ĐHY Quốc vụ khanh hy vọng nơi thành quả cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

ĐHY Quốc vụ khanh hy vọng nơi thành quả cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Thánh Địa

VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, hy vọng nơi thành quả cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Thánh Địa.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, trước ngưỡng cửa cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thánh Địa từ ngày 24 đến 26-5-2014, ĐHY Parolin nói: ”Tôi thực sự hy vọng rằng thành quả cuộc viếng thăm này là giúp tất cả các vị hữu trách và mọi người thiện chí đề ra những quyết định quan trọng trên con đường hòa bình”.

ĐHY tái bày tỏ lập trường của Tòa Thánh về vấn đề tại Thánh Địa, đó là ”quyền của Israel được hiện hữu, được hòa bình và an ninh trong ranh giới được quốc tế nhìn nhận; quyền của dân tộc Palestine có một tổ quốc có chủ quyền và độc lập, quyền được tự do đi lại, quyền được sống trong phẩm giá. Tiếp đến là sự nhìn nhận tính chất thánh thiêng và phổ quát của thành Jerusalem, gia sản văn hóa và tôn giáo của thành này như một nơi hành hương của các tín hữu thuộc 3 tôn giáo độc thần. Đó là những điểm cố hữu theo chính sách của Tòa Thánh đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine”.

Trong cuộc phỏng vấn, ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh tới tính chất đại kết Kitô trong cuộc viếng thăm của ĐTC và nói rằng: ”Tôi cầu mong cuộc gặp gỡ giữa ĐGH Phanxicô và Đức Thượng Phụ Bartolomaios sẽ khơi dậy ngọn lửa đại kết, vì lòng hăng say tiến bước trên hành trình đại kết phải linh hoạt toàn thể các sáng kiến trong lãnh vực này. Cần phải có lòng hăng hái và sự say mê đối với chính nghĩa hiệp nhất như lời nguyện nồng nhiệt của Chúa Giêsu trong Nhà Tiệc Ly trước khi ra đi chịu khổ nạn và chịu chết”.

Cũng liên quan đến Thánh Địa, hôm 22-5 vừa qua, 20 LM Palestine thuộc Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem, đã viết thư xin ĐTC Phanxicô can thiệp với Nhà cầm quyền Israel để các vị được tự do đi lại, đặc biệt là đến Jerusalem.

Lá thư có đoạn viết: ”Theo Nhà Nước Israel là một quyền lực chiếm đóng bất hợp pháp theo công pháp quốc tế, chúng con không có quyền đến Jerusalem nếu không có giấy phép do chính quyền quân sự Israel cung cấp, và càng ngày chúng con càng không thể xin được giấy phép đó, và điều này thực là một chướng ngại cản trợ việc mục vụ của chúng con”.

Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Jerusalem sẵn sàng cung cấp cho các LM ấy giấy thông hành (laissez-passer/passport), nhưng không có thị thực vì Israel từ chối không đóng dấu trên giấy của Tòa Thánh, vì thế các LM không được tự do di chuyển. Các vị viết: ”Nếu những hạn chế này tiếp tục và gia tăng như hiện nay, thì đời sống Giáo Hội tại Jerusalem càng bị đe dọa và trở nên bấp bênh hơn nữa. Thành Jerusalem ngày càng bị khép kín đối với các tín hữu Kitô ở miền Cisjordani”.

Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh Jerusalem đảm trách 17 giáo xứ với 17,800 tín hữu Công Giáo la tinh tại miền Cisjordani. Tại lãnh thổ này cũng có 22,500 tín hữu Chính Thống (Apic 22-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Ơn hiểu biết giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong mọi loài mọi vật

Ơn hiểu biết giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong mọi loài mọi vật

Ơn hiểu biết khiến cho chúng ta đồng cảm sâu xa với Đấng Tạo Hóa, cho chúng ta tham dự vào cái nhìn và sự phán xử trong sáng của Người, giúp nhận ra nơi các người khác tuyệt đỉnh sự tạo dựng của Thiên Chúa và thừa nhận họ như là anh chị em. Nó cũng giúp chúng ta không rơi vào thái độ lầm lạc coi mình là chủ nhân của các thụ tạo muốn làm gì thì làm và nhận ra sự hạn hẹp của các thụ tạo.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với khoảng 70,000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 21-5-2014 .

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã giải thích một ơn khác của Chúa Thánh Thần: đó là ơn khoa học hay ơn hiểu biết. Khi đề cập tới khoa học, chúng ta nghĩ ngay tới khả năng của con người trong việc luôn hiểu biết hơn thực tại bao quanh nó, và khám phá ra các luật lệ điều khiển thiên nhiên và vũ trụ. Đức Thánh Cha giải thích ơn hiểu biết như sau:

Tuy nhiên khoa học tới từ Chúa Thánh Thần không chỉ hạn hẹp nơi sự hiểu biết nhân loại: nó là một ơn đặc biệt giúp chúng ta tiếp nhận, qua thụ tạo, sự cao cả và tình yêu của Thiên Chúa và tương quan sâu xa của Người với từng thụ tạo.

Khi đôi mắt chúng ta được soi sáng bởi Thần Khí, chúng mở ra cho việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong vẻ đẹp của thiên nhiên và sự vĩ đại của vũ trụ, và đưa chúng ta tới chỗ khám phá ra rằng mọi sự nói về Thiên Chúa và mọi sự nói về tình yêu của Người. Tất cả khơi dậy nơi chúng ta sự kinh ngạc lớn lao và tâm tình biết ơn sâu xa. Đó là cảm xúc mà chúng ta có khi ngắm nhìn một tác phẩm nghệ thuật hay bất cứ kỳ công nào khác, kết qủa của tài khéo và óc sáng tạo của con người. Trước tất cả những điều đó Thần Khí dẫn đưa chúng ta tới chỗ chúc tụng Chúa từ tận cùng thẳm con tim, và thừa nhận trong tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là, một ơn vô giá của Thiên Chúa và một dấu chỉ tình yêu thương vô tận của Ngài đối với chúng ta.

Chương đầu tiên của sách Sáng Thế minh nhiên rằng Thiên Chúa hài lòng về thụ tạo của Người, bằng cách nhấn mạnh vẻ đẹp và sự tốt lành của mọi vật. Vào cuối mỗi ngày tạo dựng Thánh Kinh viết: ”Thiên Chúa thấy đó là điều tốt lành” (1,12.18.21.5). Và nếu Thiên Chúa thấy rằng thụ tạo là một điều tốt lành và xinh đẹp, cả chúng ta nữa cũng phải bước đi trong thái độ đó, trông thấy rằng thụ tạo tốt lành và xinh đẹp. Đó là ơn hiểu biết vẻ đẹp: chúng ta hãy chúc tụng Thiên Chúa, cảm tạ Thiên Chúa đã cho chúng ta biết bao vẻ đẹp. Đó là đường đi. Và khi Thiên Chúa hoàn thành việc tạo dựng con người, Thánh Kinh không nói: ”Ngài thấy đó là điều tốt lành”, nhưng nói nó ”rất tốt lành”. Ngài làm cho chúng ta gần Ngài. Dưới mắt của Thiên Chúa chúng ta là điều xinh đẹp nhất, cao cả nhất, tốt lành nhất của việc tạo dựng. ”Nhưng mà thưa cha, các thiên thần”. Không, các thiên thần còn dưới chúng ta, chúng ta hơn các thiên thần”. Chúng ta đã nghe trong sách Thánh Vịnh rằng Chúa yêu thương chúng ta. Chúng ta phải cám ơn Chúa về điều này.

Ơn hiểu biết đặt để chúng ta vào trong sự đồng cảm với Đấng Tạo Hóa và làm cho chúng ta tham dự vào cái nhìn và sự phán xử trong sáng của Người. Chính trong viễn tượng này mà chúng ta thành công trong việc nhận ra được nơi người nam và người nữ tột đỉnh của việc tạo dựng, như là việc thành toàn một chương trình tình yêu được in dấu nơi từng người trong chúng ta, và khiến cho chúng ta thừa nhận nhau như là anh chị em.

Tất cả là lý do sự thanh thản và bình an và khiến cho kitô hữu trở thành một chứng nhân tươi vui của Thiên Chúa theo gót thánh Phanixcô thành Assisi và biết bao nhiêu vị thánh đã biết chúc tụng và ca ngợi tình yêu thương của Thiên Chúa qua việc chiêm ngưỡng thụ tạo. Tuy nhiên đồng thời ơn khoa học, ơn hiểu biết cũng giúp chúng ta không rơi vào vài thái độ qúa đáng hay sai lầm. Thái độ sai lầm thứ nhất là nguy cơ coi mình như chủ nhân ông của thụ tạo. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Nhưng thụ tạo không phải là một tư hữu, mà chúng ta có thể làm chủ tùy thích. Nó lại càng không phải là một tư hữu của một vài người, của ít người. Thụ tạo là một ơn, một ơn tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để chúng ta săn sóc và sử dụng nó cho thiện ích của tất cả mọi người, luôn luôn với sự tôn trọng lớn lao và lòng biết ơn.

Thái độ sai lầm thứ hai là cám dỗ dừng lại nơi các thụ tạo, làm như chúng có thể cống hiến câu trả lời cho các chờ mong của chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần, với ơn khoa học giúp chúng ta không rơi vào điều đó. Nhưng tôi muốn trở lại con đường sai lầm đầu tiên. Giữ gìn thụ tạo chứ không phải là làm chủ thụ tạo. Chúng ta phải gìn giữ thụ tạo. Đó là một ơn mà Chúa đã ban cho chúng ta: đó là món qùa Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta là những người giữ gìn thụ tạo. Nhưng khi chúng ta khai thác thụ tạo, chúng ta phá hủy giấc mộng tình yêu của Thiên Chúa. Tàn phá thụ tạo là nói với Thiên Chúa: ”Con không thích, điều này không tốt”. ”Thế thì cái gì làm con thích?”. ”Con thích chính con”. Đó là tội. Anh chị em thấy chưa? Và việc giữ gìn thụ tạo chính là việc giữ gìn ơn của Thiên Chúa và cũng là nói với Chúa: ”Con cám ơn Chúa, con là chủ của thụ tạo. Nhưng để làm cho nó tiến tới, con sẽ không bao giờ phá hủy ơn của Chúa”. Đó phải là thái độ của chúng ta đối với thụ tạo. Giữ gìn nó, bởi vì nếu chúng ta tàn phá thụ tạo, thụ tạo sẽ tàn phá chúng ta. Đừng quên điều đó nhé! Có một lần tôi ở trong đồng quê và đã nghe một người đơn sơ rất yêu thích và săn sóc hoa, nói với tôi: ”Chúng ta phải giữ gìn các điều xinh đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Thụ tạo là cho chúng ta và chúng ta phải lợi dụng chúng một cách tốt đẹp. Không khai thác nó nhưng giữ gìn nó. Bởi vì cha biết không Thiên Chúa luôn luôn tha thứ”. ”Đúng, Thiên Chúa luôn luôn tha thứ”. ”Chúng ta là người chúng ta tha thứ đôi lần”. ”Nhưng cha ạ, thụ tạo không bao giờ tha thứ, nếu bạn không giữ gìn nó, nó sẽ tàn phá bạn”. Điều này phải khiến cho chúng ta suy nghĩ và xin Chúa Thánh Thần ơn khoa học, ơn hiểu biết để hiểu rằng thụ tạo là món quà đẹp nhất của Thiên Chúa, là Đấng đã nói: ”Đây là điều tốt lành, đây là điều tốt lành, đây là điều tốt lành và là món qùa cho điều tốt lành nhất mà Ta đã tạo dựng là con người”.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu và chúc họ những ngày hành hương bổ ích giúp củng cố đức tin nơi Chúa. Ngài đặc biệt chào các đoàn hành hương đến từ các nước Phi châu như Congo, Nam Phi, cũng như từ Á châu như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Nhật Bản; và từ các nước châu Mỹ Latinh như Mexico, Argentina, Panamá, Costa Rica, Paraguay, Perù, Colombia, Brasil.

Chào tín hữu Ba Lan Đức Thánh Cha nói lễ kính Đức Mẹ Nữ Vương Ba Lan cũng như lễ thánh Stanislao Giám Mục tử đạo, lễ kỷ niệm Thánh Gioan Phaolô II và kỷ niệm trận đánh tại Monte Cassino là những biến cố quan trọng trong cuộc sống của Giáo hội Ba Lan. Ước chi chúng là đề tài suy tư trong các buổi cử hành mừng kính Đức Mẹ trong tháng 5 và củng cố tinh thần đức tin của anh chị em. Xin anh chị em cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Thánh Địa của tôi.

Ngày 24 tháng 5 là lễ Đức Mẹ Phù hộ các kitô hữu rất được tôn kính tại trung tâm thánh mẫu Xà Sơn ở Thượng Hải. Đức Thánh Cha xin mọi người cầu nguyện để dưới sự chở che của Đức Mẹ Phù Hộ, các tín hữu công giáo Trung Quốc tiếp tục sống đức tin cậy mến và trong mọi hoàn cảnh, là men của sự chung sống hài hòa với các công dân khác.

Đức Thánh Cha cũng cho mọi người biết thứ bẩy tới đây tại Aversa sẽ có lễ phong chân phước cho Linh Mục Mario Vergara thuộc Hiệp hội truyền giáo nước ngoài Milano, viết tắt là PIME, và giáo lý viên Isidoro Ngei Ko Lat, hai vị bị giết vì đạo bên Miến Điện năm 1950. Ngài cầu mong lòng trung thành anh hùng của các vị khích lệ và nêu gương truyền giáo cách riêng cho các giáo lý viên trong các vùng truyền giáo. Toàn Giáo hội biết ơn công tác tông đồ không thể thay thế được của họ.

Chào các bạn trẻ người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới Đức Thánh Cha nói Giáo Hội mới mừng lễ thánh Bernardino thành Siena. Ngài cầu mong tình yêu của thánh nhân đối với Thánh Thể chỉ cho giới trẻ thấy Thiên Chúa là trung tâm cuộc sống; khích lệ các người đau yếu đương đầu với khổ đau trong đức tin; và giúp các cặp vợ chồng mới cưới xây dựng căn nhà hôn nhân trên sự hiệp nhất.

Sau cùng ngài xin mọi người cầu nguyện cho chuyến viếng thăm Thánh Địa bắt đầu vào thứ bẩy tới đây. Đức Thành Cha nói: Đây là một chuyến viếng thăm hoàn toàn tôn giáo. Trước hết để gặp gỡ người anh em Bartolomaios I nhân kỷ niệm 50 năm cuộc gặp gỡ giữa Đức Phaolô VI với Đức Thượng phụ Athenagora I. Phêrô và Anrê lại gặp nhau một lần nữa, và đây là điều rất đẹp. Thứ hai là để cầu nguyện cho hòa bình trong vùng đất đã đau khổ qúa nhiều rồi.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành tòa thánh Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Linh Tiến Khải – Vatican Radio

Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Giáo sĩ Do Thái và lãnh đạo Hồi giáo cùng Đức Giáo Hoàng công du Đất Thánh

Một giáo sĩ Do Thái và một nhà lãnh đạo Hồi giáo sẽ cùng tham gia với Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến thăm Đất Thánh sắp đến. Đây là lần đầu một phái đoàn chính thức của giáo hoàng có các thành viên của các tôn giáo khác, Vatican cho biết hôm thứ Năm.

Hai người bạn và cộng tác viên lâu năm của Đức Phanxicô từ những ngày ngài còn là tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires, là vị giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka và Omar Abboud, nhà lãnh đạo cộng đoàn Hồi giáo Argentina, có mặt trong phái đoàn chính thức chuyến thăm Jordan, Bờ Tây, Israel từ ngày 24-26 tháng 5.

Phát ngôn viên Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết sự hiện diện của hai vị này trong phái đoàn là một “điều hoàn toàn mới lạ” mà Đức Phanxicô rất mong muốn cho thấy điều hoàn toàn “bình thường” khi có các bạn bè thuộc niềm tin tôn giáo khác.

Giáo sĩ Skorka và Đức Hồng Y Jorge Mario-Bergoglio trước đây đã cùng viết cuốn “Trên Trời và Dưới Đất”, nhằm tìm hiểu các khía cạnh của Do Thái giáo và Công giáo về nhiều vấn đề. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Hồi giáo Abboud là người đối thoại Hồi giáo chính của Hồng y Bergoglio tại giáo phận Buenos Aires và gần đây tham gia chuyến thăm liên tôn giáo tại các điểm dừng chân chính trong chuyến thăm sắp đến của Đức Phanxicô.

Mục đích chính trong suốt chuyến thăm của Đức Phanxicô là kỷ niệm 50 năm chuyến thăm lịch sử đến Jerusalem của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của giáo hoàng.

Trong chuyến công du năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã gặp các lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính Thống giáo trên thế giới, Đức Thượng Phụ Đại kết Athenagoras, kết thúc hàng trăm năm bất hoà giữa người Công giáo và Chính Thống giáo. Đức Phanxicô cũng sẽ gặp Đức Thượng Phụ Đại kết hiện nay, Đức Bartholomew I, bốn lần khác nhau trong chuyến thăm ba ngày. Điểm nổi bật là cùng cầu nguyện tại nhà thờ Mộ Thánh, một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Kitô giáo nơi các tín hữu tin rằng Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và phục sinh.

Cha Lombardi nói rằng buổi cầu nguyện chung bản thân là một “sự kiện lịch sử” vì cả ba cộng đoàn Kitô cùng chia sẻ một giáo hội, Chính Thống Hy Lạp, Công giáo La Mã và Armenia cùng lúc cầu nguyện chung.

Các buổi cầu nguyện tại nhà thờ cổ thường riêng biệt, mỗi cộng đoàn thường bảo vệ một lãnh địa riêng và chương trình cầu nguyện riêng.

Nguồn: NY Daily News/AP

Trích từ UCANEWS VN

Tám nước khắc nghiệt nhất về tôn giáo

Tám nước khắc nghiệt nhất về tôn giáo

Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu tên 4 nước Á Châu trong số 8 nước

Từ năm 1999, Bộ Ngoại giao Mỹ đã theo dõi những lạm dụng tồi tệ nhất thế giới về quyền tôn giáo. Theo báo cáo gần đây nhất ghi nhận với dữ liệu đầy đủ nhất. Các cuộc bách hại những người có đức tin đang gia tăng trên toàn cầu.

Trong số những xu hướng đáng lo ngại nhất theo Bộ Ngoại giao là “chính phủ độc tài hạn chế khả năng việc người dân thực hành tôn giáo của họ.”

Với ngôn ngữ thông thường, Báo cáo kêu gọi “những nước này cần quan tâm đặc biệt.” Nhưng quyết định thì cần đi đôi với hành động.

Ví dụ ở Sudan, một phụ nữ Kitô giáo đã bị kết án tử hình trong tuần này vì bỏ đạo Hồi giáo, và nước ngoài không thể can thiệp.

Cùng với Sudan, đây là “những nước được quan tâm đặc biệt” của Bộ Ngoại Giao. Bạn có thể gọi những nước đó là “những nơi tồi tệ nhất thế giới về tín ngưỡng.”

Miến điện: Chính phủ Miến Điện chèn ép mọi tôn giáo ngoại trừ Phật giáo Nguyên thủy.

Theo Bộ Ngoại giao, một số quan chức chính phủ thậm chí còn lôi cuốn những người không phải là phật tử theo đạo Phật, và người Hồi giáo ở bang Rakhine, đặc biệt là người Hồi giáo Rohingya, là đối tượng bị phân biệt đối xử và bị đánh chết.

Trung Quốc: “Chính phủ sách nhiễu, bắt giữ, giam hãm, hoặc kết án tù một số tín đồ tôn giáo vì các hoạt động liên quan đến niềm tin và thực hành tôn giáo”.

Không chỉ bắt giam nhóm Uyghur theo đạo Hồi, một số trong họ đã bị kết án 10 năm tù vì “bán tài liệu tôn giáo bất hợp pháp,” và hàng giáo sĩ Công giáo bị bắt vì không thuộc Hiệp hội Công giáo Yêu nước của quốc gia này.

Điều đó không ăn thua so với chính sách khủng bố Phật giáo Tây Tạng, theo Bộ Ngoại Giao, người dân đã trải qua “cuộc đàn áp có tổ chức dữ dội tại các tu viện và ni viện, bắt giữ tùy tiện và tra tấn, thậm chí gây chết người.”

Eritrea: Chỉ bốn nhóm tôn giáo được chính cho phép công khai thực hành đức tin trong quốc gia châu Phi này; phần còn lại thì bị đàn áp, bị bỏ tù hoặc tệ hơn nữa.

Vì vậy, nếu bạn không phải là một Chính thống giáo Eritrea, một người Hồi giáo Sunni, một người Công giáo La Mã hoặc một người Tin lành Cải cách, cuộc sống có thể rất khó cho bạn ở đây. Theo Báo cáo, ở đây có luật bắt bớ khắt khe về những người không tuân theo tôn giáo.

Iran: Đất nước này đa số theo Hồi giáo, việc tôn trọng quyền tôn giáo đã thực sự suy giảm trong những năm gần đây.

“Báo cáo cho rằng chính quyền giám sát tôn giáo và các vùng dân tộc thiểu số với điều luật (chống lại Thượng Đế), ‘tuyên truyền chống Hồi giáo”, hay nghi ngờ tội phạm an ninh quốc gia cho các hoạt động tôn giáo của họ”, báo cáo cho biết.

Cụ thể, chính phủ đã bắt giữ nhiều thành viên thuộc giáo phái Baha’i và Saeed Abedini, một mục sư Mỹ gốc Iran đã bị lạm dụng về thể lý và tâm lý, theo Bộ Ngoại giao.

Bắc Triều Tiên: Các nhóm nhân quyền cung cấp nhiều thông tin cho rằng các thành viên thuộc giáo hội thầm lặng đã bị bắt giữ, đánh đập, tra tấn hoặc bị giết vì niềm tin tôn giáo của họ.

Quốc gia độc tài này đã bỏ tù 200,000 tù nhân chính trị phần lớn là vì lý do tôn giáo, theo Báo cáo. Đất nước này không khuyến khích bất kỳ hoạt động tôn giáo nào mà chưa được chính phủ thừa nhận.

Kenneth Bae, một người Mỹ gốc Hàn bị buộc tội truyền bá đạo Thiên Chúa giáo ở Bắc Triều Tiên, đã bị kết án vào năm 2013 với 15 năm lao động khổ sai.

Saudi Arabia: Một nước quân chủ giàu dầu mỏ đã làm ngơ không tôn trọng tự do của bất kỳ tôn giáo nào ngoài Hồi giáo.

Hồi giáo Sunni là tôn giáo chính thức, hiến pháp của đất nước dựa trên Kinh Qur’an và những lời dạy của tiên tri Mohammed. Các việc thực hành tôn giáo khác đều bị cấm, theo Bộ Ngoại giao, và chính quyền Ả Rập đã chặt đầu một người đàn ông vào năm 2012 vì tin vào “phù phép”.

Sudan: Đất nước này đã lọt vào danh sách đất nước cứng đầu của Bộ Ngoại giao kể từ khi thành lập từ năm 1999.

Sudan phạt những người báng bổ và bỏ đạo Hồi, một phụ nữ Kitô giáo bị kết án cho đến chết trong tuần này. Chính quyền còn bắt giữ và trục xuất các Kitô hữu Phương Tây bị nghi ngờ rao truyền đức tin.

Một đất nước có “giới cảnh sát đạo đức” đòi hỏi sự vâng phục nghiêm ngặt theo luật Hồi giáo, đã đánh đập và ném đá một người phụ nữ bị buộc tội hành động “vô luân.”

Uzbekistan: Về kỹ thuật, pháp luật của đất nước này tôn trọng các quyền tôn giáo.

Nhưng trong thực tế, quốc gia Trung Á này duy trì kiểm soát chặt chẽ phần lớn dân số theo đạo Hồi.

“Chính phủ tiếp tục bỏ tù các cá nhân dựa trên sự kìm hãm của chủ nghĩa cực đoan; đột kích vào các nhóm tôn giáo và các cộng đồng xã hội tôn giáo không đăng ký cũng như đăng ký; tịch thu và phá hủy các sách tôn giáo, bao gồm cả sách thánh, và cấm trẻ vị thành niên thực hành đức tin của họ”, Bộ Ngoại Giao cho biết điều này từ năm 2012.

Người dân bị bắt giam về tội “chủ nghĩa tôn giáo cực đoan” đã bị đánh đập, tra tấn và thậm chí bị giết.

Daniel Burke cho CNN Belief Blog

Trích từ UCANEWS VN

Lần đầu tiên một đại hội của Hội đồng Giám Mục Italia được Đức Thánh Cha đích thân khai mạc

Lần đầu tiên một đại hội của Hội đồng Giám Mục Italia được Đức Thánh Cha đích thân khai mạc

VATICAN. Lần đầu tiên ĐTC Phanxicô đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội lần thứ 66 của HĐGM Italia.

Chiều ngày 19-5-2014, tại Hội trường Thượng HĐGM ở nội thành Vatican 300 GM Italia đã nghe ĐTC đề ra những đường hướng chính cho hoạt động của HĐGM và Giáo Hội tại Italia.

Trong bài diễn văn dài, sau kinh nguyện và lời chào mừng của ĐHY Angelo Bagnasco, Chủ tịch HĐGM Italia, ĐTC đã đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau, và nhấn mạnh rằng ”Sự vắng bóng tình hiệp thông hoặc sự nghèo nàn trong lãnh vực này chính là một gương mù lớn nhất, một lạc giáo làm biến thái khuôn mặt của Chúa và sâu xé Giáo Hội của Chúa. Không gì có thể biện minh cho sự chia rẽ.. Vì thế, trong tư cách là chủ chăn, chúng ta phải xa tránh những cám dễ làm cho chúng ta bị biến dạng: việc quản lý thời gian theo kiểu cách riêng, như thể có một thiện ích tách biệt với thiện ích của các cộng đoàn chúng ta; những thói nói hành nói xấu, sự thật nửa vời trở thành nói dối, một chuỗi những lời than trách chứng tỏ sự thất vọng bất mãn trong lòng”.

Đề cập đến các LM, ĐTC nói với các GM Italia rằng: ”Như anh em biết, các LM của chúng ta thường bị thử thách vì những đòi hỏi của sứ vụ, và nhiều khi họ nản chí vì có cảm tưởng kết quả chẳng được bao nhiêu: anh em hãy giáo dục các LM đừng dừng lại, tính toán những người vào người ra, kiểm điểm xem những điều mình thu thập có tương ứng với những gì mình cho đi hay không”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các GM hãy là những mục tử có lối sống đơn sơ, không dính bén, thanh bần và từ bi”.

Đàng khác những thách đố ngày nay rất nhiều, vì cuộc khủng hoảng không phải chỉ xảy ra trên bình diện kinh tế, nhưng nhất là về tinh thần và văn hóa. Cần có một thuyết nhân bản mới. Để được vậy, cần bảo vệ sự sống, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên. Và luôn luôn có tinh thần từ bi thương xót. ĐTC nói: ”Anh em đừng ngại thương xót cúi mình trên những người bị thương tích trong tình cảm, và thấy dự phóng đời mình bị thương tổn… Anh em cần hết sức chú ý đến cuộc khủng hoảng vì công ăn việc làm, khiến cho người người thất nghiệp; quan tâm đến những người di dân đang tìm kiến một cơ may cho cuộc sống:

”Thảm kịch của người không biết làm sao mang cơm bánh về nuôi gia đình, đi đổi với thảm trạng của người không biết làm sao làm cho xí nghiệp của mình có thể tiếp tục hoạt động. Đó là một tình trạng khẩn cấp lịch sử, đang gọi hỏi trách nhiệm xã hội của tất cả mọi người. Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta hãy giúp họ đừng lâm vào thái độ coi thực trạng làm một thảm họa và có thái độ cam chịu, hãy nâng đỡ vất vả của những người cảm thấy bị mất cả phẩm giá trong công ăn việc làm, nâng đỡ họ bằng mọi hình thức liên đới với tinh thần sáng kiến”. (SD 20-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Đức Thánh Cha cổ võ cách giải quyết xung đột trong cộng đoàn

Đức Thánh Cha cổ võ cách giải quyết xung đột trong cộng đoàn

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 50 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 19-5-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã cổ võ cách thức giải quyết các xung đột trong cộng đoàn Giáo Hội.

Ngài đã quảng diễn đoạn sách Tông Đồ công vụ, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh năm A nói đến những căng thẳng trong cộng đoàn Kitô và quyết định của các Tông Đồ chuyên lo việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa và thiết lập các phó tế để chăm sóc cộng đoàn về vật chất. Từ đó ĐTC rút ra bài học để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo Hội.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em
Hôm nay bài đọc Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta thấy cả trong Giáo Hội sơ khai cũng xảy ra những căng thẳng và bất thuận đầu tiên. Trong cuộc sống, có những xung đột, vấn đề là ta đối phó với chúng như thế nào. Cho đến bấy giờ sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô được dễ dàng nhờ sự kiện các tín hữu thuộc về một chủng tộc và văn hóa duy nhất, văn hóa Do thái. Nhưng khi Kitô giáo, do ý muốn của Chúa Giêsu, được mở ra cho tất cả mọi dân tộc, mở ra đối với môi trường văn hóa Hy Lạp, thì sự đồng nhất không còn nữa và nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Khi đấy có những người bất mãn, trách móc, và có những tiếng đồn về sự thiên vị và không được đối xử đồng đều. Điều này cũng xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta. Sự giúp đỡ của cộng đoàn dành cho những người túng thiếu – các góa phụ, cô nhi và người nghèo nói chung, dường như ưu đãi các tín hữu Kitô gốc Do thái so với những người khác.

Bấy giờ, trước xung đột ấy các Tông Đồ đối phó với tình thế: các vị triệu tập một cuộc họp mở rộng cho các môn đệ, cùng nhau thảo luận vấn đề. Thực vậy các vấn đề được giải quyết không phải bằng cách làm bộ như thể chúng không hề hiện hữu! Và thật là đẹp cuộc đối chất thẳng thắn giữa các mục tử và các tín hữu khác. Vì thế họ đi đến sự phân chia nhiệm vụ. Các tông đồ đưa ra một đề nghị được mọi người chấp nhận: các vị chuyên chăm việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa, trong khi 7 người, các phó tế, sẽ lo việc phục vụ bàn ăn cho người nghèo. 7 người này không được chọn vì là chuyên gia, nhưng vì họ là những ngừơi lương thiện và có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan; họ được bổ nhiệm công tác phục vụ nhờ sự đặt tay của các Tông Đồ.

Và thế là từ sự bất mãn ấy, từ sự kêu trách đó, từ những tiếng đồn về sự thiên vị và đối xử không đồng đều, người ta đi đến một giải pháp. Qua sự đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện, các xung đột trong Giáo Hội được giải quyết. Đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện. Với xác tín rằng những sự nói hành nói xấu, ghen tương, phân bì không bao giờ có thể đưa chúng ta đến sự hòa hợp, thuận hòa hoặc an bình. Trong những trường hợp như thế, chính Thánh Linh giúp đạt tới thỏa thuận và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta để cho Thánh Linh hướng dẫn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự hòa hợp, hiệp nhất và tôn trọng các năng khiếu và tài năng khác nhau? Anh chị em có hiểu rõ không? Không nói hành nói xấu, không ghen tương, không phân bì.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để chúng ta biết quí chuộng nhau và ngày càng đồng qui sâu xa hơn trong đức tin và tình bác ái, giữ cho con tim được cởi mở đối với các nhu cầu của anh chị em.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói với các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến,
Nạn lụt nặng nề đã tàn phá nhiều miền ở vùng Balcan, nhất là tại Serbia và Bosnia. Trong khi tôi phó thác cho Chúa các nạn nhân của thiên tai này, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang phải sống những giờ phút lo âu và đau khổ này.

”Hôm 17-5-2014, tại thành phố Iasi bên Rumani, ĐGM Anton Durcovici tử đạo đã được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và can đảm, bị chế độ cộng sản Rumani bách hại và chết trong tù năm 1951 vì đói khát. Cùng với các tín hữu tại Iasi và toàn thể Rumani, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!”

Đức Cha Antôn Durcovici sinh năm 1888 tại Altenburg bên Áo. Năm lên 6 tuổi, cậu Anton di cư sang Rumani với mẹ và anh. Thầy Anton gia nhập chủng viện tại Bucarest, rồi được gửi sang Roma theo học, đậu tiến sĩ triết học, thần học và giáo luật, thụ phong linh mục năm 1910 và năm 1947 cha được Tòa Thánh bổ làm GM giáo phận Iasi.
Dưới thời cộng sản ở Rumani, ngài đã phải chịu những đau khổ kinh khủng trong 2 năm tù ngục ở một trại tập trung bên Moldavia thời thế chiến thứ I, vì gốc gác tại Áo.

Trong những năm chế độ cộng sản Rumani bách hại Giáo Hội, mặc dù nhiều lần bị nhà nước hăm dọa, nhưng Đức Cha Durcovici vẫn tận tụy thi hành sứ vụ mục tử, viếng thăm các giáo xứ và loan báo Tin Mừng. Ngài bị bắt năm 1949 và giam tại nhà tù nghiêm ngặt ở Sighet và chết rũ tù tại đây ngày 10-5 năm 1951 lúc mới được 63 tuổi. Sáng sớm hôm sau, tài xế của nhà tù chở thi hài trần trụi của Đức Cha và quẳng xuống một huyệt chung tại nghĩa trang Do thái, gần nhà tù.

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và trường học. Ngài cũng đặc biệt nhắc đến các học sinh các trường Công Giáo ở Madrid và Pamplona bên Tây Ban Nha, các học sinh đếntừ Messico và Colombes bên Pháp và nhiều trường học khác.

Ngai nói thêm rằng ”tôi khuyến khích các hội thiện nguyện đến dự Ngày bệnh nhân ung thư. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, các bệnh nhân và các gia đình. Và xin Anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”.

Chúa nhật 17-5-2014 đã có hơn 60 ngàn người, trong đó có 5 ngàn phụ nữ mặc áo hồng, tham dự cuộc đi bộ lần thứ 15 ở Roma để hỗ trợ cuộc chiến đấu chống bệnh ung thư vú đồng thời thăng tiến sức khỏe của phụ nữ.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio
 

Đức Thánh Cha tiếp kiến 112 Giám Mục Mexico

Đức Thánh Cha tiếp kiến 112 Giám Mục Mexico

VATICAN. ĐTC Phanxicô kêu gọi thăng tiến tinh thần hòa hợp tại Mexico trước làn sóng bạo lực đang lan tràn tại nước này.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài huấn dụ trao cho 112 GM Mexico buổi tiếp kiến sáng 19-5-2014, nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

ĐTC nhận định rằng: ”Trong tình trạng hiện nay, nhiều bạo lực đang gây đau thương cho xã hội Mexico, đặc biệt là người trẻ. Tình trạng ấy là một lời kêu gọi mới mẻ hãy canh tân tinh thần hòa hợp qua nền văn hóa gặp gỡ, đối thoại và hòa bình. Chắc chắn các vị mục tử không có nhiệm vụ phải mang lại những giải pháp chuyên môn hoặc các biện pháp chính trị, vượt ra ngoài lãnh vực mục vụ, nhưng các vị khôn gthể ngưng loan báo cho mọi người Tin Mừng, theo đó Thiên Chúa, theo lượng từ bi của Ngài, đã làm người và trở nên người nghèo (Xc 2 Cr 8,9); Chúa đã chịu đau khổ với người khổ đau, để cứu vớt chúng ta”.

ĐTC khích lệ những cố gắng của các GM Mexico trong việc giúp đỡ những người túng thiếu, thất nghiệp hoặc những người phải làm việc trong những điều kiện không xứng đáng với con người, những người không được hưởng các dịch vụ xã hội, những người di cư tìm kiến những điều kiện sống tốt đẹp hơn, các nông dân nghèo.

ĐTC cũng viết: ”Tôi biết mối quan tâm lo lắng của anh em đối với các nạn nhân của tệ nạn buôn bán ma túy và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, và quyết tâm bảo vệ các quyền con người cũng như sự phát triển toàn diện con người. Tất cả những điều đó biểu lộ mối liên hệ sâu xa giữa việc loan báo Tin Mừng và sự tìm kiếm thiện ích của người khác (Evang. gaudium 178), chắc chắn mang lại uy tín cho Giáo Hội và tầm quan trọng cho tiếng nói của các mục tử của Hội Thánh”. Cũng trong bài huấn dụ, ĐTC đề cao vai trò của giáo dân trong sứ mạng của Giáo Hội: giáo dân kín múc sức mạnh từ Lời Chúa, các bí tích và việc cầu nguyện, sống đức tin giữa lòng gia đình, trường học, xí nghiệp, phong trào nhân dân, công đoàn, đảng phái và cả trong chính phủ, làm chứng về niềm vui Phúc Âm”.

ĐTC mời gọi các GM Mexico tăng cường việc mục vụ giới trẻ, đặc biệt ngài viết: ”Tôi khích lệ anh em tăng cường việc mục vụ gia đình, là giá trị quí giá nhất trong các dân tộc chúng ta, để, đứng trước nền văn hóa chết chóc hạ giá con người, gia đình biến thành những người cổ võ nền văn hóa tôn trọng sự sống trong mọi giai đoạn, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên”.

ĐTC không quên mời gọi các GM quan tâm đến các LM, tăng cường việc thường huấn cho các vị, thăng tiến mục vụ ơn gọi LM và đời sống thánh hiến, và đẩy mạnh việc tìm đến những người đã xa lìa Giáo Hội.

112 GM thuộc 91 giáo phận Mexico chia thành 9 nhóm về Roma thăm Tòa Thánh trong khoảng thời gian từ 12 đến 31-5 tới đây. Trong những ngày tới, ĐTC tiếp tục gặp các nhóm thuộc HĐGM này (SD 19-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Thư Mục Vụ và Thông báo của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange: Tổ chức đêm thắp nến

THƯ MỤC VỤ CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH

Kính gửi tín hữu Công Giáo và Cộng đồng Việt Nam Nam Cali:

Trong ba ngày qua, các cơ quan truyền thông cho chúng ta biết là Trung Cộng đã ngang nhiên đưa tầu bè đến giàn khoan HD-981 ở Biển Đông, với tầu chiến và võ khí nhằm chiếm các mỏ dầu tại Biển Đông. Dưới đây là nguyên văn bức thư của Đức Tổng Phaolô Bùi văn Đọc, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

. . . trước tình hình nguy hiểm và căng thẳng, HĐGMVN với trách nhiệm của mình, xin nêu lên những quan điểm dưới đây:

1. Giáo Hội Công Giáo luôn kiên trì lập trường xây dựng hòa bình … Hòa bình không tách rời ra khỏi công lý nhưng nuôi dưỡng bởi hy sinh và tình yêu (cf Thông Điệp Hòa Bình 1975)

2. Chính phủ Việt Nam phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột.

3. Với người Việt Công Giáo, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ lòng ái quốc theo lời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI “ là người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt “

4. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho quê hương, tiết giảm chi tiêu ăn uống, mua sắm để góp phần nâng đỡ các ngư dân, nạn nhân của tầu Trung Quốc.

Trong lúc cha linh hướng và phối trí Cộng Đồng vắng mặt, tôi đã đại diện thư cho ông Lâm Kim Bảo thông báo cho toàn lời kêu gọi của HĐGMVN tổ chức một tối thắp nến cầu nguyện cho quê hương tại Trung Tâm Công Giáo càng sớm càng tốt.

Xin mọi người tích cực tham gia và cổ động cho buổi cầu nguyện này, một khi đã biết rõ thời giờ và chi tiết. Nguyện xin các chư thánh Tử Đạo Việt Nam và Đức Mẹ La Vang phù giúp chúng ta.

ĐC Mai Thanh Lương

 

THÔNG CÁO VÀ THƯ MỜI CỦA BAN CHẤP HÀNH CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM: TỔ CHỨC ĐÊM THẮP NẾN HIỆP THÔNG TRONG NỔ LỰC CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LĂNG

Ý  thức bổn phận của người Công Giáo gốc Việt đối với quốc gia dân tộc trước tình hình nghiêm trọng hiện nay: Tung Cộng càng ngày càng tỏ rõ ý đồ xâm lăng, gần đây nhất là hành động đặt giàn khoan dầu trên Biển Đông, đồng thời liên tục giết hại, gây thương vong cho ngư dân hành nghề trên hải phận nhà. Bên cạnh đó, nhà cầm quyền cộng sản lại còn cấu kết trong âm mưu bán nước, đàn áp người yêu nước . . .

– Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi văn Đọc, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “ xin các giáo phận tổ chức một ngày cầu nguyện cho quê hương Việt Nam “

Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange, với sự khích lệ và yểm trợ của Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Cha Linh Hướng Nguyễn Thái, sẽ tổ chức buổi thắp nến để liên đới, hiệp thông, và cầu nguyện cho quê hương và đồng bào trong công cuộc chống ngoại xâm, đồng thời cho những ngư phủ nạn nhân của cuộc xâm lăng này.

Xin trân trọng kính mời: Quý Đức Ông, quý Linh Mục, quý Tu Sĩ nam nữ, toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa và quý đồng hương hải ngoại, không phân biệt tôn giáo, cùng toàn thể những người đang đáu tranh cổ vũ tự do và công lý trên quê hương Việt Nam; vui lòng thu xếp thời giờ đến tham dự buổi thắp nến và cầu nguyện cho quê hương sớm thoát cảnh phá hoại xâm lăng từ Trung Quốc, và dân tộc sớm được hưởng một nền dân chủ, tự do trong công lý và hòa bình chân thực.

         Địa điểm: Trung Tâm Công Giáo

         Thời gian: 7:00 pm, tối thứ Sáu ngày 23 tháng 5 năm 2014

Xin trân trọng kính mời,

Ban Tổ Chức Đêm Thắp Nến:

Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange

 

Đức Thánh Cha cổ võ cách giải quyết xung đột trong cộng đoàn

Đức Thánh Cha cổ võ cách giải quyết xung đột trong cộng đoàn

VATICAN. Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với hơn 50 ngàn tín hữu trưa chúa nhật 19-5-2014 tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã cổ võ cách thức giải quyết các xung đột trong cộng đoàn Giáo Hội.

Ngài đã quảng diễn đoạn sách Tông Đồ công vụ, đọc trong thánh lễ Chúa nhật thứ 5 mùa Phục Sinh năm A nói đến những căng thẳng trong cộng đoàn Kitô và quyết định của các Tông Đồ chuyên lo việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa và thiết lập các phó tế để chăm sóc cộng đoàn về vật chất. Từ đó ĐTC rút ra bài học để giải quyết các vấn đề trong cộng đoàn Giáo Hội.

Bài huấn dụ của ĐTC

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay bài đọc Sách Tông Đồ công vụ cho chúng ta thấy cả trong Giáo Hội sơ khai cũng xảy ra những căng thẳng và bất thuận đầu tiên. Trong cuộc sống, có những xung đột, vấn đề là ta đối phó với chúng như thế nào. Cho đến bấy giờ sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô được dễ dàng nhờ sự kiện các tín hữu thuộc về một chủng tộc và văn hóa duy nhất, văn hóa Do thái. Nhưng khi Kitô giáo, do ý muốn của Chúa Giêsu, được mở ra cho tất cả mọi dân tộc, mở ra đối với môi trường văn hóa Hy Lạp, thì sự đồng nhất không còn nữa và nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Khi đấy có những người bất mãn, trách móc, và có những tiếng đồn về sự thiên vị và không được đối xử đồng đều. Điều này cũng xảy ra trong các giáo xứ của chúng ta. Sự giúp đỡ của cộng đoàn dành cho những người túng thiếu – các góa phụ, cô nhi và người nghèo nói chung, dường như ưu đãi các tín hữu Kitô gốc Do thái so với những người khác.

Bấy giờ, trước xung đột ấy các Tông Đồ đối phó với tình thế: các vị triệu tập một cuộc họp mở rộng cho các môn đệ, cùng nhau thảo luận vấn đề. Thực vậy các vấn đề được giải quyết không phải bằng cách làm bộ như thể chúng không hề hiện hữu! Và thật là đẹp cuộc đối chất thẳng thắn giữa các mục tử và các tín hữu khác. Vì thế họ đi đến sự phân chia nhiệm vụ. Các tông đồ đưa ra một đề nghị được mọi người chấp nhận: các vị chuyên chăm việc cầu nguyện và sứ vụ Lời Chúa, trong khi 7 người, các phó tế, sẽ lo việc phục vụ bàn ăn cho người nghèo. 7 người này không được chọn vì là chuyên gia, nhưng vì họ là những ngừơi lương thiện và có tiếng tốt, đầy Thánh Linh và khôn ngoan; họ được bổ nhiệm công tác phục vụ nhờ sự đặt tay của các Tông Đồ.

Và thế là từ sự bất mãn ấy, từ sự kêu trách đó, từ những tiếng đồn về sự thiên vị và đối xử không đồng đều, người ta đi đến một giải pháp. Qua sự đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện, các xung đột trong Giáo Hội được giải quyết. Đối chiếu, thảo luận và cầu nguyện. Với xác tín rằng những sự nói hành nói xấu, ghen tương, phân bì không bao giờ có thể đưa chúng ta đến sự hòa hợp, thuận hòa hoặc an bình. Trong những trường hợp như thế, chính Thánh Linh giúp đạt tới thỏa thuận và điều này làm cho chúng ta hiểu rằng khi chúng ta để cho Thánh Linh hướng dẫn, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự hòa hợp, hiệp nhất và tôn trọng các năng khiếu và tài năng khác nhau? Anh chị em có hiểu rõ không? Không nói hành nói xấu, không ghen tương, không phân bì.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Linh, để chúng ta biết quí chuộng nhau và ngày càng đồng qui sâu xa hơn trong đức tin và tình bác ái, giữ cho con tim được cởi mở đối với các nhu cầu của anh chị em.

Kêu gọi và chào thăm

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC nói với các tín hữu rằng:

Anh chị em thân mến,

Nạn lụt nặng nề đã tàn phá nhiều miền ở vùng Balcan, nhất là tại Serbia và Bosnia. Trong khi tôi phó thác cho Chúa các nạn nhân của thiên tai này, tôi bày tỏ sự gần gũi của tôi với những người đang phải sống những giờ phút lo âu và đau khổ này.

”Hôm 17-5-2014, tại thành phố Iasi bên Rumani, ĐGM Anton Durcovici tử đạo đã được phong chân phước. Ngài là một mục tử nhiệt thành và can đảm, bị chế độ cộng sản Rumani bách hại và chết trong tù năm 1951 vì đói khát. Cùng với các tín hữu tại Iasi và toàn thể Rumani, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa!”

Đức Cha Antôn Durcovici sinh năm 1888 tại Altenburg bên Áo. Năm lên 6 tuổi, cậu Anton di cư sang Rumani với mẹ và anh. Thầy Anton gia nhập chủng viện tại Bucarest, rồi được gửi sang Roma theo học, đậu tiến sĩ triết học, thần học và giáo luật, thụ phong linh mục năm 1910 và năm 1947 cha được Tòa Thánh bổ làm GM giáo phận Iasi.

Dưới thời cộng sản ở Rumani, ngài đã phải chịu những đau khổ kinh khủng trong 2 năm tù ngục ở một trại tập trung bên Moldavia thời thế chiến thứ I, vì gốc gác tại Áo.

Trong những năm chế độ cộng sản Rumani bách hại Giáo Hội, mặc dù nhiều lần bị nhà nước hăm dọa, nhưng Đức Cha Durcovici vẫn tận tụy thi hành sứ vụ mục tử, viếng thăm các giáo xứ và loan báo Tin Mừng. Ngài bị bắt năm 1949 và giam tại nhà tù nghiêm ngặt ở Sighet và chết rũ tù tại đây ngày 10-5 năm 1951 lúc mới được 63 tuổi. Sáng sớm hôm sau, tài xế của nhà tù chở thi hài trần trụi của Đức Cha và quẳng xuống một huyệt chung tại nghĩa trang Do thái, gần nhà tù.

ĐTC cũng chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, các gia đình, các nhóm giáo xứ, hội đoàn và trường học. Ngài cũng đặc biệt nhắc đến các học sinh các trường Công Giáo ở Madrid và Pamplona bên Tây Ban Nha, các học sinh đếntừ Messico và Colombes bên Pháp và nhiều trường học khác.

Ngài nói thêm rằng ”tôi khuyến khích các hội thiện nguyện đến dự Ngày bệnh nhân ung thư. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, các bệnh nhân và các gia đình. Và xin Anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi nữa”.

Chúa nhật 17-5-2014 đã có hơn 60 ngàn người, trong đó có 5 ngàn phụ nữ mặc áo hồng, tham dự cuộc đi bộ lần thứ 15 ở Roma để hỗ trợ cuộc chiến đấu chống bệnh ung thư vú đồng thời thăng tiến sức khỏe của phụ nữ.

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

 

Niềm tin vào đời sau

Niềm tin vào đời sau

Chúa Giêsu đã hứa rằng: “Thầy đi trước để dọn chỗ cho các con, để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”. Đây là một lời hứa thật đẹp. Đẹp vì nó mở ra cho chúng ta một khung trời hy vọng vì ngày mai tốt đẹp hơn. Đẹp vì cuộc sống của chúng ta không đi vào ngõ cụt. Cuộc sống của chúng ta từ nay đã có một lối đi về. Cuộc sống của chúng ta không dừng lại ở cái chết là hết một kiếp người. Cuộc sống vẫn tiếp diễn. Cuộc sống được nối dài vĩnh viễn trong sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa là Cha, là cội nguồn sự sống.

Người ta kể rằng: Có một gia đình kia. Chồng là người ngoại đạo. Ông không tin vào Chúa. Ông còn luôn miệng nhạo báng, khinh miệt những hành vi thờ phượng kính mến Chúa. Ngược lại, bà vợ thì rất sùng đạo, luôn dạy con giữ đạo sốt sắng. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai niềm tin trái ngược nhau, nhưng đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với cha mẹ. Cho tới một hôm, em lâm bệnh hiểm nghèo. Em biết rằng mình chẳng còn sống được bao lâu ở dương gian. Em đã mạnh dạn hỏi bố rằng: “Bố ơi, trong ít ngày nữa con sẽ không còn sống ở dương gian nữa! Con xin bố hãy dạy cho con biết, con phải tin theo ai? Theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng để tiếp tục sự sống, chẳng có Chúa hay có Mẹ để yêu thương và bảo vệ cho con được hạnh phúc đời đời? Còn tin theo mẹ, thì có Thiên Chúa là cha nhân lành sẽ ban thưởng hạnh phúc thiên đàng vĩnh cửu và có Mẹ Maria luôn bầu cử chở che.

Ông bố nghe mà tái tê lòng. Ông ôm con vào lòng và nói: “Con hãy tin theo mẹ”. Đứa bé lại nói tiếp: “Nhưng nếu bố không tin theo mẹ, thì làm sao con có thể chờ đợi bố ở trên thiên đàng được?” Trước lời nói đơn sơ và chân thành của em bé, ông bố đã không kiềm nổi những giọt nước mắt ứ tràn nơi khoé mắt, và để mặc cho nó tuôn tràn trên gò má già nua của ông. Kể từ ngày đó, ông đã đổi đời, ông chọn Chúa là lẽ sống và là cùng đích của đời mình.

Vâng câu nói: “Con hãy tin theo Mẹ” của người cha là câu nói hay nhất trong cuộc đời của ông. Câu này đã giúp cho con ông cảm thấy thanh thản khi bước vào đời sau. Câu này cũng giúp ông thay đổi đời sống mà từ trước tới nay ông đã cố tình không sống theo. Ông biết rằng phải có đời sau. Ông biết rằng là người thì hơn muôn loài muôn vật, vì con người có sự sống thần linh, con người có hồn thiêng bất tử. Thế nhưng, vì lười biếng và cố chấp ông đã không dám nhìn nhận sự thật từ trong sâu thẳm lòng mình là tin có Trời, có thần thánh, có hồn thiêng và cả đời sau. Ông lừa đối chính mình và lừa dối tha nhân. Hôm nay, ông đã phải nuốt những giọt nước mắt mặn đắng để nói lên sự thật của lòng mình trước mặt đứa con yêu dấu, sắp sửa từ giã ông tiến vào đời sau.

Thực vậy, là người ai cũng tin có đời sau. Là người ai cũng tin có quả phúc. Có thưởng có phạt đời sau. Từ trong sâu thẳm tâm hồn luôn có tiếng nói của Thượng Đế nhắc nhở con người phải sống ngay lành, sống thánh thiện như tình trạng ban đầu là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Sống đúng theo lề luật tối thượng của Thượng Đế, con người mới được bình an và hạnh phúc. Người khôn ngoan phải biết sống thuận theo ý trời mới được trời chúc phúc cho cuộc sống an khang hạnh phúc. Đạo lý đó đã được cha ông ta gom lại thành đạo lý tam tài: “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”.

Chúa Giêsu trong tư cách là một con người. Ngài đã luôn tìm kiếm ý Cha trên trời để thực thi. Cuộc sống của Ngài luôn mang hai chiều kích: hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân. Ngài phục vụ tha nhân để tôn vinh Thiên Chúa. Ngài phụng sự Thiên Chúa qua việc phục vụ nhân loại theo thánh ý Chúa Cha. Có thể nói, Ngài đã sống cả cuộc đời vì yêu thương nhân loại và tôn vinh Chúa Cha. Vì Chúa Cha mà Ngài đã nhập thể làm người. Vì Chúa Cha mà Ngài đã hy sinh chịu chết cho con người được sống dồi dào.

Là người kytô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo con đường Chúa Giêsu đã đi. Đó là con đường đi tìm thánh ý Chúa và thực thi đến hơi thở cuối cùng. Đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp, đầy chông gai giăng kín hành trình. Đó là con đường từ bỏ, đường thập giá, đường hiến tế đẫm máu trên đỉnh đồi Calve. Đó là con đường của tình yêu, tận hiến và hy sinh như thầy Chí Thánh Giêsu. Và như thế, đó chính là con đường duy nhất để chúng ta tiến vào nhà Cha, nơi đó, Chúa đã đi trước để dọn chỗ cho chúng ta.

Nguyện xin Chúa Giêsu Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống. Xin Người nâng đỡ những yếu đuối của chúng ta. Xin Người chỉ đường dẫn lối để chúng ta luôn tiến bước về nhà Cha trong an bình và thanh thoát với những bận rộn của cuộc sống bon chen hôm nay. Amen.

LM Giuse Tạ Duy Tuyền

Đường Giêsu

Đường Giêsu

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.

Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.

Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.

Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.

Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.

Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.

Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.

Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)

2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?

3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

Xin cho chúng con thấy Chúa Cha

Xin cho chúng con thấy Chúa Cha

Suy Niệm

Ông Philipphê xin với Thầy Giêsu: “Xin cho chúng con thấy Chúa Cha” (Ga 14,8).

Khao khát của ông cũng là khao khát của biết bao người, những người thiện chí không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng mà họ gọi bằng những tên khác nhau: Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối, Đấng vượt trên mọi danh…

Con người muốn bắc một nhịp cầu với Đấng siêu việt, muốn có cảm nghiệm và tương quan với Tạo Hóa.

Thiên Chúa đã đáp lại khát vọng Ngài gieo nơi lòng người khi cho Con Một Ngài làm người, ở giữa chúng ta.

Nơi Đức Giêsu Kitô, chúng ta gặp được Thiên Chúa, dễ gần, dễ thấy, dễ quen.

Thiên Chúa đâu chỉ ở nơi cao thẳm ngàn trùng, Thiên Chúa hiện diện nơi con người Đức Giêsu khiêm hạ. Giữa Ngài và Thiên Chúa Cha có một gắn bó lạ lùng đến nỗi Đức Giêsu dám nói: “Ai biết Thầy là biết Cha” (14,7) “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (14,9) vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”(14,10).

Lời nói và việc làm của Đức Giêsu chính là lời nói và việc làm của Thiên Chúa (14,10). Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu được Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt, phản chiếu khuôn mặt và trái tim Thiên Chúa, đầy nhân ái và bao dung với hết mọi người.

Làm Kitô hữu là làm người như Đức Giêsu Kitô, là trở nên một Giêsu khác cho con người hôm nay, là ước ao nói được rằng: “Ai biết tôi là biết Đức Kitô, ai thấy tôi là thấy Đức Kitô.”

Như thế cũng là biết và thấy Thiên Chúa.

“Xin cho chúng con thấy Chúa Cha”

Xin dẫn chúng con đến gặp Thiên Chúa Cha.

Đức Giêsu không phải chỉ là người đưa đường dẫn lối; Ngài tự nhận mình là Con Đường, thậm chí là Con Đường độc nhất dẫn đến Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (14,6). Mọi con đường cứu độ đều phải đi vào Con Đường Giêsu.

“Thiên Chúa không ban một danh nào khác dưới bầu trời,

để nhờ danh đó mà chúng ta được ơn cứu độ” (Cv 4,12).

Nhân loại được cứu độ nhờ Danh Đức Giêsu, kể cả những ai không biết Ngài – tuy không do lỗi của họ – nhưng đã sống theo những đòi hỏi của lương tâm.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha trong vinh quang phục sinh, sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Cuộc đời Đức Giêsu trở thành con đường cho chúng ta đi.

Khi chiêm ngắm Ngài trong Tin Mừng, chúng ta biết mình phải nghĩ gì, nói gì, làm gì.

Khi đi vào Con Đường Giêsu, chúng ta cũng trở nên nẻo đường cho con người hôm nay, nẻo đường dẫn đến Giêsu.

Gợi Ý Chia Sẻ

1. Người ta thường nói đạo nào cũng như đạo nào, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành. Còn bạn, tại sao bạn là Kitô hữu? Đức Giêsu có gì đặc biệt khiến bạn chọn theo?

2. Có khi nào bạn thấy mình bị lạc hướng không? Cách sống của Đức Giêsu trong Tin Mừng có khi nào giúp bạn tìm thấy hướng giải quyết không?

Cầu Nguyện

Lạy Cha, Cha muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý, chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người chưa nhận biết Đức Giêsu, họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con khát vọng truyền giáo, khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc, niềm vui và bình an của mình cho tha nhân, và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến với những người bạn gần bên, giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài, qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con sinh nhiều hoa trái. Amen.

Trích từ Manna

Niềm tin

Niềm tin

Có năm anh mù sờ vào một con voi. Anh thứ nhất sờ vào cái bụng thì bảo con voi giống như một bức tường lớn. Anh thứ hai sờ vào chiếc ngà thì bảo con voi giống như một thanh gươm cùn. Anh thứ ba sờ vào cái vòi thì bảo con voi giống như một con đỉa khổng lồ. Anh thứ thứ tư sờ vào cái tai thì bảo con voi giống như một chiếc quạt nan. Anh thứ năm sờ vào cái đuôi thì bảo con voi giống như một sợi dây thừng.

Câu trả lời của mỗi người đều đúng theo quan điểm riêng của mìnnh. Chỉ nhờ đối thoại chung với nhau, họ mới có được một cái nhìn sáng suốt và một hình ảnh đầy đủ để hiểu biết con voi thực sự là như thế nào mà thôi.

Đối với Thiên Chúa cũng vậy. Người Do Thái có một cách hiểu về Ngài. Người theo Hồi giáo có cách hiểu thứ hai. Người theo Phật giáo có cách hiểu thứ ba. Người theo Ấn độ giáo có cách hiểu thứ tư. Và các Kitô hữu có cách hiểu thứ năm.

Như vậy, phải nhờ đến đối thoại chung với nhau, người ta mới có thể đạt được một cái nhìn đầy đủ hơn về Thiên Chúa.

Thế nhưng, tại sao các Kitô hữu lại dám xác quyết rằng mình có một cái chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào?

Câu trả lời dĩ nhiên phải được đặt nền tảng trên đức tin. Thực vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: Ngài biết Thiên Chúa bằng một cách thức tuyệt vời mà không vị lãnh đạo tôn giáo nào dám mơ tưởng đến.

Hơn thế nữa, Ngài còn đồng hóa mình với Thiên Chúa. Điều này không một nhà lãnh đạo tôn giáo nào dám làm.

Chẳng hạn qua đoạn Tin mừng hôm nay, Ngài đã xác quyết với Philipphê:

– Ai thấy Ta là thấy Cha.

Nơi khác Ngài cũng nói:

– Cha Ta và Ta là một.

Nếu quả thực đúng như vậy, thì chúng ta, những người Kitô hữu đã có được một cái nhìn thật chính xác về Thiên Chúa hơn bất kỳ một tôn giáo nào khác trên mặt đất này.

Thực vậy, chỉ mình Chúa Giêsu mới dám nói:

– Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám bảo:

– Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám xác quyết:

– Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ có ánh sáng ban sự sống…Ai theo Ta, sẽ không bao giờ phải bước đi trong tăm tối.

Chỉ mình Chúa Giêsu mới dám công bố:

– Ai tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết, nhưng sẽ có sự sống đời đời… Và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.

Vậy Đức Kitô là ai?

Đây cũng là vấn đề mà chính Ngài đã đưa ra cho các môn đệ:

– Người ta bảo Thày là ai?

Các ông thưa:

– Người thì bảo là Gioan tiền hô, là Elia, là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.

Và Chúa Giêsu đã đặt một câu hỏi cân não, đòi buộc các ông phải dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:

– Còn các con, các con bảo Thày là ai?

Thánh Phêrô đã thay mặt cho nhóm mười hai đã dứt khoát lập trường và tuyên xưng đức tin của mình:

– Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Và Chúa Giêsu liền tỏ cho Phêrô được hay:

– Phúc cho con, không phải do xác thịt hay máu huyết, nhưng do Cha Thầy, Đấng ngự ở trên trời đã tỏ cho con biết.

Lời xác quyết này có nghĩa là chân lý này đến với thánh Phêrô không phải từ bất cứ ai, mà từ chính Chúa Cha, Đấng đã trực tiếp mạc khải cho thánh Phêrô.

Là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa, ngay từ hồi còn tấm bé, chúng ta đã xác tín Ngài là Con Thiên Chúa và chúng ta cũng đã tin vào Ngài.

Thế nhưng, điều quan trọng hơn, đó là chúng ta phải biến niềm tin thành việc làm, biến xác tín thành cuộc sống, bằng cách tuân giữ những điều Ngài truyền dạy, nhờ đó chúng ta thực sự tuyên xưng Ngài trong thẳm sâu cõi lòng cũng như làm chứng về Ngài trong lòng cuộc đời chúng ta đang sống.

Sưu tầm

Đường hy vọng

Đường hy vọng

Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu? Nếu có một câu hỏi nào thường được các môn đệ đặt ra thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn.

Thực vậy, thuở ban đầu, lúc mới gặp Chúa, các ông đã hỏi:

– Thưa Thầy, Thầy ở đâu?

Và rồi Chúa Giêsu đã trả lời:

– Hãy đến mà xem.

Trước bữa tiệc ly, các ông muốn biết một địa chỉ, một nơi chốn chính xác để mà chuẩn bị, nên đã hỏi Chúa Giêsu:

– Thưa Thầy, Thầy muốn chúng con ăn lễ vượt qua ở đâu?

Và hôm nay trước một tương lai còn mù mờ và bấp bênh, Tôma đã hỏi Chúa:

– Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường đi.

Sở dĩ các ông bận tâm về nơi chốn là vì trong quãng đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, nay đây mai đó, không có một địa chỉ, một nơi chốn cố định:

– Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người thì không có cả chốn để mà tựa đầu.

Còn cuộc hành trình cuối cùng lại là cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết trên thập giá. Các ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa Giêsu, đồng thời đã trở nên con đường tuyệt vọng cho các ông. Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Ngài lại bị đóng đinh như một tên tử tội… Đúng là dã tràng xe cát biển đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì.

Khi mọi vốn liếng hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bỗng dưng lật ngửa trắng tay. Các ông như từ trên cao rớt xuống. Hụt hẫng, chới với, chao đảo. Ước mơ bị sụp đổ, các ông như người bị phá sản. Thế mới hay mơ ước thì to lớn, nhưng khung đời lại chật hẹp. Mơ ước thật nhiều mà thực tế chẳng được bao nhiêu, nhiều lúc còn cay đắng phũ phàng.

Thầy đi đâu? Đằng sau câu hỏi này là tâm trạng hoang mang bất ổn trước một dĩ vãng vừa mới khép lại mà tương lai thì chưa kịp mở ra. Tương lai ấy hoàn toàn đổi mới hay chỉ là một dĩ vãng được lặp lai nơi chính bản thân mình. Đã một lần vỡ mộng, các ông băn khoăn là chuyện thường tình. Giống như đứa trẻ lỡ một lần bị phỏng, hễ thấy lửa, là tự nhiên rụt tay lại. Vì thế trong câu hỏi: Thầy đi đâu? Cũng nói lên nỗi âu lo rằng mình sẽ đi đâu? Thất vọng về dĩ vãng. Hoang mang trước tương lai đó là con đường các tông đồ đã nếm trải.

Thế nhưng, mở đầu đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên nhủ các ông:

– Các con đừng xao xuyến.

Đó là một lời an ủi, mở ra một con đường mới, tràn ngập hy vọng và tin yêu. Thực vậy, Chúa Giêsu nói tiếp:

– Thầy đi để dọn chỗ cho các con.

Và như thế một tương lai đã được hé mở. Tương lai ấy không còn xa xôi, nhưng đã bén rễ ngay từ cuộc đời này. Sống hiện tại là chuẩn bị cho tương lai. Ngày mai đang bặt đầu từ hôm nay. Hay nói cách khác, cuộc sống trong nước trời phải được chuẩn bị, phải được định hình ngay từ bây giờ.

Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng tới một mục đích, chứ không phải sống một cách vất vưởng, như thuyền không lái, như ngựa không cương. Và mục đích chúng ta cần phải đạt tới là chính Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc bất tận.

Để kết luận, tôi xin mượn lời cầu nguyện của thánh Augustinô:

– Lạy Chúa, Chúa dựng nên con là để cho Chúa, nên con luôn khắc khoải, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.

Sưu tầm

Đức Thánh Cha mở lại các buổi tiếp kiến sau khi bị cảm

Đức Thánh Cha mở lại các buổi tiếp kiến sau khi bị cảm

VATICAN. Sau một ngày bị cảm nhẹ, sáng thứ bẩy, 17-5-2014, ĐTC đã mở lại một loạt các cuộc tiếp kiến mà ngài đã hoãn lại hôm trước đó.

Từ 9 giờ rưỡi sáng, ĐTC đã tiếp ĐHY Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ GM, rồi gặp chung trong hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ 22 GM Mexico nhân dịp các vị về Roma hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Sau đó, lúc quá 12 giờ trưa, ngài gặp 5 ngàn thành viên thuộc Hiệp Hội những người thợ thầm lặng của Thập Giá – các trung tâm thiện nguyện giúp người đau khổ. Hiện diện tại buổi tiếp kiến ở Đại thính đường Phaolô 6 ở Nội thành Vatican cũng có 350 anh chị em bệnh nhân ngồi trên ghế lăn.

Đề cao giá trị đau kh

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, ĐTC giải thích Lời Chúa Giêsu trong mối phúc thật: ”Phúc cho những người khóc lóc vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5,4). Qua lời ngôn sứ này, Chúa Giêsu nói đến một tình thế trong đời sống trần thế mà mọi người gặp phải.

ĐTC nói: ”Khi khẳng định 'Phúc cho người khóc lóc', Chúa Giêsu không có ý gọi một hoàn cảnh bất lợi và nặng nề trong cuộc sống là điều hạnh phúc. Đau khổ tự nó không phải là một giá trị, nhưng là một thực tại mà Chúa Giêsu dạy chúng ta sống với một thái độ đúng đắn. Thực vậy có những cách thức đúng và cách sai trái khi sống đau khổ. Một thái độ sai trái là sống đau khổ một cách thụ động, chịu đau khổ trong thái độ ù lì cam chịu. Cả thái độ nổi loạn cũng không phải là điều đúng. Chúa Giêsu dạy chúng ta sống đau khổ bằng cách chấp nhận thực tại cuộc sống với niềm tín thác và hy vọng, đặt tình yêu Thiên Chúa và tha nhân cả trong đau khổ và tình yêu biến đổi mọi sự”.

ĐTC nhắc đến giáo huấn của chân phước LM Luigi Novarese, người sáng lập Hiệp hội những người Thợ thầm lặng của Thập giá và Trung tâm thiện nguyện đau khổ”. Cha dạy các bệnh nhân và những người khuyết tật đề cao giá trị đau khổ của họ giữa lòng một hoạt động tông đồ được thi hành trong lòng tin và yêu mến tha nhân. Cha thường nói: ”Các bệnh nhân phải cảm thấy mình là tác giả chính việc tông đồ của mình”. Một bệnh nhân, một người khuyết tật có thể trở thành trợ lực và ánh sáng cho những người đau khổ khác, và nhờ đó biến đổi môi trường mình đang sống”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Với đoàn sủng này, anh chị em là một món quà đối với Giáo Hội. Những đau khổ của anh chị em, như những vết thương của Chúa Giêsu, một đàng là cớ vấp phạm đối với đức tin, nhưng đàng khác, đó là một sự kiểm chứng đức tin, một dấu hiệu chứng tỏ Thiên Chúa là Tình Thương, Người trung thành và từ bi, là Đấng an ủi. Hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh, anh chị em là những người tích cực hoạt động cho công trình cứu độ và loan báo Tin Mừng” (Christifideles laici 54) (SD 17-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP – Vatican Radio

Bầu chọn giám mục thử nghiệm mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc

Bầu chọn giám mục thử nghiệm mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc

bầu-chọn-giám-mục-ở-TQ

Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm tại Chengdu (Thành Đô) sẽ cho thấy chính phủ Trung Quốc và

Vatican liệu có cùng chuẩn thuận cha Giuse Tang Yuange làm giám mục.

 

Thứ Năm tuần qua, Trung Quốc tổ chức bầu chọn vị giám mục đầu tiên từ khi Đức Phanxicô lên giáo hoàng vào tháng Ba năm ngoái. Việc bầu chọn giám mục này sẽ là một thử nghiệm quan trọng về mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vatican.

Cha Giuse Tang Yuange, giáo phận Thành Đô miền tây nam Sichuan (Tứ Xuyên) vượt lên hai linh mục khác trong hai vòng bỏ phiếu trước sự hiện diện của Đức Giám mục Luo Xuegang giáo phận Yibin và Đức Giám mục Giuse Chen Gong’ao giáo phận Nanchong, là hai giáo mục được Vatican chuẩn thuận tại khu vực. Các quan chức chính phủ cũng có mặt như thường lệ trong các cuộc bầu cử Giám mục tại Trung Quốc.

“Những người bỏ phiếu bao gồm các linh mục, phó tế, nữ tu và giáo dân. Cha Tang được 39 phiếu bầu và tám phiếu không,” một nguồn tin Giáo hội tham gia cuộc bầu chọn tại khách sạn Thành Đô cho biết.

Hội đồng Giám mục Trung Quốc không được Vatican chấp nhận bây giờ phải quyết định liệu có chấp thuận cha Tang, một quy trình nhạy cảm đã gây nhiều tranh cãi giữa Bắc Kinh và Vatican trong quá khứ. Vẫn chưa rõ liệu Vatican có chuẩn thuận cha Tang làm giám mục hay không.

Cha Tang, ứng viên giám mục sinh năm 1963, thụ phong linh mục năm 1991, hiện làm phó thư ký hội đồng mục vụ giáo phận và là chủ tịch Hội Công giáo yêu nước, một tổ chức của nhà nước.

Giáo phận Thành Đô hiện trống ngôi giám mục từ khi vị giám mục tiền nhiệm qua đời năm 1998. Cha Simon Li Zhigang trở thành ứng viên giám mục mới hồi tháng Năm 2011 nhưng sau đó cũng qua đời vì bệnh ung thư gan ở tuổi 48.

Sự kiện hôm thứ Năm bầu chọn ứng viên giám mục mới được xem là một thử nghiệm quan trọng về mối quan hệ giữa Toà Thánh và chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình, người nhậm chức một ngày sau khi Đức Phanxicô lên làm giáo hoàng.

Các cuộc đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh bị đình trệ sau khi Trung Quốc phong chức ba vị giám mục mà không được sự chuẩn thuận của Đức Giáo Hoàng vào năm 2011 và 2012. Nhưng các quan sát viên Giáo hội hy vọng rằng Đức Phanxicô và ông Tập sẽ hàn gắn mối quan hệ sau khi Đức Giáo Hoàng nói với nhật báo Italy Corriere della Sera rằng ngài đã viết thư cho chủ tịch Trung Quốc và đã nhận được hồi âm.

Tuy nhiên trong vài tuần qua, Trung Quốc dường như bắt đầu thực hiện chiến dịch chống lại Kitô giáo khi phá huỷ một nhà thờ lớn tại thành phố cảng phía đông Ôn Châu và gỡ bỏ 14 cây thánh giá.

Hôm thứ Ba, một báo cáo gởi cho Hội đồng An ninh Quốc gia Trung Quốc xác định tôn giáo là một trong những nguy cơ đối với nền an ninh quốc gia và bản sắc Trung Quốc.

UCANEWS VN

 

Thánh tích giáo hoàng đến Thái Lan

Thánh tích giáo hoàng đến Thái Lan

Stephen Steele từ Nakhon Pathom, Thái Lan

Thánh-tích-Giáo Hoàng đến-Thái Lan

Cha Komsan Yancharoen nhớ lại ngày thụ phong linh mục của mình cách đây 30 năm trong cái nóng gay gắt. Một ký ức sâu sắc khác nữa là ngày đó, vị truyền chức linh mục cho mình là một vị thánh trong tương lai, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến thăm mục vụ châu Á năm 1984, vị Giáo hoàng đã truyền chức cho 23 linh mục Thái Lan. Cha Yancharoen nói vào thời điểm đó khả năng tiếng Anh của cha còn hạn chế nhưng cha nhớ vài điều Đức Giáo Hoàng nói. Cha nhớ lại rằng Đức Gioan Phaolô II hiện thân cho một “chiều kích dịu hiền của Giáo hội” giúp nâng cao vai trò của Giáo hội trong xã hội Thái Lan.

“Ở Thái Lan, nhiều người nhầm lẫn về Giáo hội Công giáo và mục tiêu sứ mạng của Giáo hội, nhưng Đức Giáo Hoàng đã giúp giảm bớt sự nhầm lẫn này,” cha Yancharoen nói với ucanews.com hôm 10-5 tại buổi lễ rước kiệu Thánh tích hai vị thánh Gioan Phaolô II và Gioan XXIII vừa mới phong thánh ở Vatican hôm 24-4 vừa qua.

Một lọ máu của thánh Gioan Phaolô II và một miếng da nhỏ của thánh Gioan XXIII sẽ được luân phiên truyền đến các giáo xứ khắp Thái Lan.

Cha Yancharoen có mặt tại hội trường Gioan Phaolô II cùng với 5,000 tín hữu Công giáo cung nghênh Thánh tích đến Thái Lan.

Sang ngày hôm sau, Thánh tích sẽ được các thành viên trong Hội đồng Giám mục Thái Lan rước đến nhà vua Bhumibol Adulyadej tại cung điện Klai Kangwon ở Hua Hin, và cầu nguyện cho sức khỏe của quốc vương trị vì lâu nhất thế giới.

Đức ông Andrew Vissanu Thanya Anan, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Thái Lan và cựu thứ trưởng Vatican Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn giáo, cho biết cả hai vị giáo hoàng có một mối quan hệ đặc biệt với vị vua Thái Lan.

Vua Bhumibol đã thăm Đức Gioan XXIII tại Vatican vào năm 1960 và mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Thái Lan. Chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II vào năm 1984 là một sự đáp trả khoáng đạt lời mời của nhà vua.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã gặp những người tị nạn tại trại tị nạn Phanat Nikhom ở Thái Lan.

Đức ông Vissanu cho biết khi “người Thái tận mắt nhìn thấy sự khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng, các rào cản đã bị phá vỡ”.

“Thái Lan luôn mang nặng gánh những người tị nạn. Khi họ thấy nhà lãnh đạo Giáo hội gặp gỡ những người tị nạn, người dân Thái hiểu biết thêm về Giáo hội hơn,” Đức ông nói.

Bản Kêu gọi chung của Hội nghị Kitô giáo–Hồi giáo tại Amman

Bản Kêu gọi chung của Hội nghị Kitô giáo–Hồi giáo tại Amman

WHĐ (16.05.2014) – Một Hội nghị các nhà lãnh đạo Kitô giáo và Hồi giáo ở thủ đô của Jordan đã bế mạc hôm thứ Tư 14-05 với một Bản kêu gọi chung, yêu cầu trả tự do cho các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc. Các tham dự viên tại Hội nghị chuyên đề –diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô đến quốc gia này– cũng kêu gọi cần phải liên đới hơn nữa và có một nền giáo dục tôn giáo tốt hơn cho trẻ em và giới trẻ.
 
Hội nghị hai ngày được tổ chức dưới sự đồng bảo trợ của Hoàng tử Jordan El Hassan bin Talal, người sáng lập và là Giám đốc Học viện Hoàng gia về Liên tôn; và Đức hồng y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn. Trong một tuyên bố kết thúc, Hội nghị cũng đề nghị một Bản “Thập điều Văn hoá” dành cho tất cả những ai hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, để thúc đẩy việc thông truyền các giá trị tôn giáo và đạo đức cho các thế hệ trẻ.
 
Bản kêu gọi chung về sự  liên đới hơn nữa trên thế giới
 
Dưới sự đồng bảo trợ của Hoàng tử El Hassan bin Talal và Đức hồng y Jean-Louis Tauran, Học viện Hoàng gia về Liên tôn (Amman, Jordan) và Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn (Vatican) đã tổ chức Hội nghị lần thứ ba tại Amman từ ngày 13 đến 14-05-2014, với chủ đề “Đáp ứng những thách đố hiện nay nhờ Giáo dục”. Hội nghị diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Phanxicô – chuyến viếng thăm này là nguồn hy vọng cho mọi dân tộc tại Thánh Địa và toàn khu vực.
 
Hội nghị khai mạc với những phút cầu nguyện trong thinh lặng, xin Thiên Chúa trợ giúp và chúc lành.
 
Các tham dự viên đã mạnh mẽ lên án tất cả các hình thức bạo lực –mà gần đây nhất là vụ bắt cóc các nữ sinh Nigeria– và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho các em, để các em có thể trở về với gia đình và trường học. Các tham dự viên cũng ủng hộ các giải pháp hoà bình đối với tất cả các cuộc xung đột đang diễn ra.
 
Cuộc hội thảo đã diễn ra trong bầu khí thân ái và hữu nghị. Các tham dự viên đồng thuận về những điều sau đây:
 
– Các cơ chế nền tảng để giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên là gia đình và nhà trường;
 
– Việc giáo dục tôn giáo cách thích hợp thật là quan trọng, đặc biệt trong việc thông truyền các giá trị tôn giáo và đạo đức;
 
– Việc nhìn nhận phẩm giá của con người là cần thiết, đặc biệt trong các cơ sở giáo dục;
 
– Tuân thủ các quy định quốc tế nhằm đảm bảo tôn trọng cách hiệu quả các quyền căn bản của con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo;
 
– Những thách đố cấp bách nhất phải đáp ứng bao gồm: việc giải quyết các cuộc xung đột hiện nay một cách hoà bình, xóa đói giảm nghèo và cổ vũ chiều kích tâm linh và đạo đức của cuộc sống;
 
– Tin rằng tôn giáo không phải là nguyên nhân gây ra xung đột, mà sự vô nhân đạo và sự thiếu hiểu biết mới là nguyên nhân của các xung đột; do đó việc giáo dục toàn diện là thiết yếu;
 
– Các tôn giáo, khi được hiểu và được thực hành cách đúng đắn, không phải là nguyên nhân gây chia rẽ và xung đột, nhưng đúng hơn là một yếu tố cần thiết cho hoà giải và hòa bình.
 
Là những tín hữu, chúng tôi hy vọng rằng sự khôn ngoan của con người sẽ luôn gặp được sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
 
Cuối cùng, vì tương lai nhân loại ở trong tay các thế hệ trẻ, chúng tôi đề nghị với tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục Bản Thập điều Văn hóa sau đây:
 
1) Không bao giờ từ bỏ sự tò mò tri thức;
 
2) Can đảm chứ không hèn nhát về phương diện trí thức;
 
3) Khiêm tốn chứ không kiêu căng về sự  hiểu biết.
 
4) Thực hành đồng cảm về tri thức thay vì mang một tinh thần khép kín;
 
5) Tuân giữ tính toàn vẹn của tri thức;
 
6) Giữ sự độc lập về tri thức;
 
7) Kiên trì đối với sự thiếu hiểu biết chung quanh mình;
 
8) Tin vào lý trí;
 
9) Công minh, không thiên vị chứ không bất công về mặt tri thức;
 
10) Nhìn nhận sự đa dạng là phong phú, chứ không phải là mối đe dọa.
 
Nếu Thiên Chúa muốn, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đối thoại sinh nhiều hoa trái này qua các Hội nghị và các sáng kiến ​​khác trong tương lai.
 
Amman, ngày 14 tháng 5 năm 2014

 (Vatican Radio)

 Huy Hoàng chuyển ngữ

Trích từ HộI Đồng Giám Mục VN

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt buôn bán võ khí

Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt buôn bán võ khí

VATICAN. Trong buổi tiếp kiến các vị đại sứ của 7 nước sáng ngày 15-5-2014, ĐTC Phanxicô kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt nạn buôn bán võ khí và cưỡng bách di cư.

7 vị đại sứ của Thụy Sĩ, Liberia, Etiopia, Sudan, Giamaica, Nam Phi và Ấn độ đã đến trình quốc thư lên ĐTC. Trong số các vị có 2 bà đại sứ: Giamaica và Nam Phi.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC nói đến khát vọng hòa bình của các dân nước nhưng đồng thời nhận xét rằng ”Tất cả mọi người đều nói về hòa bình, mọi người đều tuyên bố muốn hòa bình, nhưng đáng tiếc là sự lan tràn võ khí đủ loại dẫn đi theo chiều hướng ngược lại. Nạn buôn bán võ khí có hậu quả là gây phức tạp và làm cho việc giải quyết các xung đột trở nên xa vời, nhất là vì nó phát triển và được thực hiện phần lớn ở ngoài vòng pháp luật”.

Thách đố thứ hai là thảm trảng nhiều người phải bỏ xứ sử di cư… Đây là một hiện tượng phức tạp và không thể chỉ thu hẹp vào việc đề ra những biện pháp cấp thời mà thôi… Đã đến lúc cần đương đầu với hiện tượng này với một cái nhìn chính trị nghiêm túc và trong tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp: hoàn cầu, đại lục, các miền, tương quan giữa các dân nước, cho đến bình diện quốc gia và địa phương.

ĐTC đặc biệt tố giác thảm trạng những người di cư, chỉ vì muốn sống và làm việc trong an bình, phải đương đầu với những cuộc xuất du cơ cực, bị tống tiền, bị hành hạ, tra tấn, và áp bức đủ loại, rốt cuộc nhiều khi bị chết trong sa mạc hoặc dưới lòng biển.

Ngài nói: “Hiện tượng buộc lòng phải di cư gắn liền với những cuộc xung đột và chiến tranh, vì thế nó cũng liên hệ tới vấn đề lan tràn võ khí. Đó là những vết thương của thế giới chúng ta, trong đó Thiên Chúa đã đặt chúng ta để sống ngày nay và kêu gọi chúng ta hãy có tinh thần trách nhiệm đối với các anh chị em chúng ta, để không người nào bị vi phạm phẩm giá. Thật là một điều mâu thuẫn vô lý khi nói về hòa bình, hòa đàm, mà đồng thời lại muốn cổ võ hoặc cho phép buôn bán võ khí. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng có một thái độ sống chết mặc bay, đó là một đàng tuyên bố các quyền con ngừơi, nhưng đồng thời lại cố tình không biết đến hoặc không đảm trách những người bị buộc lòng phải bỏ quê hương, và phải chết trong toan tính hoặc khôn gđược tình liên đới quốc tế đón nhận”.

Sau cùng, ĐTC cho biết Tòa Thánh tái khẳng định quyết tâm tiếp tục cộng tác cể có những bước tiến trong những lãnh vực vừa nói và trong mọi con đường dẫn đến công lý và hòa bình, dựa trên các quyền con người được thế giới nhìn nhận. (SD 15-5-2014)

G. Trần Đức Anh OP– Vatican Radio