Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

Đức Thánh Cha gửi thư cho Tổng thống Syria

duc-thanh-cha-gui-thu-cho-tong-thong-syria

VATICAN. Trong thư gửi đến Tổng thống Bashar al Assad của Syria ĐTC Phanxciô kêu gọi tổng thống và cộng đồng quốc tế chấm dứt bạo lực và tìm một giải pháp ôn hòa cho cuộc xung đột tại nước này.

Thư của ĐTC đã được ĐHY Mario Zenari, Sứ thần Tòa Thánh tại Syria, đích thân trao cho tổng thống Assad hôm 12-12-2016.

Trong thư ĐTC cũng lên án mọi hình thức cực đoan và khủng bố, bất kỳ đến từ phía nào. Ngài cũng xin Tổng thống Syria đảm bảo sao cho công pháp quốc tế về nhân đạo được hoàn toàn tôn trọng, liên quan đến việc bảo vệ các thường dân và để cho các đồ cứu trợ được đưa tới cho các nạn nhân.

ĐTC viết thư cho Tổng thống Assad giữa lúc quân đội chính phủ Syria đã giải phóng được 96% khu vực phía đông của thành phố Aleppo từ lâu bị các lực lượng phiến quân chiếm đóng, và với sự hỗ trợ của không lực Nga, quân đội Syria đã đánh đuổi được lực lượng Hồi giáo IS sau khi 5 ngàn quân của nhóm này chiếm được một phần khu ngoại ô của cổ thành Palmira. (RG 12-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

Công bố sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Hòa Bình thế giới

cong-bo-su-diep-duc-thanh-cha-nhan-ngay-hoa-binh-the-gioi

VATICAN. Hôm 12-12-2016, Sứ điệp của ĐTC nhân ngày Hòa Bình thế giới 1-1 năm 2017 đã được công bố với đề tài: ”Bất bạo động: một kiểu chính sách hòa bình”.

Đây là Sứ điệp hòa bình thế giới thứ 50 của các vị Giáo Hoàng. Văn kiện này được chia làm 7 đoạn lần lượt nói đến một thế giới bị phân hóa và phải chịu nạn bạo lực ”từng mảnh” bằng nhiều cách ở nhiều cấp độ khác nhau, gây ra những đau khổ lớn lao như chúng ta đang chứng kiến: chiến tranh tai nhiều quốc gia và đại lục, nạn khủng bố, tội phạm, những cuộc tấn công võ trang không lường trước được.. (2)

ĐTC xác quyết bạo lực không phải là cách săn sóc thế giới chúng ta bị tan vỡ thành mảnh. Dùng bạo lực để đáp trả bạo lực cùng lắm chỉ dẫn tới những cuộc tản cư vì bị bó buộc và những đau khổ vô biên.

Chúa Giêsu cũng đã từng sống trong thời bạo lực. Ngài dạy chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình đương đầu với nhau chính là tâm hồn con người (Mc 7,21).. (3).

ĐTC nhận xét rằng ”bất bạo động nhiều khi bị hiểu theo nghĩa một sự đầu hàng, không dấn thân và thụ động. Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi Mẹ Têrêsa nhận giải Nobel Hòa Bình năm 1979, Mẹ đã tuyên bố rõ ràng sứ điệp của Mẹ là bất bạo động tích cực và nói: ”Trong gia đình chúng ta, chúng ta không cần bom đạn và võ khí, không cần tàn phá để mang lại hòa bình, nhưng cần ở với nhau, yêu thương nhau […] Và chúng ta có thể vượt thắng mọi sự ác trên thế giới”. Vì sức mạnh của võ khí có tính chất lừa đảo. ”Trong khi những kẻ buôn bán võ khí hoạt động, thì có những người nghèo kiến tạo hòa bình, chỉ với mục đích giúp đỡ một người, giúp đỡ người khác, và hiến mạng sống của họ. Đối với những người xây dựng hòa bình như thế, Mẹ Têrêsa chính là một biểu tượng, một hình ảnh của thời đại chúng ta”. (4)

ĐTC cũng xác tín rằng nếu nguồn mạch phát sinh bạo lực là tâm hồn của con người, thì điều căn bản là phải tiến bước trên con đường bất bạo động trước tiên ở trong gia đình. .. Gia đình là lò tôi luyện không thể thiếu được trong đó đôi vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em học cách đả thông và chăm sóc nhau một cách vô vị lợi, và nơi mà những sầu muộn và thậm chí những xung đột phải được vượt thắng không phải bằng võ lực, nhưng bằng đối thoại, tôn trọng, tìm kiếm thiện ích cho người khác, từ bi và tha thứ. (5)

ĐTC xác quyết: ”việc xây dựng hòa bình nhờ bất bạo động tích cực là yếu tố cần thiết và phù hợp với nỗ lực liên lỷ của Giáo Hội để giới hạn việc sử dụng võ lực, qua những qui luật luân lý, nhờ sự tham gia của Giáo Hội vào những công việc của các tổ chức quốc tế và nhờ sự đóng góp giá trị của các tín hữu Kitô vào việc ban hành các luật lệ ở mọi cấp độ. Chúa Giêsu đã trao tặng cho chúng ta một cuốn chỉ nam trong kế hoạch kiến tạo hòa bình trong Bài Giảng Trên Núi. 8 mối phúc thật (Xc Mt 5,3-10) phác họa mẫu mực của người mà chúng ta có thể định nghĩa là người có phục, người tốt lành và chân chính. Chúa Giêsu nói: ”Phúc cho những người hiền lành, người có lòng thương xót, người xây dựng hòa bình, người có tâm hồn thanh thiết, những người đói khát sự công chính” (6).

”Đây cũng là một chương trình và là một thách đố cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, các vị trách nhiệm các tổ chức quốc tế và những người điều khiển xí nghiệp, các phương tiện truyền thông trên toàn thế giới: đó là áp dụng các Mối Phúc Thật qua đó họ thực thi trách nhiệm của mình. (SD 12-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Daniel Maria Piras, từ thanh niên nghiện ngập trở thành tu sĩ Phanxicô

Daniel Maria Piras, từ thanh niên nghiện ngập trở thành tu sĩ Phanxicô

cac-tu-si-dong-phanxico

Daniel Maria Piras là một thầy dòng Phanxicô trẻ thuộc tỉnh dòng Umbria, nước Ý. Ơn gọi tu trì của thầy Daniel là câu chuyện được đánh dấu bởi đau khổ, đức tin và quyền năng của Thiên Chúa. Nó là câu chuyện của Tin Mừng: Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại. Người yêu tôi và trao ban chính Người cho tôi. Thầy Marie kể lại cuộc đời mình:

“Ngày từ khi tôi còn là một đứa bé, vì những khó khăn về tài chính, gia đình tôi đã có những khó khăn trong các mối liên hệ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là giữa cha mẹ của tôi. Khi học xong trung học đệ nhất cấp, tôi bắt đầu làm việc cùng với cha ở công ty xây dựng của ông. Đồng thời, để chạy trốn khỏi những vấn đề phức tạp của gia đình mình, tôi bắt đầu làm bạn với những người xấu: để theo kịp họ, tôi bắt đầu uống rượu, dùng ma túy. Tôi cũng dùng ma túy để quên đi nỗi đau trong trái tim mình.

Năm lên 16, tôi đã bị nghiện ngập. 7 năm trời, tôi không thể thoát ra được sự đeo đẳng của ma túy. Biết mình đang phạm một lỗi lầm, nhưng tôi đã rơi vào cái vòng tội lỗi và không thể thoát ra. Tôi quá thiếu ý chí và ngay cả nếu muốn thoát ra khỏi nó, tôi nhận ra là đã quá trễ và thiếu kiên quyết. Tôi đã nói chuyện với các nhà tâm lý và cố dùng thuốc để cai nghiện, nhưng kết quả không được bao nhiêu.

Lúc đầu tôi cố dấu những khó khăn của mình, nhưng rồi tình trạng tồi tệ hơn và cha mẹ tôi cũng biết được những gì đang xảy ra với tôi. Mẹ của tôi đã khuyến khích tôi. Bà ở bên cạnh và vẫn yêu thương tôi như lúc trước. Trước đây mẹ của tôi cũng đã rời bỏ nhà thờ, nhưng trong những năm gần đây, vì mối quan hệ đau khổ với cha tôi, bà đã quay lại nhà thờ và đón nhận thánh giá của bà… Sau khi bị mất việc, cha tôi rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Mẹ tôi tìm được sự an ủi và được một nhóm bạn cầu nguyện kinh Mân côi chia sẻ nỗi đau. Vì vậy Đức Maria đã dẫn bà trở lại với con trai của bà: bà tìm được trong cầu nguyện, trong Lời Chúa và trong các bí tích sức mạnh chịu đựng nỗi đau. Bà đã quyết định ở bên cạnh chồng và yêu thương ông dù cho mọi chuyện đã xảy ra. Bà đã ôm lấy thánh giá mà Chúa muốn bà vác. Điều này đã cho phép Chúa mang ơn cứu độ của Người đến cho gia đình chúng tôi và làm cho mọi sự trở nên mới mẻ. 

Tình yêu của mẹ tôi đã thay đổi cha tôi và cuộc sống của bà cũng hướng người em gái của tôi vào hành trình đức tin, đó là nữ tu Chiara the Redeemed. Sau khi cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Kitô, một ngày kia khi đến thăm đan viện của các nữ tu Clara, em gái tôi đã nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi đi theo Người trong ơn gọi đặc biệt này. Tháng 10 năm 2005, Chiara đã gia nhập đan viện. Vào lúc đó, tôi đang trải qua kinh nghiệm về sự chết, nhưng chứng từ của mẹ và em gái tôi đã dẫn tôi trở về với chính mình và cầu xin cứu giúp. Tôi bắt đầu gọi tên Chúa Giêsu!

Một điều không thể tưởng tượng đã xảy ra… Từ 25-26 tháng 11 năm 2006 có một Hội nghị về Canh tân trong Thánh Linh được tổ chức tại Sardinia. Mẹ tôi rủ tôi cùng đi và tôi đã đi với bà. Tôi hy vọng Chúa sẽ giúp tôi thoát khỏi tình cảnh của mình, nhưng tôi rất yếu đuối. Câu 14 của Thánh vịnh 107: “Người đưa họ ra khỏi cảnh tối tăm mù mịt và đập tan xiềng xích gông cùm” được suy tư trong Hội nghị. Tôi bị đánh động bởi bài giáo lý do một Linh mục dòng Phanxicô giảng. Cứ giống như là tôi đã kể cho cha nghe cuộc đời tôi… cha đang kể lại những kinh nghiệm của tôi… Cha giải thích, cách thức mà sự dữ đã dùng những quyến rũ của thế gian để làm cho người ta tưởng chúng là hạnh phúc thật, để rồi tìm cách tiêu diệt thân xác của chúng ta – đền thờ của Chúa Thánh Thần, nơi cư ngụ của Thiên Chúa, nơi chúng ta có thể cảm nghiệm được Thiên Chúa.

Trong giờ cầu nguyện chúng tôi xin Chúa Giêsu giải thoát con người khỏi sự dữ. Ngay bên cạnh tôi có một phụ nữ khoảng 50 tuổi, bà bắt đầu kêu la như một đứa trẻ mới sinh, rồi bà bắt đầu nói với một giọng rất ghê mà không thể hiều được. Dường như Chúa đang nói với tôi:” Ta bảo con rằng sự dữ là một sự thật trong cuộc sống … bây giờ con thấy nó hiện diện chưa?” Tôi đã quyết định đi gặp Linh mục điều hành cuộc họp và khiêm tốn, vì tôi luôn kiêu ngạo cho là mình có thể tự giải quyết mọi việc. Tôi xin cha cầu nguyện và kể với cha: “Con là một người nghiện ngập và đã rơi xuống tận đáy vực, con không biết làm sao để thoát ra. Xin cầu cùng Chúa Giêsu cho con.” Cha đã mời tôi cầu xin Chúa Giêsu, rồi chúc lành cho tôi và tôi trở về chỗ của mình.

Sau đó một Linh mục rước kiệu Mình Thánh. Chúa Giêsu đã đi ngang qua tôi … tôi cảm thấy trong tôi một ước muốn đi đến chạm vào Người. Tôi đã đứng lên và chạm vào Người và trở lại chỗ của mình. Sau đó vị Linh mục cầu xin Chúa Thánh Thần và yêu cầu đọc Lời chúa, đó là câu từ sách ngôn sứ Daniel: “Bởi Người là vị Thần hằng sống và tồn tại muôn đời; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong, quyền thống trị của Người vô cùng vô tận. Người giải thoát, gìn giữ, Người làm dấu lạ và điềm thiêng, trên trời cùng dưới đất. Người đã cứu Ðaniel khỏi móng vuốt sư tử.” Tôi nghe những lời này đang nói với tôi, tôi đã khóc và bắt đầu cảm thấy có điều mới mẻ trong linh hồn tôi. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đây là hoạt động của Chúa Thánh Thần được thực hiện bời Lời sự sống. Chứng kiến những điều xảy ra, mẹ tôi đến nói với tôi: “Mẹ nghĩ Chúa đã nói với con và chữa lành cho con, bởi vì những điều Lời Chúa nói, được thực hiện.” Bà bảo tôi không dùng thuốc cai nghiện vào ngày hôm sau và tôi nghe lời bà. Những ngày sau đó tôi nhận ra là tôi không có những triệu chứng của người cai nghiện nữa, tôi đã hoàn toàn được chữa lành…

Sau khi được chữa lành, một tu sĩ mà tôi đã gặp trong ngày em gái tôi nhận tu phục đã liên lạc với tôi. Sau khi tôi kể với thầy Chúa đã can thiệp vào đời tôi như thế nào, thấy ấy mời tôi đến Assisi, đầu tiền là vào dịp đầu Năm mới cùng với rất nhiều bạn trẻ khắp nước Ý, rồi sau đó tham gia vào một khóa học ơn gọi. Chính tại khóa học này tôi đã nghe đoạn Tin mừng nói về người đàn bà bị băng huyết. Tôi cũng bị thu hút bởi cách sống, lòng nhân từ, niềm vui và sự hiểu biết được chiếu tỏa nơi các tu sĩ … như Đức Phanxicô nói qua lời của Đức Biển đức XVI: “Đời sống tu trì nên thúc đẩy sự phát triển của Giáo hội bằng sự thu hút lôi cuốn.” Vẻ đẹp này, và niềm ao ước mãnh liệt đã hướng dẫn tôi nhận ra, với sự giúp đỡ của vị linh hướng, Thiên Chía đang gọi tôi đi theo Người theo cách sống của Thánh Phanxicô Assisi và các con cái thánh nhân. Trong vòng hai năm sau đó, sau những kinh nghiệm khác mà tôi trải qua, niềm ao ước trao phó đời mình trong tay Chúa đã lớn lên và tôi gia nhập tu viện năm 2008.

Thầy Daniel muốn nhắn những người gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống: những đau khổ trong gia đình chúng ta có giá trị giáo dục: được đón nhận trong đức tin, nó chuẩn bị con tim chúng ta tiếp nhận Mầu nhiệm. Chúng ta cần gần các người trẻ để giúp họ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, và chúng ta cần giải thích cho họ sự trống rỗng trong trái tim họ, ao sước hạnh phúc và viên mãn của họ, chỉ có thể được làm đầy bằng mối liên hệ với Chúa Giêsu. Chỉ có Người nói với họ: “Ta đã đến để họ được sống và sống dồi dào. Ta đến niềm vui của họ được trọn vẹn.” (Aleteia 14/11/2015)

Hồng Thủy

 

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

Người giáo sĩ trở nên tệ hại khi xa cách dân Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-13-12-2016

Tinh thần “giáo sĩ trị” là điều xấu và tiếp tục có mặt trong Giáo Hội ngày nay. Và hậu quả là: dân Chúa trở thành nạn nhân, dân Chúa cảm thấy bị chối từ. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Đức Thánh Cha cũng cảnh giác các mục tử rằng, đừng trở thành những nhà trí thức tôn giáo theo kiểu rời xa Mặc khải của Thiên Chúa.

Luật lệ của các thượng tế không đến từ Thiên Chúa

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các thượng tế và kỳ lão trong dân. Chúa tập trung vào vai trò của họ. Họ có thẩm quyền về luật pháp, về luân lý, về tôn giáo. Họ quyết định mọi sự. Anna và Caipha đã xét xử Chúa Giêsu. Các thượng tế và giới lãnh đạo quyết định giết anh Lazarô. Họ cũng thương lượng với Giuđa về giá cả để bán Chúa Giêsu. Họ cho thấy sự kiêu ngạo, độc tài của họ và hậu quả là người dân phải chịu đựng.

Họ khai thác luật lệ. Các điều luật lên tới con số 500. Họ thiết lập mọi sự, mọi thứ! Họ làm nên luật lệ một cách rất khoa học, bởi vị họ là những nhà thông thái, vì họ hiểu biết rất nhiều. Họ thực thi những điều ấy, hay là không? Có một luật mà họ không nhớ. Họ quên mất điều răn đầu tiên mà Thiên Chúa ban cho tổ phụ Abraham: “Bước đi trong sự hiện diện của Chúa và không chê trách được điều gì.” Họ không bước đi, mà luôn khẳng định ý kiến của mình. Và họ không phải là không đáng trách!

Người dân bị quên lãng

Họ quên đi Mười điều răn Chúa trao cho Môsê. Họ chỉ biết luật do họ làm ra một cách tỉ mỉ tinh tế với những nghiên cứu kỹ lưỡng. Họ hủy bỏ luật pháp của Thiên Chúa. Nạn nhân của họ chính là người dân, những người nghèo, người bé nhỏ, người tin tưởng nơi Thiên Chúa, những người bị loại trừ. Ngay cả có những người ăn năn sám hối mà chưa thực thi những điều luật, thì cũng bị đau khổ bởi những bất công.

Giuđa là kẻ phản bội. Ông phạm trọng tội! Đúng thế. Nhưng sau đó Tin Mừng nói: ông hối hận, ông trả lại những đồng bạc cho các thượng tế và kỳ mục. Còn họ, họ đã làm gì? Có thể họ nói: “Nhưng anh là bạn của chúng tôi. Đừng lo… Chúng tôi có quyền tha thứ tất cả cho anh!” Không có điều ấy! Họ nói với Giuđa: “Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” Giuđa bị bỏ lại một mình và ông bỏ đi! Giuđa nghèo hèn khốn khổ, đã sám hối, nhưng không được các mục tử là chính các thượng tế và kỳ mục chấp nhận. Họ đã quên mất vai trò mục tử. Họ là những trí thức tôn giáo, là những người cầm quyền, là những người dạy giáo lý cho dân chúng bằng sự học thức của họ, chứ không bằng mặc khải của Thiên Chúa.

Ai được vào Nước Thiên Chúa

Ngay cả ngày nay, trong Giáo hội, vẫn còn tinh thần của một thứ “giáo sĩ trị”. Những vị giáo sĩ ấy luôn cảm thấy mình hơn người và xa lánh người dân. Các vị ấy không còn giờ để lắng nghe người nghèo, lắng nghe người đau khổ, người bị tù đày, người bệnh tật.  

Điều tệ hại của thứ gọi là “giáo sĩ trị” vẫn tồn tại và xuất hiện những phiên bản mới. Nhưng những con người phải chịu đựng điều ấy thì luôn là những người nghèo, những người bé nhỏ và những người chờ đợi ngày Chúa đến. Thiên Chúa là Cha luôn tìm mọi cách để đến với chúng ta: Ngài đã sai Con của Ngài đến. Chúng ta đang mong chờ trong niềm vui hoan hỉ. Chúa Con đến với những người đau bệnh, người nghèo khó, người bị loại trừ, những người thu thuế và kẻ tội lỗi, ngay cả những cô gái điếm. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục nói với những người đang bị quyến rũ bởi tinh thần "giáo sĩ trị", giống như Chúa đã nói với các thượng tế và kỹ lão rằng: “Quả thật, Ta bảo các ông, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông.”

Tứ Quyết SJ

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

Thông cáo sau khóa họp thượng đỉnh của các thị trưởng châu Âu tại Vatican

cac-tre-em-tai-mot-trai-ti-nan-o-mien-bac-thu-do-athens

Vatican – Sau hai ngày nhóm họp về vấn đề khủng hoảng tị nạn, hôm thứ 7, 10/12/2016, các thị trưởng châu Âu đã ra thông cáo kêu gọi thành lập một “Mạng lưới các Thị trưởng” để giúp giải quyết các vấn đề của các thành phố trên châu lục này.

Thông cáo có đoạn viết: “Mạng lưới mới này phải chú trọng đến cuộc gặp gỡ nhân bản và dựa trên một tầm nhìn tiến bộ về liên văn hóa, với sự tham dự tích cực của xã hội dân sự và các truyền thống tôn giáo, nơi mà sự bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm, tự do, công bằng, tích hợp và hòa bình phải thắng vượt các cuộc tranh luận về định kiến của chúng ta.”

Khoảng 80 thị trưởng đã họp nhau tại Vatican, văn phòng chính của Học viện Khoa học và Khoa học xã hội, từ ngày 9-10/12/2016, trong đại hội thượng đỉnh với chủ đề “Châu Âu: những người tị nạn là anh chị em của chúng ta.” (RV 11/12/2016)

Hồng Thủy

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

Giáo Hội Lào có các vị tử đạo đầu tiên

cac-thua-sai-dong-hien-si-me-vo-nhiem-tu-dao-tai-lao

 

Vạn Tượng – Ngày 11/12/2016 đánh dấu một bước lịch sử của Giáo hội Công giáo tại Lào. Tại nhà thờ chánh tòa tại thủ đô Vạn Tượng đã diễn ra Thánh lễ trọng thể tôn phong chân phước cho 17 vị chân phước tử đạo, bao gồm các thừa sai người ngoại quốc và giáo dân Lào.

17 vị chân phước bị giết trong thời gian từ 1954-1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lào. 5 vị thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), những thừa sai đầu tiên mang Tin mừng đến Lào vào năm 1885. 6 vị thuộc dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, trong số đó có vị thừa sai trẻ người Ý là Mario Borzaga, bị giết vào năm 1960 khi mới 27 tuổi, cùng với Paolo Thoj Xyooj, một giáo lý viên người Lào. Trong số các vị tử đạo Lào có cha Joseph Thao Tien, Linh mục đầu tiên gốc Lào, bị giết năm 1954 cùng với 4 giáo lý viên thổ dân.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa cùng ngày 11/12, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng “sự trung thành anh dũng của các vị tử đạo với Chúa Kitô có thể là sự khích lệ và gương mẫu cho các nhà truyền giáo và đặc biệt cho các giáo lý viên, những người thực hiện hoạt động tông đồ quý giá và không thể thay thế được tại các miền đất truyền giáo mà toàn thể Giáo hội biết ơn họ.”

Thánh lễ có sự tham dự của một số Hồng Y, Giám mục, Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Lào, Campuchia, Việt nam và các nước lân cận, cũng như các thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris và dòng Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm và một số nhân vật chính quyền dân sự.

Đức Hồng Y Orlando Quevedo, người Philippines, đặc sứ của Đức Thánh Cha, đã đọc sứ điệp với phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh Cha, trong đó ngài đề cao các vị tử đạo là những anh hùng và lịch sử của họ được loan truyền cho các thế hệ trẻ biết.

Trong bầu khí cởi mở, Đức Tổng Giám mục Paul Tschang In-Nam, sứ thần Tòa thánh tại Bangkok và đại diện tông tòa tai Myanmar và Lào đã bày tỏ lòng biết ơn với chính quyền và hy vọng trong tương lai gần, Lào có thể thắt chặt quan hệ ngoại giao với Tòa thánh.

Cộng đoàn Công giáo Lào có khoảng 60 ngàn giáo dân, chiếm 1% trên tổng số 6 triệu dân, thuộc 4 hạt đại diện tông tòa và có khoảng 20 Linh mục phục vụ.

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện tông tòa ở Paksé, nhận định “việc cử hành Thánh lễ là giây phút hiệp thông tràn đầy với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ, trong một năm thật sự đầy ân phúc.” (Agenzia Fides 12/12/2016) 

Hồng Thủy

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa nhật 11.12.2016: Mừng vui lên!

doc-kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-11-12-2016

Trưa Chúa Nhật III Mùa Vọng ngày 11.12.2016, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người hãy vui lên trong Chúa.

Mở đầu bài huấn dụ trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Cha chào tất cả anh chị em! Chúc mọi người một ngày tốt lành!

Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Nhật III mùa Vọng, được ghi dấu bằng lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Chúa đã gần đến!” (Pl 4:4-5). Đây không phải là kiểu niềm vui hời hợt, cũng không phải là loại niềm vui nhất thời chỉ mang tính cảm xúc, không phải niềm vui trong việc mua bán tiêu dùng. Không. Đây là niềm vui đích thực, và chúng ta được mời gọi để tái khám phá hương vị của loại niềm vui này, thứ hương vị của niềm vui chân thực. Đó là loại niềm vui chạm đến tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Nơi đó, chúng ta đang đợi chờ Chúa Kitô, Đấng mang lại ơn cứu độ cho thế giới, Đấng mà Thiên Chúa sai đến, Đấng đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra tại Bêlem.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu và nghiệm được loại niềm vui này. Ngôn sứ Isaia nói về cảnh hoang mạc khô cằn, bàn tay rời rã, đầu gối mỏi mòn, người bị mù bị điếc bị câm (Is 35:1-6a.10). Bức tranh buồn thảm này nói về một định mệnh vắng bóng Thiên Chúa.

Nhưng cuối cùng, sự cứu rỗi đã được công bố. Ngôn sứ Isaia nói: “Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi! Kìa Thiên Chúa đến… Ngài đến để cứu độ anh em”. Từ đó, ngay lập tức, mọi sự biến đổi: hoa nở trên sa mạc, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Những dấu chỉ mà Isaia công bố, đã trở nên hiện thực nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã trả lời cho những người được Gioan Tẩy Giả sai đến. Chúa Giêsu nói: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại” (Mt 11:5). Những lời ấy, những việc làm ấy minh chứng cho ơn cứu độ mà Chúa Giêsu mang đến. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử để giải phóng chúng ta khỏi ách tội lỗi. Ngài ở giữa chúng ta, chia sẻ cuộc sống của chúng ta, chữa lành những thương tích của chúng ta, băng bó vết thương và ban cho chúng ta sự sống mới. Niềm vui là kết quả của hành vi cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta được mời gọi để tham dự vào niềm vui này, niềm vui hân hoan này… Nhưng nếu một Kitô hữu mà không vui, thì có gì đó không còn là Kitô hữu nữa! Niềm vui này sâu xa trong tâm hồn và đem lại cho ta sự can đảm tiến về phía trước. Chúa đến, Chúa đi vào cuộc sống của chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi những trói buộc cả trong lẫn ngoài. Ngài đã cho chúng ta thấy con đường của trung tín, kiên nhẫn và bền lòng, vì khi Ngài trở lại, niềm vui của chúng ta sẽ thành toàn.

Giáng Sinh đang đến gần, các dấu chỉ của Giáng Sinh hiển hiện trên các con phố và ngay tại quảng trường này. Những dấu hiệu bên ngoài mời gọi chúng ta mở lòng đón Chúa, Đấng luôn đến và gõ cửa nhà chúng ta, gõ cửa tâm hồn chúng ta. Chúng ta được mời gọi để nhận ra những bước chân của Ngài nơi những anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người yếu đuối và thiếu thốn.

Hôm nay chúng ta được mời gọi để vui mừng vì Đấng Cứu Độ chúng ta ngự đến, và chúng ta chia sẻ niềm vui này với tha nhân, trao tặng niềm vui hy vọng cho người nghèo khổ, người ốm đau và những ai bất hạnh. Lạy Đức Nữ Trinh Maria, nữ tỳ của Chúa, xin giúp chúng con biết lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong cầu nguyện, và với đầy lòng cảm thông, biết phục vụ Ngài nơi những chị em chúng con, xin cho con biết sẵn sàng đón mừng Giáng Sinh và chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Giêsu.  

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người.

Đức Thánh Cha mời gọi mọi người cùng hiệp thông cầu nguyện

Anh chị em thân mến!

Hằng ngày, Cha đặc biệt gần gũi với người dân thành Aleppo trong lời cầu nguyện. Chúng ta đừng quên rằng, Aleppo là thành phố với những con người, đó là những gia đình, những trẻ em, người cao tuổi, người bệnh… Thật đáng tiếc là chúng ta đã trở nên quá quen với chiến tranh, với sự tàn phá, nhưng chúng ta không được quên rằng, Syria là một quốc gia theo đúng nghĩa với lịch sử, văn hóa và đức tin. Chúng ta không thể chấp nhận rằng, chiến tranh tàn phá tất cả những điều ấy. Cha kêu mời sự dấn thân của mọi người, để có thể chọn lựa nói không với hủy diệt, để tiến tới hòa bình cho người dân Aleppo và Syria.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nạn nhân trong một số vụ tấn công khủng bố tàn bạo vài giờ gần đây tại một số quốc gia. Tại một số nơi, bạo lực gây ra chết chóc phá hủy, và chỉ có một câu trả lời là: đức tin nơi Thiên Chúa và sự hiệp nhất trong các giá trị nhân văn. Tôi muốn bày tỏ sự gần gũi đặc biệt với người anh em thân mến là Đức Thượng Phụ Tawadros II của Giáo Hội Chính Thống Coptic và cộng đoàn dân Chúa của Ngài, để cầu nguyện cho những người bị chết và bị thương.

Hôm nay, tại Vientiane Lào, có lễ phong chân phước cho cha Mario Borzaga, linh mục truyền giáo dòng Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm, cho người giáo lý viên Paul Thoj Xyooj, và 14 bạn tử đạo. Các ngài đã trung thành với Chúa Kitô một cách anh hùng. Tấm gương của các ngài khích lệ chúng ta trên đường truyền giáo, đặc biệt là những người giáo lý viên với sứ mệnh tông đồ không thể thay thế. Giáo Hội biết ơn tất cả những con người ấy. Chúng ta thấy rằng: các giáo lý viên đã làm rất nhiều, và những việc làm ấy thật đẹp! Là một giáo lý viên, đó là một điều thật đẹp. Cha mời mọi người vỗ tràng pháo tay dành tặng cho các giáo lý viên!

Đức Thánh Cha chào thăm mọi người hiện diện

Cha gửi lời chào thăm với đầy lòng mến, tới tất cả anh chị em, là những người hành hương đến từ các quốc gia khác nhau. Đầu tiên, Cha chào thăm các con là những em bé và người trẻ của Roma. Các con thân mến, khi các con cầu nguyện trước hang đá, hãy cầu xin Hài Nhi Giêsu giúp mọi người có được lòng mến Chúa và yêu người. Hãy nhớ cầu nguyện cho Cha nữa. Cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con.

Cha chào thăm các giáo sư của Đại học Công giáo Sydney, mọi người trong dàn hợp xướng Mosteiro de Grijó ở Bồ Đào Nha, các anh chị em đến từ Barbianello và Campobasso.

Cha cầu chúc mọi người ngày Chúa Nhật tốt lành và đừng quên cầu nguyện cho Cha. 

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

Đức Thánh Cha tiếp Cộng đoàn Đại chủng viện miền Puglia

duc-thanh-cha-tiep-cong-doan-dai-chung-vien-mien-puglia

VATICAN. Sáng 10-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến Cộng đoàn đại chủng viện Piô 11 của miền Puglia, nam Italia, và ngài nhắn nhủ các chủng sinh tăng cường cảm thức mình thuộc về Chúa, về Giáo Hội và về Nước Chúa.

Trong số 310 người người hiện diện tại buổi tiếp kiến, ngoài ban giám đốc, ban giảng huấn và các chủng sinh còn có các GM thuộc các giáo phận ở miền Puglia.

ĐTC mời gọi các chúng sinh vượt lên trên cám dỗ chỉ quan tâm đến mình, đó là một cám dỗ nguy hiểm nhất: ”Không phải mọi sự bắt đầu với tôi và chấm dứt với tôi, tôi có thể và phải nhìn xa hơn chính tôi, đến độ nhận thức vẻ đẹp và chiều sâu của mầu nhiệm bao quanh tôi, của cuộc sống vượt lên trên tôi, của niềm tin nơi Thiên Chúa nâng đỡ mọi sự, mọi người và cả tôi”.

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng linh mục phải là một con người có tương quan. Ngài nói: ”Việc xây dựng cộng đoàn mà một ngày kia các thày phải hướng dẫn trong tư cách là linh mục, bắt đầu trong đời sống thường nhật ở chủng viện, giữa các thầy với nhau, cũng như với những người các thầy gặp trong cuộc sống. Các thầy đừng nghĩ mình khác những người đồng lứa, đừng coi mình tốt hơn những người trẻ khác, hãy học ở với tất cả mọi người, đừng sợ xắn tay áo và hoạt động”.

 ĐTC cũng nhắc nhở các chủng sinh rằng ”Nơi mà quan hệ với Chúa Kitô được tăng trưởng chính la kinh nguyện, và thành quả chín mùi của kinh nguyện luôn luôn là bác ái” (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

Đức Thánh Cha đề cao tầm quan trọng của nông thôn

duc-thanh-cha-de-cao-tam-quan-trong-cua-nong-thon

VATICAN. ĐTC đề cao tầm quan trọng của nông thôn và kêu gọi thực thi tinh thần liên đới để giải quyết các vấn đề của giới nhà nông.

Ngài đưa ra lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 10-12-2016, dành cho 60 tham dự viên khóa họp của Hiệp hội Công Giáo quốc tế của giới nông thôn, gọi tắt là ICRA.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhắc đến những vấn đề của giới nông thôn là thiếu các cơ cấu công quyền, sự thủ đắc bất công đất đai và tước đoạt sự sản xuất của những sở hữu chủ hợp pháp, những phương pháp đầu cơ bất chính và sự thiếu chính sách chuyên biệt trên bình diện quốc gia và quốc tế. ĐTC cũng tố giác rằng khi nhìn thế giới nông thôn ngày nay, người ta thấy chiều kích thị trường chiếm quyền tối thượng và hướng dẫn mọi hành động và quyết định! Vì thế người ta hy sinh nhịp sống canh nông với những lúc làm việc và nghỉ ngơi, ngày nghỉ hàng tuần và sự chăm sóc gia đình. Đời sống canh nông bị coi như chỉ có một giá trị thấp.

Trong bối cảnh trên đây, ĐTC kêu gọi nhìn nhận ý nghĩa con người, chiều kích gia đình và xã hội, cảm thức liên đới, như những giá trị thiết yếu, kể cả trong những tình trạng chậm tiến và nghèo đói. Cần phải gia tăng tinh thần nhân đạo, nhất là đề ra những chọn lựa can đảm và luôn cập nhật khả năng chuyên môn, để cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trong việc đề nghị các kỹ năng và giải quyết các vấn đề, luôn luôn theo tiêu chuẩn nhân đạo. (SD 10-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

Đức Thánh Cha cám ơn các ân nhân hang đá và thông Giáng Sinh

cay-thong-noel-tai-vatican-2016

VATICAN. Sáng 9-12-2016, ĐTC đã tiếp kiến và cám ơn các ân nhân đã tặng hang đá và cây thông Giáng Sinh được đặt tại Quảng trường thánh Phêrô.

Trong số 1,500 người hiện diện tại buổi tiếp kiến có phái đoàn tỉnh Trento bắc Italia và nước Malta cùng với một số em bé đã thực hiện các quả châu trang trí cây thông. Trong đoàn Trento cũng có những người thuộc Hiệp hội rừng Logorai đã dành cây thông đỏ cao 25 mét, 90 tuổi, cho Tòa Thánh và nhiều cây thông nhỏ khác để trang trí ở nội thành Vatican.

ĐTC đặc biệt nhắc đến hang đá máng có do nghệ sĩ Manwel Grech người Malta thực hiện, diễn tả phong cảnh Mata và được bổ túc bằng thánh giá truyền thống của Malta cũng như con thuyền luzzu tiêu biểu của nước này, nhắc nhớ thực tại di dân đau thương trên những con thuyền vượt biên sang Italia, gợi lại cuộc tị nạn của hài nhi Giêsu.

ĐTC nói rằng: ”Những người viếng hang đá này sẽ được mời gọi tái khám phá giá trị biểu tượng của tác phẩm, là một sứ điệp huynh đệ, chia sẻ, đón tiếp và liên đới. Cả các hang đá được trưng bày tại các nhà thờ, các tư gia và bao nhiêu nơi công cộng cũng là một lời mời gọi dành chỗ cho Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và trong xã hội, vị Thiên Chúa ẩn nấp trong khuôn mặt của bao nhiêu người ở trong tình cảnh cơ cực, nghèo đói và sầu muộn'.

ĐTC cũng nhắc đến ý nghĩa cây thông giáng sinh, với quang cảnh tươi đẹp ”là một lời mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Đấng Tạo Hóa và tôn trọng thiên nhiên, là công trình của tay Chúa. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gần thiên nhiên trong tâm tình kinh ngạc chiêm ngưỡng”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”hang đá và cây thông họp thành một sứ điệp hy vọng và yêu thương, giúp kiến tạo bầu không khí giáng sinh thuận lợi để sống trong niềm tin mầu nhiệm giáng trần của Đấng Cứu Thế, đến trần gian trong sự đơn sơ và dịu dàng.”

Tại Vatican, lúc 4 giờ rưỡi chiều 9-12-2016, hang đá khổng lồ và cây thông giáng sinh đã được khánh thành tại Quảng trường thánh Phêrô và được trưng bày cho đến ngày 8-1-2017, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, kết thúc mùa Giáng Sinh.

G. Trần Đức Anh OP

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

Tỷ lệ yêu kính Đức Giáo Hoàng gia tăng nơi tín hữu Công giáo Hoa kỳ

duc-giao-hoang-phanxico-bong-tre-em

St. Leo, Fla. – Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy sự yêukính Đức Giáo hoàng Phanxicô giảm đôi chút nơi những người Mỹ trưởng thành nhưng lại gia tăng nơi các tín hữu Công giáo, so với một năm trước đây.

Cuộc bình chọn do viện thăm dò của đại học St. Leo thuộc bang Florida thực hiện, lấy ý kiến của 1001 người về mức độ yêu thích đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, từ rất yêu thích, đến hơi yêu thích, đến hơi không thích hay không thích tí nào.

Sự nổi tiếng của Đức Giáo hoàng hơi giảm, từ 65.5% vào tháng 9 xuống còn 62.6% vào tháng 11. Đối với tín hữu Công giáo trưởng thành, mức độ yêu thích ngài tăng từ 84.2% lên 85.8% so với 2 tháng trước. Marc Pugliese, trợ giảng giáo sư thần học và tôn giáo tại đại học St Leo nghĩ là sự gia tăng này có lẽ xuất phát từ sự quan tâm đến Đức Giáo hoàng khi Năm Thánh Lòng thương xót sắp kết thúc.

Tỷ lệ yêu thích Đức Giáo hoàng cao nhất là vào tháng 9 năm 2015, ngay sau khi ngài viếng thăm Hoa kỳ. Giáo sư Pugliese cho rằng vì từ tháng 9/2016, Đức Giáo hoàng không có nhiều hoạt động công khai nên mức độ yêu thích ngài giảm sút đôi chút nơi dân chúng cách chung. (CNS 09/12/2016)

Hồng Thủy

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

Sự cứng nhắc và tinh thần thế gian là thảm họa cho các linh mục

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-09-12-2016

Các linh mục là những người làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa, chứ không làm trung gian cho những bận tâm của riêng mình. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung vào những cám dỗ gây nguy hiểm cho đời phục vụ của các linh mục.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói về những người luôn bất mãn. Ngày nay có những Kitô hữu cũng thế, họ không bao giờ thỏa mãn, không hiểu được những gì Chúa dạy, không hiểu được mặc khải của Tin Mừng. Cũng thế, có nhiều linh mục không bao giờ thỏa mãn, mà luôn đi tìm những dự án mới, vì lòng các vị ấy ở xa đường lối của Chúa Giêsu. Do đó, các vị than phiền và sống cách khổ sở.

Các linh mục làm trung gian cho tình yêu Thiên Chúa  

Chúa Giêsu làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta phải đi theo con đường của Đấng trung gian là Chúa Giêsu. Trong đời thường, có những người làm trung gian, đó là họ làm một nghề và nhận lại thù lao cho nghề ấy. Nhưng ở đây, người trung gian có nghĩa hoàn toàn khác.

Vị trung gian cần hy sinh chính bản thân mình để có thể nối kết con người với Đấng ban sự sống. Cái giá phải trả chính là toàn cuộc sống, là cả mạng sống, với tất cả sự cực nhọc, với công việc phục vụ và rất nhiều thứ khác. Đây chính là trường hợp của các linh mục coi xứ. Các vị sống như thế, để có thể kết nối với đoàn chiên, kết nối với người dân, và để dẫn đưa họ đến với Chúa Giêsu. Khi làm Đấng trung gian, Chúa Giêsu hoàn toàn trút bỏ chính mình, hoàn toàn khiêm nhường đến độ trở ra như không. Thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê (2:7-8) nói rất rõ về điều này: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang… Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đây chính là con đường của Chúa, con đường của hy sinh và khiêm nhường đến tận cùng, của việc tự vét cạn chính mình, tự làm rỗng chính mình, tự hóa ra không.

Sự cứng nhắc dẫn đến việc xa lánh người dân

Một linh mục đích thực, là người trung gian và rất gần gũi với dân chúng. Vị linh mục ấy không làm việc để rồi được nhận lại cái gì đó theo kiểu một quan chức.  

Thế nhưng, có những vị trung gian thích đi dạo quanh để được người ta nhìn thấy và tán thưởng. Để làm cho mình trở thành quan trọng, vị linh mục ấy đi theo con đường của cứng nhắc và xa lánh người dân. Vị ấy không biết đến nỗi khổ của con người. Vị ấy đánh mất những gì đã được hấp thụ nơi gia đình, nơi cha mẹ, nơi ông bà và anh chị em… Khi cứng nhắc như thế, các vị ấy chất gánh nặng lên người dân mà trong khi mình chẳng làm gì. Các vị nói với dân Chúa rằng: không thể thế này, không thể thế kia… Có nhiều người dân muốn tìm một chút an ủi, một chút hiểu biết, thế mà bị gạt đi.

Vị linh mục tốt cười vui với trẻ thơ

Khi xét mình, người linh mục có thể tự hỏi: Hôm nay tôi là một người trung gian của Chúa hay tôi chỉ là một quan chức? Tôi có sống phục vụ tha nhân không? Một vị linh mục tốt, thì có khả năng quan tâm, có khả năng vui chơi và mỉm cười với trẻ thơ… Vị ấy biết cách để gần gũi những gì là bé nhỏ, với những con người bé nhỏ. Có những vị luôn buồn rầu với vẻ mặt nghiêm trọng và sa sầm nét mặt, nhưng nếu là người trung gian của Chúa, vị linh mục tốt sẽ có những nụ cười, có sự thân thiện, sự thấu hiểu và lòng cảm thông.

Có ba vị thánh là mẫu gương cho đời linh mục. Thứ nhất, thánh Policarpo giữ vững ơn gọi và đi lên giàn để chịu thiêu sống. Khi lửa cháy lên, các tín hữu xung quanh ngửi thấy mùi bánh mì. Ngài đã kết thúc cuộc đời của người trung gian của Chúa và trở thành “bánh cho các tín hữu”. Thứ hai, thánh Phanxicô Xaviê chết đang khi tuổi còn trẻ. Ngài chết trên bãi biển trong khi vẫn hướng về Trung Hoa, nơi ngài ao ước đi tới. Thứ ba, thánh Phaolô Tre Fontane bị lính bắt và giải đi ngay từ sáng sớm. Ngài biết rằng có một số người trong cộng đoàn Kitô hữu đã phản bội. Ngài đã hiến dâng chính mạng sống mình như của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Đó là ba mẫu gương mà chúng ta tìm thấy về cuộc đời của một linh mục. Đó là cái kết của người linh mục, của vị trung gian của Thiên Chúa, cái kết trên thập giá.

Tứ Quyết SJ

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 8-12-2016

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: 8-12-2016

kinh-truyen-tin-voi-duc-thanh-cha-8-12-2016

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin với gần 20 ngàn tín hữu trưa ngày 8-12-2016, ĐTC Phanxicô kêu gọi các tín hữu hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa.

Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC đã quảng diễn những ý tưởng chính trong hai bài đọc của ngày lễ: trước hết là đoạn sách Sáng Thế nói về thái độ bất tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, thích theo ý riêng hơn là tuân theo ý Chúa. Tiếp đến là đoạn Tin Mừng nói về lời thưa “Xin Vâng” của Mẹ Maria, qua đó Thiên Chúa đã nhập thể làm người, chia sẻ hoàn toàn thân phận của phàm nhân ngoại trừ tội lỗi.

ĐTC nói: ”Đức Maria đã đáp lại đề nghị của Thiên Chúa và thưa với sứ thần ”Này tôi là tôi tớ Chúa” (v.38). Mẹ không nói: “Lần này tôi sẽ thi hành ý Chúa, tôi sẵn sàng, rồi sẽ tính sau..”. Lời thưa 'xin vâng' của Mẹ hoàn toàn, vô điều kiện… Đó là lời xin vâng quan trọng nhất trong lịch sử, lời xin vâng khiêm tốn lật đổ lời phủ nhận kiêu hãnh thời nguyên thủy, lời xin vang chữa lành sự bất tuân phục, lời xin vâng sẵn sàng đảo ngược sự ích kỷ của tội lỗi”.

ĐTC nhận xét rằng: ”mỗi người chúng ta cũng có một lịch sử cứu độ với những vâng phục và bất tuân đối với Thiên Chúa. Nhưng nhiều khi chúng ta là những chuyên gia về sự vâng phục nửa chừng: chúng ta giỏi làm bộ không hiểu rõ điều Chúa muốn và điều mà lương tâm nhắc nhở chúng ta. Chúng ta cũng tinh ranh, không thưa ”không” thẳng thừng với Chúa, nhưng chúng ta nói: ”Con không có thể”, ”hôm nay không được, thôi để ngày mai!! ngày mai con sẽ làm điều thiện, sẽ cầu nguyện.. Nhưng làm như thế là chúng ta khép cửa đối với điều thiện và sự ác lợi dụng thái độ như thế của chúng ta”.

ĐTC nhấn mạnh rằng mỗi lời thưa xin vâng đối với Thiên Chúa sinh ra những lịch sử cứu độ cho chúng ta và cho tha nhân. Trong hành trình mùa vọng này, Thiên Chúa muốn viếng thăm chúng ta và chờ đợi lời thưa xin vâng của chúng ta, qua đó chúng ta nói với Chúa: ”Con tin nơi Chúa, con hy vọng nơi Chúa, con yêu mến Chúa; xin ý muốn thiện hảo của Chúa được thể hiện nơi con”.

Sau khi đọc kinh truyền tin và ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC chào thăm nhiều phái đoàn hành hương và loan báo chương trình hoạt động ban chiều của ngài: ngài đến cầu nguyện và đặt vòng hoa tại tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm ở quảng trường Tây Ban Nha. ĐTC mời gọi các tín hữu hiệp với ngài trong cử chỉ này để biểu lộ lòng sùng mộ con thảo đối với Mẹ Thiên Quốc.

Tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm trước trụ sở Bộ truyền giáo được Đức Chân phước Giáo Hoàng Piô 9 khánh thành ngày 8-9 năm 1857, tức là 3 năm sau khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Cột cao 11,81 mét trên đó có tượng Đức Mẹ đầu đội triều thiên 12 ngôi sao.

