Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Hãy nhìn mình trong tấm gương trước khi xét đoán người khác

Thánh lễ sáng tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta, thứ Hai, ngày 20.06.2016

VATICAN. Trước khi xét đoán người khác, chúng ta nên nhìn vào tấm gương để thấy chính bản thân chúng ta như thế nào. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Hai, 20.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta. Trong thánh lễ cuối cùng tại nhà nguyện này trước kỳ nghỉ mùa hè, Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng điều phân biệt giữa sự phán xét của Thiên Chúa và sự xét đoán của con người chính là ‘Lòng Thương Xót’ chứ không phải sự ‘Toàn Năng’.

Chỉ Thiên Chúa mới có quyền phán xét. Vì thế, nếu không muốn bị xét xử, chúng ta đừng xét đoán người khác. Khởi đi từ bài đọc Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tất cả chúng ta ai cũng mong muốn Thiên Chúa đoái thương nhìn đến với sự quảng đại và tấm lòng tha thứ trong ngày Phán Xét. Chúng ta cũng mong Chúa quên đi những lầm lỗi cùng những điều xấu xa mà chúng ta đã vấp phạm trong đời.

Đức Giêsu sẽ gọi chúng ta là những kẻ đạo đức giả nếu chúng ta xét đoán người khác. Nếu ‘anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em.’ Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải nhìn xem mình trong tấm gương.

Nhìn xem mình trong gương không phải để trang điểm, to son kẻ mắt. Không! Không phải là chuyện trang điểm. Nhưng nhìn vào gương là để thấy mình như chính mình là. ‘Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?’ Hay ‘sao anh lại nói với người anh em: hãy để tối lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?’ Vậy Thiên Chúa sẽ nhìn chúng ta như ra sao, khi chúng ta hành xử như thế này? Một câu thôi: ‘đạo đức giả’. ‘Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.’

Hãy cầu nguyện cho tha nhân chứ đừng xét đoán họ

Chúng ta nhận thấy rằng Chúa có vẻ hơi tức giận khi nói những điều này. Ngài mắng chúng ta là kẻ đạo đức giả khi chúng ta dám đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa để xét xử người khác. Đây chính là điều mà con rắn xưa đã cám dỗ ông bà Adam và Eva: Nếu các ngươi ăn trái ấy, các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa. Và ông bà đã muốn giành lấy vị trí của Thiên Chúa.

Phát xét là chuyện thuộc riêng về Thiên Chúa, chỉ mình Ngài mà thôi. Còn nhiệm vụ của chúng ta là hãy yêu, cảm thông, thấu hiểu và cầu nguyện cho tha nhân khi ta nhận thấy những điều trái tai gai mắt, hay không được tốt đẹp cho lắm. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy đến nói chuyện, gặp gỡ với người khác cách nhã nhặn, lịch sự để từ đó họ có thể nhận ra được những lỗi lầm của họ. Đừng bao giờ xét đoán. Đừng bao giờ. Nếu xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả.

Xét đoán của chúng ta thiếu đi lòng thương xót, chỉ Thiên Chúa mới có quyền xét xử

Khi chúng ta xét đoán người khác, chúng ta đặt mình vào vị trí của Thiên Chúa. Nhưng xét đoán của chúng ta là một xét đoán tồi tệ và nghèo nàn, không bao giờ có thể là một phán xét đúng nghĩa được. Tuy nhiên, liệu xét đoán của ta có giống được với phát xét của Thiên Chúa không? Xin thưa là không. Bởi vì Thiên Chúa toàn năng, còn chúng ta thì không. Xét đoán của chúng ta sẽ thiếu đi tình thương xót. Còn khi phán xét, Thiên Chúa sẽ xét xử với lòng nhân hậu và đầy tình thương.

Ngày hôm nay, hãy ngẫm nghĩ thật nhiều về những điều Thiên Chúa nói với chúng ta: Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán; đong đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy; và cuối cùng, chúng ta hãy nhìn vào tấm gương trước khi muốn xét đoán người khác. ‘Tại sao anh kia lại làm cái này? Tại sao chị kia lại làm cái nọ?…’ Ta đừng vội vã xét đoán ngay. Hãy dừng lại chút đã. Hãy nhìn chính bản thân mình trong tấm gương và ngẫm nghĩ. Chúng ta xét đoán, chúng ta sẽ là những kẻ đạo đức giả, vì đã dám đặt mình vào vị thế của Thiên Chúa. Và sự xét đoán của chúng ta cũng thật nghèo nàn, tệ hại. Xét đoán của nhân loại thiếu đi lòng thương xót của Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa ban ơn để mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu được những điều này.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia

Cờ hiệu ngày Quốc tế giới trẻ ở Cracovia

Khoảng 1500 bạn trẻ Philippine dự kiến sẽ tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ tại Cracovia, Balan vào cuối tháng 7 tới đây. Dự kiến sẽ có khoảng 2,5 triệu ngừoi trẻ từ khắp thế giới tham dự ngày hội đặc biệt này.

Johann Mangussad, một nhà thiết kế công nghiệp 27 tuổi, cho biết, anh không chờ đợi bất cứ điều gì đặc biệt ở Balan nhưng chỉ muốn thấy Chúa Giê-su. Anh nói: “Tôi muốn thấy Chúa trong mắt của mỗi người và mọi người tôi gặp. Tôi muốn cảm nhận sự hiện diện của Người”.

Sky Ortigas, đã tham dự ngày Quốc tế Giới trẻ 2 lần và đang chờ tham dự lần 3 chia sẻ: “Âm nhạc trong các nghi thức cử hành truyền cảm hứng và làm tôi xúc động, và cách nào đó làm cho tôi mong muốn biết Chúa nhiều hơn. Nhìn thấy mọi quốc gia và chủng tộc quỳ gối trước Chúa Ki-tô thì thật là tuyệt vời”.

Đoàn giới trẻ chính thức của Philippine sẽ được đại diện bởi 320 bạn trẻ đến từ Ủy ban Giới trẻ của Hội đồng Giám mục và mạng lưới mục vụ giới trẻ. Stephen Borja, thư ký của Ủy ban cho biết là các tổng giáo phận lớn như Manila và Cebu và các giáo phận như Cubao, Novaliches, Paranaque, và San Pablo cũng sẽ gửi các đoàn của riêng họ. Trung tâm mục vụ Mindanao-Sulu cũng gửi một đoàn từ khoảng 21 giáo phận ở miền nam Philippine. Trong khi đó, tòa Đại sứ Balan ở Manila cho biết họ đã nhận được it nhất 2200 đơn xin visa từ Philippin.

Trước khi đi đến Cracovia, các thành viên của đoàn Philippine sẽ gặp gỡ chuẩn bị. Borja cho biết: đây không chỉ là phần chuẩn bị trước mắt nhưng còn để củng cố tinh thần cộng đồng và chia sẻ quan điểm trong việc thực hiện cuộc hành hương này. Các nhóm đầu tiên của các đoàn sẽ đi Balan vào ngày 17/7 để tham dự “Ngày giáo phân”, một hoạt động trước khi đại hội Giới trẻ chính thức bắt đầu từ 26-31/7.

Đức Hồng Y của Manila Luis Antonio Tagle sẽ tham dự Đại hội cùng với Đức cha Joel Baylon của Legazpi, chủ tịch Văn phòng Giới trẻ của Phân bộ Giáo dân và Gia đình của Liên Hội đồng Giám mục châu Á. (Ucan news 21/6/2016)

Hồng Thủy Op

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt Khâm

VATICAN. Cha Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh lên tiếng về vụ Đức Cha Mã Đạt  Khâm, GM Phụ Tá giáo phận Thượng Hải.

Hôm 12-6-2016, Đức Cha Mã Đạt  Khâm (Ma Daqin) đã viết trên blog tuyên bố rút lại quyết định ra khỏi Hội Công Giáo yêu nước mà ngài đưa ra vào cuối buổi lễ thụ phong Giám Mục. Hành động này đã gây hoang mang và xôn xao lớn nơi các tín hữu Công Giáo Trung Quốc.

Đức Cha năm nay 48 tuổi (1968), thụ phong GM ngày 7-7-2012. Sau khi tuyên bố rút khỏi Hội Công Giáo yêu nước, ngài bị nhà nước Trung Quốc quản thúc tại Đại chủng viện Xà Sơn, gần Thượng Hải và không được thi hành các nhiệm vụ Giám Mục.

Được yêu cầu lên tiếng về vụ này, hôm 23-6-2016, Cha Lombardi SJ ra thông cáo nói rằng:

1. Về những lời tuyên bố gần đây nói là của Đức Cha Taddeo Mã Đạt Khâm, GM Phụ Tá Thượng Hải, Tòa Thánh được biết điều này qua blog của Đức Cha và các hãng tin. Về vấn đề này, hiện nay Tòa Thánh không có tin tức trực tiếp.

2. Mọi giả thuyết về vai trò của Tòa Thánh trong vụ này là điều không đúng chỗ.

3. Sự việc bản thân và giáo hội của Đức Cha Mã Đạt  Khâm, cũng như của tất cả các tín hữu Công Giáo Trung Quốc, được ĐTC đặc biệt quan tâm và ân cần theo dõi, Ngài cầu nguyện hằng ngày cho họ. (SD 23-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

Giáo Hội sắp có thêm 5 vị Hiển Thánh được tôn phong

 

Lúc 10 giờ sáng 20-6-2016, ĐTC đã nhóm công nghị Hồng Y để phê chuẩn và ấn định ngày tôn phong 5 vị chân phước lên bậc hiển thánh:

– Đứng đầu là chân phước Salomon Leclerq, người Pháp, thuộc dòng sư huynh các trường Công Giáo, tử đạo năm 47 tuổi trong thời Cách Mạng Pháp. Cũng như nhiều LM, tu sĩ nam nữ không chịu tuyên thệ trung thành với hiến pháp bài Công Giáo. sư huynh bị hành quyết năm 1792.

– Tiếp đến là Chân phước Manuel González García, GM giáo phận Palencia, Tây Ban Nha, nổi bật về lòng tôn sùng Thánh Thể và đã thành lập Liên hiệp đền tạ Thánh Thể và dòng các nữ tu thừa sai Thánh Thể Nazareth. Ngài qua đời tại thủ đô Madrid năm 1940.

– Thứ ba là chân phước LM Lodovico Pavoni, thuộc giáo phận Brescia bắc Italia và là một trong những nhà giáo dục tiên phong: hồi đầu thế kỷ 19 cha đề ra một kiểu mẫu giáo dục và dẫn vào công việc làm, đi trước các trường huấn nghệ chuyên nghiệp tân thời. Cha sáng lập dòng Nam Tử Đức Maria Vô Nhiễm, ngày nay quen gọi là dòng Pavoni. Cha qua đời năm 1849.

– Thứ tư là Chân Phước Alfonso Maria Fusco, thuộc miền Salerno nam Italia, nhiệt thành hoạt động mục vụ nơi các nông dân, huấn luyện giới trẻ, nhất là các trẻ em nghèo và mồ coi. Cha sáng lập dòng các nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả và qua đời năm 1910, thọ 71 tuổi.

– Sau cùng là chân phước Elizabeth Chúa Ba Ngôi, Đan sĩ dòng Cát Minh nhặt phép (OCD) ở thành phố Dijon bên Pháp. Tuy chỉ sống 5 năm trong đan viện, nhưng đời sống thiêng liêng của chị lên tới đỉnh cao. Chị can đảm chịu đựng những đau khổ vì suy thận kinh niên quen gọi là bệnh Addison và qua đời năm 1906 lúc mới được 26 tuổi đời.

