Suy tôn Thánh Giá

Suy tôn Thánh Giá

Lễ Suy tôn Thánh Giá

Đây là bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà nguyện Thánh Marta trong thánh lễ cầu nguyện cho cha Jacques Hamel.

Hôm nay Hội Thánh cử hành lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Trong Thập giá Chúa Giêsu Kitô, chúng ta thấu hiểu mầu nhiệm Đức Kitô. Mầu nhiệm về sự tự hủy của Chúa rất gần gũi với chúng ta.

Thánh Phaolô nói: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8). Đây chính là mầu nhiệm về Chúa Kitô. Đây chính là mầu nhiệm về Đấng tử đạo tiên khởi để cứu độ loài người.

Chúa Giêsu Kitô là vị tử đạo tiên khởi, là người đầu tiên trao ban mạng sống vì chúng ta. Và từ mầu nhiệm này, Chúa Kitô mở ra toàn bộ lịch sử tử đạo của Kitô giáo từ những thế kỷ đầu cho tới ngày hôm nay. Thời Hội Thánh sơ khai, các Kitô hữu đã làm chứng cho Chúa bằng chính mạng sống của họ. Các tín hữu tiên khởi bị bắt buộc bỏ đạo, nhưng các ngài đã từ chối. Khi từ chối như thế, các ngài bị bắt bớ, bị giết. Câu chuyện ấy tiếp tục được lặp đi lặp lại cho tới ngày nay, và thời nay Hội Thánh có nhiều vị tử đạo hơn những thời trước. Ngày nay có nhiều Kitô hữu bị cầm tù, bị giết hại, vì họ không chối bỏ Chúa Giêsu Kitô. Câu chuyện này chúng ta tiếp tục gặp thấy nơi cha Jacques. Cha là một trong những vị tử đạo. Các vị tử đạo cho thấy rõ sự tàn ác của cuộc bách hại.

Cha Jacques Hamel đã cử hành hy lễ Thập giá Chúa Kitô. Cha là một người tốt, hiền lành, đầy tình huynh đệ, luôn nỗ lực xây dựng hòa bình, thế mà cha bị giết hại như một kẻ tội phạm. Đây là kiểu bách hại của ma quỷ. Có điều gì đó nơi cha làm cho chúng ta thấy rằng cha là vị tử đạo cùng với Đấng tử đạo là Chúa Kitô. Có một điều làm cho tôi nghĩ như thế, vì giữa thời gian khó khăn thử thách, cha vẫn sống rất hiền hậu tốt lành, cha vẫn sống như người anh em. Cha cũng không quên xác minh đích danh kẻ giết người, đó chính là ma quỷ. Cha nói cách rõ ràng: “Xéo đi, Satan!”. Cha đã trao tặng mạng sống tựa như lễ hy sinh của Chúa Kitô trên Thập giá. Và từ đây, danh tính của tên sát nhân bị tố giác: “Xéo đi, Satan!”

Cha là mẫu gương về lòng can đảm cũng như mẫu gương về chính cuộc sống. Cha đã tự khiêm tự hạ để giúp đỡ người khác, để kết thân huynh đệ với tha nhân, để giúp chúng ta bước về phía trước mà không còn sợ hãi. Cha về Thiên Đàng, và chúng ta cầu nguyện với cha, cầu nguyện với vị tử đạo được chúc phúc, để chúng ta có thể hiền lành, đầy tình huynh đệ, bình an, và ngay cả can đảm nói lên sự thật rằng: kẻ nhân danh Chúa để giết người chính là Satan.

Tứ Quyết SJ

Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Chương trình Đức Thánh Cha viếng thăm Georgia và Azerbaigian

Chương trình viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Georgia và Azerbaigian

VATICAN. ĐTC sẽ viếng thăm Cộng hòa Georgia và Azerbaigian từ ngày 30-9 đến 2-10 tới đây.

Ngài sẽ rời Roma lúc 9 giờ sáng thứ sáu, 30-9, và bay đến thủ đô Tbilisi của Georgia lúc 3 giờ chiều giờ địa phương.

Sau nghi thức tiếp đón, ngài sẽ về phủ tổng thống để gặp gỡ chính quyền, cùng với các đại diện thành phần xã hội và ngoại giao đoàn.

Tiếp đến, lúc gần 5 giờ chiều, ĐTC sẽ gặp Đức Thượng Phụ Ilia II, Giáo Chủ Chính Thống Georgia, trước khi gặp gỡ cộng đoàn tín hữu Assiro-Canđê vào lúc 6 giờ chiều tại Nhà thờ Công Giáo Canđê thánh Simon Bar Bassae.

– Thứ bẩy, 1 tháng 10, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ lúc 10 giờ tại sân thể thao Meskhi cho các tín hữu. Ban chiều cùng ngày, lúc gần 4 giờ, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Đức Mẹ Mông Triệu, rồi gặp những người được các nhân viên từ thiện của Giáo Hội giúp đỡ, tại khuôn viên trước trung tâm từ thiện của các tu sĩ dòng thánh Camilliano.

Sau cùng, lúc quá 6 giờ, ĐTC sẽ viếng thăm Nhà thờ chính tòa Thượng Phụ Svetutskhoveli ở Mtsckheta.

– Sáng chúa nhật 2-10, ĐTC sẽ giã từ Georgia vào lúc 8 giờ 10, để bay sang thủ đô Baku của Cộng hòa Azerbaigian. Sau nghi thức tiếp đón đơn sơ tại phi trường, lúc 10 giờ rưỡi, ĐTC sẽ cử hành thánh lễ tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm ở trung tâm của dòng Don Bosco cũng ở thủ đô Baku rồi dùng bữa trưa với Cộng đoàn dòng này.

Ban chiều vào lúc 3 giờ rưỡi, sẽ có nghi thức chào đón chính thức dành cho ĐTC tại Phủ Tổng Thống Azerbaigian. Sau đó ngài viếng thăm đài tưởng niệm chiến sĩ đã chết cho nền độc lập của nước này, trước khi gặp gỡ chính quyền tại trung tâm Heydar Aliyev. ĐTC cũng sẽ gặp riêng với vị Thủ lãnh Hồi giáo miền Caucase tại Đền thờ Heydar Aliyev, trước khi tham dự cuộc gặp gỡ liên tôn vào lúc 6 giờ chiều, cùng với đại diện các cộng đoàn tôn giáo tại Azerbaigian.

Sau đó, ĐTC sẽ ra phi trường để đáp máy bay lúc quá 7 giờ chiều trở về Roma, dự kiến ngài sẽ đến phi trường Ciampino vào lúc 10 giờ tối.

Trong số gần 5 triệu dân tại Georgia, 84% là tín hữu Chính Thống, 10% theo Hồi giáo, chỉ có 0.8% là tín hữu Công Giáo.

Tại Azerbaigian chỉ có 560 tín hữu Công Giáo trên tổng số 9 triệu 500 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo. Các tín hữu họp thành một phủ doãn tông tòa do cha Vladimir Fekete SDB coi sóc với sự cộng tác của 7 LM dòng, 10 tu huynh và 5 nữ tu. (SD 12-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Kỷ niệm một trăm bẩy mười năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp

Kỷ niệm một trăm bẩy mười năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp

LaSalette prayer

Phỏng vấn Linh Mục Silvano Marisa

Ngày 19 tháng 9 tới này là kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra với hai trẻ mục đồng trên một trái núi gần làng La Salette-Fallavaux bên Pháp. Đó là hai em Melanie Calvat 15 tuổi và Maximin Giraud 11 tuổi.

Ngày 19 tháng 9 năm 1846  vào khoảng 3 giờ trưa Đức Mẹ đã hiện ra với hai em trên một ngọn núi gần làng La Salette-Fallavaux. Hai em đang chăn bò trên núi. Theo trình thuật cuộc hiện ra gồm ba giai đoạn: trước hết là một phụ nữ rất xinh đẹp hiện ra trong một ánh sáng rực rỡ. Bà mặc áo chàng có mũ rất lạ và ngồi trên một tảng đá, tay ôm mặt khóc. Tiếp đến bà đứng dậy và nói chuyện với hai em bằng tiếng Pháp cùng như thổ ngữ vùng này, và giao phó cho hai em một sứ điệp để hướng tới toàn nhân loại cần phổ biến khắp nơi. Sau khi than phiền về các sự gian ác  và tội lỗi của loài người, bao gồm việc xa rời Thiên Chúa vĩnh viễn và sa hoả ngục, nếu cứ tiếp tục con đường sự dữ, bà báo cho biết ai hoán cải sẽ được ơn tha thứ. Tiếp đến bà báo cho từng em một bí mật, trước khi biến về trời trên núi Mont-sous-les-Baisses.

Hai trẻ mục đồng sau đó kể lại cho các ông chủ là Baptiste Pra và Pierre Selme nghe chuyện đã xảy ra. Tiếp đến cậu Maximin Giraud bị ông thị trưởng Pierre Peytard hỏi cung ngày 21 tháng 9 năm 1846. Hai trẻ mục đồng cũng kể cho cha xứ Louis Perrin nghe. Cha xứ kể lại cho giáo dân nghe trong bài giảng thánh lễ và ngày mùng 4 tháng 10 cũng báo cho linh mục trưởng là  cha Pierre Mélin biết. Chuyện Đức Mẹ hiện ra lan chuyền nhanh trong xứ. Hai trẻ mục đồng đã bị nhiều linh mục hỏi cung sau đó. Ông Jean Maximin Giraud, cha của Maximin là người không sống đạo, đã hoán cải ngày mùng 8 tháng 11. Cuộc hành hương đầu tiên đã được tổ chức ngày 24 tháng 11 do chính hai trẻ mục đồng hướng dẫn. Ngày 16 tháng 4 năm 1847 hai em lại bị thẩm phán tỉnh Grenoble là ông Fréderic Joseph Long hỏi cung. Chính trong ngày này đã xảy ra phép lạ khỏi bệnh liên quan tới nữ tu Claire Peirron sống tại Avignon. Ngày 29 tháng 5 hai em lại bị cha Pierre Lambert hỏi cung.

Ngày 31 tháng 5 năm 1847 đã có 5.000 tín hữu tham dự cuộc hành hương, và một cây thánh giá đã được dựng lên trên núi. Ngày 22 tháng 7 ĐC Clément Villecourt, Giám Mục La Rochelle, đi hành hương La Salette, và hỏi cung Maximin và Mélanie. Ngày 15 tháng 8 lại xảy ra một vụ lành bệnh khác liên quan tới Mélanie Gamon sống tại Corps, nhưng phép lạ được giữ kín. Ngày 19 tháng 9 kỷ niệm 1 năm Đức Mẹ hiện ra đã có 50.000 tín hữu tham dự cuộc hành hương đến La Salette.

Ngày mùng 7 tháng 7 năm 1847 Đức Giám Mục giáo phận Grenoble xin hai kinh sĩ giáo sư đại chủng viện Grenoble điều tra kỹ lưỡng và viết bản tường trình. Vào tháng 11 năm 1847 Đức Giám Mục giao bản tường trình cho một uỷ ban điều tra gồm 16 chuyên viên, dưới sự hướng dẫn của ngài, tất cả các vị đều là linh mục giáo phận: gồm các cha chính kinh sĩ, các cha sở linh mục trưởng, cha sở kiêm giám đốc đại chủng viện. Uỷ ban đã kết thúc việc điều tra, và chấp thuận bản tường trình, được công bố và gửi cho cho ĐGH Pio IX vào tháng 8 năm 1848. Các kết quả cuộc điều tra được Toà Thánh chấp nhận.

Trong cùng ngày 19 tháng 7 năm 1851 kỷ niệm 5 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette Đức giám mục giáo phận Grenoble chính thức chấp nhận việc Đức Mẹ hiện ra với một bức thư mục tử tựa đề « Đức Bà La Salette của chúng ta » và nêu lên vài điểm chính sau đây : « Việc hiện ra có tất cả các đặc tính của sự thật … và tín hữu được biện minh tin vượt mọi nghi ngờ và với sự chắc chắn…(s. 1)… Vì thế, để thừa nhận lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi đối với Thiên Chúa và để vinh danh Đức Trinh Nữ Maria chúng tôi cho phép tôn kính Đức Bà La Salette. Chúng tôi đồng ý cho hàng giáo sĩ giảng giải biến cố vĩ đại này, và rút tiả ra từ đó các kết quả thực hành và luân lý (s. 3). Chúng tôi cấm tín hữu và giáo sĩ của giáo phận nói hay viết chống lại điều mà chúng tôi công bố hôm nay, và vì thế nó đáng được mọi người tôn trọng (s. 5)»

Sau đây là một đoạn sứ điệp mà Đức Mẹ đã nói với hai trẻ mục đồng: “Nếu dân chúng không tuân phục, thì Ta sẽ bị bó buộc để cho tay của Con Ta tự do; nó mạnh mẽ và nặng nề đến độ Ta không nâng đỡ nổi nữa… từ biết bao lâu Ta đau khổ vì các con! Bởi vì Ta đã nhận được sứ mệnh liên lỉ cầu xin Con Ta, Ta muốn rằng Ngài không bỏ rơi các con, nhưng các con chẳng thèm để ý gì. Các con có cầu nguyện và làm gì đi nữa, thì cũng không bao giờ có thể đền bù lại nỗi khổ Ta đã chịu vì các con… Ta đã cho các con 6 ngày để làm việc, Ta giữ lại ngày thứ bẩy cho Ta nhưng các con không muốn thừa nhận điều đó”: và điều này khiến cho cánh Tay của Con Ta nặng nề… nếu mùa màng bị hư hại, thì đó là lỗi tại các con. Ta đã cho các con biết năm ngoái với khoai tây, nhưng các con đã không thèm chú ý. Trái lại, khi các con thấy khoai bị hư, các con lại ngụyền rủa danh Con của Ta. Năm nay chúng cũng sẽ tiếp tục hư thối, và vào lễ Giáng Sinh  sẽ không còn khoai nữa.

Sẽ xảy ra một trận đói kém lớn. Truớc đó, các trẻ em dưói 7 tuổi sẽ bị run rẩy và sẽ chết… Nếu dân này hoán cải, thì khi đó đá sỏi sẽ biến thành các đống luá, và khoai tây sẽ tự nảy sinh trong cánh đồng. Các con ơi, các con có đọc kinh không? Cần phải cầu nguyện tốt sáng tối… trong mùa hè chỉ có vài bà cụ già đi tham dự Thánh lễ. Những người khác làm việc ngày Chúa Nhật, trong suốt mùa hè. Trong mùa đông khi họ không biết làm gì, thì họ đi lễ chỉ để chế nhạo tôn giáo… “

Linh mục Livio Fanzaga và linh mục Saverio Gaeta nhận định rằng các lời tiên tri này của Đức Mẹ đã xảy ra cụ thể. Dặc biệt vào thời đó bệnh dịch từ bắc Mỹ lan sang Pháp, và đã là một tai ương đối với các vườn nho và số trẻ em tử vong rất cao, cả trong vùng chung quanh La Salette. Như thế loài người đã có thể nhận ra cung cách con người đối xử với Thiên Chúa và các chuyện thiên linh gắn liền với các phát triển của các sự vật trên trái đất tới mức nào.

Đức Mẹ cũng đã vén mở cho mỗi mục đồng một bí mật khác nhau. Văn bản sứ điệp Mélanie gủi cho ĐGH Pio IX ngày mùng 6 tháng 7 năm 1851 và văn bản sứ điệp Maximin Gỉaud gửi cho ĐGH Pio IX ngày mùng 3 tháng 7 năm 1851 bao gồm các điểm chính sau đây:

Thời điểm cơn giận của Thiên Chúa đã tới rồi. Nếu Kitô hữu Pháp không hoán cải, người ta không sám hối và không ngừng làm việc ngày Chúa Nhật, và tiếp tục nguyền rủa danh thánh Chúa; tắt một lời nếu bộ mặt trái đất không thay dổi, Thiên Chúa sẽ báo thù chống lại dân vô ơn và nô lệ ma quỷ. Paris, thành phố vấy mọi thứ tội phạm này chắc chắn sẽ chết. Thành phố Marseille sẽ bị phá hủy trong thời gian ngắn. Khi các điều này sẽ xảy ra, Trái đất sẽ hỗn loạn hoàn toàn; thế giới sẽ phó mình cho các đam mê gian ác của nó. Nước Pháp đã làm ung thối vũ trụ, một ngày kia nó sẽ bị phạt. Đức tin sẽ tắt tại Pháp. Một phần ba nước Pháp sẽ không thực hành, hay hầu như không thực hành tôn giáo nữa. Nửa kia sẽ thực hành, nhưng không thực hành tốt…

Trước khi điều này đến sẽ xảy ra trong Giáo Hội nhiều nhiễu nhương, và ít lâu sau Đức Giáo Hoàng sẽ bị bách hại. ĐTC sẽ bị bách hại từ mọi phía, người ta sẽ bắn vào ngài, người ta muốn ngài chết, nhưng chúng sẽ không thể làm gì được ngài. Người kế vị ngài là một Giáo Hoàng không ai chờ đợi. Các linh mục tu sĩ và các tôi tớ đích thật của Con Mẹ sẽ bị bách hại, và nhiều người sẽ chết vì niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Sẽ có một nạn đói lớn xảy ra vào thời đó.

Sau khi mọi điều này sẽ xảy ra, nhiều người sẽ nhận biết bàn tay của Thiên Chúa trên họ và sẽ hoán cải và sám hối các tội lỗi của mình. Tiếp theo các quốc gia sẽ hoán cải, và đức tin sẽ được thắp sáng trở lại khắp nơi. Một vùng lớn của miền Bắc Âu châu, giờ đây là tin lành, sẽ hoán cải và theo gương vùng này các quốc gia khác của thế giới cũng sẽ hoán cải. Ít lâu sau đó sẽ có hoà bình lớn, nhưng nó không kéo dài. Một con quái vật sẽ đến phá phách nó. Một vị vua lớn sẽ lên ngôi và sẽ cai trị vài năm. Tôn giáo sẽ nở hoa và lan tràn trên toàn trái đất và sẽ có sự phì nhiêu lớn, thế giời hài lòng vì không thiếu thốn gì, sẽ lại bắt đầu các vô trật tự và sẽ bỏ Thiên Chúa và lại ôm ấp các đam mê tội phạm của nó.

Cũng sẽ có các thừa tác viên của Thiên Chúa và các hiền thê của Chúa Giêsu Kitô phó mình cho các vô trật tự  và đây sẽ là điều kinh khủng, sau cùng một hoả ngục sẽ cai trị trên toàn Trái đất; khi đó Tên Phản Kitô sẽ sinh ra từ một tôn giáo, nhưng khốn cho tôn giáo đó: nhiều người sẽ tin vào nó, bởi vì nó nói nó từ trời đến; thời gian không còn xa lắm, sẽ không qua hai lần 50 năm.”

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị bài phỏng vấn Cha Silvano Marisa, Bề trên tổng quyền dòng các Thừa Sai Salettini.

Hỏi: Thưa cha, xin cho biết cảm tưởng của cha vê việc kỷ niệm 170 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Salette bên Pháp.

Đáp: Biến cố Đức Mẹ hiện ra tại La Salette không chỉ là một biến cố lịch sử xảy ra cách đây 170 năm, nhưng cũng là một biến cố có tính cách tinh thần và mục vụ, nghĩa là một thực tại lôi cuốn cả dân Chúa vào trong đó nữa. Sứ điệp muốn thực sự lay động lương tâm dân Chúa, và Mẹ Maria tự giới thiệu như là nữ đại sứ, nữ sứ giả của Thiên Chúa để kêu gọi dân Chúa trung thành với ơn gọi kitô và ơn gọi là người đã được rửa tội của mình.

Hỏi: Đây là một sứ điệp rất thời sự, có phải thế không thưa cha?

Đáp: Vâng. Thật là đẹp, khi thấy Đức Trinh Nữ bắt đầu bằng cách mời hai trẻ Maximin và Melanie tới gần. Đó chính là sứ điệp của Năm Thánh Lòng  Thương Xót này, sứ điệp của một vì Thiên Chúa có một con tim lớn lao tới độ Ngài không thể giữ nó cho chính mình, nhưng muốn chia sẻ tình yêu của Ngài với người khác. Và Mẹ Maria có nhiệm vụ giúp con người mở rộng trái tim mình cho Thiên Chúa. Mẹ đã tập trung sứ điệp vào chính Chúa Kitô. Hai trẻ mục dồng nói Ảnh Chúa Chịu Đóng Đinh Mẹ đeo trên ngực sáng ngời đến độ trông như là sống thật. Như vậy để nói rằng trung tâm của sứ điệp thực sự là sứ điệp kitô: Chúa Kitô là cây cầu giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, và giữa chúng ta với Chúa Kitô Mẹ Maria được đặt như vị Trung gian, bởi vì Mẹ đã được tín thác cho chúng ta như là Mẹ và chúng ta là con của Mẹ.

Hỏi: Thưa cha, sau 100 ngày từ khi bắt đầu mở cửa Năm Thánh Lòng Thương Xót, cửa Đền thánh Đức Bà La Salette cũng đã được mở để bắt đầu năm kỷ niệm 170 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Salette, có dúng thế không?

Đáp: Chúng ta biết rằng một cánh cửa là một thực tại  cho phép đối thoại, cho phép gặp gỡ. Nó là một khả thể nữa cho dân Chúa tiến về La Salette, tiến về miền núi, trên một vòng núi chung quanh – chúng ta ở trên độ cao 1.800 mét của các dẫy tiền núi Alpes của Pháp – cho một cuộc canh tân tình thần. Con đường đi lên kết thúc ở đó, vì vậy chúng ta tiến lên chỉ vì một mục đích: đó là để gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ tha nhân giữa cảnh thiên nhiên, giữa vẻ đẹp của thiên nhiên.

Hỏi: Thưa cha, trọng tâm sứ điệp của Đức Bà La Salette là sự hoán cải. Làm thế nào để để  chung sự hoán cải và lòng thương xót với nhau?

Đáp: Khi một người quyết định bước qua Cửa Thánh, chắc chắn đó không phải là một hành động ma thuật, nhưng muốn nói một cách đơn sơ rằng: tôi đã có một cuộc sống quá khứ và khi bước qua của này, tôi muốn nói một tiếng “vâng” với cuộc sống mới… Như vậy nó là một dấn thân của sự hoán cải, của việc thay đổi.

Hỏi: Thưa cha, nhìn vào hiện tình của dòng Salettini trên thế giới đâu là các thách đố mà các tu sĩ của dòng đang phải đương đầu?

Đáp: Chúng tôi là 950 anh em trên thế giới sống rải rác tại 29 quốc gia năm châu. Sự hiện diện của chúng tôi muốn là một yếu tố rất đơn sơ, khiêm tốn, phục vụ sự hòa giải.  Tại nơi đâu có dân Chúa sinh sống, khổ đau, thì chúng tôi hiện diện với một lời mời gọi mạnh mẽ  hoán cải, dựa trên sứ điệp mà chúng tôi đã nhận lãnh từ Bà Đẹp hiện ra tại La Salette. Năm nay chúng tôi nêu bật biến cố kỷ niệm 170 năm với việc mở nhà tại Tanzania bên Phi châu, trong giáo phận Bukoba, bên bờ hồ Vittoria. Thế rồi chúng tôi cũng có các trường học, chẳng hạn như bên Philippines, một đại học để giáo dục con người để chính họ có thể một ngày kia trở thành các tác nhân của sự hòa giải và thăng tiến sự hiệp nhất và hiệp thông.

Hỏi: Thế còn sự hiện diện của các tu sĩ của dòng bên Châu Mỹ Latinh thì sao thưa cha?

Đáp: Trước hết chúng tôi hiện diện bên Brasil rồi tại Argentina và Bolivia, cũng như trong vùng Trung châu Mỹ Latinh và tại Haiti. Dĩ nhiên là chúng tôi cũng hiện diện tại Hoa Kỳ nữa. Một cách đặc biệt các linh mục của chúng tôi bên Brasil đang điều hành công việc rất tốt, đó là lôi cuốn biết bao nhiêu giáo dân vào trong sứ mệnh hòa giải này.

Linh Tiến Khải

Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Vượt qua sự dửng dưng, xây dựng văn hóa gặp gỡ

Thánh lễ Santa Marta

Chúng ta xây dựng nền văn hóa đích thực của việc gặp gỡ, để vượt thắng kiểu văn hóa dửng dưng. Đó là lời mà Đức Thánh Cha chia sẻ trong Thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện Thánh Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Đức Thánh Cha cảnh báo về những thói quen xấu, ngay cả trong gia đình, đó là những thói quen làm cho mọi người không còn lắng nghe nhau.

Đức Thánh Cha nói, Lời Chúa làm cho chúng ta nghĩ về những cuộc gặp gỡ ngày nay. Người ta thường đi vượt qua người khác mà không có gặp, nhìn mà không thấy, chỉ nghe mà không lắng nghe.

Cuộc gặp gỡ mà Tin Mừng hôm nay loan báo, là cuộc gặp gỡ giữa người nam và người nữ; giữa người con một còn sống và người con một đã chết; giữa đám đông vui vẻ vì họ gặp Thầy Giêsu và đi theo Người với đám người đang than khóc cùng người phụ nữ mất con; giữa những người đi ra cổng thành và những người đi vào cổng thành.

Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” không giống như kiểu chúng ta đi trên đường phố và thấy điều gì đó rồi nói “thật tội nghiệp”. Chúa Giêsu không đứng ngoài cuộc, nhưng Người chạnh lòng thương. Người tiến lại gần người phụ nữ, Người thực sự gặp bà, và sau đó phép lạ xảy ra cho con trai bà.

Cuộc gặp gỡ với Thầy Giêsu giúp vượt thắng sự dửng dưng và làm phục hồi phẩm giá. Chúng ta không chỉ thấy sự dịu hiền mà còn thấy hoa trái của gặp gỡ, vì mọi cuộc gặp gỡ đều phát sinh hoa trái. Chúng ta đã quen với kiểu thờ ơ, nên chúng ta phải hành động và cầu nguyện để xây dựng văn hóa gặp gỡ, để những cuộc gặp gỡ phát sinh hoa trái, là đưa con người trở về với phẩm giá làm con Thiên Chúa. Gặp gỡ. Nếu tôi không nhìn, nếu tôi không dừng lại, nếu tôi không đụng chạm, nếu tôi không nói, thì tôi không thể gặp gỡ, tôi không thể góp phần tạo nên văn hóa gặp gỡ.

Nơi gia đình, chúng ta sống trong cuộc gặp gỡ đích thực, khi mọi người ăn cùng một bàn, lắng nghe nhau. Tại bàn ăn gia đình mỗi tối, chúng ta thường vừa ăn vừa xem tivi vừa nhắn tin trên điện thoại. Mọi người đều thờ ơ với cuộc gặp gỡ. Hạt nhân của tình thân gia đình chính là gặp gỡ. Điều này giúp chúng ta xây dựng văn hóa gặp gỡ như Chúa Giêsu đã làm. Đừng chỉ có nhìn mà hãy ngắm nhìn. Đừng chỉ có nghe mà hãy lắng nghe. Đừng chỉ có đi qua mà hãy biết dừng lại. Đừng chỉ có nói “Khổ thân người nghèo” mà hãy động lòng trắc ẩn. Khi Chúa Giêsu tiến lại gần, chạm tới, và nói với mọi người trong giây phút ấy, Chúa nói bằng ngôn ngữ của con tim: “Đừng khóc nữa”, và Người ban cho anh thanh niên sức sống. (SD 13-9-2016)

Tứ Quyết, SJ

 

Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho Cha Jacques Hamel

Đức Thánh Cha dâng lễ cầu nguyện cho Cha Jacques Hamel

Cha Jaques Hamel

Vào ngày 14 tháng 09, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Jacques Hamel tại nhà nguyện Santa Marta ở Vatican, như là dấu chỉ của sự gần gũi của ngài với gia đình và cộng đoàn Rouen.

Một nhóm 80 khách hành hương thuộc Giáo phận Rouen sẽ cùng với Đức cha Dominique Lebrun của Giáo phận về Vatican tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho  Linh mục Hamel, người đã bị giết khi dâng Thánh lễ tại nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray vào ngày 26 tháng 7 vừa qua.

Thánh lễ sẽ được thu hình và phát trực tiếp bởi Trung tâm truyền hình Vatican. (RV 13/09/2016)

Hồng Thủy

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

Hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Thánh Cha nhóm họp

VATICAN. Hôm 12-9-2016, Hội đồng 9 Hồng Y cố vấn của ĐTC đã khai mạc khóa họp thứ 16 với mục đích giúp ngài cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Điều hợp viên của Hội đồng là ĐHY Oscar Rodriguez Maradiaga, dòng Don Bosco, TGM giáo phận Tegucigalpa, Honduras, và trong đó cũng có ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh. Vị đại diện cho Á châu là ĐHY Oswald Gracias, TGM giáo phận Mumbai, Ấn độ.

Khóa họp sẽ kéo dài đến thứ tư, 14-9 tới đây. ĐTC cũng tham dự ngoại trừ sáng thứ tư ngài bận tiếp kiến chung các tín hữu hành hương. Trong khóa họp thứ 15 hồi đầu tháng 8 vừa qua, Hội đồng đã bàn về vấn đề đại kết Kitô và đối thoại liên tôn.

Trong số những cải tổ được Hội đồng các HY Cố vấn đề nghị và được ĐTC quyết định và thi hành, có việc thành lập Bộ giáo dân, gia đình và sự sống, bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 9 này, và Bộ ”Phục vụ phát triển toàn diện con người”, sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng giêng năm tới, và bao gồm thẩm quyền và hoạt động 4 Hội đồng: Công lý và Hòa bình, Cor Unum – Đồng Tâm, Mục vụ di dân và người lưu động, sau cùng là Mục vụ các nhân viên y tế.

Tiến trình cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh đã khởi sự từ tháng 10 năm 2013. Cho đến nay người ta chưa rõ khi nào sẽ có Tông hiến mới của ĐTC thay thế cho Tông hiến Pastor Bonus, Mục Tử nhân lành, do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1988, chứa đựng các qui luật chung về các cơ quan trung ương Tòa Thánh (KP 11-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Người cùi, người tị nạn ở Orissa tham dự lễ tạ ơn dịp phong thánh Mẹ Têrêsa

Người cùi, người tị nạn ở Orissa tham dự lễ tạ ơn dịp phong thánh Mẹ Têrêsa

các nữ tu Thừa sai bác ái

Bhubaneswar – Trong Thánh lễ cử hành ngày 11/09 tại nhà thờ chánh tòa Thánh Vính sơn ở Bhubaneswar, thủ phủ của bang Orissa, Ấn độ, đã có khoảng 2000 tín hữu đến từ nhiều nơi tham dự; trong đó cũng có các người cùi và tị nạn cư trú tại các cơ sở do các nữ tu Thừa sai bác ái điều hành.

Nữ tu Olivet, phụ trách các nữ tu Thừa sai bác ái miền Orissa, cũng đã nhân danh những người đau bệnh, trẻ mồ côi, những người hấp hối được chăm sóc tại các cơ sở của các nữ tu Thừa sai bác ái, cám ơn cộng đoàn. Chị cho biết là những người nghèo mong muốn tha thiết được hiện diện tại buổi lễ tạ ơn, vì “qua Mẹ Têrêsa mỗi người trong họ nhận ra Thiên Chúa chăm sóc họ”.

Đức Tổng Giám mục John Barwa, chủ sự Thánh lễ đã chia sẻ: “Mẹ thánh Têrêsa là gương mẫu cho mỗi người của thời đại hiện nay. Mẹ đã mang đến cho những người bị bỏ rơi, bị gạt bên lề xã hội, những người không được cứu chữa, không được tôn trọng, không được nhận biết, một nhân phẩm, qua việc phục vụ cách yêu thương, một sự dấn thân hoàn toàn, một sự trung thành và một tinh thần huynh đệ chân thật. Chứng từ của cuộc sống và mẫugương của Mẹ giống như ‘Mẹ của các người nghèo’ nói với tất cả , những người có đức tin cũng như không có đức tin, v có thể thấy cách rõ ràng, như thành phố được xây trên một ngọn núi được ghi lại trong Tin mừng”

Nữ tu Samuela, cũng thuộc dòng Thừa sai bác ái kết luận: “Chúng ta ở đây để tạ ơn Thiên Chúa bởi ánh sáng đã chiếu soi chúng ta và toàn thế giới, qua Mẹ Têrêsa. Người phụ nữ vĩ đại của thời đại chúng ta, sứ giả của Tin Mừng, cuộc sống được đánh dấu sâu đậm bởi tình yêu, và bây giờ là một vị thánh. Chúng ta chiêm ngắm Mẹ như một gương mẫu và một nguồn linh hứng”. (Fides 12/09/2016)

Hồng Thủy 

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức: Cha Gregory Polan

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức: Cha Gregory Polan

Tân Thống Phụ Dòng Biển Đức  Cha Gregory Polan

ROMA. Cha Gregory Polan người Mỹ đã được bầu làm Thống Phụ (Abate Primate) thứ 10 của Liên hiệp các chi dòng Biển Đức trên thế giới, với nhiệm kỳ 8 năm.

Cha là Viện Phụ Đan viện Biển Đức Conception ban Missouri Hoa Kỳ, đã được khoảng 250 Viện phụ và Bề trên dòng Biển Đức bầu lên hôm 10-9 vừa qua trong Đại hội ở Đan viện thánh Anselmo, Roma, kế nhiệm Cha Notker Wolf người Đức, vừa mãn nhiệm 16 năm.

Cha Gregory Polan sinh trưởng tại Chicago và nhập tập viện ở Đan viện Conception năm 1970, thụ phong LM 7 năm sau đó. Năm 1996, cha được bầu làm Viện Phụ của Đan viện này.

Cha Polan là một chuyên gia về thần học kinh thánh, giảng dạy tiếng Hy Lạp và Do thái tại Chủng viện thuộc Đan viện Conception. Cha cũng chuyên về âm nhạc.

Trong tư cách là Thống Phụ, cha Gregory Polan đại diện cho khoảng 22 ngàn Đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới. Ngành nam của dòng này có hơn 7 ngàn Đan sĩ chia thành 21 chi dòng, họp thành một Liên hiệp. Ngành nữ của dòng có hơn 15 ngàn nữ Đan sĩ. (KNA 10-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP 

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Cầu nguyện cho ơn hiệp nhất

Thánh lễ thứ hai, 12-9-2016 tại nhà nguyện Thánh Marta

Sự chia rẽ đã phá hoại Hội Thánh và ma quỷ nỗ lực tấn công vào gốc rễ của sự hiệp nhất, gốc rễ của sự hiệp nhất là việc cử hành Thánh Lễ. Đó là lời mà Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trong Thánh lễ sáng nay tại Nhà nguyện Thánh Marta, nhân ngày lễ Danh thánh Mẹ Maria.

Giải thích thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, Đức Thánh Cha nói rằng, ma quỷ có hai vũ khí lợi hại để phá hoại Hội Thánh, đó là sự chia rẽ và tiền bạc. Những điều này xảy ra ngay từ thời đầu: những chia rẽ về tư tưởng và về thần học đã xâu xé Hội Thánh. Ma quỷ đã gieo rắc tham vọng và ghen tuông để chia rẽ. Sau cuộc chiến của chia rẽ thì tất cả bị hủy diệt, còn ma quỷ thì chạy trốn trong sung sướng. Trong khi đó, chúng ta trở nên trần trụi trong trò chơi của ma quỷ. Cũng có thứ chiến tranh nhơ bẩn tựa như khủng bố. Đó là những lời nói hành nói xấu trong các cộng đoàn. Đó là những thứ ngôn ngữ để giết hại.

Những chia rẽ trong Giáo Hội không để cho Nước Trời được lớn lên, không để cho Chúa được hiện diện như chính Ngài. Những chia rẽ là điều mà anh chị em đang thấy, sẽ thấy và lại thấy… Luôn có! Nhưng ma quỷ đi xa hơn sâu hơn. Chúng không chỉ tấn công vào cộng đoàn Kitô hữu, mà còn vào tận gốc rễ của sự hiệp nhất Kitô, là tấn công vào việc cử hành Thánh Lễ. Điều này đã xảy ra trong cộng đoàn Cô-rin-tô.

Nơi cộng đoàn Cô-rin-tô thời ấy, có sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo trong việc cử hành Thánh Lễ. Đức Thánh Cha nói: Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha về sự hiệp nhất, nhưng ma quỷ thì ra sức phá hoại.

Đức Thánh Cha nói: Cha nài xin anh chị em hãy làm tất cả những gì có thể để đừng phá hoại Hội Thánh với những chia rẽ về tư tưởng, tham vọng… Trên tất cả, hãy cầu nguyện và bảo vệ cội rễ hiệp nhất của Hội Thánh là thân thể Đức Kitô. Đó là, hàng ngày chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ hy sinh của Chúa Kitô trong Thánh Lễ.

Thánh Phaolô đã nói về sự chia rẽ giữa các Kitô hữu Cô-rin-tô hai ngàn năm trước… Những lời của thánh nhân vẫn thích hợp cho chúng ta hôm nay, cho Hội Thánh ngày nay. “Thưa anh em, về điều này, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại…” Và “bất của ai ăn Bánh và uông Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.”

Chúng ta hãy khẩn cầu cùng Thiên Chúa để Hội Thánh hiệp nhất, để không còn chia rẽ. Ơn hiệp nhất ở ngay trong cội rễ của Hội Thánh, là lễ hy sinh của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong Thánh Lễ hằng ngày.

Tứ Quyết, SJ

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Thiên Chúa luôn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta

Đưc Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 24 Thường Niên

VATICAN. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 11 tháng 09,  Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng với ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa. Ngài là một người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương.

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Phụng vụ hôm nay đề nghị với chúng ta chương 15, Tin Mừng theo thánh Luca. Chương này nói về lòng thương xót, bao gồm ba dụ ngôn, qua đó Đức Giêsu đáp lại những lời xì xầm của các kinh sư và luật sỹ. Họ chỉ trích Đức Giêsu về những hành động của Ngài. Họ nói: ‘Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng’ (Lc 15, 2). Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn mọi người hiểu rằng Thiên Chúa Cha muốn dành thái độ đón nhận, cảm thông và thương xót trước hết cho những người tội lỗi. Trong dụ ngôn thứ nhất, Thiên Chúa được miêu tả như vị mục tử sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con chiên để đi tìm con chiên bị lạc mất. Ở dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa được ví với người phụ nữ đánh mất đồng bạc, đã thắp đèn đi tìm cho kỳ được. Với dụ ngôn thứ ba, Thiên Chúa được miêu tả giống như người cha đón nhận và tha thứ cho đứa con hoang đàng bỏ nhà đi xa; hình ảnh người cha đã vén mở trái tim nhân hậu của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu.

Điểm chung của cả ba dụ ngôn này là điều được diễn tả ngang qua các động từ có ý nghĩa chung vui với nhau, mở tiệc ăn mừng. Không phải khóc than, buồn sầu nhưng là chung vui với nhau và mở tiệc mừng. Người mục tử đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó’ (Lc 15, 6).  Người phụ nữ cũng mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất’ (Lc 15, 9). Cũng vậy, người cha nói với đứa con cả: ‘Chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’ (Lc 15, 32). Ở hai dụ ngôn đầu, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự vui mừng. Niềm vui ấy lớn đến nỗi khiến cho người ta phải chia sẻ với ‘bạn bè và hàng xóm’. Trong dụ ngôn thứ ba, điểm quan trọng là tiệc mừng. Tiệc mừng ấy xuất phát từ trái tim giầu lòng thương xót của người cha và lan tỏa đến khắp mọi người trong nhà. Tiệc mừng mà Thiên Chúa dành cho những ai biết ăn năn trở lại với Ngài thật am hợp biết bao với tâm tình mà chúng ta đang trải nghiệm trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Chúng ta đều dùng một thuật ngữ chung ‘năm toàn xá’!

Với ba dụ ngôn này, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa, là người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Dụ ngôn cảm động nhất, vì diễn tả tình yêu vô biên của Thiên Chúa, là dụ ngôn về người cha chạy ra ôm cổ người con trai bị lạc mất và hôn lấy hôn để. Như vậy, điểm đánh động ở đây không phải là câu chuyện buồn về một chàng thanh nhiên trẻ bị rơi vào cảnh suy đồi, nhưng chính là những lời nói đầy xác quyết của anh: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha’ (Lc 15, 18). Con đường về nhà là con đường của hy vọng và của một đời sống mới. Thiên Chúa luôn chờ đợi chúng ta bắt đầu cuộc hành trình trở về. Ngài đợi chờ chúng ta với niềm hy vọng. Ngài trông thấy ta khi ta còn ở mãi đằng xa. Ngài chạy ra ôm chầm lấy ta, hôn lấy hôn để và sẵn sàng tha thứ hết mọi tội lỗi. Thiên Chúa là như thế đó! Cha của chúng ta đáng yêu như thế đó! Sự tha thứ của Thiên Chúa xóa bỏ quá khứ lầm lỗi và tái sinh chúng ta trong tình yêu. Quên đi quá khứ chính là điểm yếu của Thiên Chúa. Mỗi khi Ngài ôm lấy ta và tha thứ cho ta là Ngài quên hết quá khứ, chẳng còn nhớ gì nữa. Thiên Chúa lãng quên quá khứ lỗi lầm. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. Chính Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã nói: ‘Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn’ (Lc 15, 7). Tôi muốn hỏi anh chị em một điều: Anh chị em có bao giờ nghĩ rằng mỗi khi chúng ta đi xưng tội là trên trời tràn ngập niềm vui và mở tiệc mừng hay không? Anh chị em có bao giờ nghĩ như thế chưa? Thật là đẹp biết bao!

Điều này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, vì với ân sủng của Thiên Chúa chúng ta có thể tiếp tục đứng dậy mỗi khi té ngã trước mọi tội lỗi dù tội đó trầm trọng đến mấy đi nữa. Không có ai là hết phương cứu chữa; chẳng có ai mà không được cứu độ! Bởi vì Thiên Chúa không bao giờ ngừng muốn những điều tốt đẹp cho ta, ngay cả khi ta phạm tội! Xin Đức Trinh Nữ Maria, Chốn Náu Nương cho những ai tội lỗi, làm nảy sinh trong tâm hồn chúng ta niềm xác tín giống như đã nảy sinh trong trái tim của người con hoang đàng: ‘Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: Thưa cha, con thật đắc tội với cha’ (Lc 15, 18). Bằng cách đó, chúng ta có thể làm vui lòng Thiên Chúa và niềm vui của Ngài sẽ trở thành niềm vui cũng như tiệc mừng của chúng ta.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói: “Tôi mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện đặc biệt cho Gabon, đang trải qua những giây phút khủng hoảng chính trị trầm trọng. Tôi phó thác vào tay Thiên Chúa toàn năng các nạn nhân của những vụ đụng độ cũng như gia đình của họ. Tôi hiệp lời với các Giám mục của đất nước Phi châu mến yêu để mời gọi các bên chấm dứt mọi hình thức bạo lực và cùng nhau thăng tiến lợi ích chung. Tôi khuyến khích tất cả mọi người xây dựng hòa bình trên tinh thần tôn trọng luật pháp, trong đối thoại và tình huynh đệ.

Hôm nay tại Karaganda, ở Kazakhstan, Giáo hội đã tôn phong chân phước cho linh mục Ladislao Bukowinski. Ngài đã bị sát hại vì đức tin. Trong suốt cuộc đời, cha đã bày tỏ tình yêu dạt dào cho những người yếu đuối và nghèo khổ nhất. Chứng tá của cha là kết tinh của những công việc bác ái về tinh thần cũng như thể xác.”

Tiếp đến, Đức Thánh Cha gởi lời chào thân ái đến tất cả các tín hữu ở Roma và khách hành hương đến từ Italia cũng như các quốc gia khác.

Cuối cùng Đức Thánh Cha chúc tất cả mọi người ngày Chúa nhật tốt lành và Ngài cũng không quên xin mọi người cầu nguyện cho Ngài.

Vũ Đức Anh Phương SJ

 

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh: 10-9-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh: 10-9-2016

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung nhân dịp Năm Thánh

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến 30 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 10-9-2016, ĐTC phê bình ảo tưởng của nhiều người ngày nay, tưởng rằng mình có thể được giải thoát nhờ sức riêng của mình.

Đây là buổi tiếp kiến chung đặc biệt trong Năm Thánh mỗi tháng một lần vào một buổi sáng thứ bẩy. Trong bài huấn giáo, ĐTC đã nói về đề tài ”Lòng thương xót và ơn cứu chuộc, dựa trên thư thứ I của thánh Phêrô, đoạn 1 (1,18-21): Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta trong máu của Chúa Giêsu Con của Ngài.

ĐTC nhận xét rằng ”Dường như con người ngày nay không thích nghĩ mình được giải thoát và cứu độ nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa; họ có ảo tưởng về tự do của mình như sức mạnh để đạt được mọi sự. Nhưng thực tế không phải như vậy. Bao nhiêu ảo tưởng đã được bán đi dưới danh nghĩa tự do và bao nhiêu thứ nô lệ mới người ta tạo nên ngày nay nhân danh một thứ tự do giả tạo! Chúng ta cần Thiên Chúa Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức dửng dưng, ích kỷ và tự mãn”.

ĐTC xác quyết rằng ”Nhờ sự chết và phục sinh của Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Con Chiên không vết tỳ ố, đã chiến thắng sự chết và tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của chúng. Người là Con Chiên đã bị sát tế vì chúng ta, để chúng ta có thể đươc một cuộc sống mới với ơn tha thứ, yêu thương và vui mừng”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Chắc hẳn cuộc sống đặt chúng ta trước thử thách và nhiều khi chúng ta đau khổ vì những thử thách ấy. Nhưng trong những lúc đó, chúng ta được mời gọi hướng nhìn Chúa Giêsu chịu đóng đanh, Người đang chịu đau khổ vì chúng ta và với chúng ta, như bằng chứng chắc chắn Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Dầu sao chúng ta không bao giờ được quên rằng trong lo âu và bách hại, cũng như trong những đau khổ hằng ngày, chúng ta luôn được giải thoát nhờ bàn tay thương xót của Thiên Chúa, Đấng nâng chúng ta lên cùng Người và dẫn chúng ta đến một đời sống mới”.

ĐTC cũng nhắc nhở rằng: ”Tình thương của Thiên Chúa thật là vô biên: chúng ta có thể khám phá những dấu hiệu luôn mới mẻ chỉ cho chúng ta thấy sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta, và nhất là ý Chúa muốn đến với chúng ta và đi trước chúng ta. Toàn thể cuộc sống của chúng ta, tuy bị mong manh vì tội lỗi, vẫn được đặt dưới cái nhìn của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta” (SD 10-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

Đức Thánh Cha tiếp các Giám Mục xứ truyền giáo

VATICAN. ĐTC khích lệ các GM tại các xứ truyền giáo cảm nghiệm và biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa trong sứ vụ Giám Mục của mình.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 9-9-2016 dành cho 94 GM thuộc các xứ truyền giáo, đang tham dự khóa bồi dưỡng do Bộ truyền giáo tổ chức tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Phaolô ở Roma, cho đến ngày 16-9 tới đây. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Bộ truyền giáo, và các chức sắc của Bộ.

Trong số các tham dự viên, có 6 GM Việt Nam, đó là Đức Cha Nguyễn Tấn Tước, Phú Cường, Đức Cha Nguyễn Văn Hai, GM Vĩnh Long, Đức Cha Nguyễn Hùng Vị, GM Komtum, Đức Cha Trần Văn Toản, Phụ tá Long Xuyên, và Đức Cha Nguyễn Hồng Sơn, Phụ tá Bà Rịa, Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Phụ tá Sàigòn.

Huấn từ của ĐTC

Nhắc đến khóa học của các GM diễn ra trong Năm Thánh lòng thương xót, ĐTC nói rằng: ”Mỗi GM đích thân cảm nghiệm thực tại lòng thương xót của Chúa, và trong tư cách là đại diện ”Vị Đại Mục tử của đoàn chiên” (Dt 13,20), Giám Mục được kêu gọi biểu lộ bằng cuộc sống và sứ vụ Giám Mục, tình phụ tử của Thiên Chúa, lòng từ nhân, sự ân cần, lòng thương xót, sự dịu dàng và đồng thời biểu lộ thế giá của Chúa Kitô, Đấng đã đến để hiến mạng sống và làm cho tất cả mọi người thành một gia đình duy nhất, được hòa giải trong tình yêu của Chúa Cha”.

 ĐTC nhắc nhở các GM thuộc các xứ truyền giáo rằng: ”Theo hình ảnh vị Mục Tử nhân lành, anh em được mời gọi chăm sóc đoàn chiên và đi tìm các con chiên, nhất là những chiên ở xa xăm hoặc lạc đường; tìm kiếm những thể thức mới để loan báo, đi gặp gỡ con người, giúp đỡ những người đã nhận hồng ân bí tích rửa tội tăng trưởng trong đức tin, để các tín hữu, cả những người ”nguội lạnh” hoặc không thực hành đạo, tái khám phá niềm vui đức tin và sự phong phú truyền giáo (EG 11). Vì thế, tôi khuyến khích anh em đi gặp cả những con chiên chưa thuộc đoàn chiên của Chúa Kitô”.

Trong bài huấn dụ, ĐTC cũng kêu gọi các GM quan tâm đến các giáo dân, khuyến khích, đồng hành và khích lệ các sáng kiến và nỗ đang có để duy trì niềm hy vọng và đức tin được luôn sinh động…

Các GM cũng cần chú ý đến việc đào tạo LM trong những năm ở chủng viện, và không quên đồng hành với họ trong việc thường huấn sau khi chịu chức. ”Anh em hãy cống hiến cho các linh mục một tấm gương cụ thể và hữu hình. Khi có thể anh em cũng hãy cố gắng tham dự với họ những giai đoạn chính trong việc huấn luyện, luôn chăm sóc cả chiều kích bản thân nữa”.

Chống chia rẽ

Sau cùng ĐTC cảnh giác các GM ”làm sao để những hoạt động mục vụ mà anh em cổ võ không bị thương tổn hoặc bị tiêu tán vì những chia rẽ hiện có hoặc có thể xảy ra. Chia rẽ là võ khí mà ma quỉ có trong tay nhiều nhất để phá hủy Giáo hội từ bên trong. Hắn có hai võ khí, nhưng cái chính yếu là chia rẽ; võ khí kia là tiền bạc. Ma quỉ đi vào qua các túi và phá hủy bằng miệng lưỡi, với những lời nói hành nói xấu gây chia rẽ, và thói quen nói hành nói xấu là tập quán ”khủng bố”. Kẻ nói hành nói xấu là một ”tên khủng bố” ném bom để phá hủy. Xin anh em vui lòng chiến đấu chống chia rẽ vì đó là một trong những võ khí của ma quỉ để phá hoại Giáo Hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Nhất là những khác biệt vì các sắc tộc khác nhau trong cùng một lãnh thổ không được xen vào các cộng đồng Kitô đến độ ảnh hưởng trên thiện ích của các tín hữu. Giáo Hội luôn được kêu gọi vượt lên trên những sắc thái bộ lạc, văn hóa, và GM là nguyên lý hữu hình của tình hiệp nhất, có nghĩa vụi không ngừng xây dựng Giáo Hội địa phương trong tình hiệp thông của tất cả các phần tử của mình” (SD 9-9-2016)

 G. Trần Đức Anh OP

Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Sự ngạc nhiên tốt đẹp: cha Lombardi bình luận cuốn sách mới về ĐGH Biển đức XVI

Nguyên GH Biển đức XVI

Ngày hôm nay, cuốn sách “Biển đức XVI. Những cuộc trò chuyện cuối cùng” sẽ được phát hành bằng tiếng Ý trên toàn thế giới.

Cuốn sách thuật lại các cuộc phỏng vấn của ký giả người Đức Peter Seewald với Đức Giáo hoàng danh dự, bao gồm những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của ngài, từ thời niên thiếu dưới chế độ Đức quốc xã, việc khám phá ơn gọi, những năm khó khăn trong chiến tranh, phục vụ ở Vatican và mối liên kết chặt chẽ với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho đến cuộc bầu Giáo hoàng và quyết định từ nhiệm. Đức Giáo hoàng danh dự cũng nói về Đức Giáo hoàng Phanxicô, bày tỏ sự ngạc nhiên và rồi vui mừng vì việc bầu Đức Phanxicô chứng tỏ rằng Giáo hội sống động, linh hoạt và không cứng nhắc trong những chương trình và điều này đáng khen ngợi và khuyến khích.

Cha Federico Lombardi, nguyên là Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và đương kim chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ Joseph Ratzinger-Benedetto XVI của Vatican đã nhận định:  cuốn sách mới thuật lại cuộc phỏng vấn với Đức Biển đức XVI, được phát hành bằng các thứ tiếng khác nhau, chắc chắn đối với nhiều người là một ngạc nhiên, nhưng chúng ta có thể nói đó là một sự ngạc nhiên tốt đẹp.”

Cha Lombardi phân tích: “Một ngạc nhiên theo nghĩa là, Đức Biển đức đã đưa ra một chọn lựa rõ ràng là dành đời mình cho cuộc sống cầu nguyện và suy tư. Có lẽ chúng ta không chờ đợi việc xuất bản một cuộc trò chuyện mới, dài, với một ký giả. Một ngạc nhiên tốt đẹp, vì, vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu, việc đọc cuốn sách cách thong thả giúp chúng ta nhận ra những viên ngọc rất quý giá và có giá trị lớn lao, những viên ngọc hữu ích và thú vị. Những viên ngọc quý giá, theo tôi, có 2 điều, nằm trong phần I và chương cuối của phần III của cuốn sách”. Theo cha, hai điều quan trọng là: chứng tá của Đức Biển đức trong giai đoạn cuối đời và lý do ngài từ chức.

Cha Lombardi nhận định: “Điều đầu tiên và chính yếu là kinh nghiệm thiêng liêng cảm động của vị Giáo hoàng danh dự cao tuổi “trong hành trình đạt đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Tóm lại, Đức Biển đức XVI nói cách bình thản về việc ngài đang sống thế nào trong chiêm niệm và cầu nguyện giai đoạn cuối cùng của cuộc sống. Thánh Gioan Phaolô II đã cho chúng ta chứng tá quý giá về cách ngài chịu đựng trong đức tin sự đau đớn nặng nề của bệnh tật. Đức Biển đức XVI cho chúng ta chứng tá của con người của Thiên Chúa, tuổi già chuẩn bị cho cái chết. Ngài nói với cung giọng khiêm nhường và của con người trong nhận biết sự yếu đuối thể lý làm cho ngài khó mà luôn luôn ở mãi được, như ngài mong muốn, trong “đỉnh cao của tinh thần”. Ngài nói với chúng ta về mầu nhiệm lớn lao của Thiên Chúa, về những câu hỏi lớn đã theo ngài trong đời sống thiêng liêng và tiếp tục theo ngài, và có thể là ngày càng trở nên lớn hơn, giống như sự hiện diện của sự dữ trong thế giới. Ngài nói với chúng ta đặc biệt về Chúa Giêsu Kitô, tâm điểm thật sự của cuộc đời của ngài mà ngài “thấy ngay trước mặt” ngài, “luôn luôn vĩ đại và mầu nhiệm”, và sự thật là bây giờ ngài tìm thấy “rất nhiều lời của Tin Mừng, vì sự cao cả và nghiêm trọng của các lời này, khó khăn hơn ngài nhận thấy trong quá khứ”.

Đức Giáo hoàng già yếu sống sự tiếp cận với ngưỡng cửa của mầu nhiệm “không rời bỏ sự chắc chắn của nền tảng của đức tin và lưu lại, và như thế nói là “đắm mình trong đức tin”. “Chúng ta nhận ra rằng cần phải khiêm tốn, nhận ra là nếu người ta không hiểu lời Kinh thánh, người ta phải chờ đợi cho đến khi Thiên Chúa mở ra cho chúng ta hiểu biết.

Đức Biển đức nói cách thanh thản về cái nhìn về cuộc sống quá khứ của ngài và “gánh nặng tội lỗi”, về hối tiếc đã không làm đủ cho người khác, nhưng cả sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, về thực tế là vào giây phút gặp gỡ “ngài sẽ cầu nguyện xin được Thiên Chúa khoan dung với sự đau khổ của ngài” và với sự xác tín rằng trong cuộc sống vĩnh cửu “ngài sẽ thật sự được về nhà””.

Cha Lombardi nói về khía cạnh quan trọng thứ hai: “Bên cạnh viên ngọc thật sự nền tảng này, từ một cấp độ khác – thấp hơn nhưng nổi bật – được đánh giá cao, đó là câu trả lời rõ ràng và bình thản cho tất cả những suy đoán vô căn cứ về lý do ngài từ chức vụ Giáo hoàng, giống như là do gặp phải những khó khăn từ các bê bối và các âm mưu. Được những câu hỏi của ký giả Seewald gợi lên, chính Đức Biển đức XVI đã quyết định làm rõ vấn đề, theo cách chúng ta hy vọng dứt khoát, ngài nói về hành trình phân định mà qua nó ngài đến trước Thiên Chúa với quyết định, và với sự thanh thản ngài đã thông báo và thực hiện mà không có sự phân vân và không bao giờ hối tiếc. Ngài khẳng định là quyết định được đưa ra không phải do áp lực của các vấn đề bức xúc, nhưng đúng hơn, chỉ khi những vấn đề này đã được khắc phục về cơ bản. “Tôi đã có thể phải từ chức chính vì những vấn đề đó đã trở lại bình an”. Đây không phải là một cuộc rút lui dưới áp lực của những sự kiện hay một cuộc trốn chạy vì không đủ khả năng đối phó với nó”.

Theo cha Lombardi, những lời của Đức Biển đức vừa trả lời cho những đồn thôi vô căn cứ về quyết định của ngài, vừa cho thấy tính hợp lý và thuyết phục của nó. Khi ngài thấy không còn thích hơp cho việc thi hành trách nhiêm điều hành Giáo hội vì những lý do thể lý và tâm lý thì việc từ chức là nghĩa vụ và bình thường. Cha cũng nhận xét, có thể việc biện phân của Đức Biển đức trong trường hợp này sẽ giúp cho các vị kế nhiệm một khả năng chọn lựa  dễ dàng theo.

Cha Lombardi cũng đưa ra một số đề tài thú vị khác như: suy tư của Đức Biển đức về việc tham dự Công đồng Vatican II, việc cộng tác với thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, suy tư thần học, vv.

Cha Lombardi kết luận: Ngay cả cái nhìn về triều đại Giáo hoàng, trong những điểm sáng và giới hạn của ngài, sáng suốt và thanh thản, giống như thích hợp với những ai “đếm tháng ngày của mình” đã học được cách nhìn vào các sự kiện của thế giới này với “sự khôn ngoan của trái tim” (x. Tv 90), và có thể phó thác cuộc đời và hoạt động cho Thiên Chúa với sự tin tưởng”. (RV 09/09/2016)

15 triệu khách hành hương đến Rome trong 9 tháng đầu Năm Thánh Lòng thương xót

15 triệu khách hành hương đến Rome trong 9 tháng đầu Năm Thánh Lòng thương xót

Pilgrim in jubilee year 2016

Hôm 07/09 vừa qua, Hội đồng Tòa Thánh Tái Truyền giảng Tin mừng đã cho biết có hơn 15 triệu khách hành hương đi qua cửa Năm Thánh trong vòng 9 tháng đầu Năm Thánh Lòng thương xót.

Cha Eugene Sylva thuộc Hội đồng chia sẻ với đài Vatican về kinh nghiệm của các khách hành hương trong Năm Thánh Lòng Thương xót. Cha nhận xét là con số khách hành hương trong hai tháng 7 và 8 thật là ngạc nhiên một cách kỳ diệu, vì các du khách thường tránh đến Roma trong  cái nắng thiêu đốt của mùa hè. Theo cha, “đây là bằng chứng lòng thương xót đang chạm đến trái tim của nhiều người trên khắp thế giới và soi sáng cho họ đến và đi qua Cửa Thánh để nhận hồng ân của thời gian không thể tin được này và để gặp Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng là điều quan trọng”.

Cha Sylva cũng lưu ý việc  Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhớ Giáo hội về sứ vụ lòng thương xót trong Năm Thánh và chính trên đó Giáo hộ được thành lập; đó là điều mà trong những cách thế nhỏ nhặt chúng ta có thể thể hiện và chia sẻ lòng thương xót, dù là bị bó buộc trong phòng bệnh hay trong nhà dưỡng lão. Đức Thánh Cha đã làm gương qua thực hành các ngày Thứ Sáu của lòng thương xót. Ngài muốn thực hành cách riêng tư để có kinh nghiệm cá nhân thực sự với một nhóm người. Nhưng qua chúng ta, nhiều người có thể được nhìn thấy việc ngài làm và theo gương ngài, vì các việc thiêng liêng và cụ thể của lòng thương xót rất quan trọng trong Năm thánh này.

Cha nhận định là Năm thánh cũng đưa ra một động lực mới cho việc tái truyền giảng Tin mừng. Cha nói: “Năm thánh này đang thúc đẩy chúng ta cùng với việc tái truyền giảng Tin mừng. Nó giúp chúng ta thấy kế hoạch mục vụ về những nơi kế tiếp sẽ đi và để buộc lại toàn bộ biện chứng của tình yêu và đức tin – và đức tin và tình yêu – đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, là điều rất cần thiết trong việc chúng ta thực hiện cụ thể kế hoạch đó cho việc tái truyền giảng Tin mừng”. (RV 09/09/2016)

Hồng Thủy

Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Kinh nghiệm cầu nguyện trong lúc đau khổ của bà Jennifer Hubbard

Jennifer Hubbard 1

Đối với nhiều người, cầu nguyện thật là khó khăn trong những giờ phút đau khổ cùng cực tuyệt vọng. Lúc đó người ta thường không nhớ đến Thiên Chúa, hoặc có nhớ đến Ngài thì thường là kêu than oán trách, tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với tôi. Nhưng đối với bà Jennifer Hubbard, một cộng tác viên của báo Magnificat, chính việc cầu nguyện đã giúp bà vượt qua được những giây phút khó khăn nhất trong cuộc đời của bà. Bà Hubbard và gia đình đã thật sự sống những giây phút thảm kịch vào tháng 12 năm 2012.  Hai em bé con của bà Hubbard đang học tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown bang Connecticut. Một ngày, dân cư tại Newtown nhận tin báo, có một kẻ cầm súng vào trường tiểu học. Một vụ nổ súng đã xảy ra tại trường. Đã có 20 trẻ em và 6 người lớn bị thiệt mạng trong vụ nổ súng. Catherine Violet, con gái của bà Hubbard, là một trong số các nạn nhân; cô bé khi ấy mới chỉ 8 tuổi.

Khi nghe tin vụ nổ súng xảy ra tại trường học các con của mình đang theo học, bà Hubbard và chồng, giống như thân nhân của các học sinh và nhân viên của trường, vội vàng chạy đến trạm cứu hỏa và chờ đợi để nghe tin tức về các người thân yêu của họ. Trong lúc chờ nhận tin về hai con, bà Hubbard đã cầu nguyện xin Chúa đưa con gái Catherine của bà về nhà; bà cầu xin Chúa mà bà yêu kính gìn giữ con gái bà được bình an. Bà đã cầu nguyện để con gái bà sẽ xuất hiện tại trạm cứu hỏa bà đang chờ, nhưng sự việc không xảy ra như lời cầu xin của bà. Con gái Catherine của bà là một trong số các nạn nhân bị thảm sát. Thời gian dần qua, bà Hubbard nhận thấy là mình đã được Chúa đáp lời. Catherine đã về nhà. Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bà và đưa con gái bà trở về nhà. Bà đã có hy vọng được nhìn thấy lại đứa con gái bé bỏng yêu quý của mình.

Bà Hubbard chia sẻ: “Tất cả chúng ta đều gặp phải những thử thách, tất cả chúng ta đều đối mặt với những thảm kịch. Thảm kịch của tôi là con gái của tôi bị giết. Thảm kịch của người khác có thể là kết luận của bác sĩ là ung thư đã ở giai đoạn cuối và không thể chữa trị. Khi chúng ta thực sự ở trong bóng tối của khó khăn đau khổ đó, việc cầu nguyện hướng sự chú ý của chúng ta về Thiên Chúa và cho phép sự bình an cư ngụ trong tâm hồn chúng ta bất chấp hỗn loạn cỡ nào đang vây quanh chúng ta.”

Theo bà Hubbard, những người đang gặp khó khăn về cầu nguyện thường là vì họ lo lắng là họ không thể làm được điều gì cụ thể, họ cảm thấy cầu nguyện không đủ giúp vượt qua khó khăn. Nhưng bà Hubbard nhận thấy là cầu nguyện chuẩn bị cho chúng ta quy hướng về Thiên Chúa và tình yêu của Người dành cho chúng ta, chống lại thử thách và khó khăn. Bà nói: "Bạn cầu nguyện với lòng tin tưởng rằng lời cầu nguyện của bạn sẽ được đáp lời, nhưng bạn cũng cầu nguyện với sự nhận thức là ý Chúa sẽ là điều tốt nhất”. Lời cầu nguyện không luôn được đáp trả như chúng ta chờ đợi.

Đối với bà Hubbard, lời cầu nguyện chân thành diễn tả một niềm hy vọng rằng một điều gì đó sẽ thay đổi. Đối với người cầu nguyện, có một vẻ đẹp là sự thay đổi diễn ra trong trái tim của người đó. Cầu nguyện và hy vọng đi đôi với nhau. Cầu nguyện là tiếp tục mối liên hệ đâm rễ sâu và cuộc đối thoại với người duy nhất có thể mang lại cho bạn sự hướng dẫn, ý nghĩa và bình an trong cuộc sống. Bà Hubbard cũng cảnh giác về sự nguy hiểm của không cầu nguyện: “Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, khi chúng ta tự giải quyết vấn đề hay tìm câu trả lời mà chúng ta muốn Thiên Chúa đáp trả cho chúng ta, tôi nghĩ nó nguy hiểm. Khi chúng ta không lắng nghe Thiên Chúa, chúng ta chỉ hiếu chiến. Chúng ta đang đặt chúng ta trên Thiên Chúa. Không lắng nghe Thiên Chúa, tự giải quyêt vấn đề, chúng ta cảm thấy như chúng ta tự làm được. Người ta cố gắng và nhúng tay vào giải quyết một tình cảnh nhưng chỉ làm cho nó thành một mớ hỗn độn khủng khiếp. Không cầu nguyện, không lắng nghe Thiên Chúa, hay chỉ đầu hang trước bất cứ điều gì mình gặp phải, nó sẽ nắm giữ bạn lại, ngăn bạn nhìn thấy mục đích và đau khổ đó, bạn sẽ thất bại. Cầu nguyện là một lời đáp trả chứng tỏ bạn biết Thiên Chúa có một điều gì đó sẵn sàng cho bạn. (CNA 21/07/2016)

Hồng Thủy

 

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

Đức Thánh Cha cổ võ đối thoại liên tôn tại Mỹ châu

VATICAN. ĐTC đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này.

ĐTC bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 8-9-2016, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Roma từ hôm 7-9-2016, với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này. Hội nghị do Viện đối thoại liên tôn ở Buenos Aires Argentina cùng với Tổ chức các quốc gia Mỹ châu đứng ra phối hợp dưới sự giám sát của Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn. Các tham dự viên đã bàn về việc bảo vệ căn nhà chung của nhân loại, theo thông điệp 'Laudato sí' của ĐTC Phanxicô.

Ngỏ lời trong buổi tiếp kiến, ĐTC nói: ”Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Ngài trong thiên nhiên, kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người” (LS 201).

Trong ý hướng đó, ĐTC cổ võ sự cộng tác liên tôn, dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: ”Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của thiê Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta”.

ĐTC nhấn mạnh rằng ”Mỗi cuộc gặp gỡ với tha nhân là một hạt giống nhỏ được gieo vãi; nếu nó được tưới gội chăm chỉ và tôn trọng, dựa trên sự thật, thì sẽ lớn thành cây xum xuê, với nhiều hoa trái, nơi mà tất cả có thể hưởng bóng mát và có thể nuôi dưỡng mình, không ai bị loại trừ, và tại đó mọi người sẽ trở nên thành phần của một dự án chung, liên kết những nỗ lực và khát vọng của mình”.

Sau cùng, ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác của những tín hữu và những người thiện chí, những người không tín ngưỡng trong việc bảo vệ các quyền con người, chống lại những tai ương của thế giới chúng ta như chiến tranh và đói kém, nạn lầm than đang đè nặng trên hàng triệu ngừơi, cuộc khủng hoảng môi trường, bạo lực, tham ô, và sự suy đồi luân lý. cuộc khủng hoảng gia đình, và kinh tế, nhất là sự thiếu hy vọng”.

ĐTC không quên lên án sự lạm dụng tôn giáo để gây ra những hành vi tàn ác như khủng bố, gieo rắc sợ hãi và bạo lực, và vì thế có những người coi tôn giáo như là những tổ chức tạo nên tai gương trên thế giới. Cần phải cùng nhau quyết liệt lên án những hành động đáng kinh tởm như thế và xa tránh tất cả những gì tìm cách làm ô nhiễm các tâm hồn, chia rẽ và hủy hoại sự sống chung. Cần chứng tỏ các giá trị tích cực gắn liền với các truyền thông tôn giáo của chúng ta, để mang lại một động lực hy vọng vững chắc” (SD 8-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP

Sự kiện lịch sử của Giáo hội Lào: lễ truyền chức Linh mục và phong chân phước

Sự kiện lịch sử của Giáo hội Lào: lễ truyền chức Linh mục và phong chân phước

Paolo Thoj Xyooj and Mario Borzaga

Viên chăn, Lào – Giáo hội Công giáo tại Lào đang vui mừng chuẩn bị cho hai sự kiện quan trọng trong lịch sử của Giáo hội tại đây.

Như hãng tin Fides đã loan tin, ngày 16/09 tại Savannakhet sẽ có lễ truyền chức cho 3 phó tế người Lào và ngày 11/12, Chúa nhật thứ II mùa Vọng, như Tòa Thánh quy định, tại Viên chăn sẽ có lễ phong chân phước cho 17 vị tử đạo, gồm có các Linh mục, tu sĩ và giáo dân đã hy sinh mạng sống tại Lào.

Đức Hồng y Orlando Quevedo, Tổng Giám mục Cotabato, đặc sứ của Đức Thánh cha Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ phong chân phước ngày 11/12. Các vị tử đạo đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận trong 2 án phong chân phước. Án thứ nhất có cha Mario Borzaga, thừa sai người Italia, thuộc dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI) và Paolo Thoj Xyooj, giáo lý viên đầu tiên của Lào; 2 vị đã bị giết bởi những kẻ thù ghét đức tin. Án thứ hai gồm có vị Linh mục người Lào đầu tiên, đó là cha Giuse ThaoTien và 14 vị khác, gồm 10 vị thuộc Hội thừa sai Parí (MEP) và Hiến sĩ Đức Mẹ Vô nhiễm (OMI), cùng với 4 giáo lý viên giáo dân người bản địa. 15 vị này bị giết giữa các năm 1954 và 1970 bởi các chiến binh cộng sản Pathet Lao.

Trong Thánh lễ truyền chức Linh mục vào ngày 16/09 sẽ có sự hiện diện của các Giám mục Lào của các địa phận Tông tòa Viên chăn, Luang Prabang, Savannakhet và Paksè. 3 phó tế sẽ được thụ phong Linh mục đến từ địa phận Tông tòa Luang Prabang

Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun, đại diện Tông tòa của Paksè nói với hãng tin Fides: “Đây là một thời khắc lịch sử cho Giáo hội chúng tôi, thật sự là một năm hồng ân. Chúng tôi thật vui mừng. Chúng tôi đã dấn thân trong việc chuẩn bị 2 sự kiện quan trọng này”. Đức cha cũng cho biết Giáo hội vui mừng vì Lào đang cởi mở và Giáo hội cũng được hưởng lợi ích từ chính sách này. Giáo hội cũng hy vọng sẽ cộng tác với chính quyền dân sự vì lợi ích của Giáo hội và của nhân dân Lào. Đức cha hy vọng các vị đại diện của Giáo hội Campuchia, cùng chung một Hội đồng Giám mục với Lào, cũng như các vị đại diện Giáo hội của các quốc gia láng giềng sẽ đến dự.

Đức cha kết luận: “Đối với chúng tôi, đây là một sự kiện hiêp thông trọng vẹn với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ. Chúng tôi cám ơn Đức Thánh cha Phanxicô đã cho phếp lễ phong chân phước cho các vị tử đạo được tổ chức tại Lào. Nó là một quà tặng lớn lao cho chúng tôi”. (Fides 08/09/2016)

Hồng Thủy

Mục vụ chăm sóc người khiếm thính của Giáo hội Tây ban nha

Mục vụ chăm sóc người khiếm thính của Giáo hội Tây ban nha

buổi cầu nguyện của người khiếm thính

Madrid, Tây ban nha – Trong Giáo hội Công giáo, ngôn ngữ nói là ngôn ngữ chính của phụng vụ. Các tín hữu đọc kinh Tin kính, hát kinh Vinh danh ngợi khen Thiên Chúa, cúi đầu khi nghe Linh mục đọc lời chúc lành cúôi Thánh lễ, vv. Nhưng đối với các tín hữu khiếm thính và bị điếc thì lại khác.

Cha Sergio Buiza, giám đốc mục vụ người khiếm thính của hội đồng Giám mục Tây ban nha cho biết nhiệm vụ của họ là “mang Tin mừng đến với số người bao nhiêu có thể”, dĩ nhiên bao gồm người điếc và khiếm thính. Cha là một trong các Linh mục cử hành Thánh lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu tại một nhà thờ Công giáo ở Tây ban nha. Mỗi tuần cha dâng một Thánh lễ bằng ngôn ngữ ký hiệu tại nhà thờ chánh tòa Bilbao.

Tại Tây ban nha có khoảng một triệu người bị khiếm thính ở các mức độ khác nhau và bị mất thính giác hoàn toàn. Khoảng 1250 người trong số họ tham dự Thánh lễ mỗi tuần tại một trong 24 nhà thờ nơi có Thánh lễ dành cho họ. Tại các giáo xứ có mục vụ dành cho người khiếm thính, có đầy đủ các hoạt động như Thánh lễ, giáo lý, các nhóm Kinh Thánh, cử hành hôn phối và xưng tội. Tuy nhiên, cha Buiza cho biết, vấn đề lớn nhất chính là mỗi Giáo phận chỉ có một giáo xứ dành cho người khiếm thính, vì vậy những người này, trong đó có những người cao niên, phải di chuyển thật xa để đến nơi tham dự Thánh lễ.

Tháng 12 năm ngoái, hội đồng Giám mục Tây ban nha đã thông báo một chương trình mới được phối hợp với quỹ ONCE để gắn các vòng cảm ứng từ hay vòng nghe để giúp ngừoi khiếm thính. Các vòng này là những hệ thống âm thanh chuyển âm thanh thành một từ trường nhờ các máy trợ thính và các bộ xử lý cài đặt các “con ốc” (máy nghe nhỏ nhét vào tai) giúp nghe. Điều này ít nhất giúp cho những ai có những dụng cụ trợ thính như thế này có thể tham dự Thánh lễ đầy đủ hơn, nhưng nó không hữu ích đối với những người bị điếc hoàn toàn.

Giáo hội Tây ban nha đã hoạt động giúp cho các người khiếm thính từ hơn 50 năm nay. Có khoảng 173 người, dấn thân chăm sóc mục vụ cho người điếc. Nhiều người trong số họ bị điếc hay khiếm thính, bao gồm 140 giáo dân và 21 Linh mục. (CNA 08/09/2016)

Hồng Thủy

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

Đức Thánh Cha tiếp các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức

VATICAN. Sáng 8-9-2016 ĐTC tiếp kiến các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức thế giới, và ngài đề cao vai trò của ơn gọi chiêm niệm trong việc biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp Kitô.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Đức Thống Phụ Notker Wolf của Liên hiệp các Đan viện Biển Đức, ĐTC nhắc lại rằng ”Đời sống đan tu là con đường tuyệt hảo để giúp cảm nghiệm kinh nghiệm chiêm nhiệm và biểu lộ kinh nghiệm ấy qua chứng tá bản thân và cộng đoàn.

”Thế giới ngày nay ngày càng chứng tỏ rõ ràng nhu cầu lòng thương xót. Lòng thương xót không phải là một khẩu hiệu hay là một công thức, nhưng là trọng tâm của đời sống Kitô và đồng thời là một lối sống cụ thể, là hơi thở linh hoạt những quan hệ giữa con người với nhau và làm cho chúng ta quan tâm hơn tới những người nghèo, liên đới với họ. Xét cho cùng, lòng thương xót biểu lộ sự đáng tin cậy của sứ điệp mà Giáo Hội gìn giữ và loan báo.

ĐTC nhận xét rằng ”thời nay, Giáo Hội được kêu gọi ngày càng chú ý đến điều thiết yếu, và các đan sĩ nam nữ do ơn gọi, giữ gìn một hồng ân và một trách nhiệm đặc biệt, đó là giữ cho các ốc đảo tinh thần được sinh động, nơi mà các vị mục tử và tín hữu có thể kín múc nơi các nguồn mạch lòng thương xót của Chúa”.

ĐTC không quên đề cao sự hiếu khách của các đan sĩ Biển Đức, qua đó, ”Anh chị em có thể gặp những tâm hồn bị lạc hướng hoặc xa lìa Giáo Hội, những người ở trong tình cảnh nghèo khổ trầm trọng về mặt nhân bản và tinh thần”…

”Tuy sống tách biệt với thế gian, nhưng khu nội cấm của anh chị em không hề khô cằn, trái lại, đó là một sự phong phú chứ không phải là một cản trở tình hiệp thông. Việc lao tác, hòa hợp với kinh nguyện, làm cho anh chị em tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa và liên đới với người nghèo là những người không thể sống mà không làm việc”.

Đại Hội các Viện Phụ và Bề trên dòng Biển Đức tiến hành tại Đan viện Thánh Anselmo ở Roma từ ngày 3 đến 16-9 tới đây. Trong số khoảng 250 tham dự viên cũng có một số là người Việt.

Ngày 9-9-2016 này, Cha Notker Wolf, 76 tuổi, người Đức, chấm dứt nhiệm kỳ thứ 3 làm Thống Phụ (Abbas Primas), tổng cộng là 16 năm. Ngày 10-9-2016, Tổng hội sẽ bầu người kế vị đại diện cho hơn 20 ngàn đan sĩ nam nữ dòng Biển Đức trên thế giới.

Theo niên giám năm nay của Tòa Thánh, dòng nam Biển Đức hiện có 340 đan viện với khoảng 7.200 đan sĩ, họp thành 19 chi dòng, mỗi chi dòng có Viện Phụ Tổng Quyền riêng.

Các Đan viện Biển Đức tại Việt Nam thuộc chi dòng Subiaco, có trụ sở trung ương ở Roma và gồm có 80 đan viện ở các nước với gần 1.400 đan sĩ. Đây là chi dòng lớn nhất của dòng Biển Đức (SD 8-9-2016)

G. Trần Đức Anh OP 

Giám mục Hoa kỳ phản đối tài trợ nghiên cứu phôi nửa người nửa thú vật

Giám mục Hoa kỳ phản đối tài trợ nghiên cứu phôi nửa người nửa thú vật

US-Capitol Congress

Washington – Hội đồng Giám mục Hoa kỳ phản đối một đề nghị của Viện Y tế quốc gia (viết tắt là NIH) cho phép việc dùng quỹ liên bang tài trợ việc nghiên cứu trên các phôi thai một phần của người một phần động vật, được gửi cho cơ quan vào ngày 2 tháng 9.

Các Giám mục đã đưa ra những lý lẽ luân lý đạo đức và pháp luật để phản đối kế hoạch này. Các ngài nói rằng cuộc nghiên cứu như thế sản xuất ra những “cá thể” không hoàn toàn thuộc về chủng tộc loài người cũng như các chủng loại thú vật.

Nguyên tắc hiện tại của NIH cho việc nghiên cứu tế bào gốc của con người ngăn cấm đặc biệt việc đưa những tế bào gốc đa năng – những tế bào có khả năng sinh ra một số loại tế bào khác nhau – vào trong các phôi nang linh trưởng không phải con người, những tế bào ở giai đoạn đầu phát triển. NIH đề nghị tài trợ cho các nhà khoa học nghiên cứu những phôi như thế, được biết như các chimeras (những sinh vật bao gồm một hỗn hợp của các mô khác nhau về mặt di truyền, được hình thành bởi các quá trình như sự hợp nhất của các phôi mới hình thành, hoặc ghép, hoặc đột biến).

Thông cáo của các Giám mục nói rằng: trong khi kế hoạch kêu gọi xem xét lại một số đề xuất nghiên cứu của ủy ban lãnh đạo của NIH đưa ra, thì “điều căn bản là chính phủ liên bang sẽ bắt đầu mở rộng việc sử dụng tiền thuế đóng góp vào việc tạo ra và thao túng các “sinh vật mới” có sự hiện hữu mập mờ giữa con người và thú vật, như chuột và các loại”. Tài trợ cho việc nghiên cứu như vậy nghĩa là NIH phớt lờ luật cấm điều đó và cuộc nghiên cứu đó “hiển nhiên cũng phi đạo đức”.

Về phương diện luân lý đạo đức của vấn đề, các Giám mục quan tâm đến việc tiêu diệt các phôi thai được sử dụng như nguồn nguyên liệu cho việc nghiên cứu. Nhìn nhận lợi ích cho con người có thể đạt được qua việc dùng thú vật để nghiên cứu, tuy nhiên các Giám mục cũng nhấn mạnh rằng phẩm giá đặc biệt của con người đặt những giới hạn cho những điều có thể thực hiện trong lãnh vực nghiên cứu này một cách có đạo đức. Các Đức cha nói: “Ở đây có vấn đề luân lý chính yếu liên quan đến dự án này, bên cạnh vấn đề đã nghiêm trọng là khai thác phôi người như các xưởng chế tạo tế bào gốc để nghiên cứu. Vì nếu người ta không thể nói đến mức độ nào, các sinh vật được chế biến ra, nếu có, có tình trạng hay đặc tính của con người, người ta không thể quyết định những ràng buộc luân lý đối với sinh vật đó. Chúng tôi tin rằng việc sản sinh các sinh vật mới, mà đối với chúng, luân lý căn bản và các quy định luật pháp của chúng ta sẽ không tránh khỏi bối rối, thậm chí là mâu thuẫn, tự nó là một việc vô đạo đức. NIH nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn vấn đề này và các vấn đề luân lý trước khi xem xét việc tài trợ cho nghiên cứu các chimera nửa người nửa thú vật.”

Các Đức cha cũng thêm rằng, về mặt luật pháp, tài trợ liên bang cho nghiên cứu như thế vi phạm tu chính Dickey-Wicker, là cấm việc dùng tiền thuế để sản sinh hay tiêu diệt các phôi thai người cho các thí nghiệm. Thông cáo kết luận: dự án sai lầm trầm trọng và đề nghị NIH rút lại dự án này. (CNS 06/09/2016)

Hồng Thủy