Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Phỏng vấn cha tân Bề trên tổng quyền dòng Tên Arturo Sosa

Ngày 18 tháng 10 năm vừa qua Tổng tu nghị Dòng Tên đã bầu cha Arturo Sosa Abascal người Venezuela làm Bề trên tổng quyền thứ 30 của Dòng. Cha Sosa sinh năm 1948, khấn trọn năm 1982, đã từng là cố vấn và đại diện cho các nhà và các cơ sở liên giám tỉnh của dòng tại Roma.

Hỏi: Thưa cha, cha có thể cho biết thân thế của cha, cha đã trở thánh linh mục dòng tên như thế nào, và từ vài tháng nay cha là Bề trên tổng quyền của Dòng.

Đáp: Để biết tôi là ai thì chỉ cần chú ý tới hai nguồn hiện tại là gia đình tôi và trường của dòng Tên tại Caracas, nơi tôi đã theo học từ bậc tiểu học cho tới trung học, là đủ, nghĩa là từ khi tôi lên 5 tuổi cho  catới khi 17 tuổi. Gia đình tôi đã sinh sống tại Venezuela từ ba đời, nhưng ông ngoại tôi là người gốc vùng Santander bên Tây Ban Nha, di cư sang châu Mỹ Latinh. Chúng tôi có 6 anh em, tôi là anh cả. Sau đó là đến hai em gái, một em trai hiện sống bên Hoa Kỳ và hai em gái kế. Tất cả các em gái đều sống tại Venezuela. Gia đình tôi là một gia đình thực hành đạo, có một bà dì nữ tu, và một ông anh họ tu sĩ dòng Tên. Chính trong gia đình mà tôi đã học cầu nguyện và rộng mở cho người khác. Ngay từ ngày còn bé cha tôi thường cho tôi đi theo trong các cuộc du hành của ông trên toàn nước Venezuela. Ông là trạng sư,  kinh tế gia và là một thương gia buớc vào làm chính trị. Ông đã là bộ trưởng tài chánh trong vòng một năm trong chính phủ chuyển tiếp, sau khi chế độ độc tài của tổng thống Marcos  Perez Jiménes cáo chung. Hầu như trong suốt thế kỷ XIX Venezuela đã trải qua các chính quyền độc tài, và trong thập niên 1950 dấn thân của cha tôi là tạo ra các không gian dân chủ. Và trong gia đình tôi đã học biết rằng không ai có thể tự cứu thoát một mình. Nếu chúng ta muốn hạnh phúc, thì phải góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc của quốc gia.

Hỏi: Và nguồn khác mà cha nhắc tới trên đây là gì, thưa cha?

Đáp: Nó cũng quan trọng như nguồn thứ nhất vậy. Tại trường thánh Ignazio, nơi tôi đã theo học hầu như 13 năm, từ năm 1953 cho tới năm 1966, đã có rất đông các tu sĩ dòng Tên trẻ, và chúng tôi ở trường từ sáng cho tới chiều, từ thứ hai cho tới thứ bẩy. Sau tuần học các tu sĩ dẫn chúng tôi đi thăm các nhà thương hay đi dạo ngoài đồng quê để tiếp xúc với các nông dân. Tôi nhớ tới các năm này như một môi trường rất là sáng tạo. Tôi cũng đã là thành viên của một hiệp hội thánh mẫu, và hồi đó thú thật là tôi chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục và bóng rổ rất dở. Sau khi mãn trung học tôi đã cảm thấy là để góp phần tốt hơn cho thiện ích của tất cả mọi người  tôi phải gia nhập dòng Tên. Và thế là ngày 14 tháng 9 năm 1966, ít ngày trước khi lên 18 tuổi, tôi đã xin nhập dòng.

Hỏi: Như vậy các năm huấn luyện đã ra sao và các năm sau đó cha đã làm gì?

Đáp: Việc chuẩn bị tôi ấy à? Đó là việc đào tạo huấn luyện của dòng Tên theo các chặng: các năm nhà tập, chương trình học triết học và thần học tại đại học công giáo Andres Bello trong thủ đô Caracas, rồi một thời gian tại Trung tâm Gumilla do các tu sĩ dòng Tên điều khiển nhằm trợ giúp các hợp tác xã tiết kiệm và tín dụng tại miền trung Venezuela, rồi theo học thần học tại Roma trong trường Chúa Giêsu và đại học giáo hoàng Gregoriana giữa các năm 1974-1977, là năm tôi được thụ phong Linh Mục. Nhưng tôi đã trở về Venezuela để học bổ túc về thần học, trong khi tôi dọn luân án tiến sĩ về các khoa học chính trị tại đại học chính của thủ đô Caracas. Đây là môn tôi đã dậy tại trung tâm Gumilla cũng như tại đại học Andres Bello, đặc biệt là lịch sử các tư tưởng. Trong gần 20 năm tôi cũng đã là giám đốc nguyệt san “Sic” của dòng Tên. Từ năm 1996 tới 2004 tôi đã là bề trên giám tỉnh của dòng tại Venezuela, và sau cùng là viện trưởng đại học công giáo Táchira từ năm 2004 cho tới năm 2014. Năm 2014 cha Bề trên tổng quyền đã gọi tôi về Roma để đặc trách các nhà quốc tế của dòng, nơi có 400 tu  sĩ dòng Tên làm việc dưới quyền của ngài.

Hỏi: Thưa Cha, sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử của dòng một linh mục không phải ngưòi âu châu được bầu làm Bề trên tổng quyền có ý nghĩa gì?

Đáp: Đây chắc chắn là hoa trái của sự thay đổi đang xảy ra trong toàn Giáo Hội, và là một dấu chỉ của tính cách công giáo của nó, cũng như trong biến cố bầu Đức Bergoglio làm Giáo Hoàng. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một dữ kiện lịch sử rất quan trọng, không thể chối cãi được: đó chính là tinh thần truyền giáo quảng đại của Âu châu đã cho phép điều này, và tạo thuận tiện cho việc hội nhập văn hoá, là nét đặc thù của các tu sĩ dòng Tên và của các cứ điểm truyền giáo do các tu sĩ điều khiển. Tiến trình này đã kéo dài một thế kỷ rưỡi, và ngày nay đã đưa dòng tới chỗ là một thực tại đa văn hóa, nhập thể vào trong hàng chục nền văn hóa khác nhau, để giúp con người và các xã hội trở thành nhân bản hơn, bằng cách chỉ cho thấy Chúa Giêsu Kitô, dung nhan của Thiên Chúa. Đây là một sự phong phú khổng lồ đối với các tu sĩ dòng Tên và tất cả mọi Giáo Hội. Chẳng hạn như Giáo Hội châu mỹ latinh là một Giáo Hội rất sinh động, nhưng thường bị trình bầy một cách bất công, bị san bằng trên nền thần học giải phóng, là nền thần học cũng hay bị giới thiệu một cách chế nhạo như là mác xít: đây là một trung gian của đức tin kitô, mà tôi đã định nghĩa là không thể được, trong một bài viết hồi thập niên 1970.

Hỏi: Thưa cha, sức khoẻ của dòng Tên hiện nay ra sao? Nó đã mất đi phân nửa các tu sĩ so với nửa thế kỷ trước, chỉ còn lại vài trăm thầy, mà trước đây đông hơn nhiều. Và việc đào tạo hiện như thế nào?

Đáp: Số tu sĩ không phải là một tiêu chuẩn để phán đoán sức khỏe của các tu sĩ dòng Tên: ngay từ đầu thánh Ignazio đã nói tới “một hội dòng tối thiểu”. Chúng tôi thích phẩm chất hơn, và không có nghi ngờ là sự nghiêm ngặt  của việc đào  tạo của chúng tôi ngày nay còn lớn hơn xưa kia rất nhiều. Chắc chắn rồi, tôi không chối cuộc khủng hoảng mạnh mà chúng trôi đang trải qua bên Âu châu và bên Hoa Kỳ, chính yếu là vì phong trào tục hóa và cuộc khủng hoàng dân số. Việc đào tạo hàn lâm và tinh thần thiêng liêng phải chú ý tới sự kiện có nhiều chuyên viên gia nhập dòng. Và môi trường đào tạo cũng khác xưa rất nhiều, và mở rộng ra trong lãnh vực tâm lý, các khoa học xã hội, các lãnh vực khoa học. Cả đối với việc nâng cao trình độ văn hóa chung cũng cần phải thổi không khí  vào các tu sĩ, xưa kia vốn rất đông. Và tôi phải hãnh diện nói rằng ơn gọi của tôi là nhờ các tu sĩ rất nhiều, nhờ các tu sĩ giáo tập, giáo sư, cũng như nhờ các tu sĩ trẻ chưa là linh mục. Rất nhiều lần tôi câm nín trước kinh nghiệm về Thiên Chúa của các anh em này, là các tu huynh không linh mục. Tôi đặc biệt nhớ tới một thầy suốt đời làm việc trong một nông trại chăn nuôi gia súc: thầy đã là một người chiêm niệm. Tuy nhiên, cần nhớ rằng hình thức lý tưởng của dòng Tên là  hình thức của các tu sĩ khấn, tức các tu sĩ đã tới lời khấn thứ bốn, ngày nay chiếm đa số, so với các trợ sĩ không khấn nó, và so với các tu sĩ kinh viện, đang còn trong thời kỳ đào tạo, và với các tu huynh.

Hỏi: Thưa cha tại sao dòng Tên lại không có nhánh nữ vậy?

Đáp: Đã có rất nhiều nữ tu, và họ là các nữ tu đã lấy hứng từ tinh thần tu đức của thánh Ignazio, họ chia sẻ tinh thần tu đức đó. Và tôi muốn nói thêm rằng không có phụ nữ thì một cách đơn thuần sẽ không thể nghĩ tới sứ mệnh của dòng Tên được. Đàng khác, ở nguồn gốc của các tu sĩ dòng Tên đã có một nhóm những người nam đã đuợc truyền chức quyết định sống một kiểu thánh hiến mới: cùng nhau sống như là các bạn đường và phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

Hỏi: Nghĩa là một dòng nảy sinh để đứng ở hàng tiền đạo tại các vùng biên giới. Thế ngày nay dòng đang ở đâu và di chuyển như thế nào? Đâu là các biên giới của dòng Tên hiện nay thưa cha Bề trên tổng quyền?

Đáp: Chúng tôi là các thừa sai và các biên giới, như trong suốt lịch sử của dòng chúng tôi cho thấy, thì nhiều lắm: giáo dục, truyền thống cũng như bình dân, phục vụ người di cư tỵ nạn, hoạt động trong lãnh vực rất rộng lớn của việc tranh đấu cho công bằng xã hội,  và đào tạo dấn thân chính trị. Cùng với cuộc sống tu sĩ đây là một trong các đam mê của tôi: đó là chiến đấu và chiêm niệm, để dùng lại kiểu nói của vài thập niên trước.

Hỏi: Các tu sĩ dòng Tên có còn là các người đào tạo và các vị linh hướng nữa không, thưa cha?

Đáp: Có chứ. Ngày nay hơn bao giờ hết. Hiện nay việc phục vụ cuộc sống thiêng liêng này đã gia tăng các phương cách, các nơi chốn và con người. Các cuộc tĩnh tâm theo tinh thần của thánh Ignazio kéo dài một tháng hay cả một tuần không còn có thể làm nữa vì các tiết nhịp của cuộc sống thời đại. Và người ra đề nghị các hình thức khác trong cuộc sống thường ngày, có thể kéo dài tám hay chín tháng. Và giảng giải không phải chỉ có các tu sĩ dòng Tên và còn có nhiều người khác nữa, nữ giáo dân cũng như các nữ tu, nam giới và nữ giới. Sau Công Đồng Chung Vatican II, là một ơn sủng Chúa ban, chúng tôi nhậy cảm hơn rất nhiều đối với sự khác biệt của các ơn gọi và các ơn đến từ Thiên Chúa.

(Oss. Rom 21-12-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I Lễ Mẹ Thiên Chúa

duc-thanh-cha-chu-su-kinh-chieu-le-me-thien-chua

VATICAN. Chiều ngày 31-12-2016, ĐTC Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch. Ngài đặc biệt kêu gọi giải quyết nạn thất nghiệp của giới trẻ.

Hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 36 HY, đặc biệt là ĐHY Agostino Vallini, Giám Quản Roma, 7 GM phụ tá và 40 GM khác, 150 LM và khoảng 8 ngàn tín hữu.

Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, ĐTC đã diễn giải mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống trần chia sẻ thân phận phàm nhân, gần gũi với tất cả những người phải chịu đau khổ, bị loại trừ. Ngài mời gọi các tín hữu dừng lại trước hang đá máng cỏ để khám phá Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tham dự vào công trình của Người, ”mời gọi chúng ta can đảm và quyết liệt đón nhận tương lai đang ở trước mặt chúng ta”.

ĐTC cũng nói rằng: ”Khi nhìn máng cỏ, chúng ta gặp khuôn mặt của thánh Giuse và Mẹ Maria đầy hy vọng và ước mong, đầy câu hỏi. Những khuôn mặt trẻ đang nhìn về đàng trước với nghĩa vụ không dễ dàng là giúp Chúa Hài Đồng tăng trưởng. Không thể nói về tương lai mà không chiêm ngưỡng những khuôn mặt trẻ trung ấy và đảm nhận trách nhiệm của chúng ta đối với những người trẻ”.

ĐTC phê bình sự mâu thuẫn này: ”Một đàng chúng kiến tạo một nền văn hóa ca tụng sự trẻ trung, làm cho nó vĩnh cửu, nhưng đồng thời lại kết án những người trẻ của chúng ta không cho họ có một không gian để thực sự hội nhập vào, và dần dần chúng ta gạt họ ra ngoài đời sống công cộng, buộc họ phải xuất cư hoặc phải ăn xin những công việc mà họ không có được, hoặc không để cho họ được đề ra những dự phóng cho ngày mai.. Chúng ta dành ưu tiên cho sự đầu cơ thay vì những công việc xứng đáng và chân thực, giúp người trẻ trở thành những người tích cực nắm vai chính trong đời sống xã hội chúng ta. Chúng ta mong đợi nơi người trẻ và đòi họ phải trở thành men tương lai, nhưng chúng ta lại kỳ thị họ, ”buộc họ phải gõ những cánh cửa tiếp tục khép kín”.

”Chúng ta được mời gọi đừng như người chủ quán trọ ở Bethlehem, đứng trước một đôi vợ chồng trẻ, nói rằng: ở đây không có chỗ. Không có chỗ cho cuộc sống, cho tương lai”.

Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, ĐTC đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá lớn tại đây. (SD 31-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

Gần 4 triệu tín hữu tham dự các sinh hoạt của Đức Thánh Cha

gan-4-trieu-tin-huu-tham-du-cac-sinh-hoat-cua-duc-thanh-cha

VATICAN. Trong năm 2016, có gần 4 triệu tín hữu đã tham gia các buổi tiếp kiến, các buổi lễ và các buổi đọc kinh với ĐTC tại Vatican.

Trong thông cáo công bố hôm 29-12-2016, Phủ Giáo Hoàng cho biết con số 3 triệu 952 ngàn tín hữu tham dự các sinh hoạt của ĐTC tại Vatican không kể hàng triệu người khác gặp gỡ ngài trong các cuộc viếng thăm mục vụ tại Italia và nước ngoài như ở Mexico, đảo Lesvos bên Hy Lạp, Armeni, Ba Lan, Georgia, Azerbaigian và Thụy Điển.

Trong số những người gặp ĐTC tại Vatican, đông nhất là 1 triệu 650 ngàn người dự các buổi đọc kinh Truyền Tin và Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại Quảng trường Thánh Phêrô, 924 ngàn người dự các buổi cử hành phụng vụ, 762 ngàn người dự các buổi tiếp kiến chung thứ tư hằng tuần, và 446 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt trong năm thánh, thường là vào sáng thứ bẩy, mỗi tháng 1 lần. Ngoài ra có gần 170 ngàn người dự các buổi tiếp kiến đặc biệt của ĐTC (SD 29-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động

Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động

bo-phuc-vu-phat-trien-nhan-ban-toan-dien-bat-dau-hoat-dong

VATICAN. Từ chúa nhật 1-1-2017, Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện bắt đầu hoạt động, chiếu theo quyết định của ĐTC, trong tự sắc công bố ngày 31-8-2016.

ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Peter Turkson, người Ghana, làm Bộ trưởng của cơ quan mới này. Ngài năm nay 68 tuổi, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM thành phố Cape Coast hồi năm 1992 và được thăng Hồng y hồi năm 2003. Năm 2009, ngài được ĐTC Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình.

Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản có thẩm quyền đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến di dân, những người nghèo túng, các bệnh nhân và những người bị loại trừ, bị gạt là ngoài lề và các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các tù nhân, người thất nghiệp cũng như các nạn nhân của bất kỳ hình thực nô lệ và tra tấn.

Qui chế của Bộ mới được phê chuẩn thử nghiệm, theo đó, từ ngày 1-1-2017, thẩm quyền của 4 Hội đồng Tòa Thánh hiện nay sẽ tập trung vào Bộ Phục Vụ phát triển nhân bản toàn diện, đó là Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Cor Unum Đồng Tâm, mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Hội đồng Tòa Thánh mục vụ các nhân viên y tế.

Kể từ ngày đó, 4 Hội đồng vừa nói sẽ ngưng hoạt động và bị bãi bỏ, cùng với các điều khoản từ số 142 đến số 153 của Tông Hiến Mục Tử Nhân Lành (Pastor Bonus).

Theo qui chế mới, trong Bộ tân lập có một Phân Bộ đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của ĐTC đối với những người tị nạn và di dân. Thực vậy, ngày nay không thể có một dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện mà không đặc biệt quan tâm đến hiện tượng di dân. Vì thế, phân bộ này được tạm thời ở dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ĐTC (Qui chế, art, 1,4).

Trong thời gian qua, ĐTC đã bổ nhiệm hai vị phó tổng thư ký giúp ngài điều hành Phân Bộ di dân trong Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, để giúp ngài trong các vấn đề di dân và tị nạn.

Đó là Cha Michael Czerny, dòng Tên 70 tuổi, người Canada gốc Tiệp, chuyên gia về các vấn đề nhân quyền, và Cha Fabio Baggio, 51 tuổi, người Argentina, thuộc dòng Scarabrini, đã từng giúp ĐTC về mục vụ di dân, khi ngài còn làm TGM giáo phận Buenos Aires. (SD 29-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Noi gương tổ phụ Abraham biết nhìn cuộc sống với đôi mắt đức tin

Noi gương tổ phụ Abraham biết nhìn cuộc sống với đôi mắt đức tin

dtc-phanxico-cho-con-ket-cua-ganh-xiec-liana-orfei-dau-tren-tay-trong-buoi-tiep-kien-sang-thu-tu-28-12-2016

Để tin thác phải biết nhìn với con mắt đức tin như tổ phụ Abraham đã tin vào điều không thể được, và hy vọng vượt quá các lý luận của con người, của sự khôn ngoan, cẩn trọng của thế gian,và điều thường được coi là lẽ phải. 

ĐTC Phanxicô nói như trên với 8,000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI. Hôm thứ tư 28-12 cũng là buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2016.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã khai triển đề tài “Tổ phụ Abraham, cha của lòng tin và niềm hy vọng”. Ngài nói: Trong thư gửi giáo đoàn Roma thánh Phaolô nhắc cho chúng ta biết gương mặt của tổ phụ Abraham, để chỉ cho chúng ta con đường của lòng tin và niềm hy vọng. Thánh nhân viết về tổ phụ như sau: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc” (Rm 4,18). “Vững vàng trong niềm hy vọng chống lại mọi hy vọng”: điều này khó phải không? Điều này mạnh mẽ: không có niềm hy vọng, nhưng tôi vẫn hy vọng. Tổ phụ Abraham của chúng ta là như thế.

Thánh Phaolô đang quy chiếu niềm tin qua đó tổ phụ Abraham tin vào lời Thiên Chúa hứa ban cho ông một người con trai. Đó đã thật là việc tín thác hy vọng “chống lại mọi hy vọng”, vì điều Chúa đang báo cho ông biết không thể thật được, bởi ông đã già và vợ ông thì không sinh sản – ông như gần trăm tuổi và vợ ông không sinh con. Bà không thành công… Nhưng Thiên Chúá đã nói điều đó và ông tin. Đã không có hy vọng trên bình diện nhân loại, vì ông đã già và vợ thì hiếm muộn: nhưng ông tin.

Khi tin tưỏng nơi lời hứa, tổ phụ Abraham lên đường, chấp nhận rời bỏ quê hương của mình và trở thành người ngoại kiều, hy vọng nơi người con không thể có mà Thiên Chúa đã hứa ban cho ông, mặc dù lòng dạ ba Sara đã như là chết.

ĐTC giải thích lòng tin của tổ phụ Abraham như sau:

** Abraham tin, lòng tin của ông mở ra cho một niềm hy vọng xem ra vô lý; nó là khả năng vượt quá các lý luận loài người, vuợt quá sư khôn ngoan và cẩn trọng của thế gian, vượt quá điều bình thường được coi là lẽ phải, để tin vào điều không thể được. Niềm hy vọng mở ra cho các chân trời mới, khiến cho có khả năng mơ mộng điều không thể tưởng tượng được. Niềm hy vọng khiến cho có khả năng bước vào trong cái tối tăm của một tương lai không chắc chắn để bước đi trong ánh sáng. Đức cậy thật là đẹp; nó cho chúng ta biết bao sức mạnh để bước đi trong đời.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Nhưng đó là một con đường khó khăn. Và đến lúc, cả đối với Abraham nữa, đến lúc của cuộc khủng hoảng của chán nản. Ông đã bỏ nhà cửa, đất đai, bạn bè.. tất cả. Ông đã ra đi tới một xứ sở Thiên Chúa đã chỉ cho ông; thời gian qua đi. Vào thời đó làm một cuộc du hành không giống như ngày nay với máy bay – chỉ trong vòng 12, 15 giờ – nhưng hồi đó cần hàng tháng hàng năm – nhưng người con trai không tới, lòng dạ bà Sara vẫn đóng kín không sinh con.

Và tổ phụ Abraham, tôi không nói là mất kiên nhẫn, nhưng thở than với Chúa. Và chúng ta học được điều này nơi tổ phụ Abraham: thở than với Chúa là một kiểu cầu nguyện. Đôi khi giải tội tôi nghe nói: “Con đã than van với Chúa”, và tôi trả lời “Không, con cứ than van đi, Ngài là cha”. Và đây là một kiểu cầu nguyện: hãy thở than với Chúa. Điều này tốt. Abraham than thở với Chúa và nói: “Lậy Chúa,  con ra đi mà không có con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát." (Ông Eliede là người quản lý mọi sự). Ông Áp-ram nói thêm: "Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con." Và đây có lời Chúa phán với ông rằng: "Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi." Rồi Người đưa ông ra ngoài, hướng dẫn ông và nói: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không." Người lại phán: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó! " Abraham một lần nữa tin, và vì thế, Chúa kể ông là người công chính.” (St 15,2-6).

Cảnh này xảy ra ban đêm, bên ngoài trời tối, nhưng trong con tim của Abraham cũng có tối tăm, nản lòng và khó khăn trong việc tiếp tục hy vọng vào một cái gì không thể được. Tổ phụ đã quá cao niên, xem ra không còn thời giờ cho một người con nữa và một người đầy tớ sẽ thay thế thừa hưởng tất cả.

** Abraham đang nói chuyện với Chúa,  cả khi Ngài hiện diện ở đó và nói chuyện với ông, nhưng xem ra Ngài xa xôi, như thể là không trung thành với lời Ngài nữa. Abraham cảm thấy cô đơn, già nua và mệt mỏi, cái chết gần kề. Làm sao để tiếp tục tín thác đây?

Tuy nhiên, sự thở than của ông đã  là một hình thức của lòng tin, là một lời cầu nguyện rồi. Mặc dù tất cả,  Abraham tiếp tục tin nơi Thiên Chúa và hy vọng rằng còn có cái gì đó có thể xảy ra. Nếu không, thì tại sao lại gọi hỏi Chúa, thở than với Ngài, nhắc cho Ngài nhớ tới các lời hứa?

Và ĐTC giải thích lòng tin như sau:

Lòng tin không chỉ là sự thinh lặng chấp nhận tất cả không đối đáp, niềm hy vọng không phải là sự chắc chắn đặt bạn vào trong an ninh không nghi ngờ và lưỡng lự. Có biết bao lần, hy vọng là tối tăm; nhưng chính ở đó hy vọng đưa bạn tiến tới. Tin cũng có nghĩa là chiến đấu với Thiên Chúa, cho Ngài thấy nỗi cay đắng của chúng ta, không giả bộ đạo đức. “Con đã tức giận với Thiên Chúa và con đã nói điều này, điều này, điều này…” “Nhưng mà Ngài là cha, Ngài đã hiểu con: hãy đi bằng an! Có sự can đảm này! Đó là niềm hy vọng. Và hy vọng cũng là không sợ hãi trông thấy thực tại như nó là, và chấp nhận các mâu thuẫn.

Như vậy Abraham hướng tới Thiên Chúa để Ngài giúp ông tiếp tục hy vọng. Thật là lạ lùng! Ông không xin một đứa con trai. Ông xin: “Xin giứp con tiếp tục hy vọng”, lời xin có niềm hy vọng. Và Chúa trả lời bằng cách nhấn mạnh lời hứa xem ra không thật của Ngài: không phải một đầy tớ thừa tự ông, nhưng chính một người con trai, do Abraham sinh ra. Không có gì thay đổi từ phía Thiên  Chúa. Ngài tiếp tục nêu bật điều đã nói và không cống hiến các điểm tựa cho Abraham, để ông cảm thấy được bảo đảm. Sự chắc chắn duy nhất của ông là tín thác nơi lời nói của Chúa và tiếp tục hy vọng.

Và dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho Abraham là một lời yêu cầu tiếp tục tin và hy vọng: “Hãy nhìn trời và đếm các vì sao… Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó” (St 15,5). Lại một lời húa nữa, và một cái gì đó phải chờ đợi cho tương lai. Thiên Chúa đem Abraham ra ngoài lều, thật ra là ra khỏi các quan niệm hạn hẹp của ông, và chỉ cho ông thấy các vì sao. Để tin, cần phải biết nhìn với các con mắt của đức tin; không phải chỉ là các vì sao mà tất cả mọi ngưòi đều có thể nhìn thấy, nhưng đối với Abraham chúng phải trở thành dấu chỉ sự trung thành của Thiên Chúa. Đó là đức tin, đó là con đường của niềm hy vọng mà mỗi người phải đi. Nếu đối với cả chúng ta nữa chỉ còn lại khả thể duy nhất là nhìn các vì sao, thì khi đó là lúc tín thác nơi Thiên Chúa. Không có gì đẹp hơn. Niềm hy vọng không gây thất vọng.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương khác nhau và chúc mọi người một năm mới thánh thiện và hạnh phúc.

Chào các  nhóm nói tiếng Pháp ngài mời gọi họ tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả mọi ơn lành Chúa đã ban cho trong năm sắp kêt thúc này. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm hy vọng nơi các lời Chúa hứa, vững vàng trong đức tin và luôn biết chú ý tới nhu cầu của các anh chị em khác.

Chào các nhóm nói tiếng Anh ngài cầu chúc họ và gia đình giữ gìn niềm vui giáng sinh, và gặp gỡ Chúa nhập thể sống gần gũi con người trong lời cầu nguyện.

ĐTC cũng chào các nhóm hành hương nói tiếng Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan và cầu chúc mọi người không sợ hãi tiến bước trong tương lai với ánh sáng và phúc lành của Chúa trong năm mới.

Ngài cám ơn các tín hữu Ba Lan đã chúc mừng lễ và cầu nguyện cho ngài.

Chào các nhóm nói tiếng Ý ĐTC cám ơn các nam nữ nghệ sĩ đoàn xiệc Liana Orfei đã biểu diễn giúp vui mọi người. Vẻ đẹp bao giờ cũng đưa tới gần Thiên Chúa. Ngài cũng chào tín hữu vùng Supino và San’ Andrea delle Fratte ở Roma đem theo hình Mề đai phép lạ, sẽ được trưng bầy trong đền thờ thánh Phêrô cho mọi người kính viếng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nói lễ các thánh anh hài giúp mọi người sống vững mạnh niềm tin và ngắm nhìn Chúa Hài Nhi tự hiến mình cho nhân loại. Ước chi các bạn trẻ biết lớn lên như Chúa, tuân phục cha mẹ và sẵn sàng hiểu biết và sống theo ý Chúa;

ước chi các bệnh nhân hiểu ý nghĩa và giá trị của khổ đau; các đôi tân hôn duy trì tình yêu và sự tận hiến trong việc xây dựng gia đình và đừng bao giờ kết thúc ngày sống mà không làm hoà với nhau.

Buổi tiếp kiến cuối cùng trong năm 2016 kết  thúc với kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh  Tiến Khải

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu ở Riga, Lettoni

Cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu ở Riga, Lettoni

cuoc-gap-go-gioi-tre-kito-au-chau-o-riga-lettoni

RIGA. Chiều ngày 28-12-2016, cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô Âu Châu lần thứ 39 do Tu viện đại kết Taizé tổ chức, sẽ khai diễn tại thành phố Riga, thủ đô Cộng hòa Lettoni và kéo dài đến ngày 1-1 sắp tới.   Tham dự sinh hoạt này có hơn 10 ngàn bạn trẻ Công Giáo, Tin Lành Anh giáo và Chính Thống tuổi từ 17 đến 35, đến từ các nước Âu Châu, đặc biệt từ các nước láng giềng như Ucraina, Bạch Nga và Liên bang Nga, Ba Lan.. Họ được tiếp đón trong các gia đình và các cộng đoàn giáo xứ ở địa phương. Đây là lần đầu tiên một nước cựu cộng sản Liên Xô đón tiếp cuộc gặp gỡ thuộc loại này.

Các vị lãnh đạo Kitô, trong đó có ĐTC Phanxicô, đã gửi sứ điệp chào thăm và khích lệ các bạn trẻ. ĐTC mời gọi họ, ”bằng lời nói và hành động”, hãy chứng tỏ sự ác không phải là tiếng nói cuối cùng trong lịch sử của chúng ta”. Ngài viết ”Ngày nay nhiều người bị chao đảo, thất vọng vì bạo lực, bất công, đau khổ và chia rẽ. Họ có cảm tưởng sự ác mạnh hơn mọi sự. Vì thế, đây là thời điểm thương xót cho tất cả và từng người, để không một ai c thể nghĩ mình xa lạ với sự gần gũi của Thiên Chúa và sức mạnh sự dịu dàng của Chúa”. ĐTC cầu chúc cho những ngày họp mặt này giúp người trẻ không sợ những giới hạn của mình, nhưng tăng trưởng trong niềm tín thác nơi Chúa Giêsu, Đấng tín nhiệm các bạn trẻ”.

Đức Cha Zbignevs Stankevics, TGM giáo phận Công Giáo Riga, ca ngợi sáng kiến của các tu sĩ Taizé bắc những nhịp cầu giữa các tôn giáo, các dân tộc và các nước. Ngài nói: “Trong một thời đại với những cuộc xung đột gia tăng và các bức tường được dựng lên, sự thúc đẩy tinh thần như vậy rất là quan trọng”.

Cả Đức TGM Janis Vanags của Tin Lành Luther ở thủ đô Riga, cũng chào mừng cuộc gặp gỡ giới trẻ Kitô tại đây là một ”biến cố tuyệt vời”. Ngài kêu gọi dân chúng địa phương tỏ ra hiếu khách đối với các bạn trẻ.

Cũng như những lần trước đây, tại Riga, ban sáng các bạn trẻ sinh hoạt tại các giáo xứ, ban chiều họ tập họp để cầu nguyện, ca hát thánh ca và chia sẻ suy tư. Ngoài ra họ cũng có những sinh hoạt văn hóa.

Để chuẩn bị cho những suy tư và trao đổi của giới trẻ tại cuộc gặp gỡ, Thầy Alois Loser, người Đức, tu viện trưởng Taizé, đã đưa ra 4 đề nghị theo chủ đề ”cùng nhau mở những con đường hy vọng”, lấy hứng từ cuộc gặp gỡ mới đây của giới trẻ Taizé ở Cotonou, thủ đô Benin bên Phi châu. (SD 26-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tái lập lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ tại Népal

Tái lập lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ tại Népal

tai-lap-le-giang-sinh-nhu-le-nghi-tai-nepal

KATHMANDU. Chính phủ Népal đã quyết định tái lập lễ Giáng Sinh như lễ nghỉ chính thức, sau khi các tín hữu Kitô phản đối việc bãi bỏ lễ nghỉ này hồi tháng 4 năm 2016.

Trong dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, các tín hữu Kitô Népal đã mừng lễ trọng thể, kể cả với những trang trí bên ngoài, và hàng ngàn những người không Kitô cũng tham dự các buổi lễ này. Cả bà tổng thống Bidya Devi Bhandari, cũng chủ tọa các buổi lễ mừng Giáng sinh như một khách mời. Bà chúc mừng các vị lãnh đạo Kitô và cầu mong rằng ”dịp lễ này có thể củng cố những tâm tình yêu mến và đoàn kết giữa các công dân Népal, và khích lệ mọi người tôn trọng hiến pháp, nhân danh một nước Népal an bình và thịnh vựơng”.

Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal cũng cầu chúc tất cả các tín hữu Kitô Népal trong và ngoài nước ”được an bình, hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe tốt, đoàn kết và huynh đệ”.

Hồi tháng 4 năm 2016, chính phủ Népal đã loại bỏ lễ Giáng Sinh ra khỏi danh sách các ngày lễ nghỉ toàn quốc, khiến cho các tín hữu Kitô phản đối. Bộ trưởng nội vụ Shakti Basnert bấy giờ giải thích rằng rằng ”Nhà Nước buộc lòng phải loại lễ Giáng Sinh ra khỏi danh sách các lễ công cộng để kiểm soát sự gia tăng các ngày lễ nghỉ toàn quốc. Dầu sao chúng tôi sẽ bảo đảm cho các công chức được nghỉ”.

Mục Sư Gahatraj, Tổng thư ký liên hiệp toàn quốc các Kitô hữu Népal, tố giác rằng: ”Các Kitô hữu chúng tôi không phải chỉ làm việc cho chính phủ. Nếu Lễ Giáng Sinh không phải là lễ nghỉ toàn quốc, thì các công nhân viên trong lãnh vực tư cũng không thể mừng lễ. Chính phủ đã dành cho Ấn giáo và các cộng đồng tôn giáo khác 83 ngày lễ nghỉ, nhưng không dành lễ nghỉ nào cho các tín hữu Kitô”

Trong 240 năm, Népal là một vương quốc Ấn giáo. Năm 2007, Népal có hiến pháp mới, xác định Nhà Nước trung lập về tôn giáo. Giáo hội Công Giáo tại nước này chỉ có gần 7.500 tín hữu trong tổng số hơn 30 triệu dân, họp thành một hạt Đại diện Tông Tòa. Đa số các tín hữu Kitô tại nước này theo các hệ phái Tin Lành. (SD, Avvenire 28-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

Đức Thánh Cha nhớ các vị tử đạo và chia buồn với dân tộc Nga

duc-thanh-cha-nhac-nho-cac-vi-tu-dao-va-chia-buon-voi-dan-toc-nga

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày 26-12-2016, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương thánh Stephano tử đạo, trung thành tới Tin Mừng của Chúa Kitô và chống lại não trạng trần tục, Chia buồn với dân nước Nga.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, với sự tham dự của hàng chục ngàn người, ĐTC nhắc đến lời Chúa Giêsu báo trước về sự bách hại mà các môn đệ sẽ gặp: ”Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy” (v.22). Thế gian ghét các Kitô hữu vì cùng lý do họ đã ghét bỏ Chúa Giêsu, vì Ngài mang ánh sáng của Thiên Chúa và thế gian thích bóng tối để che đậy những công việc gian ác của họ. Vì thế có sự đối nghịch giữa tâm thức Tin Mừng và não trạng thế gian. Theo Chúa Giêsu có nghĩa là theo ánh sáng của Chúa, được chiếu sáng trong đêm Bethlehem, và từ bỏ những bóng tối của trần thế”.

ĐTC nhận xét rằng ”Vị tử đạo đầu tiên, Stephano, đầy Thánh Linh, đã bị ném đá vì tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Con Duy Nhất của Thiên Chúa đến trần thế để mời gọi mỗi tín hữu chọn lựa con đường ánh sáng và sự sống. Đó là ý nghĩa sâu xa của việc Chúa đến giữa chúng ta. Khi yêu mến Chúa và vâng theo tiếng Chúa, thày Phó tế Stephano đã chọn Chúa Kitô là Sự Sống và Ánh sáng cho mỗi người…

** ĐTC nói thêm rằng: ”Ngày hôm nay cũng vậy, để làm chứng cho ánh sáng và chân lý, Giáo Hội đang chịu bách hại cam go tại nhiều nơi trên thế giới, đến độ tử đạo. Bao nhiêu anh chị em chúng ta đang chịu đàn áp, bạo lực, bị ghét bỏ vì danh Chúa Giêsu! Tôi nói với anh chị em một điều: các vị tử đạo ngày nay đông đảo hơn so với các vị tử đạo trong những thế kỷ đầu tiên. Khi chúng ta đọc lịch sử các thế kỷ đầu, ở Roma này, chúng ta thấy bao nhiêu sự tàn các chống các tín hữu Kitô; ngày nay cũng có sự tàn ác như thế chống các Kitô hữu. Hôm nay, chúng ta hãy nghĩ đến và gần gũi họ với lòng quí mến, cầu nguyện và cả khóc thương nữa. Hôm qua (25-12), các tín hữu Kitô bị bách hại ở Irak đã mừng lễ Giáng Sinh trong nhà thờ chính tòa của họ bị phá hủy: đó là một tấm gương trung thành với Tin Mừng. Mặc dù bị thử thách và nguy hiểm, họ đang can đảm làm chứng mình thuộc về Chúa Kitô và sống Tin Mừng, dấn thân giúp đỡ những người rốt cùng, và bị bỏ rơi nhất, làm điều thiện cho tất cả mọi người, không phân biệt ai, làm chứng về đức bác ái trong chân lý”.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy vui mừng và can đản canh tân ý chí trung thành theo Chúa Kitô như vị hướng đạo duy nhất, kiên trì sống theo tinh thần Tin Mừng, và từ khước não trạng của những kẻ thống trị trần thế này”.

Chia buồn với dân nước Nga

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chia buồn với nhân dân Nga về vụ máy bay TU-154 chở 93 người đi Siria bị rớt. Ngài nói:

”Tôi chân thành chia buồn về tin máy bay Nga bị rớt ở Hắc Hải. Xin CHúa an ủi nhân dân Nga yêu quí và gia đình các hành khách trên máy bay: các ký giả, phi hành đoàn, ca đoàn nổi tiếng và ban nhạc của Quân Đội. Xin Mẹ Maria hỗ trợ công cuộc tìm kiếm hiện nay. Năm 2004, ca đoàn của Quân đội Nga đã trình diễn tại Vatican nhân dịp 26 năm Giáo Hoàng của thánh Gioan Phaolo 2: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ”.

ĐTC cũng chào thăm các tín hữu hành hương và cầu chúc họ những ngày vui mừng và huynh đệ. Ngài không quên cám ơn tất cả những người đã gửi thiệp chúc mừng ngài trong dịp lễ này, nhất là món quà là những lời cầu nguyện cho ngài. (SD 26-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới

Buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới

dtc-phanxico-chu-su-buoi-doc-su-diep-giang-sinh-va-ban-phep-lanh-toan-xa-cho-thanh-roma-va-toan-the-gioi-trua-ngay-25-12-2016

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12, lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho dân thành Roma và toàn thế giới từ bao lơn chính giữa Đền Thờ Thánh Phêrô.

Trên thềm đền thờ thánh Phêrô có Đội cận vệ Thụy Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự. Khi ĐTC xuất hiện trên bao lơn chính giữa đền thờ ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Italia.

Trong sứ điệp ĐTC đã duyệt qua một số vùng vẫn còn có chiến tranh xung khắc, căng thẳng, khủng bố phá hoại, và chết chóc thương đau như: Siria, Thánh Địa, Iraq, Libia, Yemen, Nigeria, Cộng hoà dân chủ Congo, Nam Sudan, Đông Ucraina, Colombia, Venezuela, Myanmar và Đại Hàn. Ngài nêu bật quyền năng tình yêu của Chúa Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm ngưòi để thiết lập vương quốc công lý và hoà bình.

Mở đầu sứ điệp ĐTC nói:

“Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh an  lành! Hôm nay Giáo Hội sống trở lại sự kinh ngạc của Đức Trinh Nữ Maria, của thánh Giuse và các mục đồng Bếtlehem, khi chiêm ngắm Hài Nhi đã sinh ra nằm trong một máng cỏ: Chúa Giêsu Cứu Thế.