Công nghị bắt đầu với kinh Giờ Ba, sau đó ĐTC đã hỏi ý kiến và tuyên bố ngày tôn phong hiển thánh cho 5 vị chân phước sẽ là chúa nhật 16-10 năm nay.

Ngoài ra, ĐTC đã quyết định nâng 4 Hồng Y đang ở đẳng phó tế lên đẳng linh mục. Đó là ĐHY Levada, nguyên Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐHY Franc Rodé, nguyên Tổng trưởng Bộ các dòng tu; ĐHY Andre Cordero di Montezemolo, nguyên giám quản Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, sau cùng là ĐHY Albert Vanhoye dòng Tên, nhà kinh thánh nổi tiếng (SD 20-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

40 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC: 19-6-2016

40 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với ĐTC: 19-6-2016

40 ngàn người đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha  19-6-2016

VATICAN. Trưa Chúa nhật 19-6-2016, ĐTC đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với 40 ngàn tín hữu và mọi người hãy xác nhận tương quan của mình với Chúa Kitô.

 

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật thứ 12 thường niên năm C (Lc 9,18-24) và tái đưa ra những câu hỏi của bài Tin Mừng: ”Ai là Đức Giêsu đối với con người thời nay? Ai là Chúa Giêsu đối với mỗi người chúng ta?”. Ngài nói:

Bài huấn dụ

Đoạn Tin Mừng của chúa nhật này (Lc 9,18-24) có thể nói một lần nữa kêu gọi chúng ta hãy đối chiếu ”diện đối diện” với Chúa Giêsu. Tại một trong những lúc yên hàn hiếm hoi ở một mình với các môn đệ, Chúa hỏi các ông: ”Dân chúng nói Thầy là ai?” (v.18). Và họ thưa: ”Gioan Tẩy Giả; người khác thì nói là Elia; những người khác nữa thì cho là một trong các vị ngôn sứ thời xưa sống lại” (v.19). Vì vậy dân chúng quí chuộng Chúa Giêsu và coi Ngài như một đại ngôn sứ, nghĩa là Ngài là Đức Messia, là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến để cứu độ mọi người.

Bấy giờ Chúa Giêsu ngỏ lời trực tiếp với các Tông Đồ – vì đây là điều Ngài quan tâm hơn cả – và hỏi: ”Nhưng các con, các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô nhân danh mọi người trả lời ngay: ”Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (v.20) nghĩa là: Thầy là Đức Messia, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu và sai đến để cứu độ dân Người, theo Giao Ước và lời hứa. Thế là Chúa Giêsu thấy rằng 12 Môn Đệ, đặc biệt là Phêrô, đã nhận được từ Chúa Cha hồng ân đức tin, và vì thế Ngài bắt đầu nói với các ông một cách rõ ràng công khai về những gì đang chờ đợi Ngài ở Jerusalem: ”Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, tư tế và các thày thông luật phủ nhận, bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (v.22).

Cũng những câu hỏi ấy ngày nay được tái đề ra cho mỗi người chúng ta: ”Đối với dân chúng thời nay, ai là Đức Giêsu? Ai là Đức Giêsu đối với mỗi người chúng ta? Đối với tôi, với anh? Chúng ta được mời gọi chọn câu trả lời của thánh Phêrô như của chúng ta, vui mừng tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha đã nhập thể làm người để cứu chuộc nhân loại, đổ tràn trên loài người dồi dào lòng thương xót của Chúa”.

“Hơn bao giờ hết, thế giới đang cần Chúa Kitô, cần ơn cứu độ và tình yêu thương xót của Chúa. Nhiều người cảm thấy một sự trống rỗng quanh mình và trong mình; có những người khác sống trong lo âu và bất an vì sự bấp bênh và các cuộc xung đột”.

“Tất cả chúng ta đều cần những câu trả lời thích đáng cho các vấn nạn cụ thể của chúng ta. Trong Chúa Kitô, chỉ trong Chúa, mới có thể tìm được an bình đích thực và sự mãn nguyện cho mọi khát vọng của con người. Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của con người hơn ai khác. Vì thế Chúa Có thể chữa lành, trao ban cho con người sự sống và an ủi”.

”Sau khi kết thúc cuộc đối thoại với các tông đồ, Chúa Giêsu ngỏ lời với tất cả mọi người và nói: ”Ai muốn theo tôi, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá của mình mà theo tôi mỗi ngày” (v.23). Đây không phải là thánh giá để trang trí hoặc ý thức hệ, nhưng là thập giá nghĩa vụ mỗi người, hy sinh cho tha nhân vì yêu thương, – cho cha mẹ, con cái, gia đình, bạn hữu, và cả những kẻ thù nữa – thánh giá sẵn sàng liên đới với người nghèo, dấn thân cho công lý và hòa bình”.

Khi đón nhận những thái độ như thế, chúng ta luôn mất mát một cái gì. Không bao giờ chúng ta được quên rằng ”Ai mất mạng sống mình [vì Chúa Kitô] thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Đó là mất đi để tìm lại . Chúng ta hãy nhớ đến tất cả anh chị em chúng ta đang dâng hiến thời giờ, cơ cực hoặc thậm chí cả mạng sống của mình để khỏi chối bỏ niềm tin của họ. Qua Thánh Linh, Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh để tiến bước trong hành trình đức tin và chứng tá.Và trong hành trình này chúng ta luôn có Mẹ Maria gần gũi và đi trước chúng ta. Chúng ta hãy để Mẹ cầm tay khi chúng ta tiến qua những lúc đen tối và khó khăn nhất.

Chào thăm và kêu gọi

Sau phép lành, ĐTC đã nhắc đến lễ phong chân phước hôm 18-6-2016 tại Foggia nam Italia cho cho Mẹ Maria Celeste Crostarosa, đan sĩ, sáng lập dòng các nữ tu Chúa Cứu Thế. Ước gì vị tân chân phước, qua tấm gương và sự chuyển cầu, giúp chúng ta làm cho trọn cuộc sống của chúng ta được giống Chúa Giêsu Đấng Cứu Độ chúng ta.

[Nữ tu Maria Celeste Crostarosa từ trần cách đây 261 năm, thọ 59 tuổi, và được coi là một trong những nhà thần bí lớn nhất ở Italia trong thế kỷ 18, với các tác phẩm tu đức sâu xa, lòng chiêm niệm cao độ và nhân cách mạnh mẽ.]

ĐTC cũng nhắc đến Công đồng Liên chính Thống giáo khai diễn ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm 19-6-2016 theo lịch Chính thống tại đảo Creta Hy Lạp và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho anh chị em Chính Thống giáo. [Có 4 Giáo Hội Chính Thống vì những lý do khác nhau không đến tham dự Công đồng này]. ĐTC nói: ”Chúng ta hãy hiệp nguyện với các anh chị em Chính Thống của chúng ta, cầu xin Chúa Thánh Thánh ban ơn trợ giúp các Thượng Phụ, các TGM và GM đang họp nhau trong Công đồng này”.

ĐTC đã cùng mọi người đọc kinh Kính Mừng. Rồi ngài nhắc đến Ngày Thế giới người tị nạn, cử hành hôm 19-6 với chủ đề ”Với những người tị nạn. Chúng ta đứng về phía những người buộc lòng phải chạy trốn”. ĐTC nói: ”Những người tị nạn cũng là những người như tất cả mọi người, nhưng chiến tranh đã làm mất của họ gia cư, việc làm, thân nhân và bạn hữu. Cuộc sống và khuôn mặt của họ kêu gọi chúng ta hãy canh tân sự dấn thân kiến tạo hòa bình trong công lý. Vì thế chúng ta hãy đứng cạnh họ: gặp gỡ, đón tiếp, lắng nghe, và cùng họ trở thanh những người xây dựng hòa bình theo ý Chúa”

 

G. Trần Đức Anh OP 

 

Đức Thánh Cha viếng thăm Villa Nazareth

Đức Thánh Cha viếng thăm Villa Nazareth

Đức Thánh Cha viếng thăm Villa Nazareth

ROMA. Lúc 5 giờ chiều 18-6-2016, ĐTC đã đến viếng thăm Villa Nazareth ở Roma và trả lời nhiều câu hỏi thời sự do các bạn trẻ nêu lên.

Trung tâm này ở gần Nhà Quản Lý Phát Diệm, và do ĐHY Dominico Tardini, sau này là Quốc vụ khanh Tòa Thánh, thành lập cách đây 70 năm (1946) để đón nhận các trẻ mồ côi và con cái của những gia đình nghèo và đông con, với mục đích đề cao giá trị ơn gọi tông đồ của họ, phục vụ Giáo Hội và mưu thiện ích cho xã hội. Từ đó vào năm 1980, nảy sinh Hiệp hội ”Cộng đoàn Domenico Tardini” để đón tiếp giới trẻ và huấn luyện họ về đời sống Kitô. Năm 2004, Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân nhìn nhận hiệp hội này như một Hội quốc tế của các giáo dân và thuộc quyền Tòa Thánh.

Tại Nhà nguyện của Villa Nazareth, ĐTC đã gặp gỡ các sinh viên, và chú giải cho họ đoạn Tin Mừng theo thánh Luca về người Samaritano nhân lành (Lc 10,25-37). Khi giải thích về phần này, ĐTC đặc biệt nói rằng:

Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những linh mục đi vội vã

Thực vậy, ĐTC đã bình luận về thái độ của vị tư tế, thầy Lêvi, trong dụ ngôn người Samaritano nhân lành, vội vã đi mà không dừng lại cứu giúp người bị thương bên vệ đường, ngài nói:

”Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tên cướp, (như kẻ đã đả thương và cướp người đi đường). Có bao nhiêu tên cướp như vậy. Nhưng xin Chúa cũng giải thoát chúng ta khỏi những linh mục luôn vội đi, như người không có thời giờ để dừng lại giúp người bị thương, có thể là LM ấy phải đi đóng cửa nhà thờ, có một thời khóa biểu phải tôn trọng, không có giờ để lắng nghe và xem: họ phải làm những việc của mình. Xin Chúa giải thoát khỏi những nhà thông luật, như người không thể dừng lại, có thể đó là một luật sư không thể chịu nguy cơ đánh mất một ngày làm việc, và có lẽ là một ngày đi làm chứng ở tòa án.. Họ là một trong những người muốn trình bày đức tin nơi Chúa Giêsu với sự cứng nhắc của toán học. Xin Chúa dạy chúng ta dừng lại, và dạy chúng ta sự khôn ngoan của Tin Mừng. Nghĩa là xin Chúa cho chúng ta được bẩn tay: xin Chúa ban cho chúng ta ơn này”

Trả lời các câu hỏi

Sau đó, ĐTC gặp gỡ Cộng đoàn Villa Nazareth ở khuôn viên và trả lời 7 câu hỏi do một số đại diện cộng đoàn nêu lên, trước sự hiện diện của 1.300 người.

Trong số các câu trả lời, có những đoạn ĐTC khẳng định rằng:

Tại Trung Đông, có cuộc bách hại nhưng không có cuộc ”diệt chủng” Kitô

ĐTC cho biết ngài không thích dùng từ ”diệt chủng” để mô tả tình trạng các tín hữu Kitô ở Trung Đông, vì đây là một định nghĩa thu hẹp, chú ý tới vấn đề từ một cái nhìn xã hội học và như thế là thu hẹp thực tại phức tạp vào những thứ loại hoàn toàn theo năng động xã hội. Trong thực tế, ở Trung Đông, đó là một cuộc bách hại, ”đưa các tín hữu Kitô đến sự viên mãn niềm tin của họ”, là sự tử đạo, và có nghĩa là hy sinh mang sống của mình vì đức tin… Ví dụ các tín hữu Kitô Copte Ai Cập bị cắt cổ trên bãi biển ở Libia. Tất cả khi chết đều nói: ”Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con”. Tôi chắc chắn rằng phần lớn họ không biết đọc biết viết, nhưng họ là những ”tiến sĩ về sự sống phù hợp với Kitô giáo, nghĩa là họ là những chứng nhân đức tin và đức tin khiến cho chúng ta làm chứng về bao nhiêu điều khó khăn trong cuộc sống..”. ĐTC cũng cảnh giác rằng: “Chúng ta đừng tự lừa mình. Sự tử đạo đổ máu không phải là cách thức duy nhất để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô ngày nay. Ngài nay chúng ta có nhiều tử đạo hơn so với những thế kỷ quá khứ, nhưng có một cuộc tử đạo hằng ngày: tử đạo vì kiên nhẫn, trong việc giáo dục con cái, trong sự chung thủy với tình yêu”.

Bao nhiêu lần tôi gặp khủng hoảng đức tin

Đáp một câu hỏi khác, ĐTC Phanxicô nói: ”Bao nhiêu lần tôi gặp khủng hoảng đức tin, nhiều lần tôi táo bạo trách Chúa Giêsu và nghi ngờ. Đây có phải là chân lý không? Đây là giấc mơ? Tôi đã gặp khủng hoảng như thế khi còn là một thiếu niên, chủng sinh, tu sĩ, linh mục, giám mục và cả khi làm giáo hoàng nữa”. Rồi ĐTC nhấn mạnh rằng ”một Kitô hữu không cảm thấy vài lần bị khủng hoảng vì đức tin thì họ thiếu một cái gì đó..” Ngài nói thêm rằng: ”Tôi không biết tiếng Hoa, với sinh ngữ tôi gặp nhiều khó khăn. Họ nói rằng từ khủng hoảng trong tiếng Hoa gồm 2 chữ gộp lại: rủi ro và cơ may”.

ĐTC cũng kêu gọi các bạn trẻ ”hãy chấp nhận rủi ro, nếu không cuộc sống của bạn dần dần sẽ bị tê liệt, hạnh phúc, hài lòng, nhưng nó bị dừng lại ở đó.. Thật là buồn khi thấy những người giống như những xác ướp ở trong bảo tàng viện hơn là một người sống động. Hãy chấp nhận rủi ro, hãy tiến bước!”

Tốt hơn đừng kết hôn nếu không ý thức về bí tích

ĐTC lập lại điều ngài đã nói trong hội nghị giáo phận Roma chiều thứ năm, 16-6-2016 ở Đền thờ Thánh Gioan Laterano: ”Tốt hơn đừng kết hôn nếu bạn không biết bí tích là gì!”. Ngài ghi nhận phần lớn các hôn nhân ngày nay là bất thành vì lý do đó”. Câu nói của ngài, khi công bố trên tờ thông tin của Phòng báo chí Tòa Thánh và báo Quan sát viên Roma, được điều chỉnh lại là ”một số hôn nhân ngày nay bất thành”.

Tại Villa Nazareth, ĐTC trở lại vấn đề này và giải thích rằng ”Ngày nay nhiều người không tự do trong nền văn hóa duy khoái lạc. Bí tích hôn phối chỉ có thể cử hành trong tự do, nếu không bạn đừng lãnh nhận bí tích này.. một số người kết hôn mà không biết điều mình làm. Có một nền văn hóa tạm bợ xâm nhập chúng ta, trong các giá trị và phán đoán của chúng ta. Điều này có nghĩa là hôn phối chỉ kéo dài bao lâu tình yêu còn kéo dài, rồi sau đó chấm dứt. Giáo Hội phải làm việc nhiều về điểm này trong việc chuẩn bị hôn phối”.

Nền kinh tế giết người, kỹ nghệ võ khí là doanh nghiệp nhiều lợi lộc.

ĐTC cũng nói rằng: ”Chiến tranh là doanh nghiệp hiện nay mang lại nhiều tiền bạc nhất. Nhiều khi Hội Chữ Thập Đỏ không đưa đồ cứu trợ đến nơi được. Nhưng võ khí vẫn luôn được đưa tới nơi, không có hải quan nào ngăn chặn chúng được”.

”Ngày nay có một nền kinh tế giết người. Nơi trung tâm kinh tế ấy không có con người nhưng chỉ có thần tiền bạc và điều này giết hại chúng ta. Một buổi sáng người ta thấy một người vô gia cư chết vì giá lạnh ở quảng trường Risorgimento (gần Vatican), điều này không thành tin tức. Nhưng nếu thị trường chứng khoán ở Tokio hay New York bị giảm 2, 3 phần trăm, thì nó trở thành một thảm họa quốc tế. Chúng ta là nô lệ của một chế độ giết người” (SD 18-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha viếng thăm hai cộng đoàn linh mục ở Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm hai cộng đoàn linh mục ở Roma

Đức Thánh Cha viếng thăm hai cộng đoàn linh mục ở Roma

ROMA. Trong khuôn khổ các ”ngày thứ sáu từ bi thương xót” nhân dịp Năm Thánh, chiều ngày 17-6-2016, ĐTC đã viếng thăm một số các LM già yếu bệnh tật.

Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ĐTC đã chọn 2 cộng đoàn LM để thăm. Trước tiên là Cộng đoàn Núi Tabor nơi có 8 LM thuộc nhiều giáo phận, đang chịu đau khổ vì nhiếu thứ bệnh tật. Các vị được sự trợ giúp của một thày phó tế vĩnh viễn tên là Ermes Luparia. Thày nguyên là một đại tá không quân và nay là một chuyên gia tâm lý, thi hành công tác đồng hành trong tinh thần của các cha dòng Salvatoriani. Đến nơi ĐTC đã gặp các LM trong nhà nguyện nhỏ, lắng nghe và cầu nguyện với các vị.

Sau đó, ngài đến thăm Cộng đoàn các LM cao niên của giáo phận Roma, tên là ”Nhà thánh Gaetano”, hiện có 21 LM hưu dưỡng, trong đó có một số vị bị bệnh nặng. Các LM được 3 nữ tu và các nhân viên khác trợ giúp. Giám đốc nhà này là cha Antonio Antonelli nguyên là một cha sở trong nhiều năm và nay ngài cũng bị bệnh nặng.

Trong cuộc viếng thăm, ĐTC muốn bày tỏ với các LM lòng quí mến cụ thể và nồng nhiệt, đầy tinh thần an ủi, cũng như lòng lòng biết ơn của giáo phận và Giáo Hội.

Đây là lần thứ 6 trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC thực hiện những cử chỉ bác ái. Hồi tháng giêng ngài thăm một nhà dưỡng lão và các bệnh nhân sống như thực vật; tháng hai ngài thăm một cộng đoàn cai nghiện ma túy ở Castelgandolfo; trong tháng 3, trùng vào thứ 5 Tuần Thánh, ĐTC thăm Trung tâm tiếp đón người tị nạn ở Castelnuovo di Porto; tháng 4 ngài thăm người tị nạn và di dân tại đảo Lesbo thuộc Hy Lạp. Tháng năm vừa qua, ĐTC thăm cộng đồng Chicco dành cho những người khuyết tật nặng về tâm trí ở thị trấn Ciampino (RG 17-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

Đức Thánh Cha kêu gọi đón nhận lời Chúa mời hoán cải

VATICAN. Sáng thứ bẩy 18-6-2016, ĐTC đã tiếp kiến chung 50 ngàn tín hữu và ngài kêu gọi mọi người hãy đón nhận lời mời của Chúa Giêsu ”hãy hoán cải”.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt mỗi tháng 1 lần vào ngày thứ bẩy trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Trong bài huấn dụ, ĐTC đã quảng diễn đề tài ”Lòng thương xót và hoán cải”. Hoán cải và tha thứ tội lỗi là 2 ý niệm tóm gọn lời rao giảng của các tông đồ. Sau khi giải thích ý nghĩa việc hoán cải theo Kinh Thánh, ĐTC khẳng định rằng:

”Khi Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải, Ngài không hành động như vị thẩm phán xét xử dân chúng, nhưng Ngài đi từ sự gần gũi, chia sẻ thân phận con người, và vì thế, Ngài đi từ đường phố, từ nhà cửa, bàn ăn.. Lòng thương xót đối với những người đang cần thay đổi cuộc sống được thể hiện qua sự hiện diện dễ mến, để đưa mỗi người can dự vào lịch sử cứu độ. Qua thái độ ấy, Chúa Giêsu đánh động trái tim của con người và họ cảm thấy được tình thương của Thiên Chúa thu hút và được thúc đẩy để thay đổi cuộc sống”.

ĐTC trưng dẫn ví dụ cuộc hoán cải của Mathêu (Xc Mt 9,9-13) và của ông Zakêu (Xc Lc 19,1-10) diễn ra theo thể thức ấy, vì họ cảm thấy được Chúa Giêsu yêu thương, và qua Người, họ thấy được Chúa Cha thương mến. Và ĐTC kết luận rằng:

”Sự hoán cải đích thực diễn ra khi chúng ta đón nhận ơn thánh; và một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự hoán cải chân thành là chúng ta nhận thấy những nhu cầu của anh chị em và sẵn sàng đi gặp gỡ họ.. Vì thế, chúng ta hãy theo lời mời của Chúa và đừng kháng cự, vì chỉ khi nào chúng ta cởi mở đối với lòng thương xót của Chúa, chúng ta mới tìm được sự sống và niềm vui đích thực” (SD 18-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

Đức Thánh Cha kêu gọi cảm thông các gia đình gặp khó khăn

ROMA. ĐTC kêu gọi cảm thông với các gia đình gặp khó khăn và ngài cho rằng nhiều cặp hôn phôn kết ước bất thành.

Ngài đưa ra lời kêu gọi và nhận định trên đây trong buổi khai mạc Hội nghị của giáo phận Roma lúc 7 giờ chiều thứ năm 16-62016 về việc mục vụ gia đình, với chủ đề ”Niềm vui yêu thương: con đường của các gia đình ở Roma dưới ánh sáng Tông huấn ”Amoris laetitia””.

Hiện diện trong Đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, có ĐHY Giám quản Agostino Valini và các GM phụ tá, và hàng ngàn LM, tu sĩ và giáo dân.

Sau lời chào mừng của ĐHY, ĐTC đã thuyết trình khai mạc Hội nghị và kêu gọi làm sao để việc mục vụ gia đình đi tới mỗi gia đình trong giáo phận, chứ không phải chỉ tới các gia đình lui tới giáo xứ, tiếp đến là cần có thái độ cảm thông và sau cùng là cần nêu cao giá trị chứng tá của người già.

Về thái độ cảm thông, ĐTC cảnh giác chống lại cám dỗ tưởng mình là người giữ đúng luật như người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện cùng với người thu thuế. Ngài nói: ”Tất cả chúng ta cần hoán cải và kêu lên như người thu thuế: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Cần có tinh thần thực tiễn của Tin Mừng, tinh thần này làm ta dấn thân với người khác, và không coi những lý tưởng và ”nghĩa vụ” là một chướng ngại cản trở việc gặp gỡ người khác trong những hoàn cảnh của họ.

ĐTC giải thích rằng: ”Điều này không có nghĩa là không minh bạch về đạo lý, nhưng là ”tránh rơi vào những phán đoán không để ý đến tính chất phức tạp của cuộc sống. Tinh thần thực tiễn của Tin Mừng làm ta bẩn tay vì biết rằng lúa tốt và cỏ dại cùng tăng trưởng”.

ĐTC trích dẫn Tông huấn ”Niềm vui yêu thương” và cho biết ngài hiểu những người thích một nền mục vụ cứng nhắc hơn là tạo nên một sự hoang mang, xáo trộn. Nhưng ngài nói: ”Tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn một Giáo Hội trong lúc ngài biểu lộ rõ ràng giáo huấn khách quan, Chúa không từ bỏ sự thiện có thể, mặc dù có nguy cơ bị lấm bùn trên đường phố. Tóm lại là Giáo Hội có khả năng chấp nhận tiêu chuẩn cảm thông đối với những người yếu đuổi.”

Trả lời thắc mắc

Trong phần trả lời 3 thắc mắc do các LM và một số tham dự viên nêu lên, ĐTC phê bình thứ luân lý cứng nhắc, và những cha giải tội đặt nhiều câu hỏi về đời tư của hối nhân. Ngài nhận xét rằng phần lớn các bí tích hôn phối kết ước bất thành vì ảnh hưởng của nền văn hóa loại bỏ, những người kết hôn không biết thế nào là sự dấn thân trọn đời; họ cử hành hôn phố như một buổi lễ làm đẹp lòng hôn thê, hôn phu hoặc gia đình hai bên. ĐTC cho biết ở Buenos Aires, ngài cấm các cặp nam nữ kết hôn vì để bảo toàn danh dự, vì lỡ có thai.. Làm như thế, các cặp ấy không kết hôn tự do..”

Hội nghị của giáo phận Roma còn tiến hành trong ngày 17-6-2016, với các cuộc thảo luận nhóm xoay quanh 5 tiểu đề tại 36 giáo hạt ở Roma. Đó là ”Giáo dục về tình yêu trong thời thiếu niên”, ”sự thu hút của tình yêu chân thực để tiến tới hôn nhân”, ”nâng đỡ sự chung thủy của các đôi vợ chồng”, ”niềm vui trao ban sự sống và làm cho sự sống tăng trưởng”, sau cùng là ”Gia đình, trường dạy xã hội tính và lối sống huynh đệ”.

Các kết luận của hội nghị, với bài tường trình của ĐHY Vallini và trình bày các hướng đi mục vụ gia đình cho giáo phận, sẽ diễn ra vào chúa nhật 19-6-2016 tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano: trước tiên vào lúc 9 giờ rưỡi với các cha sở và các LM; tiếp đến vào lúc 7 giờ rưỡi chiều cùng ngày với các nhân viên mục vụ giáo dân. Trong dịp này có nghi thức trao bài sai cho các giáo lý viên trong năm mục vụ mới nơi các gia đình (SD 17-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

Đức Thánh Cha tiếp Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân lần chót

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sáng 17-6-2016, ĐTC khuyến khích tiến bước theo đường hướng ”Giáo Hội ra ngoài, giáo dân ra ngoài”.

 Đây là khóa họp toàn thể cuối cùng của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân sau gần 50 năm hoạt động. Nay Hội đồng này họp với Hội đồng về gia đình và sự sống thành một cơ quan mới của Tòa Thánh trong chương trình cải tổ giáo triều Roma.

 Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, sau khi nhắc đến thành quả hoạt động của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân trong gần nửa thế kỷ vừa qua, ĐTC đề nghị một chân trời tham chiếu trong hoạt động của Hội đồng mới đó là ”Giáo Hội đi ra ngoài, giáo dân đi ra ngoài”. Vì thế, cả anh chị em cũng hãy nâng cao cái nhìn và hãy nhìn ra ngoài tới những người ở xa xôi trên thế giới này, bao nhiêu gia đình gặp khó khăn và đang cần lòng thương xót, nhìn tới các cánh đồng tông đồ chưa khai phá, với nhiều giáo dân thiện tâm và quảng đại sẵn sàng dành nghị lực, thời giờ, khả năng của họ để phục vụ Tin Mừng, nếu họ được tháp nhập, đề cao giá trị và tháp tùng với lòng quí mến của các mục tử và các tổ chức của Giáo Hội.

 ĐTC nhấn mạnh rằng ”Chúng ta cần những giáo dân được huấn luyện tốt, được đức tin ngay chính và trong sáng linh hoạt, và cuộc sống của họ được chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu từ bi đánh động với lòng yêu thương”. (SD 17-6-2016)  

G. Trần Đức Anh OP

Lòng thương xót – chủ đề chính của đại hội giới trẻ tỉnh Sabah, Malaysia

Lòng thương xót – chủ đề chính của đại hội giới trẻ tỉnh Sabah, Malaysia

2000 Young catholics at Sabah Malaysia 2016 1

Kota Kinabalu, Malaysia – Hơn 2000 bạn trẻ Công giáo Malaysia đã họp nhau tại tỉnh Sabah nhân ngày Giới trẻ giáo tỉnh Sabah, từ ngày 6-10 tháng 6.  Đây là một cuộc hành hương và kinh nghiệm về chủ đề Lòng Thương xót.

Các bạn trẻ đến từ 34 giáo xứ của 3 giáo phận Sandakan, Keningau và Kota Kinabalu. Trước đó, các bạn trẻ đã trải qua giai đoạn chuẩn bị ở địa phương trước khi về Tawau thuộc giáo phận Kota Kinabalu để họp nhau với chủ đề từ câu Phúc âm: “Phúc cho những ai là kẻ thương xót, vì họ sẽ được xót thương”.

Trong thông tin từ giáo hội địa phương gửi cho hãng tin Fides có viết: Trong Năm Thánh Lòng Thương xót, “các bạn trẻ đã được chạm vào bởi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để đến lượt họ có thể trở thành các tông đồ của lòng thương xót bằng hành động, lời nói và lời cầu nguyện trong một thế giới bị tổn thương bởi ích kỷ, thù ghét và thất vọng”.

Các bạn trẻ đã rước Thánh giá và hình ảnh Đức Mẹ thương xót, tham dự các nghi thức phụng vụ, các buổi giáo lý và các việc bác ái theo cách thức của ngày Giới trẻ Thế giới. Phần lớn các bạn trẻ này không thể tham dự sự kiện thế giới này được tổ chức tại Balan vì lý do kinh tế.

Trong số các người hiện diện có Đức Tổng giám mục Joseph Marino, Sứ thần Tòa Thánh tại Malaysia, vị đã chủ sự Thánh lễ khai mạc. Nói với lòng thương xót, ngài mời các bạn trẻ làm chứng cho Chúa Ki-tô, sống đức tin, lòng thương xót và tình yêu. Các bạn trẻ có thể lãnh Bí tích hòa giải và các Linh mục cũng sẵn sàng trò chuyện thiêng liêng.

Được biết đại hội giới trẻ tỉnh Sabah được tổ chức 4 năm một lần và các giáo phận trong tỉnh sẽ thay phiên nhau đăng cai tổ chức. (Agenzia Fides 16/06/2016)

Hồng Thủy OP

Kinh Lạy Cha là nền tảng của đời sống cầu nguyện

Kinh Lạy Cha là nền tảng của đời sống cầu nguyện

Thánh lễ sáng thứ Năm, 16.06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta

VATICAN. Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng cầu nguyện không phải là những lời nói ma thuật của những Kitô hữu. Khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa đang dõi mắt nhìm xem chúng ta. Lời cầu nguyện này phải là nền tảng trong đời sống thiêng liêng. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ Năm, 16-06, tại nguyện đường thuộc Nhà Thánh Marta.

Đức Giêsu luôn quy hướng về Cha trong những giây phút thách đố nhất

Được gợi hứng từ bài Tin Mừng, thuật lại việc Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, Đức Thánh Cha đã chia sẻ những suy tư của mình về giá trị và ý nghĩa của cầu nguyện trong đời sống của một Kitô hữu. “Đức Giêsu luôn gọi ‘Cha’ trong những giây phút quan trọng hay thách đố nhất của cuộc đời. Chúa Cha biết rõ chúng ta cần gì, trước khi chúng ta cầu xin. Ngài là một người Cha luôn biết lắng nghe những điều kín ẩn nơi tâm hồn. Và chính Đức Giêsu đã khuyên chúng ta hãy biết cầu nguyện nơi kín ẩn chứ đừng lải nhải như dân ngoại.

Chính nhờ Cha mà chúng ta nhận lãnh được căn tính của mình là người con. Và khi thân thưa ‘Cha ơi’, thì điều ấy chạm đến cội rễ của căn tính nơi chúng ta: Căn tính Kitô hữu là trở nên con cái Chúa và đây là ân sủng của Thần Khí. Không ai có thể nói ‘Lạy Cha’ mà không nhờ ân sủng của Thánh Thần. ‘Lạy Cha’ cũng là từ mà Đức Giêsu đã dùng trong những thời khắc quan trọng: Khi Ngài tràn đầy niềm vui hay dạt dào cảm xúc: ‘Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn.’ Hay khi Ngài khóc thương trước phần mộ của bạn Ngài là Lazaro: ‘Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì Cha đã nhận lời con.’ Hoặc là trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời trên thánh giá.

Như vậy, ‘Lạy Cha’ là từ được Đức Giêsu sử dụng nhiều nhất trong những giờ phút quan trọng hay những thời khắc thách đố nhất của cuộc đời. Nếu chúng ta không cảm thấy mình là con cái Chúa, không muốn xem mình là con của Ngài, không muốn thân thưa ‘Lạy Cha’; lời cầu nguyện của chúng ta cũng giống như dân ngoại, chỉ là lải nhải những lời vô nghĩa.

Kinh Lạy Cha là nền tảng cầu nguyện

Nếu chúng ta không thể bắt đầu cầu nguyện với những lời của Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu.

‘Lạy Cha’. Đó là một tâm tình khi cảm nhận được Cha đang nhìn xem chúng ta, cảm nhận được cầu nguyện không phải là chuyện mất thời gian. Nhưng đó là một lời mời đến cùng Thiên Chúa để Ngài ban tặng cho chúng ta căn tính được làm con. ‘Lạy Cha’ chính là chiều kích quan trọng trong lời cầu nguyện Kitô giáo. Chúng ta có thể cầu nguyện với các thánh, các thiên thần khi chúng ta đi đường hoặc hành hương… Tất cả những lời cầu nguyện này đều rất tuyệt vời nhưng chúng ta phải bắt đầu với ‘Lạy Cha’ và ý thức rằng chúng ta là con cái Chúa. Chúng ta có một người Cha yêu thương chúng ta và biết rất rõ chúng ta cần gì.

Trong kinh Lạy Cha, có một điều rất quan trọng là: ‘Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con’. Điều này có nghĩa là lời cầu nguyện phải chuyển tải được cảm thức của chúng ta muốn trở nên anh chị em, là những thành viên của một gia đình. Không giống như Cain đã thù ghét em mình, chúng ta được mời gọi để tha thứ, tha thứ cho những ai xúc phạm chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình tha thứ, không giữ trong lòng những chuyện thù hằn, oán giận hay muốn trả thù.

Lời cầu nguyện đẹp nhất mà chúng ta có thể thân thưa với Thiên Chúa là lời cầu nguyện xin Chúa tha thứ cho tất cả mọi người cùng những tội lỗi mà họ đã phạm. Thật tốt nếu chúng ta biết xét mình về điều này: Thiên Chúa có là Cha của ta không? Ta có cảm nhận được Ngài là Cha không? Nếu ta không cảm nhận được, ta hãy nài xin Thánh Thần dạy chúng ta điều đó. Chúng ta có thể tha thứ, quên đi hận thù không? Nếu không, ta hay thân thưa với Cha: ‘Những người này cũng là con cái của Cha đấy, nhưng họ xúc phạm và làm tổn thương con… Xin Cha giúp con tha thứ cho họ, được không Cha?’ Chúng ta hãy thực hành việc xét mình và điều ấy sẽ mang lại cho chúng ta nhiều ích lợi. ‘Lạy Cha’ và ‘của chúng con’ đó là hai điều đem đến cho chúng ta căn tính là con cái Chúa và trao cho chúng ta một mái ấm gia đình trong cuộc lữ thứ hành hương về quê trời.”

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Đức Thánh Cha tiếp tham dự viên Ngày Năm Thánh của dân xiệc

Đức Thánh Cha tiếp tham dự viên Ngày Năm Thánh của dân xiệc

Pope Francis receives in audience representatives of the circus and world of travelling and folk shows on their Jubilee during the Year of Mercy

VATICAN. Sáng ngày 16-6-2016, ĐTC đã tiếp kiến hàng ngàn người thuộc các gánh xiệc, cũng như những người trình diễn văn nghệ lưu động, về Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho họ.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 trong buổi tiếp kiến và đại diện mọi người chào mừng ĐTC có ĐHY Antonio Maria Viganò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ du lịch là người lưu động. Có một số đoàn xiếc từ các nước ngoài và đại diện các giới thuộc ngành này. Một số nghệ sĩ đã trình diễn các màn xiệc và có người dẫn mộn con beo nhỏ đến gần ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi hoạt động của những người trình diễn văn nghệ lưu động, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, được mở rộng cho những người túng thiếu nhất, những người vô gia cư, các tù nhân, các trẻ em bụi đời và nghèo đó. Đó là lòng từ bi thương xót, gieo vãi vẻ đẹp và niềm vui trong một thế giới nhiều đi u tối và sầu thảm.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Ngành văn nghệ lưu động và bình dân là hình thức giải trí cổ kính nhất, vừa tầm tay mọi người, và hướng đến mọi người, nhỏ cũng như lớn, đặc biệt là cho các gia đình; phổ biến nền văn hóa gặp gỡ và xã hội tính trong việc giải trí. Môi trường làm việc của anh chị em có thể trở thành nơi tập họp và huynh đệ. Vì thế tôi khuyến khích anh chị em hãy luôn có tinh thần đón tiếp đối với những người bé nhỏ và túng thiếu; trao tặng những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người co cụm vào mình, nhớ lại lời thánh Phaolô: ”Ai làm những công việc từ bi thương xót, thì hãy thi hành những việc ấy trong niềm vui tươi” (Rm 12,8).

ĐTC không quên nhắc nhở những người làm nghề giải trí lưu động quan tâm chăm sóc đời sống đức tin của mình, tuy rằng sự liên tục di chuyển như vậy làm cho họ khó hội nhập vào đời sống của một giáo xứ một cách ổn định. Ngài nói: ”Anh chị em hãy lợi dụng mọi cơ hội để lãnh nhận các bí tích, hãy thông truyền cho con cái tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tôi cũng kêu gọi các Giáo Hội địa phương và các giáo xứ quan tâm đến các nhu cầu của anh chị em và của tất cả những người lưu động” (SD 16-6-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương

VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích các nỗ lực trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để các Giáo Hội này có thể chiếu tỏa rạng ngời khuôn mặt của Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-6-2016, dành cho 90 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức Roaco là liên minh các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Hội nghị này tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và nhiều đại diện của các tổ chức bác ái và các vị sứ thần Tòa Thánh.

ĐTC đi từ sự kiện gần đây trong tiến trình tu bổ ở Bethlehem, trên trần một gian giữa của một đền thờ, người ta khám phá ra bức tranh khảm một thiên thần thứ 7, cùng với 6 thiên thần khác đang đi rước tiến về nơi Chúa sinh ra. Ngài nói:

”Sự kiện này làm cho chúng ta nghĩ rằng khuôn mặt của các cộng đoàn Giáo Hội cũng có thể bị che phủ vì những bụi bặm và những lớp vôi khác do những vấn đề khác nhau và tội lỗi. Trong chiều hướng đó, công việc của anh chị em phải luôn luôn được hướng dẫn do niềm xác tín rằng dưới những lớp bụi bặm và những gì che phủ về vật chất và luân lý, dưới những nước mắt và máu đổ do chiến tranh, bạo lực và bách hại gây ra, dưới những lớp phủ dường như không thể xuyên qua như thế, có một khuôn mặt sáng ngời như khuôn mặt thiên thần trong bức tranh khảm.”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tất cả anh chị em, qua những dự án và hành động, đang cộng tác vào việc tu bổ ấy, để khuôn mặt của Giáo Hội phản chiếu rõ rệt ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Ngài là niềm an bình của chúng ta, và đang gõ cửa tâm hồn chúng ta ở Trung Đông, cũng như tại Ấn độ và Ucraina, quốc gia mà tôi đã muốn dành số tiền lạc quyên đặc biệt mới đây trong các nhà thờ ở Âu Châu hồi tháng tư vừa qua để cứu trợ.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt nhắc đến sự hiện diện của Giáo Hội Siro Malabar và Siro Malankara ở ngoài bang Kerala bên Ấn Độ, một chủ đề được bàn tới trong khóa họp hiện nay của tổ chức Roaco. Ngài tái khẳng định lập trường và các chỉ thị của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm về quyền của các Giáo Hội này và các Giáo Hội Công Giáo la tinh, tránh tinh thần chia rẽ, và phải cổ võ tinh thần hiệp thông trong việc làm chứng tá về Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế duy nhất.

Nhiều tín hữu Công Giáo đông phương thuộc hai Giáo Hội Syro Malabar và Syro Malankara ra ngoài lãnh thổ bang Kerala và sống rải rác tại các giáo phận Công Giáo la tinh. Từ đó thỉnh thoảng xảy ra những ”cọ xát” về thẩm quyền mục vụ giữa các GM la tinh và Đông phương. Các vị Giáo Hoàng trước đây đã đề ra các qui tắc cần thiết để việc mục vụ cho các tín hữu Đông phương được tiến hành hài hòa (SD 16-6-2016)

 

Linh đạo phu thê và gia đình theo Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương

Linh đạo phu thê và gia đình theo Tông huấn Niềm Vui Yêu Thương

Joy of love 2

Trong chương IX, là chương cuối cùng của Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương”, ĐTC Phanxicô khai triển đề tài “Linh đạo  hay nền tu đức phu thê và gia đình”, các số từ 313 tới 325.

Mở đầu ĐTC viết: Tình bác ái có nhiều sắc thái khác nhau, tuỳ theo tình trạng cuộc sống mỗi người đã được mời gọi. Liên quan tới việc tông đồ của giáo dân, cách đây vài thập niên Công Đồng Chung Vatican II  đã nêu bật nền tu đức hay linh đạo phát xuất từ gia đình. Công Đồng khẳng định rằng “linh đạo của giáo dân phải có một diện mạo đặc biệt”, cả từ “tình trạng của hôn nhân và của gia đình” nữa và các lo lắng của gia đình không được là một cái gì  xa lạ với kiểu sống thiêng liêng của chúng. Vì thế, thật đáng công dừng lại một chút để miêu tả vài đặc thái nền tảng của linh đạo chuyên biệt này được phát triển trong năng động  các tương quan của cuộc sống gia đình (s. 313).

Linh đạo của sự hiệp thông siêu nhiên  

Chúng ta đã luôn luôn nói tới việc Thiên Chúa ở trong trái tim người sống trong ơn thánh Ngài. Ngày nay chúng ta cũng có thể nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong đền thờ của sự hiệp thông hôn nhân. Cũng như Ngài ở trong các lời chúc tụng của dân Ngài (x. Tv 22,4), Thiên Chúa sống một cách thân tình trong tình yêu phu thê làm vinh danh Ngài (s. 314).

Sự hiện diện của Chúa sống trong gia đình là sự hiện diện thực sự và cụ thể, với tất cả các khổ đau, chiến đấu, niềm vui và các dự tính thường ngày. Khi người ta sống trong gia đình, nơi khó mà có thể giả bộ và nói dối, chúng ta không thể cho thấy một mặt nạ. Nếu tình yêu linh hoạt sự chân thành ấy, Chúa ngự ở đó với niềm vui và sự bình an của Ngài. Linh đạo của tình yêu gia đình đuợc làm thành bởi hàng ngàn cử chỉ thực sự và cụ thể. Trong sự khác biệt của các ơn và các cuộc gặp gỡ khiến cho sự hiệp thông chín mùi ấy, Thiên Chúa có chỗ riêng của Ngài. Sự tận hiến này hiệp nhất các giá trị nhân bản và các gia trị thiên linh, bởi vì nó tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa. Một cách vĩnh viễn linh đạo hôn nhân là một nền tu đức  của mối dây được tình yêu của Thiên Chúa ở trong đó (s. 315).

Một sự hiệp thông gia đình được sống tốt đẹp là một lộ trình thánh hóa trong cuộc sống thường ngày và của sự trưởng thành thần bí, một phương thế  giúp kết hiệp thân tình với Thiên Chúa. Thật vậy, các nhu cầu huynh đệ và cộng đoàn của đời sống gia đình là một dịp để luôn luôn mở rộng con tim, và điều này khiến cho cuộc gặp gỡ với Chúa luôn luôn tràn đầy hơn. Lời Chúa nói với chúng ta rằng “ai ghét anh em mình thì bước đi trong tối tăm” (1 Ga 2,11), “ở trong sự chết” (1 Ga 3,14), và “đã không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Vị tiền nhiệm của tôi, Đức Biển Đức XVI đã nói rằng “nhắm mắt trước người lân cận cũng là nhắm mắt trước Thiên Chúa”, và rằng tình yêu nói cho cùng là ánh sáng duy nhất luôn luôn chiếu soi trở lại một thế giới tối tăm. Chỉ nếu chúng ta yêu nhau, Thiên Chúa mới ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài toàn hảo nơi chúng ta” (1 Ga 4,12). Vì bản vị con người có một chiều kích cấu trúc xã hội bẩm sinh, và vì kiểu diễn tả đầu tiên và nguyên thuỷ của chiều kích xã hội của con người là cặp vợ chồng và gia đình, linh đạo được nhập thể trong sự hiệp thông gia đình. Vì thế, những người có các ước mong thiêng liêng sâu thẳm không được cảm thấy rằng gia đình làm cho họ xa rời việc lớn lên trong cuộc sống của Thần Khí, nhưng nó là một lộ trình, mà Chúa dùng để đem họ tới các đỉnh cao của sự kết hiệp thần bí (s. 316).

Hiệp nhất trong lời cầu dưới ánh sáng của lễ Phục Sinh 

Nếu gia đình thành công trong việc tập trung nơi Chúa Kitô, thì Chúa hiệp nhất và soi sáng toàn cuộc sống gia đình. Các khổ đau được kinh nghiệm trong hiệp thông với Thập Giá của Chúa, và việc ôm lấy Ngài cho phép chịu đựng những lúc tệ hại hơn. Trong các ngày cay đắng của gia đình có một sự hiệp nhất với Chúa Giêsu bị bỏ rơi có thể giúp tránh được một sự đổ vỡ. Các gia đình đạt tới sự thánh thiện của chúng qua cuộc sống hôn nhân từ từ với ơn của Chúa Thánh Thần, cả bằng cách tham dự vào mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, là mầu nhiệm biến đổi các khó khăn và khổ đau thành của lễ tình yêu. Đàng khác, các lúc tươi vui, nghỉ ngơi hay mừng lễ, và cả tính dục được sống như một tham dự vào cuộc sống tràn đầy của sự Phục Sinh. Với các cử chỉ khác nhau thường ngày các cặp vợ chồng trao ban hình thái cho không gian đối thần, trong đó có thể sống kinh nghiệm sự hiện diện thần bí của Chúa phục sinh (s. 317).

Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu tiên giúp diễn tả và củng cố niềm tin phục sinh này. Mỗi ngày có thể tìm ra vài phút để hiệp nhất trước mặt Chúa hằng sống, nói với Ngài các điều khiến cho chúng ta âu lo, cầu nguyện cho các nhu cầu gia đình, cầu nguyện cho ai đó đang phải trải qua một lúc khó khăn, xin Ngài trợ giúp để yêu thương, cảm tạ Ngài vì sự sống và những điều tốt lành, xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta với áo choàng của Mẹ. Với các lời đơn sơ, lúc cầu nguyện này có thể đem lại rất nhiều thiện ích cho gia đình. Các diễn tả lòng đạo đức bình dân khác nhau là một kho tàng tu đức đối với nhiều gia đình.

Con đường cộng đoàn của lời cầu nguyện đạt tột đỉnh trong việc cùng tham dự bí tích Thánh Thể, đặc biệt trong bối cảnh của ngày nghỉ Chúa Nhật. Chúa Giêsu gõ cửa gia đình để chia sẻ với nó Bữa Tiệc Chiều. Ở đó các cặp vợ chồng luôn luôn có thể đóng ấn giao ước phục sinh đã kết hiệp họ với nhau và phản ánh Giao Ước, mà Thiên Chúa đã đóng ấn với nhân loại trên Thập Giá. Thánh Thể là bí tích của Giao Ước Mới, trong đó hiện thực hành động cứu độ của Chúa Kitô. Như vậy được ghi nhận các mối dây ràng buộc sâu đậm hiện hữu giữa cuộc sống hôn nhân và Thánh Thể. Lương thực Thánh Thể là sức mạnh và kích thích giúp sống giao ước hôn nhân mỗi ngày như “Giáo hội tại gia” (s. 318).

Linh đạo của tình yêu triệt để và tự do – Trong hôn nhân người ta cũng sống ý thức hoàn toàn tùy thuộc một người duy nhất. Các cặp vợ chồng chấp nhận thách đố và ngưỡng vọng cùng nhau già đi và tự tiêu hao, và như thế họ phản ánh lòng trung thành của Thiên Chúa. Quyết định vững vàng này ghi dấu một kiểu sống, là một đòi buộc nội tâm của khế ước tình yêu phu  thê, bởi vì người không quyết định yêu thương luôn mãi, thì cũng khó mà có thể yêu thương một cách chân thành dù chỉ một ngày. Nhưng điều này không có ý nghĩa thiêng liêng, nếu đó chỉ là một luật được sống với sự chịu trận. Nó là một sự tuỳ thuộc của con tim, ở nơi chỉ Thiên Chúa trông thấy (x. Mt 5,28).

Mỗi sáng khi thức dậy, chúng ta canh tân trước Thiên Chúa quyết định này của lòng trung thành, cho dù có gì xảy ra trong cuộc sống đi nữa. Và mỗi người khi đi ngủ, chờ đợi thức dậy để tiếp tục cuộc phiêu lưu này, bằng cách tín thác nơi sự trợ giúp của Chúa. Như thế, mỗi một người phối ngẫu là dấu chỉ và dụng cụ sự gần gũi của Chúa cho người khác. Chúa là Đấng không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn: “Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế” (Mt 28,20) (s. 319).

Có một điểm, trong đó tình yêu lứa đôi đạt sự giải thoát tột đỉnh và trở thành một không gian  của sự tự lập lành mạnh: đó là khi mỗi người khám phá ra rằng người kia không phải là của mình, nhưng có một chủ nhân quan trọng hơn rất nhiều, là Chúa duy nhất của họ. Không ai có thể yêu sách chiếm hữu sự thân tình cá nhân nhất và bí ẩn nhất của người được yêu, và chỉ có Ngài có thể chiếm chỗ trung tâm cuộc sống của họ. Đồng thời nguyên lý của sự thực tế tinh thần khiến cho người phối ngẫu không yêu sách người khác phải thoả mãn các đòi hỏi của mình một cách hoàn toàn. Con đường thiêng liêng của từng người – như Dietrich Bonhoeffer đã chỉ cho thấy – cần phải giúp họ tháo gỡ ảo tưởng của người khác, thôi chờ đợi từ người đó điều chỉ là riêng tư của tình yêu Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự lột bỏ nội tâm. Khoảng không gian triệt để, mà mỗi người phối ngẫu dành cho tương quan cá nhân của mình với Thiên Chúa, không chỉ cho phép chữa lành các vết thương của cuộc chung sống, mà cũng cho phép tìm ra trong tình yêu của Thiên Chúa ý nghĩa cuộc đời mình nữa. Chúng ta cần khẩn nài hoạt động của Chúa Thánh Thần mỗi ngày để sự có thể có được sự tự do nội tâm này. (s. 320).

Sau khi khai triển các tiểu đề: linh đạo của sự hiệp thông siêu nhiên, hiệp nhất trong lời cầu nguyện dưới ánh sáng phục sinh và linh đạo của tình yêu triệt để và tự do, ĐTC Phanxicô đề cập tới linh đạo của việc săn sóc, ủi an và kích thích trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Ngài viết: Các đôi vợ chồng kitô là những cộng sự viên của ơn thánh và là các chứng nhân của đức tin đối với nhau, đối với con cái và tất cả các thành phần khác trong gia đình. Chính vì thế mà gia đình luôn luôn là “nhà thương gần nhất”. Chúng ta hãy săn sóc nhau, nâng đỡ nhau, khích lệ nhau và hãy sống tất cả những điều đó như là phần của linh đạo gia đình. Cuộc sống lứa đôi là một sự tham dự vào công trình phong phú của Thiên Chúa, và mỗi một người là một khiêu khích của Thần Khí đối với người khác. Tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả qua các lời nói sống động và cụ thể, qua đó người nam và người nữ nói lên tình yêu phu thê của họ với nhau. Như vậy, với nhau cả hai là các phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, củng cố với lời nói, cái nhìn, sự trợ giúp, vuốt ve và vòng tay ôm. Do đó, muốn thành lập một gia đình là có can đảm làm thành phần giấc mơ của Thiên Chúa, can đảm mơ tưởng với Ngài, can đảm xây dựng với Ngài, can đảm cùng Ngài bước vào lịch sử này, xây dựng một thế giới, trong đó không có ai cảm thấy cô đơn (s. 321).

Tuy nhiên, cuộc sống gia đình là một “đồng cỏ” nhân từ. Mỗi người cẩn thận vẽ và viết trong cuộc sống của người khác: “Thư của chúng tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi… không phải với mực, mà với Thần Khí của Thiên Chúa.” (2 Cr 3,2-3). Mỗi một người là một “kẻ chài lưới người” (Lc 5,10), thả lưới nhân danh Chúa Giêsu (x, Lc 5,5) đối với các người khác, hay một nông phu làm việc trong thửa đất tươi mát là những người thân của mình, bằng cách khích lệ điều tốt nhất của họ.

Sự phong phú hôn nhân bao gồm việc thăng tiến, vì yêu một người là chờ đợi từ họ một cái gì đó không thể định nghĩa được, không thể thấy trước được; đồng thời cống hiến cho họ, trong một cách thế nào đó,  phương tiện giúp đáp trả lại sự chờ đợi ấy. Điều này là một việc phụng tự đối với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng đã gieo vãi nhiều điều tốt lành nơi các người khác trong niềm hy vọng rằng chúng ta làm cho chúng lớn lên (s. 322).

Thật là một kinh nghiệm thiêng liêng chiêm ngắm một người thân với đôi mắt của Thiên Chúa, và nhận ra Chúa Kitô nơi họ. Điều này đòi hỏi một sự sẵn sàng nhưng không, cho phép đánh giá cao phẩm giá của họ. Ta có thể hiện diện một cách tràn đầy trước người khác, nếu ta tự trao ban chính mình mà không hỏi tại sao, bằng cách quên đi tất cả mọi sự chung quanh. Như thế người được yêu xứng đáng với tất cả sự chú ý. Chúa Giêsu đã là một mẫu gương, bởi vì khi có ai đó đến gần nói chuyện với Ngài, Ngài nhìn họ với tình yêu mến (x. Mc 10,21). Trước sự hiện diện của Ngài không có ai cảm thấy mình bị lơ là, bởi vì các lời nói và cử chỉ của Chúa diễn tả câu hỏi này: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” (Mc 10,51). Đây là điều ta sống trong cuộc sống thường ngày của gia đình. Trong đó chúng ta nhớ rằng người sống với chúng ta đáng được tất cả, vì họ có một phẩm giá vô tận, vì họ là đối tượng tình yêu vô biên của Thiên Chúa Cha. Như thế nở hoa sự dịu hiền, đến độ khơi dậy nơi người khác niềm vui cảm thấy mình được yêu. Nó đặc biệt biểu lộ trong việc êm dịu chú ý tới các hạn hẹp của người khác, đặc biệt khi chúng nổi lên một cách hiển nhiên (s. 323).

Dưới sự thúc đẩy của Thần Khí, hạt nhân gia đình không chỉ đón nhận sự sống bằng cách sinh ra nó trong lòng mình, nhưng rộng mở, ra khỏi chính mình để đổ trên thiện ích của các người khác, để săn sóc họ và kiếm tìm hạnh phúc của họ. Sự rộng mở này được diễn tả một cách đặc biệt trong việc hiếu khách, được Lời Chúa khích lệ một cách gợi cảm như sau: “Anh em đừng quên tỏ lòng hiếu khách, vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón các thiên thần mà không biết.” (Dt 13,2). Khi gia đình tiếp đón và gặp gỡ các người khác, đặc biệt là các người nghèo và bị bỏ rơi, nó là biểu tượng, chứng tá, sự tham dự vào chức làm mẹ của Giáo Hội.

Tình yêu xã hội, phản ánh của Thiên Chúa Ba Ngôi, thực ra là  điều kết hiệp ý nghĩa thiêng liêng của gia đình và sứ mệnh của nó bên ngoài chính nó, vì nó khiến cho lời rao giảng hiện diện với tất cả các đòi buộc cộng đồng của nó. Gia đình sống linh đạo đặc biệt của nó đồng thời bằng cách là một Giáo Hội tại gia và một tế bào sinh động hầu biến đổi thế giới (s. 324).

Các lời của Thầy (x, Mat 22,30) và các lời của thánh Phaolô (x. 1 Cr 7,29-31) liên quan tới hôn nhân, không phải vô tình mà được lồng vào trong chiều kích cuối cùng vĩnh viễn của cuộc sống chúng ta, mà chúng ta cần tái chiếm. Trong cách thế đó các cặp vợ chồng sẽ có thể nhận biết ý nghĩa con đường họ đang đi. Thật thế, như chúng ta đã nhắc tới nhiều lần trong Tông huấn, không có gia đình nào là một thực tại toàn thiện, và được chế tạo một lần cho luôn mãi, nhưng nó đòi hỏi một sự phát triển từ từ của khả năng yêu thương. Có một tiếng gọi liên lỉ đến từ sự hiệp thông tràn đầy của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Chúa Kitô và Giáo Hội Ngài, từ cộng đoàn xinh đẹp là gia đình Nagiarét  và từ tình huynh đệ không tì ố hiện diện giữa các thánh trên trời. Tuy nhiên, chiêm ngắm sự tràn đầy mà chúng ta chưa đạt tới cũng cho phép chúng ta thôi đòi hỏi từ các tương quan liên bản vị một sự hoàn thiện, một sự trong sáng của các ý hướng  và một sự trung thực, mà chúng ta chỉ có thể tìm thấy trong Nước vĩnh cửu. Ngoài ra, nó ngăn cản chúng ta phán đoán với sự nghiêm ngặt những người sống trong các điều kiện của sự giòn mỏng lớn. Chúng ta tất cả được mời gọi duy trì sống động việc hướng tới một cái gì vượt quá chính mình và các hạn hẹp của mình, và mỗi một gia đình phải sống trong kích thích liên lỉ đó. Hỡi các gia đình, chúng ta hãy bước đi, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! Điều được hứa cho chúng ta luôn luôn hơn thế. Chúng ta đừng mất đi niềm hy vọng vì các hạn hẹp của chúng ta, nhưng cũng đừng khước từ kiếm tìm tình yêu và hiệp thông tràn đầy đã được hứa ban cho chúng ta.

Lời cầu nguyện với Thánh Gia 

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse, nơi Chúa, Mẹ và Cha Thánh chúng con chiêm ngưỡng ánh quang rạng ngời của tình yêu chân chính, chúng con xin tín thác mình cho Ba Đấng.

Lạy Thánh Gia Nagiarét, xin cũng làm cho các gia đình của chúng con trở thành nơi của sự hiệp thông và các nhà tiệc ly cầu nguyện, các trường học đích thật của Tin Mừng và các Giáo Hội nhỏ tại gia.

Lạy Thánh Gia Nagiarét, xin cho trong các gia đình đừng bao giờ có các vụ bạo lực, khép kín và chia rẽ nữa; xin cho bất cứ ai bị thương tích hay bị gương mù gương xấu được mau ủi an và chữa lành.

Lạy Thánh Gia Nagiarét, xin làm cho tất cả chúng con ý thức về tính cách thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, của vẻ đẹp của nó trong chương trình của Thiên Chúa.

Lạy Giêsu Maria Giuse, xin lắng nghe chúng con và khấng nhận lời van nài của chúng con. Amen

Linh Tiến Khải

 

Sau 8 thế kỷ, lần đầu Thánh giá thánh Damiano được mang về lại nhà thờ thánh Damiano

Sau 8 thế kỷ, lần đầu Thánh giá thánh Damiano được mang về lại nhà thờ thánh Damiano

Thánh giá thánh Damiano

Assisi – Sau gần 8 thế kỷ, Thánh giá thánh Damiano sẽ được mang về lại nơi nguyên thủy, nhà thờ thánh Damiano, là chính nơi mà Thánh giá đã “nói chuyện” với Thánh Phanxicô thành Assisi, hay còn gọi là Phanxicô khó khăn.

Thánh giá thánh Damiano là Thánh giá theo kiểu Byzantin có biểu tượng nổi tiếng, đã lan rộng trên khắp thế giới, được làm tại Umbria nước Italia vào thế kỷ thứ 12. Đây là Thánh giá đã “nói chuyện” với Thánh Phanxicô thành Assisi và thay đổi cuộc đời của thánh nhân và cuộc sống của Giáo hội. Thánh giá đã yêu cầu thánh Phanxicô: “Đi và sửa chữa lại nhà của ta” (tức là Giáo hội), thánh nhân đã vâng lời. Thánh giá được giữ tại đền thờ Thánh Clara ở Assisi từ khi các nữ tu dòng thánh Clara di chuyển về đây sau khi thánh nữ Clara qua đời.

Trong một thông báo của các tu sĩ Phanxicô viết: cộng đoàn thánh Damiano, được sự đồng ý của các nữ tu dòng thánh Clara tại đan viện đầu tiên của dòng ở Assisi và Ủy ban giám sát thành phố Perugia, thông báo một sự kiện ngoại thường, đã được cộng đoàn nghĩ đến trong dịp Năm Thánh Lòng Thương xót, đó là từ ngày 15-19 tháng 6 năm 2016, Thánh giá thánh Damiano sẽ được đưa về nhà thờ thánh Damiano. Đây là một cuộc di chuyển lịch sử vì là lần đầu tiên Thánh giá được đưa về lại nhà thờ thánh Damiano sau 8 thế kỷ. Nghi thức khai mạc sẽ được vị bề trên tỉnh dòng Phanxicô tỉnh Umbria chủ sự vào lức 12 giờ trưa.

Nhà thờ thánh Damiano sẽ mở cửa từ 6.30 đến 23 giờ trong các ngày 15-19 tháng 6 cho các tín hữu vào kính viếng Thánh giá. (ACI 15/6/2016)

Hồng Thủy OP

 

Vị Linh mục cuối cùng, tù nhân của trại tập trung Dachau, đã qua đời

Vị Linh mục cuối cùng, tù nhân của trại tập trung Dachau, đã qua đời

Trại tập trung

Bonn, Đức quốc – Cha Hermann Scheipers, Linh mục cuối cùng trong số các Linh mục tù nhân còn sống sót của Đức quốc xã tại trại tập trung Dachau đã qua đời hôm ngày 2/6 tại Ochtrup, Đức quốc, hưởng thọ 102 tuổi.

Cha Scheipers cảm thông với các người Balan bị cưỡng bức lao động; cha dâng Thánh lễ và giải tội cho họ trước khi bị bắt giam. Việc làm của cha bị Đức quốc xã xem là gây rối loạn giữa dân chúng. Cha bị chính quyền Đức bắt vào tháng 10 năm 1940 và 5 tháng sau bị đưa đến Dachau gần Munich. Trong trại này cũng có nhiều Linh mục bị giam giữ.

Khi cha bị đưa đến trại, viên giám đốc đã chào đón cha bằng câu nói: Ông không có sự kính trọng, không có sự giúp đỡ, và không có quyền. Ở đây, hoặc là ông làm việc  hoặc là chết”. Điều này thấy rõ qua hàng chữ lớn trên cổng sắt ở lối vào: “Lao động giải phóng”. Như các Linh mục khác, cha cũng làm nô lệ như các công nhân chỉ được ăn nước súp. Những người làm việc không nhanh thì bị đánh đòn, bị treo lên hay dìm trong nước đá, và nhiều người đã chết.

Cha Scheipers đã nói: điều duy nhất người ta có thể làm là trốn thoát hay cầu nguyện. Cha không bị đưa đến phòng ngạt khí vì người chi em song sinh với cha cảnh báo chính quyền Berlin là nếu cha chết thì những người Công giáo ở Ochtrup sẽ nổi dậy.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cha trở về phục vụ trong Giáo phận Dresden-Meissen và một lần nữa phải chống lại một chế độ hà khắc của các nhà cầm quyền cộng sản ở Đông Đức. (CNS 15/6/2016)

Hồng Thủy Op

 

Chúa Giêsu đi qua đâu ở đó luôn luôn có sự giải thoát

Chúa Giêsu đi qua đâu ở đó luôn luôn có sự giải thoát

Phái đoàn Việt Nam tại Quận Cam California tham dự buổi tiếp kiến chúng của ĐTC Phanxicô sáng thứ tư 15-6-2016

Khi cho người mù thành Giêricô được sáng mắt Chúa, Giêsu cũng khiến cho dân chúng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài.

 ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành huơng năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong số hằng trăm đoàn hành hương cũng có 4 đoàn hành hương gồm các tín hữu Việt Nam: 3 đoàn đến từ Hoa Kỳ và một đoàn từ Đức.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ Chúa Giêsu cho người mù thành Giêricô ăn mày bên vệ đường được sáng mắt (Lc 18,35-43). Ngài nói: Hôm nay chúng ta muốn lãnh nhận ý nghĩa của dấu chỉ này, bởi vì nó cũng trực tiếp đụng chạm tới chúng ta. Thánh sử Luca nói rằng người mù ấy ngồi bên vệ đường ăn xin (c. 35). Vào thời bấy giờ – nhưng cho tới các thời gian gần đây cũng thế – họ chỉ có thể sống nhờ của bố thí. ĐTC nói:

Gương mặt của người mù này đại diện cho biết bao nhiêu người , kể cả ngày nay nữa, bị sống bên lề vì một thiệt thòi thể lý hay thuộc loại khác. Họ bị tách rời khỏi đám đông, họ ngồi đó, trong khi người ta qua lại bận bịu công chuyện, trong tư tưởng và biết bao nhiêu chuyện. Đó là con đường có thể trở thành nơi gặp gỡ, nhưng đối với anh ta thì nó là con đường của sự cô đơn. Biết bao người đi qua… Nhưng anh ta cô đơn.

Thật là buồn hình ảnh của một ngưòi bị bạt bỏ ngoài lề, nhất là trong bối cảnh của thành phổ Giêricô, là ốc đảo phì nhiêu phong phú trong sa mạc. Chúng ta biết rằng chính tại Giêricô  dân Israel đã tới sau cuộc xuất hành dài từ Ai Cập: thành phố đó trở thành  cửa ngõ dẫn vào đất hứa. Chúng ta nhớ tới các lời ông Môshê nói trong dịp ấy. Ông nói: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Giavê, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng. Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em).” (Đnl 15,7.11).

Thật là trái nghịch giữa lời nhắn nhủ trên đây của Lề Luật Chúa và tình trạng được kể trong Tin Mừng: trong khi người mù kêu van Chúa Giêsu – anh ta đã có giọng tốt phải không ? – trong khi anh lớn tiếng khẩn nài Chúa Giêsu, thì dân chúng lại la mắng cho anh ta im đi, làm như thể anh ta không có quyền nói. Họ không cảm thương anh ta, trái lại còn cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu của anh. Biết bao nhiêu lần khi  trông thấy biết bao người trên đường – những người túng thiếu, đau yếu, không có gì ăn – chúng ta cảm thấy khó chịu. Biết bao lần khi chúng ta đứng trước bao người di cư tỵ nạn, chúng ta cảm thấy khó chịu. Đó là một cám dỗ: chúng ta tất cả đều có điều đó đúng không? Tất cả, kể cả tôi nữa, tất cả mọi người. Và chính vì vậy mà Lời Chúa dậy dỗ chúng ta. Sự dửng dưng và thù nghịch khiến cho họ mù và điếc, ngăn cản họ trông thấy các anh em khác và không cho phép họ nhận ra Chúa nơi các người ấy – dửng dưng và thù nghịch. Và khi sự dửng dưng và thù nghịch này trở thành sự hiếu chiến và cả nguyền rủa nữa – “Xin làm ơn đuổi tất cả họ đi đi” – “Hãy để họ ở một nơi khác” – sự tấn kích này là điều dân chúng đã làm đối với anh mù, khi anh kêu lên. “Này anh hãy cút đi, cút đi, đừng có nói, đừng có kêu!”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúng ta ghi nhận một đặc điểm hay khác. Thánh sử nói rằng một người nào đó trong đám đông giải thích cho anh mù biết lý do của đám đông người khi nói: “Có Đức Giêsu người Nagiarét đi qua” (c. 37). Biến cố Chúa Giêsu đi qua được diễn tả với cùng động từ trong sách Xuất Hành khi kể lại biến cố vượt qua của thiên thần tàn sát cứu dân Israel bên đất Ai Cập (x. Xh 12,23).

Đó là sự vượt qua của lễ phục sinh, việc khởi đầu của cuộc giải phóng: khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu rỗi. Như vậy đối với anh mù, nó như thể là việc loan báo sự vượt qua giải phóng của anh. Khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu độ.

Không để cho mình sợ hãi anh mù kêu to lên nhiều lần hướng tới Chúa Giêsu, bằng cách nhận ra nơi Người Con vua Đavít, Đấng Cứu Thế được trông đợi, mà  theo ngôn sứ Isaia, sẽ mở mắt cho người mù (x. Is 35,5). Khác với đám đông, anh mù này trông thấy với đôi mắt đức tin. Nhờ nó lời khẩn cầu của anh có một sự hữu hiệu quyền năng.

Thật thế, khi nghe thấy anh, “Chúa Giêsu dừng lại và truyền dẫn anh đến cho Ngài” (c. 40). Khi làm như thế, Chúa Giêsu cất anh mù khỏi vệ đường và đặt anh vào trung tâm sự chú ý của các môn đệ và của dân chúng. Cả chúng ta cũng hãy nghĩ, khi chúng ta ở trong các tình trạng xấu, kể cả các tình trạng tội lỗi, đã có Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và cất chúng ta khỏi lề đường của ơn cứu độ. Như vậy Ngài thực hiện hai cuộc vượt qua. Thứ nhất: dân chúng đã loan báo một tin vui cho anh mù, nhưng không muốn liên lụy gì tới anh cả; Giờ đây Chúa Giêsu bắt buộc mọi người ý thức rằng việc loan báo tin vui tốt bao gồm việc đặt để vào giữa con đường người đã bị loại trừ. Thứ hai, đến lần anh, người mù đã không thấy nhưng đức tin của anh mở ra cho anh con đường của ơn cứu rỗi và anh ta ở giữa những người tuốn đến trên đường để trông thấy Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Anh chị em thân mến việc đi qua của Chúa là một cuộc gặp gỡ của lòng thương xót hiệp nhất tất cả chung quanh Ngài để cho phép nhận ra ai cần sự trợ giúp và an ủi. Cả trong cuộc sống chúng ta Chúa Giêsu cũng đi qua: và khi Chúa Giêsu đi qua và tôi nhận ra điều đó, nó là một lời mời gọi tôi đến gần Ngài, để trở nên tốt lành hơn, là kitô hữu tốt hơn, theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hướng tới anh mù và hỏi anh: “Anh muốn ta làm gì cho anh?” (c. 41). Các lời này của Chúa Giêsu gây ấn tượng: Con Thiên Chúa giờ đây đứng trước người mù như một đầy tớ khiêm hạ. Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Ngài, Chúa Giêsu, Thiên Chúa, nói: “Mà con muốn Ta làm gì cho con? Con muốn Ta phục vụ con như thế nào? Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Và anh mù thưa với Chúa Giêsu,  không bằng cách gọi Ngài là “Con vua Đavít”, mà bằng “Chúa”, là tước hiệu Giáo Hội áp dụng cho Chúa Giêsu phục sinh ngay từ đầu. Anh mù xin được thấy trở lại  và ước mong của anh được chấp nhận. “Hãy được sáng mắt. Lòng tin của con đã cứu con” (c. 42). Anh đã cho thấy đức tin của anh, khi kêu cầu Chúa Giêsu và khi tuyệt đối muốn gặp Chúa, anh được ơn cứu độ. Nhờ đức tin giờ đây anh có thể trông thấy và nhất là anh ta cảm thấy mình được Chúa Giêsu yêu thương. Vì thế, trình thuật kết thúc bằng cách kể rằng anh mù bắt đầu đi theo  Người và chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43): anh trở thành môn đệ bằng cách bước đi theo Chúa và bước vào làm thành phần cộng đoàn của Ngài. Từ người ăn mày trở thành môn đệ, đây cũng là con đường của chúng ta: chúng ta tất cả là những người ăn xin, tất cả. Chúng ta luôn cần đến ơn cứu độ. Và tất cả chúng ta, mọi ngày phải làm bước đi này: từ ăn mày trở thành môn đệ. Và đúng như thế, người mù bước đi theo Chúa và là thành phần của của cộng đoàn.

Người mà dân chúng muốn làm cho im đi, giờ đây lớn tiếng làm chứng cho cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu thành Nagiarét , và toàn dân, khi trông thấy đã chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43). Xảy ra một phép lạ thứ hai: điều đã xảy ra cho anh mù cũng khiến cho dân chúng sau cùng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài. Nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành, và chúng ta đi theo Chúa Giêsu bằng cách chúc tụng Thiên Chúa. Và ước gì được như vậy!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Ai len, Malta, Thụy Điển, Siria, Israel, Zambia, Trung quốc, Philippes, Nhật Bản, Canada Hoà Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà và các nước châu Mỹ Latinh.

Trong các nhóm Đức ĐTC chào đoàn hành hương giáo phận Trier do ĐGM sở tại hướng dẫn. Chào các nhóm hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận khác nhau ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại nhiều ơn lành hồn xác cho họ và cộng đoàn của họ.

Với người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC xin Chúa Giêsu là Thầy hướng dẫn họ. Ngài khích lệ người đau yếu dâng mọi khổ đau cho Chúa  để cộng tác vào ơn cứu độ của thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn ý thức về sứ mệnh tình yêu không thể thay thế được mà họ đã cùng nhau lãnh nhận trong đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Hà lan

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Thủ tướng Hà lan

Đức Thánh Cha tiếp Thủ tướng Hà lan

Vatican – Sáng hôm nay 15/6/2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp ông Mark Rutte, Thủ tướng Hà lan. Sau đó ông Mark Rutte cũng gặp Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, được Đức cha Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Ngoại giao, tháp tùng.

Trong cuộc hội đàm thân mật, các quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hà Lan và Tòa Thánh được nêu lên. Hai bên cũng chú ý đến các vấn đề được quan tâm chung như hiện tượng di dân và xem xét một vài vấn đề quốc tế khác nhau. (SD 15/672916)

Hồng Thủy Op

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin: Iuvenescit Ecclesia

Văn kiện mới của Bộ Giáo Lý đức tin  Iuvenescit Ecclesia

VATICAN. Sáng ngày 14-6-2016, Bộ giáo lý đức tin đã công bố văn kiện xác định quan hệ thiết yếu giữa giáo quyền và các cộng đoàn, phong trào mới trong Giáo Hội.

Văn kiện này là thư của Bộ gửi các GM trong Giáo Hội với tựa đề ”Iuvenescit Ecclesia” (Giáo Hội trở nên trẻ trung), về tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đoàn sủng cho đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Hiện diện trên bàn chủ tọa trong cuộc họp báo giới thiệu văn kiện của Bộ cũng có ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM, Đức Ông Piero Coda, thành viên Ủy ban thần học quốc tế, và nữ giáo sư María Carmen Aparicio Valls, thuộc phân khoa thần học Đại học Giáo Hoàng Gregoriana ở Roma.

Thư dài 18 trang, được ấn hành bằng các ngôn ngữ chính, và mang chữ ký ngày 15-5-2016 của ĐHY Gerhard Mueller, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, và vị Tổng thư ký của Bộ là Đức TGM Luis Ladaria. ĐTC đã phê chuẩn và truyền công bố thư này trong buổi tiếp kiến ngày 14-3 năm nay dành cho ĐHY Tổng trưởng.

Văn kiện nhấn mạnh đến tương quan hòa hợp và bổ túc cho nhau giữa định chế của Giáo Hội và các phong trào, cộng đoàn mới: trong sự tham gia phong phú và có trật tự của các đoàn sủng vào cộng đoàn hiệp thông của Giáo Hội, các thực thể mới này không được tránh né không vâng phục hàng giáo phẩm của Hội Thánh, và cũng không được tự ban cho mình quyền được thi hành một sứ vụ tự trị. Vì thế, các đoàn sủng có một tầm quan trọng không thể thiếu được đối với đời sống và sứ mạng của

Giáo Hội; các đoàn sủng chân chính chính có đặc tính cởi mở truyền giáo, vâng phục cần thiết đối với các mục tử, và ở trong Giáo Hội.

Thư của Bộ giáo lý đức tin cảnh giác chống lại chủ trương coi Giáo Hội cơ chế và Giáo Hội bác ái như hai thực thể đối nghịch nhau hoặc chỉ ở cạnh nhau, bởi vì trong Giáo Hội cả các cơ chế thiết yếu cũng có đặc tính đoàn sủng, và các đoàn sủng phải được cơ chế hóa để có một sự thống nhất, trước sau như một, và liên tục. Vì thế, cả hai chiều kích đều cùng nhau góp phần hiện diện hóa mầu nhiệm và hoạt động cứu độ của Chúa Kitô trong thế giới.

Bộ giáo lý đức tin cũng trình bày những tiêu chuẩn để phẩm trật Giáo Hội phân định những đoàn sủng chân chính, theo đó các đoàn sủng phải là dụng cụ nên thánh trong Giáo Hội; dấn thân trong việc truyền bá Tin Mừng; tuyên xưng trọn vẹn đức tin Công Giáo, chứng tỏ tình hiệp thông thực sự với toàn thể Giáo Hội, chân thành đón nhận các giáo huấn đạo lý và mục vụ của Giáo Hội, nhìn nhận và quí chuộng các yếu tố đoàn sủng khác trong Giáo Hội; khiêm tốn chấp nhận những lúc thử thách trong cuộc phân định; có những thành quả thiêng liêng như bác ái, vui mừng, hòa bình, nhân bản; để ý đến chiều kích xã hội trong việc loan báo Tin Mừng, ý thức sự kiện: mối quan tâm đến sự phát triển toàn diện cho những người bị xã hội bỏ rơi nhiều nhất là điều không thể thiếu trong một thực tại Giáo Hội chân chính”.

Thư của Bộ giáo lý đức tin đã trình bày 2 tiêu chuẩn cơ bản để cứu xét hầu nhìn nhận các thực tại mới của Giáo Hội về phương diện pháp lý, theo các hình thức đã được Bộ giáo luật thiết định.

– Tiêu chuẩn thứ I là ”tôn trọng đặc tính đoàn sủng của mỗi phong trào hoặc cộng đoàn ới của Giáo Hội”, vì thế cần tránh những những ”bó buộc hoặc lèo lái về pháp lý, làm giảm bớt sự mới mẻ của các thực tại ấy”.

– Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến sự tôn trọng đường lối cơ bản trong việc cai quản Giáo Hội, tạo điều kiện dễ dàng cho sự hội nhập các hồng ân đoàn sủng trong đời sống Giáo Hội, nhưng cần làm sao để tránh cho các thực thể ấy bị coi như một thực tại song song, không tham chiếu các phẩm trật của Hội Thánh”. (SD 14-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP