Đức Thánh Cha kêu gọi giải quyết vấn đề trẻ em di cư

Đức Thánh Cha kêu gọi giải quyết vấn đề trẻ em di cư

duc-thanh-cha-keu-goi-giai-quyet-van-de-tre-em-di-cu

VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp nhận, hội nhập và tìm giải pháp lâu dài cho các trẻ em di dân không có người tháp tùng.

Trong sứ điệp nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn lần thứ 103 công bố ngày 13-10-2016, và sẽ được cử hành vào ngày 15-1 năm tới, 2017, với chủ đề ”Những trẻ vị thành niên di cư, dễ bị tổn thương và không có tiếng nói”, ĐTC tố giác nạn bóc lột vô lương tâm đối với bao nhiêu trẻ em nam nữ: nhiều em bị đưa vào vòng mại dân, hoặc các hoạt động dâm ô, bị cưỡng bách lao động như nô lệ hoặc bị xung vào quân ngũ, bị đưa vào vòng buôn bán ma túy hoặc những các hình thức bất lương khác, các trẻ em buộc lòng phải trốn chạy các cuộc xung đột và bách hại, với nguy cơ bị lẻ loi và bị bỏ rơi.

ĐTC cho biết nhân Ngày Thế giới về di dân và tị nạn sắp tới, ngài đặc biệt kêu gọi mọi người lưu tâm đến thực trạng của các trẻ em di dân, nhất là những em đi một mình, đồng thời ngài xin mọi người hãy chăm sóc các em là những người ở trong tình trạng vô phương thế tự vệ, gấp 3 lần cho với người lớn, vì các em là trẻ vị thành niên, là người ngoại quốc và dễ bị tổn thương nhất, khi các em phải rời xa nguyên quán và tách rời khỏi tình thương của gia đình.

ĐTC kêu gọi thực hiện các biện pháp để bảo đảm cho các trẻ em di dân được bảo vệ, bênh vực, được hội nhập, đồng thời tìm kiến những giải pháp lâu dài. Ngài viết: ”Vì đây là một hiện tượng phức tạp, vấn đề di cư của trẻ vị thành niên cần phải được đối phó tận gốc rễ. Chiến tranh, các vụ vi phạm nhân quyền, nạn tham nhũng, nghèo đói, chênh lệch và thiên tai thuộc vào số những nguyên nhân tạo nên vấn đề. Các trẻ em là những người đầu tiên phải chịu đau khổ, nhiều khi các em bị tra tấn và đánh đập, kèm theo những hành hạ về tâm lý và tinh thần, để lại nơi các em những vết tích hầu như không thể xóa nhòa”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Một điều tuyệt đối cần thiết là giải quyết tận căn các vấn đề ở các nước nguyên quán, những nguyên nhân tạo nên hiện tượng di cư. Điều này trước tiên đòi hỏi sự dấn thân của toàn thể cộng động quốc tế chấm dứt các xung đột và những bạo lực khiến cho người dân phải trốn chạy.

”Ngoài ra cần có một cái nhìn trông xa nhìn rộng, có khả năng dự kiến những chương trình thích hợp cho những vùng bị những bất công nặng nề nhất và sự bất an, để tất cả được bảo đảm một sự phát triển đích thực, thăng tiến thiện ích của các trẻ em nam nữ, vốn là niềm hy vọng của nhân loại.

Sau cùng, ĐTC khích lệ những người đồng hành và săn sóc các trẻ em nam nữ di dân. Ngài viết: ”Các em đang cần sự giúp đỡ quí giá của anh chị em, và cả Giáo Hội cũng cần anh chị em, đồng thời nâng đỡ anh chị em trong việc phục vụ quảng đại anh chị em đang thực hiện. Đừng mệt mỏi trong việc can đảm sống chứng tá Tin Mừng, mời gọi anh chị em nhìn nhận và đón tiếp Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ và dễ bị tổn thương nhất” (SD 13-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Ba nét làm nên căn tính người Kitô hữu

Ba nét làm nên căn tính người Kitô hữu

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-13-10-2016

Các Kitô hữu luôn cảm thấy rằng họ cần được tha thứ và bằng cách này họ gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha phác họa chân dung người Kitô hữu tốt lành, đó là người phải luôn cảm nhận nơi bản thân mình phúc lành của Chúa và không ngừng làm việc thiện.

Thiên Chúa Cha chọn mỗi người chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và đặt tên cho chúng ta

Thiên Chúa gọi mời từng người chúng ta, chứ không theo kiểu một đám đông không biết ai vào ai. Chúng ta được Thiên Chúa chọn và đặt niềm mong ước. Chúng ta cứ thử nghĩ về các đôi hôn nhân mong đợi những em bé chào đời: Không biết em bé ấy sẽ thế nào? Cười nói làm sao? Thiên Chúa là Cha đang đặt niềm mơ ước vào mỗi người chúng ta, cũng giống như những bậc cha mẹ đặt hy vọng vào người con sắp chào đời. Điều này mang lại cho chúng ta một nền tảng vững chãi. Thiên Chúa Cha quý mến bạn, chính bạn, chứ không phải là một đám người, không, Ngài thương mến từng người chúng ta. Đây là nền tảng và cơ sở cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nói với Cha chúng ta, Đấng yêu mến chúng ta, Đấng chọn chúng ta, Đấng đặt tên cho mỗi người chúng ta.

Đương nhiên, khi người Kitô hữu không cảm nhận được rằng, mình được Thiên Chúa là Cha chọn, thì họ cảm thấy họ thuộc về cộng đoàn cũng giống như thuộc về một Fan hâm mộ câu lạc bộ bóng đá vậy. Fan hâm mộ thì chọn một đội bóng và thuộc về đội ấy.   

Người Kitô hữu chân chính là người luôn cảm thấy cần ơn tha thứ của Thiên Chúa

Các Kitô hữu được Thiên Chúa chọn lựa và đặt niềm hy vọng. Khi sống như thế, chúng ta luôn cảm thấy trong lòng niềm an ủi lớn lao, chúng ta không còn cảm giác lạc lõng. Điều thứ hai của người Kitô hữu được chúc phúc, là đang cảm nhận được ơn tha thứ. Một người dù là nam hay nữ mà không có kinh nghiệm về ơn tha thứ, thì chưa phải là người Kitô hữu theo đúng nghĩa.

Tất cả chúng ta được tha thứ với cái giá máu của Chúa Kitô. Nhưng chúng ta đã được tha thứ điều gì? Hãy nhớ lại một chút về những gì tệ hại và xấu xa mà bạn đã làm. Không phải là những gì mà bạn của bạn, láng giềng của bạn, người thân của bạn làm, mà là những gì chính bản thân bạn đã làm. Những điều xấu nào bạn đã làm trong cuộc đời? Chúa đã tha thứ tất cả những điều ấy: Và đây, tôi được chúc phúc, tôi là một Kitô hữu. Như thế, nét đầu tiên của người Kitô hữu là: chúng ta được chọn, được Thiên Chúa đặt hy vọng, được Ngài đặt tên, được Ngài thương mến. Nét thứ hai là: chúng ta được Thiên Chúa thứ tha.

Người Kitô hữu không bao giờ ngưng nghỉ làm việc thiện

Nét thứ ba, người Kitô hữu là người luôn bước trên đường hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta.

Bạn không thể hiểu được kiểu Kitô hữu mà lại dậm chân tại chỗ. Người Kitô hữu phải luôn hướng về phía trước, phải tiến bước. Có những người giống như nhân vật trong dụ ngôn, khi nhận được nén bạc từ ông chủ thì đi chôn giấu vì sợ thất bại vì sợ hãi ông chủ. Người ấy không bước đi và làm cho cuộc sống bế tắc. Người Kitô hữu thì luôn bước trên hành trình tiến về phía trước, và không ngừng cố gắng làm việc thiện.

Như thế, đây là tóm lược nét căn tính của người Kitô hữu: chúng ta được chúc phúc, vì được Chúa chọn, vì được Chúa tha thứ, và vì chúng ta đang tiến bước. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của Người, đó là ban cho chúng ta căn tính của người tín hữu Kitô.

Tứ Quyết SJ

 

 

Sứ thần Tòa Thánh tại Siria phê bình Mỹ và Nga

Sứ thần Tòa Thánh tại Siria phê bình Mỹ và Nga

su-than-toa-thanh-tai-siria-phe-binh-my-va-nga

DAMASCO. ĐHY tân cử, Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Siria, mạnh mẽ phê bình liên minh quốc tế trong cuộc chiến tại Siria.

Tuyên bố với báo ”Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) số ra ngày 10-10-2016 ở Italia, ĐHY Zenari nói rằng Nga và Mỹ đều tham gia cuộc chiến ”nhờ người đánh thay” qua những nước mạnh ở địa phương như Arập Sauđi liên minh với Mỹ và Iran liên minh với Nga. Mỗi phe đều lo bảo vệ quyền lợi riêng tư và chiến lược địa lý chính trị. ”Danh xưng chung” của hai phe là những vụ vi phạm các quyền con người qua các vụ pháo kích và dội bom vào các trường học, nhà thương, và chợ búa. Đức Sứ Thần nói: ”Cả chiến tranh cũng có các qui luật của nó, nhưng nay chiến tranh đi quá trớn”.

ĐHY tân cử Zenari kêu gọi cộng đồng quốc tế tái nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho chiến cuộc tại Siria, đây là con đường duy nhất để chấm dứt chiến tranh và để các viện trợ nhân đạo được đưa tới cho các nạn nhân chiến tranh.

Đức Sứ thần Zenari gọi việc ĐTC chọn ngài vào số các Hồng Y mới như một quan tâm của Người đối với dân chúng, các trẻ em, những người vô tội bị giết, dù họ là Kitô hữu hay không Kitô (KNA 10-10-2016)

Dân chúng ở Aleppo kiệt quệ

Đức Cha Antoine Audo, thuộc Giáo Hội Công Giáo Canđê tại thành Aleppo, Siria, cho biết dân chúng tại đây đã kiệt quệ và ngài kêu gọi chấm dứt xung đột.

Khu vực phía đông Aleppo với khoảng 250 ngàn dân cư bị phiến quân chiếm đóng và từ lâu bị không quân Nga và quân đội chính phủ oanh tạc và pháo kích, nguyên trong 2 tuần qua đã có 377 người thiệt mạng. Tổ chức Bác sĩ không biên giới tìm cách chuyển các đồ cứu trợ đến khu vực phía đông, trong khi các chính phủ Tây phương cáo buộc Nga về tội gọi là ”tội ác chống lại nhân loại”. Theo LHQ, các cuộc pháo kích của Nga và quân đội Siria sẽ làm cho hàng ngàn người chết từ đây tới cuối năm.

Chính phủ Nga nói về các mục tiêu chống các lực lượng khủng bố và tăng cường sự hiện diện tại Siria với việc thiết lập một căn cứ hải quân tại cảng Tartus.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, Đức Cha Audo cho biết ngài không biết rõ tình hình khu vực phía đông Aleppo và có bao nhiêu nhóm võ trang tại đó. Nhưng cả tại khu vực phía tây Aleppo cũng không có điện nước và chẳng ai nói về tình hình dân chúng tại đây. Tổng cộng có 2 triệu người còn lại trong toàn bộ thành Aleppo.

Đức Cha Audo cũng là Giám đốc Caritas Siria. Ngài nhìn nhận Caritas không thể hoạt động tại khu vực đông Aleppo vì tình hình rất nguy hiểm do các nhóm võ trang, và nhất là Caritas thuộc Kitô giáo và độc lập.

Đức Cha nói: ”Chúng tôi ở trong tình trạng nguy hiểm liên tục. Sự kiện này tạo nên một bầu không khí lo sợ, và đa số các tín hữu Kitô đã rời bỏ khu vực này. Những người có phương tiện đều ra đi và đây là một đau khổ lớn của chúng tôi” (RG 10-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Những ý kiến đầu tiên của một số Tân Hồng y sẽ được bổ nhiệm

Những ý kiến đầu tiên của một số Tân Hồng y sẽ được bổ nhiệm

duc-thanh-cha-trao-mu-cho-tan-hong-y

Hôm Chúa nhật 9/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh tính của 17 vị Tân Hồng y sẽ được vinh thăng trong Công nghị Hồng y vào ngày 19/11 tới đây. Sau đây là ý kiến của một số vị về việc bổ nhiệm này.

Đức Tổng Giám mục Blase Cupich đã chia sẻ trên trang web của Tổng Giáo phận Chicago: “Tin về việc Đức Thánh Cha Phanxicô chọn tôi vào Hồng y đoàn vừa khiêm nhường vừa có tính khích lệ … Khi Đức Phanxicô bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục Chicào 2 năm trước đây, giáo dân của Tổng giáo phận đã đón rước tôi như một người bạn và một người anh em và tôi đã cam kết hết lòng phục vụ họ. Vai trò của Hồng y mang đến những trách nhiệm mới nhưng với lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của anh chị em, chúng tôi sẽ tiếp tục công việc mà chúng tôi đã bắt đầu để canh tân Giáo hội trong Tổng giáo phận và chuẩn bị cho nó phát triển trong những thập niên tới.”

Trang web của Tổng Giáo phận Indianapolis cũng đăng những lời thông báo của chính Đức Tổng Giám mục John Tobin về việc bổ nhiệm Hồng y. Đức Tổng Tobin bày tỏ lòng yêu mến sâu đậm cua ngài đối với các cộng đoàn Công giáo ở miền trung và nam Indiana và coi đây là một phúc lành quý giá khi có rất nhiều tình bạn với các lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo trong tiểu bang. Ngài xin cầu nguyện cho ngài và hy vọng trách nhiêm mới sẽ giúp ngài trở nên một đầy tớ tốt hơn của mọi “Hoosiers” (cư dân Indiana).

Cả hai Đức Tổng Cubich và Tobin đều bày tỏ sự ủng hộ và cầu nguyện cho các vị Tân hồng y người Mỹ.

Trang web của Hội đồng Giám mục Mexico thì loan tin: “Với tâm tình vui mừng và tạ ơn Chúa, Giáo hội Công giáo Mexico hiệp thông với niềm vui của Giáo phận Tlalnepantla qua việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức cha Carlos Aguiar Retes lên hàng Hồng y của Giáo hội hoàn vũ. Chúng ta dâng lời cầu nguyện cho Đức cha và phó thác cho Đức Mẹ Guadalupe để ngài tiếp tục làm việc hiệu quả trong sứ vụ của ngài, trong giai đoạn mới phục vụ như một Hồng y.”

Đức cha Maurice Piat, Tổng Giám mục của Port-Louis, đảo Maurice, nhìn nhận việc bổ nhiệm ngài là một sự khích lệ Đức Thánh Cha dành cho Giáo hội ở Maurice trong Năm Thánh lòng thương xót. Ngài nói: “Nó là sự khích lệ tiếp tục đón nhận lòng thương xót này, điều làm nhiều điều tốt lành cho chúng ta và trên hết hành động như những chứng nhân khiêm nhường của lòng thương xót.” Đức cha cũng cho biết mình bị đánh động bởi sự tin tưởng Đức Thánh Cha dành cho mình và xác định: được vinh thăng Hồng y không phải là một vinh dự. Ngài giải thích: “Trước hết nó là một trách nhiệm được ủy thác, một sự cộng tác chặt chẽ với Đức Thánh Cha và được kêu gọi tham dự vào việc bầu chọn Đức Giáo hoàng. Do vậy, tôi xin anh chị em ở Maurice, Kitô hữu cũng như các tín đồ các tôn giáo, cầu nguyện cho tôi.”

Đức Tổng Patrick D’Rozario của Dhaka (Bangladesh) nhận tin bổ nhiệm khi đang dâng Thánh lễ tại giáo xứ Tejgaon và đã cảm động vì vui mừng. Cả cộng đoàn giáo dân cũng hân hoan vui sướng khi nhận được tin. Hãng tin Á châu đăng tải lời nhận định của Đức Tổng D’Rozario: “Việc bổ nhiệm tôi làm Hồng y là một chúc lành, cám ơn và nhìn nhận của vị chủ chăn tối cao của Giáo hội hoàn vũ đối với Giáo hội tại Bangladesh. Đây là một vinh dự Đức Thánh Cha ban cho tất cả dân tộc và đất nước Bangladesh. Tôi đón nhận việc bổ nhiệm trong tinh thần này và cám ơn Đức Thánh Cha nhân danh toàn đất nước Bangladesh.”

Việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Anthony Soter Fernandez làm Hồng y đầu tiên của Malaysia cũng là niềm vui cho các tín hữu Công giáo. Cha Lawrence Andrew nói với hãng tin Á châu: “Việc bổ nhiệm làm chúng tôi nhận thấy rằng cuối cùng đất nước chúng tôi ở trên bản đồ, Giáo hội địa phương đã đạt tới tầm mức trưởng thành.” Nhận định về vị Tân hồng y, cha cho biết đó là người có tầm nhìn rõ ràng về những gì mà Giáo hội Malaysia cần. Ngài đã hướng dẫn cộng đoàn trong tiến trình hiểu biết về tầm quan trọng của việc là một Giáo hội. Ngài đã đấu tranh cho công lý và hòa bình, chống lại bất công. Ngài là một Giám mục vĩ đại, là một người có sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, một người thánh thiện. Ngài trở thành Hồng y là một chúc lành cho chúng tôi.

Trong sứ điệp gửi đến hãng tin Á châu,  Đức Hồng y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Mumbai, chủ tịch Liên hội đồng Giám mục Á châu nhận định việc Đức Thánh Cha bổ nhiệm 3 Tân hồng y cho Á châu chứng tỏ tình yêu ngài dành cho châu lục này và cho người dân Á châu, tầm nhìn bao gồm tất cả cuộc đối thoại với các nền văn hóa, các tôn giáo và người nghèo ở Á châu, cũng như chiều kích sâu rộng, niềm hy vọng và sự can đảm hiện có của Á châu.

