Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại hội Bộ Truyền Giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại hội Bộ Truyền Giáo

Đức Thánh Cha tiếp kiến Đại hội Bộ Truyền Giáo

VATICAN. ĐTC ca ngợi sức sinh động của nhiều xứ truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của các xứ truyền giáo với các nước Kitô kỳ cựu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 3-12-2015, dành cho 160 tham dự viên Đại hội lần thứ 19 của Bộ truyền giáo, vừa kết thúc sau 4 ngày tiến hành tại thính đường Đại Học Giáo Hoàng Urbaniana ở Roma. Trong số các HY và GM thành viên của Bộ tham dự Đại hội này có ĐHY TGM Hà Nội và Đức TGM giáo phận Sàigòn, Chủ tịch Hội đồng GM Việt Nam.

Lên tiếng trong buổi tiếp kiến, ĐTC ghi nhận Đại hội này kiểm điểm các hoạt động truyền giáo cho dân ngoại và đề ra những chỉ dẫn quí giá cho tương lai. Ngài nhắc đến chuyến viếng thăm mới thực hiện tại 3 nước Phi châu và ca ngợi sức sinh động của các Giáo Hội trẻ, mặc dù có nhiều khó khăn. ĐTC nói:

”Tôi có thể nhận thấy rằng nơi nào có nhu cầu, thì hầu như luôn luôn có sự hiện diện của Giáo Hội sẵn sàng săn sóc vết thương của những người túng thiếu nhất, trong đó Giáo Hội nhận ra thân mình bị thương tích và bị đóng đanh của Chúa Giêsu. Bao nhiêu hoạt động bác ái và thăng tiến con người! Bao nhiêu những người Samaritano nhân lành vô danh đang hoạt động hằng ngày trong các xứ truyền giáo”.

ĐTC cũng nhắc đến sứ mạng truyền giáo như một điều bẩm sinh của Giáo Hội, một sứ mạng đã có ở ngay trong bí tích rửa tội: ”Giáo Hội phục vụ sứ mạng truyền giáo.. Không phải Giáo Hội làm nên sứ mạng truyền giáo, nhưng chính sứ mạng truyền giáo làm nên Giáo Hội. Vì thế việc truyền giáo không phải là dụng cụ, nhưng là điểm khởi hành và là đích điểm của Giáo Hội”.

ĐTC phê bình hiện tượng tục hóa trong thế giới ngày nay, trong đó người ta đón nhận xác giá trị Tin Mừng như yêu thương, công bằng, hòa bình và tiết độ, nhưng không tỏ ra sẵn sàng đối với chính Chúa Giêsu, họ không coi Ngài là Đức Messia, là Con Thiên Chúa. Cùng lắm họ coi Ngài là người đã được ”giác ngộ”, được soi sáng. Do đó họ tách rời sứ điệp ra khỏi sứ giả, tách rời hồng ân ra khỏi Đấng Ban tặng.

Trong bối cảnh đó, ĐTC nói: ”điều sinh tử là trong lúc này là ”Giáo Hội cần đi ra ngoài và loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người, ở mọi nơi và trong mọi dịp, không do dự, không co quắp, không sợ hãi” (E.G. 23). Thực vậy, sứ mạng truyền giáo là sức mạnh biến đổi Giáo Hội từ bên trong”.

ĐTC nhận xét rằng ngày nay nhiều Giáo Hội trẻ biết cho đi, chứ không phải chỉ nhận. Những hoa quả đầu tiên là các Giáo Hội trẻ sẵn sàng nhường các linh mục của mình cho các Giáo Hội chị em cùng một nước, cùng một đại lục hoặc phục vụ các Giáo Hội đang thiếu LM ở các miền khác trên thế giới… Có một chuyển động ngược lại: đó là đáp lễ thiện ích đã nhận lãnh từ các thừa sai đầu tiên. Đó là những dấu hiệu chứng tỏ các Giáo Hội trẻ đạt tới mức trưởng thành”. (SD 3-12-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Sự chung sống giữa giầu có và bần cùng là một hổ nhục cho nhân loại

Sự chung sống giữa giầu có và bần cùng là một hổ nhục cho nhân loại

ĐTC Phanxicô chào tín hữu và du khách hành hương

Sự chung sống giữa giầu có và bần cùng là một gương mù gương xấu và là một hổ nhục cho thế giới.

Sự chung sống giữa giầu có và bần cùng là một gương mù gương xấu và là một hổ nhục cho thế giới. ĐTC Phanxicô đã khẳng định như trên trong buổi tiếp kiến chung tín hữu và du khách hành hương năm châu sáng thư tư 2-12-2015.

Như đã biết, ĐTC Phanxicô vừa mới công du ba nước Phi châu Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi về, trong bài huấn dụ ngài đã chia sẻ với mọi người một số kinh nghiệm và cảm tưởng của ngài. ĐTC đã bầy tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự tiếp đón nồng hậu của các chính quyền dân sự và các Giám Mục, cũng như của tất cả những ai đã cộng tác để cho cuộc viếng thăm diễn ra tốt đẹp. Đề cập tới Kenya là quốc gia đầu tiên của chuyến viếng thăm ĐTC nói:

Kenya là một nước  diễn tả tốt thách đố của thời đại chúng ta: đó là bảo vệ thụ tạo bằng cách cải tổ mẫu phát triển  để nó được công bằng, bao gồm mọi người và có thể chịu đựng nổi. Tất cả những điều này được tìm thấy tại Nairobi, là thành phố lớn nhất vùng Đông Phi châu, nơi chung sống sự giầu có và bần cùng: nhưng đây là một gưong mù gương xấu! Không phải chỉ bên Phi châu thôi, mà cả ở đây bên Âu châu nữa.  Tại khắp mọi nơi. Việc chung sống giữa sự giầu có và bần cùng là một gương mù gương xấu, một hổ nhục cho nhân loại. Và ở Nairobi có trụ sở văn phòng của Liên Hiệp Quốc đặc trách Môi sinh, mà tôi đã viếng thăm. Tại Kenya tôi cũng đã gặp gỡ chính quyền và Ngoại giao đoàn, cũng như dân chúng sống trong khu phố bình dân. Tôi cũng đã gặp gỡ các vị lãnh đạo của các Giáo Hội kitô và các tôn giáo khác, các linh mục và những người sống đời thánh hiến, và người trẻ, biết bao nhiêu người trẻ! Trong mọi dịp tôi đã đều khích lệ giữ gìn kho tàng lớn của đất nước này là sự phong phú thiên nhiên và tinh thần, được tạo thành bởi các tài nguyên của lòng đất, các thế hệ mới, và các giá trị làm thành sự khôn ngoan của người dân. Trong bối cảnh thời sự một cách thê thảm này tôi đã vui mừng đem đến lời hy vọng của Chúa Giêsu phục sinh: “Anh em hãy vững vàng trong đức tin, đừng sợ hãi!”. Đó đã là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm. Một lời được biết bao nhiêu người khiêm tốn và đơn sơ sống mỗi ngày, với phẩm giá cao quý; một lời được làm chứng một cách thê thảm và anh hùng bởi các bạn trẻ của đại học Garissa, bị giết ngày mùng 2 tháng 4  vì là kitô hữu. Máu của họ là hạt giống của hòa bình và tình huynh đệ cho Kenya, cho Phi châu và cho toàn thế giới.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC chia sẻ cảm tưởng của ngài liên quan tới Uganda. Tại Uganda chuyến viếng thăm của tôi xảy ra trong dấu chỉ của các Vị Tử Đạo của đất nước này, mà chân phước Phaolô VI đã tôn phong hiển thánh cách đây 50 năm. Vì vậy khẩu hiệu chuyến viếng thăm đã là: “Các con sẽ là các chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Đây là một khẩu hiệu giả thiết các lời trước đó: “Các con sẽ được sức mạnh của Thánh Thần”, bởi vì chính Thần Khí linh hoạt trái tim và đôi tay của các môn đệ thừa sai. Và toàn chuyến viếng thăm Uganda đã diễn ra trong chứng tá được Chúa Thánh Thần linh hoạt. Đề cập đến chứng tá của các kitô hữu Uganda ĐTC nói:

Trong nghiã rõ ràng chứng tá là việc phục vụ của các giáo lý viên, mà tôi đã cám ơn và khích lệ vì sự dấn thân của họ, thường khi cũng lôi kéo cả gia đình họ.  Chứng tá là chứng tá của tình bác ái, mà tôi đã sờ mó được với bàn tay trong Nhà Bác Ái Nalukolongo, có sự dấn thân của biết bao nhiêu cộng đoàn và hiệp hội, tuy gặp biết bao nhiêu khó khăn, nhưng vẫn giữ được ơn hy vọng, và tìm cách sống theo Tin Mừng chứ không sống theo thế gian, bằng cách đi ngược dòng. Các chứng nhân là các linh mục, các người nam nữ sống đời thánh hiến canh tân từng ngày tiếng “có” hoàn toàn với Chúa Kitô và tươi vui tận hiến cho việc phục vụ dân thánh của Thiên Chúa. Tất cả các hình thái chứng tá đa diện này, được linh hoạt bởi cùng Thánh Thần, là men cho toàn thể xã hội, như được chứng minh bởi công tác hiệu quả của việc chống lại bệnh AIDS bên Uganda, và trong việc tiếp đón các người tỵ nạn.

Thế rồi chặng thứ ba trong chuyến du hành của tôi đã là Cộng hòa Trung Phi: trung tâm địa lý của đại lục. Thật ra, cuộc viếng thăm này đã là việc viếng thăm đầu tiên trong ý muốn của tôi, bởi vì quốc gia này đang tìm ra khỏi một giai đoạn rất khó khăn của xung khắc, bạo lực và biết bao khổ đau nơi người dân. Chính vì thế nên, đi trước một tuần,  tôi đã muốn mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót đầu tiên tại Bangui. Đây là một quốc gia khổ đau biết bao nhiêu. Và điều này như dấu chỉ của đức tin và niềm hy vọng cho dân tộc này, và một cách biểu tượng cho mọi dân tộc phi châu các dân tộc cần được cứu chuộc và an ủi nhất. Lời Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia” (Lc 8,22) đã là khẩu hiệu của chuyến viếng thăm Trung Phi. ĐTC giải thích ý nghĩa cụ thể của lời mời này trong bối cảnh hiện nay của Trung Phi như sau:

Qua bờ bên kia, trong nghĩa dân sự, có nghĩa là bỏ lại đàng sau lưng chiến tranh, các chia rẽ, sự bần cùng, và lựa chọn hoà bình, hòa giải và phát triển. Nhưng điều này giả thiết  một sự vượt qua, xảy ra trong các lương tâm, trong các cung cách hành xử, và trong các ý muốn của con người. Và trên bình diện này phần đóng góp của các cộng đoàn tôn giáo thật định đoạt. Vì vậy tôi đã gặp gỡ các cộng đoàn Tin Lành và Hồi giáo, chia sẻ lời cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình. Với các linh mục và các người sống đời thánh hiến, nhưng cũng với người trẻ, chúng tôi đã chia sẻ niềm vui cảm thấy Chúa phục sinh ở trên thuyền với chúng tôi, và chính Ngài hướng dẫn con thuyền sang bờ bên kia. Và sau cùng trong Thánh lễ cuối cùng tại sân vận động Bangui, trong ngày lễ thánh Anrê Tông Đồ, chúng tôi đã canh tân dấn thân theo Chúa Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta, sự an bình của chúng ta, Gương mặt của Lòng Thương Xót Chúa. Thánh lễ cuối cùng này đã thật tuyệt vời: đầy người trẻ, một sân vận động người trẻ! Nhưng hơn phân nửa dân của Cộng hòa Trung Phi là người trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi. Đây là một hứa hẹn để tiến tới!

Tôi muốn nói một lời về các thừa sai. Những người nam nữ đã bỏ tất cả: từ khi còn trẻ họ đã bỏ quê hương để đến đó, để sống một cuộc sống phải làm biết bao nhiêu công việc, đôi khi họ phải ngủ dưới đất… suốt cả đời… Vào một lúc tôi đã tìm thấy tại Bangui một nữ tu già người Ý. Tôi hỏi: “Chị bao nhiêu tuổi”, “Thưa 81”. Không nhiều lắm, già hơn tôi hai tuổi thôi. Chị đi với một bé gái, và bé gái gọi nữ tu 81 tuổi là “bà nội” bằng tiếng Ý. Chị ấy đã sống ở đây khi mới 23-24 tuổi. Suốt cả đời.  Và có biết bao nhiêu nữ tu như chị. Chị nói: “Nhưng mà con không là người ở đây, con từ nước bên cạnh là Congo, con đi canô  qua đây với bé gái này.. “ Các thừa sai là thế: họ rất can đảm”. “Vậy chị làm gì?” “Thưa con là y tá, và con đã học một chút ở đây và trở thành bà đỡ, và con đã cho 3.280 em bé chào đời”. Chị ấy nói với tôi như thế. Tất cả một cuộc đời cho sự sống, cho sự sống của người khác. Và có biết bao nhiêu người như nữ tu này, biết bao nữ tu, biết bao linh mục, biết bao tu sĩ đã đốt cháy cuộc đời mình để loan báo Chúa Giêsu Kitô. Thật là đẹp khi trông thấy như vậy. Thật là đẹp!

Tôi muốn nói một lời với người trẻ. Nhưng có ít người trẻ, vì xem ra việc sinh ra là một xa xỉ phẩm tại Âu châu này: số sinh là zero hay 1%… Tôi xin ngỏ lời với người trẻ: các con hãy nghĩ xem các con làm gì với cuộc đời mình. Các con hãy nghĩ tới nữ tu này và biết bao nữ tu khác như chị, những người đã trao ban cả cuộc đời, và biết bao người đã chết ở đó. Truyền giáo không phải là chiêu dụ tín đồ, bởi vì nữ tu này đã nói với tôi rằng các phụ nữ hồi đến với các chị, vì các chị là nữ tu, là các nữ y tá giỏi, săn sóc họ tốt và không dậy giáo lý để họ theo đạo! Chứng tá. Thế rồi đối với ai muốn, thì các chị dậy giáo lý cho họ. Nhưng mà làm chứng: đó là tinh thần truyền giáo lớn anh hùng của Giáo Hội. Loan báo Chúa Giêsu Kitô với chính cuộc sống của mình! Tôi xin nói với các bạn trẻ: Con hãy nghĩ tới việc làm gì với cuộc đời con. Đây là lúc suy nghĩ và xin Chúa làm cho con cảm thấy ý muốn của Ngài. Nhưng làm ơn đừng loại trừ khả thể trở thành thừa sai, để đem tình yêu thương, nhân tính,và đức tin đến cho các nước khác. Không phải để chiêu dụ tín đồ: không. Điều này những người kiếm tìm một điều khác làm. Đức tin được rao giảng trước hết với chứng tá, và rồi với lời nói. Một cách từ từ.

Chúng ta hãy cùng nhau chúc tụng Chúa vì chuyến hành hương này trên đất Phi châu, và chúng ta hãy để cho mình được hướng dẫn bởi các lời chìa khóa của Chúa: “Các con hãy vững vàng trong đức tin, đừng sợ hãi”, “Các con sẽ là các chứng nhân của Thầy”; “Chúng ta hãy sang bờ bên kia”.

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước bắc Mỹ và Âu châu, cũng như các đoàn hành hương Australia và Nam Hàn. Ngài nhắc cho mọi người biết Giáo Hội đã bước vào Mùa Vọng là thời gian của hy vọng mà Chúa đề nghị với chúng ta để có thể tiếp đón Ngài vào trong cuộc sống và thế giới này một cách tốt đẹp hơn. ĐTC cầu chúc mọi người sống Mùa Vọng với nhiều sốt mến, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đây là thời gian cầu nguyện, canh thức và mở rộng con tim cho Lòng  Thương Xót Chúa, sống bác ái và trợ giúp những người thiếu thốn.

Chào nhóm bạn trẻ “Viva la Gente Hoan hô dân chúng” của phong trào Tổ Ấm mừng kỷ niệm 50 năm thành lập,  ĐTC hy vọng họ tiếp tục ca hát để loan báo tình yêu của Chúa.

Chào các tin hữu Ba Lan ngài cám ơn họ đã tháp tùng chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại Phi châu bằng lời cầu nguyện.

Trong các nhóm Italia ĐTC đặc biệt chào Liên hiệp quốc tế các bề trên tổng quyền, khai mạc dự án Người di cư trên đảo Sicilia; nhân viên của văn phòng chính phủ điều hợp chống nạn tội phạm cho vay nặng lãi và đòi tiền hối lộ để được bảo vệ.

Chào giới trẻ, người bệnh và các đôi tân hôn ĐTC cầu chúc người trẻ được Chúa thúc đẩy trở thành những người thăng tiên đối thoại và cảm thông. Ngài xin Chúa giúp các anh chị em ốm đau biết nhìn lên thập giá Chúa Kitô và học đương đầu với khổ đau trong sự thanh thản. Ngài xin Chúa giúp các cặp vợ chồng mới cưới gia tăng tình yêu và an bình trong cuộc sống đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên chuyến bay vể Roma

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên chuyến bay vể Roma

Các ký giả quốc tế phỏng vấn ĐTC Phanxicô trên chuyến bay vể Roma

Nội dung bài phỏng vấn ĐTC Phanxicô dành cho các nhà báo quốc tể trên chuyến bay từ Bangui về Roma

Chiều thứ hai vừa qua trên chuyến bay từ thủ đô Bangui của Cộng hoà Trung Phi về Roma, ĐTC Phanxicô đã dành cho các nhà báo quốc tế một cuộc phỏng vấn dài một giờ liên quan tới chuyến tông du Phi châu, cũng như một số vấn đề của Giáo Hội và quốc tế. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn ĐTC.

Trước hết cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, thay mặt các nhà báo cám ơn ĐTC về truyền thống họp báo sau mỗi chuyến công du, nhất là sau chuyến viếng thăm dầy đặc sinh hoạt như chuyến viếng thăm ba nước Kenya Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Cha cũng cám ơn chị Elena Pinardi của Liên hiệp Phát thanh truyền hình Âu châu đã phát trực tiếp chuyến viếng thăm Trung Phi, nhờ đó hình ảnh các sinh hoạt của ĐTC đã đến với khán thính giả thế giới. Cha cũng chúc mừng Liên hiệp mừng 65 năm hoạt động.

Trước tiên là anh Namu Name của Nhật báo quốc gia Kenya. Anh hỏi:

Thưa ĐTC, tại Kenya ĐTC đã viếng thăm các gia đình nghèo ở Kangemi. ĐTC đã nghe các câu chuyện của họ bị loại trừ khỏi các quyền con người như thiếu nước trong lành để uống. Trong cùng ngày ĐTC đã đến sân vận động Kasarani để gặp gỡ giới trẻ. Các ban trẻ cũng kể cho ĐTC nghe tình cảnh không được hưởng các quyền căn bản của họ, vì sự hà tiện và gian tham thối nát của con người. ĐTC đã cảm thấy gì khi nghe các câu chuyện như vậy. Và phải làm gì để chấm dứt các tình trạng bất công này thưa ĐTC?

Đáp: Liên quan tới vấn đề này tôi đã nói rất mạnh ba lần. Trong cuộc gặp gỡ lần thứ nhất các Phong trào bình dân tại Vaticăng, lần thứ hai tại Santa Cruz de la Sierra bên Bolivia, rồi còn hai lần nữa: đó là một chút trong Thông điệp “Niềm vui Phúc Âm”, rồi một cách rõ ràng hơn trong Thông điệp “Laudato si’”. Tôi không nhớ các thống kê, vì thế xin anh chị em đừng đăng tải các thống kê mà tôi sẽ nói, bởi vì tôi không biết chúng có thật không. Nhưng mà tôi tin là có tới 80% tài nguyên thế giới nằm trong tay của 17% dân chúng toàn cầu – tôi không biết có thật không nhưng nếu nó không thật thì nó đã được tìm ra, vì các sự việc là như thế. Nếu có ai trong anh chị em biết thống kê, thì xin nói để nó được điều chỉnh. Đây là một hệ thống, trong đó ở trung tâm có tiền bạc, có thần tiền, Tôi nhớ có lần gặp một vị đại sứ lớn nói tiếng Pháp nói với tôi câu này – ông ta không phải là người công giáo – ông nói: “Chúng tôi đã rơi vào chỗ tôn thờ ngẫu tượng tiền bạc”. Và nếu các sự việc tiếp tục như thế, thì thế giới sẽ tiếp tục như vậy. Anh hỏi tôi cảm thấy gì, khi nghe các chứng từ của người trẻ và tại Kangemi, tôi đã nói rất rõ về các quyền con người. Tôi cảm thấy đau đớn. Và tôi nghĩ làm sao mà người ta không cảm thấy điều đó… Một nỗi đớn đau rất lớn. Chẳng hạn hôm qua, tôi đã tới thăm nhà thương nhi đồng, đây là nhà thương nhi đồng duy nhất tại Bangui và toàn Trung Phi. Và trong khu vực chữa trị cấp bách họ không có dưỡng khí. Có rất nhiều trẻ em thiếu dinh dưỡng, nhiều lắm! Và bà bác sĩ nói với tôi: “Đa số các em sẽ chết, bởi vì các em bị bệnh sốt rét rừng rất nặng, và các em thiếu dinh dưỡng”. Tôi không muốn giảng đâu, nhưng mà Chúa đã luôn luôn quở trách dân Israel, nhưng đó là từ mà chúng ta chấp nhận, vì nó là Lời Chúa, chúng ta tôn thờ thần giả. Và đó là tôn thờ thần giả, khi một người đánh mất đi căn tính của mình, là con cái Thiên Chúa, nhưng lại thích tìm cho mình một vị thần hợp với mình. Đây là nguyên tắc. Và nếu nhân loại không thay đổi, thì các bần cùng, các thảm cảnh, chiến tranh, trẻ em chết vì đói, bất công sẽ tiếp tục… Số người chiếm giữ 80% của cái thế giới nghĩ gì? Đây không phải là chủ thuyết cộng sản đâu, đây là sự thật. Đó là sự thật, thật không dễ nhìn nó, và tôi xin cám ơn anh đã đặt câu hỏi này, bởi vì đó là cuộc sống.

Câu hỏi thứ hai là của anh Mumo Makau của Radio thủ đô Kenya. Anh hỏi:

Thưa ĐTC con muốn biết đâu đã là lúc đáng ghi nhớ nhất trong chuyến viếng thăm này của ĐTC tại Phi châu? ĐTC có sẽ mau trở lại viếng thăm Phi châu không, và mục tiêu tới là ở đâu?

Đáp: Chúng ta hãy bắt đầu từ phần cuối của câu hỏi: nếu mọi chuyện xuôi chảy, tôi tin là chuyến viếng thăm tới sẽ là Mêhicô. Ngày tháng chưa được xác định. Thứ hai, tôi có trở lại Phi châu không? Tôi không biết, tôi già rồi… Các chuyến du hành nặng nề…Và câu hỏi thứ nhất là gì nhỉ? Xin đợi một chút, tôi phải nghĩ đã. Điều đáng nhớ đó là đám đông dân chúng, niềm vui và khả năng mừng lễ, mừng lễ với cái dạ dầy trống rỗng. Đối với tôi Phi châu đã là một sự ngạc nhiên. Tôi nghĩ Thiên Chúa khiến cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng cả Phi châu cũng gây kinh ngạc cho chúng ta. Và có nhiều lúc đáng ghi nhớ lắm. Đám đông, đám đông dân chúng. Họ cảm thấy được viếng thăm. Họ có một ý thức tiếp đón, bởi vì họ sung sướng cảm thấy được viếng thăm. Thế rồi mỗi nước có căn tính riêng của mình. Kenya thì tân tiến hơn một chút, phát triển hơn. Uganda có căn tính của các vị Tử Đạo: người dân Uganda, công giáo cũng như anh giáo, tôn kính các vị tử đạo. Tôi đã ở trong hai đền thánh: anh giáo trưóc, rồi tới công giáo  và ký ức của các vị tử đạo là căn tính của họ. Lòng can đảm trao ban mạng sống cho một lý tưởng. Và Trung Phi thì có ước muốn hòa bình, hoà giải, tha thứ… Cho tới cách đây 4 năm các tín hữu công giáo, anh giáo, hồi giáo sống chúng với nhau như anh em. Hôm qua tôi đã đi thăm đền thờ hồi giáo. Tôi đã cầu nguyện trong đó, và cả Imam cũng đã lên xe giáo hoàng để đi một vòng trong sân vận động nhỏ. Đó là những cử chỉ bé nhỏ mà tôi làm, và đó là diều mà họ muốn. Và có một nhóm nhỏ – tôi tin là kitô hữu vì họ nói họ là kitô hữu – rất là bạo lực, tôi không hiểu rõ lắm, nhưng không phải là Nhà nước hồi giáo, nó là một cái gì khác. Nhưng mà là kitô. Và họ muốn có hoà bình. Giờ đây nếu có các cuộc bầu cử họ đã lựa chọn Nhà nước chuyển tiếp, họ đã chọn bà thị trưởng như là tổng thống của Nhà nưóc chuyển tiếp, và bà sẽ tổ chức các cuộc bầu cử. Nhưng họ kiếm tìm hòa bình, hòa giải giữa họ. Không có thù hận.

Tới phiên anh Philip Putella của hãng tin Reuters hỏi ĐTC

Thưa ĐTC, ngày nay người ta nói nhiều về vụ Vatileaks. Không đi sâu vào vụ xử án đang xảy ra, con muốn hỏi ĐTC tại Uganda ĐTC đã nói buông rằng gian tham hối lộ có ở khắp mọi nơi, và cả trong tòa thánh Vaticăng nữa. Như thế câu hỏi của con là đâu là tầm quan trọng của báo chí tự do và của giáo dân trong việc nhổ tận gốc rễ sự gian tham hối lộ này, tại khắp nơi nó hiện diện?

Đáp: Tôi sẽ nói là báo chí tự do, đời và cả tôn giáo nữa, nhưng chuyên nghiệp. Bởi vì sự chuyên nghiệp của báo chí có thể là đời hay tôn giáo: điều quan trọng đó là  các chuyên viên, thật vậy, để các tin tức không bị lèo lái, có đúng thế không? Đó. Đối với tôi nó quan trọng, bởi vì việc tố cáo các bất công, các gian tham hối lộ là một công việc đẹp: “Ở đó có gian tham hối lộ!” Và rồi người có trách nhiệm phải làm cái gì đó, đưa ra một phán đoán, loan báo một toà án. Nhưng báo chí nguyên nghiệp phải nói tất cả, mà không rơi vào trong ba tội thông thường nhất là thông tin sai lạc, nói một nửa và không nói nửa kia, vu khống – bào chí chuyên nghiệp, khi không có sự chuyên nghiệp, thì làm bẩn người khác với sự thật hay không sự thật – và nói xấu, tức là nói những điều lấy mất đi danh tiếng của một người với các điều, mà trong lúc này không gây hại gì cả, có lẽ đó là các điều trong quá khứ… Và đó là ba thiếu sót mưu sát tính chuyên nghiệp của báo chí. Chúng ta cần có sự chuyên nghiệp, sự đúng đắn: câu chuyện là như thế, câu chuyện là như thế, câu chuyện là như thế. Và liên quan tới việc gian tham hối lộ, phải coi kỹ các dữ kiện và nói lên các dữ kiện ấy: phải, có gian tham hối lộ ở đây, vì cái này, vì cái này, vì cái này.  Rồi, một nhà báo mà chuyên nghiệp nếu sai, thì xin lỗi. Tôi đã tin rằng, nhưng rồi tôi nhận thấy là không có, và như thế các chuyện xuôi chảy. Nó rất là quan trọng.

Tới phiên anh Philippe de Saint Pierre, đặc trách đài truyền hình công giáo Pháp. Chúng ta sang Paris, mọi người đều gần gũi với nước Pháp trong lúc này. Anh hỏi:

Thưa ĐTC, DTC đã trao ban danh dự cho khán đài có sự hiện diện của ĐTGM, Imam và Mục Sư tại Bangui. Ngày nay hơn bao giờ hết người ta nói rằng khuynh hướng tôn giáo quá khích đe dọa toàn hành tinh. Chúng ta đã thấy tại Paris. Như vậy trước nguy hiểm này DTC có nghĩ rằng các vị lãnh đạo tôn giáo phải can thiệp nhiều hơn vào lãnh vực chính trị hay không?

Đáp: Can thiệp vào lãnh vực chính trị, nếu anh muốn nói là “làm chính trị”, thì không. Hãy làm linh mục, mục sư, imam, rabbi: đó là ơn gọi của họ. Nhưng người ta làm chính trị một cách gián tiếp: bằng cách giảng các giá trị, các giá trị đích thật, và một trong các giá trị  lớn nhất là tình huynh đệ giữa chúng ta. Chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa, chúng ta có cùng Cha. Cần phải làm chính trị trong nghiã này: một chính trị của sự hiệp nhất, của hoà giải… và của một từ, mà tôi không thích nhưng phải dùng nó, đó là của sự “khoan nhượng”, nhưng không phải chỉ của sự khoan nhượng, mà là của sự chung sống, của tình bằng hữu. Nó là như vậy. Khuynh hướng quá khích là một căn bệnh có trong tất cả mọi tôn giáo. Chúng tôi là công giáo chúng tôi cũng đã có vài khuynh hướng quá khích, không phài vài, mà biết bao nhiêu qúa khích. Mà người ta lại tin là sự thật tuyệt đối, và người ta tiếp tục bằng cách bôi nhọ người khác với sự vu khống, nói xấu và họ làm bậy, họ làm bậy. Và tôi nói lên điều này, vì nó là Giáo Hội của tôi: cả chúng ta nữa, tất cả! Và phải chiến đấu. Khuynh hướng quá khích tôn giáo không phải là tôn giáo. Tại sao? Bởi vì nó thiếu Thiên Chúa. Nó là tôn thờ thần giả cũng như tiền bạc là thần giả. Làm chính trị trong nghĩa thuyết phục người có khuynh hướng này là một nền chính trị, mà chúng ta là hàng lãnh đạo tôn giáo phải làm. Nhưng khuynh hưóng quá khích luôn luôn kết thúc trong một thảm kich hay trong các tội phạm. Nó là một điều xấu, nhưng trong mọi tôn giáo đều có một mảnh nhỏ.

Tiếp theo đây là chị Cristina Caricato của TV2000, là đài truyền hình công giáo của các Giám Mục Italia. Chị hỏi

Thưa ĐTC sáng nay khi chúng ta đang ở Bangui, thì tại Vaticăng có vụ xử án Đức Ông Vallejo Balda và bà Chaouqui cũng như hai nhà báo. Con xin đưa ra câu hỏi mà nhiều người khác cũng muốn đưa ra: đó là tại sao lại có hai người này? Làm sao trong tiến trình cải tổ mà ĐTC đã bắt đầu hai người thuộc loại này lại đã có thể vào trong Uỷ ban COSEA đưọc? ĐTC có tin là mình đã lầm hay không?

Đáp: Tôi tin là đã có một lầm lẫn. Đức Ông Vallejo Balda đã vào Ủy ban vì chức vụ ngài đã có, và đã có cho tới nay. Ngài đã là thư ký của Sở tài chính Tòa Thánh, nên đã vào. Còn bà Chaouqui, tôi không chắc chắn, nhưng tin là mình không sai, nếu nói là chính ngài đã giới thiệu bà như là một phụ nữ hiểu biết thế giới của các tương quan thương mại. Nó là như thế và họ đã làm việc. Khi công việc đã xong, thì trong các thành viên của uỷ ban gọi là COSEA có vài người ở tại chức trong Vaticăng, cả chính Đức Ông Vallejo Balda. Còn bà Chaouqui thì đã không ở trong Vaticăng nữa. Vài người nói rằng bà đã giận dữ vì vậy, nhưng các thẩm phán sẽ nói cho chúng ta biết sự thật liên quan tới các ý hướng như họ đã làm. Đối với tôi, đó đã không phài là một ngạc nhiên, nó đã không khiến cho tôi mất ngủ, bởi vì họ đã cho thấy công việc đã bắt đầu với Uỷ Ban 9 Hồng Y là tìm kiếm gian tham hối lộ và những gì không ổn. Và ở đây tôi muốn nói lên một điều, không có Vallejo và Chaouqui, nhưng tất cả mọi người, mọi sự. Thế rồi nếu chị muốn, tôi trở lại đề tài gian tham hối lộ. Từ “gian tham hối lộ” một trong hai người Kenya đã nói 13 ngày trước cái chết của thánh Gioan Phaolô II, trong buổi đi đàng Thánh Giá, khi đó do ĐHY Ratzinger hướng dẫn. Ông đã nói đến các “dơ bẩn của Giáo Hội” ông dã tố cáo điều đó trong ngày thứ Sáu tuần thánh. Thế rồi, ĐGH Gioan Phaolô II qua đời trong tuần bát nhật Phục Sinh. ĐHY Ratzinger trở thành Giáo Hoàng. Nhưng trong thánh lễ cho việc bầu giáo hoàng ngài đã là Hồng Y niên trưởng. Ngài cũng đã nói lên cùng điều ấy, và chúng tôi đã chọn ngài vì sự tự do nói lên các chuyện này. Và từ lúc đó có trong không khí của Vaticăng là ở đây có gian tham hối lộ: có sự thối nát. Trên sự phán đoán này, tôi đã cho các thẩm phán các tố cáo cụ thể: bởi vì điều quan trọng  đối với việc bệnh vực là đưa ra các lời tố cáo. Tôi đã không đọc các lời tố cáo cụ thể, kỹ thuật. Tôi đã muốn là chuyện này kết thúc trước ngày mùng 8 tháng 12 cho Năm Lòng Thương Xót. Nhưng tôi tin là không thể làm được, bởi vì tôi muốn là tất cả các luật sư bào vệ có giờ để bênh vực, có sự tự do bênh vực. Và họ đã được chọn làm sao, thì là cả lịch sử. Nhưng việc gian tham hối lộ đến từ xa…

Hỏi: Nhưng ĐTC có ý tiến hành như thế nào để những chuyện như vậy không xảy ra nữa?

Đáp: Tôi cám ơn Chúa vì không có Lucrezia Borgia. (Các nhà báo đều cười). Nhưng tôi không biết, tiếp tục với các Hồng Y, với ủy ban để quét dọn sạch sẽ.

Cha Lombardi nói bây giờ tới phiên anh Nestor Ponguta người Colombia của Radio W và Caracol:

Thưa ĐTC con xin hỏi ĐTC về một đề tài đặc biệt liên quan tới Mỹ châu Latiinh bao gồm cả đất nước Argentina của ĐTC nữa. Tại Argentian với ông Macrri sau 12 năm sống dưới chế độ của bà Kirchner, đang hơi có thay đổi. ĐTC nghĩ gì về các thay đổi này, và nền chính trị tại châu Mỹ Latinh đang theo một hướng đi mới như thế nào?

Đáp: Tôi dã nghe vài ý kiền, nhưng thực ra vể tình hình địa lỹ chính trị trong lúc này thì tôi không biết nói gì. Thực sự là như vậy, tôi không biết. Bởi vì có các vấn đề trong nhiều nước trong đường lối này, nhưng thật sự tôi không biết nó đã bắt đầu tại sao và như thế nào. Tôi thực sự không biết. Có nhiều nước châu mỹ latinh ở trong tình trạng của một chút thay đổi này, đúng vậy, nhưng tôi không biết giải thích nó.

Tiếp đến là anh Juergen của hãng tin DPA Nam Phi

 Thưa ĐTC bệnh AIDS đang tàn phá Phi châu. Các thuốc điều trị có nghĩa là ngày nay nhiều người có thể sống lâu hơn. Nhưng mà nạn dịch tiếp tục. Chỉ tại Uganga năm ngoái đã có tới 135 ngàn trường hợp lây bệnh mới. Tại Kenyha tình hình còn tệ hơn. AIDS là lý do đầu tiên gây ra cái chết cho người trẻ phi châu. Thưa ĐTC, ĐTC đã gặp gỡ các trẻ em bị bệnh liệt kháng và đã lắng nghe chứng từ cảm động tại Uganda. Nhưng ĐTC đã nói rất ít về đề tài này. Chúng ta biết là việc phòng ngừa là nền tảng. Chúng ta biết là bao cao su không phải là phương thế duy nhất giúp chặn đứng nạn địch. Nhưng chúng ta cũng biết nó là một phần quan trọng của câu trả lời. Có lẽ đã đến lúc làm nhẹ bớt các lập trường của Giáo Hội  đối với vấn đề này, và cho phép dùng bao cao su để phòng ngừa việc lây bệnh chưa thưa ĐTC?

Đáp: Đối với tôi câu hỏi xem ra nhỏ qúa và cũng là một câu hỏi phiến diện nữa. Đúng, nó là một trong các phương thế. Trong điềm này nền luân lý của Giáo Hội – tôi nghĩ – đang đứng trước một sự phức tạp. Nó là điều răn thứ năm hay thứ sau? Bênh vực sự sống hay liên hệ tính dục rộng mở cho sự sống? Nhưng đây không phải là vấn đề. Vấn đề lớn hơn. Câu hỏi này khiến tôi nghĩ tới câu hỏi, mà một lần kia người ta đã đưa ra cho Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chữa bệnh ngày sabát có hợp pháp không ?” Phải chữa lành! Câu hỏi là có được phép chữa bệnh như thế không, nhưng thiếu dinh dưỡng, khai thác bóc lột con người, lao động nô lệ, thiếu nước trong lành để uống, đó là các vấn đề. Chúng ta không nói tới việc có thể dùng cái băng này hay cái băng kia cho một vết thương bé tí. Vết thương lớn đó là bất công xã hội, bất công môi sinh, bất công mà tôi đã nói tới, của khai thác bóc lột và thiếu dinh dưỡng. Cái đó thì có. Tôi không thích đi xuống các suy tư có tính cách giải nghi học, khi ngưòi ta chết vì thiếu nưóc trong lành  và vì đói, vì thiếu nhà ở… Khi tất cả mọi người đều được chữa lành, hay khi sẽ không còn có các bệnh thê thảm này  mà con người gây ra, vì bất công xa hội hay để kiếm được nhiều tiền hơn, tôi tin rằng có thể hỏi: “Có đưọc phép chữa bệnh ngày thứ bẩy không ?” Tại sao, nếu người ta tiếp tục chế tạo vũ khí và buôn bán vũ khí? Các cuộc chiến là ly do gây ra chết chóc lớn lao hơn nhiều… tôi sẽ nói là đừng nghĩ tới việc có được phép hay không được phép chữa bệnh ngày sabat. Tôi sẽ nói vơi nhân loại: hãy tạo dựng công bằng, và khi tất cả mọi người sẽ được  chữa lành, khi không còn bất công trên thế giới này nữa, thì chúng ta có thể nói tới ngày sabat.

Anh Marco Ansaldo của nhật báo “Cộng hòa” Italia hỏi:

Thưa ĐTC, trong các nhật báo tuần qua có hai biến cố lớn được các phương tiện truyền thông nói tới: một là chuyến viếng thăm của ĐTC tại Phi châu, và chúng con hạnh phúc vì nó đã kết thúc thành công lớn duới mọi khía cạnh. Thứ hai là một cuộc khủng hoảng quốc tế xảy ra giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Nga bay trên không phận Thổ trong vòng 17 giây khiến cho có các lời tố cáo, không xin lỗi từ phiá này và tố cáo từ phiá kia, tạo ra cuộc khủng hoảng không cần phải có trong tình hình đệ tam thế chiến từng mảnh mà ĐTC nói tới. Con xin hỏi đâu là lập trường của Tòa Thánh Vaticăng trong vấn đề này? ĐTC có nghĩ tới việc viếng thăm Armenia nhân dịp kỷ niệm 101 năm các biến cố của Armenia vào tháng 4 năm tới như ĐTC đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ hay không?

Đáp: Năm ngoái tôi đã hứa với ba vị Thượng Phụ  là sẽ đi. Có lời hứa. Tôi không biết tôi có thể thực hiện được không, nhưng có hứa rồi. Thế rồi các chiến cuộc. Chiến tranh xảy ra vì tham vọng. Tôi nói tới các chiến tranh, không phải các cuộc chiến tự vệ chính đáng chống lại một kẻ xâm lăng bất công – nhưng các cuộc chiến làm thành một kỹ nghệ. Trong lịch sử chúng ta đã thấy biết bao lần một quốc gia. Ngân quỹ không chạy. Thôi chúng ta hãy làm một cuộc chiến, và thế là hết thiếu hụt. Chiến tranh là một áp phe, một áp phe buôn bán khí giới. Các kẻ khủng bố có khí giới không? Có lẽ họ có một ít. Ai là người cho họ khí giới để gây chiến tranh? Có cả môt mạng lưới lợi nhuận: nơi đâu có tiền bạc, thì đàng sau có quyền lực. Quyền bính đế quốc hay quyền bính  kết hợp. Nhưng từ bao năm nay chúng ta đang ở trong chiến tranh, và mỗi lần càng nhiều hơn: các mảnh, ít là các mảnh và càng ngày chúng càng to hơn. Tôi nghĩ gì à? Tôi không biết Tòa Thánh Vaticăng nghĩ gì. nhưng tôi nghĩ gì? Tôi nghĩ rằng chiến tranh là một tội, và nó chống lại nhân loại, tàn phá nhân loại, gây ra cảnh khai thác bóc lột, buôn người và biết bao nhiều điều khác … Cần phải chặn nó lại. Tại Liên Hiệp Quốc tôi đã nói điểu này hai lần, ở đây bên Kenhya cũng như bên New York. Ước chi công việc của quý vị không là một chủ trương duy danh tuyên bố, nhưng hiệu nghiệm: ước chi người ta tạo dựng hòa bình. Họ làm biết bao nhiêu diều. Ỏ dây bên Phi châu tôi đã thấy các lính bảo hòa làm việc. Nhưng điều này không hữu hiệu. Các cuộc chiến không phải của Thiên  Chúa. Thiên Chúa là Thiên Chúa của hòa bình. Thiên Chúa đã tạo dựng nên thế giới, Ngài đã làm mọi sự tốt đẹp, tất cả đều tốt đẹp, và rồi như Thánh Kinh trình thuật, một người anh em giết người anh em khác: đó là cuộc chiến thứ nhất. Đệ nhất thế chiến giữa các anh em. Tôi không biết, các điều này đến với tôi như thế, và tôi nói lên diều này với rất nhiều đau đớn.

  Anh Beaudonné thuộc đài Truyền hình Pháp, hỏi ĐTC: Hôm nay, hội nghị thế giới về thay đổi thời tiết khai mạc tại Paris; ĐTC đã cố gắng nhiều để mọi sự tiến hành tốt đẹp. Nhưng chúng ta đang chờ đợi rất nhiều từ hội nghị thượng đỉnh quốc tế này: chúng ta có chắc rằng hội nghị COP 21 này sẽ là điểm khởi đầu của biện pháp giải quyết không?

ĐÁP: Tôi không chắc, nhưng tôi có thể quả quyết rằng: hoặc bây giờ hay không bao giờ nữa. Ngay từ hội nghị đầu tiên, hình như nhóm tại Tokyo, cho đến ngày nay, đã chỉ có rất ít thành quả đạt được, và mỗi năm tình hình càng trầm trọng hơn. Trong một buổi họp với giới sinh viên đại học về đề tài “chúng ta muốn để lại cho con cháu của thế hệ này thế giới nào”, một người đã nói: Mà có chắc là thế hệ này sẽ để lại đàn con cháu không? Chúng ta đang ở mức giới hạn, giới hạn của cuộc tự tử tập thể, nếu muốn dùng một chữ mạnh bạo. Và tôi tin chắc rằng hầu như tất cả mọi nhân vật có mặt tại Paris, hiện diện tại hội nghị COP 21, đều ý thức được điều này, và muốn làm một cái gì đó. Hôm trước, tôi có đọc thấy sự kiện tại Groenlandia, các vùng băng đá đã mất đi hàng tỷ tấn. Trong Thái Bình Dương, có một quốc gia đang mua đất đai của một nước khác để thuyên chuyển quốc gia đến đó, bởi vì trong vòng 20 năm nữa, đất nước này sẽ không còn hiện hữu nữa. Không, tôi có lòng tin. Tôi tin tưởng rằng những người này sẽ làm một điều gì đó… Tôi tin chắc rằng họ có thiện chí hành động, và tôi mong được như vậy. Tôi cầu nguyện cho điều này

Delia Gallagher, phái viên đài CNN, hỏi ĐTC:

Kính thưa ĐTC, ngài đã thực hiện nhiều cử chỉ đầy sự tôn trọng và tình thân hữu đối với người hồi giáo. Con tự hỏi: hồi giáo và giáo huấn của tiên tri Mohamed còn có thể nói gì với thế giới ngày nay?

ĐÁP: Tôi không hiểu rõ lắm câu hỏi này… Nhưng mà người ta có thể đối thoại: họ có những giá trị, nhiều giá trị. Họ có nhiều giá trị và các giá trị này rất xây dựng. Ngay cả tôi, tôi cũng có một kinh nghiệm tình bạn, nhưng mà tình bạn là một lời quá mạnh, với một người hồi giáo, một vị lãnh đạo thế giới… Chúng tôi có thể nói chuyện: ông ấy có những giá trị riêng, tôi có những giá trị của tôi. Ông ấy cầu nguyện, tôi cầu nguyện. Có nhiều giá trị lắm chứ! Chẳng hạn như cầu nguyện. Ăn chay cũng là một giá trị tôn giáo chứ. Còn nhiều giá trị khác nữa. Không thể xóa bỏ một tôn giáo chỉ vì trong một lúc nào đó, tronog một thời điểm lịch sử nào đó có một hay nhiều nhóm quá khích. Dĩ nhiên là các cuộc chiến tranh giữa các tôn giáo vẫn luôn có trong lịch sử xưa nay. Ngay cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải xin lỗi. Bà hoàng Caterina de Medici đâu có phải là một vị thánh đâu? Và rồi cuộc chiến Ba Mươi năm, rồi Đêm của thánh Bartolomeo… nữa? Ngay cả chúng ta, chúng ta cũng phải xin lỗi vì những kẻ cực đoan thái quá trong những cuộc chiến tôn giáo. Người hồi giáo họ cũng có những giá trị và có thể đối thoại với họ được. Ngày hôm nay, tôi đã đến một  đền thờ hồi giáo, tôi đã cầu nguyện tại đó, rồi Imam hồi giáo đã muốn cùng đi với tôi một vòng quanh sân vận động nhỏ, nơi có bao nhiêu người khác không có chỗ vào, phải đứng bên ngoài…Trên xe chở tôi, có ĐGH và Imam. Cũng như ở khắp mọi nơi, có những người mang nhiều giá trị tôn giáo, có những người không mang giá trị nào… Nhưng mà có biết bao nhiêu chiến tranh, không chỉ có những chiến tranh tôn giáo mà thôi… người ky tô chúng ta cũng đã từng gây ra nhiều chiến tranh Vụ cướp phá Roma đâu có phải do người hồi giáo gây ra đâu. Họ cũng có các giá trị, nhiều giá trị.

Đến lượt Marta Calderon, thuộc hãng thông tấn Catholic News Agency, cô hỏi:

Kính thưa ĐTC, chúng con biết ngài sẽ viếng thăm Mêhicô. Chúng con muốn, nếu có thể, biết thêm nhiều hơn về chuyến viếng thăm này và vẫn trong chiều hướng viếng thăm những quốc gia có nhiều vấn đề, ĐTC có nghĩ đến chuyện thăm dân nước Colombia hay là trong tương lai, thăm cả các nước như Perù hay  không?

ĐÁP: Quý vị biết đó, vào tuổi tôi, đi nhiều quá không tốt… Nếu ở đó không có Đức Mẹ, thì tôi sẽ chẳng đến thành phố Mêhicô đâu, vì tiêu chuẩn các cuộc viếng thăm là đi thăm ba hay bốn thành phố chưa bao giờ được các Giáo Hoàng viếng thăm. Nhưng tôi sẽ đi Mêhicô vì Đức Mẹ. Rồi tôi sẽ đi Chiapas, ở miền Nam giáp giới với Guatemala, rồi sang Morella, và gần như là chắc chắn trên đường về Roma, tôi sẽ ghé lại một ngày, hay là ít hơn một chút, ở Ciudad Juarez. Còn về việc viếng thăm các nước Mỹ la tinh khác thì vào năm 2017, tôi đã được mời đến Aparecida, Đức Mẹ Apảecida bổn mạng của các nước Mỹ châu nói tiếng Bồ Đào Nha. Quý vị biết là Mỹ châu la tinh có hai vị bổn mạng mà! Từ đó có thể nghĩ đến chuyện viếng thăm một nước khác, sau khi dâng lễ tại Aparecida… Nhưng hiện thời thì chưa có chương trình nào…

Câu hỏi kế tiếp là của Mark Masai, thuộc đài National Media của Kenya.

Anh hỏi: Trước hết, xin cám ơn ĐTC đã viếng thăm Kenya và Phi châu. Chúng con vẫn chờ đợi ĐTC đến Kenya lần nữa, không phải để làm việc mục vụ mà để nghỉ ngơi. Chuyến viếng thăm vừa rồi của ĐTC là chuyến đầu tiên và mọi người đều đã lo lắng nhiều về vấn đề an ninh. ĐTC sẽ nói gì với thế giới luôn đinh ninh rằng Phi Châu là vùng đất chỉ có chiến tranh và đầy dẫy hủy hoại mà thôi?

ĐÁP: Tôi không hiểu rõ lắm chiều hướng của câu hỏi này…. Phi châu là nạn nhân. Phi châu đã và luôn luôn bị các cường quốc khác bóc lột. Từ Phi châu, bao nhiêu người đã bị bắt và đem bán sang Mỹ châu làm nô lệ. Có bao nhiêu cường quốc chỉ biết tìm cách chiếm đoạt những tài nguyện lớn lao của Phi châu, tôi không rõ lắm, nhưng có lẽ Phi châu là lục địa giàu nhất đấy… Họ không nghĩ đến chuyện giúp đỡ lục địa này lớn mạnh, phát triển, kiến tạo công ăn việc làm cho người dân nơi đây… Họ chỉ muốn bóc lột… Phi châu là một lãnh thổ tử đạo, tử đạo vì bị bóc lột suốt dòng lịch sử. Những kẻ cho rằng tất cả các thiên tai và chiến tranh đều đến từ Phi châu đã không hiểu rõ là một số hình thức mệnh danh là phát triển có thể gây hại cho toàn nhân loại chừng nào. Vì thế, tôi rất yêu quý Phi châu bởi lẽ Phi châu đã là một nạn nhân của các cường quốc khác.

Đến đây, cha Lombardi nói rằng buổi nói chuyện đã kéo dài một tiếng đồng hồ và chấm dứt các câu hỏi. Trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn, các ký giả muốn tặng ĐTC một cuốn sách mà tuần báo Paris Match của Pháp ấn hành và tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia hiện diện trong hội nghị COP 21 về thay đổi thời tiết đang nhóm tại Paris. Cuốn sách gồm 1.500 hình ảnh về các vấn đề môi sinh do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và tài tử thực hiện, cũng được tặng cho ĐTC. Sau đó, cha Lombardi đã cám ơn ĐTC mặc dù mệt mỏi sau chuyến viếng thăm, vẫn dành thời giờ cho các ký giả phỏng vấn. Mọi người xin chúc ĐTC an vui trở lại Roma và tiếp tục hoạt động bình thường. ĐTC Phanxicô cười và cám ơn các ký giả cùng công việc của họ. Ngài nói: Cám ơn quý vị về công việc của quý vị. Bây giờ là lúc dọn bữa trưa, nhưng người ta nói là hôm nay quý vị sẽ phải nhịn đói vì phải làm việc trên cuộc phỏng vấn này. Cám ơn quý vị nhiều vì công việc của quý vị và vì những câu hỏi, về sự quan tâm của quý vị. Chỉ có một điều tôi muốn nói nói rõ là tôi trả lời theo những gì tôi biết, còn những gì tôi không biết thì tôi không nói tới. Tôi không bày đặt gì cả. Xin cám ơn mọi người.

Linh Tiến Khải – Mai Anh

Đức Thánh Cha thăm Đền thờ Hồi giáo trung ương của Trung Phi

Đức Thánh Cha thăm Đền thờ Hồi giáo trung ương của Trung Phi

Đức Thánh Cha viếng thăm Đền thờ Hồi giáo trung ương của Trung Phi

BANGUI. Trong cuộc viếng thăm Đền thờ trung ương và cộng đoàn Hồi giáo ở thủ đô Bangui của Trung Phi, ĐTC gọi người Hồi giáo là anh chị em và cổ võ cùng nhau xây dựng hòa bình.

