Vị tử đạo Lituania đầu tiên dưới thời Sô viết được phong chân phước

Vị tử đạo Lituania đầu tiên dưới thời Sô viết được phong chân phước

Vác-sa-va, Ba lan – Ngày 25/06 tới đây, Đức tổng giám mục Teofilius Matulionis, giám mục người Lituani bị giết trong nhà tù cộng sản sẽ trở thành chân phước tử đạo đầu tiên trong thời kỳ cộng sản ở Lituani.

Lễ phong chân phước dự kiến được cử hành tại Vilnius, thủ đô Lituani.  Sẽ có khoảng 30 ngàn người, bao gồm các giám mục và linh mục hải ngoại cũng được dự kiến sẽ tham dự thánh lễ.

Đức tổng giám mục Gintaras Grusas của Vilnius, chủ tịch hội đồng giám mục Lituani nói: “Ngoài việc là vị tử đạo đầu tiên dưới thời Sô viết được giáo hội hoàn vũ nhìn nhận, Đức tổng giám mục Matulionis cũng là người Lituani đầu tiên được phong thánh trên quê hương mình. Đức tổng Grusas cũng nhận định: “đức tin triệt để trong việc tìm kiếm chân lý bằng mọi giá” của đức tổng Matulionis để lại một sứ điệp hấp dẫn, đặc biệt đối với người trẻ, những người sẽ tham dự đại hội giới trẻ kéo dài 2 ngày trước lễ phong chân phước.

“Trước những căng thẳng hiện thời trên thế giới, lời mời gọi kiên trì trong hòa bình và đi theo ý Chúa, nhận biết rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những điều chúng ta cần, luôn quan trọng”, đức tổng Grusas nhận xét. Ngài nói thêm: “Chứng kiến đức tin của một người không cần thiết phải là đi đến cái chết. Có những hình thức bách hại nhẹ hơn đang xảy ta hàng ngày trong xã hội chúng ta, và đòi chúng ta phải can đảm đối diện.”

Đức tổng Matulionis sinh năm 1873 tại Kudoriskis, đông bắc Lituani. Ngài được truyền chức vào năm 1900 tại Petersburg, Nga. Năm 1923, trong cuộc xử đức tổng giám mục Jan Cieplak và một số giáo sĩ Công giáo, ngài bị kết án tù 3 năm. 6 năm sau khi được ra tù, ngài được bí mật truyền chức giám mục, nhưng sau đó bị gửi đến nhà tù Solovski  trên quần đảo Solovetsky, miền Bạch hải.

Năm 1933, trong một cuộc trao đổi tù binh, Đức tổng Matulionis được trở về Lituani và giúp phổ biến lòng sùng kính Thánh Tâm khi làm tuyên úy quân đội. Năm 1943, ngài được bổ làm giám mục Kaisiadorys và bị bắt vào năm 1946 vig từ chối cộng tác với lực lượng Sô viết chiếm đóng Lituani. Ngài bị gửi đến một số nhà tù và chỉ vào năm 1956, khi được trả tự do, ngài khôi phục nhiệm vụ giám mục cách bí mật.

Đức Giáo hoàng Gioan XXIII thăng ngài làm tổng giám mục vào năm 1962, nhưng chính quyền Sô viết không cho phép ngài dự Công đồng chung Vatican II, và ngày 20/08/1962, ngài bị chích thuốc độc chết. Người ta tin là một y tá cảnh sát KGB (tình báo Sô viết ) đã thực hiện.

Án phong thánh cho Đức tổng Matulionis được bắt đầu năm 1990, sau khi Lituania được độc lập khỏi sự cai trị của Sô viết và tháng 12/2016, Đức giáo hoàng đã ra sắc lệnh nhìn nhận sự tử đạo của ngài.

Đức tổng giám mục Grusas nói đức  tổng giám mục Matulionis tử đạo đã dâng những đau khổ của mình để cầu cho nước Nga trở lại, đồng thời cũng thúc đẩy giáo hội tiến bước qua việc giáo dục các giáo sĩ ở lại với đàn chiên ngay cả khi có nghĩa là bách hại và lưu đày. (CNS 09/06/2017)

Hồng Thủy

Trong thời khắc đen tối nhất của cuộc sống thì nên làm gì?

Trong thời khắc đen tối nhất của cuộc sống thì nên làm gì?

Ngay cả trong những thời khắc đen tối, buồn thảm và đau thương nhất, ngay cả khi bị lăng mạ sỉ nhục cáo gian, vẫn chọn con đường của cầu nguyện của kiên nhẫn và đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa; chứ không chạy theo trò lừa dối của những thứ phù vân. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Từng trải những đau khổ tột cùng

Đừng để cho mình bị đánh lừa bởi cái hào nhoáng bề ngoài của những thứ phù vân, nhưng hãy để cho lòng mình biết mở ra đón nhận niềm vui đến từ Thiên Chúa, biết tạ ơn Ngài vì những ơn lành, vì ơn chữa lành mà Ngài ban cho chúng ta.

Bài đọc trích sách Tobia kể lại câu chuyện rất đời thường. Ông Tobit chuyên làm việc lành phúc đức là đi chôn xác kẻ chết. Nhưng rồi ông bị mù, và có lần do vợ chồng chưa hiểu ý nhau, mà bà vợ đã la mắng ông Tobit rằng: ông coi, ông làm việc lành mà giờ lại bị mù như thế. Ông Tobit có con trai là Tobia. Vợ của Tobia là Sara. Cô Sara cũng chịu nhiều đau khổ, vì bị mang tiếng là sát chồng. Vì thực sự trước khi lấy Tobia, cô Sara đã có nhiều đời chồng, các người chồng ấy đều chết, nhưng lý do không phải do Sara. Như thế, cả ông Tobit và con dâu là Sara đều phải chịu nhiều thử thách và bị sỉ nhục, nhưng cả hai đều đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa.

Chỉ biết cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng

Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm từng trải những thời khắc khó khăn cùng cực. Có thể kinh nghiệm ấy chưa phải là tột độ, nhưng cũng đủ để chúng ta biết được kinh nghiệm ấy có cảm giác thế nào, thế nào là bóng tối, là đau buồn, là khó khăn, chúng ta biết những điều ấy.

Khi đối diện với sự khủng hoảng, cô Sara từng nghĩ: nếu tôi treo cổ tự tử thì tôi sẽ làm cho cha mẹ đau khổ. Cô đã dừng lại và cầu nguyện. Khi gặp cay đắng, ông Tobit nói: đây là cuộc sống của tôi, nào chúng ta hãy tiến bước, tiến bước trong cầu nguyện và cầu nguyện. Đó là thái độ có thể cứu chúng ta trong những đêm đen: thái độ cầu nguyện. Cả cô Sara và ông Tobit đều đau khổ nhưng biết kiên nhẫn trong cầu nguyện, vì hy vọng Thiên Chúa sẽ lắng nghe, vì hy vọng rồi đây mình sẽ có thể vượt qua những khổ đau ấy. Những khi buồn bã chán nản và đen tối nhất, đừng quên: cầu nguyện, kiên nhẫn và hy vọng.

Lời nguyện tạ ơn

Câu chuyện trong sách Tobia kết thúc có hậu, nhưng không phải như những cái kết của tiểu thuyết. Sau thời gian chịu thử thách và đau khổ, Thiên Chúa đã lắng nghe họ, đã chữa lành họ, và các vị ấy cảm tạ Thiên Chúa, mở rộng tâm hồn với lời nguyện tạ ơn.

Trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, chúng ta có biết nhận diện những chuyển động khác nhau trong tâm hồn hay không. Làm như thế để nhận biết những thời điểm khó khăn thách đố, để biết cầu nguyện, biết kiên nhẫn và một chút hy vọng. Làm như thế, để tránh bị rơi vào sự trống rỗng hư vô, để trong cầu nguyện chúng ta biết rằng có Chúa luôn đồng hành và Ngài sẽ sớm ban niềm vui cho chúng ta. Cô Sara đã sống điều ấy. Cô không tự vẫn, nhưng biết cầu nguyện. Tobit cũng thế, ông chờ đợi trong cầu nguyện và hy vọng Chúa sẽ cứu. Và rồi Thiên Chúa đã cứu cô Sara, Thiên Chúa cũng cứu ông Tobit.

Dịp cuối tuần này, chúng ta hãy đọc sách Tobia, hãy nài xin ân sủng của Thiên Chúa, để biết cách sống trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, để biết cách sống trong những thời điểm tươi sáng, để không bị lừa gạt bởi những thứ phù vân hư không.

Tứ Quyết SJ

Đức thượng phụ Sako và các giám mục thăm các vùng của Mosul bị ISIS chiếm

Đức thượng phụ Sako và các giám mục thăm các vùng của Mosul bị ISIS chiếm

Mosul, Iraq – Sau 3 năm Mosul bị các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo chiếm đóng, đức Thượng phụ Canđê Louis Raphael Sako đã có thể trở lại thành phố miền bắc Iraq này, viếng thăm các nhà thờ và đan viện bị tàn phá ở thành phố này.

Đồng hành với đức Thượng phụ Sako có đức tổng giám mục Ramzi Garmou – lãnh đạo giáo tỉnh Canđê ở Teheran, đức cha Habib al Nawfali – đứng đầu giáo phận Canđê Bassora và đức cha Basel Salim Yaldo – giám mục Canđê, phụ tá giáo phận Baghdad. Cũng có vài nhân vật chính trị của tỉnh Ninivê cùng đi với đoàn Công giáo Canđê.

Phái đoàn đã viếng thăm các nhà thờ và đan viện rải rác tại vùng bị ISIS chiếm đóng trước đây như nhà thờ Canđê Chúa Thánh Thần, đan viện thánh George, nhà thờ chính thống Siria thánh Ephrem và nhà thờ Truyền tin của Công giáo Siria. Tất cả các nơi được thăm viếng đều bị tàn phá, cướp bóc và phá hủy trong những năm ISIS chiếm đóng. Phái đoàn đã cầu nguyện tại các nơi thánh bị đổ nát.

Đức Thượng phụ Sako và phái đoàn cũng gặp tổng chỉ huy Najim Abdullah al Juburi – chỉ huy quân đội Iraq giải phóng Mosul. Ông hy vọng các Kitô hữu di tản sau khi thành phố rơi vào tay ISIS sẽ mau chóng trở về Mosul và nhấn mạnh rằng “không có các Kitô hữu, thành phố sẽ mất đi bản sắc và căn tính nguyên thủy của nó.” Ông cũng nhấn mạnh sự dấn thân của quân đội Iraq để bảo vệ các thành phố và làng mạc rải rác trong vùng bình nguyên Ninivê và cho phép người dân trở về.

Đức thượng phụ kêu gọi bảo vệ tài sản của các Kitô hữu tản cư mà hiện tại có nguy cơ bị các nhóm có vũ khí chiếm giữ bất hợp pháp.

Các phương tiện truyền thông của tòa thượng phụ và của Ishtar TV cũng thông tin về cuộc viếng thăm. Đức thượng phụ và các giám mục có thể chắc chắn rằng đời sống xã hội đang dần ổn định lại ở Mosul, trong khi các ngài vẫn nghe tiếng pháo từ các đô thị bên tả ngạn sông Tigre – nơi vẫn diễn ra các cuộc giao tranh giữa quân đội Iraq và dân quân ISIS. (Agenzia Fides 09/06/2017)

Hồng Thủy

Tuổi thơ bị đánh cắp

Tuổi thơ bị đánh cắp

Ngày 01.06 vừa qua, thế giới đã cử hành ngày quốc tế trẻ em. Nhân dịp này, tổ chức thiện nguyện Save The Children, cứu trẻ em, đã công bố bản chỉ tiêu hoàn vũ đầu tiên về tuổi thơ bị chối bỏ trên khắp trái đất, mang tựa đề Tuổi thơ bị đánh cắp.

Tài liệu phác họa thảm cảnh của nhiều trẻ em ở 172 quốc gia toàn thế giới, theo đó, 263 triệu trẻ em, tức 1/6 tổng số thiếu nhi hoàn vũ, không được cắp sách đi học; 168 triệu em, tức là nhiều hơn tổng số trẻ em đang sống ở Châu Âu, phải lao động trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp khác nhau để kiếm sống, trong đó có nhiều môi trường đe dọa trầm trọng sức khỏe các em cả về mặt thể xác cũng như về mặt tinh thần. 6 triệu em phải chịu chết trước khi đầy 5 tuổi mỗi năm vì những chứng bệnh có thể phòng ngừa dễ dàng như sưng phổi, tiêu chảy và sốt rét, trong khi 156 triệu em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng nặng đến độ đe dọa sức lớn mạnh của các em.

Tài liệu chỉ tiêu của tổ chức Cứu Trẻ em cho biết thêm là khoảng 28 triệu em, tức cứ 1 trên 80 em, phải bỏ nhà cửa trốn chạy đi nơi khác vì chiến tranh loạn lạc hay bị bách hại. Chỉ trong năm 2015, trên toàn thế giới có ít nhất 75 ngàn trẻ thơ hay thiếu niên dưới 20 tuổi bị thảm sát, bình quân là hơn 200 em mỗi ngày. 15 triệu trẻ nữ lập gia đình khi chưa đủ 18 tuổi, thường là với những người chồng lớn hơn nhiều vì bị gia đìình ép buộc. Trong số này, 4 triệu em chưa đầy 15 tuổi, với bao nhiêu hệ lụy thê thảm cho tương lai các em.

Cứ mỗi 2 giây đồng hồ, trên thế giới, có một thiếu nữ dưới 19 tuổi sinh con, tức trong một năm có khoảng 17 triệu sản phụ còn là trẻ con. Nước Niger bên Phi Châu đứng đầu trong danh sách trẻ nữ bị tảo hôn này, với 60% tổng số thiếu nữ từ 15 đến 19 tuổi có gia đình. Hiện tượng này gây ra nhiều hậu quả tai hại cho các em, trước hết là các em phải từ bỏ khả thể được giáo dục hầu xây dựng một tương lai vững chắc và tươi đẹp hơn, kế đến các bà vợ bà mẹ còn trong tuổi con nít này phải đối diện với nguy hiểm bị nhiễm các chứng bệnh tình dục, bị bạo hành trong bốn bức tường gia đình hay bị đe dọa tính mạng khi sinh nở. Thai sản là nguyên do thứ 2 gây ra cái chết cho các thiếu nữ tuổi từ 15 đến 19 trên toàn thế giới.

Ngoài ra, nạn nghèo khổ và thiếu học của các bà mẹ cũng ảnh hưởng rất tiêu cực trên tỷ lệ trẻ em chết yểu. Chẳng hạn tại Indonesia, Philippine và Senegal, các em chào đời trong cảnh khó nghèo có khả thể chết sớm hơn các trẻ giàu có hơn gấp 3 lần. Tại Nigeria, các trẻ em có mẹ thiếu học có khả năng chết sớm hơn gấp 3 lần so với con cái của các phụ nữ có học thức bậc trung học cấp 2.

Về mặt giáo dục, Nam Sudan với 67% là quốc gia đứng đầu thế giới về con số trẻ em không được cắp sách đi học; tiếp đến là Eritrea với 63%; Gibuti 60% và Niger 55%. Trái lại, Pháp là quốc gia có ít trẻ em không đi học nhất thế giới, chỉ 0,3%, kế đó là Tây Ban Nha và Anh quốc với 0,7%. Con em các gia đình phải tản cư tỵ nạn có nguy cơ phải bỏ học nhiều hơn là các trẻ em khác. Nạn bạo lực người trẻ cũng là một yếu tố đáng chú ý. Theo tài liệu của tổ chức Cứu trẻ em mới công bố, mỗi ngày trên thế giới có trên 200 trẻ em hay thiếu niên chết thảm vì bạo lực băng đảng, đứng đầu là các nước Nam Mỹ và quần đảo Caraibi.

(Tổng hợp: Adn/Ansa/Agi 01.06.2017)

Mai Anh

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

Đức Thánh Cha gặp 6 vị lãnh đạo HĐGM Venezuela

VATICAN. Lúc 10 giờ sáng 8-6-2017, ĐTC Phanxicô đã tiếp kiến 6 vị thuộc Ban Chủ tịch HĐGM Venezuela theo lời thỉnh cầu của chính các vị lãnh đạo của Hội đồng này.

Tham dự buổi tiếp kiến này có Đức TGM Chủ tịch Diego Padrón, hai Đức Cha Phó Chủ tịch và Đức Cha Tổng thư ký. Ngoài ra có hai vị Hồng Y người Venezuela là Jorge Urosa Savino, và Baltazar Porras.

Các GM đã trao đối với ĐTC về tình hình khủng hoảng trầm trọng tại Venezuela.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngày gặp gỡ với ĐTC, ĐHY Jorge Urosa Savino, TGM giáo phận thủ đô Caracas của Venezuela tố giác rằng tổng thống Nicolas Maduro lèo lái hình ảnh của ĐTC, ông muốn ”trình bày ĐHY như người bạn của chính phủ Venezuela, nhưng các GM chúng tôi muốn loại bỏ sự lèo lái này, để chứng tỏ rằng chúng tôi đứng về phía nhân dân Venezuela đang chịu đau khổ rất nhiều và chúng tôi đoàn kết với ĐTC”.

Theo ĐHY Savino, tổng thống Maduro đã mất hậu thuẫn của nhân dân, vì thế ông đề ra dự án cải tổ hiến pháp để thiết lập một chế độ độc tài, cộng sản, duy vật và quân phiệt”, trái ngược với quyền lợi của tất cả mọi người, nhất là những người nghèo nhất”.

ĐHY cũng khẳng định rằng ”con đường để ra khỏi tình trạng chính trị hiện nay ở Venezuela vẫn là những phương thế đã được ĐHY Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đề ra hồi tháng 12 năm ngoái, đó là thiết lập con kênh nhân đạo cho lương thực và thuốc men, trả lại quyền cho quốc hội, trả tự do cho các tù nhân chính trị, lập lịch trình bầu cử dân chủ. ”Cộng đồng quốc tế phải hiểu và thấy rõ tình trạng ở Venezuela mỗi ngày trở nên trầm trọng hơn, bạo lực hơn, nơi mà dân chúng chết vì đói. Quốc tế cần phải làm cho chính phủ Venezuela hiểu rằng chính phủ phải giải quyết những vấn đề hiện nay nếu không thì phải từ nhiệm và ấn định cuộc bầu cử để đất nước có một tổng thống mới' (Ansa 7-6-2017)

Liên đới

Mặt khác, hãng tin Fides của Bộ truyền giáo cho biết: Giáo phận Cúcuta ở Colombia, đã mở một ”nhà qua đường” từ ngày 5-6 vừa qua để giúp đỡ những người dân Venezuela ở biên giới đến tìm lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.

Nhà qua đường này được gọi là ”Nhà Chúa Quan Phòng” nhắm giúp đỡ hàng ngàn người dân Venezuela đi qua biên giới vào Colombia láng giềng để tìm kiếm trợ giúp, trước tình hoảng trầm trọng của đất nước về mặt xã hội, chính trị và kinh tế.

Nhà Chúa Quan Phòng tọa lạc gần giáo xứ thánh Phêrô Tông Đồ, ở vùng La Parada, có diện tích hơn 1,500 mét vuông, được sự hỗ trợ của các phong trào tông đồ, các cộng đoàn giáo xứ, đại học và những người thiện chí. Nhà này có thể tiếp đón mỗi ngày khoảng 500 người đến tìm lương thực, và cả những trợ giúp về tinh thần và mục vụ.

Đức Cha Victor Manuel Ochoa Cadavid, GM giáo phận Cúcuta sở tại, cho biết hoạt động bác ái này có thể tiến hành được nhờ tình liên đới của dân chúng ở vùng biên giới giữa Colombia và Venezuela.

Venezuela đang bị thiếu thốn lương thực trầm trọng, ảnh hưởng với hơn 80% sản phẩm tại nước này, theo phúc trình mới nhất của Caritas địa phương. 11% các trẻ em Venezuela đang chịu tình trạng suy dinh dưỡng (Fides 7-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Hơn 15 ngàn bệnh nhân HIV và AIDS Ấn độ được các cơ sở Công giáo điều trị

Hơn 15 ngàn bệnh nhân HIV và AIDS Ấn độ được các cơ sở Công giáo điều trị

Hyderabad – Hơn 15 ngàn bệnh nhân aids hoặc nhiễm Hiv được chăm sóc với tình yêu và sự thương cảm tại các cơ sở do Hiệp hội Y khoa Công giáo Ấn độ (CHAI) điều hành. Đây là một thực thể quốc gia được thành lập từ năm 1943, liên kết các bệnh viện Công giáo, các trung tâm y tế và dịch vụ xã hội tại các giáo phận Công giáo trên khắp Ấn độ. CHAI bắt đầu chương trình hoạt động giúp các bệnh nhân Hiv và sida từ năm 1993.

Cha Mathew Abraham, dòng Chúa Cứu Thế, tổng giám đốc CHAI, cho hãng tin Fides biết: “Hơn 150 trung tâm trợ giúp của chúng tôi được phép điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm Hiv hay aids; các trung tâm này theo đúng hoạt động của các bệnh viện, trong việc tư vấn và điều trị, phối hợp với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ khác.”

Trong khoảng 25 năm hoạt động trong lãnh vực này, hơn 15 ngàn bệnh nhân đã nhận được các chữa trị ngoại trú và khoảng 500 ngàn được trợ giúp trực tiếp. Hiện có khoảng 40 cơ sở thành viên của CHAI chuyên về các nhu cầu chữa trị cho trẻ em và người lớn bị nhiễm Hiv và sida, để đảm bảo cho họ một cuộc sống tốt hơn.

Theo số liệu của chính phủ, có khoảng 2.4 triệu dân Ấn độ bị nhiễm Hiv và số trẻ em dưới 15 tuổi chiếm khoảng 3.5% trong số này.

Trong những thập kỷ mới đây, CHAI đã hướng sự quan tâm đặc biệt đến giới trẻ, đặc biệt các phụ nữ trẻ: trong các đề tài của chiến dịch phòng ngừa cũng có nói đến các khía cạnh liên quan đến tuổi kết hôn, giáo dục tốt hơn, và sức khỏe bà mẹ.

Tại Ấn độ, hiện nay các phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng bởi các hình thức bạo lực tính dục cũ và mới, bởi các cuộc tấn công bằng axít, các cách thức mang mặt nạ của giai cấp hoặc tôn giáo.  (Agenzia Fides 8/6/2017)

Hồng Thủy

Một xã hội chỉ dựa vào lý trí mà không có đức tin sẽ lãng quên Thiên Chúa

Một xã hội chỉ dựa vào lý trí mà không có đức tin sẽ lãng quên Thiên Chúa

Philadelphia – Một xã hội chỉ dựa trên lý trí và kỹ thuật, mà không có đức tin, thì có nguy hiểm bỏ quên Thiên Chúa và thỏa hiệp với ma quỷ. Đó là lời cảnh giác của Đức tổng giám mục Charles J. Chaput của tổng giáo phận Philadelphia.

Trong bài viết đăng trên Catholic Philly hôm 05/06, Đức tổng Chaput viết: “Chúng ta ở trong cuộc chiến đấu cho các linh hồn. Kẻ thù của chúng ta là ma quỷ. Trong khi Satan không ngang bằng Thiên Chúa và phải chịu thất bại cuối cùng, nó có thể gây nên những tổn hại cay đắng trong cuộc sống con người. Các Kitô hữu tiên khởi nhận biết điều này. Chúng ta tìm thấy sự ý thức của họ hầu như trên mọi trang Tân ước.”

Đức tổng Chaput cũng nhấn mạnh: “Thế giới hiện đại làm cho khó tin vào ma quỷ. Nhưng nó cũng làm khó tin vào Chúa Giêsu. Và đó là vấn đề.” Ngài nhắc lại lời của một Kitô hữu thời Trung cổ: “không có ma quỷ, thì không có Đấng Cứu chuộc.” Khi mà chúng ta từ chối sự hiện diện của ma quỷ thì khó giải thích tại sao Chúa Kitô xuống thế để chịu đau khổ và chết thay cho nhân loại. Đức tổng Chaput giải thích: “Ma quỷ, hơn bất cứ ai, thích điều này, nghĩa là, chúng ta không thể hiểu hoàn toàn sứ mệnh của Chúa Giêsu mà không có ma quỷ. Ma quỷ lợi dụng điều này. Nó biết là khi chúng ta cho là ma quỷ chỉ là thần thoại thì chúng ta cũng không tránh việc sẽ xem Thiên Chúa cũng là thần thoại.”

Trong bài viết, Đức tổng Chaput cũng nhắc lại cuộc đời của Leszek Kolakowski, từng là một nhà phê bình Giáo hội Công giáo, một nhà Mác xít đứng đầu tại Balan thời cộng sản, sau đó trở thành người ngưỡng mộ thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô. Năm 1987, trong bài nói chuyện tại đại học Havard, Kolakowski nói: “khi một xã hội mất đi ý nghĩa thánh thiêng của nó thì nó sẽ mất tất cả ý nghĩa.” Kolakowski nhận định: “Sự dữ đang tiếp diễn qua kinh nghiệm con người. Vấn đề không phải là làm thế nào để một người tránh được nó, nhưng là dưới những hoàn cảnh nào người ta có thể xác định ma quỷ và chống cự lại nó.”

Tiếp tục đề tài, Đức tổng nhắc lại câu chuyện của Faust, một học giả thông thái bán linh hồn cho ma quỷ để biết được các bí mật của vũ trụ… Một tù nhân của sự phù vân vô nghĩa của chính mình, Faust thà đổi chác linh hồn mình hơn là khiêm hạ trước mặt Đức Chúa Trời.

Đức tổng Chaput kết luận: “Không có đức tin thì sẽ không có sự hiểu biết, không có kiến thức, không có khôn ngoan. Chúng ta cần cả đức tin và lý trí để thấu hiểu các mầu nhiệm tạo dựng và các mầu nhiệm cuộc đời chúng ta.” Và ngài cảnh giác rằng một xã hội dựa vào lý trí, khoa học và kỹ thuật, nhưng không có đức tin, chiếm được thế giới với sức mạnh, sự giàu sang và các thành tựu vật chất của nó, nhưng nó bị mất linh hồn của mình. (CNA 06/06/2017)

Hồng Thủy

 

Thiên Chúa không thể không có con người

Thiên Chúa không thể không có con người

** Chúng ta có thể xa vắng, thù nghịch, chúng ta cũng có thể xưng mình “không có Thiên Chúa”, nhưng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một vì Thiên Chúa không có con người. Đó là niềm hy vọng mà chúng ta tìm thấy được duy trì trong tất cả mọi lời cầu của Kinh Lậy Cha, một lời cầu cách mạng tâm lý tôn giáo của con người.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên vói 40.000 tín hữu hành hương trong buổi tiếp kiến CHUNG sáng thứ tư hôm qua. Trong số các nhóm hiện diện cũng có hai nhóm tín hữu Việt Nam do hai cha Nguyễn Tầm Thường và Bùi Trọng Biên hướng dẫn. Ngoài ra cũng có một số tín hữu đi riêng không theo phái đoàn.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa đoạn phúc âm theo thánh Luca (11,1-4) kể lại việc Chúa Giêsu dạy các môn đệ Kinh Lậy Cha. Thánh Luca viết: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông." Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:

"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ." (Lc 11,1-4).

ĐTC nói: có cái gì đó hấp dẫn trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đến độ một ngày kia các môn đệ Người xin được dẫn đưa vào trong đó. Giai thoại được kể lại  trong Phúc Âm thánh Luca, là thánh sử đã cung cấp tài liệu liên quan tới mầu nhiệm của Chúa Kitô cầu nguyện hơn các vị khác: Chúa cầu nguyện. Các môn đệ bị đánh động bởi sự kiện Chúa Giêsu, đặc biệt ban sáng và ban chiều, rút lui vào nơi thanh vắng và chìm sâu trong lời cầu nguyện. Chính vì vậy mà một ngày kia họ xin Ngài dậy họ cầu nguyện (Lc 11,1). Và khi đó Chúa Giêsu truyền lại cho họ điều đã trở thành lời cầu kitô tuyệt diệu là Kinh Lạy Cha. Thật ra so sánh với thánh Mátthêu thánh Luca kể lại lời cầu của Chúa Giêsu trong một hình thức hơi ngắn gọn, bắt đầu với lời khẩn nài đơn sơ: Lậy Cha” (c.2).

** Tất cả mầu nhiệm lời cầu kitô được tóm gọn ở đây, trong từ này: có can đảm gọi Thiên Chúa với tên gọi là Cha. Phụng vụ cũng khẳng định điều đó, khi dùng kiểu nói “chúng con dám nguyện rằng” để mời gọi chúng ta cùng nhau đọc lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu. ĐTC quảng diễn thêm như sau:

Thật thế, gọi Thiên Chúa với tên gọi là Cha không phải là một sự kiện đương nhiên. Chúng ta sẽ có khuynh hướng dùng các tước hiệu cao cả hơn xem ra kính trọng sự siêu việt của Chúa hơn. Trái lại, kêu cầu Ngài như là “Cha” đặt để chúng ra trước một tương quan tin tưởng với Ngài, như một đứa bé hướng tới cha mình, vì biết rằng mình được cha yêu thương và săn sóc. Đây là cuộc cách mạnh lớn lao mà Kitô giáo in sâu vào trong tâm lý tôn giáo của con người. Mầu nhiệm của Thiên Chúa luôn luôn hấp dẫn chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình bé nhỏ, nhưng không khiến cho chúng ta sợ hãi, không đè bẹp chúng ta, không làm cho chúng ta lo lắng. Đó là một cuộc cách mạng khó chấp nhận trong tâm hồn chúng ta. Đến độ trong các trình thuật sự Phục Sinh người ta nói rằng các phụ nữ sau khi thấy mộ trống và thiên thần “đã chạy trốn vì họ kinh hoàng khiếp sợ” Mc 16,8). Nhưng Chúa Giêsu vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa là cha nhân lành và Ngài nói với chúng ta: “Đừng sợ!” ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:

Chúng ta hãy nghĩ tới dụ ngôn người cha thương xót (x. Lc 15,11-32). Chúa Giêsu kể về một người cha chỉ biết là tình yêu đối với con cái ông. Một người cha không đánh phạt đứa con vì thái độ ngạo mạn của nó, và ông có khả năng tín thác cho nó phần gia tài của mình và để cho nó đi khỏi nhà. Thiên Chúa là Cha, nhưng không phải theo kiểu của con người trần gian, bởi vì không có người cha nào trên thế giới này hành xử như vậy như người cha trong dụ ngôn. Thiên Chúa là Cha theo kiểu của Ngài: tốt lành, không được bênh đỡ trước sự tự do của con người, có khả năng chia động từ “yêu thương”. Khi người con nổi loạn, sau khi phung phí mọi sự, rốt cuộc trở về nhà nơi nó sinh ra, người cha đó không áp dụng các tiêu chuẩn của công lý nhân loại, nhưng trước hết cảm thấy cần tha thứ, và với vòng tay ôm của mình ông làm cho người con hiểu rằng trong suốt thời gian dài vắng bóng ấy ông thiếu nó, ông thiếu nó một cách đau đớn trong tình yêu là cha của ông.

** Ôi mầu nhiệm khôn dò biết bao một vì Thiên Chúa dưỡng nuôi kiểu yêu thương đó đối với con cái Ngài!

Có lẽ vì thế mà khi gợi lại nòng cốt mầu nhiệm kitô, tông đồ Phaolô không dịch ra tiếng Hy lạp một từ mà Chúa Giêsu đã nói trong tiếng Aramây là từ “abba”.  Trong các thư của ngài hai lần thánh Phaolô đề cập tới đề tài này và hai lần nài để nguyên từ này không dịch trong cùng công thức trong đó từ “abba” đã tươi nở trên môi Chúa Giêsu, một từ còn thân thiết hơn từ “cha” và có ai đó dịch là “ba, bố”.

Anh chị em thân mến, chúng ta không bao giờ cô đơn. Chúng ta có thể xa vắng, thù nghịch, chúng ta cũng có thể xưng mình “không có Thiên Chúa”, nhưng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô vén mở cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa không thể không có chúng ta: Ngài sẽ không bao giờ là một vì Thiên Chúa “không có con người”. Ngài không thể sống mà không có chúng ta, và đây là một mầu nhiệm lớn lao… Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa mà không có con người: đó là một mầu nhiệm lớn lao. Sự chắc chắn này là suối nguồn niềm hy vọng của chúng ta, mà chúng ta tìm thấy được giữ gìn trong Kinh Lậy Cha. Khi chúng ta cần sự trợ giúp, Chúa Giêsu không nói với chúng ra hãy nhẫn nhục và đóng kín trong chính mình, nhưng hướng tới Chúa Cha và cầu xin Ngài với lòng tin tưởng. Tất cả các nhu cầu của chúng ta, từ những nhu cầu hiển nhiên và thường nhật như thực phẩm, sức khoẻ, việc làm, cho tới nhu cầu được tha thứ và nâng đỡ trong các cám dỗ, chúng không phải là tấm gương phản chiếu sự cô đơn của chúng ta: trái lại có một người Cha luôn luôn nhìn chúng ta với tình yêu thương và chắc chắn không bỏ rơi chúng ta.

Đó là niềm hy vọng mà chúng ta tìm thấy được duy trì trong tất cả mọi lời cầu của Kinh Lạy Cha, một lời cầu cách mạng tâm lý tôn giáo của con người. Bây giờ tôi đề nghi với anh chị em: mỗi người trong chúng ta có biết bao nhiêu vấn đề, biết bao nhiêu nhu cầu…Trong thinh lặng, chúng ta hãy suy nghĩ một chút các vấn đề và các nhu cầu đó. Chúng ta cũng hãy nghĩ tới Chúa Cha, Cha của chúng ta, là Đấng không bao giờ có thể sống mà không có chúng ta, và trong lúc này đang nhìn chúng ta. Và tất cả cùng nhau với lòng tin tưởng và hy vọng chúng ta cầu nguyện. Lậy Cha chúng con ở trên trời.. ĐTC đã cùng tín hữu đọc kinh Lậy Cha.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài chào các phái đoàn đến từ Pháp, Côte d’’ Ivoire và Benin; ngài xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa mọi người vào trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và biết sống các tương quan con thảo của tình yêu thương và sự tin tưởng với Thiên Chúa Cha, một tương quan loại bỏ mọi sợ hãi.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Ecốt, Đức, Hoà Lan, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha, trong đó có Brasil và mời gọi họ luôn tin tưởng hướng tới Chúa là Cha trong mọi lúc và mọi nhu cầu của cuộc sống. Sự phục sinh của Chúa Kitô đã mở ra con đường vượt qua cái chết. Vì vậy không có gì có thể ngăn cản chúng ta sống trong tình bạn với Thiên Chúa Cha, và làm chứng cho lòng nhân lành thương xót vô biên của Ngài.

Trong các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC đặc biệt chào hiệp hội Nữ Vương hoà bình tỉnh Radom, lấy hứng từ 12 ngôi sao trên triều thiên của Đức Mẹ, đang thực hiện 12 trung tâm chầu Thánh Thể để liên lỉ cầu nguyện cho hoà bình tại những vùng đất nóng bỏng trên thế giới. Vì lời tín hữu Nam Hàn xin ĐTC cho biết ngài đã làm phép bàn thờ “Thờ lậy Chúa trong hiệp nhất và hòa bình” cho đền thánh Đức Bà Mân Côi Namyang. Trong tháng 6 này là tháng kính Thánh Tâm ĐTC xin mọi người cầu nguyện cho hoà bình.

Ngày thứ năm 8-6 lúc 13 giờ tại nhiều nước có sáng kiến “Một phút cho hoà bình”, kỷ niệm buổi cầu nguyện giữa ĐTC, cố tồng thống Peres của Israel và tổng thống Palestin Abbas. Thời đại ngày nay cần lời cầu nguyện cho hoà bình biết bao nhiêu giữa các tín hữu Kitô, do thái và hồi giáo.

Trong các nhóm nói tiếng Ý ĐTC chào các nữ tu Bác ái của các thánh nữ Capitanio và Vicenza Gerosa tham dự tổng tu nghị, các lực sĩ trẻ tham dự cuộc hành hương “đuốc hoà bình” Macerata-Loreto, do ĐC Nazzareno Marconi hướng dẫn, cũng như các tu sĩ anh em hèn mọn Phanxicô, tín hữu San Cipriano Picentino và Airola mừng kỷ niệm 100 năm lễ Đức Mẹ Sầu Bi, các tham dự viên đại hội quốc tế về Sản khoa, trẻ em nhà thương nhi đồng thánh Mátthêu tỉnh Pavia. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc cho mọi người nhớ tháng sáu là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. ĐTC ước mong người trẻ học trường Thánh Tâm Chúa để lớn lên trong đạo hạnh, người đau yếu biết kết hiệp khổ đau của họ với khổ đau của Chúa, các cặp vợ chồng mới cuới biết nhìn lên Thánh Tâm Chúa để học sống tình yêu thương vô điều kiện.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Thói đạo đức giả không phải là loại ngôn ngữ của người Kitô, và thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Tiếng nói của Kitô hữu phải đúng sự thật theo gương Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Thói đạo đức giả bắt đầu bằng sự tâng bốc

Các luật sĩ nói năng và phán đoán một đàng nhưng thực ra họ đang âm mưu một nẻo. Họ nói không thật lòng. Họ sống theo thói đạo đức giả.

Thói đạo đức giả không phải là ngôn ngữ của Kitô hữu. Một Kitô hữu không thể là một kẻ đạo đức giả và một kẻ đạo đức giả không thể là một Kitô hữu. Điều ấy thật rõ ràng. Chúa Giêsu đã nói điều ấy cho nhiều người. Nhiều lần Chúa nói: Đồ giả hình, chúng ta hãy nhìn xem những gì họ làm. Những kẻ đạo đức giả chỉ ưa nịnh hót, dù ít hay nhiều, nhưng nói chung đều là nịnh hót và tâng bốc nhau. Họ không nói sự thật nhưng tìm cách thổi phồng và gia tăng sự hư ảo.

Sau khi tâng bốc sẽ là gài bẫy

Những kẻ đạo đức giả đi tâng bốc người khác vì họ nhắm đến mục đích xấu xa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, các luật sĩ bắt đầu bằng cách tâng bốc Chúa Giêsu để rồi họ tìm cách gài bẫy Chúa bằng câu hỏi: Có nên nộp thuế cho Xêda không? Có hay không?

Thế đó, thói đạo đức giả là cách sống hai mặt. Chúa Giêsu biết thói giả hình của những kẻ đang thử mình, nên Chúa nói với họ: Tại sao các người lại thử tôi? Đem một quan tiền cho tôi coi! Chúa Giêsu luôn luôn đáp lại sự giả hình bằng điều chân thật. Sự thật là sự thật, chứ không phải là thứ đạo đức giả, cũng không phải là ý thức hệ. Khi họ đưa cho Chúa đồng tiền, Chúa hỏi: Hình và danh hiệu này là của ai đây? Họ đáp: Của Xêda. Chúa nói: Của Xêda, trả cho Xêda; của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa.

Xin ơn để không bị rơi vào thói đạo đức giả

Ngôn ngữ của thói đạo đức giả là tiếng nói dối lừa. Đó là tiếng nói của con rắn đi lừa dối bà Eva. Khi bắt đầu, con rắn cũng lên tiếng tâng bốc con người, và rồi nó nhắm đến hủy diệt con người, thậm chí con rắn cắn xé và phá hủy nhân cách và tâm hồn con người. Điều ấy còn phá hoại cả cộng đồng. Khi thói giả hình len lỏi vào trong cộng đoàn, thì đó là mối nguy hiểm lớn, là điều tồi tệ. Chúa Giêsu đã nói rằng: Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Thói đạo đức giả có thể giết chết cộng đoàn. Bởi vì họ nói thì rất ngọt nhưng lại xét đoán xấu xa về tha nhân. Thói đạo đức giả tựa như một thứ giết hại. Hãy nhớ điều này: khi nó bắt đầu nịnh bợ, thì hãy đáp lại bằng điều chân thực. Bởi vì cùng với một cái lưỡi mà thần dữ gieo rắc sự phá hoại vào trong cộng đoàn. Chúng ta hãy cầu xin Chúa canh giữ chúng ta, để chúng ta không bị rơi vào thói đạo đức giả: Xin Chúa ban cho con ơn ấy. Xin cho con đừng bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả. Xin cho con chỉ biết nói sự thật, và khi con không thể nói sự thật, xin cho con biết lặng thinh, chứ không bao giờ, không bao giờ trở thành kẻ đạo đức giả.

Tứ Quyết SJ

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Sáu 2017: Chấm dứt buôn bán vũ khí

Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha – Tháng Sáu 2017: Chấm dứt buôn bán vũ khí

VATICAN. Trong tháng sáu 2017, Đức Thánh Cha đặc biệt mời gọi mọi người cầu nguyện để có thể loại bỏ việc buôn bán vũ khí. Bởi lẽ việc buôn bán vũ khí cho thấy sự giả dối của những người dân danh hòa bình nhưng lại làm giàu trên xương máu của người dân. Và thực tế, biết bao người dân vô tội tiếp tục bị giết hại. Đức Thánh Cha chia sẻ trong Video rằng:

Thật là mâu thuẫn một cách vô lý, khi vừa nói về hòa bình và các đàm phán hòa bình, lại vừa thúc đẩy và cho phép việc buôn bán vũ khí.

Có phải cuộc chiến này hay cuộc chiến kia là chiến tranh theo nghĩa giải quyết các vấn đề, hay cuộc chiến ấy chính là cuộc chiến buôn bán vũ khí bất hợp pháp để làm giàu cho những kẻ buôn bán sự chết chóc?

Chúng ta hãy chấm dứt tình trạng này. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, để các nhà lãnh đạo các quốc gia có thể cam kết chấm dứt việc buôn bán vũ khí vốn sát hại biết bao người dân vô tội. 

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha gặp ban lãnh đạo HĐGM Venezuela

Đức Thánh Cha gặp ban lãnh đạo HĐGM Venezuela

VATICAN. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết ngày 8-6-2017, ĐTC Phanxicô sẽ tiếp kiến Ban Chủ tịch HĐGM Venezuela theo lời thỉnh cầu của chính các vị lãnh đạo của Hội đồng này. Các vị muốn trao đổi với ngài về tình trạng tại Venezuela.

Tham dự buổi tiếp kiến này có Đức TGM Chủ tịch Diego Padrón, hai Đức Cha Phó Chủ tịch và Đức Cha Tổng thư ký. Ngoài ra có hai vị Hồng Y người Venezuela là Jorge Urosa Savino, và Baltazar Porras.

Trước đó, Đức TGM Diego Rafael Padrón Sanchez, Chủ tịch HĐGM Venezuela bày tỏ lo ngại rằng một cuộc leo thang khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội sẽ làm cho đất nước này ”xuống dốc không phanh!”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nhật báo ”Tiêu chuẩn” (Der Standard) số ra ngày 2-6-2017 tại Áo, Đức Cha Padrón, cũng là TGM giáo phận Cumana, cho biết dân chúng cảm thấy một chính quyền suy sụp, không còn cai trị nữa. Tự do của con người ngày càng bị cắt xén từng mảnh. Dân chúng xuống tinh thần đứng trước bao nhiêu thiếu thốn: thiếu lương thực và thuốc men, thiếu an ninh và lối thoát. Tại đây có nhiều người dân chết vì thiếu thuốc men. Nhiều người khác suy dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu của Caritas, 11% trẻ em Venezuela đang ở trong tình trạng suy dinh dưỡng. Cả nạn tội phạm cũng bành trướng mạnh mẽ”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức TGM Padrón mô tả tương quan hiện nay giữa Giáo Hội và Nhà Nước Venezuela là ”băng giá”. Kế hoạch của tổng thống Nicolas Maduro triệu tập một quốc hội lập hiến sẽ không giải quyết được các vấn đề xã hội tại nước này.”

Đức TGM cũng cho biết ”trong tuần qua, một phái đoàn chính phủ đã đến gặp các đại diện của Giáo Hội, nhưng chúng tôi lịch sự trả lời rằng ”chúng tôi không muốn thảo luận về một dự án mà chúng tôi thấy là thừa thãi, chúng tôi muốn thảo luận về tình trạng khẩn trương của dân chúng”.

Sau cùng, Đức TGM Chủ tịch HĐGM Venezuela tin là vẫn còn có thể có sự hòa giải tại nước này và nói rằng ”nhân dân Venezuela không ”cay cú”, nhưng rất liên đới. Đất nước rất giàu tài nguyên và tiềm năng”. (SD, KNA 5-6-2017)

Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi

Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị dòng Thừa Sai Đức Mẹ An Ủi

VATICAN. ĐTC khuyến khích các tu sĩ nam nữ dòng Thừa sai Đức Mẹ an ủi ngày càng tái khám phá tình yêu thương xót của Thiên Chúa và thể hiện tình yêu ấy cho tha nhân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 5-6-2017, dành cho 120 thành viên tổng tu nghị liên hệ của hai ngành nam nữ dòng thừa sai Đức Mẹ An Ủi, là dòng do chân phước Giuseppe Allamano sáng lập.

ĐTC cám ơn các tu sĩ của hai dòng vì những điều thiện họ đang thực hiện trên thế giới và nói rằng: ”Tôi muốn khuyến khích anh chị em thực hiện một sự chăm chú phân định về tình trạng của các dân tộc nơi anh chị em thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đừng bao giờ mệt mỏi trong việc mang lại sự an ủi nâng đỡ cho các dân tộc đang bị nghèo đói và khổ đau trầm trọng, như tại nhiều miền ở Phi châu và Mỹ la tinh. Hãy liên tục để cho những tình trạng cụ thể thách thức, và tìm cách làm chứng tá thích hợp về tình bác ái mà Chúa Thánh Linh phú vào trong tâm hồn anh chị em”.

ĐTC nhận xét rằng ”để thi hành sứ mạng không dễ dàng ấy cần phải sống hiệp thông với Thiên Chúa, ngày càng ý thức về tình thương xót của Chúa đối với chúng ta.. Theo mức độ chúng ta ý thức và xác tín về tình thương của Chúa, chúng ta càng gắn bó với Ngài. Chúng ta cần luôn tái khám phá tình yêu và lòng thương xót của Chúa để phát triển cuộc sống thân mật với Chúa.. noi gương các nhân đức của Chúa Kitô và thái độ đầy tình nhân đạo của Chúa, để làm chứng về những điều ấy cho tất cả mọi người mà anh chị em đến làm việc mục vụ..”

ĐTC đặc biệt khuyến khích các tu sĩ của dòng chú ý đến việc đối thoại với Hồi giáo, dấn thân thăng tiến phẩm giá phụ nữ và các giá trị gia đình, nhạy cảm đối với các vấn đề công lý và hòa bình.

Dòng nam thừa sai Đức Mẹ An Ủi (IMC) được chân phước Allemano thành lập năm 1901 hiện có 980 tu sĩ, trong số này có 763 LM, hoạt động tại 220 nhà trên thế giới và ngành nữ của dòng này có hơn 600 nữ tu thuộc 96 nhà. Cả hai dòng hoạt động tại nhiều nước Phi châu và Mỹ la tinh, Âu Châu. Tại Á châu dòng hoạt động tại hai nước Nam Hàn và Mông Cổ (SD 5-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

 

Làm việc lành phúc đức để chia sẻ và cảm thông

Làm việc lành phúc đức để chia sẻ và cảm thông

Làm việc lành phúc đức không phải là vì thương hại, cũng không phải chỉ là để trút gánh nặng tâm hồn, nhưng là để chia sẻ và cảm thông với đau khổ của anh chị em đồng loại. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.

Cảm thông và sẻ chia

Đau khổ với người đau khổ. Làm việc lành phúc đức không phải là làm một cái gì đó để trút bớt những đè nặng trong lòng, cũng không phải là làm để cảm thấy yên tâm hơn… Không chỉ thế! Làm việc lành phúc đức là để cảm thông với nỗi đau của người khác, là chia sẻ với đầy lòng trắc ẩn trong sự đồng hành. Làm việc lành phúc đức còn có nghĩa là thông cảm với những vấn đề của tha nhân. Ở đây có câu hỏi là: Tôi có biết chia sẻ như thế không? Tôi có sống quảng đại không? Khi tôi nhìn thấy một người đau khổ, một người đang gặp khó khăn, tôi có cảm thấy nỗi đau ấy? Tôi có biết đặt mình trong hoàn cảnh của người khác? Trong những hoàn cảnh đau thương của người ấy?

Chấp nhận những rủi ro

Giống như ông Tobia trong bài đọc thứ nhất, với lòng trắc ẩn và sẻ chia, khi làm việc lành phúc đức, chúng ta sẵn lòng đón nhận những rủi ro bất trắc. Có nhiều rủi ro. Ở đây ở Roma trong thời chiến tranh, Đức Giáo Hoàng Pio XII đã liều lĩnh che giấu những người Do thái. Vì nếu không, những người ấy sẽ bị bắt. Nhưng khi làm việc lành để cứu người, chúng ta phải đối diện với nhiều rủi ro.

Chấp nhận bị chê cười

Khi làm việc lành, ông Tobia bị người ta chê cười chế nhạo. Họ cho rằng ông không chịu ở yên mà lại đi làm những chuyện gây phiền hà rắc rối. Như thế, khi làm việc lành, chúng ta có thể gây cho người khác cảm giác khó chịu, ngay cả có khi chúng ta cũng cảm thấy khó chịu. Ví dụ như trường hợp này: “Tôi có một người bạn, người bạn ấy bị bệnh, tôi cần đến thăm anh ấy, nhưng tôi lại cảm thấy thích nghỉ ngơi hoặc xem tivi hơn… tóm lại tôi thích cái gì đó an toàn bình yên”. Thế đó, khi làm việc lành phúc đức, luôn có những đau khổ và rắc rối nào đó. Nhưng Chúa đã tự nguyện đón nhận tất cả, chịu đựng tất cả những rắc rối của chúng ta, để rồi Người lên thập giá để ban cho chúng ta lòng thương xót của Người.

Ai có thể thực thi lòng thương xót, đó là người cảm nhận được rằng Chúa xót thương mình trước. Chúng ta có thể sống thương xót là vì chúng ta đã được Thiên Chúa xót thương trước. Chúng ta cứ thử nghĩ về những sai lầm, tội lỗi của chúng ta, nghĩ về con đường tha thứ mà Chúa dành cho chúng ta, từ đó chúng ta biết cách làm như thế với anh chị em mình. Để rồi, chúng ta có thể ra khỏi sự ích kỷ của bản thân và bước theo sát chân Chúa Giêsu hơn.

Tứ Quyết SJ

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: 4-6-2017

Đức Thánh Cha chủ sự lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: 4-6-2017

VATICAN. Trong Thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sáng ngày 4-6-2017, ĐTC đề cao Hồng ân của Chúa Thánh Linh làm cho Giáo hội được hiệp nhất và ban cho Dân Chúa một con tim mới.

 

Hiện diện tại Quảng trường thánh Phêrô trong thánh lễ có hơn 60 ngàn tín hữu. Đồng tế với ĐTC có 40 Hồng Y, 50 GM và 500 Linh mục. 140 LM và phó tế, thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô, đảm nhận việc cho rước lễ.

Trong bài giảng Thánh lễ, ĐTC nhấn mạnh đến hồng ân Thánh Linh như hồng ân lớn nhất mà Chúa Phục Sinh ban cho Giáo Hội, hồng ân kiến tạo một dân mới và một con tim mới cho Giáo Hội. Ngài cảnh giác chống lại những gì gây chia rẽ trong cộng đoàn Giáo Hội, trong đó có tật xấu nói hành nói xấu tha nhân, xét đoán tha nhân, như những cỏ dại và ghen tương.

Bài giảng của ĐTC

”Hôm nay, kết thúc mùa Phục Sinh, 50 ngày từ lễ Chúa sống lại cho đến lễ Hiện Xuống, với sự hiện diện nổi bật của Chúa Thánh Linh. Thực vậy Ngài là Hồng Ân Phục Sinh tuyệt hảo. Ngài là Thánh Thần sáng tạo, luôn thực hiện những điều mới mẻ. Hai sự mới mẻ được trình bày cho chúng ta trong các bài đọc hôm nay: trong bài đọc thứ I, Chúa Thánh Linh làm cho các môn đệ thành một dân mới; trong bài Tin Mừng, Ngài kiến tạo một con tim mới trong các môn đệ.

Một dân mới. Trong ngày Hiện Xuống, Chúa Thánh Linh ngự xuống từ trời, dưới hình ”những lưỡi lửa, phân chia và đậu trên mỗi người […] và tất cả được tràn đầy Thánh Thần và họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác” (Cv 2,3-4). Lời Chúa mô tả hoạt động như thế của Chúa Thánh Linh, trước tiên Người đậu xuống trên mỗi người chúng ta và rồi làm cho mọi người đả thông với nhau. Ngài ban cho mỗi người một ơn và tập họp tất cả trong sự hiệp nhất. Nói khác đi, cùng Thánh Linh kiến tạo sự khác biệt và hiệp nhất, và qua cách thế đó, Người hình thành một dân mới, khác biệt và hiệp nhất: đó là Giáo Hội hoàn vũ. Trước tiên, với tinh thần sáng tạo và không lường trước được, Chúa Thánh Linh tạo ra sự khác biệt; thực vậy trong mỗi thời đại Chúa làm cho những đoàn sủng mới khác nhau được triển nở. Và rồi cũng Thánh Linh thực hiện sự hiệp nhất: Người nối kết, tập hợp, tái tạo sự hòa hợp: ”Với sự hiện diện và hoạt động Ngài hợp nhất những tinh thần khác biệt và chia cách” (Cirillo thành Alessandria. Chú giải Phúc âm thánh Gioan, XI, 11). Như thế có sự hiệp nhất đích thực, theo Thiên Chúa, và đó không phải là sự đồng nhất, mà là hiệp nhất trong sự khác biệt”.

Để thực hiện điều đó, điều tốt đẹp là giúp chúng ta là tránh hai cám dỗ thường xảy ra. Cám dỗ thứ I là tìm kiếm sự khác biệt mà không có sự hiệp nhất. Điều này xảy ra khi người ta muốn phân biệt, khi người ta họp thành những phe đảng, khi người ta tỏ ra cứng nhắc về những lập trường loại trừ những lập trường khác, khi người ta khép kín trong những đặc tính riêng, thậm chí coi chúng ta tốt đẹp hơn hoặc coi mình luôn luôn có lý. Vì thế, người ta chỉ chọn một phần chứ không toàn bộ, thuộc về phe này hay phe kia, thay vì thuộc về Giáo Hội; người ta thành những người ủng hộ phe mình, thay vì là anh chị em trong cùng một Thánh Linh; các tín hữu Kitô phe hữu hay phe tả, trước khi thuộc về Chúa Giêsu; những người cứng nhắc bảo tồn quá khứ hoặc những người tiên phong về tương lai hơn là những người con khiêm tốn và biết ơn của Giáo Hội. Và thế là có sự khác biệt mà không có sự hiệp nhất.

Trái lại, cám dỗ đối nghịch là cám dỗ tìm kiếm sự hiệp nhất mà không có sự khác biệt. Nhưng theo cách thức này, sự hiệp nhất trở thành đồng nhất, một sự bó buộc phải làm tất cả cùng một cách thức. Và thế là sự hiệp nhất trở thành sự đồng đều và không còn tự do nữa. Nhưng như thánh Phaolô đã nói, ”nơi nào có Thánh Linh của Chúa, thì có tự do” (2 Cr 3,17)

 

Lời nguyện của chúng ta dâng lên Chúa Thánh Linh là xin ơn đón nhận sự hiệp nhất của Chúa, một cái nhìn bao gồm và yêu mến Giáo Hội, vượt lên trên những sở thích cá nhân, yêu thương Giáo Hội của chúng ta; xin Chúa cho chúng ta đảm nhận sự hiệp nhất giữa mọi người, loại trừ sự nói hành nói xấu gieo rắc cỏ dại và ghen tương làm ô nhiễm, ngộ độc, vì là người nam nữ của Giáo Hội có nghĩa là những con người hiệp thông; chúng ta cũng xin Chúa một con tim cảm thấy Giáo Hội là Mẹ chúng ta và là nhà của chúng ta: căn nhà hiếu khách và cởi mở, nơi ta chia sẻ vui mừng dưới nhiều dạng thức của Chúa Thánh Linh.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói:

Bây giờ chúng ta đến điều mới mẻ thứ hai: một con tim mới mẻ. Chúa Giêsu Phục Sinh, khi hiện ra lần đầu tiên với các môn đệ, Ngài nói: ”Các con hãy lãnh nhận Thánh Linh. Các con tha tội cho ai người ấy được tha” (Ga 20,22-23). Chúa Giêsu không lên án các môn đệ đã bỏ rơi và và chối bỏ Ngài trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài ban cho họ Thánh Thần tha thứ. Thánh Linh là hồng ân đầu tiên của Đấng Phục Sinh và được ban trước tiên để tha thứ tội lỗi. Đó là khởi đầu của Giáo Hội, đó là chất keo gắn chúng ta với nhau, là xi măng liên kết các viên gạch của căn nhà: đó là sự tha thứ. Vì tha thứ là ân sức mạnh, là tình thương lớn nhất, là ơn giữ cho được liên kết gì điều gì xảy ra điia nữa, là điều cản ngăn sự sụp đổ, củng cố cho vững chắc. Sự tha thứ giải thoát con tim và giúp bắt đầu lại: tha thứ ban hy vọng, nếu không có tha thứ thì không thể kiến tạo Giáo Hội.

Thánh Thần tha thứ, giải quyết mọi sự trong sự hòa hợp, thúc đẩy chúng ta từ khước những con đường khác: những con đường vội vã của những người xét đoán, những con đường cụt của người khép kín mọi cửa, con đường một chiều của kẻ phê bình người khác. Trái lại, Thánh Linh khuyên nhủ chúng ta đi con đường hai chiều của sự tha thứ nhận lãnh và trao ban, con đường lòng thương xót của Chúa trở thành tình yêu tha nhân, bác ái, như tiêu chuẩn duy nhất theo đó tất cả phải được thực hiện và không thực hiện, thay đổi và không thay đổi” (Isacco della Stella, Discorco 31). Chúng ta hãy xin ơn ngày càng làm cho khuôn mặt của Mẹ Giáo Hội chúng ta được tươi đẹp hơn bằng cách canh tân bằng sự tha thứ và sửa chữa chính mình: chỉ như thế chúng ta mới có thể sửa chữa ngừơi khác trong tình bác ái.

Và ĐTC kết luận rằng: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Linh, lửa tình yêu đốt cháy trong Giáo Hội, và trong chúng ta, cho dù nhiều khi chúng ta thường che phủ lửa ấy bằng tro tội lỗi của chúng ta: Lạy Thánh Thần của Thiên Chúa là Chúa ở trong tâm hồn con và trong con tim của Giáo Hội, Chúa là Đấng tiến hành Giáo Hội, nhào nặn Giáo Hội trong sự khác biệt, xin Chúa đến. Để sống chúng con cần Chúa như cần nước; xin Chúa ngự xuống trên chúng con và dạy chúng con sự hiệp nhất, xin đổi mới tâm hồn chúng con và dạy chúng con yêu thương như Chúa yêu chúng con, tha thứ như Chúa tha thứ cho chúng con. Amen”.

Trong phần lời nguyện giáo dân bằng nhiều thứ tiếng, cộng đoàn đã lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội, liên kết Hội Thánh trong tình hiệp thông trong một đức tin và tình yêu duy nhất; xin Chúa đổ tràn Thánh Linh trong tâm hồn người trẻ và ban cho Giáo Hội nhiều thừa tác viên thánh thiện và đông đảo; cầu cho các nhà cầm quyền, ban Thánh Linh để họ tìm kiếm Công lý và Hòa bình đích thực; cầu cho những kẻ bách hại để họ được ơn hoán cải và tin nhận Chúa Giêsu; xin Chúa xin dạy các tín hữu cầu nguyện và sống trong sự vâng phục quyết liệt đối với Tin Mừng.

Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Cuối Thánh lễ, ĐTC đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu. Ngài loan báo việc công bố Sứ điệp của Ngài nhân Ngày Thế giới truyền giáo sẽ được cử hành vào tháng 10 năm nay với chủ đề ”Sứ mạng truyền giáo nơi con tim đức tin Kitô”. ĐTC: Xin Chúa Thánh Linh nâng đỡ sứ mạng của Giáo Hội trên toàn thế giới và ban sức mạnh cho tất cả các thừa sai nam nữ của Tin Mừng. Xin Thánh Linh ban hòa bình cho toàn thế giới; chữa lành các tai ương chiến tranh và khủng bố, cả cuộc khủng bố tối hôm qua ở Luân Đông, đánh vào nhiều thường dân tội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân và thân nhân của họ.

ĐTC chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương, đặc biệt là các nhóm từ các nơi về Roma tham dự các buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh.

G. Trần Đức Anh OP

 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với hơn 50 ngàn tín hữu

Đức Thánh Cha chủ sự buổi canh thức với hơn 50 ngàn tín hữu

ROMA. Trong buổi canh thức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, ĐTC kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô đoàn kết để chứng tỏ cho thế giới thấy hòa bình là điều có thể.

Buổi canh thức diễn ra áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chiều ngày 3-6-2017 tại Circo Massimo, ở Roma, một khu vực xưa kia là trường đua ngựa thời đế quốc La Mã và cũng là nơi máu các vị tử đạo đổ ra. Địa điểm hành lễ được mở cửa từ lúc 1 giờ trưa, trên lễ đài có biểu ngữ lớn: ”Gesù è il Signore”, và các sinh ngữ khác: Đức Giêsu là Chúa, và bên dưới, trước lễ đài, có một khu vực dành cho một nhóm người nghèo do Đức TGM Konrad Krajewski, Chánh Sở từ thiện của ĐTC, hướng dẫn. Trong số hơn 50 ngàn tín hữu hiện diện cũng có hàng ngàn người gồm các thủ lãnh và thành viên phong trào Thánh Linh trong Tin Lành, các Giáo Hội Pentecostal.

Buổi buổi cầu nguyện bắt đầu với nghi thức khai mạc lúc 4 giờ chiều: sau lời chào mừng của bà Michelle Moran, Chủ tịch Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh và Ông Gilberto Barbosa, Chủ tịch Phong trào Cộng đoàn canh tân trong Thánh Linh ở Brazil, cộng đoàn tiến hành với phần chúc tụng, thờ lạy, nghe chứng từ và suy tư về hoạt động của Chúa Thánh Linh liên quan đến ơn gọi, gia đình, chữa lành và rao giảng Tin Mừng.

Sau khi ĐTC đến nơi và tiến lên lễ đài, buổi canh thức bắt đầu lúc gần 6 giờ chiều. Mọi người lắng nghe đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, đoạn 17 câu 21 đến 23, tiếp đến là bài suy niệm của Cha Cantalamessa, dòng Capuchino, giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng. Sau đó là suy niệm của ĐTC.

Suy niệm của ĐTC

Đi từ hai đoạn Tông Đồ Công Vụ (1,4-5; 2,1-4), ĐTC ví cộng đoàn tham dự buổi canh thức đến từ hơn 120 quốc gia giống như nhà Tiệc Ly lộ thiên: ”Nhiều người đến từ các nơi trên thế giới và Chúa Thánh Linh qui tụ chúng ta để thiết lập những tương quan thân hữu huynh đệ, khích lệ chúng ta trên con đường tiến về hiệp nhất, hiệp nhất để thi hành sứ mạng: không phải để dừng lại, nhưng để ra đi công bố Đức Giêsu là Chúa, để cùng nhau loan báo tình thương của Chúa Cha đối với tất cả mọi con cài! Để loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước! Để chứng tỏ rằng hòa bình là điều có thể!”

Nhưng ĐTC nhận xét rằng ”chúng ta không thể loan báo hòa bình là có thể nếu chúng ta không sống hòa bình với nhau, nếu chúng ta nhấn mạnh những khác biệt, nếu chúng ta gây chiến với nhau, làm như thế chúng ta không thể loan báo hòa bình”.

Ngài nhìn nhận có những khác biệt giữa các tín hữu Kitô, nhưng cần làm sao để những khác biệt đó trở thành ”những dị biệt được hòa giải”: Có những khác biệt về ngôn ngữ, (như cộng đoàn Kitô ngày lễ Ngũ Tuần), nhưng Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta hệu sứ điệp phục sinh của Chúa Giêsu trong ngôn ngữ riêng chúng ta”.

ĐTC xác nhận Phong trào Công Giáo canh tân trong Thánh Linh, được khai sinh cách đây 50 năm, không phải để khởi đầu một tổ chức, một định chế, nhưng là một dòng ơn thánh, một trào lưu ơn thánh… Một công trình đại kết vì Thánh Linh kiến tạo hiệp nhất và cùng một Thánh Linh gợi hứng để Phong trào canh tân trong Thánh Linh là đại kết”.

Trong bài suy niệm, ĐTC cũng nhắc đến phong trào đại kết bằng máu. Bao nhiêu Kitô hữu bị giết vì họ là tín hữu Kitô. Những kẻ sát hại họ, trước khi giết, không hỏi họ là chính thống, công giáo, tin lành, Luther hay Calviniste? Họ hỏi; ngươi có phải là Kitô hữu hay không! Khi tín hữu ấy khẳng định, và họ bị cắt cổ ngay. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn thời kỳ đầu. Đó là phong trào đại kết bằng máu. Tại nhiều nơi trên thế giới, máu các tín hữu Kitô đang đổ ra! Ngày nay hơn bao giờ hết, sự hiệp nhất của các Kitô hữu, được hiệp nhất nhờ hoạt động của Thánh Linh, trong kinh nguyện và trong hoạt động giúp những người yếu thế nhất. Đồng hành và cộng tác. Yêu thương nhau. Cùng nhau giải thích những khác biệt, thỏa thuận, nhưng đồng hành! Nếu chúng ta dừng lại, không tiến bước nữa, sẽ không bao giờ chúng ta thỏa thuận với nhau. Sở dĩ như vậy vì Thánh Linh muốn chúng ta tiến bước”.

Buổi canh thức tiếp tục với thánh vịnh thống hối 50, kinh nguyện xin ơn tha thứ vì những tội chia rẽ do cha Cantalamessa và mục sư Traettino hướng dẫn.

Buổi canh thức kết thúc với kinh nguyện xin ơn Phép rửa của Chúa Thánh Linh.

G. Trần Đức Anh OP

Đức Thánh Cha cổ võ cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo

Đức Thánh Cha cổ võ cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo

VATICAN. ĐTC kêu gọi toàn thể Giáo Hội chuẩn bị và cử hành tháng đặc biệt về truyền giáo sẽ tiến hành vào tháng 10 năm 2019.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-6-2017, dành cho 170 tham dự viên Đại hội của các Hội Giáo Hoàng truyền giáo kết thúc hôm qua sau 6 ngày tiến hành tại Roma. Phần lớn các vị tham dự là Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo Hoàng truyền giáo ở các nước, trong số này có Cha Đa Minh Ngô Quang Tuyên từ Việt Nam.

ĐTC cho biết ngài quan tâm về các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, nhiều khi bị biến thành một tổ chức chỉ quyên góp và phân phối nhân danh ĐGH tài trợ kinh tế cho các Giáo Hội túng thiếu. Vì thế ngài khuyến khích các Hội này tìm những con đường mới và phương thế thích hợp hơn, có tính chất Giáo Hội hơn, để chu toàn công tác phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

ĐTC đặc biệt hài lòng và hoàn toàn hỗ trợ đề nghị của các Hội Giáo Hội truyền giáo dành tháng 10 năm 2019 làm tháng đặc biệt suy tư và đào sâu sứ mạng truyền giáo, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Tông thư Maximum illud của ĐGH Biển Đức 15. ĐTC nói: ”Trong văn kiện giáo huấn rất quan trọng này, ĐGH Biển Đức 15 nhắc nhớ rằng đời sống thánh thiện là điều rất cần thiết cho hiệu năng của việc tông đồ, và thế Người cổ võ một sự kết hiệp ngày càng mạnh mẽ hơn với Chúa Kitô, và dấn thân đầy xác tín và vui mừng vào sự hăng say loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, thi hành lòng thương xót với mọi người.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Tháng đặc biệt cầu nguyện và suy tư về truyền giáo như công tác rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại sẽ giúp canh tân đức tin Giáo Hội, để sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất luôn hiện diện và hoạt động nơi con tim của Giáo Hội”. (SD 3-6-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục trẻ

Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục trẻ

VATICAN. ĐTC nhắn nhủ các linh mục trẻ chuyên chăm cầu nguyện, luôn tiến bước, thành tâm chia sẻ.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 1-6-2017, dành cho 100 tham dự viên khóa họp toàn thể của Bộ giáo sĩ, tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Tổng trưởng Benjamino Stella.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ghi nhận khả năng của các linh mục trẻ, tinh thần sáng tạo, lòng hăng say của các vị. Ngài ca ngợi chương trình đào tạo căn bản (Ratio Fundamentalis) dành cho giáo sĩ mới được Bộ giáo sĩ công bố cách đây vài tháng, nhắm đến một sự huấn luyện toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh của đời sống, chỉ dẫn con đường đào tạo môn đệ thừa sai, và ĐTC nhấn mạnh đến 3 thái độ quan trọng đối với các linh trẻ:

– Trước tiên là cầu nguyện không mệt mỏi. ĐTC nói: ”Chúng ta chỉ có thể là những người ”đánh cá người”, nếu trước tiên chúng ta nhìn nhận mình đã được sự dịu dàng của Chúa thu hút. Ơn gọi của chúng ta bắt đầu khi, rời bỏ lãnh vực cá nhân chủ nghĩa và những dự phóng bản thân của chúng ta, chúng ta tiến bước trong cuộc ”du hành thánh”, phó thác cho Đấng là Tình Yêu đã tìm kiếm chúng ta và Tiếng Nói đã làm rung động tâm hồn chúng ta”.

Để chu toàn việc cầu nguyện không ngừng, ĐTC nhắn nhủ các LM trẻ hãy cố gắng sống sự hòa hợp giữa kinh nguyện, làm việc và nghỉ ngơi, sự hòa hợp ấy là nguồn năng lực quí giá để đối phó với những vất vả tông đồ.. Mỗi ngày chúng ta cần dừng lại, lắng nghe Lời Chúa và ở lại trước Nhà Tạm Mình Thánh Chúa. Và cũng cần lắng nghe thân xác chúng ta, là một bác sĩ giỏi, báo động cho chúng ta khi sự mệt mỏi vượt quá giới hạn. Cầu nguyện, tương quan với Thiên Chúa, chăm sóc đời sống thiêng liêng mang lại cái hồn cho sứ vụ, và có thể nói, sứ vụ mang lại hình dạng cho đời sống thiêng liêng: vì linh mục thánh hóa bản thân và tha nhân trong việc thực thi cụ thể sứ vụ, nhất là khi giảng giải và cử hành các bí tích”.

– Tiếp đến là thái độ luôn tiến bước, vì LM không bao giờ là người đã tới đích. LM luôn luôn là một môn đệ, lữ hành trên những nẻo đường của Tin Mừng và cuộc sống, đối diện với ngưỡng cửa mầu nhiệm Thiên Chúa và Thánh Địa của những người được ủy thác cho LM. Không bao giờ LM có thể cảm thấy thỏa mãn và dập tắt sự lo âu lành mạnh làm cho LM để cho Chúa huấn luyện và làm đầy tràn. Vì thế, linh mục luôn cập nhật và cởi mở đối với những bất ngờ của Thiên Chúa! Trong sự cởi mở như thế đối với điều mới mẻ, các linh mục trẻ có thể có tinh thần sáng tạo trong việc loan báo Tin Mừng, với tinh thần phân định, lui tới những môi trường mới mẻ trong lãnh vực truyền thông với tinh thần phân định, nơi mà linh mục gặp những khuôn mặt, những chuyện đời và câu hỏi của con người, phát huy khả năng xã hội tính, tương quan và loan báo đức tin. Đồng thời linh mục cũng liên lạc với các linh mục khác, và ngăn cản không cho ”con sâu” của bệnh tự tham chiếu cản trở kinh nghiệm hồi sinh của tình hiệp thông linh mục”.

– Sau cùng, LM cần có thái độ thành tâm chia sẻ, vì cuộc đời LM không phải là một văn phòng bàn giấy và cũng không phải là một tập hợp các việc tôn giáo hoặc phụng vụ phải thi hành. Làm linh mục có nghĩa là dành trọn cuộc sống cho Chúa và anh chị em, mang trong tâm hồn niềm vui và lo âu của Dân Chúa, dành thời gian lắng nghe và chữa lành các vết thương của người khác, cống hiến cho họ sự dịu dàng của Chúa Cha.

ĐTC cũng nhận xét rằng đi từ kinh nghiệm sinh hoạt với người trẻ trong giáo xứ, khi còn trẻ, LM trẻ có cơ hội lớn sống tinh thần chia sẻ ấy với những người trẻ, ở giữa họ, không những như một người bạn, nhưng còn như một người biết thành tâm chia sẻ cuộc sống của họ, lắng nghe những vấn nạn và tham gia cụ thể vào những thăng trầm khác nhau trong đời sống của họ.

ĐTC nói thêm rằng ”LM không cần phải là một chuyên gia về thánh thiêng, hoặc là một anh hùng, từ trên cao và từ bên ngoài, trả lời cho những vấn nạn băn khoăn của người trẻ. Đúng hơn, người trẻ bị thu hút do những người biết chân thành can dự vào cuộc sống của họ, đồng thành với họ trong tinh thần tôn trọng và lắng nghe họ với lòng yêu mến. Vấn đề ở đây là có một con tim đầy lòng cảm thông, nhất là với người trẻ” (SD 1-6-2017)

G. Trần Đức Anh OP 

Chúa Thánh Thần giúp tín hữu gieo vãi niềm hy vọng

Chúa Thánh Thần giúp tín hữu gieo vãi niềm hy vọng

Chúa Thánh Thần là cánh buồm đẩy chúng ta tiến tới. Ngài là Đấng ban cho chúng ta khả năng có tràn đầy niềm hy vọng, giúp chúng ta không bao giờ chán nản ngã lòng, và trở thành những người gieo vãi niềm hy vọng và sự ủi an trong trái tim con người và trong toàn vũ trụ.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Trong số các đoàn hành hương cũng có phái đoàn do cha Nguyễn Tầm Thường hướng dẫn. Bên cạnh đó cũng có một số anh chị em người Việt thành viên Phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh về Roma tham dự đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập.

Mở đầu bài huấn dụ ĐTC nói:

Trong lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống gần kề chúng ta không thể không nói tới tương quan giữa niềm hy vọng kitô và Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là gió đẩy chúng ta tiến tới, duy trì chúng ta bước đi, làm cho chúng ta cảm thấy mình là khách hành hương và người kiều cư, và không cho phép chúng ta chậm bước và trở thành một dân tộc “định cư”.

Thư gửi tín hữu Do thái so sánh niềm hy vọng với một mỏ neo (x. Dt 6,18-19) và chúng ta có thể thêm vào hình ảnh này hình ảnh cánh buồm. Nếu mỏ neo là cái khiến cho con thuyền có an ninh và giữ nó neo lại giữa sóng biển, thì cánh buồm trái lại là cái làm cho thuyền lướt trên nước. Niềm hy vọng thật sự giống như một cánh buồm. Nó thu thập gió của Thần Khí và biến nó thành sức mạnh đẩy con thuyền, ra khơi hay cặp bến, tuỳ theo các trường hợp.

** Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Tông đồ Phaolô kết luận thư gửi tín hữu Roma với lời cầu chúc sau đây; xin anh chị em hãy nghe  rõ, hãy lắng nghe lời cầu chúc đẹp biết bao này: “Xin Thiên Chúa là nguồn hy vọng, ban cho anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy vọng.” (Rm 15,13).  Chúng ta hãy suy tư một chút về lời nói rất hay đẹp này.

Kiểu nói “Thiên Chúa của niềm hy vọng” không chỉ muốn nói rằng Thiên Chúa là đối tượng niềm hy vọng của chúng ta, nghĩa là Đấng chúng ta hy vọng một ngày kia đạt tới trong cuộc sống vĩnh cửu; nó cũng còn muốn nói rằng Thiên Chúa là Đấng  khiến cho chúng ta hy vọng ngay bây giờ đây, và còn hơn thế nữa làm cho chúng ta “tươi vui trong hy vọng” (Rm 12,12): tuơi vui hy vọng giờ đây, và không phải chỉ hy vọng được vui mừng. Đó là niềm vui hy vọng và không hy vọng có niềm vui. Ngày nay. Có một câu nói bình dân rằng: “Còn sống là còn  hy vong”; và điều trái lại cũng đúng: “Còn hy vọng là còn sống”. Con người cần hy vọng để sống, và cần Chúa Thánh Thần để hy vọng.

Thánh Phaolô – như chúng ta đã nghe – gán cho Chúa Thánh Thần khả nằng làm cho chúng ta “được tràn đầy hy vọng”. Tràn đầy hy vọng có nghĩa là không bao giờ chán nản ngã lòng; có nghĩa là hy vọng “chống lại mọi hy vọng” (Rm 4,18), nghĩa là hy vọng cả khi không còn có lý do để hy vọng, như đối với tổ phụ Abraham, khi Thiên Chúa xin tổ phụ sát tế con một là Igiaác cho Ngài, và còn hơn thế nữa như Đức Trinh Nữ Maria đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần khiến cho niềm hy vọng vô địch ấy có thể được, bằng cách ban cho chúng ta chứng tá nội tâm rằng chúng ta là con cái của Thiên  Chúa và là các người thừa tự của Ngài (x. Rm 8,16). Làm sao Đấng đã ban Con một Ngài cho chúng ta lại không ban cho chúng ta mọi sự khác cùng với Con Ngài được? (x. Rm 8,23).  “Niềm hy vọng – hỡi anh chị em – không gây thất vọng, Niềm hy vọng không gây thất vọng, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ tràn đầy vào trong con tim chúng ta nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Vì thế nó không gây thất vọng, bởi vì Chúa Thánh Thần từ bên trong thúc đẩy chúng ta tiến tới, luôn luôn tiến tới. Và vì vậy niềm hy vọng này không gây thất vọng. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Còn hơn thế nữa Chúa Thánh Thần không chỉ khiến cho chúng ta có khả năng hy vọng, mà cũng trở thành những người gieo vãi hy vọng, và là những người an ủi và bênh vực các anh em khác, như Ngài và nhờ Ngài. Những người gieo vãi niềm hy vọng. Một kitô hữu có thể gieo vãi các cay đắng, có thể gieo vãi sự nghi ngờ, và người đó không phải là kitô hữu. Và bạn, nếu bạn làm điều ấy, thì bạn không phải là một tín hữu kitô tốt. Hãy gieo vãi hy vọng: Hãy gieo vãi dầu hy vọng, hãy gieo vãi hương thơm hy vọng, chứ không phải giấm chua cay đắng và thất vọng.

Chân phước Hồng Y Newman, trong một diễn văn đã nói với các tín hữu như sau: “Được chính sự khổ đau của chúng ta dậy dỗ, còn hơn thế nữa được chính các tội lỗi của chúng ta dậy dỗ, chúng ta sẽ có tâm trí được tập luyện cho mọi công việc của tình yêu thương đối với những người cần nó. Chúng ta sẽ là những người an ủi và là hình ảnh của Đấng Ủi An, nghĩa là Chúa  Thánh Thần, tuỳ theo khả năng của chúng ta, và trong mọi nghĩa bao gồm từ này: trạng sư, trợ tá, người đem lại ủi an. Các lời nói và các lời khuyên của chúng ta, kiểu hành động, tiếng nói, cái nhìn của chúng ta sẽ dễ thương và thoa dịu” (Parochial and plain Sermons, Vol V, London 1870, tr.300 tt.). Và đặc biệt những người nghèo, người bị loại trừ, người không được yêu thương cần có ai đó là người an ủi và bênh vực họ. Như Chúa Thánh Thần là đấng an ủi và bảo vệ  cho từng người trong chúng ta hiện diện ở quảng trường này, chúng ta cũng phải làm như thế đối với những người cần được giúp đỡ nhất, những người bị loại bỏ và đau khổ nhất. Là những nguời bênh vực và an ủi.

Chúa Thánh Thần dưỡng nuôi niềm hy vọng không chỉ trong trái tim con người, mà còn trong toàn thụ tạo nữa. Tông đồ Phaolô cũng nói – điều này xem ra hơi lạ, nhưng đúng thật. Thánh tông đồ nói rằng thụ tạo “nóng lòng hướng tới” sự giải thoát và “rên siết” như nỗi đau đớn sinh con (x. Rm 8,20-22). “Năng lực có khả năng di chuyển thế giới không chỉ là một sức mạnh vô danh và mù quáng, mà là hoạt động của Thần Khí của Thiên  Chúa, là Đấng “bay là là trên mặt nước” (St 1,2) lúc khởi đầu việc tạo dựng” (Biển Đức XVI, Bài giảng, 31-5-2009). Cả điều này nữa cũng thúc đẩy chúng ta tôn trọng thụ tạo: không thể làm bẩn một tác phẩm mà không xúc phạm tới người nghệ sĩ đã tạo ra nó.

Anh chị em, ước chi lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp tới – là lễ sinh nhật của Giáo Hội, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống sắp tới  tìm thấy chúng ta hoà hợp trong lời cầu nguyện, với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta. Và xin ơn của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tràn đầy hy vọng. Tôi còn nói hơn nữa: ước chi nó làm cho chúng ta phung phí niềm hy vọng với tất cả những người cần được trợ giúp nhất, những người bị loại bỏ và cần đến chúng ta nhất.

** ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Pháp, Bỉ và Camerun, đặc biệt là cộng đoàn Emmanuel và huynh đoàn Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng như các tín hữu đến từ Benin, với ĐC Vieira và từ Gabon với ĐC Ogbonna Managwu.

Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ các nước Anh, Bỉ, Na Uy, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam,, Hồng Kông, Singapore, Đại Hàn, Tahiti, Uganda, Canada và Hoa Kỳ. Cách riêng các thành viên phong trào Canh tân đặc sủng Thánh Linh về Roma tham dự buổi canh thức và đại hội kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài xin Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy các ơn trên họ.

Trong các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào đông đảo các người trẻ đến từ Đức, Thụy Sĩ và Hoà Lan. Ngài cũng chào các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, như các tín hữu Angola và Brasil. Ngài xin mọi người cùng nhau cầu nguyện để Chúa Thánh Thần đổ tràn đầy các ơn của Ngài trên từng người hầu trở thành các chứng nhân của Chúa Giêsu cho tới tận cùng bờ cõi trái đất.

Trong số các nhóm Ba Lan ĐTC chào các bạn trẻ tham dự cuộc họp mặt gần hồ Lednica với khẩu hiệu “Hãy đi và yêu thương”. Ngài xin Mẹ Maria giúp họ biết trợ giúp tha nhân một cách cụ thể như Mẹ Maria trợ giúp bà Elidabet. Vị bổn mạng thứ hai của cuộc họp mặt là Dakêu. Xin ngài kích thích họ có can đảm tìm kiếm Chúa Giêsu trong cuộc sống và triệt hạ mọi bức tường ngăn cách, hiểu biết nhau, cảm thông và xây dựng sự hiệp nhất với tất cả mọi người.

ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Tchèque do ĐHY Dominik Duka, TGM Praha, hướng dẫn, nhân kỷ niệm 75 năm vụ tàn sát do Đức Quốc Xã gây ra tại Lidice. Ngài xin Đức Bà Lidice trợ giúp họ can đảm làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô trong những lúc gặp khó khăn thử thách.

Trong các nhóm Italia ngài đặc biệt chào các thiện nguyện viên lực lượng cảnh sát quốc gia vùng Campania, các thành viên hãng General Motors, các thành viên tổ chức phi chính quyền “Một giọt nước cho thế giới” tỉnh Molfetta.

Chào người trẻ ĐTC khích lệ họ dành chỗ nhất cho Thiên Chúa và tinh yêu của Ngài trong cuộc sống. ĐTC xin Chúa Thánh Thần trợ giúp và an ủi các người bệnh tật trong những lúc khổ đau, và ngài xin Chúa Thánh Thần củng cố sự hiệp nhất của các  đôi tân hôn.

Buổi tiếp kiến dã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

Đức Thánh Cha tiếp thủ tướng Canada

VATICAN. Sáng ngày 29-5-2017, ĐTC đã tiếp kiến thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau.

Thông cáo của Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết sau khi gặp ĐTC, thủ tướng Trudeau đã gặp ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, có sự hiện diện của Đức TGM ngoại trưởng Paul Gallagher.

Trong hai cuộc hội kiến thân mật ấy, có nói đến quan hệ tốt giữa Tòa Thánh và Canada, và sự đóng góp của Giáo Hội Công Giáo trong đời sống xã hội của nước này. Rồi các vị đề cập đến vấn hệ hội nhập và hòa giải, cũng như tự do tôn giáo và các vấn đề luân lý đạo đức hiện nay.

Sau cùng, có đề cập đến một vài vấn đề quốc tế, dưới ánh sáng kết quả hội nghị thượng định của 7 cường quốc kinh tế, G-7, mới tiến hành tại Taormina ở miền nam Italia, đặc biệt về tình hình ở Trung Đông và các vùng xung đột.

Theo báo chí Canada, trong cuộc hội kiến, thủ tướng Justin Trudeau đã mời ĐTC đến viếng thăm Canada trong những năm tới đây để chính thức xin lỗi các thổ dân bản xứ vì trách nhiệm của các thừa sai Công Giáo đối với những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá dành cho các học sinh thổ dân bản xứ xưa kia.

Vấn đề xin lỗi trên đây là một trong 94 lời kêu gọi hành động, do Ủy ban sự thật và hòa giải của Canada đề ra. Phúc trình này được công bố hồi tháng 12 năm 2015 yêu cầu có những lời xin lỗi chính thức được chính ĐGH đưa ra.

Từ lâu vấn đề các học sinh thổ dân Canada bị đưa ra khỏi môi trường văn hóa của họ, sống trong các ký túc xá của các thừa sai Kitô: Công Giáo, Anh giáo và Tin Lành, đã được bàn đến nhiều tại Canada. Các thổ dân bị mất văn hóa và căn tính, và cũng có những vụ lạm dụng xảy ra trong các ký túc xá.

Hồi năm 2009, ĐGH Biển Đức 16 đã bày tỏ đau lòng vì sự đối xử mà các thổ dân bản xứ phải chịu trong các ký túc xá, nhưng không xin lỗi.

Chính phủ của thủ tướng Trudeau hiện bị sức ép, bị dư luận phê bình vì sự chậm trễ trong cuộc điều tra toàn quốc về các phụ nữ và trẻ nữ bị mất tích hoặc bị ám sát (Tổng hợp 29-5-2017)

G. Trần Đức Anh OP

 

Tổng thống Hàn quốc cho phép viện trợ nhân đạo cho Bắc hàn

Tổng thống Hàn quốc cho phép viện trợ nhân đạo cho Bắc hàn

Seoul – Đức cha Hyginus Kim Hee-joong, đặc sứ của tổng thống Moon Jae-in, đến Vatican kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Hàn quốc và Tòa thánh đã trở về nước và báo cáo với tổng thống các tin tức về cuộc yết kiến Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hôm thứ tư, 24/05, trong cuộc yết kiên, Đức cha Kim đã trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô lá thư của tổng thống Hàn quốc, trong đó tổng thống khẳng định ý muốn đối thoại với Bắc hàn bất chấp những hành động khiêu khích liên tục của ông Kim Jong-un, lãnh đạo Bắc hàn. Ông cũng xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho Nam hàn để những liên hệ với cộng sản Bắc hàn được tốt hơn.

Đức cha Kim cho biết Đức Thánh Cha bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với Hàn Quốc và Giáo Hội tại nước này. Đức Thánh Cha mời tổng thống Hàn quốc sang thăm Vatican, là nơi mà ông sẽ luôn được chào đón.

Tổng thống Moon đã dấn thân cho việc mở lại kênh ngoại giao với Bắc hàn. Trong cuộc tìm kiếm đối thoại với Bình Nhưỡng, tổng thống đã quyết định đảm bảo sự hợp tác của các tổ chức nhân đạo và tôn giáo, cho phép họ thực hiện các dự án viện trợ miền Bắc.

Các liên lạc trái phép với Bắc hàn hoặc các cuộc thăm viếng có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, những ngày này, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn quốc đã bật đèn xanh cho các dự án viện trợ nhân đạo đầu tiên. Điều duy nhất giới hạn là các dự án cứu trợ nhân đạo này không thể không tôn trọng các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Bắc hàn. (Asia News 30/05/2017)

Hồng Thủy