Trang web của Tổng Giáo phận Madrid cho biết Đức cha Carlos Osoro đã nhận tin được bổ nhiệm làm Hồng y với sự ngạc nhiên, lòng biết ơn và ngài ước muốn trọn cuộc sống phục vụ Giáo hội và Đức Thánh Cha. (SD 10/10/2016)

Hồng Thủy

Không có “lối sống đạo kiểu ngụy trang” chỉ trọng vẻ bề ngoài

Không có “lối sống đạo kiểu ngụy trang” chỉ trọng vẻ bề ngoài

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-11-10-2016

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm việc thiện với lòng khiêm tốn, tránh lối phô trương hình thức. Đó là điều Đức Thánh Cha nhấn mạnh trong bài giảng sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta. Đức Thánh Cha cảnh báo lối sống đạo kiểu ngụy trang ngụy tạo. Ngài nói rằng con đường của Thiên Chúa là con đường của khiêm nhường.

Tự do của người Kitô hữu đến từ Chúa Giêsu, chứ không đến từ những việc chúng ta làm. Đức Thánh Cha khai triển bài giảng của Ngài từ bài đọc trích thư của thánh Phaolô, sau đó Ngài hướng sự tập trung vào bài đọc Tin Mừng.

Hôm nay Chúa Giêsu trách người biệt phái vì họ chỉ tập trung vào cái bề ngoài mà quên mất đức tin. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta chấp nhận sự công bình đến từ Thiên Chúa. Lúc ấy, người biệt phái trách Chúa vì Chúa chưa rửa tay trước khi ăn.

Đáp lại họ, Chúa Giêsu nói rất mạnh: các ông chỉ làm sạch bên ngoài chén đĩa, còn trong lòng các ông thì đầy tham lam gian ác. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại rất nhiều lần: nội tâm các ông đầy bất công và bị nô lệ. Họ bị nô lệ vì họ không đón nhận công bình đến từ Thiên Chúa, thứ công bình mà Chúa Giêsu trao ban.

Nơi khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu còn mời gọi chúng ta cầu nguyện nơi kín đáo để không phô trương. Có những người ăn chay với vẻ mặt phiền não. Những người sống bề ngoài như thế, họ đã cầu nguyện và chay tịnh để được người ta khen tặng. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho chúng ta con đường của khiêm nhường.

Không có lối sống đạo kiểu ngụy tạo. Điều quan trọng là chính tự do mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta từ sự cứu chuộc của Người, từ tình yêu và niềm vui mà Người trao cho chúng ta từ nơi Chúa Cha.

Đó là tự do nội tâm. Với tự do ấy bạn làm việc tốt cách kín đáo, không khua chiêng đánh trống cho người ta biết. Con đường đích thực của Chúa Giêsu là thế: khiêm nhường và chịu sỉ nhục. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Philipphê về gương khiêm nhường của Chúa Giêsu: Người đã tự hạ mình và từ bỏ chính mình. Đó là cách duy nhất để chúng ta ra khỏi sự ích kỷ, tham lam, ngạo mạn, hư danh, gian manh. Thế nhưng, có những người sống đạo kiểu tô vẽ kiểu ngụy tạo: bên ngoài thì có vẻ thế này mà bên trong lại thế khác. Chúa Giêsu dùng một hình ảnh rất mạnh: các ông giống như những cái mộ tô vôi, bên ngoài thì đẹp đẽ mà bên trong đầy xương người chết và hôi hám.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo theo kiểu giả hình, mà sống đạo theo con đường khiêm nhường của Chúa. Chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp, nhưng nếu chúng ta không khiêm tốn, chúng ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy và những điều tốt ấy không phải là để phục vụ, những điều tốt ấy không có giá trị cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Con đường cứu độ, con đường cứu chuộc của Chúa là con đường của khiêm nhường và chịu sỉ nhục, vì bạn không bao giờ có được sự khiêm nhường mà lại không phải chịu biết bao nhục nhã. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu sỉ nhục trên thánh giá.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa để chúng ta không sống đạo kiểu giả hình… để chúng ta sống tốt lành cách khiêm tốn, để chúng ta trao tặng cách nhưng không những gì chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, đó là tự do nội tâm. Nguyện xin Người gìn giữ tự do nội tâm của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng cầu xin ơn ấy.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Tu Đoàn Thánh Pallotti

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Tu Đoàn Thánh Pallotti

duc-thanh-cha-tiep-tong-tu-nghi-tu-doan-thanh-pallotti

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 10-10-2016, dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị của Tu đoàn ”Tông Đồ Công Giáo”, ĐTC khích lệ các thành viên sống đoàn sủng của vị Sáng Lập và làm cho đoàn sủng này mang lại nhiều hoa trái.

Tu đoàn Tông Đồ Công Giáo quen gọi là Tu đoàn thánh Vinh Sơn Palloti được thành lập năm 1835 và hiện có gần 2340 thành viên, hoạt động tại 379 nhà trên thế giới. Dòng chuyên hoạt động truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của giáo dân vào các công tác tông đồ.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi đoàn sủng của thánh Pallotti như hồng ân quí giá của Chúa Thánh Linh, vì đã khơi lên nhiều hình thức tông đồ và thúc đẩy các tín hữu tích cực dấn thân làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh Pallotti cũng được ”ơn nhận ra Chúa Giêsu là Tông Đồ của Chúa Cha, Đấng Cao Cả trong tình yêu thương và giàu lòng thương xót, là Đấng đã chu toàn sứ mạng bằng cách tỏ cho mọi người tình yêu thương dịu hiền và lòng thương xót vô biên của Chúa Cha”.

ĐTC nhận xét rằng ”Trước mắt chúng ta hằng ngày xảy ra bao nhiêu cảnh bạo lực, những khuôn mặt không có lòng thương xót, những con tim chai đá và sầu muộn. Chúng ta rất cần nhớ đến Chúa Cha, Con Tim Ngài nghĩ đến tất cả mọi người và muốn cứu độ mỗi người. Lòng thương xót là 'sức mạnh chiến thắng mọi sự, làm đầy tâm hồn bằng tình yêu và an ủi bằng ơn tha thứ' (Misericordia vultus, 9).

Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc nhở các thành viên tu đoàn thánh Pallotti về sự ”cần thiết phải hoán cải sâu xa và làm cho niềm tin của chúng ta nơi Chúa ngày càng thêm sinh động, đứng trước bao nhiêu thách đố ngày nay. Chỉ như thế chúng ta mới có thể phục vụ tha nhân trong tình bác ái”.

Và ĐTC nói rằng: ”Anh em thân mến, tôi khích lệ anh em vui mừng và hy vọng tiếp tục hành trình của anh em, hết sức dấn thân với trọn tâm hồn để đoàn sủng của Đấng Sáng Lập tu đoàn anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào cả trong thời đại chúng ta ngày nay. Thánh nhân ưa lập lại rằng ơn gọi làm tông đồ không phải chỉ dành cho vài người, nhưng cho tất cả mọi người, ”bất luận họ ở bậc nào, thân phận nào, làm nghề nào, may mắn thế nào, tất cả đều có thể tham gia công tác tông đồ” (Opere complete IV,346). (SD 10-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Năm Thánh cho các hội đoàn Thánh Mẫu

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Năm Thánh cho các hội đoàn Thánh Mẫu

duc-thanh-cha-chu-su-thanh-le-nam-thanh-cho-cac-hoi-doan-thanh-mau

VATICAN. Trong thánh lễ nhân Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn, Phong trào Thánh Mẫu và các đoàn từ các Đền Thánh Đức Mẹ, sáng chúa nhật 9-10-2016, ĐTC nhắc nhở các tín hữu luôn sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì các hồng ân đã lãnh nhận.

Đồng tế với ĐTC có 10 vị Hồng Y, 30 GM và 1.100 linh mục, trước sự hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô của hơn 30 ngàn tín hữu, trong đó nhiều người thuộc 94 phái đoàn Thánh Mẫu từ Italia và các nước khác.

Bài giảng của ĐTC

Tin Mừng chúa nhật hôm nay (Xc Lc 17,11-19) mời gọi chúng ta nhìn nhận những hồng ân của Thiên Chúa với lòng kinh ngạc và biết ơn. Trên đường dẫn Ngài đến cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu gặp 10 người phong cùi, họ tiến đến gặp Ngài, dừng lại từ xa xa và kêu lên nỗi bất hạnh của họ với người mà họ, trong niềm tin, trực giác thấy vị ấy có thể là Đấng Cứu Thế: ”Lạy Thày Giêsu, xin thương xót chúng con!” (v.13). Họ là bệnh nhân và đi tìm kiếm người chữa lành họ. Đáp lại, Chúa Giêsu bảo họ hãy đi trình diện với các tư tế; theo luật, các vị này có nhiệm vụ chứng thực xem có sự khỏi bệnh thực sự hay không. Theo cách thức đó, Chúa không phải chỉ nêu lên một lời hứa, nhưng Ngài còn thử thách đức tin của họ. Thực vậy, trong lúc ấy, 10 người chưa được khỏi. Họ chỉ được lành bệnh trong lúc đi đường, sau khi đã vâng nghe lời Chúa Giêsu. Bấy giờ tất cả đều tràn đầy vui mừng, họ trình diện với các tư tế, rồi mỗi người ai đi đường nấy, mà quên vị Ân Nhân, nghĩa là Chúa Cha đã chữa lành họ nhờ Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

Nhưng có một người luật trừ, đó là một người Samaritano, một người ngoại kiều sống bên lề dân được tuyển chọn, hầu như một người ngoại đạo! Người ấy không hài lòng vì đã được khỏi bệnh nhờ niềm tin, nhưng còn làm cho sự khỏi bệnh ấy đạt tới mức vẹn toàn, bằng cách trở lại bày tỏ lòng biết ơn vì hồng ân đã lãnh nhận, nhìn nhận Chúa Giêsu là vị Tư Tế đích thực, sau khi đã nâng ông trỗi dậy và cứu vớt ông, Ngài là Đấng có thể làm cho ông lên đường và đón nhận ông vào số các môn đệ của Ngài.

ĐTC nhận xét rằng: ”Biết cám ơn, biết chúc tụng vì những gì Chúa làm cho chúng ta, đó là điều quan trọng! Và bây giờ chúng ta có thể tự hỏi: Chúng ta có khả năng nói lời cám ơn hay không? Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn trong gia đình, trong cộng đoàn, trong Giáo Hội? Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn người giúp đỡ chúng ta, người ở gần kề chúng ta, người đồng hành với chúng ta trong cuộc sống? Nhiều khi chúng ta coi mọi sự là điều dĩ nhiên! Và điều cũng xảy ra đối với Thiên Chúa. Thật là dễ đi gặp Chúa để xin điều gì, nhưng trở lại cám ơn Ngài thì lại cảm thấy là khó!… Vì thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh sự thiếu sót của 9 người cùi vô ơn: ”Chẳng phải tất cả 10 người đều được khỏi bệnh sao? Vậy 9 người kia đi đâu? Sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên CHúa, ngoại trừ người ngoại kiều này?” (Lc 17, 17-18).

Đề cập đến Ngày Năm Thánh cho các hội đoàn Thánh Mẫu, ĐTC nói:

Trong ngày mừng Năm Thánh này, chúng ta được đề nghị một mẫu gương để chúng ta nhìn lên, đó là Đức Maria, Mẹ chúng ta. Sau khi lãnh nhận lời loan báo của Thiên Thần, Mẹ đã để cho tâm hồn Mẹ trào lên một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa: ”Linh hồn tôi ngợi khen Chúa…”. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu rằng tất cả là hồng ân của Thiên Chúa và biết cảm tạ: như thế niềm vui của chúng ta sẽ trọn vẹn.

Để biết cám ơn, cũng cần phải có lòng khiêm tốn. Trong bài đọc thứ I, chúng ta đã nghe chuyện Ông Naaman, tư lệnh quân đội của vua Aram (Xc 2 V 5,14-17). Ông bị bệnh phong cùi, và để được khỏi bệnh, ông đã chấp nhận đề nghị của người tớ gái nghèo và tín thác nơi sự săn sóc của ngôn sứ Eliseo vốn là kẻ thù đối với Ông. Nhưng Naaman sẵn sàng hạ mình xuống. Và ngôn sứ Eliseo chẳng đòi hỏi ông điều gì, chỉ truyền cho ông đi dìm mình xuống trong dòng sông Giordan. Lời yêu cầu đó làm cho Naaman ngỡ ngàng, và thậm chí còn tức bực nữa: Phải chăng một vì Thiên Chúa yêu cầu những chuyện tầm thường như thế sao? Ông muốn quay về nước, nhưng rồi đã chấp nhận dìm mình trong nước sông Giordan và được lành bệnh ngay.

”Tâm hồn Mẹ Maria, hơn ai khác, là một tâm hồn khiêm tốn, và có khả năng đón nhận các hồng ân của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa, để làm người, đã chọn một thiếu nữ tầm thường ở Nazareth, không sống trong dinh thự đền đài quyền lực và giàu sang, không thực hiện những công trình ngoại thường. Chúng ta tự hỏi xem ta có sẵn sàng đón nhận các hồng ân của Thiên Chúa hay không, hoặc chúng ta muốn khép mình trong những an ninh vật chất, những an ninh tinh thần, những an ninh do các dự phóng của chúng ta.

”Thật là điều ý nghĩa sự kiện ông Naaman và người Samaritano là hai người ngoại quốc. Những người này, và cả nmhững người thuộc các tôn giáo khác, nêu gương cho chúng ta về những giá trị mà đôi khi chúng ta quên hoặc lơ là. Người sống cạnh chúng ta, có lẽ bị khinh rẻ hoặc bị gạt ra ngoài lề vì họ là người ngoại quốc, nhưng họ có thể dạy chúng ta cách thức tiến bước trên con đường Chúa muốn. Cả Mẹ Thiên Chúa, cùng với hôn phu của Người là Thánh Giuse, đã cảm nghiệm thân phận ở xa quê hương. Trong thời gian dài, Mẹ là khách ngụ cư trên đất Ai Cập, xa những người họ hàng và bạn hữu. Nhưng niềm tin của Mẹ đã biết vượt thắng những khó khăn. Chúng ta hãy giữ chặt nơi mình niềm tin đơn sơ ấy của Mẹ Thiên Chúa; chúng ta hãy cầu xin Mẹ luôn biết trở về cùng Chúa Giêsu và cảm tạ Chúa vì bao nhiêu phúc lộc do lòng từ bi thương xót của Chúa”.

Kinh truyền tin

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự kinh Truyền Tin với các tín hữu. Số người hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô tăng lên 50 ngàn người.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC chia buồn với các nạn nhân cuồng phong tại Haiti làm cho nhiều người chết và thiệt hại vật chất lớn lao, đồng thời ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế liên đới cứu trợ.

Ngài cũng loan báo sẽ nhóm công nghị vào thứ bẩy 19-11 tới đây để bổ nhiệm 13 Hồng Y mới đến từ 11 nước 5 châu. Và chúa nhật 20-11 lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Thánh đặc biệt Lòng Thương Xót, ngài sẽ cử hành thánh lễ với các Hồng Y mới và các vị trong Hồng y đoàn, các TGM, GM và Linh Mục.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức Thánh Mẫu nhân dịp Năm Thánh

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức Thánh Mẫu nhân dịp Năm Thánh

Đức Thánh Cha chủ sự canh thức Thánh Mẫu

VATICAN. ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương Mẹ Maria, lắng nghe Lời Chúa, và đưa vào hành động cụ thể.

Đây là lời kêu gọi của ĐTC trong bài giảng tại buổi canh thức, đọc kinh Mân Côi, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các Hội đoàn và phong trào Thánh Mẫu, cử hành lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ bẩy, 8-10-2016, tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đầu buổi canh thức, bức ảnh Đức Maria là phần rỗi của dân Roma đã được rước lên lễ đài, trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó ĐTC và mọi người đã đọc và suy niệm mầu nhiệm mùa Mừng của kinh Mân Côi.

Trong bài suy niệm kết thúc, ĐTC đề cao ”Kinh Mân Côi, dưới nhiều khía cạnh, là một tổng hợp lịch sử lòng thương xót của Thiên Chúa được biến thành lịch sử ơn cứu độ cho tất cả những ai để cho mình được ơn thánh biến đổi. Các mầu nhiệm diễn ra trước chúng ta là những cử chỉ cụ thể trong đó hoạt động của Thiên Chúa được triển khai đói với chúng ta. Qua kinh nguyện và sự suy niệm cuộc đời sống Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấy lại khuôn mặt từ bi thương xót của Chúa đến gặp chúng ta trong những nhu cầu khác nhau của cuộc sống. Mẹ Maria đồng đành với chúng ta trong hành trình này, chỉ cho chúng ta thấy Con của Mẹ chiếu tỏa chính lòng thương xót của Chúa Cha”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Kinh Mân Côi không đưa chúng ta ra xa những bận tâm hằng ngày; trái lại, kinh này đòi chúng ta hãy hội nhập vào trong lịch sử hằng ngày để biến đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta. Mỗi lần chúng ta chiêm ngắm trong một lúc một mầu nhiệm trong đời sống của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn nhận cách thức Thiên Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để rồi đón nhận và theo Chúa. Như thế chúng ta khám phá ra con đường đưa chúng ta đi theo Chúa Kitô trong việc phục vụ anh chị em.”

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Mẹ Maria giúp chúng ta hiểu thế nào là môn đệ của Chúa Kitô. Tuy được chọn từ đời đời để làm Mẹ, Mẹ Maria đã học cách trở nên môn đệ của Chúa. Hành động đầu tiên của Mẹ là đặt mình trong tư thế lắng nghe. Mẹ đã vâng phục khi được Sứ thần truyền tin và đã mở rộng tâm hồn đón nhận mầu nhiệm làm Mẹ Thiên Chúa…

”Nhưng lắng nghe mà thôi thì vẫn chưa đủ. – ĐTC nóii – Đó là bước đầu tiên, nhưng sau đó sự lắng nghe cần phải được diễn tả qua hành động cụ thể. Thực vậy, người môn đệ dành cuộc sống của mình để phục vụ Tin Mừng. Và vì thế, Mẹ Maria đã lên đường ngay đến nhà bà Elisabeth để giúp bà trong cảnh thai nghén (Xc Lc 1,39-56).. Trong mỗi giai đoạn của cuộc sống, Mẹ Maria đã diễn tả sự phong phú của lòng Chúa thương xót, đến gặp mỗi người trong những nhu cầu thường nhật.” (SD 8-10-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Melva Arbelo giúp các trẻ em bị bạo hành ở Arecibo nước Puerto Rico

Melva Arbelo giúp các trẻ em bị bạo hành ở Arecibo nước Puerto Rico

Melva Arbelo

Catholic Extension là một tổ chức có trụ sở tại Chicago, được thành lập năm 1905, gây quỹ để trợ giúp các hoạt động và các sứ vụ của các Giáo phận truyền giáo ở Hoa kỳ và các vùng lãnh thổ thuộc Hoa kỳ. Từ năm 1978, tổ chức này đã trao giải thưởng hàng năm Lumen Christi – Ánh sáng Chúa Kitô, để vinh danh một cá nhân hay một nhóm hoạt động ở châu Mỹ, đã minh chứng cách thế mà sức mạnh của đức tin đã biến đổi cuộc sống và các cộng đoàn. Các người nhận giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô gồm có các Linh mục, nữ tu và giáo dân, là những anh hùng thầm lặng ở giữa chúng ta. Họ mang ánh sáng và hy vọng đến những ngõ ngách bị lãng quên và truyền cảm hứng cho những người xung quanh, để tất cả cũng có thể trở thành Ánh sáng Chúa Kitô. Giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô được kèm với số tiền 50 ngàn Mỹ kim; 25 ngàn cho người nhận giải và 25 ngàn cho Giáo phận của người nhận giải. Giải thưởng Ánh sáng Chúa Kitô năm 2016-2017 được trao cho Melva Arbelo, giám đốc nhà Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu ở Arecibo, nước Puerto Rico, người cung cấp nơi trú ẩn cho các trẻ em bị từ chối và bị lạm dụng.

Những trẻ em bị tách khỏi cha mẹ vì bị chối từ, bị đánh đập thương tổn về thể xác hoặc tình cảm, hoặc đã bị lạm dụng tình dục, thường bị những kinh nghiệm đau thương, nỗi đau tinh thần và thể xác, cũng như cảm xúc bị bỏ rơi ám ảnh. Nhưng thật là may mắn cho một số em trong các trẻ nhỏ này ở Puerto Rico khi họ được Arbelo và nhóm của cô ở Arecibo chọn sứ vụ bảo vệ và chăm sóc cho các em, tạo cho các em một mái nhà đầy tình yêu thương để trú ngụ và giúp các em chữa lành và hồi phục phẩm giá và ý thức về giá trị của mình. Arbelo và nhóm của mình giúp đỡ cho 24 trẻ em từ 3-7 tuổi. tại Nhà thánh Têrêsa được các nữ tu dòng Đaminh và các thành viên trong giáo xứ thánh Têrêsa thành lập vào năm 1999. Arbelo là một thành viên lâu đời của giáo xứ. Cô và chồng của mình là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của nhà bác ái này. Họ đã giúp quyên góp quỹ cho hoạt động của nhà này. Sau khi chồng cô qua đời, cô tiếp tục công việc giúp đỡ cơ sở và từ năm 2007, cô trở thành giám đốc của cơ sở này; giáo dân đầu tiên giữ chức vụ này.

Arbelo chia sẻ về hoàn cảnh của các em: “Hoàn cảnh của các em thật rất đáng thương tâm. Những kinh nghiệm đau xót này đã để lại vết sẹo trên trái tim của nhiều em. Các em bị đánh thức bởi những cơn ác mộng và kêu khóc, nhưng chúng tôi ở với các em và an ủi chúng.” Nữ tu Gilma Osorio, giám đốc sáng lập nhà bác ái này cũng cho biết: “những vết sẹo tình cảm và thể lý nơi các em rất sâu đậm. Đôi khi các em trút cơn giận dữ và nỗi đau của mình bằng cách mắng mỏ các trẻ nhỏ khác hoặc các nhân viên. Trách nhiệm của chúng tôi là hướng dẫn các em vào con đường đúng đắn. Đối với các em, những người quan trọng nhất vẫn là Ba và Mẹ của các em, dù cho họ đã đối xử tàn tệ với chúng. Chúng tôi cố gắng chữa lành từ từ những vết thương đó với tình yêu, sự đón tiếp, tình thương của chúng tôi dành cho các em. Những cái ôm của các em dành cho chúng tôi rất có ý nghĩa với các em và cái ôm  chúng tôi dành cho các em cũng có ý nghĩa như thế. ”

Tại nhà thánh Têrêsa có một ban 5 người làm việc toàn thời gian và các nhân viên bán thời gian và tình nguyện chăm sóc các em nhỏ. Họ cung cấp các bữa ăn, quần áo, chăm sóc y tế, cố vấn tâm lý, các hoạt động và hướng dẫn tâm linh cho các em nhỏ. Trong ngày, phần lớn các em đến trường học. Arbelo cho biết, “các em nhỏ thích đi học, bởi vì ở đó các em nghe đi nghe lại sứ điệp Thiên Chúa yêu thương các em. Chính ở trường học, các em cảm thấy mình rất gần với Thiên Chúa. Các em thích thú tham dự Thánh lễ với các bạn học của mình. Đó là một thời gian rất đặc biệt đối với các em.

Cô Arbelo chia sẻ cách chân thành: “Đối với tôi, điều này còn hơn là một công việc; nó là sứ vụ. Tôi luôn nhận thấy Thiên Chúa thuật sự là người hướng dẫn cơ sở này…. Khẩu hiệu của chúng tôi là: ‘Nếu không có ai yêu thương bạn, nó là niềm vui của chúng tôi được yêu thương bạn.” Không có ai minh họa tình yêu đó tốt hơn Arbelo, người đã mở cánh tay để ôm ấp, gìn giữ và nâng niu mỗi đứa trẻ đến cư ngụ ở đó. Cô Arbelo cũng cho biết thêm: “Chúng tôi dạy các em biết là Thiên Chúa yêu thương các em. Chúng tôi cũng dạy các em tha thứ và cách cầu nguyện cho bạn bè và gia đình của các em. Các em yêu gia đình của mình và nhớ họ. Tuy vậy chúng tôi biết là có những điều sai trái nghiêm trọng trong gia đình của các em.”

Theo chính quyền Puero Rico, có đến 1 phần trăm các trẻ em trên hòn đảo này là nạn nhân của sự ngược đãi và 92 phần trăm trong các trường hợp chính cha mẹ các em là thủ phạm của những vụ ngược đãi.

Nhìn nhận gương mẫu tràn đầy đức tin của Arbelo về việc đem tình yêu Chúa đến cho những người dễ bị tổn thương nhất, Catholic Extension đã chọn trao giải thưởng Lumen Christi cho cô, người Puero Rico đầu tiên được nhận giải này. Cha Jack Wall, chủ tịch của tổ chức Catholic Extension nhìn nhận rằng Arbelo “là một trong những ân phúc đặc biệt Chúa ban cho các em bé này, Bằng việc chăm sóc nuôi nấng các em, chị đã mang tình yêu Chúa đến cho mỗi em. Chúng tôi được hân hạnh và vui mừng nhìn nhận hoạt động tuyệt vời của chị với giải thưởng Lumen Christi. Giải thưởng này là nỗ lự của chúng tôi để chỉ đến những nơi ánh sáng của Chúa Kitô đang chiếu sáng rạng ngời và chúng tôi mong muốn gìn giữ cho ánh sáng của chị sáng lên cho Giáo hội rộng lớn hơn nhìn thấy.”

Đức cha Daniel Fernandez Torres của Giáo phận Arecibo đã phát biểu khi chọn trao giải thưởng cho Arbelo: “Không có cách nào tốt hơn để loan báo Tin Mừng bằng cách là một phản chiếu của tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không có sứ vụ nào tốt hơn là chăm sóc các em bé kém may mắn này và tỏ cho ccác em thấy là Thiên Chúa tốt lành và sẽ luôn chăm sóc các em. Đó là những điều mà Arbelo và nhóm của mình đem lại cho các em nhỏ.” (CNS 22/09/2016)

Hồng Thủy

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Nhà thờ chánh tòa Tây an, Trung quốc kỷ niệm 300 năm

Xi an church in China

Tây an, Trung quốc – Từ ngày 1-4 tháng 10, lễ thánh Phanxicô Assisi, Giáo phận Tây an, Trung quốc đã mừng kỷ niệm 300 năm nhà thờ chánh tòa được xây dựng. Nhà thờ chánh tòa được xây vào năm 1715, có 3 gian dọc với cách trang trí và tranh vẽ theo kiểu Trung hoa.

Hàng ngàn tín hữu đã tham dự các sinh hoạt khác nhau: các hội nghị, hòa nhạc, triển lãm, tất cả diễn ta sự sống động của ngôi thánh đường kéo dài 3 thê kỷ, từ thời Đức cha Basilio Brollo, Giám mục đầu tiên của giáo phận tông tòa cho đến Đức cha hiện nay Antôn Dương Minh Ngạn.

Sáng ngày 1 tháng 10, Đức cha Antôn đã chủ tế Thánh lễ mừng có 46 Linh mục đồng tế và hơn 3000 giáo dân tham dự. Một cuộc triển lãm được tổ chức tại tầng một của Tòa giám mục, trong đó có chân dung của 21 vị tiền nhiệm của Đức cha Antôn. Ban chiều có buổi hòa nhạc với sự tham dự của 14 ca đoàn.

Ngày hôm sau các tham dự viên đã nghe những buổi nói chuyện về lịch sử Giáo hội ở Trung quốc và Thiểm Tây. Ngày 4 tháng 10 là cao điểm của những ngày lễ. Trong Thánh lễ ban sáng có 41 người được rửa tội, gồm có người già và trẻ em, người trẻ và người lớn. Tâm tong lớn tuổi nhất là 67 và trẻ nhất mới chỉ 30 ngày. Tất cả được tặng một sách Kinh thánh với logo “Lời Ngài là đèn soi bước chân con” (Tv 118).

Giáo phận đã tổ chức 3 bữa ăn mỗi ngày cho những người hiện diện và sắp xếp chỗ trú ngụ trong các gia đình cho 600 người. (Asia News 07/10/2016)

Hồng Thủy

Giáo hội Công giáo Ba Lan ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt việc phá thai

Giáo hội Công giáo Ba Lan ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt việc phá thai

Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser

Warsaw, Ba lan – Giáo hội Công giáo Ba Lan đã tái khẳng định sự ủng hộ việc kiểm soát nghiêm ngặt bảo vệ sự sống, sau khi các nghị sĩ bác bỏ đạo luật về việc các bà mẹ phá thai sẽ bị phạt tù.

Ngày 6 tháng 10 vừa qua, quốc hội Ba Lan đã bác bỏ dự luật “chấm dứt phá thai”. Dự luật đề nghị cấm phá thai trong mọi trường hợp trừ khi sự sống của người phụ nữ bị nguy hiểm và đề nghị án tù 5 năm đối với các bà mẹ và bác sĩ và 10 năm nếu có sự cưỡng bức. Dự luật này được các nhóm ủng hộ sự sống và 450 ngàn người ký tên ủng hộ, nhưng cũng có 100 ngàn phụ nữ tuần hành khắp Ba lan chống đối. Ewa Kowalewska, chủ tịch diễn đàn bảo vệ sự sống của phụ nữ Ba lan cho biết tổ chức của bà phản đối mạnh mẽ chống lại đề xuất giam tù các phụ nữ.

Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Henryk Hoser, chủ tịch Ủy ban đạo đức sinh học của Hội đồng Giám mục Ba lan nói: “Bản dự luật này có thể cần có những sửa chữa, nhưng nó được chuẩn bị khá chắc chắn. Việc bác bỏ nó đặt chúng ta vào tình trạng như trước đây.” Giáo hội sẽ tiếp tục đòi hỏi việc kiềm chế phá thai cứng rắn hơn. Đức Tổng chia sẻ là dù Giáo hội giải quyết vấn đề khó khăn này qua con đường bí tích, nhưng điều này không có nghĩa là các người nữ phá thai vô tội. Ngài xác định: “Sự sống con người có giá trị lớn lao. Nó không phải là đối tượng của các tranh luận chính trị.”

Hội đồng Giám mục Ba Lan nhắc đến sự thánh thiêng của sự sống con người mà Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh, nhưng lưu ý rằng Giáo hội không ủng hộ luật lệ bỏ tù những phụ nữ phá thai. Trong thông cáo đề ngày 6 tháng 10 các Giám mục viết: “Các tổ chức Công giáo không xét đến các dự án luật dân sự dù là họ dùng quyền của mình để bày tỏ ý kiến về các luật lệ được đề nghị.” Các Giám mục cũng kêu gọi cầu nguyện cho các phụ nữ chu toàn ơn gọi làm mẹ trong cuộc sống của họ, cũng như cầu nguyện cho những ai đang gặp khó khăn.

Đạo luật năm 1993 của Ba Lan, một trong những đạo luật nghiêm ngặt nhất, hạn chế cho phép phá thai chỉ trong các truờng hợp bị hãm hiếp, loạn luân, thai nhi bị thương tổn nặng nề hay đe dọa tính mạng của người mẹ. Điều này đã giảm các trường hợp phá thai có đăng ký xuống còn khoảng 1000 trường hợp mỗi năm. (CNS 07/08/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng OMI

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng OMI

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm

VATICAN. ĐTC khích lệ các tu sĩ dòng Thừa sai Hiến sĩ của Đức Mẹ Vô Nhiễm tiếp tục mang sứ điệp lòng thương xót của Chúa cho con người thời nay.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 7-10-2016 dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm, gọi tắt là OMI. Dòng này do thánh Eugène de Mazenod người Pháp thành lập cách đây 200 năm và hiện có gần 4 ngàn tu sĩ hoạt động tại 979 nhà trên thế giới, kể cả Việt Nam và Lào.

Trong bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến kỷ niệm 2 thế kỷ thành lập dòng trùng vào Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài nhận xét rằng dòng OMI nảy sinh từ một kinh nghiệm của thánh Eugène de Mazenod về lòng thương xót khi còn là một thanh niên, đứng trước tượng Chúa Giêsu chịu đóng đanh trong Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. ĐTC nói:

”Ước gì lòng thương xót luôn luôn là trọng tâm sứ mạng của anh em, sự dấn thân loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.. Giáo Hội cùng với toàn thế giới đang sống trong một thời đại có những biến đổi lớn trong nhiều lãnh vực khác nhau. Giáo Hội đang cần những người mang trong tâm hồn lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu Kitô giống như tình yêu ở trong tâm hồn thánh niên Eugène de Mazenod, và cùng tình yêu vô điều kiện như thế đối với Giáo Hội, một Giáo Hội đang cố gắng ngày càng trở thành căn nhà cởi mở hơn. Điều quan trọng là hoạt động cho một Giáo Hội sẵn sàng đón nhận và đồng hành với tất cả mọi người”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các tu sĩ dòng OMI rằng: ”Ước gì niềm vui Tin Mừng chiếu tỏa rạng ngời trước tiên trên khuôn mặt anh em, làm cho anh em trở thành những chứng nhân vui tươi. Theo gương Thánh Sáng lập, tình bác ái giữa anh em với nhau phải là qui luật sống đầu tiên, là tiền đề cho mọi hoạt động tông đồ; và lòng nhiệt thành đối với phần rỗi các linh hồn là hậu quả tự nhiên của tình bác ái huynh đệ ấy”.

Nhắc đến công việc hiện nay của Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, ĐTC khẳng định rằng ”Cần tìm kiếm những câu trả lời thích hợp, theo tinh thần Tin Mừng và can đảm, cho những vấn nạn của con người ngày nay. Vì thế cần nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với lòng hăng say và đón nhận tương lai trong niềm hy vọng, không để cho mình bị nản chí vị những khó khăn gặp phải trong sứ mạng, nhưng kiên vững trong lòng trung thanh với ơn gọi tu trì và truyền giáo”. (SD 7-10-2016)

 

G. Trần Đức Anh OP 

Lòng yêu mến các Linh mục và cầu nguyện cho ơn gọi của diễn viên Wahlberg

Lòng yêu mến các Linh mục và cầu nguyện cho ơn gọi của diễn viên Wahlberg

Đức Thánh Cha gặp các Linh mục

Boston, Massachuset – Mark Wahlberg là một diễn viên điện ảnh, nhà sản xuất phim, nhà kinh doanh, cựu người mẫu và rapper người Mỹ, được biết đến trong các phim như “The Perfect Storm,” “Planet of the Apes,” “The Departed,” and “The Fighter.”

Trong một video chào mừng các tham dự viên của Hội nghị toàn quốc các vị giám đốc ơn gọi của các Giáo phận, Wahlberg cho biết ông sẽ cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục mà ông đánh giá rất cao bởi vì vai trò mà các Linh mục đã có trong cuộc sống của ông. Ông nói: “Tôi muốn các cha biết sự ủng hộ của tôi đối với công việc nuôi trồng ơn gọi Linh mục, bởi vì tôi muốn con tôi và các thế hệ tương lai có những Linh mục tốt trong cuộc đời họ như tôi đã có. Đức tin Công giáo của tôi là mỏ neo giữ vững mọi thứ tôi làm trong cuộc sống. Trong kinh nguyện hàng ngày của tôi, tôi cầu xin sự hướng dẫn, sức mạnh trong ơn gọi của tôi, một người chồng và một người cha.”

Trong video, Wahlberg cũng suy tư về các Linh mục tuyệt vời mà ông đã có diễm phúc được biết trong suốt đời mình. Ông chia sẻ: “Tôi lớn lên ở Dorchester. Hết lần này đến lần khác, tôi gây nên những rắc rối nhưng tôi luôn có một Linh mục bên cạnh để bám vào. Tôi được một Linh mục làm lễ cưới. Con cái của tôi được rửa tội bởi một Linh mục. Bất cứ khi nào có ai đó trong gia đinh tôi qua đời, họ được một linh mục chôn cất. Tội lỗi của tôi được tha khi tôi đến xưng tội với một Linh mục. Mỗi khi tôi tham dự Thánh lễ, chính qua Linh mục mà tôi được lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, là nguồn sức mạnh giúp tôi chia sẻ niềm tin Công giáo của mình với người khác.”

Ông Wahlberg kết luận: “Chúng tôi, các tín hữu Công giáo, tin tưởng các cha sẽ mang đến cho chúng tôi các Linh mục tốt lành và thánh thiện. Xin cảm thấy  thoải mái khi cư trú ở thành phố quê hương tôi trong tuần lễ này và biết là tôi sẽ cầu nguyện cho các cha và sự thành công của các cha. Cám ơn về những điều các cha làm. Xin Chúa chuc lành cho các cha.” (CAN 05/10/2016)

Hồng Thủy

 

Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Thánh lễ tại nhà nguyện Marta, 06.10.2016

Giáo lý chân thực không phải là việc tuân giữ nghiêm ngặt lề luật bị đóng khung bởi ý thức hệ, nhưng là mặc khải từ nơi Thiên Chúa mà chúng ta kiếm tìm từng ngày nhờ việc mở lòng cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là lời Đức Thánh Cha chia sẻ trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện thánh Marta.

Trong các bài đọc sách thánh ngày hôm nay, chúng ta gọi Chúa Thánh Thần là “quà tặng tuyệt vời từ Chúa Cha”. Chúa Thánh Thần là sức mạnh làm cho Giáo Hội dũng cảm đi ra, vì Ngài dẫn dắt Giáo Hội đi về phía trước. Chúa Thánh Thần là “ngôi sao chỉ đường của Giáo Hội.” Không có Ngài, thì chỉ còn “đóng kín và sợ hãi.” Có ba thái độ mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần.

Thái độ thứ nhất: Bỏ quên Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ nhất là điều mà thánh Phaolô nhắc nhở tín hữu Galat, khi họ tin rằng, mình được trở nên công chính nhờ tự sức tuân giữ lề luật, chứ không nhờ Chúa Giêsu là Đấng ban ý nghĩa cho lề luật. Do đó họ quá cứng nhắc và trở thành những người mà Chúa Giêsu gọi là giả hình.

Họ giữ luật mà bỏ qua Chúa Thánh Thần. Đừng bỏ quên sức mạnh cứu chuộc của Chúa Kitô đến từ Chúa Thánh Thần! Đúng là có những Điều Răn và chúng ta phải tuân giữ các Điều Răn, nhưng chúng ta luôn tuân giữ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng là quà tặng vĩ đại và Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta hiểu được Lề Luật. Nhưng đừng thu gọn Chúa Thánh Thần và Chúa Con lại chỉ trong những luật lệ. Vấn đề là các tín hữu Galat thời ấy đã bỏ Chúa Thánh Thần qua một bên để chỉ còn việc giữ luật. Họ đóng con mắt tâm hồn lại, và chỉ còn biết là phải làm việc này, phải làm việc kia. Đôi khi chúng ta cũng bị rơi vào cám dỗ ấy.

Tại sao họ lại gắn chặt và bị đóng khung bởi những ý thức hệ như thế? Thánh Phaolô nhắc nhở mạnh mẽ: “Hỡi những người Galat vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em như thế?” Những ai rao giảng về các ý thức hệ, thì cái gì cũng đúng. Họ bị đóng khung vào cái gọi là: tất cả đều rõ ràng! Nhưng hãy nhìn xem, mặc khải của Thiên Chúa không rõ ràng sao? Mặc khải của Thiên Chúa là mỗi ngày một hơn, hơn mãi, trong mọi cách thế. Điều này có rõ không? Rất rõ! Đối với những ai nghĩ rằng, mình nắm trọn chân lý trong tay, thì thánh Phaolô gọi họ là “những kẻ ngốc”.

Thái độ thứ hai: Làm phiền lòng Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ hai mà chúng ta có thể có đối với Chúa Thánh Thần, là làm phiền lòng Ngài, khi chúng ta không để cho Ngài truyền cảm hứng, không để cho Ngài thúc đẩy chúng ta tiến bộ trong đời sống Kitô hữu. Khi đó chúng ta không để cho Ngài nói với chúng ta. Khi ấy chúng ta trở nên thờ ơ, trở nên những Kitô hữu tầm thường, vì Chúa Thánh Thần không thể thực hiện những tác động tuyệt vời của Ngài nơi chúng ta.

Thái độ thứ ba: Mở lòng ra với Chúa Thánh Thần

Thái độ thứ ba là mở ra với Chúa Thánh Thần và để Ngài dẫn chúng ta về phía trước. Đó là những gì các Tông Đồ đã làm: họ can đảm trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Họ không còn sợ hãi vì họ mở ra để Chúa Thánh Thần hoạt động. Để hiểu và đón nhận những Lời của Chúa Giêsu, chúng ta cần mở lòng cho Chúa Thánh Thần. Khi một người mở lòng với Chúa Thánh Thần, thì tựa như chiếc thuyền buồm no gió tiến về phía trước, tiến mãi. Nhưng chúng ta cần cầu nguyện để có thể mở ra với Chúa Thánh Thần.

Giờ đây chúng ta có thể tự hỏi chính mình, giây phút nào trong ngày, tôi đã bỏ quên Chúa Thánh Thần? Và tôi có biết điều ấy khi tôi đi lễ Chúa Nhật không, hay chỉ đơn giản đi là đi thôi? Thứ hai, cuộc sống của tôi có phải là cuộc sống nửa vời và buồn tẻ, thiếu sức sống, trì trệ và làm phiền lòng Chúa Thánh Thần không? Sau cùng, hãy mở lòng mình, mở cuộc đời mình ra, để nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho mình niềm vui của Tin Mừng, để Ngài giúp mình hiểu được lời dạy của Chúa Giêsu, để mình không bị đóng khung, không còn ngốc nghếch, nhưng là chân thực? Điều ấy giúp chúng ta hiểu được đâu là điểm yếu của chúng ta, đâu là điều làm phiền lòng Ngài, và để Ngài dẫn chúng ta tiến về phía trước tới gần Chúa Giêsu, và để Ngài dạy cho chúng ta con đường cứu độ của Chúa Giêsu.

Tứ Quyết SJ

 

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Đức Thánh Cha nhìn lại cuộc viếng thăm Georgia và Azerbaigian

VATICAN. Trong buổi kiếp kiến chung sáng thứ tư, 5-10-2016, dành cho hơn 40 ngàn tín hữu hành hương, ĐTC đã thuật lại cuộc viếng thăm ngài mới thực hiện tại hai nước Georgia và Azerbaigian từ 30-9 đến 2-10-2016.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến còn có hơn 20 GM và gần 10 LM thông dịch viên.

Trong bài huấn giáo, ĐTC tạm giác lại loạt bài về lòng thương xót, để đề cập đến cuộc viếng thăm mục vụ ngài mới thực hiện hồi cuối tuần qua tại Cộng hòa Georgia và Azerbaigian, với chủ đích củng cố các tín hữu Công Giáo, thăng tiến đại kết và hòa bình, hòa giải.

Huấn dụ của ĐTC

”Cuối tuần qua, tôi đã thực hiện cuộc viếng thăm tại Georgia và Azerbaigian. Tôi cảm tạ Chúa đã ban cho tôi tiến hành cuộc viếng thăm này và tôi tái bày tỏ lòng biết ơn đối với các chính quyền dân sự và tôn giáo của hai nước, đặc biệt Đức Thượng Phụ toàn Georgia Ilia II và Sheik thủ lãnh của người Hồi giáo miền Caucase. Một lời cám ơn huynh đệ được gửi đến các GM, LM, tu sĩ và toàn thể tín hữu đã làm cho tôi cảm thấy lòng quí mến nồng nhiệt của họ.

”Cuộc viếng thăm này nối tiếp và bổ túc cuộc viếng thăm tôi đã thực hiện tại Armeni hồi tháng 6 năm nay. Vậy là nhờ ơn Chúa, tôi đã có thể thực hiện một dự án viếng thăm tất cả 3 nước vùng Caucase, để củng cố Giáo Hội Công Giáo sống tại đó và để khích lệ hành trình của các dân tộc ấy tiến về hòa bình và huynh đệ. Hai khẩu hiệu của cuộc viếng thăm vừa qua nêu bật điều đó: khẩu hiệu ”Pax vobis” (Bình an cho các con), đối với Georgia, và ”Tất cả chúng ta đều là anh em” đối với Azerbaigian.

Cả hai nước có những căn cội lịch sử, văn hóa và tôn giáo rất cổ kính, nhưng đồng thời đang sống một giai đoạn mới: thực vậy, tất cả hai nước đều đang mừng kỷ niệm 25 năm độc lập, vì phần lớn thế kỷ 20 họ đã ở dưới chế độ Xô Viết. Và trong giai đoạn này họ gặp nhiều khó khăn trong xã lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Giáo Hội Công Giáo được kêu gọi hiện diện, gần gũi, đặc biệt qua dấu chỉ bác ái và thăng tiến nhân bản; và Giáo Hội tìm cách thực hiện điều đó trong niềm hiệp thông với các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác, và trong sự đối thoại với các cộng đồng tôn giáo khác, với xác tín rằng Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và chúng ta là anh chị em với nhau.

Tại Cộng hòa Georgia

Tại Georgia, sứ mạnh này dĩ nhiên được thực hiện trong sự cộng tác với các anh em Chính Thống, chiếm đa số dân tại nước này. Vì thế, thật là một dấu chỉ quan trọng sự kiện khi tôi đến thủ đô Tbilisi, tôi đã thấy ra đón tiếp tôi tại phi trường cùng với Tổng thống và cả Đức Thượng Phụ đáng kính Ilia II nữa. Cuộc gặp gỡ với ngài ban chiều cùng ngày thật là cảm động, cũng như cuộc gặp gỡ ngày hôm sau trong cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ, nơi có tôn kính thánh tích chiếc áo chùng của Chúa Kitô, biểu tượng sự hiệp nhất của Giáo Hội. Sự hiệp nhất này được củng bố bằng máu của bao nhiêu vị tử đạo thuộc các hệ phái Kitô khác nhau. Trong số các cộng đoàn bị thử thách nhất có Cộng đoàn Assiro Canđê mà tôi đã trải qua với họ một buổi cầu nguyện sốt sắng cho hòa bình tại Siria, Irak, và toàn vùng Trung Đông.

Thánh lễ với các tín hữu Công Giáo Georgia – latinh, Armeni và Assiro Canđê – được cử hành trong ngày lễ kính nhớ thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, bổn mạng các xứ truyền giáo: Thánh nữ nhắc nhở chúng ta rằng việc truyền giáo đích thực không bao giờ là chiêu dụ tín đồ, nhưng là sự thu hút về Chúa Kitô từ sức mạnh hiệp thông với Chúa trong kinh nguyện, trong sự thờ lạy và bác ái cụ thể, là phụng sự Chúa Giêsu hiện diện nơi những người bé nhỏ nhất trong các anh em chúng ta. Đó là điều các tu sĩ nam nữ mà tôi gặp ỡ Tbilisi đang làm, và cũng như tại Baku: họ thực hiện điều với trong kinh nguyện và với những công việc bác ái, thăng tiến con người. Tôi đã khích lệ họ hãy kiên vững trong đức tin, trong ký ức, can đảm và hy vọng. Rồi có những gia đình Kitô: sự hiện diện đón tiếp, đồng hành, phân định và hội nhập của họ trong cộng đoàn thật là quí giá dường nào!

Tại Azerbaigian

Cách thức hiện diện theo tinh thần Tin Mừng như thế như hạt giống Nước Thiên Chúa, nếu có thể, càng là điều cần thiết hơn nữa tại Azerbaigian, nơi có đa số dân theo Hồi giáo và các tín hữu Công Giáo chỉ có vài trăm người, nhưng nhờ ơn Chúa, họ có những quan hệ tốt với tất cả mọi người, đặc biệt họ duy trì những mối dây huynh đệ với các tín hữu Chính Thống. Vì thế, tại Baku, thủ đô Azerbaigian, chúng tôi đã trải qua hai biến cố mà đức tin đã biết duy trì trong quan hệ đúng đắn: Thánh Thể và cuộc gặp gỡ liên tôn. Thánh Thể với cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé, nơi mà Chúa Thánh Linh hòa hợp các ngôn ngữ khác nhau và ban sức mạnh làm chứng ta; và sự hiệp thông này trong Chúa Kitô chẳng những không cản trở, nhưng còn thúc đẩy tìm kliếm gặp gỡ và đối thoại với tất cả những người tin nơi Thiện Chúa, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn. Trong viễn tượng ấy, khi ngỏ lời với chính quyền nước Azerbaigian, tôi đã cầu mong rằng những vấn đề còn bỏ ngỏ có thể tìm được những giải pháp tốt đẹp và tất cả các dân miền Caucase được sống trong an bình và trong niềm tôn trọng lẫn nhau.

Và ĐTC kết luận rằng: Xin Chúa chúc lành cho Armeni, Georgia và Azerbaigian và đồng hành với dân Thánh của ngài lữ hành tại các nước ấy.

Chào thăm

Sau bài huấn giáo, các LM tại Tòa Thánh lần lượt tóm lược bài của ĐTC bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha, Ba Lan, cùng với những lời chào của ĐTC dành cho các nhóm hành hương.

Trong số các tín hữu nói tiếp Pháp có nhiều người đến từ Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ, các LM thuộc giáo phận Nevers bên Pháp do Đức Cha Brac de la Perrière hướng dẫn. ĐTC nói: ”Tôi phó thác anh chị em cho sự chuyển cầu của thánh Phanxicô Assisi và Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, để can đảm tiến bước trên con đường thánh thiện, tìm kiếm tình huynh đệ đích thực giữa chúng ta với nhau. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

Khi chào các tín hữu bằng tiếng Anh, ĐTC nhắc đến những người đến từ Anh Quốc, Ecosse, Ai Len, Na Uy, Úc, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines và Hoa Kỳ. Ngài cầu Chúa ban lòng thương xót và an bình trên các gia đình.

Khi chào bằng tiếng Bồ đào nha, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ những nước xa xăm: Angola, Brazil và cả Bồ đào nha nữa. Bằng tiếng Arập ngài nhắc mọi người rằng sự loan báo và chứng tá của chúng ta càng đáng tin khi chúng ta là những ngừơi đầu tiên có khả năng sống trong hiệp thông và yêu thương nhau.

Trong số các tín hữu hành hương người Ba Lan hiện diện tại buổi tiếp kiến, có nhiều cựu tù nhân trại tập trung Auschwitz. Ngài nhắc đến họ đồng thời nói rằng: ”Hôm nay chúng ta kính nhớ thánh nữ Faustina Kowalska. Thánh nữ nhắc nhớ cho thế giới rằng Thiên Chúa giàu lòng xót thương và tình yêu của Chúa mạnh hơn sự chết, tội lỗi và mọi sự ác. Ước gì sứ điệp này của Chúa Giêsu Từ Bi được ủy thác cho thánh nữ được sinh nhiều hoa trái trong đời sống chúng ta, nhờ sự đào sâu tình hiệp thôgn với Thiên Chúa và qua các công việc từ bi bác ái.

Sau cùng khi chào bằng tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến các linh mục mới đến học tại Giáo Hoàng Học Viện thánh Phaolô ở Roma, trong đó này cũng có một số linh mục Việt Nam. Ngài không quên chào thăm các bạn trẻ, các bệnh nhân và các cặp tân hôn. Ngài nói: Tháng 10 là tháng truyền giáo, trong đó chúng ta được mời gọi sốt sắng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương các xứ truyền giáo. Các bạn trẻ thân mến, các con hãy trở thành thừa sai Tin Mừng nơi môi trường của các con, với lòng thương xót và sự dịu dàng của Chúa Giêsu; hỡi anh chị em bệnh nhân, anh chị em hãy dâng đau khổ để cầu nguyện cho những người xa lạ và dửng dưng được ơn hoán cải. Và hỡi anh chị em tân hôn, hẫy trở thành những thừa sai trong gia đình của anh chị em, loan báo Tin Mừng cứu độ bằng lời nói và gương lành.”

G. Trần Đức Anh OP

Ngày thứ ba ĐTC viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Ngày thứ ba ĐTC viếng thăm Georgia và Azerbaigian

ĐTC Phanxicô đọc diễn văn trước hàng lãnh đạo chính trị xã hội và ngoại giao đoàn Azerbaigian

Chúa Nhật 2-10 là ngày chót trong chuyến công du mục vụ ba ngày của ĐTC Phanxicô tại hai nước Georgia và Azerbaigian. Từ thủ đô Tbilisi Georgia ĐTC bay sang thủ đô Baku của Azerbaigian. Azerbaigian rộng 86,600 cây số vuông, có gần 10 triệu dân, gồm 92.2% gốc Azeri, 3.5% gốc Nga, 2.2% gốc Lesghi, và 2% gốc Armeni. Trên biình diện tôn giáo 88% theo Hồi giáo, trong đó 62% là người Sciít, và 26% là người Sunnít. Chính thống giáo chiếm 12%, trong khi công giáo chiếm 0.01%.

Lịch sử Azerbaigian rất cổ xưa, nó gắn liền với các nền văn hóa nở hoa trong vùng Lưỡng Hà, tức Iran Iraq ngày nay. Nó là vùng đất nằm giữa đế quốc Roma rồi Bisanzio, và Ba Tư Sasanít. Bị người A rập chiếm đóng hồi thế kỷ thứ VII Azerbaigian bị phân chia giữa các triều đại Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thế kỷ XVI nó thuộc Ba Tư Safawít. Từ thế kỷ XVIII nó chịu áp lực của Nga cho tới khi bị chia đôi: phía tây thuộc Nga rồi Liên Xô, phiá đông thuộc Ba Tư. Năm 1991 Azerbaigian được độc lập khỏi Liên Xô. Từ năm 2001 là thành viên Hội Đồng Âu châu. Năm 1988 chiến tranh bùng nổ giữa Azerbaigian và Armenia trong vùng Nagorno Karabakh có đa số dân người Armeni, đã bị Staline sát nhập vào Azerbaigian năm 1921. Chiến tranh bùng nổ vì phong trào quốc gia muốn hiệp nhất trở lại với Armenia đã khiến cho 30,000 người chết và hàng chục ngàn người tỵ nạn. Năm 1994 hai bên đình chiến, nhưng quân đội Armeni vẫn hiện diện. Năm 1997 vùng này được tự trị nhiều hơn và có môt hành lang thông thương với Armenia. Tháng 4 năm 2016 thoả hiệp ngưng chiến bị vi phạm, và chiến tranh tái bùng nổ khiến cho hơn 100 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ngày mùng 2 tháng 6 năm nay qua trung gian của Nga và Hoa Kỳ  một thoả hiệp ngưng bắn mới được ký kết tại Vienne. Hiện nay dầu lửa là nguồn lợi kinh tế chính của Azerbaigian.

Kitô giáo có lịch sử cổ xưa. Theo truyền thống thánh Bartolomeo đã sang truyền giáo tại Ấn Độ  và chết tử đạo tại Azerbaigian hồi hậu bán thế kỷ thứ I. Công việc rao truyền Tin Mừng được thánh Eliseo, môn đệ của tông đồ Tađêo tiếp tục. Thánh Eliseo cũng là người đầu tiên xây nhà thờ trong xứ, và xác ngài được chôn cất tại làng Kish, gần thành phố Sheki được gọi là “Mẹ của các Giáo Hội dông phương” . Tuy nhiên Gregorio Đấng đuợc soi sáng mới là ngưởi rao giảng Tin Mừng tại Armenia và thành công trong việc hoán cải vua Urmayr vua người Albani năm 313. Nhà vua chọn Kitô giáo làm quốc giáo.

Giáo Hội tông truyền Albania tách rời khỏi Giáo Hội  Roma sau công đồng Calcedonia năm 451 và độc lập cho tới khi nhập chung với Giáo Hội tông truyền Armeni trước khi ngưòi A rập xâm nhập vùng Caucaso hồi thế kỷ thứ VIII, và làm thành một Catholicato tự trị, sau đó rời về đan viện Gandzasar trong vùng Nagorno Karabakh cho tới năm 1836 thì bị Nga hoàng bãi bỏ và giảm xuống hàng tổng giám mục của Giáo Hội tông truyền Armeni. Vào thế kỷ XIV Công giáo được du nhập vào đây nhờ các tu sĩ dòng Đa Minh, Cát Minh và Agostino, và đạt sự phát triển tột đỉnh vào thế kỷ XVIII với sự trợ giúp của các tu sĩ dòng Tên. Giáo Hội có các nhà thờ, trường học và đan viện tại nhiều thành phố khác nhau.

Các sinh hoạt của Giáo Hội công giáo bị gián đoạn sau khi Azerbaigian bị đế quốc Nga xâm lăng vào đầu thế kỷ XIX, và danh ưu tiên cho Giáo Hội chính thống. Giáo xứ đầu tiên được thành lập năm 1882, nhưng tới năm 1900 mới được thừa nhận, và năm 1912 mới có nhà thờ đầu tiên là nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Giữa các năm 1917-1991 Giáo Hội công giáo bị chế độ cộng sản Liên Xô bách hại khốc liệt. Năm 1930 nhà thờ bị phá hủy. Linh mục cuối cùng là cha Stefan Demurow bị giết. Kể từ đó trong vòng 60 năm đã không có linh mục công giáo nào được phép đặt chân tới đây. Sau khi Azerbaigian được độc lập năm 1991 Giáo Hội công giáo chỉ có khoảng  30 giáo dân, không có nhà thờ và linh mục. Năm 1997 linh mục đầu tiên tới Baku theo lời xin của tín hữu là cha Jerzy Pilus, người Ba Lan. Kể từ đó trở đi Giáo Hội Azerbaigian bắt đầu hồi sinh. 

Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã có bốn sinh hoạt chính: Sau lễ nghi tiếp đón ngài đã đến nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm của dòng Salesien để dâng thánh lễ. Tiếp đến vào ban chiều có lễ nghi chào đón tại dinh tổng thống, thăm xã giao tổng thống và đài kỷ niệm các chiến sĩ trận vong. Lúc 5 giờ chiều ĐTC gặp gỡ các giới chức chính quyền, đại điện các cơ quan và ngoại giao đoàn tại trung tâm Heydar Aliyev. Tiếp đến ĐTC gặp gỡ Sceico của người Hồi vùng Caucaso và đại diện các tôn giáo khác tại phòng chính của đền thờ Hồi giáo Heydar Aliyev, trước khi từ giã Azerbaigian lấy máy bay trở về Roma. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

Sáng Chúa Nhật lúc sau 7 giờ ĐTC từ giã toà Sứ Thần Toà Thánh để đi xe ra phi trương Tbilisi cách đó 26 cây số. ĐTC đã được tổng thống Cộng hoà Georgia và Đức Thượng Phụ tiếp đón. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra long trọng. Máy bay chở  ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Tbilisi để trực chỉ Baku cách đó 448 cây số. Sau 1 giờ 20 phút bay chiếc A321 của hãng hàng không Alitalia đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Heydar Aliyev của thủ đô Baku. Tiếp đón ĐTC tại phi trường có phó thủ tướng Azerbaigian, và linh mục Vladimir Fekete, giảm quản giáo phận. ĐTGM Marek Solczýnski Sứ Thần Toà Thánh ở trong đoàn tuỳ tùng vì ngài cũng là Sứ Thần tại Georgia.

Thủ đô Baku có gần 2 triệu dân nằm trên bờ phía tây của biển Caspio, trên bán đảo Asheron, là điểm nối liền Đông Tây. Tên gọi phát xuất từ tiếng Ba Tư cổ Badu-Kube” là “thành phố gió” có hải cảng thương mại trong một vùng có nhiều mỏ dầu hoả và nhà máy lọc dầu.  Năm 2005 có một ống dẫn dầu dài 1770 cây số đi qua Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ đến thành phố Ceyhan trên bờ biển Địa Trung Hải. Thủ đô tân tiến là trung tâm chính trị, văn hóa và kỹ nghệ. Trong số nhiều viện bảo tàng nổi tiếng nhất là viện bảo tàng trưng bầy các thảm dệt, các tác phẩm nghệ thuật áp dụng như đồ trang sức, thêu, và các vật dụng bằng kim loại và gỗ khắc. Trung tâm thành cổ nằm bên trong một pháo đài có chiếc tháp Trinh Nữ cao 29 mét, được Liên Hiêp Quốc tuyên bố là gia tài của nhân loại năm 2000; dinh thự của vua Shirvan thuộc thế kỷ XV, và đền thờ hồi giáo Taza Pir xây đầu thế kỷ XX. Ngoài ra còn có dinh chính quyền theo kiểu liên xô. Ba Ku đã do Alách xăng đại đế thành lập. Từ thế kỷ thứ VII nó nằm trong tay người A Rập, từ 1583 tới 1606 nó thuộc đế quốc Ottoman. Nga hoàng Phêrô Cả đánh chiếm thành phố năm 1723. Trong thế kỷ XVIII nó là vùng tranh chấp giữa Nga và Ba Tư, cho tới khi bị Nga tái chiếm  năm 1806. Năm 1991 Azerbaigian được độc lập.

Giáo quận tông toà Baku được thành lập năm 2000, gồm 9.5 triệu dân, nhưng chỉ cơ 560 tín hữu công giáo, 1 giáo xứ, một cứ điểm truyền giáo. Nhân lực của giáo quận gồm 7 linh mục dòng, 10 tuy huynh, và 5 nữ tu và 1 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 1 trung tâm giáo dục và 1 trung tâm bác ái.

Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường ĐTC đã đi xe về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 23 cây số để dâng thánh lễ cho tín hữu.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm được xây năm 1909, năm 1931 bị người Bônxêvích phá huỷ. Cộng đoàn tín hữu nảy sinh năm 1992. Họ viết thư về Toà Thánh để xin một linh mục. Năm 2002 sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II tổng thống Heydar Aliyev tặng Giáo Hội một mảnh đất để xây nhà thờ. Nhà thờ đã được khánh thành năm 2007 với sự tham dự của ĐHY Bertone, hồi đó là Quốc Vụ Khanh Toà Thánh. Nhà thờ thuộc trung tâm Salesien, gồm 6 linh mục, 3 tu huynh và một thanh niên Azero đang theo học để làm Phó tế. Đây là trung tâm giáo dục trẻ em và người trẻ, và cung cấp thực phẩm cho người nghèo và người tỵ nạn. Bên cạnh đó cũng có các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta hoạt động cho người già và dân nghèo, và từ năm 2015 cũng có thêm các nữ tu Salesien nữa.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiéng latinh, Các bài đọc và thânh ca gồm nhièu thứ tiếng khác nhau. Hàng trăm tin hữu khác đã theo dõi thành lễ ở bên ngoài nhà thờ.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nêu bật hai khía canh của cuộc sống kitô là đức tin phục vụ.

Bài đọc thứ nhất kể lại lời ngôn sứ Khabacúc khẩn nài Thiên Chúa can thiệp để tái lập công lý và hoà bình, bị con người dùng bạo lực đập tan. Khi trả lời Thiên Chúa trả không can thiệp và giải quyết vấn đề một cách đột ngột và với sức mạnh. Trái lại Ngài mời gọi kiên nhẫn chờ đợi và không đánh mất đi niềm hy vọng và nhất là nhấn mạnh tới lòng tin, vì chính nhờ đức tin mà con người sẽ sống (Kbc 2,4). Thiên Chúa cũng làm như thế đối với chúng ta: Ngài muốn chữa lành con tim của tôi, của bạn, của từng người. Và ĐTC giải thích kiểu Thiên Chúa làm như sau:

Ngài thay đổi thế giới bằng cách thay đổi con tim chúng ta, và Ngài không thể làm điều này mà không có sự cộng tác chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa muốn chúng ta mở cửa con tim cho Ngài để có thể bước vào cuộc sống chúng ta. Bởi vì khi Thiên Chúa tìm thấy một con tim rộng mở và tin tưởng, ở đó Ngài có thể làm các điều kỳ diệu.

Nhưng có đức tin, một đức tin sống động, không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế chúng ta hiểu tại sao các tông đồ lại xin Chúa gia tăng lòng tin cho các ngài. Đây là một lời xin đẹp, một lời cầu mà chúng ta có thể hướng lên Chúa mỗi ngày. Đức tin là một ơn của Chúa, nhưng luôn luôn phải được chúng ta xin và vun trồng mỗi ngày. Nó không phải là một sức mạnh ma thuật từ trời xuống, nó không phải là một “của hồi môn” nhận một lần cho luôn mãi, lại càng không phải là một quyền lực siêu phàm giúp giải quyết các vấn đề của cuôc sống.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Không được lẫn lộn đức tin với sự thoải mái, với việc đuợc an ủi trong tâm hồn, vì chúng ta có được một chút bình an. Đức tin là sợi chỉ vàng nối liền chúng ta với Chúa, là niềm vui tinh tuyền được ở với Ngài, đuợc hiệp nhất trong Ngài. Nó là món quà đáng giá toàn cuộc sống, nhưng chi sinh hoa trái nếu chúng ta làm phần mình. Và phần của chúng ta là việc phục vụ. Không thể tách rời Đức tin và sự phục vụ, chúng gắn liền với nhau và được cột buộc vào nhau, y như các tấm thảm, là các tác phẩm nghệ thuật có một lịch sử rất xa xưa của anh chị em. Đức tin của chúng ta cũng thế nó đến từ xa xưa, là môt món qua, mà chúng ta nhận được trong Giáo Hội, phát xuất tử con tim của Thiên Chúa Cha, là Đấng muốn biến từng người trong chúng ta thành một tác phẩm của thụ tạo và của lịch sử. Cuộc sống kitô của chúng ta cũng thế: nó được dệt từng ngày một cách kiên nhẫn: sợi ngang sợi dọc đan nhau một cách chính xác, sợi dọc của đức tin sợi ngang của phục vụ. Khi đức tin giao thoa với phục vụ nó trở thành quyền năng và làm những điều kỳ diệu.

Phục vụ không phải chỉ là thực thi nhiệm vụ của mình, và làm một vài việc thiện. Đối với Chúa Giêsu nó còn hơn thế rẩt nhiều. Nó là một sự sẵn sàng hoàn toàn trong suốt cuộc đời, không tính toán và không lợi lộc. Trao ban tận hiến hoàn toàn như Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Như thế, chúng ta không chỉ được mời gọi phục vụ để được một phần thưởng, nhưng noi gương Chúa trở thành người phục vụ vì yêu thương. ĐTC giải thích thêm như sau:

Khi đó phục là một kiểu sống, còn hơn thế nữa nó tóm gọn kiếu sống kitô: phục vụ Thiên Chúa trong thờ lậy và cầu nguyện, rộng mở và sẵn sàng, yêu thương tha nhân một cách cụ thể, hăng hái lo cho công ích.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đức tin cũng có các cám dỗ: truớc hết là một con tim nguội lạnh khiến cho tín hữu sống uơn lười và bóp nghẹt tình yêu, chỉ sống để thoả mãn các thoải mái riêng không bao giờ đủ, và không bao giờ hài lòng, và rốt cuộc sống tầm thường xoàng xĩnh. Họ dành phần trăm cho Chúa và cho tha nhân, và luôn luôn tiết kiệm. Anh chị em đừng để cho con tim mình nguội lạnh đi. Toàn Giáo Hội nhìn anh chị em và khích lệ anh chị em: anh chị em là một đoàn chiên nhỏ bé nhưng quý báu đối với Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ hai là “quá hoạt động” nghĩ rằng mình là chủ nhân ông, cho đi chỉ để có điểm, để trở thành nhân vật quan trọng. Khi đó phục vụ trở thành phương tiện chứ không phải là mục đích, bởi vì mục đích đã trở thành uy tín, rồi quyền lực, muốn làm lớn.

Lấy lại hình ảnh các sợi chỉ của tấm thảm ĐTC khích lệ từng người hãy là sợi tơ đan chặt vào nhau giao thoa nhau hiệp nhất với nhau, sống tươi vui khiêm tốn, bác ái, tạo dựng hoà hợp, và họ sẽ là một tác phẩm tuyệt đẹp của Chúa. ĐTC xin Mẹ Maria và thánh Terexa Calcutta bầu cử cho họ và xin họ ghi nhớ sứ điệp của Mẹ: “Hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ và hoà bình” (Il cammino semplice, Introduzione)

Cuối thánh lễ Linh Mục Vladimir Fekete, giám quận tông toà Baku, đã cám ơn ĐTC vì món quà lớn là chuyến viếng thăm của ngài. Là người yêu thương dân nghèo và những nguởi bị bỏ rơi, và hiểu ý nghĩa các từ kỳ thị, gạt bỏ ngoài lề xã hội và nghèo túng là gì, ĐTC đang nỗ lực chỉ cho mọi người thấy có thể thay đổi các thực tại này thành thương xót, lòng tốt, sự khoan nhượng và tất cả mọi từ khác diễn tả tình bác ái.

ĐTC đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Vào cuối thánh lễ ĐTC đã ứng khẩu nói: Có ngưòi nghĩ là GGH mất thời giờ đi biết bao cây sổ để thăm một cộng đoàn 700 người trong một vùng có 2 triệu tín hữu. Một cộng đoàn không đồng nhất vì nói tiếng Azero, Ý, Anh, Tây ban Nha… Một cộng đoàn ở ngoại biên thế giới. Nhưng ĐGH bắt chước Chúa Thánh Thần, là Đấng đã ngự xuống trên một cộng đoàn bé nhỏ ở ngoại biên đóng kín trong Nhà Tiệc Ly. Một cộng đoàn cảm thấy mình sợ hãi nghèo nàn và có lẽ bị bách hại và bị bỏ ra ngoài. Chúa Thánh Thần ban lòng can đảm, sức mạnh và sự “tự do nói tất cả” để tiến lên rao giảng danh Chúa Giêsu. Và các cửa của cộng đoàn Giêrusalem đóng vì sợ hãi hay xấu hổ, đã mở toang ra, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đi ra. ĐGH mất thời giờ như Chúa Thánh Thần mất thời giờ hồi đó.

Chỉ có hai điều cần thiết. Trong cộng đoàn đó đã có Mẹ. Anh chị em đừng quên Mẹ! Trong cộng đoàn đó có tình bác ái, tình yêu huynh đệ mà Chúa Thánh Thần đã đổ tràn đầy xuống cho họ. Hãy can đảm lên, Hãy tiến lên. Không sợ hãi. Hãy tiến lên!

Sau thánh lễ ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã dùng bữa trưa với cộng đoàn các cha Salesien.

Lúc 3 giờ chiều ĐTC từ giã nhân viên và các cộng sự viên của trung tâm, rồi đi xe tới Dinh tổng thống để thăm xã giao tổng thống Hham Heydar Aliyev, và gặp các giới chức chính trị, ngoại giao đoàn và giới chức xã hội dân sự. Tổng thống sinh năm 1961, theo học ngành tương giao quốc tế và làm chủ doanh nghiệp tư, sau đó làm phó chủ tịch hãng dầu hoả quốc gia SOCAR từ năm 1994-2003, dân biểu, dẫn đầu đảng Tân Azerbaigian, thủ tướng, rồi được bầu làm tổng thống năm 2003.

Tổng thống đã tiếp đón ĐTC tại cửa dinh nơi diễn ra lễ nghi tiếp đón. Sau khi chụp hình lưu niệm tổng thống và ĐTC đã lên thư phòng ở lầu một để đàm đạo với nhau. Tiếp đến tổng thống giới thiệu gia đình, vợ ba con, ba cháu với ĐTC, hai bên trao đổi quà tặng.

Khoảng 4 giờ rưỡi chiều ĐTC đi thăm đài tưởng niệm các chiến sĩ trận vong cho nền độc lập quốc gia, cách đó 8 cây số. Đài kỷ niệm này được xây năm 1998 trên vùng đất gọi là “Đại lộ các vị tử đạo” biểu tượng cho cuộc chiến đấu cho tự do và sự vẹn toàn của lãnh thổ quốc gia. Năm 1918 các binh sĩ Azeri và Thổ Nhĩ Kỳ tử trận trong cuộc bảo vệ thành phố đuợc chôn cất tại đây. Đây cũng là nơi người dân Azeri biểu  tình chống quân đội liên xô hồi năm 1990. Những người đã bị tàn sát trong dịp đó cũng được chôn cất nơi đây. Các binh sĩ tử trận trong chiến tranh Nagorno-Karraback năm 1992-1994 cũng được chôn cất ở đây.

Xe chở ĐTC dừng trước đài kỷ niệm. ĐTC đã đặt một vòng hoa tại đài kỷ niệm trước sự hiện diện của ông thị trưởng thành phố.

Tiếp đến ĐTC đến Trung tâm Heydar Eliyev cách đó 8 cấy số để găp gỡ 1000 quan khách thuộc giới lãnh đạo chính trị ngoại giao đoàn và đại diện xã hội dân sự và các cơ cấu khác.

Đáp lởi chào của tổng thống ĐTC đã nhắc tới ngày 10 tháng 10 Azerbaigian kỷ niệm 25 năm độc lập. Đây là dịp nhìn vào những gì đã thực hiện được trong các thập niên qua, các tiến bộ  cũng như các vấn đề trước mắt. Lịch sử vùng đất này đã cho thấy phần đóng góp của biết bao nhiêu dân tộc và các cố gắng củng cố cơ cấu, phát triển kinh tế và dân sự đã đạt được là nhờ sự chú ý tới thực tại đa văn hóa và đa tôn giáo và thừa nhận sự bổ túc cho nhau giữa mọi nhóm xã hội. Ngoài ra cũng nhờ các tương quan tôn trọng và cộng tác với nhau giữa các nhóm dân sự và tôn giáo khác nhau. Mọi tuỳ thuộc chủng tộc hay ý thức hệ cũng như mọi lộ trình tôn giáo đích thật chỉ có thể loại trừ các thái độ và quan niệm lạm dụng các xác tín, căn tính riêng hay nhân danh Thiên Chúa để hợp thức hóa các ý đồ đàn áp hay thống trị. ĐTC cầu chúc dân nước Azerbaigian như sau:

Tôi nhiệt liệt cầu chúc dân nước Azerbaigian tiếp tục trên con đường cộng tác giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau. Ước chi sự hoà hợp và chung sống hoà bình ngày càng dưỡng nuôi cuộc sống xã hội và dân sự của đất nước, trong các diễn tả đa diện  của nó, bằng cách bảo đảm cho tất cả mọi người khả thể đóng góp phần mình cho công ích.

Thế giới đang sống thảm cảnh của biết bao nhiêu cuộc xung đột được dưỡng nuôi bởi sự bất khoan nhượng, bởi các ý thức hệ bạo lực và khước bỏ các quyền của những người yếu đuối nhất. Để đương đầu với các lệch lạc này cần phải làm cho nền văn hóa của hoà bình lớn lên, một nền văn hóa được dưỡng nuôi bằng việc luôn luôn sẵn sàng đối thoại, và ý thức rằng không có sự lựa chọn hữu lý nào khác ngoài việc kiên nhẫn và kiên trì liên lỉ thương thuyết để tìm ra các giải pháp. Khi xảy ra các xung đột bên trong quốc gia, cần thăng tiến hoà hợp giữa các thành phần khác nhau, cũng như giữa các quốc gia cần can đảm khôn ngoan theo đuổi con đường dẫn đến tiến bộ và tự do của các dân tộc, mở ra các lộ trình độc đáo nhắm tới các thoả hiệp lâu dài và hoà bình. Như thế cũng là để tránh cho các dân tộc khỏi bị các khổ đau và xé nát thương tâm khó hàn gắn.

ĐTC đặc biệt nghĩ tới các người tỵ nạn và khổ đau vì các xung đột đẫm máu, và ngài cầu mong cộng đồng quốc tế biết trợ giúp họ đồng thời cho phép một khởi đầu mới cho hoà bình ổn định trong vùng. ĐTC kêu gọi dùng mọi phương thế để đạt tới một giải pháp thỏa đáng. Ngài xác tín rằng với sự trợ giúp của Thiên Chúa và với thiện chí của mọi phiá vùng Caucaso sẽ có thể trở thành nơi, qua việc đối thoại và thương thuyết, các tranh chấp và khác biệt sẽ được thắng vượt để cho vùng đất là cánh cửa giữa Đông Tây này cũng trở thành một cửa rộng mở cho hoà bình và là một thí dụ giúp giải quyết các xung khắc cũ và mới.

Tuy là một thực thể bé nhỏ nhưng Giáo Hội công giáo được tháp nhập vào cuộc sống dân sự xã hội Azerbaigian, tham dự vào mọi buồn vui của đất nước, và liên đới trong việc đương đầu với các khó khăn. Việc thừa nhận pháp lý được ký kết trong thoả hiệp với Toà Thánh năm 2011 khiến cho cộng đoàn công giáo có khung cảnh ổn định cho cuộc sống. ĐTC đặc biệt vui mừng vì các tương quan tích cực của cộng đoàn công giáo với các cộng đoàn hồi giáo, chính thống và do thái giáo. Việc gắn bó với các giá trị tôn giáo không thể hoà hợp với sự áp đặt bằng bạo lực các quan điểm của mình trên người khác, bằng cách dùng danh Thiên  Chúa làm thuẫn đỡ. Trái lại niềm tin nơi Thiên Chúa là suối nguồn và linh hứng cho sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau vì công ích của xã hội. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Azerbaigian với sự hoà hợp, hòa bình và thịnh vượng.

Vào lúc 5 giờ ruỡi chiều ĐTC đã đến đền thờ Heydar Aliyev để gặp gỡ  Sceico của người Hồi vùng Caucaso là ông Allashukur Pashazadeh. Ông đã từng theo học bên Uzbekistan, rồi tại Học viện Imam Albukhari Tashkent. Sau đó ông trở thành thư ký điều hành Hội đồng Hồi vùng Caucaso, rồi được bầu làm chủ tịch. Ông cũng đã là thành viên Quốc hội đầu tiên của Azerbaigian và là thành viên ban cố vấn tôn giáo của tổ chức UNESCO và của Ủy ban đối thoại liên tôn và được ĐGH Gioan Phaolô II trao tặng Huy chương “Thánh Giorgio” của Vaticăng.

Đáp lời chào của Sceico, ĐTC nói thật là ý nghĩa cuộc vặp gỡ thân hữu huynh đệ giữa các tôn giáo trong nơi cầu nguyện này. Nó là dấu chỉ cho thấy các tôn giáo có thể cùng nhau xây dựng sự hoà hợp, từ các tương quan cá nhân và từ thiện chí của hàng lãnh đạo. Dân nước Azerbaigian ước muốn duy trì gia tài lớn lao của các tôn giáo, và tìm kiếm một sự rộng mở lớn và phong phú hơn, trong đó Công giáo có chỗ đứng hoà hợp với các tôn giáo khác đông đảo hơn và có thể cộng tác chung xây các xã hội tốt đẹp và hoà bình hơn. Ước chi vùng đất cánh cửa giữa Đông Tây này ngày càng vun trồng ơn gọi rộng mở và gặp gỡ, là các điều kiện cần thiết giúp xây dựng các cây cầu hoà bình và một tương lai xứng đáng với con người. Rộng mở cho tha nhân không làm cho nghèo nàn đi, nhưng làm giầu, vì giúp con người là người hơn, nhận biết mình là thành phần tích cực của một tổng thể lớn hơn, và giải thích cuộc sống như là một món quà cho tất cả mọi người khsc, nhìn đích tới không phải với các lợi lộc riêng, nhưng như ích lợi của nhân loại, hành động không với các chủ thuyết lý tưởng và các chủ trương can thiệp, không xen mình một cách nguy hiểm, và không có các hành động áp đặt.

Chính các tôn giáo có một nhiệm vụ lớn là đồng hành với con người trong việc kiếm tìm ý nghĩa cuộc sống, giúp nó hiểu rằng các khả năng hạn hẹp của con người và các của cải trần gian này không được trở thành các điều tuyệt đối. Trích lời thi sĩ Nizami của Azerbaigian, khuyên con người biết rằng các hoa trái của thế giới này không vĩnh cửu, và đừng tôn thờ cái hư mất, rằng “tình yêu là điều bất biến, là điều không có tận cùng”, ĐTC nói: Các tôn giáo được mời gọi giúp hiểu rằng trung tâm của con người ở ngoài mình, rằng chúng ta hướng tới Đấng Cao cả vô tận, và hướng tới tha nhân. Tôn giáo là một sự cần thiết cho con người, để nó hiện thực đích điểm của nó, một địa bàn định hướng nó cho sự thiện, và khiến cho nó xa sự dữ, luôn rình rập ngoài cửa con tim nó. Trong nghĩa đó các tôn giáo có một nhiệm vụ giáo dục: giúp rút tiả ra từ con người điều tốt lành nhất. Và như là các người lãnh đạo chúng ta có trách nhiệm lớn là cống hiến các câu trả lời đích thực cho sự tìm kiếm của con người, thường lạc lõng trong các lốc xoáy mâu thuẫn của thời dại chúng ta. Một đàng có người theo chủ thuyết hư vô, không tin vào cái gì hết nếu không phải là các lợi lộc riêng tư, hay vứt bỏ đời minh và sống theo châm ngôn “Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, thì tất cả đều được phép”. Đàng khác ngày càng có các người phản ứng cứng nhắc  và cuồng tín, có các lời nói và cử chỉ bạo lực, muốn áp đặt các thái độ quá khích triệt để, xa cách Thiên Chúa hằng sống nhất. Trái lại các tôn giáo giúp phân định sự thiện sự và thực hành với các công việc làm, lời cầu nguyện và sư mệt nhọc của nội tâm, chúng được mời gọi xây dựng nền văn hoá gặp gỡ và hoà bình, được làm với sự kiên nhẫn, cảm thông, với các bước đi khiêm tốn và cụ thể. Không bao giờ được phép lèo lái tôn giáo, và tôn giáo không bao giờ được cho vay mượn và trợ giúp các xung đột và các đối kháng.

ĐTC đã dùng hình ảnh nghệ thuật làm kính mầu bằng gỗ và kính Shekele, đã có từ nhiều thế kỷ tại Azerbaigian, để diễn tả sự gắn bó giữa xã hội và tôn giáo. Người ta không dùng keo dính, không dùng đinh, nhưng chỉ dùng gỗ bọc kính với nhau để cho ánh sáng lùa vào. Cũng thế, mỗi xã hội dân sự đều phải nâng đỡ tôn giáo để cho ánh sáng cần thiết cho sự sống tràn vào. Vì thế cần bảo đảm cho tôn giáo được tự do thực sự. Không dùng keo dán giả tạo bắt buộc con người tin, không áp đặt một niềm tin xác định, đánh mất sự tự do lựa chọn, không có các đinh đóng từ bên ngoài của các lợi lộc trần thế, của các tham vọng quyền bính và tiền bạc. Bởi vì Thiên  Chúa không thể được khẩn nài cho các lợi nhuận riêng tư, hay cho các mục đích ích kỷ, không thể biện minh cho bất cứ hình thức nào của chủ thuyết cuồng tín, đế quốc hay thực dân. Một lần nữa, từ nơi ý nghĩa này vang lên tiếng kêu mời: đừng bao giờ bạo lực nhân danh Thiên  Chúa nữa! Ước chi danh thánh của Ngài được tôn thờ, không bị phạm thánh và buôn bán bởi các thù hận và các đối nghịch của con người. Chúng ta hãy tôn vinh Thiên  Chúa bằng lời cầu nguyện kiên trì và bằng việc đối thoại cụ thể. Câu nguyện và đối thoại mở rộng con tim hướng tới thiện ích của tha nhân và tương ứng sâu xa với nhau.

Theo tinh thần Công Đồng Chung Vaticăng II Giáo Hội công giáo khích lệ con cái mình nhận ra các giá trị tinh thần, luân lý, xã hội, văn hóa nơi tín hữu các tôn giáo khác, giữ gìn chúng và làm cho chúng tiến triển. Không có khuynh hướng trộn lẫn tôn giáo, cũng không có sự cởi mở ngoại giao, nhưng là đối thoại với người khác và cầu nguyện cho họ Đó là các phương thế để biến giáo mác thành liềm, dấy lên tình yêu nơi có thù hận và tha thứ nơi có xúc phạm, để không mệt mỏi khẩn nài đi trên các con đường hoà bình.

Một nền hoà bình đích thực được xây dựng trên sự tôn trọng lẫn nhau, trên ý chí vượt qua các thành kiến và các lầm lỗi quá khứ, trên việc từ bỏ các thái độ hai lòng và các lợi lộc phe phái; một nền hoà bình lâu bền đuợc linh hoạt bởi lòng can đảm vượt qua các hàng rào, triệt hạ nghèo túng và các bất công, tố cáo và ngăn chặn việc gia tăng phổ biến các vũ khí và các lợi nhuận gian ác trên da thịt người khác. Tiếng của quá nhiều máu đổ ra từ trái đất căn nhà chung kêu lên tới Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta đuợc gọi hỏi đưa ra một câu trả lời không thể chần chừ được nữa cho việc cùng nhau xây dựng một tương lai hoà bình: không phải với những giải pháp bạo lực và bất thình lình, nhưng đã đến lúc cấp thiết sử dụng các tiến trình kiên nhẫn của hoà giải. Vấn đề thực sự của thời đại chúng ta không phải là làm thế nào tiếp tục các lợi lộc của chúng ta, nhưng đâu là viễn tượng cuôc sống cống hiến cho các thế hệ tương lai, làm sao để lại cho họ một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đã nhận được. Thiên  Chúa và lịch sử sẽ hỏi chúng ta có tạo dựng hoà bình không, và   các thế hệ trẻ mơ một tương lai khác đang hỏi chúng ta rồi.

Ước chi trong đêm đen của các xung khắc mà chúng ta đang trải qua, các tôn giáo  là các bình mình của hoà bình, hạt giống của tái sinh giữa các tàn phá chết chóc, các tiếng vọng của đối thoại vang lên không mệt mỏi, các con đường của gặp gỡ và hoà giải để đến nơi mà các cố gắng làm trung gian chính thức xem ra không đem lại kết quả. Nhất là trong vùng Caucaso thân yêu này, mà tôi đã ước ao đến thăm như người hành hương hoà bình, ước chi các tôn giáo là các phương thế tích cực giúp thắng vượt các thảm kịch của quá khứ và các căng thẳng hiện tại

Sau khi từ giã đại diện các tôn giáo ĐTC đã đi xe ra phi trường từ giã Azerbaigian để về Roma. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra đơn sơ. Phó Thủ Tướng đã tiễn ĐTC tới chân thang máy bay. Máy bay chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh lúc 7 giờ tối giờ đia phương và về tới Ciampino lúc 10 giờ tối giờ Roma, kết thúc chuyến công du thứ 16 của ĐTC tại nước ngoài.

Linh Tiến Khải

 

Thánh lễ khai mạc Tổng Hội 36 của Dòng Tên

Thánh lễ khai mạc Tổng Hội 36 của Dòng Tên

Jesuits-election-process

ROMA. Hôm nay, ngày 02.10, tiết trời Roma đã chuyển dần sang Thu. Cái nóng oi ả của mùa hè đã nhường chỗ cho những cơn gió mát mẻ. Xa xa phía chân trời điểm vài đốm mây đen như báo hiệu một cơn mưa vội chợt đến. Tại Nhà Thờ Gesù của Dòng Tên, bầu không khí dường như nóng hơn, nhộn nhịp và rộn ràng hơn ngày thường vì sự hiện diện của khoảng 300 Giêsu hữu. Hôm nay, tại ngôi thánh đường này, lần thứ 36 trong lịch sử Nhà Dòng, Tổng Hội một lần nữa lại được triệu tập. Tổng Hội khai mạc với thánh lễ trọng thể vào lúc 17h cùng ngày. Cha Bruno Cadoré, người Pháp, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giảng, chủ tế thánh lễ. Có một truyền thống tốt đẹp từ xưa đến nay, khi vị Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tên qua đời, cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Thuyết Giảng sẽ được mời chủ tế thánh lễ an táng. Nhưng ngày hôm nay, cha Cadoré đã được mời chủ tế thánh lễ khai mạc Tổng Hội, vì trong Tổng Hội, cha Adolfo Nicolás sẽ chính thức từ nhiệm vai trò Bề Trên Tổng Quản Dòng Tên. Trong thánh lễ khai mạc, cha Nicolás, các Tổng Cố Vấn và 215 đại biểu Tổng Hội đã cùng đồng tế. Đồng thời, nhiều anh em Giêsu hữu đang học tập và làm việc tại Italia; đông đảo các tín hữu, ân nhân và thân hữu của nhà dòng cũng hiện diện trong thánh lễ.

Bắt đầu thánh lễ, cha Cadoré đã có lời chào mừng tất cả anh em Giêsu hữu đang quy tụ nơi đây. Ngài cũng cầu chúc Tổng Hội của Dòng sẽ thành công tốt đẹp như lòng Chúa mong muốn.

Trong bài giảng, những chia sẻ của cha Cadoré được gợi hứng từ các bài đọc trong ngày Chúa Nhật 27 Thường Niên. Bài đọc một trích sách Kha-ba-cúc, bài đọc hai trích thư của Thánh Phaolo Tông đồ gởi Ti-mô-thê và bài Phúc Âm trích từ chương 17 Tin Mừng theo Thánh Luca.

Cha Cadoré bắt đầu bài giảng khởi đi từ lời kêu xin của các Tông đồ đối với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con!” Quả thật, lời cầu xin này rất am hợp với tâm tình của việc khai mạc Tổng Hội. Cha Cadoré giải thích: “Đức tin rất cần thiết – ngay cả khi nó chỉ mang hình dáng nhỏ bé bằng hạt cải – vì đức tin giúp ta dám vươn tới những gì không chắc chắn hoặc không thể xảy ra: ‘Nếu anh em có bảo cây dâu này, hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em.’ Đức tin lại càng cần thiết hơn, vì nhờ tin mà ta hiểu rằng ngay cả khi có thể thực hiện được những điều phi thường, chúng ta cũng chỉ dám thưa rằng: ‘Chúng con là những đầy tớ. Chúng con chỉ làm những công việc bổn phận đấy thôi.’ Đây cũng chính là tâm tình và niềm xác tín nơi Hội Dòng của anh em. Dòng Tên luôn tiếp tục tiến bước giữa lời mời gọi không ngừng can đảm hướng tới nhưng điều ‘chưa chắc chắn’ và một sự sẵn sàng mang tính truyền giáo để thực hiện điều ấy, với sự khiêm tốn của những người nhận biết rằng trong việc phục vụ, ngay cả khi con người đã dồn tất cả sức lực để thực hiện, thì tất cả đều tùy thuộc nơi Thiên Chúa mà thôi.

Sự táo bạo dám vươn tới điều chưa thể chính là tính cách đặc trưng của thánh Inhã trong thời điểm ngài sáng lập Hội Dòng nhỏ bé mang tên Chúa Giêsu. Nhưng liệu Dòng Tên có còn là một khả thể trong thời đại khủng hoảng của chúng ta hôm nay không, khi mà sự bạo tàn xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau? Liệu Dòng Tên có còn tiếp tục can đảm và táo bạo được thể hiện qua những cam kết, những lời nói, sự đoàn kết đối với một tiếng gọi không luôn được biết trước của Đấng mà thế giới đang hy vọng, Đấng đã lật đổ sự chết và thiết lập sự sống, Đấng mà anh em luôn tìm kiếm để làm vinh danh mỗi ngày một hơn không? Dòng Tên vẫn có thể tiếp tục đặc sủng của mình nếu được củng cố cách vững chắc trên lời khuyên của Thánh Phaolo với bạn ngài là Ti-mô-thê: “Tìm thấy sức mạnh và sự sáng tạo của sự trung tín trong thần khí mà Thánh Thần đã bao phủ lấy ta, để dẫn chúng ta đến việc gặp gỡ và lắng nghe tha nhân. Thánh Thần là Đấng tạo nên suối nguồn lòng xót thương nơi tâm hồn mỗi con người, Đấng củng cố mối dây liên kết vững chắc không thể phá vỡ được với những ai đã được giao phó cho chúng ta.”

Cuối cùng, cha Cadoré nhấn mạnh rằng đức tin của người tông đồ cần phải được khắc họa bởi sự can đảm và táo bạo, dám vươn tới những điều chưa thể. Nhưng đồng thời đức tin ấy cũng là đức tin của một người tôi tớ khiêm nhường, đức tin của một người thực sự dám trao ban sự sống mình cho người khác. Vậy anh em là tôi tớ phục vụ ai và điều gì? Anh em là tôi tớ phục vụ bàn, bàn của những tội nhân, bàn sẵn sàng chào đón tất cả những ai đui mù, què quặt, người Phariseu cũng như kẻ thu thuế, kẻ ngoại tình cũng như những người tốt lành. Thánh Inhã, đấng sáng lập Dòng, đã cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Chúa, xin hãy dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu không ngại thương tích, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào hơn là được biết con đang thi hành thánh ý Chúa’. Ngày hôm nay, một lần nữa, lời cầu nguyện này chẳng phải là một lời mời gọi đặt chúng ta, tất cả chúng ta, vào việc phục vụ bàn ăn này hay sao?

Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con!”

Sáng thứ hai, ngày 03/10, 215 đại biểu sẽ quy tụ tại phòng họp Tổng Hội để bắt đầu phiên họp thứ nhất trong kỳ họp toàn thể của Tổng Hội 36. Theo dự kiến, cha Adolfo Nicolás sẽ trình bày việc từ nhiệm của mình ngay trong ngày họp thứ nhất của Tổng Hội.

Vũ Đức Anh Phương SJ

Hàng chục ngàn dân Hà Tĩnh biểu tình chiếm Formosa, công an tháo chạy

Hàng chục ngàn dân Hà Tĩnh biểu tình chiếm Formosa, công an tháo chạy

Nguyên Nguyễn / SBTN

Sáng ngày Chủ Nhật 02.10.2016, hơn 5 ngàn người dân Hà Tĩnh đã tập trung biểu tình trước trụ sở Formosa để yêu cầu Formosa đền bù thiệt hại và nhà cầm quyền phải đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam. Con số này sau đó đã tăng lên đến hơn 15 ngàn người, khiến cho lực lượng cảnh sát cơ động, công an, an ninh có mặt để đàn áp dân đã hốt hoảng, bỏ chạy tán loạn.

8:20 sáng (giờ VN): Hiện tại có khoảng hơn 5,000 người dân thuộc các giáo xứ Đông Yên, Tây Yên, Quý Hoà, Dũ Lộc ở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã tập trung trước cổng nhà máy Formosa để biểu tình. Cuộc biểu tình có sự hiện diện và dẫn đầu của Linh mục Trần Đình Lai -- cha chánh xứ Đông Yên. Bà con cầm rất nhiều banner có khẩu hiệu: "Formosa hãy cút khỏi Việt Nam", "Yêu cầu khởi tố Formosa và đồng bọn", "Người dân chúng tôi cần nước sạch, cá sạch và khí trong lành", "Yêu cầu chính quyền đứng về phía người dân", "Tại sao công an lại bảo vệ Formosa?",…

Một giáo dân có mặt trong cuộc biểu tình cho biết: "Mục đích của chúng tôi biểu tình là yêu cầu Formosa và nhà cầm quyền trả lời đơn thư yêu cầu bồi thường vụ thảm hoạ môi trường mà người dân chúng tôi đã gửi hôm 22/9/2016 vừa rồi. Chúng tôi cũng yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam."

8:40 sáng: Số lượng người biểu tình đang lúc một tăng lên rất đông khi có nhiều bà con khác cùng kéo nhau đến tham gia. Bạn Duy Hoàng từ hiện trường chia sẻ: "Chúng tôi cơ cực lắm rồi, cuộc sống bị đảo lộn. Thật là khốn nạn khi lực lượng công an lại lo bảo vệ Formosa mà quay lưng lại với người dân…"

Nhà cầm quyền tỉnh Hà Tĩnh đã huy động lực lượng công an, an ninh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân phòng và xe chuyên dụng đến để kiểm soát tình hình, lập chốt an ninh và hàng rào để bảo vệ khu vực nhà máy Formosa! 

10:15 sáng: Lực lượng biểu tình lúc này đã lên đến hơn 10,000 người. Nhà cầm quyền CSVN đã huy động một lực lượng đông đảo công an, an ninh, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, dân phòng và xe chuyên dụng đến để kiểm soát tình hình, lập chốt an ninh và hàng rào để bảo vệ nhà máy Formosa.

Ban đầu, khi người dân vừa xuống đường, nhà cầm quyền đã cho các lực lượng cảnh sát cơ động đến xô đẩy yêu cầu người dân giải tán khỏi khu vực nhà máy Formosa, tuy nhiên, các giáo dân đã thực hành một chiến thuật đấu tranh bất bạo động đó là ngồi xuống biểu tình một cách ôn hoà. 

Hiện tại, vẫn chưa có đàn áp hay bắt bớ nào diễn ra. 

10: 40 sáng: Con số người dân có mặt biểu tình trước Formosa ước lượng lên đến hơn 15,000 người. Nhiều người dân đã trèo lên hàng rào chiếm lĩnh khu vực cổng nhà máy Formosa. Người dân căng băng rôn và dán khẩu hiệu đầy khắp các bờ tưởng. 

Trước làn sóng biểu tình dữ dội nhưng ôn hòa của hàng chục người dân Hà Tĩnh, lực lượng công quyền được huy động để đàn áp người dân đã phải đầu hàng và rút lui. Một số công an đứng bảo vệ trước cổng nhà máy Formosa thậm chí phải cởi áo tháo chạy. 

Hiện tại, chúng tôi nhận thấy thấy có thêm nhiều xe chuyên dụng của công an đến, nhưng vẫn chưa có sự trấn áp nào.

11:15 sáng: Trời mưa to, người biểu tình bắt đầu rút. Linh mục Trần Đình Lai chúc lành cho bà con giáo dân trước khi ra về. Trong lời phát biểu cuối cùng, ông nói cuộc biểu tình ôn hòa này là để thể hiện thái độ của người dân, cũng như để cho phía cầm quyền lắng nghe tiếng nói của dân.

Một nguồn thông tin cho biết, các xe biển số 80 tức là xe của Bộ công an đang đổ về Hà Tĩnh rất nhiều.

11:30 sáng: Đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành trong khi rời khỏi Formosa trở về giáo xứ Đông Yên. Những người ở cổng chính đã ra về, tuy nhiên vẫn còn nhiều người còn ở lại ở các cổng phụ. 

Người dân trước khi ra về đã để lại những thông điệp rõ ràng cho Formosa và nhà cầm quyền Hà Nội.

Nguyên Nguyễn / SBTN

 

Video người dân Kỳ Anh biểu tình, Công An bỏ chạy, Formosa thất thủ

 

 

 

 

 

Ngày thứ hai chuyến viếng thăm Georgia của ĐTC Phanxicô

Ngày thứ hai chuyến viếng thăm Georgia của ĐTC Phanxicô

ĐTC Phanxicô nhận lễ vật trong thánh lể cử hành tại sân vận động Meskhi thứ bẩy 1-10-2016

Thứ Bẩy hôm qua là ngày thứ hai ĐTC viếng thăm mục vụ Georgia. Ngài đã có bốn sinh hoạt chính: chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại sân vận động Meskhi, gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời, gặp gỡ các bệnh nhân và nhân viên của các tổ chức bác ái của Giáo Hội công giáo tại trung tâm của dòng Camilliano, và thăm nhà thờ chính toà thượng phụ Svetyskhoveli. Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC.

Lúc 9 giờ rưỡi sáng ĐTC đã rời Toà Sứ Thần để đến sân vận động Meskhi để dâng thánh lễ cho tín hữu. Sân vận động này là một trung tâm thể thao đa dụng, mang tên cầu thủ Mikhail Miskhi năm 1988 được bầu làm cầu thủ túc cầu Georiga giỏi nhất của thế kỷ 20. Đuợc xây lại năm 2001 sân vận động có 27.000 chỗ ngồi, và là sân vận động lớn thứ hai trong nước, sau sân vận đông Boris Paichadze.

Tại Georgia các Giáo Hội kitô gồm Latinh, Armeni công giáo, Assiro-canđê, Tin lành baptist và Luther họp gặp gỡ nhau hàng tháng để thảo luận trao đổi ý kiến liên quan tới các vấn đề tôn giáo và tụ hạp nhau trong buổi cầu nguyện đại kết ngày 25 tháng giêng. Cũng có một Hội đồng các tôn giáo bao gồm 20 giáo hội. Đã có nhiều đại điện các giáo hội này hiện diện trong thánh lễ của ĐTC. Hiện diện trong thánh lễ cũng có đại diện chính quyền dân sự, đại diện của Toà Thượng Phụ Georgia, của Đức Thượng Phụ và Công Đồng Canđê, đông đảo đại diện Giáo Hội Armeni công giáo và các Giáo Hội kitô khác.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc lễ kính thánh Teresa Hài Đồng Giêsu, và mời gọi mọi người hãy mở toang cánh cửa con tim và cuộc sống cho sự ủi an của Chúa, và chia sẻ sứ mệnh cấp thiết của Giáo Hội là là tiếp nhận và cống hiến sự an ủi của Thiên Chúa cho mọi người. Ngài nói:

** Sự an ủi mà chúng ta cần giữa các biến cố giao động của cuộc sống là chính sự hiện diện của Thiên Chúa trong con tim. Bởi vì sự hiện diện của Ngài trong chúng ta là suối nguồn của sự ủi an đích thực, tự do khỏi sự dữ nó đem đến hoà bình và làm cho niềm vui lớn lên. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được an ủi cần phải dành chỗ cho Chúa trong cuộc sống. Và để Chúa có thể ở ổn định trong chúng ta, cần mở cửa cho Ngài vào, chứ không để Ngài đứng ở ngoài. Có những cánh cửa của sự ủi an cần phải để rộng mở luôn, bởi vì Chúa Giêsu thích vào qua ngã đó: đó là Phúc Âm đưọc đọc mỗi ngày và đem theo mình, lời cầu nguyện thinh lặng và thờ lậy, Xưng Tội, Thánh Thể. Chính qua các cánh cửa này mà Chúa vào và ban hương vị mới mẻ cho mọi sự. Nhưng khi cánh cửa con tim đóng kín, ánh sáng của Ngài không tới được và chúng ta ở trong bóng tối. Khi đó chúng ta quen với khuynh hướng bi quan, với các điều không chạy, với các thực tại sẽ không bao giờ thay đổi. Và kết cục chúng ta khép kín mình trong buồn sầu, dưới hầm của âu lo, một mình trong chính mình. Nhưng nếu chúng ta mở toanh các cánh cửa của sự ủi an, thì ánh sáng của Chúa vào được!

Tuy nhiên, ngôn sứ Isaia không chỉ nói Thiên Chúa sẽ an ủi chúng ta như một bà mẹ an ủi con thơ, ông còn thêm rằng Chúa sẽ an ủi trong thành Giêrusalem, là thành của Thiên  Chúa, trong cộng đoàn. Sự an ủi được tìm thấy trong Giáo Hội, là nhà của sự ủi an. Chính ở đây Chúa muốn an ủi. Là người sống trong Giáo Hội tôi có là người đem lại sự an ủi của Thiên Chúa không? Tôi có biết tiếp đón tha nhân như khách trọ, và an  ủi người mệt mỏi chán chường không? Cho dù có bị khổ đau khốn khó và khép kín, kitô hữu luôn luôn được mời gọi trao ban hy vọng cho người chịu trận, và hồi sinh người mất tin tưởng, đem ánh sáng của Chúa Giêsu, hơi ấm sự hiện diện của Ngài, sự nghỉ ngơi và tha thứ của Ngài tới cho biết bao người khổ đau, chịu thử thách, bất công và sống trong lo âu. Kitô hữu được mời gọi chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội là tiếp nhận và trao ban an ủi. Vì thế quen khép kín trong một môi trường giáo hội bé nhỏ thì không tốt. Cần phải chia sẻ các chân trời rộng rãi, các chân rộng mở cho niềm hy vọng, can đảm khiêm tốn ra khỏi chính mình.

Nhưng điều kiện để nhận đuợc sự an ủi của Thiên Chúa là trở nên con trẻ (Mt 18,3-4). Để tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa cần có con tim bé nhỏ: chỉ khi còn bé chúng ta mới được ở trên cánh tay của mẹ.

ĐTC nói tiếp trong bài giàng: Chúa Giêsu đã nói: “Ai trở nên như trẻ nhỏ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4) Sự cao cả thực sự của con người là ở chỗ nó trở thành bé nhỏ trước Thiên Chúa. Không phải các tư tưởng cao siêu và học hành nhiều giúp hiểu biết Thiên Chúa, nhưng  là sự bé nhỏ và tin tưởng của con tim. Để là lớn trước Đấng Tối Cao, không cần phải chất chứa danh dự và uy tín, các của cải trần gian, nhưng là dốc đổ chính mình. Trẻ em là người không có gì để cho, và nhận tất cả. Nó giòn mỏng yếu đuối và tuỳ thuộc cha mẹ. Ai trở nên trẻ nhỏ thì nghèo chính mình, nhưng giầu Thiên Chúa.

Thật tốt cho chúng ta, nếu luôn biết nhớ rằng chúng ta luôn luôn và trước hết là con cái Thiên  Chúa: không phải chủ nhân của cuộc sống, nhưng là con cái của Thiên Chúa Cha, không phải là những người tự lập và tự đủ, nhưng là con luôn luôn cần được bồng ẵm trên tay, nhận tình yêu và sự tha thứ. Phúc cho các cộng đoàn kitô sống sự đơn sơ tinh tuyền này của Tin Mừng! Nghèo phương tiện, nhưng giầu Thiên Chúa. Phúc cho các chủ chăn không theo cái luận lý của thành công thế gian, nhưng theo luật của tình yêu: tiếp đón, lắng nghe và phục vụ. Phúc cho Giáo Hội không tín thác nới các tiêu chuẩn của chủ trương chức năng và hiệu quả có tổ chức, và không chú ý tới hình ảnh bề ngoài.

Kết thúc bài giảng ĐTC đã trích lại nhiều tư tưởng của thánh nữ Teresa Hài Đồng liên quan tới con đường thơ ấu thiêng liêng. Mở đwfu bài giảng ngài cũng  ngài đã lấy lại một câu thánh nữ Teresa viết trong các tác phẩm tự thuật: “Số phụ nữ yêu Thiên Chúa nhiều hơn nam giới rất nhiều”, và ĐTC ca tụng giá trị và vai trò của nữ giới tại Georgia gồm các thế hệ biết bao bà nội bà ngoại và người mẹ tiếp tục giữ gìn và thông truyền đức tin, đã được gieo vào lòng đất này bởi Nữ thánh Hài Đồng và đem nước mát sự ủi an của Thiên Chúa vào trong biết bao nhiêu tình trạng sa mạc và xung khắc của xã hội.

Trước khi ban phép lành cho mọi người ĐTC đã cám ơn ĐC Pasotto về lời chào nhân danh cộng đoàn Latinh, Armeni, và Assiro canđê, Đức thượng phụ Sako, các Giám Mục Canđê, ĐC Minassian, và những người từ Armenia tới, cũng như tín hữu đến từ khắp nước Georgia. Ngài cũng cám ơn các giới chức chính quyền, tín hữu Giáo Hội Armeni tông truyền và tín hữu các Giáo Hội khác, đặc biệt là đại diện Giáo Hội chính thống Georgia.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã trở về Toà Sứ Thần Toà Thánh để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi gặp các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh vào ban chiều.

Lúc 3 giờ rưỡi chiều ĐTC đi xe tới nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời cách đó 9 cây số để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Đây là nhà thờ của Giáo Hội công giáo Latinh, do các cha dòng Capucino xây trên nền một hà thờ cũ hồi đầu thế kỷ XX với tài trợ của Bộ Truyền Giáo. Dưới thời cộng sản Liên Xô nhà thờ bị đóng cửa, sau đó bị trưng dụng làm công sở, rồi nhà chơi thể thao. Ngày 15 tháng 8 năm 1999 nhà thờ được tái thánh hiến bởi ĐTGM Giovanni Battista Re, hồi đó là Phụ tá quốc vụ khanh. Trong thư gừi nhân dịp này ĐGH Giaon Phaolô II viết: “Nhà thờ nhắc nhớ nỗi khổ đau của đất nước Georgia và các hy sinh của dân tộc công giáo… Tuy nhiên nhà thờ Đức Mẹ hồn xác lên trời giờ đây lại vươn lên như biểu tượng của niềm hy vọng mới cho Georgia”. Đức Gioan Phaolô II cũng đã viếng thăm nhà thờ trong chuyến công du Georgia trong hai ngày 8-9 tháng 11 năm 1999.

Giáo Hội công giáo Latinh hồi sinh sau thời kỳ bị bách hại khốc liệt. Tuy bé nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn vì các dấn thân trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái xã hội. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ Giáo Hội đã bắt tay vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và tái tổ chức cuộc sống. Đa số các linh mục là người nước ngoài. Linh mục bản xứ đầu tiên đưọc thụ phong năm 1998, sau đó có thêm 4 tân linh mục nữa. Hiện đang có 9 phó tế vĩnh viễn đang được đào tạo. Các nữ tu Thừa Sai bác ái của Mẹ Têresa là dòng đầu tiên đến hoạt động tại Georgia sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Tiếp đến có các cha dòng Camilliano, và từ năm 1994 có các cha Dòng Năm Dấu Thánh và từ vài năm nay có thêm các cha dòng Capucino.

ĐTC đã được ĐC Pasotto Giám quản tông toà tiếp đón, rồi ngài vào viếng Mình Thánh Chúa. Bên trong nhà thờ có 250 linh mục, tu sĩ và chủng sinh.

Buổi gặp gỡ đã diễn ra dưới hình thức chia sẻ chứng từ. Sau khi lắng nghe 4 chứng từ chia sẻ và ghi chép một số điểm được nêu lên ĐTC đã trả lời buông và khích lệ các linh mục tu sĩ nam nữ chủng sinh và giáo dân biết duy trì vững mạnh đức tin đã nhận được từ ông bà cha mẹ, sống và thông truyền nó. Duy trì ký ức để nó giúp lớn lên và sinh hoa trái. Ngài kể cho mọi người nghe chuyện một bà cụ già 80 tuổi người Armeni nhưng sống tại Georgia vẫy tay chào ngài. Khi nói chuyện bà cho biết bà đã đi xe bus 6-7 giờ để cố ý đến gặp ĐGH là người kế vị Thánh Phêrô. Hôm sau ngài lại gặp cùng bà cụ đó lại vẫy ngài. Ngài hỏi: “Ủa hôm qua tôi đã gặp bà rồi mà!”, bà nói : “Hôm nay con đi xe bus hai giờ tới để gặp ĐTC, người dại diện Chúa Giêsu. Ngài hỏi tại sao, bà cụ trả lời: “đức tin mà thưa cha”. Phụ nữ Georgia nổi tiếng là mạnh mẽ và có đức tin vững vàng đó là gia tài quý báu mà họ thông truyền cho con cháu. Gốc rễ đức tin của từng người là bà nội bà ngoại và mẹ chúng ta. Vì vậy cần nhớ lại quá khứ, có ký ức, can đảm sống trong hiện tại và hy vọng nơi tương lai.

ĐTC đã đặc biệt nhắn nhủ các linh muc tu sĩ nam nữ và chủng sinh hãy nhớ lại ơn gọi đời thánh hiến của mình, khi được Chúa Thánh Thần đánh động, như một linh mục trẻ đã chia sẻ. Cha kể lại rằng hồi còn bé có lần trông thây một linh mục cha nói với mẹ “Mai mốt con muốn trở thành như cái ông kia kià mẹ” Và khi lớn lên cha đã làm linh mục như lòng mong ước khi còn bé.

Ký ức ơn gọi giúp chúng ta vượt thắng các khó khăn cám dỗ trong cuộc sống và kiên trì trong ơn gọi. ĐTC khuyên các người sống đời thánh hiến đừng bao giờ quay lại đàng sau, nhưng kiên trì vững vàng tiến bước với các yêu đuối và tội lỗi của mình, với các khó khăn và chưóng ngại có thể gặp trong cuộc sống, các hiểu lầm, các thất bại, chán nản ngã lòng. Và nhất là phải xác tín rằng lòng thương xót Chúa lớn hơn tội lỗi của chúng ta.

Liên quan tới các khó khăn của cuộc sống hôn nhân, mà hàng giáo sĩ và tu sĩ thường gặp phải trong việc mục vụ gia đình, ĐTC khuyến khích các linh mục tu sĩ và toàn cộng đoàn phải tiếp đón, đồng hành và tìm mọi cách giúp các cặp vợ chồng gặp khó khăn cứu vãn hôn nhân của họ. Khi cha mẹ lục đục và muốn ly dị ly thân, Thiên Chúa và con cái đau khổ biết bao, vì như thế là làm nhọ hình ảnh của Thiên Chúa và gây thiệt hại cho con cái. Khi bị cám dỗ thấy một người đàn bà hay đàn ông khác trổi vượt hơn vợ hay chồng mình, cần phải xin Chúa giúp đỡ ngay để thắng vượt cám dỗ đó. Để duy trì hạnh phúc các cặp vợ chồng phải biết tiếp đón nhau, đồng hành với nhau, cùng nhau phân định và cùng nhau hội nhập. Có ba từ cần sử dụng liên tục là: xin phép, cám ơn và xin lỗi. Chúng cho phép cuộc sống gia đình tiến tới. Và ĐTC khuyên các cặp vợ chồng đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau, với các cử chỉ hay lời nói đơn sơ, kể cả một cái vuốt ve trìu mến không lời. Các lục đục, khó khăn, bất hoà, hiểu lầm, cãi cọ là những điều bình thường có thể xảy ra trong gia đình. Dù có cãi nhau, đĩa bay chén bay, hay cái gì đi nữa, đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau.

Gia đình ngày nay bị tấn công bởi biết bao nhiêu tư tưởng thực dân như ý niệm về giống. Phải bảo vệ gia đình chống lại các ý thức hệ thực dân đó, và chạy đến với hai bà Mẹ: Mẹ Maria là Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta và Mẹ Giáo Hội. ĐTC nói:

Chúa Giêsu thích làm cho Giáo Hội tiến tới với hai phụ nữ: đó là Mẹ của Ngài, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng ta và Hiền Thê của ngài là  Giáo Hội. Với hài bà mẹ này Giáo Hội tiến tới vững vàng. Chúa yêu thích làm cho Giáo Hội tiến tới như thế và phụ nữ là những người thông truyền đức tin và bảo vệ đức tin. Các đan sĩ Georgia thường nói: khi gặp các tấn công hay khổ đau khốn khó, tín hữu cần chạy đến trú ẩn đưới áo choàng của Mẹ Maria. Đức Maria là mẹ, Giáo Hội là mẹ. Với hai bà mẹ này chúng ta tiến bước vững vàng trong cuộc sống đức tin.

Vấn đề sau cùng được ĐTC nhắc đến là vấn đề đại kết. Hãy để các khó khăn thần học cho các thần học gia thảo luận. Chúng ta hãy sống cởi mở, sống tình bạn, cộng tác với nhau trong các việc bác ái. Đừng muốn hoán cải người khác, không được chiêu dụ các tín đồ chính thống. Họ là anh em của chúng ta. Vì các lý do lịch sử và nhiều lý do phức tạp khác chúng ta rơi vào tỉnh trạng hiện nay, nhưng hãy biết chấp nhận nhau, sống thân hữu với nhau, đồng hành với nhau, cầu nguyện cho nhau và cùng nhau hoạt động bác ái, không lên án. Đó là sống đại kết.

ĐTC đặc biệt cảnh cáo các linh mục tu sĩ chủng sinh và tín hữu chống lại tinh thần trần tục. Chúa Giêsu đã là người cương quyết và mạnh mẽ chống lại tinh thần thế tục này, và trong bữa Tiệc Ly đã xin Thiên  Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khởi tình thần trần tục. Tóm lại cần phài duy trì vững mạnh đức tin đã nhận lãnh được từ thế hệ ông bà cha mẹ, giữ gìn, sống, và thông truyền nó cho những người khác, và biết chạy đến ẩn náu dước bóng áo choàng của Mẹ Maria.

ĐTC đã cùng mọi người đọc một kinh Kính Mừng. Tiếp đến cộng đoàn hát kinh Lậy Cha và ĐTC lãnh phép lành toà thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia đẩy mạnh đại kết

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia đẩy mạnh đại kết

Đức Thánh Cha kêu gọi Chính Thống Georgia cùng đẩy mạnh đại kết

TBILIBI. Trong cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo Chính Thống Georgia chiều ngày 1-10-2016, ĐTC mời gọi Giáo Hội này cùng Công Giáo đẩy mạnh đại kết.

Hoạt động cuối cùng của ĐTC tại Georgia là cuộc viếng thăm Nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng Phụ Chính Thống ở thành Mtshkheta là cố đô của Georgia, cách thủ đô Tbilisi 22 cây số về hướng tây bắc. Phong cảnh tại đây thật là thơ mộng, giữa núi non và hai dòng sông Aragvi và Mktvari.

Nhà thờ chính tòa Svetyskhoveli (nghĩa đen là ”Cây cột ban sự sống”) là trung tâm tinh thần của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Theo lưu truyền ở địa phương, chiếc áo chùng của Chúa Kitô được giữ tại thánh đường này. Tại đây hàng năm vào ngày 1-10 có cử hành lễ đặt áo chùng thánh của Chúa, và tất cả các GM mới được truyền chức tại đây, bất luận các vị thuộc giáo phận nào.

Thánh đường hiện nay được xât cất hồi thế kỷ thứ 11, trên di tích của nhà thờ chính tòa cũ có từ thế kỷ thứ 4. Qua dòng lịch sử, Nhà thờ này bị phá hủy và tái thiết nhiều lần.

Khi ĐTC đến nhà thờ chính tòa ngài được chính Đức Thượng Phụ Ilia II đón tiếp và hướng dẫn đến mộ thánh Sidonia, theo truyền thống, thánh nhân đã được an táng với chiếc áo chùng của Đấng Chiu Đóng Đanh. Tại đây ĐTC đã thắp lên ngọn nến sáng để bày tỏ lòng tôn kính.

Hiện diện trong thánh đường cũng có thủ tướng Georgia, các chức sắc của Giáo Hội Chính Thống Georgia, một số GM Công Giáo và đại diện các Giáo Hội Kitô khác, cùng với chính quyền dân sự và đại diện ngoại giao đoàn, giới trí thức văn hóa.

Trong lời chào mừng ĐTC, Đức Thượng Phụ Ilia 2, 83 tuổi, Giáo chủ Chính Thống Georgia, giải thích lịch sử thánh Sidonia được an táng tại nhà thờ này và chiếc áo cùng của Chúa Giêsu. Ngài cũng nói lịch sử thăng trầm của Georgia, bao nhiêu đau khổ vì những cuộc xâm lăng, những cuộc tử đạo của hàng trăm tín hữu vì không muốn chà đạp Thánh Giá Chúa.

Diễn văn của ĐTC

Tiếp lời Đức Thượng Phụ, ĐTC đi từ hình ảnh chiếc áo chùng không đường khâu của Chúa Giêsu để mời gọi các tín hữu dấn thân trên con đường tìm về hiệp nhất. Ngài nói:

”Mầu nhiệm chiếc áo chùng không đường khâu, được dệt từ trên xuống dưới” (Ga 19,23) đã lôi kéo sự chú ý của các tín hữu Kitô ngay từ đầu. Một Giáo Phụ thời xưa, thánh Cipriano thành Cartagine, đã khẳng định rằng trong chiếc áo không bị phân chia của Chúa Giêsu xuất hiện ”mối dây hòa hợp, liên kết không thể tách rời”, sự hiệp nhất đến từ trên cao, nghĩa là từ trời, từ Chúa Cha, và tuyệt đối không thể bị xâu xé” (De catholicae Ecclesiae unitate, 7). Chiếc áo chùng thánh, mầu nhiệm hiệp nhất, nhắn nhủ chúng ta cảm thấy đau đớn sâu xa vì những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô qua dòng lịch sử: đó là những xâu xé thực sự gây ra cho thân mình Chúa, nhưng đồng thời, sự hiệp nhất từ trên cao, tình yêu của Chúa Kitô đã tập họp chúng ta và ban cho chúng ta không những chiếc áo của Ngài, nhưng cả chính thân mình Ngài, thúc đẩy chúng ta đừng cam chịu, và Chúa nêu gương cho chúng ta (Xc Rm 12,1): khích lệ chúng ta có lòng bác ái chân thành và cảm thông nhau, hàn gắn những chia rẽ, nhờ một tinh thần huynh Kitô trong sáng. Tất cả những điều đó đòi một con đường kiên nhẫn, cần phải vun trồng sự tín nhiệm nhau và lòng khiêm tốn, không sợ hãi và cũng không nản chí, trái lại trong niềm vui tươi chắc chắn mà niềm hy vọng Kitô cho chúng ta nếm hưởng trước. Niềm hy vọng ấy khích lệ chúng ta tin rằng những đối nghịch có thể chữa lành và những chướng ngại có thể bị loại bỏ, đồng thời mời gọi chúng ta không bao giờ từ bỏ cơ hội gặp gỡ và đối thoại, bảo tồn và cải tiến những gì đã có. Ví dụ tôi nghĩ đến cuộc đối thoại hiện nay trong Ủy ban hỗn hợp quốc tế và những cơ hội trao đổi phúc lợi khác”.

Giã từ Đức Thượng Phụ Ilia 2 và các chức sắc, ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Tbilisi để dùng bữa tối và qua đêm.

Sáng chúa nhật 2-10-2016, ĐTC sẽ giã từ Georgia vào lúc 8 giờ 10, để bay sang thủ đô Baku của Cộng hòa Azerbaigian và viếng thăm đến chiều tối cùng ngày trước khi đáp máy bay về Roma, dự kiến vào lúc 10 giờ đêm.

G. Trần Đức Anh OP