Trước đó vào ban sáng, nhiều hội đoàn và tổ chức cũng đã đến kính viếng và đặt vòng hoa tại chân cột tượng Đức Mẹ (SD 8-12-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Niềm hy vọng giúp chúng ta hoán cải và tiến tới gặp gỡ Chúa

Niềm hy vọng giúp chúng ta hoán cải và tiến tới gặp gỡ Chúa

dtc-phanxico-chuc-lanh-cho-mot-be-gai-trong-buoi-tiep-kien-chung-sang-thu-tu-7-12-2016

Niềm hy vọng kitô cần thiết trong những thời điểm đen tối của lịch sử, vì nó giứp dọn đường cho Chúa, nghĩa là trở về với Thiên Chúa, hướng con tim về Thiên Chúa và bước đi trên con đường này để tìm thấy Ngài, và chuẩn bị gặp gỡ với Hài Nhi Giêsu giáng sinh làm người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần 7-12-2016. ĐTC đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới về niềm hy vọng kitô. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói:

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới về đề tài hy vọng kitô. Thật rất quan trọng, vì niềm hy vọng không gây thất vọng. Sự lạc quan gây thất vọng nhưng niềm hy vọng thì không. Chúng ta cần nó biết bao nhiêu, trong các thời điểm xem ra tối tăm này, trong đó nhiều khi chúng ta cảm thấy bị lạc lối trước sự dữ và bạo lực vây quanh, trước nỗi khổ đau của biết bao anh chị em của chúng ta. Cần có niềm hy vọng! Chúng ta cảm thấy lạc lõng và cả một chút chán nản nữa, bởi vì chúng ta cảm thấy mình bất lực và xem ra sự tối tăm này không bao giờ kết thúc. Nhưng không được để cho niềm hy vọng bỏ rơi chúng ta, bởi vì Thiên Chúa với tình yêu của Ngài bước đi với chúng ta. “Tôi hy vọng vì Thiên Chúa ở bên tôi”: điều này tất cả chúng ta có thể nói: “Tôi hy vọng, tôi hy vọng vì Thiên Chúa bước đi với tôi. Ngài bước đi và cầm tay tôi dẫn đi.” Thiên Chúa không bỏ chúng ta một mình. Và Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ và đã mở ra cho chúng ta con đường của sự sống.

Và khi đó, đặc biệt trong mùa Vọng này, là thời gian chờ đợi, trong đó chúng ta chuẩn bị tiếp đón một lần nữa mầu nhiệm ủi an của sự Nhập Thể và ánh sáng của lễ Giáng Sinh, thật là quan trọng  suy tư về niềm hy vọng. Chúng ta hãy để Chúa dậy chúng ta biết hy vọng có nghĩa là gì. Như vậy chúng ta hãy lắng nghe các lời Sách Thánh, bắt đầu với ngôn sứ Isaia, là vị ngôn sứ lớn của mùa Vọng, là sứ giả lớn của niềm hy vọng.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: trong phần thứ hai của sách, Isaia hướng tới dân Israel với lời loan báo của sự ủi an: “"Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong.  Có tiếng hô: "Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Giavê, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu. Bấy giờ vinh quang Giavê sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy rằng miệng Giavê đã tuyên phán.” (Is 40,1-2°.3-5).

Thiên Chúa Cha an ủi bằng cách dấy lên các người ủi an, và xin họ củng cố dân, con cái Ngài, loan báo rằng thời gian lao đã hết, khổ đau đã hết, và tội lỗi đã được tha. Đây là điều chữa lành con tim sầu khổ và hốt hoảng. Vì thế ngôn sứ xin chuẩn bị đường cho Chúa, rộng mở cho các ân huệ và ơn cứu độ của Ngài.

Đối với dân sự ủi an bắt đầu với khả thể bước đi trên con đường của Thiên Chúa, một con đường mới, được uốn thẳng và có thể đi được, một con đường cần chuẩn bị trong sa mạc, để có thể đi ngang qua và trở về quê hương. Bởi vì dân chúng, mà ngôn sứ nói với, đang sống thảm cảnh cuộc lưu đầy bên Babilonia, và giờ đây nghe nói rằng có thể trở về quê hương, qua một con đường được làm cho thoải mái, rộng rãi, không có thung lũng và núi đồi. Như thế chuẩn bị con đường ấy có nghĩa là chuẩn bị một con đường của ơn cứu độ và giải thoát khỏi mọi chướng ngại và vấp ngã.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ: lưu đầy đã là một thời gian thê thảm trong lịch sử của dân Israel, khi họ đã mất tất cả, quê hương, sự tự do, phẩm giá và cả niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa nữa. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và không có niềm hy vọng. Trái lại, này đây lời mời gọi của ngôn sứ tái mở con tim cho niềm tin. Sa mạc là nơi trong đó khó sống, nhưng chính ở đấy sẽ có thể bước đi để trở về, không phải chỉ trở về quê hương, mà trở về với Thiên Chúa, hy vọng và vui cười trở lại. Khi chúng ta ở trong tối tăm, trong các khó khăn, thì nụ cuời không đến, và chính niềm hy vọng dậy chúng ta tươi cười để tìm ra con đường dẫn chúng ta tới Thiên  Chúa. Một trong những điều đầu tiên xảy ra cho những người tách rởi khỏi Thiên Chúa đó là họ không có nụ cười.

Có lẽ họ có thể cười ha hả, tràng này sau tràng khác, nói giỡn, cười cợt đấy… nhưng họ không có nụ cười. Nụ cười thì chỉ có niềm hy vọng mới trao ban cho thôi: đó là nụ cười của niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa.

Cuộc sống thường là một sa mạc, thật khó bước đi trong cuộc sống, nhưng nếu chúng ta tín thác nơi Thiên Chúa, nó có thể trở thành tươi đẹp và rộng thênh thang như một xa lộ. Chỉ cần đừng bao giờ mất niềm hy vọng, chỉ cần tiếp tục tin luôn luôn, mặc cho tất cả. Khi chúng ta đứng trước một em bé, có lẽ chúng ta có thể có biết bao vấn đề và khó khăn, nhưng nụ cười đến bên trong chúng ta, bởi vì chúng ta đứng trước niềm hy vọng: một em bé là một niềm hy vọng! Và chính như thế mà chúng ta phải nhìn trong cuộc sống con đường hy vọng đưa chúng ta tới chỗ tìm ra Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở thành Hài Nhi cho chúng ta. Và Ngài sẽ làm cho chúng ta tươi cười, Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả!

Chính các lời này của ngôn sứ Isaia đã được thánh Gioan Tẩy Giả dùng trong lời rao giảng mời gọi hoán cải: Ngài nói như thế này: “Có tiếng kêu trong sa mạc: hãy dọn đường của Chúá” (Mt 3,3). Đó là một tiếng nói kêu lên ở nơi đâu xem ra không có ai có thể lắng nghe – ai có thể nghe trong sa mạc – và kêu lên trong sự lạc lõng vì cuộc khủng hoảng lòng tin. Chúng ta không thể chối cãi rằng thế giới ngày nay đang bị khủng hoảng niềm tin. Người ta nói: “Tôi tin nơi Thiên Chúa, tôi là kitô hữu”- “Tôi thuộc tôn giáo này… “. Nhưng cuộc sống của bạn thật xa việc là tín hữu kitô; thật xa Thiên Chúa! Tôn giáo, niềm tin đã rơi vào một kiểu nói: “Tôi tin?” – “Phải”. Nhưng đây là việc trở về với Thiên Chúa, hướng con tim về Thiên Chúa và bước đi trên con đường này để tìm thấy Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta. Đó là lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả: chuẩn bị. Chuẩn bị gặp gỡ với Hài Nhi sẽ ban cho chúng ta nụ cười.

Khi Gioan Tẩy giả loan báo Chúa Giêsu đến, các người do thái như thể là còn đang sống kiếp lưu đầy, bởi vị họ ở dưới sự thống trị của Roma, khiến cho họ là những người xa lạ trong chính quê hương của mình, bị cai trị bởi những kẻ xâm lăng quyền thế, quyết định về cuộc sống của họ. ĐTC khẳng định trong bài huấn dụ:

Nhưng lịch sử đích thật – lịch sử sẽ tồn tại trong sự vĩnh cửu – là lịch sử mà Thiên  Chúa viết với các người bé mọn của Ngài: Thiên Chúa với Maria, Thiên Chúa với Giêsu, Thiên Chúa với Giuse, Thiên Chúa với những kẻ bé mọn. Các kẻ bé mọn và đơn sơ ấy chúng ta tìm thấy chung quanh Chúa Giêsu giáng sinh: ông Dacaria và bà Elidabét, là các người già cả bi ghi dấu bởi sự hiếm muộn, Maria trinh nữ trẻ được đính hôn với Giuse, các mục đồng, bị khinh miệt và không có giá trị nào. Họ là những kẻ bé mọn đã được đức tin của họ làm cho trở nên lớn, các người bé mọn biết tiếp tục hy vọng. Và niềm hy vọng là nhân đức của những kẻ bé mọn. Những kẻ lớn lao, nhừng người thoả mãn không biết tới niềm hy vọng; họ không biết nó là cái gì.

Chính những người bé nhỏ với Thiên Chúa, với Chúa Giêsu biến đổi sa mạc của lưu đầy, của cô đơn tuyệt vọng, của khổ đau, trở thành một con đường trên đó bước đến gặp gỡ vinh quang của Chúa. Và chúng ta đi tới kết luận: Vậy chúng ta hãy để cho mình được dậy dỗ hy vọng, chúng ta hãy tin tưởng chờ đợi Chúa đến, và bất cứ sa mạc nào của cuộc sống chúng ta – mỗi người biết mình đang bước đi trong sa mạc nào – cũng sẽ trở thành một ngôi vườn nở hoa. Niềm hy vọng không gây thất vọng.

ĐTC đã chào nhiều đoàn hanh hương khác nhau, đặc biệt các học sinh trường Saint Régis Saint-Michel, các tín hữu đến từ Puy và Velay cũng như thành viên hội cải tiến các bài giảng Pháp. Ngài cũng chào các phái đoàn đến từ Anh quốc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Nigeria,  Australia và Hoà Kỳ, cũng như các tín hữu đến từ Ba Lan, Bồ Đào Nha, và Đức trong đó có phong trào Schoenstadt và các tín hữu Lagundo và Bolzano. Ngài chúc mọi người mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm sốt sắng và biết noi gương Mẹ sống kết hiệp với Thiên Chúa, tín thác và thực thi  thánh ý Chúa.

Chào các tín hữu nói tiếng A rập đặc biệt một nhóm linh mục Iraq phục vụ tại Âu châu ĐTC khuyên họ đừng để mất đi niềm hy vọng là nhân đức kitô giúp nhìn xa hơn các vấn đề, các khổ đau, khó khăn và tội lỗi, và trông thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào đặc biệt  các nữ tu dòng Bác Ái, các nghệ sĩ tham gia chương trình hoà nhạc Giáng Sinh lần thứ 24, do hiệp hội “Don Bosco trên thế giới” tổ chức. Ngài chúc mọi người luôn vun trồng niềm hy vọng, và sự hiền dịu trong cuộc sống.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng thăng tiến nhân quyền

Đức Thánh Cha kêu gọi chống tham nhũng thăng tiến nhân quyền

duc-thanh-cha-keu-goi-chong-tham-nhung-va-thang-tien-nhan-quyen

VATICAN. ĐTC kêu gọi chống tham nhũng và thăng tiến các quyền con người.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung sáng ngày 7-12-2016, ĐTC nói: Trong những ngày tới đây có hai Ngày Thế giới quan trọng do LHQ cổ võ, đó là Ngày Thế giới chống nạn tham nhũng, 9-12, và Ngày Thế giới các quyền con người, 10-12. Đó là hai thực tại có liên hệ mật thiết với nhau: nạn tham nhũng là khía cạnh tiêu cực cần bài trừ, bắt đầu từ ý thức bản thân và canh chừng về những lãnh vực của đời sống dân sự, đặc biệt là những lãnh vực có nhiều rủi ro hơn;

Tiếp đến các quyền con người là khía cạnh tích cực, cần phải thăng tiến với quyết tâm luôn đổi mới, để không một ai bị loại trừ khỏi sự nhìn nhận thực sự các quyền căn bản của con người. Xin Chúa nâng đỡ chúng ta trong hai quyết tâm này (SD 7-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

Hiệp hội các nữ nhân viên Vatican

association-for-vatican-women-employees

Vatican – D.VA, “donne in Vaticano”, phụ nữ ở Vatican, là hiệp hội của các nữ nhân viên Vatican, mới được thành lập để bảo vệ quyền lợi của nữ giới.

Đây là Hiệp hội đầu tiên ở Vatican chỉ dành cho nữ giới, một Hiệp hội chỉ dành cho các nhân viên nữ đang làm việc cho Vatican, cho Tòa Thánh và các cơ quan Tòa Thánh, bao gồm tu sĩ và giáo dân, đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Hiệp hội D.VA đã được chấp thuận và hiến pháp được ký ngày 01/09/2016 tại phủ Thống đốc Vatican.

D.VA nhắm kiến tạo một mạng lưới thân hữu, trao đổi chia sẻ và hỗ tương giữa các nhân viên nữ giúp phát triển nhân bản và chuyên môn nghề nghiệp. D.VA cũng muốn bày tỏ sự quan tâm với các phụ nữ kém may mắn để xoa dịu những đau khổ. Các thành viên cũng ao ước hiện thực các chương trình và các đóng góp cho các phụ nữ Kitô giáo khác.

Các vị Giáo hoàng sau này đã đánh giá cao và tôn trọng đối với các phụ nữ. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói:  “Giáo hội không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ.”

Hiện tại đã có hơn 50 nữ nhân viên thuộc 16 cơ quan khác nhau đã ghi danh cho năm 2017. Chủ tịch của D.VA là Tracey McClure, và phó chủ tịch là Romilda Ferrauto.

Được biết hiện nay có hơn 750 người nữ làm việc chính thức tại Vatican, chiếm 19% tổng số nhân viên Vatican. Vatican là quốc gia duy nhất trong đó các nhân viên nam giới và nữ giới được trả lương bằng với nhau.

Sô nhân viên nữ tại Vatican gia tăng trong những thập niên cuối. Nữ nhân viên đầu tiên có hợp đồng làm việc cho Vatican là Anna Pezzoli, bắt đầu làm việc từ tháng 02/1915. (SD 07/12/2016)

Hồng Thủy

(Thi Thuy le)

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn của Tuần Báo Tertio, Bỉ

Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn của Tuần Báo Tertio, Bỉ

duc-thanh-cha-tra-loi-phong-van-cua-tuan-bao-tertio-bi

VATICAN. Hôm 7-12-2016, một cuộc phỏng vấn dài ĐTC Phanxicô dành cho tuần báo Công Giáo Tertio ở Bỉ đã được công bố.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC đề cập đến những thành quả của Năm Thánh Lòng Thương Xót, đặc tính trung lập về tôn giáo của Nhà Nước, mong ước một Giáo Hội công nghị, trách nhiệm của những người làm việc trong ngành truyền thông, và sau cùng là một số lời khuyên dành cho các LM.

ĐTC đặc biệt phê bình thái độ duy thế tục (laicismo) hay đúng hơn là thái độ bài tôn giáo của một số nhà nước, một thái độ khép kín đối với chiều kích siêu việt, một thứ gia sản cho chủ thuyết soi sáng để lại. Đồng thời ĐTC ca ngợi Nhà nước trung lập về tôn giáo (laico) và gọi chủ trương này tốt đẹp hơn thứ nhà nước thiên riêng về một tôn giáo.

ĐTC tái lên án sự lạm dụng tôn giáo để thực thi bạo lực và ngài nhận xét rằng trong tôn giáo nào cũng có những nhóm cực đoan duy căn. Những nhóm thiểu số này làm cho tôn giáo của họ trở nên bệnh hoạn và gây chia rẽ trong cộng đoàn, và đó cũng là một hình thức chiến tranh.

ĐTC cũng tái lên án những người miệng thì nói là ”Không bao giờ chiến tranh nữa”, nhưng trong khi đó họ chế tạo võ khí và bán cho chính những người đang giao chiến, để mang lợi nhuận cho những người chế tạo võ khí.

Về Năm Thánh Lòng Thương Xót, ĐTC nói biết ý tưởng ấn định Năm Thánh đến với ngài qua cuộc nói chuyện với Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng. Đó là một ý tưởng đến từ trên cao, do Chúa soi sáng. Ngài cũng nhận định rằng sự kiện Năm Thánh không phải chỉ diễn ra ở Roma, nhưng trên toàn thế giới, đã tạo nên một ”phong trào”. Nhiều người còn nói họ cảm thấy được kêu gọi hòa giải với Thiên Chúa, cảm thấy sự vuốt ve của Chúa Cha”.

Đề cập đến công nghị tính của Giáo Hội, ĐTC cho biết ngài mong muốn một Giáo Hội công nghị, Giáo Hội nảy sinh từ cộng đoàn, từ hạ tầng. Có thứ Giáo Hội kim tự tháp, trong đó Phêrô nói và Phêrô làm, và có Giáo Hội công nghị trong đó Phêrô là Phêrô, nhưng đồng hành với Giáo Hội. Kinh nghiệm phong phú hơn về tất cả những điều đó là hai Thượng HĐGM vừa qua về gia đình, trong đó nảy sinh Tông Huấn Amoris laetitia, Niềm vui yêu thương. Đó là công nghị tính (sinodalità), không đi xuống từ trên cao, nhưng lắng nghe các Giáo Hội, hòa hợp và phân định. Phêrô là người bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo Hội và cần tiến bước trong công nghị tính, đó là một trong những điều mà các tín hữu Chính Thống còn bảo tồn được”.

Về những người làm việc trong ngành truyền thông, ĐTC đề cao các phương tiện này, nhưng đồng thời ngài cảnh giác trước cám dỗ trở thành những phương thế để vu khống, mạ lỵ và hủy điệt con người. Sự loan tin xuyên tạc có thể là tai hại lớn nhất mà một phương tiện truyền thông có thể gây ra, nó lèo lái dư luận theo một chiều hương, và bỏ qua khía cạnh sự thật.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC kêu gọi các linh mục hãy luôn yêu mến Mẹ Maria và đừng bao giờ cảm thấy mình bị mồ côi, trái lại hãy để cho mình được Chúa Giêsu nhìn và hãy tìm kiếm thân mình đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người anh em mình. Ngài nói: ”Các linh mục đừng xấu hổ vì có sự dịu dàng. Ngày nay cần phải có một cuộc cách mạng về sự dịu dàng trong thế giới này, một thế giới đang bị thứ bệnh cứng tim”. (SD 7-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

Đức Thượng Phụ Chính Thống được tặng giải thưởng đại kết

duc-thuong-phu-chinh-thong-duoc-cong-giao-tang-giai-thuong-dai-ket

BARI. Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo Chủ Chính Thống Constantinople, đã được trao tặng giải thưởng đại kết thánh Nicola hôm 5-12-2016 tại thành phố Bari, nam Italia, nơi có di hài của thánh Nicola.

Trong điện văn chúc mừng Đức Thượng Phụ, cũng là giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, ĐTC Phanxicô gọi giải thưởng này là một ”sự nhìn nhận đầy ý nghĩa” và là ”một dấu chỉ biết ơn đối với Đức Thượng Phụ vì sự dấn thân thăng tiến sự hiệp thông ngày càng sâu đậm hơn giữa tất cả những người tin nơi Chúa Kitô”.

Giải thưởng do Phân khoa thần học miền Puglia, nam Italia, trao tặng. Trong điện văn gửi đến Đức Cha Francesco Caccucci, TGM giáo phận Bari-Bitondo sở tại, ĐTC Phanxicô cũng cho biết ngài hiệp ý với Đức Bartolomaios, ”người anh em rất quí mến”, để tôn kính thánh Nicola, GM thành Myra, có hài cốt được giữ tại Bari từ gần 1 ngàn năm nay. Ngài phó thác cho sự chuyển cầu của Thánh Nicola rất được kính mến tại Đông và Tây Phương, lời cầu nguyện chung, xin cho các tín hữu Kitô đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn hằng mong ước”.

Trong diễn văn tại Vương cung thánh đường thánh Nicola khi nhận giải thưởng, Đức Thượng phụ khẳng định rằng các tôn giáo có một vai trò cơ bản ”trong việc kiến tạo, khởi xướng và củng cố một nguyên tắc hiệp thông để cộng tác và cảm thông lẫn nhau, nhờ đó đẩy lui được những trào lưu cực đoan duy căn trong tất cả các xã hội và tôn giáo, và kiến tạo quan hệ mới giữa các dân tộc”.

Đức Thượng Phụ Bartolomaios cũng cho biết ngài đón nhận giải thưởng này như một ”dấu chỉ ngôn sứ về sự hiệp nhất của tất cả các Hội Thánh của Thiên Chúa” và nói rằng: ”Hành trình thần học giữa các Giáo Hội chúng ta và tình yêu thương, tôn trong và cộng tác với nhau là một trong những đặc điểm cơ bản”.

Thành Bari cách Roma gần 460 cây số về hướng đông nam. Trong số các tín hữu đến hành hương tại đền thánh Nicola, có rất nhiều tín hữu Chính Thống Nga (Asia News 5-12-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Tổ chức New Humanity của Pime kết thúc hoạt động ở Campuchia

Tổ chức New Humanity của Pime kết thúc hoạt động ở Campuchia

pime-logo

Kompong Chhnang, Campuchia – Ngày hôm nay, 06/12/2016, tại Kompong Chhnang, tổ chức phi chính phủ New Humanity của Hội truyền giáo hải ngoại (PIME) đã chính thức kết thúc các dự án và trao các hoạt động của tổ chức này cho các tổ chức và các giáo phận địa phương.

Buổi lễ diễn ra với sự hiện diện của Đức cha Olivier Schmitthaeusler, đại diện Tông tòa, các vị Phủ doãn Tông tòa của Battambang và  Kompong Cham, chính quyền dân sự, các nhân viên của tổ chức New Humanity, các thừa sai Pime, các thừa sai giáo dân Cml và hàng trăm người, đặc biệt là gia đình của các trẻ em và thanh thiếu niên khuyết tật đã được tổ chức New Humanity giúp đỡ trong những năm qua.

Phát biểu trong buổi lễ, cha Davide Sciocco, phó Tổng quyền của hội Pime nói: “Có thể người ta nghĩ việc này là kết thúc, nhưng chúng tôi thích xem đây là một khởi đầu mới. Chúng tôi tin là mục đích cuối cùng của mỗi tổ chức giúp phát triển là giúp dân chúng trở nên độc lập hơn và đó là điều đang diễn ra hôm nay.” Cha bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy, sau 20 năm, tất cả dự án của hội Pime được các tổ chức và giáo phận địa phon điều hành. Cha nói: “Bây giờ, New Humanity có thể chuyển trao các hoạt động và mở rộng nó tại các quốc gia khác. Đây là một kết quả lớn lao và khởi đầu của một giai đoạn mới.” Ngài cám ơn nhân viên của New Humanity ở Campuchia, chính quyền địa phương và quốc gia đã trợ giúp Giáo hội Công giáo và cám ơn sự sẵn sàng giúp đỡ trong tương lai.

Trong những năm cuối, New Humanity chú trọng đến các hoạt động trợ giúp và hội nhập các người khuyết tật thể lý và tâm lý, với hoạt động đặc biệt nhắm gây ý thức và huấn luyện gia đình.

Từ một thời gian trước, các hoạt động của New Humanity đã được trao cho các tổ chức địa phương, đặc biệt là tổ chức phi chính phủ của phủ doãn Tông tòa Battambang, sau hai năm cùng làm việc chung. Quá trình chuyển giao được tổ chức theo cách giúp cho công việc có thể tiếp tục hoạt động ở mức độ cao hơn.

Tổ chức New Humanity của Pime bắt đầu hoạt động tại Campuchia từ năm 1992. Trong 24 năm hoạt động, tổ chức đã thực hiện các dự án như: thành lập phân khoa xã hội học tại đại học Phnom Penh; chương trình nông nghiệp; chương trình giáo dục và khuyết tật. (Asia News 07/12/2016)

Hồng Thủy

Biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa

Biết giáo lý của Chúa Kitô có nghĩa là nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa

thanh-le-tai-nha-nguyen-marta-06-12-2016

Ai không nhận biết sự hiền từ của Thiên Chúa thì không biết đạo lý của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta. Ngài tập trung diễn giải về ông Giuđa trong Tin Mừng.

Ông Giuđa là con chiên bị lạc

Trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa vui khôn tả khi tìm thấy con chiên lạc, và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm mỗi người chúng ta. Thiên Chúa là một thẩm phán, một quan tòa, nhưng là vị thẩm phán đầy lòng từ nhân, vì Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài không kết tội nhưng là cứu vớt, vì Ngài kiếm tìm và yêu mến từng người chúng ta. Ngài không yêu thương theo kiểu chung chung, kiểu yêu mến một đám người. Ngài yêu mến từng người và gọi tên từng người. Ngài yêu mến trong cái hiện tại của người ấy, như chính người ấy là.  

Con chiên bị lạc, không phải vì không biết đường. Con chiên ấy biết đường, nhưng anh ta lạc mất vì tâm hồn anh đen tối mù quáng bởi những xâu xé. Anh ta rời xa Thiên Chúa, đi vào bóng tối và sống lối sống hai mặt. Anh ta chạy khỏi ràn chiên để đi vào đêm tối. Chúa biết tất cả những điều ấy và Ngài kiếm tìm chiên lạc. Để giúp chúng ta hiểu được thái độ của Chúa đối với con chiên lạc, chúng ta hãy nhìn cách Chúa đối xử với ông Giuđa.

Giuđa luôn có cái gì đó cay đắng trong tâm hồn, luôn có cái gì đó để trách móc người khác. Ông không cảm nhận được sự dịu ngọt của lòng biết ơn khi sống với mọi người. Ông luôn không thỏa mãn và ông không hạnh phúc, không vui vẻ! Ông trốn chạy vì ông như kẻ trộm cắp… Ông muốn chạy trốn vì bóng tối bao trùm trái tim ông và tách ông ra khỏi đàn chiên. Ngay cả các Kitô hữu ngày nay, cũng có nhiều người sống kiểu hai mặt, và thật đau lòng để nói rằng, cũng có những linh mục, giám mục sống như thế. Ông Giuđa cũng là một giám mục, là giám mục đầu tiên sống kiểu ấy? Con chiên lạc. Cha Mazzolari có một bài giảng rất hay khi Cha gọi ông Giuđa là người anh em: “Này người anh em Giuđa, chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn của anh đó?” Chúng ta cần hiểu về con chiên lạc. Trong bản thân chúng ta, cũng luôn có một chút gì đó, một chút gì đó là chiên lạc.

Sự sám hối của ông Giuđa

Điều gì làm cho con chiên trở thành chiên lạc? Đó là sự yếu đuối của tâm hồn và ma quỷ lợi dụng điều ấy. Giuđa bị xâu xé trong nội tâm, trở thành chiên lạc, và vị mục tử vẫn kiếm tìm. Nhưng Giuđa không hiểu điều ấy và đã kết thúc cuộc đời của mình, khi ông nhìn về lối sống nước đôi của mình trong cộng đoàn, về những gì mà thần dữ gieo rắc trong nội tâm đen tối. Điều ấy làm cho ông chạy trốn, chạy mãi. Ông đi tìm ánh sáng, nhưng không phải là ánh sáng của Chúa mà là ánh sáng trang trí theo kiểu đèn Giáng Sinh, tức là thứ ánh sáng nhân tạo. Nhìn như thế, chúng ta sẽ tuyệt vọng.

Trong Kinh Thánh có nói: Thiên Chúa là Đấng tốt lành và Ngài không bao giờ ngừng tìm kiếm từng con chiên. Cũng trong Kinh Thánh có nói: Giuđa treo cổ tự vẫn và “hối hận”. Tôi không biết, có thể những lời ấy làm cho chúng ta bối rối. Lời ấy có nghĩa gì? Cho đến tận cùng, tình yêu mến của Thiên Chúa vẫn hoạt động nơi tâm hồn con người, ngay cả trong lúc thất vọng. Đây là thái độ của Chúa Giêsu. Đây là sứ điệp, là tin vui mở đường cho chúng ta đón Giáng Sinh và cũng gọi hỏi chúng ta về niềm vui chân thành để biến đổi tâm hồn. Điều ấy dẫn chúng ta tới niềm vui trong Chúa, chứ không phải kiểu an ủi của việc chạy trốn thực tại hoặc chạy trốn khỏi một tâm hồn bị dày vò.

Sức mạnh của Thiên Chúa chính là lòng nhân hiền của Ngài

Khi đi tìm chiên lạc, Chúa Giêsu không xúc phạm con chiên ấy cho dù những gì con chiên ấy đã làm là xấu xa. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu gọi ông Giuđa là “người bạn”. Đó là sự quan tâm của Thiên Chúa.

Ai không nhận biết sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa, thì không biết giáo lý của Chúa Kitô. Ai từ chối sự quan tâm của Thiên Chúa, thì là con chiên lạc! Đây là tin mừng, là niềm vui đích thực mà chúng ta ngày nay ước muốn. Đây là niềm vui, niềm an ủi mà chúng ta kiếm tìm: Thiên Chúa đến trong quyền năng của Ngài, Đấng quan tâm chăm sóc chúng ta, viếng thăm chúng ta, cứu chữa chúng ta, đi tìm chúng ta là chiên lạc, và đưa chúng ta trở về đàn chiên trong Hội Thánh của Người. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng ấy, để chúng ta mong chờ Giáng Sinh với tất cả những thương tích và tội lỗi của chúng ta, và chân thành nhìn nhận điều ấy, để chờ mong quyền năng của Chúa, Đấng sẽ đến để ủi an chúng ta. Ngài đến trong quyền năng của Ngài, nhưng quyền năng ấy chính là lòng từ nhân, là sự quan tâm phát xuất từ chính cõi lòng, từ trái tim nhân lành vô cùng của Ngài, đến nỗi Ngài trao tặng chính sự sống của Ngài cho chúng ta.

Tứ Quyết SJ