến.

Trong bài huấn dụ về đề tài ”các công việc từ bi thương xót” trước sự hiện diện của 30 ngàn tín hữu trong đó có khoảng 50 tín hữu hành hương người Việt, ĐTC nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bày tỏ lòng thương xót qua các công việc cụ thể. Điều làm cho lòng thương xót sinh động chính là động thái liên lỷ đi đáp ứng nhu cầu và sự cần thiết của những người nghèo khổ về tinh thần và vật chất. Lòng thương xót có mắt để thấy, có tai để nghe, có đôi tay để nâng đỡ.”

ĐTC mời gọi các tín hữu đặc biệt quan tâm nhận ra tình trạng đau khổ và túng thiếu của bao nhiêu anh chị em. Nhiều khi chúng ta đứng trước những tình trạng nghèo khổ bi thảm nhưng dường như chúng ta không cảm thấy xúc động. Tất cả diễn ra như thể không hệ gì, trong một sự dửng dưng, đến độ làm cho chúng ta trở nên giả hình và lãnh đạm, không còn tâm hồn nhạy cảm nữa, và cuộc sống không còn mang lại hoa trái.

ĐTC nhắc đến bao nhiêu khía cạnh của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta và ngài nói: ”Cũng vậy, bao nhiêu người tìm đến chúng ta để được lòng từ bi thương xót. Ai đã cảm nghiệm trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Chúa Cha thì không thể không nhạy cảm trước những nhu cầu của anh chị em mình… Những công việc từ bi thương xót không phải là những đề tài lý thuyết, nhưng là những chứng tá cụ thể, đòi chúng ta phải xắn tay áo lên để thoa dịu những đau khổ của nhân loại.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhận xét rằng trong thế giới hoàn cầu hóa, một số nạn nghèo đói vật chất và tinh thần gia tăng, vì thế chúng ta cần có tinh thần sáng tạo về đức bác ái để đề ra những hình thức hành động mới. Nhờ đó con đường thương xót sẽ luôn trở nên cụ thể hơn”.

Trong phần thứ hai của bài huấn dụ tại buổi tiếp kiến dưới trời nắng, ĐTC nhắc đến cuộc viếng thăm mục vụ ngài mới thực hiện tại Armeni, quốc gia đầu tiên đã theo Kitô giáo, hồi đầu thế kỷ thứ 4. Armeni, một dân tộc, qua dòng lịch sử dài đã làm chứng cho đức tin Kitô bằng sự tử đạo. Ngài nồng nhiệt cám ơn Tổng thống, Đức Tổng thượng phụ Karekin II, Đức Thượng Phụ, các GM Công Giáo và toàn dân Armeni đã đón tiếp ngài.

Và ĐTC loan báo: ”Trong vòng 3 tháng nữa, nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến thăm Cộng hòa Georgia và Azerbaigian, hai nước cùng thuộc vùng Caucase. ”Tôi nhận lời viếng thăm hai nước này vì hai lý do: một đàng là để đề cao giá trị của những căn cội Kitô kỳ cựu tại miền ấy, luôn ở trong tinh thần đối thoại với các tôn giáo và các nền văn hóa khác; đàng khác là để khích lệ những hy vọng và những con đường hòa bình. Lịch sử dạy chúng ta rằng con đường hòa bình đòi phải kiên nhẫn rất nhiều và có những bước liên tục, bắt đầu từ những bước nhỏ, và dần dần tăng trưởng thêm, đi gặp gỡ người khác. Chính vì thế tôi cầu chúc tất cả và từng người đóng góp phần của mình cho sự hòa giải” (RG 30-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Lời cầu nguyện mở ra lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn

Lời cầu nguyện mở ra lối thoát trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn

ĐTC Phanxicô chủ sự thánh lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và làm phép dây Pallium sáng 29-6-2016

Lời cầu nguyện giúp thắng vượt các khéo kín và cho phép ơn thánh mở một lối ra trong cuộc sống chúng ta: từ khép kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn phiền tới niềm vui. Và chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ cử hành lúc 9 giở 30 sáng 29-6-2016, lễ kính hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô. Cùng đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 75 Tổng Giám Mục và Giám Mục, trong đó có 25 Tổng Giám Mục nhận dây Pallium và 300 linh mục.

Trong số các Tổng Giám Mục nhân dây Pallium có 4 vị người Ý, 4 vị Brasil, các nước Tây Ban Nha, Mêhicô và Ecuador mỗi nuớc 2 vị, các nước Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, quần đảo Antille, Ba Lan, Myanmar, Benin, Mỹ, đảo Salomon mỗi nước 1 vị.

Hiện diện trong thánh lễ có gần 10,000 tín hữu đặc biệt là phái đoàn của Toà Thượng Phụ Chính Thống Costantinopoli, gồm Đức Methodios TGM Boston, ĐC Telmessos, ĐC Job và Trưởng Phó tế Nephon Tsemalis.

Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có mấy ca đoàn khách. 

Các bài đọc bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý và Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh. Các lời nguyện giáo dân đã được đọc bằng các thứ tiếng Pháp, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tầu và Ý.

Sau lời chào mở đầu, các Phó tế đã xuống trước mộ của Thánh Phêrô lấy các khăn Pallium để ở đây lên. Tiếp theo sau là phần giới thiệu các Tổng Giám Mục được nhận dây Pallium và lời thề của các vị. Dây Pallium được làm bằng lông chiên có 5  thánh giá mầu đen. Ngay từ hồi thế kỷ thứ IV nó đã được ĐGH dùng. Có lẽ nó đã là một dấu hiệu của hoàng đế, sau này được dùng cho các Giám Mục. Dây Pallium biểu tượng cho sự hiệp nhất của các Tổng Giám Mục với Đức Giáo Hoàng, là người kế vị thánh Phêrô. Sau này nó đuợc ĐGH là Giám Mục Rona trao cho các Tổng Giám Mục, nhất là dưới thời ĐGH Gregorio VII sau năm 1000, khi có nhu cầu kiểm soát việc lựa chọn các Giám Mục. Kể từ đó các Tổng Giám Mục đến Roma để nhận dây Pallium. Sau đó dây Pallium cũng được ban cho các vị không phải là Tổng Giám Mục như là một dấu hiệu danh dự. Vào thập niên 1970 Đức Phaolô VI đã cải cách hình thức trao dây Pallium, vì thế ngày nay nó chỉ được ban cho các Tổng Giám Mục mà thôi trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô Phaolô 29 tháng 6 hàng năm, để nêu bật sự hiệp nhất gắn bó của các vị với Ngài Toà Thánh Phêrô. Trong suốt ngàn năm đầu tiên của Giáo Hội dây Pallium biểu tượng cho con chiên lạc và mục tử mang nó trên vai trái. Đó là hình chúng ta tìm thấy trên các ảnh vẽ icone trên gỗ và trên các bức khảm đá mầu. Sau ngàn năm thứ nhất dây Pallium thay đổi hình thức, nó được mang trên cổ và có ý nghĩa khác. Năm hình thánh giá đỏ ám chỉ 5 dấu thánh Chúa. Ba dấu thánh giá diễn tả 3 chiếc đinh đóng vào người Chúa Giêsu. Như thế dây Pallium đặc biệt có ý nghĩa kitô học, diễn tả Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Ngày này dây Pallium bao gồm tất cả các ý nghĩa kể trên và biểu hiệu cho Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

Lời Chúa trong phụng vụ chứa đựng một từ kép chính yếu: đóng – mở. Chúng ta cũng có thể để bên cạnh hình ảnh này biểu tượng của các chià khóa, mà Chúa Giêsu hứa ban cho Simon Phêrô để ông có thể mở cửa vào Nước Trời, chứ không đóng nó trước người ta, như vài ký lục và người pharisêu mà Chúa Giêsu quở trách, đã làm (c. Mt 23,13).

Bài đọc sách Tông Đồ Công Vụ (12,1-11) trình bầy với chúng ta ba cái đóng: thánh Phêrô bị đóng trong ngục; cộng đoàn đóng cửa chăm chú cầu nguyện; và trong bối cảnh gần với văn bản của chúng ta – sự đóng cửa nhà bà Maria, mẹ của Gioan gọi là Marco, nơi Phêrô tới gõ cửa  sau khi được giải thoát.

Liên quan tới các đóng kín này, lời cầu nguyện xem ra như là lối ra chính: lối ra cho cộng đoàn, có nguy cơ đóng kín trong chính mình vì cuộc bách hại và vì sợ hãi; lối ra cho Phêrô, còn đang ở trong giai đoạn đầu của sứ mệnh do Chúa trao phó, bị vua Hêrôđê tống ngục và có nguy cơ  bị kết án tử. Trong khi thánh Phêrô ở trong tù, thì “Giáo Hội liên lỉ dâng lên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12,5). Và Chúa đáp trả lời cầu nguyện và sai thiên thần tới giải thoát ông, “giật thoát ông khỏi tay vua Hêrôđê (c. 11). Lời cầu nguyện như là việc khiêm tốn tín thác nơi Thiên Chúa và thánh ý Ngài, luôn luôn là lối ra cho các khép kín cá nhân và công đoàn của chúng ta.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Cả  thánh Phaolô, khi viết thư cho Timôthê, cũng nói về kinh nghiệm giải thoát của ngài, kinh nghiệm đi ra khỏi nguy hiểm bị kết án tử; nhưng Chúa đã ở gần ngài và ban cho ngài sức mạnh, để ngài có thể hoàn thành công trình rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (x. 2 Tm 4,17). Nhưng Phaolô nói tới một rộng mở lớn lao hơn nhiều, hướng tới một chân trời vô cùng rộng rãi hơn: chân trời của cuộc sống vĩnh cửu, trước hết để đem Chúa Kitô tới cho những người không biết Chúa, và rồi để ném mình vào trong vòng tay ôm của Chúa và được Chúa cứu thoát đem lên trời trong nước Ngài” (c. 8).

Chúng ta hãy trở lại với thánh Phêrô. Trình thuật Tin Mừng (Mt 16,13-19) về lời tuyên xưng đức tin và sứ mệnh theo sau mà Chúa Giêsu tín thác cho thánh Phêrô cho thấy rằng cuộc sống của Simon – bác thuyền chài người Galilê  – như là cuộc sống của từng người trong chúng ta – mở ra, hoàn toàn mở ra, khi nó tiếp nhận ơn thánh đức tin từ Thiên Chúa Cha. Khi đó Simon lên đường – một con đường dài và cam go – sẽ đưa ông tới chỗ ra khỏi chính mình, ra khỏi các an ninh nhân loại của mình, nhất là ra khỏi sự kiêu căng lẫn lộn với can đảm và với lòng quảng đại yêu thương tha nhân. Trên lộ trình này của cuộc giải thoát của ông, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật là định đoạt: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, để đức tin của anh không thuyên giảm” (Lc 22,32). Nhưng cũng định đoạt cái nhìn tràn đầy cảm thương của Chúa, sau khi Phêrô đã chối Ngài ba lần: một cái nhìn đánh động con tim và tháo cởi các giọt nước mắt của sự hối hận (x. Lc 22,61-62).. Khi đó Simon đưọc giải thoát khỏi ngục tù của cái tôi kiêu căng và sợ hãi, và thắng vượt cám dỗ khép kín với lời mời Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài trên con đường thập giá.

Như tôi đã nhấn mạnh, trong bối cảnh của sách Tông Đồ Công Vụ có một chi tiết chúng ta có thể ghi nhận (x. 12,12-17). Khi Phêrô được giải thoát ra khỏi ngục của vua Hêrôđê một cách lạ lùng, ông đến nhà bà mẹ của Gioan gọi là Marcô. Ông gõ cửa, và từ bên trong một đầy tớ gái tên là Rođê nhận ra tiếng Phêrô, nhưng thay vì mở cửa thì lại đầy nghi ngờ và vui mừng chạy vào báo cho bà chủ biết. Trình thuật xem ra tức cười, khiến cho chúng ta nhận thức được bầu khí sợ hãi mà cộng đoàn kitô đã sống, đóng kín trong nhà và cũng khép kín với cả các ngạc nhiên của Thiên Chúa nữa. Chi tiết này nói với chúng ta về cám dỗ luôn luôn hiện hữu đối với Giáo Hội: cám dỗ khép kín trong chính mình, khép kín trước các hiểm nguy.  Nhưng ở đây cũng có lốc xoáy, qua đó hoạt động của Chúa có thể đi ngang qua: thánh sử Luca nói rằng trong nhà đó “nhiều người họp nhau và cầu nguyện” (v. 12). ĐTC giải thích thêm như sau:

Lời cầu nguyện cho phép ơn thánh mở một lối ra: từ khéo kín tới rộng mở, từ sợ hãi tới can đảm, từ buồn phiền tới niềm vui. Và chúng ta có thể thêm từ sự chia rẽ tới hiệp nhất. Phải, hôm nay chúng ta nói lên điều này với sự tin tưởng cùng với các anh em của Phái đoàn, do ĐTC đại kết Bartolomeo thân mến gửi tới tham dự lễ hai thánh Bổn Mạng của Roma. Một ngày lễ của sự hiệp thông đối với toàn thể Giáo Hội như cũng minh nhiên sự hiện diện của các Tổng Giám Mục đến tham dự lễ làm phép các dây Pallium sẽ được các vị đại diện của tôi đeo cho các vị tại các toà địa phương.

Xin các thánh Phêrô Phaolô bầu cử cho chúng ta, để chúng ta có thể tươi vui hoàn thành lộ trình này, sống kinh nghiệm hoạt động giải thoát của Thiên  Chúa và làm chứng cho nó trước tất cả  mọi người.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã ra cửa sổ Dinh Tông Toà đọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường dưới trời nóng 34 độ C của mùa hè Roma. Ngỏ lời với mọi người ĐTC nói: hôm nay lễ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô chúng ta chúc tụng Chúa vì lời rao giảng và chứng tá của các vị. Giáo Hội Roma được xây trên đức tin của hai vị Bổn Mạng của mình. Nhưng hai vị cũng là rường cột và là ánh sáng lớn chiếu soi không những trên bầu trời Roma mà cả trong con tim của các tín hữu Đông và Tây Phương nữa. Trình thuật sứ mệnh của các Tồng Đồ cho biết Chúa Giêsu gửi các môn đệ ra đi cứ hai người một (x, Mt 10,1; Lc 10,1). Trong một nghĩa nào đó từ Thánh Địa hai thánh Phêrô Phaolô cũng đã được gửi tới Roma để rao giảng Tin Mừng. Hai vị đã là những người rất khác nhau: thánh Phêrô một bác “thuyền chài khiêm tốn”, thánh Phaolô “bậc thầy và tiến sĩ” như phụng vụ hôm nay nói. Nhưng nếu ở Roma này chúng ta được biết Chúa Giêsu, và nếu đức tin kitô là phần sống động và nền tảng của gia tài tinh thần và nền văn hóa của vùng đất này, thì cũng là nhờ lòng can đảm tông đồ của hai người con này của vùng Cận Đông. Vì tình yêu đối với Chúa Kitô, hai vị đã bỏ quê hương, không lo lắng trước các khó khăn của cuộc du hành dài và các hiểm nguy cũng như các nghi ngờ có thể gặp, và đã đến Roma. Nơi đây các vị đã là những người loan báo và chứng nhân của Tin Mừng giữa dân chúng, và đóng ấn sứ mệnh đức tin và lòng bác ái của mình với cuộc tử đạo.

Ngày này hai thánh Phêrô và Phaolô trở lại trong tinh thần  giữa chúng ta, các vị rong ruổi trên các con đường của thành phố này, gõ cửa nhà của chúng ta, nhưng nhất là gõ cửa con tim chúng ta. Các ngài muốn một lần nữa đem Chúa Giêsu, tình yêu thương xót, sự ủi an và hoà bình của Chúa Giêsu tới cho chúng ta. Chúng ta hãy tiếp nhận sứ điệp của các ngài! Chúng ta hãy lấy chứng tá của các ngài làm kho tàng của mình. Đức tin ngay thẳng và vững vàng của thánh Phêrô, con tim vĩ đại và hoàn vũ của thánh Phaolô sẽ giúp chúng ta là các kitô hữu tươi vui, trung thành với Tin Mừng và cởi mở cho sự gặp gỡ với mọi người.

ĐTC cũng nhắc cho mọi người biết trong thánh lễ ban sáng ngài đã làm phép các dây Pallium của các Tổng Giám Mục được chỉ định trong năm qua thuộc nhiều nước. Ngài chào và chúc mừng các vị, cũng như thân nhân và những người tháp tùng các vị hành hương tới Roma. ĐTC khích lệ các vị tươi vui tiếp tục sứ mệnh phục vụ Tin Mừng trong niềm hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là với Ngai Toà thánh Phêrô, như dấu chỉ dây Pallium diễn tả. ĐTC cũng chào phái đoàn Giáo Hội Chính Thống do Đức Thượng Phụ Bartolomaios Giáo chủ chính thống Costantinopoli gửi sang tham dự thánh lễ hai thánh Bổn Mạng của Giáo Hội Roma. Sự hiện diện của phái đoàn là dấu chỉ các mối dây huynh đệ giữa hai Giáo Hội chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện để các mối dây liên kết hiệp thông và làm chứng tá chung ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chúng ta hãy phó thác toàn thế giới và đặc biệt thành Roma này cho Đức Trinh Nữ Maria, Sự cứu rỗi của dân Roma, để nó có thể luôn tìm thấy nơi các giá trị tinh thần và luân lý nền tảng phong phú cho cuộc sống xã hội và sứ mệnh của nó tại Italia, trong Âu châu và trên thế giới.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

YEREVAN. Hoạt động cuối cùng của ĐTC Phanxicô tại Armeni là cuộc viếng thăm Đan viện Khor Virap, một trong những nơi thánh quan trọng nhất của Giáo hội Armenia.

Lúc gần 4 giờ chiều chúa nhật 26-6-2016, tại Edchmiadzin, trụ sở của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, ĐTC và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II đã gặp gỡ khoảng 100 người gồm các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội này đã cộng tác vào việc chuẩn bị và tiến hành chuyến viếng thăm của ngài tại Armenia trong 3 ngày qua. Hai vị chào thăm từng người và chụp hình lưu niệm với họ, trước khi cùng lên đường đến Đan viện cổ kính Khor Virab cách đó 41 cây số. Đan viện tọa lạc trên một ngọn đồi giáp giới với Thổ nhĩ kỳ, và ở dưới chân ngọn núi Ararat, theo lưu truyền Con tàu của Ông Noe đã trôi tới núi trong trận hồng thủy.

Khor Virab có nghĩa là ”Giếng Sâu”, bắt nguồn từ sự tích cái giếng sâu 40 mét nơi thánh Gregorio Vị Soi Sáng bị vua Tiridate III cầm tù trong 13 năm trời, trước khi thánh nhân chữa cho nhà vua lành bệnh và hoán cải Vua cùng toàn thể triều đình và quốc dân Armeni vào năm 301.

Đến thế kỷ thứ 5, một đan viện được xây trên nơi trước kia là nhà tù rồi một huynh đoàn cũng được thành lập tại đây. Trong thế kỷ 12 và 13, Đan viện trở thành một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng và là nơi đào tạo những nhân vật nổi bật trong đời sống tôn giáo và văn hóa của Armenia. Nhà thờ được xây trên giếng thánh Gregorio sâu 6 mét rưỡi so với mặt đất và trở thành nơi hành hương thu hút tín hữu từ các nơi trong nước.

Năm 1679, một trận động đất dữ dội đã tàn phá Đan viện, nhưng rồi cơ sở này dần dần được tái thiết, rồi được thêm nhiều phần khác trong đó có tháp chuông.

Ngày nay Đan viện này thuộc chủ quyền của Tòa Tổng Thượng vụ Armenia tông truyền va cách đây gần 15 năm, Đức Gioan Phaolô 2 cũng đã tới đây hành hương ngày 27-9 năm 2001, vào cuối cuộc viếng thăm 3 ngày của ngài ở Armenia.

Khi đến đây vào lúc 5 giờ chiều, ĐTC và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II được vị Bề trên đan viện tiếp đón và hướng dẫn lên tới phòng gọi là ”Giếng thánh Gregorio”. Tại đây hai vị cùng thắp lên một ngọn nến sáng, tượng trưng ánh sáng đức tin mà Thánh Gregorio đã rao giảng cho Armeni. Rồi hai vị đọc lời nguyện và Kinh Lạy Cha.

Sau khi ban phép lành cho mọi người hiện diện, hai vị Giáo Chủ tiến ra khuôn viên bên ngoài cho đến sân thượng hướng nhìn về núi Ararat và cùng thả hai con chim bồ câu trắng, tượng trưng cho hòa bình.

Liền đó, các vị ra phi trường quốc tế Zvartnots của thủ đô Yerevan cách đó gần 50 cây số. Tại đây, tổng thống Armenia cùng phu nhân và các quan chức chính phủ cũng như các vị lãnh đạo Giáo Hội đã có mặt để tiễn biệt.

Sau 4 giờ bay, chiếc Airbus A321 của hãng Alitalia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 70 ký giả cùng đi, đã về đến phi trường Ciampino của thành phố Roma lúc quá 8 giờ rưỡi tối.

Trên đường về Vatican, như thông lệ, ĐTC đã ghé lại Đền thờ Đức Bà Cả để dâng hoa cám ơn Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma đã phù hộ cho chuyến viếng thăm của ngài tại Armenia.

G. Trần Đức Anh OP

 

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin  Iuvenescit Ecclesia

VATICAN. Sáng ngày 14-6-2016, Bộ giáo lý đức tin đã công bố văn kiện xác định quan hệ thiết yếu giữa giáo quyền và các cộng đoàn, phong trào mới trong Giáo Hội.

Văn kiện này là thư của Bộ gửi các GM trong Giáo Hội với tựa đề ”Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội trở nên trẻ trung), về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đoàn sủng cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Hiện diện trên bàn chủ tọa trong cuộc họp báo giới thiệu văn kiện của Bộ cũng có ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM, Đức Ông Piero Coda, thành viên Ủy ban thần học quốc tế, và nữ giáo sư María Carmen Aparicio Valls, thuộc phân khoa thần học Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma.

Thư dài 18 trang, được ấn hành bằng các ngôn ngữ chính, và mang chữ ký ngày 15-5-2016 của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và vị Tổng thư ký của Bộ là Đức TGM Luis Ladaria. ĐTC đã phê chuẩn và truyền công bố thư này trong buổi tiếp kiến ngày 14-3 năm nay dành cho ĐHY Tổng trưởng.

Văn kiện nhấn mạnh đến tương quan hòa hợp và bổ túc cho nhau giữa định chế của Giáo Hội và các phong trào, cộng đoàn mới: trong sự tham gia phong phú và có trật tự của các đoàn sủng vào cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội, các thực thể mới này không được tránh né không vâng phục hàng giáo phẩm của Hội Thánh, và cũng không được tự ban cho mình quyền được thi hành một sứ vụ tự trị. Vì thế, các đoàn sủng có một tầm quan trọng không thể thiếu được đối với đời sống và sứ mạng của

Giáo Hội; các đoàn sủng chân chính chính có đặc tính cởi mở truyền giáo, vâng phục cần thiết đối với các mục tử, và ở trong Giáo Hội.

Thư của Bộ giáo lý đức tin cảnh giác chống lại chủ trương coi Giáo Hội cơ chế và Giáo Hội bác ái như hai thực thể đối nghịch nhau hoặc chỉ ở cạnh nhau, bởi vì trong Giáo Hội cả các cơ chế thiết yếu cũng có đặc tính đoàn sủng, và các đoàn sủng phải được cơ chế hóa để có một sự thống nhất, trước sau như một, và liên tục. Vì thế, cả hai chiều kích đều cùng nhau góp phần hiện diện hóa mầu nhiệm và hoạt động cứu độ của Chúa Kitô trong thế giới.

Bộ giáo lý đức tin cũng trình bày những tiêu chuẩn để phẩm trật Giáo Hội phân định những đoàn sủng chân chính, theo đó các đoàn sủng phải là dụng cụ nên thánh trong Giáo Hội; dấn thân trong việc truyền bá Tin Mừng; tuyên xưng trọn vẹn đức tin Công Giáo, chứng tỏ tình hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo Hội, chân thành đón nhận các giáo huấn đạo lý và mục vụ của Giáo Hội, nhìn nhận và quí chuộng các yếu tố đoàn sủng khác trong Giáo Hội; khiêm tốn chấp nhận những lúc thử thách trong cuộc phân định; có những thành quả thiêng liêng như bác ái, vui mừng, hòa bình, nhân bản; để ý đến chiều kích xã hội trong việc loan báo Tin Mừng, ý thức sự kiện: mối quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho những người bị xã hội bỏ rơi nhiều nhất là điều không thể thiếu trong một thực tại Giáo Hội chân chính”.

Thư của Bộ giáo lý đức tin đã trình bày 2 tiêu chuẩn cơ bản để cứu xét hầu nhìn nhận các thực tại mới của Giáo Hội về phương diện pháp lý, theo các hình thức đã được Bộ giáo luật thiết định.

– Tiêu chuẩn thứ I là ”tôn trọng đặc tính đoàn sủng của mỗi phong trào hoặc cộng đoàn ới của Giáo Hội”, vì thế cần tránh những những ”bó buộc hoặc lèo lái về pháp lý, làm giảm bớt sự mới mẻ của các thực tại ấy”.

– Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến sự tôn trọng đường lối cơ bản trong việc cai quản Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho sự hội nhập các hồng ân đoàn sủng trong đời sống Giáo Hội, nhưng cần làm sao để tránh cho các thực thể ấy bị coi như một thực tại song song, không tham chiếu các phẩm trật của Hội Thánh”. (SD 14-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết

ĐTC Phanxicô chào tín hữu tham dự lễ phong thánh cho hai chân phước Papczynski và Hasselblad sáng Chúa Nhật 6-6-2016

Biến cố chính của đức tin là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên trong bài giàng thánh lễ phong hiển thánh cho chân phước linh mục Stanislao Chúa Giêsu Maria Papczynski, người Ba Lan, và nữ Chân phước Maria Elisabetta Hesselblad, người Thụy Điển, cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật hôm qua trước thềm đền thờ thánh Phêrô.

Cùng đồng tế với ĐTC có  470 vị gồm các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Đảm trách phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh, còn có ca đoàn hướng dẫn, ca đoàn giáo phận Concorida Podenone, ca đoàn Goteborg và ca đoàn Bro Chamber.

Tham dự thánh lễ cũng có giới chức đạo đời của hai nước Ba Lan và Thụy Điển, gồm tổng thống Ba Lan, Bộ trưởng văn hóa và tôn giáo và đại sứ của hai nước, cũng như hơn 50.000 tín hữu và du khách hành hương, trong đó cũng có một số linh mục tu sĩ Việt Nam đang tu học tại Roma, và vài vị đến từ Thụy Điển.

Sau lời chào đầu lễ cộng đoàn đã hát kinh xin Chúa Thánh Thần đến. Tiếp đến ĐHY Angelo Amato, Tổng trường Bộ Phong Thánh, xin ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh và ngài đọc tiểu sử của hai vị.

Chân phước Stanislao Giêsu Maria Papczynski sinh năm 1631 tại Podegrodzie, trong tổng giáo phận Cracovia, bên Ba Lan. Sau thời gian huấn luyện, Stanislao gia nhập dòng các cha Scolopi, rồi được thụ phong Linh Mục. Cha nổi tiếng là bậc thầy của khoa hùng biện và giảng thuyết, cũng như là cha giải tội, đặc biệt là của Đức Sứ Thần Toà Thánh Antonio Pignatelli, sau này sẽ là ĐGH Innocenzo XII, và của vua Gioan III Sobieski. Cha viết cuốn Templum Dei Misticum Đền thờ thần bí của Thiên Chúa, trong đó cha trình bầy chương trình cuộc sống thiêng liêng, nhất là cho giáo dân, vì cha xác tin rằng họ cũng được mời gọi nên thánh.

Năm 1670 cha Papczynski ra khỏi dòng Scolopi với phép chuẩn, và thành lập một dòng mới với tên gọi là “Tu sĩ thánh mẫu của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, với đặc sủng phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt cho các nạn nhân chiến tranh và dịch hạch, và trợ giúp mục vụ cho các cha sở.

Với phép của ĐC Stefano Wierzbowski, GM Poznan, cha lui về tịch liêu Korabiew, xây nhà đầu tiên của dòng và viết Hiến pháp. Tiếp đến cha sống tại một nhà thờ nhỏ gọi là “Nhà tiệc ly của Chúa tại Giêsusalem mới, nay là Gora Kalwaria, cùng với các anh em cùng dòng hoạt động tông đồ và bác ái, trợ giúp dân nghèo vùng quê.

Cha Stanislao đã về Roma để xin Toà Thánh chấp nhận dòng và dòng đã được Toà Thánh chấp nhận năm 1699. Giai đoạn cuối cùng cuộc đời cha bị ghi dấu bởi bệnh tật. Và cha đã qua đời trong hương thơm thánh thiện ngày 17 tháng 9 năm 1701 và được an táng trong nhà thờ Tiệc Ly tai Gora Kalwaria. Cha đã được ĐTC Biển Đức XVI phong Chân phước ngày 16 tháng 9 năm 2007.

Chị Maria Elisabetta Hesselblad sinh tại Faglavik bên Thuỵ Điển ngày mùng 4 tháng 6 năm 1870. Ngày từ ngày còn bé, khi nghe lời Chúa liên quan tới một chuồng chiên và một mục tử duy nhất, cô đã bắt đầu tuy tư về sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Năm lên 18 tuổi để giúp gia đình chị Maria Elisabetta  di cư sang Mỹ tìm việc làm. Chính trong môi trường mới này chị tiếp xúc với các tín hữu công giáo, và bắt đầu con đường tiến tới gần Giáo Hội  và lãnh nhận bí tích Rửa Tội năm 1902. Vì một tật bệnh đã có từ hồi còn nhỏ nay trở lại, chị hầu như gần chết, và ước mong qua đời tại Nhà thánh nữ Brigida ở Roma. Vì thế chị sang Roma và chính tại đây chị đã cảm nhận được ơn gọi sống đời tu trì, xin gia nhập và khấn trong dòng Brigida.  Tại Roma chị Maria Elisabetta nhận 3 ứng sinh người Anh và cùng với các chị này bắt  đầu thành lập một dòng mới lấy tên là dòng Chúa Cứu Thế Rất Thánh của thánh nữ Brigida. Được linh hứng bởi một tinh thần truyền giáo mãnh liệt và nồng nhiệt đối với sự hiệp nhất của các tín hữu kitô, chị quảng đại phục vụ và trợ giúp dân nghèo trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và đã được các chính quyền và dân chúng ghi ơn. Chị qua đời tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1957. Trong Năm Thánh 2000 chị đã được ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong Chân phước. Mới đây ĐTC Phanxicô đã cho phép Bộ Phong Thánh công bố các sắc lệnh nhìn nhận các phép lạ nhờ lời bầu cử của hai chân phước. Hồi tháng 3 năm nay ĐTC đã họp  công nghị các Hông Y và quyết định tôn hai vị lên hàng hiển thánh.

Sau lời nguyện của ĐTC cộng đoàn đã hát kinh cầu các Thánh. Tiếp đến ĐTC đã đọc công thức ghi tên hai chân phước vào trong sổ bộ các thánh. Thánh tích của hai vị đã được rước lên đặt trên bệ cao bên trái bàn thờ, và được Phó tế xông hương. ĐHY Amato đã cám ơn ĐTC tôn phong hai chân phước lên hàng hiển thánh.

Thánh lễ đã  tiếp tục với kinh Vinh danh và phần phụng Lời Chúa. Bài đọc thứ nhất bằng tiếng Anh, Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý, bài đọc hai bằng tiếng Ba Lan. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

 

Giảng trong thánh lễ ĐTC  đã quảng diễn ý nghĩa  các bài đọc Chúa Nhật thứ 10 thường niên năm C kể lại phép lạ ngôn sứ Elia đã làm để cho con bà goá thành Sarepta hồi sinh, và  phép lạ Chúa Giêsu đã làm cho anh con trai bà goá thành Naim sống lại. Ngài nói: Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe tuyên đọc dẫn chúng ta tới biến cố chính của đức tin: đó là chiến thắng của Thiên Chúa trên khổ đau và cái chết. Đó là Tin Mừng của hy vọng vọt lên từ Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô, giãi toả từ gương mặt Ngài, vén mở Thiên Chúa Cha Đấng an ủi của người sầu khổ. Lời ấy mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, để quyền năng sự phục sinh của Ngài được tỏ hiện nơi chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau:

Thật vậy, trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô có câu trả lời của Thiên Chúa cho tiếng kêu âu lo và đôi khi giận dữ, mà kinh nghiệm của khổ đau và cái chết dấy lên trong chúng ta. Đây không phải là trốn chạy Thập giá, nhưng ở lại đó, như Trinh Nữ Mẹ đã làm, Mẹ là Đấng, khi cùng chịu khổ đau với Chúa Giêsu, đã nhận được ơn hy vọng chống lại mọi hy vọng (x. Rm 4,18).

Đây cũng đã là kinh nghiệm của hai chân phước Stanislao Giêsu Maria và Maria Elisabetta Hesselblad, mà hôm nay chúng ta tôn phong lên hàng hiển thánh: hai vị đã kết hiệp mật thiết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và nơi các vị đã tỏ lộ quyền năng sự phục sinh của Ngài.

Bài đọc thứ nhất và Phúc Âm của của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu với chúng ta hai dấu chỉ lạ lùng của sự sống lại, dấu chỉ thứ nhất do ngôn sứ Elia làm, dấu chỉ thứ hai do Chúa Giêsu làm. Trong cả hai trường hợp, người chết là hai con trai rất trẻ của hai bà goá được hồi sinh và trả lại cho mẹ họ.

Người đàn bà Sarepta, là phụ nữ không do thái, nhưng đã tiếp đón ngôn sứ Elia vào nhà; bà nổi giận với ngôn sứ và với Thiên Chúa, bởi vì chính trong lúc ngôn sứ là khách trọ nhà bà, thì đứa con trai của bà bị đau và tắt thở trên tay bà. Khi đó ngôn sứ Elia nói với bà: “Hãy đưa con bà cho tôi” (1 V 17,19). Đây là từ chià khóa: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa trước cái chết của chúng ta, trong mọi hình thái của nó; ngôn sứ không nói: “Hãy giữ lấy nó và tự liệu lấy” nhưng nói: “Hãy đưa nó cho tôi”. Thật vậy ngôn sứ đã bế đứa bé, đưa nó lên phòng bên trên, và ở đó một mình “chiến đấu với Thiên Chúa” trong lời cầu nguyện,  bằng cách đặt để Thiên Chúa trước sự vô lý của cái chết. Và Chúa đã lắng nghe lời cầu của ngôn sứ Elia, bởi vì chính Ngài là Thiên Chúa nói và hành động qua ông. Chính Ngài, qua miệng ngôn sứ, đã nói với người đàn bà: “Đưa con bà cho tôi”. Và bây giờ chính ngôn sứ trả lại đứa con sống cho bà mẹ.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Sự dịu hiền của Thiên Chúa được mạc khải tràn đầy nơi Chúa Giêsu. Chúng ta đã nghe trong Tin Mừng (Lc 7,11-17) Chúa Giêsu cho thấy Ngài rất cảm thương bà góa thành Naim ở Galilêa, đang đi theo đứa con trai duy nhất còn thanh xuân ra mộ. Nhưng Chúa Giêsu tới gần, đụng vào cáng, chặn đoàn người đưa đám lại, và chắc chắn đã vuốt ve gương mặt đầy nước mắt của bà mẹ đáng thương ấy. Ngài nói với bà: “Đừng khóc” (Lc 7,13) như thể nói với bà: “Hãy cho tôi con bà”. Chúa Giêsu xin cho Ngài cái chết của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi nó, và trao ban sự sống trở lại cho chúng ta Thật thế, thanh niên ấy tỉnh dậy như thể từ một giấc ngủ sâu,  và bắt đầu nói. Và Chúa Giêsu trả cậu lại cho mẹ cậu” (c.15). Ngài không phải là một nhà ảo thuật! Ngài là sự dịu hiền của Thiên Chúa nhập thể, nơi Ngài hoạt động sự cảm thương vô biên của Thiên Chúa Cha.

Cũng là một loại phục sinh sự sống lại của tông đồ Phaolô, từ kẻ thù nghịch và bách hại tàn bạo các kitô hữu đã trở thành chứng nhân và người loan báo Tin Mừng (x. Gl 1,13-17). Sự thay đổi triệt để này đã không phải là công trình của thánh nhân, mà là ơn lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng đã chọn thánh nhân và kêu gọi thánh nhân với ơn của Chúa, và muốn mạc khải trong thánh nhân Con của Ngài, để thánh nhân loan báo Chúa giữa muôn dân (cc. 15-16). Thánh Phaolô nói rằng Thiên Chúa Cha đã hài lòng mạc khải Con của Ngài, không phải chỉ cho thánh nhân, nghĩa là hầu như in trong con người, thịt xác và tinh thần của thánh nhân, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, tông đồ sẽ không chỉ là một sứ giả, mà trước hết là một chứng nhân. Áp dụng vào cuộc sống chúng ta ĐTC nói:

Và cả với những người tội lỗi, từng người một, Chúa Giêsu không ngừng làm rạng ngời lên chiến thắng của ơn thánh trao ban sự sống. Ngài nói với Mẹ Giáo Hội: “Hãy cho ta các con ngươi”, là chúng ta tất cả. Ngài nhận lấy trên Ngài các tội lỗi của chúng ta, Ngài cất chúng đi và trao ban chúng ta sống cho chính Giáo Hội. Và điều này xảy ra trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

Ngày hôm nay Giáo Hội cho chúng ta thấy hai người con là chứng nhân gương mẫu của mầu nhiệm phục sinh này. Cả hai đều có thể ca hát đời đời, với các lời của tác giả Thánh vịnh: “Ngài đã thay đổi tiếng than van của con thành vũ điệu. Ôi Chúa, lậy Thiên Chúa của con, con sẽ tạ ơn Ngài luôn mãi” (Tv 30,12). Và chúng ta tất cả hãy hiệp tiếng nói rằng: “Con sẽ chúc tụng Chúa, vì Ngài đã nâng con dậy”.

Các lời nguyện giáo dân đã được đọc trong các thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Bồ Đào Nhà, Ý và Hoa. Các lễ vật đã được một gia đình 5 gồm cha mẹ với 3 con và 3 nữ tu dâng lên ĐTC.

Hàng chục linh mục đã giứp ĐTC cho tín hữu rước lễ.

Trước khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người ĐTC đã ngỏ lời chào và đăc biệt cám ơn các phái đoàn chính thức của hai nưóc đã đến tham dự thánh lễ tôn phong hiển thánh cho hai người con Ba Lan và Thụy Điển. Ngài Xin Chúa chúc lành cho hai quốc gia nhờ lời bầu cử của các vị. ĐTC cũng chào và cám ơn các nhóm hành hương Italia và các nước khác cũng như tín hữu đến từ Estonia, giáo phận Bologna và các ban nhạc.

Ngài mời mọi người hướng tới Đức Trinh Nữ Maria và xin Mẹ luôn hưóng dẫn trên con đường nên thánh và xây dựng công lý và hòa bình mỗi ngày.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải 

Người thân cận là bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta

Người thân cận là bất cứ ai cần sự trợ giúp của chúng ta

ĐTC Phanxicô chào vài thổ dân Da Đỏ Mỹ châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 27-4-2016

Nếu có lòng cảm thương trong con tim, bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai đang cần sự trợ giúp. Không phải ai lui tới Nhà Chúa và biết lòng thương xót của Ngài đều biết yêu thương người lân cận đâu.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 80,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các đoàn hành hương cũng có một đoàn tín hữu Việt Nam do các cha dòng Tên hướng dẫn.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa dụ ngôn Người Samaritano nhân hậu, như thánh sử Luca kể trong chương 10. Có một tiến sĩ Luật muốn thử Chúa Giêsu nên hỏi Ngài: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Chúa Giêsu xin ông tự trả lời cho mình, và ông trả lời một cách toàn vẹn: “Ngươi phải yêu Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và trí tuệ ngươi, và yêu thương người thân cận như chính mình vậy” (c. 27). Khi đó Chúa Giêsu kết luận: “Ông hãy làm như thế và sẽ sống” (v. 28). Ông này lại đặt một câu hỏi khác, rất quý báu đối với chúng ta: “Ai là người thân cận của tôi?” (c. 29), và ông ta hiểu ngầm: cha mẹ tôi? các người đồng hương của tôi? Các người đồng đạo với tôi?”. Nghĩa là, ông ta muốn có một luật lệ rõ ràng cho phép ông sắp loại các người khác thành những người “thân cận” và “không thân cận”, thành những người có thể trở thành thân cận và những người không thể trở thành thân cận.

Và Chúa Giêsu trả lời ông với một dụ ngôn, có ba nhân vật: một tư tế, một thầy Lêvi và một người Samaritano. Hai gương mặt đầu tiên liên quan tới việc phụng tự trong đền thờ; người thứ ba là một người Do thái ly giáo, bị coi như ngoại quốc, dân ngoại và ô uế. Trên đường từ Giêrusalem  xuống Giêricô thầy tư tế và Lêvi gặp một người hấp hối, vì bị cướp đánh và bỏ rơi. Trong các trường hợp như thế Lề Luật của Chúa dự trù bổn phận cứu giúp, nhưng cả hai đi qua mà không dừng lại. Họ vội vã… Thầy tư tế có lẽ đã nhìn đồng hồ và nói: “Tôi đễn trễ lễ… Tôi phải làm lễ”. Và người kia thì nói: “Tôi không biết Luật có cho phép tôi không, bởi vì có máu ở đó và tôi sẽ bị ô uế…” Họ đi một con đường khác và không tới gần.

Và ĐTC rút tiả ra giáo huấn đầu tiên như sau:

Ở đây dụ ngôn cống hiến cho chúng ta một giáo huấn đầu tiên: không phải tự động ai lui tới nhà Thiên Chúa và biết lòng thương xót của Ngài là biết yêu thương người lân cận. Nó không tự đông đâu! Bạn có thể biết toàn sách Thánh Kinh, bạn có thể biết tất cả các chữ đỏ của Phụng Vụ, bạn có thể biết toàn thần học, nhưng từ việc biết không tự động yêu: yêu thương có một con đường khác, cần sự thông minh, nhưng cũng cần một cái gì khác nữa…

Vị tư tế và thầy Lêvi trông thấy, nhưng không biết; nhìn thấy nhưng không lo liệu. Nhưng không có phụng tự thật, nếu nó không được thể hiện ra bằng việc phục vụ người lân cận. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: trước nỗi khổ đau của biết bao nhiêu người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và bất công, chúng ta không thể ở đó như các khán giả. Không biết nỗi khổ đau của con người, có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là không biết Thiên Chúa. Nếu tôi không đến gần người đàn ông đó, đến gần người đàn bà đó, đến gần đứa trẻ đó, ông già đó hay bà già đó, tôi không đến gần Thiên Chúa.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chúng ta hãy bước vào trọng tâm của dụ ngôn: người Samaritano, nghĩa là chính người bị khinh miệt này, chính người mà có lẽ không ai sẽ đánh cá gì hết, và cả ông ta cũng có các dấn thân và công việc phải làm,  khi trông thấy người bị thương, ông không bỏ qua như hai người kia, là những người gắn liền với đền thờ, nhưng  mà “cảm thương” (c. 33). Phúc Âm nói thế: “Ông cảm thương”, nghĩa là trái tim, ruột cảm động. Đây là sự khác biệt. Hai người kia “trông thấy”, nhưng con tim của họ đóng kín, lạnh lùng. Trái lại, con tim của người samaritano đồng điệu với chính con tim của Thiên  Chúa. Thật vậy, sự “cảm thương” là  một đặc tích nòng cốt của lòng thương xót Chúa. Thiên Chúa cảm thương chúng ta. Nó có nghĩa là gì?  Ngài đau khổ với chúng ta, các khổ đau của chúng ta Ngài cảm nhận được. Cảm thương có nghĩa là “đau khổ với”. Động từ ám chỉ ruột máy động và run rẩy trước nỗi đau của con người. Và trong các cử chỉ và hành động của người samaritano nhân hậu chúng ta nhận ra hành động thương xót của Thiên Chúa trong tất cả lịch sử cứu độ. Nó cũng chính là sự cảm thương, qua đó Chúa đến gặp gỡ từng người trong chúng ta: Ngài không giả vờ không biết chúng ta, Ngài biết các khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta cần sự trợ giúp và ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta, và không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Mỗi người trong chúng ta hãy tự hỏi và trả lời trong tim: “Tôi có tin điều đó không? Tôi có tin rằng Chúa cảm thương tôi, như tôi là không, là người tội lỗi, với biết bao nhiêu vấn đề và biết bao nhiêu sự?” Hãy nghĩ tới điều đó và câu trả lời là: “Có!” Nhưng mỗi người phải nhìn vào con tim mình xem mình có tin vào sự cảm thương này của Thiên Chúa không, của Thiên Chúa nhân hậu, là Đấng đến gần, chữa lành chúng ta, vuốt ve chúng ta. Và nếu chúng ta khước từ Ngài, Ngài chờ đợi: Ngài kiên nhẫn và luôn luôn ở bên cạnh chúng ta.

Người Samaritano hành xử với lòng thương xót đích thật: ông băng bó các vết thương của người ấy, chở ông ta tới nhà trọ và đích thân lo lắng cho người ấy, liệu trước việc trợ giúp ông ta. Và ĐTC rút tiả ra thêm một giáo huấn khác:

Tất cả những điều này dậy cho chúng ta biết rằng sự cảm thương, tình yêu, không phải là một tâm tình mông lung,  nhưng có nghĩa là lo lắng cho tha nhân cho tới độ chính mình phải trả giá. Nó có nghĩa là để cho mình bị liên lụy bằng cách làm mọi sự cần thiết để tới gần người khác cho tới độ tự đồng hóa với họ: “Hãy yêu tha nhân như chính mình”. Đó là giới răn của Chúa.

Kết luận dụ ngôn Chúa Giêsu nêu bật câu hỏi của vị tiến sĩ Luật và hỏi ông: “Ai trong ba người, theo ông, đã là người thân cận của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (c. 36). Sau cùng câu trả lời không thể mập mờ được: “Đó là người đã thương xót ông ta” (v.27). Mở đầu dụ ngôn đối với thầy tư tế và thầy Lêvi người thân cận là kẻ hấp hối; vào cuối dụ ngôn đò là người Samaritano đã trở thành người lân cận. Chúa Giêsu nhấn mạnh viễn tượng: đừng có đứng đó mà sắp xếp các người khác để xem ai là thân cận ai không. Bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai bạn gặp trong cần thiết, và bạn sẽ là người thân cận, nếu trong tim bạn có sự cảm thương, nghĩa là nếu bạn có khả năng đau khổ với người khác.

Dụ ngôn này là một món qua tuyệt diệu cho tất cả chúng ta, và cũng là một dấn thân nữa! Chúa Giêsu lập lại với từng người trong chúng ta điều Ngài đã nói với vị tiến sĩ Luật: “Hãy đi và làm như vậy” (c. 37). Chúng ta tất cả được mời gọi đi cùng con đường của người Samaritano nhân hậu, là gương mặt của Chúa Kitô: Chúa Giêsu cúi xuống trên chúng ta, biến thành tôi tớ của chúng ta, và như thế Ngài đã cứu chuộc chúng ta, để cả chúng ta nữa cũng có thể yêu thương  nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta, theo cùng một cách thức.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khàc nhau. Trong các đoàn nói tiếng Pháp ngài chào tín hữu đến từ các giáo phận Montpellier, Nantes, San Claude và Moulins, do các GM sở tại hướng dẫn. Ngài khuyến khích mọi người đừng thờ ơ trước các khổ đau của tha nhân, nhưng hãy bắt chước người Samaritano nhân hậu cảm thương săn sóc và thoa dịu các khổ đau của họ.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Thuỵ Điển, Slovachia, Trung quốc, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Ngài xin Chúa Kitô phục sinh chúc lành cho họ và gia đình họ.

Với các tín hữu A Rập ĐTC chào đoàn hành hương của đại học Thánh Giuse Beirut nhân kỷ niệm 140 năm thành lập. Ngài nhắc cho mọi người biết kitô hữu được mời gọi là dụng cụ hòa giải, đem ơn tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa tới cho người khác qua các cử chỉ bác ái yêu thương.

  Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC chào phái đoàn giáo phận Bolzano Bresanone và các nhóm đến từ Đức, đặc biệt các bạn trẻ và cầu mong họ là các người Samaritano nhân hậu đối với tha nhân.

Trong số các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ngài chào tín hữu đến từ Zurich, Brasilia, các linh mục giáo phận Serrinha, các nữ tu Phansinh thánh Giuse, và chúc mọi người biết hiến dâng cuộc sống như món quà tình yêu cho tha nhân.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan và Slovachia, ĐTC cầu mong tín hữu noi gương người Samaritano nhân hậu đến với những người nghèo nàn đói khổ, săn sóc gia đình, môi sinh và xứ đạo, và được nhiều ơn Chúa khi bước qua các Cửa Thánh.

Trong số các phái đoàn Ý ĐTC chào tín hữu các giáo phận Chieti-Vasto, Novara, Alessandria, Chiavari và Pavia, do các Giám Mục hướng dẫn; các thừa sai dòng Chúa Cứu Thế; các linh mục giáo sư các đại chủng viện liên hệ với đại học Urbaniana của Bộ Truyền Giáo; và các tham dự viên tuần hội học do đại học Thánh Giá tổ chức.

Chào đông đảo các bạn trẻ ĐTC chúc họ luôn trung thành với bí tích Rửa Tội và hăng say làm chứng cho Chúa. Với người đau yếu ĐTC khích lệ họ biết nhìn lên  Chúa Kitô khổ nạn và dâng mọi khổ đau lên cho Chúa để góp phần mưu cầu ơn cứu rỗi cho mọi người. Sau cùng ngài chào các đôi tân hôn và cầu chúc họ biết thực thi giáo huấn của thánh Phaolô: yêu thương nhau, tha thứ tất cả và chịu đựng tất cả trong cuộc sống thường ngày.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

Các thiếu nữ Ki-tô tiếp tục bị bắt cóc và kết hôn với người Hồi

pakistani-christians-protesting

Kasur – Tình trạng bắt cóc các thiếu nữ Ki-tô giáo, cưỡng bách cải sang đạo Hồi và buộc kết hôn với người Hồi giáo tiếp tục xảy ra tại Kasur, Pakistan.

Ông Sarwar Masih đã cầu cứu luật sư Sardar Mushtaq Gill, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – một tổ chức giúp đỡ các Ki-tô hữu, nạn nhân của các hình thức lạm dụng, giúp con gái ông là Laveeza Bibi.

Laveeza Bibi, 23 tuổi, bị hai người Hồi giáo bắt cóc tại nhà của cha mẹ mình ở vùng Kasur, Punjab vào ngày 14/4 vừa qua. Hai kẻ bắt cóc có trang bị súng, đe dọa cha mẹ cô gái và mang cô đi. Một trong hai người bắt cóc là Muhammad Talib đã cưỡng bức cô phải kết hôn với hắn.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Masih ngay lập tức đến đồn cảnh sát địa phương, nhưng cảnh sát tỏ ra lưỡng lự ghi nhận đây là một khiếu nại chính thức. Chỉ sau khi phỏng vấn thêm hai nhân chứng, cảnh sát mới có lệnh triệu tập Talib.

Luật sư Gill cho hãng tin Fides biết, chỉ trong tháng 4 này, riêng vùng Kasur đã có 5 thiếu nữ bị bắt cóc, bị cải sang đạo Hồi và bị bắt buộc kết hôn với các kẻ bắt cóc hành hạ mình. Những cô gái bị từ chối hoàn toàn sự bảo vệ của luật pháp về quyền cá nhân”.

Hiện tượng này tiếp diễn ở một mức độ không thể chấp nhận được với khoảng 1000 trường hợp được ghi nhận hàng năm và rất nhiều trường hợp không được ghi nhận.  Tổ chức phi chính phủ “Lead” – Hiệp hội Tin Lành Phát triển Luật pháp – sẽ tiếp tục hành động và gây ý thức về sự phân biệt đối xử và bạo lực xảy ra ở Pakistan, đặc biệt là đối với các phụ nữ của các tôn giáo thiểu số Ki-tô và Ấn giáo, những người dễ bị tổn thương và không tự vệ, đối tượng của bạo lực thường không  bị trừng phạt. (Agenzia Fides 25/4/2016)

Hồng Thủy OP

Các giám mục Nhật Bản huy động các nỗ lực cứu trợ để giúp đỡ nạn nhân động đất

Các giám mục Nhật Bản huy động các nỗ lực cứu trợ để giúp đỡ nạn nhân động đất

Động đất Nhật bản

Fukuota, Japan – Các giám mục Công giáo Nhật Bản đang phối hợp các nỗ lực để giúp hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi hai trận động đất xảy ra tại thành phố Kumamoto trên đảo phía tây nam Kyushu tuần trước.

Như đã biết, hai trận động đất xảy ra vào hai ngày 14 và 16 tại thành phố Kumamoto đã làm cho ít nhất 41 người chết và hàng ngàn người bị thương. Khoảng 180 ngàn người đã bị mất nhà cửa trong hai trận động đất này.

Đức cha Tarcisio Isao Kikuchi của Niigata nói với hãng tin Catholic News Agency hôm 16/4 là trận động đất thứ hai 7.3 độ đã gây nên những tổn hại trên diện rộng hơn. Đức cha Kikuchi là chủ tịch Caritas Nhật Bản, cơ quan hoạt động xã hội của Hội đồng Giám mục Nhật bản, là cơ quan đang hỗ trợ trong việc cứu vớt và các nỗ lực cứu trợ Kyushu. Đức cha chuyển đạt những lời cầu nguyện và tương trợ của tất cả các giám mục Nhật Bản và cũng bày tỏ sự cảm phục của các ngài về những lời cầu nguyện và viện trợ gửi từ khắp nơi trên thế giới.

Đức cha Dominic Miyahara của Fukuoka đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp các giới chức trong giáo phận để tìm cách huy động các nỗ lực cứu trợ cho các nạn nhân động đất. Đức cha đã kêu gọi sự đóng góp của giáo phận cho nhu cầu cứu trợ và tái định cư, và đã gửi giám đốc Caritas của giáo phận đến để đánh giá tình hình. Có một trường Công giáo bị hư hại trong trận động đất, nhưng không có báo cáo thiệt hại nghiêm trọng nào của các cơ quan Công giáo khác.

Trong lời kêu goi, Đức cha Miyahara cho biết tình cảnh rất khó khăn đối với những người mất nhà cửa phải ở ngoài trời vì thời tiết vẫn còn lạnh vào ban sáng và ban đêm. Đức cha nói: “Tôi cầu nguyện cho những người chịu thiệt hại nghiêm trọng từ trận động đất này và chúng tôi, giáo phận Fukuoka, ở bên các bạn trong những đau khổ và mất mát của các bạn. Chúng tôi xin mọi người cầu nguyện cho các nạn nhân và những cư dân trong các khu vực này để họ được an ủi và đủ sức mạnh vượt qua tình cảnh này và cầu cho họ mau chóng phục hồi từ tổn thất này.”

Đức cha cho biết vùng bị thiệt hại đa phần là đồi núi, vì vậy làm tạo nên những khó khăn cho các tình nguyện viên tieexp xúc được các nơi này. Lỡ đất đã ngăn cách một số làng mạc ở xa, và tất cả các con đường, cầu cống bị hủy hoại. Các thông tin liên lạc cũng bị cắt; điện nước bị ảnh hưởng. Dư chấn đã tiếp tục kéo dài ít nhất là đến Chúa nhật. (Catholic News Agency 18/04/2016)

Hồng Thủy OP

Hai loại bách hại

Hai loại bách hại

Thánh lễ sáng thứ ba, 12.04, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. “Sự bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo hội.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ ba, ngày 12 tháng 04, tại Nguyện đường thuộc Nhà trọ Thánh Marta.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng: “Các Kitô hữu phải đối diện với hai loại bách hại. Loại thứ nhất, rõ ràng và dễ nhận thấy, là bách hại của các vị tử đạo, đã bị giết chết vì đức tin, giống như đã xảy ra với Thánh Tê-pha-nô, vị tử đảo tiên khởi, hay với các Thánh Anh Hài bị Hê-rô-đê sát hại. Ngày hôm nay cũng có rất nhiều Kitô hữu bị giết chết như thế, vì tin vào Đức Kitô. Loại thứ hai có vẻ lịch sự và ít bạo lực hơn, thường ẩn dưới lớp vỏ văn hóa, sự tiến bộ và tinh thần hiện đại. Nhiều Kitô hữu vẫn đang bị bách hại một cách ‘lịch sự’ như thế, vì muốn diễn tả giá trị cao cả của việc làm con Thiên Chúa.

Như vậy, vẫn còn tồn tại những cuộc bách hại đẫm máu: bị xé ra từng mảnh bởi một con dã thú để làm vui lòng khán giả đang ngồi xem trên đấu trường hay cho nổ tung một quả bom được gài sẵn ở lối ra nhà thờ. Nhưng cũng có những cuộc bách hại diễn ra cách lịch sự và có học thức dưới ‘tấm áo của văn hóa’: Họ sẽ giam lỏng bạn vào một góc tối của xã hội, đe dọa tước đi việc làm của bạn nếu bạn không tuân thủ luật lệ mà họ đặt ra là chống lại Thiên Chúa Tạo Hóa.”

Các vị tử đạo của đời sống thường ngày

Khởi đi từ trình thuật về cuộc tử đạo của thánh Tê-pha-nô được mô tả trong sách Công vụ Tông Đồ, theo phụng vụ của ngày hôm nay, Đức Thánh Cha nhận thấy thực tế rằng kể từ hai ngàn năm nay các cuộc bách luôn xảy ra trong lịch sử đức tin Kitô giáo:

“Tôi muốn nói rằng bách hại là lương thực hằng ngày của Giáo hội. Đức Giêsu cũng đã nói như thế. Khi làm một vòng tham quan Roma và đến Colosseo, chúng ta nghĩ tới các vị tử đạo đã bị những con sư tử hung hãn giết chết. Nhưng các vị tử đạo không chỉ có ở Colosseo và cũng không chỉ có vào thời điểm đó nhưng ngày hôm nay vẫn còn có các vị tử đạo. Mới ba tuần trước đây, những Kitô hữu đang cử hành lễ Phục Sinh với nhau ở Pakistan đã bị giết chết. Chắc chắn, họ được phúc tử đạo vì đang mừng mầu nhiệm Đức Kitô phục sinh. Và như thế, Giáo hội không ngừng bước đi với các vị tử đạo của mình.

Bách hại cách ‘lịch sự’

Cuộc tử đạo của Thánh Tê-pha-nô mở đầu cho một sự bách hại bài Kitô giáo rất khốc liệt ở Giê-ru-sa-lem. Điều ấy cũng tương tự với việc ngày hôm nay nhiều người không có tự do để tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu. Nhưng còn có một cuộc bách hại khác mà chúng ta ít khi nhắc đến. Đó là cuộc bách hại đội lốt văn hóa, được ngụy trang với vỏ bọc hiện đại và sự phát triển.

Tôi muốn nói cách mỉa mai rằng, đó là một cuộc bách hại có ‘giáo dục’. Cuộc bách hại ấy xảy ra không phải khi người ta tuyên xưng danh Đức Giêsu, nhưng là khi người ta muốn diễn tả giá trị của việc làm con cái Chúa. Đó là một cuộc bách hại chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nơi chính con người của những con cái Thiên Chúa. Nói cách dễ hiểu hơn, chúng ta nhận thấy rằng ngày nay, những cường quốc có quyền thiết định luật pháp để bắt buộc người khác phải đi trên con đường mà họ vạch ra. Khi một quốc gia không theo những luật pháp này, hay ít nhất không muốn có những luật pháp ấy trong hệ thống pháp luật của mình, ngay lập tức sẽ bị cô lập, bị cáo buộc và bị bách hại. Những bách hại đó tước mất đi sự tự do của con người, và ngay cả quyền chối từ của lương tâm.

Đây là sự bách hại của thế gian, tước mất tự do, trong khi Thiên Chúa ban cho chúng ta tự do để có thể làm chứng tá về Thiên Chúa Cha, Đấng tạo dựng nên chúng ta và làm chứng về Đức Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta. Cuộc bách hại ấy có một kẻ chủ mưu.

Đức Giêsu đã vạch mặt chỉ tên kẻ chủ mưu của loại bách hại có ‘giáo dục’ này, đó là tên thủ lĩnh thế gian. Những cường quốc muốn áp đặt những quan điểm, thái độ, luật lệ chống lại phẩm giá của con cái Thiên Chúa; bắt các tín hữu chống lại Đấng Hóa Công. Đây là cuộc chống đạo có quy mô lớn. Như thế đời sống của những Kitô hữu luôn có hai cuộc bách hại này. Nhưng Đức Giêsu đã hứa với chúng ta là sẽ không bỏ rơi chúng ta. ‘Anh em hãy cẩn thận. Đừng để rơi vào tinh thần thế gian. Hãy tỉnh thức luôn! Và hãy can đảm tiến về phía trước, vì Thầy luôn ở với các con.’”

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha viếng thăm Armenia, Giorgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha viếng thăm Armenia, Giorgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha viếng thăm Arméni, Giorgia và Azerbaigian

VATICAN. ĐTC sẽ đến viếng thăm Cộng hòa Armenia từ ngày 24 đến 26-6 tới đây, rồi sẽ viếng thăm miền Caucase vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố hôm 9-4-2016 nói rằng: ”Nhận lời mời của Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của mọi người Arméni, của chính quyền dân sự và của Giáo Hội Công Giáo, ĐTC Phanxicô sẽ đến Armeni từ ngày 24 đến 26 tháng 6 tới đây. Đồng thời, đón nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Giorgia, chính quyền và giáo quyền tại nước này cũng như tại Azerbaigian, ĐTC sẽ viếng thăm tại miền Caucase, viếng thăm hai nước này từ ngày 30-9 đến 2 tháng 10 năm nay.

Các ký giả tại Phòng báo chí Tòa Thánh đã hỏi cha Lombardi, Phát ngôn viên của Tòa Thánh, xem ĐTC có dừng lại ở miền Nagorno-Karabakh nơi đang xảy ra xung đột giữa người Armenia và Azerbaigian, hay không, cha đáp: ”Tôi chỉ thông tin là sẽ có hai cuộc viếng thăm, tại Armenia và Giorgia với Azerbaigian. Hiện thời không có cuộc viếng thăm nào khác” (SD 9-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo hội đang cần những vị thánh và những vị tử đạo của ngày hôm nay

Giáo hội đang cần những vị thánh và những vị tử đạo của ngày hôm nay

VATICAN. Họ là những vị thánh và là những vị tử đạo của cuộc sống thường ngày trong thời đại hôm nay. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ giúp Giáo hội không ngừng tiến lên qua những lời chứng mạnh mẽ và can đảm về Chúa Giêsu Phục Sinh. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, ngày 07.04, tại nguyện đường Thánh Marta.

Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá

Bài đọc một trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại lòng can đảm của Phê-rô. Sau khi chữa lành cho người bại liệt, Phê-rô đã công bố về sự phục sinh của Đức Giêsu trước Thượng Hội Đồng. Khi nghe những lời ấy, họ giận điên lên và muốn giết ông cùng các Tông Đồ. Mặc dù họ ngăn cấm không được giảng dạy về danh Đức Giêsu nhưng Phê-rô vẫn tiếp tục loan báo Tin Mừng, vì phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. Một Phê-rô can đảm như thế hoàn toàn khác với Phê-rô nhút nhát trong tối thứ Sáu Tuần Thánh, lúc ấy ông đầy sợ hãi đến nỗi đã chối thầy đến ba lần. Bây giờ, Phê-rô đã trở thành một chứng nhân can trường. Như vậy, những chứng nhân Kitô giáo bước đi trên cùng một quan lộ với Đức Giêsu, thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Cách này hay cách khác, Kitô hữu là người có một đời sống chứng tá cho sự thật.

Sự thống nhất giữa đời sống với những gì chúng ta đã thấy và đã nghe thực sự là khởi điểm của lời chứng. Nhưng có một nét đặc biệt nơi lời chứng tá Kitô giáo. Bởi vì lời chứng ấy không chỉ là làm chứng nhưng luôn có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là chúng ta làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh và khía cạnh thứ hai chính là Chúa Thánh Thần. Không có Thần Khí thì cũng không có lời chứng về Đức Kitô. Lời chứng và chính đời sống Kitô giáo là một ân sủng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta nhờ Thần Khí.

Những vị tử đạo ngày nay

Không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể là chứng nhân. Chứng nhân là người đồng nhất mình với những gì mình nói, mình làm và với những gì mình đã được nhận lãnh, đó chính là Chúa Thánh Thần. Đây chính là sự can trường Kitô giáo và đây cũng chính là một chứng tá. Chúng ta có rất nhiều chứng tá của các vị tử đạo ngày nay. Họ là những người bị đánh đuổi và phải trốn chạy khỏi quê hương đất nước. Họ bị cắt cổ, bị bách hại, bị giết chết. Và họ đã can đảm tuyên xưng Đức Giêsu cho đến những hơi thở cuối cùng. Chúng ta cũng có chứng tá của rất nhiều Kitô hữu ngày nay. Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt nhưng họ vẫn mạnh mẽ xác tín rằng: ‘Tôi không làm việc này. Tôi không thể làm điều xấu cho người khác. Tôi không thể gian dối. Tôi không thể sống một cuộc sống nửa vời hai mặt. Tôi phải làm chứng.’ Lời chứng đó chính là dám nói những gì mà với đức tin, họ đã được thấy và được nghe. Hay nói khác đi, với Thần Khí, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như quà tặng của Thiên Chúa, họ mạnh mẽ làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh.

Những vị thánh trong đời sống hằng ngày

Trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, người ta thường nghe nói rằng: ‘Tổ quốc đang cần những anh hùng.’ Điều này rất đúng và hoàn toàn chính đáng. Nhưng tôi tự hỏi: ‘Giáo hội ngày hôm nay đang cần điều gì?’ Xin thưa: ‘Giáo hội đang cần những chứng nhân, đang cần những vị tử đạo.’ Giáo hội đang cần những chứng nhân, tức là những vị thánh, những vị thánh trong cuộc sống thường ngày. Họ là những người có một đời sống minh bạch, thống nhất với những gì họ nói, họ làm. Và họ sẵn sàng là những chứng nhân cho đến tận cùng, kể cả phải chết. Đây chính là những giọt máu sống động của Giáo hội. Đây cũng chính là những người giúp Giáo hội không ngừng tiến lên phía trước. Họ là những chứng nhân dám mạnh mẽ tuyên xưng Đức Giêsu đã phục sinh và Ngài đang sống. Họ đã làm chứng bằng chính đời sống tốt lành, thống nhất của mình, nhờ ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà họ đã được lãnh nhận như một quà tặng của Thiên Chúa.

Vũ Đức Anh Phương, SJ

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng, có Ông Bà Đại Sứ Hàn Quốc

Đức Thánh Cha rửa tội 12 dự tòng

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 26-3-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 12 dự tòng gồm 6 người Albani, 2 người Hàn quốc, 1 người Hoa, phần còn lại là người Camerun và Ấn độ.

Trong số các tân tòng có Đại sứ Hàn quốc cạnh chính phủ Italia, Ông Stefano Yong-Joon Lee (Lý Vĩnh Tuấn) 60 tuổi, và Phu nhân Stella Hee Kim (Kim Hỉ) 54 tuổi. Ông bà Đại Sứ Hàn quốc cạnh Tòa Thánh, Francesco Kim Kyung-Surk, làm cha mẹ đỡ đầu cho hai đồng hương của mình.

Người trẻ nhất trong các tân tòng là cô Mary Stella Trương Lý (Li Zhang) người Hoa, 22 tuổi.

Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 30 GM và 300 linh mục, trong đó có một số là người Việt, trước sự tham dự của khoảng 9 ngàn tín hữu.

Như thường lễ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô.

Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu sống niềm hy vọng đi từ biến cố Chúa Phục Sinh. Ngài phân tích hai thái độ của thánh Phêrô và các phụ nữ chạy tới mộ Chúa, đặc biệt là lời các thiên thần nói: ”Tại sao các bà lại tìm người sống nơi những người chết” (Xc v.5).

ĐTC nói: ”Cả chúng ta, như thánh Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể tìm được sự sống nếu cứ buồn sầu và không hy vọng, tự giam mình làm tù nhân nơi chính mình. Nhưng chúng ta hãy mở rộng những ngôi mộ đóng kín của chúng ta, để Chúa Giêsu đi vào và ban sự sống; chúng ta hãy mang đến cho Chúa những tảng đá cay đắng và những khối đá của quá khứ, những gánh nặng của yếu đuối và sa ngã. Chúa muốn đến và cầm tay chúng ta, để kéo chúng ta ra khỏi lo âu. Tảng đá đầu tiên phải lăn đi khỏi trong đêm nay, đó là sự thiếu hy vọng khép kín chúng ta nơi chính mình. Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy kinh khủng này, khỏi tình trạng là những Kitô hữu không hy vọng, sống như thể Chúa không sống lại, và thái độ coi những vấn đề của chúng ta là trung tâm cuộc sống”.

ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: ”Hôm nay là ngày lễ hy vọng của chúng ta, là ngày cử hành xác tín này: không bao giờ một điều gì và không ai có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô” (Xc Rm 8.39) (SD 26-3-2016)

G. Trần Đức Anh OP