Giáo Hội và đất nước Colombia

Giáo Hội và đất nước Colombia

Thứ tư mùng 6 tháng 9 ĐTC Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ Colombia cho tới ngày 11 tới đây.  Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm mục vụ Colombia.

Trong sứ điệp Video gửi nhân dân Colombia nhân chuyến viếng thăm này ĐTC Phanxicô khẳng định rằng ngài đến Colombia như người hành hương hy vọng và hoà bình, để cùng họ cử hành niềm tin nơi Chúa và cũng để học nơi lòng bác ái và sự kiên trì của họ trong nỗ lực tìm kiếm hoà bình và hoà hợp.

ĐTC cám ơn tổng thống và HĐGM Colombia đã mời ngài viếng thăm nhân dân và đất nước này. Ngài cũng cám ơn từng người dân Colombia tiếp đón ngài trong con tim và tất cả những ai đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này.

Nhắc lại khẩu hiệu của chuyến công du là “Chúng ta hãy đi bước đầu tiên” ĐTC nói nó nhắc nhở cho mọi người biết rằng cần luôn luôn đi bước đầu tiên cho bất cứ sinh hoạt và dự án nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta hãy là những người đầu tiên yêu thương, xây dưng các cây cầu và tạo dựng tình huynh đệ.  Đi bước đầu tiên khích lệ chúng ta đi ra để gặp gỡ tha nhân, giang tay ra cho họ, và trao đổi dấu chỉ hoà bình. Hoà bình là điều Colombia đang tìm kiếm và làm việc từ bao lâu nay để đạt được nó. Một nền hoà bình ổn định, lâu dài để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh em, chứ không phải như kẻ thù. Hoà bình nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta tất cả đều là con cái của cùng một Cha, là Đấng yêu thương chúng ta và an ủi chúng ta. Tôi hân hạnh viếng thăm vùng đất giầu lịch sử, văn hoá, đức tin, các người nam nữ đã cương quyết và kiên trì làm việc để khiến cho nó trở thành một nơi, trong đó ngự trị sự hoà hợp và tình huynh đệ, trong đó Tin Mừng được nhận biết và yêu mến, trong đó nói anh chị em không phải là một dấu chỉ xa lạ nhưng một kho tàng đích thực cần che chở và bênh vực. Thế giới ngày nay cần có các cố vấn của hoà bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được mời gọi cho nhiệm vụ này, để thăng tiến sự hoà giải với Chúa và với các anh em, nhưng cũng hoà giải với môi sinh, là một công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách rừng rú.

Ước chi chuyến viếng thăm này giống như một vòng tay ôm huynh đệ cho từng người trong anh chị em, và ước chi anh chị em cảm nhận được sự ủi an và hiền dịu của Chúa.

Anh chị em Colombia thân mến, tôi ước mong sống các ngày này với anh chị em với tâm hồn tươi vui, với lòng biết ơn Chúa. Tôi ôm anh chị em trong vòng tay với lòng trìu mến, và tôi xin Chúa chúc lành cho anh chị em, che chở đất nước của anh chị em và ban hoà bình cho nó. Và tôi xin Mẹ chúng ta là Trinh Nữ Thánh lo lắng cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.

** Như đã nói, ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Colombia. Vị đầu tiên là ĐGH Phaolo VI công du Colombia trong các ngày tử 22 tới 25 tháng 8 năm 1968. Đã có nhiều biến cố,trong đó ngoài các cuộc gặp gỡ theo nghi thức, đáng ghi nhớ là lễ truyền chức cho 200 Linh mục và Phó tế, thánh lễ cho nông dân, khánh thành Hội nghị khoáng đại của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM và làm phép trụ sở CELAM. Ngoài ra Đức Phaolô VI cũng đã gặp gỡ các vị đại diện các Giáo Hội Kitô và cộng đoàn Do thái.

Vị thứ hai là ĐGH Gioan Phaolô II công du Colombia trong các ngày từ mùng 1 tới mùng 8 tháng 7 năm  1986. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm các thành phố Bogota, Chiquinquirá, Cali, Tumaco, Popayan, Pereira, Chinchiná, Medellin, Armero, Lerida, Bucaramanga, Cartegena và Barranquilla. Đã có khoảng 30 biến cố trong đó có lễ nghi thánh hiến dân nước Colombia cho Đức Mẹ, các cuộc gặp gỡ với dân nghèo các khu xóm ổ chuột tại Bogota và Medellin, với Hội nghị các tu sĩ châu Mỹ Latinh, với các Giám Mục Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM, với các thổ dân, viếng mộ thánh Pietro Claver và sứ điệp gửi các tù nhân toàn nước qua Radio.

Vị  Giáo Hoàng thứ ba thăm Colombia  là ĐTC Phanxicô. Trong ngày đầu ĐTC sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính trị xã hội và HĐGM Colombia cũng như Ban thường vụ của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh gọi tắt là CELAM, rồi chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại Công viên Simon Bolivar trong thủ đô Bogotá.

Thứ sáu mùng 8 ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Villavicencio cách thủ đô Bogotà 94 cây số và chủ sự Thánh Lễ phong Chân Phước cho hai vị Tôi tớ Chúa là Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca, và Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận tại khu đất trống Catama bên ngoài thành phố Villavicencio. Vào ban chiều ĐTC sẽ chủ toạ cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia  và kính viếng Thánh Giá Hoà Giải tại công viên các vị lập quốc, nơi có bảng tổng kết số các nạn nhân bị bắt cóc, bị sát hại hay chết vì mìn chống người trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới năm 2016.

Thứ bẩy mùng 9 ĐTC sẽ đi thăm tổng giáo  phận Medellin cách thủ đô Bogotà 215 cây số, và sẽ chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Ban chiều ngài sẽ thăm các trẻ em tàn tật tại nhà gia đình Hogar San Jose truớc khi đến trung tâm Macarena để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh  và các gia đình của họ.

Chúa Nhật ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Cartagena, làm phép các viên đá xây nhà cho người không nhà và trung tâm Talita Kum lo cho các nạn nhân nạn buôn người. Buổi trưa ĐTC đọc kinh Truyền Tin gần nhà thờ thánh Pietro Claver thăm đền thánh. Vào ban chiều ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu trong khu vực hải cảng Contecar, trước khi từ giã Colombia để về Roma.

** Colombia rộng hơn 1 triệu 130 ngàn cây số vuông có hơn 48 triệu dân, 93.9% theo công giáo. Giáo Hội có 78 giáo phận, 4,397 giáo xứ và 2,769 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 128 Giám Mục, 7,236 Linh Mục giáo phận, 2,324 linh mục dòng, 593 Phó tế  vĩnh viễn, 3,416 đại chủng sinh, 1,058 tu huynh, 13,874 nữ tu, 369 thành viên các tu hội đời, 33,358 thừa sai giáo dân, 55.376 giáo lý viên. Tính bình quân mỗi linh mục phải trông coi khoảng hơn 4,700 giáo dân. Giáo Hội cũng có 4.167 trung tâm giáo dục tổng cộng có  gần 1.7 triệu học sinh sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điểu khiển 1,762 trung tâm bác ái xã hội.

Trước khi người Tây Ban Nha tới đô hộ, Colombia là vùng đất của thổ dân Muisca chuyên sống về nghề nông. Người thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân lên đất Colombia năm 1499 là ông Alonso de Ojeda. Thành phố đầu tiên được thành lập năm 1525 là Santa Marta. Tiếp theo đó là thành phố Cartagena năm 1533 và Santa Fe de Bogotà năm 1538.

Sau khi người Muisca bị thua trận vùng này được gọi là Vương quốc mới của Granada và tuỳ thuộc phó vương quốc Peru bao gồm nước Colombia hiện nay, Venezuela, Ecuador và Panamá. Trong các năm 1717-1739 Phó vương quốc Granada được thành lập, tách rời khỏi Phó vương quốc Perù.  Năm 1781 xảy ra cuộc nổi loạn đầu tiên chống người Tây Ban Nha tại miền bắc  Colombia, nhưng bị đàn áp đẫm máu. Tháng 8 năm 1819 người Tây Ban Nha thua trận tại Boyacá. Tháng 12 cùng năm Simón Bolivar anh hùng của nền độc lập tiến vào Bogota và thành lập cộng hoà Colombia vĩ đại. Nhưng tên gọi và cấu trúc như hiện nay đã chỉ có từ năm 1886.

Cuộc sống chính trị tại Colombia đã bị ghi dấu từ lâu đời bởi sự đụng độ giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ và từ thập niên 1960 Colombia đã lâm cảnh nội chiến giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia viết tắt là FARC và Quân đội giải phóng quốc gia viết tắt là ELN. Thêm vào đó còn có các nhóm dân quân cực hữu thuộc lực lượng Tự vệ thống nhất Colombia viết tắt là AUC, bị giải tán sau các thoả hiệp với chính quyền năm 2005.

Ngày 23 tháng 6 năm 2016 sau gần 4 năm thương thuyết và sau các thất bại hồi thập niên 1980 và 1990 thoả hiệp hoà bình đã được ký kết tại La Habana thủ đô Cuba, chấm dứt 52 năm nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng FARC.

Linh Tiến Khải

 

Đức Thánh Cha đến Colombia khởi đầu chuyến viếng thăm 5 ngày

Đức Thánh Cha đến Colombia khởi đầu chuyến viếng thăm 5 ngày

BOGOTÀ. Chiều thứ tư, 6-9-2017, ĐTC Phanxicô đã đến Bogotà, thủ đô Colombia, để viếng thăm nước này trong 5 ngày, khích lệ mọi thành phần dân chúng trong tiến trình hòa bình và hòa giải sau 53 năm nội chiến.

Bối cảnh hòa bình mong manh

1. Thực vậy, 2 ngày trước khi ĐTC lên đường, hôm 4-9, đã có một biến cố lịch sử đối với đối với Colombia: đó là chính phủ nước này đã ký hiệp định ngưng bắn song phương với nhóm phiến quân ”Quân đội giải phóng quốc gia”, gọi tắt là ELN. Hiệp định được ký tại Quito, thủ đô Ecuador, sau 7 tháng thương thuyết tại đây, và sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10 tới đây.

Lực lượng ELN được thành lập năm 1964 sau cuộc nổi dậy của giới nông dân và hiện còn ít nhất 1.500 chiến binh. Trong số những người theo lực lượng này bấy giờ cũng có hàng trăm LM, tu huynh và nữ tu, họ theo chủ nghĩa mác xít, say mê Cuba của Fidel Castro, nhưng dị ứng đối với giáo điều của Xô Viết.

Tổng thống Santos của Colombia cho biết Hiệp định ngưng bắn có tính chất tạm thời, cho đến ngày 12-1 năm tới, 2018, và có thể được gia hạn khi cuộc hòa đảm giữa hai bên được tiếp tục.

Tổng thống Santos đòi lực lượng ELN phải nhưng các vụ bắt cóc, các hoạt động khủng bố chống các cơ cấu hạ tầng dầu hỏa, ngưng sử dụng mìn chống người và chấm dứt việc tuyển mộ các trẻ vị thành niên.

2. 9 tháng trước khi ký hiệp định với nhóm du kích ELN, tức là hồi tháng 11 năm 2016, chính phủ Colombia đã ký hiệp định hòa bình với một tổ chức du kích đông đảo hơn, tên là FARC, lực lượng võ trang cách mạng Colombia, và chính thức kết thúc 53 năm xung đột võ trang làm cho hơn 250 ngàn người chết. Hành trình hậu chiến là một con đường cam go và còn rất nhiều khó khăn. Vì thế với chủ đề ”Chúng ta đi bước đầu”, cuộc viếng thăm của ĐTC muốn góp phần đẩy mạnh tiến trình hòa giải quốc gia Colombia.

Mặc dù đã có những hiệp định ngưng bắn và hòa bình được ký kết giữa chính phủ và hai nhóm phiến quân ở Colombia, nhưng thách đố hòa bình và hòa giải vẫn còn ở mức độ rất lớn. Nhiều người Colombia, kể cả các tín hữu Công Giáo và những người có khuynh hướng bảo thủ, chống lại ý tưởng các cựu du kích quân mác xít, đã từng gây ra bao nhiêu tội ác, nay được giảm án và thậm chí có thể tham gia chính trị như một đảng phái. Cả những người bị các nhóm bán quân sự cực hữu bách hại cũng lên tiếng bày tỏ lập trường tương tự.

Dân nước Colombia vẫn còn chia rẽ nhau về các hiệp định hòa bình và hiệp định ngưng bắn đã ký kết, và các GM Colombia đứng ở giữa lằn ranh giữa hai lập trường, đồng thời khuyến khích các giáo dân lên tiếng bày tỏ lập trường. Nhiều tín hữu Công giáo bảo thủ, cùng với những người Tin Lành, lập luận rằng, những hiệp định vừa nói có cả những điều khoản có hại cho gia trình truyền thống, điều mà những người ủng hộ hiệp định hòa bình phủ nhận.

Trong bối cảnh đó, Đức Ông Hector Fabio Henao, Giám đốc Caritas Colombia, nói với giới báo chí: ”Chúng tôi mong đợi ĐGH mang lại nhiều hy vọng. ĐTC đến đây giữa lúc vấn đề hòa giải là một thánh đố lớn nhất. Chúng tôi hy vọng sứ điệp của ngài đánh động tâm hồn của những người đã chịu đau khổ vì cuộc xung đột tại đây”.

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Colombia là ”Chúng ta hãy đi bước đầu”. Đức Cha Juan Carlos Cardenas Toro, GM phụ tá tổng giáo phận Cali, giải thích rằng ”Bước đầu này của ĐGH, bước ra khỏi máy bay để đến gần hơn với dân nước Colombia chịu đau khổ là điều mở ra cánh cửa hy vọng cho chúng tôi”.

Lên đường

Sáng thứ tư vừa qua, ĐTC đã rời nhà trọ Thánh Marta để ra phi trường Fiumicino đáp máy bay đi Colombia.

Chiếc Airbus A330 của hãng Alitalia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và hơn 70 ký giả quốc tế cất cánh lúc quá 11 giờ sáng và trực chỉ thủ đô Bogotà của Colombia.

Trên máy bay, ĐTC đã chào thăm các ký giả đồng hành và nói với họ: ”Đây là chuyến công du hơi đặc biệt, một chuyến du hành để giúp Colombia tiếp tục tiến bước trên con đường hòa bình. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện cho ý chỉ đó trong cuộc hành trình này. Cám ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em sẽ làm.. Tôi cũng muốn nói rằng chúng ta sẽ bay ngang không phận của Venezuela, tôi xin anh chị em cũng cầu nguyện cho nước này để cuộc đối thoại có thể thực hiện được, để Venezuela tìm lại được một sự ổn định tốt đẹp nhờ đối thoại với tất cả mọi người”.

Khi bay ngang không phận của Venezuela, ĐTC cho gửi điện nồng nhiệt chào mừng tổng thống Nicolás Maduro và nhân dân nước này. Ngài viết: ”Tôi cầu nguyện để mọi người dân ở Venezuela có thể thăng tiến con đường liên đới, công lý và hòa hợp, và tôi khẩn cầu ơn an bình trên tất cả anh chị em”.

Tiếp đón

Sau 12 tiếng rưỡi đồng hồ bay, máy bay chở ĐTC và đoàn đồng hành đã đáp xuống căn cứ không quân Catam thuộc phi trường thủ đô Bogotà vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Giờ Bogotà đi sau giờ Roma 7 tiếng đồng hồ.

Từ trên máy bay bước xuống, ĐTC đã được Tổng thống Juan Manuel Santos, cùng với phu nhân Maria Clemencia Rodriguez Munera nồng nhiệt tiếp đón, và hai em bé trong y phục cổ truyền đã tặng hoa cho ngài.

Hiện diện tại sân bay cũng có một số quan chức chính quyền dân sự và vài GM Colombia, cùng với đại diện các nhóm phiến quân Lực lượng võ trang cách mạng Colombia (FARC) và Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), sau cùng là 1 ngàn tín hữu, trong đó có một số chiến binh bị thương trong khi thi hành nghĩa vụ.

Như một cử chỉ cổ võ hòa bình và hòa giải, một thiếu niên tên là Emmanuel Rojas, đã trao cho ĐTC tượng một con chim bồ câu. Em sinh ra trong một trại du kích quân, mẹ em là bà Clara Rojas, một nhà chính trị Colombia bị phiến quân bắt cóc hồi năm 2002 và chỉ được trả tự do sau 6 năm bị giam giữ.

Nghi thức tiếp đón thật đơn sơ với phần giới thiệu thành phần của hai phái đoàn: chính phủ và Tòa Thánh, rồi ĐTC dùng xe mui trần đi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở trung tâm thủ đô.

Dọc đường suốt 15 cây số, hàng trăm ngàn người đã đứng hai bên để đón chào ĐTC. Càng gần Tòa Sứ thần Tòa Thánh, dân chúng càng đông, và tràn ra đường, khiến các nhân viên an ninh lo lắng. Đại sứ quán của Tòa Thánh tọa lạc ở khu vực Teusaquilo, nơi có trụ sở của nhiều bộ cũng như của Đại học Công Giáo và Viện quốc gia Colombia Truyền thanh và truyền hình. Đây là một trong những khu vực đông dân cư nhất ở thủ đô Bogotà. ĐTC qua 4 đêm tại đây trong những ngày viếng thăm, nên các giới chức liên hệ của chính quyền đã thiết lập 3 vòng đai an ninh, với 633 cảnh sát viên được bố trí.

Khi đến tòa sứ thần vào khoảng 6 giờ chiều giờ địa phương, ĐTC đã được một nhóm gần 1 ngàn tín hữu nồng nhiệt tiếp đón với những bài ca và điệu vũ truyền thống.

Phần lớn những người trẻ hiện diện là những người theo một chương trình cai nghiện ma túy thuộc Trung tâm bảo vệ trẻ em và người trẻ, gọi tắt là Idipron. ĐTC đã được đại diện các bạn trẻ trao tặng chiếc áo ruana màu trắng, một tấm áo poncho hai mảnh do các bạn trẻ ở Trung Tâm Idipron dệt. Ngoài ra cũng có một nhóm thuộc ”các gia đình lòng thương xót”, một hội gồm các giáo dân và linh mục chuyên hoạt động để giúp đỡ những người túng thiếu nhất.

Ứng khẩu trong dịp này, ngài nói với những người trẻ: ”Các con hãy tiếp tục tiến bước. Đừng để mình bị bị đánh bại, bị lường gạt, đừng đánh mất niềm vui, niềm hy vọng và nụ cười. Cả những trẻ em cũng có thể trở thành anh hùng”. Trước khi kết thúc, ĐTC mời gọi mọi người đọc kinh Kính Mừng và ban phép lành cho tất cả.

Vào đến nhà nguyện bên trong, ĐTC đã dâng hoa kính Đức Mẹ trước sự hiện diện của các nhân viên của tòa Sứ Thần.

G. Trần Đức Anh OP

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Phỏng vấn nhà văn Dominique Wolton về tư tưỏng của ĐTC Phanxicô

Ngày mùng 6 tháng 9  vủa qua nhà văn Dominique Wolton, người Pháp cho ra mắt cuốn sách tựa đề “Chinh trị và xã hội” liên quan tới tư tưởng của ĐTC Phanxicô. Cuốn sách là kết quả 12 lần gặp gỡ giữa nhà văn Wolton và Đức Phanxicô từ tháng 2 năm 2016 tới tháng hai năm 2017, cộng thêm 2 lần cùng ngồi lại để duyệt lại bản thảo cuốn sách với sự trợ giúp của ông Louis de Romanet thông dịch viên chuyên nghiệp. Cuốn sách đã được giới thiệu với ĐGH ngày 28 tháng 8 năm ngoái. Sách gồm 8 chương đề cập tới các vấn đề: chiến tranh và hoà bình; tôn giáo và chính trị; Âu châu và sự khác biệt văn hoá; văn hóa và truyền thông; sự khác biệt, thời gian và niềm vui; lòng thương xót; truyền thống; một số phận, và sách kết thúc với gương mặt của Đức Phanxicô. Các đề tài chú ý tới các vấn đề chính trị và xã hội của thời đại chúng ta. Sách do nhà xuất bản Đài quan sát do ông Muriel Beyer làm giám đốc phát hành, đã được nhật báo Le Figaro giới thiệu trong số ra ngày mùng 1 tháng 9.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn tác giả Dominique Wolton về cuốn sách này.

Hỏi: Thưa nhà văn Wolton, ý tưởng cho ra cuốn sách này đã đến từ đâu?

Đáp: Tôi là một người tìm tòi thông tin chính trị. Vì thế nên ảnh hưởng việc truyền thông của ĐTC Phanxicô đã khiến cho tôi ngạc nhiên ngay từ khi ngài xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng. Ngài đã lập tức dấy lên sự thiện cảm tổng quát; với một thứ từ vựng đơn sơ đồng thời dấn thân ngài đã gợi hứng cho việc chấp nhận tức khắc. Tôi đã trông thấy một người không đuợc biết đến, đi ra từ chỗ không, nhưng tìm ra các lời đúng đắn, và như vậy đã chứng minh cho thấy một khả năng truyền thông không thể tin được. Trên thế giới này có rất ít người  có thể làm được điều đó. Nếu Đức Gioan Phaolô II đã là một vị Giáo Hoàng của thế giới, thì Đức Phanxicô đã trở thành, trong ít giây, vị Giáo Hoàng của việc toàn cầu hoá. Điều hấp dẫn tôi còn là niềm vui và sự đơn sơ của ngài nữa: ngài không có gì là “duy truyền thống” của một Giáo Hội công giáo  đã luôn luôn được cảm nhận như là chính thức, nghiêm nghị, thê thảm hay không thể nào tới gần được. Ngài đã gần gũi với dân chúng. Trông thấy một vị lãnh đạo thế giới như thế, có khả năng nói ít lời với toàn thế giới, và nhất là làm cho người ta hiểu mình, đã khiến cho tôi có ý tưởng đề nghị với ngài một cuốn sách phỏng vấn để hiểu biết hơn con người của ngài.

Hỏi: Ông đã làm thế nào để thuyết phục ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi không phải là một chuyên viên về tôn giáo. Tôi đã chỉ có kinh nghiệm về cuốn sách phỏng vấn ĐHY Lustiger. Tôi đã quyết định vượt hàng rào bằng cách gửi cho ĐTC một điện thư với dự định của một cuốn sách gồm ba trang, phần mục lục và tiểu sử cuộc đời tôi. Nó đã giống như là vứt một cái chai có chứa đựng một sứ điệp vào lòng đại dương… Thế mà 3 tháng sau tôi đã nhận được một điện thư của Hội đồng nghiên cứu khoa học cho biết rằng ĐTC sẵn sàng tiếp tôi. Cho tới bây giờ tôi vẫn không tin được!

Hỏi: Cuộc gặp gỡ đầu tiên đã diễn ra khi nào thưa ông?

Đáp: Khi ĐTC bước vào căn phòng vô danh của nhà trọ Thánh Marta nhanh như một ánh  chớp chụp ảnh. Trước hết tôi bị đánh động bởi trông thấy chiếc áo trắng ngài mặc, rồi bởi sự dễ thương và lòng tốt trong cái nhìn của ngài. Tôi đã giữ khoảng cách của người nghiên cứu, nhưng tôi đã rúng động vì tính nhân bản của ĐTC. Tôi đã không biết các luật lệ tiếp kiến của Toà Thánh, và tôi cũng không biết sự kiện tiếp tôi có nghĩa là chấp nhận ý tưởng về cuốn sách hay không. Tôi đã tưởng tượng là chúng tôi sẽ nói chuyện về khả thể của dự tính. Vì thế tôi tự giới thiệu ngay, và nghĩ rằng ĐTC sẽ khảo xét tôi. Một chút sau thì thông dịch viên nói nhỏ vào tai tôi: “Tôi tin là ĐTC muốn chúng ta bắt đầu ngay…” Tôi đã không có gì với mình lúc đó, máy thu thanh và giấy bút, cũng như các câu hỏi. Các trường hợp của cuộc sống thật là vượt lên trên mọi phương pháp của chúng  ta. Tôi đã kéo chiếc smartphone của tôi từ trong túi ra để thu, và chúng tôi đã bắt đầu. Thiện cảm đã làm những gì còn lại…

Hỏi: Điều gì nơi ĐTC đã đánh động ông nhất?

Đáp: Chúng tôi không sống trong cùng không gian và thời gian. Một nhà khoa học có 4-5 thế kỷ của sự sâu sắc, còn ĐTC thì vượt biển thoải mái trên ba ngàn năm lịch sử. Tôi đã bị đánh động ngay lập tức bởi đức tin, niềm vui, lòng tốt, sự khiêm nhường và sáng suốt của ngài.  Nhưng liên quan tới bản tính nhân loại ngài không để cho mình bị lừa dối. Lại càng không để cho mình bị lừa dối liên quan tới các guồng máy quyền lực và thống trị… Ngài không phải là người ngô nghê, nhưng thường nói “Giáo Hội đã trông thấy biết bao chuyện như thế rồi”, nó không phải là một vấn đề. Trái lại Ngài ít khi quy chiếu Thiên Chúa. Ngài rất tiết kiệm trong việc dùng từ vựng tôn giáo. Trong sự kiện này thì ĐTC Phanxicô là một người “đời”. Có rất nhiều Giám Mục khi nói chuyện thích thú trong một loại “mứt thần học ý niệm”, điều này đặt để giáo dân đời như chúng tôi trong một tình trạng thấp kém hay phản loạn. ĐTC là một người bình thường, và thiên tài của ngài là ở chỗ đó. Có nhiều người nghĩ rằng càng tối tăm khó hiểu bao nhiêu, thì họ lại càng thông minh bấy nhiêu. Nhưng thật ra đâu có phải thế, không có tư tưởng mà không có sự trình bầy rõ ràng. Người ta càng thông minh bao nhiêu, thì lại càng rõ ràng bấy nhiêu. Và ĐTC Phanxicô thường rất trong sáng.

Hỏi: Ông bị ngài thu hút, có đúng thế không?

Đáp: Chúng tôi khác nhau biết bao, nhưng đồng thời lại gần gũi nhau. Tôi là một giáo dân, một giáo dân Pháp, học đại học, nghiên cứu công cộng… Tôi có nền văn hoá kitô, công giáo, nhưng tôi là người thờ ơ với tôn giáo. ĐTC Phanxicô có một chiều kích tinh thần có thể trông thấy nơi niềm vui và đức tin của ngài, nhưng cũng hoàn toàn là giáo dân trong kiểu hoạt động của ngài. Ngài có thể đối thoại một cách thanh thản với bất cứ ai. Ngài là một chính trị gia. Nhưng sự giao thoa thường hằng này giữa con người của đức tin và giáo dân đời đã hấp dẫn tôi.

Hỏi: Đức Phanxicô là một Giáo Hoàng đời?

Đáp: Ngài là một người phân biệt một cách tự phát giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Rõ ràng là có các ảnh hưởng đối với nhau, nhưng đối với ngài không có nối kết nào giữa quyền bính chính trị và quyền bính tôn giáo. Quyền bính chính trị không được dựa trên quyền bính tôn giáo. Quyền bính tôn giáo phải ở trong chỗ của mình. Và đây không chỉ liên quan tới luật tách biệt đạo đời ban hành năm 1905, già một thế kỷ rồi, mà là vấn đề chính của thế kỷ tới, nhất là đối  với Hồi giáo. Từ sự tách biệt các quyền bính này tuỳ thuộc nền hoà bình hay chiến tranh của ngày mai.

Hỏi: Thế giới đời không chờ đợi gì nơi Giáo Hội công giáo, cả khi nó ở tại chỗ của mình… có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Không có tính cách đời 100%. Có một sự không thông truyền giữa một người theo khuynh hướng đời và một người có tôn giáo. Và chúng tôi đã sống kinh nghiệm trong các cuộc phỏng vấn này. Người chủ truơng đời cũng như người có tôn giáo cả hai đều có lý. ĐTC Phanxicô ủng hộ một tính cách đời rộng mở cho các vấn đề tinh thần. Và người chủ trương đời chỉ có thể hiện hữu, vì có tôn giáo. Họ lấy hứng từ đó, cả khi họ không luôn luôn thừa nhận nó. Người ta có thể vô thần, nhưng thật là ngô nghê nghĩ rằng có thể huỷ bỏ các đề tài của tôn giáo. Bởi vì đề tài tôn giáo là đề tài siêu hình. Không con người nào có thể tránh thoát khỏi nó. Không ai có thể nói rằng mình không đặt vấn nạn liên quan tới mình là ai, đi đâu, và liên quan tới sự kiện một ngày kia mình sẽ chết.  Một vài người vô thần có thể nói rằng tôn giáo vô lý, nhưng sẽ không có ai tránh thoát được các câu hỏi nó đặt ra. Giải pháp là ở chỗ sống chung, trong đó mỗi người tôn trọng người khác.

Hỏi: Trong lãnh vực tư tưởng còn có điều gì đánh động ông nhất?

Đáp: Quan niệm quốc tế  của ngài về sự nghèo túng là một ám ảnh bởi các bất bình đẳng giữa miền bắc và miền nam bán cầu. Tôi còn nói rằng ngài tức giận, cả khi ngài tự kiềm chế.

Hỏi: Nhiều người nói rằng vị Giáo Hoàng này thiên tả…Ông nghĩ sao?

Đáp: Tiêu chuẩn phải trái không áp dụng cho vấn đề tôn giáo. Hay ít nhất chỉ một phần thôi. Dầu sao đi nữa, nó không đủ. Thiên tả, thiên hữu, có thật, có người thống trị, có kẻ bị trị, nhưng sức mạnh của tinh thần và của tôn giáo đó là chỉ cho thấy có các chiều kích khác. Giản lược các tôn giáo vào một tiếp cận khuynh tả khuynh hữu là một việc làm cho nghèo nàn đi, nguy hiểm đối với thế giới.

Hỏi: Tất cả những gì ông nói trong sách trên bình diện xã hội và chính trị có tương xứng với một lịch trình làm việc xã hội và dân chủ không?

Đáp:  Tôi sẽ nói rằng ngài khuynh hữu, vì nền đào tạo gần các tu sĩ dòng Tên Argentina. Ngài không có một nền đào tạo khuynh tả, nhưng đã mau chóng hiểu xã hội châu mỹ latinh. Sống gần gũi dân nghèo như vậy ngài đã nhìn về bên trái. Từ đó nỗi ám ảnh của ngài đối với người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Nhưng ngài không phải là người mác xít. Và rơi vào đó theo ngài là một sai lầm đối với Giáo Hội. Từ đó phát xuất ra cuộc tranh luận giữa nền thần học giải phóng và nền thần học của nhân dân. ĐTC không thích kiểu nói “thần học nhân dân”, nhưng ngài tìm một câu chú ý tới sự nổi loạn không thể tránh được của nhân dân châu Mỹ Latinh, mà không rơi vào chủ thuyết mác xít.

Hỏi: Nói cho cùng ông tin rằng đó là lập trường của ĐTC Phanxicô?

Đáp: Tôi nghĩ rằng ngài là người “vô kỷ luật!” Không thể khép kín ngài trong một phòng. Vị Giáo Hoàng này sống thoải mái giữa những người nghèo, những người bị khắc phục, những người bị loại trừ. Ngài yêu dân chúng. Ngài chỉ sống thoải mái giữa dân chúng. Ngài chỉ hạnh phúc khi tiếp xúc với các con người. Bài học lớn nhất mà tôi rút tiả được từ các cuộc gặp gỡ này đó là vị Giáo Hoàng này sống theo Tin Mừng. Ngài chỉ nói những gì tìm thấy trong Tin Mừng. Điều trao ban ý nghĩa cho cuộc sống của con người là những người nghèo, những người bị loại trừ, những người bị khuất phục. Những người giầu trong một cách thế nào đó luôn luôn thoát được hoàn cảnh này, nhưng họ sẽ không bao giờ hạnh phúc. Và ngài có một sức mạnh không thể tin được…

Hỏi: Tại Âu châu các lập trường của ĐTC liên quan tới sự rộng mở cho di cư bị người ta nhìn với đôi mắt xấu, có đúng thế không thưa ông?

Đáp: Trong 30 năm nữa người ta sẽ nói, thật may là Đức Phanxicô đã nói điều đó, nếu không các nền dân chủ của chúng ta sẽ phải chịu chiến tranh. Chúng ta ở trong một thế giới trong sáng. Các nước nghèo trông thấy những người chết trong biển Địa Trung Hải và sự thờ ơ của người giầu. Nếu không nói gì cả, nếu không làm gì cả, bạo lực sẽ kinh khủng. Vì thế ĐTC có lý hàng ngàn lần. Quý vị hãy nghĩ rằng đây là một trong các gương mù gương xấu lớn nhất của sự toàn cầu hoá. Các nước giầu đã tạo ra tình trạng này với các cuộc chiến, và chế độ tư bản rừng rú đã gia tốc tất cả điều đó trong 30 năm cuối cùng này. Ngày nay các nạn nhân kinh tế và chính trị của sự kiện này tìm tới các nước giầu dân chủ, và các nước này bảo họ đi đi. Sự giận dữ và tức bực mà ĐTC Phanxicô dấy lên có nghĩa là ngài đã đánh trúng trong dấu chỉ. Có sư thù ghét đối với điều ĐTC đã nói về người di cư. Nhưng sẽ không thể  ra khỏi đó với chính trị của con đà điểu dấu đầu trong cát để không trông thấy nguy hiểm. Vì thế ĐTC đã đóng góp một phục vụ vô biên cho nhân loại, khi nói với nhân loại điều mà không ai muốn nghe nói.

Hỏi: ĐTC Phanxicô có ý thức được  là cũng đã có một sự chống đối bên trong Giáo Hội công giáo hay không?

Đáp: Tôi đã không muốn đẩy mình đi xa hơn, bởi vì mục đích cuốn sách đã không phải là rơi vào trong các tranh luận của Giáo Hội công giáo. Đức Phanxicô, trái lại, bị ám ảnh bởi sự hiệp thông giữa tất cả mọi người trong Giáo Hội. Ngài rất lưu tâm tới dân kitô để không có các đổ bể. Ngài không phải là một con người của sự xung đột, một con người của sự đổ vỡ. Ngài muốn hiệp nhất, liên tục hiệp nhất. Liên quan tới các thù nghịch, các cuộc tính sổ, các tương quan sức mạnh bên trong Giáo Hội, tôi đã ngạc nhiên trông thấy rằng ngài không cho rằng cuộc sống của ngài tuỳ thuộc các vấn đề ấy. Ngài nhìn các sự việc một cách xa rộng, ngài tín thác nơi thời gian, với sự kiên nhẫn vô cùng, không nổi nóng, với một loại tin tưởng gây ấn tượng. Tôi đã không bao giờ thấy ngài hiếu chiến hay nổi cáu. Trái lại, như là người thơ ơ với tôn giáo tôi kinh ngạc khi trông thấy mức độ tin tưởng của ngài. Và như là người thờ ơ tôi có thể nói rằng, phải,  đức tin hiện hữu. Và điều này tiếp tục khiến cho tôi kinh ngạc. Tôi tôn trọng các cơ quan trung ương của Toà  Thánh, chẳng hạn có sự khôi hài, nhưng không có sự giận dữ. Thật là hiếm có, bởi vì vừa có được quyền bính là có bạo lực ngay.  Và khi người ta ở Roma thì đó là quyền bính quốc tế.

Hỏi: ĐTC đã có thi hành một việc kiểm duyệt hay không?

Đáp: Không có sự kiểm duyệt nào. Chắc chắn là có các điều ngài đã không nói trong cuộc nói chuyện, nhưng liên quan tới bản thảo thì đã không có gì bị lấy đi, cả các chuyện mà đối với tôi xem ra quá cá nhân đi nữa. Ngài đã chỉ lo lắng làm sao để không ai có thể nhận ra mình trong các thí dụ ngài đã đưa ra.

Hỏi: Không có đề tài cấm kỵ nào hay sao?

Đáp: Không có đề tài cấm kỵ nào! Khi tôi nói với ngài là tôi đã quên hỏi ngài về các phụ nữ, ngài đã cười, và chúng tôi đã bắt đầu nói về nữ giới.

(Oss.Rom. 2-9-2017)

Linh Tiến Khải

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

Cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Colombia

ROMA. Chiều tối ngày 5-9-2017, ĐTC Phanxicô đã đến cầu nguyện tại Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma để xin ơn phù trợ của Đức Mẹ trước cuộc viếng thăm ngài thực hiện từ 6 đến hết 10-9-2017 tại Colombia.

ĐTC đã cầu nguyện và dâng hoa trên bàn thờ có ảnh Đức Mẹ là Phần Rỗi của dân Roma. Đây là lần thứ 51 ngài thực hiện cử chỉ này, kể từ sáng ngày 14-3 năm 2013 tức là hôm sau ngày ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Thói quen này ngài vẫn giữ trước và sau mỗi biến cố quan trọng.

Theo dự kiến, ĐTC sẽ trở lại Đền Thờ Đức Bà Cả trưa ngày 12-9 tới đây sau khi từ Colombia về Roma, để cảm tạ Đức Mẹ vì chuyến viếng thăm.

Cầu nguyện tại Bogotà

Cũng liên quan đến cuộc viếng thăm của ĐTC: tối ngày 5-9-2017, hơn 100 bạn trẻ Công Giáo đã tụ tập tại trung tâm thủ đô Bogotà để cầu nguyện cho cuộc viếng thăm của ngài.

Trong khi đó một hình khổng lồ của ĐGH được làm bằng những ngòn đèn Led trên mặt tiền của một nhà chọc trời gần đó.

Ký giả hãng thông tấn EFE của Tây Ban nha ở Bogotà kể lại rằng bầu không khí chờ đợi ĐTC Phanxicô đến đây được người ta cảm thấy ở mọi góc đường phố thủ đô.

Anh Andre Garzón, một trong các tham dự viên nói: ”chúng tôi cầu nguyện theo những đề tài chính sẽ được ĐTC đề cập tới trong các bài diễn văn, đó là, gia đình, sự sống, hòa giải, ơn gọi linh mục tu sĩ, và các quyền con người. Các đề tài đó và toàn thể các buổi lễ diễn ra trong thời điểm lịch sử hiện nay của đất nước Colombia, trong đó tất cả người dân Colombia cần tái gặp gỡ Chúa Kitô và canh tân đức tin”.

ĐTC giã từ Roma khoảng 11 giờ ngày 6-9 và dự kiến tại Bogotà lúc 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương, sau chuyến bay dài 12 giờ 30 phút, vượt qua không gian 9.825 cây số (REI, EFE 5-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

Sứ điệp Video của Đức Thánh Cha gửi nhân dân Colombia

VATICAN. ĐTC kêu gọi nhân dân Colombia trở thành những người xây dựng hòa bình và hòa giải, đi bước đầu trong việc bắc những nhịp cầu và kiến tạo tình huynh đệ.

Lời kêu gọi trên đây được ĐTC đưa ra trong sứ điệp Video gửi toàn dân Colombia phổ biến hôm 4-9-2017, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ngài tại nước này từ ngày mai, mùng 6 đến hết mùng 10-9 tới đây.

Sau khi cám ơn tổng thống, các GM và mọi người đã tích cực góp phần vào việc chuẩn bị chuyến viếng thăm, ĐTC nhắc đến chủ đề cuộc tông du của ngài là ”Chúng ta hãy đi bước đầu” và nhận xét rằng:

”Chủ đề này nhắc nhở chúng ta luôn luôn cần đi bước đầu trong bất kỳ hoạt động và dự phóng nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta trở thành những người đầu tiên yêu mến, bắc cầu và xây dựng tình huynh đệ. Đi bước đầu khích lệ chúng ta hãy đi ra gặp gỡ tha nhân, giơ tay và trao đổi dấu chỉ hòa bình. Hòa bình là điều mà Colombia hoạt động từ lâu để đạt tới. Một nền hòa bình ổn định, lâu bền, để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh chị em, chứ không phải như kẻ thù. Hòa bình nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta là con cái của cùng Cha, Đấng yêu thương và an ủi chúng ta”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng ”Thế giới ngày nay đang cần những vị cố vấn hòa bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được kêu gọi thi hành nghĩa vụ này, để thăng tiến hòa giải với Chúa và với anh chị em, và cả sự hòa giải với môi trường là một công trình sáng tạo của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách bừa bãi”.

”Ước gì cuộc viếng thăm này là một vòng tay ôm huynh đệ đối với mỗi người trong anh chị em và họ cảm thấy niềm an ủi và dịu dàng của Chúa”.

Hôm 31-8-2017, Đức Ông Fabio Suescún Mutis, trưởng ban tổ chức chuyến viếng thăm của ĐTC tại Colombia, đã tuyên bố với báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh rằng: ”Colombia đã sẵn sàng đón tiếp ĐTC Phanxicô. Tôi rất vui mừng có thể nói các thành phố liên hệ đã hoàn tất các khía cạnh tổ chức và chỉ còn thiếu vài chi tiết nhỏ. Đối với chúng tôi đây là thời điểm hồng phúc làm cho chúng tôi mơ ước có thể biến đổi sâu rộng đất nước của chúng tôi và đi bước đầu tiến về tương lai. ĐTC là một nhà thừa sai về hòa giải và chúng tôi đang chuẩn bị cởi mở tâm hồn. Sự hiện diện của ngài sẽ giúp chúng tôi khám phá rằng chúng tôi có thể đoàn kết với nhau như một quốc gia và tái nhìn nhau với đôi mắt hy vọng và từ bi thương xót”. (Rei 4-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

Đức Thánh Cha tiếp phái đoàn lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng 2-9-2017), dành cho 20 vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc, ĐTC đề cao tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trước nhiều thách đố xã hội.

Đức Cha Kim Hỷ Trung (Kim Hee-jong), TGM giáo phận Quang Châu, Chủ tịch HĐGM Hà Quốc, đã đại diện mọi người chào mừng ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến tuyên ngôn Nostra Aetate của Công Đồng chung Vatican 2, qua đó ”Giáo hội khuyến khích các con cái mình, với sự thận trọng và bác ái ..] nhìn nhận, bảo tồn và làm thăng tiến các giá trị tinh thần, luân lý và xã hội nơi họ” (n.2). Thực vậy, đối thoại liên tôn gồm những tiếp xúc, gặp gỡ và cộng tác, đó là một công tác quí giá và làm đẹp lòng Thiên Chúa, một thác đố nhắm thiện ích chung và hòa bình”.

ĐTC nhắc đến hai điều kiện để thực thi đối thoại liên tôn là cởi mở và tôn trọng nhau. Cởi mở là nồng nhiệt và chân thành; tôn trọng nhau vừa là điều kiện và củng là mục đích của đối thoại liên tôn: thực vậy, chính khi tôn trọng quyền sống, sự toàn vẹn thể lý và các quyền tự do căn bản như tự do lương tâm, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và ngôn luận mà người ta đặt nền tảng cho việc xây dựng hòa bình mà mỗi ngừơi chúng ta đều được kêu gọi cầu nguyện và hành động”.

ĐTC cũng nói với các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc rằng ”Thế giới đang nhìn chúng ta, và khuyến khích chúng ta cộng tác với nhau và với mọi người thiện chí. Họ yêu cầu chúng ta những câu trả lời và dấn thân chung về những vấn đề khác nhau như phẩm giá thánh thiêng của con người, nạn nghèo đói mà quá nhiều dân tộc phải chịu, sự từ khước bạo lực, đặc biệt là bạo lực người ta phạm xúc phạm đến danh Thiên Chúa và lòng đạo đức của con ngươi, nạn tham ô nuôi dưỡng bất công, sự suy thoái luân lý, khủng hoảng gia đình, kinh tế, môi sinh và sau cùng là làm băng hoại cả niềm hy vọng”.

Sau cùng, ĐTC khích lệ các vị lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc hoạt động, đồng hành với những tiến trình mang lại sự thiện và hòa giải cho tất cả mọi người. Ngài nói: Chúng ta được kêu gọi trở thanh những người công bố hòa bình, loan báo và thể hiện một lối sống bất bạo động, bằng những lời nói tránh gây sợ hãi và bằng những cử chỉ chống lại những lời cổ võ oán thù”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sir của HĐGM Ý trước khi lên đường về Roma, Đức TGM Kim Hỷ Trung cho biết phái đoàn các vị lãnh đạo tôn giáo xin ĐGH cầu nguyện cho dân tộc Hàn quốc và trợ giúp để đạt tới sự thống nhất hai miền Bán đảo Triều Tiên.

ĐGH Phanxicô đã từng gặp các vị lãnh đạo tôn giáo của Hàn Quốc trong cuộc viếng thăm của ngài tại đây hồi trung tuần tháng 8 năm 2014 (Rei 2-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana

Sứ điệp Đức Thánh Cha ngày Tòa Thánh tại Expo 2017 ở Astana

ASTANA. ĐTC Phanxicô cổ võ việc sử dụng năng lượng trong tinh thần liên đới và trách nhiệm, và ngài mời gọi các tôn giáo cộng tác vào công cuộc này.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Ngày Tòa Thánh cử hành lúc 3 giờ chiều ngày 2-9-2017, tại Căn nhà của Tòa Thánh ở cuộc triển lãm Expo 2017 tại Astana thủ đô Kazachstan, về chủ đề ”Năng lượng tương lai”, trước sự hiện diện của Ông Kassym-Jomart Tokayev, Chủ tịch Thượng viện Kazachstan, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, Đức Cha Tomasz Peta, TGM giáo phận Astana sở tại, cùng với nhiều quan khách quốc tế.

Trong sứ điệp trong dịp này, ĐTC khẳng định rằng ”Chúng ta phải làm sao để năng lượng phục vụ điều làm cho chúng ta tốt đẹp hơn, những gì làm cho nhân loại chúng ta triển nở và mang lại thành quả. Nhân loại, tự bản chất hướng về tương quan với tha nhân, hướng về tình liên đới và tình thương”.

ĐTC cũng cảnh giác rằng ”Không được bỏ mặc các nguồn năng lượng cho những kẻ đầu cơ, và không trở thành nguồn tạo ra xung đột. Để đạt tới mục đích đó, cần có đối thoại chân thành và rộng rãi, ở mọi cấp độ, giữa các tầng lớp khác nhau trong các xã hội chúng ta. ”Năng lượng tương lai” không phải chỉ là công việc của các nhà nghiên cứu, các kỹ thuật gia hoặc các nhà đầu tư, nhưng còn là công tác của giới văn hóa, chính trị, giáo dục và tôn giáo. Trong mục đích này, ĐTC đặc biệt cổ võ sự đối thoại và cộng tác giữa các tôn giáo.. Điều quan trọng là mỗi người khám phá trong tín ngưỡng của mình, những động lực và các nguyên tắc làm cho sự dân của tín hữu có thể thực hiện được và có can đảm cải tiến, kiên trì và sống với nhau, sống tình huynh đệ”.

Căn nhà của Tòa Thánh ở Expo 2017 mang chủ đề ”Năng lượng phục vụ công ích: chăm sóc căn nhà chung của chúng ta”

ĐHY Turkson là Ủy viên về Căn nhà của Tòa Thánh tại cuộc triển lãm này. Ngài hướng dẫn phái đoàn Tòa Thánh đến Astana từ ngày 31-8 đến 4-9-2017. Cùng thuộc phái đoàn Tòa Thánh Đức TGM Francis Chullikatt, người Ấn độ, sứ thần Tòa Thánh tại Kazachstan, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và như một số nhân viên của Bộ Phát triển nhân bản toàn diện. (Rei 2-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện bảo tồn môi sinh

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày cầu nguyện bảo tồn môi sinh

VATICAN. ĐTC và Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople kêu gọi các tín hữu thay đổi quan niệm về thế giới và lối sống để dấn thân bảo tồn thiên nhiên.

Hai vị Giáo Chủ đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp chung nhân ngày Thế Giới cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên, lần thứ 3 cử hành hôm qua, 1-9.

Sau khi nhắc đến việc Thiên Chúa mời gọi nhân loại cộng tác với Chúa trong việc gìn giữ và bảo tồn môi trường thiên nhiên (Xc St 2,5), ĐTC và Đức Thượng Phụ Bartolomaios tố giác xu hướng của con người ngày nay phá vỡ hệ thống môi sinh tế nhị và quân bình của thế giới, ước muốn vô độ lèo lái và kiểm soát tài nguyên có giới hạn của trái đất, lòng ham hố thủ lợi vô hạn từ thị trường: tất cả những điều đó đã làm cho chúng ta xa lạ với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo thế giới. Sứ điệp có đoạn viết:

”Chúng ta không còn tôn trọng thiên nhiên như hồng ân được ban cho mọi người; trái lại chúng ta coi nó như một sở hữu riêng. Chúng ta không còn tương quan với thiên nhiên để nâng đỡ nó; trái lại chúng ta thống trị trên thiên nhiên để nuôi dưỡng các cơ cấu của chúng ta”.

”Hậu quả của những thái độ trên đây thực là bi thảm và kéo dài. Môi trường con người và thiên nhiên đang cùng nhau suy thoái, và sự suy thoái của trái đất đè nặng trên những người dễ bị tổn thương nhất. Ảnh hưởng của những thay đổi khí hậu tác động nhiều nhất trên những người sống nghèo nàn ở mọi góc trời”.

Trước tình trạng trên đây, ĐTC và Đức Thượng Phụ Bartolomaios mời gọi mọi người trong ngày 1-9 này dành thời gian để cầu nguyện cho môi trường, cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân thiên nhiên tuyệt vời và dấn thân bảo tồn nó để mưu ích cho các thế hệ tương lai.. Một mục tiêu của ngày cầu nguyện này là thay đổi quan niệm và tương quan của chúng ta về thế giới.. can đảm chấp nhận một lối sống đơn sơ và có tinh thần liên đới nhiều hơn”.

Hai vị Giáo Chủ tha thiết kêu gọi những người đang giữ vị trí quan trọng trong lãnh vực xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa hãy lắng nghe tiếng kêu của trái đất và chú ý đến nhu cầu của những người bị gạt ra ngoài lề, và nhất là đáp lại tiếng khẩn xin của bao nhiêu người, hỗ trợ sự đồng thuận chung, để chữa lành thiên nhiên bị tổn thương.

Hai vị nói: ”Chúng tôi xác tín rằng không thể có giải pháp chân thực và lâu bền cho thách đố khủng hoảng môi trường và những thay đổi khí hậu nếu không có một câu trả lời có phối hợp và tập thể, nếu không có một trách nhiệm chung và có thể ý thức về những điều đã làm, và nếu không dành ưu tiên cho tình liên đới và phục vụ” (Rei 1-9-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

Đức Thánh Cha sẽ thăm Myanmar và Bangladesh

VATICAN. Phòng báo chí tòa thánh chính thức thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Myanmar và Bangladesh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm nay.

”Nhận lời mời của các vị Quốc trưởng và các Giám Mục liên hệ, ĐTC Phanxicô sẽ thực hiện một cuộc tông du tại Myanmar từ ngày 27 đến 30-11, viếng thăm các thành phố Yangon và Nay Pyi Taw, rồi tại Bangladesh từ ngày 30-11 đến 2-12-2017, viếng thăm thành phố Dhaka.

Chương trình chuyến viếng thăm sẽ được công bố trong thời gian tới đây.

Cùng với thông cáo trên đây, Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chủ đề và 2 huy hiệu của cuộc viếng thăm.

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh là ”Hòa hợp và Hòa bình” (Harmony and Peace [tiếng Anh] và Shomprity & Shanti [tiếng Bangla].

Thực tại và khát vọng Hòa hợp giữa các tôn giáo, văn hóa, dân tộc, xã hội, lịch sử, gia sản và các truyền thống ở Bangladesh.

Thực tại hòa bình được cảm nghiệm cũng như được khát mong trong tương lai, với một viễn tượng sự phát triển nhân bản toàn diện và tinh thần tại Bangladesh.

Huy hiệu (Logo) chuyến viếng thăm của ĐTC tại Bangladesh có hình con chim hòa bình, tượng trưng ĐTC Phanxicô vị sứ giả hòa hợp và hòa bình.

Thánh giá và Shapla: Thánh giá tượng trưng sự hiện diện của Chúa Kitô và tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Các dân tộc Bangladesh thuộc nhiều văn hóa và tôn giáo đang sống với nhau trong tinh thần hòa hợp dựa trên mối liên hệ chung, được diễn tả bằng bông hoa quốc gia Shpala. Nó cũng tượng trưng sự sống và hy vọng, đồng thời cho thấy niềm tin của chúng ta rất sinh động, dù rằng chúng ta là thiểu số.

Mầu của huy hiệu: xanh lá cây, đỏ và vàng là những màu cờ quốc gia Bangladesh và Vatican. Sự liên kết các mầu này tượng trưng sự đoàn kết và tình hữu nghị giữa Vatican và Bangladesh. Vatican là một trong những nước đầu tiên nhìn nhận nền độc lập của Bangladesh hồ năm 1971. Màu xanh dương trong chữ viết diễn tả biểu tượng hòa bình và nước trong của các sông ngòi ở Bangladesh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Myanmar

VATICAN. Hình huy hiệu là một trái tim. Căn bản chung của Kitô giáo và Phật giáo là Tình yêu. Chính ý niệm này tạo nên sự tôn trọng và đón nhận nhau giữa các tín hữu Kitô và Phật tử.

Sợi dây làm thành hình trái tim là hai lá cờ: cờ Vatican màu vàng và trắng, màu cờ Myanmar màu vàng, xanh trái cây và đỏ.

Bản đồ Myanmar màu được vẽ màu với một cầu vồng. Nó nói lên sự đa chủng tộc tại Myanmar: nước này có 8 bộ tộc chính và 135 nhóm chủng tộc với những ngôn ngữ, thổ âm và văn hóa khác nhau.

Hình Đức Thánh Cha với một chim bồ câu có ý nói ĐTC là sứ giả hòa bình.

”Yêu thương và Hòa bình”, đó là khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC. Hòa Bình Kitô dựa trên Tình Yêu. Không thể có hòa mình mà không có tình yêu. Tình Yêu mà dân tộc Myanmar yêu chuộng nhất, sẽ dọnđ ường cho hòa bình. Cuộc viếng thăm của ĐTC là để cổ võ Tình Thương và Hòa bình tại Myanmar.

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tuần lễ phụng vụ Italia

VATICAN. ĐTC kêu gọi các chuyên gia phụng vụ và Trung Tâm hoạt động phụng vụ ở Italia giúp đỡ các thành phần dân Chúa để phụng vụ trở thành tột đỉnh sinh động của Giáo Hội.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 24-8-2017, dành cho 800 tham dự viên Tuần lễ Phụng Vụ toàn quốc Italia thứ 68 về chủ đề ”Một phụng vụ sinh động cho một Giáo Hội sinh động”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC mời gọi các tín hữu ý thức yếu tố cơ bản, theo đó Phụng vụ sống động trước tiên nhờ sự hiện diện sinh động của ”Đấng đã phá hủy sự chết và sống lại để ban cho chúng ta sự sống mới” (Kinh tiền tụng Phục Sinh I). Cũng như nếu không có nhịp tim đập thì không có sự sống con người, cũng thế không có hoạt động phụng vụ nếu không có trái tim đập là Chúa Kitô”.

Sau khi nhắc đến công trình cải tổ phụng vụ của Công đồng chung Vatican 2, ĐTC nhắc nhở cho các nhà phụng vụ rằng phụng vụ chính là cuộc sống của toàn dân trong Giáo Hội. Tự bản chất, phụng vụ là ”nhân dân” chứ không phải là giáo sĩ, là một hoạt động cho dân, và cũng là của dân. Giáo Hội cầu nguyện thu thập tất cả những người quan tâm lắng nghe Tin Mừng, và không gạt bỏ một ai: người lớn cũng như người nhỏ, người giàu cũng như người nghèo, trẻ em và người già, người lành mạnh cũng như người đau yếu, người công chính và người tội lỗi.

Phụng vụ là sự sống chứ không phải là một ý tưởng để hiểu. Phụng vụ giúp sống kinh nghiệm khởi đầu, kinh nghiệm biến đổi cách thức tư duy và cư xử, chứ không phải để làm giàu kiến thức về Thiên Chúa”.

Và ĐTC xin các nhà phụng vụ hãy giúp các thừa tác viên thánh chức, cũng như các thừa tác viên khác, các ca viên, nghệ sĩ, nhạc sĩ, cộng tác để phụng vụ trở thành ”nguồn mạch và tột đỉnh sức sinh động của Giáo Hội” (Xc SC 10) (Rei 24-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Thiên Chúa là Cha, Đấng đổi mới mọi sự

Thiên Chúa là Cha, Đấng đổi mới mọi sự

** Niềm hy vọng kitô dựa trên lòng tin nơi Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn luôn tạo dựng các sự mới mẻ trong cuộc sống con người, trong lịch sử và trong vũ trụ. Đấng luôn luôn lo lắng cho con người, muốn cho con người đuợc hạnh phúc và khóc các giọt nước mắt của lòng thương xót và hiền dịu vô biên đối với các con cái mà Ngài giang tay chờ đón trong thành Giêrusalem thiên quốc.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung tại đại thính đường Phaolô VI sáng thứ tư hôm qua.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa văn bản trích từ chương 21  sách Khải Huyền, viết rằng: “Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự." Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật." Người lại phán với tôi: "Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta” (Kh 21,5-7).

ĐTC nói: Chúng ta vừa mới nghe Lời Chúa trong sách Khải Huyền nói rằng: “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Niềm hy vọng kitô dựa trên lòng tin nơi Thiên Chúa là Đấng luôn luôn tạo dựng sự mới mẻ trong cuộc sống con người, tạo dựng sự mới mẻ trong lịch sử và tạo dựng sự mới mẻ trong vũ trụ. Thiên Chúa của chứng ta là Thiên Chúa tạo dựng sự mới mẻ, bởi vì Ngài là Thiên Chúa của các ngạc nhiên. Mới mẻ và ngạc nhiên. ĐTC giải thích thêm:

Thật không phải là kitô bước đi với cái nhìn hướng về phía dưới – như các con heo làm: chúng luôn luôn đi như vậy –  mà không ngẩng mắt nhìn chân trời. Làm như thể tất cả con đường của chúng ta tắt ngấm ở đây, trong vài mét của cuộc du hành, làm như thể trong cuộc sống chúng ta không có mục đích nào và không có bến đậu nào, và chúng ta bị bắt buộc lang thang vô tận, không có lý do nào đối với biết bao mệt nhọc của mình. Điều này không phải là kitô.

** Các trang cuối cùng của Thánh Kinh cho chúng ta thấy chân trời cuối cùng của con đường của tín hữu: đó là thành Giêrusalem trên trời, thành Giêrusalem thiên quốc. Nó được tưởng tượng như là một ngôi lều mênh mông, nơi Thiên Chúa sẽ tiếp đón tất cả mọi người để vĩnh viễn ở với họ (Kh 21,3). Đấy là niềm hy vọng của chúng ta.

Và Thiên Chúa sẽ làm gì, khi sau cùng chúng ta sẽ ở với Ngài? Ngài sẽ dùng sự dịu hiền vô tận đối với chúng ta như một người cha tiếp đón các con của mình đã vất vả khổ đau lâu dài. Thánh Gioan nói tiên tri trong sách Khải Huyền như sau: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại… Thiên Chúa sẽ làm gì? Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất… Này đây Ta đổi mới mọi sự" (Kh 21,3-4). Thiên Chúa của sự mới mẻ.

Anh chị em hãy thử suy gẫm văn bản này của Thánh Kinh không phải một cách trừu tượng, nhưng sau khi đã đọc một tin tức thời sự, sau khi xem tin tức trên đài truyền hình hay trang nhất của các nhật báo, nơi có biết bao thảm cảnh, nơi người ta đưa các tin buồn khiến cho chúng ta có nguy cơ quen thuộc với chúng. Tôi đã chào vài anh chị em đến từ Barcelona: biết bao tin buồn đến từ đó! Tôi đã chào vài người đến từ Congo, và có biết bao tin buốn đến từ đó! Và có biết bao nhiêu là tin buồn khác! Để chỉ nói lên hai tin từ các anh chị em ở đây…Anh chị em hãy thử nghĩ tới gương mặt của các trẻ em sợ hãi vì chiến tranh, tới tiếng khóc của các bà mẹ, tới các giấc mơ bị gẫy vụn của biết bao nhiêu người trẻ, tới các người tỵ nạn phải đương đầu với các cuộc hành trình kinh khủng, và họ bị khai thác bóc lột hai lần… Rất tiếc cuộc sống cũng là như thế. Đôi khi lại muốn nói rằng cuộc sống nhất là như vậy. Có lẽ thế. Nhưng có một Ngưởi Cha khóc với chúng ta: có một Người Cha khóc các giọt nước mắt của lòng thương xót vô biên đối với các con cái Ngài. Chúng ta có một Người Cha biết khóc, khóc với chúng ta.

Một người Cha chờ đợi chúng ta để an ủi chúng ta, bởi vì Ngài hiểu biết  các khổ đau của chúng ta và đã chuẩn bị cho chúng ta một tương lai khác. Đó là quan điểm vĩ đại của niềm hy vọng kitô, nở rộng trên mọi ngày sống của chúng ta và muốn nâng chúng ta dậy.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Thiên Chúa đã không muốn các cuộc sống của chúng ta vì sai lầm, bằng cách bắt buộc chính Ngài và chúng ta phải sống các đêm đen của âu lo. Trái lại Ngài đã tạo dựng chúng ta vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Ngài là Cha chúng ta, và nếu chúng ta ở đây, bây giờ sống kinh nghiệm một cuộc sống không phải là cuộc sống mà Ngài đã muốn cho chúng ta, thì Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng chính Thiên Chúa đang thực thi việc cứu chuộc của Ngài. Ngài làm việc để cứu chuộc chúng ta. ĐTC giải thích thêm điểm này như sau:

** Chúng ta tin và biết rằng cái chết và thù hận không phải là các tiếng nói sau cùng được đọc lên trên parabol cuộc sống là người của chúng ta. Là kitô hữu bao gồm một viễn tượng mới mẻ: một cái nhìn tràn đầy hy vọng. Có ai đó tin rằng cuộc sống giữ lại mọi hạnh phúc của nó trong tuổi thanh xuân và trong quá khứ, và sống là một rơi rụng từ từ. Người khác nữa thì cho rằng các niềm vui của chúng ta chỉ là các điều có thời có lúc, mau qua, và trong cuộc sống con người có khắc ghi sự vô nghĩa. Những người mà trước biết bao tai ương nói: “Cuôc sống không có ý nghĩa. Con đường của chúng ta là một vô nghĩa.” Nhưng là kitô hữu chúng ta không tin điều đó. Trái lại chúng ta tin rằng ở chân trời của con người có một mặt trời chiếu sáng luôn mãi. Chúng ta tin rằng các ngày sống tươi đẹp hơn của chúng ta còn phải tới. Chúng ta là người của mùa xuân hơn là của mùa thu.

Bây giờ tôi thích hỏi anh chị em điều này – mỗi người hãy tự trả lời trong con tim của mình, trong thinh lặng, nhưng hãy trả lời: “Tôi là một người nam, một phụ nữ, một thanh niên, một thiếu nữ của mùa xuân hay của mùa thu? Linh hồn tôi đang ở trong mùa xuân hay trong mùa thu? Mỗi người hãy tự trả lời đi.  Chúng ta nhận ra các mầm giống của một thế giới mới hơn là các lá vàng úa trên cành. Chúng ta không ru ngủ mình trong các nhớ nhung, tiếc nuối và than thở: chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn cho chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp của một lời hứa, và là những người không mỏi mệt vun trồng các giấc mơ. Xin anh chị em đừng quên câu hỏi này: “Tôi là một người của mùa xuân hay của mùa thu? Của mùa xuân đang chờ đọi hoa, đang chờ đợi quả, đang chờ đợi mặt trời là Chúa Giêsu, hay của mùa thu luôn luôn với gương mặt cúi gầm xuống dưới đất, cay đắng và như nhiều lần tôi đã nói, với gương mặt của các trái ớt ngâm giấm, đúng không? Vậy đó…

Kitô hữu biết rằng Nước Thiên Chúa và quyền bính tình yêu thương của Ngài đang lớn lên như một cánh đồng lúa, cả khi có có lùng ở giữa. Luôn luôn có các vấn đề, có các bép xép, có các chiến tranh, có các bệnh tật… có các vấn đề. Nhưng hạt lúa lớn lên và sau cùng sự dữ sẽ bị loại trừ. Tương lại không tuỳ thuộc chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô là ơn cao cả nhất  của sự sống: là vòng tay ôm của Thiên Chúa, Đấng chờ đợi chúng ta ở cuối đường, nhưng giờ đây Ngài đồng hành với chúng ta và an ủi chúng ta trên đường đời. Ngài dẫn đưa chúng ta tới ngôi lều vĩ đại của Thiên Chúa với con người (x. Kh 21,3), với biết bao nhiêu các anh chị em khác, và chúng ta sẽ đem tới cho Thiên Chúa kỷ niệm của các ngày sống trên trần gian này.

Và sẽ thật là đẹp khám phá ra trong lúc đó rằng đã không có gì bị mất cả, không có gì bị mất, kể cả một giọt nước mắt: không có gì bị mất, không nụ cười nào và không giọt nước mắt nào bị mất cả. Cho dù cuôc đời chúng ta có dài đi nữa, xem ra nó đã chỉ được sống trong một hơi thở.  Và cuộc tạo dựng đã không ngừng lại ở ngày thứ sáu của sách Sáng Thế, việc tạo dựng đã không kết thúc vào ngày thứ sáu, nhưng đã kéo dài không mệt mỏi, bởi vì Thiên Chúa đã luôn luôn lo lắng cho chúng ta. Cho tới ngày trong đó mọi sự sẽ hoàn tất, trong buổi sáng trong đó các giọt nước mắt sẽ ngưng, trong chính khoảnh khắc, trong đó Thiên Chúa sẽ nói lên lời cuối cùng của phúc lành: “Này đây Ta canh tân mọi sự” (c. 5). Phải, Cha của chúng ta là Thiên Chúa của các sự mới mẻ, và Thiên Chúa của các ngạc nhiên. Và ngày đó chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc, và chúng ta sẽ khóc? Phải, nhưng chúng ta sẽ khóc vì vui sướng.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau đến từ các nước nói tiếng Pháp, cũng như từ Anh quốc, Ấn Độ, Việt Nam, đặc biệt đoàn hành hương của cộng đoàn quốc tế Cardjin (Cardein) nhân kỷ niệm 50 năm ngày ĐHY Joseph Cardjin qua đời. Ngài cầu chúc mọi người quảng đại phục vụ Tin Mừng và làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói trong các ngày này chúng ta chiêm ngưỡng Mẹ Maria Nữ Vương trên trời. Chúng ta hãy phó thác cuộc sống cho Mẹ để khi kết thúc con đường trần gian chúng ta cũng đạt đích quê trời như Mẹ.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC nhắc tới lễ kính thánh Rosa thành Lima, và cầu xin Mẹ Maria trợ giúp kitô hữu duy trì được ánh sáng đức tin và niềm hy vọng giữa các khó khăn và bóng tối cuộc đời.

Với các tín hữu đến từ Libăng, Siria và vùng Trung Đông ngài nhắc lại rằng Thiên Chúa không tạo dựng con người để trở thành mồi cho buồn sầu, âu lo, giòn mỏng và cái chết, nhưng cho cuộc sống hạnh phúc trên quê trời, nơi Ngài sẽ lau sạch mọi nước mắt khổ đau của họ, và sẽ không còn cái chết, mệt nhọc và buồn thương nữa, vì Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sự.

Chào các đoàn hành hương Ba Lan ngài nói thứ Bẩy và Chúa Nhật tới đây nhiều tín hữu sẽ đến hành hương đền thánh Đức Bà Jasna Gora để mừng lễ Đức Bà Czéstochowa và 300 năm đội triều thiên cho ảnh Đức Mẹ. Ước gì dịp lễ gọi là “tiệc cưới Cana Ba Lan” là dịp củng cố việc đào tạo lương tâm và tao trật tự trong cuộc sống cá nhân, gia đình và quốc gia.

Trong các nhóm Ý ĐTC chào đặc biệt các nữ tu Phan Sinh thánh Chiara đang họp tổng tu nghị, các chủng sinh tham dự khoá huấn luyện mùa hè lần thứ 25 do tổ chức thánh Philiphê Neri cùng bảo trợ với giáo phận Verona. Ngài cầu chúc các chủng sinh tập sống Tin Mừng ngay từ bây giờ với tinh thần truyền giáo và việc phục vụ người nghèo.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người biết hướng mắt về trời chiêm ngưỡng Mẹ Thiên Chúa, và vun trồng lòng tôn sùng Mẹ với lòng chân thành. ĐTC cũng tỏ tình liên đới với các nạn nhân vụ động đất tại đảo Ischia chiều thứ hai vừa qua. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho những ai đã qua đời, cho các người bị thương, thân nhân và những ai đã bị mất nhà cửa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

LINH TIẾN KHẢI

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Di Dân và Tỵ Nạn 2018

VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.

ĐTC mô tả như một ”dấu chỉ thời đại” tình trạng đau buồn của bao nhiêu người di dân trốn chạy chiến tranh và nghèo đói, và nhắc đến lời dạy trong đoạn 25 của Tin Mừng theo thánh Mathêu: ”Mỗi ngoại kiều gõ cửa nhà chúng ta, là một cơ hội để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô”, vì thế một trách nhiệm lớn của Giáo hội là biểu lộ sự ân cần đối với những người di dân.

Trong sứ điệp, ĐTC lần lượt bàn đến 4 điểm: tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tỵ nạn.

– Về việc đón tiếp người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhấn mạnh rằng điều cấp thiết là cống hiến cho họ khả thể rộng lớn hơn để tới các nước một cách chắc chắn và hợp pháp. Ngài kêu gọi đơn giản hóa thủ tục cấp các chiếu khán nhập cảnh nhân đạo và đoàn tụ gia đình. Đồng thời ĐTC cũng phê bình những vụ trục xuất tập thể người di dân và tỵ nạn, nhất là gửi họ về những nước không bảo đảm các quyền căn bản của con người”.

– Về việc bảo vệ những người di dân và tỵ nạn, ĐTC nhận xét rằng việc bảo vệ này bắt đầu tại quê hương và cần tiếp tục tại nước nhập cư. Ngài mời gọi đề cao giá trị những khả năng và năng khiếu của người di dân, vì thế họ phải được tự do di chuyển trong nước tiếp cư và có thể làm việc.

– Về điểm thứ ba là thăng tiến, ĐTC nói rằng mọi người di dân phải được ở trong tình trạng có thể thể thành đạt thân như những nhân vị. Ngài khuyến khích sự hội nhập người di dân về mặt xã hội và công ăn việc làm, và ca ngợi nhiều nước về phương diện cộng tác quốc tế.

ĐTC cũng kêu gọi rằng trong việc phân phối những viện trợ trong sự cộng tác quốc tế như vậy, cần để ý đến những nhu cầu của các nước đang trên đường phát triển tiếp nhận rất nhiều người di dân và tỵ nạn.

– Sau cùng về vấn đề hội nhập người di dân, ĐTC nhấn mạnh rằng đây không phải là sự đồng hóa người di dân và tỵ nạn, đưa tới sự xóa bỏ căn tính văn hóa của họ, nhưng là một tiến trình kéo dài, có thể được đẩy mạnh qua việc cấp quốc tịch mà không gắn liền với những đòi hỏi kinh tế và ngôn ngữ. ĐTC cho biết Giáo Hội sẵn sàng dấn thân đi hàng đầu trong lãnh vực này.

Ngài không quên kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị hãy phê chuẩn các hiệp ước hoàn cầu được thông qua gần đây tại LHQ, trong đó có một hiệp ước về người di dân và một hiệp ước khác về người tỵ nạn (Rei 21-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

Đức Thánh Cha chia buồn vụ đất lở ở Sierra Leone

VATICAN. ĐTC chia buồn và liên đới với các nạn nhân vụ đất lở vì mưa lũ tại Sierra Leone làm cho hơn 400 người bị thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Freetown. Hàng trăm người bị mất tích.

Trong điện văn gửi đến Đức TGM Charles Edward Tamba, TGM Freetown, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh viết:

”Đau buồn sâu xa vì hậu quả tàn hại của vụ đất lở ở ngoại ô Freetown, ĐTC Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với những người bị mất những người thân yêu trong lúc khó khăn này. Ngài cầu nguyện cho những người bị thiệt mạng và cầu xin Chúa ban phúc lành, sức mạnh và ơn an ủi cho các thân nhân và bạn hữu của họ. ĐTC cũng liên đới với những người cứu cấp và tất cả những người tham gia vào việc cứu trợ nâng đỡ các nạn nhân thiên tai này”.

Theo tổ chức Caritas Đức, tình hình ở địa phương rất trầm trọng và có thêm những vụ đất lở. Giám đốc Caritas Sierra Leone, ông Peter Konteh, cho biết các nạn nhân đang được tạm trú và ngăn ngừa sự bộc phát các bệnh truyền nhiễm. Caritas quốc tế đã dành ngay ngân khoảng 50 ngàn Euro để góp phần cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân”.

Caritas Sierra Leone cho biết nước này thuộc vào số những quốc gia bị tai ương đe dọa trầm trọng nhất. Trong thập niên 1990, Sierra Leone bị nội chiến. Cách đây 5 năm, hàng ngàn người tại đây đã chết vì bệnh dịch tả và dịch Ebola (KNA 16-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha

BOGOTÀ. Chúa nhật 13-8-2017, HĐGM Colombia đã tổ chức một cuộc lạc quyên toàn quốc để tài trợ chi phí tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC tại nước này từ ngày 6 đến 10-9 tới đây.

Trong thông cáo, HĐGM Colombia và ban tổ chức cuộc viếng thăm của ĐTC giải thích rằng: ”Mặc dù chính phủ quốc gia và các chính quyền địa phương trợ giúp việc tổ chức cuộc viếng thăm này, nhưng để đạt tới những chủ đích cơ bản của cuộc viếng thăm, Giáo Hội cần chu toàn trách nhiệm về mặt tinh thần và mục vụ, như tiếp đón ĐTC và phái đoàn tháp tùng, huấn luyện mục vụ cho các tín hữu trên toàn lãnh thổ quốc gia, các buổi cử hành phụng vụ, các cuộc gặp gỡ khác tại 4 thành phố nơi ĐTC dừng lại, thông tin cho dân chúng và truyền thông Giáo Hội.. Tuy phần lớn những ngừơi cộng tác với Giáo Hội trong việc chuẩn bị cuộc viếng thăm của ĐTC là những người thiện nguyện, nhưng vẫn có những phí tổn cần trang trải”. (RG 12-8-2017)

Chính phủ trợ giúp

Hồi cuối tháng 7 năm nay, Phó tổng thống Colombia, Ông Oscar Naranjo, thông báo chính phủ nước này dành 28 tỷ đồng Pesos, tương đương với gần 8 triệu Euro, để giúp 4 thành phố đón tiếp ĐGH, tuy nhiên việc phân phối ngân khoản này phải được sự phê chuẩn của các cơ quan kiểm soát.

Một cuộc họp liên ngành được diễn ra vài ngày sau khi có quyết định trên đây của chính quyền trung ương Colombia để quyết định về việc sử dụng ngân khoản tài trợ.

Mặt khác, cũng cuối tháng 7 vừa qua, HĐGM Colombia thông báo Tòa Thánh đã yêu cầu làm sao các phẩm phục phụng vụ ĐTC dùng trong cuộc viếng thăm phản ánh những sắc thái văn hóa bình dân, âm nhạc và màu sắc của các địa phương.

Cha Juan David Muriel Mejia, đặc trách về phụng vụ của Giáo Hội Colombia trong cuộc viếng thăm của ĐGH cho biết các phẩm phục phụng vụ rất đặc sắc để làm nổi bật sự khác biệt và sự phong phú văn hóa của đất nước Colombia.

Các áo lễ đó được nhà vẽ kiểu Pilar và Mercedes Salazar Castano người Colombia sáng tác và được các thợ may địa phương thực hiện. Áo lễ sẽ được thay đổi mỗi ngày, theo các vùng được ĐTC viếng thăm. Ví dụ ngày 9-9, ngài sẽ ở thành phố Medellín, các áo lễ ĐGH mặc phản ánh các nhóm chủng tộc khác nhau trong vùng.

Sau cùng, Muriel Mejia giải thích rằng các mảnh áo lễ cũng nói lên những cơ cực, vui mừng và hy vọng của nhân dân Colombia (Cath.ch).

G. Trần Đức Anh OP 

Tin vào Chúa Giêsu và lời Ngài đời ta sẽ không chìm

Tin vào Chúa Giêsu và lời Ngài đời ta sẽ không chìm

Niềm tin nơi Chúa Giêsu không mở ra cho chúng ta một con đường, trong đó mọi sự đều dễ dàng và an lành, nó không miễn trừ cho chúng ta các bão táp của cuộc đời, nhưng ban cho chúng ta cái chắc chắn về sự diện diện của  Chúa Giêsu và một bàn tay nắm lấy chúng ta để trợ giúp chúng ta đương đầu với các khó khăn và chỉ cho chúng ta đường đi cả khi có tối tăm.

ĐTC đã nói như trên với hàng ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13-8-2017.

Ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Phúc Âm thánh Mátthêu (Mt 14,22-33) kể lại biến cố Chúa Giêsu sau khi cầu nguyện suốt đêm trên bở hồ Galilea, đi trên mặt nước hướng về các môn đệ, đang ở trên thuyền gặp gió ngược cản lại. Khi trông thấy Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến các ông tưởng là ma nên hốt hoảng. Nhưng Ngài trấn an các ông và nói: “Can đảm lên, Thầy đây, đừng sợ”. Với tính hăng hái của mình ông Phêrô nói với Chúa: “Lậy Chúa, nếu là Chúa xin truyền cho con đi trên nước đến với Chúa”; và Chúa Giêsu gọi ông: “Hãy đến” (cc. 28-29). Phêrô xuống khỏi thuyền và bắt đầu bước đi trên nước đến với Chúa Giêsu, nhưng vì gió thổi ông bắt đầu chìm. Khi đó ông kêu lên: “Lậy Chúa, xin cứu con!” và Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông (cc.30-31). ĐTC nói: trình thuật Tin Mừng chứa đựng một biểu tượng phong phú, và khiến cho chúng ta suy tư về đức tin của mình, như là các cá nhân cũng như là cộng đoàn giáo hội, cả đức tin của tất cả chúng ta hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô hôm nay. Cộng đoàn, cộng đoàn giao hội này có niềm tin không? Niềm tin của từng người trong chúng ta  và niềm tin của cộng đoàn chúng ra ra sao? ĐTC giải thích ý nghĩa trình thuật:

Con thuyền là cuộc sống của từng người trong chúng ta, nhưng cũng là cuộc sống của Giáo Hội; gió ngược diễn tả các khó khăn và các thử thách. Lời thánh Phêrô xin “Lậy Chúa, xin truyền cho con đi đến với Chúa!” và tiếng ông kêu: “Lậy Chúa, xin cứu con!” giống như biết bao nhiêu ước mong của chúng ta  cảm thấy sự gần gũi của Chúa, nhưng cũng giống sự âu lo sợ hãi đi kèm những lúc cam go nhất của cuộc sống chúng ta và của các cộng đoàn, bị ghi dấu bởi  sự giòn mỏng nội tại và các khó khăn ngoại tại.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong lúc đó đối với Phêrô không đủ lời chắc chắn của Chúa Giêsu như chiếc dây giơ ra cho ông bám lấy để đương đầu với nước  thù nghịch và hỗn loạn. Đó cũng là điều có thể xảy ra với chúng ta. Khi chúng ta không bám vào lời Chúa. Để có sự chắc chắn người ta đi coi tử vi  bói toán, và bắt đầu chìm. Điều này có nghĩa là  đức tin không mạnh mẽ. Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ rằng niềm tin nơi Chúa  và lời Ngài  không mở ra cho chúng ta một con đường, trong đó mọi sự đều dễ dàng và an lành, nó không miễn trừ cho chúng ta các bão táp của cuộc sống, nhưng ban cho chúng ta cái chắc chắn về sự diện diện của  Chúa Giêsu và một bàn tay nắm lấy chúng ta để trợ giúp chúng ta đương đầu với các khó khăn và chỉ cho chúng ta đường đi cả khi có tối tăm. Thật ra, niềm tin không phải là một lối thoát khỏi các vấn đề của cuộc sống, nhưng nâng đỡ trên con đường cuộc sống và trao ban cho nó một ý nghĩa. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa bài Phúc Âm như sau:

Giai thoại này là một hình ảnh tuyệt vời của thực tại Giáo Hội mọi thời đại: một con thuyền, dọc dài lộ trình  băng qua, phải đương đầu cả với các gió ngược và bão táp đe dọa lật nhào nó. Điều cứu thoát không phải là lòng can đảm và các đức tính của con người: sự bảo đảm chống lại việc đắm thuyền là lòng tin nơi Chúa Giêsu và lời Ngài. Đây là sự bảo đảm: niềm tin nơi Chúa Giêsu và lời Ngài. Trên con thuyền này chúng ta được an ninh, cho dù có các bần cùng và yếu đuối của chúng ta, nhất là khi chúng ta quỳ gối xuống và thờ lậy Chúa, như các môn đệ, sau cùng phủ phục trước Ngài và nói: “Thầy thật là Con Thiên Chúa!” (c. 33). Thật đẹp biết bao nói với Chúa Giêsu các lời này: “Thầy thật là Con Thiên Chúa!”. Chúng ta hãy cùng nhau tât cả nói lên lời đó “Thầy thật là Con Thiên Chúa!”

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta kiên trì vững vàng trong đức tin để chống trả lại các bão tố của cuộc đời, ở lại trong con thuyền của Giáo Hội bằng cách trốn chạy cám dỗ leo lên các con tầu của các ý thức hệ, của các kiểu thời thượng và của các khẩu hiệu quảng cáo, được cột dây chặt nhưng không chắc chắn.

Tiếp đến ĐTC đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người.

Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã chào tín hữu Roma và khách hành hương, các gia đình, các giáo xứ, hội đoàn và từng tín hữu. Ngài vui mừng chào các nhóm bạn trẻ và các hướng đạo sinh vùng Treviso và Vicenza, cũng như các tham dự viên đại hội toàn quốc Giới Trẻ Phan Sinh, các nữ tu của Mẹ Maria Rất Thánh Sầu Bi tỉnh Napoli, và nhóm các tín hữu hành hương theo lộ trình Francigena từ Siena về Roma. Sau cũng ngài chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tươi vui và xin họ nhớ cầu nguyện cho ngài.

Linh Tiến Khải

Chúa Giêsu mở rộng vòng tay tiếp đón người tội lỗi

Chúa Giêsu mở rộng vòng tay tiếp đón người tội lỗi

** Chúa Giêsu giang rộng đôi cánh tay cho người tội lỗi. Ngài thương xót họ và muốn họ được chữa lành, được giải thoát hoàn toàn và có cuộc sống tràn đầy. Ngài trông thấy khả thể phục sinh cả nơi người đã sai lầm chồng chất, và cống hiến cho họ niềm hy vọng có một cuộc sống mới.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi gặp gỡ chung hằng tuần sáng thứ tư hôm qua trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ngài đã quảng diễn ý nghĩa đoạn Phúc Âm nói về người đàn bà tội lỗi đến khóc trên chân Chúa, lấy tóc lau chân và xức dầu thơm trên chân Chúa, khi Ngài đến dự tiệc tại nhà ông biệt phái Simon, như thánh Luca kể trong chương 7: “Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít." Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Tội của chị đã được tha rồi." Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: "Ông này là ai mà lại tha được tội? "Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: "Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an."

ĐTC nói: chúng ta đã thấy phản ứng của những người được ông biệt phái Simon mời dự tiệc: ”Ông ấy là ai mà lại tha cả tội nữa?” (Lc 7,49). Chúa Giêsu vừa làm một cử chỉ gây gương mù gương xấu. Một phụ nữ trong thành phố mà mọi người đều biết là người tội lỗi đã vào nhà ông Simon, cúi xuông chân Chúa Giêsu và đổ dầu thơm trên chân Ngài. Mọi người ở bàn tiệc đều lẩm bẩm: “Nếu ông là một ngôn sứ, thì sẽ không được chấp nhận các cử chỉ của loại đàn bà như chị ta. Sự khinh bỉ. Các phụ nữ ấy, tội nghiệp, chỉ phục vụ để được viếng thăm bởi cả các người lãnh đạo, hay để bị ném đá thôi. Theo tâm thức thời đó, giữa thánh nhân và người tội lỗi, giữa người trong sạch và người ô uế, phải có sự tách biệt rõ ràng. ĐTC giải thích:

** Nhưng thái độ của Chúa Giêsu thì khác hẳn. Ngay từ đầu sứ vụ của mình tại Galilea, Ngài đến gần các người phong cùi, các người bị quỷ ám, mọi người đau yếu và bị gạt bỏ ngoài lề xã hội. Một thái độ loại này đã không phải là điều thường tình, đến độ sự thiện cảm này của Chúa Giêsu đối với các người bị loại trừ, các người “không thể đụng chạm đến”, sẽ là một trong các điều khiến cho người đương thời khó chịu. Nơi đâu có một người đau khổ, Chúa Giêsu lo lắng cho họ và nỗi khổ đau đó trở thành nỗi khổ đau của Ngài. Chúa Giêsu không giảng dậy rằng cần phải chịu đựng nó với sự anh hùng, theo kiểu của các triết gia khắc kỷ. Chúa Giêsu chia sẻ  nỗi khổ đau của con người, và khi Ngài gặp họ từ nội tâm dấy lên thái độ định tính cho Kitô giáo : đó là lòng thương xót.  Trước nỗi khổ đau của con ngưòi Chúa Giêsu cảm thấy thương xót. Con tim của Chúa Giêsu thương xót. Chúa Giêsu cảm thương. Dịch sát chữ là Ngài cảm thấy lòng dạ run rẩy. Biết bao lần chúng ta gặp trong các Phúc Âm các phản ứng loại này. Con tim của Chúa Kitô nhập thể và vén mở cho thấy con tim của Thiên Chúa, là Đấng nơi đâu có một người nam nữ đau khổ là muốn cho họ được chữa lành, được giải thoát và có cuộc sống tràn đầy.

Vì thế Chúa Giêsu rộng mở vòng tay cho người tội lỗi. Cả ngày nay nữa có biết bao người  tiếp tục một cuộc sống sai lạc, bởi vì họ không tìm thấy ai sẵn lòng nhìn họ một cách khác, với đôi con mắt hay đúng hơn với trái tim của Thiên Chúa, nghĩa là nhìn họ với niềm hy vọng. Trái lại Chúa Giêsu trông thấy một khả thể phục sinh cả nơi người đã có biết bao lựa chọn sai lầm chồng chất. Chúa Giêsu luôn luôn ở đó với con tim rộng mở. Ngài mở toang lòng thương xót Ngài có trong tim; Ngài tha thứ, giang cánh tay ra, hiểu và tới gần… Đó, Chúa Giêsu là như thế!

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: đôi khi chúng ta quên rằng đối với Chúa Giêsu đây không phải là một tình yêu dễ đàng, rẻ tiền. Các Phúc Âm ghi nhận các phản ứng tiêu cực đầu tiên đối với Chúa Giêsu chính trong lúc Ngài tha thứ tội lỗi cho một người (x. Mt 2,1-12). Đó đã là một người khổ đau hai lần: bời vì ông không thể bước đi, và bởi vì ông cảm thấy mình đã “lầm lỗi”. Và Chúa Giêsu hiểu rằng nỗi khổ đau thứ hai lớn hơn nỗi khổ đau thứ nhất, đến độ Ngài tiếp nhận ông ta ngay lập tức với một lời loan báo sự giải thoát: “Con ơi, các tội con đã được tha!” (c. 5). Ngài giải thoát họ khỏi cảm tường  áp bức vì thấy mình lầm lỡ.

Và chính khi đó vài ký lục – những người tin mình hoàn thiện: tôi nghĩ tới biết bao tín hữu công giáo tin mình hoàn thiện và khinh bỉ người khác… điều này thật đáng  buồn – vài ký lục hiện diện đã coi các lời của Chúa Giêsu là gương mù gương xấu. Chúng vang lên như một sự phạm thượng, bởi vì chi có Thiên  Chúa mởi có thể tha tội.

Chúng ta quen sống kinh nghiệm tha tội, có lẽ một cách “quá rẻ tiền”, đôi khi chúng ta phải nhớ lại chúng ta đã đắt giá chừng nào đối với tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta thật là đắt giá: sự sống của Chúa Giêsu! Ngài ban sự sống dù chỉ cho một người trong chúng ta thôi, cho từng người trong chúng ta. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Chúa Giêsu không đi đến thập giá vì chữa lành người bệnh, vì rao giảng tình bác ái, vì công bố các phúc thật. Con Thiên Chúa đi đến thập giá nhất là bởi vì Ngài tha thứ tội lỗi; Ngài tha tội, bởi vì Ngài muốn sự giải thoát hoàn toàn, vĩnh viễn trái tim của con người. Bởi vì Ngài không chấp nhận rằng con người tàn lụi cuộc đời họ với “hình xâm” không thể xoá bỏ được này, với tư tường không thể được tiếp đón bởi trái tim xót thương của Thiên Chúa. Và với các tâm tình này Chúa Giêsu đến gặp gỡ những người tội lỗi, trong số đó chúng ta là những người đầu tiên.

Như thế những người tội lỗi được tha thứ. Họ không chỉ được trấn an trên bình diện tâm lý: sự tha thứ trấn an chúng ta biết bao, vì được giải thoát khỏi ý thức lỗi lầm. Chúa Giêsu còn làm hơn thế nữa : Ngài cống hiến cho những người đã lầm lạc niềm hy vọng của một cuộc sống mới , một cuộc sống được ghi dấu bởi tình yêu thương. “Nhưng mà lậy Chúa, con là một cái giẻ rách” – “Nhưng con hãy nhìn tới phiá trước và Ta tạo cho con một trái tim mới”. Đó là niềm hy vọng Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta.

Mátthêu người thu thuế trở thành tông đồ của Chúa Kitô: Mátthêu là một người phản bội quê hương, một tay khai thác dân chúng. Dakêu ông nhà giầu thối nát: ông này chắc là đã có một bằng tiến sĩ nhờ hối lộ. Dakêu, ông nhà giầu thối nát của thành Giêricô biến thành một ân nhân của người nghèo. Người phụ nữ thành Samaria đã từng có 5 đời chồng và giờ đây chung sống với một người đàn ông khác, cảm thấy được hứa ban “một thứ nước hằng sống” sẽ có thể vọt lên luôn mãi bên trong chính nàng (x. Ga 4,14). Và như thế Chúa Giêsu thay đổi con tim. Ngài cũng làm như vậy với tất cả chúng ta.

Thật là tốt cho chúng ta, khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã không chọn, như là chất liệu đầu tiên để làm thành Giáo Hội Ngài, những con người đã không bao giờ sai lầm. Giáo Hội là một dân tộc gồm những người tội lỗi, sống kinh nghiệm lòng thương xót và sự tha thứ của Thiên  Chúa. Thánh Phêrô đã hiểu hơn sự thật về chính mình khi nghe tiếng gà gáy, hơn là từ các hăng hái quảng đại của mình, khiến cho ông ưỡn ngực, làm cho ông cảm thấy mình cao hơn các người khác.

** Anh chị em thân mến, chúng ta tất cả là các người tội lỗi đáng thương, cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, là Đấng có sức mạnh biến đổi chúng ta và trao ban cho chúng ta niềm hy vọng; và điều này Chúa làm mỗi ngày. Và Ngài làm! Và đối với người đã hiểu sự thật nền tảng này, Thiên Chúa ban thưởng sứ mệnh đẹp hơn của thế giới, có nghĩa là tình yêu thương đối với các anh chị em và việc loan báo của một lòng thương xót mà Chúa không từ chối với ai hết. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước với niềm tin tưỏng nơi sụ tha thứ, nơi tình yêu thương xót của Chúa Giêsu.

ĐTC đã chào các nhóm hành hương nói tiếng Pháp. Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Malta, Nigeria, đảo Guam và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc mọi người trở thành dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa và niềm hy vọng trong gia đình và trong cộng đoàn.  Chào các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói mùa hè cống hiến cho chúng ta các dịp hay đẹp để sống kinh nghiệm niềm vui sống tình yêu của Chúa Kitô trong gia đình và giữa bạn bè với nhau. Chúa dậy chúng ta yêu thương nhau, tha thứ và tận hiến cho tha nhân. ĐTC cũng chào các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng như Ba Lan. Ngài hiệp ý với các tín hữu Ba Lan đi hành hương đền thánh Đức Bà Jasna Gora và xin Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan tiếp nhận sự mệt nhọc và lời cầu của họ để lấy được từ Chúa Giêsu các ơn lành tràn đầy cho họ, cho gia đình và quốc gia Ba Lan. Ngài chúc mọi người làm chứng nhân cho tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Chúa giữa lòng xã hội.

Chào các tín hữu đến từ Ai Cập, Thánh Địa và các nước nói tiếng A Rập ĐTC nhắc cho mọi người nhớ sứ mệnh đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội là “một trạm cứu thương ngoài chiến trường” và là một nơi chữa lành, thương xót, tha thứ và là nguồn hy vọng cho mọi người khổ đau, tuyệt vọng, nghèo túng, tội lỗi và bị xã hội gạt bỏ.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu thừa sai Đức Mẹ Vô Nhiễm Clarét đang họp tổng tu nghị, các nữ tu Bác ái thánh Giovanna Antida chuẩn bị vĩnh thệ. Ngài cầu chúc các chị luôn là chứng nhân tươi vui của ơn gọi đời thánh hiến.

Chào đông đảo các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC cầu mong việc gặp gỡ các nơi giầu văn hoá nghệ thuật và niềm tin là dịp giúp họ hiểu biết chứng tá của biết bao nhiêu chứng nhân Tin Mừng, như thánh Lorenzo Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ngài cầu chúc các người đau yếu kết hiệp các khổ đau của họ với thập giá của Chúa Giêsu để cứu rỗi thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn biết xây dựng cuộc sống gia đình trên nền tảng vững chắc của lòng trung thành với Tin Mừng và Tình Yêu Thiên Chúa.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành Toà Thánh ĐTC ban cho mọi người.

Liinh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi nhân dân Peru kiến tạo hiệp nhất

Đức Thánh Cha kêu gọi nhân dân Peru kiến tạo hiệp nhất

VATICAN. Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của ngài tại Peru vào năm tới, ĐTC Phanxicô kêu gọi nhân dân nước này noi gương các thánh người Peru, kiến tạo sự hiệp nhất tại nơi nào có chia rẽ.

Trong sứ điệp Video được tòa TGM thủ đô Lima phổ biến, ĐTC nói: ”Anh chị em có nhiều vị thánh, các vị đại thánh, đã ghi đậm nét tại Mỹ Châu la tinh, đã xây dựng Giáo Hội, và đã kiến tạo hiệp nhất trong những tình trạng chia rẽ, đã hoạt động không biết mệt mỏi để đưa những người bị phân tán đoàn tụ với nhau. Mỗi tín hữu Kitô cũng phải bước theo con đường đó”.

ĐTC nhận xét rằng có thể có một số người mong ước hiệp nhất, nhưng lại nhìn về tương lai với sự hoài nghi và có thái độ cay đắng, nhưng các tín hữu Kitô không được có thái độ như vậy. Một Kitô hữu hướng nhìn về hy vọng vì họ tin là sẽ đạt được điều Chúa hứa”.

Hồi tháng 6 năm nay, Phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo: ĐTC sẽ viếng thăm Chile và Peru từ ngày 15 đến 21 tháng giêng năm 2018. Ngài sẽ viếng Chile từ 15 đến 18-1, dừng lại tại các thành phố Santiago, Temuco và Iquique. Sau đó ĐTC bay lên Peru để thăm từ ngày 18 đến 21-1, và sẽ dừng lại tại thủ đô Lima, Puerto Maldonado và Trujillo.

Video sứ điệp của ĐTC được ĐHY Juan Luis Cipriani, TGM Lima, thu hình trong cuộc viếng thăm mới đây tại Vatican. Trong băng này, ĐTC đứng cạnh tượng thánh Martino de Porres, vị thánh rất được nhân dân Peru kính mến.

Giáo Hội Peru còn có thánh Rosa de Lima, thành Juan Marcias (CNS 7-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-8-2017

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 6-8-2017

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 6-8-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tận dụng kỳ hè để nghỉ ngơi, lắng nghe và gần gũi Chúa hơn, để hăng say phục vụ anh chị em trong đời sống thường nhật.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (17,1-9) lễ Chúa Hiển Dung trên núi trước mặt 3 môn đệ. Ngài nói:

”Chúa nhật này, phụng vụ cử hành lễ Chúa Hiển Dung. Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến biến cố ngoại thường này. Chúa Giêsu mang các ông theo Ngài ”và dẫn họ ra một nơi riêng, trên núi cao” (Mt 17,1), và trong khi Chúa cầu nguyện, khuôn mặt Ngài biến dạng, sáng chói như mặt trời, và áo Người trở nên trắng như ánh sáng. Bấy giờ Ông Môisê, Elia xuất hiện, và chuyện vãn với Chúa. Lúc ấy Phêrô nói với Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt! Nếu Chúa muốn, con sẽ dựng 3 lều, một cho Chúa, một cho Môisê và một cho Elia” (v.4). Ông còn đang nói thì một đám mây sáng bao phủ các ông.”

ĐTC nhận xét rằng ”Biến cố Chúa hiển dung mang lại cho chúng ta một sứ điệp hy vọng: mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, để phục vụ anh chị em.

Việc các môn đệ lên núi Tabor khiến chúng ta suy tư về tầm quan trọng cần tách rời những sự trần tục, để thực hiện một hành trình lên cao và chiêm ngắm Chúa Giêsu. Vấn đề ở đây là đặt mình lắng nghe và cầu nguyện với Chúa Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha, tìm kiếm những lúc cầu nguyện thân mật giúp ta vui mừng và ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa. Chúng ta được mời gọi tái khám phá sự thinh lặng mang lại an bình và bổ dưỡng nhờ suy niệm Phúc Âm, dẫn tới một mục tiêu đầy vẻ đẹp, huy hoàng và vui mừng. Trong viễn tượng này, mùa hè là lúc Chúa Quan Phòng dự liệu để gia tăng nơi chúng ta sự dấn thân tìm kiếm và gặp gỡ với Chúa. Trong thời kỳ này, các học sinh sinh viên được rảnh rỗi những công việc học đường và bao nhiêu gia đình nghỉ hè; điều quan trọng là trong thời kỳ nghỉ ngơi và không phải bận rộn công việc thường nhật, chúng ta có thể bồi bổ sức mạnh của thân xác và tinh thần, đào sâu hành trình thiêng liêng.

”Vào cuối kinh nghiệm tuyệt vời về sự Hiển dung, các môn đệ xuống núi (xc v.9) với đôi mắt và con tim được biến đổi nhờ cuộc gặp với Chúa. Đó là hành trình mà chúng ta cũng có thể thực hiện. Sự tái khám phá Chúa Giêsu ngày càng sinh động không phải là một mục tiêu tự tại, nhưng dẫn đưa chúng ta ”xuống núi”, được bổ dưỡng nhờ sức mạnh của Thánh Linh, để quyết định những bước tiến mới chân thành hoán cải và liên tục làm chứng về đức bác ái, như qui luật đời sống thường nhật. Được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô và sự nồng cháy của Lời Ngài, chúng ta sẽ là dấu chỉ cụ thể về tình yêu của Thiên Chúa mang sức sống cho tất cả anh chị em chúng ta, đặc biệt những người đau khổ, những người cô đơn và bị bỏ rơi, các bệnh nhân và đông đảo những người nam nữ trên thế giới, đang bị tủi nhục vì bất công, cường quyền và bạo lực.

ĐTC kết luận rằng: “Trong cuộc Hiển Dung, ta nghe thấy tiếng Chúa Cha trên trời nói: ”Này là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Người!” (v.5). Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ lắng nghe, luôn sẵn sàng đón nhận và cẩn giữ trong tâm hồn mỗi lời của Chúa Con (Xc Lc 1,51). Xin Mẹ Thiên Quốc giúp chúng ta hòa hợp với Lời Chúa, để Chúa Kitô trở thành ánh sáng và là hướng đạo cho toàn thể đời sống chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ những cuộc nghỉ hè của tất cả mọi người, để kỳ nghỉ được thanh thản và mang lại nhiều ích lợi, và nhất là mùa hè của những người không được nghỉ hè vì tuổi tác cản trở, vì lý do sức khỏe hay công việc làm, vì kinh tế eo hẹp hoặc vì những vấn đề khác, để dầu sao đây cũng là một thời kỳ thư giãn, được vui vì sự hiện diện của bạn hữu và những lúc vui mừng.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma và những người hành hương từ các nước, các gia đình, hội đoàn và các cá nhân tín hữu. Ngài cũng nói:

”Hôm nay ở đây có nhiều nhóm thiếu niên và người trẻ. Cha thân ái chào các con! Đặc biệt có nhóm mục vụ giới trẻ từ Verona, các bạn trẻ từ Adria, Campodarsego và Offanengo.”

ĐTC cầu chúc mọi người được một chúa nhật tốt đẹp và ngài không quên xin các tín hữu đừng quên cầu nguyện cho ngài.

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Hiệp Sĩ Colombus

Knight Columbus leaders

SAINT-LOUIS. ĐTC Phanxicô kêu gọi các Hiệp sĩ Colombus xác tín nơi sức mạnh tình thương vô biên của Thiên Chúa và chống lại bất công và bạo lực.

Lời kêu gọi của ĐTC được trình bày trong sứ điệp của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhân danh ĐTC gửi Đại hội thường niên lần thứ 135 của Hội đồng lãnh đạo Hội Hiệp Sĩ Colombus, nhóm tại thành phố Saint Louis Hoa Kỳ, từ ngày 1 đến 3-8-2017, về chủ đề ”Xác tín về tình thương và sức mạnh của Thiên Chúa”.

Sứ điệp của ĐHY Parolin có đoạn viết: ”Nếu Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?” (Rm 8,31). Câu hỏi này của thánh Phaolô gửi các tín hữu Roma biểu lộ xác tín mạnh mẽ của thánh nhân về sức mạnh vô biên của tình yêu Thiên Chúa, được biểu lộ qua thập giá của Chúa Kitô, vượt thắng mọi hình thức của sự ác trên trần thế. ĐTC thường nhận xét rằng ngày nay, một cuộc thế chiến mới đang diễn ra từng mạnh, trong lúc sự khao khát quyền lực và thống trị về mặt kinh tế, chính trị hoặc quân sự, trái ngược với ý Chúa, đang dẫn tới bạo lực khôn tả, bất công và đau khổ trong gia đình nhân loại chúng ta. ĐTC kêu gọi các tín hữu Kitô khắp nơi, hãy thực sự xác tín về quyền năng vô biên của tình yêu Thiên Chúa, hãy loại bỏ não trạng vừa nói và chiến đấu bài trừ sự lan tràn nền văn hóa dửng dưng trên thế giới, thứ văn hóa loại bỏ những anh chị em yếu thế nhất của chúng ta”.

Trong sứ điệp, ĐHY Parolin cũng cho biết ĐTC ca ngợi sự dấn thân của các hiệp sĩ Colombus bênh vực và thăng tiến sự thánh thiêng của hôn nhân và phẩm giá cũng như vẻ đẹp của đời sống gia đình.

ĐHY nói thêm rằng: ĐTC Phanxicô đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội hiệp sĩ Colombus vì sự dấn thân giúp đỡ các anh chị em Kitô ở Trung Đông trong chứng tá trung thành của họ đối với Chúa, thường phải trả giá bằng những hy sinh bản thân lớn lao. ”Không ai trong chúng ta có thể giả mù không thấy đau khổ của những người mà bạo lực huynh đệ tương tàn và sự cuồng tín tôn giáo khiến họ không còn gia cư hoặc buộc lòng phải rời bỏ quê cha đất tổ đi lánh nạn”.

Hội Hiệp Sĩ Colombo giúp các tín hữu Kitô Iraq

Trong bối cảnh này, trong buổi khai mạc Đại Hội hôm 1-8-2017, thủ lãnh Hội hiệp sĩ Colombus, Ông Carl Anderson, cho biết Hội sẽ giúp 2 triệu mỹ kim để góp phần giúp dân chúng tại thành Karamdes bên Iraq tái thiết gia cư của họ bị phá hủy hoặc hư hại.

Thành Karamdes ở vùng bình nguyên Ninive, có đa số dân là tín hữu Kitô, đã bị lực lượng nhà nước Hồi giáo IS chiếm hồi mùa hè năm 2014 và hàng trăm gia đình tại đây đã phải tị nạn tới Erbil ở miền Kurdistan. Nay họ hồi thương sau khi thành của họ được giải phóng.

Ông Carl Anderson tuyên bố hội sẽ quyên góp 2 triệu Mỹ kim để giúp các gia đình hồi hương và tái thiết gia cư của họ bị hư hại. Ông nói: ”Những kẻ khủng bố đã xúc phạm các thánh đường, các nghĩa trang, cũng như cướp phá các gia cư. Nay chúng ta giúp đỡ hàng trăm gia đình Kitô đã phải di tản được trở về hai thành Karamdes và Karemlash, đảm bảo một tương lai đa nguyên cho Iraq”.

Hội Hiệp sĩ Colombo là một hội nam giới Công Giáo được thành lập tại Hoa Kỳ và hiện có gần 2 triệu thành viên. Hội này cũng theo gương chính phủ Hungary mới đây đã gửi 2 triệu Mỹ kim tới tổng giáo phận Erbil ở Iraq, nhắm giúp tái thiết một cộng đoàn Kitô gần thành phố Mossul, cũng ở Iraq. Phí tổn giúp mỗi gia đình tái định cư là 2 ngàn mỹ kim.

Với ý hướng trên đây, ban lãnh đạo trung ương Hội hiệp sĩ Colombus khuyến khích các chi hội ở các giáo xứ và các cá nhân hiệp sĩ đóng góp để giúp các cộng đoàn Kitô ở Iraq. Cho đến nay Hội hiệp sĩ Colombus đã trợ giúp 13 triệu Mỹ kim cho các tín hữu Kitô ở Iraq, Syria và vùng phụ cận (CNS 1-8-2017, REI 2-8-2017)

G. Trần Đức Anh OP