Linh Mục Nguyễn văn Lý ra tù

Linh Mục Nguyễn văn Lý ra tù

Linh mục Nguyễn Văn Lý (trái) và Linh mục Phan Văn Lợi chụp trong ngày đến thăm Cha Lý vừa ra khỏi nhà tù.Linh mục Nguyễn Văn Lý (trái) và Linh mục Phan Văn Lợi chụp trong ngày đến thăm Cha Lý vừa ra khỏi nhà tù.

Linh mục Nguyễn Văn Lý, tù nhân lương tâm được nhiều người trong và ngoài nước biết tiếng, vừa ra khỏi tù trong ngày 20 tháng 5.

Linh mục Phan Văn Lợi, một thân hữu cùng trong nhóm Nguyễn Kim Điền với người vừa được trả tự do, cho biết sau khi ông đến Tòa Giám mục thăm linh mục Nguyễn Văn Lý về:

“Sáng hôm nay vào lúc 11 giờ tôi đã đến tại Nhà Chung, thuộc Tòa Tổng Giám mục Huế để thăm linh mục Lý và tôi được nói chuyện với linh mục Lý trong vòng nửa giờ đồng hồ.Theo tôi nhận thấy tình trạng sức khỏe của ngài thật sa sút, người ốm o lại, mất đi cái gọi là ‘nét đẹp’ ngày xưa. Ngài cao 1,8 mét nhưng ốm lắm và không thể đứng thẳng người được, đi phải lom khom. Đó là sự tàn phá về mặt thể xác qua 8 năm ở trong nhà tù.

Nhưng về mặt tinh thần, cha Lý vẫn minh mẫn, sáng suốt, vẫn kiên trì. Tôi biết sở dĩ hôm nay ngài được về Nhà Chung là do sự đấu tranh cuối cùng của ngài. Ban đầu Nhà nước quyết định đưa cha Lý về lại giáo xứ Bến Củi, một giáo xứ nhỏ cách thành phố Huế 30 cây số về phía bắc. Đó là nơi họ quản thúc cha Lý hơn 1 tháng trời vào năm 2007, sau đó đưa ngài ra tòa và xử án 8 năm tù. Nhưng cha Lý nói nếu các ông đưa tôi về Bến Củi thì tôi xin được tiếp tục ở lại trong nhà tù này.

Họ cũng nói với cha Lý rằng đây là đặc xá của chủ tịch nước, nhưng cha Lý nói không có đặc xá gì cả mà đây là món quà mà các ông muốn cho Hoa Kỳ trước khi tổng thống Mỹ đến Việt Nam mà thôi. Hơn nữa tôi không có tội gì để các ông gọi là đặc xá. Họ nói ông có tội là tội tuyên truyền. Cha Lý nói có tuyên truyền nhưng không phải tội. Đó là cha Lý tuyên truyền ba điều mà ông cho là quan trọng mà phía cơ quan chức năng không dám đối chất: thứ nhất là những bí mật về ông Hồ Chí Minh, thứ hai là cái chết của đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, chính các ông đã đầu độc vào năm 1988; thứ ba là chính nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam làm mất Hoàng Sa và Trường Sa.

Sáng hôm nay khi gặp phường để làm thủ tục giấy tờ, cha Lý nói không được cho công an, an ninh canh gác trước Nhà Chung để dò xét, ngăn cản những người đến thăm linh mục Lý. Ngài nói nếu làm thế là đưa ra lời mời ngài tiếp tục tranh đấu.”

Xin được nhắc lại linh mục Nguyễn Văn Lý vào ngày 15 tháng năm vừa qua ông tròn 70 tuổi.

Ông được nhiều người biết đến với câu nói ‘tự do tôn giáo hay là chết’ cũng như bức ảnh ông bị miệng tại phiên xử ở Huế vào năm 2007 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Tòa năm ấy tuyên án ông 8 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Đó không phải là lần đầu ông bị bắt và bị tuyên án tù. Lần đầu tiên ông bị bắt vào năm 1977 và bị tuyên án 20 năm tù. Lần thứ hai vào năm 1983, ông bị kết án 10 năm tù và 4 năm quản chế với cáo buộc ‘gây rối trật tự’. Vào năm 2001, ông bị kết án 15 năm tù giam với cáo buộc ‘phá hoại chính sách đoàn kết’ và không chấp hành quyết định quản chế hành chính.

Ông là một trong những thành viên sáng lập ra Khối 8406 và Đảng Thăng Tiến Việt Nam.

RFA Radio

 

Thiên Chúa chiến thắng bằng sự khiêm nhường

Thiên Chúa chiến thắng bằng sự khiêm nhường

Thánh lễ tại nguyện đường thánh Martha, sáng thứ 6 ngày 05 tháng 02-2016

VATICAN. “Đường lối của Thiên Chúa không giống với đường lối phàm nhân. Thiên Chúa chiến thắng với sự khiêm nhường mà Gioan Tẩy Giả là một chằng chứng sống động.” Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ sáu, 05 tháng 02, tại nguyện đường thánh Martha.

Gioan là một người vĩ đại, công chính và thánh thiện, đã dành cả đời mình để dọn đường cho Đấng Mesia. Nhưng cuối cùng, ông lại bị bắt giam và chém đầu trong ngục tối. Ông bị kết án tử bởi lòng thù hận của một bà hoàng hậu và sự hèn nhát của một ông vua bù nhìn.

Vị tiên tri cuối cùng

“Cái chết của Gioan Tẩy Giả trước mặt người đời là một sự thất bại nhưng với Thiên Chúa lại là một chiến thắng. Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy giả. Nói như thế chính là phong thánh cho Gioan. Nhưng công thức phong thánh này không được tuyên bố bởi Đức Giáo Hoàng, nhưng bởi chính Đức Giêsu. Gioan là người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ và cũng là một vị thánh cao trọng nhất, vì được chính miệng Đức Giêsu phong thánh. Nhưng kết cục cuộc đời của Gioan lại ở chốn lao tù và bị chém đầu. Câu cuối cùng Kinh Thánh nhắc đến ông là: ‘Nghe tin ấy môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.’ Người cao trọng nhất trong số phàm nhân lọt lòng mẹ đã kết thúc cuộc đời như thế đấy. Đó là kết cục của một tiên tri vĩ đại, cũng là vị tiên tri cuối cùng và duy nhất được cho nhìn thấy niềm hy vọng của Ít-ra-en.”

Nỗi khổ của người lớn nhất

Với những gì mà tin mừng mô tả, Đức Thánh Cha tiếp tục đi sâu vào hoàn cảnh của Gioan trong những ngày cuối đời. Đức Thánh Cha muốn hiện diện cùng với Gioan trong nhà tù hôm ấy, nhìn ngắm ông, một người xem mình chỉ là tiếng hô trong hoang địa và đã làm phép rửa cho biết bao đoàn lũ dân chúng nhân danh Đấng phải đến. Nhưng giờ đây, ông không chỉ bị nhốt trong phòng giam sau những song sắt mà còn bị dằn vặt bởi những hoài nghi, bởi những điều không chắc chắn về chính Đấng mà ông đã dọn đường. Đức Thánh Cha nói:

“Gioan có thể nghĩ rằng: ‘Phải chăng tôi đã lầm? Đức Giêsu có thật là Đấng Mesia không? Sao Ngài chẳng giống với hình dung của tôi?’ Chính khi bị nỗi nghi ngờ dày vò, Gioan mới sai các môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Phải chăng tôi đã lầm khi rao giảng về một người không phải là Đấng Mesia? Vậy là tôi đã đánh lừa dân chúng sao?’ Đây là nỗi đau khổ, là sự cô độc nội tâm nơi con người của Gioan Tẩy Giả.

Khiêm nhường cho đến cùng

‘Tôi phải nhỏ bé đi.’ Đó là lối sống của Gioan. Một tiên tri vĩ đại nhưng chẳng bao giờ tìm kiếm vinh quang cho mình mà chỉ một lòng tìm vinh danh Thiên Chúa. Cuộc đời của Gioan cũng kết thúc rất âm thầm, lặng lẽ. Nhưng chính thái độ khiêm nhường này đã dọn đường cho Đức Giêsu, vì Đức Giêsu cũng chết trong đau khổ, cô đơn, bị các môn đệ bỏ rơi.

Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thời gian đọc toàn bộ đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mác-cô, chương 6. Hãy đọc đoạn Tin Mừng ấy để thấy Thiên Chúa đã chiến thắng như thế nào: đường lối của Thiên Chúa thì khác xa đường lối phàm nhân. Chúng ta hãy nài xin Chúa ơn khiêm nhường như thánh Gioan đã có và đừng khoác lên người những vinh quang, danh dự mà đáng lẽ ra phải thuộc về người khác. Trên hết, hãy xin ơn để trong cuộc đời của chúng ta, luôn có chỗ để Đức Kitô không ngừng lớn lên, còn chúng ta phải nhỏ bé đi, nhỏ bé cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Vũ Đức Anh Phương, SJ