Trong ngày tràn đầy ánh sáng này, vang lên lời loan báo ngôn sứ: “Một trẻ thơ đã chào đời cho chúng ta, một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu Người là Cố Vấn

kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9,5).

ĐTC nói tiếp:

Quyền bính của Hài Nhi này, Con của Thiên Chúa và của Đức Maria, không phải là quyền bính của thế giới này, dựa trên sức mạnh và giầu sang; đó là quyền bính của tình yêu. Đó là quyền bính đã tạo dựng trời đất, trao ban sự sống cho mọi thụ tạo: cho quặng mỏ, thảo mộc, thú vật; đó là sức mạnh lôi cuốn người nam và nguời nữ và khiến cho họ trở thành một thịt xác duy nhất, một sự hiện hữu duy nhất; đó là quyền năng tái sinh sự sống, tha thứ các lỗi lầm, giải hoà các thù địch, biến đổi sự dữ thành sự thiện. Đó là quyền năng của Thiên Chúa. Quyền bính này của tình yêu đã đưa Chúa Giêsu tới chỗ lột bỏ vinh quang của Ngài và làm người: nó sẽ dẫn đưa Ngài tới chỗ trao ban sự sống trên thập giá và sống lại từ cõi chết. Đó là quyền bính của việc phục vụ, tái lập trong thế giới vuơng quốc của Thiên Chúa, vương quốc của công lý và hoà bình.

Vì thế việc Chúa Giêsu giáng sinh được tháp tùng bởi tiếng hát của các thiên thần loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Ngày hôm nay lời loan báo này đi qua toàn trái đất, và muốn đến với tất cả mọi dân tộc, đặc biệt các dân tộc bị thương tích vì chiến tranh và các xung khắc ác liệt, và cảm nhận mạnh mẽ hơn ước mong hoà bình.

Tiếp đến ĐTC cầu chúc hoà bình cho nhiều vùng khác nhau trên thế giới.

Hoà bình cho các người nam nữ tại Siria bị hành hạ, nơi quá nhiều máu đã đổ ra. Nhất là trong thành phố Aleppo, là khu vực xảy ra các trận đánh tàn khốc trong các tuần qua, thật là cấp thiết bảo đảm sự trợ giúp và ủi an các thường dân kiệt quệ, bằng cách tôn trọng quyền nhân đạo. Đã đến lúc vũ khi im tiếng  vĩnh viễn, và cộng đồng quốc tế tích cực hoạt động để đạt được một giải pháp thương thuyết hầu  tái lập sự chung sống dân sự trong nước này.

Hoà bình cho các người nam nữ của Thánh Địa yêu quý, được Thiên Chúa tuyển chọn và ưu ái. Ước chi người Israel và người Palestine có can đảm và quyết tâm viết lên một trang sử mới, trong đó thù hận và báo oán nhường chỗ cho ý chí cùng nhau xây dựng một tương lai của sự hiểu biết nhau và hoà hợp. Ước chi các nuớc Iraq, Libia và Yemen, nơi các dân tộc đau khổ vì chiến tranh và các hành động khủng bố, tìm ra sự hiệp nhất và hoà hợp.

Hoà bình cho các người nam nữ trong các vùng khác nhau  của Phi châu, đặc biệt là Nigeria, nơi nạn khủng bố cuồng tín cũng khai thác cả các trẻ em để gieo kinh hoàng và chết chóc. Hoà bình cho Nam Sudan và trong Cộng hoà dân chủ Congo, để cho các chia rẽ được chữa lành, và tất cả mọi người thiện chí hoạt động bắt đầu con đường phát  triển và chia sẻ, bằng cách ưa chuộng nền văn hóa đối thoại hơn là cái luận lý của xung đột.

Hoà bình cho các người nam nữ đang gánh chịu các hậu quả của cuộc xung khắc tại miền đông Ucraina, nơi phải cấp thiết có một ý chí làm vơi nhẹ khổ đau của dân chúng và thực thi các dấn thân đã cam kết.

Chúng ta hãy khẩn nài hoà hợp cho nhân dân Colombia thân yêu, đang muốn can đảm bước đi trên con đường mới của đối thoại và hoà giải. Ước chi lòng can đảm ấy cũng linh hoạt nước Venezuela yêu dấu trong việc thực thi các bước cần thiết để chấm dứt các căng thẳng hiện nay và cùng nhau xây dựng một tương lai hy vọng cho toàn dân.

ĐTC cũng đã kêu gọi hòa bình cho vài nước Á châu như sau:

Hoà bình cho những ai trong nhiều vùng khác nhau đang phải đương đầu với các khổ đau vì các nguy cơ liên tục và các bất công còn tồn tại. Ước chi dân nước Myanmar có thể củng cố các nỗ lực để tạo thuận tiện cho sự chung sống hoà bình, và với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, bảo đảm sự che chở cần thiết và trợ giúp nhân đạo cho những ai cần được cấp thiết trợ giúp. Ước chi bán đảo Triều Tiên có thể trông thấy các căng thẳng đàng trải qua trong một tinh thần cộng tác được canh tân.

Hoà bình cho ai đã mất một người thân vì các hành động khủng bố gieo sợ hãi và chết chóc trong trung tâm của biết bao nhiêu quốc gia và thành phố. Hoà bình – không phải bằng lời nói, nhưng bằng việc làm cụ thể – cho các anh chị em bị bỏ rơi và loại trừ, cho các anh chị em đau khổ vì đói khát, và cho các nạn nhân của bạo lực. Hoà bình cho các người di cư tỵ nạn, cho những ai ngày hôm nay là đối tượng của nạn buôn người. Hoà bình cho các dân tộc đang đau khổ vì các tham vọng kinh tế của ít người, và sự tham lam thèm khát của thần tiền đưa tới nô lệ. Hoà bình cho những ai đã bị ghi dấu bởi sự suy đồi xã hội và kinh tế, và cho những ai khổ đau vì các hậu quả của đông đất hay các tai ương thiên nhiên khác.

Hòa bình cho các trẻ em, trong ngày đặc biệt này, trong đó Thiên Chúa trở thành trẻ thơ, nhất là cho những ai bị lấy mất đi các niềm vui của tuổi thơ vì đói khát, chiến tranh và sự ích kỷ của người lớn.

Hòa bình cho tất cả những người thiện chí, làm việc mỗi ngày với sự kín đáo và kiên nhẫn, trong gia đình, ngoài xã hội, để xây dựng một thế giới nhân bản và công bằng hơn, được nâng đỡ bởi xác tín với hoà bình mọi sự đều có thể cho một tương lai thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.

Anh chị em thân mến “một hài nhi đã chào đời cho chúng ta, một người con đã được ban cho chúng ta”: đó là Hoàng Tử hoà bình”. Chúng ta hãy tiếp đón Ngài.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toàn xá cho mọi người.

Đức Hồng Y Sodano trưởng đẳng Linh Mục,  tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình; miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

– Xin các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị, mà chúng tội dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp  của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh thiên thần Micae, của thánh Gioan Baotixita, của các thánh tông đồ Phêrô Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em, và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

– Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

– Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời qúy vị thành tâm lãnh Phép lành toàn xá của Đức Thánh Cha.

Sau phép lành ĐTC đã chúc mừng lễ Giáng Sinh mọi người.  Ngài nói: Tôi xin gửi tới anh chị em lời chúc mừng lễ chân thành nhất của tôi, tới anh chị đến từ nhiều nuớc khác nhau hay nối liền qua radio và truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Trong ngày vui này chúng ta tất cả được mời gọi chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu là Đấng trao ban niềm hy vọng cho mọi người trên mặt đất. Với ơn thánh của Ngài chúng ta hãy ban tiếng nói và thể chất cho niềm hy vọng này, bằng cách sống liên đới và hoà bình. Xin chúc anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

Linh Tiến Khải

Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh

Hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh

thanh-le-vong-giang-sinh-24-12-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người hưởng nếm ý nghĩa đích thực của lễ Giáng Sinh bằng cách chiêm ngắm dấu chỉ sự đơn sơ giòn mỏng, khiêm tốn và yêu thương hiền dịu của một trẻ sơ sinh.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ Giáng Sinh cử hành trong đền thờ thánh Phêrô tối hôm qua. Ân huệ của Thiên Chúa đã xuất hiện cho chúng ta đó là Hài Nhi Giêsu, tình yêu nhập thể của Thiên Chúa. Đêm Giáng Sinh là một đêm vinh quang và an vui, vì từ nay và cho đến luôn mãi Thiên Chúa chúng ta, Đấng Vĩnh Cửu, Đấng Vô Tận, là Thiên Chúa ở với chúng ta: Ngài không xa cách, chúng ta không phải tìm kiếm Ngài trong các quỹ đạo trên bầu trời hay trong một ý tưởng thần bí. Ngài ở gần, ngài đã làm người, và sẽ không bao giờ tách rời khỏi nhân loại nữa, đã trở thành của Ngài. Đó là một đêm ánh sáng chiếu soi những ai đi trong tối tăm, ánh sáng đã hiện ra và bao trùm các mục đồng Bếtlêhem. Các mục đồng khám phá ra rằng “một trẻ em đã sinh ra cho chúng ta”, và họ hiểu rằng tất cả vinh quang, tất cả niềm vui và tất cả ánh sáng đó tập trung vào một dấu chỉ thiên thần đã chỉ cho họ: “Các ngươi sẽ tìm thấy một trẻ em quấn tã nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12).

Đây luôn luôn là dấu chỉ để tìm thấy Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không sinh ra trong lâu đài vua chúa, trong các hào nhoáng bề ngoài, hay trong quyền bính, nhưng trong sự nghèo nàn của một hang bò lừa, trong cái đơn sơ của cuộc sống, trong cái bé nhỏ gây kinh ngạc. Và để gặp được Ngài cần phải đi tới đó, nơi Ngài ở: cần phải cúi mình xuống, phải trở thành nhỏ bé. Hài Nhi giáng sinh gọi hỏi chúng ta: Ngài kêu mời chúng ta tử bỏ các ảo ảnh phù vân để tiến tới điều nòng cốt, khước từ các yêu sách không thể thoả mãn, vất bỏ đi sự bất mãn đời đời và nỗi buồn vì có cái gì đó sẽ luôn luôn thiếu trong cuộc sống. Thật là tốt bỏ đi các điều ấy để tìm lại hoà bình, niềm vui và ý nghĩa cuộc sống trong sự đơn sơ của Thiên Chúa Hài Nhi.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: chúng ta hãy để cho Hài Nhi nằm trong máng cỏ gọi hỏi , nhưng chúng ta cũng hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em ngày nay không nằm trong một chiếc nôi và được tình yêu thương của một bà mẹ và một người cha vuốt ve, nhưng nằm trong các “máng cỏ phẩm giá tối tăm”: trong hầm trú dưới lòng đất để tránh bom đạn, trên vỉa hè của một thành phố lớn, dưới lòng một con thuyền đầy người di cư. Chúng ta hãy để cho mình bị gọi hỏi bởi các trẻ em không được sinh ra, bởi các trẻ em khóc vì khống có ai thoả mãn cái đói khát của chúng, bởi các trẻ em trong tay không cầm đồ chơi nhưng cầm khí giới…

Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của niềm hy vọng và của buồn thương. Nó đem theo mùi vị của sự buồn sầu, vì tình yêu không được đón nhận, sự sống bị gạt bỏ. Mẹ Maria và thánh Giuse đã tìm thấy các cửa nhà  đóng kín, nên  đã phải đặt Chúa Giêsu nằm trong một máng cỏ, “vì không có chỗ trọ cho các ngài” (c. 7). Chúa Giêsu sinh ra đã bị vài người khước từ, và trong sự thờ ơ của nhiều người khác. Cả ngày nay nữa cũng có thể có cùng sự dửng dưng ấy, khi lễ Giáng Sinh trở thành một ngày lễ, trong đó các tác nhân là chúng ta, thay vì là Chúa, khi các ánh sáng của thương mại ném vào trong bóng tối ánh sáng của Thiên Chúa; khi chúng ta mệt nhọc vì quà tặng và vô cảm đối với ai bị gạt bỏ ngoài lề xã hội.

Tuy nhiên, Giáng Sinh có một mùi vị của niềm hy vọng, bởi vì cho dù các bóng tối của chúng ta, ánh sáng của Thiên Chúa vẫn  rạng ngời. Ánh sáng dễ thương của Ngài không khiến cho sợ hãi: Thiên Chúa si mê chúng ta, lôi kéo chúng ta với sự hiền dịu của Ngài, khi sinh ra nghèo nàn và giòn mỏng giữa chúng ta, như một người trong chúng ta. Ngài sinh ra tại Bếtlekhem, có nghĩa là “nhà của bánh”. Xem ra Ngài muốn nói với chúng ta rằng Ngài sinh ra như bánh cho chúng ta; Ngài đến để ban cho chúng ta sự sống của Ngài; ngài đến  trong thế giới chúng ta để đem đến cho chúng ta tình yêu của Ngài. Ngài không đến để ngấu nghiến và chỉ huy, nhưng để nuôi dưỡng và phục vụ. Có một sợi dây trực tiếp nối liền máng cỏ và thập giá, nơi Chúa Giêsu sẽ là bánh bị bẻ ra: đó là sợi dây trực tiếp của tình yêu tự trao ban và cứu rỗi chúng ta, ban ánh sáng cho cuộc sống  chúng ta, ban hoà bình cho con tim chúng ta. Các mục đồng là những nguời bị gạt bỏ ngoài lề xã hội đã hiểu điều đó trong đêm Giáng Sinh… Chúng ta hãy cùng họ bước vào trong lễ Giáng  Sinh đích thực; chúng ta hãy đem đến cho Chúa Giêsu điều chúng ta là, các gạt bỏ bên lề, các vết thương không lành của chúng ta. Và như thế trong Chúa Giêsu chúng ta sẽ nếm hưởng được tinh thần đích thật của Giáng Sinh: vẻ đẹp được Thiên Chúa yêu thương. Cùng với Mẹ Maria và cha thánh Giuse chúng ta đứng trước màng cỏ, trước Chúa Giêsu sinh ra như bánh cho cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngắm tình yêu khiêm tốn vô biên của Ngài, và nói với Ngài tiếng cám ơn: cám ơn vì đã làm tất cả những điều đó vì con (SD 24-12-2016).

Linh Tiến Khải

 

Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

Khắp nơi trên thế giới đón mừng Chúa Giáng Sinh

khap-noi-mung-vui-don-chua

Một lần nữa, Giáng Sinh đang về với toàn thế giới, mang bầu khí hân hoan mừng vui bao trùm lên mọi người mọi vật.

Câu chuyện về Ông Già Noel – Thánh Nicola

Tại một số thành phố lớn Italia, đã có một chiến dịch mời gọi trẻ em hăng hái tham gia truyền thống viết thư cho ông già Noel. Chiến dịch được tổ chức ở những quảng trường hay trung tâm thương mại lớn trong hai ngày 17 và 18 tháng 12. Một gian hàng gọi là Bưu điện của ông già Noel với các vị thần Elfe và các con tuần lộc, chào đón các em bé đến viếng gian hàng, giúp đỡ các em viết và gửi thư cho ông già Noel. Thư của các em gửi đi sẽ nhận được trả lời. Các em cũng có thể chụp hình với chiếc xe và đoàn tuần lộc kéo xe của ông già Noel.

Cũng liên quan đến ông già Noel, hôm 20.12 vừa qua, các nhà khoa học thuộc đại học Liverpool bên Anh quốc, đã tái khôi phục một phần gương mặt thật của thánh Nicola thành Myre, người đã trở thành ông già Noel trong truyền thống dân gian thế giới. Nhóm khoa học gia này đã dùng một kỹ thuật tối tân 3 chiều để khôi phục gương mặt của vị thánh nổi danh này, sống vào thế kỷ thứ 4 từ năm 270 đến 345. Thánh Nicola từng làm giám mục thành Myre, mạn nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Có thể thánh nhân đã dự công đồng chung Nicea trong đó, người đã chống lại bè lạc giáo Ariane.  

Theo truyền thống, thánh Nicola được mừng vào ngày 06.12. Lễ mừng thánh nhân được tổ chức trọng thể tại các nước mạn Bắc và Đông Âu châu, nhất là Bỉ, Luxembourg, Pháp, Hòa Lan, Đức và Thụy Sĩ. Trong ngày hôm ấy, người ta phát nhiều quà cho các trẻ em ngoan ngoãn. Và rồi dần dần truyền thống dân gian đã biến thánh Nicola thành ông già Noel.

Thánh Nicola đã được sùng kính từ thời hậu thánh chiến của các đội quân thập tự, sau khi di hài thánh nhân được chuyển dời từ Myra về Bari, mạn nam Italia vào năm 1087. Một phần thánh tích của thánh nhân được ĐGH Giulio II tặng cho giáo phận Fribourg bên Thụy sĩ hồi năm 1505. Và chính từ các thánh tích này mà các khoa học gia tại đại học Liverpool đã tái khôi phục được khuôn mặt của thánh nhân. Nữ giáo sư Caroline Wilkinson, thuộc đại học John Moore, giải thích rằng toàn bộ công cuộc tái khôi phục khuôn mặt thánh nhân dựa trên căn bản rút từ các xương và tài liệu lịch sử còn lưu lại. Xương của thánh nhân được lưu giữ như thánh tích, một phần tại Bari, nam Italia, phần khác tại nhà thờ Thánh Nicolas ở Loraine bên Pháp và tại nhà thờ chính tòa thánh Nicola ở Fribourg bên Thụy Sĩ.

Hồi đầu năm 2014, một cuộc tranh cãi sôi nổi đã xảy ra nhất là tại Fribourg, Thụy Sĩ, khi Thổ Nhĩ Kỳ đòi trả lại các thánh tích của thánh Nicola rải rác trên khắp thế giới trong mục tiêu gom góp tạo thành một bảo tàng viện về các nền văn hóa cổ kính tại miền nam nước Thổ. (APIC 20.12.2016)

Italia đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại thành phố Palermo, thủ phủ đảo Sicilia, cực nam nước Ý, hai đầu bếp nổi tiếng là Giulio Sorrentino và Fiamma Forrmisano sẽ nấu bữa tiệc Giáng Sinh cho các tù nhân vị thành niên của nhà tù thiếu niên Malaspina ở thành phố này. Như truyền thống, bữa tiệc Giáng Sinh sẽ gồm toàn đồ biển và sẽ do một đoàn phụ bếp gồm toàn người trẻ thuộc một tổ chức kinh doanh bánh ngọt trong vùng đảm trách việc thực hiện trong khuôn khổ chương trình tái hội nhập người trẻ phạm pháp vào xã hội. Cùng cộng tác vào chương trình này, có nhiều hiệp hội thiện nguyện khác nữa. Đầu bếp Sorrentino cho biết ông rất hãnh diện được góp phần thực hiện sáng kiến nàyvì đây là một biến cố thực sự có ý nghĩa về mặt nhân bản. Bữa tiệc Giáng Sinh sẽ cống hiến cho người trẻ phạm pháp cơ hội chia sẻ hòa đồng với người khác, đồng thời có thể tìm được khả năng tái phục hồi nhân phẩm qua nghề nghiệp đầu bếp. Cả thị trưởng Palermo, ông Leoluca Orlando cũng cho biết sẽ hiện diện trong bữa tiệc này. (ADN 20.12.2016)

Tại thành Napoli, năm nay có lẽ là lần đầu tiên một bữa tiệc Giáng Sinh được tổ chức ngay tại nhà thờ chính tòa, vì theo lời tuyên bố của ĐHY Crescenzio Sepe, TGM Napoli, không những lý do phòng tiếp tân của toàn giáo phận đang được trùng tu, nhưng còn vì nhà Chúa là nhà của người nghèo nữa. Một đội ngũ đầu bếp sẽ nấu nướng và dọn những món ăn ngon lành tại chỗ cho người nghèo.

Một bữa tiệc Giáng Sinh khác cho người nghèo cũng được tổ chức tại Napoli trong trung tâm thương mại Galleria Principe, do các doanh nhân tại đây đóng góp. Đây là một truyền thống kéo dài từ nhiều năm nay do tổ chức thiện nguyện thân hữu trung tâm Galleria thực hiện và trong quá khứ, đã có trên 1000 người nghèo đến dự bữa tiệc này mỗi năm. Những tuần trước đây, tổ chức này lên tiếng báo động vì thiếu ngân khoản đóng góp cho bữa tiệc, lý do có lẽ vì cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn kéo dài. Nhưng làn sóng quảng đại đóng góp ngay sau đó đã đánh tan mọi lo âu. Bữa tiệc Giáng Sinh năm nay sẽ được tổ chức trọng thể trưa ngày 24.12 ngay tại trung tâm Galleria Principe. Và sẽ còn dư ngân khoản để dành cho những năm tới đây nữa. (ADN 18.12.2016)

Syria đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Syria, Đức GM Antoine Audo trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình TV2000 hôm 19.12 vừa qua, đã tuyên bố rất cảm động khi thấy các ky tô hữu tại thị trấn Aleppo phía Tây lần đầu tiên từ 6 năm nay, lại chưng đèn màu trang hoàng nhà cửa đón mừng Giáng Sinh. Đức Cha nói đây là một dấu chỉ hy vọng và chứng minh khát khao thay đổi.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐC Audo cho biết những ngày này, người dân Tây Aleppo không còn nghe thấy tiếng súng nổ. Họ thực sự vui mừng và ước mong một sự thay đổi hoàn toàn. Sau nhiều năm dài, ĐC lại thấy thấp thoáng những cây thông Giáng Sinh trên các ban công nhà cửa của dân chúng. Tại quảng trường chính trong khu vực ky tô, cũng có một cây thông Giáng Sinh và đây là một hình ảnh hòa bình vừa tìm lại được. Ngày 23-12, một lễ hội biểu lộ vui mừng hân hoan cũng được tổ chức tại 3 nhà thờ công giáo trong vùng. ĐC Audo kể: Đây là lần đầu tiên tôi trở lại vùng Tây Aleppo. Vùng này bị tàn phá kinh hoàng. Trong tư cách là Caritas địa phương chúng tôi có những tiếp xúc trực tiếp với các nhóm thiện nguyện quốc tế ở khu vực phía Đông. Trong những ngày tới đây chúng tôi sẽ mở những trung tâm tiếp đón ở vùng phía Đông để phối hợp các trợ giúp nhắm đến những người yếu đuối cần được giúp đỡ nhất tại đây. (ANSA 19.12.2016)

Pháp đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Pháp mọi chuẩn bị đón mừng Giáng Sinh đều bị canh gác kỹ càng, nhất là sau vụ chiếc xe tải tông thẳng vào đám đông người đi chợ Giáng Sinh ở Berlin bên Đức, làm cho 12 người chết và 48 người bị thương. Theo bộ nội vụ Pháp, trên 7000 binh sĩ hiện đang được dùng vào nhiệm vụ canh gác giữ gìn an ninh tại những địa điểm đông người, những nơi chốn thu hút du khách chẳng hạn như tháp Eifel hay trung tâm Disney ở ngoại ô Paris. Các chợ Giáng Sinh cũng được đặc biệt chú ý canh gác. Đây là những hội chợ đặc thù mùa Giáng Sinh, trang hoàng lộng lẫy với đèn điện đủ màu sáng chói, thu hút nhiều du khách và gia đình đưa con cái đi chơi vui vẻ hạnh phúc trong cảnh đầm ấm để mua quà Giáng Sinh. Thế nhưng các nhóm Jihad thánh chiến hồi giáo lại kêu gọi tấn công khủng bố các hội chợ như thế trong lúc này, không cần để ý đến việc con số nạn nhân vô tội sẽ lên rất cao. Chính vì thế, các hội chợ Giáng Sinh hiện đang được canh giữ cẩn mật, đặc biệt là tại Pháp và Đức. (ANSA 19.12.2016)

Philippine đón mừng Chúa Giáng Sinh

Tại Philippine, trong những ngày vừa qua, phong trào cổ võ đối thoại hồi giáo Ky tô giáo có tên gọi là Silsilah, hoạt động mạnh tại vùng Nam Zamboanga trên đảo Mindanao, mạn Nam nước Philippine, đã công bố một sứ điệp báo động trước sự kiện một số lãnh đạo Hồi giáo trong vùng đã tìm cách cấm cản tín hữu hồi tham gia các lễ nghi mừng Chúa Giáng Sinh chung với các tín hữu ky tô. Phong trào Silsilah đã do cha Sebastiano D’Ambra, thừa sai dòng Pime, thành lập cách đây 30 năm.

Đây là một dấu chỉ đáng lo ngại, cho thấy có sự tách biệt giữa tín đồ 2 tôn giáo. Từ trước đến nay, các tín hữu kyto và hồi giáo vẫn có truyền thống cùng nhau mừng các lễ trọng của cả hai bên, chí sẻ niềm vui của nhau. Sự kiện này cũng giúp củng cố cuộc đối thoại liên tôn. Các tín hữu ky tô gửi sứ điệp nhân dịp mùa chay Ramadan và các tín hữu hồi gửi sứ điệp mừng nhân mùa vọng và lễ Giáng sinh. Chính vì thế, phong trào Silsilah mời gọi tất cả các tín hữu hồi giáo cũng như ky tô, hãy tiếp tục mừng lễ Giáng Sinh và Ramadan của nhauđể chung lời khẳng định rằng đây là những cơ hội để bày tỏ lòng tôn trọng và sự chia sẻ niềm vui với nhau trong dấu chỉ tình thân hữu, và đồng thời mỗi người được khích lệ sống trung thành với tín ngưỡng của riêng mình.

Sứ điệp của phong trào Silsilah cũng đề cập đến tin tức về những vụ tấn công các cơ sở và nhà thờ ky tô ở một vài nơi tại Phi và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tín hữu ky tô và hồi giáo đoàn kết nêu cao tình thân hữu giữa hai bên “Chúng ta là anh chị em với nhau trong gia đình nhân loại, mặc dù không có cùng một đức tin, và chúng ta có bổn phận liên đới với nhau trong những lúc vui mừng cũng như trong những thời điểm khổ đau. Sự hiện diện của các nhóm cuồng tín quá khích đang chiêu dụ nhiều tín đồ như hiện nay tại miền Nam Philippine phải là cơ hội để chúng ta tái xét lương tâm và tìm hiểu tại sao lại đi đến tình trạng này. Có lẽ ly do là vì chúng ta đã không biết trình bày chứng tá đích thật của đức tin ky tô và hồi giáo, vốn có nhiều giá trị giống nhau. Những điểm và giá trị tương đồng của hai tôn giáo này phải là điểm khởi hành để xây dựng một xã hội hòa bình và hòa hợp cho đất nước chúng ta. (FIDES 16.12.2016)

Mai Anh

 

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

Trung Quốc ”dịu giọng” với tòa Thánh

tap-can-binh

BẮC KINH. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh, Bà Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) tuyên bố rằng Trung Quốc thành thực muốn cải tiến quan hệ với Vatican”.

Trong cuộc họp báo hằng tuần hôm 21-12-2016, một vài ký giả đã hỏi bà Hoa Xuân Oánh xem đâu là ”những tín hiệu tích cực” để cải tiến quan hệ với Vatican, Bà Hoa Xuân Oánh trả lời rằng: ”Chính phủ Trung Quốc theo một nguyên tắc rõ ràng và trước sau như một trong việc thương lượng về quan hệ với Vatican. Phía Trung Quốc luôn thành thực trong việc cải tiến quan hệ với với Vatican và không ngừng làm việc với Vatican để tiến tới mục đích chung ấy, và thúc đẩy tới một tiến bộ mới trong việc cải tiến quan hệ song phương, thăng tiến những cuộc đối thoại xây dựng”.

Hãng tin Asia News truyền đi ngày 22-12-2016 nhận xét rằng có lẽ đây là lần đầu tiên câu trả lời cho một nhận xét của Tòa Thánh về Giáo Hội tại Trung Quốc được đón nhận mà không có những phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc và không lập lại những câu cố hữu về quan điểm của Chính phủ Bắc Kinh về Giáo Hội, như lập lại các nguyên tắc ”Giáo Hội tự trị, tự chọn lựa, tự truyền chức GM”.

Cách đây ít ngày, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, Ông Greg Burke nhắc đến vụ công an nhà nước Trung Quốc dùng võ lực để GM bất hợp pháp và bị vạ tuyệt thông là Lôi Thế Anh (Lei Shiyin), GM Lạc Sơn tỉnh Tứ xuyên, can dự vào việc truyền chức GM tại Thường Đức (Chengdu) và Tây Xương (Xichang); Ông Greg cũng ám chỉ tới Đại Hội các đại biểu Công Giáo Trung Quốc sẽ tiến hành từ ngày 26 đến 30-12 tới đây là điều không thể dung hợp với đạo lý Công Giáo, và nhiều GM được Tòa Thánh công nhận cũng bị bó buộc phải tham dự. Ông Greg nói rằng: ”Tòa Thánh mong muốn được thấy những tín hiệu tích cực từ phía chính phủ Trung Quốc để tín nhiệm nơi cuộc đối thoại giữa hai bên và hy vọng một tương lai đoàn kết và hòa hợp mà không vi phạm tự do tôn giáo”.

Hãng Asia News cũng trích thuật nhận xét của một số LM ở Trung Quốc theo đó sự dịu giọng khác thường của bà Hoa Xuân Oánh có lẽ là một toan tính không mở thêm mặt trận căng thẳng trong quan hệ với nước ngoài, từ phía Trung Quốc” (Asia News 22-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo triều Roma

Đức Thánh Cha tiếp kiến Giáo triều Roma

duc-thanh-cha-tiep-kien-giao-trieu-roma

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến giáo triều Roma sáng ngày 22-12-2016, ĐTC đã trình bày về việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Hiện diện tại sảnh đường Clementina trong dinh tông tòa lúc 10 giờ rưỡi, có hơn 100 Hồng Y và Giám Mục, cùng với một số chức sắc khác.

Lên tiếng sau lời chào mừng của ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng y đoàn, ĐTC mở đầu diễn văn với phần nói về ý nghĩa lễ Giáng Sinh là lễ mừng sự khiêm tốn yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã đảo lộn trật tự được coi là hợp lý của loài người. Từ đó, ĐTC nói đến ý nghĩa việc cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh là để làm cho nó phù hợp hơn với Tin Mừng, với những dấu chỉ thời đại, hướng tới điều thiện hảo và phục vụ của GM Roma. Giáo triều Roma không phải là một bộ máy bất động, và cải tổ là dấu hiệu sinh động của Giáo Hội đang lữ hành. Vì thế Giáo triều luôn luôn cần được cải tổ.

Ngài nhấn mạnh rằng: ”Cuộc cải tổ chỉ hữu hiệu nếu được thực hiện với những người được đổi mới, chứ không phải với những người mới mà thôi. Không thể chỉ hài lòng với việc thay đổi nhân sự, nhưng cần làm sao để các nhân viên Tòa Thánh canh tân về tinh thần, về nhân bản và khả năng chuyên môn. Trong thực tế, sự thường huấn không đủ, còn cần phải có sự hoán cải và thanh tẩy trường kỳ. Nếu không có sự thay đổi não trạng thì nỗ lực cải tổ sẽ vô hiệu.

ĐTC ám chỉ tới những chống đối, kháng cự cuộc cải tổ ngài đang thực hiện: có những kháng cự công khai, thường nảy sinh từ thiện chí và sự đối thoại chân thành, có những kháng cự thầm kín, nảy sinh từ những tâm hồn sợ hãi hoặc chai đá, được nuôi dưỡng bằng những lời trống rỗng, miệng nói là sẵn sàng thay đổi nhưng thực tế lại muốn mọi sự như trước; và cũng có những kháng cự ác ý, nảy sinh từ nhưng tâm trí méo mó và ý hướng xấu, được biện minh với những lời cáo buộc, nấp sau những truyền thống, những vẻ bề ngoài, những hình thức.

Trong diễn văn, ĐTC đã trình bày 12 tiêu chuẩn hướng dẫn việc cải tổ Giáo Triều Roma đó là: cá nhân tính tức là sự hoán cải bản thân, mục vụ tính (hoán cải mục vụ), thừa sai tính, hợp lý, hoạt động tốt, tân tiến, điều độ, nguyên tắc phụ đới, công nghị tính, công giáo tính (các chức sắc và nhân viên được chọn từ các nơi trên thế giới và thuộc nhiều giai tầng của Giáo Hội, kể cả giáo dân và phụ nữ), khả năng chuyên môn và tính chất tiệm tiến.

Ngài cũng nói rằng ”Điều tối cần thiết là các cơ quan phải có chính sách thường huấn cho các nhân viên, để tránh tình trạng ”rỉ xét” và rơi vào thái độ 'công chức'. Đàng khác, cần tuyệt đối loại bỏ thói quen ”thăng chức để huyền chức” (promoveatur ut amoveatur)”.

Trong phần cuối của diễn văn, ĐTC lần lượt liệt kê những điều đã thực hiện qua những tự sắc, bắt đầu là việc thành lập hội đồng 8 Hồng y cố vấn ngày 13-4 năm 2014 và ngày 1-7 năm sau đó, Hội đồng này trở thành 9 vị, có thêm ĐHY Quốc vụ khanh Tòa Thánh.

Các tự sắc về việc cải tổ lãnh vực kinh tế, và tổ chức, ngân hàng Vatican hoặc là viện Giáo Vụ, thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, thành lập Bộ truyền thông, cải tổ thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu, tự sắc trừng phạt các GM và Bề trên dòng thiếu sót trong việc xử lý những vụ giáo sĩ tu sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và người dễ bị tổn thương, thành lập Bộ giáo dân, Bộ Dịch vụ phát triển nhân bản toàn diện, cải tổ qui chế Hàn lâm viện Tòa Thánh bảo vệ sự sống.

Sau bài diễn văn và những lời chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới, ĐTC đã tặng cho mỗi Hồng Y và Giám Mục cuốn sách tựa đề ”Nhận định để chữa trị các bệnh tật của tâm hồn”, tác giả là cha Claudio Acquavivia, Bề trên Tổng quyền thứ 3 của Dòng Tên. (SD 22-12-2106)

 G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

Sứ điệp Giáng sinh của ĐHY Chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ

u-diep-giang-sinh-cua-duc-hong-y-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-hoa-ky

Washington – Hôm 19/12, Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Tổng giáo phận Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, đã gửi sứ điệp Giáng sinh Video đến người Công giáo Hoa kỳ. Trong sứ điệp, ĐHY DiNardo khuyến khích các tín hữu Công giáo viếng các hang đá và suy tư về cách thế trao tặng chính mình trong Năm Mới.

 “Anh chị em thân mến, như các đạo sĩ và mục đồng trước chúng ta, chúng ta đang làm cuộc hành trình Giáng sinh đến nhìn xem Đấng cứu thế mới sinh. Cách đây hàng thế kỷ, các quà tặng vàng, nhũ hương và mộc dược đã chào kính Hài nhi Giê-su. Những người thiếu thốn tình yêu của Thiên Chúa đã vui mừng về tin Người giáng sinh và dâng tặng các lễ vật của lòng biết ơn. Giáng sinh này chúng ta cũng hãy viếng các hang đã và dâng tặng lễ vật là chính bản thân chúng ta. Lễ vật này xuất phát từ những ao ước và sự tìm kiếm hòa bình luc này và tại nơi này của chúng ta.

Chúng ta khám phá ra sự ngây thơ vô tội mỏng manh của niềm hy vọng trong đôi mắt của hài nhi mới sinh, được bọc trong khan. Mẹ Maria và thánh Giuse chào đón niềm hy vọng trẻ trung này, vì Chúa Giê-su bày tỏ, nơi Ngôi vị của Người, lời hứa “niềm vui vĩ đại cho tất cả mọi dân.” Ngày nay chúng ta có thể nuôi dưỡng cùng niềm hy vọng này. Chúng ta làm điều này bằng cách chào hỏi nhau trong tình yêu và bác ái, ôm ấp sự văn minh và đừng để sự khác biệt của chúng ta che mất phẩm giá và vẻ đẹp Thiên Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta là con cái của Ngài.

Cho phép tôi nói một lời đặc biệt với các anh chị em, những người thấy mình là người nhập cư và di dân vào ngày Giáng sinh. Nơi anh chị em, chúng tôi nhìn thấy sự vất vả của gia đình Thánh gia. Từ sứ thần của Thiên Chúa, Giuse đã nghe lời kêu gọi “hãy trỗi dậy và trốn đi” để gìn giứ Mẹ Maria và Chúa Giê-su an toàn khỏi bạo lực ở quê nhà. Giáo hội Công giáo Hoa kỳ đang cầu nguyện cho anh chị em và đang hoạt động để đón tiếp anh chị em như chúng tôi sẽ nên làm với Thánh gia.

Chúng ta vẫn là một dân tộc cần tình yêu của Thiên Chúa trong mùa Giáng sinh này, đặc biệt những đứa trẻ chưa sinh của những người thất nghiệp, người đau khổ và bệnh tật, người cô đơn và đang than khóc. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến trên chúng ta như Người đã che phủ Mẹ Maria trong ngày Truyền Tin để khi được tràn đầy tình yêu của Con Mẹ, chúng ta sẽ “công bố sự cao cả của Thiên Chúa.” Chúc mừng Giáng sinh! (CNS 20/12/2016)

Hồng Thủy

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

Chúa Giêsu giáng sinh đem niềm hy vọng vào lòng thế giới

dtc-phanxico-chao-tin-huu-tham-du-buoi-tiep-kien-chung-trong-dai-thinh-duong-phaolo-vi-sang-thu-tu-21-12-2016

Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa niềm hy vọng đã bước vào trong thế giới. Qua tiếng “xin vâng” Đức Maria đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy chuẩn bị lễ Giáng Sinh của Chúa. Sẽ là một lễ đích thực, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào lòng đất của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI. Trong bài huấn dụ ĐTC đã suy tư về đề tài lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu là suối nguồn của niềm hy vọng. Với biến cố Con Thiên Chúa nhập thể niềm hy vọng đã bước vào thế giới. Chính ngôn sứ Isaia đã báo trước biến cố Đức Messia giáng sinh trong vài đoạn kinh thánh: “Này đây Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14), và “Một nhánh nhỏ sẽ nảy sinh từ gốc Giêssê, từ cội rễ ấy sẽ mọc lên một mầm non” (Is 11.1). Trong các văn bản này tỏ lộ ý nghĩa của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa thành toàn lời hứa bằng cách trở thành người; Ngài không bỏ rơi dân Ngài, Ngài đến gần họ đến độ lột bỏ thiên tính của mình. Trong cách thế đó Thiên Chúa chứng minh cho thấy sự trung thành của Ngài và khai mào một Vương Quốc mới, trao ban một niềm hy vọng mới cho nhân loại. Niềm hy vọng này là niềm hy vọng nào? : đó là sự sống vĩnh cửu. Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Khi nói tới hy vọng, người ta  thường quy chiếu điều không nằm trong quyền bính của con người và không trông thấy được. Thật ra, điều chúng ta hy vọng vượt ngoài các sức lưc và cái nhìn của chúng ta. Nhưng lễ Giáng Sinh của Chúa Kitô khai mào việc cứu độ nói với chúng ta về một niềm hy vọng khác, một niềm hy vọng có thể tin cậy được, trông thấy được và hiểu được, bởi vì nó được xây dựng trên Thiên Chúa. Thiên Chúa bước đi với chúng ta trong Đức Giêsu, và việc bước đi cùng Ngài hướng về cuộc sống tràn đầy trao ban cho chúng ta sức mạnh hiện hữu một cách mới mẻ trong hiện tại, mặc dù mệt nhọc. Như thế, đối với kitô hữu hy vọng có nghĩa là chắc chắn bước đi với Chúa Kitô để tiến về với Thiên Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta. Niềm hy vọng không bao giờ dừng lại, niềm hy vọng luôn luôn tiến bước và làm cho chúng ta tiến bước.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Niềm hy vọng này mà Hài Nhi Bếtlêhem ban cho chúng ta, cống hiến một đích điểm, một số phận tốt lành trong hiên tại, ơn cứu rỗi cho nhân loại, diễm phúc cho ai tín thác nơi Thiên Chúa từ nhân. Thánh Phaolô tóm tắt tất cả những điều này với một kiểu nói “Trong niềm hy vọng chúng ta đã được cứu thoát” (Rm 8,24). Nghĩa là khi bước đi trong thế giới này với niềm hy vọng chúng ta được cứu độ. Và ở đây chúng ta, mỗi người, có thể nêu lên câu hỏi: tôi có bước đi với niềm hy vọng, hay cuộc sống nội tâm của tôi dừng lại, đóng kín? Trái tim tôi là một hộc bàn đóng kín hay là một hộc bàn rộng mở cho niềm hy vọng khiến cho tôi bưóc đi, không một mình, nhưng với Chúa Giêsu?

Trong nhà của các kitô hữu trong mùa Vọng người ta chuẩn bị hang đá máng cỏ theo truyền thống có từ thời thánh Phanxicô thành Assisi. Trong sự đơn sơ của nó hang đá máng cỏ chuyển đạt niềm hy vọng; mọi nhân vật đều chìm đắm trong bầu khí hy vọng.

Trước hết chúng ta ghi nhận nơi Chúa Giêsu sinh ra là Bếtlêhem. Một thôn xóm nhỏ vùng Giuđêa nơi đã sinh ra một nghìn năm trước đó Đavít, mục đồng nhỏ đã được Thiên Chúa tuyển chọn như vua của dân Israel. Bếtlêhem đã không phải là một thủ đô, và vì thế nó đã được Thiên Chúa ưa thích; Ngài là Đấng thích hành động qua những người bé nhỏ và khiêm tốn. Tại đó sinh ra “con của vua Đavít”, được chờ đợi biết bao, là Đức Giêsu, nơi Người niềm hy vọng của Thiên Chúa và niềm hy vọng của loài ngưòi gặp gỡ nhau.

Thế rồi chúng ta hãy nhìn Đức Maria Mẹ của niềm hy vọng. ĐTC nói về Mẹ như sau:

Với tiếng “vâng” Mẹ đã mở cửa thế giới cho Thiên Chúa: con tim thiếu nữ của Mẹ tràn đầy niềm hy vọng và hoàn toàn được linh hoạt bởi đức tin, và như thế Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ trước, và Mẹ đã tin vào lời Ngài. Đấng trong suốt chín tháng đã là hòm bia của Giáo Ước mới và vĩnh cửu, trong hang đá chiêm ngắm Hài Nhi và trông thấy nơi Ngài tình yêu thương của Thiên Chúa, là Đấng đến cứu rỗi dân Ngài và toàn nhân loại. Bên cạnh Mẹ Maria là thánh Giuse, xuất thân từ dòng tộc Giesse và Đavít, cả người nữa cũng đã tin vào các lời của thiên thần, và khi nhìn Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ, người suy gẫm rằng Hài Nhi ấy đến từ Chúa Thánh Thần, và chính Thiên Chúa đã truyền gọi Ngài là Giêsu. Trong tên gọi này có niềm hy vọng cho mọi người, bởi vì qua người con của phụ nữ Thiên Chúa sẽ cứu nhân loại khỏi cái chết và tội lỗi. Vì thế ngắm nhìn hang đá máng cỏ thật quan trọng!

** ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: Và trong máng cỏ cũng có các mục đồng nữa, đại diên cho những người khiêm tốn và nghèo nàn chờ đợi Đấng Messia, “niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25), và “sự cứu rỗi của Giêrusalem” (Lc 2,38). Trong Hài Nhi đó chúng ta trông thấy việc thực hiện các lời hứa và hy vọng rằng ơn cứu độ của Thiên Chúa sau cùng đến với từng người trong họ. Ai tin tưởng nơi các an ninh của mình, nhất là các an ninh vật chất, thì không chờ đợi sự cứu rỗi từ Thiên  Chúa. Chúng ta hãy nhớ kỹ điều này: các an ninh của chúng ta sẽ không cứu được chúng ta; an ninh duy nhất cứu chúng ta là an ninh của niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Nó cứu thoát chúng ta, bởi vì nó mạnh mẽ và làm cho chúng ta tiến bước trong đời với niềm vui, với ý muốn làm việc thiện, với ý muốn được hạnh phúc đời đời. Các người bé nhỏ, các mục đồng, trái lại, tín thác nơi Thiên Chúa, hy vọng nơi Ngài, và vui mừng khi nhận ra nơi Hài Nhi dấu hiệu mà các thiên thần đã chỉ cho họ (Lc 2,12).

Và chính ca đoàn các thiên thần loan báo từ trên cao chương trình vĩ đại mà Hài Nhi thực hiện: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời cao và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Niềm hy vọng kitô được diễn tả ra trong lời chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa, là Đấng đã khai mào Vương Quốc tình yêu, công lý và hoà bình của Ngài.

Anh chị em thân mến, trong các ngày này, khi chiêm ngắm hang đá, chúng ta hãy chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Sẽ là một ngày lễ đích thật, nếu chúng ta tiếp đón Chúa Giêsu, hạt giống của niềm hy vọng mà Thiên Chúa gieo vào các luống của lịch sử cá nhân và cộng đoàn chúng ta. Mỗi một tiếng “vâng” với Chúa Giêsu đến là một chồi lộc của niềm hy vọng. Chúng ta hãy tin tưởng nơi chồi lộc này của niềm hy vọng, trong tiếng “vâng”: Vâng, lậy Chúa Giêsu Chúa có thể cứu con, Chúa có thể cứu con”. Xin chúc tất cả anh chị em lễ Giáng Sinh tốt lành.

ĐTC đã chào tín hữu đến từ các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt các bạn trẻ đến từ Paris, Saint Cloud và Reims. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ, cũng như các nhóm hành hương đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngài khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria thánh Giuse và các mục đồng mở rộng cửa tâm lòng cho Chúa Giêsu và tiếp đón nơi Ngài tất cả tình yêu Thiên Chúa Cha có đối với từng người.

** ĐTC cũng đưa ra lời kêu gọi cho Cộng hoà dân chủ Congo. Ngài nói: Dưới ánh sáng của một cuộc gặp gỡ mới đây với ĐC chủ tịch và phó chủ tịch HĐGM nước này tôi xin tái lên tiếng kêu mời tất cả mọi người dân Congo trong thời điểm tế nhị của lịch sử đất nước, hãy là các tác nhân của hoà giải và hoà bình. Ước chi những người có trách nhiệm chính trị lắng nghe tiếng nói của lương tâm, biết trông thấy các khổ đau tàn khốc của các người đồng hương và lưu tâm tới thiện ích chung. Tôi xin bảo đảm sự ủng hộ và tình thương mến của tôi đối với nhân dân thân yêu của quốc gia này, và mời gọi mọi người hãy để cho ánh sáng của Đấng Cứu Độ thế giới hướng dẫn, và tôi cầu nguyện cho lễ Giáng Sinh của Chúa mở ra cho họ các con đường của niềm hy vọng.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hượng Italia đặc biệt Hiệp hội phụ huynh ngôi sao do ĐC Pietro Santoro GM Avezzano hướng dẫn; phái đoàn tỉnh Bolsena và các thành viên Hiệp hội các người làm bánh mì Roma, đoàn rước đuốc lấy lửa từ hang đá Bếtlêhem, cộng đoàn Ốc đảo Mẹ Maria Betania Alvito và các sinh viên học sinh.

Chào các bạn trẻ ĐTC khích lệ họ chuẩn bị đón mừng Chúa đến với thái độ vâng phục và khiêm tốn của đức tin như Mẹ Maria. Ngài chúc các anh chị em bệnh nhân biết kín múc nơi Mẹ sức mạnh và lòng sốt mến đối với Chúa Giêsu. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn chiêm ngưỡng gương sống và thực thi các nhân đức của Thánh Gia trong cuộc sống thường ngày.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lây Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

Đức Hồng Y Turkson: rất cần thông điệp mới về hòa bình

duc-hong-y-turkson-rat-can-thong-diep-moi-ve-hoa-binh

VATICAN. ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, cho rằng một thông điệp mới của ĐTC về hòa bình là điều rất cần thiết ngày nay.

ĐHY Turkson người Ghana, đã được ĐTC bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Phát triển nhân bản toàn diện, một cơ quan sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2017 và bao gồm 4 Hội đồng Tòa Thánh là: Công lý và Hòa bình, mục vụ di dân, mục vụ các nhân viên y tế, và Cor Unum (Đồng Tâm).

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Áo, Kathpress, hôm 19-12-2016, ĐHY Turkson nhắc lại rằng Thông điệp về Hòa Bình liền trước đây đã được ban hành cách đây 53 năm, tức là Thông điệp ”Hòa bình dưới thế” (Pacem in terris) do Thánh Gioan 23 Giáo Hoàng công bố năm 1963, trong bối cảnh thế giới bị chiến tranh hạt nhân đe dọa. Ngày nay, ĐGH Phanxicô nói về một ”thế chiến từng mảnh”. ĐHY nói rằng ”Cơ quan của ngài chỉ có thể chuẩn bị một thông điệp theo lệnh của ĐTC”.

Theo ĐHY Turkson, một đối tượng khác của thông điệp có thể là vấn đề di dân. Đây cũng là một đề tài lớn mà ĐGH Phanxicô quan tâm và ngài đã đích thân đảm nhận phân bộ di dân trong Bộ tân lập về việc phát triển nhân bản toàn diện.

Trả lời câu hỏi: liệu trong năm 2017 tới đây ĐGH sẽ công bố thông điệp mới về một trong hai đề tài vừa nói hay không, ĐHY Turkson đáp: ĐGH có thể ban hành thông điệp bất kỳ khi nào, nhưng điều nên đề nghị là cần giữ một khoảng cách giữa các văn kiện của ĐGH: các văn kiện này cần thời gian để được đón nhận và hấp thụ. ĐGH không viết các văn kiện để đặt trên các kệ sách. Ngài muốn thông truyền và thi hành một sứ điệp.

Cho đến nay, ĐTC Phanxicô đã công bố thông điệp Lumen fidei (Ánh sáng đức tin) vào năm 2013, Văn kiện này được vị tiền nhiệm Biển Đức 16 chuẩn bị trước đó để kết thúc Năm Đức Tin. Tiếp đến là thông điệp ”Laudato sì” năm 2015 về việc bảo vệ thiên nhiên là căn nhà chung của nhân loại. Năm 2013, ngài công bố Tông huấn Evangelii gaudium (Niềm vui Phúc Âm) về việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, và hồi tháng 4 năm nay (2016) ngài công bố Tông huấn Amoris laetitia (Niềm vui yêu thương) về gia đình. (KP 19-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án vụ khủng bố tại Berlin

Đức Thánh Cha chia buồn và lên án vụ khủng bố tại Berlin

duc-thanh-cha-chia-buon-va-len-an-vu-khung-bo-tai-berlin

VATICAN. ĐTC xúc động, chia buồn với các nạn nhân và lên án vụ khủng bố tại Berlin, thủ đô Cộng hòa Liên bang Đức, tối ngày 19-12-2016.

Những kẻ khủng bố đã dùng xe vận tải đâm vào dân chúng tại chợ Giáng Sinh ở thủ đô Berlin làm cho 12 người chết và 48 người bị thương.

Trong điện văn nhân danh ĐTC gửi đến Đức Cha Heiner Koch, TGM giáo phận Berlin, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, viết:

“ĐTC xúc động sâu xa khi được biết về hành vi bạo lực kinh khủng xảy ra ở Berlin, trong đó, ngoài một số đông người bị thương, có nhiều người bị thiệt mạng. ĐTC chia buồn với thân nhân của các nạn nhân, bày tỏ sự cảm thông và gần gũi họ trong đau khổ. Trong kinh nguyện Ngài phó thác những người quá cố cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và cũng xin Chúa cho những người bị thương sớm được chữa lành. Ngoài ra Ngài cám ơn các nhân viên cứu cấp và an ninh vì sự dấn thân tích cực. ĐGH Phanxicô hiệp với tất cả những người thiện chí đang dấn thân để vụ giết người điên rồ của trào lưu khủng bố này không còn tìm được chỗ đứng trong thế giới chúng ta nữa. Theo ý hướng đó, ĐTC khẩn cầu Thiên Chúa là Cha Thương Xót ban ơn an ủi, bảo vệ và chúc phúc chữa lành.

Hồng Y Pietro Paroli, Quốc vụ khanh Tòa Thánh

(Trần Đức Anh OP dịch)

Tiếp nhận Chúa Giêsu là cộng tác vào công trình cứu chuộc

Tiếp nhận Chúa Giêsu là cộng tác vào công trình cứu chuộc

dtc-doc-kinh-truyen-tin-voi-tin-huu-va-du-khach-hanh-huong-trua-chua-nhat-18-12-2016

Khi tiếp nhận Chúa Giêsu và tìm theo Ngài mỗi ngày như Mẹ Maria, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Chúa đối với chúng ta và thế giới. Cử chỉ vâng lời và khiêm tốn của thánh Giuse dậy cho chúng ta biết luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa và để cho Chúa hướng dẫn cuộc sống. Chúng ta hãy tìm bước vào  lễ Giáng Sinh đích thật của Chúa Giêsu để đón nhân ơn thánh của ngày lễ là ân huệ của tình yêu, lòng khiêm tốn và sự hiền dịu.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: phụng vụ của Chúa Nhật thứ tư và cuối cùng của mùa Vọng có đề tài là Thiên Chúa đến gần trong khiêm nhường. Đoạn Tin Mừng của thánh sử Mátthêu cho chúng ta thấy hai người đã bị liên lụy hơn mọi người khác trong mầu nhiệm tình yêu này: đó là Đức Trinh Nữ Maria và chồng là Giuse. Mầu nhiệm của tình yêu, mầu nhiệm sự gần gũi của Thiên Chúa với nhân loại.

Đức Maria được giới thiệu dưới ánh sáng lời tiên tri nói rằng: “Này đây, một trinh nữ sẽ thụ thai và cho chào đời một con trai”(c. 23). Thánh sử Mátthêu thừa nhận rằng điều đã xảy ra nơi Đức Maria, là Đấng đã thụ thai Chúa Giêsu  do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Con Thiên Chúa “đến” trong cung lòng Mẹ để trở thành người và Mẹ tiếp nhận Chúa. Như vậy, trong một cách thức duy nhất, Thiên Chúa đã đến gần con người, bằng cách nhận lấy thịt xác của một phụ nữ. Thiên Chúa đến gần chúng ta và đã nhận lấy thịt xác của một phụ nữ. Ngài cũng đến gần chúng ta, trong cách thức khác nhau, với ơn thánh của Ngài để bước vào trong cuộc sống chúng ta và cống hiến cho chúng ta món quà là Con của Ngài. Và chúng ta làm gì? Chúng ta có tiếp đón Ngài, có để cho Ngài đến gần hay khước từ Ngài, hay đuổi Ngài đi? ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Như Me Maria, khi dâng hiến chình mình cho Chúa của lịch sử đã cho phép Ngài thay đổi số phận khiêm hạ, cũng thế khi tiếp đón Chúa Giêsu và tìm theo Ngài mỗi ngày, chúng ta có thể cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài đối với chúng ta và thế giới. Như vậy, Mẹ Maria xuất hiện như mẫu gương cần noi theo, và như sự nâng đỡ có thể cậy nhờ trong việc kiếm tìm Thiên Chúa, trong sự gần gũi của chúng ta với Chúa, trong việc để cho Ngài đến gần chúng ta, và trong dấn thân xây dựng một nền văn minh tình thương.

Nhân vật khác của Tin Mừng hôm nay là thánh Giuse. Thánh sử minh nhiên sự kiện một mình thánh Giuse không thế giải thích biến cố ngài trông thấy trước mắt, nghĩa là việc Đức Maria mang thai. Tuy nhiên, chính khi đó, chính trong lúc nghi ngờ và cả trong sự âu lo ấy Thiên Chúa cũng tới gần thánh nhân với một sứ giả của Ngài,  và soi sáng cho thánh nhân biết bản chất của chức làm mẹ ấy: “con trẻ được sinh ra nơi Mẹ là do Chúa Thánh Thần” c. 20). Như thế, đứng trước biến cố ngoại thường, chắc chắn nổi lên trong con tim người biết bao nhiêu câu hỏi, người hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng tới gần thánh nhân,và theo lời Chúa mời gọi không rẫy người vợ đã được hứa hôn, nhưng đem về với mình và cuới Đức Maria. ĐTC giải thích ý nghĩa thái độ của thánh Giuse như sau:

Khi tiếp nhận Đức Maria thánh Giuse ý thức tiếp nhận với tình yêu Đấng đã được thụ thai nơi Mẹ do công trình đáng khâm phục của Thiên Chúa, là Đấng làm được mọi sự. Thánh Giuse con người khiêm tốn và công chính (c. 19) dậy chúng ta luôn luôn tín thác nơi Thiên Chúa, là Đấng đến gần chúng ta: khi Thiên Chúa tới gần chúng ta, chúng ta phải tín thác. Thánh Giuse dậy chúng ta để cho Chúa hướng dẫn với lòng vâng lời tự nguyện.

Hai gương mặt này, Đức Maria và thánh Giuse, là những người đầu tiên tiếp đón Chúa Giêsu qua đức tin, dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm lễ Giáng Sinh. Mẹ Maria giúp chúng ta đặt mình trong thái độ sẵn sàng tiếp đón Con Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể, trong thịt xác chúng ta. Thánh Giuse thúc giục chúng ta luôn luôn tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và đi theo với lòng tin tưởng tràn đầy. Cả hai vị đã để cho Thiên Chúa tới gần.

“Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai: Người sẽ được đặt tên là Emmanuel, có nghĩa là  Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Thiên thần nói như thế: “Con trẻ sẽ được gọi là Emmanuel, có nghĩa là Thiên  Chúa ở cùng chúng ta, có nghĩa là Thiên Chúa gần gũi chúng ta. Và tôi mở cửa cho Thiên Chúa đến gần – mở cửa cho Chúa – khi tôi cảm nhận một linh hứng nội tâm, khi tôi cảm nhận rằng Ngài xin tôi làm một điều gì hơn nữa cho tha nhân, khi Ngài mời gọi tôi cầu nguyện. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa tới gần. Ước chi lời loan báo hy vọng này thành toàn trong lễ Giáng Sinh, cũng hoàn tất sự chờ đợi Thiên Chúa nơi từng người trong chúng ta, trong toàn Giáo Hội, và trong biết bao nhiêu người bé nhỏ, mà thế giới khinh rẻ, nhưng Thiên Chúa yêu thương và Thiên Chúa đến gần họ.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban  phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho cuộc đối thoại tại Cộng hoà dân chủ Congo được diễn ra trong an bình tránh mọi loại bạo lực và cho thiện ích của toàn quốc gia này.

ĐTC đã đặc biệt chào nhóm UNITALSI là liên hiệp Italia chuyên chở các bệnh nhân đi hành hương Lộ Đức. Ngài ca ngợi công việc làm tốt lành của họ. Liên hiệp đã tổ chức một hang đá sống với sụ tham dự của các người tàn tật. ĐTC cám ơn mọi nguời và mọi tổ chức đã gửi lời chúc mừng thượng thọ 80 của ngài hôm thứ bẩy vừa qua. Ngài nói: Chúa Nhật tới là lễ Giáng Sinh. Trong tuần này, tôi xin anh chị em, chúng ta hãy tìm ra vài lúc để dừng lại, thinh lặng và tưởng tượng ra Đức Mẹ và thánh Giuse đang đi về Bétlêhem. Tưởng tượng ra các ngài như thế nào: đi đường xa mệt nhọc, nhưng cũng tươi vui, sự cảm động, nỗi lo lắng tìm một chỗ trọ, sự âu lo… vv. Hang đá máng cỏ trợ giúp chúng ta làm điều ấy. Chúng ta hãy  tìm bước vào trong lễ Giáng Sinh đích thật, lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu, là Đấng đến gần, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, để nhận ân sủng của ngày lễ này, là một ơn thánh của sự gần gũi, của tình yêu, lòng khiêm tốn và sự hiền dịu. Và trong những lúc ấy xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi nữa.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha dâng lễ tạ ơn 80 tuổi

Đức Thánh Cha dâng lễ tạ ơn 80 tuổi

pope-celebrates-mass-with-cardinals-for-80th-birthday

VATICAN. Lúc 8 giờ sáng 17-12-2016, ĐTC đã dâng lễ với khoảng 40 Hồng y hiện diện ở Roma để tạ ơn Chúa nhân dịp sinh nhật thứ 80 của ngài.

Đầu thánh lễ, ĐHY Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, đã đại diện mọi người chúc mừng ĐTC. ĐHY nói:

”Kính thưa ĐTC, ngày hôm nay, như trong một cuốn phim, sẽ diễn lại trước ĐTC những khuôn mặt của cha mẹ thân yêu, Ông bà cố Mario và Maria Regina, tất cả những người thân thuộc và những người khác đã góp phần vào việc huấn luyện ĐTC. Và tư tưởng sẽ đi tới tất cả những người đã ở cạnh ĐTC trong cuộc đời, từ ngày 13-3 năm 2013 khi Chúa Thánh Linh soi sáng cho các Hồng Y hiện diện trong mật nghị yêu cầu Ngài nhận đại sứ vụ này: sứ vụ hướng dẫn Giáo Hội hoàn vũ như người Cha và Mục Tử trong thời điểm quan trọng này của lịch sử. Ngày hôm nay, chúng con muốn đồng tế với ĐTC thánh lễ đây để cảm tạ Chúa vì đã chọn ĐTC cho sứ vụ này và vì tình yêu thương của ĐTC khi thi hành sứ vụ”.

Trong bài giảng ứng khẩu, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc trong thánh lễ và nhấn mạnh đến sự dừng lại, nhìn về quá khứ với lòng biết ơn để tiếp tục tiến bước. Chúng ta hãy xin ơn đừng quên. .. Nhìn lại quá khứ như thế làm cho chúng ta càng tỉnh thức để tiến bước.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”trên đường, chúng ta luôn thấy ơn phúc và tội lỗi. Trong lịch sử ơn cứu độ cũng có những tội tầy đình, và cũng có các thánh. Cả chúng ta trong cuộc đời của mình, chúng ta cũng thấy như vậy, những lúc rất trung thành với Chúa, vui mừng trong việc phục vụ nhưng cũng có những lúc bất trung xấu xa, tội lỗi, làm cho chúng ta cảm thấy cần ơn cứu độ. Đó cũng là an ninh của chúng ta, vì khi chúng ta cần ơn cứu độ, tuyên xưng đức tin, chúng ta nói rằng: 'Con là kẻ tội lỗi, nhưng Chúa có thể cứu vớt con. Chúa đưa con tiến bước. Và thế là chúng ta bước đi trong niềm vui hy vọng”.

Cuối thánh lễ ĐTC đã cám ơn các Hồng y đã đồng tế thánh lễ, đã đồng hành với ngài trong ngày này. Ngài cũng tiết lộ rằng:

”Từ vài ngày nay, tôi nghĩ đến một lời có vẻ ”xấu” đó là tuổi già. Ít là nó làm ta kinh hãi.. Cả hôm qua, Đức Ông Cavalieri đã làm quà cho tôi cuốn sách của Cicerone tựa đề ”De Senectute”, luận về tuổi già! Thật là thêm một giọt nước!

Tôi nhớ lại điều mà tôi nói ngày 15-3 năm 2013 trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta: ”Tuổi già là tòa khôn ngoan”. Tôi hy vọng điều này cũng đúng đối với tôi. Tôi hy vọng là như vậy.

”Tôi cũng tự hỏi: sao mà nó đến sớm như thế! Như thi hào Plinio đã nói: tuổi già âm thầm, nhưng nó ập tới! Nhưng cũng có người nghĩ tuổi già như một giai đoạn của cuộc sống, để mang lại vui mừng, sự khôn ngoan, hy vọng, người ta tái bắt đầu sống”.

Và tôi cũng nghĩ đến một bài thơ khác mà cách đây vài ngày tôi cũng đã nói với anh em: ”Tuổi già yên hàn và đạo đức” (Es ist ruhig, das Alter, und fromm!”.

Xin anh em hãy cầu nguyện để tuổi già của tôi cũng được yên hàn, đạo đức, phong phú, và vui mừng nữa!

Trước thánh lễ vào lúc 7 giờ 15, có 8 người vô gia cư, do Đức Konrad TGM Krajewski, Chánh sở từ thiện của ĐTC, hướng dẫn đến nhà trọ Thánh Marta để chúc mừng sinh nhật của ngài. Ngài mời họ dùng bữa sáng trước khi đi dâng lễ với các Hồng Y.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

Đức Thánh Cha tiếp kiến Cộng đoàn Nomadelfia

duc-thanh-cha-tiep-kien-cong-doan-nomadelfia

VATICAN. ĐTC ca ngợi và khích lệ cộng đoàn Nomadelfia trong cuộc sống huynh đệ và nêu gương cho xã hội trong việc săn sóc các trẻ em và người già.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ bẩy, 17-12-2016, dành cho 300 người thuộc cộng đoàn Nomadelfia. Từ này, trong tiếg Hy Lạp có nghĩa là ”luật huynh đệ”. Cộng đoàn Nomadelfia do cha Zenon Saltini (+1981) sáng lập tại một khu vực thuộc tỉnh Grossetto, cách Roma gần 200 cây số về hướng bắc. Tại đó các gia đình sống trong những căn nhà nhỏ, nhưng sinh hoạt trong căn nhà chung, cùng với 3, 4 gia đình, trong tinh thần huynh đệ, đùm bọc lẫn nhau. Người già trở thành ông bà nội của tất cả các trẻ em trong nhóm. Con cái cũng được các bà mẹ săn sóc chung khi một bà mẹ phải vắng mặt. Công việc ở Nomadelfia được quản trị trong tinh thần huynh đệ, không có người chủ hay nhân viên và loại trừ mọi hình thức đầu tư hay bóc lột. Mỗi người đặt những gì mình làm làm của chung, và nhận được theo công bằng và tiết độ những gì mình cần để sống. Tiền bạc không lưu hành trong cộng đoàn.

Trong bài huấn dụ sau khi nghe chứng từ trình bày về cuộc sống ở cộng đoàn Nomadelfia, ĐTC nhận xét rằng ”Cha Zeno Saltini, vị sáng lập của anh chị em đã theo đuổi đối tượng mang hạt giống tốt của Tin Mừng vào những thửa đất khô cằn nhất. Và cha đã thành công. Cộng đồng Nomadelfia của anh chị em là một bằng chứng. Cha Zeno ngày nay đối với chúng ta như một mẫu gương về người môn đệ trung thành của Chúa Giêsu, noi gương Thày Chí Thánh, cúi mình trên những đau khổ của những người yếu ớt, nghèo nàn nhất, trở thành chứng nhân về lòng bác ái vô tận.

ĐTC nói thêm rằng:

”Ước gì lòng can đảm và sự kiên trì của cha Zenon hướng dẫn sự dấn thân hằng ngày của anh chị em để làm cho những hạt giống sự thiện sinh hoa kết trái dồi dào mà cha đã gieo vãi quảng đại, được lòng hăng say theo tinh thần Tin Mừng và lòng yêu mến Giáo Hội thúc đẩy”.

”Gia đình tinh thần của anh chị em đặc biệt gắn liền với đời sống huynh đệ, được biểu lộ đặc thù qua việc đón tiếp các trẻ em và săn sóc người già. Tôi khuyến khích anh chị em nêu gương cho xã hội về sự ân cần và dịu hiền rất quan trọng như thế. Các trẻ em và người già là tương lai của các dân tộc: các trẻ em là tương lai vì các em sẽ tiếp tục lịch sử, còn người già là tương lai vì họ thông truyền kinh nghiệm và sự khôn ngoan từ cuộc sống của họ. Anh chị em đừng mệt mỏi trong việc vun trồng và nuôi dưỡng cuộc đối thoại như vậy giữa các thế hệ, biến đức tin của anh chị em thành ngôi sao dẫn đường và biến Lời Chúa thành bài học chính yếu cần hấp thụ và sống cụ thể trong cuộc sống thường nhật” (SD 17-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP