Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Ngày Năm Thánh của các Phó tế vĩnh viễn

Deacon Bill Reichmuth offers communion at the Carmel Mission Basilica in California

VATICAN: Hàng ngàn phó tế vĩnh viễn và gia đình đã từ nhiều nước trên thế giới tuốn về Roma để cử hành Năm Thánh Lòng Thương Xót trong các ngày 27-29 tháng 5.

Đề tài của ba ngày hành hương là “Phó tế, gương mặt của Lòng Thương Xót cho việc thăng tiến công tác truyền giáo mới”. Các phó tế và gia đình thân nhân cùng nhau cầu nguyện, nghe diễn thuyết, thảo luận và chia sẻ tại nhiều nhà thờ theo các ngôn ngữ khác nhau hay với phần dịch thuật tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Đề tài ngày thứ hai là “Phó tế. Được kêu gọi là người phân phát của tình bác ái trong cộng đoàn kitô”. Các phó tế cũng có dịp lãnh bí tích Hoà Giải, bước qua Cửa Thánh. Cuộc hành hương cử hành Năm Thánh của các Phó tế sẽ kết thúc với thánh lễ do ĐTC Phanxicô cử hành sáng Chúa Nhật hôm nay lúc 10 giờ rưỡi trước thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Cuộc hành hương được tổ chức nhân dịp mừng 50 năm Công Đồng Chung Vaticăng II tái lập chức Phó tễ vĩnh viễn trong Giáo Hội như được nói tới trong Hiến chế về Giáo Hội Ánh sáng muôn dân số 29. Theo thống kê năm 2013 tổng số các Phó tế trên thế giới là hơn 43,000, tức gia tăng 29% so với năm 2005. Âu châu có 14,000, Mỹ châu 28,000, tức chiếm 97,6% tổng số Phó tế trên thế giới.  Trong các Giáo Hội khác các Phó tế chưa được hiểu biết và đánh giá đúng đắn. Vì thế đậy là dịp giúp đào sâu tầm quan trọng của các Phó tế trong cuộc sống và các sinh hoạt đa diện của Giáo Hội (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC tiếp đón 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa Vatican

ĐTC Phanxicô đón tiếp 400 trẻ em Calabria tại nhà ga xe lửa

VATICAN: Trưa hôm qua (28-5) ĐTC Phanxicô đã ra nhà ga xe lửa trong nội thành Vatican đón tiếp 400 trẻ em vùng Calabria đến thăm Toà Thánh.

Chuyến xe lửa trẻ em năm nay có khẩu hiệu là “Đuợc các làn sóng đưa đi”, do sáng kiến “Sân Dân Ngoại” của Hội Đồng Toà Thánh Văn Hoá tổ chức. 400 trẻ em nói trên đến từ các trường khác nhau vùng Calabria nam Italia, là nơi có đông người di cư tỵ nạn cặp bến. Linh Mục Laurent Mazas, giám đốc điều hành Sân của dân ngoại,  cho biết chuyến xe lửa năm ngoái gồm con cái của các cha mẹ bị tù. Năm nay nó gồm phân nửa trẻ em Ý phân nửa trẻ em con của những người di cư tỵ nạn đã trở thành bạn của nhau trong các trường học. Hằng năm Bộ Hoả Xa Italia dành cho cha một chuyến xe lửa miễn phí chở các trẻ em về Vatican đi về trong một ngày. Truớc chuyến đi các em đã được chuẩn bị tinh thần và sư phạm để hiểu biết ý nghĩa của các chuyến xe lửa viếng thăm này.

Đón tiếp các em tại nhà ga xe lửa trong nội thành Vaticăng cũng có các trẻ em thuộc Dàn nhạc thiếu nhi “Bốn bài ca” tình Palermo, và Hiệp hội “Thể thao vô biên giới”. Cha Mazas cho biết lần trước cha đã hỏi ĐTC “Thưa ĐTC chúng ta làm thêm một chuyến xe lửa nữa chăng?” Ngài đã tươi cười trả lời: “Ồ có chứ, tôi thích nó, tôi thích nó”. Và lần này cũng có 400 trẻ em được ĐTC tiếp đón tại nhà ga Vatican. Ngoài việc gặp gỡ ĐTC các em cũng được hướng dẫn viếng thăm quốc gia thành phố Vaticăng, cầu nguyện bước qua Cửa Thánh để lãnh ơn Toàn Xã, và viếng thăm đền thờ Thánh Phêrô (SD 27.28-5-2016)

Linh Tiến Khải

Chân phước Stanislaus Papczynski mời gọi “suy gẫm Lòng thương xót của Thiên Chúa”

Chân phước Stanislaus Papczynski mời gọi “suy gẫm Lòng thương xót của Thiên Chúa”

Stanislaus Papczynski

Vácsava, Ba lan – Chân phước Stanislaus Papczynski, đấng sẽ được phong thánh vào ngày 5/6 tới đây tại Roma, mời gọi chúng ta “suy gẫm về Lòng thương xót của Thiên Chúa”, các Đức giám mục Ba lan đã phát biểu như thế trong một lá thư mục vụ được đọc trong các nhà thờ vào cuối tuần vừa qua. Chân phước Stanislaus Papczynski sáng lập dòng nam đầu tiên ở Ba lan – dòng Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội. Hiện nay dòng có hơn 500 Linh mục hiện diện ở 19 quốc gia, thúc đẩy công bằng xã hội và cầu cho các người hấp hối.

Chân phước Stanislaus Papczynski sinh ra trong một gia đình thợ hàn ở Podegrodzie, miền nam của vùng Beskidy, Ba lan. Sau khi được giáo dục ở trường các cha dòng Tên, Stanislaus Papczynski đã gia nhập dòng Piarist gốc Tây ban nha vào năm 1654 và trở thành thành viên Ba lan đầu tiên. Stanislaus Papczynski được thụ phong Linh mục năm 1661 và 9 năm sau, cha Stanislaus Papczynski rời dòng Piarist vì theo cha dòng này thiếu nghiêm nhặt, và năm 1673 cha thành lập một nhà tĩnh tâm cho dòng Đức Mẹ mới của cha với sứ vụ cổ võ lòng sùng kính Đức Mẹ vô nhiễm và cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

Trong lá thư mục vụ, các Giám mục Ba lan nói là chân phước Stanislaus Papczynski đã chỉ rằng “con đường đến ơn cứu độ không đóng lại với bất cứ tội nhân nào sẵn lòng thống hối”. Cha Stanislaus Papczynski đã lập dòng trong thời kỳ Ba lan chìm trong chiến tranh, đói khát và bịnh tật, sau khi cha nhận ra là nhiều người Ba lan, kể cả quân lính, chết mà không được chuẩn bị để gặp Thiên Chúa. Các Đức cha cũng nhận định: “cha Stanislaus Papczynski chỉ cho thấy tình yêu là thần khí, ánh sáng và sự sống của mọi trật tự và cộng đoàn xã hội, và không có một người khốn khó nào bị bỏ cho chết mà không được trợ giúp.” Cha Stanislaus Papczynski đã lập các phòng khám bịnh và nơi cư trú cho những người “thất vong, bị bỏ rơi và đối xử bất công” và để chống lại chứng nghiện rượu tràn lan trong thế kỷ 17. Cha Stanislaus Papczynski nhấn mạnh là tình yêu của Thiên Chúa luôn đi trước và vượt trên tội lỗi của chúng ta. (CNS 27/5/2016)

Hồng Thủy OP

 

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Tình hình Armenia trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha

Một thánh lễ ở Armenia

Erevan, Armenia – Giáo Hội Armenia chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô  như thế nào? Tình hình của quốc gia này hiện tại thế nào? Trước cuộc viếng thăm Armenia của Đức Thánh Cha Phanxicô, cha Krikor Badichac, phó giám đốc của Học viện Giáo hoàng Armenia đã cung cấp vài thông tin để giúp hiểu về Armenia và có thể theo dõi tốt hơn cuộc viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha tại đây từ ngày 24-26/6/2016.

Cho đến cuối năm 1992, cộng đoàn Công giáo Armenia được nhìn nhận ở Armenia với những luật lệ căn bản về nhân quyền; rồi từ năm 2000 Giáo hội công giáo Armenia được nhìn nhận và từ đó họ có thể bắt đầu vai trò xã hội của họ. Cha Badichac nhận xét là từ góc độ xã hội, Giáo hội công giáo Armenia là một thực thể sinh động, hoạt động chính yếu qua các công việc hỗ trợ của 3 tổ chức: Hội bác ái Armenia, bịnh viện Gioan Phaolô II – bịnh viện do Thánh Giáo Hoàng tặng cho nước này và các nữ tu do Mẹ Têrêsa sáng lập năm 1989 – sau khi cuộc động đất khủng khiếp tàn phá Armenia. Cha cho biết vai trò quan trọng của các nữ tu: các chị chăm sóc các trẻ em sơ sinh bị bịnh nặng; những trẻ em này đang chờ chết và các chị chăm sóc các em trong nhà tương trợ của các chị.

Cha còn kể về một hội dòng quan trọng khác, đó là dòng các nữ tu Đức Mẹ vô nhiễm Armenia. Được thành lập năm 1846 ở Costantinopoli với mục đích chăm lo giáo dục, hội dòng dấn thân đặc biệt cho các trẻ em nữ nghèo Armenia.  Các chi đã giúp các em trong kỳ diệt chủng Armenia, an ủi và trợ giúp các gia đình gặp khó khăn và gửi 400 bé gái mồ cội đến dinh thự Giáo hoàng Pio XII ở Castel Gandolfo. Với việc Armenia  được độc lập vào năm 1991, giấc mơ của các nữ tu Armenia được thực hiện và mở ra một lãnh vực rộng lớn cho các nữ tu theo đuổi hoạt động của mình trong nhiều công việc: mỗi năm các chị tổ chức 1 trại hè với mục đích là giúp tạo một bầu khí hiểu biết và mang lại niềm vui cho 800 trẻ em mồ côi từ 8-14 tuổi đến từ khắp Armenia; trại hè này cũng dạy giáo lý, chơi thể thao, xây dựng tình huynh đệ để cố gẵng làm giảm bớt những ảnh hưởng nặng nề của sự nghèo khổ trong cuộc sống của các em. Các nữ tu cũng có một trung tâm giáo dục, một trung tâm giáo dục xã hội mà chắc chắn Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có vài phút viếng thăm.

Cha Badichah khẳng định là đức tin vẫn còn sống động ở Armenia, các người già kể lại trong nước mắt các kỷ ức  kinh khủng của quá khứ nhưng họ cám ơn Chúa vì những ân huệ mà Giáo hội nhận lãnh, với niềm tin vào tương lai của con cháu họ.

Về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, cha Badichah nghĩ đó là một cuộc hành hương về nguồn cội đức tin vì  dân tộc Armenia là dân tộc đầu tiên đón nhận Ki-tô giáo như quốc giáo vào năm 301. Do đó, đây là chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đến quốc gia Ki-tô giáo đàu tiên và là một cuộc viếng thăm có tính chất đại kết. (ACI 27/5/2016)

Hồng Thủy OP

ĐTC tiếp kiến tổng thống Costa Rica

ĐTC tiếp kiến tổng thống Costa Rica

ĐTC Phanxicô tiếp kiến tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis Rivera

VATICAN: Sáng ngày 27 tháng 5 vừa qua ĐTC đã tiếp kiến tổng thống Costa Rica, ông Luis Guillermo  Solis Rivera.

hông cáo Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc hội kiến thân tình hai bên đã đề cập tới các tương quan tốt đẹp giữa Toà Thánh và nước Costa Rica, cũng như việc chính quyền đánh giá cao phần đóng góp của Giáo Hội cho dân nước này, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, sức khỏe và thăng tiến các giá trị nhân bản và tinh thần, cũng như trong các hoạt động bác ái. Ngoài ra, cũng có một số vấn đề được bàn đến như việc bảo vệ sự sống con người, nạn di cư và buôn bán ma tuý. Sau cùng là vài vấn đề vùng miền và quốc tế.

Sau khi hội kiến với ĐTC tổng thống Costa Rica đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh và ĐTGM ngoại trưởng Paul Richard Gallagher (SD 27-5-2016)

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore

Đức Thánh Cha tiếp kiến Tổng thống Singapore

Vatican – Sáng nay, 28/5/2016, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Tổng thống Singapore Tony Trần Khánh Viêm. Đây là lần đầu tiên một Đức Giáo hoàng tiếp kiến người đứng đầu nhà nước của quốc gia nhỏ bé này.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết, “trong cuộc thảo luận thân tình, những quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Thánh và Singapore đã được nhắc đến, cũng như sự hợp tác giữa Giáo Hội và Nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và xã hội”. Sau đó hai bên cũng chú ý đến những đề tài thời  sự quốc tế và các vấn đề liên quan đến tình hình chính trị trong khu vực, đề cập đặc biệt đến tầm quan trọng của đối thoại liên tôn và liên văn hóa để thúc đẩy nhân quyền, sự ổn định, công lý và hòa bình ở Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha, Tông thống Tony Trần cũng đã gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và đức Giám mục Ngoại trưởng Paul Richards Gallagher. Đức Hồng Y Pietro Parolin đã viếng thăm Singapore vào tháng 8 năm ngoái trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của nước này.

Đức Tổng Giám mục Singapore William Gore đã chào đón cuộc viếng thăm Italia và Vatican của Tổng thống Trần. Đức cha nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Sìgapore và Giáo hội, ngài nói: “Chính quyền Singapore thì thế tục nhưng mà không bị thế tục hóa vì họ hiểu tầm quan trọng của tôn giáo trong sự phát triển luân lý của nhân dân”. (Asia News 28/5/2016)

Hồng Thủy OP

ĐTC chia buồn về cái chết của ĐHY Loris Capovilla

ĐTC chia buồn về cái chết của ĐHY Loris Capovilla

Cardinal Loris Capovilla

VATICAN: Nghe tin ĐHY Loris Capovilla qua đời tại Bergamo ngày 26 tháng 5 vừa qua, ĐTC Phanxicô đã gửi diện tín chiá buồn với ĐC Francesco Beschi, GM Bergamo và toàn giáo phận, đặc biệt các thân nhân bạn bè và các nữ tu  Nghèo Ca’Maitino in sotto il monte đã yêu thương săn Đức cố Hồng Y.
ĐTC nghĩ tới người anh em đã có cuộc sống tươi vui làm chứng cho Tin Mừng và ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội trong giáo phận Venezia, rồi như là bí thư của ĐGH Gioan XXIII. Sau đó như là Giám Mục Chieti Vasto, và đặc sứ tông toà tại đền thánh Đức Bà Loreto ngài đã là một chủ chăn luôn luôn tận tụy với các linh mục và tín hữu, trung thành với tinh thần của Công Đồng Chung Vaticăng II. ĐTC xin Thiên Chúa từ nhân đón nhận nguời tôi trung vào niềm vui an bình vĩnh cửu qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và thánh sử Marco.
Với 100 tuổi ĐHY là Giám mục cao niên nhất Italia, và thứ tư trên thế giới. Ngài sinh ngày 14 tháng 10 năm 1915, thụ phong linh mục năm 1940, làm tuyên uý nhà tù của trẻ vị thành niên và làm giám đốc chủng viện. Trong các năm 1953-1963 cha Capovilla đã là thư ký riêng của ĐGH Gioan XXIII. Năm 1967 ĐGH Phaolo VI chỉ định cha làm TGM Chieti. Năm 1971 ngài đươc chỉ định làm dặc sứ tông toà đền thánh Đức Bà Loreto. Ngài về hưu năm 1988 và được ĐGH Phanxicô vinh thăng Hồng Y ngày 12 tháng giêng năm 2014.
Với sự qua đi của ĐHY Capovilla Hồng Y  đoàn còn lại 213 vị trong đó có 114 vị còn quyền bầu Giáo Hoàng và 99 vị không có quyền bầu Giáo Hoàng (SD 26.27-5-2016)

Vatican Radio

ĐTC mời gọi tín hữu “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” cho tha nhân

ĐTC mời gọi tín hữu "làm Thánh Thể" và "tự bẻ mình ra" cho tha nhân

Lễ mình và máu Thánh Chúa Vatican 2

ROMA: ĐTC mời tín hữu thực thi lời Chúa truyền “làm Thánh Thể” và “tự bẻ mình ra” để trở thành lương thực cho tha nhân, đặc biệt cho những người nghèo, những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất.

ĐTC đã đưa ra lời mời gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa, cử hành tại thềm đền thờ thánh Gioan Laterano lúc 19 giờ chiều thứ năm hôm qua (26-5). Quảng diễn các bài đọc ĐTC nói: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta lập lại cử chỉ Ngài làm để thành lập việc tưởng niệm sự Vượt Qua của Ngài, qua đó Chúa ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài. Cử chỉ đó là “làm Thánh Thể” có Chúa Giêsu là chủ thể, nhưng hiện thực qua các bàn tay nghèo nàn được xức dầu thánh hiến của Chúa Thánh Thần. “Hãy làm việc này”, nghĩa là hãy cầm lấy bánh, tạ ơn và bẻ ra; hãy cầm lấy chén, tạ ơn và chia ra. Trước đó Chúa đã truyền cho các môn đệ làm điều Ngài có rõ ràng trong tâm trí, trong sự vâng phục Thiên  Chúa Cha. Trước đám đông mệt mỏi và đói Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ cho họ ăn. Ngài đã chúc lành và bẻ bánh cho dân chúng ăn no nê, nhưng 5 chiếc bánh và 2 con cá là do các môn đệ dâng lên. Điều Chúa Giêsu muốn đó là thay vì giải tán đám đông, thì chính các môn đệ cống hiến cái ít ỏi họ có. Các mảnh bánh do đôi tay thánh thiện và đáng kính của Chúa bẻ ra được chuyền qua các đôi tay nghèo nàn của các môn đệ, và các vị phân chia cho dân chúng. Cả điều này nữa cũng là “làm” với Chúa Giêsu, “cho dân chúng ăn” cùng với Ngài. Dĩ nhiên, đây là dấu chỉ điều Chúa Giêsu muốn làm cho ơn cứu độ của toàn nhân loại bằng cách trao ban thịt và máu Ngài, nhưng luôn luôn qua hai cử chỉ nhỏ nhặt: cống hiến ít chiếc bánh và cá chúng ta có, nhận bánh từ tay Chúa Giêsu và phân phát cho mọi người.

 

** ĐTC nói thêm trong bài giảng: “Bẻ ra” là từ khác nữa giải thích ý nghĩa việc « hãy làm điều này để nhớ tới Thầy ». Chúa Giêsu đã tự bẻ mình ra, tự bẻ ra cho chúng ta. Và Ngài xin chúng ta tự trao ban mình, tự bẻ mình ra cho tha nhân. Chính “việc bẻ bánh” này đã trở thành hình ảnh giúp nhận biết Chúa Kitô và kitô hữu. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus nhận ra Chúa trong việc bẻ bánh (Lc 24,35). Cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi “kiên trì trong việc bẻ bánh” (Cv 2,42). Ngay từ đầu Thánh Thể trở thành trung tâm và hình thái cuộc sống của Giáo Hội. Nhưng chúng ta cũng nghĩ tới tất cả các thánh là những người đã bẻ chính mình, bẻ cuộc sống của mình để cho các anh em khác ăn. Có biết bao nhiêu người mẹ, người cha, cùng với bánh ăn hàng ngày, đã bẻ trái tim mình ra để nuôi con cái, và làm cho chúng lớn lên một cách tốt lành! Có biết bao kitô hữu, như các công dân có trách nhiệm, đã bẻ chính cuộc sống của họ để bênh vực phẩm giá của tất cả mọi người, đặc biệt là các anh chị em nghèo túng, bị gạt bỏ ngoài lề xã hội và bị kỳ thị nhất! Họ tìm ra sức mạnh ở đâu để làm tất cả những điều đó? Chính là trong Thánh Thể, trong quyền năng tình yêu của Chúa phục sinh, cả ngày nay cũng bẻ bánh cho chúng ta và lập lại: “Hãy làm việc này để nhớ tới Thầy”. Ước chi cử chỉ này của cuộc rước kiệu thánh thể, mà chúng ta sẽ làm trong chốc lát nữa đây, có thể đáp lại lệnh truyền này của Chúa Giêsu. Một cử chỉ để tưởng niệm Ngài; một cử chỉ để cho đám đông ngày nay ăn; một cử chỉ để bẻ đức tin và cuộc sống của chúng ta ra như dấu chỉ tình yêu của Chúa Kitô đối với thành phố này và toàn thế giới.

Cùng đồng tế với ĐTC đã có hàng chục Hồng Y, Giám Mục và hàng trăm Linh Mục, với sự tham dự của mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong đó cũng có hàng trăm tín hữu Việt Nam  (SD 26-5-2016)

Linh Tiên Khải

ĐTC khích lệ tín hữu Đức sống đời chiêm niệm, cầu nguyện thân tình với Thiên Chúa

ĐTC khích lệ tín hữu Đức sống đời chiêm niệm, cầu nguyện thân tình với Thiên Chúa

ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp Video cho Đại Hội Công Giáo Đức lần thứ 100

VATICAN: ĐTC Phanxicô khích lệ tín hữu công giáo Đức dành nhiều giờ hơn cho việc chiêm niệm, cầu nguyện, và sống thân tình với Chúa, để tái chiếm lại sự hài hoà an bình với thế giới, với thụ tạo và với Đấng Tạo Hóa.

Ngài đã đưa ra lời khích lệ trên đây trong sứ điệp Video gửi các tham dự viên Đại hội công giáo toàn quốc Đức lần thứ 100, nhóm tạị Leipzig trong các ngày 25 tới 29 tháng 5 với khẩu hiệu “Này là người”. ĐTC nói: Khẩu hiệu của đại hội rất hay đẹp, vì cho thấy điều thực sự quan trọng. Không phải những gì chúng ta làm được, hay sự thành công bề ngoài quan trọng, nhưng là khả năng dừng lại, ghé mắt nhìn, chú ý tới tha nhân, và cống hiến cho họ những gì họ thực sự thiếu thốn. Ai trong chúng ta cũng ước mong hiệp thông và hoà bình, và cần sự sống chung hoà bình. Nhưng điều này chỉ có thể được, khi chúng ta xây dựng hoà bình nội tâm trong con tim. Nhiều người thường xuyên sống trong vội vã, và kiểu sống này ảnh hưởng trên tất cả những gì ở chung quanh, kể cả việc đối xử với môi sinh. Cần dành nhiều thời giở hơn cho cuộc sống nội tâm trong chiêm niệm và cầu nguyện, để đạt tới sự thân tình với Thiên  Chúa là Cha, Đấng ước muốn thiện ích cho con cái Ngài, và thấy chúng ta sống trong hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và thanh bình. Sự thân tình này với Chúa linh hoạt lòng thương xót của chúng ta khiến cho chúng ta cũng biết thương xót nhau như Chúa thương xót chúng ta.

Trong xã hội có biết bao lần chúng ta gặp thấy con người bị đối xử tàn tệ. Chúng ta thấy các người khác phán xử giá trị cuộc sống của họ và thúc giục họ mau chết đi trong tuổi già và trong bệnh tật. Chúng ta thấy các người giàn xếp và vật vờ qua lại, không có phẩm giá, bởi vì họ không có công ăn việc làm hay là các người tỵ nạn. Chúng ta trông thấy Chúa Giêsu khổ đau và bị tử đạo hướng cái nhìn trên sự gian ác và tàn bạo trong tất cả mọi chiếu kích của chúng, mà con người phải gánh chịu hay khiến cho người khác phải gánh chịu.

ĐTC gửi lời chào thăm và ban phép lành toà thánh cho tất cả các tham dự viên và tín hữu công giáo toàn nước Đức. Ngài cầu mong họ luôn dành nhiều chỗ hơn cho tiếng nói của người nghèo và các người bị áp bức, cũng như nâng đỡ nhau trong việc chia sẻ các kinh nghiệm, tư tưởng và kiểu loan báo Tin Mừng, và là các chứng nhân can đảm của niềm hy vọng kitô.

Đại hội công giáo toàn quốc Đức nhóm họp hai năm một lần với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Chương trình đại hội gồm các buổi cử hành phụng vụ, diễn thuyết, thảo luận bàn tròn, sinh hoạt văn nghệ, triển lãm, chia sẻ kinh nghiệm và chứng từ sống đạo vv… Đại hội lần trước năm 2014 đã được triệu tập tại Regensburg về đề tài “Cùng Chúa Kitô xây dựng các cây cầu”, và đã tập trung vào các đề tài luân lý gia đình và các viễn tượng gia đình kitô nhăm chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về gia đình trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng (SD 25-5-2016)

Linh Tiến Khải

ĐTC kêu gọi quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong sinh hoạt y khoa

ĐTC kêu gọi quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong sinh hoạt y khoa

ĐTC kêu gọi quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong sinh hoạt y khoa

VATICAN: ĐTC kêu gọi các bác sĩ, nhân viên y tế, và các nhà nghiên cứu y khoa quy chiếu các giá trị nhân bản và kitô trong các sinh hoạt của mình.

Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp, do ĐHY Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh ký gửi ĐC Claudio Giuliodori, tổng tuyên uý đại học Thánh Tâm Roma và các tham dự viên đại hội về đề tài “Giữ gìn sự sống: dưỡng nhi viện trước và sau khi sinh. Một câu trả lời khoa học, luân lý đạo đức và nhân bản cho việc nhận ra bệnh thời kỳ tiền sinh ra”. Đại hội được tổ chức tại đại học bách khoa Gemelli bởi Hiệp hội bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ và  trẻ em, Trường chuyên môn về sản khoa và sinh sản, Trung tâm bảo vệ sự sống, và Tổ chức “Trái tim trong một giọt nước” nhân Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong sứ điệp  ĐTC cầu mong các giới chức chuyên môn luôn đạt được các tiến bộ mới trong việc phục vụ con người và trong tiến bộ y khoa, cũng như luôn luôn quy chiếu các giá trị nhân bản, luân lý đạo đức và kitô ngàn đời, bằng cách đáp ứng tình trạng của các trẻ em bị các bệnh tật trầm trọng với thật nhiều tình yêu thương, và phổ biến một ý niệm khoa học phục vụ chứ không lựa lọc. Ngài cũng bầy tỏ hài lòng vì những gì mà các chuyên viên nhà thương bách khoa Gemelli đã đạt được, và mời gọi họ dấn thân thực hiện dự án của Thiên Chúa đối với cuộc sống, bằng cách che chở nó với lòng can đảm và tình yêu thương, gần gũi, tránh xa nền văn hóa gạt bỏ chỉ đề nghị các lộ trình dẫn đưa tới cái chết, vì nghĩ rằng có thể loại bỏ khổ đau bằng cách huỷ diệt người đau khổ. ĐTC ưu ái ban phép lành toà thánh cho ban tổ chức và các tham dự viên (SD 25-5-2016)

Linh Tiến Khải

Lời cầu nguyện giúp duy trì đức tin và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

Lời cầu nguyện giúp duy trì đức tin và sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

ĐTC chúc lành cho các quân nhân Ukraine tham dự buổi tiếp kiến sáng thứ tư 25-5-2016

Lời cầu nguyện gíúp duy tri đức tin và cho chúng ta sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa

Lời cầu nguyện gíúp duy tri đức tin và cho chúng ta sống kinh nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế Chúa Giêsu dậy chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn không mỏi mệt. Điều quan trọng nhất là bước vào trong tương quan với Thiên Chúa Cha. Lời cầu nguyện biến đổi ước muốn và nhào nặn nó theo ý muốn của Thiên Chúa, bất cứ nó là lời cầu nguyện nào, bởi vì ai cầu nguyện thì trước hết ngưỡng vọng hiệp nhất với Chúa là Tình yêu thương xót.

ĐTC đã nói như trên với hơn 60,000 tín hữu và du khách năm châu. Trong các đoàn hành hương cũng có hai đoàn hành hương mỗi đoàn hơn 50 người, một đoàn đến từ Thụy Sĩ, đoàn kia đến từ Đan Mạch, và cũng có ít người đến từ Đức.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa lời kêu xin kiên trì của một bà goá lên thẩm phán để ông xét xử cho bà. ĐTC nói:

Dụ ngôn trong Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 18,1-8) chứa đựng một giáo huấn quan trọng: “Sự cần thiết phải luôn luôn cầu nguyện, mà không bao giờ mệt mỏi” (c. 1). Như vậy đây không phải là cầu nguyện vài lần, khi tôi cảm thấy muốn cầu nguyện. Không, Chúa Giêsu nói rằng cần cầu nguyện luôn luôn, không mỏi mệt. Và ngài đưa ra thí dụ của bà goá và vị thẩm phán.

Vị thẩm phán là một nhân vật quyền thế, được mời gọi đưa ra các phán quyết dựa trên Lề Luật Môshê. Vì vậy truyền thống kinh thánh đã nhắn nhủ rằng các thẩm phán là những người kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không thiên vị và không thể hối lộ (x. Xh 18,2). Ông thẩm phán này thì trái lại, “không sợ Thiên Chúa cũng không coi ai ra gì” (c. 2), Ông ta đã là một thẩm phán gian ác, không ngần ngại, không chú ý tới Luật Lệ, nhưng chỉ làm điều ông muốn. Một bà goá chạy đến với ông để có công lý. Các bà goá, cùng với các trẻ mồ côi và người ngoại kiều, đã là các giai tầng yếu đuối nhất trong xã hội. Các quyền mà Lề Luật bảo đảm cho họ có thể bị chà đạp dễ dàng, bởi vì là những người cô thế, không được bênh đỡ, họ khó có thể làm cho mình có giá trị.

Trước sự thờ ơ của ông thẩm phán, bà goá dùng vũ khĩ duy nhất bà có là tiếp tục kiên trì  quấy rầy ông ta, và xin ông thi hành công lý. Chính sự kiên trì đó đạt mục đích. Thật vậy, tới một lúc nào đó ông thẩm phán nhận lời xin của bà, không phải vì ông động lòng thương xót, cũng không phải bởi vì lương tâm ông đòi buộc, nhưng chỉ vì ông đơn sơ nhận rằng: “Vì bà goá này quấy rầy ta, ta sẽ xét xử cho bà để bà không liên tục đến quấy rầy ta nữa” (c. 5).

Từ dụ ngôn này Chúa Giêsu rút tỉa ra một kết luận kép: nếu bà goá đã thành công bẻ gẫy được ông thẩm phán vô liêm chính với các lời xin kiên trì của bà, thì Thiên Chúa là Cha nhân từ và công chính còn hơn biết bao nữa, “Người sẽ xét xử cho các kẻ được tuyển chọn của Người đang ngày đêm kêu lên Người; và ngoài ra Người sẽ không để họ chờ lâu, nhưng sẽ mau chóng hành động” (cc.7-8).

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Chính vì vậy Chúa Giêsu khích lệ cầu nguyện “không mởi mệt”. Chúng ta tất cả đều cảm thấy những lúc mệt mỏi và ngã lòng, nhất là khi lời cầu của chúng ta xem ra không công hiệu. Nhưng Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta : khác với ông thẩm phán bất lương, Thiên Chúa nhận lời các con cái Ngài một cách mau mắn, cả khi điều này không có nghĩa là Ngài làm điều đó trong các thời gian và kiểu chúng ta muốn. Lời cầu nguyện kkhông phải là một chiếc đũa phù phép! Nó giúp duy trì niềm tin nơi Thiên Chúa và tín thác cho Ngài, cả khi chúng ta không hiểu ý muốn của Ngài. Trong điều này chính Chúa Giêsu là Đấng cầu nguyện nhiều biết bao, nêu gương cho chúng ta. Thư gửi tín hữu Do thái nhắc nhớ rằng “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Dt 5,7). Thoạt tiên khẳng định này xem ra không thật, bởi vì Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Thế nhưng thư gửi tín hữu Do thái không sai lầm: Thiên Chúa đã thật sự cứu Đức Giêsu khỏi cái chết, bằng cách cho Người hoàn toàn chiến thắng nó, nhưng con đường để được nó đã đi qua chính cái chết! Việc quy chiếu về lời khẩn nài mà Thiên Chúa đã nhận lời quy về lời cầu của Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani. Bị tấn công bởi nỗi âu lo đè nặng, Chúa Giêsu cầu xin Thiên Chúa Cha giải thoát Người khỏi chén đắng của cuộc khổ nạn, nhưng lời cầu của Người nhuần thấm sự tin tưởng nơi Thiên Chúa Cha và Người tín thác nơi ý muốn của Cha không dè dặt. Chúa Giêsu nói: “không như con muốn, mà như Cha muốn” (Mt 26,39). ĐTC giải thích thêm như sau:

Đối tượng của lời cầu nguyện xuống hàng thứ yếu; điều quan trọng trước hết là tương quan với Thiên Chúa Cha. Đó, lời cầu nguyện làm điều gì: bất cứ là lời cầu nguyện nào, nó biến đổi ước muốn và nhào nặn nó theo ý muốn của Thiên Chúa, bởi vì ai cầu nguyện thì trước hết ngưỡng vọng hiệp nhất với Người là Tinh Yêu thương xót.

Dụ ngôn kết thúc với câu hỏi: “Nhưng khi Con Người  đến, có còn tìm thấy đức tin trên trái đất hay không?” (c. 8). Chúng ta tất cả đều được cảnh cáo: chúng ta không được khước từ lời cầu nguyện, cả khi nó không đáp ứng. Chính lời cầu nguyện duy trì đức tin, không có nó thì đức tin chao đảo! Chúng ta hãy xin Chúa một đức tin trở thành lời cầu nguyện liên lỉ, kiên trì, như lời cầu nguyện của bà goá trong dụ ngôn, một đức tin được dưỡng nuôi bằng ước mong Người đến. Và trong lời cầu nguyện  chúng ta sống kinh nghiệm lòng cảm thương của Thiên Chúa, như Người Cha đến gặp gỡ các con cái mình tràn đầy tình yêu thương xót.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương nói tiếng Pháp đặc biệt là phái đoàn tổng giáo phận Toulouse do ĐC Robert Le Gall hướng dẫn, và một phái đoàn của phong trào Thế giới thứ tư, cũng như các tín hữu đến từ Bỉ và Benin bên Phi Châu. Ngài khích lệ mọi người đừng bao giờ bỏ lời cầu nguyện, cả đôi khi xem ra nó vô ích. Vì Thiên Chúa luôn nhận lời chúng ta trong một cách thức mà chúng ta không chờ đợi.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ái Nhĩ Lan, Scottland, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Nigeria, Phi Luật Tân, quần đảo Seychelles, Canada và Hoa Kỳ. Ngài cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót  là thời gian ơn thánh và canh tân tinh thần cho mọi người.

Chào các tín hữu nói tiếng Đức ngài nhắc mọi người đừng quên tháng 5 là tháng kính Đức Mẹ. Hãy siêng năng khẩn cầu Mẹ dậy cho chúng ta biết các con đường cứu rỗi.

Với các đoàn hành hương nói tiến Bồ Đào Nha, ĐTC khích lệ họ ra về với niềm xác tín lòng thương xót Chúa mạnh mẽ hơn bất cứ tội lỗi nào của chúng ta.

Chào các nhóm nói tiếng A rập đặc biệt là các tín hữu Iraq và Giordania, ngài nói lời cầu nguyện không thay đổi tư tưởng của Thiên Chúa, nhưng thay đổi tư tưởng của người cầu nguyện để họ phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế Chúa khuyến khích chúng ta cầu nguyện không mỏi mệt, để lời cầu trở thành nơi chúng ta biểu lộ tình yêu đối với Thiên Chúa, đức tin và tất cả những gì ở trong tâm trí chúng ta, và nhất là trở thành thực phẩm thường ngày, vũ khí hùng mạnh và gậy chống cho cuộc hành trình của chúng ta.

Trước khi đọc kinh Lạy Cha ĐTC đã mời mọi người cầu nguyện cho Syria đã bị mấy vụ khủng bố hôm thứ hai vừa qua, khiến cho hàng trăm thường dân bị thiệt mạng. Tôi xin anh chị em cầu xin Thiên Chúa Cha từ nhân cho các nạn nhân được yên nghỉ, an ủi thân nhân họ, và thay đổi con tim của những người gieo rắc chết chóc và tàn phá.

ĐTC cũng mời tín hữu Roma và du khách hành hương tham dự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa ngài sẽ cử hành tại quảng trường Gioan Laterano và cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa sau đó tới Đền thờ Đức Bà Cả lúc 19 giờ. Đây là cử chỉ công cộng biểu lộ đức tin và tình yêu  đối với Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Tân Tổng Giám mục La Havana kêu gọi đối thoại hiệu quả hơn giữa Giáo hội và nhà nước.

Tân Tổng Giám mục La Havana kêu gọi đối thoại hiệu quả hơn giữa Giáo hội và nhà nước

Đức Tổng Giám mục Garcia Rodriguez

Cuba – Trong Thánh lễ ngày Chúa nhật 22/5 hôm qua, trước sự hiện diện của Phó Tổng Thống Salvador Valdes Mesa và ông Caridad Diego, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo vụ của Đảng Cộng sản Cuba, Đức Cha Juan de la Caridad Garcia Rodriguez, Tân Tổng Giám mục của Havana, đã đưa ra lời kêu gọi để tiếp tục cuộc đối thoại giữa Giáo hội Công giáo và chính quyền Cu ba. Ngài nói: “Sự hiện diện của quí vị ở đây mời gọi và khuyến khích chúng tôi tiếp tục cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại có thể hiệu quả hơn, thực tế hơn, để Giáo hội có thể tìm ra những không gian khác cho sứ vụ loan báo Tin mừng, phụng vụ, sứ vụ giáo dục và bác ái cho người nghèo”.
Giây phút Đức Hồng Y, Jaime Ortega, Cựu Tổng Giám mục Havana đón Đức Tân Tổng Giám mục tại cửa vào nhà thờ và trao cho Đức Tổng Giám mục kế vị ngài cây gậy mục tử làm cho nhiều người hiện diện xúc động. Nhà thờ chánh tòa đầy kín người, nhiều giáo dân phải tham dự lễ bên ngoài và theo dõi trên các màn hình khổng lồ.  

Đức Cha Garcia Rodriguez sinh tại Camagüey ngày 11/7/1948, được thụ phong Linh mục ngày 25/1/1972 và phục vụ trong vài giáo xứ. Cha đã thành lập và là giám đốc của trường truyền giáo của Giáo phận Camagüey. Ngày 15/3/1997, Cha được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Giáo phận Camagüey và ngày 10/6/2002, được chọn làm Tổng Giám mục Giáo phận Camagüey. (Agenzia Fides, 23/05/2016)

ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích

ĐTC kêu gọi cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích

ĐTC Phanxicô chào tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 25-5-2016

VATICAN: ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi người bảo vệ trẻ em và cầu nguyện cho các trẻ em bị mất tích, xin cho các em được trả lại cho tình yêu thương của những người thân.

ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây vào cuối buổi tiêp kiến chung sáng thứ tư hôm qua. Ngài nói hôm nay là Ngày quốc tế các trẻ em bị mất tích. Mọi ngươì đều có bổn phận bảo vệ các trẻ em, nhất là các trẻ em có nhiều nguy cơ bị khai thác bóc lột, bị buôn bán, hay là nạn nhân của các thái độ hành xử lệch lạc.

Tôi cầu mong các giới hữu trách dân sự và tôn giáo có thể lay động và gây ý thức cho các lương tâm để tránh sự thờ ơ trước thảm cảnh của các trẻ em cô đơn, bị khai thác và giật thoát khỏi gia đình và môi trường xã hội của các em, các trẻ em không thể lớn lên trong an lành và nhìn tương lai với niềm hy vọng. Tôi mời gọi tất cả mọi người cầu nguyện để các em đưọc trả lại cho tình yêu thương của người thân (SD 25-5-2016).

Linh Tiến Khải

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh về nhân đạo

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh về nhân đạo

Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Thượng đỉnh về nhân đạo

VATICAN. ĐTC tố giác nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các xung đột trên thế giới và ngài kêu gọi canh tân nỗ lực bảo vệ phẩm giá và các quyền con người.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi Hội nghị Thượng Đỉnh về nhân đạo do LHQ triệu tập tại Istanbul Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày 23 và 24-5-2016.

ĐTC khẳng định rằng: ”Chúng ta không thể phủ nhận ngày nay nhiều quyền lởi đang ngăn cản việc giải quyết các cuộc xung đột, và nhiều chiến lược quân sự, kinh tế và chính trị địa lý đang làm cho các cá nhân và các dân tộc phải tản cư, và nó áp đặt thần tiền bạc, thần quyền lực. Đồng thời các nỗ lực nhân đạo thường bị những hạn chế về thương mại và ý thức hệ.   Vì thế, ĐTC viết, điều đang cần ngày nay là tái quyết tâm bảo vệ mỗi người trong đời sống thường nhật và bảo vệ phẩm giá cũng như các nhân quyền, an ninh và những nhu cầu toàn diện của họ. Đồng thời cũng cần bảo tồn tự do và căn tính xã hội, văn hóa của các dân tộc; điều này không đưa tới sự cô lập, trái lại nó tạo điều kiện cho sự cộng tác, đối thoại và nhất là hòa bình”.

Trong ý hướng trên đây, ĐTC cổ võ sự quyết tâm, trước tiên là những cố gắng bản thân, rồi cùng nhau, phối hợp sức mạnh và các sáng kiến để không có gia đình nào mà không có gia cư, không người tị nạn nào mà không được tiếp đón, không ai phải sống mà không có phẩm giá, không có người bị thương nào mà không được săn sóc, không trẻ em nào bị mất tuổi thơ, không người trẻ nam nữ nào mà không có tương lai, không người cao niên nào mà không được một tuổi già đáng trọng”.

ĐTC cầu mong hội nghị thượng đỉnh ở Istanbul này cũng là một cơ hội nhìn nhận công việc của những người đang phục vụ những người thân cận, và góp phần an ủi những đau khổ của các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, những người phải tản cư và tị nạn, những người săn sóc xã hội, đặc biệt là qua những chọn lựa can đảm để bênh vực hòa bình, sự tôn trọng, chữa lành và thư thứ. Đó là cách thức các sinh mạng con người được cứu vớt” (SD 23-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Tham luận của ĐHY Quốc vụ khanh tại Hội nghị ở Istanbul

Tham luận của ĐHY Quốc vụ khanh tại Hội nghị ở Istanbul

Tham luận của ĐHY Quốc vụ khanh tại Hội nghị ở Istanbul

ISTANBUL. Trong bài tham luận trong ngày đầu tiên, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh, trưởng phái đoàn Tòa Thánh tham dự Hội nghị tại Istanbul, kêu gọi các giới lãnh đạo chính trị gia tăng việc phòng ngừa các cuộc xung đột trên thế giới.

ĐHY nói: ”Tòa Thánh mạnh mẽ xác tín về bản chất hoàn toàn vô nhân đạo của chiến tranh và sự cấp thiết phải phòng ngừa và chấm dứt các cuộc xung đột võ trang và bạo lực giữa các dân tộc và quốc gia, trong niềm tôn trọng các nguyên tắc luân lý đạo đức chung và làm nền trảng cho mọi hoạt động nhân đạo”.

ĐHY Parolin cũng khẳng định rằng ”Chúng ta không được chủ yếu cậy dựa vào các giải pháp quân sự, nhưng đúng hơn phải đầu tư vào việc phát triển, đây là điều thiết yếu để có hòa bình và an ninh lâu dài. Thực vậy, công trình này đòi phải theo đuổi sự phát triển toàn diện con người, cũng như nhổ bỏ tận căn các nguyên nhân gây ra xung đột”.   Trong bài tham luận, ĐHY Quốc vụ khanh cũng cho biết Tòa Thánh quyết tâm làm việc liên lỷ với các chính phủ, xã hội dân sự và mọi người thiện chí để cổ võ sự giải trừ võ trang và phòng ngừa xung đột, cũng như hỗ trợ các nỗ lực dài hạn để xây dựng hòa bình lâu bền”. (SD 23-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Đức Thánh Cha tiếp Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại Iman của Đại Học Hồi giáo Al-Azhar

VATICAN. Hôm qua, 23-5-2016, lần đầu tiên ĐTC Phanxicô tiếp kiến Đại Imam Viện trưởng đại học Hồi giáo Al-Azhar của Ai cập, Giáo Sư Ahmed el-Tayeb.

Giáo Sư năm nay 70 tuổi, đã từng học về tư tưởng Hồi giáo ở Đại học Sorbonne, Paris. Đại học Al-Azhar ở thủ đô Cairo được coi là thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunnit.

Hồi năm 2011, Đại học Al-Azhar đã đoạn giao với Tòa Thánh, vì ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi chính phủ Ai Cập bảo vệ các tín hữu Kitô thiểu số tại nước này sau vụ một nhà thờ của Giáo Hội Chính Thống Copte ở thành phố Alesssandria. Các thủ lãnh Hồi giáo coi lời kêu gọi ấy là xen mình vào nội bộ của Ai cập.

Từ khi ĐGH Phanxicô lên cai quản Giáo Hội, Tòa Thánh tìm cách mở lại quan hệ với Đại học Al-Azhar, qua việc gửi sứ giả, hoặc sứ điệp, hay qua những cuộc tiếp xúc giữa các nhân vật của hai bên.

Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết cùng đi với Đại Imam của đại học Al-Azhar có một phái đoàn gồm 7 người, trong đó có Đại sứ Ai Cập cạnh Tòa Thánh, Ông Hatem Seif Elnasr.

Đại Iman đã được ĐHY Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn và Đức Cha Tổng thư ký của Hội đồng này tiếp đón và tháp tùng đến gặp ĐTC.

Trong cuộc nói chuyện thân mật dài 30 phút, ĐTC và Đại Iman đã đề cao ý nghĩa lớn lao của cuộc gặp gỡ này trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Hồi giáo. Rồi hai vị cũng đề cập đến đề tài sự dấn thân chung của các vị hữu trách và tín hữu thuộc các tôn giáo lớn cho hòa bình thế giới, từ khước bạo lực và khủng bố, tình trạng các tín hữu Kitô tron gbối cảnh các cuộc xung đột và căng thẳng tại Trung Đông, cũng như việc bảo vệ các tín hữu ấy.

ĐTC đã tặng Đại Iman mề đai cành Ôliu hòa bình và một bản Thông điệp Laudato sí của ngài.

Sau cuộc hội kiến với ĐTC, trước khi rời dinh tông tòa, trong một phòng khách thuộc căn hộ tiếp kiến, Đại Iman cùng với phái đoàn, đã hội kiến với ĐHY Tauran, có Đức Cha Tổng thư ký Ayuso Guixot tháp tùng. (SD 24-5-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni khích lệ xây dựng một nền văn minh hòa bình

ĐHY Filoni

GUAPI: ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, khích lệ chấm dứt bạo lực, tha thứ hòa giải và xây dựng một nền văn minh hoà bình.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài giảng thánh lễ chủ sự tại nhà thờ chính toà Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Giáo quản tông toà Guapi ngày 23 tháng 5 vừa qua. Ngài nói: Sau bao nhiêu năm khổ đau vì các tệ nạn bạo lực và gian tham hối lộ, đây là lúc nhổ tận gốc rễ mọi tệ nạn, tha thứ cho nhau, bằng cách tái lập một nền văn hóa hoà bình làm nảy sinh ra các năng động hoà giải cá nhân, gia đình và cộng đoàn.  ĐHY ghi nhận rằng Guapi là một Giáo Hội đang lớn lên và cần có các cơ cấu, nhất là hàng giáo sĩ địa phương. ĐHY kêu gọi sự cộng tác của mọi người trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực kinh tế và vật chất. Cần phát triển một ý thức truyền giáo của Giáo Hội địa phương. Cả trong nghèo túng người ta cũng có thể đương đầu với các đòi buộc của Tin Mừng và của Giáo Hội. ĐHY không quên khích lệ giới trẻ sống trung thực với các nguyên lý của Tin Mừng, để thành lập các gia đình thực sự kitô, dựa trên bí tích Hôn Phối trung thành và bất khả phân ly, như Chúa Giêsu đã muốn. Lời Chúa cần được lắng nghe, suy gẫm và sống mỗi ngày tại khắp mọi nơi. Khi tìm được chỗ trong chúng ta, Lời Chúa giúp chúng ta tránh không rơi vào một cuộc sống phản tinh thần kitô, nô lệ rượu chè, ma tuý, cờ bạc và chủ thuyết duy vật.

Trước thánh lễ ĐHY đã gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhóm tông đồ trong đại thính đường Trường San Josè, và  đề cập tới một số vấn đề mục vụ lớn cần đương đầu như hoà bình, khước từ xung đột vũ trang, dấn thân tạo dựng công bằng xã hội, phát triển và chống lại nạn nghèo đói. Ngài mời gọi  họ dấn thân làm việc mục vụ, và đặc biệt chú ý tới người nghèo và người tàn tật.

Tiếp đến ĐHY đã gặp gỡ các giới chức dân sự và quân đội, cùng với các vị hữu trách các tổ chức của chính quyền. Trong những ngày này ĐHY Filoni dang viếng thăm Colombia (FIDES 24-5-2016)

Linh Tiến Khải

Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh

Bốn yếu tố cần thiết để nên thánh

Thánh lễ sáng thứ Ba, 24.05, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. Bước đi trước tôn nhan Chúa mà không thấy lòng hổ thẹn. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ để làm sao chúng ta có thể bước đi trong cuộc hành trình nên thánh. Trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 3, 24.05, tại nhà nguyện Thánh Marta, Đức Thánh Cha nói rằng để hành trình này đạt đến thành công, các Kitô hữu phải có khả năng vững lòng trông cậy với sự can đảm, biết mở lòng ra để thảo luận, và tự do đón nhận ân sủng của Thiên Chúa.

Sự thánh thiện không thể mua được, cũng không thể đạt được bằng sức mạnh con người. Sự thánh thiện đơn sơ của mọi Kitô hữu chỉ có thể đạt được nhờ sự giúp đỡ của bốn yếu tố cần thiết sau đây: lòng can đảm, niềm hy vọng, ân sủng và sự hoán cải.

Đường lối can đảm

Khởi đi từ bài đọc một trích thư thứ nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, thuật lại luận thuyết nhỏ của thánh nhân về sự thánh thiện, Đức Thánh Cha nói rằng: “Thánh thiện là bước khi trước sự hiện diện của Chúa mà lòng không cảm thấy hổ thẹn.

Thánh thiện là một hành trình. Sự thánh thiện không thể được mua bán, cũng không thể cho được. Sự thánh thiện là một hành trình bước đi trong sự hiện diện của Chúa mà chính mỗi người chúng ta phải thực hiện. Không ai có thể làm thay cho chúng ta được. Chúng ta có thể cầu nguyện cho một người được nên thánh thiện, nhưng chính người đó phải bước đi, phải tự mình thực hiện chứ không phải chúng ta. Bước đi trong sự hiện diện của Chúa với một cách thức hoàn hảo không tì vết.

Sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày cũng có thể là ‘vô danh’. Và yếu tố đầu tiên cần thiết để đạt được sự thánh thiện chính là lòng can đảm. Con đường nên thánh cần có can đảm.

Hy vọng và ân sủng

Vương quốc của Đức Giêsu chỉ dành cho những ai dám bước đi với lòng can đảm và lòng can đảm lại xuất phát từ niềm hy vọng. Đó cũng là yếu tố thứ hai trong hành trình nên thánh. Lòng can đảm có được nhờ hy vọng vào cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu.

Yếu tố thứ ba trong hành trình nên thánh xuất hiện trong những lời của Thánh Phê-rô: ‘Hãy hoàn toàn đặt niềm trong cậy vào ân sủng.’ Chúng ta không thể đạt được sự thánh thiện nhờ sức riêng của mình. Nhưng đó là một ân sủng. Trở nên tốt lành, nên thánh thiện, mỗi ngày mỗi tiến lên những bước nho nhỏ trong đời sống Kitô hữu là ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta phải cầu xin ơn này. Lòng can đảm, một cuộc hành trình; một cuộc hành trình mà người ta cần phải có lòng can đảm để bước đi với niềm hy vọng và tấm lòng luôn sẵn sàng rộng mở để đón nhận ân sủng này.

Tôi mời gọi anh chị em hãy đọc một chương rất đẹp, đó là chương 11 trong thư gởi tín hữu Do Thái, thuật lại cuộc hành trình của các tổ phụ. Họ là những người đầu tiên được Thiên Chúa mời gọi. Tổ phụ Áp-ra-ham đã lên đường bước theo lời mời gọi của Chúa trong khi chưa biết mình phải đi đâu. Nhưng ngài vẫn một lòng hy vọng.

Hoán cải mỗi ngày

Trong thư của thánh Phê-rô, chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố thứ tư: hoán cải là một nỗ lực liên tục để tẩy sạch con tim. Hoán cải mỗi ngày không có nghĩa là chúng ta phải đánh mình, phạt xác khi phạm tội. Nhưng chúng ta hãy làm những hoán cải nho nhỏ thôi. Chẳng hạn như: cố gắng giữ gìn miệng lưỡi để không nói xấu người khác, cố gắng bước đi trên con đường ngay chính để nên thánh. Không nói xấu người khác có phải là một chuyện dễ dàng không? Không hề dễ chút nào. Khi ta muốn chỉ trích người hàng xóm, người đồng nghiệp, chúng ta hãy cẩn thận miệng lưỡi của mình, nếu được hãy cắn lưỡi một cái thật đau. Có thể lưỡi sẽ xưng lên, nhưng tinh thần của chúng ta sẽ được thánh thiện hơn. Đừng chỉ thích làm những hãm mình, khổ chế to lớn nhưng hãy làm những gì nhỏ bé đơn sơ thôi. Con đường nên thánh thì đơn sơ. Đừng bao giờ lùi lại, hãy luôn tiến về phía trước với lòng can đảm.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

Đại Hội Gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 tại Dublin

Đại Hội Gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 tại Dublin

Đại Hội Gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 tại Dublin

VATICAN. Đại hội các gia đình Công Giáo thế giới kỳ 9 sẽ tiến hành tại Dublin từ ngày 22 đến 26-8-2016 về chủ đề: ”Tin Mừng gia đình, niềm vui cho thế giới”.

Đề tài này đã được giới thiệu trong cuộc họp báo sáng ngày 24-5-2016 tại Phòng báo chí Tòa Thánh dưới quyền chủ tọa của hai vị TGM: Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và Diarmuid Martin, TGM giáo phận Dublin, thủ đô Ailen.

Đức TGM Paglia cho biết đây là Đại hội đầu tiên sau Thượng HĐGM về gia đình, với Tông Huấn Amoris laetitia (Niềm vui Yêu thương). Văn kiện này trở thành hiến chương cho toàn thể Đại hội này, trong tiến trình chuẩn bị cũng như cử hành.

Tông huấn này của ĐTC Phanxicô không phải chỉ đòi một sự canh tân việc mục vụ gia đình, nhưng hơn nữa, đây là một cách thức mới để sống Giáo hội, cách thức mới để thể hiện tình yêu làm cho đời sống dân Chúa, các gia đình và chính xã hội được vui tươi.

Về phần Đức TGM Martin, ngài cho biết trong tư tưởng của ĐTC Phanxicô, Đại hội các gia đình thế giới ở Dublin không phải là một biến cố riêng rẽ, nhưng đó là thành phần của một tiến trình phân định và khích lệ, tháp tùng và linh hoạt các gia đình.. Đại hội này tiến hành ở Dublin năm 2018 nhưng là một biến cố của toàn thể Giáo Hội, với hy vọng đây sẽ là một giai đoạn quyết định đối với việc áp dụng những thành quả của tiến trình Thượng HĐGM và Tông Huấn Amoris Laetitia.

Đức TGM Martin cũng khẳng định rằng Đại Hội ở Dublin cũng là một biến cố ý nghĩa đối với Giáo Hội tại Ai Len và các gia đình tại nước này. Ailen có một nền văn hóa vững mạnh về gia đình. Đây là một quốc gia trẻ trung: 21,6% dân số dưới 15 tuổi và 16,9% trên 60 tuổi, trong khi tại Italia, số người trên 60 tuổi nhiều gấp đôi những người dưới 15 tuổi.

Ailen có tỷ số hôn nhân cao hơn Italia và số vụ ly dị ít hơn nhiều. Tỷ lệ sinh con tại Ailen là 2% trong khi ở Italia chỉ có 1.4% tức là ở dưới mức cần thiết để có thể thay thế dân số.

 Đức TGM Martin cũng cho biết các gia đình ở Ailen đang đau khổ vì gánh nặng tình hình kinh tế bấp bênh. Đang có cuộc khủng hoảng về bất động sản. Các chương trình huấn giáo của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình đang cần được biến đổi hoàn toàn, phù hợp với đường hướng của Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương.

Việc chuẩn bị cho Đại hội ở Dublin sẽ dựa trên tiến trình huấn giáo với căn bản là Tông Huấn của ĐTC Phanxicô và sẽ diễn ra trong trọn năm 2017, với hy vọng tiến trình huấn giáo này cũng được chia sẻ với các Giáo hội khác trên thế giới, đặc biệt là tại Âu châu. (SD 24-5-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Kitô hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa với niềm vui mừng và sự ngạc nhiên

Kitô hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa với niềm vui mừng và sự ngạc nhiên

Thánh lễ sáng thứ Hai, 23.05, tại nguyện đường Thánh Marta

VATICAN. Không tồn tại một Kitô hữu buồn. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai, 23.05, tại nguyện đường thánh Marta. Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả trong những lúc đau khổ của cuộc sống, Kitô hữu phải biết tín thác vào Đức Giêsu và sống với niềm hy vọng. Bên cạnh đó, Đức Giêsu mời gọi các tín hữu đừng để bả vinh hoa giàu có chế ngự, vì cuối cùng, chúng chỉ mang lại đau khổ mà thôi.

Kitô hữu sống trong niềm vui và trong sự ngỡ ngàng sửng sốt nhờ sự Phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Khởi đi từ bài đọc một trích Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô Tông đồ, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngay cả khi phải chịu ưu phiền giữa trăm chiều thử thách, chúng ta cũng không bị tước mất đi niềm hân hoan vui mừng về những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Thiên Chúa đã tái sinh ta trong Đức Kitô và ban cho ta một niềm hy vọng sống động.

Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui Phúc Âm

"Chúng ta có thể chạm tới niềm hy vọng mà các Kitô hữu thời sơ khai đã mô tả. Niềm hy vọng ấy giống như một mỏ neo để tiến về Nước Trời. Chúng ta hãy bám lấy cọng dây và tiến về nơi đó, để đạt được niềm hy vọng sống động, một niềm hy vọng sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui.

Kitô hữu là một người của niềm vui, một người có niềm vui trong tim. Không tồn tại Kitô hữu không có niềm vui. Nhưng có người nói rằng: ‘Ôi cha ơi, con thấy những Kitô hữu không biết vui đầy kia kìa.’ – ‘Đó không phải là Kitô hữu. Họ nhận mình là Kitô hữu thôi, nhưng thật chất không phải. Nơi họ thiếu thiếu một điều gì đó.’ Thẻ căn cước của Kitô hữu là niềm vui, niềm vui của Tin Mừng, niềm vui được Đức Giêsu tuyển chọn, được Đức Giêsu cứu chuộc, được Đức Giêsu tái sinh; sự vui mừng hân hoan của niềm hy vọng Đức Giêsu đang chờ đợi chúng ta, niềm vui – ngay cả khi giữa những thánh giá và giữa những đau khổ của cuộc sống – cũng được diễn tả trong một cách thức khác, đó là sự bình an trong niềm xác tín Đức Giêsu vẫn đang đồng hành với chúng ta và ở với chúng ta.

Kitô hữu làm cho niềm vui mừng này lớn mạnh lên với sự tín thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn nhớ lời Ngài đã giao ước. Đến lược mình, các Kitô hữu cũng phải biết rằng Thiên Chúa luôn nhớ đến họ, luôn yêu thương họ, luôn đồng hành với họ và đang chờ đợi họ. Đó chính là niềm vui mừng

Sự giàu có mang lại buồn đau

Bài Tin Mừng ngày hôm nay thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và anh thanh niên giàu có. Anh có thiện chí nhưng lại không có khả năng để mở rộng tâm hồn mình ra trước niềm vui mừng hoan hỷ. Anh đã chọn lựa sự buồn rầu, vì anh có nhiều của cải.

Anh đã để lòng mình quá gắn bó với của cải. Đức Giêsu đã nói với chúng ta rằng không thể làm tôi Thiên Chúa lại vừa làm tôi tiền của được. Tiền bạc, của cải, tự bản chất, chẳng có gì xấu nhưng làm tôi tớ cho tiền của thì lại xấu vô cùng. Chàng thanh niên tội nghiệp ấy đã sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi.

Trong các xứ đạo, cộng đoàn và tổ chức, chúng ta nghe thấy nhiều người nhận mình là Kitô hữu hay muốn trở thành Kitô hữu nhưng họ lại buồn rầu, sầu muộn. Như vậy, có điều gì đó không đúng lắm khi họ nói mình là Kitô hữu. Chúng ta phải giúp họ tìm thấy Đức Giêsu, giúp họ quẳng nỗi muộn phiền ấy đi, để họ có thể hân hoan sung sướng trong niềm vui Tin Mừng.

Sự vui mừng và ngỡ ngàng là tâm tình của người Kitô hữu khi được tiếp chạm vào sự mặc khải và tình yêu của Thiên Chúa, và những cảm xúc ấy được khuấy động tràn dâng lên bởi Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu có phần thất vọng khi thấy chàng thanh niên không thể hy sinh, từ bỏ mà bước theo Ngài, vì anh đã quá gắn bó với giàu sang, tiền của. Khi các Tông đồ hỏi Chúa: ‘Như vậy thì ai có thể được cứu?’, Đức Giêsu trả lời: ‘Đối với loài người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.’

Niềm vui Kitô giáo và khả thể được cứu khỏi những dính bén thế trần chỉ có thể được thực hiện ngang qua quyền năng của Thiên Chúa, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng biết ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước sự hiện diện của Ngài, trước sự hiện diện của rất nhiều những kho tàng thiêng liêng mà Ngài đã ban cho chúng ta. Và với sự ngạc nhiên này, xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui mừng, niềm vui trong đời sống thường ngày, trong con tim đong đầy sự bình an mặc dù đang ở giữa trăm chiều thử thách. Xin Chúa cũng bảo vệ chúng ta khỏi ham muốn đi tìm kiếm hạnh phúc nơi những sự vật mà cuối cùng chỉ mang lại khổ đau: chúng hứa hẹn nhiều, nhưng thật chất, chẳng mang lại cho ta được gì cả. Anh chị em hãy nhớ rằng: Kitô hữu là một người của niềm vui, niềm vui trong Thiên Chúa; và Kitô hữu cũng là một người biết ngỡ ngàng ngạc nhiên nữa.”

Vũ Đức Anh Phương SJ