Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

Đức Hồng Y Joachim Meisner, Tổng giám mục Koeln, qua đời

KOELN. ĐHY Joachim Meisner, nguyên TGM giáo phận Koeln bên Đức, đã qua đời sáng sớm ngày 5-7-2017, hưởng thọ 84 tuổi.

ĐHY Meisner sinh ngày 25-12 năm 1933 tại miền hạ Slesia, bấy giờ thuộc lãnh thổ Đức, nhưng nay thuộc Ba Lan. Năm 1945, cùng với gia đình, ngài tị nạn sang miền Thueringen Đông Đức và thụ phong linh mục năm 1962 trong giáo phận Erfurt. 3 năm sau ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma. Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm GM Phụ tá giáo phận Erfurt và 5 năm sau làm GM giáo phận Berlin. Giáo phận này bao gồm cả khu vực Đông và Tây Berlin, rộng 30 ngàn cây số vuông, trong thời kỳ nước Đức bị chia đôi, với 1 triệu 200 ngàn tín hữu Công Giáo trên tổng số 8 triệu người tin lành.

Năm 1983 ĐGH Gioan Phaolô 2 thăng ngài làm Hồng Y và 6 năm sau đó, chuyển ngài về làm TGM giáo phận Koln, bấy giờ là giáo phận lớn nhất tại Đức. ĐHY cai quản giáo phận này trong 25 năm cho đến khi về hưu vào năm 2014.

ĐHY Meisner là 1 trong 4 Hồng Y đã xin ĐTC giải tỏa những nghi vấn đề Tông Huấn ”Niềm vui yêu thương” (Amoris laetitia).

ĐTC chia buồn

ĐTC đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Koeln trong đó ngài viết: ”Tôi xúc động sâu xa khi nghe tin ĐHY Joachim Meisner được Thiên Chúa từ bi thương xót kêu gọi đột ngột và bất ngờ từ trái đất này. Tôi gần gũi ĐHY và tất cả các tín hữu của Tổng giáo phận Koeln trong kinh nguyện cầu cho vị Chủ Chăn quá cố.”

”Với niềm tin sâu xa và lòng yêu mến chân thành đối với Giáo Hội, ĐHY Meisner đã tận tụy loan báo Tin Mừng. Xin Chúa Kitô trả công cho Người vì sự dấn thân trung thành và kiên cường bênh vực thiện ích của những người ở đông và tây, và cho Người được tham dự vào cộng đồng hiệp thông của các thánh trên trời”.

ĐHY Woelki cho biết ĐHY Meisner đã từ trần trong lúc còn cầm sách nguyện trên tay. Sáng thứ tư, 5-7, một người bạn đã đến đón ĐHY đang nghỉ hè ở Bad Fuessing thuộc vùng hạ bang Bavaria để đi làm lễ thì thấy ĐHY đã qua đời.

Cầu hồn

Trong chúc thư tinh thần, ĐHY Joachim Meisner, cố TGM giáo phận Koeln bên Đức, kêu gọi các tín hữu trung thành với ĐGH.

Trong thánh lễ cầu hồn chiều ngày 5-7-2017 tại nhà thờ chính tòa Koeln, ĐHY Rainer Woelki, đương kim TGM giáo phận Koeln, và từng là bí thư rồi làm GM phụ tá cho Đức Cố Hồng Y Meisner, đã tuyên đọc chúc thư tinh thần của ĐHY quá cố, trong đó Người tha thiết nhắn nhủ các tín hữu rằng: ”Anh chị em hãy luôn trung thành với ĐGH, và anh chị em sẽ không bao giờ mất Chúa Kitô”.

Phần đầu chúc thư của ĐHY Meisner là một lời nguyện và tuyên xưng Chúa Kitô: ”Lạy Chúa Kitô, Chúa là niềm hy vọng của con, là an bình, hạnh phúc và là trọn cuộc sống của con.. Vì tình yêu đối với loài người, Chúa đã để Thánh Giá Chúa động chạm đến con. Chúa đã để cho con trở thành LM và GM”.

Trong bài giảng, ĐHY Woelki ca ngợi Đức Cố Hồng Y Meisner về sự dấn thân loan báo đức tin và nói rằng ”Trên toàn nước Đức, người ta biết lập trường của ĐHY Meisner, biết ngài bênh vực điều gì. Ngài dấn thân bênh vực sự sống con người, nhất là sự sống của các thai nhi. Trong XX, xã hội và chính trị, nhiều khi ngài bị hiểu lầm”.

ĐHY Woelki thông báo: thi hài Đức Cố HY Meisner sẽ được quàn từ thứ sáu mùng 7 đến thứ hai, 10-7, cho các tín hữu kính viếng tại Nhà thờ Thánh Gereon và sau đó sẽ được đưa về Nhà Thờ chính tòa Koeln ngày 15-7 để cử hành lễ an táng (KNA 6-7-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng chiến tại Congo

Đức Thánh Cha kêu gọi ngưng chiến tại Congo

KINSHASA. ĐTC kêu gọi các phe lâm chiến ở miền Kasai thuộc Cộng hòa dân chủ Congo hãy ngưng chiến để các nhân viên từ thiện có thể đến cứu trợ dân chúng đang kiệt kệ tại đây.
Trong thánh lễ hôm 29-6-2017, Đức TGM Luis Montemayor, Sứ Thần Tòa Thánh tại Congo, nói rằng ĐTC Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải có cuộc ngưng chiến ở miền Kasai. Ngài chỉ thị cho vị đại diện Tòa Thánh ở Hội đồng nhân quyền LHQ tại Geneve, Thụy Sĩ, vận động để có cuộc ngưng chiến tại Kasai hầu cứu trợ dân chúng và bảo vệ các trẻ em”.
Theo chỉ thị của ĐTC, Đại diện Tòa Thánh đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong khóa họp thứ 35 của hội đồng nhân quyền LHQ từ ngày 19 đến 23-6-2017.
Chúa nhật 19-2-2017, trong buổi đọc kinh Truyền Tin ở Roma, ĐTC cho biết ngài đau lòng vì tình trạng dân chúng tại miền Kasai và tố giác sự bất an dân chúng phải chịu đồng thời kêu gọi chính quyền Congo cũng như cộng đồng quốc tế ý thức về thảm trạng này cũng như trách nhiệm đối với dân chúng tại miền Kasai.
Từ tháng 9 năm 2016, miền Kasai bị giao động vì cuộc nổi loạn của phe Kamwina Nsapu, tù trưởng bị giết hồi tháng 8 trước đó trong một cuộc hành quân, sau khi nổi dậy chống chính quyền trung ương của Congo. Bạo lực cho đến nay đã làm cho 3.383 người chết.
Đức TGM Sứ thần Luis Montemayor cũng cho biết chi tiết các cuộc tàn phá tại miền Kasai: Tổng cộng có 5 đại chủng viện, 60 giáo xứ, 34 nhà dòng và 141 trường Công Giáo bị đóng cửa. Thêm vào đó 2 GM là Đức Cha Félicien Mwanama Galumbula, GM giáo phận Luiza, và Đức Cha Pierre – Célestin Tshitoko Mamba, GM giáo phận Luebo, buộc lòng phải tản cư đi nơi khác (Fides 30-6-2017).

G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội thứ 40 của tổ chức FAO

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Đại hội thứ 40 của tổ chức FAO

ROMA. ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế ý thức về quyền của mỗi người được giải thoát khỏi nghèo đói và điều này tùy thuộc nghĩa vụ của toàn thể gia đình nhân loại trợ giúp những người túng thiếu.

 

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Đại hội lần thứ 40 của tổ chức Lương nông quốc tế, gọi tắt là FAO, khai diễn sáng 3-7-2017 tại Roma, và được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên đọc. ĐHY cho biết ĐTC lấy làm tiếc vì không thể đến khai mạc Đại hội này, nhưng ngài hứa viếng thăm tổ chức FAO vào ngày 16-10 tới đây, nhân Ngày Thế giới về lương thực, đáp lời mời của Ông Tổng thư ký José Graciano da Silva của tổ chức này,

 

Trong sứ điệp, sau khi nhắc đến những nguyên nhân gây ra nghèo đói tại một số miền trên thế giới, trong đó một phần lớn là hậu quả của những quyết định cụ thể của con người, ĐTC cũng lấy làm tiếc vì các ngân khoản trợ giúp phát triển cho các nước nghèo trên thế giới ngày càng giảm sút. Ngài viết:

 

”Khi một nước không có khả năng cung cấp những câu trả lời thích hợp vì mức độ phát triển của nước ấy, vò những hoàn cảnh nghèo đói, thay đổi khí hậu hoặc tình trạng bất an không cho phép, thì tổ chức FAO và các tổ chức liên chính phủ khác cần phải có thể can thiệp đặc biệt và có những hành động liên đới thích đáng. Vì các tài nguyên mà Thiên Chúa ủy thác cho chúng ta là để dành cho tất cả mọi người, do đó có một nhu cầu cấp thiết về tình liên đới, coi đây là tiêu chuẩn hướng dẫn mọi hình thức cộng tác trong các tương quan quốc tế”.

 

ĐTC cũng cho biết ngài muốn đóng góp tượng trưng cho Chương trình của tổ chức FAO nhắm cung cấp hạt giống cho các gia đình nông dân ở những vùng đang chịu hậu quả của xung đột và hạn hán. Cử chỉ này được thêm vào hoạt động mà Giáo Hội tiếp tục thi hành, phù hợp với ơn gọi của mình là đứng cạnh những người nghèo trên thế giới và đồng hành với quyết tâm thực sự của tất cả mọi người nhắm giúp đỡ người nghèo”.

 

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng: ”Tôi hy vọng các khóa họp của Đại hội thứ 40 của tổ chức Lương nông quốc tế có thể mang lại động lực mới cho tổ chức này và mang lại những câu trả lời thực tiễn mà hàng triệu anh chị em chúng ta đang cần và mong ước. Vì họ thấy các hoạt động của tổ chức FAO không phải như một đóng góp chuyên môn để gia tăng nguồn tài nguyên và phân phát thành quả của các công tác sản xuất, nhưng còn là một dấu chỉ cụ thể và đặc biệt nói lên tình huynh đệ giúp họ nhìn về tương lai với niềm tín thác” (SD 3-7-2017)

 

G. Trần Đức Anh OP

 

Môn đệ là đại sứ của Chúa Giêsu qua cuộc sống trong sáng

Môn đệ là đại sứ của Chúa Giêsu qua cuộc sống trong sáng

Mối dây liên kết của người môn đệ với Chúa Giêsu phải mạnh mẽ hơn mọi dây liên kết khác, và vị thừa sai không mang chính mình nhưng mang Chúa Giêsu tới cho tha nhân. Ai để cho mình bị lôi kéo bước vào liên hệ tình yêu và cuộc sống với Chúa Giêsu, thì trở thành kẻ đại diện Ngài, một “đại sứ” của Ngài, nhất là với kiểu sống của mình, làm sao để người ta nhận ra Chúa Giêsu nơi người môn đệ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 2-7-2017. Mở dầu bài huấn dụ ngài nói:

Phụng vụ hôm nay giới thiệu với chúng ta các lời sau cùng của diễn văn truyền giáo trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu (x. Mt 10,37-49), qua đó Chúa Giêsu dậy dỗ các tông đồ trong lúc lần đầu tiên  gửi họ đi truyền giáo trong các làng mạc vùng Galilêa và Giuđêa. Trong phần cuối này Chúa Giêsu nêu bật hai khiá cạnh nòng cốt cho cuộc sống của người môn đệ thừa sai; thứ nhất, mối dây nối kết họ với Chúa Giêsu mạnh mẽ hơn bất cứ môi dây nào khác; thứ hai, người truyền giáo không mang chính mình nhưng mang Chúa Giêsu, và qua Ngài mang tình yêu của Thiên Chúa Cha trên trời. Hai khiá cạnh này gắn liền với nhau, bởi vì Chúa Giêsu càng ở trung tâm con tim và cuộc sống của người môn đệ bao nhiêu, thì người môn đệ càng để cho sự hiện diện của Ngài “trong suốt” bấy nhiêu. Cả hai đi đôi với nhau.

Chúa Giêsu nói: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy “ (c. 37). Tình yêu mến của một người cha, sự hiền dịu của một bà me, tình bằng hữu dịu ngọt giữa anh chị em, tất cả những điều này, tuy rất tốt lành và hợp pháp, nhưng nó không thể được đặt trước Chúa Kitô. Không phải bởi vì Chúa muốn chúng ta không có con tim và lòng biết ơn, mà trái lại, bởi vì điều kiện của người môn đệ đòi buộc một tương quan ưu tiên với vị thầy. Bất cử môn đệ nào, dù là giáo dân nam nữ, một linh mục, một giám mục: tương quan này phải ưu tiên. Có lẽ câu hỏi đầu tiên mà chúng ta cần đặt ra cho một kitô hữu đó là: “Mà bạn có gặp gỡ Chúa Giêsu không? Bạn có cầu Ngài không?” Tương quan. Có lẽ chúng ta hầu như có thể minh giải Sách Sáng Thế: Vì vậy con người sẽ bỏ cha mẹ mình và kết hiệp với với Chúa Giêsu Kitô, và cả hai sẽ trở thành một (x. St 2,24). Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói:

Ai để cho mình bị thu hút vào sự cột buộc của tình yêu và cuộc sống này với Chúa Giêsu, thì trở thành một người đại diện của Chúa, một “đại sứ” của Ngài, nhất là với kiểu hiện diện và sống của mình. Đến độ chính Chúa Giêsu khi sai các môn đệ ra đi truyền giáo đã nói với các ông rằng: “Ai tiếp đón các con là tiếp đón Thầy, và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40). Người ta phải có thể cảm nhận rằng đối với người môn đệ Đức Giêsu thực sự là “Chúa”, thực sự là trung tâm, là tất cả của cuộc sống. Không quan trọng, nếu sau này, như mọi người trần gian, họ có các hạn hẹp và cả các lỗi lầm nữa – miễn là họ khiêm tốn thừa nhận chúng – ; điều quan trọng là họ không có con tim hai mặt – và đây là điều nguy hiểm. Tôi là kitô hữu, tôi là môn đệ Chúa Giêsu, tôi là linh mục, tôi là giám mục, nhưng tôi sống hai lòng. Không , điều này không được. Người môn đệ không được sống hai lòng, nhưng phải có con tim  đơn sơ, thống nhất; không xỏ chân hai giầy, nhưng liêm chính với chính mình và với tha nhân. Sống hai mặt là không kitô. Vì thế Chúa Giêsu cầu xin Thiên Chúa Cha để các môn đệ không rơi vào tinh thần của thế tục. Hoặc bạn theo Chúa Giêsu, với tinh thần của Chúa Giêsu, hay bạn theo tinh thần thế gian.

Và ở đây kinh nghiệm linh mục dậy cho chúng ta biết một điều rất hay đẹp và rất quan trọng: đó là chính sự tiếp đón này của dân thánh  trung thành của Thiên Chúa, chính ly nước lạnh (c. 42) mà Chúa Giêsu nói đến trong Phúc Âm hôm nay, cho đi với đức tin trìu mến, giúp bạn là một linh mục tốt! Có một sự tương tác cả trong việc truyền giáo: nếu bạn bỏ tất cả  vì Chúa Giêsu, thì dân chúng nhận biết Chúa nơi bạn; nhưng đồng thời họ cũng giúp bạn trở lại với Ngài mỗi ngày, canh tân và thanh tẩy mình khỏi các giàn xếp và thắng vượt các càm dỗ. Một linh mục càng gần gữi dân Chúa bao nhiêu, thì sẽ lại càng cảm thấy mình gần Chúa Giêsu bấy nhiêu, và một linh mục càng gần Chúa Giêsu bao nhiêu, thì lại càng cảm thấy mình gần dân Chúa bấy nhiêu!

Chính Đức Trinh Nữ Maria  đã sống kinh nghiệm yêu Chúa Giêsu có nghĩa là gì, khi tự tách rời khỏi chính mẹ, bằng cách trao ban một ý nghĩa mới cho các tương quan gia đình, khởi hành từ niềm tin nơi Chúa. Với sự bầu cử hiền mẫu xin Mẹ giúp chúng ta sống như những thừa sai tự do và tươi vui của Tin Mừng.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã kêu gọi hoà bình cho Venezuela. Ngài nói: ngày mùng 5 tháng 7 là lễ độc lập của nước Venezuela. Tôi bảo đảm lời cầu nguyện của tôi cho quốc gia thân yêu này, và bầy tỏ sự gần gũi của tôi với các gia đình đã mất con cái trong các cuộc xuống đường biểu tình. Tôi kêu gọi chấm dứt bạo lực và tìm ra một giải pháp hoà bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng. Xin Đức Bà Coromoto bầu cử cho dân nước Venezuela! Rồi ĐTC mời mọi người hiện diện cùng ngài đọc một kinh Kính Mừng cầu cho dân nước Venezuela.

Ngài cũng chào nhiều đoàn hành hương hiện diện trong đó có các tín hữu Belfast bắc Ailen, giới trẻ Schattdorf Thụy Sĩ mới lãnh nhận bí tích Thêm Sức, các tham dự viên cuộc hành hương từ Cardito tỉnh Napoli, nam Italia. ĐTC chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành và xin họ đừng quên cầu nguyện cho Ngài.

Linh Tiến Khải

ĐHY Ling: Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội

ĐHY Ling: Sự khó nghèo, đau khổ và bách hại là sức mạnh của Giáo hội

Ngày 21/05 vừa qua, vào cuối buổi đọc Kinh Truyền tin, Đức Thánh cha Phanxicô đã công bố tên của 5 vị sẽ được tấn phong Hồng y  trong công nghị Hồng y diễn ra ngày 28/06. Nhiều bất ngờ và bàn tán xôn xao trên báo chí khắp nơi vì những tên tuổi mà có lẽ ít ai nghĩ đến. Trong số 5 vị được xướng danh, có một vị người Lào; đó là đức hồng y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, giám quản tông tòa Paksé.

Ngày 16 và 17/06, khoảng 350 tín hữu Công giáo gốc Hmong, Kmhmu, Lao e Karen đã họp nhau ở Belleville, bang Illinois, Hoa kỳ, để nhắc nhớ và kỷ niệm cuộc đời của 17 vị tử đạo người Lào. Đức hồng y tân cử Louis-Marie Ling lúc đó cũng tham dự và ngài đã chia sẻ về việc ngài được chọn làm Hồng y và về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Lào.

Đức hồng y Ling cho biết chính ngài cũng bất ngờ khi biết mình được bổ nhiệm làm hồng y và niềm vui của toàn thế giới với việc bổ nhiệm này. Về lý do ngài được bổ nhiệm, Đức hồng y Ling chia sẻ là trong cuộc viếng thăm ad limina của các giám mục Lào và gặp Đức giáo hoàng Phanxicô hôm 26/01 năm nay, Đức Phanxicô nói với các ngài: “sức mạnh của Giáo hội ở nơi các Giáo hội địa phương và cách đặc biệt, trong các Giáo hội nhỏ bé, yếu ớt và bị bách hại. Đây là xương sống của Giáo hội hoàn vũ.” Trong Thánh lễ đồng tế với các Giám mục Lào, Đức Phanxicô lại nhắc lại điều này. Đức hồng y Ling hiểu rằng sức mạnh của Giáo hội đến từ sự kiên nhẫn, kiên trung và ý muốn đón nhận thực tế của đức tin. Điều này làm cho ngài suy nghĩ rằng sự khó nghèo, đau khổ và bách hại của Giáo hội Lào là 3 cột trụ củng cố sức mạnh cho Giáo hội.

Giáo hội Công giáo Lào có khoảng 45 ngàn tín hữu, chiếm chưa đến 1% trong tổng số 6,4 triệu dân, có 20 linh mục và 98 tu sĩ trong 218 giáo xứ. Đức hồng y Ling định nghĩa Giáo hội Lào là một giáo hội thơ bé, sống lời loan báo đầu tiên, hướng đến trước hết các thổ và những người theo thuyết duy linh. Giáo hội này đã chịu bách hại và làm chứng cho đức tin của mình giữa muôn ngàn nghịch cảnh.

Sau khi đảng cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền, các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất và các tín hữu bị bách hại. Các linh mục và tu sĩ bị giam tù hay gửi đến các trại cải tạo. Chính Đức hồng y Ling cũng bị giam tù 3 năm vì lý do “rao truyền Chúa Kitô”. Ngài đã chấp nhận điều này thay vì sợ hãi như lúc ban đầu.

Ngày nay Lào đang mở ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên dù những cải cách kinh tế, Lào vẫn còn nghèo và dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài. Chính quyền kiểm soát nghiêm nhặt về tôn giáo và truyền thông. Những khó khăn trong quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước, như việc cấm giảng dạy về Giáo hội, có thể thấy rõ nơi các chính quyền địa phương và dân chúng. Mỗi địa phương có chính sách tự do tôn giáo khác nhau. Các linh mục có thể đi làm lễ các nơi, tại các làng có giáo xứ hay nhà thờ. Tuy nhiên, sẽ có vấn đề nếu chúng ta xây một nhà thờ. Có thể là dễ dàng ở nơi này nhưng lại khó khăn ở nơi khác.

Việc bổ nhiệm vị hồng y đầu tiên của Lào, đối với cộng đoàn địa phương, là niềm hy vọng cho sự phát triển của quan hệ giữa Vatican và chính quyền Viên chăn. Đức hồng y Ling cho biết là trong các nước Đông nam á,c hỉ có Lào chưa có quan hệ ngoại giáo với Tòa Thánh. Ngài đang cố gắng để thay đổi lối suy nghĩ của chính quyền, để thuyết phục họ rằng Giáo hội không phải là kẻ thù của chính quyền, nhưng là bạn. Nếu cả 2 phía cùng làm việc chung với nhau thì tương lai sẽ tốt hơn. (Asia News 28/06/2017)

Hồng Thủy

Ý chỉ truyền giáo tháng 7 năm 2017

Ý chỉ truyền giáo tháng 7 năm 2017

Trong tháng 7 này ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các anh chị em đã xa rời đức tin có thể tái khám phá ra sự gần gũi của Chúa thương xót và vẻ đẹp của cuộc sống kitô, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá tin mừng của chúng ta.

Từ nhiều thập niên qua các Giáo Hội Kitô Âu châu đang trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin trầm trọng, hay đúng hơn đang đánh mất đi niềm tin kitô của mình. Nếu trong bao thế kỷ trước đây Kitô giáo đã từng là quốc giáo, thì ngày nay Kitô giáo bị gạt bỏ dần dần khỏi cuộc sống công cộng, đến độ Hiến Pháp của Liên Hiệp Âu châu cũng không muốn nhắc đến căn cội kitô nữa. Trong khi đó các nước cựu kitô lần lượt đưa ra các đạo luật trái với luân lý kitô như cho phép tự do phá thai, giết người êm dịu, hôn nhân đồng phái vv… Số kitô hữu sống và thực hành đạo ngày càng giảm sút. Có ít tín hữu tham dự các thánh lễ Chúa Nhật và lễ trọng. Đa số chỉ là người già, còn người lớn, giới trẻ và trẻ em hầu như hoàn toàn vắng bóng. Cách đây 40 năm các quốc gia Âu châu cựu kitô đã bị tục hóa rất mạnh mẽ. Tiến trình tục hoá đã giảm bớt nhưng tình hình không đảo ngược. Chỉ cần nhìn vào con số các vụ thành hôn trong nhà thờ, số trẻ em được rửa tội, số người tuyên bố mình tin vào Thiên Chúa và nhất là số người đi tham dự thánh lễ thì đủ nhận ra  hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng này.

Italia, Ba Lan, Ailen, đảo Malta và Slovacchia có tới hơn 30% kitô tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Hy Lạp, đảo Malta, đảo Chypre và Slovenia có từ 15 tới 30 % tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Trong khi Anh, Bỉ, Tchèques, Hungaria, Lituania, Slovenia, Hoà Lan có từ 10 tới 15% tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tại các nước Pháp, Luxembourg, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Đan Mạch có duới 10% tín hữu tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Nói chung các nước cựu cộng sản Đông Âu tuy phải sống dưới chế độ vô thần trong nhiều thập niên nhưng số kitô hữu thực hành đạo đôi khi vẫn cao hơn các nước Tây Âu bị tục hóa và các nước Bắc Âu.

Nói chung chỉ có 22% tín hữu thường xuyên tham dự thánh lễ một hay nhiều lần mỗi tuần. Trong khi có 10,5% tham dự mỗi tháng một lần; 36,2% chỉ tham dự các ngày lễ trọng, hay mỗi năm một lần; và 31,3% không thực hành đạo. Liên quan tơi việc cầu nguyện có 37,3% cầu nguyện hằng ngày hay nhiều lần trong tuần; 6,3% cầu nguyện mỗi tuần một lần; 24,7% không thường xuyên; 29,3% không cầu nguyện bao giờ và 2,4% không trả lời.

Cũng có kitô hữu chỉ vào nhà thờ có 3 lần trong đời: khi được rửa tội, khi thành lập gia đình và khi chết. Hai lần do người  khác đem vào nhà thờ, một lần tự ý, nhưng thường khi là vì  vợ hay vì chồng. Tính tỷ lệ trung bình cứ ba cặp lấy nhau thì có một cặp ly dị hay ly thân. Và số  người trẻ kitô không làm đám cưới trong nhà thờ ngày càng nhiều.

Tại các quốc gia nói tiếng Đức, có hiện  tượng kitô hữu rời bỏ Giáo Hội để khỏi phải đóng thuế tôn giáo theo luật quốc gia, khiến cho hàng chục ngàn người làm đơn xin ra khỏi Giáo Hội.

Trong các đại lục khác,  hiện tượng tục hoá và kiểu sống duy vật vô thần thực tiễn tuy không mạnh bằng các nước tây âu, nhưng cũng bắt đầu ảnh hưởng trên cuộc sống của nhiều người, nhất là giới trẻ. Bên châu Mỹ Latinh hiện tượng tín hữu công giáo rời bỏ Giáo Hội để gia nhập các giáo phái tin lành khiến cho các HĐGM âu lo. Có hàng trăm ngàn tín hữu xa rời Giáo Hội để theo các giáo phái kitô khác, và họ được các giáo phái tiếp đón rất niềm nở và trợ giúp tận tình, cả trên bình diện vật chất.

Sự kiện này bắt buộc Giáo Hội công giáo đặt lại vấn đề liên quan tới cung cách dậy giáo lý, giáo dục đức tin cũng như các hoạt động mục vụ khác của mình, trong đó có mục vụ hôn nhân, gia đình và giới trẻ. Làm thế nào để giúp tín hữu hiểu biết giáo lý sâu rộng, xác tín và sống đạo trưởng thành hơn? Đâu là thứ ngôn ngữ thích hợp trong một xã hội thay đổi nhanh chóng như xã hội công nghệ điện tử ngày nay? Song song là các kỹ thuật và phương pháp mới trong việc rao giảng Tin Mừng, các sáng kiến mới mẻ trong nghệ thuật truyền thông sứ điệp tin mừng cho con người thời đại. Tất cả đều liên quan tới việc rao truyền Chúa Giêsu Kitô cho con người thời nay. Nhưng mọi phương pháp và kỹ thuật dù có tân tiến tới đâu cũng không thể thay thế chứng tá sống động cụ thể của từng kitô hữu trong cung cách hành xử thường ngày, mỗi người trong cương vị, nhiệm vụ và môi trường sống của mình. Không thể rao giảng Chúa Kitô yêu thương, từ bi thương xót quảng đại thứ tha và tiếp đón, nếu kitô sống ngược lại những giá trị ấy. Ngoài ra cần có lời cầu nguyện chân thành tha thiết đi kèm mọi tư tưởng lời nói và hành động của kitô hữu nữa.

Chính vì thế trong tháng 7 tới đây hiệp ý với ĐTC và tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta hãy hiệp ý cầu xin cho các anh chị em đã xa rời đức tin có thể tái khám phá ra sự gần gũi của Chúa thương xót và vẻ đẹp của cuộc sống kitô, nhờ lời cầu nguyện và chứng tá tin mừng của chúng ta.

Linh Tiến Khải

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Bài giảng của Đức Thánh Cha lễ làm phép Pallium: 29-6-2017

Đức Thánh Cha nói:

”Phụng vụ hôm nay cống hiến cho chúng ta 3 lời thiết yếu đối với đời sống của vị Tông Đồ: tuyên xưng, bách hại, cầu nguyện.

1. Tuyên xưng là lời của thánh Phêrô trong Tin Mừng, khi câu hỏi của Chúa từ tổng quát trở nên đặc thù. Thực vậy, trước hết Chúa Giêsu hỏi: ”Dân chúng nói Con Người là ai?” (Mt 16,13). Từ sự ”thăm dò” đó từ nhiều phía người ta thấy dân chúng coi Chúa Giêsu là một vị ngôn sứ. Bấy giờ Thầy mới hỏi các môn đệ câu hỏi thực là quyết định: ”Nhưng các con, các con nói Thầy là ai?” (v.15). Bấy giờ một mình Phêrô nói: ”Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (v.16). Đó là một sự tuyên xưng nhìn nhận Chúa Giêsu là Đức Messia đang được mong đợi, Thiên Chúa hằng sống, là Chúa tể của chính đời sống của ông”.

Câu hỏi sinh tử này ngày nay Chúa Giêsu cũng gửi đến chúng ta, tất cả chúng ta, đặc biệt là các vị Mục Tử. Đó là câu hỏi quyết định, và những câu trả lời qua đường không có giá trị trước câu hỏi đó, vì có liên hệ tới chính cuộc sống: và câu hỏi về cuộc sống này đòi phải có câu trả lời bằng chính cuộc sống. Lý do vì nếu chỉ biết các tín điều đức tin thì chẳng hữu ích bao nhiêu nếu ta không tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa bằng chính cuộc sống của mình. Ngày hôm nay Chúa nhìn tận mắt chúng ta và hỏi: ”Thầy là ai đối với con?”, như thể Ngài nói: ”Thầy có là Chúa tể đời sống của con, là hướng đi của tâm hồncon, là lý do hy vọng, là niềm tín thác không lay chuyển của con hay không?”.

Với thánh Phêrô và cả chúng ta, ngày hôm nay chúng ta hãy canh tân sự chọn lựa cuộc sống của chúng ta như môn đệ và tông đồ; chúng ta tiến từ câu hỏi thứ I sáng câu hỏi thứ hai của Chúa Giêsu, để trở thành những người của Chúa không những bằng lời nói, nhưng còn bằng việc làm và cuộc sống.

”Chúng ta hãy tự hỏi xem chúng ta có phải là những Kitô hữu ”phòng trà”, nói chuyện tầm phào về những sự việc diễn tiến thế nào trong Giáo Hội và thế giới, hoặc chúng ta là những tông đồ đang tiến bước, tuyên xưng Chúa Giêsu bằng cuộc sống vì chúng ta có ngài ở trong tâm hồn. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì biết rằng mình không phải chỉ buộc phải cho ý kiến, nhưng còn hiến mạng sống, họ biết rằng mình không thể tin một cách nguội lạnh, nhưng được kêu gọi nồng cháy vì tình yêu; biết rằng trong cuộc sống mình không thể trôi nổi hoặc an tọa trong thoải mái, nhưng phải liều ra khơi, mỗi ngày tái lao mình trong sự hiến thân. Ai tuyên xưng Chúa Giêsu thì làm như thánh Phêrô và Phaolô: theo Chúa cho đến cùng; không phải đến một điểm nào đó, nhưng là cho đến tận cùng, và theo Chúa trên con đường của Ngài, chứ không theo những con đường của chúng ta. Con đường của Chúa là con đường đời sống mới, vui mừng và phục sinh, con đường cũng tiến qua thập giá và bách hại.

2. Bước qua lời thứ hai là những bách hại. ĐTC nói: Không những thánh Phêrô và Phaolô đã đổ máu vì Chúa Kitô, nhưng toàn thể cộng đoàn nguyên thủy cũng bị bách hại, như sách Tông đồ công vụ nhắc nhở chúng ta (Xc 12,1). Cả ngày nay, tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều khi trong bầu không khí thinh lặng, đôi khi trong thinh lặng đồng lõa, bao nhiêu tín hữu Kitô bị gạt ra ngoài lề, bị vu khống, kỳ thị, bị bạo lực nhiều khi bị giết chết, nhiều khi không có sự dấn thân của những người có nhiệm vụ bảo vệ những quyền thánh thiêng của họ.

”Nhưng nhất là tôi muốn nhấn mạnh điều mà thánh Phaolô Tông Đồ quả quyết trước khi ”đổ máu làm hy lễ” (2 Tm 4,6) như Ngài đã viết. Đối với Thánh Nhân, sống là Chúa Kitô (Xc Pl 1,21) và Chúa Kitô chịu đóng đanh (Xc 1 Cr 2,1), Đấng đã hiến mạng sống vì Người (Xc Gl 2,20). Thế là, trong tư cách là môn đệ trung tín, thánh Phaolô đã theo Thầy bằng cách hiến mạng sống mình. Không có thập giá thì không có Chúa Kitô, nhưng không có thập giá thì cũng chẳng có Kitô hữu. Thực vậy, ”đặc điểm của nhân đức Kitô là không phải chỉ làm điều thiện, nhưng cũng còn là biết chịu đựng những bất hạnh” (Agostino, Disc. 46,13), như Chúa Giêsu. Chịu đựng bất hạnh không những là kiên nhẫn và bước đi trong thái độ cam chịu; chịu đựng là noi gương Chúa Giêsu: là mang gánh nặng, mang gánh ấy trên vai vì Chúa và vì tha nhân. Là chấp nhận thập giá, tiến bước trong tín thác vì chúng ta không lẻ loi: Chúa chịu đóng đanh và sống lại ở với chúng ta. Và như thế, với thánh Phaolo chúng ta có thể nói rằng ”trong mọi sự chúng ta đã chịu đau khổ, nhưng không bị đè bẹp, bị đảo lộn nhưng không thất vọng; bị bách hại nhưng không bị bỏ rơi” (2 Cr 4,8-9).

”Chịu đựng là biết chiến thắng với Chúa Giêsu theo cách thức của Ngài, chứ không phải theo cách thế của thế gian. Vì thế, Thánh Phaolo, như chúng ta đã nghe, coi mình là người chiến thắng sắp được lãnh triều thiên (Xc 2 Tm 4,8) và Ngài viết: ”Tôi đã chiến đấu một trận chiến cam go, tôi đã kết thúc cuộc chạy, tôi đã bảo tồn đức tin” (v.7). Cách cư xử duy nhất trong cuộc chiến cam go của thánh nhân là sống cho, không phải cho mình, nhưng cho Chúa Giêsu và tha nhân. Ngài đã sống bằng cách chạy, nghĩa là không tránh mệt mỏi, nhưng xả thân. Nói mình đã bảo tồn: không phải sức khỏe, nhưng bảo tồn đức tin, nghĩa là tuyên xưng Chúa Kitô. Vì yêu Chúa, Ngài đã chịu những thử thách, tủi nhục và đau khổ, những điều ngài không bao giờ tìm kiếm, nhưng chấp nhận. Và như thế, trong mầu nhiệm khổ đau dâng hiến vì tình yêu, trong mầu nhiệm mà bao nhiêu anh chị em bị bách hại, nghèo khổ và bệnh tật đang thể hiện ngày nay, sức mạnh cứu độ của Thập Giá Chúa Kitô chiếu tỏ rạng ngời.

3. Lời thứ ba là cầu nguyện. Đời sống của tông đồ trào dâng từ sự tuyên xưng và biểu lộ trong sự dâng hiến, diễn ra mỗi ngày trong kinh nguyện. Kinh nguyện là nước không thể thiếu được, nuôi dưỡng hy vọng và làm tăng trưởng lòng tín thác. Kinh nguyện làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến và giúp chúng ta yêu mến. Kinh nguyện làm cho chúng ta tiến bước trong những lúc tối tăm, vì thắp lên ánh sáng của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội kinh nguyện nâng đỡ tất cả chúng ta và làm cho chúng ta vượt thắng những thử thách. Chúng ta còn thấy điều đó trong bài đọc thứ I: ”Trong khi Phêrô bị cầm tù, Giáo Hội không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện cho thánh nhân' (Cv 12,5). Một Giáo Hội cầu nguyện thì được Chúa giữ gìn và tiến bước trong sự đồng hành của Chúa. Cầu nguyện là phó thách cho Chúa con đường để Ngài chăm sóc. Kinh nguyện là sức mạnh liên kết và nâng đỡ chúng ta, là liều thuốc chống lại sự lẻ loi và tự mãn dẫn tới cái chết tinh thần. Vì Thánh Thần sự sống không thổi nếu ta không cầu nguyện và không có cầu nguyện những nhà tù nội tâm cầm tù chúng ta sẽ không được mở ra.

Trong phần kết của bài giảng, ĐTC nói:

”Xin các thánh Tông Đồ cầu cho chúng ta được một con tim như các vị, vất vả và an bình nhờ kinh nguyện: vất vả vì cầu xin, gõ cửa và chuyển cầu, chịu trách nhiệm về bao nhiêu người và những hoàn cảnh cần ủy thác; nhưng đồng thời được an bình, vì Thánh Thần mang lại sự an ủi và can cảm khi ta cầu nguyện. Thật là điều cấp thiết phải có những bậc thầy cầu nguyện trong Giáo Hội,nhưng trước tiên là những người nam nữ cầu nguyện, sống kinh nguyện!

”Chúa can thiệp khi chúng ta cầu nguyện, Chúa là Đấng trung tín với tình yêu mà chúng ta tuyên xưng với ngài và ở cạnh chúng ta trong những thử thách. Chúa đã đồng hành trên những nẻo đường của các Tông Đồ và ngài cũng sẽ đồng hành với anh em, các Hồng Y thân mến, tụ họp nơi đây trong tình bách ái của các Tông Đồ đã tuyên xưng đức tin bằng máu. Chúa cũng sẽ gần gũi anh em là những vị TGM, sau khi nhận giây Pallium, anh em sẽ được củng cố sống cho đoàn chiên, noi gương vị Mục Tử nhân lành, Đấng nâng đỡ anh em, vác anh em trên vai. Chúa cũng nồng nhiệt mong ước được thất đoàn chiên của Ngài được hiệp nhất, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cả Phái đoàn của Tòa Thượng Phụ chung, và người anh em yêu quí của tôi là Bartolomeo, Người đã gửi phái đoàn đến đây trong dấu chỉ hiệp nhất tông đồ”.

G. Trần Đức Anh OP dịch

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dây Pallium

Đức Thánh Cha chủ sự thánh lễ làm phép dây Pallium

VATICAN. Sáng ngày 29-6-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể mừng kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, và làm phép các dây Pallium cho 36 vị TGM chính tòa, trong đó có Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, TGM giáo phận Huế.

 36 vị TGM thuộc 27 quốc gia, trong đó đông nhất là 4 vị người Brazil, 3 vị người Mỹ, 2 vị người Ba Lan và Philippines. Từ Á châu, ngoài Đức TGM Nguyễn Chí Linh, còn có 2 vị Philippines như vừa nói, và từ Ấn Độ, Bangladesh, Ấn độ, Malaysia. Có 4 vị TGM không đến được và xin nhận dây Pallium tại giáo phận thuộc quyền, do vị Đại diện Tòa Thánh trao.

 Dây Pallium là một dây làm bằng lông chiên màu trắng, bề ngang chừng 5 centimét, có 6 hình thánh giá kết bằng tơ màu đen, được đeo ở cổ, có 2 giải ngắn một ở phía trước ngực và một ở phía sau lưng. Dây này biểu tượng quyền của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh và tượng trưng tình hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô.

 Lúc 9 giờ 20, ĐTC đã cùng với Đức TGM Job trưởng phái đoàn của tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople xuống tầng hầm dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô mặc niệm trước mộ thánh nhân, rồi tiến đến trước pho tượng thánh nhân trong Đền thờ, với phẩm phục Giáo Hoàng, để cầu nguyện, trước khi tiến ra bên ngoài, nơi bàn thờ trên thềm của Đền thờ.

 Đồng tế thánh lễ có 105 HY, trong đó có 5 vị vừa được ĐTC phong trong công nghị chiều ngày hôm trước 28-6, hơn 230 GM và 700 Linh mục tất cả đều trong phẩm phục màu đỏ, cùng với 15 ngàn tín hữu, trong đó có 8 người thuộc phái đoàn Đức TGM Huế, gồm 2 LM thuộc giáo phận Thanh Hóa, và 2 vị khác thuộc tổng giáo phận Huế và một vài giáo dân.

 Ở chỗ danh dự gần bàn thờ chính có phái đoàn Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức TGM Job, thuộc giáo phận Telmessos, làm trưởng đoàn có 2 LM tháp tùng, cạnh đó là ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và hai chức sắc cấp cao của Hội đồng này.

 Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn ca đoàn Tin Lành Luther từ Munich bên Đức, Ca đoàn Nhà Thờ Thánh Gioan Thánh Sử, và ca đoàn ”Mẹ Giáo Hội” ở Roma.

 Thay đổi thể thức

 Trước đây, các vị tân TGM chính tòa vẫn về Roma để nhận dây Pallium từ ĐTC trong thánh lễ ngài cử hành ngày 29-6, lễ kính thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, trừ trường hợp ngoại lệ, giây này được vị Đại Diện Tòa Thánh trao trong một buổi lễ tại Giáo Hội địa phương.

 Nhưng từ đầu năm 2015 trở đi, do quyết định của ĐTC Phanxicô, dây Pallium được trao cho vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh trong một buổi lễ tại giáo phận thuộc quyền tại vì tại Roma. Sự thay đổi này nhắm làm nổi bật hơn quan hệ giữa vị tân TGM chính tòa với Giáo Hội địa phương của các vị, và để tạo cơ hội cho nhiều tín hữu được hiện diện tại nghi thức rất ý nghĩa đối với họ, và nhất là là cho các Giám Mục thuộc hạt – trong cùng một giáo tỉnh -, để tham dự lễ trao dây Pallium. Theo chiều hướng đó, ý nghĩa buổi lễ ngày 29-6 vẫn được giữ nguyên, tức là nhấn mạnh mối giây hiệp thông và cũng là sự hiệp thông theo phẩm trật giữa ĐTC và các vị tân TGM chính tòa, và đồng thời, qua sự trao giây này ở địa phương, có thêm mối liên hệ với Giáo hội địa phương”.

 Theo quyết định mới, dây Pallium vẫn được ĐTC làm phép trong ngày 29-6 tại Đền thờ Thánh Phêrô, trong thánh lễ đồng tế với các vị tân Tổng Giám Mục chính tòa, như thói quen từ trước đến nay, nhưng ĐTC chỉ trao giây này cho các vị theo thể thức riêng và đơn sơ. Sau đó, tại giáo phận thuộc quyền, lễ nghi trao giây Pallium sẽ được tổ chức trong một lễ nghi trọng thể, trong đó vị Đại diện Tòa Thánh, được ĐTC ủy quyền, trao cho vị tân TGM chính tòa trước sự hiện diện của các GM trong cùng giáo tỉnh và các tín hữu.

 Đầu thánh lễ, sau lời chào phụng vụ của ĐTC, ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, đã thưa với ngài là các vị TGM chính tòa, ”với lòng kính mến trung thành và vâng phục đối với ĐTC và Tòa Thánh, khiêm tốn xin ĐTC ban cho các vị dây Pallium, được lấy từ bàn thờ tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô, như dấu chỉ quyền bính của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, trong niềm hiệp thông với Giáo Hội Roma, được thiết định hợp pháp trong giáo phận của các vị.”

  Rồi ĐHY mời các vị TGM cùng đọc công thức tuyên thệ tuyên thệ luôn trung thành và vâng phục Thánh Phêrô Tông Đồ, Tòa Thánh, Giáo Hội, ĐTC và các Đấng Kế vị hợp pháp.

 ĐTC đọc công thức làm phép các dây Pallium, xin Thiên Chúa là Đấng đã đặt Con của Ngài làm Mục Tử nhân lành chăn dắt Giáo hội là đoàn chiên của Chúa đổ tràn đầy ơn lành trên các dây Pallium và trên các tân TGM, nhờ ơn Chúa, sẽ đeo dây này, để được nhìn nhận như những Mục Tử đoàn chiên Chúa, và biểu lộ trong cuộc sống của mình thực tại ý nghĩa của dây nay. Xin cho các vị Mục Tử này nhận lấy ách Tin Mừng đặt trên vai mình và ách ấy trở nên dịu dàng để các vị đi trước người khác trong việc sống các giới răn của Chúa, nêu gương trung thành kiên trì, cho đến khi đáng được đưa vào đồng cỏ vĩnh cửu trong nước Chúa.

 Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh và lời Tổng Nguyện, và phần phụng vụ Lời Chúa.

 Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào các bài đọc, ĐTC quảng diễn 3 nhiệm vụ của các vị chủ chăn và Kitô hữu là tuyên xưng Chúa Kitô, chịu đựng đau khổ bách hại và cầu nguyện (xem bài riêng).

 Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện đã được xướng lên bằng các thứ tiếng Pháp, tiếng Hoa, Bồ đào nha, Thụy Điển và tiếng Ý, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tân TGM nhận dây Pallium, cho các nhà lập pháp và chính quyền, cho các người loan báo Tin Mừng và các thừa sai, cho các dân tộc đang chịu chiến tranh, và sau cùng cho những người sầu khổ.

 Thánh lễ kết thúc với bài ca: ”Chúng con chạy đến nương náu nơi sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa”

 Sau đó, ngài về dinh tông tòa và lúc 12 giờ trưa, ngài xuất hiện tại cửa sổ lầu 3 để chủ sự buổi đọc kinh truyền tin chung với hàng chục ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô.

 G. Trần Đức Anh OP

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về vụ ĐHY George Pell

Thông cáo của Phòng Báo Chí Tòa Thánh về vụ ĐHY George Pell

VATICAN. Hôm 29-6-2017, Phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố thông cáo về vụ ĐHY George Pell, Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh, bị truy tố.

Thông báo cho biết: ”Tòa Thánh lấy làm tiếc được tin ĐHY George Pell bị đưa ra xét xử tại Australia vì những lời cáo buộc về những sự kiện xảy ra cách đây vài chục năm.

 ”Được thông báo về biện pháp này, ĐHY Pell, trong sự tôn trọng hoan toàn đối với các luật lệ dân sự và nhìn nhận tầm quan trọng sự tham dự của ngài để vụ xử án có thể diễn ra một cách công chính và qua đó tạo điều kiện cho sự tìm kiếm sự thật, nên đã quyết định trở về nước để đương đấu vơi những lời cáo buộc được đưa ra chống lại ngài. ĐTC, sau khi được ĐHY Pell thông báo về sự kiện, đã chấp thuận cho ĐHY được nghỉ một thời gian để có thể tự bào chữa. Trong thời gian ĐHY Bộ trưởng vắng mặt, Bộ kinh tế sẽ tiếp tục thi hành công tác của mình. Các vị Tổng thư ký của Bộ tiếp tục tại vị để chu toàn những công việc thường lệ cho đến khi định liệu cách khác.

 ”ĐTC đã có thể đánh giá cao sự lương thiện của ĐHY Pell trong 3 năm làm việc tại Giáo Triều Roma, Ngài biết ơn ĐHY vì sự cộng tác, và đặc biệt về sự dấn thân quyết liệt để cải tổ lãnh vực kinh tế và hành chánh, cũng như tích cực tham gia Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của Ngài. Tòa Thánh bày tỏ sự tôn trọng đối với ngành công lý của Australia là cơ quan sẽ phải quyết định về những vấn đề được nêu lên. Đồng thời cần nhớ rằng từ hàng chục năm nay, ĐHY Pell đã công khai và nhiều lần lên án những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên như những hành vi vô luân và không thể dung thứ được. Trong quá khứ ĐHY đã cộng tác với chính quyền Australia, như đã điều trần cho Ủy ban hoàng gia, ĐHY đã ủng hộ việc thành lập Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ vị thành niên, và sau cùng trong tư cách là GM giáo phận ở Australia, ĐHY đã du nhập hệ thống và thể thức bảo vệ các trẻ vị thành niên và để trợ giúp các nạn nhân những vụ lạm dụng”.

 Giám đốc Phòng báo chí Tòa thánh cũng cho biết ĐHY Pell đã quyết định không tham dự các lễ nghi tôn giáo công cộng cho đến khi tình trạng của ngài được làm sáng tỏ ở tòa án.

Vụ truy tố

Sáng 29-6-2017, cảnh sát bang Victoria ở Australia đã truy tố ĐHY Pell về những vụ lạm dụng tính dục trong quá khứ và yêu cầu ĐHY Pell trình diện trước tòa vào ngày 18-7 tới đây để điều trần.

Tòa TGM Sydney cho biết ĐHY Pell sẽ trở về Australia càng sớm càng tốt để điều trần, theo lời khuyên và sự đồng ý của các bác sĩ của ngài.

ĐHY Pell năm nay 76 tuổi (1941) đã từng theo học tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma, và sau đó đã đậu tiến sĩ giáo sử tại Đại học Oxford bên Anh quốc, và cao học về giáo dục tại Đại học Monash.

Ngài thụ phong linh mục năm 1966 và năm 1987 được bổ nhiệm làm GM phụ tá tổng giáo phận Melbourne, trước khi trở thành TGM chính tòa tại đây năm 1996. 5 năm sau, 2001, ngài trở thành TGM giáo phận Sydney và được bổ nhiệm làm Hồng Y năm 2003. Tháng 2 năm 2014, ngài được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế của Tòa Thánh.

Từ tháng 2 năm 2016, đã có những đơn cáo buộc ĐHY Pell lạm dụng tính dục trẻ em và che chở cho một vài LM phạm tội này, nhưng ĐHY luôn phủ nhận và luôn khẳng định sự vô tội. Ngày 18-5-2017, ĐHY tái khẳng định rằng: ”Chúng ta phải tôn trọng các thủ tục điều tra và xử án, chúng ta phải đợi cho đến khi cuộc điều tra kết thúc và hiển nhiên tôi sẽ tiếp tục cộng tác hoàn toàn”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên máy bay hồi tháng 8 năm 2016, được hỏi về vụ ĐHY Pell bị điều tra và cáo buộc, ĐTC Phanxicô nói: ”Thật là điều không đúng khi đưa ra phán đoán trước khi kết thúc cuộc điều tra này. Có những nghi ngờ và trong tình trạng nghi ngờ thì phải nghĩ tốt cho đương sự. Chúng ta phải tránh những vụ xét xử qua các phương tiện truyền thông, một vụ kiện dựa trên những tin đồn” (SD và tổng hợp 29-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo công ăn việc làm

Đức Thánh Cha kêu gọi kiến tạo công ăn việc làm

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 28-6-2017, dành cho phái đoàn của Công đoàn CISL ở Italia, ĐTC kêu gọi thiết lập một khế ước mới về xã hội để kiến tạo công ăn việc làm cho người trẻ.

Công đoàn CISL là Liên đoàn các công nhân Italia, có khuynh hướng Công Giáo, đang nhóm đại hội về chủ đề “Cho con người và cho lao động”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nói: ”Điều cấp thiết hiện nay là có một khế ước mới về xã hội cho công ăn việc làm, giảm bớt giờ làm việc của người ở giai đoạn chót, để kiến tạo việc làm cho người trẻ là những người có quyền lợi và nghĩa vụ làm việc. Món quà công ăn việc làm là món quà đầu tiên của các cha mẹ dành cho con cái, và là gia sản đầu tiên của một xã hội”.

ĐTC cũng nhắc nhở các công đoàn hãy tiếp tục thi hành vai trò chính của mình để mưu ích cho xã hội, đáp ứng hai thách đố:

– Trước tiên là vai trò ngôn sứ: Công đoàn nảy sinh là để vạch rõ sự kiện có những kẻ cường quyền chà đạp các quyền của các công nhân yếu thế nhất, bênh vực chính nghĩa của người ngoại kiều, người rốt cùng, những người bị gạt bỏ. ĐTC than phiền rằng với thời gian công đoàn giống như đảng phái chính trị với ngôn ngữ và lối hành động như các đảng chính trị.

– Tiếp đến là thách đố đổi mới xã hội, không những bảo vệ những người đã có công ăn việc làm hoặc về hưu, nhưng còn phải bảo vệ quyền lợi của những người chưa có, nhưng người bị loại khỏi việc làm. (SD 28-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời

Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời

Kitô hữu là những người theo Chúa Giêsu đi ngược dòng đời bị ghi dấu bởi tội lỗi biểu lộ dưới nhiều hình thức của ích kỷ và bất công. Họ trung thành với Chúa và làm chứng cho Ngài cho tới chỗ anh hùng, từ bỏ và hy sinh chính mình cho tới chết vì Tin Mừng. Nhưng tử đạo không phải là lý tưởng cao nhất của cuộc sống kitô. Bởi vì trên nó còn có lòng bác ái, là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Sức mạnh đó là dấu chỉ niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị tử đạo, một niềm hy vọng chắc chắn rằng không có gì và không ai có thể chia lìa họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.

ĐTC đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư 28.06.2017. Trong bài huấn dụ ĐTC khai triển đề tài “Niềm hy vọng, sức mạnh của các vị tử đạo”, bằng cách giải thích ý nghĩa vài câu trong chương 10 Phúc Âm thánh Mátthêu viết rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ…  "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 19,16-17.21-22). ĐTC nói: Trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài không lừa dối các ông với các ảo ảnh của thành công dễ dãi, trái lại, Ngài báo trước một cách rõ ràng rằng việc loan báo Nước Thiên Chúa luôn luôn bao gồm một sự chống đối. Và Chúa cũng dùng một kiểu nói lạ lùng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.” (Mt 10,22). Các kitô hữu yêu thương, nhưng họ không luôn luôn được yêu thương. Chúa Giêsu đã lập tức đặt để chúng ta trước thực tại này: trong một mức độ nào đó ít nhiều mạnh mẽ việc tuyên xưng đức tin xảy ra trong một bầu khí thù nghịch. ĐTC định nghĩa các kitô hữu như sau:

** Như thế các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu.

Chỉ dẫn thứ nhất là sự nghèo khó. Khi Chúa Giêsu gửi các môn đệ đi truyền giáo, xem ra Ngài chú ý đến sự “lột bỏ các vị” nhiều hơn là “mặc cho các vị”. Thật thế, một kitô hữu không khiêm tốn và nghèo khó, tách rời khỏi các giầu sang và quyền bính và nhất là tách rời khỏi chính mình, thì không giống Chúa Giêsu. Kitô hữu đi trên con đường của mình trong thế giới với cái nòng cốt cho lộ trình, nhưng với con tim tràn đầy tình yêu thương. Sự thất bại đích thật của họ là rơi vào trong cám dỗ của báo thù và bạo lực, bằng cách lấy sự dữ đáp trả lại sự dữ. Chúa Giêsu nói: “Thầy sai anh em như chiên vào giữa sói” (Mt 10,10). Như vậy, không mõm, không móng vuốt, không vũ khí. Kitô hữu trái lại phải thận trọng, đôi khi cũng phải mưu mẹo: đây là các nhân đức được luận lý tin mừng chấp nhận. Nhưng  không bao giờ bạo lực. Để đánh bại sự dữ không thể chia sẻ các phương pháp của sự dữ.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Sức mạnh duy nhất của kitô hữu là Tin Mừng. Trong các thời điểm khó khăn phải tin rằng Chúa Giêsu ở trước mặt chúng ta, và không ngừng đồng hành với các môn đệ Ngài. Bách hại không phải là một mâu thuẫn đối với Tin Mừng, nhưng là phần của nó: nếu họ đã bách hại Thầy của chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng rằng chúng ta được miễn phải chiến đấu? Tuy nhiên, giữa cơn lốc xoáy, kitô hữu không được mất đi niềm hy vọng, nghĩ rằng mình bị bỏ rơi. Chúa Giêsu bảo đảm với các môn đệ rằng: “Cả đến tóc trên đầu các con cũng đã được đếm rồi” (Mt 10,30). Như thể nói rằng không có khổ đau nào của con người, kể cả các khổ đau nhỏ nhặt và kín ẩn nhất, là vô hình đối với con mắt của Thiên Chúa. Thiên Chúa trông thấy, chắc chắn che chở và giải thoát. Thật ra giữa chúng ta có Ai đó mạnh mẽ hơn sự dữ, mạnh mẽ hơn các tổ chức tội phạm, các mưu mô đen tối, mạnh mẽ hơn kẻ kiếm lời trên da thịt của những người tuyệt vọng, của ai nghiền nát kẻ khác với sự đàn áp… Có Ai đó luôn lắng nghe tiếng máu của Abel kêu lên từ đất.

** Như vậy các kitô hữu phải luôn luôn ở phiá bên kia của thế giới, phía được Thiên Chúa lựa chọn: chứ không phải là các người bách hại, không ngạo mạn nhưng khiêm tốn; không phải là những kẻ bán khói, nhưng là những người phục tùng sự thật, không phải là những người lừa đảo nhưng liêm chính. ĐTC định nghĩa kiểu sống này của Kitô hữu như sau:

Sự trung thành với kiểu sống của Chúa Giêsu – là kiểu sống của niềm hy vọng – cho tới chết, sẽ được các kitô hữu tiên khởi gọi với một tên rất đẹp “martirio” có nghĩa là “chứng tá”. Có biết bao nhiêu khả thể khác do từ này cống hiến: ta có thể gọi nó là sự anh hùng, sự từ bỏ, hy sinh chính mình. Trái lại, các kitô hữu tiên khởi đã gọi nó với một tên có hương vị của việc làm môn đệ. Các vị tử đạo không sống cho chính mình, không chiến đấu để khẳng định các tư tưởng riêng, và chấp nhận phải chết chỉ vì trung thành với Tin Mừng. Tử đạo cũng không phải lý tưởng tối cao của cuộc sống kitô, bởi vì trên nó còn có tình bác ái, được hiểu như là tình yêu thương đối với Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phaolô đã nói rất rõ trong bài thánh thi bác ái,: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3). Các kitô hữu ghê tởm tư tưởng các người tự tử mưu sát được gọi là “tử đạo”: không có gì trong mục đích của nó có thể được để gần với thái độ của các con cái của Thiên Chúa.

Đôi khi đọc lịch sử của biết bao vị tử đạo hôm qua và ngày nay – nhiều hơn các thời kỳ ban đầu – chúng ra kinh ngạc trước sức mạnh của các vị khi đương đầu với thử thách. Sức mạnh đó là dấu chỉ của niềm hy vọng lớn lao linh hoạt các vị: niềm hy vọng rằng không có gì và không có ai có thể tách rời các vị khỏi tình yêu của Thiên Chúa  đã được ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 8,38-39)

Xin Thiên Chúa luôn ban cho chúng ta sức mạnh là các chứng nhân của Ngài. Xin Chúa ban cho chúng ta sống niềm hy vọng kitô, nhất là trong sự tử đạo kín ẩn chu toàn tốt và với tình yêu thương các bổn phận thường ngày của chúng ta.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương hiện diện. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào ban nhạc La Rosablanche, và mời gọi các tín hữu Pháp và Thụy Sĩ đọc cuộc đời các vị tử đạo để khám phá ra các vị đã đương đầu với các thử thách với sức mạnh nào.

Chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Êcốt, vùng Galles, Thuỵ Điển, Australia, Hồng Kông, Indonesia, Philippines và Hoa Kỳ, nhất là các thành viên tham dự đại hội về lý do nền tảng của chức Linh mục, ngài cầu chúc họ được nhiều niềm vui và sự bình an của Chúa.

Trong số các nhóm nói tiếng Đức ngài đặc biệt chào người trẻ vùng Oldenburger Muensterland và cầu mong mọi người biết sống chứng tá cho Chúa Giêsu trong cuộc sống thường ngày.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC nhắc hôm nay là lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô Phaolo là các vị đã hiến dâng mạng sống vì tình yêu Chúa Kitô, xin các thánh cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng ta tất cả sức mạnh để làm chứng cho niềm hy vọng kitô bằng cách chu toàn bổn phận hằng ngày. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha ĐTC cám ơn các lời cầu nguyện của họ cho sứ vụ Phêrô của ngài.

Với các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào các tín hữu về Roma hành hương tháp tùng các TGM sẽ nhận dây Pallium ngày mai. Ngài khích lệ mọi người xin hai thánh Phêrô Phaolô bầu cử với Chúa cho họ là các chứng nhân trung thành của Chúa trong cuộc sống mọi ngày.

Trong các nhóm Italia ĐTC chào các nữ tu Thăm viếng Ốc đảo Tabor và các nữ tử Chúa Quan Phòng đang tham dự tổng tu nghị tại Roma, các tham dự viên hội nghi của Hiệp hội thân nhân của giáo sĩ Italia. Ngài nhắn nhủ họ vun trồng tình bạn với các linh mục, cách riêng với các vị cô đơn nhất bằng cách yểm trợ ơn gọi và sứ vụ của các vị. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc hành hương đền thánh Santiago di Compostella theo Con lộ Francigena, các quân nhân lữ đoàn 17 Acqui Capua, tín hữu Altamura và đoàn múa cờ tỉnh Grumo Appula.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn. Ngài nhắc cho mọi người biết hôm nay lễ kính hai thánh tông đồ Phêro Phaolo, Bổn Mạng Giáo Hội Roma. Ngài chúc các bạn trẻ noi gương hai thánh tông đổ tử đạo can đảm làm chứng cho các giá trị Tin Mừng; người đau yếu được các vị trao ban hy vọng trong thử thách khổ đau, và các cặp vợ chồng mới cưới biết dậy dỗ con cái sống đạo hạnh, tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 25-6-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 25-6-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 25-6-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu tín thác nơi Chúa trong mọi thử thách và can đảm làm chứng tá đức tin.

Trong bài huấn dụ ngắn trước sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu ở Quảng trường, mặc dù trời nóng khác thường từ nhiều ngày nay ở Italia, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (10, 26-33) chúa nhật thứ 12 thường niên năm A.

Bài huấn dụ của ĐTC

”Trong Tin Mừng hôm nay (Xc Mt 10,26-33), Chúa Giêsu sau gọi và sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài dặn dò và chuẩn bị họ đương đầu với những thử thách và bách hại họ sẽ gặp. Chúa khuyên các môn đệ: ”Các con đừng sợ người đời, vì không có gì che đậy mà sẽ không bị tỏ lộ […]. Điều Thầy nói với các con trong bóng tối các con hãy nói ra trong ánh sáng […]. Và các con đừng sợ những người giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn” (vv.26-28). Việc Chúa Giêsu sai đi thi hành sứ mạng không đảm bảo cho các môn đệ được thành công, và cũng không làm cho họ tránh được những thất bại và đau khổ. Các môn đệ phải sẵn sàng đối phó với sự kiện họ có thể bị phủ nhận, hoặc bị bách hại.

Người môn đệ được kêu gọi làm cho cuộc sống của mình phù hợp với Chúa Kitô là Đấng đã bị loài người bách hại, đã từng bị phủ nhận, bỏ rơi và chịu chết trên thập giá. Không có sứ mạng Kitô nào dưới ngọn cờ yên hàn; những khó khăn và sầu muộn là điều thuộc về công việc loan báo Tin Mừng và chúng ta được kêu gọi tìm thấy trong đó cơ hội để kiểm chứng xem đức tin và tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu có chân thực hay không. Chúng ta phải xét những khó khăn ấy như một cơ hội để có thể có tinh thần thừa sai hơn nữa và để tăng trưởng trong sự tín thác nơi Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng không bỏ rơi con cái Ngài trong giờ bão tố.

Trong những khó khăn khi làm chứng tá Kitô trên thế giới, chúng ta không bao giờ bị lãng quên, nhưng luôn luôn được sự ân cần của Chúa Cha nâng đỡ. Vì thế, trong Tin Mừng hôm nay, 3 lần Chúa Giêsu trấn an các môn đệ và nói rằng: ”Các con đừng sợ!”.

Ngày nay cũng có bách hại chống các tín hữu Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện cho cách anh chị em chúng ta đang bị bách hại và chúc tụng Thiên Chúa vì, dù có tình trạng như thế, họ vẫn tiếp tục can đảm và trung thành làm chứng về đức tin. Tấm gương của họ giúp chúng ta đừng do dự có lập trường đứng về Chúa Kitô, can đảm làm chứng cho Chúa trong những hoàn cảnh mỗi ngày, cử trong những môi trường không yên hàn. thưc vậy, một hình thức thử thách cũng có thể là không có đố kỵ và sầu muộn. Ngoài việc sai đi như ”chiên giữa sói”, cả thời nay, Chúa cũng gửi chúng ta đi như những ngươi canh phu giữa những người không muốn được thức tỉnh để ra khỏi tình trạng mơ mơ màng màng trần tục, cố tình không biết đến những lời Chân Lý của Tin Mừng, kiến tạo cho mình những chân lý phù du.

Nhưng trong tất cả những điều ấy, Chúa tiếp tục nói với chúng ta như Ngài đã nói với các môn đệ thời đại của Ngài: ”Các con đừng sợ!”. Đứng sợ những người chế nhạo và ngược đãi các con, đừng sợ những người cố tình không biết đến các con, trước mặt thì tôn kính nhưng đằng sau thì bài trừ Tin Mừng. Chúa Giêsu không để chúng ta lẻ loi vì chúng ta quí giá đối với Ngài.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Xin Đức Trinh Nữ Maria, mầu gương khiêm nhường và can đảm gắn bó với Lời Chúa, giúp chúng ta hiểu rằng trong việc làm chứng cho đức tin, thành công không đáng kể, nhưng là lòng trung thành với Chúa Kitô, nhìn nhận trong mọi hoàn cảnh, cả những hoàn cảnh khó khăn nhất, hồng ân không lường là được làm môn đệ thừa sai của Chúa”.

 Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC bày tỏ sự gần gũi với dân chúng tại làng Tân Ma (Xinmo), tỉnh Tứ Xuyên, bên Trung Quốc bị đất lở sáng ngày 24-6 vừa qua vì mưa lũ. Ngài nói: 'Tôi cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và bị thương, cũng như cho tất cả những người bị mất nhà cửa. Xin Chúa an ủi các gia đình và nâng đỡ những người cứu cấp.”

Tin sơ khởi cho biết có 15 người chết và 120 người mất tích.

ĐTC nói thêm rằng: “Hôm nay, tại Vilnius, Lituani, có lễ phong chân phước cho Đức GM Teofilo Matulionis, tử đạo năm 1962, khi đã gần 80 tuổi. Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì chứng tá của vị can trường bênh vực Giáo Hội và phẩm giá con người.

Tôi chào thăm tất cả anh chị em, các tín hữu Roma và các tín hữu hành hương! Đặc biệt tôi chào Đức TGM Trưởng, các GM, các linh mục và tín hữu thuộc Giáo Hội Công giáo Đông Phương Ucraina, cũng như các tín hữu hành hương từ Bạch Nga, kỷ niệm 150 năm phong thánh Giosaphat. Tôi hiệp ý với thánh lễ anh chị em sắp cử hành tại Đền thờ thánh Phêrô, và cầu xin Chúa cho mỗi người được ơn can đảm làm chứng tá Kitô và ơn hòa bình cho đất nước Ucraina yêu quí của anh chị em.

Sau cùng, ĐTC chào thăm các trẻ giúp lễ từ Komorow và các tín hữu khác người Ba Lan, và nghĩ đến cách tín hữu hành hương tại Đền thánh Mẹ Thiên Chúa ở Gietrzwal, các tín hữu Chile từ vùng thủ đô nước này và các đoàn tín hữu từ các nơi khác.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Dòng Chúa Phục Sinh

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Dòng Chúa Phục Sinh

VATICAN. ĐTC mời gọi các tu sĩ dòng Chúa Phục Sinh ra đi mang Tin Mừng cho những người sầu khổ, đồng thời quan tâm xây dựng đời sống huynh đệ cộng đoàn.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-6-2017 dành cho 30 thành viên tổng tu nghị dòng Chúa Phục Sinh. Dòng này do cha Bogdan Janski, tông đồ người Ba Lan di cư tại Pháp, thành lập năm 1836, để làm chứng sự phục sinh của Chúa Kitô là căn bản đời sống Kitô, và kêu gọi sự sống lại bản thân và nâng đỡ cộng đoàn trong việc phục vụ Nước Chúa. Dòng hiện có 335 tu sĩ thuộc 54 cộng đoàn, trong đó có gần 300 linh mục.

Nhắc đến chủ đề Tổng tu nghị là ”Chứng nhân sự hiện diện của Chúa Phục sinh: từ cộng đoàn tới thế giới”, ĐTC mời gọi các tu sĩ của dòng ”hãy đi ra ngoài”, rời bỏ những ”tổ ấm” của mình, đi tới những vùng ngoại biên của cuộc sống, để mang ánh sáng Tin Mừng cho tha nhân. Ngài cầu mong rằng sự nhớ lại thời kỳ ơn gọi phong phú không ngăn cản anh em nhìn thấy sự sống mà Chúa đang làm nẩy mầm cạnh anh em hiện nay. Anh em đừng là những người hoài tưởng, nhưng là những người được niềm tin nơi Chúa tể của lịch sử và của sự sống thúc đẩy, loan báo rạng đông, kể cả giữa đêm khuya.

Về đời sống cộng đoàn, ĐTC nhắc nhở các tu sĩ dòng Chúa Phục sinh hãy đón nhận các anh em mà Chúa ban cho, biết nhìn họ như một món quà của Chúa. Ngài nói: ”Tôi nhắn nhủ anh em hãy trở thành những người xây dựng các cộng đoàn theo Tin Mừng, chứ không phải chỉ là ”những người tiêu thụ” các cộng đoàn ấy, hãy đảm nhận đời sống huynh đệ trong cộng đoàn như một hình thức đầu tiên để loan báo Tin Mừng”. (SD 24-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Ơn gọi của Tara Clemens, một luật sư trẻ trở thành nữ tu dòng kín Đaminh

Trong một thế giới mà ơn gọi tu trì ngày càng giảm sút, đời sống tu trì, đối với nhiều người, có vẻ buồn chán, khác người, cực khổ, đi ngược với mong ước sống tự do, hưởng thụ của thế giới hiện đại, thì vẫn luôn có những ơn gọi thật đẹp, là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, là bằng chứng của sự tin yêu, đáp lại tiếng Chúa mời gọi, và cũng là chứng tá của những tấm lòng quảng đại, hy sinh, dưới mọi hình thức, để vun trồng ơn gọi tu trì. Ơn gọi của Tara Clemens, hiện nay là sơ Maria Đaminh Nhập thể, cũng là một ơn gọi “khác người” nhưng thật đẹp; từ một luật sư trẻ, Clemens đã nghe theo tiếng Chúa gọi, tận hiến cho Ngài trong đời tu và đặc biệt hơn nữa, cô đã chọn đời sống đan tu, chuyên lo việc chiêm niệm cầu nguyện.

Tara Clemens là một luật sư ở thành phố Anchorage, bang Alaska, Hoa kỳ. Clemens nguyên là một tín hữu Tin lành và chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp trường luật, cô đã gia nhập Giáo hội Công giáo. Việc trở thành tín hữu Công giáo xảy ra khá là bất ngờ với Clemens. Chỉ vài tháng trước khi tốt nghiệp đại học luật Lewis và Clark ở thành phố Portland, bang Oregon, Clemens đi cùng một người bạn tham dự Thánh lễ thứ sáu mùa Chay và ngày hôm đó là môt bước ngoặt trong cuộc đời của cô; Clemens đã quyết định trở lại Công giáo. 3 tháng sau đó, dù phải làm việc toàn thời gian, mỗi chiều tối, Clemens theo học về Công giáo. Một ít tháng sau, vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 2007, Clemens hoàn toàn tin vào chân lý của Công giáo. Clemens đã được gia nhập Giáo hội Công giáo vào dịp lễ Vọng Phục sinh năm 2008. Và vài tháng sau đó, dù chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ trở thành nữ tu, cô luật sư trẻ Clemens đã đến thăm đan viện Thánh Thể. Clemens đã sống hai năm rưỡi tại đan viện, trước tiên là thỉnh sinh và sau đó vào nhà tập. Ngày 28 tháng 5 vừa qua (năm 2017), Clemens được tuyên khấn lần đầu tại đan viện Thánh Thể của các nữ tu Đaminh ở Menlo Park, bang California, Hoa kỳ, với tên dòng là Maria Đaminh Nhập thể.

Ngày sơ Maria Đaminh được đội chiếc lúp đen trên đầu thay cho chiếc lúp trắng khi vào nhà Tập cách đây  hơn một năm, vị linh mục chủ tế đã nói: “Hãy nhận lấy tấm lúp thánh này, qua đó con có thể được nhận ra như ngôi nhà cầu nguyện dành cho Chúa và đền thờ cầu nguyện cho mọi người.” Sơ Maria Đaminh ý thức được rằng trung tâm của đời sống chiêm niệm của các nữ đan sĩ Đaminh là tình yêu Chúa. Dù là một đan sĩ sống giam mình trong đan viên, không bao giờ đi ra ngoài, sơ vẫn có thể ôm trọn thế giới với tình yêu và cầu nguyện cho thế giới.

Được hỏi về việc trở thành một đan sĩ, sơ Maria Đaminh xác định: “Khi Thiên Chúa gọi chúng ta, Ngài rất kiên định”. Điều này được chứng thực trong hành trình ơn gọi của sơ Maria Đaminh. Khi luật sư Clemens có ý định đi tu, nhưng vì số tiền hơn 100 ngàn đô la cô mượn để đi học quá lớn và cô chưa thể thanh toán để vào nhà dòng, cô hầu như thất vọng trước khó khăn thách đố này. Chính khi đó, hội Laboure đã giúp cho Clemens giải quyết vấn đề nợ sinh viên để có thể đi tu. Laboure là một hội có trụ sở ở Minnesota, giúp đỡ cho những người có ơn gọi tu trì trả nợ, điều cản trở họ gia nhập đời tu. Hội Laboure mở một lớp khoảng từ 10 đến 25 người, những người tin là mình có ơn gọi, và tổ chức chiến dịch quyên góp giúp họ. Clemens tham dự chương trình này 2 năm. Vào cuối khóa, tưởng rằng cô phải đợi thêm một năm nữa vì không nhận được đủ tiền quyên góp để trả nợ học. Nhưng rồi đã có hai vị ân nhân đóng góp số tiền lớn và Clemens đã được giúp trả nợ tiền học. Như John Flanagan, giám đốc điều hành hội Laboure đã nói: “Tara Clemens đã không thực hiện hành trình ơn gọi một mình, nhưng nhiều người khắp nơi biết là họ đã làm điều gì đó để giúp Tara Clemens trở thành nữ tu Maria Đaminh.” Và ông nhận xét rằng: “Cô ta đã gập phải những khó khăn trên hành trình theo đuổi ơn gôi, nhưng cô đã đón nhận chúng với niềm tin tưởng lớn lao vào Thiên Chúa.” (CNS 13/06/2017)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Serra nâng đỡ ơn gọi

Đức Thánh Cha tiếp kiến Hội Serra nâng đỡ ơn gọi

VATICAN. ĐTC khuyến khích các thành viên hội Serra hãy luôn trở thành bạn hữu của các chủng sinh, linh mục, và luôn tiến bước trong hy vọng.

Ngày bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 23-6-2017 dành cho 600 tham dự viên Hội nghị quốc tế thứ 75 của hội Serra chuyên nâng đỡ ơn gọi LM và đời sống thánh hiến. Hội nhận chân phước Junipero Serra, Tông đồ miền California Hoa Kỳ, làm bổn mạng. Hội nghị quốc tế đang diễn ra tại Roma từ ngày 22 đến 25-6-2017 với chủ đề: ”Luôn tiến bước. Can đảm ơn gọi”.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC mời gọi các thành viên Hội Serra hãy trao ban tình bạn chân thành cho các LM và chủng sinh, tu sĩ, biểu lộ lòng yêu mến đối với họ qua việc thăng tiến ơn gọi, trong kinh nguyện và cộng tác mục vụ. Người bạn chân thành biết đồng hành và nâng đỡ họ với cảm thức đức tin, trung thành cầu nguyện và dân thân tông đồ, chia sẻ niềm vui, những lao nhọc của sứ vụ, biết gần gũi với các linh mục, cảm thông với những yếu đuối và dịu dàng đối với những đà tiến quảng đại của họ.

ĐTC cũng nói rằng: ”Anh chị em hãy luôn tiến bước trong hy vọng, tiến bước với sứ mạng của anh chị em, nhìn xa, mở rộng các chân trời, dành không gian cho người trẻ và chuẩn bị tương lai. Giáo Hội và ơn gọi đang cần anh chị em.”

ĐTC nhắc đến tấm gương của chân phước Junipero Serra, dòng Phanxicô, mặc dù chân đi khập khiễng, nhưng vẫn quyết tâm lên đường tiến về thành phố San Diego để cắm Thánh Giá tại đó. Ngài nói: ”Tôi sợ những tín hữu Kitô không tiến bước và chỉ khép mình trong vỏ ốc của mình. Chẳng thà tiến bước khập khiếng, đôi khi bị ngã, nhưng luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa, thì vẫn hơn là những ”Kitô hữu bảo tàng viện”, lo sợ những thay đổi, và sau khi nhận được một đoàn sủng hoặc ơn gọi, thay vì đặt mình phục vụ sự mới mẻ ngàn đời của Tin Mừng thì lại bảo vệ bản thân và những vai trò của mình” (SD 23-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

VATICAN. Hôm 23-6-2016, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia vào thượng tuần tháng 9 tới đây.

– Ngài sẽ rời Roma sáng thứ tư, 6-9, lúc 11 giờ sáng và đến khu vực quân sự (Catam) thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày. Sau nghi thức tiếp đón, ngài về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.

– Lúc 9 giờ sáng hôm sau, thứ năm, 7-9, ĐTC sẽ gặp chính quyền và viếng thăm tổng thống Colombia, sau đó, ngài sẽ viếng Nhà Thờ chính tòa lúc 10 giờ 20, trước khi lên bao lơn của dinh Hồng Y để chào thăm và ban phép lành cho các tín hữu, trước khi gặp các GM Colombia cũng tại dinh này.

Ban chiều, lúc 3 giờ, ĐTC sẽ gặp Ban Lãnh Đạo Liên HĐGM Mỹ châu la tinh (Celam) rồi đến công viên Simon Bolivar để cử hành thánh lễ cho các tín hữu vào lúc 4 giờ rưỡi.

– Sáng thứ sáu, 8-9, ĐTC sẽ đáp máy bay đến Villavicencio cách đó 40 phút bay, để cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 9 giờ rưỡi tại căn cứ không quân Apiay.

Ban chiều lúc gần 4 giờ, ngài sẽ chủ sự cuộc gặp gỡ lớn tại Công viên Las Malocas, để cầu nguyện cho sự hòa giải đất nước Colombia sau nửa thế kỷ nội chiến. Sau thánh lễ, ngài sẽ dừng lại tại Thánh Giá hòa giải tại Công viên các vị lập quốc, rồi bay trở về thủ đô Bogotà.

– Sáng thứ bẩy, 9-9, ĐTC sẽ viếng thăm Medellín, thành phố lớn thứ hai của Colombia, và cử hành thánh lễ lúc 10 giờ 15 tại Sân Bay Enrique Olaya Herrera của thành phố này. Ban chiều lúc 3 giờ, ngài sẽ viếng thăm Nhà dưỡng lão Thánh Giuse, trước khi gặp các LM, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và gia đình họ tại Sân vận động La Macarena vào lúc 4 giờ, rồi trở lại thủ đô.

-Chúa nhật 10-9, ĐTC sẽ viếng thăm thành phố cảng Cartegena cách Bogotà 90 phút bay. Lúc 10 giờ rưỡi, tại Quảng trường Thánh Phanxicô Assisi, ngài sẽ làm phép viên đá đầu tiên để xây các nhà cho những người vô gia cư, và Trung tâm ”Talitha Qum”, con hãy trỗi dậy, chuyên nâng đỡ các nạn nhân nạn buôn người. Lúc 12 giờ trưa, ĐTC chủ sự kinh Truyền Tin trước nhà thờ thánh Phêrô Claver, rồi viếng Đền thánh tại đây.

Ban chiều, ngài đáp trực thăng đến khu cảng Contecar để cử hành thánh lễ cho các tín hữu lúc 4 giờ rưỡi. Sau đó lúc 7 giờ có nghi thức tiễn biệt ĐTC tại phi trường thành Cartegena trước khi ngài lên đường trở về Roma, dự kiến vào lúc gần 1 giờ trưa tại phi trường Ciampino.

Tổng cộng trong chuyến đi này, cũng là lần thứ 5 viếng thăm Mỹ châu la tinh, ĐTC sẽ di chuyển gần 21,200 cây số, trong đó có 1,530 cây số trong nội địa Colombia. Ngài sẽ đọc 5 diễn văn, 4 bài giảng, 2 lời chào và một kinh Truyền Tin. (SD 23-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha cảnh giác chống cám dỗ giáo sĩ tìm địa vị xã hội

Đức Thánh Cha cảnh giác chống cám dỗ giáo sĩ tìm địa vị xã hội

VATICAN. ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ tìm kiếm địa vị và sự kính trọng của xã hội trong bậc giáo sĩ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 22-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể thứ 90 các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, gọi tắt là ROACO, tiến hành tại Vatican từ ngày 19 đến 22-6-2017.

Trong khóa họp vừa qua, ngoài đề tài tình hình Giáo hội tại Thánh Địa và việc đào tạo LM tại đây, các tham dự viên cũng bàn về tình trạng khó khăn của các Giáo Hội tại Ai Cập, Siria và Irak. Các vị Sứ thần Tòa Thánh tại ba nước vừa nói cùng với Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher cũng hiện diện tại khóa họp và tường trình về tình hình các Giáo Hội liên hệ.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC sau khi nói đến những đau khổ mà nhiều Giáo Hội Công Giáo Đông phương đã và đang phải trải qua, ngài nhắc đến tầm quan trọng của việc huấn luyện chủng sinh và thường huấn cho các linh mục được bàn tới trong Đại hội. ĐTC đề cao tấm gương của nhiều LM quyết liệt chọn lựa và tận tụy phục vụ nơi cộng đoàn của các vị nhiều khi bị thử thách nặng nề. Nhưng, ngài nói, ”chúng ta cũng phải ý thức về những cám dỗ có thể gặp phải, như tìm kiếm một địa vị xã hội dành cho giáo sĩ tu sĩ tại một số miền địa lý, hoặc cám dỗ thi hành vai trò lãnh đạo theo những tiêu chuẩn phàm nhân hoặc theo khuôn mẫu văn hóa và môi trường liên hệ”.

”Cố gắng mà Bộ Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương và các cơ quan từ thiện phải tiếp tục thực hiện là nâng đỡ các sáng kiến xây dựng cuộc sống Giáo hội một cách chân thực. Điều cơ bản là luôn nuôi dưỡng lối sống theo tinh thần gần gũi của Tin Mừng: nơi các GM, để các vị sống gần gũi với các linh mục của mình, để các LM làm cho các tín hữu thuộc quyền cảm thấy sự dịu dàng của Chúa…”

Tổ chức ROACO được Tòa Thánh thành lập năm 1968 với mục đích trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương. 1 phần 3 các tham dự viên đến từ các tổ chức bác ái Công Giáo ở Đức như Missio, Misereor, Renovabis, Caritas, Hiệp Hội Đức trợ giúp Thánh Địa như Tổng giáo phận Koeln, Hội giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo, v.v. (SD 22-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

Mục tử tốt lành yêu mến chăm sóc đàn chiên, nhưng cũng biết lên án điều xấu

“Mục tử tốt lành dâng hiến mạng sống vì đàn chiên”. Trong Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta sáng ngày 23/06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển bài giảng dựa trên đoạn sách trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Côrintô và từ đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến các đặc tính của người mục từ. Ngài tìm thấy nơi thánh Phaolô hình ảnh “mục tử đích thực”, không bỏ rơi đàn chiên như những người chăn thuê.

Mục tử đích thực có lòng đam mê nhiệt thành vì đàn chiên

Phẩm chất thứ nhất là niềm đam mê, đam mê “cho đến độ nói với dân của mình: ‘Vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa. Một niềm đam mê đến trở thành “điên khùng”, “khờ dại” vì dân của mình. Đây là điều mà chúng ta thường gọi là nhiệt tâm tông đồ, và theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một mục tử đích thực không thể thiếu ngọn lửa này ở trong lòng.

Mục tử đích thực biết phân định, quan sát từ sự cám dỗ của sự dữ

Đặc tính thứ hai của người mục tử là phải biết phân định. Mục tử phải biết là trong cuộc sống cám dỗ. Tên cám dỗ là cha của dối trá nhưng mục tử thì không. Mục tử yêu thương, còn tên cám dỗ thì ghen tị. Tên cám dỗ tìm cách lôi ké xa khỏi lòng trung thành, bởi vì cái ghen của Thiên Chúa nơi thánh Phaolô là để mang dân Chúa đến với vị hôn phu duy nhất, để gìn giữ dân Chúa trong sự trung thành với vị hôn phu. Trong lịch sử cứu độ, trong Thánh kinh, nhiều lần chúng ta tìm thấy sự rời xa Thiên Chúa, sự bất trung với Thiên Chúa, sự thờ kính ngẫu tượng giống như là một sự bất trung trong hôn nhân. Do đó mục tử phải biết đâu là nguy hiểm, nơi nào có ân phúc, và đâu là con đường đích thật để rồi biết đồng hành với đàn chiên của mình trong những thời điểm tốt lành và cả trong những giây phút tăm tối, trong những lúc bị cám dỗ, với sự kiên nhẫn để đưa đàn chiên về với đàn.

Mục tử đích thực biết lên án sự dữ và không ngây thơ

Một tông đồ không thể là một người ngây thơ. Không thể  nói: A, tất cả đều tốt, đều đẹp, chúng ta đi tiếp… Chúng ta tổ chức lễ hội, tất cả … chúng ta có thể … Bởi vì lòng trung thành với vị hôn phu là Chúa Kitô cần được bảo vệ, mục tử phải biết lên án: cách cụ thể là nói “không”, giống như các bậc cha mẹ nói với các đứa con nhỏ khi chúng bắt đầu bò đến và đặt ngón tay vào ổ cắm điện: ‘Không! Không! Nguy hiểm!!!’ Mục tử tốt lành biết lên án đích danh như thánh Phaolô đã làm.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc lại chuyến thăm Bozzolo và Barbiana, và giải thích cách chăm sóc đàn chiên của cha Milani. Cha Milani chăm sóc, yêu thương đàn chiên của mình nhưng không phải là để người khác muốn làm gì thì làm.

Châm ngôn của cha Milani khi dạy các thiếu niên là “I care” (tôi quan tâm). Cha dạy các thiếu niên những điều họ phải quan tâm, nghiêm túc, ngược lại với châm ngôn của ngừơi thời đó là “I don’t care” (tôi không quan tâm). Và cha Milani dạy các thiếu niên tiến bước, chăm sóc sự sống của mình và sự “I don’t care” này. Do đó mục tử biết lên án những điều ngược với cuộc sống. Nhiều lần Đức Thánh Cha đã nói “chúng ta đánh mất khả năng lên án và chúng ta muốn đưa đàn chiên tiến bước một tí với tính “hiền lành như bột”; điều này không chỉ là ngây thơ nhưng là “tạo nên điều xấu”. “Sự hiền lành thỏa hiệp” đó có khi là để thu hút sự ngưỡng mộ hay sự yêu mến của giáo dân.

Đức Thánh Cha tóm lại: Thánh Phaolô tông đồ, sự nhiệt thành tông đồ của Phaolô, đam mê, hăng hái: là đặc tính đầu tiên. Ngài là người biết phân định bởi vì thánh nhân biết sự cám dỗ và biết rằng ma quỷ cám dỗ, đó là đặc tính thứ hai. Ngài cũng là người có khả năng lên án những điều gây nên sự dữ cho đàn chiên, đó là đặc tính thứ ba. Và Đức Thánh Cha kết luận với lời cầu cho tất cả các mục tử của Giáo hội, xin thánh Phaolô cầu nguyện với Chúa để tất cả các mục tử chúng ta có thể có 3 phẩm tính này để phục vụ Thiên Chúa. (REI 23/06/2017)

Hồng Thủy

Kinh Mân côi “sống” cầu nguyện cho ơn gọi linh mục

Kinh Mân côi “sống” cầu nguyện cho ơn gọi linh mục

Washington – Chương trinh kinh Mân côi “sống” toàn cầu hàng năm được thực hiện vào ngày lễ Thánh Tâm, nhằm ngày 23/06 năm nay, có sự tham dự của 125 đền thánh tại 63 quốc gia trên toàn thế giới.

Với 25 địa điểm mới, dự kiến sẽ có khoảng 10 triệu người tham gia đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và thánh hiến các linh mục.

Chương trình kinh Mân côi “sống” được tổ chức bởi Ủy ban tông đồ linh mục thế giới. Marion Mulhall, người sáng lập phong trào tông đồ, là người tổ chức sự kiện lớn nhất năm của nhóm.

Chương trình kinh Mân côi “sống” bắt đầu cách đây 8 năm, khi bà Munhall nghe một tiếng nói với bà. Bà kể lại với hãng tin Công giáo Hoa kỳ: “Cách đây 8 năm, một buổi sáng, tôi thức dậy rất sớm. Tôi đã nghe 4 từ rất đơn giản: 20 đất nước, 20 mầu nhiệm.”

Bà đã quyết định hỏi các đồng nghiệp xem họ nghĩ tiếng nói đó đến từ đâu và có ý nghĩa gì. Và họ đã hiểu đó là Mẹ Maria đang kêu gọi bà bắt đầu làm điều gì đó để kinh Mân côi được cầu nguyện tại 20 quốc gia trong cùng một ngày. Trong vòng hai đến  ba ngày, họ đã thông báo về việc đọc kinh Mân côi “sống” toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Bà Mulhall và nhóm của bà đã quyết định dành một ngày mà cả thế giới có thể đọc kinh Mân côi liên tục. Từ đó, hàng triệu người đã tham gia vào sự kiện này để mời gọi thêm nhiều ơn gọi linh mục. Bà Mulhall cho biết là mục đích duy nhất của chương trình đọc kinh Mân côi là cầu nguyện cho việc thánh hóa các linh mục. Bà nói: “Trong những lúc này, chúng ta thật sự cần cầu nguyện cho các linh mục của chúng ta.”

Hàng năm, các đền thánh trên khắp thế giới được mời gia nhập chương trình Mân côi sống. Năm nay, các đền thánh ở Nhật bản, Hàn quốc, Pakistan, Thụy điển, Iceland và 20 nơi khác cũng tham dự chương trình này lần đầu tiên.

Bà Mulhall cho biết có một nhóm nghi lễ Byzantine họp nhau ở Sacramento tiểu bang California. Họ sẽ hát kinh Mân côi. Họ sẽ cầu nguyện các mầu nhiệm mùa Mừng và hát kinh Mân côi trong nghi thức Byzantine của họ.

Bên cạnh việc đọc kinh Mân côi theo chương trình, mỗi đền thánh có thể tổ chức các sự kiện như Thánh lễ hay chầu Mình Thánh Chúa. Mỗi nơi sẽ có các hoạt động khác nhau và cầu nguyện theo cách thức khác nhau. Toàn thế giới có thể tham dự vào việc đọc kinh Mân côi “sống” này.

Bà Mulhall gửi thông tin đến mỗi đền thánh để thông báo cho họ cách cầu nguyện trong giờ kinh Mân côi sống. Bà cho biết giờ nào đền thánh nào sẽ bắt đầu đọc kinh Mân côi để nó sẽ được tiếp tục tại nơi kế tiếp và tiếp tục khắp thế giới.

Năm nay chương trình sẽ bắt đầu vào lúc nửa đêm ngày 23/06 theo giờ GMT (chậm hơn Việt nam 6 tiếng). Kinh Mân côi sẽ bắt đầu từ Seoul, Nam hàn và kết thúc tại đền thánh Chúa Giêsu trẻ thơ ở Hermosillo, Mexico.

Kinh Mân côi sống sẽ được phát trên 19 đài phát thanh khác nhau. Mạng lứơi truyền hình Lời vĩnh cửu của Mẹ Angelica và các đài truyền hình khác sẽ quay phim buổi đọc kinh Mân côi tại một số nơi ở Hoa kỳ, Pháp, Hungary và Puerto Rico.

Trên toàn thế giới, mọi người được yêu cầu cầu nguyện một ý nguyện đặc biệt cho Đức Giáo hoàng Phanxicô vào lúc 6 giờ chiều giờ Roma. (CNS 21/06/2017)

Hồng Thủy

Nên thánh là món quà lớn kitô hữu có thể trao tặng cho thế giới

Nên thánh là món quà lớn kitô hữu có thể trao tặng cho thế giới

Trên con đường cuộc sống. Hy vọng nên thánh, trở thánh hình ảnh của Chúa Kitô là món quà lớn lao nhất mà từng người trong chúng ta có thể trao tặng cho thế giới. Lịch sử của chúng ta cần có các “người thần bí” khước từ mọi thống trị, ước muốn sống bác ái, huynh đệ, chấp nhận một phần khổ đau và mang lấy gánh nặng của tha nhân, để thế giới có thể hy vọng.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy  chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư hôm qua. Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn tư tưởng của tác giả thư gửi giáo đoàn Do thái viết: “Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho các thánh đạt tới hạnh phúc trọn vẹn mà không có chúng ta. Như thế, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.” (Dt 11,40-12,2a)

ĐTC nói: Trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội đã vang lên lời khẩn cầu các thánh cho chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hồi đó còn bé được cha mẹ bồng trên tay. Trước khi xức Dầu tân tòng, biểu tượng cho sức mạnh của Thiên Chúa trong cuộc chiến đấu chống lại sự dữ, linh mục mời toàn cộng đoàn cầu nguyện cho những người sắp lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng cách khẩn nài sự bầu cử của các thánh. Đây là lần đầu tiên trong cuộc sống của mình sự đồng hành của các anh chị em cả  được ban tặng cho chúng ta; – các thánh – họ là những người đã đi qua cùng con đường của chúng ta, đã hiểu biết cùng các lao nhọc của chúng ta và sống mãi trong vòng tay của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu Do thái định nghĩa sự đồng hành này bao quanh chúng ta với kiểu nói “đám đông các nhân chứng” (Dt 12,1). Các thánh là như thế: một đám đông các chứng nhân.

ĐTC giải thích như sau:

** Trong cuộc chiến chống lại sự dữ các kitô hữu không tuyệt vọng. Kitô giáo vun trồng một niềm hy vọng không thể chữa lành được: nó không tin rằng các sức mạnh tiêu cực và phá tán có thể chiến thắng. Lời nói cuối cùng trên lịch sử của con người không phải là thù hận, không phải là cái chết, không phải là chiến tranh. Trong mọi lúc của cuộc sống có bàn tay của Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta và sự hiện diện kín đáo của tất cả các tín hữu “đã ra đi trước chúng ta với dấu chỉ của đức tin”. Sự hiện hữu của họ trước hết nói với chúng ta rằng cuộc sống kitô không phải là một lý tưởng không thể đạt tới được. Và cùng nhau nó an ủi chúng ta: chúng ta không cô đơn, Giáo Hội bao gồm vô số các anh em, thường là vô danh, đã ra đi trước chúng ta và qua hoạt động của Chúa Thánh Thần họ cũng liên lụy trong các chuyện của người còn sống dưới thế này.

Lời khẩn cầu trong bí tích Rửa Tội không phải là lời khẩn cẩu các thánh duy nhất ghi dấu con đường cuộc sống kitô của chúng ta. Khi hai người đính hôn thánh hiến tình yêu của họ trong bí tích Hôn Nhân, việc khẩn nài các thánh lại được lập lại trên họ lần này như là đôi bạn. Và việc khẩn nài ấy là suối nguồn của sự tin tưởng cho hai người trẻ bắt đầu “hành trình” cuộc sống lứa đôi. Ai yêu thương đích thực thì ước mong và can đảm nói tiếng “luôn mãi” – “luôn mãi” – nhưng biết mình cần đến ơn thánh của Chúa Kitô và sự trợ giúp của các thánh, để có thể sống cuộc đời hôn nhân luôn mãi. Không phải như vài người nói “trong khi tình yêu kéo dài”. Không: luôn mãi. Nếu không thì tốt hơn là đừng lập gia đình. Hoặc là luôn mãi hoặc là không có gì hết. Chính vì thế trong phụng vụ lễ cưới chúng ta khẩn nài sự hiện diện của các thánh. Trong các lúc khó khăn cần có can đảm hướng mắt lên trời, bằng cách nghĩ tới biết bao nhiêu kitô hữu đã đi qua sự khốn khó và đã giữ gìn áo rửa tội của họ trong trắng bằng cách giặt chúng trong máu của Chiên Con (x. Kh 7,14). Sách Khải Huyền nói thế.

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta: mỗi khi chúng ta cần, sẽ có môt thiên thần của Ngài đến nâng chúng ta lên và trao ban  ủi an cho chúng ta. “Các thiên thần” đôi khi với gương mặt và trái tim của một người, bởi vì các thánh của Thiên Chúa luôn luôn ở đây, dấu ẩn giữa chúng ta. Điều này thật khó hiểu và cả khó tưởng tượng nữa, nhưng các thánh hiện diện trong cuộc sống chúng ta. Và khi một ai đó khẩn cẩu một thánh nam hay thánh nữ, là bởi vì vị thánh ấy gần gũi chúng ta.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Cả các linh mục cũng sẽ ghi nhớ kỷ niệm của một lời khẩn nài các thánh được đọc trên các vị. Đó là một lúc cảm động nhất của phụng vụ truyền chức. Các ứng viên nằm dài xấp mặt trên đất. Và toàn cộng đoàn được Đức Giám Mục hướng dẫn khẩn nài sự bầu cử của các thánh. Một người sẽ bị đè bẹp dưới sức nặng của sứ mệnh được giao phó, nhưng cảm thấy rằng toàn thiên đàng ở đàng sau lưng mình, rằng ơn thánh của Thiên Chúa sẽ không thiếu, bởi vì Chúa Giêsu luôn luôn trung thành, khi đó có thể ra đi thanh thản và được bổ sức. Chúng ta không cô đơn.

Và chúng ta là gì? Chúng ta là bụi đất khát vọng trời cao. Sức mạnh của chúng ta yếu đuối nhưng mầu nhiệm ơn thánh hiện diện trong cuộc đời kitô hữu thì mạnh mẽ. Chúng ta trung thành với trái đất này mà Chúa Giêsu đã yêu thương trong mọi lúc của cuộc đời Ngài, nhưng chúng ta biết và muốn hy vọng nơi sự biến đổi của thế giới, nơi việc thành toàn vĩnh viễn, nơi sau cùng sẽ không còn có nước mắt, sự gian ác và khổ đau nữa. Ước chi Chúa ban cho tất cả chúng ta niềm hy vọng là thánh. Nhưng có ai đó sẽ có thể hỏi tôi: “Cha ơi, có thể nên thánh trong cuộc sống mọi ngày không?” Có, có thể. “Nhưng điều này có nghĩa là cần phải cầu nguyện suốt ngày hay sao?” Không, không,  điều đó có nghĩa là bạn phải chu toàn bổn phận của bạn mỗi ngày: cầu nguyện,  đi làm việc, trông nom con cái. Nhưng làm tất cả với tất cả con tim rộng mở cho Thiên Chúa, với ước muốn rằng công việc đó, cả trong bệnh tật, đau khổ, cả trong các khó khăn, các khó khăn đó rộng mở cho Thiên Chúa. Và như vậy chúng ta sẽ nên thánh. Chúng ta có thể nên thánh. Có thể. Ước chi Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh. Chúng ta có thể. Chúng ta nghĩ rằng đó là một điều khó, trở thành tội phạm thì dễ hơn là nên thánh… Không: có thể là thánh bởi vì Chúa trợ giúp chúng ta. Chính Ngài trợ giúp chúng ta.

Ước chi Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng là thánh. Đó là món quà lớn lao mà từng người trong chúng ta có thể ban tặng cho thế giới. Ước chi Chúa ban cho chúng ta ơn tin một cách sâu đậm nơi Ngài đến độ trở thành hình ảnh của Chúa Kitô cho thế giới này. Lịch sử của chúng ta cần có các “người thần bí” khước từ mọi thống trị, khát vọng tình bác ái huynh đệ. Những người nam nữ sống và chấp nhận cả một phần khổ đau, để mang gánh nặng của tha nhân. Nhưng nếu không có các người nam nữ này, thế giới sẽ không có hy vọng. Vì thế tôi cầu chúc anh chị em -và cầu chúc cho cả tôi nữa – là xin Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng nên thánh.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Thuỵ Sĩ, Đức, Êcốt, Hy Lạp, Hồng Kông, Indonesia, Philippines, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Brasil. Ngài xin các thánh bầu cử cho mọi người tin mạnh mẽ nơi Chúa Kitô để trở nên hình ảnh của Ngài cho thế giới. Xin các thánh giúp mọi người hiểu rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người và vì thế biết sống làm chứng cho niềm hy vọng trên trần gian này. Chúng ta hãy tiếp nhận lời Chúa mời gọi nên thánh và yêu thương phục vụ nhau trong cuộc sống thường ngày. Thế giới cần có các vị thánh, và chúng ta tất cả đều được mời gọi nên thánh, không trừ ai.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các tân phó tế Trường Truyền Giáo Urbano, các nữ tu Phan Sinh truyền giáo Clara và các thừa sai Scheut đang tham dự tổng tu nghị tại Roma. Ngài khích lệ các tu sĩ sống hướng cái nhìn về các vùng ngoại biên. ĐTC cũng chào một nhóm các thị trưởng vùng Logoduro do ĐC Corrado Melis GM Ozieri hướng dẫn, các thành viên hiệp hội Thành phố của Chúa Bị đóng đinh rất thánh, các nhân viên cảnh sát bảo vệ rừng và môi sinh, và cộng đoàn Tình yêu và Tự do phục vụ giáo dục giới trẻ bên Cộng hoà dân chủ Congo.

Ngài cũng nhắc tới Ngày quốc tế người tỵ nạn cử hành hôm thứ ba vừa qua và cho biết hôm thứ hai ngài đã gặp một phái đoàn đại diện các anh chị em tỵ nạn được tiếp đón trong các giáo xứ và các dòng tu ở Roma. Lợi dụng dịp này ĐTC nói tôi muốn bầy tỏ sự đánh giá chân thành đối với việc vận động cho luật mới về di cư “Ta đã là người nước ngoài – Nhân loại làm tốt”, được Caritas Italia, Tổ chức người di cư và các tổ chức công giáo khác ủng hộ.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các đôi tân hôn Ngài nhắc cho mọi người biết thứ sáu tới này là lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày toàn thể Giáo Hội cầu nguyện và bầy tỏ lòng trìu mến đối với các linh mục. ĐTC khích lệ các bạn trẻ biết kín múc nơi Thánh Tâm Chúa lương thực cho cuộc sống thiêng liêng và niềm hy vọng của họ. Ngài xin các bệnh nhân dâng khổ đau cho Chúa để kéo đổ tình yêu của Chúa xuống trên con tim của con người. ĐTC nhắn nhủ các đôi tân hôn biết dưỡng nuôi cuộc sống gia đình bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải