Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Azerbaijan vui mừng được Đức Phanxicô viếng thăm

Cộng đoàn Công giáo bé nhỏ Azerbaijan vui mừng được Đức Phanxicô viếng thăm

Logo chuyến viếng thăm Azerbaijan của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Baku, Azerbaijan – Một tuần trước cuộc viếng thăm Azerbaijan của Đức Thánh Cha vào Chúa nhật ngày 2/10, hàng chục tín hữu Công giáo đã tụ họp dâng Thánh lễ tại nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm, nhà thờ Công giáo duy nhất ở Azerbaijan, được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 21 này sau khi bị quân đội Xô viết của chế độ độc tài Stalin phá hủy vào những năm 1930. Sau khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thăm Baku vào năm 2002, ngài đã tặng cộng đoàn Công giáo địa phương mảnh đất đã được tổng thống Heydar Aliyev tặng cho ngài. Việc xây dựng nhà thờ được tài trợ bằng tiền nhuận bút từ các cuốn sách của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và từ cuộc bán đầu giá do Bộ Loan báo Tin mừng tổ chức.

Cộng đoàn Công giáo tại Azerbaijan rất nhỏ; theo số liệu của Vatican, có khoảng 500 người, định cư ở các vùng thành thị và nông thôn. Vì vậy các tín hữu Công giáo sẽ tập họp ở Baku để đón Đức Thánh Cha và cử hành Thánh lễ.

Anh Gabriel de Souza, 32 tuổi, chia sẻ với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ vào hôm 25/9 vừa qua: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha là một sự kiện lớn đối với người Công giáo ở Azerbaijan và chúng tôi mong đợi tiếp đón ngài; nhìn thấy ngài tận mắt và dâng lễ Chúa nhật với ngài thật là một phúc lành”. Anh nói thêm: “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều và chúng tôi tin rằng khi Đức giáo hoàng đến, ngài sẽ đưa ra một sứ điệp vĩ đại về nhân loại và hòa bình.”

Bà Victoria Joseph, một giáo dân 56 tuổi chia sẻ là bà chưa bao giờ được nhìn thấy một vị Giáo hoàng. Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô khiến cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé ở Azerbaijan cảm thấy quan trọng. Nó là một vinh dự và đặc ân lớn lao cho các tín hữu Công giáo.

Cha Vladimir Fekete, người đứng đầu miền Giám quản  Tông tòa tại Azerbaijan nhận định: “Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha rất quan trọng, không chỉ cho nước Azerbaijan nhưng cho cả vùng Caucasus. Cha cho biết là Đức Thánh Cha nhắm đề cao sự đóng góp của các tín hữu Công giáo  cho hòa bình, tự do tôn giáo và hòa hợp liên tôn. Cha nói: “Nhờ cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, đức tin Công giáo trong vùng này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Nó cũng làm nổi bật vai trò toàn cầu của Vatican trong việc giải quyết các xung đột trong vùng và toàn cầu.”

Từ năm 1988, Azerbaijan và Armenia đã tranh chấp quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh, một vùng đất có phần lớn là người Armenia nhưng lại nằm gọn trong Azerbaijan. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thăm Armenia vào cuối tháng 6. Trên chuyến bay về Roma, ngài nói là ngài hy vọng cổ vũ hòa bình giữa hai quốc gia. (CNS 26/09/2016)

Hồng Thủy

Nhận định về chuyến viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô

Nhận định về chuyến viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Tổng Thương phụ Karekin II

Chuyến viếng thăm Cộng hòa Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc và được đánh giá là thành công. Sau đây là một vài nhận định của cha Andrea Majewski, Giám đốc các chương trình của Đài phát thanh Vatican và cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh.

Theo cha Majewski, người dân Armenia rất yêu mến Đức Thánh Cha. Số người hiện diện trong các sinh hoạt của Đức Thánh Cha tại đây thật đông đảo. Đã có khoảng 50 ngàn người hiện diện trong buổi cầu nguyện tại thủ đô Yerevan và trong Thánh lễ của Giáo Hội Armenia Tông truyền vào  sáng Chúa nhật tại quảng trường San Tiridate ở Etchmiadzin số người tham dự cũng không kém đi.

Một điều mà chúng ta ngạc nhiên và người ta nói nhiều đến là Đức Thánh Cha được yêu mến như thế nào ở Armenia. Tên của ngài được nhắc đến 2 lần trong cử hành Thánh Thể. Một điều nữa rất quan trọng là sự vỗ tay nồng nhiệt trong các cuộc gặp của Đức Thánh Cha, những phản ứng sống động của dân chúng, của các Giám mục; nhất là vào cuối buổi nói chuyện của Đức Thánh Cha, ngài đã xin Đức Tổng Thượng Phụ Giáo hội Armenia Tông truyền chúc lành cho ngài. Tất cả các Giám mục đông phương tông truyền đều đứng dậy và cử chỉ này đã đánh động lòng người dân Armenia vô cùng.

Cha nhận định: Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha gần kết thúc và đối với quốc gia này, đây là một phút giây lịch sử: Đức Thánh Cha đã muốn cầu nguyện với dân Armeni, muốn gần gũi họ trong một giai đoạn không phải là dễ dàng, bởi vì chúng ta biết là Armenia đang sống trong thời gian không an bình lắm trong lịch sử của họ. Chúng ta trở về Roma với đầy những ấn tượng tốt về quốc gia này nhưng trên hết là lòng hiếu khách và tình yêu mà dân Armenia dành cho Đức Thánh Cha.

Còn cha Lombardi thì đánh giá chuyến đi của Đức Thánh Cha là một thành công lớn. Cha cho biết chuyến đi của Đức Thánh Cha có 3 chiều kích căn bản và tất cả được vinh quang với thành công lớn. Cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với dân tộc Armenia, dân tộc rất thích sự gần gũi, sự hiểu biết về lịch sử và truyền thông Kitô giáo của ngài. Một số giây phút quan trọng như cuộc gặp ở dinh Tổng thống và trên tất cả là buổi cầu nguyện đại kết ở quảng trường Yerevan, một sự kiện hoàn toàn ngoại thường vì đó là một cuộc “trình diễn” tôn giáo: cầu nguyện tại một nơi công cộng với tất cả đại diện, cả đại diện quốc gia. Cha tin điều này chưa bao giờ xảy ra.

Về khía cạnh đại kết, sự tiếp đón của Đức Tổng Thượng phụ của Giáo hội Armenia Tông truyền thật là tuyệt diệu. Đức Thánh Cha đã lưu trú tại Tòa Thượng Phụ 3 ngày và như thế chắc chắn sẽ có những giây phút gặp gỡ sâu sắc và chân thành. Rồi có những lần cầu nguyện đại kết cụ thể như lần viếng thăm nhà thờ chánh tòa thánh Gregorio Vị soi sáng hay Thánh lễ của Armenia tông truyền vào sáng Chúa nhật. Vào cuối cuộc viếng thăm, Đức Thánh cha và Đức Tổng thượng phụ đã cùng ký một tuyên ngôn. Trong các bài diễn văn của Đức Thánh Cha chúng ta cũng nhận thấy giọng văn khuyến khích việc đại kết, đối thoại, hiệp nhất về mục đích và tiến tới sự hiệp nhất Thánh Thể. Cha Lombardi nhận định: một bước quan trọng trong hành trình đại kết với Giáo hội đông phương này rất có ý nghĩa, bởi vì thực tế nó đồng hóa với Quốc gia Armenia.

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha cũng là sự khích lệ cho các tín hữu Công giáo Armenia, một cộng đoàn thiểu số, một cộng đoàn tương đối nhỏ nhưng rất sống động và tham dự vào đời sống của quốc gia. Họ cảm thấy được sự hiện diện của vị mục tử phổ quát và do đó họ có thể đạt đến sự hữu hình của họ với Thánh lễ tại quảng trường ở Gyumri: họ có thể cho Đức Thánh Cha thấy hoạt động bác ái của họ, cô nhi viện và các hoạt động bác ái khác. Do đó nó cũng là một ngày hội lớn cho công giáo Armenia cả ở tại Armenia cũng như hải ngoại. Nhiều người Armenia, cả công giáo lẫn tông truyền trở về Armenia trong dịp này, ví dụ: có sự hiện diện của tất cả Giám mục Công giáo Armeni cùng cử hành Thánh lễ với Đức Thánh Cha. Tất cả các khía cạnh này được thực hiện tràn đầy và chúng ta có thể nói là sự hiện diện của Đức Thánh Cha ở đây, như mọi khi, ngài muốn là một sứ điệp của hòa bình cho vùng đất này với hy vọng điều này được hiểu và hưởng ứng. (RV 26/6/2016)

Hồng Thủy Op

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

Đức Thánh Cha viếng thăm Đan viện Khor Virap của Armenia

YEREVAN. Hoạt động cuối cùng của ĐTC Phanxicô tại Armeni là cuộc viếng thăm Đan viện Khor Virap, một trong những nơi thánh quan trọng nhất của Giáo hội Armenia.

Lúc gần 4 giờ chiều chúa nhật 26-6-2016, tại Edchmiadzin, trụ sở của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, ĐTC và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II đã gặp gỡ khoảng 100 người gồm các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội này đã cộng tác vào việc chuẩn bị và tiến hành chuyến viếng thăm của ngài tại Armenia trong 3 ngày qua. Hai vị chào thăm từng người và chụp hình lưu niệm với họ, trước khi cùng lên đường đến Đan viện cổ kính Khor Virab cách đó 41 cây số. Đan viện tọa lạc trên một ngọn đồi giáp giới với Thổ nhĩ kỳ, và ở dưới chân ngọn núi Ararat, theo lưu truyền Con tàu của Ông Noe đã trôi tới núi trong trận hồng thủy.

Khor Virab có nghĩa là ”Giếng Sâu”, bắt nguồn từ sự tích cái giếng sâu 40 mét nơi thánh Gregorio Vị Soi Sáng bị vua Tiridate III cầm tù trong 13 năm trời, trước khi thánh nhân chữa cho nhà vua lành bệnh và hoán cải Vua cùng toàn thể triều đình và quốc dân Armeni vào năm 301.

Đến thế kỷ thứ 5, một đan viện được xây trên nơi trước kia là nhà tù rồi một huynh đoàn cũng được thành lập tại đây. Trong thế kỷ 12 và 13, Đan viện trở thành một trung tâm nghiên cứu nổi tiếng và là nơi đào tạo những nhân vật nổi bật trong đời sống tôn giáo và văn hóa của Armenia. Nhà thờ được xây trên giếng thánh Gregorio sâu 6 mét rưỡi so với mặt đất và trở thành nơi hành hương thu hút tín hữu từ các nơi trong nước.

Năm 1679, một trận động đất dữ dội đã tàn phá Đan viện, nhưng rồi cơ sở này dần dần được tái thiết, rồi được thêm nhiều phần khác trong đó có tháp chuông.

Ngày nay Đan viện này thuộc chủ quyền của Tòa Tổng Thượng vụ Armenia tông truyền va cách đây gần 15 năm, Đức Gioan Phaolô 2 cũng đã tới đây hành hương ngày 27-9 năm 2001, vào cuối cuộc viếng thăm 3 ngày của ngài ở Armenia.

Khi đến đây vào lúc 5 giờ chiều, ĐTC và Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II được vị Bề trên đan viện tiếp đón và hướng dẫn lên tới phòng gọi là ”Giếng thánh Gregorio”. Tại đây hai vị cùng thắp lên một ngọn nến sáng, tượng trưng ánh sáng đức tin mà Thánh Gregorio đã rao giảng cho Armeni. Rồi hai vị đọc lời nguyện và Kinh Lạy Cha.

Sau khi ban phép lành cho mọi người hiện diện, hai vị Giáo Chủ tiến ra khuôn viên bên ngoài cho đến sân thượng hướng nhìn về núi Ararat và cùng thả hai con chim bồ câu trắng, tượng trưng cho hòa bình.

Liền đó, các vị ra phi trường quốc tế Zvartnots của thủ đô Yerevan cách đó gần 50 cây số. Tại đây, tổng thống Armenia cùng phu nhân và các quan chức chính phủ cũng như các vị lãnh đạo Giáo Hội đã có mặt để tiễn biệt.

Sau 4 giờ bay, chiếc Airbus A321 của hãng Alitalia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 70 ký giả cùng đi, đã về đến phi trường Ciampino của thành phố Roma lúc quá 8 giờ rưỡi tối.

Trên đường về Vatican, như thông lệ, ĐTC đã ghé lại Đền thờ Đức Bà Cả để dâng hoa cám ơn Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma đã phù hộ cho chuyến viếng thăm của ngài tại Armenia.

G. Trần Đức Anh OP

 

Tường thuật các sinh hoạt của ĐTC sáng Chúa Nhật tại Etchmiadzin

Tường thuật các sinh hoạt của ĐTC sáng Chúa Nhật tại Etchmiadzin

ĐTC Phanxicô tham dụ lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội Armeni Tông Truyền tại quảng truờng thánh Tiridate ở Etschmiadzin

Chúa Nhật hôm qua là ngày cuối cùng ĐTC viếng thăm mục vụ Armenia. Ngài chỉ có ba sinh hoạt chính. Ban sáng ĐTC gặp gỡ các Giám Mục công giáo, tiếp đến ngài tham dự lễ nghi phụng vụ tại quảng trường San Tiridate Etchmiadzin. Sau bữa trưa ĐTC gặp gỡ các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội Armeni Tông Truyền. Vào ban chiều ngài viếng thăm đan viện Khor Virap trước khi ra phi trường quốc tế Zvartnots Yerevan lấy máy bay trở về Roma. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt ban sáng của ĐTC.

Lúc 7 giờ 30 sáng ĐTC dâng thánh lễ riêng trong nhà nguyện Dinh tông toà Etchmiadzin. Cùng đồng tế thánh lễ có ĐTGM Sứ Thần Toà Thánh và Đức Ông thư ký toà Sứ Thần. Lúc 9 giờ 15 ngài gặp gỡ thân tình với 14 Giám Mục công giáo Armenia. Cùng hiện diện cũng có 12 linh mục làm việc mục vụ tại Armenia và các vị trong đoàn tuỳ tùng của ĐTC. Tiếp đến ĐTC đi xe tới quảng trường Thánh Tiridate cách đó 200 mét để tham dự lễ nghi phụng vụ do Đức Guaréguin II Thượng Phụ Tối cao và Catholicos của mọi tín hữu Armenia chủ sự.

 

Bàn thờ ở hướng đông gần Chủng viện thần học Guevorguian, đã được xây hồi năm 2001 nhân dịp kỷ niệm 1,700 năm Kitô giáo được tuyên bố là quốc giáo của Armenia. Bàn thờ được dùng trong các lễ lớn như lễ Chúc lành Mùa Chay, và lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Cũng tại đây thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm mục vụ Armenia năm 2001. Bên cạnh bàn thờ là Cổng thánh Gregorio Đấng soi sáng là lối vào chính của Toà Thượng Phụ Etchmiadzine. Trên cột phía Tây của cổng có hình hai thánh tông đồ Tadeo và Bartolomeo đã rao giảng Tin Mừng tại Armenia. Trên cột phía Đông có hình vua Tiridate và thánh Gregorio Đấng soi sáng.

Các liên lạc đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Tông Truyền Armenia rất thân tình và đã bắt đầu hồi thập niên 1970. ĐGH Phaolô VI đã gặp gỡ Đức Thượng Phụ Vazguen I năm 1970. Sau đó đã có các cuộc viếng thăm chính thức  của Đức Thượng Phụ Guaréguin I tại Vatican. Năm 1999 cuộc triển lãm Roma-Armenia đã được tổ chức trong nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 1.700 năm dân nước Armenia được rửa tội. Trong 17 năm tại chức Đức Guaréguin II cũng đã gặp gỡ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và ĐTC Phanxicô. Chuyến viếng thăm cuối cùng là ngày 12 tháng 4 năm 2015, nhân dịp ĐTC Phanxicô cử hành thánh lễ tưởng niệm 100 năm cuộc diệt chủng Armenia trong đền thờ thánh Phêrô.

Thánh lễ đã bắt đầu lúc 10 giờ sáng giờ địa phương và được hát hầu nhu từ đầu tới cuối, đối đáp giữa vị chủ tế, các phó tế và ca đoàn. Tham dự thánh lễ có các TGM, GM của Giáo Hội Armenia Tông Truyền, các TGM, GM của Giáo Hội Công Giáo Armenia, cũng như tổng thống và giới chức chính quyền dân sự và đông đảo tín hữu.

Thánh lễ bao gồm nhiều phần khác nhau, từ nghi thức rửa tay thánh hóa, xưng thú tội lỗi xin Mẹ Thiên Chúa và các Thánh bầu cử, kêu lên Chúa với thánh vịnh 99, đến thánh vịnh 42 và lời cầu xin thánh Gregorio thành Narek giúp cử hành bí tích xứng đáng, thánh ca “Được chọn”, phần đem bánh rượu ra, xông hương cho cộng đoàn biểu tượng cho Chúa Kitô nhập thể làm người bước đi giữa loài người và lên trời. Hương thơm biểu tượng cho mùi thơm dịu dàng của Tin Mừng toả lan giữa loài người. Nhiều thánh ca đã được hát trước khi tới phần công bố Phúc Âm. Tiếp đến là kinh Tin Kính, rồi nhiều nghi thức khác trước khi trao hôn bình an, kinh Thánh Thánh Thánh, phần tưởng nhớ các thánh vv….

Trước nghi thức hiệp lễ Đức Thượng Phụ đã ngỏ lời với mọi người. Tiếp đến là bài phát biểu của ĐTC. Ngài nói: vào thời điểm tột đỉnh của chuyến viếng thăm đã được ước mong và đã trở thành không thể quên được, tôi xin Chúa Kitô chúc lành cho con đường tìm về hiệp nhất và xin Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu chỉ có một con tim và một linh hồn. ĐTC dâng lời cảm tạ Thiên Chúa hiệp với thánh ca chúc tụng tạ ơn được dâng lên từ bàn thờ này. Ngài cũng cám ơn Đức Thưọng Phụ đã mở rộng cửa tiếp đón ngài và được cùng nhau sống kinh nghiệp “đẹp và êm dịu anh em sống chung một nhà” (Tv 133,1). ĐTC nói: Chúng ta đã gặp nhau, ôm hôn nhau một cách huynh đệ, chúng ta đã cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ các ơn, niềm hy vọng và các lo lắng của Giáo Hội Chúa Kitô, mà chúng ta cảm nhận được các nhịp đập, và chúng ta tin và cảm thấy là một. “Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4,4-6): thật thế chúng ta có thể lấy các lời này của tông đồ Phaolô làm của mình. Quy chiếu lịch sử Giáo Hội Armeni ĐTC nói:

Chính trong dấu chỉ của các thánh Tông Đồ mà chúng ta đã gặp gỡ nhau. Các thánh Bartolomeo và Taddeo đã loan báo Tin Mừng lần đầu tiên trong các vùng đất này, và các thánh Phêrô và Phaolô đã hiến mạng sống cho Chúa tại Roma, trong khi các vị cai trị với Chúa Kitô trên trời, chắc chắn các ngài vui mừng, khi trông thấy tình thương mến và khát vọng hiệp thông cụ thể của chúng ta. Tôi xin cảm tạ Chúa về tất cả những điều đó, cho anh chị em và cùng với anh chị em. “Park astutsò” Vinh danh Thiên Chúa.

Trong Phụng vụ thánh thiêng nầy thánh ca trọng thể chúc tụng Thiên Chúa ba lần thánh đã được dâng lên trời, chúc tụng sự thánh thiện của Thiên Chúa: Xin  phuớc lành của Đấng Tối Cao xuống phong phú trên trái đất, nhờ lời bầu cử của Mẹ Thiên Chúa, các thánh cả và các tiến sĩ, các vị tử đạo, đặc biệt là biết bao nhiêu vị tử đảo đã được tôn phong hiển thánh tại đây hồi năm ngoái. “Xin Con Một duy nhất, Đấng ngự xuống đây, chúc lành cho con đường của chúng ta. Xin  Chúa Thánh Thần làm cho các tín hữu chỉ có một con tim, một linh hồn: xin Người đến tái thành lập chúng ta trong sự hiệp nhất. Vì thế tôi muốn tái khẩn cầu Người bằng cách lấy lại vài lời rạng ngời đã được đưa vào phụng vụ của anh chị em. “Xin hãy đến, lậy Thần Khí, Chúa là Đấng giữ gìn các thánh và thanh tẩy các người tội lỗi, xin đổ tràn đầy trên chúng con lửa tình yêu và hiệp nhất của Chúa, và ước chi lửa này làm tan chảy các lý do gương mù gương xấu của chúng con” (Gregori di Narek, Sách Ai Ca, 33,5), trước hết là việc thiếu hiệp nhất giữa các môn đệ của Chúa Kitô.  Rồi ĐTC đưa ra lời cầu chúc sau đây:

Ước chi Giáo Hội Armeni tiến bước trong an bình, và sự hiệp nhất của chúng ta được trọn vẹn. Trong tất cả mọi người hãy nổi lên một khát vọng hiệp nhất mạnh mẽ, một sự hiệp nhất không được là sự lụy thuộc của người này vào người kia, cũng không phải là việc hút nhập, nhưng là sự tiếp nhận tất cả các ơn Thiên Chúa đã ban cho mỗi người để biểu lộ cho toàn thế giới mầu nhiệm lớn lao của ơn cứu rỗi đã được Chúa Kitô hiện thực qua Chúa Thánh Thần” (Phanxicô, Lời phát biểu trong lễ nghi phụng vụ tại nhà thờ thánh Giorgio bên Istanbul này 30-11-2014).

Chúng ta hãy tiếp nhận lời nhắn nhủ của các thánh, chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói của những người khiêm tốn và những người nghèo khó, của biết bao nạn nhân của thù hận, đã khổ đau và hy sinh mạng sống vì đức tin; chúng ta hãy lắng tai nghe các thế hệ trẻ khẩn nài một tương lai tự do khỏi các chia rẽ của quá khứ.  Từ nơi thánh thiện này ước chi một ánh sáng rạng ngời được phổ biến; xin ánh sáng của tình yêu tha thứ và hoà giải kết hiệp với ánh sáng đức tin mà  thánh Gregorio, người cha của anh chị em theo Tin Mừng, đã chiếu soi các vùng đất này.

Như các Tông Đồ sáng ngày Phục Sinh, mặc dù có các nghi ngờ và không chắc chắn, các vị đã chạy tới nơi của sự sống lại, được lôi kéo bởi rạng đông hạnh phúc của một niềm hy vọng mới (x. Ga 20,3-4), cả chúng ta nữa, trong ngày Chúa Nhật thánh này, cũng hãy theo lời Thiên Chúa mời gọi hiệp nhất toàn vẹn, và hãy mau bước tiến tới hiệp nhất.

Và giờ đây, thưa Đức Tượng Phụ, nhân danh Thiên Chúa, tôi xin ngài chúc lành cho tôi và cho Giáo Hội Công Giáo, và chúc lành cho cuộc chạy này của chúng ta tiến tới sự hiệp nhất trọn vẹn.

Đức Thượng Phụ và ĐTC đã ôm hôn nhau.

Lễ nghi phụng vụ tiếp tục với nhiều bài thánh ca khác và phần hiệp lễ. Sau khi ban phép lành cuỗi lễ cho mọi người Đức Thượng Phụ xin ĐTC ban phép lành cho cộng đoàn.

Tiếp đến Đức Thượng Phụ và ĐTC đã rời bàn thờ xuống chào tổng thống và các giới chức chính quyền, trước khi cùng các Giám Mục đi rước tiến về Dinh Tông Toà cách đó 200 mét. ĐTC và Đức Thượng Phụ đi dưới tàn che có 4 phó tế cầm bốn góc. Hai phó tế đi trước thỉnh thoảng quay lại xông hương cho hai vị, giữa tiếng vỗ tay và chào mừng của tín hữu. Một em bé đã chạy tới tặng ĐTC lá quốc kỳ Armenia bé tí của em.

Lúc gần 1 giờ trưa ĐTC đã dùng bữa trưa với Đức Thượng Catholicos, các TGM, GM của Giáo Hội Armeni Tông Truyền, cũng như các TGM, GM của Giáo Hội Công Giáo Armeni và đoàn tuỳ tùng của ĐTC.

Lúc gần 4 giờ chiều ĐTC gặp gỡ các đại biểu và ân nhân của Giáo Hội Tông Truyền Armenia. Sau đó ngài đi thăm đan viện Khor Virap cách Yerevan 41 cây số rồi ra phi trường lấy máy bay trở về Roma.

Linh Tiến Khải

 

Lễ tiễn ĐTC tại phi trường quốc tế Yerevan

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Một thánh lễ ở Armenia

Erevan, Armenia – Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô  như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại thế nào? Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.

Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo hội công giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo hội công giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 – sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.

Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia.  Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia  được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.

Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức  kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.

Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì  dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết. (ACI 27/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha viếng thăm Armenia, Giorgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha viếng thăm Armenia, Giorgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha viếng thăm Arméni, Giorgia và Azerbaigian

VATICAN. ĐTC sẽ đến viếng thăm Cộng hòa Armenia từ ngày 24 đến 26-6 tới đây, rồi sẽ viếng thăm miền Caucase vào cuối tháng 9 đầu tháng 10.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố hôm 9-4-2016 nói rằng: ”Nhận lời mời của Đức Tổng Thượng Phụ Karekin II của mọi người Arméni, của chính quyền dân sự và của Giáo Hội Công Giáo, ĐTC Phanxicô sẽ đến Armeni từ ngày 24 đến 26 tháng 6 tới đây. Đồng thời, đón nhận lời mời của Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Giorgia, chính quyền và giáo quyền tại nước này cũng như tại Azerbaigian, ĐTC sẽ viếng thăm tại miền Caucase, viếng thăm hai nước này từ ngày 30-9 đến 2 tháng 10 năm nay.

Các ký giả tại Phòng báo chí Tòa Thánh đã hỏi cha Lombardi, Phát ngôn viên của Tòa Thánh, xem ĐTC có dừng lại ở miền Nagorno-Karabakh nơi đang xảy ra xung đột giữa người Armenia và Azerbaigian, hay không, cha đáp: ”Tôi chỉ thông tin là sẽ có hai cuộc viếng thăm, tại Armenia và Giorgia với Azerbaigian. Hiện thời không có cuộc viếng thăm nào khác” (SD 9-4-2016)

G. Trần Đức Anh OP