Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

Đức Thánh Cha hành hương Cha Pio: San Giovanni Rotondo

SAN GIOVANNI ROTONDO. Lúc 9 giờ rưỡi sáng ngày 17-3-2018, ĐTC Phanxicô đã đến thị trấn San Giovanni Rotondo, gặp gỡ các trẻ em bị ung thư và cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Trong số các công trình Cha Piô để lại nơi đây có Nhà Thoa dịu đau khổ, nay là một nhà thương tối tân nhất ở miền nam Italia với 1.200 giường bệnh, gồm rất nhiều khu khác nhau.

Đến San Giovanni Rotondo lúc 9 giờ rưỡi, ĐTC đã được giáo quyền, chính quyền, cũng như các cha dòng Capuchino tiếp đón và liền đó ngài đến thăm khu điều trị trẻ em bị ung thu tại bệnh viện Nhà Thoa dịu đau khổ gần đó. ĐTC đã ân cần hỏi thăm và khích lệ hơn 20 em bị ung thư, cùng với cha mẹ các em.

Và lúc gần 11 giờ, ĐTC đã viếng Đền thánh Đức Mẹ Ân Phúc. Tại đây, cha Bề trên tổng quyền và cha giám tỉnh dòng Capucino, Thánh Thiên Thần và Thánh Piô, đã tiếp đón, hướng dẫn ngài kính viếng di hài Cha Thánh Piô và Thánh Giá các dấu thánh giữ tại Đền thánh này.

Cử hành thánh lễ

Lúc 11 giờ 30 ĐTC bắt đầu cử hành thánh lễ ngoài trời cho khoảng 30 ngàn tín hữu từ các nơi tựu về, trong đó có 300 bệnh nhân được sự giúp đỡ của tổ chức Unitalsi chuyên giúp đưa các bệnh nhân đi hành hương. Đặc biệt cũng có một phái đoàn tín hữu gốc Ý từ Argentina.

Đồng tế với ĐTC có Đức TGM Michelle Castoro của giáo phận Manfredonia sở tại cùng với 3 GM, Cha Bề Trên Tổng quyền dòng Capuchino và khoảng 100 LM dòng Capuchino và thuộc tổng giáo phận Manfredonia sở tại.

Bài giảng

Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc trong thánh lễ, ĐTC nhắn nhủ các tín hữu qua 3 lời: cầu nguyện, bé nhỏ, khôn ngoan.

Ngài nêu cao cách thức của Chúa Giêsu khi cầu nguyện, đối thoại như con thảo với Chúa Cha, và Cha Piô cũng thường nhắn nhủ các con cái: ”Hỡi các con, hãy cầu nguyện nhiều, cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mõi” (Parole al 2o convegno internazionale dei gruppi di preghiera, 5-5-1966). ĐTC nói:

Chúng ta hãy tự hỏi: kinh nguyện của chúng ta có giống kinh nguyện của Chúa Giêsu hay không, hoặc đó chỉ là những lời kêu cứu khẩn cấp thỉnh thoảng xảy ra? Hoặc chúng ta hiểu kinh nguyện như những liều thuốc an thần cần sử dụng đều đặn để được lắng dịu tinh thần, chống lại sự căng thẳng? Không phải vậy, kinh nguyện là một cử chỉ yêu thương, là ở với Chúa, là trình bày cho Chúa cuộc sống của thế giới: đó là công việc từ bi thương xót tinh thần không thể thiếu được. Và nếu chúng ta không phó thác các anh chị em và những tình cảnh cho Chúa, thì ai sẽ làm? .. Vì thế Cha Piô đã để lại cho chúng ta các nhóm cầu nguyện. Cha nói với họ: ”Chính kinh nguyện là sức mạnh của tất cả các tâm hồn tốt lành được liên kết với nhau, kinh nguyện ấy làm chuyển động thế giới, đổi mới các lương tâm […] chữa lành những người bệnh, thánh hóa công việc, nâng cao sự săn sóc sức khỏe, mang lại sức mạnh tinh thần [..], làm lan tỏa nụ cười và phúc lành của Thiên Chúa trên những yếu nhược và kiệt lực”.

Lời thứ hai là ”bé nhỏ”. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu chúc tụng Chúa Cha vì đã tỏ lộ những mầu nhiệm nước Chúa cho những người bé nhỏ. Đây là những người không tự mãn, tự phụ, những người có con tim khiêm tốn và cởi mở, thanh bần và túng thiếu, thấy mình cần phải cầu nguyện và để cho mình được đồng hành. Con tim của những người bé nhỏ giống như ăng ten bắt được tín hiệu của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa tìm cách tiếp xúc với tất cả mọi người, nhưng ai coi mình là người lớn, thì tạo nên một sự nhiễu sóng trầm trọng; khi người ta tự mãn, thì chẳng còn chỗ cho Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa yêu thương hơn những người bé nhỏ, và tỏ mình ra cho họ..

Lời sau cùng là sự khôn ngoan, như bài đọc thứ I theo sách ngôn sứ Giêrêmia (9,22) “Người khôn ngoan đừng tự phụ vì sự khôn ngoan của mình, kẻ mạnh đừng hãnh diện vì sức mạnh của mình”. Sự khôn ngoan đích thực không hệ tại có những tài năng lớn lao và sức mạnh chân thực không hệ tại quyền lực… Khí giới khôn ngoan duy nhất và không thể chiến bại chính là đức bác ái được đức tin linh hoạt, vì đức bác ái có năng lực giải trừ sức mạnh của sự ác. Thánh Piô đã chiến đấu chống sự ác trong trọn cuộc đời và đã chiến đấu một cách khôn ngoan, như Chúa, nghĩa là với lòng khiêm tốn, vâng phục, với thập giá, dâng hiến đau khổ vì tình yêu. Tất cả đều cảm phục Cha về điều đó, nhưng ít người bắt chước cha… Thánh Piô đã dâng hiến cuộc sống và vô số những đau khổ để giúp các anh chị em gặp gỡ Chúa. Và phương thế quan trọng để gặp Chúa chính là phép giải tội, bí tích hòa giải. Chính nơi bí tích này mà một cuộc sống khôn ngoan, được yêu thương và tha thứ, được khởi sự và tái khởi sự, chính nơi bí tích này bắt đầu sự chữa lành tâm hồn. Cha Piô là tôn đồ của tòa giải tội. Ngày nay ngài cũng mời gọi chúng ta đến bí tích này.

Sau thánh lễ ĐTC còn chào thăm chính quyền và một số đại diện tín hữu trước khi đi ra bãi đậu trực thăng lúc 1 giờ trưa để đáp trực thăng về Roma lúc 2 giờ.

G. Trần Đức Anh OP 

Một tín hữu Chính thống giáo ung thư giai đoạn cuối lành bệnh nhờ cha Piô

Một tín hữu Chính thống giáo ung thư giai đoạn cuối lành bệnh nhờ cha Piô

Cha Thánh Piô làng Pietrelcina, thường được gọi cách thân thương là Cha Piô, là một trong những vị thánh thực hiện nhiều phép lạ cho và cho đến bây giờ, vẫn còn những phép lạ được ban qua lời khẩn cầu của thánh nhân. Cuốn sách “Cha Piô” của José Maria Zavala đã thuật lại những chứng từ về vị thánh làng Pietrelcina này. Trong số các chứng từ, có chứng từ đặc biệt của một cộng đoàn Chính thống giáo ở Rumani, đã được đánh động bởi sự kiện mẹ của một linh mục được lành bệnh ung thư giai đoạn cuối nhờ lời cầu của cha thánh Piô, cả một giáo xứ Chính thống đã trở lại Công giáo. Cha xứ và các giáo dân đã xây một nhà thờ dâng kính thánh Piô và một nhà thương cho những bệnh nhân giai đoạn cuối ở trong vùng.

Năm 2002, bà Lucrecia, mẹ của cha Victor Tudor, một linh mục Chính thống giáo, được chẩn đoán là bị ung thư phổi và đã sang giai đoạn di căn. Các bác sĩ báo cho bà biết là bà chỉ còn sống được vài tháng. Mariano, một người anh của cha Victor là một họa sĩ chuyên vẽ các bức icon, lúc ấy đang sống ở Roma, đã đưa mẹ ông đến Roma để được một bác sĩ người Italia chữa trị. Vị bác sĩ này nói là ông chỉ có thể cho bà các thứ thuốc để làm giàm cơn đau đớn.

Bà Lucretia đã ở Roma một thời gian với con của mình để tiện cho việc khám bệnh. Khi Mariano đi đến các nhà thờ Công giáo để làm các bức tranh khảm theo kiểu mosaic, bà Lucretia cũng đi theo. Trong khi Mariano làm việc thì bà Lucretia ngắm nhà thờ và các hình ảnh bên trong nhà thờ. Có một bức tượng nằm ở góc nhà thờ thu hút sự chú ý của bà. Đó là tượng cha thánh Piô. Mariano đã kể cho mẹ mình nghe về tiểu sử của vị thánh làng Pietrelcina và trong những ngày tiếp sau đó, Mariano thấy mẹ mình đi đến ngồi trước bức tượng và trò chuyện như đang nói với một người. Hai tuần sau, bà mẹ và người con trở lại bệnh viện  để làm xét nghiệm mới và họ đã vô cùng ngạc nhiên, vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối đã hoàn toàn biến mất. Bà Lucretia, một tín hữu Chính thống giáo đã cầu xin sự can thiệp của cha Pio và ngài đã đáp lời bà.

Cha Victor đã làm chứng: “Mẹ tôi, một tín hữu Chính thống giáo, được chữa lành cách mầu nhiệm bởi cha Piô, đã đánh động tôi”. Cho đến khi biết mẹ mình được lành bệnh, cha Victor chưa được biết về cuộc đời của cha Pio, nhưng từ lúc đó, cha bắt đầu ngưỡng mộ yêu mến vị thánh thật nhiều. Cha đã kể lại cho các giáo dân của mình về phép lạ đã xảy ra với mẹ của mình. Cha nói: “Mọi người đều biết mẹ của tôi, họ đều biết là bà đã đí sang Italia để dự định phẫu thuật và bây giờ bà trở về nhà và được lành bệnh mà không có bác sĩ nào đã phẫu thuật cho bà.”

Phép lạ không chỉ thay đổi cuộc đời của cha Victor Tudor, nhưng cả cộng đoàn giáo xứ. Họ bắt đầu biết đến cha Piô và ngày càng yêu mến cha nhiều hơn. Họ đọc tất cả những gì họ tìm thấy nói về cha và sự thánh thiện của cha đã chinh phục họ. Nhiều bệnh nhân khác của giáo xứ cũng nhận được ơn lạ thường nhờ lời cầu bầu của Cha Piô. Gần 350 giáo dân Chính thống giáo  cùng với cha xứ của họ đã quyết định trở lại Công giáo. Ngày nay giáo xứ này theo nghi lễ Công giáo Hy lạp của Rumani.

Sống tại một đất nước đa phần theo Chính thống giáo, kể từ khi quyết định trở lại Công giáo, cộng đoàn tân tòng này đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, trên bình diện chính trị và ngay cả với cảnh sát. Các tín hữu Công giáo tân tòng này không những không bị nản chí, mất can đảm, nhưng còn bắt đầu xây dựng một nhà thờ dâng kính cha Piô. Họ gặp rất nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến nạn quan liêu. Bên cạnh đó, trong thời gian xây cất nhà thờ mới, cộng đoàn  không có nhà thờ nên phải cử hành Thánh lễ ngoài trời giữa trời giá lạnh. Cha Victor lại phải sang Roma để nhận sự trợ giúp và kể những khó khăn của giáo xứ với một giám mục. Khi vị giám mục này hỏi cha, thánh nào sẽ là quan thầy của nhà thờ và được biết Cha Piô sẽ là thánh bảo trợ, ngài cười và an ủi cha Victor: “Chính Cha Piô sẽ xây nhà thờ!”

Ngày nay nhà thờ đã thành hiện thực và đối với cha Victor, đó là một phép lạ khác. Cha Victor còn thành lập một bệnh viện cho các bệnh nhân giai đoạn cuối, cho các bệnh nhân không có tài chính để chi trả điều trị và cho các người già bị bỏ rơi. Cho đến nay, cha Victor chưa bao giờ phải thất vọng khi kêu cầu cùng Cha Piô. (Aleteia.it 17/03/2017)

Hồng Thủy

ĐTC tiếp hơn 80,000 thành viên các nhóm cầu nguyện của Cha Thánh Piô

ĐTC tiếp hơn 80,000 thành viên các nhóm cầu nguyện của Cha Thánh Piô

ĐTC chào hơn 80.000 thành viên các nhóm cầu nguyện của Cha Thánh Piô

VATICAN: Sáng hôm qua ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến hơn 80,000 thành viên các nhóm cầu nguyện của  Cha Thánh Piô đến từ khắp nơi trên thế giới.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC định nghĩa cha thánh Piô là “người phục vụ lòng thương xót”, là “tông đồ của việc lắng nghe”. Qua chức thừa tác Giải Tội cha đã là một cái vuốt ve sống động của Thiên Chúa Cha, chữa lành các vết thương của tội lỗi và làm tươi mát con tim với sự an bình. Cha Thánh Piô đã không bao giờ mệt mỏi tiếp đón con người và lắng nghe họ, tiêu hao thời giờ và sức lực để phổ biến hương thơm sự tha thứ của Chúa. Ngài đã có thể làm được như vậy vì luôn luôn gắn bó với suối nguồn: ngài liên tục giải khát từ Chúa Giêsu chịu đóng đanh, và như thế trở thành một con kênh của lòng thương xót. Ngài đã mang trong tim biết bao nhiêu người và biết bao khổ đau, bằng cách kết hiệp tất cả với tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban chính mình cho tới cùng (Ga 13,1). Ngài đã sống mầu nhiệm lớn lao của khổ đau dâng hiến cho tình yêu. Trong cách thức đó  giọt nước bé nhỏ của ngài đã trở thành một con sông của lòng thương xót, đã tưới bón biết bao con tim khô cằn, và tạo ra ốc đảo sự sống trong nhiều miền trên thế giới.

Cha Thánh Piô đã định nghĩa các nhóm cầu nguyện là “các vườn ươm cây đức tin, các tổ ấm tình yêu” của Thiên Chúa. Thật thế, cầu nguyện là một sứ mệnh đích thật, đem lửa tình yêu tới cho toàn nhân loại. Cha Thánh Piô nói: lời cầu nguyện là một “sức mạnh lay chuyển thế giới, gieo vãi nụ cười và phước lành của Thiên Chúa trên mọi uể oải và yếu đuối” (Đại hội quốc tế lần thứ 2 của các nhóm cầu gnuyện, 5-5-1966).

Lời cầu nguyện là một công trình của lòng thương xót thiêng liêng, muốn đem tất cả tới với con tim của Thiên  Chúa. Nó là một ơn của đức tin và tình yêu, một sự bầu cử mà chúng ta cần tới như cơm bánh. Tắt một lời, nó có nghĩa là tín thác Giáo Hội, con người, các trạng huống cho Thiên  Chúa Cha, để Ngài lo lắng cho chúng ta. Vì thế Cha Thánh Piô thích nói lời cầu nguyện là “vũ khí tốt nhất mà chúng ta có, một chìa khóa mở con tim của Thiên Chúa”. Nó là sức mạnh lớn nhất của Giáo Hội, mà chúng ta không bao giờ được bỏ đi, bởi vì Giáo Hội sinh hoa trái, nếu làm như Đức Mẹ và các Tông Đồ “kiên trì và hiệp nhất trong lời cầu nguyện” (Cv 1,14). Nếu không, thì sẽ có nguy cơ dựa trên nơi khác: trên các phương tiện, trên tiền bạc, trên quyền bính; và việc loan báo Tin Mừng tan biến, và niềm vui tắt lịm.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC khích lệ các nhóm cầu nguyện trở thành các “trung tâm của lòng thương xót” luôn rộng mở và hoạt động để qua sức mạnh của lời cầu nguyện đem ánh sáng của Thiên  Chúa đến cho thế giới và đem năng lực đến cho Giáo Hội. Cha Thánh Piô đã viết rằng: lời cầu nguyện là “việc tông đồ cao quý nhất mà một linh hồn có thể thực thi trong Giáo Hội” (Thư II, 70). Nhưng bên cạnh công tác của lòng thương xót tinh thần của các nhóm cầu nguyện, Thánh Piô cũng muốn có một công trình thương xót thể lý: đó là “Nhà xoa dịu khổ đau”, khánh thành cách đây 60 năm, và ngài ước mong nó là một nhà thương tuyệt hảo, đồng thời là “một đền thờ của khoa học và lời cầu nguyện”. Vì có những vết thương mà chỉ có sự gần gũi và lời cầu nguyện mới có thể giúp chữa lành. Cả những người hấp hối cũng tham dự vào lời cầu nguyện.”

ĐTC đã đặc biệt chào các tín hữu tổng giáo phận Manfredonia-Vieste-San Giovanni Rotondo, và cầu mong ai tới vùng đất xinh đẹp này cũng có thể tìm thấy nơi họ một tia sáng của Trời Cao.”

Thi hài của hai vị Thánh đã được đưa từ Giovanni Rotondo và Padova về vương cung thánh đường thánh Lorenzo chiều tối thứ tư. Sau đó được rước về nhà thờ San Salvatore in Lauro, và chiều thứ sáu hàng ngàn thành viên các nhóm cầu nguyện của Cha Pio đã rước thi hài Cha Thánh Piô và thi hài Cha Thánh Leopoldo Mandic, một tông đồ khác của lòng thương xót, từ nhà thờ San Salvatore in Lauro tới đền thờ thánh Phêrô.

St Padre Pio

Chào mừng hai vị thánh ĐHY Angelo Comastri, giám quản đền thờ thánh Phêrô, đã gợi lại nhiều gương mặt các thánh của thế kỷ  XIX trong đó có thánh Don Bosco, Damiano De Veuster, Terexa Hài Đồng Giêsu và lời chị thánh nói trước khi qua đời: “Tôi sẽ dùng thời gian trên  Trời để làm việc thiện trên trái đất.”

ĐHY nói: Các Thánh trên Thiên Đàng không ngủ, nhưng theo dõi chúng ta, đồng hành với chúng ta, bảo vệ chúng ta, trợ giúp chúng ta trên con đường hoán cải liên tục, và chờ đợi chúng trong lễ hội của các Thánh, lễ hội sự thành toàn của các Mối Phúc Thật. Cha Thánh Pio và Cha Thánh Leopoldo Mandic nói với chúng ta qua cuộc sống rằng các ngài đã để cho con sông lòng thương xót chảy qua bàn tay cả 16 giờ hay hơn nữa trong toà Giải Tội. Nhờ đó đã có biết bao nhiêu người tìm lại được ơn thánh Chúa, sự bình an, đức tin và niềm vui tin vào Chúa Giêsu. Rât tiếc ngày nay nhiều người không đến toà Giải Tội nữa, nhưng Bí Tích Tha Thứ là một ơn quý báu của Chúa Giêsu phục sinh, nó là một tắm gội trong Lòng Thương Xót chữa lành các vết thương, chữa lành mọi sợ hãi và làm cho hạnh phúc, vì chỉ có ơn tha thứ của Thiên Chúa mới cho chúng ta bước vào kinh nghiệm đẹp của các Mối Phúc Thật. Nhiều người ngày nay không hiểu sự trầm trọng của tội lỗi nữa: nhưng tội lỗi là sự dữ và nó gây đau đớn, vì nó chặt đứt chúng ta khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa. Năm 1922 thi sĩ người Anh Gilbert Chesterton xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Khi có người hỏi tại sao, ông trả lời: “Tôi đã quyết định trở thành tín hữu công giáo để có thể xưng tội. Thật thế, chỉ trong Giáo Hội Công Giáo tôi mới tìm thấy các người được Thiên Chúa cho phép trao ban cho tôi ơn tha thứ mà tôi cần biết bao. Sau lần xưng tội đầu tiên, sau khi lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa , thế giới đối với tôi đã đảo ngược và trở thành thẳng tắp”.

Chiều hôm nay chúng ta tất cả phải trở về nhà với con tim tốt lành hơn, với linh hồn trong sáng hơn, với sự sẵn sàng tha thứ chân thành, với quyết tâm muốn ngày càng giang tay ra để cứu giúp và lau nước mắt của các anh chị em mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày. Sau đó ĐHY đã hướng dẫn lần hạt và rước thi hài của hai Thánh vào trong Đền Thờ. Cửa đền thờ đã mở cho tới 9 giờ tối để tín hữu kính viếng hai vị. Hai vị sẽ lưu lại Roma cho tới ngày 11 tháng 2 (SD 5.6-2-2016).

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

Di hài Thánh Piô và Leopoldo Mandic sẽ được đưa về Roma

Di hài Thánh Piô và Leopoldo Mandic sẽ được đưa về Roma

Di hài thánh Piô và Leopoldo Mandic sẽ được đưa về Roma

ROMA. Di hài hai vị thánh nổi bật về sứ vụ giải tội sẽ được đưa về Roma cho các tín hữu kính viếng nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Đó là Cha Thánh Piô (1877-1968) và thánh Leopoldo Mandic (1866-1942) gốc Croát, cả hai đều thuộc dòng Phanxicô Capuchino. Theo ý muốn của ĐTC, di hài hai vị thánh sẽ được đưa về Đền thờ Thánh Phêrô, trong dịp ngài cử hành thánh lễ đồng tế trọng thể vào ngày thứ tư lễ tro, 10-2 tới đây, với các thừa sai Lòng Thương Xót.

Di hài hai thánh sẽ được di chuyển khoảng 400 cây số từ thành Padova bắc Italia và từ San Giovanni Rotondo nam Italia về Vương cung thánh đường thánh Lorenzo chiều ngày 3 tháng 2 tới đây. Thánh đường này được giao cho các cha dòng Capuchino coi sóc. Chiều ngày 5-2, di hài hai thánh sẽ được rước về Đền thờ Thánh Phêrô

Sáng thứ bẩy, 6-2, tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC sẽ tiếp kiến chung các tín hữu thuộc gần 2,500 nhóm cầu nguyện của Cha Piô, các nhân viên Bệnh viện “Nhà Thoa dịu đau khổ” do Cha Thánh Piô thành lập, cùng với các tín hữu thuộc tổng giáo phận Manfredonia – Veste – San Giovanni Rotondo, nơi thánh nhân đã sinh sống và hoạt động.

Sáng thứ ba 9-2, ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ đồng tế với các tu sĩ Capuchino toàn thế giới, một dòng hiện có hơn 10,600 tu sĩ.

Thứ tư lễ tro 10-2, trong thánh lễ đồng tế trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô, ĐTC sẽ ủy thác cho khoảng 1 ngàn vị Thừa sai lòng Thương Xót sứ mạng trở thành ”dấu chỉ lòng thương yêu từ mẫu của Giáo Hội đối với Dân Chúa.. Các thừa sai này sẽ được các GM sai đi các nơi trong các giáo phận thuộc quyền để linh hoạt dân Chúa và thi hành các sáng kiến liên quan đến Lòng Thương Xót, giải tội, giải vạ.

Sáng thứ năm 11-2, sau thánh lễ do Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, chủ sự, di hài hai vị thánh sẽ được đưa về nơi an nghỉ của các ngài. (SD 4-1-2016)

G. Trần Đức Anh OP, Vatican Radio

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến

Giáo Hội và thế giới rất cần sự hiện diện của những người sống đời thánh hiến. Các người thánh hiến là dấu chỉ của Thiên Chúa trong các môi trường cuộc sống khác nhau, họ là men giúp một xã hội lớn lên công bằng và huynh đệ hơn

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung tới tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 2-2-2014, lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ và cũng là Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến.

Trước đó lúc 10 giờ sáng ngài đã chủ sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Ngày Quốc Tế Đời Thánh Hiến đã do Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thành lập và cử hành lần đầu tiên năm 1997 nhằm mục dích cảm tạ Chúa vì ơn gọi đời thánh hiến, đánh giá ngày càng cao hơn chứng tá của các tu sĩ nam nữ chọn sống ba lời khấn phúc âm, và là dịp để mọi người sống đời thánh hiến canh tân quyết tâm dâng mình cho Chúa. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha có Đức Hồng Y João Bras de Aviz, Tổng trưởng bộ các dòng tu và hiệp hội tông đồ, Đức Tổng Giám Mục José Rodriguez Carballo Tổng thư ký, vài nhân viên của Bộ, cha Nicholas Pachón, Chủ tịch Hiệp hội các Bề trên tổng quyền, cha Luigi Gaetano Chủ tịch hiệp hội các Bề trên cả Italia.

Thánh lễ mở đầu với cuộc rước với sự tham dự của 25 nam tu sĩ và 25 nữ tu, đại diện cho mọi lứa tuổi của đời thánh hiến, cũng như các tu sĩ và bề trên đại diện cho mọi chức vụ của dòng tu và tu hội. Mỗi người trên tay cầm một cây nến biểu tượng cho Chúa Kitô là ánh sáng thế gian và cho ơn gọi của đời thánh hiến là ánh sáng chiếu soi trần gian.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ cũng được gọi là lễ của sự gặp gỡ: gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Khi Đức Maria và thánh Giuse đem con vào Đền Thờ Giêrusalem, thì xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân người được đại diện bởi hai cụ già Simeong và Anna. Đây cũng là cuộc gặp gỡ bên trong lịch sử của dân Chúa, một cuộc gặp gỡ giữa các người trẻ là Đức Marria và ông Giuse và các người già là ông Simeong và ban Anna. Trình thuật Phúc âm cho thấy cha mẹ Chúa Giêsu tươi vui tuân giữ và đi theo các luật lệ của Thiên Chúa. Thánh sử Luca nhấn mạnh sự kiện hai người già được Thánh Thần Chúa hướng dẫn. Và Thánh Gia gặp gỡ hai người dại diện này của dân thánh Chúa trong Đền Thờ. Chúa Giêsu ở trung tâm. Chính Người chuyển động tật cả, lôi kéo các người này và người kia đến Đền Thờ, là nhà của Cha Người. Đó là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ luật lệ được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật Lệ vạch ra. Ai tràn đầy Thần Khí bằng Mẹ Maria? Ai ngoan ngoãn với hoạt động của Thần Khí bằng Mẹ?

Đời thánh hiến cũng là một cuộc găp gỡ với Chúa Giêsu: chính Người được Mẹ Maria và thánh Giuse đem đến cho chúng ta, và chúng ta được Thánh Thần hướng dẫn bước tới với Người. Người ở trung tâm và di chuyển tất cả, Người lôi kéo chúng ta đến Đền Thánh, nơi chúng ta có thể gặp gỡ, nhận biết, tiếp đón và ôm lấy Người. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta trong Giáo Hội, qua đặc sủng xây nền của một dòng tu. Cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô đã thành hình trong Giáo Hội qua đặc đủng của một chứng nhân nam nữ của Người. Sự kiện này khiến cho chúng ta kinh ngạc và làm cho chúng ta tạ ơn Chúa. Cả trong đời thánh hiến người ta cũng sống cuộc gặp gỡ giữa người trẻ và người già, giữa sự tuân giữ và lời tiên tri. Chúng ta đừng coi hai thực tai này chống đối nhau. Hãy để Chúa Thánh Thần linh hoạt cả hai, và dấu chỉ của cuộc găp gỡ đó là niềm vui: niềm vui của sự tuân giữ, bước đi trong một luật sống và niềm vui được Thần Khí hướng dẫn, không bao giờ cứng nhắc, không bao giờ khép kín, nhưng luôn luôn rộng mở cho tiếng Chúa, nói, mở ra và hướng dẫn.

Lúc 12 giờ trưa Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ Dinh Tông Tòa để dọc kinh Truyền Tin với hàng chục ngàn hữu và du khách hành hương tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đề cao tần quan trọng của đời sống thánh hiến đối với Giáo Hội. Ngài nói trình thuật Phúc Âm kể lại biến cố dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh theo luật lệ Do thái là một hình ảnh ý nghĩa diễn tả việc hiến dâng cuộc sống mình cho Thiên Chúa của những người noi gương Chúa Giêsu đồng trinh, khó nghèo và vâng lời, Đấng được thánh hiến của Thiên Chúa Cha. Áp dụng cho mọi kitô hữu Đức Thánh Cha nói:

Sự dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa liên quan tới mọi kitô hữu, bởi vì tất cả chúng ta đươc thánh hiến cho Người qua bí tích Rửa Tội. Tất cả chúng ta được mời gọi dâng mình cho Thiên Chúa Cha với Chúa Giêsu và như Chúa Giêsu, biến cuộc đời chúng ta trở thành một món qùa quảng đại, trong gia đình, trong công việc làm, trong việc phụng sự Giáo Hội, trong các công tác bác ái thương xót. Nhưng việc thánh hiến đó được sống một cách đặc biệt bởi các tu sĩ, đan sĩ và giáo dân tận hiến giữa đời, mà với việc tuyên xưng các lời khấn họ thuộc vè Thiên Chúa một cách trọn vẹn và triệt để. Việc tùy thuộc Chúa cho phép những người sống một một cách đích thực cống hiến một chứng tá đặc biệt cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Hoàn toàn được thánh hiến cho Thiên Chúa, họ hoàn toàn được trao phó cho các anh em khác để đem ánh sáng Chúa Kitô tới nơi đâu có bóng tối dầy đặc, và phổ biến niềm hy vọng trong các con tim mất tin tưởng. Đức Thánh Cha giải thích thêm về đời thánh hiến như sau:

Các người thánh hiến là dấu chỉ của Thiên Chúa trong các môi trường cuộc sống khác nhau, họ là men giúp một xã hội lớn lên công bằng và huynh đệ hơn, lời tiên tri chia sẻ với các người bé nhỏ nghèo hèn… Mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên đường đi. Cần có các sự hiện diện này biết bao nhiêu, cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiên niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, và cho dấn thân cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo Hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Vì thế cần đánh gía cao với lòng biết ơn các kinh nghiệm của đời sống thánh hiến và đào sâu việc hiểu biết các đặc sủng và nền tu đức khác nhau. Cần phải cầu nguyện để người trẻ trả lời ”có” với Chúa là Đấng gọi họ tân hiến cho Người để phục vụ các anh em chị em khác một cách vô vị lợi. Chình vì các lý do đó nên năm 2015 sẽ là Năm của đời thánh hiến. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy phó thác sáng kiến này cho sự bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và Cha Thánh Giuse, như là cha mẹ Chúa Giêsu đã là những người đầu tiên được thánh hiến bởi Chúa và thánh hiến cuộc sống các Ngài cho Người.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha nhắc tới Ngày cho sự sống được Hội Đồng Giám Mục Italia phát động cử hành Chúa Nhật hôm qua về đề tài ”Sinh ra tương lai”. Ngài khích lệ các hiệp hội, các phong trào và trung tâm văn hóa dấn thân bảo vệ và thăng tiến sự sống. Cùng với các Giám Mục ngài tái nhấn mạnh rằng: ”Mọi con cái là gương mặt của Chúa là Đấng yêu thương sự sống, là ơn cho gia đình và cho xã hội” (Sứ điệp cho Ngày sự sống lần thứ 36). Mỗi người đều được mời gọi yêu thương và thăng tiến sự sống, đặc hiệt sự sống của những người yếu đuối cần được chú ý săn sóc, từ lòng mẹ cho tới khi kết thúc trên traí đất này. Đức Thánh Cha cũng chào Đức Hồng Y Giám quản và những người dấn thân linh hoạt Ngày sự sống trong giáo phận Roma, cũng như các giáo sư đại học đã tổ chức các cuộc hội thảo về các vấn đề sinh sản nhân dịp này.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio