Hội Đồng Liên Tôn tổ chức thắp nến cầu nguyện cho quê hương

Hội Đồng Liên Tôn tổ chức thắp nến cầu nguyện cho quê hương

Các vị trong Hội Đồng Liên Tôn cầu nguyện trong đêm thắp nến thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016 tại Santa Ana

Các vị trong Hội Đồng Liên Tôn cầu nguyện trong đêm thắp nến thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016 tại Santa Ana

SANTA ANA – Vụ chất độc thải ra biển miền Trung làm cá chết hàng loạt và ô nhiễm môi trường đã gây phẫn nộ cho mọi người Việt tại quốc nội cũng như hải ngoại. Hưởng ứng chiến dịch xuống đường biểu tình đòi nhà nước cộng sản Việt Nam phải công khai minh bạch cho cả nước biết vụ nhiễm độc, vì có liên quan đến hàng triệu người dân sống bằng nghề biển và ảnh hưởng môi trường sống lầu dài, vào tối thứ Sáu, ngày 20 tháng 5, 2016, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tổ chức buổi thắp nến cầu nguyện từ 7 giờ đến 9 giờ 30 tại hội trường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, 1539 N.Century Blvd, Santa Ana, CA 92703.

Mặc dù việc tổ chức chỉ được phổ biến trước một ngày nhưng nhờ các cơ quan truyền thông loan báo kịp thời mà các vị lãnh đạo tôn giáo, dân cử cũng như đồng hương đến tham dự rất đông, ngồi chật kín hội trường.

Nghi thức khai mạc bắt đầu với ba hồi chiêng trống do Hội Cao Niên Công Giáo phụ trách. HQ. Đinh Quang Truật điều khiển lễ khai mạc, mọi người nghiêm chỉnh đứng lên đón toán rước quốc kỳ Việt – Mỹ vào vị trí hành lễ. Ban Tù Ca Xuân Điềm và CLB Tình Nghệ Sĩ cùng lên sân khấu hát quốc ca. Sau phút mặc niệm với tiếng kèn truy điệu của anh Nguyễn Du. Hai MC. Bác sĩ Trần Việt Cường và anh Ngô Thiện Đức mời Hòa Thượng Thích Minh Nguyện, Chủ Tịch Hội Đồng Liên Tôn VN lên chào mừng quan khách và đồng hương, đồng thời tuyên bố lý do buổi thắp nến tối nay.

Sau lời chào mừng, CLB Tình Nghệ Sĩ do nhạc sĩ Cao Minh Hưng điều khiển lên trình bày hai nhạc phẩm “Vì Sao” và “Cả Nước Đấu Tranh.” Tiếp đến, tiến sĩ Lê Minh Nguyên lên nói về Tình trạng tang thương tại VN, Thái độ ứng xử của Hoa Kỳ với VN và Dân tộc VN phải làm gì trong hoàn cảnh dầu xôi lửa bỏng hiện nay.”

Sau đó, Ban Tù Ca Xuân Điềm hợp ca hai nhạc phẩm “Tôn Giáo Niềm Tin Yêu ” và bài “Đất Nước Mình Rồi Sẽ Ra Sao?” do nhạc sĩ Xuân Điềm phổ bài thơ nổi tiếng của cô giáo Trần Thị Lam. Diễn giả thứ hai, nhà văn Trần Phong Vũ lên trình bày đề tài “Sức mạnh của niềm tin tôn giáo.”

Cả hai bài phát biểu của tiến sĩ Lê Minh Nguyên và nhà văn Trần Phong Vũ được mọi người nồng nhiệt khen ngợi, thích thú vỗ tay thật lâu. Đặc biệt, trong bài phát biểu của nhà văn Trần Phong Vũ có nhiều tiếng nói lớn từ các hàng ghế khán giả: “Đúng, đúng, rất đúng.” Cả hai bài phát biểu cho thấy hai diễn giả là những người thiết tha với vận mệnh đất nước, theo dõi từng giờ, từng ngày những diễn biến xẩy ra cho quê hương thân yêu.

Giáo sĩ Mai Biên (Chính Thống Giáo), thành viên Hội Đồng Liên Tôn lên đọc bản Kiến Nghị của Hội Đồng Linh Mục Giáo Phận Vinh, Việt Nam về vấn đề thảm họa ô nhiễm môi trường tại miền Trung Việt Nam.
Ông Lâm Kim Bảo, Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN chiếu Slide Show cho mọi người thấy thảm cảnh tại Vũng Áng. Những hình ảnh mới nhất vừa xảy ra kể cả hình linh mục Nguyễn Văn Lý vừa được ra khỏi ngục trước thời hạn giam giữ chỉ có ít ngày.

Sau tiết mục văn nghệ đấu tranh do CLB Tình Nghệ Sĩ phụ trách, GS Nguyễn Thanh Giàu, Tổng Thư Ký HĐLT VN tại Hoa Kỳ tuyên đọc Tuyên Cáo của Hội Đồng Liên Tôn VN gồm 6 điểm:

Tán thành và tích cực ủng hộ các cuộc biểu tình của đồng bào trong nước và hải ngoại;
Cảm thông và cầu nguyện cho các nạn nhân bị công an và côn đồ CS đánh đập dã man khi lên tiếng bảo vệ quê hương;

Cực lực phản đối nhà cầm quyền CSVN, một bọn bất nhân, bất tài, bất lực đang đưa đất nước đến chỗ diệt vong;

Kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới buộc nhà cầm quyền CSVN phải bảo vệ môi trường sống cho dân, và đặt nhân quyền làm điều kiện cho VN được tham gia thỏa ước hợp tác mậu dịch quốc tế TPP;

Kêu gọi thế giới quan tâm việc VN càng ngày càng vi phạm nhân quyền;
Và hoàn toàn ủng hộ HĐLT Việt Nam tại quốc nội trong mọi cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Bản Tuyên cáo có chữ ký của HĐLT gồm Hòa Thượng Minh Nguyện và HT Thích Chơn Thành (PG), LM. Mai Khải Hoàn, LM Trần Văn Kiểm (CG), Giáo sĩ Mai Biên (CTG), GS Nguyễn Thanh Giàu và ông Trang Văn Mến (PG Hòa Hảo), Mục sư Lê Ngọc Cẩn và MS Nguyễn Văn Bé (TL), Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng (Cao Đài).

Sau đó CLB Tình Nghệ Sĩ lên trình bày nhạc phẩm “Thắp Sáng Niềm Tin” và mọi người bắt đầu thắp nên cháy sáng trong tay cùng cất cao tiếng hát.

Kế tiếp, ba hồi chiêng trống trổi lên, HĐLT lên trước bàn thờ Tổ Quốc dâng hương và cầu nguyện theo niềm tin của mỗi tôn giáo. Sau cùng, LM Mai Khải Hoàn, Phó Chủ Tịch HĐLT cảm tạ quan khách, đồng hương và cám ơn đặc biệt các cơ quan truyền thông cũng như Ban Tù Ca Xuân Điềm, CLB Tình Nghệ Sĩ và ông Lâm Kim Bảo đã hợp tác tổ chức buổi thắp nến diễn ra thật tốt đẹp, và mời tất cả HĐLT cũng như quan khách, CLB Tình Nghệ Sĩ và Ban Tù Ca Xuân Điềm lên hợp ca nhạc phẩm “Việt Nam, Việt Nam” trước khi giải tán.

Đến tham dự, về phía tôn giáo, ngoài các trong HĐLT, chúng tôi thấy có các linh mục: Nguyễn Thái, Nguyễn Quốc Dũng, Phạm Ngọc Hùng, đại đức Thích Viên Pháp, Chánh Trị Sự Nguyễn Văn Lợi.

Các dân cử có GSV Andrew Đỗ, ông phụ tá Lê Công Tâm, Thị Trưởng Bảo Nguyễn (ba vị này chỉ tham dự phần khai mạc và rời hội trường sớm); Nghị viên, Chủ Tịch CĐNVQG Nam Cali, ông Phát Bùi và Phu Nhân, cựu NS Lou Correa, ông Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Dr. Kimberly, ứng cử Hội Đồng TP Westminster ở lại đến phút cuối.

Về các nhân sĩ và đại diện các hội đoàn có ông Nguyễn Văn Lực (Chủ Tịch Cộng Đồng VN San Diego, ông Nguyễn Văn Ức Chủ Tịch HĐ. Điều Hành Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, ông Phan Kỳ Nhơn, Chủ Tịch Liên Ủy Ban Chống CS và Tay Sai, ông Phan Tấn Ngưu, Tổng Hội Trưởng CSQG/VNCH, ông Nguyễn Long, Phó Chủ Tịch CĐNVQG Nam Cali, ông Lê Quang Dật (nhân sĩ PG), ông Hứa Trung Lập (Liên Minh Dân Tộc VN); Kỹ sư Nguyễn Mạnh Chí (Phó Chủ Tịch CĐCGVN), kỹ sư Phạm Ngọc Lân (cựu Chủ Tịch Tây Ninh Đồng Hương Hội) cùng đông đảo đồng hương không phân biệt tôn giáo và các cơ quan truyền thông. Buổi thắp nến kết thúc đúng 9 giờ 30 tối.

Thanh Phong / Báo Viễn Đông

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật, 22.05, với vài chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mỗi chúng là thành phần thần trong gia đình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta được mời gọi sống đoàn kết, hiệp nhất và dành cho nhau một tình yêu thương huynh đệ.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Hôm nay, lễ Chúa ba ngôi, Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày cho chúng ta một đoạn trong diễn từ ly biệt của Đức Giêsu trước khi Ngài chịu khổ hình. Trong diễn từ này, Đức Giêsu đã giải thích cho các các môn đệ chân lý nền tảng nhất có liên quan đến Ngài, và như thế, làm nổi bật lên tương quan giữa Đức Giêsu, Chúa Chúa và Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu biết chương trình cứu độ của Chúa Cha đang đến gần, và sẽ được hoàn tất ngang qua cái chết và sự phục sinh của Ngài. Chính vì lý do đó, Đức Giêsu muốn bảo đảm với các môn đệ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, vì sứ mạng của Ngài sẽ mãi được tiếp tục bởi Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đến và tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu, tức là hướng dẫn Giáo hội không ngừng tiến lên.

Đức Giêsu cho ta biết sứ vụ này bao gồm những gì. Trước hết, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta hiểu rất nhiều điều mà Đức Giêsu đã nói (Ga 16,12). Thánh Thần không giảng dạy những giáo lý mới lạ, đặc biệt nhưng là mang đến một cái hiểu tròn đầy về tất cả những gì Chúa Con đã nghe được từ Chúa Cha, và Người sẽ lấy những gì là của Đức Giêsu mà loan báo cho các môn đệ (Ga 16, 15). Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong những hoàn cảnh sống mới với một đôi mắt lúc nào cũng hướng nhìn về Đức Giêsu, đồng thời giúp chúng ta mở ra với mọi biến cố và với tương lai. Thánh Thần giúp chúng ta bước đi trong lịch sử được bén rẽ một cách chắc chắn nơi Tin Mừng, cùng với một sự trung tín đầy năng động trong chính những truyền thống và văn hóa của chúng ta.

Nhưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng nói về chính mỗi người chúng ta, về tương quan của chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thật vậy, nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, Chúa Thánh Thần đã đặt để vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta chính Thiên Chúa. Đó là một sự thông hiệp của tình yêu. Thiên Chúa là một ‘gia đình’ của Ba Ngôi, yêu thương nhau tha thiết đến nỗi đã trở nên một. ‘Gia đình thánh thiêng’ này không đóng lại trong chính mình nhưng mở ra, thông hiệp với nhau trong công trình sáng tạo và trong lịch sử, cũng như đi vào thế giới nhân loại để mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất nên một. Khung trời hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh bao trùm lấy tất cả chúng ta, thôi thúc ta sống yêu thương và trong sự sẻ chia huynh đệ. Chắc chắn ở đâu có tình yêu thương ở đấy có Đức Chúa Trời.

Việc chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – tức là sự hiệp thông – mời gọi chúng ta biết nhận ra rằng chính chúng ta là một hữu-thể-trong-tương-quan và phải biết sống những mối tương quan liên vị trong sự đoàn kết và trong tình yêu mến lẫn nhau. Chúng ta sống những tương quan ấy, trước hết, trong chính những cộng đoàn của Giáo hội, vì hình ảnh Giáo hội luôn là một biểu tượng rõ ràng nhất về Thiên Chúa Ba ngôi. Kế đến, chúng ta còn sống những tương quan ấy trong những mỗi liên hệ xã hội khác nhau, từ gia đình cho tới tình bạn hữu trong môi trường làm việc. Đó là những cơ hội cụ thể mà chúng ta có thể tận dụng để xây dựng những mối tương quan đậm tình người hơn, có khả năng tôn trọng lẫn nhau và dành cho nhau một tình yêu hướng tha.

Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta biết dấn thân vào những sự kiện của cuộc sống thường ngày để trở thành muối, thành men của sự hiệp thông, của sự an ủi và của lòng thương xót Chúa. Mang vác sứ mạng này trên đôi vai, chúng ta được Thánh Thần tiếp thêm sức mạnh để chăm sóc, băng bó thân xác nhân loại bị thương tích bởi những bất công, áp bức, thù hận và tham lam dục vọng. Đức Trinh Nữ Maria, với sự khiêm tốn thẳm sâu, đã đón nhận thánh ý Chúa Cha và cưu mang Chúa Con bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Xin Mẹ giúp mỗi người chúng ta, khi nhìn ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi, biết xác tín hơn vào mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và biết sống mầu nhiệm ấy bằng những chọn lựa và thái độ của tình yêu thương, hiệp nhất.

Lời chào mừng và mời gọi

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Đức Thánh Cha cũng nói thêm rằng:

“Ngày hôm qua, ở Cosenza, Linh mục Francesco Maria Greco đã được tuyên phong chân phước. Ngài là một linh mục triều và cũng là đấng sáng lập Dòng Tiểu Muội Các Công Nhân Của Thánh Tâm Chúa và Đức Mẹ.

Ngày mai, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, Hội Nghị Thượng Đỉnh về Nhân Đạo lần thứ nhất sẽ được khai mạc. Hội nghị sẽ thảo luận và xem xét các biện pháp được thực hiện trong các tình huống nhân đạo do các cuộc xung đột, vấn đề môi trường và nạn nghèo đói cùng cực gây ra. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho các thành phần tham dự hội nghị này, để các vị có thể hoàn thành tốt các mục tiêu nhân đạo đã đề ra. Về phía Tòa Thành, ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã lên đường để đến tham dự hội nghị này.

Thứ Ba, ngày 24.05, chúng ta sẽ hiệp thông cách thiêng liêng với các tín hữu Công giáo ở Trung Quốc, mừng kính cách đặc biệt lễ Mẹ Maria Phù Hộ Các Giáo Hữu. Xin Mẹ Maria ban cho đoàn con của Mẹ ở Trung Quốc khả năng biết phân định, để có thể nhận ra sự hiện diện yêu thương của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Nữ tu người Slovakia bị bắn ở Nam Sudan đã qua đời

Nữ tu người Slovakia bị bắn ở Nam Sudan đã qua đời

Juba – Nữ tu Veronica Rackova, người Slovakia, thuộc dòng Các Nữ Tu Truyền giáo của Chúa Thánh Thần, đã bị bắn và bị thương nặng vào nửa đêm ngày 16/5 vừa qua tại Nam Sudan, đã qua đời 4 ngày sau đó, ngày 20/5, tại bịnh viện Nairobi ở Kenya, nơi chị được đưa đến điều trị sau khi bị bắn.

Theo tin tức gửi đến cho hãng tin Fides, vào đêm hôm đó, chị Veronica Rackova nhận được một cuộc gọi cấp cứu cho một phụ nữ gặp biến chứng khi sinh mà trung tâm sức khỏe Thánh Bakhita ở Yei do các nữ tu điều hành không thể giải quyết. Chị Veronica đã dùng xe cứu thương của trung tâm Bakhita để chở người phụ nữ đến trung tâm Sức Khỏe Harvester, nơi có những phương tiện y khoa điều trị tốt hơn    cho phụ nữ mới sinh và trẻ sơ sinh. Trên đường trở về nhà chị đã bị một số người vũ trang bắn. Những người này được tin là binh lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (trước đây là các chiến binh của phong trào nổi dậy, đã nắm quyền từ khi Sudan độc lập vào năm 2011). Khi ấy chị Veronica chỉ có một mình, vì người tài xế đã về nhà. Chị đã bị thương nghiêm trọng trên xương hông cũng như vô số các lỗ trên ruột và cơ quan nội tạng khác.

3 người lính tình đã bị bắt và đang bị cảnh sát giam giữ để điều tra. (Agenzia Fides 21/05/2016)

Hồng Thủy OP

Linh Mục Nguyễn văn Lý ra tù

Linh Mục Nguyễn văn Lý ra tù

Linh mục Nguyễn Văn Lý (trái) và Linh mục Phan Văn Lợi chụp trong ngày đến thăm Cha Lý vừa ra khỏi nhà tù.Linh mục Nguyễn Văn Lý (trái) và Linh mục Phan Văn Lợi chụp trong ngày đến thăm Cha Lý vừa ra khỏi nhà tù.

Linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm được nhiều người trong và ngoài nước biết tiếng, vừa ra khỏi tù trong ngày 20 tháng 5.

Linh mục Phan Văn Lợi, một thân hữu cùng trong nhóm Nguyễn Kim Điền với người vừa được trả tự do, cho biết sau khi ông đến Tòa Giám mục thăm linh mục Nguyễn Văn Lý về:

“Sáng hôm nay vào lúc 11 giờ tôi đã đến tại Nhà Chung, thuộc Tòa Tổng Giám mục Huế để thăm linh mục Lý và tôi được nói chuyện với linh mục Lý trong vòng nửa giờ đồng hồ.Theo tôi nhận thấy tình trạng sức khỏe của ngài thật sa sút, người ốm o lại, mất đi cái gọi là ‘nét đẹp’ ngày xưa. Ngài cao 1,8 mét nhưng ốm lắm và không thể đứng thẳng người được, đi phải lom khom. Đó là sự tàn phá về mặt thể xác qua 8 năm ở trong nhà tù.

Nhưng về mặt tinh thần, cha Lý vẫn minh mẫn, sáng suốt, vẫn kiên trì. Tôi biết sở dĩ hôm nay ngài được về Nhà Chung là do sự đấu tranh cuối cùng của ngài. Ban đầu Nhà nước quyết định đưa cha Lý về lại giáo xứ Bến Củi, một giáo xứ nhỏ cách thành phố Huế 30 cây số về phía bắc. Đó là nơi họ quản thúc cha Lý hơn 1 tháng trời vào năm 2007, sau đó đưa ngài ra tòa và xử án 8 năm tù. Nhưng cha Lý nói nếu các ông đưa tôi về Bến Củi thì tôi xin được tiếp tục ở lại trong nhà tù này.

Họ cũng nói với cha Lý rằng đây là đặc xá của chủ tịch nước, nhưng cha Lý nói không có đặc xá gì cả mà đây là món quà mà các ông muốn cho Hoa Kỳ trước khi tổng thống Mỹ đến Việt Nam mà thôi. Hơn nữa tôi không có tội gì để các ông gọi là đặc xá. Họ nói ông có tội là tội tuyên truyền. Cha Lý nói có tuyên truyền nhưng không phải tội. Đó là cha Lý tuyên truyền ba điều mà ông cho là quan trọng mà phía cơ quan chức năng không dám đối chất: thứ nhất là những bí mật về ông Hồ Chí Minh, thứ hai là cái chết của đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, chính các ông đã đầu độc vào năm 1988; thứ ba là chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam làm mất Hoàng Sa và Trường Sa.

Sáng hôm nay khi gặp phường để làm thủ tục giấy tờ, cha Lý nói không được cho công an, an ninh canh gác trước Nhà Chung để dò xét, ngăn cản những người đến thăm linh mục Lý. Ngài nói nếu làm thế là đưa ra lời mời ngài tiếp tục tranh đấu.”

Xin được nhắc lại linh mục Nguyễn Văn Lý vào ngày 15 tháng năm vừa qua ông tròn 70 tuổi.

Ông được nhiều người biết đến với câu nói ‘tự do tôn giáo hay là chết’ cũng như bức ảnh ông bị miệng tại phiên xử ở Huế vào năm 2007 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tòa năm ấy tuyên án ông 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Đó không phải là lần đầu ông bị bắt và bị tuyên án tù. Lần đầu tiên ông bị bắt vào năm 1977 và bị tuyên án 20 năm tù. Lần thứ hai vào năm 1983, ông bị kết án 10 năm tù và 4 năm quản chế với cáo buộc ‘gây rối trật tự’. Vào năm 2001, ông bị kết án 15 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ và không chấp hành quyết định quản chế hành chính.

Ông là một trong những thành viên sáng lập ra Khối 8406 và Đảng Thăng Tiến Việt Nam.

RFA Radio

 

Nhà thờ mới dâng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Nhà thờ mới dâng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

New church to dedicate for Pope John Paul II in Torun Poland

Đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã mở cửa Thánh ở nhà thờ Đức Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y Zenon Grocholewski làm đặc sứ của ngài đến thánh hiến ngôi thánh đường mới ở Toruń, Ba lan ngày hôm qua, 18/5, sinh nhật thứ 96 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Nhà thờ Đức Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II này được khởi công từ năm 2012; 3 năm sau, ngày 5/9/2015, một viên gạch được lấy từ đền thờ Thánh Phê rô, được đặt dưới nền của thánh đường. Nhà thờ được xây để bày tỏ lòng kính nhớ và biết ơn triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong thánh điện có bản sao của nhà nguyện của giáo hoàng ở  Vatican. Bức họa Đức Mẹ Częstochowa mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến cầu nguyện trong nhiều năm được đặt trong nhà nguyện này. Bên dưới nhà thờ là nhà nguyện Tưởng niệm, dâng kính các vị tử đạo. Tên của những người Ba lan bị giết vì đã giúp người Do thái trong thế chiến thứ 2 với các thánh tích của các ngài có thể thất trên tường của nhà nguyện. Ở trung tâm của nhà nguyện là tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Trong thư gửi cho Đức Hồng Y Zenon Grocholewski, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi cám ơn Hội dòng Chúa Cứu Thế về những nỗ lực của họ, và cám ơn lòng quảng đại của dân Ba Lan ở trong nước cũng như hải ngoại về những đóng góp để hoàn thành việc xây dựng”.

Tùy viên Văn hóa của tòa Đại sứ Israel ở Ba lan, Anna Ben Ezra, bày tỏ lòng biết ơn về việc xây dựng bên tròng nhà thờ mới này nhà nguyện tưởng niệm các người Ba lan bị giết vì giúp đỡ người Do thái bị nguy hiểm trong thế chiến thứ II. Anna Ben Ezra bày tỏ lòng biết ơn về sự phục vụ và dấn thân của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho việc cải thiện mối tương quan của Công giáo và Do thái.

Tong một lá thư, Đức Tổng Giám mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba lan, viết: “Sự thánh hiến của thánh đường Đức  Maria, ngôi sao hướng dẫn việc tái truyền giảng Tin Mừng trong dịp Ba lan kỷ niệm 1050 năm lãnh nhận phép Rửa tội và ngày Quốc tế giới trẻ Cracovia 2016 thật là ý nghĩa. (Zenit 19/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến 2 câu lạc bộ Juventus và Milan

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến 2 câu lạc bộ Juventus và Milan

Đức Thánh Cha và 2 câu lạc bộ Juventus và Milan

Vatican – Vào 12 giờ trưa hôm nay, 20/5/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Liên minh Quốc Gia các nhà chuyên nghiệp bóng đá Seria A và các cầu thủ của 2 câu lạc bộ Juventus và Milan, nhân dịp 2 câu lạc bộ này sẽ tranh cúp vô địch “Coppa Italia” vào chiều mai tại sân vận động Stadio Olympico ở Roma.

Ngoài các vị lãnh đạo, các cầu thủ, các kỹ thuật viên, và các người đồng hành của 2 đội bóng, còn có các đại diên của Liên minh Quốc gia Seria, trong đó có chủ tịch Maurizio Beretta.

Trong bài diễn văn phát biểu trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha ca ngợi sự chuyên nghiệp và vẻ đẹp của bóng đá mà các câu lạc bộ Italia đang tạo nên và kêu gọi các cầu thủ, là những người được nhiều người hâm mộ, đặc biệt là các bạn trẻ, “hành động trong cách thế để từ anh em luôn có thể xuất phát các phẩm chất nhân bản của các vận động viên, dấn thân làm chứng cho những giá trị đích thực của thể thao”.

Đức Thánh Cha cũng đề cao sự liên kết giữa thành công và các nhân đức, Ngài nói: “Sự thành công của một đội bóng là kết quả của nhiều nhân đức: sự hòa đồng, trung thành, khả năng của tình bạn và đối thoại, sự tương trợ; các giá trị thiêng liêng mà trở thành các giá trị thể thao. Khi thực hành các phẩm tính luân lý này, các anh em có thể làm nổi bật hơn mục đích thật sự của thể thao, thỉnh thoảng được ghi dấu bởi cả những hiện tượng tiêu cực”

Ngài cũng nhắc các cầu thủ: “trước khi là một cầu thủ, anh em là một con người với những giới hạn và thế mạnh, nhưng trên tất cả với một lương tâm đúng đắn mà tôi hy vọng luôn được chiếu sáng từ mối liên hệ với Thiên Chúa. Do đó, giữa các anh em, đừng bao giờ giảm đi tình bạn, sự tôn trọng lẫn nhau, sự hiểu biết và cả sự tha thứ. Hãy hành động trong cách thế mà (bản tính) con người luôn luôn hòa hợp với một vận động viên.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Anh em là những nhà vô địch thể thao, nhưng trên hết là vô địch trong cuộc sống”. Ngài khích lệ các cầu thủ: “Hãy luôn nâng cao những gì thực sự tốt đẹp, thông qua một nhân chứng mạnh mẽ của những giá trị đặc trưng cho thể thao đích thực. Đừng ngại làm cho thế giới của những người ngưỡng mộ anh em biết được những nguyên tắc luân lý và tôn giáo mà anh em ao ước chúng soi sáng cuộc sống của anh em”.

Cuối cùng Đức Thánh Cha cám ơn cuộc viếng thăm của phái đoàn và cầu chúc họ những điều tốt đẹp. Ngài cũng xin họ cầu nguyện cho ngài và ngài cũng cầu xin phúc lành của Thiên Chúa cho họ và gia đình.

Juventus và Milan là 2 trong số những câu lạc bộ bóng đá đứng đầu của Italia đang chơi ở giải Seria – giải đấu hàng đầu của Italia. Juventus là đội đã đoạt cúp vô địch Seria mùa giải năm 2015-2016, và đây là lần thứ 5 liên tiếp họ đoạt cúp vô địch. Chiều mai 2 đội Juventus và Milan sẽ tranh cúp Italia, giải đấu Juventus đang đứng đầu với 10 lần vô địch. (Sedoc 19/5/2016)

Hồng Thủy OP

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

Giám Mục phải hỏi ý kiến Tòa Thánh trước khi lập dòng

ĐHY Parolin - Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh

VATICAN. ĐTC Phanxicô qui định từ nay, GM giáo phận buộc phải xin ý kiến của Tòa Thánh trước khi lập dòng giáo phận, nếu không sắc lệnh thành lập sẽ vô hiệu.

Theo khoản giáo luật số 579 hiện hành, GM giáo phận có thể lập dòng trong lãnh thổ của mình, miễn là tham khảo ý kiến Tòa Thánh trước đó. Trong thực tế có nhiều Giám Mục không hỏi ý kiến Tòa Thánh và vẫn lập dòng thành sự. Nay ĐTC xác định rõ hơn tính chất bó buộc của khoản luật này.

Phúc chiếu công bố hôm 20-5-2016, với chữ ký của ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khẳng định rằng:

”Bộ các Hội dòng đời sống thánh hiến và các tu đoàn tông đồ, ý thức rằng mỗi dòng tu mới, dù được khai sinh và phát triển trong một Giáo Hội địa phương, đều là một hồng ân cho toàn thể Giáo Hội, nhưng Bộ thấy cần phải tránh thành lập các dòng mới ở cấp giáo phận mà không có sự phân định đầy đủ, xác định tính chất đặc sắc của đoàn sủng, ấn định những nét đặc thù có đặc tính thánh hiến trong các dòng tu ấy qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm và ấn định các khả thể phát triển thực sự, Bộ thấy nên xác định rõ hơn sự cần thiết phải xin ý kiến của Bộ, theo giáo luật số 579, trước khi tiến hành việc thiết lập một hội dòng giáo phận mới.   Vì thế, theo ý kiến của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật, ĐTC Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ngày 4-4-2016 dành cho Quốc vụ khanh Tòa Thánh ký tên dưới đây, qui định rằng việc hỏi ý kiến Tòa Thánh phải hiểu là cần thiết để thành lập hữu hiệu (ad validitatem) một dòng tu giáo phận, nếu không thì sắc lệnh thành lập dòng ấy sẽ vô hiệu lực.

Phúc chiếu này sẽ được công bố qua việc đăng trên báo Osservatore Romano, Quan sát viên Roma, và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2016, rồi được đăng trên Công báo của Tòa Thánh (Acta Apostolicae Sedis).

Vatican ngày 11 tháng 5 năm 2016.

 Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh

 G. Trần Đức Anh OP

6 Tân Đại Sứ trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha

6 Tân Đại Sứ trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha

6 Tân Đại Sứ trình ủy nhiệm thư lên Đức Thánh Cha

VATICAN. ĐTC phê bình xu hướng tự cô lập vì sợ hãi, đồng thời ngài cổ võ sự quan tâm đến số phận của những người di dân, và nền văn hóa đối thoại.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 19-5-2016 dành cho các vị đại sứ mới của 6 nước đến trình ủy nhiệm thư: Estoni, Malawi, Namibia, Seychelles, Thái Lan và Zambia.

Trong diễn văn chào mừng, sau khi đề cao vai trò của các vị đại sứ góp phần vào việc xây dựng hòa bình, ĐTC nhận xét rằng ”công việc này ngày càng trở nên khó khăn vì thế giới chúng ta dường như ngày càng bị phân hóa và thành những cực khác nhau. Nhiều người có xu hướng tự cô lập đứng trước những khó khăn của thực tại. Họ sợ khủng bố và sợ làn sóng gia tăng của người di dân thay đổi văn hóa, sự ổn định kinh tế và lối sống của họ. Chúng ta hiểu những sợ hãi ấy và không thể coi nhẹ chúng, nhưng cần phải đối phó với chúng một cách khôn ngoan và trong tinh thần cảm thương, tôn trọng và nâng đỡ các quyền lợi và nhu cầu của mọi người”.

ĐTC kêu gọi các vị đại sứ phổ biến cho thế giới thấy thảm cảnh của những người bị bạo lực và cưỡng bách di cư, nhờ đó tiếng nói yếu ớt của các nạn nhân có thể được lắng nghe. Con đường ngoại giao giúp chúng ta gia tăng cường độ và thông truyền tiếng kêu ấy, qua sự tìm kiếm những giải pháp cho nhiều nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột hiện nay. Điều này đặc biệt được thực hiện qua nỗ lực làm cho những kẻ sự dụng bạo lực không còn võ khí, đồng thời chấm dứt tệ nạn buôn người và buôn bán ma túy thường đi kèm tai ương ấy.”

Cũng trong diễn văn với các vị tân đại sứ, ĐTC kêu gọi ”đừng để cho những hiểu lầm và sợ hãi làm suy yếu quyết tâm của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi kiến tạo một nền văn hóa đối thoại, giúp chúng ta nhìn nhận tha nhân như người đối thoại có giá trị, nhìn người nước ngoài, người di dân, người thuộc một nền văn hóa khác, như một chủ thể cần lắng nghe, và quí trọng” (Diễn Văn ngày 6-5-2016 khi nhận giải Carlo Magno)… Nếu sự thiếu thông cảm và sợ hãi trổi vượt, thì chúng ta cũng bị thiệt hại một cái gì đó, nền văn hóa, lịch sử và truyền thống của chúng ta cũng bị suy yếu, và hòa bình bị thương tổn”.

6 vị tân đại sứ đến trình thư ủy nhiệm lên ĐTC là những vị không thường trú tại Roma, nên được ngài tiếp chung. Trong số này, có tân đại sứ Thái Lan, Ông Nopadol Gunavibool, 60 tuổi, hiện nay cũng là Đại sứ tại Vương Quốc Bỉ. Trước đó ông là đại sứ tại Cộng hòa Singapore. (SD 19-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

Đức Thánh Cha khích lệ canh tân hàng giáo sĩ

VATICAN. ĐTC Phanxicô khích lệ nỗ lực của HĐGM Italia trong việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc thường huấn.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây chiều ngày 16-5-2016, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên lần thứ 69 của HĐGM Italia nhóm tại Vatican từ ngày 16 đến 19-5 này.

ĐTC đã trình bày một mẫu Linh Mục lý tưởng dựa theo ba câu hỏi: điều gì làm cho cuộc sống của Linh Mục ấy có hương vị? Việc dấn thân phục vụ của linh mục là cho ai và để làm gì? Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của linh mục?

ĐTC khẳng định rằng: ”Linh Mục ý thức chính mình cũng là một người người bất toại được chữa lành, nên không có thái độ lạnh lùng của một người chỉ tuân giữ luật một cách ngặt nghèo.. Trái lại linh mục chấp nhận người khác, lãnh nhận trách nhiệm về họ, cảm thấy mình tham phần và có trách nhiệm về vận mạng của tha nhân.”

”Linh mục của chúng ta không phải là một người bàn giấy hoặc một công chức vô danh của một cơ chế; linh mục không được thánh hiến để thi hành vai trò của một nhân viên, và cũng không bị thúc đẩy theo những tiêu chuẩn hiệu năng. Linh Mục không tìm kiếm những bảo đảm trần thế hoặc những tước hiệu danh dự làm cho Linh Mục tín thác nơi con người; trong sứ vụ Linh Mục không đòi hỏi cho mình điều gì ngoài nhu cầu thực sự cần thiết, và cũng chẳng bận tâm liên kết mình với những người được ủy thác cho mình. Lối sống của linh mục đơn sơ và thiết yếu, luôn sẵn sàng, khiến Linh Mục là người đáng tín nhiệm trước mặt dân chúng”.

 ĐTC đề cao cố gắng của Linh Mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, đó là bí quyết sống và hành động của Linh Mục. Linh Mục sẵn sàng ra đi truyền giáo, không bám víu vào một nhiệm sở cứng nhắc.

”Đối với một Linh Mục, điều sinh tử là trở lại nhà tiệc ly của Linh Mục đoàn.. Kinh nghiệm này giải thoát Linh Mục khỏi thái độ tự yêu mình và những thứ ghen tương của giáo sĩ, tạo điều kiện cho sự hiệp thông đích thực giữa các Linh Mục với nhau.

ĐTC cũng phê bình thái độ của những người tính toán, so đo, sợ mất mát. Trái lại Linh Mục cần biết dấn thân trọn vẹn, nhưng không, khiêm tốn và vui tươi, cả khi không có ai nhận thấy điều đó.

Hôm 17-5-2016, các GM thuộc 228 giáo phận Italia tiếp tục nhóm họp dưới quyền chủ tọa của ĐHY Chủ tịch Angelo Bagnasco, TGM Genova. Ngoài việc canh tân hàng giáo sĩ, các GM còn bàn về một số đường hướng quản trị kinh tế, duyệt lại các qui luật về tòa án của Giáo Hội, và một loại những biện pháp khác có tính chất pháp lý và hành chánh.

Chiều thứ tư 18-5-2016, các GM sẽ đồng tế thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô nhân dịp mừng 50 năm Linh Mục của ĐHY Bagnasco.

Ngày 19-05, ban lãnh đạo HĐGM Italia sẽ mở cuộc họp báo về kết quả khóa họp hiện nay của HĐGM nước này (SD 16-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Ngày Thế Giới truyền giáo 90

VATICAN. Trong sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 90, ĐTC đề cao vai trò của phụ nữ và các gia đình trong việc biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngày thế giới truyền giáo năm nay sẽ được cử hành vào chúa nhật 23 tháng 10 tới đây với chủ đề ”Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. Trong sứ điệp công bố hôm chúa nhật 15-5-2016 để chuẩn bị cho ngày đó, sau khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi đón nhận và theo Chúa Giêsu qua Tin Mừng và các bí tích, nhờ tác động của Chúa Thánh Linh, chúng ta có thể trở nên người có lòng thương xót như Cha chúng ta trên trời, học yêu thương như Chúa yêu thương chúng ta và biến cuộc sống chúng ta trở thành một món quà nhưng không, dấu chỉ lòng nhân lành của Ngài” (Misericordiae Vultus 3).”

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có bao nhiêu người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội, đã và đang làm chứng về tình yêu thương xót của Chúa, như trong thời kỳ đầu qua kinh nghiệm của Giáo Hội. Dấu chỉ hùng hồn về tình yêu thương từ mẫu của Thiên Chúa là sự hiện diện gia tăng đáng kể của nữ giới trong thế giới truyền giáo, bên cạnh sự hiện diện của nam giới. Các phụ nữ, nữ giáo dân và các người nữ thánh hiến, và ngày nay cũng có nhiều gia đình, đang thực thi ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ việc trực tiếp rao giảng Tin Mừng cho đến các dịch vụ bác ái.”

”Bên cạnh hoạt động loan báo Tin Mừng và cử hành các bí tích do các nam thừa sai đảm nhận, cũng có các phụ nữ và các gia đình hiểu biết một cách thích hợp hơn các vấn đề của dân chúng và biết đương đầu với các vấn đề ấy một cách thích hợp, và đôi khi một cách ”chưa từng có”: qua sự chăm sóc cuộc sống, đặc biết chú ý đến con người hơn là các cơ cấu, tận dụng mọi tài nguyên nhân bản và tinh thần để xây dựng sự hòa hợp, các quan hệ, hòa bình, liên đới, cộng tác và tình huynh đệ, trong lãnh vực các tương quan giữa con người với nhau, cũng như trong lãnh vực rộng hơn lớn của đời sống xã hội và văn hóa, nhất là việc chăm sóc người nghèo”.

Trong phần cuối của sứ điệp, ĐTC nhắc lại sự kiện trong Năm Thánh này, có dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Ngày Thế Giới truyền giáo, do Hội Giáo Hoàng truyền bá đức tin, đề xướng và được ĐGH Piô 11 phê chuẩn năm 1926.. ĐTC cho biết ngài tiếp nối truyền thống của các vị tiền nhiệm, cổ võ cuộc lạc quyên tại các giáo phận, giáo xứ, dòng tu, các hiệp hội và phong trào của Giáo Hội để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô túng thiếu và để đẩy mạnh việc loan báo Tin Mừng cho đến tận bờ cõi trái đất” (SD 15-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz kêu gọi: “Các bạn trẻ, hãy đến Cracovia! Đừng sợ”

Đức Hồng Y Dziwisz

Cracovia – Chỉ còn 2 tháng nữa là ngày hội Giới trẻ lớn nhất thế giới – ngày Quốc tế giới trẻ lần thứ 31 – sẽ diễn ra tại Cracovia, Ba lan. Để xem xét lại các việc chuẩn bị cho sự kiện này, Ủy ban cố vấn của Hội đồng Giám mục Âu châu đã tổ chức một cuộc họp cho các phóng viên và các chuyên gia truyền thông.

Tại Cracovia các công việc đang tiến triển mau chóng và tất cả chờ đợi sự tham dự của khoảng hơn một triệu bạn trẻ. Đức Hồng Y Dziwisz, từng là thư ký riêng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, qua các phóng viên, kêu gọi các bạn trẻ: “Hãy đến Cracovia! Chúng tôi đang đợi các bạn. Đừng sợ hãi! Tình hình ở châu Âu thì tế nhị nhưng ở Ba lan, đất nước chúng tôi, rất an bình. Không có nguy hiểm. Các cơ quan an ninh đang làm tất cả để bào đảm sẽ không có sự cố xảy ra. Tôi nói rõ với các bạn trẻ là đưng sợ. Đây sẽ là một ngày hội đức tin, chứ không đơn giản là một sự kiện giải trí. Chủ đề luôn luôn là Chúa Kitô, do đó cần đào sâu, cầu nguyện, ở bên nhau và vui niềm vui là Kitô hữu cùng với Đức Thánh Cha”.

Đức Hồng Y Dziwisz lạc quan về ngày Giới trẻ quốc tế năm nay. Ngài giải thích: “Cho đến nay đã có các nhóm từ 182 quốc gia đăng ký tham dự. Nó sẽ là một sự kiện tuyệt vời mà chúng tôi đã cảm thấy bầu khí của nó. Các người trẻ muốn gặp nhau và gặp Đức Thánh Cha Phanxicô. Nhưng họ cũng muốn đến Cracovia để biết hơn về Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Các kỷ niệm về ngài vẫn còn đó và các người trẻ muốn biết ngài hơn.”

Đức Hồng Y Dziwisz cũng nhắc là ở Cracovia có một trung tâm dâng kính Lòng Thương xót. Ngài hy vọng là giới trẻ sẽ đến đây và tìm thấy một sự bình an cá nhân và cộng đoàn và mang sứ điệp này cho thế giới. Châu Âu và thế giới cần bình an, qua các sự kiện này chúng ta có thể đóng góp thay đổi bầu khí của thế giới và các đât nước của chúng ta”. (ACI 15/5/2016)

Hồng Thủy OP

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

Các nữ tu Đức Mẹ núi Carmel Ấn độ hứa hiến tặng cơ phận khi qua đời

nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel, Ấn độ

Khoảng 60 nữ tu dòng Đức Mẹ núi Carmel ở bang Uttarakhand, miền Bắc Ấn độ, đã hứa hiến tặng các cơ phận của mình khi qua đời. Đối với họ, việc làm này là một đóng góp cho năm Thánh Lòng Thương xót. Chị Jaya Peter nói: “khi sống, chúng tôi phục vụ con người qua sự phục vụ xã hội và bây giờ, sau khi chết các cơ phận của chúng tôi sẽ hữu ích cho những ai cần đến chúng”. Chị cũng cho biết là 110 nữ tu Carmel ở Kerala cũng đã hứa như thế vào tháng trước.

Ở Ấn độ, người ta ngần ngại hiến tặng cơ phận dù cho thực tế là các cơ phận được hiến tặng đang rất thiếu. Theo chị nhiều người không ý thức về việc hiến tặng cơ phận và giáo dục họ về điều này rất là quan trọng. Ở Ấn độ, hàng năm có hơn 3000 việc cấy ghép cơ phận trong khi có hơn 1 triệu người đang chờ đợi chết vì không có cơ phận được hiến tặng để cấy ghép.

Cha Mathew Abraham, giám đốc Hiệp hội Sức khỏe Công giáo của Ấn độ, cho biết là nhu cầu về các cơ phận vượt quá khả năng cung cấp vì một số lý do. Người dân vẫn chưa biết tầm quan trọng của việc hiến tặng cơ phận và việc này có thể giúp họ và người khác thế nào. Họ không biết việc hiến tặng cơ phận được thực hiện thế nào. Ngay cả tôn giáo cũng có vài ảnh hưởng tiêu cực về việc này, ví dụ một số niềm tin vào sự sống sau khi chết. Các thành viên của Hiệp hội sự sống đang truyền bá ý thức về việc hiến tặng trên khắp quốc gia và khuyến khích người dân hiến tặng. (UCAN 16/5/2016)

Hồng Thủy OP

 

Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội

Tiền bạc và quyền lực làm nhơ bẩn Giáo hội

Thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. Con đường mà Đức Giêsu chỉ ra là con đường yêu thương, phục vụ, nhưng trong Giáo hội, người ta lại thường đi tìm kiếm quyền lực, tiền bạc và những điều phù phiếm khác. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Ba, 17.05, tại nguyện đường Thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ của thế gian muốn chia rẽ Giáo hội và cảnh giác những kẻ ‘cơ hội’. Họ là những người luôn tìm cách loại trừ người khác để leo lên vị trí cao hơn.

Các Kitô hữu phải chiến thắng cám dỗ quyền lực

“Các môn đệ có cám dỗ về quyền lực. Họ suy nghĩ theo tinh thần thế gian. Các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Nhưng Đức Giêsu nói với các ông rằng phải làm người rốt hết, phải làm người phục vụ mọi người.

Tiêu chuẩn trên con đường mà Đức Giêsu chỉ ra chính là sự phục vụ. Người đứng đầu phải là người phục vụ, khiêm nhường phục vụ người khác chứ không huênh hoang, tự đắc, chỉ lo tìm kiếm quyền lực, tiền tài và những thứ phù phiếm khác. Nếu ai không phục vụ thì không phải là người lớn hơn cả. Tranh cãi với nhau xem ai là người lớn hơn cả đã là chuyện xảy ra với các tông đồ, cũng như với mẹ của Gioan và Giacôbê. Và đó cũng chính là điều diễn ra ngày hôm nay trong Giáo hội, trong mỗi cộng đoàn. Trong chúng ta, ai là người lớn hơn cả? Ai là người ra lệnh? Trong mỗi cộng đoàn, trong các xứ đạo, trong các tổ chức luôn có một ước muốn được thăng tiến, được leo thật cao trên nấc thang quyền lực.

Bài đọc một thuật lại một đoạn trong lá thư của thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân đã cảnh giác mọi người trước đam mê quyền lực, ghen ghét, ganh tị dẫn đến việc loại trừ lẫn nhau.

Đây cũng là thông điệp cho Giáo hội ngày hôm nay. Thế gian cho rằng ai có nhiều quyền lực sẽ là người chỉ huy. Nhưng Đức Giêsu lại tuyên bố ngài đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.

Khi chúng ta có những ước muốn thế tục, muốn nhiều quyền lực, muốn được phục vụ chứ không phục vụ, thì sẽ rất dễ dẫn đến việc  chúng ta nói xấu và loại trừ người khác. Sự ghen ghét và đố kỵ cũng khiến người ta làm như thế. Tất cả chúng ta đều biết điều này. Nó xảy ra trong mọi tổ chức của Giáo hội: xứ đạo, trường học, giáo phận và thậm chí là trong giám mục đoàn. Ước muốn của tinh thần thế gian chính là tinh thần của sự giàu có, của danh vọng và những thứ phù phiếm. Đức Giêsu đã dạy sự khiêm nhường phục vụ nhưng các môn đệ lại cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong số họ. Đức Giêsu đến thế gian này để phục vụ và ngài dạy cho chúng ta con đường của sự phục vụ, của khiêm hạ.

Yêu thế gian là ghét Thiên Chúa

Khi các vị đại thánh nói họ cảm thấy mình rất tội lỗi, đó là vì họ hiểu được tinh thần thế gian đang tồn tại trong tâm hồn họ, và họ bị cám dỗ rất nhiều bởi những tinh thần ấy. Không ai trong chúng ta có thể nói: Tôi là thánh. Tôi trong sạch.

Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bởi tinh thần thế gian. Chúng ta bị cám dỗ loại trừ người khác để leo lên những vị trị trên cao. Đó chính là cám dỗ của thế gian, gây chia rẽ và hủy hoại Giáo hội, chứ không phải là Thần Khí của Đức Giêsu. Chúng ta hãy hình dung cảnh này: Khi Đức Giêsu nói những lời khiêm tốn phục vụ, các môn đệ thưa: ‘Thôi Thầy ơi, đừng yêu cầu quá nhiều. Chúng ta hãy đi thôi’. Và sau đó, các ông lại thích cãi vã với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rất nhiều lần chúng ta đã thấy điều này xảy ra trong Giáo hội và ngay cả chúng ta cũng đã làm như thế. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta, để chúng ta hiểu ra rằng yêu thế gian, hay yêu tinh thần thế gian, tức là ghét Thiên Chúa.”

Vũ Đức Anh Phương SJ 

Vừa gian ác tham lam lại vừa ngu

Vừa gian ác tham lam lại vừa ngu

Protest Dead fish in Viet Nam 1Courtesy picture

Từ đầu tháng tư và nhất là đầu tháng 5 vừa qua nạn ô nhiễm môi trường biển miền Trung Việt Nam đã khiến cho cá và hải sản chết hàng loạt, kể cả các loại cá sống sâu dưới đáy biển. Thật ra nạn cá chết trôi giạt vào bờ đã được ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh phát hiện ngày mùng 6 tháng 4.  Những ngày sau đó nạn cá chết lan dần xuống bờ biền Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.

Ngày 22 tháng 4 một người dân lặn biển là ông Nguyễn Xuân Thành đã tìm thấy đường ống thải hóa chất dưới đáy biển. Ông cho báo Thanh niên biết là đường ống này phun nước rất mạnh. Nước phun từ đường ống ra có mầu vàng đục, nhừa nhựa, mùi hôi thối, khi ngừi thì cảm thấy nghẹt thở. Ngày 24 tháng 4 giáo sư Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện khoa học công nghệ và quản lý môi trường thuộc đại học công nghiệp thành phố Sài Gòn cho đài BBC Luân Đôn biết những loại chất làm cho cá và thuỷ sản chết nhanh và nhiều như vậy thuộc loại vô cùng độc hại, và dòng hải lưu đã khiến cho các chất độc từ Hà Tĩnh lan nhanh về Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Chỉ trừ một số chất làm sạch nước, chống khuẩn, còn lại các chất chống gỉ, chống ăn mòn, khử trùng, trung hoà vv.. đều gây độc. Các thành phần giầu kim loại nặng, rất giầu hóa chất mạch vòng và chất điện tử tự do đều gây độc kinh khủng . Chúng có thể tạo ra các hợp chất cơ kim rất bền trong nước và rất khó giải độc.

Protest Dead fish in Viet NamCourtesy picture

Ngày 27 tháng 4 ngư dân Đã Nẵng cũng thấy cá chết hàng loạt giạt vào bờ.

Ống cống thải các chất cực độc nói trên thuộc Công ty gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh của tập đoàn Formosa Đài Loan, được thành lập năm 2008 và hoạt động tại khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh. Ba chủ đầu tư chiến lược của công ty Formosa Hà Tĩnh là Tổng công ty thép Đài Loan chiếm 25% cổ phần, Công ty Plastics Group Formosa, con của Công ty hoá chất dầu hoả Formosa chiếm 70% và Tập đoàn thép của Nhật Bản chiếm 5%. Các công ty này đầu tư 10.5 tỷ mỹ kim và tạo công ăn việc làm cho gần 6,500 nhân công.

Tuy chứng cớ đã rành rành, nhưng Công ty gang thép hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn khẳng định họ không gây ô nhiễm môi trường biển. Và ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường còn khẳng định rằng Công ty Formosa được nhà nước cho phép xả thải.

Thật ra ngay từ tháng 12 năm 2015 đã xảy ra hiện tượng ngao sò chết tại Hà Tĩnh. Mãi cho tới khi cá bắt đầu chết hàng loạt người ta mới chú ý. Khoảng cách từ Đà Nẵng tới mũi Cà Mau là 1,242 cây số. Chỉ trong vòng 6 tuần toàn bờ biển Việt Nam sẽ trở thành bờ biển chết.

Ngày mùng 8 tháng 4 lực lượng tuần tra biên phòng Quảng Bình đã chận bắt 6 tầu đánh cá Trung quốc đột nhập sâu bờ biển Việt Nam, chỉ cách Nhật Lệ tỉnh Đồng Hới 19 hải lý về phía đông. Các ngư dân này đều bất hợp tác và đa số là tầu trinh sát giả dạng ngư phủ.

Cũng vào đầu tháng 5 người dân sống gần đảo Pag-asa thuộc vùng biển phía tây của Philippines cũng chứng kiến hàng hàng lớp lớp các loài sinh vật biển chết, trôi giạt đầy bờ. Như thế, cùng thời điểm Công ty Formosa Hà Tĩnh bất ngờ đẩy mạnh việc xả hàng tấn chất độc ra biển cũng là lúc nhiều tầu Trung Quốc giả dạng như dân nhưng có vũ trang được lệnh xâm nhập và bỏ các chất độc hại xuống vùng biển tranh chấp, nhằm tiêu diệt người dân các nước vùng Đông Nam Á, bắt đầu với Việt Nam và Philippines.

Vì lợi nhuận 10.5 tỷ mỹ kim nhà nước cộng sản Hà Nội đã khiến cho toàn bờ biển Việt Nam biến thành biển chết, kéo theo các hậu quả vô cùng thảm khốc. Sẽ có hàng chục triệu người mất công ăn việc làm và sẽ chết đói. Toàn bộ thu nhập đánh bắt, nuôi trồng và xuất cảng hải sản đem về hàng mấy chục tỷ mỹ kim hàng năm sẽ bị mất trắng. Thế rồi với nạn ô nhiễm môi trường biển và hải sản ngành du lịch hàng năm đem lại mấy chục tỷ mỹ kim cũng sẽ khựng lại. Toàn dân Việt Nam sẽ bị ngộ độc vì thực phẩm và nước biển ô nhiễm. Hàng chục triệu trẻ em sinh ra sẽ là các quái thai, tàn tật, dị dạng, tạo ra một xã hội gồm hàng triệu trẻ em tàn tật.

Khi nhìn vào tình hình của đất nước, ai cũng dễ dàng nhận ra Trung  Quốc đang bức tử Việt Nam, với hai gọng kìm siết họng 90 triệu con dân nước Việt. Gọng kìm phiá Đông là các căn cứ quân sự và tầu chiến ở Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa và hàng ngàn tầu đánh cá vũ trang bắn phá, huỷ hoại và xua đuổi tầu đánh cá của ngư phủ Việt Nam. Rồi giờ đây là chiến thuật xả các chất độc hại để giết dân Việt Nam.

Gọng kìm thứ hai ở phía Tây là ngăn chặn dòng chảy của sông Mêkông với hàng chục đập thuỷ điện lực, khiến cho miền nam Tây nguyên và cả miền Tây Việt Nam đang bị hạn hán, mất mùa và biến đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của Việt Nam, trở thành khô cằn và nhiễm mặn nặng nề.

Protest dead fish in VN 1Courtesy picture

Nhưng lưỡi mác mổ bụng dân Việt là các đội quân kinh tế, gồm cả quân đội, ngày càng đông đảo không giấy tờ tràn sang trồng rừng, xây nhà máy, đường sá, cầu cống, xe lửa, khai thác bau xít, xây cảng, xây các vùng tự trị, lập khu dân cư với các hàng quán cửa hiệu Tầu, lấy phụ nữ Việt, đẻ con mang họ Tầu. Người Tầu nắm chặt mọi hoạt động kinh tế, đời sống của dân Việt từ Bắc chí Nam với hàng trăm nhà máy thuỷ điện, sắt thép , xi măng, phân bón, cơ khí phụ thuộc trang thiết bị Tầu, do các công ty Tầu nắm. Buôn bán thực phẩm, thịt và rau quả độc hại cũng nằm trong tay Tầu. Các thứ nguyên liệu xuất cảng vài, da, tơ lụa cũng do Tầu nắm chặt và định giá.

Thế là vì gian ác, tham lam và ngu dốt, 19 uỷ viên Bộ chính trị, 200 Uỷ viên trung ương, 500 đại biểu Quốc Hội và hơn 3 triệu đảng viên cộng sản đã bán đứng Việt Nam cho Tầu Cộng, để cho tập đoàn cộng sản Bắc Kinh sai khiến như nô lệ và bức tử nhân dân Việt Nam.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

Công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan với Thiên Chúa là Cha

ĐTC chủ sự thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ Thánh Phêrô sáng Chúa Nhật 15-5-2016

Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha

Toàn công trình cứu chuộc của Chúa Kitô là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha bằng cách ban Chúa Thánh Thần để Người hướng dẫn, ủi an và bênh vực chúng ta trong cuộc sống.

ĐTC đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ cử hành lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong đền thờ thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ĐTC có gần 100 vị gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy chục Linh Mục. Đảm trách phần thánh ca có ca đoàn Sistina của Toà Thánh và ca đoàn Mater Ecclesiae. Tham dự thánh lễ đã có khoảng 10.000 tín hữu và du khách hành hương.

Sau bài thánh ca Xin Chúa Thánh Thần đến và ca nhập lễ ĐTC đã bắt đầu buổi cử hành với phần làm phép nước là dấu chỉ lòng lành của Thiên Chúa, Đấng đã giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ, và dẫn đưa họ vuợt qua Biển Đỏ, Đấng đã cho nước vọt ra trong sa mạc để giải khát cho dân  cho dân. Với hình ảnh nước mát, các ngôn sứ đã tiên báo giao ước mới, mà Thiên Chúa muốn cống hiến cho loài người. Sau cùng trong nuớc sông Giordan được Chúa Kitô thánh hóa, Chúa đã khai mào bí tích tái sinh ghi dấu việc khởi đầu một nhân loại mới, tự do không bị tội lỗi làm hư hoại. Xin Chúa làm sống dậy nơi chúng con trong dấu chỉ của nước thánh này kỷ niệm bí tích Rửa Tội để chúng con có thể kết hiệp với cộng đoàn tươi vui của tất cả các anh chị em đã được rửa tội trong lễ Phục Sinh của Chúa Kitô Chúa chúng con.

Tiếp đến ĐTC và hai Phó tế rảy nước thánh trên tín hữu, trong khi ca đoàn hát bài thánh thi “Tôi đã trông thấy nước từ Đền Thờ chảy ra, nước ấy chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó”.

Bài đọc một bằng tiếng Tây Ban Nha, trích từ sách Công Vụ kể lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến cho các Tông Đồ mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô phục sinh và dân chúng thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiểu trong ngôn ngữ của mình điều họ nghe. Bài đọc hai bằng tiếng Anh, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Roma, nói về cuộc sống mới trong Thần Khí khiến cho tín hữu được gọi Thiên Chúa là Cha. Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh thuật lại các lời Chúa Giêsu khích lệ các môn đệ ở lại trong Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, để Thiên Chúa Cha và Ngài yêu thương họ và ở lại trong họ. Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu sẽ gửi đến sẽ dậy dỗ họ mọi điều, để họ nhớ lại những gì Ngài đã nói với họ.

Giảng trong thánh lễ ĐTC nói:

 “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14,18). Sứ mệnh của Chúa Giêsu đạt tột đỉnh với ơn Chúa Thánh Thần đã có mục đích nòng cốt này: đó là nối lại tương quan của chúng ta với Thiên Chúa Cha, đã bị tội lỗi làm hư hại; kéo chúng ta ra khỏi điều kiện mồ côi và tái lập điều kiện là con cho chúng ta.

Khi viết cho kitô hữu giáo đoàn Roma thánh tông đồ Phaolô nói: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! " (Rm 8,14-15). Đó là tương quan được nối lại: chức làm cha của Thiên Chúa được kích hoạt lại trong chúng ta nhờ hoạt đông cứu độ của Chúa Kitô và nhờ ơn Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha ban cho dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha. Toàn công trình cứu chuộc là một công trình tái sinh, trong đó chức làm cha của Thiên Chúa, qua ơn của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, giải thoát chúng ta khỏi cảnh mồ côi chúng ta đã bị rơi vào. Cả trong thời đại của chúng ta ngày nay nữa  cũng gặp thấy nhiều dấu chỉ của điều kiện mồ côi này của chúng ta: sự cô đơn nội tâm mà chúng ta cũng cảm thấy giữa đám đông  và đôi khi có thể trở thành  sự buồn sầu hiện sinh; yêu sách tự lập khỏi Thiên Chúa, đi kèm một nhớ nhung nào đó về sự gần gũi cuả Ngài; sự mù chữ tinh thần phổ biến khiến cho chúng ta không có khả năng cầu nguyện; cái khó khăn trong việc cảm nhận sự sống vĩnh cửu đích thật như sự hiệp thông tràn đầy đâm chồi và nẩy lộc vượt quá cái chết; sự mệt nhọc trong việc thừa nhận ngườì khác như anh em, trong tư cách là con của cùng một Cha; và nhiều dấu chỉ tương tự khác nữa.

Đối nghịch với tất cả các thứ đó là điều kiện là con, là ơn gọi nguyên thuỷ của chúng ta, là điều vì đó chúng ta đã được tạo dựng nên, là yếu tố di truyền sâu đậm nhất cuả chúng ta, nhưng nó đã bị hư hoại,  và để tái lập nó đã cần phải có hy tế của Con Một Thiên Chúa. Từ ơn tình yêu vô biên là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, đã nảy sinh ra cho toàn nhân loại như là một thác ơn thánh vô biên, việc đổ tràn đầy Thánh Thần. Ai dìm mình với đức tin trong mầu nhiệm tái sinh ấy thì được sinh lại vào cuộc sống tràn đầy là con cái Thiên Chúa.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói:

Thầy sẽ không để các con mồ côi”. Hôm nay, lễ Ngũ Tuần, các lời này của Chúa Giêsu cũng khiến cho chúng ta nghĩ tới sự hiện diện hiền mẫu của Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly. Mẹ Chúa Giêsu ở giữa cộng đoàn các môn đệ tụ họp cầu nguyện: Mẹ là ký ức sống động của Con và là lờì khẩn nài sống động của Thánh Thần. Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Một cách đặc biệt chúng ta hãy phó thác cho lời bầu cử cuả Mẹ tất cả các kitô hữu, các gia đình và các cộng đoàn trong lúc này đây đang cần đến sức mạnh của Thần Khí Ủi An, Bảo Vệ. Thần Khí của sự thật, tự do và hoà bình.

Thần Khí, như thánh Phaolô khẳng định một lần nữa, khiến cho chúng ta thuộc về Chúa Kitô: “Nếu ai không có Thần Khí của Chúa Kitô thì không thuộc về Ngài” (Rm 8,9). Và khi củng cố tương quan tuỳ thuộc về Chúa Giêsu của chúng ta, Thần Khí làm cho chúng ta bước vào một năng động huynh đệ mới. Qua Người Anh đại đồng là Chúa Giêsu, chúng ta có thể tương quan với các người khác  một cách mới mẻ, không phải như những kẻ mồ côi nữa, nhưng như là con cái của cùng một Cha nhân lành và thương xót. Và điều này thay đổi mọi sư! Chúng ta có thể nhìn nhau như anh em và các khác biệt của chúng ta chỉ gia tăng niềm vui và sự tuyệt diệu thuộc về một chức làm cha và tình huynh đệ duy nhất.

Các lời nguyện giáo dân đã được tuyên đọc trong các thứ tiếng Tầu, Giorgiano, Pháp, Armeno và Lingala: xin cho các ơn của Chúa Thánh Thần làm cho Giáo Hội mạnh mẽ loan báo sự thật và chiếu sáng thực tại Phục Sinh; xin cho các nhà làm luật và những ngươi cai trị được giải thoát khỏi tinh thần thế tục và biết lo cho công ích; xin cho người trẻ biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi và quảng đại đáp trả để trở nên linh mục tu sĩ; xin cho các kitô hữu đang gặp cảnh khó khăn thử thách và bách hại đưọc kiên cường và sự hy sinh của họ làm sống dậy đức tin của các anh chị em nguội lạnh; xin cho các anh chị em nghèo túng và khổ đau được Chúa Thánh Thân an ủi và được các anh chị em khác trợ giúp trong tình bác ái.

Các lễ vật đã được 3 gia đình đem lên bàn thờ, trong đó có gia đình ông bà De Branche với 4 người con và gia đình ông bà Del Rossi và Barbarra Potenza với 3 người con sinh cùng một lúc.

Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 60.000 tín hữu.  Trong bài huấn dụ ngài nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ “Nếu các con yêu mến Thầy thì sẽ giữ các giới răn của Thầy, Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Bảo Trợ khác để Người ở với các con luôn mãi. ĐTC nói:

Các lời này nhắc nhớ chúng ta trước hết rằng tình yêu đối với một người và cả đối với Chúa nữa không chỉ được chứng minh bằng lời nói, nhưng với việc làm. Và cả việc tuân giữ các giới răn cũng được hiểu trong nghĩa hiện sinh, làm sao để toàn cuộc sống bị liên lụy. Thật thế, là kitô hữu một cách nòng cốt không có nghĩa là tuỳ thuộc một nền văn hóa hay theo một lý thuyết nào đó, mà đúng hơn là cột buộc mọi khía cạnh đời mình vào con người của Chúa Giêsu và qua Người vào Thiên Chúa Cha. Chính vì thế mà Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ Ngài. Chính nhờ Thánh Thần, là Tình Yêu kết hiệp Chúa và Chúa Con và từ đó Người phát xuất, mà tất cả chúng ta có thể sống chính cuộc sống của Chúa Giêsu Thật thế, Thần Khí dậy chúng ta mọi điều, hay điều duy nhất cần thiết là yêu như Thiên Chúa yêu. Chúa Giêsu định nghĩa Thánh Thần là Đấng bào chữa, là Đấng an ủi, là Trạng Sư và Đấng bầu cử, nghĩa là Đấng trợ giúp, bênh vực và ở bên cạnh chúng ta trên con đường cuộc sống và trong cuộc đấu tranh cho sự thiện chống lại sự dữ. Ngoài ra Chúa Thánh Thần còn có nhiệm vụ dậy dỗ và nhắc nhở chúng ta. Người khiến cho giáo huấn của Chúa Giêsu sống và hoạt động để nó không bị thời gian xóa bỏ và làm suy yếu đi. Chúa Thánh Thần tháp giáo huấn đó vào tim chúng ta và giúp chúng ta nội tâm hóa nó, bằng cách làm cho nó trở thành thịt của chúng ta, và chuẩn bị cho chúng ta có khả năng nhận các lời và các gương sống của Chúa. Xin Mẹ Maria bầu cử cho chúng ta được linh hoạt một cách mạnh mẽ bởi Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Kitô và ngày càng rộng mở cho tình yêu tràn đầy của Chúa.

Tiếp đến ĐTC đã cất Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành cho mọi người.

Sau Kinh Lây Nữ Vương Thiên Đàng ĐTC cho biết ngài đã công bố sứ điệp cho Ngày Thế Giới Truyền Giáo  cử hành vào Chúa Nhật thứ ba tháng 10 tới xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho các thừa sai truyền giáo cho muôn dân và nâng đỡ sứ mệnh  của Giáo Hội trên toàn thế giới.

Chào nhiều nhóm tín hữu và du khách hành hương, ĐTC khích lệ mọi người là chứng nhân lòng thương xót và niềm hy vọng của Chúa.

Linh Tiến Khải

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Giáo hoàng Phanxicô bất ngờ viếng thăm cộng đoàn “Chicco”

Đức Thánh Cha thăm cộng đoàn Chicco

Vatican – Một lần nữa, Đức Giáo hoàng Phanxicô tạo bất ngờ vì chuyến viếng thăm đột xuất của ngài.

Chiều hôm qua 13/5, “trong chuỗi hoạt động của sáng kiến Năm Thánh ‘các ngày thứ sáu của lòng thương xót’, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm cộng đoàn ‘Il Chicco’ ở Ciampino. “Chicco” là cộng đoàn được thực hiện đầu tiên ở Italia, được thành lập vào năm 1981, đón nhận 18 người bị thiểu năng trí tuệ nặng. Cộng đoàn thứ 2 tương tự như vậy được thành lập ở Bologna và một cộng đoàn thứ 3 sắp được thành lập ở đảo Sardegna.

Đây là một cộng đoàn trong mạng lưới gia đình rộng lớn của Hiệp hội ‘Arche’ – Con Tàu – do Jean Vanier sáng lập vào năm 1964, hiện diện ở 30 quốc gia thuộc 5 châu. Cùng với Hiệp hội Đức tin và Ánh sáng, các cơ sở này giúp đỡ những người yếu đuối và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ý hướng  căn bản của các cộng đoàn này là đón nhận những người khuyết tật nặng nề và làm cho họ cảm thấy được đón nhận và tự lo liệu cho cuộc sống của họ và của những người cùng chia sẻ với họ. Ý tưởng quan trọng của Hiệp Hội ‘Arche’ – Con Tàu là không có ai bị phân biệt kỳ thị bởi bất cứ hình thức khuyết tật nào.

Viếng thăm các cơ sở này giúp chúng ta khám phá ra những người khuyết tật này có một cảm nhận chân thật phát sinh từ tình cảm sâu sắc và tìm kiếm tình bạn. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã muốn thực hiện thêm một cử chỉ chống lại nền văn hóa loại trừ.

Cha Lombardi đã giải thích: người ta không thể bị tước đi tình yêu, niềm vui và phẩm giá chỉ vì mang trong mình sự thiểu năng trí tuệ. Không có ai có thể cho phép mình đối xử phân biệt với họ vì những định kiến là thứ đã gạt họ ra ngoài lề và nhốt họ sống đơn độc trong những gia đình và hiệp hội.

Tại cộng đoàn “Chicco” ở Ciampino có 2 “gia đình” là “Vườn nho” và “Oliu”.  Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngồi ở bàn để dùng bữa snack với các người khuyết tật và các tình nguyện viên, nghe các lời đơn sơ của Nadia, Salvatore, Vittorio, Paolo, Maria Grazia, Danilo…, chia sẻ niềm vui và sự đơn sơ trong giây phút gia đình này. Ngài cũng đã thăm những người bị tâm thần nặng và bày tỏ tình cảm sâu sắc và dịu dàng, đặc biệt với Armando e Fabio, là những người đầu tiên được đón nhận vào cộng đoàn.

Theo ý hướng của vị sáng lập, các người khuyết tật cũng phải tham gia vào cuộc sống với các hoạt động tay chân tùy theo khả năng của họ. Do đó Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến xưởng thủ công, nơi họ hàng ngày làm việc, tạo ra các đồ thủ công nho nhỏ từ sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các thành viên “Chicco”. Cuối cùng, tất cả cùng nắm tay nhau và cầu nguyện với Đức Giáo hoàng trong nhà nguyện nhỏ. Tất cả ôm vị cha chung và chia tay với ngài lúc khoảng 18.30.

Bên cạnh số tiền đóng góp cá nhân, Đức Giáo hoàng còn mang theo pasta, các loại trái cây, được mọi người hân hoan vỗ tay đón nhận.

Đây là “cử chỉ của Lòng thương xót” thứ 5 của Đức Giáo hoàng trong Năm Thánh. Vào tháng 1 ngài đã thăm nhà hưu dưỡng dành cho các người già và các bịnh nhân sống thực vật; vào tháng 2 ngài thăm cộng đoàn người nghiện ở Castelgandolfo; tháng 3 ngài đến trung tâm đón tiếp người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; và tháng 4 ngài thăm đảo Lesbo. (ACI 13/5/2016)

Hồng Thủy OP

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức ”Năm thứ 100”

Đức Thánh Cha tiếp tổ chức Năm thứ 100

VATICAN. ĐTC kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm ra câu trả lời dài hạn về chính trị, xã hội và kinh tế đặc biệt cho cuộc khủng hoảng di dân và tị nạn hiện nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 13-5-2016, dành cho 300 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức mang tên thông điệp ”Năm Thứ 100” (Centesimus Annus) của ĐGH Gioan Phaolô 2.

ĐTC nhắc lại cuộc viếng thăm mới đây của ngài tại đảo Lesbo bên Hy lạp, nghe những chứng từ đau thương của những người tị nạn. Cuộc viếng thăm của ngài muốn lôi kéo sự chú ý của các vị hữu trách và dư luận về thảm cảnh này. ĐTC nói: ”Ngoài khía cạnh giúp đỡ vật chất cho các anh chị em ấy của chúng ta, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đề ra những câu trả lời chính trị, xã hội và kinh tế về lâu về dài cho các vấn đề vượt lên trên ranh giới quốc gia và đại lục, liên hệ tới toàn thể gia đình nhân loại”.

Tại hội nghị của tổ chức ”Năm Thứ 100”, các tham dự viên cứu xét, dưới những những quan điểm khác nhau, những hệ luận thực hành và luân lý đạo đức của nền kinh tế của thế giới hiện nay, đồng thời tìm cách đặt nền móng cho một nền văn hóa kinh tế và công việc kinh doanh, bao gồm mọi người và tôn trọng phẩm giá của con người”.

ĐTC cảnh giác rằng ”một quan niệm kinh tế chỉ nhắm đến lợi lộc và an sinh vật chất thì không có khả năng góp phần tích cực vào một sự hoàn cầu hóa giúp phát triển toàn diện cho các dân tộc trên thế giới, phân phối tài nguyên công bằng, bảo đảm công ăn việc làm xứng đáng, làm tăng trưởgn các sáng kiến tư nhân và các xí nghiệp địa phương. Một nền kinh tế loại trừ và bất chính (EG 53) đã làm gia tăng số người bất hạnh và những người bị gạt bỏ vì bị coi là không sản xuất và vô ích.

ĐTC nhận xét rằng: ”Hậu quả của thứ kinh tế đó chúng ta cũng nhận thấy trong các xã hội tân tiến, trong đó sự gia tăng tỷ lệ nghèo đói và suy đồi xã hội là một đe dọa nghiêm trọng cho các gia đình, cho giai cấp trung lưu và đặc biệt là cho những người trẻ. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thực là một gương mù, đòi phải giải quyết trước tiên về mặt kinh tế, nhưng còn phải đối phó như một căn bệnh xã hội, xét vì tuổi trẻ bị tước đoạt mất niềm hy vọng và những tài nguyên lớn lao của họ vệ năng lực, óc sáng tạo và trực giác lớn lao của họ bị tiêu tán” (SD 13-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

“Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

“Christo’s Box” – sáng kiến của Đức Thánh Cha ủng hộ bịnh viện nhi ở Trung Phi

Chrostox box

Vatican – Một sáng kiến từ thiện mới, liên kết nghệ thuật, văn hóa, lòng thương xót và sự tương trợ với nhau. Đó là “Christo’s Box – hộp của Christo, giữa nghệ thuật và lòng thương xót, món quà cho Bangui”.

Sự kiên được phát động bởi Bộ truyền thông của Tòa Thánh, bởi bảo tàng viện Vatican với trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin.

Những tác phẩm nghệ thuật khổ nhỏ (hơn 300 tác phẩm) được thực hiện bởi nghệ nhân nổi tiếng người Bungari Christo Vladimirov Javacheff sẽ được bán tại các buổi đấu giá ở Luân đôn, Torino, Milan, Roma và tất cả số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi ở Bangui, Cộng hòa Nam Phi. Đó là ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô để tương trợ cho một vùng đất nghèo khổ như tại Bangui, miền trung của Châu Phi.

Sáng kiến này bắt đầu từ tác phẩm nghệ thuật mà Christo đã thực hiện với một gói hàng có hộp chứa các dvd “Khám phá bảo tàng viện Vatican”do trung tâm Truyền hình Vatican và văn phòng thông tin thực hiện. Tác phẩm này mô tả khuôn mặt của một thanh niên, được vẽ cách đây 500 năm bởi Raphael, bên cạnh triết gia Aristote trong bức họa nổi tiếng “trường học Atêna”. Họa sĩ đã chọn tập trung sự chú ý của mình vào đôi mắt của chàng thanh niên, người anh em họ của Đức Phaolô II. Christo chụp lấy ánh nhìn của chàng thanh niên, bất động và ngừng lại ở vô cùng, diễn tả vẻ đẹp sâu xa.

Các hộp đựng DVD này sẽ được bán tại nhiều nơi khác và số tiền thu được sẽ giúp cho các bịnh nhân trẻ em của Trung Phi có những bình dưỡng khí và dụng cụ hồi sức, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn và tuyên bố rõ ràng trong cuộc viếng thăm Bangui vào năm ngoái. Còn bản gốc của tác phẩm sẽ được tác giả tặng cho Vatican và sẽ được cất giữ tại Bộ truyền thông của Tòa Thánh.

Trong cuộc phỏng vấn trong buổi giới thiệu tác phẩm này, giám đốc bảo tàng viện Vatican, ông Antonio Paolucci đã nói: “Christo đã đóng gói Raphael” và ông làm như thế để giúp đỡ Bịnh viện nhi đồng ở Bangui, ở vùng thất vọng nhất của Châu Phi: là một mẫu gương đáng khâm phục của sự đa năng.  Cách đây 500 năm, Đức Giáo hoàng Giulio II đã gọi Raphael đến vẽ các phòng của Vatican vì muốn vinh danh ông và Giáo hội. Ngày nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô dùng Raphael và Christo cho một hành động từ thiện cho những người nghèo nhất giữa những người nghèo.

Đức ông Vigàno, giám đốc Ủy ban truyền thông thì nhấn mạnh rằng: “Hoạt động này có một mục đích kép. Trên hết nó trình bày dấu chỉ cụ thể sự quan tâm của Ủy ban Truyền thông của Tòa Thánh đến một thời đại và ngôn ngữ đặc trưng của nó. Christo là một trong những nhân vật nổi tiếng của nghệ thuật đương đại của thế giới. Tác phẩm mà ông tặng cho Bộ truyền thông sẽ là một dấu hiệu cụ thể của sự kết hợp mà ông thấy tại Bảo tàng viện Vatican. Khía cạnh thứ hai là sự liên kết giữa nghệ thuật, văn hóa và sự tương trợ. Tác phẩm nghệ thuật trở thành món quà cho nhân loại và cũng là cơ hội để thực hiện một hành động từ thiện cụ thể. Chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ định là số tiền thu được sẽ tặng cho bịnh viện nhi đồng ở Bangui. (ACI 12/5/2016)

Hồng Thủy OP

Thiên Chúa là Cha vẫn yêu thương và chờ đợi con người trở về

Thiên Chúa là Cha vẫn yêu thương và chờ đợi con người trở về

ĐTC chào một nhà sư trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 11-5-2016

Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi không bao giờ được quên rằng tôi vẫn luôn mãi là con của Thiên Chúa, của một người Cha yêu thương tôi và chờ đợi tôi trở về. Cả trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc sống, Thiên  Chúa vẫn chờ đợi tôi, Thiên Chúa vẫn muốn ôm tôi, Thiên Chúa vẫn đợi chờ.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trước đó ngài đã chào các bệnh nhân tụ họp trong đại thính đường Phaolô VI, vì trời hơi mưa một chút. Ngài nói trong đại thính đường anh chị em sẽ dễ chịu hơn và có thể theo dõi buổi tiếp kiến trên màn hình khổng lồ. Tôi cám ơn anh chị em rất nhiều. Xin cám ơn. Xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi nhé! Giờ đây chúng ta cầu xin Đức Mẹ và tôi ban phép lành cho anh chị em. ĐTC đã đọc Kinh Kính Mừng chung với tín hữu và ban phép lành cho họ. Tiếp đến ngài lên xe díp mui trần ra quảng trường chào tín hữu. Lúc này trời đã tạnh và quang đãng.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa dụ ngôn người con hoang đàng, bắt đầu từ cuối dụ ngôn với niềm vui của con tim người cha và lời mời: “Chúng ta hãy mở tiệc mừng vì con ta đây đã chết nay lại sống, đã mất nay lại tìm được” (Lc 15,23-24). Với các lời này người cha đã ngắt lời đứa con thứ khi anh ta đang xưng thú lỗi lầm của mình: “Con không đáng được gọi là con cha nữa…” (c. 19). Và ĐTC quảng diễn như sau:

Nhưng kiểu nói này không thể chịu đựng được đối với trái tim của người cha, mau mắn trả lại cho đứa con các dấu chỉ phẩm giá của nó: áo đẹp, nhẫn và dép. Chúa Giêsu không miêu tả một người cha bị xúc phạm và giận dỗi; một người cha nói chẳng hạn: “Mày sẽ phải trả giá”; không người cha ôm anh ta, chờ đợi anh ta với tình yêu thương. Trái lại điều duy nhất mà người cha lưu tâm là đứa con này đang đứng trước mặt ông khoẻ mạnh và an lành, và điều này khiến cho ông sung sướng và mở tiệc mừng. Việc đón tiếp đứa con trở về rất là cảm động: “Khi nó còn ở đàng xa, cha nó trông thấy nó, ông động lòng thương, chạy ra gặp con ngã vào cổ nó và hôn nó”  (c. 20). Biết bao nhiêu dịu hiền; ông trông thấy con từ xa: điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là người cha liên tục lên sân thượng, để nhìn con đường và trông thấy đứa con trở về, đứa con đã làm đủ mọi chuyện, nhưng ông chờ đợi nó. Sự dịu hiền của người cha thật đẹp biết bao!

Lòng thương xót của người cha tràn đầy, vô điều kiện và đưọc biểu lộ ra trước khi đứa con nói. Chắc chắn đứa con biết mình đã sai lầm và thừa nhận điều đó: “Con đã phạm tội… xin cha đối xử với con như một đứa con ăn đầy tớ của cha” (c. 19). Nhưng các lời này tan biến trong sự tha thứ của người cha. Vòng tay ôm và nụ hôn của cha khiến cho anh hiểu rằng mặc dù tất cả, anh đã luôn luôn được coi như là con. Giáo huấn này của Chúa Giêsu quan trọng: điều kiện là con Thiên Chúa của chúng ta là hoa trái của tình yêu nơi con tim của Thiên Chúa Cha; nó không tuỳ thuộc các công nghiệp của chúng ta hay các hành động của chúng ta, và vì thế không ai có thể lấy mất đi của chúng ta, kể cả ma qủy! Không ai có thể lấy mất đi phẩm giá này.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: lời này của Chúa Giêsu khích lệ chúng ta đừng bao giờ thất vọng. Tôi nghĩ tới các người mẹ người cha, khi trông thấy các  con mình xa rời và bước vào các con đường nguy hiểm. Tôi nghĩ tới các cha sở và giáo lý viên đôi khi tự hỏi không biết công việc của mình có vô ích không. Nhưng tôi cũng nghĩ tới những người trong tù và xem ra cuộc đời họ đã hết; tôi nghĩ tới biết bao  người đã có các lựa chọn sai lầm và không thành công nhìn vào tương lai; tới tất cả những ai đói khát lòng thương xót và ơn tha thứ và tin rằng mình không xứng đáng được ơn ấy. Trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc sống, tôi không bao giờ được quên rằng tôi vẫn luôn mãi là con của Thiên Chúa, của nột người Cha yêu thương tôi và chờ đợi tôi trở về. Cả trong tình trạng tồi tệ nhất của cuộc sống, Thiên  Chúa vẫn chờ đợi tôi, Thiên Chúa vẫn muốn ôm tôi, Thiên Chúa vẫn đợi chờ.

Trong dụ ngôn có một người con khác, người con cả: Cả anh ta cũng cần tái khám phá ra lòng thương xót của cha. Anh ta đã luôn luôn ở nhà, nhưng rất khác cha! Các lời của anh thiếu sự dịu hiền: “Cha xem con đã hầu hạ cha biết bao năm và không bao giờ trái lệnh cha, nhưng giờ đây cái thằng con cha đó trở về… (cc. 29-30). Chúng ta trông thấy sự khinh rẻ. Anh ta không bao giờ nói cha, và em. Anh ta chỉ nghĩ tới mình, anh ta khoe khoang là đã luôn luôn ở bên cạnh cha và phục vụ cha; nhưng anh ta đã không bao giờ sống sự gần gũi ấy với niềm vui. Và giờ đây anh ta tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên  Chúa, nỗi khổ đau của Chúa Giêsu khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần.

Người anh cả cũng cần lòng thương xót. Những người công chính, những người tin rằng mình công chính cũng cần lòng thương xót. Người con này đại diện cho chúng ta tất cả, khi chúng ta tự hỏi xem có đáng công vất vả nhiều như thế để rồi không nhận được gì đổi lại hay không. ĐTC nêu bật giáo huấn của Chúa Giêsu như sau:

Chúa Giêsu nhắc cho chúng ta nhớ rằng người ta không bao giờ ở trong nhà Cha để có một phần thưởng, nhưng bởi vì ta có phẩm giá là con có tinh thần trách nhiệm.  Đây không phải là chuyện đổi chác với Thiên Chúa, nhưng là đi theo Chúa Giêsu là Đấng đã tận hiến  chính mình trên thập giá không đong đếm.

“Con ơi, con luôn luôn ở với cha và tất cả những gì của cha là của con, nhưng phải mừng lễ và vui sướng” c. 31). Người Cha nói với con cả như thế. Cái luận lý của ông là cái luận lý của lòng thương xót! Người con thứ  đã nghĩ rằng anh ta đáng phạt vì các tội của mình, người anh cả chờ đợi một phần thưởng cho các phục vụ của anh ta. Hai anh em không nói chuyện với nhau, họ sống các lịch sử khác nhau, nhưng cả hai đều theo lý luận xa lạ đối với Chúa Giêsu: nếu bạn làm tốt, thì được một phần thưởng, còn nếu bạn làm xấu, thì bị phạt. Đó không phải là cái luận lý của Chúa Giêsu. Nó không phải là cái luận lý của Ngài.

Cái luận lý này bị đảo lộn bởi các lời của người cha: “Cần phải mừng lễ và sui sướng bởi vì em con đã chết mà đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 31). Người cha đã phục hồi đứa con đã mất và giờ đây cũng có thể phục hồi anh nó! Nếu không có người em út người anh cả cũng thôi là một người anh. Niềm vui lớn nhất đối với người cha là trông thấy các con ông nhận nhau là anh em.

Các người con có thể quyết định hiệp nhất với niềm vui của cha hay từ chối nó. Họ phải tự vấn về các ước mong của cha và quan điểm họ có về cuộc sống. Dụ ngôn kết thúc bằng cách để lửng đoạn kết: chúng ta không biết người anh cả đã quyết định làm gì. Và đây là một kích thích đối với chúng ta. Tin Mừng này dậy chúng ta rằng chúng ta tất cả đều cần bước vào trong nhà Cha và tham dự vào niềm vui của Cha, tham dự vào lễ mừng của lòng thương xót và tình huynh đệ. Anh chị em, chúng ta hãy mở rộng con tim chúng ta để thương xót như Cha.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng pháp, đặc biệt các thị trưởng trong giáo phận Chartres, cũng như đoàn hành hương đảo Corse, do các Giám Mục sở tại hướng dẫn. Ngài mời gọi chuẩn bị mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng lời cầu nguyện và các việc lành phúc đức.

Chào tín hữu đến từ các nước Anh, Ailen, Đan Mạch, Trung quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, quần đảo Seychelles và Hoa Kỳ ĐTC xin Chúa đổ tràn đầy trên họ và gia đình họ niềm vui của Chúa phục sinh.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Đức ngài mời gọi tín hữu đi xưng tội trong Năm Thánh để được tình yêu của Chúa đánh động con tim.

Với các đoàn hành hương nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngài khích lệ họ biết tham dự vào lễ hội của lòng thương xót và tình huynh đệ để biết sống nhân từ như Thiên Chúa Cha. Ngài đặc biệt xin Chúa đổ tràn đầy Thánh Thần trên nhân dân Brasil đang phải sống những lúc khó khăn, biết hướng tới sự hòa hợp và hoà bình nhờ lời cầu nguyện và việc đối thoại, dưới sự hướng dẫn của Đức Bà Aparecida.

Chào các tín hữu Slovac, ngài xin Chúa Thánh Thần ban các ơn giúp mọi người trở thành chứng nhân can đảm của Chúa Kitô phục sinh.

ĐTC cũng chào nhiều đoàn hành hương do các Giám Mục Italia hướng dẫn. Ngài cầu mong Năm Thánh cùng cố đức tin của họ để làm chứng cho Chúa Kitô. Ngài đặc biệt chào các linh mục Á châu và Phi châu sinh viên trường Thánh Phaolô, cũng như của học viện Antonianum.

Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn, ngài nhắc cho biết Chúa Nhật tới là Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ngài cầu chúc các bạn trẻ biết nhận ra tiếng của Chúa Thánh Thần nói với con tim của họ. Ngài khích lệ các bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân của trung tâm Cottolengo tỉnh Trentola biết tín thác nơi Chúa Thánh Thần để nhận được ánh sáng ủi an của Chúa. Sau cùng ĐTC cầu chúc các đôi tân hôn, đặc biệt các cặp thuộc phong trào Tổ Ấm, phản ánh tình yêu trong sáng của Chúa trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Các Kitô hữu tìm kiếm sự hiệp nhất, những người ưa nói xấu thích gây chia rẽ

Thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05

VATICAN. Đức Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, nhưng trong Giáo hội lại có những ‘người thích nói xấu sau lưng’. Họ gây chia rẽ và phá hoại cộng đoàn bằng lời nói, bằng đầu môi chót lưỡi của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm, 12.05, tại nguyện đường Thánh Marta.

Sự hiệp nhất là một trong những điều khó thực hiện nhất

Trước khi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã cầu nguyện để tất cả những người tin được trở nên một. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong cộng đoàn các Kitô hữu để họ được trở nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha. Đức Thánh Cha đã triển khai bài giảng của mình dựa trên bài đọc Tin Mừng. Ngài nói:

“Sự hiệp nhất trong cộng đoàn, trong các gia đình Kitô hữu là những bằng chứng, chứng thực rằng Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến. Nhưng có lẽ sự hiệp nhất trong một cộng đoàn Kitô hữu, một xứ đạo, một giáo phận, một gia đình Kitô hữu là một trong những điều khó thực hiện. Lịch sử của chúng ta, lịch sử của Giáo hội, khiến chúng ta nhiều lần phải cảm thấy xấu hổ, vì chúng ta đã gây ra nhiều cuộc chiến với những anh em Kitô hữu của chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về một trong số đó: Chiến tranh Ba mươi Năm giữa Công giáo và Tin lành.

Xin tha thứ vì những chia rẽ

Ở đâu những Kitô hữu gây ra chiến tranh, xung đột thì ở đấy không có chứng tá. Chúng ta hãy tha thiết nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa vì những sự kiện đáng buồn này trong lịch sử. Một lịch sử đã bị ghi dấu nhiều lần bởi các cuộc chia rẽ. Những chia rẽ không chỉ xảy ra trong quá khứ mà ngay cả ngày hôm nay nữa. Thế gian nhìn chúng ta chia rẽ và nói rằng: ‘Chúng ta hãy thử xem họ có hợp nhất, yêu thương với nhau được không. Nếu Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và đang sống, tại sao các môn đệ lại không hòa hợp được với nhau?’ Có khi, một tín hữu Công giáo hỏi một tín hữu Đông phương rằng: ‘Đức Kitô của tôi phục trong ngày thứ ba. Còn Đức Kitô của bạn phục sinh lúc nào?’ Ngay cả phục sinh, chúng ta cũng không hợp nhất. Và khi thế gian nhìn thấy điều đó, họ không tin.

Những người gieo tiếng xấu phá hoại và gây chia rẽ

Chính vì sự ghen ghét, đố kỵ của ma quỷ mà sự chết đã đi vào thế gian. Cũng vậy, trong cộng đoàn Kitô hữu, sự ích kỷ, ghen ghét, đố kỵ, chia rẽ dường như luôn diễn ra. Chúng sẽ dẫn người ta đến việc nói xấu sau lưng. Ở Argentina, người ta gọi những người này là những người gieo cỏ lùng (zizzanieri). Họ gieo rắc cỏ dại. Họ gây chia rẽ. Sự chia rẽ bắt đầu bằng chính miệng lưỡi của con người. Miệng lưỡi có thể hủy hoại cả một gia đình, cộng đoàn, xã hội. Miệng lưỡi người ta có thể gieo rắc hận thù và chiến tranh. Thay vì phải cực nhọc đi tìm sự thật, sẽ dễ dàng hơn nếu nói sau lưng người khác và hủy hoại danh dự của họ. Có một giai thoại khá nổi tiếng về Thánh Philip Neri như thế này: Khi có một phụ nữ đến xưng tội đã nói xấu người khác, thánh nhân ra việc đền tội cho bà là hãy nhổ hết lông của một con gà, rồi sau đó đi rải lông mới nhổ xung quanh nhà hàng xóm. Khi rải xong rồi, thánh nhân lại yêu cầu bà hãy đi gom tất những lông ấy lại. Khi nghe thánh nhân ra việc đền tội như thế, bà thốt lên: ‘Điều đó là không thể. Làm sao mà nhặt lại hết được.’ Thánh Philip mới từ tốn trả lời: ‘Buôn chuyện nói xấu người khác cũng như vậy con ạ. Khi nói rồi thì không thu lại được nữa.’

Quả thế, nói xấu sau lưng người khác cũng giống như vậy. Nó làm cho người khác ra xấu xa. Ai nói sau lưng sẽ làm cho mọi sự trở nên xấu xa, nhơ bẩn. Đó là kẻ phá hoại. Họ hủy hoại danh dự người khác, hủy hoại cuộc sống người khác mà chẳng có lý do, thậm chí còn trái với sự thật. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây, cũng như cho cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận của chúng ta rằng: ‘Xin cho tất cả được trở nên một’. Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng; vì sức mạnh của ma quỷ, của tội lỗi đẩy chúng ta đến sự chia rẽ. Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng, ban cho chúng ta món quà của sự hiệp nhất. Và món quà đó chính là Chúa Thánh Thần. Xin Chúa ban cho chúng ta Thần Khí để chúng ta có được sự hòa hợp, vì Ngài chính là sự hòa hợp và là vinh quang trong cộng đoàn chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ơn bình an, bình an của sự hợp nhất. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho ơn hiệp nhất của tất cả Kitô hữu. Đó là một ơn lớn. Đồng thời, chúng ta cũng xin những ơn nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày cho cộng đoàn, cho gia đình của chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn để có thể làm chủ được miệng lưỡi của mình.”

Vũ Đức Anh Phương SJ