Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

Kỷ niệm 13 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Nhà Cha

21 giờ 37 phút tối thứ bảy ngày 02/04/2005, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từ giã cõi đời.

Hàng ngàn và hàng ngàn tín hữu đã tụ họp tại quảng trường thánh Phêrô đọc Kinh Mân Côi. Theo báo chí và theo số liệu của các đơn vị phụ trách an ninh, đã có khoảng 7 triệu tín hữu đổ về Roma trong những ngày này để kính viếng vị cha chung của Giáo hội và tham dự Thánh lễ an táng.

Sau khi Đức Giáo hoàng qua đời, Đức Tổng Giám mục Leonardo Sandri, khi đó là phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hiện nay là Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, đã thông báo với hàng chục ngàn tín hữu đang đứng cầu nguyện tại quảng trường thánh Phêrô: “Anh chị em thân mến, vào lúc 21 giờ 37, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kính yêu của chúng ta đã trở về Nhà Cha. Chúng ta cầu nguyện cho ngài.”

Nhiều gương mặt đau buồn, những giọt lệ tuôn rơi, cũng không thiếu bàng hoàng, dù đã biết những giây phút cuối đời của ngài đang đến. Tuy vậy, các tín hữu đón nhận tin buồn với niềm tin mạnh mẽ, tin chắc rằng Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc vĩnh cửu cho người tôi tớ trung thành.

Trong những ngày kế tiếp, những hàng dài ngày càng dài với hàng triệu tín hữu từ khắp thế giới, đặc biệt là từ Ba lan, đổ về Vatican để kính viếng thi hài vị cha chung được đặt tại đền thờ thánh Phêrô.

Sáng ngày 08/04/2005, Đức Hồng y Joseph Ratzinger –  khi đó là niên trưởng Hồng y đoàn, và một ít ngày sau đó được bầu làm Giáo hoàng với tên Biển đức XVI – đã chủ sự Thánh lễ an táng cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô tại quảng trường thánh Phêrô  Tại quảng trường, những tiếng hô vang dội “Santo subito”, những băng rôn với dòng chữ “Santo subito” tràn ngập, thể hiện niềm tin và lòng mong muốn Giáo hội sớm tuyên phong “vị thánh trong lòng mọi người.” (Vatican News 02/04/2018)

Hồng Thủy

Đức Thánh Chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 2-4-2018

Đức Thánh Chủ sự Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng 2-4-2018

VATICAN. Trưa thứ hai Phục Sinh, 2-4-2018, ĐTC đã chủ sự kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng với hàng chục ngàn tín hữu và ngài kêu gọi các tín hữu sống tình huynh đệ như hoa trái sự phục sinh của Chúa Kitô.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC nhận xét rằng ”ngày thứ hai sau Phục Sinh là một ngày lễ mừng, ngày sống chung thường là với gia đình. Sau khi cử hành lễ Phục Sinh, người ta thấy nhu cầu tụ họp với những người thân yêu và bạn hữu để mừng lễ. Vì tình huynh đệ là hoa trái sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Đấng, qua cái chết và sự sống lại của Ngài, đã chiến thắng tội lỗi chia cách con người với Thiên Chúa, con người với chính mình, và con người với anh chị em của mình. Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường chia rẽ giữa con người với nhau và tái lập hòa bình, bắt đầu bằng cách tạo nên một mạng tình huynh đệ mới. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta, trong mùa phục sinh này, tái khám phá tình huynh đệ, như đã được thực thi trong các cộng đồng Kitô đầu tiên.”

ĐTC nhắc nhở rằng ”không thể có một tình hiệp thông đích thực và dấn thân cho công ích cũng như cho công bằng xã hội, nếu không có tình huynh đệ và chia sẻ. Nếu không có sự chia sẻ huynh đệ thì không thể thực hiện một cộng đồng Giáo Hội hoặc dân sự đích thực, nhưng chỉ có một tập thể các cá nhân bị những tư lợi thúc đẩy”.

”Phục sinh của Chúa Kitô đã làm bùng lên trên thế giới sự mới mẻ trong việc đối thoại và tương quan, sự mới mẻ này, đói với các tín hữu Kitộ, đã trở thành một trách nhiệm. Thực vậy, Chúa Giêsu đã nói: ”Từ dấu này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy: nếu các con yêu mến nhau” (Ga 13,35. Vì thế chúng ta không thể khép mình mình trong riêng tư, trong nhóm riêng của mình, nhưng chúng ta được kêu gọi quan tâm đến công ích, chăm sóc anh chị em, nhất là những người yếu thế hơn và bị gạt ra ngoài lề. Chỉ có tình huynh đệ mới có thể bảo đảm một nền hòa bình lâu bền, đánh bại nghèo đói, dập tắt những căng thẳng và chiến tranh, nhổ bỏ tham nhũng và nạn tội phạm.”

Trong phần chào thăm các tín hữu sau khi ban phép lành, ĐTC cho biết ngài đặc biệt cầu nguyện cho Ngày Thế giới gây ý thức về bệnh tự kỷ (autismo), được cử hành hôm qua, 2-4. Ngài cũng mời gọi các tín hữu cầu xin ơn hòa bình cho toàn thế giới, nhất là cho những dân tộc đang chịu đau khổ vì các cuộc xung đột hiện nay, đồng thời tái kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt cóc, để họ sớm được về nhà. (Rei 2-4-2018)

G. Trần Đức Anh OP 

Giáo hội Công giáo Phi châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới

Giáo hội Công giáo Phi châu chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới

Vài tháng trước khi Thượng hội đồng Giám mục thế giới về “Người trẻ, Đức tin và Phân định ơn gọi”, Giáo hội tại Phi châu đã tổ chức các cuộc gặp gỡ để nâng cao nhận thức và thu thập ý kiến của người trẻ. Tại nhiều nước ở châu lục này, các phong trào và tuyên úy giới trẻ đã tích cực hoạt động để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng 10 năm nay.

Vấn đề lớn của Togo là vấn đề thông tin.

Tại Togo, các phong trào giới trẻ và tuyên úy nhiều giáo phận đã thực hiện nhiều hoạt động thông tin và nâng cao nhận thức về sự kiện nay. Tuy thế, nhiều người trẻ tuổi không được biết nhiều về sự kiện lớn này. Trong số những người trẻ được báo La Croix Africa phỏng vấn, có một số bạn chỉ trích Giáo hội không nỗ lực trong việc thông tin về Thượng Hội đồng. Clotilde, một bạn trẻ Công giáo sống tại Lomé than thở: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi không thông tin cho các tín hữu đầy đủ về thượng hội đồng về giới trẻ.” Nhưng Ủy ban Điều hành Thanh niên Công giáo tiến hành (Ccacj) khẳng định rằng có một ủy ban đặc biệt, bao gồm các phong trào giới trẻ của các giáo xứ khác nhau, đang làm việc để giúp các người trẻ tham gia tốt hơn vào việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng, đặc biệt là qua các câu trả lời thực hiện trên mạng internet. Anh Fabrice Folly-Aziamagnon Chủ tịch Hội Ủy ban Điều hành của Thanh niên Công giáo tiến hành miền Lomé, chia sẻ rằng các câu trả lời cho bản câu hỏi của Thượng hội đồng sẽ được thu thập, xử lý và gửi đến ban thư ký của Thượng Hội Đồng trước tháng 12. Anh cũng cho biết thêm rằng các hoạt động khác nhau đang được lên kế hoạch cho năm tổ chức Thượng hội đồng. Anh nhắc đến, cách đặc biệt, một diễn đàn gồm mười hai phiên được tổ chức trong ba năm, từ năm 2018, về các chủ đề về học thuyết xã hội của Giáo hội.

Mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ Benin là công việc làm

Tại Benin, một quốc gia khác ở Phi châu, công việc làm là mối quan tâm  hàng đầu của giới trẻ nước này. Thượng hội đồng về giới trẻ tạo nên phản ứng kép, tương phản, giữa những người trẻ tuổi. Cha Hippolyte Johnson, tuyên úy giới  trẻ của Giáo phận Lokossa, ở phía Tây Nam Benin, ghi nhận rằng về một phương diện, một số người trẻ tuổi hài lòng, “vì đó là cơ hội để họ trình bày những hoàn cảnh mà họ sống.” Mặt khác, cha nhận thấy rằng những người trẻ tuổi có ấn tượng rằng “không ai quan tâm đến họ.” Cédric Lichéou, tổng thư ký hội giới trẻ sinh viên Kitô giáo, 27 tuổi, khẳng định điều này, cô nói: “Những người trẻ tuổi dành thời gian tham gia vào các phong trào giáo xứ, nhưng các linh mục dường như không quan tâm đến phúc lợi xã hội của họ. Chúng tôi nghĩ Thượng hội đồng là cơ hội để tìm ra các giải pháp cho vấn đề.”

Theo lời cha Benoît Luquiau, tuyên úy giới trẻ Bénin, một vấn đề khác được người trẻ liên tục nêu lên, đó là công việc làm. Cha nói: “Những kỳ vọng mà người trẻ quan tâm hơn hết chính là những kỳ vọng về công việc làm và sự hỗ trợ trong đời sống tinh thần.” Còn cha Ludovic Gnansounou của giáo phận Dassa, ở trung tâm Benin, nhận đinh rằng những người trẻ, “họ đang tìm điều gì đó cụ thể; đó là việc làm.” Jérôme Acakpo, 34 tuổi, phụ trách văn phòng điều phối chung của thanh thiếu niên Cotonou, đồng ý với ý kiến của các cha tuyên úy về tình cảnh của giới trẻ. Anh cũng nói thêm rằng việc tìm kiếm công việc làm đẩy những người trẻ rời khỏi Giáo hội và gia nhập những hệ phái tôn giáo cung cấp cho họ những ảo ảnh.

Đức Sứ thần Tòa Thánh tại Bờ biển Ngà mời gọi người trẻ cộng tác với Giáo hội

Giới trẻ tại Côte d’Ivoire, Bờ biển Ngà, được mời gọi thông truyền niềm hy vọng và ước vọng của họ. Ngày 4 tháng 3 vừa qua, trong một cuộc hành hương với sự tham dự của 35 ngàn bạn trẻ, Đức Sứ thần Tòa Thánh Joseph Spiteri đã ngỏ lời với họ: “Nếu những người trẻ cộng tác với chúng tôi, chúng tôi sẽ hiểu vai trò của các bạn trong Giáo hội tốt hơn. Chúng ta phải cầu nguyện cho các Giám mục của chúng ta, để Chúa Thánh Thần giúp các ngài hiểu tốt hơn vài trò của các ngài và vị trí của người trẻ trong Giáo hội.” Cha Lawrence Eugène Awouondji, tuyên úy giới trẻ giáo phận ở Abidjan cho biết rằng các vị lãnh đạo Giáo hội đang tổ chức để cố gắng đưa các bạn trẻ tham gia vào Thượng hội đồng này, là kỳ Thượng hội đồng rất quan trọng đối với các bạn trẻ trên toàn thế giới. Cha cho biết Bờ biền Ngà cũng có một phái đoàn hiện diện tại khóa họp tiền Thường hội đồng và vào chính kỳ Thượng hội đồng vào tháng 10.

Hội nghị quốc tế tại Dakar, Senegal

Để giúp các bạn trẻ Senegal chuẩn bị cho Thượng hội đồng về giới trẻ, các nữ tu dòng Đức Mẹ Vô nhiễm ở Castres đã tổ chức một hội nghị quốc tế tại Dakar vào 2 ngày, 26-27 tháng 1 vừa qua. Hàng trăm bạn trẻ đã họp nhau để nghe Đức Tổng Giám mục Benjamin Ndiaye của Dakar và Đức Sứ thần Tòa Thánh Michael Banach ở Senegal nói về Thượng hội đồng. Sau đó, các bản tóm kết các buổi nói chuyện đã được trao cho vị đại diện của Đức Thánh Cha mang về Roma. Những điều tổng kết này cũng được trao cho các phong trào giới trẻ và đại diện của họ, để những điều này có thể được thực hiện tại các tổ chức của Giáo hội.

Giới trẻ Congo cầu nguyện và suy tư về sự tham dự và đóng góp cộng tác của họ vào đời sống Giáo hội

Tại Cộng hòa dân chủ Congo, các bạn trẻ được mời gọi tham dự một ngày cầu nguyện và suy tư về Thượng hội đồng vào ngày 10 tháng 3. Đáp lại lời mời của Ủy ban về Tông đồ Giáo dân của Hội đồng Giám mục, các bạn trẻ từ các gíao phận đã đến và thảo luận về sự tham dự và đóng góp cộng tác của họ vào đời sống Giáo hội. Vào cuối ngày họp mặt, cha Father Zéphyrin Ligopi, Tổng thư ký Ủy ban về Tông đồ Giáo dân của Hội đồng Giám mục, đã chia sẻ với các bạn trẻ: “Chúng tôi muốn ở bên các bạn trẻ để cầu nguyện và trò chuyện với họ, để cố gắng tìm ra những con đường và cách thức mới để biết và giải đáp những thao thức chờ đợi của Giáo hội.” Cha khẳng định ngày họp mặt là cơ hội tốt để nhìn thấy những người trẻ của chúng ta đang sống kinh nghiệm năm Thượng hội đồng như thế nào. Cha Joachim Ntete, tuyên úy giới trẻ Công giáo toàn quốc mời gọi các bạn trẻ hãy thực hiện theo khả năng của họ về chủ đề của Thượng hội đồng và hãy loan báo cho người khác biết về nó. (La Croix Africa)

Hồng Thủy

Ngôi nhà của nữ tu Lucy Kurien, nơi đón tiếp và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực ở Ấn Độ

Ngôi nhà của nữ tu Lucy Kurien, nơi đón tiếp và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực ở Ấn Độ

«Mục đích của Maher – “Nhà của Mẹ” là tạo ra một xã hội không cần đến Maher». Đây là những lời ngắn gọn nhưng đây đủ của một tu sĩ Dòng Tên Francis D'Sa khi giới thiệu công việc của sơ Lucy Kurien, người đã thiết lập  ở Ấn Độ từ năm 1997 một ngôi nhà với mục đích trợ giúp các phụ nữ bị lạm dụng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lịch sử Ấn Độ đã từ lâu nói về những hoàn cảnh đau thương của các phụ nữ Ấn Độ: bị thiêu sống, bị tạt axit, bị hãm hiếp ở mọi lứa tuổi và sau đó bị bỏ rơi trên đường phố, bị bỏ đói đến chết, bị tra tấn hay bị giết từ người chồng vì lý do của hồi môn, bị bán làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ… Người ta vẫn còn nhớ lại câu chuyện thương tâm của một bé gái mới tám tháng tuổi bị một người họ hàng cưỡng hiếp và trường hợp của một người vợ trong lúc ngủ đã bị người chồng lừa dối lấy đi một quả thật; cô chỉ phát hiện được điều này khi tỉnh dậy, quả thận đã bị lấy để bán  ở chợ đen như một  vật trao đổi vì đã không nộp của hồi môn. Đó là những hình ảnh làm cho hoàn cảnh thật ảm đạm, những tội ác này lại thường diễn ra dưới mắt những đứa trẻ trong gia đinh, gây những hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển cho chúng.

Theo Indu Prakash Singh, tác giả của nhiều cuốn sách viết về tình trạng phụ nữ ở Châu Á;  ở Ấn Độ hiện nay dường như có hai hệ thống pháp luật song song, một cho phái nam và một cho phái nữ. Nhà nghiên cứu cho biết các dữ liệu rất khó tìm, nhưng thực tế cho thấy những vụ giết người vì của hồi môn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trên 90 phần trăm các vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em  được ghi nhận là do tai nạn gia đình, 5 phần trăm là do tự tử, chỉ có 5 phần trăm còn lại được cho là nguyên nhân của một vụ giết người.

Một số phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các tội ác này đã có cơ hội gặp sơ Lucy. Người ta có thể đọc được câu chuyện của họ qua cuốn sách có tựa đề Women Healing Women: A Model of Hope for Oppressed Women Everywhere (Hohm Press, 2009) giới thiệu những công việc thiết thực, hữu ích của người nữ tu Công giáo này, người mà ngày nay vẫn còn đi khắp thế giới để làm chứng cho sứ vụ của mình. Ví dụ người ta đọc được câu chuyện về một cô dâu trẻ bị bố chồng hãm hiếp. Cô tuyệt vọng trở về với gia đình của mình. Đáp lại, cha của chính cô yêu cầu cô tự sát vì không muốn nghe điều ô nhục này. Cô dâu trẻ đã được cứu. Trên thực tế, những trường hợp may mắn như vậy rất ít, còn hàng ngàn trường hợp như vậy không được biết đến.

Sơ Lucy sinh năm 1956 tại ngôi làng nhỏ Kolayad ở Kerala, cha mẹ cô là mẫu gương tuyệt vời, là động lực cho sự nhiệt tâm thi hành sứ vụ tông đồ của cô. Chính cô nói: "Tôi mang ơn cha mẹ tôi rất nhiều. Cha mẹ là món quà tuyệt vời, là mẫu gương cho cuộc sống của tôi. Tình yêu của cha mẹ mà tôi nhận được, đó là món quà mà tôi cũng muốn trao ban lại cho người khác". Gia đình Lucy thuộc về đẳng cấp Bà la môn, giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng ngay từ nhỏ bố mẹ cô dạy con mình biết chia sẻ những gì họ có với những người nghèo khổ. Năm hai mươi tuổi Lucy vào Dòng Sisters of the Cross; quyết định này theo cô không đơn giản, bởi vì cô đã có một công việc ổn định ở Mumbai, cô không muốn từ bỏ tự do, bao gồm cả tự do kinh tế. Tuy nhiên, lời mời gọi của Thiên Chúa và người nghèo lại có sức quyến rũ đối với cô hơn.

Trở thành nữ tu, trong hơn hai thập kỉ, cùng với các Kitô hữu, người Hồi giáo, người Hindu và các nữ tu thuộc các Hội dòng khác, sơ Lucy đã quản lý Maher (có nghĩa là "Nhà của Mẹ"), là nơi trú ngụ cho các phụ nữ và trẻ em thuộc mọi giai cấp và tôn giáo bị bạo hành, ngược đãi.

Maher – "Nhà của Mẹ" được khai sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1997 do sơ Lucy và Cha Francis D'Sa, một linh mục dòng Tên. Trong cùng ngày ngay lập tức có hai phụ nữ bị ngược đãi được đón tiếp. Ban đầu người dân trong làng không chấp nhận sự hiện diện của ngôi nhà này, nhưng rồi với sự kiên nhẫn và sự tử tế họ đã vui vẻ đón nhận.

“Nhà của Mẹ” mở cửa 24 giờ một ngày trong cả năm. Các phụ nữ đến với ngôi nhà này họ không chỉ được đón tiếp như một nơi tạm trú, mà còn được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật. Nếu có thể, mục tiêu cuối cùng của các thiện nguyện viên là khôi phục những phụ nữ bị thương và bị ngược đãi này trở lại với môi trường xã hội. Hơn nữa, trung tâm còn quan tâm theo dõi và hỗ trợ sau khi những người này đã được ổn định và rời khỏi trung tâm.

Có rất nhiều hoạt động mà “Nhà của mẹ” thực hiện trong nỗ lực phục hồi nhân phẩm và tự do cho phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị tổn thương đến nỗi họ không còn nhớ mình là ai nữa. Chính vì thế những người đến đây  được đón tiếp và chăm sóc như những người con trong gia đình.

Mấu chốt thành công của "Nhà của Mẹ"  là một nhóm phụ nữ chăm sóc những phụ nữ khác. Trên thực tế, nhiều người làm việc ở đó đã là nạn nhân, bây giờ họ lại tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân khác.

Với sự quan tâm rất lớn đến từng chi tiết, "Nhà của Mẹ"  hoạt động không đơn lẻ, nhưng có sự phối hợp cộng tác chặt chẽ với cộng đồng xung quanh. Ra đời trên thực tế là nơi trú ngụ của phụ nữ bị ngược đãi, cộng đồng đã mở rộng vùng hoạt động để giải quyết các vấn đề kinh tế khẩn cấp, các vấn đề về sinh thái, hỗ trợ cho các làng lân cận, giúp đỡ những người ở xa, cố gắng xóa việc phân chia giai cấp trong xã hội.

Muốn tóm tắt sứ mệnh của Maher – “Nhà của mẹ” và của sơ Lucy một cách đầy đủ, chúng ta có thể nói về việc “chữa lành và hòa giải”. Tính đặc thù của công việc được thực hiện trên thực tế nằm ở khả năng cung cấp các câu trả lời thiết thực và thực tiễn cho những bất công to lớn mà người Ấn gặp phải, trở thành nguồn hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị đánh, hãm hiếp, làm nhục, nạn nhân của việc khai thác và giết người, bị áp bức trên khắp thế giới. Ngôi nhà của sơ Lucy thực sự là “Ngôi nhà của mẹ” cho phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi. (L’osservatore Romano 14 -3- 2018)

Ngọc Yến

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

Có phải Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ sự thật về hỏa ngục?

Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông cáo để xác định rằng những lời bình luận cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chối bỏ hỏa ngục là sự tái dựng lại các ý kiến của Đức Thánh Cha và không phải là một bản ghi lại trung thành những lời thật sự của ngài. 

Nhà báo Eugenio Scalfari của nhật báo La Repubblica của Ý, 93 tuổi, người xưng mình là vô thần, đã vài lần trao đổi qua điện thoại và gặp trực tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô. Ông nói rằng Đức Thánh Cha đã mời ông đến nơi ngài cư ngụ hôm 27/03 và trong cuộc đàm thoại, Đức Thánh Cha đã nói trong khi linh hồn của những tội nhân thống hối “nhận ơn tha thứ của Chúa và được vào số những linh hồn chiếm ngắm Chúa, thì các linh hồn của những người không thống hối và như thế không thể được tha thứ, sẽ biến mất. Và ông Scalfari cho rằng Đức Thánh Cha đã nói trong cuộc phỏng vấn là “hỏa ngục không tồn tại, và các linh hồn tội lỗi sẽ biến mất.”

Ông Scalfari từng nói là ông không ghi âm hay ghi lại các cuộc trò chuyện; ông viết lại bằng cách nhớ lại.

Thông cáo của phòng báo chí Vatican cho biết Đức Thánh Cha có tiếp ông  Scalfari nhưng không trả lời phỏng vấn.

Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo, “ngay sau khi chết, linh hồn của những người chết trong tình trạng tội trọng sẽ xuống hỏa nguc, nơi họ đau khổ vì các hình phát tội lỗi, ‘lửa đời đời’”. Giáo lý cũng dạy rằng: “Hình phạt chính của hỏa ngục là sự xa cách đời đời với Chúa, chỉ duy nhất nơi Người con người có thể đạt được sự sống và hạnh phúc và họ được tạo dựng và tồn tại vì điều này.”

Những lời nhà báo Scalfari cho là lời chối bỏ hỏa ngục của Đức Giáo hoàng mâu thuẫn với những lời chính ngài đã nói trong các buổi giáo lý hay trong các bài giảng. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định hỏa ngục – sự xa cách Chúa đời đời  –  là một sự thật. Trong bài giảng lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng 22/11/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định rằng thế giới không thích  nghĩ về những thực tại sau cùng. Điều gì sẽ xảy ra sau thế giới này? Đức Thánh Cha nhớ lại khi ngài còn nhỏ, khi đi học giáo lý, ngài được dạy về “tứ chung” ( 4 sự sau cùng): chết, phán xét, thiên đàng, hỏa ngục. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng dù điều này có thể làm người ta sợ hãi nhưng mà điều này là sự thực. Ngài giải thích rằng nếu chúng ta không chăm sóc tâm hồn mình để cho Chúa ở với mình thì mình sẽ xa Chúa mãi mãi. Có thể có nguy hiểm là tiếp tục bị xa cách Chúa mãi mãi như thế.

Hỏa ngục không phải là “căn phòng tra tấn”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 25/11/2016. Ngài nói rằng hỏa ngục là sự xa cách Chúa vĩnh viễn, xa cách Đấng ban hạnh phúc, Đấng mong muốn điều tốt cho chúng ta. Lòng thương xót Chúa muốn cứu độ chúng ta khỏi sự hư hoại đời đời. Như đã xảy ra với người trộm lành trên thập giá, đã tín thác vào Chúa trong những giây phút cuối đời, và Chúa Giêsu đã nói với anh ta: “Tôi nói thật với anh, hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta.”

Ma quỷ ở trong hỏa ngục. Khi viếng thăm giáo xứ Đức Maria Mẹ Đấng cứu độ ở Roma và gặp gỡ các thiếu nhi và thanh thiếu niên vào ngày 08/03/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các tín hữu: “Chúa không đưa bạn vào hỏa ngục nhưng bạn đi đến đó, bởi vì bạn chọn ở đó. Hỏa ngục là  muốn xa cách Chúa bởi vì tôi không muốn tình yêu của Chúa. Ngài cũng nói thêm: “Ma quỷ ở trong hỏa ngục bởi vì chúng không yêu Chúa” và “đó là loại duy nhất mà chúng ta chắc chắn là ở trong hỏa ngục.”

Vào cuối đời này tất cả chúng ta sẽ bị phán xét. Cuộc phán xét chung sẽ phán xét về tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016 như sau: “Tôi đói và anh chị em đã cho tôi ăn…” “Thiên Chúa cho chúng ta rất nhiều cơ hội để cứu độ chúng ta và để chúng ta đi vào qua cánh cửa cứu độ.” Và cho đến cuối cùng, dù chúng ta tội lỗi, Người không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta và chờ đợi chúng ta: đay là lòng Thương xót của Người. Nhưng chúng ta có tự do để chối từ điều này: đây là sự hư mất. Một tội nhân không hối cải nghĩa là từ chối tình yêu Chúa.

Đức Thánh Cha cũng nói về ơn cứu độ đời đời. Trong buổi đọc Kinh Truyền tin ngày 21/08/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt câu hỏi: “Nhưng nếu Thiên Chúa tốt lành và yêu thương chúng ta, tại sao Người đóng cửa lại vào một lúc nào đó? Bởi vì cuộc sống của chúng ta không phải là một trò chơi điện tử hay một show truyền hình; cuộc sống của chúng ta là điều nghiêm túc và mục đích cần đạt đến thật quan trọng: đó là ơn cứu độ đời đời.

Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra giải pháp cho những nỗi sợ hãi của chúng ta: “Nếu mỗi người trong chúng ta trung thành với Chúa thì khi giờ chết đến, chúng ta sẽ nói như thánh Phanxicô: ‘chị tử thần, xin hãy đến’. Nó không làm chúng ta sợ hãi.” Và ngay cả ngày phán xét, “chúng ta sẽ ngắm nhìn Thiên Chúa” và chúng ta sẽ có thể nói: “Lạy Chúa, con đã phạm tội rất nhiều, nhưng con đã tìm cách trung thành với Chúa.” Và “bởi vì Thiên Chúa tốt lành” chúng ta sẽ không sợ hãi. Đức Thánh Cha đã nói điều này trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta ngày 22/11/2016. (Rei 29/03/2018)

Hồng Thủy

Sứ điệp Phục sinh 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sứ điệp Phục sinh 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô

Sau Thánh lễ Phục sinh, vào đúng giữa trưa,  ĐTC bắt đầu phần thứ 2 của buổi lễ, tức là nghi thức công bố sứ điệp Phục Sinh và ban phép lành với ơn toàn xá cho Roma và toàn thế giới, gọi là ”Urbi et Orbi”.

ĐTC xuất hiện trên bao lớn chính của đền thờ thánh Phêrô, giữa tiếng vỗ tay hân hoan của các tín hữu, trong khi ban nhạc của quân đội Italia và tòa thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia. Hai vị Hồng y phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, và ĐHY Raffaele Farina, dòng Don Bosco, nguyên là thư viện trưởng và văn khố trưởng của Tòa Thánh Vatican.

Sau đây là nguyên văn sứ điệp Phục sinh của ĐTC:

Anh chị em thân mến, chúc mừng Lễ Phục sinh!

Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Lời loan báo này vang dội trong Giáo Hội trên toàn thế giới, cùng với bài ca Alleluia: Đức Giêsu là Chúa, Chúa Cha đã cho Ngài sống lại và Ngài sống mãi mãi giữa chúng ta.

Chính Chúa Giêsu đã báo trước cái chết và sự sống lại của Ngài qua hình ảnh ”hạt lúa”. Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; trái lại nếu chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Và đó là điều đã xảy ra: Chúa Giêsu, hạt lúa được Thiên Chúa gieo vào lòng đất, đã bị tội lỗi thế gian giết chết, Ngài ở trong mộ hai ngày; nhưng trong cái chết của Ngài có chứa đựng tất cả quyền năng tình thương của Thiên Chúa, quyền năng ấy đã bùng lên và biểu lộ trong ngày thứ ba, ngày mà chúng ta đang cử hành hôm nay: ngày Phục Sinh của Chúa Kitô.

Các tín hữu Kitô chúng ta tin và biết rằng sự sống lại của Chúa Kitô là niềm hy vọng chân thực của thế giới, niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Đó là sức mạnh của hạt lúa, sức mạnh tình thương hạ mình xuống và hiến thân đến cùng, và thực sự đang đổi mới thế giới. Sức mạnh này cũng mang lại hoa trái ngày nay trong lịch sử chúng ta, một lịch sử mang đậm bao nhiêu bất công và bạo lực. Sức mạnh ấy mang lại hoa trái hy vọng và phẩm giá tại những nơi còn lầm than và loại trừ, nơi có đói khổ và thiếu công ăn việc làm, giữa những người di tản và tị nạn – bao nhiêu lần họ bị xua đuổi vì nền văn hóa gạt bỏ ngày này-, giữa các nạn nhân của nạn buôn bán ma túy, buôn người và những thứ nô lệ thời nay.

Và hôm nay chúng ta cầu xin những thành quả hòa bình cho toàn thế giới, bắt đầu từ nước Siria yêu quí bị tang thương, dân tộc này bị kiệt quệ vì chiến tranh chưa thấy viễn tượng chấm dứt. Trong ngày lễ Phục Sinh này, ước gì ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh soi sáng lương tâm của tất cả các vị có trách nhiệm về chính trị và quân sự, để họ chấm dứt ngay cuộc tàn sát hiện nay, tôn trọng công pháp nhân đạo và tạo điều kiện dễ dàng cho việc đưa các đồ cứu trợ mà các anh chị em chúng ta đang cần cấp thiết, đồng thời bảo đảm những điều kiện thích hợp cho những ngừơi di tản được hồi hương.

Chúng ta cũng khẩn cầu hoa trái hòa giải cho Thánh Địa, cả trong những ngày này bị thương tổn vì những cuộc xung đột đang diễn ra, những xung đột không tha những người yếu đuối vô phương tự vệ; cầu cho Yemen và toàn Trung Đông, để việc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau vượt trên những chia rẽ và bạo lực. Ước gì các anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô, nhiều khi bị bạo lực đè nén và những bách hại, trở thành những chứng nhân sáng ngời của Chúa Phục Sinh và chứng tỏ chiến thắng của sự thiện trên sự ác.

Trong ngày này, chúng ta cầu xin những hoa trái hy vọng cho tất cả những người đang khao khát một cuộc sống xứng đáng hơn, nhất là tại những miền thuộc Phi châu đang đau khổ vì nạn đói, những xung đột kinh niên và nạn khủng bố. Ước gì an bình của Chúa Phục Sinh chữa lành những vết thương tại Nam Sudan: mở rộng các tâm hồn cho cuộc đối thoại và cảm thông lẫn nhau. Chúng ta không quên các nạn nhân của xung đột, nhất là các trẻ em! Ước gì không thiếu tình liên đới dành cho những người buộc lòng phải rời bỏ quê hương và thiếu thốn những điều cần thiết nhất để sống.

Chúng ta cầu xin những thành quả của đối thoại cho bán đảo Triều Tiên, để những cuộc đối thoại hiện nay thăng tiến hòa hợp và bình định cho vùng này. Ước gì những người có trách nhiệm trực tiếp hành động một cách khôn ngoan với tinh thần phân định để thăng tiến thiện ích của dân tộc Triều Tiên và kiến tạo những tương quan tín nhiệm giữa lòng cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cầu xin hoa trái hòa bình cho Ucraina, để những bước tiến cổ võ hòa hợp được củng cố và những sáng kiến nhân đạo dành cho dân chúng được thực hiện dễ dàng.

Chúng ta cầu khẩn hoa trái an ủi cho nhân dân Venezuala, như các vị chủ chăn tại đây đã viết, họ đang sống trong một miền đất xa lạ trên chính quê hương của họ. Ước gì nhờ sức mạnh Phục sinh của Chúa Giêsu, dân tộc này tìm được con đường công chính, an bình và hợp với con người để sớm ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang kìm kẹp họ và không thiếu sự đón tiếp cũng như sự trợ giúp cho những người dân Venezuela buộc lòng phải rời bỏ quê hương của họ.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh mang lại những thành quả của đời sống mới cho các trẻ em, vì chiến tranh và đói khổ, đang lớn lên mà không hy vọng, bị thiếu giáo dục và không được săn sóc sức khỏe; và cho cả những người già bị nền văn hóa ích kỷ gạt bỏ, thứ văn hóa này gạt ra ngoài những ai không ”sản xuất”.

Chúng ta khẩn cầu những hoa trái khôn ngoan cho những người trên toàn thế giới đang có những trách nhiệm chính trị, để họ luôn tôn trọng phẩm giá con người, tận tụy hoạt động phục vụ công ích và đảm bảo sự phát triển, an ninh cho công dân của họ.

Anh chị em thân mến!

Lời này cũng được gửi đến chúng ta, như đã được nói với các phụ nữ chạy đến mộ Chúa: ”Tại sao các bà tìm người sống nơi những ngừơi chết? Người không ở đây, Người đã sống lại rồi!” (Lc 24,5-6). Sự chết, cô đơn và sợ hãi không còn là tiếng nói cuối cùng nữa. Có một lời đi xa hơn và chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói lên: đó là lời Phục Sinh (Xc Gioan Phaolô 2, Những lời cuối buổi đi đàng Thánh Giá, 18-4-2003). Với sức mạnh của tình yêu Thiên chúa, sức mạnh ”đánh bại sự ác, rửa sạch tội lỗi, trả lại sự vô tôi cho các tội nhân, niềm vui cho những người sầu khổ, phá tan oán ghét, bẻ gẫy sự cứng cỏi của những người cường quyền, thăng tiến hòa hợp và hòa bình” (bài ca công bố Phục Sinh)

Cầu chúc tất cả anh chị em Phục sinh tốt đẹp!

Sau đó ĐTC đã ban phép lành trọng thể cho các tín hữu đang hiện diện cũng như mọi người theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Sau khi ban phép lành toàn xá cho các tín hữu, ĐTC một lần nữa chúc mừng Phục sinh các tín hữu đến từ các nơi trên nước Ý và từ các quốc gia khác, cũng như những người đang theo dõi trên đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

ĐTC cầu xin niềm vui và hy vọng của Chúa Giêsu Kitô phục sinh mang lại sức mạnh cho những người cao niên – ký ức quý giá của xã hội, và các bạn trẻ – tương lai của Giáo hội và nhân loại.

ĐTC cũng cám ơn các tín hữu đã hiện diện trong ngày lễ Phục sinh – ngày lễ quan trọng nhất của niềm tin Kitô giáo, bởi vì đay là ngày lễ của ơn cứu độ của chúng ta, ngày lễ của tình yêu Chúa dành cho chúng ta.

ĐTC cám ơn về món quà là các bông hoa được mang đến từ Hòa lan để trang trí cho quảng trường thánh Phêrô. Và cuối cùng, ĐTC nhắc nhở các tín hữu hãy loan báo, bằng lời nói và đời sống của mình tin vui “Chúa Giêsu Phục sinh”. (REI 01/04/2018)

Giuse Trần Đức Anh OP và Hồng Thủy OP

 

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Phục sinh tại quảng trường thánh Phêrô

ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ Phục sinh tại quảng trường thánh Phêrô

Lúc 10 giờ sáng chúa nhật hôm nay, 1-4, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô mừng kính Chúa Phục Sinh, trước sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Hiện diện gần bàn thờ có 25 Hồng Y, đông đảo các GM, các Giám chức và hằng trăm linh mục.

Đầu thánh lễ, hai thầy phó tế đã mở hai cánh cửa của bức ảnh Chúa Cứu Thế cực thánh cổ kính từ Đông Phương, bản chính hiện giữ tại Đền thờ Thang Thánh ở Roma, để ĐTC và mọi người hát mừng kính.

Phần thánh ca trong buổi lễ, ngoài Ca đoàn Sistina của Tòa Thánh còn có 3 ca đoàn khác đảm trách, gồm Ca đoan Mẹ Giáo Hội, Ca hoàn Học viện Anh, và ca đoàn Học Viện Đức – Hungari.

Trong bài giảng ứng khẩu, dựa vào bài Tin Mừng vừa công bố, ĐTC nêu lên 3 nhận xét:

– Trước tiên: lời loan báo của Chúa gây ra ngạc nhiên. Các phụ nữ đến mộ Chúa để xức thuốc thơm cho xác Chúa đã gặp ngạc nhiên khi được thiên thần loan báo: Người đã sống lại, không còn ở đây nữa!

Trong lịch sử cứu độ, vẫn luôn có kèm theo sự gây ngạc nhiên của Chúa, như trường hợp tổ phụ Abraham khi Chúa bảo ông ra đi.

– Tiếp đến là thái độ của các phụ nữ vội vã ra đi loan báo tin Chúa đã sống lại. Sự ngạc nhiên thúc đẩy các bà hành động như vậy, và cũng như Phêrô và Gioan khi được tin gây ngạc nhiên ấy đã vội vã chạy đến mộ, họ đã thấy và tin. Giống như các mục đồng ở Bethlem, được thiên thần báo tin, đã vội vã chạy đến nơi Hài Nhi sinh ra. Hoặc như người Phụ nữ xứ Samaria, sau khi nói chuyện với Chúa, và được Chúa giáo huấn, đã vội vã chạy đi loan báo cho dân làng về Vị đã nói về những việc bà làm, hay Anrê đã vội chạy đi báo cho Phêrô mình đã gặp Đức Messia.

Trong Tin Mừng, có một người không vội vã, phản ứng mau lẹ như vậy là Tômasô, ông không muốn tin lời loan báo Chúa đã sống lại, nhưng Chúa đã kiên nhẫn dẫn dắt ông.

– Nhận xét thứ ba: chúng ta cũng cần tự hỏi: đâu là phản ứng của tôi trước những điều ”ngạc nhiên” của Chúa? Tôi có mở rộng con tim để đón nhận sự ngạc nhiên ấy hay không? Cụ thể là tôi đón nhận Tin Mừng Phục Sinh ngày hôm nay như thế nào?

Trong phần lời nguyện giáo dân, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho ĐTC và các GM của Giáo Hội hoàn cầu, cho các chính quyền và các nhà lập pháp, cho ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, cho các tội nhân và các tâm hồn lạc hướng, sau cùng cho những người nghèo, những người đau khổ và các nạn nhân của oán thù. (Rei 01/04/2018)

Giuse Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ vọng Phục Sinh và rửa tội cho 8 dự tòng

Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự lễ vọng Phục Sinh và rửa tội cho 8 dự tòng

VATICAN: Lúc 8 giờ rưỡi tối thứ Bẩy Tuần Thánh 31-3-2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ vọng Phục Sinh trong Đền Thờ Thánh Phêrô và ban bí tích Rửa tội cho 8 dự tòng, gồm 4 người Ý, và những người còn lại đến từ Albani, Peru, Nigeria và Hoa Kỳ. Người lớn nhất 52 tuổi và người trẻ nhất 28 tuổi. Đặc biệt có anh John Francesco Ogah 32 tuổi (1986) người Nigeria, được báo chí coi là ”anh hùng di dân”.

 Ngày 26-9-2017, một tên bất lương người Ý, đã dùng một dao bầu uy hiếp người giữ két bán hàng trong chi nhánh siêu thị Carrefour Express ở khu Casalina ngoại ô Roma và cướp được 400 Euro. Ogah lúc đó ăn xin từ 6 tháng trước đó trước siêu thị, anh ta đã dùng tay không đánh ngã tên cướp. Sau khi tên cướp bị bắt, anh Orah lẫn trốn ngay vì không có giấy tờ cư trú hợp pháp. Nhưng máy thu hình của siêu thị thu cảnh tượng đó. Cảnh sát bắt tên cướp và hắn bị kết án 4 năm tù, còn anh Ogah được bộ chỉ huy hiến binh tỉnh Roma đề nghị và được chính quyền cấp giấy cư trú hợp pháp, rồi tìm được việc làm ổn định như một người coi kho cho hội Chữ Thập đỏ. Anh mong ước được ĐTC rửa tội và ước nguyện này được thành tựu đêm vọng Phục Sinh, 31-3-2018 và được đại úy hiến binh ở Roma Casalina đỡ đầu. Anh nhận tên thánh là Francesco.

 Đồng tế với ĐTC có 25 Hồng Y, 45 GM và 300 linh mục trước sự tham dự của khoảng 8 ngàn tín hữu. Như thường lệ, buổi lễ đã bắt đầu với lễ nghi làm phép lửa và rước nến cây nến Phục Sinh, tượng trưng Ánh sáng Chúa Kitô, từ tiền đường đền thờ tiến lên bàn thờ.

 Trong bài giảng, ĐTC phân tích thái độ im lặng của các môn đệ trước những bất công mà Thày mình phải chịu và nghĩ rằng mình không thể làm được gì để vượt thắng bao nhiêu bất công. Ngài nhắc nhở ý nghĩa việc cử hành lễ Phục sinh của Chúa và nói rằng: ”Cử hành lễ Phục Sinh có nghĩa là tái tin rằng Thiên Chúa đang đột nhập và không ngừng đột nhập trong lịch sử của chúng ta, thách thức những chủ thuyết duy định mệnh của chúng ta, đồng nhất hóa và làm tê liệt. Cử hành lễ Phục Sinh là để cho Chúa Giêsu chiến thắng thái độ nhát đảm bao nhiêu lần vây bủa chúng ta và chôn vùi mọi thứ hy vọng”.

 ”Tảng đá lấp mộ đã bị gạt sang một bên, các phụ nữ đến viếng mộ đã góp phần của họ và giờ đây lời mời lại gửi đến anh chị em và tôi: lời mời gọi hãy phá vỡ thói quen lập đi lập lại, canh tân cuộc sống chúng ta, những chọn lựa và cuộc sống chúng ta. Lời mời gọi được gửi đến chúng ta nơi chúng ta đang sống và hoạt động. Chúng ta có muốn tham dự vào lời loan báo sự sống hay tiếp tục câm nín trước các biến cố?” (Rei 31-3-2018)

 G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dầu

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dầu

VATICAN. ĐTC Phanxicô mời gọi các tư tế hãy sống gần gũi dân chúng và xác tín rằng chính sự gần gũi này sẽ giúp tư tế gần Chúa hơn.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ này trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu lúc 9 giờ rưỡi sáng thứ năm Tuần Thánh 29-03-2018 tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Đồng tế với ĐTC có hơn 30 Hồng Y, 60 GM và khoảng 1 ngàn linh mục, trước sự hiện diện của 6 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Trong bài giảng ĐTC đã nêu bật tấm gương của Chúa Giêsu đã chọn ở giữa dân Ngài, gần gũi họ. Sự gần gũi chính là chìa khóa của việc loan báo Tin Mừng, vì đó là một thái độ nòng cốt trong Tin Mừng.

Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự gần gũi dân chúng trong 3 lãnh vực: đồng hành tinh thần, tức là gần gũi trong cuộc đối thoại linh đạo, tiếp đến là gần gũi trong việc giải tội và sau cùng là gần gũi trong việc rao giảng.

Mẫu gương về sự gần gũi trong việc đối thoại tinh thần là cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria, trong đó Chúa đã đưa ra ánh sáng tội của người phụ nữ này mà không tạo nên bóng đen trên kinh nguyện thờ lạy của bà và cũng không đặt chướng ngại cho ơn gọi thừa sai của bà.

Tiếp đến là sự gần gũi trong việc giải tội. Chúng ta có thể thấy qua giai thoại người đàn bà ngoại tình. Nhìn tha nhân trong con mắt của họ, như Chúa, khi Ngài đứng lên sau khi quì gối gần người phụ nữ ngoại tình mà họ muốn ném đá và Ngài nói với họ: ”Cả tôi cũng không kết án bà” (Ga 8,11). Đó không phải là điều trái ngược luật. Và Chúa có thể nói thêm: ”Từ nay bà đừng phạm tội nữa”, Ngài không nói với một giọng thuộc lãnh vực pháp lý của ”chân lý-định nghĩa”, nhưng với một giọng của người phải quyết định đâu là những điều kiện của lòng thương xót Chúa, giúp tội nhân nhìn về đằng trước chứ không nhìn về đằng sau.

Sau cùng là sự gần gũi trong lãnh vực giảng thuyết. Thánh Phêrô trong bài giảng ngày Lễ Ngũ Tuần đã đánh động tâm hồn mọi người, khiến họ đặt câu hỏi: ”Chúng tôi phải làm gì đây?” (Cv 2,37).. Bài giảng là viên đá thử để thẩm định sự gần gũi và khả năng gặp gỡ của một Mục Tử với dân của mình” (Evangelii Gaudium, 135). Trong bài giảng ta thấy mình gần gũi Thiên Chúa thế nào trong kinh nguyện và gần gũi dân chúng thế nào trong đời sống hằng ngày của họ.

Và ĐTC nhắn nhủ rằng ”Nếu bạn cảm thấy xa Chúa, thì hãy đến gần dân, họ sẽ chữa bạn khỏi những ý thức hệ làm cho bạn trở nên nguội lạnh. Những người bé nhỏ sẽ dạy bạn nhìn Chúa Giêsu 1 cách khác…Nếu bạn cảm thấy xa dân, thì hãy đến gần Chúa, đến gần Lời Ngài: trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ dạy bạn cách nhìn dân, mỗi người trong họ có giá trị dường nào trước con mắt của Chúa Giêsu, Đấng đã đổ máu đào vì họ trên thập giá”.

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục. Tiếp đến, ngài đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma).

Trong phần rước lễ, 50 LM và 60 phó tế đã phân phát Mình Thánh cho các tín hữu. (SD 29-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Vatican. Lúc 10h sáng 25.03.2018, Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lễ Lá tại Quảng trường thánh Phêrô. Tham dự thánh lễ, có đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Roma và đến từ các nơi khác. Đây cũng là ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 33 với chủ đề: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Giảng trong thánh lễ, Đức Thánh Cha chia sẻ về 3 loại tiếng nói, và Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy biết lên tiếng.

Bài giảng của ĐTC: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem. Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cùng chung vui và tham dự ngày lễ mừng với dân chúng, để có thể reo hò mừng rỡ đón rước Chúa. Niềm vui ấy đã trở nên mờ đi và để lại vị đắng sau khi chúng ta nghe bài Thương Khó. Ngày lễ này dường như pha trộn giữa niềm vui và khổ đau, giữa lầm lỗi và thành công. Những điều ấy là thành phần của cuộc sống thường ngày của chúng ta. Điều tương tự cũng xảy ra cho các môn đệ. Bởi vì có người đã trút bỏ tấm khăn mà chạy trốn mình trần. Những mâu thuẫn ấy thường thấy ngày nay giữa chúng ta. Chúng ta có khả năng yêu mến, nhưng cũng biết ghét bỏ. Chúng ta có khả năng hy sinh dũng cảm, nhưng cũng biết “rửa tay” trốn tránh trách nhiệm vào đúng lúc. Chúng ta có khả năng trung thành, nhưng cũng biết bỏ trốn, có khi còn phản bội.

Chúng ta thấy, niềm vui mà dân chúng dành để đón rước Chúa vào thành, lại trở thành cái cớ gây phiền toái và là cái cớ để người ta kích động.

Tiếng nói thứ nhất: reo hò mừng vui

Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem với dân chúng vây quanh. Người ta reo hò mừng rỡ. Chúng ta có thể hình dung, đó là tiếng nói của đứa con trai được tha thứ, đó là tiếng của người phong hủi được lành sạch, đó là tiếng của con chiên bị lạc. Những tiếng nói ấy vang lên mạnh mẽ đón mừng Chúa. Đó cũng là tiếng hát của người tội lỗi và của những ai bị coi là ô uế. Đó là tiếng vang của những người phải sống ngoài rìa thành phố. Tiếng hát, tiếng hô, tiếng hò của biết bao người nam nữ đi theo Chúa, vì họ đã từng trải kinh nghiệm về lòng thương xót của Chúa trước nỗi đau khổ của họ. Họ mừng vui ca hát tự đáy lòng một cách tự nhiên. Đó là lời ca tiếng hát của những người ngoài lề xã hội đã từng được Chúa Giêsu đụng chạm đến cuộc đời. Họ rộn ràng mừng vui: Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Làm sao mà có thể không ca ngợi cho được, bởi vì Đấng ấy đã phục hồi phẩm giá cho họ, bởi vì Đấng ấy đã mang lại hy vọng cho họ? Đó là niềm vui của biết bao người tội lỗi được ơn thứ tha, được ơn tìm lại niềm tin và hy vọng. Họ mừng vui!

Niềm vui ấy lại trở thành cái cớ vấp phạm cho những kẻ tự coi mình là công chính và “trung thành” với lề luật và với nghi lễ. Niềm vui ấy trở thành điều không thể chịu nổi đối với những kẻ đóng kín lòng mình trước những con người khổ đau. Niềm vui ấy không thể bị lấy mất bởi những kẻ quên đi ký ức và quên đi những gì mình đã nhận lãnh. Đối với những kẻ chỉ biết tìm sự công chính nơi bản thân, thì thật là khó biết bao để có thể nhận được niềm vui và mừng đại lễ lòng thương xót của Chúa! Đối với những kẻ chỉ cậy vào sức lực bản thân và tự cao đi coi khinh người khác, thì thật là khó dường nào để có thể chia sẻ niềm vui.

Tiếng nói thứ hai: kết án bất công

Và rồi, những tiếng kêu vang lên: “Đóng đinh nó đi!” Tiếng kêu gào ấy không tự nhiên chút nào, nhưng được định hình từ sự khinh miệt, từ những vu khống và cáo gian. Đó là tiếng nói của những kẻ lợi dụng và lèo lái thực tế theo cách tạo nên lợi lộc cho riêng mình. Đó là tiếng kêu của những kẻ tìm kiếm các phương tiện để củng cố bản thân. Những tiếng kêu ấy, những mánh lới và thủ thuật ấy nhằm dẫn đến chỗ kết án Chúa Giêsu. Đó là tiếng nói của những kẻ muốn bảo vệ vị thế của bản thân bằng cách tấn công những ai yếu thế không thể tự bảo vệ. Những tiếng nói ấy, những tiếng kêu ấy vang lên: “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!”.

Và khi ấy, ngày lễ mừng của dân chúng trở nên tắt lịm, niềm hy vọng bị phá vỡ, giấc mơ chẳng còn, niềm vui bị cướp mất, trái tim trở nên mù tối, lòng nhân ái trở nên nguội lạnh. Còn những kẻ tự cho rằng mình có thể tự cứu mình, thì lại ngủ say trong cơn mơ về tình đồng loại, đóng cửa lòng với những lý tưởng, và làm tự làm tê liệt con mắt để không biết nhìn đến đồng loại khổ đau…

Khi đối mặt với tất cả những điều ấy, phương dược tốt nhất là nhìn lên thập giá Chúa Kitô, và để cho bản thân chúng ta bị gọi hỏi bị thách thức bởi lời kêu than cuối cùng của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúa Kitô đã chết, đã gióng lên tình yêu mến của Ngài dành cho từng người chúng ta: dành cho các bạn trẻ, dành cho người cao niên, dành cho các vị thánh cũng như người tội lỗi. Tình yêu mến của Ngài trải dài từ thời đó cho đến thời đại chúng ta. Trên thánh giá, Chúa đã cứu độ từng người chúng ta, để không ai có thể bị lấy mất niềm vui của Tin Mừng, để không còn ai phải cảm thấy mình xa lạ với ánh mắt thương xót từ nhân của Thiên Chúa là Cha. Nhìn lên thánh giá có nghĩa là chúng ta biết đặt ra cho bản thân những ưu tiên và chọn lựa, có nghĩa là biết nhạy cảm trong những thời khắc khó khăn. Chúa thấy gì trong trái tim ta? Chúa Giêsu có còn là niềm vui trong lòng ta hay không? Hay là chúng ta lại đi xấu hổ khi Chúa dành ưu tiên cho những người tội lỗi, người bé mọn và những ai đang bị quên lãng?

Tiếng nói thứ ba: vui vẻ lên tiếng

Các bạn trẻ thân mến, niềm vui của Chúa Giêsu truyền cảm hứng cho các bạn, và một người trẻ vui vẻ thì rất khó bị lèo lái. Nhưng hôm nay có một tiếng nói thứ ba. Đó là tiếng của những người Phariseu nói với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy quở trách các môn đệ Thầy đi chứ!”, Thầy hãy nói những bạn trẻ ấy im lặng đi. Nhưng Chúa đáp lại: “Tôi bảo các ông: Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!” (Lc 19:39-40).  

Muốn làm cho người trẻ im lặng, đây là cám dỗ thời nào cũng có. Trong trường hợp hôm nay, chính những người Phariseu đã tác động lên Chúa Giêsu, để Chúa giữ người ta im hơi lặng tiếng.

Có nhiều cách để giữ cho người trẻ im tiếng và dường như không còn hiện diện. Có nhiều cách để gây mê và dẫn người ta vào giấc ngủ, để người ta không còn “ồn ào”, vì khi đó người ta không còn biết chất vấn, không còn biết tự hỏi lòng mình. Có nhiều cách để làm cho người ta im hơi lặng tiếng, ví như làm cho người ta cảm thấy thoải mái và không còn mơ ước, mất đi sự chia sẻ, hoặc rơi vào những giấc mơ hoang tưởng, hoặc đi vào sự buồn rầu thê thảm.

Trong Chúa nhật Lễ Lá này, chúng ta cử hành ngày Quốc tế Giới trẻ, chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho những người Phariseu, dành cho mọi người ở mọi thời và cả thời nay nữa: “Nếu họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng phải lên tiếng!” (Lc 19:40).

Các bạn trẻ thân mến, quyết định lên tiếng hay không là tùy ở các bạn. Cầu mong các bạn quyết định ca khen: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!” như trong ngày Chúa nhật Lễ Lá. Cầu mong các bạn đừng rơi vào những tiếng kêu gào: “Đóng đinh nó đi!” như trong ngày Thứ Sáu… Và các bạn không nên im lặng. Nếu người ta im lặng, nếu các bậc kỳ lão lặng thinh, nếu giới hữu trách lặng thinh, nếu thế giới lặng thinh và đánh mất niềm vui, thì Cha xin hỏi các bạn một câu: Các bạn có lên tiếng hay không?

Các bạn trẻ thân mến, xin làm ơn, xin làm ơn hãy quyết định trước khi để cho sỏi đá kêu lên!

Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh từ chức

Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh từ chức

VATICAN. Hôm 21-3-2018, Bộ trưởng Bộ truyền thông của Tòa Thánh, Đức Ông Dario Viganò, đã đệ đơn từ chức và được ĐTC chấp nhận.

 Đức Ông Viganò người Italia, sinh tại Brazil, năm nay 55 tuổi, tác giả của nhiều bài báo và sách về tương quan giữa điện ảnh và thế giới Công Giáo, và nguyên là giáo sư về truyền thông xã hội tại Đại học Giáo Hoàng Laterano, và đại học tư về các nghiên cứu xã hội (LUISS) ở Roma. Năm 2013, Đức Ông được ĐTC bổ làm Giám đốc trung tâm truyền hình Vatican. 2 năm sau đó, tháng 6 năm 2015, rong chương trình cải tổ giáo triều Roma, Đức Ông Viganò được bổ làm Bộ trưởng Bộ truyền thông, bao gồm 9 cơ quan truyền thông của Tòa Thánh như Báo Quan sát viên Roma, Đài Phát thanh Vatican, Trung Tâm truyền hình Vatican, Nhà in và nhà xuất bản Vatican, Văn Phòng Hình Ảnh, và Phòng báo chí Tòa Thánh, tổng cộng khoảng 700 người và trở thành cơ quan đông nhân viên nhất của Tòa Thánh (ví dụ Bộ giáo lý đức tin chỉ có 35 nhân viên).

 Vụ từ chức của Đức Ông Viganò theo sau những tranh luận và phê bình trong những ngày trước đó. Hôm 15-3-2018, Đức Ông Viganò giới thiệu bộ 11 cuốn sách nhỏ do các nhà thần học tên tuổi viết về ”nền thần học của ĐTC Phanxicô”. Trong buổi giới thiệu, Đức ông có đọc lá thư của Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 phê bình những người cho rằng ĐTC Phanxicô chỉ là một người mục vụ thực dụng chứ không có nền thần học, và ngài cũng phê bình những người cho rằng ngài (DGH Biển Đức) là nhà thần học nhưng thiếu mục vụ..

 Khi trình bày lá thư đó, Đức Ông Viganò giấu phần lá thư trong đó Đức Biển Đức 16 cho biết ngài không viết thư giới thiệu bộ sách 11 cuốn như Đức Ông thỉnh cầu vì không có giờ, yếu sức, và có việc khác phải làm, và ngài cũng đặc biệt ngạc nhiên vì trong số 11 tác giả bộ sách đó có 2 giáo sư người Đức, đặc biệt là giáo sư Huenemann, là người đã mạnh mẽ phê bình, chống đối huấn quyền của ĐTC Gioan Phaolô 2 và của chính ngài: giáo sư này đã ký tên vào tuyên ngôn các nhà thần học ở Koeln, và thành lập Hội thần học Âu Châu, chủ trương đòi Giáo Hội phải cởi mở về các vấn đề luân lý tính dục, truyền chức LM cho phụ nữ, công nhận hôn nhân đồng phái, truyền chức LM cho những người có gia đình, v.v.

 Phản ứng của giới báo chí thật mạnh mẽ về những sự kiện này và và họ phê bình Đức Ông Viganò tạo nên ”Fake news”, trái với tinh thần Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân ngày thế giới truyền thông xã hội năm 2017.

 Trong thư từ chức đệ lên ĐTC, Đức Ông Viganò xin ”rút lui” với lý do là để công trình cải tổ ngành truyền thông Vatican do ĐTC đề ra khỏi bị thương tổn vì những vụ trên đây.

 Trong thư trả lời nhận đơn từ chức, ĐTC Phanxicô đã cám ơn Đức ông Viganò và bổ nhiệm ngài làm ”assesssore” của Bộ truyền thông để phụ giúp vị Bộ trưởng mới.

 Thông cáo của Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC bổ nhiệm Đức Ông Lucio Ruiz, người Argentina, Tổng thư ký Bộ Truyền thông, tạm thời điều khiển Bộ này cho đến khi ngài bổ nhiệm vị Bộ trưởng mới.

 G. Trần Đức Anh OP 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 18-3-2018

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 18-3-2018

VATICAN. Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 18-3-2018 với 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC mời gọi các tín hữu chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để sinh ra nhiều hoa trái thiêng liêng.

Bài huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng chúa nhật thứ 5 mùa chay, thuật lại lời Chúa báo trước về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải chịu và mời gọi các tín hữu hãy biết nhìn thập giá của Chúa. Ngài nói:

”Tin Mừng hôm nay (Gioan 12,20-33) kể lại một giai thoại xảy ra trong những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cảnh tượng diễn ra tại Jerusalem, nơi Chúa đến nhân dịp lễ Vượt Qua của người Do thái. Cũng có một số người Hy Lạp đến đây dự lễ này; đó là những người được tâm tình tôn giáo thúc đẩy, họ bị thu hút vì niềm tin của dân Do thái và, sau khi nghe nói về vị đại ngôn sứ, họ đến gần Philiphê, một trong 12 tông đồ và họ nói với ông: ”Chúng tôi muốn thấy ngài Giêsu” (v.21). Thánh Gioan nêu bật câu này, qui trọng tâm vào động từ ”thấy”, trong ngữ vựng của thánh sử, từ này có nghĩa đi xa hơn những vẻ bề ngoài, để đón nhận mầu nhiệm của một người”. Động từ ”thấy” mà thánh sử dùng đi đến tận con tim, đến thẳm sâu của con người”.

”Phản ứng của Chúa Giêsu thật là gây ngạc nhiên. Chúa không trả lời ưng thuận hay từ chối, nhưng nói: ”Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (v.23). Những lời này, thoạt nghe có vẻ như Chúa làm ngơ đối với câu hỏi của những người Hy Lạp ấy, nhưng thực tế câu ấy trả lời thực sự cho họ, vì ai muốn biết Chúa Giêsu thì phải nhìn thập giá, nơi biểu lộ vinh quang của Ngài. Nhìn vào bên trong thập giá. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy hướng nhìn thập giá, không phải là một đồ trang sức hoặc một đồ phụ tùng của y phục – nhiều khi bị lạm dụng! – nhưng là một dấu hiệu tôn giáo để chiêm ngắm và hiểu. Trong hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đanh có biểu lộ mầu nhiệm cái chết của Con Thiên Chúa như một cử chỉ yêu thương tột độ, là nguồn mạch sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại thuộc mọi thời đại”. ”Trong những vết thương của Chúa chúng ta được chữa lành.

ĐTC nói tiếp: Ta có thể nghĩ: ”Tôi nhìn Thập giá như thế nào? như một tác phẩm nghệ thuật để xem thập giá ấy có đẹp hay không, hoặc tôi nhìn thấy mầu nhiệm, tìm bên trong, cho đến tận trái tim của Chúa?. Tôi nhìn mầu nhiệm Thiên Chúa bị tiêu diệt đến độ chết như một người nô lệ, một kẻ phạm pháp?”. Anh chị em đừng quên điều này: khi nhìn thập giá, hãy nhìn bên trong. Có một cách sùng mộ rất đẹp là đọc Kinh Lạy Cha cho mỗi vết thương của Chúa; khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta tìm cách đi vào bên trong, qua các vết thương của Chúa Giêsu, đi vào con tim của Chúa. Tại đó chúng ta sẽ học được sự khôn ngoan về mầu nhiệm Chúa Kitô, sự khôn ngoan cao cả của thập giá”.

Và để giải thích ý nghĩa sự chết và sống lại của Ngài, Chúa Giêsu dùng một hình ảnh và Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; trái lại nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt” (v.24). Chúa muốn làm cho ta hiểu rằng biến cố tột cùng của ngài – chết và sống lại – là một cử chỉ phong phú, mang lại hoa trái cho nhiều người. Những vết thương của Chúa đã chữa lành chúng ta. Như thế Chúa ví mình với hạt lúa chết đi trong lòng đất sinh ra sự sống mới. Với cuộc nhập thể, Chúa Giêsu đến trần thế; nhưng điều ấy không đủ: Chúa còn phải chết, để cứu chuộc loài người khỏi sự nô lệ tội lỗi và ban cho họ cuộc đời sống mới được hòa giải trong tình thương”. Tôi đã nói là ”để cứu chuộc loài người”, nhưng, để cứu chuộc bạn, tôi, tất cả chúng ta, Chúa đã trả giá ấy. Đó là mầu nhiệm Chúa Kitô. Bạn hãy đi tới các vết thương của Chúa, đi vào, chiêm ngắm, nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng từ bên trong.

ĐTC nhận xét rằng: ”Năng động hạt lúa, được hoàn thành trong Chúa Giêsu, cũng phải thể hiện nơi chúng ta là các môn đệ của Ngài: chúng ta được kêu gọi chấp nhận luật vượt qua làm của mình: luật đánh mất sự sống để nhận lại được sự sống ấy mới mẻ và vĩnh cửu. Mất sự sống có nghĩa là gì? trở thành hạt lúa có nghĩa là gì? Thưa có nghĩa là bớt nghĩ đến mình, đến tư lợi, và biết ”nhìn” và đáp ứng những nhu cầu của tha nhân, nhất là những người rốt cùng. Vui mừng thực hiện những công việc bác ái đối với những người đang đau khổ nơi thể xác và tinh thần chính là cách thức chân thực nhất để sống Tin Mừng, là nền tảng cần thiết để các cộng đoàn chúng ta được tăng trưởng trong tình huynh đệ và trong sự đón nhận nhau. Tôi muốn nhìn Chúa Giêsu, nhưng thấy ngài từ bên trong. Đi vào những vết thương của Chúa, chiêm ngắm tình thương của trái tim Chúa đối với bạn, với tôi, với tất cả mọi người”.

 Và ĐTC kết luận rằng:

”Xin Đức Trinh Nữ Maria là người đã luôn nhìn trái tim Con của Mẹ, từ hang đá máng ở Bethelem cho đến thập giá trên đồi Can vê, giúp chúng gặp và nhận ra Chúa như Chúa muốn, để chúng ta có thể sống, được Chúa soi sáng, và mang lại những hoa trái công lý và hòa bình cho thế giới.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC đã chào thăm các tín hữu hành hương, đặc biệt những người đến từ Cộng hòa Slovak, từ Madrid Tây Ban Nha, các nhóm giáo dân đến từ một số nơi ở Italia, Hiệp hội dân ca Italia. ĐTC cũng nhắc đến cuộc viếng thăm của ngài thực hiện hôm thứ bẩy vừa qua (17-3) tại làng Pietrelcina và San Giovanni Rotondo, các nơi của Cha Thánh Piô, và nói: ”Tôi chào thăm và cám ơn các cộng đoàn giáo phận Benevento và Manfredina, các GM Đức Cha Accrocca và Castoro, các tu sĩ nam nữ, các tín hữu và chính quyền; Tôi cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt và tôi mang tất cả trong tim, đặc biệt các bệnh nhân tại Nhà Thoa Dịu đau khổ, những người già và người trẻ. Tôi cám ơn tất cả vì đã chuẩn bị cuộc viếng thăm mà tôi sẽ không quên. Xin Cha Piô chúc lành cho tất cả mọi người.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

SAN GIOVANNI ROTONDO. Lúc 9 giờ rưỡi sáng ngày 17-3-2018, ĐTC Phanxicô đã đến thị trấn San Giovanni Rotondo, gặp gỡ các trẻ em bị ung thư và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Trong số các công trình Cha Piô để lại nơi đây có Nhà Thoa dịu đau khổ, nay là một nhà thương tối tân nhất ở miền nam Italia với 1.200 giường bệnh, gồm rất nhiều khu khác nhau.

Đến San Giovanni Rotondo lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền, chính quyền, cũng như các cha dòng Capuchino tiếp đón và liền đó ngài đến thăm khu điều trị trẻ em bị ung thu tại bệnh viện Nhà Thoa dịu đau khổ gần đó. ĐTC đã ân cần hỏi thăm và khích lệ hơn 20 em bị ung thư, cùng với cha mẹ các em.

Và lúc gần 11 giờ, ĐTC đã viếng Đền thánh Đức Mẹ Ân Phúc. Tại đây, cha Bề trên tổng quyền và cha giám tỉnh dòng Capucino, Thánh Thiên Thần và Thánh Piô, đã tiếp đón, hướng dẫn ngài kính viếng di hài Cha Thánh Piô và Thánh Giá các dấu thánh giữ tại Đền thánh này.

Cử hành thánh lễ

Lúc 11 giờ 30 ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ ngoài trời cho khoảng 30 ngàn tín hữu từ các nơi tựu về, trong đó có 300 bệnh nhân được sự giúp đỡ của tổ chức Unitalsi chuyên giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương. Đặc biệt cũng có một phái đoàn tín hữu gốc Ý từ Argentina.

Đồng tế với ĐTC có Đức TGM Michelle Castoro của giáo phận Manfredonia sở tại cùng với 3 GM, Cha Bề Trên Tổng quyền dòng Capuchino và khoảng 100 LM dòng Capuchino và thuộc tổng giáo phận Manfredonia sở tại.

Bài giảng

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu qua 3 lời: cầu nguyện, bé nhỏ, khôn ngoan.

Ngài nêu cao cách thức của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, đối thoại như con thảo với Chúa Cha, và Cha Piô cũng thường nhắn nhủ các con cái: ”Hỡi các con, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mõi” (Parole al 2o convegno internazionale dei gruppi di preghiera, 5-5-1966). ĐTC nói:

Chúng ta hãy tự hỏi: kinh nguyện của chúng ta có giống kinh nguyện của Chúa Giêsu hay không, hoặc đó chỉ là những lời kêu cứu khẩn cấp thỉnh thoảng xảy ra? Hoặc chúng ta hiểu kinh nguyện như những liều thuốc an thần cần sử dụng đều đặn để được lắng dịu tinh thần, chống lại sự căng thẳng? Không phải vậy, kinh nguyện là một cử chỉ yêu thương, là ở với Chúa, là trình bày cho Chúa cuộc sống của thế giới: đó là công việc từ bi thương xót tinh thần không thể thiếu được. Và nếu chúng ta không phó thác các anh chị em và những tình cảnh cho Chúa, thì ai sẽ làm? .. Vì thế Cha Piô đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Cha nói với họ: ”Chính kinh nguyện là sức mạnh của tất cả các tâm hồn tốt lành được liên kết với nhau, kinh nguyện ấy làm chuyển động thế giới, đổi mới các lương tâm […] chữa lành những người bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sự săn sóc sức khỏe, mang lại sức mạnh tinh thần [..], làm lan tỏa nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên những yếu nhược và kiệt lực”.

Lời thứ hai là ”bé nhỏ”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì đã tỏ lộ những mầu nhiệm nước Chúa cho những người bé nhỏ. Đây là những người không tự mãn, tự phụ, những người có con tim khiêm tốn và cởi mở, thanh bần và túng thiếu, thấy mình cần phải cầu nguyện và để cho mình được đồng hành. Con tim của những người bé nhỏ giống như ăng ten bắt được tín hiệu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tìm cách tiếp xúc với tất cả mọi người, nhưng ai coi mình là người lớn, thì tạo nên một sự nhiễu sóng trầm trọng; khi người ta tự mãn, thì chẳng còn chỗ cho Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa yêu thương hơn những người bé nhỏ, và tỏ mình ra cho họ..

Lời sau cùng là sự khôn ngoan, như bài đọc thứ I theo sách ngôn sứ Giêrêmia (9,22) “Người khôn ngoan đừng tự phụ vì sự khôn ngoan của mình, kẻ mạnh đừng hãnh diện vì sức mạnh của mình”. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại có những tài năng lớn lao và sức mạnh chân thực không hệ tại quyền lực… Khí giới khôn ngoan duy nhất và không thể chiến bại chính là đức bác ái được đức tin linh hoạt, vì đức bác ái có năng lực giải trừ sức mạnh của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu chống sự ác trong trọn cuộc đời và đã chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa, nghĩa là với lòng khiêm tốn, vâng phục, với thập giá, dâng hiến đau khổ vì tình yêu. Tất cả đều cảm phục Cha về điều đó, nhưng ít người bắt chước cha… Thánh Piô đã dâng hiến cuộc sống và vô số những đau khổ để giúp các anh chị em gặp gỡ Chúa. Và phương thế quan trọng để gặp Chúa chính là phép giải tội, bí tích hòa giải. Chính nơi bí tích này mà một cuộc sống khôn ngoan, được yêu thương và tha thứ, được khởi sự và tái khởi sự, chính nơi bí tích này bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Piô là tôn đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài cũng mời gọi chúng ta đến bí tích này.

Sau thánh lễ ĐTC còn chào thăm chính quyền và một số đại diện tín hữu trước khi đi ra bãi đậu trực thăng lúc 1 giờ trưa để đáp trực thăng về Roma lúc 2 giờ.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha hành hương Cha Thánh Piô: viếng làng Pieltrecina

Đức Thánh Cha hành hương Cha Thánh Piô: viếng làng Pieltrecina

ROMA. ĐTC đã dành sáng ngày 17-3-2018 để hành hương tại những nơi của Cha Pio vị linh mục 5 dấu thánh, nhân dịp niệm 100 năm thánh nhân được mang 5 dấu thánh của Chúa và kỷ niệm 50 năm thánh nhân qua đời.

Cha thánh Piô được coi là vị thánh được sùng mộ nhiều nhất ở Italia. Đền thánh Piô ở San Giovanni Rotondo mỗi năm thu hút gần 7 triệu tín hữu đến hành hương kính viếng.

Thân thế

Cha Pio tục danh là Francesco Forgione, con thứ tư trong gia đình rất nghèo với 7 người con tại làng Pietrelcina, cách Roma 240 cây số về hướng đông nam. Năm 1903, khi được 16 tuổi, Francesco được nhận vào nhà tập dòng Capuchino và được đổi tên thành tu sĩ Pio Pietrelcina. Thày được thụ phong linh mục 7 năm sau đó, 1910, với phép chuẩn của Tòa Thánh, vì chưa đủ 24 tuổi như giáo luật đòi hỏi.

Trong thế chiến thứ I, cha Piô bị động viên và sau đó được giải ngũ vì lý do sức khỏe, và trở về tu viện nhỏ ở San Giovanni Rotondo, thuộc tỉnh Foggia. Sáng ngày 20 tháng 9 năm 1918, sau khi dâng lễ, và đang quỳ gối tạ ơn trước một tượng Thánh Giá lớn, Cha Pio đột nhiên thấy tay chân và cạnh sườn của mình bị thủng và đẫm máu, đồng thời Cha cảm thấy đau đớn khôn tả. Vừa khi thấy máu rỉ ra, Cha Pio, rất kinh hãi và lết từ cung nguyện về phòng. Cha tìm cách cầm máu các vết thương, dùng tất cả các băng và khăn. Lúc ấy, Cha Bề trên Paolino về tới tu viện thấy Cha Pio đi lảo đảo và nhìn những băng mà Cha Pio tìm cách dấu dưới ống tay áo dòng. Cha bề trên dẫn Cha Pio vào phòng và muốn biết xem điều gì đã xảy ra. Kinh ngạc về những điều đó, cha Paolino viết cha cho cha bề trên tỉnh. Cha giám tỉnh, cha Tổng quyền đều ra lệnh: ”giữ im lặng”.

Suốt trong suốt 2 năm sau đó, cha Pio phải chịu nhiều cuộc khám nghiệm y khoa. Mặc dù lệnh của các bề trên Capuchino truyền phải giữ im lặng và thận trọng, nhưng tin Cha Pio chịu năm Dấu Thánh dần dần được truyền đi. Khi dâng thánh lễ, Cha Pio phải giơ tay lên và dân chúng bắt đầu đặt câu hỏi những vết thương rướm máu của cha là gì. Và thế là thiên hạ bắt đầu kéo tới San Giovanni Rotondo.

Lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, Cha Pio cử hành thánh lễ, nhà thờ đông chật tín hữu. Khi cha đọc những lời truyền phép, mọi người đều thinh lặng như tờ. Rồi Cha Pio giải tội mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ, cho đến khi tối xẩm. Dân chúng kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ đợi trước tòa giải tội.

Từ năm 1923 đến 1933, Cha Pio phải trải qua những tháng ngày rất cay đắng. Nhiều người, kể cả các nhân vật trong Giáo Hội, đã tố cha là người lường gạt, bất tuân lệnh bề trên, hoặc là người gây ra tình trạng cuồng tín nơi dân chúng. Cha Pio bị các bề trên cấm không được làm lễ công khai cho các tín hữu nữa. Dầu vậy, rất nhiều tín hữu tiếp tục tuốn đến tìm gặp vị linh mục này để xin ngài khuyên bảo và cầu nguyện cho. Cha Pio âm thầm chịu đựng, tiếp tục làm việc thiện cho tha nhân bao nhiêu có thể. Nhưng rồi sóng gió và cay đắng cũng qua đi.

Cha Piô qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968, thọ 81 tuổi và được ĐGH Gioan Phaolô 2 phong hiển thánh ngày 16-6 năm 2002.

Thăm làng Pietrelcina

Lúc 7 giờ sáng 17-3-2018, từ Vatican, ĐTC đáp trực thăng bay đến làng Pietrelcina, hiện có hơn 3 ngàn dân cư và thuộc giáo phận Benevento.

Đến nơi vào lúc gần 8 giờ, ngài đã được chính quyền và giáo quyền địa phương cùng với hàng chục ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón, đặc biệt là các cha dòng Capuchino.

Tại đây sau khi cầu nguyện tại nguyện đường các Dấu Thánh, ngài gặp gỡ các tín hữu tại quảng trường trước nhà nguyện.

 Huấn dụ

Trong dịp này, ĐTC nhắc lại sự kiện hồi tháng 9 năm 1911, cha Piô về làng quê dưỡng bệnh. Đối với Cha, ”thời kỳ này không phải là một giai đoạn dễ dàng: cha bị xao xuyến mạnh mẽ trong nội tâm và sợ sa ngã phạm tội, cảm thấy mình bị ma quỉ tấn công.. ĐTC nói:

”Trong những lúc kinh khủng ấy, cha Piô kín múc nhựa sống từ kinh nguyện liên tục và lòng tín thác nơi Chúa. Cha kể lại cho cha giám tỉnh Benedetto trong thư hồi tháng 3 năm 1911: ”Tất cả những hình ảnh ma quái mà quỉ du nhập trong tâm trí con biến mất, khi con tín thác phó mình trong vòng tay Chúa Giêsu”.

Cha Piô cho biết tâm hồn mình cảm thấy ”như được một sức mạnh cao cả thu hút trước khi được kết hiệp với Chúa vào ban sáng trong bí tích”. ”Và chính sự đói khát ấy được mãn nguyện”, sau khi rước Chúa, ”và ngày càng được tăng trưởng thêm” (Thư 31, trong cuốn ”Epistolario I, p.217). Thế là Cha Piô chìm đắm trong kinh nguyện để ngày càng gắn bó hơn với các kế hoạch của Chúa. Qua việc cử hành Thánh Lễ, là con tim mỗi ngày và là sự sung mãn đời sống thiêng liêng của Cha, cha Pio đạt tới một mức độ cao trong sự kết hiệp với Chúa. Trong thời kỳ ấy, cha Piô nhận được từ trời cao những ơn thần bí đặc biệt, báo trước sự xuất hiện nơi thân xác cha những dấu hiệu cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”.

Từ những điều trên đây, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu làng Pietrelcina và giáo phận Benevento rằng: ”Tu sĩ khiêm hạ dòng Capuchino này đã làm cho thế giới ngạc nhiên bằng cuộc sống tận tụy cầu nguyện và kiên nhẫn lắng nghe các anh chị em, và cha đổ tình thương của Chúa Kitô như dầu thơm trên những đau khổ của họ. Khi noi gương anh dũng và các nhân đức của Cha Piô, anh chị em cũng có thể trở thành những dụng cụ tình thương của Chúa Giêsu đối với những người yếu đuối nhất. Đồng thời, khi để ý đến lòng trung thành vô điều kiện của Cha Piô đối với Giáo Hội, anh chị em hãy làm chứng về tình hiệp thông, vì chỉ có tình hiệp thông mới xây dựng. Tôi cầu các tín hữu miền này có thể kín múc nhựa sống mới từ những giáo huấn do cuộc sống của Cha Piô trong thời điểm không dễ dàng như hiện nay, giữa lúc dân số dần dần giảm sút, và già nua, trong khi nhiều người trẻ buộc lòng phải đi nơi khác để tìm công ăn việc làm”.

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu làng Pietrelcina và giáo phận Benevento, ĐTC còn dành 20 phút để chào thăm các bệnh nhân ngồi trên xe lăn và một số các tín hữu địa phương trước khi đáp trực thăng lúc 9 giờ để bay tới San Giovanni Rotondo một thị trấn 25 ngàn dân cư, cách đó 93 cây số đường chim bay về hướng đông bắc. Đây là nơi Cha Piô được bề trên bổ nhiệm tới từ năm 1916.

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Lạy Cha và nghi thức Bẻ Bánh

Kinh Lạy Cha và nghi thức Bẻ Bánh

Trước khi hiệp lễ cộng đoàn cùng nhau đọc Kinh Lậy Cha xin cho các nhu cầu cuộc sống. Rồi vị linh mục đọc lời nguyện xin Chúa giải thoát tín hữu khỏi mọi sự dữ trước khi mọi người trao bình an cho nhau. Sự bình an của Chúa Kitô không thể đâm rễ sâu trong môt con tim không có khả năng sống tình huynh đệ và tái lập nó sau khi đã đả thương nó.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua tại quảng trường thánh Phêrô.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích phần ba của Phụng vụ thánh thể là Kinh Lậy Cha và nghi thức bẻ Bánh. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Trong Bữa Tiệc Cuối Cùng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “bẻ bánh” sau khi cầm lấy bánh và chén rượu tạ ơn Thiên Chúa Cha. Trong phụng vụ thánh thể của Thánh Lễ việc bẻ bánh tương ứng với hành động này được đi trước bởi lời kinh mà Chúa đã dậy cho chúng ta, nghĩa là Kinh Lậy Cha.

Các nghi thức Hiệp lễ bắt đầu như thế, bằng cách kéo dài lời chúc tụng và khẩn nài của Lời Nguyện Thánh Thể với việc cùng nhau đọc Kinh Lậy Cha. Đây không phải là một trong các lời kinh kitô, mà là lời kinh của Con Thiên Chúa: đó là lời kinh vĩ đại Chúa Giêsu đã dậy chúng ta. Thật vậy, được trao cho chúng ta trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội Kinh Lậy Cha làm vang vọng lên trong chúng ta cùng các tâm tình của Chúa Kitô Giêsu. Khi chúng ta cầu nguyện với Kinh Lậy Cha, chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu đã cầu nguyện. Đó là lời kinh Chúa Giêsu đã đọc và đã dậy chúng ta. Khi các môn đệ xin với Chúa: “Lậy Thầy,  xin dậy chúng con cầu nguyên như Thầy cầu nguyện”, Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế. Thật đẹp biết bao cầu nguyện như Chúa Giêsu!

** Theo các lời Người dậy chúng ta dám hướng tới Thiên Chúa Cha và gọi Người là “Cha”, bởi vì chúng ta đã được tái sinh như con cái của Người qua nước và Thánh Thần (x. Ep 1,5) Thật thế không ai có thể gọi Người một cách thân tình là “Abba”  Cha, nếu đã không được Thiên Chúa sinh ra, nếu không có linh hứng của Chúa Thánh Thần như thánh Phaolô đã dậy (x. Rm 8,15). Chúng ta phải suy nghĩ: không ai có thể gọi Ngài là Cha, mà không có sự linh hứng của Thần Khí. Biết bao nhiêu lần có người nói “Lạy Cha chúng con” mà không biết điều mình nói. Bởi vì đúng, Ngài là Cha, nhưng bạn có cảm thấy rằng khi bạn nói “Cha” Ngài là Cha, Cha của bạn, Cha của nhân loại, Cha của Đức

Giêsu Kitô không? Bạn có một tương quan vói người Cha này hay không? Khi chúng ta cầu nguyện “Lậy Cha chúng con” chúng ta nối liền với Thiên Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta, nhưng Thần Khí ban cho chúng ta sự nối kết ấy, tâm tình là con cái của Thiên Chúa ấy.

 Có lời kinh nào tốt đẹp hơn là lời kinh được Chúa Giêsu dậy có thể chuẩn bị chúng ta cho việc hiệp thông bí tích với Ngài? Ngoài Thánh Lễ ra Kinh Lậy Cha còn được đọc ban sáng và ban chiều, trong Kinh Sáng và Kinh Chiều. Như thế thái độ con thảo đối với Thiên Chúa và tình huynh đệ đối với tha nhân góp phần vào việc trao ban cho các ngày sống của chúng ta hình thái kitô.

Trong Kinh của Chúa, trong Kinh Lạy Cha chúng ta xin “ lương thực hằng ngày”, trong đó chúng ta cần để sống như con cái của Thiên Chúa. Chúng ta cũng khẩn nài ơn tha các tội lỗi của chúng ta, và để xứng đáng nhận ơn tha tội của Thiên Chúa chúng ta dấn thân tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến chúng ta. Và điều này không dễ. Tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta không dễ: đó là một ơn mà chúng ta phải xin: “Lạy Chúa,  xin dậy con tha thứ như Chúa đã tha thứ cho con”. Đó là một ơn. Với các sức lực của mình chúng ta không thể: tha thứ  là một ơn của Chúa Thánh Thần. Như vậy, trong khi mở rộng con tim của chúng ta cho Thiên Chúa Kinh Lạy Cha chuẩn bị chúng ta cho tình yêu thương huynh đệ. Sau cùng chúng ta còn xin Thiên Chúa “giải thoát chúng ta khỏi sự dữ” làm cho chúng ta xa cách Ngài và chia rẽ chúng ta tới các anh em khác.  Chúng ta hiểu rõ rằng đó là các lời xin rất thích hợp để chuẩn bị chúng ta cho việc Hiệp Lễ thánh (TTCSLR, 81).

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Thật vậy, nhũng gì chúng ta xin trong Kinh Lạy Cha được kéo dài bởi lời cầu của vị linh mục nhân danh mọi người khẩn nài như sau: “Lạy Chúa xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin ban bình an cho các ngày sống của chúng con”. Và rồi nó nhận được một loại dấu ấn trong nghi thức trao ban bình an: điều đầu tiên chúng ta xin nơi Chúa Kitô là ơn của sự bình an – rất khác với sự bình an của trần gian – làm cho Giáo Hội lớn lên trong sự hiệp nhất và trong  bình an,  theo ý muốn của Ngài. Rồi với cử chỉ cụ thể trao đổi với nhau chúng ta diễn tả sự hiệp thông giáo hội và tình yêu thương đối với nhau trước khi rước lễ (TTCSLR 82). ĐTC giải thích thêm cử chỉ trao ban bình an như sau:

** Trong lễ nghi Latinh việc trao đổi dấu chỉ của sự bình an từ thời xa xưa được đặt trước khi hiệp lễ nhắm tới việc hiệp thông thánh thể. Theo lời cảnh cáo của thánh Phaolô không thể hiệp thông vào Bánh duy nhất khiến cho chúng ta thành một Thân Thể duy nhất trong Chúa Kitô, mà không thừa nhận nhau được hoà giải bởi tình huynh đệ (x 1 Cr 10,16-17); 11,29) Hoà bình của Chúa Kitô không thể đâm rễ sâu trong một con tim không có khả năng sống tình huynh đệ và tái lập nó sau khi đã làm cho nó bị thương. Hoà bình chính Chúa ban cho: Ngài ban cho chúng ta ơn tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.

Cử chỉ hoà bình được theo sau bởi việc Bẻ Bánh ngay từ thời các tông đồ đã trao ban tên gọi cho toàn việc cử hành thánh thể (TTCSLR, 83; GLGHCG 1329). Được Chúa Giêsu hoàn thành trong Bữa Tiệc Ly việc bẻ Bánh và cử chỉ mạc khải đã cho phép các môn đệ nhận ra Chúa sau khi Ngài sống lại. Chúng ta hãy nhớ tới hai môn đệ trên đường về làng Emmaus, khi nói về cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh, họ kể lại “họ đã nhận ra Ngài trong việc bẻ bánh như thế nào” (x. Lc 24,30-31.35).

Việc Bẻ Bánh thánh thể được kèm theo bởi lời khẩn nài “Lạy Chiên Thiên  Chúa”, là hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả đã dùng để chỉ nơi Chúa Giêsu “Đấng lấy đi tội lỗi của trần gian”  (Ga 1,29) Hình ảnh kinh thánh chiên con nói về ơn cứu độ (x. Xh 12,1-14; Is 53,7; 1 Pr 1,19; Kh 7,14). Trong Bánh Thánh Thể bị bẻ ra cho sự sống của thế giới, cộng đoàn cầu nguyện nhận biết Chiên Con đích thật của Thiên Chúa, nghĩa là Đức Kitô Cứu Thế, và khẩn nài Ngài: “Xin thương xót chúng con… xin ban bình an cho chúng con”.

“Xin thương xót chúng con” “xin ban bình an cho chúng con” là các lời khẩn nài từ Kinh Lạy Cha cho tới việc bẻ Bánh, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn tham dự vào tiệc thánh thể, là suối nguồn của sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các anh em khác. Chúng ta đừng quên lời cầu vĩ đại này, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dã dạy chúng ta, và nó là lời mà Ngài đã cầu nguyện với Thiên  Chúa Cha. Và lời cầu nguyện này chuẩn bị cho chúng ta Hiệp Lễ.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp và Thụy Sĩ, đặc biệt các thành viên cộng đoàn đại kết Taizé, giới trẻ các trường cao học Pháp và các nhóm tín hữu của các giáo phận Angers và Puy. Ngài mời gọi họ chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Phục Sinh bằng cách củng cố niềm an binh của Chúa Kitô trong con tim, sống tình huynh đệ và chữa lành nó khi nó bị thương tích.

Chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Ailen, Na Uy, Australia, Trung Quốc, Indonesia và Hoa Kỳ ngài cầu mong mùa Chay là thời gian ơn thánh và canh tân tinh thần cho họ và gia đình họ. Trong các nhóm Đức ngài đặc biệt chào cộng đoàn trường huấn nghệ Friedrich List Hamm.

Trong các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngài chào thành viên hiệp hội “Lãnh đạo toàn cầu cho việc đào tạo các chính quyền địa phương” các tín hữu Lages di Pico và Coimbra. Ngài cầu mong con đường chuẩn bị của Mùa Chay mang lại nhiều hoa trái cho các quyết tâm dấn thân quảng đại trong cuộc sống kitô và giúp canh tân các cộng đoàn trong nỗ lực diễn tả lòng thương xót và hoà bình.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC nhắc cho biết những người mắc tội trọng không được lên rước lễ nếu trước đó đã không được tha tội trong bí tích Hoà Giải. Mùa Chay là dịp đến lãnh bí tích này.

Chào các tín hữu vùng Trung Đông ngài mời gọi họ để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong nỗ lực hoán cải cuộc sống, được thanh tẩy khỏi tội lỗi để phục vụ Chúa và tha nhân theo khả năng và vai trò riêng của từng người.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào các nhóm giáo xứ, cách riêng tín hữu vùng Castellaneta do  ĐGM Claudio Maniago hướng dẫn, các sinh viên học sinh và cựu học sinh Salesien tỉnh Livorno, ngài cầu  mong cuộc hành hương củng cố lòng tin của từng người, giúp họ lớn lên trong tình bác ái và dấn thân phục vụ công ích.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc họ đừng quên lời Chúa Giêsu hứa luôn ở cùng các môn đệ mọi ngày và hiện diện trong nhiều cách thế khác nhau. Mỗi người hãy ý thức trách nhiệm của mình và không mệt mỏi tín thác nơi Chúa Kitô và phổ biến Tin Mừng của Chúa khắp mọi nơi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

 

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

Thánh Lễ tiễn biệt Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tại Roma

 

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 10-3-2018, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc mời qua đời đột ngột trong đêm 6-3-2018 tại Roma.

Đồng tế với ĐHY tại Nhà nguyện Cung nguyện của Kinh Sĩ Đoàn trong Đền thờ thánh Phêrô còn có 32 GM Việt Nam, Đức TGM Paul Gallagher, ngoại trưởng Tòa Thánh và khoảng 100 LM Việt Nam, trước sự hiện diện của hàng trăm nữ tu, chủng sinh và hơn 100 giáo dân. Nhiều người phải tham dự thánh lễ từ bên ngoài vì nhà nguyện không đủ chỗ.

Trước bàn thờ có di ảnh của Đức Cố TGM Phaolô, vì không chưa thể đưa di hài ngài ra khỏi bệnh viện.

Trong lời chào đầu thánh lễ, ĐHY Parolin đã chia buồn với cộng đoàn Giáo Hội Việt Nam, trong và ngoài nước, đồng thời ngài cũng nhận định rằng ”đối với một Giám Mục, được chết ở Roma nơi có mộ của hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô, thực là một hồng ân của Chúa”.

Bài giảng thánh lễ

Trong bài giảng ứng khẩu trong thánh lễ, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giáo phận Nha Trang, đã diễn giảng bài Tin Mừng về các mối phúc thật, và kể lại chứng tá sống niềm tin của Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, người mà ngài đã quen biết từ gần 70 năm nay, khi còn nhỏ ở Đà Lạt.

Đức Cha Giuse Minh đã nêu bật 3 chứng tá của Đức Cố TGM Phaolô: sống niềm vui của Tin Mừng, chiêm niệm và cầu nguyện, sau cùng là tinh thần truyền giáo. Đức Cha kể lại ngày 26 tháng 3 năm 1999, hồi Đức Cha Phêrô Nhơn làm GM Đà Lạt, Cha Bùi Văn Đọc làm Tổng đại diện giáo phận, và ngài làm cha sở nhà thờ chính tòa Đà lạt. Chiều hôm đó công bố tin ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm Cha Đọc làm GM chính tòa Mỹ Tho. Cha Minh đã sang chia sẻ với Cha Đọc và trao đổi về chọn khẩu hiệu GM, Đức Cha Đọc đi đến quyết định chọn khẩu hiệu ”Chúa là niềm vui của con!”, và quả thực từ nhỏ và sau đó, Đức Cha Đọc vẫn luôn sống khẩu hiệu đó, sống niềm vui và chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân.

Đức Cha Đọc cũng là người chiêm niệm và cầu nguyện. Đức Cha Võ Đức Minh đã gợi lại những nét đặc biệt về điểm này trong cuộc sống của Đức Cố TGM Phaolo, đặc biệt trong ngày cuối cùng, 6-3, khi viếng mộ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, tại Nhà thờ Đức Mẹ Scala. Đức Tổng đã mệt nhiều, nhưng ngài vẫn ngồi đó, cầu nguyện và lần hạt.

Đức Cha Minh đã bàn với ĐHY Phêrô Nhơn và đề nghị với Đức TGM Phaolô xem nếu muốn thì có thể chọn một Đức Cha khác chủ sự thánh lễ thay tại Đền Thờ thánh Phaolô ngoại thành, nhưng Đức TGM Phaolô vẫn quyết tâm chu toàn công tác đã được giao phó. Và khi ban phép lành kết thúc thánh lễ, với lời chúc mọi người ra đi bình an, Đức TGM đã ra đi sau đó trong an bình, không chào một ai.

Sau cùng, là tinh thần truyền giáo của Đức TGM Phaolô, ngài sống tinh thần của thánh bổn mạng, ra đi, tìm đến với mọi người, những ngừơi không biết Chúa và cả những người chống đối Giáo Hội, với ý hướng trao tặng niềm vui Tin Mừng của Chúa Giêsu cho họ.

Lời cám ơn

Cuối thánh lễ, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, đã đại diện mọi ngừơi cám ơn ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã chia buồn và nhận lời đến chủ sự thánh lễ tiễn biệt Đức TGM Phaolô, cám ơn Đức TGM Gallagher ngoại trưởng của Tòa Thánh đã đến đồng tế thánh lễ. Sự hiện diện của hai vị nói lên lòng ưu ái và quan tâm của Tòa thánh đối với Giáo Hội Việt Nam.

Đức TGM Chủ tịch cũng cám ơn anh chị em trong Hội liên tu sĩ Roma, cũng như các anh chị em đã góp phần tổ chức thánh lễ và các công việc khác trong dịp các GM về Roma thăm Tòa Thánh. Ngài cũng đặc biệt cám ơn Ông đại sứ và sứ quán Việt Nam tại Roma đã chia buồn và giúp đỡ đặc biệt trong các thủ tục giúp hồi hương linh cữu của Đức Cố TGM và ngài xin Ông Đại sứ chuyển lời cám ơn đến Ban tôn giáo và chính phủ Việt Nam đã chỉ thị các cơ quan liên hệ tạo điều kiện cho việc tổ chức lễ an táng Đức Cố TGM Phaolô.

Sau cùng Đức Cha Chủ tịch cũng loan báo: nếu không có gì ngăn trở vào phút chót, ngày thứ ba, 13-3-2018 tới đây, linh cữu Đức Cố TGM Phaolô sẽ được đưa về Việt Nam và lễ an táng sẽ được cử hành lúc 8 giờ sáng ngày thứ bẩy 17-3-2018 tại Trung tâm Mục vụ của Tổng giáo phận Sàigòn.

Thánh lễ tiễn đưa Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc kéo dài 1 tiếng đồng hồ.

G. Trần Đức Anh OP

Kitô hữu hân hoàn vì đuợc Thiên Chúa yêu thường cứu rỗi

Kitô hữu hân hoàn vì đuợc Thiên Chúa yêu thường cứu rỗi

Cả khi trông thấy các hạn hẹp, dòn mỏng yếu đuối và tội lỗi của mình chúng ta cũng không bao giờ được chán nản ngã lòng. Thiên Chúa ở gần bên chúng ta, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Hãy nắm lầy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và tiến tới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 11-3-2018 tại quảng trường thánh Phêrô. Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong Chúa Nhật thứ tư này của Mùa Chay cũng gọi là Chúa Nhật “laetare”, nghĩa là “hãy vui lên” vì ca nhập lễ mời gọi chúng ta vui lên như thế: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên… – như vậy đây là một lời mời gọi hân hoan – Hãy reo hò và mừng vui, hỡi các ngươi là những kẻ đã ưu phiền”. Đâu là lý do của niềm vui này? Lý do là tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa đối với nhân loại, như Phúc Âm hôm nay nói với chúng ta: “Thật vậy, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3,16). Các lời này đã được Chúa Giêsu nói lên trong cuộc gặp gỡ với ông Nicodemo, tóm gọn một đề tài trung tâm của lời loan báo kitô; cả khi tình hình xem ra có tuyệt vọng đi nữa, Thiên Chúa can thiệp và cống hiến cho con người ơn cứu độ và niềm vui. Thật thế, Thiên Chúa không đứng riêng ra, nhưng bước vào trong lịch sử của nhân loại, Ngài “xen mình vào” cuộc sống chúng ta, Ngài bước vào để linh hoạt nó với ơn thánh và cứu rỗi nó.

Chúng ta được mời gọi lắng nghe lời loan báo này, bằng cách đẩy lui cám dỗ cho mình là chắc chắn, muốn hành động một mình không có Thiên Chúa, bằng cách đòi cho mình một sự tự do tuyệt đối khỏi Ngài và khỏi Lời Ngài. Khi chúng ta tìm lại được lòng can đảm nhận biết điều chúng ta là – cần phải có can đảm cho điều này – chúng ta nhận ra mình là những người được mời gọi tính sổ với sự dòn mỏng và các hạn hẹp của chúng ta. Khi đó có thể xảy ra là chúng ta bị âu lo, sợ hãi cho ngày mai, sợ hãi bệnh tật và cái chết. Điều này giải thích tại sao có nhiều người khi tìm một lối thoát, đôi khi lại rơi vào các ngõ tắt nguy hiểm, chẳng hạn như vào con đường hầm của ma tuý hay mê tín dị đoan hoặc các lễ nghi tàn phá của ma thuật. Thật là tốt, khi thừa nhận các hạn hẹp, các dòn mỏng của mình, chúng ta phải hiểu biết chúng, nhưng không phải để tuyệt vọng, mà là để dâng chúng lên cho  Chúa ; và Ngài giúp chúng ta trong con đường chữa lành, Ngài cầm tay chúng ta và không bao giờ bỏ chúng ta một mình, không bao giờ! Thiên Chúa ở với chúng ta, và vì thế tôi vui mừng, hôm nay chúng ta hân hoan: “Hãy vui lên hỡi Giêrusalem” Ngài nói, bởi vì Thiên Chúa ở với chúng ta.

Và chúng ta có niềm hy vọng đích thật và lớn lao nơi Thiên Chúa Cha giầu lòng thương xót, là Đấng đã ban Con Ngài cho chúng ta để cứu rỗi chúng ta, và đó là niềm vui của chúng ta. Chúng ta cũng có biết bao nhiêu buồn sầu, nhưng khi chúng ta là các kitô hữu đích thực, thì có niềm hy vọng là một niềm vui bé nhỏ lớn lên và trao ban an ninh cho bạn. Chúng ta không được chán nản ngã lòng, khi trông thấy các hạn hẹp, các tội lỗi, các yếu đuối của mình: Thiên Chúa ở gần, Chúa Giêsu ở trên thập giá để chữa lành chúng ta. Đó là tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đinh và tự nhủ: “Thiên Chúa yêu tôi”. Đúng thật là có các hẹn hẹp, các yếu đuối, các tội lỗi này, nhưng Thiên Chúa lớn lao hơn các cạn hẹp, các yếu đuối và các tội lỗi. ĐTC nhắn nhủ mọi người như sau:

Anh chị em đừng quên điều này: Thiên Chúa lớn lao hơn các yếu đuối, các bất trung, các tội lỗi của chúng ta. Và chúng ta hãy nắm lấy tay Chúa, hãy nhìn lên Chúa chịu đóng đanh và hãy tiến tới.

Ước chi Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, đặt để trong con tim chúng ta xác tín rằng chúng ta được Thiên  Chúa yêu thương.  Xin Mẹ ở gần bên chúng ta trong những lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, khi chúng ta bị cám dỗ đầu hàng các khó khăn của cuộc sống. Xin Mẹ thông truyền cho chúng ta các tâm tình của Chúa Giêsu Con Mẹ, để con đường muà Chay của chúng ta trở thành kinh nghiệm của ơn tha thứ, sự tiếp đón và tình bác ái.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu Italia và các du khách hành hương nước ngoài, đặc biệt các nhóm tín hữu Agropoli, Padova, Troina, Foggia và Caltanisetta, cũng như giới trẻ giáo xữ thánh Antôn thành Padova tại Serra di Pepe.

Ngài cũng chào cộng đoàn Brasil ở Roma, các trẻ em mới chịu phép Thêm Sức Tivoli có ĐGM tháp tùng, các bạn trẻ Avigliano và Saronno. Ngài đặc biệt chào các sinh viên nhiều nước đang tham dự cuộc hội thảo “Vatican Hackathon” do Bộ Truyền Thông tổ chức. ĐTC nói: thật là đẹp khi dùng trí thông minh Chúa ban để phục vụ sự thật và những ai cần được trợ giúp. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin đừng quên cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha cử hành nghi thức thống hối mùa chay

Đức Thánh Cha cử hành nghi thức thống hối mùa chay

VATICAN. Lúc 5 giờ chiều ngày 9-3-2018, ĐTC đã chủ sự buổi cử hành thống hối tại Đền thờ Thánh Phêrô cho nhiều hối nhân, với phần xưng tội riêng và lãnh ơn xá giải.

Tham dự nghi thức này cũng có hai HY, 3 GM, hàng trăm cha giải tội đeo dây các phép màu tím và khoảng 5 ngàn tín hữu.

Sau bài đọc trích từ Tin Mừng theo thánh Marco (26,69-75), thuật lại sự tích Phêrô chối Chúa 3 lần, rồi khi nghe tiếng gà gáy, ông nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói trước, và ông ra ngoài khóc ròng.

Bài giảng

Trong bài giảng, ĐTC nhắc nhở mọi người ”tội lỗi làm cho chúng ta xa Chúa, nhưng điều này không có nghĩa là Chúa xa chúng ta.. Ơn thánh của Chúa tiếp tục hoạt động trong chúng ta để làm cho niềm hy vọng càng mạnh mẽ hơn theo đó chúng ta sẽ không bao giờ thiếu tình thương của Chúa, dù bất kỳ tội nào chúng ta có thể đã phạm khi phủ nhận sự hiện hữu của Chúa trong đời sống chúng ta”.

”Chính niềm hy vọng này thúc đẩy chúng ta ý thức sự lạc hướng thường xảy ra trong đời sống chúng ta như đã xảy ra cho Phêrô, trong trình thuật chúng ta vừa nghe.. Phêrô đã muốn dạy Thày mình, đã muốn đi trước Thầy, trái lại chính Chúa sắp chết cho Phêrô, và Phêrô đã không hiểu điều này, ông không muốn hiểu”.

“Giờ đây Phêrô đối diện với tình thương của Chúa và sau cùng ông hiểu rằng chính Chúa yêu thương ông và xin ông để cho mình được yêu mến.. Giờ đây chúng ta hẫy cầu xin Chúa ơn được hiểu sự cao cả của tình yêu Chúa, tình yêu xóa bỏ mọi tội lỗi chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được tình yêu thanh tẩy để nhìn nhận tình thương chân thực!”

Sau bài giảng là phần xét mình riêng, rồi chính ĐTC cũng đi xưng tội trong 3 phút với một linh mục, trước khi ngài giải tội cho một số hối nhân.

Trong lúc ấy hàng chục LM, phần lớn là các cha giải tội thường xuyên và ngoại thường tại 4 Đại vương cung thánh đường ở Roma cộng thêm với các LM thuộc tòa ân giải tối cao đã giải tội riêng cho các tín hữu.

Buổi cử hành được kết thúc với kinh nguyện tạ ơn và phép lành của ĐTC.

24 giờ cho Chúa

Các nghi thức trên đây là phần đầu của sáng kiến ”24 giờ cho Chúa”, với chủ đề là ”Cùng với ĐTC Phanxicô 24 giờ trên toàn thế giới để sống Lòng Thương Xót của Chúa.”

Đây là lần thứ 5 sáng kiến này được cử hành, theo sự đề xướng của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, với mục đích đặt ở trung tâm tầm quan trọng của việc cầu nguyện, Chầu Mình Thánh Chúa và lãnh nhận hồng ân bí tích hòa giải, một cơ hội được mở rộng cho tất cả mọi người. (SD 9-3-2018)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng sốc trước sự ra đi đột ngột của ĐC Bùi Văn Đọc

Sáng thứ năm, 08/03/2018, các Giám mục Việt nam đang trong chuyến hành hương ad Limina đã đồng tế Thánh lễ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại nhà nguyện thánh Marta để cầu nguyện cho Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, vừa qua đời tại Roma đêm ngày 06/03.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho và Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt nam, nói với phóng viên  Vatican rằng tin Đức cha Phaolô qua đời không chỉ là cú sốc đối với các Giám mục Việt nam nhưng cả với Đức Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn dâng Thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta, trước sự hiện diện của các Giám mục Việt nam, để cầu nguyện cho sự an nghỉ ngàn thu của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô.

Đức cha Phêrô Khảm cho biết, trước Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vài lời chia buồn với các Giám mục Việt nam.

Đức cha Phêrô cũng nói thêm: “Chúng tôi ở đây để cầu nguyện cho Đức cha Phaolô. Ngài đã ở Roma với các Giám mục Việt nam chúng tôi để thực hiện cuộc viếng thăm ad Limina. Ngày trước hôm ngài qua đời, chúng tôi đã gặp Đức Thánh Cha; ngày hôm sau ngài ra đi đột ngột. Tôi nghĩ chính điều này là một cú sốc.”

Đức cha Phêrô cũng chia sẻ với phóng viên Vatican về Đức cố Giám mục Phaolô: “Ngài là tổng Giám mục thành phố Hồ Chí Minh, miền nam Việt nam. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước và có khoảng 10 triệu dân. Do đó rất quan trọng khi Giáo hội ở đó. Đức cha Phaolô là một người thông minh và có mối quan hệ tốt với mọi người và nhờ điều này ngài đã tạo được một bầu khí hiệp thông thật sự trong giáo phận của ngài.” Đức cha Phêrô nói về sứ vụ của đức cố Giám mục Phaolô là “rao giảng và giới thiệu Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng cho mọi người”, trong một “đất nước cộng sản”, nơi mà so với những “hạn chế” trong quá khứ, ngày nay các Kitô hữu tham gia tốt hơn trong nhiều lãnh vực khác nhau.” (Vatican News 08/03/2018)

Hồng Thủy

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

Các Giám Mục Việt Nam đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha

VATICAN. Lúc 7 giờ sáng 8-3-2018, ĐTC đã chủ sự thánh lễ đồng tế với 32 GM Việt Nam tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở nội thành Vatican.

Trong thánh lễ ĐTC không giảng, nhưng mọi người đặc biệt cầu nguyện cho linh hồn Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc.

 

Theo dự kiến, Lễ cầu hồn cho Đức Cố TGM có thể sẽ được ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ sự tại nhà nguyện Ngai Tòa (Cattedra) cùng với các GM và LM Việt Nam trong Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 5 giờ chiều thứ bẩy, 10-3-2018, nơi các GM Việt Nam đã cử hành thánh lễ đầu tiên sáng ngày 3-3-2018 trong tuần lễ hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Cho đến lúc này, người ta chưa rõ linh cữu của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc có hiện diện trong thánh lễ như các GM Việt Nam mong muốn hay không. Trong khi đó, thủ tục đang được tiến hành để đưa linh cữu của ngài về Việt Nam an táng.

Mặt khác, sáng 8-3-2018, HĐGM Việt Nam đã chia thành 3 nhóm để thăm một số cơ quan Tòa Thánh:

– Nhóm thứ I do ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm trưởng đoàn thăm Bộ Truyền Thông và Hội đồng đối thoại liên tôn.

– Nhóm thứ II (lẽ ra do Đức TGM Sàigòn hướng dẫn) thăm Bộ giáo sĩ, Bộ giáo lý đức tin và Bộ giáo dục Công Giáo.

– Nhóm thứ III do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM Huế, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, hướng dẫn thăm Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Bộ các dòng tu, và Bộ Giáo dân và Gia đình.

G. Trần Đức Anh OP