Sáng thứ hai 30-11-2015, lúc 8 giờ 15, ĐTC đã đến thăm Đền thờ trung ương của cộng đoàn Hồi giáo ở Koudoukou, cách tòa Sứ thần 4 cây số.

Trong số 4 triệu 600 ngàn dân ở Cộng hòa Trung Phi, có 80% là tín hữu Kitô, đa số theo Tin Lành và có 1 triệu 700 ngàn tín hữu Công Giáo, tức là 37.3% dân số toàn quốc. Hồi giáo chỉ chiếm 12% dân cư tại nước này.

Rất ít người dám tin tưởng rằng ĐTC sẽ thành công trong dự tính đến thăm Đền thờ Hồi giáo trung ương vì có quá nhiều nguy hiểm đe dọa. Thế mà ngài đã làm được. ĐTC Phanxicô đã bước vào đền thờ hồi giáo này ở địa điểm mệnh danh là Cây số 5 nổi tiếng, chia cách vùng trú ngụ của người hồi giáo chiếm đa số với khu vực người Kitô. Địa điểm này rất nguy hiểm và là biểu tượng của sự căng thẳng vì cuộc nội chiến tại Cộng hòa Trung Phi.

Chính tại nơi đây, ĐTC đã mạnh mẽ nhấn mạnh ”Giữa Kitô và hồi giáo, chúng ta đều là anh em”, đã mời gọi mọi người ”hãy hiệp nhất, đoàn kết với nhau để chặn đứng những hành vi từ phía bên này hay bên kia đang hủy hoại khuôn mặt của Thiên Chúa và che đậy âm mưu bảo vệ bằng mọi cách những lợi ích cá nhân, dù phải chà đạp công ích của con người” và đã đưa ra lời kêu gọi ”cùng nhau chúng ta hãy nói không với oán hận, bạo lực trả thù, đặc biệt là trả thù nhân danh một đức tin.

Gặp gỡ

Khi đến nơi ĐTC đã được Imam Tidiani Moussa Naibi của đền thờ đón tiếp. Trong lời chào mừng, Imam Naibi nói:

”Ngày hôm nay, tình liên đới của toàn thế giới với nhân dân Cộng hòa Trung Phi được biểu lộ qua sự hiện diện của ngài nơi đây, tại đền thờ hồi giáo trung ương của Bangui. Qua cuộc viếng thăm này, thế giới chứng minh rằng luôn hướng nhìn về chúng tôi và lo âu cho tình trạng của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi muốn nhân cơ hội này trấn an toàn thế giới rằng lúc này đây chỉ là một thời điểm lịch sử, dù đau thương, nhưng rồi sẽ qua đi; và chúng tôi sẽ tìm lại được hòa bình và an ninh, một nền hòa bình và an ninh lâu bền và công bằng hơn trước nữa.

Chúng tôi có thể hy vọng như thế nhờ nhiều hành động nhắm tìm lại hòa bình, khích lệ việc chia xẻ quyền bính, tổ chức các cuộc bầu cử tự do và dân chủ, tạo điều kiện cho một chương trình cai trị quốc gia tốt đẹp mà chính phủ lâm thời đang can đảm thực hiện. Xin Thiên Chúa toàn năng giúp đem lại hòa bình cho đất nước chúng tôi, một nền hòa bình công chính và phong phú.

Đáp từ của ĐTC

Đáp lời Imam Tidiani Moussa Naibi, ĐTC Phanxicô nói với các anh em hồi giáo thân mến là ngài rất vui sướng được gặp gỡ họ nơi đây và cám ơn dự đón tiếp nồng hậu họ dành cho ngài, nhất là cám ơn những lời chào đón thân ái của Imam.

Ngài nói: ”Chuyến viếng thăm mục vụ tại Cộng Hòa Trung Phi sẽ không trọn vẹn nếu thiếu cuộc gặp gỡ với cộng đoàn hồi giáo này. Giữa Kitô và hồi giáo, chúng ta là anh em với nhau. Chúng ta phải nhìn nhau như là anh em, phải đối xử với nhau như thế. Chúng ta biết rõ là những biến cố và bạo lực gần đây đã làm rúng động đất nước này không có nền tảng trên những nguyên do hoàn toàn tôn giáo. Ai nói rằng mình tin vào Thiên Chúa, dù nam hay nữ, phải là một người xây dựng hòa bình. Tín hữu Kitô, hồi giáo và người tin vào các tôn giáo cổ truyền đã sống chung bao nhiêu năm dài trong hòa bình. Vì thế chúng ta phải đoàn kết, phải hiệp nhất để chặn đứng mọi hành vi, do phía bên này hay phe bên kia, đang hủy hoại Khuôn mặt Thiên Chúa và che dấu mục tiêu bảo vệ tư lợi đặc thù, dù phải hy sinh công ích. Và ĐTC kêu gọi: ”Chúng ta hãy cùng nhau nói không với oán thù, bạo lực, nhất là khi chúng được thực hiện nhân danh một tôn giáo hay nhân danh Thiên Chúa. Thiên Chúa là hòa bình.”

ĐTC nhấn mạnh rằng trong những thời điểm thê thảm, các giới lãnh đạo tôn giáo, Kitô cũng như hồi giáo, đã can đảm đương đầu với thách đố và giữ một vai trò quan trọng trong việc tái lập hòa giải và tình huynh đệ giữa mọi người.

Ngài đặc biệt cám ơn những hành động liên đới và khích lệ mọi người tiếp tục biến đất nước này thành một căn nhà ấm cúng cho mọi người con dân không phân biệt chủng tộc, khuynh hướng chính trị hay tôn giáo. Có như thế, Cộng Hòa Trung Phi sẽ góp phần đắc lực vào việc dập tắt mọi ổ căng thẳng đang hiện hữu và ngăn cản người dân Phi Châu không được thụ hưởng những lợi ích của phát triển như họ đáng được hưởng và có quyền được hưởng. Xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ anh chị em.

Khi vừa đến đền thờ hồi giáo, ĐTC đã yêu cầu được đưa đến trước Mihrab, là hốc đá cẩm thạch chỉ hướng thánh địa La Mecca của hồi giáo.

Ngài đã cầu nguyện một lúc trước hốc đá này. Các imam đã tặng ĐTC một bản họa trên gỗ, có khắc một câu kinh Coran và câu nói: ”nếu có dịp gặp những ai sẵn sàng yêu thương, họ là những người xưng mình là tín hữu Kitô.”

Sau cuộc gặp gỡ tại đền thờ hồi giáo, ĐTC đã dùng xe đến thăm những người tỵ nạn sống trong những căn lều cạnh đền thờ và thăm trường Koudoukou, nơi mà các trẻ em Kitô và hồi giáo cùng nhau học hành.

Cuộc viếng thăm của ĐTC tại Đền thờ Hồi giáo, khu tị nạn và trường học kéo dài 1 giờ, liền đó ngài đến trung tâm thể thao Barthélémy Boganda để cử hành thánh lễ cho các tín hữu.

Mai Anh

 

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Phi châu

Thánh lễ cuối cùng của Đức Thánh Cha tại Phi châu

BANGUI. Sáng thứ hai, 30-11-2015, ĐTC Phanxicô đã cử hành thánh lễ trong chuyến viếng thăm của ngài tại Phi châu và lên đường trở về Roma.

Thánh lễ bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi sáng tại trung tâm thể thao Barthélémy Boganda ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi. Boganda là tên LM công giáo bản xứ đầu tiên tại Trung Phi, thụ phong hồi năm 1938. Sau này đã cha hồi tục hồi năm 1950 và trở thành tổng thống trong một thời gian ngắn khi Trung Phi được độc lập hồi năm 1960. Boganda được coi là vị lập quốc, và ngày qua đời 29-3 của vị này cũng là Lễ Quốc Khánh của Cộng hòa Trung Phi.

Trung tâm thể thao chỉ có 30 ngàn chỗ nên nhiều tín hữu tham dự thánh lễ với ĐTC từ bên ngoài qua những màn hình khổng lồ.

Thánh lễ do ĐTC cử hành bắt đầu lúc 9 giờ rưỡi và mừng kính thánh Anrê Tông Đồ. Đồng tế với ĐTC có 30 GM và hàng trăm linh mục. Trong số những người hiện diện cũng có bà Tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza.

ĐTC đã đi xe vòng quanh thao trường để chào thăm mọi người, trong bầu không khí rất nồng nhiệt. Trong thánh lễ những những đoàn vũ theo nhịp điệu và tiếng trống cổ truyền, nhất là lúc rước sách Phúc Âm, khi dâng lễ và sau khi rước lễ.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng thánh lễ bằng tiếng Ý và được dịch từng đoạn ra tiếng địa phương, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy thực hành lời dạy của Chúa Giêsu với các môn đệ ”Hãy sang bờ bên kia”, vượt thắng những khó khăn và đau khổ trong niềm tín thác. Ngài nói:

”Thật là tốt đẹp, nhất là trong thời kỳ khó khăn, khi những thử thách và đau khổ không thiếu, khi tương lai bất định và ta cảm thấy mệt mỏi, không chịu nổi, thật là tốt đẹp quây quần quanh Chúa, như chúng ta đang làm hôm nay, để vui hưởng sự hiện diện của Chúa, đời sống mới và ơn cứu độ Chúa đề nghị cho chúng ta, như bờ bên kiên mà chúng ta phải hướng tới.

”Bờ bên kia, chắc chắn là đời sống vĩnh cửu, là Trời nơi chúng ta được chờ đợi. Cái nhìn này hướng về thế giới tương lai luôn nâng đỡ lòng can đảm của các tín hữu Kitô, những người nghèo nhất, bé nhỏ nhất, trong cuộc lữ hành trần thế của họ. Cuộc sống vĩnh cửu ấy không phải là một ảo tưởng, không phải là một sự trốn chạy trần thế; đó là một thực tại quyền năng kêu gọi chúng ta và đòi chúng ta dấn thân trong sự kiên trì tin tưởng và yêu thương.

”Nhưng bờ bên kia gần kề hơn, mà chúng ta tìm cách đạt tới là một thực tại đã biến đổi cuộc sống của chúng ta ngay từ bây giờ và thế

giới chúng ta đang sống: ”Người tin tưởng từ thâm tâm thì trở nên công chính” (Xc Rm 10,10). Họ đón nhận chính sự sống của Chúa Kitô, đấng làm cho họ có khả năng yêu mến Thiên Chúa và anh chị em một cách mới mẻ, đến độ làm nảy sinh một thế giới được tình yêu canh tân.

ĐTC cũng nói với các tín hữu Công Giáo Trung Phi rằng: ”Tôi muốn cùng với anh chị em cảm tạ Chúa Từ Bi vì tất cả những gì Chúa ban cho anh chị em, nhưng gì là đẹp đẽ, quảng đại, can đảm, trong các gia đình và cộng đoàn của anh chị em, trong những biến cố xảy ra tại đất nước Anh chị em từ nhiều năm nay. Nhưng thực sự là chúng ta chưa đi tới đích, chúng ta còn như ở giữa dòng sông, chúng ta phải can đảm quyết định, với một quyết tâm truyền giáo được đổi mới, đi sang bờ bên kia. Mỗi Kitô hữu phải liên tục đoạn giao với những gì là con người cũ còn ở trong mình, con người tội lỗi, và luôn sẵn sàng thức tỉnh đối với tiếng gọi của ma quỉ, và những gì nó hành động trong thế giới chúng ta, và trong những thời kỳ xung đột, oán thù và chiến tranh, nó muốn đưa chúng ta tới ích kỷ, co cụm vào mình và nghi kỵ, bạo lực và bản năng tàn phá, báo thủ, bỏ rơi và bóc lột những người yếu thế nhất…

Tiếp tục bài giảng thánh lễ cuối cùng tại Phi châu sáng hôm qua (30-11), ĐTC nói:

“Chúng ta cũng biết rằng các cộng đoàn Kitô của chúng ta được kêu gọi nên thánh, nhưng còn bao nhiêu đường dài phải đi. Chắc chắn tất cả chúng ta phải xin lỗi Chúa vì quá nhiều kháng cự và chậm chạp của chúng ta trong việc làm chứng cho Tin Mừng. Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa mới bắt đầu tại đất nước Anh chị em, là cơ hội để thực thi lòng thương xót. Hỡi anh chị em Trung Phi thân mến, nhất là anh chị em cần hướng nhìn về tương lai, và dựa vào kinh nghiệm con đường đã đi qua, hãy quyết định thực hiện một giai đoạn mới trong lịch sử Kitô tại đất nước Anh chị em, mạnh mẽ tiến về chân trời mới, ra khơi..

ĐTC mời gọi mỗi tín hữu hãy tự hỏi trong thâm tâm về quan hệ bản thân của mìh với Chúa Giêsu, xem xét xem điều gì mình đã chấp nhận – hoặc từ khước, để đáp lại tiếng Chúa gọi theo sát ngài. Tiếng kêu của các sứ giả vang dội hơn bao giờ hết nơi tai chúng ta, chính trong thời kỳ cam go..Tiếng kêu ấy hôm nay cũng vang dội tại đất nước Trung Phi này.. Cả chúng ta, như thánh Phaolô Tông Đồ, cũng phải tràn đầy hy vọng và hăng hái đối với tương lai.. Bờ bên kia ở trong tầm tay, và Chúa Giêsu vượt qua sông với chúng ta..

ĐTC nói: ”Hỡi các tín hữu Kitô Trung Phi, mỗi người trong anh chị em được kêu gọi trở thành người thực hiện sự canh tân nhân bản và tinh thần cho đất nước Anh chị em, với lòng kiên trì trong đức tin và dấn thân truyền giáo. Tôi nhấn mạnh rằng: trở thành người thực hiện sự canh tân về mặt nhân bản và tinh thần.”

Cuối thánh lễ, Đức TGM Dieudonné Nzapalainga, của giáo phận thủ đô Bangui cũng là chủ tịch HĐGM Trung Phi đã đại diện mọi người cám ơn ĐTC. Ngài gọi cuộc viếng thăm của ĐTC là ”Những ngày chắc chắn được ghi vào tâm hồn chúng con cũng như vào lịch sử đất nước chúng con.. Cuộc tông du của ĐTC chắc chắn đánh dấu khởi đầu một giai đoạn mới cho toàn dân Trung Phi. Mặc dù có những cuộc khủng hoảng quân sự và chính trị, với những hậu quả kèm theo là các vụ ám sát, tàn hại và phá hủy, nhưng mỗi quan tâm mục vụ của ĐTC đối với chúng con là một dấu chỉ hy vọng”.

Đức TGM đã giới thiệu 3 bức tranh mà cộng đoàn Công giáo Trung Phi tặng ĐTC được làm bằng gỗ và những cánh bướm, 2 bức tượng bằng gỗ mun. Và ĐTC tặng mỗi giáo phận Trung Phi một Mặt Nhật Mình Thánh Chúa để dùng trong việc chầu Thánh Thể liên lỷ.

Trước khi ban phép lành kết thúc, ĐTC nhắc đến lễ thánh Anrê Tông Đồ, bổn mạng Giáo Hội Chính Thống Constantinople ở Thổ nhĩ kỳ và nói: ”Trong ngày lễ kính thánh Anrê, từ đây, nơi con tim của Phi châu, tôi muốn ngỏ lời với người anh em rất yêu quí của tôi, Bartolomaios, Thượng Phụ chung. Tôi cầu chúc ngài hạnh phúc và tình huynh đệ, tôi cầu xin Chúa chúc lành cho các Giáo Hội anh em của chúng ta”.

Thánh lễ kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Sau đó ĐTC ra phi trường cách đó 5 cây số để đáp máy bay trở về Roma. Và sau hơn 6 tiếng đồng hồ, ngài đã trở về tới Phi trường Ciampino ở Roma lúc gần 7 giờ tối 30-11 cùng ngày.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Đức Thánh Cha khai mạc canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

Đức Thánh Cha khai mạc canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

Đức Thánh Cha khai mạc buổi canh thức của các bạn trẻ Trung Phi

BANGUI. ĐTC khuyến khích các bạn trẻ Cộng Hòa Trung Phi kiên trì như ”cây chuối”, đừng bỏ chạy trước những khó khăn!

Chiều chúa nhật 29-11-2015, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, ĐTC Phanxicô đã chủ sự một nghi thức mở cửa Năm Thánh ngoài Roma. Ngài đã mở cửa Năm Thánh tại nhà thờ chính tòa Bangui lúc 5 giờ chiều giờ địa phương và cử hành thánh lễ chúa nhật thứ I mùa vọng.

 Liền sau thánh lễ, ĐTC đã khởi sự buổi canh thức cầu nguyện được các bạn trẻ tiếp tục sau đó cho đến nửa đêm. Sau lời chào mừng của một đại diện bạn trẻ, ĐTC bỏ bài huấn dụ dọn sẵn và ứng khẩu nói với các bạn trẻ. Ngài dựa vào biểu tượng cây chuối để mời gọi họ hãy kiên trì giữa những khó khăn.

Huấn dụ của ĐTC

”Các bạn trẻ thân mến, tôi thân ái chào các bạn. Người bạn của các bạn đã nhân danh mọi ngừơi, nói về biểu tượng của các bạn là cây chuối, vì cây chuối là một biểu tượng sự sống: luôn tăng trưởng, luôn sinh hoa quả với năng lực dinh dưỡng. Cây chuối cũng bền bỉ kháng cự. Tôi nghĩ rằng điều này chỉ rõ con đường được đề nghị cho các bạn trong thời điểm khó khăn này, đầy oán thù, chia rẽ: con đường đó là sự kháng cự.

”Người bạn của các bạn nói rằng một số người trong các bạn muốn ra đi. Trốn chạy những thách đố của cuộc sống không bao giờ là một giải pháp! Cần kháng cự lại, can đảm chống lại, chiến đấu cho sự thiện! Ai trốn chạy thì không có can đảm sinh ra sự sống. Cây chuối ban sự sống và tiếp tục sản xuất và ngày càng trao ban sự sống vì nó chống cự, nó ở lại vì nó ở đó. Một số người trong các bạn sẽ hỏi tôi: ”Nhưng thưa cha, chúng con có thể làm gì? Chống cự làm sao? Tôi nói với các bạn hai, ba điều hữu ích cho các bạn để chống cự.

– Trước tiên là cầu nguyện. Kinh nguyện thật là mạnh mẽ! Kinh nguyện chiến thắng sự ác! Cầu nguyện đưa các bạn gần Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Tôi hỏi các bạn một câu: Các bạn có cầu nguyện không! Các bạn trẻ hô lớn: Có! ĐTC nói tiếp: Chúng ta đừng quên cầu nguyện!

– Thứ hai là: hoạt động cho hòa bình. Hòa bình không phải là một văn kiện người ta ký kết rồi bỏ đó. Hòa bình là điều tất cả mọi người thực hiện mỗi ngày! Hòa bình là một công việc thủ công, được làm bằng tay, bằng chính cuộc sống của mình. Nhưng có thể có người nói với tôi: ”Nhưng thưa cha, con có thể là người xây dựng hòa bình thế nào?” ĐTC đáp: Trước tiên là đừng bao giờ oán ghét. Nếu có người gây hại cho bạn, hãy tìm cách tha thứ, đừng oán thù! Tha thứ nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau nói: ”Không oán thù, nhiều tha thứ”..

Và nếu bạn không có oán thù trong tâm hồn, nếu bạn tha thứ, thì bạn sẽ là người chiến thắng, chiến thắng trong tình thương. Và qua tình thương, hòa bình sẽ đến.

Tiếp tục bài huấn dụ ngắn, ĐTC nói:

”Các bạn muốn bị đánh bại hay muốn là ngừơi chiến thắng trong cuộc sống? Các bạn muốn gì? – Các bạn trẻ hô lớn: chúng con muốn là ngừơi chiến thắng!

”Ta chỉ chiến thắng trên con đường tình thương. Ta có thể yêu thương kẻ thù không? Ta có thể tha thứ cho những kẻ gây hại cho ta không? Mọi người đều thưa: Có! Và ĐTC nói: Như thế, với tình thương và sự tha thứ, các các bạn có thể chiến thắng. Với tình thương các bạn sẽ là những người chiến thắng trong cuộc sống và mang lại nhiều hoa trái. Tình thương không bao giờ làm các bạn chiến bại.

”Và giờ đây tôi cầu chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất. Hãy nghĩ đến cây chuối. Hãy nghĩ đến sự kháng cự trước những khó khăn. Trốn chạy đi xa không phải là một giải pháp. Các bạn phải can đảm… Can đảm trong tha thứ, trong tình thương, trong việc xây dựng hòa bình. Các bạn có đồng ý không? Mọi người đều thưa có!

Và ĐTC kết luận rằng: ”Các bạn trẻ Trung Phi thân mến, tôi rất hài lòng gặp gỡ các bạn. Hôm nay chúng ta đã mở cửa Năm Thánh này, đó là Cửa Lòng Thương xót của Thiên Chúa! Các bạn hãy tín thác nơi Thiên Chúa, vì Ngài là tình thương, có khả năng ban cho chúng ta hòa bình..

”Vì thế tôi đã nói với các bạn ban đầu: hãy cầu nguyện, cần cầu nguyện để chống cự, để yêu thương, để tha thứ, để trở thành những người xây dựng hòa bình”

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã ban phép giải tội cho một vài bạn trẻ tại tiền đường Nhà thờ chính tòa Bangui, trước khi tiến ra bên ngoài để ban phép lành cho mọi người, rồi về tòa Sứ Thần Tòa Thánh cách đó 2 cây số rưỡi để dùng bữa tối và qua đêm.”

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng Trung Phi 1/2

ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng Trung Phi 1/2

ĐTC Phanxicô hôn trẻ em tại trại tỵ nạn Bangui

Ngày thứ nhất ĐTC viếng thăm  Cộng hòa Trung Phi

Sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi là chặng thứ ba trong chuyến tông du Phi châu lần đầu tiên của ngài.

Lúc 8 giờ sáng ĐTC đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ Thần để đi xe ra phi trường cách đó 45 cây số lấy máy bay đi Trung Phi. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra tại phi trường quốc tế Entebbe. ĐTC đã được tổng thống tiếp đón tại lối vào dành cho các nhân vật quan trọng. Hai vị đã đàm đạo riêng với nhau trước khi lễ nghi tiễn biệt bắt đầu. Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Uganda. ĐTC đã bắt tay từ biệt tổng thống Yoweri Kaguta Museveni và các vị lãnh đạo chính trị dân sự cũng như các Giám Mục Uganda.

Lúc 9 giờ 15 chiếc máy bay A330 của hãng hàng không Alitalia chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Entebbe để trực chỉ phi trường quốc tế M’poko của thủ đô Bangui cách đó 1.618 cây số.

ĐTC đã gửi diện tín chào thăm các vị tổng thống và nhân dân các nước Uganda, Cộng hòa dân chủ Congo và Trung Phi, khi máy bay ở trên không phận các nước này. Trong điện tín gửi tống thống Uganda Yoweri Museveni, ĐTC tái bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với tổng thống và nhân dân Uganda và bảo đảm với tổng thống sự gần gũi tinh thần và ngài khẩn cầu Thiên Chúa ban cho dân nưóc Uganga phước lành bình an, niềm vui và sự thịnh vượng. Trong điện tín gửi tống thống Joseph Kabila ĐTC gửi lời chào thăm tổng thống và toàn dân cộng hòa dân chủ Congo, và xin Thiên Chúa toàn năng ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho mọi người. Khi máy bay vào không phận Trung Phi ĐTC gửi điện tín chào thăm tổng thống Catherine Samba-Panza và nhân dân Trung Phi. Ngài bầy tỏ niềm vui được đến viếng thăm nước này và khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho tổng thống và dân nước Trung Phi.

Thủ đô Bangui có 745.000 dân cư, là thành phố lớn nhất của Trung Phi, nằm ở mạn bắc sông Ubangi, ghi dấu biên giới với Cộng hòa dân chủ Congo. Được người Pháp thành lập năm 1889, ngày nay Bangui là trung tâm thương mại và hành chánh quốc gia, nơi có Quốc hội, các dinh thự của chính quyền, các ngân hàng, các hãng xưởng ngoại quốc, các tòa đại sứ, nhà thương, khách sạn và đại học. Nhưng cũng có nhiều người sống trong các khu xóm nghèo gọi là “Kodros” được xây bằng gạch làm bằng bùn trộn rơm. Nhiều khu phố của thủ đô Bangui thấp hơn mực nước sông, vì thế hay bị lụt lội. Chẳng hạn các trận mưa lũ trong hai tháng 6-7 năm 2009 đã khiến cho 11.000 người lâm cảnh không nhà. Vì Trung Phi nằm ở phía bắc đường xích đạo nên nhiệt độ quanh năm ít khi xuống dưới 30 độ C. Trong vùng thủ đô Bangui có 26 nơi có từ thời sắt được Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách gia tài của thế giới. Địa điểm gần thủ đô nhất có từ thế kỷ thứ X trước công nguyên.

Tổng giáo phận Bangui có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó có hơn nửa triệu tín hữu công giáo, tức chiếm 42% tổng số dân. Giáo phận có 25 giáo xứ, 35 linh mục giáo phận, 78 linh mục dòng, 65 tu huynh, 144 nữ tu và 20 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 36 cơ sở giáo dục và 9 trung tâm bác ái xã hội.

Máy bay đã hạ cánh tại phi trường Bangui sau 2 giờ 45 phút bay. ĐTGM Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh, và vị trưởng nghi lễ  đã lên máy bay chào ĐTC. Bà tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza đã đón tiếp ĐTC tại chân thang máy bay. Hai em bé đã tặng hoa cho ĐTC. Hiện diện tại phi trường cũng có một số giới chức lãnh đạo, các Giám Mục Trung Phi, một nhóm tín hữu và một ca đoàn.

Ban nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Trung Phi. ĐTC đã bắt tay chào giới lãnh đạo hiện diện. Sau đó ngài vào phòng khách của phi trường đàm đạo riêng với bà tổng thống. Lúc 10 giờ 20 ĐTC lên xe đến thăm xã giao bà tổng thống tại Dinh Phục Hưng cách đó 9 cây số. Mặc dù tình hình nội chiến và trời nóng 41 độ C, đã có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường từ phi trường về thủ đô để chào đón ĐTC với niềm vui ngoại thường của lễ hội phi châu. Các hướng đạo sinh công giáo cũng đã đuợc huy động để giữ trật tự hai bên đường.

Bà tổng thống đã đón ĐTC tại chân cầu thang và tháp tùng ngài vào thư phòng để đàm đạo riêng. Trong khi đó ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hội kiến với thủ tướng Trung Phi cùng với ĐTGM Phụ tá và Đức Sứ Thần Tòa Thánh.

Tiếp đến bà tổng thống đã giới thiệu gia đình với ĐTC và hai bên trao đổi quà tặng. Bà Catherine Samba-Panza sinh năm 1954, đậu tiến sĩ luật tại đại học Sorbonne bên Paris. Bà là luật sư và thương gia, phó chủ tịch Hiệp hội các nữ luật sư Trung Phi, và dấn thân bảo vệ các quyền con người. Bà đã là thị trưởng thủ đô Bangui, khi xảy ra xung đột vũ trang giữa lực lượng Seleka và Anti Balaka. Bà đã được Hội đồng quốc gia lâm thời chỉ định làm tổng thống lâm thời cho tới khi có các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới.

ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”.

Lúc 11 giờ rưỡi ĐTC đã gặp gỡ hàng lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế và ngoại giao đoàn trong sân dinh tổng thống. Trong diễn văn chào mừng bà tổng thống bày tỏ niềm vui lớn của toàn dân Trung Phi được ĐTC tới thăm, sau chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Bà cũng đề cập tới các vấn đề và khó khăn của dân nước Trung Phi trong đó có thảm cảnh nội chiến, tình hình chính trị xã hội khủng hoảng, bất an và bạo lực, chia rẽ, bất hòa, nghi ngờ, khiến xảy ra cảnh giết người nhân danh Thiên Chúa. Con cái Trung Phi đã không biết trung thành với tôn chỉ của Barthélémy Boganda, người của Giáo Hội người cha quốc gia, nên cần thừa nhận các lỗi lầm của mình và xin tha thứ. Chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ giúp họ tái xây dựng đất nước.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”. Ngài cũng cầu mong cộng đoàn quốc tế dấn thân liên đới nhiều hơn nữa, và hiệp nhất với chính quyền Trung Phi trợ giúp quốc gia này tiến triển, đặc biệt trong việc hòa giải, giải trừ vũ khí, duy trì hoà bình, trợ giúp ý tế và thăng tiến nền văn hóa của việc quản trị lành mạnh trên tất cả mọi bình diện cuộc sống xã hội.

ĐTC nói đây là lần đầu tiên ngài đặt chân lên đất Trung Phi, sau vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô II, trong thời điểm Trung Phi đang từ từ tiến tới chỗ bình thường hóa cuộc sống xã hội chính trị của mình, mặc dầu còn có nhiều khó khăn. Ngài đến Trung Phi như một người hành hương của hòa bình và trong tư cách là tông đồ của niềm hy vọng. Chính vì thế ngài chào mừng cố gắng của các chính quyền quốc gia và quốc tế đã dẫn đưa Trung Phi tới giai đoạn này. Ngài cầu mong các cuộc thăm dò ý kiến quốc gia trong vài tuần nữa cho phép quốc gia thanh thản bắt đầu một giai đọan mới  trong lịch sử của mình.

Nhắc đến khẩu hiệu mà các thế hệ cha ông của Trung Phi đã mơ ước và đề ra là “HIệp nhất – Phẩm giá và Lao động” , ĐTC khẳng định:

Ngày nay còn hơn hôm qua, ba từ này diễn tả các khát vọng của mỗi một người dân Trung Phi, và vì thế nó là một địa bàn chắc chắn cho chính quyền, có nhiệm vụ hướng dẫn vận mệnh của đất nước, Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động! Ba từ nặng nghĩa, mà mỗi từ diễn tả một công trường cũng như một chương trình không bao giờ hoàn tất, một nhiệm vụ cần  thực hiện không ngừng.

Trước hết là hiệp nhất. Nó là giá trị cốt yếu cho sự hòa hợp các dân tộc. Nó cần được sống và xây đựng từ sự khác biệt tuyệt diệu của thế giới môi sinh, bằng cách tránh cám dỗ sợ hãi người khác, sợ hãi những gì chúng ta không quen, những gì không thuộc chủng tộc, các lựa chọn chính trị, hay tôn giáo của chúng ta. Trái lại, sự hiệp nhất đòi hỏi tạo dựng và thăng tiến một tổng hợp các phong phú mà mỗi người đem theo trong chính mình. Sự hiệp nhất trong khác biệt, đó là một thách đố, mời gọi phải có óc sáng tạo, sự quảng đại, từ bỏ và tôn trọng tha nhân.

Tiếp đến là phẩm giá. Nó chính là giá trị luân lý đồng nghiã với lương thiện, chính trực, thanh nhã và danh dự, định tính các người nam nữ ý thức được các quyền lợi và bổn phận của mình khiến cho họ tôn trọng lẫn nhau. Mỗi một người đều có một phẩm giá. Trung Phi là quốc gia của « Zo kwe zo », là đất nước, trong đó mỗi người là một nhân vị. Vì thế phải làm tất cả để duy trì quy chế và phẩm giá của con người. Và người có các phương tiện của một cuộc sống đứng đắn, thay vì lo lắng cho các đặc quyền đặc lợi, thì phải tìm trợ giúp những người nghèo nàn hơn có được các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người, nhất là qua việc phát triển tiềm năng nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội của họ. Do đó, được giáo dục, săn sóc, chống nạn thiếu dinh dưỡng và tranh đấu để bảo đảm cho tất cả mọi người một nơi ở xứng đáng phải nằm trong chương trình của một sự phát triển lo lắng cho nhân phẩm. Nói cho cùng phẩm giá con người đó là làm việc cho phẩm giá của người đồng loại.

Sau cùng là lao động. Chính qua công việc làm mà anh chị em có thể cải tiến cuộc sống của gia đình. Thánh Phaolô nói : « Không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái » (2 Cr, 12,14). Nỗ lực của cha mẹ diễn tả tình yêu đối với các con nhỏ. Và anh chị em Trung Phi, anh chị em có thể cải tiến đất nước tuyệt vời này, bằng  cách khai thác nhiều tài nguyên của nó một cách hữu lý. Xứ sở của anh chị em nằm trong một vùng được coi là một trong hai lá phổi của nhân loại, vì sự phong phú ngoại thường của nó liên quan tới sự khác biệt sinh học. Liên quan tới điểm này, quy chiếu Thông điệp Laudato si’ tôi muốn đăc biệt lôi kéo dự chú ý  của từng người, các công dân, giới hữu trách quốc gia, các tổ chức quốc tế, các hãng xưởng đa quốc, đối với trách nhiệm nghiêm trọng của mình trong việc khai thác các tài nguyên môi sinh, trong các chọn lựa và các dự án phát triển, một cách này hay cách khác liên lụy tới toàn trái đất. Việc xây dựng một xã hội thịnh vượng phải là một công việc liên đới. Sự thật này, sự khôn ngoan của của dân tộc anh chị em đã hiểu từ lâu, và diễn tả ra qua châm ngôn : «Kiến tuy nhỏ, nhưng vì nhiều nên chúng đem chiến lợi phẩm về tổ » .

Thật là vô ích nhấn mạnh tầm quan trọng nòng cốt mà cung cách hành xử và quản trị của công quyền, là những người đầu tiên phải nhập thể trung thực trong cuộc sống của mình các giá trị của sự hiệp nhất, phẩm giá và lao động, vì họ là các mẫu gương cho các người đồng hương.

Tiếp tục diễn văn ĐTC đã nêu bật phần đóng góp và dấn thân của Giáo Hội trong việc thực hiện các giá trị này, như lịch sử xã hội chính trị đã cho thấy. ĐTC  bảo đảm phần đóng góp của Giáo Hội cho việc xây dựng Trung Phi như sau :

Cùng với các Giám Mục Trung Phi tôi xin tái bầy tỏ sự sẵn sàng của Giáo Hội địa phương này ngày càng góp phần hơn vào việc thăng tiến công ích, nhất là qua việc tìm kiếm hoà bình và hòa giải. ĐTC chắc chắn rằng các chính quyền hiện nay cũng như tương lai sẽ không ngừng lo lắng bảo đảm cho Giáo Hội có các điều kiện thuận tiện giúp chu toàn sứ mệnh tinh thần của mình. Như thế Giáo Hội sẽ có thể ngày càng góp phần « thăng tiến mọi người và toàn con người » (Populorum progresio. S.14).

Để kết thúc tôi xin nói lên lần nữa niềm vui được viếng thăm đất nước tuyệt vời này nằm ở trung tâm Phi châu, có một dân tộc đạo đức sâu xa, và đưọc phú bẩm cho một gia tài thiên nhiên và văn hóa phong phú như vậy. Tôi trông thấy ở đó một đất nước được tràn đầy ơn lành của Thiên Chúa. Ước chi nhân dânTrung Phi, cũng như hàng lãnh đạo và tất cả các tổ chức của nó, đánh giá đúng đắn giá trị của các phước lành này, bằng cách không ngừng làm việc cho sự hiệp nhất, nhân phẩm  và hoà bình xây dựng trên công lý ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em !.

Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của cử tọa. Bà tổng thống đã giới thiệu với ĐTC vài cộng sự viên thân tín nhất.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

ĐTC mời gọi hạ vũ khí và chấm dứt chiến tranh bạo lực và thu hận 2/2

ĐTC mời gọi hạ vũ khí và chấm dứt chiến tranh bạo lực và thu hận 2/2

ĐTC Phanxicô mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót

Sau khi từ giã hàng lãnh đạo Trung Phi, lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đến thăm trại tỵ nạn giáo xứ Thánh Cứu Thế Bangui, cách đó 5 cây số. Từ mấy giờ trước dân chúng dã tụ tập múa hát chờ đợi ĐTC. Rất đông trẻ em cầm các mảnh giấy hay mảnh vải trắng viết hàng chữ đơn sơ “Chào mừng ĐTC”. ĐTC đã xoa đầu các em chạy đến chào ngài. Một phụ nữ đại điện mọi người ngỏ lời chào mừng ĐTC. Bà nói lên nỗi vui sưóng được ĐTC tới thăm để chia sẻ các khổ đau, lo lắng và hy vọng của họ. Ước chi chuyến viếng thăm của ĐTC đem lại hoà giải, hoà bình lâu bền và hạnh phúc cho đất nước chúng con.

ĐTC dã ứng khẩu và nói: “Tôi đã đọc những gì các trẻ em đã viết. Chúng ta hãy làm tất cả để có hòa bình. Nhưng không thể có hòa bình nếu không có tình yêu, sự tha thứ, và hòa giải. Mỗi người phải làm một cái gì đó. Tôi cầu chúc hòa bình cho anh chị em. Dù thuộc chủng tộc, văn hóa, tôn giáo nào đi nữa, chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Tôi cầu chúc hoà bình cho anh chị em.” ĐTC đã ban phép lành cho mọi người. Các trẻ em vây quanh ĐTC, người lớn cùng như trẻ em rất vui mừng được ĐTC xoa đầu, bắt tay và chúc lành.

Sau khi từ giã người tỵ nạn ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để gặp gỡ các Giám Mục, dùng bữa trưa với các vị, và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

Sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại.

Lúc 15 giờ 45 phút chiều ĐTC đã đến Phân Khoa thần học tin lành Bangui để gặp gỡ các cộng đoàn tin lành. Phân khoa này đã do Hiệp hội tin lành Phi châu thành lập năm 1974 để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội Tin Lành Phi châu. Kể từ năm 1977 đến nay phân khoa đã đào tạo 650 mục sư phục vụ các cộng đoàn tin lành tại 21 nước Phi châu. Phân khoa có phòng ốc cho các sinh viên và gia đình họ cũng như một thính đường có 500 chỗ ngồi. Bên cạnh cũng có một trường cho vợ của các sinh viên, một vườn trẻ và một trường tiểu học.

Một ca đoàn dã hát chào mừng ĐTC. ĐTC đã được phân khoa trưởng tiếp đón và tháp tùng vào thính đường có khoảng 400 đại diện của các cộng đoàn tin lành Trung Phi. Cùng an tọa trên khán đài có ĐC Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui, và mục sư chủ tịch Liên hiệp các Giáo Hội tin lành Trung Phi.

Sau lời chào mừng của vị phân khoa trưởng và vị chủ tịch, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nêu bật rằng  từ qúa lâu dân tộc Trung Phi đã bị ghi dấu bởi các thử thách, và bạo lực gây ra biết bao khổ đau. Điều này khiến cho việc loan báo Tin Mừng lại càng cần thiết và cấp bách hơn nữa, Bởi vì chính thịt xác Chúa Kitô khổ đau trong các chi thể yêu dấu của Ngài: những người nghèo túng, các bệnh nhân, người già và những người bị bỏ rơi, các trẻ em không còn cha mẹ hay bị bỏ rơi cho chính mình, không được hướng dẫn và giáo dục. Họ cũng là tất cả những người mà bạo lực và thù hận đã làm tổn thương trong tâm hồn và trên thân xác, những người mà chiến tranh đã lấy mất tất cả, công ăn việc làm, nhà cửa, những người thân.

Thiên Chúa không phân biệt giữa những người đau khổ. Tôi đã thường gọi điều này là đại kết của máu. Tất cả các cộng đoàn của chúng ta đau khổ không phân biệt vì bất công và thù hận mù quáng, mà ma quỷ dấy lên. Và nhân dịp này tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi và lo lắng dối với mục sư Nicolas, mà nhà bị cướp bóc và đốt cháy, cũng như trung tâm của cộng đoàn của mục sư. Trong bối cảnh khó khăn này Chúa không ngừng gửi chúng ta ra đi biểu lộ cho mọi người sự hiền dịu, lòng thông cảm và xót thương của Ngài. Khổ đau và sứ mệnh chung đó là một dịp quan phòng giúp chúng ta cùng tiến trên con đường hiệp nhất, và cũng là một phương tiện thiêng liêng cần thiết…

Các bạn thân mến, sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại, trước biết bao mâu thuẫn được dựng lên trước Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì thế, trong khi đánh giá cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cộng tác có giữa các kitô hữu của đất nước anh chị em, tôi khích lệ anh chị em tiếp tục trên con đường phục vụ chung này của lòng bác ái. Đó là một chứng tá cho Chúa Kitô xây dựng sự hiệp nhất. Ước chi anh chị em có thể ngày càng can đảm  thêm vào lòng kiên trì và bác ái việc phục vụ của lời cầu nguyện và suy tư chung, trong việc tìm hiểu biết, tin tưởng và thân hữu với nhau hơn, hầu hướng tới sự hiệp thông tràn đầy mà chúng ta hy vọng vững vàng.

ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi.

Lúc 16 giờ ruỡi ĐTC đã đi xe tới nhà thờ chính toà Bangui cách đó 2 cây số để chủ sự thánh lễ cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được xây năm 1973 có 2.500 chỗ ngồi. Nhà thờ được trùng tu trong các năm 1961-1962, và được trang hoàng với 5 ngọn đèn thủy tinh, do tổng thống Bokassa tặng nhân dịp lễ đăng quang hoàng đế của ông năm 1976-1977. ĐGH Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại đây trong chuyến viếng thăm Bangui ngày 14 tháng 8 năm 1985. Nhà thờ chính toà cũng đã là nơi tổ chức kỷ niệm 100 năm Trung Phi lãnh nhận hạt giống đức tin, cũng như Hội nghị Liên HĐGM vùng Trung Phi châu, trong các ngày từ 29 tháng 6 tới mùng 6 tháng 7 năm 2008.

ĐTGM Bangui Dieudonné Nzapalainga đã được tấn phong trong nhà thờ chính toà này ngày 22 tháng 7 năm 2012. Bên cạnh nhà thờ chính tòa có một trung tâm vi tính, một phòng khám bệnh phát thuốc do huynh đoàn thánh Vinh Sơn Paoli đảm trách, một nhà sách và một phòng hội họp cho 30 hội đoàn giáo xứ sinh hoạt, trong đó cũng có 5 cộng đoàn cơ bản.

ĐTC đã tới công trường rộng gần nhà thờ chính toà, nơi đã có hàng chục ngàn bạn trẻ tụ tập để gặp gỡ ĐTC và tham dự buổi canh thức cầu nguyện vào lúc 7 giờ chiều. Các bạn đã theo dõi thánh lễ ĐTC cử hành cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh lúc 5 giờ chiều trên các màn truyền hình khổng lồ. Bên trong nhà thờ chính toà có khoảng 2.500 linh muc tu sĩ nam nữ các dòng và các chủng sinh. Cha sở nhà thờ chính tòa đã tiếp đón ĐTC tại cửa và tháp tùng ngài vào phòng thánh để mặc áo lễ và chủ sự lễ nghi mở cửa Năm Thánh của nhà thờ chính toà. Đây là lần đầu trong lịch sử Giáo Hội, một Giáo Hoàng chủ sự lễ nghi mở Cửa Thánh ngoài Roma.

ĐTC và đoàn giúp lễ tiến tới Cửa Lòng Thương Xót. Trong khi giơ tay mở cửa ngài nói: “Hãy mở các cửa công chính” Cộng đoàn thưa: “Tôi sẽ vào và sẽ tạ ơn Chúa”. “Đây là cửa của Chúa” – “Các người công chính hãy vào”. “Con bước tới nhà Chúa, lậy Chúa” – “Con phủ phục hướng về Đền Thánh Chúa”.

ĐTC đứng trên ngưỡng Cửa Lòng Thương Xót và sau một lúc cầu nguyện ngài bước vào trong nhà thờ chính tòa. Thánh lễ đã đưọc cử hành bằng tiếng Pháp, và các bài đọc là của Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm C.

Giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi. Ngài nói; từ nhà thờ chính toà này với con tim, tư tưởng và lòng trìu mến tôi muốn đến với tất cả các linh mục, những người sống đời thánh hiến, các nhân viên mục vụ của Trung Phi đang hiệp nhất trong tinh thần trong lúc này với những người hiện diện nơi đây. Qua các vị tôi muốn chào tất cả mọi người dân Trung Phi, các bệnh nhân, người già, các người bị thương tích từ cuộc sống….

Như hai thánh Phêrô và Gioan lên đền thờ xưa kia, không có vàng bạc cho người bất toại, tôi đến để cống hiến cho họ sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa chữa lành con người, làm cho nó đứng lên, và khiến cho nó có khả năng bắt đầu một cuộc sống mới, “đi qua bờ bên kia” (x. Lc 8,22).

Chúa Giêsu không chỉ gửi chúng ta sang bờ bên kia, nhưng Ngài mời chúng ta cùng đi với Ngài, mỗi người theo ơn gọi đặc thù của mình. Vì thế chúng ta phải ý thức rằng không thể qua bờ bên kia nếu không qua với Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi các ý niệm về gia đình và huyết thống chia rẽ, để xây dựng một Giáo Hội Gia Đình của Thiên Chúa, rộng mở cho tất cả mọi người, lo lắng cho những người thiếu thốn. Điều này giả thiết sự gần gũi các anh chị em khác và một tinh thần hiệp thông. Trước hết đây không phải là vấn đề phương tiện tài chánh. Chỉ cần trong thực tế chia sẻ cuộc sống của dân Chúa, trao ban lý lẽ cho niềm hy vọng nơi chúng ta (x. Pr 3,15), làm chứng cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Đấng “nhân lành chỉ lối cho các tội nhân” (Tv 24,8). Ngài cho mặt trời mọc lên trên người lành kẻ dữ (Mt 5,45). Sau khi sống kinh nghiệm ơn tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ. Ơn gọi của chúng ta là “nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,48). Một trong các đòi hỏi của ơn gọi nên trọn lành là tình yêu đối với các kẻ thù, cản ngăn cám dỗ báo thù và chống lại vòng xoáy trả thù vô tận. Nhu thế các người loan báo tin mừng trước hết phải là những người kiến tạo sự tha thứ, là các chuyên viên của hòa giải, và người tài giỏi của lòng thương xót.

Tiếp tục bài giảng ĐTC đã rút tiả ra từ các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ I mủa Vọng vài đặc tính của ơn cứu rỗi. Trước hết là hạnh phúc Chúa hứa đưọc loan báo trong các phạm trù của sự công bằng. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị con tim chúng ta tiếp đón Chúa Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô, Thẩm Phán duy nhất thưởng phạt mọi người. Ngài đến để làm phong phú các lịch sử cá nhân và tập thể, các niềm hy vọng bị thất vọng, và các cầu mong cằn cỗi. Nhất là Ngài gửi chúng ta đi loan báo cho những ai bị các kẻ quyền lực của thế giới này áp bức, cũng như những kẻ bị gẫy gập dưới sức nặng tội lỗi của họ.

Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cũng có mùi vị của tình yêu. Con Thiên Chúa đến để mạc khải Thiên Chúa không chỉ là Công Lý, nhưng trước hết  là Tình Yêu. Tại khắp nơi, nhất là nơi đâu thống trị bạo lực, thù hận, bất công và bách hại, các kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy có nhiều linh mục và giáo dân trong đất nươc này sống các nhân đức kitô tới bậc anh hùng, nhưng khoảng cách giữa lý tưởng này và chứng ta của chúng ta đôi khi còn xa lắm.

Sau cùng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có quyền năng chiến thắng tất cả. Nếu thánh Phaolô nói tới một tình yếu lớn mạnh và tràn đầy, thì bởi vì chứng tá kitô phải phán ánh sức mạnh không thể chống lại mà Tin Mừng nói tới: sức mạnh của tình yêu không lùi bước trước bất cứ sự gì. Xác tín này trao ban cho tín hữu sự thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh kiên trì trong sự thiện trước các nghịch cảnh tệ hại nhất.

Sau cùng ĐTC dã kêu gọi những người sử dụng vũ khí một cách bất công trên thế giới này hãy hạ các dụng cụ chết chóc này xuống, tráí lại hãy vũ trang mình bằng công lý, tình yêu và lòng thương xót là các bảo đảm đích thật cho hòa bình.

Lúc 19 giờ ĐTC còn một sinh hoạt nữa đó là cuộc gặp gỡ với trẻ Trung Phi gần nhà thờ chính toà.

Sáng thứ hai hôm nay ĐTC gặp gỡ cộng đoàn Hồi giáo gần đền thờ Koudoukou, trưóc khi đến chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại tòa nhà thể thao Barthélémy Boganda, rồi ra phi trường từ giã Trung Phi để trở về Roma.

Chúng tôi sẽ tường thuật các sinh hoạt này của ĐTC trong các buổi phát sáng thứ ba.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

ĐTC Phanxicô mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Bangui Trung Phi 2/2

ĐTC Phanxicô mở Cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại Bangui Trung Phi 2/2

ĐTC Phanxicô mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót tại nhà thờ chính toà Bangui

Sau khi từ giã hàng lãnh đạo Trung Phi, lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đến thăm trại tỵ nạn giáo xứ Thánh Cứu Thế Bangui, cách đó 5 cây số. Từ mấy giờ trước dân chúng dã tụ tập múa hát chờ đợi ĐTC. Rất đông trẻ em cầm các mảnh giấy hay mảnh vải trắng viết hàng chữ đơn sơ “Chào mừng ĐTC”. ĐTC đã xoa đầu các em chạy đến chào ngài. Một phụ nữ đại điện mọi người ngỏ lời chào mừng ĐTC. Bà nói lên nỗi vui sưóng được ĐTC tới thăm để chia sẻ các khổ đau, lo lắng và hy vọng của họ. Ước chi chuyến viếng thăm của ĐTC đem lại hoà giải, hoà bình lâu bền và hạnh phúc cho đất nước chúng con.

ĐTC dã ứng khẩu và nói: “Tôi đã đọc những gì các trẻ em đã viết. Chúng ta hãy làm tất cả để có hòa bình. Nhưng không thể có hòa bình nếu không có tình yêu, sự tha thứ, và hòa giải. Mỗi người phải làm một cái gì đó. Tôi cầu chúc hòa bình cho anh chị em. Dù thuộc chủng tộc, văn hóa, tôn giáo nào đi nữa, chúng ta tất cả đều là anh chị em với nhau. Tôi cầu chúc hoà bình cho anh chị em.” ĐTC đã ban phép lành cho mọi người. Các trẻ em vây quanh ĐTC, người lớn cùng như trẻ em rất vui mừng được ĐTC xoa đầu, bắt tay và chúc lành.

Sau khi từ giã người tỵ nạn ĐTC đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để gặp gỡ các Giám Mục, dùng bữa trưa với các vị, và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

Sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại.

Lúc 15 giờ 45 phút chiều ĐTC đã đến Phân Khoa thần học tin lành Bangui để gặp gỡ các cộng đoàn tin lành. Phân khoa này đã do Hiệp hội tin lành Phi châu thành lập năm 1974 để đáp ứng các nhu cầu của Giáo Hội Tin Lành Phi châu. Kể từ năm 1977 đến nay phân khoa đã đào tạo 650 mục sư phục vụ các cộng đoàn tin lành tại 21 nước Phi châu. Phân khoa có phòng ốc cho các sinh viên và gia đình họ cũng như một thính đường có 500 chỗ ngồi. Bên cạnh cũng có một trường cho vợ của các sinh viên, một vườn trẻ và một trường tiểu học.

Một ca đoàn dã hát chào mừng ĐTC. ĐTC đã được phân khoa trưởng tiếp đón và tháp tùng vào thính đường có khoảng 400 đại diện của các cộng đoàn tin lành Trung Phi. Cùng an tọa trên khán đài có ĐC Dieudonné Nzapalainga, TGM Bangui, và mục sư chủ tịch Liên hiệp các Giáo Hội tin lành Trung Phi.

Sau lời chào mừng của vị phân khoa trưởng và vị chủ tịch, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nêu bật rằng  từ qúa lâu dân tộc Trung Phi đã bị ghi dấu bởi các thử thách, và bạo lực gây ra biết bao khổ đau. Điều này khiến cho việc loan báo Tin Mừng lại càng cần thiết và cấp bách hơn nữa, Bởi vì chính thịt xác Chúa Kitô khổ đau trong các chi thể yêu dấu của Ngài: những người nghèo túng, các bệnh nhân, người già và những người bị bỏ rơi, các trẻ em không còn cha mẹ hay bị bỏ rơi cho chính mình, không được hướng dẫn và giáo dục. Họ cũng là tất cả những người mà bạo lực và thù hận đã làm tổn thương trong tâm hồn và trên thân xác, những người mà chiến tranh đã lấy mất tất cả, công ăn việc làm, nhà cửa, những người thân.

Thiên Chúa không phân biệt giữa những người đau khổ. Tôi đã thường gọi điều này là đại kết của máu. Tất cả các cộng đoàn của chúng ta đau khổ không phân biệt vì bất công và thù hận mù quáng, mà ma quỷ dấy lên. Và nhân dịp này tôi muốn bầy tỏ sự gần gũi và lo lắng dối với mục sư Nicolas, mà nhà bị cướp bóc và đốt cháy, cũng như trung tâm của cộng đoàn của mục sư. Trong bối cảnh khó khăn này Chúa không ngừng gửi chúng ta ra đi biểu lộ cho mọi người sự hiền dịu, lòng thông cảm và xót thương của Ngài. Khổ đau và sứ mệnh chung đó là một dịp quan phòng giúp chúng ta cùng tiến trên con đường hiệp nhất, và cũng là một phương tiện thiêng liêng cần thiết…

Các bạn thân mến, sự chia rẽ của các kitô hữu là một gương mù, bởi vì trước hết nó trái nghịch với ý muốn của Chúa. Nó cũng là một gương xấu trước biết bao thù hận và biết bao bạo lực xâu xé nhân loại, trước biết bao mâu thuẫn được dựng lên trước Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì thế, trong khi đánh giá cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cộng tác có giữa các kitô hữu của đất nước anh chị em, tôi khích lệ anh chị em tiếp tục trên con đường phục vụ chung này của lòng bác ái. Đó là một chứng tá cho Chúa Kitô xây dựng sự hiệp nhất. Ước chi anh chị em có thể ngày càng can đảm  thêm vào lòng kiên trì và bác ái việc phục vụ của lời cầu nguyện và suy tư chung, trong việc tìm hiểu biết, tin tưởng và thân hữu với nhau hơn, hầu hướng tới sự hiệp thông tràn đầy mà chúng ta hy vọng vững vàng.

ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi.

Lúc 16 giờ ruỡi ĐTC đã đi xe tới nhà thờ chính toà Bangui cách đó 2 cây số để chủ sự thánh lễ cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được xây năm 1973 có 2.500 chỗ ngồi. Nhà thờ được trùng tu trong các năm 1961-1962, và được trang hoàng với 5 ngọn đèn thủy tinh, do tổng thống Bokassa tặng nhân dịp lễ đăng quang hoàng đế của ông năm 1976-1977. ĐGH Gioan Phaolô II đã cầu nguyện tại đây trong chuyến viếng thăm Bangui ngày 14 tháng 8 năm 1985. Nhà thờ chính toà cũng đã là nơi tổ chức kỷ niệm 100 năm Trung Phi lãnh nhận hạt giống đức tin, cũng như Hội nghị Liên HĐGM vùng Trung Phi châu, trong các ngày từ 29 tháng 6 tới mùng 6 tháng 7 năm 2008.

ĐTGM Bangui Dieudonné Nzapalainga đã được tấn phong trong nhà thờ chính toà này ngày 22 tháng 7 năm 2012. Bên cạnh nhà thờ chính tòa có một trung tâm vi tính, một phòng khám bệnh phát thuốc do huynh đoàn thánh Vinh Sơn Paoli đảm trách, một nhà sách và một phòng hội họp cho 30 hội đoàn giáo xứ sinh hoạt, trong đó cũng có 5 cộng đoàn cơ bản.

ĐTC đã tới công trường rộng gần nhà thờ chính toà, nơi đã có hàng chục ngàn bạn trẻ tụ tập để gặp gỡ ĐTC và tham dự buổi canh thức cầu nguyện vào lúc 7 giờ chiều. Các bạn đã theo dõi thánh lễ ĐTC cử hành cho các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh lúc 5 giờ chiều trên các màn truyền hình khổng lồ. Bên trong nhà thờ chính toà có khoảng 2.500 linh muc tu sĩ nam nữ các dòng và các chủng sinh. Cha sở nhà thờ chính tòa đã tiếp đón ĐTC tại cửa và tháp tùng ngài vào phòng thánh để mặc áo lễ và chủ sự lễ nghi mở cửa Năm Thánh của nhà thờ chính toà. Đây là lần đầu trong lịch sử Giáo Hội, một Giáo Hoàng chủ sự lễ nghi mở Cửa Thánh ngoài Roma.

ĐTC và đoàn giúp lễ tiến tới Cửa Lòng Thương Xót. Trong khi giơ tay mở cửa ngài nói: “Hãy mở các cửa công chính” Cộng đoàn thưa: “Tôi sẽ vào và sẽ tạ ơn Chúa”. “Đây là cửa của Chúa” – “Các người công chính hãy vào”. “Con bước tới nhà Chúa, lậy Chúa” – “Con phủ phục hướng về Đền Thánh Chúa”.

ĐTC đứng trên ngưỡng Cửa Lòng Thương Xót và sau một lúc cầu nguyện ngài bước vào trong nhà thờ chính tòa. Thánh lễ đã đưọc cử hành bằng tiếng Pháp, và các bài đọc là của Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng năm C.

Giảng trong thánh lễ ĐTC mời gọi hàng giáo sĩ tu sĩ nhập thể con tim, tình yêu, sự hiền dịu, tha thứ và lòng xót thương của Thiên Chúa giữa lòng xã hội Trung Phi. Ngài nói; từ nhà thờ chính toà này với con tim, tư tưởng và lòng trìu mến tôi muốn đến với tất cả các linh mục, những người sống đời thánh hiến, các nhân viên mục vụ của Trung Phi đang hiệp nhất trong tinh thần trong lúc này với những người hiện diện nơi đây. Qua các vị tôi muốn chào tất cả mọi người dân Trung Phi, các bệnh nhân, người già, các người bị thương tích từ cuộc sống….

Như hai thánh Phêrô và Gioan lên đền thờ xưa kia, không có vàng bạc cho người bất toại, tôi đến để cống hiến cho họ sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa chữa lành con người, làm cho nó đứng lên, và khiến cho nó có khả năng bắt đầu một cuộc sống mới, “đi qua bờ bên kia” (x. Lc 8,22).

Chúa Giêsu không chỉ gửi chúng ta sang bờ bên kia, nhưng Ngài mời chúng ta cùng đi với Ngài, mỗi người theo ơn gọi đặc thù của mình. Vì thế chúng ta phải ý thức rằng không thể qua bờ bên kia nếu không qua với Chúa, bằng cách giải thoát chúng ta khỏi các ý niệm về gia đình và huyết thống chia rẽ, để xây dựng một Giáo Hội Gia Đình của Thiên Chúa, rộng mở cho tất cả mọi người, lo lắng cho những người thiếu thốn. Điều này giả thiết sự gần gũi các anh chị em khác và một tinh thần hiệp thông. Trước hết đây không phải là vấn đề phương tiện tài chánh. Chỉ cần trong thực tế chia sẻ cuộc sống của dân Chúa, trao ban lý lẽ cho niềm hy vọng nơi chúng ta (x. Pr 3,15), làm chứng cho lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là Đấng “nhân lành chỉ lối cho các tội nhân” (Tv 24,8). Ngài cho mặt trời mọc lên trên người lành kẻ dữ (Mt 5,45). Sau khi sống kinh nghiệm ơn tha thứ, chúng ta cũng phải tha thứ. Ơn gọi của chúng ta là “nên trọn lành như Cha anh em ở trên trời” (Mt 5,48). Một trong các đòi hỏi của ơn gọi nên trọn lành là tình yêu đối với các kẻ thù, cản ngăn cám dỗ báo thù và chống lại vòng xoáy trả thù vô tận. Nhu thế các người loan báo tin mừng trước hết phải là những người kiến tạo sự tha thứ, là các chuyên viên của hòa giải, và người tài giỏi của lòng thương xót.

Tiếp tục bài giảng ĐTC đã rút tiả ra từ các bài đọc phụng vụ Chúa Nhật thứ I mủa Vọng vài đặc tính của ơn cứu rỗi. Trước hết là hạnh phúc Chúa hứa đưọc loan báo trong các phạm trù của sự công bằng. Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị con tim chúng ta tiếp đón Chúa Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô, Thẩm Phán duy nhất thưởng phạt mọi người. Ngài đến để làm phong phú các lịch sử cá nhân và tập thể, các niềm hy vọng bị thất vọng, và các cầu mong cằn cỗi. Nhất là Ngài gửi chúng ta đi loan báo cho những ai bị các kẻ quyền lực của thế giới này áp bức, cũng như những kẻ bị gẫy gập dưới sức nặng tội lỗi của họ.

Ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cũng có mùi vị của tình yêu. Con Thiên Chúa đến để mạc khải Thiên Chúa không chỉ là Công Lý, nhưng trước hết  là Tình Yêu. Tại khắp nơi, nhất là nơi đâu thống trị bạo lực, thù hận, bất công và bách hại, các kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy có nhiều linh mục và giáo dân trong đất nươc này sống các nhân đức kitô tới bậc anh hùng, nhưng khoảng cách giữa lý tưởng này và chứng ta của chúng ta đôi khi còn xa lắm.

Sau cùng ơn cứu rỗi của Thiên Chúa có quyền năng chiến thắng tất cả. Nếu thánh Phaolô nói tới một tình yếu lớn mạnh và tràn đầy, thì bởi vì chứng tá kitô phải phán ánh sức mạnh không thể chống lại mà Tin Mừng nói tới: sức mạnh của tình yêu không lùi bước trước bất cứ sự gì. Xác tín này trao ban cho tín hữu sự thanh thản, lòng can đảm và sức mạnh kiên trì trong sự thiện trước các nghịch cảnh tệ hại nhất.

Sau cùng ĐTC dã kêu gọi những người sử dụng vũ khí một cách bất công trên thế giới này hãy hạ các dụng cụ chết chóc này xuống, tráí lại hãy vũ trang mình bằng công lý, tình yêu và lòng thương xót là các bảo đảm đích thật cho hòa bình.

Lúc 19 giờ ĐTC còn một sinh hoạt nữa đó là cuộc gặp gỡ với trẻ Trung Phi gần nhà thờ chính toà.

Sáng thứ hai hôm nay ĐTC gặp gỡ cộng đoàn Hồi giáo gần đền thờ Koudoukou, trưóc khi đến chủ sự thánh lễ cho tín hữu tại tòa nhà thể thao Barthélémy Boganda, rồi ra phi trường từ giã Trung Phi để trở về Roma.

Chúng tôi sẽ tường thuật các sinh hoạt này của ĐTC trong các buổi phát sáng thứ ba.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

 

ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng

ĐTC kêu gọi xây dựng một Trung Phi hòa bình, hòa giải và thịnh vượng

Pope Francis arrives in Bangui

Ngày thứ nhất ĐTC viếng thăm  Cộng hòa Trung Phi

Sáng Chúa Nhật hôm qua ĐTC đã từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi là chặng thứ ba trong chuyến tông du Phi châu lần đầu tiên của ngài.

Lúc 8 giờ sáng ĐTC đã từ giã các nhân viên Tòa Sứ Thần để đi xe ra phi trường cách đó 45 cây số lấy máy bay đi Trung Phi. Lễ nghi từ biệt đã diễn ra tại phi trường quốc tế Entebbe. ĐTC đã được tổng thống tiếp đón tại lối vào dành cho các nhân vật quan trọng. Hai vị đã đàm đạo riêng với nhau trước khi lễ nghi tiễn biệt bắt đầu. Ban quân nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Uganda. ĐTC đã bắt tay từ biệt tổng thống Yoweri Kaguta Museveni và các vị lãnh đạo chính trị dân sự cũng như các Giám Mục Uganda.

Lúc 9 giờ 15 chiếc máy bay A330 của hãng hàng không Alitalia chở ĐTC và đoàn tuỳ tùng đã cất cánh rời phi trường Entebbe để trực chỉ phi trường quốc tế M’poko của thủ đô Bangui cách đó 1.618 cây số.

ĐTC đã gửi diện tín chào thăm các vị tổng thống và nhân dân các nước Uganda, Cộng hòa dân chủ Congo và Trung Phi, khi máy bay ở trên không phận các nước này. Trong điện tín gửi tống thống Uganda Yoweri Museveni, ĐTC tái bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với tổng thống và nhân dân Uganda và bảo đảm với tổng thống sự gần gũi tinh thần và ngài khẩn cầu Thiên Chúa ban cho dân nưóc Uganga phước lành bình an, niềm vui và sự thịnh vượng. Trong điện tín gửi tống thống Joseph Kabila ĐTC gửi lời chào thăm tổng thống và toàn dân cộng hòa dân chủ Congo, và xin Thiên Chúa toàn năng ban ơn hòa bình và thịnh vượng cho mọi người. Khi máy bay vào không phận Trung Phi ĐTC gửi điện tín chào thăm tổng thống Catherine Samba-Panza và nhân dân Trung Phi. Ngài bầy tỏ niềm vui được đến viếng thăm nước này và khẩn nài Thiên Chúa chúc lành cho tổng thống và dân nước Trung Phi.

Thủ đô Bangui có 745.000 dân cư, là thành phố lớn nhất của Trung Phi, nằm ở mạn bắc sông Ubangi, ghi dấu biên giới với Cộng hòa dân chủ Congo. Được người Pháp thành lập năm 1889, ngày nay Bangui là trung tâm thương mại và hành chánh quốc gia, nơi có Quốc hội, các dinh thự của chính quyền, các ngân hàng, các hãng xưởng ngoại quốc, các tòa đại sứ, nhà thương, khách sạn và đại học. Nhưng cũng có nhiều người sống trong các khu xóm nghèo gọi là “Kodros” được xây bằng gạch làm bằng bùn trộn rơm. Nhiều khu phố của thủ đô Bangui thấp hơn mực nước sông, vì thế hay bị lụt lội. Chẳng hạn các trận mưa lũ trong hai tháng 6-7 năm 2009 đã khiến cho 11.000 người lâm cảnh không nhà. Vì Trung Phi nằm ở phía bắc đường xích đạo nên nhiệt độ quanh năm ít khi xuống dưới 30 độ C. Trong vùng thủ đô Bangui có 26 nơi có từ thời sắt được Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách gia tài của thế giới. Địa điểm gần thủ đô nhất có từ thế kỷ thứ X trước công nguyên.

Tổng giáo phận Bangui có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó có hơn nửa triệu tín hữu công giáo, tức chiếm 42% tổng số dân. Giáo phận có 25 giáo xứ, 35 linh mục giáo phận, 78 linh mục dòng, 65 tu huynh, 144 nữ tu và 20 đại chủng sinh. Giáo Hội điều khiển 36 cơ sở giáo dục và 9 trung tâm bác ái xã hội.

Máy bay đã hạ cánh tại phi trường Bangui sau 2 giờ 45 phút bay. ĐTGM Franco Coppola, Sứ Thần Tòa Thánh, và vị trưởng nghi lễ  đã lên máy bay chào ĐTC. Bà tổng thống lâm thời Catherine Samba-Panza đã đón tiếp ĐTC tại chân thang máy bay. Hai em bé đã tặng hoa cho ĐTC. Hiện diện tại phi trường cũng có một số giới chức lãnh đạo, các Giám Mục Trung Phi, một nhóm tín hữu và một ca đoàn.

Ban nhạc đã cử quốc thiều Vaticăng và quốc thiều Trung Phi. ĐTC đã bắt tay chào giới lãnh đạo hiện diện. Sau đó ngài vào phòng khách của phi trường đàm đạo riêng với bà tổng thống. Lúc 10 giờ 20 ĐTC lên xe đến thăm xã giao bà tổng thống tại Dinh Phục Hưng cách đó 9 cây số. Mặc dù tình hình nội chiến và trời nóng 41 độ C, đã có hàng trăm ngàn người đứng hai bên đường từ phi trường về thủ đô để chào đón ĐTC với niềm vui ngoại thường của lễ hội phi châu. Các hướng đạo sinh công giáo cũng đã đuợc huy động để giữ trật tự hai bên đường.

 Bà tổng thống đã đón ĐTC tại chân cầu thang và tháp tùng ngài vào thư phòng để đàm đạo riêng. Trong khi đó ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hội kiến với thủ tướng Trung Phi cùng với ĐTGM Phụ tá và Đức Sứ Thần Tòa Thánh.

Tiếp đến bà tổng thống đã giới thiệu gia đình với ĐTC và hai bên trao đổi quà tặng. Bà Catherine Samba-Panza sinh năm 1954, đậu tiến sĩ luật tại đại học Sorbonne bên Paris. Bà là luật sư và thương gia, phó chủ tịch Hiệp hội các nữ luật sư Trung Phi, và dấn thân bảo vệ các quyền con người. Bà đã là thị trưởng thủ đô Bangui, khi xảy ra xung đột vũ trang giữa lực lượng Seleka và Anti Balaka. Bà đã được Hội đồng quốc gia lâm thời chỉ định làm tổng thống lâm thời cho tới khi có các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội mới.

ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”.

Lúc 11 giờ rưỡi ĐTC đã gặp gỡ hàng lãnh đạo, đại diện các tổ chức quốc tế và ngoại giao đoàn trong sân dinh tổng thống. Trong diễn văn chào mừng bà tổng thống bày tỏ niềm vui lớn của toàn dân Trung Phi được ĐTC tới thăm, sau chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II. Bà cũng đề cập tới các vấn đề và khó khăn của dân nước Trung Phi trong đó có thảm cảnh nội chiến, tình hình chính trị xã hội khủng hoảng, bất an và bạo lực, chia rẽ, bất hòa, nghi ngờ, khiến xảy ra cảnh giết người nhân danh Thiên Chúa. Con cái Trung Phi đã không biết trung thành với tôn chỉ của Barthélémy Boganda, người của Giáo Hội người cha quốc gia, nên cần thừa nhận các lỗi lầm của mình và xin tha thứ. Chuyến viếng thăm của ĐTC sẽ giúp họ tái xây dựng đất nước.

Ngỏ lời với mọi người ĐTC đã khích lệ chính quyền và toàn dân Trung Phi thăng tiến đất nước theo khẩu hiệu của Cộng hòa Trung Phi như các ngưởi cha quốc gia đã mơ ước đề ra đó là “Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động”. Ngài cũng cầu mong cộng đoàn quốc tế dấn thân liên đới nhiều hơn nữa, và hiệp nhất với chính quyền Trung Phi trợ giúp quốc gia này tiến triển, đặc biệt trong việc hòa giải, giải trừ vũ khí, duy trì hoà bình, trợ giúp ý tế và thăng tiến nền văn hóa của việc quản trị lành mạnh trên tất cả mọi bình diện cuộc sống xã hội.

ĐTC nói đây là lần đầu tiên ngài đặt chân lên đất Trung Phi, sau vị tiền nhiệm là Đức Gioan Phaolô II, trong thời điểm Trung Phi đang từ từ tiến tới chỗ bình thường hóa cuộc sống xã hội chính trị của mình, mặc dầu còn có nhiều khó khăn. Ngài đến Trung Phi như một người hành hương của hòa bình và trong tư cách là tông đồ của niềm hy vọng. Chính vì thế ngài chào mừng cố gắng của các chính quyền quốc gia và quốc tế đã dẫn đưa Trung Phi tới giai đoạn này. Ngài cầu mong các cuộc thăm dò ý kiến quốc gia trong vài tuần nữa cho phép quốc gia thanh thản bắt đầu một giai đọan mới  trong lịch sử của mình.

Nhắc đến khẩu hiệu mà các thế hệ cha ông của Trung Phi đã mơ ước và đề ra là “HIệp nhất – Phẩm giá và Lao động” , ĐTC khẳng định:

Ngày nay còn hơn hôm qua, ba từ này diễn tả các khát vọng của mỗi một người dân Trung Phi, và vì thế nó là một địa bàn chắc chắn cho chính quyền, có nhiệm vụ hướng dẫn vận mệnh của đất nước, Hiệp nhất, Phẩm giá và Lao động! Ba từ nặng nghĩa, mà mỗi từ diễn tả một công trường cũng như một chương trình không bao giờ hoàn tất, một nhiệm vụ cần  thực hiện không ngừng.

Trước hết là hiệp nhất. Nó là giá trị cốt yếu cho sự hòa hợp các dân tộc. Nó cần được sống và xây đựng từ sự khác biệt tuyệt diệu của thế giới môi sinh, bằng cách tránh cám dỗ sợ hãi người khác, sợ hãi những gì chúng ta không quen, những gì không thuộc chủng tộc, các lựa chọn chính trị, hay tôn giáo của chúng ta. Trái lại, sự hiệp nhất đòi hỏi tạo dựng và thăng tiến một tổng hợp các phong phú mà mỗi người đem theo trong chính mình. Sự hiệp nhất trong khác biệt, đó là một thách đố, mời gọi phải có óc sáng tạo, sự quảng đại, từ bỏ và tôn trọng tha nhân.

Tiếp đến là phẩm giá. Nó chính là giá trị luân lý đồng nghiã với lương thiện, chính trực, thanh nhã và danh dự, định tính các người nam nữ ý thức được các quyền lợi và bổn phận của mình khiến cho họ tôn trọng lẫn nhau. Mỗi một người đều có một phẩm giá. Trung Phi là quốc gia của « Zo kwe zo », là đất nước, trong đó mỗi người là một nhân vị. Vì thế phải làm tất cả để duy trì quy chế và phẩm giá của con người. Và người có các phương tiện của một cuộc sống đứng đắn, thay vì lo lắng cho các đặc quyền đặc lợi, thì phải tìm trợ giúp những người nghèo nàn hơn có được các điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá con người, nhất là qua việc phát triển tiềm năng nhân bản, văn hóa, kinh tế và xã hội của họ. Do đó, được giáo dục, săn sóc, chống nạn thiếu dinh dưỡng và tranh đấu để bảo đảm cho tất cả mọi người một nơi ở xứng đáng phải nằm trong chương trình của một sự phát triển lo lắng cho nhân phẩm. Nói cho cùng phẩm giá con người đó là làm việc cho phẩm giá của người đồng loại.

Sau cùng là lao động. Chính qua công việc làm mà anh chị em có thể cải tiến cuộc sống của gia đình. Thánh Phaolô nói : « Không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái » (2 Cr, 12,14). Nỗ lực của cha mẹ diễn tả tình yêu đối với các con nhỏ. Và anh chị em Trung Phi, anh chị em có thể cải tiến đất nước tuyệt vời này, bằng  cách khai thác nhiều tài nguyên của nó một cách hữu lý. Xứ sở của anh chị em nằm trong một vùng được coi là một trong hai lá phổi của nhân loại, vì sự phong phú ngoại thường của nó liên quan tới sự khác biệt sinh học. Liên quan tới điểm này, quy chiếu Thông điệp Laudato si’ tôi muốn đăc biệt lôi kéo dự chú ý  của từng người, các công dân, giới hữu trách quốc gia, các tổ chức quốc tế, các hãng xưởng đa quốc, đối với trách nhiệm nghiêm trọng của mình trong việc khai thác các tài nguyên môi sinh, trong các chọn lựa và các dự án phát triển, một cách này hay cách khác liên lụy tới toàn trái đất. Việc xây dựng một xã hội thịnh vượng phải là một công việc liên đới. Sự thật này, sự khôn ngoan của của dân tộc anh chị em đã hiểu từ lâu, và diễn tả ra qua châm ngôn : «Kiến tuy nhỏ, nhưng vì nhiều nên chúng đem chiến lợi phẩm về tổ » .

Thật là vô ích nhấn mạnh tầm quan trọng nòng cốt mà cung cách hành xử và quản trị của công quyền, là những người đầu tiên phải nhập thể trung thực trong cuộc sống của mình các giá trị của sự hiệp nhất, phẩm giá và lao động, vì họ là các mẫu gương cho các người đồng hương.

Tiếp tục diễn văn ĐTC đã nêu bật phần đóng góp và dấn thân của Giáo Hội trong việc thực hiện các giá trị này, như lịch sử xã hội chính trị đã cho thấy. ĐTC  bảo đảm phần đóng góp của Giáo Hội cho việc xây dựng Trung Phi như sau :

Cùng với các Giám Mục Trung Phi tôi xin tái bầy tỏ sự sẵn sàng của Giáo Hội địa phương này ngày càng góp phần hơn vào việc thăng tiến công ích, nhất là qua việc tìm kiếm hoà bình và hòa giải. ĐTC chắc chắn rằng các chính quyền hiện nay cũng như tương lai sẽ không ngừng lo lắng bảo đảm cho Giáo Hội có các điều kiện thuận tiện giúp chu toàn sứ mệnh tinh thần của mình. Như thế Giáo Hội sẽ có thể ngày càng góp phần « thăng tiến mọi người và toàn con người » (Populorum progresio. S.14).

Để kết thúc tôi xin nói lên lần nữa niềm vui được viếng thăm đất nước tuyệt vời này nằm ở trung tâm Phi châu, có một dân tộc đạo đức sâu xa, và đưọc phú bẩm cho một gia tài thiên nhiên và văn hóa phong phú như vậy. Tôi trông thấy ở đó một đất nước được tràn đầy ơn lành của Thiên Chúa. Ước chi nhân dânTrung Phi, cũng như hàng lãnh đạo và tất cả các tổ chức của nó, đánh giá đúng đắn giá trị của các phước lành này, bằng cách không ngừng làm việc cho sự hiệp nhất, nhân phẩm  và hoà bình xây dựng trên công lý ! Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em !.

Diễn văn của ĐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần bởi các tràng pháo tay của cử tọa. Bà tổng thống đã giới thiệu với ĐTC vài cộng sự viên thân tín nhất.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Hai Giám Mục Việt Nam dự Đại hội thứ 19 của Bộ Truyền giáo

Hai Giám Mục Việt Nam dự Đại hội thứ 19 của Bộ Truyền giáo

Hai Giám Mục Việt Nam tham dự Đại hội thứ 19 của Bộ Truyền giáo

VATICAN. Bộ truyền giáo sẽ nhóm đại hội lần thứ 19 từ ngày 30-11 đến 3-12 tới đây, và trong số các tham dự viên có ĐHY TGM Hà Nội và Đức TGM giáo phận Sàigòn.

Đại Hội của Bộ truyền giáo tiến hành 3 năm một lần và lần này có chủ đề là: ”Ý thức Giáo Hội và Sứ mạng truyền giáo cho dân ngoại. Việc phục vụ của Bộ truyền giáo dành cho các Giáo Hội trẻ 50 năm từ sau Sắc lệnh ”Ad Gentes” của Công đồng chung Vatican 2”.

Tham dự Đại hội với quyền bỏ phiếu có các thành viên của Bộ gồm 30 Hồng Y, 8 GM, và 2 LM, trong đó có Cha Adolfo Nicolás Pachón, Bề trên Tổng quyền dòng Tên. Ngoài ra có các vị Tổng thư ký của Bộ và một số chuyên gia cố vấn.

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc tham dự với tư cách thành viên của Bộ.

Đảm trách các bài thuyết trình gợi ý cho 4 ngày Đại hội có: ĐHY Tarcisio Bertone, nguyên Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nói về ”Ý thức Giáo Hội và khả năng truyền giảng Tin Mừng trong các Giáo Hội trẻ”; ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa Bình, nói về ”Hoạt động truyền giáo cho dân ngoại trong các Giáo Hội trẻ”; sau cùng Đức TGM Giampiero Gloder, Giám đốc trường ngoại giao Tòa Thánh, nói về: ”Mong đợi của các Giáo Hội trẻ nơi các việc phục vụ của Bộ truyền giáo và các Hội Giáo Hoàng truyền giáo”.

Sau các bài thuyết trình trên đây, các tham dự viên sẽ thảo luận trong các nhóm nhỏ để đưa ra những đề nghị cụ thể.

Trong ngày họp cuối cùng, 4-12-2016, các tham dự viên sẽ được ĐTC tiếp kiến.

Theo thông cáo của Liên tu sĩ Roma, nhân dịp đến Roma, lúc 11 giờ sáng chúa nhật 6-12-2015, ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ nhận nhà thờ hiệu tòa của ngài do ĐTC chỉ định trong buổi lễ phong Hồng Y ngày 14-2-2015 tại Vatican. Đó là nhà thờ Thánh Tôma Tông Đồ, một giáo xứ tân lập ở ngoại ô Roma (Via L. Liviabella 70, 00124 Roma). Ngoài cha sở Stefano Bianchini, Giáo xứ còn có 4 linh mục phụ giúp. Đây là lần đầu tiên thánh đường này được một vị Hồng Y hiệu tòa. Đức TGM Bùi Văn Đọc và Liên tu sĩ Roma cũng sẽ hiện diện trong thánh lễ này. (Fides 26-11-2015)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật ngày thư hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 1/2

Tường thuật ngày thư hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 1/2

ĐTC Phanxicô cử hành thánh lễ kính các Thánh Tử Đạo Uganda

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda

Thứ bẩy 28-11-2015 là ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda. Ban sáng ngài đã viếng thăm đền các vị tử đạo Anh giáo và đền các vị tử đạo công giáo tại Namugongo, trước khi chủ sự thánh lễ kính các vị tử đạo Uganda lúc 9 giờ 30 tại đền thánh công giáo Namugongo. Vào ban chiều ĐTC gặp gỡ giới trẻ Uganda tại phi trường cũ Kololo, hiện là nơi tổ chức các biến cố lớn, có thể chứa tới 100.000 người. Sau khi viếng thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, ĐTC gặp gỡ các Giám Mục Uganda và vào lúc 19 giờ chiều  ngài gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong nhà thờ chính tòa Kampala.

Sau đây là chi tiết các sinh hoạt của ĐTC. Lúc 8 giờ sáng ĐTC rời Tòa Sứ Thần đi xe đến Namugongo cách đó 13 cây số rưỡi để viếng thăm Đền các vị tử đạo Anh giáo được xây trên nơi 25 kitô hữu Uganda gồm công giáo và anh giáo chết vì đạo giữa các năm 1884-1887. Hài cốt các vị được lưu giữ trong một nhà nguyện bên cạnh đền thánh, cách Đền thánh công giáo 3 cây số.

ĐTC đã được ĐTGM Anh giáo tiếp đón và ngài đã khánh thành một bảng kỷ niệm gần nhà nguyện vừa được tân trang. Tiếp đến ĐTC tiến tới nơi các vị tử đạo đã bị kết án, tra tấn và giết chết. Trong Đền thánh có khoảng 40 Giám Mục anh giáo Uganda và một số tín hữu. Sau một lúc thinh lặng cầu nguyện ĐTC đã từ giã các Giám Mục và tín hữu anh giáo để tiếp tục đến Đền thánh công giáo cách đó 3 cấy số.

Đền thánh quốc gia công giáo Namugongo tọa lạc trong một công viên thiên nhiên rộng lớn, và các buổi cử hành phụng vụ thường được tổ chức ngoài trời, vì có đông tín hữu đến tham dự. Đền thánh có hình thù giống như một căn lều truyền thống của chủng tộc Baganda hay Akasiisiira, dựa trên 22 cột trụ biểu tượng cho 22 vị tử đạo công giáo. Đối diện lối vào chính của Vương cung thánh đường dưới bàn thờ lớn chính là nơi thánh Carlo Lwanga đã bị thiêu sống ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Nhà thờ được xây trên chính nơi  các tín hữu Uganda đã bị giết, và đã được ĐGH Phaolô VI khánh thành trong ngày cuối của chuyến công du Uganda, kéo dài từ 31 tháng 7 cho tới mùng 2 tháng 8 năm 1969. Thật khó mà tiếp nhận đưọc tâm hồn sâu xa của Giáo Hội tại Uganda, nếu không hiểu biết lịch sử Namugongo, và vị thế của nó trong tâm thức của các kitô hữu Uganda. Đền thánh là đích điểm hành hương quanh năm của tín hữu, đặc biệt là cuộc hành hương toàn quốc ngày mùng 3 tháng 6, là lễ kính thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo. Có hàng chục ngàn tín hữu từ khắp nước Uganda và các nước láng giềng đổ về đây hành hương trong ngày này.

Thánh Carlo Lwanga sinh tại Bulima năm 1865 và tử đạo tại Namugongo ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Thánh nhân đã là trưởng nhóm thị đồng trong triều đình vua Buganda Mwanga II. Carlo bị giết trong các cuộc bách hại chống kitô hữu giữa các năm 1885-1887 và là vị tử đạo nổi tiếng nhất của Uganda. Carlo Lwanga được các cha dòng Trắng của ĐHY Charles Lavigerie đạy đạo, và theo Kitô giáo. Là quan trông coi các thị đồng trong triều đình, Carlo che chở các em khỏi các chú ý bệnh hoạn của nhà vua. Vì thế Carlo bị vua thù ghét, và bị kết án thiêu sống ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886, trên đồi Namugongo cùng với các kitô hữu khác, công giáo cũng như anh giáo, khi mới 21 tuổi. Carlo Lwanga đã được ĐGH Biển Đức XV tôn phong chân phước ngày mùng 6 tháng 6 năm 1920, và được ĐGH Phaolô VI tôn phong hiển thánh tại Roma ngày mùng 8 tháng 10 năm 1964. Mộ của thánh nhân là đích điểm hành hương của tín hữu Uganda từ khi thánh nhân tử đạo cho đến nay. Giáo Hội kính nhớ thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo ngày mùng 3 tháng 6 hàng năm.

Xe chở ĐTC tới Đền thánh lúc 9 giờ và dừng tại lối vào Đền thánh. Ngài đã được linh mục giám đốc Đền thánh tiếp đón. ĐTC đã dừng lại thinh lặng cầu nguyện trước bàn thờ nơi giữ các thánh tích của thánh Carlo Lwanga. Tiếp đến ngài dã vào phòng thánh mặc lễ phục để chủ sự thánh lễ mừng kính thánh Carlo Lwanga và các bạn tử đạo, nhân kỷ niệm 50 năm ngày tôn phong hiển thánh cho các vị. Hiện diện trong thánh lễ cũng có Tổng thống Uganda và vua Ronald Muwenda Mutebi, con cháu của triều đại các vua Buganda. Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Anh. Bàn thờ và khán đài được dựng trước một hồ nhân tạo tại trung tâm một hí trường  thiên nhiên. Kinh vinh danh đã đưọc hát bằng tiếng Luganda.

ĐTC mời gọi noi gương các Thánh Tử Đạo Uganda làm chứng tá cho Chúa trong mọi môi trường cuộc sống, để thăng tiến công ích, xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương, tôn trọng nhân phẩm và môi sinh

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã khích lệ tín hữu Uganda noi gương các thánh tử đạo làm chứng tá cho Chúa Kitô trong gia đình, đối với hàng xóm láng giềng, tại nơi làm việc, trong các xã hội dân sự và khắp mọi nơi trên thế giới, trung thánh với Chúa, qua cuộc sống liêm chính, biết lo lắng cho thiện ích của tha nhân, cộng tác với mọi người để xây dựng một xã hội công bằng hơn, thăng tiến nhân phẩm, bảo vệ sự sống, che chở căn nhà chung là thụ tạo, thiên nhiên và môi sinh.

Mở đầu bài giảng ĐTC nói: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần xuống trên các anh em và anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong toàn vùng Giuđêa, Samaria và cho tới tận cùng bờ cõi trái đất” (Cv 1,8).

Từ thời các Tông Đồ cho tói ngày nay, đã có một số lớn các chứng nhân rao giảng Chúa Giêsu và biểu lộ quyền năng của Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta biết ơn tưởng niệm sự hy sinh của các vị  Tử Đạo Uganda, mà chứng tá tình yêu đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Người đã thực sự đạt tới “tận cùng bờ cõi trái đất”, Chúng ta cũng tưởng nhớ các vị tử đạo anh giáo đã chết vị Chúa Kitô, mà cái chết làm chứng cho sự đại kết của máu. Tất cả các chứng nhân này đã vun trồng ơn của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời họ, và đã tự do làm chứng tá cho niềm tin của họ nơi Chúa Giêsu Kitô, cả với mạng sống, và nhiều người rất trẻ tuổi.

Cả chúng ta cũng đã nhận được ơn Thánh Thần, để trở thành con cái Thiên Chúa, nhưng cũng để làm chứng cho Chúa Giêsu và khiến cho Ngài được biết đến và yêu mến khắp nơi. Chúng ta đã nhận được Thần Khí, khi chúng ta được tái sinh trong bí tích Rửa Tội, và khi chúng ta được củng cố với các ơn của Ngài trong bí tích Thêm Sức. Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi đào sâu sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống chúng ta, “làm sống dậy” ơn của tình yêu thiên chúa để đến lượt mình chúng ta trở thành suối nguồn của sự khôn ngoan và sức mạnh cho người khác.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói: Ơn của Chúa Thánh Thần là một ơn đuợc trao ban để chia sẻ. Nó hiệp nhất chúng ta với nhau như tín hữu và chi thể Thân Mình Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Chúng ta không chỉ nhận ơn của Thần Khí cho chính chúng ta, nhưng để xây dựng cho nhau trong đức tin, đức cậy và đức mến. Tôi nghĩ tới các thánh Giuse Mkasa và Carlo Lwanga. Sau khi đã được các người khác dậy dỗ trong đức tin, các vị đã thông truyền ơn đã nhận lãnh. Các vị đã làm điều này trong thời điểm nguy hiểm. Không phải chỉ có mạng sống các vị bị đe dọa, mà cả mạng sống của các người trẻ được giao phó cho sự săn sóc của các vị nữa. Các vị đã vun trồng đức tin của mình và đã làm cho tình yêu đối với Thiên Chúa lớn lên, nên đã không sợ đem Chúa Kitô đến cho người khác, đến độ mất cả mạng sống. Đức tin của các vị  trở thành chứng tá. Ngày nay được tôn kính như các vị tử đạo, gương sáng của các vị tiếp tục gợi hứng cho biết bao nhiêu người trên thế giới. Các vị tiếp tục loan báo Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Thập Giá.

ĐTC nói thêm trong bài giảng: Nếu giống như các vị tử đạo, hàng ngày chúng ta làm sống dậy ơn của Thần Khí ở trong tim chúng ta, thì khi đó chắc chắn chúng ta sẽ trở thành các môn đệ thừa sai, mà Chúa Kitô gọi đến với Ngài. Đối với gia đình và bạn bè của chúng ta chắc chắn rồi, nhưng đối với cả những ai chúng ta không quen biết, một cách đặc biệt đối với những người có thể ít  tử tế với chúng ta, hay cả khi thù nghịch chúng ta nữa. Việc rộng mở này đối với tha nhân bắt đầu trong gia đình, trong nhà của chúng ta, nơi chúng ta học sống bác ái và tha thứ, nơi trong tình yêu của cha mẹ chúng ta học biết sống lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa. Sự rộng mở này cũng được diễn tả ra trong việc săn sóc người già và người nghèo, các người góa bụa và trẻ mồ côi.

Chứng tá của các vị tử đạo cho tất cả những người đã lắng nghe lịch sử của các vị, xưa kia và ngày nay, thấy rằng các thú vui thế tục và quyền bính trần gian không trao ban niềm vui và an bình lâu dài. Và ĐTC nhấn mạnh như sau:

Đúng hơn, sự trung thành với Thiên Chúa, sự liêm chính và toàn vẹn của cuộc sống và việc lo lắng tinh tuyền cho thiện ích của người khác đem lại cho chúng ta sự bình an, mà thế giới không thể cống hiến. Điều này không làm suy giảm sự chăm lo của chúng ta cho thế giới này, như thể là chúng ta chỉ nhìn cuộc sống tương lai. Trái lại, nó cống hiến một mục đích cho cuộc sống trong thế giới này, và giúp chúng ta đến với nhưxng người thiếu thốn, cộng tác với người khác cho thiện ích chung, và xây dựng một xã hội công bằng hơn, một xã hội thăng tiến nhân phẩm, không loại trừ ai hết, bảo vệ sự sống, ơn của Thiên Chúa, và che chở các điều tuyệt diệu của thiên nhiên, che chở thụ tạo, căn nhà chung của chúng ta.

Anh chị em thân mến, đó là gia tài mà anh chị em đã nhận được từ các thánh Tử Đạo Uganda, các cuộc sống đã được ghi dấu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, các cuộc sống giờ đây cũng làm chứng cho quyền năng biến đổi của Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Ước chi gia tài ấy đừng bị mất đi với một kỷ niệm nhất thời, hay bằng cách giữ gìn nó trong một viện bảo tàng như thể là một đồ trang sức qúy! Chúng ta thực sự tôn kính gia tài ấy, và chúng ta tôn kính tất cả các Thánh, khi chúng ta đem chứng tá cho Chúa Kitô của các vị vào trong nhà của chúng ta, đến cho các người hàng xóm láng giềng của chúng ta, vào các nơi làm việc, và vào trong xã hội dân sự, khi chúng ta ở trong nhà mình hay khi chúng ta đi đến các góc xa nhất của thế giới.

Ước chi các thánh Tử Đạo Uganda, cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội, bầu cử cho chúng ta, và ước chi Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Omukama Abawe Omukisa. Xin Thiên  Chúa chúc lành cho anh chị em.

Chào ĐTC sau thánh lễ ĐC Cyprien Kizito Lwanga, TGM Kampala, đã cám ơn sự hiện diện của ĐTC tại đền các thánh Tử Đạo Uganda, nơi thánh Carlo Lwanga đã chết vì đạo ngày mùng 3 tháng 6 năm 1886. Sau Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, ĐTC là vị Giáo Hoàng thứ ba tới hành hương đền thánh. ĐC đã cho biết vài hoa trái của lễ tôn phong hiển thánh cho các vị Tử Đạo Uganda: số ơn gọi linh mục tu sĩ gia tăng; niềm tin kitô gia tăng cùng với lòng tôn sùng các Thánh Tử Đạo Uganda; nhiều dòng tu trên thế giới mang tên các Thánh Từ Đạo Uganda; đức tin gia tăng tại Phi châu; nhiều phong trào giáo dân được thành lập và nhận các Thánh Tử Đạo làm Quan Thầy. ĐC cũng cám ơn chính quyền đã tuyên bố ngày mùng 3 tháng 6 là ngày lễ nghỉ toàn quốc tôn kính các Thánh Tử Đạo.

Sau khi từ giã mọi người ĐTC đã đi xe trở về Tòa Sứ Thần cách đó 12 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi chốc lát trước khi tiếp tục các sinh hoạt vào ban chiều.

ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy là các sứ giả của niềm hy vọng, tin tưởng nơi sức mạnh tình yêu  của Chúa, mở ra các cánh cửa của một cuộc sống mới

Lúc 15 giờ ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ.  Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100.000 người. Tới nơi ĐTC dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo [H1] dõi thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài ĐTGM Kampala và ĐC đặc trách giới trẻ của HĐGM Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buôi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. ĐC Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC đã khuyến khích họ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. ĐTC nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu  của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào  tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến ĐTC đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

ĐTC dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mắt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ ĐTC nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn đậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phẩi đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.

ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy là các sứ giả của niềm hy vọng, tin tưởng nơi sức mạnh tình yêu  của Chúa, mở ra các cánh cửa của một cuộc sống mới

Lúc 15 giờ ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ.  Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100.000 người. Tới nơi ĐTC dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo [H1] dõi thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài ĐTGM Kampala và ĐC đặc trách giới trẻ của HĐGM Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buôi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. ĐC Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC đã khuyến khích họ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. ĐTC nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu  của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào  tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến ĐTC đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

ĐTC dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mắt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ ĐTC nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn đậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phẩi đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.

ĐTC khích lệ các bạn trẻ hãy là các sứ giả của niềm hy vọng, tin tưởng nơi sức mạnh tình yêu  của Chúa, mở ra các cánh cửa của một cuộc sống mới.

Lúc 15 giờ ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ.  Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100.000 người. Tới nơi ĐTC dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo [H1] dõi thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài ĐTGM Kampala và ĐC đặc trách giới trẻ của HĐGM Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buôi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. ĐC Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC đã khuyến khích họ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. ĐTC nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu  của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào  tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến ĐTC đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

ĐTC dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mắt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ ĐTC nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn đậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phẩi đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.

Linh  tiến Khải – Vatican Radio

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 2/2

Tường thuật ngày thứ hai ĐTC Phanxicô viếng thăm Uganda 2/2

ĐTC gặp gỡ giới trẻ tại Kololo

Lúc 15 giờ ĐTC đã rời Tòa Sứ Thần lên xe đến Kololo cách đó 5 cây số rưỡi để gặp gỡ giới trẻ.  Kololo là phi trường cũ, hiện được dùng làm nơi tổ chức các biến cố lớn và có thế chứa tới 100.000 người. Tới nơi ĐTC dã đi xe díp để chào tín hữu và người trẻ. Tín hữu tụ tập tại Kololo đã theo [H1] dõi thánh lễ ĐTC cử hành tại Đền thánh Namugongo trên các màn truyền hình khổng lồ đặt tại đây.

Hiện điện trong buổi gặp gỡ cũng có các giới chức của chính quyền dân sự, bộ giáo dục và thể thao. Có một khu vực đặc biệt dành cho 200 người trẻ điếc, giới trẻ tỵ nạn và các linh mục tuyên úy đặc trách mục vụ cho giới trẻ. Trên khán đài, ngoài ĐTGM Kampala và ĐC đặc trách giới trẻ của HĐGM Uganda, còn có 50 người trẻ nam nữ, đại diện cho mọi giáo phận toàn nước, cũng như một nhóm trẻ em mồ côi.

Buôi gặp gỡ đã diễn ra với ca nhạc và các màn vũ. Hai bạn trẻ anh Emmnauel Odokonyero và chị Winnie Nansumba đã chia sẻ kinh nghiệm cuộc sống đức tin của họ. ĐC Paul Ssemogerere, đặc trách mục vụ cho giới trẻ, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Ngỏ lời với các bạn trẻ ĐTC đã khuyến khích họ như sau:

Các bạn trẻ thân mến, khi nhìn các gương mặt tràn đầy hy vọng của các bạn: hy vọng cho các bạn, cho quốc gia các bạn và cho Giáo Hội, tôi xin các bạn cầu nguyện để niềm hy vọng mà các bạn đã nhận được từ Chúa Thánh Thần tiếp, tục gợi hứng cho các nỗ lực lớn lên trong khôn ngoan, quảng đại và lòng tốt. Các bạn đừng quên là các sứ giả của niềm hy vọng này. ĐTC nhấn mạnh rằng: Niềm hy vọng kitô không phải là chủ trương lạc quan đơn sơ, nhưng còn hơn thế nhiều. Nó đâm rễ sâu trong cuộc sống mới mà chúng ta đã nhận được nơi Chúa Giêsu Kitô. Niềm hy vọng ấy khiến cho chúng ta có khả năng tin tưởng nơi các lời hứa của Chúa Kitô, nơi sức mạnh sự tha thứ, tình bạn và tình yêu  của Chúa mở ra cho chúng ta các cánh cửa của một cuộc sống mới. Chính trong lúc các bạn gặp một vấn đề, một thất bại, một cản ngăn, các bạn để cho con tim mình neo chặt vào  tình yêu ấy, vì nó có quyền lực biến đổi cái chết thành sự sống và xua đuổi mọi sự dữ. Chiều nay tôi mời gọi các bạn cầu nguyện để ơn đó lớn lên trong các bạn và để các bạn có thể nhận lấy ơn trở thành các sứ giả của niềm hy vọng. Chung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người cảm thấy lo lắng sâu xa đến tuyệt vọng. Chúa Giêsu đánh tan các đám mây đó, nếu chúng ta cho phép Ngài làm.

Tiếp đến ĐTC đã đề cập tới một vài chướng ngại trên con đường hy vọng. Tất cả các bạn đều ước mơ một tương lai tốt đẹp hơn, một việc làm, sức khỏe và tiện nghi, và đó là điều tốt. Vì thiện ích của dân tộc và của Giáo Hội các bạn ước ao chia sẻ với người khác các ơn, các khát vọng, và lòng hăng say của các bạn, đó là điều rất tốt. Nhưng nhiều lúc, khi các bạn trông thấy cảnh nghèo túng, khi các bạn thiếu cơ hội, khi sống kinh nghiệm các thất bại trong đời, một cảm giác tuyệt vọng có thể nổi dậy và lớn lên. Các bạn có thể bị cám dỗ thất vọng.

ĐTC dã dùng hình ảnh một đứa bé đi trên đường, nhưng gặp một vũng bùn trước mắt. Nó không có khả năng nhảy qua hay tránh né. Nó có thể làm, nhưng bị té và bị ướt. Sau nhiều lần không đuợc, nó gọi cha tới giúp, ông cầm tay và dẫn nó qua dễ dàng. Chúng ta cũng giống đứa bé ấy. Cuộc đời dành cho chúng ta nhiều vũng bùn. Nhưng chúng ta không phải vượt thắng tất cả mọi vấn đề và chướng ngại với sức riêng của mình. Thiên Chúa ở đó để nắm tay chúng ta, nếu chúng ta khẩn nài Người. Chúng ta tất cả, cả Giáo Hoàng nữa, phải giống đứa bé ấy. Bởi vì chỉ khi chúng ta bé nhỏ và khiêm tốn, chúng ta mới không sợ hãi gọi Cha đến giúp chúng ta. Chúng ta cần học đặt để hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa Cha, với ý thức rằng Ngài luôn luôn hiện diện ở đó cho chúng ta. Ngài đổ trên chúng ta sự tin tưởng và lòng can đảm.

Tiếp tục bài nói chuyện với các bạn trẻ ĐTC nhắc tới vài vũng bùn, mà người trẻ có thể gặp trên con đường cuộc sống ngăn cản ước muốn của họ lớn lên trong tình bạn với Chúa Kitô, Đó là sự sợ hãi thất bại trong dấn thân yêu thương, nhất là trong lý tưởng cao đẹp nhất là hôn nhân kitô. Sợ hãi không thể là một người vợ ngưòi mẹ, người chồng ngưòi cha tốt. Nếu cứ tiếp tục nhìn vũng bùn, thì có nguy cơ trông thấy các yếu đuối và sợ hãi của mình phản ánh trên đó. Không được đầu hàng trước những sợ hãi ấy. Đôi khi chúng đến từ ma qủy, không muốn cho các bạn hạnh phúc. Hãy khẩn nài sự trợ giúp của Thiên Chúa, hãy mở con tim cho Chúa, và Ngài sẽ nâng các bạn đậy, ẵm các bạn trên tay, và chỉ cho các bạn biết phải yêu thương như thế nào. Tôi đặc biệt xin các cặp vợ chồng trẻ nuôi tin tưởng rằng Thiên Chúa muốn chúc lành cho tình yêu và cuộc sống của các bạn với ơn thánh của Ngài trong bí tích Hôn Nhân.

Thế rồi còn có một vũng bùn, mà tất cả chúng ta đều phẩi đương đầu, đó là sự sợ hãi khác biệt, đi ngược dòng trong một xã hội liên tục thối thúc chúng ta ôm lấy các mô thức tiện nghi và tiêu thụ xa lạ với các giá trị sâu xa của nền văn hóa phi châu. Các bạn hãy nghĩ xem các thánh Tử Đạo Uganda sẽ nói gì đối với việc sử dụng xấu các phương tiện truyền thông, trong đó các người trẻ bị phơi bầy cho những hình ảnh hay cái nhìn méo mó về tính dục hạ thấp nhân phẩm, đưa con người tới sự buồn phiền và trống rỗng? Các thánh Tử Đạo Uganda sẽ phản ứng trước lòng ham muốn và gian tham hối lộ gia tăng trong xã hội như thế nào? Các vị xin từng người trong các bạn hãy là các gương mẫu của cuộc sống kitô, tin tưởng rằng tình yêu đối với Chúa Kitô, sự trung thành với Tin Mừng và việc sử dụng khôn ngoan các ơn Thiên Chúa ban chỉ có thể làm giầu, thanh tẩy và nâng cao cuộc sống của đất nước này. Đừng quên rằng Thiên Chúa sẽ giúp các bạn vượt qua bất cứ vũng bùn nào các bạn gặp phải trên đường đời. Hãy hy vọng nơi Chúa Kitô, và Ngài sẽ khiến cho các bạn có khả năng tìm thấy hạnh phúc đích thực.

ĐTC kêu gọi mọi giáo xứ và cộng doàn tại Uganda và rong toàn đại lục Phi châu đừng quên người nghèo

Sau khi từ giã các bạn trẻ ĐTC đi xe đến thăm trung tâm bác ái Nalukolongo, cách đó 10 cây số. Trung tâm bác ái Nalukolongo Bakateyamba’s House được ĐHY Emmanuel Kikwanuka Nsubuga thành lập năm 1978, và giao cho các nữ tu Người Samaritano nhân lành trông coi. Đây là dòng nữ do chính ĐHY thành lập 2 năm trước đó. ĐHY Nsubuga sinh năm 1914 và qua đời năm 1991. Ngài đã là TGM đầu tiên của giáo phận thủ đô Kampala cho tới năm 1990. ĐHY nổi tiếng vì đã công khai chống lại các vụ vi phạm nhân quyền dưới thời tổng thống  Idi Amin cai trị Uganda. Ngài cũng đã là người tổ chức chuyến tông du của ĐGH Phaolô VI tại Uganda năm 1969.

Trung tâm bác ái Nalukolongo hiện săn sóc cho khoảng 100 người nghèo thuộc mọi tôn giáo và tuổi tác, từ các trẻ em cho tới người già, trong đó có một cụ bà hơn 100 tuổi. Họ do các gia đình nghèo đưa tới, hay do các nữ tu tìm thấy trên đường phố.  Nhà nguyện của trung tâm được khánh thành năm 1929 đã được xây dâng kính các vị tử đạo Uganda lâu năm trước ngày các vị được tôn phong hiển thánh. Trong sân của trung tâm có một cây xoài già 136 năm, và là cây duy nhất sống sót trong số 4 cây do cha Simon Lourdel trồng khi đến Nalukolongo làm việc truyền giáo cùng với 4 tu sĩ cùng dòng hồi năm 1879.

ĐTC đã được nữ tu bề trên trung tâm tiếp đón. Ngài vào trong nhà nguyện dâng kính Đức Bà Phi châu viếng Mình Thánh Chúa trong giây lát. Hiện diện tại trung tâm cũng có cha sở giáo xứ, ông chủ tịch các tổ chức bác ái và 30 nữ tu làm việc tại trung tâm.

ĐTC được tháp tùng đến viếng mộ ĐHY Nsubuga rồi vào trong một sân nhỏ, nơi ĐC Robert Muhiirwa, đặc trách mục vụ sức khỏe của HĐGM Uganda giới thiệu các người khác đến từ các trung tâm bác ái khác. ĐTC đi thăm các bệnh nhân trong hai dãy nhà chính của trung tâm, rồi trở lại bục cao trong sân để ngỏ lời với mọi người. ĐTC cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt dành cho ngài. Ngài đã muốn thăm ngôi nhà bác ái, mà ĐHY Nsubuga đã thành lập tại Nalukolongo. Nơi này đã luôn luôn gắn liền với dấn thân của Giáo Hội đối với người nghèo, người tàn tật và các bệnh nhân. Ban đầu đây đã là nơi tiếp đón các trẻ em được chuộc khỏi kiếp nô lệ và các phụ nữ. ĐTC cũng chào các đại diện của nhiều nhóm tông đồ khác, đặc biệt là các nhóm trợ giúp các bệnh nhân liệt kháng. Ngài nói: Từ căn nhà này tôi muốn hướng một lời kêu gọi tới tất cả mọi giáo xứ và cộng đoàn hiện diện tại Uganda và phần còn lại của toàn Phi châu, là đừng quên người nghèo. Tin Mừng đòi buộc chúng đi ra các vùng ngoại biên  của xã hội và tìm Chúa Kitô nơi người đau khổ và thiếu thốn…. Như là kitô hữu, chúng ta không thể đứng đó mà nhìn. Phải thay đổi cái gì đó. Các gia đình của chúng ta phải trở thành các dấu chỉ hiển nhiên hơn của tình yêu thương kiên nhẫn và thương xót của Thiên Chúa, không chỉ đối với con cái của chúng ta và người già của chúng ta, nhưng là đối với tất cả những người cần được trợ giúp. Các giáo xứ của chúng ta không được đóng cửa và bịt tai trưóc tiếng kêu than của dân nghèo… Chính khi trợ giúp họ mà chúng ta làm chứng cho Chúa, là Đấng đến không phải để đưọc phục vụ, mà là để phục vụ… Qua các cử chỉ  đơn sơ và đạo hạnh chúng ta tôn kính Chúa Kitô trong các anh chị em bé nhỏ nhất. Chúng ta hãy làm cho sức mạnh tình yêu của Ngài đi vào trong thế giới, và chúng ta thực sự thay đổi nó. Một lần nữa, tôi xin cám ơn anh chị em vì lòng quảng đại và bác ái của anh chị em.

Sau khi từ giã trung tâm bác ái, ĐTC đi xe về toà Tổng Giám Mục Kampala để gặp gỡ các Giám Mục toàn nước Uganda. Sau lời chào mừng của ĐC John Baptist Odama, Chủ tịch HĐGM Uganda, ĐTC đã nói chuyện với khoảng 30 Giám Mục, kể cả các vị đã về hưu. Hiện diện trong buổi gặp gỡ cũng có các HY và GM thuộc đoàn tuỳ tùng.

Tiếp đến ĐTC đã đến nhà thờ chính toà để gặp gỡ các linh mục, nam nữ tu sĩ và chủng sinh.

ĐTC khich lệ các linh mục tu si nam nữ và chủng sinh ý thức mình là các dụng cụ ơn cứu độ của Chúa giữa trần gian

Linh Mục giám đốc nhà thờ chính toà đã tiếp đón ĐTC tại cửa nhà thờ và tháp tùng ngài đi dọc gian chính giữa lên tới cung thánh giữa tiếng hát và tiếng vỗ tay của mọi người hiện diện. ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba đến cầu nguyện tại nhà thờ chính toà Kampala, sau Đức Phaolô VI năm 1969, và Đức Gioan Phaolô II năm 1993.

ĐC John Baptist Kaggwa, đặc trách hàng giáo sĩ và tu sĩ của HĐGM  Kenya, đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Tiếp đến một linh mục, một nữ tu và một chủng sinh đã kể lại chứng từ cuộc sống đức tin của mình.

Ngỏ lời với các LM và tu sĩ nam nữ Uganda, ĐTC ghi nhận sự kiện cuộc gặp gỡ này diễn ra vào chúa nhật thứ I mùa vọng, một mùa mời chúng ta hướng nhìn về một sự khởi đầu mới, và trong mùa vọng này, chúng ta cũng chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót. Trước tiên, ĐTC nhận xét rằng ”Giáo Hội tại Uganda được chúc phúc nhờ đông đảo các nhân chứng – các giáo dân, giáo lý viên, linh mục và tu sĩ, đã từ bỏ mọi sự vì lòng yêu mến Chúa Giêsu: họ từ bỏ nhà cửa, gia đình, và từ bỏ cả mạng sống, trong trường hợp các vị tử đạo. Trong đời sống chúng ta, trong sứ vụ linh mục cũng như trong đời sống thánh hiến, anh chị em được kêu gọi tiếp nối gia sản to lớn ấy, nhất là qua những hành động đơn sơ khiêm tốn phục vụ. Chúa Giêsu muốn dùng anh chị em để ngày càng đánh động tâm hồn nhiều người hơn: Chúa muốn dùng miệng anh chị em để công bố lời cứu độ của Ngài, Chúa dùng đôi tay của anh chị em để ôm lấy những người nghèo mà Ngài yêu thương, dùng bàn tay của anh chị em để kiến tạo những cộng đoàn gồm các môn đệ thừa sai chân chính. Xin Chúa ban cho chúng ta không bao giờ quên rằng lời thưa ”xin vâng” đối với Chúa Giêsu cũng là lời thưa ”xin vâng” đối với dân Chúa. Những cánh cửa nhà chúng ta, nhà thờ chúng ta, đặc biệt những cánh cửa tâm hồn chúng ta phải luôn mở rộng cho Dân Chúa. Đó chính là sứ mạng của chúng ta”.

Điều thứ hai ĐTC nhắc nhở các LM tu sĩ Uganda là câu hỏi: anh chị em được kêu gọi làm gì hơn nữa khi sống ơn gọi đặc thù của anh chị em? Ngài nói: ”Dân Chúa, đúng hơn là tất cả các dân tộc, đang khao khát một đời sống mới, khao khát tha thứ và hòa bình. Rất tiếc là trong thế giới có biết bao nhiêu tình cảnh gây lo âu và cần được lời khẩn cầu của chúng ta, đi từ những thực tại gần nhất. Trước tiên tôi cầu nguyện cho dân tộc Burundi yêu quí, xin Chúa khơi dậy nơi chính quyền và toàn thể xã hội những tâm tình và quyết tâm đối thoại và cộng tác, hòa giải và hòa bình. Nếu nghĩa vụ của chúng ta là tháp tùng những người đau khổ, thì giống như ánh sáng xuyên qua những kính mầu của Nhà thờ chính tòa này, chúng ta phải để cho quyền năng chữa lành của Thiên Chúa đi qua chúng ta. Trước tiên, chúng ta phải để cho những làn sóng thương xót của Chúa đổ tràn trên chúng ta, thanh tẩy và bồi bổ chúng ta, để chúng ta có thể mang lòng thương xót của Chúa đến cho tha nhân, nhất là những người ở trong bao nhiêu môi trường ngoại ô”.

Sau khi ban phép lành cho mọi người ĐTC đã trở về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa tối và nghỉ đêm kết thúc ngày thứ hai viếng thăm Uganda.

Chúa Nhật hôm nay ĐTC sẽ từ giã Uganda để sang Cộng hòa Trung Phi. Sau lễ nghi chào đón ĐTC sẽ chào thăm xã giao bà tổng thống tại dinh Phục Hưng, rồi gặp gỡ hàng lãnh đạo và ngoại giao đoàn. Tiếp đến ĐTC đến thăm  trại tỵ nạn thánh Cứu Thế trong thủ đô Bangui, rồi gặp các Giám Mục và dùng bữa trưa với các vị tại Toà Sứ Thần Tòa Thánh. 

Vào ban chiều ngài gặp gỡ các cộng đoàn tin lành tại Phân khoa thần học tin lành Bangui. Sau đó ĐTC khi đến nhà thờ chính tòa chủ sự thánh lễ cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và các chủng sinh, đồng thời mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót. Tiếp đến ĐTC chủ sự buổi canh thức của giới trẻ và giải tội cho vài người trẻ trong tiền đường nhà thờ chính toà.

Chúng tôi sẽ tường thuật các sinh hoạt này của ĐTC trong các buổi phát ngày mai.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Đức Thánh Cha gặp gỡ giáo lý viên và giáo chức Uganda

Đức Thánh Cha gặp gỡ giáo lý viên và giáo chức Uganda

Đức Thánh Cha gặp gỡ giáo lý viên và giáo chức Uganda

KAMPALA. ĐTC đề cao vai trò của các giáo lý viên và nhắn nhủ họ không những là thày dạy nhưng còn là những nhân chứng đức tin.

Ngài đưa ra lời khích lệ trên đây trong cuộc gặp gỡ hàng ngàn giáo lý viên và giáo chức Công Giáo Uganda chiều ngày 27-11-2015 tại đền thánh Anrê Kaggwa tử đạo ở Munyonyo, cách thành phố Entebe 40 cây số.

Munyonyo là nơi nhà vua Mwanga đã quyết định tiêu diệt các tín hữu Kitô và chính tại nơi đây 4 Kitô hữu Uganda đầu tiên đã chịu tử đạo trong hai ngày 25 và 26-5 năm 1886, trong đó có thánh Anrê Kaggwa được tôn làm bổn mạng các giáo lý viên và các giáo chức. Đây là lực lượng sinh động của Giáo Hội tại Uganda. Các giáo lý viên hàng năm vẫn tụ họp tại Đền thánh này và hiện nay có dự án xây cất một nhà thờ có thể chứa được 1 ngàn người, bên ngoài có thể đón tiếp 4 ngàn người.

Đến nơi vào lúc quá 7 giờ, ĐTC đã được các cha dòng Phanxicô Viện tu đón tiếp, các cha là những người đảm trách Đền thánh tử đạo tại đây. Ngài làm phép viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới.

Huấn dụ của ĐTC

Trong lời chào mừng ĐTC, Đức TGM Cyprian Lwanga của giáo phận thủ đô Kampala sở tại đã tuyên bố từ nay con đường dẫn vào Đền thánh này được gọi là ”Đường ĐGH Phanxicô!”. Tiếp đến, sau lời chào và chứng từ của một đại diện giáo lý viên, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người. Ngài nói :

”Nhân danh Chúa Giê su Kitô, Chúa và là Thầy của chúng ta, tôi thân mến chào tất cả các anh chị em. Chức vụ làm Thầy thật là đẹp biết chừng nào. Chúa Giêsu là vị thầy đầu tiên và lớn nhất.

Thánh Phaolo đã viết là Chúa Giêsu ban cho giáo hội không chỉ các tông đồ và các chủ chăn mà thôi, nhưng còn ban cả các vị thầy nữa để xây dựng toàn bộ Thân Mình Người trong đức Tin và Tình Yêu. Cùng với các Giám Mục, linh mục và thầy sáu, là những người đã được truyền chức thánh để rao giảng Tin Mừng và chăm sóc đoàn chiên Chúa, anh chị em là các giáo lý viên cũng có phần đóng góp trổi vượt trong việc đem Tin Mừng đến trong từng làng mạc đất nước của anh chị em.

Trước hết tôi xin cám ơn anh chị em và gia đình đã hy sinh nhiều để có thể chu toàn sứ mạng quan trọng này. Anh chị em dạy lại những gì Chúa Giê su đã giảng dạy, huấn luyện người lớn và giúp đỡ các bậc cha mẹ biết dưỡng nuôi con cái lớn lên trong đức tin, trong vui mừng và trong niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu mai hậu. Công việc của anh chị em không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi khuyến khích anh chị em kiên trì trong sứ mệnh này.

Tôi mời gọi các giám mục và linh mục hãy cố gắng giúp đỡ anh chị em trong công cuộc thường huấn về mặt giáo lý, linh hướng và mục vụ. Ngay cả trong mọi khó khăn, xin anh chị em hãy nhớ rằng công việc của anh chị em là một việc thánh. Chúa Thánh Thần hiện diện tại bất cứ nơi nào vang lên tên Chúa Giêsu. Người ở giữa chúng ta mỗi lần chúng ta mở con tim và thần trí hướng lên Chúa trong lời cầu nguyện, ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh cần thiết.

Sứ điệp của anh chị em lại càng ăn rễ sâu trong tâm lòng tha nhân nhờ chứng tá cuộc sống của anh chị em. Cộng đoàn Kitô tại Uganda đã lớn mạnh nhiều nhờ chứng tá các vị tử đạo, đã lấy mạng sống mình để làm chứng cho chân lý có sức mạnh trao ban tự do, đã đổ máu đào để minh chứng sự trung thành với những gì là chân thiện mỹ. Chúng ta đang ở Munyonyo, là nơi mà vua Mwanga đã quyết định tàn sát những người theo Chúa Kitô. Nhưng nhà vua đã thất bại, cũng như xưa kia vua Herode đã thất bại trong âm mưu giết Chúa Giê su. Ánh sáng sẽ đẩy lui bóng tối. Sau chứng tá kiên cường của thánh Anrê Kaggwa và các bạn tử đạo, các ky tô hữu Uganda sẽ xác tín hơn vào những lời hứa của Chúa Kitô.

 Và ĐTC kết luận rằng:

”Xin thánh Anrê, bổn mạng của anh chị em, và các giáo lý viên Uganda tử đạo cầu bầu cho anh chị em được ơn trở thành những vị thầy khôn ngoan, biết nếu cao xác tín chân lý và niềm vui Phúc Âm, hiên ngang đi đến mọi nơi trên đất nước này để gieo vãi hạt giống Lời Chúa và vững tin vào lời Chúa hứa rằng anh chị em sẽ trở về, tay ôm bó lúa lòng mừng hân hoan. Omukama Abawe Omukisa. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em

Sau bài huấn dụ, ĐTC đã cùng với vị TGM chính thống giáo và vị lãnh đạo Tin Lành rảy nước thánh làm phép tượng mới của thánh Anrê Kaggwa để nói lên chiều kích đại kết của các vị tử đạo Uganda.

Sau đó ngài lên xe về tòa Sứ Thần tòa thánh cách đó 16 cây số để dùng bữa tối và qua đêm.

Thứ bẩy 28-11-2015, ĐTC sẽ kính viếng 2 đền thánh tử đạo, một của Anh giáo và một của Công giáo tại Namugongo. Tại đây ngài cũng sẽ cử hành thánh lễ cho các tín hữu. Ban chiều, ĐTC sẽ gặp gỡ các bạn trẻ ở sân bay Kololo gần Kampala rồi thăm nhà bác ái, trước khi gặp các giám mục và các LN, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà thờ chính tòa Kampala.

Mai Anh – Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Viếng thăm khu xóm nghèo, Đức Thánh Cha tố giác bất công

Viếng thăm khu xóm nghèo, Đức Thánh Cha tố giác bất công

ĐTC thăm xóm nghèo tại Kenya

NAIROBI. Trong cuộc viếng thăm khu phố lụp xụp Kangemi ở thủ đô Kenya, ĐTC Phanxicô mạnh mẽ tố giác những bất công xã hội.

Hoạt động công cộng đầu tiên của ĐTC sáng thứ sáu 27-11-2016, ngày thứ 3 trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ĐTC Phanxicô tại Phi châu, là viếng thăm khu xóm nghèo Kangemi.

Thủ đô Nairobi của Kenya có hơn 4 triệu dân cư. Ngoài những khu sang trọng và trung lưu, còn có hàng trăm khu xóm tồi tàn, những nơi không có điện nước cũng chẳng có hệ thống cống rãnh thoát nước.

Khu nghèo ĐTC đến thăm tên là Kangemi cách tòa Sứ Thần 5 cây số. Khu vực này ở một thung lũng, có hơn 100 ngàn dân cư, thuộc nhiều bộ tộc khác nhau, nhưng đông nhất là bộ lạc Luhya. Kenya có hơn 40 bộ tộc chính.

Ở khu Kangemi có giáo xứ Công Giáo mang tên thánh Giuse Thợ với khoảng 20 ngàn tín hữu do các cha dòng Tên đảm trách. Các cha cũng đảm trách một bệnh xá, một trường cao đẳng kỹ thuật, một trung tâm giúp đỡ các bà mẹ gặp khó khăn, và những sáng kiến giúp các bạn trẻ hội nhập vào môi trường nghề nghiệp.

Đến nơi, ĐTC đã đi xe trên những con đường nhỏ hẹp bằng đất nén, để tới nhà thờ thánh Giuse. Tại đây ngài được cha Joseph Oduor Afulo, Bề trên tỉnh dòng Tên Đông Phi châu, cùng với cha sở Pascal Mwijage S.J, và một số chức sắc khác đón tiếp, trong đó có Đức Cha Kivuva, chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa Bình Kenya đón tiếp, tiến vào nhà thờ, giữa tiếng ca của các tín hữu.

Thánh đường chỉ chứa được 1.200 người: 300 người thuộc giáo xứ sở tại và phần còn lại là những người đại diện đến từ các khu xóm nghèo khác ở thủ đô Nairobi.

ĐTC đã xem một phim tài liệu ngắn về lịch sử và sinh hoạt của khu phố trước khi nghe đọc đoạn 25 của phúc âm theo thánh Mathêu về cảnh phán xét chung, theo các hoạt động bác ái mỗi người đã làm khi còn sống. Một đại diện dân cư trong khu phố đã chào mừng ĐTC.

Diễn văn của ĐTC

Ngỏ lời trong dịp này bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC đã mạnh mẽ tố giác những bất công và bênh vực quyền của người dân được hưởng những thiện ích cơ bản. Ngài nói:

”Tôi đến đây vì tôi muốn anh chị em biết rằng tôi không dửng dưng đối với những vui mừng và hy vọng, những lo âu và đau khổ của anh chị em. Tôi biết những khó khăn anh chị em gặp phải hằng ngày! Làm sao chúng ta có thể không tố giác những bất công mà anh chị em phải chịu?”

ĐTC ca ngợi những điểm tích cực nơi những người dân trong các khu bình dân, đó là khả năng liên đới và chia sẻ, ”trao tặng một chỗ cho những người bệnh trong nhà mình, chia sẻ bánh với người đói, kiên nhẫn và có tâm hồn can đảm đứng trước những nghịch cảnh lớn: đó là những giá trị dựa trên sự kiện mỗi người quan trọng hơn là thần tiền bạc.

Ngài nói tiếp: ”Cám ơn anh chị em vì đã nhắc nhở cho chúng tôi rằng có thể một thứ văn hóa khác… Tôi chúc mừng anh chị em, tôi tháp tùng và muốn anh chị em biết rằng Chúa không bao giờ quên anh chị em. Con đường của Chúa Giêsu bắt đầu ở ngoại ô, đi từ những người nghèo và với người nghèo hướng về tất cả mọi người.

Tố giác bất công kinh khủng

”Nhìn nhận những biểu hiện ấy của đời sống tốt lành tăng trưởng mỗi ngày nơi anh chị em, không hề có nghĩa là cố tình không biết đến bất công kinh khủng do tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội nơi thành thị. Đó là những vết thương do một thiểu số tập trung trong tay quyền lực, giàu sang gây ra: họ phung phí một cách ích kỷ trong khi đại đa số người khác, phải tị nạn tới các khu ngoại ô bị vỏ rơi, bị ô nhiễm và gạt bỏ.

Điều này càng trầm trọng khi chúng ta thấy sự phân phối đất đai một cách bất công (có lẽ không phải ở khu phố này, nhưng ở các khu khác) khiến cho bao nhiêu gia đình, trong nhiều trường hợp phải trả tiền thuê những nơi ở trong những điều kiện không thích hợp tí nào. Tôi cũng đã biết vấn đề trầm trọng những người chủ không mặt mũi vơ vét đất đai, thậm chí họ còn muốn chiếm hữu cả những sân trường của chính con cái họ. Điều này xảy ra vì người ta quên rằng ”Thiên Chúa đã ban trái đất cho toàn thể nhân loại, để nâng đỡ mọi phần tử, không loại trừ hoặc ưu đãi một ai” (G.P. II, Centesimus annus, 31).

Thiếu các dịch vụ cơ bản và nạn bạo lực

”Theo nghĩa vừa nói, một vấn đề trầm trọng là không được hưởng những cơ cấu hạ tầng và dịch vụ cơ bản. Tôi muốn nói đến nhà vệ sinh, cống rãnh, nơi đổ rác, điện, đường xá và cả những trường học, nhà thương, trung tâm giải trí và thể thao, những nhà sáng chế tạo thủ công nghệ thuật. Đặc biệt tôi muốn nói đến nước uống. ”Một quyền căn bản, phổ quát, thiết yếu của con người là quyền được nước uống chắc chắn vì nước xác định sự sống còn của con người, và vì thế nó là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác. Thế giới này có một món nợ lớn đối với những người nghèo không được nước uống, vì điều này có nghĩa là họ không có quyền sống, vốn có nguồn gốc nơi phẩm giá bất khả nhượng của họ” (Laudato sì 30). Không cho một gia đình được nước, viện những cớ bàn giấy hành chánh, là một bất công lớn, nhất là khi người ta thủ lợi với những biện pháp như thế”.

ĐTC cũng cố giác nạn bạo lực, và các tổ chức bất lương, tội phạm trong các khu phố bình dân, phục vụ cho những quyền lợi kinh tế hoặc chính trị, chúng lợi dụng các trẻ em và người trẻ như để mưu lợi cho sự kinh doanh đẫm máu của họ. Ngài nói: ”Tôi cũng biết những đau khổ của các phụ nữ can đảm chiến đấu để bảo vệ con cái của họ khỏi những nguy hiểm ấy. Tôi cầu xin Chúa để chính quyền cùng với anh chị em chọn con đường hội nhập xã hội, cung cấp nền giáo dục, thể thao, hoạt động cộng đồng và bảo vệ các gia đình, vì đó là bảo đảm duy nhất cho một nền hòa bình công chính, đích thực và lâu bền”.

Những thực tại mà tôi liệt kê ra đây không phải là một sự liên kết tình cờ các vấn đề riêng rẽ. Đúng hơn chúng là hậu quả của những hình thức mới của chủ nghĩa thực dân, cho rằng các nước Phi châu là ”những mảnh của một cơ cấu, là những bộ phận của một guồng máy khổng lồ” (G.P. II, Ecclesia in Africa, 32-33). Trong thực tế, không thiếu những áp lực buộc Phi châu phải chấp nhận những chính sách gạt bỏ như giảm bớt số sinh, để ”hợp thức hóa kiểu mẫu phân phối hiện nay, trong đó một thiểu số tưởng mình có quyền tiêu thụ theo một tỷ lệ không thể nào tổng quát hóa được” (Laudato sì, 50).

Tệ nạn nói mà không giữ

ĐTC cũng tố giác hiện tượng người ta chỉ công bố các quyền, nhưng trong thực tế lại không tôn trọng các quyền ấy. Cần phải vượt qua thái độ như vậy để nhất loạt thực thi những hành động cải tiến môi trường sống của dân chúng và đề ra các dự án mới thành thị hóa có chất lượng để đón nhận các thế hệ tương lai.

Sau cùng, ĐTC nói: Tôi kêu gọi tất cả các tín hữu Kitô, đặc biệt là các vị mục tử, hãy canh tân đà tiến truyền giáo, đề ra những sáng kiến chống lại bao nhiêu bất công, dấn thân vào những vấn đề của công dân, tháp tùng họ trong các cuộc chiến đấu của họ, bảo tốn những thành quả công việc tập thể của họ, cùng nhau cử hành mỗi chiến thắng nhỏ hoặc lớn đạt được. Tôi biết anh em đang làm rất nhiều, nhưng tôi xin anh em hãy những rằng đó không phải là một công tác làm thêm, nhưng có lẽ đó là công tác quan trọng nhất, vì ”những người nghèo là đối tượng ưu tiên của Tin Mừng” (Biển Đức 16, DV với các GM Brazil, 11-5-2007, 3).

Sau bài huấn dụ, ĐTC còn đối thoại với những người hiện diện và chúc lành cho mọi người. Ngài cũng tặng một số tiền cho cộng đoàn giáo xứ địa phương. Liền đó ngài đến sân bóng đá Kasarani cách đó 22 cây số để gặp gỡ 70 ngàn giới trẻ Kenya.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha bắt đầu thăm Uganda

Đức Thánh Cha bắt đầu thăm Uganda

ĐTC thăm Uganda

ENTEBE. Lúc 5 giờ 15 chiều, ĐTC Phanxicô đã từ Kenya đến Uganda, bắt đầu chặng thứ hai trong chuyến viếng thăm của ngài tại 3 nước Phi châu.

Uganda nhỏ nhất trong số 3 quốc gia Phi châu ĐTC viếng thăm lần này: với diện tích 241 ngàn cây số vuông, Uganda có 36 triệu 500 ngàn dân cư, trong đó có hơn 80% là tín hữu Kitô, và trong số này 17 triệu là tín hữu Công Giáo, tương đương với 47% dân số, với 540 giáo xứ, 6.900 trung tâm mục vụ, tất cả thuộc 20 giáo phận, do 32 GM coi sóc, với sự phụ giúp của 2.180 LM. Nhân sự của Giáo Hội tại đây cũng gồm có gần 1,450 chủng sinh, 3,700 nữ tu, 567 tu huynh, gần 15,900 giáo lý viên và 100 thừa sai giáo dân. Hồi giáo ở Uganda chỉ chiếm 12% dân số.

Entebe quốc tế trong tiếng Luganda ở địa phương có nghĩa là ”trụ sở” vì đây là trung tâm hành chánh của vị thủ lãnh truyền thống. Hiện nay Entebe có 115 ngàn dân cư tọa lạc bên bờ hồ Victoria và là thủ đô của Uganda cho đến năm 1962, nhường chỗ cho thành phố Kampala khi Uganda được độc lập khỏi người Anh. Dầu vậy Entebe vẫn tiếp tục là nơi có trụ sở của một số bộ và tòa nhà chính phủ.

Thủ đô Kampala của Uganda hiện có hơn 1 triệu 350 ngàn dân cư và tổng giáo phận tại đây có 1 triệu 700 ngàn tín hữu Công giáo, tương đương với 42% dân cư ở địa phương.

Sau 1 giờ 20 phút bay, vượt qua 500 cây số, máy bay chở ĐTC đã đáp xuống phi trường Entebe. Từ trên máy bay bước xuống, ngài đã được tổng thống Yoweri Museveni và Phu nhân cùng với một số quan chức chính quyền và các Giám mục và một nhóm tín hữu tiếp đón bài ca và vũ điệu cổ truyền. 2 em bé đã tặng hoa cho ngài.

21 phát đại bác nổ vang sau khi quốc thiều Vatican và Uganda được trổi lên.

Gặp chính quyền và ngoại giao đoàn

Sau nghi thức đón tiếp đơn sơ, ĐTC đã về tòa nhà chính phủ cách đó 7 cây số về chào thăm tổng thống và gặp gỡ chính quyền cùng với ngoại giao đoàn. Tổng thống Museveni năm nay 71 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, và đã 4 lần được tái cử, mỗi nhiệm kỳ 5 năm.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Museveni, ĐTC cho biết cuộc viếng thăm của ngài tại Uganda có mục đích trước tiên là để kỷ niệm 50 năm phong thánh cho các vị tử đạo Uganda do vị tiền nhiệm Đức Phaolô 6, cử hành. Nhưng tôi hy vọng sự hiện diện của tôi ở đây cũng là dấu chỉ tình thân hữu, lòng quí chuộng và khích lệ cho mọi người dân đại quốc này.

Các vị tử đạo, Công Giáo cũng như Anh giáo, là những vị anh hùng đích thực của quốc gia. Các vị làm chứng về những nguyên tắc chỉ đạo được diễn tả trong khẩu hiệu của Uganda là ”Vì Thiên Chúa và vì đất nước tôi”. Các vị nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của đức tin, sự liêm chính và sự dấn thân cho công ích. Đó là những điều đã và đang tượng trưng trong đời sống văn hóa, kinh tế và chính trị của đất nước này. Ngoài ra các vị tử đạo cũng nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù có những tín ngưỡng và xác tín khác nhau, nhưng tất cả chúng ta đeu được kêu gọi tìm kiếm sự thật, làm việc cho công lý và sự hòa giải, tôn trọng và bảo vệ nhau, giúp đỡ nhau như những thành phần của một gia đình nhân loại duy nhất.

Những lý tưởng cao cả này là những điều đặc biệt được yêu cầu nơi những người nam nữ như quí vị là những người có nghĩa vụ đảm bảo sự cai trị tốt với những tiêu chuẩn minh bạch, đảm bảo sự phát triển nhân bản toàn diện, sự tham gia rộng rãi của dân chúng vào đời sống quốc gia, cũng như sự phân phối khôn ngoan và công bằng các tài nguyên mà Thiên Chúa rộng ban cho đất nước này”.

ĐTC cũng ca ngợi sự dấn thân của Uganda trong việc đón tiếp người tị nạn ở miền Đông Phi châu, giúp họ tái lập cuộc sống trong an ninh, giúp họ nhận thấy phẩm giá đến từ sự mưu sinh bằng công việc lương thiện. Thế giới chúng ta với những chiến tranh, bạo lực, và những hình thức bất công khác, đang chứng kiến làn sóng di cư chưa từng có của các dân tộc. Cách thức chúng ta đối phó với hiện tượng này bằng chứng cho thấy tình nhân đạo của chúng ta, sự tôn trọng của chúng ta đối với phẩm giá con người, và tình liên đới đối với các anh chị em đang ở trong tình cảnh cần được giúp đỡ.

Sau cùng, ĐTC nói rằng tuy cuộc viếng thăm của tôi ngắn ngủi, nhưng tôi hy vọng có thể khích lệ bao nhiêu nỗ lực âm thầm đang được thực hiện để giúp đỡ những ngừơi nghèo, các bệnh nhân và những người ở trong tình cảnh khó khăn. Qua những dấu hiệu bé nhỏ đó, chúng ta có thể thấy tâm hồn đích thực của một dân tộc..

Giã từ tổng thống và các giới chức chính quyền Uganda, ĐTC đã tới Munyonyo cách đó gần 40 cây số để gặp gỡ các giáo lý viên và giáo chức.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya

NAIROBI. Sáng ngày 27-2015, ĐTC Phanxicô đã gặp gỡ 70 ngàn bạn trẻ Kenya và mời gọi họ chống lại óc bộ tộc, nạn tham ô và đừng bao giờ mất hy vọng.

Cuộc gặp gỡ diễn ra tại sân thể thao chính của thủ đô Nairobi, được kiến thiết cách đây gần 30 năm để làm nơi diễn ra các cuộc tranh tài thể thao Liên Phi châu. Hồi năm 2010, thao trường này đóng cửa để trùng tu trong 2 năm trời do một công ty Trung Quốc đảm trách với sự tài trợ của Chính Phủ Bắc Kinh. Sau 2 năm, sân bóng đá này được mở lại và có thể chứa được 70 ngàn khán giả. Cạnh đó cũng có một số hội trường thể thao nhỏ hơn cho các bộ môn khác như bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, võ thuật và thể dục…

Cả tổng thống Uhuru Kenyatta và nhiều vị lãnh đạo chính quyền cũng hiện diện trong cuộc gặp gỡ, được cử hành dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa với các bài thánh ca và vũ điệu.

Một số đại diện các bạn trẻ đã trình bày chứng từ và nêu lên những thắc mắc xin ĐTC trả lời.

Giáo huấn của ĐTC

Ngài đã bỏ bài huấn dụ dọn sẵn và trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, và một LM thuộc bộ ngoại giao Tòa Thánh, người Anh nhưng sinh trưởng ở Gibraltar cạnh Tây Ban Nha, đã thông dịch trực tiếp ra tiếng Anh cho các bạn trẻ.

Một bạn trẻ đã nêu câu hỏi: ”Tại sao có những người trẻ đầy lý tưởng lại bị trào lưu tôn giáo cực đoan chiêu dụ, xa rời gia đình và sự sống? Tại sao có những chia rẽ, chiến tranh, chết chóc, cuồng tín và tàn phá nơi giới trẻ?”

ĐTC nhận xét rằng đó là một câu hỏi mà chúng ta cũng phải đặt ra cho các vị lãnh đạo chính quyền: nếu một người trẻ nam, nữ, không có công ăn việc làm, hoặc không thể học, thì họ có thể làm gì? Có thể họ lâm vào vòng phạm pháp, rơi vào vòng nghiện ngập, có thể tự tử, và tại Âu Châu người ta thường không công bố những con số thống kê về tự tử, hoặc những người trẻ ấy có thể dấn thân vào một hoạt động tỏ cho họ thấy một mục tiêu của cuộc sống, nhưng mục tiêu ấy cũng có thể là một sự lừa đảo..

ĐTC nói: ”để tránh cho một người trẻ bị chiêu dụ như thế, cần phải có giáo dục và công ăn việc làm, vì nếu không có việc làm và không được giáo dục, thì họ có thể mong đợi một tương lai như thế nào?”. Ngài cũng bình luận rằng cám dỗ chạy theo trào lưu cực đoan và cuồng tín một cách nào đó cũng liên hệ tới một hệ thống quốc tế bất công, đặt kinh tế ở vị trí trung tâm: nó không đặt con người nhưng đặt tiền bạc ở chỗ đứng thứ nhất”.

ĐTC cũng nhắc lại những trang đầu tiên trong Kinh Thánh, có một người anh giết em mình: tinh thần sự ác đưa chúng ta tới hủy diệt, chia rẽ, nó đưa chúng ta tới óc bộ tộc, tham nhũng, ma túy, tàn phá vì cuồng tín”.

– Về óc bộ tộc, ĐTC hỏi: ”Các bạn giống như những thể tháo gia, khi họ chơi ở sân banh, họ muốn thắng cuộc, hoặc như những người đã bán chiến thắng cho người khác và lấy tiền bỏ túi?”

Tinh thần bộ tộc tàn quá quốc gia, đó là thái độ có những bàn tay giấu kín ở sau lưng, mỗi tay cầm một cục đá để ném vào người khác..

ĐTC nhận xét rằng ”Ta có thể thắng óc bộ tộc với đôi tai, hỏi người anh em tại sao lại như thế, và lắng nghe câu trả lời của họ. Tệ nạn đó có thể thắng được nhờ con tim, nhờ bàn tay giơ ra để đối thoại.. Nếu các bạn không muốn đối thoại, và không muốn nghe nhau, thì luôn luôn sẽ còn óc bộ tộc làm băng hoại xã hội”.

Đến đây, ĐTC mời một số bạn trẻ đến gần ngài, kể cả tổng thống Uhuru Kenyatta, và chính quyền, đứng lên, tất cả cầm tay nhau, như một dấu chỉ chống lại óc bộ tộc: tất cả chúng ta là một quốc gia, và con tim của chúng ta cũng phải như vậy. Chiến thắng óc bộ tộc phải là một công việc mỗi ngày: công việc lắng nghe, cởi mở com tim với người khác”

– Trả lời một câu hỏi khác về nạn tham nhũng, tham ô, ĐTC nhận xét: Không những trong chính trị, nhưng trong mọi tổ chức kể cả Vatican, đều có tham ô. Nó lẻn vào như đường ngọt, như bánh ngọt làm cho người ta thích. Đó là điều dễ dàng, nhưng ai rơi vào cái vòng đó thì rốt cuộc sẽ có hậu quả xấu: chúng ta rốt cuộc sẽ trở thành những người bị bệnh tiểu đường, và đất nước chúng ta sẽ trở nên bệnh hoạn”.

ĐTC khẳng định rằng: ”Mỗi lần chúng ta nhận tiền hối lộ, thì chúng ta phá hủy con tim của mình, nhân cách của chúng ta và cả đất nước của chúng ta nữa. Xin các bạn vui lòng đừng có sở thích ăn đồ ngọt là nạn tham ô như thế”.

Ngài cũng kể lại trường hợp một thanh niên Argentia rất nhiệt tình đối với chính trị và đã tìm được việc làm trong một bộ. Vì phải quyết định mua một đồ cho văn phòng, anh ta cứu xét 3 dự chi và chọn dự án thích hợp nhất. Nhưng người xếp của anh hỏi: Tại sao anh lại chọn dự án này? Anh phải chọn dự án nào có thể làm cho anh có nhiều tiền để bỏ túi”.

ĐTC nói: ”Xin các bạn đừng rơi vào nạn tham ô. Nếu chúng ta thấy mọi người quanh chúng ta đều tham ô, thì cũng như trong mọi sự, chúng ta phải bắt đầu từ mình, phải thay đổi: nếu bạn không bắt đầu thì người bên cạnh bạn cũng không bắt đầu. Nạn tham ô tham nhũng cướp mất niềm vui và an bình của chúng ta. Người tham ô không sống trong an bình”.

Giã từ các bạn trẻ, ĐTC đi tới phòng danh dự cách đó 250, cũng thuộc Sân vận động, để gặp chung HĐGM Kenya gồm 30 vị thuộc 26 giáo phận toàn quốc. Sau lời chào mừng của Đức Cha Chủ tịch Philip Anyolo, ngài còn trao đổi với các vị trong 45 phút, cho đến 12 giờ trưa, rồi trở về tòa Sứ Thần cách đó 20 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ ngơi.

Lúc quá 3 giờ chiều, ĐTC ra phi trường quốc tế của thủ đô Nairobi để đáp máy bay sang Uganda, chặng thứ hai trong cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/3

Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/3

ĐTC gặp gỡ giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hòa và ngoại giao Kenya

Hoạt động với sự toàn vẹn và trong sáng cho công ích, thăng tiến một tinh thần liên đới trên mọi bình diện xã hội, ân cần lo lắng cho các nhu cầu của người nghèo, cho các khát vọng của giới trẻ và cho một việc phân chia công bằng các tài nguyên nhân lực và thiên nhiên, giúp chung xây một đất nước công bằng huynh đệ và phồn thịnh hơn.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ các vị lãnh đạo chính trị, dân sự, kinh tế và văn hóa Kenya như trên trong cuộc gặp gỡ tại Dinh quốc gia trong thủ đô Nairobi chiều 25 tháng 11 vừa qua.

Bắt đầu từ ngày 25-11 ĐTC đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng ĐTC đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ĐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân ĐTC tại phi trường có ĐC Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng  vượt đoạn đường dài 5.389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Đông Phi châu quay ra Ấn Độ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32,4% theo Công Giáo, 47,7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6.542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2.744 linh mục trong đó có 1.830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11.343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12.195 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Đào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn  Độ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm đó có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Đức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran’a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm công giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là ĐC Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Giáo Hội tại Phi châu”.

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là “Chỗ nghỉ ngơi của Thiên  Chúa”. Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Đức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là “ Ki-Nyaa” hay “Kiima-Kiinyaa”, có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xuơng người “Homo habilis” Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1,8 tới 2,5 triệu năm, và “Homo erectus” Người đứng thẳng sống giữa 1,8 triệu tới 350.000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của “Homo sapiens” người khôn ngoan. Đặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1,6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm “Homo erectus”.

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Đông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rẻn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII.  Hồi đó người Bồ Đào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến người Kikuyu bắt đầu cuộc chiến dành độc lập, và ngày 12 tháng 12 năm 1963 Kenya thoát ách thống trị của Anh quốc. Các cuộc bầu cử đưa ông Jomo Kenyatta, một trong các lãnh tụ phong trào độc lập, lên làm tổng thống đầu tiên của Kenya. Ông Kenyatta thăng tiến một đường lối chính trị tân tiến và theo Âu châu, bằng cách thực hiện các cuộc cải cách kinh tế chính trị hiện đại và kỹ nghệ hóa đất nước, duy trì các bang giáo tốt với Anh quốc và các nước láng giềng.

Kenya 1/3

Linh Tiến Khải  – Vatican Radio

Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/2

Tường thuật ngày đầu tiên ĐTC Phanxicô công du Kenya 1/2

ĐTC Phanxicô tại đinh tổng thống Kenya

Bắt đầu từ ngày 25-11 ĐTC đã lên đường viếng thăm ba nước Phi châu, là Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi. Chặng đầu tiên là Kenya.

Lúc 7 giờ 15 phút sáng ĐTC đã đi xe đến phi trường quốc tế Fiumicino, cách Vaticăng 29 cây số, để lấy máy bay đi Kenya. Tại nhà trọ Santa Marta có một nhóm gồm 11 phụ nữ và 6 trẻ em thuộc một nhà trú ẩn dành cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và nạn buôn phụ nữ mại dâm do một cộng đoàn dòng tu trông coi trong vùng Lazio, đã đến chào ĐTC. Họ thuộc các nước Italia, Nigeria và Rumania.

Chào đón và tiễn chân ĐTC tại phi trường có ĐC Gino Reali, Giám Mục giáo phận Porto-Santa Rufina, bao gồm phi trường Fiumicino. Chiếc A330 của hãng hàng không Alitalia đã cất cánh lúc 7 giờ 45 và phải bay mất 7 tiếng  vượt đoạn đường dài 5.389 cây số để đến phi trường quốc tế Jomo Kenyatta của thủ đô Nairobi.

Kenya rộng hơn 580 ngàn cây số vuông nằm ở mạn Đông Phi châu quay ra Ấn Độ dương và giáp giới với các nước: Nam Sudan, Ethiopia, Somalia, Tanzania và Uganda. Kenya có 43 triệu dân, 32,4% theo Công Giáo, 47,7% theo Tin Lành và 20% theo các tôn giáo khác. Giáo Hội Công giáo có 38 Giám Mục cai quản 28 giáo phận, với 925 giáo xứ và 6.542 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 2.744 linh mục trong đó có 1.830 linh mục giáo phận, 914 linh mục dòng, 794 tu huynh, 5.505 nữ tu, 1.463 đại chủng sinh và 11.343 giáo lý viên. Giáo Hội điểu khiển 12.195 cơ sở giáo dục và 2.748 trung tâm bác ái xã hội.

Lịch sử Giáo Hội Công giáo Kenya đã bắt đầu hồi thế kỷ XV, chính xác là vào năm 1498, khi người Bồ Đào Nha ghé Kenya trên đường đến Ấn  Độ để mua bán hàng hoá, đặc biệt là các thứ gia vị. Tuy nhiên, sự hiện diện của Kitô giáo đã không đâm rễ sâu. Chứng tích của biến cố này là cây Thánh Giá bằng đá trồng trên một cây cột do nhà thám hiểm Vasco de Gama cho dựng trên núi Malindi vẫn còn tồn tại cho tới nay. Vào cuối thế kỷ XVI các thừa sai dòng thánh Agostino đến rao giảng Tin Mừng cho dân chúng sống dọc vùng duyên hải. Năm 1631 Sultan Mombasa theo Kitô giáo tên là Jeronimo Chingulia bắt đầu bách hại các cộng đoàn kitô. Ngày 21 tháng 8 năm đó có 150 kitô hữu bị giết vì đạo: đó là các vị tử đạo Mombasa, hiện đang có án phong chân phước cho các vị. Việc loan truyền Tin Mừng lan rộng vào hậu bán thế kỷ XIX với các cha dòng Chúa Thánh Thần, cùng một Giám Mục của dòng đến sống trên đảo Zanzibar bên Tanzania.

Năm 1860 Giáo quận tông toà Zanzibar được thành lập bao gồm Kenya, và năm 1863 được giao cho các tu sĩ dòng Chúa Thánh Thần trông coi. Giữa các năm 1889-1892 các cha dòng Chúa Thánh Thần mở các cứ điểm truyền giáo tại Bura và Mombasa trên sông Tana. Năm 1899 các thừa sai dòng thánh Agostino và dòng Thánh Gia mở các cứ điểm truyền giáo tại Nairobi. Năm 1902 các cha dòng Đức Bà An Ủi mở một cứ điểm truyền giáo tại Tuthu và Muran’a trong vùng Kikuyu. Năm 1903 các cha dòng Mill Hill mở một cứ điểm truyền giáo tại Kisumu trong vùng Luo.

Năm 1929 Tòa Thánh cho thành lập các Giám quản tông toà Nyeri, Kisumu, Zanzibar và giáo quận tông toà Meru. Năm 1927 hai linh mục bản xứ Kenya đầu tiên được thụ phong. Năm 1953 Toà Thánh cho thành lập Hàng Giáo Phẩm công giáo Kenya với các giáo phận đầu tiên là Nairobi, Nyeri, Kisumu và Meru. Năm 1957 Giám Mục tiên khởi người Kenya được tấn phong là ĐC Maurice Otunga, sau này cũng là Hồng Y tiên khởi người Kenya năm 1973. Kenya đã được Đức Gioan Phaolô II viếng thăm ba lần: lần đầu tiên năm 1980, lần thứ hai năm 1985 nhân Đại Hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50, và lần thứ ba năm 1995 nhân dịp công bố Tông huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Giáo Hội tại Phi châu”.

Năm 1989 Giáo Hội Kenya đã mừng kỷ niệm 100 năm đón nhận hạt giống Tin Mừng. Năm 1990 Tòa Thánh nâng các giáo phận Kisumu, Mombasa và Nyeri lên hàng Tổng Giáo Phận.

Tên gọi của cộng hòa Kenya bắt nguồn từ tên ngọn núi Kenya. Trong cả ba thứ tiếng Kikuyu, Embu và Kamba núi này được gọi là Kirinyaga, Kirenyaa và Kiinyaa có nghĩa là “Chỗ nghỉ ngơi của Thiên  Chúa”. Người Anh đọc là Keenya. Vào thế kỷ XIX nhà thám hiểm người Đức là Johann Ludwig Krapf sống với người Bantu Kamba cho biết khi hỏi tên núi dân chúng trả lời là “ Ki-Nyaa” hay “Kiima-Kiinyaa”, có lẽ vì mầu đen của đá và mầu trắng của tuyết phủ trên đỉnh núi nhắc cho họ nhớ tới con đà điểu.

Kenya là vùng đất đã có người sinh sống từ hàng triệu năm trước công nguyên. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy gần hồ Turkana các bộ xuơng người “Homo habilis” Người khéo léo sống trong khoảng thời gian giữa 1,8 tới 2,5 triệu năm, và “Homo erectus” Người đứng thẳng sống giữa 1,8 triệu tới 350.000 năm trước công nguyên. Có thể họ đã là tổ tiên của “Homo sapiens” người khôn ngoan. Đặc biệt các cuộc đào bới năm 1984 đã đưa ra ánh sáng bộ xương của một chú bé sống vào khoảng thời gian 1,6 triệu năm trước công nguyên thuộc nhóm “Homo erectus”.

Các người đầu tiên sống tại Kenya là các nhóm chuyên về nghề săn bắn, bà con với chủng tộc Khoisan. Sau đó họ được thay thế bởi các nhóm Cush. Vào khoảng năm 500 trước công nguyên có các nhóm du mục gốc sông Nilo di cư từ miền Nam Sudan sang Kenya, trong đó có các nhóm Samburu, Luo, Turkana và Maasai. Vào ngàn năm thứ nhất có các nhóm nông dân Bantu đến từ mạn Tây Phi châu, tức Đông Nigeria và Tây Camerun ngày nay. Nhóm này bao gồm các chủng tộc Kikuyu, Lyhya, Kamba, Kisii, Meru, Aembu, Ambeere, Wadawida-Watuweta, Wapokomo và Mijikenda.

Vùng duyên hải có các cộng đoàn chuyên nghề thợ rẻn, và các nhóm Bantu sống về nghề nông, săn bắn và đánh cá. Nhiều thành phố vùng duyên hải đã do người A rập thành lập bao gồm Mombasa, Malindi và Zanzibar. Và từ thế kỷ XII người Arập buôn bán với các nhóm thổ dân. Từ sự gặp gỡ này nảy sinh ra nền văn hóa Swahili, bao gồm hai yếu tố hiệp nhất: đó là tiếng Kiswahili và Hồi giáo. Người dân sống tại đây là các nông dân Kikuyu thuộc chủng tộc Bantu và người Masai là dân tộc gốc vùng sông Nilo di cư sang Kenya vào thế kỷ XVII.  Hồi đó người Bồ Đào Nha chiếm đóng vài vùng trên bờ duyên hải, nhưng họ bị lấn át bởi các Sultan hồi Oman vùng Zanzibar. Sự hiện diện của các người âu châu khác đã chỉ bắt đầu gia tăng vào cuối thế kỷ XIX, khi Kenya trở thành thuộc địa của Anh quốc.

Vatican Radio

An ninh trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

An ninh trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Phi châu

ĐTC bắt đầu lên phi cơ đi viếng thăm 3 nước ở Phi Châu

NAIROBI. Trong số những tin tức bên lề cuộc viếng thăm của ĐTC tại Phi châu, đặc biệt có vấn đề an ninh, thu hút sự chú ý nhiều của giới báo chí và dư luận.

Thật ra, vấn đề an ninh vẫn được chú ý trong mọi cuộc viếng thăm của ĐTC tại hải ngoại, nhưng lần này, sự chú ý đó gia tăng cường độ trong bối cảnh các cuộc khủng bố hoặc đe dọa khủng bố của nhóm Nhà nước Hồi giáo IS, nhất là sau cuộc khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13-11-2015.

Hãng tin KNA của Đức ghi nhận rằng khoảng 100 cây số trước khi chiếc Airbus A-330 của hãng Aliatia chở ĐTC, đoàn tùy tùng và 75 ký giả quốc tế, tiến vào không phận của Ai Cập gần Libia trên đường bay tới Kenya, người ta không còn thấy hình máy bay này trên Radar – Internet nữa. Trả lời câu hỏi của hãng tin KNA, Alitalia nói rằng ”đó là một biện pháp an ninh thông thường, việc bảo vệ các hành khách là ưu tiên số một”.

Vùng biên giới Ai cập gần Libia từ lâu vẫn là nơi diễn ra các hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các biện pháp chống khủng bố.

Trong khi đó một chuyên gia an ninh Phi châu, ông Sebastian Gatimu, nhận xét rằng tình trạng tại Kenya khá căng thẳng trước cuộc viếng thăm của ĐGH. Ông Gatimu là nhà chính trị học thuộc Học viện nghiên cứu an ninh” (ISS) ở Nairobi. Ông nói với phái viên hãng KNA: ”Trong thời gian gần đây không có cuộc khủng bố nào ở Nairobi và cho đến nay cũng không có những lời đe dọa. Chúng tôi hy vọng trong cuộc viếng thăm của ĐGH tình hình cũng tiếp tục như vậy”.

Dầu sao các biện pháp an ninh và kiểm soát vẫn được tăng cường, phần lớn các đường chính ở thủ đô Nairobi trong 3 ngày này có những nút chặn và phong tỏa. Ban tổ chức hy vọng có 1 triệu 400 ngàn người tham dự thánh lễ ĐTC cử hành sáng ngày 26-11-2015 tại Đại học Nairobi, tức là 1 phần 10 dân số Công giáo của Kenya. Để tạo điều kiện dễ dàng cho sự tham dự của các tín hữu, chính phủ Kenya đã tuyên bố ngày 26-11 này là lễ nghỉ toàn quốc. Tuy nhiên, một nhóm người vô thần ở Kenya đã vội vàng nộp đơn lên tòa án tối cao của Kenya để yêu cầu hủy bỏ quyết định của chính phủ.

Theo nhật báo Daily Nation ở Nairobi, trong những ngày này 10 ngàn cảnh sát được động việc và ít là 10 ngàn vệ binh quốc gia trẻ được động viên vào công tác giữ an ninh trật tự trong cuộc viếng thăm của ĐGH.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio